Âm thanh sắc tướng
ID014522 - Tự Điển : Âm thanh sắc tướng
dictionary : Cao Đài Tự Điển - Van A
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

Âm thanh sắc tướng

音聲色相

A: The sound and the appearence: The tangible verity.

P: Le son et l"apparence: La vérité tangible.

Âm: Tiếng. Thanh: Tiếng. Sắc: Các vật có hình dáng. Tướng: Hình dáng bề ngoài thấy được.

Âm thanh sắc tướng là chỉ chung những hình thức hữu hình dùng trong tôn giáo, như: Tiếng tụng kinh, âm nhạc, chuông mõ, trống, nghi lễ cúng tế, hình tượng để thờ phượng, áo mão Chức sắc, phẩm tước, v.v....

Trái với Âm thanh sắc tướng là Vô vi vô hình.

"Tam giáo xưa kia lập Ðạo, lúc ban sơ truyền bá cơ diệu lý quang minh, bắt từ chỗ vô vi khẩu thọ tương truyền, lần lần xuống thì trở ra hữu hình mà Ðạo mầu thất chánh, tâm pháp lạc sai. Ấy là cơ Ðạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam giáo, thất chơn truyền diệu pháp.

Còn Ðạo Thầy lại trái hẳn với Tam giáo, là bắt đầu truyền Ðạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng mau chóng. Vả lại, Ðạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô vi, là cơ Siêu phàm nhập Thánh.

Vậy, thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cho cơ Ðạo dễ lưu thông, rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ không hư tức là vô vi thì Ðạo pháp mới phát minh, cơ diệu lý huệ tâm ứng lộ.

Thế là Ðạo Thầy không hư hoại đặng; mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi lên riết đến tận vô vi. Còn Tam giáo xưa lại từ vô vi mà lần lần sa sụt xuống hữu hình, mới thành Ðạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn." (Ðại Thừa Chơn Giáo)