Cao Đài Tự Điển - Vần P
ID017801 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần P 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • PHÁ

    PHÁ: 破 Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng.

    Td: Phá chấp, Phá cổ, Phá giới.

     

  • Phá chấp - Phá mê

    破執-破迷

    A: To destroy the stubbornness - To destroy the passion.

    P: Détruire l'opiniâtreté - Détruire la passion.

    Phá: Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng. Chấp: giữ chặt lấy, không chịu buông ra. Mê: không tỉnh, lầm lạc. Trái với Mê là Ngộ.

    Hễ chấp thì mê, hễ mê thì chấp. Chấp và mê gắn liền với nhau như hình với bóng, không thể tách rời được.

    Do đó, nếu phá được chấp thì mê cũng tan, mà phá được mê thì chấp cũng hết.

    Phá chấp là sự phá tan bảo thủ tà kiến, phá tan cái ý kiến thiên lệch của người học đạo, khiến cho cái hiểu biết trở nên khoáng đạt, dung thông, thấu nhập chỗ Trung đạo.

    Muốn phá chấp thì phải dùng cái lương năng lương tri của mình mà cách vật trí tri, xét hết các mặt của sự việc, đâu là đúng, đâu là sai, lần lần trí não mẫn huệ, thấy rõ chỗ sai lầm.

     

  • Phá cổ

    破罟

    A: To destroy the ancient laws.

    P: Détruire les lois anciennes.

    Phá: Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng. Cổ: tấm lưới pháp luật, chỉ pháp luật.

    Phá cổ là phá vỡ pháp luật cũ vì không còn thích hợp với tâm lý và trình độ tiến hóa của nhơn sanh.

    TNHT: Nhưng có một điều là Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ, nên tu nhiều mà thành ít.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phá gia chi tử

    破家之子

    A: The bad son who ruins his family.

    P: L'enfant qui ruine sa famille.

    Phá: Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng. Gia: nhà. Chi: tiếng đệm. Tử: con.

    Phá gia chi tử là đứa con hư làm hại gia đình, phung phí tiền bạc và của cải do cha mẹ để lại.

     

  • Phá giới

    破戒

    A: To violate the religious rules.

    P: Violer les règles religieuses.

    Phá: Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng. Giới: các điều răn cấm của tôn giáo, các giới luật tu hành.

    Phá giới là phá bỏ các giới luật tu hành mà không sám hối.

    Phá giới khác Phạm giới và ở mức độ nặng hơn, bởi vì người phá giới là người biết rõ các giới luật, đã gìn giữ giới luật ấy được bấy lâu mà nay bỗng bỏ đi tất cả. Còn Phạm giới là vi phạm một vài giới luật.

    Trái với Phá giới là Trì giới, tức là giữ gìn giới luật.

    Giữ giới luật tu hành là mức căn bản của người tu. Các con ma Lục dục, Thất tình và các con quỉ Tam độc luôn luôn rình rập để cám dỗ người tu, xuí giục người tu phạm giới hay phá giới để từ bỏ đường tu.

    Người tu phải có ý chí mãnh liệt để quyết thắng các thứ ma quỉ ấy thì mới mong tiến hóa cao trên đường tu niệm.

     

  • Phá kính trùng viên

    破鏡重圓

    Phá: Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng. Kính: tấm gương soi. Trùng: lặp lại. Viên: tròn, đầy đủ.

    Phá kính trùng viên: Gương vỡ lại lành, ý nói: vợ chồng phân ly nay được đoàn tụ. (Xem điển tích: Gương vỡ lại lành, vần G)

     

  • Phá lệ

    破例

    A: To violate the ordinary rule.

    P: Violer la règle ordinaire.

    Phá: Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng. Lệ: phép tắc đã có từ trước.

    Phá lệ là phá bỏ lệ cũ, không theo lệ cũ nữa.

     

  • Phá ngu

    破愚

    A: To develop the mind.

    P: Dégrossir.

    Phá: Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng. Ngu: ngu dốt.

    Phá ngu là phá vỡ cái ngu dốt để được khôn ngoan.

     

  • Phá tà hiển chánh

    破邪顯正

    Phá: Làm vỡ ra, làm tan nát hư hỏng. Tà: tà vạy, sái quấy. Hiển: làm lộ ra. Chánh: ngay thẳng, trái với Tà.

    Phá tà hiển chánh là phá bỏ tà kiến sai lầm để làm sáng tỏ điều chơn chánh.

     

  • Phác ngọc hồn kim

    璞玉渾金

    Phác: ngọc chưa được mài giũa. Ngọc: viên ngọc. Hồn: ẩn ở trong chưa lộ ra. Kim: vàng. Phác ngọc: ngọc chưa qua tay người thợ mài giũa. Hồn kim: vàng chưa qua nung luyện.

    Phác ngọc hồn kim là ngọc chưa mài, vàng chưa luyện, ý nói người có phẩm tính chất phác hồn hậu, trong sáng cao quí, chưa nhiễm nết hư.

     

  • PHÁCH

    Phách: nghĩa thường dùng là cái vía, cái chơn thần.

    Ngoài ra, Phách còn có nhiều nghĩa đặc biệt khác, kể ra:

    1. Phách: chỗ không có ánh sáng.

    Do đó, ngày mùng 1 âm lịch không có mặt trăng nên gọi mặt trăng ngày mùng 1 là Tử phách 死魄 và mặt trăng ngày rằm gọi là Sinh phách 生魄.

    2. Phách: thể xác.

    Hồn đối với phách, hai thứ hiệp lại thành người, tức là Tâm và Thân. Hồn tức là tâm thức, có sở dụng tinh anh linh diệu mà không hình ảnh, còn Phách là hình thể, là chỗ để cho hồn nương dựa.

    "Thác là thể phách, còn là tinh anh." (Kiều)

    TNHT:

    Thủ cơ hay chấp bút, phải để cho thần, tâm tịnh mới xuất chơn thần ra khỏi phách đặng đến hầu Thầy nghe dạy.

    KTKCQV:

    Gởi hồn phách cho chàng định số.

    (Hồn phách: linh hồn và thể xác).

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    KTKCQV: Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị.

     

  • Phách anh linh

    魄英靈

    A: The mysterious perisprit.

    P: Le périsprit mystérieux.

    Phách: chơn thần. Anh linh: cao quí thiêng liêng.

    Phách anh linh là chơn thần cao quí thiêng liêng.

    KĐ1C: Phách anh linh ắt phải anh linh.

    KÐ1C: Kinh Ðệ Nhứt cửu.

     

  • Phách lạc hồn kinh

    魄落魂驚

    A: To lose consciousness.

    P: Esprit égaré et âme effrayée.

    Phách: chơn thần. Hồn: linh hồn. Lạc: rơi rụng. Kinh: sợ hãi.

    Phách lạc hồn kinh là chơn thần lạc mất, linh hồn sợ hãi.

    Ý nói: Sợ hãi quá mức, hết hồn hết vía.

     

  • Phái vàng

    A: The yellow branche.

    P: La branche jaune.

    Phái: dòng nước chảy chia ra nhiều nhánh.

    Vàng: màu vàng, chữ Hán là Huỳnh hay Hoàng.

    Phái Vàng, chữ Hán: Huỳnh Đạo. Do đôi liễn HTĐ:

    Hiệp nhập Cao Đài, bá tánh thập phương qui chánh quả,

    Thiên khai Huỳnh Đạo, Ngũ Chi Tam Giáo Hội Long Hoa.

    Nghĩa là:

    Hiệp vào Đạo Cao Đài, chúng sanh mười phương trở về ngôi chánh quả,

    Trời khai Huỳnh Đạo, các Đấng trong Ngũ Chi và Tam Giáo tham dự Hội Long Hoa.

    Do đó, Phái Vàng tức Huỳnh Đạo là chỉ Đạo Cao Đài.

    TTCĐDTKM: Phái Vàng MẸ lãnh dắt dìu trẻ thơ.

    Thuở ban sơ, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương mở Đạo Cao Đài, mở xong thì giao lại cho Đức Chí Tôn.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

     

  • Phái viên

    派員

    A: The representative.

    P: Le représentant.

    Phái: phân phối sai khiến. Viên: người.

    Phái viên là người được các Đạo hữu trong Tộc đạo cử ra thay mặt để đi tham dự Đại Hội Nhơn Sanh nơi Tòa Thánh .

    Đạo Luật: Cứ 500 Đạo hữu trường chay đặng quyền tuyển cử lên một vị Phái viên thay mặt.

    Nam thì cử theo nam, nữ thì cử theo nữ.

    ■ Bên Cơ Quan Phước Thiện, việc chọn cử Phái Viên đi dự Đại Hội Phước Thiện được qui định như sau:

    Đạo Luật: Mỗi Quận Đạo nào có lập cơ sở Lương điền, Công nghệ, Thương mãi, thuộc về Phước Thiện thì từ 1 đến 500 người hiến thân công quả, đặng cử một Phái viên ra thay mặt; từ 501 đến 1000 người thì công cử 2 vị, y theo thể lệ chọn cử Phái viên của Quyền Vạn Linh.

     

  • PHÀM

    PHÀM: 凡 - Tầm thường, chỉ cõi trần. - Gồm tất cả, đại khái.

    Td: Phàm chất, Phàm nhãn, Phàm lệ.

     

  • Phàm chất - Thánh chất

    凡質 - 聖質

    A: The vulgar quality - The sacred quality.

    P: La qualité vulgaire - La qualité sacrée.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Chất: phẩm chất, cái giá trị thực bên trong. Thánh: thuộc về Thánh, cao siêu, siêu phàm.

    Phàm chất là phẩm chất tầm thường của người phàm.

    Thánh chất là phẩm chất cao quí của bực Thánh.

    Trong mỗi một con người đều có đủ hai khuynh hướng đối chọi trái ngược nhau: Phàm Thánh, Phật Ma, Tà Chánh, Thiện Ác. Hai thế lực nầy luôn luôn tranh đấu, giành giựt nhau để thúc đẩy sự tiến hóa của linh hồn con người.

    Tu là sửa đổi làm tiêu tan phàm chất, để cho Thánh chất mỗi ngày thêm tỏ rạng.

    TNHT: Đặng làm cho rõ Thánh chất mạnh mẽ hơn phàm chất.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phàm gian

    凡間

    A: The world.

    P: Le monde.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Gian: khoảng rộng.

    Phàm gian là cõi trần, cõi của nhơn loại đang sống.

    TNHT: Cao Đài tá thế xuống phàm gian.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phàm giáo - Thánh giáo

    凡敎 - 聖敎

    A: The profane doctrine - The sacred doctrine.

    P: La doctrine vulgaire - La sainte doctrine.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Giáo: tôn giáo. Thánh: bực Thánh.

    Phàm giáo giáo lý tầm thường của người phàm.

    Thánh giáo là giáo lý cao thượng của Thánh nhân.

    Mỗi tôn giáo mở ra nơi cõi trần đều phải trải qua 3 thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.

    ■ Thời kỳ đầu là Chánh pháp, tức là Thánh giáo, còn giữ y lời dạy của Đấng Giáo chủ nên giáo lý còn chơn thật và chánh đáng, nên người tu rất dễ đắc đạo.

    ■ Thời kỳ kế là Tượng pháp, tức là Thánh giáo có pha lẫn Phàm giáo, giáo lý bị người phàm sửa đổi nên sai lạc một phần, làm người tu khó đắc đạo.

    ■ Thời kỳ Mạt pháp, giáo lý bị người phàm sửa đổi hoàn toàn, nên trở thành Phàm giáo, người tu hoàn toàn bị lầm lạc, nên tu nhiều mà đắc đạo rất ít.

    TNHT: Lại nữa, trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà làm ra Phàm giáo.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phàm lệ

    凡例

    A: Summary.

    P: Sommaire.

    Phàm: Gồm tất cả, đại khái. Lệ: lề lối qui định từ trước.

    Phàm lệ là bài viết đặt ở đầu quyển sách, trình bày thể lệ biên tập và cho biết khái quát nội dung của quyển sách.

     

  • Phàm nhãn

    凡眼

    A: The carnal eyes.

    P: Les yeux charnels.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Nhãn: con mắt.

    Phàm nhãn là mắt phàm, con mắt thịt của người phàm.

    Phàm nhãn đồng nghĩa Nhục nhãn, trái với Huệ Nhãn.

    Con mắt phàm chỉ thấy những vật hữu hình. Muốn thấy được thế giới vô hình thì phải tu luyện để cho Phàm nhãn biến thành Thần nhãn hay Huệ nhãn.

    KĐRĐ: Vật hữu linh phàm nhãn không soi.

    KÐRÐ: Kinh đi ra đường.

     

  • Phàm nhơn

    凡人

    A: The vulgar person.

    P: La personne vulgaire.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Nhơn: Nhân: người.

    Phàm nhơn là người thường.

    Trái với Phàm nhơn là Thánh nhơn.

    ĐLMD: Còn một hạng nữa thì lại đang mê mẩn trong vòng vật chất, lầm tưởng nền Đạo là một cơ quan xảo kế của phàm nhơn sáng tạo để mê hoặc tâm lý của người đời.

    ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

     

  • Phàm phẩm

    凡品

    A: The vulgar grade.

    P: Le grade vulgaire.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Phẩm: thứ bực chức tước cao thấp.

    Phàm phẩm là phẩm bực thấp kém của người tầm thường, còn mê muội trong vòng vật chất.

    Người tu hành, đi từ Phàm phẩm tiến hóa lên Thần phẩm, rồi Thánh phẩm, v.v....

    CG PCT: Nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hóa lên cho tới Thánh vị.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Phàm phu tục tánh

    凡夫俗性

    A: The vulgar quality.

    P: La qualité vulgaire.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Phu: người. Tục: thấp kém. Tánh: tánh nết.

    Phàm phu tục tánh là người tầm thường có tánh nết thấp kém, còn ở trong vòng vật dục, tranh đua danh, lợi, quyền.

    TNHT: Nhưng Thiên cơ há vị phàm phu tục tánh mà để cho các con toại kỳ sở nguyện sao?

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phàm tâm

    凡心

    A: The vulgar heart.

    P: Le coeur vulgaire.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Tâm: cái tâm của con người.

    Phàm tâm là cái tâm thấp kém, có đủ tham sân si, luôn luôn vọng động ham muốn.

    Trái với Phàm tâm là Thánh tâm, Phật tâm.

    Phàm tâm thể hiện ra ngoài là Phàm tánh.

    TNHT: Dọn mình cho sạch bớt phàm tâm.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phàm thế

    凡世

    A: The world.

    P: Le monde.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Thế: đời, cõi đời.

    Phàm thế là cõi đời, cõi của nhơn loại đang sống.

    CG PCT: Thường thấy Thiên mạng hằng quá sức phàm thế, còn phàm thế thì hằng nghịch hẳn Thiên mạng.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Phàm thể

    凡體

    A: The physical body.

    P: Le corps physique.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Thể: thân thể.

    Phàm thể là thể xác phàm bằng xương bằng thịt.

    KXH: Vẹn toàn phàm thể Thánh thân.

    KXH: Kinh Xuất Hội.

     

  • Phàm trần

    凡塵

    A: The terrestrial world.

    P: Le monde terrestre.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Trần: bụi bặm.

    Phàm trần là cõi trần, cõi của nhơn loại đang sống. Cõi nầy có nhiều bụi bặm ô trược.

    NH: Xuống phàm trần vội gác xe Tiên.

    NH: Niệm Hương.

     

  • Phàm trị - Thiên trị

    凡治 - 天治

    A: Punishment in the world - Punishment in the Heaven.

    P: Punition dans le monde - Punition dans le Ciel.

    Phàm: Tầm thường, chỉ cõi trần. Trị: trừng trị, trừng phạt. Thiên: Trời.

    Phàm trị là trừng phạt theo luật pháp của cõi phàm.

    Thiên trị là trừng phạt theo luật Trời tức Thiên điều.

    Với cùng một tội trạng, nếu đã bị phàm trị thì khỏi bị Thiên trị. Khi còn sống nơi cõi trần thì bị phàm trị, nếu phàm không trị thì khi chết, linh hồn trở về cõi thiêng liêng sẽ bị Thiên trị. Phàm trị bao giờ cũng nhẹ hơn Thiên trị.

    Phàm trị để ngăn ngừa các tín đồ khỏi phạm Thiên điều, vì nếu phạm Thiên điều thì tội rất nặng.

    CG PCT: Hễ có phàm trị mới khỏi Thiên trị, phải chiếu luật đạo cho toàn cả tín đồ khỏi bị Thiên điều, giữ phẩm vị thiêng liêng mỗi Chức sắc, ắt phải gìn giữ đạo đức của mỗi người. Người dùng hình phàm làm giảm tội thiêng liêng.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • PHẠM

    1. PHẠM: 梵 còn đọc là PHẠN: Phật, thanh tịnh.

    Td: Phạm môn, Phạm nghiệp.

    2. PHẠM: 范 họ Phạm.

    Td: Phạm Hộ Pháp.

    3. PHẠM: 犯 đụng chạm, xâm lấn, người có tội.

    Td: Phạm giới, Phạm pháp.

    4. PHẠM: 範 Khuôn mẫu.

    Td: Phạm trù.

     

  • Phạm giới

    犯戒

    A: To violate an interdiction.

    P: Violer à une interdiction.

    Phạm: đụng chạm, xâm lấn, người có tội. Giới: điều răn cấm, giới luật tu hành.

    Phạm giới là vi phạm giới luật tu hành.

    Thí dụ: phạm Ngũ Giới Cấm, phạm Trai giới, v.v....

     

  • Phạm Hộ Pháp

    范護法

    A: His Holyness Phạm Công Tắc, Maintener of rules and laws.

    P: Sa Sainteté Phạm Công Tắc, Détenteur des règles et lois.

    Phạm: họ Phạm. Hộ Pháp: phẩm vị Chưởng quản HTĐ.

    Phạm Hộ Pháp là Đức Hộ Pháp họ Phạm, tức là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. (Xem: Hộ Pháp Phạm Công Tắc, vần H)

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

     

  • Phạm húy

    犯諱

    A: To profane tabooed name.

    P: Violer un nom interdit.

    Phạm: đụng chạm, xâm lấn, người có tội. Húy: tên của người chết, kiêng sợ.

    Phạm húy là phạm vào việc không kiêng tên các bậc tôn trưởng.

     

  • Phạm Lãi - Tây Thi

    範蠡 - 西施

    ■ Phạm Lãi là vị tướng tài ba giúp vua nước Việt là Việt Câu Tiễn đánh thắng và giết chết vua Ngô Phù Sai, trả được cái nhục mất nước, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu.

    Sau khi thành công, Phạm Lãi bí mật rút lui khỏi quan trường (Công thành thân thối), cùng với người đẹp Tây Thi, lên thuyền đi vào Ngũ Hồ, sống cuộc đời phóng khoáng tự do.

    Sau đó, Phạm Lãi thay đổi tên họ, trở thành Đào Châu Công, chỉ huy một đoàn thương thuyền và một đoàn thương xa, chuyên đi buôn bán, mua hàng hóa từ nơi dư thừa, chở đến bán ở các nơi thiếu thốn, rất được các nước chư Hầu hoan nghinh. Đào Châu Công có một hệ thống xe, thuyền vận tải hàng hóa đi khắp các thị trấn lớn của nước Tàu thời bấy giờ.

    Việc thương mãi của Đào Châu Công thật là phát đạt.

    ■ Tây Thi là người con gái rất đẹp của nước Việt, giặt lụa ở Trữ La thôn.

    Do đó, nơi bao lơn trước Tòa Thánh Tây Ninh, có đắp một khuôn hình Phạm Lãi - Tây Thi chèo thuyền đi buôn, tượng trưng nghề Thương mãi (THƯƠNG).

    Vua nước Việt là Câu Tiễn muốn đem quân sang đánh nước Ngô. Phạm Lãi can rằng:

    - Không nên, tôi nghe nói việc binh là điều gở, đánh nhau là điều trái với đức, tranh nhau bằng quân sự là việc thấp nhứt. Lo âm mưu làm trái với đức là việc Thượng Đế cấm. Nếu làm tất bất lợi.

    Việt Vương không nghe, đem binh đánh Ngô, bị vua Ngô Phù Sai và Tướng Quốc Ngũ Tử Tư đánh cho đại bại, bị bắt làm tù binh. Ngũ Tử Tư yêu cầu vua Ngô giết ngay Câu Tiễn để khỏi lưu hại về sau. Nhưng Văn Chủng đã dùng nhiều tiền bạc lo lót cho Thái Tể Phỉ, một đại thần của vua Ngô, tìm cách cứu mạng Câu Tiễn, nên Thái Tể Phỉ tâu với vua Ngô, không nên giết Câu Tiễn, chỉ nên giam cầm mà thôi.

    Vua Ngô sắp ưng thuận thì Ngũ Tử Tư lại can nữa:

    - Nếu nay mà Đại Vương không tiêu diệt nước Việt, thì sau nầy sẽ hối hận. Câu Tiễn là người có chí khí, lại có hai bề tôi tài giỏi là Phạm Lãi và Văn Chủng phò tá, nước Việt sẽ mau hùng cường, nhứt định sẽ đánh lại nước Ngô.

    Vua Ngô không nghe, chỉ bắt Câu Tiễn giam cầm đày đọa một thời gian rồi thả cho trở về nước.

    Việt Vương Câu Tiễn được tha về nước rồi thì giấu mình, nuôi chí phục thù, nhưng ngoài mặt giả bộ an phận phục tùng vua Ngô, hằng năm triều cống.

    Phạm Lãi bí mật luyện tập quân đội, tích thảo đồn lương; Văn Chủng lo sửa sang việc chánh trị và kinh tế, đồng thời tuyển lựa một đoàn mỹ nữ, huấn luyện đủ các ngón nghề mê hoặc Ngô Phù Sai, để Việt Vương dâng hiến cho vua Ngô. Trớ thêu thay, trong đoàn mỹ nữ có nàng Tây Thi đứng đầu lại là người yêu của Phạm Lãi. Nhưng cả hai người đều hy sinh tình riêng để lo báo đền ơn nước.

    Ngô Phù Sai hết sức bằng lòng đoàn mỹ nữ nầy và đặc biệt sủng ái Tây Thi. Ngũ Tử Tư vội vào triều can vua Ngô nhiều lần, nhưng vua không nghe, lại còn có ý bực bội.

    Bảy năm trôi qua, nước Việt đã khá hùng mạnh. Việt vương nóng lòng phục thù, muốn đem binh đánh Ngô, nhưng Phạm Lãi can vì chưa phải lúc.

    Trong lúc đó, bên nước Ngô, Ngô Phù Sai tin dùng Thái Tể Phỉ, lại được Văn Chủng đem vàng bạc đút lót người để cố ý gièm pha hãm hại Ngũ Tử Tư. Âm mưu nầy dần dần thành công. Ngũ Tử Tư bị vua Ngô bức tử.

    Trước khi chết, Ngũ Tử Tư bảo:

    - Các ngươi hãy móc cặp mắt của ta đặt ở cửa thành phía Đông để ta xem quân nước Việt tiến vào.

    Việt Vương Câu Tiễn hay tin Ngũ Tử Tư bị bức tử chết thì rất mừng, liền vời Phạm Lãi đến thương nghị việc đánh Ngô, nhưng Phạm Lãi vẫn can, vì tuy nước Ngô mất tướng tài là Ngũ Tử Tư, nhưng thế của nước Ngô còn mạnh lắm.

    Mùa Xuân năm sau, vua Ngô Phù Sai làm Bá Chủ chư Hầu ở phía Nam, đem đại quân lên phía Bắc, họp với các chư Hầu ở Hoàng Tri. Tinh binh của nước Ngô đều đi theo, chỉ chừa lại những lính già giữ thành mà thôi. Việt Vương Câu Tiễn lại thương nghị với Phạm Lãi và Văn Chủng xem lúc nầy đánh Ngô được chưa. Phạm Lãi đáp:

    - Đúng lúc nầy mà Đại vương tấn binh thì nhứt định đại thành công, giết được Ngô Phù Sai, trả cái thù thuở trước.

    Việt Vương Câu Tiễn xuất toàn lực bất ngờ tấn công nước Ngô. Quả nhiên quân Ngô đại bại. Ngô Phù Sai dẫn binh trở về tiếp cứu, nhưng Ngũ Tử Tư đã chết rồi, trong triều không còn trung thần, đâu có ai chống nổi Phạm Lãi và Văn Chủng. Ngô Phù Sai đành thảm bại, che mặt ân hận nói:

    - Ta không còn mặt mũi nào nhìn thấy Ngũ Tử Tư nữa.

    Nói rồi, Ngô Phù Sai rút gươm tự sát. Toàn quân Ngô đều tan rã đầu hàng.

    Phạm Lãi đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn từ trước, liền chạy thẳng lên Cô Tô Thành, vào ngay cung cấm để tìm nàng Tây Thi, người yêu cũ 17 năm về trước, đưa nàng xuống ngay một chiếc thuyền lớn đã đậu chờ sẵn, rồi dùng mũi kiếm khắc vào thẻ trúc một mật thơ gởi cho Văn Chủng (hiệu là Tử Hội):

    Việt Vương có nói: Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị làm thịt. Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu, có thể cùng chung lo lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng chung hưởng với ông ta khi thành công. Sao bạn không bỏ đi? Nếu Tử Hội còn tham mến công danh, ắt ngày sau không khỏi bị tai họa.

    Phạm Lãi gọi một cận thần đến dặn: Đợi ta đi khỏi Cô Tô Thành chừng nửa giờ thì ngươi đem bức mật thư nầy giao cho Đại Phu Văn Chủng.

    Xong, Phạm Lãi cho thuyền rời ngay Cô Tô Thành, đi về phía Ngũ Hồ. Gió thổi mạnh, thuyền lướt nhanh, Thái Hồ mênh mông nhìn thấy trước mặt. Phạm Lãi và Tây Thi cùng nhìn lại phía sau, Cô Tô Thành đang còn ngập trong biển lửa, kết thúc một triều đại trong những mối oan cừu.

    Phạm Lãi thở dài: Tất cả đã kết thúc, hận cũ được tiêu tan, thì thù mới sẽ tới. Việt Vương ngày nay rồi sẽ theo vết xe đổ của Ngô vương. Văn Chủng không chịu bỏ đi hôm nay thì ngày kia cũng giống như Ngũ Tử Tư mà thôi.

    Phạm Lãi nhìn Tây Thi nói:

    - Ân cừu, Ngô quốc, Việt quốc, Sở quốc, có liên quan gì đến ta nữa chứ? Tây Thi, từ rày về sau, chúng ta không màng đến các chuyện ấy nữa. Sóng nước Ngũ Hồ sẽ rửa sạch tất cả, để chúng ta không còn dính đến thế sự nữa. Tây Thi, để ta giới thiệu người nhà của ta ra mắt nàng.

    Phạm Lãi đưa Tây Thi vào khoan thuyền giữa. Con lớn tên là Phạm Bình 15 tuổi, con kế là Phạm An 11 tuổi. Cả hai lớn lên trong gian khổ, người hơi gầy nhưng chắc nịch.

    Tây Thi nói:

    - Phạm An giống hệt chàng lúc chàng cách nay 17 năm.

    Phạm Lãi đưa Tây Thi đi xem khắp các nơi trên thuyền. Trên thuyền tất cả có 10 thanh niên và 10 thiếu nữ. Phạm Lãi cho họ kết làm vợ chồng với nhau. Phạm Lãi nói:

    - Chúng ta sẽ đến một nơi không có khói lửa của nhân gian, 10 cặp vợ chồng nầy sẽ sanh con đẻ cháu không ngừng.

    Rồi họ đi xem các đồ vật trong thuyền, nào nông cụ, nào hạt giống, lương thực, muối ăn, rương tráp.

    Tây Thi ngạc nhiên hỏi:

    Chàng đã chuẩn bị sẵn hết à?

    Phải, lúc rời Hội Kê đi đánh nước Ngô, ta đã chuẩn bị đầy đủ tất cả.

    Nghĩa là chàng chắc chắn chiến thắng?

    - Dĩ nhiên là phải chiến thắng, bởi vì Ngô quốc tuy mạnh hơn Việt quốc, nhưng họ thiếu những tướng tài giỏi cầm quân, trong triều, phần lớn là bọn dua nịnh. Ta đã chuẩn bị 17 năm rồi, vì nàng mà ta lo liệu chu toàn tất cả.

    Phạm Lãi và Tây Thi rời bỏ tất cả, cắt đứt mọi quan hệ với thế giới bên ngoài. Họ vô tư ca hát vui vẻ trên thuyền, khi câu cá, lúc đọc sách, mặc thời gian trôi theo dòng nước biếc.

    Một hôm, chàng cho thuyền ghé lại một bến sông, đem cá lên bờ đổi lấy muối và lương thực. Người nhà tên là A-Mang lên bờ một lúc lâu rồi trở về thuyền báo cáo với chủ nhân:

    - Việt Vương treo giải thưởng lớn cho ai tìm được Phạm Đại Phu. Việt Vương và Văn Đại Phu kéo đại quân cùng 800 xe lên phía Bắc hội minh với hai nước Tề và Lỗ. Việt Vương chia nước Ngô thành quận, huyện, lấy đất ở sông Hoài cho Sở, trả cho nước Tống đất Ngô, trả cho nước Lỗ dãy đất trăm dặm ở phía Đông sông Tứ. Việt Vương Câu Tiễn bây giờ làm Bá chủ chư Hầu ở phương Nam.

    Tây Thi bảo:

    - Thiếu Bá, chàng hỏi nhiều như thế để làm gì? Các việc ấy không liên quan gì đến chúng ta. Chúng ta rày đây mai đó, mọi việc trên đất liền, chúng ta không nên biết tới.

    - Nhưng Thái Hồ không rộng lắm, lại rất gần nước Việt, e có hôm, chúng ta phải dời đi. Lúc Việt vương từ Trung nguyên trở về, chúng ta không dễ gì an cư trong Thái Hồ.

    Phạm Lãi cho thuyền vượt biển sang Tề, tự đặt tên mới cho mình là Chi Di Tử Bì. Sau một thời gian, Phạm Lãi cảm thấy là cũng khó ở yên được nơi nước Tề, nên quyết định chuyển sang ở đất Đào, là nơi phát tích vua Nghiêu, ở phía Nam nước Tề, giờ đây trở thành một nước nhỏ, không có xung đột, lại có thể giao lưu với các nước khác rất thuận lợi.

    Chàng đã sai Phạm An đến đất Đào, lựa chỗ tốt mua 1000 mẫu đất làm cơ sở. Phạm Lãi cho đóng nhiều chiếc thuyền buôn và nhiều chiếc xe chở hàng hóa. Chàng hoàn toàn chuyển sang ngành thương mãi. Chàng nói với Tây Thi:

    - Ta đã nghiên cứu kỹ đại thể trong thiên hạ, biết rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có những cuộc biến động mới lớn lao, nhưng chúng ta không sợ biến động, bởi vì biến động là cách nâng cấp tiến bộ xã hội. Sau nầy, người làm chánh trị sẽ nhiều hơn, vì họ chọn con đường chánh trị để vinh thân. Nhưng ngoài chánh trị, ta còn phát hiện được một con đường khác rất quan trọng mà trước đây chưa biết. Đó là con đường thương mãi.

    Thế giới của chúng ta mỗi ngày thêm đông đúc, cuộc sống càng lúc càng phức tạp hơn. Dân chúng rồi đây sẽ cần nhà thương mãi hơn nhà chánh trị. Ta sẽ dốc hết tinh lực còn lại để lo cho công việc nầy: Đem cá, muối dư thừa nơi nước Tề, chở qua bán nơi nước Tần vì nước Tần không có hai thứ ấy; rồi lại chở bông vải từ nước Tần về Trung nguyên. Thực phẩm của hai nước Ngô, Sở dư thừa, trong lúc ở Tống, Trần, Trịnh lại thiếu hụt; tơ lụa của Hàn, Sở có thể chở qua Tề, Lỗ đổi lấy đồng thau. Ôi! Bao nhiêu việc cần thiết cho ta làm!

    Từ đây, ta lấy tên là Đào Châu Công. Mọi người nhớ gọi ta như vậy.

    Bấy giờ nước Tàu bước vào thời kỳ Chiến Quốc, các nước chỉ lo đánh nhau, loạn lạc khắp nơi, nhưng lại thấy xuất hiện những đoàn xe hay đoàn thuyền mang nhãn hiệu Đào Châu đi lại qua các nước một cách dễ dàng để chở hàng hóa cần thiết đến đổi các hàng hóa dư thừa của địa phương. Các đoàn xe, thuyền nầy đều xuất phát từ đất Đào. Nhờ các đoàn xe, thuyền thương mãi nầy mà dân chúng có được nhiều hàng hóa tiêu dùng, đời sống dân chúng được khá hơn, mặt khác nó cũng đem lại lợi tức cho Đào Châu Công rất lớn.

    Đào Châu Công cùng với bà vợ tuyệt đẹp đi viếng kinh đô Hàm Dương của nước Tần, được vua Tần tiếp đãi vào bực thượng khách. Trên đường về tới Hàm Đang có tin cấp báo từ đất Đào, nên cả hai người phải tức tốc trở về đất Đào.

    Nguyên do, con thứ Phạm An gây chuyện ở nước Sở, tranh chấp và lỡ tay giết chết một vị công hầu. Phạm An bị bắt và bị xử tử hình.

    Vợ con của Phạm An quì xuống trước mặt Phạm Lãi cầu xin cứu mạng cho chồng. Phạm Lãi rất bi thương, song thần sắc vẫn tiêu dao, bảo con dâu:

    - Chuyện nầy rất khó, ta không nắm chắc được mười phần, nhưng chỉ biết tận lực, còn tùy số mạng của nó.

    Bây giờ ta sai Tử Hòa (đứa con út) vào nước Sở để cứu An thì may ra khỏi được.

    Phạm Bình lên tiếng thưa rằng:

    - Con là trưởng nam, trong nhà có việc gì quan trọng là cha sai con đi, lẽ nào chuyện sống chết nầy lại sai em út của con đi thì thật là sỉ nhục cho con, làm mất truyền thống trưởng tử của gia đình. Xin cha cho con đi, nếu không con sẽ tự sát.

    Tây Thi cũng cho lời nói của Phạm Bình là đúng.

    Phạm Lãi có dụng ý riêng, khó nói ra mà trong nhà không ai để ý tìm biết, nên đành phải sai Phạm Bình đi. Âu cũng là số mạng của Phạm An không thể cải lại được. Phạm Lãi căn dặn Phạm Bình rất kỹ lưỡng: Vào nước Sở, tìm đến Trang Tiên Sinh, dâng 1000 lượng vàng và bức thơ nầy của ta, đoạn ở chờ tại kinh đô nước Sở. Khi thấy An ra khỏi ngục thì lập tức ra thành trở về đây. Nhớ đừng làm gì khác hơn mà thất bại.

    Phạm Lãi dặn đi dặn lại mấy lượt rồi mới cho Phạm Bình đi. Bình đi rồi, Phạm Lãi rất buồn, lòng trĩu xuống:

    - Hy vọng cứu An rất ít. Các ngươi chuẩn bị lo chung sự cho An đi.

    Tây Thi ngạc nhiên hỏi:

    - Tại sao chàng lại nói như thế?

    - Ta muốn sai Tử Hòa đi là vì nguyên nhân ấy.

    - Thiếp chưa hiểu được ý chàng.

    - Thằng Bình được sanh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nên coi trọng tiền bạc. Tử Hòa lại lớn lên trong cảnh giàu sang, nên xem tiền bạc như cỏ rác. Đối với Bình, việc không đáng tốn 1000 lượng vàng, không phải không đáng tốn trước khi việc thành, mà là không đáng tốn sau khi việc thành.

    Bởi vì theo dự liệu của ta, Trang Tiên sinh sẽ nghĩ cách nói cho vua Sở đại xá, nhân thể tha cho An luôn mà không lộ điều gì. Nhưng rồi thằng Bình sẽ nghĩ rằng, đại xá tù nhân là chủ ý của Sở vương, Trang Tiên sinh không có công lao gì, nên Bình sẽ đến đòi vàng lại. Thế là người khác nhờ đại xá mà sống, còn Phạm An vì đại xá mà chết. Ta mong dự đoán của ta sai. Nhưng Tây Thi! Mạng sống của con người đâu phải vì một hai câu dặn mà thay đổi được, có số mạng tất cả. Hãy chờ xem.

    - Ôi! Chàng luôn luôn liệu việc như Thần, nhưng mong sao lần nầy chàng đoán sai, An được cứu sống trở về.

    Chẳng bao lâu sau, Bình chở xác em trở về tới đất Đào cùng với 1000 lượng vàng lấy lại từ Trang Tiên sinh.

    Đào Châu Công vô cùng bi thương, nhuốm bịnh, cả nửa năm sau mới khỏi. Từ đấy, sức khỏe của chàng cũng suy dần, và chàng cũng trầm lặng hơn trước.

    Để giải buồn cho chàng, Tây Thi tổ chức một chuyến du hành sang Tây Thục. Phạm Lãi rất vui và tỏ ra rất thích xứ nầy.

    Phạm Lãi nói: - Ta muốn chôn cuộc đời già nơi đây.

    Tây Thi nói: - Không nên, chàng còn con cái ở đất Đào.

    Phạm Lãi và Tây Thi cùng có chung một ước muốn là trước khi chấm dứt đời mình, cả hai muốn du hành nước Ngô và nước Việt một lần cuối.

    Mùa Xuân năm sau, hai người cùng với quản gia thân tín A Mang mà nay đầu đã bạc trắng, đánh xe đi đến kinh thành nước Ngô xưa, tìm đến Cô Tô Đài. Lúc đó, Trời đã về chiều, cảnh sắc ảm đạm thê lương. Đường vào thành cũ rất khó đi, đá gập ghềnh chớ không bằng phẳng như xưa. Tây Thi nói:

    - Đào Công, chúng ta hãy xuống xem.

    Đào Công khó nhọc bước xuống trước, rồi dìu Tây Thi xuống theo. Hai người đi bộ lần tới, gặp một lão già đang bươi móc dưới đất, Đào Công dừng lại hỏi:

    - Các ông đang tìm kiếm gì đó?

    - Chúng tôi đang tìm đồ quí. Trước kia, nơi đây là Oán Oa Cung, Đại vương tôi lập ra cho Tây Thi ở, nghe nói có để trong ấy nhiều đồ quí giá.

    Tây Thi liền hỏi:

    - Tây Thi à! Người ấy có đẹp không? Ông có thấy Tây Thi lần nào không?

    - Năm tôi 20 tuổi, tôi có thấy Tây Thi một lần, chưa có ai đẹp bằng, nhưng rất đáng tiếc!

    - Tiếc gì?

    - Nghe nói bà vua nước Việt giết chết Tây Thi rồi.

    Vợ chồng Đào Công nhìn nhau, sau 40 năm họ còn nghe được tin tức sau cùng mới mẻ nầy. Đào Công mỉm cười hỏi lại:

    - Ông có nghe lầm chăng?

    - Tôi biết chuyện nầy rõ mà! Bà vua nước Việt cho Tây Thi là họa thủy làm mất nước Ngô nên giết đi. Rồi sau khi Việt vương giết Ngô vương, Việt vương kéo quân lên Bắc và thua trận, Việt vương đổ thừa là tại không có Phạm Lãi gì đó.

    Đào Công hỏi tiếp: - Ông nói Phạm Lãi làm sao?

    - Cái ông ấy giỏi ghê lắm, đã giúp Việt vương đánh thắng quân Ngô rồi thì chuồn êm. Việt vương chia cho nửa nước mà ông Phạm Lãi không nhận. Bởi vậy Việt vương bại trận sau nầy thì cho là tại thiếu Phạm Lãi.

    Đào Công từ giã ông lão, dìu Tây Thi bước qua một góc hoang tàn khác. Tây Thi lấy làm áo não, nói nhỏ:

    - Trong mắt mọi người, thiếp là họa thủy, chàng là anh hùng. Bây giờ Cô Tô Đài chỉ là một đống gạch vụn, không biết những người bạn của thiếp ngày xưa bay giờ lưu lạc nơi đâu?

    - Ai mà biết được, có lẽ họ đã chết. Không phải chúng ta đã sống quá lâu sao?

    - Thoạt đầu, thiếp nghĩ Cô Tô Đài sẽ vĩnh viễn, nhưng không ngờ chúng ta còn đây mà nó đã sụp đổ trước rồi.

    Vợ chồng Đào Công bồi hồi hoài cổ. Bỗng A Mang thưa:

    - Bẩm chủ nhân, Trời sắp tối, nghe nói ở đây ban đêm có dã thú rình mồi.

    Hai người trở lại xe. Sáng hôm sau, Đào Công cho xe dạo khắp kinh thành, rồi cho xe đi về phía Nam đến nước Việt, đến kinh thành Hội Kê.

    Trước cung của Việt Vương, chàng thấy một pho tượng lớn bằng đồng đúc từ thời Việt Vương Câu Tiễn. Đó là tượng Phạm Lãi, để ghi nhớ công lao vĩ đại của một công thần.

    Đào Công ngắm tượng của mình mà lòng bồi hồi xúc cảm. Chàng cho xe đi đến Gia Lãm, cố đô nước Việt, cũng là nơi sanh quán của Tây Thi. Hai người mướn thuyền đi dọc theo dòng sông, đến thôn Trữ La, bỗng Phạm Lãi chỉ tảng đá trắng:

    - Trông kìa, tảng đá trắng còn đó.

    Tây Thi hỏi một người con gái đang giặt lụa nơi đó:

    - Tảng đá ấy là gì?

    Cô gái đáp, tỏ ý trách móc, vì nghe giọng nói của Tây Thi thì biết bà là người ở Gia Lãm, thế mà tại sao không biết sự tích của phiến đá trắng đó.

    - Coi! Đó là tảng đá của người đẹp Tây Thi thuở trước. Bà là người ở Gia Lãm mà sao không biết việc nầy?

    Rồi Tây Thi nhìn qua chồng. Đào Công nói:

    - Vị mỹ nhân nầy bất tử.

    Hai người cảm thấy rất thú vị và thỏa mãn chuyến du hành nầy, nên trở về đất Đào. Kể từ đó, hai người không đi đâu nữa cả, sống trọn vẹn với nhau đến hết cuộc đời.

    Phần kết:

    Trong lịch sử nước Tàu thời cổ, chỉ có hai vị thành danh biết áp dụng câu: CÔNG THÀNH THÂN THOÁI.

    - Người thứ nhứt là Phạm Lãi thời Xuân Thu Chiến Quốc.

    - Người thứ nhì là Trương Lương thời Hán Sở tranh hùng.

    Giữa hai người có điều hơi khác là Trương Lương thì thân thoái để lo việc tu hành, tìm sự siêu thoát cho linh hồn; còn Phạm Lãi thì với tấm lòng yêu đời, đầy nhiệt huyết, thích dấn thân phụng sự, nên khi thân thoái rồi thì mai danh ẩn tích, thay đổi tên họ, tiếp tục làm nhiều việc giúp ích cho đời.

     

  • Phạm môn

    梵門

    A: The buddhist door, Buddhist School.

    P: La porte bouddhique, École Bouddhique.

    Phạm: còn đọc là PHẠN: Phật, thanh tịnh. Môn: cửa. Phạm Môn là cửa Phật.

    Trong Đạo Cao Đài, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc có lập ra một cơ quan đặc biệt gọi là Phạm môn, dùng làm nơi tu hành cho những tín đồ tu chơn, lo lập công bồi đức mà không muốn có phẩm tước, không muốn có áo mão Chức sắc như bên CTĐ, HTĐ.

    Việc lập ra Phạm môn là do theo Thánh Ý của Đức Chí Tôn trong bài thi sau đây của Đức Chí Tôn:

    Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm môn,

    Khuyến tu hậu nhựt độ sanh hồn.

    Vô lao bất phục hồi chơn mạng,

    Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn.

    Hán văn:

    醒悟舍身在梵門

    勸修後日度生魂

    無勞不復回真命

    醒世其身得正尊

    Đức Hộ Pháp thuyết Đạo giải nghĩa bài thi Phạm môn:

    Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm môn, nghĩa là gì?

    Nghĩa là Đức Chí Tôn kêu phải thức giấc cho mau, hiến thân vào cửa Phật.

    Khuyến tu hậu nhựt độ sanh hồn, là khuyên chúng sanh phải ráng lo tu hành, tùng khuôn viên kỷ luật thì ngày kia linh hồn đặng siêu thăng thoát hóa.

    Vô lao bất phục hồi chơn mạng, nghĩa là không có công lao khổ hạnh trong cửa Đạo thì không thế nào trở về ngôi xưa cảnh cũ cho đặng.

    Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn:

    Nhằm thế kỷ 20 nầy, thời kỳ Đức Chí Tôn rộng mở cửa Đạo độ toàn con cái của Ngài, chỉ khuyên chúng ta ráng tu tỉnh ngộ, hủy cả hành vi của thế sự, đem thân vào cửa Phật, chịu nâu sồng khổ hạnh cho đặng thì tự nhiên đắc đạo tại thế vậy.

    Bài thi nầy chính mình Đức Chí Tôn đã giáng dạy trong TNHT hai mươi mấy năm trường, song ít ai để ý tìm hiểu nghĩa lý sâu xa có ẩn nhiều huyền vi mầu nhiệm của Đạo.

    Đó bởi một tấm màn bí mật ấy, nên ngày nay nhơn sanh mới hưởng được giọt nước cam lồ của Đức Từ Bi rưới cho toàn sanh chúng.

    Thuở Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc mới lập Phạm môn và Phạm nghiệp, nhiều người cho rằng đây là những cơ sở riêng tư của dòng họ Phạm, vì họ lầm tưởng chữ Phạm 梵 là Phật với chữ Phạm 范 là họ Phạm của Đức Hộ Pháp.

    Do đó, ngày 12-1-Ất Mùi (1955), Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Văn phòng Hội Thánh Phước Thiện nói về việc nầy như sau:

    "Vì bài thi (Phạm môn) của Đức Chí Tôn dạy đó mà Bần đạo mới lập ra Phạm môn. Có Phạm môn rồi mới sản xuất ra Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, nếu không, không thể nào lập thành Hội Thánh Phước Thiện được.

    Bởi chữ Phạm là Phật, Phạm môn là cửa Phật, chớ không phải họ Phạm. Buổi đó cũng có nhiều tiếng phân vân nói Bần đạo lập Phạm môn tức là lập theo họ Phạm của Bần đạo. Bần đạo cũng như tấm bình phong đứng giữa hứng chịu các nỗi khó khăn mà Chí Tôn lại định cho Bần đạo, thiếu gì họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần, mà lại để cho Bần đạo chịu oan ức những tiếng phân vân, mà Bần đạo cũng chẳng màng, cứ lo cho kỳ được, bởi vì sự công chánh.

    Bần đạo đứng giữa đây, Bần đạo phải nói: Bần đạo nói thiệt, cả sự nghiệp của Đạo còn tồn tại đây là do bàn tay của Phạm môn. Nếu không có Phạm môn thì Đạo không đứng vững. Đức Chí Tôn đã định cho Bần đạo thâu 72 vị môn đệ, mà chỉ hành đạo có 36, 37 vị. Buổi đó, thầy trò chịu cực khổ tìm phương tạo nghiệp, mà bị chúng đánh đổ, đến nỗi vận lương thực từ tỉnh đem về Tòa Thánh mà cũng bị chúng ngăn cản, quyết bỏ đói cho chết, mà tội nghiệp thay, họ cũng không thối chí ngã lòng, cứ cương quyết theo Bần đạo cho đến ngày lập thành Hội Thánh Phước Thiện. Thật nỗi khổ tâm của anh em Phạm môn chỉ lấy hai bàn tay trắng mà tạo nên sự nghiệp cho Đạo, họ chỉ bắt gió nắn hình, lấy không làm có. Ngày nay Cơ quan Cứu khổ đã thành tướng nơi Hội Thánh Phước Thiện. Các trách nhậm trọng yếu phải lo, hiện trước mặt gần đây là Bảo Cô Nhi, bên kia là Khách Đình về mặt tang tế, đều phải lo mọi hình thức. Nên Bần đạo nói mấy người mà về ở nơi Tòa Thánh liệu bề uống thuốc, mạnh thì thôi, coi bộ nhắm bề không mạnh, liệu bề không kham, họ sẽ đem bỏ đại tại Khách Đình, cho Hội Thánh chôn cất làm sao thì làm.

    Đã vậy mà còn phải lo tạo hình tướng vĩ đại, Bần đạo nói cái vĩ đại của nó chớ không nói cái nhỏ kia là Trí Huệ Cung, cũng Bảo Giá Phụ, dành cho người giá phụ là nữ phái chơn tu, tức là nhà tu của nữ phái.

    Trên một hình tướng đang khởi tạo là Vạn Pháp Cung trên núi, là nhà tu của nam phái.

    Cả hình tướng ngày nay đã biểu lộ trước mặt toàn cả nhơn sanh, ai ai cũng đều cảm khích, hồi trước kia, có tướng mà không có hình, ngày nay hình tướng nên được thì sự tiến hóa của Hội Thánh Phước Thiện từ đây sẽ vững chắc, không còn một trở lực nào làm cho cơ Cứu khổ của Chí Tôn phải ngưng bước, và Bần đạo sẽ cho Hội Thánh Phước Thiện hay rằng: Từ đây Hội Thánh Phước Thiện sẽ được bảo đảm."

    Tôn chỉ của Phạm môn được Đức Phạm Hộ Pháp gói gọn trong đôi liễn của Phạm môn:

    梵敎隨元救世度人行正法

    門權定會除邪滅魅護眞傳

    PHẠM giáo tùy nguơn cứu thế độ nhơn hành chánh pháp,

    MÔN quyền định hội trừ tà diệt mị hộ chơn truyền.

    Nghĩa là:

    Phật dạy, tùy theo thời gian mà cứu độ người đời, thực hành chánh pháp,

    Quyền hành nơi cửa Đạo là định ra cái khoảng thời gian để diệt trừ tà mị yêu quái, bảo hộ chơn truyền của Đạo.

    (Nguơn và Hội là hai đơn vị tính thời gian của Nho giáo thời xưa: 1 Nguơn = 12 Hội)

    Đúng với câu liễn thứ nhì, các môn đệ của Phạm môn đã họp lại thành một lực lượng quyền lực mạnh mẽ để diệt trừ tà mị, bảo hộ chơn truyền nền Đạo ngày 20-1-GiápTuất (1934). (Xem phần Lịch sử Phạm môn thì rõ).

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo ngày 30-8-Quí Tỵ (1953) xin trích ra một đoạn sau đây:

    "Trong thời kỳ Bần đạo vâng lịnh Đức Chí Tôn xuống thế mở Đạo thì Đức Chí Tôn mới hỏi rằng:

    - Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở Bí pháp trước hay Thể pháp trước?

    Bần đạo trả lời: - Xin mở Bí pháp trước.

    Đức Chí Tôn nói:

    - Nếu con mở Bí pháp trước thì phải khổ đa! Đang lúc đời cạnh tranh tàn bạo, nếu mở Bí pháp trước, cả sự bí mật huyền vi của Đạo, đời thấy rõ, xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo phải ra thế nào? Vì thế nên mở Thể pháp trước, dầu cho đời quá dữ, có tranh giành phá hoại cả cơ thể hữu vi hữu hủy đi nữa thì cũng vô hại, xin miễn là mặt Bí pháp còn thì Đạo còn.

    Bí pháp thì Hiệp Thiên Đài giữ.

    Thể pháp thì Cửu Trùng Đài cầm quyền đặng giáo hóa.

    Đang khi cơ quan CTĐ mở mang bành trướng về mặt phổ thông chơn giáo thì bên HTĐ, Bần đạo vâng lịnh Đức Chí Tôn mở Phạm môn, dùng tấm màn bí mật bao phủ khuất lấp cả hành vi, khó ai hiểu đặng.

    Mười mấy năm khổ hạnh nâu sồng trong cửa Phạm, ẩn nhẫn tạo nên cả cơ thể hữu tướng dường ấy, hại thay! Chúa Quỉ biết rõ cơ mầu nhiệm nên mới tương liên cùng chánh phủ Pháp, tìm hiểu yếu lý huyền vi của Phạm môn, liền ra lịnh đóng cửa, thì lại nảy sanh trăm ngàn cơ sở Phước Thiện.

    Từ ngày Phước Thiện ra đời đến nay thì toàn thể nhơn sanh nam nữ vào cửa Phước Thiện nầy đoạt vị rất nhiều, đã hiển nhiên y theo bài thi của Đại Từ Phụ vừa mới đọc ở trên đây (Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm môn,....)

    Ấy vậy, Cơ Quan Phước Thiện, Phạm môn, là trường thi công quả của Đức Chí Tôn đã đến lập sẵn mỗi nơi. Làng nào, ấp nào, cũng có một cơ sở Phước Thiện cho toàn Đạo hữu ở thôn quê có chổ đến đó đặng thi thố lập công bồi đức, hầu đoạt thủ địa vị thiêng liêng, Đức Chí Tôn đã dành sẵn cho mỗi con cái của Ngài.

    Cơ Quan Phước Thiện, Phạm môn, là một danh từ chung của toàn nhơn loại chớ không riêng biệt cho người nào.

    Ngày nay, cái màn bí mật đã vén hết lên rồi, dòm thấy rõ ràng chớ không còn ẩn vi như trước nữa.

    Vậy Bần đạo xin chư Chức sắc Thiên phong nam nữ, chư Chức việc lưỡng phái, hãy mở hoát cửa thiêng liêng ra cho cửu nhị ức nguyên nhân lần bước vào trường thi công quả của Đức Chí Tôn.

    Tóm lại, Phạm môn, Phước Thiện là trường học của linh hồn, là một cái thang thiêng liêng 12 nấc mà Đức Chí Tôn đem bắc sẵn trong Tam Kỳ Phổ Độ chuyển thế, kêu gọi tất cả con cái của Ngài hãy ráng bước, kẻ trước người sau, mà leo lên cho tột nấc thang thiêng liêng ấy, là ngày giờ mà chúng ta được hội hiệp cùng Thầy là vui vẻ nhứt hơn hết nơi cõi Hư Linh đó vậy."

    Ông Đạo Nhơn Nguyễn Đức Hòa, bút hiệu Khiết Dân, một môn đệ của Phạm môn có viết tập Hồi Ký "PHẠM MÔN SỬ LƯỢC HỒI KÝ", chúng tôi xin chép lại để cống hiến quí bạn đạo, để có một hiểu biết tổng quát về Phạm môn và cũng để làm tài liệu cho Ban Đạo Sử.

    PHẠM MÔN SỬ LƯỢC HỒI KÝ


    LỜI NÓI ĐẦU

    LƯỢC SỬ PHẠM MÔN Hồi Ký là cố moi óc hồi nhớ lại những việc đã qua, từ buổi Phạm môn mới phôi thai cho đến lúc biến thể thành Cơ Quan Phước Thiện và tiến đến thành hình Hội Thánh Phước Thiện trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để ghi lại những gì chính mình mắt thấy tai nghe hoặc những người trực diện trong cuộc, tường thuật lại để anh em cùng hiểu biết với nhau trong tình chân thành, đồng thời cùng chí hướng.

    Phạm môn là con đường thứ ba hay là cửa Tu chơn trong nền Đại Đạo. Mỗi mỗi việc chi đều do khẩu thuyết mật truyền của Đức Hộ Pháp chớ không có giấy tờ văn kiện chi hết. Vì thế nên muốn tìm lại một chứng minh cụ thể nào về Phạm môn đều không thể có.

    Nhưng thiết nghĩ, Phạm môn cũng là một cơ quan trọng yếu trong nền Đại Đạo nên không thể thiếu trong Bộ Đạo Sử sau nầy. Nếu những người đương thời không có ghi lại thì các sử gia hậu thế biết căn cứ vào đâu mà sưu khảo, hầu hoàn thành Bộ Đạo Sử được đủ đầy.

    Riêng về kẻ viết bản PHẠM MÔN LƯỢC SỬ nầy không bao giờ dám có cao vọng sẽ chen tựa trong bậc ngưỡng cửa sử gia nền Đại Đạo, nhưng trót lỡ nhận sự phú thác của đàn anh nên không thể vì lẽ gì từ chối được.

    Vẫn biết rằng: Tôi là kẻ thấy cạn hiểu gần thì dám đâu tự xứng với việc quá sức mình, nhưng nhìn kỹ lại các bậc đàn anh trong cửa Phạm môn, đã kẻ trước người sau lần lần qui vị gần như sắp hết, chỉ còn lại năm bảy anh đều là đã lưng còm tóc bạc, tai điếc mắt lờ, nên dầu cho tôi có ngập ngừng e ngại đến đâu, buộc lòng cũng phải cố gượng gắng làm việc của đàn anh giao phó, nhưng chắc rằng không tránh khỏi những điều thiếu sót và cũng hẳn có việc lầm lỗi về luật hành văn không phải ít.

    Kinh xin quí vị cao minh rộng tình thông cảm lượng thứ cho và bổ túc thêm những điều thiếu sót.

    Nay kính.

    Tòa Thánh , ngày mùng 1 tháng 9 Canh Thân.

    (dl 9-10-1980)

    Đạo Nhơn NGUYỄN ĐỨC HÒA, bút hiệu Khiết Dân.


    LƯỢC SỬ PHẠM MÔN hồi ký

    Phạm môn phôi thai từ năm Kỷ Tỵ (1929). Khởi thủy do Đức Hộ Pháp sang phần đất tại xóm Trường Đua thuộc xã Hiệp Ninh, quận Châu Thành tỉnh Tây Ninh, tạo một ngôi nhà, ngôi nhà đầu tiên nầy do Đức Hộ Pháp đặt cho ông Lễ Sanh Thượng Nguơn Thanh lãnh khoán, khi làm xong, kéo đem tới dựng lên (nhà cột cây lợp tranh).

    Trong lúc đang kiến tạo ngôi nhà nầy, có một số người đạo tâm tự đến xin làm giúp cho Đức Hộ Pháp. Mục đích của những người nầy là muốn được gần gũi Đức Hộ Pháp để học đạo, và cứ như thế, số người đến xin làm mỗi ngày thêm đông.

    Đến năm Canh Ngọ (1930), Đức Hộ Pháp mới nói với những người nầy rằng: Chỗ nầy không phải chỗ làm công quả, nếu ai muốn làm công quả thì về trong Tòa Thánh mà làm. Còn như em nào muốn theo Qua thì phải làm Tờ Hiến Thân trọn đời vào Phạm môn và phải có cha mẹ với vợ con bằng lòng ký tên cho hiến thân mới đặng, đồng thời Tờ Hiến Thân phải có Đầu Họ Đạo vi chứng.

    Những anh em nầy họp nhau bàn tính, kết quả anh em đồng ý làm Tờ Hiến Thân. Khi làm Tờ Hiến Thân xong, đệ lên Đức Hộ Pháp. Ngài xem xong rồi, đệ luôn qua cho Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Từ ngày anh em làm Tờ Hiến Thân rồi, Đức thầy buộc làm công mỗi tháng phải đủ 27 ngày, nghỉ 3 ngày là mùng 10, 20 và 30, nếu tháng thiếu nghỉ ngày 29.

    Đến đây nhận thấy số người khá đông, phần ăn uống có mòi thiếu thốn. Mấy người lớn tuổi có phần hiểu biết hơn, mới phân ra một số đi cưa cây làm cửa để trang trí ngôi nhà mới cất, còn một số lo đi kiếm ruộng đặng làm. Khi bàn tính xong thì trình lên cho Đức thầy hay, được Đức thầy chấp thuận và Đức thầy hỏi mướn sở ruộng của Bà Nữ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh, tọa lạc tại Bến Sỏi, Tây Ninh. Vụ làm ruộng do ông Võ Văn Lèo làm chủ sở và nhờ anh em ở xã Ninh Điền và Trà Xiêm giúp trâu cày ruộng và lúa giống.

    Khi ngôi nhà được trang trí kín đáo, xây hai cây cột trụ cửa ngõ xong, Đức thầy mới dạy làm một tấm bảng đề hai chữ PHẠM NGHIỆP và đôi liễn như vầy:

    PHẠM NGHIỆP thừa nhàn lợi lộc công danh vô sở dụng,

    MÔN quan tích đạo tinh thần pháp bửu hữu cơ cầu.

    Đồng thời Đức thầy dạy anh em về Tòa Thánh tạo sở KHÁCH ĐÌNH, kế lộ Phước Đức Cù, sau hậu nhà sở Khách Đình sát với rừng cấm (hướng Nam Tòa Thánh). Nhà sở nầy do ông Nguyễn Văn Lư làm Chủ sở.

    Trong lúc tạo cơ sở nầy, cơm gạo rất thiếu thốn, mỗi bữa ăn đều là khoai mì với lá đậu rồng, lá cây búng chấm nước muối. Lúc đó ông Phạm Văn Út là người nhỏ tuổi hơn hết (lối 20 tuổi) tới bữa ăn vô thấy toàn là khoai mì với nước muối, liền khóc ròng, vì kéo dài đến cả tháng mà chưa được bữa cơm nào.

    Lạ một điều là trong số anh em nầy, khi có ai về thăm nhà, cha mẹ hoặc vợ con hỏi thăm lên trên chùa làm công quả là làm việc gì? Trả lời: Làm nhà, học kinh, học đạo và trồng tỉa, chớ không bao giờ cho biết sự khổ hạnh đói khát, vì sợ cha mẹ, vợ con buồn, rồi không cho đi nữa. Mãi đến sau hỏi lại mới biết mỗi người trả lời với gia đình đều giống như nhau.

    Lúc làm cây tạo dựng nhà sở Khách Đình, gần đến ngày dựng mà còn thiếu cây đòn dông, anh em mới bạo gan vô rừng cấm đốn cây dầu nước, rồi mượn mấy anh em người Miên phụ khiêng đem về cưa ra đặng làm cây đòn dông. Khi vừa cưa xong, chưa kịp dọn dẹp, kế có ông Đội Ngự là Đội Kiểm Lâm vô tới thấy cây mới cưa, nên đi vòng theo mé rừng, thấy dấu đường khiêng cây về, liền trở vô bắt và lập biên bản. Anh em liền đến trình với Đức thầy hay. Đức thầy nói: Nó muốn kiếm tiền đó, mấy em về năn nỉ và cho tiền nó là xong.

    Anh em về năn nỉ và cho nó 5 đồng bạc. Thầy Đội Ngự nói: Thôi tôi vui lòng tha cho, nhưng từ nay đừng ăn cắp cây của nhà nước nữa. Nói rồi xé hủy biên bản ra về.

    Đến cuối năm Canh Ngọ (1930), Đức thầy cho anh em xuống mở sở Phạm môn tại Tâm Lạch thuộc xã Trường Hòa (Tây Ninh) do ông Lê Văn Lưu làm Chủ sở sắp đặt việc nhà cửa và canh tác ruộng rẫy.

    Ông Phạm Văn Màng nhiệm vụ coi anh em người Miên làm hằng ngày, vì sở nầy có lối 40 người Miên kể cả nam nữ, còn người Việt lối 20 người.

    Ông Lại Văn Sắc lo về lương thực và ngoại giao. Khi mới đến tạm ở nơi nhà của ông Út Giáp (Phạm Văn Giáp) vì nhà của ông Giáp gần chỗ tạo nhà sở, phần lớn trong nội vụ kiến tạo nhà sở nầy đều nhờ sự giúp đỡ của anh em ông Giáp. Nguyên bởi ông Phạm Văn Giáp lúc nầy đương giúp việc cho Đức thầy tại Hộ Pháp Đường.

    Khi khởi sự khai mở ruộng rẫy, lúc đem trâu ra máng cày vô rồi, chính Đức thầy cầm cày, anh em dắt trâu, cày đủ 3 vòng, Đức thầy trao lại cho anh em ở sở tiếp tục cày.

    Cũng trong năm nầy, Đức thầy dạy anh em Phạm môn học tập Thập Điều Giới Răn, phải học cho thuộc làu, đặng khi thầy biểu đọc lại là phải đọc cho thuộc.

    Thập Điều Giới Răn như dưới đây:

    1. Phải tuân y Luật pháp Chơn truyền của Chí Tôn.

    2. Phải trọn hiếu với tông đường phụ mẫu, trọn nghĩa vợ chồng, vẹn phận làm cha.

    3. Phải trọn giữ trai giới.

    4. Phải xa lánh các đảng phái.

    5. Phải thật hành phước thiện, nuôi người già, dưỡng trẻ nhỏ.

    6. Không đặng thâu của chúng sanh.

    7. Coi anh em đồng đạo như ruột thịt.

    8. Không được bội sư phản bạn.

    9. Phải ở như các Thánh Hiền, đừng phạm tội vong công bội đức.

    10. Phải thương yêu loài người và loài vật, kỉnh trọng mạng sanh vừa theo tánh chất của Chí Tôn là chúa sự sống.

    Đến năm Tân Mùi (1931), Đức thầy dạy ông Trịnh Phong Cương ra tạo sở Giang Tân, kế mé sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Trường Hòa, sát ranh với xã Long Thành.

    Sở Nam Công nghệ gần ngã ba đi Suối đá và đi Chà là, tại nách đường đi vô Thái Bình Thánh Địa (Nghĩa Địa), do ông Võ Văn Đợi tự Đại làm Chủ sở.

    Sở Nữ Công nghệ ở gần ngã tư Ao hồ, kế bên cửa số 7 Ngoại ô Thánh địa, do ông Đinh Văn Tiết làm Chủ sở.

    Sở Dưỡng Lão Đường cũng gần ngã tư Ao hồ. Nền nhà sở Dưỡng Lão là Điện Thờ Phật Mẫu Đệ Tam ngày nay (Canh Thân 1980) do ông Lê Văn Tri làm Chủ sở.

    Đến cuối năm Tân Mùi (1931), Đức thầy cho hay đến ngày mồng 3 tháng giêng Nhâm Thân (1932) sẽ làm lễ Hồng Thệ (Đào Viên Pháp) tại Sở Trường Hòa.

    Trước khi hồi ký lại nội vụ Hồng Thệ, tôi xin ghi lại 23 vị Minh Thiện Đàn thuộc Thánh Thất Khổ Hiền Trang xã Phú Mỹ quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho, đã Hồng Thệ từ ngày 15-2-Canh Ngọ (1930) tại Thánh Thất Khổ Hiền Trang.

    Chiếu theo niên lịch thì 23 vị Minh Thiện Đàn hồng thệ trước, nên xin ghi trước vào đây, hơn nữa Minh Thiện Đàn cũng là Phạm môn, cũng như Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung và Vạn Pháp Cung, tựu chung cũng là Phạm môn.

    Danh sách 23 vị Minh Thiện Đàn hồng thệ ngày 15-2-Canh Ngọ, kể tên dưới đây:

    1.

    Phan Văn Minh

    Xã Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ.
    2.

    Lê Văn Trung

    Phú Mỹ, Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ.
    3.

    Huỳnh Văn Phuông

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    4.

    Đinh Công Trứ

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    5.

    Trần Văn Đăng

    Long Hòa, Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    6.

    Trần Văn Lợi

    Lương H.Lạc Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    7.

    Nguyễn Văn Tấn

    Lương H.Lạc Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    8.

    Lê Văn An

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    9.

    Trần Thạnh Mậu

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    10.

    Nguyễn Văn Tươi

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    11.

    Lê Cảnh Phước

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    12.

    Hồ Văn Huyện

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    13.

    Lê Văn Ninh

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    14.

    Nguyễn Văn Soi

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    15.

    Dương Văn Hiệp

    Hưng Th.Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    16.

    Nguyễn Văn Hậu

    Lương Hòa Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    17.

    Nguyễn Văn Vàng

    Đạo Ngạn Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    18.

    Phan Văn Huởn

    An Hữu Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    19.

    Hồ Văn Cửu

    Tân H.Thành Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    20.

    Đỗ Văn Phò

    Tân H.Thành Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    21.

    Ung Văn Lưng

    Tân H.Thành Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    22.

    Nguyễn Văn Sủng

    Phú Mỹ Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ
    23.

    Lê Văn Dương

    Tân H.Thành Mỹ Tho. 15-2-C.Ngọ

    Đúng ngày mùng 3 tháng giêng Nhâm Thân (1932), cả anh em Phạm môn nam nữ và luôn cả cha mẹ, vợ con của anh em đều tựu đến Sở Trường Hòa rất đông, phỏng lối ngàn người.

    Đúng 7 giờ tối, Đức thầy dạy lấy một cái thau rửa thật sạch, đem để trước Thiên Bàn. Đức thầy nói: Đáng lẽ mỗi người có tên hồng thệ hôm nay tự mình cắt tay lấy máu đựng chung trong thau nầy rồi mỗi người uống một hớp, nhưng mấy em là người đạo, mỗi người đều giữ trường chay, không thể làm như vậy được, nên phải dùng rượu chát đỏ thay thế, đổ rượu vào thau nầy cho nhiều, vì mấy em đông lắm, lại thêm cha mẹ, vợ con của mấy em nữa.

    Khi đổ rượu vào thau xong, Đức thầy làm lễ Chí Tôn và hành pháp vào thau rượu, rồi kêu từng người theo danh bộ đã chọn sẵn và cả cha mẹ, vợ con của người được hồng thệ vô.

    Người chánh danh Phạm môn được hồng thệ quì trước Thiên Bàn nguyện như vầy:

    " Tôi là: . . . . . . . . . . . . .Tuổi . . . . .

    Từ nay tôi coi anh em Phạm môn như ruột thịt, sanh tử bất ly, thoảng có điều chi hoạn nạn thì tôi liều mình với anh em. Nếu ngày sau tôi thất nguyện, quyền thiêng liêng hành pháp tận đọa tam đồ bất năng thoát tục và thầy tôi không nhìn nhận tôi nữa."

    Lạy 3 lạy, đứng dậy, rồi thọc ngón tay giữa của bàn tay mặt vô rượu chát đỏ nói rằng: "Đây là huyết thệ của tôi." Rồi uống mỗi người một hớp, cha mẹ, vợ con của người chánh danh cũng uống mỗi người một hớp như vậy. Kế người sau đó cũng làm y như vậy, tiếp theo mãi cho đến hết.

    Những người hồng thệ kỳ mồng 3 tháng giêng Nhâm Thân (dl 7-2-1932), Đức thầy chọn được 67 vị. Ông Lê Văn Tri xin thêm 5 vị nữa ở Gò Chai Long Vĩnh, Đức thầy cho nhưng Đức thầy nói: "Mấy người em xin thêm đó, nếu sau nầy có nên được, em vanh tay Qua đi."

    Thật vậy, khoảng lối năm Nhâm Tý (1972), chính tác giả hồi ký Lược Sử nầy có dịp tọa đàm với ông Đỗ Văn Viện, Trưởng Tộc Phạm môn và đôi ba anh em nữa, nhắc lại lời của Đức thầy nói hồi lễ Hồng thệ của Phạm môn tại xã Trường Hòa, và kiểm điểm lại thì đúng như lời Đức thầy buổi nọ.

    Cộng chung 67 vị của Đức thầy chọn và 5 vị do ông Lê Văn Tri xin thêm là 72 vị, danh sách như dưới đây:

    TT. Họ và Tên Quận. Tỉnh
    1.

    Phạm Văn Huấn

    Hiệp Thạnh Trảng Bàng Tây Ninh
    2.

    Lê Văn Tri

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    3.

    Nguyễn Văn Thế

    Thạnh Đức Trảng Bàng Tây Ninh
    4.

    Võ Văn Lẽo

    Thanh Phước Trảng Bàng Tây Ninh
    5.

    Bùi Văn Trực

    tự Nguyệt

    Bình Phú   Long Xuyên
    6.

    Võ Văn Đợi

    tự Đại

    Gia Lộc Trảng Bàng Trảng Bàng
    7.

    Phạm Văn Tuấn

    Hiệp Thạnh Trảng Bàng Tây Ninh
    8.

    Lê Văn Lưu

    An Hòa Trảng Bàng Tây Ninh
    9.

    Trịnh Phong Cương

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    10.

    Đinh Văn Tiết

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    11.

    Lý Văn Lâm

    Mỹ Phong   Mỹ Tho
    12.

    Trịnh Văn Phận

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    13.

    Đỗ Văn Viện

    PhướcThạnh Trảng Bàng Tây Ninh
    14.

    Phạm Công Đằng

    Thanh Phước Trảng Bàng Tây Ninh
    15.

    Nguyễn Văn Sĩ

    tự Đại

    Thạnh Đức Trảng Bàng Tây Ninh
    16.

    Lê Văn Gấm

    Thái Mỹ Hốc Môn Gia Định
    17.

    Nguyễn Văn Lư

    Bình Đăng   Mỹ Tho
    18.

    Phạm Văn Út

    Thanh Phước Trảng Bàng Tây Ninh
    19.

    Trần Văn Như

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    20.

    Nguyễn Văn Lịnh

    Long Hiệp Trung Quận Chợ Lớn
    21.

    Trần Văn Nhượng

    Long Cang Trung Quận Chợ Lớn
    22.

    Lại Văn Sắc

    Thạnh Đức Trảng Bàng Tây Ninh
    23.

    Võ Văn Chở

    Thanh Phước Trảng Bàng Tây Ninh
    24.

    Nguyễn Văn Yên

    Thạnh Đức Trảng Bàng Tây Ninh
    25.

    Lê Văn Buội

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    26.

    Phạm Văn Màng

    Thanh Phước Trảng Bàng Tây Ninh
    27.

    Võ Văn Thoàn

    Thanh Phước Trảng Bàng Tây Ninh
    28.

    Lại Văn Ngà

    Thạnh Đức Trảng Bàng Tây Ninh
    29.

    Ngô Văn Hố

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    30.

    Nguyễn Văn Tiền

    tự Dần

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    31.

    Bùi Văn Trang

    Bình Phú   Long Xuyên
    32.

    Đinh Văn Giao

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    33.

    Đỗ Văn Thơ

    PhướcThạnh Trảng Bàng Tây Ninh
    34.

    Phạm Văn Hạt

    Thạnh Đức Trảng Bàng Tây Ninh
    35.

    Lê Văn Hoa

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    36.

    Nguyễn Văn Vọng

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    37.

    Nguyễn Văn Tiễn

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    38.

    Lương Văn Dậu

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    39.

    Lê Văn Bờ

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    40.

    Nguyễn Văn Thông

    CẩmGiang Trảng Bàng Tây Ninh
    41.

    Trần Văn Ấu

    CẩmGiang Trảng Bàng Tây Ninh
    42.

    Đặng Văn Thứ

    Long Cang Trung Quận Chợ Lớn
    43.

    Nguyễn Văn Thiết

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    44.

    Lê Văn Sửu

    PhướcThạnh Trảng Bàng Tây Ninh
    45.

    Phạm Văn Lễ

    PhướcThạnh Trảng Bàng Tây Ninh
    46.

    Hồ Văn Lung

    CẩmGiang Trảng Bàng Tây Ninh
    47.

    Phạm Văn Chì

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    48.

    Lê Văn Huấn

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    49.

    Nguyễn Văn Sang

        Châu Đốc
    50.

    Hồ Văn Tự

    Phước Vân Trung Quận Chợ Lớn
    51.

    Nguyễn Văn Hạp

    Thanh Hà   Chợ Lớn
    52.

    Võ Văn Trọng

    Định Thành Bến Cát Thủ Dầu Một
    53.

    Đặng Văn Phụng

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    54.

    Đinh Văn Nghiêm

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    55.

    Hồ Văn Giăng

    Thạnh Đức Trảng Bàng Tây Ninh
    56.

    Trần Văn Bùng

    CẩmGiang Trảng Bàng Tây Ninh
    57.

    Đinh Văn Huỳnh

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    58.

    Lê Văn Biện

    ThanhPhước Trảng Bàng Tây Ninh
    59.

    Ngô Văn Mười

    ThanhPhước Trảng Bàng Tây Ninh
    60.

    Nguyễn Văn Bường

    Thạnh Đức Trảng Bàng Tây Ninh
    61.

    Lê Văn Lâu

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    62.

    Nguyễn Văn Cho

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    63.

    Trịnh Vinh Quí

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    64.

    Nguyễn Văn Sen

    ThanhPhước Trảng Bàng Tây Ninh
    65.

    Lê Văn Duyên

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    66.

    Phạm Văn Voi

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    67.

    Phạm Văn Dụng

    CẩmGiang Trảng Bàng Tây Ninh
    68.

    Nguyễn Văn Bo

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    69.

    Trần Văn Sanh

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    70.

    Tô Văn Bao

    tự É

    ThanhPhước Trảng Bàng Tây Ninh
    71.

    Lê Văn Ong

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh
    72.

    Võ Văn Hội

    Ninh Điền Châu Thành Tây Ninh

    Khi hành lễ Hồng Thệ (Đào Viên Pháp) xong, Đức thầy và cả anh em nghỉ đêm tại đó, đến sáng mùng 4 tháng giêng năm Nhâm Thân mới lần lượt ra về.

    Liền trong tháng giêng Nhâm Thân (1932), ông Bùi Văn Trực xin với Đức thầy đi làm ruộng ở núi Sập tỉnh Long Xuyên để có lúa đem về cần dùng nơi Phạm môn, được Đức thầy chấp thuận, liền phân công, kẻ lo kêu gọi anh em đi làm ruộng và kiếm thêm trâu đem đi làm ruộng, người lo làm trạnh cày (trạnh cày bằng cây vì lúc đó chưa có trạnh cày bằng sắt), bắp cày, ách cày và nài ống, tức là các dụng cụ để đi cày làm ruộng.

    Phần ông Đinh Văn Tiết lo làm trạnh cày, tổ chức hai ba người đi vô phía Trảng Dài ăn cắp cây rừng cấm, khoảng giữa chừng Tây Ninh vô Tòa Thánh, từ chỗ làm trạnh cày ra tới lộ đá phỏng chừng lối hơn ngàn thước.

    Khi làm xong, mượn xe bò đặng kéo đem đến sở Giang Tân để ghe chở đi Long Xuyên. Vụ đi kéo trạnh cày đó, ông Đinh Văn Tiết và Nguyễn Văn Bàu cùng đi. Đợi quá 6 giờ tối ngày (quên) tháng giêng Nhâm Thân (1932), hai ông mới đánh chiếc xe bò đi đến chỗ, chất trạnh cày lên xe xong, quày trở về.

    Khi còn cách lộ đá lối trăm thước, ông Tiết nói với ông Bàu: Anh kềm bò lại đây, để tôi ra lộ đá quan sát trước, đi đại ra gặp lính Kiểm lâm thì nguy lắm, anh lưu ý hễ thấy tôi bật lửa hộp quẹt sẽ đánh xe ra, bằng chưa thấy ánh lửa thì đừng ra bất tử.

    Ông Bàu đợi khá lâu mới thấy ánh lửa chấp chóa thì rất mừng, liền đánh xe bò ra và đinh ninh rằng đã gặp dịp may rồi. Nào ngờ khi vừa lên tới lộ đá thì hai người lính Kiểm lâm chạy tới đón đầu bò lại, đồng thời hô lớn lên: Xe ăn cắp cây rừng cấm của nhà nước. Ông Tiết và ông Bàu hoảng hồn, liền chạy lại mở bò, còn hai người lính Kiểm lâm chụp dây bò giành lại, hai đàng dằng co xô đẩy với nhau khá lâu, lần lượt ông Tiết và ông Bàu mở được hai con bò khỏi xe, kế một hồi lâu nữa, thừa dịp hai người lính Kiểm lâm xô đẩy với ông Bàu, ông Tiết đánh hai con bò nhảy tuốt về Tòa Thánh, còn ông Bàu cố gắng giữ hai người lính ở lại không cho rượt theo ông Tiết, đến lúc nghe tiếng bò nhảy đã xa, mới xô hai người lính Kiểm lâm dang xa rồi phát chạy theo ông Tiết. Thế là cả hai người và hai con bò đều thoát khỏi, còn bỏ lại chiếc xe thùng và 24 trạnh cày bằng cây dừng. Chiếc xe kéo trạnh cày bị lính Kiểm lâm tịch thâu luôn, nên Phạm môn phải mua xe khác thường cho chủ.

    Kể từ đây, Đức thầy thường đến thăm anh em nơi các sở Phạm môn, đi bằng cách cỡi ngựa, vì thời nầy đa số đều là rừng rậm, chớ không có đường lưu thông rộng rãi như ngày nay, chỉ đi theo đường xe bò, nên dầu có xe đạp cũng khó đi lắm. Có khi Đức thầy đi một mình, có khi một hoặc hai người đi theo.

    Có một lần độ chừng tháng 6 hay tháng 7 âm lịch Nhâm Thân, Đức thầy xuống Sở Trường Hòa ở lại ngủ đêm. Vì rừng rậm tranh sặt giáp vòng nên muỗi quá nhiều, khổ nỗi là anh em tại đây không ai có mùng, cả thảy đều ngủ bằng chiếc nóp. Còn Đức thầy không quen ngủ nóp, nên không ngủ được, bằng nằm ra ngoài thì muỗi cắn đập liền tay.Vì vậy anh em đốt đống un rồi luân phiên quạt khói mịt mù để tan bớt muỗi, nhưng cũng tạm đỡ phần nào chớ suốt đêm Đức thầy không ngủ được.

    Cũng vì lẽ ấy nên ông Phạm Văn Giáp mới sắm riêng một ghế bố và mùng mền chiếu gối để tại nhà của ông dành để đặc biệt khi Đức thầy đến thì ăn và nghỉ tại nhà ông Giáp, vì nhà ông Giáp ở gần Sở Trường Hòa.

    Cũng trong khoảng thời gian nầy, khi đến thăm các Sở, hễ gặp người bịnh thì Đức thầy kêu Chủ sở dặn phải tận tâm lo thuốc men cho người bịnh, không nên vì việc làm mà bỏ người bịnh. Vì lúc nầy, Sở nào cũng đều là đất rừng mới khai phá ra nên bị bịnh chói nước, nóng lạnh rất nhiều, hay nói cách khác là bịnh rét rừng, như tại Sở Phạm môn Trường Hòa kể từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch, hễ buổi mơi đi làm lối 20 người thì buổi chiều còn lối 7 hoặc 10 người là nhiều, còn những người kia đều bị làm cữ rét nằm trùm mền hết.

    Mỗi lần Đức thầy đi thăm đều thấy như vậy, hơn nữa càng ngày số người bịnh lại càng đông hơn trước.

    Nhận thấy không thể đành như vậy được, nên đến tháng giêng năm Quí Dậu (1933), Đức thầy mới kêu anh em sửa soạn ngôi nhà sau hậu Hộ Pháp Đường, tức là nền nhà Tịnh Tâm Hiên, chỗ Cô Phối Sư Hương Tranh ở ngày nay, lót ván sạp dài thành hai dãy dọc hai bên để cho người bịnh ở các sở Phạm môn về nằm trị bịnh (nam tả nữ hữu). Khi sắp sửa chỗ nơi xong, Đức thầy cho các vị Chủ sở hay, kể từ nay các sở Phạm môn hễ có người bịnh, dầu nam hay nữ đều đem hết về giao cho Đức thầy chăm sóc điều trị.

    Phần trị bịnh chia ra hai khoa:

    1. Đông y do ông Bùi Văn Hưng (ông Tư Hưng) làm Bảo Bịnh, điều trị bằng đông y.

    2. Tây y do Đức thầy bổn thân chăm sóc chích thuốc và cho uống tây y.

    Vì trong thời gian nầy (1933), những người hiện làm công quả tại Tòa Thánh và các sở Phạm môn, không người nào biết chích thuốc và điều trị bằng thuốc tây, chỉ có Sài Gòn mới có một tiệm bán thuốc tây mà thôi.

    Về việc Đức thầy chích thuốc Tây trị bịnh cho anh em rất kết quả, vì đa số là bị bịnh chói nước, rét rừng nên chích thuốc ký nin (Quinine) rất công hiệu, nhưng rất tiếc là công việc trị bịnh đang tiến hành, kế bị nhóm người chi phái đối lập với Tòa Thánh Tây Ninh tố cáo với chánh quyền Pháp tại Tây Ninh, nên ông Trưởng Tâm (Xếp Mật vụ Pháp tại Tây Ninh) đi với 4 người lính Cảnh sát vô tại Hộ Pháp Đường khám xét lấy kim chích thuốc và cả dụng cụ chích thuốc, lập biên bản, lấy hết những món nầy đem về Tây Ninh, rồi đưa ra tòa về tội chích thuốc trị bịnh mà không có giấy chứng nhận của Bác sĩ. Nhưng cũng may, cách đó đôi ba ngày có thầy Hai Để là Y Tá Trưởng tại bịnh viện Tây Ninh vô thăm Đức thầy, sau khi nghe Đức thầy thuật lại vụ ông Trưởng Tâm bắt về vụ chích thuốc, thầy Hai Để nói: Ngài đừng lo chi hết, đến khi ra tòa Ngài nói những dụng cụ chích thuốc đó là của tôi, vì tôi vô chích thuốc mấy người bịnh rét rừng, bởi mỗi ngày tôi đều vô chích nên tôi gởi đồ lại đó. Thế nào tòa cũng đình vụ xử lại để kỳ sau Tòa mời tôi. Khi tòa mời tôi thì tôi nhận những dụng cụ chích thuốc đó là của tôi thì êm chuyện, chớ không sao đâu.

    Thật quả như lời thầy Hai Để, đến phiên tòa sau, ông Để nhìn nhận những y cụ chích thuốc và số thuốc chích mà hôm nọ nhà chức trách khám xét lấy tại Hộ Pháp Đường trong Tòa Thánh là của ông, vì mỗi ngày ông vô chích thuốc cho mấy người bịnh nên ông gởi lại đó. Tòa xử trắng án.

    Mặc dầu được trắng án nhưng cũng không thể tiếp tục vụ chích thuốc nữa được. Từ đây những người bịnh chói nước ra ở tại nhà Cô Tư (chị ruột của Đức thầy) tại chợ cũ Tây Ninh, đặng mỗi bữa sáng đến nhà thương Tây Ninh chích thuốc.

    Đến ngày 16 tháng 10 Quí Dậu (dl 3-11-1933), dựng nhà lớn tại Sở Trường Hòa để làm nhà thờ. Vụ dựng nhà nầy có những người thân quyến của anh em Phạm môn đến tham dự rất đông, phỏng chừng 5 hoặc 6 trăm người. Lúc 7 giờ sáng ngày 16-10-Quí Dậu (1933) khởi sự. Khi vừa kéo lên xong, thợ mộc đang chỉnh đốn lại đặng đóng đòn tay thì bỗng đâu có ông Phủ Sửu, quan Chủ Quận Châu Thành Tây Ninh đi với 5 người lính và Hương Thân Hướng ở Chà Là vô tới. Những anh em thấy có lính thì rất lo sợ mặc dầu không biết là lính Quận có ông Quận đi chung vô đây. Khi ông Quận vô vừa tới, Đức thầy thấy biết là ông Quận Sửu, liền bước ra bắt tay chào hỏi.

    Ông Quận Sửu hỏi: - Ông làm gì đây?

    Đức thầy trả lời: - Dựng nhà.

    Ông Quận Sửu: - Dựng nhà sao đông quá như vậy?

    Đức thầy: - Vì bổn đạo nghe dựng nhà nên đến phụ.

    Ông Quận Sửu: - Đây là cuộc họp hội chi chớ dựng nhà sao đông quá vậy? Có lịnh của quan lớn chánh (Tỉnh Trưởng) nếu có đám tiệc chi, hễ quá 10 người là phải xin phép, còn vụ nầy đông đến bốn năm trăm người mà không xin phép, nên tôi phải lập biên bản, đồng thời ông Quận biểu mấy người lính kêu hết những người đang ở ngoài chỗ dựng nhà vô đây và biểu thầy Đội lập biên bản. Nhờ lúc ông Quận nói chuyện với Đức thầy, anh em rút vô đám rừng phía sau chỗ dựng nhà, lại thêm hai bên hông chỗ dựng nhà là hai đám mía lau rất tốt, cao khỏi đầu nên anh em chun vô đó cũng đông, đến khi mấy người lính kêu ra thì còn không tới 30 người. Ông Quận Sửu giận dữ nói lớn: Cho mấy người giỏi trốn, rồi đây sẽ biết, nói rồi biểu Đức thầy ký biên bản rồi ra về liền.

    Ông Quận đi xe hơi từ Tây Ninh đến Chà Là rồi đi xe bò ra Sở Phạm môn Trường Hòa.

    Đến cuối năm Quí Dậu (1933), gần Tết Nguyên đán, ông Trưởng Tâm (Xếp lính kín Tây Ninh) đi với bốn năm người nữa mặc đồ thường (không biết chức vụ) đến tại Hộ Pháp Đường trình giấy chứng của quan Chánh Tham Biện (Tỉnh Trưởng) Tây Ninh cho lịnh khám xét Hộ Pháp Đường, lấy rất nhiều giấy tờ quan trọng như:

    - Tờ Hiến Thân của anh em Phạm môn.

    - Văn thơ của bổn đạo có, ngoại đạo có nói về tôn giáo, hoặc nói về quốc sự cũng có, đáng kể nhứt là thơ của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở Nhựt và Nguyễn Hải Thần ở Trung quốc, cùng nhiều nhà cách mạng khác.

    Nội vụ tài liệu nầy lấy đem hết về Tây Ninh nạp cho Tỉnh Trưởng. Tỉnh Trưởng Tây Ninh đem nạp cho Toàn Quyền Nam Việt tại Sài Gòn (Pierre Pasquier).

    Sau đó lối hai tháng thì có lịnh đóng cửa các sở Phạm môn do chánh quyền làm sẵn đem đến dựng trước cửa mỗi nhà sở một tấm bảng như vầy: "Niêm cửa lại vì lập Hội Kín không xin phép trước ".

    Mặc dầu đã có lịnh của chánh quyền đóng cửa như vậy nhưng anh em cũng âm thầm ở tại nhà sở như trước, chỉ đóng cửa trước và giảm sự tụ tập đông đảo mà thôi.

    Vì làng xã địa phương thấy anh em nơi đây đều lo làm ăn tu hành và cả thảy đều trường chay, chớ không có điều chi khả nghi làm cách mạng nên họ ngó lơ cho anh em ở đó.

    Vụ khám xét lấy giấy tờ tại Hộ Pháp Đường và đóng cửa các cơ sở Phạm môn, nhưng cũng còn bị đưa ra Tòa. Đức Hộ Pháp mời Đức Quyền Giáo Tông (Thượng Trung Nhựt) cùng đi với Đức Hộ Pháp và những anh em Phạm môn có trát đòi.

    Đến giờ xử, Tòa kêu Đức thầy ra buộc tội là lập Hội riêng mà không xin phép trước. Đức Quyền Giáo Tông xác nhận các sở nầy là của chung của Đạo Cao Đài chớ không phải của riêng ai, chỉ tạo ra cơ sở để làm ăn sanh sống, nhưng Tòa vẫn kêu phạt mỗi vị Chủ sở là 18 quan (lối 20 $ hồi thời đó), còn Đạo sở mỗi người phạt 16 quan. Đức thầy dạy anh em ký tên chống án lên Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn.

    Đến ngày được trát Tòa Sài Gòn đòi hầu Tòa, anh em mượn ghe rồi đem gạo theo ăn. Đến giờ xử, Tòa kêu án y như Tòa Tây Ninh. Ông Luật Sư Dương Văn Giáo (Bảo Cô Quân) biểu anh em chống án qua Pháp và sau đó được Tòa Án tối cao bên Pháp xử trắng án.

    Còn vụ cả giấy tờ lấy nơi Hộ Pháp Đường hôm nọ, Tỉnh Trưởng Tây Ninh chuyển nạp về Sài Gòn. Quan Toàn Quyền Nam Việt Pierre Pasquier bổn thân chở bằng máy bay về chánh quốc Pháp, cố ý diệt Đạo, nhưng đi nửa chừng, máy bay phát hỏa, cả người và đồ đạc đều bị thiêu hủy hết.

    Cũng trong năm Quí Dậu (1933), cơ Đạo biến động, Chức sắc Đại Thiên phong nghịch lẫn nhau, rồi lần lần đi đến chỗ chia phe phân phái, đại ý như phái của ông Đầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) và Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) lập một phái mệnh danh là "BAN CHỈNH ĐẠO", địa điểm tại Bến Tre, tức Tòa Thánh An Hội Bến Tre.

    Ông Lê Kim Tỵ và Giáo Hữu Chính lập một phái gọi là phái TIÊN THIÊN, địa điểm là bìa Sân Cu giáp ranh với Bàu Đế và sau nầy dời về Sóc Sãi Bến Tre.

    Ông Phối Sư Thái Ca Thanh (Đốc Phủ Ca) lập một phái gọi là CHƠN MINH LÝ, địa điểm tại Mỹ Tho.

    Ông Ngô Đức Nhuận và Nguyễn Ngọc Điền (Chín Ruộng) lập một phái gọi là Phái TUYỆT CỐC, không có địa điểm chánh thức, và còn nhiều phái khác nữa.....

    Từ đây, những nhóm người tách rời Tòa Thánh thường đánh đổ Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp, thậm chí có phần tử dựa vào quyền đời để hạ kẻ đối lập với họ. Những việc quá đau lòng, xin miễn chỉ đích danh, vì dầu sao cũng là bậc đàn anh trong cửa Đạo và đã hữu công với Đạo từ buổi phôi thai.

    Đến tháng giêng năm Giáp Tuất (1934), khi cúng đàn rằm tháng giêng vừa xong, liền được tin ngày 20 tháng giêng nầy có Chi phái về Tòa Thánh đăng điện, tức là lên ngôi Giáo Tông và sẽ đuổi Đức Quyền Giáo Tông ra khỏi Tòa Thánh.

    Đức Quyền GiáoTông lấy làm lo lắng nên cho Đức thầy hay nhờ Đức thầy liệu cách bảo vệ sự an toàn cho Tòa Thánh.

    Đức thầy nói: - Xin anh cả yên tâm, để mặc em lo liệu.

    Và liền kế, Đức thầy ra lịnh cho Thủ Bổn Phạm môn là ông Nguyễn Văn Gia khẩn cấp kêu hết anh em Chủ sở và đạo sở nơi các sở Phạm môn phải có mặt tại Tòa Thánh trước 5 giờ sáng ngày 20 tháng giêng Giáp Tuất (1934) để Đức thầy dạy việc, mỗi cơ sở chỉ chừa lại một người giữ nhà mà thôi.

    Vừa rạng chơn trời ngày 20 tháng giêng Giáp Tuất (1934), cả anh em lớn nhỏ nơi các sở Phạm môn đều tụ đến đủ mặt tại Hiệp Thiên Đài. Đức thầy giao cho ông Giáo Sư Thượng Minh Thanh lãnh trách nhiệm điều động thống nhứt, ông liền phân ra giữ các cửa ra vào Nội ô Tòa Thánh .

    Đúng như ngày đã định, lúc 7 giờ sáng ngày 20 tháng giêng năm Giáp Tuất (dl 5-3-1934) nhóm người Chi phái kéo về Tòa Thánh rất đông, vừa đến cửa Hòa Viện (cửa số 1) thì ngưng lại, rồi phân ra. Một nhóm thì kéo vào cửa số 1, còn một nhóm thì kéo đến cửa số 2, cũng đồng xông vào Nội ô.

    Những người giữ cửa được lịnh của người làm đầu bảo ngăn lại, không cho vô và nói rằng: Các Hiền huynh nán đợi chúng tôi báo cáo với Đức Quyền Giáo Tông và đợi có lịnh của Anh Cả cho mời, các Hiền huynh sẽ vô cũng không muộn. Nhưng nhóm người nầy không chịu chờ đợi, mà vẫn ngang nhiên xông đại vào. Những người giữ cửa thì cố ngăn lại, khiến nên kẻ lấn vào, người xô ra. Cuộc xô lấn ồn ào như vậy khá lâu, rốt cuộc lại dùng xen võ lực để giành phần thắng với nhau, và diễn tiến mãi đến lúc 9 giờ mới kết thúc là: nhóm người Chi phái cam đành thất bại, đồng thui thủi trở về trên vẻ mặt mỗi người đều đầy khí sắc căm hờn giận dữ.

    Sau cuộc biến động ngày 20 tháng giêng vừa kể trên, Đức Quyền Giáo Tông mời anh em Phạm môn dự bữa tiệc thân mật, có Đức thầy (Đức Hộ Pháp) tham dự.

    Trước khi nhập tiệc, Đức Quyền Giáo Tông nói:

    - Lúc trước Đức Hộ Pháp mở Phạm môn có một phần Chức sắc lớn trong Hội Thánh đánh đổ, chớ ít ai nhìn nhận là đúng. Hễ ai nói sao Qua nghe vậy, chớ thật ra Qua cũng không biết Đức Hộ Pháp mở Phạm môn có ích lợi gì. Đến nay, Qua mới biết, nhờ có mấy em dám hy sinh để bảo tồn nghiệp Đạo.

    Cũng trong bữa tiệc nầy, Đức Quyền Giáo Tông ngỏ ý yêu cầu Đức Hộ Pháp cho Hội Thánh CTĐ mượn người Phạm môn để bổ đi các tỉnh, hầu trấn an tinh thần bổn đạo đang rất hoang mang, và Đức thầy hứa chịu.

    Qua cơn biến cố trong cửa Đạo, người làm đầu một Chi phái (xin miễn chỉ danh vì cũng là bậc Thiên phong có đại công trong buổi đầu tiên Khai Đạo) lại mượn tay chánh quyền để trả thù trận thất bại vừa rồi. Nên sau vụ sóng gió trong cửa Đạo hôm ngày 20 tháng giêng Giáp Tuất (1934) thì một số đông anh em Phạm môn bị bắt giam tại khám đường Tây Ninh, buộc tội vu vơ đủ thứ. Mục đích chính là bảo khai cho Đức Quyền Giáo Tông chủ mưu xúi các anh em nầy đánh đuổi người Chi phái, không cho vô Tòa Thánh bái lễ. Nhưng những người nầy không chịu khai như vậy, nên bị tra tấn rất tàn nhẫn, mấy ngày sau mới lần lượt thả về, chỉ còn lại 6 người.

  • Phạm môn

    Sáu người còn lại bị dùng cực hình tra tấn, nhưng 6 anh nầy cương quyết thà là chịu chết chớ không khai như lời của họ hướng dẫn, và mãi như vậy đến sau mới thả về thì có người không đi được. (Yêu cầu xem bài giáng cơ của Hương Bảo Thoàn, chép ở phần sau nói về 6 vị Phạm môn nầy).

    Cơ Đạo đang gặp cơn thử thách quá nặng nề, Đức Quyền Giáo Tông và Đức Hộ Pháp đồng tâm hợp sức lèo lái Đạo thuyền cố vượt qua cơn bão tố, nhưng khổ nỗi lại gặp cảnh họa vô đơn chí là: ngày 13-10-Giáp Tuất (dl 7-11-1934), Đức Quyền Giáo Tông đăng Tiên, làm cho cả Hội Thánh, Chức sắc, Chức việc và toàn đạo đều ngậm ngùi thương tiếc. Toàn đạo đều thọ tang và tận tâm chung lo cuộc tang lễ rất long trọng.

    Sau cuộc tang lễ Đức Quyền Giáo Tông, Hội Thánh liền triệu tập một phiên Đại Hội để chọn người lãnh đạo. Hội Thánh CTĐ sau nhiều lần bàn giải sôi nổi và sâu rộng, toàn Hội đều đồng thanh quyết nghị Đức Hộ Pháp Chưởng quản HTĐ kiêm Chưởng quản CTĐ, tức là Hộ Pháp Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng.

    Qua năm Ất Hợi (1935), Đức thầy nhớ lời hứa với Đức Quyền Giáo Tông nên Đức thầy đưa anh em Phạm môn ra cầu phong do đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh đêm rằm tháng 2 năm Ất Hợi (dl 19-3-1935), Đức Lý Đại Tiên kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ giáng cơ phong ông Trịnh Phong Cương (Lễ Sanh Thượng Cương Thanh) lên Giáo Hữu, còn những vị có danh sách dưới đây đều là Lễ Sanh phái Thượng:

    NAM PHÁI:

    1.

    Trịnh Phong Cương

     

    Giáo Hữu-phái Thượng.

    2.

    Lê Văn Tri

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    3.

    Nguyễn Văn Thế

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    4.

    Võ Văn Lẽo

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    5.

    Bùi Văn Trực

    tự Nguyệt

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    6.

    Võ Văn Đợi

    tự Đại

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    7.

    Đinh Văn Tiết

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    8.

    Trịnh Văn Phận

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    9.

    Đỗ Văn Viện

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    10.

    Phạm Công Đằng

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    11.

    Nguyễn Văn Sĩ

    tự Đại

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    12.

    Lê Văn Gấm

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    13.

    Nguyễn Văn Lư

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    14.

    Phạm Văn Út

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    15.

    Trần Văn Như

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    16.

    Nguyễn Văn Lịnh

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    17.

    Trần Văn Nhượng

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    18.

    Lại Văn Sắc

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    19.

    Võ Văn Chở

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    20.

    Nguyễn Văn Yên

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    21.

    Trần Văn Lợi

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    22.

    Phạm Văn Lễ

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    23.

    Phan Văn Đức

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    24.

    Võ Văn Dần

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    25.

    Nguyễn Văn Thông

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    26.

    Nguyễn Văn Ráng

    tự Châu

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    27.

    Đặng Văn Cận

     

    Lễ Sanh-phái Thượng

    NỮ PHÁI:

    1.

    Trịnh Thị Bền,

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    2.

    Lê Thị Rổi

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    3.

    Võ Thị Bông

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    4.

    Võ Thị Thoàn

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    5.

    Đinh Thị Kiêm

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    6.

    Lưu Thị Sen

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    7.

    Trần Thị Ơn

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    8.

    Đinh Thị Tiết

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    9.

    Nguyễn Thị Gạo

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    10.

    Lý Thị Yếu

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    11.

    Lê Thị Ngơi

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    12.

    Lê Thị Lơi

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    13.

    Lâm Thị Nèn

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    14.

    Đinh Thị Chén

     

    Lễ Sanh-Giáo Thiện

    Và Đức Lý Giáo Tông cho chung một bài thi tứ tuyệt:

    Một trường vinh hiển buổi sau đây,

    Danh thể khá tua trả nghĩa thầy.

    Nắm giữ mối giềng nền Đạo cả,

    Lão đương lừa lọc trận rồng mây.

    Sau khi cầu phong rồi, Đức thầy định bổ mỗi vị lãnh trách nhiệm làm Đầu Họ Phước Thiện một tỉnh, nghĩa là chánh thức khai mở Cơ Quan Phước Thiện kể từ nay và cũng là Phạm môn đã bị chánh quyền Pháp đóng cửa nên biến thành Cơ Quan Phước Thiện khắp cả các địa phương.

    Đức thầy chọn 20 vị để bổ đi 20 tỉnh trong Nam phần Việt Nam, rồi dạy bắt thăm, hễ ai trúng đâu thì đi đó. Đức thầy lại ban cho những anh được cầu phong kỳ nầy (15-2-Ất Hợi 1935) mỗi vị một Đạo hiệu đặc biệt.

    Đạo hiệu của mỗi vị và ai trúng thăm lãnh trách nhiệm Đầu Họ Phước Thiện tỉnh nào, kể ra dưới đây:

    (Theo số thứ tự của mỗi tỉnh hồi thời đó)

    Viết tắt:

    LS-GT: Lễ Sanh - Giáo Thiện.

    ĐHPT: Đầu Họ Phước Thiện. 

     
    TT. Họ và Tên Đạo hiệu Phẩm tước Trách nhiệm
    1.

    Đinh Văn Tiết

    Chí Khiết LS-GT ĐHPT Gia Định
    2.

    Nguyễn Văn Thế

    Kế Thiền LS-GT ĐHPT Châu Đốc
    3.

    Lại Văn Sắc

    Trường Đức LS-GT ĐHPT Hà Tiên
    4.

    Võ Văn Đợi tự Đại

    Linh Đoán LS-GT ĐHPT Rạch Giá
    5.

    Võ Văn Lẽo

    Trì Hoán LS-GT ĐHPT Trà Vinh
    6.

    Võ Văn Dần

    Hậu Hối LS-GT ĐHPT Sa Đéc
    7.

    Nguyễn Văn Lịnh

    Huyền Sinh LS-GT ĐHPT Bến Tre
    8.

    Trần Văn Như

    Tín Thành LS-GT ĐHPT LongXuyên
    9.

    Bùi Văn Trực tự Nguyệt

    Nhựt Diệu LS-GT ĐHPT Tân An
    10.

    Đỗ Văn Viện

    Điền Quân LS-GT ĐHPT SócTrăng
    11.

    Nguyễn Văn Ráng

    tự Châu

    Hiệp Phố LS-GT ĐHPT Thủ Dầu Một
    12.

    Trịnh Văn Phận

    Nhơn Ái LS-GT ĐHPT Tây Ninh
    13.

    Nguyễn Văn Sĩ

     tự Đại

    Trạch Thiện LS-GT ĐHPT Biên Hòa
    14.

    Lê Văn Tri

    Triết Hóa LS-GT ĐHPT Mỹ Tho
    15.

    Phan Văn Đức

    Thượng Chiếu LS-GT ĐHPT Bà Rịa
    16.

    Phạm Công Đằng

    Thượng Đạt LS-GT ĐHPT Chợ Lớn
    17.

    Trần Văn Lợi

    Chuyên Đại LS-GT ĐHPT VĩnhLong
    18.

    Phạm Văn Lễ

    Thừa Hậu LS-GT ĐHPT Gò Công
    19.

    Nguyễn Văn Thông

      LS-GT ĐHPT Cần Thơ
    20.

    Nguyễn Văn Yên

    Hướng Nhàn LS-GT ĐHPT Bạc Liêu
    21.

    Trịnh Phong Cương

    Trọng Phương Thượng Giáo Hữu Đầu Họ Hành Chánh Bạc Liêu.
    22.

    Lê Văn Gấm

    Diệu Âm LS-GT thế ông Dần ở SaĐéc
    23.

    Nguyễn Văn Lư

    Quảng Lự LS-GT Cai Quản Thợ Mộc tạo tác Tòa Thánh
    24.

    Phạm Văn Út

    Lưu Thiện LS-GT tài xế cho Đức thầy
    25.

    Trần Văn Nhượng

    Tưởng Thị LS-GT sau khi cầu phong bị bịnh nặng
    26.

    Võ Văn Chở

    Trường Tải Đốc Nhạc Chưởng quản Bộ Nhạc
    27.

    Đặng Văn Cận

    Viễn Kiến LS phái Thượng  

    NỮ PHÁI: Đầu Họ Đạo Phước Thiện Nữ.

    TT. Họ và Tên Đạo hiệu Phẩm tước Trách nhiệm
    1.

    Trịnh Thị Bền

      LS-GT ĐHPT Nữ Bạc Liêu
    2.

    Lê Thị Rổi

      LS-GT ĐHPT Nữ Chợ Lớn
    3.

    Võ Thị Bông

      LS-GT ĐHPT Nữ Rạch Giá
    4.

    Võ Thị Thoàn

      LS-GT ĐHPT Nữ Mỹ Tho
    5.

    Đinh Thị Kiêm

      LS-GT ĐHPT Nữ Tân An
    6.

    Lưu Thị Sen

      LS-GT ĐHPT Nữ Tây Ninh
    7.

    Trần Thị Ơn

      LS-GT ĐHPT Nữ Vĩnh Long
    8.

    Đinh Thị Tiết

      LS-GT ĐHPT Nữ Sa Đéc
    9.

    Nguyễn Thị Gạo

      LS-GT ĐHPT Nữ Gia Định

    Những tỉnh không có ĐHPT Nữ thì Nam phái kiêm luôn.

    Riêng phần Nữ phái cũng có một số người kể dưới đây được Đức thầy cho mỗi người một Đạo hiệu:

    1.

    Từ Thị Kế,

    Thừa Thiện  
    2.

    Lê Thị Lơi,

    Hồng Huệ
    3.

    Đinh Thị Chén,

    Hàm Đức
    4.

    Phạm Thị Hoảnh,

    Giác Thành
    5.

    Lê Thị Chinh,

    Thiền Tín
    6.

    Trần Thị Ơn,

    Quang Ái
    7.

    Lưu Thị Sen,

    Duy Từ
    8.

    LâmThị Nhiệp,

    Ngọc Căn.

    Đức thầy mời Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa trở về HTĐ lãnh trách nhiệm Chưởng quản Phước Thiện vì Ngài Khai Pháp đang làm Quyền Ngọc Chánh Phối Sư bên CTĐ và đưa ông Phối Sư Ngọc Trọng Thanh làm Q. Ngọc Chánh Phối Sư.

    Khi cuộc bắt thăm, anh em Phạm môn mới cầu phong, mỗi người đi hành đạo một tỉnh trong Nam phần VN, Đức thầy dạy những anh nầy phải ở thường trực tại Tòa Thánh để học về cách thức Hành Chánh Đạo, nghi lễ, ngoại giao, đi lễ, nhứt là phải thuộc làu hết Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, cùng giọng đọc kinh, mỗi đêm đều tựu đến Hộ Pháp Đường để học từ 6 giờ đến 10 giờ, bổn thân Đức thầy chỉ dạy. Hộ Pháp Đường thời nầy còn là nhà cột cây, lợp tranh, nền đất, ba căn không chái, nên không rộng lắm, khi anh em tựu đến đông thì hơi chật.

    Trước nhứt, Đức thầy dạy các anh đi lễ và học Kinh Thiên Đạo Thế Đạo. Vì Tân Kinh lúc đó, các Đấng mới cho nên chép lại bằng chữ viết, chớ chưa có in ra và cũng chưa có máy đánh chữ. Mỗi người chép một bản kinh để học thuộc lòng, khổ nhứt là những người không biết chữ, phải nhờ người khác đọc dùm đặng đọc theo học thuộc lòng, người sáng dạ còn đỡ khổ, bằng tối dạ học tới ba bốn ngày cũng chưa thuộc bài nào. Hễ người nào không thuộc thì đương nhiên bị rầy.

    Về đi lễ, mỗi hiệp đi 4 hoặc 6 người, khởi đầu Đức thầy đi trước, các người nầy đi sau, đi lối đôi ba lần thì Đức thầy đứng riêng ra ngoài xem, hễ ai đi trật thì Đức thầy sửa lại và tập mãi như vậy cho đến cả tuần lễ mà có người vẫn còn đi trật, nhứt là lối đi Lưỡng nghi, Tứ tượng và Bát quái.

    Thỉnh thoảng Đức thầy dạy về tư cách khi đến quan viên, nhân sĩ, các tôn giáo bạn, nhà thờ, chùa, miểu, phải như thế nào. Thậm chí đến cách lạy, lạy theo mỗi tôn giáo, lạy Ông Bà, Đức thầy đều dạy đầy đủ chi tiết mỗi cách lạy. Đức thầy cũng lạy trước, anh em tập lạy theo sau. Cách lạy thường sự nhứt mà lại khó nhứt là lạy Ông Bà theo cổ lệ VN, có người lạy cả chục lần cũng chưa đúng như Đức thầy lạy để anh em xem mà tập theo.

    Đức thầy nói: Qua vẫn biết mấy em mấy con từ trước đến giờ chỉ lo bề ruộng rẫy, nên nay phải học những việc nầy là lựng khựng, nhưng nay mấy em đã lãnh trọng trách trong cơ cứu khổ là đi khai mở Cơ Quan Phước Thiện, làm đàn anh của nhơn sanh, dìu dẫn nhơn sanh trên đường tạo công lập vị nơi cảnh thiêng liêng mà không học sao được, dầu có khó khăn bao nhiêu cũng phải ráng học.

    Đặc biệt về văn kiện nhờ Ngài Khai Pháp HTĐ Chưởng quản Phước Thiện tận tâm nghiên cứu lập thành 24 kiểu công văn, rồi in bột cho mỗi vị Đầu Họ Phước Thiện một bản.

    Về việc học tập đã tạm xong, nên mấy anh lãnh nhiệm vụ đi hành đạo địa phương xin phép đi làm mướn hoặc ai có thể mua bán chi tùy ý để kiếm tiền sắm áo mão Lễ Sanh một bộ Đại phục và hai bộ Tiểu phục cùng quần áo thường dùng để đem theo, nhứt là áo Tiểu phục hai bộ mới được, vì hồi đó, hễ ra khỏi nhà là mặc áo Tiểu phục, hơn nữa là tiền xe đi đến tỉnh nhiệm của mình.

    Đầu tháng 8 năm Ất Hợi (1935), Đức thầy cho ông Nguyễn Văn Gia Thủ Bổn Phạm môn hay đến ngày 18-8-Ất Hợi (dl 15-9-1935) sẽ làm lễ Hồng Thệ cho những vị Phạm môn chưa hồng thệ kỳ trước. Ông Thủ Bổn Phạm môn liền gởi thơ cho các sở hay. Đúng ngày đã định, anh chị em đều tựu về Hộ Pháp Đường (chỗ Tịnh Tâm Hiên, Cô Phối Sư Hương Tranh ở hiện nay, nhưng hồi đó nhà cột cây lợp tranh).

    Việc hồng thệ (Đào Viên Pháp) kỳ nầy cũng thi hành y như kỳ mùng 3 tháng giêng Nhâm Thân (1932), và kỳ nầy kết quả được 52 nam và 27 nữ:

    Những người hồng thệ ngày 18-8-Ất Hợi (dl 15-9-1935), danh sách như dưới đây:

    TT. Họ và Tên Quận. Tỉnh
    1.

    Võ Văn Sáng

    Cẩm Giang Trảng Bàng Tây Ninh
    2.

    Nguyễn Văn Hưng

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    3.

    Trần Văn Định

    Long Cang   Chợ Lớn
    4.

    Lê Phước Đặng

    Long Cang   Chợ Lớn
    5.

    Văn Tấn Bảo

    Lương H.Lạc ChâuThành Mỹ Tho
    6.

    Lê Văn Khả

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    7.

    Trịnh Văn Tiết

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    8.

    Võ Văn Đành

    ThanhPhước Trảng Bàng Tây Ninh
    9.

    Lê Văn Quốc

    Thái Mỹ Hốc Môn Gia Định
    10.

    Trịnh Văn Thu

    Gia Bình Trảng Bàng Gia Bình
    11.

    Lê Văn Tuấn tự Tân

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    12.

    Trần Văn Rỡ

    Thái Mỹ Hốc Môn Gia Định
    13.

    Trịnh Văn Bân

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    14.

    Nguyễn Văn Bồng

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    15.

    Lê Văn Càn

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    16.

    Huỳnh Văn Ngữ

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    17.

    Trần Văn Ân

    Long Hiệp   Chợ Lớn
    18.

    Đặng Văn Khê

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    19.

    Trần Văn Thạnh

    Long Hiệp   Chợ Lớn
    20.

    Cao Văn Thành

    HiệpNinh ChâuThành Tây Ninh
    21.

    Nguyễn Văn Niên

    LongCang   Chợ Lớn
    22.

    Huỳnh Văn Hiếu

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    23.

    Lâm Văn Nhân

    ThanhPhước Trảng Bàng Tây Ninh
    24.

    Lâm Văn Đứa

    ThanhPhước Trảng Bàng Tây Ninh
    25.

    Nguyễn Văn Gia

    LongCang   Chợ Lớn
    26.

    Hà Minh Lý

    LongThành ChâuThành Tây Ninh
    27.

    Cao Văn Thọ

    HiệpNinh ChâuThành Tây Ninh
    28.

    Trương Công Thống

    Bình Chánh   Tân An
    29.

    Phạm Văn Hường

    Bình Nhựt   Tân An
    30.

    Nguyễn Văn Thìn

    ThạnhĐức Trảng Bàng Tây Ninh
    31.

    Võ Văn Chi

        Gia Định
    32.

    Nguyễn Văn Quận

    Bình Chánh   Tân An
    33.

    Trần Văn Dậu

    Tân Bửu   Chợ Lớn
    34.

    Dương Văn Thai

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    35.

    Đào Văn Mễ

    Tân Lập   Chợ Lớn
    36.

    Trà Văn Phiên

    ThạnhĐức Trảng Bàng Tây Ninh
    37.

    Lê Văn Hay

    MỹLạcThanh   Tân An
    38.

    Nguyễn Văn Biểu

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    39.

    Nguyễn Văn Tư

    ThanhPhước Trảng Bàng Tây Ninh
    40.

    Cao Văn Giai

    Hưng Mỹ Châu Thành Trà Vinh
    41.

    Lê Văn Lưu

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    42.

    Nguyễn Văn Muồi

      Mộc Hóa Tân An
    43.

    Lê Văn Giáp

    LongThành ChâuThành Tây Ninh
    44.

    Võ Văn Dần

    Thanh Mỹ Châu Thành Trà Vinh
    45.

    Phan Văn Đức

         
    46.

    Phạm Văn Liềng

    ThạnhPhú Cai Lậy Mỹ Tho
    47.

    Phạm Văn Sậy

    ThạnhPhú Cai Lậy Mỹ Tho
    48.

    Trần Duy Nghĩa

    Tòa Thánh Tây Ninh - Khai Pháp
    49.

    Trần Quang Thế

    Tòa Thánh Tây Ninh - Tiếp Lễ Nh.Q.
    50.

    Thượng Trí Thanh

    Tòa Thánh Tây Ninh - Phối Sư
    51.

    Thái Gấm Thanh

    Tòa Thánh Tây Ninh - Giáo Sư
    52.

    Trang Văn Giáo

    Tòa Thánh Tây Ninh - Tả Phan Quân

    NỮ PHÁI:

    TT. Họ và Tên Quận. Tỉnh
    1.

    Ngô Thị Giềng

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    2.

    Lê Thị Hàm

    LongThành ChâuThành Tây Ninh
    3.

    Lê Thị Hơn

    LongThành ChâuThành Tây Ninh
    4.

    Phan Thị Tư

    Trường Hòa Trảng Bàng Tây Ninh
    5.

    Nguyễn Thị Ninh

      Mộc Hóa Tân An
    6.

    Đinh Thị Chén

    Gia Bình Trảng Bàng Tây Ninh
    7.

    Từ Thị Kế

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    8.

    Lê Thị Yếu

    LongThành ChâuThành Tây Ninh
    9.

    Lê Thị Ngơi

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    10.

    Đỗ Thị Chắc

    LongThành ChâuThành Tây Ninh
    11.

    Huỳnh Thị Khoa

    Bình Nhựt Thủ Thừa Tân An
    12.

    Võ Thị Thoàn

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    13.

    Lâm Thị Mèn

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    14.

    Tô Thị Bẳng

    Lộc Hưng Trảng Bàng Tây Ninh
    15.

    Võ Thị Thêu

    Lộc Hưng Trảng Bàng Tây Ninh
    16.

    Lê Thị Lơi

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    17.

    Phạm Thị Hoảnh

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    18.

    Lê Thị Nừng

        Nam Vang
    19.

    Lê Thị Chinh

    Bình Nhựt Thủ Thừa Tân An
    20.

    Lưu Thị Sen

    Bình Nhựt Thủ Thừa Tân An
    21.

    Trần Thị Ơn

    Trường Hòa Trảng Bàng Tây Ninh
    22.

    Văn Kim Giai

    Trường Hòa Trảng Bàng Tây Ninh
    23.

    Trần Thị Giống

    Gia Lộc Trảng Bàng Tây Ninh
    24.

    Trần Thị Nữ

    LongThành ChâuThành Tây Ninh
    25.

    Lý Thị Gần

    LongThành ChâuThành Tây Ninh
    26.

    Lâm Thị Nhiệp

    LongThành ChâuThành Tây Ninh

    Bước qua đầu tháng 9-Ất Hợi (1935), Đức thầy cho hay, người nào lãnh lịnh đi hành đạo, hãy sắp đặt đặng sáng 12 là đi.

    Đến ngày 11-9-Ất Hợi (1935), mấy anh em được lịnh bổ đi hành đạo đều tựu đến HTĐ, đặng sáng ngày 12 lên xe đi. Hơn nữa, một số đông anh chị em Phạm môn, mặc dầu không có lịnh bổ đi hành đạo trong kỳ nầy cũng tựu về đây để đưa thân hữu của mình đi tha phương hành đạo. Vì thế cuộc tiễn đưa nầy rất đông.

    Lối 4 giờ sáng ngày 12-9-Ất Hợi (dl 9-10-1935), mấy chị dọn cơm lên xong hết vì đã nấu sẵn từ khuya, cả anh em ăn cơm xong rồi, vừa 6 giờ sáng, anh em đồng kéo nhau vô Hộ Pháp Đường làm lễ từ giã Đức thầy, rồi đến Đền Thánh cầu nguyện, đảnh lễ Đức Chí Tôn. Đức thầy cũng đến Đền Thánh cầu nguyện và căn dặn lần chót. Đức thầy nói:

    - Nay mấy em đi hành đạo, thầy không có món gì để tặng, vậy thầy tặng chung cho mấy em một bài thi để hằng tâm kỷ niệm:

    Buồn chưa đạt được phép thần thông,

    Dụng thế phân thân hiệp đại đồng.

    Ước tóm địa cầu làm một cửa,

    Mong gom thiên hạ lại đồng tông.

    Đưa gương diệu lý dìu Âu chủng,

    Cầm kiếng thiêng liêng chiếu Á đông.

    Bước tục từng quen nơi cửa Đạo,

    Đường văn gặp bạn cũng vui lòng.

    Khi tiễn ra xe, vì xe đã dặn trước nên đến đậu tại cửa số 1 Nội ô Tòa Thánh (Cửa Hòa Viện). Đức thầy dạy thêm:

    - Mấy em khi tới địa phương, hễ gặp Chùa Phật, Nhà thờ, hoặc Đình Thần nơi các xã, thì xin phép người ở đó vào làm lễ ra mắt với các Đấng ấy. Và vừa rồi có lịnh của Hội Thánh mới ban cho các địa phương, hễ có Chức sắc đến vào bái lễ Chí Tôn thì phải tiếp rước có chuông trống tùy theo phẩm tước, nhưng mấy em bên PhướcThiện nên khước từ điều ấy.

    Lúc từ giã lên xe, Đức thầy và cả anh em Phạm môn lớn nhỏ đều đổ lệ bịn rịn với nhau, nên mãi đến 8 giờ, xe mới bắt đầu lăn bánh. Khi xe xuống tới Gò Dầu thuộc xã Thanh Phước, là quê hương của ông Phạm Công Đằng, anh em nơi đó đón xe ngừng lại để tiễn đưa một lần nữa. Vì sự tiễn đưa và bịn rịn như vậy, đến gần 12 giờ trưa xe mới tới Chợ Lớn. Anh em đều vào Thánh Thất Chợ Lớn nghỉ và dùng cơm trưa tại đây, vì Hội Thánh cho hay trước nên vụ cơm nước đã chuẩn bị sẵn sàng.

    Dùng cơm xong liền kéo ra bến xe Lục Tỉnh kiếm xe đi về tỉnh của mình đắc lịnh bổ nhiệm.

    Đặc biệt là Đạo Nghị Định thuyên bổ Đầu Họ Phước Thiện kỳ nầy do Ngọc Chánh Phối Sư và Ngài Khai Pháp HTĐ Chưởng quản PT đồng ký tên và Đức Hộ Pháp phê chuẩn.

    Những vị Đầu Họ Phước Thiện buổi đầu tiên khi đến địa phương đều ở tại các Thánh Thất chung với Đầu Họ Hành Chánh Đạo, nhưng việc ai nấy lo, nếu gặp việc cần thì chung lo giúp đỡ lẫn nhau.

    ■ Đầu Họ Hành Chánh lo phổ độ nhơn sanh.

    ■ Đầu Họ Phước Thiện lo cho người hiến thân vào Phước Thiện, khai mở cơ sở Lương điền, Công nghệ và Thương mãi. Việc Đạo sự lúc nầy tiến triển khả quan, nhứt là việc người hiến thân vào Phước Thiện và vụ khai mở sở Lương điền.

    Đến ngày 27 tháng chạp Ất Hợi (1936), các vị Đầu Họ Phước Thiện tiếp được điện tín của Ngài Khai Pháp Chưởng quản Phước Thiện cho phép về nhà ăn Tết, mỗi người được về thăm gia đình, đến ngày mùng 8 tháng giêng năm Bính Tý (1936), phải có mặt tại Tòa Thánh để cúng vía Đức Chí Tôn và đãi lịnh Hội Thánh.

    Qua đến ngày mùng 9, Đức thầy cho kêu hết những vị Đầu Họ Phước Thiện họp đủ mặt tại Hộ Pháp Đường, Đức thầy ban cho mỗi vị bốn Phép Bí tích là:

    1. Phép Giải Oan.

    2. Phép Tắm Thánh.

    3. Phép Đoạn Căn (Phép Xác).

    4. Phép Hôn Phối.

    Đức thầy trục thần, khai khiếu, truyền dạy cách thức hành pháp cho từ người. Đức thầy lại ban cho mỗi vị một cây bạch đăng (đèn cầy trắng) và dặn khi nào gặp việc khó khăn không giải quyết được, đợi lúc 12 giờ khuya đổ lên, đốt cây đèn nầy và thành tâm cầu nguyện thì thầy sẽ giúp cho.

    Khi các việc xong, Đức thầy dặn, cúng lễ rằm tháng giêng rồi trở xuống địa phương lo phận sự của mình. Còn về bản chỉ dẫn hành pháp, thầy sẽ gởi xuống sau. Việc hành pháp, mấy em phải ráng tập luyện, khi nhận thấy được sẽ thực hành, và khi hành pháp, kết quả thế nào, nhớ phúc trình cho thầy biết.

    Nhờ Đức thầy truyền thần, khai khiếu và truyền pháp nên việc hành pháp rất kết quả, khả quan nhứt là Phép Giải Oan và Giải bịnh, sự hiệu lực thấy hiển hiện trước mắt, nên mỗi kỳ đàn, bổn đạo tựu đến Thánh Thất cúng rất đông để được giải oan luôn thể.

    Về việc huyền diệu hiển hiện trong Phép Giải Oan, Giải bịnh, xin đơn cử đôi việc như sau:

    ■ Hồi năm Bính Tý (1936), ông Lễ Sanh - Giáo Thiện Võ Văn Dần, đạo hiệu là Hậu Hối, được lịnh đổi về trách nhiệm Đầu Họ Phước Thiện tỉnh Hà Tiên, nơi đây có Đạo Cao Đài rất ít nên người hiến thân vào Phước Thiện lại càng ít hơn các tỉnh khác, chỉ tạo độc nhứt một nhà sở Phước Thiện, còn đạo sở nơi nhà sở Phước Thiện nầy chỉ có 2 người, mà cả 2 người đều quá nghèo, hằng ngày phải đi làm củi mướn để mua gạo cho vợ con sống qua ngày. Chính ông Đầu Họ buổi đầu cũng phải đi làm mướn để kiếm tiền mua gạo tự sống chớ không ai cung cấp hết.

    Một hôm nọ, sở làm củi cho hay bắt đầu từ ngày mai ngưng hoạt động, ông Đầu Họ Võ Văn Dần kiểm điểm lại số gạo chỉ còn dùng đôi ba ngày là hết, nên ông mượn chiếc ghe nhỏ của người bổn đạo ở gần nhà sở Phước Thiện, rồi tự chèo đi xuống quận Giồng Riềng thuộc tỉnh Rạch Giá, trước là thăm ông Đầu Họ Phước Thiện tại đây là ông Lễ Sanh Võ Văn Đại. Khi ghe đến Thánh Thất Giồng Riềng là chỗ ông Đầu Tộc Hành Chánh Lễ Sanh Thượng Vinh Thanh đóng văn phòng. Vừa bước lên bờ, chưa kịp vô nhà thì nghe có tiếng la ồn lên rằng: Nó đến đó, nó xách cái phản rượt chém người ta đó. Ông Giáo Thiện Dần nghe tiếng la liền ngó lên phía trước, thấy một người đàn ông độ 30 đến 35 tuổi, tay xách cái phản, đang rượt ông Đầu Tộc Đạo tại đây (LS Thượng Vinh Thanh) trong nhà hậu Thánh Thất chạy ra, vừa thấy ông Giáo Thiện Dần thì mừng, liền nói: May quá có ông Đầu Họ Phước Thiện đây, nhờ anh lớn giải bịnh dùm cho thằng nầy, nó điên dữ quá, tôi có giải bịnh cho nó mà không hết, bị nó giựt đứt dải áo của tôi.

    Ông Dần nói: Hết gạo mấy bữa nay, nhịn đói đến anh xin ít giạ lúa, chớ ai biết giải bịnh gì đâu.

    Ông Đầu Tộc Vinh: Anh giúp dùm vụ nầy đi, rồi muốn mấy giạ cũng có, vừa nói vừa kéo tay ông Đầu Họ đi, kế người điên chạy tới.

    Ông Dần đứng ngay thẳng lại, tay chỉ ngay mặt người điên hô lớn: - Đứng lại.

    Người điên liền đứng khựng lại, mặt có vẻ sợ hãi.

    Ông Dần nói: - Bỏ cái phản xuống đất.

    Người bịnh điên buông nhẹ cái phản xuống đất.

    Ông Dần đưa tay ngoắt và nói: - Lại đây.

    Người bịnh điên vẫn đứng yên và ngó qua phía khác như có ý muốn chạy.

    Ông Dần nói: - Sao không lại đây, còn muốn chạy trở lại hả? Chư Thần trói nó lại dùm tôi.

    Người điên tự tréo tay qua như người bị trói.

    Ông Dần: - Chư Thần lôi nó lại đây cho tôi.

    Người bịnh điên tự đi ngay lại chỗ ông Dần.

    Ông Dần nói: - Ông Đầu Tộc vô Thánh Thất biểu Lễ vụ sắp đặt nhang đèn đặng tôi giải bịnh cho người nầy, rồi day lại ngó ngay người bịnh điên nói: - Chư Thần dắt nó theo tôi vô Thánh Thất.

    Khi vô đến Thánh Thất, ông Đầu Họ Dần lấy áo mão Lễ Sanh mặc vào, lấy 9 cây nhang bó lại đốt cháy rồi đến trước Thiên Bàn làm lễ và thỉnh pháp xong, day lại người bịnh biểu quì xuống. Khi ông Đầu Họ vừa họa phù xong là người bịnh té nằm dài bất tỉnh, không cựa quậy chi hết, những người hiện diện tại đây kinh sợ nói, rủi nó chết luôn thì bị ở tù cả đám.

    Ông Đầu Họ nói: - Không sao đâu, tôi truyền Thần thì nó tỉnh lại.

    Qua một lúc, ông Đầu Họ liền đến truyền Thần cho người bịnh. Người bịnh lần lần tỉnh lại và ngồi dậy ngó dớn dát có vẻ hoảng hốt.

    Ông Đầu Họ hỏi: - Ai nhập vào xác đây?

    Người bịnh đáp: - Tôi là . . . . . . (quên tên)

    Ông Đầu Họ: - Tại sao thời kỳ Đức Chí Tôn ân xá khai Đạo để độ các bậc chơn hồn tu hành lập công bồi đức hầu được siêu thoát mà ngươi không lo tu hành lại đi phá thiên hạ vậy?

    Người bịnh: - Tôi cũng muốn tu mà không sao tu được.

    Ông Đầu Họ: - Bây giờ ngươi chịu nhập môn vào Đạo làm môn đệ Đức Chí Tôn không?

    Người bịnh tỏ vẻ hân hoan nói: - Nếu ông cho tôi nhập môn, tôi đội ơn lắm.

    Ông Đầu Họ Phước Thiện liền kêu ông Đầu Tộc Đạo, biểu mượn người đi kêu ông Chánh Trị Sự đến đặng cho người nầy nhập môn. Cũng may là ông Chánh Trị Sự ở gần đây nên đến liền và cho vị nầy nhập môn. Khi biên Sớ Cầu Đạo xong rồi liền đọc cho nghe.

    Ông Đầu Họ nói: - Tôi có ý kiến là ông Chánh Trị Sự nên cử vị Đạo hữu mới nầy làm chức Tuần đạo để có phận sự lập công với Đạo.

    Ông Chánh Trị Sự và ông Đầu Tộc Đạo đồng ý nên viết tờ cử liền, ký tên đóng dấu xong, liền đọc cho ông đạo mới nghe và hỏi Đạo hữu bằng lòng không?

    Vị nầy tỏ vẻ rất mừng và cám ơn các ông nầy, đồng thời xin phép kiếu lui. Từ nay, người nầy hết bịnh luôn.

    ■ Luôn dịp kể tiếp một việc huyền diệu nữa, là vụ xảy ra tại Chợ Lách Vĩnh Long.

    Nguyên ông Đầu Họ Phước Thiện đầu tiên tại Vĩnh Long là ông Lễ Sanh - Giáo Thiện Trần Văn Lợi, năm Bính Tý (1936) được một số anh em hiến thân vào Phước Thiện nhưng không có cây để tạo nhà sở Phước Thiện. Có người hướng dẫn đến ông chủ điền để xin cây vườn của ông.

    Ông chủ điền nói: - Cây trong vườn của tôi hết cây lớn, hiện còn một cây rất to và suông tốt lắm ở dựa mé sông, nếu ông đốn được thì tôi cho.

    Ông Đầu Họ Phước Thiện Vĩnh Long: - Nếu ông chủ điền vui lòng cho thì tôi đốn được.

    Ông chủ điền bằng lòng và dắt ông Đầu Họ ra chỉ cây. Người Đạo sở cùng đi với ông Đầu Họ thừa dịp ông chủ điền đi cách xa liền nói nhỏ với ông Đầu Họ rằng: Cây nầy có ông bà khuất mặt ở đây linh lắm, không ai dám đến đây chặt cây quơ củi chi hết, nếu ai động đến cây thì bị nhức đầu, đau bụng hoặc ói mửa hay nóng sảng chẳng hạn, phải cúng gà, vịt, có người phải cúng tới heo quay mới mạnh.

    Ông Đầu Họ nói: - Mình làm nhà sở Phước Thiện tức là của Đạo chớ phải làm nhà riêng cho mình đâu mà sợ. Hễ ông chủ điền cho thì tôi đốn được, chớ không sao đâu mà sợ.

    Đồng thời ông Đầu Họ đến bên cây mà ông chủ điền vừa chỉ cho, đứng thẳng người, ngó ngay vô thân cây và ngọn cây nói rằng:

    - Tôi xin thưa cho ông bà, vị nào ở nơi cây đại thọ nầy hay, xin quí ông bà vui lòng dời đến nơi khác ở, vì ông bà kiếm nơi khác rất dễ, còn tôi đang cần tạo nhà sở Lương điền Phước Thiện để cho nhơn sanh có phương lập công bồi đức và cũng để làm ra lúa gạo đem về Tòa Thánh Tây Ninh cho nhơn công tạo tác Tổ Đình dùng, vì Phước Thiện mới phôi thai, không có tiền mua cây, nay nhờ ông chủ điền hứa cho tôi cây nầy để làm nhà sở Phước Thiện và tôi định ngày mai tôi đến đốn cây nầy, xin ông bà ở nơi cây nầy linh thiêng chứng giám chấp thuận cho.

    Khấn xong, ông Đầu Họ cho ông chủ điền hay, ngày mai lên đốn cây, và kiếu ra về.

    Qua ngày sau, ông Đầu Họ Phước Thiện mượn một chiếc ghe với 4 người đạo sở Phước Thiện, đem theo rìu búa, cưa, đòn gác. Khi đến nơi, ông Đầu Họ vô nhà cho ông chủ điền hay, rồi trở ra tại gốc cây sắp đốn, ngó ngay lên ngọn cây, cũng nói y như hôm qua, rồi bổn thân ông Đầu Họ cầm rìu đốn một hơi, rồi trao lại cho anh em tiếp tục đốn cho đến ngã, rồi dứt ra làm hai, tùy theo việc cần dùng và lăn nó xuống sông, kiềng vô ghe. Khi làm xong thì mặt trời cũng vừa lặn khuất.

    Anh em bắt đầu chống ghe ra vừa đến giữa sông, bỗng có một ánh lửa sáng như đèn pin lớn xẹt tới, rồi cứ đảo qua quanh lại vòng theo chiếc ghe đang chở cây, khiến anh em trên ghe hoảng kinh lo ngại nên nói: - Thưa ông Đầu Họ, chắc ông bà không cho mình đi nên giáng hạ theo mình đó.

    Ông Đầu Họ nói: - Mấy em cứ việc lo chèo ghe đi, có tôi đây không sao đâu. Nói rồi ông Đầu Họ ngước mặt ngó lên ánh lửa sáng và nói: - Ông bà nào giáng xuống đó, xin nghe tôi nói đây: Tôi là Lễ Sanh Giáo Thiện Trần Văn Lợi vâng lịnh thầy tôi là Đức Hộ Pháp và Hội Thánh ĐĐTKPĐ Tòa Thánh Tây Ninh thuyên bổ tôi xuống đây lãnh trách nhiệm Đầu Họ Phước Thiện tỉnh Vĩnh Long để lo khai mở cơ sở Phước Thiện, nhưng vì mới phôi thai, Đạo quá nghèo, không có tiền mua cây cất nhà sở nên phải xin cây nầy của ông chủ điền đem về dùng làm nhà sở và tôi cũng đã thưa với ông bà ngày hôm qua rồi, sao ông bà hôm nay lại còn theo hoài như vậy.

    Nói rồi hối anh em dưới ghe chèo đi, mặc dầu ánh lửa sáng không còn bay đến trước đầu ghe và cặp sát hai bên ghe, nhưng vẫn bay theo ghe. Ánh lửa sáng không lúc nào dứt, có lúc lại sáng rực lên như đèn, rọi sáng cả hai bên mé sông, làm những người có nhà dọc theo bờ sông cả thảy đều kinh ngạc, sợ không biết là ứng hiệu gì? Những hiện tượng ánh sáng nầy vẫn theo ghe mãi như vậy đến lối hai ngàn thước mới thôi.

    Cách lối một tuần lễ sau ngày đốn cây nọ, có người ở gần nhà ông chủ điền đến cho ông Đầu Họ hay là từ ngày ông đốn cây đó đến nay, những người đến đó chặt mót nhánh đem về làm củi bị ông bà quở đều bịnh hết, đã nguyện vái lạy xin hết sức mà cũng không hết, nên nhờ ông Đầu Họ có phương chi giúp dùm kẻo họ chết vì bị hành dữ lắm.

    Ông Đầu Họ nói: - Ngày mai tôi lên.

    Liền ngày sau, ông Đầu Họ cùng đi với mấy vị đạo sở đến tận nhà ông chủ điền cho cây hôm trước và nhờ ông chủ điền cho người nhà của mấy người bịnh hay dùm, nói với họ đến đây, như người nào bịnh nhiều đi không được thì người thân trong nhà đi thế. Khi tụ đến đầy đủ, ông Đầu Họ nói:

    - Tại anh chị em lấy củi mà không xin, và tôi cũng chưa hứa cho nên ông bà mới quở. Vậy hãy đem hết số củi đã lấy lại đây, rồi tôi giúp cho là yên chớ không sao đâu.

    Khi anh chị em đã đem đủ số củi lấy nơi đây hôm nọ, của ai nấy để riêng đó. Ông Đầu Họ bước ra sân, ngó ngay về phía cội cây đốn hôm trước nói rằng:

    - Thưa ông bà ở chỗ cây đại thọ, vừa rồi ông chủ điền đã cho tôi trọn cây nầy, và ông bà đã cho tôi đem về làm nhà sở Phước Thiện, còn cái tàng cây luôn cả nhánh lớn nhỏ, xin ông bà cũng cho luôn anh em lối xóm đây đem về nấu cơm ăn chớ ông bà để lại cũng không dùng vào việc chi được.

    Tiếp theo mỗi người có phần củi bước đến hỏi xin và ông Đầu Họ đồng ý cho. Thế là những người bịnh vì lấy củi nơi đây đều hết bịnh.

    Nhờ những huyền diệu các Đấng thiêng liêng ban cho hộ trì nên bổn đạo hiến thân vào Phước Thiện tấp nập và đồng thời các tỉnh khác trong miền Nam VN cũng tương tợ như vậy, nghĩa là nhờ huyền diệu việc Giải Oan, giải bịnh của các ông Đầu Họ Phước Thiện mà người hiến thân vào Phước Thiện như lượng sóng tràn bờ.

    Cũng trong năm Bính Tý (1936), có lịnh của Ngài Khai Pháp Chưởng quản Phước Thiện dạy các vị Đầu Họ Phước Thiện chọn người đã hiến thân trọn đời vào Phước Thiện, đưa về Tòa Thánh đặng nhập vào công thợ tạo tác Tổ Đình liền nội trong năm nầy, số người Phước Thiện nhập vào công thợ tạo tác Tổ Đình lối 400 người kể cả nam nữ.

    Đức thầy dạy nếu ai bằng lòng hy sinh làm Tổ Đình thì phải minh thệ thủ trinh trong thời gian tạo tác Tòa Thánh, khi làm xong mới lập gia đình, dầu nam hay nữ cũng phải như vậy.

    Ngày mùng 1 tháng 11 năm Bính Tý (dl 14-12-1936) khởi công tạo tác Tòa Thánh.

    Các Họ Đạo Phước Thiện trong miền Nam VN đều tổ chức sở Lương điền để sản xuất lương thực cần dùng nơi cơ sở và giúp đỡ cho những người bịnh tật, khốn khổ tai nàn và dành ra một phần đặc biệt đem về Tòa Thánh cho công thợ tạo tác Tổ Đình dùng hằng ngày nơi Trai Đường, kể cả thợ hồ, thợ mộc, thợ cưa, thợ sắt, thợ đắp vẽ, sở lò gạch, sở đào đá, v.v....

    Về ngân quỹ tạo tác do Hộ Viện là ông Giáo Sư Thượng Chất Thanh giữ, Chức sắc các địa phương dầu Hành Chánh hay Phước Thiện cũng đăng tiền nơi Hộ Viện nầy. Nhưng các Đầu Họ Phước Thiện, sau khi Ngài Khai Pháp Chưởng quản Phước Thiện, duyệt chứng xong mới đem qua đăng cho Hộ Viện.

    Còn về lương thực thì dầu Hành Chánh hay Phước Thiện đều đăng cho Thủ Bổn Phạm môn và Phước Thiện do ông Lễ Sanh Giáo Thiện Nguyễn Văn Gia đảm trách.... ... ....

    (Yêu cầu xem tiếp Lược sử Phạm môn về phần Phước Thiện nơi chữ: Phước Thiện, vần P nầy)

     

    Đại Hội Phạm môn ngày 28-11-Nhâm Tý (dl 2-1-1973) tại Hậu Điện Báo Ân Từ:

    Chủ Tọa:

    Ngài Hiến Đạo HTĐ kiêm Thống Quản

    Cơ Quan Phước Thiện và Tịnh Thất.

    Mục đích: Chọn cử:

    · Trưởng Tộc Phạm môn.

    · Phó Trưởng Tộc Phạm môn.

    · Chưởng Gia.

    · Chưởng Thổ.

    · Chưởng Điền.

    Chơn Nhơn Đỗ Văn Viện, Hội Trưởng Ban Kỳ Lão Phạm môn trình bày:

    - Danh sách quí vị Phạm môn được hồng thệ kỳ nhứt hiện tại còn được 22 vị, và 10 vị được chọn ra ứng cử. Trong 10 vị nầy lại có 4 vị rút ra hoặc vắng mặt, chỉ còn lại 6 vị tham dự cuộc bắt thăm chọn cử trước Đức Phật Mẫu. Sự chọn cử nầy là do Đức Phật Mẫu quyết định. Đây là tiền lệ mà trước kia Đức Hộ Pháp đã thực thi.

    Toàn thể quí Chức sắc đến dự và tất cả các đệ tử Phạm môn đều cầu nguyện Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng.

    Cuộc rút thăm bắt đầu. Kết quả:

    1. Chơn Nhơn Đỗ Văn Viện, Trưởng Tộc Phạm môn.

    2. Chơn Nhơn Lâm Văn Đứa, Phó Trưởng Tộc Ph. môn.

    3. Ông Huỳnh Văn Ngữ, Chưởng Gia Phạm môn.

    4. Ông Lê Văn Gấm, Chưởng Thổ.

    5. Ông Trà Văn Phiên, Chưởng Điền.

    Sau đó, Đại Hội bế mạc.

    ■ Sáu vị Đạo hữu công quả Phạm môn ở tù tại khám đường Tây Ninh, do vụ bảo vệ Tòa Thánh không cho Chi Phái dùng bạo lực vào chiếm Tòa Thánh, được chánh quyền tỉnh trả tự do, trở về Tòa Thánh, vào trình diện Đức Phạm Hộ Pháp.

    Tối hôm đó, Đức Hộ Pháp phò loan với Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh tại Giáo Tông Đường, ông Thần Võ Văn Thoàn giáng cơ nói chuyện với Đức Hộ Pháp và an ủi 6 bạn vừa mãn tù về.

    Xin chép bài giáng cơ ấy sau đây:

     

    Phò loan:

    Giáo Tông Đường, ngày 14-3-1934

    (âl 29-1-Giáp Tuất).

    Hộ Pháp - Tiếp Thế.

    (6 vị Đạo hữu Phạm môn ở tù mới về vào hầu)

    HƯƠNG BẢO THOÀN

    Con chào mấy Đại Sư . . . . Lụy . . . .

    Mấy hôm nay, con biết đặng nhiều việc Thiên thơ tiền định làm nên danh thể Phạm môn.

    Em chào mấy anh. Em cam thất lễ. Em có đến tại ngục đường thăm viếng mấy anh nhiều phen. Đau lòng quá đỗi, song Em xin mấy anh nhớ rằng, Nhan Hồi chết tại ngục thất mới đắc Thánh vị, Chúa Jésus chết treo nơi thập tự mới lập Đạo Trời.

    Cõi thế vẫn khác cõi Thiên, đời chê mới nên về Đạo. Em xin mấy anh tự hỏi lấy mình rằng, chịu khổ hạnh cùng Đức Chí Tôn thì phước hay là tội?

    Em cũng tiếc cho Em khi còn xác phàm, Em không hữu hạnh làm Đạo gặp may duyên như mấy anh vậy. Chớ chi Em đặng hồng ân như mấy anh ngày nay thì chắc Em còn phẩm cao hơn phẩm Thần vị nầy. Thật là khối ngọc của mấy anh chưa dùng, còn Em thì thèm quá đỗi.

    Xin đọc lại cho mấy anh em nghe, rồi con sẽ tiếp. Kiếu lỗi cùng Đức Quyền Giáo Tông. Cười....

    Sư phụ hằng nhắc mà cười rằng, Em làm Đạo ít oi hơn hết, chớ chi đặng bằng Anh Ba (Phạm Văn Màng) thì ngày nay đâu có ngồi dưới thấp thỏi, ngó cao sang Thánh vị của người mà phải thẹn hơn.

    Hôm mấy anh mới bị nạn thì Đức Trần Văn Xương đến địa giới Linh Thần, cầm nơi tay một tờ ý chỉ nói cùng các Trấn Tôn Thần rằng có Thánh Lịnh dạy phải chăm nom gìn giữ mấy anh cho toàn tánh mạng.

    Em coi lại là lịnh của Anh Ba, thẹn thuồng quá đỗi, vì các Trấn biết Em là bạn của người, mà ngày nay tớ thầy khác bậc. Xin đọc lại....

    May rủi một kiếp sanh mà muôn năm không thể đổi là vậy.

    Thưa cùng Sư phụ,

    Anh Ba dặn con nói lại dùm rằng: Người đương lo cùng Tam Trấn đặng kiện với Ngọc Hư, đuổi những kẻ tà tâm ra khỏi Đạo. Xin Sư phụ ẩn nhẫn, muôn sự có Chí Tôn, xin đừng sầu muộn nữa, hao mòn thân thể.

    Anh Ba thấy Sư phụ rầu thì người khóc lóc cùng con nhiều lúc.

    Sư phụ nói lại với Chị Ba rằng anh gởi lời thăm. Thăng.

    (Trích trong Thánh Ngôn Sưu Tập, Quyển I)

    Hương Bảo Thoàn: ông Võ Văn Thoàn làm công quả nơi Phạm môn, được lập Hồng thệ (Đào viên pháp) lần thứ nhứt nơi Sở Trường Hòa ngày mùng 3-1-NhâmThân (1932) cùng một lượt với ông Phạm Văn Màng. Ông Màng và ông Thoàn là hai anh em bạn rể, quê quán tại xã Thanh Phước, quận Trảng Bàng. Khi qui liễu, ông Thoàn đắc Thần vị vì công quả ít; ông Màng đắc Thánh vị (Phối Thánh) vì công quả nhiều hơn.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

    CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

    ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

     

  • Phạm nghiệp

    梵業

    Phạm: còn đọc là PHẠN: Phật, thanh tịnh. Nghiệp: cơ nghiệp, sự nghiệp.

    Phạm nghiệp là cơ nghiệp của nhà Phật.

    Nhiều người hiểu lầm Phạm nghiệp là cơ nghiệp của dòng họ Phạm của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Đây là một sự hiểu lầm rất tai hại do những kẻ xấu miệng gây ra, có ý đồ hạ uy tín Đức Hộ Pháp đối với bổn đạo Cao Đài.

    Đức Hộ Pháp tạo lập Phạm nghiệp vào năm Kỷ Tỵ (1929) trên phần đất tại xóm Trường Đua, xã Hiệp Ninh, Quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nằm trên quốc lộ 22, cách Thị xã Tây Ninh chừng 5 cây số.

    Mục đích và sở dụng của Phạm nghiệp được Đức Hộ Pháp gói ghém trong đôi liễn nơi cổng Phạm nghiệp:

    梵業承閒利祿功名無所用

    門關積道精神法寶有箕裘

    PHẠM nghiệp thừa nhàn lợi lộc công danh vô sở dụng,

    MÔN quan tích Đạo tinh thần pháp bửu hữu cơ cầu.

    Nghĩa là:

    Phạm nghiệp lúc nhàn, lợi lộc công danh không chỗ dùng,

    Cơ quan chứa Đạo, tinh thần và pháp bửu có người sau noi theo.

    (Quan: cơ quan. Tích: chứa. Cơ cầu: con cháu nối theo nghề nghiệp của ông cha truyền lại).

    Trong đôi liễn nầy chúng ta thấy hai chữ đầu hai câu là PHẠM MÔN, cho nên PHẠM NGHIỆP cũng chính là Phạm môn, mà Phạm môn cũng chính là Phạm nghiệp.

     

  • Phạm pháp

    犯法

    A: To violate the law.

    P: Violer la loi.

    Phạm: đụng chạm, xâm lấn, người có tội. Pháp: pháp luật.

    Phạm pháp là làm điều sái quấy, vi phạm luật pháp của Đạo (hay của Đời).

    CG PCT: Mà hễ phạm pháp thì dầu cho bực nào cũng khó tránh qua khỏi luật Tòa Tam Giáo.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Phạm Phủ Từ

    范府祠

    Phạm: họ Phạm. Phủ: ngôi nhà lớn. Từ: nhà thờ.

    Phủ Từ là ngôi nhà lớn dùng làm nơi thờ phượng tổ tiên của một dòng họ.

    Phạm Phủ Từ là ngôi nhà lớn dùng làm nơi thờ phượng tổ tiên của dòng họ Phạm.

    Nơi Châu Thành Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh, Hội Thánh khuyến khích những người có cùng chung một Họ, cả nam và nữ, xúm nhau cất một ngôi nhà chung làm nơi thờ phượng tổ tiên của dòng họ mình.

    Họ Phạm thì có Phạm Phủ Từ. Họ Lê thì có Lê Phủ Từ. Họ Bùi thì có Bùi Phủ Từ. Họ Huỳnh có Huỳnh Phủ Từ. v.v...

    Phạm Phủ Từ được xây dựng ở gần Trí Giác Cung.

    Nơi cổng của Phạm Phủ Từ có đặt đôi liễn:

    順和迎入室

    反亂禁來門

    Thuận hòa nghinh nhập thất,

    Phản loạn cấm lai môn.

    Nghĩa là:

    Người thuận hòa thì đón tiếp vào nhà,

    Kẻ phản loạn thì cấm đến cửa.

    * Đôi liễn bên bàn thờ Nội Tông Phạm phủ:

    范府恩深千古在

    祠堂義重百年存

    Phạm phủ ân thâm thiên cổ tại,

    Từ đường nghĩa trọng bá niên tồn.

    Nghĩa là:

    Ơn sâu của nhà họ Phạm ngàn xưa tại đây,

    Nhà thờ Tổ tiên nghĩa nặng trăm năm còn.

    * Đôi liễn bên bàn thờ Ngoại Tông Phạm phủ:

    萬代留傳恩似海

    千年香火義高山

    Vạn đại lưu truyền ân tợ hải,

    Thiên niên hương hỏa nghĩa cao sơn.

    Nghĩa là:

    Muôn đời lưu truyền cái ơn lớn như biển,

    Ngàn năm thờ cúng cái nghĩa cao như núi.

    Lời phê của Đức Hộ Pháp ngày 14-9-Mậu Tý (1948):

    "Mấy em trong cửa Phạm môn là tông tộc của Phật, tức là tông tộc thiêng liêng.

    Qua tạo làm kiểu mẫu cho mấy em tạo tông tộc phàm trần, nghĩa là gồm chung bá tánh, chung hiệp mỗi Họ hầu lo bảo trọng đạo đức và sanh sống cùng nhau. Ấy là quyền sở hữu của mấy em về phần đời, không liên can chi đến Đạo, phòng định luật pháp.

    Phải tạo Tổ Đường của mỗi Họ, rồi cầu nguyện bắt thăm đặng định trật tự lớn nhỏ của các gia đình.

    Tổ Đình là hương hỏa của Chí Tôn, gắng sức làm cho thành tựu đặng nương nhau mà sống và duy trì kiếng Họ."

     

  • Phạm Tăng

    范增

    Phạm: họ Phạm. Phạm Tăng là Quân Sư của Hạng Võ trong thời Hán Sở tranh hùng.

    Khi Hạng Lương, chú của Hạng Võ, chiêu tập binh mã để mưu đồ nổi lên tiêu diệt nhà Tần bạo ngược, Quí Bố dâng ý kiến lên Hạng Lương, nên đến cầu Phạm Tăng ra giúp thì việc lớn ắt thành. Hạng Lương nghe theo, sai Quí Bố đem lễ vật trọng hậu đến cầu Phạm Tăng.

    Quí Bố tìm đến thôn Cư Sào, hỏi thăm nhà họ Phạm, người chủ trọ cho biết Phạm Tăng không thích cảnh rộn rịp phồn hoa, nên vào núi Kỳ Cổ, cất một mái tranh, sống ẩn dật.

    Quí Bố sợ Phạm Tăng không chịu tiếp, nên giả làm khách thương, đến gặp người nhà của Phạm Tăng nói rằng:

    - Chúng tôi là người ở phương xa mới đến Cư Sào buôn bán, chẳng may gặp vận rủi, bị lỗ lã rất nhiều. Nay nghe đồn tiên sinh là bậc kỳ mưu, đến xin chỉ giáo vài lời.

    Nghe người nhà cho biết như thế, Phạm Tăng cho mời vào. Quí Bố và người tùy tùng vào, đem các lễ vật bày ra, thấy Phạm Tăng tóc bạc da mồi, khăn nâu áo vải, diện mạo đường bệ, dáng vẻ Tiên phong đạo cốt. Quí Bố cúi chào cung kính.

    Quí Bố dâng các lễ vật lên, quì thưa rằng:

    - Tiện nhân không phải là người xa lạ, cũng chưa từng buôn bán ở Cư Sào, nhưng vì không biết Tiên sinh có chịu tiếp hay không nên phải mượn lời nói vậy. Hiện thời vua Tần Nhị Thế vô đạo, lòng dân oán hận, người hào kiệt khắp nơi nổi lên đều muốn tiêu diệt nhà Tần. Hạng Lương Tướng quân là dòng dõi Hạng Yên nước Sở, tài kiêm văn võ, lòng sẵn hiếu trung, vừa phất cờ khởi nghĩa ở Cối Kê, muôn người hưởng ứng. Được biết Tiên sinh tài trí hơn người, mưu sánh Tôn Ngô, nên người sai tôi đem lễ vật đến dâng mong nhờ Tiên sinh vùa giúp cho nên nghiệp cả. Vì đại nghĩa mà cũng để cứu dân, mong Tiên sinh góp sức chung để mưu đồ việc lớn.

    Phạm Tăng đỡ Quí Bố dậy, chỉ ghế mời ngồi, cho biết không thể trong một chốc mà quyết định được việc định bá đồ vương, và mời Quí Bố tạm nghỉ để sáng ngày mai bàn lại.

    Quí Bố cứ quì mãi dưới đất, nói:

    - Hạng Tướng quân tôi mong Tiên sinh như trời hạn trông mưa, nóng lòng như lửa đốt, nay mong Tiên sinh vì cảnh điêu linh của muôn dân mà đem tài trí ra giúp an thiên hạ.

    Thấy Quí Bố thiết tha cầu khẩn, Phạm Tăng đành phải nhận lời. Tối hôm ấy, PhạmTăng bấm độn xem vận mạng nước Sở, thấy nước Sở không phải chơn mạng đế vương, khó giúp nên công, nhưng kẻ trượng phu nói ra không thể nuốt lời đặng.

    Hôm sau, Phạm Tăng sắp đặt hành lý rồi theo Quí Bố đến giúp Hạng Lương. Hạng Lương hay tin, liền sửa sang áo mão, ra ngoài năm dặm, đón rước Phạm Tăng vào trại, rồi nói:

    - Lương nầy nghe danh tiên sinh đã lâu, lòng ngưỡng mộ như hạn trông mưa, nhưng quá bận quân vụ, nên chưa đến yết kiến. Nay tiên sinh không nỡ bỏ kẻ hèn nầy, đến đây dạy bảo, thật Lương nầy sung sướng thỏa chí bình sanh.

    Phạm Tăng vội đứng lên thưa:

    - Dòng dõi tướng quân mấy đời thờ nước Sở, nay vì dân khởi nghĩa, thiênhạ ai cũng nức lòng. Tăng nầy dầu tuổigià sức yếu, trí mưu nông cạn, được Tướng quân hết lòng đoái tưởng, quyết vận tâm mưu tính nghiệp vương để đáp đền ơn tri ngộ.

    Từ đó, Hạng Lương và Phạm Tăng bàn định việc quân cơ rất tương đắc. Một hôm quân thám thính về báo Trần Thắng bị tướng Tần là Chương Hàm đánh bại, chạy về đất Nhữ Âm, bị Trang Giả giết chết, chư Hầu giải tán, hiện quân của Chương Hàm còn đóng ở Nam Dương. Hạng Lương lo sợ cho mời Phạm Tăng đến thương nghị.

    Phạm Tăng cho rằng Trần Thắng là hạng tầm thường, ham lợi nhỏ mà không thấy đại cuộc, dẫu có sống cũng không làm nên đại cuộc. Hạng Lương làm lạ hỏi thế nào là đại cuộc.

    Phạm Tăng đáp:

    - Phàm kẻ mưu đại cuộc, trước hết phải chinh phục lòng dân. Giữa lúc lòng dân ly tán, không phân định được chơn giả, lẽ ra Trần Thắng phải tìm dòng dõi vua Sở trước kia để lập nên, chứng tỏ mình vì đại nghĩa, đằng nầy Trần Thắng tự lập làm vua, mọi người đều nghi ngờ, như vậy là bất trí.

    Nghe Phạm Tăng nói, Hạng Lương ngẩn ngơ, liền hỏi sự thất bại của Trần Thắng có ảnh hưởng gì đến quân của mình không. Phạm Tăng đáp:

    - Đó là bài học đáng giá! Cứ như việc Tướng quân khởi nghĩa phen nầy, dân chúng đều hưởng ứng vì tin rằng Tướng quân là dòng dõi tôi thần nước Sở, tất sẵn sàng lập con cháu vua Sở lên ngôi. Như thế là chánh nghĩa. Danh chánh ngôn thuận là sức mạnh tuyệt đối thắng cường quyền và bạo lực.

    Nghe lời nói phải, Hạng Lương dùng Phạm Tăng làm Quân Sư, rồi cho người tìm kiếm con cháu vua Sở lập làm vua.

    Hạng Lương sai Chung Ly Muội đi tìm, gặp được đứa bé tên Mễ Tâm, là cháu đích tôn của vua Sở Hoài Vương, nên rước hai mẹ con về, tôn Mễ Tâm lên làm Sở Hoài Vương và mẹ là Vệ Thị lên làm Vương Thái Hậu.

    Sở Hoài Vương phong Hạng Lương làm Võ Tín Hầu, Hạng Võ làm Đại Tư Mã, Phạm Tăng làm Quân Sư, Quí Bố và Chung Ly Muội làm Đô Kỵ, Anh Bố làm Thiên Tướng quân,...

    Sở Hoài Vương chiêu dụ được Trần Anh, lấy đất Vu Thai, nên dời đô đến Vu Thai. Anh hùng các nơi lần lượt theo về rất đông.

    Bấy giờ Hàn Tín cũng đến đầu quân. Hạng Lương thấy Tín gầy gò ốm yếu, không muốn dùng. Phạm Tăng nói:

    - Người nầy tuy gầy yếu nhưng có tiềm ẩn một trí não phi thường, tất có tài thao lược hơn người, Ngài không nên bỏ. Vả lại, đang lúc chúng ta chiêu hiền đãi sĩ, bỏ rơi một người là phật ý trăm người hào kiệt.

    Nể lời Phạm Tăng, Hạng Lương thâu nhận Hàn Tín dưới trướng, cho làm chức Chấp Kích Lang.

    Hạng Lương về sau ỷ tài khinh địch, bị tướng Tần đánh bại, giết chết. Hạng Võ lên thay Hạng Lương điều khiển ba quân. Phạm Tăng theo giúp Hạng Võ.

    Nhờ có Phạm Tăng bày mưu, Hạng Võ lập nhiều chiến công, được phong chức Lỗ Công. Phạm Tăng đề nghị Hạng Võ nên diệt Lưu Bang trước hết vì đó là mối nguy rất lớn về sau.

    Hạng Võ rất phân vân, vì Lưu Bang không làm điều chi nên tội, làm sao có cớ giết được. Phạm Tăng nói:

    - Muốn mưu tính đại cuộc, nhiều lúc kẻ có tội vẫn phải khoan hồng, ngược lại kẻ vô tội mà phải trừ bỏ để tránh cái nguy hại về sau. Tôi khuyên Minh công giết Lưu Bang vì sau nầy chính Lưu Bang sẽ tranh giành ngôi vị với Minh công. Nếu hôm nay không trừ bỏ thì ngày sau có hối cũng không kịp.

    Hạng Võ vẫn do dự, vì bản chất anh hùng, không muốn vô cớ giết Lưu Bang. Phạm Tăng nói:

    - Tôi xin hiến ba kế giết Lưu Bang. Điều cốt yếu là Minh công phải cương quyết thi hành. Tôi biết Minh công có tánh anh hùng, nóng nảy mà trực, tánh ấy có hại cho nghiệp lớn.

    Hạng Võ yêu cầu Phạm Tăng cho biết ba kế ấy thế nào.

    - Minh công phải nhận thấy Lưu Bang là kẻ quan trọng đối với Minh công, không thể cùng Lưu Bang đội Trời. Thế thì diệt Lưu Bang rất cần cho sự nghiệp đế vương của Minh công sau nầy. Tôi có ba kế để giết Lưu Bang:

    * Một là mời Lưu Bang đến Hồng Môn hội yến. Giữa tiệc Minh công đem việc Lưu Bang ngăn trở không cho Minh công vào thành trước kia là có ý làm nhục Minh công, Minh công bắt tội rồi giết phức Lưu Bang đi.

    * Hai là sai quân đao phủ phục trong trướng, chờ lúc Lưu Bang vào tiệc thì hô quân đao phủ ùa ra giết Lưu Bang. Đó là trung sách.

    * Ba là chuốc rượu cho Lưu Bang say, khiêu khích cho Lưu Bang thất lễ, rồi bắt tội giết đi. Đó là hạ sách.

    Hạng Võ chấp thuận y theo kế hoạch của Phạm Tăng, gởi thơ mời Lưu Bang sang dự Hồng Môn hội yến.

    Chú của Hạng Võ là Hạng Bá, rất cảm tình với Trương Lương và Lưu Bang, nên mật báo cho Trương Lương biết mưu kế sâu độc của Phạm Tăng. Lưu Bang và Trương Lương vẫn phải đến dự Hồng Môn hội yến, rồi tùy cơ ứng biến.

    Trương Lương xin với Lưu Bang cho mình vào trước để thuyết phục Hạng Võ. Trương Lương xưng là Tá Sĩ của Lưu Bang, Phạm Tăng yêu cầu Hạng Võ giết ngay Trương Lương vì đó là mưu thần tài giỏi của Lưu Bang.

    Hạng Bá vội can ngăn Hạng Võ, vì Trương Lương là người ơn của ông. Hạng Võ không nỡ vì bản chất anh hùng, không thể giết người vô cớ. Trương Lương có tài ứng biến rất khôn ngoan nên ba kế của PhạmTăng đều không thi hành được.

    Hạng Võ về sau xưng là Sở Bá Vương, phong Lưu Bang làm Hán Vương đày vào đất Ba Thục, lại sai Chương Hàm, Tư Mã Hân, Đổng Ế làm vua đất Tam Tần, chẹn đường hiểm yếu, không cho Lưu Bang ra khỏi đất Ba Thục.

    Phạm Tăng suy nghĩ lại thấy Lưu Bang mạng Hỏa, tất cả đồ dùng đều màu đỏ, nay lại vào Ba Thục ở hướng Tây, thuộc Kim. Nếu Kim mà gặp Hỏa ắt thành đại khí. Do đó, Phạm Tăng vào triều nói cho Hạng Võ biết, và yêu cầu tìm cách giết chết Lưu Bang trước khi để Lưu Bang vào Ba Thục, nhưng Hạng Võ vẫn không nỡ vô cớ giết chết Lưu Bang.

    Hạng Võ muốn đóng đô ở Bành Thành. Phạm Tăng khuyên can và yêu cầu Hạng Vương ba điều:

    - Thứ nhứt, bệ hạ không nên rời khỏi Hàm Dương, vì xưa nay nơi đây là chỗ đất rộng, dân đông, trù phú không đâu bằng. Thứ nhì, nên trọng dụng Hàn Tín, vì Hàn Tín là người tài giỏi thao lược, có thể làm chức Nguyên Nhung, còn nếu không dùng Hàn Tín thì nên giết đi, chớ không nên để Hàn Tín theo phò người khác. Thứ ba, chớ nên cho Lưu Bang vào Ba Thục vội, chờ tôi đi Bành Thành về sẽ thu xếp sau. Ba điều nầy rất trọng yếu, xin bệ hạ chớ quên.

    Hạng Vương hứa giữ y theo kế hoạch của Quân Sư. Nhưng khi Phạm Tăng đi Bành Thành rồi thì lại làm hoàn toàn khác, không nghe lời Phạm Tăng, để Lưu Bang vào Tây Thục, để Trương Lương mua chuộc Hàn Tín bỏ sở theo Hán, rồi Hạng Võ ngầm cho người giết vua Nghĩa Đế, kéo quân về đóng đô ở Bành Thành.

    Trần Bình bày kế cho Hán Vương Lưu Bang làm kế ly gián giữa Phạm Tăng và Hạng Võ, khiến Hạng Võ mắc kế đuổi Phạm Tăng đi. Phạm Tăng than thở: "Ta đã hết lòng thờ Sở mà Hạng Vương lại đem lòng ngờ vực ta. Ta không buồn giận hay thương hại cho ta mà ta lấy làm thương hại cho Hạng Vương, vì sắp đến hồi mạt vận."

    Phạm Tăng quá đau buồn và ân hận vì đã đem hết sở học mà thờ kẻ hữu dõng vô mưu, khiến nên danh phận lỡ làng. Phạm Tăng lâm bệnh nặng, sau lưng lại nổi lên một cái nhọt lớn, chết trong nỗi thất vọng ê chề, thọ 71 tuổi.

    Phạm Tăng là một người rất bướng bỉnh và cũng rất gàn, đem thân phò Sở, biết Sở không phải là chơn mạng đế vương, nhưng vẫn cố cải Trời, dùng hết nhơn lực để mong thắng Thiên mạng, nhưng chỉ là làm lếu mà thôi. Lưu Bang là chơn chúa, thống nhứt nước Tàu, mở ra nhà Hán kéo dài được 400 năm.

    TNHT: Ngươi Hàn Tín xưa, nếu chẳng trở lòng nạp bạn, thì chẳng bị thác vô cớ. Còn ngươi Trương Tử Phòng, nếu chẳng Phạm Tăng cải Trời làm lếu, thì ân oán đền trả chẳng mấy hồi. (Xem tiếp chữ: Trọng Tương vấn Hớn, vần Tr)

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phạm thệ

    犯誓

    A: To violate the oath.

    P: Violer le serment.

    Phạm: đụng chạm, xâm lấn, người có tội. Thệ: lời thề.

    Phạm thệ là vi phạm lời thề, tức là không giữ đúng lời Minh Thệ lúc nhập môn cầu đạo.

    Mỗi lần Minh Thệ thì có các Đấng thiêng liêng ghi tên vào Bộ Thệ nơi cõi thiêng liêng. Nếu làm đúng lời Minh Thệ thì được tưởng thưởng xứng đáng; ngược lại không làm đúng lời Minh Thệ thì bị tội tình y như lời thề.

    Phạm thệ đồng nghĩa: Thất thệ.

     

  • Phạm Thiên Vương

    梵天王

    Phạm: còn đọc là PHẠN: Phật, thanh tịnh. Thiên: Trời. Vương: vua.

    Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì giải thích về Phạm Thiên Vương như sau đây:

    "Phạm Thiên Vương tức là Đại Phạm Thiên Vương, cũng kêu: Phạm vương, Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên.

    Phạm Thiên Vương là vua cảnh trời Đại Phạm, Ngài có quyền luôn ở ba cõi: Phạm thân Thiên, Phạm chúng Thiên, Phạm phụ Thiên. Ngài là chúa tể Tam thiên đại thiên thế giới tức cõi Ta bà nầy.

    Người ta cũng gọi Ngài là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Đế. Đạo Bà la môn tôn Ngài là vị Thần chúa tể. Đạo Phật cũng công nhận Ngài là chủ Ta bà thế giới. Biểu hiện của Ngài là hoa sen.

    Ngài có khuyên Đức Thích Ca xuất gia. Khi Đức Thích Ca thành Phật, Ngài có hiện đến cầu Đức Thích Ca đi truyền đạo cứu đời. Ngài cũng có cầu thỉnh Đức Phật Thích Ca thuyết pháp nhiều lần. Trong những dịp đưa và rước Phật một cách long trọng như lúc Phật từ cảnh Tiên Đạo Lỵ mà trở về cõi người, thì Phạm Thiên Vương và Đế Thích thường theo chầu Phật, Đế Thích cầm bạch phất đuổi ruồi cho Phật, Phạm Thiên Vương cầm bảo cái (lọng báu) che cho Phật. Khi Phật giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa để truyền cái Phật quả cho chư Bồ Tát, Phạm Thiên Vương có hiện đến với một vạn hai ngàn chư Thiên trong Phạm giái mà dự nghe một cách cung kính.

    Và đến khi Phật nhập Niết Bàn, Phạm Thiên Vương cũng có hiện lại mà tỏ lời thương tiếc.

    Tùng theo Phạm Thiên Vương có những hàng Tiên kêu là Phạm Thiên Nhơn và có những hàng Tiên mới sanh lên, kêu là Phạm Thiên tử."

    Trong phần trích dẫn ở trên, chúng ta thấy: Phật giáo cho biết những nét đại cương về Thượng Đế là như thế đó, khiến cho các tín đồ Phật giáo xem thường Thượng Đế, không kính trọng Thượng Đế bằng Phật.

    Ngày nay, Đấng Thượng Đế giáng điển quang xuống trần mở Đạo Cao Đài, qua cơ bút, Thượng Đế cho nhơn loại biết chính xác về quyền năng của Ngài. Nhờ vậy, chúng ta thấy rõ sự hiểu biết của Phật giáo về Thượng Đế có nhiều điểm thiếu sót và sai lầm rất tai hại. (Yêu cầu độc giả xem chi tiết nơi chữ: Ngọc Hoàng Thượng Đế, vần Ng)

     

  • Phạm thượng

    犯上

    A: To offend a superior.

    P: Offenser un supérieur.

    Phạm: đụng chạm, xâm lấn, người có tội. Thượng: trên, người bề trên, cấp trên.

    Phạm thượng là làm tổn thương danh dự của Chức sắc bề trên.

    Phạm thượng là một tội thuộc đệ tứ hình trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông. Ai phạm vào điều nầy thì bị phạt ngưng quyền từ 3 năm tới 5 năm.

     

  • Phạm trù

    範疇

    A: The category.

    P: La catégorie.

    Phạm: Khuôn mẫu. Trù: khoảng ruộng cao, các thứ đồng một loại.

    Theo triết học, phạm trù là khuôn mẫu để tư tưởng hay để hoạt động, hay là hình thức căn bản để tư tưởng.

    Thí dụ như: Tư tưởng theo thuyết Âm Dương là một phạm trù tư tưởng trong Nho giáo và Lão giáo.

    Theo triết gia Kant, phạm trù tiên thiên là những khuôn mẫu của tư tưởng không do kinh nghiệm mà có.

     

  • PHAN

    A: Banner, Oriflamme.

    P: Bannière, Oriflamme.

    Phan là lá phướn, tức là lá cờ dùng riêng trong tôn giáo, có công dụng là để dẫn đường.

    Có nhiều loại Phan, tùy theo công dụng. (Xem: Phướn)

    KCHKHH: Dìu đường thoát tục nắm phan.

    - Tả Phan Quân: Vị Chức sắc cầm cây Phướn Thượng Sanh, đứng bên trái Đức Thượng Sanh.

    - Hữu Phan Quân: Vị Chức sắc cầm cây Phướn Thượng Phẩm, đứng bên mặt Đức Thượng Phẩm.

    KCHKHH: Kinh cầu hồn khi hấp hối.

     

  • PHÁN

    PHÁN: 判 Phân xử, xử đoán, tuyên bố sự quyết định về việc gì, sai bảo người dưới.

    Td: Phán đoán, Phán xét cuối cùng.

     

  • Phán đoán

    判斷

    A: To judge.

    P: Juger.

    Phán: Phân xử, xử đoán, tuyên bố sự quyết định về việc gì, sai bảo người dưới. Đoán: xem xét.

    Phán đoán là xem xét để quyết định.

    TNHT: Con liệu đứa nên dùng đẹp lòng con, kêu tên cho Thầy phán đoán.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phán quyết

    判決

    A: To pass a verdict.

    P: Prononcer un verdict.

    Phán: Phân xử, xử đoán, tuyên bố sự quyết định về việc gì, sai bảo người dưới. Quyết: định chắc.

    Phán quyết là quyết định của quan tòa.

     

  • Phán truyền

    判傳

    A: To order.

    P: Ordonner.

    Phán: Phân xử, xử đoán, tuyên bố sự quyết định về việc gì, sai bảo người dưới. Truyền: nói cho mọi người biết.

    Phán truyền là nói cho mọi người biết sự quyết định về một việc gì, và bảo thi hành quyết định đó.

     

  • Phán xét cuối cùng

    A: The last general judgment.

    P: Le dernier jugement général.

    Phán: Phân xử, xử đoán, tuyên bố sự quyết định về việc gì, sai bảo người dưới. Xét: xem xét. Cuối cùng: lần sau chót.

    Phán xét cuối cùng là sự xem xét về tội phước của nhơn loại để ban thưởng hay trừng phạt lần cuối cùng trước khi xảy ra cuộc Tận Thế, để lập đời Thánh đức.

    Đây là từ ngữ thường dùng của Thiên Chúa giáo, mà Phật giáo gọi là Đại Hội Long Hoa, Di-Lạc Phật Vương ra đời.

    Trong kỳ Phán xét cuối cùng nầy, Đức Di-Lạc Vương Phật làm Chánh Chủ Khảo chấm thi đậu rớt toàn cả nhơn loại căn cứ trên công đức đã lập được.

    Tùy theo công đức nhiều ít của mỗi người mà Đức Phật sẽ ban cho các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tương xứng. Những người ít công đức hơn nữa sẽ được làm một Tân Dân để lập đời mới gọi là đời Thượng nguơn Thánh đức. Còn những người làm nhiều điều tội lỗi, không đáng làm một Tân Dân thì sẽ bị đọa, chờ đợi để nhập vào một thế giới tiến hóa thấp hơn.

    (Xem thêm chữ: Tận Thế - Hội Long Hoa)

     

  • Phán xử

    判處

    A: To judge.

    P: Juger.

    Phán: Phân xử, xử đoán, tuyên bố sự quyết định về việc gì, sai bảo người dưới. Xử: xem xét phải quấy.

    Phán xử là xem xét để quyết định ai phải ai quấy.

    CG PCT: Những sự kiện thưa, những điều sái luật đạo, đã đặng tin quả quyết thì chẳng đặng yêm ẩn, ngó lơ, buộc phải giao cho Thông Sự phán xử.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • PHẢN

    1. PHẢN: 反 Nghịch lại.

    Td: Phản khắc.

    2. PHẢN: 返 Trở về, đi ngược trở lại.

    Td: Phản bổn huờn nguyên.

     

  • Phản bổn huờn nguyên

    返本還原

    A: To return to the origin.

    P: Retourner à l'origine.

    Phản: Trở về, đi ngược trở lại. Bổn: Bản: gốc. Huờn: Hoàn: trở lại. Nguyên: cái gốc khởi đầu. Phản bổn: trở lại cái gốc. Hoàn nguyên: trở về cái gốc khởi đầu.

    Phản bổn huờn nguyên là trở về cái gốc khởi đầu của con người nơi cõi TLHS. Ý nói: đắc đạo trở về ngôi vị cũ nơi cõi thiêng liêng.

    "Bởi vì mỗi con, Thầy đã ban cho cái linh tánh giáng trần để mượn xác thân đặng dùng nguơn Tinh mà bảo tồn nguơn Khí, hiệp với nguơn Thần, tức là luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hóa Thần, đặng thành Tiên tác Phật mà phản bổn huờn nguyên, hầu có thuở hưởng sự thanh nhàn nơi cõi Niết Bàn, là chốn thế giới thiêng liêng bất tiêu bất diệt." (ĐTCG)

    TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

    ÐTCG: Ðại Thừa Chơn Giáo.

     

  • Phản khắc

    反剋

    A: Opposition.

    P: Opposition.

    Phản: Nghịch lại. Khắc: không hợp.

    Phản khắc là chống lại, làm ngược lại.

    BĐNĐ: Nghĩ vì PCT, Lão đã dạy Hộ Pháp chú giải, chẳng thi hành từ thử, làm cho CTĐ và HTĐ phản khắc Đạo quyền, gây nên rối loạn chánh giáo Chí Tôn.

    BÐNÐ: Bát Ðạo Nghị Ðịnh.

    PCT: Pháp Chánh Truyền.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Phản lão hoàn đồng

    返老還童

    A: To renew one's youth.

    P: Rajeunir.

    Phản: Trở về, đi ngược trở lại. Lão: già. Hoàn: trở lại. Đồng: trẻ nhỏ.

    Phản lão hoàn đồng là đi ngược tuổi già, trở lại thành trẻ nhỏ.

    Thành ngữ nầy cũng được nói là: Cải lão hoàn đồng.

    Sách Thần Tiên truyện của Cát Hồng đời nhà Tấn bên Tàu, có chép một chuyện như sau:

    Đời nhà Hán có Hoài Nam Vương Lưu An, thường mộng tưởng làm thế nào cho được trường sanh bất tử. Vương nghiên cứu học phép tu Tiên. Một hôm, có 8 ông già tới, tự xưng là Thần Tiên, nói đến thăm Vương. Người gác cổng đón lại hỏi:

    - Người ta nói Thần Tiên thì trẻ mãi không già, cớ sao 8 ông già nua thế nầy mà tự nhận là Thần Tiên?

    Tám ông già nghe vậy thì cười ha hả, bảo:

    - Ngươi không thích nhìn thấy chúng ta già à? Để chúng ta phản lão hoàn đồng cho ngươi xem.

    Nói xong, tám ông già quay mặt đi, liền biến thành tám đứa trẻ con. Người gác cổng thấy vậy sợ quá, vội chạy vào báo cho Vương hay.

     

  • Phản loạn chơn truyền

    反亂眞傳

    A: To revolt against the true teaching.

    P: Se révolter contre le vrai enseignement.

    Phản: Nghịch lại. Loạn: làm rối ren trật tự. Chơn: thật. Truyền: trao lại. Phản loạn: gây rối loạn để làm phản. Chơn truyền là giáo lý chơn thật được truyền trao lại.

    Phản loạn chơn truyền là gây rối loạn trong Đạo để chống lại chơn truyền của Đạo.

    Đây là tội phạm pháp rất nặng, thuộc đệ nhứt hình của Tòa Đạo. Ai phạm vào tội nầy thì bị Tòa Đạo trục xuất.

     

  • Phản phúc

    反覆

    A: To be tray.

    P: Trahir.

    Phản: Nghịch lại. Phúc: lật lại, tráo trở.

    Phản phúc là phản lại người đã tin cậy mình, hay người có ơn nghĩa với mình.

    TĐ ĐPHP: Ngoài thì kẻ nghịch đang trù hoạch phương châm mà tàn hại, trong lại bị người phản phúc, vu oan làm cho đến đỗi nhớp nhơ danh Đạo.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Phản tiền vi hậu

    反前為後

    Phản: Nghịch lại. Tiền: trước. Vi: làm. Hậu: sau.

    Phản tiền vi hậu là trở ngược cái trước làm cái sau, và như vậy thì cái sau thành cái trước.

    TNHT: Thầy lập Phật giáo vừa khi khai Thiên lập Địa, nên Phật giáo là trước, kế Tiên giáo, rồi mới tới Nho giáo. Nay là Hạ nguơn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phản tỉnh

    返省

    A: Introspection.

    P: Introspection.

    Phản: Trở về, đi ngược trở lại. Tỉnh: coi xét, giác ngộ.

    Phản tỉnh là trở lại xem xét chính mình, tự xét, nghĩ lại.

     

  • Phạn hàm

    飯銜

    Phạn: cơm, gạo. Hàm: ngậm

    Phạn hàm là bỏ gạo vào miệng người chết trước khi liệm.

     

  • Phạn ngữ

    梵語

    A: The sanskrit.

    P: Le sanscrit.

    Phạn: tức là Phạm: Phật. Ngữ: chữ viết.

    Phạn ngữ hay Phạm ngữ là tiếng Phạn, tức là ngôn ngữ của xứ Phật, ngôn ngữ của nước Thiên Trúc ở miền bắc Ấn Độ.

    Nước Ấn Độ có rất nhiều ngôn ngữ, nhưng Đạo Bà La Môn và Đạo Phật chỉ dùng tiếng Phạn để thuyết pháp và chép kinh sách.

    Tiếng Phạn cũng phân ra làm hai loại:

    · Bắc Phạn là tiếng Sanscrit.

    · Nam Phạn là tiếng Pali.

    Phật giáo Bắc Tông tức là Phật giáo Đại Thừa chép kinh bằng tiếng Sanscrit, thường gọi là tiếng Phạn.

    Phật giáo Nam tông tức là Phật giáo Tiểu Thừa chép kinh bằng tiếng Pali.

    Người học Phật muốn thấu triệt giáo lý của Phật thì phải học tiếng Phạn để trực tiếp nghiên cứu kinh sách của Phật giáo, còn những bản dịch Kinh Phật ra tiếng nước ngoài thường không diễn đạt hết ý nghĩa của lời kinh.

    Do đó, tiếng Phạn là chánh tự của Phật giáo.

    Cũng như Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn mở Đạo tại Việt Nam, chọn tiếng Việt Nam làm chánh tự. Do đó, sau nầy, ai muốn thấu đáo giáo lý và triết lý của Đạo Cao Đài thì phải học thông thạo ngôn ngữ Việt Nam. Những bản dịch ra tiếng nước ngoài, tuy có dịch sát nghĩa cách nào đi nữa, cũng không thể diễn đạt hết ý nghĩa như bản chánh tự.

     

  • PHÁP

    Chữ PHÁP có rất nhiều nghĩa, tùy theo trường hợp mà giải thích.

    Nghĩa thông thường thì Pháp là Pháp luật, khuôn phép đặt ra để mọi người tuân theo cho có trật tự và ổn định, an toàn trong cuộc sống trong quốc gia xã hội.

    Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, chữ Pháp có nghĩa rất rộng. Tiếng Phạn là DHARMA dịch ra Hán văn là PHÁP:

    "Bất kỳ việc chi, dầu nhỏ dầu lớn, dầu hữu hình hay vô hình, tốt hoặc xấu, chơn thật hay hư vọng, đều có thể gọi là Pháp. Từ những nguyên tắc, những lẽ thường, lý nhỏ cho đến tôn giáo, cái luật chung bao gồm vũ trụ làm một với hư không, cũng gọi là Pháp. Song, người ta thường dùng chữ Pháp để chỉ về Đạo lý của Phật."

    Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy chư Tỳ Kheo:

    "Đối với cái Pháp, chớ nên chấp có, mà cũng chớ nên chấp không. Hãy giữ cho tự nhiên. Cái Pháp mà Đức Phật thuyết để độ chúng sanh, chẳng khác chiếc bè. Hễ giác ngộ rồi thì chẳng còn nương vào pháp nữa."

    Trong Trí Độ Luận có chép rằng:

    "Tất cả Pháp phân ra làm ba món: Hữu vi pháp, Vô vi pháp, Bất khả thuyết pháp. Ai có đủ ba món pháp ấy thì có tất cả Pháp."

    Trong Vô Lượng Thọ Kinh có nói:

    "Bồ Tát giác ngộ và hiểu rõ ràng các Pháp, mọi sự vật như mộng (giấc chiêm bao), ảo (trò biến hóa), hưởng (tiếng dội), lại biết rằng Pháp như điển (lằn điển chớp), ảnh (cái bóng của thân hình). Rốt cuộc thì được đạo Bồ Tát, có đủ các công đức căn bổn, được thọ ký thành Phật. Các Ngài đều thông đạt cái tánh của các Pháp, tất cả đều không, vô ngã,"

    Trong Kinh Du Già có biên năm thứ Pháp:

    1. Giáo pháp (pháp dạy).

    2. Hạnh pháp (pháp thi hành).

    3. Nhiếp pháp (pháp giữ lấy).

    4. Thọ pháp (pháp lãnh thọ)

    5. Chứng pháp (pháp tu đắc)."

    Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội PG VN:

    "Pháp là từ chỉ chung hết thảy mọi sự vật, hiện tượng, dù là to nhỏ, hữu hình vô hình, chân thực hư vọng. Sự vật cũng là vật, đạo lý cũng là vật, tất cả đều là Pháp cả."

    Tóm lại, chữ Pháp có nghĩa rất rộng, sau đây là 6 nghĩa thường dùng nhứt:

    1. PHÁP: Pháp luật, các Luật đặt ra để quản lý việc Đời hay việc Đạo. Td: Hiến pháp. Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, Pháp chánh, Pháp nhân, Pháp lý, v.v....

    2. PHÁP: Cách thức giải quyết công việc. Td: Phương pháp, Giải pháp,....

    3. PHÁP: Giáo lý, giáo thuyết của một nền tôn giáo. Td: Giáo pháp, Thuyết pháp, Hoằng pháp, Pháp môn, Pháp thí, Bí pháp, Thể pháp,....

    4. PHÁP: Phép thuật, các phép bí tích. Td: Hành pháp Giải oan, Hành pháp Đoạn căn,....

    5. PHÁP: Một bảo trong Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.

    Pháp là quyền năng biến hóa vô đối của Đức Chí Tôn Thượng Đế. Đức Chí Tôn là Phật, Đức Chí Tôn khai Bát quái mà tác thành CKTG nên mới gọi là Pháp, Pháp có mới sanh CKVV rồi mới có người nên gọi là Tăng. Đức Chí Tôn là Phật chủ cả Pháp và Tăng. (Xem chữ: Pháp bảo, bên dưới)

    6. PHÁP: Nghĩa tổng quát: Pháp là tất cả các sự, các việc, các vật, các hiện tượng, dù nhỏ dù lớn, dù thấy được hay còn ẩn kín không thấy được, dù hữu hình hay vô hình, tốt hay xấu, thiện hay ác, chơn hay giả, đơn giản hay phức tạp.

    Td: Tự nhiên pháp là tất cả hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên như: Gió, mưa, bão, thủy triều,.... Các pháp nầy chẳng tạo ra mà chẳng mất đi, chỉ là sự biến hóa từ trạng thái nầy sang trạng thái khác.

    CKTG: Càn Khôn Thế giới.

    CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

     

  • Pháp bảo (Pháp bửu)

    法寶

    Bảo hay Bửu là quí báu. Pháp bảo hay Pháp bửu có 4 nghĩa sau đây:

    1. Pháp: (5), là một trong Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.

    Pháp bảo là ngôi Pháp quí báu. Đó là ngôi thứ nhì trong Thượng Đế ba ngôi: Phật, Pháp, Tăng. Ngôi thứ nhì ấy chính là Đức Phật Mẫu.

    "Đức Chí Tôn là Phật, Phật chiết tánh biến ra Pháp, là ngôi thứ nhì thuộc Âm, là Phật Mẫu. Nhưng chúng ta không biết cái bí mật ấy, là khí Âm Dương phối hiệp biến hình, mà Phật Mẫu dùng gì để tạo nên cơ quan hữu vi nầy, vì bởi Phật Mẫu dùng khối Sanh quang có năng lực vận hành trong không khí, chúng ta không thể thấy được. Khi biến ra hữu tướng là nước, lửa, gió, rồi nước lửa gió vận hành biến ra vạn vật, đi từ Hỗn Nguơn Khí, Hư Vô Khí, đến Huyền Ảnh Khí, rồi mới biến ra vạn vật, tức là Huyền Ảnh Khí biến ra nhơn hình vậy, ấy là Tăng." (TĐ ĐPHP)

    Vậy trong CKVT có ba ngôi gọi là Tam Bảo:

    · Ngôi thứ nhứt là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức là Phật bảo: Ngôi Dương.

    · Ngôi thứ nhì là Đức Phật Mẫu, tức Pháp bảo: Ngôi Âm

    · Ngôi thứ ba là Tăng, tức là Vạn linh trong CKVT.

    2. Pháp: (4) là phép thuật huyền diệu.

    Pháp bảo (Pháp bửu) hay Bửu pháp là những vật có pháp thuật huyền diệu của các Đấng thiêng liêng.

    · Đức Hộ Pháp có 2 pháp bửu là: Giáng Ma Xử và Kim Tiên.

    · Đức Thượng Phẩm có 2 pháp bửu: Long Tu Phiến và Phất chủ

    · Đức Thượng Sanh có 2 pháp bửu: Thư Hùng Kiếm và Phất chủ

    · Đức Quyền Giáo Tông tức Lý Thiết Quả có hai pháp bửu là: Hồ Lô và Gậy sắt.

    · Tám món pháp bửu của Bát Tiên được gọi là Bát bửu.

    Pháp xa: chiếc xe huyền diệu, tức là chiếc xe Tiên.

    3. Pháp: (3) Giáo lý. Pháp bửu là giáo lý quí báu.

    Khi Đức Phật Thích Ca còn sanh tiền, Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử rằng: Khi Ta tịch rồi, Ta để cái Pháp lại. Hãy coi nó như Ta. Tôn kính Ta thế nào thì sùng thượng cái Pháp cũng thế ấy....

    Cái Pháp của Phật, tức là giáo lý của Phật để lại cho nhơn loại, cứ đúng theo đó mà tu thì được giải thoát luân hồi.

    Giáo lý ấy quí báu hơn tất cả vàng bạc châu báu nên mới được gọi là Pháp bảo.

    4. Pháp: (6) là những món cần dùng.

    Trong các chùa Phật, các vị sư xem các món sau đây rất quí báu như: Tượng Phật, Kinh điển, Chuông mõ, áo cà sa, cây tích trượng, bình bát, nên gọi các thứ ấy là pháp bảo của chùa.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

     

  • Pháp chánh

    法政

    Pháp: Pháp luật, các Luật đặt ra để quản lý việc Đời hay việc Đạo. Td: Hiến pháp. Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, Pháp chánh, Pháp nhân, Pháp lý, v.v.... Chánh: việc sắp đặt cho yên ổn.

    Pháp chánh là pháp luật qui định việc hành chánh đạo.

    Bộ Pháp Chánh là cơ quan tư pháp của Đạo, trực thuộc HTĐ, có nhiệm vụ trông coi, gìn giữ pháp luật của Đạo, không cho Chức sắc, Chức việc và tín đồ phạm đến. (Xem chi tiết nơi chữ: Bộ Pháp Chánh, vần B)

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

     

  • Pháp Chánh Truyền

    法正傳

    A: The religious constitutional laws of Caodaism.

    P: Lois constitutionnelles religieuses du Caodaïsme.

    Pháp: Pháp luật, các Luật đặt ra để quản lý việc Đời hay việc Đạo. Td: Hiến pháp. Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, Pháp chánh, Pháp nhân, Pháp lý, v.v.... Chánh: ngay thẳng. Truyền: trao lại.

    Pháp Chánh Truyền là pháp luật chơn chánh mà Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền dạy để làm căn bản lập giáo, tổ chức và điều hành nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Pháp Chánh Truyền được Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho ngay sau khi làm Lễ Khai Đạo tại Thánh Thất tạm đặt tại Từ Lâm Tự (chùa Gò Kén) Tây Ninh. Đó là đêm 15 rạng 16 tháng 10 năm Bính Dần (dl 20-11-1926), phò loan: Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.

    Theo lời thuật lại của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu thì đêm đó, Đức Chí Tôn giáng cơ viết rất nhanh, điển ký là ông Giáo Hữu Son chép không kịp, Đức Chí Tôn bảo ông Hậu chép tiếp.

    Bản văn Pháp Chánh Truyền nầy rất quan trọng, nên Đức Lý Giáo Tông dạy Đức Phạm Hộ Pháp chú giải Pháp Chánh Truyền ra từng chi tiết cho thật rõ ràng để dễ thi hành, và dâng lên cho Đức Lý Giáo Tông duyệt lại rồi mới ban hành.

    Ngày nay, Đạo Cao Đài có quyển Pháp Chánh Truyền Chú Giải làm cơ sở tổ chức điều hành nền Đạo, và có thể gọi đây là Hiến pháp của Đạo, do Đức Chí Tôn qui định, nên có tính cách cố định, bất di bất dịch trong thất ức niên.

    Các luật pháp khác của Đạo, Đức Chí Tôn giao cho Vạn linh mà nhơn sanh làm đại diện, tự lập luật tu hành cho vừa trình độ của nhơn sanh. Sự lập pháp nầy được tổ chức qua ba hội, được gọi là Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh.

    PCT qui định các phẩm Chức sắc nam nữ của CTĐ và HTĐ, quyền hành và đạo phục của mỗi phẩm cấp và việc thăng thưởng Chức sắc.

    Đức Chí Tôn lập PCT có tính cách vô cùng mới mẻ và tiến bộ so với các tôn giáo khác của thời Nhị Kỳ Phổ Độ, vì nó bao gồm cả hai khuynh hướng quân chủ và dân chủ, dùng hai khuynh hướng ấy để kềm chế nhau và buộc phải dung hòa cùng nhau, để cho sự tiến hóa của nhơn sanh được nhanh chóng trên con đường đạo đức trung dung, chí thiện chí mỹ.

    Đức Chí Tôn có dạy: "Thầy tưởng chẳng cần nói, nếu ai là đạo đức, đọc đến cách lập pháp của Thầy mà chẳng mừng giùm cho nhơn loại." (TNHT)

    Hội Thánh viết lời tựa của quyển PCT, xin trích ra vài đoạn như sau:

    "Nghĩ vì cơ huyền vi mầu nhiệm của Đạo có Thiên điều, cũng như cơ Đời có luật pháp chơn truyền để chế ngự những dục vọng bất chánh, mà ở cõi nào và đời nào cũng có, nếu không có gì chế ngự thì sự điều hòa tốt đẹp của cơ Tạo Hóa sắp đặt có thể mất đi mà chớ, nên khi mở ĐĐTKPĐ, Đức Chí Tôn đã lập ngay một Pháp Chánh Truyền và Tân Luật, để điều hành guồng máy Hành Chánh Đạo, hầu bảo thủ chơn truyền và công bình Thiên đạo, kèm theo luật pháp còn có Thánh ngôn và giáo điều dạy bảo.

    Muốn lập một nền Đạo lớn như ĐĐTKPĐ, có khả năng truyền giáo đến thất ức niên mà không lập pháp thì làm sao điều độ được một số giáo đồ quá đông gồm toàn thể nhơn loại."

    "Mặc dầu không luật pháp nào được gọi là hoàn bị cả, nhưng luật pháp nào cũng đều phải ấn định ít nhứt những đại cương và nguyên tắc. Chẳng hạn luật công bình giữa người với người thì phải có nguyên tắc bất di bất dịch là: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người). Ví dụ: Nếu mình muốn được tự do thì đừng làm mất tự do của người khác. Tuy nghe rất đơn giản nhưng không còn cách giải thích nào đúng hơn nữa.

    Luật pháp rất cần ích cho sự điều hòa trật tự trong xã hội. Nó lại còn cần ích hơn nữa cho Đạo vì nếu thiếu luật pháp thì khó tránh sự hỗn loạn, mà nếu trong Đạo có sự hỗn loạn thì còn gì là đạo lý.

    Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh cho Đạo tức là lập chủ quyền cho Đạo đó vậy. Nếu ai có tinh thần xây dựng nền Đạo thì tất nhiên phải tôn trọng chủ quyền đó.

    Cũng nhờ chủ quyền đó mà Hội Thánh là hình thể Đức Chí Tôn tại thế mới có đủ quyền hành để thể Thiên hành hóa.

    Tuy nhiên, quyền Đạo có khác hơn quyền Đời, là vì nó do sự thương yêu mà có chớ không phải dùng áp lực để chế ngự người ta.

    Luật pháp đã do Thiên lý và Công lý mà lập ra, thì tự nhiên phải tuyệt đối công bình, không còn sự chênh lệch nào đối với toàn thể bổn đạo. Vì trong Đạo, từ trên xuống dưới, từ nhỏ tới lớn, đều có qui luật định phân, lớn không giành quyền nhỏ, nhỏ không lấn quyền lớn. Nếu cứ chiếu luật thi hành thì toàn đạo được điều hòa êm ái, và guồng máy Hành Chánh Đạo cứ tiến hành theo luật định thiên nhiên không còn gì trở ngại."

    Trong công việc lập Pháp Chánh Truyền, có 3 giai đoạn đáng ghi nhớ:

    Ngày 16-10-Bính Dần (dl 20-11-1926), ngay sau Lễ Khai Đạo, Đức Chí Tôn giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài nam phái trước tiên.

    Ngày mùng 9-1-Đinh Mão (dl 10-2-1927), Đức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài nữ phái.

    Ngày 12-1-Đinh Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài.

    Vấn đề 1: Tại sao Đức Chí Tôn không lập PCT nữ phái mà lại giao cho Đức Lý Thái Bạch lập?

    Đức Phạm Hộ Pháp có giải thích như sau:

    "Hộ Pháp nhắc lại lời Thầy nói cùng Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh rằng: Muốn phế nữ phái, song con cũng đồng con, hễ bao nhiêu nam tức cũng bao nhiêu nữ; nam nữ vốn như nhau, nên Thầy đến phong cho nữ phái buổi lập Pháp Chánh Truyền, chẳng hiểu có điều chi huyền bí với Thầy cùng Ngọc Hư Cung, nên Thầy mới đành lòng nói ra lời ấy, rồi lại cam lòng để cho Đức Lý Giáo Tông đứng lập đặng tránh cho khỏi luật lệ Thiên điều hay chăng?

    Hễ càng suy nghĩ thì lại càng thêm sợ hằng ngày.

    Xem lại, nữ phái không biết trau giồi trí thức đặng làm trách nhậm cho xứng vị mình, thì lại càng lo âu thêm nữa!

    Chính mình Cao Thượng Phẩm mới giáng cơ nói rằng nhờ Ngài cầu xin tha thứ cho nữ phái nơi Ngọc Hư, bằng chẳng thì đã bị phế, xin chư đạo tỷ để dạ lo lấy phận mình." (PC TCG)

    Vần đề 2: Tại sao Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTĐ sau CTĐ, mà không lập cùng một lượt hay trước CTĐ?

    Đức Phạm Hộ Pháp có giải đáp như sau:

    "Thầy đã dạy rằng: Từ khi có Thầy rồi dựng nên CKTG, hóa sanh nhơn loại, thì Thầy chưa hề biết hành phạt chúng ta bao giờ, vì lòng quá yêu, nên Thầy không nỡ nào hành phạt.

    Thầy lại nói, dầu Thiên điều thì cũng do nơi chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lại lập để định tội của nhau, hầu giữ gìn lẫn nhau đó thôi, chớ Thầy chưa hề biết đến. Mà hễ lập rồi đem dâng cho Thầy thì chính mình Thầy cũng không quyền sửa cải.

    Như Tân Luật ngày nọ, thì Lý Giáo Tông hội cùng chư Thánh mà lập thành, chớ Thầy chưa hề biết đến, chỉ ngày nào đã dâng lên cho Thầy thì đã thành Thiên luật mà thôi. (Theo TNHT, Tân Luật được Hội Thánh lập thành dâng lên cho Đức Lý Giáo Tông ngày 13-12-Bính Dần, dl 16-1-1927).

    Hễ Thiên luật thì phải vô tư, tỉ như Thiên điều, dầu cho chính mình Thầy là Chí Tôn cũng chẳng vị tình.

    Bởi cớ ấy mà lập PCT, Thầy không lập HTĐ một lượt với CTĐ, e cho cả Chức sắc HTĐ ra ngoại luật.

    Thầy lại để các Chức sắc ấy dự hội lập luật cùng chư Chức sắc CTĐ thì phàm thân họ cũng phải dưới quyền luật lệ như mọi người vậy.

    Hội Thánh hiệp nhau lập Tân Luật, cũng như cả Thập nhị Khai Thiên lập luật. Thập nhị Khai Thiên lập luật giao cho Thầy, còn Hội Thánh lập luật cũng giao cho Thầy.

    Vậy thì Tân Luật với Thiên điều cũng đồng giá trị.

    Dầu cho Hộ Pháp phạm luật cũng bị đòi đến Tòa Tam Giáo bên CTĐ, thì Thiên phẩm mình dường như không có, kể như một người Đạo hữu kia vậy.

    Còn Giáo Tông, nếu phạm tội cũng bị đòi đến Tòa HTĐ thì cũng chẳng khác chi một người tín đồ kia vậy.

    Luật Đạo thành ra Thiên điều, thì Hội Thánh là Ngọc Hư Cung tại thế.

    Hội Thánh hiệp nhau lập Luật Đạo thì cũng như chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lại lập Thiên điều.

    Vậy thì Hội Thánh và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đồng một thể. (Trích Diễn văn của Đức Hộ Pháp đọc tại Tòa Thánh ngày 14-2-Mậu Thìn, 1928)

    PCT: Pháp Chánh Truyền.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

    ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    CKTG: Càn Khôn Thế giới.

     

  • Pháp danh - Thế danh - Thánh danh

    法名 - 世名 - 聖名

    A: Religious name - Temporal name - Holy name.

    P: Nom religieux - Nom temporel - Nom sacré.

    Pháp: Giáo lý, giáo thuyết của một nền tôn giáo. Thế: đời. Danh: tên.

    1.- Pháp danh, bên Phật giáo, là tên do vị Hòa Thượng trụ trì đặt cho đệ tử khi mới qui y vào Phật đạo.

    Đối với Đạo Cao Đài, Pháp danh là tên hiệu do một Đấng thiêng liêng ban cho, do đó còn được gọi là Đạo hiệu.

    Thí dụ:

    ■ Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn ban Đạo hiệu cho quí vị sau đây:

    · Giáo Sư Thượng Bảy Thanh, Đạo hiệu Phong Chí.

    · Phối Sư Thượng Vinh Thanh, Đạo hiệu Hiển Trung.

    · Phối Sư Thượng Chữ Thanh, Đạo hiệu Ngạn Sơn.

    · Phối Sư Thượng Tuy Thanh, Đạo hiệu Từ Huệ.

    ■ Đức Hộ Pháp ban Đạo hiệu cho những đệ tử Phạm môn hồng thệ kỳ đầu ngày 3-1-Nhâm Thân (1932):

    · Ông Võ Văn Đợi (Đại), Đạo hiệu là Linh Đoán.

    · Ông Phạm Văn Út Đạo hiệu Lưu Thiện.

    · Ông Võ Văn Chở Đạo hiệu Trường Tải... ...

    · Bà Từ Thị Kế Đạo hiệu Thừa Thiện.

    · Bà Lê Thị Lơi Đạo hiệu Hồng Huệ.

    · Bà Lưu Thị Sen Đạo hiệu Duy Từ... ...

    2.- Thế danh là tên lúc còn ở ngoài đời, chưa nhập môn vào Đạo. Đó là tên trong khai sanh hay trong các giấy tờ.

    Td: Ngài Bảo Đạo Ca Minh Chương: Chương là Thế danh, Ca là họ.

    3.- Thánh danh là tên Thánh.

    Những tín đồ nam nữ, khi đắc phong vào hàng Lễ Sanh mới bắt đầu có Thánh danh.

    ■ Tất cả Chức sắc nữ phái CTĐ có Thánh danh khởi đầu là chữ HƯƠNG. Thánh danh của Chức sắc nữ phái CTĐ gồm 2 chữ: chữ đầu là Hương (Tịch đạo), chữ sau là thế danh.

    Td: Bà Lâm Thị Thanh, đắc phong Nữ Đầu Sư, Thánh danh là Hương Thanh.

    ■ Các Chức sắc nam phái CTĐ được phân 3 phái: Thái, Thượng, Ngọc, Thánh danh đều có chữ THANH ở sau cùng.

    Thánh danh của Chức sắc CTĐ nam phái gồm 3 chữ: chữ đầu là chỉ phái (Thái, Thượng, Ngọc), chữ thứ nhì là thế danh, chữa sau cùng là Thanh (Tịch đạo).

    Td: Ông Lê Văn X đắc phong Lễ Sanh, được Đức Lý Giáo Tông chấm cho phái Ngọc, Thánh danh của ông Lễ Sanh X là: NGỌC X THANH.

    Thánh danh của Chức sắc CTĐ nam phái có chữ Thanh, của nữ phái có chữ Hương. THANH HƯƠNG là tịch đạo của Chức sắc trong đời Giáo Tông thứ nhứt là Đức Lý Thái Bạch.

    Qua đời Giáo Tông thứ hai thì tịch đạo là ĐẠO TÂM, nam lấy chữ Đạo, nữ lấy chữ Tâm. (Xem: Tịch Đạo, vần T)

    Chức sắc HTĐ và Cơ Quan Phước Thiện không có Thánh danh theo Tịch Đạo.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

     

  • Pháp điều

    法條

    A: Articles of laws.

    P: Articles de lois.

    Pháp: Pháp luật, các Luật đặt ra để quản lý việc Đời hay việc Đạo. Td: Hiến pháp. Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, Pháp chánh, Pháp nhân, Pháp lý, v.v.... Điều: khoản, mục.

    Pháp điều là những điều khoản về pháp luật.

    Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ là các pháp luật của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gồm: Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, các Đạo Nghị Định, và các Đạo luật.

    DLCK: Tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ tất đắc....

    DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

     

  • Pháp giới

    法界

    Pháp: Nghĩa tổng quát: Pháp là tất cả các sự, các việc, các vật, các hiện tượng, dù nhỏ dù lớn, dù thấy được hay còn ẩn kín không thấy được, dù hữu hình hay vô hình, tốt hay xấu, thiện hay ác, chơn hay giả, đơn giản hay phức tạp. Giới: cảnh giới, cõi, phạm vi.

    Đây là từ ngữ thường dùng bên Phật giáo, do tiếng Phạn là DHARMA-DHATU, dịch ra Hán văn là: PHÁP GIỚI, PHẬT TÁNH, THỰC TƯỚNG. Cho nên 3 từ ngữ nầy đều đồng nghĩa.

    Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội PG VN, định nghĩa hai chữ Pháp giới như sau:

    " Pháp giới có nhiều nghĩa, sau đây là hai nghĩa chánh:

    1. Nói về sự: Pháp tức là các pháp, giới là phận giới.

    Các pháp đều có tự thể, nhưng phận giới (giới hạn riêng của nó) thì không giống nhau, cho nên gọi là Pháp giới.

    Thế nhưng nói Pháp giới thì mỗi pháp đều gọi là Pháp giới, mà nói chung cả vạn pháp thì cũng chỉ một từ Pháp giới.

    Do đó, Sự Pháp giới, một trong 4 Pháp giới do các nhà Hoa Nghiêm đã nêu lên, các nhà Thiên Thai chú giải. Thập Pháp giới của Tục Đế cũng dựa theo nghĩa vừa nói trên.

    Giới cũng có nghĩa là cõi, Pháp giới có nghĩa là cõi cùng cực của Pháp, dù rộng lớn, sâu xa đến đâu cũng không vượt qua cõi đó.

    Tứ Giáo Nghi Tập Chú: cùng tận giới hạn gọi là Pháp giới.

    2. Nói về lý: Pháp Tướng, Hoa Nghiêm chủ trương lý tính chân như gọi là Pháp giới, cũng gọi là chân như pháp tính, Thực tướng, Thực tế.

    Tuy tên gọi khác nhau, nhưng lý thể của nó chỉ là một.

    Giới có nghĩa là Nhân (nhân duyên), nương dựa vào nó mà các Thánh đạo sinh ra, cho nên gọi là Pháp giới.

    Giới cũng có nghĩa là Tính, vì đó là Tính mà các pháp nương dựa vào, lại cũng vì các pháp có cùng một Tính cho nên gọi là Pháp giới.

    Duy Thức Thuật Ký: Vì là Thực tướng mà diệu pháp Tam Thừa nương dựa vào, cho nên gọi là Pháp giới.

    Thám Huyền Ký: Giới có 3 nghĩa: Một là Nhân (nhân duyên) vì Thánh đạo dựa vào đó mà sinh ra. Pháp giới là hết thảy mọi nhân pháp. Hai là Tính, có nghĩa nầy là vì các pháp phải dựa vào Tính, đoạn trên đã nói Pháp giới tức là Pháp tính. Ba là Vạn pháp đều có tướng bình đẳng như nhau, các duyên khởi không xen tạp. Đó là Lý Pháp giới, một trong 4 Pháp giới.

    Các nhà Hoa Nghiêm và Thiên Thai cùng chỉ ra ý nghĩa tổng hợp đầy đủ hết thảy các pháp, gọi là Pháp giới.

    Đại Thừa Chỉ Quán: Pháp có nghĩa là tự nhiên, giới có nghĩa là sự phân biệt về tính, do cái tâm thể tự nhiên ấy có đầy đủ hết thảy các pháp nên gọi là Pháp giới.

    Đó là Sự Sự Vô Ngại Pháp giới, gọi tắt là Sự Pháp giới.

    Pháp giới cũng có nghĩa là phạm vi pháp tướng chi phối lý nhân quả. Phật là bậc siêu thoát ra ngoài phạm vi đó, cho nên chỉ có một mình Phật đứng sừng sững ở ngoài Pháp giới."

    "Vì phân biệt nghĩa tướng viên dung vô ngại mà các nhà Hoa Nghiêm lập Tứ Pháp giới. Trái lại, các nhà Thiên Thai vì diễn tả các sự tướng muôn vàn sai biệt mà lập Thập Pháp giới.

    * Tứ Pháp giới hay Tứ chủng Pháp giới gồm:

    1. Sự Pháp giới: tức là các pháp sắc và tâm của chúng sanh, mỗi cái đều sai khác, mỗi cái đều có giới hạn phân tề.

    2. Lý Pháp giới: tức là các pháp sắc và tâm của chúng sanh tuy có sai khác nhưng có cùng chung một thể tính.

    3. Lý Sự vô ngại Pháp giới: tức là Lý do Sự mà hiển bày, sự nhờ lý mà thành tựu, lý sự dung thông nhau.

    4. Sự Sự vô ngại Pháp giới: tức là hết thảy các sự kiện có giới hạn phân tề đều dung thông nhau một cách xứng tính.

    * Thập Pháp giới là 10 Pháp giới:

    1. Phật Pháp giới: tức là cái cảnh giới tự giác giác tha, giáo hành đầy đủ.

    2. Bồ Tát Pháp giới: tức là cảnh giới vô thượng bồ đề, tu lục độ, vạn hạnh.

    3. Duyên Giác Pháp giới: tức là cảnh giới nhập Niết Bàn, tu 12 nhân duyên quán.

    4. Thanh Văn Pháp giới: tức là cảnh giới nhập Niết Bàn, y vào thanh giáo của Phật mà tu phép quán Tứ Đế.

    5. Thiện Pháp giới: tức là cảnh giới tu thượng phẩm thập thiện, kiêm tu thiền định, được sanh lên cõi Trời, thụ hưởng thú vui thanh tịnh vi diệu.

    6. Nhân Pháp giới: tức là cảnh giới tu năm giới và trung phẩm thập thiện, hưởng thụ niềm vui, nỗi khổ ở cõi người.

    7. A-tu-la Pháp giới: tức là cảnh giới thịnh hành lục phẩm thập thiện, làm loài phi nhân, có thông lực tự tại.

    8. Quỉ Pháp giới: tức là cảnhgiới phạm vào hạ phẩm ngũ nghịch, thập ác, làm loài ác quỉ thần, chịu nỗi khổ đói khát.

    9. Súc sinh Pháp giới: tức là cảnh giới phạm vào trung phẩm ngũ nghịch thập ác, làm loài súc sinh chịu nỗi khổ bị giết và ăn thịt.

    10. Địa ngục Pháp giới: là cảnh giới thấp nhất vì phạm vào thượng phẩm ngũ nghịch thập ác, phải chịu nỗi khổ rét, nóng, kêu la.

    Về các việc Thập Pháp giới, không kinh luận nào là không nói rõ, bởi vậy Thiên Thai Đại Sư mới dựa theo ý trong các kinh luận mà lập nên thành một loại Pháp môn thâu tóm hết thảy cõi hữu tình."

    Pháp giới có nhiều nghĩa rất rộng như thế, nhưng nghĩa thường dùng thì có 5 trường hợp sau đây:

    1. Pháp giới là cảnh giới của pháp, nói vắn tắt là: cõi.

    Cõi trần, cõi thiêng liêng, cõi địa ngục đều là Pháp giới.

    2. Pháp giới là phạm vi của Pháp, bao gồm các Pháp hữu vi và vô vi. Pháp hữu vi là Thể pháp, Pháp vô vi là Bí pháp.

    TĐ ĐPHP: Không có một điều chi Chí Tôn để trong Pháp giới của Ngài trong cửa Đạo nầy mà không có nghĩa lý.

    3. Pháp giới là cơ quan tạo hóa ra vạn vật trong CKVT.

    TĐ ĐPHP: CTĐ là chơn tướng của Cửu Thiên Khai Hóa, tức là cơ hữu vi của CKVT, do Cửu Thiên Khai Hóa tạo thành. Còn HTĐ là Pháp giới tạo ra vạnlinh, nó là Đạo, rõ rệt như vậy.

    4. Pháp giới là bí pháp huyền diệu, pháp thuật mầu nhiệm.

    TĐ ĐPHP: Hộ Pháp đến kỳ Long Hoa nầy cốt để rước cửu nhị ức nguyên nhân là bạn chí thân của người đã bị đọa lạc nơi hồng trần không phương giải thoát. Muốn rước các bạn chí thân của Bần đạo, Đức Chí Tôn buộc phải lấy Pháp giới tận độ chúng sanh.

    KỆ CHUÔNG BÃI ĐÀN: Thiên phong hải chúng quốc thới dân an hồi hướng đàn trường tận thâu Pháp giới.

    5. Pháp giới là phạm vi pháp luật, nói tắt là: pháp luật.

    TĐ ĐPHP: Đấng cầm quyền trong Pháp giới là Hư Vô Cao Thiên vâng mạng lịnh Hạo Nhiên Pháp Thiên làm cho vũ trụ khỏi tương tàn với nhau.... Hư Vô Cao Thiên thuộc về Pháp giới cầm cả luật Thiên điều.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Pháp hóa tướng tông

    法化相宗

    Pháp: Giáo lý, giáo thuyết của một nền tôn giáo. Hóa: biến thành. Tướng: có hình dạng cụ thể. Tông: Tôn: tôn giáo.

    Pháp hóa tướng tông là cái giáo lý biến thành một nền tôn giáo có hình tướng cụ thể.

    Đây là một câu kinh trong bài kinh Tiên Giáo, nhắc lại sự tích Đức Lão Tử ngồi trên xe trắng trâu xanh đến ải Hàm Cốc, nhận quan giữ ải là Doãn Hỷ làm đồ đệ, truyền cho Doãn Hỷ quyển sách Đạo Đức Kinh, cứ tu theo sách nầy thì đắc đạo thành Tiên.

    Từ trước đến giờ, Đức Lão Tử chưa truyền kinh sách cho ai, nay mới truyền Đạo Đức Kinh cho Doãn Hỷ. Đây là quyển sách dùng làm căn bản cho Tiên giáo, để Doãn Hỷ lập đạo, truyền bá đạo Tiên, và bắt đầu từ đây, đạo Tiên mới có hình tướng rõ rệt.

     

  • Pháp khí

    法器

    Pháp: Giáo lý, giáo thuyết của một nền tôn giáo. Khí: đồ dùng, tài năng.

    Pháp khí, nghĩa đen là đồ dùng để chứa pháp, nghĩa bóng là người có khả năng tiếp thu giáo lý của Phật, gìn giữ và truyền bá Phật pháp.

    Ông A-Nan là Pháp khí của Đức Phật Thích Ca, vì ông thọ lấy và nhớ tất cả những điều Phật dạy.

    Huệ Khả theo hầu Đạt Ma Tổ Sư là Pháp khí, được Tổ Sư truyền y bát cho Huệ Khả làm Nhị Tổ Phật giáo Trung hoa.

     

  • Pháp luân thường chuyển (Phép hoán đàn)

    法輪常轉

    A: The wheel of the Holy doctrine turns ordinarily.

    P: La roue de la Sainte doctrine tourne ordinairement.

    Pháp: Giáo lý, giáo thuyết của một nền tôn giáo. Luân: cái bánh xe. Thường: luôn luôn. Thường chuyển: chuyển động luôn luôn.

    Pháp luân là bánh xe pháp, bánh xe giáo lý của Phật.

    Bánh xe tượng trưng giáo lý, cũng như hoa sen tượng trưng ngôi vị của Phật.

    Giáo lý của Phật như cái bánh xe, lăn tới trước mãi, đưa chúng sanh tiến hóa mãi trên đường giải thoát.

    Bánh xe khi lăn tới đâu thì cán nát các loại gai cỏ, cũng như Giáo pháp của Phật truyền tới đâu thì nơi đó hết vô minh và phiền não.

    Sau khi Đức Phật Thích Ca thành đạo, Ngài thuyết pháp lần đầu tiên tại thành Bénarès với đề tài Tứ Diệu Đế để độ nhóm 5 anh em ông Kiều Trần Như. Đó là Đức Phật chuyển Pháp luân, tức là Đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe Pháp cho lăn tới, nhờ thế mà 5 vị nầy giác ngộ, qui y theo Phật, đắc quả A-La-Hán. Đó là Phật chuyển Pháp luân lần thứ nhứt.

    Đức Phật chuyển Pháp luân lần sau cùng, trước khi Phật nhập Niết Bàn, tại Hội Pháp Hoa, thuyết giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, giáo pháp thượng thừa của Phật, độ vô số chúng sanh vào Đại thừa, đắc Phật huệ.

    Pháp luân thường chuyển là đạo lý luôn luôn chuyển động đi tới như một bánh xe, để cứu độ chúng sanh, đưa chúng sanh lên đường tấn hóa đến bờ giải thoát.

    Việc đi Hoán đàn trước khi cúng Đại đàn nơi Tòa Thánh tượng trưng Pháp Luân thường chuyển. Chúng ta phải đi từ cấp 1 Cửu Trùng Ðài (Địa Thần) lên cấp 9 Cửu Trùng Ðài (Thiên Tiên), lên Cung Đạo (Phật vị), rồi trở xuống cấp 1 Cửu Trùng Ðài, lại vòng lên trên rồi mới đứng vào vị trí của mình. Khi đi lên là Phàm nhập Thánh, khi đi xuống là Thánh lâm Phàm, rồi đi vòng trở lên là Phàm nhập Thánh. Đi như vậy là Pháp luân thường chuyển tức là đắc đạo.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giải thích Hoán đàn:

    "Đó là bùa Pháp luân thường chuyển. Tại sao Chí Tôn để bùa Pháp luân thường chuyển tại thế nầy? Đặng chi vậy?

    Hiện đã mãn Hạ nguơn Tam Chuyển, bắt đầu Thượng nguơn Tứ Chuyển, nên phải để cho Pháp luân chuyển.

    Ta đã biết thời Tiên Thiên Khí và Hậu Thiên Khí chuyển làm một mới đạt đạo đặng.

    Cả thảy đều biết Cửu Trùng Ðài nầy là Cửu Thiên Khai Hóa, còn cung trên kia là Cung Đạo. Từ trước tới nay, mỗi người mãi miết tìm Đạo mà Chí Tôn để giữa đó, trước mắt mà không biết.

    Đi chín từng Trời để phần hồn đi cho cùng tột cửu phẩm Thần, Thánh, Tiên, đến Phật, rồi Phật xuống phàm, rồi phàm trở lên Phật, chuyển luân như vậy, Bí pháp gọi là đạt đạo."

    Sau đây là nguyên văn bài thánh giáo của Bát Nương Diêu Trì Cung giảng về Pháp Luân Thường Chuyển. Thánh giáo này do Từ Huệ (Hiền Tài Nguyễn vẫn Mới) lúc sinh thời chấp bút:

    PHÁP LUÂN THƯỜNG CHUYỂN (HOÁN ĐÀN)

    Sau đây, Bát Nương trả lời cho Từ Chơn (về Pháp Luân Thường Chuyển) theo sự muốn hiểu biết của con. Việc này từ trước tới nay không có sách nào trong cửa đạo Cao Đài nói đến vì đó là Bí Pháp của Hộ Pháp khi hành pháp trong một thời cúng tiểu đàn hay đại đàn.

    Khi tiếng trống chấm dứt, chức sắc Hiệp Thiên Đài vào trước rồi mới tới chức sắc Cửu Trùng Đài vào.

    Hộ Pháp vào Hiệp Thiên Đài rồi ngự lên ngai của ngài, còn chức sắc Hiệp Thiên Đài đứng theo phẩm trật của mình.

    Hộ Pháp ngồi lên ngai Thất Đầu Xà (chớ không có đứng). Ngồi để hành pháp tịnh tâm và hành pháp luân thường chuyển. Khi Hộ Pháp ngồi thì hai tay đè lên hai đầu rắn Nộ, Ai (tức là Giận Dữ và Buồn Thảm); hai chân đạp lên đầu rắn Ố, Dục (tức là Ghét Bỏ và Tham Muốn). Đó là pháp tịnh tâm của ngài.

    Kế đó ngài dùng cặp mắt ngó vô Bát Quái Đài, vẽ chữ bùa Pháp Luân Thường Chuyển, để dùng điển lực này phủ khắp từ nấc số một tới nấc số chín của Cửu Trùng Đài.

    Khi đó chức sắc Cửu Trùng Đài mới bắt đầu hoán đàn, nghĩa là theo thứ tự nam tả nữ hữu (từ Bát Quái Đài nhìn ra) chức sắc lớn đi trước, chức sắc nhỏ đi sau. Nam nữ đi một lượt từ nấc số một đến nấc số chín, rồi nam đi qua phải nữ đi qua trái vòng trở xuống Hiệp Thiên Đài, tức là trở xuống nấc số một.

    Đến nấc số một lại vòng qua, nam đi qua phải, nữ đi qua trái (tức là nam đi qua phải của Đức Hộ Pháp, nữ qua trái của Hộ Pháp) rồi đi trở xuống nấc số chín. Sau đó đến phẩm trật của mình mà chờ đợi. Đi như vậy gọi là hoán đàn. Về mặt hữu hình cho thấy; nam nữ đi lên Bát Quái Đài rồi nam đi vòng qua phía nữ, nữ đi vòng qua phía nam mà đi xuống ngai Hộ Pháp. Đi như vậy về mặt vô vi là đi chữ bùa Pháp Luân Thường Chuyển của Hộ Pháp mà khi mới nhập đàn, Ngài đã dùng mắt vẽ và trải rộng ra từ nấc số một đến nấc số chín.

    Khi đi xuống tới ngai Hộ Pháp rồi, nam vòng về bên nam, nữ vòng về bên nữ, đi ngang qua ngai Hộ Pháp là tùng luật Âm dương tạo hóa. Pháp Luân Thường Chuyển nghĩa là: dầu cho chơn linh nào xuống thế gian cũng phải chịu luật âm dương tạo hóa mà biến hình rồi theo con đường Đạo mà trở về ngôi xưa vị cũ, tùy theo âm chất, tùy theo công đức của mình mà an vị nơi Cực Lạc Thế Giới. Khi đó chơn linh nào không vừa với ngôi vị mình đạt được lại phải tái kiếp xuống trần mà lập công đạt vị một lần nữa.

    Pháp hoán đàn tượng trưng một vòng mà các chơn linh đi trong càn khôn vũ trụ để lập nghiệp. Thật ra không phải một vòng mà nhiều vòng, vì đi một vòng vẫn chưa lập ngôi vị cho vừa ý mình nơi Cực Lạc Thế Giới.

    Hoán đàn xong, Hộ Pháp đứng lên trên ngai Thất Đầu Xà, dùng Gián Ma Xử vẽ bùa Ngũ Lôi trong đền Thánh để trừ tà diệt mị (tức là trấn Thần) không cho tà ma xâm nhập trong thời cúng. Hộ Pháp cứ đứng mà giữ trật tự (về mặt vô hình) như thế cho hết thời cúng. Nhưng đến dứt bài Ngọc Hoàng Kinh, Hộ Pháp lại xuất chơn thần đi gom tất cả hào quang của toàn đạo vừa xuất hiện ra đem vào Bát Quái Đài, dâng lên cho Chí Tôn để được bố hóa hồng ân rồi Hộ Pháp đem xuống trả lại cho mọi người.

    Hộ Pháp đứng trên ngai của Ngài cho đến hết thời cúng.

    Đến phần dâng tam bửu, khi dâng hoa, Hộ Pháp đưa tay trái chống nạnh, tay mặt cầm Gián Ma Xử đưa lên tượng trưng cùng toàn đạo dâng thể xác cho Đức Chí Tôn.

    Đến phần dâng rượu, Hộ Pháp gác cây Gián Ma Xử nơi khuỷu tay, hai tay chấp lại đưa lên, cây Gián Ma Xử nằm ngang tượng trưng cùng toàn đạo dâng trí não cho Đức Chí Tôn.

    Đến phần dâng trà, Hộ Pháp chống cây Gián Ma Xử xuống, hai bàn tay úp lên cây Gián Ma Xử tượng trưng cùng toàn đạo dâng linh hồn cho Đức Chí Tôn.

    Khi xong phần này, Hộ Pháp giắc cây Gián Ma Xử lên hông phải nơi dây lịnh sắc và đứng như vậy cho hết thời cúng.

    Tóm lại, khi có một thời cúng Tiểu Đàn hay Đại Đàn, Hộ Pháp có mấy việc phải làm:

    1. Ngồi trên ngai Thất Đầu Xà để yểm dục.
    2. Vẽ bùa Pháp Luân Thường Chuyển cho chức sắc Cửu Trùng Đài đi hoán đàn.
    3. Trấn thần trong đền thánh cho buổi lễ được an ninh.
    4. Đến phần dâng tam bửu phải chuyển cây Gián Ma Xử ở ba thế khác nhau.

    Dứt thời cúng thì Hộ Pháp và chức sắc Hiệp Thiên Đài vào cung đạo mà bái biệt Đức Chí Tôn và các đấng thiêng liêng, khi trở ra là bãi đàn.

  • Pháp môn

    法門

    A: The ways of improvement.

    P: Les voies de perfectionnement.

    Pháp: Giáo lý, giáo thuyết của một nền tôn giáo. Môn: cửa.

    Pháp môn là giáo lý của một nền tôn giáo giống như là cái cửa dẫn vào tòa nhà đắc đạo giải thoát.

    Như thế, Pháp môn là cách tu, là phương pháp tu hành.

    Một nền tôn giáo có thể mở ra nhiều Pháp môn, để tùy căn cơ của nhơn sanh, thích hợp Pháp môn nào thì theo đó mà tu hành, nhưng cứu cánh thì chỉ có một, đó là đắc đạo thành Tiên, Phật, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

    "Đạo lý pháp môn vô lượng, chúng sanh căn trí vô lượng." Nghĩa là: Các pháp môn tu hành nhiều không kể hết, trình độ chúng sanh và duyên nghiệp của họ cũng nhiều không kể hết.

    Các Đấng Tiên Phật giáng trần mở nhiều pháp môn tu hành, từ thấp đến cao, chúng sanh có căn trí bậc nào thích hợp với pháp môn nào thì theo đó mà tu hành. Nếu không tu là tại mình còn ham mê vật chất, chớ không phải không có pháp môn thích hợp. Đạo Cao Đài mở ra 4 pháp môn tu hành:

    1. Con đường tu theo Cửu phẩm Thần Tiên, tức là lập công quả nơi CTĐ.

    2. Con đường tu lập công quả nơi Bộ Pháp Chánh HTĐ.

    3. Con đường tu theo Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, tức là lập công đức nơi Cơ Quan Phước Thiện.

    4. Con đường tu chơn, luyện đạo nơi Tịnh Thất.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Pháp nhân

    · PHÁP NHÂN theo Sắc Luật số 003/65 ngày 12-7-1965.

    · PHÁP NHÂN theo Quyết Định số 10 QĐ/TGCP ngày 9-5-1997


    法人

    A: Juridical personality.

    P: Personnalité juridique.

    Pháp: Pháp luật, các Luật đặt ra để quản lý việc Đời hay việc Đạo. Nhân: người.

    Pháp nhân là một tổ chức, một đoàn thể, hay một tôn giáo, được pháp luật quốc gia công nhận như một cá nhân, tức là có tư cách pháp lý, nghĩa vụ và quyền lợi như một cá nhân.

    Không phải đoàn thể nào cũng có Pháp nhân.

    Một đoàn thể muốn được công nhận Pháp nhân thì phải có các điều kiện sau đây:

    1. Có những quyền lợi chánh đáng cần được bảo vệ.

    2. Những quyền lợi đó có thể được qui tụ vào một trung tâm đại diện.

    3. Có một hệ thống tổ chức rõ ràng, có người đại diện hợp pháp.

    Việc công nhận một đoàn thể, tổ chức, tôn giáo phải được thực hiện bằng một Sắc Lệnh của chánh phủ.

    Căn cứ vào Sắc Lệnh đó, kể từ ngày ký, đoàn thể ấy mới có tư cách pháp nhân, mới được đứng tên làm chủ các bất động sản hay động sản, cũng như các quyền lợi khác.

    Đạo Cao Đài từ trước tới nay, có 2 lần được chánh phủ ban cho tư cách pháp nhân:

    - Ngày 12-7-1965, Đạo Cao Đài TTTN được Chánh phủ VNCH ra Sắc Luật số 003/65 công nhận Hội Thánh ĐĐTKPĐ có tư cách pháp nhân.

    - Ngày 9-5-1997, Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh được Ban Tôn Giáo Chánh phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban cho pháp nhân theo Quyết Định số 10 QĐ/TGCP.

    Sau đây, chúng tôi chép lại bản Hiến Chương của Đạo Cao Đài kỳ ban Pháp nhân thứ 1 và kỳ ban Pháp nhân thứ 2.

    Phần thứ nhứt: PHÁP NHÂN theo Sắc Luật số 003/65 ngày 12-7-1965.


    ● Bài dạy Hạnh Đường khóa Lễ Sanh 1973:

    "Kể từ Sắc Luật 003/65 ngày 12-7-1965 của chánh phủ được ban hành thì ĐĐTKPĐ tức là Đạo Cao Đài được công nhận có tư cách pháp nhân.

    Nhưng phần lớn trong bổn đạo chưa nhận thức rõ Pháp nhân là thế nào và quyền hạn tư cách ấy đến mực nào?

    Đa số vẫn lầm tưởng rằng, một khi Đạo có tư cách pháp nhân thì quyền hạn rộng lớn lắm, muốn gì đặng nấy và không ai làm gì đặng mình, rồi sanh ra tự cao tự đại.

    Nhưng sự thật lại là một lẽ khác.

    Theo Công Pháp Quốc Tế thì mỗi công dân của một nước Tự do Dân chủ, tức là mỗi cá nhân,hay nói cách khác, mỗi thể nhân đều được hưởng các quyền Tự do Dân chủ căn bản như: Quyền tự do hội họp, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do sanh hoạt về kinh tế, thương mại và các quyền phụ thuộc như: quyền mua bán, ký kết, lập hoặc hủy bỏ các khế ước, làm chủ, nhận hoặc cho các tài vật về động sản, cũng như bất động sản, v.v...

    Đó là nói về mỗi cá nhân hay là mỗi thể nhân; còn các đoàn thể hoặc hiệp hội do đông người hiệp ý với nhau làm một việc gì, như các tôn giáo, các đoàn thể đảng phái, các công ty, hoặc những hiệp hội nhỏ hơn như các hội thể thao, hội tương tế, v.v... thì sao?

    Các tổ chức ấy, muốn hưởng các quyền hạn như một cá nhân hay thể nhân thì phải lập một bản Điều lệ hoặc Nội qui dâng lên cho chánh quyền xin được công nhận là một pháp nhân, tức là một người về mặt pháp lý và hưởng các quyền tự do dân chủ y như một thể nhân.

    Pháp nhân ấy, chánh quyền ban ra thì lẽ dĩ nhiên có quyền thâu lại khi nhận thấy đủ bằng cớ rằng đoàn thể ấy có những hoạt động phi pháp, phạm pháp hay là có phương hại cho nền an ninh quốc gia.

    Các thể nhân cũng như các pháp nhân, mặc dù được hưởng các quyền tự do dân chủ căn bản, nhưng lúc nào cũng phải ở trong vòng khuôn viên luật pháp hiện hành của quốc gia mình đang sống.

    Pháp nhân, tóm tắt có ý nghĩa là một NHÂN (một người) về mặt pháp lý chớ chẳng phải được pháp nhân là một quyền gì to lớn bất khả xâm phạm rồi sanh ra tự cao có thể di hại cho tôn giáo hoặc đoàn thể đó vậy."

    * Ngày 21-1-1965 (âl 19-12-Giáp Thìn), Hội Thánh ĐĐTKPĐ Tòa Thánh Tây Ninh gởi đơn lên chánh phủ đương thời thỉnh cầu chánh phủ công nhận Đạo Cao Đài có tư cách pháp nhân, kèm theo đơn là bản Hiến Chương ĐĐTKPĐ.

    * Ngày 8-6-1965, Giáo sư Nguyễn Lương Hưng, Hội viên Hội Đồng Quốc gia Lập pháp được chỉ định đọc một bài thuyết trình về Đạo Cao Đài để Hội Đồng Quốc gia Lập pháp tường lãm và quyết nghị về pháp nhân của Đạo Cao Đài.

    Sau đây chúng tôi xin chép lại nguyên văn 2 phần trên:

    ● Bài Thuyết trình của Giáo Sư Nguyễn Lương Hưng

    Bài Thuyết trình của Giáo Sư Nguyễn Lương Hưng,

    Hội viên Hội Đồng Quốc gia Lập pháp, thuyết trình trước Đại Hội Hội Đồng Quốc gia Lập pháp ngày 8-6-1965:

    Do đơn ngày 21-1-1965 gởi cho Thủ Tướng Chánh phủ có đính kèm một bản Hiến Chương ĐĐTKPĐ (Cao Đài giáo), Hội Thánh ĐĐTKPĐ thỉnh cầu Thủ Tướng Chánh phủ ban bố một Đạo Luật công nhận Hội Thánh ĐĐTKPĐ có đủ tư cách pháp nhân.

    Nay đơn và hồ sơ đề ngày 21-1-1965 trên đây đã được Thủ Tướng Chánh phủ gởi cho ông Chủ Tịch Hội Đồng Quốc gia Lập pháp ngày 2-6-1965 và ông Chủ Tịch Ủy Ban Chánh Trị đề cử chúng tôi làm thuyết trình viên ngày 4-6-1965.

    Sau đây là những yếu điểm về Cao Đài giáo mà chúng tôi xin trình bày để Hội Đồng tường lãm và thảo quyết.

    Trước hết, chúng tôi xin trình bày sơ lược lịch sử của tôn giáo nầy.

    I. LƯỢC SỬ CAO ĐÀI GIÁO:

    ĐĐTKPĐ hay gọi tắt là Cao Đài giáo là một tôn giáo xuất hiện tại Miền Nam Việt Nam, được thành lập chánh thức từ năm 1926.

    Cao Đài giáo phát xuất từ hiện tượng Thông linh (Spiritisme) tức là một lối giáng cơ đề bút rất thông dụng ở VN. Ban đầu hiện tượng giáng cơ nầy xảy ra lẻ tẻ tại nhiều nơi trong các vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Lục tỉnh, và sở dĩ hiện tượng nầy đã hấp dẫn mạnh mẽ nhiều tín đồ, ấy là vì nội dung kỳ diệu trong những ngôn từ mà đàn cơ phổ hiện ra. Đó là cái mà về sau, người ta gọi là Thánh giáo hay Thánh huấn (Messages Spirites). Bởi vậy, trong thời kỳ đó, người ta thấy xuất hiện nhiều chi phái (Sectes) rải rác khắp cả Miền Nam. Sau đó, theo những lời mật truyền trong một số Thánh giáo mà các chi phái kể trên lần lượt qui tụ lại để rồi tạo dựng một nền tôn giáo duy nhứt mang tên là ĐĐTKPĐ (Cao Đài giáo), sau khi đã chánh thức thành lập TòaThánh tại Thánh địa TâyNinh.

    Kể từ đó, Cao Đài giáo đã thu hút rất nhiều tín đồ, trong đó, đa số là những vị quan chức thời Pháp thuộc và nhiều nhà trí thức lỗi lạc danh tiếng. Xét như vậy, Cao Đài giáo là một tôn giáo hoàn toàn đặt trên nền tảng của Thông Linh học. Do đó, Thông Linh học đóng góp một vai trò rất quan trọng trong vấn đề phát triển cơ cấu của Đại Đạo.

    II. Ý NGHĨA VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẠI ĐẠO:

    Sự xuất hiện của Cao Đài giáo là nhằm mục đích phục hồi những giá trị đạo lý cổ xưa đã được phổ truyền do các Đấng Giáo chủ chính yếu như: Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Jésus Christ, và phối hợp tất cả giáo lý giáo nghĩa của các tôn giáo cựu truyền đó, để đúc kết thành một hệ thống giáo lý tổng hợp duy nhứt theo như tôn chỉ mà một Thánh giáo đã vạch ra là: Qui nguyên Tam giáo (Nho, Thích, Đạo) và Phục nhứt Ngũ chi (Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo).

    Cũng theo Thánh giáo, Đấng Thượng Đế phán truyền rằng: "Các tôn giáo kể trên, trải qua những biến chuyển thăng trầm của lịch sử, đã càng ngày bị biến đổi, sai lệch đối với các giáo lý nguyên sơ."

    Thế nên sứ mệnh của Cao Đài giáo chính là tìm cách tu sửa các giáo nghĩa, sắp xếp lại thành một hệ thống thích nghi với trình độ tiến hóa của nhơn loại ngày nay. Mặt khác, sự tu sửa đó cũng là nói lên sự cần thiết của một nền văn hóa tổng hợp, xét như một điều kiện cần thiết cho công cuộc tựu tập nhơn loại thành một khối duy nhứt, hầu xây dựng một cộng đồng chung thanh bình an lạc.

    Với mục phiêu lý tưởng đó, Cao Đài giáo chủ trương một đường lối hòa đồng rộng lớn trong mọi phương diện hoạt động của xã hội loài người, đặt trên nền tảng của tình huynh đệ bình đẳng và nâng cao phát triển tinh thần đạo lý, mở rộng ý thức về tôn giáo, xóa bỏ những dị kiến chấp nê sai lầm giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau.

    Trong viễn tượng đó, Cao Đài giáo chỉ thờ một hình ảnh duy nhứt là ThiênNhãn (Oeil de Dieu) biểu trưng Đấng Thượng Đế tối cao, nguồn cứu rỗi vô biên đã gián tiếp hiện thân qua các phàm thể: Thích Ca, Jésus Christ, Khổng Tử, Lão Tử, v.v...

    Sự hình thành của Cao Đài giáo qua hiện tượng Thông linh, chứng tỏ Đấng Thượng Đế không muốn giáng thế bằng cách nhập vào một phàm thể như đã được thể hiện trong các tôn giáo khác. Điều đó, có lẽ là Đấng Thượng Đế muốn loài người ý thức đúng đắn hơn cái mà người ta gọi là Thượng Đế. Nói rõ ra, tôn giáo Cao Đài chính là cái linh hồn bất biến của tôn giáo. Do đó nên có thể nói, ít ra là trên bình diện lý thuyết, Cao Đài giáo chính là một tôn giáo của tất cả tôn giáo. Và cũng bởi lẽ đó mà Cao Đài giáo chỉ là một tên gọi tắt thông thường, trong khi đó, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mới chính là tên gọi đích thực và đúng nghĩa của cái mà người ta gọi là Cao Đài giáo vậy.

    Một điều quan trọng là khi nói đến tôn giáo, người ta thường quan niệm rằng phải có một Đấng Giáo chủ, điều kiện duy nhất cho sự hình thành của một tín ngưỡng.

    Như đã nói ở trên, Đấng Giáo chủ của Cao Đài giáo không phải bằng xương bằng thịt, nhưng là vô hình, và Đấng Giáo chủ đó không ai khác hơn là chính Đấng Thượng Đế tối cao toàn năng.

    Bởi thế, chúng tôi thiết nghĩ cũng nên làm sáng tỏ thêm vấn đề tế nhị ở đây là, với một trường hợp như thế, Cao Đài giáo liệu có thể được công nhận như là một đạo giáo không?

    Có người quan niệm rằng Cao Đài giáo chỉ là một tổng hợp của các tôn giáo khác. Những hình thức lễ nghi, tế tự, cũng như những nội dung giáo lý, tín điều trong Cao Đài giáo đều chỉ là những chấp nối của các tôn giáo khác mà thôi.

    Nhận xét như vậy tức là bỏ quên một điều tối hệ được coi như một căn nguồn cho một đức tin mới trong Cao Đài giáo. Đó là nội dung của Thánh huấn. Ở đây chúng tôi không thể đi sâu hơn vào một vấn đề chuyên môn mà thực ra nó chẳng giản dị chút nào đối với ngay cả những nhà tôn giáo.

    Tuy nhiên, theo sự nhận định thô thiển của chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng, như đã nói ở trên, Cao Đài giáo là một tôn giáo đặt căn bản trên Thông Linh học, và điều mà người ta có thể coi hiển nhiên, Thông Linh học chỉ là một môn học thuật hơn là một khoa học, nghĩa là trong lãnh vực nghiên cứu đó, sự khảo sát và thêm vào đó những kết quả của loại suy (Analogie) thường được minh định một cách dễ dàng hơn là những công trình kiểm chứng trong việc xác định giá trị của nó.

    Thật vậy, người ta khó lòng mà cắt nghĩa những nguyên động lực nào đã tác động trên những đồng tử và tác động theo cách nào để có thể tạo ra một bản Thánh huấn. Lại nữa, người ta có thể hoài nghi về những thần lực vô hình, vì cũng như trong thế giới hữu hình của chúng ta, trong thế giới vô hình vẫn có những thần lực chính đạo và những thần lực tà đạo.

    Tuy nhiên, với những kết quả đã thâu lượm được trong sự giáng cơ đề bút, người ta vẫn có thể phần nào giải quyết được vấn nạn đó sau khi đã khảo sát và nghiên cứu nội dung của Thánh huấn để tìm một sự xứng hợp thích đáng và hữu lý giữa nội dung của Thánh huấn và óc suy nghĩ của con người.

    Chẳng cần phải nói dông dài, tất cả những công trình Cao Đài giáo, từ những chứng kiện cụ thể, như cơ cấu kiến trúc kỳ diệu của Tòa Thánh Tây Ninh cùng với hệ thống các cơ sở của nó, cho đến những bộ giáo lý, giáo lễ, giáo luật, cùng với hệ thống tổ chức chặt chẽ thành phần các Chức sắc trong nền Đạo, thảy đều tuân rập theo những phán truyền trong các Thánh huấn mà lập thành.

    Điều đó chứng minh sự thật kỳ diệu của các Đấng Chơn linh trong việc thành lập một tôn giáo mới cho nhơn loại, và nó cũng chứng minh hùng hồn một tôn giáo thành lập theo một tính cách như thế, quả thật là hợp lý và siêu việt.

    Với tất cả những công trình cụ thể trên, với một quá trình 40 năm hoạt động theo tôn chỉ hòa đồng nhơn loại trong tinh thần huynh đệ bình đẳng, nâng cao, phát triển tinh thần đạo lý rộng lớn trong xã hội cộng đồng, và đặc biệt cách mạng hóa tinh thần quan niệm về tôn giáo trong việc thờ phượng và tế tự. Cao Đài giáo khai mở một đường lối dung hợp rộng lớn các tôn giáo trên căn bản duy tồn những giá trị tinh túy và gạt bỏ những sai lệch méo mó gần như không thể tránh được mà thời gian lịch sử loài người đã mang đến cho các tôn giáo đó.

    Trong đường lối đó, Cao Đài giáo chỉ trong một thời gian chưa đầy 40 năm đã thu hút hằng triệu (hơn hai triệu rưỡi tín đồ trong nước) tín đồ trong nước và ngoài nước.

    Cao Đài giáo là một tôn giáo mới và đang tiến triển trong cái mới, và cái mới đó chẳng gì hơn là cái mới phát xuất từ những cái rất cũ trong các tôn giáo chính thống. Bởi thế, Cao Đài giáo, dưới sự hướng dẫn trực tiếp vô hình của Đấng Thượng Đế toàn năng, cùng các Đấng Chơn sư, mặc nhiên và minh nhiên liên hệ mật thiết với các tôn giáo chính thống kia. Do đấy, một cách cụ thể nhất, Cao Đài giáo chính là một dạng thức chung của các tôn giáo chính thống. Và cũng do đấy mà sự hợp lý và hợp pháp nếu có trong công cuộc hoạt động trong quốc gia xã hội của các tôn giáo kể trên cũng là sự hợp lý và hợp pháp của chính Cao Đài giáo vậy.

    III. NHẬN ĐỊNH HIẾN CHƯƠNG:

    Bản Hiến chương của ĐĐTKPĐ gồm 12 chương. Xuyên qua tất cả 12 Chương nầy, chúng tôi nhận thấy quả thật là một Hiến Chương thuần túy tôn giáo, không hàm chứa một tính chất chánh trị hay thương mãi.

    - Về phương diện Lễ nghi thờ phượng, ĐĐTKPĐ là một tôn giáo đặc biệt thờ Thiên Nhãn, biểu tượng Đức Thượng Đế tối cao duy nhứt đúng theo tôn chỉ: Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt Ngũ chi, thờ phượng các Đấng Giáo chủ Tam giáo và Ngũ chi cùng các Đấng Linh Thần đã siêu hóa.

    - Về phương diện tổ chức cơ cấu tôn giáo, chúng tôi thấy ĐĐTKPĐ quả thật là một tôn giáo có một tổ chức hệ thống đặc biệt. Điều nầy được ghi rõ trong Chương 3.

    Cơ cấu ĐĐTKPĐ đại khái chia làm ba cơ cấu: HTĐ, CTĐ và BQĐ.

    Một đặc điểm cốt yếu làm cho ĐĐTKPĐ khác hẳn các tôn giáo khác là sự liên thông thường xuyên giữa Thiên đạo và Thế đạo qua hiện tượng giáng cơ đề bút, và đây chính là phần hoạt động của HTĐ, lập pháp của Đại Đạo.

    Kế tiếp HTĐ là CTĐ tức là cơ quan hành pháp. Những vị Chức sắc phục vụ trong cơ quan nầy có nhiệm vụ nghiên cứu luật pháp đạo, phổ truyền giáo lý và thực hiện những mục tiêu cứu rỗi nhơn sanh trong các hoạt động từ thiện.

    Sau hết là BQĐ, cơ quan nầy yếu nhiệm trong việc thờ phụng Đấng Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và các Đấng Giáo chủ Tam giáo và các Đấng thiêng liêng trong Ngũ Chi Đại Đạo.

    Hệ thống Chức sắc trong cả ba cơ quan trên được tổ chức chu đáo, liên hệ chặt chẽ với nhau. Tất cả những Chức sắc nầy được gọi là Thiên phong, nghĩa là do Đức Thượng Đế giáng cơ phong chức. Riêng trong CTĐ, Chức sắc được chia làm hai phái: Nam và Nữ.

    Nữ phái có nhiệm vụ giúp đỡ các sinh hoạt của Đạo, săn sóc các Đạo hữu như anh lớn trong gia tộc.

    Cũng như các tôn giáo khác, Hội Thánh Cao Đài Trung ương đặt tại Thánh địa Tòa Thánh Tây Ninh. ĐĐTKPĐ còn thiết lập nhiều Thánh Thất ở khắp các địa phương để tín đồ đến lễ bái.

    Chương VI ghi rõ, hễ nơi nào có trên 500 tín đồ thì được lập một Họ Đạo hay Tộc Đạo, đặt riêng một Thánh Thất và có một Chức sắc làm đầu cai trị. Các Họ Đạo hay Tộc Đạo nầy hiệp lại thành một Châu Đạo, đứng đầu bởi một Chức sắc cao cấp hơn.

    ĐĐTKPĐ, ngoài việc tổ chức hệ thống các cơ sở thờ phượng và tu hành để cho các Chức sắc trong Đạo có nơi ăn chỗ ở, thăng tiến công cuộc tu chứng, Đại Đạo còn chú trọng sâu xa đến các công cuộc từ thiện trong cộng đồng xã hội bằng cách thiết lập nhiều cơ sở quan trọng như Viện Cô Nhi, Dưỡng Lão, các trường sở miễn phí, để cụ thể hóa tinh thần hy sinh cao cả, lòng từ bi bác ái của Chức sắc.

    Xét bản Hiến Chương nầy, chúng tôi thấy ĐĐTKPĐ tuy là một tôn giáo mới mà lại có một hệ thống tổ chức thật hoàn bị và chặt chẽ. Song song với công việc nghiên cứu Thánh huấn cùng tầm khảo các kho tàng đạo lý cổ xưa để thiết lập một nền Đại Đạo vững chắc thích ứng với trình độ tiến hóa của xã hội ngày nay.

    ĐĐTKPĐ còn đặt nặng vấn đề hoạt động từ thiện trong cộng đồng xã hội, mục tiêu cụ thể và thiết thực của một đạo giáo là để giảm bớt nỗi thống khổ của con người trong thời đại gạo châu củi quế nầy.

    Với những nhận định sơ lược trên, chúng tôi thiển nghĩ bản Hiến Chương của Đại Đạo quả thực đã biểu lộ được một tinh thần hoạt động thuần túy tôn giáo, một đường lối chủ trương và tổ chức hoàn toàn có tính cách khuynh tôn, nâng cao tinh thần phục vụ cho tín ngưỡng cao diệu và giải độ cứu rỗi chúng sanh.

    Như vậy, bản Hiến Chương chứng tỏ Đại Đạo có một đường lối hoạt động của một tôn giáo thuần túy chứ không phải của một hiệp hội có tính cách thương mãi hay chánh trị.

    Qua những nhận xét trên, chúng tôi nhận thấy đây là một tôn giáo mới, mới trong một trường hợp hiện hữu kỳ diệu, dưới sự dẫn hướng trực tiếp của Đấng Thượng Đế, mới trong tinh thần hòa đồng rộng lớn và mới phát xuất từ những gì rất cũ của các tôn giáo khác.

    Tất cả những điều đó diễn tả một sự hãnh diện của chính dân tộc VN, một dân tộc đã và đang bị một thứ "chiến tranh chủ nghĩa" vầy xéo.

    Cao Đài giáo là một tôn giáo xuất hiện trên dãy đất của chúng ta, nhưng là một tôn giáo của toàn thể nhơn loại. Với một tinh thần hòa đồng rộng lớn, chúng tôi thiết nghĩ chỉ có Cao Đài giáo trong sứ mệnh thiêng liêng của nó, và cũng là trong sự cần thiết duy nhứt của VN và của toàn nhơn loại ngày nay, mới có thể, ít ra là trên mặt trận văn hóa, giải quyết được những tranh chấp bi đát hiện tại cho đất nước.

    Bởi lẽ đó, đứng trên cả hai quan điểm tôn giáo và chánh trị, chúng tôi nhận thấy việc xác nhận và công nhận ĐĐTKPĐ có đủ tư cách pháp nhân là một điều hợp lý và chính đáng vậy.

    Thuyết trình viên: NGUYỄN LƯƠNG HƯNG.

    ● Sắc Luật Số 003/65 ngày 12-7-1965

    SẮC LUẬT SỐ 003/65 ngày 12-7-1965

    cho phép Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoạt động theo

    Hiến Chương ngày 21-1-1965.

    CHỦ TỊCH ỦY BAN LÃNH ĐẠO QUỐC GIA

    Chiếu Ước Pháp ngày 19 tháng 6 năm 1965.

    Chiếu Quyết Định số 3-QLVNCH/QĐ ngày 14-6-1965 của Đại Hội Đồng các Tướng lãnh Quân lực VNCH thành lập và ấn định thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.

    Chiếu Sắc Lệnh số 001-a CT/LĐQG/SL ngày 19-6-1965 ấn định thành phần Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.

    Chiếu Dụ số 10 ngày 6-8-1950 sửa đổi bởi Dụ số 24 ngày 19-11-1952 và Dụ số 6 ngày 3-4-1954, ấn định qui chế Hiệp hội.

    Chiếu đề nghị của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thảo luận và biểu quyết,

    SẮC LUẬT

    Điều thứ 1: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được phép hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo Hiến Chương ngày 21-1-1965 đính theo Sắc Luật nầy.

    Điều thứ 2: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có tư cách pháp nhân, được quyền sở hữu, thủ đắc, tạo mãi hoặc chuyển nhượng những động sản và bất động sản cần thiết để đạt mục đích của Giáo Hội.

    Những bất động sản đó gồm có Tòa Thánh và những Thánh Thất, Tịnh Thất, trụ sở và các cơ sở hoạt động văn hóa xã hội.

    Điều thứ 3: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được quyền thâu nhận những tài sản do các thể nhân hay pháp nhân sinh tặng hoặc di tặng.

    Điều thứ 4: Dụ số 10 ngày 6-8-1950 ấn định qui chế Hiệp hội và các luật lệ trái với Sắc Luật nầy, không áp dụng cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Sắc Luật nầy sẽ đăng vào Công báo Việt Nam Cộng Hòa.

    Sài Gòn, ngày 12 tháng 7 năm 1965.

    (ấn ký)

    ● Hiến Chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ 1965

    HIẾN CHƯƠNG

    ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

    (Hội Thánh Cao Đài)

    Chương I: DANH HIỆU - HUY HIỆU - ĐẠO KỲ

    Điều thứ 1: Danh hiệu là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nói tắt là Đạo Cao Đài.

    Điều thứ 2: Hội Thánh Cao Đài đặt địa điểm trung ương tại Tòa Thánh Tây Ninh.

    Điều thứ 3: Huy hiệu tượng trưng cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là hình 3 cổ pháp:

    · Bình Bát vu (biểu tượng Thích giáo)

    · Cây Phất chủ (biểu tượng Lão giáo)

    · Quyển Xuân Thu (biểu tượng Nho giáo)

    Điều thứ 4: Đạo kỳ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Tam Thanh:

    · Màu vàng biểu hiệu Thái Thanh, tượng trưng Phật giáo.

    · Màu xanh (xanh da trời) biểu hiệu Thượng Thanh, tượng trưng Tiên giáo.

    · Màu đỏ biểu hiệu Ngọc Thanh, tượng trưng Thánh giáo.

    Điều thứ 5: Cách thờ phượng và cúng kiếng:

    Thờ:

    Thiên Nhãn.

    Cúng:

    Bông chỉ về Tinh,

    Rượu chỉ về Khí,

    Trà chỉ về Thần.

    Tinh, Khí, Thần là tam bửu của các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Chương II: GIÁO LÝ - TÔN CHỈ và MỤC ĐÍCH

    Điều thứ 6:

    a) Giáo lý của Đại Đạo là tinh ba của giáo lý Tam giáo (Thích, Đạo, Nho) và của Ngũ chi (Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo) để hoằng dương chánh pháp.

    b) Tôn chỉ là cầu xin cứu rỗi các chơn linh khỏi sa đọa hồng trần.

    c) Mục đích là giáo hóa nhơn sanh, lập đại đồng huynh đệ.

    Chương III: HỆ THỐNG TỔ CHỨC HỘI THÁNH

    Điều thứ 7: ĐĐTKPĐ gồm có 3 Đài tượng trưng hình thể Đại Đạo tại thế.

    · Hiệp Thiên Đài: thể hiện chơn thần thuộc Khí.

    · Cửu Trùng Đài: thể hiện cơ thể thuộc Tinh.

    · Bát Quái Đài: thể hiện linh hồn thuộc Thần.

    Điều thứ 8: Hiệp Thiên Đài.

    HTĐ là cơ quan lập pháp của Đạo, là nơi để thông công cùng Đức Thượng Đế và các Đấng thiêng liêng bằng cơ bút do Chức sắc HTĐ phò loan để tiếp các Thánh ngôn và luật pháp đạo của các Đấng thiêng liêng giảng dạy.

    Hội Thánh HTĐ gồm các Chức sắc Thiên phong theo phẩm trật sau đây:

    · 1 phẩm Hộ Pháp chưởng quản HTĐ và bảo hộ luật đời và luật Đạo.

    · 1 vị Thượng Phẩm lo về mấy Thánh Thất và Tịnh Thất.

    · 1 vị Thượng Sanh lo về phần đời.

    · 12 vị Thời Quân thuộc 3 Chi: Pháp, Đạo, Thế, đặt dưới quyền hành sự của Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh.

    Điều thứ 9: Cửu Trùng Đài.

    CTĐ là cơ quan Hành chánh của Đạo.

    Hội Thánh CTĐ gồm các Chức sắc Thiên phong theo các phẩm trật sau đây:

    NAM PHÁI

    · 1 phẩm Giáo Tông, lãnh đạo tối cao toàn đạo, có phận sự dìu dắt Đạo hữu trong đường Đạo và đường đời.

    · 3 vị Chưởng Pháp, lãnh nhiệm vụ nghiên cứu luật pháp Đạo trước khi ban hành cho toàn đạo.

    · 3 vị Đầu Sư, cầm quyền chánh trị đạo, ban hành luật pháp đạo.

    · 36 vị Phối Sư, có 3 vị Chánh Phối Sư làm đầu, dưới quyền 3 vị Đầu Sư cai trị Đạo.

    · 72 vị Giáo Sư, có phận sự dạy dỗ Đạo hữu trong đường Đạo và đường đời, được quyền dâng sớ cầu nài về luật lệ làm hại nhơn sanh hay là cầu xin chế giảm luật lệ ấy.

    · 3000 Giáo Hữu chia đều mỗi phái 1000 vị, chẳng tăng thêm hay là giảm bớt, lãnh phận sự phổ thông Chơn đạo.

    · Lễ Sanh, không hạn định số. Lễ Sanh là người có hạnh kiểm tốt, được quyền đi khai đàn cho mỗi tín đồ.

    NỮ PHÁI

    Chức sắc nữ phái khởi từ phẩm Đầu Sư trở xuống Lễ Sanh.

    Điều thứ 10: Bàn Trị Sự. Bàn Trị Sự là cơ quan hành đạo trong thôn xã gồm những Chức việc sau đây: 1 Chánh Trị Sự, 1 Phó Trị Sự, 1 Thông Sự, có nhiệm vụ giúp đỡ các sinh hoạt của đạo và săn sóc các Đạo hữu như anh lớn trong gia tộc.

    Điều thứ 11: Bát Quái Đài.

    BQĐ là ngôi thờ phụng Đức Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, và các Đấng Giáo chủ Tam giáo cùng các Đấng thiêng liêng trong Ngũ Chi Đại Đạo: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo.

    Chương IV: CHỨC SẮC và TÍN ĐỒ.

    Điều thứ 12: Đạo hữu thọ phong các phẩm từ Giáo Hữu sắp lên tới Giáo Tông đều là Chức sắc, lựa chọn trong hàng thượng thừa mà thôi.

    Điều thứ 13: Những người nam hay nữ, không phân biệt quốc tịch, màu da, tuổi tác, giai cấp, nghề nghiệp, đảng phái, đến thọ lễ Nhập môn đều được nhìn nhận là tín đồ ĐĐTKPĐ.

    Chương V: ĐẠO PHỤC.

    Điều thứ 14: Đạo phục của Hội Thánh nam phái CTĐ là

    · Màu vàng của Chức sắc thuộc Thái Thanh.

    · Màu xanh da trời của Chức sắc thuộc Thượng Thanh.

    · Màu đỏ của Chức sắc thuộc Ngọc Thanh.

    Có mão riêng từng cấp bậc.

    Điều thứ 15: Đạo phục của Nữ Chức sắc CTĐ là toàn trắng (có ni-cô riêng từng cấp bậc).

    Điều thứ 16: Đạo phục của Chức sắc HTĐ là toàn trắng (có mão riêng từng cấp bậc).

    Điều thứ 17: Đạo phục của thiện nam tín nữ là áo dài trắng, khăn đóng đen.

    Chương VI: HỌ ĐẠO.

    Điều thứ 18: Nơi nào có trên 500 tín đồ thì được lập riêng một Họ Đạo hay Tộc Đạo, đặt riêng một Thánh Thất, có một Chức sắc làm đầu cai trị.

    Các Họ Đạo hay Tộc Đạo trong một tỉnh hiệp lại thành một Châu Đạo, có vị Chức sắc cao cấp hơn cai quản.

    Chương VII: TÒA THÁNH - THÁNH THẤT - TỊNH THẤT

    Điều thứ 19: Tòa Thánh Trung Ương (Tây Ninh) là nguồn gốc khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Điều thứ 20: Các ngôi thờ Đức Chí Tôn ở các địa phương trong nước hay ngoài nước đều gọi là Thánh Thất và Tịnh Thất.

    Chương VIII: PHƯỚC THIỆN

    Điều thứ 21: Phước Thiện là cơ quan lo về xã hội, tế độ người tật nguyền cô độc, kẻ gặp tai ương thống khổ.

    Điều thứ 22: Trong Cơ Quan Phước Thiện cũng có Chức sắc làm âm chất thuộc Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng, không dự vào Hành chánh đạo, được lập cơ sở lương điền công nghệ thâu huê lợi tạo nền nhân cội nghĩa.

    Chương IX: HỘI QUYỀN VẠN LINH

    Điều thứ 23: Đại Hội ĐĐTKPĐ là Hội Quyền Vạn Linh, mỗi năm họp một lần tại Tòa Thánh Tây Ninh.

    Chương X: TÀI SẢN

    Điều thứ 24: Tài sản của ĐĐTKPĐ gồm có:

    · Động sản và bất động sản do nhơn sanh hiến cúng hoặc chuyển nhượng.

    · Động sản và bất động sản do ĐĐTKPĐ tự tạo.

    Chương XI: PHƯƠNG PHÁP ÁP DỤNG

    Điều thứ 25: Để áp dụng Hiến Chương nầy, bản Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Đạo Luật và Kinh Lễ được coi là qui chế có tánh cách Nội qui.

    Điều thứ 26: Hiến Chương nầy có thể sửa đổi do Hội Thánh lập Hiến Chương nầy bằng đa số 2/3 tổng số Chức sắc Hội Thánh và sau khi được Đức Chí Tôn phê chuẩn.

    Chương XII: THỐNG NHẤT

    Điều thứ 27: Hiến Chương nầy sẽ là luật căn bản thống nhứt đối với tất cả Chi phái nào ngày sau chấp nhận và ký tên.

    Làm tại Tòa Thánh Trung Ương,

    ngày 19 tháng 2 Giáp Thìn (21-1-1965 dl). T.M. Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh:

    Q. Chưởng quản HTĐ

    Bảo Thế LÊ THIỆN PHƯỚC

    (ấn ký)

    Đầu Sư CTĐ

    THƯỢNG SÁNG THANH

    (ấn ký)

    DUYỆT Y Đính theo Sắc Luật số 003/65

    Ngày 12 tháng 7 năm 1965.

    Sài Gòn, ngày 12 tháng 7 năm 1965.

    CHỦ TỊCH ỦY BAN LÃNH ĐẠO QUỐC GIA

    (ấn ký)

     

    Phần thứ nhì: PHÁP NHÂN theo Quyết Định số 10 QĐ/TGCP ngày 9-5-1997

    Ngày 9-5-1997, Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh được Ban Tôn Giáo Chánh Phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban cho Pháp nhân hoạt động y theo bản Hiến Chương được Đại Hội Đại Biểu Cao Đài Tây Ninh họp tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 5-4-1997 biểu quyết nhất trí thông qua.

    Sau đây xin chép lại nguyên văn:


    ● Quyết Định công nhận tư cách Pháp nhân tổ chức Giáo hội ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh ngày 9-5-1997.

     

    BAN TÔN GIÁO CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    của chánh phủ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------

    Số: 10 QĐ/TGCP

    Hà Nội, ngày 9 tháng 5 năm 1997.

    QUYẾT ĐỊNH

    Về việc công nhận tư cách pháp nhân tổ chức

    Giáo Hội Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh.

    TRƯỞNG BAN TÔN GIÁO CHÁNH PHỦ

    - Căn cứ Nghị Định số 69/HĐBT ngày 21-3-1991 của Hội Đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ) qui định về hoạt động tôn giáo.

    - Căn cứ Nghị Định số 37/CP ngày 4-6-1993 của Chính phủ về quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tôn Giáo của Chính phủ;

    - Xét về kết quả Đại hội Đại biểu Cao Đài Tây Ninh ngày 5-4-1997 (tại Văn thư số 80/72 HĐCQ-VT ngày 8-4-1997 của Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu Cao Đài Tây Ninh);

    - Theo đề nghị của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh (tại Công văn số 64/CV-UB ngày 22-4-1997);

    - Thừa ủy quyền của Thủ Tướng Chính phủ (tại Thông báo số 68/NC ngày 30-3-1996 của Văn phòng Chính phủ).

    QUYẾT ĐỊNH

    Điều 1: Chấp thuận Giáo hội Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam theo Hiến Chương và Điều lệ cầu phong cầu thăng theo luật công cử đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu Cao Đài Tây Ninh ngày 5-4-1997 (có Hiến Chương và Điều lệ cầu phong cầu thăng theo luật công cử kèm theo).

    Điều 2: Chấp thuận nhân sự Chức sắc và các chức vụ của cơ quan thường trực Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh (gọi là Hội Đồng Chưởng Quản) gồm 52 người (có danh sách kèm theo).

    Điều 3: Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có tín đồ Chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh và Chức sắc cơ quan thường trực Hội Thánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh (gọi là Hội Đồng Chưởng Quản) chịu trách nhiệm thi hành Quyết Định nầy.

    Điều 4: Quyết Định nầy có hiệu lực kể từ ngày ký.

    Q. TRƯỞNG BAN

    Vũ Gia Tham

    (ký tên và đóng dấu)

    ● Hiến Chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh

    HIẾN CHƯƠNG

    Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

    Cao Đài Tây Ninh

    (Đính kèm Quyết Định số 10 QĐ/TGCP ngày 9-5-1997

    của Ban Tôn Giáo Chính Phủ)

    _____________________

    LỜI NÓI ĐẦU

    Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là Đạo Cao Đài, là một tôn giáo được sáng lập vào năm Bính Dần (1926) tại nước Việt Nam, chọn Tây Ninh làm Thánh địa.

    Đạo Cao Đài lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm, lấy phụng sự chúng sanh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu cho nền hòa bình và công bằng xã hội nhằm mục đích phục vụ dân tộc, tổ quốc, nhơn loại và chúng sanh.

    Giáo lý Cao Đài tổng hợp có sáng tạo tinh ba giáo lý Tam giáo (Nho, Lão, Thích) và Ngũ Chi (Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo), trên cơ sở đó đã xây dựng Tân Luật - Pháp Chánh Truyền là giới luật và các qui định căn bản về phẩm tước Chức sắc, đạo phục, chức năng và luật công cử Chức sắc, cùng Kinh Lễ để dùng trong nghi lễ của Giáo hội.

    Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh là tổ chức Giáo hội duy nhứt lãnh đạo tinh thần Chức sắc, Chức việc, tín đồ Cao Đài Tây Ninh và chịu trách nhiệm trước pháp luật nhà nước về mọi mặt quan hệ với các pháp nhân.

    Chương I: DANH HIỆU - HUY HIỆU - ĐẠO KỲ - TRỤ SỞ

    Điều 1: Danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, gọi tắt là Đạo Cao Đài Tây Ninh.

    Điều 2: Huy hiệu của ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh là hình 3 Cổ pháp:

    · Bình Bát vu (biểu tượng Thích giáo),

    · Cây Phất chủ (biểu tượng Lão giáo),

    · Quyển Xuân Thu (biểu tượng Nho giáo).

    Điều 3: Đạo kỳ ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh là cờ Tam Thanh (vàng, xanh, đỏ).

    · Màu vàng biểu hiện Thái Thanh tượng trưng Phật giáo.

    · Màu xanh da trời biểu hiện Thượng Thanh tượng trưng Tiên giáo.

    · Màu đỏ biểu hiện Ngọc Thanh tượng trưng Thánh giáo.

    Điều 4: Trụ sở của ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh.

    Điều 5: Cách thờ cúng:

    Thờ Đức Thượng Đế:

    hình Thiên Nhãn.

    Thờ Đức Phật Mẫu:

    Linh vị " Diêu Trì Kim Mẫu " bằng chữ Nho.

    Cúng:

    Bông (chỉ về Tinh)

    Rượu (chỉ về Khí)

    Trà (chỉ về Thần)

    Chương II: GIÁO LÝ - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH - ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐẠO - THÀNH PHẦN.

    Điều 6: Giáo lý của ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh là tinh ba của giáo lý Tam giáo (Thích, Lão, Nho) và Ngũ Chi (Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, Nhơn đạo).

    Điều 7: Tôn chỉ mục đích là cầu xin cứu rỗi các chơn linh khỏi sa đọa trong đam mê trần tục, cầu xin mang lại hòa bình cho nhơn sanh, hòa hợp hạnh phúc cho dân tộc, giáo hóa nhơn sanh vun bồi phát huy tính thiện và sự thương yêu chơn thật, tôn trọng sự công bằng, để loài người nơi trần thế được sống trong cảnh thái bình an lạc và tình huynh đệ tương thân tương ái đại đồng.

    Điều 8: Giáo hội Cao Đài Tây Ninh hành đạo trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đoàn kết hòa hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng giữa các phái Cao Đài và các tôn giáo.

    Điều 9: Thành phần của Giáo hội Cao Đài gồm: Chức sắc, Chức việc, Tín đồ.

    - Tín đồ là những người nam hay nữ, không phân biệt dân tộc, giai cấp, nghề nghiệp, từ 18 tuổi trở lên, đã tự nguyện thọ lễ Nhập môn đều được nhìn nhận là tín đồ ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh, được cấp Sớ Cầu Đạo để sử dụng trong phạm vi tôn giáo.

    - Chức việc: Thông Sự, Phó Trị Sự, Chánh Trị Sự, nam hay nữ là những tín đồ tiêu biểu, tự nguyện tham gia vào đạo sự tại cơ sở, được đồng đạo nơi địa phương đó tín nhiệm bầu lên.

    - Chức sắc: là những Chức việc hoặc tín đồ có công nghiệp với đạo pháp theo qui định, hoặc tốt nghiệp nơi trường đào tạo Chức sắc do Giáo hội tổ chức, được đắc phong từ phẩm Lễ Sanh và tương đương đến phẩm cao nhất.

    Điều 10: Thành viên của Giáo hội có quyền được đề cử, ứng cử, bầu cử, để cầu phong, cầu thăng vào các cấp phẩm của Giáo hội, có quyền thảo luận và biểu quyết các công việc trong các kỳ hội nghị hay đại hội từng cấp của Giáo hội, có nhiệm vụ chấp hành Hiến Chương, Nội qui và các Quyết nghị của Giáo hội, tự nguyện hiến cúng vào các sinh hoạt phí của Giáo hội.

    Chương II: HỆ THỐNG TỔ CHỨC.

    Điều 11: Giáo hội Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh có cơ cấu tổ chức hai cấp:

    1. Cấp Trung ương tại Tòa Thánh Tây Ninh là Hội Thánh.

    2. Cấp cơ sở tại các Thánh Thất, Tịnh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu là các Họ Đạo.

    Điều 12: Hội Thánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh.

    - Hội Thánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh gồm có tất cả Chức sắc nam nữ từ phẩm Giáo Hữu và các phẩm tương đương trở lên của hai Đài hữu hình là HTĐ và CTĐ hợp lại thành Hội Thánh duy nhứt, hành đạo trong niềm tin tuyệt đối nơi thiêng liêng vô vi là BQĐ.

    - Bát Quái Đài là ngôi thờ Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và các Đấng Giáo chủ Tam giáo, cùng các Đấng thiêng liêng trong Ngũ Chi Đại Đạo. BQĐ là linh hồn của Đạo.

    - Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ giáo pháp chơn truyền của Đạo. HTĐ là chơn thần của Đạo.

    - Cửu Trùng Đài là cơ quan phổ thông chơn đạo, có nhiệm vụ giáo hóa và phổ độ nhơn sanh trên đường đạo và đường đời. CTĐ là chơn thể của Đạo.

    Điều 13: Chức sắc của HTĐ do cơ bút Thiên phong từ buổi khai đạo gồm 15 vị:

    · 1 phẩm Hộ Pháp, Chưởng quản HTĐ, chủ chi Pháp.

    · 1 vị Thượng Phẩm chủ chi Đạo lo về phần Thánh Thất và Tịnh Thất.

    · 1 vị Thượng Sanh chủ chi Thế.

    · 12 vị Thời Quân thuộc ba chi: Pháp, Đạo, Thế, đặt dưới quyền hành sự của Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh.

    Chi Pháp có 4 vị: Tiếp Pháp, Khai Pháp, Hiến Pháp và Bảo Pháp.

    Chi Đạo có 4 vị: Tiếp Đạo, Khai Đạo, Hiến Đạo và Bảo Đạo.

    Chi Thế có 4 vị: Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế và Bảo Thế.

    Các Chức sắc cấp dưới Thập nhị Thời Quân đổ xuống gồm các phẩm như sau: Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, Chưởng Ấn, Cải Trạng, Giám Đạo, Thừa Sử, Truyền Trạng, Sĩ Tải, Luật Sự. (Luật Sự được đào tạo do khoa mục và được thăng phẩm theo Luật công cử như Chức sắc các cấp khác).

    Điều 14: Chức sắc Cửu Trùng Đài gồm:

    A.- NAM PHÁI

    · 1 phẩm Giáo Tông là Anh Cả lãnh đạo chung nền Đạo.

    · 3 vị Chưởng Pháp: nghiên cứu luật pháp đạo trước khi ban hành.

    · 3 vị Đầu Sư: ban hành luật pháp đạo, điều định cơ phổ độ.

    · 36 vị Phối Sư: có 3 vị Chánh Phối Sư làm đầu, dưới quyền 3 vị Đầu Sư, thi hành các luật pháp đạo do 3 vị Đầu Sư ban xuống.

    · 72 vị Giáo Sư: dạy dỗ tín đồ trong đường Đạo và đường Đời.

    · 3000 vị Giáo Hữu: lãnh phổ thông chơn đạo.

    · Lễ Sanh không hạn định số, là người có hạnh kiểm tốt, được quyền đi khai đàn thượng tượng cho mỗi tín đồ.

    B.- NỮ PHÁI

    Chức sắc CTĐ nữ phái chỉ từ phẩm Đầu Sư đổ xuống Lễ Sanh, không hạn định số theo từng phẩm cấp.

    Nữ phái tùng theo Nam phái mà hành đạo.

    Điều 15: Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh là cơ quan chủ quản những hoạt động tín ngưỡng và đạo pháp, giới luật, lễ nghi của ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh, xây dựng Thánh thể hữu hình của Đức Chí Tôn đời nầy qua đời khác, hướng dẫn giám sát việc hành đạo của Hội Đồng Chưởng Quản và toàn đạo.

    Hội Thánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh có các Ban trực thuộc:

    1. Ban Nhân sự

    2. Ban Nghi lễ.

    3. Ban Giáo dục tu sĩ.

    4. Ban Trật tự nghi lễ.

    5. Ban Sản xuất.

    6. Ban Tài chánh - Thủ quỹ.

    7. Ban Lương thực.

    8. Ban Công vụ.

    9. Ban Kiểm soát.

    Điều 16: Hội Đồng Chưởng Quản (HĐCQ).

    Hội Đồng Chưởng Quản là cơ quan thường trực của Hội Thánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh, chịu trách nhiệm trước Hội Thánh và toàn đạo về việc quản lý nền đạo về mặt tín ngưỡng từ Tòa Thánh đến các Thánh Thất, Tịnh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu địa phương, chăm lo sự nghiệp tu hành cho Chức sắc, Chức việc và toàn đạo, thay mặt Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh trước pháp lý nhà nước và trong các mối quan hệ của Giáo hội Cao Đài Tây Ninh với các pháp nhân.

    Điều 17: HĐCQ do Đại Hội Hội Thánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh bầu ra. Thành viên HĐCQ được chọn trong hàng Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu và các phẩm tương đương trở lên, nhiệm kỳ 5 năm. HĐCQ ấn định chương trình hoạt động hằng năm theo đúng quyết nghị của Hội Thánh, đôn đốc và kiểm soát việc thực hiện chương trình đó.

    Điều 18:

    A.- Thành phần HĐCQ không quá 72 vị:

    · 1 Hội Trưởng

    · 3 Phó Hội Trưởng

    · 1 Từ Hàn

    · 3 Phó Từ Hàn

    · Các Hội viên bố trí vào các Ban trực thuộc Hội Thánh.

    B.- Hội Trưởng, các Phó Hội Trưởng HĐCQ cùng Từ Hàn là Ban thường trực của HĐCQ để xử lý công việc đạo theo chương trình hành đạo của HĐCQ đề ra ở giữa hai kỳ hội nghị toàn thể của HĐCQ.

    C.- Hội Trưởng cùng ba vị Phó Hội Trưởng và Từ Hàn của HĐCQ là thành viên của HĐCQ do hội nghị toàn thể của HĐCQ bầu lên.

    D.- Hội Trưởng HĐCQ là người đứng đầu và chịu trách nhiệm chung các việc hành đạo của HĐCQ.

    E. Phó Hội Trưởng Thường trực thay thế Hội Trưởng khi vị nầy vắng mặt và ba Phó Hội Trưởng giải quyết các việc được Hội Trưởng phân công

    Điều 19: Họ Đạo, Ban Cai Quản Họ Đạo.

    - Nơi có 500 tín đồ trở lên trong phạm vi một xã hoặc liên xã thì được thành lập một Họ Đạo. Mỗi Họ Đạo có Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu là nơi thờ tự của Họ Đạo.

    - Ban Cai Quản đứng đầu Họ Đạo có phận sự cai quản Thánh Thất, Điện Thờ tại Họ Đạo.

    - Ban Cai Quản có 5 thành viên, gồm:

    · 1 Cai Quản

    · 2 Phó Cai Quản

    · 1 Thư Ký

    · 1 Thủ Quỹ

    · Ngoài ra còn có các Chức việc trực thuộc giúp việc.

    - Cai Quản Họ Đạo phải từ phẩm Lễ Sanh hoặc tương đương trở lên do HĐCQ chọn bổ nhiệm. Các Phó Cai Quản Họ Đạo, Thư Ký, Thủ Quỹ, do trong Họ Đạo tín nhiệm công cử, được HĐCQ phê chuẩn.

    - Nhiệm kỳ của Ban Cai Quản Họ Đạo là 3 năm.

    - Các thành viên Chức việc phải do tín đồ tín nhiệm công cử, được Ban Cai Quản Họ Đạo đồng ý, HĐCQ phê chuẩn.

    - Chức năng của Chức việc là lo việc hướng dẫn các mặt nghi lễ cho tín đồ trong phạm vi phụ trách.

    Điều 20: Ngoài hai cấp: Hội Thánh Trung ương, Họ Đạo cơ sở, còn có đại diện của HĐCQ Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh:

    - Ở tỉnh, Thành phố, có nhiều Họ Đạo thì HĐCQ cử từ một đến hai Chức sắc hàng phẩm Giáo Hữu và tương đương trở lên làm đại diện tỉnh, Thành phố.

    Đại diện của HĐCQ do HĐCQ chọn.

    Đại diện của HĐCQ là người làm phận sự truyền đạt và hướng dẫn các Ban Cai Quản Họ Đạo thông hiểu và thực hiện đúng các Đạo Lịnh, Thông Tri về Đạo sự của Hội Thánh và HĐCQ ở Họ Đạo, đồng thời phản ảnh tình hình đạo sự ở Họ Đạo và thỉnh nguyện của Chức sắc, Chức việc, tín đồ lên HĐCQ và Hội Thánh, quan hệ với chánh quyền, Mặt trận Tổ quốc và các pháp nhân khác ngoài Giáo hội, ở tỉnh, Thành phố, để giải quyết những việc đạo sự cần thiết theo sự ủy nhiệm của HĐCQ.

    Nơi làm việc của Đại diện HĐCQ là văn phòng của Ban Cai Quản của Họ Đạo thích hợp tại tỉnh, Thành phố.

    Điều 21: HĐCQ và Ban Cai Quản Họ Đạo có một khuôn dấu pháp lý dùng để ấn ký các văn bản ban hành.

    Chương IV: CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN.

    Điều 22: Cơ Quan Phước Thiện có nhiệm vụ làm âm chất, tạo nền nhân cội nghĩa của Đạo, chuyên lo về mặt sản xuất lương điền, công nghệ, kinh doanh thu huê lợi để hổ trợ phương tiện vật chất cho việc từ thiện, xã hội và cho việc hành đạo của các Họ Đạo và Hội Thánh, tham gia các mặt hoạt động từ thiện, xã hội, hợp pháp để tế độ người tật nguyền cô độc, kẻ gặp tai ương thống khổ.

    Điều 23: Cơ Quan Phước Thiện có Thập nhị phẩm cấp từ trên đổ xuống gồm: Phật Tử, Tiên Tử, Thánh Nhơn, Hiền Nhơn, Chơn Nhơn, Đạo Nhơn, Chí Thiện, Giáo Thiện, Hành Thiện, Thính Thiện, Tân Dân, Minh Đức.

    Chương V: ĐẠI HỘI - HỘI NGHỊ.

    Điều 24: Đại Hội Hội Thánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh họp 5 năm một kỳ sau Đại lễ Đức Chí Tôn (mùng 9 tháng giêng âm lịch) do HĐCQ triệu tập để:

    · Kiểm soát việc hành đạo của Giáo hội trong 5 năm qua

    · Ấn định chương trình hành đạo trong 5 năm tới.

    · Bầu cử HĐCQ.

    · Thông qua hồ sơ danh sách cầu thăng, cầu phong của Chức sắc, Chức việc và tín hữu theo luật công cử và hồ sơ Chức sắc vi phạm luật đạo, luật nước.

  • Pháp nhân

    · Sửa đổi Hiến Chương nếu cần và thông qua Hiến Chương sửa đổi.

    Điều 25: Thành phần Đại biểu Đại Hội Hội Thánh gồm:

    · Đại biểu các Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu và phẩm tương đương trở lên.

    · Đại biểu các Ban Cai Quản Họ Đạo cơ sở của Đạo Cao Đài Tây Ninh và Đại biểu là đại diện HĐCQ tại các tỉnh, thành phố.

    Điều 26: Đại biểu Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu và các phẩm tương đương trở lên có quyền biểu quyết trong Đại Hội Hội Thánh.

    Điều 27: Hội nghị Hội Thánh một năm họp một kỳ sau rằm tháng mười âm lịch để:

    · Xem xét việc điều hành đạo sự năm qua và chương trình năm tới của HĐCQ.

    · Xem xét việc công cử, khen thưởng và kỷ luật trong đạo.

    Điều 28: Đại Hội Nhơn Sanh 5 năm họp một kỳ sau Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung (rằm tháng 8 âm lịch) do HĐCQ triệu tập để ghi nhận nguyện vọng của nhơn sanh đóng góp ý kiến cho Đại Hội Hội Thánh nhằm phát huy mối Đạo.

    Đại biểu dự Đại Hội Nhơn Sanh gồm có:

    · Phẩm Lễ Sanh và các phẩm tương đương.

    · Chức việc và tín đồ tiêu biểu đại diện cho Chức việc và tín đồ ở Họ Đạo, do hội nghị Họ Đạo cử hoặc Ban Cai Quản Họ Đạo giới thiệu.

    Điều 29: Hội nghị HĐCQ do Hội Trưởng HĐCQ triệu tập mỗi năm một kỳ sau Đại lễ Đức Chí Tôn để:

    · Kiểm điểm việc hành đạo trong năm qua.

    · Ấn định việc hành đạo trong năm tới.

    Thành phần dự Hội nghị HĐCQ gồm có:

    · Toàn thể thành viên của HĐCQ.

    · Đại diện HĐCQ Cao Đài Tây Ninh tại các tỉnh, thành phố.

    Ngoài ra, HĐCQ mở hội nghị không định kỳ gồm toàn thể thành viên của HĐCQ để giải quyết các việc cần thiết của đạo.

    Điều 30: Hội nghị Họ Đạo mỗi năm tổ chức họp một lần vào tháng 8 âm lịch để thông qua kế hoạch hành đạo và chọn cử đại biểu đi dự Đại hội Nhơn Sanh (nếu trùng với Đại hội Nhơn Sanh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh), công cử các chức vụ: Phó Cai Quản, Thủ Quỹ (nếu trùng với năm mãn nhiệm kỳ của Ban Cai Quản Họ Đạo).

    Chương VI: TUYÊN DƯƠNG - KỶ LUẬT.

    Điều 31: - Chức sắc, Chức việc và tín đồ có công đức với đạo pháp, có thành tích tham gia vào các việc ích nước, lợi dân, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần củng cố mối quan hệ đạo đời tương đắc thì sẽ được Hội Thánh tuyên dương theo luật đạo.

    - Chức sắc, Chức việc và tín đồ nào có phạm luật đạo, làm thương tổn đến thanh danh của đạo thì sẽ bị xử lý nghiêm minh theo luật đạo.

    - Chức sắc, Chức việc và tín đồ nào có hoạt động vi phạm luật nước, làm phương hại đến đại đoàn kết dân tộc và hòa bình, độc lập, thống nhất tổ quốc thì sau khi nhà nước xử phạt theo pháp luật, Hội Thánh sẽ xử lý nghiêm theo luật đạo.

    - Hội Thánh khoan hồng cho Chức sắc, Chức việc và tín đồ phạm lỗi biết ăn năn tỉnh ngộ, lập đức để chuộc tội với đạo và chuộc tội với đời.

    Điều 32: Chức sắc, Chức việc nào bị mất quyền công dân thì đương nhiên bị mất tư cách Chức sắc, Chức việc. Khi được phục hồi quyền công dân thì sẽ được Hội Thánh xét cho phục hồi tư cách Chức sắc, Chức việc nếu có yêu cầu.

    Chương VII: TÀI SẢN.

    Điều 33: Tài sản của Giáo hội ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh gồm có:

    · Động sản và bất động sản do nhơn sanh hiến cúng hoặc chuyển nhượng hợp pháp cho Hội Thánh, HĐCQ và các Ban Cai Quản Họ Đạo.

    · Động sản và bất động sản do HộiThánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh và Ban Cai Quản Họ Đạo cơ sở tự tạo hợp pháp.

    Chương VIII: NỘI QUI.

    Điều 34: Để áp dụng Hiến Chương nầy, Hội Thánh và HĐCQ sẽ ban hành các văn bản qui chế hành đạo của các Ban trực thuộc Hội Thánh, của đại diện HĐCQ và của Ban Cai Quản Họ Đạo cùng với bản Tân Luật - Pháp Chánh Truyền - Đạo Luật - Kinh Lễ và Điều Lệ công cử Chức sắc ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh là các văn bản có tính cách nội qui, nội luật điều hành đạo sự của Giáo hội ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh và Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh.

    Chương IX: SỬA ĐỔI HIẾN CHƯƠNG.

    Điều 35: Hiến Chương được sửa đổi khi có ý kiến thỉnh nguyện của Đại Hội Nhơn Sanh và phải được 2/3 tổng số Chức sắc Đại biểu Đại Hội Hội Thánh biểu quyết.

    Điều 36: Dự án sửa đổi Hiến Chương do HĐCQ đề nghị lên Đại Hội Hội Thánh.

    Hiến Chương nầy gồm: Lời Nói Đầu, 9 Chương và 36 Điều, được Đại Hội Đại biểu Cao Đài Tây Ninh họp tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 5-4-1997 biểu quyết nhất trí thông qua.

    HỘI THÁNH ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

    CAO ĐÀI TÂY NINH

    HỘI ĐỒNG CHƯỞNG QUẢN

    ● Điều Lệ Cầu Phong Cầu Thăng

    ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

    CAO ĐÀI TÂY NINH

    (Thất thập nhị niên)
    TÒA THÁNH TÂY NINH

    ĐIỀU LỆ CẦU PHONG CẦU THĂNG

    THEO LUẬT CÔNG CỬ

    Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

    Cao Đài Tây Ninh

    - Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền,

    - Căn cứ Hiến Chương ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh qui định chức năng và quyền hạn của HĐCQ cũng như việc thăng thưởng Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu hữu công cùng Đạo đã được nhà nước công nhận.

    - Căn cứ Nghị Định số 69/HĐBT ngày 21-3-1991 của Hội Đồng Bộ Trưởng qui định về các hoạt động tôn giáo.

    Nay Hội Thánh ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh qui định Điều Lệ cầu phong cầu thăng theo luật công cử cho Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu nam nữ hữu công cùng Đạo như sau:

    Chương I: NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG.

    Điều 1: Nay áp dụng Luật Công cử để thực hiện việc thăng thưởng hoặc phong thưởng cho Chức sắc Thiên phong, Chức việc và Đạo hữu công quả nam nữ đã hội đủ điều kiện thăng thưởng.

    Điều 2: Chức sắc, Chức việc hoặc Đạo hữu công quả vi phạm luật đạo hoặc vi phạm luật pháp nhà nước bị xét xử, đang thọ hình phạt hoặc đang mất quyền công dân thì đương nhiên mất quyền cầu phong cầu thăng.

    Điều 3: Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu công quả nam nữ hội đủ điều kiện theo qui định về công nghiệp liên hệ đến việc thăng thưởng phẩm cấp của mình thì được đệ đơn về HĐCQ xin dự sổ cầu phong hay cầu thăng.

    Điều 4: Hồ sơ xin cầu phong hay cầu thăng đều phải nạp tại Ban Cai Quản Họ Đạo nơi giáo phận mình thường trú và phục vụ đạo sự. Chức sắc, Chức việc công quả hành đạo thuộc các cơ sở trực thuộc HĐCQ xác nhận công nghiệp rồi nạp hồ sơ tại Ban Cai Quản Họ Đạo nơi thường trú.

    Ban Cai Quản Họ Đạo tập hợp hồ sơ cầu phong, kiểm tra và chứng nhận công hạnh cho Chức việc công quả cầu phong, định ngày mở hội nghị Chức sắc, Chức việc và đồng đạo trong Giáo phận để góp ý và giới thiệu danh sách Chức việc, Đạo hữu công quả dự sổ cầu phong.

    Trường hợp Chức sắc trở về hành đạo tại gia nạp hồ sơ cầu thăng thì Ban Cai Quản Họ Đạo sau khi xác minh đủ lẽ và chứng vào hồ sơ. Ban Cai Quản Họ Đạo lập phúc trình danh sách giới thiệu Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu công quả trong Họ Đạo đủ điều kiện dự sổ cầu thăng cầu phong về HĐCQ kèm theo biên bản Hội nghị.

    HĐCQ thành lập một Ban cứu xét hồ sơ cầu phong cầu thăng. Ban nầy sẽ thẩm tra công nghiệp hành đạo và đề nghị lên HĐCQ. HĐCQ duyệt xét lần sau cùng, lập danh sách thống nhứt các vị đã hội đủ điều kiện thăng thưởng, sau đó quyết định cho tổ chức công cử.

    Tất cả hồ sơ xin cầu phong cầu thăng đều phải được Chính quyền xác nhận theo quy định của pháp luật.

    Điều 5: Căn cứ Điều 8, chương I của Tân Luật:

    · Đầu Sư muốn lên Chưởng Pháp thì nhờ 3 vị công cử nhau.

    · Phối Sư muốn lên Đầu Sư thì 36 vị công cử lên.

    · Giáo Sư muốn lên Phối Sư thì nhờ 72 vị công cử nhau.

    · Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư thì nhờ 3000 vị xúm nhau công cử.

    · Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu thì nhờ cả Lễ Sanh xúm nhau công cử.

    * Ngôi Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư tranh đặng, song phải chịu toàn tín đồ công cử mới đặng.

    Điều 6: Nguyên tắc bỏ phiếu công cử theo lối phổ thông, trực tiếp và kín.

    Thành phần đắc cử được tính theo thứ tự từ số phiếu cao nhất đến số phiếu đủ qui định cho mỗi phẩm cấp, song số phiếu đắc cử phải quá bán so với số Chức sắc dự bầu. Trường hợp số phiếu bằng nhau thì vị nào có công nghiệp cao hơn thì đắc cử.

    Điều 7: Hiện tại, Chức sắc các phẩm cấp chưa đủ số qui định nên Chức sắc hiện có cấp phẩm nào xúm nhau công cử theo cấp phẩm đó, rồi thông qua danh sách cho Đại Hội Hội Thánh biểu quyết.

    Điều 8: Trường hợp quí vị nam phái đắc phong Lễ Sanh thì HĐCQ sẽ tổ chức lễ cầu nguyện lãnh thẻ định phái cho những vị nầy tại Cung Đạo Đền Thánh.

    Chương II: THỂ LỆ CHỨC VIỆC, ĐẠO HỮU CÔNG QUẢ CẦU PHONG.

    Điều 9: Chức việc cùng các phẩm tương đương và Đạo hữu công quả có thâm niên công nghiệp theo qui định dưới đây làm tròn trách nhiệm thì được lập thủ tục dự sổ cầu phong Lễ Sanh và phẩm tương đương. Các điều kiện là:

    · Không vi phạm luật pháp đạo, đời.

    · Giữ thập trai đến trường trai.

    · Viết và đọc thông tiếng Việt.

    · Hạnh kiểm tốt, siêng năng, trung thành với Đạo, với Tổ quốc.

    · Ký tờ tình nguyện trọn đời hành đạo.

    · Có đủ thâm niên công nghiệp như sau:

    o Chánh Trị Sự: 5 năm công nghiệp.

    o Phó Trị Sự, Thông Sự: 10 năm công nghiệp.

    o Nhân viên bảo vệ trật tự nghi lễ: 10 năm công nghiệp.

    o Nhân viên Ban Trật tự Nội ô: 10 năm công nghiệp.

    o Đầu Phòng Văn, Lễ Sĩ, Giáo Nhi có cấp bằng khoa mục: 5 năm công nghiệp không gián đoạn (căn cứ vào Tờ bổ dụng)

    o Công quả các ngành: 10 năm công nghiệp từ 28 tuổi trở lên.

    o Giáo viên Đạo Đức Học Đường: 5 năm công nghiệp.

    o Đạo hữu đảm nhiệm Cai Quản, Phó Cai Quản Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu: 5 năm công nghiệp.

    o Thánh vệ viên: 10 năm công nghiệp.

    o Chánh Bảo thể: 5 năm công nghiệp.

    o Bảo thể viên: 8 năm công nghiệp.

    Chương III: THỂ LỆ CHỨC SẮC CẦU THĂNG.

    Điều 10: Phẩm Lễ Sanh và các phẩm tương đương trở lên hành đạo tại Tòa Thánh hay địa phương được dự sổ cầu thăng nhứt cấp nếu hội đủ điều kiện công nghiệp sau đây:

    · Phương diện hạnh đức.

    · Trình độ văn hóa.

    · Tinh thần phục vụ đạo, phục vụ nhân dân.

    · Khả năng giáo hóa nhơn sanh.

    · Năm năm công nghiệp không gián đoạn.

    · Lãnh trách nhiệm hành đạo địa phương từ 30 tháng trở lên.

    · Giữ trường trai.

    · Có cấp bằng tốt nghiệp Hạnh đường.

    · Không vi phạm luật đạo, luật đời.

    · Tự viết Tờ Khai lai lịch hành đạo.

    Lễ Sanh, Giáo Hữu hoặc Giáo Sư được miễn hành đạo địa phương nếu đã đảm nhiệm những chức vụ chuyên môn do Hội Thánh qui định từ trước.

    Chương IV: THI HÀNH QUYẾT NGHỊ của THƯỢNG HỘI SƠ BỘ (năm Đinh Tỵ 1977)

    Điều 11: Thượng Hội Sơ bộ năm Đinh Tỵ (1977) đã quyết nghị xong phần cầu phong cầu thăng do Đại Hội Nhơn Sanh và Đại Hội Hội Thánh năm Giáp Dần (1974) đệ trình nhưng Hội Thánh chưa có điều kiện thi hành, nay HĐCQ sẽ xem xét và thi hành các quyết nghị về cầu phong cầu thăng nơi Vi bằng nầy, nhưng trước đó sẽ ra lịnh cho Ban Cai Quản Họ Đạo kiểm điểm lại các vị có tên trong Vi bằng.

    · Vị nào từ năm 1977 đến nay còn giữ được phẩm chất của vị Chức sắc, có sự xác minh của Chức việc, Ban Cai Quản Họ Đạo và chính quyền địa phương xác nhận thì được HĐCQ cứu xét tấn phong theo quyết nghị của Thượng Hội Sơ bộ.

    · Vị nào đã tự làm mất phẩm chất, thoái hóa về tư cách tác phong đạo đức thì đình lại.

    · Vị nào đã qui vị thì do quyền thiêng liêng phong thưởng.

    Chương V: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG.

    Điều 12: Điều lệ cầu phong cầu thăng áp dụng theo luật công cử nầy vì chiếu theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền mà lập thành và phù hợp với luật pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sau nầy, tùy theo trình độ tiến hóa của nhơn sanh, Hội Thánh sẽ sửa đổi cho thích hợp.

    Điều lệ cầu phong cầu thăng theo luật công cử nầy đã được Đại hội Đại biểu Cao Đài Tây Ninh họp tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 5-4-1997 (âl 28-2-Đinh Sửu) biểu quyết nhất trí thông qua.

    HỘI THÁNH ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

    CAO ĐÀI TÂY NINH

    HỘI ĐỒNG CHƯỞNG QUẢN

    ● Danh Sách Chức Sắc Cơ Quan Thường Trực Hội Thánh

    BAN TÔN GIÁO của CHÍNH PHỦ

    DANH SÁCH CHỨC SẮC

    CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI THÁNH

    ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ CAO ĐÀI TÂY NINH

    (Đính kèm Quyết Định số 10 QĐ/TGCP ngày 9-5-1997 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ)

    TT.

    (1)

    HỌ và TÊN

    (2)

    CHỖ Ở

    (3)

    CHỨCSẮC

    (4)

    CHỨC VỤ

    (5)

    1.

    Hồ Ngọc Thơ

    (Thượng Thơ Thanh)

    TâyNinh Phối Sư HộiTrưởng
    2.

    Nguyễn Thành Tám

    (Thượng Tám Thanh)

    TâyNinh Giáo Sư Phó Hội T.
    3.

    Lê Minh Khuyên

    TâyNinh Cải Trạng Phó Hội T.
    4.

    Phạm Thị Ngộ

    (Hương Ngộ)

    TâyNinh Phối Sư Phó Hội T.
    5.

    Bùi Nguơn Y

    (Thái Y Thanh)

    TâyNinh Giáo Sư Hội viên
    6.

    Phạm Văn Thiên

    (Thái Thiên Thanh)

    TâyNinh Giáo Sư Hội viên
    7.

    Hồ Văn Tấn

    (Ngọc Tấn Thanh)

    TâyNinh Giáo Sư Hội viên
    8.

    Nguyễn Khương Cá

    (Thái Cá Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    9.

    Huỳnh Công Bẩy

    (Thượng Bẩy Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    10.

    Dương Thành Nguyên

    (Thượng Nguyên Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    11.

    Nguyễn Văn Có

    (Ngọc Có Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    12.

    Võ Văn Thưởng

    (Ngọc Thưởng Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    13.

    Lê Phát Hương

    (Ngọc Hương Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    14.

    Huỳnh Thị Nhìn

    (Hương Nhìn)

    TâyNinh Giáo Sư Hội viên
    15.

    Biên Thị Lai

    (Hương Lai)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    16.

    Phạm Thị Hân

    (Hương Hân)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    17.

    Nguyễn Thị Lân

    (Hương Lân)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    18.

    Mai Thị Điểu

    (Hương Điểu)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    19.

    Lê Tâm Chí

    TâyNinh ChơnNhơn Hội viên
    20.

    Tạ Thị Thế

    TâyNinh ChơnNhơn Hội viên
    21.

    Nguyễn Thị Khéo

    TâyNinh ChơnNhơn Hội viên
    22.

    Nguyễn Thị Trực

    TâyNinh ChơnNhơn Hội viên
    23.

    Võ Thị Hoành

    TâyNinh ChíThiện Hội viên
    24.

    Huỳnh Thị Tược

    TâyNinh ChíThiện Hội viên
    25.

    Trần Thiện Niệm

    TâyNinh Nhạc Sư Hội viên
    26.

    Lương Văn Hoàng

    TâyNinh Lãnh Nh Hội viên
    27.

    Huỳnh Minh Mẫn

    TâyNinh Lãnh Nh Hội viên
    28.

    Lê Minh Thơ

    TâyNinh Tr.Trạng Hội viên
    29.

    Dương Liên Thanh

    TâyNinh Tr.Trạng Hội viên
    30.

    Trần Anh Dũng

    TâyNinh Tr.Trạng Hội viên
    31.

    Phạm Văn Truyện

    (Thượng Truyện Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    32.

    Bành Văn Sáu

    (Thượng Sáu Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    33.

    Hà Thanh Vân

    (Thái Vân Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    34.

    Lê Văn Đồng

    (Thái Đồng Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    35.

    Đặng Minh Lý

    (Thượng Lý Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    36.

    Nguyễn Ngọc Tánh

    (Thượng Tánh Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    37.

    Mai Văn Tư

    (Thượng Tư Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    38.

    Huỳnh Kim Mên

    (Thượng Mên Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    39.

    Phan Văn Đề

    (Ngọc Đề Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    40.

    Chung Hưởng Lộc

    (Ngọc Lộc Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    41.

    Nguyễn Văn Thiếu

    (Ngọc Thiếu Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    42.

    Lê Văn Xã

    (Ngọc Xã Thanh)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    43.

    Nguyễn Thị Trụ

    (Hương Trụ)

    TâyNinh GiáoHữu Hội viên
    44.

    Lê Thị Nghề

    TâyNinh Ch.Nhơn Hội viên
    45.

    Trương Thị Miều

    TâyNinh Đ. Nhơn Hội viên
    46.

    Lê Kim Danh

    TâyNinh ChíThiện Hội viên
    47.

    Phan Trung Chẩm

    TâyNinh ChíThiện Hội viên
    48.

    Trần Trí Huệ

    TâyNinh ĐộiNhạc Hội viên
    49.

    Lê Thị Liêm

    TâyNinh Giám Đạo Hội viên
    50.

    Nguyễn Thị Tấn

    (Hương Tấn)

    ĐồngTháp GiáoHữu Hội viên
    51.

    Trương Văn Cánh

    LongAn Tr.Trạng Hội viên
    52.

    Nguyễn Văn Thép

    LongAn Tr.Trạng Hội viên

    Tổng số 52 vị.

    * Ngày 5-4-1997 (âl 28-2-Đinh Sửu), Hội Đồng Chưởng Quản (HĐCQ) và Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh tổ chức Đại Hội Đại Biểu Đạo Cao Đài Tây Ninh tại Tòa Thánh Tây Ninh gồm: 737 Đại biểu nhơn sanh và 71 vị Chức sắc từ phẩm Lễ Sanh và tương đương đến phẩm Phối Sư.

    Đại Hội đã biểu quyết nhất trí thông qua hai văn kiện quan trọng:

    · Hiến Chương ĐĐTKPĐ Cao Đài Tây Ninh.

    · Điều Lệ cầu phong cầu thăng theo Luật Công cử.

    (Số liệu thống kê do Phòng Lưu trữ Hồ sơ Chức sắc cho biết, tính đến ngày 5-4-1997, tổng số Chức sắc còn sống từ phẩm Lễ Sanh và tương trở lên là 1876 vị).

    * Ngày 3-6-1997 (âl 28-4-Đinh Sửu), Hội Đồng Chưởng Quản tổ chức long trọng Lễ Tiếp Nhận Pháp Nhân Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, và đồng thời làm lễ Khánh Thành Chánh Môn phía trước Tòa Thánh.

    Được biết, Chánh Môn nầy đã được Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước chủ trương xây dựng theo họa đồ của Ty Kiến Thiết tỉnh Tây Ninh, làm xong từ cuối năm 1965, nay mới có cơ hội để HĐCQ làm Lễ Khánh Thành.

    TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

    ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    VNCH: Việt Nam Cộng Hòa.

    BQÐ: Bát Quái Ðài.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Pháp siêu quần Thánh

    法超群聖

    A: His miracle pass the whole of Saints.

    P: Son miracle dépasse l'ensemble des Saints.

    Pháp: Phép thuật, các phép bí tích. pháp thuật. Siêu: vượt lên trên. Quần: nhiều người tụ tập đông đảo. Thánh: chỉ chung các vị Tiên, Thánh.

    Đây là một câu trong bài kinh Tiên giáo nói về quyền pháp và công đức của Đức Thái Thượng Đạo Tổ.

    Pháp siêu quần Thánh là các pháp thuật của Đức Thái Thượng vượt lên trên các bực Tiên, Thánh.

     

  • Pháp thân

    法身

    A: Etheral (astral) body.

    P: Corps éthéré (astral).

    Pháp: Phép thuật, các phép bí tích. pháp thuật. Thân: xác thân.

    Pháp thân là xác thân thiêng liêng huyền diệu, đó là chơn thần của mỗi người.

    Mỗi người nơi cõi phàm trần đều có hai xác thân:

    - Một xác thân phàm bằng xương thịt do cha mẹ phàm trần sanh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên, đến lúc già thì chết.

    - Một xác thân thiêng liêng ẩn trong xác thân phàm do Đức Phật Mẫu dùng các nguyên khí nơi DTC tạo nên. Khi xác thân phàm chết, xác thân thiêng liêng xuất ra khỏi xác phàm, bay trở về cõi thiêng liêng.

    Những người đắc đạo thì xác thân thiêng liêng nầy rất huyền diệu, có thể biến hóa tùy ý mà đi lên các cõi Trời.

    Xác thân thiêng liêng còn được gọi là: chơn thần, chơn thân, pháp thân.....

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo con đường TLHS, lúc Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn đi qua mở cửa CLTG, bị Kim Quang Sứ đón đường, ngăn chận lại không cho đi:

    "Bần đạo vừa nghĩ như vậy thì pháp thân của Bần đạo hiện ra một người nữa. Hồi Bần đạo ngồi trên vân xa mặc cái áo trắng, bịt khăn trắng, y như cái đạo phục của Bần đạo đi cúng thường ngày đây, làm bằng gì không biết, mà mặc vào mình rồi nghe trong mình nhẹ nhàng sung sướng làm sao đâu! Tới chừng xuất pháp thân của Bần đạo ra, Bần đạo ngó thấy mặc đồ đại phục, mà Bần đạo đương nhái theo, làm theo kiểu đó mà cũng chưa thiệt trúng.

    Mặc đại phục rồi, tay cầm Giáng Ma Xử với cây Kim Tiên, bay giữa không trung ở trên đầu, có người ngồi dưới vân xa, có một điều là người ngồi dưới, người trên, mà hiểu biết như một người vậy...."

    DTC: Diêu Trì Cung.

    CLTG: Cực Lạc Thế giới.

    TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

     

  • Pháp thí

    法施

    A: Donation of doctrine.

    P: La donation de la doctrine.

    Pháp: Giáo lý, giáo thuyết của một nền tôn giáo. Thí: bố thí, đem cho.

    Pháp thí là bố thí giáo lý, tức là dùng lời nói giảng giải giáo lý, để người nghe hiểu Đạo mà thức tỉnh, thấy cuộc đời chẳng khác chi một giấc mộng mà công danh phú quí là những sợi dây ràng buộc con người vào vòng tội lỗi, để từ đó lo việc tu tâm dưỡng tánh, thoát khỏi những nỗi phiền não của cuộc đời.

    Bố thí thực phẩm cho người đói lòng là một nghĩa cử từ thiện có phước đức, nhưng bố thí lời đạo đức để giác ngộ người mê đắm vật chất phàm trần thì lại càng có phước đức nhiều hơn, công quả trọng đại hơn. (Xem: Bố thí, vần B)

     

  • Pháp trị

    法治

    A: To rule by law.

    P: Politique basée sur le droit.

    Pháp: Pháp luật, các Luật đặt ra để quản lý việc Đời hay việc Đạo. Trị: cai trị.

    Pháp trị là cai trị bằng luật pháp, trái với Nhân trị.

    Pháp trị quốc là quốc gia dùng pháp luật mà trị dân, không theo cách chuyên chế thuở xưa, do một vị vua cai trị.

     

  • Pháp xa

    法車

    A: Mysterious cart.

    P: Char mystérieux.

    Pháp: Giáo lý, giáo thuyết của một nền tôn giáo. Xa: chiếc xe.

    Pháp xa là chiếc xe huyền diệu, do các Đấng Tiên, Phật sử dụng. Người ngồi trên xe muốn đi đâu thì xe đưa ngay đến đó, nên còn được gọi là xe Như Ý, hay xe Tiên.

     

  • PHÁT

    1. PHÁT: 發 Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối.

    Td: Phát chẩn, Phát đoan, Phát tâm.

    2. PHÁT: 髮 Tóc.

    Td: Phát phu.

     

  • Phát chẩn

    發賑

    A: To distribute alms.

    P: Distribuer des aumônes.

    Phát: Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối. Chẩn: cấp tiền bạc, thuốc men, lương thực cho người nghèo khổ hoạn nạn.

    Phát chẩn là đem tiền bạc, lương thực, thuốc men, quần áo, phát cho người nghèo khó đang lúc bị hoạn nạn.

     

  • Phát đoan

    發端

    A: To begin.

    P: Commencer.

    Phát: Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối. Đoan: đầu mối.

    Phát đoan là bắt đầu mở mối ra.

    Mở đầu quyển sách, tác giả thường đặt lời "Phát đoan" để dẫn dắt độcgiả đi vào nội dung quyển sách, tức là đặt ra một đầu mối làm tiền đề, sau đó gỡ lần đầu mối ấy ra, tức là giải đề.

     

  • Phát hạ hồng ân

    發下洪恩

    Phát: Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối. Hạ: dưới, xuống dưới. Hồng ân: ơn huệ của Đức Chí Tôn hay của Đức Phật Mẫu.

    Phát hạ hồng ân là Đức Chí Tôn (hay Đức Phật Mẫu) ban ơn huệ xuống cho nhơn sanh. (Sớ văn)

     

  • Phát lạc

    發落

    A: To exil.

    P: Exiler.

    Phát: Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối. Lạc: rơi rụng.

    Phát lạc là đày đi xa, đồng nghĩa Phát lưu.

    TNHT: Điểm chơn thần của nó còn phải đến hầu Tòa Tam Giáo mà đợi lịnh phát lạc tùy theo công quả, tội tình của nó bấy nay.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phát nguyện

    發願

    A: To make a vow.

    P: Faire un voeu.

    Phát: Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối. Nguyện: mong ước.

    Phát nguyện là phát ra lời nguyện ước.

    DLCK: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, tín Ngã ưng đương phát nguyện: Nam mô Từ Hàng Bồ Tát....

    DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

     

  • Phát phu

    髮膚

    A: Hair and skin.

    P: Cheveux et peau.

    Phát: Tóc. Phu: Da. Phát phu là tóc da.

    Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu: Thân thể tóc da, thọ nhận nơi cha mẹ.

     

  • Phát tang

    發喪

    A: Death announcement.

    P: Avis de funérailles.

    Phát: Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối. Tang: cái lễ đối với người chết.

    Phát tang là báo tang cho mọi người đều biết.

     

  • Phát tâm

    發心

    Phát: Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối. Tâm: lòng dạ.

    Phát tâm là mở ra cái tâm lành, mở ra cái tâm tu hành.

    Phát tâm bố thí là mở ra tấm lòng muốn làm công việc bố thí, cứu giúp người hoạn nạn.

    DLCK: Thính đắc Ngã ngôn, phát tâm thiện niệm....

    DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

     

  • Phát thanh phổ thông giáo lý (Cơ quan)

    發聲普通敎理 (機關)

    Phát: Khởi đầu, mở ra, nổi lên, phân phối. Thanh: tiếng nói. Phổ thông: truyền đi khắp nơi. Giáo lý: học thuyết của một nền tôn giáo.

    Hội Thánh Đạo Cao Đài có thành lập một Cơ quan gọi là: Cơ Quan Phát thanh Phổ thông Giáo lý Đại Đạo (viết tắt CQPTPTGLĐĐ) có nhiệm vụ dùng các phương tiện truyền thanh và phát thanh trên làn sóng điện để phổ biến giáo lý của ĐĐTKPĐ đến các tầng lớp dân chúng khắp nơi.

    Sau đây xin chép Bức Thơ Xuân của Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi, Giám Đốc CQPTPTGLĐĐ, thuật lại quá trình thành lập và nhiệm vụ của Cơ Quan, đăng trong Bán Nguyệt San Thông Tin Xuân Quí Sửu (1973).

    "Kính gởi toàn đạo nam nữ,

    Bảy năm về trước, trong một phiên khoáng đại hội giữa Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện, do Ngài Bảo Thế thừa quyền Thượng Sanh chủ tọa ngày 23-11-Ất Tỵ (dl 15-12-1965), toàn hội đã đồng thanh quyết nghị giao cho tôi, Khai Đạo HTĐ, trách nhậm thành lập Cơ quan Ngôn luận và Phát thanh Đại Đạo.

    Tôi thiết tưởng cần nên nhắc lại công việc nầy đối với Hội Thánh lúc bấy giờ gần như là một việc làm hoàn toàn mới mẻ, xa lạ, nếu không muốn nói là khó khăn, vì nó thuộc lãnh vực chuyên môn, đòi hỏi nhiều về tài chánh, dụng cụ cũng như kỹ thuật và chuyên viên. Nhưng tại sao tôi đã mạnh dạn đứng ra lãnh lấy vai tuồng khó khăn ấy?

    Cũng bởi các lý do sau đây thúc đẩy:

    1. Việc ngôn luận và phát thanh vốn là ý đồ của Đức Hộ Pháp khi còn tại thế.

    2. Thiện tâm thiện chí của toàn đạo đã và đang sẵn sàng hộ trợ trên mọi mặt, công cũng như của, để vun bồi sự nghiệp tinh thần của Đạo.

    3. Đức tin mãnh liệt nơi các Đấng thiêng liêng.

    Quả thật vậy, đức tin đầy đủ đã được thiêng liêng đáp ứng và đem lại nhiều kết quả cụ thể như sau:

    a.- Sau 3 tháng đã thành lập xong Ban Giám Đốc.

    b.- Và 4 tháng kế, Cơ Quan Phát Thanh Giáo Lý chánh thức thành hình với đầy đủ chuyên viên và dụng cụ máy móc. Buổi phát thanh đầu tiên tại HTĐ để cho Hội Thánh và Đức Thượng Sanh nghe trước, đã được Đức Thượng Sanh và Hội Thánh ban cho nhiều khích lệ.

    c.- Những tháng kế tiếp, sau nhiều lần tiếp xúc và được Bộ Thông Tin chấp thuận chương trình, tiếng nói của Hội Thánh ĐĐTKPĐ đã được truyền thanh hằng tuần trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, gởi đến bốn phương vào ngày 5-5-Đinh Mùi (dl 12-6-1967) và liên tục cho đến ngày nay.

    Trong những năm đầu, Cơ Quan Phát Thanh tạm đặt văn phòng nơi HTĐ. Sau đó, tuân theo lời phê của Đức Hộ Pháp trong bản đồ Nội Ô, Hội Thánh đã cho phép tự túc xây cất Cơ Quan Phát Thanh và nó thành hình như quí vị đồng đạo đã thấy hiện tại.

    Quên nói một điều là khi Văn phòng Cơ Quan Phát Thanh vừa xây cất xong từng dưới, thì gặp biến cố Tết Mậu Thân, kết quả văn phòng nầy bị oanh tạc 3 trái bom hư hại 100%, cả kho vật liệu đều bị cháy tiêu, nhưng riêng Tờ Cảm Tạ của Hội Thánh treo trong kho nầy vẫn còn nguyên vẹn. Đó là một điều lạ và cũng nhờ đó mà đức tin của bổn đạo lại càng vững chắc hơn.

    Giờ đây đã 6 mùa Xuân qua, kiểm điểm lại buổi phát thanh của Hội Thánh gồm 3 tiết mục:

    · Phần Giáo lý.

    · Phần Tin tức.

    · Phần Văn nghệ cổ nhạc.

    * Phần Giáo lý thuần túy về mặt tôn giáo đạo đức, hướng dẫn con người trở về bổn thiện, tuyệt đối không đề cập đến chánh trị đời.

    * Phần Tin tức loan tin xác thực sự sanh hoạt diễn tiến hằng ngày nơi vùng Thánh địa Tòa Thánh Tây Ninh.

    * Phần Văn nghệ cổ nhạc cốt yếu là vãn hồi và làm sống lại quốc nhạc cổ truyền trước sức lấn áp ồ ạt lôi cuốn của loại nhạc ngoại lai.

    Người xưa thường nói: Làm ruộng tính việc một năm, lập vườn tính việc 10 năm, cải hóa con người tính việc 100 năm.

    Thật vậy, giữa thời buổi văn minh vật chất, mạnh được yếu thua, trí hiếp ngu, giàu hiếp nghèo, kẻ có thế lực áp đảo người cô thế, con người đã mất hết bổn thiện, nhà đạo giáo có bổn phận vãn hồi nền phong hóa, mối cang thường luân lý, hướng dẫn con người đến chỗ chân thiện mỹ.

    Cảm hóa một thế giới giết chóc thành an bình không phải là việc làm một ngày một bữa, cho nên Hội Thánh đôi khi bị xem là mục phiêu để cho kẻ tà tâm tham vọng lợi quyền phản kháng. Nếu mọi người trong Đại Đạo để ý xa hơn điều khôn ngoan đạo đức, xem vật chất là của phù du, sớm nổi danh chiều đã mất dạng, thì đâu còn ai làm nha trảo tôi tớ cho danh lợi quyền.

    Ngoài việc phát thanh nơi Đài Sài Gòn, còn phải phát thanh nơi các vùng trong Thánh địa.

    Hằng tháng hai kỳ, lại còn ra bản Thông Tin, góp nhặt lời Thánh huấn của các vị tiền bối, cũng như tin tức để làm Sử liệu cho thế hệ sau nghiên cứu sưu tầm. Tờ Thông Tin đến nay đã gần 3 tuổi.

    Ngoài ra, các lớp Huấn nghệ còn được mở ra để dạy cho con em nghèo hiếu học, không đủ phương tiện học chữ, mà mục đích là để giúp cho các em có một hay hai nghề để sống với đời. Các lớp ấy thu thập kết quả khả quan từ hai năm qua.

    Nói tóm lại, Cơ Quan Phát Thanh là một trong Ba-la- mật của Đức Phật Thích Ca và gồm trong ba phép TamLập của Đức Lý đã dạy Đức Hộ Pháp tuyển người vào Tịnh Thất vậy.

    Trước thềm năm mới, tôi xin quí vị nhận nơi đây lời biết ơn của tôi nói riêng và của Ban Giám Đốc nói chung, sau nữa tôi thành tâm cầu xin Đức Chí Tôn, Phật Mẫu ban nhiều ân lành và hạnh phúc cho toàn thể gia đình quí vị được vui tươi mãi mãi trước mùa Xuân hy vọng của năm Quý Sửu nầy."

    Nhân dịp kỷ niệm Đệ ngũ Chu niên thành lập CQPT PTGLĐĐ ngày 5-5-Nhâm Tý (dl 15-6-1972), Phó Giám Đốc Cơ Quan Phát Thanh là ông Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại có đọc một bài diễn văn nhắc lại quá trình thành lập Cơ Quan, xin chép ra sau đây:

    "Kính thưa quí Ngài và quí vị,

    Năm mùa hoa sen trổ là tiếng nói của Hội Thánh qua hệ thống của Đài Phát Thanh Sài Gòn được truyền ra bốn phương cũng vừa tròn 5 tuổi. Tiếng nói nầy chỉ đơn thuần trên mặt đạo đức cốt để kêu gọi và thức tỉnh thế nhân trở về bổn thiện. Còn việc tranh cạnh hơn thua, phải trái trước cơ tận diệt ngày nay chỉ là việc làm của thế tình.

    Ngảnh lại đoạn đường đã trải qua, mới thoạt đó, đã 5 năm dài đăng đẳng. Ôn lại dĩ vãng, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi tưởng nhớ các bậc tiền nhân trong Đại Đạo, nhứt là Đức Hộ Pháp, Đức Quyền Giáo Tông và Đức Cao Thượng Sanh, v.v.... Đó là bổn phận của đoàn hậu tấn biết ơn những bậc đàn anh đã từng lao tâm tiêu tứ vượt thắng mọi gian khổ cam go, gầy nên đại nghiệp để cho các thế hệ tiếp nối sau nầy thụ hưởng.

    Đối với Đức Quyền Giáo Tông, vị Anh Cả khả kính của Đại Đạo xưa kia, đã từng sử dụng bút Tiên tranh đấu bảo vệ và phát triển nền Đạo, nhiều phen đã làm cho nhà cầm quyền Pháp nể mặt, nhưng tiếc thay!.... vào thời kỳ đó, ngành phát thanh và truyền thanh chưa có, hay nói đúng hơn là chưa được tiến bộ về kỹ thuật, cho nên sự tranh đấu bằng văn tự của Đức Ngài chỉ được in hoặc quay ronéo thành bản để phổ biến đến nơi nầy hay nơi khác mà thôi. Do đó, tác dụng và thành quả vẫn phải chiều theo giới hạn và hoàn cảnh.

    Tuy nhiên trước đỡm lược vô biên và chí đại hùng bất khuất của Anh Cả Đức Quyền Giáo Tông trên hai phương diện đối nội cũng như đối ngoại, cũng đã gieo rắc vào tâm tư của Đức Hộ Pháp nhiều hoài bão lớn lao mà giờ đây mọi người vẫn còn in sâu trong trí não.

    Hoài bão của Đức Hộ Pháp như thế nào?

    Chúng tôi xin mạn phép nêu ra đây một vài khía cạnh thuộc về hoài bão của Đức Hộ Pháp đối với việc phát thanh.

    Thứ nhứt: Khi tạo Đền Thánh, lúc làm đến Nghinh Phong Đài, Đức Hộ Pháp cho lịnh chừa mấy cái lỗ để sau nầy đặt loa hay máy phát thanh vào đó để có thể phát đi khắp bốn phương trời tiếng nói của Hội Thánh. Điều nầy Đức Hộ Pháp đã ngỏ ý với Ngài Khai Đạo.

    Thứ hai: Lúc Đức Hộ Pháp hạ bút ghi vào họa đồ của Nội ô Thánh địa để qui định nơi nào phải cất cơ sở gì, Đức Hộ Pháp có ghi rành hai mẫu đất tọa lạc gần cửa số 8 là để cất Đài Phát Thanh, tức nhiên là Cơ Quan Phát Thanh ngày nay, trước mặt quí Ngài và quí vị đây.

    Cơ Quan nầy thành hình và được phát thanh lần đầu tiên vào ngày mùng 5-5-Đinh Mùi (dl 12-6-1967), tính đến nay đã được 5 năm chẵn, nhưng tiếc thay!.... Đức Hộ Pháp, Đấng đã từng lao tâm khổ trí, từng chịu lưu đày nơi hải đảo xa xôi vì nghiệp Đạo, nặng mang nhiều hoài bão, lại không còn tại thế để dạy dỗ hay ban bố những lời vàng tiếng ngọc, đặng đem ra phát thanh cho toàn thể tín hữu học hỏi. Thế mới biết, người ao ước như vậy nhưng Trời kia đã định vậy.

    Tuy nhiên với đức tin cố hữu, chúng tôi vẫn đinh ninh và quả quyết rằng, hoài bão của Đức Hộ Pháp giờ đây mặc dầu chưa được thực hiện trọn vẹn trên phương diện phát thanh, nhưng chắc chắn nơi cõi TLHS kia, Đức Hộ Pháp vẫn thường hộ trì cho nó ngày càng thêm bền vững và tiến bộ. Nói một cách khẳng định, Đức Hộ Pháp không bao giờ bỏ quên những kẻ từng tưởng nhớ đến Đức Ngài.

    Năm nay cũng như các năm qua, ngày mùng 5 tháng 5 vẫn là ngày kỷ niệm của Cơ Quan chúng tôi. Cuốn băng đầu tiên hoàn thành 5 năm về trước đúng vào ngày nầy, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Hộ Pháp và được chuyển tới Đài Phát Thanh Sài Gòn, tuy nói là ngẫu nhiên, nhưng phải chăng đây là trường hợp mà Thiên ý chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tiền định?

    Chúng tôi còn nhớ, trong một phiên họp trước kia của Hội Thánh Lưỡng Đài và Phước Thiện, quyết nghị giao cho Ngài Khai Đạo trách vụ thành lập Cơ Quan Phát Thanh, mọi việc đều không, nhưng nhờ Đức Hộ Pháp giáng cơ xác nhận và khích lệ, lại nữa, Đức Thượng Sanh ra công dìu dẫn trên mọi mặt , nhứt là về văn nghệ, Đức Ngài đã từng chịu khó thức đêm thức hôm để dạy dỗ và chỉ điểm rành rẽ cho các anh chị em nghệ sĩ cổ nhạc. Ngoài ra Đức Thượng Sanh và quí vị Thời Quân lại còn chuyên tâm nghiên cứu soạn thảo những bài Giáo lý phát thanh, cốt để phát huy triệt để cơ Pháp thí của Đại Đạo.

    Từ cái không làm ra cái có, từ mảnh đất trống đã biến thành cơ quan đồ sộ như ngày nay, đó là nhờ thiêng liêng ám trợ, nhờ Hội Thánh dắt dìu và nhờ nơi công lao của toàn thể quí đồng đạo ân nhân hộ trợ mới được như vậy.

    Chúng tôi tuy là những người tài sơ trí thiển, chỉ biết đem tấm thân hèn làm con tế vật cho Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và Hội Thánh sử dụng, nhưng cũng cố gắng đem hết cái khả năng hoàn toàn không có trình độ của mình để phụng sự cho Đại Đạo. Có lẽ nhờ thế mà hơn 2 năm qua, tờ Thông Tin đã được ấn hành liên tục không ngừng nghỉ để cho Hội Thánh CTĐ và Phước Thiện phát hành đến các Châu, Tộc đạo trên toàn quốc. Ngoài ra, để thi hành Thánh Lịnh của Đức Hộ Pháp nhằm đào tạo cho con em trong Đạo có nghề nghiệp hoặc chứng chỉ trước khi muốn tạo lập gia đình, cho nên Cơ Quan chúng tôi, trên phương diện chuyên môn, đã mở ra nhiều lớp huấn nghệ như: Vô tuyến điện, Sửa máy móc, động cơ, dạy nghề làm mộc, nghề in gạch và nay mai, còn các lớp khác sẽ được mở ra để dạy về kế toán và đánh máy chữ, v.v.... Riêng về khóa Vô tuyến điện, mà lát nữa các khóa sinh khóa 4 đã tốt nghiệp, chắc chắn sẽ vô cùng hân hoan khi nhận được ân đức của Hội Thánh cấp phát chứng chỉ cho họ.

    Nói đến ân huệ của Hội Thánh đối với Cơ Quan chúng tôi thật vô cùng vĩ đại. Bên HTĐ thì quí vị Thời Quân dạy dỗ từ lời, chỉ bảo từ việc. Bên CTĐ thì có Ngài Đầu Sư và ba vị Chánh Phối Sư cũng hết lòng tán trợ trên phương diện tinh thần. Riêng về Ngài Đầu Sư Chưởng quản CTĐ nam phái đã có đến viếng an Cơ Quan chúng tôi và Ngài đã ban ân huệ tượng trưng 100 đồng bạc, hiện Cơ Quan chúng tôi còn giữ và sẽ giữ mãi mãi làm kỷ niệm Thánh tâm ưu ái đặc biệt của Ngài.

    Cả đến Hội Thánh Phước Thiện cũng vậy, đã hộ trợ rất nhiều cho chúng tôi trên phương diện vật chất lẫn tinh thần.

    Sau rốt là quí vị ân nhân gồm đủ thành phần như: Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu nam nữ và công thương kỹ nghệ gia cũng đã tích cực góp phần hộ trợ suốt 5 năm qua với mục đích phát triển mạnh tiếng nói của Hội Thánh, tiếng nói kêu gọi tình thương đồng loại, tiếng nói trung thực cốt để làm đẹp lòng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu giữa lúc khách trần đang mãi mê say đắm trong biển vật dục, đầy khổ hải và sát phạt.

    Nghĩa cử của quí Ngài và quí vị, chúng tôi xin khắc ghi vào tâm khảm, tâm khảm sắt son của con người hành đạo, chỉ biết tiến theo tôn chỉ của Đạo và nhứt quyết không hề thối bước ngã lòng trước trở ngại hay những cơ thử thách đã hoặc đang chực chờ khảo đảo nhà tu giữa trường khảo thí.

    Hành động giúp đỡ của quí vị làm cho chúng tôi nhớ đến lời giảng của Đức Hộ Pháp có câu như vầy: " Nếu mỗi người đều có một đức tin bằng hột cát cũng đủ dời non lấp bể." Có nhắc lại câu nầy mới đủ lý lẽ chứng minh rằng, hành động và nghĩa cử cao đẹp của toàn thể quí vị ân nhân là cốt đem của cải phù du giả tạm để đổi lấy của báu thiêng liêng mà trường cửu đó vậy."

    Cũng trong dịp Kỷ niệm Đệ ngũ Chu niên của CQPT PTGLĐĐ nầy, Ngài Quyền Thượng Chánh Phối Sư Thượng Nhã Thanh, thay mặt Hội Thánh CTĐ phát biểu cảm tưởng, xin trích ra sau đây:

    "Kính thưa quí Ngài và quí vị,

    Hôm nay, tôi được hân hạnh đến dự lễ Kỷ niệm Đệ ngũ Chu niên CQPTPTGL được truyền thanh tiếng nói Đại Đạo qua hệ thống của Đài Phát Thanh Sài Gòn, tôi thay mặt Hội Thánh CTĐ xin phép quí Ngài cho tôi có vài lời phát biểu cảm tưởng.

    CQPTPTGL thực hiện được là nhờ huyền diệu thiêng liêng của Đức Hộ Pháp phò trợ vì lúc Đức Ngài còn sanh tiền đã có ý định lập Cơ Quan Phát Thanh để phổ thông truyền bá mối Đạo, vì việc cao cả đó nên Đức Ngài đã dự trù tại vị trí nầy sau sẽ lập Đài Phát thanh.

    Ngày qua tháng lại, việc gì đến sẽ đến, nhớ lại 5 năm trước, Hội Thánh lưỡng Đài đã nhờ Ngài Khai Đạo đứng ra đảm trách việc thành lập CQPTPTGL. Từ cái không tạo thành cái có, từ chỗ sơ siển đơn giản đến chỗ uy nghi tốt đẹp như ngày hôm nay, đó cũng nhờ trên thiêng liêng có Đức Hộ Pháp và các Đấng, dưới hữu hình nhờ sự điều khiển của Ngài Khai Đạo HTĐ kiêm Giám Đốc Cơ Quan Phát Thanh, quí vị trong Ban Giám Đốc, các Ban Bộ chuyên môn và toàn đạo nhiệt tâm hộ trợ tích cực làm việc để đến ngày nay từ dinh thự văn phòng, phòng thu âm, đến máy móc kỹ thuật và nhân sự tương đối đầy đủ khả quan.

    Nhờ tiếng nói Cơ Quan Phát Thanh truyền qua hệ thống Đài Sài Gòn vào chiều thứ tư mỗi tuần từ 18 giờ 30 đến 19 giờ, đã được nhiều thính giả đón nghe hiểu biết về giáo lý Đạo Cao Đài và cũng nhờ đó mà du khách đến viếng Đền Thánh mỗi lúc càng đông, để chiêm ngưỡng Đức Chí Tôn và các Đấng, cùng tìm hiểu Đạo.

    Ngoài phần phát thanh chánh ở Đài Sài Gòn, cơ quan nầy còn thực hiện những buổi phát thanh hằng ngày tại Long Hoa Thị, cửa số 7 và lưu động hằng tuần để cho thính giả các nơi thấm nhuần giáo lý Đạo. Chẳng những thế, Ban Giám Đốc còn thực hiện những cuốn phim chiếu bóng các ngày lễ, cũng như hình ảnh dinh thự Đạo và yểm trợ máy móc, tài liệu giáo lý Đạo, xướng ngôn viên phụ trách các cuộc lễ Khánh Thành Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu, cùng truyền bá mối Đạo đến địa phương, nào còn đào tạo những khóa huấn nghệ máy móc vô tuyến, máy sửa xe hơi, trại mộc, gạch bông, nhiếp ảnh và những công tác xã hội để giúp cho các em có nghề trước giúp Đạo sau hộ thân là điều rất quí báu.

    Một phần quan trọng hơn là Ban Giám Đốc thực hiện tờ Thông Tin Bán nguyệt san biếu không, nay đã đến số 53, là món ăn tinh thần cho toàn Đạo.

    Thành quả của 5 năm qua là sự thành công tốt đẹp cho Đạo nói chung và Cơ Quan Phát Thanh nói riêng, đó là nhờ sự tích cực làm việc không ngừng của quí Ban Bộ và nhân viên các cấp dưới sự điều hành của Ngài Khai Đạo Giám Đốc và Hữu Phan Quân Phó Giám Đốc. Mong rằng Cơ Quan Phát Thanh càng ngày được phát huy tiến bộ hơn nữa, vì đây là tiếng nói trung thực của Đạo được phát thanh trên Đài Sài Gòn và phóng thanh ở vùng Thánh địa, là điều cao đẹp nhứt về việc truyền bá mối Đạo Cao Đài đến nhơn sanh. Hội Thánh ước mong rằng nhơn sanh nên vì đại nghiệp Đạo mà tô điểm thêm cho Cơ Quan Phát Thanh, cần phải hộ trợ mãi cho được trường tồn, vì nào phải sắm mua máy móc thâu âm tối tân hơn để thay máy cũ đã xài lâu ngày, nào mua băng nhựa, vv . . . để khuếch trương hiệu năng thêm mãi. Hội Thánh để lời kêu gọi toàn đạo, quí ân nhân nên tích cực liên tục hộ trợ tài vật để cho Ban Giám Đốc có đủ ngân quỹ thực hiện những công ích Đạo sự về việc phát thanh lâu bền sau nầy." (Trích BNS Thông Tin số 54)

    Đôi liễn của CQPTPTGLĐĐ:

    機關傳信總合五湖天下事

    發聲敎理共和四海世間情

    Cơ Quan truyền tín tổng hợp ngũ hồ thiên hạ sự,

    Phát Thanh Giáo Lý cộng hòa tứ hải thế gian tình.

    Nghĩa là:

    Cơ quan để truyền bá các tin tức đủ loại, đủ các sự việc của con người khắp nơi,

    Phát thanh ra những bài Giáo lý làm cho tình cảm con người trên khắp thế gian chung hiệp và hòa thuận cùng nhau.

    Đôi liễn nầy do ông Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại đặt ra, dâng lên Ngài Khai Đạo, chuyển qua Ngài Hiến Pháp, được Ngài Hiến Pháp chấp thuận, cho cẩn nơi cổng trước Cơ Quan.

    Ghi lại mấy ngày quan trọng:

    ■ Ngày 23-11-Ất Tỵ (dl 15-12-1965): Phiên họp của Hội Thánh Lưỡng Đài quyết nghị giao cho Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi thành lập CQPTPTGL.

    ■ Ngày Thứ hai 5-5-Đinh Mùi (dl 12-6-1967): CQPTPTGL gởi cuốn băng ghi âm đầu tiên cho Đài Phát Thanh Sài Gòn để xem xét, đến chiều ngày Thứ tư 14-6-1967 thì cho phát thanh lúc 6 giờ 30 phút đến 7 giờ. Kể từ ngày nầy, trên Đài Phát Thanh Sài Gòn đều có phát thanh Giáo lý Cao Đài vào mỗi chiều Thứ tư trong giờ nói trên.

    ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • PHĂN

    A: To hold the clue.

    P: Tenir le bout du fil.

    Phăn là lần dò để tìm đầu mối mở ra.

    Xưa viết là Phăn, nay viết là Phăng, cả hai đều đúng.

    TNHT: Mối Đạo Thầy đưa cho các con phăn đầu hết.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • PHẨM

    PHẨM: 品 Tính chất tốt xấu, thứ bậc chức sắc, tư cách, từng cái hay từng loại.

    Td: Phẩm cũ, Phẩm tước, Phẩm vật.

     

  • Phẩm cũ ngôi xưa

    A: The ancient grade.

    P: Le grade ancien.

    Phẩm: Tính chất tốt xấu, thứ bậc chức sắc, tư cách, từng cái hay từng loại. Ngôi: chổ ngồi của người có chức vị.

    Phẩm cũ ngôi xưa là phẩm tước và ngôi vị nơi cõi thiêng liêng có được trước khi đầu kiếp xuống cõi trần.

    TNHT: Căn xưa quả cũ đã trả vẹn thì con đường đạo đức tất là nấc thang dìu đến phẩm cũ ngôi xưa.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phẩm cựu

    品舊

    Phẩm: Tính chất tốt xấu, thứ bậc chức sắc, tư cách, từng cái hay từng loại. Cựu: xưa cũ.

    Phẩm cựu là phẩm bực cũ nơi cõi thiêng liêng.

    TNHT: TƯƠNG đây, công cán chẳng chi mà còn đặng địa vị nầy, huống lựa là mấy anh độ rỗi toàn cả cửu nhị nguyên nhơn thì phẩm cựu sẽ đặng trổi thêm thế nào.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phẩm phục

    品服

    A: Uniform of dignitaries.

    P: Uniforme des dignitaires.

    Phẩm: Tính chất tốt xấu, thứ bậc chức sắc, tư cách, từng cái hay từng loại. Phục: y phục, quần áo.

    Phẩm phục là y phục của Chức sắc tùy theo phẩm cấp.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phẩm trật Thiên vị - Quỉ vị

    品秩天位

    A: The heavenly classes - The hierarchy of Satan.

    P: Les classes célestes - La hiérarchie de Satan.

    Phẩm: Tính chất tốt xấu, thứ bậc chức sắc, tư cách, từng cái hay từng loại. Trật: thứ tự, trật tự. Vị: ngôi vị, địa vị.

    Phẩm trật: phẩm tước cao thấp.

    Thiên vị: ngôi vị nơi cõi Trời, tức là ngôi vị Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi cõi TLHS.

    Quỉ vị: các tước vị nơi cõi của Chúa quỉ.

    TNHT: Các con coi đó thì đủ hiểu, các phẩm trật của các con nó nhiều là dường nào, song ấy là phẩm trật Thiên vị.

    Còn phẩm trật Quỉ vị cũng như thế đấy, nó cũng noi....

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

     

  • Phẩm tước

    品爵

    A: The classes of dignity.

    P: Les classes de dignité.

    Phẩm: Tính chất tốt xấu, thứ bậc chức sắc, tư cách, từng cái hay từng loại. Tước: danh vị cao quí được vua phong thưởng cho bề tôi có công với quốc gia.

    Phẩm tước là thứ bậc các chức tước do vua phong thưởng cho những bề tôi có công lao đối với dân với nước.

    TNHT: Phẩm tước là sự tổng hợp các chức tước đã bày ra để quyến rũ người, hoặc ít hoặc nhiều.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phẩm vật

    品物

    A: Article.

    P: Article.

    Phẩm: Tính chất tốt xấu, thứ bậc chức sắc, tư cách, từng cái hay từng loại. Vật: đồ vật.

    Phẩm vật là các thứ đồ vật.

    Phẩm vật để dâng cúng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng trong Đạo Cao Đài gồm các thứ như sau: Nhang, Đèn, Hoa, Rượu, Trà, Trái cây, nước thiên nhiên.

     

  • Phẩm vị

    品位

    A: The dignity.

    P: La dignité.

    Phẩm: Tính chất tốt xấu, thứ bậc chức sắc, tư cách, từng cái hay từng loại. Vị: địa vị.

    Phẩm vị là phẩm tước và địa vị.

    TNHT: Cái phẩm vị của các con buộc phải tái sanh nhiều kiếp mới đến địa vị tối thượng mình là nơi Niết Bàn.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • PHÂN

    1. PHÂN: 分 Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch.

    Td: Phân biện, Phân giải, Phân tâm.

    2. PHÂN: 芬 Mùi thơm.

    Td: Phân phương.

    3. PHÂN: 紛 Bối rối.

    Td: Phân vân.

     

  • Phân biện

    分辯

    A: To discern.

    P: Discerner.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Biện: tranh luận điều phải trái.

    Phân biện là chia riêng ra mà bàn luận cho rõ ràng.

     

  • Phân cam cộng khổ

    分甘共苦

    A: To divide sweetness and bitterness.

    P: Partager douceur et amertume.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Cam: ngọt. Cộng: cùng chung. Khổ: đắng.

    Phân cam cộng khổ là chia ngọt và cùng chung chịu đắng.

    Ý nói: thương yêu đoàn kết gắn bó với nhau, sướng khổ đều cùng chung chia sớt.

     

  • Phân giải

    分解

    A: To make clear.

    P: Éclaircir.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Giải: trình bày cho rõ ra.

    Phân giải là nói rõ từng phần của vấn đề cho sáng tỏ.

    TNHT: Nên Thầy không giáng cơ mà phân giải lại nữa.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phân hóa

    分化

    A: To analyse.

    P: Analyser.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Hóa: biến hóa, thay đổi.

    Phân hóa là phân chia ra và biến hóa nên không còn giữ được nguyên thể.

     

  • Phân phiền

    分煩

    A: To complain.

    P: Se plaindre.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Phiền: buồn bực.

    Phân phiền là bày tỏ sự buồn phiền.

    CG PCT: Hộ Pháp có để lời phân phiền cùng Thầy....

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Phân phương

    芬芳

    A: Perfumed.

    P: Parfumé.

    Phân: Mùi thơm. Phương: thơm.

    Phân phương là thơm tho.

     

  • Phân quyền

    分權

    A: Decentralisation of powers.

    P: Décentralisation des pouvoirs.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Quyền: quyền hành.

    Phân quyền là phân chia quyền hành cho rõ ràng và hợp lý để khi làm việc khỏi dẫm chân lên nhau.

    BĐNĐ: Chánh Phối Sư nam phái hành chánh riêng nam, Chánh Phối Sư nữ phái hành chánh về nữ, nam nữ phân quyền.

    BÐNÐ: Bát Ðạo Nghị Ðịnh.

     

  • Phân rành

    A: To explain clearly.

    P: Expliquer clairement.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Rành: rành rẽ rõ ràng.

    Phân rành là giải thích rõ ràng tách bạch.

    TNHT: Lão muốn Hiền hữu phải chịu nhọc mà phân rành về việc ấy cho chư Đạo hữu.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phân tánh giáng sanh

    分性降生

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Tánh: Tánh là thể hiện của Tâm. Tâm là chơn linh thì Tánh là chơn thần. Giáng sanh: đi xuống cõi trần để đầu thai, sanh ra làm một người nơi cõi trần.

    Phân tánh giáng sanh là chiết chơn thần giáng sanh xuống cõi trần.

    Khi chiết chơn thần thì cũng phải chiết chơn linh, bởi vì chơn linh và chơn thần không thể tách rời được, mà nếu tách rời thì phải bị tiêu diệt.

    Kinh Tiên giáo: Nhị ngoạt thập ngũ, phân tánh giáng sanh. Nghĩa là: Tháng hai ngày 15, chiết chơn linh và chơn thần giáng sanh xuống cõi trần. Đó là Đức Thái Thượng Đạo Tổ chiết chơn linh giáng sanh xuống cõi trần là Đức Lão Tử.

     

  • Phân tâm

    分心

    A: The divided spirit.

    P: L'esprit partagé.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Tâm: lòng dạ.

    Phân tâm là lòng dạ bị chia cắt, không tập trung được vì lo nghĩ nhiều việc dồn dập cùng một lúc.

    Khi bị phân tâm thì mất sáng suốt, hay lưỡng lự.

    ■ Phân tâm còn có nghĩa là phân tích các hiện tượng tâm lý để chữa các chứng bịnh Nhiễu tâm. Khoa nầy gọi là Phân tâm học (Psychanalyse). Phân tâm học là một học thuyết do Freud đề xướng, hệ thống hóa một số khái niệm lý giải cơ cấu cơ chế tâm lý của con người. Các đồ đệ của Freud phát triển thêm thành một số trường phái, nhưng hệ thống khái niệm cơ bản vẫn giữ nguyên. Từ những khái niệm tâm lý ấy, Freud và đồ đệ suy rộng ra tìm cách lý giải các hiện tượng xã hội.

     

  • Phân thân

    分身

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Thân: thân mình.

    Phân thân là chia thân mình ra thành hai người.

    Đối với người phàm thì việc phân thân không thể xảy ra được, đây chỉ là nói ví dụ mà thôi.

    TNHT: Phân thân đâu đặng hưởng hai bên.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phân trần

    分陳

    A: To expose.

    P: Exposer.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Trần: bày tỏ, trình bày.

    Phân trần là phân tích và trình bày mọi nỗi để mọi người biết rõ mà thanh minh cho mình.

     

  • Phân vân

    紛紜

    A: Undecided.

    P: Indécis.

    Phân: Bối rối. Vân: rối loạn.

    Phân vân là bối rối, nghi ngờ, không thể quyết định.

    TNHT: Đòi lúc phân vân, đời vẫn thế.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phân xử

    分處

    A: To judge.

    P: Juger.

    Phân: Chia ra, một phần, bày tỏ tách bạch. Xử: quyết đoán.

    Phân xử là phân tách và quyết đoán một vụ phạm pháp hay một vụ tranh chấp.

    TL: Điều 29: Chư Chức sắc, ai có phạm luật pháp trong Đạo thì đem trước Tòa Tam Giáo phân xử.

    TL: Tân Luật.

     

  • PHẦN

    1. PHẦN: 分 Số phận.

    Td: Phần phước.

    2. PHẦN: 焚 Đốt cháy.

    Td: Phần chúc, - hương.

    3. PHẦN: 墳 Cái gò mả.

    Td: Phần mộ.

     

  • Phần chúc

    焚祝

    A: To burn the petition.

    P: Brûler la pétition.

    Phần: Đốt cháy. Chúc: bài văn tế, ở đây chỉ bài văn sớ.

    Phần chúc là đốt sớ văn.

    Đây là câu xướng của Lễ sĩ sau khi đọc xong sớ văn, để cho vị Chức sắc chứng đàn đốt sớ.

    Lúc trước câu xướng nầy là: Phần sớ (đốt sớ), sau đổi lại là: Phần chúc, và ngày nay đổi lại là: Cung phần sớ văn: cung kính đốt bài văn sớ.

     

  • Phần hương

    焚香

    A: To burn incenses.

    P: Brûler les encens.

    Phần: Đốt cháy. Hương: cây nhang.

    Phần hương là đốt nhang.

    Đây là câu xướng của Lễ sĩ để cho vị Chức sắc quì ở ngoại nghi đốt nhang và đốt trầm, rồi trao cho Lễ sĩ điện dâng vào nội nghi.

     

  • Phần mộ

    墳墓

    A: The tomb.

    P: Le tombeau.

    Phần: Cái gò mả. Mộ: cái mả.

    Phần mộ hay mộ phần là mồ mả.

     

  • Phần phước

    分福

    A: The destiny.

    P: La destinée.

    Phần: Số phận. Phước: điều may mắn tốt lành.

    Phần phước là số phận của mỗi người do phước đức của người đó định đoạt.

    TNHT: Cân công quả sẽ vì phần phước mà định buổi chung qui cho mỗi đứa.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phần thư khanh nho

    焚書坑儒

    A: To burn the classics and to bury the scholars.

    P: Brûler les classiques et enterrer les lettrés.

    Phần: Đốt cháy. Thư: kinh sách. Khanh: chôn xuống đất. Nho: nho sĩ, người học thức theo đạo Nho.

    Phần thư khanh nho là đốt sách chôn nho sĩ.

    Thành ngữ nầy dùng để chỉ thời đại vua Tần Thủy Hoàng đã gây một tội ác ghê gớm là ra lịnh đốt tất cả kinh sách của Thánh Hiền đời trước và bắt các nhà nho không theo nhà Tần đem chôn sống.

    Tần Thủy Hoàng thấy những nho sĩ đương thời còn mến chế độ cũ, bất bình chế độ mới của nhà Tần, nên ra lịnh tịch thu tất cả các sách và kinh điển của các đời trước đem đốt hết. Sau đó, Tần Thủy Hoàng bị các nhà nho ở Hàm Dương phê bình, nên Thủy Hoàng bắt 460 nhà nho chôn sống để răn chúng.

     

  • PHẤN

    PHẤN: 奮 Gắng sức, hăng hái tiến lên.

    Td: Phấn chấn, Phấn tâm.

     

  • Phấn chấn

    奮震

    A: To feel enthusiastic.

    P: S'enthousiasmer.

    Phấn: Gắng sức, hăng hái tiến lên. Chấn: rung động.

    Phấn chấn là hăng hái, hứng khởi.

    TNHT: Lo lắng phải ra tươi cười, mỏi mòn thành phấn chấn.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phấn chí

    奮志

    A: The enthusiasm.

    P: L'enthousiasme.

    Phấn: Gắng sức, hăng hái tiến lên. Chí: ý chí, lòng mong muốn.

    Phấn chí là ý chí hăng hái, phấn khởi.

    TNHT: Nếu các con phấn chí về Đạo thì ngày đạt....

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phấn tâm

    奮心

    A: To be ardent.

    P: Être ardent.

    Phấn: Gắng sức, hăng hái tiến lên. Tâm: lòng dạ.

    Phấn tâm là lòng dạ hăng hái phấn khởi.

    ĐLMD: Hầu nâng đỡ cho nhau đặng phấn tâm lo Đạo.

    ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

     

  • PHẬN

    PHẬN: 分 Số phận của mỗi người, một phần.

    Td: Phận bạc, Phận Đạo, Phận sự.

     

  • Phận bạc

    分薄

    A: Unhappy lot.

    P: Sort malheureux.

    Phận: Số phận của mỗi người, một phần. Bạc: mỏng.

    Phận bạc là số phận mỏng manh, bạc bẽo.

    Thường nói: Phận sao phận bạc như vôi: số phận của người phụ nữ gặp cảnh éo le, gian truân vất vả.

    KTCMĐQL: Thon von phận bạc không vừa hiếu thân.

    KTCMÐQL: Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu.

     

  • Phận Đạo

    分道

    A: The parish.

    P: La paroisse.

    Phận: Số phận của mỗi người, một phần. Đạo: tôn giáo.

    Phận Đạo là một khu vực đất đai thuộc Châu Thành Thánh Địa, có số tín đồ tương đương với một Tộc Đạo.

    Chỉ có Châu Thành Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh mới được chia ra thành Phận Đạo, còn các nơi khác thì gọi là Tộc Đạo hay Họ Đạo.

    Về phương diện Hành Chánh Đạo, Phận Đạo tương đương với một Tộc Đạo, có một vị Lễ Sanh đứng đầu gọi là Đầu Phận Đạo. (Xem: Châu Thành Thánh Địa, vần Ch)

     

  • Phận sự

    分事

    A: Duty.

    P: Devoir.

    Phận: Số phận của mỗi người, một phần. Sự: việc.

    Phận sự là phần việc của mỗi người phải làm.

     

  • Phất chủ - Phất trần

    拂麈 - 拂塵

    A: The dust-brush of the immortals.

    P: L' époussette des immortels.

    Phất: quét. Chủ: con chủ, giống như con nai. Trần: bụi.

    Phất chủ là cây chổi quét bụi, làm bằng lông đuôi con chủ.

    Phất trần là cây chổi để quét bụi.

    Phất chủ hay Phất trần, đều đồng nghĩa, là cây chổi quét bụi của các vị Tiên, được làm bằng lông đuôi con chủ.

    Con chủ là một con thú thuộc loài nai, hình dáng giống như con hươu mà lớn hơn. Con chủ có lông đuôi rất dài, phết đất, khi đi thì cái đuôi phẩy qua phẩy lại để quét bụi.

    Thông thường thì con chủ đi trước, đàn hươu nai đi sau, đuôi con chủ đi đến đâu thì quét sạch bụi đến đó.

    Do đó, người xưa dùng đuôi con chủ làm cây chổi quét bụi, nên gọi là Phất chủ hay Phất trần.

    Trong Truyện Tam Quốc, sau khi Quan Vân Trường bị Tôn Quyền ra lịnh xử trảm, lấy đầu đựng vào hộp gởi qua Tào Tháo, hồn Vân Trường bay phưởng phất trên đỉnh núi Ngọc Tuyền, đòi trả đầu lại.

    Phổ Tịnh Thiền Sư lấy đuôi chủ gõ vào cửa để gọi hồn Vân Trường. Hồn Vân Trường liền đáp xuống, đến ra mắt.

    Phổ Tịnh nói: - Ai trả đầu cho ông thợ rèn cây Thanh Long đao? Ai trả đầu cho Nhan Lương, Văn Xủ? Ai trả đầu cho lục tướng ở ngũ quan? Mà ngày nay Vân Trường đòi đầu?

    Quan Vân Trường liền tỉnh ngộ, và sau đó hiển Thánh.

    Các vị Tiên thường dùng Phất chủ hay Phất trần để quét bụi, nhưng đây là cây chổi Tiên có phép huyền diệu (Chổi Tiên quét sạch nợ nần oan gia) dùng quét sạch các thứ bụi trần bám vào che lấp cái Tâm, để Tâm được trong sạch sáng tỏ.

    Do đó, Phất chủ là một bửu bối của Tiên gia. Đức Thái Thượng Đạo Tổ là Tổ Sư của Đạo Tiên, lúc nào cũng cầm cây Phất chủ.

    Đạo Cao Đài chọn cây Phất chủ làm cổ pháp tượng trưng Tiên giáo.

    Theo Bí pháp, Phất chủ kết tụ điển khí của thất bảo DTC, dùng để trau sửa chơn thần cho tinh khiết.

    PMCK:

    Xuân Thu, Phất chủ, Bát vu,

    Hiệp qui Tam giáo hữu cầu chí chơn.

    KCBCTBCHĐQL:

    Tiên phong phủi ngọn Phất trần,

    Liên đài đỡ gót đến gần Tây phương.

    DTC: Diêu Trì Cung.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

    KCBCTBCHÐQL: Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu.

     

  • PHẬT

    A: Buddha.

    P: Bouddha.

    Tiếng Phạn là Buddha, phiên âm ra là: Phật-đà, Phù-đồ,..., gọi tắt là Phật, dịch nghĩa ra Hán văn là: Giác, Trí.

    Chữ Giác có 2 trường hợp: Giác sát và Giác ngộ.

    Hiểu biết suy xét về sự phiền não khiến nó không gây ra tác hại nữa, như đời biết nó là giặc, nên gọi là Giác sát. Đó cũng gọi là Nhất thiết trí.

    Hiểu rõ sự lý của chư pháp, rõ ràng rành mạch như người tỉnh giấc mơ thì gọi là Giác ngộ. Đó là Nhất thiết chủng trí.

    Tự giác rồi mới có thể giác tha, tự giác và giác tha cùng viên mãn thì gọi là Phật. Người biết tự giác là đã khác với phàm phu, người đã biết giác tha là đã hơn được nhị thừa, người mà tự giác giác tha viên mãn thì đã hơn bực Bồ Tát. Vì sao vậy? Vì rằng phàm phu không biết tự giác, nhị thừa tuy tự giác nhưng chưa tu hành giác tha, Bồ Tát thì đủ cả tự giác giác tha nhưng tu hành chưa viên mãn. Lại nữa, Phật là người có đủ 2 trí, nắm biết được tất cả chư pháp, hiểu rõ phân minh. (Theo Tự Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội Phật giáo VN)

     

  • Phật cốt

    佛骨

    A: The buddhic trait.

    P: L'ossature bouddhique.

    Cốt: cốt cách, dáng điệu.

    Phật cốt là cốt cách như Phật, tức là hình thể vóc dáng thanh thoát như Phật.

    KHH: Rõ ràng Phật cốt Tiên duyên.

    KHH: Kinh Hạ Huyệt.

     

  • Phật đài

    佛臺

    A: Buddhist altar.

    P: Autel de Bouddha.

    Đài: nơi xây cất cao lên.

    Phật đài là cái đài cao trên đó có đặt tượng Phật.

    Phật đài cũng là bàn thờ Phật, có đặt tượng Phật để thờ.

     

  • Phật đản

    佛誕

    A: Buddha 's birthday.

    P: Jour de la naissance du Bouddha.

    Đản: nuôi, nay gọi ngày sanh là Đản nhựt.

    Phật đản là ngày sinh của Đức Phật.

    Lễ Phật đản là lễ kỷ niệm ngày sanh của Đức Phật.

    Khi xưa, Lễ Phật đản của Đức Phật Thích Ca là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, nhưng về sau, Đại hội Phật giáo Thế giới lần 2 họp tại Đông Kinh (Nhựt Bổn) năm 1952, đổi lại là ngày trăng tròn: ngày 15 tháng 4 âm lịch. Giáo hội Phật giáo VN nay làm lễ Phật đản vào ngày 15 tháng 4 nầy. Năm giáng sanh ấy của Đức Phật ứng với năm 644 trước Chúa Giáng sinh.

    Đạo Cao Đài vẫn giữ theo xưa, cử hành Đại lễ Vía Đức Phật Thích Ca vào giờ Tý ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch.

     

  • Phật độ

    佛土

    A: Land of Buddha.

    P: Terre de Bouddha.

    Độ: Thổ: đất. Trong Phật giáo, khi chữ THỔ có nghĩa là cõi đất thì đọc là ĐỘ.

    Phật độ là cõi Phật, là cõi mà Phật lãnh trách nhiệm giáo hóa chúng sanh, nên cũng kêu là: Phật quốc, Phật địa,....

    Phật độ có hai thứ: Uế độ và Tịnh độ.

    - Uế độ 穢土: là cõi thế có đủ 5 thứ ô trược. Cõi Ta bà thế giới của Đức Phật Thích Ca giáo hóa là một Uế độ.

    - Tịnh độ 淨土: hay Thanh tịnh độ là cõi Phật rất trong sạch, nơi ấy dùng tài thuyết pháp và sức linh mà giáo hóa những nhà tu hành thanh tịnh. Cõi Cực Lạc Thế Giới của Đức Phật A-Di-Đà là một Tịnh độ.

     

  • Phật giả vô ngôn

    佛者無言

    Giả: ấy là. Vô: không. Ngôn: nói, lời nói.

    Phật giả vô ngôn: Phật không có nói.

    TNHT: Ta hằng nghe chúng sanh nói: "Phật giả vô ngôn"! Nay nhứt định lấy huyền diệu mà giáo đạo chớ không giáng sanh nữa, đặng chuyển Phật giáo lại cho hoàn toàn.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phật giáo

    佛敎

    A: Buddhism.

    P: Bouddhisme.

    Giáo: dạy, tôn giáo.

    Phật giáo là những điều dạy bảo của Phật tạo thành một giáo pháp có hệ thống để dạy dỗ nhơn sanh. Đó là một nền triết học về đạo đức rất cao siêu, dạy nhơn sanh tự tỉnh, tự ngộ, tự giác, để cuối cùng thì thành Phật.

    Hiện nay, khi nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay là một tôn giáo do Đức Phật Thích Ca mở ra và làm giáo chủ.

    Trước thời Đức Phật Thích Ca thì đã có Phật giáo rồi. Đó là Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng trần mở đạo. Đến thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Thái Tử Sĩ Đạt Ta tu thiền định dưới cội Bồ đề, đắc thành Phật, xưng hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài khởi thuyết pháp dạy dỗ chư môn đệ, mở ra Phật giáo, truyền đến ngày nay.

    Phật giáo là tôn giáo lớn có số tín đồ rất đông đảo trên thế giới, truyền bá ở các nước Á Đông như: Ấn Độ, Trung Hoa, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhựt Bổn, Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, Cao Miên, Việt Nam,.... Tổng số tín đồ Phật giáo trên thế giới ước lượng 300 triệu người.

     

  • Phật lịch

    佛曆

    A: Buddhic calendar.

    P: Le calendrier bouddhique.

    Lịch: phương pháp tính năm, tháng, ngày.

    Phật lịch là niên lịch của Phật giáo.

    Theo qui ước của Tổng Hội Phật giáo Thế giới thì Phật lịch không căn cứ trên năm giáng sanh của Đức Phật Thích Ca, mà căn cứ trên năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn, lấy năm ấy khởi đầu cho Phật lịch, tức là lấy năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn làm kỷ nguyên Phật lịch.

    Khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Đức Phật thọ 80 tuổi.

    Năm Đức Phật Thích Ca giáng sanh là năm 644 trước Chúa Giáng sanh, như vậy năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn ứng với năm: 644 - 80 = 544 trước Chúa Giáng sanh.

    Năm 544 trước Chúa Giáng Sanh được lấy làm kỷ nguyên Phật lịch. Vậy công thức tính Phật lịch là:

    Phật lịch = Tây lịch + 544

    Td: Năm 1926 tương ứng với Phật lịch: 2470

    Năm 1974 tương ứng với Phật lịch: 2518

    Năm 2001 tương ứng với Phật lịch: 2545

     

  • Phật Mẫu

    (Xem: Cửu Thiên Huyền Nữ, vần C

    và Diêu Trì Kim Mẫu, vần D)

     

  • Phật môn

    佛門

    A: The pagoda.

    P: La pagode.

    Phật môn là cửa Phật, tức cửa chùa, chùa Phật.

     

  • Phật pháp

    佛法

    A: The doctrine of Buddha.

    P: La doctrine de Bouddha.

    Pháp: giáo lý của một nền tôn giáo.

    Theo Hán tự, chữ Pháp 法 gồm bộ Thủy 氵 và chữ Khứ 去 Chữ Thủy là nước, hợp với chữ Khứ là đi, ý nói dòng nước cứ mãi mãi trôi đi từ nơi nầy đến nơi khác, trong thời gian vô tận. Do đó, chữ Pháp có tánh chất biến đổi không ngừng, theo không gian và thời gian.

    Phật pháp là giáo lý của Đức Phật Thích Ca.

    Giáo lý nầy gồm: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập nhị Nhân duyên, cùng với những Giới luật, được ghi chép đầy đủ trong Tam Tạng Kinh.

    Tam Tạng Kinh không do Đức Phật Thích Ca viết ra, mà do 500 vị A-La-Hán, đệ tử của Đức Phật, kết tập giáo pháp của Phật dưới sự chủ tọa của Nhứt Tổ Ma Ha Ca Diếp, lập thành ba tạng kinh, gọi là Tam Tạng Kinh:

    · Kinh Tạng ghi chép lại những lời Phật thuyết.

    · Kinh Luật ghi chép những giới luật do Đức Phật chế định làm khuôn phép tu học và sanh hoạt cho tăng chúng.

    · Tạng Luận ghi chép tất cả những bài do các Luận sư trình bày, giải thích giáo lý của Phật một cách có hệ thống.

     

  • Phật pháp bất ly thế gian pháp

    佛法不離世間法

    Phật pháp: (đã giải thích bên trên).

    Thế gian pháp: Các pháp của thế gian. (chữ Pháp nầy nằm trong nghĩa tổng quát). Đó là những sự nghiệp giả tạm nơi cõi thế gian như: sự nghiệp làm quan, sự nghiệp kinh doanh, để mưu cầu đời sống vật chất được đầy đủ.

    Thế gian pháp cũng là các ý thức và dục vọng của con người. Do đó, thế gian pháp có mục đích đưa con người xu hướng theo vật chất, để cuối cùng bị sa đọa vào vòng luân hồi.

    Phật pháp thì có mục đích ngược lại, đưa con người thoát khỏi vòng luân hồi, lên cõi Cực Lạc Niết Bàn.

    Cho nên, Phật pháp luôn luôn kềm giữ Thế gian pháp, để vạn pháp thế gian biến đổi và diễn tiến theo chiều hướng tấn hóa đi lên, thuận theo dòng tiến hóa của CKVT.

    Phật pháp và Thế gian pháp không thể tách rời nhau. Phật pháp mà tách khỏi Thế gian pháp thì Phật pháp mất mục đích và không còn ý nghĩa chi cả. Còn Thế gian pháp mà tách rời khỏi Phật pháp, không có Phật pháp hướng dẫn thì nó đi đến chỗ diệt vong.

    Nhờ Phật pháp mà các sự nghiệp vật chất được tạo nên bởi Chánh nghiệp, Chánh ngôn, để vừa lo cho mình, vừa phụng sự nhơn sanh. Ý thức dục vọng của con người nhờ nương theo Phật pháp mà trở nên Thánh thiện, làm cho Đời trở nên an lạc.

    Như vậy, Phật pháp phải dung hòa cùng Thế gian pháp để tạo thành lẽ Trung Nhứt trong Đạo Trời.

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

     

  • Phật Pháp Tăng

    佛法僧

    A: Buddha - Doctrine - Community of monks.

    P: Bouddha - Doctrine - Communauté des bonzes.

    1. Giải thích theo Phật giáo:

    Phật là chỉ Đức Phật Thích Ca.

    Pháp là giáo lý của Phật, Đức Phật Thích Ca thuyết giảng giáo lý nầy để cứu độ chúng sanh.

    Tăng là những người tin theo giáo lý của Phật và qui y theo Phật, chuyên tâm lo việc tu hành.

    Phật Pháp Tăng là Tam bảo của Phật giáo. Ba ngôi nầy có công đức rất to lớn, vì có thể độ cho chúng sanh dứt khổ, giải thoát khỏi phiền não và luân hồi.

    Người tu học đạo Phật, xuất gia hay tại gia, trọn đời phải tôn kính và tin tưởng Tam bảo: Phật Pháp Tăng.

    2. Giải thích theo Đạo Cao Đài:

    Khi cúng Đức Chí Tôn, trước hết chúng ta phải chấp tay bắt ấn Tý, đặt lên trán, lấy dấu niệm: Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng, rồi mới đặt ấn Tý xuống ngực niệm: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

    Ý nghĩa của việc niệm: Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng được Đức Chí Tôn giảng dạy trong TNHT như sau đây:

    TNHT: "Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói, một chơn thần mà biến CKTG và cả nhơn loại.

    Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.

    Các con là chư Phật, chư Phật là các con.

    Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Thầy khai Bát quái mà tác thành CKTG nên mới gọi là PHÁP. Pháp có mới sanh ra CKVV rồi mới có người nên gọi là TĂNG.

    Thầy là PHẬT, chủ cả PHÁP và TĂNG lập thành các đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy."

    Qua bài Thánh ngôn trên của Đức Chí Tôn, chúng ta hiểu rằng:

    · Phật là Đức Chí Tôn. (Thầy là Phật)

    · Pháp là các phép biến hóa huyền diệu của Đức Chí Tôn để tạo thành CKVT và vạn vật.

    · Tăng là chỉ toàn thể nhơn loại là con cái của Chí Tôn.

    Như vậy, niệm Phật Pháp Tăng là niệm Đức Chí Tôn, trong sự minh triết: Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ, là Đấng Tạo hóa CKVT và vạn vật.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

    CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

     

  • Phật quốc

    佛國

    A: Buddhic kingdom.

    P: Royaume Bouddhique.

    Phật: Đức Phật. Quốc: nước, xứ.

    Phật quốc có hai nghĩa:

    1. Phật quốc là xứ mà Đức Phật cư ngụ và giáo hóa dân chúng nơi xứ ấy. Nước Thiên Trước (ở phía bắc Ấn Độ) là Phật quốc của Đức Phật Thích Ca.

    2. Phật quốc là cõi mà một vị Phật có nhiệm vụ cai quản và giáo hóa. Cõi CLTG là Phật quốc của Đức Phật A-Di-Đà. Cõi Ta bà thế giới là Phật quốc của Đức Phật Thích Ca.

    CLTG: Cực Lạc Thế giới.

     

  • Phật tánh

    佛性

    A: The nature of Buddha.

    P: La nature de Bouddha.

    Phật: tượng trưng sự giác ngộ, sự lành. Tánh: tánh chất.

    Phật tánh là cái tánh giác ngộ, cái bổn tánh lành, cái mầm lương thiện ở trong mọi người và mọi vật.

    Phật tánh cũng được gọi là Như Lai tánh.

    Trái với Phật tánh là chúng sanh tánh, Phàm tánh.

    Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.

    Nhờ cái Tánh giác ngộ ấy, cái bổn tánh lành ấy, chúng sanh công nhận và thấu đạt luật Nhân quả, hiểu cái thể tự nhiên của mình đồng với Phật.

    Cái Phật tánh ở nơi ta là tấn chớ không phải thối, tích chớ không phải tiêu. Nó lướt tới mãi, nó làm cho cảnh trần càng đẹp càng thuần, nó đưa lần mọi vật đến gần cái tuyệt đẹp tuyệt cao, tuyệt diệu tuyệt sáng.

    Mỗi vật đều có chứa nơi mình cái Phật tánh, dầu cho vật nào đê hạ tới đâu cũng có hy vọng thành Phật được. Không bỏ mạng nào, không đày ai, không một vật nào bị sa thải hết.

    Trong Pháp Bảo Đàn Kinh:

    - Huệ Năng nói với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn: Con người tuy có phân Nam Bắc, chớ Phật tánh vốn không Nam Bắc. Cái thân dã man nầy đối với Tổ sư, tuy chẳng giống nhau chớ cái Tánh Phật nào có khác.

    - Dầu kẻ ngu, dầu người trí, cũng đều có Phật tánh như nhau, chỉ tại sự mê và ngộ chẳng đồng đó thôi. Cho nên mới có kẻ ngu người trí.

    Phật tánh cũng tức là Chơn như, cái tánh chơn thật hằng có, không biến cải, chẳng sanh chẳng diệt. Song với kẻ ngu, vì bị nhiều sở dục và bị nhiều nghiệp chướng ngăn bít nên cái Phật tánh phải lu lờ. Còn đối với người trí, ít tham ít dục, mộ việc tu hành, nên cái Phật tánh tỏ rạng, biết cái quấy mà tránh, biết lẽ phải mà theo. (Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn T. Còn)

    Nho giáo gọi Phật tánh là cái tánh bổn thiện: Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện. Đó chính là cái Thiên lương hay Thiên tánh, cũng gọi là Lương tri Lương năng, mà ai ai cũng đều có như nhau. Quân tử hay Tiểu nhân đều có cái tánh bổn thiện như nhau. Cái tánh bổn thiện ấy cũng được gọi là Minh đức.

    Cho nên trong sách Đại học dạy câu đầu tiên là: Đại học chi đạo tại minh Minh đức, nghĩa là: cái đạo đại học là ở nơi làm sáng cái Minh đức. Cái Minh đức mà tỏ rạng là bậc quân tử, cái Minh đức mà bị ngăn bít tối tăm là kẻ tiểu nhân.

    Nhờ có Phật tánh hay Minh đức là mọi người đều có thể trở thành bực Thánh nhân nếu biết lập công tu luyện.

    PMCK: Phục nguyên nhơn huờn tồn Phật tánh.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • Phật tâm

    佛心

    A: The buddhic heart.

    P: Le coeur bouddhique.

    Phật tâm là cái tâm giống như Phật, tức là tấm lòng từ bi giống như Phật.

    Phật tâm đồng nghĩa Thánh tâm, trái lại là Phàm tâm.

    Phàm tâm là cái tâm u mê tham dục của người phàm.

    TNHT: Con phải lấy Phật tâm con mà dòm ngó đám sanh linh bị phạt luân hồi chưa dứt.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phật Tổ

    佛祖

    A: The founder of Buddhism.

    P: Le fondateur du Bouddhisme.

    Phật: chỉ Đức Phật Thích Ca. Tổ: người sáng lập một tôn giáo hay một học thuyết, một ngành nghề.

    Phật Tổ là Đức Phật Thích Ca sáng lập ra Phật giáo, và làm Giáo chủ Phật giáo.

    Khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, các vị nối tiếp Đức Phật cầm quyền điều khiển Giáo hội Phật giáo được gọi là Tổ Sư, mà vị Đệ Nhứt Tổ Sư là Ma Ha Ca Diếp. Vị Tổ Sư thứ 28 đem Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung hoa là Bồ Đề Đạt Ma, và Ngài trở thành Sơ Tổ của Phật giáo Trung hoa.

     

  • Phật tông vô giáo

    佛宗無敎

    Tông: cũng đọc là Tôn: tôn giáo. Phật tông là đạo Phật, Phật giáo. Vô: không. Giáo: dạy.

    Phật tông vô giáo là đạo Phật không có dạy.

    TNHT: Dường nầy, từ đây, chư chúng sanh chẳng tu, bị đọa A-Tỳ thì hết nói rằng: Phật tông vô giáo, mà chối tội nữa.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phật tử

    佛子

    Có hai trường hợp sau đây:

    1. Phật tử: A: Buddhist. P: Bouddhiste.

    Phật: Đức Phật. Tử: con, đệ tử .

    Phật tử là đệ tử của Phật. Nói đầy đủ là: Phật môn đệ tử, là học trò của nhà Phật.

    Vậy, Phật tử là những tín đồ nam nữ của Phật giáo.

    Trong Tứ thập nhị chương kinh, có lời Phật dạy:

    "Những Phật tử, tuy cách xa Ta hằng ngàn dặm mà nhớ giữ những Giới luật của Ta, chắc là tu đắc đạo. Còn những người thường ở với Ta, theo bên tả bên hữu, tuy thường thấy Ta mà không thuận theo Giới luật của Ta thì không đắc đạo."

    2. Phật Tử:

    Phật Tử là thầy Phật, tương tợ như: Khổng Tử là thầy Khổng, Mạnh Tử là thầy Mạnh.

    Trong Đạo Cao Đài, Phật Tử là phẩm vị Chức sắc cao nhứt trong Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng của Cơ Quan Phước Thiện, thuộc hàng Phật vị, đối phẩm với Hộ Pháp của HTĐ.

    Dưới phẩm Phật Tử là Tiên Tử, dưới Tiên Tử là Thánh Nhơn, dưới Thánh Nhơn là Hiền Nhơn, v.v....

    Đức Chí Tôn có nói: Kỳ ba nầy, Đức Chí Tôn đến độ rỗi con cái của Ngài lên đến ngang bậc cùng Ngài. Đó là ngôi Phật Tử đó vậy.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

     

  • Phật vị

    佛位

    A: The rank of Buddha.

    P: Le rang de Bouddha.

    Vị: ngôi vị, đẳng cấp.

    Phật vị là ngôi vị Phật, đẳng cấp Phật.

    DLCK: ... ... năng du ta bà thế giới độ tận vạn linh đắc qui Phật vị.

    DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.

     

  • Phật xứ

    佛處

    A: The Buddhic kingdom.

    P: Le royaume Bouddhique.

    Xứ: cõi, miền, vùng đất. Phật: Đức Phật.

    Phật xứ là xứ Phật, đất Phật, cõi Phật, là nơi hoàn toàn an vui hạnh phúc. Đó là cõi Cực Lạc Thế Giới.

    PMCK: Tiên cung, Phật xứ, Cao Đài xướng danh.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • PHÉP

    1. PHÉP: Luật pháp.

    Td: Phép công.

    2. PHÉP: Phép thuật huyền diệu, vẽ bùa bắt ấn.

    Td: Phép lành, Phép linh, Phép xác.

    3. PHÉP: Phương pháp, cách thức.

    Td: Phép tu vi.

     

  • Phép công

    A: The laws of justice.

    P: Lois de justice.

    Phép: Luật pháp. Công: công bình.

    Phép công là pháp luật công bình.

    TNHT: Ví biết phép công cơ thưởng phạt.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phép huyền hư

    A: Mysterious method.

    P: Méthode mystérieuse.

    Phép: Phương pháp, cách thức. Huyền: huyền diệu. Hư: trống không nhưng rất mầu nhiệm. Huyền hư là mầu nhiệm.

    Phép huyền hư là phương pháp tu luyện mầu nhiệm.

    GTK:

    Xin xót thương con người ngây dại,

    Phép huyền hư truyền dạy thế gian.

    GTK: Giới Tâm Kinh.

     

  • Phép lành

    A: Sacrament of benediction.

    P: Sacrement de bénédiction.

    Phép: Phép thuật huyền diệu, vẽ bùa bắt ấn. Lành: ý nói điển lành (thanh điển).

    Phép lành là phép bí tích ban điển lành cho những môn đệ của Đức Chí Tôn.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Kim Biên, có thuật lại bí tích Ban Phép lành mà Đức Ngài học hỏi nơi Đức Chí Tôn, trích trong Bán Nguyệt San Thông Tin Xuân Quí Sửu (1973):

    "Đêm nay là khởi đầu Tết, tức nhiên cả thảy chúng ta đều thêm một tuổi, gọi là năm mới, Bần đạo giảng có chuyện vui lắm, nghe tức cười lắm, nên dặn đi cho đông đặng nghe việc Bần đạo học Bí pháp của Đức Chí Tôn truyền năm Bính Dần.

    Rằm tháng 10 năm Bính Dần là năm mà Đức Chí Tôn đến đặng khai đạo tại Từ Lâm Tự, tức là chùa Gò Kén, rằm tháng 10 Bính Dần mở đạo đến Tết Đinh Mão, đêm 30, có lẽ khi cũng giờ nầy, cúng đàn rồi, thì Đức Chí Tôn giáng cơ.

    Bần đạo và anh Cao Thượng Phẩm phò loan cho Đức Chí Tôn đến. Đến rồi, vừa ký tên của Ngài (ký đặc biệt) cho chúng tôi hiểu. Ngài xách hai đứa đứng dậy hết, không biết làm gì, xô ra chính giữa, rồi viết trên không vậy, đoạn biểu cả con cái của Ngài đều chun ngang dưới cơ đó hết đặng Ngài ban Phép lành. Khi xong, hai đứa đứng dậy, mỗi người đều chun dưới cơ vậy hết. Hễ chun qua, Ngài vẽ gì đó không biết trên đầu mỗi người. Đó là cái huyền bí của Đại Từ Phụ, mình không hiểu gì hết. Tới chừng rồi lại kêu: "TẮC, con coi đó đặng bắt chước Thầy nghe."

    Thiệt, Bần đạo không hiểu gì hết, bắt chước nhưng làm sao giáng cơ như Ngài, rồi cũng vẽ như vậy sao? Không biết mà không dám hỏi. Lâu quá rồi khi đó giáng cơ nữa, dạy nữa. Bần đạo hỏi:

    - Dạ thưa Thầy, hôm Tết Thầy ban Phép lành cho cả con cái của Thầy mà Thầy biểu con coi đó đặng bắt chước, nhưng bắt chước làm sao mới được chớ? Con có thể giáng cơ như Thầy được đâu mà bắt chước?

    Đức Chí Tôn cười .... Ngài mới chỉ cái bí pháp ban Phép lành là làm như vậy, và giải nghĩa. Ngài nói: cái ấn tạo CKVT là cái ấn Thái Cực với Lưỡng Nghi, nó thuộc về vô hình thể, tức nhiên về khí chất nên không hữu hình tướng, duy có cái ấn Tứ Tượng với Bát Quái, hễ hiển xuất ra rồi thì vạn linh mới xuất hiện ra. Ấy vậy, con đưa cái ấn Tứ Tượng với Bát Quái ra, con trụ cả cái nguyên khí của CKVT rồi con phân phát lên đầu mỗi đứa, vậy là ban Phép lành đó.

    Nếu không nói rằng: Hễ con đưa nó lên đó, rồi nguơn pháp của con đó nó hiệp lại với huyền khí tối linh của Thầy tức nhiên là cái quyền Chí Tôn của Thầy đó, thì cả con cái của Thầy mới được hưởng cái hồng ân đặc biệt về hồn về phách và xác thịt của nó.

    Nghe nói vậy, Bần đạo mới hỏi:

    - Bây giờ ấn Tứ Tượng ra sao? ấn Bát Quái ra sao?

    Thầy trả lời: Tay nầy để trên tay kia thành chữ thập là Tứ Tượng, rồi cái nầy có 8 cái cung của nó, tức nhiên là Bát Quái đó vậy. (Đức Hộ Pháp đưa hai tay ra làm kiểu mẫu) Rồi biểu để vậy đưa ra.

    Bần đạo cũng đưa ra mà không hiểu biết, nên đưa tay ra trơ trơ mà không làm gì trong đó hết.

    Ngài nói cái pháp thủ để như vầy, nhưng Bần đạo không biết làm sao. Vì tự thuở trước, Bần đạo theo đạo Thiên chúa, đâu có tin gì thứ đó. Đạo Gia Tô mà tin thứ đó đâu có được, từ nhỏ chí lớn là đại kỵ đó mà. Ngài bắt làm cái vụ nầy, Bần đạo cũng đưa ra, rồi không làm gì hết.

    Sau bữa đó, Ngài thấy mỗi khi làm trật rồi Ngài lại rầy, Ngài nói: Con đưa ra cũng như không, cũng như khúc củi thôi.

    - Dạ thưa Thầy, vậy chớ làm sao, con có biết đâu.

    Ngài nói: Ờ, Thầy dặn con để pháp thủ như vầy.

    - Đưa ra thì con cũng đưa ra chớ biết sao giờ.

    Ngài nói: Con không trụ cái điển lực của con vô trong đó, trong pháp thủ của con, tức nhiên truyền thần vô đó, thì nó làm sao huy động trong CKVT đặng? Không hành chơn pháp thì có gì hy vọng đâu? Giả tỷ như máy truyền thanh thâu thanh của con hát đó chớ gì, hễ đưa nó ra, nó phải rung động mới được, là xao động cả CKVT chớ. Đàng nầy con đưa ra như khúc củi, có làm gì đâu?

    Bần đạo hỏi: Truyền thần có phải như thể con phò loan phò loan hôm nọ, phải truyền thần, cơ mới lên phải không?

    Ngài nói: Thì vậy chớ sao!

    Hôm trước Thầy không có nói, Thầy nói chỉ có một lần thôi, dặn ban phép tới kẻ cùng đinh.

    Bần đạo mới tò mò hỏi: Cái đó là sao?

    Ngài nói: Không có gì. Con ngó thấy máy truyền thanh, máy thâu thanh bây giờ trước mắt đó là cho mấy con dễ hiểu. Con nói tiếng là nó có thể thâu được. Bây giờ con có thể đứng ra huy động thì cả Càn Khôn nầy nó linh động chớ gì, mà khi nào cái pháp thủ của con nó linh động thì cái chơn pháp của Thầy thiệt hiện cho cái pháp thủ của con, rồi cả khối sanh lực CKVT trụ lại đó, rồi mới đưa tay ra như vầy, con rải trên đầu của mỗi đứa thì mỗi đứa hưởng, chớ có gì đâu.

    Tại Bần đạo chưa hiểu tới chỗ đó, khi hiểu được điều đó mới có làm bây giờ đây, không thôi đâu có biết đâu mà làm. Hạng nhứt là những ấn khuyết thì lúc đó là đại kỵ với Bần đạo, vì Bần đạo không ưa thứ đó. Bần đạo đâu có phải thầy phù thầy pháp gì mà ưa. Gốc là Gia Tô giáo nên Bần đạo đâu có ưa thứ đó, nhưng biểu làm thì làm.

    Nhưng cái ấn mà Đức Chí Tôn đưa cho đặng ban Phép lành cho con cái của Ngài đến nay là trọng yếu hơn hết mà mai sáng đây, thì mấy người sẽ đến mừng tuổi, Bần đạo sẽ ban Phép lành cho, để tề tựu lại cho đông thiên hạ. Không biết chừng có người ngoài họ đi đâu lối đó, rồi làm bất tử, họ cũng hưởng được, cũng đỡ lắm chớ. Mình làm chuyện phước đức bất ngờ phải vậy không?

    Thôi để mai rồi ban Phép lành, đêm nay nghỉ, sáng mai tựu lại cho có mặt đầy đủ rồi sẽ ban Phép lành. Nhớ à! Ai không có mặt không được hưởng thì chịu à!"

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

     

  • Phép linh

    A: The mysterious power.

    P: Le pouvoir mystérieux.

    Phép: Phép thuật huyền diệu, vẽ bùa bắt ấn. Linh: thiêng liêng huyền diệu.

    Phép linh là phép thuật huyền diệu.

    TNHT: Trước mắt ngờ ngờ thấy phép linh.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phép Tiên đạo

    A: The method of Taoist practises.

    P: La méthode des pratiques Taoistes.

    Phép: Phương pháp, cách thức. Tiên đạo: đạo Tiên, Tiên giáo, tôn giáo dạy tu luyện thành Tiên. Đó là tôn giáo của Đức Lão Tử, nên còn gọi là Lão giáo.

    Phép Tiên đạo là phương pháp tu luyện của đạo Tiên.

    Phép Tiên đạo cũng chính là Tâm pháp tu luyện của đạo Tiên.

    KK: Phép Tiên đạo tu chơn dưỡng tánh.

    KK: Khai Kinh.

     

  • Phép tu vi

    Phép: Phương pháp, cách thức. Tu: sửa đổi cho tốt đẹp. Vi: phần rất nhỏ.

    Phép tu vi là phương pháp sửa đổi cho tốt đẹp từ những việc rất nhỏ nhặt.

    Lưu Bị, một vị vua thời Tam Quốc, hiệu là Hớn Chiêu Liệt, đã dạy con là Thái tử Lưu Thiện một câu rất nổi tiếng:

    Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi,

    Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi.

    Viết ra Hán văn:

    勿以惡小而為之

    勿以善小而不為

    Giải nghĩa:

    Đừng cho việc ác nhỏ mà làm,

    Đừng cho việc thiện nhỏ mà không làm.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Tu vi, vần T)

     

  • Phép xác - Phép Đoạn căn và Độ thăng

    A: Mystery of deliverance.

    P: Mystère de la délivrance.

    Phép: Phép thuật huyền diệu, vẽ bùa bắt ấn. Xác: thể xác của người chết. Đoạn: cắt đứt. Căn: rễ cây, chỉ các sợi dây oan nghiệt ràng buộc chơn thần người chết không cho xuất ra khỏi xác. Có tất cả 7 sợi dây oan nghiệt ràng buộc chơn thần. Đoạn căn là cắt đứt 7 dây oan nghiệt nầy. Độ: cứu giúp. Thăng: bay lên, siêu thăng. Độ thăng là giúp cho siêu thăng.

    Phép Đoạn căn là phép bí tích dùng để Chức sắc hành pháp cắt đứt 7 dây oan nghiệt, làm cho chơn thần của người chết thoát ra khỏi thể xác, trở về cõi thiêng liêng.

    Phép xác là phép bí tích để Chức sắc hành pháp, dùng nước Cam Lồ tẩy rửa chơn thần người chết cho chơn thần được trong sạch nhẹ nhàng.

    Phép Độ thăng là phép bí tích giúp cho chơn thần người chết siêu thăng lên cõi thiêng liêng.

    Chú giải Phép Xác: (của Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh)

    Sự sống của con người do nơi Khí Sanh quang nuôi nấng. Khí Sanh quang nơi mình chúng ta tụ tại 7 khiếu làm nên điển lực. Hễ còn điển lực thì thi hài còn vận chuyển sanh hoạt, dứt điển lực thì thi hài phải bất động tử kỳ.

    Ai cũng hiểu rằng: khi tử kỳ đã chí thì thi hài phải chịu một phen đau đớn thảm khổ quá chừng, vì Phật Thích Ca biết cái sự đau đớn ấy dường nào nên Ngài gọi là Tử khổ.

    Sự đau đớn khởi ra từ ngày điển lực đã giảm hao tiều tụy, thi hài phải bịnh hoạn mòn mỏi, vì điển lực đã yếu hấp thụ Sanh quang thì cái sanh mạng của con người không còn phương bảo tồn đặng nữa.

    Kể từ lúc năng lực mòn mỏi cho đến ngày tuyệt khí Sanh quang là một thời gian dài ngắn tùy theo quả kiếp của con người, chẳng một vị tu hành nào đã đạt pháp mà định đặng cái thời gian ấy nổi.

    Có nhiều kẻ đã chết mà cái năng lực Sanh quang ấy hãy còn, chỉ còn mảy mún mà thôi, nhưng cái mảy mún ấy nó làm cho cái dây điển lực truyền sự đau đớn của thi hài lại với tâm hồn. Sự đau đớn ấy đã quá sức phàm tình để hiểu. Ấy là một quả kiếp đáng ghê sợ.

    Có kẻ hiểu rằng: Thi hài đã bị nứt nở tiêu hủy, vòi ăn, hôi thúi mà tinh thần thoát ra không khỏi, rồi chịu sự đau đớn ấy cho đến xương tàn cốt rụi mới thôi, ấy là một cái hình phạt thiêng liêng oai nghiêm hơn hết.

    Hễ còn biết đau thì còn tưởng đến mình, tưởng đến mình thì còn nhớ sự đời, nhớ sự đời thì còn thương kiếp sống, thương kiếp sống thì còn chuyển kiếp luân hồi.

    Vì Chí Tôn biết lẽ ấy là một lẽ đày đọa cả con cái của Người, nên Người nhứt định dùng diệu pháp cắt 7 cái mối năng lực gọi là Thất khiếu Sanh quang, phàm gọi là 7 dây oan nghiệt, đặng cho chơn thần xa lìa xác tục, rồi cũng dùng diệu pháp mà đưa vào cõi hư linh, mới rõ ràng là cơ tận độ.

    Ấy vậy, làm Phép xác cốt yếu là tắm gội xác tục và hồn với giọt nước Cam lồ, cắt đứt 7 dây oan nghiệt cho chơn thần lìa khỏi xác, rồi đưa chơn thần vào cõi Hư linh.

    Trước khi làm phép, biểu sắm sẵn một cái chén, một nhành dương, một cái kéo, và 9 cây nhang để trên một cái dĩa, rồi để sẵn trên Thiên bàn. (Dùng chén ấy đựng nước Cam lồ)

    1. Luyện Cam lồ thủy:

    Người hành pháp đến trước Thiên bàn, xông hương hai bàn tay và mặt mày mình, đoạn xông hương mấy món sắm để hành pháp. Trong lúc xông hương phải niệm câu: "Vạn trược tiêu tan, sanh khí phục hồi."

    Xong rồi, lấy cái chén không để ngay Thiên bàn, lấy nhành dương gác ngang miệng chén, rồi thỉnh hai chung nước Âm Dương cúng trên Thiên bàn đặt hai bên cái chén không.

    Đoạn người hành pháp đứng ngay trước Thiên bàn, định thần, ngó ngay Thiên Nhãn, tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, lấy con mắt vẽ trong con ngươi Thiên Nhãn chữ (.), lấy chơn trái vẽ dưới đất chữ (.), chơn trái đứng trên chữ ấy, chơn mặt ký chữ (.) vào chơn trái, gọi là đạp Đinh Giáp.

    Hai tay cầm hai chung nước Âm Dương kè xáp lại nhau cho Âm Dương ký tế, hai mặt nước hiệp nhau, rồi đổ ngay giọt nước xuống chén không, vừa niệm câu: "Cam lồ thủy năng hủy trược kiếp ô sinh oan nghiệt tội chướng chi đọa." Hễ dứt câu niệm thì phải ngưng giọt nước.

    Đoạn tay trái bắt ấn Hộ Pháp, lấy chén nước Cam lồ để lên trên ấn, tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp để lên trên miệng chén, niệm danh hiệu Hộ Pháp, co ngón tay giữa vẽ lên mặt nước bùa (.). Trong lúc vẽ bùa thì khi viết 3 chữ (.) thì niệm: "Nam mô Cao Đài Tiên Ông" và khi vẽ 3 vòng vô vi thì niệm tiếp: "Đại Bồ Tát Ma Ha Tát." Vẽ xong thì buông ngón tay và xòe bàn tay úp trên miệng chén, nhắm con mắt lại truyền thần xuống mặt nước. Khi thấy Thiên Nhãn giáng ngay mặt nước thì tức cấp rút tay ra, đừng để tiêu Thiên Nhãn mà thất pháp. (Nhớ vẽ 3 chữ (.) liên tục nối đuôi liền nhau.)

    Nước Cam lồ thủy đã luyện thành.

    (Muốn luyện con mắt thấy Thiên Nhãn thì hằng ngày phải tập ngó ngay Thiên Nhãn cho lâu, trụ thần vào đó, rồi nhắm mắt lại mà vẫn còn thấy Thiên Nhãn).

    2. Tạo Bửu pháp Đoạn căn:

    Đốt 9 cây nhang, kiểm điểm coi cháy đủ 9 cây đều hết, cho đủ Cửu tiêu, tượng trưng Cửu Thiên Khai Hóa. (Hễ thiếu 1 cây là thất pháp).

    Cầm 9 cây nhang ở tay mặt, tay trái lấy cái kéo, ngón tay cái và ngón giữa xỏ vô hai lỗ kéo, xòe miệng kéo đưa đứng lên, ngón tay trỏ để ngay chỗ miệng kéo, cho đủ 3 chấm: Phật, Pháp, Tăng. Hai chơn vẫn đạp Đinh Giáp trên chữ (.). Đưa cái kéo lên ngay Thiên Nhãn, nhắm cho Thiên Nhãn lọt ngay kẽ miệng kéo. Định thần, cầm 9 cây nhang vẽ chữ (.) ngay con ngươi Thiên Nhãn. Bửu pháp đoạn căn (cái kéo) đã tạo thành.

    3. Hành phép xác:

    Phải có một người phụ lễ bưng các món Bửu pháp đã tạo thành đứng gần.

    Người hành pháp đến đứng trước đầu quan tài, định thần, lấy con mắt vẽ chữ (.) ngay trên đầu kẻ chết.

    Khởi xướng đọc kinh Cầu Siêu. Khi đồng nhi tiếp đọc kinh thì người hành pháp, tay trái bắt ấn Hộ Pháp, lấy chén nước Cam lồ để ngay trên ấn, tay mặt lấy nhành dương cầm chỉ Thiên. Đứng định thần thế nào cho không còn thấy cái hòm, mà là thấy ngay cái thây của kẻ chết. Nhúng nhành dương vào chén nước Cam lồ, rải lên khắp mình người chết. Khi đi giáp vòng trở lại chính giữa ngay đầu quan tài, đứng tiếp tụng kinh với đồng nhi cho tới mãn hiệp kinh lần nhứt.

    4. Hành phép Đoạn căn:

    Người hành pháp đứng ngay đầu quan tài, khởi tụng kinh Cầu Siêu lần thứ nhì. Khi đồng nhi tiếp đọc thì lấy cái kéo cầm đưa ngay đầu quan tài. Đứng định thần cho không còn thấy cái hòm mà thấy thây người chết. Đi vòng quanh cắt hết 7 sợi dây oan nghiệt nơi: (1) trên đầu ngay mỏ ác (nê huờn cung), (2) ngay trán, (3) ngay cổ, (4) ngay tim, (5) ngay hông bên trái, (6) ngay dạ dưới, (7) ngay xương khu.

    Trong lúc cắt, phải tưởng cái cắt mà thôi, chớ đừng tưởng cái kéo. Cắt xong thì trở lại chỗ cũ, đứng trước đầu quan tài, trao cái kéo cho người phụ lễ, rồi tiếp tụng kinh với đồng nhi cho đến mãn hiệp kinh thứ nhì.

    5. Hành pháp Độ thăng:

    Người hành pháp đứng ngay đầu quan tài, khởi tụng kinh Cầu Siêu hiệp ba. Khi đồng nhi tiếp tụng kinh thì người hành pháp, tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, tay mặt cầm 9 cây nhang đưa ngọn lửa ngay đầu quan tài. Định thần cho thấy thây người chết, hoặc nằm hoặc ngồi.

    Cầm 9 cây nhang vẽ bùa chữ (.) ngay trên thây kẻ chết hoặc nằm hoặc ngồi. Truyền thần vô 9 cây nhang, cầm đưa ngay nguyệt cung (cái kiếng gắn trước đầu quan tài), định thần, kêu tên họ người chết một cách oai quyền, triệu chơn thần biểu lên ngồi trên 9 mũi nhang mà đưa lên hư không. Hễ thăng thì lên, còn trầm thì đọa.

    Xong rồi giao 9 cây nhang cho người phụ lễ và đứng tiếp tụng kinh với đồng nhi cho đến mãn hiệp ba. Dứt kinh thì niệm Câu chú của Thầy ba hiệp. Hết.

     

  • PHÊ

    PHÊ: 批 Xác định và ghi ý kiến đúng sai, thuận hay bác, khen hay chê.

    Td: Phê chuẩn, Phê kiến.

     

  • Phê chuẩn

    批準

    A: To ratify.

    P: Ratifier.

    Phê: Xác định và ghi ý kiến đúng sai, thuận hay bác, khen hay chê. Chuẩn: chấp thuận.

    Phê chuẩn là chấp thuận cho thi hành như giấy tờ đã ghi.

    Phê chuẩn là trường hợp giấy tờ đã dâng lên đến tột phẩm rồi để vị đứng đầu xét nét quyết đoán.

    Bên CTĐ có Đức GiáoTông, bên HTĐ có Đức Hộ Pháp.

    Khi giấy tờ đã được phê chuẩn rồi thì cứ ban ra mà theo đó thi hành, không còn ai có thể phản kháng được.

    PCT: Giáo Tông buộc phải giao cho Chưởng Pháp xét nét trước khi phê chuẩn.

    PCT: Pháp Chánh Truyền.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Phê kiến - Phê duyệt

    批見 - 批閱

    A: To approve.

    P: Approuver.

    Phê: Xác định và ghi ý kiến đúng sai, thuận hay bác, khen hay chê. Kiến: thấy. Duyệt: Xem.

    Phê kiến, đồng nghĩa Phê duyệt, nghĩa là có thấy đúng, không có điều gì sai.

    Giấy tờ đã được phê kiến rồi, có khi còn phải dâng lên bực tối cao để được phê chuẩn, có khi phê kiến là đủ, trả xuống mà ban hành ra.

     

  • PHẾ

    PHẾ: 廢 Bỏ đi, hư hại, đình lại.

    Td: Phế đời, Phế phận.

     

  • Phế đời hành đạo

    A: The abolishment of the lay life for the religious life.

    P: L' abandon de la vie laïque pour la vie religieuse.

    Phế: Bỏ đi, hư hại, đình lại. Đời: việc đời, việc kinh doanh mưu cầu danh lợi. Hành: làm. Đạo: việc đạo, việc tu hành.

    Phế đời là từ bỏ việc kinh doanh mưu cầu danh lợi trong trường đời, hay từ bỏ các chức vụ trong chốn quan trường.

    Hành đạo là làm các công việc trong Đạo mà Hội Thánh giao phó để lập công quả, phụng sự nhơn sanh, với mục đích là cầu cho linh hồn được giải thoát khỏi luân hồi, trở về cõi TLHS.

    Người tín đồ Cao Đài muốn cầu phong đứng vào hàng Chức sắc thì phải trọn hiến thân cho Đạo suốt đời, tức là là phế đời hành đạo.

    - Đối với gia đình: Phải ly gia cắt ái, không còn lo lắng đến các sanh hoạt của gia đình, nén đau thương mà tách khỏi gia đình để đến ở và làm việc hoàn toàn cho Đạo.

    - Đối với xã hội: Từ bỏ các công việc kinh doanh mua bán, sản xuất hoa lợi, từ bỏ những chức vụ đang nắm giữ nơi bộ máy của quyền đời, để hoàn toàn được rảnh rang, đem hết khả năng phục vụ cho Đạo, phụng sự nhơn sanh.

    BĐNĐ: Đạo Nghị Định thứ 5: Điều thứ 1: Buộc cả Chức sắc đã thọ phong phải phế đời hành đạo.

    TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

    BÐNÐ: Bát Ðạo Nghị Ðịnh.

     

  • Phế lập

    廢立

    A: To depose one king and replace him by another.

    P: Détrôner un roi et élever un autre.

    Phế: Bỏ đi, hư hại, đình lại. Lập: dựng lên.

    Phế lập là ý nói một kẻ nắm hết quyền thế trong triều đình, có quyền truất phế vị vua đương thời để lập người khác lên làm vua.

     

  • Phế phận

    廢分

    A: To be neglectful in one's duties.

    P: Être négligent dans ses fonctions.

    Phế: Bỏ đi, hư hại, đình lại. Phận: phận sự, bổn phận.

    Phế phận là bỏ bê bổn phận, không làm tròn bổn phận và nhiệm vụ của mình.

    Chức sắc phế phận là vị Chức sắc tự ý rời bỏ nhiệm vụ, không thi hành bổn phận và nhiệm vụ mà Hội Thánh giao phó.

     

  • Phế vong

    廢亡

    A: To abolish.

    P: Abandonner.

    Phế: Bỏ đi, hư hại, đình lại. Vong: mất.

    Phế vong là bỏ mất.

    Phế vong phận sự là bỏ mất phận sự, đồng nghĩa: Phế phận.

    ĐLMD: Phổ Tế là cơ quan để cứu vớt hoặc độ rỗi những người lạc bước thối tâm, cùng an ủi khuyên lơn những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận sự.

    ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

     

  • PHI

    1. PHI: 非 Không, chẳng phải, sái quấy.

    Td: Phi ân, Phi phàm, Phi tướng lễ.

    2. PHI: 飛 Bay, bay nhanh.

    Td: Phi cầm tẩu thú.

    3. PHI: 披 Mở ra, khoát ra.

    Td: Phi lộ.

     

  • Phi ân bạc nghĩa

    非恩薄義

    A: Ungrateful..

    P: Ingrat.

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Ân: ơn. Bạc: mỏng, phụ bạc. Nghĩa: ơn nghĩa, cách đối xử tốt đẹp, hợp đạo lý.

    Phi ân bạc nghĩa là không nhớ đến ơn huệ đã hưởng nhờ mà lại còn đối xử tệ bạc.

    Thành ngữ nầy còn nói là: Vong ân bội nghĩa.

    TĐ ĐPHP: Kẻ nào phi ân bạc nghĩa, bất hiếu bất trung là chơn linh hạ tiện,....

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Phi cầm tẩu thú

    飛禽走獸

    A: The winged animals and the quadrupeds.

    P: Les volatiles et les quadrupèdes.

    Phi: Bay, bay nhanh. Cầm: loài chim. Tẩu: chạy. Thú: thú vật.

    Phi cầm tẩu thú là loài chim bay và loài thú chạy.

    KỆ U MINH CHUNG: Phi cầm tẩu thú, la võng bất phùng.

     

  • Phi chiến

    非戰

    A: Demilitarized.

    P: Démilitarisé.

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Chiến: đánh nhau, chiến tranh.

    Phi chiến là không có chiến tranh.

    Khu phi chiến là vùng đất được các bên đối nghịch đặt ra ngoài vòng chiến tranh.

    Phi chiến còn có nghĩa là: phản đối việc chiến tranh.

     

  • Phi đạm bạc vô dĩ minh chí

    非淡泊無以明志

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Đạm bạc: lặng bặt không hành động gì. Vô: không. Dĩ: lấy. Minh: sáng. Chí: ý chí.

    Câu nói của Gia Cát Võ Hầu:

    Phi đạm bạc vô dĩ minh chí,

    Phi ninh tịnh vô dĩ trí viễn.

    Nghĩa là:

    Không lặng bặt thì không sáng được ý chí,

    Không yên lặng thì không nghĩ được việc xa.

     

  • Phi lộ

    披露

    A: Preface.

    P: Préface.

    Phi: Mở ra, khoát ra. Lộ: bày ra ngoài.

    Phi lộ là mở ra để trình bày về mục đích, nội dung, phương hướng của những việc mà mình sẽ tiến hành để cho mọi người đều biết.

     

  • Phi lý

    非理

    A: Irrational.

    P: Irrationnel.

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Lý: lý lẽ, lẽ phải.

    Phi lý là không có lý, không hợp lý, trái lẽ thường.

    TĐ ĐPHP: Nếu có kẻ nói mắc lo gia đình, không thể lo Đạo được, là phi lý.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Phi ngã

    非我

    A: Non-ego.

    P: Non-moi.

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Ngã: ta.

    Phi ngã là cái ngoại tại, không phải ta, tức là sự vật ngoại giới, đối lập với Bản ngã.

    Td: Tri giác một vật là biết phân biệt đâu là Bản ngã, đâu là Phi ngã.

    Phi ngã đồng nghĩa: Vô ngã. (Xem: Vô ngã, vần V)

     

  • Phi phàm

    非凡

    A: Extraordinary.

    P: Extraordinaire.

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Phàm: tầm thường, phàm tục.

    Phi phàm là không phải tầm thường, tức là vượt lên khỏi sự phàm tục, đồng nghĩa Phi thường.

    TNHT: Nên các con phải có trí độ phi phàm thì mới có đủ tư cách làm người.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phi sa tẩu thạch

    飛沙走石

    A: Flying sand and running stone.

    P: Sable volant et pierre courante.

    Phi: Bay, bay nhanh. Sa: cát. Tẩu: chạy. Thạch: đá.

    Phi sa tẩu thạch là cát bay đá chạy, chỉ một sự náo động dữ dội như cuồng phong hay một biến cố lớn.

     

  • Phi thương bất phú

    非商不富

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Thương: buôn bán. Bất: không. Phú: giàu.

    Phi thương bất phú là không buôn bán thì không giàu.

    Ý nói: Muốn được giàu có thì phải làm nghề buôn bán.

     

  • Phi thường

    非常

    A: Extraordinary.

    P: Extraordinaire.

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Thường: bình thường.

    Phi thường là không phải bình thường, tức là vượt lên mức bình thường, khiến người ta phải khâm phục.

    TTCĐDTKM: Ngồi trông con đặng phi thường.

    TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

     

  • Phi tướng lễ

    非相禮

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Tướng: hình dạng thấy được. Lễ: dâng cúng.

    Phi tướng lễ là sự dâng cúng phẩm vật không hình tướng.

    TĐ ĐPHP: Khi Nhạc Tấu Quân Thiên trổi, cả thảy phải im lặng, hiến cả âm thanh. Sự bí mật ấy gọi là Phi tướng lễ.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Phi Tưởng Đài

    非想臺

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Tưởng: nghĩ. Đài: cái đài xây cao.

    Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, giữa hai lầu chuông trống có một kiến trúc cao gọi là Hiệp Thiên Đài, gồm 3 từng:

    ■ Từng trệt gọi là Tịnh Tâm Điện.

    ■ Lầu 1 gọi là Lầu Hiệp Thiên Đài, vì nơi đây có lập bàn thờ Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh và Thập nhị Thời Quân.

    ■ Lầu 2 gọi là Phi Tưởng Đài hay Thông Thiên Đài, nơi đây bên trong có đắp nổi hình Thiên Nhãn rất lớn, là nơi để Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lên thông công với Đức Chí Tôn. Phía trước Phi Tưởng Đài cũng có đắp hình Thiên Nhãn, hướng ra trước.

    Trong buổi Lễ Trấn Thần Tòa Thánh, Đức Phạm Hộ Pháp đến đứng trước Tòa Thánh, trấn Thần Thiên Nhãn trước Phi Tưởng Đài đầu tiên hơn hết.

    Ngài Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn thuật lại:

    "Đức Ngài ra đi thẳng lại Đền Thánh là 9 giờ 28 phút. Ngài đứng ngay trước Đền Thánh, ngó ngay Thiên Nhãn trước Phi Tưởng Đài, rải Cam lồ thủy và cầm bó hương hành pháp trấn Thần. Ý nghĩa là từ đây, Đức Chí Tôn hằng để mắt dìu dẫn con cái của Ngài và mong mỏi được vui thấy con cái của Ngài về chầu nơi Bạch Ngọc Kinh, sau khi làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của Ngài phú thác.

    Đoạn tiếp hành pháp trấn Thần như thế, lần lượt đến tượng Đức Phật Di-Lạc trên nóc Phi Tưởng Đài.

    Đức Hộ Pháp nói: Đức Phật Di-Lạc đã ngự vào tượng, ngồi thị chứng cho nhơn loại thập phương thế giới day hướng về Đền Thánh mà cầu nguyện Ngài ban ơn huệ cho toàn sanh chúng."

     

  • Phi Tưởng Thiên

    非想天

    Phi: Không, chẳng phải, sái quấy. Tưởng: nghĩ. Thiên: từng Trời.

    Phi Tưởng Thiên là từng Trời thứ 8 trong Cửu Trùng Thiên. Từng Trời nầy rất huyền diệu nên cũng được gọi là: Phi Tưởng Diệu Thiên.

    Phi Tưởng Thiên do Đức Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản.

    Làm Tuần Cửu thứ 8 là đưa chơn hồn lên đến từng Trời nầy, bái kiến Đức Từ Hàng Bồ Tát, được uống rượu Tiên, và được nước Cam lồ rửa sạch ai bi kiếp người.

     

  • Phi vân vụ đổ thanh Thiên

    披雲霧睹青天

    Phi: Mở ra, khoát ra. Vân vụ: vân là mây, vụ là sương mù. Xa đất là mây, gần đất là mù. Đổ: trông thấy. Thanh Thiên: trời xanh.

    Phi vân vụ đổ thanh Thiên là vén mây mù ra thì thấy Trời xanh. Ý nói: Sự khó khăn đã qua rồi thì được thanh nhàn.

     

  • Phí tâm

    費心

    A: To waste one's heart.

    P: Dépenser son coeur.

    Phí: hao tổn. Tâm: tâm trí.

    Phí tâm là hao tổn tâm trí, vì dụng tâm trí làm việc nhiều.

    Phí tâm, đồng nghĩa Phí thần: hao tổn tinh thần.

     

  • PHIỀN

    PHIỀN: 煩 Việc nhiều và phức tạp, buồn rầu.

    Td: Phiền hà, Phiền não.

     

  • Phiền hà

    煩荷

    A: To trouble.

    P: Ennuyer.

    Phiền: Việc nhiều và phức tạp, buồn rầu. Hà: khắc nghiệt.

    Phiền hà là bực bội, khó chịu.

    TNHT: Các con chớ nên phiền hà chuyện Thánh Thất xảy ra, ấy cũng là một bước trắc trở trong đường đạo của Thầy.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phiền muộn

    煩悶

    A: Sorry.

    P: Triste.

    Phiền: Việc nhiều và phức tạp, buồn rầu. Muộn: buồn rầu.

    Phiền muộn là bực bội buồn rầu.

     

  • Phiền não

    煩惱

    A: Sorrow, Passions.

    P: Tristesse, Passions.

    Phiền: Việc nhiều và phức tạp, buồn rầu. Não: buồn rầu.

    Nghĩa thông thường: Phiền não là buồn rầu bực bội. Tâm lo buồn vọng động, thân xao xuyến bất an, gọi là Phiền não.

    TNHT: Mong trau rạng mảnh gương để soi chung bước đàng sau mà lần đến cảnh tự tại thung dung, tránh bớt muôn điều phiền não.

    Nghĩa theo Phật giáo: Phiền não là các mê dục, lầm lạc, xao xuyến, gây ra bởi ba mối chánh là: Tham, Sân, Si, khiến cho thân, khẩu, ý làm việc bậy bạ, gây ra tội tình mà phải chịu đau khổ về sau.

    Như thế, ba mối chánh là: Tham, Sân, Si, đã gây ra những Phiền não lớn nhứt của chúng sanh.

    Theo lời Phật giảng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phiền não là giặc nghịch làm hại chúng sanh.

    Muốn tránh khỏi sự hại của nó, cần phải tu thanh tịnh nghiệp, tức là ba nền phước để đưa về cõi Tịnh độ:

    1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, lòng lành chẳng giết hại sanh mạng, tu mười nghiệp lành (Thập thiện).

    2. Thọ Tam qui, trì Ngũ giới cho tới Cụ túc giới, chẳng phạm oai đức và nghi thức lúc ngồi, đứng, tới, lui.

    3. Phát tâm bồ đề, tin sâu lý Nhơn Quả, đọc tụng kinh Đại thừa, khuyến tấn kẻ tu hành đạo Phật.

    Người ta khi chưa minh tâm kiến tánh, còn ở trong vòng tham, sân, si, thì bị phiền não sai khiến. Tới chừng thấu đạo, giác ngộ, liền dứt phiền não.

    Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Đức Lục Tổ Huệ Năng có giải rằng:

    "Phàm phu tức là Phật,

    Phiền não tức là Bồ đề.

    Niệm trước còn mê tức là phàm phu,

    Niệm sau lại tỉnh tức là Phật.

    Niệm trước còn mắc vào cảnh tức là Phiền não,

    Niệm sau bèn lìa khỏi cảnh tức là Bồ đề."

    Tùy theo kinh luận, ta thấy Phiền não có nhiều thứ:

    1. Tứ Phiền não: cũng kêu là Tứ Hoặc.

    1. Ngã si: tánh ngu si, vô minh.

    2. Ngã kiến: ý kiến chấp có mình, chỉ thấy mình.

    3. Ngã mạn: tánh khi lờn, cho mình hơn người.

    4. Ngã ái: tánh tự ái, lòng tham dục cho mình.

    2. Lục đại Phiền não: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến (ganh, ghét, tin bậy, tưởng quấy).

    3. Thập Phiền não: - Tham dục, - Sân nhuế, - Vô minh (ngu si), - Mạn, - Nghi, - Thân kiến (Ngã kiến), - Biên kiến, - Tà kiến, - Kiến thủ kiến, - Giái thủ kiến.

    Trong 10 phiền não trên, 5 phiền não trước là của hạng người chậm lụt, 5 phiền não sau là của hạng người lanh lẹ.

    Thực ra, Tứ Phiền não, Lục Phiền não hay Thập Phiền não cũng chỉ là sự mở rộng của 3 mối Phiền não chánh là: Tham, Sân, Si mà thôi. (Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn T. Còn)

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phiền não tức Bồ đề

    煩惱即菩提

    Phiền não: (đã giải ở trên). Tức: tức là.

    Bồ đề: giác ngộ đạo lý. Đắc Bồ đề là diệt hết phiền não, chứng Niết bàn. Đắc Bồ đề đầy đủ thì thành Phật.

    Phiền não tức Bồ đề, Sanh tử tức Niết bàn, đó là lời bàn chí cực của Đại thừa, dựa theo pháp môn nông sâu mà mục đích khác nhau.

    Phiền não tức Bồ đề là câu nói của Thiền Tông, cho rằng: Phiền não là huyễn, không có thật, chỉ có Bồ đề là có thật. Bồ đề hay Giác ngộ không ở đâu xa cả, nó ở ngay trong phiền não. Như nước chứa trong ly vốn trong suốt, vì có chất bẩn tan vào nước nên nước trở thành đục. Khi ta lọc hết chất bẩn thì nước trở lại trong suốt.

    Cũng thế, tánh con người là bổn thiện, vì bị vô minh che lấp nên thành ra ác. Khi ta gội bỏ hết vô minh thì tự nhiên cái ác biến mất, cái bổn thiện hiện ra, tốt đẹp, sáng suốt.

    Tánh của con người vốn tự nhiên trong sạch, giác ngộ, sáng suốt, nhưng vì phiền não (do Tham, Sân, Si) che lấp cái bổn tánh của con người. Khi diệt hết phiền não thì tự nhiên cái bổn tánh sáng suốt hiện ra tỏ rạng.

    Như vậy, phiền não chỉ là cái vỏ ngoài bao bọc bổn tánh, khi lột bỏ cái lớp vỏ ấy thì bổn tánh giác ngộ hiện ra. Cái tánh giác ngộ không phải từ nơi khác đến, mà nó ở ngay trong phiền não. Do đó nói: Phiền não tức là Bồ đề. Dứt phiền não thì Bồ đề hiện ra.

    Cũng như câu nói: Sanh tử tức Niết bàn, nghĩa là: còn sanh tử là còn ở trong vòng luân hồi, dứt sanh tử thì mới thoát khỏi luân hồi, mà thoát khỏi luân hồi thì tới Niết bàn. Cho nên có thể nói rằng: Niết bàn ở trong sanh tử, dứt sanh tử thì thấy Niết bàn.

     

  • Phiêu linh

    漂零

    A: To wander.

    P: Balloter.

    Phiêu: trôi nổi lênh đênh. Linh: rơi rụng.

    Phiêu linh là trôi nổi rơi rụng.

    TNHT: Vì vậy, thế cuộc phải tuần hoàn, bầu nhơn sự phải luân chuyển vần xây, phiêu linh cho đến buổi nhơn loại được vẹn toàn,....

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phiêu nhiên xuất trần

    票然出塵

    Phiêu: còn đọc là Phiếu: nhẹ nhàng nhanh nhẹn. Nhiên: như thế. Xuất: đi ra. Trần: cõi trần.

    Phiêu nhiên là cách cử động nhẹ nhàng lanh lẹ.

    Phiêu nhiên xuất trần là thoát ra ngoài cõi trần một cách lanh lẹ nhẹ nhàng.

     

  • Phiêu phi

    飄飛

    A: To flutter.

    P: Flotter.

    Phiêu: gió thổi phất phới. Phi: bay.

    Phiêu phi là bay phất phới.

    TĐ ĐPHP: Hễ cầm cây đàn thì phiêu phi ở giữa lừng trời, nhiều khi tiếng đàn hợp với tinh thần....

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • PHÒ

    PHÒ: 扶 Còn đọc là PHÙ: nâng đỡ, giúp đỡ.

    Td: Phò cơ, Phò hộ, Phò trì.

     

  • Phò cơ - Phò loan - Đồng tử

    扶機 - 扶鸞 - 童子

    A: To hold up an apparatus in a spiritual seance - Mediums.

    P: Soutenir un appareil dans une séance spirituelle - Médiums.

    Phò: Còn đọc là PHÙ: nâng đỡ, giúp đỡ. Cơ: cái máy, ở đây là cây ngọc cơ dùng để cầu Tiên. Loan: con chim loan, trên đầu cần cơ có chạm hình đầu con chim loan. Đồng: trẻ nhỏ. Đồng tử: đứa trẻ nhỏ chừng 15 tuổi trở lại.

    Phò cơ là hai người ngồi hai bên cây ngọc cơ, trong một đàn cầu cơ thỉnh Tiên, mỗi người dùng hai tay cầm miệng giỏ cơ nâng lên, sẵn sàng để các Đấng thiêng liêng giáng điển vào cơ, làm cho cơ chuyển động, cây cọ nơi đầu cần cơ tì nhẹ trên mặt bàn để viết ra chữ bóng, tạo thành một bài văn dạy Đạo.

    Phò cơ thường được gọi là Phò loan, vì nơi đầu cần cơ có chạm hình đầu chim loan. Cho nên, hai vị Phò cơ cũng được gọi là hai vị Phò loan.

    Khi xưa, việc cầu cơ thỉnh Tiên phải dùng hai đứa trẻ nhỏ làm đồng tử phò cơ, vì tư tưởng của trẻ nhỏ còn hồn nhiên trong sạch, nên có được thanh điển, mới dễ tiếp điển của các Đấng thiêng liêng. Do đó, hai vị Phò cơ được gọi là Đồng tử.

    Ngày nay, người ta không dùng Đồng tử là những trẻ nhỏ phò cơ nữa, mà dùng người lớn tuổi, nhưng phải trường chay, tâm thanh tịnh, tinh thần tinh tấn, thì mới có thể tiếp điển của các Đấng thiêng liêng mà diễn ra trung thực.

    Trong Đạo Cao Đài, nhiệm vụ Phò cơ hay Phò loan dành riêng cho Thập nhị Thời Quân của HTĐ.

    Cách giáng điển vào Đồng tử:

    Tư tưởng của các Đấng thiêng liêng ở cõi Hư linh phát ra, theo lằn điển quang truyền đến các đồng tử, giống như tiếng nói của xướng ngôn viên đài phát thanh truyền đi theo lằn sóng điện đến các máy thâu thanh (Radio).

    Tùy theo đặc khiếu của đồng tử phò loan mà các Đấng sẽ giáng vào tâm hay giáng vào tay của đồng tử. Nếu giáng vào tâm thì gọi là Giáng tâm, nếu giáng vào tay thì gọi là Giáng thủ.

    - Nếu giáng vào tâm của đồng tử, thì người phò loan chưa viết ra nhưng thần trí dường như biết trước những điều sắp viết ra, tựa hồ như mình đặt để ra vậy.

    - Nếu giáng thủ thì người phò loan như một cái máy, tay cứ chiều theo điển lực của các Đấng mà viết ra, chớ không hay biết điều gì hết.

    Mỗi đàn cầu cơ phải có đủ 2 vị phò loan: một Âm một Dương, Âm Dương hiệp nhứt mới thấu đáo Càn Khôn. Người phò loan bên hữu thuộc Âm, tiếp điển tư tưởng của các Đấng, rồi truyền qua người phò loan bên tả thuộc Dương mà viết ra.

    Điều kiện để trở thành một người phò loan:

    Thánh ngôn của Đức Chí Tôn có dạy như sau:

    TNHT: "Trước khi thủ cơ hay chấp bút thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng, tắm gội cho tinh khiết, rồi mới đặng đến trước bửu điện mà hành sự, chớ nên thiếu sót mà thất lễ.

    Nếu chấp cơ thì phải để ý thanh bạch, không đặng tư tưởng đến việc phàm. Tay chấp cơ phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi phải để tinh thần tinh tấn mà xuất ngoại xác đến hầu dạy việc. Phải có một chơn linh tinh tấn mầu nhiệm, huyền diệu, phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn, phải tập tành chí Thánh, Tiên, Phật mới phò cơ dạy đạo cả chúng sanh.

    Kẻ phò cơ chấp bút cũng như tướng soái của Thầy, để truyền đạo cho thiên hạ. Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường.

    Còn việc truyền thần lấy điển quang thì ai ai cũng có điển trong mình, nó tiếp điển ngoài rồi thần của nó viết ra, có khi trúng có khi trật. Vậy khi nào chấp cơ thì phải đợi lịnh Thầy rồi sẽ thi hành."

    "Cơ bút là việc tối quan trọng. Nếu không có chơn linh quí trọng thủ cơ thì Tà quái xen vào khuấy rối các con, làm cho phải thất nhơn tâm."

    "Thầy nói cho các con biết, bực Chơn Thánh mà phải đọa trần, nếu không đủ tánh chất dìu dẫn nhơn sanh, cũng chưa đáng cầm bút cho Thầy truyền đạo."

    Người phò loan hay đồng tử, cũng như cái máy Radio, muốn thâu được điển của các Đấng thiêng liêng thì phải đồng điển cùng các Đấng, tức là thuần điển.

    Theo lời dạy của Đức Chí Tôn ở trên, người đồng tử hay phò loan phải có các điều kiện sau đây:

    1.- Thể xác và chơn thần phải thanh khiết.

    - Muốn cho thể xác thanh khiết thì phải tắm rửa sạch sẽ, quần áo sạch sẽ, phải xông hương khử trược hai tay trước khi phò loan.

    - Muốn cho chơn thần thanh khiết và tinh tấn thì phải ăn chay trường, giữ tư tưởng cho trong sạch, tinh thần cao thượng, không mơ tưởng hay suy nghĩ bậy bạ.

    2.- Tâm thanh tịnh.

    Muốn cho tâm được thanhtịnh thì phải: giữ tâm cho yên ổn, không không, dứt hết dục vọng, diệt hết tư tưởng thấp hèn.

    Nếu tâm còn dục vọng, thì dụcvọng ấy vì chưa thỏamãn nên nó vẫn chất chứa trong chơn thần, đến khi người đó phò cơ, mặc dầu ráng kềm giữ cái tâm cho thanh tịnh, nhưng cái dục vọng ấy chất chứa trong chơn thần, sẽ phát tiết ra, mạnh hơn điển lực của các Đấng, cũng tạo thành một bài cơ, nhưng đó là Nhơn cơ chớ không phải Tiên cơ. Trong trường hợp nầy người phò loan bị tư tưởng mình ám thị mình, nên gọi là tự kỷ ám thị.

    Ngoài ra, những người hầu đàn cơ, nếu họ tập trung được tư tưởng mạnh thì tư tưởng nầy cũng sẽ chuyển dịch đến chơn thần của người phò cơ, ảnh hưởng lên tư tưởng của người phò cơ, làm phò cơ viết ra cũng là Nhơn cơ.

    3.- Hai vị phò loan phải hạp điển với nhau, và thuần điển với các Đấng thiêng liêng.

    Đây là khả năng đặc biệt Thiên phú của người phò loan, không phải ai cũng có được, và cũng không phải do luyện tập mà có được.

    Nếu hai người phò cơ mà không hạp điển nhau thì đương nhiên không thể tiếp thu tư tưởng của nhau được.

    Hai vị phò loan nầy còn phải thuần điển với điển quang của các Đấng thiêng liêng thì mới tiếp nhận được tư tưởng của các Đấng thiêng liêng.

    Trường hợp đặc biệt: Phò loan tiền định.

    Đó là những chơn linh rất cao trọng, lãnh lịnh Đức Chí Tôn giáng trần để phò cơ cho Đức Chí Tôn khai đạo. Đó là 15 Chức sắc cao cấp nhứt của HTĐ gồm: Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh và 12 vị Thời Quân.

    Ngày nay, 15 vị ấy đã làm xong phận sự nên đã qui Thiên tất cả.

    Nhưng vấn đề cơ bút trong Đạo Cao Đài không thể thiếu được, bởi vì Giáo chủ của Đạo Cao Đài là Đức Chí Tôn vô hình, Giáo Tông là Đức Lý Thái Bạch vô hình, Đức Hộ Pháp cũng vô hình, nếu không cơ bút thì làm sao các Đấng ấy điều đình nền Đạo. Mà cơ bút là phần nhiệm đặcbiệt của HTĐ, cho nên chúng ta nghĩ rằng trong tương lai, Đức Chí Tôn sẽ lập một số Chức sắc mới, tiếp nối nhiệm vụ làm phận sự cơ bút HTĐ.

    Trong Thánh Giáo Minh Thiện Đàn ở Phú Mỹ (Mỹ Tho), ngày 24-10-Nhâm Thân (dl 21-11-1932), Đức Lý Giáo Tông có giáng dạy về người phò loan:

    "Vậy Lão nói cho khá nghe, câu 31 (trang 8 TNHT) nói về phận sự của kẻ phò loan là Tướng soái của Thầy. Vậy chư Hiền hữu luận coi phần Tướng soái làm sao cho phải phép mà điều độ tam quân?

    Khá luận cho Lão nghe, Lão bãi đàn, chờ chư nhu đáp rồi Lão sẽ cắt phận sự cho. Lão thăng điện.

    TÁI CẦU: LÝ GIÁO TÔNG

    Nầy chư nhu, luận ấy hiệp nhằm đề, nhưng không đủ lý.

    Nghe Lão phân cho rõ:

    Phần Tướng soái có đủ 8 đức là: HẠNH, ĐỨC, TRÍ, LỰC, OAI, NGHIÊM, MINH, CHÁNH, mới là đủ phận.

    Những Tướng soái mà không oai lịnh thì ba quân sợ giặc mà không phục, thì tất nhiên loạn hàng thất thứ; còn hiệu lịnh chẳng nghiêm thì ba quân sợ giặc mà không kiêng Tướng soái thì trăm trận trăm thua."....

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

     

  • Phò hộ độ trì

    扶護度持

    A: To aid and to protect.

    P: Aider et protéger.

    Phò: Còn đọc là PHÙ: nâng đỡ, giúp đỡ. Hộ: che chở. Độ: cứu giúp. Trì: gìn giữ.

    Phò hộ hay Phù hộ là giúp đỡ và che chở.

    Độ trì là gìn giữ và cứu giúp.

    Thành ngữ: Phò hộ độ trì, nói tắt là Phò trì, thường được các thiện nam tín nữ dùng để cầu nguyện với các Đấng Thần, Thánh phò hộ và cứu giúp cho họ và gia đình họ.

    KCTPĐQL: Nay phò trì con cháu tu tâm.

    KCTPÐQL: Kinh cầu Tổ Phụ đã qui liễu.

     

  • PHÓ

    1. PHÓ: 付 Đưa cho, giao cho.

    Td: Phó thác.

    2. PHÓ: 副 Bực thứ, dưới bực chánh.

    Td: Phó bảng, Phó Trị Sự.

    3. PHÓ: 赴 Đi đến nơi hội họp hay nhậm chức.

    Td: Phó hội, Phó nhậm.

     

  • Phó bản

    副本

    A: Duplicate.

    P: Le duplicata.

    Phó: Bực thứ, dưới bực chánh. Bản: bản sách, bản vẽ.

    Phó bản là bản sao, còn bản gốc gọi là bản chánh.

     

  • Phó bảng

    副榜

    A: Second board.

    P: Second tableau.

    Phó: Bực thứ, dưới bực chánh. Bảng: tờ yết thị cho dân chúng biết.

    Phó bảng là người đi thi đình đậu ở bảng phụ.

    Người thi đình đậu ở Chánh bảng là Tiến Sĩ, Hoàng Giáp, những người được lấy thêm cho đậu gọi là Phó bảng.

     

  • Phó hội

    赴會

    A: To attend a meeting.

    P: Aller à une réunion.

    Phó: Đi đến nơi hội họp hay nhậm chức. Hội: hội nghị.

    Phó hội là đi đến tham dự một hội nghị.

     

  • Phó nhậm

    赴任

    A: To take up a post.

    P: Se rendre à son poste.

    Phó: Đi đến nơi hội họp hay nhậm chức. Nhậm: Nhiệm: nhiệm vụ.

    Phó nhậm hay Phó nhiệm là đến nhận nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

     

  • Phó thác

    付托

    A: To entrust.

    P: Confier.

    Phó: Đưa cho, giao cho. Thác: gởi gấm, nhờ người làm cho việc ấy.

    Phó thác hay Phú thác là giao công việc của mình cho người tin cậy để họ trọn quyền làm giúp.

    KSH:

    Đừng gặp việc câu mâu biếng nhác,

    Mà quên lời phú thác dặn dò.

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • Phó Trị Sự

    副治事

    Phó: Bực thứ, dưới bực chánh. Trị: sắp đặt cho yên. Sự: việc.

    Phó Trị Sự là người giúp việc cho Chánh Trị Sự, điều hành việc đạo trong một ấp đạo. (Xem chữ: Chánh Trị Sự, vần Ch)

     

  • Phó yến

    赴宴

    A: To take up a feast.

    P: Se rendre à un festin.

    Phó: Đi đến nơi hội họp hay nhậm chức. Yến: tiệc rượu.

    Phó yến là đi dự tiệc.

     

  • PHONG

    1. PHONG: 風 Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời.

    Td: Phong ba, Phong hóa, Phong độ.

    2. PHONG: 封 Vua ban phẩm tước cho bề tôi.

    Td: Phong sắc, Phong tịch.

    3. PHONG: 豐 Thịnh, giàu, nhiều, được mùa.

    Td: Phong đăng, Phong y túc thực.

     

  • Phong ba

    風波

    A: Wind and waves.

    P: Vent et vagues.

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Ba: làn sóng.

    Phong ba là sóng gió, chỉ sự vất vả hiểm nguy giống như chiếc thuyền bị sóng dồi gió dập giữa biển khơi.

    TNHT: Phong ba mấy độ đà qua khỏi.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong bình lãng tịnh

    風平浪靜

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Bình: an. Lãng: sóng. Tịnh: im lặng.

    Phong bình lãng tịnh là gió yên sóng lặng.

    Ý nói: Qua cơn loạn lạc trở lại bình an.

     

  • Phong chúc tàn niên

    風燭殘年

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Chúc: cây đuốc. Tàn: hết. Niên: năm. Tàn niên: ý nói tuổi già.

    Phong chúc tàn niên là tuổi già như cây đuốc trước gió.

     

  • Phong doanh - Phong đăng

    豐盈 - 豐登

    A: Abundance.

    P: Abondance.

    Phong: Thịnh, giàu, nhiều, được mùa. Doanh: đầy đủ. Đăng: được mùa.

    Phong doanh, đồng nghĩa Phong đăng, là thịnh vượng, được mùa.

     

  • Phong điều võ thuận

    風調雨順

    A: The regular wind and favourable rain.

    P: Le vent régulier et la pluie favorable.

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Điều: đều hòa. Võ: mưa. Thuận: êm xuôi.

    Phong điều võ thuận là gió hòa mưa thuận.

    Ý nói thời tiết đúng lúc làm cho việc gieo trồng thuận lợi, mùa màng tốt đẹp, thâu hoạch nhiều, dân chúng ấm no, nhà nhà sung túc vui vẻ.

    Kệ chuông bãi đàn: Đàn tràng viên mãn chức sắc qui nguyên vĩnh mộc từ ân phong điều võ thuận.

     

  • Phong Đô

    酆都

    A: The Hell.

    P: L'Enfer.

    Phong là tên đất. Đô là kinh đô.

    Vua Văn Vương nhà Châu ngày xưa chọn đất Phong để đóng đô, nên nơi ấy gọi là Phong Đô, thuộc tỉnh Thiểm Tây.

    Phong Đô cũng là tên một huyện ở Tứ Xuyên, ở đó có cái đền Phong Đô, là chỗ Am Tràng (sanh đời nhà Hán) tu đắc Đạo, do đó tục mới tin lầm gọi cõi Âm Ty là Phong Đô thành.

    Phong Đô là cõi Địa ngục, cõi Âm phủ, cõi để giam giữ linh hồn người chết. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát làm Giáo chủ cõi Phong Đô nên Ngài được gọi là Phong Đô Đại Đế.

    Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn ra lịnh đóng Địa ngục, mở tầng Thiên, phóng thích tất cả các tội hồn cho đi đầu thai trả quả. Những "tội hồn mới" thì sẽ bị đưa đến một cõi mới thiết lập gọi là cõi Âm Quang để học đạo, khi đã thức tỉnh, biết tự xét mình thì sẽ cho tái kiếp trả quả và tu hành.

    KGO: Cảnh thăng ngơ ngẩn lạc lầm Phong đô.

    KGO: Kinh Giải Oan.

     

  • Phong độ

    風度

    A: Bearing.

    P: Maintien.

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Độ: dáng dấp.

    Phong độ là phong cách và thái độ.

     

  • Phong hóa

    風化

    A: Public morals.

    P: Bonnes moeurs.

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Hóa: thay đổi.

    Phong hóa là phong tục và văn hóa, tức là nói chung những phong tục có sẵn từ lâu đời của một dân tộc làm cho đời sống trong xã hội được trật tự tốt đẹp.

    TNHT: Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy chánh giáo.

    Phong hóa suy vi: Nền phong hóa sút kém hư hèn.

    TNHT: Cang thường điên đảo, phong hóa suy vi,....

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong khí ôn hòa

    風氣溫和

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Khí: khí hậu. Ôn hòa: êm dịu, không nóng quá mà cũng không lạnh quá.

    Phong khí ôn hòa là phong thổ và khí hậu ôn hòa, nhờ vậy mà con người được mạnh khỏe tốt đẹp và vạn vật tươi tốt.

     

  • Phong kiến

    封建

    A: Feudality.  

    P: Féodalité.

    Phong: Vua ban phẩm tước cho bề tôi. Kiến: dựng lên.

    Phong kiến là chế độ phong tước và kiến địa, tức là nhà vua (Hoàng đế) phong tước chư Hầu và cắt đất giao chư Hầu quản lãnh. Chư Hầu chia đất phong cho các quan và gia thần.

    Xã hội phong kiến phân ra nhiều giai cấp mà giai cấp thấp nhất là nông dân. Nông dân làm ra của cải phải cung phụng các giai cấp trên, khiến nông dân sống rất nghèo khổ.

     

  • Phong nguyệt

    風月

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Nguyệt: mặt trăng.

    Phong nguyệt là gió trăng, ý nói sự tình tự hẹn hò của trai gái đi chơi, hóng gió xem trăng.

    Phong nguyệt đồng nghĩa: Nguyệt hoa: trăng hoa.

    NTTP:

    Liếc mắt ngó vào trường phong nguyệt,

    Mua trận cười nào tiếc ngàn vàng.

    NTTP: Nữ Trung Tùng Phận.

     

  • Phong sắc

    封敕

    A: To nominate by the imperial decree.

    P: Nommer par le décret impérial.

    Phong: Vua ban phẩm tước cho bề tôi. Sắc: tờ giấy viết lệnh của vua: Sắc lệnh.

    Phong sắc hay Sắc phong là Đức Chí Tôn ra lịnh phong chức cho những người có công với Đạo.

    TNHT: Còn cả chư ái nữ, Thầy sẽ lập đại hội cho đủ mấy vị rồi sẽ phong sắc một lần.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong tai

    風災

    A: Calamity of storm.

    P: La calamité de vent.

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Tai: tai họa.

    Phong tai là tai họa gây ra bởi gió như: cuồng phong, bão tố, lốc xoáy, v.v....

     

  • Phong Thánh

    封聖

    A: To canonize.

    P: Canoniser.

    Phong: Vua ban phẩm tước cho bề tôi. Thánh: bực Thánh.

    Phong Thánh là phong phẩm Chức sắc vào hàng Thánh.

    TNHT: Thái Bạch đã hứa cùng Thầy rằng, qua ngày Tòa Tam Giáo nữ phái rồi thì nó sẽ phong Thánh thêm nữa.

    CẶP CƠ PHONG THÁNH:

    Cặp cơ Phong Thánh là hai vị phò loan đặc biệt có nhiệm vụ chấp cơ cho Đức Chí Tôn hoặc Đức Lý Giáo Tông giáng cơ phong tước Chức sắc vào hàng Thánh cho các vị hữu công cùng đạo.

    Thuở mới khai đạo, Đức Chí Tôn chỉ định cặp cơ Phong Thánh là Đức Hộ Pháp và Đức Cao Thượng Phẩm.

    Năm 1929, Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên, cặp cơ Phong Thánh gãy một bên. Ngài Cao Tiếp Đạo được chỉ định ngồi phò cơ thay thế Đức Cao Thượng Phẩm, nhưng mỗi lần lập đàn cơ Phong Thánh tại Cung Đạo Tòa Thánh thì luôn luôn có Đức Cao Thượng Phẩm đến trợ điển nâng loan cho Ngài Cao Tiếp Đạo. Lúc đó, Đức Cao Thượng Phẩm giáng trước, nói với Ngài Cao Tiếp Đạo: "Cao Tiếp Đạo, em ráng nâng loan, có Qua trợ lực."

    Đức Cao Thượng Phẩm tuy đã bỏ xác phàm, trở về thiêng liêng vị, nhưng luôn luôn hiện diện trong các đàn cơ Phong Thánh để trợ lực nâng loan, cho cặp cơ Phong Thánh vẫn đầy đủ như thuở ban đầu, nhưng một người hữu hình (Đức Phạm Hộ Pháp) và một người vô hình (Đức Cao Thượng Phẩm).

    Năm 1959, Đức Phạm Hộ Pháp qui Thiên. Như vậy, cả hai vị tạo thành cặp cơ Phong Thánh đều đã bỏ xác phàm.

    Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ sắp đặt cặp cơ Phong Thánh như sau:

     

    Phò loan:

    Đàn cơ tại Giáo Tông Đường,

    đêm 11-10-Ất Tỵ (dl 5-11-1965).

    Thượng Sanh -

    Hiến Pháp.

    HỘ PHÁP

    Bần đạo còn cho Thượng Sanh, mấy bạn biết về việc thăng thưởng, thì Anh Cao Thượng Phẩm có quan điểm là: hiện giờ Bần đạo đã về thiêng liêng vị, thì khi thăng thưởng, hai vị Thời Quân chi Pháp và chi Đạo phải chấp cơ Phong Thánh. Anh Thượng Phẩm giúp bên chi Đạo nâng loan, còn Bần đạo giúp bên chi Pháp, thì mới đúng theo Chơn pháp.

    Lẽ dĩ nhiên là khi Phong Thánh, phải có tay Thượng Phẩm, mà Thượng Phẩm chỉ giúp sức cho những vị Thời Quân dưới quyền mình.

    Đã chiếu theo Chơn pháp về sự Phong Thánh, Đức Lý Đại Tiên cũng đồng ý về quan điểm nầy.

    Bần đạo lại còn cho biết thêm là ngày nào cặp cơ Phong Thánh hiện hữu chích một bên, hoặc chi Đạo, hoặc chi Pháp, thì Phong Thánh sẽ hết thực hành bằng cơ bút, mà sẽ thực hành bằng phương pháp khác. THĂNG.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong Thần

    封神

    A: Apotheosis.

    P: Apothéose.

    Phong: Vua ban phẩm tước cho bề tôi. Thần: bực Thần.

    Phong Thần là phong vào bực Thần những người có công đức và tài năng xứng với bực Thần.

    Ở Trung Hoa thời thượng cổ có một thời kỳ gọi là Trung Hoa Phong Thần. Ở nước Ai Cập và Hy Lạp thượng cổ có: Ai Cập Phong Thần và Hy Lạp Phong Thần.

    Tại nước Trung Hoa, thời PhongThần là thời kỳ diệt Trụ hưng Châu, Đức Khương Thượng Tử Nha, thay mặt Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn, Giáo chủ Xiển giáo, cầm Bảng Phong Thần.

    Sau khi phá tan các trận chiến do đệ tử Triệt giáo của Thông Thiên Giáo chủ lập nên, và sau khi đánh tan các đạo quân của vua Trụ, vua Châu Võ Vương thống nhứt nước Tàu, mở ra nhà Châu, Đức Khương Thượng Tử Nha lập đàn nơi núi Kỳ Sơn để đọc sắc của Đức Nguơn Thỉ, phong Thần các tướng tử trận mà chơn hồn của họ không đủ công đức vào trường Phong Thánh, phải chịu ở vào phẩm Thiên Thần.

    Các hồn được phong Thần kỳ nầy phần lớn là đệ tử của Triệt giáo. Có tất cả 365 vị được phong Thần, đứng vào 8 Bộ mà Thanh Phước Thần Bá Dám đứng đầu các Thần.

    Thời Phong Thần ở Trung Hoa thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Khương Thượng cầm Bảng Phong Thần, nên Ngài tượng trưng cho Thần đạo trong Ngũ Chi Đại Đạo.

    TNHT: Phong Thần đừng tưởng chuyện mờ hồ.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong thưởng

    封賞

    A: Investiture.

    P: Investiture.

    Phong: Vua ban phẩm tước cho bề tôi. Thưởng: khen ngợi người có công.

    Phong thưởng là đem phẩm tước ban thưởng cho người lập được nhiều công quả với Đạo.

    TNHT: Nhiều đứa khác nữa, ngày mùng 9, Thầy biểu đòi về cho Thái Bạch phong thưởng.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong tịch

    封籍

    A: To confer a dignity.

    P: Confier une dignité.

    Phong: Vua ban phẩm tước cho bề tôi. Tịch: sổ bộ. (Tiên tịch: bộ Tiên).

    Phong tịch là phong tước Chức sắc và ghi vào Bộ Chức sắc của Đạo.

    TNHT: Thầy lấy từ bi phong tịch, nhưng các Chức sắc nếu vì áo mão hơn đạo đức thì tội chất bằng hai.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong tình huê nguyệt

    風情花月

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Tình: tình cảm. Huê: Hoa: bông. Nguyệt: mặt trăng. Huê nguyệt tức là Hoa nguyệt hay Nguyệt hoa là trăng hoa, chỉ trai gái tình tự hẹn hò nhau ngắm trăng xem hoa, ngoài vòng lễ giáo.

    Phong tình là tình cảm lãng mạn giữa trai và gái.

    Phong tình huê nguyệt là tình cảm lãng mạn giữa thanh niên nam nữ, ngoài vòng lễ giáo, mà người xưa ngăn cấm.

    TL: Chẳng được soạn hay là ấn hành những truyện phong tình huê nguyệt.

    TL: Tân Luật.

     

  • Phong trần

    風塵

    A: Wind and dust.

    P: Vent et poussière.

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Trần: bụi.

    Phong trần là gió bụi, chỉ những nỗi vất vả ở đời.

    TNHT: Phong trần thương kẻ mang thân đọa.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong trung tàn chúc

    風中殘燭

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Trung: ở giữa. Tàn: hết. Chúc: cây đuốc.

    Phong trung tàn chúc là trong gió đuốc tàn, ý nói: người già sắp chết.

     

  • Phong văn

    風聞

    A: To hear say.

    P: Entendre dire.

    Phong: Vua ban phẩm tước cho bề tôi. Văn: nghe.

    Phong văn là nghe đồn, nghe người ta nói.

     

  • Phong vân

    風雲

    A: Wind and clouds.

    P: Vent et nuages.

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Vân: mây.

    Phong vân là gió mây.

    1. Phong vân là chỉ thời vận tốt đẹp, công danh sẽ đạt đến chỗ hiển hách hoặc là có Thánh nhân ra đời.

    Kinh Dịch viết: "Vân tòng long, Phong tòng hổ, Thánh nhân tác nhi vạn vật đổ." Nghĩa là: Mây theo rồng, gió theo cọp, bậc Thánh nhân nổi lên, vạn vật đều thấy rõ.

    Mây theo rồng, gió theo cọp là nói những vật đồng khí thì cảm ứng mà tìm đến nhau.

    TNHT: Mở đường quốc thể định phong vân.

    2. Phong vân là chỉ sự đổi thay không lường trước được, hoặc chỉ sự biến hóa kỳ lạ như mây, như gió.

    Văn của Thẩm Ứớc đời nhà Lương viết: "Ly ly tiếp kỳ quang cảnh, phong vân ích hồ duy tịch." Nghĩa là: Sờ sờ quang cảnh trước mắt, gió mây bỗng chốc tràn đầy màn chiếu.

    Khấn rằng Thái Thượng Lão Quân,

    Cỡi trâu hóa phép phong vân chớ chầy.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong võ

    風雨

    A: Wind and rain.

    P: Vent et pluie.

    Phong: Gió, phẩm cách, thói quen lâu đời. Võ: Vũ: mưa.

    Phong võ hay Phong vũ là gió mưa, chỉ những khó khăn nguy hiểm trong cuộc sống hay những biến cố xảy đến.

    TNHT: Gầy dựng một cái nhà chung để ngày phong võ nương dựa được thung dung.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phong y túc thực

    豐衣足食

    A: Numerous clothes and sufficient food.

    P: Habits nombreux et nourriture suffisante.

    Phong: Thịnh, giàu, nhiều, được mùa. Y: quần áo. Túc: đủ. Thực: ăn, đồ ăn.

    Phong y túc thực là quần áo dồi dào, thức ăn đầy đủ.

    Ý nói: dân chúng ấm no và giàu có.

     

  • PHÒNG

    1. PHÒNG: 防 Ngăn ngừa, giữ gìn, đề phòng.

    Td: Phòng bảo, Phòng thân.

    2. PHÒNG: 房 Cái buồng, cái phòng.

    Td: Phòng đào, Phòng trù.

     

  • Phòng bảo

    防保

    Phòng: Ngăn ngừa, giữ gìn, đề phòng. Bảo: gìn giữ, bảo vệ.

    Phòng bảo là phòng ngừa và bảo vệ.

    Ban Phòng Bảo là cơ quan do Hội Thánh lập ra có trách nhiệm phòng ngừa những vụ vi phạm luật pháp đạo và bảo vệ đạo quyền của Hội Thánh.

    Thánh giáo của Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ ngày 12-11-Ất Tỵ (dl 04-12-1965) dạy Hộ Đàn Pháp Quân tổ chức Ban Phòng Bảo trong Nội Ô và Ngoại Ô Châu Thành Thánh Địa.

    Do đó, Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, thừa quyền Thượng Sanh, ra chỉ thị số: 326/TQ/TS ngày 2-2-Bính Ngọ (dl 21-2-1966) và Vi bằng số 003/VB/ĐS ngày 28-3-Bính Ngọ (dl 18-4-1966) của Ngài Đầu Sư chấp thuận cho vị Hộ Đàn Pháp Quân Đỗ Công Khanh tổ chức Ban Phòng Bảo trong Châu Thành Thánh Địa.

    Thông Tri số 97/TT ngày 26-5-Bính Ngọ (dl 15-7-1966) của Quyền Ngọc Chánh Phối Sư gởi Khâm Thành Thánh Địa, Đầu Phận Đạo, Bàn Trị Sự để thông truyền cho toàn đạo biết sự tổ chức Ban Phòng Bảo.

    Mỗi Phận Đạo có một Chi Phòng Bảo, do một vị Lễ Sanh đứng đầu và nhiều nhân viên phụ trách.

    Ban Phòng Bảo có nhiệm vụ giúp Hành Chánh Đạo ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xảy ra trong Châu Thành Thánh Địa như: Cờ bạc, mãi dâm, trộm cướp, du đảng,.... cũng như ngăn ngừa các mê tín dị đoan như: ông Tướng, bà hồng bà cốt, bóng chàng,....

    Ban Phòng Bảo cũng có nhiệm vụ bảo vệ Đạo quyền, nhứt là hướng dẫn, sát cánh với Hành Chánh Đạo giải thích với đồng đạo giữ gìn lời Minh Thệ, để có một tinh thần hiếu kỉnh Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, cùng trung thành với Hội Thánh, nhắc nhở đồng đạo tránh khỏi vi phạm luật đạo cùng là pháp luật quốc gia.

     

  • Phòng đào

    房桃

    A: The room of the wife.

    P: La chambre de la femme.

    Phòng: Cái buồng, cái phòng. Đào: hoa đào, chỉ người phụ nữ.

    Phòng đào là phòng ở của phụ nữ, chỉ phòng của người vợ trong gia đình.

    KTKVQL: Khi để bước phòng đào lạnh ngắt.

    KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.

     

  • Phòng tía

    A: Room of the girl.

    P: Chambre de la fille.

    Phòng: Cái buồng, cái phòng. Tía: màu đỏ tím.

    Phòng tía là cái phòng sơn màu đỏ tím, do chữ Hồng lâu, dịch ra là lầu hồng, lầu son, chỉ nhà giàu có con gái đẹp ở.

    Do đó, phòng tía là phòng của con gái đẹp ở.

    TNHT: Phòng tía cất thành hình thổ võ.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phòng thân

    防身

    A: To preserve oneself.

    P: Se préserver.

    Phòng: Ngăn ngừa, giữ gìn, đề phòng. Thân: thân mình.

    Phòng thân là giữ mình, phòng ngừa những sự rủi ro có thể xảy đến cho mình.

     

  • Phòng trù

    房廚

    A: The kitchen.

    P: La cuisine.

    Phòng: Cái buồng, cái phòng. Trù: cái bếp.

    Phòng trù hay Trù phòng là nhà bếp để nấu ăn.

    TNHT: Phòng trù, dầu phải chung lộn với nhau buổi nấu nướng, khi dọn ăn, chẳng đặng lộn xộn cùng nhau. (Nam Nữ phân biệt).

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • PHÓNG

    PHÓNG: 放 Thả ra, buông lỏng, phát ra.

    Td: Phóng đại, Phóng sanh.

     

  • Phóng đại

    放大

    A: To enlarge.

    P: Agrandir.

    Phóng: Thả ra, buông lỏng, phát ra. Đại: lớn.

    Phóng đại là làm cho lớn ra: đem ảnh nhỏ phóng lớn ra, bịa đặt hay khoe khoang chuyện nhỏ thành lớn, ít hóa nhiều.

     

  • Phóng hổ qui sơn

    放虎歸山

    Phóng: Thả ra, buông lỏng, phát ra. Hổ: cọp. Qui: trở về. Sơn: núi.

    Phóng hổ qui sơn là thả cọp về núi.

    Ý nói: Hiểm họa vẫn còn.

     

  • Phóng sanh

    放生

    A: To liberate the living beings.

    P: Libérer les êtres vivants.

    Phóng: Thả ra, buông lỏng, phát ra. Sanh: sự sống.

    Phóng sanh là thả ra các loài sanhvật, không giết hại nó.

    Trái với Phóng sanh là Sát sanh.

    Vào các ngày rằm lớn như rằm Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn, và các ngày vía lớn như: Vía Đức Chí Tôn (Vía Trời), Vía Đức Phật Thích Ca, người có tín ngưỡng Trời Phật thường có tục phóng sanh, như thả chim trong lồng ra cho bay đi sống tự do, thả cá xuống sông, thả ếch nhái cho trở về đồng ruộng, v.v... thể hiện lòng nhân từ không muốn sát hại các loài sanh vật, thuận theo đức háo sanh của Thượng Đế.

     

  • Phóng tâm - Giới tâm

    放心 - 戒心

    A: To liberate the heart - To preserve the heart.

    P: Libérer le coeur - Préserver le coeur.

    Phóng: Thả ra, buông lỏng, phát ra. Tâm: cái tâm của con người. Giới: ngăn cấm.

    Phóng tâm là buông lỏng cái tâm, tức là để cho nó tự do, hết nghĩ ngợi điều nầy lại tới điều khác, nhảy vào nhảy ra liên tục như con khỉ hay con ngựa, nên gọi là tâm viên ý mã.

    Trái với Phóng tâm là Giới tâm.

    Giới tâm là gìn giữ cái tâm, ngăn cấm cái tâm không cho tư tưởng bậy bạ, mà phải tập trung vào một điều nhứt định.

    Khi chúng ta cúng Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng, chúng ta cần phải giữ cái tâm, gìn cái ý, đừng cho phóng tâm, kềm giữ nó để tập trung tất cả tinh thần vào lời kinh tiếng kệ, hiến dâng trọn vẹn cả thể xác, trí não tinh thần lên Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu. Như vậy thời cúng của chúng ta mới có giá trị.

    Còn nếu như quì cúng Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu mà ta không kềm giữ cái Tâm, cứ để nó phóng ra hoài, hết nghĩ điều nầy lại nhớ điều khác, thì thời cúng của chúng ta đạt hiệu quả rất thấp, chỉ hơn người không cúng một chút mà thôi.

    Nói thì dễ, chớ khi thực hành kềm giữ cái Tâm thì mới thấy rất khó, càng kềm giữ thì nó càng phóng ra mạnh mẽ. Nhưng nếu chúng ta cương quyết, với sự nhẫn nại luyện tập thì dần dần chúng ta sẽ giữ được cái Tâm như ý muốn.

    Kinh nghiệm của các Chức sắc tiền bối truyền lại hai phương pháp Giới tâm có hiệu quả, giúp chúng ta không bị phóng tâm trong các thời cúng Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu.

    Hai phương pháp nầy tương ứng với hai trình độ, đã được thực hành và chứng nghiệm kết quả tốt đẹp.

    1. Đánh vần từng chữ của câu kinh:

    Khi nghe đồng nhi tụng kinh, chúng ta dùng tư tưởng theo dõi từng tiếng một, đánh vần thầm trong trí từ chữ một như lúc mới tập đọc. Như vậy, tư tưởng của chúng ta bị buộc ràng vào công việc nầy nên nó không có phút nào rảnh rang xao lảng mà phóng đi.

    Trong thời cúng, chúng ta mắc lo nghe tiếng kinh, lo đánh vần cho kịp tiếng tụng kinh, thì tư tưởng của ta cũng theo lời kinh tiếng kệ mà không phóng ra ngoài.

    Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tập luyện nhiều lần, thì mới đạt được kết quả mong muốn. Mỗi lần luyện tập, chúng ta thấy tiến bộ hơn một chút, còn có phóng tâm, nhưng lần hồi số lần phóng tâm giảm bớt và cuối cùng thì dứt hẳn.

    2. Chú trọng từng ý nghĩa của câu kinh:

    Nếu chúng ta nghiên cứu hiểu được ý nghĩa của từng câu kinh thì điều nầy giúp hay cho chúng ta hơn nữa.

    Chúng ta lắng nghe đồng nhi tụng kinh, tập trung tư tưởng theo dõi ý nghĩa của từng tiếng kinh, mắt chăm chú nhìn Thiên Nhãn, gìn giữ như vậy trong suốt thời gian tụng kinh.

    Lúc mới tập, chúng ta có thể đọc kinh nho nhỏ theo đồng nhi và tưởng nhớ tới ý nghĩa của mỗi lời kinh.

    Như vậy thì: Mắt lo nhìn Thiên Nhãn, tai lo nghe, miệng lo đọc, trí não lo theo dõi ý nghĩa lời kinh, thì chúng ta kềm giữ được cái Tâm, không cho nó có thời giờ để phóng túng ra ngoài.

    Nếu chúng ta kiên trì luyện tập, và với lòng tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, luồng điển lực của chúng ta lần lần mạnh mẽ, vượt lên không gian, đến được với các Đấng thiêng liêng. Các Đấng mới cảm được các lời cầu nguyện của chúng ta thì lời cầu nguyện mới có thể ứng nghiệm được. Đó là chúng ta đạt được bí pháp trong thể pháp cúng kiếng đó vậy.

     

  • Phóng xá cô

    放赦辜

    Phóng: Thả ra, buông lỏng, phát ra. Xá: rộng lòng tha thứ. Cô: tội lỗi.

    Phóng xá cô là rộng lòng tha thứ và thả ra kẻ có tội.

    Kệ chuông: Địa Tạng khai môn phóng xá cô.

     

  • Phô diễn

    鋪演

    A: To expose.

    P: Exposer.

    Phô: bày ra cho mọi người thấy. Diễn: xảy ra trước mắt.

    Phô diễn là bày ra trước mắt mọi người.

    TNHT: Muốn an tâm tỉnh trí và đè nén lửa lòng, cần phải có một nghị lực vô biên, một tâm trung quảng đại, thì mới khỏi bực tức với những trò đã vì mạng lịnh thiêng liêng phô diễn nơi thâm hiểm nặng nề nầy.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • PHỔ

    PHỔ: 普 Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả.

    Td: Phổ cáo chúng sanh, Phổ giáo.

     

  • Phổ cáo chúng sanh

    普告眾生

    A: Public notice.

    P: Notification publique.

    Phổ: Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả. Cáo: báo cho biết. Chúng sanh: ý nói nhơn sanh, dân chúng, tất cả mọi người trong xã hội.

    Phổ cáo chúng sanh là thông báo cho toàn thể mọi người đều biết.

    Vào năm Bính Dần (1926), sau khi Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung (lúc đó còn là Đầu Sư Thượng Trung Nhựt) đem Tờ Khai Đạo lên nạp cho Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol, được ông Le Fol tiếp nhận vui vẻ, thì theo pháp luật thời bấy giờ, Đạo Cao Đài được truyền bá trong nước.

    Do đó, Đức Quyền Giáo Tông có ra một tờ Phổ Cáo Chúng Sanh để báo cho dân chúng biết rõ, việc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được khai mở và bắt đầu truyền bá.

    Sau khi quí vị tiền khai Đại Đạo soạn xong tờ Phổ Cáo Chúng Sanh, quí Ngài lập đàn cơ dâng lên Đức Chí Tôn duyệt xét. Sau đây xin chép lại bài giáng cơ của Đức Chí Tôn:

     

    Ngày 13-10-1926 (âl 7-9-Bính Dần).

    THẦY

    Các con,

    Mấy đứa nhỏ bỏ thói kiêu ngạo nghe!

    Vĩnh! Đọc Phổ Cáo Chúng Sanh, đợi Thầy sửa nghe. Hễ Thầy hạ cơ thì ngưng đọc....

    Các con nghe,

    Thầy chẳng buổi nào mà đành lòng cho các con hạ mình trước mặt ai hết, song ngày nay buộc phải vậy. Các con tức cấp lo phổ độ.

    Kể từ ngày mùng 10 tháng nầy, mấy đứa phò loan phải xin phép nghỉ 29 ngày hết nghe. Thầy dặn các con phải phân nhau mà đi cho khắp.

    Đạo Quang, ngày thứ bảy, Thầy sẽ phân việc. Thầy trông cho mau lập Tân Luật.

    Con Trung, con phải nói với Le Fol cho con giấy chứng Khai Đạo. Mai con lên nó, có Thầy. Con phải nhớ viết một cái thơ cho em con là Lâm thị, nó đương sầu thảm, giờ nầy nó đương ngồi nơi phòng mà khóc. Con phải khuyên lơn nó, nhắc nó nhớ lời Thầy dặn.

    Trang! con nếu biết thương em con, con cũng nên đi Vũng Liêm, con đi mới hữu ích nghe. Thầy nói ít, con hiểu nhiều. Từ đây hai con lại để ý gìn giữ hai đứa nó kẻo nó ngã lòng mà tổn bớt công quả của chúng nó tội nghiệp. Thầy giao cho hai con chăm nom cả em út, các con nghe à!

    Thầy còn dạy nhiều việc, nhưng hai đứa nhỏ đã mệt. Thầy dặn các con đừng dùng tiếng "đồng" mà kêu mấy đứa nhỏ, nó giận không muốn phò loan là tại vậy.

    Thơ, biểu nó viết chữ tựa lớn hơn một chút, còn tờ Phổ Cáo Chúng Sanh Tờ Khai Đạo, con cứ làm, Thầy cho phép. Có vậy mới nhẹ bớt công phổ độ. Còn tờ nhựt trình thỉnh thoảng sẽ tính.

    Thầy ban ơn cho các con.

    Đặng nhiều càng tốt. Chữ quốc âm mà thôi. THĂNG.

    (Trích trong Tập Thánh Ngôn chép tay của Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, trang 76-77)

    Trong tờ Phổ Cáo Chúng Sanh nầy, phần đầu, xin chép ra sau đây:

    ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

    Thuở Hỗn Độn sơ khai, nhứt khí Hư Vô sanh duy có một Đấng Tạo Hóa, người phương đông gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, người Âu Tây gọi là DIEU, Đức Chúa Trời, người An Nam gọi là Ông Trời, là Đấng dựng nên Trời Đất và muôn vật.

    Có Thánh Ngôn Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ ngày 13 tháng 6 năm Bính Dần, rằng:

    "Bậc chơn tu, tỷ như hột giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái, mà biến biến sanh sanh càng thêm tăng số, vì vậy mà các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa chơn thần, chơn thần lại biến hóa hằng muôn, thêm tăng lên hoài. Ấy là Đạo.... ... ..."

    Phần cuối của tờ Phổ Cáo Chúng Sanh là nói về việc Khai Đạo với chánh phủ:

    KHAI ĐẠO NƠI CHÁNH PHỦ

    Ngày 7 Octobre 1926, nhằm mồng 1 tháng 9 năm Bính Dần, có môn đệ Thiên phong của Đức Cao Đài là Cựu Hội Đồng Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung, tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt, vưng lịnh Thánh ngôn đến khai đạo nơi chánh phủ.

    Trong Tờ Khai Đạo ấy có ký tên 247 chư môn đệ, phần nhiều đều là Chức sắc viên quan và có Nữ phái nhiều người danh dự. Quan Nguyên Soái Nam Kỳ hoan nghinh và khen rằng vì chữ thiện mà khuyến dân, ấy là chủ nghĩa cao thượng.

    Chúng tôi xin phô đôi lời thành thật thô sơ, chư Hòa Thượng, chư Lão thành, chư sơn, chư Chức sắc trong Tam Giáo và chư thiện nam tín nữ xin lưu ý.

    Chày kíp đây, chúng tôi sẽ có dịp hiệp mặt mà luận đạo kỹ thêm nữa.

     

  • Phổ cập

    普及

    A: To vulgarize.

    P: Vulgariser.

    Phổ: Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả. Cập: kịp, đạt đến.

    Phổ cập là đạt đến khắp mọi nơi.

    Kệ U Minh Chung: Càn khôn đại thống phổ cập ngũ châu.

     

  • Phổ Đà Sơn

    普陀山

    Phổ Đà Sơn là núi Phổ Đà, ở biển Nam Hải, thuộc cõi TLHS, là nơi mà công chúa Diệu Thiện tu đắc đạo thành Bồ Tát Quan Thế Âm. (Xem sự tích nơi chữ: Quan Thế Âm, vần Q)

    TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

     

  • Phổ độ

    普度

    A: To perform the universal salvation.

    P: Exécuter la salvation universelle.

    Phổ: Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả. Độ: cứu giúp.

    Phổ độ là cứu giúp chúng sanh.

    Muốn cứu giúp chúng sanh thì phải mở ra một mối đạo cho nhơn sanh tu hành.

    Từ khi có nhơn loại đến nay, Đấng Thượng Đế đã mở ra ba thời kỳ phổ độ chúng sanh:

    Nhứt Kỳ Phổ Độ: vào thời thái cổ của nhơn loại, có các tôn giáo như: Đạo Phật với Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, Đạo Tiên với Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Đạo Bà La Môn, Đạo Do Thái với Moïse, Đạo Nho với Phục Hy,....

    Nhị Kỳ Phổ Độ: vào thời thượng cổ của nhơn loại, có các tôn giáo như: Phật giáo với Đức Phật Thích Ca, Lão giáo với Đức Lão Tử, Nho giáo với Đức Khổng Tử, Thiên Chúa giáo với Đức Chúa Jesus Christ,....

    Tam Kỳ Phổ Độ: vào thời kỳ hiện nay có Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, do Đấng Thượng Đế khai đạo để cứu vớt toàn cả nhơn loại trên địa cầu nầy trước khi xảy ra một cuộc Tận Thế để lập đời Thánh đức.

    TNHT: Có công phổ độ giải tiền khiên.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phổ giáo

    普敎

    A: To teach generally.

    P: Enseigner généralement.

    Phổ: Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả. Giáo: dạy.

    Phổ giáo là dạy khắp cả.

    TNHT: Đại Từ Phụ phổ giáo rằng: Hay! Hay! không lẽ để phận hèn, ngày sau sẽ rõ Thánh ý Người quyết liệu.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phổ Hiền Bồ Tát

    普賢菩薩

    Đức Phổ Hiền Bồ Tát và Đức Chuẩn Đề Bồ Tát là hai vị Phật cao siêu nhưng vẫn còn mang danh BồTát vì còn nhiệm vụ cứu độ chúng sanh. Hai Đức Phật nầy hiện đang chưởng quản từng Trời Hạo Nhiên Thiên coi về pháp luật trong toàn cả CKVT, nên từng Trời nầy được gọi là: Hạo Nhiên Pháp Thiên.

    Theo quyển Văn Khố Từ Bi Âm, khi Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưa xuất gia, Ngài là con thứ tư của vua Vô Tránh Niệm, tên là Năng Đà Nô. Nhờ phụ vương khuyên bảo, hoàng tử Năng Đà Nô phát tâm cúng dường Đức Phật Bảo Tạng và chúng sanh trong 3 tháng. Lúc ấy có quan đại thần Bảo Hải thấy vậy khuyên rằng:

    - Nay Điện hạ có lòng làm công đức rất tốt như thế, xin hãy hồi hướng về đạo vô thượng bồ đề mà cầu đặng thành Phật thì hơn là cầu phước báo hữu lậu nơi cõi nhơn Thiên, vì cõi ấy vẫn còn trong vòng sanh tử.

    Hoàng tử Năng Đà Nô nghe khuyên như vậy thì phát tâm bồ đề, liền nói với Đức Phật Bảo Tạng:

    - Bạch Đức Thế Tôn, nay tôi có món công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong 3 tháng, xin hồi hướng về đạo Vô thượng Chánh giác, nguyện tu hạnh Bồ Tát mà giáo hóa chúng sanh đặng thành Phật đạo, nguyện đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những sự tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sanh đều y như thế giới của Đức Phổ Hiền Như Lai.

    Đức Phật Bảo Tạng nghe hoàng tử phát nguyện như thế thì liền thọ ký, nói rằng:

    - Hay thay! Ngươi phát thệ nguyện rất lớn, muốn độ hết chúng sanh đều thành Phật đạo. Trong khi tu Bồ Tát đạo thì dùng trí kim cang mà phá nát các núi phiền não của mọi loài chúng sanh. Vì vậy, ta đặt hiệu cho ngươi là: Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, trải hằng hà sa số kiếp làm nhiều Phật sự rất lớn, rồi sẽ đến thế giới Bất huyến ở phương đông mà thành Phật hiệu là Phổ Hiền Như Lai. Chừng đó, những sự tốt đẹp trang nghiêm của ngươi đã cầu nguyện thảy đều thỏa mãn.

    Khi Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký rồi, tự nhiên giữa hư không, có nhiều vị vua ở các cõi Trời đem đủ các thứ hoa thơm đến cúng dường và đồng thanh khen ngợi.

    Hoàng tử Năng Đà Nô nói với Phật:

    - Bạch Đức Thế Tôn, nếu những ao ước của tôi ngày sau quả đặng như lời Ngài thọ ký thì nay tôi kính lễ Ngài và chư Phật mà xin làm sao hằng hà sa số thế giới có đủ món hương mùi rất thơm bay khắp cõi, và mọi loài chúng sanh nếu đặng ngữi mùi thơm ấy tức thì được hết khổ và an vui.

    Hoàng tử Năng Đà Nô vừa dứt lời, đang cúi đầu lễ Phật, thì trong mười phương thế giới đều có mùi thơm bay khắp cả.

    Lúc đó, mọi loài chúng sanh ngữi đặng mùi thơm ấy thì lòng dạ hớn hở và hết phiền não.

    Hoàng tử Năng Đà Nô được Phật thọ ký rồi thì thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ Phật rồi ngồi xuống nghe thuyết pháp.

    Nhờ công đức đó, sau khi Hoàng tử mạng chung, sanh ra các thân khác, kiếp nào cũng nhớ lời thệ nguyện mà chăm lo việc Phật, hóa độ chúng sanh, đặng cầu cho mau viên mãn điều ước nguyện.

    Bởi Ngài có lòng tu hành tinh tấn như vậy, nên nay Ngài đã thành Phật, nhưng Ngài vẫn mang danh hiệu Bồ Tát để hóa độ chúng sanh trong các thế giới.

    Theo Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Bồ Tát Phổ Hiền có nêu ra 10 hạnh nguyện lớn:

    1. Nguyện kính lễ chư Phật.

    2. Nguyện xưng tán Như Lai.

    3. Nguyện quảng tu cúng dường.

    4. Nguyện sám hối nghiệp chướng.

    5. Nguyện tùy hỷ công đức.

    6. Nguyện thỉnh Phật chuyển pháp luân.

    7. Nguyện thỉnh Phật trụ thế, giáo hóa chúng sanh.

    8. Nguyện thường học theo Phật.

    9. Nguyện hằng thuận chúng sanh.

    10. Nguyện phổ giai hồi hướng công đức.

    Trong kinh đều nói rằng, ai mà trình bày 10 hạnh nguyện lớn nầy, làm sáng tỏ công đức vô lượng nầy, thì khi lâm chung, được vị nguyện vương đó tiếp dẫn sang CLTG của Đức Phật A-Di-Đà. Mười hạnh nguyện lớn đó cũng là tiêu biểu chung cho các vị Bồ Tát, nên gọi là Phổ Hiền nguyện hải. Vì làm theo hạnh nguyện to lớn của vị Bồ Tát đó, nên thường được gọi là Đại hành Phổ Hiền Bồ Tát.

    Trong nhiều chùa Phật, tượng của Đức Phổ Hiền Bồ Tát cỡi voi trắng 6 ngà đứng bên phải Đức Phật Thích Ca, còn tượng Văn Thù Bồ Tát thì cỡi sư tử xanh đặt bên trái Đức Thích Ca.

    Về phương diện tượng trưng thì Văn Thù Bồ Tát tượng trưng Trí, Huệ, Chứng; còn Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng Lý, Định, Hành, cùng giải thích Lý Trí, Định Huệ, Hành Chứng hoàn bị viên mãn của Đức Như Lai.

    Đức Phổ Hiền Bồ Tát phát minh tánh nghe chơn thật của bổn tâm thanh tịnh, không theo cái nghe hư vọng của nhĩ căn, nên không bị điều chi cách ngại. Hễ có một chúng sanh nào cách xa nhiều thế giới mà phát tâm tu hạnh Phổ Hiền, Ngài liền quán rõ, phân thân cỡi voi trắng 6 ngà đến nơi an ủi, tán thán, gia hộ, khiến chúng sanh ấy mau thành tựu đạo quả như Ngài.

    Trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, trang 105, Phổ Hiền Bồ Tát giáng cơ cho thi Luận về Tam Giáo, xin chép ra sau đây:

    Trước hết là Văn Xương Đế Quân giáng:

    ... ... ... ...

    Than ôi! Ít kẻ chí công tìm,

    Chiếc thoàn Bát Nhã đã chìm bấy lâu.

    Trăm năm trong cuộc bể dâu,

    Công danh phú quí đứng đầu nhơn gian.

    Thấy như thế, thở rồi than,

    Thương người thiểu phước lầm đàng mê tân.

    Ai người rõ thấu nguồn ân,

    Lo tu cho sớm bảo thân khỏi lầm.

    Non cao cây có ngàn năm,

    Người trong dương thế trăm năm mấy lần?

    Muốn cho rảnh cuộc toan tân,

    Lo tu cho kịp hưởng phần thảnh thơi.

    Thần Tiên dạy đã cạn lời,

    Ai người biết đạo Phật Trời thưởng ban.

    Luận qua Tam Giáo một đàng,

    Còn phần luận Tam Giáo qui nhứt, ta nhường cho Phật Phổ Hiền Bồ Tát; tha dạ tái cầu.

    * * * * *

    PHỔ HIỀN BỒ TÁT

    Bần đạo đến giúp cho Văn Xương Đế Quân thêm bài trường thiên cho đủ một trăm câu theo lời cầu xin của bổn đạo.

    Thích Nho Đại Đạo người bàn phải riêng.

    Nhắc từ sơ khởi Tiên Thiên,

    Tam Chi xưa cũng đồng nguyên một nhà.

    Người sau canh cải chia ba,

    Đặt làm Tam Giáo để mà độ dân.

    Đạo Quân giáng thế ân cần,

    Tiền Châu khai đạo từ phân khuyên đời.

    Chỉ rành mấy nẻo lưng vơi,

    Giữ bền Đại Đạo chẳng rời phái tôn.

    Tam thiên lục bá Bàng môn,

    Bảy hai Tả đạo cũng dồn một nơi.

    Thế gian lầm tưởng nhiều đời,

    Giữ riêng ba nhánh đua tài dở hay.

    Phật Trời thương chúng chẳng may,

    Tam Chi qui nhứt như ngày Tiên Thiên.

    Chí Tôn nắm trọn chủ quyền,

    Thích Nho Đại Đạo huờn nguyên một nhà.

    Thần Tiên phụng chỉ ta bà,

    Độ toàn dân chúng cải tà qui chơn.

    Bàng môn Tả đạo qui nguơn,

    Tam Chi nhị diệp cũng huờn cựu ngôi.

    Muốn cho khỏi chốn luân hồi,

    Bền công tu luyện đắp bồi nền nhơn.

    Cạn lời dạy bảo thiệt hơn,

    Khuyên người dương thế mau chơn tu hành./

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

    CLTG: Cực Lạc Thế giới.

     

  • Phổ hóa

    普化

    A: To teach the people.

    P: Enseigner le peuple.

    Phổ: Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả. Hóa: giáo hóa cho thay đổi từ xấu ra tốt.

    Phổ hóa là giáo hóa chúng sanh khắp nơi.

    TĐ ĐPHP: Trong năm Bính Dần, Đức Chí Tôn giáng trần khai đạo phổ hóa chúng sanh làm lành lánh dữ.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Phổ Tế - Cơ quan Phổ Tế

    機關普濟

    A: Public assistance - The body of Public assistance.

    P: Assistance publique - Corps de l'Assistance publique.

    Phổ: Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả. Tế: giúp đỡ.

    Phổ tế là cứu giúp nhơn sanh khắp nơi.

    Cơ quan Phổ Tế là một cơ quan của Hội Thánh CTĐ có nhiệm vụ cứu giúp hoặc độ rỗi những người lạc bước thối tâm, cùng an ủi khuyên lơn những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận sự, hay là độ rỗi những kẻ hữu tâm tầm đạo.

    Đôi liễn đặt nơi cổng của Cơ quan Phổ Tế:

    普化眾生改惡從良歸大道

    濟危萬類去邪尊正合三期

    Phổ hóa chúng sanh cải ác tùng lương qui Đại Đạo,

    Tế nguy vạn loại khử tà tôn chánh hiệp Tam Kỳ.

    Nghĩa là:

    Giáo hóa chúng sanh khắp nơi, sửa điều dữ theo điều lành, trở về nền Đại Đạo,

    Giúp đỡ sự nguy khốn của muôn loài, trừ điều tà, kính điều chánh, hiệp vào Đạo Cao Đài.

    Hoạt động của Cơ Quan Phổ Tế được định rõ trong Đạo Luật Mậu Dần (1938), chép ra sau đây:

    * Phần đông con cái của Đức Chí Tôn, có một hạng biết rõ mối đạo là một cơ bí mật của Trời sáng tạo, đặng cứu vớt sanh linh khỏi trầm luân khổ hải, song vì còn yếu ớt đức tin nên hãy còn đứng ngoài vòng để mắt xem chừng vào cửa đạo; còn một hạng nữa thì lại đang mê mẩn trong vòng vật chất, lầm tưởng cho nền đạo là một cơ quan xảo kế của phàm nhơn sáng tạo để mê hoặc tâm lý người đời mà xem rẻ rúng; thành thử con cái của Đức Chí Tôn vẫn còn mịt mờ trong màn hắc ám.

    Vậy phương diện phổ tế nhơn sanh là một hành vi cần cấp để dẫn dắt người đời vào trường học đạo của Trời cho mau chóng, đặng sớm tầm con đường siêu rỗi cho nhơn loại.

    * Hội Thánh phải tuyển chọn những Chức sắc Thiên phong đủ tài đủ đức đặng thuyên bổ qua Cơ quan Phổ Tế.

    * Chư vị Chức sắc lãnh phần Phổ Tế phải kể mình như các vị quan Phương Bá nhà Châu buổi nọ, nghĩa là mảnh thân gánh nặng nghĩa vụ nơi vai, phải châu lưu cùng khắp trong chốn thôn quê sằn dã, vào tận nơi nào có lấp loáng bóng người, đặng đem chơn lý đạo mầu thức tỉnh thế gian hồi tâm giác ngộ, kẻo một ngày trễ là một ngày hại cho nhơn sanh chưa biết Đạo.

    * Ngoài ra, các vị Phổ Tế, nếu có chức việc hoặc Đạo hữu nào độ đặng 500 tới 1000 người ngoại đạo nhập môn thì vị ấy sẽ đặng Hội Thánh đem ra Quyền Vạn Linh cầu xin phong thưởng vào phẩm Lễ Sanh; độ đặng từ 1000 tới 3000 người thì được vào phẩm Giáo Hữu; độ đặng từ 3000 người tới 10000 người thì đặng vào phẩm Giáo Sư.

    * Chức sắc Phổ Tế, khi gặp những điều bất hợp pháp cùng việc bất hòa xảy ra giữa các cơ quan, có đủ bằng cớ, hoặc bên Hành Chánh, bên Phước Thiện, Tòa Đạo, thì đặng quyền dâng sớ kêu ca ngay cho mỗi vị Chưởng quản ba cơ quan ấy.

    Tổ chức của Cơ quan Phổ Tế Trung ương:

    Theo báo cáo đọc trước Hội Nhơn Sanh năm Giáp Dần (1974), Cơ quan Phổ Tế Trung ương gồm có:

    · Chủ Trưởng: 1 vị Phối Sư.

    · Phó Chủ Trưởng: 1 vị Giáo Sư.

    · Trưởng Văn phòng: 1 vị Giáo Hữu.

    · Nhân viên Văn phòng: 3 vị Lễ Sanh.

    Số Khâm Châu và Đầu Tộc Phổ Tế được Hội Thánh bổ nhiệm, gồm có:

    · Nam Tông Đạo: bổ được 25 Khâm Châu Phổ Tế.

    · Trung Tông Đạo: bổ được 9 Khâm Châu Phổ Tế.

    · Phần Tộc Đạo: bổ được 13 Đầu Tộc Phổ Tế.

    Đó là tổ chức Cơ quan Phổ Tế bên Nam phái.

    Bên Nữ phái, số Chức sắc Nữ phái CTĐ quá thiếu thốn, nên Hội Thánh chưa tổ chức được Cơ quan Phổ Tế Nữ phái.

    Tóm lại, Cơ quan Phổ Tế là cơ quan truyền bá Đạo Cao Đài để phổ độ chúng sanh một cách rộng rãi và nhanh chóng, thể theo lời dạy của Đức Chí Tôn: "Đạo phát trễ một ngày là hại nhơn sanh một ngày."

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Phổ thông

    普通

    A: Popularisation.

    P: Vulgarisation.

    Phổ: Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả. Thông: truyền đạt.

    Phổ thông là truyền đạt đến khắp nơi.

    PCT: Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông. (Chúng nó: Đức Chí Tôn gọi 3 vị Chưởng Pháp)

    PCT: Pháp Chánh Truyền.

     

  • Phổ truyền

    普傳

    A: General propagation.

    P: Propagation générale.

    Phổ: Rộng lớn, bày ra khắp cả, đều cả. Truyền: trao lại cho người khác.

    Phổ truyền là truyền ra khắp nơi.

    TĐ ĐPHP: Nhưng nhờ Đức Chí Tôn đến phổ truyền nền chơn giáo của Ngài nơi đất VN nầy....

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • PHỐI

    PHỐI: 配 có mấy nghĩa sau đây:

    1. PHỐI: đôi lứa.

    Td: Phối ngẫu.

    2. PHỐI: đem người khác mà cúng phụ với người vẫn thờ.

    Td: Phối hưởng, Phối từ.

    3. PHỐI: xứng đáng, sánh ngang.

    Td: Phối Sư, Phối Thánh.

     

  • Phối hưởng

    配享

    Phối: đem người khác mà cúng phụ với người vẫn thờ. Hưởng: hưởng thụ.

    Phối hưởng là mời các chơn linh khác đến hưởng lễ cúng tế cùng với vị chánh được tế lễ nơi đây.

    Đồng lai phối hưởng: cùng đến và cùng hưởng lễ.

     

  • Phối ngẫu

    配偶

    A: To marry.

    P: Marier.

    Phối: đôi lứa. Ngẫu: thành đôi.

    Phối ngẫu là thành một cặp vợ chồng.

     

  • Phối Sư

    配師

    A: Archbishop.

    P: Archevêque.

    Phối: xứng đáng, sánh ngang. Sư: thầy.

    Phối Sư là một phẩm Chức sắc cao cấp CTĐ, đứng trên Giáo Sư, đối phẩm với Thiên Thánh trong Cửu phẩm Thần Tiên.

    Bên CTĐ nam phái, có tất cả 36 vị Phối Sư chia làm 3 phái, mỗi phái 12 vị. Trong số 12 vị của mỗi phái, Đức Giáo Tông chọn ra một vị làm đầu gọi là Chánh Phối Sư. Cho nên có 3 vị Chánh Phối Sư, tùng lịnh trực tiếp 3 vị Đầu Sư.

    Quyền hành và Đạo phục của Phối Sư và Chánh Phối Sư được qui định rõ trong Pháp Chánh Truyền.

    Bên CTĐ nữ phái: Số lượng Nữ Phối Sư không hạn định như bên nam phái, nghĩa là nhiều bao nhiêu cũng được. Trong số Nữ Phối Sư, Đức Giáo Tông chọn một vị làm đầu gọi là Nữ Chánh Phối Sư, tùng lịnh trực tiếp Nữ Đầu Sư.

    Quyền hành và Đạo phục của Nữ Chánh Phối Sư và Nữ Phối Sư được qui định rõ trong Pháp Chánh Truyền.

    Số lượng Chức sắc nữ phái CTĐ:

    Đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh, đêm 15-11-Tân Hợi (dl 1-1-1972) lúc 20 giờ. Phò loan: Hiến Pháp - Khai Đạo. Hầu đàn: Bảo Đạo, Hiến Đạo, các Chức sắc CTĐ, HTĐ, PT.

    Ngài Hiến Đạo bạch hỏi Đức Lý Giáo Tông:

    - Cầu xin Đức Ngài từ bi chỉ giáo, số Chức sắc Nữ phái CTĐ từ phẩm Phối Sư xuống đến Giáo Hữu, mỗi phẩm có bao nhiêu?

    Đức Lý Giáo Tông giáng cơ đáp: - Vô định.

    Như vậy, số Chức sắc Nữ phái CTĐ trong 3 phẩm: Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư không bị giới hạn về số lượng như Chức sắc nam phái CTĐ, nghĩa là số lượng nhiều bao nhiêu cũng được, vô hạn định. Đây là một đặc ân hết sức quí báu mà Đức Lý Giáo Tông ban cho Nữ phái.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

    PT: Phước Thiện.

     

  • Phối từ

    配祠

    Phối: đem người khác mà cúng phụ với người vẫn thờ. Từ: thờ cúng, nhà thờ.

    Phối từ là thờ phụ vào với các vị Thần chánh.

     

  • Phối Thánh

    配聖

    A: The Saint.

    P: Le Saint.

    Phối: xứng đáng, sánh ngang. Thánh: bực Thánh.

    Phối Thánh là phẩm tước ngang hàng bực Thánh.

    Câu hỏi: Phối Thánh có phải là Phối Sư không?

    Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, trong quyển Chánh Trị Đạo, trang 49, phần chú thích phía dưới, giải đáp như sau:

    "Theo chữ Nho thì chữ Phối có nghĩa là so sánh, nên phẩm Phối Thánh là so sánh ngang bằng với phẩm Thánh; nên Phối Sư là Phối Sư, còn Phối Thánh là Phối Thánh, chớ Phối Thánh không phải là Phối Sư.

    Theo Nho giáo, có 4 phẩm Thánh kể từ trên xuống là: Tôn Thánh, Thuật Thánh, Á Thánh và Phối Thánh."

    Theo quyển Khổng Môn Liệt Truyện của Hội Khổng Học Việt Nam, thì Tứ Phối hay Tứ Phối Thánh là 4 vị Thánh được thờ phụng ở trong Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử.

    Tứ Phối gồm:

    1. Phục Thánh Nhan Tử (Nhan Hồi).

    2. Tông Thánh Tăng Tử (Tăng Sâm).

    3. Thuật Thánh Tử Tư (Khổng Cấp).

    4. Á Thánh Mạnh Tử (Mạnh Kha).

    (Xem Tiểu sử của Tứ Phối nơi chữ: Tứ Phối, vần T)

    Vậy Phối Thánh là phẩm tước thuộc hàng Thánh vị, được Đức Phạm Hộ Pháp xếp vào phẩm Thánh Nhơn trong Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng của Cơ Quan Phước Thiện. (Xem tiểu sử của Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng)

    Trong Phạm Môn mà hậu thân là Cơ Quan Phước Thiện do Đức Phạm Hộ Pháp lập nên, có rất nhiều vị công quả Phạm Môn khi qui liễu đắc Thần vị, chỉ có hai ông vượt khỏi Thần vị, đắc Thánh vị là:

    Phối Thánh PHẠM VĂN MÀNG (1888-1933)

    Phối Thánh BÙI ÁI THOẠI (1909-1946)

    Phối Thánh Phạm Văn Màng (1888 - 1933):

    Ngài Phạm Văn Màng, sanh năm Mậu Tý (1888) tại làng Thanh Phước, quận Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh. Thân phụ là Cụ Phạm Văn Nhơn, thân mẫu là Bà Trần Thị Tơ, gia đình lễ giáo Nho gia.

    Thuở nhỏ, ông Màng được cha mẹ cho đi học chữ Nho độ 4 năm, sau đó theo học chữ quốc ngữ và chữ Pháp.

    Năm 18 tuổi, ông cưới vợ, cô Trịnh Thị Bền, người cùng làng. Hai vợ chồng sanh đặng tất cả 7 người con, nhưng chỉ nuôi được 1 trai và 3 gái: Một trai tên là Phạm Văn Xạnh (về sau đắc phong phẩm Chơn Nhơn, chết), 3 gái tên là: Phạm Thị Xia (Giáo Thiện, chết), Phạm Thị Hỏi (Giáo Thiện, chết), Phạm Thị Xong (Giáo Thiện, hiện được 73 tuổi tính đến năm 1996, có chồng là Lê Ngọc Lượm).

    Ông Màng được Ban Hội Tề trong làng cử làm Phó Hương Quản.

    Ngày 21-12-Bính Dần, ông Màng đến Thánh Thất tại chùa Gò Kén để tìm hiểu sự huyền diệu của Đức Chí Tôn và ông thành tâm xin nhập môn vào Đạo Cao Đài ngay hôm đó.

    Khi quí Chức sắc Thiên phong vâng lịnh Đức Lý Giáo Tông đi mua đất rừng tại làng Long Thành để cất Tòa Thánh làm nền tảng cho Đạo, ông Màng liền xin từ chức Phó Hương Quản để trọn hiến thân làm công quả cho Đạo.

    Ông được Đức Cao Thượng Phẩm và Phối Sư Thái Bính Thanh cho phép về quê mộ nhân viên công quả lên tiếp sức khai phá rừng, tạo tác xe bò để chuyên chở và làm những lâm cụ cần thiết. Ông đã hoàn thành công tác và cùng với anh em công quả cất một dãy nhà ở Đông Lang bằng cây lợp tranh để Chức sắc và khách thập phương có nơi tạm nghỉ.

    Ngài Phối Sư Thái Bính Thanh dạy ông về làng mộ thêm công quả nữa để tiếp tục khai phá rừng làm những con đường trong Nội Ô, ông Màng đều hoàn thành tốt đẹp.

    Dưới sự chỉ dạy của Đức Cao Thượng Phẩm, ông Màng đã góp phần đắc lực vào những công việc quan trọng như cất Tòa Thánh tạm, Hậu Điện, Đông Lang, Tây Lang, Phòng Trù, Nhà Khách.

    Năm 1928, cơ khảo Đạo xảy ra, Đức Cao Thượng Phẩm bị một nhóm người dùng bạo lực đuổi ra khỏi Tòa Thánh, ông Màng cùng với Lễ Sanh Trịnh Phong Cương phò tá Đức Cao Thượng Phẩm về khu đất của gia đình Đức Ngài ở gần Giếng Mạch Tây Ninh, rồi cùng với một số bạn đạo tạo dựng nơi đây một ngôi nhà, được Đức Cao Thượng Phẩm đặt tên là Thảo Xá Hiền Cung để làm nơi dưỡng tu cho Đức Ngài.

    Năm 1929, Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên. Sau khi lo việc đám táng cho Đức Ngài xong thì hai ông Màng và Cương lui về quê nhà. Ông Màng nhận chức Phó Trị Sự để tiếp tục lập công quả.

    Đầu năm Canh Ngọ (1930), Đức Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn lập Phạm Môn để tận độ nhơn sanh. Ông Màng vội thu xếp công việc gia đình, từ chức Phó Trị Sự, trở lên Tòa Thánh hội hiệp cùng các bạn đạo trung kiên buổi trước xin hiến thân trọn đời vào Phạm Môn để lập công quả.

    Đức Hộ Pháp giao cho ông Màng trách nhiệm Cai quản Sở Trường Hòa, điều động 50 anh em công quả, trong đó có một số người Tần (người Miên) khuếch trương Lương điền Công nghệ, tạo nguồn sống khá dồi dào cho Đạo. Ông Màng về điều độ gia đình gồm vợ (Trần Thị Bền) và 4 đứa con cùng theo ông lên Tòa Thánh, cùng làm công quả nơi Sở Trường Hòa, và hiến thân trọn đời vào Phạm Môn.

    Trong thời gian ông Màng làm Cai Sở Trường Hoà, ông bị một số người đứng đơn vu oan ông gồm 36 khoản tố cáo lên Đức Hộ Pháp.

    Đức Hộ Pháp gọi ông lên để xét hỏi ông có phạm vào các tội đó không?

    Ông Màng nói: Bạch Thầy, con có các tội đó, con xin nhận chịu và cúi đầu thọ tội.

    Đức Hộ Pháp hỏi: Sao em dám phạm tội như vậy?

    Ông Màng cung kính đáp: Bạch Thầy, các anh lớn con, mấy em con, không thương con, nói con như vậy, nếu mà con nói không có thì thành ra mấy anh em con nói không thật với Thầy. Thầy quở phạt anh em con tội nghiệp.

    Đức Phạm Hộ Pháp vốn đã rõ oan khúc của ông, nhưng hỏi thử để xem ông đối đáp như thế nào, nay nghe ông Màng nói như vậy thì Đức Ngài nghẹn ngào đổ lụy. Đức Ngài an ủi ông với một tình cảm thắm thiết giữa thầy và trò, và khuyến khích ông cứ chí quyết quên mình để phụng sự Đạo pháp.

    Ngày mùng 3-Giêng-Nhâm Thân (dl 7-2-1932), Đức Phạm Hộ Pháp lập hồng thệ cho 72 vị công quả Phạm Môn kỳ nhứt tại Sở Trường Hòa, ông Màng đứng tên trong danh sách với số thứ tự 26, vợ ông là Trần thị Bền cùng 4 con cũng được lập hồng thệ cùng với ông. Về sau, cô Trần Thị Bền được Đức Lý Giáo Tông giáng cơ phong vào phẩm Lễ Sanh Giáo Thiện Nữ phái đêm 15-2-Ất Hợi (dl 19-3-1935), sau nầy, cô được thăng lên phẩm Chí Thiện.

    Sau ba năm cai quản ổn định Sở Trường Hòa, Đức Phạm Hộ Pháp bổ ông Màng qua làm Cai Sở Bàu Sen để khuếch trương thêm.

    Làm Cai Sở Bàu Sen được gần một năm thì ông Màng lâm bịnh nặng. Đức Hộ Pháp thường đến thăm và tặng thuốc cho ông uống.

    Ngày 27-9-Quí Dậu (dl 14-11-1933), ông Thần Võ Văn Thoàn (một vị công quả trong Phạm Môn đã qui vị trước đây và đắc Thần vị), giáng cơ bạch với Đức Phạm Hộ Pháp rằng: Đắc lịnh Trần Văn Xương (Thần Hoàng Long Thành), chư Địa Thần lo nghinh tiếp Phối Thánh Phạm Văn Màng.

    Đúng 12 giờ khuya, tức 00 giờ ngày 1-10-Quí Dậu (dl 18-11-1933) ông Phạm Văn Màng nhẹ nhàng thoát xác tại Sở Quảng Nghệ, hưởng được 46 tuổi.

    Linh cữu được quàn tại Sở Quảng Nghệ ba ngày, Đức Hộ Pháp đứng chủ sự đám táng, hành pháp độ thăng và có thuyết minh cho toàn thể tín đồ tham dự đám táng biết rằng, ông Phạm Văn Màng đã đắc Thánh vị, phẩm Phối Thánh.

    13 ngày sau, tại đàn cơ nơi Phạm Nghiệp, Đức Phạm Hộ Pháp và Ngài Bảo Văn Pháp Quân phò loan, vị Thần Võ Văn Thoàn về cơ bạch với Đức Phạm Hộ Pháp: Phạm Văn Màng đã đắc Thánh vị, và xin tái kiếp hành đạo vì ông chưa thỏa nguyện công nghiệp hành đạo.

    Đức Phạm Hộ Pháp không cho ông Màng tái kiếp vì e không kịp với cơ Chuyển thế của Đức Chí Tôn.

    Sự đắc Thánh của ông Phạm Văn Màng tỏ ra một cách rõ ràng rằng: dù phẩm vị tại thế gian thấp kém, nhưng công hạnh và tâm đức đầy đủ, trọn vẹn phế đời hành đạo, trọn tâm trọn chí lập công bồi đức thì nhứt định sẽ đạt được phẩm vị cao trọng xứng đáng nơi cõi thiêng liêng.

    Đức Chí Tôn đã từng dạy rằng: Thầy lập cho các con một trường thi công quả, các con muốn đến đặng Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.

    Ngày 15-3-1938, Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng, đã ký Đạo Nghị Định số 7/PT truy phong Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng vào phẩm THÁNH NHƠN của Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của Hội Thánh Phước Thiện, cùng với một số Chức sắc Phước Thiện hữu công khác đã qui liễu, cũng được truy phong lên các phẩm Đạo Nhơn, Chí Thiện, v.v...

     

    Văn Phòng ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    PHẠM HỘ PHÁP (Thập nhị niên)
    ----- TÒA THÁNH TÂY NINH
    Số: 7 / PT

    ĐẠO NGHỊ ĐỊNH

    Chiếu y Pháp Chánh Truyền ban quyền hành cho Giáo Tông và Hộ Pháp,

    Chiếu y Tờ Vi bằng của Đại Hội Phước Thiện ngày mùng 9 tháng giêng năm Mậu Dần (1938) công cử những vị hữu công cùng Cơ Quan Phước Thiện vào hàng truy phong Nam phái theo kỷ luật Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng.

    Chiếu theo hồ sơ công nghiệp của mỗi vị,

    Nghĩ vì những vị kể tên dưới đây tận tâm cùng Cơ Quan Phước Thiện từ buổi ban sơ cho đến ngày qui liễu, nên:

    NGHỊ ĐỊNH

    Điều thứ nhứt: Ban hành cho toàn đạo đều rõ, những vị dưới đây đặng truy phong vào hàng Chức sắc Phước Thiện:

    I. THÁNH NHƠN:

    1. Phạm Văn Màng, 46 tuổi, ở làng Thanh Phước, Tổng Mỹ Ninh, Tây Ninh.

    II. ĐẠO NHƠN:

    2. . . . . . . . . . . . .

    Điều thứ nhì: Trần Khai Pháp HTĐ Chưởng quản Cơ Quan Phước Thiện ĐĐTKPĐ và Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, mỗi vị tùy phận sự của mình, lãnh thi hành Đạo Nghị Định nầy.

    Lập tại Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 14-2-Mậu Dần (dl 15-3-1938)

    HỘ PHÁP

    Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài

    Hiệp Thiên và Cửu Trùng

    PHẠM CÔNG TẮC (ấn ký)

    Ngày 14-11-Mậu Tý (dl 14-12-1948), Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài ký Thánh Lịnh cho Hội Thánh hằng năm cử hành Lễ Vía Kỷ niệm hai vị Phối Thánh Phạm Văn Màng và Bùi Ái Thoại, vì công nghiệp của hai vị Phối Thánh từ buổi ban sơ đã được Ngọc Hư Cung nhìn nhận, cùng đặc ân của Quyền Chí Tôn ân tứ.

    GHI CHÚ: Vị Thần Võ Văn Thoàn và Phối Thánh Phạm Văn Màng, lúc ở thế là hai anh em bạn rể, Ông Thoàn vai anh. Cả hai vị đều là đệ tử của Phạm Môn, được Đức Phạm HộPháp điểm đạo cho lập Hồng Thệ thọ Đào Viên Pháp cùng một lượt tại Sở Trường Hòa ngày 3-Giêng-Nhâm Thân. Ông Thoàn qui liễu trước và đắc Thần vị.

    Đức Phạm Hộ Pháp có cho đôi liễn đặt trên Bàn đưa:

    VÕ phong trần khổ thoát,

    THOÀN pháp cảnh Tiên du.

    BÀI THÀI

    Hiến lễ Phối Thánh Phạm Văn Màng:

    1.

    May sanh trọn kiếp vốn hiền lương,

    Nẻo Thánh từ xưa giữ một đường.

    Đoạt đạo nhờ Thầy dìu bước tục,

    Thiên ân hạnh hưởng phước thuần dương.

    2.

    Dương trần chạnh nhớ bạn đồng môn,

    Khổ nhọc lao lung chịu dập dồn.

    Độ thế Thầy nêu cờ cứu khổ,

    Chỉ phiền thế tục dốt tầm chơn.

    3.

    Tầm chơn đã có mặt chơn sư,

    Hưởng phước ban cho lại chối từ.

    Quyền lợi đổi trao nền hạnh phúc,

    Mà ra khổ hải chịu đồ lưu.

    Theo sự giải thích của ông Nhạc Sư Trần Thiện Niệm, khi tế lễ Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng, trước hết đồng nhi thài bài Tuần Hương: "Nghệ hương hiến, nghệ hương tiền."

    Đến Tuần Hoa thì đồng nhi thài Bài 1.

    Đến Tuần Tửu thì đồng nhi thài Bài 2.

    Đến Tuần Trà thì đồng nhi thài Bài 3.

    Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng rất thường giáng cơ.

    Năm 1935, Ngài giáng cơ nói chuyện với 20 vị Lễ Sanh Giáo Thiện đầu tiên, có cho bài thi:

    THI:

    Trường công thấy bạn những xôn xao,

    Nhớ đến tình xưa bắt nghẹn ngào.

    Dặm thảm thương ai đang để bước,

    Cõi Thiên ôm dạ chịu riêng đau.

     

    Phò loan:

    Báo Ân Từ, đêm 7-11-Mậu Tý (dl 7-12-1948),

    Hộ Pháp –

    Khai Pháp

    PHỐI THÁNH PHẠM VĂN MÀNG

    Bạch Sư phụ, con là Màng đây.

    Hễ thấy nhau thêm tủi.

    Xin chào mấy vị Sư thúc, mấy bạn, mấy em.

    - Bạch Sư phụ, khi Sư phụ bị đồ lưu thì con và "Nhượng" vẫn gần bên, Nhượng và con đã chán thấy điều phản phúc của nhiều người. Nếu chẳng quả Thiên Thơ định trấn Thánh thì mấy kẻ ấy đã bị hai con tàn hại. Lẽ định là sanh Thánh chớ không phải tử Thánh. Nhưng Thiên Thơ biến chuyển, ngày nay họ vẫn còn ra vào Ngọc Hư Cung đợi án. Tiếc thay cho một kiếp sanh, đã gặp Phật mà không thấy Phật thì Thiên vị lấy đâu mà định đặng?

    Các bạn Phạm Môn! Khá để ý cho lắm nghe! Một lời quở cũng đủ sa đọa, đừng gây tội tình mà khổ đa.

    Thưa các bạn, Anh "Lịnh" ngày giờ nầy đã ra thân phận một người phụ nữ, hại nỗi lại tái sanh nơi cửa cướp đảng côn đồ, biết có nhớ thân mà tầm đạo.

    Thưa cùng Sư Mẫu rằng: Cô "Bền" đã an phận nơi Bạch Thiên Cung. Còn mấy bạn kia cũng có phần đoạt vị mà cũng có tái kiếp. Chị "Yến" đương hành đạo tại Trung Huê, vì sanh tiền chị đã đại nguyện độ rỗi Đường nhơn. Nói với anh "Tiều" rằng: Con nhỏ đã theo má nó.

    Thường thường các bạn tuy không thấy chớ chúng tôi hằng về thăm viếng.

    Anh "Thế" còn hầu ở Cung Hiệp Thiên Hành Hóa, có mảy mún lỗi lầm chẳng chi trọng hệ mà phòng ngại.

    Các anh em đã qui liễu thì về chung một chỗ với nhau hết. Mấy anh em đừng lo ngại, chỉ lo TU và theo chơn Sư phụ là đủ. Em nhượng cơ cho Phối Thánh Thoại. Thăng.

    Phối Thánh Bùi Ái Thoại (1909 - 1946):

    Ngài Bùi Ái Thoại, tên thật là Bùi Văn Dậu, sanh năm Kỷ Dậu (1909) (1) tại làng Hậu Thành, tổng Phong Hòa, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Nghề nghiệp: Thợ vẽ.

    Thân phụ là Bùi Văn Hên (Đội Trưởng của Nam triều), thân mẫu là Huỳnh Thị Ngà (có chỗ chép là Nguyễn Thị Ngà).

    Ngài Bùi Ái Thoại nhập môn vào Đạo Cao Đài ngày mùng 7-10-Đinh Mão (dl 1-11-1927) tại Hậu Thành, Cái Bè, và cũng từ ngày nầy, ông hiến thân làm công quả nơi Sở Lương điền Công nghệ Tộc đạo Cái Bè.

    Thân phụ của Ngài Bùi Ái Thoại xuất thân từ võ quan của triều đình Huế, người miền Trung, vì sanhkế phải vào Nam lập nghiệp, gặp thân mẫu của Ngài ở Cái Bè, nên nếp sống gia đình chịu ảnh hưởng Nho phong. Ông Bà sanh con đông, nhưng không nuôi được vẹn toàn, chỉ còn nuôi được Bùi Ái Thoại là con độc nhứt, nhưng Ông Bà lại mất sớm lúc Ngài Bùi Ái Thoại còn niên thiếu.

    (1) Theo lời thuật lại của ông Văn Hiếu Liêm ở Phạm Nghiệp, khi Ngài Bùi Văn Dậu nhập môn cầu đạo thì Ngài đổi tên là Bùi Ái Thoại, (Ái là yêu, Thoại là tiếng nói) ý nghĩa là Ngài yêu tiếng gọi của Hội Thánh nên nhập môn và hiến thân làm công quả cho Hội Thánh. Nhưng Sớ Cầu Đạo của Ngài thì ghi tên là: Bùi Ái Thại, sanh năm 1913 (Quí Sửu).

    Hiện ngôi mộ của Ngài tọa lạc tại Nghĩa địa Cực Lạc cũ, bên cạnh Thánh Thất Phận đạo Đệ tứ, và trên mộ bia lại ghi năm sanh của Ngài là 1908 (Mậu Thân).

    Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nhờ hấp thụ sự giáo hóa của gia đình nên Ngài Thoại được bà con chòm xóm thương mến, nhất là tánh chất của Ngài rất hiền hòa chơn thật.

    Khi Đạo Cao Đài vừa truyền đến quê của Ngài thì Ngài liền nhập môn cầu đạo, rồi làm tờ hiến thân vào sở Lương điền Công nghệ tại Quận đạo Cái Bè. Năm ấy, Ngài được 19 tuổi.

    Năm 1933, Ngài Thoại được 25 tuổi, Ngài lập gia đình, vợ của Ngài cũng ở Cái Bè, sanh được một đứa con gái, rồi chẳng may, vợ của Ngài đau bịnh qua đời, để lại gà trống nuôi con. Chẳng bao lâu sau, đứa con gái thân yêu cũng bị bịnh chết. Ngài trở nên bơ vơ một mình, nhưng vẫn đối xử với cha mẹ vợ rất hiếu kỉnh như đối với cha mẹ ruột, hòa mục cùng anh em trong nhà, khiến mọi người đều thương mến, đồng đạo nể vì.

    Năm Ất Hợi (1935), có lịnh của Hội Thánh mộ công quả lên Tây Ninh xây cất Tòa Thánh, Ngài liền xin phép cha mẹ vợ để đi lên Tây Ninh hiến thân làm công quả.

    Ngài có tức cảnh làm bài thi:

    Xót cảnh cuồng phong chiết cội ngô,

    Khách trần sống sót bại cơ đồ.

    Hai năm thê phụng người tròn tiết,

    Thảm đạm hài nhi xót cụm mồ.

    Thệ hải lời vàng cam lỗi hẹn,

    Than ôi! Ai lỡ nhịp cầu ô.

    Thủ trinh cùng nghĩa duyên trăm nguyện,

    Toan tránh đường ba niệm Nẳng-Mô.

    Ngài Thọai lên Tây Ninh trình diện Đức Phạm Hộ Pháp, được bổ vào Sở Bò Cạp lập công năm 1936 (Bính Tý).

    Đức Phạm Hộ Pháp định khởi công cất Tòa Thánh, nên ra Châu Tri kêu mộ nhơn công của các cơ sở, ai có biệt tài gì thì ra giúp Hội Thánh đặng tạo tác Tổ Đình. Ngài Thoại đến trình diện, và được giao trách nhiệm Tá Lý Sở Đắp Vẽ.

    Nhờ được sự chỉ dạy của Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Bùi Ái Thoại trở nên là một nhơn tài trong nghề đắp vẽ, trên được yêu mến tín nhiệm, dưới được em út kỉnh vì.

    Công việc tạo tác Tòa Thánh mới được chừng 80 % thì có lịnh nhà cầm quyền Pháp bắt đình chỉ.

    Ngày mùng 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941) nhà cầm quyền Pháp vào Tòa Thánh bắt Đức Phạm Hộ Pháp, mặc dầu trước đó, Đức Ngài đã bày tỏ lập trường và tôn chỉ của Đạo Cao Đài qua Tờ Phúc Trình gởi quan Chủ trưởng Ủy Ban Điều Tra các thuộc địa ngày 12-12-1937, và khi Thế Chiến thứ hai bùng nổ, Đức Ngài kêu gọi Đạo hữu tùng quân giúp vào đội công binh của Pháp. Nghĩa cử xem thù là bạn, lấy ơn đáp oán, trong thế kỷ 20 nầy, chỉ có hai vị siêu nhân của nhơn loại là Thánh Gandhi ở Ấn Độ và Đức Phạm Hộ Pháp ở VN mà thôi. (ông Gandhi kêu gọi dân Ấn Độ giúp quân đội Anh trong đội Hồng Thập Tự)

    Sau khi nhà cầm quyền Pháp bắt Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc cao cấp của Đạo, chúng đe dọa và xua đuổi các Chức sắc, chức việc, và các công quả trong Nội Ô buộc phải trở về nguyên quán.

    Ông Tá Lý Bùi Ái Thoại, một dạ trung thành với Đạo, không chịu trở về nguyên quán, mà ở lại tạm trú với anh em trong vùng Thánh địa, chờ ngày yên ổn để trở lại tiếp tục làm công quả nữa.

    Ông Bùi Ái Thoại ra hiệp với ông Chí Thiện Lê Văn Gấm tạo lập lò chén thuộc Sở Công nghệ Giang Tân, trước có phương thế lo cho sự sống, sau là dạy nghề cho các công quả hầu đùm bọc nhau trong buổi nền Đạo chinh nghiêng.

    Ngày 25-Giêng-Ất Dậu (dl 9-3-1945), quân đội Nhựt đảo chánh Pháp tại Sài Gòn, Pháp đầu hàng. Quân đội Pháp phải rút khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, Hội Thánh hoạt động trở lại. Ông Bùi Ái Thoại liền vào trình diện với Hội Thánh, xin tái thủ phận sự Tá Lý Sở Đắp Vẽ để tiếp tục tái thiết Tòa Thánh.

    Trong thời gian quân Pháp chiếm đóng Nội Ô, chúng dùng Tòa Thánh làm nơi để xe, dùng Báo Ân Từ làm câu lạc bộ, phá phách các dinh thự tan hoang, hư hao nhiều chỗ, nên công việc tái thiết rất vất vả và đòi hỏi nhiều công phu.

    Mặc dầu Đức Phạm Hộ Pháp vẫn còn bị đồ lưu nơi Mã đảo, chưa trở về Tổ Đình, nhưng ông Tá Lý Bùi Ái Thoại vẫn nhớ rất kỹ những lời chỉ dạy của Đức Phạm Hộ Pháp, những phát họa của Đức Ngài, nên khi ông Thoại trở lại làm việc thì ông đều làm đúng như lời Đức Phạm Hộ Pháp, không hề sai chạy. Ông hăng say làm việc ngày đêm, đôn đốc và khuyến khích anh em trong sở đem hết khả năng tô điểm lịch xinh ngôi Tổ Đình, là khối Đức tin của toàn đạo, trước trả hiếu Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, sau trọn nghĩa với thầy là Đức Phạm Hộ Pháp, để khỏi uổng phí một kiếp sanh may duyên gặp Đạo.

    Ông Tá Lý Bùi Ái Thoại, như được Ơn Trên bố hóa tâm trí minh mẫn, tay nghề khéo léo, nên ông đắp vẽ tượng cốt các Đấng Giáo Chủ Tam Giáo, Tam Trấn Oai Nghiêm, Đức Chúa Jésus, Đức Khương Thượng, các tượng của Bát Tiên và Thất Thánh trên tấm diềm nơi BQĐ, còn trước mặt tiền Tòa Thánh là tượng Đức Quyền Giáo Tông, Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh, tượng Đức Phật Di-Lạc trên nóc HTĐ, và sau cùng là tượng Tam Thế Phật trên nóc BQĐ.

    Qua bàn tay khéo léo của ông Bùi Ái Thoại, hình tượng của các Đấng như sống động, uy nghi, vô cùng đẹp đẽ.

    Ông Tá Lý Bùi Ái Thoại có làm bài thi bày tỏ cảm xúc của mình trước cảnh tang thương của cuộc đời:

    Hè chí thu sang tiết trở đông,

    Ướm xuân thoạt nhớ nợ tang bồng.

    Quanh năm ngẫm lại buồn cho phận,

    Chất tuổi càng thêm thẹn với lòng.

    Ơn nước trót đời mang khó trả,

    Nợ nhà mãn kiếp tính chưa xong.

    Ngùi trông trăm họ vùi chung đỉnh,

    Giành giựt giết nhau chẳng tưởng dòng.

    Ông Bùi Ái Thoại đem hết tâm trí và sức lực vào công cuộc đắp vẽ các pho tượng và trang trí Tòa Thánh, làm việc ngày đêm, nên cuối cùng ông kiệt sức và lâm bịnh nặng.

    Ngày 29-Giêng-Bính Tuất (dl 2-3-1946), ông cổi xác trần trở về cõi thiêng liêng, sống được 38 tuổi, trong có 19 năm phụng sự cho Đạo. Nhiều người thương tiếc than rằng: Phải chi ông ráng sống thêm mấy tháng nữa thì thấy được ngày Đức Phạm Hộ Pháp hồi loan, để thầy trò sum hiệp vui vầy. (Đức Hộ Pháp được đưa trở về Tòa Thánh ngày 30-8-1946).

    Năm Đinh Hợi (1947), Bát Nương giáng cơ cho Hội Thánh biết ông Bùi Ái Thoại đã đắc quả Phối Thánh, và nên ghi vào lịch Đạo ngày mất mà thiết lễ kỷ niệm hằng năm, giống như trường hợp Phối Thánh Phạm Văn Màng, để nêu gương cho hậu thế.

    Thật vậy, người ở thế, nếu Tam Lập (Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn) được hoàn toàn, thì dù ở phẩm bực nào nơi cõi trần, cũng đắc được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng. Cân công bình thiêng liêng rất vô tư, hữu công tất đắc.

    Trong TNHT, Đức Chí Tôn nhiều lần nói rằng:

    "Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một Trường Công Đức cho các con nên Đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn."

    Ngài Phối Thánh Bùi Ái Thoại thỉnh thoảng có giáng cơ tại Báo Ân Từ, không thường xuyên bằng Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng.

    Sau đây là bài giáng cơ của Phối Thánh Bùi Ái Thoại, Ngài Phối Thánh Màng giáng trước, tái cầu thì Ngài Phối Thánh Thoại giáng tiếp theo.

    Tái cầu:

    PHỐI THÁNH BÙI ÁI THOẠI

    - Bạch sư phụ, con là Thoại.

    Thưa chào chư vị Sư thúc, Sư huynh.

    Hèn lâu, con nhớ Sư phụ lắm, mà không biết làm sao!

    Khi Sư phụ bị đày, con rầu buồn quá đổi, thêm lo lắng Đền Thánh chưa rồi. Làm ngày làm đêm, mang bịnh nan y nên qui liễu.

    Nhờ Chí Tôn thương nên ban lịnh Ngọc Hư Cung cho vào hàng Phối Thánh.

    Bạch Sư phụ, làm ơn nói với "Năm Sỏi""Sáu Út" rằng "Kỉnh" bị án sa đọa Phong Đô, nhưng nhờ công nghiệp tạo tác Tòa Thánh, Đức Chí Tôn ân xá cho chuyển kiếp luân hồi, mà chưa đi, còn đương kiện ông "Chữ".

    Con gặp "Quân""Ngưu" lẩn quẩn nơi Thánh địa đặng đợi dịp trả oán theo Ngọc Hư Cung cho phép. Nhưng Phạm Phối Thánh và con khuyên lơn họ, để cho kẻ tội nhơn phụng sự quốc gia, và nghĩ Thánh tâm, oan gia nên giải bất nghi kết, nên họ cũng an lòng, đặng xem hành tàng của kẻ tội nhơn, hoặc tha hoặc trị.

    Con mới dắt Anh "Thiết" kiến diện Sư thúc Thượng Phẩm đặng người điều độ.

    Con nhớ mấy anh em con quá! Khi thấy thờ phượng con, con đau lòng quá! Sư phụ nói lại giùm, con để lời cám ơn họ.

    Nếu con có phước giáng cơ đặng thường, con có nhiều điều nói với họ.

    Con kính lạy Sư phụ, con xin kiếu. Thăng.

    BÀI THI HOÀI NIỆM đề nơi mộ của Ngài Phối Thánh Bùi Ái Thoại:

    HOÀI NIỆM

    Kính bút truyền ghi bậc đức tài,

    Đã dày công buổi Đạo hoằng khai.

    Đem thân hiến trọn về cửa Phạm,

    Tạo nghiệp Tam Kỳ tiếng hậu lai.

    Bởi ý thức đời là giả tạm,

    Nên tìm bến Đạo bỏ đường hai.

    Quả mãn công viên hồi cựu vị,

    Phối Thánh Thiên phong bậc đức tài.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    BQÐ: Bát Quái Ðài.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

    CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

    ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

     

  • PHỒN

    PHỒN: 蕃 Còn đọc Phiền: nhiều, cỏ cây tươi tốt.

    Td: Phồn ba, Phồn hoa, Phồn tục.

     

  • Phồn ba - Phồn hoa

    蕃葩 - 蕃華

    A: The nosy and gaudy urban area.

    P: La cité animée et fastueuse.

    Phồn: Còn đọc Phiền: nhiều, cỏ cây tươi tốt. Ba: bông hoa của cây, đẹp đẽ. Hoa: Huê: tốt, thịnh, náo nhiệt.

    Phồn ba, đồng nghĩa Phồn hoa, (còn nói là Phiền hoa) là chỉ nơi thành thị náo nhiệt, mua bán đông đúc, xe cộ dập dìu. Đó là trường đua chen danh lợi.

    Đức Chí Tôn, lúc còn tá danh A Ă Â, có dạy về chữ Phồn hoa theo phương diện tôn giáo:

    "Phồn nghĩa là trong vòng, Hoa nghĩa là sắc dục. Phồn hoa là trong vòng sắc dục. Giấc phồn hoa là giấc phàm."

    TNHT:

    Mơ màng chưa khỏi lụy phồn hoa.

    KHH:

    Tiếng phồn ba hết thoảng bên tai.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    KHH: Kinh Hạ Huyệt.

     

  • Phồn tục

    蕃俗

    Phồn: Còn đọc Phiền: nhiều, cỏ cây tươi tốt. Tục: thấp kém, chỉ cõi trần, cõi phàm tục.

    Phồn tục là cảnh phồn hoa nơi cõi trần.

    TNHT: Phồn tục theo hoài quên trở gót.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • PHU

    1. PHU: 夫 Người chồng, người đàn ông trọng tuổi đáng kính, người đàn ông làm việc nặng.

    Td: Phu phụ, Phu tử, Phu quí phụ vinh.

    2. PHU: 敷 Đầy đủ, bày ra.

    Td: Phu diễn, Phu phỉ.

     

  • Phu diễn

    敷衍

    A: To develop.

    P: Développer.

    Phu: Đầy đủ, bày ra. Diễn: giăng rộng ra.

    Phu diễn là bày cho rộng ra, chỉ sự phô trương ra bề ngoài mà không có thực chất bên trong.

     

  • Phu - Phu phỉ

    Phu: Đầy đủ, bày ra. Phỉ: đầy đủ, no đủ.

    Phu là đủ. Cho phu là cho đủ. Bất phu là không đủ.

    Phu phỉ là đầy đủ, không thiếu thốn.

    GTK:

    Ai ai bền chí mà tu,

    Phước đem đổi tội cho phu dễ gì.

    Thánh Ngôn Sưu Tập: Vì vậy, Lão phong thêm Chức sắc Hội Thánh cho phu phỉ việc làm.

    GTK: Giới Tâm Kinh.

     

  • Phu quí phụ vinh

    夫貴婦榮

    Phu: Người chồng, người đàn ông trọng tuổi đáng kính, người đàn ông làm việc nặng. Phụ: vợ. Quí: sang trọng. Vinh: vẻ vang.

    Phu quí phụ vinh là chồng làm quan, vợ được vinh hiển.

     

  • Phu tử

    夫子

    A: Master.

    P: Maïtre.

    Phu: Người chồng, người đàn ông trọng tuổi đáng kính, người đàn ông làm việc nặng. Tử: thầy. Phu tử có 2 nghĩa sau đây:

    1.- Phu tử là tiếng học trò gọi thầy với lòng tôn kính.

    Các nhà nho gọi Đức Khổng Tử là Phu Tử hay Khổng Phu Tử. Ở VN người ta gọi Nguyễn Thiếp là La Sơn Phu Tử.

    2.- Phu Tử là một phẩm Chức sắc cao cấp nhứt của Ban Thế Đạo. Phu Tử có phẩm bực dưới Đầu Sư, trên Chánh Phối Sư. (Xem chi tiết nơi chữ: Ban Thế Đạo, vần B)

     

  • Phu xướng phụ tùy

    夫唱婦隨

    A: The husband begins, the wife follows.

    P: Le mari commence, la femme suit.

    Phu: Người chồng, người đàn ông trọng tuổi đáng kính, người đàn ông làm việc nặng. Xướng: cất tiếng hô lên. Phụ: vợ. Tùy: theo.

    Phu xướng phụ tùy là chồng xướng vợ theo, chồng đề ra, vợ sẵn sàng hộ trợ theo. Ý nói: Vợ chồng hòa hợp, hạnh phúc.

     

  • PHÙ

    1. PHÙ: 浮 Nổi trên mặt nước, nổi lên, hư không.

    Td: Phù ba, Phù sanh, Phù vân.

    2. PHÙ: 符 Hợp nhau, bùa phép, cái thẻ làm tin.

    Td: Phù chú, Phù hạp.

    3. PHÙ: 扶 thường đọc là PHÒ, Xem: Phò.

     

  • Phù ba

    浮波

    A: Floating wave: Unstable.

    P: Vague flottante: Instable.

    Phù: Nổi trên mặt nước, nổi lên, hư không. Ba: làn sóng.

    Phù ba là làn sóng nổi, chỉ sự không bền vững, mau đổi thay, như làn sóng trên mặt nước.

    KTT: Cảnh phù ba may rủi cũng duyên.

    KTT: Kinh Tắm Thánh.

     

  • Phù chú

    符咒

    A: Incantation.

    P: Incantation.

    Phù: Hợp nhau, bùa phép, cái thẻ làm tin. Chú: câu thần chú.

    Phù chú là bùa phép và thần chú của thầy pháp.

     

  • Phù du

    蜉蝣

    A: Ephemera.

    P: Éphémère.

    Phù du là loại côn trùng nhỏ, sanh ra từ nước, có cánh bay được, ban ngày bay gần mặt nước, ban đêm khi thấy ánh đèn thì bay đến vòng quanh bóng đèn một lát rồi chết.

    Phù du là chỉ kiếp sống ngắn ngủi, chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn rồi chết.

     

  • Phù đồ

    浮屠

    A: Buddhist tower.

    P: Tour bouddhique.

    Phù đồ: do phiên âm từ tiếng Phạn: Stûpa, nghĩa là tháp Phật, tháp thờ Phật hoặc tháp thờ xá lợi của Phật.

    Dẫu xây chín đợt phù đồ,

    Sao bằng làm phước cứu cho một người. (Kiều)

     

  • Phù hạp

    符合

    A: To be in accord.

    P: Concorder.

    Phù: Hợp nhau, bùa phép, cái thẻ làm tin. Hạp: Hợp: hợp lại.

    Thuở xưa, người ta viết chữ lên cái thẻ tre, rồi chẻ hai thẻ tre, mỗi người cầm một nửa để làm bằng, sau đó đem ráp hai thẻ tre lại thì phải y như cũ.

    Phù hạp hay Phù hợp là vừa vặn với nhau.

    CG PCT: Biết đâu Tân Luật ngày nay Thầy đã đến dạy chúng ta lập thành, trong thời gian tới nữa đây, nó sẽ phải thay đổi cho phù hạp với nhơn trí đạo đời tương đắc.

    CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

     

  • Phù hoa

    浮華

    A: Pompous.

    P: Pompeux.

    Phù: Nổi trên mặt nước, nổi lên, hư không. Hoa: tốt, thịnh, đẹp mắt.

    Phù hoa là màu mè bề ngoài mà ở trong không thực.

     

  • Phù phiếm

    浮泛

    A: Unreal.

    P: Irréel.

    Phù: Nổi trên mặt nước, nổi lên, hư không. Phiếm: không thiết thực.

    Phù phiếm là không thiết thực.

     

  • Phù sanh

    浮生

    A: The ephemeral life.

    P: La vie éphémère.

    Phù: Nổi trên mặt nước, nổi lên, hư không. Sanh: sống, kiếp sống.

    Phù sanh là kiếp sống nổi, ý nói đời sống ngắn ngủi.

    Sách Nho có câu: Kỳ sanh nhược phù hề, tử nhược hưu: Sống thì chịu cảnh trôi nổi, chết được nghỉ ngơi.

    Phù sinh nhược mộng: Kiếp sống ngắn ngủi như giấc chiêm bao.

    TNHT: Kiếp phù sanh không mấy chốc, đời mộng ảo chẳng là bao.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phù trầm

    浮沈

    A: To float and sink.

    P: Flotter et sombrer

    Phù: Nổi trên mặt nước, nổi lên, hư không. Trầm: chìm.

    Phù trầm là chìm nổi, lên xuống, thịnh suy.

     

  • Phù vân

    浮雲

    A: Floating clouds.

    P: Nuages flottants.

    Phù: Nổi trên mặt nước, nổi lên, hư không. Vân: mây. Phù vân là đám mây nổi.

    Phù vân là chỉ việc gì chóng tụ mau tan như đám mây.

    Phú quí như phù vân: Sự giàu sang như đám mây nổi.

    Sách Luận Ngữ: Bất nghĩa nhi phú thả quí, ư ngã như phù vân. Nghĩa là: Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, đối với ta như đám mây nổi.

     

  • PHÚ

    1. PHÚ: 富 Giàu, đầy đủ.

    Td: Phú hữu, Phú túc.

    2. PHÚ: 賦 Trời ban cho.

    Td: Phú bẩm.

     

  • Phú bẩm

    賦稟

    A: Innate.

    P: Inné.

    Phú: Trời ban cho. Bẩm: Trời ban cho.

    Phú bẩm là Trời ban cho.

    Cái tài do Trời phú bẩm cho gọi là Thiên tài.

    Cái bổn thiện đều có nơi mỗi người là do Trời phú bẩm.

     

  • Phú bần

    富貧

    A: The riches and the poverty.

    P: La richesse et la pauvreté.

    Phú: Giàu, đầy đủ. Bần: nghèo.

    Phú bần là giàu nghèo.

    Phú bần là hai hoàn cảnh sống trái ngược nhau trong xã hội: Kẻ thì giàu có dư ăn dư để, kẻ thì nghèo khó thiếu thốn mọi thứ. Cái giàu nghèo nầy là do cái Nghiệp của mỗi người tạo ra từ kiếp trước. Cho nên, người nghèo chớ oán Trời trách người, mà phải ráng lo làm phước đức để giải Nghiệp xấu.

    KSH:

    Người làm phước có khi mắc nạn,

    Kẻ lăng loàn đặng mạng giàu sang.

    Ấy là nợ trước còn mang,

    Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.

    Sách Nho:

    Bần cư náo thị vô nhơn vấn,

    Phú tại thâm sơn hữu khách tầm.

    Nghĩa là:

    Người nghèo ở nơi chợ búa náo nhiệt, không ai thăm,

    Người giàu ở nơi núi sâu cũng có khách đến tìm.

    Đó là thói đời. Nghèo thì bị coi thường, không ai đến thăm; giàu thì có kẻ tìm đến đặng nhờ cậy.

    TNHT:

    Đừng quá so đo việc phú bần,

    Bần hàn trong sạch mới nên thân.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • Phú bất nhân, bần bất nghĩa

    富不仁貧不義

    Phú: Giàu, đầy đủ. Bất nhân: không có lòng thương người mến vật. Bất nghĩa: không xử sự đúng theo đạo lý.

    Phú bất nhân: Giàu thì không có nhân đức.

    Bần bất nghĩa: Nghèo thì không có lễ nghĩa.

    Thành ngữ trên nói về hạng người tiểu nhân, thiếu đạo đức: Họ xây dựng sự giàu có trên sự bất nhân. (Vi phú bất nhân); còn nếu họ nghèo hèn thì họ xử sự không lễ nghĩa.

     

  • Phú hữu tứ hải

    富有四海

    A: Extremely wealthy.

    P: Extrêmement riche.

    Phú: Giàu, đầy đủ. Hữu: có. Tứ hải: bốn biển.

    Phú hữu tứ hải là giàu có bốn biển.

    Ý nói: Sự giàu có tột bực, có đủ các thứ của cải quí báu trong khắp năm châu bốn biển. Đó là sự giàu có của các vị hoàng đế của các đế quốc thời xưa.

    TĐ ĐPHP: Âu Châu buổi nọ, có thể nói Ngài (vua Louis 14 của nước Pháp) là một vị bá chủ của thiên hạ, không có gì mà ông ta không có, phú hữu tứ hải, sang trọng vô biên.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Phú quí

    富貴

    A: Riches and honours.

    P: Richesse et honneur.

    Phú: Giàu, đầy đủ. Quí: sang, địa vị cao.

    Phú quí là giàu sang.

    TNHT:

    Phú quí lớn là giành với giựt,

    Lợi danh cao bởi mượn và xin.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phú quí sanh lễ nghĩa

    富貴生禮義

    Phú: Giàu, đầy đủ. Lễ nghĩa: cách xử sự đúng theo phép tắc.

    Phú quí sanh lễ nghĩa là người giàu sang thường bày biện ra lễ nghi phép tắc rườm rà để phô trương sự giàu sang của mình, và tỏ ra là người học thức đạo đức.

     

  • Phú thứ

    富庶

    A: Rich and populous.

    P: Riche et populeux.

    Phú: Giàu, đầy đủ. Thứ: đông đúc.

    Phú thứ là giàu có và đông đúc dân chúng.

     

  • Phú túc

    富足

    A: Rich.

    P: Riche.

    Phú: Giàu, đầy đủ. Túc: đủ, đầy đủ.

    Phú túc là giàu có và đầy đủ về vật chất.

    KSH: Người phú túc vun nền âm chất.

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • Phủ chính

    斧政

    A: To correct.

    P: Corriger.

    Phủ: cái rìu. Chính: sửa cho đúng.

    Phủ chính là dùng rìu mà đẻo gọt sửa chữa cho đúng.

    Đây là lời khiêm tốn khi nhờ người khác sửa chữa văn của mình.

     

  • Phủ dụ

    撫誘

    A: To exhort.

    P: Exhorter.

    Phủ: vỗ về an ủi. Dụ: vỗ về dạy bảo.

    Phủ dụ là vỗ về, an ủi và dạy bảo đối với kẻ dưới quyền.

     

  • Phủ phước

    A: To grant a happiness.

    P: Accorder un bonheur.

    Phủ: (nôm) bao trùm xuống. Phước: điều tốt lành.

    Phủ phước là bao phủ xuống bằng những phước lành.

    Ý nói: ban xuống nhiều phước lành.

    KKĐCR: Trên hồng quang phủ phước tiêu diêu.

    KKÐCR: Kinh Khi Ðã Chết Rồi.

     

  • Phủ quyết

    否決

    A: To vote against.

    P: Voter contre.

    Phủ: không, chẳng. Quyết: xét định.

    Phủ quyết là biểu quyết phản đối, quyết định không thuận.

     

  • Phủ từ

    府祠

    A: House of worship.

    P: Maison de culte.

    Phủ: dinh thự. Từ: nhà thờ tổ tiên.

    Phủ từ là nhà thờ tổ tiên của một dòng họ.

    Lê phủ từ là nhà thờ tổ tiên của dòng họ Lê.

    Lời phê của Đức Phạm Hộ Pháp:

    "Mấy em trong cửa Phạm Môn là tông tộc của Phật, tức là tông tộc thiêng liêng. Qua tạo làm kiểu mẫu cho mấy em tạo tông tộc phàm trần, nghĩa là gồm chung bá tánh chung hiệp mỗi họ, hầu lo bảo trọng đạo đức và sanh sống cùng nhau, ấy là quyền sở hữu của mấy em về phần đời, không liên can gì đến Đạo, phòng định luật pháp.

    Phải lo tạo Tổ đường của mỗi họ, rồi tình nguyện bắt thăm, đặng định trật tự lớn nhỏ của các gia đình.

    Tổ Đình là hương hỏa của Chí Tôn, gắng sức làm cho thành tựu đặng nương nhau mà sống và duy trì kiếng họ."

    Ngày 14-9-Mậu Tý (dl 16-10-1948)

    HỘ PHÁP (ấn ký)

    Nơi Châu Thành Thánh Địa, những người cùng một họ, họp nhau lại, chung góp để mua một khoảnh đất, cất lên một Phủ từ để làm nhà thờ Tổ Tiên của dòng họ mình.

    Do đó, có nhiều Phủ từ: Lê Phủ từ, Phạm Phủ từ, Bùi Phủ từ, Huỳnh Phủ từ, Võ Phủ từ, Hồ Phủ từ, Phan Phủ từ,....

     

  • Phủ việt

    斧鉞

    A: Heavy punishement.

    P: Punition sévère.

    Phủ: cái rìu. Việt: cái búa.

    Phủ việt là rìu búa, chỉ hình phạt rất nặng.

     

  • PHỤ

    1. PHỤ: 父 Cha.

    Td: Phụ ấm, Phụ giáo, Phụ tử.

    2. PHỤ: 婦 Vợ, đàn bà.

    Td: Phụ đức, Phụ nhân.

    3. PHỤ: 負 Đối xử tệ bạc.

    Td: Phụ vong.

    4. PHỤ: 附 Thêm vào, gởi cho.

    Td: Phụ chú.

     

  • Phụ ấm

    父廕

    A: Inheritance.

    P: Héritage.

    Phụ: Cha. Ấm: tài sản của cha để lại cho con.

    Phụ ấm là tài sản của cha để lại cho con thừa hưởng.

     

  • Phụ bạc

    負薄

    A: Ingrateful.

    P: Ingrat.

    Phụ: Đối xử tệ bạc. Bạc: mỏng, bạc bẽo.

    Phụ bạc là phụ ân và bạc tình.

     

  • Phụ bất ngôn tử chi ác

    父不言子之惡

    Phụ: Cha. Bất ngôn: không nói. Tử: con. Ác: xấu, ác. Tử chi ác: cái xấu của con.

    Ông Thái Công có nói rằng:

    Phụ bất ngôn tử chi ác, Tử bất ngôn phụ chi quá.

    Nghĩa là: Cha không nói cái xấu của con, con không nói cái lỗi của cha.

     

  • Phụ chú

    附註

    A: To annotate.

    P: Annoter.

    Phụ: Thêm vào, gởi cho. Chú: chú giải, giải thích.

    Phụ chú là giải thích thêm, chú giải thêm.

     

  • Phụ đức

    婦德

    A: The feminine virtue.

    P: La vertu féminine.

    Phụ: Vợ, đàn bà. Đức: đức hạnh.

    Phụ đức là đức hạnh của phụ nữ, đức hạnh của đàn bà.

    Người phụ nữ cần phải có 4 đức tốt gọi là Tứ Đức, gồm: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. (Xem: Tứ đức, vần T)

     

  • Phụ giáo - Phụ huấn

    父敎 - 父訓

    A: The teaching of father.

    P: L'enseignement du père.

    Phụ: Cha. Giáo: dạy. Huấn: dạy bảo.

    Phụ giáo, đồng nghĩa Phụ huấn, là sự dạy bảo của người cha đối với con cái trong gia đình.

    TĐ ĐPHP: Bần đạo vẫn quả quyết rằng cái phụ giáo và mẫu giáo đó không mất.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • Phụ lục

    附錄

    A: Appendix.

    P: Appendice.

    Phụ: Thêm vào, gởi cho. Lục: ghi chép, sổ sách.

    Phụ lục là phần chép thêm vào phía sau quyển sách để làm sáng tỏ thêm nội dung chánh của quyển sách.

     

  • Phụ nhân nan hóa

    婦人難化

    A: The women are difficult to educate.

    P: Les femmes sont difficiles à éduquer.

    Phụ: Vợ, đàn bà. Nhân: người. Nan: khó. Hóa: giáo hóa.

    Phụ nhân nan hóa là đàn bà khó dạy, cũng có nghĩa là: đàn bà khó làm cho họ thay đổi.

    NTTP:

    Con đừng thấy phụ nhân nan hóa,

    Cầm hồn hoa vày vã thân hoa.

    NTTP: Nữ Trung Tùng Phận.

     

  • Phụ tá

    輔佐

    A: To assist.

    P: Assister.

    Phụ: giúp đỡ. Tá: giúp.

    Phụ tá là giúp đỡ.

    Người phụ tá là người có phận sự giúp đỡ vị trưởng cơ quan những công việc về phần chuyên môn.

     

  • Phụ trái tử hoàn

    父債子還

    A: The son must pay the debts of his father.

    P: Le fils doit payer les dettes de son père.

    Phụ: Cha. Trái: món nợ. Tử: con. Hoàn: trả.

    Phụ trái tử hoàn là nợ của cha thì con phải trả.

     

  • Phụ từ tử hiếu

    父慈子孝

    A: The kind father makes the filial sons.

    P: Le bon père produit les fils pieux.

    Phụ: Cha. Từ: hiền lành. Tử: con. Hiếu: hiếu thảo.

    Phụ từ tử hiếu là cha hiền thì con thảo.

     

  • Phụ vong

    負忘

    A: Ungrateful.

    P: Ingrat.

    Phụ: Đối xử tệ bạc.Vong: quên.

    Phụ vong là phụ nghĩa vong ân, đối xử tệ bạc, quên hết ơn nghĩa.

    KSH: Tai qua rồi lại dạ đành phụ vong.

    KSH: Kinh Sám Hối.

     

  • PHÚC

    1. PHÚC: 覆 Trả lời, xét kỹ, dối trá tráo trở, đổ.

    Td: Phúc khảo, Phúc thẩm.

    2. PHÚC: 福 thường đọc là PHƯỚC, xem: Phước.

     

  • Phúc âm

    福音

    A: Evangel.

    P: Évangile.

    Phúc: thường đọc là PHƯỚC: Điều may mắn tốt lành. Âm: tiếng, tin tức.

    Phúc âm là tin tức tốt lành. Đó là tin mừng.

    Sách Phúc Âm là cuốn sách trong bộ kinh điển của Thiên Chúa Giáo, cũng gọi là Kinh Thánh Tân Ước nói về Tin Mừng tốt lành (Tin lành) là việc Chúa Cứu Thế Jésus Christ giáng trần giảng đạo và chịu chết trên Thánh giá để chuộc tội cho loài người, giải thoát con người khỏi tội lỗi, và đem con người trở về với Thiên Chúa.

    Sách Phúc Âm (tức là Kinh Thánh Tân Ước) chép lại cuộc đời của Đức Chúa Jésus từ lúc mới sanh cho đến lúc trưởng thành, truyền đạo, chết và phục sinh trở lại; những hành vi, ngôn ngữ, giáo điều, giáo huấn, v.v... của Chúa và các môn đệ đầu tiên của Chúa. Gọi là Tân Ước là vì Chúa Jésus xuất hiện để lập Tờ Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và nhơn loại, bổ túc cho Tờ Giao Ước cũ (Cựu Ước) thiết lập giữa Thiên Chúa và Moïse trong Do Thái Giáo.

     

  • Phúc khảo

    覆考

    A: To reexamine.

    P: Examiner de nouveau.

    Phúc: Trả lời, xét kỹ, dối trá tráo trở, đổ. Khảo: thi chọn lấy người giỏi.

    Phúc khảo là chấm lại những bài thi trong kỳ thi hương mà các quan sơ khảo đã chấm rồi.

     

  • Phúc sự

    覆事

    A: To make a report.

    P: Faire un rapport.

    Phúc: Trả lời, xét kỹ, dối trá tráo trở, đổ. Sự: việc.

    Phúc sự là báo cáo công việc đạo cho cấp trên biết trong địa phận của mình diễn tiến như thế nào.

    ĐLMD: Mỗi kỳ hạn 6 tháng, chư Đầu Tỉnh Đạo phải phúc sự về cho Ngọc Chánh Phối Sư biết rõ cả hành động của mỗi vị Chức sắc trong phần tỉnh của mình.

    "Viết Phúc sự dâng lên Hội Thánh hay là Chức sắc cấp trên của mình thì nên hiểu ba vị Chánh Phối Sư: Thái, Thượng, Ngọc, chưởng quản Cửu Viện, quyền hành phân biệt, những vấn đề phúc sự thuộc về trách nhiệm của Chánh Phối Sư phái nào thì ta dâng lên ngay cho vị ấy, tường trình gọn gàng và cho rõ từng việc, không nên nói bao la mà làm cho bề trên bận trí và mất ngày giờ quí báu của Hội Thánh.

    Nếu có việc cần yếu thì ta nên viết Phúc sự, nói đặc biệt một câu chuyện mà thôi. Như vậy, bề trên mới giải quyết mau lẹ, và tiện việc đặt để vào hồ sơ, chẳng nên viết ba bốn chuyện gồm vào trong một tờ phúc, hay là việc của phái Thái để chung với phái Thượng, phái Ngọc, thì bất tiện cho sở hành." (Trích tài liệu Hạnh Đường, Khóa Lễ Sanh)

    ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

     

  • Phúc thẩm

    覆審

    A: To revise a judgment.

    P: Reviser un jugement.

    Phúc: Trả lời, xét kỹ, dối trá tráo trở, đổ. Thẩm: khảo xét kỹ càng, xử đoán thưa kiện.

    Phúc thẩm là xét lại những vụ án do tòa án dưới đưa lên.

     

  • Phúc thủy nan thu

    覆水難收

    Phúc: Trả lời, xét kỹ, dối trá tráo trở, đổ. Thủy: nước. Nan: khó. Thu: thâu.

    Phúc thủy nan thu là đổ nước khó hốt lại được.

    Ý nói: Làm việc sai lầm, hối hận không được nữa.

    (Xem điển tích: Châu Mãi Thần, vần Ch)

     

  • Phúc trình

    覆呈

    A: A report.

    P: Un rapport.

    Phúc: Trả lời, xét kỹ, dối trá tráo trở, đổ. Trình: bày tỏ cho cấp trên rõ.

    Phúc trình là báo cáo cho cấp trên rõ về đạo sự trong địa phương trách nhiệm của mình.

    Có nhiều kỳ phúc trình trong một năm:

    · Phúc trình Nguyệt để: Tờ phúc trình cuối mỗi tháng.

    · Phúc trình Lục ngoạt kỳ: Tờ phúc cuối kỳ 6 tháng.

    · Phúc trình Chung niên: Tờ phúc trình hết năm.

     

  • PHỤC

    1. PHỤC: 復 Trở lại, báo đáp.

    Td: Phục chức, Phục hồi, Phục sinh.

    2. PHỤC: 服 - Quần áo. - Quần áo tang. - chịu theo - chịu thuộc quyền. - Quen. - Uống.

    Td: Phục mạng, Phục dược, Phục vọng.

     

  • Phục chức

    復職

    A: To restore s.o. to his position.

    P: Être réintégré dans sa fonction.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Chức: chức vụ.

    Phục chức là trở lại chức vụ cũ.

    Một Chức sắc bị ngưng chức vì lầm lỗi, nay được phục chức trở lại.

     

  • Phục cổ

    復古

    A: To return to the past.

    P: Revenir au passé.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Cổ: xưa.

    Phục cổ là trở lại như đời xưa.

    TNHT: Thầy lập Phật giáo vừa khi khai Thiên lập Địa, nên Phật giáo là trước, kế Tiên giáo, rồi mới tới Nho giáo. Nay là Hạ nguơn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phục dược

    服藥

    A: To take the medicaments.

    P: Prendre des médicaments.

    Phục: Uống. Dược: thuốc.

    Phục dược là uống thuốc.

     

  • Phục hồi

    復回

    A: To restore.

    P: Rétablir.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Hồi: trở về.

    Phục hồi là trở lại tình trạng cũ, trở về nguồn gốc.

    KTL: Xác đất sanh đến lịnh phục hồi.

    KTL: Kinh Tẫn Liệm.

     

  • Phục hưng

    復興

    A: To revivify.

    P: Restaurer.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Hưng: thạnh vượng.

    Phục hưng là làm cho hưng thịnh trở lại.

     

  • Phục mạng

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Phục mạng

    服命

    A: To obey orders.

    P: Se soumettre aux ordres.

    Phục: chịu theo - chịu thuộc quyền. Mạng: mệnh lệnh của cấp trên.

    Phục mạng là phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, không được phép cãi lại.

    CG PCT: Cả Chức sắc CTĐ và HTĐ phải phục mạng, dầu cho Giáo Tông và Hộ Pháp cũng phải vậy.

    * Trường hợp 2: Phục mạng

    復命

    A: To report on execution of order.

    P: Rendre compte de l'exécution d'un ordre.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Mạng: mệnh lệnh của cấp trên.

    Phục mạng là vâng lệnh cấp trên đi làm việc xong rồi, trở về báo cáo lại.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Phục quốc

    復國

    A: To reconquer one's country.

    P: Reconquérir son pays.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Quốc: nước, quốc gia.

    Phục quốc là dựng nước trở lại sau khi đã bị mất nước.

    TĐ ĐPHP: Ngày nay, Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài thì dân Do Thái phục quốc lại.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phục quyền

    復權

    A: To recover one's rights.

    P: Rentrer dans ses droits.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Quyền: quyền hành.

    Phục quyền là nắm giữ quyền hành trở lại.

     

  • Phục sinh

    復生

    A: Resurrection.

    P: Résurrection.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Sinh: sống.

    Phục sinh là sống trở lại.

    KĐ8C: Phục sinh đào hạnh rượu hồng thưởng ban.

    KÐ8C: Kinh Ðệ Bát cửu.

     

  • Phục sự

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Phục sự

    復事

    A: To give an account of one's mission.

    P: Rendre compte de sa mission.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Sự: việc.

    Phục sự là trở về báo cáo công việc.

    TNHT: Sự thác chẳng qua là sự mong mỏi của kẻ hành trình đã xong trách nhậm, trở về phục sự đặng lãnh phần thưởng xứng đáng mà thôi.

    * Trường hợp 2: Phục sự

    服事

    A: To serve.

    P: Servir.

    Phục: chịu theo - chịu thuộc quyền. Sự: việc.

    Phục sự là chịu thuộc quyền sai khiến để làm việc.

    ĐLMD: Những vị đã phạm tội mất phẩm vị thiêng liêng của mình, phải có luật ân xá của Quyền Vạn Linh và Quyền Chí Tôn mới đặng,..., khi những vị ấy biết ăn năn, lập nên công nghiệp phi thường, toàn công chúng hoan nghinh và Tòa Đạo minh tra đủ lẽ, thì đặng phép phục sự với một vị Chức sắc Thiên phong nào của kẻ phạm lựa chọn, hầu phục quyền đoái công chuộc tội, thì mới đặng cầu xin phục chức.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

     

  • Phục thiện

    服善

    A: To listen to the reason.

    P: Se rendre à la raison.

    Phục: chịu theo. Thiện: điều lành.

    Phục thiện là chịu nghe theo điều lành.

    TNHT: Con đến đây với tấm lòng thành thật để làm việc phải cho giống dân biết phục thiện.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phục vị

    復位

    A: To restore to his position.

    P: Être réintégré dans sa position.

    Phục: Trở lại, báo đáp. Vị: địa vị, ngôi vị.

    Phục vị là trở lại ngồi trên ngôi vị của mình.

    PMCK: Trùng huờn phục vị Thiên môn.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • Phục vọng Vô Trung Từ Phụ

    服望無中慈父

    A: We serve and wait for the Merciful Father in Nothingness.

    P: Nous servons et attendons le Père Misécordieux dans le Néant.

    Phục: chịu theo. Vọng: mong mỏi. Vô: không, chỉ cõi Hư Vô. Trung: trong. Từ Phụ: tức là Đại Từ Phụ, Đấng Cha chung của toàn thể vạn linh. Đó là Đức Chí Tôn.

    Phục vọng Vô trung Từ Phụ: chúng con chịu nghe theo và mong mỏi Đại Từ Phụ trong cõi Hư Vô. (Sớ văn)

     

  • Phúng điếu

    賵弔

    A: To make a visit of condolence with offering gifts.

    P: Faire une visite de condoléance avec offrandes.

    Phúng: đem tiền bạc hay phẩm vật tới cúng người chết.

    Điếu: viếng thăm và hỏi han gia đình người chết.

    Phúng điếu là đem tiền bạc hay phẩm vật (nhang, đèn, bánh, trái, tràng hoa, vãng, liễn,....) đến cúng tế người chết để tỏ lòng thương tiếc và thăm hỏi, chia buồn với tang quyến.

    Tân Luật của Đạo Cao Đài buộc phải làm toàn chay trong đáng tang, nên không được đem đồ mặn (heo quay, gà quay, thịt luộc,....) tới cúng tế người chết.

     

  • PHỤNG

    1. PHỤNG: 鳳 Con chim phụng (phượng), một loài trong Tứ linh.

    Td: Phụng gáy, Phụng lãnh.

    2. PHỤNG: 奉 Vâng theo, thờ phụng, dâng hiến.

    Td: Phụng dưỡng, Phụng hành.

     

  • Phụng dưỡng

    奉養

    A: To take care of one's parents.

    P: Entretenir avec soin ses parents.

    Phụng: Vâng theo, thờ phụng, dâng hiến. Dưỡng: nuôi nấng.

    Phụng dưỡng là hầu hạ và nuôi nấng cha mẹ.

     

  • Phụng gáy non Nam

    A: The phoenix crows at the southern mountain.

    P: Le phénix chante au mont sud.

    Phụng: Con chim phụng (phượng), một loài trong Tứ linh. Gáy: cất tiếng hót. Non Nam: ngọn núi phía Nam, chỉ nước Việt Nam.

    Thành ngữ nầy lấy ý nghĩa theo điển tích: Phụng minh Kỳ sơn (Phụng gáy non Kỳ), chỉ điềm lành, có Thánh nhân ra đời, lập đời Thánh đức. (Xem: Non Kỳ reo tiếng phụng, vần N)

    Phụng gáy non Nam là ý nói điềm lành cho biết nước Việt Nam có Thánh nhân ra đời, lập đời Thánh đức.

    TNHT:

    Phụng gáy non Nam Đạo trổ mòi,

    Trổ mòi nhân vật bốn phương trời.

    Trời Âu biển Á chờ thay sắc,

    Sắc trắng mây lành phủ khắp nơi.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phụng hành

    奉行

    A: To execute the orders of a supérior.

    P: Exécuter les ordres d' un supérieur.

    Phụng: Vâng theo, thờ phụng, dâng hiến. Hành: làm, thi hành.

    Phụng hành là vâng lịnh thi hành.

    Tín thọ phụng hành là tin theo, thọ lãnh giáo pháp mà mình đã nghe, và vâng lịnh thi hành.

    KCK: Tín thọ phụng hành tức thuyết, chơn ngôn viết....

    KCK: Kinh Cứu Khổ.

     

  • Phụng hoàng vu phi

    鳳凰于飛

    Phụng: Con chim phụng (phượng), một loài trong Tứ linh. Hoàng: con chim phượng mái, Phụng là con chim phượng trống. Phụng hoàng là chỉ một cặp vợ chồng. Vu: đi, trợ ngữ. Phi: bay.

    Phụng hoàng vu phi là đôi chim phụng cùng bay với nhau.

    Ý nói: Đôi vợ chồng hòa hợp.

     

  • Phụng lãnh

    鳳嶺

    A: Phoenix on mountain.

    P: Phénix sur le mont.

    Phụng: Con chim phụng (phượng), một loài trong Tứ linh. Lãnh: đỉnh núi.

    Phụng lãnh là con chim phụng đậu trên đỉnh núi.

    Ý nói: Điềm lành báo cho biết có Thánh nhân ra đời. (lấy theo điển tích: Phụng gáy Kỳ sơn).

    NG: Linh ư phụng lãnh, chí như ý từ.

    NG: Nho Giáo, Kinh Nho Giáo.

     

  • Phụng liễn

    鳳輦

    A: The imperial carriage.

    P: La voiture impériale.

    Phụng: Con chim phụng (phượng), một loài trong Tứ linh. Liễn: chiếc xe dành cho vua đi.

    Phụng liễn là chiếc xe có gắn hình con chim phụng ở phía trước, dành riêng cho Nữ Vương hay Hoàng Hậu đi.

    Nơi cõi thiêng liêng, Phụng liễn là chiếc xe Tiên để đưa các chơn hồn siêu thăng lên cõi TLHS.

    PMCK: Siêu thăng phụng liễn qui khai.

    PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

     

  • Phụng mệnh

    奉命

    A: To obey an order.

    P: Obéir à un ordre.

    Phụng: Vâng theo, thờ phụng, dâng hiến. Mệnh: lịnh của cấp trên.

    Phụng mệnh là vâng lịnh cấp trên.

     

  • Phụng minh triều dương

    鳳鳴朝陽

    Phụng: Con chim phụng (phượng), một loài trong Tứ linh. Minh: hót. Triều: chầu. Dương: mặt trời.

    Phụng minh triều dương là con chim phụng hót chầu mặt Trời. Ý nói: điềm lành hiếm có.

     

  • Phụng sự

    奉事

    A: To serve.

    P: Servir.

    Phụng: Vâng theo, thờ phụng, dâng hiến. Sự: việc.

    Phụng sự là phục vụ hết lòng cho người trên, hay cho một mục đích cao cả tốt đẹp.

    Phụng sự vạn linh: Phụng sự tất cả chơn linh trong CKVT, tức là phụng sự chúng sanh, vì vạn linh đầu kiếp xuống cõi trần thành chúng sanh.

    Phụng sự chúng sanh theo nghĩa hẹp là phụng sự nhơn sanh. Phụng sự nhơn sanh là mục tiêu quan trọng nhứt của Đạo Cao Đài về mặt thể pháp.

    TĐ ĐPHP: Bây giờ Đức Chí Tôn phụng sự vạn linh toàn cả trong CKVT, Ngài dùng cái gì? Ngài dùng phương pháp lấy vạn linh phụng sự vạn linh.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

    CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

     

  • Phụng Thiên thừa vận

    奉天承運

    Phụng: Vâng theo, thờ phụng, dâng hiến. Thiên: Trời. Thừa: vâng theo. Vận: vận số.

    Phụng Thiên thừa vận là vâng theo mệnh Trời và vâng theo thời vận.

    Đây là bốn chữ khởi đầu trong tờ chiếu của vua nhà Thanh bên Tàu. Các vua của nước ta, khi ra chiếu thường dùng bốn chữ: Thừa Thiên hưng vận.

     

  • Phụng thừa

    奉承

    A: To comply to.

    P: Obtempérer.

    Phụng: Vâng theo, thờ phụng, dâng hiến. Thừa: vâng theo.

    Phụng thừa là vâng theo.

     

  • Phụng tự

    奉祀

    A: To worship the ancestors.

    P: Adorer les ancêtres.

    Phụng: Vâng theo, thờ phụng, dâng hiến. Tự: thờ cúng.

    Phụng tự là thờ cúng tổ tiên.

    TĐ ĐPHP: Từ lập quốc đến giờ, trong phong hóa nhà Nam không thấy lúc nào sơ thất sự phụng tự.

    TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

     

  • PHƯỚC

    PHƯỚC: 福 Điều may mắn tốt lành.

    Td: Phước địa, Phước huệ.

     

  • Phước bất khả hưởng tận

    福不可享盡

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Bất khả: không nên. Tận: hết.

    Phước bất khả hưởng tận là phước chẳng nên hưởng hết.

    Ông Trương Vô Tận có nói rằng:

    Sự bất khả sử tận, thế bất khả ỷ tận,

    Ngôn bất khả đạo tận, phước bất khả hưởng tận.

    Hữu phước mạc hưởng tận, phước tận thân bần cùng,

    Hữu thế mạc sử tận, thế tận oan tương phùng.

    Phước hề thường tự tích, thế hề thường tự cung,

    Nhân sinh kiêu dữ xỉ, hữu thủy đa vô chung.

    Nghĩa là:

    Việc không nên dùng hết, thế không nên dựa hết,

    Lời không nên nói hết, phước không nên hưởng hết.

    Có phước đừng hưởng hết, phước hết thân nghèo khổ,

    Có thế đừng dựa hết, thế hết thì gặp oan nghiệt.

    Mình có phúc thì thường tự tiếc, có thế thường tự nhún,

    Người kiêu căng và xa xỉ thì có thủy mà phần nhiều không có chung.

     

  • Phước bất trùng lai

    福不重來

    A: The happiness never comes twice over.

    P: Le bonheur ne vient jamais à deux.

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Bất: không. Trùng: nhiều lần. Lai: tới.

    Phước bất trùng lai là điều phước không tới nhiều lần.

    Câu nho thường nói: Phước bất trùng lai, Họa vô đơn chí. Nghĩa là: Điều phước không tới nhiều lần, điều họa không tới một lần. (Phước thì ít tới mà Họa thì gặp hoài).

    Thành ngữ nầy thường dùng để an ủi những người có số phận bạc bẽo, tai họa cứ đến dồn dập.

     

  • Phước duyên

    福緣

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Duyên: sức bổ trợ cho cái nhân thành quả.

    Phước duyên là cái phước có được do việc làm lành báo đáp lại, tức là cái phước do duyên lành từ kiếp trước tạo ra.

    KSH: Làm lành đặng hưởng phước duyên.

    BKNKSH: Đương sanh hạnh hưởng phước duyên.

    KSH: Kinh Sám Hối.

    BKNKSH: Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối.

     

  • Phước địa

    福地

    A: The land of happiness.

    P: La terre de bonheur.

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Địa: đất.

    Phước địa là đất phước, đất lành, chỉ cõi Thần Tiên.

    Trong dân gian, nơi nào sống sung sướng, an lành vui vẻ, khí hậu tốt đẹp thì cũng gọi là phước địa.

    KCS: Nơi phước địa ở yên tu luyện.

    Phật giáo gọi cảnh chùa, nơi tu hành là phước địa, là cõi phước, vì nơi đây sanh ra phước đức.

    KCS: Kinh Cầu Siêu.

     

  • Phước điền

    福田

    A: The field of happiness.

    P: La rizière de bonheur.

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Điền: ruộng.

    Phước điền là ruộng phước, ruộng sanh ra phước đức.

    Như nhà nông gieo hột lúa giống xuống ruộng tốt thì sẽ thu hoạch được nhiều lúa thóc. Do đó, Phật giáo xem những người xuất gia, tu hành giữ giới trong sạch, là phước điền đối với chúng sanh, vì chúng sanh đem những thứ đồ vật đến cúng dường cho các vị nầy thì chúng sanh được nhiều phước lớn.

     

  • Phước hạnh

    福幸

    A: The good luck.

    P: La bonne chance.

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Hạnh: may mắn.

    Phước hạnh là may mắn tốt lành.

    TNHT: Há chẳng phải là một điều phước hạnh lớn lao hơn mọi sự sao?

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phước hậu

    福厚

    A: Great happiness.

    P: Grand bonheur.

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Hậu: dày dặn, trái với Bạc là mỏng.

    Phước hậu là phước đức dày dặn.

    TNHT: Phước hậu Trời ban để cháu con.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phước Huệ song tu

    福慧雙修

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Huệ: trí huệ, sự sáng suốt thông hiểu đạo lý. Song: hai cái song song với nhau. Tu: tu hành.

    Phước huệ song tu là việc tu phước và việc tu huệ phải thực hành song song với nhau.

    1. Tu phước: là làm những việc phước thiện, giúp đời giúp người, phụng sự nhơn sanh. Đó là việc phổ độ nhơn sanh, đem nhơn sanh vào đường đạo đức.

    Tu phước chính là làm công quả, với tinh thần cứu khổ ban vui, cầu sự giải thoát chớ không phải để cầu phước báo. Mục đích của công quả là giải nợ tiền khiên, mở vòng oan trái, để khi linh hồn thoát xác thì không còn bị nợ nần kéo níu, oan nghiệt buộc ràng, linh hồn thảnh thơi nhẹ nhàng bay trở về cõi thiêng liêng.

    2. Tu huệ: là tinh tấn công phu, hành pháp tịnh luyện khai mở Thiên môn, bằng pháp môn Giới, Định, Huệ của Phật giáo, hay luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt của Tiên giáo, để cho trí huệ hoát khai, và chơn thần có thể xuất ra khỏi thể xác tùy ý, giao tiếp được với các Đấng thiêng liêng.

    Tu phước và tu huệ phải đi liền với nhau để cùng một lượt đạt đến mục đích. Nếu tu Phước mà thiếu phần tu Huệ thì linh hồn cũng chưa thể giải thoát được vì thiếu phần sáng suốt; còn nếu tu được Huệ mà thiếu Phước thì vẫn chưa thể giải thoát được vì thiếu phần công quả, và phải trở lại cõi trần, dùng cái sáng suốt có được giúp nhơn sanh tiến hóa cho đến khi công quả viên mãn thì mới được giải thoát, đạt được ngôi vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

    Đạo Cao Đài mở ra đầy đủ pháp môn tu phước và tu huệ, tức là đầy đủ Thể pháp và Bí pháp.

    Thể pháp là để tu phước, lập công quả nơi CTĐ, HTĐ hay Cơ Quan Phước Thiện.

    Bí pháp là để tu Huệ, luyện đạo trong Tịnh Thất, luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, đạt được trí huệ, và chơn thần có thể xuất khỏi thể xác, giao tiếp các Đấng thiêng liêng.

    Nhưng trong thời kỳ đầu tiên Khai Đạo, Đức Chí Tôn đại khai ân xá, miễn cho nhơn sanh phần tu Huệ, nghĩa là trong thời kỳ Đại ân xá nầy, nhơn sanh chỉ cần tu phước, lập được nhiều công quả thì Đức Chí Tôn cho đắc đạo.

    TNHT: "Trong các con, có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo.

    Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong, thì không thế nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao." (TNHT. I. 102)

    "Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi." (TNHT. I.34)

    "Ấy vậy, Đại Đạo Tam Kỳ chẳng khác chi một trường thi công quả. Nếu biết ăn năn trở bước lại nơi đường sáng sủa, giồi tâm, trau đức đặng đến hội diện cùng Thầy thì mới đạt đặng địa vị thanh cao trong buổi chung qui đó." (TNHT. II.13)

    Tóm tại, trong thời kỳ tận cùng của đời Hạ nguơn, Đức Chí Tôn nhận thấy con cái của Ngài không còn đủ ngày giờ để Phước Huệ song tu, tức là vừa lo tu phước (công quả) vừa lo tu huệ (luyện đạo), nên Đức Chí Tôn đại khai ân xá cho toàn cả nhơn loại, chỉ cần tu phước, tức là lập công quả cho trọn vẹn thì đủ đắc đạo trong một kiếp sanh nầy.

    Do đó, dầu ai tu Huệ (luyện đạo) đạt được trí huệ đi nữa mà thiếu công quả thì vẫn không thể đoạt thủ địa vị thiêng liêng, mà phải tái kiếp xuống trần lập cho đủ công quả thì e lúc đó trễ hội Long Hoa chăng?

    TNHT: "Người dưới thế nầy, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả."

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

     

  • Phước - Lộc - Thọ

    福 - 祿 - 壽

    A: Happiness - Wealth - Longevity.

    P: Bonheur - Richesse - Longévité.

    Phước - Lộc - Thọ là ba vị Thiên Quân tượng trưng:

    · Phước tượng trưng sự hạnh phúc, con cháu đông đảo.

    · Lộc tượng trưng sự giàu có và có quan tước.

    · Thọ tượng trưng sự sống lâu và an nhàn.

    Thờ Phước Lộc Thọ là thờ Cửu Huyền Thất Tổ chung của mọi người, tức là thờ Ông Bà chung.

    Sự tích của Tam vị Thiên Quân Phước Lộc Thọ như sau:

    Phước Lộc Thọ là tên của ba ông: ông Phước, ông Lộc, ông Thọ, vào đời nhà Đường bên Tàu.

    - Ông PHƯỚC có đức Trời ban, có con đông, nhưng nhà nghèo, lòng dạ chơn thật, tự lực cánh sinh, không chịu nhờ vả ai, tin tưởng vận mạng của mỗi người do Trời định, nên giữ lòng thanh bạch, không tham vọng.

    - Ông LỘC có đức Đất cho, làm quan lớn tại triều đình, nhà giàu có lớn, tiền của dẫy đầy, có kẻ hầu người hạ, tánh tình hòa nhã, thanh liêm, một lòng vì nước vì dân, giàu lòng nghĩa hiệp, hay trợ khó giúp nghèo, mến hiền trọng đạo.

    - Ông THỌ có đức do Người tạo, độc thân, sống lâu hơn mọi người, có lòng nghĩa hiệp, hay giúp đỡ người nghèo khổ, chỉ sống bằng nghề ăn trộm, một năm chỉ ăn trộm một lần để nuôi thân suốt năm, không ham lấy thêm, gặp người quá nghèo khổ thì đi ăn trộm của nhà giàu, đem tiền đến cứu giúp.

    Sự tích ba ông Phước, Lộc, Thọ được Đức Phạm Hộ Pháp giảng giải trong đêm giao tòa nhà mới vừa xây cất xong vào năm 1947 dành cho Hiệp Thiên Đài làm Văn phòng của chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, có đông đảo Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài tham dự.

    "Ba ông Phước, Lộc, Thọ cùng ở một thôn.

    Hoàn cảnh của ba ông khá đặc biệt:

    - Ông Phước thì nghèo khổ mà đông con.

    - Ông Lộc thì làm quan, giàu có mà không con.

    - Ông Thọ thì có nghề sở trường là ăn trộm, đi làm việc một đêm đủ tiền chi dụng một năm, ngoài ra chẳng làm gì khác.

    Một hôm, ông Thọ khởi sự hành nghề ăn trộm, đang đêm đi ngang qua nhà ông Phước, thấy đèn còn thắp leo lét, ghé vào đứng bên ngoài xem, nghe vợ của Phước than thở nghèo khổ, con cái quần áo tả tơi. Ông Thọ thấy vậy cảm động đem lòng thương xót thầm, nghĩ rằng: đêm nay, mình đi ăn trộm chuyến nầy để giúp Anh Phước đỡ nghèo, có tiền mua gạo ăn và sắm quần áo cho đàn con đông đảo.

    Nghĩ vậy rồi liền thực hành, đi đến nhà ông Lộc, rình cho đến khuya, đợi tôi tớ trong nhà ngủ say, mới đánh ngạch vào nhà, mở tủ lấy trộm được một số vàng bạc khá nhiều, bọc vào một cái khăn, rút lui êm tịnh, không ai trong nhà hay biết.

    Ông Thọ liền đi ngay đến nhà Anh Phước, trời vẫn còn khuya, kêu Anh Phước dậy mở cửa, đốt đèn lên. Phước hỏi ông Thọ, nửa đêm kêu cửa có việc chi cần gấp?

    Ông Thọ nói:

    - Tôi đem giúp Anh một gói vàng bạc đây để Anh chi dụng trong nhà, mua gạo và sắm quần áo cho sắp nhỏ.

    Ông Phước hỏi:

    - Vàng bạc ở đâu mà Anh có nhiều như vậy?

    Ông Thọ đáp:

    - Của tôi đem đến giúp Anh thì Anh cứ nhận mà dùng, hơi nào hỏi lòng vòng lôi thôi.

    Ông Phước nói:

    - Xin Anh cho biết rõ của nầy do đâu mà có thì tôi mới dám nhận sự giúp đỡ của Anh, chớ tôi thấy Anh đâu có giàu gì!

    Ông Thọ túng thế phải nói thiệt:

    - Số vàng bạc nầy do tôi lấy trộm của nhà giàu để đem lại giúp Anh cho đỡ nghèo.

    Ông Phước nói:

    - Tưởng đâu Anh làm ăn khá giả, dư tiền dư bạc mà giúp tôi, nào dè Anh đi ăn trộm, thì vàng bạc nầy là của phi nghĩa, là của gian, tôi không dám nhận đâu, Anh hãy đem về đi.

    Hai đàng nói qua nói lại một hồi, ông Phước nhứt định không nhận và có vẻ giận, rồi mời Anh Thọ ra khỏi nhà, đóng cửa đi ngủ trở lại.

    Ông Thọ lấy làm lạ cho Anh Phước nầy, nhà nghèo rớt mồng tơi, đói nheo nhóc mà lại không chịu nhận vàng bạc bất nghĩa. Mình chẳng lẽ lấy số vàng bạc nầy về xài thì tỏ ra kém hơn Anh ta nhiều quá, nên quyết liều đem lại trả cho ông Lộc.

    Ông Thọ suy nghĩ như thế, liền trở lại nhà ông Lộc, kêu mở cửa, rồi vào nhà nói rõ cho ông Lộc biết:

    - Hồi đêm hôm, tôi có lén đào ngạch vào nhà ông ăn trộm một số vàng bạc để đem lại giúp cho Anh Phước, vì thấy Anh Phước nhà quá nghèo mà lại đông con, nhưng Anh Phước nhứt định không chịu nhận vì cho rằng của nầy là của ăn trộm, của phi nghĩa, nên tôi chẳng biết làm sao, đành liều đem lại trả cho ông, xin ông đừng bắt tội.

    Ông Lộc nói:

    - Tiền bạc ở trong tủ nhà của tôi thì nó mới là của tôi, nay nó đã ở trong tay ông thì nó là của ông, không phải của tôi nữa. Ông hãy mang về đi, tôi không biết tới nó nữa. Ông Thọ nài nỉ: - Tôi nói thiệt với ông là số vàng bạc nầy là của ông, ông không tin thì vào mở tủ ra xem lại đi, tôi mới lấy trộm ra đó. Xin ông tha tội cho tôi và cất nó trở lại vào tủ.

    Ông Lộc nhứt định không chịu nhận và mời ông Thọ ra khỏi nhà. Ông Thọ đành phải ôm gói vàng bạc đi ra, trở về nhà, lòng nặng trĩu ưu tư, thầm nghĩ hai thằng cha Phước và Lộc là hai tay thật kỳ cục, phi thường khác tục. Ông suy nghĩ mãi và cảm thấy lương tâm ray rứt, kế trời hừng sáng. Ông quyết định là mình cũng không xài số vàng bạc nầy làm gì, mất giá trị lắm, chẳng lẽ mình thua Anh Phước sao, thôi mình nên đem đổ xuống sông cho rảnh.

    Ông Thọ liền đem tất cả số vàng bạc ấy đến đứng giữa cầu, đổ trút xuống dòng sông nước đang chảy mạnh. Đúng lúc đó, có một đám người cờ bạc vừa tan sòng đi ra đến đầu cầu nhìn thấy, họ la hoãng lên vì động lòng tham, liền nhảy xuống sông để lặn mò lấy vàng bạc. Chẳng may nước chảy xiết quá, có một người ham lặn, hụt hơi chết đuối.

    Linh hồn chàng cờ bạc bị Quỉ sứ dẫn xuống Địa ngục phạt tội, liền tố cáo với Diêm Vương là tại ông Thọ nên anh ta mới bị chết chìm một cách oan uổng và đòi Diêm Vương bắt ông Thọ đền mạng.

    Diêm Vương liền kêu Quỉ sứ lên bắt hồn của ông Thọ dẫn xuống. Diêm Vương hỏi ông Thọ:

    - Tại sao nhà ngươi làm cho tên nầy chết đuối oan mạng như thế?

    Hồn ông Thọ đáp:

    - Tâu Diêm Vương, tại tên nầy quá tham lam thấy tôi đổ vàng bạc xuống sông nên lặn mò quyết lấy, chẳng may bị hụt hơi chết đuối thì đáng kiếp lắm, chớ tôi đâu có xô nó xuống sông mà bắt tội tôi.

    - Vàng bạc ở đâu? Mà tại sao ngươi đổ xuống sông?

    - Vàng bạc nầy là của tôi, tôi không dùng thì tôi đổ xuống sông, ấy là quyền của tôi, tên nầy quá tham lam nên chết ráng chịu.

    Diêm Vương lại phán:

    - Mặc dầu là tiền bạc của ngươi, nhưng lúc sắp đổ xuống sông, ngươi phải lựa lúc vắng người, không ai nhìn thấy mà khêu gợi lòng tham của kẻ xấu. Vậy ngươi chẳng chối tội đặng.

    - Nếu Diêm Vương xét như vậy thì tội nầy là của Anh Phước mới đáng, chớ không phải tội của tôi, bởi vì số vàng bạc nầy, tôi đem cho Anh Phước giúp ảnh đỡ nghèo, mà Anh Phước không chịu lấy, nên tôi tức mình đem đổ xuống sông như thế.

    Diêm Vương lại sai Quỉ sứ lên bắt hồn của ông Phước xuống đây đối chất. Diêm Vương hỏi ông Phước:

    - Số vàng bạc của Thọ đem đến giúp cho nghà ngươi, sao nhà ngươi không chịu lấy, để nó tức giận đem đổ xuống sông, làm cho tên cờ bạc nầy nổi lòng tham, lặn mò đến chết đuối? Vậy nhà ngươi phải đền mạng cho tên cờ bạc nầy.

    Ông Phước biện bạch thưa rằng:

    - Bẩm Diêm Vương, nhà tôi nghèo thật, nhưng vàng bạc của Anh Thọ giúp tôi là của gian, của ăn trộm, nên tôi nhứt định không nhận. Vậy tôi có tội gì?

    Diêm Vương quay qua quở ông Thọ, Thọ liền thưa:

    - Nếu như Anh Phước vô tội thì tội nầy phải là của ông Lộc, bởi vì số vàng bạc nầy là của ông Lộc do tôi lén lấy trộm đem về giúp Anh Phước, nhưng Anh Phước cho là của gian nên không nhận, tôi đành đem trả lại ông Lộc và xin tha tội ăn trộm của tôi. Ông Lộc rất kỳ cục, không chịu chấp thủ, đuổi tôi ra khỏi nhà, nên tôi tức giận đem đổ xuống sông. Vậy tội nầy là của ông Lộc.

    Diêm Vương lại cho Quỉ sứ đi bắt hồn của ông Lộc xuống tra hỏi.

    Ông Lộc biện bạch rằng:

    - Số vàng bạc nầy của tôi bị mất đã đành, nhưng ông Thọ đã lấy đem ra khỏi nhà tôi mà tôi không hay biết, thế là của đó không còn là của tôi nữa, nên dầu cho ông Thọ có năn nỉ trả lại, tôi nhứt định không chịu nhận. Kể ra của đó cũng bất nghĩa, tôi đành chịu ngu dại chớ không nhận lại của đó. Nhận lại hay không là quyền chọn lựa của tôi, tôi đâu có phạm tội gì.

    Diêm Vương thẩm án, xét thấy ba ông Phước, Lộc. Thọ, đều là người có nghĩa khí. Phước và Lộc đều trong sạch. Thọ có tội ăn trộm nhưng biết giác ngộ và làm việc phải, giúp người nghèo khó. Vậy cả ba người nầy đều vô tội, chỉ có tên cờ bạc gian tham lặn mò cho đến đổi chết đuối là đáng kiếp, không thể khiếu nại gì được nữa.

    Diêm Vương phán rồi, liền sai Quỉ sứ dẫn hồn tên cờ bạc chết oan đem giam vào Địa ngục hành hình và truyền đưa ba hồn Phước, Lộc, Thọ trở về dương gian nhập xác.

    Khi ba hồn về tới dương gian thì ba xác của ba ông đã được thân nhân mai táng, sình thúi hư hỏng hết rồi, vì vụ thưa kiện nầy lòng vòng mất nhiều ngày giờ. Do đó, ba chơn hồn được đưa trở lại Địa phủ.

    Diêm Vương làm tờ sớ trình bày tỉ mỉ sự việc, dâng lên Thiên Tào phán định. Thượng Đế xem xong, phán rằng:

    - Phước nghèo, đông con, giữ được lòng thanh bạch. Thọ thì độc thân, không tham, có nghĩa, nhân từ.

    Lộc thì có lòng độ lượng.

    Cho nên, Phước Lộc Thọ là ba tánh đức của Trời, Đất, Người. Người mà có được ba đức ấy để hưởng là một phúc hạnh lớn. Nay phong cho ba vị làm Tam Thiên Quân, và truyền cho thế gian tôn thờ ba Đấng Thiên Quân nầy để làm gương.

    Đạo Nho lấy sự tích Phước Lộc Thọ nầy làm biểu tượng thờ Cửu Huyền Thất Tổ, thể sánh Tổ Phụ Ông Bà thuở xưa cũng đã từng hưởng được ba đức ấy."

    Đức Phạm Hộ Pháp cho lập tại Hậu Điện Báo Ân Từ và nơi Khách Đình, thờ ba chữ PHƯỚC LỘC THỌ bằng chữ Nho đại tự, để làm Bàn thờ Ông Bà chung.

    Trong truyện Tây Du Ký có chép chuyện Tôn Hành Giả đi ra đảo Bồng Lai gặp ba ông Phước, Lộc, Thọ, gọi là Thọ Tinh, Phước Tinh, Lộc Tinh. Chuyện ấy tóm tắt như sau:

    "Sau khi Tôn Hành Giả nổi giận quật ngã cây Nhơn Sâm của Trấn Nguyên Đại Tiên ở Ngũ Trang Quán núi Vạn Thọ, bị Trấn Nguyên dùng phép bắt hết bốn thầy trò Tam Tạng để bắt đền cây Nhơn Sâm. Tôn Hành Giả hứa đi tìm thuốc cứu cây Nhơn Sâm ấy cho sống lại, hẹn trong ba ngày trở lại, để Tam Tạng, Trư Bát Giới cùng với Sa Tăng ở lại làm tin.

    Tôn Hành Giả thót lên mây, cân đẩu vân thẳng đến Đông Dương Đại Hải, tới nơi, Hành Giả đi thẳng đến đảo Bồng Lai, thấy ngoài cửa động Bạch Vân, dưới bóng tùng, có ba ông già đang ngồi đánh cờ. Người ngồi xem là Thọ Tinh, còn hai người đang đánh cờ là Lộc Tinh và Phước Tinh. Hành Giả bước tới chào hỏi:

    - Kính chào ba Ông Em.

    Ba người bỏ ván cờ, đồng hỏi:

    - Đại Thánh có việc chi tới đây?

    - Chẳng giấu gì các Ngài, Lão Tôn nhận bảo hộ Đường tăng đi Tây phương thỉnh kinh, giữa đường gặp một chút trở ngại, có tí việc muốn nhờ đến các Ngài giúp đây.

    Phước Tinh hỏi:

    - Trở ngại gì, Đại Thánh nói ra để chúng tôi còn liệu.

    - Trở ngại ở Ngũ Trang Quán, núi Vạn Thọ.

    Ba vị Phước, Lộc, Thọ kinh ngạc hỏi:

    - Quán Ngũ Trang là Cung Tiên của Trấn Nguyên Đại Tiên. Đại Thánh vào đấy ăn trộm nhơn sâm của ông ấy chớ gì?

    - Ăn trộm thì đáng là bao, Lão Tôn đã quật nó ngã chổng gọng chết rồi. Lão ấy bắt đền. Ta hứa đi tìm thuốc chữa cho cây Nhơn sâm ấy sống lại. Nó bắt thầy ta ở lại làm tin, hẹn trong ba ngày phải có thuốc. Ba Ngài có phương thuốc nào chữa cho cây Nhơn sâm ấy sống lại không?

    Ba ông Phước, Lộc, Thọ buồn rầu đáp:

    - Con khỉ nầy chẳng biết gì hết. Trấn Nguyên Đại Tiên là Ông Tổ của dòng Địa Tiên. Chúng tôi đây thuộc dòng Thần Tiên, nhưng vẫn thuộc Thái Ất tán số, chưa phải là dòng chân truyền, nên thoát khỏi tay người ta làm sao được. Tưởng như Đại Thánh giết chết loài thú chạy chim bay thì dùng viên đơn lúa mạch của chúng tôi đây là có thể cứu sống được. Đằng nầy cây Nhơn sâm là giống cây Tiên, thì cứu làm sao được. Không có thuốc đâu!

    Tôn Hành Giả nghe nói không có thuốc thì châu mày trợn mắt. Phước Tinh nói:

    - Đại Thánh ạ! Ở đây chúng tôi không có thuốc thật mà. Biết đâu nơi khác có thì sao, hơi đâu mà buồn phiền.

    - Dù đi khắp chơn trời góc biển, việc đó có khó gì đối với Lão Tôn, ngặt sư phụ của Lão Tôn phép nghiêm lượng hẹp, hạn cho có ba ngày. Quá hạn ba ngày không về thì ổng niệm chú Cẩn Cô khổ lắm.

    - Đúng! Đúng! Không có phép ấy để trói buộc Đại Thánh thì Đại Thánh lại chọc trời mất!

    Thọ Tinh nói:

    - Đại Thánh yên tâm, chớ phiền não. Vị Đại Tiên ấy, tuy là bậc trên của chúng tôi, nhưng cũng là chỗ quen biết. Để ba chúng tôi đến đó thăm Ngài và nói giùm cho Đại Thánh, bảo Đường Tăng đừng đọc chú Cẩn Cô, đợi khi nào Đại Thánh mang thuốc về, chúng tôi mới từ biệt. Đại Thánh an lòng lo đi tìm thuốc.

    - Cám ơn ba Ngài. Lão Tôn xin ba Ngài đi ngay cho."

    (Sau đó Hành Giả đến cầu được Đức Quan Âm Bồ Tát, Bồ Tát đến dùng nước Cam lồ trong Tịnh bình, cứu sống được cây Nhơn sâm. Trấn Nguyên Đại Tiên mới vui lòng để cho bốn thầy trò Đường Tăng lên đường thỉnh kinh).

     

  • Phước phần

    福分

    A: Happy lot.

    P: Sort heureux.

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Phần: số phận của mỗi người.

    Phước phần là số phận hưởng được điều phước lành.

     

  • Phước Thần (Phúc Thần)

    福神

    A: Good Genius.

    P: Bon Génie.

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Thần: vị Thần.

    Phước Thần (Phúc Thần) là vị Thần ban phước. Đó cũng là Thiện Thần.

    Trái với Phước Thần là Hung Thần, Ác Thần.

     

  • Phước Thiện - Cơ Quan Phước Thiện

    Quá trình thành lập CQPT

    1. Tiền thân của CQPT là Phạm Môn

    2. Cơ Quan Phước Thiện: (Nối tiếp Phạm Môn)

    3. Đạo Luật năm Mậu Dần (1938) nhìn nhận CQPT

    4. Tổ chức Cơ Quan Phước Thiện

    Thuyết Đạo của Đức Phạm Hộ Pháp khi Khai mạc Đại Hội Phước Thiện ngày 30-8-Tân Mão (dl 30-9-1951)

    Thánh giáo của Thất Nương về Phước Thiện

    Hai đôi liễn của Cơ Quan Phước Thiện

    Phần kết


    福善 - 機關福善

    A: The charity - Body of Charity.

    P: La charité - Corps de Charité.

    Phước: Điều may mắn tốt lành. Thiện: lành. Cơ: máy. Quan: then cửa.

    Phước thiện (PT) là làm những điều lành, làm những điều may mắn tốt đẹp cho mọi người.

    Cơ Quan Phước Thiện (CQPT) là một tổ chức của Đạo Cao Đài, có nhiệm vụ làm những việc phước và những việc thiện để giúp ích những người đang bị khổ đau trong cuộc sống.

    "Phước Thiện là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, hoặc giúp tay cho bên Hành Chánh thi hành luật pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn."

    "Chơn truyền của PT là thay thế cho Chí Tôn và Phật Mẫu thực hành cơ cứu khổ bằng phương pháp là: Làm cha những kẻ không cha, làm mẹ những kẻ không mẹ, làm anh những kẻ không anh, làm bạn những kẻ thiếu bạn, làm chồng làm vợ những kẻ không vợ không chồng, trong sự thương yêu cao quí và trong sự giúp đỡ chơn thành.

    Có vậy mới có thể thực hành cơ quan cứu khổ của Đức Chí Tôn để nơi mặt thế nầy." (Trích Thánh giáo của Đức Cao Thượng Phẩm tại Qui Thiện Đường ngày 26-10-Canh Dần 1950)

    "Phương pháp ấy rất đơn giản và cũng rất dễ làm, nếu ai có thiện tâm thương yêu nhơn loại, dầu cho kẻ yếu hay tật nguyền cũng có thể làm được, đừng nói chi kẻ trí thức là phải thực hành chương trình xã hội thuần tuý nầy.

    Phải cho cơm những kẻ thiếu cơm, cho thuốc những kẻ bịnh thiếu thuốc, cho hàn những kẻ không hàn chôn, chở che những kẻ bị đàn áp bất công, binh vực những kẻ bị chúng hiếp, an ủi những kẻ buồn rầu, khuyến khích những kẻ toan thối bước, độ những kẻ khổ tâm, lau nước mắt những kẻ cô độc đang khóc trước mặt mình.

    Tóm lại là phải tự hiến mảnh thân làm con tế vật cho Đức Chí Tôn để làm tôi đòi cho con cái của Người sử dụng, trong việc đem hạnh phúc đến cho họ, để thực hành trọn vẹn cơ quan giải khổ của Đại Từ Phụ." (Trích Thánh giáo của Bát Nương tại Qui Thiện Đường ngày 26-10-Canh Dần 1950).

    Quá trình thành lập CQPT

    1. Tiền thân của CQPT là Phạm Môn:

    (Yêu cầu độc giả xem lại chữ: Phạm Môn, phần PHẠM MÔN SỬ LƯỢC HỒI KÝ của ông Đạo Nhơn Nguyễn Đức Hòa, phần đầu nói về Phạm Môn, phần sau nói về Phước Thiện. Nay xin chép tiếp Hồi Ký nầy, phần Cơ Quan Phước Thiện).

    2. Cơ Quan Phước Thiện: (Nối tiếp Phạm Môn)

    "Phước Thiện chịu trách nhiệm gồm luôn cả về hành lý cho Chức sắc các địa phương về Quan, Hôn, Tang, Tế, dầu cho Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu Hành Chánh hay PT thì PT cũng phải đài thọ tất cả. Hơn nữa, về Chức sắc hay bổn đạo có bịnh hoạn tổn phí về thuốc men thì PT phải hoàn toàn chịu hết. Vì thế nên từ đó tại tỉnh thành Tây Ninh có thầy chín Khai (Đỗ Bá Khai) là đông y sĩ nổi tiếng giỏi nhứt nên đa số bịnh nhân đều uống thuốc nơi đây. Lúc trước, phần Chức sắc và công thợ có bịnh, hốt thuốc tại đây, đều do ông Thủ bổn Giáo Thiện Nguyễn Văn Gia trả tiền, đến sau thấy bận rộn quá mất thời giờ, nên ông Thủ bổn nói với thầy chín Khai rằng: "Hễ những người trong Tòa Thánh ra hốt thuốc mà có thơ giới thiệu của tôi thì thầy biểu mấy em ghi sổ để đó, cứ cuối tháng tôi ra tính tiền trả một lần."

    Về việc tạo tác Tòa Thánh và cả mọi việc về đạo sự mãi tiến như vậy cho đến năm Mậu Dần (1938), có cuộc Đại Hội Nhơn Sanh, PT mới được chính thức khai sanh do Đạo Nghị Định số 48/PT ngày 19-10-Mậu Dần (dl 10-12-1938), tức là Quyền Vạn Linh công nhận. Đạo Nghị Định nầy do Đức Hộ Pháp và Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch đồng ký tên.

    Nguyên văn Đạo Nghị Định như sau:

     

    Văn Phòng ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    HỘ PHÁP (Thập tam niên)
    ----- TÒA THÁNH TÂY NINH
    Số: 48/PT

    ĐẠO NGHỊ ĐỊNH

    Chiếu y Pháp Chánh Truyền ban quyền hành cho Giáo Tông và Hộ Pháp,

    Chiếu theo Đạo Nghị Định số 4/60 phân định quyền hành cho CTĐ và HTĐ ngày 4-11-Ất Hợi (dl 29-11-1935),

    Nghĩ vì Hội Thánh duy có một mà quyền đạo có bốn phương là: Hành Chánh, Tòa Đạo, Phước Thiện và Phổ Tế.

    Nghĩ vì CQPT cốt để mở đường Thánh đức cho toàn sanh chúng có đủ phương thế nhập vào Thánh thể, người ngoại giáo có thể nhờ nơi cửa PT mà hiệp một cùng Hội Thánh, nên:

    NGHỊ ĐỊNH:

    Điều thứ nhứt: Hội Thánh sẽ tuyển chọn trong hàng Chức sắc Thiên phong đủ hạnh đức, đủ công nghiệp đặng chiết ra lo khai hóa, giáo hóa cả CQPT đặng cứu thế độ đời.

    Điều thứ nhì: Chức sắc PT chú trọng nhập vào Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng, kể ra dưới đây:

    1. Minh Đức

    2. Tân Dân

    3. Thính Thiện

    4. Hành Thiện

    5. Giáo Thiện

    6. Chí Thiện

    7. Đạo Nhơn

    8. Chơn Nhơn

    9. Hiền Nhơn

    10. Thánh Nhơn

    11. Tiên Tử

    12. Phật Tử.

    Điều thứ ba: Những người ngoại giáo hay chư vị đạo nhơn các nền tôn giáo khác, muốn nhập vào cửa Đạo, thì Hội Thánh sẽ do nơi công nghiệp PT của họ mà định vị, tùy theo công nghiệp nhỏ lớn đặng định phẩm từ bực Minh Đức tới Chơn Nhơn mà thôi.

    Còn bậc Hiền Nhơn đổ lên thì giúp Hội Thánh giữ gìn chơn pháp, nên các phẩm vị nầy phải có cơ bút giáng phong mới đặng.

    Điều thứ tư: Cả CQPT đều giao cho HTĐ chưởng quản.

    Điều thứ năm: Chức sắc PT không có đạo phục riêng, duy đặng Hội Thánh ân tứ Lịnh bài và SắcLịnh, kể ra sau nầy:

    · Minh Đức và Tân Dân, duy có lãnh Cấp bằng, mặc áo đạo phục trắng trơn mà thôi, không có dấu hiệu chi ngoại thể.

    · Bậc Chức sắc Thiên phong hay là Chức việc thì mặc đồ đạo phục của mình, những người ngoại giáo thì phải mặc khăn đen áo dài theo quốc phục.

    · Thính Thiện, Hành Thiện và Giáo Thiện thì lãnh Sắc Lịnh phái Ngọc, có Lịnh bài của mỗi phẩm vị ấy gắn giữa dây Sắc Lịnh ngay ngực.

    · Chí Thiện, Đạo Nhơn và Chơn Nhơn mang dây Sắc Lịnh phái Thượng, có gắn Lịnh bài mỗi phẩm vị của họ ngay ngực.

    · Hiền Nhơn, Thánh Nhơn và Tiên Tử thì mang dây Sắc Lịnh phái Thái, có gắn Lịnh bài mỗi phẩm vị của họ ngay ngực.

    · Phẩm Phật Tử thì do nơi cơ bút của Chí Tôn định và mặc sắc phục chi thì tự nơi Người định đoạt.

    Điều thứ sáu: Sắc Lịnh và Lịnh bài của PT duy mặc nơi Thánh Thất và Tòa Thánh để chầu lễ Đức Chí Tôn mà thôi, không đặng phép dùng theo đồ thường thế.

    Điều thứ bảy: Cả Hội Thánh CTĐ và HTĐ tùy phận sự mình thi hành Đạo Nghị Định nầy.

    Lập tại Tòa Thánh, ngày 19 tháng 10 năm Mậu Dần.

    (dl 10-12-1938)

    GIÁO TÔNG

    (ký tên)

    LÝ THÁI BẠCH

    HỘ PHÁP

    Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài

    (ấn ký)

    PHẠM CÔNG TẮC

    Vâng lịnh ban hành cho toàn Phước Thiện.

    KHAI PHÁP HTĐ

    Chưởng Quản Phước Thiện

    TRẦN DUY NGHĨA

    Từ ngày PT được chính thức là một trong bốn cơ quan của nền Chánh Trị Đạo và phân định rõ phẩm tước, hơn nữa Đạo Luật năm Mậu Dần (1938) lại định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân minh thì lại càng tiến triển khả quan hơn trước, nhứt là về tạo tác Tổ Đình, phần công thợ hầu hết là người PT, còn về lương thực công thợ dùng hằng ngày là do toàn đạo, các địa phương hợp sức chung lo, nhưng phần lớn là nhờ các Sở Lương điền PT ở các tỉnh miền Tây, có tỉnh đem về Tòa Thánh một năm tới gần hai ngàn giạ lúa, điển hình như tại Sở Lương điền PT Hồng Ngự năm Kỷ Mão (1939) đem về Tòa Thánh tới hai ngàn giạ lúa, khoai lang và bí rợ chở bằng ghe đem về tới bến tạo tác (ngang ngã ba Mít Một đi xuống) rồi xe bò chở về kho lương thực của Tòa Thánh.

    Cũng trong năm Kỷ Mão (1939), cơ đạo đang tiến triển thì bỗng nhiên, đùng một cái Chánh quyền Pháp ra lịnh đóng cửa các Thánh Thất và cơ sở PT trong toàn quốc, nhưng những vị Đầu Họ và Đầu Quận PT vẫn len lỏi ở lại lo trách nhiệm của mình để tiếp tục việc kiến thiết Tòa Thánh.

    Tới kỳ lễ Hạ nguơn, rằm tháng 10 năm Canh Thìn (1940), các vị Đầu Họ và Đầu Quận PT về Tòa Thánh chầu lễ Đức Chí Tôn, sáng ngày 16, Đức thầy kêu hết qua Hộ Pháp Đường, rồi Đức thầy dạy anh em đến thưa cho Ngài Khai Pháp Chưởng quản PT hay là: Thầy tôi dạy đến thưa cho Sư Thúc hay rằng thầy tôi không cho chúng tôi đi hành nhiệm Đầu Họ, Đầu Quận PT nữa.

    Lúc đó, Tòa Thánh mới vừa làm kín chớ chưa được hoàn tất. Rồi Đức thầy cho anh em Phạm Môn phân ra, kẻ lo tạo sở mới, người trở về sở cũ, lo tìm phương sanh sống hầu bảo bọc lẫn nhau trong cơn khốn khổ.

    Bỗng dưng sét đánh ngang mày, khiến toàn đạo như gà mất mẹ, là ngày 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941), Mật Thám Pháp ở Sài Gòn đến tại Tòa Thánh bắt Đức thầy (Đức Hộ Pháp) đem về Sài Gòn, cách ít ngày sau đó tiếp tục bắt thêm ông Khai Pháp và nhiều ông khác nữa, kể chung dưới đây:

    1. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    2. Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.

    3. Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trọng Thanh.

    4. Q. Thái Chánh Phối Sư Thái Phấn Thanh.

    5. Giáo Sư (Công Viện) Thái Gấm Thanh.

    6. Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển.

    Cả sáu vị Đại Thiên phong nầy đều bị lưu đày sang hải đảo Madagascar thuộc Phi Châu. Cả toàn đạo đều chịu cảnh như con mất cha, trò mất thầy, nhôn nhao lố nhố.

    Tòa Thánh thì bị quân đội Pháp chiếm lấy làm "Thành mới". Riêng về anh em Phạm Môn còn ở nơi đây, người thì về gia đình lo bề nhơn đạo, nhưng lòng trung nghĩa đối với Đạo với thầy và với cả anh em không bao giờ phai lợt, anh em thường tới lui thăm viếng nhau và bàn bạc nhắc nhở nhau về Đạo, về thầy và về anh em, để đợi ngày Đức thầy trở về cố quốc hầu tiếp nối bước đường lập công bồi đức.

    Sau khi Pháp bắt Đức Hộ Pháp và Chức sắc Đại Thiên phong đày sang Madagascar, lại thỉnh thoảng bắt thêm một số Chức sắc, chức việc đày đi nhiều chỗ khác nhau, đại lược như:

    · Ông Giáo Sư Thượng Sáng Thanh (sau là Đầu Sư) đày ra Côn Đảo.

    · Ông Giáo Sư Thượng Đứa Thanh đày ra Bà Rá.

    · Ông Luật Sự Phan Hữu Phước (sau là Thừa Sử) đày đi Sơn La.

    · Chánh Trị Sự Lê Văn Ngà ở xã Gia Lộc quận Trảng Bàng Tây Ninh, đày ra Côn Đảo.

    · Ông Chánh Trị Sự Gạo (Hương Cả Gạo) ở xã Vĩnh Kim quận Châu Thành (Mỹ Tho), đày ra Côn Đảo.

    Còn một số Chức sắc CTĐ thì hợp tác với Nhựt bổn và kêu gọi một số bổn đạo đến hãng tàu Nitinan, kế cầu chữ Y, Sài Gòn, núp dưới danh nghĩa thợ đóng tàu để được sự che chở của quân đội Nhựt bổn, kỳ thật là liên hiệp với Nhựt để mưu đồ bàn định kế hoạch lật đổ chánh quyền Pháp tại Việt Nam, giành lại chủ quyền của dân tộc.

    Sự hợp tác giữa Chức sắc Cao Đài và quân đội Nhựt mỗi ngày thêm chặt chẽ và tín hữu Cao Đài gia nhập vào đây mỗi ngày càng đông thêm. Khi cấp lãnh đạo nhận thấy lòng yêu nước và thương thầy đã thực sự nồng nàn, liền tổ chức thành đội ngũ như quân đội, rồi luyện tập thể thức như quân đội và bàn định kế hoạch.

    Đến đêm 24 rạng mặt 25 tháng giêng năm Ất Dậu, nhằm ngày 9-3-1945, tín hữu Cao Đài tổ chức thành nội ứng nghĩa binh, hợp với quân đội Nhựt, lật đổ chánh quyền Pháp tại miền Nam VN, chưa kịp tổ chức nền hành chánh và quân đội được vững chắc, kế Nhựt bị Đồng minh đánh bại và Đồng minh lại giúp Pháp giành lại chánh quyền tại miền Nam, người Pháp trở lại cố đặt nền hành chánh như trước để cai trị miền Nam, nhưng vì lòng yêu nước của dân tộc VN quá bồng bột nên mặt trận du kích chống Pháp nổi dậy tứ tung, nhứt là khối Cao Đài, một là quyết cổi ách nô lệ giành lại quyền tự chủ, hai là dốc chí chống lại kẻ thù đã bắt mất người thân yêu tôn kính của họ là Đức Hộ Pháp.

    Khi hiểu được mục đích tại sao khối Cao Đài chống Pháp, nên Pháp muốn xoa dịu lòng căm hận, mới đưa Đức Hộ Pháp trở về VN và trả lại quyền tự do hành đạo. Đức thầy về tới Sài Gòn ngày 26-7-Bính Tuất (dl 22-8-1946) và về đến Tòa Thánh ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946).

    Vừa về tới Tòa Thánh, Đức Hộ Pháp liền tái thủ đạo quyền, chấn chỉnh lại các cơ cấu Hành Chánh Đạo.

    Đến tháng 10 năm Bính Tuất (1946) Đức Hộ Pháp ra lịnh phục hồi Quyền Vạn Linh, tức là tổ chức Đại Hội Nhơn Sanh và Đại Hội Phước Thiện. Kỳ hội nầy là kỳ hội ân xá, nên việc cầu phong cầu thăng có phần châm chế, nhờ vậy mà sự kết quả về vụ cầu phong được ân phong vào phẩm Lễ Sanh và Giáo Thiện khá nhiều.

    Đến cuối năm Bính Tuất (1946), khi Đại Hội bế mạc xong, Đức thầy liền thành lập Hội Thánh Phước Thiện.

    Đầu tiên lập trước bốn Viện là: Lễ Viện, Lương Viện, Công Viện, Hộ Viện.

    Sau đó, lối trên nửa tháng mới tổ chức công cử thêm cho đủ số Cửu Viện. Những vị lãnh trách nhiệm trong Hội Thánh PT kỳ đầu tiên kể như dưới đây:

    · Ngài Hiến Đạo Phạm Văn Tươi Chưởng quản PT.

    1. Thượng Thống Hòa Viện PT: Chí Thiện Võ Văn Lẽo.

    o Phụ Thống Hòa Viện PT: Giáo Thiện Phạm Văn Hường.

    2. Thượng Thống Lại Viện PT: Chí Thiện Lê Văn Tri.

    o Phụ Thống: chưa có.

    3. Thượng Thống Lễ Viện PT: Đạo Nhơn Trịnh Phong Cương.

    o Quan Sự: Chí Thiện Huỳnh Văn Phuông.

    o Hôn Sự: Chí Thiện Trần Văn Lợi.

    o Tang Sự: Chí Thiện Phạm Công Đằng.

    o Tế Sự: Chí Thiện Phạm Văn Lễ.

    4. Thượng Thống Học Viện PT: Chí Thiện Nguyễn Văn Gia.

    o Phụ Thống: chưa có.

    5. Q. Thượng Thống Y Viện PT: Giáo Thiện Lê Văn Thiệt.

    o Phụ Thống Y Viện PT: Giáo Thiện Nguyễn Văn Sáng.

    6. Thượng Thống Nông Viện PT: Chí Thiện Lê Văn Gấm.

    o Phụ Thống Nông Viện PT: Chí Thiện Phạm Duy Hoai.

    7. Thượng Thống Lương Viện PT: Chí Thiện Trịnh Văn Phận.

    8. Thượng Thống Công Viện PT: Chí Thiện Nguyễn Văn Lư.

    o Phụ Thống Công Viện PT: Chí Thiện Phạm Văn Út.

    9. Thượng Thống Hộ Viện PT: Chí Thiện Đỗ Văn Viện.

    o Phụ Thống Hộ Viện PT: Chí Thiện Lê Văn Giờ.

    Kế đến Tết Nguyên đán Đinh Hợi (1947), Ngài Hiến Đạo Phạm Văn Tươi về quê nhà ở Cần Giuộc ăn Tết rồi bị kẹt luôn không trở lên Tòa Thánh hành đạo được nữa, nên Đức thầy chỉ định ông Đạo Nhơn Nguyễn Tự Thế làm Chưởng quản Phước Thiện và PT vẫn mạnh tiến trên bước đường hành đạo, cơ cứu khổ lần lần khai mở thêm như: Cô Nhi Viện, Dưỡng Đường, Bảo Sanh, Trại Hàn cấp tế, các Sở hốt thuốc nam miễn phí, để giúp nhơn sanh khi bịnh hoạn.

    Đến ngày 14 tháng giêng năm Đinh Hợi (1947), Đức thầy ban ra Phương Luyện Kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo, Phương pháp Trị tâm, Luyện thân Luyện trí.

    Từ ngày thành lập Hội Thánh Phước Thiện thì việc tiến triển từ Trung ương đến các địa phương đều rất khả quan. Người hiến thân vào Phước Thiện mỗi ngày thêm đông, nhưng không may là Phước Thiện chịu lấy tang chung là ông Chưởng quản Phước Thiện: Đạo Nhơn Nguyễn Tự Thế qui vị vào ngày 9-11-Đinh Hợi (dl 20-12-1947).

    Cách lối tuần lễ sau, anh em đệ tờ lên Đức thầy cầu xin định người kế nhiệm Chưởng quản Phước Thiện và được Đức thầy chỉ định ông Đạo Nhơn Trịnh Phong Cương cầm quyền Chưởng quản Phước Thiện và cứ noi theo luật lệ của Đạo từ trước mà tiếp nối./.

    Viết xong cuối Thu năm Canh Thân (1980).

    NGUYỄN ĐỨC HÒA

    3. Đạo Luật năm Mậu Dần (1938) nhìn nhận CQPT là của Hội Thánh:

    Ngày 16-giêng-Mậu Dần (dl 15-2-1938), Đại Hội Hội Thánh tại Tòa Thánh Tây Ninh lập ra Đạo Luật năm Mậu Dần, nhìn nhận CQPT là của Hội Thánh và là một cơ quan trong bốn cơ quan của nền Chánh Trị Đạo Cao Đài.

    Đạo Luật Mậu Dần (1938), chương thứ hai nói về Phước Thiện, chép ra như sau đây:

    " Chương thứ hai: PHƯỚC THIỆN

    Điều thứ 10: Gầy dựng cơ thể Phước Thiện các nơi và những phương hay đặng châu cấp cho những kẻ tật nguyền cô độc.

    LUẬT

    Kỷ luật Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của Chức sắc Phước Thiện định y như dưới đây:

    1. Minh Đức

    2. Tân Dân

    3. Thính Thiện

    4. Hành Thiện

    5. Giáo Thiện

    6. Chí Thiện

    7. Đạo Nhơn

    8. Chơn Nhơn

    9. Hiền Nhơn

    10. Thánh Nhơn

    11. Tiên Tử

    12. Phật Tử.

    I. LUẬT TUYỂN CHỌN:

    1. Bất luận nam hay nữ, ai ai cũng đặng dưới quyền tuyển chọn vào PhướcThiện của Đạo, hoặc người có Đạo, hoặc người chưa có Đạo, muốn vào Phước Thiện thì phải lập Tờ Hiến thân trọn đời, xin làm công quả cho cơ sở Phước Thiện.

    2. Những Chức sắc hay là Chức việc đương quyền hành chánh mà muốn hiến thân làm công quả vào cơ sở Phước Thiện thì phải có giấy chứng nhận do đẳng cấp trật tự mình mới đặng. Còn tín đồ thì phải có giấy chứng tánh hạnh tốt của Bàn Trị Sự cho thì bên Phước Thiện mới thâu nhận.

    3. Người nào mới nhập vào Phước Thiện cũng phải khởi đầu làm công quả theo hạng Minh Đức.

    II. CẦU PHONG:

    4. Chức sắc Phước Thiện nam nữ phải chịu dưới quyền công nhận của toàn Hội Phước Thiện mới đặng thăng chức hay là buộc tội mà bị sa thải.

    5. Bậc Minh Đức muốn lên bậc Tân Dân thì phải có ba năm công nghiệp đầy đủ với chức trách, phải có Tờ Kiết chứng công nghiệp, Tờ khai tánh đức tốt, trường trai, và tư cách xứng đáng mới đặng dự vào sổ cầu phong.

    6. Sổ cầu phong ấy phải đệ về Tòa Thánh (Văn phòng PT tại Tòa Thánh) trước ngày 30 tháng 8 thường niên.

    7. Người nào nhập vào Phước Thiện đều phải do đẳng cấp y trên đây mà hành sự, phải có đủ ba năm công nghiệp Minh Đức mới đặng cầu thăng thưởng lên bậc Tân Dân. Tân Dân phải có đủ ba năm công nghiệp mới đặng lên Thính Thiện, vân vân....

    8. Bậc Hành Thiện muốn lên Giáo Thiện, ngoài luật ba năm công nghiệp, còn phải nuôi dưỡng đủ 12 gia tộc mới đặng.

    9. Mỗi đẳng cấp phải có đủ ba năm hành thiện mới mong bước qua đẳng cấp khác.

    10. Ngoại trừ ra ai có đại công mà có đủ bằng cớ và chiếm đặng lòng tín nhiệm của sanh chúng dâng lên thì cũng đặng dự Sổ cầu phong. Những vị nào để hết tâm vì Đạo mà phải chịu khổ hạnh hoặc bị tù tội ngục hình thì cũng đặng dự vào Sổ cầu phong ngoài luật đã định.

    III. HÀM PHONG PHƯỚC THIỆN:

    11. Hạng Hàm phong cũng vậy, những vị nào đủ công nghiệp mà quá lục tuần cũng đặng dự vào Sổ cầu phong hàm phẩm, nhưng phải chịu y theo điều kiện như hạng ân phong vậy.

    IV. TRUY PHONG:

    12. Hạng Truy phong công nghiệp những người đã quá vãng mà có đủ bằng cớ đặng công chúng hoan nghinh và Tòa Đạo minh xét rồi thì đặng đem vào Sổ cầu phong cho toàn Hội Phước Thiện công nhận.

    13. Những vị đắc phong hàm phẩm, lúc còn sanh tiền đã lập thêm công nghiệp xứng đáng mà liễu đạo trước ngày cầu phong thăng cấp thì cũng đặng đem vào sổ cầu truy phong vậy.

    V. QUYỀN PHONG THƯỞNG:

    14. Quyền phong thưởng Chức sắc Phước Thiện hay là buộc tội Chức sắc ấy thì về quyền đặc biệt của Đức Hộ Pháp mà thôi.

    VI. THỂ LỆ HỘI PHƯỚC THIỆN:

    (Phần nầy từ mục số 15 đến mục số 23, xin xem nơi chữ: Đại Hội Phước Thiện, vần Đ)

    VII. PHẦN TẠO CƠ SỞ:

    24. Mỗi Quận Đạo phải lập ra một Nhà Sở Phước Thiện chánh thức, nơi Nhà Sở ấy mới đặng phép hội hiệp lo thương lượng làm ăn thuộc về Phước Thiện.

    25. Mỗi làng đạo phải khai mở nhiều sở lương điền, công nghệ, thương mãi. Các sở lương điền, công nghệ, thương mãi ấy phải chịu dưới quyền của Nhà Sở Phước Thiện chánh.

    26. Nơi mỗi Nhà Sở Phước Thiện chánh phải lập một cơ quan thiết dụng như là:

    a) Bảo Sanh Viện.

    b) Y Viện.

    c) Ấu Trĩ Viện.

    d) Dưỡng Lão đường.

    e) Học Viện.

    27. Mỗi sở lương điền, công nghệ, phải có một vị Chủ sở làm đầu. Vị nào muốn đặng chọn cử làm Chủ sở thì phải là hạng Hành Thiện mới đặng.

    28. Mỗi Nhà Sở Phước Thiện trong Quận Đạo phải cử ra một Bàn CaiQuản để lãnh trách nhiệm Chủ Trưởng Nhà Sở ấy.

    Mỗi Bàn Cai Quản phải có ít nữa là 12 người Chức việc:

    · 1 Chủ Trưởng

    · 1 Phó Chủ Trưởng

    · 1 Thủ Bổn

    · 1 Phó Thủ Bổn

    · 1 Từ Hàn

    · 1 Phó Từ Hàn

    · 6 Nghị viên.

    PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH:

    (Từ mục 1 đến mục số 22 về phận sự của mỗi chức vụ, xin xem chữ: Bàn Cai Quản PT, vần B)

    23. Trước khi xướng lập cơ sở lương điền, công nghệ, thì chỉ nhờ lòng từ thiện của toàn đạo hữu trợ giúp. Ngoài ra những vị nào hảo tâm dâng hiến tài vật chi xứng đáng thì đặng nêu tên vào Bảng Danh dự để làm kỷ niệm nơi cơ sở.

    24. Những vị nào hảo tâm hiến nhà hiến đất hoặc các tài vật khác thì phải làm giấy tờ cho rành rẽ, đóng bách phần cải bộ đặng giao trọn quyền cho Phước Thiện làm chủ.

    25. Những vị đã trọn hiến thân vào sở thì Chủ sở phải bảo toàn gia tộc của vị hiến thân ấy như chồng, vợ, con, cha, mẹ ruột, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng và cắt phận sự cho mỗi người. Mỗi sở Hành Thiện phải bảo toàn cho đủ 12 gia tộc mới đúng phép hành thiện theo luật Phước Thiện.

    26. Chư Chức việc bên Hành Chánh cũng phải để tâm giúp ích cho bên Phước Thiện đặng mau kết quả mỹ mãn.

    27. Nếu trong sở có xảy ra điều chi bất hòa mà điều đình không đặng thì phải lập Hội Công Đồng y như bên Hành Chánh mà trừng trị. Kỳ dư xảy ra với các cơ quan trong nền Chánh Trị Đạo thì buộc phải giải ra Tòa Đạo phân xử.

    28. Phải tìm phương châu cấp những gia đình nghèo nàn của chư Chức sắc đắc lịnh Hội Thánh thuyên bổ đi hành đạo phương xa.

    29. Khi các cơ sở đã thành lập, mỗi năm phải tùy theo huê lợi trong sở đặng giúp lương thực trong các Thánh Thất hoặc mỗi văn phòng trong nền Chánh Trị Đạo và phải định riêng ra một phần để châu cấp cho những kẻ tậtnguyền cô độc.

    30. Về khoản cấp tế của Phước Thiện, chẳng nên phân biệt người trong Đạo hay là ngoài đời, nghĩa là mỗi phen nơi nào bị tai nạn khổ tâm khổ trí thì lẽ cố nhiên người hành thiện chẳng thế nào bỏ qua cho đặng, chẳng những trợ giúp về mặt vật chất hình thức bên ngoài mà thôi, mà đến tinh thần bên trong cũng phải có sự an ủi tâm hồn cho người được an vui bình tâm định trí.

    31. Nếu một ai vì cảnh bi thương trong gia đình hoặc vì đau thảm về phần xác thịt mà đến nhà PhướcThiện cầu xin cứu giúp, hay một tấn kịch khốc hại đã phô bày trước mắt mà người hành thiện lại nỡ đành làm ngơ để người khốn khổ ấy phải cam tâm tủi phận, chẳng nhờ nơi lòng ái tuất của nhà lương thiện đoái đến mà có đủ bằng cớ thì vị Hành Thiện ấy phải bị lỗi nặng với danh giá nhà Phước Thiện và phải chịu phần trách cứ.

    4. Tổ chức Cơ Quan Phước Thiện:

    Theo Đạo Nghị Định số 48/PT của Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp thành lập Cơ Quan Phước Thiện làm cơ quan cứu khổ của ĐĐTKPĐ thì Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng của Hội Thánh Phước Thiện chia làm hai bực:

    · Bực từ Minh Đức tới Chơn Nhơn thì ở trong Cơ Quan Phước Thiện, lo về phước thiện, cứu khổ ban vui.

    · Bực từ Hiền Nhơn trở lên thì qua Hiệp Thiên Đài để bảo tồn chơn pháp.

    Hội Thánh Phước Thiện trực thuộc Chi Đạo HTĐ, do một vị Thời Quân chi Đạo làm Thống Quản cả nam và nữ phái.

    Hội Thánh Phước Thiện tổ chức riêng biệt theo hai phái: nam và nữ. Mỗi phái có một vị Chưởng quản phẩm Chơn Nhơn đứng đầu.

    Dưới vị Chưởng quản có hai vị Phó Chưởng quản: Đệ nhứt và Đệ nhị Phó Chưởng quản.

    Dưới kế đó là Cửu Viện PT. Bên nam phái có Cửu Viện PT nam phái, bên nữ phái có Cửu Viện PT nữ phái, tổ chức hai bên giống nhau, quyền hành riêng biệt. Tổ chức nầy giống y như tổ chức Cửu Viện của CTĐ, chức năng của mỗi Viện cũng giống hệt như CTĐ nhưng chỉ lo về CQPT mà thôi. Mỗi Viện có một vị Thượng Thống đứng đầu. (Xem sơ đồ Tổ chức nơi trang 15)

    1. Hòa Viện: Hòa giải các vụ thưa kiện hay tranh chấp nhỏ trong CQPT.

    2. Lại Viện: Công văn giấy tờ, quản lý hồ sơ Chức sắc PT, thuyên bổ Chức sắc PT đi hành đạo.

    3. Lễ Viện: Nghi lễ, cúng kiếng, tế tự.

    4. Học Viện: Lo về giáo dục, huấn luyện, đào tạo.

    5. Y Viện: Y tế, trị bịnh, thuốc men, đông y và tây y.

    6. Nông Viện: Làm ruộng rẫy, lập đồn điền.

    7. Hộ Viện: Thâu xuất tiền bạc, quản lý tài sản của PT.

    8. Lương Viện: Lo lương thực nuôi công quả và cứu tế.

    9. Công Viện: Tạo tác các Điện Thờ PM, dinh thự.

    Đó là tổ chức CQPT tại trung ương.

    Nơi các địa phương, hệ thống tổ chức của CQPT giống y như bên Hành Chánh Đạo CTĐ, nhưng chỉ coi về PT mà thôi.

    Hành Chánh Đạo CTĐ cai quản các Thánh Thất, còn bên Phước Thiện thì cai quản các Điện Thờ Phật Mẫu.

    Dưới Cửu Viện PT là các Trấn Đạo PT, Châu Đạo PT, Tộc Đạo PT. Mỗi Tộc Đạo PT có một Nhà Sở PT chánh với một Bàn Cai Quản gồm 12 thành viên, có một vị đứng đầu gọi là Chủ Trưởng. Bàn Cai Quản PT dưới quyền của vị Giáo Thiện Quản Tộc Đạo PT, do Hội Thánh PT bổ đến hành đạo nơi Tộc Đạo PT nầy.

    Dưới Bàn Cai Quản PT là các Sở PT về Lương điền, Công nghệ, Thương mãi, trong các Hương đạo.

    Mỗi Sở PT có một vị Chủ sở, phẩm Hành Thiện đứng đầu, có nhiều nhân viên công quả gọi là các Đạo sở.

    Thuyết Đạo của Đức Phạm Hộ Pháp khi Khai mạc Đại Hội Phước Thiện ngày 30-8-Tân Mão (dl 30-9-1951):

    "Trước khi mở hội, Bần đạo lược giải cái chánh tâm của Đạo đã từ 5 năm nay, tức là kể từ Hội Nhơn Sanh kỳ trước.

    Mơ vọng của toàn thể Thánh thể Đức Chí Tôn, dầu cho Hành Chánh hay Phước Thiện cũng thế, chúng ta trông mong gì hơn hết? Đương nhiên thiên hạ đương sống khó khăn trong thời buổi loạn ly. Bần đạo tưởng cả toàn con cái Đức Chí Tôn đều có hai sở vọng: sở vọng đầu tiên hơn hết là làm sao bảo vệ sanh mạng và tài sản cho khỏi bị tiêu diệt; sở vọng thứ hai là tìm phương làm cho thiên hạ bớt khổ.

    Hai cơ quan ấy chúng ta có sẵn trong cửa Đạo:

    - Hành Chánh thì giữ mực thước cho nền chơn giáo của Đức Chí Tôn. Bần đạo cho toàn thể con cái của Đức Chí Tôn nam nữ đều biết rằng, Đạo phải giữ nền văn hiến của nòi giống chúng ta bốn ngàn năm sẵn có từ thử đến giờ ở trong khuôn khổ đạo đức tinh thần của Tổ Phụ chủng tộc nước nhà cho còn tồn tại. Ấy là phận sự của Hành Chánh.

    - Bây giờ cơ quan cứu khổ, dầu không nói mấy em cũng đã biết, ấy là trách vụ của người Phước Thiện đó vậy.

    Đức Chí Tôn đến, có điều thiết yếu hơn hết, Ngài đến là vì con cái của Ngài quá khổ, Ngài đến với cái sở định của Ngài là đến cứu khổ cho toàn thể con cái của Ngài. Cơ cứu khổ ấy trong lúc ban sơ, Đức Chí Tôn đã đưa trong tay HTĐ. Bần đạo không biết làm sao thực hành ra được. Hồi đó, Hội Thánh Phước Thiện chưa thành lập, giao cơ cứu khổ, Bần đạo không biết phải làm thế nào, nhưng chẳng bao lâu Ngài lập thành Hội Thánh PT, chừng đó, Bần đạo mới biết cơ cứu khổ là đây.

    Ấy vậy, Hội Thánh CTĐ là Hội Thánh của Giáo Tông, còn Hội Thánh Phước Thiện là của Hộ Pháp.

    Hội Thánh bên kia bảo vệ văn hiến tôn giáo; Hội Thánh bên nây cứu khổ. Còn có chỗ nào hay ho hơn nữa!

    Ấy vậy, phận sự của Hội Thánh Phước Thiện là phận sự tượng trưng hình ảnh Đức Chí Tôn đặng cứu khổ cho con cái của Ngài. Thử nghĩ coi trách vụ đơn sơ mà nặng nề làm sao! Hiểu nghĩa lý sâu xa của nó, chúng ta sợ không bao giờ thực hiện trách vụ nặng nề đó được.

    Bao giờ cũng vậy, nền tôn giáo từ hai ngàn năm nay là Thiên Chúa giáo hay là đạo Gia Tô mà về Phước Thiện họ còn sơ sót, chưa mỹ mãn, huống chi mình. Bần đạo không trách nhưng chỉ có một điều là trong Thánh thể Đức Chí Tôn gánh vác cái khổ cho con cái của Ngài rất nên yếu ớt. Không đủ tâm lực, không đủ phương chước, chỉ ước mong Đức Chí Tôn ban ân riêng đặc biệt vì trách vụ nặng nề ấy, đặng cầm cơ cứu khổ của Đức Chí Tôn mạnh mẽ và cương quyết, nhưng ta cũng nên biết thêm rằng: an ủi cho được một người thống khổ không phải dễ, đem cơ cứu khổ ấy thiệt hiện ra đặng cho cả thiên hạ được hưởng hồng ân của Đức Chí Tôn, chúng ta thấy lại càng thêm khó. Phải cố gắng đã đành, song nên chăng là do quyền thiêng liêng giúp sức.

    Những yếu nhân đương quyền về Phước Thiện, Bần đạo thấy giờ phút nầy, tin là mấy em kỳ lão Phạm Môn, nhưng họ lại có đặc quyền khác, họ còn ở Phước Thiện là bởi Phước Thiện thiếu người cầm quyền, không phải là phận sự của họ. Đức Chí Tôn định mở Phạm Môn là mở cửa tu chơn, thi hành Bí pháp chớ không phải Thể pháp. Giờ phút nầy, những phần tử Phạm Môn còn cầm quyền Phước Thiện là do Hội Thánh Phước Thiện thiếu người. Chủ quyền của họ là ở nơi Tịnh Thất trong cửa tu chơn, là đặc điểm của họ. Đã hai mươi mấy năm họ chịu khổ nhọc đã nhiều, hy sinh từ tóc xanh đến bạc đầu, lao tâm lao lực. Bần đạo tưởng đến càng làm thêm ra nữa, là càng thêm khổ cho họ. Hai mươi mấy năm lập Phước Thiện, đoàn tiền bối qui liễu lần hồi, chỉ đám thanh niên lúc nọ còn đặng năm bảy người, họ cũng đã da mồi tóc bạc.

    Mấy em đã biết sở yếu của mình là thiếu Chức sắc Thiên phong thì do nơi mấy em định vị cho họ, xúm đưa họ lên, cầu nguyện cùng Đức Chí Tôn, cho có các chơn linh hiếu hạnh cùng Ngài và Phật Mẫu, đem vô làm Thánh thể của Ngài cho cường liệt mạnh mẽ.

    Bần đạo nói gánh khổ của đời nặng nề lắm, đã nghe nói nặng nề lắm thì không tâm lực không đủ quyền hành gánh gồng chi nổi. Đặc phận ấy, muốn làm cho trọn vẹn, phải cố gắng cho lắm mới được, xem đàn anh họ đã hy sinh thế nào rồi, đàn em bắt chước theo. Họ dám hy sinh cả tánh mạng tài sản, cả kiếp sanh của họ, không biết gì là gia đình, không biết gì là danh vọng, không biết gì tới thân hình. Có nhiều người phải lao lực mà chết biết bao nhiêu kể, mấy em hiển nhiên ngó thấy.

    Về phương pháp hành thiện, Bần đạo nói: Chơn pháp bên Phước Thiện có điều nầy trọng yếu hơn hết, từ bực Hành Thiện muốn lên Giáo Thiện, phải tạo nghiệp cho đủ 12 gia đình theo Chơn pháp.

    Giáo Nhi từ trước cho lên Giáo Thiện là thể theo lòng từ bi bác ái của Đức Chí Tôn mà ân tứ, nhưng từ đây Giáo Nhi có thể lên Lễ Sanh chớ không được lên Giáo Thiện, vì thiếu luật tạo nghiệp cho 12 gia đình. Nếu thiếu một người trong số 12 người ấy thì phải dừng lại ở bực Hành Thiện mà thôi, chớ không được thăng lên Giáo Thiện. Tạo nghiệp cho 12 gia đình không phải đem bà con vào đó mà được, tạo nghiệp cho mỗi gia đình phải có bằng chứng là ngoại nhân, chớ không phải đưa bà con cật ruột, bởi vì bậc Hành Thiện phải làm thiện, nhưng nếu làm cho thân bằng mình, anh em mình, gia đình mình thì không kể cho là hành thiện.

    Ấy vậy, cơ quan cứu khổ, Hội Thánh phải chọn người tâm đức, biết hy sinh mình đặng thực hiện cơ quan cứu khổ ấy. Phải tuyển chọn người tâm đức hiền lương, từ bi bác ái vị tha vô vị kỷ mới đáng giá của phẩm vị mình.

    Nên nhớ Hội Thánh Phước Thiện không có hàm chức như Hành Chánh, phải đi lên cho tới tột phẩm Phật Tử. Những Chức sắc hàm chức ngày nay, Bần đạo sẽ kiếm thế đưa qua Ban Kỳ Lão hết. Tiếp tục đây rồi, Bần đạo sẽ rút hết cả Chức sắc Thiên phong ở Phạm Môn đặng mở con đường tu chơn, nam cũng vậy, nữ cũng vậy.

    Phải cố gắng, Hội Thánh Phước Thiện phải cố gắng, mấy vị Giáo Thiện, mấy bạn kỳ lão. Bần đạo cho hay trước, cả Chức sắc bên Phạm Môn, Bần đạo sẽ rút hết và sẽ giao quyền Phước Thiện cho mấy vị tân phong điều khiển."

    Thánh giáo của Thất Nương về Phước Thiện:

    Đàn cơ tại Hộ Pháp Đường, ngày 3-2-Đinh Hợi (1947).

     

    Nhơn đạo rày đã suy vi,

    Chay lạt dời đổi còn chi tu hành.

    Mang câu thất hiếu đã đành,

    Bao nhiêu công quả biển gành rã tan.

    Làm cho thau nọ nên vàng,

    Chì kia lộn bạc lại mang tiếng đời.

    Càng ngày xa lánh đạo Trời,

    Đem thân vùi lấp vào nơi bụi trần.

    Chơn linh lắm chịu mê tân.

    Sanh tiền khó hưởng phước lành Trời ban.

    Rồi đây giặc giã khắp tràn,

    Khiếm đường đạo đức, chịu đàng thiên tai.

    Cả kêu thức tỉnh hỡi ai,

    Thành tâm hối ngộ, Cao Đài cứu nguy.

    Nếu mà dụ dự diên trì,

    Phải cam chịu lấy nạn nguy buổi nầy.

    Phước Thiện Trời bày ra đây,

    Đặng mà cứu khổ họa tai buổi nầy.

    Nhựt Đức lại với Tàu Tây,

    Gây trường huyết chiến tại đây bây giờ.

    Bình Dương lập trận sờ sờ,

    Cả chư vạn quốc dựng cờ chiến tranh.

    Đánh nhau đổ nước nghiêng thành,

    Lưu hồng một trận tan tành nhân gian.

    Thây phơi chật đất đầy đàng,

    Cao Đài xuất hiện cứu an dân Trời.

    Kỳ Ba mở Đạo cứu đời,

    Chiêu an thế giới khắp nơi hòa bình.

    Người tu thì được khương ninh,

    Kẻ vô đạo đức chôn mình vực sâu.

    Khá mau thức tỉnh hồi đầu,

    Ăn chay chuộc tội khỏi hầu Phong đô.

    Phước Thiện cứu cấp đơn cô,

    Phước Thiện lựa những tăng đồ Chí Tôn.

    Phước Thiện là cửa Phạm Môn,

    Phước Thiện để rước chơn hồn nguyên nhơn.

    Phước Thiện chứa thuốc kim đơn,

    Phước Thiện cứu thế khỏi cơn thảm sầu.

    Phước Thiện độ cả hoàn cầu,

    Phước Thiện có thể gồm thâu lợi quyền.

    Phước Thiện của chung chẳng riêng,

    Phước Thiện để rước bậc hiền chơn tu.

    Phước Thiện cải ác phá ngu,

    Phước Thiện giải khổ tội tù Phong đô.

    Phước Thiện là vốn Phạm Môn,

    Phước Thiện là cửa vĩnh tồn Phật Tiên.

    Phước Thiện thống nhứt qui nguyên,

    Phước Thiện là vốn chuồng chiên của Trời.

    Phước Thiện bảo dưỡng khắp nơi,

    Phước Thiện lập để cứu đời chúng sanh.

    Phước Thiện là phước Trời dành,

    Để cho nhơn loại tu hành trường an.

    Phước Thiện để độ ngoại bang,

    Phước Thiện sản nghiệp bảo toàn thế gian.

    Phước Thiện gầy dựng giang san,

    Cả chư vạn quốc đồng sang phục tùng.

    Phước Thiện bảo hộ người cùng,

    Việt Nam là chủ vẫy vùng tự do.

    Phước Thiện nuôi nấng ấm no,

    Phước Thiện vào đặng khỏi lo rách lành.

    Phước Thiện công quả đắc thành,

    Về nơi Cực Lạc trường sanh đời đời.

    Phước Thiện là chốn thảnh thơi,

    Trở nên Thánh đức lập đời Tân Dân.

    Phước Thiện nuôi nấng tinh thần,

    Phước Thiện cứu kẻ lạc gần Bàng môn.

    Phước Thiện quí báu Càn Khôn,

    Độ các chi phái nhập môn hồi đầu.

    Phước Thiện huyền diệu cao sâu,

    Lập công chuộc tội mới hầu khỏi oan.

    Phước Thiện cứu kẻ ngỗ ngang,

    Độ chi phái nghịch dễ dàng cảnh tu.

    Phước Thiện giải tán nghịch thù,

    Lấy câu hòa thuận vận trù lập công.

    Phước Thiện nay chuyển đại đồng,

    Phá tan giặc giã giao thông toàn cầu.

    Phước Thiện là phép nhiệm mầu,

    Tóm thâu thiên hạ hồi đầu cửa tu.

    THĂNG

    Hai đôi liễn của Cơ Quan Phước Thiện:

    福德天頒萬物眾生離苦劫

    善緣地貯十方諸佛合元人

    Phước đức Thiên ban vạn vật chúng sanh ly khổ kiếp,

    Thiện duyên địa trữ thập phương chư Phật hiệp nguyên nhân.

    Nghĩa là:

    Trời ban phước đức cho vạn vật và chúng sanh thoát khỏi kiếp sống khổ nhọc,

    Đất chứa duyên lành, chư Phật mười phương độ các nguyên nhân hiệp trở về.

     

    福德修心樂道和人尋地利

    善慈定性安貧合眾識天時

    Phước đức tu tâm lạc đạo hòa nhơn tầm địa lợi,

    Thiện từ định tánh an bần hiệp chúng thức Thiên thời.

    Nghĩa là:

    Tu tâm để tạo phước đức, vui vẻ trong việc tu hành, thuận hòa cùng mọi người, rồi tìm địa lợi,

    Giữ tánh cho lương thiện nhơn từ, an phận trong cảnh nghèo, hiệp hòa cùng mọi người, biết được thời Trời.

    Phần kết:

    Đức Phạm Hộ Pháp thể theo Thánh ý của Đức Chí Tôn lập ra CQPT là mở con đường tu thứ hai để cho nhơn sanh trở về cựu vị nơi cõi thiêng liêng.

    - Con đường tu thứ nhứt là đi theo hàng phẩm Cửu Thiên Khai Hóa, tức là lập công nơi CTĐ, đi lên dần dần theo các phẩm trật của CTĐ, từ Đạo hữu (đối phẩm Địa Thần) lên tới Giáo Tông (đối phẩm Thiên Tiên hay Phật vị).

    - Con đường tu thứ hai là đi theo Thập nhị Đẳng cấp thiêng liêng, tức là lập công trong CQPT, đi lên dần dần từ phẩm Minh Đức (đối phẩm Địa Thần) lên tới Phật Tử (Phật vị).

    Con đường tu thứ hai rộng rãi thênh thang hơn con đường tu thứ nhứt, dành cho tất cả các hạng nhơn sanh, từ bực dốt nát đến bực trí thức thượng lưu, và số lượng Chức sắc ở mỗi phẩm cấp không bị giới hạn như bên CTĐ.

    Đạo Cao Đài còn có con đường tu thứ ba nữa là Luyện đạo trong Tịnh Thất, dành cho bực thượng thừa đã lập được đầy đủ công quả nơi CTĐ hay trong CQPT. Ba Tịnh Thất dùng trong việc Luyện đạo là: Trí Huệ Cung dành cho Nữ phái, Vạn Pháp Cung dành cho nam phái, và Trí Giác Cung.

    Điểm đặc biệt của Đạo Cao Đài khác hẳn với Phật giáo là: các tu sĩ Phật giáo sống nhờ vào sự cúng dường của nhơn sanh và sự khất thực của các khất sĩ; các tu sĩ của Đạo Cao Đài chủ trương tự làm ra lương thực và của cải để tự nuôi sống sanh mạng mà lo tu hành, đồng thời có dư ra để làm các công việc từ thiện, cứu khổ nhơn sanh. CQPT đảm nhận nhiệm vụ quan trọng nầy, nên được gọi là cơ quan bảo tồn. Cho nên, những cơ sở phước thiện như: Cô Nhi Viện, Dưỡng Lão Viện, Bảo Sanh Viện, Y Viện, Nghĩa thục,... là thuộc phần trách nhiệm của Cơ Quan Phước Thiện.

    Cơ Quan Phước Thiện, với tôn chỉ cứu kẻ nguy, giúp kẻ khổ, dìu dắt cho có phương sanh sống, không sang giàu mà được thung dung, nâng đỡ mọi người để được sống an ổn vui tươi, hưởng cảnh thiên nhiên của Tạo hóa, mới đáng được gọi là cơ quan cứu khổ và bảo tồn nơi mặt thế.

    CQPT thực hiện được đầy đủ hai nhiệm vụ: Cứu khổ và Bảo tồn như đã nói ở trên thì ơn đức của Đại Đạo đối với nhơn sanh thật vô cùng to lớn, làm cho đời đau khổ trở nên hạnh phúc, làm cho đời loạn lạc trở nên an bình, và nền hòa bình thế giới trong Đại đồng huynh đệ mới mong thành tựu được.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

    CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

    CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

     

  • PHƯỚN

    A: Banner, oriflamme.

    P: Bannière, oriflamme.

    Chữ Hán là Phan 幡, chữ nôm là Phướn, là lá cờ hẹp mà dài, dùng riêng trong tôn giáo.

    Lá phướn có bề ngang nhỏ, bề dài khá dài, thường được treo thẳng đứng, đuôi phướn có hình nhọn, hay hình đuôi cá, hay bằng ngang mà có gắn thẻ nhỏ, tùy theo loại.

    Trong Đạo Cao Đài có nhiều loại Phướn, kể ra:

    · Phướn Tòa Thánh hay phướn Thánh Thất,

    · Phướn Phật Mẫu hay phướn Điện Thờ,

    · Phướn Thượng Phẩm, - Phướn Thượng Sanh,

    · Phướn Tiêu Diêu, Phướn Truy hồn,

    · Phướn Tiếp Dẫn, . . . . . . . . .

    Các lá Phướn trong Đạo Cao Đài thường có hình chữ nhựt, đuôi phướn bằng ngang, có nhiều thẻ nhỏ thòng xuống. Bề dài, bề ngang, số thẻ thường rơi vào các con số: 3, 9, 12, hay các bội số của chúng.

    Bên Phật giáo, Phướn là món đồ trang nghiêm của Tam bảo để biểu dương oai đức của Phật, cũng như cờ xí để biểu dương oai đức của một vị đại tướng.

    Lá phướn treo lên là tỏ cái ý nghĩa cầu đảo phước đức.

    Ở Việt Nam, trên mặt lá phướn thường có đề hàng chữ Lục tự Di Đà: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Ở Tây Tạng thì lại đề Lục tự Thần chú: ÚM MA NI BÁT MÊ HỒNG.

    Phía trước sân chùa, nơi khoảng đất trống, trong dịp lễ lớn như lễ Phật đản, lễ Vu lan, đều có dựng cột phướn cao và treo lên một lá phướn lớn và dài, phất phơ trước gió trông rất đẹp mắt, có ý nghĩa là cầu đảo phước đức cho các Phật tử và dân chúng trong vùng.

    Trong nhà chùa, các thứ như: Tràng (cờ), Phan (phướn), Bảo cái (lọng quí) là những món trang nghiêm được gìn giữ cẩn thận, cũng như gìn giữ Tam bảo: Tượng Phật, Kinh Phật, y bát và tích trượng.

    Hồi Đức Phật hiện ra ở thế, chư Thiên thường dùng ba món: Cờ, phướn, lọng mà hầu hạ Đức Phật: Cờ và phướn để biểu dương công đức của Phật, lọng để che hầu Phật là bực đáng tôn kính hơn hết.

    Trong Pháp Bảo Đàn Kinh có chép chuyện Phướn động: Khi Lục Tổ Huệ Năng ra đến chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu gặp Ấn Tông Pháp Sư giảng Kinh Niết Bàn, lúc ấy có gió thổi, lá phướn trước chùa lay động. Một sư nói: Gió động. Một sư khác cãi: Phướn động. Hai sư cãi hoài không ai chịu thua ai. Huệ Năng bước đến nói: Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, ấy là tâm của hai vị động.

     

  • Phướn linh

    A: The mysterious banner.

    P: La bannière mystérieuse.

    Linh: thiêng liêng.

    Phướn linh là cây phướn huyền diệu.

    KCHKHH:

    Tây phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn,

    Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

    KCHKHH: Kinh cầu hồn khi hấp hối.

     

  • Phướn Phật Mẫu

    A: The banner of Buddha-Mother.

    P: La bannière de Bouddha-Mère.

    Phướn Phật Mẫu là lá phướn treo trước Điện Thờ Phật Mẫu, cho biết đây là nơi ngự của Đức Phật Mẫu.

    Phướn Phật Mẫu có bề ngang 9 tấc, bề dài 9 thước, phía dưới có 9 thẻ, mỗi thẻ dài 9 tấc, cho nên bề dài lá phướn kể cả các thẻ phía dưới là 9 thước 9 tấc.

    MÔ TẢ: Phướn Phật Mẫu có 3 phần:

    Phần I: Phần trên hết, màu vàng, bề dài 9 tấc, trên đó có thêu 2 con phụng chầu mặt trăng, gọi là Song phụng triều nguyệt (SPTN).

    Phần II: Phần giữa bề dài 8 thước 1 tấc (81 tấc), có 3 sọc dài màu vàng, xanh, đỏ, bề ngang mỗi sọc là 3 tấc, sọc vàng ở phía tả của người quan sát, sọc xanh ở giữa, sọc đỏ bên hữu. Trên sọc xanh từ trên xuống dưới có thêu:

    · Thiên Nhãn (TN).

    · Cổ pháp Tam giáo (CPTG): Xuân Thu, Phất chủ, Bát vu.

    · 6 chữ Hán màu vàng theo chiều dọc: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    · Dưới cùng là Giỏ Hoa lam (GHL)

    Hai bên bìa lá phướn có gắn những thẻ nhỏ, mỗi bên 12 thẻ, mỗi thẻ dài 72 phân, trên lớn dưới nhỏ, đuôi nhọn. Các màu của thẻ theo thứ tự từ trên xuống dưới lần lượt là: vàng, xanh, đỏ, vàng, xanh,....

    Phần III: là phần đuôi phướn, gồm 9 thẻ kết vào theo bề ngang của phướn, mỗi thẻ dài 9 tấc, trên nhỏ dưới lớn, đuôi nhọn. Thẻ thứ nhứt màu vàng, thẻ thứ 2 màu xanh, thẻ thứ 3 màu đỏ, thẻ thứ 4 trở lại màu vàng, rồi xanh,....

    Bề dài tổng cộng của Phướn Phật Mẫu gồm ba phần là 9 thước 9 tấc. Mặt sau lá phướn là toàn màu vàng.

    Muốn treo lá phướn Phật Mẫu, cột phướn phải cao từ 12 thước trở lên.

    Đặc biệt cột phướn treo Phướn Phật Mẫu trước Báo Ân Từ có hình tròn; còn cột phướn trước Tòa Thánh để treo Phướn Tòa Thánh có hình vuông.

    Phướn Phật Mẫu được treo vào 3 tháng của ba nguơn: tháng giêng, tháng 7, tháng 10 âm lịch, và đặc biệt phải treo vào hai ngày Đại Lễ: Vía Đức Phật Mẫu và Hội Yến DTC: ngày 14 và ngày 15 tháng 8 âm lịch.

    Trong dịp Đại Lễ Vía Đức Phật Mẫu và Hội Yến DTC rằm tháng 8 năm Tân Sửu (24-9-1961), Hội Thánh xây dựng và khánh thành cột Phướn trước Báo Ân Từ để treo Phướn Phật Mẫu, Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước có đọc một bài diễn văn nói về lá Phướn Phật Mẫu, xin chép ra sau đây:

     

    Kính Hội Thánh,

    Kính chư Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu nam nữ.

    Hân hạnh được Hội Thánh Lưỡng Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng cùng quí Chức sắc cao cấp Cơ Quan Phước Thiện ủy nhiệm cho tôi trọng trách thiêng liêng làm đầu Ban Tổ chức cuộc Lễ Hội Yến DTC năm Tân Sửu (1961), tôi xin để lời cảm tạ Hội Thánh.

    Hôm nay cuộc tổ chức đã hoàn thành từ nội diện cho tới ngoại diện, ấy là nhờ sự tận lực phụ trách của toàn thể Cửu Viện Hành Chánh và Phước Thiện với tất cả anh em từ công quả tới thợ các ngành, ở trại mộc, sở hồ và cơ xưởng, kể luôn chư vị Tá Lý và Chức sắc thiện nghệ triển lãm làm cho ngoạn mục, các giới đến xem không ngớt trầm trồ khen ngợi. Tôi ghi tấm nhiệt thành của mấy anh em và quí Chức sắc đã góp phần trọng yếu trong việc vĩ đại nầy làm cho tôi hãnh diện tuyên dương công trạng của quí bạn.

    Kính Hội Thánh,

    Cái may duyên lớn nhứt trong cuộc Lễ Hội Yến DTC năm nay mà Hội Thánh đạt được là dựng nên một trụ phướn giữa thập mục sở thị trước Đền Thờ Đức Phật Mẫu mà từ bấy lâu chúng tôi hằng hoài vọng cho nó thành hình nên vóc. Giờ phút nầy nó vừa biểu hiệu cả khối tinh thần của chư thiện tín đóng góp vào sự điểm tô nghiệp cả, vừa phô trương ý chí của Hội Thánh trong việc phát triển cơ năng truyền giáo.

    Lá phướn thượng lên rồi, nhìn nó nhẹ nhàng phất phới qua lại giữa không trung, chúng ta không khỏi kích thích vui mừng sẽ được ân huệ Đức Thiên Hậu ám độ kẻ hữu duyên, nhưng lại chẳng khỏi âu lo cho kẻ thiếu đức bị lụy vì trần, khó thoát mê tân mà Đức Ngài phải riêng than thầm khóc, nhìn xem họ lỡ bước trên khoa trường, lập Tiên ngôi Phật vị, trong Tam Kỳ Hội nầy. Huyền vi pháp của lá phướn ấy thuộc quyền của Bà Lục Nương DTC lấy đó độ dẫn chơn hồn về nguyên thỉ.

    Vậy thì hướng về Đạo là nguồn sanh quang của Đức Phật Mẫu bủa khắp trần gian đặng giữ vẹn mảnh thân phàm của con cái Đức Ngài, về nhập môn cầu đạo, nhơn sanh sẽ nhờ nước nhành dương gội rửa chơn thần đặng hiệp với chơn linh trở về cùng Thượng Đế.

    Nhắc lại cái duyên may mắn của Hội Thánh đạt được, tôi xin thêm rằng, chúng ta nên lưu tâm như đã tiên tri trong Kinh Xưng Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu, cái pháp linh của Bà Lục Nương là càng phất phướn truy hồn về lối cũ, Bà càng làm cho giảm bớt thảm trạng thương hải biến vi tang điền, ngõ hầu hộ trì những kẻ hữu duyên chịu làm con tế vật để tạo đời Thánh đức. Còn trái lại thì rất vô phước cho kẻ vô căn, chừng ấy sẽ do Đại Hội Long Hoa định phận.

    Thiết tưởng Đại Đạo còn trong thời kỳ mở rộng cửa tiếp đón thiện lương, thoảng như nhơn loại tự xoay hướng đổi chiều theo đuổi chủ nghĩa duy tâm, thay vì cố chấp nhau trên đường tranh đấu so gươm thư hùng, thì rất nhẹ gánh cho Hội Thánh, còn nếu chẳng đặng vậy thì chốn A-Tỳ là mồ của kẻ bạo tàn mà rồi kẻ hiền nhơn không tránh khỏi bị lôi cuốn vào vòng tự diệt, chừng ấy cái gánh nặng của Hội Thánh càng thêm nặng gánh, nhưng chẳng vì vậy mà chúng ta lại bán đồ nhi phế.

    Sau 36 năm khai đạo, ngày nay lá Phướn Truy hồn được trương lên dưới Trời Nam có ảnh hưởng khắp hoàn cầu, nhơn loại cần lo tự giác cho kịp thì, rồi Đạo sẽ giúp sức cho thoát chốn khổ đau, tái tạo hòa bình.

    Cho hay luật tương đối, cái may hằng đi kề cái rủi, mà cái rủi thường đến cho những kẻ không thức thời, nên mục đích của Đại Đạo là chuyển họa vi phước, cứu độ cho đủ 92 ức nguyên nhơn thì ai kia nên tỉnh giấc Nam Kha trở về Thiên lý.

    Nhơn Lễ Hội Yến Diêu Trì kỳ nầy, chúng tôi cầu nguyện Đức Phật Mẫu ban phước lành cho chúng sanh thì cái may mắn hôm nay sẽ dẫy đầy thâm thúy.

    Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

    Nay kính.

    BẢO THẾ Lê Thiện Phước (ấn ký)

    DTC: Diêu Trì Cung.

     

  • Phướn phụng

    A: Tail of phoenix.

    P: La queue du phénix.

    Phụng: con chim phụng (phượng), một loài trong Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng).

    Phướn phụng là cái đuôi của con chim phụng có sở dụng giống như lá phướn dẫn đường.

    TNHT: Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.

    Câu thi trên lấy ý từ câu Hán văn:

    Phụng hàm đơn chiếu đề dương bạn. Nghĩa là: con chim phụng ngậm tờ chiếu của vua tiến lên bờ dương, mà bờ dương là bờ đạo đức, bờ giải thoát.

    Câu nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ là ý nói: Nhìn cái đuôi con chim phụng (xem như là lá phướn dẫn đường) mà đi theo nó thì sẽ đến được bờ đạo đức, đi vào cõi TLHS.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

     

  • Phướn Thánh Thất - Phướn Tòa Thánh

    A: The banner of Holy House - The banner of Holy See.

    P: La bannière de Saint Maison - La bannière de Saint Siège.

    Phướn Tòa Thánh là lá phướn treo nơi cột phướn trước Tòa Thánh trong 3 tháng của 3 nguơn: Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn, tức là tháng giêng, tháng 7 và tháng 10 âl.

    Phướn Thánh Thất giống hệt phướn Tòa Thánh, nhưng treo trước Thánh Thất và thường thì phướn Thánh Thất nhỏ hơn.

    Phướn Tòa Thánh có hình dạng và màu sắc giống như Phướn Phật Mẫu, nhưng kích thước lớn hơn một chút và có vài chi tiết khác hơn Phướn Phật Mẫu.

    MÔ TẢ: Phướn Tòa Thánh có bề ngang 1 thước 2 tấc, tức 12 tấc, bề dài 12 thước chưa kể những cái thẻ bên dưới. Bên dưới có 12 thẻ, mỗi thẻ dài 1 thước 2 tấc. Lấy con số 12 là vì số 12 là số đặc biệt của Đức Chí Tôn.

    Phướn Tòa Thánh được chia làm ba phần từ trên xuống dưới, kể ra như sau:

    Phần I: Phần trên hết màu vàng, bề dài 1 thước 2 tấc, trên đó có thêu hình hai con rồng nhìn vào một quả cầu gọi là: Lưỡng long triều nhựt, nghĩa là hai con rồng chầu mặt Trời.

    Phần II: Phần tiếp theo có bề dài 10 thước 8 tấc, có ba sọc vàng, xanh, đỏ dọc theo bề dài lá phướn, mỗi sọc có bề ngang 4 tấc. Sọc màu xanh da trời ở chính giữa, hai sọc vàng và đỏ hai bên. Hai bên bìa lá phướn có gắn các thẻ, mỗi bên gắn 12 thẻ, mỗi thẻ dài 9 tấc, đuôi nhọn. Thẻ vàng gắn trên hết, kế dưới là thẻ màu xanh, kế dưới nữa là thẻ màu đỏ, thẻ thứ tư thì trở lại màu vàng, rồi xanh, rồi đỏ, cứ thế tiếp tục, đến thẻ chót là màu đỏ.

    Trên sọc giữa màu xanh da trời của lá phướn có thêu lần lượt từ trên xuống dưới là:

    · Thiên Nhãn với đường nét màu đen.

    · Kế dưới là Cổ Pháp Tam Giáo: Xuân Thu, Phất chủ, Bát vu, tượng trưng tôn chỉ của Đạo Cao Đài là qui nguyên Tam giáo: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

    · Kế dưới là 6 chữ Hán thật lớn, màu vàng, đặt theo chiều dọc là: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Khoảng trống giữa các chữ Hán có gắn những cái hoa vải ba màu: vàng, xanh, đỏ.

    · Phía dưới cùng là cái bình bông.

    Mặt sau lá phướn Tòa Thánh là toàn một màu vàng.

    Phần III: là phần đuôi phướn, gồm có 12 thẻ, mỗi thẻ dài 1 thước 2 tấc, trên nhỏ dưới lớn, đuôi nhọn. Các thẻ nầy (lớn và dài hơn các thẻ nơi bìa phướn) kết liên tiếp theo bề ngang của lá phướn, thẻ thứ nhứt màu vàng, thẻ thứ 2 màu xanh, thẻ thứ 3 màu đỏ, thẻ thứ 4 trở lại màu vàng,....

    Ba phần I, II, III của lá Phướn Tòa Thánh có bề dài tổng cộng là 13 thước 2 tấc. Do đó, cột phướn để treo lá phướn nầy phải cao từ 15 thước trở lên.

    Nơi các Thánh Thất địa phương, thường thì cột phướn không cao như tại Tòa Thánh, nên khi làm lá Phướn Thánh Thất phải thu nhỏ kích thước lại một chút, tức là chỉ bằng kích thước của lá Phướn Phật Mẫu, dài 9 thước 9 tấc.

     

  • Phướn Thượng Phẩm

    Phướn Thượng Phẩm là lá phướn trên đó có đề hai chữ Thượng Phẩm 上品 bằng Hán tự, và có thêu Cổ pháp Thượng Phẩm (Long Tu Phiến và Phất chủ).

    Tại Tòa Thánh, phướn Thượng Phẩm được treo phía sau chỗ đứng của Đức Thượng Phẩm khi chầu lễ Đức Chí Tôn.

    Khi có Đại lễ cúng Đại đàn nơi Tòa Thánh, vị Hữu Phan Quân cầm phướn Thượng Phẩm hướng dẫn các Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu và tương đương thuộc hàng Thánh đổ lên đi vào Tòa Thánh hoán đàn.

    Những Chức sắc qui vị từ phẩm Giáo Hữu hay tương đương đổ lên, phải có một cây phướn Thượng Phẩm dựng trước bàn vong, và khi đưa linh cữu đi chôn, phướn Thượng Phẩm đi trước dẫn đường.

    Nơi cõi thiêng liêng, phướn Thượng Phẩm dùng để hướng dẫn các chơn hồn đắc đạo đi qua Cửu Trùng Thiên và đến Cực Lạc Thế Giới.

    Phướn Thượng Phẩm nơi Tòa Thánh có bề dài khoảng 1 thước 8 tấc, bề ngang khoảng 36 phân, nền màu vàng, phần trên viền xanh, dưới viền đỏ, hai bên hông mỗi bên có 6 thẻ, thẻ vàng ở trên, kế dưới là thẻ xanh, dưới nữa là thẻ đỏ, cứ theo thứ tự như thế. Phần đuôi phướn có 6 thẻ kết ngang nhau. Mỗi thẻ có bề ngang hẹp và dài, đuôi nhọn, có kết một cái hoa nhỏ bên dưới. Nền phướn toàn màu vàng, phần giữa của phướn có những đường xanh chia thành 4 ô, hai ô giữa có hai chữ Hán Thượng Phẩm màu xanh, hai ô hai đầu có kết 2 cái hoa vải lớn.

    Tại các Thánh Thất, phướn Thượng Phẩm có kích thước nhỏ hơn và kiểu vở cũng hơi khác hơn một chút. Hình dạng và kích thước phướn Thượng Phẩm treo nơi Thánh Thất như sau:

    Phướn có bề ngang 30 phân, bề dài kể cả đuôi phướn là1 thước 76 phân.

    Nền phướn màu vàng, chung quanh viền xanh dương, có 4 đường viền ngang chia lá phướn làm 5 ô:

    · Ô thứ 1 dài 20 phân, thêu Cổ pháp Thượng Phẩm (CPTP): Long Tu phiến và Phất chủ.

    · Ô thứ 2 dài 30 phân, có kết một hoa vải lớn màu tam sắc đạo (H).

    · Ô thứ 3 dài 30 phân, có chữ Thượng bằng hán tự màu xanh.

    · Ô thứ 4 dài 30 phân có chữ Phẩm bằng hán tự màu xanh.

    · Ô thứ 5 dài 30 phân, có kết một hoa vải lớn màu tam sắc đạo (H).

    Ở hai bên bìa có kết mỗi bên 3 thẻ, thẻ vàng ở trên, kế là thẻ xanh, dưới là thẻ đỏ, mỗi thẻ dài 36 phân, trên lớn dưới nhỏ, đuôi nhọn.

    Phần đuôi phướn gồm có 3 thẻ kết hàng ngang, mỗi thẻ dài 36 phân.

     

  • Phướn Thượng Sanh

    Phướn Thượng Sanh là lá phướn trên đó có đề hai chữ Thượng Sanh bằng 上生 Hán tự, và có thêu Cổ pháp Thượng Sanh (Phất chủ và Thư Hùng kiếm).

    Tại Tòa Thánh, phướn Thượng Sanh được treo phía sau chỗ đứng của Đức Thượng Sanh khi chầu lễ Đức Chí Tôn.

    Khi có Đại lễ cúng Đại đàn nơi Tòa Thánh, vị Tả Phan Quân cầm phướn Thượng Sanh hướng dẫn các vị Lễ Sanh, Chức việc, Đạo hữu và các phẩm tương đương thuộc hàng Thần vị đi vào Tòa Thánh hoán đàn.

    Những Chức sắc qui vị từ phẩm Lễ Sanh hay tương đương trở xuống đến tín đồ, phải có một cây phướn Thượng Sanh dựng trước bàn vong, và khi đưa linh cữu đi chôn, phướn Thượng Sanh đi trước dẫn đường.

    Vậy Phướn Thượng Sanh chỉ hướng dẫn các chơn hồn thuộc Thần vị tức là thuộc ba phẩm: Đạo hữu, Chức việc Bàn Trị Sự, Lễ Sanh và các phẩm tương đương, đối phẩm với: Địa Thần, Nhơn Thần và Thiên Thần. (Còn hàng Thánh vị trở lên thì phướn Thượng Phẩm dẫn đường).

    Trong truyện Phong Thần, cây phướn mà Bá Dám cầm là cây phướn Thượng Sanh, hướng dẫn các chơn hồn Thần vị lên đài Phong Thần nghe ban sắc.

    Phướn Thượng Sanh có kích thước và màu sắc y như phướn Thượng Phẩm, chỉ đổi chữ Phẩm thành chữ Sanh, và Cổ pháp Thượng Phẩm thành Cổ pháp Thượng Sanh.

     

  • Phướn Tiếp Dẫn

    Phướn Tiếp Dẫn là phướn của vị Phật gọi là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, hướng dẫn các chơn hồn đắc đạo đi vào cõi CLTG.

    KCHKHH:

    Tây phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn,

    Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

    KTCMĐQL:

    Nắm phan Tiếp Dẫn vào vòng Như Lai.

    CLTG: Cực Lạc Thế giới.

    KCHKHH: Kinh cầu hồn khi hấp hối.

    KTCMÐQL: Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu.

     

  • Phướn Tiêu Diêu - Phướn Truy hồn

    Phướn Tiêu Diêu, cũng gọi là Phướn Truy hồn, là cây Phướn của Lục Nương DTC, dùng để hướng dẫn các chơn hồn đến DTC bái kiến Đức Phật Mẫu.

    Phướn Tiêu Diêu chỉ hướng dẫn các chơn hồn đến DTC là hết phận sự. Từ DTC đi đến cõi CLTG, hay đến Lôi Âm Tự ở kinh đô CLTG thì phải dùng Phướn Tiếp Dẫn hay Phướn Thượng Phẩm.

    TTCĐDTKM:

    Lục Nương phất phướn Truy hồn,

    Tang thương nay lúc bảo tồn chúng sanh.

    Bài Thài hiến lễ Lục Nương trong HYDTC:

    Nương mây như thả cánh hồng,

    Tiêu Diêu phất phướn cõi tòng đưa Tiên.

    KCTPĐQL:

    Tiêu Diêu định tánh nắm phan,

    Dò theo Cực Lạc đon đàng siêu thăng.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    HYDTC: Hội Yến Diêu Trì Cung.

     

  • Phướn tử tôn

    Tử: con. Tôn: cháu.

    Phướn tử tôn được dùng khi đưa quan tài người chết đi an táng, có ý nghĩa là để cho các chơn hồn con cháu của người chết, nương theo lá phướn đó, đến đưa tiễn thể xác người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng cho trọn tình nghĩa.

    Thông thường thì phướn tử tôn được làm 6 lá, chia ra bên nam phái 3 lá và bên nữ phái 3 lá, do các em đồng nhi cầm, đi cặp hai bên và phía sau linh vị. Những người đưa đám thì đi sau linh cữu. Có bài thi:

    THI:

    Phất phướn tử tôn đã tử trần,

    Cũng vì hiếu nghĩa với người thân.

    Xúm nhau đưa đón về ngôi vị,

    Vọng tưởng Thiên cung rước khách trần.

    Hình thức và màu sắc của lá phướn tử tôn như sau:

    Phướn làm bằng vải đen, phía dưới hình đuôi cá, viền chung quanh bằng vải trắng, bề ngang chừng 30 phân, bề dài chừng 60 phân, trên phướn có kết vào những đốm trắng hình giọt lệ để tượng trưng sự thương tiếc.

    Ba lá phướn tử tôn bên nam phái, mỗi lá kết 7 giọt lệ, ba lá phướn bên nữ phái kết vào 9 giọt lệ (nam thất nữ cửu). (Theo tài liệu của Lễ Sanh Ngọc Sảnh Thanh)

    Phướn tử tôn thường được gọi là cờ tang.

    Trong tang lễ của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, các cây cờ tang được may kiểu vở khác hơn và màu sắc cũng khác hơn.

    Bán Nguyệt San Thông Tin số 33, bài Tường Thuật Thánh lễ Đạo táng Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, trang 30 có thuật lại như sau:

    "Trong dịp cung nghinh liên đài kỵ long mã nầy, thấy nam nữ đồng nhi đã cầm 12 cây cờ tang, nam 6, nữ 6. Được biết, đây là 12 cây cờ tang do Bà Giáo Sư Hương Cúc may. Bà đã căn cứ theo lời dạy của Đức Hộ Pháp chỉ dạy về cách thức may cờ tang mà may thành kiểu cờ nầy.

    Cờ tang hình chữ nhựt, chiều dài khoảng 8 tấc, rộng khoảng 4 tấc, nền trắng, xung quanh viền màu xanh da trời, hai góc trên, mỗi góc viền một hình chữ nhựt, cạnh dài xuôi xuống khoảng 2 tấc, rộng 1 tấc. Ngay trung tâm hai hình chữ nhựt nhỏ nầy là hai chấm tròn đen, mỗi chấm có đường kính khoảng 2 phân. Khoảng cách còn lại giữa hai hình chữ nhựt nhỏ, cũng ngay khoảng giữa, có một dấu lệ xanh.

    Ngay trung tâm của cờ tang là một dấu lệ xanh, hai góc dưới cờ tang, mỗi góc một giọt lệ xanh, cộng chung trong cờ tang có 4 dấu lệ màu xanh da trời."

    Cây cờ tang nầy có ý nghĩa giống như phướn tử tôn đã nói bên trên, nhưng hình thức và màu sắc đổi khác.

     

  • PHƯƠNG

    1. PHƯƠNG: 方 Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn.

    Td: Phương châm, Phương thốn.

    2. PHƯƠNG: 芳 Thơm, đức hạnh.

    Td: Phương danh.

    3. PHƯƠNG: 妨 Làm hại.

    Td: Phương hại.

     

  • Phương bá

    方伯

    A: Suzerain.

    P: Le suzerain.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Bá: tước Bá, đứng trên tước Hầu.

    Phương bá là làm Bá chủ các nước chư Hầu ở một phương. (Xem chi tiết nơi chữ: Quan Phương bá, vần Q)

     

  • Phương châm

    方針

    A: Precept.

    P: P: Le précepte.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Châm: cây kim.

    Phương châm, nghĩa đen là cây kim chỉ hướng, nghĩa bóng là cái hướng phải theo để làm công việc đạt kết quả tốt đẹp.

    TNHT: Mối đạo đức trau thân là phương châm thoát tục.

    Phương châm hành đạo:

    Đây là tên của một tập sách mỏng do Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung soạn ra (lúc Ngài còn là Đầu Sư Thượng Trung Nhựt) trong đó nêu ra những qui tắc chuẩn thằng để cho các Chức sắc và Chức việc khi đi hành đạo noi theo đó mà thi hành thì sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

    Sau đây xin chép Lời Tựa của tập sách nầy:

    LỜI TỰA

    Thiết tưởng, Đạo nào cũng dạy lánh dữ làm lành. Chủ nghĩa của mỗi tôn giáo thảy đều cao thượng nhưng nếu người hành đạo không noi theo một phương châm nào cho chánh đáng, tức nhiên Đạo cao thượng cũng hóa ra hư hèn, rồi lâu đời mối chánh truyền phải mất.

    Tôi vốn không từng viết văn, lẽ không nên làm sách, song nghĩ vì trách nhậm nặng nề, sở dĩ phải lược lục quyển sách "PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐẠO" nầy mong rằng chư Đạo hữu lưỡng phái nam nữ nhứt tâm hành sự theo qui tắc chuẩn thằng, thì rất may mắn cho nền Đạo, mà lại cũng là một điều hân hạnh cho tôi lắm đó.

    Mỗi lần thuyết đạo, chư vị Thiên phong cũng nên đem quyển sách nầy ra đọc cho chư tín đồ nghe rồi giải rành thêm cho mọi người dễ hiểu.

    Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 29 tháng 2 Mậu Thìn (1928)

    Thượng Đầu Sư LÊ VĂN TRUNG

    Phương Châm Hành Đạo của Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung gồm các mục sau đây:

    1. Giữ Đạo: - Làm lành lánh dữ, - Trau giồi đức hạnh: Khiêm nhượng, Nhẫn nại, Thuận hòa, Kiên tâm, Thanh liêm.

    2. Người trong Đạo phải đối đãi nhau thế nào? - Tín đồ, - Chức sắc.

    3. Đối với người ngoại giáo: - Đối với quan viên chức sắc, - Đối với người khác Đạo, - Đối với người nghịch Đạo.

    4. Phổ thông Thiên Đạo: - Thuyết đạo, - Khai đàn.

    5. Phải năng hầu đàn.

    6. Điều lệ hầu đàn: Khi nhập đàn.

    7. Phải xem sách kinh, luật lệ.

    8. Phải xem kinh sách thế nào? (Hết)

     

  • Phương danh

    芳名

    A: Good reputation.

    P: Bonne réputation.

    Phương: Thơm, đức hạnh. Danh: tên, tiếng tăm.

    Phương danh là tiếng thơm, tiếng tốt.

     

  • Phương dụng

    方用

    A: Method of use.

    P: Mode d'emploi.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Dụng: dùng.

    Phương dụng là cách dùng, cách thức sử dụng.

    Phương dụng cũng có nghĩa là tùy theo phương diện mà sử dụng cho thích hợp.

    TNHT: Bởi cớ mà luật pháp vẫn nhiều mặt đặc biệt cùng nhau, tùy theo phương dụng,....

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phương hại

    妨害

    A: Damage.

    P: Dommage.

    Phương: Làm hại. Hại: hao tổn.

    Phương hại là gây thiệt hại, làm hao tổn.

     

  • Phương lược

    方略

    A: The stratagem.

    P: Le stratagème.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Lược: tính toán sắp đặt kế hoạch.

    Phương lược là đường lối sắp đặt kế hoạch làm việc.

    TNHT: Tòa Thánh là gốc cội của Đạo, nếu muốn lập công nơi đó vì Thầy đã dạy thì nên làm đi, cách xây đổi phương lược tùy cơ ứng biến, ấy là cơ nghiệp riêng của mỗi Đạo hữu.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phương ngôn

    方言

    A: Idiom.

    P: Idiome.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Ngôn: lời nói, ngôn ngữ.

    Phương ngôn là ngôn ngữ của từng địa phương.

     

  • Phương sĩ

    方士

    A: Magician.

    P: Magicien.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Sĩ: người học thức.

    Phương sĩ là người học phép thuật của đạo Tiên để trừ tà, tróc quỉ.

     

  • Phương Sóc

    方朔

    Phương Sóc là ông Đông Phương Sóc, tu đắc đạo thành Tiên, làm Tổ Sư Tán Tiên. (Xem sự tích nơi chữ: Đông Phương Sóc, vần Đ)

    TG: Sản Tất Viên, Phương Sóc chi bối.

    TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.

     

  • Phương thế

    方勢

    A: Manner.

    P: Manière.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Thế: cách cuộc bày ra.

    Phương thế là cách thức giải quyết công việc.

    TNHT: Thầy đã gầy phương thế cho các con đủ quyền hành lập Đạo.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phương thốn

    方寸

    A: Heart.

    P: Le coeur.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Thốn: một tấc.

    Phương thốn là một tấc vuông, ý nói tấc lòng, tấm lòng.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

     

  • Phương trượng

    方丈

    A: The cell of the chief of bonzes.

    P: La cellule du chef des bonzes.

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Trượng: một trượng bằng 10 thước Tàu.

    Phương trượng, nghĩa đen là một trượng vuông, nghĩa thường dùng là cái phòng ở của vị Hòa Thượng trụ trì trong một ngôi chùa Phật.

    Ngày xưa, thất của ông Tịnh Danh (Duy Ma Cật) vuông vức một trượng mà chứa đặng ba ngàn ngôi sư tử. Văn Thù Bồ Tát có đến hỏi Pháp nơi Tịnh Danh tại phương trượng ấy.

    Vì vậy, về sau người ta gọi chỗ hỏi Pháp, nơi tăng phòng của vị Hòa Thượng trụ trì là Phương trượng.

     

  • Phương Tu Đại Đạo

    方修大道

    Phương: Hướng, phía, cách thức, vuông, địa phương, ngay thẳng, nơi chốn. Tu: tu hành. Đại Đạo: ý nói Đạo Cao Đài.

    Phương Tu Đại Đạo là phương pháp tu hành của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là của Đạo Cao Đài.

    Phương Tu Đại Đạo là tên của một tác phẩm thi văn do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trước tác, in được 2 tập, dạy về Nhơn đạo, tức là đạo làm người.

    Đây là một đề tài rất lớn và cũng rất khó khăn, Đức Hộ Pháp mới viết được phần Nhơn đạo thì ngưng.

    Đức Phạm Hộ Pháp viết Phương Tu Đại Đạo theo lối thơ tự do, lời thơ thật bình dị để mọi người đọc đều hiểu được, và khi hiểu được thì mới thực hành được.

    Mở đầu, Đức Phạm Hộ Pháp viết như sau:

    "Phương tu của anh em bổn đạo mình, nếu tùy theo tôn chỉ của Tam giáo thì phải làm thế nào cho gồm trọn cả tinhthần của ba đạo: Nho, Đạo, Thích mới phải, nhưng xét sự khó khăn thì chẳng thế nào làm ba đạo một lượt cho đặng hoàn toàn.

    Vậy, chúng ta cứ lần lượt luyện tinh thần rồi tập buộc mình hằng ngày sửa tánh tu thân, từ từ lần bước đến cho tận nẻo đạo của Thầy đã khai ra quảng đại, đẹp đẽ, quang minh, trước mắt chúng ta đó.

    Tục ngữ nói: Tu hành. Tu là trau giồi lấy tinh thần mình. Hành là luyện tập thân mình phải biết tùng phục tinh thần sai khiến mà làm đạo.

    Ấy vậy, phép tu chẳng phải luyện nội tinh thần mình theo đạo hạnh mà thôi, mà cái thân thể mình đây phải tùy tùng phù hạp với đạo tâm, thể đạo chơn chánh bởi gương mình, hễ chúng sanh ngó đạo nói mình, xem mình cho là đạo mới phải.

    Đạo chẳng phải nơi lời nói, mà lại nơi kết quả sự mình làm; chẳng phải nói câu kệ câu kinh mà tại cuộc hành vi người giữ đạo. Cái khó khăn của đạo chẳng ở nơi sự giảng dạy mà ở tại sự thực hành. Cái hay của đạo chẳng phải ở tại nơi yếu lý mà ở nơi cuộc kết quả sự giáo truyền.

    Lạ chi, mình muốn nhủ người bắt rồng, cột phụng, nghĩ có khó chi tiếng biểu, song cốt yếu là biết người ta có phương bắt hay là cột đặng cùng chăng? Hễ muốn điều chi nói ra mà thế gian làm không đặng thì đành cho là mị mộng, huống chi anh em đồng đạo của mình ngày nay chẳng khác nào như người đi đường trên nẻo lạ, tốt hơn nên khuyên nhủ họ mỗi ngả khá ghi vôi, để dấu bước lần hồi khi khỏi lạc.

    Trừ ra các kinh điển Hán văn, hay là Pháp văn cùng của các nước khác, xưa để lại, rõ hữu ích cho đạo lược dịch ra, thì tôi chẳng luận chi, chớ tôi thấy phần nhiều sách vở của nhiều Đạo hữu viết ra, chẳng dùng văn từ lý lẽ giản dị, lại dùng văn mắc mỏ, ý tứ rất cao kỳ, làm cho phần đông coi không hiểu thấu nên không bổ ích chi cho đạo hết.

    Rất đỗi là Thầy còn phải dùng tiếng nói dễ dàng rẻ rúng mà làm thi dạy đạo thay. Nhờ vậy mà văn từ của Thầy ai coi cũng hiểu. Tôi xin chư Đạo hữu coi cách hành văn của Thầy, đọc lại mấy bài thi Thầy dạy đạo thì sẽ thấy rõ, ý tứ dầu cao kỳ mà câu văn ai cũng hiểu. Tôi dám chắc rằng tuy vậy mặc dầu mà cái ngòi văn tuyệt bút rõ ràng, hễ càng thấu tứ lại càng thâm thúy nơi lòng.

    Tôi nhớ có một phen kẻ nghịch đạo để lời gièm pha biếm nhẻ rằng văn từ của Thầy xem rất thường tình. Tôi chấp bút phân phiền cùng Thầy. Thầy dạy rằng: Con ôi! trong anh em của con, phần dốt nhiều hơn phần hay chữ, đứa ám muội đông hơn đứa thông minh. Thầy đến chăm nom dạy dỗ đứa ngu dốt hơn là đứa hay giỏi, thà là đứa sáng khôn quá hiểu mà chê Thầy hơn là đứa dốt nghe đạo Thầy không rõ lý. Thầy cười rồi tiếp nữa rằng:Thầy muốn đạo của Thầy làm thế nào cho trẻ lên ba tuổi cũng hiểu đặng. Con nghĩ sao con? Lại cười nữa....

    Tôi hiểu lòng nhơn từ quá lẽ của Thầy, cũng bắt tức cười theo.

    Tôi chủ ý tỏ Thánh tứ ra đây cho chư Đạo hữu làng văn hiểu, đặng từ đây, tùy ý muốn của Thầy, dầu gặp phải vấn đề khó khăn, cũng gắng chí luận bàn cho giản dị.

    Ôi! Phương tu lại cũng là một vấn đề khó giải lắm chút, nhưng may tôi nhờ ơn Đại Từ Phụ thương dạy dỗ nên mượn điệu văn thô kịch mà viết ra đây, ước giúp ích công tu chư Đạo hữu đôi chút là thỏa nguyện. Luận lý dầu thô sơ, xin chư Đạo hữu nam nữ nghĩ tình tha lời dị nghị.

    Tôi chỉ luận hình thể trước đã, rồi sau sẽ luận đến tinh thần. Bổn phận người tu đối với đời, đối với đạo, đối với Trời ra thế nào? Ai ai mang mảnh xác phàm nầy rồi thì cũng tùng theo ba cái luật thiên nhiên là: Luật đời, luật đạo và luật Trời.

    Ba luật ấy tương tợ như phù hạp với luật điều Tam giáo."

    Nội dung hai quyển Phương Tu Đại Đạo của Đức Phạm Hộ Pháp gồm các mục sau đây: - Luật đời, - Phận anh, - Phận chị, - Làm em trai, - Phận em gái, - Phận chồng, - Làm rể, - Làm vợ, - Làm dâu, - Phận làm cha. (Hết)

     

  • Phưởng phất

    彷彿

    1. Phưởng phất hay Phảng phất là lờ mờ không rõ ràng, lang thang đây đó, khó nhận biết được.

    TNHT: Than ôi! Có hình thể xương thịt mà chơn hồn phưởng phất nơi xa, thì cái thân vô dụng ấy trơ trơ như khối đá dựa đường, như khúc cây bên trũng.

    2. Phưởng phất là thoang thoảng ở xung quanh.

    TNHT: Vô Thánh điện mà hơi tà còn phưởng phất.

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.