Thất Thánh
ID020014 - Tự Điển : Thất Thánh
dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần TH
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

Thất Thánh

七聖

A: Seven Saints.

P: Sept Saints.

Thất: Bảy, thứ bảy. Thánh: vị Thánh.

Thất Thánh là bảy vị Thánh vào thời Phong Thần ở nước Trung hoa.

Theo Truyện Phong Thần, 7 vị Thánh nầy vâng lịnh thầy xuống núi giúp Khương Thượng phò nhà Châu, đánh dẹp các Tiên Triệt giáo đang giúp vua Trụ, để diệt Trụ hưng Châu.

Bảy vị nầy có đủ công đức vượt Bảng Phong Thần, vào trường Phong Thánh. Thất Thánh gồm:

1. Lôi Chấn Tử.
2. Lý Tịnh.
3. Kim Tra.
4. Mộc Tra.
5. Na Tra.
6. Dương Tiễn.
7. Vi Hộ.

Trên tấm diềm ở Bát Quái Đài phía Nam phái, có đắp tượng Thất Thánh trên những cụm mây lành năm sắc.

Sau đây là sự tích của Thất Thánh viết theo Truyện Phong Thần.

I. Lôi Chấn Tử:

Tây Bá Hầu (sau là vua Châu Văn Vương) được lịnh của vua Trụ gọi về triều. Trên đường đến triều ca, khi qua núi Yên sơn thì gặp Trời đổ mưa tầm tã, lại nổ ra một tiếng sấm thật lớn dường như lở non rún đất, ai nấy đều thất kinh. Khi hết mưa, Tây Bá Hầu nói với các tướng hầu cận rằng:

- Sấm lớn quá, chắc có tướng tinh ra đời. Các ngươi hãy đi tìm kiếm quanh đây xem sao.

Các tướng không dám cãi, cứ đi quanh quẩn mà tìm. Xảy nghe tiếng con nít khóc, quân lính tìm tới thấy một đứa bé mới sanh, chắc đây là tướng tinh, nên bồng đứa bé đem trình Tây Bá.

Tây Bá mừng rỡ, hỏi kỹ trước au, thấy thằng nhỏ mặt như nhụy đào, mắt như sao nháy, thì mừng lắm, nói:

- Số ta có một trăm đứa con, mà đã sanh được 99 đứa rồi. Nay nuôi thêm thằng nhỏ nầy nữa thì đủ số 100. Tướng mạng của thằng nhỏ nầy ngày sau quí lắm, bây hãy bồng nó đi vô xóm đặng mướn vú nuôi dưỡng, đợi 7 năm nữa ta về ngang đây, ta sẽ rước nó.

Tây Bá Hầu chưa đi tới xóm, thình lình gặp một Đạo sĩ đến bái Tây Bá Hầu nói rằng:

- Chào Chúa Công.

Tây Bá lật đật xuống ngựa đáp lễ, rồi hỏi:

- Thầy ở động nào, núi nào, đến đây có việc chi?

Đạo sĩ đáp:

- Tôi ở động Ngọc Trụ, núi Chung Nam, hiệu là Vân Trung Tử, bởi nghe sấm nổ lớn, biết có vị tướng ra đời, nên đến đây tìm kiếm.

Tây Bá truyền đem đứa bé lại cho Đạo sĩ xem. Vân Trung Tử bồng nó rồi nói rằng:

- Tướng tinh đợi chừng nầy mới ra đời! Để cho tôi đem về núi nuôi dưỡng, chừng Chúa Công trở về, tôi sẽ trả lại cho.

- Tôi cám ơn thầy, song lâu mới gặp, nên phải đặt tên cho nó để nhớ mà nhìn.

- Trong sấm sanh ra, thì cứ theo đó mà đặt tên là Lôi Chấn Tử.

Tây Bá khen phải, rồi để cho Vân Trung Tử bồng Lôi Chấn Tử đem về động.

Bảy năm sau, Vân Trung Tử biết Tây Bá Hầu đã mãn hạn ngồi tù ở Dũ Lý, nhưng còn bị tai ương một chút, nay đã đúng kỳ giao ước, nên phải cho Lôi Chấn Tử xuống núi cứu cha, liền sai Kim Hà Đồng Tử gọi Lôi Chấn Tử vào và bảo:

- Nay cha ngươi đương mắc nạn, phải đi cứu cho mau.

Lôi Chấn Tử hỏi:

- Thưa thầy, chẳng hay cha của con là ai?

Vân Trung Tử thuật hết các việc đã xảy ra và nói:

- Cha nuôi của ngươi là Tây Bá Hầu đang mắc nạn ở ải Lâm Đồng. Ngươi đi ra núi Hổ Nhi kiếm đồ binh khí đặng thầy dạy võ nghệ cho mà xuống núi cứu cha.

Lôi Chấn Tử vâng lời thầy, đi đến núi Hổ Nhi tìm binh khí, chẳng thấy chi hết, mà lại thấy một cây hạnh có hai trái chín đỏ rất ngon, liền leo lên hái, ăn thử một trái cảm thấy rất ngon, liền ăn hết hai trái.

Ăn vừa xong thì hai bên sườn bắt ngứa ngáy, thấy mọc ra hai cánh lớn như cánh chim đại bàng. Lôi Chấn Tử thấy vậy rụng rời, ngã lăn bất tỉnh. Một hồi, tỉnh dậy, rờ sóng mũi quá cao, nanh ló ra khỏi môi, mắt lồi khỏi khóe, mặt xanh tóc đỏ, mình cao 2 trượng, lưng lớn 10 vừng. Lôi Chấn Tử không biết vì sao mà mình lại biến hình quái lạ như vậy.

Vân Trung Tử xem thấy, vỗ tay cười lớn, chỉ Lôi Chấn Tử rồi ngâm bài thi:

Ăn hai hạnh đỏ sanh đôi cánh,
Cầm một gậy vàng giúp đế vương.
Bay khắp đất trời làm sấm gió,
Biết bao phép tắc định Âm Dương.
Mắt lồi sáng giới đôi tròng bạc,
Tóc dửng phất phơ một sắc hường.
Tướng tợ Lôi Công, oai tợ sét,
Phò cha dựng nước, dẹp nhà Thương.

Vân Trung Tử dắt Lôi Chấn Tử vào vườn đào, ban cho một cây gậy vàng, dạy cho võ nghệ tinh thông, phép tắc mầu nhiệm, rồi lấy son viết chữ PHONG bên cánh trái, và chữ LÔI bên cánh phải. Vân Trung Tử bảo:

- Ngươi mau qua ải Lâm Đồng cứu cha là Tây Bá Hầu, song chẳng đặng giết tướng của nhà Trụ, cũng không đặng phép theo cha, phải trở lại núi Chung Nam đặng học thêm cho xong phép tắc.

Lôi Chấn Tử tạ ơn thầy, đi ra khỏi động, vỗ hai cánh PHONG LÔI, tức thì bay tới ải Lâm Đồng trong giây lát, thấy một người cỡi ngựa chạy trốn, nghĩ chắc là cha mình đang mắc nạn, nên gọi lớn: "Ông có phải là Tây Bá Hầu đó chăng?"

Tây Bá nghe tiếng, ngó lên núi, thấy một người như quỉ sứ, thì quá sợ hãi, nghĩ sao người nầy lại biết mình là Tây Bá, lại nghĩ mình đang lúc cùng đường thì còn sợ gì nữa, liền cho ngựa chạy lên núi, đến chỗ Lôi Chấn Tử đứng, hỏi:

- Tướng quân là ai mà lại biết tôi là Tây Bá Hầu?

Lôi Chấn Tử nghe rõ liền quì xuống lạy vua cha và thuật rõ mọi việc. Tây Bá Hầu mới biết đó là Lôi Chấn Tử biến thân, bây giờ là học trò Tiên, thì rất vui mừng.

Liền đó, Lôi Chấn Tử bảo cha leo lên lưng mình, nhắm mắt lại, để Lôi Chấn Tử bay đưa cha qua khỏi năm ải, trở về Tây Kỳ, rồi từ biệt cha mà trở về núi Chung Nam theo đúng lời Thầy đã dặn.

Thời gian sau, một hôm, Vân Trung Tử đang ngồi trên giường Bích Vân trong động Ngọc Trụ núi Chung Nam, bỗng nhớ đến việc Thái Sư Văn Trọng đem binh đánh Tây Kỳ, nên gọi Lôi Chấn Tử đến bảo:

- Ngươi hãy xuống Tây Kỳ, ra mắt Võ Vương, và Sư thúc Tử Nha, đặng phò Châu đánh Trụ mà lập công danh.

Lôi Chấn Tử lạy thầy rồi bay xuống Tây Kỳ, xảy thấy binh Trụ đang thua chạy, liền bay xuống đánh tiếp, bị tướng Trụ là Tần Huờn, cũng có đôi cánh biết bay, nên bay lên nghinh chiến.

Tần Huờn đánh không lại nên phải bay đi trốn.

Lôi Chấn Tử trở qua dinh Châu, ra mắt Võ Vương Cơ Phát và Sư thúc Tử Nha.

Trước khi khởi sự đánh vào năm ải chinh phạt vua Trụ, Lôi Chấn Tử hỏi thầy về việc chinh chiến sắp tới thế nào, Vân Trung Tử ngâm rằng:

Rõ ràng trái hạnh sanh đôi cánh,
Bảo hộ nhà Châu đặng tám trăm.

II. Lý Tịnh, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra:

1. Giới thiệu tổng quát:

Lý Tịnh vốn là học trò của Độ Ách Thiên Tôn, ở núi Côn Lôn. Khi còn nhỏ, Lý Tịnh đi tu, sau bị đuổi về, ra phò vua Trụ, làm chức Tổng Binh, trấn ải Trần Đường. Vợ Lý Tịnh là Ân Phu nhân, sanh đặng hai trai vạm vỡ là Kim Tra và Mộc Ta. Nay có nghén lần thứ ba, lạ lắm, ba năm rưỡi mà chưa khai hoa. Đêm kia nhằm giờ Tý, Ân Phu nhân chiêm bao, thấy một Đạo sĩ râu dài đi thẳng vào phòng, cầm một trái châu sáng, liệng vào bụng bà và nói: Phu nhân mau lãnh con báu.

Phu nhân giựt mình thức dậy, thì chuyển bụng, sanh ra một cái bọc điều lớn lắm. Lý Tịnh cả kinh, dùng gươm rạch bọc ra, liền có một đứa bé trong bọc nhảy ra, mình chiếu hào quang, mặt như giồi phấn, tay cầm Càn Khôn quyện, lưng buộc dây Hỗn Thiên lăng. Ấy là Linh Châu Tử đầu thai xuống đó.

Hôm sau, Thái Ất Thiên Tôn là vị Tiên ở động Kim Quang, núi Càn Nguơn, đến nói với Lý Tịnh:

- Nghe tướng quân mới sanh con quí, tôi đến mừng, xin cho tôi xem thử.

Lý Tịnh truyền thể nữ ẵm công tử ra ngoài. Thái Ất bồng thằng bé và hỏi Lý Tịnh:

- Sanh vào giờ nào vậy?

- Vào giờ Sửu.

- Không tốt, vì sanh vào giờ ấy thì phạm sát giới 1700 mạng. Tướng quân có đặt tên cho nó chưa?

- Chưa.

- Để tôi đặt tên cho nó, sau nó sẽ là đệ tử của tôi. Tướng quân có đặng mấy công tử?

- Tôi có ba trai: thằng lớn tên là Kim Tra, theo học với Văn Thù ở núi Ngũ Long động Vân Tiêu; thằng thứ nhì tên là Mộc Tra, theo học với Phổ Hiền ở núi Cửu Cung động Bạch Hạc; còn thằng thứ ba là nó đó. Thầy muốn thâu nhận nó làm đệ tử thì thầy tự ý đặt tên.

- Tôi đặt tên cho nó là Na Tra.

Sau đó, Thái Ất kiếu ra về.

2. Na Tra giết Lý Lương, Ngao Bính, Thể Vân.

Một hôm, Na Tra ra bờ sông tắm chơi, ngồi trên bực thạch, giặt dây lụa đỏ (Hỗn Thiên lăng) làm nước hóa màu hồng, cả sông nổi sóng, làm lâu đài của Long Vương rung rinh. Long Vương Ngao Quảng sai tướng Dạ Xoa Lý Lương lên mé sông xem có việc chi.

Lý Lương vâng lịnh đi lên, thấy Na Tra đang giặt dây lụa đỏ, hào quang sáng ngời, hỏi:

- Thằng nhỏ kia, mày giặt thứ gì mà làm cho nước sông đỏ tươi, lâu đài rung chuyển?

Na Tra thấy dưới nước trồi lên một tướng mặt xanh tóc đỏ, nanh bạc mắt vàng, tay xách búa đồng, tướng như quỉ sứ, ăn nói lỗ mãng thì đáp rằng:

- Mầy là thằng nào? Lâu đài của bây như đồ thợ mã, mà nói với ai?

Lý Lương tức giận, nhảy đến chém Na Tra.

Na Tra lấy Càn Khôn quyện liệng đùa, đánh bể đầu Lý Lương chết tốt. Na Tra nói:

- Báo hại dơ Càn Khôn quyện của ta.

Nói rồi lấy Càn Khôn quyện chao qua chao lại trong nước để rửa cho sạch, hào quang của nó làm cho lâu đài của Long Vương đổ sập nghiêng ngửa. Ngao Quảng thất kinh, xảy có quân vào báo:

- Lý Lương bị một thằng nhỏ đánh bể đầu chết rồi.

Thái Tử Ngao Bính vội bước ra xin đi lên bắt thằng nhỏ đó đem về Long Cung trị tội. Ngao Bính nai nịt, cầm khí giới nhảy vọt khỏi mặt nước, thấy Na Tra đang ngồi đó thì nạt lớn:

- Ai đánh chết tướng Dạ Xoa của ta?

- Tao đây chớ ai. Tao là Na Tra, con của Tổng Binh Lý Tịnh. Tao đang tắm chơi, can cớ chi thằng chết đó, nó tưởng tao là củi nên vác búa lại bửa. Tao đánh chết nó đáng đời.

Ngao Bính tức quá, tiến tới lấy kích đâm liền.

Na Tra đỡ vẹt kích ra rồi nói rằng:

- Mầy là ai? Xưng tên họ ra cho tao biết.

- Tao là Thái Tử Ngao Bính, con của Đông Hải Long Vương Ngao Quảng đây.

- Hèn chi mà mầy làm phách. Tao nói thiệt, nếu chọc tao, thì tao lột da đến cha mầy nữa.

Ngao Bính quá tức giận, cầm kích đâm tới. Na Tra lẹ tay ném Hỗn Thiên lăng trói Ngao Bính lại, rồi đưa Càn Khôn quyện đập một cái, Ngao Bính chết liền, hiện nguyên hình là một con rồng nhỏ. Na Tra nói:

- Để tao rút gân mầy đem về cha tao buộc giáp chơi.

Nói rồi làm liền, xong mặc lại quần áo quay trở về ải. Gia đinh thấy các việc vừa qua, vô cùng hoảng sợ, bò lết theo sau Na Tra, cùng nhau về ải.

Một ngày khác, Na Tra ra hoa viên chơi, thấy một cái lầu tại ải rất cao, bèn leo lên đó chơi và hóng mát, thấy trên đó có đặt một cây cung lớn với 3 mũi tên. Na Tra nghĩ bụng, thầy mình bảo sau nầy mình làm chức Tiên Phuông, phò nhà Châu diệt Trụ, nay thử tập bắn cung tên. Nói rồi liền lắp tên vào, giương cung bắn ra một mũi tên về phía Tây Nam. Ngờ đâu, nó là một cây cung Thần của vua Huỳnh Đế thuở xưa đánh Xi Vưu, còn dư 3 mũi tên Thần, gọi là Chấn Thiên Tiễn, khi bắn, phát ra tiếng sấm vang Trời, lâu nay không ai giương cung nầy nổi, nên để tại lầu cao làm báu vật trấn ải.

Na Tra bắn xong, nghe sấm nổ thì hoảng kinh, buông cung ra, không dám bắn tiếp, và lật đật leo xuống lầu.

Ngờ đâu, mũi tên bay tới núi Khô Lâu, động Bạch Cốt, giết chết Thể Vân đồng tử, học trò của Bà Thạch Cơ, một vị Tiên Triệt giáo.

Thạch Cơ ra xem, thấy đề là Chấn Thiên Tiễn, là biết của Lý Tịnh ở ải Trần Đường, liền cỡi chim loan xanh xuống ải bắt Lý Tịnh về động tra xét. Lý Tịnh xem thấy Chấn Thiên Tiễn bắn chết Thể Vân thì thất kinh, van nài Thạch Cơ:

- Cung Càn Khôn và Chấn Thiên Tiễn là vật linh, lâu nay không ai bắn nổi, chẳng qua tôi mắc vận suy, tai rơi họa gởi, xin cho tôi về ải tra xét ai bắn thì chịu chết cũng cam lòng.

Thạch Cơ nói:

- Cho ngươi trở về tra xét, kẻo kêu nài oan ức. Nếu truy xét không ra đứa bắn thì ta kiện đến thầy ngươi.

Lý Tịnh từ tạ, độn thổ trở về ải, điều tra biết rõ Na Tra có bắn, kinh hãi vô cùng, đòi Na Tra ra nói:

- Mầy đã lấy cung Càn Khôn bắn chết Thể Vân là học trò của Bà Thạch Cơ, Bà bắt tội tao, mầy phải đến Thạch Cơ mà chịu tội.

- Lý Tịnh dẫn Na Tra lên cung Bạch Cốt, gặp Thạch Cơ. Thạch Cơ tha cho Lý Tịnh trở về ải, còn Bà bắt Na Tra, nhưng Na Tra đâu dễ cho bắt, lấy Càn Khôn quyện và Hỗn Thiên lăng đánh với Thạch Cơ, bị Thạch Cơ thâu hết phép báu. Na Tra liền bỏ chạy về động Kim Quang cầu thầy cứu viện.

Thái Ất ra gặp Thạch Cơ, bảo rằng:

- Nếu Bà muốn bắt Na Tra thì hãy lên Cung Ngọc Hư yết kiến Giáo Chủ Nguơn Thỉ là thầy ta, nếu thầy ta dạy ta phải giao nó cho Bà thì ta mới dám giao, vì Na Tra vâng lịnh Ngọc Hư ra đời phò chúa Thánh.

Thạch Cơ thấy không xong, liền ra tay đánh Thái Ất, bị Thái Ất dùng Cửu Long Thần Trảo đốt chết, hiện nguyên hình là một cục đá xanh.

3. Na Tra nhờ thầy cứu, nhập xác bông sen.

Na Tra độn thổ về ải Trần Đường, thấy cha và mẹ đang bị Long Vương bốn biển: Ngao Quảng, Ngao Khâm, Ngao Thuận, Ngao Nhuận, bắt trói làm tội. Na Tra hét lớn:

- Ta đã đánh chết Lý Lương và Ngao Bính, thì một mình ta thế mạng mà thôi, sao lại bắt cha mẹ ta?

Nói xong, Na Tra liền ngó ngay Ngao Quảng nói tiếp:

- Mạng ta đây chẳng nhỏ, ta vốn là Linh Châu Tử vâng lịnh Ngọc Hư đầu thai xuống thế để giúp Thánh Quân. Nay ta mổ bụng, lóc thịt, chặt xương mà trả cho song thân ta, để khỏi di lụy đến cha mẹ ta, ngươi có bằng lòng không? Nếu không chịu thì đồng lên Thiên Cung mà cáo với Ngọc Hoàng xem ai phải ai quấy cho biết.

Ngao Quảng nghe ra liền nói:

- Đạo làm con như vậy thiệt là có hiếu.

Nói rồi liền mở trói cho Lý Tịnh và Ân Phu nhân.

Na Tra lấy gươm ra, tay mặt chặt cánh tay trái, mổ bụng lôi ruột ra, lóc thịt, máu ra lai láng, chết liền.

Bốn vị Long Vương thấy Na Tra làm y theo lời, chịu chết nên lui hết. Ân Phu nhân khóc lóc, rồi liệm xác Na Tra.

Hồn Na Tra đêm ấy về báo mộng cho mẹ, yêu cầu mẹ lập cho một cái miểu ở núi Túy Bình, cách ải Trần Đường 40 dặm, để nhờ hương khói cho linh hồn mau cứng cát.

Được như vậy nửa năm, một hôm Lý Tịnh dẫn quân đi qua núi ấy, thấy thiên hạ đến dâng hương ở một cái miểu rất đông, tiếng đồn nơi miểu có ông Thần linh hiển lắm, ai cầu gì được nấy. Lý Tịnh vào xem thấy đó là miếu thờ Na Tra, có hình cốt y như người thật. Lý Tịnh nổi giận nói: Khi sống báo hại cha mẹ đủ thứ, khi chết lại báo hại dân chúng nữa.

Nói rồi, Lý Tịnh đập phá cốt tượng, sai lính đốt miếu, lửa cháy tiêu tan.

Hồn Na Tra không nơi nương tựa, bay về động Kim Quang báo cáo tất cả các việc với thầy.

Thái Ất toán biết Khương Thượng sắp sửa ra mặt giúp nhà Châu, mà Na Tra chưa hiện hình đặng thì làm sao nên việc. Nghĩ rồi, bèn sai Kim Hà đồng tử đi hái 2 cái bông sen lớn và 3 lá sen còn nguyên cọng.

Thái Ất liền bẻ các cọng sen thành 360 khúc để làm xương, lấy các cánh sen đắp lên làm thịt, đắp phủ bên ngoài 3 lá sen làm da, để một hột linh đơn vào giữa, rồi họa phù niệm chú, bắt vía thâu hồn Na Tra xô nhập vào hình sen, hét lớn: "Na Tra chưa sống lại còn đợi chừng nào?"

Xảy nghe một tiếng ư, có một người từ hình sen trổi dậy, mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son, con mắt có ngời, bề cao 16 thước. Ấy là Na Tra nhập xác bông sen đó.

Na Tra liền lạy thầy tạ ơn tái tạo.

Sau đó, Thái Ất dạy thêm cho Na Tra các môn võ nghệ, phép tắc, rồi truyền cho Na Tra hai bánh xe Phong Hỏa, đặng thế cho ngựa đỡ chơn, và các phép báu là: Càn Khôn quyện, Hỗn Thiên lăng, và một cục Kim Chuyên.

4. Na Tra xuống núi giúp Tử Nha:

Lúc ấy, tướng của vua Trụ là Trương Quế Phương đem binh chinh phạt Tây Kỳ, đánh thắng liên tiếp mấy trận, vì Quế Phương có tà thuật.

Thái Ất đang ngồi trên giường Bích Du, động lòng chẳng an, bèn đánh tay biết rõ, liền gọi Na Tra tới bảo:

- Nay ngươi phải xuống Tây Kỳ mà giúp Sư thúc của ngươi là Tử Nha đặng lập công danh. Nay lần lượt có 36 đạo binh đến đánh phá Tây Kỳ không hở, ngươi hãy rán hết lòng giúp Sư thúc và phò tá Minh Quân.

Na Tra vui mừng khoái chí vì được đi đánh giặc, vội lạy thầy, rồi nổi xe Phong Hỏa đi xuống Tây Kỳ nhanh như chớp, vào Tướng phủ ra mắt Khương Thượng Tử Nha. Tử Nha rất mừng vì có tướng tài đến giúp, liền ra binh đánh lui được Trương Quế Phương.

5. Kim Tra xuống núi:

Vương Ma và Dương Sum là hai Tiên Triệt giáo đến giúp vua Trụ đánh Tử Nha. Vương Ma rượt Tử Nha và liệng Tử Nha một trái Khai Thiên Châu nhằm lưng mà thác. Con Tứ Bất Tướng cũng sa xuống đứng cạnh xác của Tử Nha để giữ thây. Vương Ma giục thú bay đến định cắt lấy thủ cấp của Tử Nha, xảy thấy có Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn ở động Vân Tiêu dẫn theo Kim Tra chờ sẵn ở đó. Văn Thù nói:

- Vương Đạo hữu không nên giết Tử Nha. Bần đạo vâng lịnh Ngọc Hư Cung đợi ở đây lâu lắm, bởi có 5 việc như vầy:

· Một là khí số Thành Thang đã hết.

· Hai là Chơn Chúa Tây Kỳ đã ra đời.

· Ba là đạo Xiển giáo của ta phải phạm sát giới.

· Bốn là Tử Nha đặng hưởng phước giàu sang dưới thế.

· Năm là Tử Nha thế Ngọc Hư Cung mà Phong Thần.

Đạo hữu lâu năm tu theo Triệt giáo, há không nhớ đôi liễn trên Cung Bích Du của Thông Thiên Giáo Chủ hay sao?

Đóng cửa tụng Huỳnh Đình, thiệt có số thành ngôi Chánh quả,

Tách mình qua Tây thổ, là có tên đứng Bảng Phong Thần.

Tuy Đạo hữu đánh chết Tử Nha, nhưng còn có thể cứu sống được. Nếu Đạo hữu nghe lời ta khuyên mà trở về Cửu Long Đảo thì rất tốt, bằng cãi lời ta, sau chớ ăn năn.

Vương Ma nổi giận hét lớn:

- Văn Thù chớ có khoe tài. Ngươi với ta cùng đồng một thể. Ngươi có Giáo chủ, ta không có Giáo chủ sao?

Dứt lời, Vương Ma liền chém tới. Kim Tra đứng sau lướt lên đỡ vẹt đường kiếm của Vương Ma, đồng thời Văn Thù dùng Độn Long Thung, vật báu của Phật, kêu là Thất bảo Kim liên, bắt lấy Vương Ma. Kim Tra chém Vương Ma một nhát, hồn Vương Ma bay lên đài Phong Thần, có Bá Dám cầm phướn Bá Linh ra rước vào.

Văn Thù thâu Độn Long Thung, lạy về núi Côn Lôn mà vái rằng: Đệ tử phạm sát sanh, xin cam thọ tội.

Lạy rồi truyền Kim Tra cõng Tử Nha lên núi đặng đổ thuốc kim đơn cứu sống. Tử Nha tỉnh dậy, cảm tạ Văn Thù.

Khi ấy Văn Thù trao Độn Long Thung cho Kim Tra và dặn rằng: "Ngươi hãy theo sư thúc Tử Nha mà xuống Tây Kỳ hết lòng trợ chiến."

Kim Tra từ tạ thầy rồi đỡ Tử Nha lên lưng Tứ Bất Tướng, đồng trở lại Tây Kỳ.

6. Mộc Tra xuống núi:

Lý Hưng Bá là Tiên Triệt giáo ở Cửu Long Đảo, đến trợ giúp Trương Quế Phương đánh Tử Nha, bị thất trận, chạy đi báo với Thái Sư Văn Trọng. Giữa đường, Lý Hưng Bá gặp một Đạo đồng đón lại nói rằng:

- Ta là Mộc Tra, học trò của Phổ Hiền Chơn Nhơn ở núi Cửu Cung, động Bạch Hạc. Nay ta vâng lịnh thầy ta đón bắt Lý Hưng Bá nạp cho Tử Nha lãnh thưởng.

Lý Hưng Bá cười rằng:

- Con nít khi ta tới nước!

Nói rồi lấy giản đánh liền. Mộc Tra lấy cặp gươm Ngô Câu, một cây trống, một cây mái, đón đánh, giết được Lý Hưng Bá, chặt đầu rồi đem chôn xác, xong độn thổ qua Tây Kỳ, vào ra mắt Tử Nha, thuật rõ các việc.

Tử Nha vui mừng, kêu ba anh em: Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra đến khen rằng:

- Ba anh em học trò Tiên tài giỏi phi thường, đồng phò Chúa Thánh, nêu danh bốn biển, để tiếng muôn đời.

7. Lý Tịnh xuống Tây Kỳ phò Châu:

Công Chúa Long Kiết giúp Tử Nha thâu hết các phép của La Tuyên và đánh La Tuyên chạy dài. La Tuyên chạy đến một ngọn núi kia thì nghe một người ca rằng:

Lánh chốn hồng trần khỏi thị phi,
Xưa từng áo mão ở thành trì.
Kích dài trượng tám, người kiêng sức,
Tháp nặng ngàn hai, cọp khiếp uy.
Ẩn mặt trước còn nương thạch động,
Trổ tài nay mới xuống Tây Kỳ.
Biết thời Trụ mạt, Châu đương phát,
Cái mạng La Tuyên cũng hiểm nguy.

La Tuyên nghe ca, ngó lại thấy một người đội mão kim khôi, mặc đạo phục, tay cầm kích dài, liền hỏi rằng:

- Ngươi là ai mà dám nói phách như vậy?

Người ấy đáp:

- Ta là Lý Tịnh, nay xuống Tây Kỳ giúp Tử Nha lấy 5 ải. Ta không có lễ chi ra mắt, nên mượn cái đầu của ngươi. La Tuyên nổi giận, cầm gươm chém liền. Lý Tịnh quăng Huỳnh Kim Bửu Tháp lên kêu lớn.

- Bớ La Tuyên, ngày nay ngươi khó trốn.

La Tuyên đỡ không kịp, bị tháp sa xuống bể đầu.

Lý Tịnh giết La Tuyên xong, liền độn thổ đi qua Tây Kỳ ra mắt Tử Nha. Bốn cha con đồng phò Châu diệt Trụ.

8. Khởi đánh năm ải:

Trong Lễ đăng đàn bái tướng, Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn an ủi Tử Nha, các vị Đại Tiên rót rượu tiễn hành, còn các học trò hỏi thầy mình tiến trình chinh chiến lành dữ thế nào?

- Kim Tra lạy Văn Thù hỏi. Văn Thù ngâm rằng:

Đã sẵn có công về tám cõi,
Lo chi không kế đánh năm thành.

- Na Tra cũng lạy Thái Ất cầu hỏi. Thái Ất ngâm rằng:

Khi vào Tỵ Thủy càng thêm phép,
Mới biết liên hoa lại hóa hình.

- Mộc Tra lạy Phổ Hiền cầu hỏi. Phổ Hiền ngâm:

Gươm báu Ngô Câu là phép mạnh,
Đường trường quan ải dễ ai ngăn.

- Lý Tịnh lạy Đức Nhiên Đăng cầu hỏi. Nhiên Đăng nói: Ngươi lại khác hơn người ta nữa, rồi ngâm:

Thành luôn vừa xác về Tiên cảnh,
Chẳng những phần hồn đến Ngọc Kinh.

III. Dương Tiễn:

Lúc nầy Tử Nha và Võ Vương còn đang bị Ma Gia Tứ Tướng vây khổn nơi Tây Kỳ gần giáp một năm, chưa phân thắng bại. Xảy thấy quân vào báo với Tử Nha:

- Có một ông Đạo đến xin vào ra mắt.

Tử Nha liền cho mời vào, thì thấy một Đạo sĩ đội mão Phiến Vân, mặc áo Bát Quái, đi giày cỏ, buộc giải tơ, đến làm lễ ra mắt Tử Nha và thưa rằng:

- Đệ tử họ Dương tên Tiễn, học trò của Ngọc Đảnh Chơn Nhơn, vâng lịnh thầy xuống núi đến hầu Sư thúc.

Tử Nha vui mừng không xiết, vì biết Dương Tiễn rất tài giỏi, có nhiều mưu lạ, và có nhiều phép biến hóa không lường, kêu các tướng đến giới thiệu cho biết mặt, rồi dẫn Dương Tiễn đến ra mắt Võ Vương.

Trước khi khởi sự Chinh Đông, đánh Ngũ quan, diệt vua Trụ, Dương Tiễn lạy thầy là Ngọc Đảnh Chơn Nhơn, hỏi việc chinh chiến sắp tới thế nào. Ngọc Đảnh Chơn Nhơn đáp:

- Ngươi khác với người ta xa lắm.

Nói rồi ngâm rằng:

Tập luyện huyền công, ai sánh kịp,
Tung hoành thế giới, bực nào hơn.

Dương Tiễn nhờ có Thất thập nhị Huyền công (72 phép biến hóa), nên đã giúp Tử Nha rất đắc lực, tạo nhiều kỳ công.

IV. Vi Hộ:

Lữ Nhạc là Tiên Triệt giáo, bị Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Dương Tiễn, đánh cho bại tẩu, cùng với học trò là Dương Văn Huy chạy đến một ngọn núi, định ngồi xuống nghỉ mệt, thì gặp một người nửa Tiên nửa tục, mình mặc áo Đạo, đầu đội Kim khôi, tay cầm Giáng Ma Xử, vừa đi vừa ca.

Lữ Nhạc đón lại hỏi:

- Đạo sĩ là ai, đi đâu đó?

Người ấy đáp rằng:

- Ta họ Vi tên Hộ, học trò của Đạo Hạnh Thiên Tôn ở núi Kim Đỉnh, tại động Ngọc Ốc, vâng lịnh thầy ta xuống Tây Kỳ giúp Sư thúc Tử Nha đánh Ngũ quan phạt Trụ, nay thuận đường qua đây đặng bắt thầy trò Lữ Nhạc mà lập công.

Dương Văn Huy nghe nói thì nổi giận thét:

- Khen mi cả gan dám lớn lối.

Thét vừa dứt thì rút kiếm chém. Vi Hộ cười rằng:

- Nói vậy thì may lắm, không dè lại gặp thầy trò Lữ Nhạc tại đây, thật tiện cho ta, khỏi mất công tìm kiếm.

Đánh nhau được năm hiệp, Vi Hộ quăng Giáng Ma Xử lên để đánh Dương Văn Huy. Có bài thơ khen Vi Hộ:

Trong lò Bát Quái luyện hèn lâu,
Chày Giáng Ma nầy rất nhiệm mầu.
Vi Hộ ngày sau thành Hộ Pháp,
Văn Huy nay gặp nát tan đầu.

Cây Giáng Ma Xử như cái chày nện vải mà luyện pháp rất hay, cầm trên tay thì nhẹ như bông, đánh nhằm người thì nặng như núi. Giáng Ma Xử của Vi Hộ đánh Dương Văn Huy bể đầu chết liền, linh hồn bay lên Đài Phong Thần.

Lữ Nhạc thấy học trò đã chết, nổi giận hét lớn:

- Ngươi dám khi ta.

Nói rồi liền đưa gươm chém Vi Hộ. Đánh đặng 7 hiệp, Vi Hộ cũng quăng Giáng Ma Xử lên cao, Lữ Nhạc biết nguy, độn thổ trốn mất.

Vi Hộ thâu Giáng Ma Xử, đi qua Tây Kỳ vào ra mắt Tử Nha, thuật lại các việc. Tử Nha rất mừng vì có thêm tướng tài giúp sức đánh Ngũ quan.

Trước khi khởi hành đi đánh Ngũ quan, Vi Hộ lạy thầy là Đạo Hạnh Thiên Tôn hỏi về bước đường chinh chiến sắp tới, Đạo Hạnh Thiên Tôn đáp:

-Ngươi phò Sư thúc Tử Nha đi đánh Mạnh Tân không can chi mà ngại.

Nói rồi ngâm rằng:

Dẫu bao nhiêu bạn tu hành kỹ,
Có một mình ngươi quả vị cao.

Quả thật về sau, Vi Hộ đắc quả Phật Hộ Pháp, gọi là Vi Hộ Pháp, hộ giá Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Vi Hộ Pháp đầu kiếp xuống trần vào nhà họ Phạm, tên là Phạm Công Tắc, để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo. (Xem bài Thánh giáo ở phía sau của Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tiết lộ cho biết điều đó.)

V. Thất Thánh trở về núi tu luyện:

Bảy vị Thánh, sau khi giúp Tử Nha thành công, phò Võ Vương, diệt vua Trụ, bình định thiên hạ, và Tử Nha vâng sắc chỉ của Đức Chưởng giáo Nguơn Thủy phong Thần các tướng tử trận xong, Thất Thánh đồng vào tâu với Võ Vương:

- Chúng tôi là người ở núi non, vâng lịnh thầy xuống giúp Bệ hạ. Nay nước nhà được thái bình, chúng tôi xin trở về núi tu hành, còn việc phú quí, chúng tôi không muốn.

Võ Vương phán rằng:

- Trẫm nhờ các khanh tài cao phép lạ, công khó trí dày, mới cứu được nước được dân. Nay thái bình, các khanh không chịu hưởng giàu sang, Trẫm nỡ nào để các khanh về núi.

Bảy người đồng tâu:

- Chúng tôi đội ơn Bệ hạ, nhưng không dám cãi lời thầy, vả lại lòng tu còn nặng, không có ý hưởng tước quyền, xin Bệ hạ cho chúng tôi toại nguyện.

Võ Vương biết không thể nào lưu Thất Thánh lại được, nên buồn bã nói:

- Trước khi khởi binh, những trung thần nghĩa sĩ như mây rợp đất, thế mà sau cuộc chiến chinh, nửa đường bỏ mạng rất nhiều, Trẫm lấy làm thảm thiết. Nay các khanh đòi rời Trẫm, Trẫm không thể ngăn được, vậy xin đợi Trẫm tổ chức một tiệc tiễn hành, các khanh lợi dụng lúc Trẫm thật say mà ra đi để Trẫm bớt đau lòng.

Hôm sau, tiệc dọn tại Trường đình, bảy người đều đủ mặt. Võ Vương cùng các quan ra đón. Bảy người tiếp giá. Võ Vương nắm tay từng người, nói rằng:

- Các vị nay về núi, tức là bực Thần Tiên, không còn ràng buộc đạo vua tôi nữa. Vậy chớ nên khiêm nhường, hãy cùng Trẫm đồng bàn uống thật say một bữa.

Bảy người tạ ơn, đồng ngồi dự tiệc. Thiên hạ nghe đồn Thiên tử đưa Thần Tiên về núi, nên kéo đến xem rất đông.

Mãn tiệc, bảy người từ giã. Võ Vương rưng rưng nước mắt. Tử Nha theo đưa một đỗi nữa rồi mới chia tay. Bảy vị sau này đều tu thành Chánh quả. Có bài thơ rằng:

Từ giã về non lánh tục trần,
Thanh nhàn cảnh tịnh rất an thân.
Quyết thành Chánh quả nên Tiên Phật,
Khỏi đọa luân hồi trả oán ân.
Hai chữ thị phi đà chẳng bợn,
Một câu vinh nhục cũng không cần.
Vui chơi nào biết mùi dương thế,
Dâu bể màng chi đổi mấy lần.

Sau đây là bài giáng cơ của Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tức là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói về Thất Thánh và Vi Hộ:

Phò loan: Hộ Pháp – Bảo Đạo.
Báo Ân Đường Kim Biên, ngày 15-8- Bính Thân
(dl 19-9-1956).

THANH SƠN ĐẠO SĨ

Bần tăng xin chào Thiên Tôn, Chơn Quân, Hiền đệ.

Thưa Thiên Tôn, có Nguyệt Tâm Chơn Nhơn đến, nhưng nhường cơ cho Bần tăng trước. Cười....

Nhiều điều Thiên Tôn hỏi, Bần tăng khó trả lời đặng. Duy Nguyệt Tâm đảm đương Thiên vụ, người hiểu biết rõ hơn Bần tăng. Vậy Thiên Tôn nên vấn nơi người.

Chỉ có bài thi của Bần tăng có hơi huyền bí tiên tri, nên Bần tăng có thể giải đáp.

Thiên Tôn nhớ lại, khi lập thành Phong Thần bảng, những người đứng vào hàng Thất Thánh là ai?

Hộ Pháp bạch: Lý Thiên Vương, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử.

- Phải! Thì trước đầu kiếp vào nhà họ VI, còn nay vào nhà họ PHẠM. Điều đó có chi khó hiểu mà phỏng đoán. Tiên tri của Bần tăng đã nhiều và chỉ rõ Việt Nam xuất Thánh thì đã hẳn rồi, còn chi không rõ rệt. Hơn nữa lại còn một điều trọng hệ hơn là Di-Lạc giáng linh, thì Thiên Tôn đã thấy rằng, tiên tri vốn không sai sót.

Còn lời thứ hai, Thiên Tôn hỏi Bần tăng, thì xin Ngài vấn đáp với Nguyệt Tâm, vì chính mình người đã truyền tin ấy. Vui mừng hơn nữa là từ đây thiên hạ sẽ hiểu rõ Thánh chất của Thiên Tôn và ngọn cờ cứu khổ sẽ cứu quốc cho giống nòi Việt Nam, rồi loan ra cho toàn thế giới chung hưởng.

Bảo Đạo! Có phải ta tri âm với nhau về điều ấy chăng?

THĂNG.