Cao Đài Tự Điển - Vần NH
ID017515 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần NH 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • NHÃ

    NHÃ: 雅 Tao nhã, có lễ độ, lịch sự.

    Td: Nhã giám, Nhã nhạc, Nhã ý.

     

  • Nhã giám

    雅鑑

    A: To examine with benevolence.

    P: Examiner avec bienveillance.

    Nhã: Tao nhã, có lễ độ, lịch sự. Giám: xem xét, chiếu soi.

    Nhã giám là từ ngữ dùng có ý kính trọng để mời người khác xem thơ của mình hay văn của mình soạn ra.

     

  • Nhã nhạc

    雅樂

    A: Ceremonial music.

    P: Musique de cérémonie.

    Nhã: Tao nhã, có lễ độ, lịch sự. Nhạc: âm nhạc.

    Nhã nhạc là loại âm nhạc tao nhã, chánh đáng, dùng nơi triều đình, đền miếu.

    Nhã nhạc còn được gọi là Nhạc thiều. Nhạc thiều khiến cho lòng người nghe trở nên tao nhã, cao thượng.

    Trái với Nhã nhạc là Nhạc kích động tà dâm.

     

  • Nhã ý

    雅意

    A: Good intention.

    P: Bonne intention.

    Nhã: Tao nhã, có lễ độ, lịch sự. Ý: ý kiến.

    Nhã ý là có ý kiến tốt.

    Từ ngữ nầy dùng để tôn xưng ý kiến của người khác đối với mình.

     

  • NHẠC

    NHẠC: 樂 Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa.

    Td: Nhạc hành lễ, Nhạc năm cung.

     

  • Nhạc công

    樂工

    A: The player.

    P: L'exécutant.

    Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Công: người thợ.

    Nhạc công là người diễn tấu âm nhạc.

    Nhạc công còn thấp hơn Nhạc sĩ một bực.

    TNHT: Nhạc còn chưa đủ thể cách, đờn để rước chư Tiên, Thánh, không phải vậy là đủ, người nhạc công phải ăn mặc tinh khiết.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhạc hành lễ

    樂行禮

    Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Hành: làm, thi hành. Lễ: nghi lễ.

    Nhạc hành lễ là âm nhạc diễn tấu trong Đại đàn và Tiểu đàn khi cúng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    Sau đây là bài của Nhạc Sư Trần Thiện Niệm, cai quản Ban Nhạc Tòa Thánh, gởi cho các Chánh Phó Trưởng Phiên Nhạc, Chức sắc và nhân viên Bộ Nhạc, để thi hành về phần âm nhạc trong Đại đàn, Tiểu đàn và Tứ thời khi cúng Đức Chí Tôn tại Đền Thánh và cúng Đức Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ.

    Nhạc hành lễ

    I. Nhạc Đại đàn và Tiểu đàn tại Đền Thánh

    II. Nhạc cúng Từ thời tại Đền Thánh

    III. Nhạc cúng Đại đàn tại Báo Ân Từ

    IV. Nhạc cúng Tứ thời tại Báo Ân Từ


     

    Xin nhắc lại các khuôn mẫu lễ nghi của các bậc Đại Đức tiền nhân, ra công dạy dỗ Nhạc lễ, Kinh kệ buổi sơ khai, hôm nay, chúng ta phải gia tâm chỉnh đốn cho y khuôn mẫu, để khỏi phần thất lễ.

    I. Nhạc Đại đàn và Tiểu đàn tại Đền Thánh:

    1. Toàn thể Chức sắc Chức việc tới đàn vía phải mặc phẩm phục Chức sắc của mình. Đại đàn thì mặc Đại phục, Tiểu đàn thì mặc Tiểu phục, không có phẩm cấp thì không được ngồi vào băng bán nguyệt, khi lên lầu HTĐ đảnh lễ xong là 11 giờ 35 phút.

    2. Gần tới giờ hành lễ, ban nhạc phải ngồi vào băng bán nguyệt, là nơi hành lễ trước 15 phút mà lo chu đáo các món nhạc khí của mình. Đại đàn thì ở Nghinh Phong Đài và lầu Bát Quái Đài, Tiểu đàn thì tại lầu HTĐ.

    3. Khi Chức sắc và toàn thể nhập đàn đến HTĐ thì Nhạc không khua động, chuyện vãn, thử kèn chi cả, do lễ đài báo hiệu.

    4. Nhạc chấp sự các môn chánh phải là vị Chức sắc quan trọng hơn, nghiêm chỉnh thi hành, vì trước Đại điện Chí Tôn, Chức sắc phải trọng vọng khiêm cung đảnh lễ.

    5. Trống Tiếp Giá phải là vị trưởng ban y căn bản thủ vị phân minh. Các môn phụ phải tế nhị khiêm nhường, giọng kèn oai linh không lệch tục. Tới đờn 7 bài, hay 5 bài, hay 3 bài, cần thúc lẹ.

    6. Từng Hương, không đờn quá lơi và không đờn lớp trống xuân, tới kinh Niệm Hương và Khai Kinh, đừng đờn cho đọc kinh lơi quá, lệch chữ kinh, cùng ảnh hưởng đến toàn thể mỏi mệt và giảm tinh thần tín ngưỡng. Đờn Nam xuân cho đọc Kinh Ngọc Hoàng và Tam giáo, đờn giữ mức trung bình, lẹ quá mất giọng xuân, cũng không đờn lớp trống xuân, vì lớp trống xuân, Đức Chí Tôn đã tiền định rồi.

    7. Trống lập ban: đổ trống nhuyễn nhẹ ngắn, chờ gài thủ các môn phụ mới tiếp vào để không lấp câu xướng, cũng không trễ lạy (nhứt là chờ nơi lễ đài báo hiệu).

    8. Trong ba tuần Dâng Tam bửu, không đổi người nhằm thủ vĩ bất động phách. Đàn nội tôn nghiêm gìn tiền hậu luật y nhứt mẫu khiến đàn nội không bị phóng tâm.

    9. Thượng Tấu Sớ Văn: câu sớ quan trọng, điểm trống tỏ ý uy linh, kính cẩn hơn; câu trung bình thì điểm trung bình. Phần sớ (đốt sớ) có uy linh, trống chuyển qua thét.

    10. Trống lập ban: ba lạy xong gài trống vô đờn lớp trống xuân tụng kinh Ngũ Nguyện, lạy xong dứt trống lập ban.

    11. Chức sắc HTĐ nhập Nội nghi và Hộ Đàn Pháp Quân, Tả Hữu Phan Quân nhập Nội nghi, bái xong dứt trống lập ban, trở thét trung bình. Chức sắc HTĐ đi về tới chỗ, tiếng kiểng đổ, toàn thể đứng lên xá, rồi bày ban đứng chờ.

    12. Toàn thể nghe tiếng chuông bãi đàn, nhạc gài thái bình, tiền bần hậu phú, tiễn bước Chức sắc đi ra, Nhạc dứt, tịch, ấy là đàn tràn viên mãn.

    II. Nhạc cúng Từ thời tại Đền Thánh:

    1. Khi lên từng lầu HTĐ thì ban nhạc đảnh lễ một lượt cho rập ràng. Còn 10 phút trước khi khởi lễ thì ngồi vào băng bán nguyệt, soạn lên dây đờn nhỏ nhẹ, cần nghiêm túc thủ lễ tỏ sự tôn kính vì là trước đại điện.

    2. Đúng giờ hành lễ, chuông nhứt, nhạc rao đờn, Chức sắc, Chức việc và toàn đạo tới cấp HTĐ thì nhạc đờn bài Hạ.

    3. Kế tiếp chuông nhì, Chức sắc, Chức việc đồng xá, vào ngồi thì dứt bài Hạ. Nhạc liền ra Ai, chuông thỉnh Thánh vừa xong là khởi đờn Nam ai, Giáo nhi và đồng nhi tụng kinh Niệm Hương. Lạy xong, tiếp tụng bài Khai Kinh. Hai bài giọng Nam ai nầy, đừng đọc kinh lơi quá, khiến tiếng kinh lệch lạc không đúng chữ kinh và không đúng giọng nếu đờn lơi, cũng không đờn lớp mái Nam ai trong đờn kinh nầy.

    4. Tới đờn Xuân, Giáo nhi và đồng nhi tụng bài Ngọc Hoàng Kinh và luôn trong các bài kinh giọng Xuân nầy, không lẹ quá mà mất phù ba của giọng xuân, cũng không xen lớp trống xuân vì lớp trống xuân thể pháp đờn cho Năm câu nguyện, đặng dứt thời cho cúng đàn mà thôi.

    5. Tới đờn Dâng Tam bửu, Giáo nhi đồng nhi chờ qua nhịp mới thài, đều đúng câu đờn nào cũng vậy. (Lời dạy của Đức Phạm Hộ Pháp vì chánh pháp môn nhịp điệu).

    6. Thời cúng có Dâng Sớ, khi mãn thài thì đờn bài Hạ, tùy mau chậm, dứt để đọc sớ. Khi phần sớ, nhạc rao xuân, lạy 3 lạy xong thì nhịp vô lớp trống xuân đọc Ngũ Nguyện, dứt thì trở đờn bài Hạ. Nếu có Chức sắc HTĐ lên Nội nghi lạy thì chờ, khi về tới chỗ thì đứng lên bài ban, Nhạc và Giáo nhi đồng nhi lạy. Nghi lễ kệ chuông bãi đàn.

    7. Cúng thời Ngọ, Nhạc còn đờn để Giáo nhi và đồng nhi tụng kinh Tuần Cửu, khi dứt kinh đến niệm Câu chú của Đức Chí Tôn, nhạc không được đờn nhái theo mà được đờn xuân tới cho ăn nhịp mà thôi.

    8. Mỗi thời cúng Đức Chí Tôn, Phật Mẫu, mỗi nơi có Chức sắc Bộ Nhạc để ủng hộ chư nhân viên trong thời cúng được nghiêm túc, tôn kính của Nhạc Thánh đường, đối với lòng tín ngưỡng trong toàn đạo trong thời cúng, ấy là gương mẫu Nhạc của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vậy.

    9. Riêng về Chức sắc, Chức việc cúng thời Tý tại Đền Thánh phải mặc áo Tiểu phục cho nghiêm trang hơn.

    Mong chư Chức sắc Chức việc chú ý khoảng nầy cho được chu toàn thiện mỹ.

    III. Nhạc cúng Đại đàn tại Báo Ân Từ:

    1. Tới 11 giờ 35 phút, ban nhạc lo chuẩn bị trước, nhứt là lo chỉnh soạn các môn nhạc khí và nhân viên của mình.

    Còn 15 phút đến 12 giờ thì đến lễ bái mà ngồi vào băng bán nguyệt, so dây đờn nhỏ nhẹ, nhứt là kèn và trống cơm, muốn thử kêu rõ ràng thì phải tại cơ sở của mình, còn đến giờ cúng thử nhỏ cho biết ăn giọng âm thanh với đờn mà thôi.

    2. Lên trước đại điện không được hút thuốc, nói chuyện ồn ào mất vẻ trang nghiêm, vì là nơi tất cả tịnh tâm đảnh lễ, còn hút thuốc cũng là trược đối với thiêng liêng, hơn nữa khi đi cúng cũng đã súc miệng sạch rồi.

    3. Các môn chánh của nhạc phải là người có phẩm lớn và đạo hạnh mà làm chuẩn hướng.

    Nhạc Tấu Quân Thiên, trống gài đầu trung bình, bạc không phép lướt trống, vì thúc lẹ thì lớp và âm thanh không phân minh, làm giảm uy hùng của Tiếp Giá. Còn đờn 3 hay 5 bài thì cần đờn lẹ lên, nhớ tôn Thánh ý Đức Phạm Hộ Pháp, không hối thúc Tiếp Giá mà hối thúc đờn.

    4. Tới từng Điện Hương: đờn xuân điện không đờn lơi, cũng không đờn lớp trống xuân. Khi lễ quì, toàn thể nghe chuông thỉnh Thánh, nhạc rao đặng vô đờn Nam ai. Giáo nhi đồng nhi đọc kinh Niệm Hương, đừng đờn đọc kinh lơi vì trong giọng kinh quá trầm, chữ kinh lệch lạc, bổn đạo mỏi, giảm tín ngưỡng. Tới bài Khai Kinh cũng giọng Nam ai, hai bài nầy cần thúc nhịp lại.

    5. Trống lập ban: trống nhỏ ngắn gọn, các môn tum bạc kèn và phụ chờ gài thủ vô sau nghe đúng pháp, còn đổ ồn lên một lượt làm lấp mất tiếng câu xướng của lễ sĩ, đổ kéo dài thời gian làm mất một lạy của tập thể.

    6. Tới đờn Xuân, Giáo nhi đồng nhi đọc Phật Mẫu Chơn Kinh, giữ mức trung bình, lẹ quá mất giọng Xuân, cũng không đờn lớp trống xuân (vì như đã nêu ở phần trên), dứt, trống lập ban, lạy.

    7. Lễ điện Tam bửu: qua những lớp bài Hạ và trống thét, lớp trống thét không đánh mỏ, bạc lẹ quá mất điệu thuần hậu trung dung, tới gài Đảo ngũ cung, giữ mực trung bình. Lễ tới Nội nghi, tới thượng Tam bửu, Lễ sĩ đổi sang thì nhạc thúc mực trung bình mà thôi, lẹ quá giảm giá nhịp điệu Nhạc Thánh đường.

    8. Trống lập ban, lạy, một mình trống đổ nhỏ gài thủ thì các môn phụ lập vô thủ nhịp sau, còn đổ rầm lên lấp xướng, trễ lạy lụp chụp có khi lễ phải chờ vì Lễ hưng Nhạc tác.

    9. Đến Thượng Tấu Sớ văn, từ xây tá đến thét ngắn. Lưu ý tới câu sớ quan trọng thì điểm trống, tôn kính uy linh hơn (đổ ro roi điểm ba), câu trung bình thì điểm trung bình (không ro mà điểm ba). Tới phần sớ, đổ trống phần sớ có vẻ tôn nghiêm dâng uy hùng, tiếp thét luôn. Lạy 3 lạy.

    10. Đến Ngũ Nguyện, gài trống vô đờn, chừng mức hồi khởi đầu không lẹ không chậm (như đờn Xuân và Tiếp Giá mới vô nhịp ban đầu) tới đây mới đờn lớp trống xuân với năm câu Nguyện, cuối cùng tận tâm cầu đảo của toàn thể đặng mãn đàn. Khi 3 lạy xong, nghe chuông, toàn thể đứng lên xá và đứng lưỡng ban.

    11. Nhạc còn trổi đều, cho Lễ sĩ, Giáo nhi, đồng nhi, Trật tự, Kiểm đàn lạy, còn Nhạc khi mãn Năm câu nguyện thì lo thi nhau mà lễ bái, đến đây đồng chờ tiếng kiểng và ba tiếng chuông.

    12. Lễ sĩ xướng: Lễ thành, nhạc đổ trống gài lớp thái bình, tiền bần hậu phú rồi dứt, tịch, mãn lễ.

    IV. Nhạc cúng Tứ thời tại Báo Ân Từ:

    1. Còn 20 phút tới giờ cúng, Nhạc phải ứng trực sẵn, đến chừng còn 10 phút, Nhạc vô bái lễ, xong vào băng bán nguyệt ngồi lên dây đờn nhỏ gọn và không nói chuyện ồn ào pha lẫn, thủ lễ nghiêm túc.

    Tới giờ, Chuông nhứt, rao đờn vô bài Hạ. Chuông nhì, vô quì, dứt đờn bài Hạ, toàn thể nghe chuông thỉnh Thánh, nhạc rao đờn vô Nam ai, Giáo nhi đồng nhi đọc kinh Niệm Hương (đừng vô đờn và đọc kinh quá lơi). Dứt bài Niệm Hương, lạy 3 lạy. Tiếp đọc bài Khai Kinh. Hai bài Nam ai nầy đọc quá lơi sẽ có nhiều chữ kinh lệch lạc.

    2. Dứt bài Khai Kinh, tiếp đờn Nam xuân cũng không quá lẹ, Giáo nhi đồng nhi đọc Phật Mẫu Chơn Kinh, nếu lẹ sẽ mất giọng phù ba của hơi xuân, nhạc cũng không đờn lớp trống xuân (như đã nêu ở phần trên), dứt bài xuân, lạy 3 lạy.

    3. Nhạc rao Xuân nữ, vô đờn Xuân nữ, đờn mức trung bình, nhứt là thuần túy thung dung pháp Nhạc Thánh đường (chớ không phải cải lương sân khấu), Giáo nhi đồng nhi cũng không nên tụng bài kinh Tán Tụng Công Đức Phật Mẫu kéo dài, ngược lại vì kinh đọc cúng không phải nói lối của sân khấu mà tưởng sân khấu là phi pháp. Phi pháp là phi lễ.

    4. Mãn bài kinh đờn giọng Xuân nữ, nhạc rao giọng Đảo, lạy 3 lạy xong, nhạc vô đờn bài Đảo, Giáo nhi đồng nhi chờ qua một nhịp mới khởi thài. Ấy là ý thức của Đạo nghiệp.

    5. Ba lạy xong chờ gõ vô nhịp trở đờn lớp trống xuân một lớp, Giáo nhi đồng nhi tụng Ngũ Nguyện, dứt bài Ngũ Nguyện liền đờn bài Hạ, lạy 3 lạy xong, toàn thể đàn nội đứng lên. Nhạc dứt đờn. Toàn thể đứng lưỡng ban. Giáo nhi đồng nhi và Nhạc đi lạy, nghi lễ đánh chuông. Lạy xong trở về vị trí.

    6. Nghi lễ kệ chuông bãi đàn, bái mãn đàn. Hết.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

     

  • Nhạc lễ

    (Xem: Lễ nhạc, vần L)

     

  • Nhạc năm cung

    A: Ancient music.

    P: Musique ancienne.

    Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Năm cung: Ngũ âm, năm bậc âm thanh, gồm: cung, thương, giốc, chủy, vũ.

    Nhạc năm cung là ý nói âm nhạc cổ điển có tánh cách tao nhã, làm cho người nghe cảm thấy thơ thới.

    TNHT:

    - Non Thần đợi lóng nhạc năm cung.

     

    - Rửa tai chờ lóng nhạc năm cung.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhạc nhân

    樂人

    A: Musician.

    P: Musicien.

    Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Nhân: người.

    Nhạc nhân là nhạc sĩ nhà nghề.

     

  • Nhạc sĩ - Nhạc sư

    樂士 - 樂師

    A: Musician - Professor of music.

    P: Musicien - Professeur de musique.

    Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Sĩ: người. Sư: thầy.

    Nhạc sĩ là người chuyên về âm nhạc.

    Nhạc sư là bực thầy về âm nhạc.

    Nhạc Sĩ và Nhạc Sư là hai phẩm Chức sắc trong Bộ Nhạc. Phẩm thấp nhứt là Nhạc Sĩ, phẩm cao nhứt là Nhạc Sư. Nhạc Sĩ đối phẩm Chánh Trị Sự, và Nhạc Sư đối phẩm Giáo Sư.

    Muốn được vào phẩm Nhạc Sĩ, người học nhạc phải qua một kỳ thi do Hội Thánh tổ chức và phải đậu kỳ thi nầy, có cấp bằng của Hội Thánh. Khi đủ công nghiệp, Nhạc Sĩ phải thi lên Bếp Nhạc.

    Thể thức thi Nhạc Sĩ: Biết cầm một cây đờn và trọn hiểu nhạc khi có Tiểu đàn và Đại đàn, Nhạc trống Tiếp Giá.

    Thể thức thi Bếp Nhạc là: Biết trọn nghi lễ và nhạc nghệ về tài tử. (Xem chi tiết nơi chữ: Bộ Nhạc, vần B)

     

  • Nhạc sinh

    樂生

    A: Student of music.

    P: Étudiant de music.

    Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Sinh: học trò.

    Nhạc sinh là học trò của trường dạy âm nhạc.

     

  • Nhạc tấu Quân Thiên

    樂奏鈞天

    Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Tấu: khởi lên. Quân: cái bàn xoay của người thợ nặn đồ gốm. Thiên: Trời. Quân Thiên: chỉ Đấng Thượng Đế tạo hóa ra CKVT và vạn vật.

    Nhạc tấu Quân Thiên là những khúc nhạc tấu lên để hiến lễ Đức Chí Tôn.

    Điển tích: Quân Thiên Nhạc.

    Quân Thiên nhạc hay Quân Thiên Quảng nhạc là nhạc tấu ở trên Trời, cũng chỉ nhạc tấu ở cung vua.

    * Theo Sử Ký, Triệu Giản Tư mắc bệnh, năm ngày liền không nhận ra được nhiều người thân, Biển Thước đến thăm bệnh. Thăm xong, Đổng An Vu hỏi, ông nói: không có gì lạ cả, trước kia Tần Mục Công cũng bị bệnh như thế, bảy ngày sau mới tỉnh.

    Trong lúc bệnh như thế, Triệu Giản Tư thấy mình lên Trời đi chơi ở chốn Thiên đình, cùng các vị Thần Tiên, nghe tấu một điệu nhạc nghe đến xúc động tâm can, gọi là Quân Thiên nhạc. Hai ngày rưỡi sau, Triệu Giản Tư tỉnh lại, nói với quan Đại phu rằng: "Dữ bách Thần du ư Quân Thiên, quảng nhạc cửu tấu vạn vũ, bất loại tam đại chi nhạc, kỳ thanh động nhân tâm." 與百神遊於鈞天廣樂九奏萬舞不類三代之樂其聲動人心

    Nghĩa là: Cùng trăm Thần ruổi chơi nơi Quân Thiên, quảng nhạc tấu 9 khúc, vạn điệu múa, không khúc nào giống khúc nào thời tam đại, tiếng nhạc làm xúc động lòng người.

    * Bài phú Phan nhạc đời Tấn: "Trần Quân Thiên chi quảng nhạc hề, triển vạn vũ chi chí hoan" 陳鈞天之廣樂兮展萬舞 之至歡

    Nghĩa là: Dàn quảng nhạc chốn Quân Thiên chừ, mở ra vạn điệu múa cho đến cực vui.

    Trong truyện Hoa Điểu Tranh Năng có câu:

    Nhớ xưa ở chốn Đào viên,

    Bà Vương Mẫu mở thọ diên vui mừng.

    Quân Thiên nhạc tấu vang lừng,

    Tiệc la ỷ mở tưng bừng xôn xao.

    LƯU Ý: Chúng ta lâu nay thường viết: Nhạc tấu Huân Thiên, chữ Huân viết H, nay chúng ta phải sửa lại chữ Quân viết Q mới đúng chánh tả.

    Trong quyển "Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh" của nhị vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, in năm 1928, trang 51, Nghi lễ Đại đàn ghi: "11. Nhạc tấu Quân Thiên.", và trang 54 chữ nho, cuối hàng dọc thứ 4 in là: 樂奏鈞天.

    Trước khi cúng Đại đàn hay Tiểu đàn tại Tòa Thánh hay các Thánh Thất, sau phần: Lôi Âm Cổ khởi và Bạch Ngọc Chung minh thì tới phần: Nhạc tấu Quân Thiên.

    Khi Lễ xướng câu nầy thì mỗi người trong đàn cúng phải đứng cho thật nghiêm trang, ban nhạc khởi đánh trống Tiếp Giá (Nghinh Thiên) để đón rước Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật giáng đàn. Mọi người trong đàn cúng phải tịnh tâm tưởng niệm, chẳng nên xao động.

    Dứt trống Tiếp Giá thì xây trống mà đờn 7 bài, hoặc 5 bài hay 3 bài tùy theo lễ vía, kể ra sau đây:

    - Nhạc đờn 7 bài trong 4 trường hợp: Đại đàn cúng vía Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng giêng, Đại đàn rằm ba nguơn: rằm tháng giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10 âm lịch.

    - Nhạc đờn 5 bài trong các Đại đàn cúng Vía: Ba Đấng Giáo chủ Tam giáo, Tam Trấn Oai Nghiêm, Đức Chúa Jésus.

    Nơi Báo Ân Từ, cúng Đại đàn Đức Phật Mẫu, Nhạc tấu Quân Thiên cũng đờn 5 bài.

    - Nhạc đờn 3 bài trong các Tiểu đàn sóc vọng và kỷ niệm.

    Ý nghĩa của 7 bài, 5 bài và 3 bài trong Nhạc Tấu Quân Thiên, cúng Đại đàn và Tiểu đàn: (trích tài liệu Hạnh đường khóa Huấn Luyện Giáo Hữu)

    1. Đại đàn cúng Đức Chí Tôn và rằm tam nguơn: 7 bài

    1. Xàng Xê: nghĩa là đưa qua trộn lại không ở một chỗ, ấy là Hỗn độn sơ khai (khi nổ ra một tiếng).

    2. Ngũ Đối Thượng: nghĩa là 5 từng thượng, trên Trời có Ngũ khí, ấy là khí thanh nổi lên làm Trời.

    3. Ngũ Đối Hạ: nghĩa là 5 từng dưới, đó là Ngũ Hành, ấy là trược khí hạ xuống làm Đất.

    4. Long Đăng: nghĩa là rồng lên, ấy là Dương.

    5. Long Ngâm: nghĩa là rồng xuống, ấy là Âm.

    6. Vạn Giá: nghĩa là muôn việc đã định rồi, ấy là muôn loài vật đều có tên.

    7. Tiểu khúc: nghĩa là sự nhỏ, ngắn, ấy là nhỏ ngắn đều có định luật và có tên.

    Đờn 7 bài vì Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu là cơ sanh hóa.

    2. Đại đàn cúng Ba Đấng Giáo chủ Tam giáo, Tam Trấn Oai Nghiêm và Đức Chúa Jésus: 5 bài.

    1. Xàng Xê.

    2. Ngũ Đối Thượng.

    3. Ngũ Đối Hạ.

    4. Long Đăng.

    5. Tiểu khúc.

    Đờn 5 bài vì các Đấng còn luân chuyển trong Ngũ Khí và Ngũ Hành, rồi phải lãnh Ngũ Tạng (tức là nhập thế).

    3. Tiểu đàn sóc vọng và Kỷ niệm các Đấng: 3 bài.

    1. Ngũ Đối Hạ: là Âm.

    2. Long Đăng: là Dương.

    3. Tiểu Khúc: là nhỏ ngắn.

    Ấy là Âm Dương sanh sanh hóa hóa.

    Bảy bài thuộc Dương, không phải Nam, không phải Bắc.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng giải về Nhạc Tấu Quân Thiên trong hai kỳ thuyết đạo: Tại Đền Thánh đêm mùng 1-8-Đinh Hợi (dl 15-9-1947) và tại Báo Ân Từ thời Ngọ ngày 15-4-Mậu Tý (dl 23-5-1948), chép ra sau đây:

    "Từ thử, ai cũng cho âm thinh sắc tướng là tà mị, mà căn bản của Đạo Nho là Lễ Nhạc, mà chính Đại Đạo Tam Kỳ là Nho Tông Chuyển Thế thì phải truy tầm nguyên lý của nó mà xác nhận cho đúng nghĩa là thế nào?

    Đòi phen, chúng ta không hiểu được uyên thâm khi dâng lễ cho Đức Chí Tôn lúc Nhạc Tấu Quân Thiên, hết lớp trống qua đến đờn 7 bài thì lâu quá, có khi phải chồn chân rồi nãn chí, chính Bần đạo cũng vậy, vì nghĩ rằng Chí Tôn tư vị quốc dân VN nên tiền định chi chi cũng làm gương mẫu cho toàn đại đồng thế giới, mà có lễ nhạc nầy luôn luôn khi dâng lễ thì ý nghĩa ắt cao trọng lắm là phải.

    Bởi cớ nên khi mới Khai Đạo, Bần đạo đến tại Thánh Thất Thủ Đức của ông Thơ tạo lập, Bần đạo không tin nên hỏi Đức Lý Giáo Tông.

    Ngài dạy rằng: trên Ngọc Hư Cung có hai câu liễn:

    · phía hữu: Bát hồn tư mặc ca Huỳnh Lão,

    · phía tả: Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.

    Bần đạo cũng không hiểu là gì. Lần lần Bần đạo hỏi nữa, Bần đạo được dạy mà hiểu rằng:

    Kể từ phôi thai Càn Khôn vạn vật nầy, Chí Tôn là khối Sanh Quang, biến thành hai khối Sanh Khí, hai khí ấy trụ lại thành một khối lớn tương hiệp nhau mới nổ sanh một tiếng ầm, người ta gọi là Nổ ầm, hay nghe tiếng Ni, đạo Phật sửa lại là Úm (Úm ma ni bát rị hồng). Nhờ tiếng nổ ấy, Bát hồn mới vận chuyển, biến sanh vạn vật và loài người. Tiếng ấy bay ra nghe đến đâu thì Khí Sanh Quang đến đó, tức là sự sống đến, bằng chẳng nghe được thì nơi ấy tiêu diệt, nghĩa là chết mất mà thôi.

    Bởi cớ nên dùng đến những vật Bát âm, nó đã chết đi rồi, như cái trống chẳng hạn, tấm da trâu ấy đã chết, mà với sự khôn ngoan của loài người, làm cho nó có tiếng kêu được, tức là làm cho nó sống lại được, nghĩa là Bát hồn ấy vận chuyển sống lại mà đảnh lễ Đức Chí Tôn, vì cớ nên khi nghe Nhạc Tấu Quân Thiên là có âm thanh sắc tướng, song hiểu xác ý: Khi dâng lễ Đức Chí Tôn, qui pháp định, thấy và nghe cả Bát hồn vận chuyển dâng cái sống cho Ngài.

    Nên chi, từ đây, khi Nhạc Tấu Quân Thiên, chúng ta xem quí hơn dâng Tam bửu, dầu phải lỡ đi nửa chừng trong Đền thờ, nghe đến đó phải dừng lại, cấm không được đi lộn xộn, vì lẽ ấy làm giảm điều kính trọng dâng lên Chí Tôn mà không nên. Khi ấy là vận chuyển Bát hồn đảnh lễ Đức Chí Tôn.

    Vì cớ, Lễ Nhạc hiểu rõ lại thì Chí Tôn không phải là tư vị nước VN, mà chính nghĩa là làm cho sống lại Bát hồn, và Ngài vẫn vui nhận lễ ấy. Ấy vậy, mới có thể làm chủ và làm gương cho toàn nhơn loại được, thì danh dự ấy không phải là quá đáng.

    Xin khuyên toàn đạo từ đây nên để trọn tâm mà kính trọng khi Nhạc Tấu Quân Thiên.

    Đạo Cao Đài là nền đạo qui pháp cả cái sống của Bát hồn mà dâng lễ trả cái sống khi mới phôi thai Càn Khôn do hai khối Sanh Khí mà tạo thành, ngày nay lại dâng lễ trọng cho Chí Tôn, tức là qui pháp cho khối Sanh Khí ấy, tức là Chí Tôn vui và duy nhứt là thấy sự sống trả lại cho Ngài.

    Toàn đạo nên trọn tâm xét hiểu nhiệm mầu đạo lý ấy mà lần lần đạt cho được chơn pháp của Chí Tôn."

    Ý NGHĨA VỀ NHẠC TẤU QUÂN THIÊN:

    "Có điều mầu nhiệm nên nay Bần đạo giảng về Lễ Nhạc để tránh sự thất lễ khi vô hành lễ, vì không hiểu nghĩa lý, không biết thủ lễ theo phép cho y khuôn khổ khi Nhạc Tấu Quân Thiên.

    Bên Á Đông, trong Đạo Cao Đài, có trống có chuông, còn bên Âu Châu, có chuông mà không có trống, là tại sao?

    Tại sao Á Đông dùng trống còn Âu Châu dùng chuông?

    Trống là âm thinh của Đạo.

    Thuở chưa có CKVT, đạo giáo có dạy: Hai lằn nguơn khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái Cực, chủ ngôi Thái Cực là Đức Chí Tôn.

    Khi nào trời sét nổ, chúng ta nghe sao? Người Nam mình kêu là ẦM, còn theo đạo pháp kêu là ÙM, vì cớ phép Phật sửa lại là ÚM: Úm ma ni bát rị hồng. Câu đọc ấy có nghĩa là nắm cả quyền năng vũ trụ quản suất trong tay.

    Tiếng nổ ta nghe nó ra sao? Khi nổ rồi còn nghe tiếng bay xa, nguyên căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn giọng ngân là tiếng chuông.

    Ấy vậy, nguyên căn của đạo giáo do bên Á Đông nầy, có tiếng trống ngân bay qua Âu Châu, nên các đạo giáo Âu Châu đều là hưởng ứng theo Phật giáo, mà Phật giáo xuất hiện nơi Á Đông.

    Vì vậy mà các nền tôn giáo phụ thuộc đều không đúng theo nguyên tắc căn bản.

    Còn tại sao khi vô làm lễ, lúc Nhạc Tấu Quân Thiên, tức là lễ hiến dâng sự sống cho Đức Chí Tôn là Thầy của cả CKVT, Bần đạo thường nhắc nhở tất cả phải đứng ngay ngắn, nghiêm chỉnh.

    Nhạc là hưởng ứng của cả khối Sanh quang của CKVT đồng thinh. Nơi Á Đông có câu: Bào, Thổ, Cách, Mộc, Thạch, Kim, dữ Ty, Trước nãi Bát Âm: tiếng kèn, tiếng trống đất, tiếng trống da, tiếng mõ cây, tiếng khánh đá, tiếng chuông đồng, cùng với tiếng dây đàn, tiếng sáo trúc, ấy là Tám âm.

    Các vật vô năng mà nói đặng, có trật tự niêm luật hòa nhau là đạt đạo, hiệp lại với tiếng kinh mình đọc là âm thinh, nghĩa là con người cùng vạn vật đồng thinh hiến lễ.

    Nơi Ngọc Hư Cung có đôi liễn:

    · Bát hồn tư mặc ca Huỳnh Lão,

    · Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.

    Khi nhạc trổi, cả thảy phải im lặng, hiến cả âm thinh, sự bí mật ấy gọi là Phi Tướng Lễ, chủ ý là trình tấu với Đức Chí Tôn rằng: Các con biết được mầu nhiệm căn nguyên của Cha Lành, muốn cho các con nối nghiệp theo một khuôn phép trường tồn.

    Lễ đó trọng hệ như dâng Tam bửu vậy.

    Bần đạo dặn một lần nữa, khi nào xướng: Nhạc Tấu Quân Thiên, thì phải đứng bình tịnh, người nào có vô không kịp thì đứng ngoài mà thôi."

    CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

     

  • Nhạc thiều

    樂韶

    Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Thiều: đẹp, sáng.

    Nhạc thiều là những khúc nhạc do vua Thuấn đặt ra, nghe réo rắc êm tai, khiến cho lòng người trở nên tốt đẹp.

    Nhạc thiều được dùng trong cung đình.

     

  • Nhan Hồi (Nhan Uyên)

    顏回 (顏淵)

    Nhan Hồi, họ Nhan, tên Hồi, tự là Tử Uyên, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông Nhan Do, người nước Lỗ.

    Nhan Hồi theo học với Đức Khổng Tử, và là học trò giỏi nhứt trong số các học trò của Đức Khổng Tử.

    Nhan Hồi kém hơn Đức Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng Lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người nầy không giận lây người kia, đứng đầu khoa đức hạnh trong cửa Khổng.

    Đức Khổng Tử thường khen rằng: Ta có trò Hồi, cho nên các học trò ngày càng thân với Ta.

    Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngõ hẹp, giỏ cơm bầu nước, nếu là người khác thì không chịu được mà lo buồn, Nhan Hồi thì tự nhiên vui vẻ, học đạo. Đức Khổng Tử khen là người hiền và có nhân. Năm Nhan Hồi 29 tuổi thì tóc đã bạc trắng.

    Lúc Đức Khổng Tử và các môn đệ bị nước Trần và nước Sái vây khổn ở ngoài đồng, không cho đi qua nước Sở, Khổng Tử hết lương thực. Những người đi theo đều ốm, dậy không nổi, nhưng Đức Khổng Tử vẫn dạy các môn đệ, rồi ngâm thơ, đánh đàn, ca hát, không tỏ ra suy yếu.

    Tử Lộ (tên là Trọng Do) thấy thế có vẻ giận, đến hỏi:

    - Người quân tử cũng có lúc cùng khốn ư?

    Đức Khổng Tử đáp:

    - Người quân tử trong lúc cùng khốn thì giữ vững, còn kẻ tiểu nhân trong lúc cùng khốn thì làm bậy.

    Đức Khổng Tử nhìn mặt Tử Cống (tên là Đoan Mộc Tứ) thấy có vẻ giận, liền nói:

    - Này anh Tứ, anh cho ta học nhiều mà biết phải không?

    Tử Cống đáp:

    - Dạ, đúng thế, không phải thế sao?

    Đức Khổng Tử nói: - Không phải đâu! Ta lấy một điều để quán triệt tất cả. (Nhà triết học khác với người thường ở chỗ đó). Đức Khổng Tử biết các học trò còn có chỗ tức tối, bèn gọi Nhan Hồi đến hỏi:

    - Này anh Hồi! Kinh Thi có nói: Chẳng phải con trủy, chẳng phải con hổ, ở ngoài đồng vắng. Đạo của ta phải hay sai? Tại sao ta gặp cảnh nầy?

    Nhan Hồi đáp:

    - Đạo của Phu Tử hết sức lớn lao, nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng Phu Tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp được thì có hại gì! Người ta không dung nạp, nhưng sau nầy người ta sẽ thấy Phu Tử là người quân tử. Đạo không được trau giồi, đó là cái điều mà ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã được trau giồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp được Phu Tử thì có hại gì! Về sau người ta sẽ thấy Phu Tử là người quân tử.

    Đức Khổng Tử hớn hở cười nói:

    - Đúng lắm! Hỡi con người họ Nhan, nếu nhà ngươi lắm của cải thì ta sẽ làm người quản lý của cải cho nhà ngươi.

    Sau đó, Đức Khổng Tử sai Tử Cống sang nước Sở yêu cầu vua Sở Chiêu Vương đem binh đến rước, Đức Khổng Tử mới thoát được cái nạn ấy.

    Bạch kỳ Nhan Uyên:

    Một ngày kia, Đức Khổng Tử hỏi các môn đệ rằng:

    - Thảng như trường hợp nước nọ chẳng hòa với nước kia, đến nỗi phải gây chiến với nhau, thì các môn đệ nghĩ làm sao?

    Các môn đệ đều lần lượt trả lời, cũng không ngoài cái ý thường tình là ai vì chúa nấy, cất binh đánh nhau. Duy có Nhan Hồi thì có tư tưởng khác hẳn, đáp rằng:

    - Nếu gặp trường hợp ấy, tôi nguyện cầm cây cờ trắng, xông ra giữa vòng binh để giải hòa hai bên, hầu ngăn chận cuộc tương tàn tương sát.

    Đức Khổng Tử nghe xong thì rất hài lòng, còn các môn đệ khác thì ngạc nhiên.

    Do đó mới có từ ngữ: Bạch kỳ Nhan Uyên, là cây cờ trắng hòa giải của Nhan Hồi.

    Đức Khổng Tử thường khen Nhan Hồi:

    "Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi giả, bất cải kỳ lạc! Hiền tai Hồi giả!" Nghĩa là: Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!

    Nhan Hồi mất lúc còn rất trẻ, mới 31 tuổi.

    Đức Khổng Tử than rằng: - Trời hại ta! Trời hại ta!

    Mộ của Nhan Hồi ở Khổng Lâm, có những đền miếu mái lợp ngói tráng men, tường sơn đỏ, cửa sơn xanh, xà cột chạm vẽ. Miếu chính thờ tượng của Nhan Hồi, các miếu trong thờ bài vị song thân và phu nhân của Nhan Hồi. Đời sau có bài thi:

     

    KHỔNG TỬ KHÓC NHAN HỒI

     

    Khả tích Nhan Hồi mạng tảo vong,

    Giáo nhơn tư tưởng phát như sương.

    Chỉ nhơn lậu hạn đơn biều lạc,

    Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.

    Dịch:

    Khá tiếc Nhan Hồi mạng vắng ôi!

    Nhớ thương mái tóc bạc như vôi.

    Đai cơm bầu nước vui quê hẹp,

    Lưu tiếng hiền danh biết mấy đời.

    Đời sau truy tặng Nhan Hồi là Uyển Quốc Công, phối hưởng với Đức Khổng Tử khi cúng tế và được tôn là Phục Thánh, một trong Tứ Thánh của Nho giáo, gọi là Phục Thánh NhanTử.

    Hai vị Thánh Nhan Hồi và Tử Tư có giáng cơ nơi Chiếu Minh Đàn ở Cần Thơ giảng dạy Đạo lý, xin chép ra sau đây:

    Ngày 17-1-Nhâm Thân (dl 22-2-1932).

    Tiếp điển:

    THI:

    NHAN sắc người tu trổ đượm nhuần,

    HỒI tâm tánh tục khỏi gian truân.

    TỬ tôn noi dấu nhà Nho giáo,

    TƯ mộ chơn truyền gặp cảnh xuân.

    NHỊ thế trau giồi nền chánh lý,

    THÁNH Tiên rồi rảnh đạo nhơn luân.

    GIÁNG khuyên người thế mau hồi tỉnh,

    CƠ tạo đổi xây khó độ chừng.

    Diễn dụ: Phàm làm người ở thế phải biết Tam Cang Ngũ Thường vi bổn và biết đạo.

    Nếu muốn hiểu thông chơn lý và cư xử cuộc thế đạo nhà, dạy dân lễ nghĩa, cũng nhờ văn chương khai khiếu.

    Kẻ học đạo mà không dùng Nho tợ như thuyền thiếu lái, kẻ thương mãi mà chẳng dùng Nho thì sổ bộ loạn hành, bổn lợi chẳng minh. Bởi có câu: Vạn sự tùng Nho sở xuất.

    THI rằng:

    Muốn minh chơn lý phải dùng Nho,

    Máy tạo huyền vi chẳng dễ mò.

    Học đạo thiếu văn thuyền chích lái,

    Cũng nên tìm kiếm một đôi pho.

     

  • Nhàn cư vi bất thiện

    閒居為不善

    A: Idleness is the source of all evils.

    P: L'oisiveté est la source de tous les vices.

    Nhàn: nhàn rỗi. Cư: ở. Vi: là. Bất thiện: không lành.

    Nhàn cư vi bất thiện là người ở không thì không lành, tức là hay làm điều ác.

     

  • NHÃN

    NHÃN: 眼 con mắt.

    Td: Nhãn huệ quang, Nhãn tiền.

     

  • Nhãn huệ quang

    眼慧光

    Nhãn: con mắt. Huệ: sáng suốt, thông hiểu sự lý. Quang: ánh sáng. Huệ quang: ánh sáng của trí huệ.

    Nhãn huệ quang là con mắt của trí huệ, tức là thấy rõ và hiểu biết sâu xa rốt ráo các việc.

    Người có trí huệ mới có được cặp nhãn huệ quang.

    TNHT: Nhưng chừng bỏ xác phàm, được nhãn huệ quang rồi, Em lại thấy thương đau thương đớn, dường như sợ họ sái đường lạc nẻo. (Em: Đức Cao Thượng Phẩm tự xưng nói với Đức Quyền Giáo Tông).

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhãn tiền báo ứng

    眼前報應

    A: Immediate retribution.

    P: Rétribution immédiate.

    Nhãn: con mắt. Tiền: trước. Báo ứng: hiện ra để đáp lại.

    Nhãn tiền: ngay trước mắt, xảy ra ngay, không đợi lâu.

    Nhãn tiền báo ứng là sự báo đáp ứng hiện ra ngay trước mắt, làm cho mọi người thấy liền, không phải chờ đợi lâu.

    Nhãn tiền báo ứng còn được gọi là Tốc báo.

    TNHT: Nhãn tiền báo ứng dễ đâu sai.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhãn trung đinh

    眼中釘

    Nhãn: con mắt. Trung: ở trong. Đinh: cây đinh.

    Nhãn trung đinh là cây đinh trong con mắt, ý nói: vật chướng ngại cần phải diệt trừ ngay.

    Nhãn trung thứ: 眼中刺 cái gai trong con mắt, đồng nghĩa Nhãn trung đinh. (Thứ là cái gai nhọn).

     

  • Nhắm mắt

    Có hai nghĩa sau đây tùy trường hợp:

    (1):

    A: To past away.

    P:Trépasser.

    Nhắm mắt là chết, vì người chết thì nhắm mắt vĩnh viễn.

    KSH:

    Còn hoi hóp tranh đua bay nhảy,

    Nhắm mắt rồi phủi thảy lợi danh.

    (2):

    A: To hazard.

    P: Se hasarder.

    Nhắm mắt là liều theo số mạng, để số mạng đưa đẩy.

    TTCĐDTKM: Dầu thương nhắm mắt đưa chơn.

    KSH: Kinh Sám Hối.

    TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

     

  • Nhâm đốc nhị mạch

    任督二脈

    Nhị mạch: hai mạch. Mạch là đường vận hành của khí huyết trong phép luyện khí công. Trong cơ thể con người có 2 mạch: mạch Nhâm và mạch Đốc.

    Mạch Đốc: từ dưới đi lên cặp theo xương sống, khởi đầu từ cốc đạo (hậu môn) đi lên, qua các huyệt vĩ lư, giáp tích, ngọc chẩm, lên nê huờn cung, nguơn môn, đến huyệt huyền ưng ngang sóng mũi.

    Mạch Nhâm: đi xuống trước ngực và bụng, khởi đi từ yết hầu, qua trung điền, đơn điền, bàng quang, đến huyệt hội âm là chỗ tận cùng.

    "Đạo lộ là đường Âm Dương thăng giáng, là Nhâm mạch và Đốc mạch.

    Nhâm mạch là mạch quản nhậm các mạch Âm.

    Đốc mạch là mạch quản nhậm các mạch Dương.

    Hai mạch nầy rất quan hệ đến cơ sanh tử của con người.

    Cơ thể của người thường, mạch Nhâm ở phía trước bụng, khởi hành từ huyệt hội âm đến huyệt thừa tương.

    Đốc mạch ở phía sau lưng, khởi hành từ huyệt thừa tương lên thiên môn rồi xuống trường cường.

    Hai mạch nầy có hai chỗ đứt đoạn: một ở miệng, một ở cốc đạo, cho nên sự sanh hóa mất căn bản.

    Công phu thiền định chủ trương nghịch chuyển hà xa: tấn dương hỏa là chiết Khảm; thối âm phù là điền Ly để trở thành Càn Khôn như thuở Tiên Thiên.

    Đốc mạch có tam quan là: vĩ lư, giáp tích và ngọc chẩm. Mỗi quan ải có 3 khiếu nên gọi là Cửu khiếu hay Cửu khúc minh châu.

    Nhâm mạch có tam điền là: Hạ đơn điền, Trung đơn điền và thượng đơn điền. Mỗi điền có 3 vị trí nên gọi là Cửu đảnh huờn đơn.

    Công phu vận Châu thiên với mục đích:

    - Khai thông hai mạch Nhâm và Đốc để chờ ngày quá quan phục thực.

    - Công phu tấn dương thối âm để chiết Khảm điền Ly, điều hòa Âm Dương, chuyển cơ sanh tử thành cơ bất sanh bất tử.

    Pháp Châu thiên vận khí luôn luôn đề phòng hai điểm gián đoạn ở giữa hai mạch Nhâm Đốc bằng cách dùng chót lưỡi chống lên chỗ trũng hàm trên để nối Nhâm Đốc nhị mạch gọi là nối Thượng thước kiều (bắc cầu trên) cho khí thông xuống trùng lầu về Khôn cung. Nhíu hậu môn chuyển khí từ Khôn cung qua vĩ lư, gọi là nối Hạ thước kiều (bắc cầu dưới) cho khí thông lên Càn đảnh.

    Khi Nhâm Đốc đã được khai thông thì tất cả các kinh mạch trong châu thân cũng đều thông." (Tam Thừa Chơn Giáo)

     

  • NHẬM

    (Xem: Nhiệm)

     

  • NHÂN

    (Xem: Nhơn)

     

  • NHẪN

    NHẪN: 忍 Nhịn, chịu đựng.

    Td: Nhẫn nhục.

     

  • Nhẫn nhục

    忍辱

    A: To bear patiently an affront.

    P: Supporter avec patience un affront.

    Nhẫn: Nhịn, chịu đựng. Nhục: nhơ nhuốc.

    Nhẫn nhục là nhịn thua người ta và chấp nhận điều sỉ nhục, không có ý trả hận.

    Nhẫn nhục phụ trọng: nhịn nhục được mới có thể gánh vác việc quan trọng.

    Về đức tánh nhẫn nhục, Đức Khổng Tử có dạy ông Tử Trương như sau đây:

    Tử Trương dục hành, từ ư Phu Tử, nguyện tứ nhứt ngôn, vi tu thân chi yếu.

    Phu Tử viết:

    Bách hạnh chi bổn, nhẫn chi vi thượng.

    Tử Trương viết:

    Hà vi nhẫn chi?

    Phu Tử viết:

    Thiên tử nhẫn chi, quốc vô hại,

    Chư hầu nhẫn chi, thành kỳ đại,

    Quan lại nhẫn chi, tấn kỳ vị,

    Huynh đệ nhẫn chi, gia phú quí,

    Phu phụ nhẫn chi, chung kỳ thế,

    Bằng hữu nhẫn chi, danh bất phế,

    Tự thân nhẫn chi, vô hoạn họa.

    Tử Trương viết:

    Bất nhẫn hà như?

    Phu Tử viết:

    Thiên tử bất nhẫn, quốc không hư;

    Chư Hầu bất nhẫn, táng kỳ khu,

    Quan lại bất nhẫn hình phạt tru,

    Huynh đệ bất nhẫn, các phân cư;

    Phu phụ bất nhẫn, tình ý sơ,

    Tự thân bất nhẫn, hoạn bất trừ.

    Tử Trương viết:

    Thiện tai! Thiện tai! Nan nhẫn! Nan nhẫn!

    Phi nhân bất nhẫn, bất nhẫn phi nhân.

    Nghĩa là: Ông Tử Trương (học trò của Khổng Tử) muốn đi ra hành chánh (làm quan), từ tạ Đức Khổng Tử, cầu xin ban cho một lời làm cốt yếu cho việc tu thân.

    Khổng Tử nói: - Gốc của trăm hạnh, nhẫn cao hơn hết.

    Tử Trương nói: - Làm sao phải nhẫn?

    Đức Khổng Tử nói:

    Thiên tử mà nhẫn thì nước không sanh hại,

    Chư Hầu mà nhẫn thì sẽ mạnh lớn thêm,

    Quan lại mà nhẫn thì chức vị sẽ tăng tiến,

    Anh em mà nhẫn thì gia đình giàu sang,

    Chồng vợ mà nhẫn thì được trọn đời,

    Bạn bè mà nhẫn thì tiếng tăm không mất,

    Tự mình mà nhẫn thì không có hoạn họa.

    Ông Tử Trương hỏi: - Không nhẫn sẽ ra sao?

    Đức Khổng Tử nói:

    Thiên tử mà không nhẫn thì nước trống không, hư hỏng,

    Chư Hầu không nhẫn thì thân mình phải mất,

    Quan lại không nhẫn thì sẽ bị trách cứ bằng hình phạt,

    Anh em không nhẫn thì bị chia rẽ mỗi người một nơi,

    Chồng vợ không nhẫn thì tình ý xa nhau,

    Tự mình mà không nhẫn thì tai họa chẳng dứt.

    Ông Tử Trương nói: - Phải lắm! Phải lắm! Khó nhẫn! Khó nhẫn! Chẳng phải người không biết nhẫn, chẳng nhẫn chẳng phải người.

     

  • NHẪNG

    A: Only.

    P: Seulement.

    Nhẫng: Những: chỉ là, cứ là.

    KGO: Khối trái chủ nhẫng lo vay trả.

    KGO: Kinh Giải Oan.

     

  • NHẬP

    NHẬP: 入 Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất.

    Td: Nhập diệt, Nhập định, Nhập hội.

     

  • Nhập bất phu xuất

    入不敷出

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Bất: không. Phu: đủ. Xuất: chi ra.

    Nhập bất phu xuất là số nhập vào không đủ để xuất ra.

     

  • Nhập diệt

    入滅

    A: To enter Nirvana.

    P: Pénétrer au Nirvana.

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Diệt: ý nói Hư vô tịch diệt, tức Niết Bàn.

    Nhập diệt là đi vào cõi Hư vô tịch diệt, tức là linh hồn đi vào cõi Niết Bàn.

    Đây là từ ngữ của Phật giáo, chỉ bậc cao tăng đắc đạo, lìa bỏ xác trần, linh hồn bay lên đi vào cõi Niết Bàn.

    Đạo Cao Đài thì dùng 2 từ ngữ: qui Thiên, đăng Tiên.

     

  • Nhập diệu

    入妙

    A: To penetrate the secrets of science.

    P: Pénétrer les secrets d'une science.

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Diệu: khéo léo, tuyệt diệu.

    Nhập diệu là đi vào chỗ khéo léo tuyệt diệu, ý nói: sự học đã đạt đến chỗ tinh anh, rốt ráo.

     

  • Nhập định

    入定

    A: To enter into the contemplation.

    P: Entrer dans la contemplation.

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Định: yên lặng, chỉ sự Thiền định.

    Nhập định là đi vào Thiền định, tức là người tu luyện ngồi theo thế kiết già, im lặng để giữ tâm ý cho yên lặng, trong sạch, không vọng động.

    TL: Tịnh Thất: Điều 1: Trong hàng tín đồ, ai đã xử tròn nhơn đạo và giữ trai giới từ 6 ngày sắp lên thì được xin vào Tịnh Thất mà nhập định.

    TL: Tân Luật.

     

  • Nhập gia tùy tục

    入家隨俗

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Gia: nhà. Tùy: theo. Tục: lề lối.

    Nhập gia tùy tục là vào nhà của ai thì phải tùng theo lề lối của nhà ấy.

    Thường nói: Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.

    Nghĩa là: Thuyền đi vào sông thì tùy theo khúc quanh của sông mà đi, vào nhà ai thì tùy theo lề lối của nhà ấy.

     

  • Nhập hội

    入會

    A: To enter in the assembly (conference).

    P: Entrer dans une assemblée (conférence).

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Hội: hội nghị.

    Nhập hội là vào hội nghị.

    Những cuộc Hội quan trọng của Đạo như: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Đại Hội Phước Thiện, trước khi bắt đầu hội nghị thì đọc Kinh Nhập Hội.

     

  • Nhập môn

    入門

    A: To adopt a religion.

    P: Embrasser une religion.

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Môn: cửa, ý nói cửa Đạo.

    Nhập môn là bước vào cửa Đạo, tức là theo Đạo và làm tín đồ của tôn giáo ấy.

    Muốn nhập môn vào Đạo Cao Đài, người cầu Đạo phải qua một lễ đơn giản gọi là Lễ Nhập môn.

    Trong Lễ Nhập môn, có hai tín đồ hướng dẫn, có vị Chánh Trị Sự nơi hương đạo của người nhập môn và vị Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo chứng lễ. Phần quan trọng nhứt trong Lễ Nhập môn là người tân tín đồ phải lập Minh thệ trước Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn. (Xem chữ Minh Thệ, vần M)

    TNHT: Chớ các con nhập môn cho đông, lãnh Thiên phong cho nhiều mà không đủ tư cách thì các con phải tự hỏi mình coi có bổ ích vào đâu chăng?

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhập nội

    入內

    A: To inter inside.

    P: Entrer dedans.

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Nội: trong.

    Nhập nội là vào trong.

    BĐNĐ: Xin mời Thái, Thượng, Ngọc Chánh phối Sư và Nữ Ngọc Chánh phối Sư nhập nội.

    BÐNÐ: Bát Ðạo Nghị Ðịnh.

     

  • Nhập quan - Nhập liệm

    入棺 - 入殮

    A: To coffin a body.

    P: Mettre en bière.

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Quan: cái áo quan. Liệm: bọc xác người chết bằng những lớp vải và bó kín lại.

    Nhập quan hay Nhập liệm là bọc xác của người chết bằng những lớp vải, bó kín lại rồi đặt vào trong quan tài, đậy nắp và đóng đinh cho thật kín.

     

  • Nhập tâm

    入心

    A: To engrave in the heart.

    P: Engraver dans le coeur.

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Tâm: tim, lòng dạ.

    Nhập tâm là ghi nhớ trong lòng, không thể quên được.

     

  • Nhập Thánh thể

    入聖體

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Thánh thể: hình thể của Đức Chí Tôn tại thế, tức là các Chức sắc Cửu Trùng Đài từ hàng Giáo Hữu đổ lên. (Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh).

    Nhập Thánh thể là nhập vào làm hình thể của Đức Chí Tôn tại thế, tức là cầu phong làm Chức sắc hàng Thánh của Cửu Trùng Đài.

    KGO: Nhập Thánh thể dò đường cựu vị.

    KGO: Kinh Giải Oan.

     

  • Nhập thế - Xuất thế

    入世 - 出世

    A: To enter in the life - To become a monk.

    P: Entrer dans la vie - Devenir un religieux.

    Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Thế: đời. Xuất: đi ra.

    - Nhập thế là vào đời, bước vào cuộc đời, tức là đi ra gánh vác việc đời, tham gia vào các mặt hoạt động của xã hội.

    - Xuất thế là bước ra khỏi cuộc đời, không tham gia vào các hoạt động của xã hội nữa, tìm nơi vắng vẻ để tu hành, ẩn thân luyện đạo.

    Nhập thế là HÀNH, xuất thế là TÀNG. Trong sách Luận Ngữ có câu: Dụng chi tắc hành, xử chi tắc tàng. Nghĩa là: Dùng thì ra làm quan, không dùng thì ở ẩn.

    Kinh Dịch cũng có câu: Quân tử chi đạo, hoặc xuất hoặc xử. Nghĩa là: Cái đạo của người quân tử, hoặc là ra làm quan (nếu vua cần dùng), hoặc là ở ẩn (nếu vua không dùng).

     

  • NHẤT

    (Xem: Nhứt)

     

  • NHẬT

    (Xem: Nhựt)

     

  • Nhi nữ thường tình

    兒女常情

    A: The common sentiments of women.

    P: Les sentiments communs des femmes.

    Nhi: con trẻ. Nữ: phụ nữ. Thường: bình thường.Tình: tình cảm, tâm lý.

    Nhi nữ là nói chung đàn bà và con gái.

    Nhi nữ thường tình là tình cảm hay tâm lý chung thông thường của người phụ nữ.

    Td: Tình cảm yếu mềm, nhẹ dạ dễ tin, mê tín, hay khóc lóc than kể,....

     

  • Nhĩ mục quan chiêm

    耳目觀瞻

    Nhĩ: tai, lỗ tai, nghe. Mục: con mắt. Quan: xem xét. Chiêm: ngữa mặt lên mà nhìn.

    Nhĩ mục quan chiêm là tai mắt xem nhìn.

    Ý nói: Mọi người đều chú ý nhìn vào để xem xét các cử chỉ hành động, tức là những người xung quanh rất chú ý đến việc nầy.

     

  • NHỊ

    NHỊ: 二 Hai, thứ nhì.

    Td: Nhị nguyên, Nhị tâm.

     

  • Nhị hữu hình đài

    二有形臺

    A: Two tangible palaces.

    P: Deux palaces tangibles.

    Nhị: Hai, thứ nhì. Hữu hình: có hình thể thấy được. Đài: toà nhà cao lớn.

    Nhị hữu hình đài là hai đài có hình thể nơi mặt thế nầy. Đó là Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài.

    Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài với hình thể 3 Đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài.

    Bát Quái Đài do Đức Chí Tôn chưởng quản.

    Hiệp Thiên Đài chia ra hai phần gồm: Hữu hình và Vô hình, do Đức Hộ Pháp chưởng quản.

    Cửu Trùng Đài cũng phân ra hai phần gồm: Hữu hình và Vô hình, do Đức Giáo Tông chưởng quản.

    Giáo Tông của Đạo Cao Đài là Đức Lý Thái Bạch. Ngài là Đấng Đại Tiên Trưởng nơi cõi thiêng liêng, cầm quyền điều khiển nền Đạo nơi mặt hữu hình nầy phải thông qua cơ bút. Nếu tổ chức cơ bút chậm trễ thì sự điều khiển của Ngài cũng chậm trễ theo. Do đó, Đức Lý Thái Bạch giao quyền Giáo Tông hữu hình tại thế cho Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt để điều khiển phần hữu hình cho được lẹ làng, đối phó kịp thời những biến chuyển của nền Đạo, còn quyền Giáo Tông Vô hình vẫn do Đức Lý nắm giữ. Do đó, toàn đạo gọi Ngài Thượng Trung Nhựt là Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung. (chữ Quyền để chỉ rằng Ngài chỉ nắm có nửa quyền Giáo Tông mà thôi.)

    Khi Đức Quyền Giáo Tông đăng Tiên, Đức Lý Thái Bạch mới trao quyền Giáo Tông tại thế cho Đức Phạm Hộ Pháp nắm giữ. Do đó, Đức Phạm Hộ Pháp xưng là:

    Hộ Pháp Chưởng quản nhị Hữu Hình Đài: "Hiệp Thiên và Cửu Trùng." Khi Đức Phạm Hộ Pháp qui Thiên thì quyền Chưởng quản CTĐ hữu hình tại thế giao hoàn cho Đức Lý Thái Bạch.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Nhị nguyên luận

    二元論

    A: Dualism.

    P: Dualisme.

    Nhị: Hai, thứ nhì. Nguyên: khởi đầu. Luận: bàn luận với đủ lý lẽ.

    Nhị nguyên là hai cái mối khởi đầu có bản thể khác nhau, đối lập nhưng bổ sung nhau, để từ đó giải thích sự tạo thành vạn vật và các hiện tượng trong Vũ trụ. Đối lập với Nhị nguyên là Nhứt nguyên.

    Một cách tổng quát, Nhị nguyên luận là học thuyết chủ trương thế giới và tất cả những gì tồn tại đều cấu thành do hai bản thể có tính cách khác nhau, độc lập với nhau, đấu tranh với nhau nhưng không tiêu diệt nhau mà bổ sung nhau.

    Thí dụ: - Con người được cấu thành bởi hai yếu tố: thể xác và linh hồn.

    - Vũ trụ có 2 nguyên khởi là: Âm và Dương.

    Nhị nguyên luận coi vật chất và tinh thần là hai bản nguyên như nhau. Việc tách rời tinh thần và vật chất theo quan điểm Nhị nguyên luận dẫn đến chủ nghĩa Duy tâm. Nhị nguyên luận là cơ sở của thuyết Tâm Vật song hành.

     

  • Nhị Nương

    二娘

    A: Second Muse.

    P: Seconde Muse.

    Nhị: Hai, thứ nhì. Nương: người phụ nữ quí phái đáng kính.

    Nhị Nương là vị Tiên Nữ đứng thứ hai trong Cửu vị Tiên Nương DTC, hầu cận Đức Phật Mẫu. (Xem: Cửu vị Tiên Nương)

    Trong một kiếp giáng trần ở Việt Nam, Nhị Nương có tên là CẨM, do đó, các bài thi giáng cơ của Nhị Nương đều khởi đầu bằng chữ CẨM.

    Nhị Nương rất ít khi giáng cơ, chúng tôi sư tập được một bài Thánh Ngôn của Nhị Nương ngày 20-1-Tân Mão (dl 25-2-1951) tại Thanh Trước Đàn, xin chép ra sau đây:

    NHỊ NƯƠNG DTC

    Chị chào mấy em.

    THI:

    CẨM tú giang san đổ máu đào,

    Vì dân nước Việt chẳng thương nhau.

    Càng nhìn càng thảm càng đau dạ,

    Hỡi khách đơn tâm lấp lũy hào.

    VĂN:

    Lũy hào ấy tay ai lập để,

    Cho dân Nam chẳng kể tình chung.

    Biết bao nhiêu mặt anh hùng,

    Sao không trở lối, ngại ngùng sao nên.

    Phận nam nhi khá bền danh tiết,

    Lấy tình thương đặng diệt tàn hung.

    Kìa bao giông tố bão bùng,

    Vì chưng chẳng biết thương cùng với nhau.

    Đỉnh chung thế cho màu đạo đức,

    Chỉ hơn thua đâu dứt tang du.

    Dấn thân vào chốn ao tù,

    Để làm nô lệ, vinh phù lấy thân.

    Nếu là kẻ biết phân chơn giả,

    Khá đưa nhau khỏi ngả đọa đày.

    Kìa gương Khương Thượng còn dai,

    Văn Vương vẫn đó, khá hay cho tròn.

    Đã biết Đạo đừng mong an hưởng,

    Cứu sanh linh giúp phướn truy hồn.

    Nâu sồng ngắm nẻo Côn Lôn,

    Tìm phương vớt kẻ dập dồn trái căn.

    Tua giữ dạ cản ngăn lối quẹo,

    Giữ chơn thần ngắm nẻo từ bi.

    Lấy phương cứu giống Nam chi,

    Bớt cơn khói lửa lập vì Lạc Long.

    Lần đầu tiên chị để ít vần, mấy em ngâm cũng đủ. Tên Chị để đầu bài thi, xem thì rõ. Xin kiếu. THĂNG.

    DTC: Diêu Trì Cung.

     

  • Nhị thập bát tú

    二十八宿

    Nhị: Hai, thứ nhì. Thập: mười. Bát: tám. Tú: chòm sao.

    Nhị thập Bát tú là 28 chòm sao trên bầu Trời.

    Theo Thiên Văn Học cổ của Trung quốc, các nhà chiêm tinh thời xưa đã nhận xét bầu Trời sao ở 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc không giống nhau, nên họ đã chia bầu Trời sao thành 4 nhóm sao theo 4 phương Trời, mỗi nhóm sao do 7 chòm sao hợp thành. Đó là 28 chòm sao mà mỗi chòm sao có mang biểu tượng một nhân vật và một con thú, kể ra:

    I. Phương Đông có nhóm sao Thanh Long (rồng xanh) gồm 7 chòm sao: 1. Giác hay Giốc (cá sấu), 2. Khương hay Cang (rồng), 3. Chi hay Đê (cu li), 4. Phòng (thỏ), 5. Tâm (cáo), 6. Vĩ (cọp), 7. Cơ (báo).

    II. Phương Tây có nhóm sao Bạch Hổ (cọp trắng) gồm 7 chòm sao: 1. Khuê (sói), 2. Lâu (chó), 3. Vị (trĩ), 4. Mão (gà), 5. Tất (quạ), 6. Chủy (khỉ), 7. Sâm (vượn).

    III. Phương Bắc có nhóm sao Huyền Vũ (rùa đen và rắn đen) gồm 7 chòm sao: 1. Đẩu (cua), 2. Ngưu (trâu), 3. Nữ (dơi), 4. Hư (chuột), 5. Nguy (én), 6. Thất (heo), 7. Bích (nhím)

    IV. Phương Nam có nhóm sao Chu Tước (chim sẻ đỏ) gồm 7 chòm sao: 1. Tỉnh (cầy), 2. Quỷ (dê), 3. Liễu (hoẵng), 4. Tinh (ngựa), 5. Trương (nai), 6. Dực (rắn), 7. Chẩn (giun).

     

  • Nhị thập tứ hiếu

    二十四孝

    A: Twenty four examples of filial piety.

    P: Vingt quatre récits de pitié filiale.

    Nhị: Hai, thứ nhì. Thập: mười. Tứ: bốn. Hiếu: hiếu thảo.

    Nhị thập tứ hiếu là 24 gương hiếu thảo với cha mẹ.

    Đây là 24 gương hiếu thảo của người xưa ở bên Tàu được truyền tụng. Nhà văn Quách Cự Nghiệp, một học giả đời nhà Nguyên bên Tàu sưu tập và viết ra.

    Ở Việt Nam, ông Lý Văn Phức (1785-1849), đậu Cử Nhân, làm quan dưới ba triều vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là nhà văn chủ trương đạo đức, liền dịch truyện Nhị thập tứ Hiếu của Quách Cự Nghiệp ra quốc văn theo thể thơ song thất lục bát, để dễ truyền bá mà răn dạy người đời là phải có hiếu với cha mẹ.

    Nho giáo dạy rất kỹ về Nhơn đạo, lấy chữ Hiếu làm căn bản đạo đức con người (Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu). Người không hiếu với cha mẹ thì nhứt định không có đạo đức, không dùng được.

    Đạo Cao Đài với chủ trương Nho Tông Chuyển Thế nên luôn luôn đề cao Trung, Hiếu và Nhơn, Nghĩa. Hiếu là đức tánh làm đầu mối cho mọi đức tánh khác. Trước là phải hiếu thảo với cha mẹ phàm trần, sau đó còn phải hiếu với hai Đấng Cha Mẹ thiêng liêng là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    Do đó, nơi mặt tiền của Báo Ân Từ trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, Hội Thánh có cho đắp nổi 24 bức tranh nhắc lại sự tích Nhị thập tứ Hiếu để nhắc nhở người tín đồ Cao Đài phải lấy chữ Hiếu làm đầu.

    Quan sát các bức tranh từ bên Nam qua bên Nữ phái, kể ra theo thứ tự sau đây:

    1. Ngu Thuấn

    3. Châu Thọ

    5. Ngô Mãnh

    7. Đường Thị

    9. Đinh Lan

    11. Vương Thôi

    13. Quách Cự

    15. Thái Thuận

    17. Tử Lộ

    19. Diễm Tử

    21. Giang Cách

    23. Hoàng Đình

    2. Hán Văn Đế

    4. Vương Tường

    6. Hoàng Hương

    8. Khương Thi

    10. Lục Tích

    12. Mạnh Tông

    14. Dương Hương

    16. Mẫn Tử Khiên

    18. Lão Lai Tử

    20. Đỗng Vĩnh

    22. Du Kiềm Lâu

    24. Tăng Tử.

     

  • Nhị thập tứ Tiết

    二十四節

    A: Twenty four weathers.

    P: Vingt quatre temps.

    Nhị: Hai, thứ nhì. Nhị thập tứ: 24. Tiết: thời tiết, khí hậu.

    Nhị thập tứ Tiết là 24 tiết khí hậu trong một năm.

    Người Tàu thuở xưa nhận thấy trong 1 năm có 24 tiết khí hậu khác nhau, đặc biệt ở vùng sông Hoàng Hà, gọi là Nhị thập tứ Tiết, kể ra sau đây:

     

     

    Ngày-tháng dương lịch:

    1.

    Tiểu hàn:

    lạnh ít

    5-1

    2.

    Đại hàn:

    lạnh nhiều

    20-1

    3.

    Lập Xuân:

    đầu mùa Xuân

    4-2

    4.

    Vũ thủy:

    mưa nước

    19-2

    5.

    Kinh trập:

    sâu nở

    5-3

    6.

    Xuân phân:

    giữa mùa Xuân

    (ngày và đêm dài bằng nhau)

    21-3

    7.

    Thanh minh:

    trong sáng

    5-4

    8.

    Cốc vũ:

    mưa rào

    20-4

    9.

    Lập Hạ:

    đầu mùa Hạ

    5-5

    10.

    Tiểu mãn:

    hạt trướng

    21-5

    11.

    Mang chủng:

    lúa trổ

    5-6

    12.

    Hạ chí:

    giữa mùa Hạ

    (ngày dài nhất)

    22-6

    13.

    Tiểu thử:

    nắng ít

    7-7

    14.

    Đại thử:

    nắng nhiều

    22-7

    15.

    Lập Thu:

    đầu mùa Thu

    7-8

    16.

    Xử thử:

    nắng nhạt

    23-8

    17.

    Bạch lộ:

    sương trắng

    7-9

    18.

    Thu phân:

    giữa mùa Thu

    (ngày và đêm dài bằng nhau)

    23-9

    19.

    Hàn lộ:

    sương lạnh

    8-10

    20.

    Sương giáng:

    sương sa xuống

    23-10

    21.

    Lập Đông:

    đầu mùa Đông

    7-11

    22.

    Tiểu tuyết:

    tuyết ít

    22-11

    23.

    Đại tuyết:

    tuyết nhiều

    7-12

    24.

    Đông chí:

    giữa mùa Đông

    (đêm dài nhứt)

    22-12

    Ngày dương lịch ghi trên theo các Tiết có thể xê dịch 1 ngày vì năm nhuận của dương lịch (tháng 2 có 29 ngày).

    Trong dương lịch, người ta coi 4 Tiết: Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí là 4 ngày đầu mùa, nhưng trong âm lịch thì 4 ngày đó được xem là giữa mùa, còn các ngày đầu mùa thì lại bắt đầu sớm hơn 3 Tiết, vào những ngày: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu và Lập Đông.

    Phân tích lịch 24 Tiết của Trung quốc, ta thấy mỗi Tiết kéo dài 15 đến 16 ngày, có nêu đặc điểm khí hậu quan hệ đến nông nghiệp.

    Lịch 24 Tiết của Trung quốc có những ưu điểm sau đây:

    · Một là xác định các mùa bằng ngày mặt trời.

    · Hai là tính các mùa khá chi tiết.

    · Ba là chỉ được sự diễn biến của thời tiết, khí hậu nóng lạnh, nắng mưa và ảnh hưởng của chúng đối với mùa màng.

    Lịch 24 Tiết nói trên chỉ đúng ở vùng lưu vực sông Hoàng Hà và sông Trường giang ở Trung quốc, thuộc vùng ôn đới; còn ở nước ta thuộc vùng nhiệt đới, không có tuyết nên khí hậu ở nước ta có nhiều điểm khác biệt hơn ở Trung quốc.

     

  • Nhị xác thân

    二殼身

    A: The perisprit, astral body.

    P: Le périsprit, corps astral.

    Nhị: Hai, thứ nhì. Xác thân: thân thể của con người.

    Nhị xác thân là xác thân thứ nhì của con người.

    Theo Luật Tam Thể, con người nơi cõi trần có 3 thể:

    · Thể thứ nhứt là xác thân phàm.

    · Thể thứ nhì là xác thân thiêng liêng, hay chơn thần.

    · Thể thứ ba là linh hồn, hay chơn linh.

    Nhị xác thân chính là chơn thần.

    Nơi cõi thiêng liêng, con người chỉ có hai thể: Chơn thần và linh hồn. Khi con người nơi cõi trần chết, thể xác phàm bị hư hủy, chơn thần và linh hồn xuất ra khỏi xác phàm, bay trở về cõi thiêng liêng.

    Khi con người nơi cõi thiêng liêng (có 2 thể) đầu kiếp xuống cõi trần thì do cha mẹ phàm trần sanh ra, nên có thêm một thể thứ ba là xác phàm (3 thể). (Xem chi tiết nơi chữ: Chơn thần - Chơn linh, vần Ch)

     

  • Nhiễm luyến

    染戀

    A: To love the world.

    P: Aimer le monde.

    Nhiễm: thấm sâu vào. Luyến: quấn quít không rời.

    Nhiễm luyến là ham thích và thấm sâu vào.

    TNHT: Nhưng chúng nó nhiễm luyến đã đầy mùi trần thế.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • NHIỆM

    NHIỆM: 任 Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ.

    Td: Nhiệm chức, Nhiệm phong.

     

  • Nhiệm chức (Nhậm chức)

    任職

    A: To take up an appointment.

    P: Exercer une fonction publique.

    Nhiệm: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ. Chức: chức tước, chức vụ.

    Nhiệm chức hay Nhậm chức là nhận lãnh (gánh vác) một chức vụ do cấp trên giao phó.

     

  • Nhiệm mầu

    (Xem: Mầu nhiệm, vần M)

     

  • Nhiệm phong (Nhậm phong)

    任封

    A: To receive the investiture.

    P: Recevoir l'investiture.

    Nhiệm: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ. Phong: vua ban phẩm tước cho bề tôi.

    Nhiệm phong hay Nhậm phong là chấp nhận phong phẩm Chức sắc cho những người có đủ công nghiệp hành đạo.

    TNHT: Vậy sau nầy, có ai đáng thì do Tân Luật mà công cử, còn về phong tịch thì có Lý Giáo Tông tiến cử, Thầy mới nhậm phong nghe.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhiệm sở

    任所

    A: Office, bureau.

    P: Service, bureau.

    Nhiệm: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ. Sở: nơi, chốn.

    Nhiệm sở là cơ quan mà mình có trách nhiệm làm việc.

     

  • Nhiệm ý

    任意

    A: According to ons's wish.

    P: Selon son gré.

    Nhiệm: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ. Ý: ý muốn.

    Nhiệm ý là mặc ý, tự do theo ý riêng.

     

  • Nhiên Đăng Cổ Phật

    燃燈古佛

    A: Dipankara, Ancient Buddha.

    P: Dipankara, Bouddha Ancien.

    Nhiên: đốt cháy. Đăng: cây đèn. Cổ Phật: vị Phật xưa.

    Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, gọi theo tiếng Phạn là: Dipankara hay Dipanikara, dịch ra Hán văn là: Nhiên Đăng Phật hay Đính Quang Phật. (Đính là cái chân đèn).

    Theo TNHT, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng sanh bên nước Ấn Độ vào thời kỳ tương ứng với đời vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu.

    Còn Đức Phật Thích Ca cũng giáng sanh bên nước Ấn Độ sau đó, tương ứng đời nhà Châu (Chu) bên Tàu.

    TNHT: Như kẻ bên Phật giáo hay tặng Nhiên Đăng là Chưởng giáo, Nhiên Đăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Đế.

    Người ta gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.

    Trong Kinh Trí Độ Luận: Như Nhiên Đăng Phật, khi sinh, chung quanh thân sáng như đèn, cho nên gọi là Nhiên Đăng Thái Tử. Khi thành Phật cũng gọi là Nhiên Đăng, xưa gọi tên là Đính Quang Phật.

    Theo Từ Điển Phật Học Việt Nam: Đức Phật Thích Ca có một tiền kiếp là Tỳ Kheo Nho Đồng. Nho Đồng từng gặp và cúng hoa cho Đức Phật Nhiên Đăng. Nho Đồng mua hoa ấy từ một cô gái bán hoa với giá rất mắc. Cô gái hỏi vì sao Nho Đồng lại chịu mua với giá mắc như vậy? Nho Đồng trả lời là mua hoa để cúng Phật Nhiên Đăng. Cô gái liền tặng không bó hoa với lời nguyện là cô với Nho Đồng sẽ kết duyên vợ chồng trong các kiếp sau. Sa môn Nho Đồng là tiền thân của Phật Thích Ca, cô gái bán hoa là tiền thân của Công chúa Gia Du Đà La.

    Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn: Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm Tự có tích nầy: Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh khi còn ở Hoàng Cung, có sanh ra 8 vị Vương tử: Hữu Ý, Thiện Ý, Vô Lượng Ý, Bảo Ý, Tăng Ý, Trừ Nghi Ý, Hưởng Ý, Pháp Ý.

    Khi Ngài xuất gia tu hành thành Phật thì 8 vị Vương tử ấy đều theo cha mà tu trì Phạm hạnh. Tám vị ấy đều lần lượt thành Phật, và vị sau rốt thành Phật hiệu là Nhiên Đăng.

    Phật Nhiên Đăng có thọ ký cho Thiện Huệ Bồ Tát, phán rằng, về sau Thiện Huệ sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

    Trong Vô Lượng Thọ Kinh, Phật phán với A Nan rằng: Về đời quá khứ, thuở xưa cách nay lâu xa vô lượng, chẳng có thể suy nghĩ bàn bạc được là bao nhiêu kiếp, Đức Đính Quang Như Lai (Phật Nhiên Đăng) xuất hiện ở thế, giáo hóa độ thoát vô lượng chúng sanh đều cho đắc đạo, rồi Ngài mới vào diệt độ (Niết Bàn).

    Theo Giáo lý và Kinh sách của Đạo Cao Đài thì:

    Thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng trần mở Phật giáo ở Ấn Độ ứng với đời vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu. Ngài làm Chưởng Giáo Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương Đại Hội.

    Theo Di-Lạc Chơn Kinh thì, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật hiện nay chưởng quản từng Trời Hư Vô Thiên, là từng Trời thứ 10, trên đó có Ngọc Hư Cung, là nơi họp Thiên triều của Đức Chí Tôn để chư Phật tạo định Thiên Thư, tận độ chúng sanh đắc qui Phật vị.

    KTTg:

    Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín,

    Hư Vô Thiên đến thính Phật điều.

    Ngọc Hư Đại Hội ngự triều,....

    Trong Kinh Cúng Tứ Thời, bài Phật giáo Tâm kinh là bài xưng tụng công đức của Nhiên Đăng Cổ Phật, ý nghĩa là:

    · Đức Nhiên Đăng Cổ Phật là vị thầy đáng kính, sanh ra vào thời Hỗn Độn, làm Chủ Tể CKVT.

    · Gom các thế giới vào trong một khí Hư Vô, nắm giữ các cõi trần vào trong hai tay.

    · Đèn trí huệ cháy hoài không tắt, soi sáng 36 từng Trời.

    · Đạo pháp như dòng nước chảy hoài không dứt.

    · Khai mở tâm tánh cho 92 ức nguyên nhơn đang còn mê muội nơi cõi trần.

    · Đạo pháp cao siêu không cùng tận, dạy cho biết rõ cõi hư linh.

    · Thổi ra một chất khí biến thành cái móng Trời, làm thành cây cột chống vững bầu Trời.

    · Biến hóa cây kiếm thành cây thước mà ba phân nâng vững giềng Đất.

    · Đức Nhiên Đăng góp công cùng Đức Chí Tôn, khai phá thông suốt Khiếu Huyền Quan, cho tánh hiệp với vô vi.

    · Chưởng quản Tam tài trong ý chỉ nhiệm mầu.

    · Nhiều lần ban bố ơn huệ, độ người nhiều không kể xiết

    · Ngài là Đấng Đại bi, Đại nguyện, Đại Thánh, Đại từ.

    · Thiên tước của Ngài là: Nhiên Đăng Cổ Phật Vô Vi Xiển Giáo Thiên Tôn.

    Đức Nhiên Đăng Cổ Phật ít khi giáng cơ dạy đạo.

    Trong tập Thánh giáo Minh Thiện Đàn, chúng tôi sưu tầm được 4 bài thi tứ tuyệt do Ngài ban cho trong 4 lần giáng cơ, chép ra sau đây:

    Nhiên Đăng phụng lịnh Đức Cao Đài,

    Thuận ý Ngọc Hoàng, ngã giáng lai.

    Bồ Tát chơn truyền vô tận ý,

    Ma Ha tự đắc độ hàn tai.

    Nhiên Đăng thương xót kẻ trần gian,

    Nên xuống Linh san đặng cứu nàn.

    Khổ ách kia qua, tai trở lại,

    Lòng từ chơn thật đến Thiên đàng.

    Nhiên Đăng Cổ Phật giáo từ đa,

    Dục đắc chơn truyền nguyện Thích Ca.

    Nhứt bất ly kinh vô thế sự,

    Tây phương đắc ngộ lạc như hà.

    Nhiên Đăng Cổ Phật giáo từ đa,

    Dục đáo Niết Bàn nguyện Thích Ca.

    Tu khả miễn hành kỳ thiện đạo,

    Văn kỳ chánh ngữ nguyện Di-Đà.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

     

  • Nhiên hậu

    然後

    A: Then.

    P: Alors.

    Nhiên: vậy, song, nhưng, rồi. Hậu: sau.

    Nhiên hậu là rồi sau.

     

  • NHIẾP

    NHIẾP: 攝 Làm thay, thâu vào.

    Td: Nhiếp ảnh, Nhiếp chánh, Nhiếp hồn.

     

  • Nhiếp ảnh

    攝影

    A: To photograph.

    P: Photographier.

    Nhiếp: Làm thay, thâu vào. Ảnh: hình ảnh.

    Nhiếp ảnh là chụp hình.

     

  • Nhiếp chánh

    攝政

    A: The regency.

    P: La régence.

    Nhiếp: Làm thay, thâu vào. Chánh: việc sắp đặt trị an trong nước.

    Nhiếp chánh là thay thế vua còn nhỏ tuổi mà nắm quyền trị nước.

     

  • Nhiếp hồn

    攝魂

    A: To invoke a soul.

    P: Invoquer une âme.

    Nhiếp: Làm thay, thâu vào. Hồn: linh hồn.

    Nhiếp hồn là gọi hồn người chết về.

     

  • Nhiếp tâm

    攝心

    A: To keep one's heart.

    P: Retenir son coeur.

    Nhiếp: Làm thay, thâu vào. Tâm: cái tâm của mỗi người.

    Nhiếp tâm là kềm giữ cái tâm không cho phóng túng, mơ tưởng việc nầy việc nọ.

    Nhiếp tâm cũng còn có nghĩa là gìn giữ giới luật tu hành, vì nhờ giới luật mà gìn giữ cái tâm được tốt đẹp.

     

  • NHIỆT

    NHIỆT: 熱 Nóng, nóng nảy, hăng hái.

    Td: Nhiệt huyết, Nhiệt thành.

     

  • Nhiệt huyết

    熱血

    A: Hot blood, ardour.

    P: Sang chaud, ardeur.

    Nhiệt: Nóng, nóng nảy, hăng hái. Huyết: máu.

    Nhiệt huyết là bầu máu nóng. Ý nói: lòng dạ hăng hái muốn tham gia gánh vác công việc ích lợi chung.

    TĐ ĐPHP: Những kẻ ấy đem tất cả nhiệt huyết của mình đặng cứu dân.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Nhiệt tâm

    熱心

    A: Enthusiasm.

    P: Enthousiasme.

    Nhiệt: Nóng, nóng nảy, hăng hái. Tâm: lòng dạ.

    Nhiệt tâm là lòng dạ hăng hái sốt sắng, muốn đem tài sức ra gánh vác công việc xã hội.

     

  • Nhiệt thành

    熱誠

    A: Fervent.

    P: Fervent.

    Nhiệt: Nóng, nóng nảy, hăng hái. Thành: thành thật.

    Nhiệt thành là lòng hăng hái chơn thật.

    KXH: Phật Thánh Tiên nhỏ máu nhiệt thành.

    KXH: Kinh Xuất Hội.

     

  • Nhiễu điều

    A: The red crape.

    P: Le crêpon rouge.

    Nhiễu: một loại tơ lụa. Điều: màu đỏ.

    Nhiễu điều nghĩa đen là tấm lụa đỏ.

    Nhiễu điều có nghĩa bóng theo câu ca dao:

    Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

    Người trong một nước phải thương nhau cùng.

    Nhiễu điều là ý nói người trong một nước phải thương yêu nhau, xem nhau như anh em một nhà.

    TNHT:

    Nhiễu điều ví đặng phủ gương trong,

    Thì mới làm cho cái nghĩa đồng.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhiễu hại

    擾害

    A: To harm.

    P: Nuire.

    Nhiễu: làm rối loạn, khuấy rối. Hại: làm hao tổn.

    Nhiễu hại là quấy rối và làm hại.

    TNHT: Thơ, con dắt mấy em con đi Cần Giuộc vì tà mị muốn nhiễu hại môn đệ Thầy ở dưới.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • NHO

    NHO: 儒 Đạo Nho, có văn vẻ nề nếp, học trò.

    Td: Nho gia, Nho phong, Nho nhã.

     

  • Nho gia

    儒家

    A: Confucianist.

    P: Confucianiste.

    Nho: Đạo Nho, có văn vẻ nề nếp, học trò. Gia: nhà.

    Nho gia là nhà nho, người có trình độ Nho học cao.

     

  • Nho giáo

    儒敎

    A: Confucianism.

    P: Confucianisme.

    Nho: Đạo Nho, có văn vẻ nề nếp, học trò. Giáo: tôn giáo.

    Nho: do chữ Nhơn 亻và chữ Nhu 需 ghép lại. Nhơn là người, Nhu là cần dùng.

    Nho là hạng người luôn luôn được cần dùng để giúp cho nhơn quần xã hội biết cách ăn ở cư xử cho hợp với lẽ Trời.

    Chữ Nhu còn có nghĩa chờ đợi, tức là người trí thức chờ đợi khi người ta cần dùng, kêu gọi thì đem tài trí ra giúp đời.

    Như vậy, Nho là người học thông đạo lý của Thánh Hiền, biết được lẽ Trời Đất Người, để hướng dẫn người phải ăn ở và cư xử thế nào cho hợp với lòng người, hợp đạo Trời.

    Sách Pháp Ngôn có câu: "Thôn Thiên Địa Nhân viết Nho." Nghĩa là: Người biết rõ Thiên văn, Địa lý và Nhơn sự mới gọi là Nho.

    Phàm những người Nho học thì chuyên về mặt thực tế, ít chú trọng về mặt lý tưởng. Bởi vậy, từ xưa đến nay, họ là những người sẵn sàng nhập thế cuộc, gánh vác việc đời, làm ích nước lợi dân, khác hẳn với những người tu theo Phật giáo hay Lão giáo, chỉ biết xuất thế lo tu độc thiện kỳ thân.

    Nho giáo là một học thuyết hay một tôn giáo có hệ thống chặt chẽ và phương pháp rõ ràng, dạy về Nhơn đạo, tức là đạo làm một con người xứng đáng trong gia đình và xã hội.

    Hệ thống của Nho giáo theo chủ nghĩa: Thiên Địa vạn vật đồng nhứt thể, nghĩa là Trời Đất và vạn vật đều đồng một thể với nhau.

    Phương pháp của Nho giáo là phương pháp chứng luận, lấy Thiên lý lưu hành làm căn bản.

    Như vậy, học thuyết của Nho giáo có 3 điều cốt yếu:

    · Về tín ngưỡng: luôn luôn tin rằng Thiên Nhân tương dữ, nghĩa là Trời và Người tương quan với nhau.

    · Về thực hành: lấy hành động thực nghiệm làm trọng.

    · Về trí thức: lấy trực giác để soi rọi tìm hiểu sự vật.

    Nếu ai đã hiểu tường tận tôn chỉ của Nho giáo thì đều công nhận rằng Nho giáo là một tôn giáo rất cao minh của nhơn loại, đã phát huy từ xưa tới nay. Tuy rằng khi người ta đem ra thực hành chưa được hoàn toàn, nhưng ai đã tâm đắc cái tinh thần ấy thì cũng đạt được một nhân cách cao thượng, rất đáng quí trọng vậy.

    Nguồn gốc của Nho giáo:

    Nho giáo không phải bắt đầu từ Đức Khổng Tử, mà Đức Khổng Tử chỉ là người phục hưng Nho giáo và Ngài có công rất lớn vì làm cho Nho giáo được hoàn toàn.

    Nho giáo bắt nguồn từ thời thái cổ nước Tàu, với ba vị Thánh vương: Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế (hay Hoàng Đế), mà vua Phục Hy là vị khởi đầu.

    Vua Phục Hy nhờ quan sát Long Mã, lập ra Hà đồ, vạch ra Bát Quái cắt nghĩa sự hình thành và biến hóa của Trời Đất. Những vạch của Bát Quái được xem là đầu mối của văn tự sau nầy. Vua lại dạy dân trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ làm quần áo, chế ra đờn cầm đàn sắt, dạy dân lễ nghĩa, phép cưới vợ gả chồng, lập thành gia tộc.

    Sau Phục Hy là vua Thần Nông chế ra cày bừa dạy dân làm ruộng, họp chợ búa để dân trao đổi hàng hóa, nếm thử các thứ cây thuốc để trị bịnh cho dân.

    Tiếp nối Thần Nông là Huỳnh Đế chế ra áo mão, lập nghi lễ triều đình, sai ông Thương Hiệt chế ra chữ viết.

    Đó là khởi thủy của Nho giáo, thành hình do thực tế quan sát và nhu cầu tổ chức xã hội, kết hợp với huyền lý của Trời Đất, lấy đạo Trời làm khuôn mẫu cho các hành động của người, nếu nghịch lẽ Trời thì phải bị tiêu diệt.

    Nối tiếp ba vị Thánh vương kể trên là vua Nghiêu và vua Thuấn, khởi đầu đạo Trung Dung, củng cố lễ nhạc, lập ra nền tảng gia đình và xã hội với đạo Tam cang và Ngũ thường.

    Đến thời vua Hạ Võ, nhờ Lạc thư, vua lập ra Hồng Phạm Cửu Trù, chế ra Ngũ Hành.

    Tới đây thì Nho giáo đã có căn bản đầy đủ và vững chắc.

    Nho giáo đã giúp cho nước Tàu thời thượng cổ được hòa bình, dân chúng thuận hòa, tạo ra một nền luân lý tốt đẹp.

    Sau một thời gian dài, đến đời nhà Châu, vua Văn Vương nghiên cứu Bát Quái của Phục Hy (gọi là Tiên Thiên Bát Quái), đặt ra Bát Quái Hậu Thiên, tạo thành Kinh Dịch, giải nghĩa 64 quẻ. Con của Văn Vương là Châu Công Đán giải ý nghĩa 384 hào của 64 quẻ, rồi nghiên cứu lễ nhạc của các đời trước, qui định lại lập thành lễ nhạc có hệ thống chặt chẽ.

    Cuối thời nhà Châu, đời vua Châu Linh Vương, năm 551 trước Tây lịch, có Đức Khổng Tử ra đời.

    Đức Khổng Tử chỉnh đốn lễ nhạc, san định các kinh sách đời trước để lại như Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, diễn giải thêm Kinh Dịch, viết Kinh Xuân Thu, dạy được 3000 học trò. Nhờ Đức Khổng Tử phục hưng Nho giáo, hệ thống hóa học thuyết Nho giáo, phân Nho giáo thành hai bực: Hình nhi Hạ học và Hình nhi Thượng học, làm cho Nho giáo được hoàn toàn, xứng đáng là một tôn giáo đứng ngang hàng với Lão giáo và Phật giáo.

    Đức Khổng Tử được tôn là Giáo chủ Nho giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ, địa vị đứng ngang hàng với Đức Phật Thích Ca, (Giáo chủ Phật giáo) và Đức Lão Tử (Giáo chủ Tiên giáo).

    Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn qui hiệp và chấn hưng Tam giáo (Phật, Lão, Nho), và nhứt là chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, dùng tinh hoa giáo lý Nho giáo làm căn bản dạy dỗ nhơn sanh, lập đời Thánh đức.

     

  • Nho nhã

    儒雅

    A: Decent, distinguished.

    P: Décent, distingué.

    Nho: Đạo Nho, có văn vẻ nề nếp, học trò. Nhã: tao nhã, có lễ độ.

    Nho nhã là người có học thức, có lễ độ và tao nhã.

    TNHT: Nho nhã con tua tập tánh tình.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nho phong

    儒風

    A: Confucian scholar's manners.

    P: Manières des lettrés.

    Nho: Đạo Nho, có văn vẻ nề nếp, học trò. Phong: phẩm cách.

    Nho phong là phẩm cách của nhà nho.

     

  • Nho Thích Đạo

    儒釋道

    A: Confucianism - Buddhism - Taoism.

    P: Confucianisme - Bouddhisme - Taoisme.

    Nho: Đạo Nho, Nho giáo. Thích: Thích giáo, tức Phật giáo. Đạo: Đạo giáo tức Lão giáo hay Tiên giáo.

    Nho Thích Đạo là Tam giáo tức là ba nền tôn giáo lớn nơi cõi Á Đông, mà ba Đấng Giáo chủ là: Đức Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử.

    Nho Thích Đạo cũng là ba phái Chức sắc của CTĐ trong Đạo Cao Đài:

    · Phái Thích tức là phái Phật mặc đạo phục màu vàng.

    · Phái Lão tức là phái Tiên mặc đạo phục màu xanh.

    · Phái Nho tức là phái Thánh mặc đạo phục màu đỏ.

    PCT: Chưởng Pháp ba phái là: Đạo, Nho, Thích.

    Về Triết lý, Tam giáo Nho Thích Đạo có cái tư tưởng đại đồng mà tiểu dị, căn do của ba học thuyết ấy đều theo một lý đơn nhất và theo một chủ nghĩa: Thiên Địa vạn vật đồng nhứt thể. Vạn vật bởi cái lý đơn nhất tuyệt đối mà ra. Lý đơn nhất ấy là Thái Cực, là Đạo, là Trời, là Tâm, muốn đặt cho nó tên gì mà gọi cũng được, nhưng chung qui vẫn là một.

    Lý ấy phát ra hai Khí tương đối gọi là Âm Dương, Âm Dương điều hòa với nhau sanh hóa vạn vật. Vạn vật bẩm thụ cái Lý ấy và cái Khí ấy nên mới có cái chiêu minh linh giác mà biết có người, có ta, có vũ trụ.

    Cái chiêu minh linh giác của mỗi người với cái chiêu minh linh giác của Thái Cực đồng một thể, cho nên Nho giáo nói: Nhứt dĩ quán chi hay Đạo nhứt nhi dĩ hỹ, đều có cùng một ý nghĩa.

    Lão học cũng nói thế, Phật học cũng nói thế. Bởi vậy, ta dám nói quyết rằng: Nho, Lão và Phật cũng đồng một gốc.

    Nho Thích Đạo tương đồng với nhau ở chỗ Hình Nhi Thượng Học mà tương dị nhau ở chỗ Hình Nhi Hạ Học.

    Phật giáo phát tích ở Ấn Độ nhưng cái tư tưởng của phái Đại Thừa không khác gì Lão học ở nước Tàu.

    Còn như Nho giáo và Đạo giáo cùng đồng thời phát minh ra ở nước Tàu, song Lão thì cứ đứng trong cái phạm vi Hình Nhi Thượng mà quan sát thế sự, nào vạn tượng là ảo ảnh, không cần phải lao tâm khổ tứ, chỉ vụ lấy sự thanh tĩnh vô vi để cùng vui thú với cuộc biến đổi tự nhiên của Tạo Hóa, mà ngao du cho thỏa cái tâm ý của mình, chứ không thiết đến việc đời, bởi vậy mới thành ra cái chủ nghĩa yếm thế và cái thuật tu luyện của các đạo sĩ.

    Nho giáo thì cho vạn vật đã sanh ra là phải theo cái đạo tự nhiên mà hành động. Ai cũng phải đem cái sở tri sở năng của mình ra mà làm sự ích lợi cho nhơn sanh, lấy việc thiên hạ quốc gia làm cái nghĩa vụ của mình. Bởi vậy Nho giáo rất chú trọng đến phần Hình Nhi Hạ Học, mà thành ra cái học rất thực tế, quan thiết đến việc giáo dục và chánh trị. (Theo Nho giáo của Trần Trọng Kim)

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

    PCT: Pháp Chánh Truyền.

     

  • Nho Tông Chuyển Thế

    儒宗轉世

    Nho: Đạo Nho, có văn vẻ nề nếp, học trò. Tông: tôn giáo. Chuyển: dời đổi, làm cho thay đổi. Thế: đời, cuộc đời.

    Nho tông là Nho giáo, đạo Nho.

    Chuyển thế là làm cho cuộc đời thay đổi từ xấu thành ra tốt, từ loạn ra trị, từ hung bạo thành ra hiền lương đạo đức.

    Nho Tông Chuyển Thế là một chủ trương lớn của Đạo Cao Đài, đối với cuộc thế, đối với nhơn quần xã hội.

    Chủ trương nầy dùng tinh hoa của học thuyết Nho giáo để cải tạo cuộc thế trong buổi Hạ nguơn mạt kiếp, phong hóa suy đồi, mất hết nét đạo đức, nền nếp gia đình đổ vỡ, xã hội vì danh lợi mà tranh giành sát phạt nhau dữ dội, làm cho mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất.

    Với chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài thành một cơ quan chuyển thế.

    Đức Phạm Hộ Pháp trong bài thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 1-9-Đinh Hợi (1947) giải thích hai chữ Chuyển thế:

    "Bần đạo nhớ buổi Chí Tôn mới đến tỏ danh hiệu Người, Người hứa với các môn đệ của Người buổi đầu tiên về Cơ quan Chuyển thế, làm phân vân biết bao nhiêu nhà trí thức tìm hiểu hai chữ Chuyển thế nghĩa là gì?

    Theo triết lý học, định nghĩa hai chữ Chuyển thế là: xoay đổi thời đại hiển nhiên ra thời đại khác, hoặc không phù hạp, hoặc quá khuôn khổ nề nếp nên quyết đoán thay đổi lập trường thiêng liêng vì thời đại nầy đã định.

    Chuyển nghĩa là sửa đổi cũ ra mới. Lấy nghĩa lý đã định hẳn ra, tức nhiên chúng ta nhận thấy các khuôn luật đạo đức từ trước đến giờ để lại đều bị biếm cả, bởi vì đời quá hung tàn bạo ngược, vô nhơn luân, tinh thần đạo đức không qui định, tâm lý loài người không tương quan cùng nhau, mất cả luật đồng sanh làm căn bản cho loài người, luật đồng sanh gần như bị hủy bỏ, bởi thấy tấn tuồng trước mắt, nào giặc giã chiến tranh giành sống mà giết hại lẫn nhau, oán kết thâm thù, loài người do nơi ấy mà biến sanh tàn ác, cái phương sanh sống đến một giai đoạn rất khó khăn và chúng ta thử xét đoán trong các kinh điển Đạo giáo đã để lại là mưa dầu nắng lửa. Trận mưa dầu nắng lửa sẽ có hiện tượng y như trong kinh đã nói. Cũng vì sự sanh hoạt khó khăn mà loài người giết hại lẫn nhau....

    Đời sống đến giai đoạn khó khăn hơn nữa, những phẩm vật nuôi sống loài người càng giảm bớt thì nhơn loại còn quyết liệt chiến đấu hơn nữa."

    "Nền Đạo Cao Đài là Nho Tông Chuyển Thế thì tức nhiên của toàn xã hội nhơn quần tại mặt địa cầu nầy, nhờ đạo Nho sửa đương chỉnh đốn thiên hạ lại. Chúng ta thấy xã hội tinh túy đạo đức của họ dường như đảo ngược lại, khủng hoảng tinh thần mà ra vậy."

    Đạo Cao Đài chủ trương Nho Tông Chuyển thế, không có nghĩa là đem toàn cả học thuyết của Nho giáo ra áp dụng một cách máy móc khắt khe, vì xã hội hiện tại là dân chủ, nam nữ bình quyền, trình độ tiến hóa về khoa học kỹ thuật cũng như tinh thần cũng rất cao so với thời kỳ của Đức Khổng Tử cách đây hơn 2500 năm.

    Hơn nữa, tại sao không dùng Phật giáo hay Lão giáo, hoặc Thiên Chúa giáo để làm căn bản chuyển thế? mà phải dùng Nho giáo? Bởi vì không có học thuyết nào dạy Nhơn đạo kỹ bằng Nho giáo. Muốn cải tạo xã hội thì phải dạy Nhơn đạo, vì Nhơn đạo là căn bản, chớ không thể dạy Thánh đạo, Tiên đạo hay Phật đạo. Nhưng chỉ lấy những điểm tinh hoa của Nho giáo làm căn bản giáo dục mà thôi, bởi vì toàn cả giáo lý Nho giáo có nhiều điểm không còn thích hợp với xã hội ngày nay.

    Những tinh hoa của giáo lý Nho giáo được áp dụng ngày nay, có thể kể ra sau đây:

    ■ Về phần chung:

    · Thiên Địa vạn vật đồng nhứt thể.

    · Nhơn Nghĩa, Trung Dung.

    ■ Về phần riêng:

    · Nam thì Tam cang, Ngũ thường.

    · Nữ thì Tứ Đức, Tam Tùng.

    ■ Phương pháp thực hành chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, trước nhứt gồm ba điểm:

    · Trọng Nhơn luân.

    · Sùng Nhơn Nghĩa.

    · Hưng Lễ Nhạc.

     

  • Nho tông khai hóa

    儒宗開化

    Nho: Đạo Nho, có văn vẻ nề nếp, học trò. Tông: tôn giáo. Khai: mở ra. Hóa: thay đổi.

    Nho tông khai hóa là Đức Khổng Tử mở ra Đạo Nho để giáo hóa nhơn sanh.

    NG: Nho tông khai hóa, Văn Tuyên tư lộc....

    NG: Nho Giáo, Kinh Nho Giáo.

     

  • Nhồi quả

    A: To stuff the retributions.

    P: Bourrer des rétribution.

    Nhồi: nhét thêm vô rồi dồi lên dập xuống nhiều lần.

    Quả: cái quả báo của nghiệp, ở đây ý nói cái quả xấu báo đáp lại cái nghiệp xấu đã gây ra từ nhiều kiếp trước.

    Nhồi quả là những nghiệp xấu từ nhiều kiếp trước dồn lại báo đáp trong một kiếp nầy mà thôi.

    Đây là một đặc ân của Đức Chí Tôn trong kỳ Đại Ân Xá nầy, cho được nhồi quả đặng mau hết nghiệp để có thể trở về cùng Đức Chí Tôn.

    Nếu Đức Chí Tôn không cho nhồi quả trong một kiếp tu thì biết đến bao giờ các môn đệ của Ngài mới trả hết nghiệp, bởi vì nếu để trả quả từ từ thì mỗi kiếp lại tạo thêm nghiệp mới, thì phải mang nghiệp trần triền miên mà chịu luân hồi mãi mãi.

    Chính vì thế mà chúng ta thấy nhiều Chức sắc Thiên phong, càng tu, càng lập công quả thì bản thân và gia đình càng gặp nhiều nỗi éo le ngang trái, điêu đứng khổ sở, hết đau bịnh tới tai nạn, khiến cho người đời biếm nhẻ. Nếu tâm đạo vững vàng, một lòng tin tưởng Đức Chí Tôn, cắn răng gánh chịu những quả báo tiền khiên, cầu nguyện Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban cho ơn huệ để đủ sức chịu đựng nghịch cảnh, thì dần dần tại nạn cũng giảm bớt, tâm tu tăng tiến và cuối cùng thì trả hết nghiệp, được đắc đạo, trở về cùng Đức Chí Tôn.

    TNHT:

    Ví muốn tu thân nhồi quả trước,

    Gắng công sau sẽ đến cùng Ta.

    Chúng ta được biết có hai trường hợp nhồi quả sau đây:

    1. Trường hợp Ngài Bảo Đạo Ca Minh Chương:

    Đức Chí Tôn cho nhồi quả theo bài thi sau đây của Đức Chí Tôn ban cho Ngài Ca Bảo Đạo:

    Thấy con gia đạo tợ tơ cuồn,

    Chạnh đến lòng Thầy dạ ướm tuôn.

    Ngặt nỗi vợ nhà đau dã dượi,

    Khật khùng con trẻ nói luông tuồng.

    Khiến nên mai đảnh khơi màu trắng,

    Cho đến tòng lâm trổ sắc buồn.

    Công quả đã đành công quả đủ,

    Nay đem ba kiếp dập dồn luôn.

    Qua bài Thánh ngôn trên, Đức Chí Tôn cho Ngài Ca Bảo Đạo nhồi quả ba kiếp khiến Ngài bị bịnh, vợ đau yếu, con gái khật khùng, dồn vào một kiếp nầy đặng trả cho xong quả, sạch nợ tiền khiên, hầu trở về ngôi vị thiêng liêng.

    2. Ông Chánh Trị Sự Miên, quê ở Phú Mỹ, Mỹ Tho.

    Ông Miên làm Hương Cả ở làng Phú Mỹ, nhập môn vào Đạo Cao Đài, lập công bồi đức, lên được phẩm Chánh Trị Sự. Ông rất hiền, nhưng sau đó, ông bị điên khùng luôn, không ai chữa trị được.

    Vợ của ông đưa ông về Tòa Thánh, vô Hộ Pháp Đường cầu xin Đức Phạm Hộ Pháp giải bịnh, được Đức Ngài nhận lời.

    Đức Ngài hành pháp giải oan, bệnh ông Miên giảm dần, và gần như hết bịnh. Đức Phạm Hộ Pháp dặn ông Miên không được ra ngoài, chỉ ở quanh quẩn trong Hộ Pháp Đường mà thôi.

    Vợ ông Miên cũng là một Nữ Chánh Trị Sự, thấy ông Miên hết bịnh, cả mừng, xin cho rước ông Miên về gia đình ở Phú Mỹ để an dưỡng và dễ bề săn sóc.

    Đức Phạm Hộ Pháp nói:

    - Coi vậy chớ ảnh chưa mạnh đâu, chị có về thì về, cứ để ảnh ở đây một thời gian nữa.

    Bà vợ cứ năn nỉ hoài để rước ông Miên về, buộc lòng Đức Ngài phải cho. Bà đưa ông Miên trở về xứ.

    Lạ lùng thay, về nhà ở Phú Mỹ một thời gian ngắn thì bệnh của ông Miên tái phát trầm trọng và chết, không thầy thuốc nào trị được. Gia đình báo tin cho Đức Hộ Pháp. Đức Phạm Hộ Pháp nói với các anh em Phạm Môn rằng:

    - Anh Miên trả quả ba kiếp nhồi một đó. Lúc bị bệnh, ảnh thường diễn đạt ba hình thức, mỗi hình thức là một kiếp:

    Kiếp thứ nhứt: ông đang đi thì đứng lại, lấy thế rồi cung tay xoay người từ trái qua phải, rồi buông hai tay, giống như là quăng lưới chài cá. Đó là kiếp chài lưới.

    Kiếp thứ nhì: một tay như cầm mõ, một tay như cầm dùi, miệng niệm Nam mô, tay làm bộ điệu gõ mõ. Ấy là kiếp thứ nhì làm thầy chùa.

    Kiếp thứ ba: ông hay lượm lá cây, giấy, ngồi vẽ vẽ lên đó, ấy là kiếp làm đồ nho viết liễn.

    Nay gặp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, may duyên làm môn đệ Đức Chí Tôn, Đức Chí Tôn cho nhồi quả để trả cho dứt nghiệp mà về, nên mừng cho ổng được giải thoát. (Viết theo lời kể của ông Tám Chơn Nhơn Phạm Duy Hoai).

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhồi sọ

    A: To cram someone with learnings.

    P: Bourrer de caractères dans le crâne.

    Nhồi: nhét thêm vào cho đầy. Sọ: chỉ cái đầu.

    Nhồi sọ là nhồi nhét vào đầu.

    ■ Nói về việc học thì Nhồi sọ có nghĩa là buộc học thuộc lòng, bất kể hiểu hay không hiểu, nhét chữ vào đầu càng nhiều càng tốt, để khi đi thi, gặp đúng đề tài đó thì cứ việc tuôn ra, mà thật sự thì không hiểu ý nghĩa sâu xa của vấn đề đó.

    ■ Nói về sự tuyên truyền, Nhồi sọ có nghĩa là nói cho nghe nhiều lần, nói hoài cho thấm dần vào óc, ăn sâu vào óc, để rồi cho đó là đúng và mù quáng tin theo.

    TĐ ĐPHP: Thảng như có kẻ nói: Cái ông đó mà biết cái gì, ổng nhồi sọ mình cho ngu cho dại, cho điên cuồng.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • NHƠN

    1. NHƠN: 人 Người.

    Td: Nhơn đạo, Nhơn luân.

    2. NHƠN: 仁 Lòng thương người mến vật.

    Td: Nhơn đức, Nhơn nghĩa.

    3. NHƠN: 因 Nguyên do, cái cớ, bởi vì, do đó.

    Td: Nhơn danh, Nhơn quả.

    4. NHƠN: 姻 Trong cưới gả, nhà gái là Hôn, nhà trai là Nhân.

    Td: Nhân gia.

     

  • Nhân ái

    仁愛

    A: The charity.

    P: La charité.

    Nhân: Lòng thương người mến vật. Ái: thương.

    Nhân ái là lòng thương yêu, thương người thương vật, thương khắp chúng sanh.

     

  • Nhân bản

    人本

    A: Humanism.

    P: Humanisme.

    Nhân: Nhơn: Người. Bản: Bổn: gốc.

    Nhân bản là lấy con người làm gốc.

    Đây là một học thuyết Triết học, gọi là Nhân bản triết học, chủ trương lấy con người làm gốc, cho rằng con người là trung tâm của vũ trụ. Mọi vật đều phải qui về con người.

     

  • Nhơn cách (Nhân cách)

    人格

    A: Personality.

    P: Personnalité.

    Nhân: Nhơn: Người. Cách: tư cách, phẩm chất.

    Nhơn cách hay Nhân cách là tư cách và phẩm chất của con người.

    TNHT: Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhơn cách thì rất uổng cái điểm linh quang của Thầy để vào xác thân của các con lắm.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn cầm

    人禽

    A: Mankind and birds.

    P: Humanité et oiseaux.

    Nhân: Nhơn: Người. Cầm: loài chim.

    Nhơn cầm là loài người và loài chim, ý nói chúng sanh.

    BXTCĐPTTT: Ra oai linh tiếp dẫn nhơn cầm.

    BXTCÐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.

     

  • Nhơn chủng (Nhân chủng)

    人種

    A: Human race.

    P: Race humaine.

    Nhân: Nhơn: Người. Chủng: nòi giống, chủng tộc.

    Nhơn chủng nòi giống con người, các chủng tộc của loài người.

    Nếu căn cứ trên màu da thì loài người hiện nay có 4 chủng tộc: Da trắng, da vàng, da đen và da đỏ.

    PMCK: Đại Long Hoa nhơn chủng hòa ki.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • Nhơn cùng trí đoản

    人窮智短

    Nhơn: Người. Cùng: khốn cùng. Trí: sự khôn ngoan hiểu biết. Đoản: ngắn, kém.

    Nhơn cùng trí đoản là người ở trong cảnh khốn cùng thì trí ngắn, tức là trí não không còn sáng suốt như lúc bình thường (quẩn trí).

     

  • Nhơn dục - Nhơn dục vô nhai

    人欲 - 人欲無涯

    A: Human passions - Unlimited ambition.

    P: Passions humaines -Ambitiom illimitée.

    Nhơn: Người. Dục: ham muốn. Vô: không. Nhai: bờ.

    Nhơn dục là lòng ham muốn của con người.

    Nhơn dục thường được dùng với ý nghĩa là lòng ham muốn của con người về vật chất như: tiền bạc của cải, danh lợi, quyền hành thế tục.

    Nhơn dục vô nhai là lòng ham muốn của con người không bờ bến, nghĩa là lòng ham muốn đó không bao giờ biết đủ, muốn cái nầy được rồi lại muốn cái kia.

     

  • Nhơn duyên

    Có ba trường hợp:

    * Trường hợp 1: Nhơn duyên

    因緣

    A: Cause.

    P: Cause.

    Nhơn: Nhân: Nguyên do, cái cớ, bởi vì, do đó. Duyên: cái bổ trợ cho cái nhân thành cái quả.

    Td: Gieo hột lúa xuống đất, hột lúa nẩy mầm mọc lên cây lúa, ra bông, kết quả cho hột lúa. Hột lúa là Nhơn, tức là cái nguyên do chánh. Muốn cho hột lúa nẩy mầm thì phải có các yếu tố phụ như: nước làm cho đất ẩm, ánh sáng mặt trời, sự chăm sóc không cho sâu rầy phá hại,.... Các yếu tố phụ đó là Duyên. Có Nhơn, có Duyên mới có kết quả. Vậy: Nhơn duyên là những yếu tố bổ trợ cho cái Nhân thành cái Quả.

    Theo Phật giáo, Nhơn duyên là cái nguyên do chánh.

    Thập nhị Nhơn duyên là 12 cái nguyên do chánh, cái nầy sinh ra cái kia, cái kia sanh ra cái nọ, đi giáp một vòng tròn, để giải thích về sự luân hồi chuyển kiếp.

    * Trường hợp 2: Nhơn duyên

    姻緣

    A: Connubial bonds.

    P: Liens conjugaux.

    Nhơn: Trong cưới gả, nhà gái là Hôn, nhà trai là Nhân. Duyên: mối dây ràng buộc.

    Nhơn duyên là duyên phận vợ chồng.

    * Trường hợp 3: Nhơn duyên

    人緣

    Nhơn: Người. Duyên: mối dây ràng buộc.

    Nhơn duyên là có mối dây ràng buộc vào một người được định sẵn từ trước, ý nói người có sự ràng buộc vào việc tu hành.

    TNHT:

    Bát Nhã từ đây vững lái thuyền,

    Tuông pha khổ hải độ nhơn duyên.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn đạo - Thiên đạo

    A: Doctrine of Sages - The Holy doctrine of God.

    P: Doctrine des Sages - La Sainte doctrine de Dieu.

    Nhơn: Người. Thiên: Trời. Đạo: con đường, tôn giáo.

    - Nhơn đạo là đạo làm người, đạo ở đời, nên nó cũng được gọi là Thế đạo (Thế là đời). Đó là những nguyên tắc và bổn phận mà con người phải tuân theo trong đời sống đối với gia đình và xã hội. Nhờ Nhơn đạo mà con người mới xứng đáng phẩm người, mới có giá trị là loài thượng đẳng chúng sanh.

    Nói đến Nhơn đạo thì chúng ta nghĩ ngay đến Nho giáo, vì không có tôn giáo nào dạy về Nhơn đạo kỹ lưỡng và chi tiết bằng Nho giáo.

    - Thiên đạo là đạo Trời, tức là con đường để người tu theo đó thì được trở về cõi Trời, giải thoát khỏi luân hồi để được hiệp nhập vào Thượng Đế.

    Người là Tiểu linh quang, Trời hay Thượng Đế là Đại linh quang; nên con người là một phần tử nhỏ của Thượng Đế. Thượng Đế cho con người đầu kiếp xuống cõi trần là để học hỏi và tiến hóa, học hỏi mãi mãi và tiến hóa mãi mãi, tới mức cùng tột thì trở thành Thượng Đế và hiệp nhứt vào Thượng Đế.

    Muốn đạt được như thế, con người phải trải qua năm cấp tiến hóa:

    · Cấp tiến hóa thứ nhứt là Nhơn đạo lên Thần đạo,

    · Cấp tiến hóa thứ nhì là Thần đạo lên Thánh đạo,

    · Cấp tiến hóa thứ ba là Thánh đạo lên Tiên đạo,

    · Cấp tiến hóa thứ tư là Tiên đạo lên Phật đạo,

    · Cấp tiến hóa thứ năm là Phật đạo lên Thiên đạo.

    Trong năm cấp tiến hóa đó, Nhơn đạo là căn bản. Không hoàn thành Nhơn đạo thì không mong chi bước lên các cấp tiến hóa cao hơn. Thánh nhơn khi xưa có nói rằng: Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo, Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ. Nghĩa là: Muốn tu Tiên đạo, trước tu Nhơn đạo, Nhơn đạo không tu, thì Tiên đạo xa vời lắm vậy.

    Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mở ra kỳ nầy là Đức Chí Tôn dựng lên một cái thang 5 nấc để cho người từ từ tu tiến mà đoạt vị. Hễ công đức tu hành đạt đến mức nào thì Đức Chí Tôn chấm cho mức ấy với những phẩm vị cao trọng tương xứng.

    TNHT:

    Buông trôi ví chẳng tròn Nhơn đạo,

    Còn có mong chi đến đạo Trời.

     

    Rằng ở đời thì Nhơn đạo trọn,

    Trọn rồi Thiên đạo mới hoàn toàn.

    Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy về Thế đạo (Nhơn đạo) và Thiên đạo, trích trong Luật Tam Thể, chép ra như sau:

    "Hẳn mấy em đã rõ đại cương về Thế đạo (Nhơn đạo) là: Nam thì Tam cang, Ngũ thường; Nữ thì Tam tùng, Tứ đức.

    Song đó chỉ là thể của Nhơn đạo hữu hình mà thôi.

    Nếu mấy em hằng ngày tâm niệm có bấy nhiêu đó thôi thì làm sao trọn vẹn được.

    Trong Thế đạo phải phân tách ra làm hai pháp lý: - Một là Thể pháp Thế đạo, - Hai là Bí pháp Thế đạo.

    Tam cang Ngũ thường, Tam tùng Tứ đức là thể đặng làm sở hành cho mặt Thể pháp Thế đạo mà thôi, lấy đó làm chánh đề mà đi.

    Bây giờ muốn giữ Tam cang Ngũ thường thì phải làm thế nào?

    - Quân Thần cang: Vua là kẻ chăn dân. Vậy bổn phận ấy là phải lập trên những hành tàng để cứu giúp dân cho khỏi điều thống khổ. Ấy là công việc của Cơ Quan Phước Thiện bây giờ đó. Tôi thì phải tỏ dạ trung thành đặng vùa giúp vua mà làm cho bá tánh an cư lạc nghiệp, tức là bổn phận của hàng Thánh thể đó vậy.

    - Phụ tử cang: Cha là người thay quyền Chí Tôn trong một tiểu gia đình, tức nhiên là phải biết mình có bổn phận giáo hóa, dưỡng dục, tức nhiên là một Hội Thánh nhỏ trong một gia đình. Vậy con phải trọn hiếu, tức nhiên không làm điều nhục tổ hổ tông, tức là bổn phận của một tín đồ, hay nói đúng hơn là một môn đệ xứng đáng của Đức Chí Tôn đó vậy.

    - Phu phụ cang: Chồng là người cầm lèo giữ lái đặng đưa một tiểu gia đình đến chỗ đạo đức thanh bạch, tức nhiên là bổn phận của cơ quan Hành Chánh đó vậy. Vợ là người tùng theo chồng để giúp an sự nghiệp, tạo nên hạnh phúc gia đình, tức là bổn phận của Bảo Cô đó vậy.

    Về Ngũ thường thì:

    - NHƠN: là phải biết nghĩa đồng sanh, biết tình đồng hưởng Âm Dương chi khí, chẳng để lòng sái loạn chơn truyền, tức là phải trọn vâng theo luật Công bình Bác ái.

    - NGHĨA: là phải biết trọn phận người để tạo nên danh trọng giá cao, tức là phải giữ phẩm hạnh mà nhìn rõ của chung đồng hưởng.

    - LỄ: là giữ hạnh nết đúng đắn để tạo nên một nhơn phẩm, biết nhường biết nhịn, tức nhiên là phải giữ trọn hạnh đạo đó vậy.

    - TRÍ: là phải thông hiểu việc thế mà đi, không để tên tuổi phải bị lời chê tiếng nhẻ, tức nhiên là phải trọn vâng Luật pháp Chơn truyền đó vậy.

    - TÍN: là phải đúng lời đúng hẹn, tức là phải danh chánh ngôn thuận, thuyết hành phải được giống in nhau, tức là phải trọn thệ đó vậy.

    Đó là mặt Thể pháp Thế đạo.

    Còn mặt Bí pháp Thế đạo là phương tầm ra định hướng để vẹn giữ Tam cang Ngũ thường, tức nhiên là trọn phần Nhơn đạo. Ấy là kết quả do Thể pháp mà nên.

    Nói chung về Bí pháp Thế đạo, tức nhiên là phương giúp đời an nhàn đạo đức đó vậy.

    Về Tam tùng Tứ đức là phận của Nữ phái:

    - Tùng phụ: như người con phải trọn giữ tiết trinh, cũng như kẻ tín đồ phải giữ tròn danh đạo.

    - Tùng phu: như bóng tùy hình. Tức nhiên là phải ví mình như một trong Thánh thể, tùng Hội Thánh vậy.

    - Tùng tử: là phải vì đám hậu sanh mà quên mình đặng tạo thành sự nghiệp tương lai cho chúng, tức nhiên là bổn phận của Chức sắc vậy.

    - Công, Dung, Ngôn, Hạnh: tức là việc làm cho nhơn sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo hóa, hành vi cử chỉ đáng treo gương mặt thế, tức là phải biết nâng cao giá trị của Thánh thể Chí Tôn, nết na đầm thấm, giữ trọn thương yêu, tức nhiên là làm nền móng cho Đại đồng thế giới.

    Đó là Thể pháp.

    Kẻ đã trọn về mặt Thể pháp, tức nhiên hiểu biết Bí pháp, vì Bí pháp không chi lạ hơn là phương pháp bí yếu để nâng cao giá trị cho Thế đạo. Nói rõ hơn nữa là phương làm cho đời trở nên tận thiện tận mỹ. Nói theo Nhơn sanh Triết lý thì Bí pháp là kế hoạch nâng cao đời sống trong Nhơn Nghĩa đó vậy."

    "Trong Thiên đạo cũng có Thể pháp và Bí pháp như Thế đạo vậy.

    - Về Thể pháp Thiên đạo tức nhiên là những nơi để học hỏi, để un đúc tinh thần trên khuôn viên chánh pháp.

    Trong Thể pháp Thiên đạo chia làm 3 thời kỳ:

    · Thứ nhứt là thời kỳ Khai thác,

    · Thứ nhì là thời kỳ Luyện tập,

    · Thú ba là thời kỳ Thi hành.

    Trong thời kỳ sau nầy mới thường gặp những cơ khảo đảo đặng thử thách tinh thần.

    Về thời kỳ thứ nhứt, là những tạo tác nơi qui hợp đức tin cho con cái Chí Tôn, tức là các Đền thờ đó vậy. Khi một môn đệ đã nhập môn tùng giáo thì phải do nơi các Đền thờ đặng tựu hiệp đức tin. Đó là bước đầu tiên của Thể pháp Thiên đạo. Do đó, sự cúng kiếng niệm kinh là điều trọng yếu vậy.

    Qua thời kỳ thứ nhì là đem đức tin đã trụ được đặng tập luyện tâm tánh và khởi lập Công trừ Quả đặng tự giải khổ cho mình và giúp phương cứu khổ cho toàn nhơn loại. Ấy là phương tập luyện tánh thành, tâm niệm đó vậy.

    Qua thời kỳ thứ ba là thi thố những đức tin hầu lấy phương giải khổ mà đem gieo truyền hột giống thương yêu, ấy là phương cứu khổ đó vậy.

    Trong lúc nầy, tinh thần hay gặp những chướng ngại, hoặc làm cho nao núng tan rã đức tin, hoặc theo đường quỉ mị, chia phe phân phái, mà nên Tả đạo Bàng môn như đã xảy ra đó.

    Trong ba thời kỳ: Thứ nhứt là Lập Ngôn, thứ nhì là Lập Công, thứ ba là Lập Đức. Đó là Thể pháp của Thiên đạo.

    Khi đã trọn phần Thể pháp rồi, liền bước qua mặt Bí pháp, là phương tu tâm sửa tánh, hầu lập thành Chơn khí thanh khiết mà hiệp với Chơn thần, đặng tiếp Chơn linh để giải phương cứu khổ thêm bề siêu lý diệu chơn. Ấy là phương tầm hiểu Chơn truyền Chánh pháp đó vậy.

    Khi đã vẹn sạch Tinh, Khí, Thần thì đắc Pháp đó vậy."

    TNHT: Thầy dạy Nữ phái biết trọng Tam tùng Tứ đức, Nam phái Tam cang Ngũ thường. Hễ Nhơn đạo thành là phù hạp Thiên đạo, nghe à!

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn định thắng Thiên

    人定勝天

    A: Human determination will overcome the destinity.

    P: La volonté de l'humanité peut triompher de la destinée.

    Nhơn: Người. Định: sắp đặt, quyết định. Thắng: được, hơn.

    Nhơn định thắng Thiên là lòng người quyết định thì thắng được Trời, tức là sửa cải được mệnh Trời.

    Truyện Kiều của Nguyễn Du:

    Xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều.

    Nhưng ở đây, chúng ta phải hiểu Nhơn định là thế nào?

    Nhơn định có phải là một người định ra hay một nhóm người, hay một triệu người?

    Nhơn định ở đây, chúng ta phải hiểu là toàn cả nhơn loại quyết định, chớ không phải một người hay một nhóm người.

    Nếu toàn cả nhơn loại quyết định điều gì thì chắc chắn Trời sẽ chiều theo quyết định ấy, vì ý dân là ý Trời.

    Điều nầy không có gì quá đáng, bởi vì Trời là Thượng Đế, chúng sanh là Vạn linh mà người là đại diện của chúng sanh, tức là đại diện của Vạn linh. Đấng Thượng Đế đã ban cho Vạn linh cái quyền ngang bằng quyền của Thượng Đế: Quyền Vạn linh đối quyền Chí linh.

    TNHT: "Nếu cả thế gian nầy biết tu thì thế gian có lẽ cải lý Thiên đình mà làm cho tiêu tai tiêu nạn đặng; huống lựa mỗi cá nhân biết tu, thì Thiên đình cầm bộ Nam Tào cũng chẳng ích chi."

    "Các con phải nhớ rằng, toàn thế giới Càn Khôn chỉn có hai quyền: trên là quyền hành Chí Tôn của Thầy, dưới là quyền hành của sanh chúng.

    Thầy đã lập thành hình thể hữu vi của Thầy, nghĩa là Hội Thánh của Đại Đạo ngày nay rồi thì Thầy cũng phải ban quyền hành trọn vẹn của Thầy cho hình thể ấy, đặng đủ phương tận độ chúng sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh chúng, dưới quyền hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn nhơn loại đồng quyền cùng Thầy, mà tạo hóa vạn linh vốn là con cái của Thầy. Vậy thì vạn linh cũng có thể đoạt vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.

    Thầy nói rõ: quyền Chí Tôn là Thầy, quyền Vạn linh là sanh chúng. Ngày nào quyền lực Chí Tôn đặng hiệp một cùng Vạn linh thì Đạo mới ra thiệt tướng.

    Thầy đã ban quyền hành Chí Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội Thánh là Giáo Tông cùng Hộ Pháp. Vậy thì quyền hành Chí Tôn của Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo Tông cùng Hộ Pháp hiệp một.

    Cả nhơn loại thì là quyền lực Vạn linh.

    Quyền hành Chí Tôn của Thầy duy có quyền hành Vạn linh đối phó mà thôi."

    Vậy thì theo lời dạy của Đức Chí Tôn, nếu toàn cả nhơn loại mà quyết định một điều gì thì đó cũng chính là quyết định của Đức Chí Tôn. Ý dân là ý Trời thật là đúng nghĩa.

    Chúng ta phải hiểu "nhân định thắng Thiên" là như thế đó, mới đúng lẽ Đạo.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn đức - Nhơn đạo

    仁德 - 仁道

    A: Charitable and virtuous.

    P: Charitable et vertueux.

    Nhơn: Lòng thương người mến vật. Đức: đạo đức. Đạo: đạo đức.

    Nhơn đức hay Nhân đức, đồng nghĩa Nhơn đạo, là có lòng nhơn từ và đạo đức.

    TNHT: Thầy được hiểu lòng nhân đức và tánh từ thiện của con.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn giả nhơn dã

    仁者人也

    A: Who is good is man.

    P: Qui est bon est homme.

    Nhơn: Lòng thương người mến vật. Giả: người, ấy là. Nhơn: người. Dã: vậy.

    Nhơn giả nhơn dã là nhơn từ ấy là đạo làm người vậy.

     

  • Nhơn gian

    人間

    A: The world.

    P: Le monde.

    Nhơn: Người. Gian: khoảng rộng, cõi.

    Nhơn gian là cõi của nhơn loại đang ở và đang sống, còn gọi là cõi đời, cõi thế gian.

    TNHT: Độ đời cố tạo phước nhơn gian.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn hậu

    仁厚

    A: Generous.

    P: Généreux.

    Nhơn: Lòng thương người mến vật. Hậu: dày dặn, trái với Bạc là mỏng.

    Nhơn hậu hay Nhân hậu là lòng nhơn từ dày dặn.

    KSH: Ở cho nhân hậu, chế răn lòng tà.

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • Nhơn hiền tại mạo

    人賢在貌

    Nhơn: Người. Hiền: có đạo đức và tài năng. Nhơn hiền là người hiền tài.

    Tại: ở tại. Mạo: hình dáng bề ngoài.

    Nhơn hiền tại mạo là người hiền tài thì hiện ra những nét đặc biệt trên gương mặt và dáng điệu bề ngoài.

    Do đó, người xưa đặt ra khoa Xem Tướng. Người giỏi xem tướng có thể đoán biết tánh tình, tài năng và vận mạng của người khác.

     

  • Nhơn hữu thiện nguyện

    人有善願

    Nhơn: Người. Hữu: có. Thiện: lành, tốt. Nguyện: ý muốn.

    Nhơn hữu thiện nguyện là người có lòng nguyện lành.

    Ông Tây Sơn có nói rằng:

    Trạch thiện cố chấp duy nhựt tư tư,

    Nhĩ thính thiện ngôn bất đọa tam ác,

    Nhơn hữu thiện nguyện, Thiên tất tùng chi.

    Nghĩa là:

    Chọn điều lành, giữ chặt hằng ngày lo lắng,

    Tai nghe lời lành không bị đọa vào ba đường ác,

    Người có điều nguyện lành, Trời ắt theo đó.

     

  • Nhơn lão tâm bất lão

    人老心不老

    A: A man may be old in years, but young in heart.

    P: L'homme est vieux, mais le coeur ne l'est pas.

    Nhơn: Người. Lão: già. Tâm: lòng dạ. Bất: không.

    Nhơn lão tâm bất lão là người già mà lòng chẳng già, tức là lòng còn đầy hăng hái như tuổi trẻ.

    Thành ngữ nầy cũng có ý nói: Người già mà tâm trí chẳng già, vẫn còn sáng suốt và hăng hái làm việc.

    Trong truyện Bá Lý Hề: Khi vua Tần Mục Công rước được Bá Lý Hề đến nước Tần, thấy Bá Lý Hề đã già, 72 tuổi, đầu bạc trắng thì vua Tần than rằng:

    - Ngươi già rồi, trẫm rất tiếc!

    Bá Lý Hề liền đáp:

    - Như chúa công khiến hạ thần đi bắt chim hay giết thú chạy thì hạ thần già thiệt; còn như chúa công khiến hạ thần ngồi mà lo việc nước thì hạ thần tự biết sức thần còn trẻ lắm vậy! Xưa Khương Thượng 80 tuổi ngồi câu nơi sông Vị, Văn Vương rước về làm Tể Tướng mà giúp nên cơ nghiệp nhà Châu, sánh với hạ thần thì hạ thần gặp chúa công còn sớm hơn gần 10 năm.

     

  • Nhơn loại khởi nguyên

    人類起源

    Nhơn loại: loài người. Khởi: bắt đầu. Nguyên: nguồn gốc.

    Nhơn loại khởi nguyên là nguồn gốc của loài người.

    Từ xưa đến nay, nhơn loại luôn luôn tìm biết Thủy tổ của loài người là ai? Xuất hiện từ bao giờ?

    - Thần thoại Trung Hoa cho rằng Bàn Cổ là Thủy tổ của loài người, mà Bàn Cổ được sanh ra từ quả trứng vũ trụ.

    - Thiên Chúa giáo thì cho rằng Thủy tổ loài người là ông Ađam và bà Êva mà hai vị nầy là do Thượng Đế dùng bụi đất nắn hình tạo ra.

    - Các nhà khoa học và khảo cổ học cố gắng đi tìm các chứng tích xác định Thủy tổ loài người và thời gian xuất hiện. Họ đã xác định được Thủy tổ loài người là loài linh trưởng (vượn-người hay giả nhơn) tiến hoá mà thành.

    Sau đây là các kết quả mà các nhà khoa học và khảo cổ học đã tìm biết được. (Theo Amanach những nền văn minh thế giới, bài của Giáo Sư Lê Quang Long)

    Nhơn loại khởi nguyên
    1. Bối cảnh xuất hiện của con người
    2. Nguồn gốc loài người
    3. Lược sử tiến hóa của loài người
    4. Một số dạng vượn-người và người-vượn hóa thạch tiêu biểu
    5. Các nhân tố chi phối sự hình thành loài người

    I. Bối cảnh xuất hiện của con người:

    Theo tính toán mới nhất, trái đất đã được hình thành từ hơn 6 tỷ năm. Khoảng thời gian nầy được chia làm 4 Đại, mỗi Đại gồm 12 Kỷ. Bốn Đại đó là: - Đại Thái cổ, - Đại Cổ sinh, - Đại Trung sinh, - Đại Tân sinh.

    1. Đại Thái cổ: 570 triệu năm về trước, quả đất nguội dần, có một số dãy núi xuất hiện. Những mầm mống sự sống đầu tiên ra đời, bắt nguồn từ những kết hợp vô cơ và tiến hóa dần thành các vi khuẩn.

    2. Đại Cổ sinh: 500 triệu năm về trước, khí hậu dịu dần, các lục địa còn bằng phẳng và phủ đầy biển cạn. Cá sụn xuất hiện, cùng với các loài không xương sống và thực vật biển. Cây lớn dần lên ở đất liền, đầu tiên là nấm và các loài cây có mạch thô sơ. Sau đó, cá có xương xuất hiện cùng với cây có mạch. Tiếp theo là loài bò sát ra đời, các loài cây thông, tùng, bách bắt đầu mọc.

    3. Đại Trung sinh: 225 triệu năm về trước, loài bò sát khổng lồ và thú phát triển dần, cùng với rừng tùng bách. Sau đó loài chim xuất hiện.

    Cuối Đại Trung sinh, khoảng 65 triệu năm về trước, đa số bò sát khổng lồ tuyệt chủng, thú có túi ra đời, cùng với các cây có hoa xuất hiện.

    4. Đại Tân sinh: khoảng 53 triệu năm về trước, thú ăn thịt và các linh trưởng đầu tiên xuất hiện. 25 triệu năm về trước, các loài vượn có hình người ra đời, cùng lúc với các loài thú có móng vuốt và thú ở biển như cá voi.

    Đến Kỷ thứ ba, khoảng 3 triệu năm về trước, vượn-người ra đời, cùng với loài thú ăn thịt lớn.

    Sang đến Kỷ thứ tư, trái đất trải qua 4 thời kỳ băng hà. Đa số các loài thú lớn (như voi ma mút, gấu hang) tuyệt chủng. Loài người khôn ngoan (Homo sapiens) xuất hiện.

    II. Nguồn gốc loài người:

    Toàn bộ loài người trên trái đất hiện nay không phân biệt chủng tộc, chiều cao, trọng lượng, màu da... đều chỉ thuộc một loài Homo sapiens trong bộ Peimates (linh trưởng).

    A- Người thuộc lớp thú:

    Người giống thú ở một số đặc tính điển hình: có lông mao, đẻ con và nuôi con bằng sữa do vú tiết ra, bộ răng phân hóa thành răng cửa, răng nanh và rằng hàm.

    B- Người thuộc bộ linh trưởng:

    Bộ linh trưởng có hai nhóm: Nhóm linh trưởng thấp và nhóm linh trưởng cao, gồm khỉ và vượn. Ngày nay vượn-người gồm một loài bé là vượn, và ba loài cao lớn là: đười ươi, khỉ đột, và tinh tinh.

    Vượn-người rất giống người về hình dạng và cấu tạo cơ thể, cao từ 1 mét rưỡi đến 2 mét, nặng từ 70 đến 200 ký lô gram tùy loài. Vượn-người không có đuôi, có 12-13 đôi xương sườn, 5-6 đốt sống cùng, 32 răng như người. Vượn-người cũng đứng trên 2 chân sau, tuy lúc đi còn phải chống 2 tay xuống đất.

    Bộ nhiễm sắc thể của người là 46, còn của vượn-người là 48, vượn-người cũng có 4 nhóm máu như người. Kích thước và hình dạng tinh trùng, cấu tạo của nhau thai cũng giống, chu kỳ kinh nguyệt 30 ngày, thời gian mang thai khoảng 9 tháng 5 ngày, thời gian tiết sữa cho bú khoảng 1 năm như ở người.

    Tuy nhiên, giữa vượn-người và người vẫn có những điểm khác biệt căn bản:

    1. Cột sống của vượn-người cong hình cung, chúng đứng lom khom, đầu nhô tới trước, bàn tay tỳ lên mặt đất và tay dài hơn chân. Cột sống của người cong hình chữ S, người đứng thẳng, ngực ưỡn, đầu ngẩng cao, tay người ngắn, chân dài.

    2. Não vượn-người còn bé, có ít nếp nhăn hơn, bề mặt hẹp, thùy trán ít phát triển. Não tinh tinh: 460g, 600cm3, 392cm2. Não người lớn hơn nhiều, bề mặt cũng rộng hơn, thùy trán lại phát triển mạnh: 1000-2000g, 1400-1600cm3, 1250cm2.

    Những điểm khác nhau và giống nhau của vượn-người và người kể trên chứng tỏ người có họ hàng gần với vượn-người ngày nay, nhưng người không sinh ra từ vượn-người. Cần nói rõ thêm là người hiện nay và vượn-người ngày nay có chung một tổ tiên là vượn-người cổ đại, nhưng mỗi loài đã tiến hóa theo một hướng riêng.

    III. Lược sử tiến hóa của loài người:

    Ít lãnh vực nghiên cứu đã gây nhiều tranh luận và nhầm lẫn như lĩnh vực tìm kiếm các di tích hóa thạch của tổ tiên loài người, có khả năng đánh dấu đoạn đường dài lâu và mờ mịt từ vượn-người cổ đại đến con người hiện đại.

    Vì vượn rất giống người, nhất là tinh tinh hiện ở châu Phi, nên việc tìm kiếm tổ tiên loài người hiện nay được tập trung ở châu Phi.

    Tổ tiên xa xưa nhất của loài người là nhóm vượn-người mà một vài mảnh hóa thach đã được tìm thấy trong các lớp đất đá thời kỳ Miocene ở châu Phi (khoảng 18 triệu năm về trước). Từ các mảnh xương vụn đó, các nhà bác học đã suy đoán rằng, nhóm vượn-người nầy có dấu hiệu đi trên hai chân sau. Trong 15 triệu năm sau đó, ta chưa tìm thấy hóa thạch nào nữa về tổ tiên loài người.

    Hóa thạch về người-vượn tái hiện vào đầu Kỷ thứ ba trong các tầng đất đá ở đầu thời kỳ Pleistocene, khoảng 3,5 triệu năm về trước, cũng tại châu Phi: Raymond Dart đã tìm thấy hóa thạch đầu tiên của mẫu người xưa nầy vào năm 1924 tại Bechuanaland và đặt tên là người-vượn phương Nam ở châu Phi. Người-vượn cổ nầy có bộ răng tiêu biểu của người với răng cửa và răng nanh bé, và đi đứng đã bớt lom khom hơn vượn hiện đại. Từ thời kỳ Miocene, nhiều khu rừng đã biến thành bãi trống. Người-vượn rừng vào giai đoạn nầy di chuyển thành bầy trên các trảng cỏ, để tự vệ và săn mồi có hiệu quả hơn. Mặc dầu vẫn còn nhiều tranh luận về nguyên nhân dẫn tới kiểu đi trên hai chân sau, nhưng kết quả rõ ràng là sự giải phóng và tiến hóa của hai chi trước thành tay, để níu, bắt, giữ mồi và ném đá. Chế độ ăn chuyển dần từ ăn cỏ sang ăn hỗn tạp, có cả thịt động vật. Ta có thể suy đoán thêm là hình thức tự vệ và săn mồi tập thể với hiệu quả cao hơn, đã tạo điều kiện cho phương tiện trao đổi bằng điệu bộ và tiếng nói phát triển.

    Những hóa thạch đầu tiên được xếp vào giống người (Genus Homo) được tìm thấy trong các tầng giữa của thời kỳ Pleistocene ở châu Phi, khoảng 2 triệu năm về trước.

    Loài người đứng thẳng (Homo erectus) đã hoàn toàn đi đứng trên hai chân sau, ăn theo chế độ hỗn thực và biết dùng khí cụ (công cụ). Hóa thạch của người đứng thẳng được tìm thấy trong các hang động, xem như nơi cư trú thường xuyên, cùng với nhiều xương động vật và một số công cụ bằng đá. Nhiều hang động còn chứa củi, than, tro và xương động vật bị thui cháy, chứng tỏ người cổ đã biết dùng lửa để nướng thức ăn.

    Các giải pháp chống lạnh mùa đông ở Âu châu đã giúp sự hình thành các đặc điểm của người khôn ngoan (Homo sapiens) như thay đổi lối sống di động bằng lối sống định cư, lối săn mồi cá thể bằng săn mồi tập thể. Thức ăn mùa hạ có thể là cây trái, lúc đầu hái lượm, về sau tiến tới trồng trọt. Săn mồi tập thể, trồng trọt và sống định cư đã tạo điều kiện phát triển các phương tiện thông tin liên lạc, dẫn tới sự hình thành ngôn ngữ, các tập tục xã hội và luật lệ, khoảng 20 000 năm trước.

    IV. Một số dạng vượn-người và người-vượn hóa thạch tiêu biểu:

    1. Các dạng vượn-người: Dạng cổ nhất là Parapithecus sống giữa Kỷ thứ ba, khoảng 30 triệu năm về trước. Đó là một loài khỉ mũi hẹp, nhỏ bằng con mèo, mặt ngắn, sọ lớn, đã biết dùng chi trước để cầm nắm thức ăn, bóc vỏ quả, hạt.

    Từ Parapithecus, đã phát sanh ra vượn, đười ươi ngày nay và nhóm Driopithecus về sau sanh ra khỉ đột, tinh tinh ngày nay và vượn-người Nam châu Phi. Vượn-người nầy có những đặc điểm rất giống người: thế đứng thẳng với cột sống hình chữ S, răng nanh bé, vòng cung răng hình parabol (chớ không cong hình chữ U như ở khỉ, vượn).

    2. Các dạng người-vượn: Một nhánh của vượn-người ở Nam châu Phi đã tiến hóa thành người-vượn Pithecanthropus khoảng 800 ngàn năm về trước. Hóa thạch người-vượn đầu tiên do Dubois tìm thấy ở đảo Java năm 1891, có nhiều đặc điểm tiến hóa gần với người hơn vượn-người Nam châu Phi, thể tích hộp sọ lớn hơn (khoảng 900 cm3), trán đã bớt bẹt, gờ lông mày còn lồi, hàm dưới bớt to, tuy vẫn lẹm cằm, các chi hóa thạch đầu tiên tìm được, cho thấy chiều cao của người-vượn nầy là 170 cm giống như của người khôn ngoan hiện đại.

    Trong nhóm người-vượn còn có người-vượn Bắc Kinh (Sinanthropus) tìm được ở Bắc Kinh năm 1921, gồm nhiều hóa thạch có thể tích hộp sọ khoảng 1000 cm3, chiều cao 150 cm.

    3. Các dạng người cổ: Homo Neanderthlensis: hóa thạch đầu tiên tìm thấy trong thung lũng Neanderthal bên Đức, dạng người cổ nầy cao khoảng 155 cm, hộp sọ đã phát triển hơn mặt, thể tích não từ 1450 đến 1600 cm3, tương tự như não người hiện đại, họ sống thành đàn 50 đến 100 người, chủ yếu trong các hang động. Hóa thạch dạng người cổ nầy được tìm thấy ở nhiều nơi khác ở châu Âu, châu Á và châu Phi, công cụ là những mảnh đá có cạnh sắc, dùng làm dao, rìu nhọn mũi.

    4. Các dạng người khôn ngoan hóa thạch: Homo sapiens fossilis: tiêu biểu nhứt là dạng người Cro Magnon lần đầu tiên được tìm thấy ở Pháp năm 1868. Đa số hóa thạch cao 180 cm và có hộp sọ rất giống người hiện nay (trán cao, cằm không lẹm, mặt không nhô ra trước) lại có vài đặc điểm của người da đen hiện nay (tay dài hơn chân, môi dầy nhô ra trước). Hoá thạch Cro Magnon được tìm thấy ở Tây Âu và Bắc Phi.

    Người Cro Magnon sống cách đây 3-5 vạn năm, đã biết sử dụng nhiều công cụ tinh xảo bằng đá, xương, sừng, như lưỡi rìu có lỗ để tra cán, lao có ngạnh, kim may, móc câu bằng xương.... Trong các hang động của họ có nhiều tranh vẽ mô tả các quá trình sản xuất và cả những cảnh tôn giáo.

    Người Cro Magnon kết thúc thời đại đồ đá cũ.

    Sau đó là thời đại đồ đá giữa (1,5-2 vạn năm về trước),

    Rồi thời đại đồ đá mới (7-10 ngàn nămvề trước).

    Từ thời đại đồ đá giữa, quan hệ thị tộc được thay dần bằng chế độ công xã nguyên thủy.

    Tiếp theo là thời đại đồ đồng, rồi thời đại đồ sắt,....

    V. Các nhân tố chi phối sự hình thành loài người:

    Có hai cách nhìn vấn đề:

    1. Theo Darwin (1871), quá trình phát sinh loài người cũng được chi phối bởi các nhân tố tiến hóa của các loài thực vật và động vật nói chung, qua đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên. Sự chuyển từ lối sống leo trèo hái lượm trên cây sang lối sống đi đứng trên đất bằng đã tạo điều kiện cho 4 chi phân hóa thành 2 tay và 2 chân. Tay giải phóng đôi hàm khỏi nhiệm vụ giữ và tha mồi, sự phức tạp hóa và chính xác hóa lao động bằng tay làm cho não phát triển mạnh. Mặt khác miệng không phải giữ và tha mồi nữa nên mặt ngắn lại và khỏi kéo đầu gục xuống, tạo điều kiện cho não phát triển dễ dàng hơn.

    Đồng thời, do nhu cầu trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động trong đời sống và lao động tập thể để săn mồi, hái lượm trái cây, nên hình thức liên lạc bằng tiếng nói đã củng cố và phát triển, làm xuất hiện những vùng phụ trách ngôn ngữ trong não, khiến não càng phát triển hơn.

    2. Theo cách nhìn khác, các nhân tố quyết định trước tiên là sự đột biến chất di truyền. Con người có bộ nhiễm sắc thể: 2n = 46 , trong khi loài tinh tinh, họ hàng gần gũi nhất của người có bộ nhiễm sắc thể: 2n = 48

    Khi so sánh hình thái các nhiễm sắc thể thì thấy có 13 đôi nhiễm sắc thể rất giống nhau giữa người và tinh tinh. Những đôi còn lại thì cũng rất giống nhau ở một số đoạn. Sự khác nhau giữa hai con số 23 đôi và 24 đôi nhiễm sắc thể có lẽ ở chỗ cặp nhiễm sắc thể của người (cặp số 2) là sự kết hợp giữa hai cặp nhiễm sắc thể tương đương của tinh tinh.

    Có xu hướng cho rằng, chính các biến đổi đó trong bộ nhiễm sắc thể của vượn-người đã dẫn đến sự tiến hóa của vượn-người cổ xưa thành người-vượn, rồi tiến hóa thành người nguyên thủy và cuối cùng thành người khôn ngoan ngày nay.

    Tóm lại, các nhà khoa học và khảo cổ, với các hóa thạch đã tìm thấy được ở nhiều nơi, xác định loài người hiện nay là do sự tiến hóa của loài vượn cao cấp. Loài vượn cao cấp ấy gọi là "vượn-người" tức là vượn có hình dáng hao hao giống người.

    Vượn-người tiến hóa lên thành "người-vượn" tức là con người nhưng còn hao hao giống vượn. Dần dần người-vượn tiếp tục tiến hóa thành người nguyên thủy, cởi bỏ hẳn lớp thú để thành người, và dần dần người nguyên thủy tiến hóa để thành người khôn ngoan như ngày nay.

    Vượn-người xuất hiện cách nay khoảng 65 triệu năm.

    Người nguyên thủy xuất hiện cách nay 2,5 đến 5 triệu năm. Người khôn ngoan xuất hiện cách nay 40 ngàn năm.

    Do đó, chúng ta thấy sự tiến hóa từ vượn-người lên thành người-vượn, rồi thành người nguyên thủy xảy ra trong quá trình rất lâu dài, khoảng 60 triệu; sự tiến hóa tiếp tục để thành người khôn ngoan phải trải qua khoảng 5 triệu năm.

     

  • Nhơn luân

    人倫

    A: The moral laws.

    P: Les lois morales.

    Nhơn: Người. Luân: phép tắc ở đời đúng đạo lý.

    Nhơn luân là những phép tắc ở đời mà con người phải tuân theo để giữ cho nhơn cách và phẩm giá được cao trọng.

    Nhơn luân bao gồm Ngũ luân, tức là 5 cách cư xử của con người trong quan hệ gia đình và xã hội. (Xem: Ngũ luân)

     

  • Nhơn lực

    人力

    A: The humain force.

    P: La force humaine.

    Nhơn: Người. Lực: sức.

    Nhơn lực là sức lao động của con người, sức lực lao động đóng góp của nhơn sanh.

    TNHT: Còn Tòa Thánh thì Thầy muốn cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, ấy là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn Nghĩa (Nhân Nghĩa)

    仁義

    A: Charity and justice.

    P: Charité et justice.

    Nhân Nghĩa là khái niệm đạo đức của Khổng học.

    Nhân là lòng thương người, Nghĩa là việc làm chính đính theo lẽ phải, theo đạo nghĩa.

    Trước Đức Khổng Tử, kinh sách Nho giáo như Kinh Lễ từng nói tới Nhân gắn liền với Nghĩa như: Đạo đức Nhân nghĩa mà không có lễ thì không thực hiện được và chú thích rằng:

    Nhân là đem ơn huệ cho mọi vật. Nghĩa là xét đoán thích đáng. Hay nói cách khác: Ơn huệ là Nhân, lẽ phải là Nghĩa, điều tiết là Lễ, cân nhắc là Trí. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, khiến đạo người đầy đủ.

    Nhưng giữa Nhân và Nghĩa, Nhân được coi là cơ bản, Nhân là gốc của Nghĩa. Có lẽ vì thế mà Đức Khổng Tử nói nhiều đến Nhân, ghép Nhân với Trí và Dũng, không thấy nói Nhân và Nghĩa đi liền nhau.

    Nhưng đến đời Mạnh Tử thì Ông đề cặp nhiều đến Nhân và Nghĩa, thường hai chữ nầy gắn liền nhau.

    Nhân là tình thương yêu rộng lớn, thiên về tình cảm.

    Nghĩa là việc làm chánh đáng theo lẽ phải, thiên về lý trí.

    Hai mặt Nhân và Nghĩa cần đi liền với nhau, bổ sung cho nhau. Nhân là nơi ở yên ổn của người, Nghĩa là con đường chánh của người: ở thì theo đạo Nhân, đi thì noi đường Nghĩa.

    Ngay những dòng chữ đầu tiên của sách Mạnh Tử, là lời nói nổi tiếng của Mạnh Tử khuyên vua Lương Huệ Vương, khi nhà vua hỏi:

    - Có thuật gì làm lợi cho nước tôi không?

    Mạnh Tử đáp:

    - Vua hà tất nói lợi, chỉ có Nhân Nghĩa mà thôi.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo về Chơn tướng Nho Tông tại Đền Thánh đêm 1-3-Kỷ Mão (1939) trích ra như sau:

    "Kể từ Ngũ Đế đến Võ Vương thì thường dùng 4 chữ: Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, thực hành về phương diện trị an của đời.

    Qua đến Đức Khổng Tử, Ngài chú trọng đến 4 chữ: Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Ngài tác Xuân Thu, bỉnh chánh, vương hóa, ngụ bao biếm, biệt thiện ác, chỉ rõ hai điều lành dữ, khen chê để làm phương giáo dục cho con người biết gìn giữ chơn thật, thi hành hai chữ Trung và Hiếu cho được hoàn toàn thì mong vào hàng Thần, Thánh.

    Qua đến Mạnh Tử, thì Ngài tuyển chọn trong điều mục Ngũ thường, lấy hai chữ Nhơn Nghĩa làm căn bản cho hành vi.

    - Nói về chữ NGHĨA: thì hạng nào cũng phải cần yếu trọng dụng, làm tôi mà biết giữ Nghĩa với vua thì mới đáng mặt tôi trung thành, làm con phải biết giữ trọn Nghĩa với cha mẹ thì mới trọn Nghĩa làm con chí hiếu, anh em biết giữ Nghĩa cùng nhau thì mới có tình thương yêu thảo thuận, vợ chồng biết giữ trọn Nghĩa thì mới đặng hòa hảo miên trường tạo thành cơ sanh hóa, bậu bạn có Nghĩa cùng nhau thì mới có lòng cảm hoài tín nhiệm. Cho nên hạng nào cũng phải thi hành chữ Nghĩa thì mới đủ tư cách làm người.

    - Luận về chữ NHƠN: Làm người phải giữ tròn nhơn đức. Đức Khổng Tử dạy: đạo Nhơn có được hoàn toàn thì mới có thể vi Hiền vi Thánh.

    Chữ Nhơn 仁 là nhơn 亻bằng và chữ nhị 二 là hai, làm người cho trọn hai lần thì mới đủ tư cách làm người ở thế:

    · Làm người đối với Trời Đất.

    · Làm người đối với Người Vật.

    Có câu:

    Tu nhơn thành Thần,

    Niệm nhơn thành Thánh,

    Hành nhơn thành Tiên,

    Đắc nhơn thành Phật.

    Tóm lại, chữ Nhơn là trước hết các việc hành tàng của con người đương nhiên ở thế. Cho nên Mạnh Tử dùng hai chữ Nhơn Nghĩa làm căn bản cho Nho Tông.

    Thánh giáo của Đức Chí Tôn:

    Nhơn là đầu hết các hành tàng,

    Cũng bởi vì Nhơn dân hóa quan.

    Dân trí có Nhơn nhà nước trị,

    Nước nhà Nhơn thiệt một cơ quan."

    KSH:

    Làm người Nhơn Nghĩa giữ tròn,

    Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa.

    Nơi mặt tiền Tòa Thánh, trên lầu HTĐ có bông hai chữ 仁義 NHƠN NGHĨA bằng Hán văn thật lớn, để tượng trưng chủ nghĩa của Đạo Cao Đài. Có đôi liễn Nhơn Nghĩa sau đây:

    仁佈四方大道以仁興社稷

    義頒萬代三期重義振山河

    NHƠN bố tứ phương Đại Đạo dĩ Nhơn hưng xã tắc,

    NGHĨA ban vạn đại Tam Kỳ trọng Nghĩa chấn sơn hà.

    Nghĩa là:

    Lòng Nhơn đem rải bốn phương, Đạo Cao Đài lấy Nhơn làm hưng thạnh nước nhà,

    Điều Nghĩa ban cho muôn đời, Đạo Cao Đài xem trọng điều Nghĩa để làm hưng khởi quốc gia.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    KSH: Kinh Sám Hối.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

     

  • Nhơn nhơn thành sự

    因人成事

    Nhơn: Nguyên do, cái cớ, bởi vì, do đó. Nhơn: người. Thành: nên. Sự: việc.

    Nhơn nhơn thành sự là nhờ người nên việc.

    Sự thành công không do sức riêng của mình mà có nguyên nhân là do nhiều người giúp vào.

     

  • Nhơn phẩm

    人品

    A: The human dignity.

    P: La dignité humaine.

    Nhơn: Người. Phẩm: thứ bậc cao thấp.

    Nhơn phẩm là bực người, bực nhơn loại.

    Nhơn phẩm cũng có nghĩa là phẩm cách của con người.

    TNHT: Đạo là con đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn phi nghĩa bất giao

    人非義不交

    Nhơn: Người. Phi: không. Nghĩa: tình nghĩa. Bất giao: không giao thiệp, không làm bạn.

    Nhơn phi nghĩa bất giao là người mà không có tình nghĩa thì không nên làm bạn.

    Ông Khang Thiệu Tiết có nói:

    Nhân phi nghĩa bất giao,

    Vật phi nghĩa bất thủ,

    Thân hiền như tựu chi lan.

    Nghĩa là:

    Người phi nghĩa chẳng nên làm bạn,

    Vật phi nghĩa chẳng lấy.

    Gần người hiền như đến cỏ chi cỏ lan.

     

  • Nhơn quả - Luật Nhơn quả

    律因果

    A: Cause and effect - Law of Causality.

    P: Cause et effet - Loi de Causalité.

    Nhơn: Nguyên do, cái cớ, bởi vì, do đó. Quả: cái trái, kết quả.

    Nhơn quả là nguyên nhân nào thì tạo ra kết quả nấy.

    Nhơn ví như cái hột, quả ví như cái trái. Hễ gieo hột dưa thì mọc lên cây dưa, cho ra trái dưa, và trong trái dưa có hột dưa. Gieo hột đậu thì mọc lên cây đậu chớ không thể mọc lên cây dưa, rồi cây đậu sanh ra trái đậu, trong trái đậu có hột đậu.

    Đó là: chưởng qua đắc qua, chưởng đậu đắc đậu, không bao giờ sai chạy. Đó là Luật Nhân quả.

    Một cái nhân tạo ra cái quả, quả nầy tạo ra nhân mới, và nhân mới lại tạo ra quả mới, cứ thế tiếp diễn mãi. Còn nếu muốn không có quả thì đừng tạo nhân.

    Luật Nhân quả thể hiện sự công bình của Trời Đất.

    Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế chí công vô tư, không vì thương mà thưởng, không vì ghét mà phạt. Đấng ấy lập ra Luật Nhân quả, và cầm cây cân Công bình thiêng liêng để cho Luật Nhân quả tác động một cách công bình.

    Trong Luật Nhân quả, thời gian đi từ Nhân tới Quả không nhất thiết phải xảy ra ngay, có thể xảy ra trong một kiếp sống hay có thể xảy ra trong nhiều kiếp, nhưng nhứt định phải xảy ra, Quả phải tương xứng với Nhân, không bao giờ sai chạy.

    ■ Nếu Nhân và Quả xảy ra ngay trong một kiếp sống thì gọi là: Hiện kiếp Nhơn quả, cũng gọi Báo ứng nhãn tiền.

    Một người lúc trẻ làm nhiều việc gian ác, đến khi trở về già thì phải chịu cảnh khốn cùng, tủi nhục, đau đớn ê chề, rồi mới chết. Đó là Báo ứng nhãn tiền xảy ra trong một kiếp.

    ■ Nếu Nhân ở kiếp trước mà Quả báo ứng xảy ra trong kiếp hiện tại thì gọi là Tiền kiếp Nhân quả.

    ■ Nếu Nhân trong kiếp hiện tại mà Quả báo sẽ xảy ra trong kiếp sau thì gọi là Hậu kiếp Nhân quả.

    Có Luật Nhơn quả mới có sự Luân hồi, hay nói cách khác, Luân hồi là hệ quả của Luật Nhân quả. Vì gieo nhân trong kiếp trước mà chưa trả được nên phải chịu luân hồi, đầu kiếp trở lại để trả quả.

    Nghiệp là con đường đi từ Nhân tới Quả. Duyên là cái bổ trợ cho cái Nhân thành cái Quả.

    Trong xã hội, chúng ta vẫn thường thấy có nhiều người giàu sang danh vọng, nhưng họ lại nghinh ngang hống hách, chỉ biết mưu lợi hại người, làm điều gian ác, dối trên lừa dưới, thế mà họ vẫn lên chức đều đều, giàu có thêm lên, mặc cho người đời nguyền rủa.

    Đừng nghĩ rằng Luật Nhơn Quả sai! Những người đó được vậy là vì cái Quả lành của họ đã tạo ra từ kiếp trước vẫn còn để họ hưởng, nhưng họ không biết tô bồi cái Quả lành đó trong kiếp nầy, đến chừng hưởng hết Quả lành thì sẽ bắt đầu trả quả, và sự trả quả đó có thể xảy ra trong những ngày cuối đời của họ hay trong kiếp sau, nhưng nhứt định là phải trả, không trốn tránh vào đâu cho được.

    KSH:

    Người làm phước có khi mắc nạn,

    Kẻ lăng loàn đặng mạng giàu sang.

    Ấy là nợ trước còn mang,

    Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.

    TNHT:

    Ức lòng dễ tỏ đặng cùng ai!

    Hiền đức mà sao chịu khổ hoài.

    Lão nói tỏ tường cho đó hiểu,

    Cũng là vay trả luật xưa nay.

    "Các ngoại đạo tà kiến thấy người làm điều thiện mà lại sanh vào đường ác, kẻ làm ác lại sanh vào nẻo thiện, liền cho rằng Nhân Quả đều không, thậm chí còn bài bác và cho rằng tất cả đều không (Nhất thiết không).

    Người làm thiện mà phải sanh vào nẻo ác là vì ác quả của đời trước vẫn còn dây dưa chưa dứt nên phải chịu nốt, Nhân thiện hiện tại sẽ sanh Quả thiện tương lai. Đây là đạo lý Tam thế Nhân quả mà Đức Phật đã nói trong Kinh Thiện Ác Nghiệp Báo."

    Trong Kinh Nhơn Quả cũng có viết rằng: Muốn biết cái Nhân đã qua, hãy xem cái Quả hiện tại; muốn biết cái Quả tương lai, hãy xem cái Nhân hiện tại.

    Nhơn nào Quả nấy, chắc chắn không bao giờ sai, chỉ có thời gian báo ứng lâu hay mau mà thôi. Chúng ta là người phàm không bao giờ biết được thời gian báo ứng đó lúc nào xảy ra, cho nên đừng nên lộng ngôn mà phê phán sai lầm, than Trời trách Đất, mà mang trọng tội cùng các Đấng thiêng liêng.

    KGO:

    Luật Nhơn quả để răn Thánh đức,

    Cửa Luân hồi nhắc bực cao siêu.

    TNHT:

    Giựt giành rốt cuộc cũng tay không,

    Nhân quả đeo mang tội chất chồng.

    Ví biết phép công cơ thưởng phạt,

    Đường tu sớm bước chí thong dong.

    THI BÀI: Luật Nhơn Quả - Luân hồi

    Nợ nhân quả lấp vùi tánh đức,

    Biết ngày nào gỡ dứt tiền khiên?

    Trả vay vay trả liền liền,

    Nhơn nào quả nấy, nghiệp duyên buộc mình.

    Bóng cong vạy tại hình cong vạy,

    Tội phước đi qua lại không chừng.

     Xác phàm sung sướng vui mừng,

    Linh hồn phải chịu bâng khuâng não phiền.

    Gieo giống chi mọc liền giống nấy,

    Cảm vật nào vật ấy ứng cho.

    Coi như trong cái xe bò,

    Bánh xe lăn trở kịp giò bước chưn.

    Bò ngừng lại, bánh ngừng đứng lại,

    Chậm hay mau là tại nơi bò.

    Bánh xe nó chạy theo giò,

    Chạy không cũng tại con bò gây ra.

    Xét lỗi người, lỗi ta ai xét,

    Sương nhà người, người quét đặng thôi.

    Muốn mau thoát kiếp luân hồi,

    Kiếp nầy ráng chịu quả nhồi cho mau.

    Đời cũng có nghèo giàu cao thấp,

    Tại nơi người tạo lập nó ra.

    Rồi than oán trách Trời già,

    Không ngờ ta chác lấy ta cho nhiều.

    Lòng tham dục bao nhiêu cho đủ,

    Để thất tình làm chủ lấy tâm.

    Khiến gây tội ác lỗi lầm,

    Người chưng mắc phải vướng nhầm khổ nguy.

    Lòng quấy quá tráo chì thay bạc,

    Mỏi mong lo cố gạt của đời.

    Không dè mắc phải lưới Trời,

    Thưa mà không lọt chuyện người mảy lông.

    Luật báo ứng phép công thưởng phạt,

    Hành hồn rồi hành xác chẳng chơi.

    Nhơn nào quả nấy chẳng rời,

    Đòn cân công luật Phật Trời thưởng răn.

    Đặng quả ngon thì ăn lấy hột,

    Gieo lại mà mai mốt còn ăn.

    Nhược bằng hưởng quả hột quăng,

    Ngày sau thèm khát xin ăn của người.

    Nay đắc thế vui cười cho lắm,

    Sau suy thời bụi bặm lấp thân.

    Biết lo bố đức thi ân,

    Luân hồi trở lại hưởng phần cao sang.

    Nhược tánh ác bạo tàn gây họa,

    Kiếp sau mang nghiệp quả phạt hình.

    Sao người chẳng biết sửa mình,

    Cơ Trời báo ứng hiển linh rõ ràng.

    Người quân tử vững vàng tâm chí,

    Chọn đường ngay trực chỉ Tây phương,

    Kìa là trước mắt muôn đường,

    Lại qua quanh quẹo phải tường chọn đi.

    Thấu lý đạo vô vi thanh tĩnh,

    Thì tâm hồn an tịnh lo tu.

    Thuận theo lẽ đạo ôn nhu,

    Tự nhiên vô sự, võng dù mặc ai.

    Lo nhảy thoát ra ngoài khuôn khổ,

    Để thất tình cám dỗ hư thân.

    Mượn nhành dương quét bụi trần,

    Đặng cho phát triển tinh thần cao siêu.

    Đường quanh cong theo chiều mà bước,

    Chí tâm bền thì được thành công.

    Làm cho chánh lý lưu thông,

    Lập tâm sửa tánh kềm lòng phá mê.

    Kìa biển hẹn non thề phủi dứt,

    Dây buộc mình cắt đứt chớ vương.

    Nhu thắng cang, nhược thắng cường,

    Mềm còn, cứng bể, thấy thường xưa nay.

    Họa phước ấy không sai báo ứng,

    Muộn kiếp nầy, gieo chứng hậu lai.

    Người tài gặp kẻ cao tài,

    Ỷ tài phải chịu mang tai liền liền.

    THI:

    Liền vay liền trả, trả vay hoài,

    Linh tánh lộn nhầu kiếp hậu lai.

    Đày đọa gỡ xong oan nghiệp trước,

    Làm lành hưởng phước chẳng hề sai.

    Sự báo ứng của Trời Đất sắp bày từ tạo Thiên lập Địa. Hễ người biết tu hành, làm lành, siêng năng đạo đức thì trở lại chỗ cội phước hưởng an. Còn những kẻ hung ác bạo tàn phải chịu dây oan cột trói.

    Trời Đất rất công minh, hễ làm lành thì lành trả, gây họa thì họa lại.

    Trong thế gian, tại sao có kẻ nghèo người giàu, sang hèn, khôn dại? Đó là tại người gây. Vả tỉ như các quả riêng mỗi giống cây, sao lại có trái ngọt trái chua, trái cay trái đắng,.... Sự giàu nghèo cũng vậy, muốn gieo giống ngọt thì quả ngọt hưởng nhờ, gieo giống chua thì quả chua nó đậu. (ĐTCG)

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    KSH: Kinh Sám Hối.

    KGO: Kinh Giải Oan.

    ÐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.

     

  • Nhơn quan giả bái quan

    堙棺者拜棺

    Nhơn: Nhân: trong trường hợp nầy có nghĩa là: vùi lấp, chôn. Quan: cái quan tài. Giả: người. Bái: lạy.

    Nhơn quan giả: người đem quan tài chôn xuống đất, ngày nay thường gọi là Đạo tỳ.

    Nhơn quan giả bái quan là Đạo tỳ vào lạy quan tài, chuẩn bị khiêng quan tài lên thuyền Bát Nhã, đi vào nghĩa địa để chôn cất. Đây là câu xướng của lễ sĩ trong nghi tiết khiển điện phát hành trong Tang lễ.

     

  • Nhơn sanh như ký

    人生如寄

    A: The man's life is like a place of deposit.

    P: La vie humaine est comme un lieu de dépôt.

    Nhơn: Người. Sanh: sống. Như: giống như. Ký: gởi.

    Nhơn sanh như ký là người sống như ký gởi (tạm thời).

    Ý nghĩa giống câu: Sanh ký tử qui: Sống gởi thác về.

     

  • Nhơn sanh triêu lộ

    人生朝露

    A: The man's life is like a morning dew.

    P: La vie humaine est comme une goutte de rosée matinale.

    Nhơn: Người. Sanh: sống. Triêu: sáng sớm. Lộ: hạt sương.

    Nhơn sanh triêu lộ là đời sống con người như hạt sương buổi sáng sớm. Ý nói: không bền vững, như hạt sương buổi sáng sớm, khi mặt trời lố dạng thì tan mất.

     

  • Nhơn sanh quan

    人生觀

    A: Philosophy of life, Outlook on life.

    P: Philosophie de la vie, Conception de la vie.

    Nhơn: Người. Sanh: sống, đời sống. Quan: xem xét.

    Nhơn sanh quan hay Nhân sinh quan là một hệ thống tư tưởng triết học xem xét về nguồn gốc của con người, sự sống và sự chết, về mục đích và ý nghĩa của đời sống con người.

    Về Nhân sanh quan, Triết học phân ra 2 nhóm có tư tưởng đối lập nhau:

    - Nhơn sanh quan Duy Vật do hai Triết gia Marx và Engels chủ trương, không công nhận con người có Linh hồn, đưa đến thuyết Cộng Sản Vô Thần.

    - Nhân sanh quan Duy Tâm do các Triết gia Socrate, Platon, Hégel,... và nhất là các nhà tôn giáo, công nhận con người có một Linh hồn bất diệt, đưa đến thuyết Tư Bản Tự Do.

    Sau đây, chúng tôi xin trình bày Nhân sanh quan của Đạo Cao Đài.

    Nhân sanh quan của Đạo Cao Đài

    Nguồn gốc của loài người

    a. Luật Tiến hóa của chúng sanh

    b. Luật Tiến hóa của Bát hồn

    c. Con người từ đâu tới? Ba hạng người

    Con người có linh hồn không? Ba Thể của con người

    1. Thể xác

    2. Chơn thần

    3. Chơn linh

    Con người khi chết đi về đâu?

    1. Đối với người không tín ngưỡng

    2. Đối với các tín đồ Cao Đài

    3. Đối với tín đồ các tôn giáo khác

    Đầu thai và Chuyển kiếp

    1. Sự giáng trần của các Nguyên nhơn

    2. Chuyển kiếp đầu thai

    Địa vị của con người trong vũ trụ

    Quan niệm về Thượng Đế

    1. Con người là một Tiểu Thượng Đế

    2. Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu

    3. Sự bình đẳng giữa Nam và Nữ

    Thiên Đàng Địa Ngục - Cõi Âm Quang

    Quan niệm đúng đắn về cuộc sống

    Phần kết


     

    Nhân sinh quan của Đạo Cao Đài là một Nhân sinh quan triết học Duy Linh Duy Nhất, vượt lên trên hai quan niệm Duy Tâm và Duy vật vừa kể trên, mà còn dung hợp được hai khuynh hướng nầy. Nhân sinh quan của Đạo Cao Đài sẽ giải đáp một cách minh bạch các vấn đề sau đây:

    · Nguồn gốc của loài người. Con người từ đâu tới?

    · Con người có Linh hồn không? Linh hồn là gì?

    · Khi thể xác chết, Linh hồn xuất ra đi về đâu?

    · Con người đầu thai xuống cõi trần bằng cách nào?

    · Thượng Đế là ai? Sự liên hệ giữa Thượng Đế và người.

    · Mục đích của cuộc sống.

    · Thiên đàng và Địa Ngục.

    1. Nguồn gốc của loài người:

    Đạo Cao Đài xác nhận rằng, loài người nguyên thủy có được là do sự tiến hoá của loài động vật cao cấp khỉ vượn mà thành. Điều nầy được chứng minh bằng Định luật Tiến hóa của chúng sanh và của Bát hồn.

    a) Luật Tiến hóa của chúng sanh:

    Chúng sanh là các loài vật có sự sống được sanh ra trên mặt Địa cầu nầy. Lớp chúng sanh đầu tiên chưa có loài người, gồm: Vật chất Kim thạch, Thảo mộc, Côn trùng và Thú cầm.

    Khởi thủy, quả Địa cầu của chúng ta chỉ là một khối lửa văng ra từ Mặt Trời. Theo thời gian, khối lửa ấy nguội dần, tạo ra một lớp vỏ đất đá bao bọc bên ngoài. Lúc nhiệt độ hạ xuống khá thấp, lớp hơi nước bao quanh Địa cầu, gây ra những đám mưa lớn rơi xuống, tạo nên các sông ngòi và biển cả.

    Nước của biển và sông làm ổn định nhiệt độ của Địa cầu, nên sanh vật bắt đầu xuất hiện trong nước.

    Sanh vật đầu tiên là loài Thảo mộc đơn giản chỉ có một tế bào (đơn bào). Dần dần nó sanh sản thêm bằng cách phân bào, rồi tiến hóa lên thành các loại nấm, rong rêu, tiến hóa tiếp thành cây cỏ, và cây cối. Càng tiến hóa, Thảo mộc càng to lớn, rắn chắc và phức tạp.

    Một thời gian dài tiếp theo, loài động vật bắt đầu xuất hiện. Động vật đầu tiên xuất hiện trong nước, có cơ cấu đơn giản chỉ một tế bào. Dần dần nó sanh sản và tiến hóa lên thành các loài sứa, loài cá, rồi tiến hóa thành các loài động vật sống trên cạn có chân, tiến hóa lên nữa thành loài thú chạy, thú bay. Loài động vật có trình độ tiến hóa cao cấp là loài khỉ vượn.

    Trong loài khỉ vượn, ở cấp thấp thì chúng có thân hình nhỏ và có đuôi. Chúng tiến hóa thành loài khỉ vượn cao cấp gọi là vượn-người (giả nhơn), có thân hình to lớn và không có đuôi.

    Một thời gian dài tiếp theo, vượn-người tiến hóa thành người-vượn, rồi tiếp tục tiến hóa thành người nguyên thủy. Vượn-người còn di chuyển bằng 4 chi, tiến hóa lên thành người nguyên thủy thì đi bằng 2 chân sau, 2 chi trước trở thành 2 tay để cầm bắt và hái lượm trái cây. Hình vóc cũng lần lần biến đổi, tướng đi đứng thẳng, lông trên thân thể rụng dần, đầu nở to ra, bộ óc lớn hơn. (Xem chi tiết nơi chữ: Nhơn loại khởi nguyên, vần Nh).

    Sự tiến hóa của chúng sanh tóm tắt bằng hình vẽ sau đây:

    · Đầu mũi tên là gốc, là cái đầu.

    · Đuôi mũi tên là ngọn , là cái đuôi, là chân.

    · Vật chất kim thạch, chưa phân biệt được cái nào là gốc, cái nào là ngọn, cái nào là đầu, cái nào là đuôi.

    · Thảo mộc có gốc có ngọn, gốc là đầu mũi tên, ngọn là đuôi mũi tên, tượng trưng bằng mũi tên chúc xuống thẳng đứng.

    · Động vật có đầu và có đuôi ngang nhau, thân mình nằm ngang, được tượng trưng bằng mũi tên nằm ngang.

    · Nhơn loại có đầu hướng lên Trời, chân đạp xuống đất, thân hình thẳng đứng, được tượng trưng bằng một mũi tên thẳng đứng hướng lên trên. Như vậy, sự tiến hóa đến phẩm nhơn loại thì đã thuận theo Thiên lý.

    Sự trình bày như trên đây là trình tự Tiến hóa về mặt hình thể, thuộc về vật chất hữu hình.

    Sau đây là sự Tiến hóa về mặt khôn ngoan hiểu biết.

    ■ Loài Kim thạch có sự sống chưa thể hiện rõ rệt, nó chỉ là sự liên kết của các tế bào tạo thành tinh thể rắn chắc. Loài kim thạch hoàn toàn không có tri giác.

    ■ Loài Thảo mộc, được Thượng Đế ban cho một điểm nguyên hồn để làm Sanh hồn, tạo nên sự sống. Điểm nguyên hồn nầy được Đấng Thượng Đế rút ra từ khối Đại hồn của Ngài.

    Loài Thảo mộc chỉ có sự sống mà chưa có tri giác. Loài Thảo mộc ở cấp cao hơn thì lá biết khép lại khi đêm xuống hay khi bị đụng chạm, như cây so đũa, cây mắc cở; vài loại Thảo mộc có những cánh hoa tiết ra mùi thơm để dụ côn trùng bay đến rồi khép những cánh hoa ấy lại đặng bắt côn trùng mà hút thịt và máu. Như thế, chúng đã có chút ít tri giác nhưng rất thô sơ, gần như chỉ là những phản xạ tự nhiên.

    ■ Tiến lên là loài Động vật, được Thượng Đế ban thêm cho một điểm nguyên hồn nữa để làm Giác hồn, tạo ra sự hiểu biết, như đau đớn biết rên la, sợ hãi biết chạy trốn, biết đi tìm thức ăn thích hợp, biết tìm chỗ ẩn trú an toàn, biết nuôi con, có chút ít trí nhớ nhưng rất sơ sài.

    ■ Tiến lên đến phẩm Nhơn loại, là đẳng cấp cao nhứt của chúng sanh, được Thượng Đế ban thêm một điểm nguyên hồn nữa để làm Linh hồn, lúc đó sự hiểu biết mới được hoàn toàn.

    Con người có được sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự phán đoán, biết được lẽ phải trái và có tánh linh. Đến đây, con người có đủ Tam Hồn: Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn.

    TÓM TẮT: (trích ĐTCG)

    "Luật Tấn hóa của Thảo mộc, Thú cầm, Nhơn loại, nó từ từ tăng tiến mãi, nhưng nó cũng có thối hóa vậy.

    Các con nghe: Như loài Thảo mộc cũng có thọ nơi Thầy một điểm nguyên hồn. Nó cũng sống, nhưng trí hóa khờ ngây. Các con coi đó, từ Thảo mộc bắt đầu lên cho chí loài người, có 3 cái Pháp:

    1. Như Thảo mộc, cái gốc trở xuống, ngọn day lên. (Gốc là đầu, ngọn là chơn).
    2. Rồi nó tấn hóa lên đến bực Thú cầm thì cái đầu với cái đuôi ngang nhau.
    3. Thú cầm qua Nhơn loại thì cái đầu trở lên, cái chơn xuống dưới.

    Ấy là 3 Pháp. Vậy từ Thảo mộc có một phần Hồn.

    Thảo mộc tấn hóa mãi, muôn vàn kiếp mới bước sang qua Thú cầm đã đặng 2 phần Hồn.

    Thú cầm mới dần dần tấn hóa mãi, trăm muôn ngàn kiếp, lên đặng làm Người, thiệt là trăm đắng ngàn cay, muôn thảm vạn sầu, biết bao nhiêu là công phu khổ hạnh, xả thân giúp đời một cách khó khăn cực nhọc, nhưng cũng vui lòng, mãn kiếp nọ sang kiếp kia, cứ lập công quả mãi. Vàn vàn muôn muôn lần đầu thai mới qua đặng phẩm bực loài người.

    Khi tấn hóa đến loài người thì đủ Tam Hồn, Thất Phách.

    Những con thú mới qua làm người thì còn khờ khạo ngu ngây, tánh tình độc hiểm, nếu biết khôn xá thân giúp đời thì chuyển kiếp đôi ba chục lần cũng đặng minh mẫn khôn ngoan."

    b) Luật Tiến hóa của Bát hồn:

    Tất cả Chơn linh trong CKVT, gọi là Vạn linh, được chia làm 8 bực tiến hóa cao thấp khác nhau, gọi là Bát hồn hay Bát phẩm Chơn hồn, kể từ thấp tiến hóa dần lên cao: 

    1. Kim thạch hồn.

    2. Thảo mộc hồn.

    3. Thú cầm hồn.

    4. Nhơn hồn.

    5. Thần hồn.

    6. Thánh hồn.

    7. Tiên hồn.

    8. Phật hồn.

    ■ Sự Tiến hóa trong giai đoạn đầu từ Kim thạch hồn lên đến Nhơn hồn là sự Tiến hóa tự nhiên, do sự thúc đẩy của Luật Tiến hóa, và sự tiến hoá đi lên dần dần theo từng cấp bực, không có sự nhảy cấp và cũng không có sự thoái cấp.

    ■ Sự Tiến hóa trong giai đoạn tiếp theo, từ Nhơn hồn lên đến Phật hồn là do sự tu luyện của Nhơn hồn, nên Nhơn hồn có thể tiến hóa rất nhanh, một kiếp tu có thể vượt lên 3 hay 4 cấp, để đến Phật hồn; nhưng cũng có thể thoái hóa xuống loài Cầm thú khi Nhơn hồn không tu mà lại phạm tội đại ác.

    ■ Con người nhờ có trí não khôn ngoan hiểu biết, phân biệt được điều hay lẽ dở, thiện ác, chánh tà, có lương tâm kềm chế, có lục dục thất tình xúi giục. Nếu biết bỏ ác theo lành, cải tà qui chánh, chế ngự lục dục thất tình và chuyển hóa chúng theo đường Thiên lý thì con người sẽ tiến hóa đi lên, tùy theo công đức nhiều ít mà đạt được các phẩm: Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.

    ■ Nếu ngược lại, con người bỏ chánh theo tà, bỏ lành làm ác, đi theo vật dục thấp hèn, thì Nhơn hồn sẽ bị thoái hóa xuống loài Cầm thú, mang lông đội sừng mà đền tội lỗi.

    Sự Tiến hóa đi lên của Nhơn hồn, khi đã đến Phật hồn rồi thì chưa phải là đến mức tối cao của nấc thang tiến hóa. Phật hồn còn phải tiếp tục tu luyện để tiến hóa lên mức tận cùng tối cao là Thiên hồn, tức là Đại hồn của Thượng Đế.

    Tới đây mới giáp một chu trình tiến hóa của của Chơn linh, bởi vì Chơn linh xuất phát từ Thiên hồn (Đại Hồn, Đại Linh Quang, Thái Cực), đi chu du một vòng tiến hóa, trải qua Bát hồn, nay trở về hiệp nhập vào Đại hồn của Thượng Đế là đúng một chu trình tiến hóa.

    Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ giảng giải về sự tiến hóa của Bát hồn, trong Luật Tam Thể, trích ra như sau:

    "Từ lúc Hỗn Độn sơ khai, Âm Dương biến hóa, trong Khí Hư Vô đã sẵn các tế bào. Sau tiếng nổ, Âm Dương phân tách: Khí Dương quang là khí nhẹ nhàng bay lên trên, còn khí Âm quang là khí chất chứa các tế bào nên lóng xuống dưới.

    - Sau một Chuyển, các chất khí trên liên đới với tế bào mà tụ lại thành chất khí và biến thành vạn vật. Khi chưa thành hình thể hữu vi, thì chất khí vẫn là một cục lửa do khí Dương quang đốt cháy, sau đó, nơi Diêu Trì Cung thâu Thập nhị Địa Chi mà biến khí Dương quang và chất khí làm Ngũ Hành. Vậy cho nên, Đất, Nước, Sắt, Đá, và Lửa được nẩy sanh trước hết, đó là Kim thạch hồn.

    - Sau một Chuyển nữa, Nước, Đất, Đá, Sắt và Lửa mới tiêu ra một chất khí và liên đới với các tế bào lại mà tạo nên cây cỏ, đó là Thảo mộc hồn.

    - Sau một Chuyển nữa, các cây cỏ chia tế bào mà liên đới với Ngũ Hành tạo nên Bách Thú, trong đó phần ở khô gọi là Cầm thú, còn phần ở nước gọi là Ngư thú, đó là Thú cầm hồn. Cầm thú đều là Bách thú.

    - Sau một Chuyển nữa, Ngũ hành hiệp với Thảo mộc mà nuôi Thú cầm. Trong Thú cầm, chơn hồn đã bước vào Cơ Tấn hóa, tạo nên Thỉ Tổ loài người là La Hầu, tức là người khỉ đó.

    La Hầu lần lần sanh hóa và nhờ điểm Linh quang của Chí Tôn mà lần đến loài người như hiện giờ, đó là Nhơn hồn."

    "Nhơn hồn nào được trọn Trung, ấy đã vào Thần vị.

    Biết được nghĩa chánh, bồi bổ đạo Nhơn luân, tức là Thánh vị. Đến Thánh hồn thì tự nhiên phải thông suốt phần Thế Đạo đó vậy. Trong phần Thế Đạo mà tạo được Bí pháp đặng bước qua mặt Thể pháp Thiên Đạo, tức là Tiên vị.

    Đã lập được Thể pháp Thiên Đạo mà tầm nên Bí pháp Thiên Đạo, tức là đắc pháp, ấy là Phật vị."

    Như vậy, theo lời dạy của Đức Cao Thượng Phẩm, La Hầu tiến hóa lên phẩm người thành Thỉ Tổ loài người.

    Điều nầy rất phù hợp với sự khám phá của các nhà khoa học và khảo cổ với chứng tích là các bộ xương hóa thạch của vượn-người (có hình dáng hao hao giống người), rồi người-vượn (có hình dáng còn hao hao giống vượn), và tiến hóa thành người nguyên thỉ.

    Nhiều người phủ nhận nguồn gốc con người là sự tiến hóa từ La Hầu, cho rằng như vậy là hạ thấp phẩm giá của con người, nhưng đây là sự thật đúng theo luật Tiến hóa của Càn Khôn, đúng theo Luật Tiến Hóa của Bát Hồn. Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật giáo, có thuật lại cho biết rằng Ngài có những tiền kiếp là Thú cầm như: Voi, thỏ, nhạn, rắn, nai, quạ, sư tử, khổng tước, rùa, rận, ngựa, cá ông, nhĩ hầu, v.v...

    c) Con người từ đâu tới? Ba hạng người:

    Nhơn loại được chia làm 3 hạng người, căn cứ theo nguồn gốc: Đó là Hóa nhơn, Nguyên nhơn, Quỉ nhơn.

    1. Hoá nhơn: Hóa nhơn là những người do sự tiến hóa đi lên từ loài Thú cầm. Đa số trong nhơn loại đều là Hóa nhơn. Tuy Hóa nhơn có đủ Tam Hồn, nhưng ý thức còn rất ngu khờ, lại mới thoát thai từ loài Cầm thú, nên tánh tình còn hung dữ thô lỗ, hình dáng còn thô kệch xấu xí, chưa đủ khôn ngoan và kinh nghiệm để xây dựng một đời sống tiện nghi tốt đẹp.

    Đó là loài người nguyên thủy, còn trong tình trạng ăn lông ở lỗ. Thời gian nầy kéo dài khá lâu.

    Thượng Đế thấy vậy mới cho các Nguyên nhơn khôn ngoan và tốt đẹp giáng trần để khai hóa các Hóa nhơn.

    2. Nguyên nhơn: Chơn linh của các Nguyên nhơn được Thượng Đế sanh ra từ lúc Khai Thiên. Thượng Đế cho các Nguyên nhơn đầu kiếp xuống trần, nhập vào bào thai của các Nữ Hóa nhơn, sanh ra làm người, gọi là Nguyên nhơn.

    Các Nguyên nhơn lớn lên có hình dáng tốt đẹp, giữ được Thiên tánh, chưa nhiễm trược trần, trí não thông minh sáng suốt, đứng ra lãnh đạo và giáo hóa các Hóa nhơn cho được hiểu biết, tiến bộ, thoát khỏi đời sống dã man, ăn lông ở lỗ, xây dựng một xã hội trật tự tiến bộ.

    Theo sử sách xưa để lại, chúng ta biết:

    ■ Hữu Sào dạy dân kết cây làm tổ để ở, tránh nguy hiểm do thú dữ gây ra.

    ■ Toại Nhân dạy dân khoan cây lấy lửa, dùng lửa nấu chín thức ăn.

    ■ Phục Hy dạy dân nuôi thú vật để sai khiến làm lụng, chế ra lưới để bắt cá bắt chim, chế đàn cầm đàn sắt để dạy dân lễ nghĩa, qui định phép gả cưới để tạo thành gia tộc, chế ra Bát Quái để chỉ cái lẽ Âm Dương biến hóa của Trời Đất cho dân biết thuận tùng Thiên lý.

    ■ Thần Nông dạy dân cày bừa, phát triển nghề nông, gieo trồng Ngũ cốc, tổ chức họp chợ để dân hội họp trao đổi hàng hóa, chế ra lịch để dân biết năm tháng mà gieo cấy, nếm thử các thứ cây cỏ để chế thuốc trị bệnh cho dân.

    ■ Huỳnh Đế (Hoàng Đế) chế ra xe thuyền để đi lại và vận chuyển hàng hóa, chế ra áo mão để phân định tôn ti trật tự, chế ra văn tự để ghi chép.

    Những vị vừa kể trên chỉ là những điển hình của các Nguyên nhơn có công lao giáo hóa dân chúng, đem lại nhiều lợi ích cho nhơn sanh, nên được nhơn sanh tôn lên làm vua.

    Theo Thánh giáo thì có tất cả 100 ức Nguyên nhơn giáng trần ở khắp nơi, trong đủ các sắc dân nơi cõi trần . Đã có 8 ức Nguyên nhơn làm xong nhiệm vụ, giữ được bổn tánh thiên lương, nên đã trở về cùng Đức Chí Tôn, còn lại 92 ức Nguyên nhơn bị nhiễm nhiều thứ ô trược nên vẫn còn trầm luân nơi cõi trần. (1 ức = 100 ngàn; 92 ức = 9 triệu 200 ngàn)

    3. Quỉ nhơn: Những Hóa nhơn và những Nguyên nhơn ác hành, vi phạm Thiên điều, linh hồn bị đọa vào Quỉ vị, thành ra các Quỉ hồn. Các Quỉ hồn đầu kiếp lên làm người nơi cõi trần để trả quả, được gọi là Quỉ nhơn.

    Vậy, nhơn loại trên Địa cầu nầy đến với 2 nguồn gốc:

    ■ Một là từ Thú cầm tiến hóa lên phẩm Người, gọi là Hóa nhơn, đó là người nguyên thủy, Thủy tổ của loài người.

    ■ Hai là từ cõi Trời, được Thượng Đế cho giáng sanh xuống làm người nơi cõi trần, gọi là Nguyên nhơn.

    Phần lớn trong nhơn loại đều là Hóa nhơn. Số Nguyên nhơn hiện nay còn lại nơi cõi trần là 92 ức tức là 9.200.000 người. Số Quỉ nhơn trong nhơn loại cũng khá nhiều, vì đây là thời Mạt Kiếp sắp chấm dứt để bước vào Đại Hội Long Hoa, nên Đức Chí Tôn cho tất cả các Quỉ hồn đầu kiếp để thực hiện sự trả quả gấp rút và rốt ráo.

    2 Con người có linh hồn không? Ba Thể của con người:

    "Cái tình cảm hóa của con người là tình thường ứng hiệp với Trời Đất, cho nên khi tâm tịnh thường cảm hoài, hằng tìm nơi u huyền mà nghĩ nghị trong trí khôn, ấy là kẻ có sẵn tình ý thiên nhiên tạo hóa.

    Còn một hạng người cũng có tánh thiêng liêng ấy, nhưng không để trí thông minh vào lối cao thượng, mà cứ quen thói hung hăng, nghĩ những việc bạo tàn, làm những điều tội lỗi, ấy là những kẻ nghịch Thiên, không biết luân hồi chi cả. Chúng nó lại tưởng rằng, kiếp người là kiếp sống chỉ có giây giờ rồi tiêu mất, nên tìm những chước sâu kế độc cho được của nhiều, no lòng sướng dạ, trối kệ luân hồi.

    Thầy hỏi: Vậy chớ cái trí khôn của con người biết thương ghét, vui buồn, mà toàn trong nhơn loại đều có, khi rốt cuộc thì trí khôn ấy đi đâu? Không lẽ cái trí khôn ngoan dường ấy mà cũng mất đi đặng sao các con?

    Thầy hỏi như vậy đặng cho các con mỗi đứa về suy nghĩ mà trả lời cho mình. Hễ trả lời phù hạp thì dễ biết Đạo, còn ngu xuẩn thì cũng huờn ngu xuẩn." (TNHT. I.101)

    Con người khi mới được sanh ra, hài nhi biết tìm vú mẹ để bảo tồn sự sống, khi đau biết khóc, khi đói biết la, khi khát biết uống; lớn lên một chút thì khi vui biết cười, khi giận biết la hét. Cái hiểu biết tự nhiên đó, không ai dạy mà biết, là do linh hồn của đứa bé mà Thượng Đế đã ban cho. Nếu phủ nhận linh hồn thì cái hiểu biết tự nhiên đó do đâu mà có?

    Khi lớn lên hơn nữa, đứa trẻ nhờ sự thông minh sáng suốt mà biết được lẽ phải quấy, lẽ thiện ác; khi làm điều thiện thì nó vui vẻ, khi làm điều ác thì nó bị lương tâm cắn rứt. Cái lương tâm ấy do đâu mà có? Nó chính là sự thể hiện của linh hồn đứa trẻ, và cái sự thông minh sáng suốt ấy cũng là do linh hồn của nó mà ra.

    Khi đứa trẻ vào trường, học những điều khôn ngoan của người xưa truyền lại, nhờ có trí nhớ, nó thu thập được các điều đó để trở nên khôn ngoan hiểu biết thêm, trí não mở mang. Cái hiểu biết do học tập mà có là của trí não, thuộc về Chơn thần, một thể trung gian giữa Thể xác và Linh hồn.

    Mặt khác, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy bằng cách dùng huyền diệu cơ bút để thông công giữa Ngài và nhơn loại ở thế giới hữu hình. Ngài muốn cho nhơn loại thấy rằng, ngoài thế giới vật chất hữu hình, còn có một thế giới siêu tuyệt hơn, thuộc về vô hình của các Đấng Thần Thánh Tiên Phật.

    Hiện tượng Thông Linh học đã được nhơn loại khám phá từ giữa thế kỷ 19 với việc xây bàn nói chuyện với các vong linh người chết của Văn hào Victor Hugo tại đảo Jersey của Anh.

    Ở Việt Nam, trong giới bình dân, người ta biết dùng một mảnh ván hòm nhỏ để xây cơ ma, nói chuyện với các vong linh người đã chết. Việc làm nầy rất dễ dàng, nếu ai còn nghi ngờ không có Linh hồn, đều có thể thử nghiệm được.

    Nhưng một số người vẫn ngoan cố nói rằng Linh hồn ở đâu mà họ không thấy?

    Vậy, chúng ta cũng hỏi rằng: Chúng ta có thấy được nguyên tử không? Có thấy được con vi khuẩn không? Chắc là chưa ai thấy được, nhưng chúng ta tin chắc rằng có nguyên tử, có vi khuẩn, bởi vì các nhà bác học đã nghiên cứu tìm ra được nó, với những hệ quả rõ rệt của nó và công bố lên cho mọi người đều biết.

    Tương tự như thế, vấn đề Linh hồn cũng không ai thấy được, nhưng các nhà khoa học về Thông Linh đã nghiên cứu phát hiện ra với các hệ quả rõ rệt, và các nhà tu luyện có huệ nhãn cũng đã nhận biết được, nên công bố lên cho mọi người đều biết, thì đương nhiên chúng ta phải tin đó là sự thật.

    Trong Giáo lý của Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dạy chúng ta biết rằng, con người có 3 Thể:

    · Thể xác, thuộc về vật chất hữu hình.

    · Linh hồn, thuộc về vô vi vô hình.

    · Chơn thần, thuộc về bán hữu hình, làm trung gian cho Linh hồn và Thể xác.

    1. Thể xác: Đệ nhứt Xác thân, Xác thân phàm.

    Thể xác con người được gọi là Đệ nhứt Xác thân, hay Xác thân phàm, do tinh huyết của cha mẹ phàm trần tạo nên, lớn lên và được nuôi dưỡng bằng thực phẩm vật chất. Đến khi già nua, tế bào không còn hoạt động được nữa thì chết, thể xác thúi rã biến thành vật chất trở lại.

    Như thế, Thể xác phàm không bền, chỉ sống được một thời gian rồi chết, nên gọi nó là Giả thân, Xác thân giả tạm.

    Phật giáo cho rằng, xác thân phàm do Tứ đại giả hiệp, nên nó là huyễn, chỉ tồn tại một thời gian rồi phải rã tan để trở về cát bụi.

    2. Chơn thần: Đệ nhị Xác thân, Xác thân thiêng liêng

    "Chơn thần là gì? Là Nhị Xác thân (Périsprit), là Xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm níu kéo.

    Cái Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật, là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu, khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy." (TNHT. I. 6)

    "Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân: Một phàm gọi là Corporel, còn một thiêng liêng gọi là Spirituel, mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra, nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng....

    Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập." (TNHT. I. 29)

    "Thầy nói: Cái Chơn thần là Nhị xác thân các con, là khí chất (Sperme évaporé), nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tim của nó là óc, nơi xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi Hộ." (TNHT. I. 85)

    "Nơi Ao Diêu Trì có một đài phát hiện Âm quang, đài ấy thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi đem Dương quang hiệp với Âm quang mà tạo nên Chơn thần cho vạn linh trong CKVT." (Bát Nương giáng cơ trong Luật Tam Thể).

    Cái Chơn thần của mỗi người có được là do Đức Phật Mẫu lấy hai nguyên khí Âm quang và Dương quang kết hợp tạo thành. Còn lằn Sanh quang của Thái Cực là Điểm Linh quang do Đức Chí Tôn chiết ra ban cho.

    Đức Phật Mẫu thâu Điểm Linh quang nầy làm Linh hồn, rồi tạo ra một Chơn thần tức là Xác thân thiêng liêng bao bọc Linh hồn, tạo thành một con người nơi cõi thiêng liêng.

    Khi một người nơi cõi thiêng liêng được phép đầu kiếp xuống cõi trần thì Chơn thần và Linh hồn đi xuống nhập vào hình hài đứa bé vừa lọt khỏi lòng mẹ, làm cho đứa bé giựt mình phát ra tiếng khóc chào đời. Chơn thần sẽ làm khuôn viên cho thể xác đứa bé lớn lên, còn Linh hồn tạo ra sự hiểu biết và bảo tồn sự sống cho đứa bé.

    Do đó, hình ảnh của thể xác đứa bé là hình ảnh của Chơn thần đứa bé, từ khi ấu thơ đến khi trưởng thành hay đến lúc già.

    Khi Thể xác chết đi thì Chơn thần và Linh hồn xuất ra khỏi Thể xác, bay trở về cõi thiêng liêng. Chơn thần mang lấy hình ảnh của Thể xác như khuôn in rập.

    Cái Chơn thần của người chết có khi hiện hình cho người sống thấy được, thường gọi đó là Ma hay Hồn Ma, khi thì biến mất, nên Chơn thần thuộc về bán hữu hình, nghĩa là có thể thấy được và có thể không thấy được.

    Chơn thần được Đức Phật Mẫu tạo ra bằng hai nguyên khí Âm quang và Dương quang, nên Chơn thần có thể đi xuyên qua vật chất, không có gì cản trở được nó. Ánh sáng còn có thể bị vật chất cản trở, nhưng Chơn thần thì giống như từ trường, đi xuyên suốt qua vật chất dễ dàng.

    Đối với người sống, Chơn thần ẩn trong Thể xác phàm, trung tâm của nó là óc, là não bộ, và cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, tức là Nê Huờn Cung.

    Chơn thần liên hệ với Thể xác qua 7 dòng từ điện. Chơn thần ra lịnh điều khiển thể xác qua 7 dòng từ điện nầy, thể xác đòi hỏi Chơn thần làm cho nó thỏa mãn cũng qua 7 dòng từ điện nầy, do đó mà tạo ra nhiều mối oan nghiệt, nên 7 dòng điện từ nầy được gọi là 7 Dây Oan Nghiệt.

    Đức Chí Tôn ban cho Phép Đoạn Căn là để cắt đứt 7 Dây Oan nghiệt nầy của người chết, để cho Thể xác không còn kéo níu Chơn thần thì Chơn thần mới có thể bứt ra, lìa khỏi Thể xác mà trở về cõi thiêng liêng.

    3. Chơn linh: Linh hồn, Điểm Linh quang.

    "Thầy đã nói ra, nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một Chơn linh gìn giữ cái Chơn mạng sanh tồn.

    Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng: Đấng Chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giaothông cùng cả chư Thần Thánh Tiên Phật và các Đấng Trọn Lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán xét. Bởi vậy, một mảy không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, cái Chơn linh ấy có tánh Thánh nơi mình, đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi lộn Lương tâm là đó." (TNHT. II.66)

    "Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhơn cách thì rất uổng cái Điểm Linh quang của Thầy để vào Xác thân của các con lắm. Các con nghe à!" (TNHT. I. 102)

    Chơn linh, tức là Linh hồn, là Điểm Linh quang của Đức Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài để ban cho mỗi người, có nhiệm vụ tạo nên sự sống, gìn giữ sự sống, tạo nên sự hiểu biết và tánh linh.

    Con người có đủ Tam Hồn: Sanh Hồn, Giác Hồn, Linh Hồn. Cái Linh Hồn ấy mới là quan trọng hơn cả, vì nhờ nó mà phân biệt con người với Thú cầm.

    Chơn linh hay Linh hồn, ngự trong Chơn thần, Chơn thần thì ở trong Xác phàm và rập khuôn theo Xác phàm.

    Đối với một người đang sống nơi cõi trần, Chơn linh ngự tại trái Tim, bởi vì trái Tim là nơi điều hành và ban phát sự sống cho toàn cơ thể. Do đó, Chơn linh được gọi là Lương tâm, Phật giáo gọi Chơn linh là Tâm, cũng do đó.

    Khi Chơn linh và Chơn thần xuất ra khỏi Thể xác thì Trái tim ngưng đập, Thể xác chết.

    Khi đó, Chơn thần và Chơn linh bay trở về cõi thiêng liêng, trở thành một người nơi cõi thiêng liêng.

    Vậy, một người nơi cõi thiêng liêng chỉ có 2 thể:

    · Một là Chơn thần, tức là Xác thân thiêng liêng.

    · Hai là Chơn linh, ngự trong Chơn thần để điều khiển Chơn thần.

    Còn đối với một người sống nơi cõi phàm trần thì có 3 thể, ngoài 2 thể trên, còn một thể nữa là: Xác thân phàm.

    Vậy một người sống nơi cõi trần có 3 thể:

    · Thể xác phàm, Đệ nhứt xác thân, do cha mẹ phàm trần sanh ra, được nuôi dưỡng bằng thực phẩm vật chất.

    · Chơn thần, Đệ nhị xác thân, Xác thân thiêng liêng do Đức Phật Mẫu tạo nên. Do đó, Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu, là Mẹ Chơn thần của toàn nhơn loại.

    · Chơn linh, Linh hồn, Điểm Linh quang, do Đức Chí Tôn ban cho để tạo sự sống, sự khôn ngoan hiểu biết. Do đó, Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ, là Cha Chơn linh của nhơn loại.

    Chơn linh ngự trị trong Chơn thần, Chơn thần ẩn trong Thể xác và làm khuôn cho Thể xác.

    Chơn linh điều khiển Chơn thần, Chơn thần điều khiển Thể xác qua 7 dòng điện từ gọi là 7 Dây Oan nghiệt. Thể xác thường hay đòi hỏi Chơn thần làm cho nó thỏa mãn, và xúi giục Chơn thần đi vào đường vật chất, cũng do theo 7 Dây Oan nghiệt nầy.

    Chơn linh thường ngăn chận Chơn thần không nên chiều theo các đòi hỏi của Thể xác, phải kềm chế và điều khiển Thể xác; nhưng nếu Chơn linh yếu đuối không đủ sức kềm chế Chơn thần, để Chơn thần nghe theo Thể xác, lúc đó, con người đi vào đường vật dục tội lỗi. Khi Thể xác chết, Chơn linh và Chơn thần sẽ bị đày đọa theo Luật Nhân Quả.

    3. Con người khi chết đi về đâu?

    Như phần 2 vừa trình bày, con người chết không phải là hết, chỉ có Thể xác chết, còn Linh hồn và Chơn thần thì bất tiêu bất diệt, xuất ra khỏi Thể xác và trở về cõi thiêng liêng, vì nơi đây là cõi chơn thật của Linh hồn.

    Để giải đáp vấn đề: Con người khi chết đi về đâu? Chúng ta phân ra làm 3 trường hợp với 3 nhóm người:

    · Người không có tín ngưỡng tôn giáo.

    · Người tín đồ Cao Đài giữ đúng lời Minh Thệ và Luật Đạo.

    · Người tín đồ của các tôn giáo khác.

    1. Đối với người không tín ngưỡng:

    Trong TNHT, Đức Chí Tôn dạy như sau:

    TNHT.I. 74-75: "Các con đã sanh tại thế nầy, ở tại thế nầy, chịu khổ não tại thế nầy, rồi chết cũng tại thế nầy. Thầy hỏi: Các con chết rồi, các con ra thế nào? Các con đi đâu? Chẳng một đứa nào hiểu đặng cơ mầu nhiệm ấy.

    Thầy dạy: Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong Vật chất mà ra Thảo mộc, từ Thảo mộc đến Thú cầm, loài người, phải chịu chuyển kiếp ngàn ngàn năm, muôn muôn lần mới đến địa vị Nhơn phẩm.

    Nhơn phẩm nơi thế nầy lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Đứng bực Đế Vương nơi trái Địa cầu nầy, chưa đặng vào hạng chót của Địa cầu 67. Trong Địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ nhứt cầu, Tam thiên Thế giới thì mới đến Tứ Đại Bộ Châu, qua Tứ Đại Bộ Châu mới vào đặng Tam thập lục Thiên; vào Tam thập lục Thiên rồi phải chuyển kiếp tu hành nữa, mới đặng đến Bạch Ngọc Kinh, là nơi đạo Phật gọi là Niết Bàn đó vậy.

    Các con coi đó thì đủ hiểu, các phẩm trật của các con nó nhiều là dường nào, song ấy là phẩm trật Thiên vị....

    Vậy Thầy lại dặn các con: Nếu kẻ không tu, làm đủ bổn phận người, công bình chánh trực, khi hồn xuất ra khỏi xác thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà luân hồi lại nữa, thì biết chừng nào đặng hội hiệp cùng Thầy.

    Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng. Mà hại thay! Mắt Thầy chưa đặng hữu hạnh hoan lạc thấy đặng kẻ ấy. Vậy Thầy dặn: Đạo là nơi các con nên quí trọng đó vậy."

    Những người không có tín ngưỡng tôn giáo, khi chết đi, Linh hồn và Chơn thần chưa thể xuất ra khỏi Thể xác được vì bị 7 Dây Oan nghiệt ràng buộc níu kéo, phải chờ đợi một thời gian cho thể xác tan rã, Chơn thần mới bứt rời các sợi Dây Oan nghiệt, để cùng Linh hồn bay lên cõi Trung giới. Tại đây có Minh Cảnh Đài hay Đài Chiếu Giám để cho Linh hồn và Chơn thần nhìn vào tấm kiếng, xem lại tất cả các hành vi và lời nói của mình trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, để định rõ ràng tội và phước, có cây Cân Công bình thiêng liêng và các Đấng cân phân tội phước cho mỗi Linh hồn.

    Nếu phước nhiều tội ít thì được chuyển kiếp lần lượt theo các nấc thang tiến hóa mà Đấng Thượng Đế đã dạy trong bài Thánh ngôn nêu trên, tức là tiến hóa theo Thất thập nhị Địa, lên Tam thiên Thế giới, rồi Tam thập lục Thiên, v.v....

    Nếu phước ít tội nhiều thì Chơn thần và Linh hồn được đưa đến cõi Âm Quang để tịnh tâm xét mình, thấy được các tội lỗi mà mình đã làm để ăn năn sám hối.

    Cõi Âm Quang là cõi mới được lập ra trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để thay thế cõi Địa ngục, bởi vì cõi Địa ngục trước đây là nơi giam giữ và hành phạt các tội hồn, nay Đức Chí Tôn thể lòng từ bi ra lịnh đóng Địa ngục, ân xá các tội hồn, không cho hành phạt các tội hồn nữa, mà được đưa đến cõi Âm Quang để học đạo. Nơi đây, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các Nam tội hồn, và Thất Nương Diêu Trì Cung giáo hóa các Nữ tội hồn. (Xem phần sau: Cõi Âm Quang).

    2. Đối với các tín đồ Cao Đài:

    Đối với các tín đồ Cao Đài giữ tròn lời Minh Thệ, gìn giữ Luật Đạo, ăn chay được 10 ngày mỗi tháng, sau khi chết, Linh hồn và Chơn thần được hưởng ơn huệ của Đức Chí Tôn trong Đại Ân Xá kỳ ba nầy.

    Linh hồn và Chơn thần hưởng được các Phép Bí tích: Phép xác, và Phép Đoạn căn cắt đứt 7 Dây Oan nghiệt. Do đó, Chơn thần và Linh hồn xuất ra khỏi Thể xác dễ dàng, được hướng dẫn đi vào Cửu Trùng Thiên, từ từng Trời thứ nhứt lên đến từng Trời thứ 9, do Cửu vị Tiên Nương DTC hướng dẫn đưa đi, đúng y theo 9 bài kinh Tuần Cửu. Ở mỗi từng Trời đều có các Đấng thiêng liêng đón tiếp, giảng giải Đạo lý.

    Khi đến từng Trời thứ 9 là Tạo Hóa Thiên thì được vào Diêu Trì Cung bái kiến Bà MẸ thiêng liêng, Đức Phật Mẫu.

    Đến Tiểu Tường thì Chơn thần và Linh hồn được đưa lên từng Trời thứ 10 là Hư Vô Thiên, vào Ngọc Hư Cung bái kiến Đức Chí Tôn, rồi đến Tòa Tam Giáo thiêng liêng để cây Cân Công bình thiêng liêng cân tội phước. Nếu phước đức nhiều thì được Đức Chí Tôn ban cho phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật tương xứng, nếu tội nhiều thì cầu xin Đức Chí Tôn cứu vớt để ở lại cõi thiêng liêng tu luyện thêm, hoặc cho tái kiếp xuống trần để trả cho xong nghiệp quả.

    TNHT.II.92: "Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi."

    Những tín đồ Cao Đài thất thệ, không giữ tròn luật Đạo, hoặc những tín đồ của các tôn giáo khác mà không giữ tròn giới luật tu hành, thì cũng được đưa đến cõi Âm Quang để học đạo, tịnh tâm xét mình. Khi đã biết ăn năn sám hối, các Đấng sẽ cho đầu kiếp trở lại cõi trần để trả quả và cũng để lo tu hành, lập công bồi đức mà trừ bớt tội lỗi.

    3. Đối với tín đồ các tôn giáo khác:

    Đối với các tín đồ của các tôn giáo khác thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ, con đường tiến hóa do các vị Giáo chủ thời đó đặt ra nay đã bị bế lại, vì đã chuyển qua thời Tam Kỳ Phổ Độ.

    Đối với các tín đồ nầy, họ sẽ đi theo con đường tiến hóa qua Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới. Công đức tu hành của họ đạt được mức nào thì họ sẽ được đưa thẳng lên đẳng cấp tiến hóa tương xứng. Vì họ có công tu luyện nên họ được vượt cấp tiến hóa, chớ không phải đi từ từ lên từng cấp bực như những người không tín ngưỡng tu hành.

    Tóm lại, dù Linh hồn đi theo con đường tiến hóa nào, qua Cửu Trùng Thiên hay qua Thất thập nhị Địa, điểm cốt yếu vẫn là công đức lập được trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, chính cái công đức nầy mới định đoạt phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật cho Linh hồn. Các Linh hồn tội lỗi chất chồng, dù đi trên đường tiến hóa nào, dù có được cầu siêu bao nhiêu lần đi nữa, dù có được làm đám tang lớn lao, ngôi mộ xinh đẹp to lớn bao nhiêu đi nữa, rốt cuộc cũng phải đến cõi Âm Quang mà thôi.

    Chỉ có việc tu hành, trau tâm sửa tánh, lập đức bồi công, thì mới có thể vượt đẳng cấp tiến hóa, sớm trở về cùng Đức Chí Tôn. Đặc biệt trong thời Đại Ân Xá kỳ ba nầy, Đức Chí Tôn cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Đức Chí Tôn đặng.

    4. Đầu thai và Chuyển kiếp:

    1. Sự giáng trần của các Nguyên nhơn:

    Một điểm nguyên hồn do Đức Chí Tôn chiết ra từ khối Đại hồn của Ngài, chưa phải là một Nguyên nhơn, vì chưa có xác thân thiêng liêng (chơn thần). Điểm nguyên hồn nầy phải được Đức Phật Mẫu thâu nhận làm Linh hồn, rồi Phật Mẫu dùng hai nguyên khí Âm quang và Dương quang tạo ra cho nó một xác thân thiêng liêng bao bọc Linh hồn thì mới trở thành một Nguyên nhơn nơi cõi thiêng liêng.

    Như thế, một Nguyên nhơn nơi cõi thiêng liêng có 2 thể: Linh hồn (nguyên hồn) và Chơn thần (xác thân thiêng liêng).

    Khi Nguyên nhơn được lịnh giáng sanh xuống cõi trần, Nguyên nhơn được hướng dẫn đi xuống, qua các từng Trời thấp dần. Ở mỗi cõi, Nguyên nhơn dùng tinh khí của cõi đó làm một lớp bao bọc thêm bên ngoài Chơn thần để Chơn thần nặng hơn thì mới đi tiếp xuống các cõi thấp hơn được.

    Khi đến cõi trần, Nguyên nhơn sẽ đến với một bà mẹ đang mang thai và chờ đợi ở đó. Sự đến của Nguyên nhơn với bà mẹ theo luật hấp dẫn đồng khí tương cầu, nghĩa là bà mẹ đạo đức thì mới hấp dẫn được các Chơn thần đạo đức.

    Khi bà mẹ vừa sanh hài nhi lọt khỏi lòng mẹ, Linh hồn và Chơn thần của Nguyên nhơn liền nhập vào thể xác hài nhi, qua cái cửa là Nê Huờn Cung, làm cho hài nhi rung động mạnh, phát ra tiếng khóc và bắt đầu hít thở không khí. Chơn thần sẽ làm khuôn viên định hình hài cho đứa bé, và cùng lớn lên với hình hài ấy, còn Linh hồn thì tạo sự sống cho hài nhi, và những hiểu biết để hài nhi bảo tồn sự sống.

    2. Chuyển kiếp đầu thai:

    Một người nơi cõi trần, khi Thể xác chết thì Linh hồn và Chơn thần xuất ra, rời bỏ Thể xác, đi trở về cõi thiêng liêng, nơi đây, người ấy được xem xét tội phước và định phận.

    Nếu được cho chuyển kiếp đầu thai trở lại cõi trần thì diễn tiến như sau:

    Trước hết, các vị Phật nơi từng Trời Tạo Hóa Thiên như: Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, v.v... lãnh nhiệm vụ nơi Đức Phật Mẫu, dùng huyền diệu làm cho Chơn thần của người đó biến đổi tốt hay xấu đúng theo nghiệp lực và trình độ tiến hóa của Linh hồn. Nếu Linh hồn đã tiến hóa cao thì hình ảnh của Chơn thần tốt đẹp, nếu Linh hồn kém tiến hóa thì hình ảnh của Chơn thần thô kệch xấu xí.

    Chúng ta lưu ý rằng, Chơn linh hay Linh hồn chỉ là một Điểm Linh quang nên không thay đổi, còn Chơn thần thì có hình ảnh thay đổi tùy theo trình độ tiến hóa của Linh hồn.

    Linh hồn và Chơn thần mới được đưa xuống cõi trần, đến với một bà mẹ đang mang thai theo luật hấp dẫn đồng khí tương cầu. Khi hài nhi vừa được sanh ra khỏi lòng mẹ, Linh hồn và Chơn thần mới liền nhập vào thể xác hài nhi qua cái cửa Nê Huờn Cung, nơi mỏ ác, làm cho thể xác của hài nhi rung động, bật ra tiếng khóc, bắt đầu hít thở không khí, và cũng bắt đầu một kiếp sống mới nơi cõi trần . Kể từ đó, Thể xác, Chơn thần và Linh hồn đứa bé có đời sống độc lập đối với bà mẹ và lớn lên dưới sự điều khiển của Linh hồn.

    Trong Thuyết đạo, Đức Phạm Hộ Pháp giảng về Bí Pháp, có nói về sự tượng hình một hài nhi trong bụng mẹ:

    "Con dương trùng (tinh trùng) của cha nhập vô ôm khít với âm trùng (noãn châu) của mẹ, dương trùng của cha tạo biến hình hài xương cốt chúng ta, còn âm trùng của mẹ chúng ta biến ra máu thịt của chúng ta đó vậy. Hai con vi trùng ấy ôm khít lại với nhau thành tượng biến hình hài.

    Hai cái tinh trùng hiệp lại khác hẳn với cái hình tướng tinh trùng đơn sơ, khi nhập vào, hai con làm thành một.

    Buổi tượng hình chúng ta thì Chơn thần của chúng ta còn ở ngoài thân, ngoài cốt hài của chúng ta. Nó vơ vẩn hoặc là quanh theo bà mẹ, ở dựa bên, nhứt là bà mẹ đi nơi nào, nó đều theo nơi đó. Chơn thần theo người mẹ có chửa. Nếu người mẹ có đạo đức, dám chắc đi đâu chưa có sự gì rủi ro đến thiệt hại. Bởi cớ cho nên đứa con theo mãi, theo cho đến khi tượng hình chúng ta ra khỏi lòng bà mẹ, Chơn thần ấy mới nhập vô ảnh hài đó, làm khuôn viên cho ảnh hài đó."

    "Ngộ nghĩnh thay, nếu chúng ta ngó thấy tinh thần chúng ta đầy đủ đạo đức chừng nào thì Chơn thần ảnh hài càng ngày càng đẹp, càng tăng tiến."

    Một vấn đề đặt ra là khi đứa bé lớn lên, tại sao nó không nhớ được các việc trong tiền kiếp của nó?

    Việc ghi nhớ các việc đã qua trong kiếp sống là do nơi trí não thuộc về Chơn thần.

    Như đã trình bày ở trên, chư Phật nơi Tạo Hóa Thiên dùng huyền diệu biến đổi cái "Chơn thần cũ" thành cái "Chơn thần mới" theo đúng nghiệp lực của nó, rồi phủ lên đó một tấm màn bí mật che lấp hết các ký ức cũ. Các ký ức cũ vẫn còn đầy đủ, không bao giờ mất, rút vào trong bộ nhớ của Chơn thần, nhưng bị che kín bởi một màn bí mật, làm cho đứa bé không thể nhớ được tiền kiếp của nó. Chơn thần mới chỉ là biến tướng của Chơn thần cũ do phép huyền diệu của Đức Phật Mẫu để che giấu những sự việc trong tiền kiếp, đồng thời định ra hình ảnh mới cho thể xác trong kiếp sống mới cho thích hợp với trình độ tiến hóa của Linh hồn.

    Khi đứa bé trưởng thành, nếu biết cách công phu tu luyện thì có thể mở được tấm màn bí mật nói trên, sẽ biết rõ tiền kiếp của mình. Được như thế gọi là đạt được trí huệ, lúc đó thì trình độ đạo đức tiến hóa rất cao, tức nhiên đắc đạo tại thế.

    5. Địa vị của con người trong vũ trụ:

    Thượng Đế đã tạo ra con người với một hình ảnh tốt đẹp thiêng liêng. Cho nên, mỗi một con người nơi cõi trần nầy đều là một Tiểu Thượng Đế.

    Trời có gì thì con người có nấy. Trời là Đại Vũ trụ thì người là Tiểu Vũ trụ, Trời là Đại Thiên Địa thì người là Tiểu Thiên Địa, Trời là Đại Hồn thì người là Tiểu Hồn, Trời là Đại Linh quang thì người là Tiểu Linh quang. Cho nên, con người đứng vào hàng Tam Tài cùng với Trời Đất.

    Địa vị của con người rất quan trọng trong vũ trụ. Nếu vũ trụ không có con người thì vũ trụ không hoàn toàn, bởi vì vũ trụ là một đại hòa điệu của Thiên Địa Nhơn (Tam Tài), nếu thiếu một yếu tố thì sự hòa điệu không còn.

    Tam Tài là gốc của muôn vật. Trời sanh ra, Đất nuôi dưỡng, Người làm nên. Một Nhất Nguyên sinh thành là Trời, là Thượng Đế, nhưng Tam Tài đồng nhất thể. Như thế đủ thấy địa vị con người trong CKVT rất là trọng đại, rất là cao cả.

    "Khai Thiên Địa là Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy. Thầy đã nói, một Chơn thần mà biến ra CKTG và cả nhơn loại.

    Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.

    Các con là chư Phật, chư Phật là các con.

    Có Thầy rồi mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần Thánh Tiên Phật." (TNHT. I. 52)

    "Bởi vậy một Chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong CKTG. Nên chi, các con là Thầy, Thầy là các con." (TNHT. I. 31)

    Con người cần phải biết rõ địa vị quan trọng và cao cả của mình trong CKVT, để xây dựng một đời sống cao thượng, đạo đức, xứng đáng với phẩm vị mình, thuận tùng Thiên lý để được tiến hóa nhanh, sớm trở về hiệp nhập vào Thượng Đế.

    6. Quan niệm về Thượng Đế:

    (Yêu cầu xem chữ: Ngọc Hoàng Thượng Đế, vần Ng).

    1. Con người là một Tiểu Thượng Đế:

    Con người là một chiết linh của Thượng Đế, là một Tiểu Linh quang của khối Đại Linh quang. Như vậy, con người chính là một Tiểu Thượng Đế, hay nói nôm na, mỗi người chúng ta là một Ông Trời Con. Thượng Đế cho chúng ta xuống cõi trần nầy là để nương theo xác thân phàm mà học hỏi và tiến hóa. Nếu chúng ta tiến hóa nhanh, tức là thi đậu sớm thì sẽ trở về sớm; còn nếu chúng ta tiến hóa chậm, hoặc thoái hóa, tức là chúng ta thi rớt, phải học lại để thi lại, thì phải trở về chậm.

    Như thế, con người là một Linh tử trong CKVT, có một đời sống miên viễn bất tận, luôn luôn thay đổi để tiến hóa, tức là chuyển luân qua các cõi giới để học hỏi đủ các thứ bài học mà tiến hóa, và mức tiến hóa cuối cùng là trở thành Thượng Đế để hòa nhập vào Thượng Đế.

    2. Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu:

    Toàn cả chúng sanh đều là con cái của Chí Tôn và Phật Mẫu, nên gọi hai Đấng ấy là Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu.

    Đức Chí Tôn có triều chánh uy nghi, nên khi chầu lễ Đức Chí Tôn, chúng ta phải mặc phẩm phục áo mão như khi vào chốn triều đình.

    Còn đối với Đức Phật Mẫu là Bà Mẹ thiêng liêng, nên tất cả con cái, dù phẩm tước lớn nhỏ thế nào, cũng đều là con của Mẹ, nên chỉ đến với Mẹ với tư cách là một đứa con mà thôi. Do đó, khi vào chầu lễ Đức Phật Mẫu, tất cả Chức sắc Nam Nữ đều không mặc phẩm phục, chỉ mặc một cái áo dài trắng bình thường, vì ai cũng như ai đều là con của Phật Mẫu, và chúng ta thấy có một sự bình đẳng hoàn toàn.

    3. Sự bình đẳng giữa Nam và Nữ:

    Trong Đạo Cao Đài, sự bình đẳng giữa Nam và Nữ được thể hiện rất rõ rệt mà không có một nền tôn giáo nào từ trước tới nay có được.

    Đối với Cửu Trùng Đài và Cơ Quan Phước Thiện, hễ Nam phái có phẩm tước nào thì Nữ phái cũng có phẩm tước đó, quyền hạn ngang bằng nhau. Chức sắc Nữ phái chỉ điều hành tín đồ Nữ phái; Chức sắc Nam phái thì điều hành tín đồ Nam phái. Quyền hành Nam Nữ riêng biệt, không xen lấn nhau.

  • Nhơn sanh quan

    "Bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ. Nam biết thành Tiên Phật, chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói: Bạch Ngọc Kinh có cả Nam lẫn Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn Nam nhiều." (Lời Thánh Ngôn nầy trích trong Pháp Chánh Truyền)

    7. Thiên Đàng Địa Ngục - Cõi Âm Quang:

    ■ Thiên đàng hay Thiên đường là cõi Trời, cõi có đầy đủ các sự tốt đẹp và an lạc, hạnh phúc, nơi đó con người sống vui vẻ đời đời, không có sự chết, không có sự lo âu phiền não, nên cũng gọi cõi đó là cõi Thiêng liêng Hằng sống.

    Đây là cõi để cho các Linh hồn mà trong kiếp sống nơi cõi trần đã lập được nhiều công đức, trở về nơi đó để an nghỉ và vui hưởng.

    Cõi TLHS có rất nhiều từng lớp từ thấp lên cao, càng lên cao thì càng thanh nhẹ và tốt đẹp.

    Trong cõi TLHS, bên dưới là Cửu Trùng Thiên gồm 9 từng Trời dành cho Cửu phẩm Thần Tiên, tiếp lên trên là từng Trời thứ 10: Hư Vô Thiên, từng Trời thứ 11: Hội Nguơn Thiên, từng Trời thứ 12: Hỗn Nguơn Thiên. Ba từng Trời nầy gọi chung là cõi Phật hay cõi Niết Bàn. Nơi từng trời Hư Vô Thiên có CLTG mà thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Phật A-Di-Đà làm Giáo chủ. Lên cao hơn nữa, ta thấy Tam thập lục Thiên, tức là 36 từng Trời và cao nhất là Bạch Ngọc Kinh, nơi thường ngự của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. (Xem chi tiết: Vũ trụ quan)

    ■ Địa Ngục là nhà ngục ở dưới đất để giam giữ và trừng phạt các tội hồn. (Tội hồn là những Linh hồn của những người mà trong kiếp sanh nơi cõi trần đã phạm nhiều tội ác). Nơi cõi Địa ngục có những hình phạt rất ghê gớm, đọc trong Kinh Sám Hối thì rõ.

    Nhưng hễ có thưởng thì phải có phạt, luật công bình định vậy. Hễ có cõi Thiên đường thì phải có cõi Địa ngục. Thiên đường và Địa ngục là thể hiện sự thưởng phạt công bình trong Luật Nhân Quả.

    Có công đức thiện lành thì được thưởng bằng những phẩm vị cao trọng nơi cõi Thiên đường, còn tội lỗi gian ác thì bị phạt đày nơi cõi Địa ngục. Thiên đường và Địa ngục là hai đối trọng cần thiết trong cán cân công bình thiêng liêng của Đức Chí Tôn và cũng là những lực cần thiết để thúc đẩy sự Tiến hóa trong CKVT.

    Nhưng từ khi mở Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn đại khai Ân Xá, Đức Chí Tôn ra lịnh đóng cửa Địa ngục, không cho hành phạt các tội hồn, lại mở rộng cửa Trời để đón tiếp những người đầy đủ công đức đắc đạo trở về.

    Đối với các tội hồn thì Đức Chí Tôn lập ra cõi Âm Quang ở giữa Thiên đường và Địa ngục để đưa các tội hồn đến cõi Âm Quang học đạo, định tâm tịnh trí xét mình, nhìn lại những hành động sai trái lỗi lầm của mình trong lúc sống nơi cõi trần mà ăn năn sám hối.

    Nơi cõi Âm Quang có các Đấng Phật Tiên đến đây để giáo hóa, an ủi các tội hồn, giảng giải cho biết rõ hai đường thiện ác, chánh tà. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát lãnh phần giáo hóa các Nam tội hồn, và Thất Nương Diêu Trì Cung lãnh phần giáo hóa các Nữ tội hồn. Ở cõi Âm Quang chỉ có giáo hóa chớ không có trừng phạt, khác hẳn cõi Địa ngục trước đây, vì hưởng được Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn.

    Thất Nương DTC giảng giải về cõi Âm Quang như sau:

    "Em nên nói rõ Âm Quang là gì trước đã, rồi thì mấy chị mới hiểu đặng. (Em là tiếng tự xưng của Thất Nương).

    Âm Quang là nơi Thần Linh Học gọi là Trường đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Đại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là Tịnh Tâm Xá, nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm xét mình coi trong kiếp sanh có bao nhiêu phước tội. Vậy nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm Quang.

    Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình, mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.

    Ôi! Tuy vân, hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy. Đó là mấy đạo hữu tín đồ bị thất thệ. Em trông thấy bắt đau lòng, phái Nữ lại là phần đông hơn hết." (TNHT. II. 91-92)

    "Nơi Diêu Trì Cung còn có cõi Âm Quang riêng biệt gọi là Phong Đô, đặng giáo hóa các chơn hồn đã bị lạc nẻo trên đường trần." (Bát Nương giáng cơ trong Luật Tam Thể)

    "Thưa cùng mấy chị, Em xin nhắc nhở điều nầy:

    Ngày Hội Ngọc Hư đặng lo tiếp pháp của Tây Phương Cực Lạc, Em đã đặng nghe thấy những lời của Địa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng: Ngài là Phật, nên khó gần gũi các hồn Nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ, nơi Âm Quang, Nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn Nam phái bội phần. Em lại nghe Người ước rằng: Chớ chi có một Đấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong linh của Phong Đô thoát kiếp.

    Em mới để dạ lo lường, cả lòng lân ái đến đó. Em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm Quang hãm tội." (TNHT) (Em: Thất Nương xưng Em khi nói với Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm)

    Nói tóm lại, khi Đức Chí Tôn Thượng Đế khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1926) thì Đức Chí Tôn đại khai Ân Xá, cho đóng cửa Địa ngục, giải phóng hết các tội hồn nơi đó, cho đi đầu kiếp nơi cõi trần để trả quả, đồng thời Đức Chí Tôn cho mở riêng một cõi giữa Thiên đường và Địa ngục, gọi là cõi Âm Quang, thuộc DTC để cho các Linh hồn tội lỗi đến đó định tâm định trí, xét nét lỗi lầm của mình, mà ăn năn sám hối, cầu xin Đức Chí Tôn độ rỗi. Nơi đây chỉ có giáo hóa chớ không có hình phạt, để các chơn hồn giác ngộ, thấy rõ chánh tà, thiện ác.

    Nơi cõi Âm Quang có Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các Nam tội hồn, và Thất Nương DTC giáo hóa các Nữ tội hồn. Các chơn hồn nào biết ăn năn sám hối tội tình, biết được lẽ thiện ác, chánh tà thì được cho đi đầu kiếp để trả cho xong nghiệp quả và lo tu hành để lập công trừ tội.

    8. Quan niệm đúng đắn về cuộc sống:

    Một con người nơi cõi thiêng liêng có một Điểm Linh quang gọi là Chơn linh hay Linh hồn do Đức Chí Tôn ban cho và một Xác thân thiêng liêng gọi là Chơn thần, do Đức Phật Mẫu tạo thành.

    Do đó, nguồn gốc căn bản của con người là ở nơi cõi thiêng liêng, và cõi thiêng liêng nầy mới chính là cõi sống chơn thật của con người.

    Khi con người được phép đầu thai xuống cõi trần thì có thêm một xác thân phàm do cha mẹ phàm trần tạo ra để có một đời sống nơi cõi phàm trần.

    Như vậy, cuộc sống toàn thể của một con người trong CKVT gồm có hai giai đoạn nối tiếp, luân phiên nhau mãi với nhau cho đến bất tận:

    - Thời gian đầu, con người sống nơi cõi thiêng liêng được an nhàn tự tại, tiêu diêu cực lạc. Nhưng vì nhu cầu học hỏi và tiến hóa, người đó làm một chuyến du học xuống cõi phàm trần.

    - Người đó sẽ được cha mẹ phàm trần tạo ra một xác thân phàm để được sống nơi cõi phàm trần mà học hỏi, làm việc, chứng nghiệm, tiến hóa.

    Nơi cõi phàm trần, các nền tôn giáo là những trường Đại học đạo đức, cõi đời là Trường thi công quả, sự giải khổ và thoát khổ là đề tài luận án của Phật Tiên.

    Khi xác phàm đã già nua, không hoạt động tốt được nữa, đến lúc sắp hư hoại thì người đó (Chơn thần và Linh hồn) rời bỏ xác phàm, trở về cõi thiêng liêng là nơi quê cũ, chấm dứt một chuyến đi du học xa đầy hấp dẫn.

    - Linh hồn và Chơn thần trở về, đến trình diện với hai Đấng CHA MẸ thiêng liêng, để báo cáo thành quả đạt được trong chuyến du học, trình ra những cấp bằng đạt được. Đức Chí Tôn sẽ khen thưởng bằng cách ban cho những phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật tương xứng.

    Còn nếu Linh hồn và Chơn thần thi rớt, không đạt được bằng cấp nào, lại còn mắc phải nhiều món nợ nơi cõi trần thì Linh hồn và Chơn thần được lưu lại cõi thiêng liêng một thời gian để quán xét, suy nghiệm những việc thất bại đã qua, rút kinh nghiệm, để rồi được trở xuống cõi trần thực hiện một chuyến du học nữa, học lại các bài học cũ để thi cho đậu, và lo trả cho xong các món nợ đã vay trong chuyến du học trước.

    Như vậy, đời sống của con người nơi cõi thiêng liêng mới thật là đời sống chánh thức, thiệt thọ và vĩnh viễn, còn đời sống nơi cõi trần chỉ là một giai đoạn ngắn (để du học hay để công tác) trong toàn thể một cuộc sống bất tận của con người.

    Đó mới thật là một quan niệm đúng đắn duy nhứt về cuộc sống của con người trong CKVT, vì nó đứng trên cái nhìn toàn diện, sinh động và rốt ráo.

    · Đời sống nơi cõi thiêng liêng là để nghỉ ngơi, an hưởng, hay để suy nghĩ, và sắp đặt kế hoạch cho một chuyến công tác hay du học mới sắp tới.

    · Đời sống nơi cõi phàm trần là để học hỏi, làm việc, kinh nghiệm, thử thách và tiến hóa.

    Tại sao con người cần phải xuống cõi phàm trần nầy để học hỏi và tiến hóa? Không thể ở cõi thiêng liêng học hỏi và tiến hóa được sao?

    Bởi vì nơi cõi phàm trần nầy có đủ các bài học từ trược đến thanh, từ ác đến thiện, từ tà mị gian dối đến chánh trực chơn thật, con người sẽ được học đầy đủ và chiêm nghiệm. Vả lại, nơi cõi trần, khí ô trược có đến 2 phần, còn khí thanh khiết chỉ có 1 phần, nên xu hướng vật chất mạnh gấp đôi xu hướng tinh thần, mà nếu con người biết đè nén lòng vật dục để lo phụng sự nhơn sanh thì sẽ đoạt được công quả rất lớn, nhứt định sẽ được tiến hóa vượt bực mau chóng.

    Do đó, đời sống của con người nơi cõi phàm trần có 4 mục đích chánh yếu sau đây:

    1. Học hỏi: Học sao cho thông hiểu tất cả những gì mà Đức Chí Tôn đã bày ra nơi cõi trần để làm nấc thang tiến hóa cho các đẳng chơn hồn.

    2. Lập Công quả: Nhìn thấy các bạn đồng sanh đang sống lạc hướng, lặn ngụp trong sông mê bể khổ, chìm đắm trong danh lợi quyền, mãi miết đi trên đường vật dục, thì ta làm thế nào giúp cho các bạn ấy thức tỉnh và giác ngộ, hiểu biết như ta, để trở lại con đường chơn chánh, đi đúng mục tiêu tiến hóa. Ta phải đem hết khả năng của mình ra để giúp đỡ và dẫn dắt họ.

    3. Trả nợ: Nếu trong các kỳ du học trước, ta đã gây ra nhiều nợ nần oan trái, thì trong kỳ du học nầy, nhứt định ta phải lo trả cho xong các món nợ cũ dù phải đau khổ hy sinh.

    4. Không gây nợ mới: Kinh nghiệm về sự trả nợ rất đau khổ, ta không nên gây thêm một món nợ oan nghiệt nào khác. Các điều răn cấm, các giới luật tôn giáo là những rào chắn rất hiệu quả để ngăn chận ta không gây thêm nợ.

    Thực hiện được 4 điều trên đây, thì chuyến du học nầy chắc chắn đạt được thành công mỹ mãn. Hai Đấng CHA MẸ thiêng liêng sẽ rất hài lòng và các bạn thiêng liêng sẽ đón tiếp ngày trở về của ta thật vinh hiển huy hoàng.

    9. Phần kết:

    Nhơn sanh quan của Đạo Cao Đài đã giải quyết được các điểm chánh yếu mà từ xưa tới nay, các phái Triết học Duy Tâm và Duy Vật đã tốn nhiều thời giờ và giấy mực bàn cãi rất nhiều mà chưa đạt được một kết luận dứt khoát hợp lý nào thỏa mãn được các phái.

    * Về nguồn gốc của loài người, con người từ đâu tới?

    Người nguyên thủy (Thủy tổ loài người) là các Hóa nhân do loài vượn cao cấp (vượn-người) tiến hóa mà thành.

    Cái nguồn gốc nầy không có gì để làm cho chúng ta xấu hổ, vì mọi vật từ cõi thiêng liêng đến cõi phàm trần đều nằm trong Luật Tiến Hóa của Thượng Đế. Chính Đức Phật Thích Ca mà ai ai cũng đều sùng bái, đã từng trải qua nhiều kiếp là loài cầm thú, rồi đến kiếp làm Thái Tử Sĩ Đạt Ta, nhờ công phu tu luyện mà thành Phật.(Xem truyện: Tiền Thân Đức Phật Thích Ca)

    Hóa nhân xuất hiện trước, lần lần đông đảo rồi thì Thượng Đế mới cho một số Nguyên nhân đầu kiếp xuống trần, do các Nữ Hóa nhân sanh ra, để khai hóa các Hóa nhân.

    Nguyên nhân là những người được Đức Thượng Đế và Đức Phật Mẫu tạo ra từ lúc Khai Thiên, được Đức Chí Tôn cho đầu kiếp xuống trần, ngoài nhiệm vụ khai hóa các Hóa nhân, Nguyên nhân còn phải lo học hỏi và tiến hóa.

    * Con người có Linh hồn không?

    Điều nầy không còn gì để nghi ngờ nữa, bởi vì khoa Thông Linh Học hiện nay trên thế giới đã chứng minh sự hiện hữu của Linh hồn trong mỗi con người.

    Hiện tượng xây cơ ma trong giới bình dân cũng chứng tỏ được người chết không phải là hết, mà Linh hồn người chết vẫn tồn tại, nên có thể nói chuyện được với người sống qua trung gian của cây cơ.

    Trong Đạo Cao Đài, hiện tượng Cơ Bút chứng tỏ rằng có Đấng Thượng Đế, có các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, có thế giới vô hình rất huyền diệu mà trí não phàm tục của con người không thể hiểu thấu được.

    Con người có 3 thể: Thể xác (hữu hình), Linh hồn (vô hình) và thể thứ ba là Chơn thần (bán hữu hình) làm trung gian cho Thể xác và Linh hồn.

    Đấng Thượng Đế đã dạy cho chúng ta biết rõ về thể thứ ba nầy. Đây là điểm rất mới trong Giáo lý của Đạo Cao Đài, nhờ đó có thể giải rõ các hiện tượng của con người từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình qua vô hình.

    Con người nơi cõi thiêng liêng (vô hình) chỉ có 2 thể: Linh hồn và Chơn thần (Xác thân thiêng liêng).

    * Con người khi chết đi về đâu?

    Khi Thể xác (xác thân phàm) chết, xác thân nầy sẽ thúi rã và lâu ngày sẽ trở thành đất, còn Chơn thần và Linh hồn sẽ xuất ra khỏi thể xác đi về cõi thiêng liêng, đến trình diện với hai Đấng Phụ Mẫu thiêng liêng là Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.

    Đức Chí Tôn xem xét các việc phước đức và tội tình mà Linh hồn và Chơn thần đã gây ra trong kiếp sống nơi cõi trần để khen thưởng hay bắt đi đầu kiếp trở lại mà trả quả.

    Chừng nào Linh hồn và Chơn thần làm được những việc hoàn toàn tốt đẹp nơi cõi trần, xứng đáng là một Tiểu Thượng Đế thì khi trở về, Đức Chí Tôn sẽ khen thưởng xứng đáng và được hội hiệp cùng Đức Chí Tôn.

    Con người là một Linh tử trong CKVT, có một đời sống miên viễn bất tận. Đời sống nầy bao gồm hai giai đoạn nối tiếp luân phiên nhau mãi mãi đến vô cùng:

    · Đời sống nơi cõi thiêng liêng để nghỉ ngơi, an hưởng và suy nghiệm.

    · Đời sống nơi cõi phàm trần là để học hỏi, lập công quả, tu luyện, để được tiến hóa nhanh.

    Như thế thì mục đích của đời sống con người là để học hỏi và tiến hóa, tiến hóa mãi không ngừng, để cho Càn khôn cùng tiến hóa mãi mãi như các sự vận chuyển của các tinh cầu trong CKVT.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    CKTG: Càn Khôn Thế giới.

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

    CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

    DTC: Diêu Trì Cung.

    TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

     

  • Nhơn sĩ (Nhân sĩ)

    人士

    A: The high personality.

    P: La haute personnalité.

    Nhơn: Người. Sĩ: người có học thức.

    Nhơn sĩ hay Nhân sĩ là người học cao, kiến thức rộng.

     

  • Nhơn sự

    人事

    A: Human affairs.

    P: Affaires humaines.

    Nhơn: Người. Sự: việc.

    Nhơn sự là công việc của con người, ý nói các nhiệm vụ của con người đối với gia đình và xã hội, tức là Nhơn đạo vậy.

    TNHT: Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn tâm bất cổ

    人心不古

    Nhơn: Người. Tâm: lòng dạ. Bất cổ: không giống như xưa.

    Nhơn tâm bất cổ là lòng dạ con người ngày nay không giống thời xưa. Ý nói: Lòng dạ con người ngày nay khôn ngoan và xảo trá; còn con người thời xưa thì thuần hậu chất phác.

     

  • Nhơn tâm bất khả phòng

    人心不可防

    Nhơn: Người. Tâm: lòng dạ. Bất khả: không thể. Phòng: đề phòng, liệu lượng.

    Nhân tâm bất khả phòng là lòng người không thể liệu lượng được.

    Trong sách Minh Tâm Bửu Giám có viết rằng:

    Thiên khả đạc, Địa khả lượng,

    Duy hữu nhơn tâm bất khả phòng.

    Họa hổ họa bì nam họa cốt,

    Tri nhơn tri diện bất tri tâm.

    Nghĩa là:

    Trời có thể đo, đất có thể lường,

    Chỉ có lòng người không thể phòng được.

    Vẽ cọp vẽ da, khó vẽ xương,

    Biết người biết mặt, chẳng biết lòng.

     

  • Nhơn tâm bất túc xà thôn tượng

    人心不足蛇吞象

    Nhơn: Người. Bất túc: không đủ. Xà: rắn. Thôn: nuốt. Tượng: voi.

    Câu trên nghĩa là: Lòng người không đủ như rắn nuốt voi. Ý nói: Lòng tham của con người không bao giờ biết đủ.

    Trong Minh Tâm Bửu Giám (MTBG) có bài thi hán văn:

    Đắc thất vinh khô tổng thị Thiên,

    Cơ quan dụng tận dã đồ nhiên.

    Nhơn tâm bất túc xà thôn tượng,

    Thế sự đáo đầu đường bộ thiền.

    Vô dược khả y khanh tướng bịnh,

    Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.

    Gia đương thủ phận tùy duyên quá,

    Tiện thị tiêu diêu tự tại Tiên.

    Nghĩa là:

    Được mất tươi khô tất cả bởi Trời,

    Cơ quan dùng hết vậy không như thế.

    Lòng người chẳng đủ như rắn muốn nuốt voi,

    Việc đời đến lúc cuối cùng như châu chấu bắt ve.

    Không thuốc nào chữa bịnh ham khanh tướng,

    Có tiền khó mua được con cháu hiền.

    Nhà nên giữ phận theo duyên qua,

    Quả là Tiên được tiêu diêu tự tại.

     

  • Nhơn tâm sanh nhứt niệm, Thiên Địa tất giai tri

    人心生一念,天地必皆知

    Nhơn: Người. Nhơn tâm: lòng người. Niệm: tư tưởng.

    Thiên Địa: Trời Đất. Giai: đều. Tri: biết.

    Câu trên có nghĩa là: Lòng người sanh một tưởng, Trời Đất ắt đều biết. Ý nói: Trời Đất chẳng ở xa, luôn luôn kế bên mình.

     

  • Nhơn thân phàm ngữ

    人身凡語

    Nhơn: Người. Thân: thân mình. Ngữ: lời nói. Phàm: tầm thường thấp kém, chỉ cõi trần.

    Nhơn thân phàm ngữ là xác thân và lời nói của người phàm.

    CG PCT: Thầy cùng các Đấng thiêng liêng không nhơn thân phàm ngữ, thế nào mà thông công cùng cả chúng sanh?

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Nhơn thiện bị nhơn khi

    人善被人欺

    Nhơn: Người. Thiện: lành. Bị: tại, bị. Khi: khinh, ức hiếp.

    Nhơn thiện bị nhơn khi là người lành thì bị người ta khinh rẻ hay ức hiếp.

     

  • Nhơn thọ tác quả

    因受作果

    Nhơn: Nguyên do, cái cớ, bởi vì, do đó. Thọ: Thụ: nhận lấy. Tác: làm.

    Nhơn thọ tác quả là nhận cái Nhân để làm ra cái Quả.

    Cái mà mình đang thụ hưởng hôm nay là Quả của cái Nhân mà mình tạo ra kiếp trước; những việc làm ngày nay là cái Nhân để tạo thành cái Quả cho kiếp sau hưởng thụ.

     

  • Nhơn Tiên

    人仙

    A: The Cherub.

    P: Le Chérubin.

    Nhơn: Người. Tiên: bực Tiên.

    Phẩm Tiên được chia làm 3 bực: Địa Tiên, kế trên là Nhơn Tiên, cao hơn nữa là Thiên Tiên. Thứ tự nầy là chia theo Tam Tài: Địa, Nhơn, Thiên: con người đứng giữa Trời Đất, đầu đội Trời chân đạp đất.

    CG PCT: Trong CTĐ có Đầu Sư thì đối với phẩm Địa Tiên, Chưởng Pháp thì đối với phẩm Nhơn Tiên, Giáo Tông thì đối phẩm Thiên Tiên. Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Phật vị tại thế nầy.

    Nhơn Tiên còn có nghĩa là: bực Tiên tại thế, vị Tiên còn ẩn náu nơi cõi trần.

    TNHT: Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bực Nhân Tiên thì kiếp đọa trần cũng chưa mãn.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Nhơn tình

    人情

    A: The human feelings.

    P: Les sentiments humains.

    Nhơn: Người. Tình: tình cảm.

    Nhơn tình là tình cảm của con người.

    TNHT: Nhơn tình ví chẳng mưu thâu phục.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn tình thế thái

    人情世態

    A: The human feelings and the manners of times.

    P: Les sentiments humains et les moeurs du temps.

    Nhơn: Người. Tình: tình cảm. Thế: đời. Thái: thái độ, thói.

    Nhơn tình thế thái là tình người và thói đời.

    Thành ngữ nầy dùng để than thở cho tình người thường thay đổi, còn thói đời thì đen bạc, cuộc đời đáng bi quan.

     

  • Nhơn trí

    人智

    A: Human mind.

    P: L'esprit humain.

    Nhơn: Người. Trí: sự khôn ngoan hiểu biết.

    Nhơn trí là sự khôn ngoan hiểu biết của con người.

    CG PCT: Nên Thầy mới đến cho nhơn loại lập Tân Luật thế nào cho phù hạp với nhơn trí, hiệp tánh với nhơn tâm....

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Nhơn từ (Nhân từ)

    仁慈

    A: The universal love.

    P: L'amour universel.

    Nhơn: Nhân: Lòng thương người mến vật. Từ: lòng thương yêu của người trên đối với kẻ dưới.

    Nhơn từ là lòng thương yêu bao la, thương khắp chúng sanh.

    TNHT: Thầy đã sanh ra các con, sự yêu mến của một ông cha nhân từ thế quá lẽ làm cho đến nỗi con cái khinh khi.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn từ giả thọ

    仁慈者壽

    Nhơn: Lòng thương người mến vật. Giả: ấy là. Thọ: sống lâu.

    Nhơn từ giả thọ là người nhơn từ thì sống lâu.

     

  • Nhơn tử lưu danh

    人死留名

    Nhơn: Người. Tử: chết. Lưu: để lại. Danh: tiếng tăm.

    Nhơn tử lưu danh là người chết lưu lại tiếng tốt hay xấu.

     

  • Nhơn tước - Thiên tước

    人爵 - 天爵

    A: The dignity in the world and in the Heaven.

    P: La dignité dans le monde et dans le Ciel.

    Nhơn: Người. Thiên: Trời. Tước: chức tước, phẩm tước.

    Nhơn tước là phẩm tước của con người nơi cõi trần.

    Thiên tước là phẩm tước nơi cõi Trời do Trời ban cho.

    TNHT: Hàng phẩm nhơn tước đạo đức các con nó trùng với hàng phẩm Thiên tước của các con.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn vật

    人物

    Nhơn: Người. Vật: cái gì có hình chất trong thiên nhiên.

    Có hai trường hợp sau đây:

    1. Nhân vật là người tài giỏi nổi bật, đáng chú ý.

    (A: Personality. P: Personnalité)

    Nhân vật chí: bộ sách chép về các nhân tài ở trong một nước qua nhiều thời đại.

    2. Nhân vật là người và vật.

    (A: Men and living beings. P: Hommes et êtres vivants)

    Nhân vật phú thứ: người giàu vật đông.

    TNHT: Kỳ Hạ nguơn hầu mãn, nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, 10 phần còn lại có 1 mà thôi.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhơn vi vạn vật chí linh

    人為萬物至靈

    Nhơn: Người. Vi: là. Chí: rất. Linh: thiêng liêng.

    Nhân vi vạn vật chí linh: người là loài rất linh trong vạn vật.

     

  • Nhơn vị (Nhân vị)

    人位

    A: Personalism.

    P: Personnalisme.

    Nhơn: Người. Vị: phẩm vị, địa vị.

    Nhơn vị hay Nhân vị là phẩm vị và tư cách của con người, tạo nên một giá trị đặc biệt cho con người.

    Nhân vị là ngôi thứ của con người trong vũ trụ, và là cái gì tạo ra phẩm giá cao quí của con người để xứng đáng đứng ở ngôi vị ấy.

    Chủ nghĩa Nhân vị là một trào lưu triết học, chủ trương con người có trách nhiệm (Nhân vị), là giá trị cao nhất trên các giá trị khác. Con người là những bản thể tinh thần chi phối vật chất. Toàn bộ thế giới tự nhiên và xã hội là một cộng đồng Nhân vị mà Thượng Đế là Nhân vị tối cao.

    Chủ nghĩa Nhân vị đặt trên nền tảng Chủ nghĩa Duy Linh, gồm 3 nội dung cơ bản sau đây:

    1. Nhân vị là một khái niệm dùng để chỉ con người, và con người ở đây gồm có Thể xác và Linh hồn, mà Linh hồn giữ vai trò quyết định đối với Thể xác, là linh thiêng, là bất tử.

    2. Nhân vị nói lên thái độ của chủ nghĩa Nhân vị đối với con người. Với nghĩa nầy, chủ nghĩa Nhân vị là triết lý tự nhận, coi trọng con người trên cơ sở xác định vị trí cao cả của con người trong vũ trụ.

    3. Chủ nghĩa Nhân vị còn bao hàm ý nghĩa mưu cầu hạnh phúc cho con người, tức là cho nhân vị, từ đó tạo hạnh phúc cho cả nhơn loại.

    Tất cả hành động của con người trong mọi lãnh vực trong đời sống đều nhằm vào việc phục vụ Nhân vị, nghĩa là gây hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Muốn đạt được mục đích ấy, ta phải trở về nội tâm để chiến thắng vị kỷ tính và ác tính của mình, xây dựng cho mình và cho người tư tưởng và hành động sau đây: Tôn trọng nhân phẩm và tạo hạnh phúc cho nhơn loại. Vì vậy, chủ nghĩa Nhân vị chú trọng cả tinh thần và vật chất, và cho rằng cả hai phần tinh thần và vật chất đều cần thiết, chớ không như thuyết Duy Vật chỉ chú trọng về vật chất và thuyết Duy Linh chỉ chú trọng phần linh hồn.

    Chủ nghĩa Nhân vị gắn liền với Thần học Tân giáo, được phổ biến rộng rãi ở nước Mỹ, đại diện tiêu biểu là: E.S. Bright-man, R.T. Flewelling, chịu ảnh hưởng của Leibniz.

    Theo Leibniz, vũ trụ gồm những đơn tử hay monaden, là những bản thể tinh thần độc lập, vật chất chỉ là một biểu hiện của chúng, Thượng Đế là một đơn tử tối cao.

    Ở nước Pháp, chủ nghĩa Nhân vị có một biến tướng khác, do Renouvier đề ra vào năm 1903, và nó được Mounier xây dựng thành một học thuyết hoàn chỉnh, chống lại chủ nghĩa quốc gia và các chế độ cực quyền. Nó tập hợp nhiều trào lưu Ki-Tô giáo cánh tả để làm cách mạng tôn giáo, kết hợp Công giáo với chủ nghĩa xã hội.

     

  • Nhơn vô thập toàn

    人無十全

    Nhơn: Người. Vô: không. Thập: mười. Toàn: hoàn toàn.

    Thập toàn: trọn vẹn cả, không thiếu sót chút nào.

    Nhơn vô thập toàn là con người không thể nào tròn vẹn hết cả (thế nào cũng có thiếu sót).

    Chỉ có Thượng Đế mới thập toàn: Toàn tri toàn năng, toàn thiện toàn mỹ, toàn linh toàn giác.

     

  • Nhu sĩ

    儒士

    A: The scholar.

    P: Le lettré.

    Nhu: Nho, Nho học. Sĩ: người có học thức.

    Nhu sĩ hay Nho sĩ là người trí thức Nho học thời xưa.

    TNHT: Nhưng mà chẳng tái kiếp thì như nhu sĩ trốn thi.

     

  • Nhu thắng cương, nhược thắng cường

    柔勝剛,弱勝強

    Nhu: mềm yếu. Thắng: được, hơn. Cương: cứng. Nhược: yếu. Cường: mạnh.

    Nhu thắng cương: Mềm thắng cứng.

    Nhược thắng cường: Yếu thắng mạnh.

    Đức Lão Tử nói: Người ta sanh ra thì yếu mềm, khi chết thì đờ cứng. Cây cỏ vạn vật mới sanh thì mềm dịu, khi chết khô cằn. Cho nên, cứng mạnh là con đường chết, yếu mềm là con đường sống. Thế nên, binh mạnh ắt không thắng, cây cứng ắt bị đốn. Cứng mạnh ở dưới, yếu mềm ở trên.

     

  • NHŨ

    NHŨ: 乳 Vú, sữa, cho bú.

    Td: Nhũ danh.

     

  • Nhũ danh

    乳名

    A: A patronymic name.

    P: Le nom patronymique.

    Nhũ: Vú, sữa, cho bú. Danh: tên.

    Nhũ danh là tên của một người do cha mẹ đặt lúc mới đẻ, còn bú sữa.

     

  • Nhũ lịnh

    乳令

    A: The order of Mother.

    P: L'ordre de Mère.

    Nhũ: Vú, sữa, cho bú; chỉ bà mẹ. Lịnh: mệnh lệnh.

    Nhũ lịnh là lịnh của Mẹ.

    Mỗi người nơi cõi phàm trần đều có: - cha mẹ phàm trần, và - hai Đấng Cha Mẹ thiêng liêng, gọi là Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu, tức là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    PMCK: Chiếu nhũ lịnh, Từ Huyên thọ sắc.

    (Nhũ lịnh trong câu kinh nầy là lịnh của Đức Phật Mẫu).

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • NHỤC

    1. NHỤC: 肉 Thịt, chỉ về thể xác.

    Td: Nhục dục, Nhục thể.

    2. NHỤC: 辱 Nhục nhã, nhơ nhuốc.

    Td: Nhục tổ hổ tông.

     

  • Nhục dục

    肉慾

    A: Sensual desires.

    P: Désires charnels.

    Nhục: Thịt, chỉ về thể xác. Dục: ham muốn.

    Nhục dục là ham muốn thú vui thể xác, tức là ham muốn thú vui xác thịt nam nữ.

     

  • Nhục nhãn

    肉眼

    A: Freshy eyes.

    P: Oeil de chair.

    Nhục: Thịt, chỉ về thể xác. Nhãn: con mắt.

    Nhục nhãn là con mắt thịt, ý nói con mắt phàm, không thể thấy được thế giới vô hình.

    Khi tu luyện đắc đạo thì nhục nhãn trở thành Huệ nhãn, nghĩa là con mắt trí huệ, thấy được các điều bí ẩn, huyền diệu nơi cõi vô hình.

     

  • Nhục thể

    肉體

    A: Carnal body.

    P: Corps charnel.

    Nhục: Thịt, chỉ về thể xác. Thể: thân thể.

    Nhục thể là thể xác bằng xương bằng thịt của con người.

    KNH: Nâng tay nhục thể xây hình Chí Tôn.

    KNH: Kinh Nhập Hội.

     

  • Nhục tổ hổ tông

    A: To bring shame on the ancestors.

    P: Faire deshonneur aux ancêtres.

    Nhục: Nhục nhã, nhơ nhuốc. Hổ: xấu hổ. Tổ tông: tổ tiên của dòng họ.

    Nhục tổ hổ tông là làm nhục nhã và xấu hổ đến tổ tiên của dòng họ.

    KSH:

    Người quân tử chẳng thà chịu khổ,

    Đâu làm điều nhục tổ hổ tông

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • NHƯ

    NHƯ: 如 Giống như, ví như, hoặc là, không đổi.

    Td: Như lai, Như nguyền, Như ý.

     

  • Như ảnh tùy hình

    如影隨形

    Như: Giống như, ví như, hoặc là, không đổi. Ảnh: cái ảnh, cái bóng. Tùy: theo.

    Như ảnh tùy hình là như bóng theo hình, không thể tách rời ra được,hình thế nào thì ảnh thế đó (hình cong thì ảnh cong).

     

  • Như cổ sắt cầm

    如鼓瑟琴

    Như: Giống như, ví như, hoặc là, không đổi. Cổ: đánh, khảy. Sắt: đờn sắt. Cầm: đờn cầm.

    Sắt cầm là hai loại đàn, khi hòa âm thì nghe rất hay.

    Như cổ sắt cầm là như khảy đờn sắt và đờn cầm, chỉ sự hòa hợp giữa vợ chồng.

     

  • Như đao phá thạch

    如刀破石

    Như: Giống như, ví như, hoặc là, không đổi. Đao: cây đao. Phá: làm vỡ ra. Thạch: đá.

    Như đao phá thạch là như cây đao chém vào đá. Ý nói: Lời nói cương quyết, nhứt định làm.

     

  • Như Lai

    如來

    A: Buddha.

    P: Bouddha.

    Như: Giống như, ví như, hoặc là, không đổi. Lai: tới, đến.

    Như Lai là Phật. (từ ngữ thường dùng của Phật giáo)

    Chữ Phạn là Tathâgatha, Hán văn dịch là Như Lai, có nghĩa là nương theo cái thật tánh của Chơn như mà đến, tức là đã đứng vào phẩm vị Phật.

    Chơn như là thể tánh chơn thật không biến đổi, không thiện không ác, không sanh không diệt, đó là Phật tánh.

    Cái Chơn như của Phật thì đầy đủ, còn Chơn như của chúng sanh thì không đầy đủ.

    Kinh Kim Cang giải nghĩa chữ Như Lai như sau:

    Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ. Nghĩa là: không từ đâu đến, cũng không đi đâu. Do đó, Như Lai là Phật.

    Theo sách Đạo Viện Tập, thì: Như là vốn biết, Lai là hiện biết. Như Lai là hiện biết vốn biết, tức là bậc Chánh Giác.

    Như Lai còn có nhiều nghĩa khác nữa, kể ra:

    - Như Lai chẳng phải là bực đoạn diệt phiền não, mà là bực chẳng hề phát sanh phiền não. Vậy, Như Lai là Niết Bàn.

    - Như Lai là Phật tánh. - Như Lai là Hư không.

    - Như Lai là thường trụ, thật tướng, chẳng hề biến đổi.

    KTCMĐQL: Nắm phan Tiếp Dẫn vào vòng Như Lai.

    KTCMÐQL: Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu.

     

  • Như nguyện

    如願

    A: As one's wishes.

    P: Selon la volonté.

    Như: Giống như, ví như, hoặc là, không đổi. Nguyện: Nguyền: mong muốn, ước muốn.

    Như nguyện, tức là Như nguyền, là đạt được những điều như đã mong ước.

    KSH: Rèn lòng sửa nết khá in như nguyền.

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • Như Nhãn Hòa Thượng

    (Xem: Chưởng Pháp, vần Ch)

     

  • Như thảng

    A: If, as if.

    P: Si, comme si.

    Như: Giống như, ví như, hoặc là, không đổi.

    Như thảng là nếu như, thoảng như, ví như.

    PCT: Như thảng, luật lệ nào nghịch với sự sanh hoạt của nhơn sanh thì chúng nó đặng cầu xin hủy bỏ.

    PCT: Pháp Chánh Truyền.

     

  • Như thị

    如是

    A: Like this.

    P: Comme ceci.

    Như: Giống như, ví như, hoặc là, không đổi. Thị: ấy là, như thế, đúng, phải, trái với Phi.

    Như thị có hai nghĩa:

    - Như thị: ấy là như thế.

    - Như thị: lời bày tỏ rõ ràng, thừa nhận đúng như thế.

    ■ Như thị ngã văn: Ta có nghe như vầy.

    Bốn chữ nầy được dùng làm lời khởi đầu cho một bài kinh tụng của Phật giáo.

    Ấy là điều mà Đức Phật Thích Ca dặn: Phàm những chỗ khởi đầu trong Kinh, đều theo lệ để bốn chữ ấy.

    Như thị là chỉ lời Đức Phật thuyết ở trong Kinh.

    Ngã văn là tự ông A-Nan đã nghe Đức Phật nói như vậy.

    Trong Vô Lượng Thọ Kinh đề là: "Ngã văn như thị."

    Trong Đại Bát Niết Bàn Kinh, quyển 41, phẩm Di Giáo, ông A-Nan có hỏi Đức Phật Thích Ca: Sau khi Như Lai diệt độ, chừng kết tập Pháp tạng, nên đặt để những chữ gì ở đầu tất cả các Kinh?

    Phật dạy: A-Nan! Sau khi Như Lai diệt độ, đến chừng kết tập Pháp tạng, ở đầu tất cả Kinh, nên đề: Như thị Ngã văn (Tôi có nghe như vầy): Có một lúc, Phật trụ tại phương mỗ, xứ mỗ, với chư Tứ chúng mà thuyết kinh nầy... (Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn)

    ■ Như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật:

    Câu nầy thường gặp trong Di-Lạc Chơn Kinh, có nghĩa là: Như là vô số chư Phật các cấp.

     

  • Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn

    (Xem: Vĩnh Nguyên Tự, vần V)

     

  • Như ý sở cầu

    如意所求

    Như: Giống như, ví như, hoặc là, không đổi. Ý: ý muốn. Sở: điều quan trọng của mình. Cầu: xin. Như ý: đúng như điều mong muốn. Sở cầu: điều quan trọng mà mình hằng cầu xin.

    Như ý sở cầu là đúng như ý muốn mà mình hằng cầu xin.

     

  • NHỮ

    NHỮ: 汝 Ngươi, các ngươi, chúng bây, mầy.

    Td: Nhữ đẳng, Nhữ tri hồ.

     

  • Nhữ đẳng tu thọ pháp

    汝等修受法

    Nhữ: Ngươi, các ngươi, chúng bây, mầy. Đẳng: thứ bực, bọn, lũ. Tu: tu luyện.

    Thọ pháp: nhận lãnh bí pháp luyện đạo.

    Nhữ đẳng: bọn bây, bọn các ngươi.

    Nhữ đẳng tu thọ pháp: bọn các ngươi hãy thọ lãnh bí pháp tu luyện.

    TNHT: Nhữ đẳng tu thọ pháp, tu thọ pháp. Khâm tai!

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhữ tri hồ?

    汝知乎?

    Nhữ: Ngươi, các ngươi, chúng bây, mầy. Tri: biết. Hồ: tiếng dùng để hỏi.

    Nhữ tri hồ? nghĩa là: Các ngươi biết không?

    TNHT: Thích Ca Như Lai thị Ngã, dục cứu chúng sanh, tá danh Cao Đài Đại Bồ Tát. Nhữ tri hồ?

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • NHƯỢC

    1. NHƯỢC: 若 Nếu, nếu như, ví bằng.

    Td: Nhược hữu, Nhược thiệt.

    2. NHƯỢC: 弱 Yếu, kém.

    Td: Nhược thủy.

     

  • Nhược hữu

    若有

    A: If anything.

    P: S'il y a.

    Nhược: Nếu, nếu như, ví bằng. Hữu: có.

    Nhược hữu: Nếu có.

    DLCK: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân....

    DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

     

  • Nhược nhơn đương sanh

    若人當生

    Nhược: Nếu, nếu như, ví bằng. Nhơn: người. Đương sanh: đang sống.

    Nhược nhơn đương sanh: Nếu như có người đang sống.

    DLCK: Nhược nhơn đương sanh, nhược nhơn vị sanh,...

    Nhược nhơn vị sanh: nếu như có người chưa được sanh ra.

    DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

     

  • Nhược thiệt nhược hư

    若實若虛

    A: As real as unreal.

    P: Comme réel comme irréel.

    Nhược: Nếu, nếu như, ví bằng. Thiệt: thực, thật. Hư: trống không.

    Nhược thiệt nhực hư: Như là có thật nhìn thấy được, như là trống không, nhìn không thấy gì cả.

    Đó là Đạo Trời huyền diệu, biến hóa không lường, hư hư thật thật, khi có khi không, biến hóa mầu nhiệm vô cùng, không thể lấy trí phàm mà xét đoán được.

     

  • Nhược thủy

    弱水

    A: Feeble water.

    P: Eau faible.

    Nhược: Yếu, kém. Thủy: nước.

    Nhược thủy là nước yếu, chỉ cõi Tiên.

    Theo điển tích về đảo Bồng Lai, chung quanh đảo ấy là biển mà nước biển nầy rất yếu, đỡ không nổi hạt cải, tức là bỏ hạt cải trên nước yếu nầy thì hạt cải chìm ngay. Chỉ có cõi Tiên mới có nhược thủy, nên Nhược thủy chỉ cõi Tiên.

     

  • Nhược tiểu

    弱小

    A: Small and weak.

    P: Petit et faible.

    Nhược: Yếu, kém. Tiểu: nhỏ.

    Nhược tiểu là nhỏ và yếu.

    Quốc gia nhược tiểu là nước nhỏ (diện tích đất đai nhỏ, dân số ít) và yếu (không có binh lực hùng mạnh). Các nước nhược tiểu thường bị các nước hùng mạnh lấn áp hay thôn tính.

     

  • NHỨT

    NHỨT: 一 Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát.

    Td: Nhứt bổn, Nhứt luật, - quán, - thiết.

     

  • Nhứt ẩm nhứt trác sự giai tiền định

    一飲一啄事皆前定

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Ẩm: uống. Trác: chim mổ thức ăn, chỉ miếng ăn. Sự: việc. Giai: đều. Tiền: trước. Định: sắp đặt.

    Câu trên có nghĩa là: Một cái uống, một cái ăn, việc đó đều định trước.

    Đây là câu nói rất thường dùng bởi những người hoàn toàn tin tưởng thuyết Thiên mệnh, cho rằng mỗi việc chi, dù nhỏ dù lớn, cũng đều do Trời định trước cả.

    Trong sách Minh Tâm Bửu Giám (MTBG) có chép:

    Nhứt ẩm nhứt trác sự giai tiền định,

    Vạn sự phận dĩ định, phù sanh không tự mang.

    Vạn sự bất do nhơn kế giảo,

    Nhứt sanh đô thị mạng an bài.

    Nghĩa là:

    Một uống một ăn, sự đều định trước,

    Muôn sự phận đã chia định, kiếp phù sanh không tự lo.

    Muôn việc không do người so tính,

    Một đời người đều là mạng Trời an bài.

    Thật ra chúng ta nên hiểu rằng, Trời đâu có bận tâm để ý đến những chuyện lặt vặt như cái ăn cái uống của mỗi người. Trời chỉ lập ra Luật Nhân Quả để cho mỗi người tự định đoạt số phận của mình. Nếu mình muốn được giàu sang danh vọng thì trước đó mình phải lo làm lành, làm việc phước đức; còn nếu mình không làm lành, không làm phước mà lại làm việc gian ác thì chắc chắn sau nầy phải bị hoạn nạn tai ương báo đáp lại. Người làm điều ác độc mà muốn hưởng quả lành thì không bao giờ có được, giống như đi tìm sừng thỏ lông rùa.

    Nhưng con người thì vô minh, không thấy được cái nghiệp chuyển từ cái Nhân của kiếp trước sang cái Quả của kiếp sau, nên cho rằng tất cả đều do Trời định.

     

  • Nhứt bổn tán vạn thù, Vạn thù qui nhứt bổn

    一本散萬殊,萬殊歸一本

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Bổn: Bản: gốc. Tán: phân chia ra. Thù: khác, sai biệt. Qui: trở về. Nhứt bổn: một gốc. Vạn thù: muôn sai biệt.

    Nhứt bổn tán vạn thù: Một gốc phân ra muôn sai biệt.

    Vạn thù qui nhứt bổn: Muôn sai biệt trở về một gốc.

    Một gốc đây là Đạo, muôn ngàn sai biệt ấy là Đời.

    Một gốc túa ra muôn ngàn sai biệt là đi theo con đường Đời, càng xa gốc Đạo thì càng khác nhau, sai biệt nhau. Từ muôn ngàn sai biệt đi trở về gốc tức là đi theo con đường đạo đức để trở về gốc, ấy là Đạo.

    Đạo khác Đời ở chỗ thuận chuyển hay nghịch chuyển.

    Ai chưa giác ngộ thì cứ thuận theo con đường sai biệt mà chia rẽ nhau mãi, càng đi càng xa nhau; còn ai đã giác ngộ thì đi ngược trở lại mà trở về gốc, gặp nhau ở chỗ Đạo, mà Đạo là chơn lý, chỉ có một.

    Thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ là nhứt bổn tán vạn thù, vì một gốc Thượng Đế mà lập ra nhiều mối đạo ở khắp các nơi để cứu độ nhơn sanh. Thời Tam Kỳ Phổ Độ là vạn thù qui nhứt bổn vì Đấng Thượng Đế mở Đạo Cao Đài để qui nguyên Tam giáo và phục nhứt Ngũ Chi.

     

  • Nhứt bổn vạn lợi

    一本萬利

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Bổn: Bản: tiền vốn. Lợi: tiền lời.

    Nhứt bổn vạn lợi là một vốn muôn lời.

    Đây là câu cầu chúc những người buôn bán, nói cho đẹp lời vậy thôi chớ không thể làm được. Duy chỉ có việc tu hành mới đạt được nhứt bổn vạn lợi.

    TNHT:

    Một kiếp muối dưa muôn kiếp hưởng,

    Đôi năm mệt nhọc vạn năm bường

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhứt cử lưỡng tiện

    一舉兩便

    A: To kill two birds with one stone.

    P: Faire deux affaires en une seule fois.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Cử: cất lên, cử động. Lưỡng: hai. Tiện: thuận tiện.

    Nhứt cử lưỡng tiện là làm một việc mà được hai cái lợi.

     

  • Nhứt dĩ quán chi (Nhứt quán)

    一以貫之 (一貫)

    A: An only principle embraces all.

    P: Un seul principe embrasse tout.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Dĩ: lấy. Quán: xâu, xuyên suốt. Chi: hư tự.

    Nhứt dĩ quán chi: một sợi dây xâu hết số tiền.

    Ý nói: Chỉ lấy gốc ở một lý mà thông suốt muôn việc.

    Nhứt quán: Một xâu xuyên suốt.

    Sách Luận Ngữ chép như sau:

    1.- Nhân vì Tử Cống (tên Đoan Mộc Tứ) trải nhiều phen nhờ Đức Khổng Tử dạy bảo, vừa tri vừa hành, công phu đã đến lúc thành thục, nên ngày sau, Đức Khổng Tử bảo Tử Cống:

    - Tứ dã! nhữ dĩ dư vi đa học nhi chí tri giả ư?

    (Trò Tứ! ngươi tưởng Ta học nhiều mà biết cả đấy ư?)

    Tử Cống thưa rằng:

    - Nhiên phi dư? (Chính thế, không phải hay sao?)

    Đức Khổng Tử nói: - Phi dã, dư: Nhứt dĩ quán chi.

    (Không phải, ta chỉ hệ thống vào một mối).

    Ý nói: Ta lấy gốc ở một chơn lý mà quán suốt muôn lẽ.

    2.- Đức Khổng Tử nói với Tăng Tử (Tăng Sâm):

    - Sâm hồ! Ngô đạo nhứt dĩ quán chi.

    (Trò Sâm! đạo của Ta là Nhứt dĩ quán chi.)

    Tăng Tử đáp: - Dụy. (Vâng)

    Tử xuất, môn nhân vấn viết: - Hà vị dã?

    (Đức Khổng Tử đi khỏi, bạn học hỏi: - Thế là thế nào?)

    Tăng Tử viết: Phu Tử chi đạo Trung Thứ nhi dĩ hỹ.

    (Tăng Tử nói: Đạo của Phu Tử là Trung Thứ mà thôi).

    Tất cả học trò của Đức Khổng Tử, chỉ có Tử Cống và Tăng Tử là được nghe lời nói "Nhứt dĩ quán chi" của Đức Khổng Tử. Nhưng lý đạo Nhứt dĩ quán chi cao xa quá, nếu nói thật cho các bạn đồng môn nghe, sợ họ không lãnh hội được thì sanh ra hoang mang không tốt, nên Tăng Tử nẩy ra ý hay mới nói trớ rằng: Đạo của Phu Tử chỉ là Trung Thứ mà thôi.

    Bốn chữ "Nhứt dĩ quán chi" tóm hết cái đạo của Đức Khổng Tử và làm cho hệ thống Nho giáo nhứt thể sáng rõ.

    Đạo Nhất quán ấy gọi là Trung Thứ hay Nhân Nghĩa cũng là một, do đạo Nhân mà ra cả.

    Có Nhân thì hiểu rõ và theo đúng cái Thiên lý thuần nhiên quán thông từ tư tưởng đến hành vi, không có cái gì là không hợp với đạo nhất thể.

    Cách lập giáo của Đức Khổng Tử chỉ căn cứ vào một lẽ là Thiên lý mà thôi. Từ Hình Nhi Hạ học bàn về nhơn sanh nhứt dụng, nào là phẩm cách con người, tổ chức gia đình, xã hội, nào là Nhân Nghĩa, rồi đến Hình Nhi Thượng học là triết lý bàn về Thiên đạo, Nhơn đạo, nhứt nhứt đều không ra ngoài Thiên lý. Sự giảng dạy có mạch lạc, hệ thống. Học trò nào sáng suốt thì biết mối mà tìm hiểu dễ dàng, nên nói lấy một lẽ mà xuyên suốt mọi việc trong thiên hạ là vậy.

    TĐ ĐPHP: "Đạo của Khổng Phu Tử, tuy vẫn có Thất thập nhị Hiền, mà cả thảy chưa chắc có người nào đoạt đạo đặng, duy có một người mà thôi, là ông Tăng Sâm. Bằng cớ là buổi chung qui, Ngài kêu Sâm nói: Sâm hồ! Ngô đạo Nhứt dĩ quán chi."

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Nhứt diện

    一面

    A: On the one hand.

    P: D'un côté.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Diện: mặt, phương diện.

    Nhứt diện là một mặt, một phương diện.

    CG PCT: Khai Đạo, khi đặng tờ kêu nài cầu rỗi, thì liệu như đáng rỗi, phải nhứt diện tư tờ qua cho Tòa Tam Giáo CTĐ xin đình án bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu nhóm....

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Nhứt diệp tri thu

    一葉知秋

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Diệp: lá cây. Tri: biết. Thu: mùa Thu.

    Nhứt diệp tri thu là một lá biết mùa Thu.

    Thành ngữ trên rút ra từ hai câu Đường thi:

    Ngô đồng nhứt diệp lạc,

    梧桐一葉落

    Thiên hạ cộng tri Thu.

    天下共知秋

    Nghĩa là: Một lá ngô đồng rơi, thiên hạ biết Thu sang

     

  • Nhứt đán vô thường vạn sự hưu

    一旦無常萬事休

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Đán: buổi sớm mai. Vô thường: không như thường, ý nói chết. Vạn sự: muôn sự. Hưu: thôi, nghỉ.

    Nhứt đán vô thường, vạn sự hưu: Một mai kia chết rồi, muôn việc đều thôi.

    Minh Tâm Bửu Giám:

    Tam thốn khí tại thiên ban dụng,

    Nhứt đán vô thường vạn sự hưu.

    Vạn vật mạc đào kỳ sổ,

    Vạn ban tường thụy bất như vô.

    Nghĩa là:

    Ba tấc hơi còn, ngàn việc dùng,

    Một mai chết rồi, muôn sự thôi.

    Muôn vật chẳng trốn khỏi số,

    Muôn bậc điềm lành chẳng bằng không

     

  • Nhứt gia hữu sự bá gia ưu

    一家有事百家憂

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Gia: nhà. Hữu sự: có việc (quan trọng). Bá gia: trăm nhà. Ưu: lo lắng.

    Nhứt gia hữu sự bá gia ưu: Một nhà có việc quan trọng, trăm nhà đều lo lắng.

    Ý nói: Tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ của những người sống chung trong một xóm hay những người đồng đạo. Hễ một nhà có tai nạn thì mọi người đều lo lắng giúp đỡ.

     

  • Nhứt hô bá ứng

    一呼百應

    A: When he calls, a hundred replies.

    P: Un appel cent réponses.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Hô: kêu gọi. Bá: trăm. Ứng: đáp lại.

    Nhứt hô bá ứng là một tiếng hô lên, trăm tiếng đáp lại.

    Ý nói: người có uy tín, kêu gọi một lời, khiến mọi người đều hưởng ứng theo.

     

  • Nhứt khắc thiên kim

    一刻千金

    A: Every moment is precious.

    P: Le temps est de l'argent.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Khắc: ¼ giờ. Thiên: ngàn. Kim: vàng.

    Thiên kim: ngàn vàng, rất quí báu, trị giá rất nhiều tiền.

    Nhứt khắc thiên kim là một khắc giá đáng ngàn vàng.

    Ý nói: Thì giờ là tiền bạc, thì giờ rất quí báu.

     

  • Nhứt lao vĩnh dật

    一勞永逸

    A: By one supreme effort to win eternal ease.

    P: Une peine peut permettre un repos éternel.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Lao: mệt nhọc. Vĩnh: lâu dài. Dật: an nhàn.

    Nhứt lao vĩnh dật là một lần mệt nhọc, an nhàn lâu dài.

    Ý nói: Cố gắng làm việc khó nhọc một lần để được sung sướng lâu dài.

    Câu trên có ý tương tự như hai câu Thánh Ngôn:

    Một kiếp muối dưa muôn kiếp hưởng,

    Đôi năm mệt nhọc vạn năm bường.

     

  • Nhứt môn đồng mạch

    一門同脈

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Môn: cửa, ý nói cửa Đạo. Đồng: cùng. Mạch: đường nước chảy.

    Nhứt môn: một nhà, một cửa Đạo.

    Đồng mạch: cùng một đường nước chảy, ý nói cùng một nhịp sống, hay cùng một tín ngưỡng.

    Nhứt môn đồng mạch là cùng một Đạo, cùng một tín ngưỡng.

    PMCK: Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • Nhứt môn hạnh phúc

    一門幸福

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Môn: cửa, nhà. Nhứt môn: một nhà.

    Nhứt môn hạnh phúc là một nhà hạnh phúc.

    TNHT: Một nhà sau gặp gỡ, ngàn trước vẫn an vui. Ấy là nhứt môn hạnh phúc.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh

    一藝精一身榮

    A: A useful trade is a mine of gold.

    P: Quand on excelle dans l'art, on est sûr d'être honoré.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Nghệ: nghề. Tinh: tinh xảo, khéo giỏi.

    Thân: thân mình. Vinh: vẻ vang.

    Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh: Một nghề tinh xảo thì tấm thân vẻ vang trọn đời.

     

  • Nhứt ngộ bất dung tái ngộ

    一誤不容再誤

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Ngộ: sai lầm. Bất dung: không để cho, không cho phép. Tái ngộ: sai lầm lần nữa.

    Nhứt ngộ bất dung tái ngộ: Lầm lỗi một lần không thể để cho tái diễn nữa.

     

  • Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang

    一言可以興邦

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Ngôn: lời nói. Khả dĩ: có thể mà. Hưng: dấy lên, thịnh. Bang: nước.

    Trong sách Luận Ngữ: "Tử viết: Nhứt ngôn nhi khả dĩ hưng bang, Nhứt ngôn nhi khả dĩ táng bang."

    Nghĩa là: Đức Khổng Tử nói rằng: Một lời nói mà có thể làm cho nước hưng thạnh, một lời nói mà có thể làm cho nước mất.

     

  • Nhứt ngôn ký xuất tứ mã nan truy

    一言既出駟馬難追

    A: A word spoken is past recalling.

    P: Quand une parole nous échappe, quatre chevaux ne sauraient l'attrapper.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Ngôn: lời nói. Ký: đã qua. Xuất: phát ra. Tứ mã: chiếc xe có bốn con ngựa kéo. Nan: khó. Truy: đuổi theo.

    Nhứt ngôn ký xuất: Một lời nói đã phát ra.

    Tứ mã nan truy: Xe bốn ngựa kéo khó đuổi theo kịp.

    Ý nói: Lời nói thoát ra khỏi miệng không thâu lại được, có hối cũng không kịp. Do đó, cần phải cẩn thận lời nói.

     

  • Nhứt, Nhị, Tam Kỳ Phổ Độ

    一,二,三期普度

    A: The first, second, third manifestation of the divine mercy.

    P: La première, seconde, troisième manifestation de la miséricorde divine.

    Nhứt: Thứ nhứt. Nhị: thứ nhì. Tam: thứ ba. Kỳ: thời kỳ. Phổ: bày rộng ra. Độ: cứu chúng sanh.

    · Nhứt Kỳ Phổ Độ: phổ độ chúng sanh kỳ thứ nhứt.

    · Nhị Kỳ Phổ Độ: phổ độ chúng sanh kỳ thứ nhì.

    · Tam Kỳ Phổ Độ: phổ độ chúng sanh kỳ thứ ba.

    Kể từ thời thái cổ đến nay, trên quả địa cầu nầy, Đức Chí Tôn Thượng Đế đã mở ra 3 thời kỳ phổ độ để cứu giúp chúng sanh, kể ra:

    · Nhứt Kỳ Phổ Độ vào thời thái cổ của nhơn loại.

    · Nhị Kỳ Phổ Độ vào thời thượng cổ của nhơn loại.

    · Tam Kỳ Phổ Độ vào thời hiện nay.

    I. NHỨT KỲ PHỔ ĐỘ:

    Trong thời Thượng nguơn, ứng với thời thái cổ của nhơn loại, con người còn giữ được bổn tánh thiện lương của Thượng Đế ban cho, nên còn giữ được nếp sống thuần lương chất phác, cứ sống thuận tùng Thiên lý mà hòa hiệp với nhau, tương thân tương ái. Đó là thời thái bình Thánh đức.

    Lần lần con người bị ô nhiễm trược trần, Thánh đức lu lờ, bỏ đường Thiên lý mà sa vào nhơn dục.

    Vì vậy, Đấng Thượng Đế mở lòng đại từ đại bi, khai đạo phổ độ chúng sanh bỏ dữ về lành. Đó là thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, gồm các tôn giáo:

    · Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ tương ứng thời vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu.

    · Đức Thái Thượng Đạo Tổ mở Tiên giáo ở Trung hoa.

    · Vua Phục Hy khởi đầu Nho giáo ở Trung hoa.

    · Thánh Moïse mở Do Thái giáo ở nước Do Thái.

    Nhứt Kỳ Phổ Độ thuộc thời thái cổ của nhơn loại, lúc đó chưa có chữ viết, nên không có kinh sách gì lưu lại, những điều biết được là do truyền khẩu, và đến khi các dân tộc phát minh ra chữ viết thì mới theo truyền khẩu mà ghi chép lại, cho nên có nhiều việc mờ hồ, không chính xác.

    II. NHỊ KỲ PHỔ ĐỘ:

    Vào thời Trung nguơn ứng với thời thượng cổ của nhơn loại, các nền tôn giáo mở ra vào Nhứt Kỳ Phổ Độ đã thất chơn truyền, vả lại trình độ tiến hóa của nhơn loại đã khá cao, lại xu hướng vào đường tranh đấu giành giựt lợi quyền, xa đường đạo đức, nên Đấng Thượng Đế, một lần nữa mở lòng từ bi, cho các Đấng Tiên, Phật giáng trần chấn hưng các mối đạo đã mở ra kỳ trước, để thích hợp với đà tiến hoá của nhơn sanh, hầu đủ sức kềm giữ tâm tánh của nhơn sanh, đem nhơn sanh trở về con đường đạo đức.

    · Đức Phật Thích Ca giáng sanh ở Ấn Độ, chấn hưng Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, mở ra Thích giáo với một giáo lý rất phong phú, thiết thực để giải khổ nhơn sanh.

    · Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng sanh ở Trung Hoa là Lão Tử, mở ra Lão giáo hay Đạo giáo để chấn hưng Tiên giáo.

    · Đức Khổng Tử giáng sanh ở Trung Hoa, mở ra Khổng giáo để chấn hưng Nho giáo.

    · Đức Chúa Jésus Christ giáng sanh ở nước Do Thái, mở ra Thiên Chúa giáo để chấn hưng Do Thái giáo.

    Các nền tôn giáo nầy, sau khi các vị Giáo chủ qui Thiên, giao nền Đạo cho người phàm điều độ, dần dần sửa cải chơn truyền, trải qua hai ngàn năm, các mối Đạo đều bị qui phàm, Chánh pháp sai lạc hết cả, nên người tu bị lầm lạc, tu có công mà không đắc đạo, vì sai pháp môn.

    III. TAM KỲ PHỔ ĐỘ:

    Vào thời Hạ nguơn, trình độ tiến hóa về trí thức và tinh thần của nhơn sanh rất cao siêu, giáo lý của các nền tôn giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ không còn đủ sức kềm chế tâm lý của nhơn sanh trong thời Hạ nguơn nữa, nên thế gian trở thành một trường tranh đấu quyết liệt, mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất, các loại vũ khí giết người hằng loạt được chế tạo, kẻ bạo tàn núp dưới hai chữ Nhân Nghĩa để dối gạt nhơn sanh.

    Đấng Thượng Đế không nỡ ngồi yên nhìn đám con cái thương yêu của Ngài là nhơn loại chém giết lẫn nhau, đi đến cơ tận diệt, nên Đấng Thượng Đế mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để cứu độ nhơn sanh lần chót, trước khi xảy ra một cuộc Tận Thế, chuyển nhơn loại qua thời kỳ Thánh đức của Thượng nguơn Tứ Chuyển.

    Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Đức Thượng Đế đích thân mở Đạo. Ngài không giáng trần để mang xác phàm, mà dùng huyền diệu thiêng liêng, sử dụng cây Đại Ngọc cơ, viết ra những bài Thánh giáo, mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, với tôn chỉ: Qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi, gom tất cả các nền tôn giáo đã có từ trước đến nay vào một nền Đại Đạo duy nhứt do Thượng Đế chưởng quản.

    "Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo.

    Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khác, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.

    Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì tại phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt.

    Lại nữa, trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà làm ra phàm giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhơn loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ.

    Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập chánh thể, có lớn có nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng đảo." (TNHT)

    Kỳ nầy, Đức Chí Tôn giáng điển quang lập Đạo, quy hiệp tất cả các tôn giáo lại làm một và không giao quyền Giáo chủ cho người phàm nữa. Tại sao thế? Là tại vì trước kia, năm châu bốn biển thiếu sự đi lại, phải sống lẻ loi riêng biệt. Bởi thế, Đức Chí Tôn phải phái các Đấng Giáo chủ giáng trần tại mỗi nơi, tùy theo phong hóa nơi đó mà mở Đạo cứu đời.

    Ngày nay thì năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà, trình độ của nhơn loại tiến hóa rất cao, đi đến chỗ đại đồng, một tôn giáo nay mở ra phải dung hòa được tất cả các giáo lý, mới có thể thích hợp với tâm lý của nhơn sanh và bước tiến hóa của nhơn loại.

    Sau đây, xin trích bài Thánh giáo của Đức Chí Tôn trong Kinh Tam Thừa Chơn Giáo, quyển II trang 17:

    "Hôm nay Thầy chuyển lập Tam Kỳ Phổ Độ để chấn hưng chánh lý đồng nguyên, để xóa bỏ những cạnh khía ngã chấp sắc màu mà dung hiệp phần tinh ba cổ kim Âu Á trên lập trường duy nhứt, nghĩa là xóa bỏ cái DỊ mà đem lại cái ĐỒNG giữa các sắc giáo, để làm phương cứu thế độ hồn cho các đẳng chúng sanh thoát vòng mê tân khổ hải.

    Các con khá hiểu, tôn giáo chỉ là phương thức tổ chức, là một sự sắp đặt có đường lối, được mệnh danh theo từng thời kỳ khai lập cho lý đạo truyền thành.

    Tuy nhiên, để minh định cho cơ khai triển tinh thần, danh từ tôn giáo cũng được đề cao trong sử độ, nhưng điều đáng quí nhứt là tinh thần đạo đức được thực dụng rõ ràng trong mỗi hiện thân sanh chúng, mới bảo tồn cho thể thống trang nghiêm.

    Giờ nầy, Thầy không muốn cho cả thế gian ca ngợi Thầy, hoặc xưng tụng Thầy một cách ảo huyền, mà mong sao tất cả con cái của Thầy đã nhập vào trường Đạo, đều lập trọn công tu, đầy lòng từ bi, bác ái, công bình. Không phân chi rẽ phái, không biệt dị giữa tôn giáo nầy và tôn giáo khác, mà quan trọng là chánh lý đồng nguyên và khắc mình trong nhiệm vụ thể Thiên hành Đạo của mỗi con có chức vụ hoặc lớn hoặc nhỏ. Như thế các con mới làm đúng tôn chỉ của Thầy.

    Xét vì thời xưa, sự giao tiếp không được giao thông trên hoàn vũ, cho nên mỗi Giáo chủ thọ lãnh sắc chỉ nơi Thầy lập giáo từng nơi để dạy dỗ chúng sanh, cảm hóa tục đời trở về lý đạo. Tất nhiên, mỗi hình thức tôn giáo có mang theo một bản sắc địa phương trong quá độ. Ấy là cái dị biệt của thông quán tục truyền trong mỗi tôn giáo, nhưng trên phương diện triết lý cao siêu, với mục đích tối thượng là truyền phương định lập tinh thần thuần chơn khiết tịnh, để đem lại cuộc đời thuần đức thiện lương, thì dù trên phương diện nào cũng vẫn nằm trong yếu lý.

    Ngày nay, sự đi lại giữa Đông và Tây được dễ dàng, tình đời được trao đổi, lý đạo cũng được trực tiếp cảm thông. Đáng lẽ trong trường hợp thuận tiện nầy, các tôn giáo đều thu nhận với nhau trên quan niệm tinh thần để hiến cho thế gian một cảm giác tinh minh và toàn diện hơn, để cùng nhau chỉnh hóa cuộc đời, đem lại hạnh phúc thanh bình cho nhơn loại.

    Nhưng than ôi! Đã không được như thế, lại vấp phải căn bịnh cạnh tranh trên hình thức ngày một sôi nổi lên cao, làm cho nhơn loại tăng phần mạnh dạn đổ xô vào con đường chiến tranh mâu thuẫn, mạnh được yếu thua.

    Vậy tôn chỉ lập giáo của Thầy mà là sứ mạng của mỗi con làm cho đường đạo đức được minh hiện rõ ràng trên phương diện thừa truyền thực thọ, để chỉnh đốn tất cả những gì gọi là lầm lạc tội lỗi của thế gian, để nêu cao bức tranh thần hội tổng hợp linh huyền, cho giữa các tôn giáo nhìn lại cái huyễn ngã của mình mà tầm về sự thật.

    Thầy khuyên tất cả các con hãy tránh những sự tự tôn, sự công kích hẹp hòi, sự biện phân chia rẽ giữa nhau mà thu hồi cõi lòng an tịnh, thân yêu hòa ái, đặt theo hướng định Thầy truyền, nhứt là những con Chức sắc, Chức việc, cần trau luyện phẩm độ nhiều hơn, vì là biểu chánh ảnh tùy, gương trong hình sáng. Có như thế, các con mới đủ điều kiện xây dựng cho tiền đồ Đại Đạo ngày một hanh thông sáng tỏ và công tu hành của mỗi con khỏi phải phai nhạt theo thời gian kế hậu....

    Ấy là ngày Đại Đạo hoằng khai, là sự kết quả của nền Chơn đạo vận hành từ chỗ HỮU đi đến chỗ VÔ vậy.

    THI BÀI

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Kể nhơn loại đầu tiên từ thuở,

    Người sanh ra ghi nhớ thiện từ.

    Hồn nhiên một khối vô tư,

    Năm châu tản mát định cư từng vùng.

    Vui lẽ đạo thung dung nhàn lạc,

    Thú thiên nhiên thuần phác cõi lòng.

    Lần hồi tập nhiễm phần đông,

    Mưu cầu lẽ sống tầm trong lợi quyền.

    Chinh phục nhau đặt riêng giai cấp,

    Giữa phú bần cao thấp phân tranh.

    Làm cho mất vẻ thiện thành,

    Cảnh đời mâu thuẫn biến sanh dục tình.

    Thầy, Thượng Đế dưỡng sanh vạn loại,

    Thấy nhơn sanh đi sái chơn truyền.

    NHỨT KỲ chuyển lập phước duyên,

    Đạo trường đem lại hương nguyền vạn linh.

    Chiết Dương quang mượn hình giả thể,

    Tam Giáo đồng đại để nêu lên.

    Nhiên Đăng Cổ Phật tạo nền,

    Định cơ siêu thoát vượt trên cảnh đời.

    Tiếp Hư vô sáng ngời bửu phẩm,

    Nếp Tiên phong sưởi ấm chơn hồn.

    Thái Thượng thuyết hóa cao tôn,

    Minh minh diệu diệu Càn Khôn hiệp thành.

    Hoạch Bát Quái đồ sanh biến hóa,

    Chưởng Thánh thơ giải tỏa nhơn tình.

    Phục Hy khai sáng đạo huỳnh,

    Truyền cơ nhân bản khai sinh giác đồ.

    Miền Đông Á điểm tô ba nhánh,

    Phương Tây Âu một cảnh sơn hà.

    Moïse Thánh thể lập ra,

    Mở đường cứu thế thông qua lý Trời.

    Ba giải pháp một thời sáng tỏ,

    Dạy thế gian lần bỏ tà tâm.

    Cải trang từ chỗ sai lầm,

    Định chơn thần huệ phương châm lưu hành.

    Qua nguơn hội nguồn sanh dinh trưởng,

    Cơ tiêu hao đối tượng theo ngày.

    Theo đà vật dục chuyển xoay,

    Lý đương mòn mỏi đổi thay giả hình.

    Trước trạng thái điêu linh chơn tánh,

    Giữa màn trần tranh cạnh xôn xao.

    Nhấp nhô biển khổ sóng gào,

    Vợi hồn nhơn loại bước vào sông mê.

    NHỊ KỲ chuyển tiếp đề phổ hóa,

    Cho kỷ nguơn thừa hạ minh khai.

    Thích Ca chấn chỉnh Phật đài,

    Lão Đam điều dưỡng thoát thai tiên hành.

    Trên thực tế lưu thanh phẩm độ,

    San định thành công bổ thần quang.

    Trọng Ni Thánh đức dẫn đàng,

    Jésus tiếp chuyển cứu an tục đời.

    Đem giáo lý nơi nơi cảnh tỉnh,

    Tùy cơ năng phân định giác đồ.

    Lập thành thể thống qui mô,

    Phổ thông Chánh pháp diễn phô chơn truyền.

    Thầy biện giải căn nguyên con rõ,

    Lý Tam tông hóa độ xưa nay.

    Để còn hội lãnh trong ngày,

    Khỏi điều sai lạc dở hay hiểu lầm.

    Tiếp Phật độ cao thâm huệ mạng,

    Minh tâm rồi chánh đáng giải mê.

    Tiên gia siêu việt đường về,

    Tu tâm luyện tánh mở đề Hư Vô.

    Phật Tiên vốn khởi hồ thượng đẳng,

    Phải minh trai mới đặng kim đơn.

    Mới thông hư thiệt tuần huờn,

    Chơn hồn trực tiếp linh sơn điểm thành.

    Lòng bác ái từ sanh vạn loại,

    Kịp thú cầm trang trải niềm thương.

    Nuôi cơ cảm ứng thông thường,

    Từ bi phổ cập âm dương vận hành.

    Đường Thánh đạo phân rành xử thế,

    Chỉnh phong cương lập thể đại đồng.

    Chí thành dưỡng tánh tồn tâm,

    Thứ trung, tinh nhứt uyên thâm phước đời.

    Phần Thánh đạo sáng ngời nhân phẩm,

    Định cang thường tưới tẩm thiên lương.

    Hiếu trung tín nghĩa lập trường,

    Dựng xây nền tảng trên đường tu thân.

    Sống giữa cuộc trọng phần hòa lạc,

    Đúc nên người thuần phác thế gian.

    Chánh danh ngôn thuận đoan trang,

    Công bình xử sự một đàng lối chung.

    Thoáng nhận thức hình dung ranh giới,

    Nhưng tinh thần tiến tới không hai.

    Vì rằng Nhân đạo cao dày,

    Mới mong Thiên đạo càng ngày linh thông.

    Cơ nhập thế nếu không trọn cả,

    Mà vội cầu điểm họa kim thân.

    Khác nào lầu cất chín tầng,

    Móng khơi bãi cát bao lần tốn công.

    Nhưng trái lại nếu không Phật pháp,

    Không đoạt cơ linh tháp Tiên gia.

    Thì đâu chứng hưởng bửu tòa,

    Vô vi nhi hiện vượt qua lý đời.

    Bởi thế nên đồng thời sứ mạng,

    Phật, Thánh, Tiên nhứt bản cơ vi.

    Hễ là cách vật trí tri,

    Xử thông Thế đạo đúng kỳ luyện phanh.

    Nhưng yếu tố nay thành nan giải,

    Giữa môn đồ biện giải thấp cao.

    Trọng phần ngã chấp hô hào,

    Không nhìn toàn diện tiếp giao tinh thần.

    Thêm một nỗi chơn thân tiêu tứ,

    Phương thực hành khó giữ vẹn nguyên.

    Bên trong không đạt chí thiền,

    Bên ngoài thủ lệ lệch thiên giả trần.

    Thử xét kỹ từng phần nêu rõ,

    Lời giáo truyền bày tỏ còn ghi.

    Rồi nay thể hiện những gì?

    Gọi rằng cứu cánh mầu vi độ hồn.

    Phật không dạy cao tôn lễ bái,

    Tiên đâu bày tệ hại sát sanh.

    Thánh môn sao chẳng đức thành,

    Ôi! thời Mạt pháp phải đành tổn thương.

    Theo màu sắc biến thường cõi tục,

    Bụi trần nhơ pha đục nguồn Thiên.

    Nổi sôi vật chất kim tiền,

    Làm cho hương vị đạo nguyên lặng lờ.

    Thầy đau đớn con thơ có biết?

    Mỗi một phen phải chiết Linh quang.

    Vì con, con quá bạo tàn,

    Chôn vùi ngọc thể diễn màn trái oan.

    Nay giữa cuộc thương tang kỷ hạ,

    Cả hoàn cầu san phả nghĩa nhân.

    Vòng quanh theo bóng hung thần,

    Dục lòng sát phạt giữ phần lợi danh.

    Danh lợi khổ rấp ranh giờ phút,

    Ác khí tăng từng khúc lên cao.

    Bên Đài Nghiệt Cảnh thét gào,

    Tiếng than đồng loại đẫm màu máu xương.

    Đời đã lắm tai ương dồn dập,

    Đạo còn mang tranh chấp giả hình.

    Duy nguy Đời Đạo nan minh,

    Sông mê nhồi khúc sóng tình nhiễu nhương.

    Đâu tìm thấy an bường cảnh lạc,

    Hỏi nầy con đài các mà chi?

    Màu trần nhuộm vẻ ai bi,

    Sầu đong càng lắc càng khi dẫy đầy.

    TAM KỲ chuyển hội nầy cảnh tỉnh,

    Đưa Nhã thuyền ổn định căn duyên.

    Cao Đài Thầy lập Nam miền,

    Chấn hưng thuyết hóa, khai nguyên mạch hồng.

    Vẹt thành kiến Tây Đông từ thuở,

    Hiệp ngả đường rộng mở Năm Chi.

    Truyền thông đẳng cấp tu trì,

    Phục hồi lý đạo cho y thống đồ.

    Với sứ mạng thể hồ trọng đại,

    Nên trước tiên Thầy giải rõ ràng.

    Qui nguyên Tam giáo chánh đoan,

    Mở đường ái chủng nhân hoàn soi chung....

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhứt nguyên luận

    一元論

    A: Monism.

    P: Monisme.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Nguyên: khởi đầu. Luận: bàn luận.

    Nhứt nguyên luận là học thuyết lấy một nguyên lý duy nhứt làm cơ sở cho tất cả những gì tồn trên thế giới.

    Đối lập với Nhứt nguyên luận là Nhị nguyên luận.

    Có hai phái: Nhứt nguyên luận Duy Tâm và Nhứt nguyên luận Duy Vật. Những người Duy Tâm coi bản nguyên duy nhứt của mọi hiện tượng là tinh thần. Hướng triệt để nhứt của Nhứt nguyên luận Duy Tâm là triết học Hégel, coi Thượng Đế là bản nguyên duy nhứt, là khởi điểm của những tồn tại.

    Nhứt nguyên luận Duy Vật coi vật chất là bản nguyên, là cơ sở của thế giới.

     

  • Nhứt nhứt

    一一

    A: All, without exception.

    P: Tout, sans exception.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát.

    Nhứt nhứt là tất cả, hết thảy không trừ một ai, cái gì cũng thế, từ đầu đến cuối.

     

  • Nhứt nhựt thanh nhàn nhứt nhựt Tiên

    一日清閒一日仙

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Nhựt: ngày. Nhứt nhựt: một ngày. Thanh nhàn: thung dung nhàn hạ. Tiên: vị Tiên.

    Câu trên: Một ngày thanh nhàn là một ngày làm Tiên.

     

  • Nhứt niệm

    一念

    A: An only reflection.

    P: Une seule réflexion.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Niệm: tưởng nghĩ tới, tư tưởng.

    Nhứt niệm là một niệm, một lần tưởng niệm.

    Nhứt niệm cũng có nghĩa là lòng chuyên nhứt chỉ tưởng nghĩ có một điều mình niệm mà thôi. Nhứt niệm thì nhứt tâm, tức là Nhứt tâm thiện niệm: một lòng niệm lành.

    "Nhứt niệm vân giả, tín tâm vô nhị, cố viết nhứt niệm, thị danh vi nhứt tâm." Nghĩa là: Gọi rằng Nhứt niệm, đó là lòng tin không hai, nên nói rằng Nhứt niệm, ấy tên là Nhứt tâm.

    "Nhơn tâm sanh nhứt niệm, Thiên Địa tất giai tri." Nghĩa là: lòng người sanh ra một niệm thì Trời Đất đều biết.

    Bài thi Tịch Đạo nữ phái:

    Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng.

     

  • Nhứt Nương

    一娘

    A: First Muse.

    P: Première Muse

    Nhứt: Thứ nhứt. Nương: người phụ nữ quí phái đáng kính.

    Nhứt Nương là vị Nữ Tiên đứng hàng thứ nhứt trong Cửu vị Tiên Nương DTC, hầu cận Đức Phật Mẫu.

    Nhứt Nương có bửu pháp là đàn tỳ bà, cai quản Vườn Ngạn Uyển nơi từng Trời thứ nhứt của Cửu Trùng Thiên, xem xét các nguyên nhân đang còn sống nơi cõi trần hay đã qui vị.

    Mỗi đoá hoa trong Vườn Ngạn Uyển tượng trưng một nguyên nhân. Khi nguyên nhân tái kiếp xuống trần thì đóa hoa ấy nở, khi nguyên nhân qui vị thì hoa ấy héo tàn. Khi nguyên nhân làm điều đạo đức tốt đẹp thì sắc hoa tươi thắm, khi làm điều thiếu đạo đức thì sắc hoa ủ dột xấu xí.

    Trong một kiếp giáng trần ở nước Việt Nam, Nhứt Nương có tên là HOA, cho nên bài thài hiến lễ Nhứt Nương trong Lễ Hội Yến DTC, có chữ HOA đứng đầu:

    HOA thu ủ như màu thẹn nguyệt,

    Giữa thu ba e tuyết đông về,

    Non sông trải cánh Tiên lòe,

    Mượn câu thi hứng vui đề chào nhau.

    Nhứt Nương có bổn phận chưởng quản Vườn Ngạn Uyển nên ít khi có thời giờ để giáng cơ dạy Đạo.

    Sau đây là vài bài thi của Nhứt Nương khi giáng cơ chung với Cửu vị Tiên Nương, trích riêng ra:

    HOA Tiên vẻ đẹp xinh văn miếu,

    Gót Tiên đưa yểu điệu chơn dung.

    Cung Diêu ghé mắt thư hùng,

    Reo tơ may gặp hội cùng tương tri.

    HOA quỳnh nở trời thơm mấy dặm,

    Lần xem thu lần ngắm qua đông.

    Song mai lạc lối dặm hồng,

    Đề thơ cậy lá ngô đồng rơi tin.

    HOA tươi thắm sắp mừng năm mới,

    Đón chào Tiên đã tới đào nguyên.

    Sông Ngân sắp sẵn con thuyền,

    Chờ ngày đón khách may duyên trở về.

    Chúng tôi sưu tầm được hai bài giáng cơ của Nhứt Nương, xin chép ra sau đây:

    1. Nhứt Nương giáng cơ nói chuyện với Đức Phạm Hộ Pháp và Đức Cao Thượng Phẩm lúc chưa mở đạo, ngày 14-1-1926 (1-12-Ất Sửu).

    Em cám ơn hai anh, Em xin hai anh gắng công học Đạo, dưỡng luyện tinh thần, ắt ngày sau đắc đạo.

    Coi bửu vị làm trọng, đừng ham luyến hồng trần mà phải đọa.

    Đôi lời thành thật, xin hai anh thương tình gìn giữ, mắc hầu, Em không thể nán lại lâu. Em xin kiếu, lâu lâu Em sẽ nói rõ. (ĐS I. 39)

    2. Nhứt Nương giáng cơ nói chuyện với Đức Phạm Hộ Pháp, ngày 12-10-1934 (âl 5-9-Giáp Tuất), Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Thế.

    NHỨT NƯƠNG DTC

    Em khép nép mừng mấy anh và mấy em.

    Hèn lâu Em không đến đặng, khi thì nghe Lục Nương, khi thì nghe Bát Nương nói: Đạo nay thì vầy, mai thì khác, lộn xộn quá chừng.

    Em nghe vậy thì hay vậy, chớ phận sự Ngạn Uyển chưởng hồn đâu có thì giờ rảnh rang đặng đến trò chuyện cùng mấy anh cho thỏa tình hoài vọng.

    Hộ Pháp hỏi: - Em cắt nghĩa Ngạn Uyển chưởng hồn là sao cho Qua rõ.

    - Dạ, Ngạn Uyển chưởng hồn là Vườn Ngạn Uyển trồng hoa, mỗi cái hoa là một chơn hồn của kẻ nguyên nhân, thạnh suy, thăng đọa, chi cũng do nơi khối sanh hoa khi ấy, định sanh mạng của mỗi người, nên phải chăm nom từ tuổi. Em không rảnh đặng là vì vậy.

    Lúc nọ vào chầu Ngọc Hư, lại nghe có lịnh Chí Tôn hiệp cùng Ngọc Hư đặng giao quyền chuyển thế một lúc cho HTĐ.

    Từ Mẫu vốn không thuận tình theo điều ấy, nên có hỏi bởi đâu Thiên thơ chuyển pháp như vậy?

    Lý Trưởng huynh nói rằng: Lập Thiên thơ do quyền của Cực Lạc Thế Giới của Phật di truyền đến buổi Đạo đã bước vào phương chuyển pháp, nên phải giao hồi lại cho CLTG. CLTG lại là HTĐ, nên cả chư Phật mới vừa lòng tùng chơn linh Hộ Pháp giáng linh chuyển thế thì Đạo mới thành.

    Bởi cớ nên Từ Mẫu chẳng lời chi cãi chối đặng, nên Người có gởi cho Hộ Pháp một bài thơ phân trần điều ấy.

    Cười.... Ngày nay đã thấy lẽ Thiên cơ kết quả rõ ràng. Em rất vui mừng, ngày nay đến đặng để lời khen tặng.

    Ôi! mấy người theo rộn quá, nói không hết chuyện. Em kiếu lỗi đặng nhượng cơ cho họ. Thăng.

    DTC: Diêu Trì Cung.

    ÐS. I. 39: Ðạo Sử quyển I trang 39 của NÐS Hương Hiếu.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CLTG: Cực Lạc Thế giới.

     

  • Nhứt phàm phong thuận

    一帆風順

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Phàm: buồm. Phong: gió. Thuận: thuận lợi.

    Nhứt phàm phong thuận là một buồm xuôi gió.

    Ý nói: rất thuận lợi, tiến triển tốt đẹp, không trở ngại.

     

  • Nhứt phiến đan tâm

    一片丹心

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Phiến: tấm, mảnh. Đan: Đơn: màu đỏ.

    Nhứt phiến đan tâm là một tấm lòng son.

    Ý nói: tấm lòng thành thật tốt đẹp như son.

    Nguyên cả câu: Nhứt phiến đan tâm tồn hỏa đỉnh: một tấm lòng son còn lại trong vạc lửa, ý nói son sắt một lòng dù trong nước sôi hay lửa đỏ.

    Nhứt phiến băng tâm: một tấm lòng trong trắng như băng tuyết. Nguyên cả câu: Nhứt phiến băng tâm tại ngọc hồ: một tấm lòng trong trắng như băng ở trong bình ngọc.

     

  • Nhứt tâm thiện niệm

    一心善念

    A: A good thought of all the heart.

    P: Une bonne pensée de tout coeur.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Tâm: lòng dạ. Thiện: lành. Niệm: tưởng nghĩ.

    Nhứt tâm thiện niệm là một lòng tưởng nghĩ điều lành.

    DLCK: Nhược hữu nhơn thọ trì khủng kinh ma chướng, nhứt tâm thiện niệm: Nam mô Di-Lạc.... (Xem: Nhứt niệm)

    DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

     

  • Nhứt thân ức vạn

    一身億萬

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Thân: thân mình. Ức: một trăm ngàn. Ức vạn: trăm ngàn muôn, ý nói số lượng nhiều lắm.

    Nhứt thân ức vạn là một thân mình mà biến ra thành ức vạn thân. Ý nói: phép biến hóa rất huyền diệu.

    TG: Nhứt thân ức vạn, diệu huyền thần biến.

    TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.

     

  • Nhứt thần giáo

    一神教

    A: Monotheism.

    P: Monothéisme.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Thần: vị Thần. Giáo: tôn giáo.

    - Nhứt Thần giáo là tôn giáo chỉ thờ có một vị Thần. Vị Thần ấy là Thượng Đế.

    Nhứt Thần giáo còn được gọi là Độc Thần giáo, chỉ thờ duy nhứt có một vị Thần. Nhứt Thần giáo gồm các tôn giáo sau đây: Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi giáo, v.v....

    - Đa Thần giáo là tôn giáo thờ nhiều vị Thần. Ở thôn quê VN, dân chúng thờ đa Thần: Thần Hoàng Bổn cảnh, Thổ Thần, Thần tài, Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, v.v....

     

  • Nhứt thiên biến

    一千遍

    A: To recite one thousand times.

    P: Réciter une mille fois.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Thiên: ngàn. Biến: một lượt kinh.

    Nhứt thiên biến là tụng bài kinh một ngàn lần.

    KCK: Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn,....

    KCK: Kinh Cứu Khổ.

     

  • Nhứt thiết chư Phật

    一切諸佛

    A: All the Buddhas.

    P: Tous les Bouddhas.

    Nhứt thiết: tất cả, nói gộp hết cả. Chư Phật: các vị Phật

    Nhứt thiết chư Phật là tất cả các vị Phật.

    Nhứt thiết chúng sanh: tất cả chúng sanh.

    DLCK: Nhứt thiết chư Phật, tùng lịnh Di-Lạc Vương....

    DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

     

  • Nhứt thiết giai thành

    一切皆成

    A: All beings are called to become Buddhas.

    P: Tous les êtres sont appelés à devenir Bouddhas.

    Nhứt thiết: tất cả. Giai: đều. Thành: ý nói thành Phật.

    Nói nguyên câu là: Nhứt thiết chúng sanh giai tất thành Phật: tất cả chúng sanh thảy đều thành Phật.

    Kinh Niết Bàn: Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Một mình gã Xiển-đề, tuy báng bổ Kinh Phương Đẳng, gây ra tội ngũ nghịch, phạm bốn điều trọng cấm, nhưng ắt ngày sau cũng sẽ thành đạo Bồ-đề.

     

  • Nhứt thốn quang âm nhứt thốn kim

    一寸光陰一寸金

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Thốn: tấc. Quang âm: sáng tối, ngày đêm, chỉ thời gian. Kim: vàng.

    Câu trên: Một tấc thời gian một tấc vàng, ý nói thì giờ là vàng bạc, rất quí báu.

     

  • Nhứt thống

    一統

    A: To unify.

    P: Unifier.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Thống: hợp cả lại.

    Nhứt thống là thâu tóm tất cả vào một mối.

    CG PCT: Nếu muốn trừ cái hại ấy thì chẳng chi hay hơn là chia đôi nó ra, không cho một người nhứt thống.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Nhứt thời

    一時

    A: A time

    P: Une fois.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Thời: thời gian, lúc.

    Nhứt thời là một lúc, một thời gian ngắn, tạm thời.

     

  • Nhứt tiễn song điêu

    一箭雙雕

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Tiễn: mũi tên. Song điêu: hai con chim điêu.

    Nhứt tiễn song điêu là một phát tên bắn trúng hai con chim điêu. Ý nói: làm một lần mà kết quả được hai việc.

    Thành ngữ nầy đồng nghĩa với: Nhứt cử lưỡng tiện, Nhứt cử lưỡng đắc.

     

  • Nhứt tinh chi hỏa

    一星之火

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Tinh: một chấm nhỏ. Hỏa: lửa. Chi: hư tự.

    Nhứt tinh chi hỏa là một đốm lửa nhỏ.

    Vua Cao Tông có viết rằng:

    Nhứt tinh chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh chi tân,

    Bán cú phi ngôn ngộ tổn bình sanh chi đức."

    Nghĩa là:

    Một đốm nhỏ lửa có thể đốt cháy muôn làn củi,

    Nửa lời nói quấy làm tổn đức bình sanh

    Ý nói: Những việc lớn lao thường xảy ra do những nguyên nhân rất nhỏ.

     

  • Nhứt toán họa phước lập phân

    一算禍福立分

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Toán: tính toán. Họa: tai họa. Phước: may mắn tốt lành. Lập: tạo nên. Phân: chia ra.

    Đây là câu kinh trong bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, có nghĩa là: Chỉ một cái tính toán mà Đức Chí Tôn phân lập ra đâu là điều họa và đâu là điều phước.

     

  • Nhứt Tổ chí Lục Tổ

    一祖至六祖

    A: From the First to the Sixth Patriarch of Chinese Buddhism.

    P: Du Premier jusqu'au Sixième Patriarche du Bouddhisme Chinois.

    Nhứt: Thứ nhứt. Tổ: Tổ Sư, người đứng đầu. Chí: đến.

    Nhứt Tổ: vị Tổ Sư thứ nhứt, còn gọi là Sơ Tổ.

    Lục Tổ: vị Tổ Sư thứ sáu.

    Nhứt Tổ chí Lục Tổ: Đệ nhứt Tổ Sư cho đến Đệ lục Tổ Sư của Phật giáo Trung hoa.

    Phật giáo Ấn Độ, Đức Phật Thích Ca truyền y bát lại cho Ma Ha Ca Diếp làm Nhứt Tổ, rồi truyền dần đến Tổ Sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma.

    Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma đem Phật giáo truyền qua nước Trung Hoa, và Ngài trở thành Sơ Tổ của Phật giáo Trung Hoa.

    · Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền y bát cho Huệ Khả làm Nhị Tổ Phật giáo Trung hoa.

    · Nhị Tổ Huệ Khả truyền y bát cho Tam Tổ Tăng Xán.

    · Tam Tổ Tăng Xán truyền y bát cho Tứ Tổ là Đạo Tín.

    · Tứ Tổ Đạo Tín truyền y bát cho Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.

    · Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát cho LụcTổ Huệ Năng.

    · Từ Lục Tổ Huệ Năng trở về sau, không truyền y bát nữa, chỉ truyền Tâm mà thôi.

    Huệ Năng truyền Tâm pháp cho hai đệ tử đại danh là: Hoài Nhượng và Hạnh Tư.

    Những đệ tử của hai vị Hoài Nhượng và Hạnh Tư chia làm 5 phái Thiền:

    · Lâm Tế Tông.

    · Tào Động Tông.

    · Vĩ Ngưỡng Tông.

    · Vân Môn Tông.

    · Pháp Nhãn Tông.

    Có hai Tông truyền qua Việt Nam là: Lâm Tế Tông và Tào Động Tông.

    TNHT: Vì cớ nào, trước từ Nhứt Tổ chí Lục Tổ thì thờ Thầy ngồi trước, vì trước là lớn, phải vậy.

    Cuốn sử Thiền mở đầu với Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma sang Trung quốc vào năm 520, mang theo một thông điệp thù thắng. Thông điệp ấy được tóm tắt bằng 16 chữ trong bài kệ sau đây:

    KỆ: Hán văn:

    Bất lập văn tự,

    不立文字

    Giáo ngoại biệt truyền,

    敎外別傳

    Trực chỉ nhơn tâm,

    直指人心

    Kiến tánh thành Phật.

    見性成佛

    GIẢI NGHĨA:

    Không lập văn tự,

    Dạy ngoài truyền riêng,

    Chỉ thẳng tâm người,

    Thấy tánh thành PhậtĐạo truyền riêng ngoài kinh điển, trực tiếp, không qua chữ nghĩa, nhắm thẳng vào tâm, chiếu vào tự tánh, thấy tánh thì đắc đạo thành Phật.

    Hai câu đầu định cơ bản lập tông, hai câu sau định phương pháp thể nghiệm. Vì giáo ngoại biệt truyền nên không y cứ theo kinh điển; vì bất lập văn tự nên không cấu tạo tư tưởng lý luận, chỉ có kiến tánh là thành Phật, nên không gì để có thể nói được. Đó là phép trực chỉ tâm truyền vậy. (Theo Thiền Luận của Suzuki).

    I. NHỨT TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA (? - 528)

    Ngài thuộc dòng Sát đế lỵ ở Nam Ấn Độ, cha là vua Hương Chí, Ngài là vương tử thứ ba, thuở nhỏ đã có chí siêu việt và đặc tài hùng biện. Nhơn dịp vua cha thỉnh Tổ Sư Bát Nhã Đa La vào cung để cúng dường, Ngài mới có dịp gặp Tổ Sư. Qua cuộc nghiệm vấn đề hạt châu, Tổ Sư biết Ngài là người siêu quần, có thể kế thừa ngôi Tổ.

    Sau khi vua cha chết, Ngài xin xuất gia và cầu Tổ Sư Bát Nhã Đa La thâu làm đệ tử. Tổ Sư hoan hỷ làm lễ thế phát và truyền giới cụ túc.

    Tổ Sư bảo: - Hoàng tử đối với các pháp đã thông suốt, nay nên đổi hiệu là Bồ Đề Đạt Ma.

    Một hôm, Tổ Sư thấy cơ duyên đã tới nên gọi Ngài Bồ Đề Đạt Ma đến truyền pháp và dặn dò:

    - Đại pháp nhãn tạng của Như Lai lần lượt truyền trao, nay ta trao lại cho ngươi, ngươi khéo truyền bá, chớ cho đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ:

    KỆ: Hán văn:

    Tâm địa sanh chư chủng,

    心地生諸種

    Nhơn sự phục sanh lý,

    人事復生理

    Quả mãn bồ đề viên,

    果滿菩提圓

    Hoa khai thế giới khởi.

    花開世介起

    GIẢI NGHĨA:

    Đất tâm sanh các giống,

    Nhơn sự lại sanh lý,

    Quả đầy bồ đề tròn,

    Hoa nở thế giới sanh.

    Ngâm kệ xong, Tổ Sư nói:

    - Ngươi tạm giáo hóa ở nước nầy, sau sang Trung Hoa mới thật là nhơn duyên lớn, song đợi ta diệt độ khoảng 60 năm sau sẽ đi. Nếu ngươi đi sớm e có việc không tốt.

    Tổ Sư dặn dò xong tất cả các việc thì Tổ Sư tịch.

    Đạt Ma Tổ Sư làm đúng như lời thầy dạy bảo, rồi thấy cơ duyên sang Trung Hoa đã đến, nên vào cung thuật cho vua nghe. Vua bấy giờ là cháu ruột của Đạt Ma Tổ Sư, nên vua sắm cho Ngài một chiếc thuyền buôn, cho thủy thủ đưa Ngài sang Trung quốc. Ngài ngồi thuyền suốt 3 năm mới tới bến Quảng Châu vào năm 520, được vua Lương Võ Đế thỉnh lên kinh đô Kim Lăng. Vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Sư:

    - Trẫm từ lên ngôi đến nay, trẫm cất chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể, có công đức gì không?

    Ngài đáp: - Đều không có công đức.

    Vua nói: - Sao không có công đức?

    Ngài đáp: - Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi Trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

    Vua hỏi: - Thế nào là công đức chơn thật?

    Ngài đáp: - Trí phải thanh tịnh, thể phải lắng không, đó là chơn công đức. Công đức ấy không thể lấy việc thế gian mà cầu được.

    Vua hỏi: - Chân lý cùng tột của đạo Thánh là gì?

    Ngài đáp: - Trống rỗng hồn nhiên, không gì là Thánh.

    Vua hỏi: - Trước mặt Trẫm là ai?

    Ngài đáp: - Không biết.

    Vua Lương Võ Đế không lãnh ngộ được, Ngài Đạt Ma lui về nghỉ, rồi mấy hôm sau, lén sang sông, qua Giang Bắc, vào nước Ngụy, đến ở ẩn tại chùa Thiếu Lâm ở Trung Sơn, trọn ngày ngồi xây mặt vào vách núi im lặng, gọi là Cửu niên diện bích: 9 năm xây mặt vào vách núi.

    Ngày kia có ông tăng tên là Thần Quang, đến viếng Tổ Sư Đạt Ma, nhiệt thành cầu đạo, nhưng Tổ Sư vẫn ngồi yên như không để ý tới. Thần Quang không vì thế nãn lòng, nghĩ rằng, bậc chí Thánh chí Hiền ngày xưa phải trải qua đủ thứ thiên ma bách chiết, mới thành được bổn nguyện. Đêm ấy nhằm tiết mùa Đông có tuyết rơi, Thần Quang dầm mình trong tuyết, đứng chấp tay hướng về Tổ Sư suốt đêm như vậy, tuyết ngập đến gối. Bấy giờ Tổ Sư mới quay lại hỏi:

    - Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu gì?

    Thần Quang nói:

    - Cúi mong Hòa Thượng từ bi mở cửa độ chúng con.

    Tổ Sư nói:

    - Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay! Huống là dùng chút công lao nhỏ nầy mà cầu được pháp chân thừa?

    Thần Quang nghe dạy, bèn lén lấy dao chặt đứt cánh tay trái để trước Tổ Sư để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Tổ Sư biết gặp được pháp khí, bèn nói:

    - Chư Phật lúc phát tâm cầu đạo, vì pháp bỏ thân, nay ngươi chặt cánh tay trước mặt ta, tâm cầu đạo như vậy cũng khá.

    Thần Quang nói:

    - Pháp ấn của chư Phật, con có thể được nghe không?

    - Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà được.

    - Nhưng tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm.

    - Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.

    - Con kiếm mãi mà chẳng thấy tâm đâu cả.

    - Thế là ta đã an cái tâm cho ngươi rồi đó.

    Thần Quang nhơn đó mà khế ngộ.

    Tổ Sư liền đổi hiệu Thần Quang ra là Huệ Khả.

    Từ đây kẻ tăng người tục đua nhau đến yết kiến Tổ Sư, tiếng tăm Tổ Sư nổi lên vang dậy.

    Thấm thoát đã 9 năm, Tổ Sư thấy cơ duyên đã tới, bèn gọi các môn nhân đến bảo:

    - Giờ ta trở về sắp đến, các ngươi mỗi người nên nói chỗ sở đắc của mình cho ta nghe.

    Ông Đạo Phó bạch:

    - Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là chỗ dụng của đạo.

    Tổ Sư bảo: - Ông được phần da của tôi.

    Bà Ni Tổng Trì ra thưa:

    - Chỗ hiểu của con, như Tổ A-Nan thấy nước Phật A Súc (bất động), chỉ thấy một lần, không còn thấy lại.

    Tổ Sư bảo: - Bà được phần thịt của tôi.

    Ông Đạo Dục ra bạch:

    - Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con là không có gì sở đắc hết.

    Tổ Sư bảo: - Ông được phần xương của tôi.

    Đến Huệ Khả bước ra đảnh lễ Tổ Sư, rồi lui lại đứng thẳng, yên lặng, không nói lời nào.

    Tổ Sư bảo: - Ông được phần tủy của tôi.

    Tổ Sư gọi Huệ Khả đến dặn dò:

    - Xưa Như Lai đem đại pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca Diếp, lần lượt truyền đến ta. Nay ta trao lại cho ngươi, ngươi phải truyền trao không để mất. Cùng trao cho ngươi là Y Bát để làm pháp tín, mỗi thứ tiêu biểu một việc, ngươi nên biết.

    Huệ Khả thưa: - Xin thầy từ bi chỉ dạy mọi việc.

    Tổ Sư bảo:

    - Đời sau có nhiều người cạnh tranh nghi ngờ, họ nói ta là người Ấn, ngươi là người Hoa, căn cứ vào đâu mà được pháp, lấy gì minh chứng? Ngươi gìn giữ pháp y nầy, nếu gặp tai nạn, ngươi đem ra làm biểu tín, thì sự giáo hóa không trở ngại. Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y bát nầy dừng lại không truyền, vì lúc đó Phật pháp rất thạnh hành. Chính khi ấy, người biết đạo thật nhiều, còn người hành đạo quá ít, người nói lý thì nhiều mà người ngộ lý thì ít. Tuy nhiên, người thầm thông lặng chứng đạo rất nhiều, gắng xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ.

    Nghe ta nói kệ:

    KỆ: Hán văn:

    Ngô bổn lai tư độ,

    吾本來斯土

    Truyền pháp cứu mê tình,

    傳法救迷情

    Nhứt hoa khai ngũ diệp,

    一花開五葉

    Kết quả tự nhiên thành.

    結果自然成

    GIẢI NGHĨA:

    Ta vốn tới đất nầy,

    Truyền pháp cứu người mê,

    Một bông nở năm cánh,

    Kết quả tự nhiên thành.

    Câu kệ số 3: Tổ Sư cho biết trước, nối tiếp Ngài có năm vị Tổ xiển dương Phật pháp.

    Câu kệ số 4: Tổ Sư cho biết thời kỳ cực thịnh của Thiền Tông Trung Hoa.

    Tổ Sư ngâm kệ rồi nói tiếp:

    - Ta có bộ kinh Lăng Già 4 quyển, là Phật nói tột pháp yếu, giúp cho chúng sanh mở, bày, ngộ, nhập kho tri kiến Phật, nay ta trao luôn cho ngươi. Ta từ Nam Ấn sang đây đã năm phen bị thuốc độc mà không chết, vì thấy xứ nầy tuy có khí đại thừa mà chưa ứng hợp, nên ta lặng lẽ ngồi 9 năm chờ đợi. Nay ta đã truyền trao xong, đã có thủy ắt phải có chung.

    Xong rồi, Tổ Sư cùng với đồ chúng đi đến Võ Môn ở chùa Thiên Thánh, ở đúng 3 hôm thì Tổ Sư an nhiên thị tịch.

    Hôm ấy là ngày 9-10-Bính Thìn (528), nhằm niên hiệu Đại Thông thứ hai nhà Lương. Thể xác của Tổ Sư được đưa đến nhập bửu tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ.

    Về sau, vua nhà Hậu Ngụy sai Tống Vân đi sứ Ấn Độ, khi trở về, gặp Đạt Ma Tổ Sư tại núi Thống Lãnh, thấy Ngài quảy một chiếc dép, đi nhanh như bay.

    Tống Vân hỏi: - Thầy đi đâu?

    Tổ Sư đáp: - Ta về Ấn Độ. Chủ của ông đã chán đời rồi.

    Tống Vân ngẩn ngơ, từ giã Tổ Sư rồi trở về triều, mới hay vua Minh Đế đã băng, vua Hiếu Trang mới lên ngôi.

    Tống Vân đem việc gặp Tổ Sư tâu lại, vua ra lịnh mở cửa tháp và dở quan tài ra xem, thì thấy quan tài trống rỗng, chỉ có một chiếc dép. Vua sắc đưa chiếc dép ấy về thờ nơi chùa Thiếu Lâm.

    II. NHỊ TỔ HUỆ KHẢ (486-593)

    Ngài Huệ Khả họ Cơ tên Quang, quê ở Võ Lao, thuộc dòng tôn thất nhà Châu. Ngài rất thông minh, đọc hết sách của Lão Trang và Kinh Dịch nhưng chưa tìm ra yếu lý. Ngài viễn du tìm thầy học đạo, đến chùa Long Môn gặp Thiền Sư Bảo Tịnh, bèn xin xuất gia. Ngài ngồi thiền trên núi trải 8 năm, một hôm có một vị Thần hiện ra mách bảo: "Ngài không nên ở đây lâu, muốn được đạo quả, hãy đi về phương Nam."

    Hôm sau, trên đầu của Ngài chợt bị đau như kim châm, nên Ngài định đi tìm thuốc trị bịnh, chợt nghe hư không có tiếng nói: "Đây là đổi xương chớ chẳng phải bịnh."

    Ngài đem các việc thuật lại cho Bảo Tịnh nghe, Bảo Tịnh xem trên đầu Ngài thấy xương nổi lên như năm ngọn núi.

    Bảo Tịnh nói:

    - Lạ thay! Ngươi có tướng tốt, ắt tu đắc đạo. Thần lại mách bảo ngươi đi về phương Nam, chắc là bảo đến Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma ở chùa Thiếu Lâm. Nhơn có Thần mách bảo, nên ta đổi hiệu cho ngươi là Thần Quang.

    Ngài Thần Quang liền đi về phương Nam, đến chùa Thiếu Lâm, gặp Đạt Ma Tổ Sư, và sau đó được Tổ Sư truyền Y Bát nối ngôi Tổ, đặt hiệu cho là Huệ Khả. (Xem đoạn I)

    Sau khi Đạt Ma Tổ Sư tịch, Nhị Tổ Huệ Khả sang Bắc Tề hoằng pháp. Một hôm, Nhị Tổ gặp một cư sĩ trạc 40 tuổi, đến đảnh lễ và nói rằng:

    - Đệ tử mang bịnh ghẻ lở đầy mình, xin thầy từ bi vì đệ tử sám tội.

    Nhị Tổ bảo: - Đem tội ra, ta sẽ vì ngươi sám hối.

    Cư sĩ đứng lặng hồi lâu rồi nói:

    - Đệ tử tìm tội không thể được.

    - Ta đã vì ngươi sám hối rồi. Nhưng ngươi nên dựa nương vào Phật, Pháp, Tăng.

    - Hiện giờ đệ tử đã thấy thầy nên biết được Tăng. Chẳng biết thế nào là Phật, Pháp?

    - Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp. Phật Pháp không hai, ngươi có biết đó chăng?

    - Nay đệ tử mới biết tánh tội không ở trong, ngoài, chặng giữa; như tội tâm cũng vậy, thật là Phật pháp không hai.

    Nhị Tổ nghe đáp thế thì rất hoan hỷ, cho thế phát qui y, thâu nhận làm đệ tử, nói:

    - Ngươi là báu vật của ta, ta đặt cho hiệu là Tăng Xán.

    Từ đó, bệnh ghẻ lở của Tăng Xán hết dần.

    Nhị Tổ Huệ Khả thấy đã đến lúc truyền tâm ấn cho Tăng Xán, nên gọi Tăng Xán đến nói:

    - Tổ Bồ Đề Đạt Ma chẳng ngại xa xôi, từ Ấn Độ sang, đem chánh pháp nhãn tạng truyền cho ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với Y Bát, ngươi khéo giữ gìn, chớ để đoạn tuyệt.

    Nghe ta nói kệ:

    KỆ: Hán văn:

    Bổn lai duyên hữu địa,

    本來緣有地

    Nhơn địa chủng hoa sanh,

    因地種花生

    Bổn lai vô hữu chủng,

    本來無有種

    Hoa diệc bất tằng sanh.

    花亦不曾生

    GIẢI NGHĨA:

    Xưa nay duyên có đất,

    Bởi đất giống hoa sanh,

    Xưa nay không có giống,

    Hoa cũng chẳng từng sanh.

    Nói kệ xong, Nhị Tổ Huệ Khả nói tiếp:

    - Ngươi phải tìm nơi núi sâu mà ẩn, không nên đi giáo hóa sớm, trong nước sẽ có nạn.

    Tăng Xán thưa:

    - Thầy biết trước mọi việc, xin thầy dạy con rành rẽ.

    - Đây không phải tự ta nói, mà là lời huyền ký của Tổ Bát Nhã Đa La do Tổ Đạt Ma thuật lại cho ta nghe: Sau khi Tổ nhập Niết bàn 150 năm sẽ có những việc xảy ra như bài kệ nầy:

    Tâm trung tuy kiết ngoại đầu hung,

    Xuyên hạ tăng phòng danh bất trung.

    Vi ngộ độc long sanh võ tử,

    Hốt phùng tiểu thử tịch vô cùng.

    Nghĩa là:

    Trong tâm tuy cát ngoài đầu hung,

    Đất xuyên phòng tăng tên chẳng trung,

    Vì gặp độc long sanh con võ,

    Chợt nghe chuột nhỏ lặng vô cùng.

    Nhị Tổ Huệ Khả nói tiếp:

    - Xét về niên số thì nhằm đời của ngươi, ngươi cố gắng gìn giữ. Ta còn cái nợ ngày trước, nay cần phải trả.

    Nhị Tổ Huệ Khả truyền Y Bát cho Tăng Xán xong thì Ngài đi qua xứ Nghiệp Đô thuyết pháp độ sanh ngót 34 năm.

    Sau đó, Ngài thay đổi đạo phục, giả dạng người thường, len lỏi trong chốn nhân gian tùy duyên hóa độ, không ai biết được gốc tích của Ngài là Nhị Tổ.

    Ngày kia, Ngài đến huyện Quản Thành, ở trước tam quan chùa Khuôn Cứu, thuyết pháp đạo vô thượng, nhằm lúc Hòa Thượng trụ trì chùa Khuôn Cứu là Biện Hòa đang giảng kinh Niết Bàn, thính giả trong chùa từ từ rút lui bỏ Hoà Thượng Biện Hòa, ra tam quan nghe Ngài thuyết pháp. Biện Hoà bực tức, đi cáo gian với quan Ấp Tể tên Dịch Trọng Khản rằng: Có một ông sư đang giảng tà thuyết, làm việc phi pháp.

    Dịch Trọng Khản không biết nhận xét, cứ nghe theo Biện Hòa, cho lính bắt Sư gia hình. Sư không kêu ca chi cả, mặc nhiên thừa nhận, để trả nợ trước cho xong, cuối cùng Sư thị tịch, không ai biết Sư là Nhị Tổ Huệ Khả. Năm đó là năm 593, Nhị Tổ Huệ Khả thọ 107 tuổi.

    III. TAM TỔ TĂNG XÁN (? - 606)

    Không ai biết gốc gác của Ngài Tăng Xán, chỉ biết Ngài với thân hình bị ghẻ lở đến làm lễ Nhị Tổ xin sám tội, nhơn đối đáp với Nhị Tổ mà ngộ đạo và được Nhị Tổ đặt hiệu cho là Tăng Xán. Tăng Xán theo hầu Nhị Tổ được hai năm thì được Nhị Tổ truyền Y Bát làm Tam Tổ Phật giáo Trung hoa.

    Nhị Tổ dặn Tam Tổ phải ẩn dạng lánh nạn phương xa. Tam Tổ đến ở ẩn nơi núi Hoàng Công thuộc Thư Châu.

    Đời vua Châu Võ Đế ra lịnh diệt Phật pháp (561), Ngài Tăng Xán sang ở núi Tư Không huyện Thái Hồ, Ngài ít khi ở lâu một chỗ, nên hơn 10 năm mà không ai biết tông tích.

    Trong thời gian ở tại núi Tư Không, một sư người Ấn tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Trung hoa cầu pháp, gặp Ngài xin làm đệ tử. Ngài Tăng Xán truyền cho tâm ấn và bảo đi qua phương nam mà tiếp độ nhơn sanh.

    Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến nước Việt Nam, mở ra phái Thiền đầu tiên ở VN, và Tỳ Ni Đa Lưu Chi trở thành Tổ Sư Thiền Tông Việt Nam, Ngài tịch năm 594 đời Hậu Lý Nam Đế.

    Đến năm thứ 12 đời Nhà Tùy, niên hiệu Khai Hoàng, Ngài Tăng Xán mới tìm được bậc pháp khí để truyền ngôi Tổ, người đó là Đạo Tín.

    Đạo Tín bạch:

    - Xin Tổ Sư từ bi chỉ cho đệ tử con đường giải thoát.

    Tam Tổ hỏi: - Ai trói buộc ngươi?

    Đạo Tín bạch: - Không ai trói buộc hết.

    Tam Tổ nói: - Vậy sao ngươi còn cầu giải thoát?

    Đạo Tín nghe xong thì phát ngộ, bỏ công 9 năm khổ cầu.

    Tam Tổ biết cơ duyên đã đến, bèn trao Y Bát cho Đạo Tín kế tục làm Tứ Tổ Phật giáo Trung hoa.

    Tam Tổ Tăng Xán nói:

    - Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay ta trao lại cho ngươi cùng Y Bát, ngươi gắng công gìn giữ. Nghe ta nói kệ:

    KỆ: Hán văn:

    Hoa chủng tuy nhơn địa,

    花種雖因地

    Tùng địa chủng hoa sanh,

    從地種花生

    Nhược vô nhơn hạ chủng,

    若無人下種

    Hoa địa tận vô sanh.

    花地盡無生

    GIẢI NGHĨA:

    Giống hoa tuy nhơn đất,

    Từ đất giống hoa sanh,

    Nếu không người gieo giống,

    Hoa, đất trọn không sanh

    Dặn dò xong mọi việc, Tam Tổ Tăng Xán đi ngao du hai năm, rồi trở về Châu Thư, ngụ tại chùa Sơn Cốc. Dân chúng trong vùng biết được, kéo đến rất đông. Tam Tổ đăng đàn thuyết pháp cho tứ chúng nghe, rồi Ngài đứng dưới cội cây đại thọ, chấp tay thị tịch, nhằm ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần niên hiệu Đại nghiệp (602) đời nhà Tùy.

    Tam Tổ Tăng Xán có đặt ra bài "Tăng Xán Tín Tâm Minh" là một tác phẩm trọng yếu của Thiền tông, luận giải tông chỉ đạo Thiền, rất có giá trị.

    IV. TỨ TỔ ĐẠO TÍN (580-651)

    Ngài Đạo Tín họ Tư Mã, tổ tiên quê ở Hà Nội, sau dời về Kỳ Châu mới sanh ra Ngài.

    Năm 14 tuổi, Ngài là một Sa di, gặp Tam Tổ Tăng Xán cầu xin pháp môn giải thoát, được Tổ Sư khai ngộ cho. Ngài theo hầu Tổ trong 9 năm thì được Tam Tổ Tăng Xán truyền pháp và Y Bát, làm Tứ Tổ Phật giáo Trung hoa.

    Đời Đường, niên hiệu Trinh Quán thứ tư (năm 630), Tứ Tổ Đạo Tín thấy nơi núi Ngưu Đầu có khí tượng, biết nơi đây có dị nhân ở, liền trèo lên núi gặp sư Pháp Dung đang ngồi thiền trên một tảng đá.

    Tứ Tổ đến hỏi: - Ở đây làm gì?

    Pháp Dung đáp: - Quán tâm.

    Tứ Tổ hỏi: - Quán là người nào? Tâm là vật gì?

    Pháp Dung không đáp được, bèn đứng dậy làm lễ nói:

    - Đại Đức an trụ nơi nào?

    - Bần tăng không có chỗ nhứt định, hoặc đông hoặc tây.

    - Ngài biết Thiền sư Đạo Tín không?

    - Vì sao hỏi đến ông ấy?

    - Vì nghe danh đức đã lâu, khao khát muốn đến lễ yết.

    - Bần đạo là Đạo Tín đây.

    - Vì sao Ngài quang lâm đến đây?

    - Vì tìm đến thăm ngươi, có chỗ nào nghỉ ngơi chăng?

    - Riêng có cái am nhỏ.

    Pháp Dung liền dẫn Tứ Tổ đến am, chung quanh am toàn là cọp, sói, con nằm con đứng lăng xăng. Tứ Tổ khoát tay như có vẻ sợ hãi.

    Pháp Dung hỏi: - Ngài vẫn còn cái đó sao?

    Tứ Tổ hỏi lại: - Cái đó là cái gì?

    Pháp Dung không đáp được. Giây lát, Tổ Sư đến tấm đá của Pháp Dung ngồi vẽ một chữ PHẬT. Pháp Dung giựt mình.

    Tổ Sư hỏi: - Vẫn còn cái đó sao?

    Pháp Dung không hiểu, bèn đảnh lể xin Tổ Sư chỉ dạy chỗ chân yếu. Tổ Sư bảo:

    - Trăm ngàn pháp môn đồng về một tấc vuông. Diệu đức như hà sa thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả môn: Giới, Định, Huệ, Thần thông biến hóa, thảy đều đầy đủ nơi tâm người, tất cả phiền não xưa nay đều không lặng, tất cả nhơn quả đều như mộng huyễn, không có tam giới có thể ra, không có bồ đề có thể cầu. Người, cùng chẳng phải người, tánh tướng đều bình đẳng. Đại Đạo thênh thang rộng lớn, bặt suy dứt nghĩ, cái pháp như thế, nay ngươi đã được không khiếm khuyết, thì đồng với chư Phật, ngoài ra chẳng Pháp nào khác. Ông cứ tự tại mà nhiệm tâm, đừng theo quán hạnh, cũng chớ trừng tâm, chớ nổi tham sân, chớ mang sầu lự, cứ thản nhiên vô ngại, chẳng làm lành, chẳng làm dữ, đi đứng nằm ngồi cứ tùy duyên mà cảm nghĩ, đó toàn là chỗ diệu dụng khoái lạc vô ưu của Phật, có thế mới gọi là Phật.

    Pháp Dung hỏi:

    - Tâm đã như vậy, cái nào là Phật? cái nào là tâm?

    Tổ Sư đáp: - Chẳng phải tâm thì không hỏi Phật, hỏi Phật thì chính là tâm.

    Pháp Dung hỏi: - Đã bảo chẳng tu quán hạnh thì khi cảnh khởi lên, tâm làm sao đối trị?

    Tổ Sư đáp: - Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu là tại nơi tâm. Tâm ví chẳng đặt ra, vọng tình theo đâu mà dậy? Vọng tình đã chẳng dậy thì chơn tâm cứ nhiệm vận mà tỏ tường. Ông chỉ nên tự tại mà tùy tâm, chẳng cần phải đối trị. Đó tức là thường trụ pháp thân, chẳng gì sai khác.

    Ta thọ pháp môn Đốn giáo của Tam Tổ Tăng Xán, nay ta trao lại cho ngươi. Ngươi nhớ lời dặn của ta, ngươi cứ ở núi nầy, sau có 5 vị đến đây nối tiếp giáo hóa.

    Một hôm, Tứ Tổ đi đến huyện Huỳnh Mai, giữa đường gặp một đứa bé dáng vẻ khôi ngô, chừng 7 tuổi.

    Sư hỏi bé:

    - Ngươi tên họ là gì?

    Đứa bé ấy đáp:

    - Họ thì có mà không phải họ thường.

    - Là họ gì?

    - Họ Phật.

    Tổ Sư nhìn những người thị tùng nói:

    - Đứa bé nầy không phải là hạng phàm, sau sẽ làm Phật pháp hưng thịnh.

    Sư cùng thị tùng tìm đến nhà mẹ của đứa bé, thuật lại những lời đối đáp lạ thường của nó vừa qua, rồi xin mẹ đứa bé cho nó xuất gia. Mẹ của nó đồng ý và Tứ Tổ nhận đứa bé ấy làm đệ tử , đặt hiệu cho là Hoằng Nhẫn.

    Về sau, Tứ Tổ Đạo Tín thấy cơ duyên đã đến nên gọi Hoằng Nhẫn để truyền Y Bát. Tứ Tổ nói:

    - Xưa Như Lai truyền chánh pháp nhãn tạng chuyển đến ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với Y Bát. Ngươi cố gắng truyền trao không cho dứt bặt. Nghe ta nói kệ:

    KỆ: Hán văn:

    Hoa chủng hữu sanh tánh,

    花種有生性

    Nhơn địa hoa sanh sanh,

    因地花生生

    Đại duyên dữ tín hiệp,

    大緣與信合

    Đương sanh sanh bất sanh.

    當生生不生

    GIẢI NGHĨA:

    Giống hoa có tánh sống,

    Nhơn đất hoa nẩy mầm,

    Duyên lớn cùng tín hợp,

    Chính sanh, sanh chẳng sanh.

    Tứ Tổ lại nói:

    - Trước ta có lên núi Lô Sơn nhìn về núi Phá Đầu, thấy một vầng mây tía giống như cái lọng, dưới phát ra lằn hơi trắng chia ra 6 đường, ngươi cho là điềm gì?

    - Đó là điềm sau Hòa Thượng con cháu sẽ chia thêm một nhánh Phật pháp.

    - Hay thay! Ngươi khéo biết đó.

    Đến niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ hai (năm 651) đời Đường, ngày mùng 4 - 9 nhuần - Tân Hợi, Tứ Tổ gọi môn nhân vào dặn:

    - Tất cả các pháp thảy đều giải thoát, các ngươi phải tự gìn giữ và giáo hóa đời sau.

    Nói xong, Tứ Tổ Đạo Tín ngồi an nhiên thị tịch, thọ 72 tuổi. Môn nhơn xây tháp thờ tại núi Phá Đầu.

    V. NGŨ TỔ HOẰNG NHẪN (601-674)

    Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn quê ở Kỳ Châu, huyện Huỳnh Mai, thuở nhỏ rất thông minh, xinh đẹp. Có ông thầy xem tướng khen rằng: "Đứa bé nầy có đầy đủ tướng tốt, chỉ thua Phật bảy tướng thôi."

    Năm 7 tuổi, Hoằng Nhẫn gặp Tứ Tổ Đạo Tín, được Tổ Sư thâu làm đệ tử , đặt pháp danh là Hoằng Nhẫn.

    Theo Thiền Sử, gốc tích của Ngài Hoằng Nhẫn rất huyền diệu phi thường, xin chép ra sau đây:

    Khi Tổ Sư Đạo Tín đi viếng núi Long Phong, giữa đường gặp một vị sư già trồng tòng, người ta gọi ông là Tài Tòng Đạo giả. Vị sư già ấy hỏi Tổ Sư Đạo Tín:

    - Đạo pháp của Như Lai có thể cho tôi nghe được chăng?

    Tổ Sư đáp:

    - Tuổi của ông đã già, dù có nghe được cũng không hoằng hóa kịp. Nếu có tái sanh được thì ta cũng nán chờ.

    Đạo giả nghe vậy rồi từ tạ đi xuống núi, đến huyện Huỳnh Mai, thấy một cô gái đang giặt áo ở bờ sông, ông đến chào và hỏi: - Nhà cô ở gần xa, cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ được chăng?

    Cô đáp: - Tôi còn cha mẹ, không dám tự quyền, mời sư vào nhà hỏi cha mẹ tôi thì hơn.

    Đạo giả nói:

    - Nhưng cô có bằng lòng không, xin cho tôi biết.

    Cô đáp: - Riêng tôi thì bằng lòng.

    Đạo giả nghe cô hứa chịu, bèn trở về núi, ngồi ngay thẳng viên tịch.

    Cô gái kia là con út của nhà họ Châu, sau khi hứa lời với Đạo giả, thì không bao lâu tự nhiên có thai. Cha mẹ cô thấy con gái không chồng mà lại có thai, làm ô nhục gia phong, nên đuổi cô đi khỏi nhà.

    Cô đang tuổi trẻ mà bỗng nhiên mang khổ, sống bơ vơ không nơi nương tựa, làm công việc kéo chỉ mướn nuôi sống qua ngày. Đến ngày khai hoa, cô sanh được một đứa bé trai rất xinh đẹp. Nhưng vì xấu hổ không chồng mà lại có con, cô đành đem đứa bé thả xuống sông. Sáng ngày cô ra xem, thấy đứa bé ngồi xếp bằng trên mặt nước mà khí sắc tươi tỉnh lạ thường. Cô lấy làm lạ, vừa xót thương, liền bồng con đem về nuôi dưỡng.

    Đến năm đứa bé được 7 tuổi, nó đứng chơi giữa đường, như có ý đón đường Tổ Sư Đạo Tín, gặp Đạo Tín, đứa bé đối đáp phi thường, như đã thuật ở đoạn trên.

    Tổ Sư đặt hiệu cho nó là Hoằng Nhẫn, có nghĩa là: Mẹ nhẫn nhục nuôi con, cũng có nghĩa là Tổ Sư kiên nhẫn chờ đứa bé khôn lớn để truyền pháp.

    Theo truyện nầy, đứa bé ấy là hậu thân của Tài Tòng Đạo giả.

    Đạo trường của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn lập ra tại núi Huỳnh Mai, có khoảng hơn 500 đồ chúng.

    Chúng ta có thể coi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn khởi đầu cho một khúc quanh quyết định trong Thiền tông, để cho vị Tổ Sư thứ sáu là Lục Tổ Huệ Năng mở thông hết Thiền môn.

    Trước thời Ngũ Tổ, các Tổ Sư chỉ hoằng hóa trong im lặng, lánh ẩn trên núi cao, ít người biết tới. Nhưng cơ duyên đã tới để công khai cổ võ đạo Thiền, và Ngũ Tổ là người đầu tiên xuất hiện giữa đại chúng, dọn đường cho người kế vị là Lục Tổ.

    VI. LỤC TỔ HUỆ NĂNG (638-713)

    (Yêu cầu xem chữ: Lục Tổ Huệ Năng, vần L)

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhứt trần bất nhiễm

    一塵不染

    A: Unstained by even a particle of dust.

    P: Pas un grain de poussière ne l'atteint.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Trần: bụi. Bất: không. Nhiễm: nhuốm vào.

    Nhứt trần bất nhiễm là một hạt bụi cũng không nhuốm vào. Ý nói: Dù ở nơi cõi trần nhưng không nhiễm trần, rất thanh cao trong sạch.

     

  • Nhứt Trấn Oai Nghiêm

    一鎮威嚴

    A: The first of Three Spiritual Governors of Caodaism.

    P: Le Premier de Trois Gouverneurs Spirituels du Caodaïsme.

    Nhứt: Thứ nhứt. Trấn: gìn giữ cho yên. Oai Nghiêm: rất nghiêm trang đáng nể sợ.

    Nhứt Trấn Oai Nghiêm là Đấng thứ nhứt trong Tam Trấn Oai Nghiêm của Đạo Cao Đài. Đó là Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch. Ngài còn kiêm nhiệm chức vụ Giáo Tông ĐĐTKPĐ.

    (Xem: Tam Trấn Oai Nghiêm, vần T).

    TNHT: Lão hạ mình bỏ quyền Nhứt Trấn, lãnh việc Giáo Tông mà lập vị cho đoàn em bước tới.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

     

  • Nhứt triêu nhứt tịch

    一朝一夕

    A: Each morning and each evening.

    P: Chaque matin et chaque soir.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Triêu: buổi sáng sớm. Tịch: buổi chiều tối.

    Nhứt triêu nhứt tịch là mỗi buổi sáng sớm và mỗi buổi chiều tối.

    PMCK: Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • Nhứt trường xuân mộng

    一場春夢

    A: A spring dream.

    P: Un songe printanier.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Trường: nơi tụ tập đông đảo nhiều người. Xuân: mùa xuân. Mộng: giấc chiêm bao.

    Nhứt trường xuân mộng là một giấc mộng xuân, ý nói: sự giàu sang phú quí của con người nơi cõi trần như là một giấc mộng đẹp.

    Điển tích: Sách Hầu Tinh Lục của Triệu Kim Thời chép: Trong thời gian ông Tô Đông Pha cư ngụ tại đất Xương Hóa, ông hay đeo một cái bầu lớn sau lưng, đi rong chơi trong vùng, thỉnh thoảng lại ca hát, thật là vui vẻ an nhàn.

    Bỗng Tô Đông Pha gặp một bà lão, bà ấy nói:

    - Thật những ngày phú quí khi trước của ông chẳng khác chi một trường xuân mộng.

    Người trong vùng nghe được chuyện nầy thuật lại, nhưng không biết bà lão tên gì, ở đâu, mới gọi là Xuân Mộng Bà.

    Do đó, trong văn chương hay dùng chữ: Trường xuân mộng, Một tràng mộng xuân, để chỉ việc công danh phú quí như là giấc mộng đẹp.

    Nhứt trường xuân mộng đồng nghĩa: Huỳnh lương mộng, Mộng Nam Kha.

     

  • Nhứt tự thiên kim

    一字千金

    A: One character is worth a thousand ounces of gold.

    P: Un mot vaut mille onces d'or.

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Tự: chữ. Thiên kim: ngàn vàng.

    Nhứt tự thiên kim là một chữ đáng giá ngàn vàng.

    Ý nói: văn chương trác tuyệt, không chê vào đâu được.

    Điển tích: Truyện Lã Bất Vi.

    Khi Tần Thủy Hoàng mới lên làm vua, Lã Bất Vi làm Tể Tướng. Trong nhà họ Lã có nuôi nhiều tân khách, trong đó có nhiều kẻ sĩ tài giỏi. Họ Lã nghe các vị nầy bàn về học vấn, dần dần ông nảy ra ý định tập hợp họ lại để viết ra một bộ sách có giá trị, lưu lại đời sau, dương danh ư hậu thế.

    Lã Bất Vi chọn ra vài chục người có học thức uyên bác, dựa theo quan điểm của ông, làm ra bộ sách tổng hợp các tư tưởng của Nho gia, Đạo gia, Danh gia, Pháp gia, Mặc gia, Âm Dương gia, đặt tên là LÃ THỊ XUÂN THU. Bộ sách nầy khá vĩ đại, gồm trên 20 vạn lời, và dùng sách nầy làm kinh điển cho nước Tàu thời nhà Tần.

    Lã Bất Vi vô cùng đắc ý, nên ra lịnh cho treo bộ Lã Thị Xuân Thu ngay giữa chợ kinh thành Hàm Dương, tuyên bố:

    "Bố Hàm Dương thị môn, huyền thiên kim kỳ thượng, diên chư Hầu du sĩ tân khách hữu năng tăng tổn nhứt tự giả dư thiên kim." nghĩa là: Công bố ở chợ Hàm Dương, treo cao giải thưởng ngàn vàng, mời các du sĩ, tân khách các chư Hầu, có thể thêm hoặc bớt một chữ sẽ được thưởng ngàn lạng vàng.

    Qua hơn một tháng, hàng vạn người đến thưởng lãm bộ sách Lã Thị Xuân Thu, nhưng không có người nào dám lên tiếng chỉ trích khuyết điểm của sách.

    Lã Bất Vi vô cùng thích chí, cho sao chép ra mấy trăm bản để truyền đi các nước chư Hầu, nhờ đó mà tên tuổi của ông ta được cả thiên hạ biết tới.

    Nhứt tự thiên kim đồng nghĩa: Nhứt tự nhứt châu, mỗi chữ là một hạt châu.

     

  • Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư

    一字為師,半字為師

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Tự: chữ. Vi: là. Sư: thầy. Bán: phân nửa.

    Nhứt tự vi sư: Một chữ là thầy.

    Bán tự vi sư: Nửa chữ là thầy.

    Ý nói: Dù học với một người nào, học được một chữ hay được nửa chữ thì cũng phải tôn trọng người đó là thầy, chớ không phải đợi học được nhiều mới tôn người ta là thầy.

    Thành ngữ nầy nói lên tinh thần tôn sư trọng đạo của các dân tộc trong ảnh hưởng của Nho giáo.

    Điển tích: Sách Ngũ Đại Sử Bổ của ĐàoNhạc đời Tống chép: Lúc Trịnh Cốc ở Viên Châu, Tề Dĩ đến yết kiến, đưa ra bài thơ nhan đề Tảo Mai (mai nở sớm) xin Trịnh Cốc chỉ giáo.

    Trịnh Cốc đọc kỹ bài thơ, ông thấy trong bài Tảo Mai có hai câu:

    Tiền thôn thâm tuyết lý,

    前村深雪里

    Tạc dạ sổ chi khai

    昨夜數枝開

    GIẢI NGHĨA:

    Trước làng trong tuyết dày,

    Đêm qua nở mấy nhành mai.

    Trịnh Cốc nói:

    - Hoa mai mà đã nở mấy nhành thì đâu gọi là sớm được nữa, chi bằng đổi chữ SỔ thành chữ NHỨT thì hay hơn.

    Tề Dĩ nghe xong, cảm thấy Trịnh Cốc nói rất có lý, bèn cung kính bái một bái, biểu thị lòng thành thật kính trọng.

    Người ta coi Trịnh Cốc là thầy một chữ của Tề Dĩ vậy.

     

  • Nhứt tướng công thành vạn cốt khô

    一將功成萬骨枯

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Tướng: vị tướng chỉ huy binh sĩ đánh giặc. Công thành: làm nên chiến công. Cốt khô: xương khô.

    Câu trên có nghĩa là: Một ông tướng làm nên công trận thì phải có hàng vạn binh sĩ chết khô nơi mặt trận.

     

  • Nhứt vãng nhứt lai

    一往一來

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Vãng: đi qua. Lai: tới. Vãng lai: qua lại.

    Nhứt vãng nhứt lai là mỗi lần đi qua, mỗi lần đi lại, tức là mỗi khi đi đầu kiếp xuống cõi trần, mỗi khi thoát xác trở về.

    PMCK: Độ chơn thần nhứt vãng nhứt lai.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • Nhứt vô sở hữu

    一無所有

    Nhứt: Thứ nhứt, một, mỗi một, đứng đầu, hơn hết, thống nhứt, tổng quát. Vô: không. Sở: thuộc về mình. Hữu: có.

    Nhứt vô sở hữu là một cái cũng không có của mình, tức là không có gì thuộc về mình.

    Nhứt vô sở tri: Cái gì cũng không biết.

    Nhứt vô sở trường: Không có chỗ nào là giỏi cả.

     

  • NHỰT

    NHỰT: 日 Mặt trời, ngày, ban ngày.

    Td: Nhựt để, Nhựt nguyệt.

     

  • Nhựt để

    日底

    A: The daily report.

    P: Le rapport journalier.

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Để: cái đáy, cuối hết.

    Nhựt để là tờ báo cáo công việc xảy ra cuối mỗi ngày.

    CG PCT: Mỗi ngày phải chạy tờ nhựt để cho Chánh Trị Sự hiểu điều động tịnh trong địa phận của mình.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Nhựt nguyệt

    日月

    A: The sun and the moon.

    P: Le soleil et la lune.

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Nguyệt: mặt trăng.

    Nhựt nguyệt là mặt trời và mặt trăng.

    Gương nhựt nguyệt: Gương sáng như mặt trời mặt trăng.

    TNHT: Đời rạng lưu tồn gương nhựt nguyệt.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Nhựt nguyệt chi quang

    日月之光

    A: The sunlight and the moonlight.

    P: La lumière solaire et la lumière lunaire.

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Nguyệt: mặt trăng. Quang: ánh sáng.

    Nhựt nguyệt chi quang là ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.

    TG: Càn khôn oát vận, Nhựt nguyệt chi quang,....

    TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.

     

  • Nhựt nguyệt mạo

    日月帽

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Nguyệt: mặt trăng. Mạo: cái mão.

    Nhựt nguyệt mạo là cái mão có hình dáng tượng trưng mặt trời và mặt trăng. Đó là mão của Chức sắc HTĐ.

    ■ Cái vòng tròn úp lên đầu là thể Nhựt hình, tức là cái hình tròn giống như mặt trời.

    ■ Phía bên trên của mão có hình giống như nửa hình tròn, tức là hình bán nguyệt, thể Nguyệt hình.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

     

  • Nhựt nguyệt như thoa

    日月如梭

    A: The sun and the moon go like a shuttle.

    P: Le soleil et la lune vont comme la navette.

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Nguyệt: mặt trăng. Thoa: cái thoi dệt vải.

    Nhựt nguyệt như thoa là mặt trời mặt trăng đi mau như cái thoi. Ý nói: ngày tháng qua mau như thoi đưa.

    Nhựt nguyệt thôi nhân: Ngày tháng đẩy người.

    Ý nói:

    - Thời gian thúc giục con người làm việc.

    - Thời gian đẩy con người vào quá khứ.

     

  • Nhựt nhu ngoạt nhiễm

    日濡月染

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Nhu: thấm ướt. Ngoạt: Nguyệt: tháng. Nhiễm: nhuốm vào.

    Nhựt nhu ngoạt nhiễm là những việc làm qua ngày tháng thấm sâu vào dần dần thành thói quen.

    KSH: Năng làm phải nhựt nhu ngoạt nhiễm.

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • Nhựt nhựt tân

    日日新

    A: Always renewed.

    P: Toujours renouvelé.

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Nhựt nhựt: mỗi ngày một.... Tân: mới.

    Nhựt nhựt tân là mỗi ngày một mới.

    Trong sách Đại Học của Nho giáo, phần thích nghĩa chữ Tân Dân, có viết: "Thang chi bàn minh viết: Cẩu nhựt tân, nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân." Nghĩa là:

    Cái chậu tắm của vua Thành Thang có khắc dòng chữ: Nếu ngày mới, mỗi ngày một mới, lại ngày mới. (Cẩu: Nếu, ví dầu. Bàn: Bồn: cái chậu. Minh: chạm khắc. Hựu: lại nữa.)

    Vua Thành Thang là vị vua sáng lập nhà Thương, đã khắc vào cái chậu tắm một câu để nhắc nhở mình hằng ngày. Nhà vua muốn lấy việc tắm rửa mà tự giới, ngày nào cũng phải lo làm sao cho thanh sạch, tẩy trừ các thứ cũ kỹ là các thứ đồ dơ nơi mình. Những thứ của ngày hôm trước để lại hôm sau đã thành ra cũ. Mỗi ngày một mới, nếu mình không lo đổi mới thì không còn hợp thời tương xứng, không thể thích ứng nữa.

    Một nguyên nhân của các thất bại là vì lạc lỏng và rời rạc, không phù hạp với khung cảnh ngoại giới và nội tâm.

    Muốn được thành công, cần phải làm thế nào theo kịp không gian và thời gian, nên cần phải đổi mới. Công việc như thế không thể gián đoạn vì đương sống trong cuộc biến chuyển tuần hoàn, không có một việc gì dừng lại. Chính mình phải đổi mới luôn luôn.

    Nhựt tân nguyệt dị: Nguyệt: tháng. Dị: khác.

    Nguyệt dị là mỗi tháng mỗi khác.

    Nhựt tân nguyệt dị là mỗi ngày một mới, mỗi tháng một khác. Ý nói: Ngày tháng càng đi qua, sự đời càng biến đổi.

     

  • Nhựt thượng tam can

    日上三竿

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Thượng: lên trên. Tam: ba. Can: cây sào.

    Nhựt thượng tam can là mặt trời đã lên ba sào.

    Ý nói: trưa trễ lắm rồi.

     

  • Nhựt trình

    日程

    A: Daily newspaper.

    P: Journal, Quotidien.

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Trình: báo cho biết.

    Nhựt trình là báo cho biết tin tức mỗi ngày.

    Thuở xưa gọi là Nhựt trình, ngày nay gọi là Nhựt báo, thường gọi là Tờ báo hay Báo, là tờ giấy in tin tức mỗi ngày.

     

  • Nhựt tụng

    日誦

    A: Daily breviary.

    P: Le bréviaire journalier.

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Tụng: đọc có giọng điệu.

    Nhựt tụng là tụng đọc hằng ngày.

    Kinh nhựt tụng: những bài kinh dùng để tụng hằng ngày trong 4 thời cúng: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, nơi Thánh Thất cúng Đức Chí Tôn hay nơi Điện Thờ cúng Đức Phật Mẫu.

    Những bài Kinh nhựt tụng nầy còn được gọi là Kinh Cúng Tứ Thời.

     

  • Nhựt xuất nhi tác

    日出而作

    Nhựt: Mặt trời, ngày, ban ngày. Xuất: đi ra. Nhi: mà. Tác: làm.

    Nhựt xuất nhi tác là mặt trời mọc thì làm việc.

    Thời vua Nghiêu, thiên hạ an vui thái bình, trăm họ vô sự, có những cụ già tám chín mươi tuổi chơi trò kích nhưỡng mà hát rằng: "Nhựt xuất nhi tác, nhựt nhập nhi tức, tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực. Đế lực ư ngã hà hữu tai!"

    Nghĩa là: Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ, đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn. Công sức của vua nào có đối với ta!