Cao Đài Tự Điển - Vần R
ID018363 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần R 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • Rạc tù

    A: The prison.

    P: Le prison.

    Rạc: nhà giam. Thường nói: ở tù ở rạc.

    Rạc tù là nhà tù, nơi giam giữ người có tội.

    KSH: Nết xéo xiên gặp chỗ rạc tù.

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • Rằm Thượng, Trung, Hạ nguơn

    A: The fifteenth day of the first (7th, 10th) lunar month.

    P: Le quinzième jour du premier (7è, 10è) mois lunaire.

    Rằm: ngày trăng tròn, tức là ngày15 mỗi tháng âm lịch.

    Ngày rằm, chữ hán là Vọng nhựt. Ngày mùng 1 âm lịch là Sóc nhựt. Mỗi năm có 3 ngày rằm lớn:

    · Rằm Thượng nguơn là ngày 15 tháng giêng âm lịch.

    · Rằm Trung nguơn là ngày 15 tháng 7 âm lịch.

    · Rằm Hạ nguơn là ngày 15 tháng 10 âm lịch.

    I. Rằm Thượng nguơn:

    Theo Nho giáo, ngày rằm Thượng nguơn là lễ: "Thượng nguơn tứ phước Thiên Quan Đại Đế Thắng Hội", hay cũng gọi là: Thượng nguơn Thiên Quan Thánh Đản.

    Tương truyền, Thiên Quan là vua Nghiêu.

    Nho giáo chọn ngày rằm tháng giêng làm ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Nghiêu.

    Vua Nghiêu là vị Thánh vương thời thượng cổ của nước Tàu, lấy đức trị dân, làm cho dân được an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc, để lại tấm gương sáng làm mẫu mực cho các vua chúa đời sau.

    Do đó, đời sau tặng vua Nghiêu danh hiệu: Thiên Quan Tứ Phước 天官賜福. Thiên Quan là ý nói cái đức của vua Nghiêu sánh như Trời, che trùm thiên hạ. Tứ Phước là ban phước cho dân. Thiên Quan Tứ Phước là vua Nghiêu ban phước cho dân.

    Thời xưa, nhiều nhà lập bàn thờ vua Nghiêu bằng một cái khánh nhỏ đặt ngoài trời, trong đó có viết 4 chữ Hán "Thiên Quan Tứ Phước".

    ■ Đối với Đạo Cao Đài, ngày rằm Thượng nguơn là ngày cầu nguyện Cửu Huyền Thất Tổ được ân xá tội tình và cầu nguyện chư chiến sĩ trận vong cùng các đẳng chơn hồn được siêu thăng tịnh độ.

    Do đó, lòng sớ dâng lên Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật trong Đại Lễ Rằm Thượng nguơn, chép ra như sau đây:

    "Kim vì vận hội Thượng nguơn, Ngọc Hư Cung Linh Tiêu Điện đại khai ân xá các đẳng linh hồn.

    Chư Thiên phong nghiêm thiết đàn tràng, hương đăng hoa trà quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ.

    Ngưỡng nguyện VÔ TRUNG TỪ PHỤ phát hạ hồng ân, hóa sanh đại đức, tùy nguơn vận hội, ân xá chư linh hữu công hành đạo, tế độ nhơn sanh, cập tiền vãng Thất Tổ, hậu vãng Cửu Huyền, do tử tôn lập thân hành đạo dĩ hiến phụ mẫu hiếu nghĩa vi tiên, chư chiến sĩ trung thành dõng cảm vị quốc vong thân, dĩ chí toàn thể lê dân thống khổ chiến tranh đồng thời tử nạn.

    Nguyện cầu các đẳng linh hồn, cập chư chiến sĩ vị quốc vong thân tảo đắc siêu thăng tịnh độ.

    Chư đệ tử đồng thành tâm khấu bái cẩn sớ thượng tấu. Dĩ văn."

    Dịch nghĩa ra Việt văn:

    "Nay vì vận hội Thượng nguơn, Ngọc Hư Cung và Linh Tiêu Điện đại khai ân xá các cấp linh hồn.

    Các Chức sắc Thiên phong trang nghiêm thiết lập đàn cúng tế, nhang, đèn, bông, trà, trái cây, rượu tinh khiết, làm thành nghi tiết, thành tâm dâng lễ.

    Ngưỡng nguyện Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ trong cõi Hư Vô ban xuống hồng ân, hóa sanh đức lớn, tùy theo nguơn vận hội, ban ơn xá tội cho các chơn linh có công hành đạo, cứu giúp nhơn sanh, và Thất Tổ đã qua trước, Cửu Huyền đã qua sau, do con cháu lập thân hành đạo để hiến dâng lên cha mẹ vì hiếu nghĩa làm đầu, các chiến sĩ trung thành dũng cảm vì nước quên mình, đến toàn thể dân chúng đau khổ vì chiến tranh đồng thời tử nạn.

    Cầu nguyện các đẳng linh hồn và các chiến sĩ vì nước quên mình sớm được siêu thăng lên miền tịnh độ.

    Các đệ tử đồng thành tâm cúi lạy kính cẩn dâng sớ tâu lên. Kính trình."

    Cũng trong dịp rằm Thượng nguơn nầy, Hội Thánh tổ chức cúng tế Cửu Huyền Thất Tổ và Chiến sĩ trận vong nơi Trai đường, sau đó là cúng tế và Cầu Siêu Hội các đẳng vong linh nơi Khách Đình.

    Tấm phan lễ Cầu Siêu Hội là cây phướn chiêu hồn, kêu gọi các đẳng vong hồn đến hưởng lễ tế điện và cầu siêu.

    Tấm phan đó được viết như sau:

     

    THIÊN VẬN THƯỢNG NGUƠN ĐẠI KHAI ÂN XÁ
    ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    (Lục thập bát niên)
    Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt.

    Thiên vận Quí Dậu niên, Chánh ngoạt, thập lục nhựt, ngọ thời, Thiên ân xá tội.

    Hội Thánh thiết lễ Tế Điện Cầu Siêu Hội.

    Cẩn thỉnh:

    • Đẳng đẳng chư vong linh nam nữ quá vãng sanh bất phùng thời,
    • Chư chiến sĩ trận vong,
    • Hoặc sĩ, nông, công, thương vô can tử nạn,
    • Cập thập loại cô hồn yểu tử,

    Cấp cấp đáo lai Khách Đình đàn nội,

    Thọ hưởng hồng ân đồng đăng bỉ ngạn.

     

    Dịch nghĩa ra Việt văn:

    VẬN TRỜI RẰM THƯỢNG NGUƠN ĐẠI KHAI ÂN XÁ
    ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    (Năm đạo thứ 68)
    Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt.

    Vận Trời năm Quí Dậu, tháng giêng, ngày 16, giờ Ngọ, ơn Trời xá tội.

    Hội Thánh thiết lễ Tế Điện và Cầu Siêu Hội.

    Kính mời:

    · Các cấp chư vong linh nam nữ đã chết, sanh không gặp thời,

    · Chư chiến sĩ chết nơi mặt trận,

    · Hoặc các vị trong Sĩ, Nông, Công, Thương, vô can chết vì tai nạn,

    · Và mười loại cô hồn chết yểu,

    Mau mau đến Khách Đình, vào trong đàn tế,

    Thọ hưởng ơn Trời, cùng qua bờ giác.

    II. Rằm Trung nguơn:

    Ngày rằm Trung nguơn là lễ "Trung nguơn Địa Quan Thánh Đản" hay cũng gọi là Trung nguơn Địa Quan Xá Tội.

    Tương truyền Địa Quan là vua Thuấn.

    Nho giáo chọn ngày rằm tháng 7 âm lịch làm ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Thuấn.

    Vua Thuấn là một vị Thánh vương của nước Tàu thời thượng cổ, Ngài nổi tiếng là người con hiếu thảo, đứng đầu Nhị thập tứ Hiếu.

    Vua Nghiêu nghe ông Thuấn là trang hiếu thảo đệ nhứt nên tìm đến gặp ông Thuấn, rồi đem hai con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh gả hết cho ông Thuấn, xem xét cách ăn ở của ông Thuấn trong 3 năm, thấy quả thật Thuấn là người hiền nên vua Nghiêu quyết định truyền ngôi vua cho ông Thuấn.

    Đức của vua Thuấn cũng ban rải khắp thiên hạ, nên dân chúng đều được thái bình an lạc.

    Trong sách Trung Dung, Đức Khổng Tử rất khen ngợi vua Thuấn: "Hạnh hiếu của vua Thuấn lớn lắm vậy! Luận về đức, Ngài là bậc Thánh nhơn; luận về sang thì Ngài ở ngôi Thiên tử; luận về giàu thì gồm bốn biển, ông bà cha mẹ được hưởng cúng tế trong tông miếu (đó là quang ư tiền), con cháu được triều đình ban cho phước lộc (đó là dụ ư hậu)."

    Vì hiếu của Ngài rất lớn nên đời sau tặng cho Ngài là Địa Quan Xá Tội 地官赦罪.

    Do đó, trong ngày rằm tháng 7, người nào nhớ tưởng đến ông bà cha mẹ quá vãng mà thực lòng cầu khẩn cho ông bà cha mẹ được siêu thăng thì được vua Thuấn cảm ứng, xem xét lòng hiếu thảo của người con mà xá tội cho ông bà cha mẹ khỏi chịu hình phạt nơi cõi Âm phủ.

    Đức của vua Thuấn rộng lớn như Đất (Địa), nghĩa là gánh chở tất cả thiên hạ, bao dung không phân biệt hạng người nào, nên mới tôn Ngài là Địa Quan.

    Như vậy, theo Nho giáo, ngày rằm Trung nguơn là ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Thuấn. Ngài là Địa Quan Xá Tội, cảm ứng với những người nào có lòng thành cầu khẩn cho ông bà cha mẹ quá vãng bị đọa đày nơi cõi Âm được siêu thăng.

    ■ Bên Phật giáo, ngày rằm Trung nguơn là ngày rất quan trọng vì Phật dạy thiết lễ Vu Lan Bồn.

    Vu Lan Bồn là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn: Ullambana, Ullam là Vu Lan, Bana là Bồn, người Tàu dịch nghĩa là: Giải đảo huyền, tức là cởi trói người bị treo ngược, ý nói cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề.

    Ngài Mục Kiều Liên, đệ tử của Đức Phật Thích Ca, tu hành chứng được quả A-La-Hán, đạt được Lục Thông (6 phép Thần thông), tưởng nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, Ngài liền dùng thần nhãn thấy được mẹ đang bị đọa làm Ngạ quỉ nơi Âm phủ, thân thể ốm gầy tiều tụy, bụng lớn đầu to, cổ nhỏ như ống chỉ, không ăn uống gì được nên suốt năm chịu đói khát luôn luôn. Ngài Mục Kiều Liên thương xót mẹ quá nên Ngài vận thần thông đem bát cơm đến dâng cho mẹ. Bà mẹ vì quá khao khát nên khi cầm được chén cơm thì lòng ích kỷ nổi lên, sợ người khác cướp giựt, lấy tay trái che giấu chén cơm, tay mặt bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên nên khi đưa cơm vào miệng, thì cơm hóa thành lửa, bà chẳng ăn được, vẫn phải chịu đói khát.

    Ngài Mục Kiều Liên thấy thế thì hết sức đau buồn, kêu khóc thảm thiết. Ngài đến bạch hỏi Đức Phật Thích Ca, cầu xin Đức Phật dạy cách cứu độ thân mẫu.

    Đức Phật Thích Ca dạy rằng:

    - Này Mục Kiều Liên, mẹ của ông do lòng tham lam độc ác, tạo ra tội lỗi nặng nề, trải qua nhiều kiếp, nay bị đọa vào ác đạo làm loài ngạ quỉ, nên không thể một mình ông cứu độ được. Mặc dầu lòng hiếu thảo của ông lớn lao nhưng không làm sao chuyển được hoàn cảnh, chẳng khác gì một chiếc thuyền con không thể chở nổi một tảng đá lớn.

    Vậy ông phải nhờ oai thần của chúng tăng trong mười phương, đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát.

    Ta nay vì ông, chỉ dạy phương pháp cứu độ cha mẹ ông thoát khỏi các điều đày đọa khổ sở nơi cõi Âm phủ.

    Này Mục Kiều Liên! Ngày rằm tháng 7 là ngày tự tứ của chư tăng trong mười phương, sau 3 tháng an cư kết hạ, tinh tấn tu hành. Ngày ấy cũng là ngày hoan hỷ của chư Phật vì thấy chư tăng tiến bộ rất nhiều trên đường tu học, các nghiệp được thanh tịnh, ba món vô lậu học được tăng trưởng, công đức thêm nhiều và đến ngày viên mãn. Vậy ông nên nhân ngày ấy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho cha mẹ ông, và cầu xin cho mẹ ông được giải thoát khỏi nơi ác đạo.

    Ông hãy sắm đủ các món hương trăm mùi, năm thứ trái cây, cùng nhang dầu đèn nến, giường chiếu, mùng mền, quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay, tóm lại là đủ bốn món cúng dường quí báu trong đời, rồi ông phải thân hành đi rước các vị đại đức cao tăng trong mười phương, hoặc những vị thiền định trong núi rừng chứng được bốn quả Thánh, các vị kinh hành dưới cội cây được sáu phép thần thông tự tại như hàng Thanh văn, Duyên giác, các vị Thánh tăng, hoặc Thập Địa Bồ Tát thị hiện làm Tỳ Kheo, v.v....Ông phải thành tâm kính lễ trai tăng, cúng dường và thỉnh cầu chư tăng chú nguyện cho linh hồn mẹ ông được thoát khổ. Nhờ công đức chí thành chú nguyện, linh hồn của mẹ ông sẽ được siêu thoát, cũng như tảng đá dù nặng ngàn cân, song nhiều người khiêng thì dời nó đi đâu cũng được.

    Ngài Mục Kiều Liên vâng theo lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng 7 làm lễ Vu Lan, nhờ đó mà thân mẫu của ông được thoát kiếp ngạ quỉ, siêu thăng về cõi giới lành.

    Sau khi thấy phép Vu Lan có kết quả tốt đẹp, Ngài Mục Kiều Liên hết sức vui mừng, bạch hỏi Đức Phật Thích Ca:

    - Bạch Thế Tôn, thân mẫu của đệ tử nhờ công đức Tam bảo và oai thần của chư tăng, nên được thoát kiếp ngạ quỉ khổ não. Vậy về đời sau, trong hàng Phật tử, nếu có người muốn làm lễ Vu Lan Bồn nầy để cứu độ cha mẹ của họ trong hiện tại hay trong nhiều kiếp trước, chẳng biết có được không?

    Đức Thế Tôn dạy rằng:

    - Quí lắm! Nầy Mục Kiều Liên, đời sau nếu có được các Tỳ Kheo, vua, thái tử, các quan, hàng tam công cho đến thứ dân, vì lòng hiếu thảo, muốn đền đáp công ơn cha mẹ hiện tại hay quá khứ, thì cứ ngày rằm tháng 7 mỗi năm, là ngày Phật hoan hỷ, làm lễ Vu Lan nầy, để cúng dường trai tăng. Nhờ công đức của chư tăng chú nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng long phước thọ, khỏi những điều tai họa khổ não, còn cha mẹ đời trước thì khỏi khổ ngạ quỉ, được sanh vào cõi Nhơn Thiên, hưởng phước vui vẻ không cùng.

    Khi đó Ngài Mục Kiều Liên và bốn chúng đệ tử đều hoan hỷ vâng làm.

    Và từ đó về sau, mỗi năm cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, các hàng Phật tử có hiếu đều làm lễ Vu Lan để đền đáp

    công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

    Chú thích vài từ ngữ của Phật giáo:

    Tự tứ: tùy ý, tức là tự mình khai tội ra trước Giáo hội mà sám hối. Ngày tự tứ được Giáo hội qui định là ngày rằm tháng 7 âm lịch.

    An cư kết hạ: ở yên kết lại với nhau trong mùa hạ lo tu học. Thời gian an cư kết hạ gồm 3 tháng: từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7.

    Vô lậu là dứt phiền não. Phiền não do 3 thứ: Tham, Sân, Si.

    Trai tăng: đãi các nhà sư ăn tiệc chay.

    Tóm lại, ngày rằm tháng 7 tức là rằm Trung nguơn, Nho giáo và Phật giáo đều định cho là ngày con báo hiếu cha mẹ.

    - Nho giáo thì khuyên chư nhu cúng lễ: Địa Quan Xá Tội, Ngu Thuấn Đại Đế, tức là cúng và cầu nguyện vua Thuấn xá tội cho cha mẹ, để cha mẹ được thoát khỏi các cảnh khổ não nơi cõi Âm phủ.

    - Phật giáo thì Đức Phật Thích Ca dạy các Phật tử làm lễ Vu Lan Bồn, trai tăng cúng dường chư Đại Đức, Tỳ Kheo, tăng ni, để nhờ chư tăng ni chú nguyện cho cha mẹ được thoát khỏi các cảnh đày đọa khổ não nơi cõi Địa ngục.

    ■ Đối với Đạo Cao Đài, ngày rằm Trung nguơn không có cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ (vì đã cầu nguyện trong rằm Thượng nguơn), chỉ cầu nguyện các chiến sĩ trận vong và các đẳng vong hồn vừa qui liễu từ rằm tháng giêng đến rằm tháng 7 âm lịch.

    Lòng sớ cúng Đại lễ rằm Trung nguơn chép ra như sau:

    "Kim vì vận hội Trung nguơn, Ngọc Hư Cung đại khai ân xá các đẳng linh hồn.

    Chư Thiên phong nghiêm thiết đàn tràng, hương đăng hoa trà quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ.

    Ngưỡng vọng VÔ TRUNG TỪ PHỤ phát hạ hồng ân, hóa sanh đại đức, tùy nguơn hội ân xá chư linh hữu công hành đạo, thọ khổ tế độ nhơn sanh, dĩ vong tánh mạng, cập chư chiến sĩ trung thành dõng cảm vị quốc vong thân, chí toàn thể lê dân thống khổ chiến tranh đồng thời tử nạn, nguyện cầu các đẳng linh hồn tảo đắc siêu thăng tịnh độ.

    Chư đệ tử đồng thành tâm khấu bái cẩn sớ thượng tấu. Dĩ văn."

    Dịch nghĩa ra Việt văn:

    Nay vì vận hội Trung nguơn, Ngọc Hư Cung đại khai ân xá các cấp linh hồn.

    Các Chức sắc Thiên phong trang nghiêm thiết lập đàn cúng tế, nhang, đèn, bông, trà, trái cây, rượu tinh khiết, làm thành nghi tiết, thành tâm dâng lễ.

    Ngưỡng nguyện Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ trong cõi Hư Vô ban xuống hồng ân, hóa sanh đức lớn, tùy theo nguơn vận hội, ban ơn xá tội cho các chơn linh có công hành đạo, chịu nhiều khổ nhọc, cứu giúp nhơn sanh, đã mất tánh mạng, cùng các chiến sĩ trung thành dũng cảm vì nước quên mình, đến toàn thể dân chúng đau khổ vì chiến tranh đồng thời tử nạn.

    Cầu nguyện các đẳng linh hồn sớm được siêu thăng tịnh độ.

    Các đệ tử đồng thành tâm cúi lạy kính cẩn dâng sớ tâu lên. Kính trình.

    Và sau đó thì cúng tế và Cầu Siêu Hội các đẳng chơn hồn nơi Khách Đình, cũng giống y như kỳ rằm Thượng nguơn.

    III. Rằm Hạ nguơn:

    ■ Theo Nho giáo, ngày rằm Hạ nguơn là lễ: Thủy Quan Giải Ách 水官解厄, hay nói đầy đủ là: Hạ nguơn Giải Ách Thủy Quan Đại Đế Thắng Hội.

    Tương truyền, Thủy Quan là vua Hạ Võ, vị vua có công lớn với dân chúng vào thời thượng cổ nước Tàu, vì vua Hạ Võ trị thủy thành công, hết nạn nước lụt hằng năm. Nhờ công lớn nầy, vua Thuấn nhường ngôi cho Hạ Võ, mở ra nhà Hạ.

    Đời sau chọn ngày rằm Hạ nguơn làm ngày Thánh đản của vua Hạ Võ, và dân chúng tặng Ngài danh hiệu Thủy Quan Đại Đế để nhắc lại công đức trị thủy của Ngài, và cũng có ý nói rằng: công đức của vua Hạ Võ nhiều như nước, làm lợi rất lớn cho cả thiên hạ.

    Đến ngày rằm Hạ nguơn, dân chúng cúng tế và cầu nguyện vua Hạ Võ cởi bỏ hết các tai ách cho dân chúng nhờ.

    ■ Đối với Đạo Cao Đài thì rằm Hạ nguơn là ngày kỷ niệm Đại lễ KHAI ĐẠO, có tổ chức cúng Đại đàn Đức Chí Tôn và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Lòng sớ cầu nguyện Đức Chí Tôn y như lòng sớ cúng rằm Trung nguơn.

    Sau đó thì tổ chức cúng tế và Cầu Siêu Hội cho các đẳng vong linh và các chiến sĩ trận vong nơi Khách Đình, tấm phan làm phướn chiêu hồn y như kỳ rằm Thượng nguơn.

    Tóm lại:

    ■ Theo Nho giáo:

    Ba ngày rằm lớn trong năm là 3 ngày đại lễ kỷ niệm Thánh đản của 3 vị Thánh vương thời thượng cổ nước Tàu, có nhiều công đức đối với dân chúng:

    · Rằm Thượng nguơn, cúng tế vua Nghiêu với tôn hiệu là: Thiên Quan Tứ Phước.

    · Rằm Trung nguơn, cúng tế vua Thuấn với tôn hiệu là: Địa Quan Xá Tội.

    · Rằm Hạ nguơn, cúng tế vua Hạ Võ (Hạ Vũ) với tôn hiệu là: Thủy Quan Giải Ách.

    ■ Theo Phật giáo:

    Chỉ có ngày rằm Trung nguơn là làm lễ Vu Lan nơi các chùa, cúng dường chư tăng ni, đại đức, để cầu xin chư tăng ni chú nguyện, giải thoát cha mẹ đã chết khỏi các khổ hình nơi cõi Âm phủ và được siêu thăng, hoặc cầu cho cha mẹ còn sống được tăng long phước thọ.

    ■ Theo Đạo Cao Đài:

    Ba ngày rằm Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn đều thiết đại lễ cúng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi Tòa Thánh, Thánh Thất, Báo Ân Từ và các Điện Thờ Phật Mẫu, để dâng sớ cầu nguyện cho các đẳng chơn hồn vừa mới qui liễu vì đau bịnh hay vì tai nạn, cùng với các chiến sĩ vị quốc vong thân vừa tử trận, tất cả đều được siêu thăng lên miền tịnh độ. Việc Cầu Siêu Hội được tổ chức nơi Khách Đình.

    Đặc biệt trong ngày rằm Thượng nguơn, các tín đồ của Đạo Cao Đài lập sớ dâng lên Đức Chí Tôn, lấy công quả hành đạo để cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ và phụ mẫu được siêu thăng lên miền Cực Lạc.

     

  • Răn he

    A: To admonish.

    P: Avertir.

    Răn: chỉ bảo cho biết điều sai trái mà chừa.

    Răn he là bảo cho biết điều sai trái và hăm he trừng phạt nếu phạm vào.

    CG PCT: Người tín đồ phạm vào luật đạo thì Chánh Trị Sự phải khuyên nhủ răn he ít nữa là đôi lần.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • ROI

    ROI: để lại, lưu lại.

    Td: Roi dấu.

     

  • Roi dấu

    A: To leave a vestige.

    P: Laisser un vestige.

    Roi: để lại, lưu lại. Dấu: vết tích.

    Roi dấu là lưu lại dấu tích.

    Bài thài hiến lễ hàng Thánh, Thần:

    Thoát trần roi dấu tiếng anh phong.

     

  • Roi vàng đường hạc

    Roi: để lại, lưu lại. Vàng: màu vàng. Đường hạc: đường bay của con chim hạc.

    Roi vàng đường hạc là lưu lại cái ánh sáng màu vàng theo đường bay của con chim hạc.

    KĐ4C: Sắc huỳnh chiếu roi vàng đường hạc.

    KÐ4C: Kinh Ðệ Tứ cửu.

     

  • RỒNG

    A: The dragon.

    P: Le dragon.

    Rồng, chữ hán là Long, chữ Phạn là Nâga, là một loài sinh vật thuộc thế giới vô hình, và cũng là một loài trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng (Rồng, Lân, Rùa, Phượng)

    Theo thần thoại, rồng có hình dạng rất lạ kỳ: đầu rồng giống như đầu đà, sừng giống như sừng nai, cổ giống như cổ rắn, bụng giống như bụng con giao, mắt giống mắt thỏ, tai giống tai bò, chân giống chân cọp, móng giống móng chim ưng, vảy rồng giống như vảy cá ly.

    Rồng là vua của loài có vảy, có tài biến hóa, làm tối được, làm sáng được, làm lớn được, làm nhỏ được, nhằm tiết xuân phân thì lên trời, nhằm tiết thu phân thì xuống biển hay xuống đất. Kinh Phật nói: "Long thường tại định, vô hữu bất định thì." Nghĩa là: Rồng thường ở vào thiền định, không có lúc nào chẳng thiền định.

    Có rất nhiều loại rồng, được phân ra tùy theo màu sắc, tùy theo hình dáng đầu rồng hoặc tùy theo phận sự của nó:

    I. Phân loại theo màu sắc: Có 5 loại:

    · Rồng trắng: Bạch long, toàn thân màu trắng, chúng ta thấy trong BQĐ Tòa Thánh Tây Ninh có 8 con bạch long nằm dưới Quả Càn Khôn, đầu hướng ra ngoài như để bảo vệ Quả Càn Khôn.

    · Rồng vàng: Huỳnh long, toàn thân màu vàng, chúng ta thấy 8 rồng vàng quấn trên 8 cột chung quanh Quả Càn khôn tại BQĐ, và 2 cây cột tại Cung Đạo.

    · Rồng xanh: Thanh long, toàn thân màu xanh sậm, chúng ta thấy 18 con rồng xanh quấn trên 18 cây cột nơi CTĐ.

    · Rồng đỏ: Xích long, toàn thân màu đỏ, quấn trên hai cây cột dưới bao lơn trước Tòa Thánh.

    · Rồng đen: Hắc long, toàn thân màu đen.

    II. Phân chia theo hình dáng: 3 loại:

    · Rồng trẻ, đầu không có sừng, gọi là Ly long.

    · Rồng sống được 500 năm thì mọc sừng, gọi là Cù Long.

    · Rồng sống được 1000 năm trở lên thì có sừng dài và mọc thêm cánh, gọi là Ứng long.

    III. Phân chia theo nhiệm vụ: có 4 loại:

    · Thủ Thiên cung long: Rồng ở cõi Trời, gìn giữ Thiên cung.

    · Hành võ long: Rồng làm mưa (Hành là làm, võ hay vũ là mưa). Rồng nầy có hai hạng:

    o Thiện long thì làm cho mưa thuận gió hòa.

    o Ác long thì làm cho mưa to, gây lũ lụt,

    · Địa long: Rồng ở dưới đất sâu, làm hầm khoét hang, làm thành sông, hồ, biển.

    · Phục tạng long: Rồng giữ gìn kho tàng của vua Chuyển Luân Thánh vương và các nhà phước đức lớn.

    ■ Tương truyền, rồng ở đáy biển, có lầu đài cung điện, có tổ chức vua, quan, quân lính. Rồng làm vua gọi là Long vương, cung điện của Long vương là Long cung, các quan của vua rồng là loài cá lớn, quân lính là các loài cá nhỏ.

    Theo Truyện Phong Thần và Tây Du Ký, có Tứ Hải Long vương là 4 vị Long vương ở bốn biển:

    · Đông Hải Long vương: ở biển Đông tên Ngao Quảng.

    · Nam Hải Long vương: ở biển Nam tên Ngao Thuận.

    · Tây Hải Long vương: ở biển Tây tên Ngao Khâm.

    · Bắc Hải Long vương: ở biển Bắc tên Ngao Nhuận.

    ■ Cũng trong truyện Tây Du, con Bạch mã (ngựa trắng) mà Tam Tạng cỡi đi Tây phương thỉnh kinh là do một con tiểu long (rồng nhỏ) biến thành. Con tiểu long nầy vốn là Thái tử con của Bắc Hải Long vương Ngao Nhuận, phạm tội nặng, bị bắt treo lên chờ xử trảm. May nhờ Đức Quan Âm Bồ Tát đi ngang, tiểu long van xin cứu mạng. Đức Quan Âm Bồ Tát thương tình, tâu xin Thượng Đế tha chết cho tiểu long để sau nầy bắt tiểu long biến thành bạch mã, đỡ gót cho Tam Tạng thỉnh kinh. Nhờ công lao chuộc tội nầy, sau khi thỉnh kinh xong, bạch mã được biến trở lại thành rồng, trở về Long cung.

    ■ Long Nữ là con gái của Đệ tam Thái Tử của Nam Hải Long vương Ngao Thuận, ngày kia hóa thành con cá dạo chơi nơi mé biển, bị một ông chài bắt được, đem ra chợ bán. Đức Quan Âm Bồ Tát biết được, sai Thiện Tài đồng tử hóa ra một người thường, đi đến chợ mua con cá ấy, rồi đem xuống biển Nam thả xuống.

    Nam Hải Long vương nhớ ơn Bồ Tát cứu tử cháu nội gái của mình, nên dạy Long Nữ đem cục ngọc Dạ Minh Châu đến dâng tặng Bồ Tát để Bồ Tát đọc sách ban đêm không cần đèn.

    Long Nữ đến dâng ngọc xong, lòng hết sức cảm phục Bồ Tát nên xin qui y và được Bồ Tát thâu làm đệ tử .

    Từ ấy, Thiện Tài đồng tử và Long Nữ luôn luôn theo bên cạnh để phụng sự Bồ Tát.

    Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Long Nữ thay mặt Đức Quan Âm Bồ Tát giáng trần để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo, cứu độ các tín đồ nữ phái. Đó là bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh (1874-1937).

    ■ Trong lịch sử Việt Nam, lúc Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lý Thái Tổ, thấy đất Hoa Lư chật hẹp không phải là nơi đóng đô, muốn dời đến La Thành. Khi nhà vua đến La Thành xem xét, vua thấy một con rồng vàng xuất hiện, từ La Thành bay thẳng lên Trời. Lý Thái Tổ cho đó là điềm lành, nên chọn La Thành làm nơi đóng đô, đổi tên lại là Thăng Long (Rồng bay lên) để kỷ niệm ngày thấy rồng vàng bay lên trời. Nhà Lý đóng đô tại Thăng Long, truyền ngôi được 9 đời, kéo dài 215 năm.

    ■ Trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế có câu: "Thời thừa lục long" nghĩa là thường cỡi sáu rồng. Đây là nói tượng của quẻ CÀN, Càn là Trời, gồm 6 vạch dương (vạch liền), tượng trưng bằng 6 con rồng, vì rồng thuộc dương.

    Do đó, trên plafond dù của Tòa Thánh Tây Ninh có bông hình 6 con rồng đoanh nhau theo ba màu đạo để tượng trưng 6 vạch dương của quẻ CÀN là Trời: 2 con rồng màu vàng, 2 con rồng màu xanh và 2 con rồng màu đỏ.

    BQÐ: Bát Quái Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Ruổi dong

    A: To run quickly.

    P: Courir rapidement.

    Ruổi: chạy mau. Dong: đi thẳng một mạch.

    Ruổi dong hay Dong ruổi là đi mau và đi thẳng một mạch tới nơi.

    NH: Xin Thần Thánh ruổi dong cỡi hạc.

    KCHKHH: Ngọc Hư Cực Lạc đon đường ruổi dong.

    NH: Niệm Hương.

    KCHKHH: Kinh cầu hồn khi hấp hối.

     

  • Rửa tai

    A: To clean the ears.

    P: Laver les oreilles.

    Rửa: dùng nước rửa cho sạch, hết chất dơ. Tai: lỗ tai.

    Rửa tai là dùng nước rửa cho sạch hai lỗ tai, vì hai lỗ tai vừa nghe được những điều trái đạo lý.

    Đây là lời nói ẩn dụ để biểu lộ cái ý chí thanh cao trong sạch của người ẩn sĩ phế đời, lo tu tâm dưỡng tánh.

    Từ ngữ Rửa tai có điển tích là Sào Phủ và Hứa Do. (Xem: Sào Phủ - Hứa Do, vần S)

    TNHT: Rửa tai chờ lóng nhạc năm cung.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • RỪNG

    RỪNG: chữ Hán là Lâm, là vùng đất rộng có nhiều cây cối mọc lâu năm.

    Td: Rừng thiền, Rừng thung, Rừng tòng.

     

  • Rừng chiều ác xế

    Rừng: chữ Hán là Lâm, là vùng đất rộng có nhiều cây cối mọc lâu năm. Ác: con quạ, chỉ mặt trời. Xế: lệch qua khỏi đầu. Ác xế: mặt trời lệch qua khỏi đầu, ý nói trời đã về chiều.

    Rừng chiều ác xế là tả cảnh buổi chiều, mặt trời đã xế qua đầu, rừng rậm trải dài mờ tối. Ý nói: Cảnh người già, sự chết gần đến, như mặt trời sắp lặn.

    TNHT: Nơi trường thi công quả, nên cân lấy phước phần, chẳng sớm trau thân, rừng chiều ác xế.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Rừng nhu biển Thánh

    A: The forest of books and the ocean of wisdoms.

    P: La forêt des livres et l' océan des sagesses.

    Rừng: chữ Hán là Lâm, là vùng đất rộng có nhiều cây cối mọc lâu năm. Nhu: Nho: ý nói chữ nho trong các kinh sách. Thánh: bực sáng suốt hiểu biết các lẽ.

    Rừng nhu là chữ nghĩa và kinh sách của người xưa truyền lại nhiều như cây trong rừng.

    Biển Thánh là sự khôn ngoan sáng suốt hiểu biết của người xưa nhiều như nước biển.

    Rừng nhu biển Thánh là chỉ về kinh sách và sự sáng suốt hiểu biết của người xưa nhiều như cây trong rừng, như nước trong biển, người sau học hoài học mãi không bao giờ hết được.

    Ca dao:

    Rừng nhu biển Thánh không dò,

    Nhỏ mà không học lớn mò sao ra?

     

  • Rừng thiền

    A: The pagoda.

    P: La pagode.

    Rừng thiền là dịch chữ Thiền lâm 禪林

    Rừng: chữ Hán là Lâm, là vùng đất rộng có nhiều cây cối mọc lâu năm. Thiền: ngồi yên lặng suy tưởng.

    Rừng thiền, tức là Thiền lâm, chỉ cảnh chùa, nơi tu hành, vì nơi đó tịch mịch vắng vẻ như ở trong rừng để các nhà tu ngồi thiền định.

    TNHT:

    Rừng thiền nhặt thúc tiếng chuông trưa.

    Mau chân ráng lướt tới rừng thiền.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Rừng thung - Rừng tòng

    Rừng thung, hay Rừng tòng, do chữ hán là Tùng lâm 叢林 dịch ra; chữ 叢 đọc theo âm hán việt là: Tùng, Tòng, Thung, nên chữ Tùng lâm có thể dịch ra là: rừng tùng, rừng tòng, rừng thung, ý nghĩa là rừng cây rậm rạp, nơi các tu sĩ Phật giáo chọn để cất chùa làm nơi tu hành. (Xem: Tùng lâm, vần T)

    Rừng thung, đồng nghĩa Rừng tòng, chỉ cảnh chùa, nơi thanh tịnh để tu hành.

    TNHT:

    Dìu nhau đưa bước lại rừng thung.

    Rừng tòng thoát tục sớm đưa chân.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Rừng tía

    A: The country of Buddha.

    P: Le pays du Bouddha.

    Rừng: chữ Hán là Lâm, là vùng đất rộng có nhiều cây cối mọc lâu năm. Tía: màu tím đỏ, chữ hán là Tử.

    Rừng tía, dịch chữ hán: Tử trúc lâm: rừng cây trúc tía.

    Tử trúc lâm ở tại Phổ Đà Sơn, biển Nam Hải, là nơi thường ngự của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

    Do đó, Rừng tía là để chỉ cảnh Phật, cõi Phật.

     

  • RƯỚI

    RƯỚI: Tưới nhè nhẹ lên cho thầm ướt đều.

    Td: Rưới ân Thiên, Rưới lửa phiền.

     

  • Rưới ân Thiên

    A: To bestow the divine favours.

    P: Accorder des faveurs divines.

    Rưới: Tưới nhè nhẹ lên cho thầm ướt đều. Ân Thiên: ơn của Trời.

    Rưới ân Thiên là ơn của Trời ban xuống.

    BDH: Cúi mong Thượng Đế rưới ân Thiên.

    BDH: Bài Dâng Hoa.

     

  • Rưới khổ

    A: To sprinkle the holy water on the misfortune.

    P: Asperger l' eau bénite sur le malheur.

    Rưới: Tưới nhè nhẹ lên cho thầm ướt đều. Khổ: đau đớn khổ sở.

    Rưới khổ là dùng nước Cam lồ tưới lên nỗi đau khổ để làm cho nỗi đau khổ tiêu tan mất hết.

    Nước Cam lồ, tức Cam lồ thủy, là thứ nước huyền diệu do các Đấng Tiên Phật chế thành, có năng lực rất mầu nhiệm, có thể cải tử huờn sanh, hay rửa sạch các thứ ô trược trong kiếp sống bám vào chơn thần, v.v....

    TNHT: Nếu chẳng biết thế thời, giọt nước nhành dương hết chờ khi rưới khổ đặng.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Rưới lửa phiền

    A: To sprinkle on the fire of anger.

    P: Asperger sur le feu de colère.

    Rưới: Tưới nhè nhẹ lên cho thầm ướt đều. Lửa: ngọn lửa, chỉ sự nóng giận. Phiền: buồn rầu bực bội, phiền não.

    Rưới lửa phiền là tưới nước làm cho tắt ngọn lửa phiền giận, tức là làm cho các nỗi phiền não giận hờn tiêu mất hết.

    TNHT:

    Tiên nguồn Thánh ngọn dò chơn đến,

    Đến đặng là phương rưới lửa phiền.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.