IV. Giới luật dành cho phẩm thượng thừa
ID027531 - Phần : IV. Giới luật dành cho phẩm thượng thừa
Sách : 99 Câu Hỏi Đáp Về Giới Luật Trong Đạo Cao Đài
Tác Giả : Tùng Thiên Từ Bạch Hạc

 

63. Trong ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ (Cao Đài Tây Ninh), ai là chức sắc ?

Khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã lập ngay một PHÁP CHÁNH TRUYỀN và TÂN LUẬT để điều hành guồng máy Hành Chánh Đạo, hầu bảo thủ chơn truyền và công bình Thiên Đạo.

Chức sắc là người có phẩm vị, chức vụ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành guồng máy HÀNH CHÁNH ĐẠO. Chức sắc còn đại diện cho khối đông tín đồ, chịu trách nhiệm về hoạt động của đạo đối với xã hội.

Trước đây, phẩm vị chức sắc do Đức Chí-Tôn (hoặc Đức Lý Giáo Tông) thiên phong bằng cơ bút hoặc do Hội thánh công cử. Chức sắc từ Giáo Hữu đổ lên chỉ chọn trong bực Thượng thừa phải trường trai, ly gia cắt ái.

Chức sắc có nhiệm vụ truyền bá giáo lý Đạo, độ dẫn sanh chúng vào Đạo và nêu gương TỪ BI, BÁC ÁI, ĐẠO ĐỨC cho nhơn sanh noi theo. Trong TÂN LUẬT, CHƯƠNG I, VỀ CHỨC SẮC CAI TRỊ TRONG ĐẠO (HIERARCHY OF RELIGIOUS DIGNITARIES) ghi rõ:

· Trên hết có một phẩm GIÁO TÔNG là anh cả có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt cả tín đồ trong đường Đạo và đường Đời.

· Kế đó có ba vị CHƯỞNG PHÁP của ba phái là Nho, Thích, Đạo.

· Ba vị ĐẦU SƯ của ba phái có quyền cai trị phần Đạo và phần Đời của tín đồ.

· Ba mươi sáu vị PHỐI SƯ, chia ra mỗi phái là 12 vị. Trong ấy có ba vị CHÁNH PHỐI SƯ.

· GIÁO SƯ có 72 người, trong mỗi phái có 24 người. Giáo Sư là người để dạy dỗ chư tín đồ trong đường Đạo và đường Đời.

· GIÁO HỮU là người để phổ thông chơn đạo của Thầy, đặng quyền xin chế giảm Luật Lệ đạo, đặng phép hành lễ khi làm chủ mấy cái chùa nơi mấy tỉnh nhỏ. Có 3.000 Giáo Hữu, mỗi phái 1.000, chẳng nên tăng thêm hay là giảm bớt.

Như vậy, có tất cả 1GT + 3CP + 3ĐS + 36PS + 72GS + 3000GH = 3115CS cho toàn thế giới.

Riêng nữ phái, số chức sắc không giới hạn.

 

64. Phân biệt thượng thừa và hạ thừa ?

Đức CHÍ TÔN giáng cơ dạy rằng: "Ta vì lòng Đại từ, Đại bi lấy Đức háo sanh dựng nên nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tôn chỉ là:

- Vớt kẻ hữu phần vào địa vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi;

- Và nâng đỡ kẻ có tánh đức vào cõi an nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở cõi trần-thế nầy ".

Căn cứ theo Thánh Ngôn, Tân Luật Đại Đạo ấn định Tín Đồ Đại Đạo có hai bậc: thượng thừa & hạ thừa

THƯỢNG THỪA: Là bậc xuất thế, nghĩa là học giả chẳng còn bận rộn với Nhơn tình, Thế sự. Họ chỉ lo tu tập Đạo pháp tối thượng cho đến Đắc Đạo, viên mãn rồi đem sở đắc của mình mà giúp đời, tức thực thi câu: Tự độ, độ tha.

HẠ THỪA: Là bậc mới nhập môn, còn ở Thế, vừa giữ Đạo, vừa lo việc Gia đình, Xã hội, mục đích chánh là hoàn thành bổn phận làm người và nếu có thể được thì chuẩn bị vào bậc Thượng Thừa

 

65. Giữ gìn Tứ đại điều quy có ý nghĩa ra sao ?

Bốn quy điều được gọi là “đại” bởi lẽ chúng có ý nghĩa to tát, có giá trị cao cả. Thật vậy, Tứ đại điều quy là phép tắc giúp người tu giữ mình, tránh phạm phải sai lầm, tội lỗi trên con đường lập công bồi đức, xứng đáng là Thánh thể của Đức Chí tôn.

1. Điều quy thứ nhất:

Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt

Bề trên là ai? Bề trên vô vi là Thầy, Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng. Tuân lời dạy bề trên vô vi là phải thực hành đúng theo Thánh ngôn, Thánh giáo, Luật đạo. Bề trên hữu hình là Hội thánh, là các chức sắc, chức việc. Tuân lời dạy bề trên hữu hình là phải biết phục tùng tổ chức và lời khuyên của các vị có trách nhiệm.

Phải tuân lời dạy của bề trên là bổn phận đàn em. Chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ là đức hạnh của của chức sắc; khi cần thiết biết nghe cấp dưới phân tách phải quấy, đúng sai. Hai ý này bổ túc cho nhau theo hai chiều qua lại.

Lấy lễ hòa người: Giữ lễ độ, lịch sự trong giao tiếp để thể hiện hạnh Từ. Hòa. Không ỷ mình cấp trên rồi lớn tiếng quát tháo, đập bàn. Đó là phàm tánh, không phải hạnh người tu. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt: Còn làm người thì khó tránh khỏi sai lầm. Do đó phải biết nhận lỗi, biết hối hận để sửa lỗi bản thân. Cấp dưới không được ngang bướng cãi lại. Nếu cần góp ý với bề trên phải dùng lời hòa nhã, lễ độ hoặc góp ý bằng văn thư.

2. Điều quy thứ hai:

Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền.

Chớ khoe tài, đừng cao ngạo: Hạnh khiêm tốn. Quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên đạo: Đó là Hạnh hy sinh, Đức vị tha.

Đức Phật Mẫu đã dạy: “MẸ vui được thấy các con biết lo cho chúng sanh, tức là lo cho mình vậy. Mình tu cho chúng sanh, mình lập vị cho chúng sanh, tức là mình lập vị cho mình. Phải hiểu cho rõ, nếu chúng sanh chưa ai đắc đạo thì ta phải cầu nguyện cho người đắc đạo trước ta. Nếu mình cứ mong cho cao phẩm giá, tức là trái với Thiên ý. Mình phải hằng ngày trau giồi tánh đức, lo chung cho thiên hạ, ấy là phương pháp tu tắt đó. Thường ngày công phu mà mình chất chứa tánh tự kiêu thì cũng không mong đắc Chánh quả được, bất quá đắc một vị Địa Tiên đó thôi. Vậy muốn cho hoàn toàn thì ráng tập cho biết trừ các điều xấu xa, tập thường ngày tầm Chơn lý, kiếm hiểu huyền vi, răn mình hằng bữa, đó là đường chánh sáng láng cứ lo bước tới.”

Đừng nhớ cừu riêng: Lòng hỷ xả, khoan thứ, bao dung. (Cừu là thù hằn, giận hờn.)

Chớ che lấp người hiền: Đừng che giấu người tài đức, phải có lòng quý trọng nhân tài, biết tiến cử, tạo cơ hội cho bậc hiền tài được thi thố năng lực giúp đời, giúp đạo.

3. Điều quy thứ ba:

Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.

Bạc tiền xuất nhập phân minh. Đừng mượn vay không trả. Mọi thu chi tiền bạc, vật dụng phải có sổ sách và phải có thêm người cộng sự làm chứng. Tiền của Đạo, tiền của chúng sanh đóng góp là những đồng tiền “rất nặng”. Hàng triệu con mắt nhìn vào: mắt hữu hình lẫn mắt vô vi của các Đấng. Nếu thật sự cầu giải thoát thì phải giữ mình cho lắm, đừng để bị đồng tiền quyến rũ mà bị đọa.

Đối với trên, dưới đừng lờn dễ: Khi được cấp trên thương và tin tưởng giao việc thì người dưới không được ỷ vào đó mà coi thường, không cung kính đúng mực hay qua mặt. Trên dạy dưới lấy lễ: không ỷ quyền, không cậy thế để áp chế đàn em cấp dưới.

Dưới gián trên đừng thất khiêm cung: Góp ý, sửa lỗi cho bề trên phải nói năng lễ độ, có thái độ tôn trọng, đừng làm mất mặt bề trên.

4. Điều quy thứ tư:

Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau. Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải, đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên dễ dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.

Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau: Đừng cư xử theo kiểu trước mặt thì làm bộ cung kính, ca tụng nhưng sau lưng người thì nói xấu, khinh thường. Đừng lấy chung làm riêng đừng vụ riêng mà bỏ việc chung: tức lấy việc nên hư của Đạo làm việc chánh để đeo đuổi mà phụng sự, không “lấy danh Đạo mà tạo danh Đời” mưu cầu lợi ích riêng tư. Không lấy của công mà lo cho cá nhân hay người thân; không trọng đãi người giàu sang quen biết mà hờ hững với người nghèo v.v.

Khi hành đạo, lấy Luật (TÂN LUẬT, NỘI QUI) và Pháp (PHÁP CHÁNH TRUYỀN) làm kim chỉ nam hướng dẫn. Điều gì sai, trái với Luật và Pháp của Đạo do Đức Chí Tôn, Đức Lý, Đức Hộ Pháp thì nhất định không tuân.

Nếu thấy ai có tài hơn mình thì trọng dụng, nâng đỡ cho nền Đạo ngày càng tốt đẹp, chứ không che giấu tài năng người khác.

Như thế, mới đúng với tôn chỉ của Đạo là THƯƠNG YÊU & CÔNG CHÁNH. Vào cửa Đạo, mão càng cao thì tài đức bản thân phải trau dồi luôn cho xứng đáng phẩm tước đó. Nếu không, theo lời Đức Hộ Pháp dạy, hình phạt dành cho các vị đó rất nặng nề nơi cõi vô vi.

 

66. Chức sắc phải trường trai, ly gia cắt ái.

(*) Bản TÂN LUẬT ấn bản năm Nhâm Thìn 1952 có phần sau đây:

Những khoản thêm vào bộ Đạo Luật và ban hành kể từ ngày hôm nay:

1. Thủ tiêu 2 chữ Tuyệt Dục trong Tân Luật.

2. Rộng ơn cho thỏa lời ước vọng của nhơn sanh, là để tự do cho hàng Lễ Sanh giữ trai tâm bao nhiêu tùy ý, song chẳng đặng dưới 10 ngày.

3. Truất quyền dự Hội Nhơn Sanh, quyền Hành Chánh và quyền Hành Pháp cho những vị Lễ Sanh nào chưa trường trai.

4. Cho tự do vợ chồng của Chức Sắc muốn theo cùng nhau cũng đặng, nhưng thuộc về phần Đời mà thôi, chớ chẳng dính dấp chi với Đạo, vì Chúng Sanh duy biết nuôi người thay mặt Chí Tôn, chứ chưa hề biết nuôi vợ chồng của vị Chức Sắc nào cả.

5. Vị Chức Sắc Thiên Phong Nam Phái nào có vợ con nghèo nàn, nhỏ dại thì Hội Thánh sẽ định cho 1 số tiền cứu giúp hằng niên, khi đã minh tra đủ bằng cớ rằng vợ con của vị ấy không gia thế không phương làm, bần hàn, đói khó.

6. Còn bên Chức Sắc Nữ Phái thì Hội Thánh không có định cấp dưỡng cho chồng con chi hết, vì chẳng lẽ người chồng nuôi con không nổi, bất tài đến đổi phải nhờ vợ.

7. Nếu như vị Chức Sắc Nữ Phái nào rủi góa bụa mà con còn thơ dại, khi đã minh tra đủ lẽ thì Hội Thánh sẽ định 1 phần cấp dưỡng nuôi con.

Lập tại Toà Thánh Tây Ninh. Ngày 5-11-Mậu Dần (Le 26 Décembre 1938) Tòa Đạo Hiệp Thiên Đài

Cựu Luật buộc trường trai, tuyệt dục. Lập Đ.Đ.T.K.P.Đ. Đức Chí Tôn ra lịnh bỏ hai chữ Tuyệt dục trong Tân Luật ; nhưng khi dự vào hạng Thánh Thể của Chí Tôn phải LY GIA CẮT ÁI. Những lời phê dưới đây của Đức Hộ Pháp đã nói rõ điều đó:

1. Do tờ của Nữ Chánh Phối-Sư Lại-Viện xin phép cho Lễ-Sanh Hương-Tình từ-chức đặng sanh.

LỜI-PHÊ của ĐỨC HỘ-PHÁP:

Phê cho nghỉ phép đặng sanh, may là còn phẩm Lễ-Sanh thì còn dễ giải-quyết, còn nếu đã lên hàng Giáo-Hữu thì đem ra Toà Pháp-Chánh. Xin nhớ hễ còn vợ chồng con cái thì Hội-Thánh đừng cho thăng Giáo-Hữu.

HỘ-PHÁP
(Ấn-Ký)

2. Tờ yêu cầu của Giám-Đạo Hợi xin cho Chức-Sắc Nữ-Phái khi sanh-đẻ được nghỉ trong vòng 6 tháng.

LỜI-PHÊ của ĐỨC HỘ-PHÁP:

Khai-Pháp nên nhớ rằng theo luật-định của Đức Lý-Giáo-Tông và của Bần-Đạo lúc trước thì Chức-Sắc Thiên-Phong phải trọn giữ tiết-trinh hành-đạo mới đáng vị Thiên-Phong. Vì cớ đã có luật-định, sau lại Chí-Tôn có sửa luật và dạy Bần-Đạo phải thi hành luật sửa của Đại Từ-Phụ là Thiên-Phong đặng phép có vợ-chồng song khi có con thì phải trọn gìn Đạo làm Cha-Mẹ, nghĩa là khi có con thì không còn phép gọi Thiên-Phong nữa. Nếu thi hành y lịnh ấy, một vị Thiên-Phong bất kỳ Nam hay Nữ hễ còn có con nhỏ dưới 12 tuổi thì Hội-Thánh buộc Cha-Mẹ chúng từ chức đặng nuôi-dưỡng.

Luật-định như thế hễ Phái-Nữ có Vợ-Chồng và sanh-đẻ thì không còn đặng ở trong hàng Thánh-Thể nữa, hoặc họ phải từ-chức hay là Hội-Thánh trục-ngoại ra khỏi Thánh-Thể, đặng họ nuôi con là đúng luật. Phải lập luật về điều nầy.

15-11 Tân Mão (1951)
HỘ-PHÁP
(Ấn-Ký)

3. Tờ phúc của Giáo-Sư Thượng-Phùng-Thanh số 49 ngày 3-3 Giáp-Ngọ.

LỜI-PHÊ của ĐỨC HỘ-PHÁP:

Một chức Giám-Đạo của Hiệp-Thiên-Đài đã có minh-thệ trước Ngũ-Lôi cầm Pháp-Chánh chẳng còn ai là thân-nhơn trong khi hành quyền dầu rằng bạn thân của mình (vợ) chẳng phải là một chức-sắc của Hội-Thánh Phước-Thiện. Giám-Đạo Lợi và Chí-Thiện Nhâm là hai vị Chức-Sắc của Đạo ai có phần nấy, nếu còn tính đời là bạn nhau mà thôi, khuôn-luật của Đạo đã định vậy, Thượng-Quyền cũng cho vầy. Chỉ có Giáo-Sư Phùng còn kể Lợi và Nhâm là vợ-chồng nhau đặng phản cáo mà thôi. Quyền Ngọc Chánh Phối-Sư nên giải-quyết rút Giáo-Sư Phùng về Toà-Thánh và thuyên-bổ người thay thế làm Khâm-Trấn Đạo Kiêm-Biên cho khỏi phản-kháng Đạo-quyền.

11-3 Giáp Ngọ
HỘ-PHÁP
(Ấn-Ký)

4. Tờ của Giáo-Hữu Thái-Thành-Thanh xin từ-chức vì có lịnh bổ đi Khâm-Châu-Đạo Bình-Thuận.

LỜI-PHÊ của ĐỨC HỘ-PHÁP: Phê cho Giáo-Hửu Thành từ-chức. Giáo-Hửu đã có phép giải-thể tức là phải chết về Đời sống về Đạo mà còn xin từ-chức tức đã thất Thiêng Liêng-Pháp. E cho Thành khó trở lại Thánh-Thể đặng: một là vì Pháp-Luật, hai là vì ma-khảo.

HỘ-PHÁP
(Ấn-Ký)

5. Từ hàng phẩm Giáo-Hữu đổ lên không có hàm-phong.

LỜI-PHÊ của ĐỨC HỘ-PHÁP: Nghĩ vì Chức-Sắc Cửu-Trùng-Đài từ phẩm Giáo-Hữu đổ lên thì đã vào hàng Thánh-Thể nên không có hàm-phong; kỳ-dư vị nào quá già yếu không đủ sức-lực và trí-não hành-đạo nữa và có lời chấp-thuận của Quyền Chí-Tôn mới được hưởng HỒI-HƯU DƯỠNG-LÃO.

HỘ-PHÁP
(Ấn-Ký)

6. Tờ của Chí-Thiện Lê-Văn-Trường xin nghỉ cúng thời Tý vì già-cả, bệnh-hoạn.

LỜI-PHÊ của ĐỨC HỘ-PHÁP: Hễ càng già lại càng cúng nhiều đặng dâng mạng-căn số-kiếp của mình cho Đức Chí-Tôn định, ấy là bí-mật giải thoát của Chí-Tôn để nơi Cơ Tận-Độ. Dầu đương giờ mình cúng mà chết trước mặt Người lại càng hay. Phải tuyên-truyền cho ai-ai cũng đều thấu-đáo nghĩa-lý Bí-Pháp này. Khi đau ốm nằm dưỡng bịnh hễ nghe thời cúng là ngồi dậy dâng Tam-Bửu cho Chí-Tôn.

HỘ-PHÁP
(Ấn-Ký)

 

67. Không lập gia đình liệu có tròn nhơn đạo ?

Đức Chí tôn đã dạy:

Buông trôi ví chẳng tròn Nhơn Đạo,
Còn có mong chi đến Đạo Trời.

Một số tín đồ Cao Đài thường hiểu lầm lời dạy này. Nhơn đạo tròn mới bước qua Thiên Đạo. Nhơn đạo là gì ?

Nhơn là người, Đạo là đường. Vậy, Nhơn Đạo nghĩa là con đường dẫn dắt con người tiến đến Chân, Thiện, Mỹ. Tôn giáo Cao Đài còn gọi Nhơn Đạo là Thế Đạo. Đó là những nguyên tắc và bổn phận mà con người phải tuân theo trong cuộc sống đối với gia đình và xã hội. Nhờ Nhơn Đạo, con người mới sống xứng đáng với phẩm người và được xếp vào loại thượng đẳng chúng sanh.

Như thế, Nhơn đạo là cách ăn ở, cư xử sao cho đúng chứ không phải là sự buộc ràng thanh niên nam nữ phải làm tình, phải ân ái với nhau khi đến tuổi trưởng thành. Tình dục là một nhu cầu của thân xác mà bạn được quyền chủ động trong cuộc sống của mình.

Ấy là điểm then chốt của vấn đề trong nhân sinh quan Cao Đài giáo bởi tự căn bản nền tảng siêu hình của học thuyết Cao Đài, Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần huờn Hư vẫn là tiến trình thăng hoa tự nhiên trong kiếp sống con người khi hoàn tất một chu trình tấn hóa từ Hư vô Khí xuống dần các cảnh giới thấp ngày càng trọng trược; chịu luật biến thiên qua các cõi giới, và cấu kết bởi ái lực với các phần tử vật chất tạo dựng nên Hình khí và Tinh của phàm thể để từ đó Thần thăng hóa trở về cõi hư vô là cái nguyên thủy của nó.

Ấy là Thiên Điều đã định bước đọa bước thăng của linh hồn được trọn quyền tự chủ, thỏa mãn dục tình, ái ân xác tục để sanh hóa thêm xác phàm hay ngoảnh mặt làm ngơ để Thần phản bổn huờn nguyên vẫn là quyền tự chủ nơi ta định đoạt.

Từ lập Đạo cho đến bây giờ, chúng ta chưa hề thấy có một lần nào Đức Chí Tôn hoặc các Đấng Trọn Lành giáng dạy chúng ta rằng, bổn phận về nhơn đạo phải ràng buộc trong sự ân ái, nhằm thỏa mãn những đòi hỏi dục tình của thể xác hai người nam và nữ.

Luật lệ của Đại ĐạoTam Kỳ Phổ Độ không cấm các tu sĩ lập gia đình, như vậy thử hỏi nhân sinh quan của Cao Đài giáo đối với vấn đề này ra sao? Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, câu mở đầu bài kinh hôn phối đã viết như sau :

Cơ sanh hóa càn khôn đào tạo,
Do âm dương hiệp Đạo biến thiên.
Con người nắm vững chủ quyền,
Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân.

Thì sự ăn ở giữa vợ chồng với nhau là một phép của Đấng Hóa Công, để tiếp nối cơ sanh hóa là đầu mối của sự luân hồi triền miên, vay rồi trả, trả rồi vay, chồng chất thêm mãi những sung sướng và khổ đau, vinh nhục luôn luôn đi kèm nhau...

Như vậy thì nhơn đạo là cái gì, là sự ràng buộc nào? Sự ràng buộc trong mối giao tế thường nhật giữa cá nhân con người này đối với cá nhân con người khác hay là sự ràng buộc về sinh lý giữa một nam một nữ ? Nếu như con người mất hẳn quyền tự chủ để định phận lấy mình theo những mối tương quan nhân quả thì cơ giải thoát cũng chẳng còn nữa.

Bởi thế cho nên trong giáo lý Cao Đài, Đức Chí Tôn không hề bắt buộc cũng không bao giờ cấm đoán sự kết nghĩa vợ chồng giữa hai người nam nữ trên mặt đất. Cái quyền tự chủ để định phận lấy mình Ngài đã giao trọn nơi tay chúng ta.

Ngài yêu thương con cái Ngài đang sống trong trầm luân khổ hãi nên mới đến chỉ đường dẫn lối, cho rõ cảnh thăng cảnh đọa rồi tự chúng ta phải lập vị lấy. Sức một làm theo một, sức mười làm theo mười, tùy tài tùy lực, cái trí não tinh thần của mỗi cá nhân.

Nền tảng siêu hình của học thuyết Cao Đài vẫn là sự huờn nguyên tam bửu, tức là trụ cả khối Tinh, Khí, Thần; nuôi dưỡng cho những món quí báu đủ điều kiện kết thành một nhị xác thân, bất tiêu bất diệt mà nhập vào cảnh hằng sống thì chữ nhơn đạo dù bị giới hạn trong phần hình nhi hạ, cũng không thể nào được phép mâu thuẫn với chính nền tảng siêu hình của nó.

Buổi mới Khai Đạo, có biết bao người vừa thức tỉnh giấc mộng trần ai lại toan tìm đường lên non luyện thuốc trường sanh, phế bỏ việc làm ăn sinh sống của gia đình, trút hết gánh nặng của mình đã tạo ra, bỏ mặc cho xã hội, tìm đường chạy trốn cho được yên thân gọi là tu hành, Ngài thấy vậy biết chắc kết quả chẳng đi đến đâu, bởi luật công bình không dung thứ cho kẻ trốn nợ nên mới có lời khuyên như trên, tuyệt nhiên Ngài không hề khuyến khích tiếp tục cuộc ân ái chăn gối mà cũng không hề cấm đoán.

Nếu Thái Tử Sĩ Đạt Ta không cương quyết dừng lại chuyện gối chăn thì giờ nầy nhân loại chưa có một Thích Ca Mâu Ni Phật. Cho hay cơ Tạo Hóa tuy im lìm mà rất nên mắc mỏ! Chìa khóa giải thoát vẫn ở nơi tay mình vậy. Đức Chí Tôn trao cho thì chúng ta phải biết vặn lấy, nếu chúng ta chỉ cầm lấy mà ngắm thì cái chìa khóa trở thành vô dụng.

Chữ khổ là bài học của trường đời, Đức Chí Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đã chỉ cho chúng ta phương cách để giải quyết nó. Đó là Thiên Đạo, là đường lối của ông Thầy Trời đến để giải quyết cuộc đời, trong đó có những bổn phận của một con người hành sử ra sao trong toàn bộ kế hoạch giải quyết. Cho nên không có một Thiên Đạo khác với Nhơn Đạo cũng không có một khoảng cách nào giữa Nhơn Đạo và Thiên Đạo.

Đức Chí Tôn không bao giờ buộc con cái Ngài phải trầm luân mãi mãi vào vòng trần tục, cho nên chữ nhơn đạo của Ngài không có nghĩa là bắt buộc phải thỏa mãn vấn đề tình dục giữa một nam một nữ mà chỉ có nghĩa là những bổn phận của một cá nhân con người đối với những kẻ khác trong cộng đồng xã hội.

Trên bình diện thu hẹp giữa một cặp vợ chồng, nhơn đạo đồng nghĩa với những bổn phận tương trợ cùng nhau, còn chuyện gối chăn là một nhu cầu sinh lý của thể xác, cũng như nhu cầu ăn, ngủ, cư trú vậy. Thỏa mãn những nhu cầu ấy, không ít thì nhiều chúng ta sẽ gây nên đồng thời những ràng buộc khác nữa, tính cách máy móc nối chằng chịt ấy được diễn tả qua câu kinh:

Khối trái chủ những lo vay trả,
Mới gầy nên nhân quả nợ đời.

Đó là một món nợ do mình gây ra. Chơn linh Bà Đoàn Thị Điểm đã có một lần giáng cơ minh định như sau:

Toan để bút ngăn vòng chồng vợ,
Thì lại e nghịch nợ tiền khiên.

Làm sao có thể giải thoát được con người, câu trả lời vẫn nằm ở sự hiểu Đạo và hành Đạo. Sự hiểu biết đích thực luôn luôn bao hàm một hành động, vì chính nó cũng là một hành động vậy, sự hiểu Đạo vốn rất khác xa cái khả năng thuộc lòng giáo lý. Khi tâm thức được bừng sáng đến đâu chúng ta sẽ có những hành động thích ứng đến đó, đại để là những công việc :

- Phổ độ.
- Làm phước.
- Tu thân luyện kỷ, thiền định.

Tức là lập công , bồi đức và định phận cho chính mình theo đúng luật công bình của Tạo Đoan. Đó là một sự trả nợ của chính mình, một lối mở đường thoát thân, công nghiệp phụng sự vạn linh trong sự sáng suốt của tâm linh.

Tinh thần ấy hoàn toàn tự do và cá nhân mỗi người có được trọn quyền quyết định chuyện gối chăn giữa một nam một nữ, tuyệt nhiên nhân sinh quan Cao Đài Giáo không hề trói buộc ai vào vòng thê tử.

Nhơn Đạo buộc mình phải có những bổn phận đối với những phần tử trong gia đình, khi đã tạo lập và không hề trói buộc ai phải chịu chìm đắm trong những sinh hoạt gia đình đời đời kiếp kiếp. Tâm thức bừng sáng với ánh Đạo đến đâu chúng ta sẽ có những hành động thích ứng đến đó và đây là tinh thần ngũ chi hiệp nhứt. (trích LUẬN ÐẠO SƯU TẬP của Nguyễn Long Thành)

 

68. Nguyên lý thăng hoa dục tính ?

Tuy tôn trọng thân xác, nhưng chúng ta không quá đề cao hành vi giới tính. Thân xác không phải là tất cả con người. Các hành vi sinh lý chỉ có giá trị giới hạn. Chúng chỉ đáng quý trọng khi được thực hiện phù hợp với luật lệ của Đấng tạo hóa.

Lý thuyết thăng hoa (Sublimace) của S. Freud đã hấp dẫn nhiều giới khoa học. Theo lý thuyết này, chỉ một phần của năng lượng tình dục được tiêu hao trong hoạt động tình dục; số năng lượng còn lại được chuyển hóa vào các lĩnh vực hoạt động khác như văn hóa, nghệ thuật, chính trị, tôn giáo, cũng theo lý thuyết này, xã hội sẽ tốt hơn lên nếu con người hạn chế hoặc ngăn ngừa được năng lượng và bản năng tình dục, chuyển những năng lượng đó vào những lĩnh vực hoạt động khác.

Chơn sư Phạm Công Tắc đã mô tả Nguyên lý của hiện tượng thăng hoa, sự hòa hợp giữa linh hồn và thể xác như sau :"Máy tạo bởi chữ hòa mà có, thì thế giới càn khôn cũng phải hòa mới vĩnh cửu, địa cầu này cũng phải hòa mới toàn hảo, nhơn loại cũng phải hòa mới trường tồn chẳng khác nào xác thịt phải hòa thuận cùng linh hồn mới mong đoạt đạo.

Lấy lớn mà định nhỏ, xem nhỏ mà tìm lớn, thi hài này nhờ hòa khí mà thành hình, thì linh hồn cũng phải tùng theo phép âm dương hòa hiệp mới qui hồi cựu bổn, linh hồn bởi chữ hòa khí mới có đến thì tức nhiên phải nương theo hòa khí mới có về. Tuy pháp bửu của các tôn giáo đã đoạt đặng vẫn nhiều chớ cơ mầu nhiệm chỉ có chữ HÒA là đủ.

Thân thể cho mạnh mẽ tinh vi, đừng để sa đọa vào lục dục thì là thuận cùng trí lự khôn ngoan. Khí lực cho cường thạnh thanh bai đừng để đến đỗi mê muội bởi thất tình thì trí lự khôn ngoan thuận theo linh tâm mà nảy nở. Linh tâm phải định tĩnh từ hòa, đừng để đến đỗi mờ ám bởi tội tình thì thuận với lòng Trời, hiển linh tại thế đặng đoạt phép huyền vi. Thân là Tinh, lực là Khí, trí là Thần. Nói rõ ra thì Tinh là thân thể, Khí là điển lực nghĩa là trí lự, Thần là linh hồn, ba cái báu của mình ngày nào tương đắc, nghĩa là hòa hiệp cùng nhau thì người mới mong đắc Đạo."

Nhưng cụ thể chúng ta phải làm gì cho tinh khí thần hòa hợp vẫn là câu hỏi khó trả lời bởi mỗi người có một khối nghiệp lực khác nhau từ tiền kiếp lưu lại, tánh khí không giống nhau, nguyện vọng tâm tư hướng về tương lai sâu thẳm trong tâm hồn cũng không giống nhau.

Nguyên lý vẫn là sự hòa hợp tam bửu tinh, khí, thần nhưng thực hành đạo lý phương pháp công phu vẫn có khác biệt ở từng cơ thể, cũng như thang thuốc điều trị lập thành công thức vẫn phải gia giảm từng vị cho phù hợp với bệnh trạng biến thiên từng ngày.

Nghiên cứu sự sống nơi con người, chúng ta thấy rằng thức ăn nước uống khí trời thu nhập vào trong thân chịu luật biến dưỡng tuần hoàn tạo ra sức sống gọi là Khí. Sức sống này bị tiêu hao qua các ngõ vận động thân xác, thân nhiệt biễu lộ tình cảm và lý trí cụ thể như giận hờn, ganh ghét buồn chán, dâm dục, yêu thương, vui mừng an lạc, ham muốn đủ thứ, suy nghĩ. Nếu bạn đóng một ngõ này thì nguồn năng lực sống sẽ chuyển qua các ngõ khác để biểu lộ.

Khi bạn chế ngự tình dục, thần kinh trở nên căng thẳng vì bị dồn nén và để tạo lập lại sự thăng bằng nó sẽ có khuynh hướng giải tỏa qua các ngõ tiêu hao còn lại. Do đó có rất nhiều biểu hiện lệch lạc của tình cảm và lý trí khi tình dục bị nén.

Không giải tỏa bằng ngõ dâm dục, nguồn năng lực sống này sẵn sàng thay hình đổi dạng, chuyển qua các ngõ giận ghét buồn chán, nếu bạn bén nhạy ở một thứ tình nào đó nó sẵn sàng làm gia tốc sức mạnh của tình ấy.

Do đó nếu chỉ đơn thuần đóng ngõ tình dục không thôi còn các ngõ khác vẫn mở, hiện tượng thăng hoa tính dục hướng thượng sẽ không xảy ra được và người sống độc thân dễ dàng bị những biến chứng lệch lạc về tình cảm và tâm lý.

Đóng hết các ngõ tình cảm lại, nguồn năng lực sống bị dồn nén sẽ giải tỏa ở sinh hoạt tư tưởng. Đóng luôn các tư tưởng tầm thường, nó sẽ cung ứng sức sống cho các tư tưởng thanh cao phát triển. Ngừng nghỉ luôn cả tư duy phải trái để thần trí thật an tĩnh, phẳng lặng trống vắng hoàn toàn trong khi 13 ngõ tiêu hao ở phía dưới của 6 loại dục, 7 loại tình cũng đã bế lại hết rồi thì một sức sống nhiệm mầu sẽ tràn ngập tâm thức, đầy quyền năng sáng tạo, đa năng đa dụng, sáng suốt vô cùng, bạn có thể gọi đó là đức lớn, giác ngộ, minh triết, thần lực v.v.. . tùy thói quen của bạn trong ngôn ngữ. Tiến trình chuyển hóa ấy cũng giống như một quả bóng đầy hơi, nếu bạn bóp ở đầu này sức nén sẽ làm nở ra ở đầu kia.

Chúng ta có thể kết luận được rằng một người đi trên con đương tu nếu không chủ trị được tình dục sẽ có ít cơ hội để nâng tâm thức lên cao cho được. Trong con nguời của chúng ta có hai phần Phàm và Thánh lẫn lộn, loại trừ hết Phàm thì còn Thánh hiện ra. Tóm lại nơi con người:

- Tình dục là biểu hiện sức sống Thượng Đế ở chỗ tột cùng của phần Tinh.
- Giác ngộ là biểu lộ sức sống Thượng Đế ở chỗ tột cùng của phần Thần.
- Sự chuyển hóa dòng sinh lực từ Tinh lên đến Thần thành công được gọi là thăng hoa.

Mắt nhìn hình sắc, lòng không động,
Tai vẳng chuyện đời, dạ chẳng hay.

 

69. Hạnh đức và công tội của chức sắc ?

“.. . Thảm thay, phần nhiều anh em chúng ta chẳng biết trọng phẩm vị của mình, lại còn làm ô uế nền Đạo thì mới đắc tội cùng Thiên đình thể nào? Cái màn bí mật của Đạo đã mở trọn rồi, Thầy dạy ráng mở mắt đặng xem mà mình cứ nhắm mắt không muốn ngó đến thì làm sao thoát cho đặng cửa luân hồi.

Đạo vốn là Đạo, mình thâu phục đặng chúng sanh chỉ nhờ Đạo. Mà có Đạo phải có Đức, có Đức phải có Hạnh, hoàn toàn Đức Hạnh mới phải mặt cầm mối Đạo của Thầy, nhưng xét kỹ lại thì anh em chúng ta thiếu kém đức hạnh rất nhiều. Chúng ta hằng bị Đức Giáo Tông chê rằng, Thầy quá thương mà lựa chọn chớ chẳng xứng đáng một chút nào.

... Nếu có một quyền hành nào tại thế nầy mà làm cho thân thể Chí Tôn phải chia phui manh mún ra đặng, thì là Đạo ta là giả Đạo, tất nó phải tiêu diệt trong một lúc ngắn ngủi chi đây. Còn như quả là Chí Tôn vì thương yêu con cái của Người, chính mình đến lập Đạo đặng giải thoát cho chúng sanh, thì những mưu chước của tà quyền ngăn cản bước Đạo của Thầy khó mong nghịch mạng với Chí Tôn, ắt là không mong bền vững.

Hại thay! Cho những kẻ vô phần toan phân phái chia phe, làm cho xác Chí Tôn phải tan tành rời rã.

Khổ thay! Cho những kẻ không duyên chối Thánh Giáo nghịch Chơn Truyền làm cho chơn thần của Chí Tôn phải ô uế đê hèn muốn toan bỏ xác.

Đau đớn thay cho những người ấy! Thê thảm thay cho những kẻ ấy! Dám cả gan để tay vào mà tàn hại Chí Tôn; cái tội tình ấy lớn lao bao nả. ..

.. . Bần Đạo xin để cho những tay rối loạn gây thù nghĩ lại coi phải mình là người thương Thầy mến Đạo hay chăng cho biết. Ấy là phận sự tối cao tối trọng của Thầy đã phú thác cho chúng ta, mà chúng ta không xem trọng hệ lại vì công danh quyền lợi mà thù nghịch lẫn nhau, nhục mạ lẫn nhau, từ Thầy, phản bạn, thì chúng ta có đáng mặt làm con cái tôi tớ của Thầy chăng?

Biết bao thế lực đã thành lập trong buổi này, chung công hiệp sức nhau mà phá rối Đạo Thầy: Ngoài thì kẻ nghịch đương trù hoạch phương châm mà tàn hại, trong lại bị người phản phúc, vu oan làm cho đến đổi nhớp nhơ danh Đạo, mòn mỏi điêu tàn. Hỏi nếu Đạo có bề nào chúng sanh mới nương nơi đâu đặng rỗi?

Thầy vì sợ phàm tâm tục tánh lập luật pháp rất nghiêm đặng đủ quyền hành buộc cả Hội Thánh, nghĩa là thân thể thiêng liêng, hiệp làm một.

LUẬT thì có TÂN LUẬT.
PHÁP thì có PHÁP CHÁNH TRUYỀN.
QUYỀN thì có TÒA TAM GIÁO.

Ấy là: Cái còi, cây gậy, hàng rào thiêng liêng, đặng lùa cả các chuồng chiên của Thầy hiệp một; mà hại thay, kẻ chăn chẳng biết lóng tiếng còi, đoàn chiên không kiêng ghê con gậy, rào thưa rích thưa ran để đến đổi bầy sói lũ hùm bắt chiên Thầy phân thây xé thịt; cái hại ấy do tại nơi đâu ?

Tại Hội Thánh cũng chưa nên Hội Thánh, Chức Sắc Thiên Phong có cũng như không, có bóng không hình, làm cho thân Thầy không đủ quyền hành mà xây chuyển Thiên Thơ (Plan divin), hầu đối địch quyết thắng tà mưu nhiễu hại.

Cả Thánh Ngôn của Thầy dạy dỗ chúng ta từ buổi khai Đạo đến chừ đã hiện thành Tân Pháp (nouvel vangile) mà ngày nay chúng sanh còn chưa hiểu thấu, vì phần nhiều người lạm dự vào bậc Thiên Phong lấy tà tâm bẻ bai biếm nhẻ chớ chẳng chịu truyền bá lời lành, làm cho kẻ Đạo tâm xiêu đường lạc ngỏ. Nếu cơ Đạo dường này thì chúng ta mong chi tận độ chúng sanh và lập thành thể Đạo cho đặng.

Đạo có Thể pháp làm ngoại dung và Bí pháp làm nội dung, mà Thể pháp tác thành mười điều chẳng đặng ba, còn Bí pháp thì chưa ai hiểu thấu, làm cho Đạo mất giá trị trước mắt chúng sanh, đức tin càng ngày càng khuyết giảm. Để thế lực cho các Tôn Giáo khác công kích Chánh Truyền, mà hại cho người hết lòng vì Đạo phải ngại ngại lo lo về điều hư thiệt. Bởi cớ biết bao Tiên, Phật đã giáng cùng khắp Thái Tây cho tiên tri về nền Thánh Giáo, nói trước rằng: - Những người bền vững căn tu mới mong giữ vẹn đức tin nhập vào cửa Đạo. Cơ khảo Đạo ngày nay xem quả vậy.. .

.. . Vậy thì chúng ta nên chung công hiệp sức cùng nhau, kể từ đây nhứt định chẳng cho ai phạm quyền mình, vì quyền mình là quyền Thầy; dầu cho còn một mặt Tín Đồ thì Hội Thánh cũng giữ quyền Hội Thánh. Xúm xít nhau mạnh yếu tùy phương, bảo thủ cây cờ Đạo của Thầy là Tòa Thánh, lại gắng tạo thành sừng sựng tại miền Cực Đông nơi Nam Việt nầy một cái Cao Đài, đặng làm ngọn đèn soi sáng đến cảnh Cộng Hòa của toàn thế giới. (Trích bài thuyết Đạo ngày 14-2 Mậu Thìn ngày 5-3-1928).

 

70. Thiện công, thiện đức, thiện ngôn là gì ?

Trích bài Đức Hộ Pháp nói chuyện với thợ hồ đang xây cất Tòa Thánh ngày 16.10.Bính Tý (29.11.1936)

.. . Công thợ đang ngồi nghỉ mệt nói chuyện, chợt thấy Đức Hộ Pháp đi vừa đến, cả thảy anh em thợ sợ hãi vội lo kiếm việc làm, kẻ trộn hồ, người rinh đá, Đức Ngài bảo mấy em nghỉ, cả thảy lại đây.

Mấy em làm có mệt thì nghỉ, đừng có trốn lánh nặng tìm nhẹ thì công quả không đầy đủ, đừng có tựu lại Sở, ghi tên rồi đi chơi, chờ đến giờ chạy về làm bộ siêng năng đặng Cai Sở ghi công. Đó là mấy em tưởng làm đây rồi trả nợ cho qua buổi. Thường công việc làm ở ngoài Đời, họ buộc từ giờ từ khắc, là vì mấy em làm ăn tiền, nên cái tật lánh né đã quen.

Nơi cửa Đạo, trường công quả không buộc, không ép, hễ ai muốn lập công để tạo quả vị thì làm, rất có nhiều phương lập công, từ bực thấp hèn dốt nát đến hạng trí thức thượng lưu, đều tùy sức và tài năng của mỗi người, nam nữ cũng vậy. Người giỏi có văn tài thì làm việc công văn ngồi bureau, cùng là đi Đầu Họ, Đầu Quận để hành đạo, đúng chơn truyền luật pháp không sửa cải, họ phổ độ nhơn sanh lập đức chiếm đại công quả. điều nầy rất khó, vì mang một Thánh thể vào mình để dìu dẫn con cái Đức Chí Tôn, nếu ai đầy đủ Tam Lập, được đem đại công về trình với Đức Chí Tôn; còn nếu làm không trọn vẹn thì công quả đã mất mà còn thiếu nợ nhơn sanh nữa mà chớ !

Còn ngồi bureau làm công văn, mà cứ lo xem sách, truyện, đọc báo, mà chờ giờ ghi công trả nợ, đến khi khai công nghiệp kể cho nhiều năm để thăng phẩm Chức sắc về hữu hình thì dễ, còn về quyền năng thiêng liêng thì dễ gì qua được, giỏi lắm là trừ hột cơm của nhơn sanh, chưa đủ nữa là khác!

Sự lập công quả nơi cửa Đạo, dầu việc nhỏ việc lớn, đều là đắc vị được, do tâm đức để tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn, trong ba mà thiếu một là chưa chiếm được, dầu cho công phu đào luyện lên bực Đạo Nhơn đi nữa, một lời nói chơi, nếu có hại cho người cũng đủ tái kiếp trả quả, chớ đừng nói đến sự ghét giận người, gây oán trách hờn, không trọn tình thương thì không dễ gì đoạt được Tam Lập.

- Đức Hộ Pháp nói: - hỏi mấy em về làm công quả tự mình đi hay là có ai biểu ?

- Mấy con là người hiến thân Phước Thiện thì trọn quyền của Hội Thánh sai khiến, khi nghe Châu Tri mộ công quả, mấy con mới vâng lịnh ông Đầu Họ biểu về đây.

- Đức Ngài nói: - Đó là lập công lập vị hay là chuộc quả, đứng vào hàng “Giáo nhi hậu thiện” là nghe lịnh mà theo. Nếu các em nào tâm đức minh mẫn, được “Bất giáo nhi thiện” là thiện công thiện ngôn đó vậy. Hạng nầy gọi là phi thường, khỏi vào Nhà Tịnh họ cũng đoạt pháp được là vì họ sẵn là nguyên nhân, họ hiểu biết mà làm, họ tự tạo âm chất, thật hành điều nghĩa điều thiện, là Thể pháp, tức nhiên có thể đoạt Bí pháp.

Có điều thiếu một việc, muốn đắc pháp phải có Chơn sư khai khiếu mới trọn vẹn được, đó mới gọi là “Thượng phẩm chi nhơn”; còn mấy em đây là “Trung phẩm chi nhơn, giáo nhi hậu thiện”, mấy em tạo thiện đức được là là biết nghe lời Hội Thánh.

Người ta có tài thì làm việc hay, còn mình dở thì làm việc thường. Bần đạo tỉ dụ một việc thường để mấy em dễ hiểu: Phận mình dốt thì làm theo dốt. Muốn tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn là làm như vầy: Mình nghe đâu có cất chùa thì mình tự tính đi đến xin làm công quả; nghe đâu có ai bị tai nạn khốn khổ thì trong đêm ấy, nằm tính và thương xót, nghe chỗ đó bị tai nạn, mình định sáng ngày rủ anh em hay tự mình đi, dầu sáng nầy tằm chín hoặc có một mối lợi gì đó cũng bỏ, đi đến trợ giúp việc tai nạn, đó là thiện đức, nghĩa là khi mình tính. Khi đến nói như vầy: Thưa anh, tôi nghe anh bị tai nạn, tôi đến để xin phép giúp anh một ngày, hoặc là vác một cái cây, hoặc là giúp một đồng bạc, vậy xin anh vui lòng cho tôi giúp với một nghĩa mọn.

Khi mình nói là thiện ngôn, khi mình làm là thiện công. Chớ không phải ỷ có của rồi nói sỗ sàng: đây tôi cho anh một đồng bạc mua gạo ăn đỡ đói. Như vậy là chưa thiện ngôn.

 

71. Không phải vào tịnh thất mới đoạt pháp ?

.. . Mấy em đừng lầm tưởng rằng phải vào Tịnh Thất mới đoạt pháp đặng. Mấy em làm công quả hằng ngày là tô điểm nuôi nấng Thể pháp. Khi mấy em đắc pháp mà mấy em chưa biết đặng.

Cái Thể pháp ở trong trong thuyết Tam Lập mình tự đào tạo nó hay là lo làm âm chất và làm điều thiện, tự giác nơi lòng mình, thì cái Chơn pháp ấy vẫn từ từ sẽ có và tồn tại. Đó mới gọi là Chơn pháp, chớ chẳng chờ ai ban cho mình Chơn pháp.

Nếu tâm thiện mình không có, dầu thọ pháp hay là tịnh luyện rồi nó cũng mất. Bởi lẽ ấy mà Bần đạo truyền Thể pháp lẫn có Bí pháp cho Chức sắc Giải oan, tắm Thánh, Hôn phối và Phép xác.

Chỉ có Giáo Sư Minh vừa khá rồi cũng bị lấy lại, còn bao nhiêu từ từ phai lợt. Của Bần đạo đã ban cho mà tự mình làm mất, bởi lý do không giữ tồn tại:

1. Là sự nóng giận khiến ngôn ngữ không lành.
2. Là sắc dục, dầu cho vợ chồng cũng là sắc dục.
3. Là không trọn vẹn giữ trai giới và không tinh khiết.

Học đạo ngôn ngữ của Thánh hiền phải cẩn ngôn cẩn hạnh, trước khi nói phải suy nghĩ điều nào phải, điều nào lợi rồi sẽ nói.

MỘT là CHƠN CHÁNH,
HAI là DỄ THƯƠNG,
BA là HỮU ÍCH.

Nhược bằng không được ba điều trên thì nên giới khẩu, làm thinh là tốt hơn nói.

.. . Đâu có phải những người làm biếng mà vào tịnh được. Trước khi vào tịnh thì phải có đủ Tam Lập là : Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn. Nơi cửa Đạo đặt ra việc chi đều là hữu ích cả, mượn Thể Pháp tượng trưng mới đoạt Bí Pháp.

.. . chỉ có công phổ độ mới giải quả tiền khiên. Ai không có xuất thân hành đạo, nghĩa là không có công phổ độ thì không vào tịnh được, vì không đủ Tam Lập…

Ông Trình bạch: Những hạng văn hay chữ giỏi tài đức, người ta mới giúp nhơn quần xã hội đúng theo lời Thầy dạy là phải giúp nhơn loại khắp cả hoàn cầu đặng Lập Đức. Còn Lập Công, muốn đền ơn cha mẹ và xã hội vì công sanh thành và xã hội nuôi hột cơm và manh quần tấm áo, nhờ đó mà ta sống, tức nhiên đụng ai trả nấy, nghĩa là trả cho toàn thể nhơn quần xã hội trên mặt địa cầu mới đúng thuyết Lập Công. Còn Lập Ngôn thì tìm hiểu chép Thánh Ngôn lời lành lời phải để lại cho nhơn sanh học hỏi cái Đạo ngôn ngữ mà bắt chước, mấy con dốt có thế nào làm được ?

Đức Ngài nói: Phương pháp Tam Lập, nói rõ là chỉ đem trọn mảnh thân nầy làm tế vật cho Chí Tôn đặng phụng sự nhơn loại, nếu giải rõ thì rất nhiều chi tiết, để có dịp Bần đạo sẽ thuyết minh hoặc viết sách in ra cho học hỏi. Bây giờ mấy em làm công quả, nó cũng ở trong thuyết Tam Lập, lại nữa cái công tạo tác Đền Thánh là đền thờ chung của toàn nhơn loại sùng kính, như thế cũng đáng lắm rồi.

Mặc dầu không đủ Tam Lập, mà mình làm điều gì mà toàn thể nhơn loại hằng ca tụng, nhắc nhở và ghi ân, lưu danh hậu thế, cũng là một việc khó làm, nó cũng sánh với công phổ độ vậy. Nếu xét lại, em nào còn thiếu Thiện Công, Thiện Ngôn, sau nầy phải xuất sư, cũng làm thầy tạo nghiệp đạo, rồi ngoài kia hễ Chức sắc xuất dương ngoại quốc, các em cũng xuất sư tạo nghiệp ở các nước, nên ráng lập công, học cho thông mọi việc theo nghề nghiệp mình. Bần đạo khuyên các em ở cùng nhau một sở, phải coi nhau như ruột thịt vậy, trên thương dưới, dưới không nghịch trên, dùng ngôn ngữ từ hòa đối đãi với nhau để đoạt đạo ngôn ngữ, nam nữ cũng vậy.

 

72. Nạn áo mão là gì ?

Áo Mão là biểu hiệu cho phẩm tước. Nhất là trong cửa Đạo Cao Đài ngày nay Thầy khai Đại Đạo có ban cho phẩm tước để tăng quyền hành Thiêng Liêng hầu đi phổ truyền Chánh giáo và giáo hóa nhơn sanh dễ dàng hơn. Áo Mão ấy chẳng qua là Thầy cho mượn mà thôi.

Đức Chí Tôn dạy: “Các con, phần nhiều chư Môn Ðệ ham muốn phong TỊCH, nhưng chưa hiểu phong TỊCH là gì ? Thầy để lời cho các con biết rằng:

- Nhiều Thánh, Tiên, Phật, xuống phàm nếu căn quả tiền khiên không mấy trọng hệ, nghĩa là kiếp trần duyên không chi phải nhơ bợn nhiều, thì dầu không THIÊN PHONG hễ gắng tâm thiện niệm thì địa vị cũng đạt hồi đặng.

- Thiên Phong là để cho bậc Thánh, Tiên, Phật, lìa trần phải lắm dày công cùng sanh chúng mới trông mong hồi cựu phẩm đặng. Các con nên nhớ Thầy lấy từ bi phong TỊCH, nhưng các Chức Sắc nếu vì ÁO MÃO hơn vì đạo đức thì tội chất bằng hai.

Đức Hộ-Pháp dạy: “Người Tu-hành mục-đích đem cái ân cho người chớ không phải đợi người làm ân cho mình; nghĩa là mình phải lo sự ấm no cho bá tánh tức là lo cho ta, bởi Đức Chí-Tôn đã dành phần cho ta một nhiệm vụ đặc biệt là ta phải Phụng-sự cho vạn-linh để giải khổ cho loài người. Trong lúc họ đang lâm nàn kêu cứu; khi ta làm xong phận sự thì không còn ai chối cải rằng ta không phải là ân-nhân của xã-hội, chừng ấy ta không muốn về Tây phương họ cũng lập bàn hương-án để đưa ta đặng đền ơn cứu tử”.

Ngài nói: họ cũng bố thí, cũng làm phước vậy, nhưng có một điều là họ bố thí chớ không phải phụng sự. Họ lấy của người này đem cho người kia chớ không phải phụng sự cho nhơn loại”.

 

73. Nội luật 1939 dạy chức sắc điều gì ?

.. . Tín đồ bỏ Đạo; chúng sanh chưa biết đến chơn lý Cao Đài thì tất cả Chức sắc Cửu Trùng Đài đều thất phận. Chức sắc, tín đồ phạm pháp luật Đạo, thì cả Chức sắc Hiệp Thiên Đài chung gánh tội tình.

HUẤN LỊNH

.. .Ấy vậy, Hội Thánh đã đặng mạng lịnh Thiêng liêng của Người mà làm Cha, làm Thầy cả con cái của Người. Cái quyền hành ấy cao trọng biết chừng nào, chúng ta không cần để luận. Muốn nắm quyền hành ấy nơi tay, tức phải tỏ ra mình là phẩm giá lương sanh mới đáng. Dầu tất cả Hội Thánh hay là một phần tử Hội Thánh, tức là một vị Chức sắc THIÊN PHONG nào cũng vậy, phải đáng mặt lương sanh đặng vào Thánh thể của Người chẳng phải là dễ. Vì vậy mà Chí Tôn phải đem lương sanh ấy vào bực THIÊN PHONG cho đồng thể cùng Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mới đáng là hình thể của Người; nếu để PHÀM PHONG thì quả nhiên nhơn loại đã lăng mạ danh thể Người, ấy là tội Thiên điều chẳng hề dung thứ. Mà THIÊN PHONG chánh vị còn giữ phàm tánh thì lại lăng mạ danh thể của Người hơn thập bội.

Tòa thánh, ngày 4 tháng 6 Đinh Hợi (21.7.1947)
HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC

 

74. Bát nương Diêu Trì Cung dạy phái nữ điều chi ?

Mấy em nên để ý trong điều của chị dặn:

"- Trong cửa Đạo Chí Tôn đã lập, cốt yếu để lập quyền cho mỗi con cái của người tu độ lấy mình. Của thiêng liêng vốn không phải là vật để dục tư tình tư nghĩa, mà lại là cơ quan độ mỗi mặt nguyên nhân diệt căn trừ nghiệt. Phải hiểu giá trị của Thiên phong, chẳng phải để khoe màu đạo đức, mà vốn là phương cứu độ sanh linh.

Nếu đã mang chức trách ấy nơi mình mà không trọn nghĩa vụ thì tự nhiên phải phạm Thiên điều. Cái gương hiền đức của nữ phái là vật của Chí Tôn để lòng tìm kiếm và cũng vì nó mà Chí Tôn mới định lập pháp ban quyền cho nữ phái đối phẩm cùng nam. Thoảng như gương hiền đức ấy đã ra vô giá trị, điêu tàn thì công nghiệp nương đâu mà bền vững ?"

 

75. Thái độ phục vụ khi hành đạo ?

Một người muốn nhận lấy chức vụ để hành đạo, lập công phải chuẩn bị sẵn sàng ba điều. Đó là:

1. Phụng sự trong tinh thần HY SINH & KHIÊM TỐN:

Hy sinh vì phải bỏ hết việc nhà, lợi lộc vật chất của bản thân để tâm lo lập vị cho sanh chúng như lời Đức Phật Mẫu dạy. Nếu ở ngoài đời, có những người “vì nước quên thân, vì dân quên mình” thì trong cửa Đạo, đôi khi vì muốn giữ gìn khí tiết, Chơn Pháp mà các vị chức sắc phải hy sinh cả tánh mạng nhưng các vị ấy nào có sá chi.

Khiêm tốn theo lời Đức Chí tôn dạy: Ngài đã hạ mình làm một vị “TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT” để gần gủi nhơn sanh mà mở Đạo cứu vớt chúng sanh trong buổi cuối của thời kỳ hạ ngươn. Chúng ta đâu là mảy mún gì mà sanh tâm kiêu mạn khi khoác lên áo mão.

Giữ được ơn Ngài: Cái khó nhất trên đường theo Đức Chí Tôn và thi hành chức vụ là giữ được ơn Ngài. Nhiều người bắt đầu chức vụ đầy hồng ân, nhưng sau một thời gian, họ không còn giữ được hồng ân nữa vì sanh lòng kiêu ngạo, bất tuân lệnh cấp trên, không theo Luật Pháp Đạo nữa. Gương của các vị lập chi phái còn đó.

Yêu thươnglàm được nhiều nhất, Đức tinnhận được nhiều nhất, Khiêm nhường thì giữ được nhiều nhất.

2. Phải chịu nhiều thử thách:

“Thử thách” là lòng yêu thương của Đức Chí Tôn vừa muốn rèn luyện chúng ta, vừa để sàn lọc những linh hồn non trẻ, yếu ớt để phân loại xếp cho ở lại lớp. Những ai tâm thức nâng cao, vượt qua được sẽ tiến lên địa cầu 67 thanh hơn.

Những thử thách sẽ đến từ đâu ? Đến từ bên ngoài, đến từ gia đình, đủ mọi phía, và chưa nói đến thử thách từ trong chính bản thân mình. Đức Chí tôn cho phép thử thách xảy đến để cho chúng ta kinh nghiệm nhiều hơn, hữu ích hơn.

Thánh ngôn ngày 13.3. 1926, Đức Chí tôn đã nói rõ: “- Thầy nói cho các con hiểu rằng: muốn xứng đáng làm Môn-đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn-đệ Thầy thì Bạch Ngọc Kinh mới chịu rước, còn ngã thì cửa Ðịa-Ngục lại mời. Thương thương ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi!

Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai qủy dỗ dành. Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình; chung quanh các con, dầu xa, dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ-lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con; song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con.

Vậy ráng gìn-giữ bộ thiết-giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy…”

3. Phải nhiều nước mắt:

Vì sao phải nhiều nước mắt ? Nói đến ‘nước mắt’ là nói đến nỗi buồn nhưng cũng nói đến niềm vui. Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Đường hành Đạo của một người, giống như người đó đang gánh một gánh nặng. Gánh thì phải có hai đầu mới gánh được. Buồn vì phải lo toan nhiều thứ, đội khi còn bị quở trách, hoặc bị chỉ trích; vui vì biết rằng ngày về bái mạng Ngọc Hư Cung sẽ được Đại Từ Phụ và Đại Từ mẫu khen ngợi.

Bao nhiêu tín đồ tuy không mang chức vị, nhưng trên đường tu chơn, hành thiện họ đã hết lòng làm công quả. Họ không quan tâm có ai biết công khó của họ; họ cũng chịu biết bao thử thách nhưng vẫn giữ vững đức tin. Họ luôn trung thành với Đức Phạm Hộ Pháp, vị giáo chủ hữu hình của Đạo Cao Đài dù có nhiều thế lực tìm cách vu khống, bôi bẩn!

LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ ĐỨC TIN TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO

Dưới sự độ rỗi của các Đấng Thiêng Liêng, chúng ta hãy thương yêu, đoàn kết lẫn nhau để cùng tiến về Bồng Đão như các Đấng đã dạy.

* Ngày 15.2 Tân Mùi (2.4.1931)

LỤC NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG giáng dạy:

. . . . . . . . . . . . . . .
Em lựa phãi hờn chi tiếng quở,
Lo tìm phương ăn ở vừa người
Vàng cao nào sợ lửa vùi,
Lửa cao đem thử vàng mười đẹp xinh.
Chị đến tỏ thật tình em rõ,
Luật Thiên điều mắc mỏ lắm thay.
Tùy lòng cơ Tạo đổi xây,
Dùng phương thử thách dở hay mất còn.
Cơn bão tố thuyền con thủ phận,
Để chờ cơn tan trận phong ba.
Nương thuyền Bát Nhã vượt qua,
Biển êm sóng tạnh mới ra giữa dòng.
Em khá nghiệm những lời chị tỏ,
Xét cho cùng hiểu rõ thi hành,
Chị thương em lắm nhọc nhằn,
Thấy thân em khổ chẳng đành làm thinh.
Em muốn đặng thân vinh Cực Lạc,
Phải chịu cơn gió tạt sương lồng.
Quãng chi Đông lạnh, Thu nồng
Gìn tròn trách nhiệm Đảo-Bồng sau chung.
Cây muốn tịnh nhành rung vì gió.
Trăng ánh mờ mất tỏ vì mây.
Trái oan buộc chặc vì dây
Cũng vì phàm thể nhục thây dục người.
Khuyên em biết thời kỳ chuyển Pháp
Khuyên em nên chịu ép, chịu rầy.
Khuyên em trọng Đạo, thương Thầy
Khuyên em trì chí có ngày rảnh rang.

 

76. Mười điều răn của Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh ?

Moise là nhà lãnh đạo của dân Do Thái thời cổ, lúc dân Do Thái bị các Pharaon Ai Cập bắt làm nô lệ. Moise được Ðức Chúa Trời chọn, vâng lịnh Ðức Chúa Trời dẫn dắt dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ, đến định cư và lập quốc ở đồng bằng dưới chân núi Sinai.

Núi Sinai (còn được gọi là Núi Horeb) là ngọn núi linh thiêng nhất của các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, tọa lạc ở bán đảo Sinai của Ai Cập. Núi Thánh Sinai được đề cập nhiều lần trong Sách Xuất Hành của Torah (Cựu Ước) và Kinh Qur'an.

Theo truyền thống của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo thì núi Sinai là nơi Moses (1391–1271 TCN) tiếp nhận trực tiếp Mười Điều Răn của Thiên Chúa sau 40 ngày đêm trầm tư..

English:

The mount was covered by the cloud for six days, after which Moses went into the midst of the cloud and was "in the mount forty days and forty nights." (Exodus 24:16-18) and Moses said, "The LORD delivered unto me two tablets of stone written with the finger of God; and on them was written according to all the words, which the LORD spake with you in the mount out of the midst of the fire in the day of the assembly." (Deuteronomy 9:10)

Ðức Chúa Trời giao cho Moise 10 Ðiều Răn để dạy dân Do Thái, các giáo lý, cách thờ phượng Ðức Chúa Trời, tạo thành đạo Do Thái cổ thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ.

“Thầy đã muốn nói với các con chỉ một lần mà thôi, hồi thời kỳ Thánh Moise trên ngọn núi Sinai, nhưng các con không hiểu được ý Thầy”. (TNHT 27.10.1926 - 21.9.Bính Dần)

Dưới đây là nội dung cơ bản 10 điều răn theo Sách XUẤT AI CẬP 20:3-17 & Sách ĐỆ NHỊ LUẬT 5:7-21.

1.Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ngươi không có Thiên Chúa nào khác ngoài Ta.
2. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình để thờ.
3. Ngươi không được dùng danh Thánh Chúa cách bất xứng.
4. Hãy nhớ mà Thánh hóa ngày Sabbath (thứ bảy. (Chú thích: chỉ làm việc đời 6 ngày, thánh hóa ngày thứ bảy để cúng lễ)
5. Tôn kính cha mẹ.
6. Không được hãm hại người khác.
7. Không được trộm cắp.
8. Không được ngoại tình.
9. Không được làm chứng dối chống lại anh em.

Có một điều quan trọng mà một số người Công Giáo không biết, một số người đọc Kinh Thánh cũng không quan tâm, đó là lời dạy của Đức Chúa Trời: “- Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng: chẳng gán gánh nặng nào cho anh em ngoài những điều cần thiết, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột và chớ tà dâm, ấy là những điều mà anh em khá giữ” (Công Vụ 15:28,29).

Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời còn răn cấm ngặt hơn nữa. Sách Đệ Nhị Luật, đoạn 12, câu 23: “phải giữ mình chớ ăn huyết”. Chúa còn nói rõ lý do: “Là điều có phúc và ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời vì huyết là sự sống. Vì huyết thay hồn nên chớ ăn hồn với thịt. Đừng ăn huyết, hầu người và con cháu người được phước”.

 

77. Ăn năn, sám hối có chuộc tội được không ?

Ăn năn là hành động biết xét mình, thấy được lỗi mà mình đã làm. Hối cải hoặc Ăn năn là sự thay đổi trong tư tưởng và hành động nhằm chỉnh sửa sự sai trái để được tha thứ. Trong tôn giáo, hối cải thường được xem là sự xưng tội trước Thiên Chúa, từ bỏ tội lỗi nghịch cùng Ngài, và dứt khoát theo đuổi nếp sống mới phù hợp với lề luật tôn giáo.

Hối cải bao hàm sự xưng nhận tội lỗi, cam kết hoặc quyết tâm không tái phạm, và nỗ lực bồi thường thiệt hại.

Sám hối là một từ kép, gồm một phần là tiếng Phạn, một phần là tiếng Trung Hoa: Từ Sám trong Phạn ngữ (Sanskrit) được gọi là Ksamayati, tiếng Anh dịch là repentance. “Sám” nghĩa là khoan thứ hoặc xin được khoan thứ. Hối 悔 có bộ tâm忄và chữ mỗi 每, chữ mỗi dùng cho phát âm, nghĩa là tiếc điều lỗi trước (do bởi từ trong lòng hối hận những lời nói hay việc làm có thiếu sót, nên có bộ tâm.

Sám hối là tự mình ăn năn, hổ thẹn những lỗi lầm trước đây đã tạo, nguyện sửa đổi không dám tái phạm những lỗi lầm đó nữa

Làm lễ sám hối, chúng ta mong trừ được các tội đã tạo từ trước. Nếu theo đúng luật nhân quả nghiệp báo thì một khi đã gây tội lỗi, gieo nhân ác thì phải chịu quả báo ác, không sao tránh khỏi, ví như trồng ớt được ớt, trồng cam được cam, luật nhân quả tác động như bóng theo hình, như vậy thì lễ sám hối có thể sửa đổi luật nhân quả không ?

Theo Kinh Thánh Hêbrơ (Cựu Ước), sự hối cải dẫn đến sự cứu rỗi. Trong một số trường hợp, nhờ ăn năn tội lỗi của mình mà các cá nhân hoặc một dân tộc được tránh khỏi sự trừng phạt của Thiên Chúa. Kinh Sám hối có câu:

Quấy rồi phải biết ăn năn,
Ở cho nhân hậu chế răn lòng tà.

Ăn năn sám hối không chỉ là hối tiếc trước một việc làm sai trái đã qua mà chủ yếu là thấy sai để sửa sai. Ai sinh ra ở trên đời cũng có sai lầm, không trừ một ai, chỉ có điều là có những người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm hoặc đã thấy mình sai lầm nhưng không chịu thừa nhận; hoặc có thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa, hoặc có sửa chữa thì cũng không quyết tâm sửa chữa đến cùng.

Từ xưa, các bậc minh triết đã cho rằng, việc thấy được sai lầm của bản thân mình, có dũng khí để công khai thừa nhận và có quyết tâm sửa chữa những sai lầm, đó là dấu chỉ một con người chân chính, trung thưc, đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng.

Trong thâm sâu của cõi lòng, trong nội tâm, chúng ta thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Chúng ta phán xét chính mình, nhận điều lỗi mình đã làm và hối hận, ray rứt vì những điều sai trái mình đã làm. Sự đau buồn này là một liều thuốc đắng, chữa lành cho vết thương tội lỗi. Sự ăn năn phản tỉnh của một con người sau khi đã lỡ làm điều xấu, sẽ làm cho người đó trở nên tốt hơn, sâu sắc hơn.

Ví dụ: biết tham ô là sai trái thì tiền bạc phải sổ sách phân minh. Biết phàm phong là sai trái thì mình đừng tham gia; nếu lỡ dự vào phải gửi chức lại.

Chúng ta thú nhận tội lỗi và xin Đức Chí Tôn tha thứ. Nguyện sống khác đi, không làm điều xấu nữa; dứt khoát với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Giai đoạn này rất khó và đòi hỏi sự chiến đấu với chính mình, và sự chiến thắng, làm chủ được chính mình.

Người đời đa số có tội lỗi tìm mọi cách khéo léo che giấu cho người khác đừng thấy lỗi mình, nhưng người tu hành nếu có lỗi phải biết can đảm nhận chịu để sám hối. Biết lỗi rồi ăn năn hổ thẹn quyết tâm chừa cải để khỏi phạm lại lần thứ hai, đó là con đường của bậc Hiền, Thánh.

Căn bản của sự tu hành là sửa đổi điều xấu thành tốt, điều dở thành hay. Người biết sám hối, là biết tu, ngược lại có lỗi mà không biết sám hối sửa đổi thì dù có mang áo mão kẻ ấy cũng chưa biết tu. Không phải tụng vài biến kinh sám hối chiếu lệ, mà phải sám hối với một tâm chí thành, xấu hổ vì những lỗi đã làm. điều quan trọng là cương quyết không tái phạm, lại còn biết làm công quả để chuộc lỗi thì chắc chắn chúng ta sẽ tiến nhanh trên con đường tâm linh.

Đức Hộ-Pháp dạy: “Biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí-Tôn độ rỗi, lánh xa được cửa Âm Quang, lại còn hưởng được nhiều ân huệ siêu thoát: Vậy thì ai là người thất thệ với Chí-Tôn thì phải sớm thức tỉnh tâm hồn, ăn-năn sám hối cầu xin Đại-Từ Phụ cùng các Đấng Thiêng Liêng Từ bi ân xá tội-lỗi tiền khiên thì họa may đặng chung hưởng ân huệ của Chí-Tôn ban cho sau này”. (ngày 15-9 Bính-Tuất 1946)

Kinh Cầu hồn khi hấp hối có câu:

Ăn năn sám hối tội tình,
Xét câu Minh thệ gởi mình cõi thăng.

 

78. Tâm niệm và cầu nguyện như thế nào ?

Tôi là Atman, chơn linh cao cả, toàn năng, toàn thiện.

Lòng từ-bi, bác-ái của tôi bao-la, bát ngát, vô tận, vô biên.

Tôi là một với vạn vật, tôi yêu thương tất cả.

Tư-tưởng tôi trong sạch.
Lời nói tôi trong sạch.
Việc làm tôi trong sạch.

Tôi quên hạnh phúc, sự hưởng thụ cá nhân để lo phụng sự mưu cầu hạnh phúc cho nhơn loại.

Tôi nguyện noi theo con đường bác ái. Tôi phụng sự với một ý đồ trong sạch. Tình thương và lòng nhiệt thành nơi tôi phải là cái nguồn sống để nuôi dưỡng những hoài bão tâm linh nơi những kẻ đồng loại của tôi. Tôi tự nguyện làm những điều này với một tinh thần hiểu biết và sáng suốt.