Chi phái
ID015092 - Tự Điển : Chi phái
dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần CH
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

Như vậy, khi Chi phái qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh, dùng lối cơ bút hay dùng lối công nhận của Quyền Vạn linh, cả hai cách đều không đảm bảo phẩm tước cho Chức sắc lãnh đạo Chi phái, thì họ đâu có chịu qui hiệp! Qui hiệp để mà bị thiệt hại danh dự hay sao?

Bởi vì con người, dù là người tu hành, phần lớn vẫn còn CHẤP NGÃ, cái bịnh nầy rất nặng và phổ biến, nên coi trọng phẩm tước phàm trần, coi trọng áo mão phàm trần. Ðức Chí Tôn đã có nói: các thứ đó đều giả, đều là phàm mà Ðức Chí Tôn tạm cho mượn để làm công quả, cái phẩm tước thật là ở nơi cõi thiêng liêng. Ðừng tưởng khi về thiêng liêng vẫn giữ được áo mão phàm trần.

Tội nghiệp cho những tín đồ chơn chất, họ không được quyền lợi gì trong việc phân chia Chi phái, mà vì người hướng đạo sai lầm nên họ phải chịu nhiều thiệt thòi rất nên oan uổng!

Chỉ khi nào những thế hệ thừa kế nối tiếp lãnh đạo Chi phái không còn cảm thấy hấp dẫn đối với các phẩm tước của Chi phái nữa thì họ sẽ tự động qui hiệp về gốc Ðạo.

Chúng ta thử điểm lại một số các cột mốc quan trọng về sự diễn tiến của nền Ðạo, chúng ta sẽ thấy được sự huyền diệu trong câu nói xác định của Ðức Chí Tôn: "Chi chi cũng chỉ tại Tây Ninh đây mà thôi":

15-10-Bính Dần (1926): Ðại Lễ Khai đạo tại Gò Kén.

16-10-Bính Dần (1926): Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nam phái.

09-1-Ðinh Mão (1927): Ðức Lý G.Tông lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nữ phái

12-1-Ðinh Mão (1927): Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài.

Từ 1926 đến đầu 1934: Các Chức sắc Cửu Trùng Đài tách ra lập Chi phái gồm quí Ngài: Ngô Văn Chiêu, Phối Sư Nguyễn Văn Ca, Giáo Hữu Nguyễn Văn Chính, Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang, hai vị Q. Ðầu Sư Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang.

Năm 1935: Các Ðấng thiêng liêng vâng lịnh Chí Tôn giáng cơ ban cho Tân Kinh. Ðây mới chính thực là Kinh Cao Ðài, Kinh Tận độ chúng sanh, và ban cho Phật Mẫu Chơn Kinh, dạy cách thờ phượng Ðức Phật Mẫu. Các bài kinh có trước năm 1935 đều là kinh thỉnh từ Tam giáo hay từ Ngũ Chi Minh đạo.

Như vậy, chỉ có Tòa Thánh Tây Ninh mới hưởng được hồng ân nầy của Ðức Chí Tôn, còn các Chi phái không hưởng được, nếu muốn hưởng thì phải qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh mà thôi. Cho nên được biết có một vài Chức sắc Chi phái di chúc lại rằng khi họ qui liễu thì nhờ Chức sắc Tòa Thánh Tây Ninh đến cầu kinh cho họ và tổ chức tang lễ cho họ.

Về tương lai của các Chi phái, Ðức Chí Tôn có tiên tri trong bài thi tứ tuyệt sau đây:

Ðạo Thầy nhiều nhánh các con coi,
Nhánh có trái bông, nhánh cụt còi.
Rốt cuộc cành khô cùng lá héo,
Còn gì tươi tốt để con coi.

Theo bài thi nầy, lúc đầu có một vài Chi phái bông trái sum suê, còn một vài Chi phái thì còi cọc, nhưng rốt cuộc rồi thì các Chi phái dầu sum suê hay còi cọc đều bị tàn tạ dần, rồi sẽ mất hẳn. Ðức Chí Tôn như ngầm nói rằng vấn đề qui hiệp là sống còn, còn Chi phái nào không chịu qui hiệp thì dần dần suy tàn rồi mất hẳn.

Chúng ta nhớ lại hai phong trào Chi phái nổi bật nhất là phong trào của ông Nguyễn Phan Long lập Hội Vạn Linh để truất phế Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, và phong trào Ban Chỉnh Ðạo của hai vị Quyền Ðầu Sư Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang, các vị nầy đã chống đối Tòa Thánh Tây Ninh rất mãnh liệt.

Hỏi vậy, những vị ấy đã thành công được những gì? Tạo lập được những công trình gì để làm vẻ vang cho Ðạo? làm lợi ích cho nhơn sanh? Hay đó chỉ là tranh quyền đoạt vị cá nhân, không có chánh nghĩa để thủ thắng nên chiïu thất bại.

Trong lúc đó, Tòa Thánh Tây Ninh là cái gốc của Ðạo, càng ngày càng phát triển, sum suê bông trái đầy đủ.

Trước năm 1935, trong Nội Ô, Tòa Thánh còn cất tạm bằng cây ván, các cơ quan của Hội Thánh còn bằng mái tranh vách đất, nhưng dần dần Tòa Thánh được cất lên nguy nga đồ sộ theo kiểu vở của Thiên đình, báo hiệu sự xuất hiện của một nền văn minh mới của nhơn loại nơi cõi Á Ðông, rồi các dinh thự khác cũng dần dần được dựng lên bằng những con tim chơn chất thực sự thương Thầy mến Ðạo, và đặc biệt dựng lên ngôi thờ Ðức Phật Mẫu, bà Mẹ Chung thiêng liêng của toàn nhơn loại, thể hiện một nền triết lý hoàn chỉnh của Ðạo Cao Ðài là tôn thờ đủ hai ngôi: ngôi Dương và ngôi Âm. Ðó là nguồn gốc của con người, của vạn vật và của Càn Khôn Vũ Trụ.

Người tín đồ Cao Ðài hôm nay phải tự nhận thức rằng, chỉ có con đường duy nhứt để tự cứu lấy mình, cứu lấy linh hồn mình là tự giác trở về Tòa Thánh Tây Ninh để lập công quả, hoặc là bên Cửu Trùng Đài, hoặc là bên Hiệp Thiên Đài hay Cơ Quan Phước Thiện. Ðức Chí Tôn chưa cho phép mở Tịnh Thất và chưa ban cho pháp môn luyện đạo, bởi vì kỳ thi chung kết sắp mở trong Ðại ân xá của Chí Tôn là môn thi CÔNG QUẢ và chỉ thi môn nầy mà thôi. Chúng ta nhớ lời dạy của Ðức Chí Tôn: "Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Thầy nói cho các con nghe, nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ."

Cho nên nếu chúng ta lo luyện đạo mà không lo công quả thì tới kỳ thi chung kết nầy, e chúng ta phải đứng ngoài trường thi, chịu phận thiệt thòi thì mất cơ hội để tiến hóa.

Trong kỳ Ðại Hội Nhơn Sanh năm Giáp Dần (1974) tại Tòa Thánh Tây Ninh, vị Chức sắc đại diện Lại Viện Cửu Trùng Đài báo cáo trước các Nghị viên và Phái viên nhơn sanh, số Chi phái Cao Ðài bằng lòng qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh như sau:

"Tổng số 36 (?!) Chi phái Cao Ðài, đã có 10 Chi phái chịu qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh như:

· Hội Thánh Truyền giáo Trung Việt.

· Phái đoàn Cao Ðài Chiếu Minh.

· Hội Thánh Trung Ương Trung Việt (Tam Quan).

· Hội Thánh Cao Ðài Thượng Ðế (Chiếu Minh Ðàn).

· Phái đoàn Hội Thánh Tiền giang.

· Phái đoàn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý CÐG Việt Nam.

· Hội Thánh Hậu giang Minh Chơn Lý.

· Cao Ðài Cứu Thế Thiện Huyệt Lâm Huyền Châu.

· Giáo Hội Cao Ðài Thống nhứt."

VI. Phần Phụ: Tiểu Sử các vị lãnh đạo Chi phái:

1. Ngài Ngô Văn Chiêu:

(Xem chữ Ngô Văn Chiêu, vần Ng)

2. Ông Vương Quan Kỳ (1880-1940):

Song thân của ông Vương Quan Kỳ là: Vương Quan Ðể và Huỳnh Thị Bảy. Vương Quan Ðể là con trai của Thống Chế Vương Quan Hạc, và Huỳnh thị Bảy là con gái của Ông Huỳnh Mẫn Ðạt, một nhà Nho yêu nước làm quan dưới triều Minh Mạng và Tự Ðức.

Ông Kỳ học tại trường Chasseloup Laubat, đậu bằng Thành Chung (Diplôme), làm việc tại Dinh Thống Ðốc Nam Kỳ, ngạch Tri phủ, bạn cùng sở với Ngài Ngô Văn Chiêu nên được Ngài Chiêu độ theo Ðạo Cao Ðài.

Ông Kỳ là em ruột của Vương Quan Trân, ông Trân là cha ruột của Cô Vương Thị Lễ, Thất Nương Diêu Trì Cung. Nhà riêng của ông Kỳ ở tại số 80 đường Lagrandière, sau đổi lại là đường Gia Long, Quận Nhứt, Sài Gòn.

Ông Vương Quan Kỳ là 1 trong 12 môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn được Thiên phong Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh ngày 14-5-Bính Dần (1926).

Năm 1930, ông Vương Quan Kỳ cùng các Chức sắc nơi Thánh Thất Cầu Kho tách ra khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, lập ra Chi phái Cầu Kho, hành đạo riêng, không theo hệ thống Tòa Thánh Tây Ninh.

Trong Con Ðường Thiêng Liêng Hằng Sống, Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo đêm 8-9-Mậu Tý (dl 10-10-1948) nhắc lại khi Ðức Ngài xuất chơn thần về thiêng liêng có thấy ông Vương Quan Kỳ trên đó, Ðức Ngài thuật lại như sau:

"Bần đạo thấy người bạn nhờ ơn thiêng liêng của Chí Tôn riêng ban cho người ấy, người ấy có người chí thân là một Ðấng cầm quyền trọng hệ trên Hư linh tức là Thất Nương Diêu Trì Cung. Bần đạo nói rõ, người ấy là Vương Quan Kỳ, chú ruột của Thất Nương vậy. Người mở đạo mà chẳng biết đạo là gì hết, đi theo một tư tưởng của nền Chánh giáo của Ðức Chí Tôn định quyết, mà tư tưởng của người ấy và cả hành tàng nếu chúng ta thấy sẽ lên án là Tả đạo Bàng môn chắc hẳn vậy.

Lạ thay! Khi Bần đạo quay lại dòm thấy nhiều bạn rơi xuống Bích Hải khóc lóc, còn người đó trước bận Thiên phục Giáo Sư, nhưng bây giờ thì áo tốt dắt vai, mão cầm nơi tay, bận quần cụt ở trần, đi ngật ngờ ngật ngưỡng, cười một mình, không biết cười cái gì, đi ngang Bát Quái Ðài như không vậy.

Ấy các bạn đủ biết, dầu hành tàng của người bề hữu vi thấy trái hẳn nền chơn giáo của Ðức Chí Tôn mà trọn tâm tín ngưỡng Ngài, người thọ Thiên phục áo mão, dầu không thế gì mặc vô được, duy cầm nơi tay, đi ngang vô Bát Quái Ðài, không quyền luật nào ngăn cản được. Chúng ta lấy bài học ấy đặng để trong tâm, đừng phê bình công kích." (Trích Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, trang 11)

3. Phối Sư Thái Ca Thanh phái Minh Chơn Lý:

Sau đây, xin trích một đoạn trong quyển Lịch Sử Cao Ðài Quyển 2 của Ðồng Tân, trang 391-395:

"Thế là một phái nữa thành hình, ban đầu lấy tên là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Minh Lý Hội, sau đổi thành Minh Chơn Lý Hiệp Ngũ Chi.

Những việc ông Ca làm buổi ban sơ xem cũng có mòi xây dựng, nhưng qua năm 1935, Chưởng quản Hiệp Thiên Đài là Thiên Sư Nguyễn Hữu Phùng chấp cơ sửa đổi hết cách thờ phượng, lễ bái, nghi tiết, đổi sự thờ Thiên Nhãn bằng Trái Tim và Thập ngũ Linh Ðăng. Vì lẽ ấy mà phần lớn Chức sắc, một số trở về Cầu Kho giữ nguyên gốc cũ làm thành nhóm bảo thủ, còn một số thì hợp tác với phái Tiên Thiên. Minh Chơn Ðạo cũng nảy sinh khi phái Minh Chơn Lý bắt đầu đi sâu vào Tà phái.

Việc ông Ca tách ra thành hình phái Minh Chơn Lý là cơ đại khảo trong đạo, nhưng cũng do nghiệp báo của ông, nên sự canh cải làm cho thất chơn truyền là một sự nguy hại cho ông và cho phái ông rất nhiều.

Ðể chứng minh điều nầy, ta hãy xem bài cơ bút sau đây đã giải thích huyền vi Thiên Nhãn một cách rất tà mị, dù người kém chữ nghĩa đến đâu cũng không thể hiểu như vậy được.

Bài trích trong tập Ðuốc Chơn Lý, do Tòa Thánh Ðịnh Tường (Minh Chơn Lý, Cầu Vỹ) xuất bản năm 1955:

"VÔ VI HIỆP THIÊN ÐÀI
Ngày 19 tháng 8 âm lịch 1938 (7 giờ tối)

- Ðược! Con nghe Thầy dặn, nay Thầy giải nghĩa câu: Nhãn thị chủ tâm, Lưỡng quan chủ tể, quan thị Thần, Thần thị Thiên, Thiên giả Ngã dã.

Trước Thầy có hứa sau Thầy sẽ chỉ rành là đợi cho đến ngày nay là đúng Tam Kỳ Phổ Ðộ, Thầy phải giải cho rành cho cả thảy đặng hay kẻo nhiều đứa nó ước ao trông đợi.

Giải nghĩa như vầy:

Chữ Nhãn thị chủ tâm nghĩa là cái nhãn của mỗi người đó là chủ nghĩa ở nơi tạng Tâm mà truyền ra, ấy là trái tim nên hình cái Nhãn cũng tương tự trái tim vậy. Ðó là Tâm nội xuất hình ư ngoại đó nên lấy nó mà làm chủ nghĩa đặng cho đời xem chung nên gọi là Nhãn thị chủ Tâm là vậy đó.

Lưỡng quan chủ tể, chữ tể nầy là cai trị (gouverner) nghĩa là hai điều quan hệ trong sự ngó dòm, coi xét, đó phải ngăn ngừa phòng sợ, trong đó có chánh có tà, đó là lưỡng quan là hai ngõ, hễ ngó chánh thì có chánh, ngó tà thì có tà, trong đó có một ngôi chủ tể xem xét không lầm nên phải quan phòng là vậy đó.

Quan thị Thần, chữ quan nầy là khán (observer), chữ thị nầy là thật (droit) nghĩa là xem xét đặng làm việc phải là chữ thị đó. Thị trong đó có Thần. Thần nầy là Thần huệ diệu minh là điển đó, nên gọi là điển quan Thần diệu huệ phát minh tâm là vậy đó.

Thần thị Thiên, Thần vậy đó mới gọi là có Trời ẩn trong đó. Thần nầy mới gọi là Thần mục tợ điển. Còn Thiên đó là người đời hay kêu là Thiên La Thần, Ðịa La Thần là vậy, vì xem xét không lầm, bao la vũ trụ chẳng vị chẳng tư.

Còn chữ Thiên giả ngã dã, chữ Thiên là xấu (mauvais), chữ Ngã là nghiêng (pencher).

Ðó là nghĩa nói về người đạo. Nếu dùng Thiên Nhãn đặng treo vậy thì trong chỗ ngó xem hành động không y theo lời dạy thì người đó có chỗ thiên là không đúng thiệt nơi lòng. Phật gọi là ngã (tomber) tướng đó. Hễ người đạo mà phạm vào nhơn ngã thì hóa ra là người nương đạo mà lập danh quyền lợi, dầu có treo cũng vô ích.

Vậy, con biểu CA nó coi rồi giao lại cho ba Ðầu Sư, Tứ Bửu, Thiên Sư xét cho kỹ, coi cho rành đặng in ra, rồi gởi cho các Chi phái khác đặng rõ lời Thầy dạy đó, mặc may chúng nó có đặng hồi tâm mà tránh cái nạn tu mà lắm mê hoặc đặng biết chơn lý mà theo Thầy thì là nhờ công trong mỗi đứa đó. Thăng."

(Trích trong Ðuốc Chơn Lý, số 51 trang 12)

Thêm vào sự canh cải đó, Minh Chơn Lý gọi Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài là hai phẩm tước chớ không phải là hai cơ quan như trong Pháp Chánh Truyền, cho rằng hai chức nầy hiệp với Ðức Chí Tôn làm thành một cái gọi là Tam Thân Hiệp Nhứt. Những phẩm Chức sắc trên Chánh Phối Sư còn có Thiên Sư, Tứ Bửu, Ðầu Sư, Cửu Trùng Ðài, Tam Tôn. Kinh sách thì sửa đổi hầu hết, không theo như cũ, tuy giọng đọc na ná như trước.

Tệ hại hơn nữa là Minh Chơn Lý đã xóa bỏ nguồn cội nền Ðạo. Cơ bút của Minh Chơn Lý dạy như sau:

"Thầy xuống lập đạo có một mình Thầy hiệp với hai Chưởng quản, một là Lê Văn Ðược làm chức Hiệp Thiên Ðài (hồn) của Ðạo, là bậc Chơn như có Phật Hàng Long hiệp mới thành chánh vị Tam Tôn chủ tam hồn, đội áo Khai Thiên (12 thước vải trắng) đứng trên ngọc ỷ, phía trước mặt kế bên án có ông Cửu Trùng Ðài Nguyễn Văn Ca là xác của Ðạo. Ðạo có một xác một hồn mà thôi. Cửu Trùng Ðài nhờ chuyển kiếp 9 lần mới hiệp cùng Phật An Thiên nên Thánh danh kêu là Bửu An Thiên 18 năm, trong thời gian ấy chịu trả vay nhiều nỗi. Còn ai bày ra Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài là hồn ma xác quỉ, đó là giả dối."

(Trích trong Ðuốc Chơn Lý số 51 trang 97)

Vì sự canh cải Chơn truyền Luật pháp nên Minh Chơn Lý tuy hấp dẫn được một số Chức sắc Ðại Thiên phong buổi đầu, nhưng sau nầy lại trở thành một tệ đoan lớn lao hơn hết trong sự phân tán nhà Ðạo. Do đó, ta có thể nói rằng, phái Minh Chơn Lý, ngay sau khi tự canh cải Chơn truyền, thờ phụng, đã không còn là Ðạo Cao Ðài nữa, và như thế phái nầy không tránh khỏi bàn tay Tà Thần vậy."

Theo lời các tiền bối kể lại, nguyên căn của Phối Sư Thái Ca Thanh là Ðộc Giác Thanh Ngưu của Ðức Lão Tử giáng phàm, Truyền Trạng Phạm Văn Ngọ là Từ Giáp giáng phàm. Thanh Ngưu ở với Ðức Lão Tử lâu năm nên có nhiều phép biến hóa huyền diệu, xem truyện Ðông Du Bát Tiên thì rõ.

Nguyên khi Ðốc Phủ Ca làm Quận Trưởng Châu Ðốc, ông vâng lịnh Thực dân Pháp ruồng bố các nhóm Cách Mạng chống Pháp đang lập căn cứ trong Thất Sơn, giết chết ông Cử Ða và bắt học trò của Cử Ða là Bảy Do giao cho Pháp xử tử. Linh hồn Bảy Do lên kiện nơi Ngọc Hư Cung. Ngọc Hư Cung cho phép ông Bảy Do báo oán và giao phận sự giục loạn trong nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn để trục ngoại các thành phần phản đạo, rửa ráy hàng ngũ Chức sắc cho trong sạch.

Ngày 21-7-1934, tại Phạm Nghiệp, Ðức Phạm Hộ Pháp cùng Ngài Cao Tiếp Ðạo phò loan, ông Bảy Do nhập cơ:

BẢY DO

" Kính chào chư vị Ðại Ðức và chư Ðạo hữu,

- Xin cho biết phẩm vị.

- Thần. Thầy của Bần tăng mắc chuyển cơ đặng giáo hóa TRANG, TƯƠNG, nên đến không đặng, mới sai Bần tăng thưa lại cùng chư quí vị.

Thưa Ðức Hộ Pháp, Bần tăng lấy làm bất nguyện vì buổi nọ Ngọc Hư Cung ban lịnh cho trừ diệt Phủ CA đặng báo oán. Bần tăng đã dụ nó vào Cấm Sơn và định đưa luôn vào ngục thất đặng sát hại, nào dè có lịnh Chí Tôn mật chỉ không cho sát mạng. Sau Bần tăng muốn nhập thể nó làm cho nó điên cuồng rồi bắt nó tự ải, nào dè Chí Tôn lại binh vực cấm ngăn thêm nữa, chỉ cho hành bịnh mà thôi. Nay nó bị điêu tàn cơ giả Ðạo nên mang bịnh thất tình, tưởng khi Bần tăng cũng còn phương tẩy hận.

Ngài nín nẩm lóng tin thì hiểu rõ hành tàng mọi lẽ.

Còn hai người TRANG, TƯƠNG thì Ngọc Hư Cung cho khảo. Thần đặng phép thử, khử tà trừ trược đủ 3 năm khảo án, rồi dạy dỗ cho nó trung tâm, rồi cho trở lại Hội Thánh. . . . . . . . . . . . . . . .

- Không. Cười . . . Hạng Thiên Thánh mà vào phẩm Ðầu Sư sao đặng. Bần tăng tưởng khi Ngài hiểu điều ấy chán chường, chẳng cần để luận. Họ chỉ lãnh Hàm phong là may mắn lắm đó." (Theo tài liệu sưu tập của Quang Minh)

4. Hai vị lãnh đạo phái Bến Tre:

4.1. NGUYỄN NGỌC TƯƠNG (1881- 1951)

Ông Nguyễn Ngọc Tương sanh ngày 26-5-Tân Tỵ (dl 22-6-1881) tại làng An Hội, tỉnh Bến Tre, thuở nhỏ học tại Collège Mỹ Tho, rồi lên Sài Gòn học ở Lycée Chasseloup Laubat, đậu bằng Thành Chung năm 1902, xin làm Thơ ký phòng Thượng Thơ. Làm nơi đây được 1 năm thì xin về làm Thơ ký nơi Tòa Bố tỉnh Bến Tre suốt 17 năm liền.

Năm 1919, thi đậu ngạch Tri Huyện, được bổ làm Chủ Quận Châu Thành Cần Thơ, rồi Chủ Quận Hòn Chông (Hà Tiên), rồi đến năm 1924 thì đổi về làm Chủ Quận Cần Giuộc, qua năm 1927 đổi ra làm Chủ Quận Xuyên Mộc (Bà Rịa).

Ông nhập môn vào Ðạo Cao Ðài vào tháng 2 năm Bính Dần (1926), thọ phong Thượng Chánh Phối Sư ngày 17-5-Bính Dần (dl 26-6-1926). Năm 1930, thăng lên Quyền Ðầu Sư.

Ðầu năm 1934, ông Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, rút về làng An Hội lập Ban Chỉnh Ðạo và sau đó biến thành Chi phái Bến Tre.

Ngày 8-1-Ất Hợi (dl 11-2-1935), Ðại Hội Vạn Linh của phái Bến Tre bầu ông Tương lên làm Giáo Tông phái Bến Tre.

Ngày 7-4-Ất Hợi (dl 9-5-1935) cử hành Lễ Ðăng điện cho Ngài Tương lên ngôi Giáo Tông ở Thánh Thất An Hội Bến Tre, và từ đó, Thánh Thất An Hội được gọi là Tòa Thánh Bến Tre.

Từ năm 1942 đến 1951, ông Tương thường nhập tịnh trong Tịnh Thất riêng, lúc đó ông thường tự xưng là Lý Giáo Tông.

Ngày 14-4-Tân Mão (dl 19-5-1951), ông Tương đăng Tiên, tháp được xây dựng ngay trước Thánh Thất An Hội, Bến Tre.

4.2. LÊ BÁ TRANG (1879-1936):

Ông Lê Bá Trang sanh năm 1879 tại làng An Qui, tổng An Trung, tỉnh Sađéc. Ông theo Tây học, thi đậu ngạch Tri Huyện, được bổ làm Chủ Quận Thủ Ðức, rồi thi đậu Tri phủ, được bổ làm Chủ Quận Chợ Lớn, được thăng Ðốc Phủ Sứ, làm Chủ Quận Vũng Tàu.

Ông nhập môn vào Ðạo Cao Ðài vào tháng 5 năm 1926 (Bính Dần), được Thiên phong Ngọc Chánh Phối Sư vào ngày 3-7-Bính Dần (dl 10-8-1926). Năm 1929, Ngài Lê Bá Trang xin từ quan và phế đời về Tòa Thánh Tây Ninh hành Ðạo.

Năm 1930, Ngài Lê Bá Trang được thăng lên Quyền Ngọc Ðầu Sư, cùng một lượt với Ngài Nguyễn Ngọc Tương.

Ông Trang cùng với ông Tương rút về Bến Tre lập Ban Chỉnh Ðạo, sau đó biến thành Chi phái Bến Tre. Ông được Ðại Hội Vạn Linh của phái Bến Tre bầu làm Ngọc Chưởng Pháp.

Ông Trang qui liễu tại Bến Tre ngày 30-5-Bính Tý (dl 17-7-1936), liên đài được đưa về Tòa Thánh Tây Ninh ngày 21-7-1936, được đưa vào nhập bửu tháp ở phẩm Ngọc Ðầu Sư.

Ðàn cơ tại Phạm Nghiệp ngày 11-6-Bính Tý (dl 28-7-1936), phò loan: Ðức Hộ Pháp và Cao Tiếp Ðạo, Ðức Quyền Giáo Tông giáng cơ nói về chơn linh của Ngài Lê Bá Trang bị đọa nơi Lạc Hồn Trì, chép ra như sau:

THƯỢNG TRUNG NHỰT

Chào mấy em. Thượng Phẩm nói với Qua mấy em đợi.

Ôi! Qua nghĩ lại bắt tức mình, mấy em nghĩ lại mà coi, một kiếp sanh đâu mấy lát, cái giả cuộc trần hoàn tuy xem nháy mắt mà ảnh hưởng nó sâu sắc biết là bao, nào là danh, nào là vị, nào là tước, nào là quyền, nào là vinh, nào là trọng, rốt sự rồi cũng không còn mảy mún giá trị chút gì nơi cõi Hư linh Hằng sống, bất quá như còn vui dự đặng một tiệc ngọt ngon của khách phong trần say sưa một lát mà đòi phen chịu thảm cả đời.

Qua đến viếng TRANG nơi Lạc Hồn Trì, nó nằm mê sảng sốt, đau lòng hết sức, như lời Thất Nương và Bát Nương làm chứng, thì dầu cho Qua có đến gần nó lúc nầy cũng không bổ ích chút nào cả, phải đợi cho nó từ từ định tỉnh, may ra có tay Thất Nương giải mộng thì thỉnh thoảng định tỉnh tinh thần. Nếu Qua cượng cầu thì chẳng khác nào hầu chuyện với người điên, chọc thêm loạn tánh.

TÁM, Em nên phò loan đặng Qua truyền tin TRANG cho Em hiểu. Khi nãy, Qua thấy em có khách nhiều thì phải, thôi Qua đi.

Thăng.

(GHI CHÚ: TRANG: Ông Lê Bá Trang. Ðức Quyền Giáo Tông gọi Ðức Hộ Pháp là Em TÁM vì Ðức Hộ Pháp thứ tám)

Ðàn cơ tại Hộ Pháp Ðường ngày 17-10-Bính Tý (dl 30-11-1936), phò loan: Ðức Hộ Pháp và Cao Tiếp Ðạo. Ðức Quyền Giáo Tông giáng cơ nói về chơn linh của ông Trang và ông Tương:

THƯỢNG TRUNG NHỰT

. . . . . . . . . . . . . . . . .

TRANG khóc quá bây ơi! Vừa hiểu hiểu chớ còn khi tỉnh khi say, nhưng Qua theo bên mình ủng hộ, không sao phòng ngại.

Em TÁM làm ơn nói với con Hai cho nó biết, kẻo lo rầu tội nghiệp.

Hộ Pháp bạch: - Biết nó nghe không?

- Em cứ nói giùm. Cha chả! Va oán Em đánh va hôm nọ lắm. Qua an ủi mà hễ tỉnh thì cằn rằn hoài. Em nên viết cho va một cái thơ an ủi, cậy Qua đưa giùm đặng Qua thừa dịp thức tánh va một chút. Em làm ơn giùm.

- . . . . . . . . . . . . . . .

- Ôi! Thây kệ, đừng giận làm gì nữa. Nếu Em thấy va lúc nầy thế nào Em cũng tội nghiệp. Em làm phước làm giùm cái tháp cho va, hễ tỉnh thì hỏi có bao nhiêu đó hơn hết.

Ôi! TƯƠNG là cục nợ báo đời của TRANG, do căn kiếp phải vậy, dầu khi chết cũng còn theo báo hại.

Em biết TƯƠNG là ai chăng?

Ðứa nào nói trúng, Qua thưởng một củ mì.

Qua nói nhỏ: NGÔ TÔN QUỜN đó biết không?... ...

5. Ông Nguyễn Bửu Tài phái Tiên Thiên:

Ông Nguyễn Bửu Tài sanh năm 1882 tại làng Chẹt Sậy, sau đổi tên là làng Phú Hưng, tỉnh Bến Tre. Ngài theo tân học nhưng cũng rất giỏi Hán học, làm giáo viên tại Bến Tre, được thăng lên Thanh Tra Tiểu Học, sau bị đổi lên Biên Hòa.

Năm 1926, ông Nguyễn Bửu Tài lập một phái tu đơn tại Chẹt Sậy, Tịnh Thất được đặt tên là Tây Tông Vô Cực Cung.

Năm 1941, ông có liên lạc với Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể ở Nhựt, nên bị Pháp bắt đày đi Côn Ðảo 5 năm.

Ngày 25-8-1945, Chánh phủ Trần Trọng Kim ân xá, ông Tài được trả tự do, ông trở về quê nhà tiếp tục tu đơn.

Sau đó ông gia nhập phái Tiên Thiên, được cơ bút phái Tiên Thiên phong ông vào hàng Thất Thánh, sau được phong Thượng Ðầu Sư, trở thành Chức sắc lãnh đạo phái Tiên Thiên.

Một số lớn Chức sắc cao cấp của phái Tiên Thiên nhập qua các phong trào Thống Nhứt Chi phái, làm cho phái Tiên Thiên suy yếu. Do đó, ông Nguyễn Bửu Tài cùng một số Chức sắc Tiên Thiên cấp dưới qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh, được Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ chấp thuận trong đàn cơ đêm 1-3-Mậu Tý (dl 9-4-1948), và Ðức Hộ Pháp ra Thánh Lịnh số 535 ngày 4-6-Kỷ Sửu (dl 29-6-1949) để thi hành quyết định của Ðức Lý Giáo Tông.

Ngày 27-5-Canh Dần (dl 11-7-1950), theo lời dạy của Ðức Lý Giáo Tông đêm 3-1-Canh Dần, Ðức Phạm Hộ Pháp ký Thánh Lịnh số 302, chư Chức sắc phái Tiên Thiên có danh sách trong Thông qui ngày 30-10-Kỷ Sửu, đã đệ trình lên Ðức Lý Giáo Tông xem xét, được Ðức Lý tạm phong vào hàng Chức sắc Tòa Thánh Tây Ninh, sụt bớt một cấp, như sau đây:

1. Phối Sư Thượng Tài Thanh (Nguyễn Bửu Tài)

2. Phối Sư Thượng Hiền Thanh (Phan Lương Hiền)

3. Giáo Sư Ngọc Thiệu Thanh (Phan Lương Thiệu)

4. Giáo Sư Ngọc Dừng Thanh (Ðinh Văn Dừng)

5. Giáo Sư Thượng Tấu Thanh (Trần Văn Tấu)

Phần tiếp theo là danh sách 26 Giáo Hữu và 35 Lễ Sanh.

Tổng cộng: 66 vị Chức sắc, không ai là Ðạo hữu cả.

Ngày 23-12-Canh Dần (dl 30-1-1951) Ðức Phạm Hộ Pháp lại ký Thánh Lịnh phong thêm 5 vị Giáo Sư, 3 Giáo Hữu và 17 Lễ Sanh.

Cả thảy Chức sắc phái Tiên Thiên được Ðức Lý Giáo Tông tạm phong do cơ bút tại Tòa Thánh Tây Ninh, phải hành sự tùng quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Chủ trưởng Chức sắc.

Giữa năm 1951, ông Nguyễn Ngọc Tương Giáo Tông phái Bến Tre qui liễu tại Thánh Thất An Hội Bến Tre.

Sau đó, ông Nguyễn Bửu Tài và số Chức sắc Tiên Thiên đã qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh trước đây, âm thầm tự ý rút lui khỏi Tây Ninh, trở về Sóc Sãi tỉnh Bến Tre tái lập phái Tiên Thiên, lập Tòa Thánh Châu Minh và Hội Thánh Tiên Thiên.

Ngày 13-8-1955, cơ bút phái Tiên Thiên phong ông Nguyễn Bửu Tài lên chức Thượng Chưởng Pháp.

Ngày 9-1-1957, ông Nguyễn Bửu Tài được tấn phong Quyền Giáo Tông phái Tiên Thiên.

Ngày 9-1-1958, tức là đúng 1 năm sau, cơ bút phong ông Nguyễn Bửu Tài lên chức Giáo Tông chánh vị phái Tiên Thiên.

Ngày 21-9-Mậu Tuất (dl 1-11-1958), ông Nguyễn Bửu Tài qui liễu, bửu tháp của được xây tại Tòa Thánh Châu Minh ở Sóc Sãi, Bến Tre.

Vậy ở Bến Tre, trước sau có hai vị Giáo Tông Chi phái: Nguyễn Ngọc Tương và Nguyễn Bửu Tài.

CUỘC THỬ CƠ của PHÁI TIÊN THIÊN:

Phò loan: Luật Sự Nhung - Hưởng.
Thừa Sử Nguyễn Văn Kiết.
Hầu đàn:
Chức sắc Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài,
Sĩ quan cao cấp, Chức sắc Tiên Thiên và đồng tử.
Thanh Trước Ðàn,
Tiền Phong Hội Quán, ngã 5,
Tòa Thánh TN, lúc 21g30
Ðêm 4-2-Tân Mão (11-3-51).

LÝ GIÁO TÔNG

Chào con cái Chí Tôn.

Thượng Tài Thanh, Hiền hữu có biết chăng Ðạo Thầy có một.

Khai Pháp Hiền hữu chấp bút nhang đuổi nó đi, vì đây trước mặt Lão lại còn cho Thần Cái trụ.

Thượng Tài Thanh, hỏi một Hội Thánh có mấy Ðài Hiệp Thiên và mấy Ðài Cửu Trùng?

Chính tay Lão đã lập Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8, có đâu Lão lại phá luật; còn Ðài Hiệp Thiên do Hộ Pháp nắm giữ, có đâu Lão lại quá quyền phạm pháp, phong tước Chưởng quản Hiệp Thiên Đài, Hiền hữu vốn biết Lão đương quyền Giáo Tông đó chớ?

Cơ chia phe phân phái cũng do đó có phải?

Nè Lão cho hay rằng: Hội Nhơn Sanh sắp đến đó, thử hỏi Chức sắc và tín đồ về đặng bao nhiêu?

Hiền hữu khá nhớ rằng: được phẩm thì dễ, chớ ngồi yên khó lắm, sự không qui thuận của Chức sắc và tín đồ Tiên Thiên là lỗi nơi Hiền hữu, chớ không phải nơi họ. Từ đây, Hiền hữu cứ ra nghiêm lịnh coi. Nên nhớ rằng: với tình thì Lão dung thứ được, chớ về luật pháp e khó dung tha được.

Cao Sĩ Tấn! Lão biết Hiền hữu có ý bất mãn, nhưng Lão khuyên Hiền hữu khá suy nghĩ sẽ thấy rõ đường đi.

Ðức Chí Tôn khai Ðạo chẳng bó buộc một ai hết thảy, nếu ngoan là con của Thầy, còn dại thì mặc tình quỉ dẫn.

Những cặp đồng tử của Hiền hữu, tuy vốn xuất thần, nhưng bị hồi điển do bổn thân. Hiền hữu khá đem họ nhờ sự trau luyện của Hiệp Thiên Đài Chức sắc thì sẽ được ứng dụng ngày sau. Hiền hữu thử hỏi lại chúng nó coi: trước đêm mùng 4 vừa qua nó có suy nghĩ gì chăng?

Thượng Tài Thanh, Hiền hữu hiểu lời Lão rồi chớ?

Bảo Thế, Khai Pháp, Tiếp Ðạo, sáng ngày mai phải xuống Trí Huệ Cung tường thuật cặn kẽ cho Hộ Pháp nghe.

Còn hai em Hưởng và Nhung, Lão khen đó, hai em đã giúp Lão chỉnh đốn Cửu Trùng Đài nhiều lắm đó, Lão mang ơn nơi cõi Hư linh, còn hữu hình Lão chẳng có quyền. Thăng.

Tái cầu: Lúc 23 giờ.

THƯỢNG TRUNG NHỰT

Qua chào mấy em. Cười . . . . . .

Ông Già nộ khí dữ quá ta! Lúc nãy đồng tử của họ có một người tà tâm nên Ổng đánh nó đó.

Bạch: . . . . . . . . . . .

- Không sao, tuy vậy chớ Thượng Tài Thanh và Cao Sĩ Tấn biết suy nghĩ lắm, họ bị quá mê tín mà nên nông nỗi.

Cười . . . Coi chừng đồng tử bị đánh, bịnh ta ơi!

Tội nghiệp, không phải tự họ muốn lên giả, nhưng tại Thần trược mà bị hồi điển. Những người đồng tử họ bất bình, họ nói mình xúm nhau mà làm ngưng nghề họ, chớ không phải là Ðức Lý. Cười .... Mặc dầu lúc nãy, Ông Già đã nói trước rồi.

Còn KHOA thì coi hình như đeo muốn rớt.

Em Trung Dõng nên gần gũi dẫn dụ họ, nếu họ có ức thì xin với Ðức Hộ Pháp, Ðức Hộ Pháp phò loan tại Trí Huệ Cung một lần nữa, nhưng không cho đồng tử theo vì có hại cho họ.

Cười . . . Cần cơ gãy . . . Cười . . .

Anh nói thiệt, nếu cơ không gãy thì e cho họ phát điên rồi mà chớ. Ðó cũng may cho họ vì đầu cơ không có điển, hành pháp không xuất được. Thôi cũng yên một phần, em Trung Dõng cười đi em.

Thăng.

(KHOA: Ngài Hồ Tấn Khoa, lúc đó chưa được phong chức Bảo Ðạo. TRUNG DÕNG: hiệu của Trung Tướng Nguyễn Văn Thành).

6. Nhóm Tịch Cốc tập bay:

Trong quyển Tây Ninh xưa và nay của Huỳnh Minh, soạn giả có thuật lại việc Nhóm Tịch Cốc lén lên ngồi 7 cái ngai trong Tòa Thánh, rồi sau đó lại tập bay theo lời kể của ông Huỳnh Hữu Lộc, cựu Tổng Thơ Ký Hội Ðồng tỉnh Tây Ninh.

Năm 1936, lúc bấy giờ, tôi (Huỳnh Hữu Lộc) còn trong hạng tuổi thiếu thời. Tôi về Tòa Thánh Tây Ninh làm công quả, nơi đó tôi được biết câu chuyện chiếm 7 ngai xảy ra như sau:

Một buổi trưa sau giờ cúng Ngọ tại Bửu điện TòaThánh, các Chức sắc, Chức việc và đồng nhi đã về phòng nghỉ. Lúc bấy giờ chỉ có một vị Tuần quân ở lại canh gác Bửu điện mà thôi. Vị Tuần quân đó là anh Nghiêm. Thình lình anh Nghiêm nghe tiếng động rất to trong Bửu điện, anh Nghiêm chạy vào coi thì thấy một số người, lối 7 người, mặc áo màu dà, đầu trọc, tay cầm chuỗi bồ đề, đang xô các cốt Phật, Tiên, Thánh, Thần ngã rớt rầm rầm xuống đất.

Lúc đó, anh Nghiêm hoảng hốt tri hô lên, bổn đạo quanh đó chạy đến, thấy 7 cái ngai đều bị các vị Tả đạo ấy chiếm ngồi hết cả. Nên biết, Ðền thờ Ðức Chí Tôn có 7 cái ngai dành riêng cho 7 vị: 1 cho Ðức Giáo Tông, 3 cho 3 vị Chưởng Pháp, 3 cho 3 vị Ðầu Sư, nhưng đó chỉ là tượng trưng thôi, chớ chưa có ai dám lên đó ngồi. Các tu sĩ Tả đạo ấy lẻn vào Bửu điện làm việc đại náo. Ngoài số 7 vị chiếm 7 cái ngai trong Bửu điện, còn một vị khác ra trước Tòa Thánh chiếm con ngựa của Ðức Phật Tổ đang cỡi, vị nầy lên lưng ngựa và ra roi thúc ngựa.

Nên nói thêm, ngôi Bửu điện lúc đó bằng cây lợp ngói, các cửa đơn sơ không được chắc chắn như hiện nay, do đó các vị Tả đạo mới lẻn vào được dễ dàng.

Cũng nên nói thêm là các đạo sĩ ấy không có ăn cơm, chỉ ăn trái cây, rau hoặc bánh mà thôi, nên có người gọi là đạo Tuyệt Cốc.

Thật ra thì các vị ở non động cả, có nhiều vị chơn tu cũng tuyệt cốc. Vậy chúng tôi đề nghị gọi nhóm người nầy là gian đạo sĩ hoặc là nhóm Tả đạo. Các vị nầy có nhiều lần cho biết xâu chuỗi bồ đề của họ đã luyện thành bảo vật, đánh người và cả cây hay đá cũng đều tan ra tro bụi, còn nếu chỉ vào ngựa ván (ngày xưa gọi divan là bộ ngựa) thì ngựa ván bay lên cao.

Vì lẽ bổn đạo kiêng sợ bảo vật chuỗi bồ đề nên chưa ai dám xông vào kéo các vị Tả đạo xuống khỏi ghế.

Sau đó có một vị bổn đạo thử xông vào kéo vị chiếm ngai Giáo Tông xuống, và cuộc níu kéo ẩu đả bắt đầu, các xâu chuỗi được tung ra. Nhiều bổn đạo đứng bên ngoài thấy chuỗi phép không làm tan đối thủ ra tro bụi thì vững lòng nhào vô trợ chiến, xua đuổi nhóm người Tả đạo ra khỏi Chánh điện.

Cũng trong thời gian nầy, một vị Ðạo hữu hương khói tại Quan Âm Các (Quan Âm Các lúc bấy giờ ở tại Ngã tư gần nhà Ngài Chưởng Ấn Hợi bây giờ), chạy vô báo cho Hội Thánh hay có hai Nữ gian đạo sĩ lên lầu, nơi thờ Phật Bà Quan Âm, xô cốt Bà xuống và leo lên bàn thờ ngồi tự xưng mình là Phật Quan Âm giáng thế.

Bổn đạo nghe vậy chạy ra leo lên lầu xua đuổi hai Nữ Tả đạo. Lại một phen chuỗi phép được tung ra, chuỗi chẳng hại được ai cả, chỉ trì kéo làm đứt dây, hột chuỗi rơi đổ tứ tung.

Bị xô té xuống đất, hai Nữ Tả đạo cứ nằm vạ tại đó rất lâu, bổn đạo thấy vậy ra về, nhưng vẫn để ý xem động tịnh ra sao. Một lúc lâu thấy vắng người, hai Nữ Tả đạo đứng dậy đi theo đường Phước Ðức Cù về xóm Sân Cu.

Thu dọn chiến trường: Bổn đạo dựng các cốt Phật dậy và quét dọn, lượm được cả tô chuỗi hạt bồ đề của các nam nữ gian đạo sĩ bỏ rơi rớt lại.

Vào năm Mậu Dần (1938), nhóm gian đạo sĩ Tả đạo Bàng môn hành động ngông cuồng phá rối nhiều nơi. Lúc đó nhóm Tả đạo ở vùng Sân Cu (xã Long Thành) và vùng Sơn Ðình (chơn núi Bà Ðen) là đông hơn hết.

Nếu tôi nhớ không lầm thì vào lúc 15 giờ ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Dần (1938), có một gian đạo sĩ đầu trọc, trang phục áo màu dà, tay cầm tấm bảng có viết chữ sẵn, đem cắm tại Cửa số 1 Tòa Thánh .

Lúc bấy giờ Cửa nầy tuy làm bằng gạch nhưng thô sơ, không phải kiến trúc như ngày nay, trên bảng có 4 câu kệ, đại ý nói 24 giờ khuya đêm 14 rạng rằm tháng Giêng sẽ có Ðế vương xuất thế.

Ông đạo đọc bài kệ 3 lần, đánh 3 hồi cồng, rồi đi về hướng sân bay, nơi nầy hiện là đồng ruộng lúa sau Tòa Thánh. Sân bay nầy của người Pháp lập ra, nhưng rất ít khi máy bay đáp xuống, vì vậy cỏ mọc rất nhiều, nhứt là loại cỏ cần câu.

Ngày 14 tháng Giêng nói trên, tại sân bay qui tụ hằng trăm vị nam nữ Tả đạo để làm lễ mừng Ðế vương xuất thế.

Tại đây, họ cất một lễ đài 9 từng cao độ 40 thước. Ðài cất bằng cây, hai bên đài là hai dãy nhà lá, mỗi dãy độ 5 hay 6 căn, phân ra Nam tả Nữ hữu, dưới chơn đài, họ cho đổ hằng trăm xe rơm để họ tập bay.

Mỗi người sắm một cặp cánh bằng cây và giấy bạch, cánh giống như cánh chim, to cở bằng cái sàng gạo.

Khi muốn bay, họ đút hai cán cánh vào hai ống tre cột sẵn hai bên hông người, và từ trên đài cao, họ phóng mình ra, hai tay nắm hai cánh mà quạt nhanh.

Kết quả 1: Họ không bay được đến đâu cả. Bay làm sao được khi khối thịt nặng 50, 60 ký mà hai cánh thì mỏng manh và dầu cho có quạt nhanh đến đâu cũng không đủ tốc độ để cất mình lên nổi. Rốt cuộc họ bị rơi xuống đống rơm dưới chơn đài, nhờ có rơm xốp nên không bị hại chi về nhơn mạng.

Kết quả 2: Ðế vương xuất hiện đâu chẳng thấy, chỉ thấy lúc 22 giờ, có 3 xe cam nhông lính mã tà chỉ huy bởi một viên đội Pháp đến bao vây sân bay, bắt hết tất cả nam nữ đạo sĩ Tả đạo Bàng môn.

Kết quả 3: Nhà binh Pháp phóng hỏa đốt cả hai dãy nhà, đài bay, luôn 100 xe rơm, ánh lửa sáng rực một góc Trời.

Không biết, chánh quyền Pháp đối xử với nhóm Tả đạo ấy ra sao, mà từ đó ở Tây Ninh không còn thấy họ xuất hiện nữa.

7. Ông Cao Triều Phát, phái Minh Chơn Ðạo:

Ông Cao Triều Phát, tự là Thuận Ðạt, sanh ngày 18-3-Kỷ Sửu (dl 17-4-1889) tại Vĩnh Hinh, làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Thân phụ là Cao Minh Thạnh và Thân mẫu là Tào Thị Xúc. Gia đình có 8 anh em: 6 trai và 2 gái, ông Phát thứ 5 và thứ út là Cô Cao Thị Khiết, Cửu Nương Diêu Trì Cung.

1910, ông Cao Triều Phát tốt nghiệp Trung học.

1912, học xong hai lớp luật do Tòa Án Sàigòn tổ chức, làm thơ ký phiên dịch tại Tòa Án Bạc Liêu.

1914, đi Pháp làm thông ngôn cho toán lính thợ Việt Nam.

1922, trở về Việt Nam, hoạt động chánh trị, viết cho tờ báo La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ).

12-11-1926, ông Phát được bầu làm Ðảng trưởng đảng Ðông Dương Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng là Nhựt Tân báo.

1930, đắc cử Hội Ðồng Quản Hạt Nam Kỳ.

1932, ông Cao Triều Phát gia nhập phái Minh Chơn Lý.

1939, thành lập Ðoàn Thanh niên Ðạo đức.

15-5-Ất Dậu (dl 24-6-1945), đại hội tại Tam Giáo điện của chi Minh Tân (221 Bến Vân Ðồn Sàigòn) thành lập Cao Ðài Hiệp Nhứt 11 Phái (không có Tòa Thánh Tây Ninh), ông Phát được bầu làm Chủ tịch.

1941, Tỉnh Ủy Viên Bạc Liêu là Tào Văn Tỵ vận động ông Cao Triều Phát gia nhập Mặt Trận Việt Minh, làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Giải phóng dân tộc tỉnh Bạc Liêu.

1945, làm Chủ tịch Ủy Ban giải phóng dân tộc Bạc Liêu.

23-9-1945, quân viễn chinh Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn. Ðầu năm 1946, quân Pháp chiếm Bạc Liêu, ông Cao Triều Phát rút về Giồng Bướm huyện Giá Rai, lập chiến khu kháng chiến cứu quốc. Tại đây có Tòa Thánh Ngọc Minh của Minh Chơn Ðạo được dùng làm trụ sở Trung ương của Kháng chiến.

15-4-1946, Pháp đem đại quân cùng phi cơ ném bom đánh Giồng Bướm, Tòa Thánh Ngọc Minh bị trúng bom sụp đổ, Cao Triều Phát rút binh về Cái Nước. Khu Bộ trưởng Chiến khu 9 là Vũ Ðức (tức Hoàng Ðình Giong) mời ông Phát về Bộ Chỉ Huy Chiến khu 9.

1948, Hồ Chủ tịch ở Bắc gởi thư khen ngợi ông Cao Triều Phát, đồng thời tặng ảnh và áo để kỷ niệm.

Tháng 12-1946, thành lập Kỳ Bộ Việt Minh Nam Bộ tại chiến khu Ðồng Tháp Mười, do Hà Huy Giáp làm Chủ nhiệm, Cao Triều Phát được bầu làm Chủ nhiệm danh dự Kỳ Bộ.

15-2-1948, tại căn cứ Việt Bắc, Hồ Chủ tịch ký Sắc lịnh số 132/SL cử ông Cao Triều Phát và Nguyễn Bá Sang làm Cố Vấn Ủy Ban Kháng chiến Hành Chánh Nam Bộ.

14-10-1947, ông Cao Triều Phát trên cương vị Chủ tịch Cao Ðài 11 Phái Hiệp Nhứt triệu tập hội nghị đại biểu các Chi phái tại Ðồng Tháp Mười để thành lập Hội Cao Ðài Cứu Quốc 12 phái Hợp Nhứt, với Ban Chấp hành gồm:

· Chủ tịch: Cao Triều Phát (phái Minh Chơn Ðạo).

· Hai Phó Chủ tịch:

- Nguyễn Ngọc Nhựt (Ban Chỉnh đạo)

- Nguyễn Văn Khảm (phái Tiên Thiên).

· Tổng Thơ Ký: Phạm Thị Tư (Vạn Quốc Tự)

· Ủy Viên Tài Chánh kiêm Thủ Quĩ: Trần Ðại Khái (phái Tây Ninh trung thành).

· Ủy Viên Truyền Tin và Giao Thông: Hoàng Minh Viễn (phái Tây Ninh trung thành).

Chủ nhiệm Kỳ Bộ Việt Minh Nam Bộ Hà Huy Giáp tuyên bố thừa nhận Hội Cao Ðài Cứu Quốc là một tổ chức của Kỳ Bộ.

Hội Cao Ðài Cứu Quốc 12 phái Hợp Nhứt thành lập Hội Thánh Duy Nhứt, gồm Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Cửu Viện.

· Hiệp Thiên Đài gồm 3 vị do quyền Thượng phẩm Cao Huệ Chương (phái Tây Ninh trung thành) làm chưởng quản.

· Cửu Trùng Đài gồm 3 vị do Phối Sư Nguyễn Văn Năm (Minh Chơn Lý) làm chưởng quản.

· Cửu Viện gồm 9 vị, mỗi vị coi một viện.

Hội Cao Ðài Cứu Quốc thành lập thêm 2 đoàn thể: - Thanh niên Cao Ðài Cứu quốc, - Phụ nữ Cao Ðài Cứu quốc.

19-10-1948, Ðại Hội Nhơn Sanh Hội Thánh Duy Nhứt bầu hai vị chưởng quản hai Ðài:

· Thái Chưởng Pháp Cao Triều Phát (Minh Chơn Ðạo) làm quyền Chưởng quản Cửu Trùng Ðài.

· Tiếp Ðạo Phạm Hồng Tiên (Ban Chỉnh Ðạo) làm quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Ðài.

Hiệp định Genève ký kết ngày 21-7-1954, Việt Nam tạm phân hai miền Nam Bắc, Cà Mau là một trong những khu vực tập trung cán bộ và bộ đội trong 200 ngày trước khi xuống tàu tập kết ra Bắc.

Ông Cao Triều Phát triệu tập Hội Thánh Duy Nhứt và Hội Cao Ðài Cứu Quốc tại Cà Mau để sắp đặt lại tổ chức:

- Giải thể Hội Thánh Duy Nhứt để các Chi phái tái lập Hội Thánh riêng của phái mình.

- Một số Chức sắc sẽ tập kết ra Bắc, gồm:

· Chưởng quản Cao Triều Phát.

· Ðầu Sư Nguyễn Hiền Ngô.

· Phối Sư Nguyễn Văn Khoan

· Giáo Sư Nguyễn Văn Khảm.

· Ông Hoàng Minh Viễn, v.v...

Tết Ất Mùi (dl 24-1-1955), tại Thánh Thất Hà Nội (48 phố Hòa Mã, khu phố Hai Bà Trưng) làm lễ ra mắt Hội Thánh Cao Ðài tại Hà Nội mà đứng đầu là Giáo Tông Cao Triều Phát, có đại diện chánh quyền và Mặt trận Liên Việt đến dự.

8-9-1956, ông Cao Triều Phát mất tại Bệnh Viện B303 Hà Nội lúc 2 giờ chiều. Chánh phủ tổ chức lễ tang rất long trọng, thi hài được an táng tại nghĩa trang Nam Kỳ (số 32 đường Nguyễn Công Trứ, Hà Nội).

1983, gia đình bốc mộ, hỏa táng, đem tro hài cốt về Sài Gòn, thờ tại tư gia số 4 đường Ðặng Tất, phường Tân định, Quận 1.