Nam châu
ID017186 - Tự Điển : Nam châu
dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần N
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

Nam châu

南州

A: Viêtnam.

P: Viêtnam.

Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Châu: Giao châu.

Thời Hùng Vương, nước ta có tên là Văn Lang.

Thời An Dương Vương, nước ta có tên là Âu Lạc.

Thời Triệu Đà sửa tên nước là Nam Việt.

Khi nhà Hán đô hộ nước ta thì đặt tên là Giao Chỉ Bộ.

Thái Thú Sĩ Nhiếp xin sửa tên lại là Giao Châu.

Nhà Đường đô hộ nước ta đặt tên là An Nam Đô Hộ Phủ.

Khi Đinh Tiên Hoàng dựng nền độc lập thì đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt.

Đến đời nhà Lý thì sửa tên nước ta là Đại Việt, nhưng người Tàu vẫn gọi nước ta là An Nam, gọi vua nước ta là An Nam Quốc Vương hay Nam Bình Vương.

Đến đời nhà Nguyễn, vua Gia Long lên ngôi năm 1802 mới đặt tên nước là Việt Nam, và tên nầy được dùng mãi đến ngày nay.

Một điều khá lý thú là ngay từ thời nhà Mạc (1527-1592), trước khi vua Gia Long lên ngôi khoảng 250 năm, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ghi ngay nơi trang mở đầu thi tập: Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ, câu đầu tiên là: "Việt Nam khởi tổ xây nền", như vậy là mặc nhiên Trạng Trình đã tiên đoán sau nầy nước ta có tên là Việt Nam.

Do đó, từ ngữ Nam Châu là chỉ nước Việt Nam.

Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà: Cõi Nam Châu bồi đắp giang sơn.