Thập triết
ID019980 - Tự Điển : Thập triết
dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần TH
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

Thập triết

十哲

A: The ten philosophers of Confucianism.

P: Les dix philosophes de Confucianisme.

Thập: Mười, hoàn toàn. Triết: sáng suốt, biết được cái lẽ tận cùng của sự vật. Triết gia là nhà triết học.

Thập triết là 10 vị hiền triết của Nho giáo, đó là 10 học trò tài giỏi của Đức Khổng Tử, đứng trên Thất thập nhị Hiền, nhưng dưới Tứ Phối (4 vị Thánh).

Thập triết được thờ phụng chung với Đức Khổng Tử ở Văn Miếu. Thập triết gồm:

● Mẫn Tử Khiên.
● Trọng Cung.
● Tử Cống.
● Tử Lộ.
● Tử Hạ.
● Bá Ngưu.
● Tử Ngã.
● Tử Hữu.
● Tử Du.
● Tử Trương.

Sau đây là tiểu sử sơ lược của Thập triết.

1. Mẫn Tổn: Mẫn Tử Khiên.

Mẫn Tổn, tự là Tử Khiên, người nước Lỗ, kém hơn Đức Khổng Tử 50 tuổi, tánh rất liêm khiết và hiếu thảo. Ông nổi danh về hiếu hạnh nên được dự vào khoa Đức Hạnh trong cửa Khổng. Mẫn Tử Khiên được liệt vào trong Nhị thập tứ Hiếu.

Khi còn nhỏ, ông bị bà mẹ ghẻ ngược đãi, cho con đẻ mặc áo bông vải vào mùa Đông, cho ông mặc áo bông lau không đủ ấm. Trời quá lạnh, tay run không đẩy xe cho cha đi được. Người cha ngẫm nghĩ mới biết rõ tình trạng, toan đuổi dì ghẻ đi. Tử Khiên liền thưa với cha: - Nếu cha để dì ghẻ ở lại thì chỉ có một mình con chịu rét, còn nếu cha đuổi dì ghẻ đi thì chẳng những con mà cả hai em con cũng sẽ chịu rét nữa.

Người cha suy nghĩ lại, đúng như lời Tử Khiên nói, nên không đuổi dì ghẻ đi, mà thuật lại lời nói của Tử Khiên cho dì ghẻ nghe. Bà cảm động, hồi tâm, thương mến trở lại Tử Khiên, đối xử như con ruột của mình.

Họ Quí làm quan Đại Phu chấp chánh nước Lỗ, nghe Tử Khiên là người hiền, nên mời Tử Khiên ra làm quan Tể ở ấp Phí, là ấp ăn lộc của họ Quí. Nhưng họ Quí làm quan lấn quyền vua, nên Tử Khiên từ chối và bảo sứ giả của họ Quí đến mời là: Xin sứ giả khéo léo thay tôi từ chối việc nầy, nếu đến mời tôi lần nữa thì tôi sẽ trốn lên ở trên sông Vân.

Sông Vân là con sông phân ranh giữa nước Lỗ và nước Tề. Ý Tử Khiên muốn nói là nếu ép ông quá thì ông sẽ trốn qua nước Tề.

Mẫn Tử Khiên được đời sau phong là Lang Gia Công.

2. Bá Ngưu: Nhiễm Canh.

Bá Ngưu, họ Nhiễm tên Canh, người nước Lỗ, được dự khoa Đức Hạnh trong cửa Khổng.

Khi Đức Khổng Tử làm quan Tư Khấu nước Lỗ, Đức Khổng Tử cử ông làm quan Tể ở Trung Đô. Sau nầy ông có theo Đức Khổng Tử lúc bị tai nạn ở nước Trần và nước Thái.

Khi ông đau sắp chết, Đức Khổng Tử có đến nhà thăm, cầm tay mà than rằng: Ngươi như thế mà mắc phải bệnh nặng nầy ư? Bá Ngưu chết, Đức Khổng Tử tỏ lòng thương tiếc lắm.

Bá Ngưu được đời sau phong là Đông Bình Công.

3. Trọng Cung: Nhiễm Ung.

Trọng Cung họ Nhiễm tên Ung, đồng tông với Bá Ngưu, người nước Lỗ, tên tự là Trọng Cung, cũng được dự vào Khoa Đức Hạnh trong cửa Khổng.

Ông là người hiền, lời nói thì giản trọng, độ lượng thì khoan hồng, có đức độ của một vị nhân quân. Đức Khổng Tử đã nói rằng ông có thể ngồi quay mặt về hướng Nam được. Ý của Khổng Tử muốn nói rằng ông có thể làm vua một nước.

Trọng Cung được đời sau phong là Bất Kỳ Công.

4. Tể Dư: Tử Ngã.

Tể Dư tự là Tử Ngã, người nước Lỗ, được liệt vào khoa Ngôn Ngữ trong cửa Khổng. Tể Dư làm quan ở nước Tề.

Ông được đời sau phong là Lâm Truy Công.

5. Đoan Mộc Tứ: Tử Cống.

Ông họ Đoan Mộc, tên Tứ, tự là Tử Cống, người nước Vệ, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 31 tuổi, được liệt vào khoa Ngôn Ngữ trong cửa Khổng

Đoan Mộc Tứ có tài về buôn bán, nhà giàu có.

Ông từng làm quan ở nước Lỗ, nước Vệ, nhưng sau lại mất ở nước Tề.

Đời sau phong ông là Lê Dương Hầu.

6. Nhiễm Cầu: Tử Hữu.

Ông họ Nhiễm tên Cầu, người nước Lỗ, đồng tông với Trọng Cung, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 29 tuổi.

Ông có tánh khiêm tốn, có tài nghệ, được liệt vào khoa Chính Sự trong cửa Khổng. Ông làm quan Tể cho quan Đại Phu họ Quí nước Lỗ. Khi tiến lên làm quan thì bàn bạc về quan chức, khi lui về nhà thì thụ giáo với Đức Khổng Tử.

Nhiễm Cầu có lần làm tướng cho Khang Tử, đem quân đi đánh quân Tề, được thành công.

Nhiễm Cầu được đời sau phong là Bành Thành Công.

7. Trọng Do: Tử Lộ.

Ông họ Trọng tên Do, tự là Tử Lộ, người ở đất Biện nước Lỗ, kém hơn Đức Khổng Tử 9 tuổi, có sức khỏe và tài nghệ, được liệt vào khoa Chính Sự trong cửa Khổng.

Tử Lộ là người rất có hiếu với cha mẹ, thường vì cha mẹ mà đi đội gạo ở ngoài trăm dặm. Do đó, ông được liệt vào trong Nhị thập tứ Hiếu.

Tánh của ông quả quyết và cương trực, cho nên Đức Khổng Tử khen rằng: Việc kiện mới nói được một nửa mà đã xử đoán được minh bạch, khiến những người đương sự phải khâm phục, chỉ có anh Do mà thôi.

Ông thường để chí về Đạo, không để ý đến sự ăn mặc. Đức Khổng Tử khen rằng: Mặc áo vải cũ, cùng đứng với người mặc áo da hồ lạc mà không thấy xấu hổ, chỉ có anh Do mà thôi.

Lời nói của Trọng Do rất tin thực, cho nên người đời nói rằng: Không tin lời thề, mà tin lời nói nói của Tử Lộ.

Tử Lộ làm quan ở nước Vệ, bị chết về nạn Khổng Khôi. Đức Khổng Tử thương tiếc lắm nói: Từ khi ta có anh Do làm học trò, những lời nói ác không vào tới tai ta.

Tử Lộ được đời sau phong là Hà Nội Công.

8. Ngôn Yển: Tử Du.

Ông họ Ngôn tên Yển, tự là Tử Du, người nước Lỗ, kém hơn Đức Khổng Tử 35 tuổi (có sách nói ông là người nước Ngô, kém hơn Đức Khổng Tử 45 tuổi), giảng tập về Lễ được liệt vào khoa Văn học trong cửa Khổng.

Tử Du làm quan Tể ở ấp Vũ Thành nước Lỗ, đem Lễ Nhạc dạy dân, người trong ấp ấy học tập về huyền ca cho đến mãi bây giờ.

Tử Du được đời sau phong là Sơn Dương Công.

9. Bốc Thương: Tử Hạ.

Ông có họ là Bốc tên là Thương, tự là Tử Hạ, người nước Vệ, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 44 tuổi, học tập về Kinh Thi thông hiểu được nghĩa lý, nên được liệt vào khoa Văn học trong cửa Khổng.

Sau khi Đức Khổng Tử mất, Tử Hạ trở về nước Vệ. Ông thấy có người đọc sách Sử Chí rằng: "Tấn sư phạt Tần, tam thỉ độ hà." Nghĩa là: quân nước Tấn đánh nước Tần, ba con heo bơi qua sông. Tử Hạ nghe xong, nói với người đọc sách ấy là: Không phải Tam thỉ mà là Kỷ Hợi.

Người đọc sách Sử Chí hỏi lại các người làm sử nước Tấn thì đều nói rằng: Kỷ Hợi là đúng.

Từ đó, người nước Vệ cho Tử Hạ là bậc Thánh nhân.

Tử Hạ dạy học ở Tây Hà. Vua nước Ngụy là Ngụy Văn Hầu (423-387 tr Tân Luật) tôn ông làm thầy và thường đến hỏi ý kiến về Chính sự trong nước, đặt quan bác sĩ để học các Kinh. Nho giáo thành ra quốc giáo khởi đầu từ đó.

Tử Hạ chú trọng về văn chương và lễ nghi, lại có vua bảo hộ, có quan bác sĩ coi giữ các Kinh, cho nên về sau càng ngày càng phát đạt lên.

Tử Hạ được đời sau phong là Hà Nội Công (?).

10. Chuyên Tôn Sư: Tử Trương.

Ông có họ là Chuyên Tôn, tên là Sư, tự là Tử Trương, người nước Trần, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 48 tuổi, người có dung mạo đẹp đẽ, tư cách hòa nhã, lúc nào cũng có vẻ trang nghiêm, ở ngôi sang không mừng, không khinh người hèn, không ngại người khổ, không câu nệ, nên không tương đắc với các đồng môn.

Hai ông Tăng Tử và Tử Du chê Tử Trương chưa thật là bậc nhân, vì cái học của Tử Trương có phần phóng khoáng thái quá, nhưng hai ông thì lại tỉ mỉ và câu nệ tiểu tiết.

Tử Trương được đời sau phong là Uyển Khâu Hầu.

Các môn đệ tài giỏi của Đức Khổng Tử, không có người nào hiểu hết cái Đạo rất cao viễn và quảng đại của Đức Khổng Tử, chỉ lãnh hội được một phần mà thôi. Do đó, sau khi Đức Khổng Tử mất, các môn đệ chia ra làm nhiều phái, mỗi phái có một chủ trương riêng. Có hai phái lớn hơn cả là:

· Phái Tử Trương, Tử Hạ chuyên về đường Văn học.

· Phái Tăng Tử (Tông Thánh Tăng Tử) chuyên về đường đạo đức.

Tử Tư là học trò của Tăng Tử, làm sách Trung Dung.

Mạnh Tử là học trò của Tử Tư, làm sách Mạnh Tử.

Trong sách Khổng Tử Gia Ngữ có chép:

Một hôm, Tử Hạ hỏi Đức Khổng Tử:

- Nhan Hồi là người thế nào?

Đức Khổng Tử đáp: - Cái tin của Hồi hơn ta.

Tử Cống là người thế nào?

- Cái nhanh của Tứ hơn ta.

- Tử Lộ là người thế nào?

- Cái dũng của Do hơn ta.

- Tử Trương là người thế nào?

- Cái nét trang nghiêm của Sư hơn ta.

Tử Hạ bèn đứng dậy mà hỏi rằng:

- Thế thì tại sao 4 người ấy lại phải đến học với thầy?

Đức Khổng Tử đáp:

- Ở đây ta bảo: Hồi biết tin mà không biết nghĩ lại, Tứ biết nhanh mà không biết có lúc đáng chậm, Do có dũng mà không biết có lúc nên nhát, Sư có nét trang nghiêm mà không biết ung dung để hòa đồng với mọi người. Gồm hết những nét hay của 4 người ấy mà đổi lấy cái của ta không bằng 4 người ấy thì ta không thuận. Vì thế 4 người ấy phải thờ ta làm thầy mà không có hai lòng vậy.