Cao Đài Tự Điển - Vần S
ID018383 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần S 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • Sa di - Sa môn

    Sa di - Sa môn

    沙彌 - 沙門

    A: The novice - The monk.

    P: Le novice - Le moine

    ■ Sa-di: là tiếng phiên âm từ chữ Phạn: Sramanera, có nghĩa là dứt việc ô nhiễm của thế gian.

    Sa-di là hạng thiếu niên xuất gia vào chùa thọ pháp qui y tu hành, tuổi từ 7 tuổi đến 19 tuổi, thường được gọi là Chú tiểu.

    Hạng thiếu nữ xuất gia thọ giới tu hành gọi là Sa-di ni (A: The feminine novice. P: La novice féminine).

    Sa-di có hai bực:

    1. Khu ô Sa di: từ 7 tuổi đến 12 tuổi, có phận sự trông coi đừng để cho chim quạ bay tới ăn phá lúa gạo, hoa quả của chùa. Sa di nầy bắt đầu thọ giới, được giữ Ngũ giới.

    2. Ứng pháp Sa di: từ 13 trước đến 19 tuổi, phải biết phụng sự các sư, phục dịch các công việc ở nhà chùa. Sa di nầy thọ đủ thập giới. Đến chừng đúng 20 tuổi thì được thọ giới cụ túc để làm Sa môn, tức Tỳ kheo.

    Thập giới của Sa di là:

    1. Không sát sanh.
    2. Không trộm cắp.
    3. Không dâm dục.
    4. Không uống rượu.
    5. Không láo xược. (Năm giới đầu là Ngũ giới cấm).
    6. Không dồi phấn xức dầu.
    7. Không ca hát, không khiêu vũ.
    8. Không ngồi ghế cao, không nằm giường rộng.
    9. Không ăn quá ngọ.
    10. Không rờ tới vàng, bạc, tiền xài.

    ■ Sa-môn: là tiếng phiên âm từ chữ Phạn: Sramana, phiên âm đầy đủ là: Sa-môn-na, nói tắt là Sa-môn.

    Sa-môn là thầy tu xuất gia theo đạo Phật, cũng gọi là Tỳ kheo, Đại Sa-môn.

    · Sa môn Nam tông chỉ giữ cụ túc giới (250 giới) là đủ, và tu thành bực La-Hán là đạt rồi.

    · Sa môn Bắc tông, ngoài cụ túc giới còn phải giữ thêm Bồ Tát giới, tu thành Bồ Tát và sau đó thì tu thành Phật.

  • Sa đà

    Sa đà

    蹉跎

    A: To make a false step.

    P: Faire un faux pas.

    Sa: còn đọc là Tha: sẩy chân. Đà: lỡ thời.

    Sa đà là sẩy chân vấp ngã.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Thân thể cho mạnh mẽ tinh vi, đừng để sa đà vào lục dục thì là thuận cùng trí lự khôn ngoan.

  • Sa đọa

    Sa đọa

    A: To fall into the darkness.

    P: Tomber dans les ténèbres.

    Sa: rơi xuống. Đọa: bị phạt đưa vào chỗ tối tăm khổ sở.

    Sa đọa là bị phạt rơi xuống chỗ tối tăm khổ sở.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thất Nương ở đó đặng dạy dỗ, nâng đỡ các chơn hồn dầu sa đọa luân hồi cũng có người dạy dỗ.

  • Sa thải

    Sa thải

    沙汰

    A: To discharge.

    P: Congédier.

    Sa: cát. Thải: gạn bỏ.

    Sa thải, nghĩa đen là gạn bỏ cát xấu, lấy cát tốt để dùng, nghĩa thường dùng là bỏ ra, không dùng nữa.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Chức sắc Thiên phong nam nữ toàn đạo phải chịu dưới quyền công nhận của Vạn linh mới đặng thăng chức hay là Vạn linh buộc tội mà sa thải.

  • Sách phụ

    Sách phụ

    策輔

    A: To offer the strategies for help.

    P: Offrir les statégies pour aider.

    Sách: kế hoạch, mưu chước. Phụ: giúp.

    Sách phụ là giúp cho kế hoạch trị nước an dân, hay phát triển đất nước cho mau giàu mạnh.

    Kinh Nho Giáo: Vương tân sách phụ, Nho tông khai hóa.

  • SAI

    SAI

    SAI: 差 Sai khiến, bảo làm, lầm, không đúng.

    Thí dụ: Sai lạc, Sai suyễn.

  • Sai lạc

    Sai lạc

    A: To get lost.

    P: Se tromper.

    Sai: Sai khiến, bảo làm, lầm, không đúng. Lạc: lầm đường, mất.

    Sai lạc là không còn giữ đúng như lúc đầu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con làm sai lạc bản chất, tôn chỉ của nền Thánh giáo.

  • Sai suyễn

    Sai suyễn

    差舛

    A: To be wrong.

    P: Être dans l"erreur.

    Sai: Sai khiến, bảo làm, lầm, không đúng. Suyễn: sai trái, lẫn lộn.

    Sai suyễn là sai lầm, không đúng.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Không hề sai suyễn một mảy may nào cả.

  • SÀM

    SÀM

    SÀM: 讒 Gièm pha, nói xấu, phao vu.

    Thí dụ: Sàm biện, Sàm tấu, Sàm thần.

  • Sàm biện

    Sàm biện

    讒辯

    A: To calumniate.

    P: Calomnier.

    Sàm: Gièm pha, nói xấu, phao vu. Biện: biện luận, bàn cãi.

    Sàm biện là bàn tán bậy bạ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhưng Thầy buồn vì nỗi có nhiều đứa sàm biện về việc ấy.

  • Sàm tấu

    Sàm tấu

    讒奏

    A: To calumniate before king.

    P: Calomnier devant le roi.

    Sàm: Gièm pha, nói xấu, phao vu. Tấu: tâu, trình bày với vua.

    Sàm tấu là lời tâu cáo của đứa gian thần nói xấu người trung lương chánh trực để hãm hại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nào tật đồ hiền tài, hữu thỉ vô chung, nghe lời sàm tấu.

  • Sàm thần

    Sàm thần

    讒臣

    A: The calumnious mandarin.

    P: Le mandarin calomnieux.

    Sàm: Gièm pha, nói xấu, phao vu. Thần: bề tôi của vua, quan lại.

    Sàm thần là bề tôi gian nịnh sàm tấu, hãm hại trung thần.

    Ông Thái Công có nói rằng:

    Trị quốc bất dụng nịnh thần,
    Trị gia bất dụng nịnh phụ.
    Sàm thần loạn quốc,
    Đố phụ loạn gia.

    Nghĩa là:

    Trị nước chẳng dùng tôi nịnh,
    Sửa nhà chẳng dùng vợ nịnh.
    Bề tôi gièm siễm thì làm rối phép nước,
    Người vợ ghen tương thì làm rối việc nhà.
  • Sám hối - Kinh Sám hối

    Sám hối - Kinh Sám hối

    懺悔經

    A: To confess sin - The prayer of confession.

    P: Se répentir - La prière de confession.

    Sám: ăn năn những lỗi lầm đã qua và thật lòng muốn sửa đổi, quyết không tái phạm nữa. Hối: tự giận mình vì đã làm điều sái quấy.

    Sám hối là ăn năn và tự giận mình về những lỗi lầm do mình gây ra, tự nguyện sửa đổi và quyết không tái phạm nữa.

    Trong sách Nho, định nghĩa Sám Hối là: "Sám giả sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối kỳ hậu quá." Nghĩa là: Sám là ăn năn lỗi trước, Hối là chừa bỏ lỗi sau.

    "Sám nghĩa là ăn năn các tội trước của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ghen ghét đã tạo ra từ trước, tấtcả đều ăn năn, hằng chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Sám.

    Hối nghĩa là ăn năn các lỗi sau của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ghen ghét tạo ra, nay đã giác ngộ rồi, tất cả đều dứt bỏ đời đời, ngày sau chẳng gây ra nữa. Ấy gọi là Hối.

    Các người phàm phu ngu muội chỉ biết ăn năn tội trước của mình mà chẳng biết ăn năn lỗi sau. Bởi chẳng ăn năn nên tội trước chẳng dứt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng dứt, lỗi sau lại sanh, thì sao gọi là Sám Hối được." (Pháp Bảo Đàn Kinh)

    Sám Hối là điều rất quí báu và cần thiết trong việc tu thân, sửa mình cho càng ngày càng thêm tốt đẹp.

    Kinh Sám Hối là bài kinh diễn tả những lỗi lầm của con người thường mắc phải và những hình phạt chờ sẵn nơi cõi Địa ngục để hành hình những người làm các điều lầm lỗi ấy, để con người biết mà chừa lỗi.

    Hội Thánh có dặn rằng: "Kinh Sám Hối để tụng vào ngày Sóc Vọng, còn ngày thường lỡ có lầm lỗi điều chi thì tụng mà xin tội." Kinh Sám Hối khi xưa được gọi là Kinh Nhơn Quả.

    Kinh Sám Hối gồm 444 câu thơ song thất lục bát, được các Đấng Tiên, Phật giáng cơ ban cho Minh Lý Đạo (TamTông Miếu). Hội Thánh thỉnh kinh nầy về làm kinh của ĐĐTam Kỳ Phổ Ðộ.

    Ông Âu Minh Chánh, Đạo trưởng của Minh Lý Đạo, thuật lại việc tiếp Kinh Sám Hối như sau:

    "Một khi kia, đến cầu kinh giùm một người bằng hữu thọ bịnh tại Thủ Thiêm, có Đức Thái Thượng Lão Quân giáng xuống mà cho một khoản đầu Kinh Sám Hối.

    Sau đó lần lần, mỗi khi cúng, có Tam giáo Đạo chủ hoặc là chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, hoặc là Thập Điện Minh Vương giáng đàn cho tiếp Kinh Sám Hối.

    Cũng tưởng rằng Thần Tiên cho Kinh đó đặng làm phước giúp người mà thôi, không dè Đức Văn Tuyên Vương giáng dạy chúng tôi phải kiếm một cảnh chùa đặng ngày Sóc Vọng đến đó dâng hương và Sám Hối."

    Ông Thơ ký thất của Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu) cho biết chi tiết việc tiếp Kinh như sau:

    "Các Đấng giáng cho Kinh Sám Hối (Kinh Sám Hối):

    · bắt đầu từ ngày Chúa nhựt 27-3-Ất Sửu (dl 19-4-1925)

    · cho đến ngày Thứ bảy 6-10-Ất Sửu (dl 21-11-1925).

    Lịch trình các Đấng giáng cơ cho Kinh như sau:

    ■ Chúa nhựt 19-4-1925 (âl 27-3-Ất Sửu), Đức Thái Thượng Lão Quân giáng cho 24 câu đầu, từ Câu 1 đến Câu 24:

    C.01: Cuộc danh lợi là phần thưởng quí.
    C.24: Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.

    ■ Ngày 22-4-1925, Đức Thái Thượng Lão Quân giáng cho tiếp từ Câu 25 đến Câu 52:

    C.25: Nếu vội trách người trên thì đọa.
    C.52: Nước nguồn cây cội mới là tu mi.

    ■ Ngày 26-4-1925, Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 53 đến Câu 64:

    C.53: Giá trong sạch nữ nhi trượng tiết.
    C.64: Gông kềm khảo kẹp ích gì rên la.

    ■ Ngày 5-5-1925, Đức Nam Cực Chưởng Giáo giáng cho kinh tiếp, từ Câu 65 đến Câu 72:

    C.65: Người tai mắt đạo nhà khá giữ.
    C.72: Gồm bao nâng đỡ ruột rà thương nhau.

    ■ Ngày 22-5-1925, Đức Quan Thánh Đế Quân giáng cho tiếp, từ Câu 73 đến Câu 88:

    C.73: Người trung trực lo âu việc nước,
    C.88: Nói năng minh chánh lời ra phải nhìn.

    ■ Tiếp theo là Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng cho tiếp từ Câu 89 đến Câu 100:

    C.89: Chớ quyệt ngữ mà khinh kẻ dại.
    C.100: Rèn lòng sửa nết khá in như nguyền.

    ■ Tiếp theo là Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 101 đến Câu 124:

    C.101: Chừa thói xấu đảo điên trong dạ.
    C.124: Ra tay tế độ, ấy thì lòng nhơn.

    ■ Ngày 2-6-1925, Đức Tây Ba Đế Quân giáng cho kinh tiếp, từ Câu 125 đến Câu 148:

    C.125:Thương đồng loại cũng hơn thí bạc.
    C.148:Rủi cho gặp lúc long đong chẳng sờn.

    ■ Ngày 24-6-1925, Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cho kinh tiếp, từ Câu 149 đến Câu 160:

    C.149: Hễ biết nghĩa thọ ân chẳng bội.
    C.160:Lường cân tráo đấu, dối tu cúng chùa.

    ■ Ngày 4-7-1925, Đức Địa Tạng Bồ Tát cho tiếp từ Câu 161 đến Câu 212:

    C.161: Còn hoi hóp tranh đua bay nhảy.
    C.212: Vô can sát mạng thiệt thòi rất oan.

    ■ Ngày 20-7-1925, Đức Khổng Phu Tử giáng cơ cho tiếp Kinh Sám Hối từ Câu 213 đến Câu 284:

    C.213:Chớ kiếm thế gọi ngoan xảo trá.
    C.284:Khai ra bán mắc, Trời nào dung cho.

    ■ Ngày 8-8-1925, Đức Địa Tạng Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 285 đến Câu 308:

    C.285: Ơn trợ giúp khá lo đền báo.
    C.308: Hành hình khổ não chẳng hề nới tay.

    ■ Ngày 25-8-1925, Tề Thiên Đại Thánh giáng cơ cho kinh tiếp từ Câu 309 đến Câu 356:

    C.309:Miền âm cảnh nhiều thay hình lạ.
    C.356:Đo gian đong thiếu, Thánh Thần chẳng kiêng.

    ■ Ngày 29-8-1925, Thập Điện Minh Vương giáng cơ cho kinh tiếp từ Câu 357 đến Câu 376:

    C.357: Bầy chó dữ mang xiềng chạy đại.
    C.376: Vì chưng hung bạo đốt nhà bắn săn.

    ■ Ngày 1-9-1925, Đức Lữ Tổ giáng cơ cho tiếp từ Câu 377 đến Câu 392:

    C.377: Có cọp dữ nhăn răng đưa vấu.
    C.392: Lâu mau nặng nhẹ chịu mang tội nầy.

    ■ Ngày 21-9-1925, Đức Alfred Aya giáng cho tiếp Kinh Sám Hối từ Câu 393 đến Câu 424:

    C.393: Ao rộng sâu chứa đầy giòi tửa.
    C.424: Bày ra thuộc độc phá thai tuyệt loài.

    ■ Ngày 21-10-1925, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng cho tiếp từ Câu 425 đến 440:

    C.425: Người ở thế mấy ai khỏi lỗi.
    C.440: E không hiểu thấu diễn ra ích gì.

    ■ Ngày thứ bảy 21-11-1925 (âl 6-10-Ất Sửu), Đức Vân Trung Tử giáng cơ cho 4 câu chót, dứt Kinh Sám Hối:

    C.441:Chớ buông tiếng thị phi khinh dể,
    Ráng làm lành phước để cháu con.
    Làm người nhơn nghĩa giữ tròn,
    C.444: Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa.

    Ngay sau khi hết Kinh Sám Hối, Đức Đông Phương Lão Tổ (một biệt hiệu của Đức Thái Thượng Lão Quân) giáng cơ tiếp cho Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối. Ấy là trọn vẹn.

    Tính từ ngày khởi cho Kinh Sám Hối (19-4-1925) cho đến ngày cho dứt Kinh Sám Hối (21-11-1925), chúng ta thấy thời gian kéo dài hơn 7 tháng.

  • San định

    San định

    刪定

    A: To correct and fix.

    P: Corriger et fixer.

    San: dọn cho gọn lại, lọc bỏ phần dư thừa. Định: sắp đặt.

    San định là dọn lại cho gọn và định lại cho đúng.

    San định Ngũ Kinh: Ngũ Kinh đã có trước đời Đức Khổng Tử, nhưng còn rườm rà và lộn xộn. Đức Khổng Tử mới nghiên cứu Ngũ Kinh, đem ra dọn lại cho gọn, bỏ bớt chỗ thừa và trùng lặp, sắp đặt lại cho có thứ tự, giảng thêm chỗ tối nghĩa.

    Nhờ Đức Khổng Tử san định Ngũ Kinh mà bộ Ngũ Kinh trở nên dễ học và được truyền lại đến ngày nay.

    Ngũ Kinh mà Đức Khổng Tử san định là: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc và Kinh Dịch.

  • Sản nghiệp

    Sản nghiệp

    產業

    A: The goods.

    P: Les biens.

    Sản: của cải. Nghiệp: tài sản, ruộng đất, nhà cửa.

    Sản nghiệp là chỉ chung tài sản, nhà cửa, ruộng đất của một gia đình được truyền từ đời trước cho đời sau.

  • Sản Tất Viên

    Sản Tất Viên

    產漆園

    Sản: sanh ra, tạo ra. Tất Viên: hiệu của ông Trang Tử.

    Sản Tất Viên là sản xuất ra ông Trang Tử. (Xem tiểu sử nơi chữ Trang Tử, vần Tr)

  • Sang cả

    Sang cả

    A: Noble.

    P: Noble.

    Sang: quí, trái với hèn. Cả: lớn.

    Sang cả là sang trọng lắm, quí phái lắm.

    Kinh Sám Hối: Người sang cả là vì duyên trước.

  • SÁNG

    SÁNG

    SÁNG: 創 Làm ra đầu tiên, xây dựng nên.

    Thí dụ: Sáng lập, Sáng tạo.

  • Sáng lạn

    Sáng lạn

    A: Dazzling.

    P: Brillant.

    Sáng: tỏ rõ, trái với Tối. Lạn: sáng sủa.

    Sáng lạn là rực rỡ, sáng sủa.

    Sáng lạn đồng nghĩa: Xán lạn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Một là cho đủ yếng sáng, hai là rọi chơn thần của quí anh chị cho sáng lạn minh mẫn.

  • Sáng lập

    Sáng lập

    創立

    A: To found.

    P: Fonder.

    Sáng: Làm ra đầu tiên, xây dựng nên. Lập: dựng nên.

    Sáng lập là dựng nên lần đầu tiên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thiên cơ dĩ định nền đạo sáng lập đặng cứu vớt sanh linh.

  • Sáng tác

    Sáng tác

    創作

    A: To create.

    P: Créer.

    Sáng: Làm ra đầu tiên, xây dựng nên. Tác: làm ra.

    Sáng tác là làm ra một tác phẩm văn học hay nghệ thuật.

  • Sáng tạo thuyết

    Sáng tạo thuyết

    創造說

    A: The creationism.

    P: Le créationisme.

    Sáng: Làm ra đầu tiên, xây dựng nên. Tạo: làm ra. Thuyết: học thuyết.

    Sáng tạo là làm ra cái mới lần đầu tiên.

    Sáng tạo thuyết là học thuyết về sự sángtạo Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Theo Sáng tạo thuyết, Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật, tạo ra con người có linh hồn bất diệt.

    Hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều nhìn nhận Sáng tạo thuyết, tức là nhìn nhận có Thượng Đế, như các tôn giáo: Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Bà La Môn, v.v..., chỉ duy có Phật giáo là không nhìn nhận Sáng tạo thuyết, mà lại đưa ra thuyết Thập nhị nhân duyên.

  • SANH

    SANH

    SANiệm Hương: 生 Sanh ra, sống.

    Thí dụ: Sanh hóa, Sanh linh, Sanh quang.

  • Sanh biến

    Sanh biến

    生變

    A: To transform and create.

    P: Transformer et créer.

    Sanh: Sanh ra, sống. Biến: thay đổi.

    Sanh biến tức là Biến sanh: Biến hóa sanh ra.

    Kinh Ðệ Cửu cửu: Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng.

  • Sanh diệt

    Sanh diệt

    生滅

    A: To be born and annihilate.

    P: Être né et anéantir.

    Sanh: Sanh ra, sống. Diệt: tiêu mất.

    Sanh diệt là sanh ra và tiêu mất, sanh ra và hủy diệt.

    Sanh diệt đồng nghĩa với Sanh tử.

    Hễ có sanh ắt phải có diệt, diệt rồi lại được sanh ra với một hình thể khác. Sanh diệt cứ thế luân chuyển trong vòng vật chất nơi cõi trần, nên gọi là luân hồi.

    Khi nào không sanh thì đương nhiên không có diệt, như thế là thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

  • Sanh hóa

    Sanh hóa

    生化

    A: To create.

    P: Créer.

    Sanh: Sanh ra, sống. Hóa: Trời Đất sanh ra muôn vật.

    Sanh hóa là Trời Đất sanh ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Kinh Hôn Phối:sanh hóa Càn Khôn đào tạo.

  • Sanh khí

    Sanh khí

    生氣

    A: Vital breath.

    P: Souffle vital.

    Sanh: Sanh ra, sống. Khí: chất hơi.

    Sanh khí là chất khí nuôi dưỡng sự sống, nên cũng gọi là dưỡng khí. Đó là khí Oxygène có nhiều trong không khí.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mà làm cho sanh khí nơi phổi chẳng đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho đặng.

  • Sanh ký tử qui

    Sanh ký tử qui

    生寄死歸

    Sanh: Sanh ra, sống. Ký: gởi. Tử: chết, thác. Qui: trở về.

    Sanh ký tử qui là sống gởi thác về.

    Đây là quan niệm về triết lý nhân sinh rất phổ biến ở Á Đông, cho rằng đời sống của con người nơi cõi trần chỉ là một giai đoạn ngắn tạm thời trong suốt một cuộc sống bất tận thiệt thọ của con người nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Con người đầu kiếp xuống cõi trần chỉ tạm trong thời gian nhiều lắm là trăm năm để công tác hoặc học hỏi thêm và tiến hóa.

  • Sanh linh

    Sanh linh

    生靈

    A: Living beings.

    P: Êtres vivants.

    Sanh: Sanh ra, sống. Linh: linh hồn.

    Sanh linh là tất cả những linh hồn đang sống nơi cõi trần, tức là những người đang sống nơi cõi trần.

    Sanh linh đồ thán: dân chúng lầm than khổ sở.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sanh linh độ dẫn hưởng ân Thiên.

  • Sanh ly tử biệt

    Sanh ly tử biệt

    生離死別

    A: Separation in life and separation in death.

    P: Séparation du vivant et séparation de la mort.

    Sanh: Sanh ra, sống. Ly: chia lìa. Tử: chết. Biệt: xa cách.

    Sanh ly tử biệt là sống mà chia lìa nhau, chết là xa cách vĩnh viễn. Đó là hai cảnh đau khổ của con người nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sự thác vô tình sẽ đến mà vẽ cuộc sanh ly pha màu tử biệt.

  • Sanh nhai

    Sanh nhai

    生涯

    A: The mean of existence.

    P: Le moyen de l" existence.

    Sanh: Sanh ra, sống. Nhai: cái bờ nước.

    Sanh nhai là phương cách để kiếm sống.

    Sách Trang Tử có câu: Ngô sinh giả hữu nhai. Nghĩa là: đời sống của ta có bờ, ý nói: đời sống của con người có giới hạn, không thể trường sanh bất tử được. Nhưng về sau, người ta dùng chữ Sinh nhai để chỉ việc mưu sinh.

  • Sanh phần

    Sanh phần

    生墳

    A: Pre-death tomb.

    P: Tombeau fait du vivant.

    Sanh: Sanh ra, sống. Phần: cái mộ, cái mả.

    Sanh phần là cái mộ làm sẵn, dành cho người già đang còn sống.

    Sanh phần đồng nghĩa: Sanh khoáng.

  • Sanh quang

    Sanh quang

    生光

    A: The vital fluid.

    P: Le fluide vital.

    Sanh: Sanh ra, sống. Quang: ánh sáng, nguồn năng lượng.

    Sanh quang là nguồn năng lượng để nuôi dưỡng sự sống.

    ■ Nơi cõi trần, sanh quang là ánh sáng mặt Trời và khí Oxygène (dưỡng khí). Dưỡng khí có nhiều trong không khí.

    Các sinh vật phải hít thở không khí để hấp thụ dưỡng khí thì mới sống được.

    Còn ánh sáng mặt trời là để sưởi ấm địa cầu và tạo ra các phản ứng sinh học trong cơ thể sinh vật.

    ■ Nơi cõi thiêng liêng, khí sanh quang là năng lượng phát ra từ Thái Cực. Các chơn thần nhờ hấp thụ năng lượng nầy mà hằng sống nơi cõi thiêng liêng. Đức Phật Mẫu trụ khí sanh quang làm thành những quả Đào tiên để ban thưởng cho các chơn linh đắc đạo trở về. Ai hưởng được quả đào tiên thì sẽ hằng sống và hình vóc trở nên rất xinh đẹp.

    Khí Sanh quang còn được gọi là: Khí Thái Cực, Hỗn nguơn khí, Thoại khí.

    Phía sau ngai Hộ Pháp nơi Tòa Thánh, Đức Lý Giáo Tông có vẽ bùa chữ KHÍ, là để chỉ khí sanh quang. Vạn vật nhờ khí sanh quang mà sống và tiến hóa.

  • Sanh sanh hóa hóa

    Sanh sanh hóa hóa

    生生化化

    A: To create and to multiply.

    P: Créer et multiplier.

    Sanh: Sanh ra, sống. Hóa: Trời Đất tạo hóa ra vạn vật. Sanh sanh là sống và sanh sản thêm ra. Hóa hóa là Trời Đất tạo hóa thêm ra mãi.

    Sanh sanh hóa hóa là Trời Đất tạo hóa ra vạn vật. Vạn vật sống và sanh sản thêm ra càng lúc càng nhiều.

    Sanh sanh là phận: bổn phận là sống và sanh sản thêm ra.

    Kinh Tắm Thánh: Sanh sanh là phận, hiền hiền là công.

  • Sanh sự sự sanh

    Sanh sự sự sanh

    生事事生

    Sanh: Sanh ra, sống. Sự: việc. Sanh sự: gây ra việc rắc rối.

    Sanh sự sự sanh là gây ra việc rắc rối cho người thì người ta sẽ gây việc rắc rối lại cho mình.

    Sanh sự là Nhân, sự sanh là Quả. Mình không muốn gặp rắc rối thì đừng gây rắc rối cho ai cả. Đó là: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.

    Sanh sự sự sanh hà nhựt liễu?
    Hại nhơn nhơn hại kỷ thời hưu?

    Nghĩa là:

    Sanh việc việc sanh, ngày nào mới xong?
    Hại người người hại, mấy thuở mới thôi?
  • Sanh tiền

    Sanh tiền

    生前

    A: In the life time.

    P: De son vivant.

    Sanh: Sanh ra, sống. Tiền: trước.

    Sanh tiền là buổi trước lúc người đó còn sống.

    Sanh tiền đồng nghĩa: Sanh thời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu buổi sanh tiền, dầu cho một kẻ phàm tục....

  • Sanh tử bất kỳ

    Sanh tử bất kỳ

    生死不期

    A: The birth and death come unexpectedly.

    P: La naissance et la mort arrivent inopinément.

    Sanh: Sanh ra, sống. Tử: chết. Bất: không. Kỳ: hẹn, hạn định.

    Sanh tử bất kỳ là sự sanh ra và sự chết của con người không thể kỳ hẹn được.

    Ngày sanh và ngày tử đều do Trời định đoạt, chớ con người không thể tự định đoạt cho mình được. Không thể nói: Hôm nay ngày xấu lắm, đừng có đẻ, chờ ngày mốt đại lợi hãy sanh cho đứa bé ngày sau sẽ giàu có sung sướng!

  • Sánh tài (Sính tài)

    Sánh tài (Sính tài)

    逞才

    Sánh: Sính: mặc sức làm, thích ý. Tài: tài năng.

    Sánh tài hay Sính tài là mặc sức trổ tài làm việc.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Càn khôn tạo hóa sánh tài.

    Đức Phật Mẫu mặc sức trổ tài tạo hóa ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật, vì Đức Chí Tôn đã giao quyền tạo hóa cho Đức Phật Mẫu.

  • Sào Phủ - Hứa Do

    Sào Phủ - Hứa Do

    巢父 - 許由

    Sào Phủ và Hứa Do là hai ẩn sĩ nổi tiếng thanh bạch vào thời vua Nghiêu nước Tàu.

    Vua Nghiêu là vị vua hiền đức, sanh được 9 người con trai và 2 con gái, nhưng 9 người con trai nầy không có ai hiền đức như Ngài, nên Ngài không dám truyền ngôi cho con, mà muốn đi tìm người hiền để truyền ngôi vua.

    Vua Nghiêu giả trang thường dân, đi đến chơn núi Trung Nhạc, phía Nam sông Dịch Thủy, thấy một người đang cầm cái bầu nhỏ múc nước dưới khe. Đó là Hứa Do. Vua Nghiêu hỏi:

    - Ngươi làm gì đó vậy?

    Hứa Do cười rằng:

    - Tôi ngán cuộc đời, không ham danh lợi, lánh mình một cõi, vui thú thanh nhàn, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, giữ mình trong sạch cho mãn kiếp thì thôi.

    Vua Nghiêu nghe nói thì mừng thầm trong bụng, nghĩ rằng: Người nầy hiền đức, không tham phú quí, chẳng chác thị phi, đáng được truyền ngôi, chắc là trị nước thái bình.

    Nghĩ vậy rồi, vua Nghiêu nói rằng:

    - Ta đây thiệt là vua Nghiêu giả dân mà đi tìm người hiền đức, đến đây mới gặp, xin mời hiền sĩ về trào để ta truyền ngôi cho mà trị vì thiên hạ cho an ổn thái bình.

    Hứa Do nghe vua Nghiêu nói thế, lòng thiệt khó ưa, vì mình chỉ muốn thanh nhàn mà vua Nghiêu đem buộc vào danh lợi, lòng đã cương quyết, liền đập bể cái bầu nước và đáp rằng:

    - Con chim tiêu liêu làm ổ không quá một nhánh cây, con yến thử uống nước dòng sông chẳng quá đầy bụng. Kẻ quê mùa nầy đã quen cảnh thanh nhàn, cách sống riêng biệt, Bệ hạ muốn nhường ngôi cho cũng vô ích.

    Hứa Do nói xong, liền bịt chặt hai lỗ tai, chạy riết xuống bờ sông Dịch Thủy, khoát nước sông rửa lỗ tai lia lịa.

    Vừa đâu Sào Phủ dắt trâu đến đó, thấy Hứa Do liền nói:

    - Anh rửa lỗ tai mau mau rồi bước lên cho trống chỗ để tôi dắt trâu xuống uống nước.

    Hứa Do không đáp lại, cứ rửa tai hoài. Sào Phủ hỏi:

    - Lỗ tai anh dơ lắm sao mà rửa hoài không sạch?

    - Hồi nãy gặp vua Nghiêu, kêu tôi về triều truyền ngôi cho tôi. Tôi nghe điều danh lợi dơ bẩn cả hai lỗ tai, nay xuống đây rửa nãy giờ đã lâu, nhưng tiếng ấy vẫn còn văng vẳng trong tai, tôi rán rửa thêm cho hết, trễ việc trâu của anh uống nước.

    - Anh đã làm gì để cho vua Nghiêu biết anh là người hiền đức mà muốn truyền ngôi cho anh? Nếu người ta biết anh hiền đức, tức là anh đã muốn cho người ta biết anh như thế, chắc chắn hơn nữa là tại anh tỏ cho người ta biết anh là hiền đức. Nếu anh đừng tỏ cho người ta biết anh là hiền đức thì ai biết anh mà truyền ngôi cho, cần chi phải rửa tai.

    Sào Phủ nói xong, liền dắt trâu lên phía trên dòng nước chảy rồi mới cho trâu xuống uống nước.

    Hứa Do lấy làm kỳ, hỏi:

    - Sao anh không cho trâu uống nước tại bến nầy mà lại dắt trâu đi đâu vậy cho mất công?

    - Đồ dơ trong tai anh rửa ra, uống dơ miệng trâu của tôi, nên tôi phải dắt trâu lên phía trên dòng nước.

    Theo lời người ta kể lại thì hiện nay trên núi Cơ Sơn, ở huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam, còn ngôi mộ của Hứa Do. Ở chân núi ấy có gò Khiên Ngưu Khư (Gò đất trâu). Ở bên bờ sông Dĩnh thủy có một dòng suối tên là Độc Tuyền (Suối trâu uống), trên một hòn đá có vết chơn trâu. Đó là nơi mà khi xưa Sào Phủ dắt trâu đến đó uống nước.

    Qua câu chuyện Sào Phủ - Hứa Do, chúng ta nhận thấy hai vị ấy là bậc danh sĩ chê bai danh lợi là gông cùm ràng buộc con người, nên quyết chí lánh vòng danh lợi, tìm chỗ thanh nhàn, thoát vòng phiền não mà trau tâm luyện tánh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Sánh vai Sào Phủ ẩn danh xưa,
    Vì nẻo lợi danh cũng đã thừa.

    Chung quanh bao lơn trước Tòa Thánh Tây Ninh có đắp 8 khuôn hình, trong đó có một khuôn hình đắp sự tích Sào Phủ - Hứa Do để tượng trưng chữ MỤC là chăn nuôi súc vật.

  • Sáo ngữ

    Sáo ngữ

    套語

    A: Conventional phrase.

    P: Le cliché.

    Sáo: bắt chước, theo khuôn mẫu sẵn có. Ngữ: lời nói.

    Sáo ngữ là lời nói hay câu văn rập theo khuôn mẫu cũ làm cho người nghe hay người đọc nhàm chán, vì được dùng đi dùng lại nhiều lần.

  • SÁT

    SÁT

    1. SÁT: 殺 Giết chết.

    Thí dụ: Sát mạng, Sát sanh.

    2. SÁT: 察 Xét, quan sát.

    Thí dụ: Sát ngôn quan sắc.

  • Sát mạng

    Sát mạng

    殺命

    A: To assassinate.

    P: Assassiner.

    Sát: Giết chết. Mạng: Mệnh: mạng sống.

    Sát mạng là giết chết mạng sống.

    Kinh Ði Ra Ðường: Gót chơn đưa rủi như sát mạng.

    KÐRÐ: Kinh đi ra đường.

  • Sát ngôn quan sắc

    Sát ngôn quan sắc

    察言觀色

    Sát: Xét, quan sát. Ngôn: lời nói. Quan: xem xét. Sắc: sắc mặt.

    Sát ngôn quan sắc là xét lời nói và xem sắc mặt thì có thể biết được tâm ý của người.

  • Sát nhân giả tử

    Sát nhân giả tử

    殺人者死

    A: Who kills must be killed.

    P: Qui tue doit être tué.

    Sát: Giết chết. Nhân: người. Giả: ấy là. Tử: chết.

    Sát nhân giả tử: Giết người thì phải bị tử hình.

    Thường nói: Giết người đền mạng.

  • Sát sanh

    Sát sanh

    殺生

    A: To kill the living beings.

    P: Tuer les êtres vivants.

    Sát: Giết chết. Sanh: sống, sự sống.

    Sát sanh là giết chết sự sống.

    Sát sanh là giới cấm rất quan trọng, đứng đầu Ngũ giới cấm: Nhứt bất sát sanh. Đức Chí Tôn dạy như sau:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chi chi hữu sanh cũng bởi chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống.Vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy vô cùng tận. Cái sống của cả chúng sanh, Thầy phân phát khắp Càn Khôn Thế Giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm. Nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh, không cho biến hóa. Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên sanh hay hóa sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu hay mau, đều định trước. Nếu ai sát mạng sống ấy đều phải chịu quả báo không sai, biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đỗi ấy. Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn sanh điều ấy.

  • Sát thân thành nhân

    Sát thân thành nhân

    殺身成仁

    Sát: Giết chết. Thân: thân mình. Thành: làm nên. Nhân: lòng thương người mến vật, nhân nghĩa.

    Sát thân thành nhân là hy sinh bản thân mình để làm nên điều nhân nghĩa, tức là vì điều nhân nghĩa mà liều mình.

    Trong sách Luận Ngữ, Đức Khổng Tử có nói rằng: Chí sĩ nhân nhơn, vô cầu sinh dĩ hại nhơn, hữu sát thân dĩ thành nhân. Nghĩa là: Kẻ sĩ mà có chí, người nhân đức, không ai cầu sống để hại người, có kẻ liều mình chết để làm nên điều nhân.

  • SẮC

    SẮC

    1. SẮC: 色 - Màu sắc, - vẻ đẹp của phụ nữ, - vật có hình tướng thấy được.

    Thí dụ: Sắc phái, Sắc dục, Sắc không.

    2. SẮC: 敕 Tờ giấy viết lệnh của vua ban ra.

    Thí dụ: Sắc lịnh, Sắc mạng.

  • Sắc bất ba đào dị nịch nhân

    Sắc bất ba đào dị nịch nhân

    色不波濤易溺人

    Sắc: vẻ đẹp của phụ nữ. Bất: không. Ba: sóng nước. Đào: làn sóng. Dị: dễ. Nịch: chìm, chết đuối. Nhân: người.

    Câu trên có nghĩa là: Cái sắc đẹp của phụ nữ, không phải là làn sóng nổi, nhưng dễ nhận chìm người.

    Giai thoại văn chương: Ông Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc (tục gọi là làng Me) huyện Đông Ngàn (nay là Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh, sanh năm 1482, con của Tiến Sĩ Nguyễn Giản Liêm, có hình dung tuấn tú, học rất thông minh, thi đỗ Trạng nguyên, nên thường được gọi là Trạng Me.

    Lúc còn đi học, thầy học là Đàm Thuận Huy, thấy học trò sắp ra về thì trời đổ mưa to, học trò không về được, thầy bèn ra vế đối để thử tài học trò: Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách. Nghĩa là: Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách.

    Nguyễn Giản Thanh liền đối lại là: Sắc bất ba đào dị nịch nhân. Thầy Đàm Thuận Huy nói: - Câu đối nầy thật hay và thật chỉnh, văn khí nầy có thể đậu Trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp.

  • Sắc huấn

    Sắc huấn

    敕訓

    Sắc: Tờ giấy viết lệnh của vua ban ra. Huấn: dạy dỗ.

    Sắc huấn là lời dạy dỗ của Đức Giáo Tông hay của Đức Hộ Pháp về một vấn đề đạo sự quan trọng cho toàn đạo hiểu rõ mà thi hành cho khỏi có điều sai sót.

  • Sắc lịnh

    Sắc lịnh

    敕令

    A: The decree.

    P: Le décret.

    Sắc: Tờ giấy viết lệnh của vua ban ra. Lịnh: Lệnh: mệnh lệnh.

    Sắc lịnh hay Sắc lệnh là tờ giấy viết lệnh của vua ban ra, hay của vị đứng đầu quốc gia ban ra.

    Trong Đạo Cao Đài, Sắc lịnh là lịnh của Đức Giáo Tông hay Đức Hộ Pháp ban ra cho toàn đạo thi hành.

    ■ Dây Sắc lịnh của Hiệp Thiên Đài: là một cái băng bằng vải có 3 sọc là 3 màu: vàng, xanh, đỏ, buộc ngang bụng bên ngoài đạo phục của Thập nhị Thời Quân, Thượng Sanh, Thượng Phẩm và Đức Hộ Pháp. (Xem chi tiết: Dây Sắc lịnh, vần D)

    ■ Dây Sắc lịnh của Cơ Quan Phước Thiện: là cái băng vải một màu (hoặc vàng, hoặc xanh, hoặc đỏ tùy theo phẩm cấp), trên đó có gắn khuê bài hàng phẩm, choàng trên áo đại phục từ vai trái xuống hông mặt.

    · Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện thì Dây Sắc lịnh đỏ;

    · Chí Thiện, Đạo Nhơn, Chơn Nhơn thì Dây Sắc lịnh xanh.

    · Hiền Nhơn thì Dây Sắc Linh vàng.

  • Sắc mạng

    Sắc mạng

    敕命

    A: The decree.

    P: Le décret.

    Sắc: Tờ giấy viết lệnh của vua ban ra. Mạng: Mệnh: mệnh lệnh.

    Sắc mạng là lịnh của vua ban ra, đồng nghĩa: Sắc lịnh.

    Mệnh lệnh của Đức Chí Tôn cũng gọi là Sắc mạng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trung, Lịch, đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo Sắc mạng Ta. (Ta: tiếng tự xưng của Đức Chí Tôn).

  • Sắc phái

    Sắc phái

    色派

    A: The colour of every branch.

    P: La couleur de chaque branche.

    Sắc: Màu sắc. Phái: ngành, nhánh.

    Sắc phái là màu đạo phục của mỗi phái.

    Chức sắc Cửu Trùng Đài chia làm 3 phái: Thái, Thượng, Ngọc.

    · Phái Thái là phái Phật, mặc đạo phục màu vàng.

    · Phái Thượng là phái Tiên, mặc đạo phục xanh dương.

    · Phái Ngọc là phái Nho, mặc đạo phục màu đỏ.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Tiểu phục (của Giáo Sư) đầu không đội mão mà bịt khăn tùy theo sắc phái mình, 7 lớp chữ Nhơn.

  • Sắc phục

    Sắc phục

    色服

    A: The full dress.

    P: La grande tenue.

    Sắc: Màu sắc. Phục: quần áo.

    Sắc phục là đạo phục có màu sắc và kiểu vở tùy theo phẩm trật Chức sắc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hội Thánh nghe Lão ban sắc phục cho nữ phái, nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp.

  • Sắc sảo

    Sắc sảo

    A: Beautiful.

    P: Beau.

    Sắc sảo là xinh tốt, đẹp khéo; nói về người là thông minh, lanh lợi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cội sởn sơ mới đâm chồi trổ tược, nhành lá sum sê, hoa đơm sắc sảo, rồi mới đến trái oằn sai mà thành kết quả xứng đáng. (Sởn sơ: nở nang tươi tốt. Sum sê: rậm rạp xanh tốt)

  • Sắc tức thị không (Sắc không)

    Sắc tức thị không (Sắc không)

    色即是空

    A: The appearances are not real.

    P: Les apparences n" ont rien de réel.

    Sắc: vật có hình tướng thấy được. Tức thị: ấy là, tức là. Không: không có gì cả.

    Sắc và Không là hai trạng thái của các vật nơi cõi trần: Sắc là có hình tướng hiện ra thấy được; Không là không hình tướng, không thấy được. Sắc và Không ấy là nói tương đối với con mắt phàm của chúng ta: có hình tướng mà mắt thấy được gọi là Sắc, còn mắt phàm không thấy gì cả thì gọi là Không.

    Kinh Bát Nhã của Phật giáo có câu:

    Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc;
    Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.

    Nghĩa là:

    Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc,
    Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.

    Theo quan niệm về nhân sinh của Phật giáo, muôn vật do sự biến đổi mà sanh ra, vốn không có thiệt. Thân thể của chúng ta hay của vạn vật là Sắc, chỉ có tạm trong một thời gian sống, sau đó chết đi, xác thân rã tan biến trở lại thành Không. Rồi từ chỗ Không lại biến hóa thành hình tướng tức là Sắc.

    Ai nhận biết được chơn lý Sắc Không nầy thì không còn chấp cái Sắc tướng, tức là chấp cái xác thân nơi cõi trần nầy, thì người đó dứt được phiền não.

    Các vật sống trên cõi trần không bền bỉ, thấy có đó (Sắc) rồi lại mất đó (Không). Sự có không ấy rất dễ dàng và mau lẹ như bọt nước trôi sông, như sương đeo ngọn cỏ.

    Hơn nữa, cõi trần thuộc Dục giới, con người ham muốn tham lam, ưa vật nầy thích vật nọ và muốn gom về mình càng nhiều càng tốt. Cái túi tham không đáy chứa mãi chẳng đầy.

    Lòng tham dục khiến con người đắm đuối mãi trong Tứ Đổ tường: Tửu, Sắc, Tài, Khí, sa mê vào bả lợi danh, cứ quanh quẩn trong trường mộng ảo, không xét kỹ cuộc đời nầy là giả tạm. Các vật sắp bày trên mặt đất đều phải bị hư hoại, mà cứ tham lam bo bo giữ lấy, bỏ chỗ thật mà đi tìm cái giả. Cả cái xác thân nầy cũng là giả tạm, khi xác thân hư hoại thì linh hồn sẽ rời bỏ xác thân để trở về chỗ Hư Không.

    Chúng ta cũng nên nhớ rằng, cái Hư Không đó không phải là hoàn toàn trống rổng, không có gì, mà cái Hư Không ấy là một khối sinh động mãnh liệt vô biên, bao gồm đủ mọi cảnh giới, mọi trạng thái, đủ các pháp, mà từ đó sanh ra tất cả.

    Không sanh ra Sắc, rồi Sắc trở lại thành Không. Vạn vật cứ thế biến đổi một cách tuần hoàn trong vòng sanhtử luân hồi.

    Sắc không là chỉ giáo lý của Phật giáo, hay chỉ sự tu hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Gặp hội đành vui chữ sắc không.
    Đừng sợ khó, khó nên công,
    Công khó may gìn chữ sắc không.
    Không sắc, sắc không vui đảnh hạc,
    Hạc về chốn cũ dựa rừng tòng.
  • Sằn dã

    Sằn dã

    A: The deserted field.

    P: La campagne déserte.

    Sằn dã là nơi thôn quê vắng vẻ, ít người lui tới.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Vậy Lão xin Hiền hữu ban quyền cho Chánh Trị Sự đặng phép xử trị, hầu có thể dạy dỗ sửa răn, thay quyền cho chúng ta trong chốn thôn quê sằn dã.

  • Sắt cầm hảo hợp

    Sắt cầm hảo hợp

    瑟琴好合

    A: The conjugal harmony.

    P: L" harmonie conjugale.

    Sắt: cây đờn sắt, xưa có 50 dây, sau sửa lại còn 25 dây.

    Cầm: cây đờn cầm, xưa có 5 dây, sau thêm 2 dây thành 7 dây. Hảo: tốt đẹp. Hợp: hòa hợp.

    Sắt cầm hảo hợp là đàn sắt và đàn cầm hòa âm với nhau thì tốt đẹp, nghe rất êm tai. Ý nói đôi vợ chồng hòa hợp nhau.

    Thường nói: Loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hợp. Nghĩa là: chim loan và chim phụng hòa tiếng hót, đàn sắt đàn cầm hợp âm, là chỉ đôi vợ chồng hòa hợp với nhau.

    Đây là câu cầu chúc đôi vợ chồng mới cưới.

  • Sắt son

    Sắt son

    A: Constant, faithful.

    P: Constant, fidèle.

    Sắt: kim loại sắt, có tính cứng và bền. Son: bột đá màu đỏ không phai, mài làm mực đỏ để viết.

    Sắt son hay Son sắt là chỉ lòng trung nghĩa, thành thật, vững bền như sắt, đẹp đẽ như son.

    Thường nói: Lòng son dạ sắt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhơn nghĩa gắng gìn dạ sắt son.

  • Sâm thương

    Sâm thương

    參商

    Sâm: sao Sâm, thường gọi là sao Hôm, tên chữ là Kim Tinh, mọc khi mặt trời lặn. Thương: sao Thương, thường gọi là sao Mai, mọc khi trời sắp sáng. Hai sao nầy ở cách nhau gần 180 độ nên khi sao nầy mọc thì sao kia lặn.

    Do đó, trong văn chương dùng chữ Sâm thương để chỉ sự cách biệt, không bao giờ gặp nhau.

    Thường nói: Sâm thương đôi ngả.

    Thơ Đỗ Phủ:

    Nhân sinh bất tương kiến,
    Động như sâm dữ thương.

    Nghĩa là:

    Người ta ở đời không gặp nhau,
    Sự chuyển động của sao Sâm với sao Thương.
  • SẤM

    SẤM

    SẤM: 讖 Lời đoán trước có tính cách bí ẩn cho biết những việc sẽ xảy ra.

    Thí dụ: Sấm ký, Sấm tiên tri.

  • Sấm ký

    Sấm ký

    讖記

    A: The book of oracles.

    P: Le livre des oracles.

    Sấm: Lời đoán trước có tính cách bí ẩn cho biết những việc sẽ xảy ra. Ký: ghi chép.

    Sấm ký là sách ghi chép những câu tiên tri các việc sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng viết dưới dạng ẩn dụ, nghĩa lý sâu xa khó hiểu, ít người biết được, chỉ thấy rõ khi việc đã xảy ra.

    Nước Việt Nam có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà Lý học nổi tiếng, vang danh tận bên Tàu, có viết một quyển Sấm Ký gọi là Sấm Trạng Trình, để tiên đoán vận mệnh nước Việt Nam và các việc xảy ra từ đó trở về sau.

    Lời sấm bình dị, nhưng chứa đựng bí mật vô cùng khó hiểu, đến chừng việc xảy ra rồi, nghiệm lại câu sấm thì mới thấy rõ là rất đúng:

    Thí dụ như câu sấm:

    Giữa năm hai bảy mười ba,
    Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây.

    Tám gà, chữ Hán là Bát Kê, mà Bát kê là tiếng phiên âm từ tiếng Pháp: Pasquier, tên của viên Toàn quyền Pháp tại Đông Dương. Toàn quyền Pasquier rất ác độc, muốn tiêu diệt Đạo Cao Đài, giả tạo các tài liệu để đem về Pháp chứng tỏ Đạo Cao Đài là một tổ chức chánh trị chống Pháp, cần phải tiêu diệt.

    Khi Pasquier đi phi cơ về tới nước Pháp, bỗng máy bay phát hỏa, Pasquier và toàn bộ tài liệu giả tạo đều bị đốt cháy trên không trung. Năm ấy là năm âm lịch nhuần hai tháng 7, nên có 13 tháng. Đó là sự hành phạt của Thiên điều đối với những kẻ muốn tiêu diệt Đạo Cao Đài.

  • Sấm tiên tri

    Sấm tiên tri

    讖先知

    A: Predictions, Oracles.

    P: Prédictions, Oracles.

    Sấm: Lời đoán trước có tính cách bí ẩn cho biết những việc sẽ xảy ra. Tiên: trước. Tri: biết. Tiên tri: biết trước.

    Sấm tiên tri là lời sấm cho biết trước các việc sẽ xảy ra.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ngày giáng sinh của Chúa Cứu Thế là việc đã có lời sấm tiên tri rồi mà các con không chịu quan tâm đến.

  • SÂN

    SÂN

    1. SÂN: 嗔 Giận.

    Thí dụ: Sân hỏa.

    2. SÂN: (Nôm) Cái sân, khoảng đất rộng.

    Thí dụ: Sân họan, Sân ngô.

  • Sân hỏa

    Sân hỏa

    嗔火

    A: The fire of anger.

    P: Le feu de colère.

    Sân: Giận. Hỏa: lửa.

    Sân hỏa là lửa giận.

    Sự giận dữ phát ra mạnh mẽ như ngọn lửa, đốt cháy hết sự khôn ngoan sáng suốt, nên nó cũng đốt tiêu luôn công đức đã khó nhọc tạo ra trước đó.

    Sân là một trong Tam độc: Tham, Sân, Si.

  • Sân hoạn

    Sân hoạn

    A: The mandarinate.

    P: Le mandarinat.

    Sân: Cái sân, khoảng đất rộng. Hoạn: quan lại, làm quan.

    Sân hoạn là trường quan lại, đồng nghĩa: Quan trường, chỉ chung về giới quan lại, nơi đua chen danh vọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sân hoạn cùng đường gương ngọc rạng.

  • Sân ngô

    Sân ngô

    A: The yard of sterculias.

    P: La cour de sterculiers.

    Sân: Cái sân, khoảng đất rộng. Ngô: cây ngô đồng.

    Sân ngô là cái sân có trồng cây ngô đồng.

    Có hai trường hợp:

    1. Cây ngô đồng ở bên Tàu có đặc tính là khi mùa thu đến, lá ngô đồng biến thành màu vàng rơi xuống.

    Thơ cổ: Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu.

    (Cây ngô đồng một chiếc lá rơi, thiên hạ đều biết mùa thu tới).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sân ngô rạng vẻ cảnh thu đưa.

    2. Cây ngô đồng tượng trưng người khoa bảng hiển đạt.

    Họ Hàn có 8 anh em đều học giỏi và thi đậu làm quan vẻ vang, được người đời truyền tụng là: Hàn thị bát đồng: Tám cây ngô đồng nhà họ Hàn.

    Do đó, nơi sân trường thời xưa, thường có trồng cây ngô đồng, ngụ ý trường nầy sẽ sản xuất nhiều người tài giỏi.

    Sân ngô là chỉ trường học.

    Nữ Trung Tùng Phận: Thăm chàng đang học nơi trường sân ngô.

  • Sân Trình

    Sân Trình

    A: Ancient school.

    P: École ancienne.

    Sân: Cái sân, khoảng đất rộng. Trình: Trình Di tức là Trình Y Xuyên (1033-1107), một danh nho đời Tống bên Tàu. Ông chú thích nhiều kinh sách của Nho giáo và cùng với anh là Trình Hạo (Trình Minh Đạo) phát huy cái học về Tâm và Tính của Nho giáo.

    Sân Trình là chỉ trường đào tạo nho sĩ thời xưa.

    Thường nói: cửa Khổng sân Trình, cùng ý nghĩa trên.

  • Sấp mình

    Sấp mình

    A: To prostrate oneself.

    P: Se prosterner.

    Sấp: nằm úp xuống. Mình: thân mình.

    Sấp mình là cúi mình lạy xuống.

    Kinh khi đi ngủ: Sấp mình cúi lạy Từ Bi.

  • Sầu bi

    Sầu bi

    愁悲

    A: Sad.

    P: Tristesse.

    Sầu: buồn rầu. Bi: đau xót.

    Sầu bi là buồn rầu đau xót.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Bá tước công khanh ý vị gì?
    Mà đời đem đổi kiếp sầu bi.
  • Se sua

    Se sua

    A: To make a parade.

    P: Faire ostentation.

    Se sua là mặc quần áo lòe loẹt và đeo đồ trang sức đắt tiền để khoe mình giàu sang.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Như sự lãng phí se sua ở đời nầy, Thầy cũng cho là một việc tổn đức vậy.

  • Sen tàn cúc nở

    Sen tàn cúc nở

    Hoa sen nở trong mùa Hạ, nên hoa sen tượng trưng mùa Hạ. Hoa cúc nở vào mùa Thu, nên tượng trưng mùa Thu.

    Sen tàn là mùa Hạ đã qua. Cúc nở là đang lúc mùa Thu.

    Sen tàn cúc nở là mùa Hạ đã qua và đang lúc mùa Thu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sen tàn cúc nở qua ngày tháng.

    Sen tàn cúc rủ: Hoa sen đã tàn, hoa cúc đã héo rủ, ý nói mùa Hạ đã qua, mùa Thu cũng hết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thấm thoát ngày tháng thoi đưa, bóng thiều quang nhặt thúc, sen tàn cúc rủ, Đông mãn Xuân về....

  • Sỉ nhục

    Sỉ nhục

    恥辱

    A: To dishonour.

    P: Déshonorer.

    Sỉ: xấu hổ. Nhục: nhơ nhuốc.

    Sỉ nhục là xấu hổ vì nhơ nhuốc.

  • 1. SĨ: 士 Học trò, người học thức, trí thức.

    Thí dụ: Sĩ diện, Sĩ khí, Sĩ Tải.

    2. SĨ: 仕 Ra làm quan.

    Thí dụ: Sĩ phi vi bần.

  • Sĩ diện

    Sĩ diện

    士面

    A: The dignity of a lettered man.

    P: La dignité d" un lettré.

    Sĩ: Học trò, người học thức, trí thức. Diện: cái mặt.

    Sĩ diện, nghĩa đen là cái mặt của người trí thức, nghĩa bóng là chỉ cái giá trị bề ngoài của mỗi người trong giao thiệp.

  • Sĩ khả lục bất khả nhục

    Sĩ khả lục bất khả nhục

    士可戮不可辱

    Sĩ: Học trò, người học thức, trí thức. Khả: có thể. Lục: giết chết. Nhục: nhơ nhuốc.

    Sĩ khả lục bất khả nhục: Kẻ sĩ, có thể giết chết họ được chớ không thể làm nhục họ được.

    Đó là cái khí tiết bất khuất của người quân tử thấm nhuần đạo lý của Nho giáo.

  • Sĩ khí

    Sĩ khí

    士氣

    A: Schoolar"s virtue.

    P: La vertu du lettré.

    Sĩ: Học trò, người học thức, trí thức. Khí: khí tiết, đức hạnh, tinh thần.

    Sĩ khí là khí tiết của nhà nho thời xưa.

  • Sĩ phi vị bần

    Sĩ phi vị bần

    仕非為貧

    Sĩ: Ra làm quan. Phi: chẳng phải. Vị: vì. Bần: nghèo.

    Sĩ phi vị bần là ra làm quan không phải vì nghèo.

    Ra làm quan là để thi hành cái đạo Thánh hiền chớ không phải vì nhà nghèo để hưởng bổng lộc.

  • Sĩ quân tử

    Sĩ quân tử

    士君子

    Sĩ: Học trò, người học thức, trí thức. Quân tử: người có tài đức hơn người.

    Sĩ quân tử là chỉ những người trí thức khôn ngoan thuộc giới thượng lưu.

  • Sĩ tải

    Sĩ tải

    士載

    A: Archivist.

    P: Archiviste.

    Sĩ: Học trò, người học thức, trí thức. Tải: ghi chép các việc.

    Sĩ tải là người giữ công văn giấy tờ nơi văn phòng.

    Trong Đạo Cao Đài, Sĩ Tải là một phẩm Chức sắc Hiệp Thiên Đài dưới Thập nhị Thời Quân, đứng trên phẩm Luật Sự, dưới phẩm Truyền Trạng.

    Sĩ Tải đối phẩm với Lễ Sanh của Cửu Trùng Đài.

    Nhiệm vụ, quyền hành, thăng thưởng và Đạo phục của Sĩ Tải được qui định trong Hiến Pháp Chức sắc Hiệp Thiên Đài. (Xem chữ: Hiệp Thiên Đài, phần Hiến Pháp).

  • Siểm nịnh

    Siểm nịnh

    諂佞

    A: To flatter.

    P: Flatter.

    Siểm: nịnh hót. Nịnh: khen ngợi người trên một cách quá đáng để cầu lợi.

    Siểm nịnh là nịnh hót, bợ đỡ để cầu lợi.

    Siểm nịnh đồng nghĩa Siểm mị.

  • SIÊU

    SIÊU

    SIÊU: 超 Vượt lên trên, vượt qua.

    Thí dụ: Siêu đọa, Siêu độ, Siêu sanh.

  • Siêu đọa

    Siêu đọa

    超墮

    A: The ascension and the fall.

    P: Ascension et la chute.

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Đọa: đày xuống cõi thấp kém khổ sở.

    Có hai trường hợp sau đây:

    1. Siêu đọa là siêu và đọa, tức là siêu thăng và đày đọa.

    Một linh hồn khi thoát xác trở về cõi thiêng liêng, Tòa Tam Giáo nơi Ngọc Hư Cung sẽ định phận: siêu hay đọa.

    Nếu công đức nhiều mà tội ít thì được siêu thăng.

    Nếu công đức ít mà tội nhiều thì phải bị đọa luân hồi, trở lại cõi trần để trả cho xong nghiệp quả.

    Kinh Sám Hối:
    Quá công xem xét đền bồi,
    Lành siêu, dữ đọa, thêm nhồi tội căn.

    2. Siêu đọa là đọa đày quá mức qui định.

    Siêu là vượt khỏi mức qui định hay mức bình thường.

    Vô siêu đọa là không đọa đày quá mức.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Vô siêu đọa quả căn hữu pháp.

    Không bị đọa đày quá mức, căn quả của mỗi người đều có luật pháp qui định rõ ràng.

  • Siêu độ

    Siêu độ

    超度

    A: The salvation of the soul.

    P: La salvation de l" âme.

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Độ: cứu giúp.

    Siêu độ là cứu giúp cho được siêu thăng về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Người trọn lòng thương yêu chơn thật thì Đức Phật Mẫu siêu độ, cầu rỗi Chí Tôn đem vào cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống.

  • Siêu hình

    Siêu hình

    超形

    A: Metaphysical.

    P: Métaphysique.

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Hình: hình tượng bày ra trước mắt.

    Siêu hình là vượt lên trên hình tượng, tức là không còn hình tượng nữa, thường gọi là vô hình.

    Đồng nghĩa với Siêu hình là: Vô hình, vô vi.

    Siêu hình học là môn học nghiên cứu về những hiện tượng vô hình.

  • Siêu phàm nhập thánh

    Siêu phàm nhập thánh

    超凡入聖

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Phàm: cõi trần. Nhập: vào. Thánh: cõi Thánh.

    Siêu phàm nhập Thánh là vượt lên khỏi cõi phàm để đi vào cõi Thánh, tức là đắc đạo, thành bực Thánh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì mới siêu phàm nhập Thánh.

  • Siêu quần chơn chi thượng

    Siêu quần chơn chi thượng

    超群眞之上

    A: To surpass all the Saints.

    P: Dépasser tous les Saints.

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Quần: nhiều người tụ họp đông đảo. Chơn: bực Thánh và bực Tiên được gọi là Chơn nhơn. Thượng: trên. Chi: hư tự.

    Siêu quần chơn chi thượng: Vượt lên trên các bực Thánh, Tiên.

    Kinh Tiên Giáo: Hữu thỉ siêu quần chơn chi thượng.

  • Siêu rỗi

    Siêu rỗi

    A: To save the soul.

    P: Sauver l" âme.

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Rỗi: cứu vớt bằng cách binh vực cho khỏi bị đọa đày.

    Siêu rỗi là cứu vớt các linh hồn cho được siêu thăng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi.

  • Siêu sanh

    Siêu sanh

    超生

    A: To ascend to Heaven.

    P: Monter au Ciel.

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Sanh: sống.

    Siêu sanh là vượt lên sống trên cõi Trời, tức là được siêu thăng lên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

    Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu: May duyên nay đã gặp ngày siêu sanh.

  • Siêu thăng tịnh độ

    Siêu thăng tịnh độ

    超升淨土

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Thăng: bay lên. Tịnh: trong sạch. Độ: còn đọc là Thổ: đất, cõi. Tịnh độ: cõi trong sạch, Phật giáo gọi Tịnh độ là cõi Cực Lạc Thế Giới, hay nói chung, Tịnh độ là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

    Siêu thăng là bay vượt lên Trời.

    Siêu thăng tịnh độ là bay vượt lên Trời, đến cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

    Kinh Tẩn Liệm: Lánh nơi trược khí hưởng mùi siêu thăng.

  • Siêu thoát

    Siêu thoát

    超脫

    A: The deliverance.

    P: La délivrance.

    Siêu: Vượt lên trên, vượt qua. Thoát: đi ra khỏi vòng ràng buộc.

    Siêu thoát là bay lên thoát khỏi cõi trần, tức là thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nhà Phật tìm phương chước đặng diệt quả kiếp của mình, đặng đạt cơ siêu thoát.

  • Sính lễ

    Sính lễ

    聘禮

    A: Wedding presents.

    P: Présents de mariage.

    Sính: đem lễ vật đi cưới vợ. Lễ: cách bày tỏ kính ý.

    Sính lễ là những phẩm vật mà nhà trai đem đến nạp cho nhà gái để xin làm lễ cưới vợ.

  • Sóc nhựt - Sóc vọng

    Sóc nhựt - Sóc vọng

    朔日 - 朔望

    A: The first day and the fifteenth day of lunar month.

    P: Le premier jour et le quinzième jour du mois lunaire.

    Sóc: khởi đầu, ngày đầu tháng. Nhựt: ngày. Vọng: ngày rằm âm lịch có trăng tròn.

    Sóc nhựt là ngày mùng 1, đầu tháng âm lịch.

    Vọng nhựt là ngày rằm âm lịch.

    Sóc vọng là ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch.

    Tân Luật: Điều 19: Mỗi tháng, hai ngày sóc vọng, bổn đạo phải tựu lại Thánh Thất sở tại mà làm lễ và nghe dạy.

  • Sóc phương

    Sóc phương

    朔方

    A: The north.

    P: Le nord.

    Sóc: hướng Bắc. Phương: hướng.

    Sóc phương là hướng Bắc.

    Sóc phong là gió bấc, tức là gió hướng Bắc thổi về.

  • SONG

    SONG

    1. SONG: 雙 Hai cái, một đôi.

    Thí dụ: Song bằng, Song hỷ.

    2. SONG: 窗 Cái cửa sổ.

    Thí dụ: Song thu.

  • Song bằng

    Song bằng

    雙平

    A: Horizontal and equal.

    P: Horizontal et égal.

    Song: Hai cái, một đôi. Bằng: Bình: bằng nhau, không chênh lệch.

    Song bằng là hai bên ngang bằng nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đã thường nói: Hai đầu cân không song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý.

  • Song hỷ

    Song hỷ

    雙喜

    A: Double joy.

    P: Joie double.

    Song: Hai cái, một đôi. Hỷ: mừng.

    Song hỷ là hai điều vui mừng đến một lượt.

    Song hỷ còn có nghĩa là hai việc vui mừng song song với nhau: nhà trai cưới được vợ cho con trai, nhà gái gả được chồng cho con gái.

    Điển tích: Vương An Thạch đời nhà Tống bên Tàu, năm 20 tuổi đi lên kinh đô để thi Trạng nguyên, dọc đường dừng chân nghỉ tại một thị trấn có trang viện của Mã Viên ngoại. Vương An Thạch thấy trước nhà có treo một cái đèn kéo quân, trên đó có dán một vế câu đối:

    Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.

    Nghĩa là: Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng đi.

    Vế đối còn chờ người. Vương An Thạch xem xong nói:

    - Câu nầy dễ đối thôi.

    Nói rồi liền bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì cậu thiếu niên Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô.

    Nơi trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xong, đem nộp quyển trước tiên. Quan Chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài, rồi bảo Vương qua thi vấn đáp.

    Quan Chủ khảo thấy lá cờ vẽ hình con cọp đang bay phất phơ trước gió, liền nghĩ ra vế đối:
    飛虎旗, 旗飛虎, 旗卷虎藏身
    Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.

    Nghĩa là: Cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn hổ ẩn mình.

    Vương An Thạch chợt nhớ vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại, nếu đem đối vào đây thì rất hay và rất chỉnh, liền ứng khẩu đọc vế đối cho quan giám khảo nghe:
    走馬燈, 燈走馬, 燈熄馬停步
    Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.

    Quan Chủ khảo không ngờ Vương An Thạch có tài ứng đối mau lẹ như vậy, câu đối rất chỉnh, nghĩa lý xuất sắc.

    Thế là Vương An Thạch coi như đã thi đậu đầu trong kỳ thi ấy, chỉ chờ chánh thức đăng tên lên bảng vàng và giấy báo mà thôi.

    Vương An Thạch trở về quê nhà, đi ngang qua nhà Mã Viên ngoại, người nhà của Mã Viên ngoại nhận biết Vương là người mà trước đây đã nói rằng vế đối dán trên đèn kéo quân dễ đối thôi, nên mời Vương vào nhà trình với Mã Viên ngoại.

    Mã Viên ngoại yêu cầu Vương đọc vế đối. Vương liền lấy vế đối của quan Chủ khảo đọc lên:

    Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.

    Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh rất khéo, nên nói với Vương An Thạch rằng:

    - Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới chịu ưng làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt.

    Thế là đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang.

    Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, và ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại.

    Cũng ngay trong ngày đám cưới đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch được chấm đậu Trạng nguyên, được triều đình đòi lên kinh đô lãnh chức.

    Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: một là cưới được vợ tài giỏi giàu có, hai là được chấm đậu Trạng nguyên.

    Vương An Thách rất hứng chí, lấy giấy viết lớn hai chữ SONG HỶ dán trước nhà và ngâm:

    Vận may đối đáp thành song hỷ,
    Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.

    Vậy, gốc tích của chữ SONG HỶ là do điển tích nầy, tức là vừa cưới được vợ, vừa thi đậu Trạng nguyên.

    Khéo đối thành ra khúc hỷ ca,
    Ngựa phi hùm chạy thực giao hòa.
    Động phòng hoa chúc, tên đề bảng,
    Tiểu đăng khoa lại Đại đăng khoa.

    Nhưng về sau, chữ SONG HỶ được dùng với ý nghĩa khác hơn một chút: là hai việc vui mừng song song nhau: nhà trai vui mừng có dâu mới, nhà gái vui mừng có rể mới.

  • Song thân - Song đường

    Song thân - Song đường

    雙親 - 雙堂

    A: The parents.

    P: Les parents.

    Song: Hai cái, một đôi. Thân: gần gũi thương yêu, chỉ cha mẹ. Đường: chỉ thung đường và huyên đường, tức cha mẹ.

    Song thân, đồng nghĩa Song đường, chỉ cha và mẹ.

  • Song thu

    Song thu

    窗秋

    Song: Cái cửa sổ. Thu: mùa thu, từ gợi lên sự buồn bã biệt ly, có mưa buồn, có lá vàng lìa cành rơi xuống.

    Song thu là chỉ người chồng góa vợ, có vợ mới chết.

    Cũng như từ ngữ: Phòng thu, để chỉ người đàn bà góa chồng, hay người phụ nữ đã luống tuổi.

    Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu: Chịu góa thân tuyết đóng song thu.

  • Song thủ

    Song thủ

    雙手

    A: Two hands.

    P: Deux mains.

    Song: Hai cái, một đôi. Thủ: bàn tay.

    Song thủ là hai bàn tay.

    Hai bàn tay tượng trưng Âm Dương: tay trái Dương, tay mặt Âm (nên cũng nói: Nam tả nữ hữu).

    Phật Giáo (Kinh Phật Giáo): Ốc trần huờn ư song thủ chi nội.

  • SÓNG

    SÓNG

    SÓNG: Làn sóng dợn trên mặt nước.

    Thí dụ: Sóng sắc, Sóng trần.

  • Sóng sắc

    Sóng sắc

    A: The waves of beauty.

    P: Les vagues de beauté.

    Sóng: Làn sóng dợn trên mặt nước. Sắc: sắc đẹp của phụ nữ.

    Sóng sắc là sắc đẹp của phụ nữ như những làn sóng có thể nhận chìm các hạng đàn ông háo sắc.

    Sắc bất ba đào dị nịch nhân: cái sắc đẹp của phụ nữ không phải là làn sóng nhưng dễ nhận chìm nhiều người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vui còn sóng sắc hại mình thôi.

  • Sóng trần

    Sóng trần

    A: The miseries of world.

    P: Les misères du monde.

    Sóng: Làn sóng dợn trên mặt nước. Trần: cõi trần.

    Cõi trần được ví như biển khổ. Biển trần khổ vơi vơi trời nước. Sóng trần là làn sóng trên biển khổ, nó vùi dập biết bao nhiêu người đang ngụp lặn trong biển khổ ấy.

    Sóng trần là chỉ những nỗi đau khổ phiền não nơi cõi trần.

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu: Trầm luân khổ hải chơi vơi sóng trần.

  • SỐ

    SỐ

    SỐ: 數 Vận mạng, số kiếp.

    Thí dụ: Số căn, Số mạng.

  • Số căn

    Số căn

    數根

    A: The destiny.

    P: La destinée.

    Số: Vận mạng, số kiếp. Căn: gốc rễ, chỉ các việc làm trong kiếp trước.

    Số căn là vận mạng của một người được định bởi những việc làm thiện hay ác trong kiếp sống trước.

    Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối: Dầu nghiệt chướng số căn quả báo.

  • Số mạng

    Số mạng

    數命

    A: The destiny.

    P: La destinée.

    Số: Vận mạng, số kiếp. Mạng: Mệnh: cái mạng sống.

    Số mạng là cái vận mạng của mỗi người được định sẵn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tôn chỉ để vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi.

  • Sổ bộ

    Sổ bộ

    A: The registers.

    P: Les registres.

    Sổ: tập giấy để biên chép những thứ cùng một loại. Bộ: cuốn sổ lớn và dày để ghi được nhiều và đầy đủ.

    Sổ bộ là tất cả những tập giấy lớn nhỏ dùng để ghi chép những thứ cùng loại để thống kê và lưu trữ.

    Sổ bộ của Đạo gồm các thứ sau đây:

    1. SỔ NHẬP MÔN: ghi chép tên tuổi và sơ yếu lý lịch những người mới làm lễ Minh Thệ nhập môn vào đạo. Sau đó mới biên chánh thức vào Bộ Đạo.

    2. BỘ ĐẠO: cuốn sổ lớn ghi tên tuổi và sơ yếu lý lịch những người chánh thức là tín đồ của Đạo. Bộ Đạo lập ra theo từng Hương Đạo.

    3. BỘ SANH TỬ: gồm Bộ Sanh và Bộ Tử để ghi chép những trẻ con nhà Đạo mới sanh ra có chịu phép Tắm Thánh, và những tín đồ đã chết.

    4. BỘ HÔN PHỐI: ghi chép tên tuổi, ngày tháng những cặp vợ chồng làm Lễ Hôn Phối tại Tòa Thánh hay Thánh Thất.

    5. BỘ CHỨC SẮC: ghi chép tên tuổi và sơ yếu lý lịch của các Chức sắc. Có bộ Chức sắc namphái Cửu Trùng Đài, Bộ Chức sắc nữ phái Cửu Trùng Đài, bên Cơ Quan Phước Thiện và Hiệp Thiên Đài cũng lập tương tợ như vậy.

    6. SỔ TRỤC XUẤT: ghi tên tuổi những vị phạm luật đạo bị Toà Tam giáo định án trục xuất ra khỏi đạo.

    7. BỘ TỪ KHÍ: cuốn sổ lớn ghi chép tất cả vật dụng của mỗi Thánh Thất, hay Điện Thờ.

    Pháp Chánh Truyền: Chúng nó (các Giáo Sư) cầm sổ bộ của cả tín đồ.

  • Sông hương

    Sông hương

    A: The perfumed river.

    P: Le fleuve parfumé.

    Hương là thơm. Sông hương là dòng sông thơm.

    Mùi thơm dùng để khử các mùi ô trược hôi hám.

    Do đó, sông hương được ví với con đường đạo, dùng đạo đức để khử trừ quỉ mị.

    Cũng giống như chữ: Nhà lan, tức Lan thất, là nhà có mùi thơm của hoa lan, để chỉ nhà có đạo đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mạch sầu nay rửa bến sông hương.

  • Sông lệ

    Sông lệ

    A: The river of tears.

    P: Le fleuve de larmes.

    Lệ là nước mắt.

    Sông lệ là sông nước mắt, chỉ những nỗi sầu khổ của con người nơi cõi trần nhiều đến nỗi nước mắt chảy thành sông.

    Sông lệ đồng nghĩa: Biển khổ, khổ hải, sông Ngân.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Buồm trương lái vững chờ sông lệ.

  • Sông mê

    Sông mê

    A: The river of passions.

    P: Le fleuve des passions.

    Mê: tối tăm lầm lạc. Sự mê muội lầm lạc của con người nơi cõi trần nhiều như nước sông, nên gọi là Sông mê.

    Do đó, sông mê là chỉ cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tách bến sông mê sóng tạt thuyền.

  • Sông Ngân

    Sông Ngân

    A: The milky way: the river of pains.

    P: La voie lactée: le fleuve de douleurs.

    Sông Ngân, dịch chữ Ngân hà, là một con sông nơi cõi thiêng liêng có màu sáng bạc, nối liền với biển khổ.

    Do đó, sông Ngân được xem là biển khổ. (Xem chi tiết nơi chữ: Ngân hà, vần Ng)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cõi thọ sông Ngân tiếp đảnh Tần.

  • Sông Vị

    Sông Vị

    A: Place of the recluse.

    P: Place de la retraite.

    Sông Vị, chữ Hán là Vị thủy, là con sông mà Khương Thượng Tử Nha ngồi câu trên bàn thạch cạnh bờ sông.

    Đó là nơi ẩn dật của người quân tử chờ thời.

    Tương truyền, nước sông Vị rất trong, chảy đến huyện Cao Lăng thì gặp sông Kinh có nước đục ngầu, nhưng nước sống Vị vẫn giữ màu trong xanh, không hòa lẫn vào nước đục.

    Sông Vị là chỉ nơi ẩn dật của bậc cao nhân, lòng trong sạch thanh cao, không chịu hòa chung với thói đời đen bạc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tranh khoe nguyệt rọi làu sông Vị.

  • 1. SƠ: 初 Bắt đầu, đầu tiên, mới, ngày mùng.

    Thí dụ: Sơ giao, Sơ khai, Sơ nhứt nhựt.

    2. SƠ: 疏 Thưa, ít, không thân, sơ sót.

    Thí dụ: Sơ lược, Sơ thất.

  • Sơ giao

    Sơ giao

    初交

    A: The new acquaintances.

    P: Premières relations.

    Sơ: Bắt đầu, đầu tiên, mới, ngày mùng. Giao: kết giao, làm bạn với nhau.

    Sơ giao là mới quen biết nhau, mới làm bạn với nhau.

    Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị: Nghĩa sơ giao khắc cốt ghi xương.

  • Sơ hiến lễ

    Sơ hiến lễ

    初獻禮

    A: To offer at first time.

    P: Offrir pour la première fois.

    Sơ: Bắt đầu, đầu tiên, mới, ngày mùng. Hiến: dâng. Lễ: làm lễ, nghi thức cúng tế.

    Sơ hiến lễ là lễ dâng phẩm vật lần đầu (lần thứ nhứt).

    Trong Tang lễ, phần nghi tiết cúng tế hàng vong thường, không có dâng bông, mà chỉ dâng 3 tuần rượu và dâng trà.

    · Dâng rượu lần đầu gọi là: Sơ hiến lễ.

    · Dâng rượu lần kế thì gọi là: Á hiến lễ.

    · Dâng rượu lần chót gọi là: Chung hiến lễ.

  • Sơ khai

    Sơ khai

    初開

    A: The beginning.

    P: Le commencement.

    Sơ: Bắt đầu, đầu tiên, mới, ngày mùng. Khai: mở ra.

    Sơ khai là mới mở ra, lúc ban đầu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vì mỗi việc khó khăn trắc trở là lúc sơ khai.

  • Sơ lược

    Sơ lược

    疏略

    A: Summary.

    P: Sommaire.

    Sơ: Thưa, ít, không thân, sơ sót. Lược: lọc ra những nét chánh.

    Sơ lược là chỉ đưa ra những nét chánh, bỏ những chi tiết không quan trọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con nên đọc sơ lược Thánh ngôn mấy lần chót cho chúng sanh và phải biểu ăn năn hỏi mình trước khi cầu Thầy.

  • Sơ nhứt nhựt

    Sơ nhứt nhựt

    初一日

    Sơ: Bắt đầu, đầu tiên, mới, ngày mùng. Mười ngày đầu của tháng từ 1 đến 10 gọi là Sơ: dịch là mùng. nhứt: mùng1. thập: mùng 10. Nhựt: ngày

    Sơ nhứt nhựt là ngày mùng 1.

  • Sơ thẩm

    Sơ thẩm

    初審

    A: First instance.

    P: Première instance.

    Sơ: Bắt đầu, đầu tiên, mới, ngày mùng. Thẩm: xử đoán việc thưa kiện.

    Sơ thẩm là xử đoán lần thứ nhứt.

    Tòa sơ thẩm là tòa án để xử lần thứ nhứt.

  • Sơ thất

    Sơ thất

    疏失

    A: To neglect.

    P: Négliger.

    Sơ: Thưa, ít, không thân, sơ sót. Thất: mất.

    Sơ thất là không cẩn thận để mất mát, thất bại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mỗi mỗi đều ghé mắt đến mà cải sửa cho kịp giờ mới khỏi sơ thất lớn lao.

  • Sớ cầu đạo

    Sớ cầu đạo

    疏求道

    A: Certificate of admission to Caodaism.

    P: Certificat d" admission au Caodaïsme.

    Sớ: tờ giấy. Cầu: xin. Đạo: chỉ Đạo Cao Đài.

    Sớ Cầu Đạo là tờ giấy mà Hội Thánh cấp cho người đã nhập môn vào Đạo Cao Đài, nhìn nhận vị nầy là tín đồ của Đạo.

    Người mới nhập môn vào Đạo Cao Đài được cấp cho một Sớ Cầu Đạo Tạm, hạn lệ sáu tháng (Certificat provisoire de conversion au Caodaïsme, valable pour six mois).

    Sau thời gian 6 tháng, vị tín đồ đó phải học thuộc kinh kệ và Tân luật, học tập lễ nghi cúng kiếng và bắt đầu ăn chay mỗi tháng 6 ngày, rồi lên 10 ngày, thì được đổi giấy Sớ Cầu Đạo Tạm bằng Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ (Certificat définitif de conversion au Caodaïsme), chứng nhận đây là tín đồ thiệt thọ của Đạo Cao Đài. (Conversion là cải tôn, tức là bỏ tôn giáo cũ để theo tôn giáo mới)

    Người tín đồ Cao Đài phải giữ Sớ Cầu Đạo thiệt thọ nầy suốt đời, khi chết phải đốt để đem theo cho linh hồn.

    Sớ Cầu Đạo phải được vị Chánh Trị Sự Đầu Hương Đạo chứng thật, ký tên đóng dấu, Đầu Tộc Đạo chứng kiến và Khâm Châu Đạo vi chứng.

  • Sớ văn thượng tấu

    Sớ văn thượng tấu

    疏文上奏

    A: The petition to the throne.

    P: Le placet au trône.

    Sớ: tờ giấy viết lời điều trần dâng lên vua. Văn: bài văn. Thượng: lên trên. Tấu: trình bày với vua.

    Sớ văn thượng tấu là bài văn viết lên giấy để tấu trình các việc hay để cầu nguyện, dâng lên Đức Chí Tôn, hay Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng.

    Trong các lễ cúng Đại đàn hay Tiểu đàn tại Thánh Thất hay tại Điện Thờ Phật Mẫu, sau khi dâng Tam bửu (Bông, Rượu, Trà) thì tới phần dâng sớ.

    Lễ sĩ xướng: "Sớ văn thượng tấu", vị Chức sắc chứng đàn cầm bao sớ (trong có tờ sớ) đưa lên trán cầu nguyện, xong rồi lấy tờ sớ ra, trao cho vị đọc sớ.

    Lễ sĩ xướng: "Thành đọc sớ văn", vị có phận sự đọc sớ cất cao giọng đọc sớ, vị Chức sắc chứng đàn hai tay cầm bao sớ đặt lên trán, mặt bao sớ hướng lên Thiên bàn, đặt hết tinh thần vào lời văn trong sớ. Trên bao sớ có đề hàng chữ nho:

    南無玉皇上帝玉虛宮靈霄殿.

    "Nam mô Ngọc Hoàng Thượng Đế Ngọc Hư Cung Linh Tiêu Điện".

    Khi đọc đến danh hiệu của các Đấng thì hầu chuông điểm một tiếng để mọi người cúi đầu tôn kính.

    Khi đọc xong sớ, Lễ sĩ xướng: "Cung phần sớ văn", vị chứng đàn lấy tờ sớ đặt trở lại vào bao sớ, rồi đưa lên hai ngọn đèn chụm lại của hai Lễ sĩ quì hai bên, đốt cả sớ và bao sớ.

    Có nhiều loại Sớ văn: Sớ văn dâng Đức Chí Tôn, Sớ văn dâng Đức Phật Mẫu, Sớ văn cúng Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn, cúng sóc vọng thường lệ, đưa chư Thánh, rước chư Thánh, Sớ Tân Cố, Sớ Cầu siêu, Sớ Tuần cửu, v.v....

    Các Sớ văn đều giống nhau ở phần đầu, chỉ khác ở phần lòng sớ, vì tùy trường hợp mà lòng sớ có nội dung thích ứng.

    Sớ văn được viết bằng Hán Việt.

    Sau đây xin chép hai bài Sớ văn: một dâng lên Đức Chí Tôn tại Thánh Thất, và một dâng lên Đức Phật Mẫu tại Điện Thờ Phật Mẫu, vào các ngày Sóc Vọng thường lệ.

    ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    (Tứ thập cửu niên)
    Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt.

    Thời duy,

    Thiên vận Giáp Dần niên, cửu ngoạt, sơ nhứt nhựt, ngọ thời, hiện tại Việt Nam quốc, Long Hồ trấn, Vĩnh Long châu, Châu Thành tộc, Long Châu hương, cư trụ Thánh Thất chi trung.

    Kim hữu đệ tử thọ Thiên ân Lễ Sanh Ngọc X Thanh, Đầu Tộc Đạo Châu Thành, công đồng chư Chức sắc, hiệp dữ Chức việc, Đạo hữu nam nữ đẳng, quì tại điện tiền, thành tâm trình tấu:

    HUỲNH KIM KHUYẾT nội:

    Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn,

    Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

    TAM TÔNG CHƠN GIÁO:

    Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn,

    Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.

    Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.

    TAM KỲ PHỔ ĐỘ TAM TRẤN OAI NGHIÊM:

    Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai,

    Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông ĐĐTam Kỳ Phổ Ðộ,

    Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân.

    Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn,

    Thái Công Tướng Phụ Quảng Pháp Thiên Tôn,

    Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn,

    Thập phương chư Phật, vạn chưởng chư Tiên, liên đài chi hạ.

    Kim vì sóc nhựt lương thần, chư Thiên phong hiệp dữ thiện nam tín nữ đẳng, nghiêm thiết đàng tràng, hương hoa trà quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ.

    Ngưỡng nguyện Đức Từ Bi quảng bố hồng ân, xá tội chúng sanh thoát ly nghiệp chướng, qui hiệp đại đồng, hòa bình thế giới, Đại Đạo hoằng khai, phổ hóa quần linh, hồi đầu hướng thiện, nhập vi môn đệ, vĩnh sùng chánh giáo, tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ, lập công bồi đức, giải quả tiền khiên, hậu hưởng thái bình, Nghiêu thiên Thuấn nhựt, phong điều võ thuận, quốc thới dân khương, an cư lạc nghiệp.

    Phục vọng VÔ TRUNG TỪ PHỤ, phát hạ Thiên ân, chuyển họa vi phước, tập kiết nghinh tường, độ tận các đẳng chơn hồn đồng đăng bỉ ngạn.

    Chư đệ tử đồng thành tâm khẩn đảo, cúc cung bá bái, cẩn sớ thượng tấu. Dĩ văn.

    Đệ tử: Lễ Sanh Ngọc X Thanh
    Đầu Tộc Đạo Châu Thành
    (ấn ký)

    Ghi chú: Các chữ gạch dưới có thể thay đổi cho thích hợp với ngày tháng năm, tên địa phương và chức phận của vị Chức sắc chứng đàn.

    Diễn nôm bài Sớ Văn ở trên:

    ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    (Năm Đạo thứ 49)
    Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt.

    Nay thời chỉ vì,

    Vận Trời năm Giáp Dần, tháng 9, ngày mùng 1, giờ Ngọ, hiện tại nước Việt Nam, Trấn đạo Long Hồ, Châu đạo Vĩnh Long, Tộc đạo Châu Thành, Hương đạo Long Châu, đang ở trong Thánh Thất.

    Nay có đệ tử thọ Thiên ân Lễ Sanh Ngọc X Thanh, Đầu Tộc Đạo Châu Thành, cùng chung các Chức sắc, hiệp với Chức việc, Đạo hữu nam nữ các cấp, quì tại trước điện, thành tâm tâu trình:

    Trong HUỲNH KIM KHUYẾT:

    Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên tôn,

    Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

    Ba Đấng GIÁO CHỦ TAM GIÁO:

    Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn,

    Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.

    Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.

    Ba TRẤN OAI NGHIÊM của ĐĐTam Kỳ Phổ Ðộ:

    Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai,

    Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông ĐĐTam Kỳ Phổ Ðộ,

    Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân.

    Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn,

    Thái Công Tướng Phụ Quảng Pháp Thiên Tôn,

    Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn,

    Mười phương chư Phật, muôn hạng chư Tiên,

    chư Thánh chư Thần.

    Nay vì ngày mùng 1, giờ tốt, chư Chức sắc Thiên phong hiệp với các tín đồ nam nữ, nghiêm trang thiết lễ nơi đàn cúng tế, nhang, bông, trà, trái cây, rượu tinh khiết, lập thành nghi thức, thành tâm làm lễ dâng lên.

    Ngưỡng mong Đức Chí Tôn ban bố rộng rãi ơn huệ lớn lao, tha tội cho nhơn sanh, thoát khỏi nghiệp chướng, trở về hiệp lại trong cảnh đại đồng, thế giới hòa bình, hoằng khai nền Đại Đạo, bày ra khắp nơi để dạy dỗ chúng sanh, quay đầu hướng thiện, nhập vào làm môn đệ của Đức Chí Tôn, vĩnh viễn sùng bái nền chánh giáo, tùng theo và tin tưởng là đúng pháp luật của ĐĐTam Kỳ Phổ Ðộ, lập công bồi đức, giải quả tiền khiên, sau hưởng được thái bình Trời Nghiêu ngày Thuấn, gió hòa mưa thuận, nước thạnh dân yên, an cư lạc nghiệp.

    Vâng chịu nghe theo và mong mỏi Đức Chí Tôn trong cõi Hư Vô, ban xuống ơn Trời, chuyển họa thành phước, góp tốt đón lành, độ tận các đẳng chơn hồn cùng qua đến bờ giác ngộ.

    Các đệ tử cùng thành tâm cầu khẩn cúng tế, cúi mình trăm lạy, kính cẩn dâng sớ tâu lên. Kính trình.

    Đệ tử:... ... ...

    Sớ văn dâng Đức Phật Mẫu vào ngày sóc vọng thường lệ tại Điện Thờ Phật Mẫu:

    Phần trên giống như Sớ dâng Đức Chí Tôn, phần kế là lòng sớ có khác, xin chép ra sau đây:

    "Kim vì sóc nhựt lương thần, chư thiện nam tín nữ đẳng nghiêm thiết đàn tràng, hương đăng hoa trà quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ.

    Ngưỡng vọng Kim Bàn Phật Mẫu, phát hạ hồng ân, hoằng khai Đại Đạo, độ tận chúng sanh, hiệp trí hòa tâm, tinh thần qui nhứt, vĩnh sùng chánh giáo, giải thoát tiền khiên, triêm ngưỡng Mẫu ân tứ phước.

    Ngưỡng vọng Kim Bàn Phật Mẫu cứu độ các đẳng chơn linh quá vãng, tảo đắc siêu thăng, an nhàn Cực Lạc.

    Chư đệ tử đồng thành tâm khẩn nguyện, cúc cung khấu bái thượng tấu. Dĩ văn.

    Đệ tử: . . . . . . . . . . . . . . . . "

    Diễn nôm:

    Nay vì ngày mùng 1, giờ tốt, các tín đồ nam nữ nghiêm trang thiết lễ nơi đàn cúng tế, nhang đèn bông trà, trái cây, rượu tinh khiết, lập nên nghi thức, thành tâm làm lễ dâng lên.

    Ngưỡng mong Đức Phật Mẫu ban xuống hồng ân, hoằng khai Đại Đạo, độ tận nhơn sanh, chung hiệp tâm trí, qui nhứt tinh thần, vĩnh viễn sùng bái nền chánh giáo, giải thoát khỏi các tội lỗi trong kiếp trước, chiêm ngưỡng ơn phước của Đức Mẹ ban cho.

    Ngưỡng mong Đức Phật Mẫu cứu độ các cấp chơn linh quá vãng, sớm được siêu thăng, an nhàn nơi cõi Cực Lạc.

    Các đệ tử đồng thành tâm cầu khẩn, cúi mình lạy xuống, dâng sớ tâu lên. Kính trình.

    Đệ tử: . . . . . . . . . . . . . . .

    Ghi chú: Trong Sớ văn dâng lên Đức Phật Mẫu, vị Chức sắc chứng đàn không được xưng phẩm tước và Thánh danh, chỉ xưng thế danh của mình mà thôi.

  • SỞ

    SỞ

    SỞ: 所 - Nơi, chỗ, xứ sở, - Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người.

    Thí dụ: Sở cầu, Sở cậy, Sở đắc, Sở trường.

  • Sở bức

    Sở bức

    所逼

    A: That which one oppress.

    P: Ce que l"on opprime.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Bức: áp bức, ép buộc.

    Sở bức là điều mà một người nào đó bị bức hiếp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Máy Thiên cơ buổi nọ, nếu phải chiều chuộng một ít vị công thần bị khép vào vòng những kẻ đã chịu sở bức thì phải thay đổi, bôi xóa sự nghiệp non sông của những....

  • Sở cầu - Sở nguyện - Sở vọng

    Sở cầu - Sở nguyện - Sở vọng

    所求 - 所願 - 所望

    A: That which one wishes.

    P: Ce que l"on désire.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Cầu: xin. Nguyện: mong. Vọng: ước muốn.

    Sở cầu là cái mà mình đang tìm kiếm, cầu xin.

    Như ý sở cầu: tìm cái gì thì được như ý muốn.

    Sở nguyện là điều mà mình hằng mong mỏi.

    Sở vọng là điều mà mình thường ước muốn.

    Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị: Dầu hoạn lộ chưa vừa sở nguyện.

    Niệm Hương: Lòng sở vọng gắng ghi đảo cáo.

  • Sở cậy

    Sở cậy

    A: That which one relies on.

    P: Ce qu"on se confie.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Cậy: nhờ vả.

    Sở cậy là điều mà cần phải nhờ cậy người khác.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy là Đấng Chí Tôn cầm quyền thưởng phạt, há lại không quyền hành mà làm mọi việc một mình Thầy đặng sao, lại phải sở cậy tay phàm.

  • Sở dĩ

    Sở dĩ

    所以

    A: That "s why, therefore.

    P: Ce pourquoi.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Dĩ: nhân vì.

    Sở dĩ là nhân vì chỗ ấy, vì thế, có như thế là vì.

  • Sở dụng

    Sở dụng

    所用

    A: What one uses.

    P: Ce qu" on use.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Dụng: dùng, công dụng.

    Sở dụng là cái công dụng quan trọng của nó.

    Pháp Chánh Truyền: Thầy đã nói cái sở dụng thiêng liêng. Thầy cũng nên nói cái sở dụng phàm trần của nó nữa.

  • Sở đắc - Sở kiến

    Sở đắc - Sở kiến

    所得 - 所見

    A: What one knows.

    P: Ce qu"on sait.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Đắc: được. Kiến: thấy biết.

    Sở đắc là điều mà mình đạt được, điều quan trọng mà mình biết được.

    Cái sở đắc của mỗi người thường là cái sở trường của người ấy.

    Sở kiến là cái mà mình thấy và biết được.

  • Sở định

    Sở định

    所定

    A: What one determines.

    P: Ce qu"on détermine.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Định: sắp đặt, quyết định.

    Sở định là điều quan trọng mà mình định ra.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Ấy vậy, lễ cúng tế chẳng phải trọn quyền của người mà là của Hội Thánh sở định.

  • Sở Hạng

    Sở Hạng

    楚項

    Sở: nước Sở. Hạng: họ Hạng, chỉ Hạng Võ (Hạng Vũ).

    Sở Hạng là Hạng Võ nước Sở, làm Sở Bá Vương, tranh hùng với Hán Lưu Bang, bị Hán Lưu Bang diệt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tùy Dương Đế lỗi đạo muôn phần, khi Sở Hạng bạo ngược vô biên, Tần Thủy Hoàng hôn quân cực điểm.

  • Sở hữu

    Sở hữu

    所有

    A: That which one possesses.

    P: Ce qu"on possède.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Hữu: có.

    Sở hữu là cái mà mình đang có được.

  • Sở tại

    Sở tại

    所在

    A: Local.

    P: Local.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Tại: nơi đây.

    Sở tại là ở ngay chỗ mình đang đứng hay ở ngay chỗ mình đang cư ngụ.

    Thánh Thất sở tại là Thánh Thất ở trong địa phương của mình đang cư ngụ.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Trước khi lãnh trách nhiệm, buộc Chánh Trị Sự phải đến Thánh Thất sở tại mà lập minh thệ.

  • Sở trường - Sở đoản

    Sở trường - Sở đoản

    所長 - 所短

    A: The someone "s strong side - The someone "s weak side.

    P: Le fort de qqn - Le faible de qqn.

    Sở: Tiếng dùng chỉ vật gì của mình hay của người. Trường: dài. Đoản: ngắn.

    Sở trường là cái mà mình chuyên giỏi. Đó là thế mạnh của mình. Trái với Sở trường là Sở đoản.

    Sở đoản là cái mà mình yếu kém. Đó là thế yếu của mình, cái mặt kém cỏi của mình.

  • SƠN

    SƠN

    SƠN: 山 Núi, còn đọc là SAN.

    Thí dụ: Sơn chúng, Sơn hà, Sơn minh.

  • Sơn chúng - Sơn môn

    Sơn chúng - Sơn môn

    山眾 - 山門

    A: The bonzes - Pagoda.

    P: Les bonzes - La pagode.

    Sơn: Núi, còn đọc là SAN. Chúng: nhiều người. Môn: cửa.

    Phật giáo thường cất chùa ở trên núi để được thanh tịnh làm nơi tu hành.

    Do đó, người ta gọi:

    Sơn môn là ngôi chùa cất trên núi.

    Sơn chúng hay chư Sơn là các tu sĩ Phật giáo.

  • Sơn hà

    Sơn hà

    山河

    A: The country.

    P: La patrie.

    Sơn: Núi, còn đọc là SAN. Hà: sông.

    Sơn hà là núi sông, non sông, chỉ quê hương đất nước.

    Thường nói: Sơn hà Xã tắc, đồng nghĩa: Giang sơn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đạo thành vạn đại chiếu sơn hà.

  • Sơn minh hải thệ

    Sơn minh hải thệ

    山盟海誓

    A: To swear by the mountain and the sea: Solemn oath of loyalty.

    P: Jurer sur le mont et la mer: Prêter serment de fidélité.

    Sơn: Núi, còn đọc là SAN. Minh: thề. Hải: biển. Thệ: thề nguyền.

    Sơn minh hải thệ là chỉ núi mà thề, chỉ biển mà nguyền.

    Ý nói: Đôi trai gái yêu nhau, thề thốt không bao giờ phụ bạc nhau, có núi có biển làm chứng lời thề.

  • Sơn trân hải vị

    Sơn trân hải vị

    山珍海味

    A: Delicacies from the hills and seas.

    P: Mets exquis tirés des montagnes et mers.

    Sơn: Núi, còn đọc là SAN. Trân: quí báu. Hải: biển. Vị: Mùi, thức ăn.

    Sơn trân hải vị là những thức ăn ngon và quí tìm được nơi núi và ngoài biển.

    Đồng nghĩa: Sơn hào hải vị. (Hào là thức ăn bằng thịt cá).

  • Sởn sơ

    Sởn sơ

    A: Fresh.

    P: Frais.

    Sởn sơ, hay Sởn mởn, là tươi tắn, nở nang xinh tốt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đấng Chí Tôn đã gieo giống quí hóa rồi, thì cần phải vun trồng cho cội sởn sơ.

  • Sung túc

    Sung túc

    充足

    A: Abundant.

    P: Abondant.

    Sung: đầy đủ. Túc: đủ.

    Sung túc là đầy đủ, dồi dào, đồng nghĩa: Sung mãn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con dòm nền đạo, bề ngoài coi diềm dà sung túc, mà chẳng thấy cái mạch bịnh trong tâm.

  • SÙNG

    SÙNG

    SÙNG: 崇 Kính trọng, chuộng, ngưỡng mộ.

    Thí dụ: Sùng bái, Sùng đạo, Sùng tín.

  • Sùng bái

    Sùng bái

    崇拜

    A: To worship.

    P: Adorer.

    Sùng: Kính trọng, chuộng, ngưỡng mộ. Bái: lạy.

    Sùng bái là tôn sùng kính lạy.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu chẳng nhờ lấy công ấy thì ngày nay đâu có tên tuổi của nhiều tôn giáo mà cả nhơn sanh chia ra sùng bái.

  • Sùng đạo - Sùng nho

    Sùng đạo - Sùng nho

    崇道 - 崇儒

    Sùng: Kính trọng, chuộng, ngưỡng mộ. Đạo: tôn giáo. Nho: Nho giáo, đạo Nho.

    Sùng đạo là tôn trọng và tín ngưỡng tôn giáo.

    Sùng nho là tôn sùng đạo Nho.

  • Sùng đức báo công

    Sùng đức báo công

    崇德報功

    Sùng: Kính trọng, chuộng, ngưỡng mộ. Đức: đạo đức. Báo: đáp lại. Công: công lao.

    Sùng đức là quí trọng người có đạo đức.

    Báo công là báo đáp người có nhiều công lao.

    Sùng đức báo công là hai điều quan trọng cần thiết của một vị minh quân, hay của nhà lãnh đạo minh chánh.

  • Sùng thượng

    Sùng thượng

    崇尚

    A: To esteem.

    P: Estimer.

    Sùng: Kính trọng, chuộng, ngưỡng mộ. Thượng: ưa chuộng.

    Sùng thượng là tôn trọng và ưa chuộng.

    Sùng thượng đạo đức: tôn sùng và mến chuộng đạo đức.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Sự sùng thượng ấy còn tồn tại trong tâm hồn mãi thôi.

  • Sùng tín

    Sùng tín

    崇信

    A: To believe in.

    P: Croire en.

    Sùng: Kính trọng, chuộng, ngưỡng mộ. Tín: tín ngưỡng, tin tưởng.

    Sùng tín là tôn sùng và tín ngưỡng.

  • Sùng tu

    Sùng tu

    崇修

    A: To repair respectfully.

    P: Réparer respectueusement.

    Sùng: Kính trọng, chuộng, ngưỡng mộ. Tu: sửa chữa.

    Sùng tu là sửa chữa Thánh Thất hay chùa miễu, tượng Phật với lòng tôn kính.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chẳng cần chi con lo lập Thánh Thất của Thầy và sùng tu Phật tượng chi hết.

  • SUY

    SUY

    1. SUY: 推 Suy nghĩ, suy xét, tìm ra mối.

    Thí dụ: Suy đoán, Suy nghiệm.

    2. SUY: 衰 Sút kém, không thạnh.

    Thí dụ: Suy tồi.

  • Suy diễn - Suy đoán

    Suy diễn - Suy đoán

    推演 - 推斷

    A: To deduce - To guess.

    P: Déduire - Déviner.

    Suy: Suy nghĩ, suy xét, tìm ra mối. Diễn: dùng ý tứ suy rộng ra. Đoán: phán đoán.

    Suy diễn là suy rộng mà diễn giải ra.

    Suy đoán là suy nghĩ mà phán đoán về một việc chưa xảy ra..

  • Suy đồi - Suy đốn

    Suy đồi - Suy đốn

    衰頹 - 衰頓

    A: To decline.

    P: Tomber en décadence.

    Suy: Sút kém, không thạnh. Đồi: hư hỏng, đổ xuống. Đốn: khốn khó.

    Suy đồi là sút kém hư hỏng.

    Suy đốn là sút kém khốn đốn.

  • Suy kỷ cập nhân

    Suy kỷ cập nhân

    推己及人

    Suy: Suy nghĩ, suy xét, tìm ra mối. Kỷ: mình, ta. Cập: kịp, cùng. Nhân: người.

    Suy kỷ cập nhân là suy bụng ta ra bụng người.

  • Suy lý - Suy luận

    Suy lý - Suy luận

    推理 - 推論

    A: To reason, to deduce.

    P: Raisonner, déduire.

    Suy: Suy nghĩ, suy xét, tìm ra mối. Lý: lẽ phải, lẽ thật. Luận: bàn luận.

    Suy lý là từ một lẽ thật mà suy ra những điều chưa biết.

    Suy luận là từ một vấn đề mà bàn rộng ra.

  • Suy nghiệm

    Suy nghiệm

    推驗

    A: To experiment.

    P: Expérimenter.

    Suy: Suy nghĩ, suy xét, tìm ra mối. Nghiệm: xem xét.

    Suy nghiệm là suy nghĩ tìm xét lại coi đúng hay sai.

    Suy cổ nghiệm kim: Suy nghĩ việc đời xưa để xem xét việc đời nay.

  • Suy thịnh tồn vong

    Suy thịnh tồn vong

    衰盛存亡

    Suy: Sút kém, không thạnh. Thịnh: thạnh vượng. Tồn: còn. Vong: mất.

    Suy thịnh tồn vong là lúc suy kém, lúc hưng thạnh, lúc còn, lúc mất. Đó là những trạng thái thường thấy trong cuộc sống, luôn luôn biến đổi, hết suy tới thịnh, hết còn tới mất.

  • Suy tiểu tri đại

    Suy tiểu tri đại

    推小知大

    Suy: Suy nghĩ, suy xét, tìm ra mối. Tiểu: nhỏ. Tri: biết. Đại: lớn.

    Suy tiểu tri đại là suy nghĩ việc nhỏ thì biết việc lớn.

  • Suy tồi

    Suy tồi

    衰摧

    A: To degenerate.

    P: Dégénérer.

    Suy: Sút kém, không thạnh. Tồi: hư tệ.

    Suy tồi là sút kém hư hỏng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phong hóa khiến suy tồi, luân thường càng....

  • Suy vi

    Suy vi

    衰微

    A: To decline.

    P: Tomber en décadence.

    Suy: Sút kém, không thạnh. Vi: hèn.

    Suy vi là sút kém thấp hèn.

    Kinh Sám Hối:
    Khi vận thới lung lăng chẳng kể,
    Lúc suy vi bày lễ khẩn cầu.
  • Suy vong

    Suy vong

    衰亡

    A: Lost.

    P: Perdu.

    Suy: Sút kém, không thạnh. Vong: mất.

    Suy vong là sút kém dần rồi mất hẳn.

  • SƯ: 師 Thầy dạy học.

    Thí dụ: Sư đệ, Sư phó.

  • Sư đệ - Sư đồ

    Sư đệ - Sư đồ

    師弟 - 師徒

    A: The master and pupil.

    P: Maître et élève.

    Sư: Thầy dạy học. Đệ: học trò. Đồ: học trò.

    Sư đệ, đồng nghĩa Sư đồ, là thầy trò, tình nghĩa giữa thầy và trò.

    Thời xưa, với quan niệm: Quân, Sư, Phụ, thì tình nghĩa giữa thầy và trò rất nặng, cái công giáo hóa của thầy cũng bằng cái công sinh dưỡng của cha mẹ.

  • Sư hư vô

    Sư hư vô

    師虛無

    A: Master in the nothingness.

    P: Maître dans le néant.

    Sư: Thầy dạy học. Hư vô: cõi mà mắt phàm thấy trống không nhưng rất huyền diệu, vì cõi ấy sanh ra tất cả các pháp.

    Sư hư vô là vị Thầy ở cõi hư vô, đó là Đức Chí Tôn.

    Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ xưng mình là Thầy và gọi các tín đồ mà môn đệ.

    Kinh Xuất Hội: Đạo hư vô, Sư hư vô.

  • Sư phó

    Sư phó

    師傅

    A: The master of king or of crown-prince.

    P: Le maître du roi ou du prince héritier.

    Sư: Thầy dạy học. Phó: phụ, giúp.

    Sư Phó là thầy dạy vua khi vua còn nhỏ tuổi, hay là thầy dạy thái tử. Thái tử là người sẽ nối ngôi vua.

    (Chữ Phó 傅 ở đây không có nghĩa là chức Phó 副 phụ tá cho chức Chánh như Chánh Trị Sự và Phó Trị Sự).

    Nơi cõi thiêng liêng, Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) là Sư Phó của Bạch Vân Động. Đó là vị thầy của tất cả các vị Thánh trong Bạch Vân Động, đứng đầu và cầm quyền điều khiển Bạch Vân Động.

  • Sư phụ - Sư mẫu

    Sư phụ - Sư mẫu

    師父 - 師母

    A: Master - Master "s wife.

    P: Maître - Femme du maître.

    Sư: Thầy dạy học. Phụ: Cha. Mẫu: mẹ.

    Sư phụ là tiếng gọi tôn xưng thầy học của mình, xem thầy như cha của mình.

    Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị: Vái cùng sư phụ linh thiêng.

    Quí vị tu sĩ trong Phạm Môn đều gọi Đức Phạm Hộ Pháp là Sư phụ, nên gọi chư vị Thời Quân là Sư thúc.

    · Học trò gọi vợ của sư phụ mình là Sư mẫu.

    · Học trò gọi anh của Sư phụ là Sư bá.

    · Học trò gọi em của Sư phụ là Sư thúc.

    · Sư huynh, Sư tỷ là anh hay chị cùng học một thầy.

    · Sư đệ, Sư muội là em trai hay em gái cùng học một thầy.

  • SỬ

    SỬ

    1. SỬ: 史 Lịch sử.

    Thí dụ: Sử cương, Sử quán.

    2. SỬ: 使 Sai khiến, làm cho.

    Thí dụ: Sử nhơn.

  • Sử cương

    Sử cương

    史綱

    A: The general history.

    P: Histoire générale.

    Sử: Lịch sử. Cương: những nét chính, đại cương.

    Sử cương là đại cương về lịch sử, tức là chỉ trình bày những nét chánh của lịch sử.

  • Sử dụng

    Sử dụng

    使用

    A: To employ.

    P: Employer.

    Sử: Sai khiến, làm cho. Dụng: dùng.

    Sử dụng là dùng trong một công việc.

  • Sử liệu

    Sử liệu

    史料

    A: Historical documents.

    P: Documents historiques.

    Sử: Lịch sử. Liệu: tài liệu.

    Sử liệu là những tài liệu để nghiên cứu lịch sử.

  • Sử nhơn

    Sử nhơn

    使人

    Sử: Sai khiến, làm cho. Nhơn: người.

    Sử nhơn là làm cho người, khiến cho người...

    Kinh Cứu Khổ: Sử nhơn vô ác tâm. (Làm cho người không còn ác tâm)

    Kinh Cứu Khổ: Kinh Cứu Khổ.

  • Sử quán

    Sử quán

    史館

    A: The historical archives, Service of historians.

    P: Archives historiques, Service des historiens.

    Sử: Lịch sử. Quán: nhà, sở để làm việc công.

    Sử quán là nhà tàng trữ tài liệu lịch sử, là cơ quan làm việc của những người viết sử.

  • Sử thi

    Sử thi

    史詩

    A: Epic poem.

    P: Poème épique.

    Sử: Lịch sử. Thi: thơ ca.

    Sử thi là thơ ca về lịch sử, tức là những bản anh hùng ca nói về lịch sử của một dân tộc.

  • Sử xanh

    Sử xanh

    A: History book.

    P: Livre d" histoire.

    Sử: Lịch sử. Xanh: màu xanh.

    Sử xanh là dịch chữ Thanh sử. Thời xưa, người ta dùng những miếng tre xanh để khắc chữ trên đó mà chép sử. Cho nên sách sử thời xưa gọi là Thanh sử.

    Sử xanh là sách lịch sử.

  • SỰ

    SỰ

    SỰ: 事 - Việc. - Tai biến. - Thờ phụng.

    Thí dụ: Sự cố, Sự lý, Sự thân.

  • Sự cố

    Sự cố

    事故

    A: Incident.

    P: Incident.

    Sự: Tai biến. Cố: việc, cái cớ.

    Sự cố là việc bất ngờ xảy đến có tầm quan trọng.

  • Sự lý

    Sự lý

    事理

    A: The things and the reason of things.

    P: Les choses et la raison des choses.

    Sự: Việc. Lý: cái lẽ, cái lý do.

    Sự lý là sự việc và cái lý lẽ của nó.

    Sự lý là cái lý do phát sanh ra việc đó.

  • Sự nghiệp

    Sự nghiệp

    事業

    A: The work.

    P: L"oeuvre.

    Sự: Việc. Nghiệp: việc lớn.

    Sự nghiệp là toàn thể việc làm của một cá nhân hay của một đoàn thể, có ích lợi lớn và lâu dài cho đời.

  • Sự thân

    Sự thân

    事親

    A: To serve one"s parents.

    P: Servir ses parents.

    Sự: Thờ phụng. Thân: gần gũi thương yêu, chỉ cha mẹ.

    Sự thân là phụng dưỡng cha mẹ, thờ phụng cha mẹ.

  • Sự thế

    Sự thế

    事世

    A: The affairs of life.

    P: Les affaires de la vie.

    Sự: Việc. Thế: đời.

    Sự thế là việc đời.

    Kinh Khai Cửu Ðại Tường Tiểu Tường: Dứt tan sự thế nợ trần từ đây.

  • Sự tử như sự sanh

    Sự tử như sự sanh

    事死如事生

    Sự: Thờ phụng. Tử: chết. Sanh: sống. Sự tử: thờ phụng người chết. Sự sanh: thờ phụng người sống.

    Sự tử như sự sanh là thờ phụng người chết tưởng như thờ phụng người sống, việc kính trọng phải như nhau.

    Đức Khổng Tử có nói: "Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã." Nghĩa là: Thờ người chết tưởng như thờ người sống, thờ người mất tưởng như thờ người còn, ấy mới là chí hiếu vậy.

  • Sửa áo nâng khăn

    Sửa áo nâng khăn

    A: The obligations of wife.

    P: Les obligations de femme.

    Do thành ngữ hán văn: Thị phụng cân trất: dịch ra là: Sửa áo nâng khăn, hay Nâng khăn sửa túi, là để chỉ công việc của người vợ săn sóc chồng.

    Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu: Theo tùng phu sửa áo nâng khăn.

  • Sửa cải

    Sửa cải

    A: To modify.

    P: Modifier.

    Cải: sửa đổi. Sửa cải là sửa đổi thêm bớt cho vừa ý.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Giáo Hữu đặng phép hành lễ y như thức lệ Giáo Sư sở định, không đặng phép sửa cải, nhứt nhứt phải đợi lịnh Giáo Sư.

  • Sửa dải

    Sửa dải

    Dải: cái dải áo hay cái dải mũ bằng vải hay lụa, cột cho thòng xuống, trong bộ y phục của các quan đi chầu vua.

    Sửa dải là người vợ sửa lại cái dải áo hay dải mũ cho chồng, khi chồng mặc triều phục vào chầu vua, ý nói: vợ chăm sóc chồng.

    Điển tích: Vợ Châu Công sửa dải.

    Châu Công Đán, thường gọi là Châu Công, là con thứ tư của Châu Văn Vương, phò anh là Võ Vương. Khi Châu Công vào triều chầu vua thì vợ Châu Công thường cột dải áo và dải mũ cho chồng, sửa cho ngay ngắn tươm tất. Khi chồng trở về, Bà tháo dải áo và dải mũ ra, xếp cất cẩn thận. Bà còn tề gia nội trợ, lo việc canh cửi, làm gương cần kiệm cho dân, chớ không ỷ mình là một mệnh phụ của triều đình mà xa hoa kiêu hãnh.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Vợ Châu Công đình thần mệnh phụ,
    Ở thôn quê lam lụ làm ăn.
    Chồng thì triều nội cao sang,
    Vợ lo canh cửi cơ hàn khổ thân.

    Giúp chồng đặng ân cần nhiếp chánh,
    Cho nên trang chúa thánh tôi hiền.
    Vợ không tham nhũng bạc tiền,
    Chồng lo trọn đạo nắm quyền chăn dân.

    Kinh Hôn Phối:
    Tua đút cơm, sửa dải làm duyên.
  • Sửa dép vườn dưa - Sửa mũ dưới đào

    Sửa dép vườn dưa - Sửa mũ dưới đào

    Do câu hán văn: Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan, nghĩa là: Đi qua ruộng dưa không cúi sửa dép, đi dưới cây lý (đào, mận) không sửa mũ (nón).

    (Xem ý nghĩa nơi chữ: Qua điền lý hạ, vần Q)

  • Sửa đương

    Sửa đương

    A: To correct.

    P: Corriger.

    Sửa đương là ra sức sửa chữa.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Đặng phép sửa đương, giúp đỡ, dìu dắt, dạy dỗ chư tín đồ trong địa phận trấn nhậm.

  • Sửa lòng

    Sửa lòng

    A: To correct oneself.

    P: Se corriger.

    Sửa lòng, chữ hán là Tu tâm, tức là sửa đổi cái tâm của mình cho được trong sạch, ngay chánh.

    Khai Kinh: Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh kinh.

    Khai Kinh: Khai Kinh.

  • Sửa trị

    Sửa trị

    A: To administer.

    P: Administrer.

    Sửa trị là sửa lại cho đúng và trừng trị kẻ phạm tội.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chư Đạo hữu mựa chớ luận bàn, để phải quấy Lão cũng ra tay sửa trị được vậy. (Lão: Đức Lý Giáo Tông)

  • Sừng đội lông mang

    Sừng đội lông mang

    Sừng đội: đầu đội sừng. Lông mang: mình có lông.

    Sừng đội lông mang là nói loài thú như: trâu, bò, dê,....

    Sừng đội lông mang là chỉ kiếp sống của loài thú vật.

    Theo Thuyết luân hồi nhân quả, một người làm nhiều điều ác độc, khi chết linh hồn bị trừng phạt nặng nơi Địa ngục, rồi bị đầu thai làm thú vật mang lông đội sừng mà đền tội lỗi.

    Kinh Sám Hối:
    Lương tâm biết hổ ngươi chừa lỗi,
    Mới biệt phân sừng đội lông mang.
  • Sừng sựng (Sừng sững)

    Sừng sựng (Sừng sững)

    A: To be standing motionless.

    P: Se tenir debout et immobile.

    Sừng sựng hay Sừng sững là chỉ một vật to lớn đứng trơ ra không nhúc nhích, vững chắc như chôn chặt một chỗ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tòa Thánh là cội nguồn, ngày nào được sừng sựng đứng vững, nêu trên miền Tây vức nầy, ấy là ngày họ cầu thỉnh các Đạo hữu đó.

  • Sừng thỏ lông rùa

    Sừng thỏ lông rùa

    Do thành ngữ hán văn: Thố giác qui mao: Sừng con thỏ, lông con rùa, chỉ những việc không thể xảy ra, không có thật, vì thỏ không thể có sừng, rùa không thể có lông.

  • Sưu khảo

    Sưu khảo

    搜考

    A: To search and to study.

    P: Rechercher et étudier.

    Sưu: sưu tầm, tìm kiếm. Khảo: khảo cứu, tìm tòi nghiên cứu.

    Sưu khảo là sưu tầm và khảo cứu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chỉ sau nhiều cuộc khảo cứu và sưu tầm về Thần Linh Học,....

  • Sưu tập

    Sưu tập

    蒐集

    A: To assemble.

    P: Rassembler.

    Sưu: gom góp lại. Tập: họp lại.

    Sưu tập là gom góp tất cả lại, sắp xếp cho có hệ thống, làm thành một tập sách để lưu lại và truyền bá.

    Thánh Ngôn Sưu Tập là tìm kiếm và gom góp lại tất cả các bài Thánh Ngôn (ngoài Thánh Ngôn Hiệp Tuyển), sắp xếp lại theo thứ tự ngày giáng cơ, làm thành sách để lưu truyền.

    Thánh Ngôn Sưu Tập sẽ là phần nối tiếp và bổ sung cho hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển mà Hội Thánh đã xuất bản.

  • Sưu thuế

    Sưu thuế

    搜稅

    A: Taxes, Contributions.

    P: Impôts, Contributions.

    Sưu: công việc mà người dân phải làm cho nhà nước, theo từng đầu người. Thuế: tiền mà người dân phải nộp cho nhà nước khi có lợi tức.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Đời có sưu thuế mà đặng tha đi là có tật nguyền, không phương nào bảo thân cho vẹn.