Cao Đài Tự Điển - Vần T
ID018575 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần T
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • Ta Bà Ha

    Ta Bà Ha

    娑婆訶

    Tiếng Phạn: SWÂHA được phiên âm là Ta Bà Ha hay Sa Bà Ha, có ý nghĩa bí mật trong các câu thần chú, có thể tạm giải ra là: Thành tựu, kiết tường, tiêu tai tăng phước, viên tịch, vô trụ, kính giác chư Phật, chứng minh công đức.

    Cuối các câu thần chú đều có ba chữ: Ta Bà Ha.

    Kệ chuông: Án Dà Ra Đế Dạ Ta Bà Ha.

  • Ta Bà thế giới

    Ta Bà thế giới

    娑婆世界

    Ta Bà: do phiên âm từ tiếng Phạn: Saha, nên cũng phiên âm là Sa Bà, nghĩa là nhẫn nhục, kham nhẫn. Thế giới: một cõi, một địa cầu.

    Ta Bà thế giới là cõi có nhiều sự gian ác và ô trược mà chúng sanh trong cõi đó phải nhẫn nhục cam chịu, và người tu hành phải nhẫn nhịn mọi sự thì mới có thể thành đạo được.

    Trong cõi Ta Bà thế giới nầy, có người, có ngạ quỉ, có chư Thần, sống lẫn lộn với nhau, nên rất khó tu học, nhưng ai tu học được thì rất mau tiến hóa hơn ở các cõi khác.

    Cõi trần của nhơn loại chúng ta đây là một trong các cõi Ta Bà thế giới.

    Đức Phật nói: Ở cõi Ta Bà nầy mà làm lành một ngày đêm thì hơn làm lành một trăm năm ở cõi Cực Lạc Thế Giới của Đức Phật A-Di-Đà, vì cõi Cực Lạc Thế Giới là vô vi tự nhiên, chứa đủ mọi sự lành, không có một chút dữ nào dù nhỏ như mảy lông hay sợi tóc.

    Di Lạc Chơn Kinh: Năng du Ta Bà thế giới độ tận vạn linh đắc qui Phật vị.

  • Ta thán

    Ta thán

    嗟歎

    A: To complain.

    P: Se plaindre.

    Ta: than thở. Thán: thở than.

    Ta thán là kêu than khổ sở, đồng nghĩa: Ta oán.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nước Việt Nam là Thánh địa của Đức Chí Tôn mà tránh không khỏi cái nạn ta thán, hồi hộp, sợ sệt.

  • 1. TÀ: 邪 Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh.

    Thí dụ: Tà dâm, Tà đạo, Tà quái.

    2. TÀ: 斜 Nghiêng, xế qua đầu.

    Thí dụ: Tà dương, Tà huy.

  • Tà bất thắng chánh

    Tà bất thắng chánh

    邪不勝正

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Bất: không. Thắng: hơn. Chánh: ngay thẳng.

    Tà bất thắng chánh là tà gian không thế nào thắng được chơn chánh.

  • Tà dâm

    Tà dâm

    邪淫

    A: The fornication, lewdness.

    P: La fornication, luxure.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Dâm: ham muốn khoái lạc xác thịt nam nữ.

    Tà dâm là ham muốn khoái lạc xác thịt nam nữ một cách bậy bạ, bất chánh.

    Tà dâm là giới cấm quan trọng trong Ngũ giới cấm.

    Tam bất Tà dâm: Điều răn cấm thứ ba là không tà dâm: là cấm lấy vợ người, thả theo đàng điếm, xúi giục người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt. (vợ chồng không gọi là tà dâm).

    Đức Chí Tôn dạy về giới cấm Tà dâm như sau:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vì sao Tà dâm là trọng tội?

    Phàm xác thân con người, tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn là một khối chất chứa vàn vàn muôn muôn sanh vật. Những sanh vật ấy cấu kết nhau mà thành khối vật chất có tánh linh, vì vật chất nuôi dưỡng nó đều là sanh vật, tỷ như: rau cỏ, cây trái, lúa gạo, mọi lương vật đều cũng có chất sanh. Nếu không có chất sanh thì thế nào tươi tắn đặng mà chứa sự sống, như nó khô rũ là nó chết, mà các con nào ăn vật khô héo bao giờ. Còn như nhờ lửa mà nấu thì là phương pháp tẩy trược đó thôi, chớ sanh vật bị nấu chưa hề phải chết. Các vật thực vào tỳ vị lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết, chẳng cần nói, các con cũng biết, cái chơn linh khí huyết là thế nào? Nó có thể huờn ra nhơn hình, mới có sanh sanh tử tử của kiếp nhơn loại.

    Vì vậy, một giọt máu là một khối chơn linh, như các con dâm quá độ thì sát mạng chơn linh ấy. Khi các con thoát xác thì nó đến tại Nghiệt Cảnh Đài mà kiện các con. Các con chẳng hề chối tội đặng. Phải giữ giới cấm ấy cho lắm. THĂNG.

  • Tà dương - Tà huy

    Tà dương - Tà huy

    斜陽 - 斜暉

    A: The declining sun.

    P: Le soleil déclinant.

    Tà: Nghiêng, xế qua đầu. Dương: mặt Trời. Huy: ánh sáng mặt trời.

    Tà dương là mặt trời xế chiều.

    Tà huy là ánh sáng mặt trời lúc chiều tà.

    Tà dương với Tà huy dùng như đồng nghĩa, nghĩa bóng là chỉ đời người lúc tuổi già.

  • Tà đạo - Chánh đạo

    Tà đạo - Chánh đạo

    邪道 - 正道

    A: Heresy (the false doctrine) - Orthodoxy (true doctrine)

    P: Hérésie (la fausse doctrine) - Orthodoxie (vraie doctrine).

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Đạo: con đường, tôn giáo. Chánh: ngay thẳng.

    Tà đạo đồng nghĩa Tà giáo, là con đường hay là tôn giáo dẫn dắt con người đến chỗ lầm lạc sai trái.

    Chánh đạo đồng nghĩa Chánh giáo, là con đường hay tôn giáo chơn chánh, dẫn dắt con người đến chỗ thiện mỹ.

    Tà đạo thường được ngụy trang dưới những hình thức tốt đẹp, hợp với thị hiếu của con người, sử dụng những từ ngữ hoa mỹ để dụ dỗ con người đi theo bọn chúng.

    Đối ngược với Tà đạo là Chánh đạo.

    Tà đạo và Chánh đạo là hai biểu hiện rõ rệt của hai thế lực lớn nhứt trong Càn Khôn Vũ Trụ: một của Quỉ vương là Tà đạo, một của Tiên Phật là Chánh đạo. Hai thế lực nầy luôn luôn đối kháng nhau, tranh giành ảnh hưởng lên tất cả các sinh hoạt của nhơn sanh, tạo thành một ngẫu lực vận chuyển bánh xe tiến hóa của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Người ở mức tiến hóa thấp, chưa biết quyền lực của Quỉ vương, nên nhập theo Tà đạo để học hỏi và kinh nghiệm về Tà pháp. Người ở mức tiến hóa cao hơn, tức là họ đã trải qua các bài học và kinh nghiệm của Tà đạo rồi, họ hoảng sợ và tìm đến Chánh giáo, tùng theo Chánh giáo để học hỏi, kinh nghiệm và tiến hóa thành Tiên Phật.

    Quyền lực của Chánh đạo do các Đấng Tiên Phật cầm giữ, có mục đích giúp đỡ nhơn loại phát triển ba phương diện: vật chất, tinh thần và tâm linh. Lẽ đương nhiên, quyền lực của Chánh đạo đem đến cho nhơn sanh sự thanh bình, thạnh vượng và hạnh phúc.

    Trái lại, quyền lực của Tà đạo hay của Bàng môn Tả đạo là của Quỉ vương, nhằm mục đích ngăn trở sự phát triển ba phương diện của Chánh đạo, đưa nhơn loại đến chỗ hận thù, giết chóc, lầm than đau khổ.

    Sự tác động của hai quyền lực Chánh đạo và Tà đạo rất rộng rãi, bao gồm tất cả các hoạt động của con người trên các lãnh vực như: Chánh trị, Kinh tế, Văn hóa, Tôn giáo, v.v...

    Một chánh thể dân chủ tự do đúng nghĩa, với cấp lãnh đạo sáng suốt, bảo đảm cho người dân có được một đời sống phồn thịnh về vật chất, an ổn về tinh thần, được quyền lực của Chánh đạo nâng đỡ. Trái lại, một thể chế độc tài, bạo ngược, mà cấp lãnh đạo đất nước chỉ biết lo cũng cố địa vị và quyền lợi cá nhân, đặt dân chúng dưới ách thống trị hà khắc, thì chánh thể nầy rơi vào quyền lực của Tà đạo và Quỉ vương.

    Trong các sinh hoạt về văn hóa và nghệ thuật, quốc gia nào có sự phát triển tốt đẹp về các phương diện như: Triết học, văn chương, nghệ thuật, kỹ thuật, và khi các tư tưởng của nhơn sanh được phát triển tự do, thì đó là do ảnh hưởng tốt của các quyền lực Chánh đạo. Đương nhiên, quyền lực Tà đạo không chịu bó mình thua thiệt, chúng cố gắng vùng lên, gieo rắc hột giống Tà đạo, nhưng hột giống nầy chỉ nảy nở tốt trong lòng kẻ tà tâm, mà không nảy nở được trong lòng người chơn chánh.

    Một quốc gia hung bạo gây ra chiến tranh làm cho dân chúng chết chóc, điêu linh, đau khổ thì chắc chắn các nhà lãnh đạo quốc gia ấy chịu ảnh hưởng nặng nề của quyền lực Tà đạo. Đó là những hành động trái ngược với đức háo sanh của Thượng Đế, nên trước sau gì quốc gia hung bạo đó cũng phải bị tiêu diệt. Lịch sử đã chứng minh rất nhiều trường hợp như thế. Gần đây, trong thế chiến thứ nhì, hai nhà độc tài Hitler (nước Đức) và Mussoloni (nước Ý) gây ra cuộc chiến tranh xâm lăng các nước chung quanh đặng làm bá chủ, làm cho dân chúng các nước chết chóc rất nhiều, hủy diệt nhiều thành phố,....... Cuối cùng thì họ bị tiêu diệt, để cho nhơn loại thấy rõ, bác ái thắng bạo tàn, công bình thắng gian ác, để cho Chánh phải thắng Tà, thuận theo dòng tiến hóa của Càn Khôn.

    Quyền lực của Tà đạo và Chánh đạo còn ảnh hưởng trực tiếp lên mỗi cá nhân. Người nào tánh nết đê tiện, ích kỷ, chỉ biết lo riêng cho mình, hoặc người nào bê tha trụy lạc, xu hướng vật dục thấp hèn, hay người nào chỉ biết đeo đuổi theo danh lợi, tôn thờ vật chất, thì những người đó hoàn toàn lệ thuộc vào quyền lực Tà đạo, được Tà đạo sử dụng trong mục tiêu ngăn chận sự phát triển của đạo đức tinh thần.

    Trái lại, người nào có đời sống vị tha, lo cho người hơn mình, có tín ngưỡng Trời Phật, thì những người đó được quyền lực của Chánh đạo nâng đỡ, bảo hộ họ để cho họ tiến hóa và giúp người khác tiến hóa. Quyền lực của Chánh đạo giúp cho con người tiến hóa, tức là nâng cao phẩm chất, là đi lên, thuận theo Thiên lý, mới hưởng được cái kết quả tốt đẹp là an lạc và trường tồn.

  • Tà gian

    Tà gian

    邪奸

    A: Perverse.

    P: Pervers.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Gian: dối trá.

    Tà gian là khuất lấp, dối trá, có ý lừa gạt người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trừ diệt tà gian múa bút thần.

  • Tà khí

    Tà khí

    邪氣

    A: Evil emanations.

    P: Émanations malsaines.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Khí: chất hơi, chất khí, không khí.

    Tà khí là chất khí độc, chất khí ô trược, có hại sức khỏe.

  • Tà mị - Tà quái

    Tà mị - Tà quái

    邪媚 - 邪怪

    A: Demon, devil.

    P: Démon, diable.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Mị: nịnh hót để lừa gạt. Quái: kỳ dị.

    Tà mị đồng nghĩa Tà quái, hay nói chung là Tà mị yêu quái, là chỉ đám ma quỉ, luôn luôn bày ra đủ cách gian dối để lừa gạt và làm hại người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Những sự phàm tục đều là mưu kế của tà mị yêu quái, cốt để ngăn trở bước đường Thánh đạo của các con.

    Sao con lại sai lầm mà chẳng hiểu sự cám dỗ của tà quái
  • Tà nguyệt

    Tà nguyệt

    斜月

    A: The declining moon.

    P: La lune déclinante.

    Tà: Nghiêng, xế qua đầu. Nguyệt: mặt trăng.

    Tà nguyệt là mặt trăng đã xế qua đầu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tà nguyệt vườn thu ướm trở đông.

  • Tà pháp

    Tà pháp

    邪法

    A: The diabolic means.

    P: Les moyens diaboliques.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Pháp: tất cả những điều, sự việc, hiện tượng.

    Tà pháp là tất cả những sự việc không ngay thẳng, có mục đích không tốt đẹp, trái đạo lý.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Diệt hình tà pháp cường khai đại đồng.

  • Tà quyền

    Tà quyền

    邪權

    A: The power of demons.

    P: Le pouvoir des démons.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Quyền: quyền hành, quyền lực.

    Tà quyền là quyền hành của bọn tà quái, tức là quyền lực của Quỉ vương.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chớ chi thất tại tà quyền thì có mấy em trừ khử.

  • Tà tây

    Tà tây

    A: Perverse and partial.

    P: Pervers et partiale.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Tây (nôm): riêng cho mình.

    Tà tây là lòng tà vạy và lo riêng cho mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Gìn lòng chơn chánh, chớ tà tây.

  • Tà thần

    Tà thần

    邪神

    A: Evil spirit.

    P: Mauvais génie.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Thần: vị Thần.

    Tà thần là vị thần thuộc Tà phái của Quỉ vương.

    Trái với Tà thần là Chánh Thần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Còn bỏ đạo thì các con ở dưới phép Tà thần.

    Những kẻ nào đã làm môn đệ của Tà thần tinh quái thì không thế gì làm môn đệ Thầy đặng.
  • Tà thuật

    Tà thuật

    邪術

    A: Black magic.

    P: Magie noire.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Thuật: pháp thuật, vẽ bùa bắt ấn.

    Tà thuật là pháp thuật bất chánh của Tà phái, có ý dối gạt người để thủ lợi.

  • Tà thuyết

    Tà thuyết

    邪說

    A: False doctrine.

    P: Doctrine fausse.

    Tà: Lệch, cong vạy, gian trá, ma quỉ, trái với Chánh. Thuyết: lý thuyết, luận thuyết.

    Tà thuyết là luận thuyết bất chánh, có mục đích lừa bịp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Để bài trừ tà thuyết và truyền bá chơn đạo trên toàn cầu.

  • 1. TÁ: 借 Mượn.

    Thí dụ: Tá danh, Tá phàm.

    2. TÁ: 佐 Giúp, phụ giúp.

    Thí dụ: Tá lý.

  • Tá danh

    Tá danh

    借名

    A: Assumed name.

    P: Pseudonyme.

    Tá: Mượn. Danh: tên.

    Tá danh là mượn một tên khác mà không xưng tên thiệt.

    Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài.

    Bài thi sau đây, Đức Chí Tôn khoán thủ 8 chữ: NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ TÁ DANH CAO ĐÀI.

    NGỌC bích non Côn nếu muốn tầm,
    HOÀNG thành mong đến phải bền tâm.
    THƯỢNG hành hạ liệu toàn cầu phục,
    ĐẾ tạo tam nguơn một lão cầm.
    TÁ thế cứu dân trong nước lửa,
    DANH truyền độ chúng khỏi hang thâm.
    CAO huyền diệu lý dìu con dại,
    ĐÀI thượng xét xem thế chẳng lầm.

    Bài thi nầy, Đức Chí Tôn giáng cơ cho tại Minh Thiện Đàn (Phú Mỹ) ngày 18-6-Tân Mùi 1931.

  • Tá hoa hiến Phật

    Tá hoa hiến Phật

    借花獻佛

    Tá: Mượn. Hoa: bông. Hiến Phật: dâng lên Phật.

    Tá hoa hiến Phật là mượn hoa của người khác dâng lên cúng Phật. Ý nói: Dùng của người nầy để lấy lòng người khác, giống như lấy xôi làng đãi ăn mày.

  • Tá lý

    Tá lý

    佐理

    A: Adjuvant.

    P: Adjuvant.

    Tá: Giúp, phụ giúp. Lý: sắp đặt sửa sang công việc.

    Tá lý là giúp đỡ sửa sang công việc.

    Tá Lý là một phẩm Chức việc trong Cơ Quan Công Thợ nơi Tòa Thánh do Đức Phạm Hộ Pháp lập ra, có nhiệm vụ cai quản một Sở có nhiều công thợ, chịu dưới quyền của Phó Tổng Giám và Tổng Giám.

    Thí dụ: Tá Lý Sở Đắp Vẽ là vị làm đầu Sở Đắp Vẽ và cai quản các công thợ đắp vẽ.

    Tá Lý đối phẩm Chánh Trị Sự bên Cửu Trùng Đài và Hành Thiện bên Cơ Quan Phước Thiện. Tá Lý không có Đạo phục riêng.

    Tá Lý phải có đủ 5 năm công nghiệp mới được thăng lên Phó Tổng Giám. (Xem chi tiết nơi chữ: Kiến Trúc, vần K)

  • Tá phàm

    Tá phàm

    借凡

    A: The incarnation.

    P: L" incarnation.

    Tá: Mượn. Phàm: tầm thường, chỉ người phàm, cõi trần.

    Tá phàm là mượn xác thân phàm để làm một người phàm nơi cõi trần mà thi hành phận sự.

    Muốn tá phàm như vậy thì chơn linh phải đầu kiếp xuống cõi trần làm người phàm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy biết có những chơn linh vì lãnh mạng tá phàm mà dìu dắt các con của Thầy....

  • Tá thế

    Tá thế

    借世

    Tá: Mượn. Thế: đời, cõi đời, cõi trần.

    Tá thế là mượn cõi đời để làm việc giúp ích nhơn sanh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cao Đài tá thế đến phàm gian.

  • Tá trợ

    Tá trợ

    佐助

    A: To help.

    P: Aider.

    Tá: Giúp, phụ giúp. Trợ: giúp đỡ.

    Tá trợ là giúp đỡ.

  • Tá túc

    Tá túc

    借宿

    A: To live in a place temporarily.

    P: Habiter provisoirement.

    Tá: Mượn. Túc: đêm, nghỉ đêm ở một nơi nào.

    Tá túc là mượn một đêm, ý nói: xin ngủ nhờ một đêm, nghĩa thường dùng là xin ở tạm nơi nhà của người quen trong một thời gian ngắn.

  • TẢ

    TẢ

    TẢ: 左 - Phía tay trái, trái với Hữu. - Bất chánh.

    Thí dụ: Tả chiêu hữu mục, Tả đạo.

  • Tả chiêu hữu mục

    Tả chiêu hữu mục

    左昭右穆

    Tả: Phía tay trái, trái với Hữu. Hữu: bên mặt.

    Trong nhà thái miếu, nhà thờ tổ tiên của vua, ngôi thờ bên tả gọi là Tả chiêu, ngôi thờ bên hữu gọi là Hữu mục.

    Trong bản đồ thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng phân ra Tả chiêu và Hữu mục.

  • Tả đạo

    Tả đạo

    左道

    A: The perverse way: Heresy.

    P: La voie perverse: Hérésie.

    Tả: Bất chánh. Đạo: con đường, tôn giáo.

    Tả đạo là con đường tà vạy, tôn giáo không chánh đáng.

    Thường nói: Tả đạo Bàng môn: tôn giáo sai trái, không phải là Chánh đạo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các tên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật bị mạo nhận mà lập nên tả đạo.

  • Tả phái

    Tả phái

    左派

    A: Party of left wing.

    P: Le parti de gauche.

    Tả: Phía tay trái, trái với Hữu. Phái: đảng phái.

    Tả phái là đảng phái ngồi bên cánh tả của nghị viện, thuộc phe cấp tiến, có tính cách cực đoan, đối lập với phái ngồi bên cánh hữu của nghị viện, thuộc phe bảo thủ.

    Phái ôn hòa thì ngồi ở giữa hai phái tả và hữu.

    Tả khuynh: khuynh hướng về tả phái.

  • Tả Phan Quân

    Tả Phan Quân

    左幡君

    Tả: Phía tay trái, trái với Hữu. Phan: lá phướn. Quân: người.

    Tả Phan Quân là vị Chức sắc cầm phướn Thượng Sanh, đứng phía tay trái của Đức Thượng Sanh khi chầu lễ nơi Tòa Thánh. (Xem chi tiết nơi chữ: Hữu Phan Quân, vần H)

  • Tả tư hữu tưởng

    Tả tư hữu tưởng

    左思右想

    Tả: Phía tay trái, trái với Hữu. Hữu: bên mặt. Tư tưởng: suy nghĩ.

    Tả tư hữu tưởng là suy tới nghĩ lui, phải trái, rất cẩn thận.

  • Tả xung hữu đột

    Tả xung hữu đột

    左衝右突

    Tả: Phía tay trái, trái với Hữu. Xung: đánh thẳng tới trước. Hữu: bên phải. Đột: đánh vào quân địch.

    Tả xung hữu đột là đánh bên tả, đánh bên hữu, ý nói phải đối phó nhiều phía cùng một lúc.

  • TẠ

    TẠ

    TẠ: 謝 - Nói lời cảm ơn. - Xin lỗi. - Từ chối.

    Thí dụ: Tạ lễ, Tạ tội, Tạ thế.

  • Tạ bệnh

    Tạ bệnh

    謝病

    A: To excuse oneself for reason of illness.

    P: S" excuser pour cause de maladie.

    Tạ: - Nói lời cảm ơn. - Xin lỗi. - Từ chối. Bệnh: bịnh hoạn, ốm đau.

    Tạ bệnh là xin từ chối hay rút lui vì có bệnh.

  • Tạ khách

    Tạ khách

    謝客

    A: To refuse to receive guests.

    P: Éconduire les visiteurs.

    Tạ: - Nói lời cảm ơn. - Xin lỗi. - Từ chối. Khách: người khách đến nhà.

    Tạ khách là từ chối không tiếp khách.

  • Tạ lễ

    Tạ lễ

    謝禮

    A: To thank with a present.

    P: Remercier pour un present.

    Tạ: - Nói lời cảm ơn. - Xin lỗi. - Từ chối. Lễ: làm lễ.

    Tạ lễ là làm lễ tạ ơn Thần Thánh, vì đã phò trợ mình đạt được nhiều kết quả.

    Tạ lễ còn có nghĩa là đem lễ vật đến đáp lại người ta để tỏ lòng biết ơn và kính trọng.

  • Tạ thế

    Tạ thế

    謝世

    A: To die.

    P: Quitter le monde.

    Tạ: - Nói lời cảm ơn. - Xin lỗi. - Từ chối. Thế: đời.

    Tạ thế là từ bỏ cõi đời, ý nói chết.

  • Tạ tội

    Tạ tội

    謝罪

    A: To confess one" fault.

    P: Avouer sa faute.

    Tạ: - Nói lời cảm ơn. - Xin lỗi. - Từ chối. Tội: tội lỗi.

    Tạ tội là nhận tội và xin tha thứ.

  • Tạ từ

    Tạ từ

    謝辭

    A: To thank and take leave.

    P: Remercier et se retirer.

    Tạ: - Nói lời cảm ơn. - Xin lỗi. - Từ chối. Từ: lời nói, từ biệt.

    Tạ từ là nói lời cảm tạ và từ biệt, hay là nói lời đáp tạ.

  • TÁC

    TÁC

    TÁC: 作 Làm ra, gây ra, tạo nên.

    Thí dụ: Tác động, Tác nghiệt, Tác trái.

  • Tác động

    Tác động

    作動

    A: To act.

    P: Agir.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Động: chuyển động.

    Tác động là làm cho chuyển động.

  • Tác hợp (Tác hiệp)

    Tác hợp (Tác hiệp)

    作合

    A: To unite, to marry.

    P: Réunir, marier.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Hợp: Hiệp: hợp lại.

    Tác hợp là làm cho sum hợp với nhau thành vợ chồng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Tác hiệp sẵn nhờ xây bĩ thới,
    Thành song trước định gặp thư hùng.
  • Tác nghiệt

    Tác nghiệt

    作孽

    A: To cause misfortune.

    P: Causer du malheur.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Nghiệt: cái mầm ác, nghiệp ác.

    Tác nghiệt là làm điều ác tạo ra ác nghiệp.

  • Tác phong

    Tác phong

    作風

    A: Behaviour.

    P: Conduite.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Phong: cử chỉ dáng dấp.

    Tác phong là lề lối làm việc, cách đối xử với người khác.

  • Tác quyền sở hữu

    Tác quyền sở hữu

    作權所有

    A: Copyright, Author" s rights.

    P: Droit d" auteur.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Quyền: quyền hành. Sở hữu: cái có của mình.

    Tác quyền là quyền sáng tác của người làm văn nghệ.

    Tác quyền sở hữu là quyền sở hữu về tác phẩm của tác giả, được phép cấm kẻ khác in ra hay sao lục.

  • Tác tệ

    Tác tệ

    作弊

    A: To do bad.

    P: Faire le mal.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Tệ: hư, xấu.

    Tác tệ là làm điều xấu xa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cũng tự mình tác tệ, chờ ăn năn rất muộn về sau.

  • Tác thành

    Tác thành

    作成

    A: To perfect.

    P: Parfaire.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Thành: nên, nên việc.

    Tác thành là làm nên, làm nên công việc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tác thành kim thể đắc trường sanh.

  • Tác trái

    Tác trái

    作債

    A: To lend.

    P: P: Prêter.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Trái: món nợ.

    Tác trái là cho vay nợ.

    Người tác trái là người chủ nợ, gọi là Trái chủ; còn người mắc nợ thì gọi là Trái hộ, hay Trái gia.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Hạng thứ nhì là hạng tác trái, nghĩa là người đã cho vay.

  • Tác uy tác phúc

    Tác uy tác phúc

    作威作福

    A: To make the happy or unhappy.

    P: Faire le bonheur ou le malheur.

    Tác: Làm ra, gây ra, tạo nên. Uy: Oai: oai quyền. Phúc: điều tốt lành.

    Tác uy tác phúc là dùng oai quyền để làm phước hay làm họa cho người.

  • TẠC

    TẠC

    1. TẠC: 鑿 Đào, soi lỗ, đục chạm thành tượng.

    Thí dụ: Tạ dạ, Tạc tỉnh, Tạc tượng.

    2. TẠC: 酢 Khách mời rượu lại.

    Thí dụ: Tạc thù.

    3. TẠC: 昨 Hôm qua.

    Thí dụ: Tạc triêu, Tạc tử.

  • Tạc dạ ghi lòng

    Tạc dạ ghi lòng

    A: To engrave in the heart.

    P: Graver dans son coeur.

    Tạc: Đào, soi lỗ, đục chạm thành tượng. Dạ: lòng. Tạc dạ là ghi khắc vào lòng.

    Tạc dạ ghi lòng là ghi khắc vào lòng, không bao giờ quên.

  • Tạc thù

    Tạc thù

    酢酬

    A: To drink together.

    P: Boire ensemble.

    Tạc: Khách mời rượu lại. Thù: chủ nhà rót rượu mời khách.

    Tạc thù hay Thù tạc là chủ nhà và khách rót rượu mời qua mời lại, đáp tình với nhau.

    Ý nói: bạn bè giao tiếp thân mật với nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Giao tiếp cùng nhau cho có nét yêu dấu, tạc thù trong niềm Đạo hữu........

  • Tạc tỉnh nhi ẩm

    Tạc tỉnh nhi ẩm

    鑿井而飲

    Tạc: Đào, soi lỗ, đục chạm thành tượng. Tỉnh: giếng. Nhi: mà. Ẩm: uống.

    Tạc tỉnh nhi ẩm là đào giếng mà uống.

    Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực: Đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn, ý nói: tự mình mưu sinh.

  • Tạc triêu

    Tạc triêu

    昨朝

    A: Yesteday morning.

    P: Hier matin.

    Tạc: Hôm qua. Triêu: buổi sáng.

    Tạc triêu là sáng hôm qua.

  • Tạc tử kim sanh

    Tạc tử kim sanh

    昨死今生

    Tạc: Hôm qua. Tử: chết. Kim: nay. Sinh: sống.

    Tạc tử kim sanh: trước chết nay sống, trước nguy nay an.

  • Tạc tượng

    Tạc tượng

    鑿像

    A: To sculpture statue.

    P: Sculpter une statue.

    Tạc: Đào, soi lỗ, đục chạm thành tượng. Tượng: pho tượng.

    Tạc tượng là lấy gỗ hay đá chạm khắc thành pho tượng.

  • TAI

    TAI

    TAI: 災 Cái họa hại làm hao tổn.

    Thí dụ: Tai ách, Tai biến, Tai ương.

  • Tai ách

    Tai ách

    災厄

    A: Misfortune.

    P: Malheur.

    Tai: Cái họa hại làm hao tổn. Ách: khốn khổ.

    Tai ách là tai nạn khốn khổ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thời cuộc tuần hòan, tai ách khởi.

  • Tai biến

    Tai biến

    災變

    A: Misfortune.

    P: Malheur.

    Tai: Cái họa hại làm hao tổn. Biến: thay đổi thình lình.

    Tai biến là điều không may xảy đến thình lình.

    Tai biến bất kỳ: Tai vạ đến thình lình, không hẹn trước.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhơn loại hiện nay chịu đau khổ bởi nhiều cuộc tai biến.

  • Tai họa

    Tai họa

    災禍

    A: The calamity.

    P: La calamité.

    Tai: Cái họa hại làm hao tổn. Họa: điều tổn hại lớn.

    Tai họa là điều rủi ro gây tổn hại lớn.

    Kinh Sám Hối: Cũng có khi tai họa trả liền.

  • Tai mắt

    Tai mắt

    A: The notability.

    P: La notabilité.

    Tai: lỗ tai để nghe. Mắt: con mắt để thấy.

    Tai mắt là người thấy rộng hiểu xa, có danh vọng trong một vùng dân cư.

    Kinh Sám Hối: Người tai mắt đạo nhà khá giữ.

  • Tai nguy

    Tai nguy

    災危

    A: Disaster.

    P: Désastre.

    Tai: Cái họa hại làm hao tổn. Nguy: nguy hiểm, ngặt nghèo.

    Tai nguy là tai nạn nguy hiểm.

    Kinh Sám Hối:
    Thấy người gặp lúc tai nguy,
    Ra tay tế độ ấy thì lòng nhơn.
  • Tai ương

    Tai ương

    災殃

    A: The calamity.

    P: La calamité.

    Tai: Cái họa hại làm hao tổn. Ương: họa hại.

    Tai ương là cái họa hại lớn.

    Kinh Cầu Siêu: Hộ kẻ lành chế cải tai ương.

  • Tai vách mạch rừng

    Tai vách mạch rừng

    Tai: lỗ tai để nghe. Mạch: đường thông.

    Tai vách mạch rừng là vách có lỗ tai, rừng có đường thông. Ý nói: Phải cẩn thận khi nói chuyện bí mật vì có thể có người rình nghe ở ngoài vách, hay ở đường thông trong rừng.

  • TÀI

    TÀI

    1. TÀI: 才 Tài năng làm được việc.

    Thí dụ: Tài cán, Tài đức, Tài nghệ.

    2. TÀI: 財 Tiền bạc.

    Thí dụ: Tài chánh, Tài thí.

    3. TÀI: 材 Gỗ dùng làm đồ đạc.

    Thí dụ: Tài liệu.

    4. TÀI: 裁 Trồng cây.

    Thí dụ: Tài bồi.

  • Tài bất khả ỷ

    Tài bất khả ỷ

    才不可倚

    Tài: Tài năng làm được việc. Bất: không. Khả: khá. Ỷ: cậy, nhờ cậy.

    Tài bất khả ỷ là có tài đừng nên cậy tài mà kiêu ngạo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Đừng hòng kiêu hãnh cậy mình tài,
    Nên nhớ chữ tài cận chữ tai.
    Tài ít đức nhiều còn hữu dụng,
    Tài suông đức thiếu họa nay mai.
  • Tài bồi

    Tài bồi

    裁培

    A: To cultivate.

    P: Cultiver.

    Tài: Trồng cây. Bồi: đắp thêm.

    Tài bồi là vun trồng, trau giồi, đào luyện.

  • Tài cán

    Tài cán

    才幹

    A: Capacity.

    P: La capacité.

    Tài: Tài năng làm được việc. Cán: làm việc, cốt cán.

    Tài cán là khả năng tài giỏi làm được việc.

  • Tài chánh

    Tài chánh

    財政

    A: The finance.

    P: La finance.

    Tài: Tiền bạc. Chánh: sắp đặt cho yên, quản lý.

    Tài chánh là sự quản lý về tiền bạc của một đoàn thể.

  • Tài đa lụy thân

    Tài đa lụy thân

    財多累身

    Tài: Tiền bạc. Đa: nhiều. Lụy: dính líu khổ sở. Thân: mình.

    Tài đa lụy thân là tiền của nhiều thì làm lụy đến thân.

    Đức Lão Tử nói: Dục đa thương thần, tài đa lụy thân. Nghĩa là: Lòng ham muốn nhiều thì hại tinh thần, tiền của nhiều thì lụy đến thân.

  • Tài đức

    Tài đức

    才德

    A: Talent and virtue.

    P: Talent et vertu.

    Tài: Tài năng làm được việc. Đức: đạo đức, phước đức.

    Tài đức là tài năng và đạo đức.

    Tài bất thắng đức: Tài năng không thể thắng nổi phước đức. Khi đã hưởng hết phước đức rồi thì dù có tài giỏi cách mấy cũng không thể cứu vãn được sự thất bại và suy tàn.

    Đức thắng tài vi quân tử: người có đạo đức hơn tài năng thì làm người quân tử.

    Tài thắng đức vi tiểu nhân: người có tài năng hơn đạo đức thì làm kẻ tiểu nhân.

    Luận về Tài Đức, trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có bài thi sau đây:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    ĐỨC cao thì mới đáng nên người,
    ĐỨC thắng TÀI kia đã mấy mươi.
    Có ĐỨC có TÀI giềng Đạo trọng,
    Không TÀI không ĐỨC hóa không thời.

    Bát Nương Diêu Trì Cung khuyên dạy về Tài Đức chép ra như sau:

    Tài lấn Đức, Tài mau diệt tận,
    Đức đồng Tài, Tài phấn khởi thêm.
    Mênh mông bể khổ con thuyền,
    Đạo sơ Đức kém, ngửa nghiêng sóng trần.
    Ỷ tài sức, cậy thân cậy thế,
    Tài càng nhiều càng lụy đến thân.
    Tài kia Tai nọ luôn vần,
    Đức Tài trau luyện đồng cân mới mầu.
    Trăm năm một cuộc bể dâu!
  • Tài giả tai dã

    Tài giả tai dã

    才者災也

    Tài: Tài năng làm được việc. Giả: ấy là. Tai: tai họa. Dã: vậy.

    Tài giả tai dã: tài giỏi ấy là tai họa vậy.

    Người tài giỏi mà không đạo đức thì hợm mình, khinh người, làm cho nhiều người chán ghét. Đó là tai họa vậy.

  • Tài hoa

    Tài hoa

    才華

    A: Talented.

    P: Talentueux.

    Tài: Tài năng làm được việc. Hoa: Huê: đẹp tốt.

    Tài hoa là người có tài năng phát lộ ra ngoài những tinh hoa về nhạc, họa, thơ, văn chương.

  • Tài liệu

    Tài liệu

    材料

    A: Materials, documents.

    P: Matériaux, documents.

    Tài: Gỗ dùng làm đồ đạc. Liệu: đồ vật.

    Tài liệu là chỉ chung các thứ giấy tờ, văn bản, sách vở, dùng để nghiên cứu cho hiểu rõ một vấn đề, làm thành bài thuyết trình, luận án hay một tác phẩm khảo cứu.

  • Tài mạng tương đố

    Tài mạng tương đố

    才命相妒

    Tài: Tài năng làm được việc. Mạng: Mệnh: vận mạng, số mạng. Tương: lẫn nhau. Đố: ghen ghét.

    Tài mạng tương đố là tài năng và số mạng thường hay ghen ghét nhau, đố kỵ nhau.

    Ý nói: Người có tài thì thường gặp vận xấu, còn kẻ ít tài thì thường gặp vận may.

    Cổ lai tài mạng lưỡng tương phương: xưa nay, tài và mạng, hai thứ nghịch nhau. (Phương: làm hại, trở ngại).
    Trăm năm trong cõi người ta,
    Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. (Kiều)

    Tại sao tài mạng tương đố? Đây chỉ là sự thể hiện Luật Nhân Quả. Người có tài thường hay hợm mình và khinh người, nên thất đức, mà hễ mất đức thì tai họa tới.

  • Tài mạo kiêm toàn

    Tài mạo kiêm toàn

    才貌兼全

    Tài: Tài năng làm được việc. Mạo: dáng mặt. Kiêm: một lúc làm cả hai việc. Toàn: hoàn toàn.

    Tài mạo kiêm toàn là tài năng và hình dáng đều tốt đẹp.

    Đây là câu nói khen ngợi người có tài năng và có vóc dáng đẹp đẽ.

  • Tài nghệ

    Tài nghệ

    才藝

    A: Talent and art.

    P: Talent et art.

    Tài: Tài năng làm được việc. Nghệ: nghệ thuật.

    Tài nghệ là tài năng và nghệ thuật.

  • Tài nguyên

    Tài nguyên

    財源

    A: Natural ressourses.

    P: Les ressources naturelles.

    Tài: Tiền bạc. Nguyên: nguồn gốc.

    Tài nguyên là cái nguồn sanh ra của cải, ý nói: của cải do thiên nhiên tạo ra cho một nước.

  • Tài sắc

    Tài sắc

    才色

    A: Talent and beauty.

    P: Talent et beauté.

    Tài: Tài năng làm được việc. Sắc: sắc đẹp của con gái.

    Tài sắc là chỉ người con gái có tài năng và có sắc đẹp.

    Tài sắc cũng có nghĩa trong thành ngữ: trai tài gái sắc, con trai tài giỏi kết duyên với người con gái có sắc đẹp.

    Nữ Trung Tùng Phận: Mẹ dạy con gái:
    Trông người so sánh với ta,
    Lường tài cân sắc hiệp hòa mới nên.

  • Tài sơ trí thiển

    Tài sơ trí thiển

    才疏智淺

    Tài: Tài năng làm được việc. Sơ: thưa, ít. Trí: sự hiểu biết. Thiển: cạn.

    Tài sơ trí thiển là tài năng thưa thớt, hiểu biết nông cạn.

    Đây là câu nói tự khiêm về mình, không dám nhận mình là người tài giỏi, có hiểu biết sâu rộng.

    Tài sơ đức bạc: tài ít đức mỏng.

    Đây cũng là câu nói tự khiêm về mình.

  • Tài thí

    Tài thí

    財施

    A: To give money to s.o.

    P: Donner d" une monaie à qqn.

    Tài: Tiền bạc. Thí: bố thí, đem cho.

    Tài thí là đem tiền bạc, của cải đến giúp đỡ người nghèo.

    Đây là một trong 3 cách bố thí: Tài thí, Pháp thí, và Vô Úy thí. (Xem chi tiết nơi chữ: Bố thí, vần B)

    Kinh Sám Hối:
    Thí tiền, thí bạc, chẩn bần,
    Người đau thí thuốc, Thánh Thần phước ban.
  • Tài tình

    Tài tình

    才情

    A: Talented and clever.

    P: Talentueux et habile.

    Tài: Tài năng làm được việc. Tình: tình cảm.

    Tài tình là giỏi lắm, khéo lắm.

    Tài tình còn có nghĩa là tài giỏi và giàu tình cảm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đừng đừng xảo mị gọi tài tình.

  • Tài tử

    Tài tử

    才子

    Tài: Tài năng làm được việc. Tử: người.

    Tài tử có nhiều nghĩa tùy câu văn sử dụng:

    1. Tài tử là người có tài năng, học thức.

    Thí dụ:
    - Càng tài tử càng nhiều tình trái. (Ng. Công Trứ)
    - Dập dìu tài tử giai nhân. (Kiều)

    2. Tài tử là người giỏi về một bộ môn văn nghệ hay nghệ thuật, nhưng không phải chuyên nghiệp cốt để sinh sống.

    Thí dụ:

    Chơi đàn tài tử, Họa sĩ tài tử, nhiếp ảnh tài tử.

    3. Tài tử là lối làm việc tùy hứng, không đặt nặng tinh thần trách nhiệm và thiếu cố gắng.

    Thí dụ:
    Làm việc tài tử.

    4. Tài tử là các diễn viên điện ảnh, đóng phim.

    Thí dụ:
    Tài tử điện ảnh.
  • Tài vật

    Tài vật

    財物

    A: Money and materials.

    P: Argent et matériels.

    Tài: Tiền bạc. Vật: vật dụng.

    Tài vật là tiền bạc và vật dụng.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Ngoài ra những vị nào hảo tâm dâng thêm tài vật chi xứng đáng thì đặng nêu tên vào Bảng Danh dự để làm kỷ niệm nơi cơ sở.

  • TÁI

    TÁI

    1. TÁI: 再 Lại một lần nữa.

    Thí dụ: Tái bản, Tái cầu, Tái thệ.

    2. TÁI: 塞 Vùng biên giới.

    Thí dụ: Tái ông thất mã.

  • Tái bản

    Tái bản

    再版

    A: To reprint.

    P: Réimprimer.

    Tái: Lại một lần nữa. Bản: bản in sách.

    Tái bản là in cuốn sách lại một lần nữa.

  • Tái bút

    Tái bút

    再筆

    A: Post-script (viết tắt PS).

    P: Post-scriptum (PS).

    Tái: Lại một lần nữa. Bút: viết, cây viết.

    Tái bút là viết thêm vào chỗ phía sau của một bức thơ đã ký.

  • Tái cầu

    Tái cầu

    再求

    A: Second seance of spiritism.

    P: Deuxième séance de spiritisme.

    Tái: Lại một lần nữa. Cầu: cầu cơ.

    Tái cầu là cầu cơ một lần nữa, để cầu xin các Đấng giáng dạy thêm nữa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phải tái cầu nghe dạy.

  • Tái diễn

    Tái diễn

    再演

    A: To manifest again.

    P: Manifester de nouveau.

    Tái: Lại một lần nữa. Diễn: trình bày ra.

    Tái diễn là trình bày ra một lần nữa.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Quả kiếp trước tái diễn lại, phải vay trả kiếp sau.

  • Tái kiếp

    Tái kiếp

    再劫

    A: To reincarnate.

    P: Réincarner.

    Tái: Lại một lần nữa. Kiếp: một đời sống nơi cõi trần.

    Tái kiếp là đầu thai trở xuống cõi trần một kiếp nữa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhưng mà chẳng tái kiếp thì như nhu sĩ trốn thi.

  • Tái lập

    Tái lập

    再立

    A: To re-establish.

    P: Rétablir.

    Tái: Lại một lần nữa. Lập: dựng nên.

    Tái lập là xây dựng lại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nền Đạo chẳng phải hư, ngày nay không phương tái lập.

  • Tái ngộ

    Tái ngộ

    再遇

    A: To see again.

    P: Voir de nouveau.

    Tái: Lại một lần nữa. Ngộ: gặp.

    Tái ngộ là gặp lại một lần nữa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Một bóng luống chờ ngày tái ngộ.

  • Tái nhậm

    Tái nhậm

    再任

    A: To retake up one" s function.

    P: Reprendre sa fonction.

    Tái: Lại một lần nữa. Nhậm: gánh vác chức vụ.

    Tái nhậm là nhậm chức trở lại.

    Bát Đạo Nghị Định: Cúi xin Đức Giáo Tông từ bi tái nhậm quyền hành hầu chỉnh đốn nền Đạo.

  • Tái ông thất mã

    Tái ông thất mã

    塞翁失馬

    Tái: Vùng biên giới. Ông: ông già. Thất: mất. Mã: ngựa.

    Tái ông là ông già ở vùng biên giới giữa hai nước.

    Tái ông thất mã là ông già ở vùng biên giới mất ngựa.

    Sách Hoài Nam Tử có chép một câu chuyện như sau:

    "Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần Trường thành, có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.

    Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tỉnh nói: - Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi.

    Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ.

    Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão, và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây.

    Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: - Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.

    Con trai của ông lão rất thích cỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết nên nhảy loạn lên. Có lần con ông lão không cẩn thận để ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông lão bị què chân, tật nguyền.

    Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.

    Ông lão thản nhiên nói: - Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà được phúc.

    Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính, được sống sót ở gia đình."

    Sau khi kể câu chuyện trên, sách Hoài Nam Tử đưa ra luận điểm: Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái hậu quả của nó.

    Do đó, người đời sau lập ra thành ngữ: Tái ông thất mã, an tri họa phúc. Nghĩa là: ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.

    Hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, nên khi được phước thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái họa sẽ đến; khi gặp điều họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống.

  • Tái phạm

    Tái phạm

    再犯

    A: To be recidivist.

    P: Récidiver.

    Tái: Lại một lần nữa. Phạm: phạm vào luật pháp, phạm tội.

    Tái phạm là phạm tội một lần nữa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy cũng lấy từ bi dung cho, bằng tái phạm sẽ bị Tòa Tam Giáo trục xuất.

  • Tái phục

    Tái phục

    再復

    A: To come back again.

    P: Revenir.

    Tái: Lại một lần nữa. Phục: trở lại, phục hồi.

    Tái phục là trở lại một lần nữa.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Khi trước Thầy lỡ giao Chánh giáo cho tay phàm, hễ càng lâu chừng nào thì Thánh đức lại càng hao mòn mà phàm tâm tái phục, nhơn loại sửa cải Chánh giáo cho vừa..

  • Tái sanh - Tái thế

    Tái sanh - Tái thế

    再生 - 再世

    A: To reincarnate.

    P: Réincarner.

    Tái: Lại một lần nữa. Sanh: sanh ra. Thế: cõi đời, cõi trần.

    Tái sanh là được sanh ra một lần nữa nơi cõi trần.

    Tái thế là đầu thai xuống cõi trần một lần nữa.

    Tái sanh đồng nghĩa: Tái thế, Tái kiếp.

    Kinh Ðại Tường: Tái sanh sửa đổi chơn truyền.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Nhiều Đấng thiêng liêng cao mà lại tái thế muốn ra hèn hạ.

  • Tái thệ

    Tái thệ

    再誓

    A: To swear again.

    P: Jurer de nouveau.

    Tái: Lại một lần nữa. Thệ: thề.

    Tái thệ là lập lời thề trở lại một lần nữa, vì lời thề trước đã không giữ được, khiến nên lỗi thệ.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Đối với các Chi phái do Đại Đạo lập thành mà phản loạn chơn truyền, ngày nay đã lỗi thệ cùng Thầy, xin Hội Thánh thể lòng đại từ đại bi của Chí Tôn, mở kỳ ân xá cho họ đặng nhập môn tái thệ y theo Châu Tri số 31 đề ngày 18-9-Bính Tý.

  • Tái thủ quyền hành

    Tái thủ quyền hành

    再守權衡

    Tái: Lại một lần nữa. Thủ: nắm giữ. Quyền hành: cái quyền làm các công việc do chức vụ qui định.

    Tái thủ quyền hành là nắm giữ quyền hành trở lại để chỉ huy điều khiển các việc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão nghĩ như thế, nên nhứt định tái thủ quyền hành, đem cặp nhãn thiêng liêng thay vì cặp nhãn của Thầy, đặng thấy giùm mọi điều cho chư hiền hữu hiền muội,....

  • TẠI

    TẠI

    TẠI: 在 Đang ở, ở tại, còn.

    Thí dụ: Tại chức, Tại vị.

  • Tại chức

    Tại chức

    在職

    A: To be in function.

    P: Être en fonction.

    Tại: Đang ở, ở tại, còn. Chức: chức vụ.

    Tại chức là đang ở chức vụ.

  • Tại gia xuất gia

    Tại gia xuất gia

    在家出家

    A: To be lay at home, to leave one"s family.

    P: Être laïque à la maison, quitter sa famille.

    Tại: Đang ở, ở tại, còn. Gia: nhà. Xuất: đi ra.

    Tại gia là người tu hành nhưng còn ở tại gia đình, còn lo làm nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình.

    Người tu tại gia được gọi là: Cư sĩ, Cư gia.

    Xuất gia là người lìa hẳn gia đình nhà cửa, đến sống trong chùa, chuyên lo tu hành.

    Tại gia xuất gia là bực dõng mãnh, tuy thân tại gia mà tâm đã xuất gia, vì hoàn cảnh thế tình mà không thể đến ở chùa được, phải ở tại nhà, nhưng giữ hạnh của người xuất gia, không còn bị gia đình hay danh lợi chi phối.

    Đức Phật có nói: "Người tu tại gia còn bị nhiều ràng buộc với gia đình, khó bề tu học, nhưng nếu tu học được thì công đức nhiều hơn người xuất gia."

    Ông Tạ Linh Vận nói với một nhà sư rằng: "Sư tưởng rằng nợ thế tục của tôi chưa dứt, nhưng thực ra, tôi tuy còn ở tại gia nhưng xem như tôi đã xuất gia lâu rồi."

  • Tại vị - Thoái vị

    Tại vị - Thoái vị

    在位 - 退位

    A: To be on the throne - To abdicate.

    P: Être sur le trône - Abdiquer.

    Tại: Đang ở, ở tại, còn. Vị: ngôi vị, địa vị. Thoái: thối lui.

    Tại vị là đang ở ngôi vị. Thoái vị là lui khỏi ngôi vị.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Chúng ta thấy, trước khi lên cầm quyền vì một sơn hà xã tắc, một nhà đương quyền tại vị hay đã thoái vị cũng vậy,...

  • TAM

    TAM

    TAM: 三 Ba, số 3, thứ ba.

    Thí dụ: Tam bửu, Tam cang, Tam Kỳ.

  • Tam ác đạo

    Tam ác đạo

    三惡道

    A: Three evil ways.

    P: Trois mauvaises voies.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Ác: dữ, không lành. Đạo: con đường.

    Tam ác đạo là ba con đường ác.

    Theo Phật giáo, Lục đạo luân hồi chia ra: 3 đường thiện và 3 đường ác.

    Ba đường ác gồm: Địa ngục đạo, Ngạ quỉ đạo, Súc sinh đạo. Những kẻ làm người mà gây ra 10 nghiệp cực ác thì khi chết, linh hồn bị đọa vào Địa ngục; những kẻ gây nên 10 nghiệp ác thường thì bị đọa làm Ngạ quỉ; những kẻ gây nên 10 nghiệp ác vừa thì bị đọa làm Súc sinh. (Xem: Lục đạo, vần L)

  • Tam Bành - Lục tặc

    Tam Bành - Lục tặc

    三彭 - 六賊

    A: Three evil spirits of anger - Six brigands.

    P: Trois mauvais génies de colère - Six brigands.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Bành: họ Bành. Lục: sáu. Tặc: kẻ trộm.

    ■ Tam Bành là 3 vị ác thần họ Bành, tên của 3 vị các sách chép không thống nhứt nhau: Bành Chất, Bành Cư (Cứ, Cử, Sư), Bành Kiêu (Kiểu, Kiều, Kiển, Hiên).

    Theo Lão giáo, 3 vị ác thần nầy ở vào ba vị trí trong thân thể con người: Bành Cư ở tại thượng tiêu, Bành Chất ở tại trung tiêu và Bành Kiêu ở tại hạ tiêu, nên 3 vị ác thần nầy còn được gọi là Tam Thi Thần.

    Theo sách Thái Thượng Tam Thi trung kinh, Tam Bành thường xúi giục con người làm bậy. Đến ngày Canh Thân, Tam Bành lên tâu Thượng Đế xin trừng phạt cho con người mau chết để Tam Bành khỏi theo dõi nữa. Người ta tin rằng, những sự nóng nảy, giận dữ của con người là do Tam Bành xúi giục gây nên, để con người mất hết sáng suốt và làm điều sai trái. Cho nên khi thấy ai giận dữ thì nói là nổi Tam Bành.

    Trong phép luyện đạo, Tam Thi Thần là 3 con quỉ, trấn tại thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu. Chúng trấn ba cửa ải ấy để cho Thần và Khí không được giao thông với Càn Khôn thăng giáng. Người luyện đạo phải tịnh tâm thiền định để kềm chế Tam Thi Thần mà khai thông tam tiêu cùng cửu khiếu thì mới đắc đạo được.

    ■ Lục tặc là 6 tên trộm cướp luôn luôn rình rập để cướp đi các công đức của người tu hành. Lục tặc chính là Lục trần, tức là 6 cảnh hấp dẫn của cõi trần làm cho con người mê đắm vào. Đó là: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

    Đây là cách nói ví của Đức Phật giảng giải cho người tu dễ hiểu. Phật ví Lục trần (Lục ngoại nhập) như 6 tên trộm cướp, luôn luôn tìm cách khêu gợi Lục căn của con người, để Lục Căn sanh ra Lục dục mà xao lãng hay bỏ bê việc gìn giữ giới luật tu hành.

    Đức Phật khuyên người tu phải giữ gìn cẩn thận Lục căn (Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý), làm cho nó như xóm nhà trống không, không có của cải chi hết, để khi Lục tặc xâm nhập vào thì nó không vơ vét được gì cả. Ý của Đức Phật nói rằng: người tu gìn giữ Lục căn cho trong sạch, cao thượng, để Lục tặc không thể cướp mất công đức của mình.

    Ai giữ được như vậy thì dứt phiền não, đắc đạo.

    Con người, một khi để cho Tam Bành dấy lên, Lục tặc xâm nhập, tất nguy khốn cho thân mạng, hư hỏng việc tu hành. Muốn đắc đạo thì phải kềm chế chặt chẽ Tam Bành, gìn giữ Lục căn, không cho Lục tặc xâm nhập.

  • Tam bất hủ

    Tam bất hủ

    三不朽

    A: Three indestructibilities.

    P: Trois indestructibilités.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Bất: không. Hủ: hư hỏng mục nát.

    Tam bất hủ là ba điều không hư mục. Đó là: Lập đức, Lập công, Lập ngôn, nên cũng gọi là Tam Lập. (Xem: Tam lập)

  • Tam bửu (Tam bảo)

    Tam bửu (Tam bảo)

    三寶

    A: Three treasures.

    P: Trois trésors.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Bửu: Bảo: quí báu.

    Tam bửu hay Tam bảo là ba món quí báu.

    1. Tam bửu của Đức Chí Tôn là: Phật, Pháp, Tăng.

    Đức Chí Tôn là Phật, Đức Phật Mẫu là Pháp, chúng sanh là Tăng. Do đó, khi cúng Đức Chí Tôn, chúng ta lấy dấu và niệm: Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng. Niệm như vậy là niệm Đức Chí Tôn.

    2. Tam bửu (Tam bảo) của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng.

    Tất cả các vị Phật là Phật bảo, Giáo pháp của Phật nói ra là Pháp bảo, những người theo giáo đó mà tu là Tăng bảo.

    3. Tam bửu của Trời là: Nhựt, Nguyệt, Tinh.

    Nhựt là mặt trời, Nguyệt là mặt trăng, Tinh là các ngôi sao. Ba báu nầy đều phát ra ánh sáng nên gọi là Tam quang.

    Trời có ba báu ấy mà dưỡng dục muôn loài, hóa sanh vạn vật, luân chuyển Càn Khôn, phân ra ngày đêm, sáng tối.

    4. Tam bửu của Đất: Thủy, Hỏa, Phong.

    Thủy là nước, Hỏa là lửa, Phong là gió. Nhờ ba báu ấy mà mưa gió điều hòa, cỏ cây tươi tốt, phân ra thời tiết 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

    5. Người có Tam bửu là: Tinh, Khí, Thần.

    Tinh là thể xác, Khí là chơn thần, Thần là chơn linh.

    Trong phép luyện đạo, Tinh là chất tinh ba của thể xác do máu huyết tạo ra, Khí là chất hơi lưu thông theo máu huyết, Thần là trí não. Khi luyện cho ba báu nầy hiệp nhứt, tức là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần huờn Hư, thì tạo được chơn thần huyền diệu, đắc đạo thành Tiên, Phật tại thế. (Xem: Tinh - Khí - Thần, vần T)

  • Tam cang - Ngũ thường

    Tam cang - Ngũ thường

     

    三綱 - 么-常

    A: Three principal social bonds - Five cardinal virtues.

    P: Trois liens sociaux principaux - Cinq vertus cardinales.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Cang: giềng lưới. Ngũ: 5. Thường: hằng có.

    Tam cang hay Tam cương là ba giềng hay ba mối, gồm: Quân thần cang, Phụ tử cang, Phu thê cang.

    Ngũ thường là 5 hằng, gồm: Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

    Tam cang và Ngũ thường là phần Nhơn đạo của Nam phái. Còn Nhơn đạo của Nữ phái là Tam tùng và Tứ đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy dạy Nam phái biết trọng Tam cang, Ngũ thường. Hễ Nhơn đạo thành thì phù hạp Thiên đạo, nghe à!

    I. Tam cang Ngũ thường theo Nho giáo

    1. Tam cang: Ba giềng mối

    Người nam phái, khi đã trưởng thành thì phải giữ 3 điều đạo trọng là: - Quân thần cang, - Phụ tử cang, - Phu thê cang.

    1. Quân thần cang: Giềng mối vua tôi.

    Phải trung với vua. Vua ở đây tượng trưng cho quốc gia dân tộc. Phải trung với quốc gia dân tộc, chớ không phải trung thành mù quáng theo một ông vua hay dòng họ nhà vua.

    Trong một dòng họ nhà vua, thí dụ như: nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn,... chỉ có một số ít ông vua là minh chánh, còn phần lớn là hôn quân vô đạo. Nếu trung thành với hôn quân thì đó là ngu trung.

    Mạnh Tử từ ngàn xưa đã dạy rằng: Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Nghĩa là: Dân là quí, nước nhà là kế đó, vua là nhẹ. Cho nên cần phải trung thành với quốc gia dân tộc hơn là trung thành với một ông vua. Lại cũng có câu: Quân minh thần trung. Nghĩa là: Vua sáng thì tôi trung; tức nhiên khi gặp vua hôn ám thì bề tôi chỉ giữ lòng trung với quốc gia dân tộc mà thôi.

    2. Phụ tử cang: Giềng mối cha con.

    Phải hiếu với cha mẹ. Phải biết nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ mà lo đền đáp. Thuở nhỏ phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ, khi lớn lên, cha mẹ đã già yếu thì phải lo bảo dưỡng cha mẹ.

    Ông Thánh Tăng Tử có nói rằng: "Hiếu giả bách hạnh chi tiên, hiếu chí ư Thiên tắc phong vũ thuận thời, hiếu chí ư địa tắc vạn vật hóa thành, hiếu chí ư nhân tắc chúng phúc hàm trăn." Nghĩa là: Hiếu là nết đứng đầu trăm hạnh, hiếu cảm đến Trời thì gió mưa hòa thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật tốt tươi, hiếu cảm đến người thì phúc lộc thịnh vượng.

    Phần cha mẹ thì phải hết lòng thương yêu, chăm sóc dạy dỗ con cái cho nên người và làm gương tốt cho con.

    3. Phu thê cang: Giềng mối chồng vợ.

    Đạo vợ chồng trọng yếu nhứt phải là thuận hòa trong tình thương yêu chơn thật, dù gặp hoàn cảnh khó khăn cũng phải giữ gìn trọn vẹn như vậy. Vợ chồng sống với nhau, ngoài tình thương yêu, còn phải giữ nghĩa với nhau.

    2. Ngũ thường: Năm hằng

    Ngũ thường gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

    1. Nhơn: Lòng thương người mến vật.

    Con người thường có hai tình cảm đối ngược nhau: Hễ thương thì không ghét, mà ghét thì không thương. Như thế, muốn có lòng Nhơn thì phải mở rộng lòng thương yêu để cái ghét không có chỗ chen vào.

    Lòng Nhơn là căn bản của đạo làm người, là đầu hết các hành tàng. Giữ luôn được lòng Nhơn thì lúc nào ta cũng được an vui, hạnh phúc.

    2. Nghĩa: Cư xử theo lẽ phải (đạo lý).

    Trong cách xử thế, cái Nghĩa là quan trọng nhứt, nó dẫn dắt con người đến đạo đức. Nghĩa phải đi liền với Nhơn, có Nhơn mà không có Nghĩa thì đạo đức thiếu hình thức, còn có Nghĩa mà thiếu Nhơn thì đạo đức thiếu tinh thần.

    3. Lễ: Phép tắc tốt đẹp trong xử thế.

    Lễ là mực thước để đo lường tư tưởng, hành động trong khi xử thế. Nó thể hiện sự tôn nghiêm trật tự và hòa hợp trong ý nghĩ và việc làm.

    Đức Lão Tử có nói: Nếu thất Đạo thì nên theo Đức, nếu thất Đức thì nên theo Nhơn, nếu thất Nhơn thì nên theo Nghĩa, nếu thất Nghĩa thì nên theo Lễ. Vậy muốn trở về với Nghĩa thì phải học Lễ trước hết.

    4. Trí: Năng lực hiểu biết.

    Nhờ có Trí mới phân biệt được sáng tối, phải quấy, thiện ác. Mục đích của Trí là tìm hiểu chơn lý, tức là Đạo, nên cần phải lo học tập để mở mang cái Trí. Khi cái Trí hiểu biết rõ ràng thì hành động mới tránh được sai lầm.

    5. Tín: Tin tưởng.

    Lời nói phải đi đôi với việc làm. Phải giữ chữ Tín và phải quí trọng lời mình nói ra. Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy, nghĩa là: một lời nói ra, xe tứ mã khó đuổi theo kịp.

    Chữ Tín rất quan trọng, nó thể hiện phẩm chất đạo đức của con người mình. Nhơn vô tín bất lập, nghĩa là: người mà không có chữ Tín thì không làm nên được việc gì.

    Tóm lại, phần Nhơn đạo của nam phái gồm hai phần trọng yếu là: Tam cang (Trung, Hiếu, Nghĩa) và Ngũ thường (Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Tất cả gồm 8 chữ, nếu làm trọn vẹn được một chữ thì đủ đạt Thần vị, như những bề tôi trung với vua, liều thân với nước, được vua phong Thần, đưa về các làng xã làm Thần Hoàng, ủng hộ dân chúng và được hưởng cúng tế; nếu làm trọn vẹn được hai chữ thì được phong Thánh, như trường hợp Quan Vân Trường thời Tam Quốc được trọn vẹn hai chữ Trung và Nghĩa, nên hiển Thánh.

    II. Tam cang Ngũ Thường theo Đạo Cao Đài

    Đạo Cao Đài chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, tức là lấy tinh hoa giáo lý Nho giáo để phục hưng đạo đức trong phần Nhơn đạo. Do đó, Tam cang và Ngũ thường của Nho giáo được Đạo Cao Đài áp dụng làm căn bản cho việc tu thân của phần Nhơn đạo, để sau đó tiến lên bực cao hơn là tu Thiên đạo cầu giải thoát.

    1. Thể pháp và Bí pháp của Nhơn đạo

    Tam cang và Ngũ thường theo Nho giáo như vừa trình bày ở phần trên là thuộc về Thể pháp của Nhơn đạo.

    Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy về Thể pháp và Bí pháp của Nhơn đạo, chép ra như sau đây:

    "Hẳn mấy em đã rõ đại cương về Thế đạo (Nhơn đạo): Nam thì Tam cang Ngũ thường, Nữ thì Tam tùng Tứ đức.

    Song đó chỉ là Thể của Nhơn đạo hữu hình mà thôi.

    Nếu hằng ngày mấy em tâm niệm có bấy nhiêu thì làm sao cho trọn vẹn được.

    Trong Thế đạo phải phân ra làm hai pháp lý:

    • Một là Thể pháp Thế đạo.
    • Hai là Bí pháp Thế đạo.

    Tam cang Ngũ thường, Tam tùng Tứ đức, là Thể đặng làm sở hành cho mặt Thể pháp Thế đạo mà thôi, lấy đó làm chánh đề mà đi.

    Bây giờ muốn giữ Tam cang phải làm thế nào?

    Quân thần cang: Vua là kẻ chăn dân. Vậy bổn phận ấy là phải lập trên những hành tàng để cứu giúp dân khỏi điều thống khổ. Ấy là việc của Cơ Quan Phước Thiện bây giờ đó.

    Tôi phải tỏ dạ trung thành đặng vùa giúp nhà vua mà làm cho bá tánh an cư lạc nghiệp, tức là bổn phận của hàng Thánh thể đó vậy.

    Phụ tử cang: Cha là người thay quyền Chí Tôn trong một tiểu gia đình, tức nhiên là phải biết mình có bổn phận giáo hóa dưỡng dục, tức nhiên một Hội Thánh nhỏ trong mỗi gia đình vậy. Con phải trọn hiếu, tức nhiên không làm điều nhục tổ hổ tông, tức nhiên là bổn phận của một tín đồ, hay nói đúng hơn nữa là một môn đệ xứng đáng của Đức Chí Tôn vậy.

    Phu thê cang: Chồng là người cầm lèo lái đặng đưa một tiểu gia đình đến chỗ đạo đức thanh bạch, tức nhiên là bổn phận của cơ quan Hành Chánh đó. Vợ là người tùng theo chồng để giúp an sự nghiệp, tạo nên hạnh phúc cho gia đình, tức nhiên là bổn phận của Bảo Cô đã hẳn.

    Về Ngũ thường thì:

    Nhơn: là phải biết nghĩa đồng sanh, tình đồng hưởng Âm Dương chi khí, chẳng để lòng sái loạn chơn truyền, tức nhiên là phải trọn vưng theo luật Công bình - Bác ái.

    Nghĩa: là phải biết trọn phận mình để tạo nên danh trọng giá cao, tức nhiên là phải giữ nên phẩm hạnh mà nhìn rõ của chung đồng hưởng.

    Lễ: là giữ hạnh nết đứng đắn để tạo nên một nhân phẩm, biết nhường biết nhịn, tức nhiên là phải giữ trọn hạnh đạo đó.

    Trí: là phải thông hiểu việc thế mà đi, không để cho tên tuổi phải bị lời chê tiếng nhẻ, tức nhiên là phải trọn vâng luật pháp chơn truyền đó vậy.

    Tín: là phải đúng lời đúng hẹn, tức là phải danh chánh ngôn thuận, thuyết hành phải giống in nhau, tức nhiên là phải trọn thệ đó.

    Đó là mặt Thể pháp Thế đạo, còn mặt Bí pháp Thế đạo là phương tầm ra định hướng để vẹn giữ Tam cang Ngũ thường, tức nhiên là trọn phần Nhơn đạo.

    Ấy là kết quả do Thể pháp mà nên.

    Nói chung về Bí pháp Thế đạo là giúp đời an nhàn đạo đức, chớ chẳng chi."

    Thực hành xong Thể pháp Nhơn đạo là đứng vào bực Thần.
    Thực hành xong Bí pháp Nhơn đạo là đứng vào bực Thánh.

    2. Tam cang Ngũ thường theo Thiên đạo

    Sau khi đã thực hiện xong Tam cang Ngũ thường thuộc phần Thể pháp và Bí pháp Nhơn đạo, tức là xong phần Nhơn đạo, người tín đồ Cao Đài cần tiến lên một nấc thang cao hơn là thực hành Tam cang Ngũ thường theo Thiên đạo, mới mong lên đặng hai phẩm cao trọng là Tiên và Phật.

    Quân thần cang: Vua ở đây là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, chúa tể Càn Khôn Vũ Trụ.

    Phụ tử cang: Cha ở đây là Đại Từ Phụ, là Đấng Cha Trời, cũng chính là Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Mỗi người chúng ta là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, nên phải hoàn toàn trung thành và trọn hiếu với hai Đấng Cha Mẹ thiêng liêng ấy, phải nghe lời và thi hành những lời dạy bảo của hai Đấng ấy, dù nát thân cũng không dám cãi, đồng thời phải lo học hỏi đạo lý, gìn giữ giới luật tu hành, lập công bồi đức, để mau tiến hóa mà trở về cùng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    Phu thê cang: Người vợ ở đây không là cô vợ phàm trần do cha mẹ phàm trần cưới cho, mà là cô vợ thiêng liêng do Đức Phật Mẫu ban cho, đó là chơn thần của mỗi người.

    Nếu để Tinh tẩu lậu ra ngoài cho cô vợ phàm trần thì sẽ tạo ra phàm thai.

    Nếu luyện cho Tinh đi lên, tức là nghịch chuyển, để luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, thì tạo được Thánh thai, rồi luyện Thần huờn Hư thì tạo được chơn thần huyền diệu. Như thế chơn thần chính là cô vợ của chơn linh, Âm Dương hòa hợp trong bản thể, ấy gọi là đắc đạo.

    Nhân: là lòng thương người mến vật, phải thăng tiến lên thành tình thương yêu bao la, thương cả chúng sanh, không phân biệt thấp cao, sang hèn, thanh trược, loài hữu tình hay loài vô tình, từ cõi hữu hình đến cõi vô vi, tức là theo đúng lòng bác ái vô tận của Thượng Đế.

    Tương tự như thế, cần phải phát triển Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, cho nó thăng hoa lên tột đỉnh, thì được hòa hiệp vào Đấng Thượng Đế.

    Tóm lại, Tam cang và Ngũ thường theo Thiên đạo chỉ là sự thăng hoa đến mức tột đỉnh của Tam cang và Ngũ thường của phần Nhơn đạo.

    Đoạt đặng Thể pháp và Bí pháp của Thiên đạo thì đắc thành Tiên, Phật.

  • Tam cấp

    Tam cấp

    三級

    A: The perron.

    P: Le perron.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Cấp: bực.

    Tam cấp là ba bực.

    Bất cứ cái gì mà chúng ta thấy lên cao ba bực thì gọi là Tam cấp, như Tam cấp trên bàn thờ, Tam cấp nơi thềm nhà.

  • Tam châu Bát bộ

    Tam châu Bát bộ

    三洲八部

    A: Three ethereal continents - Eight departments.

    P: Trois continents éthérés - Huit départements.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Châu: vùng đất lớn. Bát: tám. Bộ: ngành.

    Tam Châu là ba Châu lớn nằm trong Tứ Đại Bộ Châu nơi cõi thiêng liêng.

    Tam Châu gồm có:
    • Đông Thắng Thần Châu.
    • Nam Thiệm Bộ Châu.
    • Tây Ngưu Hóa Châu.

    Ba Châu nầy thuộc cõi Trung giới, mắt phàm không nhìn thấy được. Các chơn linh ở trên ba Châu nầy có trình độ tiến hóa khá cao. Địa cầu của nhơn loại chúng ta thuộc về Nam Thiệm Bộ Châu. Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn cầm quyền giáo hóa ba Châu nầy.

    Còn một Châu thứ tư nữa, không thuộc quyền giáo hóa của Đức Hộ Pháp, ở phương Bắc gọi là Bắc Cu Lư Châu, dành làm chỗ ở cho các chơn linh Quỉ vị. (Xem: Tứ Đại Bộ Châu)

    Bát bộ là tám bộ, mỗi bộ cai quản một phẩm chơn hồn, nên Bát bộ cai quản Bát phẩm chơn hồn (Bát hồn). Bát phẩm chơn hồn gồm: vật chất kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.

    Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn mở cơ quan tận độ chúng sanh nơi cõi trần, nên Đức Hộ Pháp có quyền hành và nhiệm vụ trên Bát bộ nầy. Do đó, trong Sớ Văn Thượng Tấu có câu: Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn.

    Trong quyển Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp về Bí Pháp, nơi trang 41, Đức Ngài có giải về Tam Châu Bát Bộ:

    "Tam Châu là: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, đều thuộc quyền hạn của Hộ Pháp, còn Bắc Cu Lư Châu để cho các phẩm chơn hồn Quỉ vị nó định phận tại nơi đó, định nơi cư trú tại đó. Nó có một quyền năng vô định, chẳng cần chỉ giáo, để đặc biệt một Châu cho Quỉ vị ăn năn tu học đặng đoạt vị.

    Ba Bộ Châu kia thuộc về quyền hạn của Hộ Pháp giáo hóa. Duy có Bắc Châu, Ngài không thường ngó tới lắm, để cho nó tự do làm gì thì làm, khôn nhờ dại chịu.

    Bát Bộ là gì? là nơi Bát phẩm chơn hồn chớ có chi đâu. Tám hồn là gì? là vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, Nhơn hồn, dĩ chí cho đến Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn.

    Tám Bộ ấy thuộc về quyền hạn của Hộ Pháp Thiên vị, nơi Đức Chí Tôn gọi đến tạo cơ quan tận độ chúng sanh, không còn ai khác hơn Hộ Pháp, chính Hộ Pháp trách nhiệm ấy....

    Đức Hộ Pháp đến cốt yếu đem Bát phẩm chơn hồn thăng vị, nhiều hoặc ít, có thể một đẳng cấp, từ vật chất Hộ Pháp đem lên Thảo mộc, Thảo mộc đem lên Thú cầm, Thú cầm đem lên Nhơn loại, dĩ chí Phật vị, Hộ Pháp có thể chỉ định cho họ đặng.

  • Tam cung

    Tam cung

    三宮

    A: Three palaces.

    P: Trois palais.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Cung: tòa nhà cao lớn.

    Tam cung là ba cung dùng làm Tịnh Thất, do Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng để làm nơi luyện đạo cho những vị tu chơn theo con đường thứ ba Đại Đạo.

    Ba cung ấy là:

    · Trí Huệ Cung ở Thiên Hỷ Động, dùng làm nhà tịnh cho nữ phái.

    · Trí Giác Cung ở Địa Linh Động, dùng làm nhà tịnh cho cả nữ phái và nam phái.

    · Vạn Pháp Cung ở Nhơn Hòa Động, dùng làm nhà tịnh cho nam phái.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Trí Huệ Cung, vần Tr)

  • Tam đa

    Tam đa

    三多

    A: Three abundances.

    P: Trois abondances.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Đa: nhiều.

    Tam đa là ba cái nhiều.

    Đó là ba thứ mà con người rất ưa thích nên thường chúc nhau trong dịp đầu năm: Đa phúc, Đa lộc, Đa thọ.

    Đa phúc là có nhiều phước đức. Đa lộc là có nhiều lợi lộc, thâu được nhiều tiền của. Đa thọ là được sống lâu.

    Tam đa được tượng trưng bằng ba pho tượng của ba ông: Phước, Lộc, Thọ.

    Tam đa, khi xưa còn được giải thích là: Đa phúc, Đa thọ, Đa nam. Đa nam là có nhiều con trai. Nhưng ngày nay, có nhiều con trai chưa ắt là điều tốt đẹp.

  • Tam đại

    Tam đại

    三代

    A: Three generations.

    P: Trois générations.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Đại: đời, thời đại.

    Có hai trường hợp:

    Tam đại là ba đời người nối tiếp nhau trong một gia đình: đời ông, đời cha, đời mình.

    Tam đại là ba triều đại nối tiếp nhau cai trị vào thời thượng cổ nước Tàu: Nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu.

  • Tam đồ tội khổ bất năng thoát tục

    Tam đồ tội khổ bất năng thoát tục

    三途罪苦不能脫俗

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Đồ: con đường. Tội khổ: tội lỗi khổ sở. Bất năng: không khả năng. Thoát tục: thoát khỏi cõi trần.

    Tam đồ tội khổ là ba con đường đày đọa khổ sở vì phạm tội rất nặng là phạm Thiên điều.

    Bất năng thoát tục là không thể thoát khỏi cõi trần.

    Hình phạt nầy cũng gọi là: Tận đọa Tam đồ bất năng thoát tục. Nghĩa là: đọa hết vào ba đường không thể thoát khỏi cõi trần. (Xem chi tiết nơi chữ: Tận đọa Tam đồ bất năng thoát tục)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tam đồ tội khổ bất năng thoát tục là tội ngươi. Phải ăn năn sám hối, sau Ta sẽ trọng dụng độ rỗi nhơn sanh, lấy công chuộc tội.

  • Tam độc

    Tam độc

    三毒

    A: Three poisons: 3 dangerous passions.

    P: Trois poisons: Trois passions dangereux.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Độc: chất độc làm hại người.

    Tam độc là ba thứ độc hại đối với con người, Phật giáo gọi đó là: Tham, Sân, Si.

    Có lợi ích đối với ta thì sanh ra Tham lam, điều trái ngược với ta thì sinh ra Sân giận, kết sử đó chẳng do trí sanh ra mà nảy ra từ cuồng vọng thì gọi là Si mê. Đó là ba thứ đầu mối của phiền não, ràng buộc con người vào vòng luân hồi.

  • Tam đức (Tam đạt đức)

    Tam đức (Tam đạt đức)

    三達德

    A: The three great virtues.

    P: Les trois grandes vertus.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Đạt: thông suốt, tốt. Đức: đức hạnh.

    Tam đức hay Tam đạt đức là ba đức hạnh tốt đặc biệt.

    Đối với Nho giáo thì Tam đức là: Nhân, Trí Dũng.

    Đối với Phật giáo, Tam đức là: Bi, Trí, Dũng.

    Nhân là lòng thương người mến vật, thương khắp chúng sanh. Bi đồng nghĩa với Nhân, thường nói: Nhân từ hay Từ bi.

    Trí là sự khôn ngoan sáng suốt hiểu biết. Dũng là sự can đảm không lùi bước trước khó khăn nguy hiểm.

    Phật giáo thờ ba pho tượng Di-Đà Tam Tôn: Đức Phật A-Di-Đà ngồi chính giữa tượng trưng đức Trí, Đức Quan Âm Bồ Tát ngồi bên mặt tượng trưng đức Bi, Đức Đại Thế Chí Bồ Tát ngồi bên trái tượng trưng đức Dũng.

    Trong Đạo Cao Đài, Tam Trấn Oai Nghiêm tượng trưng Bi, Trí, Dũng. Đức Quan Âm Bồ Tát tượng trưng đức Bi, Đức Lý Thái Bạch tượng trưng đức Trí, Đức Quan Thánh Đế Quân tượng trưng đức Dũng.

    Tu là hành trình học tập Bi, Trí, Dũng và phát triển Bi, Trí, Dũng đến mức cùng tột thì hòa nhập vào Thượng Đế.

  • Tam giáo

    Tam giáo

    三敎

    A: Three great religions.

    P: Trois grandes religions.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Giáo: tôn giáo.

    Tam giáo là ba nền tôn giáo lớn ở Á Đông, kể ra: Phật giáo (Thích giáo), Tiên giáo (Lão giáo), Nho giáo (Khổng giáo).

    Ba nền tôn giáo nầy được mở ra từ thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, thuộc Thượng cổ của nhơn loại, đến thời Nhị Kỳ Phổ Độ thì Tam giáo trở nên rực rỡ và phổ biến rộng rãi đến ngày nay.

    * Thời Nhứt Kỳ Phổ Độ:

    · Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Phật giáo ở Ấn Độ.

    · Đức Thái Thượng Đạo Tổ mở Tiên giáo ở Trung Hoa.

    · Vua Phục Hy khởi đầu Nho giáo ở Trung Hoa.

    * Thời Nhị Kỳ Phổ Độ:

    · Đức Phật Thích Ca mở Phật giáo ở Ấn Độ.

    · Đức Lão Tử mở Tiên giáo ở Trung Hoa.

    · Đức Khổng Tử phục hưng Nho giáo ở Trung Hoa.

    Vấn đề đặt ra là: Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, các Đấng Tiên Phật không giáng trần phục hưng Tam giáo, mà Đức Chí Tôn lại mở Đạo Cao Đài?

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 22-6-Mậu Dần (1938) giải thích như sau:

    "Do Tam giáo thất chơn truyền. Nho, Thích, Đạo hiện nay đã trở nên phàm giáo. Chư đệ tử trong ba nhà đạo không giữ y luật pháp qui điều, canh cải chơn truyền, bày ra các điều giả cuộc, làm cho Tam giáo biến thành dị đoan.

    Đệ tử nhà Đạo chẳng tùng pháp giáo của Đức Thái Thượng Lão Quân, tuy ở trong nhà Đạo mà dị đoan mê tín.

    Đệ tử nhà Thích không thuận theo lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca thì đệ tử nhà Thích dị đoan mê tín.

    Đệ tử nhà Nho chẳng thật hành điều mục của Đức Văn Tuyên Khổng Thánh thì đệ tử nhà Nho dị đoan bất chánh.

    Tóm lại, hai chữ dị đoan nghĩa là đồ theo không trúng kiểu cái qui giới thể lệ chơn truyền của Tam giáo.

    Tiên giáo, Đức Thái Thượng dạy Tam bửu Ngũ hành, tu tâm luyện tánh, thủ cảm ứng công bình.

    Phật giáo, Đức Thích Ca dạy Tam qui Ngũ giới, Minh tâm kiến tánh, thật hành bác ái từ bi.

    Nho giáo, Đức Khổng Phu Tử dạy Tam cang Ngũ thường, Tồn tâm dưỡng tánh, giữ theo hai chữ Trung, Hiếu mà làm tiêu chuẩn cho mọi hành vi.

    Cả luật pháp điều mục của ba tôn giáo từ buổi sơ khai, có đủ quyền năng dìu đời thống khổ, nhơn sanh trong thời kỳ thượng cổ còn tánh đức biết giữ chơn truyền, chuẩn thằng qui củ của ba nhà Nho, Thích, Đạo, làm lành lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, nên mới chung hưởng đời thái bình, an cư lạc nghiệp.

    Nay đến thời Hạ nguơn cuối cùng, thế đạo suy vi, nhơn tâm bất cổ, đạo đức đổi dời, lòng người chẳng giống xưa, luật Tam cang chẳng giữ, phép Ngũ thường không noi. Tam giáo thất chơn truyền, nhơn tâm biến đổi, bỏ phép công bình, tranh danh trục lợi, cướp giựt hiếp đáp, giết hại lẫn nhau, không tưởng cốt nhục, chẳng tưởng đồng bào, thù nghịch lẫn nhau thành ra một trường náo nhiệt, luân lý suy đồi, nên gọi là đời mạt kiếp. Các Giáo chủ ngày xưa tiên tri rằng, buổi sau nầy, Tam giáo phải qui phàm, có để lời bí tích trong Sấm truyền:

    - Phật Tông Nguyên Lý, Đức Thích Ca nói: Lục vạn dư niên Thiên khai Huỳnh đạo.

    - Nho giáo, Đức Khổng Tử nói: Mạt hậu Tam kỳ Thiên khai Huỳnh đạo.

    - Đức Chúa Jésus khi bị đóng đinh trên cây Thánh giá có nói tiên tri với các môn đồ của Ngài rằng: Trong 2000 năm Tận thế, Ta sẽ đến phán xét cho nhơn loại một lần nữa.

    Và Ngài còn nói: Còn nhiều chuồng chiên sau Đức Chúa Cha sẽ qui về một mối.

    Nay Đức Chí Tôn khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đúng theo lời Sấm truyền của các vị Giáo chủ ngày xưa.

    Chỉ vì Tam giáo thất chơn truyền, chính mình Đức Chí Tôn giáng cơ lập Đạo đặng qui nguyên phục nhứt, gọi là Chấn hưng Tam giáo lại cho hoàn toàn, lập luật pháp khuôn viên cho phù hạp dân trí buổi nầy, mới tìm phương độ rỗi nhơn sanh, hiệp cả tinh thần các dân tộc biết nhìn nhau một Cha chung và thuận hòa cùng nhau, thật hành chủ nghĩa thương yêu, chung thờ một nền tôn giáo đại đồng, nhơn loại mới đặng gội nhuần ơn huệ, đời tự diệt sẽ trở nên đời mỹ tục thuần phong, vạn loại mới chung hưởng hòa bình, phục lại đời thượng cổ, là do Thiên thơ tiền định, buổi Hạ nguơn chuyển thế, hoán cựu duy tân.

    Tóm lại, Đức Chí Tôn khai Đạo kỳ thứ ba nầy là thuận theo lẽ tuần hoàn, châu nhi phục thỉ." (Xem: Thất chơn truyền)

  • Tam giáo chơn truyền

    Tam giáo chơn truyền

    三敎眞傳

    A: The true doctrines of the three great religions.

    P: Les vraies doctrines des trois grands religions.

    Tam giáo: (đã giải nghĩa ở trên). Chơn: thật. Truyền: trao lại cho người khác.

    Tam giáo chơn truyền là các giáo lý chơn thật của Tam giáo Nho Thích Đạo được truyền lại đúng y như lúc ban đầu.

    Tam giáo chơn truyền là tên của một quyển sách do Quan Lễ Trượng Nhân thời nhà Thanh bên Tàu biên soạn.

    Sách gồm có 3 phần:

    · Phần I nói về chơn truyền của Nho giáo (Khổng giáo),

    · Phần II nói về chơn truyền của Phật giáo (Thích giáo),

    · Phần III nói về chơn truyền của Đạo giáo (Lão giáo).

    1. Chơn lý của Khổng giáo gồm tất cả 20 chương: Thánh học tâm pháp, Khổng giáo chơn truyền, Dưỡng tâm quả dục, Khắc kỷ thận độc, Tẩy tâm minh tánh, Vô ý vô tất, Vô cố vô ngã, Phòng khi tâm, Đôn luân thường, Đốc trung tín, Xử thế cố, Bác ái hoạt vật, Khắc kỷ cầu nhân, Thiện dưỡng hạo nhiên, Chỉ hậu thế mê giáo, Học Phật đạo bồi công, Khổng giáo toàn công.

    2. Chơn kinh của Phật giáo gồm tất cả 20 chương: Như lai chơn pháp, Tây thiên chơn giáo, Trầm tâm đạm tính, Giới khi tâm, Giới khi nhân, Giới tham vọng, Giới trần nhiễm, Giới vật dụ, Khử phàm tâm, Minh nguyên tánh, Chủng phước quả, Thanh thế duyên, Tảo tinh hận, Trừ kỷ tánh, Khử tình dục, Liễu tiền nhân, Tạo chư nhân, Bác hậu thế ngộ truyền, Tuân Khổng giáo tu kỷ, Phật giáo toàn công.

    3. Đạo giáo chơn pháp gồm tất cả 20 chương: Đạo giáo chơn pháp, Thái Thượng chơn truyền, Định tĩnh ngưng khí, Phân tích âm dương, Tương kế thủy hỏa, Tảo trừ tà niệm, Trấn áp khi ma, Giới khi tâm, Giới khi nhân, Giới sắc dụ, Giới vật thiên, Phản cầu Thái cực, Tĩnh tạo Vô cực, Ôn dưỡng hỏa hậu, Hàng long phục hổ, Tích công lũy hành, Tạo đức bổ Thiên, Xiển hậu thế ám hương, Tuân Khổng giáo dưỡng tâm, Đạo giáo toàn công.

    Trong các chương của ba phần đều có vừa lý luận vừa công phu, vừa có đạo pháp vừa tâm pháp, và điều quan trọng là chỉ rõ rằng: việc Thánh hóa của Nho gia, việc Phật hóa của Thích gia, việc Tiên hóa của Đạo gia, điểm mấu chốt hoàn toàn là tại một TÂM một TÁNH mà thôi.

    Nho gia thì sùng thượng Chánh tâm tận tánh; Đạo gia sùng thượng Luyện tâm dưỡng tánh; còn Phật gia sùng thượng Minh tâm kiến tánh, nói chung là Tánh mạng song tu, từ đầu đến cuối, một mà quán triệt cả ba. (Theo Từ điển Nho Phật Đạo)

  • Tam giáo đồng nguyên

    Tam giáo đồng nguyên

     

    三敎同原

    A: Three religions was originated from the same source.

    P: Trois religions sont provenues de même source.

    Tam giáo: (đã giải nghĩa ở trên). Đồng: cùng. Nguyên: gốc.

    Tam giáo đồng nguyên là ba nền tôn giáo đều do cùng một gốc mà ra.

    Tam giáo là: Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo.

    Đồng nguyên là cùng một gốc, gốc đó là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, mà ngày nay gọi là Đấng Cao Đài.

    Do đó trong bài Khai Kinh có câu: "Một cội sanh ba nhánh in nhau." Một cội là Thượng Đế, Ba nhánh là Tam giáo. Tam giáo tuy khác nhau về hình thức, nhưng tôn chỉ và mục đích đều giống nhau.

    Tùy theo từng thời kỳ và từng địa phương, Đức Chí Tôn cho các vị Tiên Phật giáng trần mở Đạo dạy dỗ nhơn sanh. Căn cứ theo trình độ tiến hóa của nhơn sanh ở mỗi nơi mà mở Đạo cho phù hợp để nhơn sanh chấp nhận tu hành. Cho nên, các Đạo tuy có trình độ thấp cao, nhưng chung qui đều dạy dỗ con người ăn hiền ở lành, tiến hóa dần dần từ thấp lên cao và cuối cùng tiến hóa đến nấc thang tột đỉnh là ngang bằng Thượng Đế để hiệp nhứt vào Thượng Đế.

    I. Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên ở Trung Hoa

    Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên khởi có từ thời nhà Tống bên Tàu, cách nay khoảng 1100 năm.

    Các nhà Nho dưới thời nhà Tống có nhiều tư tưởng tương đồng với Phật giáo và Lão giáo, bởi vì cái học uyên nguyên của Nho giáo do nơi Kinh Dịch mà ra. Cái đầu mối của Càn Khôn Vũ Trụ là Thái Cực, do động tịnh mà hóa ra Âm Dương, rồi sanh thành vạn vật. Vạn vật chung qui cũng trở về Thái Cực. Đó là lý: "Đồng qui nhi thù đồ, nhứt trí nhi bách lự" mà Đức Khổng Tử đã nói trong Hệ Từ truyện.

    Thái Cực ở Lão giáo gọi là Đạo, Phật giáo gọi là Chơn như. Tên gọi tuy khác nhau nhưng vẫn đồng một thể.

    Như vậy, học thuyết Tam giáo do cùng một gốc mà ra, nhưng cách lập giáo của mỗi vị Giáo chủ mỗi khác vì hoàn cảnh có khác, nên việc hành đạo cũng có khác.

    - Lão giáo thì cho vạn vật đều có nguồn gốc là Đạo, cuộc đời là phù vân, hơi đâu mà lo nghĩ. Người ta chỉ nên cùng với Đạo mà vui chơi cùng Tạo hóa, không cần chi đến Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, không thiết gì đến chế độ và pháp luật, miễn là được thanh tịnh vô vi.

    - Phật giáo thì cho vạn vật do Chơn như mà ra, sắc với không là một, sự sanh sanh hóa hóa là do vọng niệm chớ không có thực. Cái thực là Chơn như, khác nào như trăm ngàn lượn sóng nhấp nhô trên mặt nước, nhưng chung qui chỉ có nước là thật. Người ta phải tìm cho thấy cái thật ấy mà quay trở về gốc, thoát khỏi sanh tử luân hồi, tức là đến được Cực Lạc Niết Bàn, an vui hạnh phúc.

    - Nho giáo thì cho sự biến hóa trong Vũ Trụ là do nhứt động nhứt tịnh của Thái Cực mà ra. Vạn vật đã phát hiện ra là thực có, thì nên theo cái thực ấy mà hành động sinh tồn. Sự sanh tồn của vạn vật không ra ngoài được những điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, tức là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh của Tạo hóa. Vậy nên người ta, ai cũng phải theo những điều ấy mà an vui trong cuộc sanh tồn.

    Thành thử cái gốc của Tam giáo vốn là một, mà cái ngọn thì chia ra khác nhau. Bởi cái tư tưởng khác nhau đó mà Lão giáo và Phật giáo bị đời cho là tiêu cực, còn Nho giáo thì tích cực. Sự tương đồng và dị biệt của Tam giáo ấy căn nguyên chỉ có vậy.

    Vì đời cho Nho giáo là chủ nghĩa tích cực nên các học giả lần lần chỉ chú trọng phần Hình Nhi Hạ học, nghĩa là chỉ bàn về những điều thực dụng thường hành, chớ không suy xét tìm tòi đến chỗ cao siêu thâm viễn.

    Đến đời nhà Tống, các nhà Nho học do ảnh hưởng của tinh thần Lão học và Phật học, đã vượt lên khỏi Hình Nhi Hạ học, đến phần Hình Nhi Thượng học, mới lập ra phái Lý Học để cùng với Lão học và Phật học đứng tương đối sanh tồn.

    Phái Lý học thời Tống theo tôn chỉ của Nho giáo, lấy tính bổn nhiên của Trời Đất làm cái thể của vạn vật, tức là theo thuyết "Thiên Địa vạn vật nhứt thể" làm cái đạo nhứt quán.

    Phái ấy đem Lý Thái Cực vào lòng người và mở rộng ra để bao quát được cả vũ trụ. Cái lý thuyết, tuy Dương Hùng đã nói trong sách Thái Huyền, nhưng đến thời Tống Nho, các nho gia mới phát minh ra rõ ràng và lại giải được cái nghĩa của câu "Dữ Thiên Địa tham" đã nói trong sách Trung Dung.

    Người ta là một giống vật nhỏ mọn, nhưng vì bẩm thọ một Lý Thái Cực của Trời Đất, nên hễ ai biết lấy lòng chí thành mà theo cái đạo Trung hòa của Trời Đất thì có thể sánh ngang với Trời Đất.

    Đó là phần trọng yếu trong học thuyết của phái Lý học, không sai với tôn chỉ của Nho giáo.

    Đã nói rằng Lý học chịu ảnh hưởng của Lão học, vì người gây thành cái tiếng đầu tiên cho Lý học là nhà Lão học trứ danh về Số học: Hi Di Tiên sinh, tức là ông Trần Đoàn.

    Trần Đoàn ở vào đầu nhà Tống, rất tinh thông Dịch lý, thường dùng cái học ấy mà biết mệnh Trời và vận nước, từ đó mới có nhiều người chú ý về Dịch học. Đến thế kỷ thứ 11, đời vua Tống Nhân Tôn, có Thiệu Ung (Thiệu Khương Tiết) và Chu Đôn Di theo cái thuyết trong Kinh Địch mà xướng lên thuyết Lý học. (Xem chi tiết nơi chữ: Lý học, vần L)

    Tóm lại, ở Trung hoa, thuyết Tam giáo đồng nguyên phát khởi từ thời nhà Tống. Lúc ấy ba học thuyết của Tam giáo đều được phổ biến sâu rộng, ảnh hưởng lên nhau, để các học giả thấy rõ rằng, Tam giáo vốn đồng nguyên, nhưng vì cách lập giáo và thuyết minh của mỗi giáo có khác, làm cho người ta lầm tưởng Tam giáo khác hẳn nhau.

    II. Tư tưởng đồng nguyên Tam giáo ở Việt Nam

    "Qua bốn triều đại tiêu biểu là Đinh, Lê, Lý, Trần, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho Việt Nam trở thành mảnh đất tốt để Tam giáo lớn mạnh trong lòng bao dung của người dân Việt.

    Các vua Đinh Tiên Hoàng (968-979), Lê Đại Hành (980-1005), Lý Thái Tổ (1010-1028), v.v... đã chọn các đại sư, đạo sĩ vào triều đình làm cố vấn.

    Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng phong Khuông Việt Đại Sư Ngô Chân Lưu làm Tăng Thống, phong Thiền Sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân Uy Nghi, phong Đạo Sĩ Trương Ma Ni làm Tăng Lục Đạo Sĩ.

    Vua Lý Thái Tổ dựng chùa Vạn Tuế, cất cung Thái Thanh ngay tại kinh thành Thăng Long. Vua Lý Thái Tổ còn tôn Thiền Sư Vạn Hạnh lên làm Quốc Sư.

    Vua Lý Nhân Tôn (1072-1127) đi đâu cũng hay kề cận Thiền Sư Giác Hải và Đạo Sĩ Thông Huyền. Vua có lần thử tài hai vị, rất khâm phục nên làm thơ khen tặng rằng:

    Giác Hải tâm như hải,
    Thông Huyền đạo hựu huyền.
    Thần thông kiêm biến hóa,
    Nhất Phật, nhất Thần Tiên.
    [Giác Hải lòng như biển,
    Thông Huyền đạo pháp lại càng huyền diệu.
    Đều giỏi thần thông cùng biến hóa,
    Một là Phật, một là Thần Tiên.]

    Trong buổi đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc, các vua còn có quyết định tuyển chọn nhân tài giúp nước thông qua hai kỳ thi về Tam giáo: lần thứ nhứt mở năm 1195, triều Lý Cao Tông; lần thứ hai mở năm 1247 triều Trần Thái Tông.

    Với tinh thần khoáng đạt, các nhà sư khi cố vấn hoặc gián nghị các vua đều không câu chấp, lúc thì vận dụng Lão, khi trưng dẫn Nho để thuyết phục.

    Pháp Sư Đỗ Pháp Thuận (915-990) đã được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, ngài khuyên vua nên dùng đường lối vô vi của đạo Lão:

    Quốc tộ như đằng lạc
    Nam thiên lý thái bình.
    Vô vi cư điện các,
    Xứ xứ tức đao binh.
    [Đất nước như dây leo rối rắm,
    Nay Trời nam đã hưởng thái bình.
    Dùng đường lối vô vi nơi triều đình,
    Xứ xứ đều dứt cảnh chiến tranh.]

    Năm 1130, khi vào điện Sùng Khai, Thiền Sư Viên Thông (1080-1151) đã mượn tư tưởng Kinh Dịch tâu với vua Lý Thần Tông (1128-1138) về cái lẽ hưng vong, đắc thất của một nước, sau khi nhấn mạnh rằng, một nước hưng thịnh hay suy vong không phải tự nhiên một sớm một chiều. Sư kết luận:

    "Các bậc Thánh vương đời trước đều biết như thế, nên bắt chước Trời, không ngừng trau đức để sửa mình; bắt chước đất, không ngừng trau đức để yên dân. Sửa mình thì cẩn thận ở trong lòng, run sợ như đi trên băng mỏng. Yên dân thì yêu mến người dưới, hãi hùng như cỡi ngựa nắm dây cương sờn."

    Năm 1202, Thiền Sư Nguyễn Thường là Tăng Phó, khuyên can vua Lý Cao Tông:

    "Tôi nghe bài tựa Kinh Thi có nói: Âm nhạc của nước loạn nghe ai oán vì giận chính sự nước ấy sai trái. Âm nhạc của nước mất nghe bi thảm vì xót dân nước ấy khốn cùng. Nay Chúa thượng rong chơi vô độ, chánh giáo sai lìa, dân chúng buồn khổ. Đến nay càng tệ. Thế mà ngày ngày lại nghe âm nhạc ai oán, đó chẳng phải là điềm nước mất, nước loạn hay sao? "

    Một số sự kiện lịch sử như trên cho thấy trong buổi đầu, Tam giáo được giao hòa trên nước Việt trong lòng bao dung của người Việt. Chính đây là sự manh nha của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên. "

    "Tóm lại, trải qua các triều đại, trong 19 thế kỷ, tuy sử sách không còn lưu giữ được nhiều, nhưng bằng những tư liệu văn học còn sựu tập được, với các tác giả tiêu biểu, đã thấy rõ rằng ở Việt Nam đã được xác lập sớm và rất lâu dài các quan điểm trong sáng về:

    · Tam giáo đồng nguyên hay Tam giáo nhứt nguyên (cùng một nguồn phát sinh).
    · Tam giáo đồng tông (cùng một ông Tổ sanh ra).
    · Tam giáo nhất gia (cùng một nhà).
    · Tam giáo đồng qui (cùng đi về một đích).

    Các dẫn chứng về văn học cũng cho thấy từ xưa dân tộc Việt Nam đã biết đối chiếu Tam giáo để tìm đến chỗ đồng nhứt lý.

    Nói cách khác, ở Việt Nam ngay từ xa xưa đã sẵn có con đường Tam giáo đồng nguyên để rồi sẽ dẫn đến hệ luận là Vạn Giáo Nhứt Lý.

    Nghiên cứu con đường Tam giáo Việt Nam trong tinh thần đồng nguyên và nhứt lý cũng là để sau nầy góp phần tìm hiểu diễn trình Dịch hóa, chu nhi phục thủy: Từ Đại Đạo phát sanh Tam giáo đạo, từ Tam giáo đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo."

    "Trong 19 thế kỷ, Tam giáo du nhập từ phương Bắc đã tồn tại ở phương Nam với sắc thái là Tam giáo Việt Nam. Việt Nam như mảnh đất mà thổ nghi hoàn toàn thích hợp cho cội cây Tam giáo đâm tủa ba nhánh sum sê đều đặng.

    Trong một phạm vị lịch sử nhứt định ở chốn triều đình, Tam giáo có tạm thời thay thế nhau giữ vai trò hàng đầu, là hệ tư tưởng Quốc Đạo, nhưng trong đời sống xã hội và sinh hoạt tâm linh, tình cảm, Tam giáo vẫn là ba mà một (Trinity) ảnh hưởng nếp ăn ở tư duy của cộng đồng người Việt, hòa điệu với tập tục, bản sắc riêng của văn hóa bản địa Việt Nam.

    Cho nên con người Việt Nam, từ đời sống nội tâm, cuộc sống cá nhân, ra ngoài xã hội, từ lúc thành niên đến khi bóng xế, mỗi người Việt Nam đã từng là một ông Khổng, ông Lão, ông Phật.

    Phật phá chấp, viên dung lý sự, giải thoát.
    Lão vô vi, bất tranh, xuất thế tiêu dao.
    Nho trung dung, nhập thế mà tự tại.

    Cái vạc ba chân là cái thế vững chắc cho tâm hồn, đỡ nâng và dẫn dắt cuộc sống trong các mối quan hệ ràng buộc cá nhân - gia đình - xã hội - quốc gia." (Trích: Con đường Tam giáo Việt Nam của Lê Anh Dũng).

    Phương pháp tu tập của Tam giáo mặc dầu có khác, vì Nho giáo chủ trương nhập thế, Phật giáo và Lão giáo chủ trương xuất thế, nhưng tựu chung đều dẫn dắt con người đến Chân, Thiện, Mỹ, từ tự giác đến giác tha và giác hạnh viên mãn, để rồi linh hồn được siêu thoát lên một thế giới tốt đẹp hơn, gọi là Bồng Lai Tiên Cảnh hay Cực Lạc Niết Bàn, hợp nhứt vào ngôi Thái Cực mà Nho giáo gọi là Thượng Đế, Lão giáo gọi là Đạo hay Tiên Thiên Nhứt Khí, Phật giáo gọi là Chơn Như hay Chơn Không Diệu Hữu.

    Tục ngữ có câu: "Có bột mới gột nên hồ."

    Những tư tưởng dung hòa Tam giáo từ ngàn xưa là nền tảng giống như chất liệu bột để sang đến thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mới thị hiện làm nên hồ, tức là lập thành một nền Đại Đạo có một hệ thống giáo lý và triết lý đầy đủ, dung hợp được các giáo lý và triết lý của Tam giáo một cách hài hòa, thích hợp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh trong buổi cuối cùng của Hạ nguơn Tam Chuyển.

    Chỉ có Đấng Thượng Đế mới làm được việc kết hợp ba nền tôn giáo cũ, và phổ vào đó một hệ thống giáo lý và triết lý mới mẻ thích hợp trình độ tiến hóa của nhơn sanh hiện nay, bởi vì Thượng Đế là gốc của Tam giáo mà cũng là gốc của ba vị Giáo chủ Tam giáo. Chẳng những Tam giáo, mà rồi Tứ giáo và cả Vạn giáo nữa, trong kỳ ba phổ độ nầy, Đức Thượng Đế đều gom lại tất cả thành một mối, thực hiện Vạn thù qui nhứt bổn, làm thành một nền Đại Đạo gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, do Đức Thượng Đế làm Giáo chủ vô hình.

    "Trên Trời làm chủ một mình Ta,
    Nhánh nhóc chia ba cũng Một Già.
    Phải mượn nhiều ngôi mà giáo đạo,
    Xét coi cho kỹ có ai mà?" (ĐCT)

    Đức Khổng Tử, Giáo chủ Nho giáo, có giáng cơ cho bài thi Tam giáo một nhà:

    Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
    Người sau lầm tưởng vọng chia ba.
    Minh tâm may hiểu đường chơn giả,
    Mẫn tánh mới thông nẻo chánh tà.
    Thích, Đạo, ví như hành bộ khách,
    Nền Nho ví tợ chiếc đò qua.
    Muôn ngàn kinh kệ do nơi chữ,
    Tam giáo từ xưa vốn một nhà.

  • Tam giáo qui nguyên - Ngũ chi phục nhứt

    Tam giáo qui nguyên - Ngũ chi phục nhứt

    三敎歸原 - 五支復一

    A: Three religions returned to origine - Five branches reunited.

    P: Trois religions revenues à l"origine - Cinq branches réunies.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Giáo: tôn giáo. Qui: trở về. Nguyên: gốc. Ngũ: năm. Chi: nhánh. Phục: trở lại. Nhứt: một.

    Tam giáo qui nguyên là ba nền tôn giáo trở về gốc. Cái gốc đó là chơn lý tuyệt đối hằng hữu, thường gọi là Thượng Đế.

    Ngũ Chi phục nhứt là năm nhánh đạo trở lại thành một. Một đó là Đại Đạo, mà một đó cũng là Thái Cực.

    Tam giáo là: Nho, Thích, Đạo hay Nho, Thích, Lão: Nho giáo, Thích giáo, Lão giáo.

    Ngũ Chi tức là Ngũ Chi Đại Đạo, là năm nhánh của nền Đại Đạo: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo.

    Chữ NGUYÊN là gốc và chữ NHỨT là một, đều chỉ Đấng Thượng Đế, vì Ngài là gốc của các nền tôn giáo, và là một ngôi Thái Cực tuyệt đối.

    Nói Tam giáo qui nguyên là nói trong phạm vi Á Đông, nơi mà Tam giáo (Nho, Thích, Đạo) mở ra để giáo hóa nhơn sanh trong vùng nầy.

    Nói Ngũ Chi phục nhứt là nói toàn thể thế giới, gồm tất cả các tôn giáo (Vạn giáo), trong đó có Tam giáo.

    Tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài là: Tam giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt, nghĩa là: nơi cõi Á Đông thì đem ba nền tôn giáo (Nho, Thích, Lão) trở về nguồn gốc của nó và trên toàn thế giới thì đem năm nhánh đạo hợp lại thành một nền Đại Đạo duy nhứt.

    Đây là một công cuộc vĩ đại của Đức Chí Tôn, phục hưng toàn bộ chơn truyền của tất cả tôn giáo, qui hiệp tất cả giáo lý và triết lý của tất cả tôn giáo vào một mối duy nhứt lập thành một hệ thống giáo lý và triết lý mới mẻ phù hợp mức tiến hóa cao của nhơn sanh và dung hợp được tất cả các giáo lý và triết lý cũ.

    Ngũ Chi Đại Đạo lập thành năm nấc thang tiến hóa từ thấp lên cao, nghĩa là một chương trình học tập năm cấp lớp (Nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật), có mục đích đưa người tu lần lần tiến lên đến tột đỉnh phẩm vị thiêng liêng, hiệp nhập vào khối Đại Linh Quang của Thượng Đế. Chương trình năm cấp lớp nầy thể hiện giáo lý thuần nhứt của Đại Đạo mà bất cứ người tu nào muốn phản bổn hoàn nguyên đều phải trải qua năm cấp học ấy.

    Ngũ Chi Đại Đạo cũng biểu tượng năm phương thức hành đạo là: Tùng khổ, Thắng khổ, Thọ khổ, Thoát khổ và Giải khổ, của năm bậc: Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật, để làm thành đường lối hành đạo đi đến "Tuyệt khổ" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Như thế, Ngũ Chi Đại Đạo là năm trình độ chuyển hóa liên hợp nhứt quán trên cứu cánh giải thoát con người khỏi sự đau khỗ phiền não một cách toàn diện.

    Ba Chi đầu là: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo thì để tạo lập cảnh thiên hạ đại đồng, lập đời thượng nguơn Thánh đức, để cho các bậc Hiền nhân, Thánh triết tạm dừng chân trong hành trình tu tiến. Hai Chi sau là Tiên đạo và Phật đạo để cho các bậc ấy tiếp tục tu tiến, đắc thành chánh quả, hiệp vào Đại Linh Quang của Chí Tôn. Đó chính là cứu cánh của Đại Đạo. (Xem thêm: Ngũ Chi Đại Đạo, vần Ng)

    Mặt khác, các tôn giáo đã lập ra từ trước tới nay đã thất chơn truyền, và đã lỗi thời, không còn thích hợp với mức tiến hóa cao của nhơn sanh ngày nay. Vả lại có một số tôn giáo qui phàm quá rõ rệt, bị những nhà lãnh đạo tôn giáo hiếu chiến lợi dụng, gây thành những cuộc chiến tranh tàn khốc, giết hại nhiều người, được ngụy trang dưới dạng các cuộc Thánh chiến.

    Đức Chí Tôn đến qui nguyên Tam giáo như thế nào?

    "Ngày nay, Thầy đến đây, đem ba nền tôn giáo hiệp nhứt lại, tạo một tòa lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu.

    Ba nhà tôn giáo ấy tuy đổ sập mặc dầu, nhưng Thầy cũng vì lòng từ bi, chọn lựa cái nào còn dùng đặng thì Thầy lấy, cái nào hư nát thì bỏ ra, như: cột, kèo, xuyên, trính, ngói, gạch, cái nào còn nguyên thì dùng, cái nào bể nát hay hư hao, bị mối ăn sâu đục thì bỏ ra, cây nào cong vạy thì uốn nó lại, trừ ra uốn không nổi mới bỏ.

    Thầy lấy các vật ấy ráp lại thành một Tòa Đại Đạo cho nhơn sanh sùng bái tu hành, là tòa nhà ngày nay Thầy lập thành đó." (Đại Thừa Chơn Giáo)

    Chúng ta đều biết rằng, tất cả các tôn giáo, các chi phái đạo hiện hữu đều là những phương tiện để thực hiện mục tiêu là dẫn dắt nhơn sanh tiến hóa đi lên đến chỗ Chân Thiện Mỹ.

    Nhưng con người vì vô minh, mê chấp, nên phân biệt đạo ta đạo người, đạo của ta cao, đạo người thấp, chỉ có đạo ta mới là chánh đạo.

    Còn các Đấng Giáo chủ đều là những Đấng Tiên, Phật cao trọng, lãnh lịnh Đức Chí Tôn giáng trần mở đạo, vào những thời kỳ khác nhau, ở những địa phương khác nhau, để mở trí khai tâm cho nhơn loại, hầu lo tu tâm sửa tánh, tiến hóa lần lần để trở về cùng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    Các mối đạo đó chỉ là những phương tiện, như cái thang bắc lên mây xanh, để con người biết lối trèo lên từ từ mà trở về quê xưa cảnh cũ.

    Con người còn nhiều tối tăm mê muội, chưa hiểu chơn lý, nên sanh đố kỵ tỵ hiềm, chấp ta ngã mạn, đi đến chỗ chia rẽ phân biệt giữa các tôn giáo, không thực thi đúng tinh thần Bác ái và Công bình, và những điều giảng dạy chơn chánh của các Đấng Giáo chủ, làm cho các mối đạo qui phàm và hỗn loạn.

    Đạo không còn hướng dẫn được người đời, khiến cho đời càng thêm hỗn loạn, mất hết đạo đức, nên luôn luôn xảy ra chiến tranh giết chốc lẫn nhau, chỉ vì tham vọng.

    Thời gian tới sẽ có Đại hội Long Hoa, một cuộc phán xét cuối cùng cho nhơn loại. Đó là cơ qui nhứt, vạn giáo qui nhứt, không riêng gì Tam giáo, để lập đời thượng nguơn Thánh đức, đại đồng huynh đệ. Đức Di-Lạc Vương Phật làm Giáo Chủ Đại Hội Long Hoa, thâu các đạo hữu hình về một mối.

    Những người nào không đủ trình độ vào đời Thánh đức sẽ bị loại bỏ trong công cuộc qui hiệp và phán xét vĩ đại nầy.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 1-7-Mậu Dần (1938) nói về Đức Chí Tôn qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi như sau đây:

    "Tại sao Đức Chí Tôn không giáng bằng xác thân, lại giáng bằng huyền diệu cơ bút?

    Tại thời kỳ chuyển đạo vô vi hiệp tam thanh, chấn hưng Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi, nên Đức Chí Tôn giáng bằng huyền diệu cơ bút, mới qui đặng cả đại đồng Tam giáo. Bởi Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ, Phật Thánh Tiên giáng linh Tam giáo, nhơn buổi nhơn loại chưa hiệp đồng, nên ba vị Giáo chủ phải thọ sanh riêng địa phận, nên hai kỳ khai đạo ấy chỉ phổ độ trở về cựu vị có 8 ức nguyên nhân, còn buổi Hạ nguơn Tam Kỳ Phổ Độ, là thời kỳ ấn xá tội tình cho toàn thể chúng sanh, lại nhơn buổi văn minh nhơn loại thông đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, nên Đức Chí Tôn dùng huyền diệu giáng cơ khai đạo, chủ nghĩa là tận độ 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa đọa cõi hồng trần, nên gọi là cơ quan cứu thế.

    Nếu Đức Chí Tôn chia chơn linh giáng thế như các vị Giáo chủ buổi trước, thì phải tá mẫu đầu thai, mang hình thể hữu vi, lại nữa là đạo khai trong nước Việt Nam thì phải thọ sanh làm người Nam Việt thì có thế nào chuyển ba mối đạo khắp ngũ châu và toàn cầu thế giới đặng.

    Lại nữa, các dân tộc trong vạn quốc không thể hiệp đồng sự tín ngưỡng làm một thì khó mà độ tận chúng sanh, cho nên Đức Chí Tôn giáng bằng huyền diệu cơ bút đặng làm cho các nước để trọn đức tin rằng một Đấng Chí Linh giáng thế cứu đời, qui tụ cả khối tinh thần của nhơn loại duy nhứt, chỉ rõ bằng cớ như kỳ hội các tôn giáo tại Luân Đôn, thì các nước đều công nhận nền Đạo Cao Đài là chơn thật, có thể qui nguyên đại đồng tôn giáo.

    Đức Chí Tôn tuy chẳng giáng bằng xác thân, mà lại qui tụ lương sanh lập quyền Hội Thánh thay hình thể hữu vi cho Đức Chí Tôn và lập Quyền Vạn linh đối phó cùng quyền Chí Linh. Ấy là cơ quan mầu nhiệm cứu vớt quần sanh, giải thoát khỏi chốn sông mê bể khổ.

    Kỳ Hạ nguơn nầy, dầu chúng sanh có tàn bạo hung ác thế nào cũng không làm hại xác thân của Đức Chí Tôn như các vị Giáo chủ buổi trước đây.

    Bởi quyền Vạn linh có đủ nghị lực tinh thần lập khuôn viên luật pháp, xây chuyển cơ đạo và cơ đời cho thuận theo lẽ tuần hoàn của Tạo hóa.

    Đức Chí Tôn khai đạo kỳ thứ ba nầy giáng bằng huyền diệu cơ bút, là do Thiên thơ tiền định, chuyển đạo vô vi, hiệp Tam giáo Ngũ Chi làm một."

  • Tam giáo thất chơn truyền

    Tam giáo thất chơn truyền

    三敎失眞傳

    A: Three ancient doctrines were lost their spirit and form.

    P: Trois anciennes doctrines ont perdu leur esprit et forme.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Giáo: tôn giáo. Thất: mất. Chơn: thật. Truyền: trao lại cho người khác.

    Chơn truyền: giáo lý chơn thật của Giáo chủ truyền lại.

    Tam giáo thất chơn truyền là ba nền tôn giáo lớn (Nho, Thích, Lão) trải qua hơn 2500 truyền lại cho người đời, bị người đời lần lần sửa cải theo phàm ý nên mất đi cái tính chơn thật của buổi ban đầu.

    Giáo lý của ba nền tôn giáo bị sửa cải dần dần mỗi thời kỳ một ít, bởi nhiều người, qua nhiều đời, nên hiện nay không còn biết trong giáo lý, chỗ nào đúng chỗ nào sai, làm người tu bị lầm lạc, tu nhiều mà thành đạo rất ít. (Xem chi tiết nơi chữ: Thất chơn truyền, vần Th)

  • Tam giáo vô dị thuyết

    Tam giáo vô dị thuyết

    三敎無異說

    Tam giáo: (đã giải nghĩa ở trên). Vô: không. Dị: khác. Thuyết: lời nói, học thuyết, giáo thuyết.

    Tam giáo vô dị thuyết là học thuyết của Tam giáo không có gì khác biệt nhau.

    Sau thời nhà Tấn bên Tàu, một số học giả cho rằng: Giáo nghĩa của Tam giáo Nho Thích Đạo về căn bản, không có gì sai biêt, mà ba tôn giáo nầy lại có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, kế thừa lẫn nhau.

    Đến thời nhà Tống, các học giả uyên thâm cho rằng: Phật - Đạo nhất quán, Phật - Nho nhất quán, Tam giáo điều hòa. Hai vị cao tăng Trí Viễn và Khế Tung cho rằng Phật giáo và Nho giáo đều khuyên dạy người đời làm điều thiện, nên chủ trương Tam giáo hợp nhứt.

    Các học giả Nho giáo như Trương Thương Anh, Lý Cương cũng cho rằng: về giáo hóa, Tam giáo Nho Thích Đạo chẳng thể phế bỏ riêng một giáo nào và họ chủ trương Tam giáo điều hòa. Đặc biệt có bốn học phái Nho giáo lớn: Liêm, Lạc, Quan, Mân, đều có quan hệ sâu xa nhứt định với Thiền Tông Phật giáo.

    Có những bậc đại sư Nho học như Chu Đôn Di, Vương An Thạch, Trương Tải, Trình Di, Trình Hạo, Dương Quy Sơn, Lục Tượng Sơn,... đồng thời cũng là những nhà Phật học.

    Lý học của Trình Chu thời Nam Tống chính là sản phẩm được sản sinh ra dưới ảnh hưởng của Hoa Nghiêm Tông và Thiền Tông Phật giáo.

    Nói tóm lại, học thuyết của ba nhà tôn giáo nói chung là không có gì khác nhau: Phật Thích Ca thuyết về Cực Lạc, Lão Tử thuyết về Chúng Diệu, Khổng Tử thuyết về Chí Thiện; còn sách thì: Trung Dung nói về Lục dục, Kinh Phật nói về Lục căn, Đạo gia bàn về Lục tặc. Tam giáo chẳng hề phân biệt. (Theo Từ điển Nho Phật Đạo)

  • Tam hạnh

    Tam hạnh

    三幸

    A: Three chances.

    P: Trois chances.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Hạnh: may mắn.

    Tam hạnh là ba điều may.

    Nhơn sinh hữu tam hạnh: con người có ba cái may:

    · Quí sanh vi nam tử: quí sanh ra là con trai.

    · Y thực bão noãn: ăn mặc no ấm.

    · Bảo vô tật bịnh: giữ được không bịnh tật.

  • Tam Hoàng - Ngũ Đế

    Tam Hoàng - Ngũ Đế

     

    三皇 - 五帝

    A: Three legendary dynasties and Five emperors of antique China.

    P: Trois dynasties légendaires et Cinq empéreurs de la Chine antique.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Hoàng: vua. Ngũ: năm. Đế: vua.

    Người Tàu cho rằng, khởi thủy của lịch sử nước Trung hoa bắt đầu từ Tam Hoàng và Ngũ Đế.

    Tam Hoàng là ba vị vua đầu tiên của nước Tàu.

    Ngũ Đế là năm vị vua nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung hoa, đưa dân tộc nầy thoát khỏi tình trạng ăn lông ở lỗ, biết chế ra lửa để nấu chín thức ăn, biết cất nhà, làm quần áo, trồng ngũ cốc, chài lưới, lễ nghi, và bắt đầu tạo ra chữ viết.

    Đó là thời kỳ sơ khai tối cổ của nước Tàu, văn minh chưa có hay mới bắt đầu có nhưng rất thô sơ, dân chúng rất thưa thớt, sống từng nhóm nhỏ theo lối du mục, không có dấu tích gì còn sót lại, nên người đời sau rất khó nghiên cứu để biết rõ các triều đại tối cổ nầy.

    Những từ ngữ: Tam Hoàng, Ngũ Đế, và hiệu của các vị vua, do người đời sau đặt ra để hệ thống hóa các tư liệu về cổ sử. Còn Đế hiệu thì lấy tên đất mà đặt ra, gọi là Địa hiệu, hoặc lấy công đức đối với dân mà đặt ra, gọi là Đức hiệu.

    Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nước Tàu thời tối cổ, viết sách lưu lại, vẫn chưa thống nhứt với nhau về Tam Hoàng là những vị vua nào, và Ngũ Đế gồm những vị vua nào. Có nhiều thuyết đưa ra nêu trong các sách, đôi khi lại trái ngược nhau, khiến người sau nghiên cứu, không biết đâu là sự thật.

    Sau đây xin trình bày về Tam Hoàng và Ngũ Đế theo hai quyển sách:

    · Tam Hoàng Thiên Kinh,
    · Thượng Thư Đại truyện và Ngũ Đế Bản Kỷ.

    1. Theo sách Tam Hoàng Thiên Kinh

    Phần đầu của sách nầy giải thích về sự tạo dựng Trời Đất và loài người, tóm lược sau đây:

    Ban đầu Trời Đất là một khối Hỗn mang như quả trứng gà, ông Bàn Cổ được sanh ra trong ấy. Mười tám ngàn năm sau, Trời Đất mới khai tịch, khí Dương thanh nhẹ bay lên thành Trời, khí Âm nặng đục hạ xuống thành Đất. Bàn Cổ ở trong ấy, một ngày biến đổi 9 lần, Trời mỗi ngày cao thêm một trượng, Đất mỗi ngày dày thêm một trượng, Bàn Cổ mỗi ngày lớn một trượng, v.v....

    Bàn Cổ sanh ra nhơn loại, và là vị vua đầu tiên của nhơn loại, nên gọi Ngài là Thiên Hoàng.

    Nối tiếp Thiên Hoàng là Địa Hoàng và Nhơn Hoàng.

    Hợp chung ba vị vua lại gọi là Tam Hoàng.

    Thiên Hoàng là Bàn Cổ, mà Bàn Cổ chính là Đấng Thái Thượng Đạo Quân, nên trong Kinh Tiên Giáo có câu:
    "Khai Thiên, Địa, nhơn, vật chi tiên."
    "Cửu Hoàng Tỹ Tổ."

    Nối tiếp Tam Hoàng là Tam Vương. Tam Vương gồm:

    - Ngũ Long, - Hữu Sào, - Toại Nhân.

    Nối tiếp Tam Vương là Ngũ Đế. Ngũ Đế gồm:
    - Phục Hy, - Thần Nông, - Hoàng Đế,
    - Đường Nghiêu, - Ngu Thuấn.

    Vậy theo sách Tam Hoàng Thiên Kinh thì:

    * TAM HOÀNG gồm:
    Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng.
    * TAM VƯƠNG gồm:
    Ngũ Long, Hữu Sào, Toại Nhân.
    * NGŨ ĐẾ gồm:
    Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.

    2. Theo sách Thượng Thư Đại Truyện và Ngũ Đế Bản Kỷ

    Ban đầu, Trời Đất là một khối Hỗn mang hình giống như quả trứng gà. Bàn Cổ sanh ra trong ấy. Sau đó, khí Dương nhẹ bay lên thành Trời, khí Âm nặng đục kết thành Đất.

    ■ Sau đời Bàn Cổ là Tam Hoàng.

    Tam Hoàng gồm:
    - Toại Nhân, - Phục Hy, - Thần Nông.

    ■ Nối tiếp Tam Hoàng là Ngũ Đế:

    Ngũ Đế gồm:
    - Hoàng Đế, - Chuyên Húc,
    - Đế Cốc, - Đường Nghiêu, - Ngu Thuấn.

    ■ Nối tiếp Ngũ Đế là Tam Đại.

    Tam Đại gồm:
    - Nhà Hạ, do vua Hạ Võ lập ra.
    - Nhà Thương, do vua Thành Thang mở ra.
    - Nhà Châu, do vua Văn Vương lập ra.

    3. Theo sự khảo cứu của các nhà Sử học hiện nay

    Các đời vua vào thời tối cổ nước Tàu thì không thể xác định được, chỉ có thể nghiên cứu các vị vua từ Phục Hy trở về sau, tính theo năm Tây lịch, kể ra sau đây:

    - Phục Hy : năm 2852 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Thần Nông : năm 2737 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Hoàng Đế : năm 2697 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Thiếu Hiệu : năm 2597 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Chuyên Húc : năm 2513 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Đế Cốc : năm 2453 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Đế Chí : năm 2365 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Đường Nghiêu : năm 2341 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Ngu Thuấn : năm 2268 trước Tây lịch kỷ nguyên.
    - Hạ Võ : năm 2205 trước Tây lịch kỷ nguyên.

    Trong số các vị vua kể trên, có năm vị vua được dân chúng nhắc đến nhiều nhứt, được tôn là Thánh Vương, vì đã có nhiều công lớn trong việc phát minh những điều hữu ích quan trọng để giáo hóa dân chúng. Năm vị Thánh Vương nầy đắc đạo tại thế, có huệ nhãn, nhìn biết được các lẽ mầu nhiệm của Trời Đất. Năm vị Thánh Vương được gọi chung là Ngũ Đế:

    - Phục Hy - Thần Nông - Hoàng Đế
    - Đường Nghiêu - Ngu Thuấn.

    4. Công đức của Tam Hoàng - Ngũ Đế

    1. Ngũ Long:

    Vua Ngũ Long dạy dân lột da thú làm áo quần, lấy lá cây làm nón che đầu.

    2. Hữu Sào: (Hữu là có, Sào là tổ chim)

    Vua Hữu Sào dạy dân làm ổ trên cây để ở, tránh nạn thú dữ hãm hại, sau dạy dân đốn gỗ làm giàn cất gác, lợp nhà, thế cho hang lỗ trước kia. Con người bây giờ không còn ăn chung ở lộn với các loại thú cầm.

    3. Toại Nhân: (Toại là khoan gỗ lấy lửa, Nhân là người)

    Toại Nhân là người tìm ra được lửa, dạy dân chúng dùng lửa để nấu chín thức ăn cho khỏi tanh hôi. Việc tìm ra lửa là một phát minh vô cùng quan trọng, vì nó giúp con người nấu nướng thức ăn, khỏi phải ăn thịt sống như cầm thú.

    Nhờ Hữu Sào, con người thoát khỏi cảnh ở hang lỗ.

    Nhờ Toại Nhân, con người có lửa, tách khỏi cầm thú.

    4. Phục Hy:

    Vua Phục Hy có mẹ tên là Hoa Tư. Ngày kia, bà thong thả dạo cảnh trong núi, bỗng thấy một vị cừ nhân đi qua, để lại vết chân rất sâu và lớn. Bà Hoa Tư tình cờ bước theo dấu chân ấy của linh Thần, bèn cảm động tâm thần, chợt thấy hồng quang chiếu vào bụng, liền thọ thai, 16 tháng sau, sanh ra Phục Hy tại xứ Thành Kỷ (bây giờ là Hiệp Tây).

    Phục Hy còn có tên là Thiếu Hạo, khổ người cao lớn, cao 1 trượng 6 thước, có nhiều đức tốt, được dân chúng tôn lên làm vua năm Ngài 18 tuổi.

    Phục Hy định kinh đô tại Huyển Khưu, lấy Mộc đức trị dân. Ngài có bốn bề tôi lương đống là: Cộng Công, Bá Hoàng, Châu Nương, Hào Anh, cùng với em gái là Bà Nữ Oa, giúp việc trị nước an dân, trên thuận mạng Trời, dưới hòa mọi người. Các bộ tộc lân bang, bát man, phi cầm tẩu thú đều mến đức, đến chầu Ngài. Ngài là vị vua có huệ nhãn, biết được các lẽ bí mật của cõi vô hình.

    Một ngày kia, nghe dân báo có một con quái vật đầu rồng mình ngựa, mới nổi lên trên sông Hoàng Hà làm nước sông dâng cao lụt lội. Ngài liền đến đó, thấy quái vật, Ngài biết nó là con Long Mã, một loài thú linh.

    Ngài nhìn nó nói rằng:

    - Nếu phải nhà ngươi đem vật báu đến dâng ta thì hãy lại gần đây.

    Long Mã như biết nghe tiếng người, từ từ đi khơi khơi trên mặt nước vào bờ, đến trước Phục Hy, quì xuống. Nhà vua gỡ lấy bửu kiếm trên lưng, và nhìn thấy trên lưng Long Mã có một bức đồ gồm 55 chấm đen trắng. Sau đó, Long Mã trở ra giữa sông, rồi biến mất. Mực nước sông Hoàng Hà sụt xuống, trở lại như trước.

    Vua Phục Hy vẽ lại những chấm đen trắng trên lưng Long Mã, tạo thành bức đồ gọi là Hà Đồ, rồi nhà vua quan sát các hiện tượng thiên nhiên trong Trời Đất, sáng chế ra Tiên Thiên Bát Quái Đồ, để giải thích sự hình thành Càn Khôn Vũ Trụ.

    Vua Phục Hy lại chế ra lịch cho dân dùng, định năm tháng và mùa tiết cho dân gieo trồng cấy gặt.

    Về âm nhạc, vua Phục Hy chế ra đàn sắt, đàn cầm và ca khúc Giá Biện. Phục Hy chế ra lưới đánh cá. Câu Mang phỏng theo lưới đánh cá ấy mà làm ra lưới bắt chim. Nhờ các sáng chế nầy mà dân chúng dễ kiếm sống hơn trước.

    Sách Cổ Sử Khảo (được dẫn trong sách Dịch Sử) viết rằng: Phục Hy đặt ra giá thú. Bà Nữ Oa là Thần Bà Mối đặt ra hôn nhân.

    Sách Trung quốc Sử lược của Phan Khoang viết: "Phục Hy dạy dân nuôi thú vật để sai khiến, làm lưới để săn và đánh cá, nuôi tằm, vẽ Bát quái chỉ cái lẽ Âm Dương biến hóa của vạn vật, chế đàn cầm đàn sắt, dạy dân phép cưới vợ gả chồng (dùng một đôi da thú làm lễ, vì ở thời kỳ ngư lạp, da thú là quí), từ đó mới có các danh từ gia tộc."

    Phục Hy làm vua được 97 năm thì băng. Em gái là Nữ Oa lên kế vị. Bà có tài luyện Ngũ Vân Thạch bổ Thanh Thiên. Tương truyền, Bà Nữ Oa làm vua được 130 năm thì mất.

    5. Thần Nông:

    Vua Thần Nông hiệu là Viêm Đế, tên là Thạch Niên, con của ông Thiếu Điền và bà An Đăng. Tương truyền bà nằm mộng thấy rồng đoanh và sanh ra Ngài tại thạch thất trong núi Liệt Sơn. Vua Thần Nông có khổ người to lớn, bề cao 8 thước 7 tấc, được tôn làm vua, lấy Hỏa đức cai trị dân, được thiên hạ phục tòng, long chầu hổ bái. Thật là đời thái bình Thánh đức.

    Thần Nông thấy dân chúng giết thú vật ăn thịt quá nhiều, lòng chẳng nỡ, liền đi tìm kiếm các giống ngũ cốc, rồi chế ra cày bừa, dạy dân cày cấy gieo trồng ngũ cốc, gặt lấy hạt rồi nấu chín mà ăn. Vua Thần Nông tổ chức cho dân họp chợ, trao đổi hàng hóa để mọi người dân có đủ đồ dùng. Nhờ vua Thần Nông mà dân chúng bắt đầu định cư định canh, từ bỏ dần đời sống du mục.

    Ngài thấy dân chúng bệnh hoạn ốm đau, Ngài ra công tìm kiếm các loại cây thuốc để trị bịnh cho dân. Tương truyền, vua Thần Nông có chiếc roi thần, Ngài vụt roi vào cây thì Ngài biết được tính chất trị bịnh của từng cây thuốc.

    Cũng có thuyết nói rằng, vua Thần Nông phải nếm các cây thuốc để định dược tính của nó. Có khi trong một ngày, nhà vua phải nếm đến 70 loại cây thuốc khác nhau, có nhiều cây độc khiến Ngài nhiễm bịnh. Ngài phải suy nghĩ tìm cách trị bịnh cho mình có kết quả, rồi đem kinh nghiệm ấy truyền dạy cho dân. Ngày kia, Ngài nếm phải một cây thuốc rất độc, làm cho Ngài bị đứt ruột mà chết. Dân chúng hay được đều than khóc thương tiếc Ngài. Ngài mất ở Trường Sa, thọ 140 tuổi, làm vua được 120 năm.

    Ngài là vị vua dám hy sinh tánh mạng của mình để tìm ra dược tính của cây thuốc mà trị bịnh cho dân. Dân chúng rất nhớ ơn Ngài, tôn Ngài là Tổ của nghề làm ruộng và Tổ của nghề chế thuốc trị bịnh. Thật là một vị Đại Đức Chơn Vương.

    6. Hoàng Đế tức Hiên Viên Huỳnh Đế:

    Vua Hoàng Đế hiệu là Hiên Viên, con của bà Phù Bửu. Mẹ Ngài nằm mơ thấy sao Bắc Đẩu rớt vào mình mà thọ thai sanh ra Ngài. Thuở nhỏ, Ngài rất thông minh, có tánh thần linh, thường khuyên người đồng thời lo làm lành và tu ngũ đức.

    Theo sách Ngũ Đế Bản Kỷ, thì sau đời vua Thần Nông, các bộ tộc mạnh nổi lên tranh giành quyền hành, mà bộ tộc Xuy Vưu là hùng mạnh hơn cả, nhưng rất tàn ác. Những bộ tộc nào không tùng phục Xuy Vưu thì bị Xuy Vưu đem binh đến đánh tiêu diệt. Các bộ tộc liên kết với nhau chống lại Xuy Vưu, tôn thủ lãnh bộ tộc Hữu Hùng Thị ở huyện Tân Trịnh lên làm Thống lãnh đánh lại Xuy Vưu.

    Trận đánh dữ dội xảy ra ở Trác Lộc, sương mù bao phủ dày đặc làm cho không nhận định được phương hướng, Hữu Hùng Thị bị Xuy Vưu vây hãm, không biết đường nào đánh ra cho thoát. Tương truyền Bà Cửu Thiên Huyền Nữ hiện đến giúp Hữu Hùng Thị chế tạo xe hai bánh chỉ Nam để định phương hướng, và dạy cho binh pháp. Nhờ vậy, Hữu Hùng Thị biết hướng và cách đánh ra, khiến cho Xuy Vưu thảm bại và bị giết chết. Thủ lãnh Hữu Hùng Thị được các bộ tộc tôn lên làm vua, xưng hiệu là Hiên Viên Hoàng Đế, lấy Thổ đức trị dân.

    Hoàng Đế (Huỳnh Đế) chế tạo được thuyền bè để đi lại và chở hàng hóa trên sông, làm nhà cửa để ở tránh mưa gió.

    Sách Hoài Nam Tử chép rằng: Hoàng Đế sai bề tôi là ông Thương Hiệt chế ra chữ viết. Thương Hiệt quan sát hình tượng các vật trên mặt đất, hợp với các Thiên tượng mà chế tác ra văn tự tượng hình. Khi văn tự chế thành thì tiếng sấm nổ vang, quỉ Thần đều run sợ, Trời mưa xuống những hạt lúa trắng ban cho dân ăn mạnh khỏe.

    Tuy chữ viết rất thô sơ nhưng cũng ghi lại được những sự việc quan trọng của các đời trước, những kinh nghiệm, kiến thức, sự tích để truyền bá và lưu lại. Nhờ đó, văn minh được tỏa sáng từ thời trước qua thời sau, sách vở xuất hiện, giáo dục bắt đầu phát triển, đạo lý được đề cao, trí thức được bồi dưỡng.

    Sách Lã Thị Xuân Thu viết rằng: "Hoàng Đế sai ông Linh Xuân chế tác ra Nhạc luật; sai ông Đại Nhiễu chế ra Can, Chi, Giáp Tý, để làm lịch pháp, tính ngày, tháng, năm và giờ. "

    Sách Đế Vương Thế ký chép, vua Hoàng Đế sai ông Kỳ Bá viết ra sách thuốc để dạy nghề y dược trị bịnh cho dân.

    Hoàng Đế phân chia nước ra làm Châu, Quận, xây cất cung điện, chế ra áo mão cho các quan, phân biệt theo ngũ sắc.

    Đặc biệt Hoàng Hậu của vua Hoàng Đế là bà Luy Tổ biết được cách trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt lụa, nhờ đó mà Hoàng Đế mới chế tạo áo mão cho các quan.

    Sách Thương Quân viết: "Đời Thần Nông, con trai cày mà ăn, con gái dệt mà mặc, không dùng hành chính mà dân được trị, không dấy binh đao mà làm vua thiên hạ. Vua Thần Nông mất rồi thì các bộ tộc nổi lên, mạnh hiếp yếu, đông hiếp ít, nên vua Hiên Viên Huỳnh Đế mới bày ra nghĩa vua tôi, trật tự trên dưới, lễ cha con, anh em, và sự phối hợp vợ chồng."

    Xem thế thì thời vua Hoàng Đế xảy ra một biến chuyển quan trọng trong lịch sử về chánh trị và xã hội của nước Tàu.

    Từ thời vua Thần Nông, dân chúng bắt đầu định cư để làm ruộng, nên có quan niệm tư sản. Đã có tư sản ắt có tranh giành, nên vua Hoàng Đế phải lập luật pháp và dùng hình phạt. Vua thâu điền thổ làm của công, đặt ra phép tỉnh điền để chia ruộng đất cho dân. Vua phong các bộ tộc làm chư Hầu được thế tập. Số chư Hầu lúc đó rất đông.

    Vua Hoàng Đế sai khai thác mỏ đồng ở núi Thủ Sơn, đúc thành một cái đỉnh rất lớn hình trái bầu, gọi là Đỉnh hồ, cao một trượng 3 thước, có thể chứa 10 thạch lúa. Chung quanh đỉnh có chạm hình rồng bay và hình các thú lạ.

    Khi chiếc đỉnh hoàn thành, nhà vua cầu Ngũ Long thiên võ, liền có Hùynh Long hạ giáng, chấm râu vào đỉnh.

    Vua Hiên Viên Huỳnh Đế và Hoàng Hậu đều lo trau giồi tâm tánh, hằng tu nhơn tích đức.

    Ngày kia, Đức Nguơn Thủy đang ngồi nơi Cung Ngọc Hư núi Côn Lôn, nhận thấy lòng thành của vua Hiên Viên và Hoàng Hậu, nên sai học trò là Quảng Thành Tử xuống trần khai tâm và dạy đạo cho vua. Quảng Thành Tử vâng lịnh thầy, cỡi mây lành bay xuống thành vua trong đêm trăng sáng, gọi vua và Hoàng Hậu ra trước lầu Vọng Nguyệt dạy rằng:

    - Lòng thành của hai vị thấu đến Ngọc Hư, nên ta vâng lịnh đến đây hướng dẫn và truyền pháp cho hai vị tu luyện. Hai vị hãy ráng dọn mình cho trong sạch, sắm sẵn một đỉnh đồng đặt trên lầu cao, khi nào cần hỏi điều chi thì đốt trầm hương trong đỉnh mà đảnh lễ cầu nguyện, tức thì ta hay được sẽ đến.

    Nói xong, Quảng Thành Từ dùng phép khai quang cho vua Hiên Viên và Hoàng Hậu, rồi truyền cho phép luyện đạo.

    Vua và Hoàng Hậu sau khi được hưởng phép Khai quang thì trí não quang minh sáng suốt, lời dạy bao nhiêu đều ghi nhớ rõ ràng. Từ đó hai vị chuyên tâm tu hành, việc triều đình thường giao cho các quan đầu triều lo liệu.

    Khi nhà vua tu thuần thục rồi, liền đốt trầm hương nơi đỉnh đồng để cầu thầy là Quảng Thành Tử đến truyền đạo tiếp.

    Lần lựa ngày tháng trôi qua, vua và Hoàng Hậu tu luyện đạt đến mức cao, Quảng Thành Tử hiện đến dạy rằng:

    - Hai vị đã tu hành sắp đến ngày chứng quả, kể từ ngày mai, hãy ra lịnh cho bá quan văn võ miễn lai trào. Hai vị cố gắng giữ lòng thanh tịnh, trong vài ngày, ta sẽ đến.

    Vua Hiên Viên và Hoàng Hậu lãnh ý, liền ra lịnh cho các quan bãi chầu trong 3 ngày, khiến các quan lấy làm lạ không biết lý do gì, nhưng cứ tuân theo chiếu chỉ.

    Đến ngày thứ ba, các quan kéo đến ngọ môn xem vua có ra lịnh mới chi không, bỗng thấy một luồng gió cuốn trên không, mùi hương sực nức bay khắp cung điện, kế thấy từ trên lầu cao, vua và Hoàng hậu ngồi trên lưng rồng vàng, có mây lành đỡ dưới, bay thẳng lên Trời, rồi từ từ khuất vào đám mây.

    Cả thảy bá quan và dân chúng đều biết rằng, vua Hiên Viên và Hoàng Hậu Luy Tổ đã tu hành lâu năm, nay đắc đạo, có Huỳnh Long bay xuống, rước về Trời.

    Cho nên thơ cổ có câu: "Vân ám đỉnh hồ long khứ viễn" nghĩa là: mây che đỉnh hồ, rồng bay xa, để chỉ việc vua Hiên Viên và Hoàng Hậu đắc đạo, có rồng bay xuống rước lên Trời.

    7. Đường Nghiêu và Ngu Thuấn:

    (Xem chi tiết nơi chữ: Nghiêu Thuấn, vần Ng).

  • Tam hồn - Thất phách

    Tam hồn - Thất phách

    三魂 - 七魄

    A: Three souls - Seven envelopes of the divine body.

    P: Trois âmes - Sept enveloppes du corps divin.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Hồn: điểm linh quang do Đức Chí Tôn ban cho.

    Thất: 7. Phách: có nhiều nghĩa (xem chữ Phách, vần P), ở đây Phách có nghĩa là: những lớp tinh chất bao bọc chơn thần để chơn thần thích ứng với môi trường chung quanh.

    I. Tam hồn:

    Tam hồn là ba điểm linh quang mà Đức Chí Tôn ban cho mỗi Hóa nhân, khi tiến hóa từ Thảo mộc lên Thú cầm và thành Nhơn loại. Tam hồn gồm: Sanh hồn, Giác hồn, Linh hồn.

    Quan trọng nhất là linh hồn, vì nhờ có linh hồn mà con người đứng trên loài thú cầm, có tánh linh hơn vạn vật, và cũng chính nhờ điểm linh hồn nầy mà con người có thể tu hành đắc đạo thành Tiên, Phật.

    Sau đây, chúng ta xem bài Thánh giáo của Đức Chí Tôn in trong Đại Thừa Chơn Giáo, nói về sự tiến hóa của con người:

    "Người là gốc của muôn vật, muôn vật là ngọn của loài người, mà Trời Đất là gốc của loài người, người là ngọn của Trời Đất. Luật Tấn hóa của thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, nó từ từ tăng tiến mãi, nhưng cũng có thối hóa vậy.

    Các con nghe:

    Như loài thảo mộc cũng có thọ nơi Thầy một điểm nguyên hồn. Nó cũng sống, nhưng trí hóa khờ ngây.

    Các con coi đó, từ thảo mộc bắt đầu lên cho chí loài người, có 3 cái phép:

    1. Như thảo mộc thì cái gốc trở xuống, ngọn day lên. (Gốc là đầu, ngọn là chơn).

    2. Rồi nó tấn hóa đến bực thú cầm, thì cái đầu với cái đuôi ngang nhau.

    3. Thú cầm qua nhơn loại thì cái đầu trở lên trên, cái chơn xuống dưới.

    Ấy là 3 pháp.

    Vậy, từ thảo mộc có một phần hồn. Thảo mộc tấn hóa mãi, muôn vàn kiếp mới bước sang qua thú cầm thì từ thú cầm đã đặng hai phần hồn. Thú cầm mới dần dần tấn hóa mãi, trăm ngàn muôn kiếp, lên đặng làm người thiệt là trăm đắng ngàn cay, muôn thảm vạn sầu, biết bao nhiêu là công phu khổ hạnh, xả thân giúp đời một cách khó khăn cực nhọc, nhưng cũng vui lòng, mãn kiếp nọ sang kiếp kia, cứ lập công quả mãi. Vàn vàn muôn lần đầu thai mới qua đặng phẩm bực loài người.

    Khi tấn hóa đến loài người thì đã đủ trọn Tam hồn Thất phách.

    Những con thú mới qua làm người thì còn khờ khạo ngu ngây, tánh tình độc hiểm, nếu biết khôn xả thân giúp đời thì chuyển kiếp đôi ba chục lần cũng đặng minh mẫn khôn ngoan.

    Khi đã đặng làm người, phải tấn hóa mãi, mà tấn hóa mãi thì cần phải chịu chuyển kiếp trăm ngàn lần, đặng học hỏi mọi lẽ thế gian. Đặng làm người rất khó.

    Người muốn tấn hóa đến phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật thì phải tu tâm dưỡng tánh, tích đức thi ân. Từ đây mà đến địa vị Tiên, Phật rất là chua cay nông nỗi, có dễ dầu chi!

    Những người nào có lòng thiện đạo tu hành, tánh cách hiền lương, hoà hảo thương yêu cả mọi người, xem của đời là mộng ảo, không ưa vật chất, chỉ chuộng tinh thần, ý chán đời, không lưu luyến đỉnh chung lợi lộc thì có ngày gặp đặng Tiên, Phật, chỉ truyền phép tu tánh luyện mạng, qui tam bửu hiệp ngũ hành, tạo thành ngôi vị. Khi nào tấn hóa đến phẩm Tiên, Phật rồi thì tiêu diêu khoái lạc, an hưởng chốn thanh nhàn, không dời đổi biến thay. Điểm linh hồn nào cũng phải chui qua cái cửa đó mới thành Tiên, Phật....

    Sự tấn hóa từ con thú lên đến làm người còn dễ, chớ người tấn hóa đến Tiên, Phật thật khó thay, vì con người cả mang lòng dục vọng, ham muốn, ưa chuộng Tửu, Sắc, Tài, Khí, lưu luyến tình đời, dâm dục quá độ, hung bạo không ngằn, thì phải chịu thối hóa trở lộn xuống mang lông đội sừng mà đền bồi tội quá." (Xem chi tiết nơi chữ: Nhơn Sanh Quan, vần Nh)

    Qua bài Thánh giáo trên của Đức Chí Tôn dạy về sự Tấn hóa (Tiến hóa) của chúng sanh, chúng ta nhận thấy rằng:

    1. Loài Kim thạch chưa có sự sống rõ rệt nên chưa có điểm Nguyên hồn.

    2. Khi Kim thạch tiến hóa lên Thảo mộc, bắt đầu có sự sống rõ rệt thì Đức Chí Tôn ban cho Thảo mộc một điểm Nguyên hồn, gọi là SANH HỒN để tạo sự sống cho Thảo mộc.

    3. Thảo mộc có sự sống mà chưa có tri giác, Thảo mộc tiến hóa lên Thú cầm, bắt đầu có tri giác thì Đức Chí Tôn ban thêm cho một điểm Nguyên hồn gọi là GIÁC HỒN để tạo cho Thú cầm sự hiểu biết.

    Vậy khi Thảo mộc tiến hóa tới Thú cầm thì Thú cầm có 2 điểm Nguyên hồn: Sanh hồn và Giác hồn, để tạo cho nó sự sống và sự hiểu biết.

    4. Thú cầm có hiểu biết nhưng chưa có sự suy nghĩ và trí thông minh, nó phải tiến hóa lên phẩm Người thì Đức Chí Tôn mới ban thêm cho một điểm Nguyên hồn nữa gọi là Linh hồn, để con người có tánh linh hơn vạn vật, có trí thông minh để suy nghĩ hiểu biết các lẽ phải trái, và nhứt là nhờ điểm Linh hồn nầy mà con người có thể tu luyện để đắc thành Tiên, Phật.

    Vậy con người có được ba điểm Nguyên hồn: Sanh hồn, Giác hồn, và Linh hồn, gọi chung là Tam hồn.

    Phần quan trọng nhứt trong Tam hồn là Linh hồn, nên khi nói về con người thì người ta chỉ nói về Linh hồn, và Linh hồn cũng được gọi là Chơn linh. (Xem: Nhơn Sanh Quan, vần Nh)

    II. Thất phách:

    Chữ Phách trong Thất phách có nghĩa là những lớp tinh chất bao bọc chơn thần để cho chơn thần thích ứng được với môi trường chung quanh.

    Khi chơn thần đến một cõi giới nào, chơn thần phải lấy tinh chất của cõi giới đó làm một lớp bao bọc bên ngoài, để chơn thần ở được cõi giới đó và làm việc nơi cõi giới đó.

    Theo vũ trụ quan của Đạo Cao Đài, địa cầu của nhơn loại đang ở thuộc cõi Hạ giới, là cõi thấp nhất trong Càn Khôn Vũ Trụ; cõi cao nhất là cõi Thái Cực, ở tại trung tâm của Càn Khôn Vũ Trụ, có Bạch Ngọc Kinh, nơi thường ngự của Đức Chí Tôn Thượng Đế.

    Từ cõi Hạ giới đến cõi Thái Cực, nếu xét về phương diện chất tinh khí cấu tạo mỗi cõi, thì có thể phân ra làm 7 cõi, có tên từ thấp lên cao là:

    7. Cõi Thái Cực (Cõi Thượng Đế)
    6. Cõi Lưỡng Nghi (Cõi Thượng Đế)
    5. Cõi Tứ Tượng (Cõi Phật)
    4. Cõi Bồ Đề (Cõi Phật)
    3. Cõi Thượng giới (Cõi Tiên)
    2. Cõi Trung giới (Cõi Thánh và Thần)
    1. Cõi Hạ giới (Cõi nhơn loại)

    Bảy cõi nầy không phải là 7 từng Trời, mà là 7 khoảng không gian có chất tinh khí cấu tạo nặng nhẹ khác nhau.

    Cõi Hạ giới có nguyên tử tinh khí cấu tạo nặng nhất; cõi Thái Cực có nguyên tử tinh khí cấu tạo nhẹ nhất.

    Mặt khác, con người nơi cõi thiêng liêng có hai thể: linh hồn và chơn thần. Linh hồn là điểm Linh quang do Đức Chí Tôn ban cho, chơn thần do Đức Phật Mẫu dùng nguơn khí nơi Diêu Trì Cung tạo ra, để làm xác thân thiêng liêng cho linh hồn.

    Linh hồn và xác thân thiêng liêng (chơn thần) muốn đến ở cõi nào thì phải lấy chất tinh khí của cõi đó làm thành một lớp bao bọc bên ngoài chơn thần, để chơn thần thích hợp với sự nhẹ nhàng hay nặng nề của cõi đó thì mới ở cõi đó được.

    Khi Đức Phật Mẫu muốn tạo hóa một nguyên nhân nơi cõi thiêng liêng, Đức Phật Mẫu thu nhận một điểm linh quang của Đức Chí Tôn ở ngôi Thái Cực để làm linh hồn, rồi Đức Phật Mẫu dùng hai nguyên khí Âm Dương nơi Diêu Trì Cung tạo ra chơn thần bao bọc linh hồn ấy. Như vậy là Đức Phật Mẫu đã tạo hóa ra một nguyên nhân nơi cõi Lưỡng Nghi.

    Nguyên nhân nầy muốn xuống ở cõi Tứ Tượng thì phải dùng tinh khí của cõi Tứ Tượng bao bọc một lớp bên ngoài chơn thần thì nguyên nhân mới có thể ở cõi Tứ Tượng được.

    Chúng ta đọc bài Thánh giáo sau đây của Đức Chí Tôn dạy về Bảy thể của linh hồn, in trong Đại Thừa Chơn Giáo:

    "BẢY THỂ CHẤT Ở BẢY CÕI TRÊN.

    Đây Thầy giải qua Bảy thể của linh hồn cho các con rõ:

    Trước hết, linh hồn muốn nhập vào thế giới hữu hình nầy, tất phải mượn 7 cái thể chất của 7 cõi trên kia mới đặng.

    · Bảy cái thể là:

    · Tiên thể
    · Kim thân
    · Thượng trí
    · Hạ trí
    · Vía
    · Phách
    · Xác trược nầy.

    Các con nếu không có 7 thể ấy thì không bao giờ nhập vào thế giới hữu hình đây đặng. Vì ở trên hết là Thượng tằng không khí, khí ấy nhẹ nhàng trong sạch hơn trăm ngàn lần cái không khí ở trần gian nầy.

    Vậy nên, nếu điểm linh hồn của các con ở đặng cõi Hư Vô là nhờ nó đã thanh nhẹ hơn thượng tằng không khí kia nữa, mà nếu nó đã nhẹ hơn thượng tằng không khí thì tự nhiên khi muốn giáng trần, nó phải mượn 7 thể của 7 cõi mà bao bọc bên ngoài cho thêm nặng nề thì mới trì kéo nó giáng xuống được.

    Như linh hồn ở cõi Thái Cực, muốn xuống cõi Lưỡng Nghi thì phải lấy tinh khí cõi đó mà bao bọc bên ngoài đặng làm một cái Kim thân cho hạp với khí chất cõi ấy.

    Chừng ở cõi Lưỡng Nghi mà muốn xuống cõi Tứ Tượng thì cũng phải dùng tinh khí cõi ấy mà bao bọc ra ngoài cái vóc Kim thân một lớp nữa đặng làm cái Thượng trí.

    Lúc ở cõi Tứ Tượng mà muốn xuống cõi Bồ Đề thì cũng phải dùng tinh khí cõi ấy mà bao bọc ra ngoài cái vóc Thượng trí một lớp nữa đặng làm cái Hạ trí.

    Cứ lần xuống cõi nào là phải mượn tinh khí cõi đó mà bao bọc thêm ra ngoài, nên phải mượn đủ 7 thể chất mới xuống hết 7 cõi đặng vào ở trong không khí trần gian.

    Nếu không mượn 7 thể mà bao bọc ra ngoài thì chẳng những là đã không đủ sức nặng để kéo trí cho linh hồn nó giáng xuống, mà tất nhiên nó cũng không chịu nổi với các khí chất lần lần càng xuống thấp là càng ô trược nặng nề thêm mãi nữa.

    Người nào hữu căn hữu kiếp, biết tỉnh ngộ tầm ra nguồn cội của loài người, thì phải mượn cơ pháp bí truyền mà tu luyện đặng mở 7 thể ấy rớt ra thì linh hồn mới đặng trở về ngôi vị.

    Bảy thể ấy muốn mở ra cũng như cổi 7 lớp áo vậy.

    GIẢI: HỒN LÀM SAO LÊN ĐẶNG CÕI HƯ VÔ?

    Bảy thể ấy, nếu không rời rã ra thì nó cứ trì kéo linh hồn xuống mãi.

    Ngày nào các con bỏ xác phàm nầy là ngày các con cổi bỏ bớt một cái áo của các con, rồi các con sanh qua Trung giới, thì các con cắt lìa cái Phách ra, tức là cổi thêm một cái thể nữa.

    Đến Thượng giới thì bỏ cái Vía,
    đến Bồ Đề thì bỏ cái Hạ trí,
    đến Tứ Tượng thì bỏ cái Thượng trí,
    đến Lưỡng Nghi thì bỏ cái Kim thân,
    đến Thái Cực thì linh hồn hiệp cùng Tạo Hóa."

    Tóm tắt:

    Bảy cõi: ─> Bảy thể:
    7. Cõi Thái Cực Tiên thể
    6. Cõi Lưỡng Nghi Kim thân
    5. Cõi Tứ Tượng Thượng trí
    4. Cõi Bồ Đề Hạ trí
    3. Cõi Thượng giới Vía
    2. Cõi Trung giới Phách
    1. Cõi Hạ giới(Cõi phàm trần) Xác phàm.

    Qua bài Thánh giáo trên, nhận thấy có hai trường hợp:

    - Trường hợp 1: Một nguyên nhân từ cõi Thái Cực giáng sanh xuống cõi trần.

    - Trường hợp 2: Một người tu đắc đạo trở về hội hiệp cùng Đức Chí Tôn, linh hồn từ cõi trần đi lên cõi Thái Cực.

    Chúng ta sẽ tìm hiểu mỗi trường hợp vừa nêu trên:

    1. Một nguyên nhân giáng sanh xuống cõi trần:

    Nguyên nhân là người mà Đức Phật Mẫu vâng lịnh Đức Chí Tôn tạo hoá ra. Đức Chí Tôn ban cho một điểm linh hồn, Đức Phật Mẫu dùng nguyên khí trong Kim Bồn nơi Diêu Trì Cung tạo hóa ra một chơn thần làm xác thân thiêng liêng bao bọc linh hồn. Cái chơn thần ấy rất huyền diệu, nó có thể biến hóa để thâu nhận hay loại bỏ các tinh khí của các cõi mà nó đi qua.

    - Tại cõi Thái Cực, cái chơn thần ấy được gọi là Tiên thể.

    Nguyên nhân bắt đầu đi xuống các cõi thấp hơn, trải qua năm cõi thì nguyên nhân mới tới cõi phàm trần.

    - Khi nguyên nhân xuống tới cõi Lưỡng Nghi, chơn thần phải lấy tinh khí nơi cõi Lưỡng Nghi bao bọc bên ngoài Tiên thể một lớp, gọi là Kim thân.

    - Rồi nguyên nhân tiếp tục đi xuống tới cõi Tứ Tượng, chơn thần lấy tinh khí nơi cõi Tứ Tượng để bao bọc bên ngoài Kim thân một lớp, gọi là Thượng trí.

    - Từ cõi Tứ Tượng, nguyên nhân tiếp tục đi xuống cõi Bồ Đề, chơn thần phải lấy tinh khí cõi Bồ Đề bao bọc bên ngoài cái Thượng trí để làm thành cái Hạ trí.

    Tới đây, chúng ta thấy bên ngoài chơn thần được bao bọc lần lượt 4 lớp là: Tiên thể, Kim thân, Thượng trí, Hạ trí.

    - Nguyên nhân từ cõi Bồ Đề tiếp tục đi xuống, tới cõi Thượng giới, chơn thần phải lấy tinh khí cõi Thượng giới để tạo cho mình một lớp áo bao bọc bên ngoài, gọi là cái Vía.

    - Rồi nguyên nhân tiếp tục đi xuống cõi Trung giới, chơn thần phải lấy tinh khí của cõi Trung giới làm thành cái Phách bao bọc bên ngoài cái Vía.

    - Từ cõi Trung giới, nguyên nhân tiếp tục đi xuống, đến cõi phàm trần. Nếu nguyên nhân muốn nhập vào cõi phàm trần, tức là đầu thai hay đầu kiếp nơi cõi trần, thì nguyên nhân tìm đến một bà mẹ phàm trần đang bắt đầu thọ thai, chờ đợi nơi đó cho đến khi đứa hài nhi vừa thoát ra khỏi lòng mẹ, nguyên nhân với linh hồn và 6 thể của chơn thần liền nhập vào thể xác của hài nhi, làm thành một con người mới nơi cõi trần.

    Thế là một nguyên nhân đầu kiếp xuống cõi phàm trần, chơn thần của nguyên nhân có 7 thể, gọi là Thất phách bao bọc bên ngoài chơn thần khi đi xuống trải qua 7 cõi.

    Khi nguyên nhân ở cõi trần lo tu hành đắc đạo, thì con đường trở về hội hiệp cùng Đức Chí Tôn của nguyên nhân là đường đi lên, ngược lại lúc đi xuống.

    2. Nguyên nhân đắc đạo trở về hội hiệp cùng Chí Tôn:

    Ở cõi phàm trần, nguyên nhân mang xác phàm rất nặng nề. Nhưng nhờ có xác thân phàm nầy, nguyên nhân mới làm được công quả, tạo được nhiều công đức, để đem về trình với Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu. Ngoài ra, nhờ có xác thân phàm, nguyên nhân có được TINH, có TINH mới luyện TINH hóa KHÍ, luyện KHÍ hiệp THẦN, luyện THẦN huờn HƯ, đắc đạo thành Tiên, Phật.

    - Khi đã tới thời kỳ xác phàm không còn hữu dụng được nữa, linh hồn và chơn thần rời bỏ xác phàm, thoát ra khỏi cõi trần, bay lên cõi Trung giới.

    - Ở cõi Trung giới, lớp bao bọc bên ngoài của chơn thần là Phách. Linh hồn muốn bay lên cõi Thượng giới thì chơn thần phải cổi bỏ cái Phách để lại cõi Trung giới thì mới bay lên được. Lúc đó cái Vía lộ ra ngoài, mà cái Vía trước đây được tạo bởi tinh khí của cõi Thượng giới, nên nó thích hợp với cõi Thượng giới và nó bay lên nhập vào cõi Thượng giới.

    - Tại cõi Thượng giới, nguyên nhân muốn bay lên cõi Bồ Đề thì chơn thần phải cổi bỏ cái Vía để lại cõi Thượng giới, cái Hạ trí lộ ra, đưa chơn thần đi lên cõi Bồ Đề.

    Ở mỗi cõi, có thể có nhiều từng Trời, nhiều cung nhiều điện, nhiều động,.... Nguyên nhân đắc đạo có thể lưu lại cõi đó một thời gian để tham quan các cảnh, nghe giảng đạo và đến bái kiến các Đấng thiêng liêng đang điều hành nơi cõi đó.

    - Tại cõi Bồ Đề, chơn thần muốn lên cõi Tứ Tượng thì phải cổi cái Hạ trí để lại cõi Bồ Đề, cái Thượng trí lộ ra, đưa chơn thần lên cõi Tứ Tượng.

    - Tại cõi Tứ Tượng, chơn thần muốn lên cõi Lưỡng Nghi, thì phải cổi cái Thượng trí để lại cõi Tứ Tượng, Kim thân lộ ra, đưa chơn thần lên cõi Lưỡng Nghi.

    - Tại cõi Lưỡng Nghi, chơn thần muốn lên cõi Thái Cực thì phải cổi bỏ cái Kim thân để lại cõi Lưỡng Nghi, cái Tiên thể lộ ra, đưa chơn thần và linh hồn lên cõi Thái Cực.

    Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp tại Cửu Long Đài ngày 15-8-Mậu Tý (1948) có câu:

    "Các bạn có biết Phật Mẫu là ai? Ngài dùng 7 nguơn khí tạo chơn thần ta, tức nhiên tạo Phách ta, nhà Phật gọi là thất phách. Kỳ thật, khí phách ấy là chơn thần, tức Nhị Xác thân, khi chúng ta bỏ xác trần, xác thiêng liêng ấy vẫn tồn tại."

    Trong Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Phạm Hộ Pháp cũng có nói rằng: "Trước khi chúng ta ra khỏi Bát Quái Đài rồi không còn hình thể nhơ nhớp như trước nửa, bỏ 7 khí chất tạo thành hình thể chúng ta, nhờ đi ngang qua Bát Quái Đài...."

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 1-11-Mậu Tý (1948):

    "Luôn đó, Ngài (Đức Lý Giáo Tông) lấy triết lý cao siêu mà dạy Bần đạo: Trong một con người có ba xác thân gọi là tam hồn, và bảy vía gọi là thất phách, liên hệ mật thiết cùng nhau. Đương nhiên trong thân thể của mỗi người có ba xác thân ấy cần bảo dưỡng mới tồn tại được. Vì cớ Đức Chí Tôn cho biết, trí thức và linh hồn trọng yếu do căn nguyên của sự sanh hoạt của nó định cái ngã tướng cho ta. Ba xác thân ấy phải nuôi mới sống, mới tồn tại như xác thịt thể hình của ta vậy,"

  • Tam huê tụ đảnh

    Tam huê tụ đảnh

    三華聚頂

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Huê: Hoa: tốt đẹp, tốt thịnh. Tụ: gom nhóm lại. Đỉnh: cái đỉnh đầu, nơi đó có mỏ ác, Đạo gia gọi là Nê Hoàn Cung, hay Huyền Quan Khiếu.

    Tam huê là ba cái tốt đẹp của con người, cũng gọi là Tam bửu: Tinh, Khí, Thần. Trong phép luyện đạo, Tinh là chất tinh túy của xác thân, Khí là khí chất bổ dưỡng theo máu châu lưu nuôi sống cơ thể, Thần là trí não, sự sáng suốt hiểu biết.

    Tam huê tụ đỉnh là luyện cho Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, tụ lại nơi đỉnh đầu, tại Nê Huờn Cung, đắc đạo thành Tiên, Phật tại thế.

    Hành giả luyện đạo, muốn luyện cho đạt được Tam huê tụ đỉnh, tức là luyện cho Tinh Khí Thần hiệp nhứt, thì:

    - Trước hết phải: bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần.

    - Kế đó luyện: Luyện Tinh hóa Khí, Luyện Khí hiệp Thần, Luyện Thần huờn Hư. Ba báu đó hiệp nhứt tại Nê Hoàn Cung (gọi là Tam huê tụ đỉnh), lúc đó tạo được chơn thần huyền diệu; và do cái cửa Nê Hoàn Cung, chơn thần có thể xuất nhập thể xác tùy ý mà vân du Thiên ngoại, đến các từng Trời giao tiếp các Đấng thiêng liêng, gọi là đắc đạo tại thế.

  • Tam Kỳ Phổ Độ

    Tam Kỳ Phổ Độ

    三期普度

    A: The Third Universal Salvation.

    P: La Troisième Salvation Universelle.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Kỳ: thời kỳ. Phổ: bày ra khắp nơi. Độ: cứu giúp nhơn sanh.

    Tam Kỳ Phổ Độ là thời kỳ thứ ba, bày ra khắp nơi để cứu giúp nhơn sanh. (Xem: Nhứt, Nhị, Tam Kỳ Phổ Độ, vần Nh).

  • Tam lập - Tam công

    Tam lập - Tam công

    三立 - 三功

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Lập: gây dựng nên. Công: nỗi vất vả làm nên công việc.

    Tam lập là ba điều lập nên, còn gọi là Tam bất hủ, vì ba điều lập nên nầy không bao giờ hư hoại, mà lại truyền mãi về sau. Tam lập gồm: Lập đức, Lập công và lập ngôn.

    Trong Lập công, có ba cách lập công, gọi là Tam công gồm: Công phu, Công quả, Công trình. (Phần Tam công, xem chi tiết nơi chữ: Công phu, Công quả, Công trình, vần C)

    Đạo Cao Đài mở ra ba cách tu, đắc đạo đoạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật:

    - Cách thứ nhứt hay con đường tu thứ nhứt là hành đạo nơi Cửu Trùng Đài, đi theo Cửu phẩm Thần Tiên, đạt phẩm vị lần lượt từ Địa Thần, Nhơn Thần, Thiên Thần, rồi lên Địa Thánh, Nhơn Thánh, Thiên Thánh, rồi sau cùng lên phẩm Địa Tiên, Nhơn Tiên, Thiên Tiên. Con đường tu nầy chủ yếu về phần Lập Công và Lập Ngôn.

    - Cách thứ nhì hay con đường tu thứ nhì là hành đạo nơi Cơ Quan Phước Thiện, đi theo Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, đạt phẩm vị lần lượt từ Minh Đức, Tân Dân, rồi Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, Chí Thiện, lên Đạo Nhơn, Chơn Nhơn, Hiền Nhơn, Thánh Nhơn,.... sau cùng đến Tiên Tử, Phật Tử. Con đường tu nầy chủ yếu về phần Lập Đức.

    - Cách thứ ba hay con đường tu thứ ba là vào Tịnh Thất luyện đạo, học và thực hành các bí pháp luyện đạo, luyện cho Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì đắc đạo tại thế.

    Nhưng trước khi được vào Tịnh Thất luyện đạo, hành giả phải trải qua thời kỳ hành đạo cho đủ Tam Lập. Nếu không đủ Tam Lập thì không thế nào luyện cho đắc đạo.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng giải như sau:

    "Ai không xuất thân hành đạo, nghĩa là không có công phổ độ thì không vào tịnh được, vì không đủ Tam Lập.

    Trước khi xin vào Tịnh Thất, phải nạp tất cả giấy tờ hành đạo, lai lịch từ thuở nhỏ đến trưởng thành, ở ngoài đời không có án tiết, trong cửa đạo cũng vậy, trọn tùng luật pháp đạo và trường chay mới được, rồi giao cho Chi Pháp minh tra về thể pháp đủ bằng chứng. Chi Pháp phải giữ hồ sơ của mỗi người, còn điều trọng yếu về vô vi, không thể gì Chi Pháp biết đặng, chiếu văn kiện thì đầy đủ lắm. Vậy Chi Pháp chỉ biết văn bằng hiện hữu về mặt hữu hình mà thôi.

    Khi minh tra đủ lẽ rồi mới giao cho Hộ Pháp cân thần. Nếu vị nào đủ Tam Lập thì cho vào Tịnh Thất, bằng thiếu thì trở lại đi Đầu Họ, Đầu Quận hành đạo nữa. Nói rõ là có Hộ Pháp trục thần khai khiếu mới biết đặng đủ thiếu, bằng không thì ngồi tịnh lớn bụng vô ích."

    Vậy Tam Lập là phép tu cốt yếu của Đạo Cao Đài.

    Trong thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn, Đức Chí Tôn miễn cho môn luyện đạo nơi Tịnh Thất, nên trong thời kỳ nầy, người tín đồ Cao Đài chỉ cần đủ Tam Lập là đắc đạo.

    Sau khi hết thời kỳ Đại Ân Xá, những tín đồ có đủ Tam Lập còn phải vô Tịnh Thất luyện đạo nữa thì mới đắc đạo.

    Trong Tam Lập (Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn), ba Lập ấy tương quan mật thiết với nhau, khó tách rời ra được, vì nếu tách riêng ra thì không thể thi hành được.

    1. Lập Đức: (Xem chữ Lập Đức, vần L)

    2. Lập Công:

    Lập Công là đem sức lực và sự hiểu biết của mình ra làm việc phụng sự nhơn sanh.

    Việc Lập Công chia làm 3 phần: Công quả, Công phu, Công trình. Phần Công quả là quan trọng hơn cả, vì Đức Chí Tôn có nói nhiều lần rằng: Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là lập một trường thi công quả cho nhơn sanh đắc đạo. Đắc đạo cùng chăng là do công quả. Muốn làm giàu thì phải tìm cách làm ra của cải cho nhiều, muốn làm Tiên Phật thì phải có công quả.

    Công quả muốn được chánh danh và đúng nghĩa của nó thì phải là công quả xuất phát từ lòng tự giác tự nguyện, thiết tha với nó, xem nó là nguồn sống là mục đích của đời mình.

    Mỗi người tùy theo khả năng chuyên môn mà làm công quả. Trong đạo có biết bao nhiêu công việc, đủ mọi ngành nghề, đủ mọi trình độ, từ lao động trí thức cho đến lao động chân tay, ai có sở trường trong công việc nào thì xin vào làm công việc đó cho đạt được mau chóng nhiều kết quả tốt đẹp.

    Đức Chí Tôn có dạy rằng:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt sè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm linh quang của Thầy ban cho các con lắm."

    Và Đức Chí Tôn cũng có hứa rằng: "Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần."

    Hành đạo nơi Cửu Trùng Đài chủ yếu là Lập Công để lập Thiên vị của mình nơi cõi thiêng liêng. Muốn Lập công cho được kết quả mỹ mãn, người tín đồ cần phải lưu ý các điều sau đây:

    - Thứ nhứt, tự rèn luyện khả năng hiểu biết đạo lý của mình để dẫn dắt người chưa biết đạo hay chưa hiểu đạo đi vào con đường đạo đức như mình. Đó là tự giác nhi giác tha, tức là mình tự giác ngộ lấy mình rồi sau đó giác ngộ người khác.

    - Thứ nhì, phải gìn giữ sức khỏe của mình cho được tráng kiện, dẽo dai, để làm điều thiện không biết mệt, phụng sự cho Đạo và cho nhơn sanh không ngừng nghỉ và đắc lực.

    Nếu sức khỏe không tốt, đau ốm liên miên, chẳng những mình không lập công được mà lại để cho nhơn sanh giúp lại mình, tự nhiên mình phải mất đi phần công đức hay phải mang nợ nhơn sanh.

    3. Lập Ngôn:

    Lập Ngôn là nói những lời chơn thật, chánh đáng, có đạo đức để người nghe phát tâm hành thiện hay tu hành.

    Lời nói thốt ra từ cửa miệng gây ra Khẩu nghiệp. Trong Tam nghiệp: Thân nghiệp, Ý nghiệp, Khẩu nghiệp, thì Khẩu nghiệp dễ mắc phải nhứt, vì lời nói không mất tiền mua, nên người ta cứ phát ngôn bừa bãi vô tội vạ. Nhưng người tu nên nghĩ rằng: lời nói không tốt sẽ gây ra khẩu nghiệp, cũng nặng nề như Thân nghiệp và Ý nghiệp vậy.

    Cho nên khi nói ra lời nào, phải suy nghĩ cho cẩn thận, xem lời nói đó có chơn thật không, có gây thiệt hại hay phiền giận cho ai không.

    Bên Tây phương có một câu cách ngôn làm lời khuyên rất quí báu: "Trước khi nói hãy uốn lưỡi bảy lần." (Il faut tourner sept fois sa langue dans sa bouche avant de parler.)

    Nho giáo có dạy rằng: Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, nhứt ngôn khả dĩ táng bang. (Một lời nói có thể làm nước hưng thịnh, một lời nói có thể làm nước mất). Câu nói nầy để cảnh giác các vị vua khi nghe lời tâu cáo của quần thần, phải phân biệt lời nào trung quân ái quốc xây dựng đất nước, lời nói nào sàm nịnh của kẻ gian thần hại nước.

    Đức Chí Tôn cũng thường dạy: "Thầy dạy các con phải cẩn ngôn cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể."

    Người tín đồ Cao Đài muốn Lập Ngôn đúng đắn thì phải nghiêm chỉnh tuân theo giới cấm thứ 5 trong Ngũ Giới Cấm:

    Ngũ bất vọng ngữ là cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng thô tục, chửi rủa người, hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa."

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng giải về Tam Lập, trích ra như sau đây:

    "- Mình học để biết Đạo là Lập Đức, nói Đạo cho thân tộc mình biết là Lập Công, độ toàn nhơn loại là Lập Ngôn. Có làm đủ ba điểm đó mới về được với Đức Chí Tôn bằng con đường Cửu Thiên Khai Hóa."

    "- Lập Đức thì phải nhớ đạo lý. Lập Công thì phụng sự nhơn sanh. Lập Ngôn thì để hết trí óc tìm hiểu về triết học tinh thần, tìm tòi mọi lẽ cao sâu để thuyết minh Chánh giáo."

    "- Phương pháp Tam Lập, nói rõ ra là chỉ đem mảnh thân nầy làm tế vật cho Đức Chí Tôn đặng phụng sự nhơn loại. Nếu giải rõ rất nhiều chi tiết, để có dịp Bần đạo sẽ thuyết minh hoặc viết sách in ra cho học hỏi."

    "Còn mấy em đây là trung phẩm chi nhơn, giáo nhi hậu thiện, mấy em tạo thiện đức được là biết nghe lời Hội Thánh. Người ta có tài thì làm việc hay, còn mình dở thì làm việc thường.

    Bần đạo tỉ dụ một việc thường để cho mấy em dễ hiểu. Phận mình dốt thì làm theo dốt. Muốn tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn, là như vầy:

    Mình nghe đâu có cất chùa, thì mình tự tính đi đến đó xin làm công quả. Mình nghe đâu đó bị tai nạn khốn khổ, thì trong đêm ấy nằm tính và thương xót nghe chỗ đó bị tai nạn, mình định sáng ngày mai, rủ anh em hay tự mình đi, dầu sáng ngày tằm sắp chín hoặc có mối lợi gì đó cũng bỏ đi. Đến trợ giúp tai nạn. Đó là thiện đức, nghĩa là khi mình tính.

    Khi đến, mình nói như vầy: Thưa anh, tôi nghe anh bị tai nạn, tôi đến để xin phép giúp anh một ngày, hoặc là vác một cái cây, hoặc giúp một đồng bạc, vậy thì anh vui lòng cho tôi giúp với một nghĩa mọn. Khi mình nói, đó là Thiện ngôn. Khi mình làm, đó là Thiện công. Chớ không phải ỷ có tiền rồi nói sổ sàng: Đây tôi cho anh một đồng mua gạo ăn đỡ đói. Như vậy là chưa Thiện ngôn."

    Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài, trong buổi đầu là thời kỳ Đại Ân Xá, nên Đức Chí Tôn lập một trường thi công quả (hay trường thi công đức) cho nhơn sanh đắc đạo. Đức Chí Tôn miễn cho môn thi luyện đạo vì môn nầy rất khó, chỉ cần có đủ công quả là Đức Chí Tôn cho đắc đạo.

    Việc lập công quả hay công đức là thuộc về Tam Lập, vì Lập Đức, Lập Công và Lập Ngôn gắn liền nhau, không thể tách rời ra từng phần được. Do đó, thi Lập công quả hay thi Lập công đức chính là thi Tam Lập.

    Người tín đồ Cao Đài là những sĩ tử tham dự kỳ thi nầy, nên cần phải luyện tập ba môn thi nói trên cho hay cho giỏi.

    Làm bài trúng, được điểm cao, được chấm đậu thì Đức Chí Tôn ban thưởng cho các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tương xứng. Nếu các sĩ tử không rèn luyện các môn thi chánh thức nầy, mà lại xem thường nó, rồi lại đi rèn luyện các môn khác không sử dụng trong kỳ thi như môn Luyện đạo chẳng hạn, thì rất uổng phí thời gian cho một kiếp sanh may duyên gặp Đạo.

    Trong kiếp sanh nầy, muốn đắc đạo tức là thi đậu thì phải lo học tập và thực hành Tam Lập. Việc nầy cũng rất khó khăn, nhưng không phải không làm được, muốn thực hiện thì phải có một quyết tâm lớn, một ý chí kiên cường nhẫn nại và một tấm lòng hy sinh.

    - Quyết tâm là để không lùi bước trước khó khăn, vượt qua các thử thách do bọn Tà quyền gây nên.

    - Ý chí kiên cường nhẫn nại là để thắng dục vọng thấp kém, tình cảm yếu hèn của mình, kềm hãm lục dục thất tình, hướng chúng vào đường cao thượng.

    - Lòng hy sinh là để thắng cái Ta hẹp hòi ích kỷ. Hy sinh là để hiến dâng tất cả những gì quí báu của đời mình cho Đạo pháp, cho nhơn sanh. Sự hy sinh đó sẽ làm cho dứt hết các phiền não, đem lại cho tâm hồn sự an lạc nhẹ nhàng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chẳng khác chi một trường thi công quả. Nếu biết ăn năn trở bước lại con đường sáng sủa, giồi tâm, trau đức, đặng đến hội diện cùng Thầy thì mới đạt đặng địa vị thanh cao trong buổi chung qui đó.

  • Tam nghiệp

    Tam nghiệp

    三業

    A: The three acts, the retribution of three acts.

    P: Les trois actes, la rétribution des trois actes.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Nghiệp: con đường đi từ Nhân tới Quả. Nếu kiếp trước mình làm điều lành thì tạo được nghiệp lành. Cái nghiệp lành nầy nó theo ủng hộ mình trong kiếp nầy, làm cho mình được may mắn, hạnh phúc.

    Tam nghiệp là ba cái nghiệp do Thân, Khẩu, Ý tạo ra.

    Tam nghiệp gồm: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp.

    · Thân nghiệp là cái nghiệp do thân thể, tay chơn tạo ra.
    · Khẩu nghiệp là cái nghiệp do lời nói nơi miệng tạo ra.
    · Ý nghiệp là cái nghiệp do ý kiến, tư tưởng tạo ra.

    Nếu làm lành thì tạo Nghiệp lành, gọi là Thiện nghiệp, hay Phước nghiệp.

    Nếu làm dữ thì tạo Nghiệp dữ, gọi là Ác nghiệp hay Bất thiện nghiệp.

    Cái nghiệp chỉ là sự thể hiện của luật Nhân Quả. Cái nghiệp của mỗi người, không do Trời hay Phật gán ghép cho mình, mà là do những việc làm của mình tạo ra, mình làm điều lành thì tạo nghiệp lành và hưởng quả lành. Nhưng vì thời gian đi từ Nhân tới Quả, thường kéo dài từ kiếp nầy sang kiếp khác, mà con người thì vô minh không biết, nên lầm tưởng là Trời Phật gán ghép cho mình. Trời hay Phật chỉ cầm cây cân công bình thiêng liêng để cho luật Nhân Quả thể hiện đúng và đủ.

    I. Thân nghiệp: Thân nghiệp là cái nghiệp do thân thể và tay chân tạo ra.

    Có Thân thiện nghiệp và Thân bất thiện nghiệp.

    Người tu muốn tạo Thân thiện nghiệp thì phải xả thân hành thiện, giúp người giúp đời. Đó là việc làm công quả phụng sự chúng sanh.

    Khi làm các việc ác độc khiến cho người phiền não, tổn hại như: Sát sanh, du đạo, tà dâm, thì tạo Thân bất thiện nghiệp, nhứt định sau nầy sẽ bị quả báo nặng nề theo đúng luật Nhân Quả.

    Ba giới cấm đầu trong Ngũ Giới Cấm là để người tín đồ tránh tạo ra Thân bất thiện nghiệp.

    II. Khẩu nghiệp: Khẩu nghiệp là cái nghiệp do miệng thốt ra lời nói lành hay dữ.

    Lời nói lành gây tốt đẹp cho người thì tạo Khẩu thiện nghiệp. Lời nói dữ gây đau khổ cho người thì tạo Khẩu bất thiện nghiệp.

    * Lời nói tạo Khẩu thiện nghiệp trong 4 đức sau đây:

    · Thực ngữ: lời nói chơn thật.
    · Chánh ngữ: lời nói ngay thẳng, không tà vạy.
    · Hòa hiệp ngữ: lời nói gây tình hòa hiệp vui vẻ.
    · Nhu thuận ngữ: lời nói mềm dẽo thuận hòa.

    * Lời nói tạo Khẩu bất thiện nghiệp trong 4 trường hợp:

    · Vọng ngữ: nói láo để hại người lợi mình.
    · Ỷ ngữ: nói thô tục, nhơ bẩn, bất chánh.
    · Lưỡng thiệt: 2 lưỡi, lời nói đâm thọc, gây thù hằn.
    · Ác khẩu: nói hung dữ, chửi rủa.

    III. Ý nghiệp: Ý nghiệp là cái nghiệp tạo ra do ý kiến hay tư tưởng của mình.

    Những tư tưởng mới suy nghĩ, phát khởi trong đầu óc thì nó đã tạo thành Ý nghiệp, chớ không phải đợi đến khi nó phát tiết ra ngoài. Cái Ý nghiệp nầy còn ẩn tàng bên trong. Khi cái Thân và cái Khẩu hưởng ứng theo cái Ý thì sẽ tạo thành cái nghiệp trọn vẹn, nhứt định phải có quả báo, chẳng hề sai chạy.

    Muốn có Thiện Ý nghiệp thì phải suy nghĩ điều chơn chánh, quên điều dữ, nhớ điều lành, suy nghĩ những điều ích lợi cho Đạo, cho nhơn sanh.

    Tư tưởng của con người được xem là hành động vô hình, nên tư tưởng ác độc tạo thành Ý bất thiện nghiệp.

    Tham, Sân, Si là ba nguyên nhân chánh gây thành tư tưởng ác độc, đưa đến Ý Bất thiện nghiệp.

    Người tu ráng tập tành từ bỏ các Bất thiện nghiệp của Thân, Khẩu, Ý, đồng thời phát triển các Thiện nghiệp.

  • Tam nguơn (Tam nguyên)

    Tam nguơn (Tam nguyên)

    三元

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Nguơn: Nguyên: một khoảng thời gian dài.

    Tam nguơn hay Tam Nguyên là ba khoảng thời gian dài, được gọi là: Thượng Nguơn, Trung Nguơn và Hạ Nguơn.

    Có 3 trường hợp về Tam nguơn:  

    I. Đạo có Tam nguơn

    Theo chú thích trong quyển Pháp Chánh Truyền Chú Giải nơi trang 7, Tam nguơn ấy là:

    - Thượng Nguơn: là nguơn Tạo hóa, ấy là nguơn Thánh đức, tức là nguơn Vô tội. (Cycle de Création, c" est à dire Cycle de l" innocence).

    - Trung nguơn: là nguơn Tấn hóa, ấy là nguơn Tranh đấu, tức là nguơn Tự diệt (Cycle de Progrès, ou Cycle de lutte et de destruction).

    - Hạ Nguơn: là nguơn Bảo tồn, ấy là nguơn Tái tạo, tức là nguơn Qui cổ. (Cycle de Conservation ou Cycle de reproduction et de renovation).

    Trong Đại Thừa Chơn Giáo có bài giảng dạy về "Đạo có Ba Nguơn":

    1. Thượng Nguơn hay là Nguơn Thượng Đức:

    "Các con khá biết, Đạo có ba nguơn. Ba nguơn ấy là cái số cuối cùng của Trời Đất.

    Trước hết mở đầu là Thượng Nguơn. Thượng Nguơn đây chính là nguơn Tạo hóa, là nguơn đã gầy dựng Càn Khôn Vũ Trụ.

    Vậy khi mới tạo Thiên lập Địa, nhơn loại sanh ra thì tánh chất con người rất đỗi hồn hồn ngạc ngạc, còn đang thuần phát thiện lương, nên chi, cứ thuận tùng thiên lý mà hòa hiệp dưới trên, tương thân tương ái.

    Thời kỳ ấy, người người đồng hấp thụ khí thiên nhiên, nên hằng cộng hưởng thanh nhàn khoái lạc mà vui say mùi đạo tháng ngày. Bởi đó, đời Thượng cổ mới có danh là đời Thượng đức mà Thượng Nguơn ấy cũng kêu là Nguơn Thượng đức nữa.

    2. Trung Nguơn hay là Nguơn Thượng lực:

    Kế đó bước qua Trung Nguơn thì nhơn tâm bất nhứt, tập quán theo thói đời thâm nhiễm nhiều nết xấu, mới làm cho xa mất điểm Thiên lương, bèn cậy ở sức mình mà hiếp bức lẫn nhau, chém giết lẫn nhau, tương sát tương tàn, mạnh còn yếu mất, thì mới sanh ra biết bao trường huyết chiến, không còn kể đồng loại đồng chủng, đã lợt tình đồng nghĩa đồng bào.

    Bởi đó, đời Trung cổ mới có danh là đời Thượng lực, mà Trung Nguơn ấy cũng kêu là Nguơn Tranh đấu nữa.

    3. Hạ Nguơn hay là Đời Mạt kiếp:

    Tiếp đến Hạ Nguơn, sự tranh đấu càng ngày càng ráo riết, dữ tợn gớm ghê, nhơn loại lại chê sức mạnh mà dùng não cân, nên mới bày ra chước quỉ mưu tà, kế sâu bẫy độc, thiệt là khốc liệt phi thường.

    Song đó là lẽ tự nhiên, càng tranh đấu mới càng tấn hóa. Ngặt càng tranh đấu lắm lại càng ác liệt lắm. Nếu tranh đấu thét phải đến thời kỳ tiêu diệt.

    Bởi đó, đời hiện tại là Đời Mạt kiếp, còn Hạ Nguơn nầy là Nguơn Điêu tàn.

    Nguơn Tái tạo: Nhưng hễ loạn là tới trị, vong tất hưng, nên nguơn tiêu diệt tất sẽ bước đến Nguơn Bảo tồn, là Nguơn đạo đức phục hưng, để sắp lập lại như đời Thượng cổ, thế nên cũng gọi là Nguơn Tái tạo.

    Vậy nhơn loại bước qua thời kỳ nầy là thời kỳ qui nhứt thống, đại luân hồi của Thiên Địa đó. Mà ngày nay đã đúng số nhất định của Tạo đoan, đã tới nguơn cuối cùng của Thiên Địa, vì tính ra đã mười hai vạn chín ngàn sáu trăm năm (129600 năm), nên đã tới thời kỳ tạo Thiên lập Địa một lần nữa."

    II. Một Chuyển có Tam Nguơn

    Sau đây xin trích bài Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp tại Đền Thánh ngày 18-8-Đinh Hợi (1947):

    "Hôm nay, Bần đạo giảng nguyên do nào có Đạo Cao Đài sản xuất buổi nầy.

    Theo Bí pháp chơn truyền thì mỗi Chuyển của địa cầu là một mức tăng tiến. Mỗi Chuyển có 36000 năm, chia làm 3 Nguơn, mỗi Nguơn có 12000 năm.

    Chiếu theo pháp Phật, trong mỗi Chuyển, Thượng Nguơn hay là Khai Nguơn thuộc quyền Phật, Trung Nguơn thuộc quyền Tiên, Hạ Nguơn thuộc quyền Thánh.

    Nhận định bí pháp thiêng liêng của Đức Chí Tôn, nhỏ có người dạy, lớn học hành lập thân danh, thành nhơn rồi tự trị lấy mình. Phật thì dạy, Tiên đào luyện, Thánh thì trị. Hạ Nguơn thuộc Thánh, nhơn sanh tranh đấu cho sự sống còn, ấy là Nguơn tranh đấu mà triết lý cốt là trị, được sản xuất cơ quan bảo tồn cho loài người.

    Nay Hạ Nguơn Tam Chuyển hầu mãn, khởi Thượng Nguơn Tứ Chuyển, địa cầu chúng ta lạc hậu nhiều lắm vậy. Đã 3000 năm xa xuôi đã thua Thủy đức, Kim đức, và Mộc đức Tinh Quân trong số 7 địa cầu (Système solaire: Les sept planètes solaires), người ta đã 7 Chuyển, mình mới tới đệ tứ Chuyển, vì vậy nên Đức Chí Tôn mượn các đẳng chơn linh ở các địa cầu kia đến làm bạn với chúng ta.".....

    Như vậy, theo bài Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, chúng ta nhận thấy:

    - Một Chuyển có 3 Nguơn: Thượng, Trung, Hạ.

    - Nhơn loại trên địa cầu của chúng ta hiện nay đã trải qua ba Chuyển rồi, sắp bước qua Thượng Nguơn của Chuyển thứ tư. Đây là buổi giao thời giữa Hạ Nguơn Tam Chuyển và Thượng Nguơn Tứ Chuyển, nên gọi là thời Mạt kiếp.

    TAM CHUYỂN Thượng Nguơn
    Trung Nguơn
    Hạ Nguơn.
    ............ thời Mạt kiếp
    TỨ CHUYỂN Thượng Nguơn
    Trung Nguơn
    Hạ Nguơn.

    III. Một năm có Tam Nguơn

    Một năm cũng được chia làm ba Nguơn. Ba ngày rằm của ba Nguơn là ba ngày rằm lớn, kể ra:

    · Rằm Thượng Nguơn là ngày 15 tháng Giêng âm lịch.
    · Rằm Trung Nguơn là ngày 15 tháng 7 âm lịch.
    · Rằm Hạ Nguơn là ngày 15 tháng 10 âm lịch.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Rằm Thượng nguơn, vần R)

  • Tam nhơn đồng hành tất hữu ngã sư

    Tam nhơn đồng hành tất hữu ngã sư

    三人同行必有我師

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Nhân: người. Đồng: cùng. Hành: đi. Tất: ắt hẳn. Ngã: ta. Sư: thầy.

    Câu trên có nghĩa là: Ba người cùng đi, ắt hẳn có người đáng là thầy ta.

    Đức Khổng Tử nói: "Tam nhơn hành tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi."

    Nghĩa là: Ba người đi ắt có người là thầy ta vậy, lựa người lành mà theo, còn người chẳng lành mà sửa cải đó.

    Ba người đi đường với nhau, hai người nữa với mình là ba, người lành thì vẽ cho ta điều lành và ta làm theo, người chẳng lành thì vẽ cho ta điều xấu, ta nên biết mà chừa cải. Thế là hai người đó đều là thầy của ta.

    Câu nói trên của Đức Khổng Tử biểu thị một đức khiêm tốn và một tinh thần cầu học đến cao độ. Nơi người giỏi và lành, chúng ta học nơi họ điều giỏi điều lành và bắt chước làm theo; nơi người dở và không lành, chúng ta học để biết cái dở và cái không lành để tránh đi, khỏi thất bại.

    Trong đời sống chung quanh chúng ta, tất cả đều là những bài học đủ ngành đủ lớp rất đa dạng phong phú, bài học tốt thì chúng ta bắt chước, bài học xấu thì chúng ta biết mà tránh cho khỏi vấp phạm.

  • Tam Nương

    Tam Nương

    三娘

    A: Third Muse.

    P: Troisième Muse.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Nương: người phụ nữ đáng kính.

    Tam Nương là vị Tiên Nữ thứ ba trong Cửu vị Tiên Nương Diêu Trì Cung.

    Tại Báo Ân Từ, trong tượng thờ Đức Phật Mẫu, Tam Nương mặc áo vàng, tay cầm Long Tu Phiến, ngồi bên tay mặt của Đức Phật Mẫu.

    Tam Nương ít khi giáng cơ dạy đạo, chỉ giáng cho thi chung với Cửu vị Tiên Nương. (Xem: Cửu vị Tiên Nương, vần C)

  • Tam phược (Tam phọc)

    Tam phược (Tam phọc)

    三縛

    P: Trois liens.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Phược hay Phọc: sợi dây trói buộc.

    Tam phược hay Tam phọc là ba sợi dây trói buộc con người vào vòng lục đạo luân hồi. Đó là: Tham, Sân, Si.

    Tam phược còn được gọi là Tam độc. (Xem: Tam độc)

  • Tam quan

    Tam quan

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1 Tam quan:

    三官

    A: Mandarin at third degree.

    P: Mandarin à troisième degré.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. thứ ba. Quan: chức quan nơi triều đình.

    Tam quan là chức quan đứng hàng thứ ba trong triều đình, tức là bực quan Tam phẩm thời xưa.

    Các quan đứng hàng Tam phẩm gồm có: Chưởng Viên Học Sĩ, Thị Lang, Đại Lý Tư Khanh,...

    Đức Lý Thái Bạch hồi thời sinh tiền, được vua Đường phong chức Đại Học Sĩ, tức là bực quan đứng hàng Tam phẩm, do đó Đức Lý Thái Bạch giáng cơ tự thuật có câu:

    Đường trào hạ thế hưởng Tam quan.

    Ý nói: Thái Bạch giáng sanh vào thời nhà Đường, làm quan Tam phẩm trong triều đình nhà Đường.

    Tam quan còn chỉ ba vị Thánh coi việc ban phước, giải ách và xá tội cho dân:

    · Thiên quan tứ phước.
    · Thủy quan giải ách.
    · Địa quan xá tội. (Xem: Rằm Tam nguơn)

    * Trường hợp 2 Tam quan:

    三關

    A: Three entrances gate.

    P: Portique à trois entrées.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Quan: cổng.

    Tam quan là cái cổng lớn có ba lối đi: lối đi ở giữa thì rộng và cao, lối đi hai bên thì nhỏ và hẹp.

    Tam quan thường được xây trước các đền, chùa, miếu.

    Chung quanh Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, có 12 cổng ra vào được xây theo kiểu cổng Tam quan cổ kính, được đánh số từ 1 đến 12, trong đó có một cái cổng lớn nhứt, ngay trước Tòa Thánh, gọi là cổng Chánh Môn. (Xem chữ: Chánh môn, vần Ch)

    Tam quan còn là ba cái cửa thâm nhập làm ô uế thân tâm con người: mắt, tai, miệng.

    · Mắt nhìn bậy thì phát dâm,
    · Tai nghe bậy thì lú,
    · Miệng nói bậy thì loạn.

    Người tu phải gìn giữ ba cửa nầy cho cẩn thận.

  • Tam quang

    Tam quang

    三光

    A: The three lights.

    P: Les trois luminaires.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Quang: ánh sáng.

    Tam quang là ba vật sáng trên bầu trời: Nhựt, Nguyệt, Tinh (mặt trời, mặt trăng, ngôi sao), nên cũng gọi là Tam bửu.

    Mão Tam quang (Tam quang mạo) là cái mão của chư vị Thập nhị Thời Quân, trên đó có thêu: Nhựt, Nguyệt, Tinh. Thêu mặt Nhựt ở chính giữa, Nguyệt bên phải, Tinh bên trái.

  • Tam qui

    Tam qui

    三歸

    A: The three subjections, the three refuges.

    P: Les trois sujétions, les trois refuges.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Qui: theo về, nương theo.

    Tam qui là ba sự theo về hay ba sự nương theo.

    Tam qui gồm: Qui y Phật, Qui y Pháp, Qui y Tăng.

    Tam qui còn được gọi là: Qui y Tam bảo.

    · Qui y Phật là bỏ tà sư mà theo về với chánh sư.
    · Qui y Pháp là bỏ tà pháp mà theo về chánh pháp.
    · Qui y Tăng là bỏ kẻ tà gian mà theo người chơn chánh.

    Người muốn nhập môn vào đạo Phật, phải đến chùa làm lễ Qui y, tự mình phải xướng lên ba câu nguyện sau đây, hoặc bằng hán văn, hoặc bằng chữ nôm cũng được:

    1. Tự Qui y Phật, đương nguyện chúng sanh thể giải Đại Đạo, phát vô thượng tâm.

    (Tự mình Qui y Phật, vậy nguyện cho chúng sanh hiểu rõ Đại Đạo và phát tâm Bồ Đề).

    2. Tự Qui y Pháp, đương nguyện chúng sanh thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải.

    (Tự mình Qui y Pháp, vậy nguyện cho chúng sanh rõ thấu kinh tạng, trí huệ như biển).

    3. Tự Qui y Tăng, đương nguyện chúng sanh thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại.

    (Tự mình Qui y Tăng, vậy nguyện cho chúng sanh dắt dẫn đại chúng, cả thảy đều vô ngại).

    Tam qui Ngũ giới: Tam qui và Ngũ giới cấm.

    Người tu theo đạo Phật tại gia, trước thọ Tam qui, kế thọ Ngũ giới cấm. Nam thì được gọi là: Ưu bà tắc, Nữ thì được gọi là Ưu bà di.

  • Tam sao thất bản

    Tam sao thất bản

    三抄失本

    A: After three copies, original is lost.

    P: Après trois copies, l"original est méconnaissable.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Sao: chép lại. Thất: mất. Bản: Bổn: gốc.

    Tam sao thất bản là ba lần chép lại thì mất bổn gốc.

    Ý nói: mỗi lần chép lại một bài văn hay một cuốn sách, là mỗi lần có sai sót, đến khi chép lại ba lần thì sai hẳn với bản gốc ban đầu.

  • Tam sắc đạo

    Tam sắc đạo

    三色道

    A: Three religious colours.

    P: Trois couleurs religieuses.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Sắc: màu. Đạo: tôn giáo.

    Tam sắc đạo là ba màu tôn giáo: vàng, xanh, đỏ, tượng trưng Tam giáo: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo.

    Đặt ba màu vàng xanh đỏ liên tiếp nhau tượng trưng Tam giáo qui nguyên.

    Trên đạo phục của Chánh Trị Sự và Phó Trị Sự, nơi tay trái có mang một miếng vải 3 màu đạo gọi là Tam sắc đạo.

    Miếng vải tam sắc đạo của Chánh Trị Sự có kích thước: dài 10 phân, ngang 6 phân. Miếng vải tam sắc đạo của Phó Trị Sự thì nhỏ hơn: bề dài 5 phân, bề ngang 3 phân.

  • Tam sinh

    Tam sinh

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1 Tam sinh:

    三生

    A: Three existences.

    P: Trois existences.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Sinh: Sanh: sống, kiếp sống.

    Tam sinh là ba kiếp sống. (Xem: Ba sinh, vần B).

    Tam sinh hữu hạnh: Hạnh phúc ba sinh: Nay được hạnh phúc là vì đã tu được ba kiếp rồi.

    * Trường hợp 2 Tam sinh:

    三牲

    A: The three animals of sacrifice.

    P: Les trois animaux de sacrifice.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Sinh: Sanh: con vật hy sinh để tế Thần.

    Tam sinh là ba con vật hy sinh dùng để tế Thần là: bò, heo, dê hoặc trâu, heo, dê.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: "Khi ta xem tế Nam giao, từ thượng cổ, nhà vua dâng cho Đức Chí Tôn ba vật là: trâu, heo và dê, gọi là Tam sinh."

    Vua Tế Trời Đất thì dùng Tam sinh.

    Hương chức trong làng tế Thần thì cũng dùng Tam sinh.

    Dân tế vong linh thì dùng Tam sênh. Dùng chữ Sênh là nói trại ra để tránh dùng chữ Sinh, phân biệt vua quan và dân.

    Bộ Tam sênh gồm: Hột vịt luộc, tôm luộc, thịt heo luộc.

  • Tam tai

    Tam tai

    三災

    A: Three calamities.

    P: Trois calamités.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tai: tai họa, họa hại.

    Tam tai là ba tai họa, gồm: Hỏa tai, Thủy tai, Phong tai.

    Hỏa tai là tai họa do lửa cháy, như cháy nhà, cháy rừng.
    Thủy tai là tai họa do nước gây ra, như lũ lụt, sóng thần.
    Phong tai là tai họa do gió gây ra, như bão, lốc.

    Ngoài ra còn có Tiểu Tam tai là ba thứ tai họa nhỏ, gồm: Cơ cẩn chi tai, Tật dịch tai, Đao binh tai.

    · Cơ cẩn chi tai là tai họa do mất mùa lúa và rau.
    · Tật dịch tai là tai họa do bịnh dịch truyền nhiễm.
    · Đao binh tai là tai họa do chiến tranh.

    Di Lạc Chơn Kinh: Nam mô Di-Lạc Vương Bồ Tát năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu tật bịnh,....

  • Tam tài

    Tam tài

    三才

    A: Three essential elements of universe.

    P: Trois éléments essentiels de l" univers.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tài: ngôi.

    Tam tài là ba ngôi trọng yếu trong Càn Khôn Vũ Trụ là: Thiên, Địa, Nhơn, tức là Trời, Đất, Người.

    Con người đứng giữa Trời Đất, đầu đội Trời, chân đạp đất, cho nên lấy theo thứ tự là: Thiên, Nhơn, Địa để phân biệt các phẩm trong Cửu phẩm Thần Tiên.

    * Phẩm Thần: 1. Địa Thần (Đạo hữu)
    2. Nhơn Thần (Bàn Trị Sự)
    3. Thiên Thần (Lễ Sanh)
    * Phẩm Thánh: 4. Địa Thánh (Giáo Hữu)
    5. Nhơn Thánh (Giáo Sư)
    6. Thiên Thánh (Phối Sư)
    * Phẩm Tiên: 7. Địa Tiên (Đầu Sư)
    8. Nhơn Tiên (Chưởng Pháp)
    9. Thiên Tiên (Giáo Tông).

    Theo Nho giáo, con người là một Tiểu Thiên Địa, hay một Tiểu Vũ trụ, bởi vì Trời Đất có gì thì con người có nấy, nhưng thâu nhỏ lại mà thôi. Như vậy, Trời Đất Người tương đồng từng điểm, cho nên Vũ trụ mà không có Người thì Vũ trụ không hoàn toàn, bởi vì Vũ trụ là một đại hòa điệu của Thiên Địa Nhơn, nếu thiếu một yếu tố thì sự hòa điệu không còn nữa.

    Cái quan niệm ấy của Nho giáo gọi là: Tam Tài đồng nhất thể, hay Nhất thể Tam Tài.

    Như thế, cái địa vị của con người trong Trời Đất rất quan trọng và cao cả, không thể thiếu được trong Càn Khôn Vũ Trụ.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Lập Tam tài định kiếp hòa căn.

  • Tam Tạng Kinh

    Tam Tạng Kinh

    三藏經

    A: Tripitaka, The three great books of buddhism.

    P: Tripitaka, Les trois grands recueils bouddhiques.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tạng: chứa. Kinh: kinh sách.

    Tam Tạng Kinh là ba bộ kinh quan trọng nhứt của Phật giáo, chép lại tất cả lời thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca trong suốt 45 năm hoằng pháp của Ngài, tạo thành một nền giáo lý và triết lý rất cao siêu của Phật giáo.

    Tam Tạng Kinh gồm ba bộ:

    · Kinh Tạng,
    · Luật Tạng,
    · Luận Tạng.

    Tam Tạng Kinh, tiếng Phạn: Tripitaka là 3 cái giỏ:

    · Kinh Tạng: giỏ đựng Kinh (Sutra Pitaka),
    · Luật Tạng: giỏ đựng Luật (Vinaya Pitaka),
    · Luận Tạng: giỏ đựng Luận (Abhidharma Pitaka).

    Ngay khi Đức Phật Thích Ca còn sanh thời, Tam Tạng Kinh chưa được chép ra. Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn được 3 tháng, vào năm thứ 8 triều vua A-Xà-Thế, Đệ nhứt Tổ Sư Ma Ha Ca Diếp triệu tập 500 vị đại đệ tử của Đức Phật đã đắc quả A-La-Hán, họp đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá, để ghi lại những Phật ngôn quí báu.

    - Ngài A-Nan đọc lại những lời khuyên dạy của Đức Phật, chép lại thành Kinh Tạng.

    - Ngài Ưu-Pa-Ly nhắc lại những giới luật mà Đức Phật đã truyền dạy, chép lại thành Luật Tạng.

    - Ngài Ma-Ha Ca-Diếp trả lời các câu hỏi phần Vi Diệu Pháp, giáo lý cùng tột, sắp xếp chép lại thành Luận Tạng.

    Đó là lần kết tập kinh điển đầu tiên, tập trung toàn thể giáo lý của Phật giáo, sắp đặt chép lại thành Tam Tạng Kinh.

    Kinh được chép bằng tiếng Phạn, trên lá bối (lá buông).

    Vì có những khuynh hướng làm sai lạc giáo lý của Phật, nên 100 năm sau, 700 vị Thánh tăng lập Đại hội nhắc lại và xác định Phật ngôn. Đó là lần kết tập kinh điển lần thứ nhì.

    Rồi 136 năm tiếp theo, đời vua A-Dục, có 1000 vị Thánh tăng họp Đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba.

    Vào năm 83 trước Tây lịch, tại nước Tích Lan phía Nam Ấn Độ, dưới triều vua Vatta Gamani Abhaya, các Thánh tăng lại họp Đại hội kết tập kinh điển lần thứ tư tại Aluvihara, một ấp nhỏ cách Kandy lối 30 cây số. Tại đây lần đầu tiên Tam Tạng Kinh được chép bằng tiếng Pali trên lá bối.

    I. Kinh Tạng (Sutra Pitaka):

    Kinh Tạng gồm những bài pháp có tánh cách khuyên dạy mà Đức Phật Thích Ca giảng cho bực xuất gia và hàng cư sĩ, trong nhiều cơ hội khác nhau, trong đó có một vài bài giảng của các đại đệ tử của Phật được Đức Phật chấp nhận như: Xá Lợi Phất, Mục Kiều Liên, A-Nan,... Phần lớn các bài pháp nầy nhắm vào lợi ích của các vị Tỳ Kheo và đề cập đến đời sống cao thượng của bực xuất gia.

    Kinh Tạng gồm có 5 bộ:

    1. Trường A-Hàm, chép lại những bài pháp dài.
    2. Trung A-Hàm, chép lại những bài pháp dài bực trung.
    3. Tạp A-Hàm, chép lại những câu kinh tương tự nhau.
    4. Tăng Nhứt A-Hàm, chép các bài pháp sắp xếp theo số.
    5. Tiểu A-Hàm, chép lại những câu kệ vắn tắt.

    II. Luật Tạng (Vinaya Pitaka):

    Luật Tạng được xem là cái neo vững chắc bảo tồn con thuyền Giáo Hội trong cơn phong ba bão táp của lịch sử.

    Phần lớn Luật Tạng đề cập đến giới luật và nghi lễ trong đời sống xuất gia của các Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni.

    III. Luận Tạng (Abhidharma Pitaka):

    Luận Tạng thâm diệu và quan trọng nhứt trong toàn thể giáo pháp của Đức Phật, vì đây là phần triết lý cao siêu, là vi diệu pháp, là tinh hoa của Phật giáo.

    Muốn thông hiểu giáo lý của Phật giáo, phải học Luận Tạng, vì trong đó là giáo lý cùng tột của Phật.

    Luận Tạng gồm 7 bộ:

    1. Phân loại giáo pháp.
    2. Những phân hạng.
    3. Bài pháp và các nguyên tố.
    4. Quyển sách về những cá tính.
    5. Những điểm tranh luận.
    6. Quyển sách về những cặp đôi.
    7. Quyển sách đề cập đến Nhân Quả tương quan.
  • Tam Thanh

    Tam Thanh

    三清

    A: Three purities.

    P: Trois puretés.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thanh: trong sạch, cao quí.

    Tam thanh là ba cái trong sạch cao quí, gồm: Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh.

    Mỗi Thanh được tượng trưng bằng một màu:

    · Thái Thanh thuộc Phật, tượng trưng màu vàng.
    · Thượng Thanh thuộc Tiên tượng trưng màu xanh dương.
    · Ngọc Thanh thuộc Thánh, tượng trưng màu đỏ.

    Do đó, lá cờ của Đạo Cao Đài có 3 màu (vàng, xanh, đỏ) được gọi là cờ Tam Thanh. [Lá cờ của nước Pháp có 3 màu (xanh, trắng, đỏ) thì gọi là cờ Tam sắc.]

  • Tam Thánh ký hòa ước

    Tam Thánh ký hòa ước

    三聖記和約

    A: The Three Saints declare the Treaty between God and Humanity.

    P: Les Trois Saints déclarent le Traité entre Dieu et Humanité.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thánh: vị Thánh. Ký: ghi chép. Hòa ước: bản giao ước giữa đôi bên để theo đó mà thực hiện.

    Tam Thánh là ba vị Thánh, ở đây chỉ ba vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động, đó là:

    - Thanh Sơn Đạo Sĩ, tức là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là người Việt Nam, làm Sư Phó, đứng đầu Bạch vân Động.

    - Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tức là văn hào Vịctor Hugo của nước Pháp, làm Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại Giáo.

    - Tôn Trung Sơn Chơn Nhơn, tức là Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, nhà đại cách mạng của nước Trung Hoa.

    Tam Thánh ký hòa ước là ba vị Thánh ghi chép bản Thiên Nhơn Hòa Ước lên tấm bảng đá, để công bố cho toàn nhơn loại biết rõ.

    Bản Hòa ước nầy được gọi là: Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước, tức là bản hòa ước thứ ba giữa Trời và người. (Xem chi tiết nơi chữ: Thiên Nhơn Hòa ước, vần Th)

    GHI CHÚ: Chữ "Ký" trong Tam Thánh Ký Hòa Ước, không có nghĩa là ký tên vào Hòa Ước, mà nghĩa theo chữ Hán là ghi chép. Trên bức họa Tam Thánh Ký Hòa Ước, chúng ta thấy rõ là Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ chép Thiên Nhơn Hòa Ước bằng chữ Hán lên tấm bảng đá, và Đức Nguyệt Tâm cũng chép Thiên Nhơn Hòa Ước bằng chữ Pháp lên tấm bảng đá. Hai vị ấy không có ký tên vào Hòa Ước, vì Tam Thánh không phải là đại diện của nhơn loại để ký hòa ước với Đức Chí Tôn.

    Theo Hán văn, ký tên gọi là: Thiêm danh 簽名

    Ký kết hòa ước thì Hán văn gọi là: Thiêm đính hòa ước 簽訂和約 hay Đế kết hòa ước 締結和約

    Sau đây là bài tường thuật của Luật Sự Võ Quang Tâm (Tốc ký viên) buổi lễ đặt bức họa Tam Thánh Ký Hòa Ước vào vị trí tại Tòa Thánh và Đức Phạm Hộ Pháp trấn thần Tam Thánh.

    "Buổi lễ rước tượng Tam Thánh Ký Hòa Ước khởi hành vào lúc 8 giờ sáng ngày 10-7-Mậu Tý (dl 14-8-1948).

    Hiện diện: Chư Chức sắc Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, Phước Thiện, Chức việc, Đạo hữu nam nữ, chư vị Thượng Hạ sĩ quan tham dự.

    Đúng giờ, Lễ viện và Dàn Nhạc đến Hộ Pháp Đường rước Đức Hộ Pháp qua Văn phòng Quốc Sự Vụ, vì nơi đây là nơi khởi đầu cuộc rước tượng ảnh.

    Lộ trình, trước hết hai hàng đồng nhi nam nữ, kế Bảo thể cầm đồ lỗ bộ đi hai bên Dàn nhạc, có 4 Lễ sĩ mặc áo phái Ngọc (áo tràng đỏ), 2 vị cầm lọng, 2 vị cầm tàn, hầu hai bên bàn đưa tượng ảnh, có 4 Lễ Sanh thuộc Hội Thánh Ngoại Giáo khiêng đi. Bức tượng Tam Thánh nầy do vị Hiền Tài Lê Minh Tòng vâng lịnh Đức Hộ Pháp truyền họa, khuôn khổ: 2,80 mét x 1,90 mét. Hình tượng lớn bằng người thường. Đức Thanh Sơn cầm bút lông mèo, Đức Nguyệt Tâm cầm bút lông ngỗng và Đức Tôn Sơn cầm nghiên mực.

    Hai Đấng đang viết trên bia đá những chữ:

    Hán văn: 上天下 - 博愛公平
    (THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ - BÁC ÁI CÔNG BÌNH)
    Pháp văn: DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE

    Đi tiếp bàn đưa có Đức Hộ Pháp mặc tiểu phục vàng, đội Tam quang mạo, kế đó là Ngài Bảo Thế, Khai Đạo mặc tiểu phục trắng, đội Tam quang mạo, kế là Chức sắc Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, Phước Thiện, Chức việc, Sĩ Quan, Đạo hữu và 200 học sinh Đạo Đức Học Đường đi sau rốt.

    Đến Đền Thánh, đi vào cửa hông phía Đông lang, tiến lên Cung Đạo, day mặt tượng ảnh vào Bát Quái Đài, Bảo thể cầm đồ lỗ bộ đứng hầu hai bên.

    Trước hết, Đức Hộ Pháp xông tay vào lư hương và áp vào mặt ba lần, rồi Ngài bước xuống cầm lư hương xông tượng ba ảnh để khử trược. Xong rồi, Đức Hộ Pháp lấy nước Âm Dương hòa lại, rải lên tượng ảnh ba cái, bắt đầu từ Đức Thanh Sơn, đến Đức Nguyệt Tâm, rồi đến Đức Tôn Trung Sơn.

    Rồi lấy chín cây nhang trấn thần Tam Thánh, Đức Thanh Sơn trước, Đức Nguyệt Tâm kế đó, và sau rốt là Đức Tôn Trung Sơn.

    Đồng nhi đứng trên lầu Hiệp Thiên Đài đọc kinh Xưng Tụng Công Đức. Khi dứt kinh, Đức Hộ Pháp giải rằng:

    "Trấn thần ba vị Thánh rất khó, vì phải kêu chơn linh của họ đến nhập vào tượng ảnh, mà muốn chơn linh họ đến, phải thấu đáo cả căn kiếp của họ mới đặng. Còn 9 cây nhang dùng để trấn thần là 9 cái thang bắc lên Cửu Trùng Thiên cho các chơn linh nương theo đó. Chẳng biết họ ở từng Trời thứ mấy, mình cứ đưa lên đủ, họ gặp họ tới ngay, quan hệ là trước khi trấn thần, phải xem lại coi có tắt cây nhang nào không. Thảng như họ ở từng thứ 7 mà cây nhang thứ 6 rủi tắt đi thành ra bị cách khoảng, họ không thể tới được.

    Bây giờ chúng ta chỉ thông công với các Đấng trong Cửu Thiên Khai Hóa, rồi đây cũng có ngày Bần đạo kêu lên Đức Di-Lạc ở từng thứ 11 chưa biết chừng, khi ấy phải dùng đến 11 cây nhang, chớ không phải 9 cây nữa."

    Khi Đức Hộ Pháp trấn thần tượng ảnh Tam Thánh xong, cả nhơn viên tùng sự lui theo cửa hông trở ra, vòng ra cửa trước, đi vào Hiệp Thiên Đài, thỉnh Thánh tượng đặt lên vách tường, ngó mặt ra trước cửa Đền Thánh.

    Đức Hộ Pháp giải thích:

    1. Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn,
    2. Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ,
    3. Đức Tôn Trung Sơn,

    là đại diện của Hội Thánh Ngoại Giáo. Các Ngài là những Thiên mạng truyền giáo ngoại quốc (Missionnaires étrangers), cho nên tượng ảnh ở Hiệp Thiên Đài, day mặt ra ngoài cho thiên hạ đều thấy mà hưởng ứng theo tiếng gọi thiêng liêng của các Ngài.

    Cả ba vị Thánh đều mặc cổ phục. Cái nghiên mực trên tay Đức Tôn Trung Sơn có hào quang chiếu diệu, tượng trưng sự rực rỡ của nền văn minh tối cổ Trung hoa.

    Cái khuôn xi măng đúc trên vách Hiệp Thiên Đài, từ ngày tạo tác Tổ Đình là để dành ngày nay đặt tượng ảnh Tam Thánh lên đó.

    Trước kia, Bần đạo cũng không hiểu để làm gì, chỉ biết tạo theo lịnh của Đức Lý Giáo Tông.

    Ngày nay do thời cuộc biến thiên, vị Hiền Tài Lê Minh Tòng ở hải đảo trở về đây, Đức Lý truyền lịnh vẽ tượng ảnh nầy, mới hiểu rằng: Đức Lý chờ người mà Ngài cần dùng đến.

    Trước tượng ảnh không có bàn thờ chi hết vì chơn linh đã nhập vào đó như người sống vậy.

    Kể từ ngày 10-7-Mậu Tý (dl 14-8-1948), tượng ảnh Tam Thánh đã đặt lên vách tường Hiệp Thiên Đài là biểu hiệu cho chủ nghĩa Đại Đồng của Đạo Cao Đài, mở đầu một giai đoạn tiếp dẫn chúng sanh vạn quốc vào cửa Đại Đạo, mà cũng là ngày khởi đoan sự bành trướng ra ngoại quốc. "

    Cuộc lễ bế mạc lúc 9 giờ cùng ngày."

    Tòa Thánh, ngày 10-7-Mậu Tý (dl 14-8-1948).

    Luật Sự VÕ QUANG TÂM tường thuật.

    Trên bức họa Tam Thánh Ký Hòa Ước, chúng ta thấy:

    - Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, mặc bộ triều phục của một văn quan đại thần Việt Nam thuở xưa. Ngài cầm bút lông mèo viết vừa xong 8 chữ Nho:

    天上天下 博愛公平

    - Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tức văn hào Victor Hugo của nước Pháp, mặc áo mão như một vị Bá Tước, vì Ngài là một Hàn Lâm Học Sĩ của nước Pháp thời bấy giờ. Ngài cầm bút lông ngỗng viết 6 chữ Pháp là:

    DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE

    Sáu chữ Pháp nầy có nghĩa là:

    Thượng Đế và Nhơn loại - Bác ái và Công bình.

    - Đức Tôn Trung Sơn Chơn Nhơn, tức Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, mặc quốc phục Trung hoa, vì Ngài là nhà đại cách mạng đứng lên lật đổ chế độ quân chủ của vua quan nhà Thanh để lập nên chế độ dân chủ với thuyết Tam Dân chủ nghĩa: Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh. Ngài cầm nghiên mực rực rỡ hào quang để cho hai vị kia chấm bút lông vào nghiên mực mà viết chữ lên bảng đá, cũng rực rỡ hào quang. Đức Thanh Sơn chấm bút lông vào để viết chữ Hán, Đức Nguyệt Tâm cũng chấm bút lông vào để viết chữ Pháp. Hai thứ chữ viết ấy tượng trưng hai nền văn minh Đông và Tây, và hai nền văn minh nầy sẽ hòa hợp nhau nhờ triết lý Nho giáo của Đức Khổng Tử.

    Bản Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước được viết lên tấm bảng đá rực rỡ ánh hào quang, được hai vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động viết ra công bố cho toàn thể nhơn loại biết rõ bằng hai thứ chữ: chữ Nho của Trung Hoa và Việt Nam, chữ Pháp của nước Pháp.

    Hình ảnh Tam Thánh Ký Hoà Ước do Đức Lý Giáo Tông sắp đặt theo Thánh ý của Đức Chí Tôn, tượng trưng cho chúng ta thấy một sự xóa bỏ hận thù, đi đến sự hòa hợp giữa các dân tộc, sự hòa hợp các nền văn minh thế giới, và sự hòa hợp giữa các nền tôn giáo, tiến tới một thế giới Đại Đồng trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Chúng ta đã biết, hai nước Trung Hoa và Pháp đã dùng sức mạnh đô hộ nước Việt Nam, bắt dân tộc Việt Nam làm nô lệ trong nhiều năm, nên người Việt Nam luôn luôn có mặc cảm thù địch với hai dân tộc nói trên.

    Ngày nay, ba vị Thánh của ba nước cùng đứng với nhau, hợp tác trong Thánh ý của Đức Chí Tôn, để công bố bản Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, là một hình ảnh rất có ý nghĩa về sự khép kín dĩ vãng thù nghịch, mở ra thời kỳ Đại Đồng trong tình huynh đệ. (Xem tiếp: Thiên Nhơn Hòa Ước, vần Th)

  • Tam thập lục động

    Tam thập lục động

    三十六洞

    A: The thirty six grottos of Satan.

    P: Les trente-six grottes de Satan.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tam thập lục: ba mươi sáu. Động: hang núi.

    Tam thập lục động là 36 động của Quỉ Vương lập ra cho các phẩm trật quỉ vị ở.

    "Còn phẩm trật quỉ vị cũng như thế ấy, nó cũng noi chước Thiên cung mà lập thành quỉ vị, cũng đủ các ngôi các phẩm, đặng đày đọa các con, hành hài các con, xử trị các con." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).

    Quỉ Vương bắt chước Đức Chí Tôn, lập Tam thập lục động rồi giả mạo thành Tam thập lục Thiên, các tên của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều bị giả mạo để lừa gạt người tu, thử thách người tu.

    Đức Quyền Giáo Tông, trong một bài thuyết đạo có nhắc lại lời tiên tri của Đức Chí Tôn: "Chi chi năm Quí Dậu Đạo cũng thành, mà trước khi thành, Tam thập lục động quỉ về phá Tòa Thánh dữ lắm."

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Quỉ Vương đến trước Bạch Ngọc Kinh xin hành xác và thử thách các con. Thầy chẳng chịu cho hành xác, chúng nó hiệp Tam thập lục động toan hại các con, nên Thầy sai Quan Thánh và Quan Âm đến gìn giữ các con, nhưng phần đông chưa lập Minh Thệ, nên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật không muốn nhìn nhận.

  • Tam thập lục Thánh

    Tam thập lục Thánh

    三十六聖

    A: The thirty six Saints.

    P: Les trente-six Saints.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tam thập lục: 36. Thánh: vị Thánh.

    Tam thập lục Thánh là 36 vị Thánh, chỉ 36 vị Phối Sư của Cửu Trùng Đài, chia ra 3 phái (Thái, Thượng, Ngọc), mỗi phái 12 vị.

    Phẩm Phối Sư Cửu Trùng Đài đối phẩm Thiên Thánh của Bát Quái Đài.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Còn nay, Thầy giáng thế thì chọn đến: Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, Tam thiên đồ đệ.

  • Tam thập lục Thiên

    Tam thập lục Thiên

    三十六天

    A: Thirty six Heavens.

    P: Trente-six Cieux.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tam thập lục: 36. Thiên: từng Trời.

    Tam thập lục Thiên là 36 từng Trời, cũng gọi là 36 cõi Thiên Tào trong bài Kinh Khi Đã Chết Rồi.

    Tam thập lục Thiên nầy không phải là 36 vì tinh tú, hay 36 Thiên can, mà là 36 từng Trời thuộc về Vũ trụ vô hình. Đây là phần cao nhất, tinh khiết nhứt, thanh nhẹ nhứt, ở tại trung tâm của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Đức Chí Tôn có dạy: "Thầy kể: Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu, ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại Thất thập nhị Địa và Tam Thiên thế giới thì đều là tinh tú." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

    Trong một bài thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp, đăng nơi báo Thông Tin số 9 ngày 27-7-1970, trang 7, Đức Hộ Pháp thuật lại lời Đức Chí Tôn dạy về Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài, khi mới khai đàn tại Cần Thơ, xin trích ra một đoạn sau đây:

    "Thái Cực sanh Lưỡng Nghi tức là Tam Thiên Vị. Dưới ba ngôi ấy có Tam thập tam Thiên (33 từng Trời), cộng với 3 ngôi trên là 36 từng Trời nên gọi là Tam thập lục Thiên.

    Trong mỗi từng, Thầy chia chơn linh, có một vị Thiên Đế chưởng quản. Chỗ Thầy ngự là Bạch Ngọc Kinh, là kinh toàn ngọc trắng, rộng cao vòi vọi, ngoài có Huỳnh Kim Khuyết, là cửa ngõ bằng vàng cực kỳ mỹ lệ.

    Dưới 36 từng Trời còn có một từng nữa là nhứt mạch đẳng tinh vi, gọi là Cảnh Niết Bàn. Chín từng nữa gọi là Cửu Thiên Khai Hóa, tức là chín phương Trời, cộng với Niết Bàn là mười, gọi là Thập phương chư Phật. Gọi Chín phương Trời, Mười phương Phật là do đó."

    Như vậy theo bài Thánh Ngôn trên của Đức Chí Tôn, 36 từng Trời là phần cao nhất trong Càn Khôn Vũ Trụ, mà từng thứ nhứt là Thái Cực, có Bạch Ngọc Kinh, ở tại trung tâm của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Hai từng Trời kế tiếp là Lưỡng Nghi: Ngôi Dương và Ngôi Âm. Mỗi Ngôi là một từng Trời.

    Vậy:

    . Từng Trời thứ nhứt là Thái Cực.
    . Từng Trời thứ nhì là Ngôi Dương.
    . Từng Trời thứ ba là Ngôi Âm.

    Ba từng Trời nầy họp thành Tam Thiên Vị (3 ngôi Trời).

    Dưới ba từng Trời nầy là 33 từng Trời nữa, hiệp chung lại đủ 36 từng Trời, nên gọi là Tam thập lục Thiên.

    Dưới 36 từng Trời nầy là Niết Bàn Cảnh, cõi của chư Phật. Đây chính là cõi Cực Lạc Thế giới, có Lôi Âm Tự.

    Dưới Niết Bàn Cảnh là Cửu Trùng Thiên tức là 9 từng Trời có các Đấng Cửu Thiên Khai Hóa.

    Từng Trời cao nhứt của Cửu Trùng Thiên là từng thứ 9, có tên là Tạo Hóa Thiên, do Đức Phật Mẫu chưởng quản.

    Như vậy, Niết Bàn Cảnh nằm bên trên Cửu Trùng Thiên, chính là từng Trời thứ 10.

    Do đó mới có các từ ngữ: Chín phương Trời (chỉ Cửu Trùng Thiên) và Mười phương Phật (chỉ từng Trời thứ 10 là Niết Bàn Cảnh, cõi của chư Phật).

    Tóm lại:

    Tất cả các từng Trời đều là phần vô hình của Càn Khôn Vũ Trụ.

    - Ở trên tất cả là 3 từng Trời gọi là: - Thái Cực, - Ngôi Dương, - Ngôi Âm, gọi chung là Tam Thiên Vị nghĩa là Ba Ngôi Trời. Nơi từng Thái Cực có Bạch Ngọc Kinh, là trung tâm của Càn Khôn Vũ Trụ.

    - Kế tiếp bên dưới là 33 từng Trời. 33 từng Trời nầy hợp với 3 từng Trời bên trên, tổng cộng 36 từng Trời, gọi là Tam thập lục Thiên.

    Trong Tam thập lục Thiên, mỗi từng Trời có một vị Thiên Đế chưởng quản. Thiên Đế chỉ là hóa thân của Đức Chí Tôn Thượng Đế.

    - Dưới Tam thập lục Thiên là Niết Bàn Cảnh, là cõi của chư Phật ngự.

    - Dưới Niết Bàn Cảnh là Cửu Trùng Thiên, tức là 9 từng Trời, mà từng Trời thứ 9 gọi là Tạo Hóa Thiên, do Đức Phật Mẫu chưởng quản. Từng Trời thứ 9 là Tạo Hóa Thiên, thì Niết Bàn Cảnh của chư Phật thuộc từng Trời thứ 10, nên người ta gọi đây Thập phương chư Phật. (Xem tiếp: Vũ Trụ quan, vần V)

  • Tam thế

    Tam thế

    三世

    A: Three generations (Three existences).

    P: Trois générations (Trois existences).

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thế: đời.

    Tam thế là ba đời hay ba kiếp sống.

    · Ba đời là: đời quá khứ, đời hiện tại, đời tương lai.

    · Ba đời cũng là: đời ông, đời cha, đời con.

    · Ba kiếp sống là: kiếp trước, kiếp hiện tại, kiếp sau.

  • Tam Thế Phật

    Tam Thế Phật

    三世佛

    A: The Brahmanist Trinity.

    P: La Trinité Brahmaniste.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thế: đời.

    Tam Thế Phật là ba vị Phật lãnh lịnh Đức Thượng Đế điều khiển ba nguơn của Trời Đất.

    Ba vị Phật đó là:

    · Brahma Phật: điều khiển Thượng nguơn Thánh đức.
    · Çiva Phật: điều khiển Trung nguơn Tranh đấu.
    · Christna Phật: điều khiển Hạ nguơn Tái tạo.

    Theo đạo Bà La Môn (Brahmanisme), nay là Ấn Độ giáo (Hindouisme), ba vị Phật nầy rất được tôn sùng, bởi vì:

    - Brahma Phật là vị Phật sáng tạo ra vũ trụ và vạn vật.

    - Çiva Phật là vị Phật tiến hóa, hủy diệt cái cũ để tạo ra cái mới tiến hóa hơn. Ngài có nhiệm vụ dạy bảo loài người trở về con đường lành, tiến hóa theo Thiên ý.

    - Christna Phật là vị Phật bảo tồn, luôn luôn che chở cứu giúp người đời.

    Theo Di Lạc Chơn Kinh, ba vị Phật nầy ở từng Trời Hỗn Nguơn Thiên, dưới quyền chưởng quản của Đức Di Lạc Vương Phật.

    Tam Thế Phật được tạc tượng trên nóc Bát Quái Đài Tòa Thánh Tây Ninh:

    - Đức Phật Brahma đứng trên lưng con thiên nga, tay mặt bắt ấn khai nguơn, tay trái nắm bửu châu, mặt nhìn hướng Tây là hướng mặt trời lặn, như lo lắng cho cõi trần sắp đi vào nguơn Tranh đấu điêu tàn. Brahma Phật là ngôi thứ nhứt, tượng trưng ngôi Thánh đức, thuộc về Cơ Sanh hóa. Ấy là Đấng tự hữu hằng hữu, hữu nguyên hữu thỉ của vạn vật.

    - Đức Phật Çiva, day mặt hướng Bắc, đứng trên mình con rắn 7 đầu để chế ngự thất tình, khiến cho nhơn loại khỏi bị thất tình cám dỗ, lục dục khiến sai, thoát khỏi họa tranh đấu tiêu diệt. Ngài cầm ống tiêu đưa lên miệng thổi, như để thức tỉnh nhơn sanh hồi tâm hướng thiện. Ngài có bộ tinh nhũ trước ngực, đứng day mặt về hướng Bắc. Ngài là ngôi thứ hai trong Tam Thế Phật.

    - Đức Phật Christna đứng day mặt hướng Nam, mình trần, tay mặt chống gươm, tay trái chống nạnh, đứng trên mình con giao long, chơn đạp lên đầu giao long như để chế ngự con vật hung dữ. Ngài là ngôi thứ ba của Tam Thế Phật, tượng trưng ngôi bảo tồn. Dầu cho những chơn linh nào chết nơi chơn trời hay góc bể đi nữa mà đầy đủ công nghiệp và tâm đức, thì Đức Phật Christna cũng rước chơn linh ấy về Bạch Ngọc Kinh.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Bần đạo cũng nên chỉ rõ Đức Phật Mẫu đến tại mặt thế gian nầy, đã tượng trưng bên Ấn Độ. Phật giáo Ấn Độ gọi Ngài là Çiva Phật, là cái hình ở trên Bát Quái Đài, chúng ta để trên nóc đó, thấy có tinh nhũ nơi ngực Ngài đó.

    Hồi buổi Chí Tôn phân định, phân tánh của Ngài, lấy Khí, tức nhiên là Ngài dùng cái linh Pháp của Ngài biến tướng ra Phật Mẫu. Phật Mẫu thuộc về Âm, Chí Tôn thuộc về Dương, Âm Dương hiệp lại mới biến hoá ra Càn Khôn Vũ Trụ và sanh ra vạn vật.

    Đức Çiva Phật, Ấn Độ làm một cái hình phân nửa giống đàn bà, còn cái tướng thì đàn ông, bởi hồi đó con người chưa phân rõ chắc chắn nam nữ, Âm Dương. Đức Çiva trong huyết khí, tức là huyết, còn chơn linh đào tạo là do Đức Chí Tôn.

    Đức Chí Tôn là Phật, Đức Phật Mẫu là Pháp, Pháp mới sanh ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật, vạn vật ấy là do nơi Tinh mà ra, tức là Tăng. Thần tức nhiên là Đức Chí Tôn, Thần phân định Khí, Khí mới sanh ra Tinh. Phật là Chí Tôn, Pháp là Çiva tức Phật Mẫu, Tăng là vật loại trên Càn Khôn Vũ Trụ nầy.

    Ấy vậy, đạo Phật thờ Phật Mẫu mà không biết, dầu không thờ mà Đức Phật Mẫu vẫn ngồi từ tạo Thiên lập Địa tới giờ, tức nhiên là Đấng tạo ra vạn linh đó vậy.

    Tóm lại, Đạo Cao Đài tạo tượng Tam Thế Phật nên nóc Bát Quái Đài Tòa Thánh là để biểu thị sự tuần hoàn trong định luật tiến hoá của Càn Khôn Vũ Trụ theo thời gian, từ Thượng nguơn đi dần qua Trung nguơn và Hạ nguơn, để rồi bước sang Thượng nguơn của Chuyển tiếp theo.

    Ba vị Phật ấy luân phiên điều khiển ba nguơn, làm cho Càn Khôn Vũ Trụ luôn luôn tiến hóa.

  • Tam thiên đồ đệ

    Tam thiên đồ đệ

    三千徒弟

    A: Three thousand disciples.

    P: Trois mille disciples.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thiên: ngàn. Đồ đệ: học trò.

    Tam thiên đồ đệ là ba ngàn học trò.

    Đức Khổng Tử có tam thiên đồ đệ, trong đó có 72 người tài giỏi được gọi là thất thập nhị Hiền.

    Trong Đạo Cao Đài, tam thiên đồ đệ là ba ngàn học trò của Đức Chí Tôn, tức là 3000 vị Giáo Hữu.

  • Tam thiên thế giới

    Tam thiên thế giới

    三千世介

    A: Three thousand worlds.

    P: Trois mille mondes.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thiên: ngàn. Thế giới: một quả địa cầu trong Càn Khôn Vũ Trụ, mà ban đêm chúng ta thấy địa cầu ấy là một tinh tú.

    Tam thiên thế giới là 3000 quả địa cầu trong Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn.

    Do đó, trên Quả Càn Khôn thờ nơi Bát Quái Đài Toà Thánh, Đức Chí Tôn bảo vẽ lên đó 3000 ngôi sao tượng trưng Tam thiên thế giới, và 72 ngôi sao nữa tượng trưng Thất thập nhị Địa, nên tổng cộng trên Quả Càn Khôn có tất cả 3072 ngôi sao.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy kể Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại Thất thập nhị Địa và Tam thiên thế giới thì đều là tinh tú, tính lại 3072 ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ.....

    Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ nói về Luật Tam thể có viết rằng: "Tam thiên thế giới là ở từng trên bao phủ mà Thất thập nhị Địa ví như bàn cờ ở dưới. Tam thiên thế giới là ngôi vị, còn Thất thập nhị Địa là trường thi công quả."

  • Tam Thiên Vị

    Tam Thiên Vị

    三天位

    A: The celestial Trinity.

    P: La Trinité céleste.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thiên: Trời. Vị: ngôi vị.

    Tam Thiên vị là Ba ngôi Trời, cũng gọi là Thượng Đế ba ngôi, gồm: Ngôi Thái Cực, Ngôi Dương và Ngôi Âm.

    Ba ngôi Trời là khởi thủy của Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Bởi thế, Đức Chí Tôn Thượng Đế buổi sơ khai nền Đại Đạo, giáng cơ tạm xưng là Đấng A Ă Â, ba chữ nguyên âm đầu tiên của vần tiếng Việt, tượng trưng Tam Thiên Vị: A là ngôi Thái Cực, Ă là ngôi Dương, Â là ngôi Âm.

  • Tam thừa

    Tam thừa

    三乘

    A: Three vehicles.

    P: Trois véhicules.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thừa: bực, còn đọc là Thặng: cỗ xe.

    1. Tam thừa nghĩa là ba bực tu, hay là ba cỗ xe, kể ra: Tiểu thừa, Trung thừa, và Đại thừa.

    Đối với Phật giáo:

    - Tiểu thừa là bực tu chỉ độ được mình, giống như cỗ xe nhỏ chỉ chở được một người. Tiểu thừa cũng được gọi là Thinh Văn thừa (Véhicule des Auditeurs), tu học Tứ Diệu Đế, đắc quả A-La-Hán (Thánh).

    - Trung thừa là bực tu giữa Tiểu thừa và Đại thừa, tu học lý chơn không của Thập nhị Nhơn duyên cho được giác ngộ thành bậc Duyên giác (Độc Giác Phật, Bích Chi Phật). Bậc Duyên giác tu tự giải thoát cho mình, không đi giáo hóa độ thoát chúng sanh như bực Bồ Tát.

    - Đại thừa là bực tu tự độ được mình lại độ nhiều người, giống như cỗ xe lớn chở được nhiều người và có thể đi đến một nơi rất xa. Bực tu Đại thừa thành bậc Đại giác tức là thành Bồ Tát và Phật Như Lai.

    Nhắc lại cuộc hoằng pháp của Đức Phật Thích Ca:

    - Khởi đầu, Ngài dạy giáo pháp Tiểu thừa (Thinh Văn thừa), Ngài giảng giải Tứ Diệu Đế mà độ chúng sanh cho họ đắc quả Thánh là A La Hán.

    - Kế đó Ngài dạy giáo pháp Duyên giác thừa (cũng kêu là Trung thừa) mà độ chúng sanh. Ngài giảng giải Thập nhị Nhơn duyên để cho họ tu đắc quả Duyên giác (Bích Chi Phật).

    - Tấn lên nữa, Ngài dạy giáo pháp Đại thừa tức Bồ Tát thừa mà độ chúng sanh, dạy họ phép tu Lục độ thành Bồ Tát.

    Sau rốt, Ngài gom tất cả Tam thừa nhập lại làm một gọi là Nhứt thừa hay Phật thừa, Thượng thừa, Thắng thừa, Vô đẳng thừa. Ngài trao quả Phật cho chúng sanh, ai nấy noi theo giáo pháp của Ngài mà tu thì thành Phật Như Lai.

    Trong khoảng những năm sau cùng của Đức Phật Thích Ca, Ngài giảng kinh Đại thừa, nhứt là trong Hội Pháp Hoa tại núi Linh Sơn, Ngài tuyên bố giáo lý Đại thừa rất đắc lực, khiến cho vô số người phát tâm dõng mãnh tu thành Phật.

    2. Tam thừa cũng là ba bực tu từ thấp lên cao, kể ra: Hạ thừa, Trung thừa và Thượng thừa.

    Đối với Đạo Cao Đài, trong Tân Luật, chỉ chia các tín đồ ra hai bực tu căn cứ vào số ngày ăn chay trong một tháng:

    - Bực ăn chay 10 ngày mỗi tháng, phải giữ Ngũ giới cấm và Thế luật, gọi là người giữ Đạo, vào phẩm Hạ thừa.

    - Bực giữ trường chay, giới sát và Tứ đại điều qui thì vào phẩm Thượng thừa. Chức sắc phải là bực Thượng thừa.

    Đây là buổi sau rốt của thời Mạt kiếp, cần phải tu rút, nên chuyển Hạ thừa lên ngay Thượng thừa, không qua Trung thừa, e chậm trễ bước đường tu.

  • Tam tộc

    Tam tộc

    三族

    A: The three families.

    P: Les trois familles.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tộc: họ.

    Tam tộc là ba họ có liên quan huyết thống và tình cảm sâu đậm với mình, gồm: họ cha, họ mẹ, họ vợ.

    Thời xưa có một hình phạt rất nặng nề mà các vị vua dành cho những người phản loạn triều đình là hình phạt: Tru di tam tộc, nghĩa là giết chết ba họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ.

  • Tam tông chơn giáo

    Tam tông chơn giáo

    三宗眞敎

    A: The three true religions.

    P: Les trois vraies religions.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tông: Tôn: tôn giáo. Chơn: thật. Giáo: dạy.

    Tam tông chơn giáo là ba nền tôn giáo chơn thật ở Á Đông. Đó là: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

    - Phật giáo, cũng gọi là Thích giáo, do Đức Phật Thích Ca mở ra ở nước Ấn Độ.

    - Lão giáo, cũng gọi là Đạo giáo, Tiên giáo, do Đức Lão Tử mở ra ở miền Nam nước Tàu.

    - Nho giáo, cũng gọi là Khổng giáo, do Đức Khổng Tử phục hưng và mở rộng ở miền Bắc nước Tàu.

  • Tam Trấn Oai Nghiêm

    Tam Trấn Oai Nghiêm

    三鎭威嚴

    A: The Three Governors of the Celestial Empire.

    P: Les Trois Gouverneurs de l"Empire Céleste.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Trấn: gìn giữ cho yên ổn. Oai Nghiêm: có oai quyền đáng nể sợ.

    Tam Trấn Oai Nghiêm là ba Đấng có nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn, thay mặt ba Đấng Giáo chủ, cầm quyền Tam giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Tam Trấn Oai Nghiêm gồm:

    - Nhứt Trấn Oai Nghiêm là Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch, thay mặt Đức Lão Tử, cầm quyền Tiên giáo.

    - Nhị Trấn Oai Nghiêm là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, thay mặt Đức Phật Thích Ca, cầm quyền Phật giáo.

    - Tam Trấn Oai Nghiêm là Đức Quan Thánh Đế Quân, thay mặt Đức Khổng Tử, cầm quyền Nho giáo.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về quyền hành của Tam Trấn Oai Nghiêm, trích ra như sau:

    1. Đức Quan Thánh: tượng trưng Tinh, tức nhiên là xác thịt của chúng ta, vì cái sống trong xã hội nhơn quần của chúng ta ngày nay không có giá trị nào bằng giá trị Tinh, Khí, Thần.

    Quả vậy, Bần đạo tưởng chắc rằng nếu chúng ta có mảnh thân phàm nầy mà muốn cho nên, đứng cho vững vàng đáng giá nơi thế nầy, kiếp sống ta có một kiểu vở nào, không một nền tôn giáo nào có tôn chỉ đặc biệt về xã hội nhơn quần của chúng ta hơn Nho giáo.

    Đức Quan Thánh là đại diện cho Nho tông Chuyển thế.

    Nếu trong cử chỉ hành tàng của chúng ta trong kiếp sống, chúng ta học đòi theo cả hành tàng của Ngài, lấy Xuân Thu làm chuẩn thằng lập chí. Tưởng nếu toàn thiên hạ lập chí cho xã hội, phục vụ cho xã hội dường nầy, nhơn loại sẽ hưởng hạnh phúc không lúc nào cho bằng!

    2. Đức Lý Nhứt Trấn Oai Nghiêm: đại diện Tiên giáo, mà kiểu vở Tiên giáo trong tinh thần chữ ĐẠO. Đạo là cái sống, cái sống mà thiên hạ đã biết, nhưng mà không hiểu hình trạng và tướng diện của nó, bí mật của nó, thiên hạ nơi thế gian nầy chưa biết.

    Bần đạo lấy một tỷ thí như nam nữ phối hiệp nhau, sao lại sanh ra đứa bé? Cái bí mật đó là gì? Trứng gà nếu có trống khi ấp lại nở ra gà con. Cái sống đó là gì? Đức Lão Tử gọi đó là ĐẠO. Đạo ấy trong cái sống tối thiểu, có cái sống tối đại của nó, cũng như cái sống bí mật của ta, đương giờ phút nầy, đương nhiên sống với bạn đồng sanh của ta đây. Ngoài ra cái sống nữa, cái sống bí ẩn thiêng liêng mà Đức Chí Tôn gọi là sống, hằng sống của Ngài ban cho ta, đấy là ĐẠO.

    Ấy vậy, Đức Lão Tử dạy cho trí khôn ngoan loài người mở rộng cái sống bí ẩn, sống với vạn linh trong sự sống của Càn Khôn Vũ Trụ. Các người bảo trọng cái sống của các người thì các người phải cung kính thờ phượng cái sống của vạn linh.

    Ấy là Ngài dạy cho ta tôn sùng cái sống, tức nhiên trí não của mình mở mang. Hiểu sống là Đạo, mà người thay quyền cho Lão Tử đặng cầm giềng mối gìn giữ cái mực thước sống của chúng ta cho còn tồn tại đó vậy.

    Đức Lý tượng trưng cả trí não tinh thần chúng ta, bảo vệ Đạo, tức nhiên bảo vệ sống còn của nhơn loại vạn linh, thuộc về Khí.

    3. Đức Quan Thế Âm Bồ Tát: Ngài tượng trưng cho Thần của chúng ta. Toàn cả nhơn loại trên địa cầu đều bị quả kiếp, cũng có những Đấng lãnh sứ mạng của Đức Chí Tôn đến giáo đạo, dìu dẫn vạn linh.

    Hại thay! 92 ức nguyên nhân cũng vì sứ mạng tối yếu tối trọng ấy, thay vì làm tròn sứ mạng, lại quá ham sống, gây nên tội tình, phải sa đọa. Thành ra ông thầy đến giáo đạo lại trở thành một học trò quá tệ hơn trò nữa.

    Hỏi họ (92 ức) có đáng làm người không? Họ có đáng ngồi trong phẩm vị đại hồi hay tiểu hồi, hay vật loại? Cách nào cũng không đúng lắm, nên đạo giáo đặt ra phẩm Magia tức là Quỉ vị, một phẩm riêng biệt.

    Đấng Quan Âm thường đến các cửa Phong đô, nơi Cửu tuyền đài kia nhiều lần, lên lên xuống xuống để tận độ thiên hạ. Ngài tượng trưng cho một cơ thể thiêng liêng giải cả oan nghiệt tội tình, giải cả nhơn quả cho chúng sanh đoạt vị, tức nhiên đoạt cơ giải thoát.

    Một lần khác, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 28-6-Mậu Dần (1938) giảng: Tại sao thờ Tam Trấn và cắt nghĩa thờ mỗi Trấn.

    "Tại thời kỳ thay đổi, chuyển Tam giáo qui nguyên phục nhứt, cho hiệp với Thiên thơ.

    Đức Chí Tôn chọn ba vị Phật, Tiên, Thánh cầm quyền Tam Trấn, thay mặt Tam giáo, giáng cơ lập thành đạo đức.

    Bởi Hạ nguơn cận mãn, nhơn vật đổi dời, đạo đức nhơn nghĩa, lý cang thường đều bị lượn sóng văn minh vật chất làm hư hoại. Tam giáo đã thất chơn truyền do nơi tay phàm canh cải, thành ra dị đoan bất chánh, nên Đức Chí Tôn khai Đại Đạo là cơ quan chuyển thế, phục lại Thượng nguơn, cho thuận lẽ tuần hoàn qui cổ.

    Ba vị Tam Trấn hiện nay đức hạnh hoàn toàn, đủ tư cách độ đời, rọi gương cho đoàn hậu tấn.

    - Đức Lý Đại Tiên, buổi còn tại thế, Ngài làm quan đời nhà Đường, danh lưu ngôn ngữ, đánh đuổi bình giặc bằng tinh thần, chẳng tốn lương thảo tướng binh, mà cả cơ nghiệp đặng hòa bình, bảo an thiên hạ.

    Tánh chất của Ngài không thích công danh phú quí, thường ưa vui thú cờ rượu thi ngâm, hưởng cảnh thanh nhàn, non Tiên động Thánh. Ngài phế quan từ chức, mộ đạo tu hành, mới đắc quả một vị Đại Tiên.

    Nay là buổi Hạ nguơn chấn hưng Tam giáo, Đức Chí Tôn chọn Ngài cầm quyền Nhứt Trấn Oai Nghiêm, thủ cơ truyền đạo, lập luật pháp nghị định chơn truyền, công thưởng tội trừng, vô tư vô vị, chấp chưởng cơ quan, tạo thời cải thế, đương kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thay mặt Tiên giáo.

    - Đức Phật Quan Âm, buổi còn sanh tiền, giữ trọn câu trung trinh tiết liệt, mộ đạo đức, chẳng mến cuộc phú quí vinh huê, đủ nghị lực, trọn tâm trải qua nhiều hoàn cảnh khổ sở truân chuyên mà chí tu hành chẳng đổi, Bà mới đoạt thành phẩm vị Nữ Phật Tông Quan Âm Bồ Tát.

    Kỳ Phổ Độ thứ ba nầy, thừa lịnh Đức Chí Tôn cùng Diêu Trì Phật Mẫu, cầm quyền Nhị Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Thích giáo, rọi gương bác ái từ bi, tế độ đoàn nữ phái.

    - Đức Quan Thánh Đế Quân, Ngài là một vì sao Võ Khúc Tinh Quân thừa mạng Đức Ngọc Đế giáng trần nhân đời Tam quốc phân tranh. Ngài hết dạ tâm thành phò vua giúp nước, diệt tà tôn chánh, khuông phò Lưu Tiên Chúa giúp nên cơ nghiệp Hớn trào.

    Ngài giữ trọn Tam cang, Trung, Nghĩa, chánh trực, công bình, đến buổi qui vị thì đặng hiển Thánh, nhờ Phổ Tịnh Thiền Sư đến khai linh, nên đặng phi thăng yết kiến Thượng Đế, mới đắc hàng phẩm Phật Dà Lam.

    Nay đến kỳ Phổ Độ thứ ba, Đức Chí Tôn chọn Ngài cầm quyền Tam Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Nho giáo, nắm luật công bình, diệt trừ những kẻ tà tâm phản loạn chơn truyền, phân phe lập phái, làm cho nền đạo đức ra thiệt tướng.

    Thuở bình sanh, Ngài thường chú tâm bao biếm thiện ác, chỉ rõ hai đường lành dữ, lại nữa, nhân thời kỳ Nho giáo chuyển luân nên thờ Đức Quan Thánh là roi gương trung nghĩa cho toàn nam phái.

    Tam Kỳ Phổ Độ thờ Tam Trấn Oai Nghiêm để thay mặt Tam giáo, đổi cũ ra mới, cho chúng sanh thấy rõ một tấm gương trong lịch sử. Ấy là để cho đời nối chí lập tâm tu hành cho trở nên đời mỹ tục thuần phong, tức là đời Thánh đức, bởi vì Tam giáo qui phàm, thất chơn truyền, nên Đức Chí Tôn chọn.

    Tam Trấn cầm quyền vô vi lập Pháp Chánh Truyền, đào tạo đời gọi là chấn hưng Tam giáo.

    Tại sao thờ Tam Trấn?

    Tại thời kỳ khai Đại đồng Tôn giáo, Nho Thích Đạo qui nguyên, Đức Chí Tôn làm chủ, cầm quyền chưởng pháp cho phù hạp buổi Hạ nguơn tuần hoàn chuyển thế.

    Ba vị Tam Trấn chấp chưởng cơ quan mầu nhiệm, trấn nhậm quyền hành, lập luật pháp, Đạo Nghị Định cho hiệp với Thiên thơ.

    Vì thọ mạng lịnh của Đức Chí Tôn nên toàn bổn đạo phải để tâm thành kính và phụng thờ Tam Trấn."

    Thờ Tam Trấn Oai Nghiêm còn có ý nghĩa là thờ ba thể tánh: Bi, Trí, Dũng.

    · Đức Quan Âm Bồ Tát tượng trưng thể Bi: thương xót.
    · Đức Lý Thái Bạch tượng trưng thể Trí: sáng suốt.
    · Đức Quan Thánh tượng trưng thể Dũng: ý chí mạnh mẽ.
  • Tam tùng - Tứ đức

    Tam tùng - Tứ đức

     

    三從 - 四德

    A: Three womanly subjections - Four womanly virtues.

    P: Trois sujétions de la femme - Quatre vertus.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Tùng: theo. Tứ: bốn. Đức: đức tánh.

    Tam tùng là ba điều phải tùng theo của người phụ nữ.

    Tam tùng gồm: Tại gia tùng phụ, Xuất giá tùng phu, Phu tử tùng tử.

    Tứ đức là bốn đức tánh cần thiết của người phụ nữ.

    Tứ đức gồm: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy dạy nữ phái biết trọng Tam Tùng, Tứ đức. Hễ Nhơn đạo thành thì là phù hạp Thiên đạo, nghe à!

    I. Tam tùng - Tứ đức theo Nho giáo

    1. Tam tùng

    Ba điều phải theo của người phụ nữ.

    1. Tại gia tùng phụ: tại nhà thì tùng theo cha.

    Làm con phải nghe lời cha mẹ dạy bảo. Dù con cái đã trưởng thành nhưng kinh nghiệm đường đời đâu bằng cha mẹ, nên cần phải nghe lời khuyên răn và hướng dẫn của cha mẹ trong các công việc khó khăn thì mới mong thành công tốt đẹp.

    2. Xuất giá tùng phu: có chồng thì tùng theo chồng.

    Người chồng thường giữ vai tuồng trọng yếu trong gia đình, làm việc sanh lợi để nuôi sống vợ con. Do đó, vợ phải nhường chồng quyền sắp đặt và quyết định các công việc của gia đình. Vợ có nhiệm vụ giúp ý kiến cho chồng và giúp chồng làm nên sự nghiệp.

    3. Phu tử tùng tử: chồng chết thì theo con.

    Nếu chẳng may người chồng mất sớm, người vợ nên giữ tiết, ở vậy thờ chồng, nuôi dạy con cái và gầy dựng cho con.

    Đạo Nho không đặt ra trường hợp người phụ nữ đã có con với chồng mà chồng chết, lại đi tái giá, vì muốn ràng buộc để cho người phụ nữ được cao thượng, đáng kính.

    2. Tứ đức

    Bốn đức tốt của phụ nữ.

    1. Công: là chăm làm việc nhà, thêu thùa may vá, nấu ăn trong bếp, sắp đặt nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái.

    2. Dung: là chăm sóc dung nhan cho tươi tắn dễ thương, tướng đi dịu dàng, cử chỉ đoan trang, sạch sẽ, tươm tất.

    3. Ngôn: là lời nói phải thành thật, ngay thẳng, dịu dàng, gây được tình cảm tốt đẹp trong mọi người, tránh lời thị phi đâm thọc, mách lẽo.

    4. Hạnh: tánh nết hòa nhã, khiêm cung, ngay thật.

    Tứ đức là bốn đức tánh hết sức cần thiết của người phụ nữ. Nhờ Tứ đức mà giá trị của phụ nữ được nâng cao. Không cần phải giàu sang hay có học thức cao mới có đủ Tứ đức, người nghèo, kẻ dốt nát quê mùa, cũng vẫn có đủ Tứ đức, nếu được dạy dỗ rèn luyện từ thuở ấu thơ.

    Chính Tứ đức mới định giá trị thực sự của phụ nữ. Giá trị nầy không do phấn son hay quần áo đúng kiểu thời trang, hay đeo nhiều nữ trang quí giá.

    II. Tam tùng - Tứ đức của phụ nữ Cao Đài

    1. Thể pháp và Bí pháp của Nhơn đạo

    Tam tùng và Tứ đức theo Nho giáo như vừa trình bày nơi phần 1 là thuộc về Thể pháp của Nhơn đạo.

    Ai thực hiện trọn vẹn Thể pháp của Nhơn đạo thì được đứng vào bực Thần.

    Sau khi đã làm xong Thể pháp của Nhơn đạo, người phụ nữ Cao Đài cần tiến lên một nấc thang kế tiếp là thực hành Tam tùng và Tứ đức theo Bí pháp của Nhơn đạo.

    Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy như sau:

    "Tam tùng - Tứ đức là về phần nữ phái.

    - Tùng phụ: như người con gái phải giữ trọn tiết trinh, cũng như kẻ tín đồ phải giữ tròn danh đạo.

    - Tùng phu: như bóng với hình, tức nhiên phải ví mình như một trong Thánh thể tùng Hội Thánh vậy.

    - Tùng tử: là phải vì đám hậu sanh mà quên mình đặng tạo nên sự nghiệp tương lai cho chúng, tức nhiên là bổn phận của Chức sắc vậy.

    - Công, Dung, Ngôn, Hạnh: tức là làm việc cho nhơn sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo hóa, hành vi cử chỉ để treo gương mặt thế, tức là phải biết nâng cao giá trị của Thánh thể Chí Tôn, nết na đầm thấm, giữ trọn thương yêu tức nhiên là làm nền móng cho Đại Đồng thế giới."

    Người nữ tín đồ Cao Đài thực hành trọn vẹn Bí pháp Nhơn đạo thì đương nhiên đứng vào hàng Thánh vậy.

    Khi đã thực hiện xong Tam tùng Tứ đức thuộc Thể pháp và Bí pháp Nhơn đạo, tức là làm xong phần Nhơn đạo, người phụ nữ Đạo Cao Đài ráng tiến lên một nấc thang chót nữa là Tam tùng Tứ đức thuộc Thiên đạo.

    2. Tam tùng - Tứ đức theo Thiên đạo

    - Tùng phụ: tùng theo cha. Cha đây là Đấng Cha Trời, là Đại Từ Phụ. Phải tuân theo lời dạy của Đấng Cha Trời mà siêng năng tu tiến, để linh hồn trổi bước lên phẩm vị cao sang.

    - Tùng phu: phải cố gắng tu luyện để cho hai khí Âm Dương trong cơ thể hiệp nhau, tức là đạt được sự hiệp nhứt của Tinh, Khí, Thần, thì Ngũ Khí triều nguơn, Tam huê tụ đảnh, đắc đạo tại thế.

    - Tùng tử: Sau khi đã đắc đạo rồi, phải trở lại dìu dắt những đứa con đang còn dại khờ chìm đắm trong vòng vật dục, để chúng sớm giác ngộ mà quay trở về đường đạo đức.

    - Công: Từ chỗ chăm làm việc nhà, phát triển lên làm việc cho xã hội, truyền bá kinh sách, giáo hóa người đời, phụng sự nhơn sanh, tạo lập công đức, tu hành thêm tinh tấn.

    - Dung: Tiến lên bồi đắp sắc đẹp tinh thần, thể hiện bằng tình thương yêu bao la, cứu giúp chúng sanh thoát khổ.

    - Ngôn: Từ chỗ nói lời đoan chánh đem lại hòa ái cho mọi người, tiến lên nói điều đạo đức, thuyết minh giáo lý, khai mở tâm tánh cho nhơn sanh thức tỉnh lo việc tu hành.

    - Hạnh: Từ tánh đức hiền lành khiêm tốn, tiến lên lập hạnh từ bi cứu vớt toàn thể chúng sanh đồng thoát khổ.

    Đoạt đặng Thể pháp và Bí pháp của Thiên đạo thì đắc thành Tiên, Phật.

    Tóm lại, Tam tùng Tứ đức theo Thiên đạo chỉ là sự thăng hoa đến tột đỉnh của Tam tùng Tứ đức trong Nhơn đạo của người phụ nữ Cao Đài.

  • Tam vị nhứt thể

    Tam vị nhứt thể

    三位一體

    A: The trinity.

    P: La trinité.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Vị: ngôi vị. Nhứt: một. Thể: thể chất.

    Tam vị nhứt thể là ba ngôi đều đồng một thể.

    Tam vị nhứt thể cũng chính là Tam Thiên Vị. Đây là nói về ba ngôi của Thượng Đế: Ngôi Thái Cực, Ngôi Dương và Ngôi Âm. Tuy chia làm ba ngôi nhưng tựu trung chỉ có một, 1 biến thành 3, 3 hiệp lại thành 1.

    Theo Thiên Chúa giáo, Tam vị nhứt thể gồm: - Đức Chúa Cha (Thượng Đế), - Đức Chúa Con (Đấng Christ), - Đức Chúa Thánh Thần.

  • Tam vô chủ nghĩa

    Tam vô chủ nghĩa

    三無主義

    A: Three noes.

    P: Trois nons.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Vô: không. Chủ nghĩa: chủ trương của một học thuyết.

    Tam vô chủ nghĩa là học thuyết chủ trương ba cái không (vô): vô gia đình (không gia đình), vô tổ quốc (không tổ quốc), vô tôn giáo (không tôn giáo).

  • Tam vô tư

    Tam vô tư

    三無私

    A: Three impartialities.

    P: Trois impartialités.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Vô: không. Tư: riêng.

    Tam vô tư là ba cái không riêng.

    Tam vô tư gồm: Thiên vô tư phú, Địa vô tư tái, Nhựt Nguyệt vô tư chiếu. (Trời không che riêng ai, Đất không chở riêng ai, Mặt trời mặt trăng không soi riêng ai).

  • Tam xích thổ

    Tam xích thổ

    三尺土

    A: Three ancient feet of earth.

    P: Trois anciennes mètres de terre.

    Tam: Ba, số 3, thứ ba. Xích: thước. Thổ: đất.

    Tam xích thổ là ba thước đất, ý nói người chết rồi thì thể xác được chôn vùi dưới ba thước đất (thước Tàu).

    Trong Minh Tâm Bửu Giám, sách Cảnh Hành Lục nói:

    Minh đán chi sự, lạc mộ bất khả tất.
    Bạc mộ chi sự, phô thì bất khả tất.
    Thiên hữu bất trắc chi phong vân,
    Nhân hữu đán tịch chi họa phúc.
    Vị qui tam xích thổ, nan bảo nhất sinh thân,
    Ký qui tam xích thổ, nan bảo bách niên phần.

    Nghĩa là:

    Việc sớm mai để lại chiều hôm chưa hẳn được.
    Việc chiều hôm để lại xế tà chưa hẳn được.
    Trời có gió mây không thể nào lường được,
    Người có họa phúc sớm chiều không thể biết được.
    Chưa về ba thước đất, khó giữ toàn thân thể,
    Đã về ba thước đất, khó giữ nấm mộ trăm năm
  • TẠM

    TẠM

    TẠM: 暫 Không lâu, chốc lát, tạm thời, tạm đỡ.

    Thí dụ: Tạm bất khả cửu, Tạm đình.

  • Tạm bất khả cửu

    Tạm bất khả cửu

    暫不可久

    Tạm: Không lâu, chốc lát, tạm thời, tạm đỡ. Bất khả: không thể. Cửu: lâu dài.

    Chữ Tạm trái nghĩa với chữ Cửu.

    Tạm bất khả cửu là đỡ trong chốc lát chớ không lâu dài.

  • Tạm đình

    Tạm đình

    暫停

    A: To adjourn.

    P: Ajourner.

    Tạm: Không lâu, chốc lát, tạm thời, tạm đỡ. Đình: dừng lại.

    Tạm đình là dừng lại trong chốc lát, hoãn lại một việc trong thời gian ngắn.

  • Tạm lao vĩnh dật

    Tạm lao vĩnh dật

    暫勞永逸

    Tạm: Không lâu, chốc lát, tạm thời, tạm đỡ. Lao: mệt nhọc. Vĩnh: lâu dài. Dật: an nhàn.

    Tạm lao vĩnh dật là mệt nhọc một thời gian ngắn, mà được nhàn nhã lâu dài.

  • TAN

    TAN

    TAN: (nôm) Hòa lẫn vào nhau, biến thành nước, rã ra thành mảnh nhỏ.

    Thí dụ: Tan hoang, Tan tành.

  • Tan hoang

    Tan hoang

    A: Completely destroyed.

    P: Complètement détruit.

    Tan: Hòa lẫn vào nhau, biến thành nước, rã ra thành mảnh nhỏ. Hoang: bỏ không.

    Tan hoang là tan nát hư hỏng.

  • Tan như giá

    Tan như giá

    A: To disapper like the ice.

    P: Disparaître comme la glace.

    Tan: Hòa lẫn vào nhau, biến thành nước, rã ra thành mảnh nhỏ. Như: giống như. Giá: nước đá.

    Tan như giá là tan ra biến mất như nước đá gặp nóng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vậy Thầy khuyên các con cứ thìn lòng thìn nết cho có trật tự trong đạo thì tức nhiên muôn điều khó nhọc cũng tan như giá.

  • Tan tành manh mún

    Tan tành manh mún

    A: Reduced to pieces.

    P: Dispersé en pièces.

    Tan: Hòa lẫn vào nhau, biến thành nước, rã ra thành mảnh nhỏ. Tan tành: tan nát hết. Manh mún: từng miếng nhỏ rời rạc.

    Tan tành manh mún là tan nát ra từng mảnh nhỏ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhưng đạo chẳng hoàn toàn, con đường đi chưa cùng bước, là tại vì nơi lòng nhiều đứa, chưa để hết tín ngưỡng mà nghe theo lời Thánh giáo, cho nên lần hồi nền đạo phải ra tan tành manh mún.

  • TÀN

    TÀN

    1. TÀN: 殘 Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật.

    Thí dụ: Tàn hại, Tàn niên, Tàn phế.

    2. TÀN: (nôm) chữ Hán là Tản, là một thứ lọng có tấm lụa thêu may vòng chung quanh, dưới có tua dài.

    Thí dụ: Tàn lọng.

  • Tàn bạo

    Tàn bạo

    殘暴

    A: Cruel and violent.

    P: Cruel et violent.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Bạo: hung ác.

    Tàn bạo là hung ác dữ dội.

  • Tàn canh - Tàn niên

    Tàn canh - Tàn niên

    殘更 - 殘年

    A: The end of vigil - The end of year (Old age).

    P: La fin de veille - La fin de l"année (Vieillesse).

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Canh: khoảng thời gian 1/5 đêm, một đêm chia làm 5 canh. Niên: năm.

    Tàn canh là canh tàn, đêm tàn, đêm sắp hết.

    Tàn niên là năm tàn, năm sắp hết, chỉ tuổi già.

  • Tàn đăng

    Tàn đăng

    殘燈

    P: Lampe qui s"éteint.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Đăng: ngọn đèn.

    Tàn đăng là ngọn đèn gần tắt.

  • Tàn hại

    Tàn hại

    殘害

    A: To devastate.

    P: Dévaster.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Hại: hao tổn.

    Tàn hại là làm cho hư hại một cách ác độc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: ...... mới có thể chống ngăn sự tàn hại mà làm cho nền đạo được vững.

  • Tàn lọng

    Tàn lọng

    Tàn: chữ Hán là Tản, là một thứ lọng có tấm lụa thêu may vòng chung quanh, dưới có tua dài. Lọng: cây lọng.

    Tàn, chữ Hán là Tản 傘, Lọng chữ Hán là Cái 蓋, bảo cái là cây lọng quí để che tượng Phật thờ nơi chùa.

    Cây tàn có địa vị cao hơn cây lọng, đứng trên cây lọng.

    - Trong Tòa Thánh, hai bên Bảy cái ngai, mỗi bên có đặt 3 cây tàn: cây tàn trên màu vàng, cây tàn giữa màu xanh và cây tàn dưới màu đỏ; còn phía dưới mỗi bên có 3 cây lọng thì đặt xen với dàn bát bửu.

    - Trong Báo Ân Từ thờ Đức Phật Mẫu, hai bên Nội nghi mỗi bên có 3 cây tàn: cây tàn màu vàng đặt ở trên, màu xanh ở giữa và màu đỏ ở dưới; còn phía dưới là dàn lỗ bộ mỗi bên có đặt xen 2 cây lọng.

    - Trong Tang lễ, nơi bàn hương đặt bửu ảnh, hàng Tiên vị mới có tàn và lọng, hàng Thánh vị không có tàn, chỉ có lọng.

    . Tang lễ Đức Giáo Tông, Chưởng Pháp và các phẩm tương đương (Tiên vị), nơi bàn hương đặt bửu ảnh, hai bên có 2 cây tàn và 2 cây lọng.

    . Tang lễ Đầu Sư và các phẩm tương đương (Tiên vị), hai bên bàn hương đặt bửu ảnh có 1 cây tàn và 2 cây lọng.

    . Tang lễ Chánh Phối Sư, Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu, (Thánh vị) nơi bàn hương đặt bửu ảnh chỉ có 2 cây lọng.

    . Tang lễ hàng Lễ Sanh và phẩm tương đương (Thần vị) thì chỉ có 1 cây lọng.

  • Tàn nhựt - Tàn nguyệt

    Tàn nhựt - Tàn nguyệt

    殘日 - 殘月

    A: The end of day - The end of month (Declining moon).

    P: La fin du jour - La fin du mois (La lune déclinante).

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Nhựt: ngày, mặt trời. Nguyệt: tháng, mặt trăng.

    Tàn nhựt là gần hết ngày, cũng có nghĩa là mặt trời chiều sắp lặn.

    Tàn nguyệt là gần hết một tháng, cũng có nghĩa là trăng tàn, mặt trăng sắp lặn.

  • Tàn phế

    Tàn phế

    殘廢

    A: Infirm.

    P: Infirme.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Phế: bỏ đi, không dùng được.

    Tàn phế là bị tàn tật đến mức không còn làm gì được.

  • Tàn sát

    Tàn sát

    殘殺

    A: To massacre.

    P: Massacrer.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Sát: giết chết.

    Tàn sát là giết chết hằng loạt một cách ác độc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhơn loại tàn sát lẫn nhau.

  • Tàn tạ

    Tàn tạ

    殘謝

    A: Faded.

    P: Fané.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Tạ: héo rụng.

    Tàn tạ là khô héo rơi rụng.

  • Tàn tích

    Tàn tích

    殘跡

    A: The vestige.

    P: Le vestige.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Tích: dấu vết.

    Tàn tích là dấu vết còn sót lại.

  • Tàn xuân - Tàn thu

    Tàn xuân - Tàn thu

    殘春 - 殘秋

    A: The end of Spring - The end of Autumn.

    P: La fin du Printemps - La fin de l"Automne.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Xuân: mùa xuân. Thu: mùa thu.

    Tàn xuân là cuối mùa xuân.

    Tàn thu là cuối mùa thu.

  • Tàn y

    Tàn y

    殘衣

    A: The remained clothes of deaceased.

    P: Le reste des vêtements du défunt.

    Tàn: Làm hại, ác độc, sót lại, sắp hết, tàn tật. Y: cái áo.

    Tàn y là cái áo còn sót lại của người đã chết.

    Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu: Mảnh tàn y dường nhắc nghi dung.

  • TÁN

    TÁN

    1. TÁN: 贊 Khen ngợi, bài văn ca tụng.

    Thí dụ: Tán dương, Tán đồng, Tán tụng.

    2. TÁN: 散 Tan ra, lìa tan, nghiền nát.

    Thí dụ: Tán gia, Tán tụ.

  • Tán dương

    Tán dương

    贊揚

    A: To eulogize.

    P: Elogier.

    Tán: Khen ngợi, bài văn ca tụng. Dương: đưa lên cao.

    Tán dương là khen ngợi và đề cao.

  • Tán đồng

    Tán đồng

    贊同

    A: To approve.

    P: Approuver.

    Tán: Khen ngợi, bài văn ca tụng. Đồng: cùng.

    Tán đồng là khen ngợi và đồng tình.

  • Tán gia bại sản

    Tán gia bại sản

    散家敗產

    Tán: Tan ra, lìa tan, nghiền nát. Gia: nhà. Bại: tan nát. Sản: của cải.

    Tán gia bại sản là nhà cửa tan nát, của cải tiêu tan.

  • Tán thán

    Tán thán

    贊歎

    A: To eulogize.

    P: Elogier.

    Tán: Khen ngợi, bài văn ca tụng. Thán: ca ngợi.

    Tán thán là quá khen ngợi.

  • Tán tụ vô thường

    Tán tụ vô thường

    散聚無常

    A: To disperse or reunite inconstantly.

    P: Disperser ou réunir inconstantement.

    Tán: Tan ra, lìa tan, nghiền nát. Tụ: hợp lại. Vô: không. Thường: luôn luôn.

    Tán tụ vô thường là tan ra hay tụ lại một cách không nhứt định, như đám mây trên bầu trời, khi tan khi hiệp.

  • Tán tụng công đức

    Tán tụng công đức

    贊頌功德

    Tán: Khen ngợi, bài văn ca tụng. Tụng: ca ngợi. Công đức: công nghiệp và đạo đức.

    Tán tụng là bài văn ca ngợi, khen tặng.

    Tán tụng công đức Diêu Trì Kim Mẫu là bài kinh ca tụng công nghiệp và đạo đức của Đức Phật Mẫu.

  • TẢN

    TẢN

    TẢN: 散 Thong thả, không bó buộc, còn đọc là TÁN.

    Thí dụ: Tản bộ, Tản Tiên.

  • Tản bộ

    Tản bộ

    散步

    A: To stroll.

    P: Se promener.

    Tản: Thong thả, không bó buộc, còn đọc là TÁN. Bộ: đi chân, đi bộ.

    Tản bộ là đi bộ dạo chơi một cách thong thả.

  • Tản Tiên (Tán Tiên)

    Tản Tiên (Tán Tiên)

    散仙

    Tản: Thong thả, không bó buộc, còn đọc là TÁN. Tiên: vị Tiên.

    Tản Tiên hay Tán Tiên là các vị Tiên rong chơi thong thả, không có phận sự gì nơi cõi thiêng liêng.

    Đông Phương Sóc là vị Tiên cầm đầu các Tản Tiên ở miền Đông Hải.

  • TANG

    TANG

    1. TANG: 桑 Cây dâu.

    Thí dụ: Tang bộc. Tang bồng, Tang du.

    2. TANG: 喪 còn đọc là TÁNG: lễ đám ma.

    Thí dụ: Tang chủ, Tang gia, Tang lễ.

    3. TANG: 贓 Vật để làm chứng cớ.

    Thí dụ: Tang chứng, Tang vật.

  • Tang biến thương dồn

    Tang biến thương dồn

    A: The up and down of life.

    P: Les vicissitudes de la vie.

    Tang: Cây dâu. Biến: thay đổi. Thương: màu xanh. Dồn: dồn dập.

    Tang biến thương dồn là lấy theo thành ngữ Hán văn: Tang điền thương hải, nghĩa là: ruộng dâu biến thành biển xanh, ý nói: việc đời luôn luôn biến đổi dồn dập bất thường.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Xưa đã lắm phen nhơn sanh phải khổ tâm hy sinh vì nền Đạo, nhưng mà tàn lối ngưỡng trông rồi, thì phân vân dời đổi, tang biến thương dồn, rốt cuộc lại, mối thân ái của sanh linh chưa vầy hiệp đặng.

  • Tang bồng hồ thỉ

    Tang bồng hồ thỉ

    桑蓬弧矢

    A: The wills of a boy.

    P: Les volontés d"un garçon.

    Tang: Cây dâu. Bồng: cỏ bồng. Hồ: cây cung. Thỉ: mũi tên.

    Tang bồng hồ thỉ là cây cung bằng cây dâu, mũi tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sanh hoàng tử (con trai), quan coi việc lấy cây cung bằng cây dâu và 6 mũi tên bằng cỏ bồng, bắn ra bốn hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) rồi bắn lên trời một mũi, bắn xuống đất một mũi, ngụ ý nói rằng: người con trai lớn lên có chí khí ở bốn phương, tung hoành ngang dọc trong Trời Đất.

    Tang bồng hồ thỉ là chí khí nam nhi, vẫy vùng ngang dọc trong Trời Đất.

  • Tang chủ

    Tang chủ

    喪主

    A: The chief of mourning.

    P: Le chef de deuil.

    Tang: còn đọc là TÁNG: lễ đám ma. Chủ: người làm chủ.

    Tang chủ là người đứng ra tổ chức tang lễ cho người chết.

    Tân Luật: Thế luật, điều 14: Trong bổn đạo xảy ra có người mãn phần, qui vị thì chư tín đồ trong Họ phải chung cùng đến giúp và chia buồn với tang chủ.

    Tang chủ tựu vị: 喪主就位 Tựu là tới, vị là chỗ đứng.

    Tang chủ tựu vị là người chủ tang đi tới chỗ đứng của mình.

    Đây là câu xướng của lễ sĩ trong nghi tiết tang lễ để người chủ tang vào đứng tại vị trí của mình, khởi sự tế lễ.

    Tang chủ dĩ hạ giai xuất: 喪主以下皆出 Dĩ hạ: lấy xuống. Giai: đều. Xuất: đi ra.

    Tang chủ dĩ hạ giai xuất là tang chủ và những người từ tang chủ trở xuống đều bước ra ngoài.

    Đây là câu xướng của lễ sĩ trong nghi tiết tang lễ để người chủ tang và thân nhân bước ra ngoài vì đã làm lễ xong.

  • Tang chứng

    Tang chứng

    贓證

    A: Material evidence.

    P: Pièces à conviction.

    Tang: Vật để làm chứng cớ. Chứng: bằng cớ.

    Tang chứng là vật để làm bằng chứng việc phạm pháp.

  • Tang dâu

    Tang dâu

    Tang: Cây dâu. Dâu: cây dâu.

    Tang dâu là lấy ý theo thành ngữ: Tang điền thương hải, nghĩa là ruộng dâu biến thành biển xanh, chỉ những sự biến đổi của cuộc đời. (Xem: Tang điền thương hải)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Liệu qua cho khỏi cuộc tang dâu.

  • Tang du

    Tang du

    桑榆

    A: The old age.

    P: La vieillesse.

    Tang du là loại cây giống cây dâu, mọc ở góc trời Tây, khi mặt trời xuống đến đó thì lặn. Do đó:

    Tang du là chỉ cảnh trời chiều, mặt trời sắp lặn, nên chỉ cảnh người già gần ngày chết.

    Niên tuế hữu cật, tang du hành tận: năm tháng hết, cảnh trời chiều tắt.

    Niên tại tang du: tuổi về già.

    Thung dung dưỡng dư nhật, thủ lạc vu tang du: Thong thả dưỡng ngày thừa, cốt giữ cái vui lúc tuổi già.

    Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu: Cơ nghiệp còn lưu mộng tang du.

  • Tang điền thương hải

    Tang điền thương hải

    桑田蒼海

    A: The field of mulberry-tree changes into the blue sea.

    P: Le champ des muâriers change en mer bleue.

    Tang: Cây dâu. Điền: ruộng. Thương: màu xanh. Hải: biển.

    Tang điền thương hải là nói tắt câu Hán văn: Tang điền biến vi thương hải, nghĩa là: ruộng dâu biến thành biển xanh.

    Ý nói: Cảnh đời luôn luôn biến đổi, không có gì gọi là bền vững vĩnh viễn. (Xem điển tích nơi chữ: Biển dâu, vần B)

  • Tang gia

    Tang gia

    喪家

    A: Family in mourning.

    P: La famille en deuil.

    Tang: còn đọc là TÁNG: lễ đám ma. Gia: nhà.

    Tang gia là nhà đang có tang.

    Tang gia bối rối: Nhà đang có tang đau buồn nên rất bối rối, mất đi sự bình tỉnh, quên trước quên sau. Thành ngữ nầy thường dùng để xin quí khách đến phúng điếu thông cảm những sơ sót của tang gia trong sự tiếp đãi.

  • Tang hôn

    Tang hôn

    喪婚

    A: The mourning and marriage.

    P: Le deuil et le mariage.

    Tang: còn đọc là TÁNG: lễ đám ma. Hôn: việc hôn nhân, cưới vợ hay gả chồng.

    Tang hôn là việc tang và việc hôn. Đây là hai việc rất quan trọng trong đời sống của một người.

    Chức sắc và Chức việc của một địa phương có nhiệm vụ lo lắng việc tang hôn cho các tín đồ trong địa phận mình, để gây tình đoàn kết thương yêu gắn bó và nhất là thực hiện việc phổ độ nhơn sanh.

    Pháp Chánh Truyền: Chúng nó phải chăm nom về sự tang hôn của mỗi đứa. (Chúng nó: Đức Chí Tôn nói các vị Giáo Sư).

  • Tang lễ

    Tang lễ

    喪禮

    A: Funeral rites.

    P: Rites funèbres.

    Tang: còn đọc là TÁNG: lễ đám ma. Lễ: nghi lễ.

    Tang lễ là nghi thức làm lễ trong một đám tang.

    Tang lễ gồm các phần sau đây: xxxxxxxx

    · Tẫn liệm
    · Thành phục phát tang
    · Cáo Từ Tổ
    · Cúng tế và Cầu siêu
    · An táng.

    Theo tài liệu Hạnh Đường Huấn luyện Chức việc Bàn Trị Sự nam nữ (Khóa Canh Tuất 1970), phần Tang lễ cho Đạo hữu, Chức việc và Chức sắc qui liễu như sau:

    1. Phương pháp hành lễ Tẫn liệm:

    Phải cúng Thầy nhằm Tứ thời, có dâng sớ Tân cố và dâng Tam bửu (bông, rượu, trà), vị chứng đàn là Chánh Trị Sự.

    Khi hành lễ cúng thời xong, tất cả người trong gia quyến đều quì cầu nguyện Đức Chí Tôn, rồi đến chỗ người chết, quì lạy xác một lần, đồng nhi khởi tụng Kinh Tẫn Liệm (Dây oan nghiệt... ). Tụng xong, tang chủ lạy xác một lần nữa, vị chứng đàn trở về Thiên bàn xá Đức Chí Tôn và xả ấn.

    Các chi tiết hành lễ vừa kể trên, từ phẩm Chánh Trị Sự trở xuống Đạo hữu thì vị chứng đàn là Chánh Trị Sự thực hành; còn từ phẩm Chức sắc Lễ Sanh trở lên thì phương pháp cầu hồn khi hấp hối, cầu hồn khi đã chết rồi, đến tẫn liệm, Bàn Trị Sự chỉ hành lễ theo nghi thức như trên, riêng về phần chứng đàn trước đầu người bịnh hấp hối, chết rồi, phải nhượng cho vị Đầu Phận Đạo (Đầu Tộc Đạo) hay Khâm Thành (Khâm Châu Đạo) nếu có thỉnh đến.

    Phần thượng sớ Tân cố, vị Chánh Trị Sự phải đưa lên cho Đầu Phận Đạo thay mặt Hội Thánh dâng sớ tại Thánh Thất hay tư gia người đã chết.

    2. Phần hành lễ Thành phục phát tang tại tư gia.

    Trường hợp nầy có lắm khi tùy hoàn cảnh gia đình tang chủ thỉnh cầu như: Thành phục phát tang, kế tiếp hành lễ tế điện, cầu siêu và an táng luôn, cũng có gia đình duy trì vì phải coi giờ thành phục phát tang hay ngày an táng.

    Do đó mới có việc không thỏa mãn giữa nhau. Vậy thì lễ thành phục phát tang, kế tiếp cúng tế cầu siêu và an táng luôn là phương tiện cho gia đình hoặc Bàn Trị Sự là tốt nhất.

    Còn coi ngày giờ thành phục phát tang hay an táng, nếu quá hạn tam nhựt (ba ngày) thì buộc tang quyến phải bảo đảm quan tài về hơi hám (điều đó bất đắc dĩ mà thôi). Bàn Trị Sự cũng nên khuyên gia đình tang chủ trong ba ngày tống táng hơn là duy trì lâu ngày có nhiều bất lợi.

    Việc thành phục phát tang, Bàn Trị Sự chỉ cầu nguyện Chí Tôn vì mới thiết lễ cúng Thầy hồi tẫn liệm.

    3. Phần lễ Cáo Từ Tổ:

    Có lễ nhạc hoặc không có, trước phải đặt một bàn nghi ngoài để kiếng Thần Hoàng bổn cảnh, đất đai ngũ phương, một mâm cơm chay hay hoa quả bánh nước tùy gia vô hữu, còn một mâm dâng lên bàn thờ Tổ Phụ (Cửu Huyền Thất Tổ), một cái mâm đựng đồ tang để cáo Từ Tổ.

    Khi xong, bưng mâm đồ tang qua bàn vong trước quan tài hành lễ. Vị Chánh Trị Sự đứng phát tang phải mặc đại phục.

    Nghi tiết trên từ Lễ Sanh xuống Đạo hữu, lễ sĩ mặc áo màu xanh đậm. Từ Giáo Hữu lên Phối Sư, lễ sĩ mặc áo màu đỏ.

    Lễ Sanh, Giáo Thiện một cây lọng và phướn Thượng Sanh. Giáo Hữu, Chí Thiện trở lên, hai cây lọng và phướn Thượng Phẩm. Nên lưu ý, dầu nam hay nữ, phướn Thượng Sanh đặt bên tả (trái), phướn Thượng Phẩm đặt bên hữu (mặt) trong ngó ra, chớ không phải để nam tả, nữ hữu.

    Đảnh lễ Đức Chí Tôn trước khi Cáo Từ Tổ.

    4. Phần hành lễ cúng tế và cầu siêu cho Chức việc xuống Đạo hữu.

    Đoạn nầy chiếu theo quyển Tang lễ của Ngài Cố Tiếp Pháp Chơn Quân thì hành lễ đủ kinh dầu thiếu trai giới 10 ngày. Chỉ đặc biệt người qui vị giữ trọn 10 ngày chay thì thọ truyền bửu pháp, nghĩa là thỉnh Chức sắc hành pháp Đoạn Căn mà thôi, dưới 10 ngày chay là không được hưởng pháp nầy.

    Trường hợp vừa kể trên đối với trẻ em từ 10 tuổi trở lên, nếu trường trai hoặc thập trai cũng được thi hành theo nghi lễ nầy. Còn 10 tuổi trở xuống thì chỉ thượng sớ và cầu siêu mà thôi.

    Riêng về phần Chức sắc Lễ Sanh, Giáo Thiện, Giáo Hữu, Chí Thiện trở lên được phép tạm để tư gia hành lễ chờ ngày di quan vào Khách Đình hay Báo Ân Từ, thì Bàn Trị Sự hành lễ theo các chi tiết đã nói trên, nghĩa là từ khi hấp hối, chết rồi, đến cầu siêu để di quan và phải đưa vào Khách Đình hay Báo Ân Từ tùy theo phẩm vị, nên chung lo giúp đỡ tang quyến đến khi an táng xong.

    5. Phần lễ phát hành và an táng.

    Đảnh lễ Đức Chí Tôn trước khi Cáo Từ Tổ, cúng vong, cầu siêu, khiển điện, di linh cữu ra Thuyền Bát Nhã, đi đến Báo Ân Từ, thỉnh linh vị vào bái lễ Đức Phật Mẫu, đến Đền Thánh cũng thỉnh linh vị vào bái lễ Đức Chí Tôn. Nếu trường hợp đi ngoài ngang qua Thánh Thất hay Điện Thờ thì cũng thi hành như vào Nội Ô.

  • Tang phục

    Tang phục

    喪服

    A: The mourning clothes.

    P: Les vêtements de deuil.

    Tang: còn đọc là TÁNG: lễ đám ma. Phục: y phục, quần áo.

    Tang phục là quần áo mặc để tang.

    (Xem chi tiết về Tang phục nơi chữ: Ngũ phục, vần Ng)

    Tân Luật: Tang phục thì y như xưa.

  • Tang sự

    Tang sự

    喪事

    A: The funeral affairs.

    P: Les affaires funérales.

    Tang: còn đọc là TÁNG: lễ đám ma. Sự: việc.

    Tang sự là việc tang, tức là những việc lo cho người chết, như hòm, đồ tẫn liệm, tế lễ, cầu siêu, chôn cất.

    Đức Khổng Tử nói: Tang sự hữu lễ nhi ai vi bổn. Nghĩa là: việc tang có lễ mà lấy sự bi ai làm gốc.

  • Tang thương

    Tang thương

    桑蒼

    Tang: Cây dâu. Thương: màu xanh.

    Tang thương là nói tắt thành ngữ: Tang điền thương hải, nghĩa là: Ruộng dâu biến thành biển xanh, ý nói: việc đời thay đổi luôn luôn. (Xem điển tích nơi chữ: Biển dâu, vần B)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tang thương đã biến cuộc hầu gần.

  • Tang trung bộc thượng

    Tang trung bộc thượng

    桑中濮上

    Tang: Cây dâu. Trung: trong, giữa. Bộc: sông Bộc bên Tàu. Thượng: trên. Tang trung: trong đám cây dâu.

    Tang trung bộc thượng là trong đám dâu trên bãi sông Bộc. Đây là nơi mà con trai và con gái nước Vệ hẹn hò nhau tụ tập đàn hát và gợi chuyện dâm ô.

    Thành ngữ nầy nói tắt là: Tang bộc, chỉ việc dâm ô.

  • Tang vật

    Tang vật

    贓物

    A: The proof.

    P: La preuve.

    Tang: Vật để làm chứng cớ. Vật: đồ vật.

    Tang vật là các vật làm chứng trong một vụ phạm pháp.

  • TÀNG

    TÀNG

    TÀNG: 藏 Ẩn náu, giấu kín, chứa trữ.

    Thí dụ: Tàng ẩn, Tàng kinh khố.

  • Tàng ẩn

    Tàng ẩn

    藏隱

    A: To hide oneself.

    P: Se cacher.

    Tàng: Ẩn náu, giấu kín, chứa trữ. Ẩn: giấu kín.

    Tàng ẩn là ẩn náu kín đáo bên trong.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hại nữa là các con lại bị nó tàng ẩn, xô cho dang nhau, bứt nghiến tình đoàn thể, chặt lìa dây liên lạc.

  • Tàng kinh khố

    Tàng kinh khố

    藏經庫

    A: The religious library.

    P: La bibliothèque religieuse.

    Tàng: Ẩn náu, giấu kín, chứa trữ. Kinh: kinh sách của tôn giáo. Khố: kho chứa.

    Tàng kinh khố là cái nhà dùng làm kho chứa các kinh sách của Đạo.

    Tàng kinh khố có nhiệm vụ kiểm điểm và làm thủ tục nhập kho các loại kinh sách của Đạo đã được ban in ấn mang về, đồng thời làm thủ tục xuất phát và sổ thu tiền bạc.

    Tàng kinh khố trực thuộc Ngọc Chánh Phối Sư và có một vị Chức sắc cai quản.

    Tàng Kinh Các: cái lầu dùng làm kho chứa kinh sách.

    Tàng thư viện: ngôi nhà lớn dùng để lưu trữ các kinh sách, thường nói tắt là Thư viện.

  • TÁNG

    TÁNG

    1. TÁNG: 喪 Mất.

    Thí dụ: Táng đởm, Táng tận.

    2. TÁNG: 葬 Chôn.

    Thí dụ: Táng ngọc mai hương.

  • Táng đởm kinh hồn

    Táng đởm kinh hồn

    喪膽驚魂

    A: To be frightened.

    P: Avoir grande peur.

    Táng: Mất. Đởm: Đảm: mật. Kinh: sợ. Hồn: linh hồn.

    Táng đởm kinh hồn là sợ hãi đến độ mất mật hồn kinh.

    Ý nói: sợ hãi dữ dội lắm.

    Kinh Sám Hối:
    Nhiều gộp núi như đao chơm chởm,
    Thấy dùn mình táng đởm rất ghê.
  • Táng ngọc mai hương

    Táng ngọc mai hương

    葬玉埋香

    Táng: Chôn. Ngọc: đẹp như ngọc. Mai: vùi trong đất, thường nói: Mai táng. Hương: thơm.

    Ngọc và hương chỉ người con gái đẹp.

    Táng ngọc mai hương là chôn ngọc vùi hương, ý nói mồ mả của người con gái đẹp.

  • Táng tận lương tâm

    Táng tận lương tâm

    喪盡良心

    A: To lose the conscience.

    P: Perdre la conscience.

    Táng: Mất. Tận: hết. Lương tâm: cái tâm lành.

    Lương tâm là cái tâm lành do Trời ban cho mỗi người để phân biệt lẽ phải trái, dạy bảo con người làm điều lành, tránh điều dữ.

    Tán tận lương tâm là mất hết lương tâm, nên trở thành người hoàn toàn hung ác như loài thú dữ.

  • Tạng phủ

    Tạng phủ

    臟腑

    A: The visceras and organs.

    P: Les viscères et organes.

    Tạng: Con người có Ngũ tạng, gồm: Tâm (tim), Can (gan), Tỳ (lá lách), Phế (phổi), Thận (thận).

    Phủ: Con người có Lục phủ, gồm: Vị (bao tử), Đảm (mật), Tam tiêu, Bàng quang (bọng đái), Tiểu trường (ruột non) và Đại trường (ruột già). (Xem: Ngũ tạng - Lục phủ, vần Ng)

    Tạng phủ là chỉ chung các cơ quan trọng yếu trong vùng ngực và bụng của con người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tạng phủ ấy nếu chẳng hòa thì con người chẳng hề sống đặng.

  • TÁNH

    TÁNH

    1. TÁNH: 性 - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất.

    Thí dụ: Tánh mạng, Tánh linh, Tánh phàm.

    2. TÁNH: 姓 Họ.

    Thí dụ: Tánh danh.

  • Tánh danh

    Tánh danh

    姓名

    A: Name and forename.

    P: Nom et prénom.

    Tánh: Họ. Danh: tên.

    Tánh danh là tên và họ.

  • Tánh dục (Tính dục)

    Tánh dục (Tính dục)

    性慾

    A: The sexual desire.

    P: Le désir sexuel.

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Dục: ham muốn.

    Tánh dục hay Tính dục là cái tánh ham muốn khoái lạc xác thịt nam nữ.

  • Tánh linh

    Tánh linh

    性靈

    A: The divine nature.

    P: La nature divine.

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Linh: thiêng liêng.

    Tánh linh là cái bổn tánh thiêng liêng của con người.

    Con người có tánh linh hơn vạn vật là vì con người có đủ Tam hồn: Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn.

    Loài thảo mộc chỉ có một phần hồn là Sanh hồn. Loài thú cầm có được hai phần hồn là Sanh hồn và Giác hồn. Loài người có đủ Tam hồn và nhờ có Linh hồn mà con người linh hơn vạn vật.

    Kinh Sám Hối:
    Con người có trí khôn ngoan,
    Tánh linh hơn vật, biết đàng lễ nghi.
  • Tánh mạng (Tính mệnh)

    Tánh mạng (Tính mệnh)

    性命

    A: The character and the life.

    P: Le caractère et la vie.

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Mạng: Mệnh: cái mạng sống.

    Tánh mạng là cái tánh và cái mạng sống của con người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Rồi rốt cuộc lại thì một trường náo nhiệt phải làm cho tánh mạng của chúng nó vì đó mà phải bỏ liều.

    Tánh là biểu thị của Tâm. Tâm bên trong, biểu thị ra ngoài là Tánh. Tâm là chơn linh thì Tánh là chơn thần. Nho giáo nói rằng: Tánh tự Tâm sanh (Tánh do từ cái Tâm sanh ra)

    Do đó, người xưa đồng hóa Tâm và Tánh vì chưa biết được chơn thần là thể trung gian giữa thể xác và linh hồn.

    Mạng sống của con người do nơi cái thân, biểu thị bằng hơi thở. Hơi thở dứt thì Mạng sống dứt, cái thân chết, nhưng cái Tánh không mất, vì Tánh là chơn thần, chơn thần cùng chơn linh xuất ra khỏi thể xác, trở về cõi thiêng liêng.

    Thân con người có Tinh và Khí, nên Mạng ấy cũng là Tinh và Khí.

    "Người mới học Đạo, trước hết phải biết hai chữ Tánh Mạng. - Tánh có nguồn là Tâm địa, - Mạng có gốc là chơn tức (hơi thở). Gốc của Mạng phải vững bền, nguồn của Tánh phải trong sạch.

    Có kẻ hỏi: - Nguồn Tánh làm sao mới trong sạch?

    Trả lời: - Trong ngoài đều quên là trong sạch.

    Lại hỏi: - Gốc Mạng làm sao mới gọi vững bền?

    Trả lời: - Thần Khí giữ nhau thì đặng vững bền.

    Tánh ấy là Thần, Mạng ấy là Tinh và Khí.

    Trong Thái Cực đồ có nói: "Vô Cực chi chơn, Nhị Ngũ chi tinh." Hai cái hiệp lại đúng phép thì ngưng tụ mới có con người sanh ra. Cái ta gọi là Tánh đây là Vô Cực chi chơn, còn cái ta gọi là Mạng đây là Nhị Ngũ chi tinh.

    (Vô Cực chi chơn là cái Tánh chơn không trong khí Vô Cực. Nhị Ngũ chi tinh là cái tinh ba trong hai số Ngũ, ấy là Khí Mồ Thổ Lão Dương hiệp với Khí Kỷ Thỗ Lão Âm tại cung Khôn, gọi là: Địa thập thành chi, kết thành Đạo khuê.

    Bạch Tẫn Lão nhân nói rằng: Vô Cực chi chơn là Lý đó, là Tánh đó; Nhị Ngũ chi tinh là Khí đó, là Mạng đó.

    Từ xưa đã có nhiều Đại Nho phát minh ra chỗ bí ảo của: một là LÝ, hai là KHÍ, đủ thấy dưới Trời nầy chẳng đâu có Lý mà không có Khí, cũng chẳng đâu có Khí mà không có Lý; còn trong thân người, chẳng đâu có Tánh mà không có Mạng, chẳng đâu có Mạng mà không có Tánh.)

    Vô Dịch Tử nói: Tánh ở trong Tâm, Tâm không một phần thì Tánh hiện ra một phần, Tâm không mười phần thì Tánh hiện ra mười phần. Tánh hiện tức là Tánh tận. (Tận có nghĩa là thiệt hiện, tức là cái chi bị khuất lấp nay đem bày ra chỗ quang minh).

    Vậy thì dứt niệm tưởng là cốt để tận Tánh. Tánh tận một phần thì Thần Khí ngưng tụ một phần, Tánh tận 10 phần thì Thần Khí ngưng tụ 10 phần.

    Công phu của người học Đạo chẳng có chi khác, bất quá là thung dung mà đạt tới chỗ đó thôi. Đại khái công phu toàn ở chỗ dứt niệm tưởng, tâm tức nương nhau. Phép nầy rất nhanh chóng là tại sao?

    Khí là mẹ của Thần, Thần là con của Khí, tâm tức nương nhau như con mẹ gặp nhau. Thần Khí dung hòa thành ra một phiến, khắn khít nhau hoài, lâu rồi sẽ thành đại định. Đó gọi là Đạo: Qui căn phục mạng, căn thâm đế cố, trường sanh cửu thị. (Về gốc để tiếp mạng, gốc sâu thì rễ chắc, đặng mạng sống lâu dài). (Trích Dưỡng Chơn Tập của dịch giả Minh Thiện)

    Người xưa chưa khám phá được cái xác thân thiêng liêng tức là chơn thần của con người, nên gọi cái chơn thần ấy là Tánh. Vậy thì Tánh và Mạng của con người chính là Tinh, Khí, Thần, Tam bửu của con người.

    Cho nên nói Tu Tánh Luyện Mạng hay Dưỡng Sanh Tánh Mạng, hay Tánh Mạng song tu, đều là nói về phép luyện đạo mà ngày nay gọi là: Luyện Tam bửu (Tinh Khí Thần) hiệp nhứt, tạo được chơn thần huyền diệu, đắc đạo tại thế.

  • Tánh mạng song tu

    Tánh mạng song tu

    性命雙修

    Tánh Mạng: đã giải ở bên trên. Song tu: hai phép tu thực hành song song với nhau.

    Tánh Mạng song tu là vừa tu Tánh vừa luyện Mạng, hai phép tu cùng thực hiện song song với nhau.

    Trong Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) để luyện đạo, thì Tánh là Thần, Mạng là thân tức Tinh và Khí.

    Tánh Mạng song tu là pháp môn luyện đạo của Tiên giáo, còn được gọi là: Tu Tánh luyện Mạng, hay Dưỡng sanh Tánh Mạng. Gọi ra nhiều danh từ nhưng thực sự chỉ là phép luyện đạo cho Tam bửu (Tinh Khí Thần) hiệp nhứt.

    Trong phép Tánh Mạng song tu, chủ yếu là phải coi trọng cái Mạng sống của con người, tức là coi trọng xác thân phàm, không được tu ép xác, bởi vì xác phàm có khương kiện thì chơn thần mới được mạnh mẽ và thông huyền.

    Nhiều nhà tu hành cho rằng Tu thân là Tu tâm luyện Tánh, nên khinh khi thân xác, coi xác thân là thù địch, nên hành hạ, đánh đập xác thân, nhiều khi còn ăn dơ ở dáy và cho đó là tinh tấn.

    Đạo Lão tuyệt đối không có chủ trương ấy. Trái lại, Lão giáo chủ trương phải gìn giữ xác thân cho thanh khiết, mạnh khỏe, tập luyện cho khí lực dồi dào, cố thủ kiên trì cho tinh huyết được đầy đủ, cốt làm cho mình được sống lâu, sống vui, sống khỏe. Tất cả những cái đó gọi là Tu Mạng.

    Rồi ra mới luyện Thần, tập trung tinh thần vô vi định tỉnh. Tất cả những cái đó gọi là Tu Tánh.

    Cái gì thuộc về Tiên Thiên vô vi thì gọi là Tánh.

    Cái gì thuộc về Hậu Thiên hữu vi thì gọi là Mạng.

    Nơi con người, Thần thuộc Tiên Thiên, gọi là Tánh; còn thân xác Tinh Khí đều là Hậu Thiên nên gọi là Mạng.

    Sách Đạo Học Từ điển có viết:

    Tánh là Tiên Thiên, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

    Mạng là Hậu Thiên, hữu sanh hữu diệt, hữu cấu hữu tịnh, hữu tăng hữu giảm.

    Tánh là Thần, cái gì hết sức khinh thanh, nên dĩ nhiên phải ở nơi cao nhất trong người. Chính vì thế mà đạo Lão cho rằng, Tánh căn ở đỉnh đầu, ở Nê hoàn cung, ở Càn đỉnh.

    Mạng thuộc về phần hình hài nên dĩ nhiên là phải ở chỗ chứa thấp trong người, nên đạo Lão cho rằng, Mạng ở nơi xoang bụng, phía sau rún, đó là Khôn lô.

    Giữa hai cực Càn đỉnh và Khôn lô đó là phần khí lưu chuyển tuần hoàn.

    * Các phương pháp dưỡng sinh, vận khí, điều tức, đều thuộc phần hình khí, có thể làm con người mạnh khỏe sống lâu, chớ không thể làm con người đắc đạo được. Đạo giáo gọi là Liễu Mạng, và công phu tu luyện đó mới đạt được nửa phần, chưa trọn vẹn.

    * Còn nửa phần nửa gọi là Liễu Tánh, là ngưng Thần nhập định, kết hợp với Thái Hư Vô Cực, trở nên đắc nhứt, cùng bản thể huyền linh của vũ trụ, an nghỉ trong Thượng Đế.

    Đó là một điều hoàn toàn khác biệt với các công phu tu luyện di dưỡng xác thân nói trên, mặc dầu hai đàng có liên quan mật thiết với nhau.

    Tu Tánh là thực hành phép luyện Tiên đơn tối thượng của Lão giáo. Nó tương ứng với Chánh pháp Nhãn tạng của Phật giáo, với Vi Chỉ của khoa Huyền học các đạo giáo ở Âu Châu: sống kết hợp với Thượng Đế.

    Cho nên,

    - Tu Mạng là siêu phàm,
    - Tu Tánh mới là nhập Thánh.

    Cổ tiên có nói: Tu Tánh, tiên tu Mạng, phương nhập tu hành kính. Nghĩa là: Muốn tu Tánh, trước phải tu Mạng, thế mới vào đường tu hành chơn chánh.

    Trong quyển Tiên Học Từ Điển có bài ca của Sao Hào, tạm dịch ra như sau:

    "Mạng phải truyền, Tánh phải ngộ,
    Siêu phàm nhập Thánh do mình cả.
    Chỉ tu Tánh, không tu Mạng,
    Đó là tu hành đệ nhứt bịnh.
    Chỉ tu tổ Tánh, chẳng tu đơn,
    Vạn kiếp âm linh, khó thành Thánh.
    Đạt Mạng tông, mê tổ Tánh,
    Khác nào soi gương không bửu kính.
    Thọ cùng Trời Đất, một ngu phu,
    Tuy được gia cơ, dùng chẳng biết.
    Tánh Mạng Song Tu huyền hựu huyền,
    Sóng thần đáy biển đẩy pháp thuyền,
    Giao long vùng vẫy, tay không bắt,
    Mới hay tay thợ chẳng hư truyền."
    (Trích Huỳnh Đình Kinh, khảo luận của Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, 1977)

    Con người do hai phần: Tánh và Mạng, theo cơ diệu hiệp Âm Dương Ngũ Hành mà cấu tạo nên.

    Tánh Mạng có mối tương quan linh diệu.
    Tánh có Mạng mới lập. Mạng có Tánh mới thành.

    Nói chung, nếu không biết Tánh biết Mạng tức chính mình không biết được mình.

    Con người Hậu Thiên, Tánh Mạng bị thất chánh, lầm vào đường tội lỗi nên bị luân hồi triền miên chẳng dứt.

    Nếu chẳng lo tu Tánh luyện Mạng thì hai thành phần nầy sẽ lần lần tán thất, cuối cùng mất cả Tánh lẫn Mạng, không trở lại được kiếp làm người.

    TÁNH có Tiên Thiên chơn Tánh và Hậu Thiên sanh tử Tánh.

    MẠNG có Tiên Thiên chơn Mạng và Hậu Thiên khứ lai Mạng.

    - Có Hậu Thiên Tánh là do Càn thất chánh.

    - Có Hậu Thiên Mạng là do Khôn thất chánh.

    Chủ đích công phu tu Tánh luyện Mạng là phục hoàn Tiên Thiên chơn Tánh Mạng.

    Công phu tu Tánh luyện Mạng phải tu luyện cả hai thành phần, gọi là Tánh Mạng Song Tu.

    Nếu chỉ tu Tánh mà không tu Mạng là mới tu phần Âm chớ chưa luyện phần Dương.

    Trong giới tu hành ngày nay, đa phần bị chứng bịnh cô thiên nầy, hoặc chỉ biết tu Tánh mà không tu Mạng, hoặc chỉ biết tu Mạng mà không tu Tánh. Do đó, ít kẻ thành công.

    Cả Tánh lẫn Mạng Hậu Thiên đều có đủ hai thành phần Âm Dương.

    Người Dương nhiều Âm ít thì trí tuệ tương đối sáng suốt, lành nhiều dữ ít. Người Âm nhiều Dương ít thì trí tuệ kém, lành ít dữ nhiều.

    Tiên Thiên Tánh vốn thuần Càn thuần Dương, gọi là Tánh bổn thiện. Còn Mạng thuần Khôn thuần Âm, Mạng cũng bổn thiện.

    Hậu Thiên Tánh thuộc Ly âm hỏa, nên gọi Tánh bổn ác. Hậu Thiên Mạng thuộc Khảm dương thủy, nên Mạng nầy cũng bổn ác.

    Tu là tu cái Tánh Ly âm hỏa trở lại thành Càn như thuở Tiên Thiên. Luyện là luyện cái Mạng Khảm dương thủy trở lại thành Khôn như thuở Tiên Thiên.

    Tu Tánh, trước phải lo giải trừ bệnh sân hận để cho chủ nhơn ông (chơn tâm) trở về. Tu Mạng, trước là phải lo đoạn dứt bịnh dâm loàn để cho Mạng căn kiên cố.

    Chơn pháp Tu Tánh Luyện Mạng là chiết Khảm điền Ly để cho Càn Khôn định vị. (Trích trong Kinh Tam Thừa Chơn Giáo)

  • Tánh phàm

    Tánh phàm

    性凡

    A: The low character.

    P: Le bas caractère.

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Phàm: tầm thường thấp kém.

    Tánh phàm là tánh tầm thường thấp kém của người phàm.

    Kinh Thuyết Pháp: Cậy Thánh tâm sửa đổi tánh phàm.

  • Tánh thành

    Tánh thành

    性誠

    A: The sincere character.

    P: Le caractère sincère.

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Thành: thành thật.

    Tánh thành là tánh nết chơn thật.

    Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối: Ngày ngày tập sửa tánh thành.

  • Tánh thần

    Tánh thần

    性神

    A: The divine character.

    P: Le caractère divin.

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Thần: thiêng liêng.

    Tánh thần là cái tánh thiêng liêng do Trời phú cho, nên cũng được gọi là: Thiên tánh, Linh tánh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lánh chốn phồn hoa giữ tánh thần.

  • Tánh thiện - Thuyết Tánh thiện

    Tánh thiện - Thuyết Tánh thiện

    性善 - 說性善

    A: The good character.

    P: Le bon caractère.

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Thiện: lành.

    Tánh thiện là cái bổn tánh lành mà Trời phú cho người.

    Mạnh Tử lập ra thuyết Tánh Thiện, tóm tắt như sau:

    "Cái học uyên nguyên của Mạnh Tử là ở Tâm học, trước sau chú trọng ở chữ TÂM và chữ TÁNH.

    Ông lý hội được lời của Đức Khổng Tử nói ở thiên Hệ từ trong Kinh Dịch rằng: Nhứt Âm nhứt Dương chi vị Đạo, kế chí giả thiện dã, thành chi giả tánh dã; và ở sách Luận Ngữ rằng: Tánh tương cận dã, tập tương viễn dã; và ở sách Trung Dung rằng: Thiên mệnh chi vị Tánh, mà biết rằng tuy Ngài không nói Tánh thiện hay Tánh ác, nhưng đã gọi Tánh là cái của Trời phú cho thì Tánh tất phải thiện.

    Đây ta phải hiểu chữ Tánh của Khổng giáo khác nghĩa chữ Tánh của người ta thường dùng.

    Người ta thường nói Tánh là nói gồm tất cả các nết tốt, nết xấu tự nhiên ở trong tâm thần của một vật nào, tức là nói cả cái toàn thể sinh hoạt của vật ấy.

    Khổng giáo không hiểu như thế, cho Tánh là cái phần Thiên lý của Trời phú cho, có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tức là cái Minh Đức nói ở đầu sách Đại Học. Mạnh Tử theo cái ý chỉ ấy mà lập ra thuyết Tánh thiện.

    Thuở ấy có người nói: Có tánh thiện, có tánh bất thiện; Tánh có thể làm thiện, có thể làm điều bất thiện; Tánh không thiện cũng không bất thiện; và có người cho rằng: Sinh hoạt ở đời là Tánh.

    Mạnh Tử phản đối kịch liệt những ý kiến ấy.

    Ngài giải thích rõ cái nghĩa tại sao nói là Tánh thiện: Cứ theo cái bản năng của người ta thì ai cũng có thể làm lành nên mới nói là thiện. Nếu có làm điều bất thiện là không phải cái tội ở cái bản năng của người ta.

    Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, ai cũng có lòng tu ố, ai cũng có lòng tôn kính, ai cũng có lòng thị phi. Lòng trắc ẩn là nhân, lòng tu ố là nghĩa, lòng cung kính là lễ, lòng thị phi là trí. Nhân nghĩa lễ trí không phải là ở ngoài mà đúc lên đâu, ta vốn có sẵn cả, chỉ vì không nghĩ đến mà thôi. Cho nên nói rằng: Tìm thì thấy, bỏ thì mất. (Tu ố là ghét điều xấu)

    Có người hay hơn hoặc dở hơn gấp hai, gấp năm, đều là vì không biết dùng hết cái bản năng của mình vậy.

    Năm được mùa thì con em làm điều hay, năm mất mùa thì con em làm điều bậy. Đó không phải Trời phú cho cái bản năng khác nhau như thế, chỉ tại ta để cái Tâm của ta đắm vào vật dục, cho nên mới hóa ra thế....

    Nói rút lại, Mạnh Tử cho cái Tánh là của Trời phú cho người ta là thiện. Nếu có thành ra bất thiện là vì người ta không biết giữ lấy cái bổn tâm, chứ cái nguồn gốc của Tánh là không thể không thiện được.

    Mạnh Tử nói: Người ta ai cũng có lòng thương người. Giá bất thình lình người ta thấy một đứa trẻ sắp rơi xuống giếng thì ai cũng có lòng bồn chồn thương xót. Bồn chồn thương xót không phải vì trong bụng có ý muốn cầu thân với cha đứa trẻ ấy, không phải vì muốn cho làng xóm bè bạn khen, không phải là sợ người ta chê cười. Xem như thế thì ai không có lòng trắc ẩn không phải là người, ai không có lòng tu ố không phải là người, ai không có lòng từ nhượng không phải là người, ai không có lòng thị phi không phải là người.

    Lòng trắc ẩn là cái mối của nhân, lòng tu ố là cái mối của nghĩa, lòng từ nhượng là cái mối của lễ, lòng thị phi là cái mối của trí. Người ta có bốn mối ấy mà tự bảo không sửa mình được là tự hại mình vậy.

    Đã nói ở trên rằng, Mạnh Tử nói Tánh thiện là nói cái bổn nguyên tinh thần, tức là cái Thiên lý của Trời phú cho, chứ không phải nói cái Tánh gồm cả tình dục của người ta.

    Những nhà tâm lý học nay xét cái Tánh của khí chất (không phải cái Tánh của Trời ban cho) nên mới nói cái Tánh của người ta có sẵn cả thiện đoan và ác đoan. Thiện đoan là lòng vị tha bác ái, lòng yêu sự hay sự đẹp và sự thật; ác đoan là lòng vị kỷ thị dục. Theo cái học ngày nay như thế thì người thiện hay ác là tùy sự giáo dục, cái tạp quán và cái hoàn cảnh làm cho thiện đoan phát triển hay ác đoan bành trướng.

    Cùng một chữ Tánh, song chữ Tánh của ta dùng có nghĩa khác. Nếu xét không kỹ thì ta không hiểu rõ cái thuyết của Mạnh Tử.

    Mạnh Tử sở dĩ nói cái Tánh thiện là vì tin có cái Thiên lý chí thiện, mà Tánh của người ta là một phần Thiên lý ấy, tất phải thiện.

    Sự giáo dục phải lấy cái thiện căn ấy làm căn bản, rồi giữ cho nó không mờ tối và trau giồi cho nó phát triển ra mà thành người lành người tốt.

    Nếu nói rằng, người có Tánh ác hay là không thiện không ác thì không hợp với cái thuyết Thiên lý chí thiện....

    Tánh là cái lý toàn nhiên ở trong Tâm của người ta, tức là cái phần tinh thuần của Trời phú cho. Ta nhờ có Tánh ấy mới biết nhân nghĩa, phải trái, cho nên trước hết ta phải nuôi lấy cái Tánh ấy, đừng để nó mờ tối. Người hơn loài cầm thú là chỉ ở sự giữ được cái Tánh bổn nhiên mà thôi. Nếu ta bỏ mất cái Tánh ấy đi thì người và cầm thú không khác nhau chi cả."

    Toàn thể học thuyết của Mạnh Tử là căn cứ trên Tánh thiện của Trời phú cho con người. (Trích trong Nho Giáo của Trần Trọng Kim)

  • Tánh tục

    Tánh tục

    性俗

    A: Low character.

    P: Bas caractère.

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Tục: thấp kém.

    Tánh tục là tánh nết thấp kém, không thanh nhã.

    Tánh tục đồng nghĩa Tánh phàm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đã chẳng biết tự cải lại bợn thêm tánh tục.

  • Tánh tương cận, tập tương viễn

    Tánh tương cận, tập tương viễn

    性相近,習相遠

    Tánh: - Cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại. - Tánh hạnh, bản chất. Tương: cùng nhau. Cận: gần. Tập: học tập. Viễn: xa. Tương viễn: xa nhau.

    Tánh tương cận, tập tương viễn: cái Tánh của Trời ban cho thì gần nhau, nhưng vì học tập thâm nhiễm thói đời thành ra xa nhau.

    Trời phú cho mỗi người một cái Tánh bổn thiện, ai cũng giống như ai, nên gọi là gần nhau; nhưng khi lớn lên, vì thâm nhiễm thói đời hư xấu nên cái Tánh trở nên xa nhau.

  • TAO

    TAO

    1. TAO: 遭 Gặp gỡ, gặp thình lình.

    Thí dụ: Tao ngộ.

    2. TAO: 騷 - Nhã nhặn, có tài thi văn, - rối loạn.

    Thí dụ: Tao đàn, Tao nhân, Tao loạn.

    3. TAO: 糟 còn đọc là Tào: bã rượu.

    Thí dụ: Tao khang chi thê.

  • Tao đàn

    Tao đàn

    騷壇

    A: The literary society.

    P: Le cénacle littéraire.

    Tao: Nhã nhặn, có tài thi văn. Đàn: chỗ đất đắp cao lên để làm nơi hội hè hay cúng tế.

    Tao đàn là nơi tao nhã để hội họp các nhà văn nhà thơ.

  • Tao khang chi thê (Tào khang chi thê)

    Tao khang chi thê (Tào khang chi thê)

    糟糠之妻

    Tao: Tào: còn đọc là Tào: bã rượu. Khang: cám gạo. Thê: vợ.

    Tao khang hay Tào khang nghĩa đen là bã rượu và cám, đó là hai thức ăn dùng để nuôi heo, nhưng đối với người quá nghèo khổ thì họ dùng hai thức nầy ăn để sống. Do đó hai chữ Tào khang là để chỉ lúc nghèo khổ.

    Tao khang chi thê hay Tào khang chi thê là người vợ lúc còn nghèo khổ, tức là người vợ tình nghĩa thuở ban đầu còn sống nghèo khổ với nhau.

    Câu nói của ông Tống Hoằng: Tào khang chi thê bất khả hạ đường. Nghĩa là: Người vợ lúc còn nghèo khổ không thể để ở nhà sau, ý nói: không thể bỏ người vợ tình nghĩa thuở ban đầu nghèo khổ để cưới người vợ mới trẻ đẹp lúc giàu sang. (Xem điển tích nơi chữ: Tống Hoằng).

  • Tao loạn

    Tao loạn

    騷亂

    A: Agitated.

    P: Troublé.

    Tao: Rối loạn. Loạn: rối ren vì giặc giã.

    Tao loạn là tình trạng rối ren loạn lạc.

  • Tao ngộ - Tao phùng

    Tao ngộ - Tao phùng

    遭遇 - 遭逢

    A: To meet by chance.

    P: Rencontrer fortuitement.

    Tao: Gặp gỡ, gặp thình lình. Ngộ: gặp. Phùng: gặp.

    Tao ngộ đồng nghĩa Tao phùng, là gặp gỡ thình lình, may mắn gặp gỡ.

    Di Lạc Chơn Kinh: Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.

  • Tao nhân mặc khách

    Tao nhân mặc khách

    騷人墨客

    A: Poets and learned men.

    P: Poètes et lettrés.

    Tao: Nhã nhặn, có tài thi văn. Nhân: người. Mặc: mực. Khách: người.

    Tao nhân là người có tài về thơ văn, đó là các thi sĩ.

    Mặc khách là khách cầm bút, đó là các văn sĩ.

    Tao nhân mặc khách là chỉ chung những thi sĩ và văn sĩ.

  • Táo quân - Táo vương

    Táo quân - Táo vương

    灶君 - 灶王

    A: The genii of kitchen.

    P: Les génies du foyer.

    Táo: cái bếp nấu ăn. Quân: vua. Vương: vua.

    Táo quân, đồng nghĩa Táo vương, là Ông Táo, là vua bếp, tức là vị Thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà.

    SỰ TÍCH TÁO QUÂN:

    Có nhiều sự tích Táo Quân:

    · Theo Châu Lễ, Táo Quân là Chúc Dung.

    · Theo Ngũ Kinh Di Nghĩa, Táo Quân tên Tô Cát Lợi.

    · Theo Dũ Dương Tạp Trở, Táo Quân tên Ổi, đẹp như con gái.

    · Theo Hoài Nam Tử, vua Hoàng Đế đặt ra việc nấu nướng nên khi chết hóa thành Táo Quân.

    Đó là những truyền thuyết về Táo Quân ở bên Tàu, mỗi sách nói một khác, không thống nhứt nhau.

    Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân chỉ có một:

    Sự tích Táo Quân ở Việt Nam:

    Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng tên là Trọng Cao, vợ tên là Thị Nhi. Hai vợ chồng ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sanh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ.

    Thị Nhi quá ức lòng, liền bỏ nhà ra đi. Sau đó, Thị Nhi gặp một chàng trai tên là Phạm Lang, khéo dùng lời dịu ngọt dỗ dành, nên Thị Nhi bằng lòng về làm vợ Phạm Lang.

    Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi, mà vợ thì đã bỏ đi mất rồi, thương nhớ vợ, liền khăn gói lên đường đi tìm vợ, tìm khắp nơi mà không gặp, lần lần tiền bạc đem theo đều tiêu xài hết sạch, Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

    Ngày kia, Trọng Cao đến ăn xin một nhà nọ, bà chủ đem cơm ra cho ăn. Trọng Cao nhìn ra chính là Thị Nhi, vợ của chàng trước đây mà chàng đã khổ công đi tìm kiếm lâu nay mới ra nông nỗi ăn xin thế nầy. Thị Nhi cũng nhận ra Trọng Cao, người chồng cũ, nay phải lam lũ đi ăn mày.

    Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, kể lể từ buổi giận hờn bỏ chồng ra đi, đến lúc gặp Phạm Lang và lấy Phạm Lang làm chồng. Còn Trọng Cao cũng kể lại những ngày tháng ân hận, rồi quyết tâm đi tìm vợ để mong nàng tha lỗi và trở về chung sống như xưa. Thị Nhi cũng tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

    Bỗng Thị Nhi nghe tiếng Phạm Lang trở về nhà. Thị Nhi nghĩ nếu Phạm Lang bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì thật khó giải quyết, nên bảo Trọng Cao tạm ẩn trong đống rơm ngoài vườn để nàng thu xếp lo liệu sao cho được vẹn toàn.

    Phạm Lang trở về nhà là vì nhớ ngày mai tới kỳ bón ruộng mà chưa có tro, nên liền ra đốt đống rơm để lấy tro. Trọng Cao trốn trong đống rơm, không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết, bởi sự sắp đặt của mình, nên bi thảm quá, liền nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

    Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết thảm, cũng không biết tính sao, liền nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

    Thế là ba người đều bị chết cháy nơi đống rơm.

    Linh hồn của ba vị được đưa lên trước Thượng Đế. Đấng Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:

    · Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp.
    · Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa.
    · Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa.

    Vậy:

    Táo Quân gồm ba vị Thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ.

    Ba Thần Táo nầy gọi chung là: Định Phúc Táo Quân.

    (Ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức nầy do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà).

    Danh hiệu của 3 vị Táo Quân là:

    ● Thổ Công: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
    ● Thổ Địa: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
    ● Thổ Kỳ: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

    Bài vị thờ Táo Quân, phải viết bằng chữ Hán: trên hết là hai chữ BẢN GIA, kế dưới là danh hiệu của ba vị Táo Quân.

    東廚司命
    灶府神君
    土地龍
    脈尊神
    五方五土
    福德正神

    Hai bên bài vị thờ Táo Quân thường có đôi liễn:

    Hữu đức năng tư hỏa, 有德能司火
    Vô tư khả đạt Thiên. 無思可達天

    Nghĩa là:

    Có đức trông coi việc lửa,
    Vô tư có thể lên Trời.

    Theo tục lệ của người Việt Nam, hễ đến ngày 23 tháng chạp (tháng 12 âm lịch) hằng năm, nhà nhà đều lập một mâm cúng gồm: nhang, đèn, rượu, trà, bông, bánh, trái cây, đặt nơi giữa sân nhà để cúng đưa Ông Táo chầu Trời.

    Khi Ông Táo chầu Trời, Ông Táo sẽ đem các việc xảy ra trong nhà trong một năm báo cáo lên Thượng Đế, để Thượng Đế phán xét, ban phước hay gieo họa cho nhà đó (!).

    Sau đó, đến đêm Giao thừa, cũng làm một mâm cúng tương tợ như vậy để cúng rước Ông Táo trở về nhà.

    Tục lệ nầy hiện nay nhiều nhà còn giữ.

    Đạo Cao Đài chỉnh đốn tục lệ nầy bằng cách gọi là Lễ Đưa Chư Thánh Triều Thiên, thiết lễ cúng Tiểu đàn tại Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu vào lúc 12 giờ khuya đêm 23 rạng 24 tháng chạp hằng năm.

    Sau đó đến giờ Giao thừa, tức là lúc 0 giờ ngày mùng 1 đầu năm, thiết lễ cúng Tiểu đàn: Rước Chư Thánh.

    Lễ Đưa Chư Thánh Triều Thiên là lễ cúng đưa tất cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật có nhiệm vụ điều độ nhơn sanh nơi các cõi phàm trần, sau một năm làm việc nơi cõi trần, nay trở về Ngọc Hư Cung cõi thiêng liêng để trình tấu với Đức Chí Tôn tất cả các việc, và định chương trình cho năm sắp tới.

    Lễ Đưa Chư Thánh Triều Thiên có dâng sớ lên Đức Chí Tôn, với lòng sớ chép ra như sau:

    Kim vì chung niên ...(Giáp Tý)... chi lễ, chư Phật, Tiên, Thánh, Thần, qui chầu Thượng Đế tại Ngọc Hư Cung.

    Chư Thiên phong hiệp dữ thiện tín đẳng, nghiêm thiết đàn tràng, hương đăng hoa trà quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ.

    Ngưỡng vọng các Đấng thiêng liêng, từ bi minh tấu, Đức Chí Tôn bố hóa hồng ân, chuyển họa vị phước, tập kiết nghinh tường, chuyển cuộc thế giới chiến tranh tão đắc hòa bình, độ tận chúng sanh, giải thoát tai nạn đao binh thống khổ, phục hưng Quốc Đạo, tiến hóa thạnh hành, phổ độ nhơn sanh, nhập vi môn đệ, vĩnh sùng chánh giáo, vạn loại hòa bình, an cư lạc nghiệp, lập thành Minh đức, Tân dân, cộng hưởng Nghiêu thiên Thuấn nhựt.

    Chư đệ tử đồng thành tâm khấu bái cẩn sớ thượng tấu,

    Dĩ văn.

    Dịch nôm:

    Nay vì lễ hết năm ...(Giáp Tý)..., các Đấng Phật Tiên Thánh Thần trở về chầu Đức Chí Tôn tại Ngọc Hư Cung.

    Các Chức sắc Thiên phong hiệp với các tín đồ, nghiêm trang lập đàn cúng tế gồm: nhang đèn bông trà trái cây, rượu tinh khiết, lập nên nghi thức, lòng thành dâng lễ.

    Ngưỡng vọng các Đấng thiêng liêng, từ bi tâu rõ lên Đức Chí Tôn ban bố hồng ân, đổi họa làm phước, gom điều tốt, đón điều lành, xoay cuộc chiến tranh thế giới, sớm được hòa bình, cứu giúp tất cả chúng sanh, giải thoát khỏi các tai nạn đau khổ do chiến tranh gây ra, phục hưng nền Quốc Đạo Cao Đài, tiến hóa thạnh hành, phổ độ nhơn sanh, nhập môn vào làm môn đệ, vĩnh viễn sùng bái chánh giáo, muôn loài hoà bình, an cư lạc nghiệp, lập thành đời Minh đức Tân dân, cùng hưởng trời Nghiêu ngày Thuấn.

    Chư đệ tử đồng thành tâm cúi lạy kính cẩn dâng sớ tâu lên. Kính trình.

  • TẢO

    TẢO

    1. TẢO: 早 Sớm.

    Thí dụ: Tảo đắc siêu thăng.

    2. TẢO: 掃 Quét.

    Thí dụ: Tảo mộ.

    3. TẢO: 藻 Rau tảo.

    Thí dụ: Tảo tần.

  • Tảo đắc siêu thăng

    Tảo đắc siêu thăng

    早得超升

    Tảo: Sớm. Đắc: được. Siêu thăng: bay vượt lên cao.

    Tảo đắc siêu thăng là linh hồn sớm được siêu thăng.

    Tảo đắc hòa bình: sớm được hòa bình.

    Tảo đắc siêu thăng hay Tảo đắc hòa bình thường được dùng trong các bài sớ văn để cầu nguyện Đức Chí Tôn cho linh hồn người chết sớm được siêu thăng hay cuộc chiến tranh giữa các nước sớm được hòa bình.

  • Tảo hôn

    Tảo hôn

    早婚

    A: The precocious marriage.

    P: Le mariage précoce.

    Tảo: Sớm. Hôn: việc cưới vợ hay gả chồng.

    Tảo hôn là việc kết hôn sớm, tức là việc kết hôn trong độ tuổi vị thành niên.

    Pháp luật ngăn cấm việc Tảo hôn, nhưng việc nầy thỉnh thoảng có xảy ra ở nông thôn.

  • Tảo khai tảo lạc

    Tảo khai tảo lạc

    早開早落

    Tảo: Sớm. Khai: mở, hoa nở. Lạc: rụng.

    Tảo khai tảo lạc là nói về bông: sớm nở thì sớm rụng.

  • Tảo mộ

    Tảo mộ

    掃墓

    A: To clean the tomb.

    P: Nettoyer une tombe.

    Tảo: Quét. Mộ: cái mả.

    Tảo mộ là quét mả, tức là sửa sang và quét dọn sạch sẽ ngôi mộ.

    Tục đi tảo mộ ông bà vào tiết Thanh minh, khoảng tháng ba âm lịch.
    Thanh minh trong tiết tháng ba,
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. (Kiều)

  • Tảo tần

    Tảo tần

    藻蘋

    A: To economize and contrive well.

    P: Économiser et s" arranger bien.

    Tảo: Rau tảo. Tần: rau tần.

    Tảo tần là rau tảo và rau tần.

    Điển tích: Trong Kinh Thi có câu:

    "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân;
    Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo."

    Nghĩa là:

    Đi hái rau tần, bên bờ khe phía nam;
    Đi hái rau tảo, bên lạch nước kia.

    Theo các lời chú thích truyền thống thì hai câu thơ nầy trong Kinh Thi ca ngợi người vợ hiền dâu thảo, chăm lo hái rau tần rau tảo đem về nhà làm giỗ cúng tổ tiên.

    Do đó, chữ "tần tảo hay tảo tần" dùng để chỉ đức tánh đảm đang cần kiệm, chăm lo việc nhà của người đàn bà; chữ "nam giản" để chỉ người vợ đảm đang cần kiệm.

  • Tảo thanh

    Tảo thanh

    掃清

    A: To make a clean sweep.

    P: Faire un nettoyage.

    Tảo: Quét. Thanh: trong sạch.

    Tảo thanh là quét sạch.

  • TẠO

    TẠO

    TẠO: 造 Làm ra, dựng nên, gây ra.

    Thí dụ: Tạo định, Tạo đoan, Tạo vật.

  • Tạo chúc cầu minh

    Tạo chúc cầu minh

    造燭求明

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Chúc: cây đuốc. Cầu: mong. Minh: sáng.

    Tạo chúc cầu minh là làm ra cây đuốc để cầu mong ánh sáng.

    Sách Minh Tâm Bửu Giám:

    Trực ngôn quyết viết:
    Tạo chúc cầu minh, độc thư cầu lý.
    Minh dĩ chiếu ám thất, lý dĩ chiếu nhơn tâm.

    Nghĩa là:

    Lời Quyết trực ngôn nói rằng:
    Làm ra cây đuốc để cầu cho sáng tỏ,
    đọc sách là cầu tìm cái đạo lý.
    Cái sáng để soi nhà tối, đạo lý để soi lòng người.
  • Tạo định

    Tạo định

    造定

    A: To establish.

    P: Établir.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Định: sắp đặt.

    Tạo định là sắp đặt làm ra.

    Di Lạc Chơn Kinh: Hiệp chúng đẳng chư Phật tạo định Thiên thi tận độ chúng sanh đắc qui Phật vị.

  • Tạo đoan

    Tạo đoan

    造端

    A: To create, The Creator.

    P: Créer, Le Créateur.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Đoan: cái đầu mối.

    Tạo đoan là tạo ra cái mối đầu của sự vật.

    Đấng Tạo đoan là Đấng Tạo hóa, Đấng sáng tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Mình đã xuất hiện trong khuôn luật của Tạo đoan, tức nhiên mình thọ ân tạo hóa của Chí Tôn ban cho mình một tánh linh, cốt yếu để cho mình đảm nhiệm phần bảo vệ cơ quan tạo đoan của Ngài, tức nhiên dễ dàng bảo thủ luật tạo đoan chớ không phải tiêu diệt luật tạo đoan.

  • Tạo hóa

    Tạo hóa

    造化

    A: The creation, Creator.

    P: La création, Le Créateur.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Hóa: biến hóa sanh ra.

    Tạo hóa là tạo ra và hóa sanh Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Đấng Tạo hóa là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Theo giáo lý của Đạo Cao Đài, việc tạo hóa ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật, Đấng Thượng Đế giao cho Đức Phật Mẫu. Đức Phật Mẫu là một hóa thân của Đấng Thượng Đế để chưởng quản khí Âm quang.

    Khi được lịnh của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu dùng hai nguyên khí Âm quang và Dương quang cho phối hợp để tạo hóa ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật. Cho nên từng trời của Đức Phật Mẫu ngự được gọi là Tạo Hóa Thiên.

  • Tạo Hóa Thiên

    Tạo Hóa Thiên

    造化天

    A: The celestial sphere of the creation.

    P: La sphère céleste de la création.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Hóa: biến hóa sanh ra. Thiên: từng trời.

    Tạo Hóa Thiên là từng trời Tạo Hóa. Đó là từng Trời thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên, do Đức Phật Mẫu chưởng quản.

    Hai câu kinh đầu của bài Phật Mẫu Chơn Kinh:

    Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu,
    Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.

    Đức Hộ Pháp giảng giải như sau:

    "Từng Trời thứ 9 gọi là Tạo Hóa Thiên, có vị cầm quyền năng tạo đoan gọi là Thiên Hậu, nắm cả Kim Bàn tức là nắm đẳng cấp thiêng liêng điều khiển chơn linh gọi là Phật Mẫu Diêu Trì."

    Gọi là Tạo Hóa Thiên là vì Đức Phật Mẫu nắm cơ sanh hóa, tạo dựng Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    "Nơi Ao Diêu Trì có một đài phát hiện Âm quang, đài ấy thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi đem Dương quang hiệp với Âm quang mà tạo nên chơn thần cho vạn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ.

    Phật Mẫu là Đấng nắm Cơ sanh hóa, thay quyền Chí Tôn, đứng ra thâu cả Thập Thiên Can đem hiệp với Thập nhị Địa Chi mà tạo nên vạn vật.

    Nơi Cung Diêu Trì là nơi tạo nên chơn thần và thể xác đó vậy." (Trích trong Luật Tam Thể, bài của Bát Nương).

  • Tạo lập

    Tạo lập

    造立

    A: To establish.

    P: Établir.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Lập: dựng nên.

    Tạo lập là tạo dựng nên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mặc dầu xứ ấy chỉ biết chịu dưới quyền lệ thuộc từ ngày tạo lập tới giờ.

  • Tạo nghiệt

    Tạo nghiệt

    造孽

    A: To make the evil.

    P: Faire le mal.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Nghiệt: mầm ác, việc ác gây nên ác nghiệp.

    Tạo nghiệt là làm điều hung dữ tạo ra nghiệp ác.

  • Tạo phản

    Tạo phản

    造反

    A: To set up a revolt.

    P: Causer une révolte.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Phản: chống lại.

    Tạo phản là làm phản, tức là quay trở lại chống đối đoàn thể mà trước đây mình đã theo.

  • Tạo tác

    Tạo tác

    造作

    A: To construct.

    P: Construire.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Tác: làm ra.

    Tạo tác là xây dựng làm ra.

    Tạo tác Tòa Thánh là xây cất Tòa Thánh.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Số tiền của chư Đạo hữu hỷ cúng tạo tác Tòa Thánh thì để trọn vẹn về phần tạo tác Tòa Thánh mà thôi.

  • Tạo thế

    Tạo thế

    造世

    A: The creation of the world.

    P: La création du monde.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Thế: cõi đời, cõi thế gian.

    Tạo thế là tạo lập cõi thế gian.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con coi đó mà hiểu rằng: Các con có sự mà thiên hạ từ tạo thế đến chừ chưa hề có đặng.

    Tạo thế sửa đời: tạo lập cuộc đời và sửa chữa cuộc đời cho tốt đẹp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão đây cũng vậy mà chư Hiền hữu cũng vậy, chúng ta đã đến tạo thế sửa đời, vẫn là phận sự của chúng ta đã hẳn, hãy biết phận mình mà an tâm, liệu thế chuyển xây....

  • Tạo Thiên lập Địa

    Tạo Thiên lập Địa

    造天立地

    A: The creation of universe.

    P: La création de l" univers.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Thiên: Trời. Lập: dựng nên. Địa: đất.

    Tạo Thiên lập Địa là tạo dựng Trời Đất, tức là tạo lập ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Từ tạo Thiên lập Địa, chưa nước nào dưới quả địa cầu 68 nầy đặng vậy.

  • Tạo thời cải thế

    Tạo thời cải thế

    造時改世

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Thời: thời kỳ. Cải: sửa. Thế: đời.

    Tạo thời cải thế là tạo ra thời kỳ tốt đẹp và sửa đổi cuộc đời cho được hiền lương.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế.

  • Tạo vật

    Tạo vật

    造物

    A: The creature.

    P: La créature.

    Tạo: Làm ra, dựng nên, gây ra. Vật: đồ vật.

    Tạo vật là các vật do Thượng Đế tạo ra.

  • TẠP

    TẠP

    TẠP: 雜 Nhiều thứ lẫn lộn khác nhau.

    Thí dụ: Tạp niệm, Tạp tụng.

  • Tạp chí

    Tạp chí

    雜誌

    A: The review.

    P: La revue.

    Tạp: Nhiều thứ lẫn lộn khác nhau. Chí: ghi chép.

    Tạp chí, nghĩa đen là ghi chép nhiều thứ khác nhau, nghĩa thường dùng là tờ báo xuất bản định kỳ, trong đó có viết nhiều mục nói về các hoạt động mọi mặt trong cuộc sống.

    Tạp chí gồm: Tuần san, Nguyệt san, Bán nguyệt san.

  • Tạp niệm

    Tạp niệm

    雜念

    A: The diverse thoughts.

    P: Les pensées diverses.

    Tạp: Nhiều thứ lẫn lộn khác nhau. Niệm: nghĩ tưởng.

    Tạp niệm là nghĩ tưởng nhiều việc tạp nhạp, tư tưởng nhảy qua nhảy lại lung tung.

  • Tạp tụng

    Tạp tụng

    雜訟

    A: The diverse process.

    P: Les progrès divers.

    Tạp: Nhiều thứ lẫn lộn khác nhau. Tụng: thưa kiện.

    Tạp tụng là các vụ thưa kiện lặt vặt.

    Quyền tạp tụng là quyền xét xử các vụ thưa kiện lặt vặt.

    Bát Đạo Nghị Định: Ngọc Chánh Phối Sư cầm quyền sửa trị cả Chức sắc, tín đồ thì quyền tạp tụng cũng nơi người nắm chặt.

  • Tày non

    Tày non

    A: like mountain.

    P: comme la montagne.

    Tày: bằng. Non: núi.

    Tày non là bằng núi, lớn như núi.

    Giới Tâm Kinh: Tình huynh đệ tày non tợ biển.

  • TẮC

    TẮC

    TẮC: 塞 Nghẽn, không thông, lấp kín.

    Thí dụ: Tắc cực tất thông, Tắc trách.

  • Tắc cực tất thông

    Tắc cực tất thông

    塞極必通

    Tắc: Nghẽn, không thông, lấp kín. Cực: đến đầu cùng. Tất: ắt hẳn. Thông: đi suốt qua.

    Tắc cực tất thông là trở ngại đến mức cùng rồi thì ắt phải đến lúc thông suốt.

    Ý nói: Việc đời cũng như vận mạng của con người, bế tắc mãi rồi cũng phải có lúc hanh thông. Hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai.

  • Tắc trách

    Tắc trách

    塞責

    A: Perfunctorily.

    P: Par manière d"acquit.

    Tắc: Nghẽn, không thông, lấp kín. Trách: phần việc phải làm.

    Tắc trách là làm qua loa cho xong việc, thiếu tinh thần trách nhiệm.

  • Tắm Thánh - Phép Tắm Thánh

    Tắm Thánh - Phép Tắm Thánh

    A: Baptism of water.

    P: Baptême de l"eau.

    Tắm Thánh là xối nước Thánh lên đầu đứa bé để làm phép. Nước Thánh đó là Ma Ha thủy.

    Phép Tắm Thánh và Phép Giải Oan, Chức sắc hành pháp giống nhau, với trẻ em thì gọi là Tắm Thánh, với người lớn thì gọi là Giải Oan.

    Muốn tắm Thánh một đứa bé thì cha mẹ đứa bé ấy phải là tín đồ của Đạo, đem đứa bé ấy đến Thánh Thất và cầu một Chức sắc hành pháp Tắm Thánh cho đứa bé.

    Thường thì nơi Thánh Thất có thông báo ngày giờ Chức sắc đến hành pháp Tắm Thánh, để bổn đạo đem con em đến chịu Phép Tắm Thánh.

    Mục đích của Phép Tắm Thánh là:

    - Trình với Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng công nhận đưa bé nầy là con nhà Đạo Cao Đài.

    - Tẩy trược chơn thần đưa bé để nó được thông minh sáng suốt, học hành mau tấn phát.

    Sau khi Tắm Thánh xong, vị Chức sắc cấp cho đứa bé một Giấy chứng nhận và ghi tên đưa bé vào Bộ Sanh của Đạo.

    Kinh Tắm Thánh là bài kinh để đồng nhi tụng trước khi vị Chức sắc hành pháp Tắm Thánh.

    Cách hành pháp Tắm Thánh:

    Hành pháp Tắm Thánh giống như Hành pháp Giải Oan, nghĩa là tiến hành hai giai đoạn:

    · Luyện Ma Ha Thủy: (Xem chữ: Giải Oan, vần G)

    · Tắm Thánh:

    Cầm tô nước Ma Ha Thủy nơi tay mặt, đến trước đứa bé, biểu nó cúi đầu xuống, lấy con mắt vẽ chữ bùa (.) ngay nê hoàn cung của đứa bé, vừa vẽ xong liền chụp 5 ngón tay trái lên mỏ ác gọi là ấn Ngũ Hành Sơn, rồi niệm câu chú: Úm Ma Ni Bát Rị Hồng

    Và niệm tiếp câu chú nầy: Nầy là con cái thiêng liêng của Thầy, xin Thầy gìn giữ trong sạch vậy hoài.

    Xong thì cầm tô nước Ma Ha Thủy đổ xuống ngay mỏ ác đứa bé một giọt và niệm: Nam Mô Phật, đổ xuống tiếp giọt thứ nhì và niệm: Nam Mô Pháp, rồi trút hết tô nước xuống đầu đứa bé và niệm: Nam Mô Tăng, Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

    Phép Tắm Thánh đã làm xong.

    Tân Luật: Thế Luật, điều 12: Đứa con nít khi được một tháng sắp lên, phải đem đến Thánh Thất sở tại mà xin làm lễ Tắm Thánh và ghi vào Bộ Sanh của bổn đạo.

  • TĂNG

    TĂNG

    1. TĂNG: 僧 Người đàn ông xuất gia tu đạo Phật.

    Thí dụ: Tăng chúng, Tăng ni.

    2. TĂNG: 增 Thêm lên.

    Thí dụ: Tăng bổ, Tăng gia.

  • Tăng bổ

    Tăng bổ

    增補

    A: To augment.

    P: Augmenter.

    Tăng: Thêm lên. Bổ: bù vào.

    Tăng bổ là tăng thêm và bổ túc cho đầy đủ.

  • Tăng chúng

    Tăng chúng

    僧眾

    A: The bonzes.

    P: Les bonzes.

    Tăng: Người đàn ông xuất gia tu đạo Phật. Chúng: nhiều người.

    Tăng chúng là chỉ chung các vị sư tu theo đạo Phật.

  • Tăng đồ

    Tăng đồ

    僧徒

    A: The clergy.

    P: Le clergé.

    Tăng: Người đàn ông xuất gia tu đạo Phật. Đồ: học trò.

    Tăng đồ là chỉ chung các vị sư trong chùa đang học Phật và tu theo đạo Phật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trong Phật Tông Nguyên Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi, tại tăng đồ không kiếm chơn lý mà hiểu.

    Sách Phật Tông Nguyên Lý có viết rằng:

    Khi Đức Phật Thích Ca sắp viên tịch, đệ tử của Người là ông Ananda rơi lụy hỏi rằng:

    - Khi Tôn sư nhập Niết Bàn rồi, ai dạy bảo chúng con?

    Đức Phật đáp:

    - Ta chẳng phải là vị Phật đầu tiên hay cuối cùng. Ngày giờ đến, sẽ có một Đấng khác xuất hiện cứu đời, một Đấng Chí Thánh, một Đấng Đại Giác, cực kỳ cao thượng, một Đấng dẫn đạo vô song, một Đấng Chúa Tể Thánh Thần và loài người.

    Đấng ấy sẽ truyền dạy các con một mối Đạo: Vinh diệu buổi sơ khai, vinh diệu buổi thạnh hành, vinh diệu buổi kết cuộc. Đấng ấy sẽ xướng xuất một đời sống đạo đức hoàn toàn thuần khiết.

  • Tăng gia

    Tăng gia

    增加

    A: To increase.

    P: Accroýtre.

    Tăng: Thêm lên. Gia: thêm.

    Tăng gia là tăng thêm nhiều hơn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Làm tăng gia dục vọng của kẻ mạnh đối với người yếu.

  • Tăng long đắc thọ

    Tăng long đắc thọ

    增隆得壽

    Tăng: Thêm lên. Long: thịnh. Đắc: được. Thọ: sống lâu.

    Tăng long đắc thọ là tăng thêm thịnh vượng và được sống lâu.

  • Tăng lữ

    Tăng lữ

    僧侶

    A: The buddhist community.

    P: La communauté bouddhique.

    Tăng: Người đàn ông xuất gia tu đạo Phật. Lữ: bạn cùng đi cùng ở với mình.

    Tăng lữ là tập thể các tăng ni của Phật giáo.

  • Tăng ni

    Tăng ni

    僧尼

    A: Bouddhist monks and nuns.

    P: Bonzes et bonzesses.

    Tăng: Người đàn ông xuất gia tu đạo Phật. Ni: người phụ nữ xuất gia tu đạo Phật.

    Tăng ni là chỉ chung các vị xuất gia tu theo đạo Phật gồm cả nam phái và nữ phái.

  • Tăng Thống

    Tăng Thống

    僧統

    Tăng: Người đàn ông xuất gia tu đạo Phật. Thống: tóm trị, thống trị.

    Thời xưa, Tăng Thống là chức quan do triều đình đặt ra để tặng cho vị Hòa Thượng thống lãnh các tăng ni Phật tử của Phật giáo trong một nước.

    Ngày nay, chức Tăng Thống do Giáo Hội Phật giáo bầu ra, để làm đầu Giáo Hội Phật giáo của một nước.

  • Tăng tiến

    Tăng tiến

    增進

    A: To progress.

    P: Progresser.

    Tăng: Thêm lên. Tiến: đi tới.

    Tăng tiến là tiến thêm.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Huống chi nhơn trí ngày nay đã qua khỏi nguơn Tấn hóa thì đã tăng tiến lên địa vị tối cao.

  • Tăng tục

    Tăng tục

    僧俗

    A: The ecclesiastic and laity.

    P: L" ecclésiastique et laïque.

    Tăng: Người đàn ông xuất gia tu đạo Phật. Tục: thấp kém, chỉ người đời.

    Tăng tục là người tăng và kẻ tục, tức là người xuất gia tu hành và người còn ở trong vòng thế tục.

  • Tặng phong

    Tặng phong

    贈封

    Tặng: ban phẩm tước cho người chết. Phong: ban phẩm tước cho người sống.

    Tặng phong là ban phẩm tước cho người đã chết và cho người đang sống. Đó là việc vua phong chức quan cho người có công và ban tặng tước hàm cho cha mẹ của người ấy.

    Tặng phong còn có nghĩa là khen tặng và tâng bốc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Mình Thánh mình hiền mình biết lấy,
    Tặng phong quá tiếng chớ nhờ ai.
  • TẤC

    TẤC

    TẤC: (nôm) Một phần mười của thước, dùng để tỏ ý khiêm tốn.

    Thí dụ: Tấc lòng, Tấc thành.

  • Tấc lòng

    Tấc lòng

    A: My heart.

    P: Mon coeur.

    Tấc: (nôm) Một phần mười của thước, dùng để tỏ ý khiêm tốn. Lòng: lòng dạ.

    Tấc lòng, chữ Hán là Thốn tâm, là nói lòng dạ của mình với ý khiêm tốn.

    Cổ thi: Văn chương thiên cổ sự, Đắc thất thốn tâm tri.

    Nghĩa là: Văn chương việc ngàn xưa, được mất tấc lòng biết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đem tấc lòng thanh bạch để làm mảnh gương soi sáng bước đường hậu tấn.

  • Tấc thành

    Tấc thành

    A: My sincere heart.

    P: Mon coeur sincère.

    Tấc: (nôm) Một phần mười của thước, dùng để tỏ ý khiêm tốn. Thành: thành thật.

    Tấc thành là tấm lòng thành thật của mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhưng đặng cùng không, nên hay hư, đều tại nơi tấc thành của mỗi đứa.

  • TÂM

    TÂM

    TÂM: 心 có nhiều nghĩa tùy trường hợp:

    1. TÂM: trái tim.

    Thí dụ: Tâm can, Tâm huyết.

    2. TÂM: chính giữa.

    Thí dụ: Tâm điểm.

    3. TÂM: lòng dạ.

    Thí dụ: Tâm hương, Tâm trung.

    4. TÂM: lương tâm, chơn linh, linh hồn.

    Thí dụ: Tâm tánh, Tâm truyền, Tâm pháp.

  • Tâm ấn

    Tâm ấn

    心印

    A: The ceal of heart.

    P: Le sceau du coeur.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Ấn: cái dấu in.

    Tâm ấn là cái dấu in vào tâm.

    Tâm ấn là cách truyền đạo đặc biệt của Thiền tông, không theo văn tự, chẳng dùng lời nói, hễ thấy trình độ của đệ tử có thể thọ lãnh, ông thầy liền dùng tâm mà ấn tâm cho đệ tử, tức là đem cái tâm Phật nơi mình mà in thẳng vào tâm của đệ tử.

  • Tâm chí

    Tâm chí

    心志

    A: The will.

    P: La volonté.

    Tâm: lòng dạ. Chí: ý chí, ý muốn mạnh mẽ.

    Tâm chí là ý muốn mạnh mẽ trong lòng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Còn tâm chí vạy tà là chỗ của tà quái xung nhập.

  • Tâm đắc

    Tâm đắc

    心得

    A: To have self-confidence.

    P: Être sur de soi-même.

    Tâm: lòng dạ. Đắc: được.

    Tâm đắc là hiểu sâu sắc và thích hợp với lòng mình.

  • Tâm đăng

    Tâm đăng

    心燈

    A: Lamp of heart.

    P: Lampe du coeur.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Đăng: ngọn đèn.

    Tâm đăng là ngọn đèn của tâm, ý nói cái tâm giác ngộ trong sạch ví như ngọn đèn chiếu sáng khắp nơi, thấy biết tất cả.

    Tâm đăng đồng nghĩa: Huệ đăng, Tâm linh.

  • Tâm đầu ý hợp

    Tâm đầu ý hợp

    心投意合

    A: To be in the same feelings and ideas.

    P: Être en communion de sentiments et de pensées.

    Tâm: lòng dạ. Đầu: hợp nhau. Ý: tư tưởng, ý muốn. Hợp: hòa hợp.

    Tâm đầu ý hợp là rất hòa hợp nhau về tình cảm và tư tưởng. (dùng để nói về sự hòa hợp giữa vợ chồng).

  • Tâm địa

    Tâm địa

    心地

    Tâm địa có hai nghĩa:

    1. Tâm: lòng dạ. Địa: đất.

    Tâm địa là tánh chất xấu tốt của lòng dạ con người.

    Tâm địa nhỏ nhen: lòng dạ hẹp hòi.

    Tâm địa quang minh: lòng dạ sáng tỏ.

    2. Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Địa: đất.

    Tâm địa là đất tâm. Cái tâm ví như miếng đất, miếng đất sản xuất ra các thứ ngũ cốc, hoa quả; cái tâm cũng sản xuất ra được các pháp; đạo đức cũng do nơi tâm mà ra, nên gọi là Tâm địa.

    Thiền sư Bách Trượng nói: Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu. Nghĩa là: Giữ cho cái tâm được không không thì trí tuệ như mặt trời tự nhiên chiếu sáng.

  • Tâm điền

    Tâm điền

    心田

    A: Field of heart.

    P: Le champ du coeur.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Điền: ruộng.

    Tâm điền là ruộng tâm. Cái tâm ví như miếng ruộng, giống như Tâm địa: đất tâm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Ruộng đây là tỷ với Tâm, Tâm không ai giồi trau, Đạo nơi Tâm, thì Tâm ví như điền, có điền mà chẳng lo cày bừa đặng đem hột lúa gieo vào cho đặng trổ bông đơm hột, thì ruộng tất phải bỏ hoang, bỏ hoang thì sâu bọ rắn rít xen vào ẩn trú. Người có tâm như vậy ra thế nào?

    Ruộng sẵn, giống sẵn, cày bừa sẵn, duy có ra công làm cho đất phì nhiêu đặng cho buổi gặt hưởng nhờ mà không chịu làm, thế thì phải diệt tận chơn linh."

  • Tâm đức

    Tâm đức

    心德

    A: Soul and virtue.

    P: Âme et vertu.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Đức: cái kết quả vô hình của những việc làm giúp đời giúp người, tức là hợp lòng người, thuận đạo Trời.

    Ăn chay là tránh được việc sát sanh, thuận tánh háo sanh của Trời, nên cũng là một cách lập đức.

    Cái đức làm cho chơn thần của mỗi người được trong sáng, tạo ra hào quang. Hào quang có độ trong sáng nhiều ít tùy theo có đức nhiều hay ít. Cặp mắt thiêng liêng của các Đấng đều nhìn thấy rõ cái tâm đức của mỗi người.

    Đức Lý Giáo Tông có giáng cơ dạy rằng: "Chư hiền hữu khá biết rằng: lập vị với công nghiệp vẫn dễ, tạo phẩm với tâm đức vốn khó, vì công nghiệp là thể, tâm đức là hình, cõi Thiên xa cảnh tục. Lão ước sao cho chư hiền hữu nương nơi chức trách cho đủ tài hay phòng lập cao Thiên tước. Lão nói thật rằng: chỉ do tâm đức mới mong cho Lão chấm phong thưởng."

  • Tâm hạnh

    Tâm hạnh

    心行

    A: The heart and conduct.

    P: Le coeur et la conduite.

    Tâm: lòng dạ. Hạnh: tánh nết.

    Tâm hạnh là lòng dạ và tánh nết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nước non màu vẫn như xưa mà tâm hạnh nhơn tình biết bao thay đổi.

  • Tâm hồn

    Tâm hồn

    心魂

    A: The soul.

    P: L" âme.

    Tâm: lòng dạ. Hồn: cái tinh thần của con người.

    Tâm hồn là chỉ chung các ý nghĩ, tình cảm, tạo thành đời sống tinh thần của con người.

  • Tâm huyết

    Tâm huyết

    心血

    A: With all the heart.

    P: De tout coeur.

    Tâm: trái tim. Huyết: máu.

    Tâm huyết là máu huyết trong tim, ý nói: lời nói hay việc làm hết sức chơn thật, xuất phát tận đáy lòng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: ... à Thầy lâu đến để lời tâm huyết chỉ giáo...

  • Tâm hương

    Tâm hương

    心香

    A: The incense of true heart.

    P: L"encens du vrai coeur.

    Tâm: lòng dạ. Hương: cây nhang đốt cháy tỏa mùi thơm.

    Tâm hương là nén hương lòng, tức là lấy tấm lòng thành làm nén hương dâng lên cầu khẩn.

    Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu: Tưởng nguồn ân đốt nắm tâm hương.

  • Tâm không

    Tâm không

    心空

    A: The vacuity of mind.

    P: Le vide de l"esprit.

    Tâm: lòng dạ. Không: rỗng, không có gì hết.

    Tâm không là cái tâm ở trạng thái trống không, không ham muốn, không lo buồn, không giận hờn, không thương ghét, không bị ngoại cảnh chi phối, không không....

    Giữ được tâm không thì an lạc tự tại, tức là đắc đạo.

  • Tâm khẩu như nhứt

    Tâm khẩu như nhứt

    心口如一

    Tâm: trái tim. Khẩu: miệng. Như: giống như. Nhứt: một.

    Tâm khẩu như nhứt là tim và miệng như một, ý nói: trong lòng nghĩ sao thì nói ra vậy.

  • Tâm kinh

    Tâm kinh

    心經

    A: The prayer of heart.

    P: La prière du coeur.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Kinh: bài kinh để tụng.

    Tâm kinh là bài kinh dạy về tâm, nên phải dùng cái tâm thì mới có thể lãnh hội hết ý nghĩa của bài kinh.

    Nếu chúng ta dùng trí não để tìm hiểu thì chúng ta phải căn cứ theo văn tự, ý nghĩa của từng chữ. Đó là cái học căn bản thuộc hạ thừa, chỉ hiểu bài kinh với cái vỏ bề ngoài, còn cái cốt lõi bên trong, tức là cái tâm pháp thì trí não không thể hiểu thấu. Lúc đó chúng ta phải dùng cái tâm, để vượt lên khỏi văn tự, không chấp văn tự thì mới có thể lãnh hội được các ý nghĩa cao siêu mà các Đấng đặt ẩn trong bài kinh.

    Trong Kinh Cúng Tứ Thời, ba bài kinh Tam giáo là ba bài Tâm kinh, cho nên Lễ sĩ xướng:

    · Thành kỉnh tụng Phật giáo Tâm kinh.
    · Thành kỉnh tụng Tiên giáo Tâm kinh.
    · Thành kỉnh tụng Thánh giáo Tâm kinh.
  • Tâm linh

    Tâm linh

    心靈

    A: The soul.

    P: L" âme.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Linh: thiêng liêng.

    Tâm linh là cái tâm thiêng liêng. Đó là chơn linh hay linh hồn của mỗi người.

  • Tâm lý

    Tâm lý

    心理

    A: Psychology.

    P: Psychologie.

    Tâm: lòng dạ. Lý: lý lẽ.

    Tâm lý là chỉ chung các hoạt động vô hình bên trong con người, bao gồm sự nhận thức, tình cảm, ý chí, tư duy, nguyện vọng, thị hiếu, v.v...

    Tâm lý học là một ngành nghiên cứu các hiện tượng tâm lý của con người.

    Tâm lý học có nhiều trường phái: - Tâm lý học Aristote, - Tâm lý học Freud, - Tâm lý học Gestalt,...

  • Tâm mãn ý túc

    Tâm mãn ý túc

    心滿意足

    Tâm: lòng dạ. Mãn: đầy. Ý: ý kiến. Túc: đủ.

    Tâm mãn ý túc là vừa lòng thỏa ý.

  • Tâm - Mạng

    Tâm - Mạng

    心 - 命

    A: The heart - The fate.

    P: Le coeur - Le sort.

    Tâm: lòng dạ. Mạng: Mệnh: vận mạng, số mạng.

    Tâm và Mạng (Mệnh) là lòng dạ và số mạng.

    Cái số mạng của con người được định bởi cái nghiệp.

    Cổ nhơn có nói rằng:

    Tâm hảo Mạng hựu hảo, phát đạt vinh hoa tảo,
    Tâm hảo Mạng bất hảo, nhứt sinh dã ôn bão.
    Mạng hảo Tâm bất hảo, tiền trình khủng nan bảo,
    Tâm Mạng đô bất hảo, cùng khổ trực đáo lão.

    Nghĩa là:

    Lòng tốt Mạng lại tốt, phát đạt vinh hoa sớm,
    Lòng tốt Mạng không tốt, một đời ấm no vậy.
    Mạng tốt Tâm không tốt, tương lai sợ khó giữ được,
    Tâm Mạng đều chẳng tốt, nghèo khổ thẳng đến già.

    Cái quan trọng ở đây là cái Tâm, còn cái vận mạng tốt hay xấu của mỗi người đều do bởi cái Nghiệp tạo ra từ kiếp trước, nó chi phối và định đoạt.

    Người giữ được cái Tâm tốt lành, thì không bao giờ bị cùng khổ hay khốn đốn luôn luôn.

    Khi đã gặp phải hoàn cảnh cùng khổ thì ráng giữ cái Tâm cho trong sạch chơn chánh, kềm thúc thân mình không làm điều sái quấy, và phải hiểu rằng cái cùng khổ hoạn nạn nầy là do cái nghiệp quá xấu của mình trong đời trước, nên cần phải làm lành làm phước cho nhiều để hóa giải cái nghiệp xấu thì hoàn cảnh của mình mới có thể đổi thay khá hơn được. Đừng nghĩ rằng mình nghèo quá thì tiền đâu để làm phước làm thiện. Mình làm việc phước thiện bằng công sức của mình, thì quí hơn tiền bạc. Đó là người quân tử.

    Rất nhiều người lâm vào cảnh cùng khổ thì không giữ được cái Tâm, sanh ra trộm cắp, làm điều gian ác, làm cho cái nghiệp nặng thêm, thì mãi mãi sẽ cùng khốn. Đó là tiểu nhân.

    Luật Nhân Quả là thể hiện luật công bình thiêng liêng của Trời Đất. Gieo nhân nào thì hưởng quả nấy, không bao giờ sai chạy.

  • Tâm nguyện

    Tâm nguyện

    心愿

    A: The wish in one"s heart.

    P: Le souhait dans son coeur.

    Tâm: lòng dạ. Nguyện: ước muốn.

    Tâm nguyện là điều ước muốn trong lòng.

  • Tâm niệm

    Tâm niệm

    心念

    A: To meditate in one"s heart.

    P: Méditer dans son coeur.

    Tâm: lòng dạ. Niệm: tưởng nghĩ.

    Tâm niệm là điều luôn luôn tưởng nghĩ trong lòng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tâm niệm tự nhiên đặng thấy Tiên.

  • Tâm phàm

    Tâm phàm

    心凡

    A: The profane heart.

    P: Le coeur profane.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Phàm: tầm thường thấp kém.

    Tâm phàm hay Phàm tâm là cái tâm thấp kém của người phàm tục, với đầy đủ lục dục thất tình và tham sân si.

    Bản chất của cái Tâm thì thiêng liêng sáng suốt, nhưng vì vật dục che phủ nên cái Tâm trở nên vô minh, thành ra tầm thường thấp kém. Người tu vẹt được tấm màn vô minh thì cái Tâm sáng tỏ lộ ra, lúc đó gọi là Thánh tâm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lần gội tâm phàm vui cảnh trí.

  • Tâm pháp bí truyền

    Tâm pháp bí truyền

    心法祕傳

    A: The esoterism.

    P: L"ésotérisme.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Pháp: giáo lý, phép tu. Bí truyền: trao lại một cách bí mật, không cho người ngoài biết được.

    Tâm pháp là phép tu về tâm, tức là phép luyện đạo.

    Tâm pháp bí truyền là giáo pháp luyện đạo được truyền bí mật từ tâm của thầy qua tâm của trò.

    Tâm pháp bí truyền còn được gọi là Bí pháp tâm truyền, hay nói tắt là Bí pháp, là những phương pháp tu luyện được giữ bí mật trong Tịnh Thất, chỉ dạy cho các đệ tử đã được chọn lọc và thử thách, luyện đạo một thời gian thì có ấn chứng đắc đạo.

    Tâm pháp bí truyền khác với Chơn pháp bí truyền, vì Chơn pháp bí truyền là các phép bí tích để các Chức sắc hành pháp cho các tín đồ như: Phép Tắm Thánh, Phép Giải Oan, Phép Xác, Phép Đoạn Căn, v.v...

  • Tâm phiền ý loạn

    Tâm phiền ý loạn

    心煩意亂

    Tâm: lòng dạ. Phiền: buồn phiền. Ý loạn: ý bối rối.

    Tâm phiền ý loạn là lòng thì phiền muộn, tư tưởng thì bối rối không yên.

  • Tâm phúc

    Tâm phúc

    心腹

    A: Intimate.

    P: Intime.

    Tâm: trái tim. Phúc: Bụng.

    Tâm phúc là tim và bụng, ý nói là cùng một lòng một bụng với nhau, hết sức tin cậy nhau.

  • Tâm phục

    Tâm phục

    心服

    A: To submit with all heart.

    P: Soumettre avec tout coeur.

    Tâm: lòng dạ. Phục: phục tùng, nghe theo.

    Tâm phục là kính phục trong lòng, kính phục hoàn toàn.

  • Tâm tang

    Tâm tang

    心喪

    A: The moral mourning.

    P: Le deuil moral.

    Tâm: lòng dạ. Tang: cái lễ làm cho người chết.

    Tâm tang là để tang trong lòng.

    Sự thương tiếc người chết để ở trong lòng, không phô bày ra ngoài bằng hình thức.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu: Tâm tang kính gởi một bầu lệ châu.

  • Tâm tánh

    Tâm tánh

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1 Tâm tánh:

    心性

    A: The heart and character.

    P: Le coeur et caractère.

    Tâm: lòng dạ. Tánh: tánh tình, tánh nết.

    Tâm tánh là lòng dạ và tánh nết.

    Tâm tánh tương thông: sự cảm thông lẫn nhau giữa tâm tánh của người nầy với người khác.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phần nhiều trong các con chưa để hết tâm tánh giúp ích vào đường chánh giáo.

    * Trường hợp 2 Tâm tánh:

    心 - 性

    A: The conscience - Character.

    P: La conscience - Le caractère.

    Mỗi người đều có một cái Tâm ẩn khuất bên trong, vô hình vô ảnh, nhưng rất mầu nhiệm thiêng liêng. Người chỉ biết được Tâm chớ không thể thấy Tâm.

    Khi Tâm thể hiện ra ngoài bằng cử chỉ, hành động, lời nói thì gọi là Tánh. Thánh nho nói: Tánh tự Tâm sanh, nghĩa là cái Tánh do từ cái Tâm sanh ra. Do đó, Tâm và Tánh liên hệ chặt chẽ mật thiết với nhau, làm cho đôi khi người ta nghĩ rằng: Tâm cũng là Tánh, mà Tánh cũng là Tâm.

    Khi Tâm rung động trước những sự vật biến đổi bên ngoài và Tâm phát tiết ra thì gọi là Tình. Tình ấy do Tâm cảm động mà ra nên gọi là Tình cảm.

    So sánh với chơn linh và chơn thần của con người thì:

    · Tâm là chơn linh (Thần).
    · Tánh là chơn thần (Khí).
     

    1. Tâm

    ■ Chữ TÂM, viết theo Hán 心 tự tượng trưng hình trái tim: ở trên có 3 cái dấu tượng trưng 3 cái cuống (ống dẫn máu), ở dưới là cái túi chứa máu.

    Ông Trần Đoàn hiệu là Hi Di, mô tả chữ Tâm 心 và nói ý nghĩa của nó trong 4 câu thơ Hán văn sau đây:

    Tam điểm như tinh tượng,
    Hoành câu tự nguyệt tà.
    Phi mao tùng thử đắc,
    Tố Phật dã do tha.

    GIẢI NGHĨA:

    Ba điểm như hình ngôi sao,
    Nét cong nằm ngang như mảnh trăng xế.
    Mang lông theo đó mà được,
    Nên Phật do đó vậy.

    [Chú thích: Phi: khoát áo vào mình. Tố: nên.]

    Cái Tâm của con người được ví với trăng sao trên bầu trời, nên nó rất mầu nhiệm cao cả.

    Thành Tiên tác Phật cũng do nơi Tâm, mà trở lại làm loài cầm thú mang lông đội sừng cũng do Tâm.

    Nếu người giữ được cái Tâm luôn luôn lương thiện, bác ái và công bằng, thì sẽ trở thành Tiên, Phật.

    Nếu người để cho cái Tâm buông lung trở nên vạy tà, gian ác, thì sẽ gây ra biết bao ác nghiệp, nên phải bị đọa đày thành loài quỉ ma, hoặc luân hồi trở lại cõi trần mà làm thú cầm đền bồi tội lỗi.

    ■ Ngày xưa người ta nghĩ rằng, trái tim là chỗ nghĩ ngợi, lo lắng, cũng là nơi phát xuất tình cảm, bởi vì có nhận xét là khi ta vui thì tim ta như nở lớn ra, khi buồn phiền thì trái tim như co thắt lại, khi giận dữ thì tim đập liên hồi.

    Lần lần người ta mới khám phá ra là sở dĩ tim nở lớn hay tim co thắt là do các dây thần kinh đem mệnh lệnh từ khối óc truyền xuống.

    Nhưng ai đã ra các mệnh lệnh ấy?

    Ra các mệnh lệnh ấy chính là một chủ nhân vô hình, ngự tại một nơi kín đáo trong cơ thể con người.

    Vị chủ nhơn đó được nhiều tôn giáo, nhiều phái triết học, gọi bằng nhiều danh từ khác nhau, nhưng tựu trung thì chỉ có một:

    · Người đời thường gọi là: Lương tâm, Linh hồn.

    · Nho giáo gọi là: Chơn tâm, Linh giác, Thần minh.

    · Lão giáo gọi là: Thiên lương, Huyền quan nhứt khiếu.

    · Phật giáo gọi là: Chơn như, Phật tánh, Chơn tâm, Bổn lai diện mục.

    · Đạo Cao Đài gọi là: Chơn linh, Tiểu linh quang, Tiểu Thượng Đế.

    Tâm hay chơn linh, sở dĩ được gọi là Tiểu Thượng Đế là vì nó chính là một điểm Linh quang, được Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài để ban cho mỗi người, nên nó có đầy đủ bản chất của Thượng Đế là trọn lành trọn tốt, linh diệu vô cùng, hướng dẫn con người làm điều hay sự phải, thuận tùng Thiên lý, để tiến hóa và tiến hóa mãi cho đến khi trở về nguồn cội sanh ra nó là Thượng Đế mới thôi.

    ■ Tâm là cái bổn nguyên của Trời phú cho mỗi người để làm cái Thần minh chủ tể trong con người. Cái Tâm nầy luôn luôn có khuynh hướng thuận tùng Thiên lý, nên gọi là Chánh tâm.

    Nhờ có Chánh tâm, con người mới có lương tri lương năng để hiểu biết điều nhơn nghĩa, lẽ phải trái. Người ta sở dĩ không làm được điều nhơn nghĩa như bực Thánh Hiền là vì người ta để cho vật dục che lấp cái Tâm.

    "Cái Tâm của con người sáng suốt, quán cổ tri kim, hay khiến con người làm điều hay sự phải, giục con người mến đạo đức chuộng tinh thần, biết thuận theo Thiên lý.

    Nhưng người phải nhớ lấy, đừng cho lòng dục dấy lên, thì tội tình gây ra mãi. Cái Tâm là thiện, là sáng suốt, nhưng bị vật dục bên ngoài đưa đẩy vào làm cho choáng hết cái thanh quang, sanh lòng quấy quá.

    Người quân tử bao giờ cũng giữ cái Tâm cho thanh bạch, tịnh an, không cho phóng túng chạy bậy ra ngoài. Biết cách gìn giữ cho định cái Tâm, rồi thì trăm mạch lưu thông khí huyết, nhơn dục tịnh tận, Thiên lý lưu hành.

    Tâm Tánh không không, chẳng một vật chi dính vào. Ấy là: Vạn pháp qui tông, Ngũ hành hiệp nhứt.

    Chớ con người để cho cái Tâm buông lung thì sự chết một bên chơn, quỉ vô thường chực rước. Vậy người phải suy cạn nghĩ cùng.

    Thí dụ như con gà, con chó, nó rủi sẩy ra, mình còn biết đi tìm kiếm nó về thay, lựa là cái Tâm của mình tản lạc ra ngoài mà không biết đem trở lại sao?

    Tâm là cái kho chứa đồ. Nhưng kho chứa khi đựng đầy rồi, không chứa đặng thêm nữa, chớ cái Tâm chứa đựng bao nhiêu cũng được.

    Con người nên làm chủ cái Tâm, gìn cái ý mà bảo tồn lấy Tam bửu, Ngũ hành. Tam bửu là báu nhứt của con người: thành Phật Tiên cũng do đó, mà làm ma quỉ cũng tại đó."

    "Tiên phàm cũng bởi tại Tâm ra,
    Tâm vạy thì làm những quỉ ma.
    Tâm chánh còn nuôi thành Thánh đức,
    Tiểu nhân vì bởi mất đi mà." (Đại Thừa Chơn Giáo)

    ■ Đạo Cao Đài gọi Tâm là Tiểu linh quang hay điểm linh quang, vì nó được chiết ra từ khối Đại linh quang của Thượng Đế, nên nó có đầy đủ bản chất của Thượng Đế.

    Đức Chí Tôn Thượng Đế có dạy rằng:

    "Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
    Cần gì hạ giới vọng cao ngôi.
    Sang hèn trối kệ, Tâm là quí,
    Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi."

    Đức Chí Tôn cũng có nói rằng:

    Nơi lòng Thầy ngự động Thầy hay.

    Thánh nho cũng có nói:

    "Nhơn tâm sanh nhứt niệm, Thiên Địa tất giai tri."

    Nghĩa là: cái Tâm của con người sanh ra một niệm thì Trời Đất ắt hẳn đều biết rõ.

    Thầy đã nói rằng, nơi thân phàm các con mỗi đứa, Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sinh tồn.

    Thầy tưởng cũng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng: Đấng chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Đấng trọn lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán xét.

    Bởi vậy, một mảy không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, các chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình, đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi lộn lương tâm là đó.

    Bởi vậy, chư Hiền và chư Thánh nho nói rằng: Khi nhơn tức khi Tâm, Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo dã."

    "Như các con nói dối, trước chưa dối với người thì các con đã nói dối với lương tâm, tức là chơn linh." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

    ■ Đức Phật Mẫu giáng cơ tại Báo Ân Từ ngày 15-8-Đinh Hợi (1947) dạy về chữ Tâm như sau:

    "Đời hay Đạo cũng vậy, muốn lập nền tảng cho sự thái bình, phải cần lập Tâm cho chơn chánh, đĩnh đạc, để gieo sự hòa nhã yêu đương, rồi mới mong tề gia trị quốc. Bạo tàn áp bức, oai võ chế kềm, chẳng qua là tạo cảnh khổ về sau, không trường tồn được.

    Vậy cần trau chữ Tâm cho lắm! Cái thất bại của Đạo và Đời vừa qua là nơi kẻ cầm quyền không trọn tâm đức và nếu được hòa hiệp thành một khối chặt chẽ rồi thì các con mới dìu dắt nhơn sanh khỏi lo lầm lạc.

    MẸ khuyên các con, dầu Hiệp Thiên hay Cửu Trùng, nên gắng sức lập Tâm đặng để công vào Đạo.

    Trong lúc nầy, nhơn sanh thiếu người giáo hóa, cửa Đạo thành ra bến chợ đời, hỗn loạn quanh co, mưu thần chước quỉ, trông vào há chẳng hổ chung cho nhau? Nếu mình tự toại mà chẳng để công, dầu MẸ có thương, cũng không tư vị sau nầy.... MẸ để lời dưới đây cho các con dùng làm chuẩn thằng trong bước Đạo:

    Gắng sức trau giồi một chữ Tâm.
    Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm.
    Tâm thành ắt đoạt đường tu vững,
    Tâm chánh mới mong mối Đạo cầm.
    Tâm ái nhơn sanh an bốn biển,
    Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm.
    Đường Tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn,
    Có buổi hoài công bước Đạo tầm.

    Hãy suy nghĩ và thật hành bao nhiêu đó, các con sẽ đắc đạo tại thế vậy. THĂNG."

    Tóm lại:

    Mỗi người đều có một cái Tâm, đó là chơn linh hay điểm linh quang do Đức Chí Tôn ban cho mỗi người để làm một vị Thần minh chủ tể con người.

    Do đó, bản chất của Tâm là:

    - Lương thiện, chơn chánh, nên gọi nó là Lương tâm, ưa đạo đức, chuộng tinh thần, thuận tùng Thiên lý.

    - Sáng suốt, phân biệt thiện ác, chánh tà, tốt xấu, tức là có được lương tri lương năng.

    - Dao động luôn luôn theo sự biến đổi của cảnh vật bên ngoài nên gọi là Tâm viên ý mã (Tâm như con khỉ, ý như ngựa).

    Thất tình lục dục luôn luôn chực hờ, lấy sự thỏa mãn vật dục làm miếng mồi ngon nhử cái Tâm đi theo đường tà của chúng.

    Cho nên, chỗ tối yếu của huyền năng chánh pháp là Tịnh Tâm, để điều khiển lục dục thất tình, hướng chúng vào đường cao thượng.

    Nhơn dục được lặng yên thì mới vẹt được vô minh, Tâm mới tỏ rạng.

    2. Tánh

    Thông thường, người ta hiểu Tánh là nết xấu hay nết tốt của con người. Nhưng theo triết lý của tôn giáo, Tánh có ý nghĩa khác hẳn và rất cao siêu.

    ■ Theo Nho giáo, sách Trung Dung viết rằng: "Thiên mệnh chi vị Tánh", nghĩa là: Mạng Trời gọi là Tánh.

    Như vậy, Tánh là cái mà Trời phú cho con người nên Tánh đó phải thiện. "Nhơn chi sơ, Tánh bổn thiện" (con người mới sanh ra thì Tánh vốn lành). Khi lớn lên, có thể con người trở nên hung dữ thì cái lẽ đó là do con người không biết gìn giữ cái Tánh bổn thiện để cho vật dục lôi kéo vào đường tà vạy.

    Do đó, sự giáo dục con người phải lấy cái bổn thiện đó làm căn bản, gìn giữ nó, trau giồi nó để cho nó phát triển thành người tốt.

    Trong sách Đại Thừa Chơn Giáo (Đại Thừa Chơn Giáo), Thánh giáo dạy về chữ Tánh như sau:

    "Tánh là cái nguyên lý sở dĩ sanh ra nhơn loại, thế nên cái bản nguyên tinh thần của con người là Lý. Lý ấy rất linh diệu thiêng liêng của Trời đã phân ra mà ban cấp cho mỗi người, nên Lý ấy tức là Tánh vậy.

    Của Trời là Lý, về người là Tánh, vì thế nên Trời với người mới có thể ứng tiếp liên lạc nhau rất mật thiết. Bởi vậy, hễ muốn tính sự gì, tuy chưa làm ra mà Trời đã biết trước. Trời với người cũng đồng một Lý một Khí thì không cảm ứng nhau sao được?

    Vậy, người nếu biết trau giồi cái linh Tánh cho thiệt sáng suốt anh minh thì tự nhiên giao tiếp với Trời thiệt là chẳng khó. Thế mà người đã linh hơn vật, đã có cái bổn Tánh thiêng liêng rất quí báu vô giá như vậy, cớ sao người chẳng trau giồi mà cứ để lu lờ nhơ bẩn, ngày một chồng lấp thêm lên mãi mãi. Ôi! Khờ lắm thay! Dại lắm thay! Nghiêu Thuấn cũng là người, mà dầu Tiên Phật thì trước kia cũng vẫn là người chớ sao."

    THI BÀI
    "Tánh dốt nát ngu hèn người tạo,
    Giam hãm vào lục đạo luân hồi.
    Bởi chưng chẳng biết trau giồi,
    Đặng cho bổn tánh phục hồi cội căn.
    Tánh thì thiện như trăng tỏ rạng,
    Tánh ấy là Thiên mạng ban cho,
    Tánh đâu lại có vạy vò,
    Tánh lành thông suốt ráng mò kiếm ra.
    Tâm Tánh đặng hiệp hòa Trời Đất,
    Mà thông đồng muôn vật thế gian.
    Tánh như thể một con đàng,
    Không đi, đường ắt mọc tràn chông gai.
    Tánh như nước chảy dài là thiện,
    Tánh luyện rèn phát triển tinh vi.
    Tánh là cách vật trí tri,
    Người người cần phải gắng ghi trau giồi."

    ■ Do nơi cái Tánh mà nhơn sanh được chia làm ba hạng người: thượng trí, trung nhơn và hạ ngu.

    Bậc Thượng trí giữ được cái Tánh thiên nhiên chí thiện chí mỹ, khỏi phải học mà xử thế không sai lẽ Đạo.

    Bậc Trung nhơn thì cái Thiên Tánh có biến đi phần nào, nhưng hễ có học thì mau thức tỉnh và Tánh lần lần trở nên trong sạch.

    Bậc Hạ ngu thì cái Thiên Tánh đã quá lu lờ gần như bị che lấp hết. Nhưng nếu có người khổ công dẫn dắt tập rèn thì cũng lần lần mở mang tâm trí được.

    3. Liên quan giữa Tâm và Tánh

    ■ Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng về Tâm và Tánh chép ra như sau:

    "Nhà nho nói: Tánh tự Tâm sanh (cái Tánh do từ cái Tâm sanh ra). Đó là lý thuyết của đạo Nho. Chỉ biết có một điều là quan sát có thể thấy hiện tượng mà tả trạng hình, vì đạo Nho chưa phải là một tôn giáo huyền bí.

    Còn Đức Chí Tôn đến dạy ta biết rằng: Tánh là chơn tướng của chơn thần, còn Tâm là chơn tướng của chơn linh.

    Chí Tôn dạy: Tánh của mỗi chúng ta là hình thể thứ nhì của ta. Hình thể thứ nhứt là Tâm tức chơn linh; thứ nhì là Tánh tức chơn thần, thứ ba là xác phàm thú chất nầy.

    Chí Tôn hỏi: Tại sao từ trước đến giờ, theo triết lý đạo Nho lấy nghĩa "Tánh tự Tâm sanh" mà tả ra? Bởi vì nó liên quan mật thiết cùng nhau. Trong Tâm mình như thế nào thì xuất Tánh ra y như vậy.

    Nhà Nho thấy hiện tượng mà đặt tên, còn Đức Chí Tôn chỉ rõ cho biết: chơn thần cũng tấn bộ như chơn linh. Mỗi cá nhân đều có hai năng lực ấy có đủ quyền năng đào tạo ra hình hài xác thịt của ta.

    Một chơn linh cao trọng tự nhiên có một chơn thần cao trọng." (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp)

    THI BÀI
    "Người quân tử chẳng xa Tâm Tánh,
    Gìn cái Tâm cho chánh đáng tin.
    Nó là một vật thần minh,
    Đừng cho lục dục thất tình lấp chôn.
    Giồi luyện mãi tâm hồn hiển đạt,
    Hậu thì làm mà bạc thì thôi.
    Ngày đêm cố gắng tô bồi,
    Cũng như ngọc báu có giồi mới xinh.
    Tâm thì thiện mà linh uyên bác,
    Giữ cho còn thì phát Thiên cơ.
    Đừng cho hư hỏng vất vơ,
    Muốn ngăn nước phải đắp bờ trước khi.
    Người để Tâm mất đi Mạng dứt,
    Trong thân người quí nhứt là Tâm.
    Mất đi nào khác thú cầm,
    Thánh Hiền biết giữ cái Tâm cho còn.
    Tâm nắn đúc muốn tròn hay méo,
    Tâm như người thợ khéo đó con.
    Tâm gìn đừng để hao mòn,
    Làm cho nhơ bẩn thì còn chi không?
    Nghiêu Thuấn với nhơn đồng là đó,
    Người với ta nào có khác chi.
    Thánh Hiền làm đặng khó gì,
    Biết nuôi Tâm Tánh gọi thì Phật Tiên."
    (Đại Thừa Chơn Giáo)

    ■ Tâm và Tánh rất quan trọng và liên quan mật thiết với nhau như thế, nên trong các phép luyện đạo của Tam giáo đều chú trọng luyện Tâm và Tánh:

    · Nho giáo dạy: Tồn Tâm dưỡng Tánh.
    · Phật giáo dạy: Minh Tâm kiến Tánh.
    · Lão giáo dạy: Tu Tâm luyện Tánh.

    a) Nho giáo: TỒN TÂM DƯỠNG TÁNH:

    Mạnh Tử cho Tánh là bản nguyên của Trời phú cho, tức là Thiên lý chí linh chí diệu. Ông cho rằng người ta có Tánh ấy tất có Tâm ấy, Tâm với Tánh là một vậy.

    Tâm là phần chủ tể trong người ta. Hễ hiểu rõ cái Tâm thì ta biết rõ cái Tánh; biết rõ cái Tánh thì biết rõ Trời Đất và vạn vật, tức là cách vật trí tri đó vậy.

    Giữ cho còn cái Tâm của mình, nuôi cái Tánh của mình là để thờ Trời vậy (Tồn kỳ Tâm, Dưỡng kỳ Tánh, sở dĩ sự Thiên dã).

    Tâm là cái thần minh của Trời. Trời cho ta cái Tâm ấy để làm Tâm thì Tâm ta với Trời là một thể. Đó thực là cái đạo Nhất quán của Đức Khổng Tử.

    Biết cái Tâm của ta là Trời, giữ cái Tâm cho ngay chánh, nuôi cái Tánh cho hoàn toàn sáng suốt, nhứt động nhứt tịnh đều thuận cái Thiên lý tự nhiên. Ấy là sự chơn thực thờ Trời vậy.

    Ta đã biết Tánh, biết Trời thì ta chỉ chuyên nhất ở sự nuôi Tánh (Dưỡng Tánh) và sự sửa mình (Tu thân) cho toàn cái của Trời đã phú cho ta, rồi cứ an vui mà đợi mệnh Trời, chứ không lấy sự thọ yểu mà hại cái bổn nguyên chí thiện.

    Học để giữ cái Tâm (Tồn Tâm) và nuôi lấy cái Tánh (Dưỡng Tánh), biết rõ lẽ Trời mà theo cái chánh mệnh của mình, ấy là cái tinh thần của Nho giáo.

    Bởi cái học Duy Tâm ấy, cho nên Mạnh Tử rất chú trọng sự Tồn Tâm, Tồn Tánh, Dưỡng Khí, và Trì Chí.

    Vạn sự hay dở đều ở cái Tâm cả. Bởi vậy, cái học của người quân tử cần phải Tồn Tâm, nghĩa là giữ cho còn cái bổn Tâm hư linh của mình. Muốn Tồn Tâm thì không gì bằng quả dục (ít ham muốn).

    Cái Tâm mà Mạnh Tử nói ở đây là cái Lương Tâm của người. Có Lương Tâm thì biết điều nhân điều nghĩa, lẽ phải lẽ trái. Có Lương Tâm thì có lương năng lương tri, tức là cái giỏi cái biết rất tự nhiên, rất mẫn tiệp.

    Chỉ vì ta đắm đuối vào vật dục, cho nên cái Lương Tâm mới mờ tối đi, thành thử ta bỏ mất nhơn nghĩa.

    Bởi thế, người quân tử lấy sự giữ cái Tâm hồn nhiên thuần hậu như cái Tâm của đứa trẻ con làm quí.

    Tánh là cái Lý toàn nhiên ở trong Tâm người ta, tức là cái phần tinh thuần của Trời phú cho. Ta nhờ có Tánh mới biết nhân nghĩa, biết phải trái. Cho nên, trước hết ta phải nuôi lấy cái Tánh đừng để mờ tối đi.

    Người hơn loài cầm thú là chỉ ở sự giữ được cái Tánh bản nhiên mà thôi. Nếu ta bỏ mất cái Tánh ấy đi, thì người với cầm thú không khác gì nhau cả. (Trích trong sách Nho giáo của Trần Trọng Kim)

    b) Phật giáo: MINH TÂM KIẾN TÁNH:

    Lục Tổ Huệ Năng của Phật giáo Thiền Tông thông suốt Tâm và Tánh, nên có làm hai bài kệ về Tâm và Tánh như sau:

    TÂM:
    Không ngờ Tâm mình vốn thanh tịnh,
    Không ngờ Tâm mình vốn không sanh diệt,
    Không ngờ Tâm mình vốn sẵn đủ các pháp,
    Không ngờ Tâm mình vốn không lay động,
    Không ngờ Tâm mình hay sanh muôn pháp.
    (Phật Học Phổ Thông, TTH)
    TÁNH:
    Nào dè Tánh mình vốn tự nhiên trong sạch,
    Nào dè Tánh mình chứa đầy muôn pháp,
    Nào dè Tánh mình vốn không lay động,
    Nào dè Tánh mình có thể sanh ra muôn pháp.
    (Pháp Bảo Đàn Kinh)

    Nếu chẳng biết bổn Tâm thì học Pháp vô ích, bằng biết bổn Tâm và thấy bổn Tánh thì đắc đạo thành Phật.

    Pháp môn Giới Định Huệ cũng căn cứ vào việc luyện Tâm và Tánh. Lục Tổ Huệ Năng có bài kệ:

    Tâm địa không quấy thì Tánh mình Giới,
    Tâm địa không si thì Tánh mình Huệ,
    Tâm địa không rối thì Tánh mình Định,
    Không thêm không bớt, Tánh mình Kim cang,
    Thân tới thân lui vốn là Tam Muội (Chánh Định).

    · Tâm địa là đất Tâm, vì Tâm sản xuất ra đạo đức và các pháp.

    · Không thêm không bớt, Tánh mình Kim cang, nghĩa là bổn Tánh mình ở nơi Phật cũng không thêm, ở nơi phàm cũng không bớt, thể nó rặt ròng trong sạch, cứng chắc, trải qua muôn vạn kiếp, đời đời chẳng hư hoại, cho nên ví dụ nó là Kim cương.

    · Thân tới thân lui vốn là Tam muội, nghĩa là lúc đi lúc đứng, ngồi nằm, nhứt nhứt hành vi đều thường trụ, tự do, thân Tâm đều thanh tịnh, không có một mảy ô nhiễm vọng động, ấy là Tánh mình Tam muội (Chánh định).

    Cái pháp môn Đốn giáo của Lục Tổ Huệ Năng chỉ luận ngay Tâm và Tánh, Ngài luận ròng về phép Kiến Tánh, là tôn chỉ và cứu cánh của Thiền Tông.

    Muốn đạt mục đích tối cao nầy, phải căn cứ vào các phương pháp: Sám Hối, Thiền định, Trí huệ làm diệu công. Mỗi hành giả phải cầu nơi sức mình (tự lực) tức là cầu nơi bổn Tánh của mình.

    Trước hết phải dùng phép Đại thừa vô tướng Sám Hối mà trừ ngay cội rễ của các điều tội lỗi trong Tâm, bỏ Tà theo Chánh, dứt vọng về chơn, lánh dữ làm lành, bảo tồn Tánh đức, lại phải tu Thiền định và Trí huệ để trừ các mối tán loạn và phiền não. Tu các hạnh trên đây thì công đức đầy đủ, niệm niệm thấy Tánh, đắc thành Phật đạo, chứng đắc Niết Bàn.

    Minh Tâm kiến Tánh là làm cho sáng tỏ cái Tâm để thấy được cái bổn Tánh tự nhiên của mình mà từ vô thủy đến nay vẫn trong sạch, đó cũng là cái Phật Tánh của mỗi người.

    Nếu muốn thấy Phật, cần phải thấy Tánh. Tánh tức là Phật. Nếu không thấy Tánh thì niệm Phật, đọc kinh, gìn giữ trai giới cũng không kết quả gì. (Theo Pháp bảo Đàn Kinh)

    c) Lão giáo: TU TÂM LUYỆN TÁNH:

    Tu Tâm là sửa lòng để cho lòng vật dục lặng yên, làm cho cái Tâm được tỏ rạng, mạnh mẽ, đứng lên làm chủ nhơn ông bản thân mình, mà điều khiển lục dục thất tình, đem chúng vào đường đạo đức.

    Luyện Tánh là rèn luyện cái Tánh cho thiệt không không, không ghen ghét, không giận hờn, không buồn lo, không sợ sệt, không chi hết ráo, để nuôi lấy tư tưởng thanh cao.

    Trong phần luyện Tánh, trước hết phải luyện Mạng. Cho nên đạo Tiên có câu: "Tu Tánh, tiên tu Mạng, phương pháp tu hành kính." Nghĩa là: muốn tu Tánh, trước phải tu Mạng, đó là phương vào đường tu hành ngay thẳng.

    Tu Mạng là luyện tập cho thân thể khỏe mạnh, tức là phải bảo dưỡng Tinh và Khí.

    Luyện Tánh là ngưng Thần nhập Định, huờn Hư.

    Vậy trong Lão giáo, việc tu Tâm luyện Tánh chung qui chỉ là luyện Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) hiệp nhứt, cho Tam huê tụ đỉnh, Ngũ Khí triều nguơn, đắc đạo thành Tiên tại thế.

    Tóm lại:

    Tâm và Tánh của con người cũng đồng như một, song Tâm là chủ tể, Tánh là chủ động, nghĩa là còn ở trong thì là Tâm, khi đã phát ra ngoài là Tánh.

    Cái Tánh của con người thì bổn thiện, sở dĩ con người làm ác là vì cái Tánh bị nhiễm trược trần và cái Tâm bị lục dục thất tình che lấp.

    Nho giáo dạy: Tồn Tâm Dưỡng Tánh, tức là giữ cái Tâm cho còn cái bổn nguyên chí thiện chí mỹ của nó, mà nuôi dưỡng cái Tánh cho luôn luôn được chơn chánh thiện lương.

    Phật giáo dạy: Minh Tâm Kiến Tánh, tức là phép Đốn ngộ, trực chỉ vào Tâm, kiến Tánh thành Phật.

    Tiên giáo dạy: Tu Tâm Luyện Tánh, tức là luyện Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) hiệp nhứt.

    Tâm và Tánh được các Đấng Giáo chủ Tam giáo giảng dạy mỗi vị một cách khác nhau, dùng những từ ngữ khác nhau, nên làm cho kẻ hậu học rất khó khăn trong việc tìm hiểu cho đúng đắn.

    Ngày nay, thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút dạy Đạo cho nhơn sanh, đã chỉ rõ Tâm và Tánh là cái gì, nguồn gốc của nó từ đâu, để nhơn sanh thấy rằng, tuy Tâm và Tánh được gọi bằng nhiều danh từ, nhiều cách, nhưng chỉ có một chơn lý mà thôi.

    - TÂM chính là điểm Linh quang của Đức Chí Tôn chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài để ban cho mỗi người làm chơn linh hay linh hồn.

    - TÁNH chính là chơn thần, do Đức Phật Mẫu ban cho để làm xác thân thiêng liêng bao bọc linh hồn. Nhờ có chơn thần mà con người đầu kiếp xuống cõi trần để có thêm một xác thân phàm.

    Do đó, con người nơi cõi trần đều có đủ Tâm và Tánh. Đức Chí Tôn cho con người đầu kiếp xuống cõi trần là để học hỏi và tiến hóa, tiến hóa mãi đến mức Tâm và Tánh tận thiện tận mỹ, chí diệu chí linh, để hiệp nhứt vào Chơn lý hằng hữu bất biến.

  • Tâm tâm tương ấn

    Tâm tâm tương ấn

    心心相印

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Tương: cùng nhau. Ấn: in ra.

    Tâm tâm tương ấn là hai bên dùng tâm để ấn truyền cho nhau, không dùng lời nói.

    Đó là cách truyền Bí pháp tu luyện từ tâm thầy qua tâm trò, hoàn toàn bí mật, chỉ có thầy và trò biết mà thôi.

  • Tâm thành

    Tâm thành

    心誠

    A: The sincerity.

    P: La sincérité.

    Tâm: lòng dạ. Thành: thành thật.

    Tâm thành là lòng thành thật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tâm thành có thuở nghiệp nhà nên.

  • Tâm thần

    Tâm thần

    心神

    A: The mind.

    P: L" esprit.

    Tâm: lòng dạ. Thần: cái tinh thần của con người.

    Tâm thần là lòng dạ và tinh thần.

    Tâm thần bất định: lòng dạ và tinh thần không yên ổn, nên tư tưởng lộn xộn, không sáng suốt.

    Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Ðã Qui Liễu: Định tâm thần giải mộng Nam Kha.

    Bịnh tâm thần: Bịnh điên. Tâm là tâm lý và Thần là thần kinh. Tâm Thần là dịch chữ Neuropsychologie, là môn học về các hoạt động tâm lý trên cơ sở hoạt động của hệ thần kinh. Bịnh Tâm Thần là bịnh rối loạn tâm lý và thần kinh, thông thường gọi là bịnh điên.

  • Tâm trung quảng đại

    Tâm trung quảng đại

    心忠廣大

    Tâm: lòng dạ. Trung: trung thành. Quảng: rộng. Đại: lớn.

    Tâm trung quảng đại là tấm lòng trung thành và rộng rãi.

    Có lòng trung thành là để khỏi dao động trước những thử thách, có lòng quảng đại là để thông cảm và tha thứ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Muốn an tâm tĩnh trí và đè nén lửa lòng, cần phải có một nghị lực vô biên, một tâm trung quảng đại, thì mới khỏi bực tức với những trò đã vì mạng lịnh thiêng liêng phô diễn nơi thâm hiểm nặng nề nầy.

  • Tâm truyền

    Tâm truyền

    心傳

    A: Heart to heart.

    P: Coeur à coeur.

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Truyền: trao lại.

    Tâm truyền là trao lại bí pháp trực tiếp từ tâm của thầy qua tâm của trò, không dùng lời nói hay văn tự.

    Cho nên gọi là: Bí pháp Tâm truyền.

  • Tâm ưu

    Tâm ưu

    心憂

    A: The worried heart.

    P: Le coeur soucieux.

    Tâm: lòng dạ. Ưu: lo lắng buồn rầu.

    Tâm ưu là lòng dạ lo lắng buồn rầu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Tâm ưu Bàng Cử trắng đầu non,
    Mua lấy chức quan đức phải mòn.
  • Tâm viên ý mã

    Tâm viên ý mã

    心猿意馬

    Tâm: lương tâm, chơn linh, linh hồn. Viên: con khỉ, con vượn. Mã: ngựa.

    Tâm viên ý mã là cái tâm như con khỉ, cái ý như con ngựa.

    Tâm viên là cái Tâm như con khỉ, ý nói cái Tâm lúc nào cũng nhảy nhót như con khỉ, hết tưởng việc nầy lại tưởng việc khác, không lúc nào lặng yên. Do đó, người tu cần phải định cái Tâm, kềm giữ không cho dao động, tư tưởng không không.

    Ý mã là cái ý nghĩ như con ngựa, lúc nào cũng muốn chạy đi, chạy theo ngoại cảnh, không chịu đứng yên.

    Người tu hành cần phải gìn cái Tâm, giữ cái ý, không cho phóng túng, cốt làm sao cho tâm ý đạt được trạng thái lặng lẽ không không.

  • Tâm vô sở trụ

    Tâm vô sở trụ

    心無所住

    Tâm: lòng dạ. Vô: không. Sở: nơi chốn. Trụ: ở.

    Tâm vô sở trụ là cái tâm không trụ vào chỗ nào hết, tức là Tâm không. (Xem: Tâm không). Do câu: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. (Xem câu nầy nơi vần Ư)

  • TẦM

    TẦM

    TẦM: 尋 Tìm kiếm.

    Thí dụ: Tầm căn, Tầm nguyên.

  • Tầm căn vấn đế

    Tầm căn vấn đế

    尋根問蒂

    A: To research the origin.

    P: Rechercher l"origine.

    Tầm: Tìm kiếm. Căn: gốc rễ. Vấn: hỏi. Đế: cái cuống hoa.

    Tầm căn vấn đế là tìm kiếm và hỏi han cho biết đến tận nguồn gốc của sự việc.

  • Tầm nguyên

    Tầm nguyên

    尋源

    Tầm: Tìm kiếm. Nguyên: nguồn gốc.

    Tầm nguyên là tìm tòi cho biết tận nguồn gốc.

    Tầm nguyên Từ điển: (A: Etymological dictionary. P: Dictionnaire étymologique.)

    Quyển Từ điển giải thích ý nghĩa và nguồn gốc của mỗi chữ (Ngữ nguyên).

  • TÂN

    TÂN

    1. TÂN: 新 Mới, bắt đầu.

    Thí dụ: Tân cố, Tân kinh.

    2. TÂN: 辛 Cay, khổ sở.

    Thí dụ: Tân khổ, Tân toan.

    3. TÂN: 賓 Khách.

    Thí dụ: Tân khách.

  • Tân cố

    Tân cố

    新故

    A: The new deceased.

    P: Le nouveau défunt.

    Tân: Mới, bắt đầu. Cố: chết.

    Tân cố là người mới chết.

    Thượng sớ Tân cố: Sớ văn tâu lên Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng, trình báo có một tín đồ Cao Đài mới chết.

  • Tân dân

    Tân dân

    新民

    A: New citizen.

    P: Nouveau citoyen.

    Tân: Mới, bắt đầu. Dân: người dân.

    Tân dân là người dân mới, tức là người dân biết trau giồi trí thức và tinh thần của mình mỗi ngày một mới, cho thích hợp với hoàn cảnh mới.

    Tân Dân là một phẩm trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của Cơ Quan Phước Thiện.

    Đạo hữu hiến thân vào Cơ Quan Phước Thiện thì được vào phẩm Minh Đức. Sau 3 năm công nghiệp thì được thăng lên phẩm Tân Dân.

    Tân Dân phải có 3 năm công nghiệp mới được thăng lên phẩm Thính Thiện.

    Hai phẩm Minh Đức và Tân Dân đối phẩm với Địa Thần, nên chưa có đạo phục riêng, chỉ mặc áo dài trắng và khăn đóng đen y như Đạo hữu.

  • Tân đáo

    Tân đáo

    新到

    A: The immigrant - Office of the immigration.

    P: L" immigrant - Service de l"immigration.

    Tân: Mới, bắt đầu. Đáo: đến.

    Tân đáo là mới đến, ý nói người ngoại quốc mới đến nước ta, đó là ngoại kiều, cũng gọi là Khách trú.

    Thời Pháp thuộc, tại các hải cảng đều có đặt một cơ quan để kiểm soát người ngoại quốc mới đến Việt Nam. Cơ quan nầy được gọi là Sở Tân Đáo, Sở Di Trú hay cũng gọi là Sở Ngoại kiều, để quản lý người nước ngoài.

  • Tân giáo

    Tân giáo

    新敎

    A: New religion: Protestantism.

    P: La nouvelle religion: Protestantisme.

    Tân: Mới, bắt đầu. Giáo: tôn giáo.

    Tân giáo là tôn giáo mới.

    Từ ngữ nầy dùng để chỉ Đạo Tin Lành, vì Đạo Tin Lành cải cách và canh tân giáo điều của đạo Thiên Chúa để lập thành một nền đạo mới, có nhà thờ riêng và Hội Thánh riêng.

    Đạo Tin Lành thành lập năm 1520, đến nay đã quá lâu rồi, nên dùng từ Tân giáo để chỉ đạo Tin Lành không còn thích hợp nữa.

  • Tân khách

    Tân khách

    賓客

    A: The guest.

    P: L"hôte.

    Tân: Khách. Khách: người khách.

    Tân khách là chỉ chung các khách khứa đến nhà trong các đám tiệc.

  • Tân khổ - Tân toan

    Tân khổ - Tân toan

    辛苦 - 辛酸

    A: Hot and bitter - Hot and sour: Miserable.

    P: Brûlant et amer - Brûlant et aigre: Misérable.

    Tân: Cay, khổ sở. Khổ: đắng. Toan: chua.

    Tân khổ là cay đắng. Tân toan là cay chua.

    Tân khổ và Tân toan đều chỉ những nỗi khó khăn và những gian nan vất vả trong cuộc sống.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Nhưng Thầy vì thương các con mà phải sửa nét tân khổ ra đường lo liệu.

    Tân toan khổ hạnh phải trau giồi.
  • Tân kinh

    Tân kinh

    新經

    A: The New Prayers.

    P: Les Nouvelles Prières.

    Tân: Mới, bắt đầu. Kinh: bài văn vần để tụng khi làm lễ cầu nguyện trong tôn giáo.

    Tân Kinh là kinh mới, tức là những bài kinh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là của Đạo Cao Đài.

    Những bài kinh của các tôn giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ thì gọi là Cựu kinh (Kinh cũ).

    Kinh Thiên đạo và Thế đạo của Đạo Cao Đài được gọi là Tân Kinh, vì được các Đấng Tiên, Phật giáng cơ ban cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Tân Kinh của Đạo Cao Đài do các Đấng Tiên, Phật giáng cơ ban cho kể từ ngày 23-7-Ất Hợi (dl 21-8-1935) cho đến ngày mùng 4-8-Ất Hợi (dl 31-8-1935), do Đức Phạm Hộ Pháp và Ngài Cao Tiếp Đạo phò loan tại Tòa Thánh Tây Ninh.

    Các Đấng giáng cơ ban cho Tân Kinh gồm: - Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương, - Đức Phật Thích Ca, - Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, - Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, - Tiên Nương Đoàn Thị Điểm.

    "Đức Quyền Giáo Tông (khi còn tại thế) và Đức Hộ Pháp, trót mười năm trường nghĩa là từ ngày mở Đạo, đã nhiều phen dâng sớ cho Đại Từ Phụ và các Đấng thiêng liêng đặng xin Kinh Tận Độ, nhưng mà Đức Chí Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vẫn chưa định ban ân cho toàn sanh chúng.

    Mãi đến ngày 23 tháng 7 tới mùng 4 tháng 8 năm Ất Hợi (dl từ 21 đến 31-8-1935) mới giáng cho Tân Kinh.

    Ấy là một giọt nước cam lồ của Đức Từ Bi rưới chan đặng gội nhuần cho các đẳng linh hồn của toàn thế giới.

    Chúng ta thầm xét thì đủ hiểu rằng: Đã trải qua mười năm, Chí Tôn mới mở Cơ Tận Độ.

    Cơ Tận Độ nhơn sanh duy kể từ ngày ban Tân Kinh nầy mà thôi." (Trích Lời Tựa của quyển Kinh Thiên đạo và Thế đạo)

    Quyển Tân Kinh hiện nay được gọi là Kinh Thiên đạo và Thế đạo.

    Ngày ban hành Tân Kinh, ba vị Chánh Phối Sư Cửu Trùng Đài đến Hiệp Thiên Đài để thỉnh kinh đem về ban hành, Đức Hộ Pháp đặt cây Giáng Ma Xử trên quyển Kinh và nói rằng: "Đây là Kinh của Đại Đạo, không ai được quyền bớt ra hay thêm vào. Nếu vi phạm thì sẽ bị cây Giáng Ma Xử nầy."

    Tiếp đó, ba vị Chánh Phối Sư lạy, rồi thỉnh Kinh đem về Cửu Trùng Đài ban hành ra cho toàn đạo.

  • Tân Luật

    Tân Luật

    新律

    A: The New Religious Code.

    P: Le Nouveau Code Religieux.

    Tân: Mới, bắt đầu. Luật: luật pháp.

    Tân Luật là luật tu mới, tức là luật tu của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Các luật tu hành của thời Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ là luật tu cũ, nên gọi là Cựu Luật.

    Nay đến thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, các Cựu Luật không còn thích hợp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh, nên phải lập ra Tân Luật, tức là luật tu mới, cho thích hợp đà tiến hóa của nhơn sanh ngày nay.

    Tân Luật duy trì các điều luật căn bản của Tam giáo ngày xưa, đồng thời thêm vào những điều luật mới, phù hợp mức tiến hóa cao của nhơn sanh hiện nay.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: "Thí dụ như có kẻ hỏi: Sao Thầy không dùng Cựu Luật trong Tam giáo đã có sẵn rồi, lại lập chi Tân Luật nữa, mà buộc nhơn sanh phải yểm cựu nghinh tân vậy?

    Ta lại đáp rằng: Chính Thầy đã giáng cơ nói: Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ; ấy vậy, Cựu Luật thì Ngọc Hư Cung đã biếm bác, còn Cổ pháp thì Lôi Âm Tự đã phá tiêu, vây thì ngày nay, Cựu Luật và Cổ pháp chẳng còn ý vị chi hết.

    Những bực tu hành mà tưởng lầm phải tùng Cựu Luật hay là Cổ pháp thì trái hẳn với Thiên điều của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thể Thiên hành chánh. Bởi cớ ấy nên Chí Tôn đã cấm Ngũ Chi phái Ngọc dùng Cổ luật mà mê hoặc nhơn sanh nữa.

    Hễ tùng Cựu Luật tức phải tùng Thiên điều, mà hễ tùng Thiên điều thì khó lập vị mình đặng."

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: "Ấy vậy, Tân Luật đã gồm trọn Tam giáo, tức là một thành ba, mà ba Cựu Luật của Tam giáo hiệp nhau thì cũng như một, nghĩa là Tân Luật."

    TIẾN TRÌNH LẬP TÂN LUẬT:

    Tiến trình lập thành Tân Luật diễn tiến như sau:

    1. Ngày 2-11-Bính Dần (dl 6-12-1926), trong quyển Đạo Sử 2 trang 72 của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu có bài Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn dạy lập Tân Luật:

    "Phải ở luôn nơi Thánh Thất đặng lập Luật sẵn.

    Nghe Thầy dạy:

    - Khởi đầu lập Luật tu gọi là: Tịnh Thất Luật.

    - Kế nữa lập Luật trị gọi là: Đạo Pháp Luật.

    - Ba là lập Luật Đời gọi là: Thế Luật.

    Các con hiểu à!"

    2. Ngày 14-11-Bính Dần (dl 18-12-1926), trong quyển Đạo Sử 2 trang 105 của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu có bài Thánh Ngôn của Đức Lý Giáo Tông dạy ngày nạp Luật và cách cãi Luật:

    "Thượng Trung Nhựt, Hiền hữu nghe dạy:

    Phải viết thơ cho các Thánh nói rằng: Buổi lập Luật phải ngưng sự phổ độ lại đôi chút. Lo cho xong Tân Luật thì mới truyền bá chơn đạo rõ lý hơn.

    Vậy, ngày Đại lễ Thánh giáo Giáng sanh phải có mặt tại đây cho đủ và nạp Luật cho kịp ngày ấy.

    Làm lễ xong, qua ngày kế thì chư Thánh mặc đại phục vào điện bái, rồi Hiền hữu biểu sắp ghế vòng theo đại điện. Hiền hữu và Ngọc Lịch Nguyệt lên tọa bửu vị, rồi theo chức phận chư Thánh ngồi vòng hai bên, như lúc Hiền hữu còn tại Thượng Nghị Viện, đặng cãi Luật đó vậy. (Chư Thánh là chư Chức sắc Thiên phong)

    Hiền hữu chưởng quản làm chủ Hội. Mỗi vị Thánh đều đặng quyền cãi lẽ, nghe à!

    Phải giữ phép, kẻ trước người sau, tùy phiên nhau cho có lễ: phái Thái trước, phái Thượng giữa, phái Ngọc chót.

    Phải viết thơ cho Tương và Trang nạp Luật cho kịp một lượt với Thơ, nghe à!"

    (Tương, Trang, Thơ là tên của ba vị Chánh Phối Sư lúc đó: Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh, Thái Thơ Thanh).

    3. Ngày 20-11-Bính Dần (dl 24-12-1926), Đức Chí Tôn giáng cơ nói về Tân Luật:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Vì vậy mà Thầy phải phế hết Bạch Ngọc Kinh, Huỳnh Kim Khuyết, giáng trần độ rỗi các con, chớ chi Thầy đến mà làm cho giảm sự khổ não các con chẳng đặng nữa thì thôi, lẽ nào còn lập Tân Luật ràng buộc các con thêm nữa....

    Vì cớ mà Thầy buồn.....

    Thầy tỏ thật, cái Luật lệ Thầy khiến các con hiệp chung trí mà lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo đức Tiên phong Phật sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy, chẳng Luật lệ thì trái phép, mà trái phép thì thế nào vào Bạch Ngọc Kinh cho đặng....

    Vậy các con ráng làm phận sự cho hoàn toàn, rồi có Thái Bạch giáng cơ sửa luật."

    4. Ngày 12-12-Bính Dần (dl 15-1-1927), trong Đạo Sử 2 trang 170 của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy về việc chư Chức sắc Thiên phong trong Hội Thánh họp nhau cãi luật:

    "Thượng Trung Nhựt, Hiền hữu cũng nên để tịnh tâm đặng lo cãi Luật, chẳng nên ham vui quá nghe!

    Thầy sẽ ngự trong lúc cãi Luật. Lão giáng cơ trước khi mở Hội. Vậy khi chư Thánh đủ mặt, phải cầu cơ cho Lão dạy việc. Chừng Lão ngự đại điện thì tức cấp khai Hội liền.

    Hết thảy đều mặc đại phục trong khi cãi Luật, chẳng nên thay tiểu phục. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật ngự xem, coi ra khiếm lễ vậy! Nghe à!"

    5. Ngày 13-12-Bính Dần (dl 16-1-1927), Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy cách dâng Tân Luật lên cho Ngài:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Chưởng Pháp, Đầu Sư tọa vị. Phối Sư tam phái tới trước. Thái Thơ Thanh phải ôm bộ chú giải các luật, Tân Luật của các Hiền hữu đến dâng cho ba vị Đầu Sư. Ba vị Đầu Sư đồng đứng dậy bái và tiếp Luật một lượt, thế nào 6 bàn tay đều có trong bộ Luật, ngay giữa, dạy cả ba tiếp dâng lên, Chưởng Pháp cũng phải bái mà tiếp một lượt, đội dâng lên đại điện, day vô đưa lên chí trán.

    Nghe dạy, Lão giao Luật nầy cho nhị vị Chưởng Pháp xem xét lại nữa, trong một tháng phải rồi, mà giao lại cho Hộ Pháp cầu Lão sửa Luật.

    Phải làm một phòng thanh tịnh mà giả làm Hiệp Thiên Đài.

    Thập nhị Thời Quân phải có mặt, Thượng Sanh, Thượng Phẩm phải có mặt.

    Phải tái cầu nghe dạy. Nhị vị Chưởng Pháp đem Luật để ngay tượng Lão một đêm nay.

    TÁI CẦU:

    Thiên điều mầu nhiệm của Đạo còn thiếu sót lắm.

    Cười... Nhưng điều ấy chư Hiền hữu biết đâu mà lập cho đặng. Hại thay! Nếu chẳng có cơ mầu nhiệm bí mật ấy thì chẳng thành Luật, nếu chẳng thành Luật, thế nào thành Đạo?

    Cười... Lão tâu cùng Đại Từ Đại Bi xin thêm vào Luật những điều bí mật yếu trọng. Ấy vậy, chư Hiền hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần tháng nầy thì khởi nguyện, dặn các Thánh Thất, các Đạo hữu phải để lòng thành khẩn, hiệp sức làm một với Lão mà nài xin Thánh Luật, nghe à!

    Hễ Đạo trọng thì tức nhiên chư Hiền hữu trọng. Vậy thì chư Hiền hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời.

    Từ đây Lão hằng gìn giữ cho chư Hiền hữu hơn nữa. Nếu Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh là có ý muốn giá trị của chư Hiền hữu thêm cao trọng hơn nữa. Vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà nghe!"

    Trong phần Chú Giải Pháp Chánh Truyền, trang 15, Đức Phạm Hộ Pháp có thuật lại buổi Đức Lý Giáo Tông dạy dâng Tân Luật:

    "Đây xin nhắc lại khi Đức Chí Tôn ban lịnh lập Tân Luật.

    Vì cớ nào Đức Giáo Tông lại giao cho Chánh Phối Sư xem xét chỉnh đốn trước khi dâng lên cho Ngài, kế Chưởng Pháp kiểm duợt, rồi mới đệ lên Hiệp Thiên Đài phê chuẩn, sau rốt Hộ Pháp phải đem Luật ấy xuống Cửu Trùng Đài đọc mà ban hành.

    Lại nữa, buổi ba vị Chánh Phối Sư dâng Luật, Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan cho Đức Giáo Tông giáng sửa (13-12-Bính Dần). Ngài có truyền dạy ba vị Đầu Sư và Chưởng Pháp phải ngự trên ngai, đoạn đòi ba vị Chánh Phối Sư vào hành lễ, rồi kêu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh mà dạy rằng: Hiền hữu coi Lão hành sự mà bắt chước.

    Ngài lại dạy ba vị Chánh Phối Sư mỗi người phải dâng Luật thế nào cho đủ 6 bàn tay nâng Luật ấy, chẳng nên cho hở, đặng dâng lại cho Đầu Sư. Đầu Sư cũng phải cho đủ 6 tay mà dâng lên cho Chưởng Pháp, rồi Chưởng Pháp cũng đủ 6 tay mà dâng lên cho Ngài.

    Khi ấy, Ngài dạy phải đi ngay lên đại điện, đưa qua khỏi đầu Hộ Pháp và Thượng Phẩm. Ngài hạ cơ xuống dưới đặng đi ngang qua cho khỏi Ngài nữa. (Hay)

    Chưởng Pháp tiếp Luật rồi lại đưa ngay qua khỏi đầu Khương Thái Công và Thánh Chúa Jésus nữa.

    Sau Hộ Pháp có để lời than cùng Thầy về điều ấy, thì Thầy cười mà phán dạy rằng: mắc Tiên vị của Thái Bạch còn ở dưới Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử, bằng chẳng vậy thì Bộ Luật cũng đi ngang qua đầu các Đấng ấy nữa, vì nó là Thiên điều đó con.

    (Cười... Cái giá trị của Tân Luật dường đó mà cả Hội Thánh coi rẻ rúng chẳng kể, làm cho Lão phải từ ngôi Giáo Tông đặng lấy Thiên điều khảo tội. Ôi thôi! Biết bao kẻ bị đọa lạc vào Phong đô vì đó.)

    Bộ Tân Luật để trước Tiên vị của Đức Giáo Tông một ngày một đêm cho Ngài xét đoán.

    Bữa sau, Ngài giáng cơ than rằng: Thiên điều mầu nhiệm của Đạo còn thiếu sót lắm. Ngài cười rồi tiếp rằng: Những điều ấy chư Hiền hữu biết đâu mà lập cho đặng.... Hại thay! Nếu chẳng có cơ mầu nhiệm bí mật ấy thì chẳng thành Luật, nếu chẳng thành Luật, thế nào thành Đạo?

    Ngài cười rồi tiếp: Lão tâu cùng Đại Từ Đại Bi xin thêm vào Luật những điều bí mật yếu trọng. Ấy vậy, chư Hiền hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần tháng nầy thì khởi nguyện, dặn các Thánh Thất, các Đạo hữu phải để lòng thành khẩn, hiệp sức làm một với Lão mà nài xin Thánh Luật, nghe à!

    Cười.... Hễ Đạo trọng thì tức nhiên chư Hiền hữu trọng. Vậy thì chư Hiền hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời...

    Từ đây Lão hằng gìn giữ cho chư Hiền hữu hơn nữa. Nếu Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh là có ý muốn giá trị của chư Hiền hữu thêm cao trọng hơn nữa. Vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà nghe!

    Ngài liền kêu hai vị Chưởng Pháp lên lấy Bộ Luật ấy xuống đặng dâng qua cho Hiệp Thiên Đài, lại dạy Hộ Pháp và Thượng Phẩm xuống Cửu Trùng Đài đứng nơi vị mình. Hộ Pháp thì bắt ấn Hộ Pháp trấn trên Bộ Luật, còn Thượng Phẩm cầm Long Tu Phiến che trên ấn ấy, rồi dạy hai vị Chưởng Pháp như vầy: Ta kỳ cho một tháng phải nạp Luật.

    Hai vị Chưởng Pháp lãnh kiểm duợt Luật trong một tháng, đem nạp hồi cho Đức Lý Giáo Tông, rồi Ngài mới cậy hai vị Đầu Sư thay mặt cho Ngài, đệ lên Hiệp Thiên Đài dâng cho Hộ Pháp cầu Thầy giáng xuống sửa lại.

    Nhờ Ngài và Hội Thánh cầu khẩn, Thầy đã giáng bút truyền các Bí pháp ấy cho Hộ Pháp.

    Coi theo đây thì thấy rõ: Đức Giáo Tông kêu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh xem Người hành sự mà bắt chước, thì đủ chỉ rõ rằng: Ngài ban quyền hành sự trọn vẹn cho Chánh Phối Sư, lại buộc cả ba đều để 6 bàn tay vào cho đủ, tức là buộc cả ba hiệp một mới đặng."

    Tóm tắt:

    Tân Luật của Đạo Cao Đài là một Bộ Luật tu hành thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, do Hội Thánh thay mặt nhơn sanh lập nên, được Đức Lý Giáo Tông giáng sửa, được Đức Hộ Pháp chuẩn nhận và có Đức Chí Tôn phê chuẩn. Do đó, Tân Luật là Bộ Luật vô cùng quan trọng của Đạo Cao Đài, có giá trị như Thiên điều, nên gọi Tân Luật là Thiên điều tại thế,

    Tân Luật được Hội Thánh thay mặt nhơn sanh lập ra, đương nhiên phù hạp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh hiện nay. Khi nhơn sanh tiến hóa đến một giai đoạn cao hơn nữa thì nhơn sanh có quyền cầu xin Đức Chí Tôn cho phép sửa Luật, để cho Tân Luật nầy luôn luôn phù hợp với nhơn trí, làm cho Đạo Đời tương đắc mà dìu dắt cả nhơn sanh tiến hóa trong sự bác ái và công bình.

  • Tân pháp

    Tân pháp

    新法

    A: The New Evangel, The new doctrine.

    P: Le Nouvel Évangile, La nouvelle doctrine.

    Tân: Mới, bắt đầu. Pháp: giáo lý của tôn giáo.

    Tân pháp là giáo lý mới của một nền tôn giáo mới.

    Đó là giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là của Đạo Cao Đài.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Cả Thánh Ngôn của Thầy dạy dỗ chúng ta từ buổi Khai Đạo đến chừ đã hiện thành Tân Pháp (Nouvel Évangile) mà ngày nay chúng sanh còn chưa hiểu thấu...

  • Tân phong

    Tân phong

    新封

    A: Newly confered.

    P: Nouvellement conféré.

    Tân: Mới, bắt đầu. Phong: ban cho phẩm tước.

    Tân phong là Chức sắc mới được ban cho phẩm tước.

    Lễ Sanh Tân phong là những vị mới được ân phong vào phẩm Lễ Sanh, chờ Đức Lý Giáo Tông giáng cơ chấm phái.

  • Tân ước - Cựu ước

    Tân ước - Cựu ước

    新約 - 舊約

    A: New Testament - Old Testament.

    P: Nouveau Testament - Ancien Testament.

    Tân: Mới, bắt đầu. Cựu: xưa, cũ. Ước: cam kết với nhau phải tuân giữ các điều kiện do hai bên đặt ra và cùng chấp thuận.
    Tân ước là Hòa ước mới.
    Cựu ước là Hòa ước cũ.

    Đó là những Thiên Nhơn Hòa Ước, tức là Hòa ước giữa Trời và Người, giữa Thượng Đế và Nhơn loại.

    Kinh Cựu Ước là quyển kinh quan trọng nhứt của đạo Do Thái, được xem là bản Thiên Nhơn Hòa Ước cũ vào thời Thánh Moïse thuộc Nhứt Kỳ Phổ Độ.

    Kinh Tân Ước là quyển kinh quan trọng nhứt của đạo Thiên Chúa, được xem là bản Thiên Nhơn Hòa Ước mới vào thời Đức Chúa Jésus thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ.

    Theo Từ điển Triết học của Linh Mục Trần Văn Hiến Minh thì:

    "Tân Ước là kinh điển của Công giáo (Thiên Chúa giáo) ghi chép đời sống, hành vi, ngôn ngữ, giáo điều, giáo huấn, v.v... của Chúa Jésus và các môn đệ đầu tiên của Ngài. Gọi là Tân Ước vì Chúa Jésus đã xuất hiện để lập Tờ Giao Ước mới (Tân Ước) giữa Thiên Chúa và Nhơn loại, bổ túc cho Tờ Giao Ước cũ (Cựu Ước) thiết lập giữa Thiên Chúa và Moïse trong Do Thái giáo."

    Do Thái giáo không nhìn nhận Kinh Tân Ước của Thiên Chúa giáo, chỉ nhìn nhận Kinh Cựu Ước của họ mà thôi.

    Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, Chính Thống giáo đều nhìn nhận Kinh Tân Ước và Kinh Cựu Ước. Cho nên quyển Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo gồm hai phần:  

    I. Kinh Thánh Cựu Ước

    Kinh Thánh Cựu Ước của Đạo Do Thái do các nhà bác học và tiên tri của nước Do Thái viết ra.

    Họ viết lại lịch sử oai hùng hình thành dân tộc Do Thái và sự dựng nước của họ, sự ân sủng của Đấng Thượng Đế đối với dân tộc Do Thái mà Đấng Thượng Đế lựa chọn.

    Trong Kinh Thánh Cựu Ước có luật pháp ghi thành văn do Thượng Đế truyền báo cho Ông Môi-se (Moïse) trên núi Sinai. Sau đó, còn có nhiều điều luật truyền miệng để giải thích thêm, do những vị Thánh và những bác học ghi chép lại trong cuốn Kinh TALMUD, hoàn thành vào cuối thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch. Kinh Talmud là cẩm nang để các Pháp sư Do Thái giáo thực hành việc giáo dục trong các cộng đồng tín đồ.

    Kinh Thánh Cựu Ước gồm có 4 phần, trong mỗi phần có chia làm nhiều đoạn, chép ra sau đây:

    Phần thứ nhứt: Năm quyển sách của Môi-se:

    • Sáng thế ký.
    • Xuất Ê-dip-tô ký.
    • Lê-vi ký.
    • Dân số ký.
    • Phục truyền luật lệ ký.
    (Ê-dip-tô là nước Ai Cập: Égypte)

    Phần thứ hai: Các sách về lịch sử:

    • Giô-suê
    • Các quan xét
    • Ru tơ
    • I Sa-mu-ên
    • II Sa-mu-ên
    • I Các vua
    • II Các vua
    • I Sử ký
    • II Sử ký
    • E-xơ-ra
    • Nê-hê-mi
    • Ê-xơ-tê

    Phần thứ ba: Các sách văn thơ:

    • Gióp
    • Thi Thiên
    • Châm ngôn
    • Truyền đạo
    • Nhã ca
    • Châm ngôn

    Phần thứ tư: Các sách Tiên tri:

    • Ê-sai
    • Giê-rê-mi
    • Ca thương
    • Ê-xê-chi-ên
    • Đa-ni-ên
    • Ô-sê
    • Giô-ên
    • A-mốt
    • Ap-đia
    • Giô-na
    • Mi-chê
    • Na-hum
    • Ha-ba-cúc
    • Sô-phô-ni
    • A-ghê
    • Xa-cha-ri
    • Ma-la-chi.
    • Ap-đia

    Trong Phần thứ nhứt, 5 quyển sách của Môi-se có 2 quyển quan trọng nhứt là: Sáng Thế ký và Ê-dip-tô ký.

    * Sáng Thế ký:

    Trong quyển Sáng Thế ký, Môi-se cho biết Đức Chúa Trời ( Đấng Thượng Đế) tạo thành Trời Đất, các loài sinh vật và loài người trong 6 ngày: (Đức Chúa Trời viết tắt là ĐCT)

    · Ngày thứ 1: ĐCT tạo ra sự sáng và sự tối, tức ngày và đêm.

    · Ngày thứ 2: ĐCT tạo ra bầu Trời.

    · Ngày thứ 3: ĐCT tạo ra đất, biển, thảo mộc.

    · Ngày thứ 4: ĐCT tạo ra mặt trời, mặt trăng, các vì sao.

    · Ngày thứ 5: ĐCT tạo ra loài cá, loài chim.

    · Ngày thứ 6: ĐCT tạo ra các loài thú rừng, súc vật, côn trùng.

    Trong ngày thứ 6 nầy, ĐCT còn tạo ra loài người giống như hình tượng của ĐCT, đặng quản trị tất cả các loài sinh vật. Ngài dựng nên người Nam và người Nữ và ra lịnh:

    "Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất, hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các vật sống hành động trên mặt đất."

    Đức Chúa Trời ban cho loài người thức ăn là các thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất và các loài cây sanh quả.

    · Ngày thứ 7: ĐCT đã dựng xong Trời Đất, loài người và muôn vật trong 6 ngày là xong. Ngày thứ 7, ĐCT nghỉ các công việc và đặt tên là ngày Thánh (chúng ta thường gọi ngày ấy là Chúa Nhựt).

    Sau đó, Đức Chúa Trời lập ra một cảnh vườn Eden (Ê-đen), rồi lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi thì người bằng đất sống dậy, đặt tên là Adam (A-đam), để trồng cây và giữ vườn Eden. Đức Chúa Trời phán cùng Adam:

    "Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết."

    Đức Chúa Trời nhận thấy chẳng có ai giúp đỡ Adam, nên Ngài làm cho Adam ngủ mê, lấy ra một cái xương sườn của Adam, để tạo thành một người nữ theo giúp đỡ Adam. Adam gọi người nữ là Eve (Ê-va). Adam và Eve, cả hai đều trần truồng mà không biết hổ thẹn.

    Trong các loài thú do Đức Chúa Trời tạo ra, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết, nói với Eve: "Tại sao Đức Chúa Trời cấm hai ngươi ăn trái của cây biết điều thiện điều ác, hai ngươi có biết không? Là tại vì khi hai ngươi ăn trái cấm đó thì trí khôn mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện điều ác."

    Eve thấy trái cấm đó có vẻ ngon, lại nghe lời rắn nói ăn vào được mở trí khôn, quên lời cấm của Đức Chúa Trời, liền hái ăn, rồi trao cho Adam ăn nữa.

    Sau khi ăn xong, hai người biết mình lõa lồ, bèn lấy lá cây đóng khố che thân.

    Đức Chúa Trời biết được, liền hành phạt và đày đọa rắn: Rắn phải bò bằng bụng, ăn bụi đất, và bị loài người ghét bỏ. Còn Adam và Eve bị đuổi ra khỏi vườn Eden, phải chịu khổ nhọc cày ruộng làm ra thức ăn là rau của đồng ruộng.

    Việc Bà Eve và Ông Adam ăn trái cấm, không nghe lời dạy của Đức Chúa Trời (ĐCT) nên bị ĐCT quở phạt. Tội đó gọi là TỘI TỔ TÔNG, vì 2 vị ấy là Tổ tông của loài người.

    Nhơn loại do Thủy tổ Adam và Eve sanh ra càng lúc càng nhiều, và qua nhiều thế hệ thì càng thâm nhiễm những ô trược của cõi trần, nên say mê theo đường vật dục, xa lìa đạo đức, gây nhiều tội lỗi với ĐCT. ĐCT bèn gây ra một cuộc Tận Thế với trận Đại Hồng Thủy, tiêu diệt hết những người hung ác, chỉ chừa lại gia đình Ông Nô-ê và vợ, con trai và dâu, vì những người nầy biết đạo đức, công bình, kỉnh trọng ĐCT.

    Vợ chồng Ông Nô-ê trở thành thủy tổ loài người sau nầy.

    Loài người từ đó được sanh ra càng lúc càng nhiều, và qua nhiều thời kỳ, nhơn loại cũng dần dần tiêm nhiễm vật chất, xa đường đạo đức. Đặc biệt loài người lại kiêu ngạo, định xây Tháp Babel thật cao để đi vào nước Trời.

    ĐCT giận dữ vì hành động quá lắm nầy, nên khiến cho loài người chia ra làm nhiều thứ tiếng nói khác nhau, để sự bất đồng ngôn ngữ ấy mà loài người không thể xây dựng được Tháp Babel.

    Mỗi nhóm người có một thứ tiếng nói riêng, phân tán đi khắp các nơi trên Địa cầu để tìm đất sống, và sinh sôi nẩy nở càng nhiều, tạo thành nhiều dân tộc khắp mặt Địa cầu.

    Dân tộc Do Thái (Israel) là dân tộc được ĐCT chọn, đang bị bắt làm nô lệ cho các vua Pharaon của nước Ai Cập.

    Đoạn nầy trong sách SÁNG THẾ KÝ là cơ sở của Vũ trụ quan và Nhân sinh quan của Do Thái giáo, và cũng là của Thiên Chúa giáo sau nầy.

    * Xuất Ê-dip-tô ký:

    Trong quyển sách nầy, phần đầu viết về sự ra đời của Ông Môi-se. Đức Chúa Trời chọn Môi-se làm người hướng đạo cho dân Israel (Y-sơ-ra-ên), dẫn dắt dân Israel ra khỏi xứ Ai Cập (Égypte, phiên âm là Ê-dip-tô) để tránh sự đày đọa khắc nghiệt của các Pharaon (Pha-ra-ôn) vua Ai Cập.

    Đức Chúa Trời hiện ra trên đỉnh núi Sinai, rồi gọi Môi-se lên ở cùng Đức Chúa Trời (Thượng Đế Jehovah) trong 40 ngày đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước. Đức Chúa Trời ban 2 tấm bảng đá, trên đó chép 10 ĐIỀU RĂN, để Môi-se đem xuống núi dạy dân Do Thái tuân theo.

    MƯỜI ĐIỀU RĂN của Đức Chúa Trời là giao ước của Đức Chúa Trời với dân Israel, mà cũng là với nhơn loại.

    Trong 10 Điều Răn nầy, trong đó có 3 điều nói về Đức Chúa Trời, và 7 điều nói về Người, chép ra sau đây:

    1. Kính chuộng Đức Chúa Trời trên hết mọi sự.
    2. Chớ lấy tên Đức Chúa Trời mà thề dối.
    3. Giữ ngày Chúa nhựt, nghỉ hết các công việc để kỉnh thờ Đức Chúa Trời.
    4. Thảo kính cha mẹ.
    5. Chớ giết người.
    6. Chớ làm Tà dâm.
    7. Chớ ăn trộm cướp.
    8. Chớ bỏ vạ cho người. (Chớ làm chứng gian hại người).
    9. Chớ muốn vợ chồng người.
    10. Chớ tham của người.

    Mười Điều Răn nầy được Đức Chúa Trời gọi là Giao Ước của Jehovah với dân Do Thái, có nghĩa là: Ai giữ trọn 10 Điều Răn thì được Đức Chúa Trời ban phước, rước về Thiên đường sống hạnh phúc bên cạnh Đức Chúa Trời, còn ai không tuân 10 Điều Răn nầy thì bị đọa vào Địa ngục.

    Mười Điều Răn nầy được xem là Đệ Nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước giữa Thượng Đế và Nhơn loại.

    Đức Chúa Trời chọn và ban phước cho dân tộc Do Thái, một dân tộc nhỏ nhoi đang chịu nô lệ dưới sự áp bức của Ai Cập, nên Đức Chúa Trời sai Ông Môi-se giáng trần làm người Do Thái, mở ra Đạo Thánh với 10 Điều Răn, để dẫn dắt dân tộc Do Thái khỏi vòng nô lệ của Ai Cập, và lập ra một nước Do Thái độc lập và hùng cường.

    II. Kinh Thánh Tân Ước

    Kinh Thánh Tân Ước là sách kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Đức Chúa Jésus, những lời giảng dạy của Ngài và các hoạt động của các Thánh Tông đồ.

    Kinh Thánh Tân Ước gồm 4 phần:

    - Phần 1: là các sách Phúc Âm (Tin Mừng hay Tin Lành) ghi lại 4 Thánh sử của Đức Chúa Jésus do 4 vị Thánh viết ra là: Ma-thi-ơ, Mác, Luca, Giăng.

    - Phần 2: nói về Công vụ của các Sứ đồ, ghi lại các hoạt động truyền đạo của các Thánh Tông đồ, do Thánh Luca viết ra.

    - Phần 3: là các Thánh thơ của các Thánh Tông đồ gởi cho các Giáo đoàn.

    - Phần 4: là sách Khải Huyền của Thánh Giăng. Ngài được Đức Chúa Trời ban ơn cho lên Thiên đường xem thấy những việc huyền diệu của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jésus, thấy được tương lai của nhơn loại như thế nào, sau đó, Ngài được đưa trở về thế gian và ghi chép lại các điều trông thấy đó.

    Mười Điều Răn của Đạo Thiên Chúa, chính là 10 Điều Răn mà ĐCT đã ghi trên hai tấm bảng đá, ban cho Thánh Môi-se trên núi Sinai để đem xuống dạy dân Do Thái:

    · Phải thờ kính Thiên Chúa trên hết mọi sự.
    · Không được lấy danh Thiên Chúa làm những việc phàm tục.
    · Dành ngày Chúa nhựt để thờ phụng Thiên Chúa.
    · Thảo kính cha mẹ.
    · Không được giết người.
    · Không được Tà dâm.
    · Không được gian tham, lấy của người khác.
    · Không được làm chứng dối, che giấu sự gian dối.
    · Không được ham muốn vợ hoặc chồng người.
    · Không được ham muốn của cải trái lẽ.

    Mười Điều Răn nói trên, quy lại chỉ có hai việc: Kính Chúa và Yêu người.

    Giáo Hội Thiên Chúa giáo qui định thêm 6 Điều Răn:

    · Xem lễ ngày Chúa nhựt và các ngày lễ buộc.
    · Kiêng việc xác ngày Chúa nhựt.
    · Xưng tội mỗi năm một lần.
    · Chịu lễ mùa Phục sinh.
    · Giữ chay những ngày qui định.
    · Kiêng ăn thịt những ngày qui định.

    Kinh Thánh Tân Ước nối tiếp và tái xác nhận Kinh Thánh Cựu Ước. Ai giữ được các Điều Răn Cấm, lo tu hành lập công bồi đức thì sẽ được Đức Chúa Trời rước về cõi Thiên đường. Cho nên, Kinh Thánh Tân Ước được xem là bản Đệ Nhị Thiên Nhơn Hoà Ước, thời Đức Chúa Jésus, tức thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ. (Xem thêm: Thiên Nhơn Hòa Ước, vần Th)

  • Tần quốc - Tần nhơn

    Tần quốc - Tần nhơn

    秦國 - 秦人

    A: Cambodia - Cambodian.

    P: Cambodge - Cambodgien.

    Tần quốc là nước Tần, tức là nước Cao Miên.

    Tần nhơn là người Tần, tức là người Cao Miên, nói vắn tắt là người Miên, khi xưa gọi là người Thổ (Thổ nhơn).

    Thủ đô nước Cao Miên là Phnompênh, người Việt thường gọi là Nam Vang, Đạo Cao Đài gọi là Kim Biên.

    Trước đây Hội Thánh Ngoại Giáo của Đạo Cao Đài đặt tại Kim Biên, dưới quyền chưởng quản của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn. Khi Hội Thánh Ngoại Giáo tại Kim Biên bị giải thể, Đức Phạm Hộ Pháp lập tại Nam Vang một Tông Đạo lấy tên là Kim Biên Tông Đạo. (Xem chữ: Kim Biên, vần K)

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Đã trải qua 11 năm, Bần đạo mới để bước lại Cao Miên, tức nhiên Tần quốc.

    Có rất nhiều người Cao Miên theo Đạo Cao Đài, nên Hội Thánh lập Tông Đạo Tần Nhơn để chăm sóc và hướng dẫn các tín đồ Tần nhơn.

    Tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, Tông Đạo Tần Nhơn có thiết lập một Văn phòng liên lạc, gọi là Văn Phòng Tông Đạo Tần Nhơn, trước cổng có gắn đôi liễn:

    宗道同門昔日開林成聖域
    秦人合種今朝向善享天恩
    Tông Đạo đồng môn tích nhựt khai lâm thành Thánh vức,
    Tần Nhơn hiệp chủng kim triêu hướng thiện hưởng Thiên ân.

    Nghĩa là:

    Những tín đồ Đạo Cao Đài trong Tông Đạo Tần Nhơn, ngày xưa, đã khai phá rừng thành vùng Thánh địa,
    Người Cao Miên hợp cùng chủng tộc của họ, ngày nay hướng về điều lành sẽ hưởng được ơn huệ của Đức Chí Tôn.

    Trong quyển Đạo Sử 2 của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, trang 176, có bài Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông ngày 13-12-Bính Dần (dl 16-1-1927) nói về Tần nhơn, trích ra sau đây:

    "Người Thổ nhơn gốc con cái nhà Tần, biết đạo Phật, chẳng biết đạo Nho, một phen lầm lỡ, phải đọa muôn đời.

    Nước gần tiêu diệt. May thay! Thầy đã đến mà chúng nó cũng là con yêu dấu của Thầy, hay đặng tự nhiên đến. Cười...

    Vì vậy mà Thầy hằng nói với Lão rằng: Khi môn đệ Ta đến đâu thì cây cờ hiệu của Ta cặm nơi đó. Các con Ta trong các nước, hễ thấy thì đến, trừ ra loài Tà thần Tinh quái. Cười....

    Thật quả vậy, chư sơn Thổ nhơn cần phải chịu dạy dỗ nhiều lắm đó....

    Chư Đạo hữu thấy đức tin của người Thổ (Tần nhơn) lớn là dường nào chưa? Chẳng phải như người Nam vậy.

    Ôi! Thương thay! Một nước chẳng Đạo nhà thì thế nào đặng vậy."

    Nhơn dịp Ông Giáo Sư Thái Chia Thanh, Khâm Trấn Đạo Tần Nhơn khánh thành Văn Phòng Tần Nhơn trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 17-3-Mậu Thân (dl 14-4-1968) Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước đến dự có đọc một bài Huấn Từ, chép ra sau đây:

    Kính Hội Thánh,

    Kính quí Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu nam nữ Tần nhơn.

    Tiếp được thiệp của vị Khâm Trấn Đạo Tần nhơn mời dự Lễ Khánh Thành Văn Phòng Tần Nhơn, tôi hân hạnh thân hành đến dự và rất vui được thấy vị Khâm Trấn đã dày công tạo được một Văn Phòng rất xứng đáng giữa dinh thự của Hội Thánh. Đây là sự kiện minh xác hạnh đức thắng tài năng vì vị Giáo Sư Thái Chia Thanh đã áp dụng sự nhỏ nhoi, hạ mình mà được sự ủng hộ tốt đẹp của Hội Thánh và toàn đạo trong vùng Thánh địa.

    Hồi tưởng lại khi xưa, người Miên xuống đây đông đảo, chịu dưới quyền chỉ huy của Đức Cao Thượng Phẩm, ra công khó nhọc đốn cây phá rừng, khai đường mở ngõ. Làm mà vui, lại tỏ nghĩa sùng thượng Đức Cao Thượng Phẩm, thậm chí bao nhiêu Đạo hữu Tần nhơn buổi nọ đều bỏ họ mình, lấy họ Cao mới vừa lòng.

    Vị Giáo Sư Khâm Trấn tạo được Văn Phòng nầy là một công nghiệp đáng khen, nhứt là với hai bàn tay trắng mà làm được một việc mà với người khác không phải với hai bàn tay trắng mà thành công.

    Kết quả nầy minh chứng lời Đức Hộ Pháp khi Đức Ngài còn tại tiền thường nói rằng: Bắt gió nắn hình. Thật không sai.

    Tôi có lời khen vị Giáo Sư Thái Chia Thanh và tôi cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng ban ân lành cho Giáo Sư. Nay kính.

    Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

    BẢO THẾ

    Thừa Quyền Thượng Sanh

  • Tần Tấn

    Tần Tấn

    秦晉

    Tần Tấn là hai nước lớn vào thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu. Nhà vua của hai nước ấy cưới gả con cái hai bên cho nhau trải qua nhiều đời.

    Do đó, từ ngữ: Tần Tấn hay Tấn Tần là chỉ sự kết thông gia giữa hai họ, sự kết hôn giữa trai và gái.

  • Tẫn liệm

    Tẫn liệm

    殯殮

    A: To wrap a corpse in a shroud and to coffin.

    P: Envelopper le mort et le mettre en bière.

    Tẫn: còn đọc là Tấn: đặt xác người chết vào quan tài rồi đóng kín lại. Liệm: bọc xác người chết bằng nhiều lớp vải rồi đặt vào quan tài.

    Tẫn liệm là dùng vải trắng và các thứ vật liệu để bọc xác người chết, rồi đặt vào quan tài, đậy nắp, đóng kín lại.

    Kinh Tẫn Liệm là bài kinh để đồng nhi tụng trong nghi thức làm lễ Tẫn liệm.

    Nghi thức làm Lễ Tẫn Liệm:

    Phải cúng Đức Chí Tôn nhằm Tứ thời tại Thiên bàn nơi tư gia, có dâng đủ Tam bửu (bông, rượu, trà) và Sớ Tân cố.

    Khi hành lễ cúng Đức Chí Tôn xong, tất cả người trong gia quyến đều quì lạy cầu nguyện Đức Chí Tôn, rồi đến chỗ người chết quì lạy xác một lần. Đồng nhi khởi tụng Kinh Tẫn Liệm. Tụng xong, tang quyến lạy xác một lần nữa. Vị chứng đàn trở về Thiên bàn xá Đức Chí Tôn và xả ấn.

    Nếu người chết ở phẩm Chánh Trị Sự trở xuống thì vị Chứng đàn là Chánh Trị Sự sở tại, còn người chết là Chức sắc thì vị chứng đàn là Đầu Phận Đạo, Đầu Tộc Đạo hay Khâm Châu Đạo. Phần thượng sớ Tân cố thì Đầu Phận hay Đầu Tộc Đạo dâng sớ tại Thánh Thất, hay tư gia người chết cũng được.

    Cách Tẫn Liệm:

    Sách Tang lễ của Hội Thánh dạy cách Tẫn Liệm như sau:

    1. Lau thi thể và thay quần áo:

    Khi người đã tắt hơi, thân nhân dùng nước thơm (nước nấu với các lá thơm) lau rửa thể xác cho sạch sẽ, rồi thay quần áo cho tươm tất, sửa thế nằm cho ngay thẳng, chơn mang vớ, tay bọc bao tay (lấy vải may hai cái túi để bọc hai bàn tay), đắp trên mặt một tấm vải trắng hình tam giác, bề đứng 0m33, góc nhọn để trên.

    2. Cách trị quan:

    Dùng cháo nếp trộn với bột gạch tán nhuyễn nhồi cho kỹ, hoặc dùng vôi bột trộn với dầu phộng cho thật đều và kỹ, trét mấy kẽ hở, mấy đường ván ráp, nhứt là 4 góc quan tài, làm cho thật kỹ, đừng cho hở để ngừa hơi thối xì ra.

    3. Cách Tẫn Liệm:

    Cách thức liệm, có đại liệm và tiểu liệm.

    · Tiểu liệm là vải bọc thi thể bên trong.

    · Đại liệm là bọc thêm một lớp vải bên ngoài.

    ■ Tiểu liệm: Có một sợi dây tung, bề ngang nửa khổ vải, bề dài 4m80. Có một cái khâm gồm hai khổ vải may kế lại, bề dài 4m40. Có ba sợi dây hoành, bề dài mỗi sợi 2m40, dây hoành phải xé hai đầu vô 4 tấc để buộc, bề ngang dây hoành chỉ bằng 1/3 khổ vải.

    ■ Đại liệm: Có một sợi dây tung bề ngang nửa khổ vải, bề dài 4m80. Một cái khâm do hai khổ vải may kế lại bề dài 4m40. Có năm sợi dây hoành, bề ngang bằng 1/3 khổ vải, bề dài 2m40. Dây tung và dây hoành để y, không xé đầu, để buộc cho chắc.

    Người hành sự phải ghi nhớ từ khoảng, khi buộc phải nhớ lòn cái mối để xuôi xuống, bắt đầu buộc từ trên xuống dưới chân.

    Đồ liệm chuẩn bị các món nầy như là: 1 cái gối đầu, 2 tấm áp nhĩ (ép hai bên lỗ tai), 2 cây trường vấn bằng giấy súc, bề dài từ vai xuống tới đầu gối, nhiều kèn vấn bằng giấy súc.

    Trước khi để đồ liệm vô quan tài, phải nhớ đặt 5 sợi dây hoành đại liệm trước nhứt, phân từ trên xuống dưới cho đều khoảng, mỗi sợi phải đặt mực trung tim, đừng cho xê dịch.

    Kế đó trải sợi dây tung đại liệm, cứ giữ mực trung tim.

    Xong, trải cái khâm đại liệm, vẫn giữ mực trung tim.

    Như thế là đồ đại liệm đã trải xong trong quan tài.

    Bây giờ tới đồ tiểu liệm.

    Trải 3 sợi dây hoành tiểu liệm, cũng phân cho đều khoảng từ trên xuống dưới, kế trải dây tung tiểu liệm, rồi tiếp trải cái khâm tiểu liệm. Phải nhớ luôn luôn giữ mực trung tim.

    Đồ đại liệm và tiểu liệm đã trải xong.

    Đặt vào quan tài 2 cây trường, 1 cái gối đầu, 2 tấm áp nhĩ, chỗ nào còn trống thì vấn kèn bổ khuyết.

    Khi khởi sự liệm, nâng đỡ xác thân lên đặt trên các món đồ liệm, sửa tay chân cho ngay thẳng, để kèn vào ép cho chặt.

    Đắp mí khâm bên tả qua trước, đắp mí khâm bên hữu qua sau, phủ mí dưới chân lên trước, phủ mí trên đầu xuống sau. Dây tung cũng vậy, mí dưới phủ lên trước, mí trên phủ xuống sau. Nhớ khi buộc dây, bên tả choàng trên, sợi dây bên hữu choàng dưới, 2 sợi dây choàng nhau 2 bận rồi gút lại, nhớ để cái mối xuôi xuống. Bắt từ trên đầu buộc xuống chân.

    Hễ buộc tiểu liệm rồi thì tới đại liệm, cũng y như vậy.

    Ngoài các vải liệm, bọc thêm bên ngoài một lớp nylon dày cho thật kín càng tốt.

    Điều cần nhứt là đến giờ Tẫn Liệm, người hành sự rờ kỹ ngực người chết xem còn ấm hay không, nếu còn chút hơi ấm thì phải đình chỉ ngay việc Tẫn Liệm.

    Sự Tẫn Liệm là do ý trân trọng quí báu thi hài của người mất, còn bao tay hay chân mang vớ là để xương lóng tay lóng chơn vụn vặt khỏi bị rời đi mất.

    Sau khi đậy nắp quan tài và sơn gắn kỹ càng, đắp một tấm phủ quan có hình Thiên Nhãn tùy theo sắc phái, để giá đèn lên, thắp đèn cầy cho sáng. Nam 7 ngọn, Nữ 9 ngọn.

    Dưới quan tài có thắp một đèn dầu phộng, đặt ngay giữa, gọi là đèn khử trược lưu thanh.

    Việc Tẫn liệm nên bỏ tục lệ coi ngày giờ kiêng tuổi.

    GHI CHÚ: Tấm phủ quan có hình Thiên Nhãn đắp trên quan tài có 4 loại theo màu sắc, phân biệt theo phẩm cấp Chức sắc hay Chức việc nam nữ của người qui liễu.

    · Tấm phủ quan màu đen: dành cho phẩm Đạo hữu nam nữ và các phẩm tương đương.

    · Tấm phủ quan màu đỏ: dành cho Chức sắc nam phái Cửu Trùng Đài phái Ngọc, Bàn Trị Sự nam phái (Chánh, Phó Trị Sự, Thông Sự), và các phẩm Chức sắc nam phái tương đương Lễ Sanh và Bàn Trị Sự của các cơ quan khác.

    · Tấm phủ quan màu xanh: dành cho Chức sắc nam phái Cửu Trùng Đài phái Thượng, 3 phẩm Chức sắc nam nữ Cơ Quan Phước Thiện: Chí Thiện, Đạo Nhơn, Chơn Nhơn.

    · Tấm phủ quan màu vàng: dành cho Chức sắc nam phái Cửu Trùng Đài phái Thái, 3 phẩm Chức sắc nam nữ Cơ Quan Phước Thiện: Hiền Nhơn, Thánh Nhơn, Tiên Tử.

    · Tấm phủ quan màu trắng: dành cho các Chức sắc và Chức việc Cửu Trùng Đài nữ phái, Chức sắc Hiệp Thiên Đài nam nữ, và Chức sắc Ban Thế Đạo nam nữ.

    Sự Tẫn Liệm đã chỉ bày như trên, nghĩa là theo cách thức phải làm như vậy.

    Nhà dư ăn dư để chẳng nói làm chi, đến như những nhà bần hàn cơ cực, kẻ hành sự sáng suốt biết biến chế, bỏ cái nầy, thay cái kia, giấy, vải dùng thứ nhẹ tiền, dùng một lớp vải tiểu liệm là đủ rồi, không cần phải thêm lớp vải đại liệm làm chi. Cây trường và kèn dùng rơm làm nồng, ngoài bao giấy để bớt tốn kém.

    Điều cần nhứt là việc làm phải kỹ càng, thi hài được bao bọc hoàn toàn kín đáo.

  • TẬN

    TẬN

    TẬN: 盡 Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết.

    Thí dụ: Tận chí, Tận độ, Tận thế.

  • Tận chí

    Tận chí

    盡志

    A: With all one"s will.

    P: Avec toute sa volonté.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Chí: ý chí, ý muốn.

    Tận chí là cho đến hết ý chí của mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phần nhiều hữu công mà chưa tận chí.

  • Tận diệt

    Tận diệt

    盡滅

    A: To destroy completely.

    P: Détruire complètement.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Diệt: làm cho tiêu mất.

    Tận diệt là tiêu diệt hoàn toàn, không còn gì.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con biết chăng, hiện nay vì thế gian rất hung bạo nên thời kỳ tận diệt đã hầu kề.

  • Tận đọa tam đồ bất năng thoát tục

    Tận đọa tam đồ bất năng thoát tục

    盡墮三途不能脫俗

    A: To be punished by three ways of pain, without outgoing from the world.

    P: Être puni à trois voies de peine, sans pouvoir sortir du monde.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Đọa: phạt xuống cõi thấp hơn để chịu hình phạt khổ sở. Tam: ba. Đồ: đường. Bất năng: không thể. Thoát tục: thoát ra khỏi cõi trần. Tận đọa: đày đọa hết mức.

    Tam đồ: ba con đường, ý nói ba vòng luân hồi từ kim thạch lên đến nhơn loại. Chuyển kiếp từ kim thạch lên nhơn loại là một vòng, trở xuống bắt đầu trở lại từ kim thạch lên đến nhơn loại thì được hai vòng, lại trở xuống kim thạch và đi lên lần nữa thì được ba vòng, gọi là Tam đồ. Chuyển kiếp cho đủ ba vòng đó, không biết phải mất bao nhiêu ngàn năm.

    Tận đọa tam đồ bất năng thoát tục là một hình phạt vô cùng nặng nề, nhưng cũng còn nhẹ hơn hình phạt Ngũ Lôi tru diệt, vì bị đọa nhưng vẫn còn chơn linh và chơn thần, còn Ngũ Lôi tru diệt là bị giết chết, mất cả chơn linh và chơn thần.

    Bát Nương Diêu Trì Cung giáng cơ giảng giải hình phạt nầy, trích trong Luật Tam Thể, chép ra như sau:

    "Thoảng như bị Tận đọa tam đồ bất năng thoát tục thì chơn linh bị ngăn cản, không được hiệp với chơn thần, làm cho đệ nhị xác thân (chơn thần) phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim thạch cho đến làm người, và phải chuyển kiếp trở lại đủ ba vòng mới được khởi lập công lại.

    - Có phải ba vòng đều trở lại từ bực kim thạch không?

    - Phải vậy.

    - Một vòng cũng đủ giác ngộ rồi, cần gì phải ba vòng?

    - Bởi phạm thệ của Thiên điều chớ không phải phạm tội. Phạm tội cũng có khi trở về kim thạch chớ.

    - Nếu phạm tội thì phạt tới thú cầm là đủ, cần gì phải tới kim thạch?

    - Kiếp Hóa nhân thì về Quỉ vị, còn kiếp Nguyên nhân phải bị đọa đày như vậy mới sánh với Quỉ vị được chớ. Đó là luật Thiên điều đã định. Dầu cho Nguyên nhân hay Hóa nhân cũng đồng hình phạt, lẽ công bình là đó."

  • Tận đồ chi khổ

    Tận đồ chi khổ

    盡途之苦

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Đồ: đường. Chi: hư tự. Khổ: khổ sở.

    Tận đồ chi khổ tới chỗ cuối cùng của con đường khổ sở, nghĩa là khổ sở đến mức cùng cực.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nó có thế nào lôi cuốn chúng ta sẽ tới tận đồ chi khổ hay là xuống cửa địa ngục....

  • Tận độ chúng sanh

    Tận độ chúng sanh

    盡度眾生

    A: To save all the living beings.

    P: Sauver tous les êtres vivants.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Độ: cứu giúp. Chúng sanh: tất cả các loài sanh vật gồm thảo mộc, thú cầm và nhơn loại. Đó là nghĩa tổng quát, nghĩa thường dùng, chúng sanh là nhơn loại.

    Tận độ chúng sanh là cứu giúp tất cả nhơn sanh, không bỏ sót một người nào.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy cũng phải ban quyền hành trọn vẹn của Thầy cho hình thể ấy đặng đủ phương tận độ chúng sanh.

  • Tận lực tận tâm

    Tận lực tận tâm

    盡力盡心

    A: With all one"s force and one"s heart.

    P: De toutes ses forces et son coeur.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Lực: sức. Tâm: lòng dạ.

    Tận lực tận tâm là làm với tất cả sức lực và tấm lòng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mong rằng các con sẽ tận lực tận tâm đắp vững nền Đạo đặng hoàn toàn....

  • Tận mục sở thị

    Tận mục sở thị

    盡目所視

    A: To see with one"s own eyes.

    P: Voir avec ses propres yeux.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Mục: mắt. Sở: tiếng thay cho người hay vật. Thị: thấy.

    Tận mục sở thị là chính mắt mình trông thấy rõ ràng.

  • Tận ngôn

    Tận ngôn

    盡言

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Ngôn: lời nói.

    Tận ngôn là nói hết lời.

  • Tận nhơn lực tri Thiên mạng

    Tận nhơn lực tri Thiên mạng

    盡人力知天命

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Nhơn: người. Lực: sức. Tri: biết. Thiên mạng: mạng lịnh của Trời.

    Tận nhơn lực là đem hết sức lực của con người mình ra làm việc. Tri Thiên mạng là biết được mạng lịnh của Trời.

    Con người phàm của mình còn vô minh nên không thể biết được mệnh Trời, cũng không thể ngồi không mà chờ Mệnh Trời, phải đem hết sức lực của mình và trí não thông minh ra làm việc, sự thành công hay thất bại là do Mệnh Trời, lúc đó mới biết được.

    Cho nên có câu: Mưu sự tại nhơn, thành sự tại Thiên. Nghĩa là: Người mưu tính công việc, nhưng thành công là bởi nơi Trời.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Phương ngôn Pháp có câu: "Aide toi, le Ciel t"aidera" và Tiên Nho chúng ta cũng có nói: "Tận nhơn lực tri Thiên mạng", điều nầy hiển nhiên chơn thật lạ lùng, chúng ta ráng hết sức mình thì Chí Tôn mới ban cho cái huyền diệu của Ngài, nếu không ráng, không thế gì hưởng được.

  • Tận số

    Tận số

    盡數

    A: To die.

    P: Mourir.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Số: số mạng, vận mạng.

    Tận số là vận mạng đã hết, tức là chết.

  • Tận tâm điều độ

    Tận tâm điều độ

    盡心調度

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Điều: sắp đặt cho vừa vặn. Độ: cứu giúp.

    Tận tâm điều độ là hết lòng sắp đặt việc cứu giúp.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Thấy người lâm cơn hoạn nạn nguy nan, phải tận tâm điều độ, lo lắng châu toàn cũng như anh em ruột lo cho nhau vậy.

  • Tận thế

    Tận thế

    盡世

    A: The end of world.

    P: La fin du monde.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Thế: đời, cõi đời.

    Tận thế là tiêu diệt hết cõi đời nầy.

    Theo các tôn giáo, Tận thế là một cuộc đại động dữ dội chưa từng thấy, với những trận động đất rất mạnh làm thay đổi bề mặt địa cầu, với những Thiên tai khủng khiếp do thủy, hỏa, phong, rồi bịnh chướng nổi lên sát hại loài người, làm cho loài người gần như chết hết, các Đấng Tiên Phật lúc đó giáng trần, dùng huyền diệu thiêng liêng để cứu sống những người hiền lương đạo đức, thành lập cõi đời Thánh đức chỉ gồm những người thiện lương chơn chánh. Số người được cứu vớt sống sót chỉ bằng một phần mười (1/10) số nhơn loại hiện nay.

    Như thế, Tận thế không có nghĩa là quả địa cầu nầy bị tiêu diệt, nhơn loại chết hết, mà chỉ là một cuộc biến thiên rộng lớn làm thay đổi hình thể mặt đất, tiêu diệt 9/10 nhơn loại, làm cho cõi đời ác trược của buổi Hạ nguơn Mạt kiếp trở thành cõi đời thiện thanh chơn chánh, gọi là đời Thượng nguơn Thánh đức, với những người hiền lương đạo đức, theo đúng luật Tuần hoàn của Trời Đất, luân chuyển trong ba Nguơn: thượng nguơn, trung nguơn, hạ nguơn, rồi bắt qua thượng nguơn của Chuyển kế tiếp.

    Nhơn loại trên quả địa cầu hiện nay đang ở vào cuối Chuyển thứ ba, tức là vào thời Hạ nguơn Mạt kiếp của Chuyển thứ ba, sau khi Tận thế thì nhơn loại bước vào Thượng nguơn của Chuyển thứ tư.

    Trải qua 3 Chuyển, nhơn loại trên địa cầu đã bị 2 lần Tận thế. Theo các kinh sách xưa truyền lại thì:

    1- Tận thế lần thứ nhứt, chép trong Kinh Thánh Cựu Ước của Do Thái giáo, là do trận đại hồng thủy.

    Kể từ khi Thượng Đế sanh ra loài người và để cho tiến hóa, thì loài người tiến hóa theo đường vật chất, quên mất nguồn cội và đạo đức tinh thần, tội ác càng ngày càng chồng chất. Thượng Đế nhìn thấy chỉ có gia đình ông Nô-ê là còn giữ được đạo đức và công bình. Ngài ban ơn cho Nô-ê, bảo Nô-ê đóng một chiết tàu thật lớn, khi có nước lụt lớn thì đem tất cả gia đình lên tàu, gồm vợ, ba con trai, ba con dâu, lương thực và các loài sinh vật mỗi loài một cặp trống mái.

    Thượng Đế gây ra trận đại hồng thủy, nước ngập khắp mặt đất, tiêu diệt hết nhơn loại và sinh vật, chỉ còn gia đình ông Nô-ê và các sinh vật trên tàu sống sót.

    Khi nước lụt rút hết, gia đình ông Nô-ê và các sinh vật rời khỏi tàu, lên mặt đất canh tác, tạo ra thực phẩm, sống và sanh sản càng lúc càng nhiều. Vợ chồng ông Nô-ê trở thành thủy tổ của loài người sau cuộc Tận thế lần thứ nhứt.

    2- Tận thế lần thứ nhì, châu Atlantide sụp đổ.

    Loài người nối tiếp qua nhiều thế hệ, lần lần khôn ngoan và tiến bộ, và cũng xu hướng vào đường vật chất, xa lánh đạo đức tinh thần. Càng tiến bộ khôn ngoan thì càng tự kiêu tự đại, khinh rẻ Thánh Thần. Dấu tích của nền văn minh nầy còn ghi lại trong các Kim Tự Tháp ở Ai Cập.

    Đến kỳ Phán Xét của Thượng Đế, những giống dân nào vô đạo đức thì bị trừng phạt hay tiêu diệt. Do đó xảy trận động đất dữ dội làm sụp đổ châu Atlantide, tạo thành biển Đại Tây Dương. Nền văn minh Atlantide cùng với giống dân vô đạo bị tiêu diệt, nhơn loại trở lại thời kỳ bán khai.

    Tóm lại, qua hai thời kỳ Tận thế mà chúng ta biết được qua các kinh sách, chúng ta thấy, Tận thế chỉ là một cuộc Đại Phán xét của Thượng Đế đối với nhơn loại, công thưởng tội trừng. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thi hành theo đúng Luật Nhân Quả, sau những thời kỳ chuyển luân tiến hóa nhứt định.

    3- Tiên tri Tận thế lần thứ ba:

    Hiện nay, giống dân da trắng đang làn bá chủ nhơn loại trên mặt địa cầu nầy. Giống dân da trắng không đem sự khôn ngoan và sự văn minh tiến bộ giúp đỡ các giống dân khác kém văn minh hơn, lo tổ chức xã hội cho được thuần lương đạo đức, mà lại dùng sức mạnh bắt các giống dân khác làm nô lệ cho họ, đồng thời xúi giục các giống dân, các tôn giáo gây chiến với nhau, tương tàn tương sát để họ thủ lợi.

    Mặt khác, thời kỳ nầy lại rơi đúng vào cuộc tuần hoàn giáp mối của thế giới, ở vào thời Mạt kiếp của Hạ nguơn Tam chuyển, bước qua Thượng nguơn Tứ chuyển. Đấng Thượng Đế cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mở ra một cuộc Đại Phán xét lần thứ ba gọi là Đại Hội Long Hoa, để kết thúc một khoảng thời gian tiến hóa dài.

    Loài người hiện nay rất tội lỗi, nên cuộc Tận thế kỳ nầy rất dữ dội, nhơn vật 10 phần bị tiêu diệt hết 9 phần, chỉ còn lại một phần sống sót, gồm toàn là những người hiền lương, để lập đời Thượng nguơn Thánh đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: * Kỳ Hạ nguơn hầu mãn, nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, mười phần còn lại một mà thôi. Than ôi! buồn thôi! Nghĩ vì Thiên cơ đã định vậy, thế nào mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện mà ăn năn sám hối, lo việc tu hành, đồng với cả quốc dân mà quị lụy khẩn cầu coi Trời có đoái tưởng đến chăng?

    Bởi thế nên Đức Ngọc Đế và chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, mới lập Hội Tam Kỳ Phổ Độ đặng cứu vớt chúng sanh đương linh đinh nơi bể khổ. Nếu gặp Thuyền Bát Nhã mà không xuống không theo thì chắc thế nào cũng chơi vơi nơi mé biển.

    * Đời quá dữ, tội tình ấy, hình phạt kia cũng đáng đó chút. Lão vì thương yêu nhơn sanh, hội mười ngày nơi Bạch Ngọc Kinh, cãi cho qua nạn nhơn loại, nhưng luật Thiên điều chẳng dễ chi sửa đặng.

    Nạn tiêu diệt hầu gần, hết chém giết lẫn nhau, tới buổi bịnh chướng sát hại. Lão thấy hình phạt phải châu mày, nhưng ôm lòng ráng chịu, lạy lục khẩn cầu, chư Đạo hữu đâu rõ thấu, ngơ ngơ ngáo ngáo như kẻ mất hồn, thấy càng thảm thiết.

    Lão tưởng chẳng cần phải nói chi một nước nhỏ nhoi, đã đặng danh Thánh địa là nước Nam nầy, mà Lão xin không đặng tội cho thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Huế, Hải Phòng, Hà Nội thay. Thảm! Thảm! Thảm!

    * Họa Âu tai Á sẽ vì nơi Thiên thơ mà sát phạt, gieo sầu để thảm cho những giống dân nào đã vì hung bạo mà gây nên nhiều điều thán oán khắp cả Càn Khôn nầy.

    * Ngày vui vẻ của sanh linh đã mòn, họa Thiên điều đã cận, Càn Khôn Thế Giới còn đeo đuổi dụng thất đức vô nhân mà gieo thảm chất sầu trong nhơn loại.

    Họa Âu tai Á sẽ lần lượt thay phiên nhau, dụng luật Thiên đình mà diệt phạt người vô đạo. Càn Khôn cũng vì đó mà phải điên đảo.

    Thầy lấy đức háo sanh mở đạo lần ba mà vớt kẻ hữu phần, tránh khỏi nơi buộc ràng khổ phạt. Ai hữu phước đặng để chân vào, kẻ vô phần phải bị tà yêu cám dỗ.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về Tận thế như sau:

    "Cơ quan chuyển thế mà Đức Chí Tôn lập trước mắt sẽ dữ dội lắm! Tấn tuồng đó vẫn còn tiếp diễn chưa dứt.

    Bần đạo quả quyết rằng, sẽ còn đại động dữ dội một phen nữa nơi mặt địa cầu nầy. Đặng chi? đặng giống dân da trắng giao quyền cho sắc dân mới nữa là giống dân Thần thông nhơn làm chủ, cầm giềng mối toàn mặt địa cầu nầy.

    Hại thay! Luật thiên nhiên chiếu theo kinh luật thượng cổ để lại, quan sát hẳn hoi, dở sách ra coi thấy trước thế nào, sau thế ấy, bánh xe tiến hóa vẫn đi, xây một hướng một chiều.

    Bần đạo e cho loài người mài miệt tội lỗi đó càng nguy hại cho loài người hơn nữa, nên Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài là đền thờ cao trọng, đức tin to lớn, ngự trước Thiên lương loài người mới có thể thắng cơ quan Thiên điều định trước.

    Chúng ta, Thánh thể của Ngài, giúp Ngài giải quyết được chăng? Nếu thoảng không được, cái hại nầy còn duy trì nữa.

    Ngài muốn Việt Nam là Thánh địa, cho nhơn loại biết rằng nhờ đây mà giải quyết cứu thế, bảo tồn nhơn loại là do con cái của Ngài, do nơi chúng ta. Nếu bất lực, chúng ta có phần lỗi đó vậy." (Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp Q.I tr. 80)

    "Kiếp số của địa cầu nầy còn vĩnh cửu, chỉ thay đổi hình thể, vạn loại mà thôi, nó vẫn còn tăng tiến mãi.

    Chúng ta đã ngó thấy qua chừng 100 năm trước, văn minh của con người không đạt đến mức hiện tượng như bây giờ. Cơ tấn bộ tinh thần và vật chất dữ dội nhứt là trong vòng 50 năm sau. Theo đó mà tính toán lại coi, trong 500 năm nữa, nhơn loại sẽ ra sao?

    Phật giáo nói, qua sắc dân da trắng, tinh thần vi chủ, tới sắc dân Thần thông nhơn, qua khỏi dân Thần thông nhơn thì có sắc dân Chí linh. Lúc đó người là Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế. Như vậy còn hai sắc dân nữa cho 500 năm sau." (Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp Q.I trang 132)

    Lời Đức Chí Tôn tiên tri đã quyết định hẳn hòi:

    Chừng nào đất dậy trời thay xác,
    Chư Phật, Thánh, Tiên xuống ở trần.

    Trong sách Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn có nói:

    "Nạn tiêu diệt lẽ nào, các con có biết chăng?

    Một ngày kia, những con nào biết đạo đức, ăn chay lạt, thân thể nhẹ nhàng, hiệp với khí Tiên Thiên thì lúc Dương sanh mới có thể chịu nổi với khí ấy mà còn vững vàng sống đặng; còn những con vô đạo bị cả khí Hậu Thiên, nên tới ngày Âm tuyệt Dương sanh ấy, chúng nó sẽ không bao giờ hứng chịu nổi khí chơn Dương, nên phải dứt hơi lìa mạng.

    Vậy thì ngày nay thế giới đã gần đúng luật tuần hoàn, Thầy đến đặng đem các con vào một thế giới khác mà an nghỉ hầu tầm cơ siêu xuất đến cảnh Thần Tiên.

    Các con chẳng nên khinh lời ấy là dị đoan, một ngày kia sẽ có.

    Thái Cực lâm trần buổi Hạ nguơn,
    Giơ tay độ chúng lại đường chơn.
    Con nào thấu đáo cơ mầu nhiệm,
    Thấy vậy không lo lại biếng lờn."

    * Quyển sách Tận Thế và Hội Long Hoa có viết:

    Tận thế bằng cách nào? Hội Long Hoa thế nào?

    Đó là một cuộc lọc lựa lớn lao và kỳ diệu của Đức Thượng Đế, mà với trí phàm của con người khó thể nghĩ bàn được, vì nó làm thay đổi tất cả vạn vật một cách mầu nhiệm và chớp nhoáng.

    Sau một cuộc lỡ đất long trời tối tăm mù mịt, người đứng cách nhau trong gang tấc cũng không thấy nhau, tiếng cây ngã, đá bay và có những tiếng khóc than thảm thiết kêu cứu, mà không ai có thể làm sao giúp nhau cho được.

    Trong lúc đó, những cái cũ kỹ, những cái trái ngược đạo lý, những cái đảo lộn nhơn tâm và những điều không tương ứng với cơ Tạo Hóa, bên trong cũng như bên ngoài con người, thảy thảy đều bị tận diệt hết cả.

    Về bên ngoài của con người:

    - Những loại thuộc về khoáng vật như: đao, kiếm, súng ống, bom đạn, v.v...

    - Những loại thuộc về thực vật như cây có gai, cây có chất hôi, chất độc, và cây vô dụng vô ích, v.v...

    - Những loài động vật độc hại như rắn, rít, sói, lang, hùm, beo, v.v...

    Nói tóm lại những loại bên ngoài con người, bất kỳ thứ nào, dù khoáng vật, thực vật, hay động vật, hễ là loại không có ích cho thời đó về sự mát mẻ, cũng như về sự cần dùng, mà ngược lại còn làm tổn hại con người, thì đều bị tiêu diệt hết cả.

    Về bên trong của con người:

    Nhứt thiết về ngôn ngữ, tư tưởng và hành động bất công bất chánh, không đạo đức, đê tiện xấu xa,.... mà con người đã có từ trước đều bị tiêu diệt ngay trong lúc biến thiên ấy.

    Tại sao? Vì kẻ đã có những bẩm tánh và hành vi tồi tệ chắc chắn không được tồn tại, trái lại, người được tồn tại trong thời đó, nhứt định không có những chỗ xấu xa kia.

    Tại sao Đức Ngọc Đế có quyền tiêu diệt cả vạn vật ở quả địa cầu nầy? Vẫn được và càng được nhiều hơn nữa trong thời Mạt pháp nầy, bởi lẽ Ngài là một vị cầm cán một cơ quan chưởng quản cả vạn vật ở cõi ngũ trược ác thế nầy, nên chi lúc nào Ngài cũng có quyền chiếu theo Công lý của Luật Nhơn Quả báo ứng mà thưởng phạt vạn vật ở thế gian.

    Tuy nhiên, trước khi đem ra trừng trị vạn vật, mà nhứt là con người, về những tội lỗi hung hăng giảo quyệt thì Đức Ngọc Đế cùng Đức Phật, đồng ý cho các vị Thinh Văn, Duyên Giác, La Hán, Bồ Tát và các bực Thần Tiên gấp rút lâm phàm, cùng một khẩu hiệu, cùng một giáo pháp (song có nhiều thể thức khác nhau, ấy là tùy theo căn cơ và địa vực) để dạy dỗ, kêu réo những người có thiện căn, có âm đức, mau mau hồi đầu thức tỉnh, lánh dữ về lành, hầu có nhờ sự ủng hộ của các Đấng Tiên, Phật, Thánh, Thần, để tránh khỏi cơ tận diệt tới đây.

    Đồng thời các vị thiêng liêng ấy cho người đời biết trước Hội Long Hoa sẽ mở tại thế gian ở miền Nam nước Việt.

    Hội Long Hoa thế nào?

    Long Hoa là một hội chọn lựa những phần tử ưu tú có đạo đức chơn chánh, có hiếu hạnh đầy đủ, có trung nghĩa vẹn toàn, nói tóm lại là những người tâm tánh trong sạch hiền lương, để lập lại cõi đời an lạc công bằng ở thời kỳ Thượng nguơn.

    Trong khoảng kế cận Hội Long Hoa, tất cả loài người loài vật, cho đến thảo mộc côn trùng trên thế gian đều ở trong cảnh giết hại tàn phá lẫn nhau, và đau đớn hơn hết là con người đua nhau nồi da xáo thịt, gây nên nạn đớn đau thê thảm.

    Đến ngày Hội Long Hoa, sẽ có nhiều việc nhiệm mầu không thể tưởng tượng được, nào là hai phái Tà giáo và Chánh giáo đua nhau trổ tài đấu phép, làm kinh Thiên động Địa, nào là loài người và thú sát hại nhau làm Thần sầu Quỉ khóc.

    Trong cảnh ấy, hai phái Chánh giáo và Tà giáo xô nhau đến cảnh giết chóc, xương chồng tợ núi, máu chảy thành sông, mà chung qui phái Chánh giáo trọn thắng, nhờ Bí pháp của Đức Phật phù trợ; còn những loại thú dữ do phép mầu của Thần Tiên hóa hiện để sát phạt những người có lòng ác độc, tuy mang lốt người mà chẳng chút giống người, chỉ biết xu danh trục lợi, ích kỷ tổn nhân, nói tóm lại là lòng dạ của họ như thú vật nên bị thú vật giết hại đúng theo phản lực Nhân quả.

    Sau khi trừ khử xong những hạng ác nhân, thì các vị Thần Tiên thâu phép mầu lại, các loài thú dữ không còn nữa.

    Đến đây là lúc các vị Tiên Phật Thánh Thần đồng giáng phàm, để tùy theo nhân duyên mà cứu độ, nghĩa là người có duyên với Phật thì Phật rước về cõi Phật, người có duyên với Tiên thì được Tiên rước về cõi Tiên, còn những người vào bảng Phong Thần thì làm Thần, những người kém đức hạnh hơn mấy hạng nói trên thì ở lại làm dân hay làm quan phò chúa Thánh.

    Có một điều lạ nhứt là phần nhiều và có thể nói là gần hết các vị cựu thần trung quân ái quốc của Việt Nam từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần trở lại đây đều tái kiếp.

    Trong cảnh Tà Chánh phân tranh, nhân vật cấu xé, Đức Di-Lạc ra đời lập Hội Long Hoa, có cả chúng sanh của 3000 thế giới tham thính như Thinh Văn, Duyên Giác, La Hán, Bồ Tát, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, người, rồng, hổ, điểu, v.v.... đều xoay quanh bửu tòa của Ngài để nghe những lời vi diệu mầu nhiệm chưa từng có.

    Ngài sẽ thống nhứt tất cả kinh luật lại làm một khiến cho tất cả chúng sanh không còn sự tranh chấp câu nệ đạo nầy chánh đạo kia tà. Ngài là vị Phật thứ năm trong năm vị Phật hiền kiếp.

    Vào thời kỳ Mạt pháp nầy, đến lượt Ngài ra đời kế truyền Chánh pháp của Đức Thích Ca, bởi sau khi Đức Thích Ca diệt độ đến nay đã hơn 2500 năm, lời di giáo bị sai lạc tinh lý vì bị truyền qua dịch lại nhiều lần.

    Cũng nhờ Ngài mà nhơn loại sẽ được một thế giới trang nghiêm thanh lịch, an lạc phi thường. Đường đi như lót cẩm thạch, cỏ tợ nệm bông, người đẹp như Tiên, không làm có ăn, không may có mặc, cư xử với nhau rất hiền hòa và lịch sự.

    Với mỹ lệ ấy, con người lại có cái đặc biệt là không cánh mà bay, sống lâu muôn tuổi, trí hóa thông minh một cách dị thường. Vì phần nhiều là người thượng cổ tái kiếp, nên phong tục tạp quán được gìn giữ nghiêm minh.

    Đây là nói ngay xứ Việt Nam. Sở dĩ nước Việt Nam được cái diễm phúc như nói trên là bởi các vua chúa đến quan dân Việt Nam vào thời Đinh, Lê, Lý, Trần trở lại đây, phần nhiều đều qui ngưỡng về Phật đạo, Tiên đạo và Nho đạo một cách thâm thiết, trong đó có một vị vua phát nguyện sau khi thành đạo sẽ trở lại chủ trì nền đạo và phong tục Việt Nam. Nhờ công quả và công đức ấy, khiến cho thay đổi địa vị nước Việt Nam vậy, và nước Việt Nam sẽ trở thành địa điểm trung ương của đời Thượng nguơn, đó là vì tuần tự theo định luật tuần hoàn của cơ Tạo Hóa./.

    Tóm lại:

    Các Đấng thiêng liêng đã tiên tri kỳ Tận Thế nầy rất dữ dội, nhơn loại sẽ bị tiêu diệt hết 90 % bằng nhiều cách:

    - Chiến tranh tương tàn tương sát với vũ khí nguyên tử và hóa học tối tân, giết người hằng loạt, cùng đánh nhau rồi cùng chết hết, không có kẻ thắng người bại.

    - Cuộc đại động đất dữ dội làm thay đổi hình thể mặt địa cầu, có nơi chìm xuống có chỗ nổi lên.

    - Bịnh chướng sát hại lan tràn chỗ nầy sang vùng khác.

    - Và cuối cùng là Ngũ Hành thay đổi, khí Âm tuyệt, khí Dương sanh để loại bỏ phần nhơn loại có tâm tánh ô trược.

    Nhưng trước khi khởi động Đại cuộc Tận Thế, Đức Chí Tôn Thượng Đế mở lòng đại từ đại bi, dùng huyền diệu cơ bút, khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1926), để thức tỉnh số lương sanh trong đám quần sanh, hầu cứu vớt được một phần nhơn loại gồm những người thiện lương đạo đức, để làm hạt giống lập đời Thượng nguơn Thánh đức.

  • Tận thiện tận mỹ

    Tận thiện tận mỹ

    盡善盡美

    A: Perfectly good and fine.

    P: Parfaitement bon et beau.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Thiện: lành. Mỹ: đẹp, tốt.

    Tận thiện tận mỹ là trọn lành trọn tốt (hoàn toàn).

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Bảo hộ nhơn loại và vạn vật lên tới địa vị tận thiện tận mỹ: người thì tận thiện, còn vật thì tận mỹ.

  • Tận tụy

    Tận tụy

    盡瘁

    A: To be entirely devoted.

    P: Être très dévoué.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Tụy: nhọc mệt.

    Tận tụy là làm việc hết sức mình, cố gắng giải quyết các khó khăn để hoàn thành công việc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mà nếu rủi dìu họ không được thì phải tận tụy với trách nhiệm, làm thế nào đừng cho họ sa đọa Phong đô.

  • Tận tuyệt

    Tận tuyệt

    盡絕

    A: Absolutely finished, To annihilate completely.

    P: Absolument fini, Anéantir complètement.

    Tận: Hết, hết dứt, xong, hoàn toàn, chết. Tuyệt: dứt, hết.

    Tận tuyệt là dứt hết, không còn gì sót lại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão còn cầm quyền ngày nào thì Lão quyết trừ diệt những kẻ tà tâm cho tận tuyệt.

  • TẬP

    TẬP

    1. TẬP: 習 Năng làm cho quen, thói quen.

    Thí dụ: Tập quán, Tập thành.

    2. TẬP: 集 Nhóm họp lại, thu thập.

    Thí dụ: Tập kiết nghinh tường.

  • Tập dữ tánh thành

    Tập dữ tánh thành

    習與性成

    Tập: Năng làm cho quen, thói quen. Dữ: cùng, cho. Tánh: tánh cách. Thành: nên.

    Tập dữ tánh thành là làm mãi cho thành tánh cách, tức là làm mãi cho thành thói quen.

  • Tập kiết nghinh tường

    Tập kiết nghinh tường

    集吉迎詳

    Tập: Nhóm họp lại, thu thập. Kiết: Cát: điều tốt. Nghinh: đón tiếp. Tường: lành. Kiết tường: điều tốt lành.

    Tập kiết nghinh tường là thâu thập điều tốt, tiếp đón điều lành.

    Thành ngữ nầy thường gặp trong Sớ Văn thượng tấu.

  • Tập quán

    Tập quán

    習慣

    A: Habit.

    P: Habitude.

    Tập: Năng làm cho quen, thói quen. Quán: từng quen.

    Tập quán là thói quen.

  • Tập thành

    Tập thành

    習成

    A: To train.

    P: Entraýner.

    Tập: Năng làm cho quen, thói quen. Thành: nên.

    Tập thành là làm nhiều lần cho quen cho giỏi.

    Kinh Sám Hối: Ráng tập thành sửa tánh từ hòa.

  • Tập trung tư tưởng

    Tập trung tư tưởng

    集中思想

    A: To concentrate the thought on....

    P: Concentrer la pensée sur....

    Tập: Nhóm họp lại, thu thập. Trung: giữa. Tư tưởng: ý nghĩ.

    Tập trung là dồn tất cả vào chỗ giữa để tăng sức mạnh.

    Tập trung tư tưởng là tập hợp tư tưởng vào một chỗ để suy nghĩ một vấn đề khó khăn cho mau sáng tỏ.

  • Tập tục di nhơn

    Tập tục di nhơn

    習俗移人

    Tập: Năng làm cho quen, thói quen. Tục: thói quen. Di: làm dời đổi. Nhơn: người.

    Tập tục là thói quen đã trở thành phong tục.

    Tập tục di nhơn là thói quen làm cho con người dời đổi, như ở xóm học hành thì quen theo việc học hành, ở xóm cờ bạc thì quen theo nghề cờ bạc.

  • Tất đắc giải thoát

    Tất đắc giải thoát

    必得解脫

    Tất: ắt hẳn. Đắc: được. Giải thoát: cởi bỏ ra hết để thoát khỏi luân hồi. Tất đắc: ắt hẳn được.

    Tất đắc giải thoát là ắt được giải thoát khỏi luân hồi.

    Di Lạc Chơn Kinh: Tất đắc A Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề tất đắc giải thoát.

  • Tất kiến

    Tất kiến

    悉見

    A: To understand thoroughly.

    P: Connaýtre à fond.

    Tất: biết rõ. Kiến: thấy biết.

    Tất kiến là thấy biết rõ, thông suốt.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Vạn loại thiện ác tất kiến.

  • Tất niên

    Tất niên

    畢年

    A: The end of the year.

    P: La fin de l"année.

    Tất: xong hết. Niên: năm.

    Tất niên là hết năm.

  • Tất Viên - Phương Sóc

    Tất Viên - Phương Sóc

    漆園 - 方朔

    Tất: cây sơn, nhựa của nó dùng làm sơn. Viên: vườn.

    Phương: hướng. Sóc: hướng Bắc.

    ■ Tất Viên là vườn cây sơn. Từ ngữ nầy trở thành địa danh, là tên của một vùng đất có trồng nhiều cây sơn, thuộc đất Mông nước Lương, bên Tàu.

    Ông Trang Tử, tên là Trang Châu (Trang Chu), lúc trẻ làm một chức quan nhỏ tại thành Tất Viên, nên người ta gọi ông là Tất Viên Lại. Do đó ông Trang Tử lấy hiệu là Tất Viên. Sau, Trang Tử học đạo với Đức Lão Tử, đắc đạo thành Tiên. (Xem chi tiết nơi chữ: Trang Tử, vần Tr)

    ■ Phương Sóc: là ông Tiên tên là Đông Phương Sóc, vào thời vua Hán Võ Đế bên Tàu, tu theo Đức Lão Tử, đắc đạo thành Tiên. (Xem chi tiết nơi chữ: Đông Phương Sóc, vần Đ)

    Kinh Tiên Giáo: Sản Tất Viên, Phương Sóc chi bối.

  • Tất yếu

    Tất yếu

    必要

    A: Necessary.

    P: Necessaire.

    Tất: ắt hẳn. Yếu: cần thiết không thể thiếu được.

    Tất yếu là ắt hẳn rất cần thiết.

  • Tật đố hiền tài

    Tật đố hiền tài

    嫉妒賢才

    A: To be jealous of the talent and virtue of another.

    P: Être jalous du talent et vertu de l"autrui.

    Tật: ghen ghét. Đố: ghét. Tật đố là ghen ghét. Hiền tài: người có tài năng và đức hạnh.

    Tật đố hiền tài là ghen ghét người có tài năng và đức hạnh hơn mình.

  • TẤU

    TẤU

    TẤU: 奏 - Đánh nhạc, - Tâu lên vua.

    Thí dụ: Tấu nhạc, Tấu văn.

  • Tấu nhạc

    Tấu nhạc

    奏樂

    A: To play music.

    P: Jouer de la musique.

    Tấu: Đánh nhạc. Nhạc: âm nhạc, các dụng cụ phát ra âm nhạc.

    Tấu nhạc là dùng các loại nhạc khí đánh lên các bài bản cho hòa âm vào nhau.

  • Tấu thỉnh

    Tấu thỉnh

    奏請

    A: The petition.

    P: La supplique.

    Tấu: Tâu lên vua. Thỉnh: thỉnh cầu, cầu xin.

    Tấu thỉnh là tâu lên vua để cầu xin một điều gì.

  • Tấu văn

    Tấu văn

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1 Tấu văn:

    奏聞

    A: To report to the king.

    P: Rapporter au roi.

    Tấu: Tâu lên vua. Văn: nghe.

    Tấu văn là tâu lên cho vua nghe.

    Thượng tấu dĩ văn: 上奏以聞 Thượng tấu dĩ văn là tâu lên để vua nghe.

    * Trường hợp 2 Tấu văn:

    奏文

    A: The petition to the king.

    P: Le placet au roi.

    Tấu: Tâu lên vua. Văn: bài văn.

    Tấu văn là bài văn tâu lên vua, đồng nghĩa: Sớ văn.

  • TẨU

    TẨU

    TẨU: 走 Chạy.

    Thí dụ: Tẩu tán, Tẩu thú.

  • Tẩu hỏa nhập ma

    Tẩu hỏa nhập ma

    走火入魔

    Tẩu: Chạy. Hỏa: lửa, sức nóng. Nhập: vào. Ma: ma quỉ.

    Tẩu hỏa là sức nóng chạy thoát ra ngoài, mà sức nóng trong cơ thể con người là khí chơn dương tạo thành sức mạnh, nếu để cho nó mất đi thì cơ thể không còn sức mạnh, nếu khí chơn dương mất hết thì cơ thể chỉ còn khí chơn âm, cơ thể lạnh buốt, đông cứng và chết. Nhập ma: ma quỉ nhập vào.

    Người luyện đạo hay luyện khí công sai phương pháp, vận chuyển khí huyết không đúng cách, làm cho khí chơn dương chạy tiêu tán mất (Tẩu hỏa), cơ thể không còn đủ hơi sức, trở nên yếu ớt, khiến cho tà ma dễ nhập vào người (Nhập ma) mà xúi giục làm điều sái quấy.

  • Tẩu tán

    Tẩu tán

    走散

    A: To disperse.

    P: Se disperser.

    Tẩu: Chạy. Tán: tan ra.

    Tẩu tán là phân chia ra rồi chạy đem cất giấu nhiều chỗ.

    Tẩu tán cũng nghĩa là chạy tản lạc mỗi người một ngả.

  • Tẩu thú

    Tẩu thú

    走獸

    A: The quadrupeds.

    P: Les quadrupèdes.

    Tẩu: Chạy. Thú: loài thú vật.

    Tẩu thú là loài thú chạy như: ngựa, nai, beo, thỏ,...

    Phi cầm tẩu thú: loài chim bay và loài thú chạy.

    Kệ U Minh Chung: Phi cầm tẩu thú la võng bất phùng.

  • Tẩu vi thượng sách

    Tẩu vi thượng sách

    走為上策

    Tẩu: Chạy. Vi: làm, là. Thượng: trên. Sách: kế hoạch.

    Thượng sách: kế hoạch tốt hơn hết.

    Tẩu vi thượng sách: chạy thoát là kế hoạch hay hơn hết.

  • TÂY

    TÂY

    TÂY: 西 - Hướng Tây, - chỉ về Nữ phái.

    Thí dụ: Tây độ, Tây lang, Tây vức.

  • Tây độ

    Tây độ

    西度

    A: To save the peoples in the western countries.

    P: Sauver les peuples dans les pays occidentaux.

    Tây: Hướng Tây. Độ: cứu giúp.

    Tây độ là cứu giúp dân chúng ở các nước phía Tây.

    Kinh Tiên Giáo: Lưu sa tây độ, Pháp hóa tướng tông.

  • Tây lang

    Tây lang

    西廊

    A: The occidental outbuiding.

    P: Les dépendances occidentales.

    Tây: - Hướng Tây, - chỉ về Nữ phái. Lang: cái nhà phụ ở kế bên ngôi nhà chánh.

    Tây là hướng mặt trời lặn, nên chỉ về khí Âm, tức là chỉ Nữ phái. Đối lại, Đông là hướng mặt Trời mọc, chỉ về khí Dương, tức là chỉ Nam phái.

    Tây lang dãy nhà cất sau Thánh Thất về phía Nữ phái, dùng làm nơi làm việc cho Chức sắc Nữ phái. (Xem: Đông lang)

  • Tây phang

    Tây phang

    西方

    A: The west.

    P: L"occident.

    Tây: Hướng Tây. Phang: do chữ Phương nói trại ra.

    Tây phang tức là Tây phương, là hướng Tây, hay là vùng đất ở phía Tây, cõi ở hướng Tây.

    Thường nói: Tây phương Cực Lạc, là cõi Cực Lạc Thế Giới ở hướng Tây đối với Ngọc Hư Cung.

    Kinh Ðại Tường:
    Cõi Tây phang đuổi quỉ trừ ma.
    (Cõi Tây phang là cõi Cực Lạc Thế Giới).
  • Tây phương Cực Lạc

    Tây phương Cực Lạc

    西方極樂

    A: The Nirvana at the West.

    P: Le Nirvana à l"Ouest.

    Tây: Hướng Tây. Phương: hướng. Cực Lạc: hoàn toàn vui vẻ.

    Tây phương Cực Lạc là cõi Cực Lạc Thế Giới ở về hướng Tây đối với Ngọc Hư Cung, trên từng trời thứ 10 là Hư Vô Thiên. Đây là cõi của chư Phật, nên cũng gọi là Cực Lạc Niết Bàn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vì Tam Kỳ Phổ Độ, Thiên Địa hoằng khai, nơi Tây phương Cực Lạc và Ngọc Hư Cung mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh.

  • Tây phương Phật Tổ

    Tây phương Phật Tổ

    西方佛祖

    Tây: Hướng Tây. Phương: hướng. Phật: Đức Phật. Tổ: vị sáng lập ra một tôn giáo hay một học thuyết.

    Phật Tổ là Đức Phật Thích Ca, vì Ngài khai sáng Phật giáo và làm Tổ Sư Phật giáo.

    Tây phương Phật Tổ là Đức Phật Thích Ca ở cõi Tây phương.

    Kinh Cầu Siêu: Đầu vọng bái Tây phương Phật Tổ.

    Tây phương Giáo chủ: Vị Giáo chủ Phật giáo ở cõi Tây phương, đó là Đức Phật Thích Ca.

    Sớ Văn: Tây phương Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn.

  • Tây vức

    Tây vức

    西域

    A: The province of Tây Ninh.

    P: La province de Tây Ninh.

    Tây: Hướng Tây. Vức: Vực: vùng đất.

    Tây vức là vùng đất phía Tây.

    ■ Đối với Phật giáo hay người Tàu thì Tây Vức hay Tây vực là chỉ các nước ở phía Tây nước Tàu như: Ấn Độ, Tây Tạng. Tây vức đồng nghĩa với: Tây thiên, Thiên trúc.

    ■ Đối với Đạo Cao Đài, Tây vức là tỉnh Tây Ninh, nơi đây có Tòa Thánh Cao Đài, gọi là Tòa Thánh Tây Ninh

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tòa Thánh là cội nguồn, ngày nào được sừng sựng đứng vững nêu trên miền Tây vức nầy, ấy là ngày họ cầu thỉnh các Đạo hữu đó.

  • Tây Vương Mẫu

    Tây Vương Mẫu

    西王母

    A: The Buddha-Mother.

    P: La Bouddha-Mère.

    Tây: - Hướng Tây, - chỉ về Nữ phái. Vương: vua. Mẫu: mẹ.

    Tây là hướng mặt trời lặn, đó là nơi khí Âm thạnh dần nên thuộc Nữ phái; đối lại chữ Đông là hướng mặt trời mọc, khí Dương thạnh dần nên thuộc Nam phái.

    Theo truyền Thần Tiên, ở phương Đông có Đông Vương Công, làm chủ Khí Dương; ở phương Tây có Tây Vương Mẫu làm chủ Khí Âm. Đông Vương Công còn được gọi là Mộc Công, vì theo Ngũ Hành, Mộc ở phương Đông. Tây Vương Mẫu cũng được gọi là Kim Mẫu, vì hành Kim ở phương Tây.

    Đông Vương Công chính là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, làm chủ khí Dương quang; Tây Vương Mẫu chính là Đức Diêu Trì Kim Mẫu, làm chủ Khí Âm quang.

    Các vị tu hành đắc đạo thành Tiên, trước hết phải lên bái kiến Đấng Đông Vương Công, rồi sau đó đến bái kiến Đấng Tây Vương Mẫu. Xong rồi mới được đi tham lễ Đức Thái Thượng Lão Quân và Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn.

    Đối với Đạo Cao Đài, Tây Vương Mẫu là một biệt hiệu của Đức Phật Mẫu ở Diêu Trì Cung, ngự tại từng trời Tạo Hóa Thiên, là từng trời thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên. (Xem: Diêu Trì Kim Mẫu, vần D)

    Kinh Ðệ Nhị cửu: Tây Vương Mẫu vườn đào ướm chín.

  • TẨY

    TẨY

    TẨY: 洗 Rửa cho sạch, giặt rửa.

    Thí dụ: Tẩy trần, Tẩy trược.

  • Tẩy nhĩ cung thính

    Tẩy nhĩ cung thính

    洗耳恭聽

    Tẩy: Rửa cho sạch, giặt rửa. Nhĩ: lỗ tai. Cung: cung kính. Thính: nghe.

    Tẩy nhĩ là rửa lỗ tai cho sạch.

    Tẩy nhĩ cung thính là rửa tai cung kính lắng nghe, ý nói kính trọng lời nói của người khách đối diện.

  • Tẩy nhơ

    Tẩy nhơ

    A: To clean up.

    P: Nettoyer.

    Tẩy: Rửa cho sạch, giặt rửa. Nhơ: dơ bẩn, chất dơ.

    Tẩy nhơ là rửa cho sạch các chất dơ bẩn.

    Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Ðã Qui Liễu: Diệt trần tình Cam lộ tẩy nhơ.

  • Tẩy trần

    Tẩy trần

    洗塵

    A: To wash away the dust.

    P: Laver les poussières.

    Tẩy: Rửa cho sạch, giặt rửa. Trần: bụi.

    Tẩy trần, nghĩa đen là rửa cho sạch bụi, nghĩa bóng là nói người đi xa mới về còn dính bụi đường, được người thân đặt một tiệc rượu để tiếp rước mừng rỡ, gọi là tiệc rượu tẩy trần, và dâng lên ly rượu gọi là ly rượu tẩy trần.

  • Tẩy trược - Tẩy uế

    Tẩy trược - Tẩy uế

    洗濁 - 洗穢

    A: To desinfect.

    P: Désinfecter.

    Tẩy: Rửa cho sạch, giặt rửa. Trược: Trọc: nước đục dơ dáy. Uế: hôi hám.

    Tẩy trược đồng nghĩa Tẩy uế, là rửa cho mất hết các chất dơ bẩn tanh hôi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Còn như nhờ lửa mà nấu thì là phương pháp tẩy trược đó thôi, chớ sanh vật bị nấu chưa hề phải chết.

  • Tề gia nội trợ

    Tề gia nội trợ

    齊家內助

    A: To manage one"s household.

    P: Ménager ses affaires de famille.

    Tề: sắp đặt cho gọn gàng ngay ngắn. Nội: trong. Trợ: giúp. Nội trợ: giúp việc bên trong gia đình.

    Tề gia là sắp đặt các việc trong nhà.

    Tề gia nội trợ là chỉ bổn phận của người vợ trong gia đình, lo sắp đặt các việc bên trong gia đình.

    Giới Tâm Kinh: Tề gia nội trợ vẹn là ngoan.

  • Tề tựu

    Tề tựu

    齊就

    A: To be all present.

    P: Venir au complet.

    Tề: cùng nhau. Tựu: đến.

    Tề tựu là cùng nhau tới đông đủ.

  • TẾ

    TẾ

    1. TẾ: 濟 Đưa qua sông, cứu giúp.

    Thí dụ: Tế bần, Tế độ, Tế trợ.

    2. TẾ: 祭 Cúng tế theo nghi thức long trọng.

    Thí dụ: Tế lễ, Tế tự, Tế vật.

    3. TẾ: 細 Nhỏ vụn, mịn, trái với Thô.

    Thí dụ: Tế nhuyễn, Tế vi.

  • Tế bạt vong hồn

    Tế bạt vong hồn

    濟拔亡魂

    A: To save the soul.

    P: Sauver l"âme.

    Tế: Đưa qua sông, cứu giúp. Bạt: cất lên. Vong hồn: linh hồn người chết.

    Tế bạt là cứu giúp đưa lên.

    Tế bạt vong hồn là cứu giúp linh hồn người chết cho vượt lên trên, thoát khỏi địa ngục.

    Kinh Cầu Siêu:
    Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát,
    Bố từ bi tế bạt vong hồn.
  • Tế bần

    Tế bần

    濟貧

    A: To succour the poors.

    P: Secourir les pauvres

    Tế: Đưa qua sông, cứu giúp. Bần: nghèo.

    Tế bần là cứu giúp người nghèo.

  • Tế chẩn

    Tế chẩn

    濟賑

    A: To give charity.

    P: Distribuer des aumônes.

    Tế: Đưa qua sông, cứu giúp. Chẩn: cấp phát lương thực cho người nghèo.

    Tế chẩn là cứu giúp người nghèo bằng cách đem tiền bạc, lương thực, thuốc men, quần áo đến cấp phát cho.

  • Tế chủ

    Tế chủ

    祭主

    A: The sacrificer.

    P: Le sacrificateur.

    Tế: Cúng tế theo nghi thức long trọng. Chủ: người làm chủ.

    Tế chủ là người đứng làm chủ trong việc tế lễ.

    Hai câu xướng của Lễ sĩ thường gặp trong nghi thức tế lễ: Tế chủ tựu vị, Tế chủ dĩ hạ giai xuất.

    Tế chủ tựu vị: người chủ tế đến đứng tại vị trí của mình để bắt đầu tế lễ. (Tựu: đến. Vị: vị trí)

    Tế chủ dĩ hạ giai xuất: người chủ tế và những người từ chủ tế trở xuống đều bước ra ngoài, vì việc tế lễ đã xong. (Dĩ hạ: lấy xuống, từ đó sắp xuống. Giai: đều. Xuất: đi ra).

  • Tế chúng

    Tế chúng

    濟眾

    A: To help the living beings.

    P: Secourir les êtres vivants.

    Tế: Đưa qua sông, cứu giúp. Chúng: nhiều người, dân chúng.

    Tế chúng là cứu giúp dân chúng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thi ân tế chúng Thiên tai tận.

  • Tế đàn

    Tế đàn

    祭壇

    A: Altar, Esplanade for sacrifice.

    P: Autel, Esplanade pour le sacrifice.

    Tế: Cúng tế theo nghi thức long trọng. Đàn: cái đàn để làm nơi tổ chức cúng tế.

    Tế đàn là đàn cúng tế.

  • Tế điện

    Tế điện

    祭奠

    A: To make offerings to.

    P: Présenter des offrandes à.

    Tế: Cúng tế theo nghi thức long trọng. Điện: cách thức trang trọng của Lễ sĩ đem phẩm vật dâng cúng đi lên từng bước theo điệu trống nhạc.

    Tế điện là việc Lễ sĩ đem phẩm vật cúng tế dâng lên, trao cho người chủ tế với cách đi cung kính nhún bước theo điệu trống nhạc đặc biệt của Đạo Cao Đài.

    ■ Trong Tang lễ của Chức sắc vào hàng Tiên vị, lễ Tế điện dâng Tam bửu (bông, rượu, trà), Lễ sĩ mặc lễ phục màu xanh, chơn bước theo hình chữ Tâm 心.

    ■ Trong Tang lễ của Chức sắc vào hàng Thánh vị, lễ Tế điện dâng Tam bửu (bông, rượu, trà), Lễ sĩ mặc áo màu đỏ, chơn bước theo hình chữ Đinh 丁.

  • Tế độ

    Tế độ

    濟度

    A: To save.

    P: Sauver.

    Tế: Đưa qua sông, cứu giúp. Độ: cứu giúp.

    Tế độ là cứu giúp chúng sanh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Dìu dắt sanh linh lo tế độ.

  • Tế khổn phò nguy

    Tế khổn phò nguy

    濟困扶危

    Tế: Đưa qua sông, cứu giúp. Khổn: Khốn: cùng khổ, khốn đốn. Phò: giúp. Nguy: ngặt nghèo, nguy hiểm.

    Tế khổn phò nguy là cứu giúp người cùng khổ và trợ giúp người đang gặp cơn nguy hiểm.

  • Tế lễ thờ phượng

    Tế lễ thờ phượng

    祭禮

    A: The cult and sacrifice.

    P: Le culte et le sacrifice.

    Tế: Cúng tế theo nghi thức long trọng. Lễ: cách bày tỏ lòng kính trọng. Thờ phượng: Thờ phụng: thờ kính và phụng sự.

    Tế lễ thờ phượng là sự thờ cúng và nghi thức tế lễ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tại đây là một nơi Ta khởi chế sự tế lễ thờ phượng lại.

  • Tế nhị

    Tế nhị

    A: Subtle.

    P: Subtil.

    Tế: Nhỏ vụn, mịn, trái với Thô.

    Tế nhị có nhiều nghĩa:

    Tế nhị là tỏ ra khéo léo trong quan hệ đối xử, chu đáo đến những điểm nhỏ nhặt.

    Tế nhị là có nhiều tình tiết nhỏ kín khó nói rõ ra được.

  • Tế nhuyễn

    Tế nhuyễn

    細軟

    A: Clothings and ornements.

    P: Vêtements et ornements.

    Tế: Nhỏ vụn, mịn, trái với Thô. Nhuyễn: mềm.

    Tế nhuyễn, nghĩa đen là nhỏ và mềm, nghĩa thường dùng là các thứ đồ đạc cần dùng như quần áo, đồ trang sức.

  • Tế phẩm

    Tế phẩm

    祭品

    A: The offerings.

    P: Les offrandes.

    Tế: Cúng tế theo nghi thức long trọng. Phẩm: phẩm vật.

    Tế phẩm là những phẩm vật dùng để dâng lên cúng tế.

    Khi cúng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng, tế phẩm là: bông, rượu, trà, tượng trưng Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) của con người.

  • Tế trợ

    Tế trợ

    濟助

    A: To save and help.

    P: Sauver et aider.

    Tế: Đưa qua sông, cứu giúp. Trợ: giúp đỡ.

    Tế trợ là cứu giúp.

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần: Đức ba giềng tế trợ thương sanh.

  • Tế tự

    Tế tự

    祭祀

    A: The cult and sacrifice.

    P: Le culte et sacrifice.

    Tế: Cúng tế theo nghi thức long trọng. Tự: thờ phượng.

    Tế tự là sự thờ phượng và tế lễ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng nơi ấy mà xuất hiện ra, rõ à!

  • Tế vật

    Tế vật

    祭物

    A: The victim of sacrifice.

    P: La victime de sacrifice.

    Tế: Cúng tế theo nghi thức long trọng. Vật: con vật.

    Tế vật là con vật bị giết để lấy thịt cúng tế Thần linh.

    Vào thời thượng cổ của nhơn loại, mỗi khi tế Trời, người ta dùng người sống làm con vật hy sinh hiến tế cho Trời.

    Qua đến thời trung cổ, việc dùng người sống làm vật hy sinh hiến tế như vậy có tánh cách dã man, nên các vua chúa bỏ tục lệ ấy và thay vào đó là dùng các con thú như: heo, dê, bò, làm vật hy sinh để hiến tế.

    Đến thời hiện kim là thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, người ta nhận thấy không nên sát sanh để hiến tế, bởi vì điều ấy trái hẳn với đức háo sanh của Thượng Đế, nên chỉ dùng ba thứ là: bông, rượu, trà, tượng trưng Tam bửu: thể xác, chơn thần và linh hồn của con người để dâng lên hiến tế Đức Chí Tôn và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Thần Hoáng Bổn Cảnh làng Mỹ Lộc, giáng cơ nói về việc hiến tế như sau:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Còn việc tế lễ cúng, ta muốn dùng đồ chay hay là cây trái, chớ sát sanh.

    Ta cũng tỏ cho chư Chức sắc hiểu rằng: Tế tự là tại sao? Phàm có lòng tin mới cúng chớ, cúng là lấy có lễ đó, gọi là kỉnh trọng. Chớ Thần, Thánh nào ăn của ai. Bởi thế nên ai dùng vật thực mà cúng, tốt hơn nên dùng trái cây. Ai có lòng thì tế lễ chi chi ta cũng chẳng trách đặng, vì Cựu lệ bày đến ngày nay. Nay ta muốn theo Thánh ý của Ngọc Đế."

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Đức Chúa Jésus Christ đã chết trên cây Thánh giá, làm con tế vật cho Ngài thuở nọ, buổi hôm nay, chúng ta đem cả tinh thần đạo đức làm con tế vật cho Ngài đó vậy. (Ngài: Đức Chí Tôn)

  • Tế vi

    Tế vi

    細微

    A: Very small.

    P: Très petit.

    Tế: Nhỏ vụn, mịn, trái với Thô. Vi: rất nhỏ.

    Tế vi là rất nhỏ, mắt thường không thể phân biệt được.

  • TỆ

    TỆ

    1. TỆ: 敝 Tiếng khiêm nhượng nói về mình.

    Thí dụ: Tệ huynh, Tệ xá.

    2. TỆ: 弊 Hư, xấu, bại hoại.

    Thí dụ: Tệ bạc, Tệ đoan.

  • Tệ bạc

    Tệ bạc

    弊薄

    A: Ungrateful.

    P: Ingrat.

    Tệ: Hư, xấu, bại hoại. Bạc: mỏng.

    Tệ bạc là không tình nghĩa, vô ơn.

  • Tệ đoan

    Tệ đoan

    弊端

    A: The root of evil.

    P: La racine du mal.

    Tệ: Hư, xấu, bại hoại. Đoan: đầu mối.

    Tệ đoan là cái đầu mối xấu gây ra điều tệ hại.

    Cờ bạc trong những ngày Tết là một tệ đoan cần phải nghiêm cấm.

  • Tệ huynh

    Tệ huynh

    敝兄

    A: My humble brother.

    P: Mon humble frère.

    Tệ: Tiếng khiêm nhượng nói về mình. Huynh: anh.

    Tệ huynh là tiếng khiêm tốn nói về anh của mình.

    Tệ huynh là tiếng khiêm tốn tự xưng khi nói với em út.

  • Tệ nạn

    Tệ nạn

    弊難

    A: Social evil.

    P: Fléau social.

    Tệ: Hư, xấu, bại hoại. Nạn: tai vạ.

    Tệ nạn là điều xấu xa gây tác hại lớn.

    Xì ke, ma túy là những tệ nạn xã hội cần phải bài trừ.

  • Tệ tục

    Tệ tục

    弊俗

    A: The bad customs.

    P: Les moeurs mauvaises.

    Tệ: Hư, xấu, bại hoại. Tục: thói quen, phong tục.

    Tệ tục là phong tục xấu.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Những tệ tục ấy, nếu Đạo Cao Đài không xuất hiện đặng chỉnh đốn lại, sợ e cả nhơn loại trên địa cầu....

  • Tệ xá

    Tệ xá

    敝舍

    A: My humble house.

    P: Mon humble maison.

    Tệ: Tiếng khiêm nhượng nói về mình. Xá: nhà.

    Tệ xá là tiếng khiêm tốn nói về ngôi nhà của mình.

  • TÍCH

    TÍCH

    1. TÍCH: 積 Chứa, dồn lại.

    Thí dụ: Tích đức.

    2. TÍCH: 錫 Ban cho.

    Thí dụ: Tích phước hựu tội.

    3. TÍCH: 昔 Xưa, trước.

    Thí dụ: Tích nhựt, Tích niên.

    4. TÍCH: 惜 Tiếc, thương tiếc.

    Thí dụ: Tích mặc.

  • Tích cốc phòng cơ

    Tích cốc phòng cơ

    積穀防饑

    A: To store up the cereals in case of famine.

    P: Entasser des céréales en prévision de la famine.

    Tích: Chứa, dồn lại. Cốc: chỉ chung các loại lúa nếp. Phòng: dự phòng. Cơ: đói.

    Tích cốc phòng cơ là chứa lúa nếp để dự phòng nạn đói.

    Tích y phòng hàn: chứa áo phòng khi rét lạnh.

    Trong sách Minh Tâm Bửu Giám, Lưu Hội viết:

    Tích cốc bạch giả bất ưu cơ hàn,
    Tích đạo đức giả bất úy tà hung.

    Nghĩa là:

    Chứa lúa thóc ấy chẳng lo đói rét,
    Chứa đạo đức ấy chẳng sợ tà hung.
  • Tích cực

    Tích cực

    積極

    A: Positive.

    P: Positif.

    Tích: Chứa, dồn lại. Cực: rất.

    Tích cực là đem hết khả năng ra làm việc với ý thức trách nhiệm cao. Trái với Tích cực là Tiêu cực.

    Kinh Nhập Hội: Mở đường tích cực oai linh.

  • Tích đức

    Tích đức

    積德

    A: To accumulate virtuous acts.

    P: Entasser des actes de vertu.

    Tích: Chứa, dồn lại. Đức: phước đức.

    Tích đức là chứa đức, tức là lo làm những việc phước thiện, giúp người giúp đời, từ việc nhỏ đến việc lớn, theo đúng như lời dạy bảo trong Kinh Sám Hối.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tích đức để lòng trau khổ hạnh.

  • Tích kim dĩ di tử tôn

    Tích kim dĩ di tử tôn

    積金以遺子孫

    Tích: Chứa, dồn lại. Kim: vàng, tiền bạc của cải. Dĩ: để. Di: để dành. Tử: con. Tôn: cháu.

    Tích kim dĩ di tử tôn là chứa vàng bạc để dành lại cho con cháu.

    Sách Minh Tâm Bửu Giám, Tư Mã Ôn Công gia huấn:

    Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ.
    Tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc.
    Bất như tích âm đức ư minh minh chi trung,
    Dĩ vi tử tôn trường cửu chi kế.

    Nghĩa là:

    Chứa vàng để dành cho con cháu, con cháu chưa ắt giữ được.
    Chứa sách để dành cho con cháu, con cháu chưa ắt đọc được.
    Chẳng bằng chứa âm đức ở trong chỗ mờ mờ, để làm cái kế lâu dài cho con cháu.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về cái của cải số một của chúng ta tại thế nầy, có một đoạn chép ra sau đây:

    "Còn cái điều thứ ba khi hôm Bần đạo đã tả hình trạng của cải mà từ trước Tiên Nho để lại câu:

    Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ.
    Tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc.
    Bất như tích âm đức ư minh minh chi trung,
    Dĩ vi tử tôn trường cửu chi kế.

    Nghĩa là:...... (giống như trên).........

    Nếu không ở vào cửa Đạo thì không bao giờ tạo đức được. Nên ngày nay, Đức Chí Tôn đến lập Đạo để cho các người lập đức nơi cửa Đạo Cao Đài đó vậy.

    Chỉ có Đạo Cao Đài để tạo đức cho cả triệu người đặng hưởng, mà đức ấy của Đạo Cao Đài làm thì không bao giờ mất. Bần đạo xin bảo đảm không bao giờ mất."

  • Tích mặc như kim

    Tích mặc như kim

    惜墨如金

    Tích: Tiếc, thương tiếc. Mặc: mực. Như: giống như. Kim: vàng.

    Tích mặc như kim là tiếc mực như vàng, ý nói: không hạ bút viết một cách khinh suất.

  • Tích nhựt - Tích niên

    Tích nhựt - Tích niên

    昔日 - 昔年

    A: Yesterday, the past day - The former year.

    P: Hier, le jour passé. - L"an passé.

    Tích: Xưa, trước. Nhựt: ngày. Niên: năm.

    Tích nhựt là ngày trước, ngày xưa.

    Tích niên là năm trước, năm xưa.

  • Tích phước hựu tội

    Tích phước hựu tội

    錫福宥罪

    A: To bestow blessings and to forgive sins.

    P: Attribuer le bonheur et gracier les péchés.

    Tích: Ban cho. Phước: điều may mắn tốt lành. Hựu: rộng lòng tha thứ. Tội: tội lỗi.

    Tích phước hựu tội là ban phước tha tội.

    Đây là một câu kinh trong bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, cho biết Đức Chí Tôn luôn luôn thương yêu con cái một cách nồng nàn, nên thường ban phước và tha tội cho nhơn sanh. Ngài không bao giờ muốn trừng phạt con cái của Ngài.

  • Tích tài bất như tích phước

    Tích tài bất như tích phước

    積財不如積福

    Tích: Chứa, dồn lại. Tài: tiền bạc. Bất như: không bằng. Tích phước: chứa phước đức.

    Tích tài bất như tích phước: Chứa tiền bạc không bằng chứa phước đức (vì tiền bạc có thể bị kẻ ác cướp trộm, còn phước đức không bao giờ bị cướp trộm được).

  • Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác

    Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác

    積善逢善,積惡逢惡

    Tích: Chứa, dồn lại. Thiện: lành. Phùng: gặp. Ác: điều dữ.

    Tích thiện phùng thiện: Chứa lành thì gặp lành, tức là làm việc lành thì gặp việc lành báo đáp lại.

    Tích ác phùng ác: Chứa dữ thì gặp dữ, tức là làm điều dữ thì gặp việc dữ báo đáp lại.

    Đó chính là Luật Nhân Quả, không bao giờ sai chạy. Hễ trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu.

    Nhưng có điều là từ Nhân đi đến quả, lâu hay mau mình không thể biết được, có thể quả báo liền, có thể quả báo qua tới kiếp sau, nhưng nhứt định không thể sai chạy được.

    Trong Minh Tâm Bửu Giám, ông Từ Thần viết:

    Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác,
    Tử tế tư lương, Thiên địa bất thác.
    Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
    Nhược huờn bất báo, thời thần vị đáo.

    Nghĩa là:

    Chứa lành gặp lành, chứa dữ gặp dữ,
    Chín chắn nghĩ lường, Trời Đất chẳng lầm.
    Lành có lành trả, dữ có dữ trả,
    Nếu về chẳng trả, thời giờ chưa đến.
  • Tích thiểu thành đa

    Tích thiểu thành đa

    積少成多

    A: Many a little makes a mickle.

    P: Petites choses entassées forment une grande.

    Tích: Chứa, dồn lại. Thiểu: ít. Thành: nên. Đa: nhiều.

    Tích thiểu thành đa là dồn chứa cái ít thì thành ra nhiều.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chung hiệp nhau, bỏ sự lãng phí, dụng đồng tài nơi giọt mồ hôi, được tích thiểu thành đa, gây dựng một cái nhà chung.

    Những thành ngữ sau đây có ý nghĩa tương tợ:

    · Tích thổ thành sơn: chứa đất thành núi.
    · Tích tiểu dĩ cao đại: chứa cái nhỏ mà thành cao lớn.
    · Tụ thiểu thành đa: gom nhóm cái ít thành ra nhiều.
  • Tịch cốc - Tuyệt cốc

    Tịch cốc - Tuyệt cốc

    辟穀 - 絕穀

    A: To abstain from the cereals.

    P: S"abstenir des céréales.

    Tịch: bỏ đi. Cốc: chỉ chung các thứ lúa nếp dùng làm lương thực. Có 5 loại lúa nếp, gọi là Ngũ cốc. Tuyệt: dứt hẳn.

    Tịch cốc, đồng nghĩa Tuyệt cốc, là bỏ đi các thứ lúa nếp, tức là không dùng lúa nếp làm lương thực nuôi sống hằng ngày.

    Đây là một phái tu khổ hạnh, không dùng ngũ cốc, mà khi đói chỉ ăn các loại trái cây cho được nhẹ mình, đặng luyện các phép thuật như: đi trên ngọn cỏ, phép bay,...

    Phái tu nầy rất mê tín, thuộc Tà đạo.

  • Tịch diệt

    Tịch diệt

    寂滅

    A: To be annilated, To reduce to nothing.

    P: S"anéantir complètement, S"éteindre dans le calme.

    Tịch: yên lặng. Diệt: tiêu tan, dứt sạch các mối ràng buộc với cõi trần.

    Tịch diệt là từ ngữ của Phật giáo, chỉ trạng thái linh hồn của người tu đắc đạo thoát ra khỏi thể xác, rời bỏ cõi trần, đi lên nhập vào cõi Niết Bàn.

    Cõi giới tịch diệt là cõi Niết Bàn.

  • Tịch dương

    Tịch dương

    夕陽

    A: Setting sun.

    P: Soleil couchant.

    Tịch: buổi chiều. Dương: mặt trời.

    Tịch dương là mặt trời chiều sắp lặn.

  • Tịch đạo

    Tịch đạo

    籍道

    A: The registers of Caodaist Dignitaries.

    P: Les registres des Dignitaires Caodaïstes.

    Tịch: sổ sách biên chép. Đạo: chỉ Đạo Cao Đài.

    Tịch đạo là sổ bộ Chức sắc của Đạo Cao Đài với Thánh danh đặc biệt biểu thị thời kỳ phổ độ và mở mang đạo pháp của một đời Giáo Tông.

    ● Như đời Giáo Tông thứ nhứt của Đạo Cao Đài thì Tịch đạo là THANH HƯƠNG: Chức sắc Cửu Trùng Đài nam phái lấy chữ Thanh, Chức sắc Cửu Trùng Đài nữ phái lấy chữ Hương, làm Thánh danh.

    Thí dụ: Đầu Sư Thái Thơ Thanh, Nữ Giáo Sư Hương Cúc.

    ● Qua đời Giáo Tông thứ nhì thì Tịch đạo của Chức sắc Cửu Trùng Đài là ĐẠO TÂM: Chức sắc nam phái lấy chữ Đạo làm Thánh danh và Chức sắc nữ phái lấy chữ Tâm làm Thánh danh.

    Những chữ dùng làm Tịch đạo do Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho trong hai bài thi tứ tuyệt sau đây:

    Đức Chí Tôn giáng cơ tại Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc) lúc 12 giờ khuya ngày mùng 1-7-Bính Dần (dl 8-8-1926) cho bài thi Tịch đạo nam phái:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Các con nghe Tịch đạo:

    Thanh Đạo tam khai thất ức niên,
    Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên.
    Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
    Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.

    THANH là tịch các con.

    Vậy thì: Tương là Thượng Tương Thanh,

    Kim là Thượng Kim Thanh

    Thơ là Thái Thơ Thanh.

    Phải dùng tên ấy mà thề."

    Trong ngày Khai Đạo tại Thánh Thất Từ Lâm Tự (Chùa Gò Kén) Tây Ninh, đêm 14-10-Bính Dần (dl 18-11-1926), Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho Tịch đạo của Chức sắc Cửu Trùng Đài nữ phái:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Nữ phái nghe Thầy khai Tịch đạo:

    Hương Tâm nhứt phiến cận càn khôn,
    Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
    Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng,
    Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.

    Lâm thị: Phong vi Giáo Sư, lấy Thiên ân là Hương Thanh.

    Ca thị: Phong vi Phó Giáo Sư, lấy Thiên ân là Hương Thế.

    Đường thị: đã thọ mạng Thiên sai, cứ giữ địa vị mình.

    Còn cả chư ái nữ, Thầy sẽ lập Đại hội cho đủ mấy vị rồi sẽ phong sắc một lượt.

    Thầy ban ơn cho các con, cứ hành lễ theo lời dặn."

    Giải nghĩa hai bài thi Tịch đạo nam phái và nữ phái:

    1. Bài thi TỊCH ĐẠO NAM PHÁI:
    Thanh đạo tam khai thất ức niên,
    Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên.
    Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
    Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.

    Viết ra Hán văn:

    清道三開七億年

    壽如地圈盛和天

    無虛歸服人生氣

    造萬古壇照佛櫞

    Giải nghĩa:

    Câu 1: Thanh đạo tam khai thất ức niên:

    Thanh: trong sạch. Đạo: tôn giáo. Tam khai: mở ra lần thứ ba. Thất ức niên: 700 ngàn năm.

    C.1: Nền đạo trong sạch của Đức Chí Tôn mở ra lần thứ ba, kéo dài được 700 ngàn năm.

    Câu 2: Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên:

    Thọ: sống lâu. Như: giống như. Địa: đất. Quyển: Khuyên: vòng tròn. Địa quyển: trái đất tròn. Thạnh: thịnh vượng. Hòa: cùng nhau. Thiên: Trời.

    C.2: Lâu dài như trái đất tròn, thạnh vượng cùng Trời.

    Câu 3: Vô hư qui phục nhơn sanh khí:

    Vô hư: Hư vô, chỉ Đức Chí Tôn trong cõi Hư vô. Qui phục: chịu theo về. Khí: phần vô hình của con người, ý nói linh hồn. Nhơn sanh khí: linh hồn của nhơn sanh, đó cũng là Vạn linh.

    C.3: Đức Chí Tôn qui phục Vạn linh.

    Câu 4: Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên:

    Tạo: làm ra. Vạn cổ: muôn xưa, ngàn xưa. Đàn: nơi cúng tế. Chiếu: soi rọi. Phật duyên: có mối dây ràng buộc với Phật, tức là những người có duyên với việc tu hành.

    C.4: Tạo ra từ ngàn xưa đàn cúng tế để soi sáng người có duyên với Phật.

    2. Bài thi TỊCH ĐẠO NỮ PHÁI:

    Hương tâm nhứt phiến cận càn khôn,
    Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
    Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng.
    Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.

    Biên ra Hán văn:

    香心一片近乾坤

    慧德修眞度引魂

    一念觀音垂保命

    千年等派守生存

    Giải nghĩa:

    Câu 1: Hương tâm nhứt phiến cận càn khôn:

    Hương: thơm. Hương tâm: lòng thơm, tức là lòng tốt đẹp. Nhứt phiến: một tấm. Cận: gần. Càn khôn: Trời Đất.

    C.1: Một tấm lòng thơm gần Trời Đất. Ý nói: Tấm lòng tốt đẹp thì gần với Thượng Đế.

    Câu 2: Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn:

    Huệ: trí huệ, sự sáng suốt thông hiểu sự lý do sự giác ngộ tu hành. Huệ đức: cái đức sáng suốt. Tu chơn: tu hành chơn thật, không vì danh lợi, cốt giải thoát khỏi luân hồi, đoạt được ngôi vị thiêng liêng. Độ dẫn: cứu giúp và dẫn dắt. Hồn: linh hồn.

    C.2: Cái đức sáng suốt do sự tu hành chơn thật độ dẫn được linh hồn.

    Câu 3: Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng:

    Nhứt niệm: một niệm, một tưởng. Quan Âm: Quan Thế Âm Bồ Tát. Nhứt niệm Quan Âm: một lần niệm danh hiệu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Thùy: rủ xuống. Bảo mạng: gìn giữ mạng sống.

    C.3: Một lần niệm danh hiệu Đức Quan Âm Bồ Tát thì được Bồ Tát rủ lòng thương xót bảo vệ mạng sống.

    Câu 4: Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn:

    Thiên niên: ngàn năm. Đẳng: bằng. Đẳng phái: phái bình đẳng tức là nữ phái, bình đẳng với nam phái. Thủ: gìn giữ. Sanh tồn: sống còn.

    C.4: Ngàn năm, nữ phái gìn giữ sự sanh tồn của nhơn loại, tức là giữ gìn nòi giống của nhơn loại.

  • Tịch mịch vô liêu

    Tịch mịch vô liêu

    寂寞無聊

    Tịch: yên lặng. Tịch mịch: lặng lẽ như tờ. Vô liêu: trong lòng buồn bã, không thấy thú vị gì.

    Tịch mịch vô liêu là yên lặng buồn bã.

  • Tiệc hồng

    Tiệc hồng

    A: Great feast.

    P: Grand festin.

    Tiệc: bữa ăn nhiều món ngon có nhiều khách tham dự. Hồng: lớn.

    Tiệc hồng là bữa tiệc lớn.

    Kinh Ðệ Nhị cửu: Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng.

  • Tiêm nhiễm

    Tiêm nhiễm

    漸染

    A: To impregnate.

    P: Imprégner.

    Tiêm: thấm dần vào. Nhiễm: nhuốm vào.

    Tiêm nhiễm là thấm sâu vào.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Đạo nhơn luân của nhà Nho có cái vẻ đẹp thiên nhiên, ai tiêm nhiễm đến cũng sanh mê mẩn.

  • TIỀM

    TIỀM

    TIỀM: 潛 Giấu kín trong nước, kín đáo.

    Thí dụ: Tiềm ẩn, Tiền năng.

  • Tiềm ẩn

    Tiềm ẩn

    潛隱

    A: To hide oneself.

    P: Se cacher.

    Tiềm: Giấu kín trong nước, kín đáo. Ẩn: giấu kín.

    Tiềm ẩn là ngầm ẩn giấu nơi kín đáo.

    Thời kỳ tiềm ẩn: thời kỳ còn ẩn giấu, chưa lộ ra.

  • Tiềm năng

    Tiềm năng

    潛能

    A: The hidden power.

    P: La puissance cachée.

    Tiềm: Giấu kín trong nước, kín đáo. Năng: năng lực.

    Tiềm năng là cái năng lực còn ẩn kín bên trong, chưa phát lộ ra.

  • Tiềm thức

    Tiềm thức

    潛識

    A: The subconsciousness.

    P: La subconscience.

    Tiềm: Giấu kín trong nước, kín đáo. Thức: ý thức, nhận biết.

    Tiềm thức là phần sinh hoạt tâm lý ngấm ngầm bên trong, ẩn kín bên dưới ý thức.

  • TIẾM

    TIẾM

    TIẾM: 僭 Chiếm cái gì mà mình không đáng được, giả mạo, lấn lướt.

    Thí dụ: Tiếm quyền, Tiếm xưng.

  • Tiếm quyền

    Tiếm quyền

    僭權

    A: To usurp the power.

    P: Usurper le pouvoir.

    Tiếm: Chiếm cái gì mà mình không đáng được, giả mạo, lấn lướt. Quyền: quyền hành.

    Tiếm quyền là kẻ dưới lấn đoạt quyền hành của cấp trên.

  • Tiếm xưng

    Tiếm xưng

    僭稱

    A: To usurp a name.

    P: Usurper un nom.

    Tiếm: Chiếm cái gì mà mình không đáng được, giả mạo, lấn lướt. Xưng: tiếng xưng hô.

    Tiếm xưng là xưng ra cái danh hiệu mà đáng lẽ mình không được quyền làm như vậy.

  • TIÊN

    TIÊN

    1. TIÊN: 仙 vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh.

    Thí dụ: Tiên bang, Tiên đạo, Tiên tịch.

    2. TIÊN: 先 trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết.

    Thí dụ: Tiên hiền, Tiên nho, Tiên tri.

  • Tiên bang

    Tiên bang

    仙邦

    A: The fairyland.

    P: Le séjour des immortels.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Bang: nước, cõi.

    Tiên bang là cõi Tiên, cõi của các vị Tiên ở.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Tình ái nhành dương đem rưới tắt,
    Nắm tay dìu lại cõi Tiên bang.
  • Tiên bút

    Tiên bút

    仙筆

    A: The penholder of immortal.

    P: Le porte-plume de l"immortel.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Bút: cây viết.

    Tiên bút là cây viết của Tiên, ý nói: văn thi hay giỏi, ý tứ cao siêu thanh thoát.

  • Tiên cảnh

    Tiên cảnh

    仙境

    A: The fairyland.

    P: Le séjour des immortels.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Cảnh: cõi.

    Tiên cảnh là cõi Tiên, đồng nghĩa Tiên bang.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bậc Chí Thánh dầu bị đọa trần, lòng hỡi còn nhớ hoài nơi Tiên cảnh.

  • Tiên cung Phật xứ

    Tiên cung Phật xứ

    仙宮佛處

    A: The paradise.

    P: Le paradis.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Cung: cung điện. Xứ: cõi.

    Tiên cung là cung điện của các vị Tiên.

    Phật xứ là cõi Phật, cõi Cực Lạc Thế Giới.

    Tiên cung Phật xứ là cõi của chư Tiên và chư Phật. Đạo Cao Đài gọi cõi đó là cõi Thiêng liêng Hằng sống, đạo Thánh gọi là Thiên đường, Phật giáo gọi là Cực Lạc Niết Bàn.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Tiên cung Phật xứ Cao Đài xướng danh.

  • Tiên đồng - Ngọc Nữ

    Tiên đồng - Ngọc Nữ

    仙童 - 玉女

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Đồng: đứa trẻ nhỏ. Ngọc: đẹp như ngọc. Nữ: con gái.

    Tiên đồng là con trai nhỏ theo hầu các vị Tiên Ông.

    Ngọc nữ là con gái nhỏ đẹp theo hầu các vị Tiên Nữ.

  • Tiên đạo - Tiên giáo

    Tiên đạo - Tiên giáo

    仙道 - 仙敎

    A: Taoism.

    P: Taoisme.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Đạo: tôn giáo. Giáo: tôn giáo.

    Tiên đạo, đồng nghĩa Tiên giáo, là tôn giáo dạy người tu luyện thành Tiên.

    Tiên đạo do Đức Lão Tử lập ra và làm Giáo chủ nên Tiên đạo cũng gọi là Lão giáo.

    Cổ nhơn có câu: Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo, Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ. Nghĩa là: Muốn tu đạo Tiên, trước tu đạo Người, đạo Ngưới không tu, đạo Tiên xa vậy.

  • Tiên gia

    Tiên gia

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Tiên gia

    仙爺

    A: Divine Father.

    P: Père Divin.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Gia: cha.

    Tiên gia là ông Cha Tiên, tức là Đại Từ Phụ, thường gọi là Đức Chí Tôn, là Đấng cha chung thiêng liêng của toàn cả chúng sanh và của toàn cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Niệm Hương: Kỉnh thành cầu nguyện Tiên gia chứng lòng.

    * Trường hợp 2: Tiên gia

    仙家

    A: The immortal

    P: L"immortel.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Gia: nhà, người.

    Tiên gia là ông Tiên.

    Huyền diệu Tiên gia: Pháp thuật huyền diệu của Tiên.

  • Tiên hiền - Tiên nho

    Tiên hiền - Tiên nho

    先賢 - 先儒

    A: The ancient Sages. - The ancient scholars.

    P: Les anciens Sages. - Les anciens lettrés.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Hiền: người có tài năng và đức hạnh. Nho: người trí thức nho học.

    Tiên hiền là các người hiền thời trước.

    Tiên nho là các nhà nho học thời trước.

  • Tiên học lễ , hậu học văn

    Tiên học lễ , hậu học văn

    先學禮,後學文

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Học: học tập. Lễ: phép tắc đối xử cho có đạo đức. Hậu: sau. Văn: văn chương. Học lễ: học phép tắc lễ nghi và đạo đức. Học văn: học văn chương chữ nghĩa, làm văn làm thi.

    Tiên học lễ, hậu học văn, nghĩa là: trước hết là học lễ nghĩa đạo đức, sau mới học văn chương.

    Câu nói nầy của bậc Thánh Hiền đời xưa chứng tỏ rằng, người xưa chú trọng nhiều nhất là đạo đức, sau đó mới đến văn chương, bởi vì người không đạo đức mà tài giỏi văn học là một mối họa cho xã hội.

  • Tiên hung hậu hỷ

    Tiên hung hậu hỷ

    先凶後喜

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Hung: việc xấu. Hậu: sau. Hỷ: mừng.

    Tiên hung hậu hỷ là trước xấu sau tốt, đồng nghĩa: Tiền hung hậu kiết.

  • Tiên lễ hậu binh

    Tiên lễ hậu binh

    先禮後兵

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Lễ: lễ nghi, cách đối xử theo đạo lý. Hậu: sau. Binh: quân đội, binh lính.

    Tiên lễ hậu binh là trước thì dùng lễ nghĩa, sau thì mới dùng tới quân đội.

    Ý nói: Trước hết dùng đường lối ngoại giao để giải quyết việc tranh chấp giữa đôi bên, nếu không kết quả thì mới dùng tới sức mạnh của quân đội để giải quyết.

    Nói như thế để tỏ rằng, dùng đường lối ngoại giao lúc nào cũng thượng sách vì tránh đụng chạm đổ máu giữa hai bên.

  • Tiên liệu

    Tiên liệu

    先料

    A: To foresee.

    P: Prévoir.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Liệu: tính toán sắp đặt.

    Tiên liệu là tính toán sắp đặt trước, để khi việc xảy tới thì giải quyết nhanh chóng và xác đáng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cảnh gia đình phải tiên liệu, Thầy để lời con tua gắng chí.

  • Tiên linh

    Tiên linh

    先靈

    A: The souls of ancestors.

    P: Les âmes des ancêtres.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Linh: linh hồn.

    Tiên linh là linh hồn của tổ tiên.

  • Tiên Nữ - Tiên Nương

    Tiên Nữ - Tiên Nương

    仙女 - 仙娘

    A: The fairy.

    P: La fée.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Nữ: phái nữ. Nương: người phụ nữ đáng kính.

    Tiên nữ, đồng nghĩa Tiên Nương, là Cô Tiên, Bà Tiên.

    Cửu vị Tiên Nương là Chín Cô Tiên theo giúp việc Đức Phật Mẫu nơi Diêu Trì Cung.

  • Tiên phong Phật cốt

    Tiên phong Phật cốt

    仙風佛骨

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Phong: dáng dấp. Cốt: xương, cốt cách.

    Tiên phong Phật cốt là hình dáng như Tiên, cốt cách như Phật.

    Kinh Khi Ðã Chết Rồi: Tiên phong Phật cốt mỹ miều.

    Tiên phong Phật sắc: Hình dáng như Tiên, vẻ đẹp như Phật. (Sắc là vẻ đẹp).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nó ảnh hưởng về đạo đức, Tiên phong Phật sắc của các con.

  • Tiên quyết vấn đề

    Tiên quyết vấn đề

    先決問題

    A: The previous question.

    P: La question préalable.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Quyết: xét định. Vấn: hỏi. Đề: nêu lên. Tiên quyết: cần giải quyết trước. Vấn đề: câu hỏi nêu lên.

    Tiên quyết vấn đề là vấn đề cần phải giải quyết trước để định hướng cách giải quyết các vấn đề tiếp theo.

  • Tiên sanh

    Tiên sanh

    先生

    A: The teacher.

    P: Le maître.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Sanh: Sinh: học trò.

    Tiên sanh hay Tiên sinh, nghĩa đen là người học trước mình, nghĩa thường dùng là thầy dạy học.

    Học trò gọi thầy dạy học mình là Tiên sanh.

    Tiên sanh còn là tiếng gọi tôn xưng người lớn tuổi, đáng kính trọng.

  • Tiên sư

    Tiên sư

    先師

    A: My defunct teacher, The founder.

    P: Mon défunt maýtre, Le fondateur.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Sư: thầy.

    Tiên sư có mấy nghĩa sau đây:

    · Các nhà nho gọi Đức Khổng Tử là Tiên Sư: Khổng Thánh Tiên Sư.

    · Học trò gọi thầy dạy học của mình đã chết là Tiên sư.

    · Tiên sư là người đầu tiên sáng lập một học thuyết hay một ngành nghề, cũng gọi là: Tổ Sư.

  • Tiên tằng tổ khảo

    Tiên tằng tổ khảo

    先曾祖考

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Tằng: ông cố. Tổ: ông nội. Khảo: cha đã chết.

    Tiên tằng tổ khảo là ông cố, ông nội và cha đã chết, chỉ chung tổ tiên.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Trong nhà thì thờ Tiên tằng tổ khảo của tông môn.

  • Tiên Thiên - Hậu Thiên

    Tiên Thiên - Hậu Thiên

    先天 - 後天

    A: Ante-Creation - Post-Creation.

    P: Ante-Création - Post-Création.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Hậu: sau. Thiên: Trời.

    Tiên Thiên là thời kỳ trước khi tạo dựng Trời Đất.

    Hậu Thiên là thời kỳ sau khi tạo dựng Trời Đất.

    Theo Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài, thuở chưa có Trời Đất, tức là chưa có Càn Khôn Vũ Trụ, trong khoảng không gian bao la có một chất khí Hồng Mông Hỗn Độn, gọi là Hư Vô chi Khí, Nho giáo gọi là Vô Cực, Lão giáo gọi là Đạo, khí ấy mịt mịt mù mù, thanh trược lộn lạo.

    Lần lần khí ấy ngưng tụ lại, rồi nổ ra một tiếng thật lớn, tạo ra một khối Đại Linh Quang chiếu diệu khắp không gian. Nho giáo gọi khối ấy là Thái Cực, khối ấy chính là Đại Hồn của Vũ Trụ, nên cũng gọi là Thái Cực Thánh Hoàng hay Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Khối ấy trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa, là nguyên lý đầu tiên duy nhứt, tuyệt đối.

    Đấng Thái Cực Thánh Hoàng vận dụng Thái Cực để phân ra thành hai khí gọi là Lưỡng Nghi: Nghi Dương và Nghi Âm, cũng gọi là: Dương quang và Âm quang.

    Hai khí Âm Dương ấy xoay chuyển không ngừng, càng lúc càng nhanh, gây ra tiếng nổ dữ dội, để Âm Dương kết hợp, tạo thành vật chất, bắn phá ra chung quanh các khối vật chất lớn làm thành các quả tinh cầu và trái đất. Lúc ấy mới bắt đầu có Càn Khôn Vũ Trụ với hình thể hữu vi vật chất, và sau đó lần lần xuất hiện các loài sinh vật trên các quả địa cầu.

    VÔ CỰC Thái Cực Lưỡng Nghi trục thời gian
    —————————x ———————x ———————x —————————>
    Hồng Mông -Hỗn Độn Hư Vô chi Khí Tiên Thiên Hậu Thiên
    Vô thỉ Hữu thỉ

    ● Thời kỳ từ Vô Cực qua Thái Cực, đến khi có Lưỡng Nghi Âm Dương, tức là thời kỳ trước khi có Trời Đất, gọi là Tiên Thiên. Thời kỳ nầy còn ở trạng thái vô vi vô hình.

    Khí Hư Vô nầy không có nguồn gốc, nên thời kỳ nầy cũng được gọi là thời Vô thỉ (Thỉ hay Thủy là bắt đầu).

    ● Thời kỳ từ khi có Lưỡng Nghi Âm Dương, tức là có phân định Trời Đất, tạo hóa các tinh cầu, các trái đất, rồi hóa sanh vạn vật, được gọi là thời Hậu Thiên, thuộc về hữu hình sắc tướng.

    Vạn vật đều có nguồn gốc là Lưỡng Nghi Âm Dương, nên thời kỳ Hậu Thiên còn được gọi là thời Hữu thỉ, đối ngược với thời Vô thỉ thuộc Tiên Thiên.

  • Tiên thường

    Tiên thường

    先嘗

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Thường: làm thử.

    Tiên thường là lễ cúng trước ngày giỗ chánh.

  • Tiên tịch

    Tiên tịch

    仙籍

    A: The register of the immortals.

    P: Le registre des immortels.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Tịch: sổ bộ ghi chép.

    Tiên tịch là Bộ Tiên, tức là sổ bộ ghi chép những vị Tiên nơi cõi thiêng liêng.

  • Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

    Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

    先責己,後責人

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Trách: xét lỗi, quở phạt. Kỷ: mình. Hậu: sau. Nhân: người.

    Tiên trách kỷ, hậu trách nhân: Trước hết phải xét lỗi mình, sau đó mới xét lỗi của người.

  • Tiên tri

    Tiên tri

    先知

    A: To prophesy.

    P: Prophétiser.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Tri: biết.

    Tiên tri là nói cho biết trước các việc sẽ xảy ra.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lại để lời tiên tri mà dặn trước, nào dè Thánh ngôn các con không đọc, lời Thầy nói cũng như không....

  • Tiên tục

    Tiên tục

    仙俗

    A: Immortal and layman.

    P: Immortel et laïque.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Tục: phàm tục.

    Tiên tục là người Tiên kẻ tục, khác hẳn nhau.

  • Tiên tư ngọc chất

    Tiên tư ngọc chất

    仙姿玉質

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Tư: dáng dấp của con gái. Ngọc: ý nói tốt đẹp như ngọc. Chất: phẩm chất.

    Tiên tư ngọc chất là nói về con gái: vóc dáng đẹp đẽ như Tiên, phẩm chất trong sáng như ngọc.

  • Tiên tử

    Tiên tử

    仙子

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Tử: thầy.

    Tiên tử là thầy Tiên, cũng như Mạnh Tử là thầy Mạnh.

    Tiên Tử là một phẩm Chức sắc cao cấp trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của Cơ Quan Phước Thiện.

    Phẩm Tiên Tử ở dưới phẩm Phật Tử, trên phẩm Thánh Nhơn. Tiên Tử đối phẩm với Đầu Sư của Cửu Trùng Đài.

  • Tiên ưu hậu lạc

    Tiên ưu hậu lạc

    先憂後樂

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Ưu: lo lắng. Hậu: sau. Lạc: vui.

    Tiên ưu hậu lạc là trước lo sau vui.

    Sách Nho có câu:

    Sĩ, tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.

    Nghĩa là: Người trí thức, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

  • Tiên vi chủ, hậu vi khách

    Tiên vi chủ, hậu vi khách

    先為主,後為客

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Vi: làm. Chủ: người chủ. Hậu: sau. Khách: người khách. Khách đối với Chủ.

    Tiên vi chủ: người đến trước thì được làm chủ.

    Hậu vi khách: người đến sau thì làm khách.

    Lẽ thường trong việc tranh đấu hơn thua, người làm trước chiếm được ưu thế nên được quyền làm chủ; kẻ đến sau phải chịu thất thế nên chỉ làm khách đứng ngoài.

    Tiên chiếm giả đắc chi: Ai chiếm trước thì kẻ ấy được hưởng quyền tiên chiếm. (Pháp luật qui định như vậy).

  • Tiên vị

    Tiên vị

    仙位

    A: The place of immortal.

    P: La place de l"immortel.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Vị: địa vị, chỗ ngồi.

    Tiên vị là ngôi vị Tiên.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Bộ Tân Luật để trước Tiên vị của Đức Giáo Tông một đêm cho Ngài xét đoán.

  • Tiên vụ chi cấp

    Tiên vụ chi cấp

    先務之急

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Vụ: việc. Cấp: gấp rút.

    Tiên vụ chi cấp là việc gấp thì phải tính trước.

  • Tiên vương

    Tiên vương

    先王

    A: The defunct king.

    P: Le roi défunt.

    Tiên: trước, đời trước, tổ tiên, người đã chết. Vương: vua,

    Tiên vương là vị vua đời trước, vị vua đã chết.

  • Tiên xa

    Tiên xa

    仙車

    A: The fairy vehicle.

    P: La voiture féerique.

    Tiên: vị Tiên, bực Tiên, trên bực Thánh. Xa: chiếc xe.

    Tiên xa là chiếc xe Tiên, tức là chiếc xe huyền diệu, người ngồi trên xe muốn đi đâu thì chiếc xe đưa ngay đến đó. Do đó nó còn được gọi là Xe Như Ý.

    Kinh Ðệ Lục cửu: Cõi Kim Thiên nhẹ tách Tiên xa.

  • TIỀN

    TIỀN

    1. TIỀN: 前 Trước, đời trước, trái với Hậu: sau.

    Thí dụ: Tiền bối, Tiền đồ, Tiền thân.

    2. TIỀN: 錢 Tiền bạc.

    Thí dụ: Tiền tài.

  • Tiền bối

    Tiền bối

    前輩

    A: The predecessors.

    P: Les prédécesseurs.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Bối: bọn, lớp.

    Tiền bối là những người già cả thuộc thế hệ trước mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nên biết rằng, mỗi việc chi đều có hạn định, có căn nguyên, dầu các bậc tiền bối cũng vậy.

  • Tiền căn báo hậu kiếp

    Tiền căn báo hậu kiếp

    前根報後劫

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Căn: gốc rễ. Báo: đáp lại. Hậu kiếp: kiếp sau. Tiền căn: cái gốc rễ trước, ý nói những việc làm thiện hay ác trong kiếp sống trước, là gốc rễ của những hạnh phúc hay đau khổ trong kiếp sống hiện tại.

    Tiền căn báo hậu kiếp là những việc làm thiện ác trong kiếp trước sẽ được báo đáp lại trong kiếp sau.

    Đây chỉ là sự thể hiện luật Nhân Quả từ kiếp trước qua kiếp sau. (Xem: Trọng Tương vấn Hớn, vần Tr)

  • Tiền căn hậu quả

    Tiền căn hậu quả

    前根後果

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Căn: gốc rễ. Hậu: sau. Quả: kết quả. Tiền căn: (đã giải bên trên). Hậu quả: kết quả sau.

    Tiền căn hậu quả là những việc làm thiện ác trong kiếp sống trước sẽ có những kết quả báo đáp lại sau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mà vì tiền căn hậu quả phải bị đắm chìm nơi bến khổ sông mê nầy.

  • Tiền công

    Tiền công

    前功

    A: The anterior merit.

    P: Le mérite antérieur.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Công: công đức, công quả.

    Tiền công là công đức làm được trong kiếp trước.

    Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối:
    Luân hồi trở lại trên đời,
    Tiền công thì cũng Phật Trời thưởng ban.
  • Tiền duyên

    Tiền duyên

    前緣

    A: The predestined lot.

    P: Le sort prédestiné.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Duyên: mối dây ràng buộc được định sẵn.

    Tiền duyên là mối dây ràng buộc được định sẵn từ trước.

  • Tiền định

    Tiền định

    前定

    A: Predestined.

    P: Prédestiné.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Định: sắp đặt.

    Tiền định là sắp đặt sẵn từ trước.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tương mãn phần cũng nơi số mạng tiền định.

  • Tiền đồ

    Tiền đồ

    前途

    A: The future.

    P: L"avenir.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Đồ: con đường.

    Tiền đồ là con đường phía trước, con đường tương lai.

  • Tiền hậu bất nhứt

    Tiền hậu bất nhứt

    前後不一

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu. Hậu: sau. Bất: không. Nhứt: một.

    Tiền hậu bất nhứt là trước sau không như một, ý nói: người có tánh không thành thật, không chung thủy.

    Tiền hậu mâu thuẩn: đồng nghĩa Tiền hậu bất nhứt.

  • Tiền Hiền hậu Thánh

    Tiền Hiền hậu Thánh

    前賢後聖

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu. Hiền: người có tài đức hơn người. Hậu: sau.

    Tiền hiền hậu Thánh là các bậc Hiền trước Thánh sau, ý nói các bực Thánh Hiền từ trước tới nay.

  • Tiền hô hậu ủng

    Tiền hô hậu ủng

    前呼後擁

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu. Hô: kêu to. Hậu: sau. Ủng: bảo hộ.

    Tiền hô hậu ủng là trước mặt có người hô, sau lưng có người ủng hộ.

    Theo thông lệ thời xưa, khi các vị quan lớn đi ra ngoài, phía trước có lính la hét bảo dân chúng tránh đường, phía sau có quân lính đi theo bảo vệ.

  • Tiền hung hậu kiết

    Tiền hung hậu kiết

    前凶後吉

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu. Hung: xấu, dữ. Hậu: sau. Kiết: Cát: tốt, lành.

    Tiền hung hậu kiết là trước xấu sau tốt.

  • Tiền khiên

    Tiền khiên

    前愆

    A: The anterior sin.

    P: Le péché antérieur.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Khiên: tội lỗi.

    Tiền khiên là tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống trước.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Có công phổ độ giải tiền khiên.

  • Tiền kiếp - Hiện kiếp - Hậu kiếp

    Tiền kiếp - Hiện kiếp - Hậu kiếp

    前劫 - 現劫 - 後劫

    A: The anterior life - The present life - The future life.

    P: La vie antérieure - La vie présente - La vie future.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu. Kiếp: kiếp sống. Hiện: hiện tại. Hậu: sau.

    Tiền kiếp là kiếp sống trước.
    Hiện kiếp là kiếp sống hiện tại.
    Hậu kiếp là kiếp sống tương lai.

    Luật Nhân Quả thường thể hiện trong ba kiếp.

  • Tiền lệ

    Tiền lệ

    前例

    A: The precedent.

    P: Le précédent.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Lệ: lề lối qui định.

    Tiền lệ là lề lối qui định từ trước.

  • Tiền nhơn

    Tiền nhơn

    前人

    A: The ancient.

    P: L"ancien.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Nhơn: Nhân: người.

    Tiền nhơn là người đời trước, người xưa.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Chúng ta nhờ tìm mà hay, nhờ đọc mà hiểu, đào luyện trí lự đặng nối chí tiền nhơn.

  • Tiền nhân hậu quả

    Tiền nhân hậu quả

    前因後果

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Nhân: cái nguyên nhân. Quả: kết quả.

    Tiền nhân hậu quả là cái nguyên nhân nơi đời trước có cái kết quả nơi đời sau.

  • Tiền oan nghiệp chướng

    Tiền oan nghiệp chướng

    前冤業障

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Oan: thù giận. Nghiệp: con đường đi từ nhân tới quả. Chướng: ngăn trở.

    Tiền oan nghiệp chướng là những thù giận mà mình đã gây ra cho người ta trong kiếp sống trước, biến thành nghiệp cảm xấu, gây ra nhiều điều trở ngại cho mình trong kiếp sống nầy.

  • Tiền sử

    Tiền sử

    前史

    A: Prehistory.

    P: Préhistoire.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Sử: sử ký, lịch sử.

    Tiền sử là trước khi có lịch sử.

    Tiền sử thời đại: thời kỳ chưa có lịch sử, thời kỳ mà con người chưa có chữ viết nên không thể ghi lại lịch sử.

  • Tiền tài phá luật lệ

    Tiền tài phá luật lệ

    錢財破律例

    Tiền: Tiền bạc. Tài: tiền bạc của cải. Phá: làm hư hỏng. Luật lệ: pháp luật và thể lệ.

    Tiền tài phá luật lệ là tiền bạc phá hỏng các luật lệ của quốc gia.

    Ý nói: Tình trạng quan lại tham nhũng. Người làm quan bị tiền bạc mua chuộc làm những việc sái pháp luật.

  • Tiền thân

    Tiền thân

    前身

    A: The anterior body.

    P: Le corps antérieur.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Thân: thân mình.

    Tiền thân là xác thân của các kiếp sống trước.

    Thí dụ: Quyển sách Tiền thân Đức Phật Thích Ca cho biết tiền thân của Ngài có khi là người, khi là voi, chim, v.v...

    Tiền thân của một cơ quan là cơ quan cũ mà nay đã được lập thành cơ quan mới.

    Thí dụ: Tiền thân của Cơ Quan Phước Thiện là Phạm môn.

  • Tiền trình

    Tiền trình

    前程

    A: The future.

    P: L"avenir.

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu: sau. Trình: con đường. (Tiền trình = Tiền đồ)

    Tiền trình là con đường phía trước, con đường tương lai.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Tiền trình Thầy dạy các con tường,
    Đợi hạ sang năm mới tuyển lương.
    Năm bảy năm sau nên nghiệp lớn,
    Đến chừng ấy khá Đạo lo lường.

    Đây là bài thi tiên tri của Đức Chí Tôn về nghiệp Đạo.

    Tiền trình vạn lý: Đường phía trước xa muôn dặm.

    Tiền trình viễn đại: Đường phía trước còn xa lắm.

  • Tiền vãng hậu vãng

    Tiền vãng hậu vãng

    前往後往

    Tiền: Trước, đời trước, trái với Hậu. Vãng: đi, qua. Hậu: sau.

    Tiền vãng: qua trước. Hậu vãng: qua sau, đi sau.

    Tiền vãng hậu vãng là trước qua sau đến.

    Tiền vãng Thất Tổ, hậu vãng Cửu Huyền: Thất Tổ qua trước, Cửu Huyền qua sau. Ý nói: Cửu Huyền Thất Tổ đã chết.

    SỚ VĂN: Lòng Sớ Thượng nguơn: Ngưỡng vọng Vô Trung Từ Phụ, phát hạ hồng ân, háo sanh đại đức, tùy nguơn ân xá chư linh hữu công hành đạo, tế độ nhơn sanh, cặp tiền vãng Thất Tổ, hậu vãng Cửu Huyền, do tử tôn lập thân hành đạo...

  • TIẾN

    TIẾN

    1. TIẾN: 進 Bước tới, đi lên, dâng đồ cống.

    Thí dụ: Tiến dẫn, Tiến hóa, Tiến phong.

    2. TIẾN: 薦 Giới thiệu, dâng lên.

    Thí dụ: Tiến bạt, Tiến soạn, Tiến thân.

  • Tiến bạt

    Tiến bạt

    薦拔

    A: To raise s.o. to higher rank.

    P: Proposer qqn à un rang supérieur.

    Tiến: Giới thiệu, dâng lên. Bạt: cất lên, đề cử.

    Tiến bạt là đề cử lên cấp trên dùng. (Xem: Bạt tiến, vần B)

  • Tiến bộ (Tấn bộ)

    Tiến bộ (Tấn bộ)

    進步

    A: The progress.

    P: Le progrès.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Bộ: bước tới.

    Tiến bộ là bước tới, tức là phát triển theo hướng đi lên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cho nên bước đường hóa trở ngại mà lâu tiến bộ.

  • Tiến cử

    Tiến cử

    薦舉

    A: To recommend.

    P: Recommander.

    Tiến: Giới thiệu, dâng lên. Cử: đưa lên.

    Tiến cử là đề cử người có tài đức lên cho cấp trên dùng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão đâu dám tiến cử ai, nhưng có một điều là một người không nên lãnh hai phần việc.

  • Tiến dẫn

    Tiến dẫn

    進引

    A: To propose s.o.

    P: Proposer qqn.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Dẫn: dìu dắt.

    Tiến dẫn là dìu dắt cho tiến bộ.

    Một người muốn nhập môn cầu đạo thì cần có hai Đạo hữu hay hai Chức việc trong Bàn Trị Sự tiến dẫn. Hai người tiến dẫn có nhiệm vụ dìu dắt người mới nhập môn biết cách thờ phượng, cúng lạy, ăn chay và kinh kệ, v.v...

  • Tiến độ

    Tiến độ

    進度

    A: The rate of progress.

    P: La vitesse de progrès.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Độ: mức.

    Tiến độ là mức thực hiện nhanh hay chậm của công việc.

  • Tiến hóa (Tấn hóa) - Luật Tiến hóa

    Tiến hóa (Tấn hóa) - Luật Tiến hóa

    進化 - 律進化

    A: The evolution - The law of the evolution.

    P: L" évolution - La loi de l" évolution.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Hóa: thay đổi, biến hóa.

    Tiến hóa hay Tấn hóa là biến đổi theo hướng phát triển đi lên, từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ trược tới thanh, từ ác tới thiện.

    Nếu biến đổi theo chiều ngược lại thì gọi là: Thoái hóa.

    Thuyết Tiến hóa: A: Evolution theory. P: Évolutionnisme.

    Thuyết Tiến hóa là học thuyết về nguồn gốc và sự phát triển của sinh vật.

    Hai nhà bác học lần lượt nêu ra thuyết Tiến hóa của sinh vật là: Lamark (Pháp) và Darwin (Anh).

    1. Jean Baptiste de Lamark (1744-1829) nêu lên thuyết Tiến hóa của sinh vật trước Darwin, cho là các loài sinh vật có cùng nguồn gốc, loài nọ biến hình trở thành loài kia, tiến triển từ những sinh vật đơn giản nhất lên những sinh vật ngày càng phức tạp hơn (động vật có hệ thần kinh). Hai nguyên nhân của sự biến hình tiến hóa là: - Xu hướng tự phát muốn hoàn chỉnh của sinh vật. - Ảnh hưởng môi trường. Luật thích nghi: môi trường tác động gián tiếp qua những biến đổi trong thói quen và tạp quán và do sự xuất hiện những yêu cầu mới. Những yêu cầu mới buộc sinh vật phải rèn luyện thêm một số bộ phận nào đó, hoặc thôi sử dụng một số khác.

    Thí dụ, con hươu cao cổ: đất khô, ít cỏ, nó phải ăn lá cây cao, do nghểnh cổ và kiễng chân mãi, nên cổ và chân trước dài ra, có thể ăn lá cây cao 6 mét. Luật di truyền: các biến đổi tạp nhiễm của cá thể truyền lưu cho thế hệ sau.

    2. Charles Darwin (1809-1882), sau Lamark, đề ra một lý luận khoa học sâu rộng hơn cho thuyết Tiến hóa về sự phát triển của sinh vật. Theo Darwin, cuộc đấu tranh sinh tồn, giống nào thích ứng được thì sống theo qui luật chọn lọc tự nhiên. Tính biến đổi và tính di truyền đều là thuộc tính của vật hữu cơ. Biến đổi nào có lợi cho nó trong cuộc đấu tranh sinh tồn thì thành cố định. Môi trường chọn lọc một cách khách quan, máy móc, những cá thể nào mang những biến đổi thích nghi; các biến đổi ấy xuất hiện ngẫu nhiên, không do sinh vật chủ định. Trong khi tích lũy và di truyền lại từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, những biến đổi ấy quyết định sự xuất hiện của những động vật và thực vật mới.

    Đó là 2 học thuyết Tiến hóa duy vật của 2 nhà khoa học Pháp và Anh. Họ nghiên cứu sự biến đổi cơ thể của các loài sinh vật thích nghi với môi trường sống mà đề ra học thuyết.

    Chúng ta có thể rút ra kết luận: Mọi vật đều luôn luôn tiến hóa. Tiến hóa là sống, không tiến hóa là chết.

    * Đạo Cao Đài nêu lên chẳng những thuyết Tiến hóa mà còn hơn thế nữa, là Luật Tiến hóa bao trùm lên tất cả các loài sinh vật trong Càn Khôn Vũ Trụ, gồm cả hai phần: thể xác và linh hồn, tức là phần hữu hình và phần vô hình.

    Phần thể xác là phần hữu hình, Luật Tiến hóa đi từ vật chất kim thạch, lên Thảo mộc, rồi lên Thú cầm, và sau cùng là Nhơn loại.

    Phần linh hồn là phần vô hình, Luật Tiến hóa đi từ vật chất kim thạch hồn, lên Thảo mộc hồn, rồi Thú cầm hồn, đến Nhơn hồn. Nhơn hồn còn phải tiếp tục tiến hóa lên Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Tới Phật hồn rồi, chưa phải là hết nấc thang tiến hóa, Phật hồn còn phải tiến lên nấc cuối cùng nữa là Thiên hồn, hòa nhập vào Thượng Đế.

    Như thế mới gọi là đi giáp một chu kỳ Tiến hóa của Càn Khôn. Sau đó, linh hồn được an nghỉ một thời gian, rồi sẽ bước vào chu kỳ Tiến hóa tiếp theo cao cấp hơn và bắt đầu tiến hóa tiếp trong chu kỳ Tiến hóa mới. (Xem: Nhơn Sanh quan, vần Nh)

    Các sinh vật luôn luôn tiến hóa, con người luôn luôn tiến hóa, Càn Khôn Vũ Trụ luôn luôn tiến hóa, tiến hóa mãi mãi.......

    Nếu sự tiến hóa ngưng lại, Luật Tiến hóa không thực hiện được thì đó là sự hủy diệt của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Kinh Giải Oan: Vòng xây chuyển vong hồn tấn hóa.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Trong Hiệp Thiên Đài có Hộ Pháp thay quyền các Đấng thiêng liêng và Thầy mà gìn giữ công bình tạo hóa, bảo hộ nhơn loại và vạn vật lên cho tới địa vị tận thiện tận mỹ, người thì tận thiện, còn vật thì tận mỹ. Chẳng cần lấy sức mình mà lập, chỉ bảo hộ cho sự tấn hóa tự nhiên khỏi điều trở ngại.

  • Tiến phong (Tấn phong)

    Tiến phong (Tấn phong)

    進封

    A: The investiture.

    P: L" investiture.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Phong: ban phẩm tước.

    Tiến phong hay Tấn phong là ban phẩm tước cho vị đứng đầu Giáo hội tôn giáo của một nước.

    Trong Đạo Cao Đài, vào năm Tân Hợi (1971), sau khi Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang đăng Tiên, các vị Thời Quân của Hiệp Thiên Đài công cử Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức lên nắm quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài thay thế Đức Thượng Sanh.

    Chư vị Thời Quân có tổ chức một đàn cơ tại Giáo Tông Đường để thỉnh ý Đức Phạm Hộ Pháp vào đêm mùng 4-5-Tân Hợi (dl 27-5-1971) hồi 20 giờ 30 phút.

    Đàn cơ đêm mùng 4-5-Tân Hợi (dl 27-5-1971) hồi 20 giờ 30 phút.
    Phò loan: Hiến Pháp - Khai Đạo.
    Hầu đàn: Thời Quân Hồ Bảo Đạo và Chức sắc Hiệp Thiên Đài.
    Hầu bút: Truyền Trạng Lê Minh Khuyên.

    HỘ PHÁP

    "Chào mừng các bạn, mấy em.

    Hèn lâu chúng ta mới có dịp mừng nhau và tiếp chuyện.

    Hôm nay có điều đáng vui mừng là bạn Hiến Pháp thọ phong Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài. Các bạn muốn hỏi điều chi?

    Ngài Khai Đạo bạch: - Bạch Đức Ngài về việc Lễ Tấn phong Ngài Hiến Pháp, xin Đức Ngài từ bi chỉ giáo.

    - Cười... Theo bạn, Lễ Tấn phong là lễ gì?

    Ngài Khai Đạo bạch: - Bạch Đức Ngài, Lễ Tấn phong là để cho toàn thể Chức sắc và bổn đạo đều hiểu biết Ngài Hiến Pháp đã thọ phong.

    - Nhưng có người hiểu Tấn phong là đội mão (Couronnement), cái đó không phải Tấn phong mà là Gia miện, chỉ có bậc vua mới được; còn lễ toàn đạo hiệp lại tổ chức cuộc lễ cho có vẻ tôn nghiêm, rồi toàn thể Chức sắc Thiên phong đến hành lễ bái mạng cho vị Tân phong đủ uy quyền với toàn đạo. Các bạn rõ chưa?"..........

    BÀI THI Lễ Tấn phong Ngài Hiến Pháp.:
    Hiến Pháp Chơn Quân nắm mối giềng,
    Tấn phong sứ mạng bảo cung Thiên.
    Tinh thần phục vụ không mưu lợi,
    Thánh thể hóa dân chẳng dụng quyền.
    Bảo thủ chánh truyền trau tánh đức,
    Thực thi đạo luật tạo nhân hiền.
    Thời Quân kỳ cựu đầy kinh nghiệm,
    Xông lướt phong ba vững lái thuyền.
    Chơn Nhơn Phạm Mộc Bổn
  • Tiến soạn (Tấn soạn)

    Tiến soạn (Tấn soạn)

    薦饌

    A: To offer up the food.

    P: Offrir des mets

    Tiến: Giới thiệu, dâng lên. Soạn: đồ ăn, các món ăn.

    Tiến soạn hay Tấn soạn là dâng lên các món ăn.

    Trong nghi lễ cúng tế hàng vong thường, hoặc trong nghi lễ Chúc thọ, có phần Tiến soạn.

    Khi Lễ xướng "Tiến soạn" thì hai cặp Lễ sĩ đăng đài đi thảo, đem cơm và đồ ăn dâng lên.

  • Tiến thân

    Tiến thân

    薦身

    A: To offer up oneself.

    P: Se présenter pour un service.

    Tiến: Giới thiệu, dâng lên. Thân: thân mình.

    Tiến thân là dâng mình lên cho người trên sử dụng để có được danh vị và quyền lợi.

  • Tiến thoái lưỡng nan

    Tiến thoái lưỡng nan

    進退兩難

    A: Neither able to advance nor retreat.

    P: Avancer ou reculer est également difficile.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Thoái: lui. Lưỡng: hai. Nan: khó. Tiến thoái (Tấn thối) là đi tới đi lui, tính tới tính lui đủ mọi đường.

    Tiến thoái lưỡng nan là tiến tới hay lui lại, cả hai đường đều khó khăn, ý nói: tình trạng khó xử.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tấn thối riêng lo kịp thế thì.

  • Tiến thủ

    Tiến thủ

    進取

    A: To make progress.

    P: Progresser.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Thủ: chọn lấy.

    Tiến thủ là ra sức tiến tới để chiếm lấy phần tốt.

  • Tiến triển

    Tiến triển

    進展

    A: To progress.

    P: Progresser.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Triển: mở ra.

    Tiến triển là tiến bộ và phát triển.

  • Tiến trình

    Tiến trình

    進程

    A: The way of progress.

    P: Le chemin du progrès.

    Tiến: Bước tới, đi lên, dâng đồ cống. Trình: con đường.

    Tiến trình là con đường đi tới, sự diễn tiến của công việc.

  • Tiến tửu

    Tiến tửu

    薦酒

    A: To offer up the wine.

    P: Offrir du vin.

    Tiến: Giới thiệu, dâng lên. Tửu: rượu.

    Tiến tửu là dâng rượu.

  • TIỄN

    TIỄN

    1. TIỄN: 餞 Đãi tiệc đưa người lên đường.

    Thí dụ: Tiễn biệt, Tiễn thăng.

    2. TIỄN: 剪 Cái kéo, cắt.

    Thí dụ: Tiễn thảo trừ căn.

    3. TIỄN: 箭 Cây tên.

    Thí dụ: Tiễn thư.

  • Tiễn biệt

    Tiễn biệt

    餞別

    A: To bid adieu.

    P: Faire ses adieux à.

    Tiễn: Đãi tiệc đưa người lên đường. Biệt: xa cách, biệt ly.

    Tiễn biệt là tiễn chân người đi xa và lâu trở về.

  • Tiễn thăng

    Tiễn thăng

    餞升

    A: To see off s.o. to s.o."s elevation.

    P: Accompagner qqn à son élévation.

    Tiễn: Đãi tiệc đưa người lên đường. Thăng: bay lên.

    Tiễn thăng là đưa tiễn một linh hồn siêu thăng.

    Kinh Ðệ Ngũ cửu: Dựa xe Như ý oai thần tiễn thăng.

  • Tiễn thảo trừ căn

    Tiễn thảo trừ căn

    剪草除根

    Tiễn: Cái kéo, cắt. Thảo: cỏ. Trừ: làm cho mất đi. Căn: rễ.

    Tiễn thảo trừ căn là cắt cỏ phải trừ dứt gốc rễ.

  • Tiễn thư

    Tiễn thư

    箭書

    A: The letter of arrow.

    P: La lettre de flèche.

    Tiễn: Cây tên. Thư: lá thơ gởi đi.

    Tiễn thư là lá thơ kẹp vào mũi tên bắn đến chỗ người nhận thơ.

  • TIỆN

    TIỆN

    1. TIỆN: 便 Thuận tiện, tiện lợi.

    Thí dụ: Tiện nghi, Tiện thị.

    2. TIỆN: 賤 Hèn, khinh, tiếng tự khiêm.

    Thí dụ: Tiện minh, Tiện nội, Tiện nữ.

  • Tiện minh

    Tiện minh

    賤明

    Tiện: Hèn, khinh, tiếng tự khiêm. Minh: sáng.

    Tiện minh là tiếng tự xưng một cách khiêm tốn của Chức sắc phẩm Phối Sư và Chánh Phối Sư. (Xem: Khiêm xưng)

  • Tiện nghi

    Tiện nghi

    便宜

    A: Confortable.

    P: Confortable.

    Tiện: Thuận tiện, tiện lợi. Nghi: nên, thích đáng.

    Tiện nghi là thuận lợi thích đáng.

  • Tiện nội - Tiện nữ

    Tiện nội - Tiện nữ

    賤內 - 賤女

    A: My wife - My daughter.

    P: Ma femme - Ma fille.

    Tiện: Hèn, khinh, tiếng tự khiêm. Nội: trong, nội trợ. Nữ: con gái.

    Tiện nội là tiếng khiêm tốn nói về vợ của mình.

    Tiện nữ là tiếng khiêm tốn nói về con gái của mình.

  • Tiện thị

    Tiện thị

    便是

    A: So it is.

    P: C"est ainsi.

    Tiện: Thuận tiện, tiện lợi. Thị: là.

    Tiện thị: ấy là.

  • TIẾP

    TIẾP

    TIẾP: 接 Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước.

    Thí dụ: Tiếp dẫn, Tiếp dưỡng, Tiếp kiến.

  • Tiếp dẫn

    Tiếp dẫn

    接引

    A: To conduct.

    P: Conduire.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Dẫn: dìu dắt.

    Tiếp dẫn là tiếp rước và dẫn dắt.

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần: Ra oai linh tiếp dẫn nhơn cầm.

  • Tiếp Dẫn Đạo Nhơn

    Tiếp Dẫn Đạo Nhơn

    接引道人

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Dẫn: dẫn dắt. Đạo Nhơn: người đạo.

    Có hai trường hợp:

    1. Tiếp Dẫn Đạo Nhơn là một phẩm Chức sắc cao cấp Hiệp Thiên Đài, dưới kế Thập nhị Thời Quân: A: Instructor. P: Instructeur.

    Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đối phẩm với Phối Sư của Cửu Trùng Đài.

    Nhiệm vụ, quyền hành, thăng thưởng và Đạo phục của Tiếp Dẫn Đạo Nhơn được qui định trong Hiến Pháp Chức sắc Hiệp Thiên Đài. (Xem chữ: Hiệp Thiên Đài, vần H, phần Hiến pháp).

    Vị Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đầu tiên của Hiệp Thiên Đài là ông Gabriel Gobron, người nước Pháp, là một nhà văn và nhà báo, có viết hai quyển sách về Đạo Cao Đài bằng Pháp văn để truyền bá Đạo Cao Đài nơi ngoại quốc là:

    - Histoire du Caodaïsme (Lịch sử Đạo Cao Đài), xuất bản năm 1948 tại Paris.

    - Histoire et Philosophie du Caodaïsme (Lịch sử và Triết lý của Đạo Cao Đài), xuất bản năm 1949 tại Paris.

    2. Tiếp Dẫn Đạo Nhơn là vị Phật cõi Cực Lạc Thế Giới:

    Tiếp Dẫn Đạo Nhơn là một vị Phật cầm phướn Tiếp Dẫn, tiếp rước các chơn hồn đắc đạo đến Cực Lạc Thế Giới.

    Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối:
    Tây phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn,
    Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu:
    Nắm phan Tiếp dẫn vào vòng Như Lai.

    Trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, Đức Phật Tiếp Dẫn Đạo Nhơn có giáng cơ cho một bài Thánh giáo sau đây:

    Ngày 2 tháng 2 năm Nhâm Thân (1932).

    THI:
    Tiếp độ hiền lương bước thuận đàng,
    Dẫn vào cửa Phật tránh thương tang.
    Đạo thành muôn kiếp nhàn vui hưởng,
    Nhơn sự màng chi cuộc trái oan.

    Tiếp Dẫn Đạo Nhơn

    DIỄN DỤ:

    Bần tăng tiếp đặng chiếu chỉ lâm đàn cho cả thiện nam tín nữ ít lời diễn dụ: Khuyên sớm lo tu hành, lo bồi âm chất, sửa mình cho vẹn vẻ, tam cang ngũ thường đừng sót.

    Phàm muốn gần đặng Tiên Phật thì phải trì tâm học đạo, hiếu nghĩa vi tiên, tình sư nghĩa đệ vuông tròn, hóa nhơn mới thuận.

    Cái Hội Long Hoa hầu gần, thi người đạo đức, thưởng phạt công minh, chừng ấy kẻ có căn Tiên thì Tiên rước, người có duyên Phật thì Phật đưa, còn những người vô đạo vô đức, Thần Tiên cũng thương xót nhưng không thể độ.

    Nay Hội Tam Nguơn tuần hoàn sửa dựng, vớt bực hiền lương, đưa hàng thiện sĩ, phong cương sửa trị, lập hội thái bình, khuyên thiện nam tín nữ lo tu: trước tròn nhơn đạo, rồi mau tính tu hành, ngõ nhờ phước lớn, vượt qua khổ hải, sẽ gặp

    Thiên đàng, chớ tưởng cuộc thế gian là quê cũ, mê đắm gây việc trái oan, sau khó trở về Cực Lạc.

    THI rằng:
    Tang điền thương hải chẳng bao xa,
    Khuyên thế lo tu kịp tuổi già.
    Danh lợi đường đời như cụm khói,
    Công thành cửa Phật tợ liên hoa.
    Lăng xăng mặt đất lo không cửa,
    Thanh tịnh vườn Tiên khỏe vạn nhà.
    Nhớ tới Long Hoa gần sắp đặt,
    Bần tăng vội vã dắt thoàn qua.
    Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.
    THĂNG.
  • Tiếp dưỡng

    Tiếp dưỡng

    接養

    A: To nourish.

    P: Nourrir.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Dưỡng: nuôi.

    Tiếp dưỡng là nhận lấy chất bổ để nuôi sống cơ thể.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Như mình đây, con vật ăn cái gì thì mình ăn cái nấy, nó có hai thứ tiếp dưỡng, một là ăn gián tiếp, hai là ăn trực tiếp.....

  • Tiếp Đạo

    Tiếp Đạo

    接道

    A: Religious Legislator.

    P: Législateur religieux.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Đạo: tôn giáo.

    Tiếp Đạo là một phẩm Chức sắc của Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, thuộc chi Đạo, dưới quyền trực tiếp của Thượng Phẩm.

    Theo Chú Giải Pháp Chánh Truyền, Tiếp Đạo là người tiếp cáo trạng án tiết thì phải quan sát trước coi có oan khúc chi chăng, đáng ra binh vực thì phải dâng lên cho Khai Đạo.

    Theo Hiếp pháp của Hiệp Thiên Đài năm Nhâm Thân (1932) thì:

    Trách nhiệm của Tiếp Đạo là giúp chư Đạo hữu trong đường Đạo, tránh những nỗi bất bình, những sự bất công,

    những điều hà khắc, có thể làm trở ngại bước đường Đạo của Đạo hữu lưỡng phái.

    Đạo phục của Tiếp Đạo gồm hai bộ: Đại và Tiểu phục, giống y như Đạo phục của Bảo Đạo. (Xem: Bảo Đạo).

    Năm 1927, khi Đức Phạm Hộ Pháp lên mở đạo tại Kim Biên (Nam Vang), Đức Chí Tôn giáng cơ phong Ngài Cao Đức Trọng đang ở tại Kim Biên vào phẩm Tiếp Đạo.

    Ngài Cao Tiếp Đạo là vị Thời Quân được Đức Chí Tôn phong sau cùng trong số 12 vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài.

    Sau đây là Tiểu sử của Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng.

  • Tiếp Đạo Cao Đức Trọng (1897 - 1958)

    Tiếp Đạo Cao Đức Trọng (1897 - 1958)

    Ngài Cao Đức Trọng, sanh ngày 20-4-Đinh Dậu (dl 21-5-1897) tại làng Ích Thạnh quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định.

    (Ngài Cao Tiếp Đạo là bào huynh của Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, nên phần gia thế, xin độc giả xem Tiểu sử của Đức Thượng Sanh. (please highlight these words Thượng Sanh Cao Hoài Sang and press Enter).

    Năm 1927, lúc Đức Phạm Hộ Pháp đến Nam Vang, thủ đô nước Cao Miên để mở đạo thì Đức Phạm Hộ Pháp ngụ tại nhà Ngài Cao Đức Trọng, lúc đó Ngài Cao Đức Trọng đang làm công chức nơi Sở Chưởng Khế tại Nam Vang.

    Tại đây, Đức Chí Tôn giáng cơ thâu Ngài Cao Đức Trọng và nhiều vị khác vào hàng môn đệ.

    Đàn cơ ngày 27-7-1927 (âl 29-6-Đinh Mão), Đức Chí Tôn ân phong Ngài Cao Đức Trọng vào chức Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài, Ngài là vị Thời Quân được Đức Chí Tôn phong sau cùng trong số Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài.

    Cũng trong đàn cơ nầy, Đức Chí Tôn phong nhiều vị khác vào hàng Chức sắc Cửu Trùng Đài. Nhờ số Chức sắc đầu tiên nầy, Đức Phạm Hộ Pháp thành lập được Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại, giao cho Ngài Giáo Hữu Thượng Bảy Thanh (Lê Văn Bảy) làm Chủ Trưởng, để rồi sau nầy trở thành Hội Thánh Ngoại Giáo, đặt dưới quyền điều khiển thiêng liêng của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo), với chức vụ Chưởng Đạo.

    Từ năm 1938 đến năm 1942, Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng được Đức Phạm Hộ Pháp bổ nhiệm làm Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo ở Kim Biên, Nam Vang.

    Năm 1942, Đạo Cao Đài bị nhà cầm quyền Pháp khủng bố nặng nề, Tòa Thánh Tây Ninh bị quân đội Pháp chiếm đóng, còn tại Nam Vang, Thánh Thất Kim Biên bị chiếm đọat, quân Pháp phá Quả Càn Khôn thờ Đức Chí Tôn, đập phá các long vị thờ chư Thần Thánh Tiên Phật, Ngài Cao Tiếp Đạo lánh nạn sang Thái Lan ngày 17-9-Nhâm Ngọ (dl 26-10-1942).

    Nhân dịp ở Thái Lan, Ngài Cao Tiếp Đạo phổ độ được một số ít người Thái Lan theo Đạo, gieo một ít hột Thánh cốc nơi đất nước nầy.

    Năm 1944, Ngài trở về Việt Nam, ngụ tại Sài Gòn, hiệp cùng chư Chức sắc Thiên phong lo cơ phục hưng nền Đạo.

    Ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946), chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp từ hải đảo Madagascar trở về Tòa Thánh, sau 5 năm 2 tháng lưu đày, và liền sau đó, Đức Phạm Hộ Pháp tái thủ quyền hành, lo củng cố nền Đạo.

    Ngài Cao Tiếp Đạo cũng trở về hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh, được Đức Phạm Hộ Pháp cử giữ chức vụ Đổng Lý Văn phòng Hộ Pháp, sau đó, Ngài được Hội Thánh tạm cử vào chức vụ Quyền Thượng Chánh Phối Sư Cửu Trùng Đài để triệu tập Đại Hội Nhơn Sanh, tuyển chọn chư Chức sắc và Chức việc hữu công cùng Đạo xin cầu thăng và cầu phong, cho có đủ người hành đạo, mau gầy dựng trở lại cơ nghiệp Đạo.

    Năm Quí Tỵ (1953), Thánh Lịnh số 281/Thánh Lịnh cử Ngài Tiếp Đạo làm Cố Vấn Hành Chánh Đạo kiêm Nghị Trưởng Hội Đồng Kinh Tế Châu Thành Thánh Địa, sau đó Ngài được cử điều khiển Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại.

    Năm Giáp Ngọ (1954), Ngài Cao Tiếp Đạo cầm quyền Thống Quản Cơ Quan Phước Thiện.

    Năm Bính Thân (1956), sau khi Đức Phạm Hộ Pháp lưu vong qua Nam Vang (thủ đô nước Cao Miên), Ngài Cao Tiếp Đạo được Hội Thánh cử làm Đại diện Hội Thánh giao tiếp với Chánh phủ Ngô Đình Diệm, xếp đặt ổn định việc Đạo, Ngài cùng với Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước thảo luận với Ông Nguyễn Ngọc Thơ, đại diện Chánh phủ Diệm, lập ra Thỏa Ước Bính Thân, qui định các điều khoản hành đạo của Đạo Cao Đài. (Xem chi tiết nơi Tiểu Sử Ngài Bảo Thế Lê thiện Phước)

    Ngài Cao Tiếp Đạo được Chánh phủ Ngô Đình Diệm ủng hộ và thúc đẩy việc vận động với Hội Thánh rước Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang (đang ở Sài Gòn) về Tòa Thánh Tây Ninh cầm giềng mối Đạo, thay thế Đức Phạm Hộ Pháp đang lưu vong nơi nước Cao Miên, với sự ủng hộ của chánh quyền Ngô Đình Diệm, vả lại Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang là bào đệ của Ngài Cao Tiếp Đạo, nên việc vận động nầy thành công dễ dàng.

    Tháng 5 năm 1957 (Đinh Dậu), Ngài Cao Tiếp Đạo hiệp cùng Đức Thượng Sanh và một số vị Thời Quân, từ Sài Gòn về Tòa Thánh Tây Ninh cầm quyền điều khiển nền Đạo.

    Mấy lúc sau nầy, Ngài Cao Tiếp Đạo lâm bịnh nặng, không ăn uống chi được, nên đến ngày 23-5-Mậu Tuất (dl 9-7-1958), Ngài qui vị hưởng thọ 62 tuổi.

    Tang lễ được cử hành trọng thể tại Tòa Thánh Tây Ninh theo hàng Thời Quân Hiệp Thiên Đài, liên đài kỵ long mã nhập bửu tháp.

    Sau khi Ngài Cao Tiếp Đạo đăng Tiên 2 ngày, Đức Thượng Sanh và chư vị Thời Quân có tổ chức đàn cơ tại Giáo Tông Đường, đêm 25-5-Mậu Tuất (dl 11-7-1958), lúc 7 giờ tối được Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ cho biết như sau:

    Phò loan: Thượng Sanh - Bảo Pháp.

    CAO THƯỢNG PHẨM

    Chào mấy em,

    Bần đạo cho mấy em Thượng Sanh, Bảo Pháp, Khai Đạo biết, sự quyết định của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài về chỗ an tọa liên đài của toàn Chức sắc Hiệp Thiên Đài là hợp với Thánh ý, nếu chẳng vậy thì sự huyền bí di truyền nền Chánh giáo đều hỏng hết.

    Hiệp Thiên tuy mất một bạn nhưng Thiên cơ định vậy, dầu sao, Tiếp Đạo cũng sẽ là một Đấng dìu đường thiêng liêng cho mấy em làm tròn nhiệm vụ.

    Còn xác thân là còn trách nhậm nặng nề với Đạo và Đời. Mấy em an lòng bước tới, không chi trở ngại đâu.

    Tiếp Đạo sẽ đến với mấy em trong một ngày gần đây, vì mắc bận chầu Bạch Ngọc Kinh và Ngọc Hư Cung.

    Bần đạo xin chư đệ chớ nên nãn lòng, sao sao cũng có Bần đạo và mấy bạn nơi thiêng liêng giúp sức.

    Kính chào.

    THĂNG.

    Sau đây là bài giáng cơ của Ngài Cao Tiếp Đạo:

    Giáo Tông Đường
    (dl 19-7-1958) hồi 8 giờ tối (đêm mùng 3-6-Mậu Tuất).
    Phò loan: Thượng Sanh - Bảo Pháp.
    Hầu đàn: Tả Phan Quân và hai vị Sĩ Tải.

    CAO TIẾP ĐẠO

    Chào Anh Bảo Pháp, Thượng Sanh và mấy em.

    Bần đạo để lời cám ơn toàn bạn Hiệp Thiên, toàn cả Chức sắc Cửu Trùng và toàn đạo nam nữ đã hết lòng lo lắng cho Bần đạo khi Bần đạo về với Đại Từ Phụ. Đó là nghĩa thịt xương. Vậy Bần đạo xin có mấy lời:

    THI:
    Cổi xác phàm vui lại cảnh Tiên,
    Độ sanh phỉ hiệp tạo nên giềng.
    Trường đời dầu chẳng tròn ân nghĩa,
    Nợ đạo rồi xong gác bút nghiên.
    Cõi Thánh nhàn xem tranh đảnh Túy,
    Chơn mây ngẩn chạnh bạn rừng thiền.
    Từ đây dạo khắp trời non nước,
    Nâng giúp quần sanh hưởng huệ duyên.

    Bần đạo được nhờ Phật Mẫu và Cửu vị Nữ Phật giao cho phận sự thiêng liêng phổ độ khắp miền Á Châu, nhưng dầu sao Bần đạo cũng hiệp với mấy Đấng thiêng liêng tiền bối của Đạo trông nom và trợ giúp mấy bạn Hiệp Thiên làm tròn nhiệm vụ.

    Bần đạo xin em Thượng Sanh khuyên giải Bà thân mẫu chúng ta. Anh đã hưởng trọn Thiên ân của Đức Chí Tôn, đó là một điều vui chớ chẳng phải việc buồn.

    Bần đạo kính chào cả mấy bạn.

    THĂNG.

    Bài thi của Ngài Cao Tiếp Đạo cho trong bài giáng cơ bên trên được dùng làm bài thài hiến lễ cho Ngài.

    Thuở sinh tiền, Ngài Cao Tiếp Đạo là một nhà thơ lỗi lạc với bút hiệu là Huyền Quang. Năm 1950, Ngài lập Đạo Đức Văn Đàn, qui tụ các Chức sắc và tín đồ yêu mến thơ văn của Đạo, gây được một phong trào thi văn nổi tiếng tại Tòa Thánh Tây Ninh. Phong trào này kéo dài được 2 năm thì có phần chựng lại vì Ngài Cao Đức Trọng bận lo việc Đạo. Đến năm 1957, Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu phục hồi sinh hoạt của Đạo Đức Văn Đàn.

    Lúc sau nầy, Ngài Cao Tiếp Đạo lấy bút hiệu là Chánh Đức, do Đức Tiêu Diêu Đạo Sĩ giáng cơ ban cho, với hai câu đối nói lên ý nghĩa của bút hiệu nầy:

    CHÁNH khí tà gian khủng,
    ĐỨC trọng quỉ thần kinh.

    Sau đây, xin chép lại một số bài thi của Ngài Cao Tiếp Đạo:

    Họa vận bài thi "CẢM TÁC" của Đức Cao Thượng Sanh khi Ngài đến thăm Đức Phạm Hộ Pháp, lúc Đức Hộ Pháp trở về Tòa Thánh sau 5 năm bị đồ lưu nơi hải ngoại:

    Màu sen Tây vức ngắm thêm tươi,
    Hỏi khách Hỗn Ngươn đặng mấy người ?
    Ly hận ngày qua non ngó khóc,
    Trùng hưng buổi hiện gió reo cười.
    Cơ huyền trí định tan rồi hiệp,
    Phép tạo tay cầm ngược cũng xuôi.
    Tỏ đặng nỗi mừng chia hạnh phúc,
    Đá kia cũng gật để nên lời.

    Họa vận bài thi của Bát Nương giáng cơ đêm 15-8-Bính Tuất (1946):

    (thuận nghịch đọc)
    Qua thu bước khổ cảnh thay lần,
    Trị quốc điềm đem thấy hiện lân.
    Hòa ái chạm gương nêu trước tử,
    Nghĩa nhân bia dấu tạc kiều Ngân.
    Ca hoàn Việt, lập an ngôi Thánh
    Định đảnh Nam, vang tiếng hạc Thần,
    Nhà nước Đạo xong gầy hậu phúc,
    Hoa tiên bức chép rạng đài vân.

    Họa vận bài thi Tức Sự của Đức Thượng Sanh:

    Đường trần mừng tránh lối nghiêng xe,
    Quán tục thanh tâm chẳng rượu chè.
    Lướt thế trẻ dong đường dặm liễu,
    Xem đời già núp cội cây hòe.
    Noi gương Đỗ Phủ vài hàng mực,
    Giỏi chí Nghiêm Lăng ít mảnh tre.
    Đợi gió xây chiều về động Thánh,
    Buồm nhân trở lái cánh loan sè.

    SỐNG VỀ ĐẠO
    Thuyền từ đưa khách lướt ngàn voi,
    Đuốc huệ tay trau đã thấy mòi.
    Tỉnh thế cung Trời đưa giọng khánh,
    Độ nhân non Thánh trổi hơi còi.
    Huyền châu động báu nguồn Tiên chỉ,
    Xá lợi đài sen gốc Phật roi.
    Lấy mắt vô hình xem vũ trụ,
    Máy linh bao khắp ngoại vòng thoi.
    ***
    Xủ áo phồn hoa tránh ngựa voi,
    Riêng vui động Túy đã ra mòi.
    Non nhân ngắm lại cành tươi tốt,
    Rừng tục xem qua lá cọc còi.
    Lục Tổ thọ truyền gương vẫn tạc,
    Quan Âm đắc đạo tiếng còn roi.
    Nhiệm mầu diệu pháp Ba-la-mật,
    Hơn cả muôn vàng ức triệu thoi.
    Chánh Đức
  • Tiếp giá

    Tiếp giá

    接駕

    A: To receive the God.

    P: Recevoir le Dieu.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Giá: xe của vua đi.

    Tiếp giá là đón tiếp Đức Chí Tôn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chư chúng sanh khá đại tịnh đặng tiếp giá Đức Từ Bi.

  • Tiếp kiến

    Tiếp kiến

    接見

    A: To interview.

    P: Accorder une entrevue.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Kiến: thấy.

    Tiếp kiến là một người ở địa vị cao nhận tiếp chuyện với một người ở địa vị thấp.

  • Tiếp Lễ Nhạc Quân

    Tiếp Lễ Nhạc Quân

    接禮樂君

    A: Assistant of the Rites and Music.

    P: Assistant des Rites et Musique.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Lễ Nhạc: lễ nghi và âm nhạc trong cúng tế. Quân: người đáng kính.

    Tiếp Lễ Nhạc Quân là một phẩm Chức sắc cao cấp, thay quyền cho Bảo Văn Pháp Quân, chưởng quản về Nhạc và Lễ, Khách Đình và Nhà thuyền.

    Phẩm Nhạc Sư, phẩm cao cấp nhứt trong Bộ Nhạc, sau 5 năm công nghiệp đầy đủ, được cầu thăng lên phẩm Tiếp Lễ Nhạc Quân khi phẩm nầy bị khuyết.

    Phẩm Tiếp Lễ Nhạc Quân được cầu thăng lên phẩm Bảo Văn Pháp Quân khi phẩm Bảo Văn Pháp Quân bị khuyết.

    Nhạc Sư đối phẩm Giáo Sư Cửu Trùng Đài, còn Tiếp Lễ Nhạc Quân thì đối phẩm với Phối Sư Cửu Trùng Đài.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Ngoại Pháp Chánh Truyền, dưới quyền Hộ Pháp thì còn Bảo Văn Pháp Quân (Art et Belles Lettres), trước Thầy phong đỡ làm Tiếp Lễ Nhạc Quân, nay đã vào chánh vị, đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc lại cho hoàn toàn cho tới ngày thành Đạo.

    Phận sự của Tiếp Lễ Nhạc Quân được Đức Phạm Hộ Pháp ấn định trong Thánh Lịnh số 23 ngày 22-4-Quí Tỵ (dl 14-5-1953) khi thăng cấp cho Nhạc Sư Võ Văn Chở lên làm Tiếp Lễ Nhạc Quân.

    Xin chép ra sau đây nguyên văn Thánh Lịnh nói trên:

    Văn Phòng ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    HỘ PHÁP ĐƯỜNG (Nhị thập bát niên)
    ----- TÒA THÁNH TÂY NINH
    Số: 23

    THÁNH LỊNH
    HỘ PHÁP
    Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
    Hiệp Thiên và Cửu Trùng

    Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền;

    Chiếu y Đạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (15-2-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Đạo cho Hộ Pháp nắm giữ đến ngày có Đầu Sư chánh vị;

    Chiếu y Thánh Lịnh số 23 ngày 27 tháng 1 Nhâm Thìn (22-2-1952) ân tứ cho Nhạc Sư Võ Văn Chở được thăng phẩm Tiếp Lễ Nhạc Quân.

    THÁNH LỊNH

    Điều thứ 1: Phận sự của Tiếp Lễ Nhạc Quân Võ Văn Chở được gia tăng như sau nầy:

    1. Chưởng quản Khách Đình.

    2. Cai quản Ban Tổng Trạo và toàn nhơn viên Đạo Tỳ.

    Điều thứ 2: Người trọn quyền sắp đặt và phân công trong các Ban Lễ, Nhạc và Trạo cho mỗi vị, các tư kỳ phận.

    Tiếp Lễ Nhạc Quân là chủ sự tang tế thì mỗi khi có Lễ, Lễ Viện Hành Chánh và Lễ Viện Phước Thiện phải cho người hay liền.

    Điều thứ 3: Tiếp Lễ Nhạc Quân được phép giữ tài chánh của Lễ Nhạc Viện và cầm sổ sách thâu xuất cho phân minh mọi khoản. Sổ nầy mỗi cuối tháng phải có Phụ Thống Lễ Viện Hành Chánh và Lễ Viện Phước Thiện chấp thuận và ký tên mới đủ lẽ.

    Điều thứ 4: Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Chưởng quản Phước Thiện, Tiếp Lễ Nhạc Quân, Phụ Thống Lễ Viện Hành Chánh, Phụ Thống Lễ Viện Phước Thiện, Cai quản các Ban Lễ, Nhạc và Trạo, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.

    Tòa Thánh, ngày 22 tháng 4 Quí Tỵ (14-5-1953).

    HỘ PHÁP

    (ấn ký)

    Trong quyển LỜI PHÊ của Đức Hộ Pháp, nơi trang 15, Đức Phạm Hộ Pháp có phê như sau:

    "Lễ sĩ, Giáo nhi, Nhà thuyền với nhơn viên Nhà thuyền là thuộc quyền của Tiếp Lễ Nhạc Quân quản suất, còn đào huyệt thuộc về phần nhơn viên dưới quyền Nhơn Quan Đạo tỳ."

    (Ghi chú: Nhơn Quan: người đem quan tài đi chôn. Nhơn là chôn vùi, quan là cái quan tài. (Xem chữ: Đạo tỳ, vần Đ).

    Tóm lại:

    Nhiệm vụ của Tiếp Lễ Nhạc Quân được Đức Phạm Hộ Pháp qui định là:

    · Cai quản các Ban, Bộ: Bộ Nhạc, Ban Lễ sĩ, Ban Giáo nhi và Đồng nhi.

    · Chưởng quản Khách Đình.

    · Cai quản Ban Nhà Thuyền, Ban Tổng Trạo, và toàn nhơn viên Ban Đạo Tỳ.

    · Tiếp Lễ Nhạc Quân là chủ về Tang Tế nên được phép giữ tài chánh của Lễ Nhạc Viện, làm sổ thâu xuất phân minh.

  • Tiếp Pháp

    Tiếp Pháp

    接法

    A: Juridical Legislator.

    P: Législateur Juridique.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Pháp: pháp luật.

    Tiếp Pháp là một Chức sắc của Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, thuộc chi Pháp, dưới quyền trực tiếp của Đức Hộ Pháp.

    Theo Chú Giải Pháp Chánh Truyền, Tiếp Pháp là người tiếp luật lệ, đơn trạng kiện thưa, có quyền xét đoán, coi có nên phân định hay chăng; những điều nào không đáng thì chiếu theo Đạo luật, hoặc bỏ qua, hoặc trả lại cho Cửu Trùng Đài; còn như đáng việc phải phân định, thì phải dâng lên cho Khai Pháp định đoạt.

    Theo Hiếp pháp của Hiệp Thiên Đài năm Nhâm Thân (1932) thì trách nhiệm của Tiếp Pháp là giúp cho sự ban hành Đạo pháp và yêu cầu sửa đổi những điều lệ nào bó buộc quá lẽ và khổ khắc nhơn sanh trước mặt luật pháp.

    Đạo phục của Tiếp Pháp gồm hai bộ: Đại và Tiểu phục, giống y như Đạo phục của Bảo Pháp. (Xem: Bảo Pháp).

    Khi Đức Chí Tôn lập pháp Hiệp Thiên Đài ngày 12-1-Đinh Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn phong Ngài Trương Văn Tràng vào chức Tiếp Pháp.

    Sau đây là Tiểu sử của Ngài T.P. Trương Văn Tràng.

  • Tiếp Pháp Trương Văn Tràng (1893 - 1965)

    Tiếp Pháp Trương Văn Tràng (1893 - 1965)

    Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức tuyên đọc Tiểu sử của Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng, xem đây là Bản Tuyên Dương Công Nghiệp trong ngày lễ Di Liên đài nhập bửu tháp nơi đất Ao Hồ.

    Sau đây, xin chép lại nguyên văn bản Tiểu sử nầy:

    Ông Trương Văn Tràng, sanh ngày 25-10-Quí Tỵ (1893) tại làng Bình Thạnh tỉnh Biên Hòa, thân phụ là Trương Văn Tịch và thân mẫu là Trần Thị Lịnh.

    Vốn sanh trưởng trong gia đình nề nếp Nho phong truyền thống từ mấy đời trước, nên khi lớn lên, phụ mẫu cho theo người cậu ruột học Hán tự.

    Kịp đến nền văn hóa nước nhà bước sang giai đoạn tiến triển, hầu hết mọi người dân Việt Nam đều hưởng ứng nhiệt liệt, phụ mẫu ông liền cho tùng học Việt Pháp ngữ tại trường Tổng, kế tiếp trường Tỉnh.

    Sau khi tốt nghiệp ra trường, phụ mẫu định bề gia thất và cũng bắt đầu từ đó, ông nhận làm việc tại Sở Hỏa Xa Đông Dương (Sài Gòn).

    Tuy sự sanh hoạt cũng gặp nhiều điều trở ngại, nhưng nhờ lòng kiên nhẫn và chí hy sinh, nên lúc nào cũng cố gắng phát triển khả năng để phục vụ sở hành theo phương châm Nho giáo, nhứt là tinh thần Đại Học, Trung Dung "Kính sự như tín", nghĩa là làm việc phải hết sức chăm chỉ thận trọng.

    Nhờ sự tận tâm phục vụ, nên về sau được liệt vào hàng Thông Phán hạng nhứt rồi hồi hưu, và trước khi đăng Tiên, ông vẫn còn hưởng hưu bổng.

    Thời kỳ ngộ đạo:

    Vào năm 1925, tại nhà Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư ở Sài Gòn, mỗi đêm đều có Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang đến dùng phương pháp xây bàn để cầu các Đấng Vô hình xin thi phú và tiêu khiển thời gian, lạc đạo thanh nhàn.

    Thời kỳ nầy, ông không dự được thường xuyên, vì bận làm việc ở Sở Hỏa Xa và theo học hàm thụ "École par correspondance de Paris" ở Pháp.

    Thời kỳ thọ giáo:

    Phong trào xây bàn để cầu các Đấng cho thi phú tại Sài Gòn được Đức Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và mấy vị Thời Quân lúc đầu xúc tiến có phần kết quả khả quan. Lúc nầy lại được các Đấng chỉ dạy thêm phương pháp Cầu Cơ, tiện dịp tiếp các Đấng, và cũng vì thế nên nhận thấy nguyện vọng được thỏa mãn, những vị nói trên lại càng hăng hái theo đuổi.

    Nhân một đêm nọ, đến nhà ông Khai Pháp Trần Duy Nghĩa thì gặp Hộ Pháp và Thượng Phẩm đang phò cơ cầu các Đấng. Vì lòng ngưỡng mộ từ lâu, nên gặp dịp, ông vào quì lạy và hầu đàn, thì được Đức Chí Tôn kêu tên dạy rằng: "Con hãy sửa soạn đi theo mấy anh con mà hành đạo."

    Khi bãi đàn, hỏi ra mới biết Đức Chí Tôn chính là Thượng Đế giáng cơ lập Đạo tại nước Việt Nam.

    Từ đó, lòng đạo đức phát khởi một cách hăng hái. Sau thời gian ngắn, ông sửa soạn đi hành đạo, được Ơn Trên chỉ định cùng với ông Khai Pháp là một cặp phò cơ truyền đạo.

    Về sau, bước đường hành đạo rày đây mai đó, nhưng vẫn một lòng tín ngưỡng, lo xúc tiến việc làm để tròn sứ mạng Ơn Trên giao phó. Mãi đến năm Đinh Mão (1927), Đức Chí Tôn mới cấm cơ phổ độ.

    Thời kỳ đắc phong:

    Ngày 13-2-1927, được đắc phong chức Tiếp Pháp tại Chùa Gò Kén Tây Ninh. Mặc dầu đã theo các bậc đàn anh hành đạo từ năm 1926, nhưng chưa trọn phế đời hành đạo.

    Tuy ông phải làm việc để lo sinh kế gia đình, dưỡng dục con thơ vì người bạn trăm năm của ông đã mất, nhưng bao giờ lòng cũng hoài bão sứ mạng thiêng liêng, luôn luôn lưu tâm về nghiệp Đạo. Nhờ vậy, thời gian nầy ông trở về xứ sở tại Cây Đào thuộc tỉnh Biên Hòa, xin người dì một sở đất và kêu gọi Đạo hữu địa phương hưởng ứng chung hiệp xây cất một ngôi Thánh Thất. Hiện nay Hội Thánh làm chủ Thánh Thất nầy và càng ngày nơi đây bổn đạo càng đông.

    Thời kỳ phế đời hành đạo:

    Năm 1949, khi lo bề Nhơn đạo xong, ông được rảnh rang thế sự, liền về Tòa Thánh Tây Ninh xin lãnh phận sự hành đạo, lúc bấy giờ Đức Phạm Hộ Pháp cầm quyền Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài, Đức Ngài giao cho ông làm Bí Thơ. Mãi đến năm 1951, kiêm thêm phận sự giúp Ngài Khai Pháp điều khiển Bộ Pháp Chánh.

    Năm 1954, Ngài Khai Pháp liễu đạo, ông lên cầm quyền Chưởng quản Bộ Pháp Chánh.

    Đến năm 1956, Đức Phạm Hộ Pháp xuất ngoại, nền đạo bất an, nên ông trở về nhà tạm nghỉ ít tháng. Qua tháng 4 năm 1957, ông trở lại tái thủ phận sự cầm quyền Chưởng quản Cơ quan Pháp luật của Đạo.

    Trên bước đường hành đạo qua bao lúc thăng trầm, truân chuyên thân phận, nhưng lúc nào ông cũng cố gắng đem hết khả năng phục vụ nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn.

    Ngoài thì giờ phụng sự nền Đạo, lo việc chúng sanh, còn thêm cố gắng học nhiều kinh điển, áp dụng sở hành theo lối chơn tu, lại cũng vì phận sự kẻ tu hành, tự giác giác tha, nên ông đem hết khả năng viết được vài quyển sách:

    - Quyển GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO, xuất bản năm 1950, đã được Đức Phạm Hộ Pháp khen tặng và cả Hội Thánh đồng ý.

    Sau thời gian ấy, ông cố gắng sưu tầm học hỏi, khảo cứu kinh sách thêm, rồi nhuận sắc quyển Giáo Lý Đại Đạo, được toàn cả Hội Thánh công nhận và cho tái bản năm 1959.

    - Vì cuộc đời hy sinh cho Đạo, phụng sự chúng sanh, nên chẳng quản tiếng đời miệng thế gièm pha, lúc nào cũng cố gắng tu học liên tục, biên khảo thêm quyển TRÊN ĐƯỜNG TẤN HÓA, và được Đức Thượng Sanh nhìn nhận sự bổ ích cho nền Đạo và cho phép xuất bản năm 1963

    THI rằng:
    Cõi trần thui thủi tháng cùng năm,
    Tu niệm đòi phen nhỏ lệ dầm.
    Chi quản thế tình đời khinh thị,
    Nào mơ cõi tục cảnh thăng trầm.
    Con đường Đại Đạo miên trường tiến,
    Cái nẻo Thần Tiên vĩnh cửu thâm.
    Giấc mộng trần ai trong cõi tạm,
    Việc đời muôn sự nỗi niềm cam.

    Xin nói rõ thêm: Trong mấy năm đầu hành đạo, từ năm 1928 về sau, vừa làm việc vừa làm đồng tử cho Đức Chí Tôn truyền đạo. Người Pháp có theo dõi hành động của ông, nhưng không tìm thấy dấu vết gì có tánh cách chánh trị cả.

    Xuyên qua các thành tích trên đây, Tiếp Pháp Chơn Quân Trương Văn Tràng trọn đời thanh bần hành đạo, không tham gia chánh trị, dốc lòng tu học để rồi đem cái kết quả của mình gieo rắc cho nhơn sanh chung hưởng, bằng cớ là soạn quyển Giáo Lý Đại Đạo được tái bản 4 lần, và mỗi lần tái bản được soạn giả nhuận sắc thêm, và cùng soạn luôn quyển Trên Đường Tấn Hóa, hai tác phẩm nầy được sự ủng hộ của Hội Thánh và toàn đạo, ngoài ra các nhà trí thức như Cụ Nguyễn Đăng Thục, Khoa Trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn, cũng có cho lời tựa.

    Đến đây, chúng tôi xin tóm tắt ghi lại những lời tựa để nhận chân giá trị của tác phẩm:

    * Lời phê của Đức Hộ Pháp:

    Quyển sách sơ lược, tuy vẫn chưa đem trọn hình ảnh Chơn pháp, nhưng đã giảng giải đủ mọi phương tu niệm.

    Vậy nó sẽ giúp ích cho học giả sưu tầm Chơn lý đặng bước vào Bí pháp Chơn truyền. Ấy là chìa khóa mở cửa Hữu hình thông qua thế giới huyền linh vô tả.

    Xin để lời cùng cả tín đồ và Chức sắc nên đọc và đào luyện tinh thần hầu mai hậu hưởng phần siêu thoát.

    Cho phép in và ấn tống."

    2 Juin 1948 HỘ PHÁP (ấn ký)

    * Đức Thượng Sanh tặng quyển Giáo Lý:

    Giáo Lý Đạo Trời thất ức niên,
    Trương Quân biên soạn để lưu truyền.
    Tồn tâm chỉ rõ đường mê giác,
    Dưỡng tánh phân rành nẻo tục Tiên.

    * Lời tựa của Ngài Bảo Thế lúc cầm quyền Đầu Sư:

    "Huynh Tiếp Pháp Trương Văn Tràng đã dày công soạn quyển Giáo Lý nầy cốt yếu giúp cho các bạn tu sĩ khỏi lầm lạc trên đường học đạo.

    Sách nầy đáng truyền bá các nơi, dầu nơi gia đình đạo giáo hay gia đình bàng quan, đều nên đọc nó, bất luận là lúc nào trong đời mình, sẽ thấy nó là nguồn an ủi để sửa mình khi lâm vấp tội tình, hoặc nó sẽ là kim chỉ Nam để vạch lối cho hành giả, đem cái ta giả hiệp trở về cái chơn thật bổn ngã." 30-9-1959 BẢO THẾ (ấn ký)

    * Lời tựa của Cụ Nguyễn Đăng Thục, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (Tái bản lần thứ 4):

    "Cũng vì mục đích giác mê mà Cụ Tiếp Pháp Trương Văn Tràng đã cố công soạn ra sách Đại Đạo Tam Kỳ Giáo Lý nầy rất công phu, có mạch lạc thứ tự giản dị, lại thâm thúy, hơn nữa tất cả giá trị không ở chương trình nghiên cứu mà còn là kinh nghiệm bản thân tu luyện suốt một đời của tác giả, thực đáng là những bài học đạo đức sống, linh động cho kẻ học đạo vậy...." 5-9-1964 NGUYỄN ĐĂNG THỤC (ký)

    * Đức Thượng Sanh tặng quyển Trên Đường Tấn Hoá:

    Trên Đường Tấn Hóa bút Trương Quân,
    Rừng Đạo thêm hoa thật đáng mầng.
    Trau hạnh giúp người vun thiện quả,
    Tu tâm dìu khách thoát mê tân.
    Rọi đường chơn lý, khêu đèn huệ,
    Nâng bước quần sanh tỉnh mộng trần.
    Tam giáo sưu tầm rành luận thuyết,
    Công phu quí trọng sánh ngàn cân.
    24-4-1963
    THƯỢNG SANH (ấn ký)

    * Lời Phi Lộ của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước:

    "Đạo huynh Tiếp Pháp Trương Văn Tràng góp nhặt tài liệu tinh hoa Tam giáo, soạn thành quyển Trên Đường Tấn Hóa giải rành phương châm Nhập thế và Xuất thế. Cả hai phương châm đều thích hợp với sở cầu của các giới trong đại chúng, từ bậc ưu thời mẫn thế, bậc tu sĩ phế đời, đến bậc thường nhơn, không giới nào đọc sách nầy mà không thỏa chí vui lòng.

    Quyển Trên Đường Tấn Hóa sẽ góp thêm một bửu vật cho kho tàng của tôn giáo." 27-3-1963 BẢO THẾ (ấn ký)

    * Lời tán thưởng của Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức:

    "Trong lúc Đạo Cao Đài đang thiếu sách phổ thông, quyển sách nầy ra đời rất cần ích, cũng như bất luận sách nào thuộc loại khảo sát về Đạo lý, hà huống tác giả là một Chức sắc cao cấp trong Đạo thì giá trị của tác phẩm ấy xứng đáng là dường nào." HIẾN PHÁP (ấn ký)

    * Lời Giới thiệu của Cụ Nguyễn Đăng Thục, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài gòn: (6-12-1962)

    "Để trình bày cái Triết lý Tam giáo, ấy là cơ sở của Đạo Cao Đài thì không ai đủ tư cách hơn là một nhà Tiếp Pháp đã đem đời sống cống hiến cho Đạo, cố thực hiện Giáo lý của Khổng Tử: Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỷ."

    Qua cuối mùa thu năm Giáp Thìn (1964), Tiếp Pháp Trương Văn Tràng ngọa bịnh, điều trị tại nhà thương Phạm Hữu Chương Chợ Lớn, kế dời qua nhà thương Grall (Đồn Đất) Sài Gòn, và bịnh càng ngày càng gia tăng mãnh liệt, có thể đi đến tuyệt vọng, nên ông xin Hội Thánh cầu một đàn cơ để hỏi các Đấng thiêng liêng xin thuốc chữa bịnh. Hội Thánh chấp thuận, tức thì thiết một đàn cơ tại Giáo Tông Đường.

    Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa giáng cơ dạy Hội Thánh xuống nhà thương Grall rước ông về Tòa Thánh Tây Ninh, để thi hành đúng theo lời dạy ấy nhằm ngày 4-11-1964.

    Sau 7 ngày cầu nguyện và uống thuốc Đông y, ông lấy lại sự bình phục sức khỏe.

    Cũng xin nhắc lại là Ngài Khai Pháp Chơn Quân Trần Duy Nghĩa và Tiếp Pháp Trương Văn Tràng là cặp phò cơ phổ độ từ buổi Khai Đạo, Ngài Khai Pháp đã liễu đạo mà lúc nào Ngài cũng giúp đỡ dìu dắt bạn đồng môn còn tại thế.

    Sau khi bình phục sức khỏe, Tiếp Pháp có cảm tác hai bài thi sau đây để tỏ lòng tin tưởng huyền năng thiêng liêng và tri ân Hội Thánh:

    I
    Đường đời khúc khuỷu biết đâu lường,
    Trên có Quỳnh Nương hết dạ thương.
    Khai Pháp Chơn Quân truyền diệu lý,
    Quần Tiên rưới phước hộ thiên lương.
    (11-1-1965)
    II
    Trời chiều bảng lảng bóng thiều quang,
    Tiếng trống thu không giục khách nhàn.
    Đoái lại chúng sanh thiên vạn ức,
    Vẫn còn bận bịu với thời gian.
    (21-1-1965)

    Đây là huyền diệu thiêng liêng tuyệt đối dành cho người có lòng tín ngưỡng chơn thành mới có thể thụ hưởng được mà thôi.

    Cho hay, thế kỷ 20, khoa học thực nghiệm cực thạnh, phát minh cơ khí cực kỳ tinh xảo, nhưng Đạo Cao Đài lại dùng một lòng tín ngưỡng và luôn luôn cầu Trời khấn Phật phổ hóa tâm linh cho vạn linh sanh chúng trên đường sanh sống theo Đức Thượng Đế.

    Ngài Tiếp Pháp được phục hồi sức khỏe từ đầu tháng chạp năm Giáp Thìn (1964) đến Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ (1965) mặc dầu Ơn Trên đã dùng huyền diệu thiêng liêng cứu độ một phần nào, nhưng cũng không thể cải được Thiên số, thế nên đến ngày giờ đã định thì phải qui Thiên.

    Ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ (dl 16-2-1965), lối 5 giờ chiều, Ngài Tiếp Pháp đã thoát ly trần tục (thọ 73 tuổi).

    Trước khi từ trần, Ngài có cho biết là ngày ấy Ngài sẽ về chầu Đức Chí Tôn, và từ mấy tháng trước, Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng một liên đài để gởi xác thân của Ngài vào đó.

    Kính thưa quí vị,

    Ngài Tiếp Pháp mất là Đạo mất một tay rường cột, một vị Chức sắc cao cấp có công xây dựng từ buổi sơ khai.

    Đây là một cái tang chung của Đạo vậy.

    Trước khi dứt lời, tôi xin thay mặt Chức sắc Hiệp Thiên Đài, nghiêng mình trước liên đài của Ngài Tiếp Pháp Chơn Quân và cầu nguyện vong linh Ngài chứng chiếu lòng thành của chúng tôi và chúng tôi cũng thành tâm khẩn cầu Đức Đại Từ Phụ, Đức Đại Từ Mẫu, cùng các Đấng thiêng liêng ban điển lành cho hương hồn của Ngài được tiêu diêu nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống. Sau nữa, chúng tôi xin phân ưu cùng tang quyến.

    Kính cẩn chào quí vị.

    HIẾN PHÁP Trương Hữu Đức

    Đêm 16-Giêng-Ất Tỵ (dl 17-2-1965), hồi 9 giờ đêm, Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng giáng cơ cho 4 câu thi để làm bài Thài hiến lễ Ngài:

    BÀI THÀI:
    TIẾP điển Trời ban độ chúng sanh,
    PHÁP luân thường chuyển rạng Thiên đình.
    CHƠN như đắc vị nhàn Tiên cảnh,
    QUÂN Thánh Thần minh kiến Đạo thành.

    Bài Thài nầy cho chúng ta thấy Ngài Trương Tiếp Pháp đã đắc đạo và đoạt Tiên vị nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống.

    Tóm lại:

    Trong 40 năm hành đạo, Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng đã lãnh nhiều trọng trách:

    · Phò loan với Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa để Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng giáng cơ phổ độ nhơn sanh.

    · Ngài Tiếp Pháp hợp với Ngài Khai Pháp thành cặp cơ chuyên về Bí pháp.

    · Bí Thư Văn phòng Đức Phạm Hộ Pháp.

    · Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh.

    · Thống Quản Nữ phái Cửu Trùng Đài.

    · Cố Vấn Đại Đạo Nguyệt San.

    Ngài Tiếp Pháp biên soạn được hai quyển sách:

    · Giáo Lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    · Trên Đường Tấn Hóa.

    Đây là một thiện chí, một bằng chứng của Ngài thể hiện tình cảm yêu ái nhơn sanh, không nệ thân già khó nhọc, lăn mình trên đường nghĩa vụ phụng sự nhơn sanh cho đến phút sống cuối cùng.

    Xin mượn lời của Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang trong bài Ai Điếu đọc trước liên đài của Ngài Tiếp Pháp để làm phần kết:

    "Chẳng có lời nào xác đáng để tỏ hết nỗi tiếc thương của chúng tôi đối với một bạn đồng môn mà cả đời hành đạo chỉ biết tận tụy với nhiệm vụ. Không hay phô trương, không màng quyền lợi, sống trong cảnh vật chất với món tiền hưu bổng, Ngài Tiếp Pháp đã tượng trưng cho một tâm hồn cao siêu của nhà hiền triết.

    Tánh tình hòa nhã, lời nói khiêm cung, giàu chẳng bợ, khó chẳng khinh, thương kẻ bần hàn, giúp người cô quả.

    Suốt 30 năm lăn lóc quan trường, vì bản tánh thanh cao mà đến ngày hồi hưu, Ngài cũng chỉ còn lại hai bàn tay trắng với một chồng sách triết học và đạo lý mà Ngài vẫn thường dùng làm món ăn tinh thần trên bước đường hành đạo.

    Nói đến công trình của Ngài đối với Đạo thì chẳng khác chi thân tằm, cứ mãi rút ruột nhả tơ để trả ơn dâu cho đến ngày kiệt sức.

    Khi về Tòa Thánh đảm nhiệm phận sự chánh thức, dưới quyền của Đức Phạm Hộ Pháp thì Ngài đã tỏ ra xứng đáng một tướng soái của Đức Chí Tôn trong mọi phương diện. Ngoài nhiệm vụ đã được giao phó, trong lúc rảnh rang thì Ngài cặm cụi đem hết trí óc não cân để sáng tác những sách Đạo với mục đích là giúp Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu am hiểu Giáo lý Đại Đạo và các tôn giáo cõi Á Đông.

    Toàn đạo đã đặng thừa hưởng cái công nghiệp phi thường của bạn, và tên tuổi bạn vẫn còn mãi trên những quyển sách lưu lại ngàn đời cho đàn em trong cửa Đạo.

    Rồi đây, nhờ huyền diệu cơ bút, chúng tôi có thể gặp lại bạn trong lời nói câu văn, để thố lộ tâm tình cũng như lúc trước, thế thì đối với bạn, sự mất cũng như còn, chết mà vẫn sống."

    Ngài Tiếp Pháp rất ít làm thơ. Theo tài liệu trong quyển "Văn tịch pháp Nhơn luân chi đạo" của Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa, Ngài Tiếp Pháp có bút hiệu là Huyền QuangTử.

    CẢM XUÂN GIÁP NGỌ (1954)
    Đầu cành oanh hót mách Tân Xuân,
    Đoái lại trăm hoa sắc sảo mừng.
    Mỉm miệng đào tơ cười ánh nguyệt,
    Nghiêng mình liễu yếu đón đông quân.
    Non Linh hạc múa mừng Tây vức,
    Sông Cẩm thi ngâm thoát tục trần.
    Cảnh vật nương mình sang Giáp Ngũ,
    Riêng ta hồn xác sạch lâng lâng.
    HUYỀN QUANG TỬ

    Họa vận bài thi của Đức Thượng Sanh ngày 12-6-Đinh Dậu (dl 29-6-1957):

    Gót trần thoăn thoắt bước đường nghiêng,
    Muốn đến bên kia phải cậy thuyền.
    Bát Nhã tay gìn tuôn nhược thủy,
    Kệ kinh miệng niệm thấu Trùng Thiên.
    Chí tâm dắt chúng qui đường chánh,
    Tận lực noi gương tạo đức hiền.
    Đồng đạo nhắc nhau câu phổ độ,
    Cầu cho bá tánh đắc Chơn truyền.
    TIẾP PHÁP

    Ngài Tiếp Pháp giáng cơ: Chúng tôi sưu tầm được một bài Thánh giáo của Ngài dạy về Tu Thân và Phổ Độ ngày 22-8-Đinh Mùi (dl 25-9-1967) là ngày kỷ niệm Lập Tờ Khai Đạo tại Nam Thành Thánh Thất Sài Gòn, xin chép ra sau đây:

    TIẾP ĐIỂN:

    THI:
    Trương cánh buồm thiêng ghé cõi trần,
    Văn thơ chào hỏi đạo tình thân.
    Tràng thi đang dự mau lên để,
    Hổ bảng Phật Tiên hoặc Thánh Thần.

    Tiên huynh xin chào mừng đoàn hướng đạo, chư hiền huynh hiền tỷ đệ muội. Xin mời toàn thể đàn trung đồng an tọa.

    Giờ đây, Tiên huynh bàn qua về sự hành đạo tu thân và phổ độ.

    Mỗi người trong chúng ta, vì đã chán ngán nhân tình thế sự, cho cuộc đời là phù ba ảo ảnh, như hoa kia sớm nở chiều tàn, thoạt có thoạt không, mới thấy đó bỗng liền mất đó, không vật gì trường tồn vĩnh cửu. Hễ hữu hình ắt hữu hoại. Do đó, đã đem thân vào cửa đạo để tìm học hỏi những gì chơn thật để có thể giải thoát thể chất cũng như linh hồn ra khỏi vòng kềm tỏa đỉnh chung phú quí, danh vọng lợi quyền của trần ai giả tạm. Mỗi người đều tùy theo hòan cảnh của mình để thực hành hai chữ TU THÂN. Làm thế nào gọi là Tu thân?

    Một danh từ mà xưa nay rất quen dùng trên vành môi chót lưỡi của mỗi người. Tu thân nơi đây không có nghĩa là buông phế tất cả việc đời. Người tu thân cũng như người thế tục, cũng có gia đình con vợ, bè bạn thôn lân, cũng ăn mặc ẩm thực y như người đời, chỉ khác hơn một điều, đó là sống một đời sống thanh cao trong sạch, một đời sống tự khép mình trong luân lý đạo đức, nghĩa nhân, đặt mình trong khuôn khổ thanh đạm, liêm sĩ, trung tín, luôn luôn kiểm điểm nội tâm, gội rửa linh hồn, tự mình đặt ra một lề lối khắc kỷ, luôn luôn kiểm điểm những thể phụ thuộc trong con người mình.

    Xưa nay, trong giới tu thân, thường bị lừa dối phỉnh gạt bởi nội tâm mà không hay, vì ít ai chịu khó kiểm điểm, kiểm soát và phân tách coi phần nào là của Thượng Đế phát ban, phần nào là do bản năng sinh tồn dục vọng của bản thân gây nên và xúi giục. Nếu khinh thường, nếu lấp lửng, không thể nào tránh được sự dối gạt từ nội tâm.

    Ai ai cũng tưởng phần lý trí, suy nghĩ, nhận xét của mình là đúng là hay, khi những suy xét ấy có lợi về vật chất hoặc về danh vị.

    Có mấy ai chịu khó tìm hiểu coi tánh chất riêng biệt của mắt nó thích nhìn những gì? Tánh chất của tai thích nghe những gì? Tánh chất của mũi thích ngửi những gì? Tánh chất của lưỡi thích nếm những gì? Tính chất của thân thể thích đòi hỏi những gì? Tánh chất của ý nó thích những gì? rồi tổng kết lại những phần mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, xác thân đòi hỏi, ý vọng, đều có phải là nhu cầu đòi hỏi cần thiết của mình chăng? Có phải sự cần thiết sống còn của mình chăng? Nếu chịu khó phân tách như vậy rồi, sẽ lộ chơn tướng những gì của ta, những gì của Trời. Nếu không phân tách được, ắt bị lừa dối phỉnh gạt, đưa con người vào lục đạo luân hồi. Nếu là tín đồ thì sa ngã trụy lạc, xa lần chân thiện mỹ. Nếu là hàng hướng đạo thì hành động sai lạc chơn truyền căn nguyên Đại Đạo, rồi bèn cho là bị người nầy khảo, bị người kia khảo. Thật ra thì không ai khảo mình hết, mà chính tự mình khảo lấy mình, bởi cái tự ái rất lớn, tự tôn rất to, đã che mờ lương tri, không còn thấy đâu là sự thật.

    Còn một khía cạnh khác nữa, là khi vui mừng thì khoan dung tha thứ mọi lỗi lầm xằng bậy của người cộng sự, khi thương mến thì dầu vuông, dài, méo, xéo, cũng lấy làm tròn, khi buồn phiền tức giận thì việc phải cũng cho là trái, việc trắng cũng cho là đen. Từ chỗ phải trái trắng đen méo tròn lẫn lộn, đã gây ra sự xáo trộn cả tâm hồn. Phản ứng đó làm cho cá nhân đương sự hoang mang đau khổ, ngờ vực, rồi đâm ra chán nản, sợ sệt là một chướng ngại vật ngăn cản không cho con người chủ nhơn ông tìm đến sự thật. Than ôi:

    THI:
    Giặc ngoài dầu loạn mấy mươi năm,
    Không ngại cho bằng giặc nội tâm.
    Ngoài có thiên binh đem thạnh trị,
    Trong đành tuyệt vọng bởi sai lầm.

    Đó là Tu thân. Theo đây, Tiên huynh đề cập phần Phổ Độ.

    Thử nghĩ lại mà xem, một lương y đặt nặng trọng tâm về chữa trị bịnh nhân đau khổ, một đoàn cứu trợ trọng tâm hàn gắn vết thương của thiên tai chiến họa, một kỹ sư tu bổ đặt trọng tâm vào chỗ sửa chữa lại như khi xây cất; chớ không phải lương y chuyên khoa đầu thang thuốc bổ, đoàn cứu trợ không phải để đem lại sự giàu sang thịnh vượng cho lớp người nào, kỹ sư tu bổ không phải để xây những lâu đài dinh thự mới.

    Con đường Phổ Độ cũng vậy, vì người đời đã quá đau khổ về tinh thần, bị đời xảo trá lừa bịp dối gạt, muốn cần có người an ủi, xoa dịu tâm hồn. Đoàn người phổ độ có nhiệm vụ đặt trọng tâm vào công quả phổ biến đạo Trời, truyền bá giáo lý, đem tình thương thể hiện sự chơn thật, sự giúp đỡ, sự tương thân hòa ái, san bằng những hố sâu chia rẽ giữa cá nhân và cá nhân, giữa đoàn thể và đoàn thể, giữa tôn giáo và tôn giáo, chớ không phải phổ độ là giành giựt nhơn sanh, kêu gọi nhóm kia nhóm nọ về với mình.

    Hỏi để mà chi? Ở đâu cũng được miễn là mỗi người biết tu thân, biết đem tình thương lẽ thật đối xử với mọi người, biết đem lòng vong kỷ vị tha giúp đỡ người đời là được. Bởi vì nước muôn sông ngàn lạch, trăm nguồn trăm suối rồi cũng trở về nơi biển cả, chỉ ngại là những lạch con suối nhỏ vì lý do nào đó bị tắt nghẽn, không thông vào biển cả, rồi phải bị khô khan theo nắng hè thiêu đốt.

    Từ ngày Đại Đạo sơ khai, Phật Tiên Thánh Thần chỉ khuyên người: phải tu cho thiệt, nghĩ cho thiệt, hành thiện cho thiệt, nói cho thiệt, tình thương cho thiệt, cách cư xử với nhau cho thiệt, dầu ở đâu, đầu non hay góc biển chơn trời, mỗi người thực hành được lẽ thiệt, mà lẽ thiệt là chơn lý, chơn lý vẫn không hai.

    THI:
    Chơn lý là nguồn sống vạn linh,
    Vì nhân, vì nghĩa với vì tình.
    Cho đời cho Đạo cho nhơn loại,
    Chớ chẳng riêng tư của chính mình.
    THĂNG.
  • Tiếp Thế

    Tiếp Thế

    接世

    A: Temporal Legislator.

    P: Législateur Temporel.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Thế: đời.

    Tiếp Thế là một phẩm Chức sắc của Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, thuộc chi Thế, dưới quyền trực tiếp của Đức Thượng Sanh.

    Theo Chú Giải Pháp Chánh Truyền, Tiếp Thế khi đặng thế luật hay trạng cáo chi của ngoại đạo cùng là của tín đồ mà kiện thưa trách cứ Chức sắc Thiên phong, bất câu phẩm vị nào, phải dâng lên cho Khai Thế.

    Theo Hiếp pháp của Hiệp Thiên Đài năm Nhâm Thân (1932) thì trách nhiệm của Tiếp Thế là giúp cho nhơn sanh trong đường sanh hoạt, trong chỗ giao tiếp lẫn nhau và lo dẹp những nỗi bất bình, những sự bất công, những điều hà khắc, có thể làm trở ngại bước đường đời của cả chư Đạo hữu lưỡng phái.

    Đạo phục của Tiếp Thế gồm hai bộ: Đại và Tiểu phục, giống y như Đạo phục của Bảo Thế. (Xem: Bảo Thế).

    Khi Đức Chí Tôn lập pháp Hiệp Thiên Đài ngày 12-1-Đinh Mão, Đức Chí Tôn phong Ngài Lê Thế Vĩnh vào chức Tiếp Thế.

  • Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh (1903 - 1945)

    Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh (1903 - 1945)

    Ngài Lê Thế Vĩnh, sanh năm Quí Mão (1903) tại Sài Gòn, xuất thân trong gia đình mô phạm.

    Thân phụ của Ngài là Cụ Đốc học Lê Văn Dương, Hiệu Trưởng trường Tiểu học Đakao, nay là trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Sài Gòn. Thân mẫu là Bà Trần Thị Chọn, thọ Thiên phong Nữ Giáo Hữu trong kỳ Đức Chí Tôn phong Thánh Nữ phái lần thứ I ngày 14-Giêng-Đinh Mão (dl 15-2-1927).

    Ngài Vĩnh là em ruột của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước. Cả hai đều được Chí Tôn ân phong Thời Quân Hiệp Thiên Đài:

    - Ngài Lê Thiện Phước (1895-1975) chức Bảo Thế,

    - Ngài Lê Thế Vĩnh (1903-1945) chức Tiếp Thế.

    Hiền nội của Ngài Vĩnh là Bà Nguyễn Thị Thơm, đắc phong Lễ Sanh trong kỳ phong Thánh Nữ phái lần thứ I.

    Trước năm Bính Dần (1926), Ngài Lê Thế Vĩnh là một ký giả nổi tiếng của các báo tại Sài Gòn.

    Vào năm Ất Sửu (1925), Ngài Lê Thế Vĩnh hay tin nhóm của quí ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang xây bàn thỉnh Tiên về cho thi hay lắm, Ngài tò mò muốn biết thực hư, nên ngày 12-11-1925, Ngài cùng với người bạn đồng nghiệp là ông Phạm Minh Kiên, tìm đến nhà ông Cư để quan sát cho rõ ràng, định viết một thiên phóng sự đầy đủ chi tiết cho đăng báo cống hiến các độc giả.

    Khi đến nhà ông Cư thì thấy nhóm của ông Cư đang xây bàn, có Đấng AĂÂ giáng. Hai ông Vĩnh và Kiên cũng bắt chước như các vị khác vào hầu đàn. Ông Cư xin Đấng AĂÂ cho mỗi ông một bài thi. Đấng AĂÂ gõ bàn đáp: "Để Bần đạo cho chung hai người một bài thi mà thôi."

    Ai nấy đều lấy làm lạ, nghĩ rằng tâm sự mỗi người mỗi khác, hai người mà cho chung một bài thi thì làm thế nào được.

    Đấng AĂÂ gõ bàn cho bài thi tứ tuyệt như vầy:

    THI:
    Một viết với thân giữa diễn đàn,
    Bằng xua trước giặc vạn binh lang.
    Nước nhà ví biết thân là trọng,
    Dạy dỗ sao cho đặng mở mang.

    Cho bài thi xong, ai nấy đều khen bài thi có 4 câu mà gồm đủ bộ vận của hai nhà báo.

    Bài thi của Đấng AĂÂ diễn tả đúng tâm trạng của hai nhà báo, khiến ông Lê Thế Vĩnh vô cùng khâm phục, nên về sau nầy ông Vĩnh mới chịu nhập môn cầu đạo.

    Khi Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài ngày 12-1- Đinh Mão (1927), Đức Chí Tôn phong Ngài Lê Thế Vĩnh vào chức Tiếp Thế Hiệp Thiên Đài.

    Thời gian sau, Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh nghỉ nghề viết báo, về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo, làm việc nơi Văn phòng của Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.

    Khi xảy ra vụ ông Nguyễn Phan Long lên Tòa Thánh lập Hội Vạn Linh để vu khống và phỉ báng nhiều vị Chức sắc cao cấp, gây chia rẽ trong nội bộ của Đạo, Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh được Đức Quyền Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp cử làm đại diện để đối phó với nhóm Nguyễn Phan Long.

    Vào năm 1945, Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh bỗng nhiên bị mất tích, không biết lực lượng nào bắt cóc Ngài, lúc đó, tình hình tại miền Nam Việt Nam rất lộn xộn, có rất nhiều đảng phái chánh trị hoạt động có võ trang. Sau đó, người ta tin rằng Ngài Tiếp Thế đã bị hãm hại, nhưng không biết Ngài chết vào ngày nào, và thi thể được chôn vùi ở đâu.

    Do đó, Ngài Thời Quân Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh không có bài thài và cũng không có ngày lễ kỷ niệm hằng năm như các vị Thời Quân khác.

  • Tiếp Y Quân

    Tiếp Y Quân

    接醫君

    A: Medical Assistant.

    P: Assistant médical.

    Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Y: chữa bịnh. Quân: người đáng kính.

    Tiếp Y Quân là phẩm vị Chức sắc có nhiệm vụ trông nom về Y Viện, chữa bịnh cho các Chức sắc và các tín đồ công quả.

    Tiếp Y Quân là phẩm Chức sắc dự bị để lên phẩm Bảo Sanh Quân, một trong Thập nhị Bảo Quân.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Bảo Sanh Quân (Assistance Publique), Thầy phong đỡ làm Tiếp Y Quân, đặng đợi tới ngày thành đạo.

  • TIẾT

    TIẾT

    1. TIẾT: 節 Có nhiều nghĩa sau đây:

    · Chí khí cứng cỏi.

    Thí dụ: Tiết hạnh, Tiết tháo.

    · Đoạn mục trong nghi lễ.

    Thí dụ: Tiết mục.

    · Thời tiết.

    Thí dụ: Tiết đông thiên, Tiết nồng.

    · Giảm bớt, kềm chế.

    Thí dụ: Tiết dục.

    2. TIẾT: 洩 Rỉ ra, lộ ra.

    Thí dụ: Tiết lậu.

  • Tiết dục

    Tiết dục

    節欲

    A: The continence.

    P: La continence.

    Tiết: Giảm bớt, kềm chế. Dục: sự ham muốn, ý nói tình dục.

    Tiết dục là tiết chế tình dục, tức là hạn chế tình dục ở mức độ vừa phải, không có hại sức khỏe.

  • Tiết đông thiên

    Tiết đông thiên

    節冬天

    A: Winter.

    P: Hiver.

    Tiết: Thời tiết. Đông: mùa đông. Thiên: trời.

    Tiết đông thiên là tiết trời mùa đông lạnh lẽo.

    Giới Tâm Kinh: Gặp tiết đông thiên sương tuyết bủa.

  • Tiết hạnh khả phong

    Tiết hạnh khả phong

    節行可封

    Tiết: Chí khí cứng cỏi. Hạnh: tánh nết. Khả: khá, nên. Phong: phong thưởng.

    Tiết hạnh là nói về người phụ nữ có đức hạnh và có lòng chung thủy đối với chồng, dù chồng đã chết.

    Tiết hạnh khả phong là 4 chữ mà triều đình ban tặng cho những phụ nữ có đức hạnh và có lòng chung thủy với chồng đã chết, để làm gương tốt cho dân chúng noi theo.

    Kinh Sám Hối: Thờ chồng tiết hạnh mới hầu gái ngoan.

  • Tiết lậu

    Tiết lậu

    洩漏

    A: To reveal.

    P: Révéler.

    Tiết: Rỉ ra, lộ ra. Lậu: lộ việc kín.

    Tiết lậu là để lộ việc bí mật cho nhiều người biết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhưng Thầy không bao giờ cho một kẻ nào dưới cõi trần nầy tiết lậu Thiên cơ cả.

  • Tiết mục

    Tiết mục

    節目

    A: The item.

    P: La matière.

    Tiết: Đoạn mục trong nghi lễ. Mục: từng phần.

    Tiết mục là từng phần nhỏ trong một việc lớn.

    · Trong một quyển sách, tiết mục là các chương.

    · Trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, tiết mục là một màn biểu diễn.

  • Tiết nghĩa

    Tiết nghĩa

    節義

    A: Loyality.

    P: Fidélité.

    Tiết: Chí khí cứng cỏi. Nghĩa: điều phải làm vì hợp đạo lý.

    Tiết nghĩa là lòng trung thành trước sau như một để giữ tròn đạo nghĩa.

  • Tiết nồng

    Tiết nồng

    A: It is hot.

    P: Il fait chaud.

    Tiết: Thời tiết. Nồng: nóng.

    Tiết nồng là thời tiết nóng nực.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tiết nồng thơ thới hạ khoe sen.

  • Tiết tháo

    Tiết tháo

    節操

    A: The firmness.

    P: La fermeté.

    Tiết: Chí khí cứng cỏi. Tháo: giữ vững.

    Tiết tháo là giữ vững khí tiết, không chịu khuất.

  • Tiết trinh

    Tiết trinh

    節貞

    A: The virginity.

    P: La virginité.

    Tiết: Chí khí cứng cỏi. Trinh: lòng trong sạch ngay thẳng của phụ nữ.

    Tiết trinh là người phụ nữ giữ lòng chung thủy với chồng dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

    Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị: Hiển linh chứng chiếu tấm lòng tiết trinh.

  • TIÊU

    TIÊU

    1. TIÊU: 標 Cây nêu.

    Thí dụ: Tiêu biểu, Tiêu chuẩn.

    2. TIÊU: 消 Tan mất hết.

    Thí dụ: Tiêu diệt, Tiêu tai.

    3. TIÊU: 逍 Lượn trên cao.

    Thí dụ: Tiêu diêu.

    4. TIÊU: 蕭 Thanh tịnh, vắng vẻ.

    Thí dụ: Tiêu sơ.

    5. TIÊU: 簫 Ống sáo.

    Thí dụ: Tiêu thiều.

  • Tiêu biểu

    Tiêu biểu

    標表

    A: To represent.

    P: Représenter.

    Tiêu: Cây nêu. Biểu: tỏ bày.

    Tiêu biểu là cây nêu bày ra cho người ta thấy, ý nói: có đủ đặc tính để thay mặt cho số đông.

  • Tiêu chuẩn

    Tiêu chuẩn

    標準

    A: Standard.

    P: Standard.

    Tiêu: Cây nêu. Chuẩn: cây thước dùng làm mẫu mực.

    Tiêu chuẩn là cây nêu và cây thước dùng làm mẫu mực.

  • Tiêu diệt

    Tiêu diệt

    消滅

    A: To annihilate.

    P: Anéantir.

    Tiêu: Tan mất hết. Diệt: làm mất đi.

    Tiêu diệt là làm cho mất hẳn.

    Kinh Cầu Siêu: Xá linh quang tiêu diệt tiền khiên.

  • Tiêu diêu (Tiêu dao)

    Tiêu diêu (Tiêu dao)

    逍遙

    A: To wander about.

    P: Se promener avec l"esprit libre.

    Tiêu: Lượn trên cao. Diêu: Dao: xa.

    Tiêu diêu hay Tiêu dao là đi chơi đây đó một cách thảnh thơi nhàn hạ.

    Tiêu diêu tự tại: Thung dung đi chơi đây đó, không bị ràng buộc vào một việc gì.

    Kinh Khi Ðã Chết Rồi: Diệt trần tình vui hưởng tiêu diêu.

  • Tiêu khiển

    Tiêu khiển

    消遣

    A: To distract.

    P: Distraire.

    Tiêu: Tan mất hết. Khiển: bỏ đi, làm cho khuây.

    Tiêu khiển là mượn việc gì vui vẻ để giải buồn.

  • Tiêu quả tiền khiên

    Tiêu quả tiền khiên

    消果前愆

    Tiêu: Tan mất hết. Quả: cái kết quả báo đáp lại. Tiền: trước, kiếp trước. Khiên: tội lỗi.

    Tiêu quả tiền khiên là làm cho tiêu mất cái quả báo xấu do những tội lỗi của kiếp trước gây ra.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hầu chờ buổi chung qui, tương công chiết tội, tiêu quả tiền khiên, mà nâng mình vào địa vị cao thượng....

  • Tiêu sơ

    Tiêu sơ

    蕭疏

    A: Desolated.

    P: Désolé.

    Tiêu: Thanh tịnh, vắng vẻ. Sơ: thưa, ít.

    Tiêu sơ là cảnh vật vắng vẻ, thưa thớt, đượm buồn.

  • Tiêu tai

    Tiêu tai

    消災

    A: To chase away misfortune.

    P: Chasser le malheur.

    Tiêu: Tan mất hết. Tai: tai họa.

    Tiêu tai là làm cho tiêu mất tai họa.

  • Tiêu tàn

    Tiêu tàn

    消殘

    A: To be dashed.

    P: Être détruit.

    Tiêu: Tan mất hết. Tàn: làm cho hư hại.

    Tiêu tàn là làm cho mất hết.

    Kinh Ðệ Lục cửu: Trừ tiêu tàn ô uế sinh quang.

  • Tiêu tán

    Tiêu tán

    消散

    A: To disperse.

    P: Se disperser.

    Tiêu: Tan mất hết. Tán: tan nát ra.

    Tiêu tán là tiêu tan mất hết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Người đời chẳng khác chi con buôn trong buổi chợ, cả sức lực, cả trí não tinh thần đều bị tiêu tán nơi ấy.

  • Tiêu tận

    Tiêu tận

    消盡

    A: To annihilate.

    P: Anéantir.

    Tiêu: Tan mất hết. Tận: hết.

    Tiêu tận là tiêu mất hết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu chẳng bền lòng theo nẻo chánh mà thoát lối sông mê, căn quả trả vay, chẳng biết ngày nào tiêu tận đặng

  • Tiêu thiều

    Tiêu thiều

    簫韶

    A: The royal music.

    P: La musique royale.

    Tiêu: Ống sáo. Thiều: sáng đẹp.

    Tiêu thiều là khúc nhạc rất hay, thổi bằng ống sáo, tương truyền do Bà Nữ Oa chế ra.

    Khi thổi lên khúc nhạc nầy thì chim phượng bay đến múa và hót theo. Về sau, vua Thuấn học được đem dạy cho các nhạc sĩ của triều đình.

    Khúc tiêu thiều réo rắt thanh tao, khiến người nghe có tâm hồn trở nên cao thượng. Do đó, khúc tiêu thiều thường được tấu nơi cung đình.

    Kinh Ðệ Tam cửu: Tiêu thiều lấp tiếng dục tình.

  • Tiêu trừ

    Tiêu trừ

    消除

    A: To eliminate, to abolish.

    P: Éliminer, abolir.

    Tiêu: Tan mất hết. Trừ: bỏ đi.

    Tiêu trừ là trừ bỏ cho mất hẳn.

    Di Lạc Chơn Kinh: Năng chiếu diệu quang tiêu trừ nghiệt chướng.

  • Tiều tụy

    Tiều tụy

    憔悴

    A: Ravaged.

    P: Ravagé.

    Tiều: khô héo. Tụy: ủ rủ.

    Tiều tụy là khô héo ủ rủ, buồn rầu héo hắt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Để tránh khỏi nơi khổ cùng tiều tụy.

  • TIỂU

    TIỂU

    TIỂU: 小 Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm.

    Thí dụ: Tiểu đàn, Tiểu đệ, Tiểu hồi.

  • Tiểu đàn

    Tiểu đàn

    小壇

    A: Small ceremony.

    P: Petite cérémonie.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Đàn: một đàn cúng tế.

    Tiểu đàn là một đàn cúng tế nhỏ, với nghi tiết đơn giản.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Nghi tiết đại đàn và tiểu đàn, vần Ng)

  • Tiểu đệ

    Tiểu đệ

    小弟

    A: Your humble younger friend.

    P: Votre humble cadet.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Đệ: em.

    Tiểu đệ là tiếng khiêm xưng của em khi nói chuyện với bậc đàn anh.

  • Tiểu hồi - Đại hồi

    Tiểu hồi - Đại hồi

    小回 - 大回

    A: The monade - The ego.

    P: Le monade - L"égo.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Đại: lớn. Hồi: lớp, cấp lớp.

    Tiểu hồi là cấp nhỏ, cấp thấp hơn nhơn loại.

    Đại hồi là cấp lớn, cấp cao tức là cấp nhơn loại.

    Như thế, Tiểu hồi là cấp động vật thú cầm, cấp tiến hóa thấp hơn nhơn loại.

    Đức Phạm Hộ Pháp có thuyết đạo nói về Tiểu hồi và Đại hồi, chép ra như sau:

    "Các tội tình đều đưa ra trước mặt, từ Tiểu hồi, tức nhiên là Giác hồn, sanh tử biết bao nhiêu kiếp mới đạt đến bực Đại hồi, cả cái sanh hoạt, cả cái liên quan, cả cái căn bản, cả cái quả kiếp, bất kỳ cái gì, thì trong quyển Vô Tự Kinh đều có ghi chép."

    "Phật Mẫu sanh ra chỉ biết nuôi sống theo bực Tiểu hồi, chớ Đại hồi chưa có. Ngày giờ có Đại hồi, là Đức Chí Tôn giáng linh trong thân thể loài người. Đức Chí Tôn ở cùng nó thì là Đại hồi (Égo) chớ không phải Tiểu hồi (Monade)."

    Theo Luật Tiến hóa thì loài Thú cầm tức là Tiểu hồi có được hai phần hồn là: Sanh hồn và Giác hồn. Khi Thú cầm tiến hóa lên phẩm Nhơn loại thì Đức Chí Tôn ban thêm cho một điểm linh hồn, và như thế con người có được ba phần hồn gọi là Tam hồn: Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn.

    Linh hồn chính là điểm linh quang của Đức Chí Tôn ban cho mỗi người, nên Đức Phạm Hộ Pháp mới nói là Đức Chí Tôn giáng linh trong thân thể loài người.

    Nhờ có linh hồn, con người mới có thể tu hành để tiến hóa thành Thần, Thánh, Tiên, Phật.

  • Tiểu hồn

    Tiểu hồn

    小魂

    A: The individual soul.

    P: L"âme individuelle.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Hồn: linh hồn.

    Tiểu hồn là linh hồn của một người nơi cõi trần.

    Gọi là Tiểu hồn là vì nó được chiết ra từ khối Đại hồn của Thượng Đế. (Xem: Đại hồn, vần Đ)

  • Tiểu lễ - Đại lễ

    Tiểu lễ - Đại lễ

    小禮 - 大禮

    A: The small ceremony - The great ceremony.

    P: La petite cérémonie - La grande cérémonie.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Đại: lớn. Lễ: cách bày tỏ lòng kính trọng.

    Tiểu lễ là lễ cúng tế nhỏ, đồng nghĩa Tiểu đàn.

    Đại lễ là lễ cúng tế lớn, đồng nghĩa Đại đàn. (Xem chi tiết nơi chữ: Nghi tiết đại đàn và tiểu đàn, vần Ng)

  • Tiểu liệm

    Tiểu liệm

    小殮

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Liệm: mặc quần áo và bọc xác người chết bằng các lớp vải trắng rồi đem đặt vào áo quan.

    Tiểu liệm là bọc xác người chết bằng một lớp vải trắng.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Tẫn liệm)

  • Tiểu linh quang

    Tiểu linh quang

    小靈光

    A: Micro divine light.

    P: La lumière divine du microcosme.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Linh: thiêng liêng. Quang: ánh sáng.

    Tiểu linh quang là một điểm ánh sáng nhỏ thiêng liêng. Đó là linh hồn của một người. (Xem: Đại hồn, vần Đ)

  • Tiểu ngã - Đại ngã

    Tiểu ngã - Đại ngã

    小我 - 大我

    A: Atman - Brahman.

    P: Atman - Brahman.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Đại: lớn. Ngã: cái ta (le moi, the I).

    Tiểu ngã là cái ta nhỏ bé, tức là cái ta của một con người, một tiểu hồn, một tiểu linh quang.

    Đại ngã là cái ta to lớn, tức là cái ta của Thượng Đế, là Đại hồn, Đại linh quang.

    Đạo Bà La Môn gọi Tiểu ngã là Atman, Đại ngã là Brahman. Con người tu hành đắc đạo, khi thể xác chết thì Atman xuất ra hòa nhập vĩnh viễn vào Brahman.

    Đối với Phật giáo, hai từ ngữ: Tiểu ngã và Đại ngã có ý nghĩa khác.

    "Đại ngã là cái ta to lớn, ấy là cảnh Niết Bàn mà Phật chứng được. Cũng viết: Chơn ngã, Thật ngã. Đối với: Bổn ngã, vọng ngã (tức là Tiểu ngã).

    Phật đắc tám đức tự tại (Bát tự tại), rời khỏi mọi sự hệ lụy, đối với muôn pháp, hằng được tự tại, đó tức là Đại Niết Bàn, tức là Đại ngã.

    Đại ngã cũng kêu tắt là Ngã. Trọn bộ Niết Bàn Kinh luận về lý Đại ngã ấy và sở trường về 4 lý: thường, lạc, ngã, tịnh (thường còn, an vui, tự tại, trong sạch). Ngã ở đây là Đại ngã, cái ta lớn hoàn toàn tự tại, siêu việt mọi chi phối và hệ lụy." (Trích trong Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn)

    Phật giáo cho rằng, con người bàn luận nhiều về Đại ngã và Tiểu ngã là làm chuyện vô ích, phí thời gian, vì nó không giúp ích gì cho sự nghiệp diệt khổ và giải thoát.

  • Tiểu ngoạt (Tiểu nguyệt)

    Tiểu ngoạt (Tiểu nguyệt)

    小月

    A: The incomplete lunar month.

    P: Le mois lunaire incomplet.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Ngoạt: Nguyệt: tháng âm lịch.

    Tiểu ngoạt là tháng âm lịch thiếu, có 29 ngày.

    Đại ngoạt là tháng âm lịch đủ, có 30 ngày.

  • Tiểu ngọc cơ

    Tiểu ngọc cơ

    小玉機

    A: The small apparatus.

    P: Le petit appareil.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Ngọc cơ: cây cơ quí báu để cầu các Đấng thiêng liêng giáng vào cơ viết ra chữ tạo thành một bài văn dạy đạo cho nhơn sanh.

    Tiểu ngọc cơ là cây ngọc cơ nhỏ, dùng để cầu các Đấng thiêng liêng thấp hơn Đức Chí Tôn.

    Khi cầu Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu thì phải dùng Đại ngọc cơ. (Xem chi tiết nơi chữ: Cơ bút, vần C)

  • Tiểu nhân đắc chí

    Tiểu nhân đắc chí

    小人得志

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Nhân: người. Đắc: được. Chí: lòng muốn.

    Tiểu nhân là người tầm thường thấp kém về tánh tình, tài năng và đạo đức. Dù giàu hay có địa vị cao trong xã hội, kẻ tiểu nhân vẫn là tiểu nhân; tiền bạc hay địa vị không biến tiểu nhân thành quân tử được.

    Trái với tiểu nhân là Quân tử. Quân tử là người có tài năng và đức hạnh cao quí. Người quân tử dù nghèo, không gặp thời thì vẫn là quân tử, vẫn giữ vững đức hạnh hơn người.

    Tiểu nhân đắc chí là kẻ tiểu nhân có tài đức tầm thường nhưng nhờ mưu mô khéo léo mà được thành công trên đường danh lợi thì họ tỏ ra tự đắc, khoe khoang, khinh người.

  • Tiểu quốc

    Tiểu quốc

    小國

    A: The small country.

    P: Le petit pays.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Quốc: nước.

    Tiểu quốc là nước nhỏ, có diện tích đất đai nhỏ hẹp và dân số ít.

    Việt Nam là tiểu quốc, so với nước Tàu là đại quốc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Hảo Nam bang! Hảo Nam bang!
    Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn.
  • Tiểu sử

    Tiểu sử

    小史

    A: The biography.

    P: La biographie.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Sử: lịch sử.

    Tiểu sử là lịch sử sơ lược của một người, tức là trình bày thân thế và sự nghiệp của người đó về cả hai mặt: đời và đạo.

  • Tiểu tâm

    Tiểu tâm

    小心

    A: To pay attention.

    P: Faire attention.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Tâm: lòng dạ.

    Tiểu tâm là cẩn thận, chú ý đề phòng.

  • Tiểu Thiên Địa

    Tiểu Thiên Địa

    小天地

    A: The microcosm.

    P: Le microcosme.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Thiên: trời. Địa: đất.

    Tiểu Thiên Địa là Tiểu vũ trụ, là vũ trụ nhỏ, tức là con người. Đối lại là Đại Thiên Địa, tức là Thượng Đế.

    Người với Trời Đất có cùng một thể. Điều đó càng thấy rõ trong triết lý nhân sinh của ông Đổng Trọng Thư, ông có viết trong sách Xuân Thu Phồn Lộ, trích như sau:

    "Không gì tinh vi hơn khí Âm Dương, phong phú hơn Địa, thần linh hơn Thiên. Cái tinh của Trời Đất để sanh ra muôn vật không gì quí hơn Người.

    Người nhận lấy mệnh của Trời, cho nên siêu nhiên hơn vạn vật. Vạn vật lo sợ tai vạ và không thể thi hành được lòng nhân với lý nghĩa, chỉ riêng có Người mới có khả năng làm được điều nhân nghĩa. Muôn vật lo sợ tai vạ không thể sánh vai với Trời Đất, chỉ riêng có Người mới có thể sánh vai với Trời Đất.

    Người có 360 tiết sánh với số Trời, hình thể xương thịt sánh với Đất dầy. Ở trên có tai mắt thông minh, là hình tượng Nhựt Nguyệt. Thân thể có cửa mở, có mạch lạc, tượng hình sông ngòi và thung lũng. Tâm có thương, vui, mừng, giận, cùng loại với Thần, Khí.

    Xét thân thể của con người, sao mà cũng cao quí hơn muôn vật khác thế và cùng loại với Trời.

    Muôn vật nương dựa khí Âm Dương của Trời để sinh hoạt, chỉ loài người lại sáng tỏ rực rỡ với văn vẻ của Trời.

    Thế nên, phàm vật hiện hình ra chẳng cái nào là không tuân theo mệnh trời mà thi hành, ở địa vị nương tựa, chỉ riêng Người đứng lên trực tiếp với Trời, chính chính xứng đáng với Trời. Cho nên, tiếp nhận ít của Trời Đất thì ở địa vị nương dựa, tiếp nhận nhiều của Trời Đất thì ở địa vị chánh đáng.

    Ở đấy thấy loài người biệt lập với muôn vật mà tham hợp với Trời Đất. Cho nên thân thể con người có đầu rộng mà tròn tượng hình nội dung của Trời, lông tóc tượng hình các vì sao, tai mắt lanh lợi tượng hình mặt trăng mặt trời. Mũi miệng hô hấp tượng trưng gió và không khí. Trong bụng đạt đến hiểu biết tượng hình Thần minh. Bụng ruột đầy rỗng tượng hình muôn vật.

    Tượng trưng của Trời Đất, tương quan của khí Âm Dương, thường thấy thiết dụng ở thân người. Thân người cũng như Trời, tương tham hợp với số của Trời, cho nên cùng liên hệ hệ với Trời bằng sinh mệnh.

    Trời lấy số ngày một năm để lập nên thân thể con người, cho nên 360 tiết nhỏ để tương hợp với số ngày, tiết lớn 12 phần tham hợp với số tháng. Ở trong có năm tạng tham hợp với số Ngũ Hành. Ở ngoài có tứ chi chân tay tham hợp với số bốn mùa. Chợt thấy chợt mờ tham hợp với ban đêm ban ngày, chợt cứng chợt mềm tham hợp với mùa đông mùa hạ, chợt thương đau chợt vui mừng tham hợp với khí Âm Dương.

    Tâm có tính toán suy nghĩ tham hợp với độ số. Hành vi có luân lý tham hợp với Trời Đất. v.v.....

    Ở đâu đếm được thì tham hợp với số, ở đâu không đếm được thì tham hợp với loài.

    Ở đây có sự đồng nhất ở cả hai bên và chỉ có một sự tham hợp của Người với Trời."

    Trên đây là Đổng Trọng Thư trình bày cái quan niệm về tương quan giữa người và vũ trụ theo lối suy tư tương quan và vũ trụ loại tự (Pensée-Correlative et univers-analogie) của triết học cổ rất phổ biến ở Đông phương; cũng như ở Tây phương, ấy là chủ nghĩa cơ thể (Organisme) coi nhân thân là một Tiểu Thiên Địa, hay Tiểu vũ trụ.

    Theo ông, Người với Trời, Nhân với Thiên, tương đồng từng điểm một. Cho nên, vũ trụ mà không có người thì vũ trụ không còn hoàn toàn, không thành được vũ trụ nữa vậy. Bởi vì vũ trụ là một đại hòa điệu của Tam tài: Thiên, Địa, Nhơn, nếu mất một yếu tố thì sự hòa điệu ấy không còn. Cho nên:

    Trời Đất Người là gốc của muôn vật: Trời sanh ra, Đất nuôi dưỡng, Người làm nên.

    Trời sanh ra với tánh hiếu đễ, Đất nuôi với ăn mặc, Người làm nên với lễ nhạc. Ba yếu tố ấy làm chân tay lẫn cho nhau, hợp lại mà thành một thể, không thể thiếu một. Không có hiếu đễ thì mất cái sở dĩ sanh ra, không có ăn mặc thì mất cái sở dĩ nuôinấng, không có lễ nhạc thì mất cái sở dĩ làm nên.

    Ở đây càng tỏ rõ cái bản thể Nhất nguyên, cái Nhất thể của Tam Tài. Một Nhất nguyên sanh thành sáng tạo ra vậy.

    Như thế đủ thấy địa vị của con người trong vũ trụ thật là vô cùng trọng đại, vô cùng cao cả." (Triết học Đông phương của Ng.Đ.Thục).

    Tóm lại: Đại Thiên Địa là Trời, là Thượng Đế; Tiểu Thiên Địa là người, nên con người chính là một Tiểu Thượng Đế. Trời có gì thì con người có nấy. Mục đích của con người nơi thế gian là để học hỏi và tiến hóa, tiến hóa mãi cho đến khi bằng Trời, để Tiểu Thượng Đế hiệp nhập vào Thượng Đế.

  • Tiểu tự

    Tiểu tự

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Tiểu tự

    小序

    A: Short preface

    P: Courte préface.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Tự: bài tựa quyển sách.

    Tiểu tự là bài tựa ngắn của một quyển sách.

    * Trường hợp 2: Tiểu tự

    小字

    A: Small name.

    P: Petit nom.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Tự: chữ, tên.

    Tiểu tự, đồng nghĩa Tiểu danh, là tên đặt từ lúc còn bé nhỏ. Tiểu tự cũng còn có nghĩa là tên chữ đặt riêng.

  • Tiểu tường

    Tiểu tường

    小祥

    A: The small mourning.

    P: Le petit deuil.

    Tiểu: Nhỏ, ít, dùng để nói tự khiêm. Tường: lành, tốt.

    Tiểu tường là lễ cúng tế và cầu siêu linh hồn người chết, sau khi chết được 281 ngày. (Xem chi tiết: Đại tường, vần Đ)

  • Tìm tàng lượng trí lý

    Tìm tàng lượng trí lý

    Tìm: kiếm. Tàng: giấu kín. Lượng: đo lường. Trí: sự hiểu biết. Lý: lẽ. Trí lý tức là Lý trí, là khả năng nhận thức sự vật bằng sự hiểu biết và suy luận.

    Tìm tàng là tìm kiếm chỗ bí mật ẩn kín bên trong.

    "Đạo giáo trọng hệ nhứt là Bí pháp, vì do nơi Bí pháp mà người ta mới tìm tàng được trong cơ quan tạo đoan." (ĐPHP)

    Lượng trí lý là dùng lý trí để đo lường, suy luận, tìm biết rõ trình độ cao hay thấp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão là người đã đứng ngoài vòng thế sự hèn lâu nên đòi phen bợ ngợ, phải tìm tàng lượng trí lý mỗi người.

  • TÍN

    TÍN

    TÍN: 信 - Tin tưởng, không ngờ vực, - Dấu hiệu để làm tin, -Tin tức.

    Thí dụ: Tín điều, Tín nữ, Tín nhạn.

  • Tín điều

    Tín điều

    信條

    A: Article of faith.

    P: Article de foi.

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Điều: cành nhỏ, điều khoản.

    Tín điều là những điều khoản mà tôn giáo đặt ra để các tín đồ tin theo.

  • Tín đồ

    Tín đồ

    信徒

    A: Adept, disciple.

    P: Adepte, disciple.

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Đồ: người theo học, học trò.

    Tín đồ là người tin theo một tôn giáo và gia nhập vào tôn giáo ấy.

    Tín đồ của Đạo Cao Đài là người tin tưởng Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, xin lập Minh Thệ, nhập môn vào Đạo, tuân hứa gìn giữ luật Đạo và lo tu hành.

    Điều thứ 12 của Tân Luật:

    "Nhập môn rồi gọi là tín đồ. Trong hàng tín đồ có 2 bực:

    1. Một bực còn ở thế, có vợ chồng làm ăn như người thường, song buộc phải giữ trai kỳ hoặc 6 hoặc 10 ngày trong tháng, phải giữ Ngũ Giới cấm, và phải tuân theo Thế Luật của Đại Đạo truyền bá. Bực nầy gọi là người giữ Đạo mà thôi, vào phẩm Hạ thừa.

    2. Một bực đã giữ trường chay, giới sát và Tứ đại điều qui, gọi là vào phẩm Thượng thừa."

  • Tín ngã ưng đương phát nguyện

    Tín ngã ưng đương phát nguyện

    信我應當發願

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Ngã: Ta. (tiếng tự xưng của Đức Phật Thích Ca). Ưng: bằng lòng. Đương: nhận lãnh. Phát: khởi lên.

    Đây một câu trong bài Di Lạc Chơn Kinh, do Đức Phật Thích Ca giáng cơ ban cho, có nghĩa là: Tin theo Ta, bằng lòng nhận lãnh, phát tâm cầu nguyện.

  • Tín ngôn bất mỹ

    Tín ngôn bất mỹ

    信言不美

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Ngôn: lời nói. Bất: không. Mỹ: đẹp.

    Tín ngôn bất mỹ là lời nói thành thực (đáng tin cậy) thì không đẹp (tức là không bóng bẩy trau chuốt).

    Chương cuối cùng của quyển Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử chép ra như sau:

    Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín;
    Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện;
    Tri giả bất bác, bác giả bất tri;
    Thánh nhân bất tích;
    Ký dĩ vi nhân kỷ dũ hữu,
    Ký dĩ dữ nhân kỷ dũ đa.
    Thiên chi đạo lợi nhi bất hại,
    Thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh.

    Nghĩa là:

    Lời thành thật không đẹp, lời đẹp không thành thật;
    Người thiện không nói giỏi, người nói giỏi không thiện;
    Người biết không học rộng (ý nói không cần học quá nhiều sự lý), người học rộng không biết;
    Thánh nhân không ham muốn tích trữ, (vì Thánh nhân không có lòng tư dục)
    Càng giúp người càng có dư,
    Càng cho lại càng nhiều.
    Đạo Trời lợi mà không hại,
    Đạo Thánh nhân làm mà không tranh với ai. (nên luôn luôn ở trên tất cả mọi người)
  • Tín ngưỡng

    Tín ngưỡng

    信仰

    A: The religious belief.

    P: La croyance religieuse.

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Ngưỡng: trông mong với lòng quí mến.

    Tín ngưỡng là tin theo và ngưỡng mộ một tôn giáo, tức là tin theo một vị Giáo chủ và thờ phụng vị Giáo chủ ấy.

    Tín ngưỡng của Đạo Cao Đài là tin tưởng và thờ phụng hai Đấng thiêng liêng tối cao là: Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức Phật Mẫu, bởi vì Đức Chí Tôn ban cho ta một linh hồn và Đức Phật Mẫu ban cho ta một xác thân thiêng liêng gọi là chơn thần, cho nên chúng ta cũng gọi hai Đấng ấy là Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu.

    Ngoài hai Đấng tối cao kể trên, Đạo Cao Đài còn tín ngưỡng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Đó là những vị giúp Đức Chí Tôn điều hành cơ Tiến hóa của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Hội Thánh phải tạo đền thờ của Đức Chí Tôn đặng làm nền móng sự tín ngưỡng của cả chúng sanh, vì Đạo do nơi đó mà xuất hiện.

  • Tín nhạn

    Tín nhạn

    信雁

    A: The news brought by the wild goose.

    P: La nouvelle apportée par l"oie sauvage.

    Tín: Tin tức. Nhạn: chim nhạn. Nhạn là loài chim khôn ngoan, được tập luyện như chim bồ câu, để mang thư từ nơi nầy đến nơi khác, cách nhau rất xa. Thư được buộc vào chân nhạn.

    Tín nhạn là tin tức do chim nhạn mang tới.

    Có hai điển tích về Tín nhạn:

    1. Tô Võ chăn dê: Tô Võ làm quan Đại Học Sĩ dưới triều vua Hán Nguyên Đế. Tô Võ được Tể Tướng Trương Văn Học đề cử làm sứ giả sang Phiên quốc để cầu hòa, yêu cầu quân Phiên lui binh. Vua Phiên không chịu, đòi Hán Nguyên Đế phải dâng nạp Tây Cung là nàng Chiêu Quân thì mới chịu hòa. Vua Phiên bắt giam Tô Võ, bỏ vào hang đá 3 ngày không cho ăn uống, nhưng Tô Võ không chết nhờ vuốt giọt sương đọng nơi ngù cờ thấm giọng. Vua Phiên tưởng Tô Võ có Thần nhân ủng hộ nên không dám giết, truyền đày Tô Võ lên phương Bắc, đến Mục Dương thành chăn đàn dê đực 100 con, nói rằng chừng nào dê đực đẻ con thì mới cho Tô Võ về nước.

    Tô Võ tuổi già sức yếu, chịu cái lạnh không nổi, tưởng phải bỏ xác nơi nước Phiên, may nhờ một con vượn cái (giả nhơn) đem về hang nuôi dưỡng mới sống đặng, và nhờ đàn vượn con chăn dắt đàn dê.

    Khi mùa đông đến, Tô Võ bắt chim nhạn, buộc thơ vào chân chim nhạn, chim nhạn sẽ tránh lạnh bay về phương Nam là nước Tàu, dân chúng bắt chim nhạn, thấy thơ của Tô Võ, liền đem dâng cho vua Hán. Nhờ vậy, Hán Nguyên Đế biết rõ Tô Võ không qui phục vua Phiên, bị vua Phiên đày đi chăn dê ở miền Bắc nước Phiên.

    2. Chiêu Quân cống Hồ: Cũng vào thời vua Hán Nguyên Đế, triều đình suy sụp, không có tướng tài chống cự quân Phiên (nước Phiên còn được gọi là nước Hồ), bị quân Phiên đánh tới kinh thành. Hán Nguyên Đế đành phải đem nàng Chiêu Quân cống nạp vua Phiên để xin bãi binh. Vua Phiên bằng lòng. Hán Nguyên Đế sai quan chuẩn bị xe cộ đưa Chiêu Quân đi. Khi đến ải Nhạn Môn quan là nơi biên giới giữa hai nước. Nàng Chiêu Quân truyền dừng lại để nàng cầu nguyện, rồi nàng bước lên Nhạn Lạc đài, viết một bức huyết thơ buộc vào chân chim nhạn, gởi cho Hán Nguyên Đế, yêu cầu nhà vua khởi binh đánh nước Phiên để cứu nàng và gỡ nhục quốc thể. Chim nhạn mang thơ về vua Hán, nhưng Hán Nguyên Đế nhu nhược, triều đình suy yếu, đành bất lực để nàng Chiêu Quân cống Hồ.

    Chiêu Quân quá phiền não, ôm đàn tỳ bà khảy lên khúc nhạc quá quan vô cùng ai oán, than thân trách phận, phiền giận vua Hán, oán trách cả cao xanh đưa nàng vào nơi tuyệt vọng.

    Khi nàng Chiêu Quân đến gặp vua Phiên, việc đầu tiên là nàng yêu cầu vua Phiên giết ngay tên gian tặc Mao Diên Thọ, kế đó là xin vua Phiên tha cho Tô Võ trở về nước Tàu. Xong rồi, nàng bày ra việc đi hành hương nơi bờ sông, rồi thình lình gieo mình xuống dòng sông tử tiết. Nước sông chảy xiết, cuốn trôi xác nàng đem trở về nước Tàu.

  • Tín nhiệm

    Tín nhiệm

    信任

    A: To have confidence in s.o.

    P: Avoir confiance de qqn.

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Nhiệm: gánh vác.

    Tín nhiệm là tin cậy và giao cho gánh vác công việc quan trọng.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Thảng như Chức sắc nào chẳng vì chủ nghĩa hóa dân qui thiện, làm mất tín nhiệm của chúng sanh thì phải....

  • Tín nữ

    Tín nữ

    信女

    A: The female believer.

    P: La croyante.

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Nữ: đàn bà, con gái.

    Tín nữ là người phụ nữ có tín ngưỡng tôn giáo, tức là nữ tín đồ của một tôn giáo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hỷ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu, chư tín nữ.

  • Tín sử

    Tín sử

    信史

    A: Veracious history.

    P: Histoire véridique.

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Sử: lịch sử.

    Tín sử là lịch sử chép đúng sự thật, có chứng cớ rõ ràng, đáng tin cậy. Trái với Tín sử là Nghi sử.

  • Tín thành

    Tín thành

    信誠

    A: Loyal.

    P: Fidèle.

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Thành: thành thật.

    Tín thành là thành thật đáng tin.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Há chẳng phải là gương tín thành đáng noi dấu hay sao?

  • Tín thọ phụng hành

    Tín thọ phụng hành

    信受奉行

    Tín: Tin tưởng, không ngờ vực. Thọ: Thụ: nhận lãnh. Phụng: vâng theo.

    Tín thọ là tin theo và thọ lãnh giáo pháp mà mình đã nghe. Phụng hành là vâng lệnh thi hành.

    Tín thọ phụng hành là tin theo giáo pháp mà mình đã nghe, thọ lãnh rồi vâng theo mà thi hành.

    Bốn chữ "Tín thọ phụng hành" thường đặt sau chót các bài kinh mà Phật giảng thuyết. Như trong Kinh Kim Cang:

    Văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành: Nghe Phật nói Kinh, tất cả đều vui vẻ, tin chịu và phụng hành.

    Kinh Cứu Khổ: Tín thọ phụng hành tức thuyết chơn ngôn viết:

  • TINH

    TINH

    1. TINH: 精 có những nghĩa sau đây:

    · Trong sạch.

    Thí dụ: Tinh khiết.

    · Thuần túy, không lẫn lộn chất khác.

    Thí dụ: Tinh anh, Tinh hoa, Tinh túy.

    · Rành rẽ, giỏi khéo.

    Thí dụ: Tinh thông.

    · Khôn lanh, yêu quái.

    Thí dụ: Tinh quái.

    2. TINH: 星 Ngôi sao.

    Thí dụ: Tinh cầu, Tinh hỏa.

  • Tinh anh

    Tinh anh

    精英

    A: The quintessence.

    P: La quintessence.

    Tinh: Thuần túy, không lẫn lộn chất khác. Anh: phần chánh yếu tốt đẹp của vật.

    Tinh anh là phần chánh yếu tốt đẹp nhất của một vật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chơn thần gìn đặng vẹn tinh anh.

  • Tinh ba - Tinh hoa

    Tinh ba - Tinh hoa

    精葩 - 精華

    A: The essence.

    P: L"essence.

    Tinh: Thuần túy, không lẫn lộn chất khác. Ba: đồng nghĩa Hoa: tốt đẹp.

    Tinh ba, đồng nghĩa Tinh hoa, là phần tốt đẹp nhất và cao quí nhất của một vật.

  • Tinh cầu - Tinh đẩu

    Tinh cầu - Tinh đẩu

    星球 - 星斗

    A: The star.

    P: L"étoile.

    Tinh: Ngôi sao. Cầu: quả tròn. Đẩu: ngôi sao.

    Tinh cầu là ngôi sao có hình như quả cầu tròn.

    Các hành tinh đều là những tinh cầu.

    Tinh đẩu là chỉ chung các ngôi sao.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khi Chí Tôn đem Dương quang ấm áp mà làm cho hóa sanh thì cái khoảnh Âm quang phải thối trầm làm tinh đẩu là cơ quan sanh hóa của vạn linh.

  • Tinh hỏa liệu nguyên

    Tinh hỏa liệu nguyên

    星火燎原

    Tinh: Ngôi sao. Hỏa: lửa. Liệu: cháy lan vì để gần lửa. Nguyên: gốc. Tinh hỏa: đốm lửa nhỏ như ngôi sao.

    Tinh hỏa liệu nguyên: đốm lửa nhỏ là gốc đám cháy lớn.

    Vua Cao Tông có viết rằng: "Nhứt tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh chi tân; bán cú phi ngôn ngộ tổn bình sanh chi đức." Nghĩa là: Một chấm lửa có khả năng đốt cháy muôn đống củi; nửa lời nói quấy làm hao tổn cái đức bình sanh.

  • Tinh - Khí - Thần

    Tinh - Khí - Thần

    精 - 氣 - 神

    Tinh, Khí, Thần được gọi chung là Tam bửu (3 món báu).

    Có hai trường hợp:

    ■ Trường hợp 1: Tinh Khí Thần là Tam bửu tượng trưng bằng Hoa Rượu Trà để dâng cúng Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.

    ■ Trường hợp 2: Tinh Khí Thần trong phép Luyện đạo, luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt.

    I. Tam bửu để dâng cúng Đức Chí Tôn:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Còn cổ lễ cúng thì: - Rượu là Khí, - Bông là Tinh, - Trà là Thần."

    Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, quyển I trang 112-115:

    "Bần đạo đã giảng nhiều phen, hình trạng Tam bửu, đã cho cả thảy biết trong mình ta có Tam thân, chúng ta gọi theo Đạo giáo là: Tinh, Khí, Thần.

    Thứ nhứt, thân thể hữu hình của chúng ta đây gọi là Phàm thân. Thứ nhì, thân thể khí chất vô hình, mắt không nhìn thấy được, nếu thấy được là đạt đạo, gọi là Pháp thân. Thứ ba, gọi là Linh thân tức là Linh hồn. Ba món báu ấy chung hiệp nhau lại tạo nên hình ảnh con người."

    "Bần đạo nhắc lại một phen nữa, khi nào hành lễ lúc dâng Tam bửu:

    - Hễ đưa Bông lên là dâng cái thể hình của chúng ta đó, ta cúi đầu cầu nguyện Đức Chí Tôn: Con xin dâng mảnh hình hài của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng.

    - Khi dâng Rượu thì cầu nguyện: Con xin dâng cả trí thức tinh thần của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng.

    - Khi dâng Trà, cầu nguyện: Con xin dâng cả linh hồn của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."

    TINH:

    A: Carnal (material) body. P: Corps charnel (matériel).

    KHÍ:

    A: Perisprit, divine body. P: Périsprit, corps divin.

    THẦN:

    A: Soul. P: Âme.

    Giải thích chi tiết về Tinh Khí Thần khi dâng Tam bửu:

    1. TINH: Tinh là hình hài xác thịt của chúng ta, được tượng trưng bằng cái Hoa (bông), vì Đức Chí Tôn muốn hình thể của con cái của Ngài tốt đẹp như cái hoa vậy.

    Do đó, Tinh là đệ nhứt xác thân, là xác thân phàm, bằng xương bằng thịt do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng vật chất phàm trần. Phật giáo gọi nó là Giả thân, vì do Tứ đại giả hiệp, nên không bền, chỉ tồn tại trong khoảng 100 năm hay ít hơn rồi phải chết, và khi chết cái thân ấy thúi rã thành đất.

    Việc dùng Hoa tượng trưng xác thân phàm phù hợp sự tích Na Tra nhập xác bông sen trong truyện Phong Thần:

    Để cứu cha mẹ (vợ chồng Lý Tịnh) khỏi bị Long vương Ngao Quảng bắt trói hành tội, Na Tra phải tự chặt tay, lóc thịt, mổ bụng, chết trước mặt Long vương để đền cái tội giết chết Ngao Bính và Lý Lương buổi nọ.

    Xác thân Na Tra chết, linh hồn Na Tra bay quanh quẩn, chờ lúc đêm khuya báo mộng cho mẹ, xin mẹ lập một cái miểu tại chân núi Túy Bình để nhờ hương khói của bá tánh cho linh hồn mau cứng cát. Mẹ của Na Tra không dám cho Lý Tịnh hay, lén sai người đến núi Túy Bình dựng lên một cái miểu thờ Na Tra, có dựng cốt tượng Na Tra rất đẹp, y như lời cầu xin của Na Tra trong mộng.

    Bá tánh đến dâng hương cúng Na Tra rất đông, thường cầu xin điều chi thì được Na Tra phò hộ rất linh hiển.

    Được nửa năm như vậy, một hôm Lý Tịnh dẫn quân đi qua đó, thấy dân chúng đến miếu dâng hương rất đông, đồn rằng ông Thần nơi miếu đó rất linh, cầu chi được nấy. Lý Tịnh liền bước vào miếu xem thử, thấy cốt tượng là Na Tra, con của ông. Ông liền nổi giận, cho rằng Na Tra khi sống thì làm khổ cha mẹ, khi chết lại còn muốn khuấy phá mê hoặc dân chúng, nên ông đuổi hết dân chúng đi ra, rồi đập gãy cốt tượng Na Tra, phá sập miếu, rồi châm lửa đốt cháy sạch.

    Hồn Na Tra không còn nơi nương tựa, liền bay về động để kêu oan với thầy là Thái Ất Chơn Nhơn.

    Thái Ất Chơn Nhơn liền sai Kim Hà đồng tử đi hái hai cái hoa sen lớn và ba cái lá sen còn nguyên cọng đem về cho ông làm phép. Thái Ất bẻ các cọng sen làm thành 360 khúc để làm xương, sắp đặt theo dạng hình người, lấy các cánh hoa sen đắp lên làm thịt, phủ bên ngoài ba cái lá sen để làm da, để một hột linh đơn vào giữa làm trái tim. Xong rồi, Thái Ất họa phù niệm chú, bắt vía và thâu hồn Na Tra xô nhập vào hình sen rồi hét lớn: Na Tra chưa sống lại còn đợi chừng nào?

    Xảy nghe một tiếng ư, hình sen biến thành một người, liền trổi dậy, mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son, con mắt có ngời, cao lớn đẹp đẽ, ấy là Na Tra nhập xác hoa sen đó.

    Hoa sen, cọng sen, lá sen đã tạo thành hình hài xác thịt của Na Tra vào thời Phong Thần.

    Ngày nay, Đức Chí Tôn chọn cái Hoa để tượng trưng hình hài xác thịt của chúng ta, để khi chúng ta cúng dâng hoa lên Đức Chí Tôn, là chúng ta dâng mảnh hình hài thể xác của chúng ta cho Đức Chí Tôn tùy phương sử dụng vào công cuộc phụng sự chúng sanh trong thời Hạ nguơn mạt kiếp nầy.

    2. KHÍ: Khí là chơn thần, là xác thân thiêng liêng của chúng ta, được tượng trưng bằng Rượu, vì Đức Chí Tôn muốn cho chơn thần của con cái Ngài cường liệt như rượu mạnh vậy.

    Xác thân thiêng liêng nầy do Đức Phật Mẫu dùng các nguyên khí nơi Diêu Trì Cung để tạo nên cho mỗi người, nên xác thân thiêng liêng tức là chơn thần rất huyền diệu, bất tiêu bất diệt, nó mới chính là xác thân chơn thật của chúng ta, nên gọi nó là Chơn thân, để đối với xác thân phàm là Giả thân.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thầy nói: Cái chơn thần là nhị xác thân các con, là khí chất (le sperme évaporé), nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi hộ."

    Như vậy, theo lời dạy của Đức Chí Tôn, cái chơn thần của mỗi người là đệ nhị xác thân, còn đệ nhứt xác thân là xác thân phàm. Cái chơn thần ấy lấy hình ảnh theo xác thân phàm, trung tâm của chơn thần là não bộ, nên sự suy nghĩ hiểu biết của con người là của chơn thần, cửa xuất nhập của chơn thần ra khỏi thể xác là mỏ ác tức là nê hoàn cung.

    Khi xác thân phàm chết, chơn thần không bao giờ chết theo, mà nó xuất ra khỏi xác phàm theo cái cửa nê hoàn cung, và nó lấy theo hình ảnh của xác phàm giống như khuôn đúc.

    Nếu xác phàm trường chay, thì chơn thần xuất ra trong sáng nhẹ nhàng, dễ dàng bay lên khỏi bầu khí quyển, gọi là siêu thăng. Nếu xác phàm ăn mặn, ăn nhiều thịt thú vật, thì bị ô trược, nên chơn thần cũng bị bao phủ một lớp trược khí nặng nề, khó xuất ra khỏi thể xác, và khi xuất ra được rồi thì cũng không thể bay lên cao được.

    Mỗi chơn thần đều có phát ra ánh sáng, gọi là hào quang. Hào quang đó yếu hay mạnh, và có màu sắc thế nào tùy theo trường hợp:

    · Nếu người ăn chay trường, tu hành chơn chánh, thì chơn thần có hào quang trắng, sáng chói, trong suốt.

    · Nếu người ăn mặn, không tu, tánh tình ác độc, thì chơn thần có hào quang màu tím, u tối, mờ đục.

    · Nếu người trung bình có ăn chay ăn mặn, có thiện có ác, thì hào quang của chơn thần màu hồng và sáng trung bình.

    Mắt phàm không nhìn thấy được chơn thần, vì nó thuộc về khí chất. Chỉ có các Đấng thiêng liêng, hay những vị tu hành đạt huệ nhãn thì mới thấy được chơn thần, thấy được hào quang và màu sắc của chơn thần, nên biết được trình độ tiến hóa của người đó cao hay thấp, thiện lương hay còn ác tánh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Chơn thần là gì? là nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng. Khi còn nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu. Cái chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu, khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy."

    Chơn thần do Đức Phật Mẫu lấy nguyên khí nơi Diêu Trì Cung tạo thành, nên nó là khí chất rất huyền diệu, có thể đi xuyên qua các thứ vật chất nơi cõi trần như: nhà cửa, vách tường, cây cối, v.v..., lại có thể biến hóa tùy theo ý muốn, và có thể di chuyển rất nhanh chóng như làn sóng điện.

    Chơn thần khi còn ở nơi xác phàm, nó liên lạc với xác phàm qua 7 dòng điện từ, gọi là 7 dây oan nghiệt. Chơn thần điều khiển xác thân phàm hay xác phàm đòi hỏi chơn thần phải làm cho nó thỏa mãn cũng qua 7 dòng điện từ nầy. Những đòi hỏi của xác phàm là sự thỏa mãn vật chất, nếu chơn thần hoàn toàn nghe theo nó thì sẽ gây ra nhiều mối oan nghiệt, nên 7 dòng điện từ nầy được gọi là 7 dây oan nghiệt.

    Khi xác phàm chết, 7 dây oan nghiệt kéo níu chơn thần không cho xuất ra khỏi xác. Nếu Đức Chí Tôn không ban cho phép Đoạn Căn để cắt đứt 7 dây oan nghiệt thì chơn thần phải chờ đợi cho đến khi nào thể xác thúi rã tan biến, 7 dây nầy cũng biến mất theo, thì lúc đó chơn thần mới xuất ra đi được. Chơn thần phải ở đó chứng kiến sự tan rã lần lần của thể xác thì nó phải chịu đau đớn khổ sở vô cùng, không có cái khổ sở nào bằng. Thế mới thấy rõ phép Đoạn Căn thể hiện lòng đại từ đại bi của Đức Chí Tôn trong Đại Ân Xá kỳ ba nầy.

    Tóm lại: KHÍ là chơn thần, còn được gọi là nhị xác thân, xác thân thiêng liêng, pháp thân, chơn thân, do Đức Phật Mẫu dùng nguyên khí nơi Diêu Trì Cung tạo thành ban cho mỗi người, nên chơn thần rất huyền diệu và bất tiêu bất diệt.

    Khi xác phàm còn sống thì chơn thần ẩn trong xác phàm, trung tâm của nó là não bộ, cửa xuất nhập là nê hoàn cung. Chơn thần điều khiển xác phàm qua 7 dòng điện từ gọi là 7 dây oan nghiệt. Khi xác phàm chết, chơn thần sẽ xuất ra khỏi xác theo cái cửa nê hoàn cung, trở về cõi thiêng liêng.

    Chơn thần là khí chất nên nó đi xuyên qua các thứ vật chất dễ dàng.

    Cũng vì chơn thần là khí chất, nên Đức Chí Tôn dùng Rượu để tượng trưng chơn thần, vì Rượu là khí chất bốc lên từ bã rượu, ngưng tụ lại do nhiệt độ lạnh mà thành. Dùng Rượu tượng trưng chơn thần rất phù hạp khoa học, chất bã rượu ví như thể xác thì hơi rượu bốc lên ví như chơn thần.

    3. THẦN: Thần là chơn linh, linh hồn, là điểm linh quang của Đức Chí Tôn ban cho mỗi người.

    Thần được tượng trưng bằng nước Trà, vì Đức Chí Tôn muốn cho chơn linh con cái của Ngài được điều hòa thơm tho như trà vậy.

    Đức Chí Tôn là Thái Cực, là khối Đại linh quang, là Đại hồn của Càn Khôn Vũ Trụ. Đức Chí Tôn lấy trong khối Đại linh quang của Ngài một điểm Tiểu linh quang để ban cho mỗi người làm linh hồn. Cho nên, Tiểu linh quang là Tiểu hồn, đồng bản chất với Đại hồn. Chúng ta nên lưu ý các từ ngữ:

    · Thái Cực, Đại linh quang, Đại hồn đều đồng nghĩa, vì đó là Đại chơn linh của Đức Chí Tôn Thượng Đế.

    · Tiểu linh quang, Tiểu hồn, chơn linh, đều đồng nghĩa, vì đó là linh hồn của mỗi người do Đức Chí Tôn ban cho.

    Vì chơn linh của con người đồng bản chất với Thái Cực, nên nó có một quyền năng vô đối, chưa có khoa học nào nghiên cứu thấu rõ được. Quyền năng ấy bảo trọng sự sống cho con người từ cõi thiêng liêng cho đến cõi phàm trần, để con người luôn luôn học hỏi và tiến hóa. Đến chừng nào cái quyền năng đó thoát ra khỏi xác phàm thì xác phàm phải chết.

    Trong thân thể con người, trái tim là cơ quan ban phát sự sống cho toàn cơ thể. Hễ tim ngừng đập thì cơ thể không còn được nuôi sống nữa, tất nhiên phải chết. Cho nên quả tim là nơi ngự của chơn linh. Khi chơn linh xuất ra, tim ngưng đập, thể xác chết. Khi thể xác chết, chơn linh và chơn thần cùng xuất ra, rời bỏ xác phàm, bay trở về cõi thiêng liêng.

    Như thế, chơn linh ở trong chơn thần, ngự tại quả tim.

    Chơn linh điều khiển chơn thần, chơn thần điều khiển thể xác. Chơn linh không trực tiếp điều khiển thể xác, mà phải qua một trung gian là chơn thần.

    Tóm tắt phần Tam bửu dâng cúng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu:

    · Hoa tượng trưng TINH, là xác thân phàm, là đệ nhứt xác thân, bằng xương bằng thịt do cha mẹ phàm trần tạo nên.

    · Rượu tượng trưng KHÍ, là xác thân thiêng liêng, là đệ nhị xác thân, là chơn thần, do Đức Phật Mẫu tạo ra và ban cho.

    · Trà tượng trưng THẦN, là chơn linh, linh hồn, điểm linh quang do Đức Chí Tôn chiết ra từ khối Đại linh quang của Ngài để ban cho mỗi người.

    Chơn linh ở trong chơn thần và ngự tại trái tim, chơn thần ở trong thể xác mà trung tâm của nó là não bộ, cửa xuất nhập là nê hoàn cung. Chơn linh điều khiển chơn thần, chơn thần điều khiển thể xác qua 7 dòng điện từ gọi là 7 dây oan nghiệt.

    Chơn linh kềm giữ chơn thần không cho làm điều sái quấy. Nếu chơn thần mạnh mẽ, điều khiển được thể xác thì thể xác nghe theo mà đi vào đường chơn chánh thiện lương. Nếu chơn thần yếu đuối không điều khiển nổi thể xác, để nó đòi hỏi xúi giục, chơn thần không nghe chơn linh mà theo thể xác thì sẽ đi vào đường vật dục, làm nhiều việc hung ác tà vạy, chơn thần phải bị quả báo và bị luân hồi chuyển kiếp.

    Khi chúng ta cúng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, chúng ta dâng Hoa, Rượu, Trà, với lời cầu nguyện: "Con xin dâng cả thể xác, chơn thần và linh hồn của con cho Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu tùy phương sử dụng."

    Đức Chí Tôn sử dụng ba thể của chúng ta dâng lên để làm gì? Tức nhiên là Đức Chí Tôn dùng ba thể đó phụng sự công cuộc tiến hóa của chúng sanh. Đức Chí Tôn biểu chúng ta dâng Tam bửu cho Ngài chính là cách mà Ngài đem Bí pháp giải thoát để cho chúng ta đắc đạo đó vậy.

    Tại sao? - Tại vì: "Ngày kia mình có thể nói, mỗi hành tàng của con làm, con đã tạo, con giao cả trong tay Đại Từ Phụ, quyền hạn xử định do nơi tay Thầy, chớ con không biết.

    Mình giao cả hình hài đó cho Đức Chí Tôn sử dụng, nếu thật sự có gì không hay xảy tới cho mình, mình không hiểu, mình giao cả thân thể mình cho Đức Chí Tôn, đặng Đức Chí Tôn phụng sự vạn linh, quyền xử định ấy do Đức Chí Tôn quyết định, mình đừng làm trái với mặt luật của Ngài định.

    Ấy vậy, mỗi ngày, từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya đến sáng, mình vô Đền Thánh kêu Đức Chí Tôn, kêu Tam giáo và các Đấng thiêng liêng mà phân chứng trước, thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến cho Đức Chí Tôn làm tôi tớ cho vạn linh, giờ phút đó, chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm, dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì thêm nữa, thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thế gì định tội được.

    Đức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải của chúng ta, tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát.

    Quyền ấy chính là của ta, chớ không phải của Đức Chí Tôn. Lấy quyền của ta mà cho ta, mình đã định quyền cho mình, chớ không phải Ngài định. Ngài định cho có quyền giải thoát, quyền thiêng liêng không có tạo, chính ta tạo quyền giải thoát đó do nơi ta mà thôi." (Trích Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp)

    Như thế, chúng ta thấy rõ ràng là việc dâng Tam bửu (thể xác, chơn thần và linh hồn) tượng trưng bằng hoa, rượu, trà, lên Đức Chí Tôn trong mỗi thời cúng là một Bí pháp giải thoát, bởi vì Đức Chí Tôn dùng Tam bửu của chúng ta để làm phương tiện phụng sự cơ tiến hóa của vạn linh.

    Nhưng sự dâng hiến ấy phải thực sự với đầy đủ ý nghĩa của nó, chớ không phải nói suông và dâng suông.

    Nếu chúng ta thực sự dâng hiến hết cho Đức Chí Tôn thì không còn cái gì là của ta nữa, đừng nói chi là của cha mẹ ta, hay gia đình ta. Tức nhiên cái NGÃ của ta không còn nữa, thế thì còn gì để CHẤP NGÃ? Đây là cách phá chấp triệt để mà Đức Chí Tôn ban cho chúng ta. Chúng ta chỉ còn có một việc là phải lo lắng suy nghĩ để làm thế nào thực hiện cho hoàn tất mệnh lệnh của Đức Chí Tôn giao phó trong công cuộc phụng sự vạn linh.

    Nếu người tín đồ nào của Đạo Cao Đài mà còn cống cao, ngã mạn, tự đắc, khinh người, thì rõ ràng là việc dâng hiến Tam bửu của họ chưa thực sự, chưa đúng mức, hoặc là chỉ sự dâng hiến bằng hình thức lễ nghi, thì nhứt định họ không hưởng được Bí pháp giải thoát của Đức Chí Tôn.

    II. Tam bửu trong phép Luyện đạo:

    TINH:

    A: Essence of material body.

    P: Essence du corps matériel.

    KHÍ:

    A: Vital energy. P: Énergie vitale.

    THẦN:

    A: Mind. P: Esprit.

    Ba chữ "Tinh, Khí, Thần" trong trường hợp Luyện đạo có ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn với trường hợp dâng Tam bửu cúng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    Chúng ta đọc đoạn Thánh Ngôn sau đây của Chí Tôn:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thầy cắt nghĩa: Mỗi kẻ phàm dưới thế đều có hai xác thân: một cái phàm gọi là Corporel, còn một cái thiêng liêng gọi là Spirituel. Mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra, nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng.

    Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi TINH, KHÍ, THẦN mà luyện thành.

    Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập.

    Còn khi đắc đạo, mà có TINH, KHÍ, không có THẦN thì không thế nhập mà hằng sống được. Còn có THẦN không có TINH, KHÍ thì khó huờn đặng Nhị xác thân.

    Vậy ba món báu đó phải hiệp mới đặng.

    Nó vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên thì hằng có điển quang. Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài Càn Khôn đặng.

    Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.

    Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết."

    Trong Đại Thừa Chơn Giáo, trang 52 và 69, có giải về Tinh Khí Thần, xin trích ra sau đây:

    "Như con người lo lắng, vọng tưởng điều nầy sự nọ thì lao Thần; còn ham muốn mơ mộng phú quí vinh hoa thì tản Khí; bằng say đắm tình trường dục hải thì tổn Tinh.

    Hễ Tam bửu hao mòn thì nào khác chi ngọn đèn tàn, dầu hao tim lụn, leo lét canh khuya, khi mờ khi tỏ, tất nhiên một hồi phải tắt ngay. Vả như Tam bửu hư hoại thì tự nhiên Ngũ Hành, Ngũ Tạng cũng phải xiêu bè suy nhược theo nhau."

    "Muốn Tam huê tụ đảnh, phải: bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần. Luyện chơn chưởng Thánh đô cho TINH hoá KHÍ, KHÍ hóa THẦN, THẦN huờn HƯ. Ba báu qui về tại kim đảnh là thành đạo."

    Vậy trường hợp Luyện đạo trong Tịnh Thất, luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, tức là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần huờn Hư, chúng ta có thể giải thích ý nghĩa của ba chữ: Tinh, Khí, Thần như sau đây:

    1. TINH: Tinh là chất tinh túy nhất trong xác thân của con người, do máu huyết lọc ra kết lại mà thành. Nó tích tụ nơi cơ quan sinh dục và nhờ nó mà con người di truyền nòi giống.

    Nơi người nam, Tinh là chất tinh trùng; nơi người nữ, Tinh là noãn bào được tạo thành trong buồng trứng.

    Nhờ có Tinh mà con người có được sức khỏe và di truyền nòi giống. Cho nên, nếu con người dâm dục quá độ thì phải bị tổn Tinh, sức khỏe hao mòn, bệnh tật xảy đến.

    Do đó, cái Tinh ấy được gọi là Chơn Tinh.

    2. KHÍ: Khí là cái lưu chất tạo thành sức mạnh trong cơ thể con người, nên được gọi là Khí chất hay Khí lực. Đó là dưỡng khí trong hơi thở và các chất bổ dưỡng do thức ăn vào trong bao tử biến hóa ra. Cho nên khi đói, xác thân bải hoải như không còn hơi sức nào hết.

    Người mà ham mê danh vọng, phú quí vinh hoa thì phải tính toán trăm mưu ngàn chước, làm việc quá sức, hao mòn thân thể, khí lực suy yếu, tức là bị tản Khí.

    3. THẦN: Thần là cái trí não khôn ngoan sáng suốt hiểu biết của con người. Nó có được là do bộ óc, nên gọi là Trí óc hay Trí não.

    Não bộ là của thể xác, nhưng sự hiểu biết là của chơn thần. Não bộ được nuôi dưỡng đầy đủ khỏe mạnh thì sự thông minh hiểu biết tăng lên. Khi thể xác chết, bộ óc chết theo, nhưng cái trí hiểu biết vẫn không mất vì nó là của chơn thần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thầy hỏi: Vậy chớ cái trí khôn của con người biết thương ghét, vui buồn, mà toàn trong nhơn loại đều có, khi rốt cuộc thì trí khôn ấy đi đâu?

    Không lẽ cái trí khôn ngoan dường ấy mà cũng mất đi đặng sao các con?

    Thầy hỏi như vậy đặng cho các con mỗi đứa về suy nghĩ mà trả lời cho mình. Hễ trả lời phù hạp thì dễ biết Đạo, còn ngu xuẩn cũng huờn ngu xuẩn... "

    Ở đời, ai ai cũng phải làm việc mới có mà ăn, phải tính toán phương nầy chước nọ để có nhiều tiền bạc của cải, rồi phải cưới vợ hay gả chồng mới sanh con nối hậu.

    · Hễ đắm say tình trường dục hải thì phải tổn Tinh.

    · Làm lụng vất vả, nhọc mệt quá sức thì phải tản Khí.

    · Lo lắng vọng tưởng nhiều thì phải lao Thần.

    Nếu Tam bửu Tinh Khí Thần hao mòn, thì mạng sống khác chi ngọn đèn tàn trước gió, chẳng mấy chốc đèn tắt, mạng sống chấm dứt.

    * Nếu muốn sống lâu: tức là muốn bảo tồn cái mạng sống cho được lâu dài thì phải trừ bỏ các điều hại đã nói ở trên đã làm hao tổn Tinh Khí Thần, tức là phải: bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần.

    Trong Phép Dưỡng Sinh, quan niệm về Tinh, Khí, Thần, trích ra như sau: "Tuệ Tĩnh, một danh y Việt Nam vào thế kỷ 14, có hai câu thơ nổi tiếng:

    Bế Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần,

    Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

    Người xưa cho rằng: Tinh Khí Thần là ba của báu của con người.

    TINH: là chất dinh dưỡng, tinh hoa của thức ăn tạo ra sau khi được tiêu hóa, nó được hấp thụ vào cơ thể và nằm trong tất cả các tạng phủ với nhiều hình thức và sẵn sàng biến thành năng lượng để cho cơ thể hoạt động.

    Nó cũng nằm trong bộ sanh dục (tinh của đàn ông và trứng của đàn bà) với hình thức đặc biệt, với chất lượng rất cao, vì đủ sức tạo ra đứa con để duy trì nòi giống.

    KHÍ: có hai nghĩa: Khí hơi và Khí lực.

    Khí hơi là không khí để thở, trong đó có nhiều oxy. Khí hơi kết hợp với chất Tinh ở trên (do thức ăn biến thành chất bổ dưỡng) để tạo ra Khí lực, nên Khí có nghĩa là năng lượng tạo ra trong cơ thể để cho cơ thể sống và hoạt động.

    THẦN: là hình thức năng lượng cao cấp mà các động vật cũng có, nhưng mức cao nhất chỉ có ở con người, do bộ thần kinh tạo ra. Nhờ nó mà con người biết tư duy, có ý chí, có tình cảm, có khoa học và nghệ thuật....

    Tinh, Khí, Thần là biểu hiện quá trình chuyển hóa vật chất (Tinh) thành năng lượng (Khí) mà hình thức cao nhất là Thần. Sự chuyển hóa nầy xảy ra trong cơ thể một cách liên tục, ngừng lại là chết.

    Bế Tinh: Phải có Tinh dồi dào, Khí đầy đủ, thì Thần mới vững mạnh. Chất Tinh sinh dục mà hao phí quá cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức lực và tinh thần. Do đó, người xưa coi việc bế Tinh, gìn giữ chất Tinh, không hao phí chất Tinh trong sắc dục là điều cốt yếu để giữ gìn sức khỏe.

    Dưỡng Khí: Luyện thở nhiều không khí, nhiều oxy để nuôi Khí lực cho dồi dào thì toàn cơ thể mới có sức hoạt động.

    Tồn Thần: Muốn bồi dưỡng cái gốc của Thần thì phải bế Tinh, dưỡng Khí. Muốn giữ gìn Thần thì phải: thanh tâm, quả dục, thủ chân. - Thanh tâm là giữ lòng mình trong sạch, ăn ở cho ngay thẳng thật thà, chất phác, không lo lắng sợ sệt, giữ lòng bình tỉnh, không bị tình cảm xúc động thái quá...

    - Quả dục là giảm bớt dục vọng, hạn chế lòng tham muốn, không tham tiền, không tham sắc, không tham danh vị...

    - Thủ chân là nắm giữ cái nguyên khí, năng lực căn bản của con người..." (Trích trong Phương Pháp Dưỡng Sinh của Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng)

    * Nếu muốn siêu phàm nhập Thánh: tức là muốn đắc đạo thành Tiên Phật tại thế, thì phải Luyện đạo, luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt và huờn Hư.

    Muốn luyện đạo như vậy, phải chia làm 3 giai đoạn:

    · Giai đoạn 1: luyện Tinh hóa Khí.
    · Giai đoạn 2: luyện Khí hiệp Thần.
    · Giai đoạn 3: luyện Thần huờn Hư.

    (Phần luyện đạo nầy, xin xem chi tiết nơi chữ: Luyện Tinh hóa Khí, vần L)

    Phương pháp luyện đạo nói trên là Bí pháp tâm truyền, dành cho bực tu Thượng thừa, luyện đạo trong Tịnh Thất. Tùy theo căn cơ của mỗi người mà Tịnh chủ khẩu truyền cho phương pháp tu luyện, rồi theo dõi các bước luyện tập của đệ tử, vì luyện sai một tí thì rất tai hại cho bản thân, có thể bị bại liệt hay điên khùng. Cho nên việc luyện đạo không thể không cần thầy, không thể tự mình xem sách rồi theo đó mà luyện đạo, trừ ra một vài bậc đại căn có nhiệm vụ giáng thế độ đời, như Lục Tổ Huệ Năng chẳng hạn, tự mình luyện thành đắc đạo, rồi đem phương pháp ấy truyền lại cho đệ tử.

    Phương pháp luyện đạo trong giai đoạn 1: luyện Tinh hóa Khí, được gọi là Nghịch hành hay Nghịch chuyển (đi ngược), bởi vì nếu Thuận hành (đi thuận) thì các chất bổ dưỡng của cơ thể ngưng kết thành Tinh, rồi qua sự ân ái nam nữ, Tinh của người nam thoát ra ngoài, gặp noãn bào nơi tử cung của người nữ, kết hợp thành bào thai, tức là tạo thành Phàm thai.

    Còn luyện đạo thì luyện cho Tinh đi ngược trở lên, luyện cho nó biến trở lại thành Khí, rồi đem Khí ấy hiệp với Thần để tạo thành Thánh thai. Trong phép luyện đạo, gọi Thánh thai là chơn thần huyền diệu.

    Luyện được như vậy thì đắc đạo, thành Tiên, Phật tại thế. Tuy còn sống nơi cõi trần, nhưng linh hồn và chơn thần của người đắc đạo có thể xuất ra lúc nào tùy ý để vân du đến các cõi trời, giao tiếp với các Đấng thiêng liêng. Khi không muốn đi nữa thì trở về, linh hồn và chơn thần nhập trở lại vào thể xác, qua cái cửa nê huờn cung nơi đỉnh đầu.

    BẢNG TÓM TẮT
    Tam bửu: Tinh - Khí - Thần
    Trong cúng dâng Tam bửu: Trong phép Luyện đạo:
    TINH: tượng trưng bằng Hoa. TINH:
    Đệ nhứt xác thân.
    Xác thân phàm.
    Giả thân
    Chất tinh túy của thể xác:
    Tinh trùng hay Noãn bào.
    KHÍ: tượng trưng bằng Rượu. KHÍ:
    Đệ nhị xác thân.
    Xác thân thiêng liêng.
    Chơn thần, Chơn thân.

    Chất bổ dưỡng cao cấp, tạo sức mạnh cho cơ thể.
    THẦN: tượng trưng bằng Trà. THẦN:
    Chơn linh, Linh hồn,
    Điểm linh quang.
    Trí não: sự khôn ngoan sáng suốt hiểu biết.
  • Tinh khiết

    Tinh khiết

    精潔

    A: Pure.

    P: Pur.

    Tinh: Trong sạch. Khiết: sạch.

    Tinh khiết là rất trong sạch.

    Kinh Nhập Hội: Một nuôi nấng tinh thần tinh khiết.

  • Tinh lực

    Tinh lực

    精力

    A: Spirit and force.

    P: Esprit et force.

    Tinh: Lực: sức lực.

    Tinh lực là tinh thần và sức lực.

  • Tinh quái

    Tinh quái

    精怪

    A: The demon.

    P: Le démon.

    Tinh: Khôn lanh, yêu quái. Quái: yêu quái.

    Tinh quái là tà ma quỉ quái, thuộc khối ác trược của Quỉ vương.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Những kẻ nào đã làm môn đệ của Tà Thần Tinh Quái thì không thế gì làm môn đệ Thầy đặng.

  • Tinh quân

    Tinh quân

    精君

    A: The genius who governs a star.

    P: Le génie qui administre une étoile.

    Tinh: Ngôi sao.Quân: vua.

    Tinh quân là vị Chánh thần cai quản một ngôi sao.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tinh quân thọ sắc thuở Phong Thần.

    Đức Lý Thái Bạch viết ra câu nầy cho biết: Ngài là một vị Tinh quân, thọ sắc lịnh phong chức vào thời Phong Thần, cai quản sao Thái Bạch, tức là sao Kim.

  • Tinh tấn (Tinh tiến)

    Tinh tấn (Tinh tiến)

    精進

    A: The spiritual progress.

    P: Le progrès spirituel.

    Tinh: Tấn: Tiến: đi tới, tiến hóa.

    Tinh tấn hay Tinh tiến là tiến hóa về phương diện tinh thần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phải có một chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm, huyền diệu; phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn.

  • Tinh thần

    Tinh thần

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Tinh thần

    精神

    A: Spirit.

    P: Esprit.

    Tinh: (1) trong sạch, thuần túy, không lẫn lộn chất khác. Thần: thiêng liêng.

    Tinh thần là phần thiêng liêng vô hình của con người.

    Thuở xưa người ta chỉ biết con người có 2 thể: thể xác (hữu hình) và linh hồn hay tinh thần (vô hình).

    Ngày nay, trong Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dạy cho chúng ta biết, con người còn có một thể bán hữu hình nữa gọi là chơn thần, làm trung gian giữa thể xác và linh hồn.

    Cho nên, ngày nay, khi nói tinh thần thì chúng ta phải hiểu đây là chơn thần và linh hồn của con người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi để cho tinh thần tinh tấn mà xuất ngoại xác, đến hầu dạy việc.

    Ngoài ra, trong văn chương, từ ngữ "tinh thần" được dùng với nhiều ý nghĩa khác nữa, kể ra:

    · Tinh thần là các hoạt động thuộc về tình cảm, trí não, nội tâm của con người.

    Thí dụ: Sách báo là món ăn tinh thần.

    · Tinh thần là cái cốt yếu nhất của một bài văn.

    Td Theo tinh thần của bài thuyết đạo nầy....

    · Tinh thần là cái được quan tâm thường xuyên.

    Thí dụ: Tinh thần trách nhiệm.

    * Trường hợp 2: Tinh thần

    星辰

    Tinh: Thần: có nhiều nghĩa tùy trường hợp:

    1. Tinh là ngôi sao, Thần là ngôi thứ của vì sao.

    Tinh thần là chỉ chung các ngôi sao trên bầu trời, đồng nghĩa: Tinh tú, Tinh đẩu.

    2. Tinh là ngôi sao đứng yên (định tinh), Thần là ngôi sao di động (hành tinh).

    Tinh thần là các định tinh và hành tinh.

    Theo Thiên văn học thời xưa, Tứ tượng của bầu trời là: Nhựt, Nguyệt, Tinh, Thần: mặt trời, mặt trăng, định tinh và hành tinh. Khi xưa, người ta chưa biết mặt trăng là một vệ tinh của trái đất.

    3. Tinh là ngôi sao, Thần là ngày giờ tức là chỉ thời gian.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế:
    Nãi Nhựt, Nguyệt, Tinh, Thần chi quân,
    Vi Thánh, Thần, Tiên, Phật chi chủ.

    Nhựt Nguyệt Tinh là tam bửu của trời, chỉ không gian. Thần là ngày giờ, chỉ thời gian.

    Cho nên hai câu kinh trên có nghĩa là:

    Ấy là vua của không gian và thời gian,
    Là chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
  • Tinh thông

    Tinh thông

    精通

    A: To be proficient in.

    P: Pénétrer à fond.

    Tinh: Rành rẽ, giỏi khéo. Thông: suốt qua.

    Tinh thông là hiểu biết tường tận và có khả năng vận dụng thuần thục.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Luyện đặng tinh thông muôn tuổi thọ,
    Cửa Tiên xuất nhập cũng như nhà.
  • Tinh tượng

    Tinh tượng

    星象

    A: The form of star.

    P: La forme de l"étoile.

    Tinh: Ngôi sao. Tượng: hình tượng.

    Tinh tượng là hình tượng như ngôi sao.

    Tam điểm như tinh tượng: ba chấm như hình ngôi sao.

  • Tinh vi

    Tinh vi

    精微

    A: Subtl, fine.

    P: Subtil, fin.

    1. Tinh: Rành rẽ, giỏi khéo. Vi: phần rất nhỏ, mầu nhiệm.

    Tinh vi là giỏi khéo và mầu nhiệm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai, khi Chí Tôn chưa tạo hóa, lằn Âm khí ấy là Diêu Trì Cung chứa để tinh vi vạn vật.

    2. Tinh: trong sạch. Vi: nhỏ.

    Tinh vi là trong sạch và nhỏ.

    Bài Thài hiến lễ hàng Thần, Thánh:

    Hoa quả tinh vi xin hiến lễ.

  • TÌNH

    TÌNH

    TÌNiệm Hương: 情 - Tình cảm, mối xúc động trong lòng. - Trạng thái, tình hình.

    Thí dụ: Tình ái, Tình duyên, Tình thế.

  • Tình ái

    Tình ái

    情愛

    A: Affection, love.

    P: Affection, amour.

    Tình: Tình cảm, mối xúc động trong lòng. Ái: thương yêu.

    Tình ái là tình thương yêu với nhau.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hầu lừa thế chia vui sớt nhọc, tình ái liên lạc thế nào cho ra người anh ruột của các tín đồ.

  • Tình chung

    Tình chung

    情終

    A: Faithful love.

    P: Amour fidèle.

    Tình: Tình cảm, mối xúc động trong lòng. Chung: trọn vẹn, chung thủy.

    Tình chung là tình yêu chung thủy.

    Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị: Càng ngổn ngang mối nợ tình chung.

  • Tình dục

    Tình dục

    情欲

    A: The sensuality.

    P: La sensualité.

    Tình: Tình cảm, mối xúc động trong lòng. Dục: lòng ham muốn.

    Tình dục là lòng ham muốn khoái lạc xác thịt nam nữ.

  • Tình nguyện

    Tình nguyện

    情願

    A: Voluntary.

    P: Volontaire.

    Tình: Nguyện: mong muốn.

    Tình nguyện là tự mình muốn làm việc đó, do ý thức trách nhiệm chớ không phải do bắt buộc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nơi Bạch Ngọc Kinh, hơn 60 năm trước, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thấy đại nộ Thầy nên ra tình nguyện hạ thế cứu đời.

  • Tình nồng

    Tình nồng

    A: The deep feeling.

    P: Le sentiment intense.

    Tình: Tình cảm, mối xúc động trong lòng. Nồng: đậm đà khắng khít.

    Tình nồng là tình thương yêu nồng nàn khắng khít.

    Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần: Càng nhớ nhau càng tiếc tình nồng.

  • Tình thâm nghĩa trọng

    Tình thâm nghĩa trọng

    情深義重

    Tình: Tình cảm. Thâm: sâu. Nghĩa: ơn nghĩa. Trọng: nặng.

    Tình thâm nghĩa trọng là tình sâu nghĩa nặng, tức là tình cảm sâu dày và ơn nghĩa nặng nề.

  • Tình thế

    Tình thế

    情世

    A: The situation of life.

    P: La situation de la vie.

    Tình: Trạng thái, tình hình. Thế: đời.

    Tình thế là tình đời, tức là tình hình của cuộc sống.

    Nhân tình thế thái: Tình người và thói đời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phần nhiều các Đạo hữu dày công mà xây đắp nền đạo, nhưng sự ham muốn còn bôn chôn theo tình thế.

  • Tình trường dục hải

    Tình trường dục hải

    情場欲海

    Tình: Tình cảm, mối xúc động trong lòng. Trường: nơi có nhiều người. Dục: ham muốn. Hải: biển.

    Tình trường là cuộc ái tình của đôi nam nữ.

    Dục hải là biển ham muốn. Lòng ham muốn của con người sâu rộng như biển, làm chìm đắm con người.

    Tình trường dục hải là tình yêu nam nữ và dục vọng xác thịt của con người là hai thứ mạnh mẽ và lớn lao, làm chìm đắm con người, khó thoát ra khỏi đặng.

  • TỈNH

    TỈNH

    1. TỈNiệm Hương: 醒 Hết say, không mê, hiểu biết rõ.

    Thí dụ: Tỉnh giác, Tỉnh ngộ.

    2. TỈNiệm Hương: 井 Cái giếng.

    Thí dụ: Tỉnh để chi oa.

  • Tỉnh để chi oa

    Tỉnh để chi oa

    井底之蛙

    Tỉnh: Cái giếng. Để: ở dưới, đáy. Chi: hư tự. Oa: con ếch. Tỉnh để: đáy giếng.

    Tỉnh để chi oa là con ếch ở đáy giếng. Ý nói: kiến thức hẹp hòi, không thấy xa hiểu rộng.

  • Tỉnh giác

    Tỉnh giác

    醒覺

    A: To disillusion.

    P: Désillusionner.

    Tỉnh: Hết say, không mê, hiểu biết rõ. Giác: biết.

    Tỉnh giác là tỉnh ra mà biết rõ, không còn mê muội.

  • Tỉnh hồn thức trí

    Tỉnh hồn thức trí

    醒魂識智

    Tỉnh: Hết say, không mê, hiểu biết rõ. Hồn: linh hồn. Thức: biết. Trí: trí não.

    Tỉnh hồn thức trí là linh hồn thức tỉnh, trí não hiểu biết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy chỉ mong mỗi con tỉnh hồn thức trí, ngó lại bước đường sái trước kia mà lập tâm làm việc chánh đáng...

  • Tỉnh mộng hồn

    Tỉnh mộng hồn

    醒夢魂

    Tỉnh: Hết say, không mê, hiểu biết rõ. Mộng: giấc mơ, chiêm bao. Hồn: linh hồn.

    Tỉnh mộng hồn là linh hồn thức tỉnh sau giấc chiêm bao.

    Ý nói: Linh hồn cần phải thức tỉnh, thấy rõ cuộc đời như là một giấc mộng huỳnh lương, không có chi bền vững cả.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đạo Trời soi gương rạng, khá biết tỉnh mộng hồn, kiếp phù sinh chẳng bao lâu, đừng đợi đến ngày cùng tận.

  • Tỉnh ngộ

    Tỉnh ngộ

    醒悟

    A: To be disillusioned.

    P: Être désillusionné.

    Tỉnh: Hết say, không mê, hiểu biết rõ. Ngộ: biết rõ.

    Tỉnh ngộ là thức tỉnh và giác ngộ, tức là trong lòng bỗng nhiên sáng ra hiểu biết rõ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm môn.

  • Tỉnh thế

    Tỉnh thế

    醒世

    A: To awake the world.

    P: Réveiller le monde.

    Tỉnh: Hết say, không mê, hiểu biết rõ. Thế: đời.

    Tỉnh thế là thức tỉnh người đời, để người đời không còn mê muội nữa, nhận biết đời là cõi tạm, danh lợi là phiền não.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Sách truyện xưa ghi đã lắm điều,
    Như chuông tỉnh thế gõ nên kêu.
  • Tỉnh thức

    Tỉnh thức

    醒識

    A: To awake oneself.

    P: Se réveiller.

    Tỉnh: Hết say, không mê, hiểu biết rõ. Thức: biết.

    Tỉnh thức là tỉnh ra mà biết rõ.

    Tỉnh thức đồng nghĩa: Tỉnh giác, Tỉnh ngộ.

    Kinh Ðệ Nhứt cửu: Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại.

  • Tỉnh trung lao nguyệt

    Tỉnh trung lao nguyệt

    井中撈月

    Tỉnh: Cái giếng. Trung: trong. Lao: mò lấy vật gì trong nước. Nguyệt: mặt trăng.

    Tỉnh trung lao nguyệt là mò trăng trong đáy giếng, tức là mò trăng đáy nước. Ý nói: Việc làm mê muội, tốn công vô ích.

    Tỉnh trung thị tinh: 井中視星 Trong giếng thấy sao. (Thị là thấy, tinh là ngôi sao).

    Thành ngữ nầy đồng nghĩa: Tỉnh để chi oa: Ếch ngồi đáy giếng.

  • TĨNH

    TĨNH

    1. TĨNiệm Hương: 靜 Yên lặng, trái với Động.

    Thí dụ: Tĩnh lự, Tĩnh tâm, Tĩnh tọa.

    2. TĨNiệm Hương: 淨 thường đọc là Tịnh: trong sạch.

    Xem: Tinh.

  • Tĩnh dưỡng

    Tĩnh dưỡng

    靜養

    A: Convalescent.

    P: Convalescent.

    Tĩnh: Yên lặng, trái với Động. Dưỡng: nuôi.

    Tĩnh dưỡng là nghỉ yên để lấy lại sức khỏe sau cơn bịnh.

  • Tĩnh lự

    Tĩnh lự

    靜慮

    A: Calm comtemplation.

    P: Contemplation calme.

    Tĩnh: Yên lặng, trái với Động. Lự: suy nghĩ.

    Tĩnh lự là yên lặng suy nghĩ, không để cho tâm tán loạn.

    Đây cũng là một phép Thiền định.

  • Tĩnh tâm

    Tĩnh tâm

    靜心

    A: Quiet heart.

    P: Coeur tranquille.

    Tĩnh: Yên lặng, trái với Động. Tâm: cái tâm của con người.

    Tĩnh tâm là cái tâm yên ổn.

    Nhờ thiền định là tâm được yên ổn, nên gọi là Tĩnh tâm.

  • Tĩnh tọa

    Tĩnh tọa

    靜坐

    A: Sitting still.

    P: Assis immobile.

    Tĩnh: Yên lặng, trái với Động. Tọa: ngồi.

    Tĩnh tọa là ngồi yên lặng không nhúc nhích.

    Đây là trạng thái của những vị đang ngồi thiền định.

  • TỊNH

    TỊNH

    1. TỊNiệm Hương: 淨 Trong sạch, sạch sẽ.

    Thí dụ: Tịnh đàn, Tịnh độ.

    2. TỊNiệm Hương: 並 Đều, ngang nhau, như nhau.

    Thí dụ: Tịnh dục.

  • Tịnh dục

    Tịnh dục

    並育

    A: To nourish equally.

    P: Nourrir également.

    Tịnh: Đều, ngang nhau, như nhau. Dục: nuôi cho khôn lớn.

    Tịnh dục là nuôi dưỡng chúng sanh đồng đều như nhau.

    Trong sách Trung Dung có viết rằng: "Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, Đạo tịnh hành nhi bất tương bội." Nghĩa là: Muôn vật đều được nuôi dưỡng như nhau mà không hại nhau, Đạo đều lưu hành mà không trái ngược nhau.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Tịnh dục Đại Từ Phụ.

  • Tịnh đàn

    Tịnh đàn

    靜壇

    A: The esplanade of worship.

    P: L"esplanade de culte.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Đàn: nơi dùng làm chỗ cúng tế.

    Tịnh đàn là nơi cúng tế trong sạch, ý nói: Thánh Thất.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trừ ra vợ chồng hay là chị em ruột, anh em ruột, đặng chuyện vãn nhau nơi tịnh đàn.

  • Tịnh độ

    Tịnh độ

    靜土

    A: The pure earth.

    P: La terre pure.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Độ: Thổ: đất, cõi.

    Tịnh độ là cõi trong sạch.

    Đó là cõi Cực Lạc Thế Giới của chư Phật, nên cũng gọi là: Phật quốc, Phật địa, Phật độ, Thanh tịnh độ, v.v...

    Trái với Tịnh độ là: Uế độ, Trược độ, là cõi ô uế, đó là cõi trần của nhơn loại chúng ta.

    Siêu thăng tịnh độ: cầu nguyện các chơn linh được siêu thăng về cõi Cực Lạc Thế Giới.

  • Tịnh độ tông

    Tịnh độ tông

    靜土宗

    A: The sect of the Pure Earth of Buddhism.

    P: La secte de la Terre Pure du Bouddhisme.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Độ: Thổ: cõi. Tông: một phái đạo.

    Tịnh độ là cõi trong sạch, tức là cõi Cực Lạc Thế Giới.

    "Tịnh độ tông là một phái đạo Phật dạy về pháp môn niệm Phật để vãng sanh về cõi Tịnh độ.

    Tín đồ tin sức cứu độ của Đức Phật A-Di-Đà và thường niệm danh hiệu Ngài để khi lâm chung được Ngài đưa về cõi Tịnh độ của Ngài là Cực Lạc Thế Giới.

    Tịnh độ tông được sáng lập trước nhứt ở nước Tàu, sau truyền qua Nhựt và Việt Nam.

    Phái Tịnh độ tông tôn Đức Phổ Hiền Bồ Tát làm Sơ Tổ.

    Qua thế kỷ thứ 7, Ngài Huệ Viễn, người Trung quốc, đứng ra dẫn đạo về pháp môn Tịnh độ. Ngài trụ ở núi Lư, kết thành Liên xã được 123 người cùng nhau tu học, nguyện vãng sanh về Cực Lạc quốc độ. Vì Ngài có công lớn nhứt trong cuộc truyền bá pháp môn Tịnh độ nên đời sau tôn Ngài là Giáo Tổ sáng lập Tịnh độ tông ở Trung hoa." (Phật Học Từ Điển của ĐTC)

    Tịnh độ tông thờ Phật A-Di-Đà và tụng Kinh A-Di-Đà, nguyện vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc Thế Giới.

    Đức Phật biết chúng sanh trong thời Mạt pháp thường u mê, nên Đức Phật truyền dạy pháp môn Tịnh độ, chỉ cách niệm Phật để cầu vãng sanh về cõi Phật.

    Qui tắc căn bản của pháp môn Tịnh độ là Chí tâm, Chí thành. Pháp môn Tịnh độ không những chú trọng đến tha lực mà còn đòi hỏi công phu về tự lực nữa. Phải nghiêm trì sáu căn, ba nghiệp cho thật thanh tịnh, để lúc niệm Phật được nhứt tâm, đó là phần tự lực.

    Khi nào hành lễ mà thấy tự tâm tha thiết mạnh mẽ, không hề có vọng tưởng thì có thể cảm thông được với chơn tâm của chư Phật trong pháp giới. Thật ra tâm Phật và tâm chúng sanh đều cùng một bản thể, nhưng tâm của chúng sanh còn bị vô minh bao phủ nên mới khác biệt với tâm Phật.

    Chúng sanh từ vô thỉ đến nay đã gây biết bao tội ác, dù công phu tu tập đến đâu cũng khó trong một đời mà giải trừ được hết nghiệp chướng, nên phải nương nhờ oai lực lời kinh, câu niệm Phật để tiêu trừ bớt nghiệp, giúp cho tín căn tín lực gia tăng mà được vãng sanh. Đó là phần của tha lực.

    Sáu căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

    Khi hành lễ phải giữ gìn không cho chúng vọng động. Giữ mắt đừng nhìn ngang liếc dọc, vì ngoại cảnh lọt vào mắt làm cho tâm loạn tưởng. Phải làm chủ con mắt, chỉ nên chăm chú nhìn lên tượng Phật, hoặc giữ hình ảnh của Phật trong tâm mà thôi, rồi phải chú tâm vào những câu kinh, tai phải lắng nghe thật rõ từng tiếng niệm kinh, niệm tới đâu biết tới đó, không lẫn lộn, không chú ý đến những tiếng động bên ngoài.

    Cũng tương tự như thế, phải hoàn toàn làm chủ những căn thức khác như: mũi, lưỡi, thân, ý, không để chúng lọt ra ngoài vòng kiểm soát của tâm.

    Khi 6 căn được thu nhiếp lại, đặt dưới sự kiểm soát của tâm thì ta không còn vọng tưởng loạn động. Đó là chánh niệm.

    Ba nghiệp là: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp.

    Phải biết khắc phục Thân nghiệp, khi hành lễ phải giữ cho thân thể ngay ngắn, ngồi thẳng lưng; đứng lên ngồi xuống phải vững chắc, khi lạy phải trang nghiêm cung kính.

    Phải biết khắc phục Khẩu nghiệp bằng cách sử dụng miệng lưỡi để tán thán công đức Tam bảo, tụng đọc kinh chú một cách thành kính. Phải tập thói quen dùng miệng lưỡi để nói lời lành, có lợi cho muôn loài chúng sanh. Trong lúc hành lễ phải im lặng, thành tâm niệm Phật.

    Phải biết khắc phục Ý nghiệp, phải tập trung tư tưởng, chí tâm chí thành, không vọng tưởng hay cầu xin điều gì, chỉ thiết tha mong được vãng sanh về Cực Lạc.

    Trong ba nghiệp thì Ý nghiệp mạnh nhất, ít ai có khả năng kiểm soát được, nên người hành lễ phải trông nhờ vào Tha lực của chư Phật hộ trì cho. Thay vì để cho tâm điên đảo, vọng tưởng, nghĩ ngợi lung tung, người hành lễ phải chí tâm chí thành niệm hồng danh Đức Phật A-Di-Đà, oai lực của Lục tự Di-Đà rất lớn, bất khả tư nghị. Nếu người tu nhứt tâm thì có thể khắc phục được Ý nghiệp.

    Khi ba nghiệp thanh tịnh, sáu căn thâu nhiếp nhứt tâm thì trí huệ phát sáng và chắc chắn được vãng sanh về cõi Phật.

    Tóm lại, Tịnh độ tông bao gồm cả Tự lực và Tha lực, tuy giản dị, nhưng công năng vô cùng huyền diệu. Những người chưa hiểu thấuđáo thấy giản dị mà coi thường thì bỏ qua một cơ hội hiếm có. Những người không nắm vững qui tắc căn bản của Tịnh độ tông, không ý thức việc nghiêm trì sáu căn, ba nghiệp, thì dù tụng thiên kinh vạn quyển cũng chẳng ích lợi bao nhiêu.

    Nhiều người cho rằng tu Tịnh độ chỉ trông nhờ Tha lực tiếp dẫn mà thôi thì cũng có phần thiếu sót. Thiếu Tự lực thì không thể nhứt tâm, không nhứt tâm thì làm sao cảm thông được với chơn tâm của Phật.

    Một số người niệm Phật để cầu phước hay để xin xỏ việc nầy việc nọ cũng là đi lạc, khác hẳn với đường lối và tôn chỉ của Tịnh độ tông. Khi thiếu tâm thành mà mong cầu nầy nọ là tham lam, mà đã tham lam thì làm sao có kết quả được.

    Người tu theo pháp môn Tịnh độ, không cầu xin việc gì ngoài việc được vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc, thì mới có thể đắc thành ý nguyện trong buổi chung qui.

  • Tịnh luyện

    Tịnh luyện

    淨練

    A: The spiritual exercises.

    P: Les exercices spirituels.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Luyện: tập làm nhiều lần cho hay giỏi.

    Tịnh luyện là tìm một chỗ thanh vắng không khí trong lành, hay vào trong Tịnh Thất mà luyện đạo cho đắc thành Tiên, Phật tại thế.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 25-6-Mậu Dần (1938) nói về Tịnh Luyện như sau:

    "Tại sao Tam Kỳ Phổ Độ không ăn ngọ, tuyệt cốc và tịnh luyện như các tôn giáo khác?

    Tại thời kỳ giả dối đã qua, thời chơn thật hầu đến. Đức Chí Tôn khai đạo kỳ ba nầy là tạo một trường thi công quả hữu vi tại thế cho nhơn sanh lập công nghiệp và tâm đức mà đoạt phẩm vị thiêng liêng, chớ không có ăn ngọ, tuyệt cốc và tịnh luyện như các tôn giáo buổi trước.

    Bởi nhơn sanh trong buổi Hạ nguơn đương tranh đấu mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất, 10 người đều mất hết 9 rưỡi lương tâm, chỉ nhờ phương châm đạo đức là cơ quan cứu thế, phổ độ chúng sanh cho họ biết ăn năn tự hối, lánh dữ làm lành, noi theo luật pháp chơn truyền của đạo để trở nên người chí thiện, lập thành Minh đức Tân dân, ấy là chấn hưng phong hóa.

    Nếu mọi người nhập môn giữ đạo không lo phổ độ nhơn sanh, chỉ chuyên chú về phương ăn ngọ, tuyệt cốc, kiếm chốn u nhàn mà ẩn thân tịnh luyện thì gọi là độc thiện kỳ thân, chẳng có bổ ích chi cho nhơn quần xã hội.

    Hỏi vậy, nhơn sanh nương theo nơi nào mà thoát khổ?

    Đức Chí Tôn khai Đại Đạo, lập luật pháp khuôn viên, chuẩn thằng qui củ là một cái nấc thang vô tận để cho nhơn sanh, kẻ trước dìu người sau, nương theo con đường Thánh đức mà đoạt phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nên Đức Chí Tôn có nói rằng: "Các con đắc đạo cùng chăng là tại phương phổ độ. Nếu các con không đến trường Thầy lập mà đoạt phẩm vị của mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ."

    Các Đấng Thánh trước Hiền xưa cũng đã trải qua thiên tân vạn khổ, đội nguyệt mang sao, như Đức Khổng Phu Tử, Mạnh Tử, bỏ nhà cửa, từ biệt phụ mẫu, đoạn dứt ái ân, châu lưu liệt quốc dạy người cải dữ làm lành, thể Thiên hành hóa. Do nơi công nghiệp ấy mà đoạt thành phẩm vị, nào có tuyệt cốc hay tịnh luyện chi đâu.

    Tam Kỳ Phổ Độ là cơ quan cải tạo đời, dạy nhơn sanh biết cải ác tùng lương, thương yêu thuận hòa cùng nhau, chung thờ một chủ nghĩa, chỉnh đốn bại tục tồi phong cho trở nên đời tận thiện tận mỹ, thuận theo buổi Hạ nguơn tuần hoàn qui cổ.

    Đức Chí Tôn khai đạo là muốn cho nhơn loại hòa bình, Càn Khôn an tịnh, nhơn sanh noi theo luật pháp mà tu hành, lập công bồi đức cho đầy đủ thì đặng thăng phẩm vị thiêng liêng, đem chơn tánh phản bổn huờn nguyên làm một cùng Đức Chí Tôn là đắc đạo.

    Ấy là điều chơn lý, nên chẳng ăn ngọ, tuyệt cốc, tịnh luyện chi cả."

  • Tịnh mẫn

    Tịnh mẫn

    淨敏

    A: Pure and perspicacious

    P: Pur et perspicace.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Mẫn: sáng suốt.

    Tịnh mẫn là trong sạch và sáng suốt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Nhập thể lòng trong gìn tịnh mẫn,
    Nguồn Tiên ngọn Phật mới nhằm phương.
  • Tịnh nhục

    Tịnh nhục

    淨肉

    A: The pure meats.

    P: Les viandes pures.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Nhục: thịt.

    Tịnh nhục là từ ngữ thường được dùng bên Phật giáo.

    Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì:

    "Tịnh nhục là thịt thanh tịnh, ăn khỏi tội.

    Hàng Tỳ kheo Tiểu thừa có thể ăn 3 thứ tịnh nhục (Tam tịnh nhục), 9 thứ tịnh nhục (Cửu tịnh nhục) mà khỏi phạm giới.

    Nhưng hàng Tỳ kheo, các Phật tử Đại thừa đã phát nguyện ăn chay trường thì không dùng tịnh nhục. Hàng Phật tử tại gia Đại thừa đã phát nguyện ăn chay kỳ, nhằm những ngày chay cũng không ăn tịnh nhục."

    "Cửu tịnh nhục là 9 thứ thịt thanh tịnh (9 thứ thịt súc sanh mà Tỳ kheo Tiểu thừa có thể ăn, không mang tội):

    1. Thứ thịt mà mình không thấy kẻ giết.

    2. Thứ thịt mà mình không nghe tiếng giết.

    3. Thứ thịt chẳng ngờ là vì mình mà người ta giết.

    (Ba thứ thịt vừa kể được gọi là Tam tịnh nhục).

    4. Thứ thịt chẳng vì mình mà người ta giết.

    5. Thứ thịt tự nó chết.

    6. Thứ thịt do con chim tàn hại.

    7. Thứ thịt sống khô.

    8. Thứ thịt thình lình gặp.

    9. Thứ thịt đã bị giết từ trước."

    "Phật giáo Tiểu thừa cho phép những người xuất gia ăn thịt thanh tịnh. Vì vậy mà ở những xứ theo Phật giáo Nam Tông, các nhà sư khất thực có thể ăn bất cứ loại thức ăn gì kể cả thịt nếu đó là món thịt thanh tịnh.

    Ở các xứ theo Phật giáo Đại thừa, không có khái niệm thịt thanh tịnh. Đã là thịt thì nhứt thiết nhà sư không được ăn."

    Đối với Đạo Cao Đài, tín đồ thuộc bực Hạ thừa còn ăn chay kỳ, mỗi tháng ăn chay 10 ngày, còn lại 20 hay 19 ngày thì ăn mặn. Chúng ta không nên giết con vật làm thịt mà ăn, mà nên ra chợ mua thịt do người ta làm sẵn để bán, mua đem về dùng, mà Phật giáo gọi đó là thịt thanh tịnh.

    Thật ra, không phải ăn các thứ thịt nầy mà không mang tội, phải nói chính xác rằng: có tội, nhưng tội ít, tội nhẹ. Người trực tiếp giết con vật làm thịt thì bị tội nhiều, mình mua thịt ấy về ăn thì phải chia sớt tội sát sanh với người ấy một phần nào tùy theo mình mua về dùng nhiều hay ít.

    Đó là nói về tội sát sanh. Còn vấn đề thanh trược của chơn thần, khi ăn mặn, dầu ăn thứ thịt nào, thanh tịnh hay không thanh tịnh, chơn thần đều bị ô trược nặng nề.

    Chỉ có ăn trường chay thì chơn thần mới được thanh khiết nhẹ nhàng, mới có thể bay lên khỏi các từng không khí mà đến cõi thiêng liêng.

  • Tịnh niệm

    Tịnh niệm

    淨念

    A: The pure thought.

    P: La pensée pure.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Niệm: tưởng nghĩ, tư tưởng.

    Tịnh niệm là tư tưởng trong sạch, tưởng nghĩ trong sạch.

    Kinh Tiểu Tường: Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín.

  • Tịnh tâm

    Tịnh tâm

    淨心

    A: The pure heart.

    P: Le coeur pur.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Tâm: cái tâm của con người.

    Tịnh tâm là cái tâm trong sạch, hay làm cho cái tâm trong sạch, tức là phải loại bỏ các tư tưởng xấu xa.

    Tâm trong sạch thì tư tưởng trong sạch.

    Cho nên trong bài Khai Kinh có câu: "Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh kinh."

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con phải nhớ dặn chúng nó tịnh tâm mới đặng, vì có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật chứng đàn.

  • Tịnh tâm điện

    Tịnh tâm điện

    淨心殿

    A: The dome of purification of heart.

    P: Le dôme de Purification du coeur.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Tâm: cái tâm. Điện: cung điện.

    Khi bước vào Tòa Thánh, từ cửa chánh đến chỗ đặt bức họa Tam Thánh là một khoảng rộng, gọi là Tịnh tâm điện.

    Tịnh tâm điện là nơi để Chức sắc và tín đồ dừng lại đây, trước khi bước vào Chánh điện làm lễ Đức Chí Tôn, để kiểm soát cái tâm của mình có được trong sạch không.

    Tâm trong sạch là tòa ngự của Phật Tiên, còn tâm ô trược vạy tà là chỗ ở của quỉ ma.

    Đức Chí Tôn có than rằng:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Đường Tiên cũng lấp lửng, nguồn Thánh cũng toan vào, mà thấy bạc rơi cũng chẳng bỏ, lợi mún chẳng từ, mượn danh Đạo mà tạo danh mình, vô Thánh điện mà hơi tà còn phưởng phất."

  • Tịnh tâm xá

    Tịnh tâm xá

    淨心舍

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Tâm: cái tâm. Xá: cái nhà.

    Tịnh tâm xá là cái nhà để người ta đến đó mà thanh lọc cái tâm cho trong sạch.

    Đó là nơi để tự xét mình, xét coi trong kiếp sanh vừa qua, mình đã làm được bao nhiêu phước và bao nhiêu tội lỗi. Nếu có nhiều tội lỗi thì ráng ăn năn sám hối tội tình và cầu xin Đức Chí Tôn cứu vớt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Âm quang là nơi Thần linh học gọi là Trường đình của chư hồn giải thể hay nhập thể, Đại Từ Phụ định nơi ấy cho Phật gọi là Tịnh tâm xá, nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm, xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội.

  • Tịnh thất

    Tịnh thất

    淨室

    A: The house of meditation.

    P: La maison de méditation.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Thất: cái nhà.

    Tịnh thất là nhà tịnh, là nhà thanh tịnh để cho các tín đồ vào mà tu luyện.

    Đức Phạm Hộ Pháp có lập ra ba Tịnh Thất, gọi là ba Cung trong Châu Thành Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh.

    Ba Tịnh Thất hay ba Cung đó là:

    · Trí Huệ Cung nơi Thiên Hỷ Động.

    · Trí Giác Cung nơi Địa Linh Động.

    · Vạn Pháp Cung nơi Nhơn Hòa Động.

    "Trong cửa Đạo Cao Đài có ba cách về với Đức Chí Tôn, hay là có ba cách lập vị mình, mà cách thứ ba là cách tu chơn, hay là cách Tịnh luyện cũng thế.

    Những người đi trong Cửu phẩm Thần Tiên hay đi trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, khi mình nhận thấy là đã lập đức, lập công, lập ngôn rồi, hay là đã thọ khổ và thắng khổ rồi mà còn sức nữa, thì vào Nhà tịnh để được Tu chơn. Nơi đây, các vị đó sẽ được học phương pháp luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hóa Thần, tức là Tinh Khí Thần hiệp nhứt là huờn Hư đó vậy." (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp trong Con đường thiêng liêng hằng sống).

    Trong Tân Luật có một chương qui định luật pháp căn bản cho Tịnh Thất, và Đức Phạm Hộ Pháp đã xây dựng được ba Tịnh Thất làm Nhà tịnh cho các tín đồ nam nữ, nhưng Đức Chí Tôn chưa ban cho pháp môn luyện đạo trong Tịnh Thất.

    Trong bài ghi lại cuộc nói chuyện của Đức Phạm Hộ Pháp với các anh em thợ hồ lúc xây dựng Tòa Thánh, ngày 26-10-Bính Tý (dl 27-11-1936), có đoạn Đức Hộ Pháp nói về việc nhập vào Tịnh Thất, chép ra như sau đây:

    "Trước khi vào tịnh thì phải có đủ Tam lập là: Lập đức, Lập công, Lập ngôn.

    Nơi cửa Đạo đặt ra việc chi đều là hữu ích cả, mượn Thể pháp tượng trưng mới đoạt Bí pháp.

    Trước kia, Bần đạo lập Phạm môn xuất hiện tại Tòa Thánh tượng trưng cửa Phật độ sanh hồn, tức nhiên gọi Phật.

    Minh Thiện Đàn ở Khổ Hiền Trang, Bần đạo khai Thể pháp tại đó, gọi là Pháp.

    Phước Thiện ngày nay đã ra thiệt tướng, tức nhiên ra mặt xã hội, gọi là Tăng, thì nó sẽ bành trướng vận chuyển lưu hành cùng khắp xã hội nhơn quần, nghĩa là phụng sự cho toàn thể chúng sanh, tế khổ phò nguy. Đi Đầu Họ Đầu Quận làm hậu thuẩn cho Hội Thánh Cửu Trùng Đài lo cho cơ tận độ, chỉ có công phổ độ mới giải quả tiền khiên.

    Ai không xuất thân hành đạo, nghĩa là không có công phổ độ thì không vào tịnh được, vì không đủ Tam lập.

    Trước khi xin vào, phải nạp tất cả giấy tờ hành đạo, lai lịch từ thuở nhỏ đến trưởng thành, ở ngoài đời không án tiết, trong cửa đạo cũng vậy, trọn tùng luật pháp đạo và trường trai mới được, rồi giao cho Chi Pháp minh tra về thể pháp đủ bằng chứng, Chi Pháp phải giữ hồ sơ của mỗi người.

    Còn điều trọng yếu về vô vi không thể gì Chi Pháp biết đặng. Chiếu văn kiện thì đầy đủ lắm, vậy Chi Pháp chỉ biết văn bằng hiện hữu về mặt hữu hình mà thôi.

    Khi minh tra đủ lẽ rồi, mới giao cho Hộ Pháp cân thần. Nếu vị nào đủ Tam lập thì cho vào, bằng thiếu thì lại cho đi Đầu Họ Đầu Quận hành đạo nữa.

    Nói rõ là Hộ Pháp trục thần khai khiếu mới biết đặng đủ thiếu, bằng không thì ngồi tịnh lớn bụng vô ích."

  • Tịnh túc thị lập

    Tịnh túc thị lập

    並肅侍立

    Tịnh: Đều, ngang nhau, như nhau. Túc: nghiêm trang kính cẩn. Thị: hầu. Lập: đứng. Thị lập: đứng hầu.

    Tịnh lập: đều đứng ngang nhau.

    Tịnh túc thị lập là đều đứng ngang nhau, nghiêm trang kính cẩn đứng hầu.

    Đây là câu xướng của Lễ sĩ trong nghi tiết cúng Đại đàn tại Báo Ân Từ, Điện Thờ Phật Mẫu và các Thánh Thất địa phương. Trước khi nhập đàn thì Lễ xướng câu nầy, tất cả mọi người trong đàn cúng đều phải đứng ngang nhau, kính cẩn đứng hầu hai bên.

  • Tịnh xá

    Tịnh xá

    淨舍

    A: The pagoda.

    P: La pagode.

    Tịnh: Trong sạch, sạch sẽ. Xá: nhà.

    Tịnh xá hay Tịnh trụ xá là nơi an trụ trong sạch, là tiếng gọi một ngôi chùa Phật.

  • TÒA

    TÒA

    TÒA: 座 Dinh thự, ngôi, chỗ để ngồi.

    Thí dụ: Tòa Đạo, Tòa sen, Tòa Thánh.

  • Tòa Đạo

    Tòa Đạo

    座道

    A: The religious tribunal.

    P: Le tribunal religieux.

    Tòa: Dinh thự, ngôi, chỗ để ngồi. Đạo: tôn giáo.

    Tòa Đạo là tòa án của Đạo Cao Đài để xử trị các Chức sắc, Chức việc và tín đồ vi phạm pháp luật của Đạo.

    · Luật thì có: Tân Luật, Đạo luật, Luật Hội Thánh.

    · Pháp thì có: Pháp Chánh Truyền, Đạo Nghị Định.

    Những vị phạm luật pháp của Đạo thì chiếu theo Thập hình của Đức Lý Giáo Tông mà định án. Hình phạt nặng nhứt là trục xuất ra khỏi Đạo.

    Đạo luật năm Mậu Dần (1938) qui định về Tòa Đạo:

    "Tòa Đạo là cơ quan bảo thủ chơn truyền, giữ gìn luật pháp, chăm nom chư Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu thi hành phận sự, chở che những kẻ yếu tha, binh vực những người cô thế, hoặc tiếp cả sự uất ức bất công của toàn sanh chúng, tức là giữ nét công bình trên mặt Đạo, lại cũng là một cơ quan giúp cho Hành Chánh Đạo, Phước Thiện và Phổ Tế thêm oai quyền mạnh mẽ tôn nghiêm đặc sắc."

    "Nghĩ vì Tòa Đạo là một cơ quan bảo thủ chơn truyền y theo khuôn viên Đạo pháp, bảo đảm sanh chúng, trị loạn phò nguy, gìn cân công lý cho toàn cả chúng sanh đặng sống một cách thung dung thơ thới,dưới mặt luật công bình của Đạo.

    Tòa Đạo lập ra cốt yếu để binh vực những người bị uất ức, trừng phạt những người phạm luật pháp, gìn giữ quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự cho nền Chánh Trị Đạo.

    Trách nhậm trọng hệ hơn hết của Tòa Đạo là vô tư vô vị."

    Ngày 15-10-Đinh Hợi (dl 27-11-1947), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Chưởng quản Tòa Đạo, đổi tên Tòa Đạo thành Bộ Pháp Chánh, và ra qui định về cách tổ chức và nội luật của Bộ Pháp Chánh.

    Bộ Pháp Chánh trực thuộc Chi Pháp của Hiệp Thiên Đài, do một vị Thời Quân chi Pháp làm Chưởng quản.

    Nhiệm vụ của Bộ Pháp Chánh là nhiệm vụ của Tòa Đạo, được ân định trong Đạo luật Mậu Dần (1938). (Xem chi tiết nơi chữ: Bộ Pháp Chánh, vần B)

  • Tòa Hiệp Thiên Đài

    Tòa Hiệp Thiên Đài

    座協天臺

    Tòa: Dinh thự, ngôi, chỗ để ngồi.

    Tòa Hiệp Thiên Đài là tòa án do Hiệp Thiên Đài lập ra để xét xử các Chức sắc Cửu Trùng Đài từ phẩm Giáo Hữu, Phước Thiện từ phẩm Chí Thiện, Hiệp Thiên Đài từ phẩm Sĩ Tải sắp lên.

    Quyển "Quyền Tư Pháp và Nội Trị Đạo" do Đức Cao Thượng Sanh ban hành theo văn bản số 138/TS ngày 24-5-Mậu Thân (dl 19-6-1968), gồm 5 Chương, trong đó Chương hai và Chương 4 qui định về Tòa Hiệp Thiên Đài và Ban Kỷ Luật Hiệp Thiên Đài, xin chép ra sau đây:

    Chương hai: TÒA HIỆP THIÊN ĐÀI.

    Nghĩ vì Cửu Trùng Đài không đủ Chức sắc cao cấp để lập thành Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài đặng xét xử Chức sắc phạm luật pháp từ phẩm Giáo Hữu sắp lên.

    Chiếu Vi Bằng số 6/VB phiên nhóm ngày 19-3-Bính Ngọ (dl 9-4-1966), Hội Thánh Hiệp Thiên Đài quyết định tạm thời thành lập Tòa Hiệp Thiên Đài để phân xử Chức sắc phạm luật Đạo bên Cửu Trùng Đài từ phẩm Giáo Hữu sắp lên, bên Phước Thiện từ phẩm Chí Thiện sắp lên, nên Đức Thượng Sanh Chưởng quản Hiệp Thiên Đài ban hành Thánh Lịnh số 60/Thánh Lịnh ngày 24-3-Bính Ngọ (dl 14-4-1966) thành lập Tòa Hiệp Thiên Đài để xét xử Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu và Chí Thiện sắp lên, thành phần được ấn định như sau:

    Điều thứ sáu: Thành phần Tòa Hiệp Thiên Đài:

    · Chủ tọa: 1 vị Thời Quân.

    · Nghị án: 2 vị Giám Đạo.

    · Buộc án: 1 vị Truyền Trạng.

    · Biện hộ: 1 vị Cải Trạng và 1 Chức sắc Cửu Trùng Đài hay Phước Thiện đồng phẩm với can nhân.

    · Chép án: 1 vị Truyền Trạng hay 1 vị Sĩ Tải.

    Điều thứ bảy: Tòa Hiệp Thiên Đài được quyền xét xử những Chức sắc phạm luật pháp từ phẩm Giáo Hữu hay Chí Thiện nam nữ sắp lên, hồ sơ nội vụ do Bộ Pháp Chánh điều tra đủ lẽ đệ qua.

    Điều thứ tám: Tòa Hiệp Thiên Đài sẽ chiếu các luật lệ sau đây để xử trị tội phạm:

    1. Pháp Chánh Truyền.

    2. Tân Luật.

    3. Bát Đạo Nghị Định.

    4. Thập hình của Đức Lý Giáo Tông.

    5. Đạo luật năm Mậu Dần.

    6. Các án lệ từ trước đến giờ.

    Điều thứ chín: Án phán quyết của Tòa Hiệp Thiên Đài là chung thẩm, nhưng phải có sự duyệt y của Chưởng quản Hiệp Thiên Đài.

    Điều thứ mười: Quyền phá án và quyền ân xá thuộc sự quyết định tối cao của Chưởng quản Hiệp Thiên Đài mà đương kiêm là quyền của Đức Thượng Sanh.

    a). Có việc phá án là khi nào phiên xử gồm có một vị nào không thi hành đúng theo trách nhiệm, hoặc khép tội thiếu yếu tố xác thực hoặc bất hợp lệ thì Đức Thượng Sanh, hoặc hội ý với chư vị Thời Quân hoặc tự quyền quyết định phá án, giao cho phiên Tòa Hiệp Thiên Đài với thành phần khác xử lại.

    b). Về phần ân xá là quyền đặc biệt của Đức Thượng Sanh, khỏi cần hỏi ý kiến Hội Thánh Hiệp Thiên Đài.

    ....................

    Chương bốn: TÒA Hiệp Thiên Đài VÀ BAN KỶ LUẬT Hiệp Thiên Đài

    Chiếu Vi Bằng số 8/VB phiên nhóm ngày 2-4-Bính Ngọ (dl 21-5-1966), Hội Thánh Hiệp Thiên Đài quyết định thành lập Tòa Hiệp Thiên Đài xét xử Chức sắc Hiệp Thiên Đài từ phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn sắp xuống phẩm Sĩ Tải, nếu phạm tội nặng, còn phạm tội nhẹ thì đưa ra Ban Kỷ Luật Hiệp Thiên Đài xét xử.

    Riêng phẩm Luật Sự chưa vào hàng Chức sắc nên bất luận phạm tội nặng hay nhẹ đều do Ban Kỷ Luật phân xử.

    Điều thứ mười bảy: Chức sắc Hiệp Thiên Đài từ phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn xuống phẩm Sĩ Tải có vi phạm luật pháp của Đạo, nếu trọng tội thì sẽ đưa ra Tòa Hiệp Thiên Đài phân xử do thành phần và các điều khoản đã ấn định trong Thánh Lịnh số 60/Thánh Lịnh ngày 24-3-Bính Ngọ (dl 21-5-1966) và ghi rõ ở Điều thứ sáu kể trên.

    Là Chức sắc dầu ở cơ quan nào, Hiệp Thiên, Cửu Trùng, hay Phước Thiện cũng đồng chịu dưới quyền phán đoán của Tòa Hiệp Thiên Đài dĩ hà nhứt thể.

    Điều thứ mười tám: Trong trường hợp vị Chức sắc bị phạm tội mà trước đã được đề cử vào thành phần Tòa Hiệp Thiên Đài thì Hội Thánh sẽ đề cử vị Chức sắc khác thay thế trước khi đưa đương sự ra xét xử.

    Điều thứ mười chín: Về phẩm Luật Sự, bất luận phạm tội nặng hay nhẹ, cũng đều đưa ra Ban Kỷ Luật phân xử. Ban Kỷ Luật nầy có quyền hạn y như Hội Công Đồng Cửu Trùng Đài.

    Điều thứ hai mươi: Ban Kỷ Luật Hiệp Thiên Đài không có tánh cách thường trực, chỉ thành lập mỗi khi hữu cần và tùy theo đẳng cấp của kẻ phạm tội mà chọn cử thành phần có đủ thẩm quyền do lịnh của Chưởng quản Hiệp Thiên Đài.

    Điều thứ hai mươi mốt: Tội trạng của Chức sắc bị can sẽ được liệt vào tội nặng hay nhẹ do quyền của Chưởng quản Bộ Pháp Chánh phân tách tội trạng trọng khinh chiếu theo Thập hình của Đức Lý Giáo Tông đã qui định rõ ràng trong Đạo luật năm Mậu Dần (1938) và các luật lệ hiện hành./.

    Phước Thiện: Phước Thiện.

  • Tòa Hòa giải

    Tòa Hòa giải

    座和解

    A: The justice of peace.

    P: La justice de paix.

    Tòa: Dinh thự, ngôi, chỗ để ngồi. Hòa: thuận hòa. Giải: mở ra.

    Hòa giải là dàn xếp cho hai bên thuận thảo với nhau, không còn xích mích với nhau nữa.

    Tòa Hòa giải là tòa án của Đạo Cao Đài ở cấp thấp, có nhiệm vụ hòa giải các vụ thưa kiện nhỏ, lặt vặt (tạp tụng) trong các tín đồ. (Xem chi tiết nơi chữ: Bộ Pháp Chánh, vần B)

  • Tòa Phán xét

    Tòa Phán xét

    A: The divine tribunal.

    P: Le tribunal divin.

    Tòa: Dinh thự, ngôi, chỗ để ngồi. Phán xét: phán đoán và xét xử.

    Tòa Phán xét là tòa án nơi cõi thiêng liêng để tra xét công và tội, phước đức và tội tình của mỗi chơn hồn trong một kiếp sống nơi cõi trần, để quyết định thăng hay đọa.

    Tòa Phán xét là chỉ chung các tòa án nơi cõi thiêng liêng như: Tòa Nghiệt cảnh, Tòa Tam giáo thiêng liêng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nơi Tòa Phán xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn cẩn hạnh.

  • Tòa sen

    Tòa sen

    A: The throne of lotus.

    P: Le trône de lotus.

    Tòa: Dinh thự, ngôi, chỗ để ngồi. Sen: hoa sen.

    Tòa sen là cái hoa sen mà Đức Phật dùng làm chỗ ngồi.

    Phật dùng hoa sen làm chỗ ngồi là vì hoa sen có những đặc tánh tốt đẹp mà các thứ hoa khác không có. Đó là hoa sen sanh ra trong bùn dơ, sống trong bùn dơ mà không nhiễm mùi bùn, lại tỏa hương thơm ngát, cũng giống như Đức Phật sống nơi cõi trần ô trược mà không nhiễm trược trần.

    Trong Kinh Tăng Nhứt A Hàm của Phật giáo:
    Như hoa sen đẹp đẽ dễ thương,
    Không ô nhiễn bùn dơ và nước đục.
    Giữa đám bụi trần,
    Ta không vướng chút bợn nhơ,
    Như vậy, Ta là Phật.

    Đức Chí Tôn dạy cho biết cái tâm quí báu của con người là tòa sen để Đức Chí Tôn ngự:
    "Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
    Cần gì hạ giới vọng cao ngôi.
    Sang hèn trối kệ tâm là quí,
    Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi."

  • Tòa Tam giáo

    Tòa Tam giáo

    座三敎

    A: The tribunal of the three religions.

    P: Le tribunal des trois religions.

    Tòa: Dinh thự, ngôi, chỗ để ngồi. Tam giáo: ba nền tôn giáo lớn ở Á Đông, gồm: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

    Tòa Tam giáo là tòa án đặc biệt của Đạo Cao Đài để xét xử các Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu vi phạm pháp luật của Đạo một cách nặng nề, những vị xử án là những Chức sắc cao cấp trong ba phái Thái, Thượng, Ngọc, đại diện Tam giáo.

    Chỉ những trường hợp phạm pháp nghiêm trọng mới được đưa ra Tòa Tam giáo xét xử.

    Trường hợp những vụ phạm pháp nhẹ, thông thường thì đưa ra Tòa Hòa giải ở địa phương hay đưa ra Hội Công Đồng hoặc Ban Kỷ Luật xét đoán.

    Tòa Tam giáo được tổ chức 3 cấp từ thấp đến cao:

    1. Tòa Tam giáo Cửu Trùng Đài.

    2. Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài.

    3. Tòa Tam giáo Bát Quái Đài.

    Khi Tòa Tam giáo Cửu Trùng Đài xử đoán rồi mà bị cáo còn uất ức hàm oan thì kêu nài lên Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài.

    Thảng như Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài xử rồi mà bị cáo vẫn còn uất ức thì kêu nài lên Tòa Tam giáo Bát Quái Đài nơi cõi thiêng liêng.

    I. TÒA TAM GIÁO Cửu Trùng Đài:

    Theo Tân Luật, Tòa Tam giáo Cửu Trùng Đài do Đức Giáo Tông chủ tọa.

    1. Thành phần:

    · Chủ tọa: Đức Giáo Tông.

    · Nghị án: Ba vị Chưởng Pháp Thái Thượng Ngọc.

    · Buộc tội: Vị Đầu Sư cùng phái với bị can.

    · Trạng sư: Một Chức sắc Hiệp Thiên Đài.

    2. Phân định quyền xử đoán:

    Tòa Tam giáo Cửu Trùng Đài chỉ xử đoán những Chức sắc Cửu Trùng Đài vi phạm luật đạo một cách nghiêm trọng. Nếu tội nhẹ thì chỉ đưa ra Hội Công Đồng phán đoán mà thôi.

    3. Án tiết:

    Tòa Tam giáo Cửu Trùng Đài có quyền xử: Giáng cấp một hay nhiều cấp, hay là trục xuất ra khỏi Đạo.

    II. TÒA TAM GIÁO Hiệp Thiên Đài:

    1. Thành phần:

    · Chủ tọa: Đức Hộ Pháp hay một vị Thời Quân chi Pháp thay mặt.

    · Nghị án: Hai Chức sắc Cửu Trùng Đài phẩm Giáo Sư hay Phối Sư.

    · Buộc tội: Một vị Thời Quân chi Thế.

    · Biện hộ: Một Chức sắc Cửu Trùng Đài đồng phẩm với bị cáo do bị cáo lựa chọn.

    · Cãi trạng: Một vị Thời Quân chi Đạo.

    · Chép án: Một Chức sắc tiểu cấp Hiệp Thiên Đài.

    2. Danh sách các Chức sắc ngồi tòa:

    Danh sách các Chức sắc ngồi xử của Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài do vị Chưởng quản Bộ Pháp Chánh đề cử lên Đức Hộ Pháp và Đức Hộ Pháp ra sắc lệnh chánh thức.

    3. Nơi mở phiên tòa và quyền xử đoán:

    Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài phải nhóm tại Tòa Thánh Tây Ninh để xét đoán những đơn kêu nài của phạm nhơn còn uất ức, không vừa lòng với án tiết của Tòa Tam giáo Cửu Trùng Đài.

    4. Phân định quyền xử đoán:

    Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài xử đoán những vụ việc xảy ra trong các trường hợp sau đây:

    a) Giữa Chức sắc và Chức việc với tín đồ.

    b) Giữa Chức sắc với Chức sắc các cơ quan của Đạo.

    c) Giữa Chức sắc Cửu Trùng Đài hay là Chức sắc Phước Thiện với Chức sắc Hiệp Thiên Đài.

    d) Giữa nhơn viên cao cấp của các Bộ ngoại pháp Chánh Trị Đạo.

    5. Án tiết của Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài:

    Những án tiết của phiên Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài sau khi đã tuyên án rồi là chung thẩm, bị cáo nhân không còn được phép kêu nài nữa.

    6. Quyền phá án và quyền ân xá:

    Quyền phá án thì thuộc phần Tòa Tam giáo Bát Quái Đài tức là Tòa Tam giáo thiêng liêng và quyền của Đức Chí Tôn nhứt định. Ấy là về phần của cơ Thiên trị.

    Quyền ân xá là quyền của Đức Hộ Pháp về hình luật hữu vi, nhưng buộc Đức Hộ Pháp phải dâng sớ vào Tòa Tam giáo Bát Quái Đài cầu xin tha thứ về hình luật Thiên điều.

    III. TÒA TAM GIÁO Bát Quái Đài:

    Tòa Tam giáo Bát Quái Đài còn gọi là Tòa Tam giáo thiêng liêng, hay Tòa Tam giáo Ngọc Hư Cung, do Đức Chí Tôn làm chủ, Tam Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Tam giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nghị án, là tòa án tối cao nơi cõi thiêng liêng, để xử trị những chơn hồn phạm Thiên điều.

  • Tòa Thiên nhiên

    Tòa Thiên nhiên

    座天然

    Tòa: Dinh thự, ngôi, chỗ để ngồi. Thiên: Trời. Nhiên: như thế. Thiên nhiên: Trời làm ra như thế.

    Tòa Thiên nhiên là tòa nhà mà Trời làm ra như thế.

    Theo Kinh Đệ Lục Cửu, Tòa Thiên nhiên ở tại Cung Vạn Pháp, thuộc từng trời Kim Thiên, là từng trời thứ sáu trong Cửu Trùng Thiên. Sự nghiệp của mỗi người tạo được nơi cõi trần được ghi chép đầy đủ trong Tòa Thiên nhiên đó.

    Kinh Ðệ Lục cửu:
    Vào Cung Vạn Pháp xem qua,
    Cho tường cựu nghiệp mấy Tòa Thiên nhiên.
  • Tòa Thánh Tây Ninh

    Tòa Thánh Tây Ninh

     

    座聖西寧

    A: The Holy See of Tây Ninh.

    P: Le Saint Siège de Tây Ninh.

    Tòa Thánh Tây Ninh, còn được gọi là Đền Thánh, là Tổ Đình, là Tòa Thánh Trung Ương của Đạo Cao Đài, hiện nay tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách Thị Xã Tây Ninh khoảng 5 km về hướng Đông Nam, thuộc Miền Nam nước Việt Nam.

    Đây là một ngôi Đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, để thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Gọi Tòa Thánh Tây Ninh là Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh.

    Tòa Thánh được khởi công xây dựng từ năm 1931 (Tân Mùi), hoàn thành vào năm 1947 (Đinh Hợi), và được khánh thành vào dịp Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất Mùi (dl 1-2-1955).

    Tòa Thánh được cất theo kiểu vở của Thiên đình, quay mặt về hướng Tây, có kích thước theo dự tính ban đầu của Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch là:

    · Bề dài: 135 mét.
    · Bề ngang: 27 mét.
    · Bề cao tại Lầu chuông và Lầu trống: 36 mét.
    · Bề cao tại Nghinh Phong Đài: 25 mét.
    · Bề cao tại Bát Quái Đài: 30 mét.

    Việc chọn đất Thánh địa làm nơi xây dựng Tòa Thánh và kiểu vở xây cất Tòa Thánh đều do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông giáng cơ chỉ dạy tỉ mỉ.

    1. Tìm đất Thánh địa

    Đạo Cao Đài làm Lễ Khai Đạo ngày 15-10 Bính Dần (dl 19-11-1926) tại Thánh Thất tạm đặt tại Chùa Từ Lâm (tục gọi là Chùa Gò Kén, Tây Ninh).

    Nguyên ngôi chùa nầy do Hòa Thượng Như Nhãn (cũng gọi là Hòa Thưởng Giác Hải) góp tiền bổn đạo mua đất và xây dựng nên. Kịp khi Đức Chí Tôn giáng cơ mở đạo, Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút độ được Hòa Thượng Như Nhãn theo Đạo Cao Đài và trở thành một vị Chức sắc Đại Thiên phong của Đạo Cao Đài, nên Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm cho Hội Thánh làm Thánh Thất tổ chức Lễ Khai Đạo.

    Nhưng sau ngày Lễ Khai Đạo, Hòa Thượng Như Nhãn bị mất đức tin một phần, một phần bị nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ xúi giục và hăm dọa, nên Hòa Thượng Như Nhãn không theo Đạo Cao Đài nữa và đòi chùa lại, không hiến cho Hội Thánh.

    Hội Thánh Cao Đài phải trả chùa lại cho Như Nhãn và hứa trong 3 tháng sẽ tìm đất để dọn đi.

    Kể từ Rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926) tới Rằm tháng Giêng Đinh Mão (1927) là đúng kỳ hứa trả chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén) là 3 tháng, nhưng tới tháng 2 năm Đinh Mão, đã quá kỳ hạn 1 tháng mà Hội Thánh chưa trả chùa lại được, vì chưa kiếm được đất để mua, còn ông Hòa Thượng Giác Hải (Như Nhãn) thì cứ đòi chùa lại hoài. (ĐS. I. 51)

    Vì sự đòi chùa ấy nên Đức Lý Giáo Tông giáng dạy tại chùa Gò Kén ngày 20-2-1927 (âl 19-1-Đinh Mão) như sau:

    "Ngày nay Lão nhứt định chùa nầy trả lại. Xong trước khi trả, phải cất Thánh Thất cho xong y như lời dạy. Chư Đạo hữu phải hiệp sức nhau đặng lập thành Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi, vì là Thánh địa, vả lại phong thổ thuận cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học đạo. Lão muốn nơi khác mà Chí Tôn không chịu.

    Thượng Trung Nhựt! Phải làm thế nào chừa đất dư ra ít nữa là 50 mẫu là cả trọn bản đồ Bạch Ngọc Kinh và cho đủ Thánh địa ấy. Hiền hữu đi chọn đất về cho Lão hay, cầu khẩn Chí Tôn nghe!" (Trích ĐS. II. 222)

    Hôm sau, cũng tại chùa Gò Kén, ngày 21-2-1927 (âl 20-1-Đinh Mão), Đức Chí Tôn giáng dạy như sau:

    "Các con nghe!

    Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh địa. Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh dạy dỗ dân vô đạo, Thầy ban đặng quyền thưởng phạt, đặng răn làng ấy cho đến ngày chúng nó biết ăn năn cải hóa. Vậy thì làng Long Thành, các con khá an lòng.

    Còn Tòa Thánh thì muốn để cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước. Từ Thầy đến lập Đạo cho đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì là đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi. Các con đã hiểu Thánh ý Thầy, phải cần kiệm mỗi sự chi về phương tiện mà thôi.

    Thơ! Thầy giao cho con góp tư bổn trong một tháng cho rồi, dặn các em con rằng: Danh thể Đạo nơi Tòa Thánh, nghe à! Sau Thái Bạch sẽ dạy con kiểu vở.

    Cẩm Giang thì các con phải chịu khổ về phần ăn uống, Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi, chớ chi các con khôn ngoan lấy cớ rằng, vì ích lợi lương sanh, vì đạo đức mà ký Chánh phủ cho các con mé rừng cấm bên kia đường thì đẹp lắm. Các con liệu thử.

    Thơ! Suối Vàng thì đặng, phương chuyên chở không thuận tiện, song phong thổ tốt đẹp. Con cũng yêu cầu Hội Thánh xét nét, nghe à! Thầy ban ơn cho các con." [ĐS. II. 223] & [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. I. 98]

    Tiếp theo, cũng tại chùa Gò Kén, ngày 22-2-1927 (âl 21-1-Đinh Mão), Đức Lý Giáo Tông giáng:

    "Thượng Trung Nhựt! Thái Thơ Thanh!

    Cười! Nhị vị Hiền hữu muốn cho Đạo phải mang tiếng rằng: Trốn lánh hay sao mà tính dời Tòa Thánh xa dữ vậy hử? Tỷ như Lão muốn lập Tòa Thánh gần bên thành binh, chư Hiền hữu tưởng sao?

    Trung bạch: Có hai làng cúng đất.

    - Mua thì đặng, khó gì! Một nơi chí Thánh trước mắt mà chư Hiền hữu chẳng biết xem, ấy cũng còn hai phần phàm.

    Thái Thơ Thanh! Lão cậy Hiền hữu một phen nữa, mai nầy đi lên đường trên gọi là dây thép, nhắm địa thế dài theo cho tới ngã Ao Hồ, coi Hiền hữu thấy đặng chăng cho biết.

    Lão đã nói rằng: Mỗi sự chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết. Chư Hiền hữu đừng sợ ai hết, hễ sợ thì chối quyền thiêng liêng của Chí Tôn thì còn gì Đạo! nghe à!" (ĐS. II. 224)

    Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu thuật lại buổi Hội Thánh đi tìm mua đất cất Tòa Thánh ngay ngày hôm sau, theo lời dạy của Đức Lý Giáo Tông như sau:

    "Qua ngày sau, quí ông đi tìm đất, ông Thái Thơ Thanh cho mượn một chiếc xe, Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh cho mượn một chiếc. Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng ngồi trên hai chiếc xe hơi, thì có: Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm, Anh Cả Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, Anh Thái Thơ Thanh, Anh Thượng Tương Thanh, Anh Ngọc Trang Thanh.

    Khi xe chạy tới cửa số 2 hồi trước còn rừng rậm, cạnh góc ngã ba có cây vừng, Đức Cao Thượng Phẩm ngó thấy nơi cây vừng có tấm bảng treo đề tên Cao Văn Điện, ông nầy là bạn học của Đức Cao Thượng Phẩm hồi thuở nhỏ.

    Trong lúc bối rối kiếm đất không được, Thượng Phẩm bất ngờ thấy tên bạn mình đứng tên trên miếng đất nầy, nên Đức Cao Thượng Phẩm nói với Hội Thánh rằng: Để tôi đi tìm ông Cao Văn Điện, nhờ bạn tôi điềm chỉ giùm chủ đất nầy, và cũng nhờ ông Cao Văn Điện điềm chỉ mới biết ông chủ đất nầy là ông Kiểm lâm người Pháp tên là ASPAR.

    Khi kiếm được đất rồi, tối lại quí ông cầu Đức Lý về dạy coi Hội Thánh đi kiếm đất như vậy có trúng không.

    Đức Lý giáng dạy như vầy:

    (Đó là đêm 24-2-1927, âl 23-1-Đinh Mão, tại chùa Gò Kén)

    "THÁI BẠCH.

    Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội.

    Lão khen Thái Thơ Thanh, phải đó đa không, tưởng chư Hiền hữu không thấy nữa.

    Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh địa?

    Sâu hơn 300 thước, như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn, làm như 6 con rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi, gọi là LỤC LONG PHÒ ẤN.

    Ngay miếng đất đó đặng ba đầu: Một đầu ra giếng mạch Ao hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia.

    Người Lang sa chỉ đòi 20 ngàn, nói rồi trả đúng có 15 ngàn, Lão dặn thì thành trả 17 ngàn, 18 ngàn thì đặng vậy.

    Còn xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh Thánh địa ngày sau hóa vàng. Chư Hiền hữu biết lo lập, ngày sau rất quí báu. THĂNG." (ĐS. II. 225).

    "Khi phá đám rừng nầy thì đàn Thổ (người Miên) xuống cả ngàn người để phá rừng, làm cho ông Chánh Tham Biện (Tỉnh Trưởng Tây Ninh) người Pháp nghi ngờ, mời Đức Thượng Phẩm ra Tòa Bố.

    Ông hỏi Đức Thượng Phẩm: Chớ làm cái gì mà đông đảo như vậy?

    Đức Thượng Phẩm trả lời rằng: Tôi mua miếng đất đó đặng trồng cao su.

    Ông Tham Biện hỏi: Trồng mấy mẫu?

    Đức Thượng Phẩm trả lời: Tôi trồng hết sở đất tôi mua, phá tới đâu tôi trồng tới đó.

    Nên ngày nay, trong Nội Ô có cây cao su là do đó." (Trích ĐS. I. 52)

    a. Tóm tắt diễn tiến mua đất cất Tòa Thánh

    1/. Sau khi làm Lễ Khai Đạo tại chùa Từ Lâm (Gò Kén) ngày 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926), chủ chùa Từ Lâm là Hòa Thượng Như Nhãn (Giác Hải) đòi chùa lại, không hiến cho Hội Thánh Cao Đài nữa, kỳ hẹn trong 3 tháng phải dời đi.

    2/. Ngày 19-1-Đinh Mão (dl 20-2-1927), tại Từ Lâm Tự, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ quyết định trả chùa lại cho Hòa Thượng Như Nhãn, rồi dạy Hội Thánh đi chọn mua đất cất Tòa Thánh, phải chọn đất tại Tây Ninh nầy mà thôi. Đức Lý xin mua đất nơi khác nhưng Đức Chí Tôn không chịu, bởi vì Tây Ninh là Thánh địa, nơi đây phong thổ thuận tiện cho người ngoại quốc đến học Đạo.

    3/. Ngày 20-1-Đinh Mão (dl 21-2-1927), cũng tại Từ Lâm Tự, Đức Chí Tôn giáng cơ xác định: "Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi."

    Đức Chí Tôn còn phân tích và gợi ý:

    Nếu cất Tòa Thánh nơi:

    · Cẩm Giang thì nhơn sanh phải chịu khổ về phần ăn uống.
    · Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi.
    · Suối Vàng thì phong thổ tốt đẹp nhưng phương tiện vận chuyển không thuận tiện.
    · Chỉ có khu rừng cấm phía bên kia đường thì đẹp lắm!

    4/. Ngay sáng hôm sau là ngày 21-1-Đinh Mão (dl 22-2-1927), Hội Thánh đi tìm mua đất, nhưng không gặp được.

    Tối lại, cầu Đức Lý Giáo Tông tại chùa Gò Kén thì Ngài giáng dạy rằng: Ngày mai, Hội Thánh cần đi xem đất một lần nữa, xem từ Mít Một, cặp theo đường dây thép đến làng Long Thành, coi có thấy được không?

    5/. Ngày 22-1- Đinh Mão (dl 23-2-1927), Hội Thánh vâng theo lời chỉ dạy của Đức Lý, đi tìm đất một lần nữa thì gặp được một miếng đất là khu rừng rậm do ông ASPAR làm chủ, nằm kế khu đất của ông Cao Văn Điện, bạn của Đức Cao Thượng Phẩm.

    Tối lại, lập đàn cơ cầu hỏi Đức Lý Giáo Tông, Ngài giáng khen Hội Thánh đã tìm đúng, cuộc đất ấy là Thánh địa, vì bên dưới, trong lòng đất sâu 300 thước, có 6 nguồn nước tụ lại, gọi là Lục Long Phò Ấn.

    Đức Lý cho biết trước, người Pháp chủ miếng đất rừng ấy đòi bán 20 ngàn, trả giá chừng 17 hay 18 ngàn là họ bán.

    Đức Lý còn dặn: Mua xong miếng đất ấy rồi, phải xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa, nhập vào mới trọn để cất Tòa Thánh theo kiểu vở của Bạch Ngọc Kinh.

    Đức Lý cho biết, đất bây giờ còn rẻ, nhưng ngày sau khai khẩn xong rồi, lập nên Tòa Thánh, Đạo phát triển thì chung quanh đất ấy sẽ rất quí báu, đất mắc hơn vàng.

    Như vậy, chúng ta nhận thấy rằng việc tìm ra cuộc đất để lập thành Thánh địa, xây cất Tòa Thánh là hoàn toàn do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông chỉ dạy và hướng dẫn, chớ không phải do Hội Thánh tự ý đặt ra.

    Câu nói mà Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông cùng xác nhận là: "Chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi."

    Đó là Thiên Điều, bất di bất dịch, của Đạo Cao Đài, tức là của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Cho nên chúng ta thấy các Tòa Thánh khác của các chi phái Đạo Cao Đài lập ra ở những nơi khác, đều không thể tồn tại lâu dài được. Đó chỉ là nhất thời trong sự bất đồng cũng nhất thời, để rồi ngày sau cũng phải qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh, chỉ có một gốc là Tòa Thánh Tây Ninh mà thôi.

    2. Định vị trí và kích thước Tòa Thánh

    Ngày 28-2- 1927 (âl 27-1-Đinh Mão), Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy về vị trí xây cất và kích thước Tòa Thánh như sau:

    "THÁI BẠCH.

    Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội. Bình thân.

    Bính Thanh! Hình Phật Thích Ca trước Hiệp Thiên Đài đó, phải làm thế nào cho đừng hư gãy, vì Chí Tôn đã trấn Thần chính nơi tay Người nghe. Quả Càn Khôn cũng vậy, khi tháo ra rồi ráp lại y như vậy, khi tháo ra phải cầu Lão đưa Thần một đổi, rồi mới đặt tay người vào, nghe à! Dặn đến Thánh Thất mới, phải cầu Chí Tôn trấn Thần lại nữa.

    Thánh Thất tạm phải cất ngay miếng đất trống, còn Hiệp Thiên Đài tạm phải cất trước Thánh Thất tạm. Đạo hữu lại phải khai phá đám rừng trước miếng đất. Như vậy, ngay trung tim rùng, cách miếng đất trống chừng 3 thước rưỡi, đóng một cây nọc, đo Hiệp Thiên Đài như vầy: Ngoài Bàu Cà Na đo chừng 30 thước đóng một cây nọc. Ấy là khuôn viên Tòa Thánh. Lão lại dặn, từ cây nọc bên phía miếng đất phải đo vô Bàu Cà Na 27 thước Lang sa, nghe à! Tư vuông 27 thước, mỗi góc của Đài Bát Quái, nghĩa là hình nhà tròn có 8 nóc, cao từ đất lên thềm 9 thước Lang sa, làm 8 góc rộng bao nhiêu tùy ý, trên Điện Bát Quái bề cao 9 mét, hình nóc tròn mô lên chỉ 8 nóc cho phân minh, trên đầu đài phải để cây đèn vàng.

    Kế nữa là Chánh Điện, bề dài 81 mét, bề ngang 27 mét. Lão phải vẽ mới đặng.

    Kế nữa Hiệp Thiên Đài tư vuông 27, hai từng, mỗi từng 9 mét, hai bên Hiệp Thiên Đài, bên mặt có Lôi Âm Cổ Đài, bên tả có Bạch Ngọc Chung Đài. Lão phải vẽ mới đặng.

    Hộ Pháp, Thượng Phẩm! Nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ, lấy một miếng giấy lớn vào Điện phò loan cho Lão vẽ. Bính Thanh phải có mặt, còn kỳ dư không cho ai vào Điện hết, nghe à

    Phải mua khoảnh đất Bàu Cà Na làm Động Đình Hồ, nghe à! THĂNG." (ĐS. II. 226)

    [ Hiệp Thiên Đài tư vuông 27: tức là Hiệp Thiên Đài cất trên miếng đất hình vuông, mỗi cạnh 27 mét ].

    Theo bài Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông thì Tòa Thánh gồm 3 phần:

    - Bát Quái Đài, xây trên khoảnh đất hình vuông, mỗi cạnh 27 mét, nền cao 9 mét.

    - Cửu Trùng Đài, là phần Chánh Điện, xây nối theo, bề ngang 27 mét, bề dài 81 mét.

    - Hiệp Thiên Đài, xây nối theo Cửu Trùng Đài, trên hình vuông, mỗi cạnh 27 mét.

    Tổng cộng, bề dài của Tòa Thánh là:

    27 + 81 + 27 = 135 mét

    và bề ngang của Tòa Thánh là: 27 mét.

    Những chi tiết khác thì Đức Lý vẽ và dạy riêng cho Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Ngài Phối Sư Thái Bính Thanh.

    Chúng ta nhận thấy các con số về kích thước của Tòa Thánh đều là những bội số của một số căn bản là 9.

    Cũng trong ngày hôm đó, Đức Chí Tôn giáng dạy tiếp như sau:

    "Thơ! Thái Bạch muốn lập Thánh Thất coi cho tốt đẹp, chẳng tưởng sự khó nhọc của các con, Thầy chẳng đành. Thoảng như tốn kém nhiều, các con coi theo họa đồ, tính làm theo thước mộc, nghe à!

    Tắc! Con vẽ trúng, nhưng con Long mã làm sao thêm cho 3 ngọn đèn bằng nhau.

    Thơ! Con khá chịu cực nhọc với Đạo một phen, liệu lượng thế nào, Thầy giáng tâm dạy dỗ, nghe à!

    Các con lo làm, Thái Bạch xem sóc các con. Nhớ rằng danh Đạo do nơi Tòa Thánh, làm thế nào danh các con cùng Vạn quốc thì làm. Thầy ban ơn cho các con." (ĐS. II. 227)

    CHÚ THÍCH:

    Thơ: là Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh. Tắc: là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    Thước mộc: là cây thước của thợ mộc thuở xưa của dân ta, có bề dài bằng một chống cánh chỏ, tức là dài hơn hai gang tay. Theo Từ Điển Tiếng Việt, thước mộc có bề dài khoảng 0,425 mét.

    Thước Lang sa: cây thước tây của nước Pháp, dài 1 mét, hiện được dùng làm thước đo quốc tế.

    Theo bài Thánh giáo trên của Đức Chí Tôn, Đức Chí Tôn thấy Đức Lý Giáo Tông ra kích thước cất Tòa Thánh lớn lao quá, sợ quá hao tốn tiền bạc của nhơn sanh, nên gợi ý với Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh là thay vì thực hiện họa đồ của Đức Lý bằng thước tây (mét), thì nên thực hiện theo thước mộc, như vậy kích thước của Tòa Thánh sẽ giảm nhỏ lại, đỡ tốn kém hơn.

    Sau đó, đến ngày 8-3-1927 (âl 7-2-Đinh Mão), tại chùa Gò Kén, Đức Chí Tôn giáng dạy tiếp việc xây cất Tòa Thánh:

    "Cư! Con vẽ Thánh Thất phải, song nơi con để con Long mã, con nên làm một cái đài nhỏ có cửa sổ cho hơi không khí thông thương vô Đại điện tốt hơn.

    Thơ bạch: Xin đúc nền Tòa Thánh bề cao 9 mét theo kiểu của Đại Tiên cho.

    - Tốn kém nhiều lắm con ơi!

    Bính! Con nên đo từ mé rừng dưới vào cho tới 50 mét, rồi kế 81 mét, rồi kế 27 mét, làm như vậy, Thánh Thất nằm trọn vào rừng mà thành ra như bao quanh một Vườn Thiên nhiên rất đẹp. Thầy tưởng khi con cũng thấy sái, con cứ lấy đường con cất, đo vô rừng 27 mét mà phát trống thì Chùa nằm tại chỗ, còn khi cất, con nhắm thế nào cho nọc Bát Quái Đài và Hiệp Thiên Đài cho ngay mặt Trời phía Tây thì trúng. Con nhớ nghe!

    Thầy ban ơn cho các con." (ĐS. II. 229)

    Đức Đại Tiên Lý Thái Bạch giáng cơ dạy tiếp:

    "Cười ... họa đồ của Lão, Chí Tôn chê và trách rằng: hao phí vô nền nặng lắm. Chí Tôn sửa lại mỗi cấp 3 tấc tây mà thôi, dưới đất 5 tấc, chín cấp 3 tấc là 2 mét 70, cộng là 3 mét 20, còn 10 mét thì chí đầu trong nền Bát Quái Đài, trên đầu song chí nóc 13 thước mới khỏi mưa nước đọng mà phải mục, nóc của Đại điện và của Hiệp Thiên Đài cũng y mực như vậy, phải làm plafond hai đài chuông trống cao hơn nóc Hiệp Thiên Đài 6 thước.

    1. Đèn xanh ngay giữa Đại điện làm hình Long mã phụ Hà đồ.
    2. Điện Bát Quái Đài để cây đèn vàng ngay nóc.
    3. Hiệp Thiên Đài để cây đèn đỏ.

    THĂNG." (ĐS. II. 230)

    3. Lịch sử Kiến trúc Tòa Thánh

    Như phần trên đã trình bày, Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông đã dạy tất cả chi tiết, kích thước trong họa đồ xây cất Tòa Thánh từ tháng Giêng năm Đinh Mão (1927), nhưng lúc đó Đạo còn quá nghèo, số tín đồ chưa đủ đông, nên việc xây cất Tòa Thánh bằng vật liệu kiên cố chưa thể thực hiện ngay được.

    Hiện thời chỉ có thể cất Tòa Thánh tạm bằng mái tranh vách ván, để có ngay nơi thờ cúng Đức Chí Tôn, và gấp rút dời Thánh Thất từ chùa Gò Kén về đây để trả chùa lại cho Hòa Thượng Như Nhãn.

    Ngày 13-2-Đinh Mão (dl 16-3-1927), Hội Thánh quyết định trả chùa Gò Kén cho Hòa Thượng Như Nhãn, thỉnh cốt tượng Thái Tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa Kiền Trắc về Thánh Thất tạm cất trên đất mới, gọi là Thánh địa.

    Các cơ quan khác của Đạo cũng lần lượt được xây dựng tạm với mái tranh vách đất, để có nơi làm việc và nghỉ ngơi cho chư Chức sắc. Công việc tiến hành dần dần đi vào ổn định để lo xây dựng Tòa Thánh bằng vật liệu nặng với qui mô lớn lao mà Đức Lý Giáo Tông đã định.

    Nhưng rồi sau đó, nội bộ của Hội Thánh rạn nứt, có một số ít Chức sắc tách riêng ra lập chi phái, trở lại công kích Hội Thánh, toan phá Đạo, nên việc xây dựng Tòa Thánh không thể khởi công được, mà phải gác lại nhiều năm.

    1/. Mãi đến tháng 10 năm Tân Mùi (1931), Ngài Thái Thơ Thanh (lúc đó còn ở phẩm Thái Chánh Phối Sư) mới đứng ra khởi công đào móng làm nền, đào hầm Bát Quái, công việc không tiến triển được nhiều, rồi vì thiếu thốn tiền bạc nên phải tạm ngưng. (Đó là Kỳ nhứt).

    2/. Năm 1933 (Quí Dậu), Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt hiệp cùng Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh tiếp nối công trình, làm thêm được một ít rồi cũng phải ngưng lại, (Đó là Kỳ thứ nhì), kế Đức Quyền Giáo Tông lâm bịnh và đăng Tiên ngày 13-10-Giáp Tuất (1934).

    3/. Năm 1935 (Ất Hợi), Ngài Tiếp Thế Hiệp Thiên Đài Lê Thế Vĩnh nông trang, chấp chưởng vận động tiền bạc, nhờ Bác Vật Phan Hiếu Kinh từ Sài Gòn lên làm Cố vấn, khởi làm được lầu Hiệp Thiên Đài, đúc cột đổ plafond đặng chút ít nữa, rồi cũng phải ngưng công việc lại. (Đó là Kỳ xây dựng thứ ba).

    4/. Sau khi Đức Quyền Giáo Tông đăng Tiên, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc được giao nắm quyền Hội Thánh, chưởng quản Nhị Hữu hình Đài: Hiệp Thiên và Cửu Trùng, Đức Hộ Pháp mới trù tính kế hoạch tiếp tục xây cất Tòa Thánh cho đạt được thành công.

    Đức Ngài huy động được 500 công quả hiến thân nơi Phạm Môn làm lực lượng công thợ nồng cốt, khởi công tiếp nối việc xây cất Tòa Thánh vào ngày 1-11- Bính Tý (dl 14-2-1936).

    Đức Ngài buộc các công quả công thợ, Nam và Nữ, phải lập hồng thệ, trong suốt thời gian xây cất Tòa Thánh, không được cưới vợ hay lấy chồng, đặng đủ tinh khiết mà tạo tác Tòa Thánh.

    Đức Ngài cũng ban lịnh cho các Châu đạo và Tộc đạo Hành Chánh và Phước Thiện, Nam phái và Nữ phái, nổ lực lo tiền bạc, vật liệu, lương thực, gởi về Tòa Thánh liên tục để công cuộc tạo tác Tòa Thánh không bị gián đoạn.

    Nhờ khéo tổ chức như thế, nên công việc tạo tác Tòa Thánh được tiến hành liên tục trong suốt 4 năm rưỡi, thì Đạo Cao Đài bị chánh quyền Pháp khủng bố, vào Tòa Thánh bắt Đức Phạm Hộ Pháp ngày 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941) và đày đi hải đảo Madagascar ở Phi Châu.

    Công việc tạo tác Tòa Thánh đã hoàn thành phần căn bản, chỉ còn đắp vẽ trang trí nữa là xong, nhưng tất cả đều phải ngưng lại, vì chánh quyền Pháp đã bắt Đức Phạm Hộ Pháp, nhà binh Pháp chiếm đóng Tòa Thánh làm nhà xe và chỗ ở cho lính Pháp, đuổi các công thợ và Chức sắc ra khỏi Tòa Thánh.

    Quân đội Pháp còn lén chôn dưới nền Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh một trái mìn rất lớn, chứa 1000 kg chất nổ, ý đồ giựt cho nổ sập Tòa Thánh trước khi chúng rút đi và đầu hàng quân đội Nhựt. Nhưng ý đồ đen tối của chúng không thành công. [Xem: Phần VI phía sau]

    Ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946), Đức Phạm Hộ Pháp được Chánh quyền Pháp đưa trở về Tòa Thánh, sau hơn 5 năm bị lưu đày nơi hải ngoại.

    Ngay sau đó, Đức Phạm Hộ Pháp liền huy động số công thợ công quả trở lại để sửa chữa những chỗ hư hỏng của Tòa Thánh do lính Pháp gây ra, rồi lo đắp vẽ, sơn phết, trang trí gấp rút hoàn thành nội trong năm Bính Tuất, tức là đến Tết Đinh Hợi phải xong.

    Ngày mùng 3-Giêng-Đinh Hợi (dl 24-1-1947), Tòa Thánh được hoàn thành. Tổng Giám Lê Văn Bàng, các Phó Tổng Giám và Tá Lý, đại diện các công thợ nam nữ làm Lễ Bàn Giao Tòa Thánh cho Hội Thánh, được Hội Thánh tiếp nhận vô cùng hoan hỷ.

    Ngày mùng 6-Giêng-Đinh Hợi (dl 27-1-1947), tức là 3 ngày sau khi làm Lễ Bàn Giao Tòa Thánh, Đức Phạm Hộ Pháp làm Lễ Trấn Thần Tòa Thánh.

    Ngày mùng 8-Giêng-Đinh Hợi (dl 29-1-1947), Đức Phạm Hộ Pháp làm lễ rước Quả Càn Khôn (đã gởi thờ nơi Báo Ân Từ từ khi tạo tác Tòa Thánh) về thờ nơi Bát Quái Đài, để khuya hôm đó, giờ Tý cúng Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn.

    Nhưng mãi đến 8 năm sau, Đức Phạm Hộ Pháp mới tổ chức Đại lễ Khánh Thành Tòa Thánh vào dịp Vía Đức Chí Tôn ngày mùng 9-Giêng-Ất Mùi (dl 01-02-1955). Đây là một cuộc lễ vĩ đại nhứt của Đạo Cao Đài kể từ trước tới nay.

    Người Tín đồ Cao Đài rất hãnh diện có được một ngôi Tòa Thánh đồ sộ, nguy nga, tráng lệ, do Thiên ý hợp cùng nhơn lực tạo nên, xứng đáng là Bạch Ngọc Kinh tại thế, tiêu biểu cho nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ: Qui nguyên Tam giáo và Phục nhứt Ngũ Chi.

    a. Lễ Bàn Giao Tòa Thánh

    Trong cuộc Lễ Bàn Giao Tòa Thánh cho Hội Thánh, Tổng Giám Lê Văn Bàng có viết một bài diễn văn ghi lại các giai đoạn tạo tác Tòa Thánh một cách khá chi tiết, xin chép lại nguyên văn sau đây: (Tài liệu của Ban Kiến Trúc, ấn hành năm Tân Hợi 1971).

    Ngày 3 tháng Giêng năm Đinh Hợi (dl 24-1-1947):

    Đúng 8 giờ ban mai, khi Đức Hộ Pháp đến Bửu điện, có cả Chức sắc Thiên phong nam nữ và một số Chức việc, Đạo hữu, độ 300 vị tề tựu đủ mặt.

    Vị Tổng Giám Lê Văn Bàng xin phép Đức Hộ Pháp cho toàn thể nhơn công nam nữ làm lễ ra mắt những vị tiền vãng.

    Đoạn Đức Hộ Pháp mời cả Chức sắc nam nữ vào lạy Chí Tôn xin ban ơn huệ cho cả gia quyến các công thợ và những thiện tâm hỷ cúng vào sự tạo tác Tòa Thánh.

    Khi bái lễ xong, Đức Hộ Pháp nhơn danh Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài, để lời cảm tạ tấm lòng thiết thạch của những môn đệ chí hiếu và tận trung, kẻ công người của, mà đã trải qua biết bao thời gian nguy biến và gian lao gìn giữ đức tin, mới lần hồi kiến tạo nên một Đền Thờ vĩ đại oai nghiêm, tráng lệ dường nầy.

    Vị Tá Lý Lê Ngọc Lời, thay mặt Tổng Giám Lê Văn Bàng, đọc lời chúc mừng Đức Hộ Pháp và tường thuật các giai đoạn xây cất Tòa Thánh:

    "Tòa Thánh là cái hồn của Đạo hoặc là khối đức tin lớn, xuất hiện tại vùng Á Đông, là cuối kỳ Hạ nguơn hầu mãn, nhờ nơi huyền diệu thiêng liêng mà Đạo đặng phổ thông mau chóng, biết bao nhiêu tín đồ đã tùng giáo. Đạo phải có một Thánh thể của Chí Tôn thiệt hiện tại thế, là khối đức tin của toàn nhơn loại, để chú trọng và tín ngưỡng. Bởi lẽ ấy mà nguyện vọng thiết tha của bao nhiêu tín đồ đòi hỏi ở chỗ phải cất Tòa Thánh, và biết bao người Đạo ở các nơi cứ trông ngóng hỏi Tòa Thánh cất rồi chưa?

    * Vì lẽ đó mà Đức Quyền Giáo Tông, ba vị Chánh Phối Sư, thi hành theo tiếng gọi của nhơn sanh để làm Tòa Thánh, thì biết bao nhiêu hăng hái vui mừng của người Đạo chung hợp cùng nhau để làm Tòa Thánh cho mau đến ngày kết quả.

    Ngày ... tháng 10 năm Tân Mùi (1931) thì khởi công tạo tác, nào đào hầm Bát Quái đổ bê-tông, rồi không hiểu tại sao phải ngưng làm, thì cái hầm ấy cũng là một di tích, hay là một cái mầm móng của bước đầu tiên đã sáng tạo nên, đành chấm một dấu hỏi để sau nầy?

    Từ ấy, Đức Quyền Giáo Tông cứ ung dung lo phổ thông nền Chơn giáo.

    * Qua kỳ thứ hai thì lo tiếp tục lại để làm Tòa Thánh nữa. Hội đồng cả Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài lại để chung trí đặng tạo thành. Ông Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh chấp chưởng vận động, mướn Bác vật Phan Hiếu Kinh, người lãnh la-tách, khởi làm lầu Hiệp Thiên Đài, đúc cột và đổ la-phong đặng chút ít, lại cũng ngưng công việc làm, đành chịu một chấm hỏi thứ hai nữa?

    Lúc ấy nhằm lúc khó khăn, cơ đời biến đổi, làm cho thuyền Đạo lắm lúc ngửa nghiêng, cũng bởi nhân tình thế thái kích bác chê bai, vu cáo Đức Quyền Giáo Tông đủ lẽ, nhân nơi lẽ ấy mà Ngài chán nãn cõi đời vô vị, chỉ đem lại cho Ngài những mỉa mai của miệng thế, vì lẽ ấy mà Ngài sớm lìa cõi trần, hồi về cựu vị.

    Ôi thôi! Cũng do nơi cái tâm của nhơn loại đãi Ngài, từ đó mất hết một tay rường cột của nền Đại Đạo.

    Khi ấy, Sư phụ ( Đức Phạm Hộ Pháp) phải thay thế gánh vác cả nhiệm vụ mà chính Chí Tôn phú thác, thống nhứt Nhị Hữu hình Đài, thực hiện mối Đạo nhơn nghĩa, mới trúng theo Thiên ý mà Đức Chí Tôn gọi là phổ độ chúng sanh. Sư phụ thi hành triệt để theo ý của Đại Từ Phụ, phổ thông Chơn giáo cho cả Chức sắc nam nữ Cửu Trùng Đài đi hành đạo các tỉnh.

    Đạo phổ thông mau chóng, hàng triệu tín đồ tùng giáo. Sư phụ đinh ninh rằng: Công cuộc tạo tác Tòa Thánh chắc chắn sẽ tiếp tục làm lại ở sau nầy.

    Còn một mặt, Sư phụ sắp đặt những người ở bên Phạm Môn, chính hai chữ Phạm Môn ở trong phạm vi eo hẹp về kinh tế, làm cho lắm người ngờ vực mà các con không thể nói đặng.

    Hại thay! Chánh trị bên ngoài lại còn nghi kỵ hơn nữa, bắt buộc phải giải tán hai chữ Phạm Môn, treo bảng cấm nhặt các cơ sở Phạm Môn.

    Do nơi ấy mà Sư phụ mới day trở, cái cớ để lập ra Cơ Quan Phước Thiện, dạy những người Phạm Môn cứ đi các tỉnh Nam Kỳ để khai mở Cơ Quan Phước Thiện và Lương Điền Công Nghệ, v.v...

    Những người lãnh cả sứ mạng ấy thật là dốt nát, chơn chất thật thà, có người không biết chữ quốc âm nữa là khác, nhưng cũng nhờ tánh chất ấy mà Cơ Quan Phước Thiện mở mang một cách mau chóng, biết bao người mang cả sự nghiệp, đồn điền để hiến làm một cái nhà chung, trong khi ấy, Đạo có đến 3 triệu người tùng giáo. Sư phụ nhận thấy chắc chắn làm Tòa Thánh đặng, không thất bại nữa.

    Trong 3 triệu người, mỗi người chung hiệp 1 đồng bạc cũng làm được, nên Sư phụ không ngần ngại gì mà không tạo tác Tòa Thánh, đáp lại nguyện vọng của chúng sanh mong đợi.

    1. Giai đoạn thứ nhứt:

    Đến ngày mùng 1 tháng 11 năm Bính Tý (dl 14-12-1936), Sư phụ khởi công làm Tòa Thánh.

    Ngày mà khởi mua đồ thì trong tủ Hộ Viện không tiền, lại còn lưu lại nợ ăn trước nữa là khác. Song le, nhờ sự tổ chức của Sư phụ rất biệt tài, nào xe bò, xe camion vận tải đồ đạc, trong các Châu, các Tộc, các làng, kẻ của người công, đủ dùng không thiếu.

    Trên thì có Sư phụ làm hướng đạo, dưới thì các con đồng tâm hiệp lực, bao quản nhọc nhằn, nắng mưa bao ngại, cơm còn phải thiếu ăn, hẩm hút cháo rau từ bữa. Nhưng các con cứ phấn tâm nung chí, rán sức bền lòng lo tô điểm nhà thờ chung cho mau chóng. Đó là 2 năm đầu.

    2. Qua giai đoạn thứ nhì:

    Trải qua 3 năm sau, biết bao lần đau khổ, ngoài thì nghịch Đạo phá rối đủ điều, còn trong thì thiếu thốn, tình thế khó khăn, các vật liệu bị Chánh phủ hạn chế. Lúc ấy, Sư phụ sợ Tòa Thánh làm không rồi, mà nếu Tòa Thánh biếng trễ một ngày là một hại cho nhơn sanh vậy.

    Vì thương Thầy mến Đạo, nên lúc ấy các con tình nguyện lãnh làm Tòa Thánh, có dâng Tờ Cam Kết với Sư phụ và Hội Thánh rằng: Các con vì Đạo, vì nhơn sanh, nên mới làm Đền Thờ Đức Chí Tôn, sau khi hoàn thành thì các con không đòi hỏi điều chi với Hội Thánh cả.

    Khi Tờ Cam Kết đã nạp rồi thì các con lại càng hăng hái làm việc thêm nữa, nhưng lẽ Thiên cơ dĩ định, sức phàm khó thắng với sức thiêng liêng, nên sự tạo tác đành cam ngưng trệ.

    Lệnh Chánh phủ bắt buộc Tòa Thánh phải đình công. Tin đó đưa ra như đất bằng sóng dậy, sét đánh vào tai, toàn Đạo nghe qua rất nên não nuột, đã vậy mà còn bắt Sư phụ lưu đày sang hải ngoại.

    Giai đoạn nầy, các con lấy làm thảm đạm, là Thầy xa trò, thì có mong chi Tòa Thánh đoạt thành.

    Nơi Tòa Thánh từ đó quân đội Pháp đóng binh, các Chức sắc còn lại lo trù hoạch, tìm phương lo Đạo.

    Lúc ấy, các con như gà mất mẹ, như chim lạc đàn, bơ vơ chiu chít, không còn lắng nghe tiếng còi đặng trở về chuồng, rồi kẻ một nơi, người một ngã, lăn lóc với cuộc đời sầu khổ.

    Ôi! Các con tưởng rằng không còn trở lại Tòa Thánh lần thứ hai nữa, nhưng các con còn nhớ lời tiên tri của Thầy rằng: Sau đây các con còn trở lại làm Tòa Thánh nữa. Lời tiên tri ấy, các con vẫn đinh ninh để an ủi lấy lương tâm chờ đợi.

    May thay! Tin Hội Thánh cho hay rằng: Ông Giáo Sư Đại biểu (Trần Quang Vinh) lo tổ chức cơ phục quốc, trước là lo cho nước đặng tự do, sau là đòi Sư phụ trở về Tòa Thánh. Từ đó, các con cũng hăng hái lo hiệp tác với anh em, trải qua mấy năm, các con cũng giữ tròn nhiệm vụ.

    3. Qua giai đoạn thứ ba:

    Rất may mắn thay, nhơn nguyện Thiên tùng, lẽ Thiên cơ biến chuyển thình lình, tới ngày 24 tháng Giêng năm Ất Dậu (dl 8-3-1945), Việt Nam được nắm chánh quyền thì nền Đại Đạo được phục hồi, Tòa Thánh mở cửa.

    Lúc nầy, ông Giáo Sư Khí thay mặt cho Hội Thánh lo kiến thiết lại. Kế ông thì có Thừa Sử Huỳnh Hữu Lợi tận tâm sát cạnh với ông Lâm Tài Khí rất hoạt động, vận tải đồ đạc đặng làm Tòa Thánh, thì các con chung tâm hiệp trí lo làm theo di tích của Sư phụ còn lưu lại nơi Đền Thánh.

    Nhưng mà vận Đạo còn ở trong đám mây mờ, nên sự tạo tác chỉ lây lất cho qua ngày đặng đợi Thầy về. Tùy theo thời thế xây trở theo chiều, nào là tiền bạc, nào quyền thế, mà còn chỗ phân tâm, nên dân thợ làm Tòa Thánh đình công một ngày. Ông rất ôn tồn hòa nhã mà nhẫn nại khuyên nhủ anh em làm Tòa Thánh, và có nhắc lời tiên tri của Thầy để lại rằng còn nhiều nỗi khó khăn nữa, mấy em phải rán nhẫn nại mà nghe lời Qua thì sau sẽ gặp Thầy.

    Ngày Chánh phủ Pháp sắp đến, ông truyền lịnh cả chu vi Tòa Thánh phải treo cờ Tàu, thì các con lấy làm ngạc nhiên, nhìn thấy lá cờ Tàu bay phất phới theo chiều gió. Đó là do nơi lời tiên đoán của Thầy để lại, nên gió Thánh đã xủ phất lá cờ hộ mạng che phủ cho Tòa Thánh. Trường hợp nầy rất nên mắc mỏ, một đàng trì một đàng kéo, ông ở giữa phải giao thiệp cả hai bên, nào là ruồng rừng lấp lộ, nào làm cống đào mương, đã vậy mà ông Lâm Tài Khí còn phải bị nạn trong 3 tiếng đồng hồ nơi khám Tây Ninh.

    Ôi! Biết bao nỗi khổ, ông là người Tàu mà dám hy sinh với Đạo và một phần Chức sắc cùng đàn em theo tùng sự với ông nên rất đau đớn. Ấy chẳng qua là Thiên cơ tiền định, nhờ sự ủng hộ của thiêng liêng, dầu việc dữ cũng hóa ra hiền, sự rủi hoá may, nhiều điều rất kinh tâm tán đởm, mà rồi cũng đặng dung hòa.

    4. Qua giai đoạn thứ tư:

    Cơ Chuyển thế xây vần, lẽ Thiên cơ biến tướng, nên ông Giáo Sư Đại biểu và cả Chức sắc Thiên phong ở Sài Gòn phải thọ khổ, cũng nhờ thọ khổ mới toan giải khổ, ông sẽ đòi sự tự do của Đạo lại và đem Sư phụ trả về Tòa Thánh.

    Ngày mà đặng tin Sư phụ khải hoàn thì toàn Đạo ai cũng đều hớn hở vui mừng. Hội Thánh thì lo sắp đặt sửa soạn huy hoàng đặng rước Đức Giáo Chủ qui hồi cố quốc.

    Thế nên Đạo đã đến kỳ tăng tiến, nhơn sanh đổi họa ra phước từ đây. Đã trên 10 năm, thuyền Đạo bị truân chuyên trắc trở, biết bao bão táp mưa sa, nay Trời êm sóng lặng, Sư phụ đã qui hồi thì sự hy vọng của toàn Đạo nay đã mãn nguyện.

    5. Qua giai đoạn thứ năm:

    Ngày Sư phụ về Tòa Thánh đến nay, Ôi! Thân già sức yếu, gối mỏi da dùn, phần thì 5 năm xông pha trên bước lao trường, lẽ thì phải an dưỡng một thời gian mới phải, nhưng mà Đền Thánh còn lưu lại sự tô điểm sờ sờ nơi góc Trời Nam kia, nhơn sanh đã trông ngóng từ lâu, nên Sư phụ cho lịnh đòi cả anh em, chị em tạo tác Tòa Thánh ban sơ mau trở lại, sự đoàn kết khi xưa đã qui hợp, nhưng mà cái số 500 dân thợ khi trước, nay chỉ còn không đặng phân nửa cái số ấy, kẻ thì mắc phải gia đình ràng buộc, người thì lo việc khác, người thì qui liễu, nghĩ có đáng buồn chẳng?

    Nhưng mà các con cũng cố gắng theo Thầy lo tô điểm đã ngoài 4 tháng, nhằm ngày 30 tháng Chạp mới hoàn tất.

    Vậy ngày nay, các con xin giao Tòa Thánh lại cho Hội Thánh.

    6. Qua giai đoạn thứ sáu:

    Chúng con xin dâng những nguyện vọng của các con sau nầy. Từ buổi ban sơ đến nay, các con được hấp thụ những lời giáo hóa của Sư phụ thì Đền Thờ Đấng Cha Lành là của chung toàn nhơn sanh, nay mà làm đặng trong xứ Nam nầy tức là nguồn cội của dân Nam.

    Các con đây, tuy là phận ngu hèn dốt nát mặc dầu, cũng hiểu biết ít nhiều Đạo lý.

    Đền Thờ là của chung, các con đây là con của Đức Chí Tôn, nên các con phải nhịn ăn nhịn mặc, sự làm dầu khó khăn nhọc nhằn đến mấy thì các con cũng cương quyết.

    Ngày nay, Đền Thờ đã kết liễu, thì sự vui mừng của các con đã mãn nguyện, nên các con đây cũng không vì công làm bấy lâu mà nài xin với Hội Thánh điều chi hết.

    Các con có một điều hy vọng là ngày nào đời đặng thái bình, dân Nam đều biết Đạo, thì các con chí hướng đi tu mà thôi.

    Hiện nay Sư phụ đã già, mà sự tạo tác cũng còn, thì các con cũng tình nguyện theo chơn Thầy mà làm việc. Ngày nào Sư phụ giao việc lại cho Hội Thánh thì các con cũng xin thôi, hầu có lo cơ bảo tồn. Đó là nguyện vọng của các con như thế.

    Nhân dịp ngày Xuân, các con đồng chúc Sư phụ muôn tuổi, Chức sắc Hiệp Thiên Đài, Chức sắc Cửu Trùng Đài, Chức sắc Phước Thiện, đều đặng trường cửu, Thượng Hạ Sĩ quan Quân đội vạn sự hòa bình, Tòa Thánh mới đặng thất ức niên.

    HỰU BÚT:

    Theo lời vừa mới đọc qua, đó là nguyện vọng chung, còn phần riêng của anh chị em nào muốn cầu xin Hội Thánh điều chi thì làm, nạp cho Tá Lý và Tổng Giám xét công dâng lên Hội Thánh định đoạt."

    Tòa Thánh, ngày mùng 3 tháng Giêng năm Đinh Hợi.

    (dl 24-1-1947)

    TỔNG GIÁM Lê Văn Bàng

    Tá Lý Lê Ngọc Lời đọc xong, Đức Hộ Pháp đáp lại, với vẻ cảm động và vui mừng, rằng:

    "Những công trình kiến tạo nầy, nếu không phải có Thiên cơ tiền định thì chưa mấy ai tạo đặng, bằng cớ là khi Đạo đặng thạnh hành, nhơn sanh hằng triệu, ông Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh đảm đương khởi tạo, rốt cuộc cũng thất bại.

    Sau, Đức Quyền GiáoTông Thượng Trung Nhựt hiệp cùng Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh kế tạo cũng không thành.

    Sau nữa, ông Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh cũng hăng hái nông trang, lại cũng không kết quả.

    Sau bao lần bất thành, Bần đạo đứng ra hiệp cùng những môn đệ trung thành còn sót lại mà lần hồi tạo tác cho đến ngày nay được kết quả với một kỳ công xứng đáng.

    Khi khởi công, trong tủ không có một đồng, phải chăng Đức Chí Tôn đã thử thách tấm lòng son sắt của chúng ta.

    Ấy vậy, tên tuổi của mấy em và mấy con trong lúc kiến tạo nầy, sử Đạo sẽ lưu truyền nêu danh hậu thế."

    Cô thợ hồ Nguyễn Thị Sen đọc bài chúc mừng Đ. Hộ Pháp:

    "Bạch Đức Hộ Pháp,

    Thưa cùng chư Chức sắc Thiên phong nam nữ,

    Chúng con là thợ hồ phái nữ, xin kính lễ chào Quí Ngài, và có mấy lời biện bạch, cúi xin Quí Ngài niệm tình tha lỗi.

    Trong thời kỳ tạo tác Tòa Thánh, chúng con không ngờ rằng một dịp may cho nữ phái chung công hiệp sức cùng nam phái để tạo Đền thờ Đại Từ Phụ. Nếu được các Ngài nhìn nhận, chúng con cũng dám tự nói rằng, trong sự đua tranh về hành vi giúp đời tạo thế, chúng con dù phận liễu yếu đào thơ, cũng không đến nỗi thẹn cùng bạn mày râu nam tử.

    Hồi nhớ lại khi hẩm hút tương rau, khi áo quần không đủ ấm, chúng con nhờ nương nơi chí thanh cao của Đức Giáo chủ dắt dìu, chúng con lòng không sờn, chí chẳng đổi, dầu phải trải qua bao phen khổ não về tinh thần lẫn vật chất. Ôi! thời kỳ tạo tác Tòa Thánh, nếu chúng con không đủ đức tính hy sinh, không đủ lòng kiên nhẫn, không đủ sức thắng nổi phàm tâm thì ngày nay, chúng con không còn đứng trước mặt Quí Ngài mà tự hào công trạng.

    Ấy vậy, Tòa Thánh ngày nay được hoàn thành, chúng con rất vui mừng không xiết. Và ngày nay, tháng Giêng năm Đinh Hợi, Bính Tuất đã dứt, Đinh Hợi vừa sang, chúng con cúi đầu chúc Sư phụ năm mới được vạn sự an lành; nhân dịp, chúng con cúi đầu chúc chư Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài được Đức Chí Tôn ban bố hồng ân hầu đủ phương thế cứu vớt nhơn sanh thoát vòng khổ hải. Sau đây, chúng con cầu chúc quí vị Sĩ quan sang năm mới được nhiều may mắn.

    Xuân đi Xuân đến, đối với các con đã gây biết bao mối cảm tình, hòa lẫn những dòng lệ ưu hoài cuộc thế vần xoay, ngày nay chúng con cảm thấy bao nhiêu chuyện mới mẻ tươi cười, mà cũng bao nhiêu điều cũ kỹ bi ai, các con hồi tưởng lại 5 năm vừa qua, trong lúc vắng mặt Sư phụ, các con đây chẳng khác chim nọ lạc bầy, chiu chít nơi mây bạc đầu non, chân trời góc bể, các con trên đường đời như cánh nhạn trời cao, mỗi người một ngã, các con chỉ sống với cái sống tạm thời, cũng như sương sa gió thoảng, tìm đủ phương dẹp mối thê lương, song cũng không thể nào quên hết những nỗi đau khổ của một ông cha hiền lành và rất kính mến, vì nhơn loại, vì các con mà phải chịu cực khổ mấy năm trường, các con ở nơi nhà, hằng để tâm cầu khẩn Đức Chí Tôn, xin cho Sư phụ trở về nơi Tổ quốc.

  • Tòa Thánh Tây Ninh

    May mắn thay, Thiên ý chiều người, Sư phụ đã trở về. Ngày nay, các con đặng gặp và tụ hội nơi đây để chúc mừng Sư phụ trong ba ngày Xuân nhựt. Trong ba ngày, các con dọn cái bàn trong tâm giới, đốt sáng ngọn đèn huệ minh, lau chùi sạch sẽ cái trí, lọc lừa trong nước hằng sống của linh hồn, đặng đến trước Đền Thờ cầu nguyện cùng Đấng Chí Tôn, cầu xin cả thế giới đặng hòa bình, khỏi nạn chiến tranh, và nền Đại Đạo được mau chóng hoằng hóa. Các con đồng kính."

    Khi đọc xong, Đức Phạm Hộ Pháp đáp lời rằng:

    "Bần đạo không ngờ mấy em phái nữ mà đạt được một kỳ công đáng giá dường nầy. Hồi nhớ lại, khi mới khởi công, Bần đạo đã chọn bên phái nam tạo tác mà thôi, sau vì nhơn công không đủ làm việc, nên mới lập cho mấy em, ban đầu trộn hồ gánh gạch, lần hồi xây đắp vách tường, công việc của mấy em làm càng ngày càng tiến bộ, cũng như phần đông nam phái. Có phải mọi việc chi cũng có đủ Nam Nữ (Âm Dương) mới tạo thành lý Đạo, ấy là định ý của Đức Chí Tôn đó vậy.

    Khi ấy, vì lòng dè dặt của Bần đạo, nên mới buộc mấy em và mấy con phải hồng thệ thủ trinh, đặng đủ tinh khiết mà tạo nên Đền Thánh.

    Ngày nay đặng hoàn thành rồi, Bần đạo sẽ lần lượt giải thệ cho mấy em và mấy con nào muốn ra lập gia đình tùy thích."

    Đức Hộ Pháp kêu vị Tổng Giám Lê Văn Bàng đem TỜ GIAO LÃNH mà khi xưa mấy vị nầy đã ký giao ước với Ngài lại với Hội Thánh, chư Chức sắc Cửu Trùng Đài nam nữ đồng ký tên nhận lãnh, có các Chức sắc Hiệp Thiên Đài chứng kiến, mà Đức Hộ Pháp lại ký tên với danh vị một người thợ hồ.

    Ông Ngọc Chánh Phối Sư thay mặt Hội Thánh Cửu Trùng Đài để lời cám ơn Đức Hộ Pháp và chư Đạo hữu nam nữ đã dày công kiến tạo Tòa Thánh. Ông xin nhơn danh Hội Thánh Cửu Trùng Đài mà nhận lãnh Tòa Thánh gìn giữ muôn đời.

    Lập tại Tòa Thánh Tây Ninh, ngày mùng 3-Giêng-Đinh Hợi.

    (dl 24-01-1947)

    4. Kích thước thật sự của Tòa Thánh

    Theo lời giáng dạy của Đức Lý Giáo Tông, họa đồ xây cất Tòa Thánh do Ngài vẽ theo kiểu vở của Thiên đình, có:

    · Bề ngang Chánh điện là: 27 mét.

    · Bề dài Tòa Thánh là: 135 mét.

    chia ra:

    o Hiệp Thiên Đài dài: 27 mét

    o Cửu Trùng Đài dài: 81 mét

    o Bát Quái Đài dài: 27 mét.

    · Nền Bát Quái Đài cao 9 mét, nhưng Đức Chí Tôn sửa bớt lại cho đỡ tốn kém:

    o nền cấp thứ 1 của Cửu Trùng Đài cao 5 tấc,

    o mỗi cấp Cửu Trùng Đài cao 3 tấc, 9 cấp thì cao 2,70 mét,

    o cộng lại cao: 3,20 mét.

    · Bề cao Lầu chuông và Lầu Trống là: 36 mét.

    · Bề cao của Nghinh Phong Đài là: 24 mét.

    · Bề cao của Bát Quái Đài là: 24 mét.

    Nhưng sau đó, Đức Chí Tôn có giáng cơ dặn Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh rằng:

    "Thơ! Thái Bạch muốn lập Thánh Thất coi cho tốt đẹp, chẳng tưởng sự khó nhọc các con, Thầy chẳng đành. Thoảng như tốn kém nhiều, các con coi theo họa đồ, tính làm theo thước mộc, nghe à!"

    Do đó kích thước thật sự của Tòa Thánh nhỏ hơn kích thước theo họa đồ của Đức Lý Giáo Tông.

    Kích thước thật sự của Tòa Thánh đo được với độ chính xác (sai số tương đối) từ 0,5% đến 1%, kể ra như sau:

    · Bề ngang Tòa Thánh kể cả 2 hành lang là: 22 mét.

    · Bề ngang Chánh điện, đo lọt lòng là: 15, 40 mét.

    · Bề ngang của hành lang đo lọt lòng là: 2, 40 mét.

    · Bề dài Tòa Thánh:

    • từ cuối Bát Quái Đài đến mặt tiền Lầu chuông là: 94 mét.

    • từ cuối Bát Quái Đài đến hết bực 5 cấp dưới bao lơn là: 98, 50 mét.

    · Bề ngang của Lầu trống hay Lầu chuông đo được: 4,30 mét.

    · Cửu Trùng Đài có 9 cấp, bề rộng mỗi cấp là: 7 mét.

    · Bề rộng của gian giữa (Chánh điện) đo được: 7 mét.

    · Bề rộng của mỗi gian ở 2 bên là: 4, 20 mét.

    · Bề rộng của Tịnh Tâm Điện là: 5, 60 mét.

    · Bề rộng của Cung Đạo là: 2, 80 mét.

    · Bề cao của Lầu chuông bằng bề cao của Lầu trống:

    • từ mặt đất lên đến nóc là: 27 mét.

    • tính từ mặt đất lên đến miệng hồ lô là: 28, 20 mét

    · Bề cao của Phi Tưởng Đài tính tới nóc là: 14 mét.

    · Bề cao Nghinh Phong Đài tới đỉnh Địa cầu là: 17 mét.

    · Bề cao Bát Quái Đài tính tới nóc là: 19 mét.

    · 5 cấp dưới bao lơn, bước lên cửa chánh Tòa Thánh, mỗi cấp có bề cao là 16 phân (16 cm).

    · 4 cấp dành cho Thập nhị Thời Quân đứng chầu lễ Đức Chí Tôn, mỗi cấp có bề cao là 19 phân (19 cm).

    · 9 cấp của Cửu Trùng Đài, mỗi cấp cao 18 phân.

    · 12 cấp nơi Bát Quái Đài, mỗi cấp cao 10 phân.

    · Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 112 cây cột tròn để chống đỡ mái hiên nơi hành lang.

    · Mặt tiền Tòa Thánh, dưới bao lơn có 6 cây cột: 2 cây quấn rồng đỏ và 4 cây quấn bông sen.

    · Tịnh Tâm Điện có 10 cây cột sơn trắng sọc xanh.

    · Cửu Trùng Đài có 18 cây cột rồng xanh (Long trụ), chia làm 2 hàng, mỗi hàng 9 cây.

    · Cung Đạo có 2 cây cột rồng vàng.

    · Bát Quái Đài có 8 cây cột rồng vàng đứng theo 8 góc của hình Bát Quái.

    Tổng cộng, ở từng trệt của Tòa Thánh, bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cây cột lớn và nhỏ.

    5. Lễ Trấn Thần Tòa Thánh

    "Sớm mai ngày mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Hợi (dl 27-01-1947), Đức Phạm Hộ Pháp hành lễ Trấn Thần và thuyết minh. (Lời ký chú của Chức sắc Hiệp Thiên Đài đã thừa lịnh Đức Hộ Pháp)

    MINH TẢ:

    Đức Hộ Pháp mặc Tiểu phục, dạy Thừa Sử Huỳnh Hữu Lợi, Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn và các Chức sắc có trách nhiệm đồng theo Ngài đến Báo Ân Từ triều bái Đức Chí Tôn (vì Quả Càn Khôn còn thờ nơi Báo Ân Từ), xong Ngài dùng nước Âm Dương cúng thời Mẹo hành pháp, xin Cam Lồ Thủy và một nhành dương giao cho Thừa Sử Lợi.

    Đức Hộ Pháp lấy 3 bó hương, hành pháp xong, Ngài giao cho Truyền Trạng Trấn.

    Đức Ngài ra đi thẳng lại Đền Thánh là 9 giờ 28 phút. Ngài đứng ngay trước Đền Thánh, ngó ngay Thiên Nhãn trước Phi Tưởng Đài rải Cam Lồ Thủy và cầm bó hương hành pháp Trấn Thần. Ý nghĩa là từ đây, Đức Chí Tôn hằng để mắt dìu dẫn con cái của Ngài và mong mỏi được vui thấy con cái của Ngài về chầu Ngài nơi Bạch Ngọc Kinh, sau khi làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của Ngài phú thác.

    Đoạn tiếp hành pháp Trấn Thần như thế lần lượt đến tượng Đức Phật Di-Lạc trên nóc Phi Tưởng Đài.

    Đức Hộ Pháp nói: Đức Phật Di-Lạc đã ngự vào tượng, ngồi thị chứng cho nhơn loại thập phương thế giới day hướng về Đền Thánh mà cầu nguyện Ngài ban ân huệ cho toàn sanh chúng.

    Tượng Đức Quyền Giáo Tông và Bà Nữ Đầu Sư có ý nghĩa là: Nhị vị ngự thường xuyên trước Đền Thánh để tiếp rước nhơn sanh tiến bước vào đường Chánh giáo, năng lo dìu dắt con cái Chí Tôn mỗi khi vào cầu nguyện và chiêm bái Đức Chí Tôn.

    Pho tượng hai vị Thiện Thần và Ác Thần ở tại hai bên trước mặt Tòa Thánh là cấp hạ của Tịnh Tâm Đài. Đức Phạm Hộ Pháp nói:

    Đời thường lầm lạc, làm điều ác cho là thiện và thường lấy điều lành cho là ác. Nên từ đây, năng lực của Thiện Thần sẽ phô bày ra mặt đời, thế nào là chánh, việc nào là thiện, làm thế nào là phước, cho thiên hạ rõ.

    Còn Ác Thần thì phô bày ra mặt đời, thế nào là tà, việc nào là ác, sao gọi là tội, cho nhơn loại rõ.

    Hai Ông Thần nầy rất linh hiển, dùng quyền năng thiêng liêng đưa ra thiệt tướng trong hai con đường: Phước và Tội, Siêu và Đọa, Sanh và Tử để cho con cái Đức Chí Tôn khỏi lầm lạc, hầu tránh khỏi con đường tự diệt. Đi vào con đường sanh thì nhơn loại mới mong hòa bình được.

    Đức Hộ Pháp vào cửa Đền Thánh, đứng ngay ngó vào Tịnh Tâm Điện, trấn Thần cái Cân trên ngưỡng cửa. Ngài nói: Từ đây, cái Cân Công Bình thiêng liêng của Đức Chí Tôn đã biến tướng thiệt hiện ở thế gian nầy để phân công chiết tội mà định phẩm vị tòa sen cho toàn con cái của Ngài.

    Đức Hộ Pháp sang bên nam, phía tả Đền Thánh, ngang Cửu Trùng Đài đúng 12 bước thẳng, trấn Thần con Long Mã. Ngài giải: Long Mã tượng trưng Đạo là cơ sanh hóa vạn vật, trên lưng nó có bộ Bát Quái Đồ thơ và cây bửu kiếm, nên có câu: Long Mã phụ Hà đồ. Ý nghĩa: Đạo xuất từ Đông, đem từ Đông sang Tây cứu vớt chúng sanh, đem vạn linh trở về nơi sanh hóa, tránh cơ tự diệt, nên hình Long Mã chạy về Tây mà đầu ngó ngoéo về Đông. (Sau nầy Đức Ngài sẽ giải thêm hay là nhờ các bậc uyên thâm đạo đức giải rõ).

    Đức Hộ Pháp đến Bát Quái Đài, ngó lên trên, trấn Thần pho tượng Tam Thế Phật (Tam Thanh).

    1. Brahma Phật đứng trên lưng con Thiên nga (ngỗng trời) ngó tới (ngó hướng Tây), ấy là ngôi thứ nhứt, tượng trưng ngôi Thánh đức, thuộc về Cơ Sanh hóa, ấy là Đấng tự hữu hằng hữu, hữu nguyên hữu thỉ của vạn vật.

    2. Đức Phật Çiva đứng trên Thất Đầu Xà (rắn 7 đầu), ngó về phía hữu (hướng Bắc), ấy là ngôi thứ hai tượng trưng phần Âm Dương, cơ Sanh, cơ Diệt, ấy là ngôi Bảo tồn.

    3. Đức Phật Christna đứng trên con Giao long (cá hóa rồng) ngó về phía tả (hướng Nam), ấy là ngôi thứ ba, tượng trưng cuộc tuần hoàn, tiên tri cho nhơn loại biết việc trí xảo thuộc cơ Tranh đấu, cũng là cuối Hạ nguơn, khởi Thượng nguơn Tứ Chuyển.

    Đức Hộ Pháp trấn Thần 4 con Kim Mao Hẩu: 2 ở hai bên nấc thang nơi Cửu Trùng Đài và 2 ở nơi nấc thang nơi Bát Quái Đài, bên hữu Đền Thánh; rồi Ngài vào Cửu Trùng Đài sang qua bên tả Đền Thánh trấn Thần 4 con Kim Mao Hẩu ở bên đó luôn.

    Giải: Con Kim Mao Hẩu rất mạnh và khỏe, tượng trưng cái năng lực tinh thần người tu, nhờ nó mà qua các từng Trời và về cùng Thầy. Ngày nay, Đền Thánh cất xong, Đức Chí Tôn cho 8 con Kim Mao Hẩu xuống trần để trấn Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài tại thế, là không cho ai dùng bạo quyền nào mà chạm đến nó vậy.

    Đức Hộ Pháp vào bên tả Cửu Trùng Đài, trấn Thần Thiên Nhãn xung quanh Tổ đình, khởi từ giữa xuống đến Bát Quái Đài, rồi sang qua bên hữu, hết thảy là 23 Thiên Nhãn ngó ra ngoài hành lang, rồi trở vào trong cửa bên hữu Cửu Trùng Đài, trấn Thần tượng Tam giáo Ngũ Chi, sang bên hữu trấn Thần tượng Bát Tiên: Hớn Chung Ly, Trương Quả Lão, Tào Quốc Cựu, Lý Thiết Quả, Hàn Tương Tử, Lữ Đồng Tân, Hà Tiên Cô, Lam Thể Hòa.

    Sang bên tả, Đức Hộ Pháp trấn thần Thất Thánh: Lý Tịnh, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử, Na Tra, Kim Tra, Mộc Tra.

    Trở xuống, Ngài trấn Thần chữ KHÍ. Nơi ngai của Hộ Pháp ngự có một con rắn thần 7 đầu, quấn vào thân dưới của ngai, ngóc lên sau lưng 3 đầu, gục xuống 4 đầu, cái mình quấn ngôi Thượng Phẩm, cái đuôi quấn ngôi Thượng Sanh.

    Rắn thần 7 đầu tượng trưng con người có Thất tình.

    3 đầu rắn ngó lên sau lưng Hộ Pháp là: Hỷ, Lạc, Ái. Người tu nên luyện tập nâng đỡ 3 tình: Mừng, Vui, Thương.

    Còn 4 tình: Ai, Nộ, Ố, Dục, thì đè nén xuống, đừng cho ngóc đầu lên.

    Khi Đức Hộ Pháp trấn pháp, hành Bí pháp cùng Thể pháp các Đàn Vía Sóc Vọng, khi Ngài đứng là Chuyển Pháp, Ngài ngồi là Trụ Pháp, nên khi Ngài ngồi, 2 chân đạp lên 2 đầu: Ai tả, Nộ hữu; 2 tay đè: Dục tả, Ố hữu.

    Đức Ngài nói: Khi Hộ Pháp trấn trên Thất đầu xà là đè nén các vật dục ở thế nầy gom lại để đời khỏi cấu xé nhau, để Mừng, Vui, Thương cho mọi người chung hưởng, để gìn giữ đạo đức, tu hành dễ dàng, nước nhà thạnh trị.

    E sau nầy Hộ Pháp xuất ngoại, Thượng Sanh về ngự nơi đuôi, thì tự do Thất tình lôi cuốn cấu xé lẫn nhau, không phương kềm chế. Ấy là cơ thử thách nội và ngoại.

    Ngày nào Hộ Pháp trấn lại trên ngai thì mới có thể dễ dàng mọi việc cho Đời Đạo. Quyền thiêng liêng phải vậy, đặng vay trả cho sạch oan khiên, mới đem thuần phong mỹ tục, vãn hồi hòa bình trật tự, tháng Thuấn ngày Nghiêu, trở nên Thượng cổ.

    Còn chữ KHÍ ở sau ngai Hộ Pháp là Khí Sanh Quang của Càn Khôn Vũ Trụ. Vạn vật nhờ Khí Sanh Quang hiện tượng ra mặt thế để bảo tồn cơ Sanh hóa hay Tấn hóa của toàn thể vạn loại, tức là hữu sanh.

    Đã xong Lễ Trấn Thần, Đức Phạm Hộ Pháp đứng giữa Đền Thánh, thì Cô Lễ Sanh Hương Tranh hỏi: Bạch Thầy, còn 23 Thiên Nhãn ngó vào trong Đền Thánh, sao Thầy không trấn Thần luôn?

    Ngài dạy rằng: Thiên Nhãn bên ngoài thì để cho thiện nam tín nữ quì ở ngoài, khi chầu lễ nếu chật chỗ thì ở ngoài, xung quanh Đền Thánh lạy vào chiêm bái trong giờ hành lễ. Đó cũng là nêu ra từ Đông, Tây, Nam, Bắc, dầu ven trời góc bể, nơi nào đến giờ lễ bái, day về hướng Đền Thánh lạy thì đều có Thiên Nhãn cả. Ấy là Thể pháp tượng trưng Bí pháp.

    Còn Thiên Nhãn ở vách ngó vô Đền Thánh, vì người đạo quì ngang, sợ ô uế, không coi sóc cho tinh khiết được."

    6. Vụ trái mìn 1000 kg chôn dưới nền Tòa Thánh

    Đây là một âm mưu thâm độc cuối cùng của Chánh quyền thuộc địa Pháp nhằm tiêu diệt Đạo Cao Đài.

    Xin chép ra sau đây lời tường thuật của Cựu Thiếu Tướng Lê Văn Tất về vụ trái mìn 1000 kg của quân đội Pháp bí mật chôn dưới nền Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh, cốt ý là để giựt cho nổ làm sập Tòa Thánh khi cần:

    Trong khi dốc hết tâm sức để diệt Đạo, bắt lưu đày Đức Hộ Pháp và những Chức sắc Thiên phong lãnh đạo cùng với một số đông tín đồ, người Pháp lại còn trù mưu đánh một đòn quyết liệt cuối cùng nữa là đánh sập luôn Đền Thánh Cao Đài, một trung tâm tín ngưỡng thiêng liêng của toàn đạo.

    Nhân dịp đóng binh chiếm cả châu vi Tòa Thánh (kể từ năm 1942), theo lịnh cấp trên của chúng, một Tiểu đoàn quân Pháp ở đó, đã chôn một quả địa lôi (mine) nặng 1000 kí lô dưới nền Tòa Thánh, để chờ dịp giựt cho nổ sập Tòa Thánh nầy.

    Việc quân đội Pháp chôn trái mìn 1000 kí lô nầy, toàn đạo không một ai hay biết cả, vì Hội Thánh đã bị lưu đày, người đạo ở Thánh địa bị đuổi về quê quán, nhân công xây dựng Tòa Thánh bị giải tán, không được ở Tòa Thánh nữa.

    Tòa Thánh, tuy đã xây cất xong, nhưng trên mặt nền chưa kịp lót gạch, nên khi quân Pháp chiếm đóng ở đó, chúng đã lén chôn một trái mìn ở dưới nền mà không có gặp một sự trở ngại nào cả và cũng không có ai hay biết gì cả, chỉ trừ có bọn họ mà thôi.

    Nhưng nhờ có một sự huyền diệu lạ thường mà người Pháp không thể thực hành được âm mưu thâm độc của chúng, bởi lẽ Đức Chí Tôn đã đến khai Đạo tại nước Việt Nam, đã chọn làng Long Thành tỉnh Tây Ninh làm Thánh địa, đặt Đền Thờ của Ngài, thì thiết tưởng những âm mưu của đám bạch quỉ phàm phu ở mặt thế nầy để chống lại và tiêu diệt mối Đạo của Ngài, nhứt định không thể thành tựu được.

    Dưới đây là lời trần thuật của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng người Pháp tên là Roubaud:

    Thuở ấy y là viên Tiểu Đoàn Trưởng cuối cùng đã chỉ huy một Tiểu đoàn quân Pháp đóng tại châu vi Tòa Thánh. Thiếu Tá Roubaud đã ghi lại cho đăng trên tuần báo Paris-Match, một tuần báo rất nổi tiếng của Pháp, một câu chuyện rất ly kỳ và huyền diệu mà trong thời gian sống lưu vong tại Phnom-Pênh (Cao Miên) (kể từ năm 1956), tôi (Cựu Thiếu Tướng Lê Văn Tất) đã có dịp đọc đến.

    Đầu năm 1956, đúng vào ngày mùng 3 Tết Bính Thân, tôi đã tự ý rời bỏ Miền Nam Việt Nam đang chịu dưới ách thống trị của gia đình Ngô Đình Diệm. Hai ngày sau, nhằm ngày mùng 5 Tết Bính Thân, Đức Phạm Hộ Pháp cùng hai cô con gái là Cô ba Cầm và Cô tư Tranh và vài vị tùy tùng là Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa với con là Hồ Thái Bạch và Anh Lê Văn Thoại (Út Thoại) cũng đã rời Miền Nam và sang trú ngụ tại Nam Vang.

    Ít lâu sau, nhơn dịp mua tuần báo Paris-Match để đọc như thường lệ, thì nơi mục dành cho độc giả (gọi là Courriers des Lecteurs), tôi bỗng gặp một bài báo của Thiếu Tá Roubaud nói về công việc của bọn họ vào những năm chiếm đóng tại Tòa Thánh Tây Ninh. (quân đội Pháp khởi đóng tại Tòa Thánh vào giữa năm 1942, đến ngày 9-3-1945 thì bị Nhựt đảo chánh).

    Thiếu Tá Roubaud đã viết đại khái là:

    "Trong vài tuần trước, tôi có đọc một bài phóng sự của quí báo về một tôn giáo mới ở Việt Nam. Đó là tôn giáo Cao Đài và những hình ảnh đăng kèm theo bài báo làm cho tôi nhớ lại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, nơi mà chúng tôi từng đóng quân.

    Khi phái quân đội vào trấn đóng tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, nhà cầm quyền đã trù mưu triệt hạ Đền Thờ nầy và có ra lịnh cho chúng tôi chôn một trái mìn 1000 kí lô ở dưới nền, với một nhiệm vụ đặc biệt như thế nầy: Ngày nào quân đội Nhựt kéo lên chiếm Tây Ninh và vùng Tòa Thánh Cao Đài thì chúng tôi phải cho nổ trái mìn ấy để phá hủy vĩnh viễn Tòa Thánh trước khi rút quân chạy đi nơi khác.

    Khi viên Tiểu Đoàn Trưởng đã đóng ở đây trước tôi được lịnh đổi đi lãnh một nhiệm vụ khác, ông ta có làm một Biên bản bàn giao nhiệm vụ với tôi, nhưng không rõ vì nguyên do nào mà trong Biên bản bàn giao ấy, ông ta bỏ sót cái khoản quan trọng nói về nhiệm vụ của Tiểu đoàn quân Pháp là phải giựt mìn cho nổ sập Tòa Thánh trước khi Tiểu đoàn rút lui trước cuộc tiến quân của Nhựt.

    Vì lẽ không có ghi điểm trọng hệ nầy trong Biên bản giao lãnh, nên tôi và Tiểu đoàn của tôi là đơn vị cuối cùng chiếm đóng Tòa Thánh, đã không cho nổ trái mìn nói trên.

    Ngày nay, tôi tưởng trái mìn vẫn còn nằm ở đó. Vậy, hôm nay, xuyên qua quí báo, tôi xin loan báo cho Hội Thánh Cao Đài biết rõ tin nầy và ngày nào mà Hội Thánh Cao Đài liên lạc được với tôi, tôi sẽ sẵn sàng chỉ chỗ chôn trái mìn ấy cho mà đào lấy lên."

    Sau khi đọc bài báo của Thiếu Tá Roubaud, tôi liền đi mua thêm một tờ báo Paris-Match nữa, đem vào nơi Đức Hộ Pháp cư ngụ (là Thánh Thất của Hội Thánh Ngoại Giáo do ông Giám Đạo Huỳnh Hữu Lợi và vợ là Bà Hương Nhâm trông coi) và trình cho Đức Ngài xem bài báo của Thiếu Tá Roubaud.

    Đợi đến lúc Đức Hộ Pháp xem xong bài báo, tôi mới đề nghị với Đức Ngài như sau: "Xin Thầy cho liên lạc với Thiếu Tá Roubaud, xuyên qua Paris-Match, để hỏi xem cho biết chỗ chôn trái mìn ở dưới Đền Thánh đặng cho đạo ở Tây Ninh đào mà lấy lên."

    Đức Hộ Pháp cười và bảo: "Không cần gì đâu con. Nếu không có ai câu điện mà giựt nó thì nó sẽ không nổ, để lâu ngày rồi nó cũng sét và trở thành đất mà thôi."

    Nghe Đức Hộ Pháp nói như vậy, tôi hầu chuyện với Đức Ngài thêm giây lát nữa rồi xin cáo lui và để tờ báo Paris-Match lại cho Đức Ngài tham khảo và sử dụng khi cần đến.

    Xuyên qua sự việc nầy, tôi nghĩ rằng đã có bàn tay vô hình của các Đấng Thiêng liêng sắp đặt để bảo vệ yên lành tòa ngự của Đức Chí Tôn. Nếu chẳng phải vậy thì thế nào mà viên Thiếu Tá tiền nhiệm của Thiếu Tá Roubaud lại có thể bỏ sót cái mật lịnh của cấp trên là giựt sập Tòa Thánh Cao Đài khi nào quân Nhựt tiến lên chiếm Tây Ninh và vùng Thánh địa.

    Cũng có thể cho rằng viên Thiếu Tá nọ đã có ý tốt, đã có đạo tâm, nên không ghi cái mật lịnh ác độc nọ vào Biên bản bàn giao đã kể trên. Nhưng người nhà binh mà không thi hành một mệnh lệnh bí mật nào của cấp trên thì phải bị đưa ra trước Tòa án Quân sự ngay.Và khi đã dám qua mặt thượng cấp như thế, viên Thiếu Tá nọ phải là một người hết sức liều mạng, nên mới dám vi lịnh cấp trên một cách trắng trợn như vậy. Cũng có thể nói là tình trạng Chánh quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương chẳng khác nào như chỉ mành treo chuông. Do sự tiến triển của tình hình chiến trận, Nhựt càng ngày càng siết chặt sự kiểm soát đối với Pháp. Còn ở chánh quốc Pháp thì tình hình rất rối ren và đen tối, khiến cho tất cả người Pháp ở Đông Dương, từ Toàn quyền Decoux xuống đến tên thuộc hạ nhỏ cấp nhứt, đều rủn chí thối thần.

    Bởi vậy nên trường hợp của viên Thiếu Tá tiền nhiệm của Thiếu Tá Roubaud, hẳn là ông ta không còn có một sự thiết tha nào đối với công việc diệt Đạo nữa để mà chác thêm tội tình và mang lấy một cảm giác tội lỗi, nó sẽ dằn vật lương tâm của ông ta suốt cả đời.

    Có lẽ do vậy mà ông ta không khứng ghi cái mật lịnh ác độc nọ vào Biên bản bàn giao giữa ông ta và Thiếu Tá Roubaud mà làm gì!

    Có những hạng người nhà binh từng lấy làm vinh diệu khi diệt những kẻ địch có súng trong tay hẳn hòi và chống cự lại họ. Trái lại, họ cảm thấy nhục nhã khi bị bắt buộc phải đàn áp những người nông dân tu hiền, không có một tấc sắt trong tay, hoặc phải giựt sập một Đền thờ nguy nga, tượng trưng cho một nền văn hóa mới mà không có một người lính nào bảo vệ cả. Có thể là viên Thiếu Tá nọ thuộc về hạng người nầy, nên khi gặp thời cơ thuận tiện (lúc Chánh quyền thuộc địa sắp tan rã), ông ta mới lờ đi cái mật lệnh cấp trên.

    Tôi cho rằng đây cũng là một cách sắp đặt của các Đấng để giữ vẹn cái Đền Thờ của Đức Chí Tôn.

    7. Những sự kỳ diệu của Tòa Thánh

    Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình kiến trúc vĩ đại và kỳ diệu của Đạo Cao Đài. Nó kỳ diệu về phương diện vị trí xây cất, kỳ diệu về kiểu cách hình dáng và kỳ diệu về phương pháp kiến trúc.

    1/. Kỳ diệu về vị trí xây cất, bởi vì Tòa Thánh được cất ngay trên cuộc đất Lục Long Phò Ấn. Đó là Thánh địa, là đất linh trổ sanh các bậc Thánh, Tiên, Phật, là nơi mà Thượng Đế lựa chọn để làm Đền Thờ cho Ngài đến ngự.

    2/. Kỳ diệu về kiểu cách hình dáng, bởi vì Đức Chí Tôn có nói: Đức Lý Thái Bạch cất Tòa Thánh theo kiểu vở của Thiên đình.

    Kiểu cách hình dáng của Tòa Thánh là một sự phối hợp hài hòa của các văn minh kiến trúc của các nền tôn giáo lớn trên thế giới.

    Khi mới thoạt nhìn vào Tòa Thánh, chúng ta thấy nổi bật hai Lầu chuông trống cao chót vót, tương tự như những tháp chuông của các nhà thờ Thiên Chúa giáo.

    Ở giữa hai tháp có tượng Đức Phật Di-Lạc ngự trên nóc với những mái ngói đỏ cong cong chập chùng, tương tự như kiểu dáng của các chùa Phật giáo Trung Hoa.

    Nghinh Phong Đài thì bên dưới hình vuông, bên trên hình tròn, chóp tròn, có dáng như những cái tháp của những đền thờ Hồi giáo. Ngoài ra còn gợi cho chúng ta hình ảnh Trời tròn Đất vuông, với những liên tưởng về Vũ Trụ Quan trong Kinh Dịch của Nho giáo. Các nhà Dịch học, nếu nghiên cứu sâu vào các con số về kích thước của Tòa Thánh và những bố trí bên trong, sẽ thấy được những điều kỳ diệu bất ngờ trên những con số dịch học.

    Bát Quái Đài có hình dáng làm chúng ta liên tưởng đến Bát Quái Đồ của Đạo Tiên, và trên nóc Bát Quái có 3 pho tượng của 3 vị Phật mà Đạo Bà-La-Môn tôn thờ.

    Trong Cửu Trùng Đài có 9 cấp bậc từ thấp dần lên cao, giống như 9 bậc phẩm của quan lại trong triều đình vua chúa theo Nho giáo thời xưa ở nước Trung Hoa.

    Tất cả những hình thức trên thể hiện rất rõ tôn chỉ của Đạo Cao Đài là: Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt Ngũ Chi.

    3/. Kỳ diệu về cách thức kiến trúc, bởi vì sự tạo tác Tòa Thánh không giống với bất cứ một công trình xây dựng lớn lao nào của người đời.

    Thông thường, trước khi xây dựng một công trình lớn, người đời phải nhờ kiến trúc sư vẽ kiểu dáng tổng quát, những việc trang trí chi tiết, nghiên cứu nền móng và những kết cấu bê tông, tính toán chọn lựa các thứ vật liệu xây dựng đúng chất lượng cần thiết, v.v... rồi phải xin phép cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng.

    Đối với Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng không có một đồ án chi tiết nào vẽ ra trên giấy hết, cũng như không có sự tham dự của một kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng nào, cũng không có một thứ máy móc nào giúp đỡ, chỉ toàn trông cậy vào hai bàn tay với sức lực của con người, những người thợ nam nữ làm không lãnh tiền công, ăn chay trường với cháo rau đạm bạc và đặc biệt có lập thệ là không được cưới vợ hay lấy chồng trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, để có đủ tinh khiết trong việc xây dựng Đền Thờ, cũng không xin phép xây dựng với một Chánh quyền nào hết. (cũng tương tự như khi lập Tờ Khai Đạo), bởi vì đây là mối Đạo Trời, mối Đạo của Thượng Đế, chỉ có Thượng Đế cho phép mà thôi.

    Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy Đức Phạm Hộ Pháp về vị trí xây cất Tòa Thánh, về kích thước tổng quát: bề dài, bề ngang, bề cao. Đức Hộ Pháp cứ theo đó mà chỉ bảo lại cho công thợ làm, chỉ tới đâu làm tới đó, không biết gì thêm. Hết phần đó rồi, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy tiếp, hoặc Đức Hộ Pháp ban đêm xuất chơn thần đi lên gặp Đức Lý để nhờ Đức Lý chỉ dạy trực tiếp, hay Đức Hộ Pháp vào Bạch Ngọc Kinh quan sát tỉ mỉ kiểu vở, ghi nhớ để về bắt chước làm giống theo.

    Làm như thế trong suốt gần 5 năm, công trình mới hoàn tất. Tòa Thánh trở thành một kỳ quan về kiến trúc của Việt Nam.

    Sau khi xây dựng Tòa Thánh xong, Ban Kiến Trúc mới đo đạc kích thước, vẽ lại họa đồ kiến trúc Tòa Thánh theo đúng qui định của khoa Đại học Kiến trúc ngoài đời.

    Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình kiến trúc độc đáo, duy nhứt, có sự phối hợp Trời và Người, Thiên khiển Nhơn tạo, nên được mệnh danh là Bạch Ngọc Kinh tại thế, xứng đáng tiêu biểu nền Đại Đạo của Đức Thượng Đế cứu thế kỳ ba.

    Cho nên Tòa Thánh là một nơi rất thiêng liêng huyền diệu, hấp dẫn được các bậc chơn tu khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng và lễ bái. Quí vị nầy, sau khi Thiền định trong Tòa Thánh một khoảng thời gian ngắn để dùng huệ nhãn quan sát sự thiêng liêng của Tòa Thánh, họ đều nhìn nhận rằng hồng ân của Thượng Đế bao phủ dẫy đầy Tòa Thánh, và điển lành từ cõi thiêng liêng ban rải xuống cho Tòa Thánh liên tục không ngớt, hơn hẳn các Tòa Thánh khác làm đền thờ Đấng Thượng Đế trước đây như ở Jérusalem, ở La Mã, hay ở Tây Tạng.

    8. Chương trình Đại lễ Khánh Thành Tòa Thánh

    Đại lễ Khánh Thành Tòa Thánh và các Dinh thự trong Nội Ô được tổ chức rất long trọng tại Tòa Thánh Tây Ninh từ ngày mùng 6-Giêng-Ất Hợi (dl 29-1-1955) đến ngày 16-Giêng-Ất Mùi (dl 8-2-1955).

    Chương trình các ngày lễ được sắp đặt như sau:

    NGÀY 6-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 29-1-1955)
    Buổi mai: 8 giờ Toàn thể các cơ quan Chánh Trị Đạo tề tựu tại Đại Đồng Xã.
    8 giờ 30 Ban Tổ chức rước Đức Hộ Pháp, có Long mã, nhạc ta, nhạc Tiều, nhạc Tần.
    8 giờ 40 Lễ thượng phướn trước Tòa Thánh và Đền Thờ Phật Mẫu (các dinh thự đều treo cờ).
    9 giờ Ngài Khai Đạo, Trưởng Ban Tổ chức đọc diễn văn khai mạc.
    9 giờ 30 Mở cửa các gian hàng Triển lãm.
    Buổi chiều: 4 giờ Đấu bóng tròn tại Long Hoa.
    8 giờ Chiếu bóng tại Đại Đồng Xã.
    NGÀY 7-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 30-1-1955)
    Buổi mai: 8 giờ Khai Văn đàn Thi cuộc tại Thơ viện (do Ngài Cao Tiếp Đạo, Giáo Sư Thái Đến Thanh, Giám Đạo Nguyễn Văn Hợi và các văn hào Nam Trung Bắc).
    Buổi chiều: 3 giờ Đấu cờ tại Thơ viện (do Ngài Giáo Sư Thượng Tuy Thanh, Lễ Sanh Ngọc Lương Thanh, Lễ Sanh Ngọc Hồi Thanh và các danh kỳ các nước).
    7 giờ Đốt lửa trại, diễn kịch tại Đại Đồng Xã (do Trưởng Ban Hướng đạo sinh).
    NGÀY 8-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 31-1-1955)
    Buổi mai: 8 giờ Toàn thể các cơ quan tề tựu tại Đại Đồng Xã, sắp đặt thứ tự trang nghiêm.
    9 giờ Tiếp rước quan khách nội và ngoại quốc. (nghi lễ do Lễ Viện sắp đặt).
    9 giờ 30 Ban Tổ chức rước Đức Hộ Pháp lên Thiên Hỷ Đài thuyết minh cuộc Lễ Khánh thành Tòa Thánh.
    10 giờ Học sinh biểu diễn các lớp mỹ thuật.
    11 giờ Ban Tổ chức mời quan khách và Chức sắc đi xem các gian hàng Triển lãm.
    12 giờ Tiệc cơm chay đãi quan khách tại nhà tiệc.
    Buổi chiều: 4 giờ Tổ chức các cuộc vui tại Đại Đồng Xã (do Giám Đốc Đạo Đức H.Đ. sắp đặt)
    8 giờ Cộ bông, Cộ đèn đi qua Đền Thánh. Ban Tổ chức thỉnh Đức Hộ Pháp lên bao lơn chấm thưởng, rồi cộ đi các đường Nội Ô.
    9 giờ Đốt pháo bông tại Đại Đồng Xã.
    11 giờ 30 Ba vị Quyền Thái, Thượng, Ngọc Chánh Phối Sư hiệp với Lễ Viện rước Đức Hộ Pháp đến tại Tòa Thánh để đốt một cây pháo bông đặc biệt hiện ra chữ: ĐẠI LỄ KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ ĐỨC CHÍ TÔN.
    12 giờ Đức Hộ Pháp cắt dây băng mở cửa Đền Thánh, khởi hành Đại lễ Vía Đức Chí Tôn Đức Hộ Pháp dâng sớ cầu nguyện cho thế giới hòa bình.
    NGÀY 9-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 1-2-1955)
    Buổi mai: 8 giờ Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu nam nữ các Cơ quan Chánh Trị Đạo tề tựu tại Đại Đồng Xã dự lễ Xuất Quân Quân Đội Cao Đài. Sau khi đọc hết các bài diễn văn rồi thì cộ bông đi qua, kế tiếp là diễn binh.
    Buổi chiều: 5 giờ Toàn thể con cái của Đức Phật Mẫu tề tựu Trước Báo Ân Từ.
    5 giờ 40 Chức sắc các cơ quan thỉnh Đức Hộ Pháp.
    6 giờ Cắt dây băng mở cửa Đền Thờ Phật Mẫu, khởi hành Đại lễ. Sau khi hành lễ xong, Đức Hộ Pháp lên bao lơn đài thuyết minh cuộc lễ Khánh Thành Đền Thờ Phật Mẫu.
    9 giờ Đốt pháo bông tại Đại Đồng Xã.
    NGÀY 10-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 2-2-1955)
    Buổi mai: 7 giờ 30 Cộ bông đi qua cửa Đền Thánh, Ban Tổ chức lên bao lơn đài công bố cho biết các giải thưởng, rồi đi biểu diễn các con đường ngoại ô Thánh địa.
    8 giờ Thiếu nhi quân biểu diễn cuộc vui tại Đại Đồng Xã.
    Buổi chiều: 4 giờ Đấu bóng chuyền tại Đại Đồng Xã (do Ban Tổ chức Tòa Thánh sắp đặt).
    8 giờ Diễn kịch tại Đại Đồng Xã (do Kịch đoàn Tòa Thánh).
    NGÀY 11-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 3-2-1955)
    Buổi mai: 8 giờ Lễ lấy cốt chư Thánh Tông đồ (khoản nầy Ngài Khai Đạo còn thỉnh giáo Đ.Hộ Pháp)
    8 giờ 30 Đấu cờ tướng tại rừng Thiên nhiên.
    Buổi chiều: 4 giờ Học sinh đua xe máy chậm. Căm xe phải dán giấy màu cho thật đẹp.
    8 giờ Phòng Thông tin Quân đội diễn kịch tại Đại Đồng Xã.
    NGÀY 12-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 4-2-1955)
    Lễ Khánh Thành các dinh thự:
    Buổi mai: 8 giờ 30 Các cơ quan Chánh Trị Đạo tề tựu trước cửa Giáo Tông Đường.
    8 giờ 45 Rước Đức Hộ Pháp đi viếng các dinh thự.
    9 giờ Lễ Khánh thành Giáo Tông Đường.
    9 giờ 20 Lễ Khánh thành Hộ Pháp Đường.
    9 giờ 40 Lễ Khánh thành Nữ Đầu Sư Đường.
    10 giờ Lễ Khánh thành Tòa Nội Chánh.
    10 giờ 20 Viếng Ban Chẩn Tế tại Hậu Điện.
    10 giờ 40 Lễ Khánh thành Văn Phòng Hội Thánh Phước Thiện và các dinh thự khác...
    11 giờ Viếng Phòng Triển lãm tại Thơ viện.
    11 giờ 20 Đi viếng các gian hàng Triển lãm.
    12 giờ Đãi cơm chay tại nhà tiệc.
    Buổi chiều: 8 giờ Ban Tổ chức duyệt qua các gian hàng Triển lãm để xem xét chấm thưởng.
    8 giờ 30 Chiếu bóng tại Đại Đồng Xã.
    NGÀY 13-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 5-2-1955)
    Buổi mai: 8 giờ Đấu bóng bàn tại rừng Thiên nhiên.
    8 giờ Hòa nhạc tại Đại Đồng Xã: Âm nhạc cổ điển, Âm nhạc cải cách, nhạc Tiều, Tần.
    NGÀY 14-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 6-2-1955)
    Buổi mai: 8 giờ Long mã, Lân và các Linh thú tranh hùng tại Đại Đồng Xã.
    Buổi chiều: 4 giờ Đấu bóng tròn bán kết đoạt cúp tại Long Hoa Thị.
    8 giờ Cộ đèn biểu diễn tại Nội Ô Thánh địa.
    12 giờ Đại lễ Thượng Nguơn, Đức Hộ Pháp dâng sớ trình lễ thiêu xác các Thánh tông đồ.
    NGÀY 15-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 7-2-1955)
    Lễ Thiêu Xác
    Buổi mai: 8 giờ Các cơ quan Chánh Trị Đạo tề tựu tại Đại Đồng Xã.
    8 giờ 30 Rước Đức Hộ Pháp lên Thiên Hỷ đài thuyết minh công nghiệp của các Thánh tông đồ, rồi hành pháp thiêu xác.
    12 giờ Cúng Đức Phật Mẫu, Đại lễ Thượng nguơn.
    Buổi chiều: 3 giờ Đấu bóng tròn tại Long Hoa Thị.
    4 giờ Lễ Cúng rằm tại Trai đường, tiệc cơm chay thết đãi Chức sắc nam nữ, công thợ, toàn thể các cơ sở.
    NGÀY 16-GIÊNG-ẤT MÙI (DL 8-2-1955)
    Buổi mai: 8 giờ Các cơ quan Chánh Trị Đạo tề tựu tại Đại Đồng Xã.
    8 giờ 30 Rước Đức Hộ Pháp lên Thiên Hỷ đài.
    9 giờ Trưởng Ban Tổ chức đọc diễn văn bế mạc cuộc Lễ Khánh thành. (Hết)

    Lập tại Tòa Thánh ngày 1-12-Giáp Ngọ (1954).

    QUYỀN NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ

    Khai Đạo Phạm Tấn Đãi

    (ấn ký)

    ÐS. I. 25: Ðạo Sử quyển I trang 25 của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.

    ÐS. II. 25: Ðạo Sử quyển II trang 25 của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.

  • TỌA

    TỌA

    TỌA: 坐 Ngồi, đặt yên.

    Thí dụ: Tọa đàm, Tọa thiền, Tọa vị.

  • Tọa đàm

    Tọa đàm

    坐談

    A: To give a talk.

    P: Tenir un colloque.

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Đàm: nói chuyện.

    Tọa đàm là một cuộc ngồi lại nói chuyện với nhau, thảo luận việc nầy việc nọ một cách cởi mở thân mật.

  • Tọa hưởng kỳ thành

    Tọa hưởng kỳ thành

    坐享其成

    A: To profit by another "s work.

    P: Jouir d" un travail accompli par un autre.

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Hưởng: hưởng thụ. Kỳ: cái đó. Thành: nên.

    Tọa hưởng kỳ thành là ngồi không mà hưởng sự thành công của người khác.

  • Tọa lạc

    Tọa lạc

    坐落

    A: To be situated.

    P: Être situé.

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Lạc: ở tụ lại với nhau.

    Tọa lạc là nói nhà cửa ở vào một địa điểm nào đó.

  • Tọa lập bất an

    Tọa lập bất an

    坐立不安

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Lập: đứng. Bất an: không yên.

    Tọa lập bất an là ngồi đứng không yên.

  • Tọa quan thành bại

    Tọa quan thành bại

    坐觀成敗

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Quan: xem, quan sát. Thành bại: nên hư.

    Tọa quan thành bại là ngồi xem việc thành hay bại của người khác. Ý nói: làm kẻ bàng quan, không can dự vào việc của người khác.

  • Tọa thị bất cứu

    Tọa thị bất cứu

    坐視不救

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Thị: xem, thấy. Bất cứu: không cứu giúp.

    Tọa thị bất cứu là ngồi xem mà không cứu giúp.

  • Tọa thiền

    Tọa thiền

    坐禪

    A: To sit in comtemplation.

    P: S "assoir en contemplation.

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Thiền: yên lặng suy nghĩ về đạo lý.

    Tọa thiền là ngồi thiền, tức là ngồi tu thiền định theo phép tu của Phật giáo Thiền tông.

    Ngồi thiền ở tư thế kiết già rất vững vàng, giữ xương sống thẳng đứng, nhằm làm cho thân và tâm dần dần đi vào đại định, trí não bừng sáng, đạt được trí huệ.

  • Tọa thực sơn băng

    Tọa thực sơn băng

    坐食山崩

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Thực: ăn. Sơn: núi. Băng: núi lở đổ xuống.

    Tọa thực sơn băng là ngồi không mà ăn hoài thì một núi gạo cũng phải tiêu.

  • Tọa vị

    Tọa vị

    坐位

    A: To seat on one"s chair.

    P: S "assoir sur sa place.

    Tọa: Ngồi, đặt yên. Vị: ngôi vị.

    Tọa vị là ngồi lên ngôi vị của mình, tức là ngồi lên cái ngai dành cho phẩm vị của mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chưởng Pháp, Đầu Sư tọa vị.

  • TOẠI

    TOẠI

    TOẠI: 遂 Thỏa lòng.

    Thí dụ: Toại chí, Toại kỳ sở nguyện.

  • Toại chí

    Toại chí

    遂志

    A: Satisfied.

    P: Satisfait.

    Toại: Thỏa lòng. Chí: ý muốn mạnh mẽ.

    Toại chí là thỏa lòng mong muốn.

  • Toại kỳ sở nguyện

    Toại kỳ sở nguyện

    遂其所願

    A: To fulfil one"s wishes.

    P: Être au comble de ses voeux.

    Toại: Thỏa lòng. Kỳ: cái đó. Sở: của mình. Nguyện: ước muốn.

    Toại kỳ sở nguyện là thỏa lòng ước muốn của mình.

  • Toại Nhân - Hữu Sào

    Toại Nhân - Hữu Sào

    燧人 - 有巢

    Toại: khoan vào gỗ để lấy lửa. Nhân: người. Hữu: có. Sào: cái tổ chim.

    Toại Nhân là người có công phát minh ra lửa, bằng cách dùng cái dùi khoan vào gỗ, tạo ra sức nóng, làm lửa phát ra.

    Hữu Sào là người phát minh ra cách cất nhà trên cây để ở, làm giống như cái tổ chim.

    Sách Hàn Phi Tử viết:

    Đời thái cổ nước Tàu, người ít mà cầm thú thì nhiều, dân không thắng nổi thú dữ như: cọp, voi, sấu, rắn,.... Có Đấng Thánh nhân dấy lên, bày cho dân cách kết cây lại làm một cái tổ trên cây để ở. Khi gặp nguy hiểm thì leo lên cây vào đó mà cư trú. Dân chúng vui lòng, tôn lên làm vua, gọi là Hữu Sào.

    Dân chúng lại ăn thịt sống, trái sống tanh hôi, làm thương tổn tỳ vị, thường mắc bịnh tật, bị chết rất nhiều. Có Đấng Thánh nhân dấy lên, bày cho dân khoan vào gỗ để lấy lửa, dùng củi đốt lên để nấu nướng thức ăn, làm mất mùi tanh hôi, lại dễ tiêu hóa. Dân chúng vui lòng, đồng tôn lên làm vua, gọi là Toại Nhân.

    Việc phát minh ra lửa là một thành tựu vĩ đại của loài người nguyên thủy, tạo ra một cuộc biến đổi toàn diện nếp sống của con người. Nhờ có lửa để nấu chín thức ăn, cơ thể con người biến đổi theo hướng tốt đẹp. Nhờ có lửa, con người dần dần chế tạo được các dụng cụ bằng kim khí, nâng cao mức sống lên.

    Toại Nhân và Hữu Sào, với hai phát minh quan trọng, đã đưa loài người nguyên thủy tiến hóa lên một bực cao, thoát khỏi tình trạng ăn lông ở lỗ như loài cầm thú.

    Người đời sau tôn hai vị nầy là hai vị Tổ khởi đầu ngành chế tạo công nghiệp.

    Nơi bao lơn trước Tòa Thánh Tây Ninh có đắp một bức tranh tượng, đề là Toại Nhân - Hữu Sào để tượng trưng chữ CÔNG trong Tứ dân. (Tứ dân gồm: Sĩ, Nông, Công, Thương).

  • TOÀN

    TOÀN

    TOÀN: 全 Trọn vẹn, hoàn toàn, tất cả.

    Thí dụ: Toàn cầu, Toàn năng, Toàn tri.

  • Toàn bích

    Toàn bích

    全璧

    A: Perfect.

    P: Parfait.

    Toàn: Trọn vẹn, hoàn toàn, tất cả. Bích: hòn ngọc bích.

    Toàn bích là viên ngọc bích toàn vẹn, không tỳ vết.

    Ý nói: một bài văn, một công trình nghệ thuật rất hoàn hảo, không có chỗ nào chê được.

  • Toàn cầu

    Toàn cầu

    全球

    A: The entire world.

    P: Le monde entier.

    Toàn: Trọn vẹn, hoàn toàn, tất cả. Cầu: địa cầu, thế giới.

    Toàn cầu là toàn cả thế giới.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Để bài trừ tà thuyết và truyền bá chơn đạo trên toàn cầu.

  • Toàn năng - Toàn tri - Toàn thiện - Toàn mỹ

    Toàn năng - Toàn tri - Toàn thiện - Toàn mỹ

    全能 - 全知 - 全善 - 全美

    A: Omnipotent - Omniscient - Perfectly good - Perfectly beautiful.

    P: Omnipotent - Omniscient - Parfaitement bon - Parfaitement beau.

    Toàn: Trọn vẹn, hoàn toàn, tất cả. Năng: khả năng làm được việc. Tri: biết. Thiện: lành, tốt. Mỹ: đẹp.

    Các từ ngữ trên được đặc biệt dùng để chỉ tánh cách của Đấng Thượng Đế hay Chơn lý tối thượng duy nhứt của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Toàn năng: có khả năng làm được tất cả, không có gì mà Đấng Thượng Đế không làm được, từ cái thật nhỏ (vi tử) đến những cái vô cùng to lớn, từ trược tới thanh, từ ma quỉ đến Tiên Phật, từ sự sống đến sự chết, v.v.... Nếu còn có cái nào mà chưa làm được thì không thể gọi là Toàn năng.

    Toàn tri: biết rõ tất cả, biết rõ từ cái đau khổ cùng cực đến cái hạnh phúc vô cùng, biết rõ mọi trạng thái đối ngược nhau trong khắp Càn Khôn Vũ Trụ. Nếu còn chỗ nào chưa biết thì không thể gọi là Toàn tri.

    Toàn thiện: trọn lành, hoàn toàn lành.

    Toàn mỹ: trọn tốt, hoàn toàn tốt đẹp.

    Muốn được toàn thiện toàn mỹ thì phải biết sử dụng cả hai cái: thiện và bất thiện (ác), đẹp và xấu, thiện thanh và ác trược, giúp vào đại cuộc tiến hóa của Càn Khôn.

    Cái nào giúp cho sự tiến hóa thì cái đó là thiện, là mỹ; cái nào ngăn trở sự tiến hóa của Càn Khôn thì cái đó là ác, là xấu, là ô trược. Cái ác mà ai cũng chê bai là xấu xa tội lỗi, nhưng đối với Thượng Đế và chỉ duy có Ngài mới biết sử dụng cái đại ác để thúc đẩy sự tiến hóa của Càn Khôn trong minh triết vô cùng của Ngài, nên cái đại ác ấy trở thành đại từ bi.

    Tóm lại, Đấng Thượng Đế là Chơn lý tối thượng, duy nhứt của Càn Khôn Vũ Trụ, cái gì Ngài cũng biết, cũng làm được, từ vô cực âm đến vô cực dương, mà làm được cùng một lúc, nên Ngài bao gồm nhiều trạng thái đối ngược nhau cùng một lúc, tạo thành một ngẫu lực làm quay bánh xe tiến hóa lăn tới điều hòa tốt đẹp mãi mãi. Do đó, dùng chữ TOÀN là để chỉ hai trạng thái cùng cực ấy xuất hiện cùng một lúc trong Thượng Đế.

    Nhờ Đấng Thượng Đế giáng điển xuống trần mở Đạo kỳ ba nầy mà nhơn loại mới biết được chút ít về Thượng Đế.

    Trước đây, người ta chưa biết gì về Thượng Đế, chỉ biết có Phật và cho rằng Phật là Đấng lớn nhứt, Đấng Toàn năng toàn giác, Toàn thiện toàn mỹ.

    Nhưng ngày nay chúng ta biết rằng, đối với Thượng Đế, Phật chưa phải là Đấng Toàn năng, bởi vì Phật chỉ biết làm thiện chớ không biết làm ác, thế là Phật có cái chưa làm được, tức là chưa Toàn năng; và Phật cũng có cái chưa biết, tức là Phật chưa Toàn tri Toàn giác, mà Phật chỉ là bậc Chánh giác.

    Phật đã từ bỏ ác trược, không còn muốn ở trong ác trược và không muốn làm trược để trợ giúp cơ tiến hóa của Càn Khôn, nên chưa thể gọi Phật là Toàn thiện và Toàn mỹ một cách đúng nghĩa được.

    Phật còn phải tiến hóa lên một nấc thang cuối cùng nữa để trở thành Thượng Đế, hội nhập vào Thượng Đế, lúc đó Phật mới đạt được các đức tánh của Thượng Đế là: Toàn năng, Toàn tri, Toàn giác, Toàn thiện và Toàn mỹ. (Xem thêm: Nhân sinh quan, vần Nh)

  • Toàn quyền

    Toàn quyền

    全權

    A: To have full power.

    P: Avoir de plein pouvoir.

    Toàn: Trọn vẹn, hoàn toàn, tất cả. Quyền: quyền hành. Toàn quyền có 2 nghĩa:

    Toàn quyền là được ban cho đầy đủ quyền hành để giải quyết tất cả công việc cho đạt kết quả mau chóng.

    Toàn Quyền là viên chức cao cấp nhứt của nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương thời Pháp thuộc, do chánh phủ Pháp bổ nhiệm cai trị ba nước ở Đông Dương (Việt, Miên, Lào).

  • TỐ

    TỐ

    · TỐ: 訴 Kể lể, nói, vạch tội, thưa kiện.

    Thí dụ: Tố giác, Tố trần, Tố tụng.

    · TỐ: 素 Màu trắng, trong sạch, nguyên chất, ăn chay, vốn dĩ.

    Thí dụ: Tố bần hàn, Tố tâm, Tố thực.

  • Tố bần hàn

    Tố bần hàn

    素貧寒

    Tố: Màu trắng, trong sạch, nguyên chất, ăn chay, vốn dĩ. Bần: nghèo. Hàn: lạnh, cùng khổ.

    Tố bần hàn là vốn nghèo và khổ, chỉ cảnh nghèo nàn thiếu thốn của kẻ tu hành.

    Sách Trung Dung có viết rằng:

    Tố phú quí hành hồ phú quí,
    Tố bần tiện hành hồ bần tiện.
    Tố di địch hành hồ di địch,
    Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn.

    Nghĩa là:

    Vốn sẵn phú quí thì làm theo phú quí,
    Vốn sẵn nghèo hèn thì làm theo nghèo hèn.
    Vốn sẵn mọi rợ thì làm theo mọi rợ,
    Vốn sẵn hoạn nạn thì làm theo hoạn nạn.

    Ý nói: Người an phận, trong cảnh nào thì hành xử theo cảnh đó, không có gì phải lo nghĩ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lòng đạo đức quí hơn miếng đỉnh chung, tố bần hàn tùy mình mà hành đạo thì công quả ấy trổi hơn hạng thượng lưu đó các con.

  • Tố cáo - Tố giác

    Tố cáo - Tố giác

    訴告 - 訴覺

    A: To accuse, to denounce.

    P: Accuser, dénoncer.

    Tố: Kể lể, nói, vạch tội, thưa kiện. Cáo: báo cho biết. Giác: cho người trên biết.

    Tố cáo là vạch tội kẻ nào đó cho chánh quyền biết.

    Tố giác là báo cáo cho chánh quyền biết một vụ phạm pháp lén lút của một người nào đó.

  • Tố tâm

    Tố tâm

    素心

    A: Pure heart.

    P: Coeur pur.

    Tố: Màu trắng, trong sạch, nguyên chất, ăn chay, vốn dĩ. Tâm: lòng dạ.

    Tố tâm là lòng dạ trong sạch, tốt đẹp.

  • Tố thực - Tố xan

    Tố thực - Tố xan

    素食 - 素餐

    A: To be on vegetarian diet.

    P: Suivre le régime végétarien.

    Tố: Màu trắng, trong sạch, nguyên chất, ăn chay, vốn dĩ. Thực: ăn, đồ ăn. Xan: Cơm chay, ăn chay.

    Tố thực là ăn chay, các món ăn chay.

    Tố xan là ăn chay, bữa cơm chay.

    Tố xan còn có nghĩa là: không có công mà ăn lộc.

  • Tố trần

    Tố trần

    訴陳

    A: To expose

    P: Exposer.

    Tố: Kể lể, nói, vạch tội, thưa kiện. Trần: bày tỏ.

    Tố trần là kể lể ra cho người khác biết.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Trí con lần mở nẻo gần,
    Hỏi cha sao phụ, tố trần làm răng?
  • Tố tụng

    Tố tụng

    訴訟

    A: The process.

    P: Le procès.

    Tố: Kể lể, nói, vạch tội, thưa kiện. Tụng: thưa kiện.

    Tố tụng là chỉ chung các việc thưa kiện nơi tòa án.

  • Tố Vương

    Tố Vương

    素王

    Tố: Màu trắng, trong sạch, nguyên chất, ăn chay, vốn dĩ. Vương: vua.

    Tố Vương là ông vua trong sạch thanh cao.

    Tấn Đỗ Dư tôn Đức Khổng Tử là Tố Vương. Trong trường hợp nầy, Tố được giải thích là: không có chức tước ngôi vị mà có thế lực như một ông vua, được trọng đãi như vua.

    Tố Vương là có đức làm vua mà không có ngôi. Đó là danh hiệu mà những người ngưỡng mộ tôn tặng Đức Khổng Tử.

  • TỔ

    TỔ

    1. TỔ: 祖 Tổ tiên, người lập ra một tôn giáo, học thuyết hay một ngành nghề.

    Thí dụ: Tổ khảo, Tổ sư, Tổ tông.

    2. TỔ: 組 Dây tơ, nối liền lại.

    Thí dụ: Tổ chức.

  • Tổ chức

    Tổ chức

    組織

    A: To organize.

    P: Organiser.

    Tổ: Dây tơ, nối liền lại. Chức: dệt vải.

    Tổ chức là xếp đặt một công cuộc nào đó có đủ các bộ phận, hoạt động như một cơ thể.

  • Tổ đình

    Tổ đình

    祖亭

    A: The central temple of a religion "s founder.

    P: Le temple central du fondateur d" une religion.

    Tổ: Tổ tiên, người lập ra một tôn giáo, học thuyết hay một ngành nghề. Đình: nhà thờ.

    - Theo Từ Điển Phật Học Việt Nam của Thích Minh Châu:

    "Tổ đình là chùa Tổ, chùa chính, nơi trụ trì hiện nay hay là xưa kia của Tổ sư. Tổ sư là vị khai sơn lập chùa, thu nhận học trò, hay là vị sư lập ra một phái tu mới. Thí dụ: Chùa Pháp Vân ở Hà Bắc vốn là một Tổ đình của phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Chùa Kiến Sơ ở làng Phù Đổng ngoại thành Hà Nội vốn là một Tổ đình của phái thiền Vô Ngôn Thông."

    - Một cách tổng quát, Tổ đình là nhà thờ gốc, nhà thờ đầu tiên do vị Giáo chủ lập ra để làm cơ sở căn bản truyền bá và phát huy mối đạo.

    Khi nói đến Tổ đình của một tôn giáo, người ta có ý nói về cái nguồn gốc phát tích ra nền tôn giáo ấy.

    - Tổ đình của Đạo Cao Đài là Tòa Thánh Tây Ninh, tọa lạc tại làng Long Thành tỉnh Tây Ninh, nơi đó được Đức Chí Tôn chọn làm Thánh địa của Ngài. Đức Chí Tôn đã nói rõ: "Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi."

    Vậy, Tổ đình của Đạo Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Tòa Thánh Tây Ninh, đó là Đền Thờ chánh thờ Đức Chí Tôn, là nơi trụ vững đức tin của những tín đồ Cao Đài, là nơi mà từ đó, Đạo Cao Đài truyền bá ra khắp nước Việt Nam và thế giới.

  • Tổ khảo

    Tổ khảo

    祖考

    A: The ancestors.

    P: Les ancêtres.

    Tổ: Tổ tiên, người lập ra một tôn giáo, học thuyết hay một ngành nghề. Khảo: gọi cha đã chết.

    Tổ khảo là ông cha đã chết, tức là Tổ tiên.

  • Tổ nghiệp

    Tổ nghiệp

    祖業

    A: Patrimony.

    P: Le patrimoine.

    Tổ: Tổ tiên, người lập ra một tôn giáo, học thuyết hay một ngành nghề. Nghiệp: sự nghiệp.

    Tổ nghiệp là sự nghiệp của tổ tiên để lại.

    Kinh Hôn Phối: Đường tổ nghiệp nữ nam hương lửa.

  • Tổ phụ - Tổ mẫu

    Tổ phụ - Tổ mẫu

    祖父 - 祖母

    A: Grandfather - Grandmother.

    P: Grand-père - Grand-mère.

    Tổ: Tổ tiên, người lập ra một tôn giáo, học thuyết hay một ngành nghề. Phụ: cha. Mẫu: mẹ.

    Tổ phụ là ông nội. Tổ mẫu là bà nội.

    Tổ phụ còn có nghĩa là ông cha đời trước, tức là tổ tiên.

    Kinh cầu Tổ phụ đã qui liễu: bài kinh cúng tế và cầu nguyện Tổ tiên, tức là cầu nguyện Cửu Huyền Thất Tổ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ.

  • Tổ sư

    Tổ sư

    祖師

    A: The founder, the patriarche.

    P: Le fondateur, le patriarche.

    Tổ: Tổ tiên, người lập ra một tôn giáo, học thuyết hay một ngành nghề. Sư: thầy. Tổ sư có nhiều nghĩa sau đây:

    Tổ sư là vị sáng lập ra một tôn giáo và làm thầy dạy về tôn giáo đó. Tổ sư chính là Giáo chủ.

    Tổ sư Thái Thượng Đức Ông: Đức Thái Thượng Đạo Quân, vị sáng lập ra đạo Tiên và làm Giáo chủ đạo Tiên.

    Đức Phật Thích Ca là Tổ sư của Phật giáo, và cũng là Giáo chủ của Phật giáo, nên gọi Ngài là Phật Tổ.

    Sau khi Đức Phật Thích Ca tịch diệt, những vị nối tiếp Đức Phật lãnh đạo Phật giáo đều được gọi là Tổ Sư.

    Tổ sư là người nối tiếp ngôi Tổ để điều hành Giáo hội và truyền bá nền tôn giáo.

    Phật giáo Ấn Độ có tất cả 28 Tổ sư mà Đệ nhứt Tổ sư là Ma Ha Ca Diếp. Ngôi Tổ được truyền dần đến Tổ Sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Đó là 28 vị Tổ sư của Phật giáo Tây Thiên.

    Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma đem y bát sang Trung hoa truyền bá Phật giáo, trở thành Sơ Tổ của Phật giáo Trung hoa. Ngôi Tổ được truyền dần đến Lục Tổ Huệ Năng thì chấm dứt. Do đó, Phật giáo Trung hoa có 6 vị Tổ sư gọi là 6 Tổ sư Đông Độ.

    Tổ sư còn có nghĩa là vị sư sáng lập một ngôi chùa chính và thu nhận học trò, hay là vị sư khai sáng ra một phái thiền mới. Thí dụ: Vua Trần Nhân Tông khi xuất gia, lập ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, nên gọi Ngài là Tổ sư Trúc Lâm Y.Tử.

  • Tổ tông

    Tổ tông

    祖宗

    A: The ancestors.

    P: Les ancêtres.

    Tổ: Tổ tiên, người lập ra một tôn giáo, học thuyết hay một ngành nghề. Tông: dòng họ.

    Tổ tông là tổ tiên của dòng họ.

    Kinh Sám Hối:
    Làm điều nhục nhã tổ tông,
    Tiếng nhơ giặt rửa biển sông đặng nào.
  • TỐC

    TỐC

    TỐC: 速 Mau lẹ, nhanh chóng.

    Thí dụ: Tốc chiến, Tốc ký.

  • Tốc chiến tốc thắng

    Tốc chiến tốc thắng

    速戰速勝

    Tốc: Mau lẹ, nhanh chóng. Chiến: đánh nhau. Thắng: được phần hơn.

    Tốc chiến tốc thắng là đánh mau thì thắng mau.

  • Tốc ký - Ban Tốc ký

    Tốc ký - Ban Tốc ký

    速記 - 班速記

    A: The shorthand - Committee of shorthand writers.

    P: La sténographie - Comité des sténographes.

    Tốc: Mau lẹ, nhanh chóng. Ký: ghi chép.

    Tốc ký là lối viết rất nhanh bằng những ký hiệu đơn giản để ghi chép cho kịp lời nói của một vị lãnh đạo.

    Thời xưa, khi chưa phát minh ra máy ghi âm ghi hình, thì Tốc ký là phương pháp thường được dùng để ghi lại một bài diễn văn ứng khẩu, hay một bài thuyết giảng giáo lý của vị lãnh đạo tôn giáo.

    Ban Tốc ký là một tổ chức nhỏ, gồm nhiều Tốc ký viên, chuyên đi ghi chép những bài diễn văn hay thuyết đạo ứng khẩu của Đức Phạm Hộ Pháp để phổ biến và lưu trữ làm tài liệu học hỏi về giáo lý.

    Ban Tốc ký do Hội Thánh thành lập, gồm nhiều Tốc ký viên tài giỏi, sáng tạo ra nhiều phương pháp viết tốc ký rất nhanh và rất dễ đọc, chuyên đi ghi chép những bài thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp, rồi gom lại thành nhiều tập, dâng lên cho Hội Thánh xem xét để in ra phổ biến cho toàn đạo.

    Ban Tốc ký nơi Tòa Thánh Tây Ninh đã ghi chép và tạo thành được 7 quyển sách "Lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp", được quay ronéo, rồi sau đó được Hội Thánh in thành sách, kể ra sau đây:

    · Lời Thuyết đạo năm Bính Tuất - Đinh Hợi (1946-1947) Q.1.

    · Lời Thuyết đạo năm Mậu Tý (1948) Q.2.

    · Lời Thuyết đạo năm Kỷ Sửu - Canh Dần (1949-1950) Q.3.

    · Lời Thuyết đạo năm Tân Mão (1951) Q.4.

    · Lời Thuyết đạo năm Nhâm Thìn (1952) Q.5 (chưa in)

    · Con đường Thiêng liêng Hằng sống (1948).

    · Bí Pháp (1949).

    Đây là những quyển sách rất quí cho người học đạo để tìm hiểu về giáo lý, triết lý và lịch sử của Đạo Cao Đài.

    Nhờ Ban Tốc ký mà Hội Thánh có được những quyển sách "Lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp" nói trên. Người tín đồ Cao Đài khi đọc những quyển sách nầy đều nhớ ơn Ban Tốc ký và Hội Thánh.

    ■ Sau đây, chúng tôi xin chép lại Lời trần thuyết của Ban Tốc ký:

    LỜI TRẦN THUYẾT

    Mỗi lần ly loạn là mỗi lần thư tịch làm mồi cho binh lửa.

    Nhìn vào lịch sử, những vụ phần thư, những vụ chiếm đoạt thư tịch đã xảy ra như một hệ luận trước những biến cố. Tình trạng nầy đã kéo dài qua các thời đại, ấy là biện pháp của những kẻ mạnh nhắm vào mục đích thực hiện chánh sách ngu dân và đồng hóa triệt để.

    Những kinh nghiệm đau thương ấy là nguyên nhân thúc đẩy chúng tôi cố gắng thực hiện công việc sưu tập những tài liệu nầy.

    Chúng tôi nghĩ rằng: nếu tài liệu kinh sách chỉ được tập trung tàng trữ vào một chỗ, tránh sao khỏi bị hủy diệt khi kẻ cường quyền đến cướp phá. Do đó, chúng tôi quyết định quay ra làm nhiều bản để gởi đến và ký thác vào những tâm hồn trung kiên với Đạo, những người dám chết để bảo tồn những tiếng nói của Đấng thay Trời dạy đạo.

    Nếu một mai thời cuộc lại biến thiên, có thể các cuộc phần thư lại diễn thì thiết tưởng trong số tài liệu nầy, vẫn còn có những người nhiệt tâm gìn giữ được vẹn toàn.

    Đây không phải là việc làm của cá nhân hay một đoàn thể, nhưng là một sự đóng góp chung của những người vô danh, nguyện đem hết năng lực của mình để phụng sự cho lý tưởng bảo tồn truyền thống giáo lý của Đạo.

    Trong khi quyển tài liệu nầy đến tay quí vị thì cũng đã có người vì quá hăng say trong công việc thực hiện lý tưởng mà phải lao tâm kiệt sức, hóa ra người thiên cổ.

    Việc làm của chúng tôi không phải là một ý nghĩ nông nổi của một sớm một chiều, nhưng là một hoài bão trong suốt thời gian ly loạn, chúng tôi hằng cầu nguyện Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban bố phước lành, sớm gặp dịp may để thực hiện hoài bão ấy.

    Ngày nay, chân trời đã rạng tỏ, ý nguyện đã đắc thành.

    Chúng tôi xin hiến dâng trọn vẹn cho Hội Thánh tất cả những tài liệu mà chúng tôi đã ghi chép, góp nhặt sau bao nhiêu năm theo đuổi mục đích bảo tồn những lời vàng tiếng ngọc của Đức Hộ Pháp.

    Từ đây, bản quyền nầy sẽ tùy thuộc hoàn toàn của Hội Thánh. Kính xin Hội Thánh kiểm duyệt và ấn hành để cho mọi người đều được nghe lời dạy dỗ đầy yêu ái của Đức Hộ Pháp đã dành cho chúng ta trong thời gian Đức Ngài còn tại thế.

    Tòa Thánh ngày 28 tháng 8 năm Bính Ngọ (dl 12-10-1966).

    BAN TỐC KÝ Hội Thánh Cao Đài

    ■ Sau đây là tài liệu của Ban Tốc Ký viết về Tiểu sử của Ban Tốc Ký:

    Nhìn chung, qua các thời đại, truyền thống giáo lý và triết học các nền tôn giáo đã dệt thành một hệ thống thật bền vững. Truyền thống nầy được thể hiện rõ rệt thành những dòng tư tưởng có tánh cách liên tục bằng những lời thuyết pháp hay kinh sách do các vị Giáo chủ để lại.

    Cũng như các vị nầy, trong lúc sanh tiền, Đức Hộ Pháp đã diễn giảng rất nhiều đề mục nhắm vào việc phổ biến nền chơn lý mà Đức Ngài đã đoạt được cho mọi người đều biết.

    Tuy nhiên, trong những buổi thuyết đạo, chỉ có một thiểu số con cái Đức Chí Tôn đến dự lễ ở Đền Thánh mới được cái diễm phúc nghe những lời vàng tiếng ngọc của Đức Ngài.

    Mặt khác, những tiếng nói ấy khó có thể bảo thủ được trường tồn nguyên vẹn trong trí nhớ của mọi người. Do đó, vấn đề ghi lại những lời nói ấy là mối lo âu đối với những người có nhiệt tình trong công việc bảo vệ truyền thống giáo lý của Đạo.

    Trong số ấy, chúng ta có thể nhắc đến hai ông:

    · Truyền Trạng Phan Hữu Phước và

    · Nguyễn Văn Mới.

    Hai ông là người đại diện cho hai thế hệ của ngành Tốc ký Hội Thánh và cũng là những người khai sơn phá thạch, để xây dựng cho nền Tốc ký của Đại Đạo được vững chắc, có đủ khả năng thực hiện công việc ghi chép đầy đủ những bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp trong suốt thời gian mười mấy năm trời.

    Sau đây là những đoạn văn trích lục ở bài tựa của những quyển sách dạy về Tốc ký của hai ông.

    - Trong Lời Tựa quyển Tốc ký xuất bản năm 1950 (Canh Dần), ông Truyền Trạng Phan Hữu Phước đã thố lộ hoài bão của ông như sau:

    "Tôi viết ra lối Tốc ký nầy từ năm 1942 đến nửa năm 1943 trong khi bị giam cầm tại nhà ngục Sơn La. Chốn lao lung u sầu, ngồi suy nghĩ, chẳng lẽ để cho thời gian trôi qua một cách vô ích, thế nên tôi phát ra ý muốn tạo một lối Tốc ký viết tiếng Việt để sau nầy may ra cũng giúp ích cho Đạo và Đời đôi chút."

    - Cũng trong thời gian ấy, quyển Phương pháp Tốc ký của ông Nguyễn Văn Mới ra đời. Qua Lời Tựa, ta nhận thấy những nỗi băn khoăn của tác giả đối với công việc bảo thủ cái tài sản thiêng liêng to tát, tuy vô hình nhưng có một giá trị tuyệt đối. Chính ông đã viết:

    "Từ xưa đến nay, bất cứ mọi kỳ công trên thế giới, mọi kiến trúc nguy nga do loài người xây dựng đều phải bị sụp đổ, chôn vùi dưới lớp bụi của thời gian, duy chỉ có tư tưởng mới còn tồn tại mãi mãi mà thôi.

    Chúng ta hiện nay đang đi trên con đường lượm lặt những lời nói của Đức Hộ Pháp để đúc kết lại thành một dòng tư tưởng, một nền giáo lý căn bản, một hệ thống triết học của nhơn loại.

    Nếu phương pháp Tốc ký cũ của chúng ta không được canh cải biến chế đến mức độ tinh vi thì mọi người còn chịu thiệt thòi.

    Chúng ta ngày nay nên cố gắng chuyên luyện, đừng để những tiếng nói của Đức Ngài mất đi, vì như thế sẽ không có gì làm cho nhơn loại vô phúc cho bằng."

    Ông cũng thường nêu lên những cảm nghĩ, những nỗi lo âu của ông đối với Đạo nghiệp cho các bạn học viên nghe.

    "Tuy hiện nay, Đức Hộ Pháp vì khiêm tốn, không tự tôn mình là một vị Phật, nhưng tất cả triết lý cao cả của Đức Ngài đều lấy chơn lý làm căn bản. Có thể nói, tất cả giáo lý của Đạo Cao Đài đã được phô diễn một cách tường tận trong các bài thuyết đạo của Đức Ngài. Nếu chúng ta không ghi chép được đầy đủ thì e một ngày kia, khi Đức Ngài không còn tại thế nữa, chúng ta sẽ hối tiếc vô cùng."

    Ấy là những lời mà ngày nay ta cảm thấy có một giá trị vô đối. Chính việc làm của họ mới đủ chứng tỏ được hoài bão của họ.

    Sau đây là những dòng tóm tắt về sinh hoạt của ngành Tốc ký do hai vị lãnh đạo của hai thế hệ già trẻ.

    Ban sơ, lúc Đức Hộ Pháp mới từ hải ngoại trở về (giữa năm Bính Tuất 1946), lối Tốc ký của ông Truyền Trạng Phan Hữu Phước được xem là một phát minh mới mẻ, tiện lợi nhanh chóng, đầy hữu dụng và cũng là lối duy nhứt dùng trong Hội Thánh. Lúc ấy ông Truyền Trạng có mở một khóa Tốc ký để dạy chung cho các Thơ ký, Đầu phòng trong Hội Thánh.

    Như trên đã nói, do những đặc tính của lối Tốc ký nầy, nó đã thu hút rất đông người học, có thể nói, lúc đó có một phong trào Học Tốc ký bộc phát mãnh liệt. Nhưng sau vài tháng thì phong trào nầy cũng lắng dần và chìm vào quên lãng, cuối cùng thì chỉ còn lại một số kiện tướng mà ta có thể nêu lên như sau:

    - Ngô Công Phát
    - Lê Quang Tâm
    - Đỗ Bá Khen
    - Lê Văn Màng
    - Võ Nhàn Du
    - Lê Văn Thêm
    - Nguyễn Ngọc Tỷ
    - Lê Văn Đôi
    - Lê Thị Khoe.

    Đặc biệt trong những buổi viết Tốc ký, người ta còn thấy có ông Thừa Sử Phạm Ngọc Trấn. Tuy nhiên quá trình hoạt động về ngành Tốc ký của ông có nhiều truyền thuyết khác nhau.

    Sau 2 năm tích cực phục vụ, Ban Tốc ký nầy đã ghi được nhiều kết quả đáng kể. Song thời gian qua, những Tốc ký viên lỗi lạc nầy lần lần tản mác, nhường chỗ lại cho lớp người sau.

    Riêng ông Nguyễn Văn Mới đã tìm học được một phương pháp Tốc ký ghi nhanh hơn. Trong thời gian theo đuổi công việc ghi chép Lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, ông nhận thấy cần phải phổ biến thật sâu rộng cho nhiều người biết lối Tốc ký nầy để có thể thực hiện công việc ghi chép những lời giảng dạy của Đức Hộ Pháp một cách liên tục và đắc lực.

    Do đó, ông đã mở ra nhiều lớp để truyền bá lối Tốc ký nầy, lúc ấy được mệnh danh là "Phương pháp Tốc ký Mới" và phương pháp nầy đã gặt hái được nhiều kết quả rực rỡ.

    Có thể nói, đây là thời kỳ toàn thịnh của phong trào đi lấy Tốc ký thuyết đạo của Đức Hộ Pháp tại Thánh địa.

    Trong lớp người mới nầy, có thể kể:

    - Sĩ Tải Huỳnh Văn Tần (đã từ trần).
    - Nguyễn Văn Mừng
    - Lê Kỳ Thật
    - Bùi Quang Hòa
    - Bùi Quang Huệ
    - Trương Văn Thẩm.

    Những người nầy đã tiếp tục nhiệm vụ ghi chép thuyết đạo cho đến lúc Đức Hộ Pháp rời khỏi Thánh địa.

    Trong những ngày hoạt động cuối cùng của Ban Tốc ký, hay nói khác đi, trong lúc nền Đạo sắp bước vào giai đoạn chinh nghiêng do ảnh hưởng thời cuộc, đa số Tốc ký viên đã vắng mặt trong những trường hợp đặc biệt với nhiều lý do khác nhau, có những buổi thuyết đạo không người ghi chép tốc ký.

    May thay! giữa lúc ấy có những vị tuy không phải là Tốc ký viên chuyên nghiệp, nhưng cũng cố gắng phục vụ bằng những phương thức riêng, mục đích là chép lại đại ý bài thuyết đạo được tạm đủ. Đại diện những người ấy có thể kể là: ông Chí Thiện Nguyễn Thế Trạch, ông Du Văn Siêu.

    Đến đây, chúng tôi xin dừng lại giây phút để ôn lại những ngày qua, những ngày mà lớp "Tốc Ký Mới" vừa phôi thai. Lớp học khai giảng trong một hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn mọi phương tiện. Vì học viên toàn là người làm công quả ban ngày, nên lớp Tốc ký phải tổ chức về đêm. Lớp học là một gian phòng tạm bợ, không có đèn điện.

    Chính ông Nguyễn Đức Hòa, chúng tôi thường gọi là Chú Út Đê đã đứng ra lo liệu mọi việc, nhứt là vấn đề ánh sáng mỗi đêm cho lớp học. Với đức tánh nhẫn nại, chịu đựng mọi gian khổ, ông đã thực hiện việc cung cấp ánh sáng cho lớp Tốc ký một cách đầy đủ cho đến ngày mãn khóa. Có nhiều đêm, chúng tôi rất cảm động vì đến giờ học mà đèn lại trục trặc.

    Những giọt mồ hôi đượm trên vầng trán in vài nếp nhăn đã chứng tỏ sự cố gắng của ông.

    Ngày mãn khóa, mọi người đều hân hoan. Riêng các học viên Tốc ký thì bước vào một giai đoạn mới mẻ với những nỗi lo âu vui buồn lẫn lộn. Những ngày ấy, người ta thấy xuất hiện thêm một số anh chị em, đạo phục tín đồ, cắp cặp chen vào đám đông để cố đến giảng đài của Đức Hộ Pháp trong các buổi lễ hoặc đại đàn để ghi chép những lời thuyết đạo.

    Ngày nay, những hình ảnh ấy chỉ còn là những bóng mờ, vì thật ra, ngay những ngày toàn thịnh của nó cũng không được sự lưu ý nâng đỡ của mọi người.

    Vì vậy, khi quyển tài liệu nầy của Ban Tốc ký có đến tay quí vị với những điểm thiếu sót, mong quí vị thể tình chỉ bảo, thêm thắc cho đầy đủ và cảm thông những khó khăn trở ngại mà Ban Tốc ký đã gặp phải trong suốt thời gian theo đuổi việc ghi chép và phổ biến những bài thuyết đạo nầy.

    (Tài liệu của Ban Tốc ký)

  • Tộc Đạo

    Tộc Đạo

    族道

    A: Religious district.

    P: District religieux.

    Tộc: họ, dòng họ. Đạo: tôn giáo.

    Tộc Đạo là Họ Đạo. (Xem chữ: Họ Đạo, vần H)

    Hiện nay, Hội Thánh tổ chức một Tộc Đạo hay một Họ Đạo là một Quận Đạo, tức là gồm số tín đồ cư ngụ trong một Quận (hay Huyện). Đứng đầu một Tộc Đạo hay Họ Đạo là vị Đầu Tộc Đạo hay Đầu Họ Đạo.

    Mỗi Tộc Đạo chia làm nhiều Hương Đạo (Xã Đạo).

    Nhiều Tộc Đạo họp thành một Châu Đạo (Tỉnh Đạo).

  • Tôi đòi

    Tôi đòi

    A: Servant.

    P: Serviteur.

    Tôi: đày tớ, đứa ở. Đòi: con đòi, đầy tớ gái.

    Tôi đòi là chỉ chung những đầy tớ trai và gái được chủ nhà mướn để hầu hạ và sai phái công việc trong nhà.

    Kinh Sám Hối:
    Phận làm chủ lấy lời nhỏ nhẹ,
    Mà nghiêm trừng mấy kẻ tôi đòi.
  • Tôi lại bất trung

    Tôi lại bất trung

    A: The disloyal servants of king.

    P: Les serviteurs déloyaux du roi.

    Tôi: bề tôi của vua, tức là các quan nơi triều đình. Lại: viên chức làm việc dưới quyền các quan, thường nói: quan lại. Bất trung: không có lòng trung thành.

    Tôi lại bất trung là các quan lại không trung thành với vua.

    Kinh Sám Hối:
    Phạt những kẻ sửa ngay ra vạy,
    Tớ phản thầy, tôi lại bất trung.
  • Tồi phong bại tục

    Tồi phong bại tục

    摧風敗俗

    A: The depraved customs.

    P: Les coutumes dépravées.

    Tồi: phá hư. Bại: hư hỏng. Phong tục: thói quen lâu đời của dân chúng trong một địa phương.

    Tồi phong bại tục là phong tục của xã hội bị hư hỏng tan nát, trở thành xấu xa.

    Tân Luật: Chẳng được làm nghề gì mà tồi phong bại tục.

  • TỐI

    TỐI

    TỐI: 最 Lắm, rất, hơn hết, cùng tột.

    Thí dụ: Tối cao, Tối đại, Tối thượng.

  • Tối cao Pháp viện

    Tối cao Pháp viện

    最高法院

    A: The Supreme Court.

    P: La Cour Suprême.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Cao: ở trên cao. Pháp viện: Tòa án.

    Tối cao Pháp viện là cơ quan thẩm phán cao nhứt của một nước.

    Trong thể chế dân chủ, Hiến pháp qui định Tối cao Pháp viện là cơ quan cao nhứt quản lý ngành Tư Pháp của quốc gia.

    Tối cao Pháp viện được điều hành bởi các vị thẩm phán có uy tín nhứt và được tại chức suốt đời. Tối cao Pháp viện có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, kiểm soát tánh cách hợp hiến của các đạo luật. Sự kiểm soát nầy làm cho Tối cao Pháp viện trở thành cơ quan trọng tài cao nhứt của quốc gia.

    Hiệp Thiên Đài với 15 vị Chức sắc cao cấp gồm: Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh và Thập nhị Thời Quân được xem như là Tối Cao Pháp Viện của Đạo Cao Đài.

  • Tối cao tối trọng

    Tối cao tối trọng

    最高最重

    A: Supreme and extremely important.

    P: Suprême et extrêmement important.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Cao: ở trên cao. Trọng: nặng, quan trọng.

    Tối cao là có địa vị cao nhứt. Tối trọng là quan trọng nhứt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhượng là thế nào?

  • Tối cổ

    Tối cổ

    最古

    A: Very ancient.

    P: Très ancien.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Cổ: xưa.

    Tối cổ là xưa nhứt, lâu đời nhứt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Một dân tộc đã hấp thụ một nên văn minh tối cổ.

  • Tối đại

    Tối đại

    最大

    A: Very great.

    P: Très grand.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Đại: lớn.

    Tối đại là lớn nhứt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: (Đế Thiên Đế Thích) Ngày nay ai cũng nhận cho là tối đại mà con đã thấy nó bền vững đặng chăng?

  • Tối hậu

    Tối hậu

    最後

    A: Ultimate.

    P: Ultimatif.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Hậu: sau.

    Tối hậu là sau cùng, sau rốt.

    Tối hậu thư: Văn thư gởi đến cho biết đây là những điều kiện nêu ra sau cùng, kèm theo lời cảnh cáo, sẽ có hành động cương quyết nếu các yêu cầu không được chấp thuận.

  • Tối linh

    Tối linh

    最靈

    A: Extremely sacred.

    P: Extrêmement sacré.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Linh: thiêng liêng.

    Tối linh là rất thiêng liêng.

    Kinh Tắm Thánh:
    Con người đứng phẩm tối linh,
    Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.
  • Tối mật - Tối khẩn

    Tối mật - Tối khẩn

    最密 - 最緊

    A: Very secret - Very urgent.

    P: Très secret - Très urgent.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Mật: bí mật, kín. Khẩn: gấp rút, khẩn cấp.

    Tối mật là hết sức bí mật.

    Tối khẩn là vô cùng khẩn cấp.

  • Tối thượng - Tối đê

    Tối thượng - Tối đê

    最上 - 最低

    A: Supreme - Very low.

    P: Suprême - Très bas.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Thượng: trên. Đê: thấp.

    Tối thượng là trên hết, cao hơn hết.

    Tối đê là thấp nhứt, ít nhứt.

  • Tối thượng thừa

    Tối thượng thừa

    最上乘

    A: The supreme rank.

    P: Le rang suprême.

    Tối: Lắm, rất, hơn hết, cùng tột. Thượng: trên, cao. Thừa: cấp bực tu hành.

    Tối thượng thừa là bực tu hành cao nhứt, cao hơn bực thượng thừa và đại thừa.

    Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng có nói:

    "Phép Giới Định Huệ của Đại sư Thần Tú (Tiệm ngộ) để tiếp độ người đại thừa; còn phép Giới Định Huệ của Huệ Năng để tiếp độ người tối thượng thừa. Chỗ tỏ hiểu không đồng, chỗ thấy có mau chậm."

    Tối thượng thừa đồng nghĩa: Siêu thượng thừa.

    Bậc trên của Tối thượng thừa là Vô thừa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Biết người quên mình, đó là phận sự của kẻ tu hành, dù đến bực tối thượng thừa cũng phải như thế, mới tròn nghĩa vụ.

  • TỘI

    TỘI

    TỘI: 罪 Việc ác, việc phạm pháp.

    Thí dụ: Tội chướng, Tội quá, Tội tình.

  • Tội báo

    Tội báo

    罪報

    A: The retribution of sin.

    P: La rétribution du péché.

    Tội: Việc ác, việc phạm pháp. Báo: đáp lại.

    Tội báo là sự báo đáp của tội lỗi.

    Những việc làm độc ác gây nên tội lỗi, tạo thành nghiệp xấu, sẽ báo đáp lại trong kiếp sống nầy hay kiếp sau, theo đúng Luật Nhơn Quả.

    Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối: Dầu oan gia tội báo buộc ràng.

  • Tội căn

    Tội căn

    罪根

    A: Anterior sin.

    P: Faute antérieure.

    Tội: Việc ác, việc phạm pháp. Căn: gốc rễ.

    Tội căn là tội lỗi đã gây ra từ kiếp trước, làm gốc rễ cho kiếp sống hiện tại.

    Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối: Một là hối ngộ tội căn.

  • Tội chướng

    Tội chướng

    罪障

    A: The hindrance of retribution.

    P: L" entrave de la rétribution.

    Tội: Việc ác, việc phạm pháp. Chướng: ngăn trở.

    Tội chướng là sự ngăn trở của tội lỗi, tức là sự ngăn trở của cái nghiệp do tội lỗi tạo ra. Tội chướng đồng nghĩa: Nghiệp chướng. (Xem: Nghiệp chướng, vần Ng)

    Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu: Dầu tội chướng ở miền địa giái.

  • Tội khiên

    Tội khiên

    罪愆

    A: The sin.

    P: Le péché.

    Tội: Việc ác, việc phạm pháp. Khiên: tội lỗi.

    Tội khiên là tội lỗi.

    Kinh khi đi ngủ: Ơn Trên Từ Phụ cho chừa tội khiên.

  • Tội nghiệp

    Tội nghiệp

    罪業

    A: Pitiful.

    P: Pitoyable.

    Tội nghiệp là đáng thương vì gặp phải cảnh ngộ không may.

    Tội nghiệp là từ ngữ biểu thị lòng thương hại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Kêu mấy anh con, kêu nữ phái, vì chúng nó vái ở dưới tội nghiệp.

  • Tội phước

    Tội phước

    罪福

    A: Sin and happiness.

    P: Faute et bonheur.

    Tội: Việc ác, việc phạm pháp. Phước: điều may mắn tốt lành.

    Tội phước là tội lỗi và phước đức.

    Tội và phước do chính mình tạo ra, không ai gây tội cho mình, cũng không ai tạo phước cho mình. Hễ mình gây ra tội thì mình phải lãnh lấy hậu quả của nó; còn mình làm việc thiện thì mình hưởng được phước đức, theo đúng Luật Nhân Quả là luật công bình thiêng liêng của Trời Đất.

    Đông Nhạc Thánh Đế có để lời dạy rằng: "Thiên Địa vô tư, Thần minh ám sát, bất vi tế hưởng nhi giáng phước, bất vi thất lễ nhi giáng họa." Nghĩa là: Trời Đất không riêng, các vị Thần minh soi xét, không vì hưởng tế lễ mà ban phước, không vì sự thất lễ mà gieo họa.

    Chúng ta phải sáng suốt nhận định rằng: Không bao giờ có việc làm tội lỗi rồi bày lễ cầu cúng cho hết tội, hoặc đi xưng tội mà hết tội.

  • Tội quá

    Tội quá

    罪過

    A: Sin, offense.

    P: Faute, péché.

    Tội: Việc ác, việc phạm pháp. Quá: lỗi.

    Tội quá là tội lỗi.

    Kinh Sám Hối: Phước nhiều tội quá tiêu trừ.

  • Tội tình

    Tội tình

    罪情

    A: Offence.

    P: Péché.

    Tội: Việc ác, việc phạm pháp. Tình: tình trạng.

    Tội tình là tội lỗi phạm phải.

    Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối: Ăn năn sám hối tội tình.

  • TÔN

    TÔN

    1. TÔN: 宗 Nguyên chữ nầy đọc là TÔNG, nhưng vì kỵ húy vua Thiệu Trị (Miên Tông) và Tự Đức (Dực Tông) nên đọc lại là TÔN.

    Tôn là tôn giáo, lý thuyết về tư tưởng.

    Thí dụ: Tôn chỉ, Tôn giáo.

    2. TÔN: 尊 Kính trọng.

    Thí dụ: Tôn sùng, Tôn sư.

    3. TÔN: 孫 Cháu, họ Tôn.

    Thí dụ: Tôn Văn.

  • Tôn chỉ (Tông chỉ)

    Tôn chỉ (Tông chỉ)

    宗旨

    A: The leading line.

    P: La ligne de conduite.

    Tôn: Tôn là tôn giáo, lý thuyết về tư tưởng. Chỉ: ý tứ.

    Tôn chỉ là nguyên tắc chánh yếu để một đoàn thể theo đó hoạt động.

    Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là: Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt Ngũ Chi. Tôn chỉ nầy là dùng tinh hoa của giáo lý Tam giáo và Ngũ chi đã có từ xưa, hiệp với Thánh giáo ngày nay của Đức Chí Tôn lập thành một nền Tân Giáo lý, dung hợp tất cả giáo lý, tạo thành một nền tôn giáo đại đồng, làm nền tảng đạo đức tinh thần cho nhơn loại trong đời mạt kiếp hiện nay.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con lại làm sai lạc bản chất, tôn chỉ của nền Thánh giáo.

  • Tôn đạo háo đức

    Tôn đạo háo đức

    尊道好德

    Tôn: Kính trọng. Đạo: tôn giáo. Háo: ưa thích. Đức: kết quả của những việc làm hợp lòng người, thuận đạo Trời.

    Tôn đạo háo đức là kính trọng đạo và ưa mến đức.

    Kinh Lễ: "Đạo giả nãi lý chi sở do, Đức giả nãi lý chi sở đắc, thị cố cổ chi, Thánh nhơn vô bất tôn đạo nhi háo đức." Nghĩa là: Theo lẽ phải mà làm là Đạo, làm mà giữ được lẽ phải là Đức, cho nên từ xưa, Thánh nhơn tôn Đạo và mến Đức.

  • Tôn giáo

    Tôn giáo

    宗敎

    A: The religion.

    P: La religion.

    Tôn: Tôn là tôn giáo, lý thuyết về tư tưởng. Giáo: dạy.

    Tôn giáo thường được định nghĩa là một tổ chức lo việc tu hành, dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ, hiền hòa để trở thành bậc cao thượng.

    Một tôn giáo cần phải có các điều kiện sau đây:

    · Một vị khởi xướng, gọi là Giáo chủ.
    · Một hệ thống giáo lý bao gồm tín ngưỡng và tín điều.
    · Một tổ chức giáo hội để truyền bá giáo lý.
    · Một khuôn mẫu lễ nghi thờ phượng và tế tự.

    Và bao giờ tôn giáo cũng phân biệt người tín đồ trong tôn giáo và người ngoại đạo (không phải tín đồ).

    Cái gốc của tôn giáo là đức tin, tin ở một Đấng siêu nhiên linh thiêng, vượt khỏi thế giới phàm tục, cứu độ linh hồn của con người đến cõi đầy an lạc, tin tưởng mỗi người đều có một linh hồn bất tiêu bất diệt, xác thân chỉ là cái áo của linh hồn, khi xác thân chết, linh hồn xuất ra đi lên cõi thiêng liêng, hoặc đầu kiếp trở xuống cõi trần để mang một xác thân khác như là thay một cái áo mới.

    Đối với Triết lý Thần học, tôn giáo được định nghĩa là một con đường dạy cho con người tiến hóa về phương diện tâm linh, tiến hóa dần dần đi lên, đến một nấc thang cuối cùng là Thượng Đế, tức Chơn lý tối thượng hằng hữu tuyệt đối.

    Như thế, tôn giáo là cái cửa mở ra con đường tiến đến chơn lý, chớ tôn giáo không phải là chơn lý. Tôn giáo chỉ diễn tả được một số khía cạnh hay một số phương diện của chơn lý.

    Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử, Đức Chúa Jésus hay tất cả những Đấng Giáo chủ khác, đều là những vị lãnh mạng lịnh của Đấng Thượng Đế, giáng trần, có phận sự rao giảng điều tốt lành, mỗi vị Giáo chủ có một giáo lý riêng, nhưng tựu chung tất cả chỉ là những thể hiện các màu sắc của chơn lý mà các vị Giáo chủ ấy ngộ được, hầu tùy duyên trợ lành, hướng dẫn nhơn loại tùy theo hoàn cảnh mà tiến hóa tâm linh, và giúp phương tiện cho sự tiến hóa tâm linh ấy mau chóng.

    Tôn giáo dẫn dắt con người đi lên chỗ thanh, chỗ sáng. Như vậy tôn giáo thể hiện khía cạnh tốt lành của Thượng Đế.

    Nhưng tôn giáo không phải là Thượng Đế, dù đó là một tôn giáo do chính Đức Thượng Đế lập ra, như trường hợp Đạo Cao Đài mà Thượng Đế là Giáo chủ vô hình, bởi vì Thượng Đế phải bao gồm cả hai mặt tương phản cùng một lúc: thanh trược, thiện ác, sáng tối, Phật ma, v.v...

    Bất cứ tôn giáo nào mở ra nơi cõi trần nầy đều phải chịu chi phối bởi định luật: Thành, Trụ, Hoại, Không, tức là phải trải qua ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp, rồi lần lần tự tiêu diệt, chỉ có điều là thời gian của các thời kỳ ấy lâu hay mau mà thôi. Đạo Cao Đài cũng không thể ra ngoài định luật ấy, nhưng thời gian phổ độ của Đạo Cao Đài là 700 000 năm theo như Thánh Ngôn đã dạy.

    Vấn đề: Tôn giáo xuất hiện vào thời kỳ nào của nhơn loại?

    Với suy nghĩ là tất cả các tôn giáo đều dạy con người làm lành lánh dữ, không có tôn giáo nào dạy con người làm điều sái quấy hung ác, hơn nữa Thượng Đế tạo hóa ra con người nơi cõi trần nầy là để học hỏi và tiến hóa, cho nên nếu con người đều thiện lành và chơn thật thì chắc chắn không có tôn giáo nào xuất hiện nơi cõi trần nầy cả.

    Con người nguyên thủy đều lành, tâm hồn chất phác thuần lương, nên lúc đó tôn giáo chưa xuất hiện.

    Nhưng bản chất lành của người nguyên thủy trải qua nhiều thế hệ nên bị biến thiên, mặt khác con người được nuôi dưỡng bằng vật chất phàm trần nên nhiễm trược trần, tánh lành biến đổi, sanh lòng ích kỷ, lợi mình hại người, mà bắt đầu làm điều hung bạo bất lương.

    Để dẫn dắt con người trở về thiện lương chơn chánh, Thượng Đế cho các Đấng Tiên Phật giáng trần mở đạo dạy dỗ con người. Thế là tôn giáo xuất hiện kể từ đó. (Xem thêm: Đạo)

  • Tôn nghiêm

    Tôn nghiêm

    尊嚴

    A: Majestic.

    P: Majestueux.

    Tôn: Kính trọng. Nghiêm: oai nghi đáng nể sợ.

    Tôn nghiêm là oai nghi đáng kính trọng và nể sợ.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Khôi mịch tôn nghiêm.

  • Tôn sùng

    Tôn sùng

    尊崇

    A: To honour.

    P: Honorer.

    Tôn: Kính trọng. Sùng: kính trọng.

    Tôn sùng là kính trọng và thờ phượng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì sự tôn sùng tổ phụ.

  • Tôn sư

    Tôn sư

    尊師

    A: Honored teacher.

    P: Maỵtre honoré.

    Tôn: Kính trọng. Sư: thầy.

    Tôn sư là vị thầy đáng tôn kính.

    Kinh Phật Giáo: Hỗn độn Tôn sư, Càn Khôn Chủ tể.

  • Tôn sư trọng đạo

    Tôn sư trọng đạo

    尊師重道

    Tôn: Kính trọng. Sư: thầy. Trọng: kính trọng. Đạo: đạo đức.

    Tôn sư trọng đạo là kính trọng thầy dạy học và kính trọng người đạo đức.

    Đây là truyền thống của dân tộc ta.

  • Tôn ty phẩm trật

    Tôn ty phẩm trật

    尊卑品秩

    A: The hierarchy.

    P: L" hiérarchie.

    Tôn: Kính trọng. Ty: thấp hèn. Phẩm: thứ bực. Trật: trật tự. Tôn ty là cao thấp. Phẩm trật: thứ bực trong chức tước.

    Tôn ty phẩm trật là thứ bực cao thấp của chức tước.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hộ Pháp có hỏi Ngài về sự tôn ty phẩm trật thì Ngài dạy rằng: Nam Nữ vốn đồng quyền.

    Tôn ty thượng hạ: Cao thấp trên dưới, tức là có trật tự phân minh, kẻ dưới phải tôn kính người trên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cả thảy đều con của Thầy, trừ ra tôn ty thượng hạ nơi việc hành chánh, thì đồng một bực cả.

  • Tôn Văn - Tôn Dật Tiên (1866-1925)

    Tôn Văn - Tôn Dật Tiên (1866-1925)

    孫文 - 孫逸仙

    Tôn: Cháu, họ Tôn. Tôn Văn là nhà đại cách mạng của nước Trung hoa, hiệu là Trung Sơn, nên cũng gọi là Tôn Trung Sơn. Khi Ngài sống lưu vong ở nước Nhựt, Ngài lấy bí danh là Sơn Trung Tiều (ông tiều trong núi). Khi hoạt động chánh trị ở Honolulu, thuộc quần đảo Hawai giữa Thái Bình Dương, Ngài lấy tên là Tôn Dật Tiên và làm giấy khai sanh tại đây.

    Ngài là một vị Thánh của Bạch Vân Động nơi cõi thiêng liêng, Thánh hiệu là Tôn Sơn Chơn Nhơn.

    Đức Tôn Sơn Chơn Nhơn cùng với Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ (tức là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (tức là Văn hào Victor Hugo), gọi chung là Tam Thánh Bạch Vân Động, lãnh lịnh Đức Chí Tôn công bố bản Đệ tam Thiên Nhơn Hòa Ước giữa Trời và Người trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Trong bức họa "Tam Thánh Ký Hòa Ước" đặt tại Tịnh Tâm Điện Tòa Thánh, Tôn Sơn Chơn Nhơn mặc quốc phục Trung hoa, cầm nghiên mực rực rỡ hào quang để cho hai vị Thánh: Thanh Sơn Đạo Sĩ và Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, cùng chấm bút vào đó viết bản Thiên Nhơn Hòa Ước lên tấm bia đá. Ngài cầm nghiên mực rực rỡ hào quang tượng trưng nền văn minh Nho giáo rực rỡ của Trung hoa.

    Tiểu sử của Tôn Văn:

    Tôn Văn sanh ngày 2-11-1866 (âl 25-9-Bính Dần), nhằm năm thứ 5 đời vua Đồng Trị, tại làng Thúy Hanh huyện Hương Sơn (nay đổi là huyện Trung Sơn) phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, thân phụ là Tôn Đạt Thành. Khi bà mẹ sanh ra Tôn Văn, bà đặt tên là Đế Tượng, vì bà nằm mơ thấy vị Thần Bắc Đế hiện ra trước ngày sanh Tôn Văn.

    Năm 1879, Tôn Văn được 13 tuổi, cùng đi với mẹ qua Honolulu sống với người anh ruột tên là Tôn Mi, một Hoa kiều giàu có tại đây. Tôn Mi gởi Tôn Văn vào học trường Trung học của Giáo hội Cơ Đốc nước Anh mở ra.

    Học hết bậc Trung học, Tôn Văn được anh cho trở về Hồng Kông học Đại học Y Khoa, và Tôn Văn tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại trường nầy năm 1892, lúc đó Tôn Văn được 27 tuổi.

    Tôn Văn trở về Quảng Châu mở phòng mạch Bác sĩ, và bắt đầu tiếp xúc, liên lạc với các nhà cách mạng. Trong thời gian Tôn Văn học Đại học Y khoa ở Hồng Kông, Tôn Văn đã chứng kiến cuộc chiến tranh giữa quân đội nhà Mãn Thanh và quân đội nước Pháp. Quân đội Mãn Thanh, với vũ khí thô sơ, nên bị thảm bại và buộc phải ký Tờ Hoà ước nhường cho nước Pháp nhiều đặc quyền về kinh tế.

    Năm 1894, Tôn Văn gởi một bức thơ lên vị Đại Thần Lý Hồng Chương để yêu cầu cải cách nước Tàu và yêu cầu họ Lý tiếp kiến, nhưng Lý từ chối. Từ đó, Tôn Văn bỏ ý tưởng cải cách, chuyển sang lập trường làm cách mạng.

    Tháng 11 năm 1894, Tôn Văn sang Honolulu thành lập một tổ chức cách mạng đầu tiên lấy tên là Hưng Trung Hội, với cương lĩnh là lật đổ nhà Mãn Thanh, thành lập Chánh phủ Dân chủ. Tổ chức ban đầu chỉ thu hút được khoảng 20 Hoa kiều.

    Tháng 2 năm 1895, Tôn Văn trở về Hồng Kông để thành lập Tổng Bộ Hưng Trung Hội, chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa ở Quảng Châu. Trong nội bộ có kẻ làm phản, kế hoạch bị bại lộ, hơn 70 người bị bắt và bị giết chết, Tôn Văn trốn thoát được. Triều đình Mãn Thanh treo giải thưởng lớn cho ai bắt được Tôn Văn. Tôn Văn phải trốn sang Nhựt, rồi trở lại đảo Hawaï, lại qua Mỹ rồi sang nước Anh.

    Tháng 10 năm 1896, Tôn Văn từ một khách sạn ở Luân Đôn đi ra để gặp thầy giáo Kantlei, người quen cũ hồi học ở Đại học Y khoa Hồng Kông, nhưng bị người của sứ quán Mãn Thanh tại Luân Đôn bắt giữ để giải về nước trị tội. Tôn Văn may mắn được một người Anh đang làm công nhân trong sứ quán Mãn Thanh chuyển giùm một bức thơ của ông đến thầy Kantlei. Kantlei liền đến Cơ quan Cảnh Sát Anh nhờ can thiệp để thả Tôn Văn ra, nhưng Cơ quan nầy làm ngơ. Kantlei liền nhờ báo chí làm rùm lên. Ngay ngày hôm sau, trên các tờ báo lớn tại Luân Đôn đều có đăng tin: Hành động bắt người trái phép của sứ quán Trung quốc. Những người Anh ủng hộ Cách mạng Trung quốc kéo đến biểu tình, bao vây sứ quán Trung quốc, đòi thả Tôn Văn. Cuối cùng, sứ quán Trung quốc phải nhượng bộ, thả Tôn Văn ra.

    Năm 1897, Tôn Văn rời Luân Đôn sang Nhựt để tuyên truyền về Hưng Trung Hội trong hàng ngũ Hoa kiều tại đây.

    Tháng 10 năm 1898, Tôn Văn gặp Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, đang sang lánh nạn tại Nhựt sau thất bại Biến Pháp Mậu Tuất, Tôn Văn vận động hai ông hợp tác với Hưng Trung Hội, nhưng không thành công.

    Năm 1900, dưới ảnh hưởng của phong trào nông dân Nghĩa Hòa Đoàn, Tôn Văn trở về nước phát động cuộc khởi nghĩa của Hưng Trung Hội ở Huệ Châu vào ngày 8-10-1900, nhưng không thành công. Ông phải lánh nạn qua Nhựt lần thứ nhì, rồi qua đảo Hawạ, Việt Nam, Thái Lan và Mỹ.

    Ngày 20-8-1905, tại Tokyo Nhựt bổn, Tôn Văn hợp nhất Hưng Trung Hội với các Chánh đảng khác có cùng mục đích như Quang Phục Hội, Hoa Hưng Hội, thành lập một đảng thống nhứt, lấy tên là Trung Quốc Đồng Minh Hội, do Tôn Văn làm Tổng Lý, với cương lĩnh: "Lật đổ Mãn Thanh, khôi phục nước Trung Hoa, thành lập nước Trung Hoa Dân Quốc."

    Tháng 11 năm 1905, trên tờ Dân Báo, Cơ quan Ngôn luận của Đồng Minh Hội, Tôn Văn phê phán gay gắt lý luận cải lương của hai ông Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Ông chủ trương phải tiến hành cách mạng vũ trang, và ông đưa ra chủ nghĩa TAM DÂN: Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh.

    Dân tộc: Nước Trung hoa độc lập. Năm tộc: Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng, trong toàn cõi Trung hoa phải bình đẳng hết thảy.

    Dân quyền: Nước Trung hoa là nước dân chủ, có Quốc hội do dân trực tiếp bầu ra, nắm quyền Lập pháp. Người dân có quyền ứng cử và bầu cử, ngoài ra còn có quyền sáng chế, quyền phức quyết và quyền bãi miễn nữa.

    Dân sinh: Mọi người dân đều sống bình đẳng trong xã hội. Nguyên tắc cơ bản là bình quân địa quyền và tiết chế tư bản, để đi đến mục đích là giải phóng kinh tế, khiến toàn dân đều được hưởng thụ lợi ích: ăn mặc, ở và đi.

    Từ năm 1906 đến 1911, Tôn Văn phát động tất cả 10 cuộc khởi nghĩa tại Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, An Huy, Triết Giang. Những cuộc khởi nghĩa trên đều thất bại, nhưng làm cho nhà Mãn Thanh suy yếu và tinh thần cách mạng của dân Trung hoa càng lúc càng lên cao.

    Cuối cùng cuộc khởi nghĩa tại Vũ Xương ngày 10-10-1911 ( năm Tân Hợi), gọi là cuộc Cách Mạng Tân Hợi, dưới sự lãnh đạo của các nhà cách mạng chịu ảnh hưởng của Tôn Văn và Đồng Minh Hội, đạt được thắng lợi và ảnh hưởng lan rộng ra toàn quốc.

    Tôn Văn đang ở nước Mỹ, nhận được tin Cách mạng thành công, liền tiến hành các hoạt động ngoại giao đối với các Chánh phủ của các nước Âu Mỹ để cắt đứt quan hệ của họ với nhà Mãn Thanh.

    Cuối tháng 12 năm 1911, Tôn Văn từ Âu Châu trở về Trung quốc. Do công lao to lớn của ông với sự nghiệp cách mạng, Hội Nghị Đại biểu 17 tỉnh độc lập họp ở Nam Kinh bầu Tôn Văn làm Tổng Thống lâm thời.

    Ngày 1-1-1912, Tôn Văn nhậm chức Tổng Thống tại Nam Kinh và thành lập Chánh phủ Trung hoa Dân Quốc.

    Tổng Thống lâm thời Tôn Văn tuyên bố một loạt các pháp lệnh cải cách nước Trung hoa.

    Ngày 11-3-1912, ông ban bố Ước Pháp Lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc, xem đó như là Hiến Pháp Tạm thời của nước Trung Hoa Dân Quốc. Tôn Văn đặt ra lá cờ của nước Trung Hoa Dân Quốc, gọi là lá cờ "Thanh Thiên Bạch Nhật mãn địa hồng" (Trời xanh, Mặt Trời trắng, đầy đất đỏ).

    Do áp lực của các nước Âu Mỹ và các thế lực bảo thủ trong nước, cộng với sự yếu kém và tản mạn của đảng cách mạng, Tôn Văn buộc phải chấp nhận các điều kiện của Viên Thế Khải là nhường chức Tổng Thống cho Viên sau khi vua nhà Mãn Thanh thoái vị.

    Vị vua cuối cùng của nhà Mãn Thanh là Phổ Nghi bị buộc phải thoái vị ngày 12-2-1912, kết thúc 2000 năm chế độ quân chủ cai trị nước Tàu.

    Ngày 1-4-1912, Tôn Văn chánh thức rút lui khỏi chức vụ Tổng Thống.

    Tháng 8 năm 1912, Tôn Văn cải tổ Trung Quốc Đồng Minh Hội thành Quốc Dân Đảng.

    Ngày 25-10-1915, Tôn Văn kết hôn với cô Tống Khánh Linh, làm đám cưới tại Nhựt bổn. Trước đây, tại quê nhà, cha mẹ Tôn Văn đã cưới vợ cho Văn và hai vợ chồng sanh đặng 3 người con. Đến năm 1915, hai vợ chồng thỏa thuận ly hôn với nhau để Tôn Văn cưới cô Tống Khánh Linh, một cộng sự đắc lực và trẻ đẹp, đã giúp đỡ ông nhiều về văn thư và ngoại giao.

    Năm 1916, Viên Thế Khải, một vị Đại Thần của triều đình Mãn Thanh, phản lại Mãn Thanh, hưởng ứng theo cách mạng, được Tôn Văn nhường cho chức Tổng Thống, lại lo củng cố thế lực, phản lại chế độ Dân chủ Cộng hòa, tự lập làm vua, xưng đế hiệu tại Bắc Kinh, tái lập chế độ Quân chủ.

    Các tướng lãnh nắm quyền quân đội, các vị Tỉnh trưởng, nổi lên chống đối quyết liệt, Viên Thế Khải ưu uất mà chết.

    Trong thời gian đó, Tôn Văn lãnh đạo Chánh phủ Quân sự ở Quảng Đông (1917-1918) và làm Tổng Thống Chánh phủ Cộng hòa.

    Tháng 10 năm 1919, Tôn Văn cải tổ Quốc Dân Đảng. Trong bản Tuyên ngôn của Quốc Dân Đảng vào tháng Giêng năm 1923, ông tuyên bố sẽ dựa vào quần chúng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Ông chủ trương xây dựng Quảng Châu thành đại bản doanh cách mạng.

    Tháng 8 năm 1923, ông cử một phái đoàn do Tưởng Giới Thạch cầm đầu sang Liên Xô nghiên cứu chánh trị xây dựng đảng và cách tổ chức Hồng Quân Liên Xô. (Tưởng Giới Thạch có vợ là Tống Mỹ Linh, em ruột của Tống Khánh Linh).

    Tháng 10 năm 1923, Tôn Văn tiếp nhận phái đoàn Cố vấn của Liên Xô do Borodin cầm đầu đến Quảng Châu.

    Tháng giêng năm 1924, Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhứt của Quốc Đân Đảng nhóm họp tại Quảng Châu. Trên diễn đàn Đại Hội, Tôn Văn tuyên bố ba chánh sách lớn của Quốc Dân Đảng: Liên Nga, Liên Cộng, Ủng hộ Công Nông. Trong bản Tuyên ngôn của Đại Hội, Tôn Văn giải thích Chủ nghĩa Tam Dân mới: Phản đế, Phản phong, Tiết chế đại tư bản. Nó trở thành cương lĩnh chung cho Mặt Trận Thống Nhứt Quốc Cộng hợp tác lúc bấy giờ.

    Tháng 5 năm 1924, Tôn Văn thành lập Trường Võ Bị Hoàng Phố ở Quảng Châu, gọi là Trường Trung Quốc Quốc Dân Đảng Lục Quân Quan Học Hiệu, và cử Tưởng Giới Thạch làm Hiệu trưởng.

    Tháng 10 năm 1924, tại Bắc Trung hoa, Lưu Vĩnh Tường và Trương Tác Lâm đánh thắng Ngô Bội Phu, buộc Tào Côn từ chức Tổng Thống, rồi hai ông nầy hiệp cùng Đoàn Kỳ Thụy đánh điện mời Tôn Văn lên Bắc Kinh để bàn việc thống nhứt Nam Bắc.

    Tôn Văn lên đến Bắc Kinh, nhưng chẳng bao lâu sau thì bị trọng bịnh, phát hiện ra chứng ung thư gan và mất ngày 12-3-1925 (âl 18-2-Ất Sửu), thọ 60 tuổi.

    Ngài di chúc lại như sau:

    · Đảng viên Quốc Dân Đảng phải nổ lực cách mạng.
    · Triệu tập Quốc Dân Hội Nghị.
    · Phế trừ các điều ước bất bình đẳng đối với ngoại bang.

    Cái chết mau chóng của Tôn Văn là một thiệt hại lớn cho cao trào cách mạng của dân tộc Trung hoa.

    Sau 14 năm làm cách mạng, kể từ năm 1911 đến năm ông mất 1925, Tôn Văn đã đạt được hai thắng lợi lớn:

    · Lật đổ được triều đình nhà Mãn Thanh.
    · Thành lập nước Trung Hoa Dân Quốc với chế độ Dân chủ Công hòa.

    Đám tang của Tôn Văn được tổ chức rất trọng thể với nghi lễ Quốc táng, có hàng chục vạn người đưa tiễn đến nơi an nghỉ cuối cùng.

    Lúc sắp chết, Tôn Văn trối trăn trước nhiều nhân chứng hiện diện, những lời chỉ giáo cho đám môn đệ. Di chúc nầy thường được các đồng chí của ông đem đọc trong những ngày lễ tưởng niệm ông và trong nhiều buổi họp và được truyền bá rộng rãi bằng tiếng Trung hoa và tiếng Anh, phiên dịch ra Việt văn như sau:

    NHỮNG LỜI NÓI SAU CÙNG của Tôn Văn nhắn nhủ các môn đệ.

    Trong 40 năm tôi làm việc không ngừng cho công cuộc Cách mạng của đồng bào tôi, mục đích là đem lại tự do và công bằng cho nước Trung hoa. Kinh nghiệm tích lũy trong 40 năm ấy giúp tôi xác tín rằng, để hoàn thành sứ mạng, điều cần thiết tuyệt đối là thức tỉnh cho kỳ được khối đại đa số dân chúng và liên kết các dân tộc trên thế giới đối đãi với chúng ta một cách bình đẳng để thương nghị về những nổ lực của chúng ta.

    Hiện tại cuộc Cách mạng có thành quả chưa trọn vẹn. Tôi nghĩ rằng, các bạn đồng sự cần theo những nguyên lý và chánh sách mà tôi đã từng công bố: Dự án tái thiết quốc gia, Nguyên tắc tổng quát và tái thiết, những nền móng của dân chủ, và Tuyên ngôn về bản Tạm ước đầu tiên của các đại biểu bằng một nổ lực liên tục sao cho những kế hoạch có thể thực hiện được hoàn toàn mới thôi.

    Điều mà người ta mới vừa phản đối cho phép hiểu rằng: việc triệu tập một Đại hội đại biểu nhân dân và sự xóa bỏ những hiệp ước bất công và tệ hại hiện hữu cần phải thực hiện nhanh chóng với điều kiện có thể có. Đó là lời nhắn nhủ cấp thiết nhất của tôi.

    Ngày 11 tháng 3 năm 1925.
    TÔN VĂN
    (ký tên)

    Năm 1929, di hài của Tôn Văn được chuyển về an táng tại núi Tử Kim ở Nam Kinh.

    Năm 1986, Trung quốc xuất bản quyển "Tôn Trung Sơn Toàn tập" gồm 11 tập, và ở Đài Loan xuất bản quyển "Quốc Phụ Toàn tập."

    Như trên đã trình bày, Tôn Văn, tức Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên, là một nhà Chánh trị và Cách mạng lớn của dân tộc Trung Hoa, nhưng Tôn Văn cũng còn là một nhà Tư tưởng Triết học với tác phẩm cơ bản là "Học Thuyết Tôn Văn."

    Khuynh hướng tư tưởng của Tôn Văn dựa vào Thuyết Tiến Hóa của Darwin.

    Về Vũ trụ quan, Tôn Văn giải thích Thái Cực vận động sanh ra điện tử, điện tử ngưng kết thành Nguyên tố, Nguyên tố hợp thành Vật chất, Vật chất tụ lại thành Trái Đất.

    Ông cho Tinh thần chỉ là hiệu quả của Vật chất, tức là chủ trương Duy Vật, nhưng đồng thời nhấn mạnh sự ảnh hưởng của Giáo dục Tinh thần.

    Về quan hệ giữa TRI và HÀNH, ông chống lại tư tưởng cổ đại Trung quốc: "Biết không khó, Làm mới khó." Theo ông thì Biết khó Làm dễ, chủ trương phải tìm tri thức khoa học, nhưng không đi đến quan niệm Duy Tâm "Biết trước Làm sau", và bác bỏ thuyết Tri Hành hợp nhứt của Vương Dương Minh.

    Ông chủ trương: Làm trước Biết sau, không Biết cũng có thể Làm, sự hoạt động thực tiễn là con đường tiến bộ tất yếu.

    Ông chia quá trình nhận thức làm ba thời kỳ:

    · Không Biết mà Làm.
    · Làm rồi mới Biết.
    · Biết rồi mới Làm.

    Phần lớn thì giờ của Tôn Văn dành cho công cuộc cách mạng, ông lại mất sớm, nên chưa có thì giờ để xây dựng tư tưởng triết học của ông được hoàn chỉnh.

    Hằng năm, đến ngày 18-2 âm lịch, ngày mất của Tôn Văn, tại Văn phòng Hội Thánh Đường Nhơn của người Tàu ở Tòa Thánh Tây Ninh, các Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu Đường nhơn cử hành lễ cúng tế kỷ niệm ngày mất của Tôn Văn, Thánh danh là Tôn Sơn Chơn Nhơn, có đại diện của Hội Thánh đến tham dự.

    Đức Tôn Sơn Chơn Nhơn ít giáng cơ dạy Đạo hơn Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn. Sau đây, chúng tôi có sưu tập được một bài Thánh giáo của Ngài nói chuyện với Giáo Sư Thượng Bảy Thanh, đạo hiệu Phong Chí, thuộc Hội Thánh Ngoại Giáo, trong đó có tiên tri về nước Trung hoa và nước Nhựt, xin chép ra sau đây:

    Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Đạo
    Đàn cơ tại Hộ Pháp Đường
    ngày 17-10-Bính Tý (dl 30-12-1936).

    TÔN SƠN CHƠN NHƠN

    Bần tăng chào quí vị. Cười....

    Anh Phong Chí đứng chớ. Làm bộ hoài!

    Theo ý Bần tăng tưởng thì buổi nầy chưa phải hợp thế thời cho Đạo phổ thông Trung quốc, vì hai lẽ:

    Một là Chánh phủ Pháp với Đông Dương nầy chẳng phải thật tâm trọng Đạo, cố ý giúp dùm, mà thật sự thì chờ Đạo xuất dương nơi Trung hoa, đặng mai phục ẩn binh toan phương hãm hại.

    Anh Phong Chí nè! Anh chưa bước chân đến nước Tàu mà tên Anh đã treo nhỏng nhảnh nơi Phòng Mật Thám Tsien Tries, ấy là đợi Anh qua đặng ghim vào bằng cớ tụ họp thông tư ngoại quốc vì quốc sự, chớ chẳng vì Đạo. Các cớ ấy chúng sẽ làm thế nào cho quả quyết hiển nhiên đặng toan diệt Đạo nơi đây cho đặng.

    Hai nữa là vì Thiên thơ đã định cho Huê Nhựt hiệp chủng. Hại nỗi lại là tay có trọng trách nơi phần tạo Tân Thế giới cho Đức Chí Tôn, nên Ngọc Hư bảo trọng không cho diệt chủng, duy chịu nạn diệt quốc mà thôi.

    Trong thế kỷ 21 sẽ thấy tang điền Nhựt đảo biến nên thương hải Huê triều. Ấy vậy, lúc phối hợp dân sanh sẽ có lắm trường huyết chiến.

    Em nói: Trong thời gian ngắn ngủi chi đây sẽ có Nhựt Huê đại chiến.

    Em lại nói chắc rằng: Chức sắc giáo đạo những nơi Huê triều, ngày kia cũng phải chung mang khổ ách.

    Anh hiểu rồi! Gắng nghe lời Hộ Pháp khuyến giáo và hạ lịnh mới gây nổi cơ đồ vĩ đại. Nghe và tuân theo vì đó là lịnh dạy của thầy.

    Em trả lời những sự Anh cầu nguyện rồi.

    Xin để nhượng bút cho Phạm Phối Thánh.

    Cao Tiếp Đạo! Bần tăng xin dâng bài thi nầy:

    THI:
    Chém nước chưa ai nắm bửu đao,
    Có phong trần mới định anh hào.
    Thường mưu trối kệ đời toan tính,
    Cái nghiệp thương đời phải chịu đau.

    Thăng.

  • TỒN

    TỒN

    TỒN: 存 Còn, giữ cho còn, dồn chứa lại.

    Thí dụ: Tồn tâm dưỡng tánh, Tồn vong.

  • Tồn tại

    Tồn tại

    存在

    A: To exist, the existence.

    P: Exister, l" existence.

    Tồn: Còn, giữ cho còn, dồn chứa lại. Tại: ở tại.

    Nghĩa thường dùng: Tồn tại là hiện đang còn, không mất.

    Nghĩa triết học: Tồn tại là thực tại khách quan, tức là tất cả những gì hiện thực ở bên ngoài và độc lập với ý thức của con người. Theo nghĩa nầy, khái niệm Tồn tại đồng nghĩa với khái niệm vật chất. Tồn tại khách quan chính là các thứ vật chất ở chung quanh chúng ta.

  • Tồn tâm dưỡng tánh

    Tồn tâm dưỡng tánh

    存心養性

    A: The simultaneous perfection of the conscience and character.

    P: La perfection simultanée de la conscience et du caractère.

    Tồn: Còn, giữ cho còn, dồn chứa lại. Tâm: cái tâm của con người. Dưỡng: nuôi. Tánh: cái thể hiện ra bên ngoài của cái tâm.

    Tồn tâm là giữ cái bổn tâm của mình lúc nào cũng tồn tại sáng suốt thiêng liêng, luôn luôn giữ được địa vị chủ nhơn của thể xác.

    Dưỡng tánh là nuôi nấng cái tánh của mình lúc nào cũng thiện lương như thuở ban đầu, lúc cha mẹ mới sanh ra. (Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện). (Xem chi tiết nơi chữ: Tâm - Tánh)

  • Tồn vong ưu liệt

    Tồn vong ưu liệt

    存亡優劣

    A: Existing and dead, excellent and bad.

    P: Existant et mort, excellent et mauvais.

    Tồn: Còn, giữ cho còn, dồn chứa lại. Vong: mất. Ưu: hơn. Liệt: kém. Tồn vong là còn và mất. Ưu liệt là hơn và kém, thắng và bại.

    Tồn vong ưu liệt là còn mất thắng bại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Biết thế biết thời, biết dinh hư, biết tồn vong ưu liệt, rồi mới có biết hổ mặt thẹn lòng.

  • TỔN

    TỔN

    TỔN: 損 Hao mất, thiệt hại.

    Thí dụ: Tổn đức, Tổn thất.

  • Tổn đức

    Tổn đức

    損德

    A: To ruin the virtue.

    P: Nuire à la vertu.

    Tổn: Hao mất, thiệt hại. Đức: phước đức.

    Tổn đức là thiệt hại cái phước đức của mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mưu được phần mình thì tổn đức.

  • Tổn thất

    Tổn thất

    損失

    A: To suffer losses.

    P: Subir des pertes.

    Tổn: Hao mất, thiệt hại. Thất: mất.

    Tổn thất là thiệt hại mất mát.

  • Tổn thọ

    Tổn thọ

    損壽

    A: To shorten the life.

    P: Abréger la vie.

    Tổn: Hao mất, thiệt hại. Thọ: sống lâu.

    Tổn thọ là giảm bớt tuổi thọ.

  • TÔNG

    TÔNG

    TÔNG: 宗 còn đọc là TÔN, dòng họ, học phái.

    Thí dụ: Tông đạo, Tông đường.

  • Tông đạo

    Tông đạo

    宗道

    A: The religious country.

    P: Le pays religieux.

    Tông: còn đọc là TÔN, dòng họ, học phái. Đạo: tôn giáo.

    Tất cả tín đồ Đạo Cao Đài cư ngụ trong một nước họp thành một Tông đạo.

    Tông đạo Tần nhơn gồm tất cả những tín đồ người Cao Miên theo Đạo Cao Đài.

    Tông đạo Đường nhơn gồm tất cả những tín đồ người Tàu theo Đạo Cao Đài.

    Đứng đầu một Tông đạo là một Chức sắc có phẩm vị cao nhất trong Tông đạo, được Hội Thánh bổ nhiệm, chịu dưới mệnh lệnh của Hội Thánh.

    Mỗi Tông đạo cất một Văn phòng đại diện trong Nội Ô Tòa Thánh, trực tiếp nhận các Huấn lịnh của Hội Thánh, rồi chuyển về Văn phòng của Tông đạo mình ở nước ngoài.

    Đặc biệt nước Việt Nam có ba Tông đạo: Bắc Tông đạo, Trung Tông đạo và Nam tông đạo, bởi vì Hội Thánh thành lập các Tông đạo ấy vào thời Pháp thuộc, lúc đó Việt Nam bị Pháp chia làm 3 Kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, mỗi Kỳ có chế độ cai trị riêng, nên có thể xem như một nước nhỏ. Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, Trung Kỳ thì còn vua quan nhà Nguyễn cai trị nhưng dưới sự bảo hộ của Pháp, Bắc Kỳ thì có viên Công Sứ Pháp cai trị qua trung gian các quan lại Việt Nam do Pháp lập nên. Ngày nay, nước Việt Nam được độc lập và thống nhứt thì ba Tông đạo nầy sẽ hiệp làm một, thành Tông đạo Việt Nam.

  • Tông đường

    Tông đường

    宗堂

    A: The family temple.

    P: Le temple familial.

    Tông: còn đọc là TÔN, dòng họ, học phái. Đường: nhà thờ.

    Tông đường là nhà thờ tổ tiên của một dòng họ.

    Kinh Vào Học: Nguyện nên hương hỏa tông đường.

  • Tông tổ

    Tông tổ

    宗祖

    A: The ancestors.

    P: Les ancêtres.

    Tông: còn đọc là TÔN, dòng họ, học phái. Tổ: tổ tiên.

    Tông tổ là tổ tiên của dòng họ.

    Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu: Nối tông tổ biết bao nghĩa trọng.

  • TỐNG

    TỐNG

    TỐNG: 送 Đưa, tiễn, vận chuyển, tặng, biếu.

    Thí dụ: Tống chung, Tống khứ.

  • Tống chung

    Tống chung

    送終

    A: The funeral ceremony.

    P: Les funérailles.

    Tống: Đưa, tiễn, vận chuyển, tặng, biếu. Chung: hết, chết.

    Tống chung là lễ tang cho người chết và đưa đi chôn.

    Tân Luật: Trong việc tống chung, không nên xa xí, không nên để lâu ngày, không nên dùng đồ âm công có màu lòe loẹt.

  • Tống cựu nghinh tân

    Tống cựu nghinh tân

    送舊迎新

    A: To reconduct the old and to welcome the new.

    P: Reconduire l" ancien et recevoir le nouveau.

    Tống: Đưa, tiễn, vận chuyển, tặng, biếu. Cựu: cũ, xưa. Nghinh: đón tiếp. Tân: mới.

    Tống cựu nghinh tân là đưa tiễn cái cũ, tiếp đón cái mới.

    Như trường hợp lễ Giao thừa, tống cựu nghinh tân là tiễn đưa năm cũ, đón tiếp năm mới. Đưa tiễn một Chức sắc cũ đã mãn nhiệm, đón tiếp một Chức sắc mới được Hội Thánh bổ tới, cũng là tống cựu nghinh tân.

  • Tống đạt

    Tống đạt

    送達

    A: To transmit.

    P: Transmettre.

    Tống: Đưa, tiễn, vận chuyển, tặng, biếu. Đạt: đến, tới.

    Tống đạt là chuyển công văn đến tận tay người nhận.

  • Tống Hoằng

    Tống Hoằng

    宋弘

    Tống: họ Tống. Hoằng: tên riêng.

    Tống Hoằng là họ tên của một vị quan đại phu dưới triều vua Quang Vũ nhà Hậu Hán. Tống Hoằng có tánh tình trung nghĩa, chánh trực và chung thủy.

    Thời đó, vua Quang Vũ muốn có một người bác học ở luôn bên cạnh vua để bàn luận việc dân việc nước, Tống Hoằng tiến cử Hoàn Đàm, tâu rằng:

    - Học vấn của Hoàn Đàm có thể sánh với Dương Hùng và Lưu Hướng của thời Tây Hán.

    Do đó, vua Quang Vũ phong Hoàn Đàm chức Cấp Sự Trung, thường ngày hầu cận bên vua. Mỗi khi có yến tiệc, vua thường bảo Hoàn Đàm đánh đàn, và Hoàn Đàm đánh toàn những bản nhạc kích thích sự dâm ô của nước Trịnh để làm vui lòng vua. Tống Hoằng biết được, liền gọi Hoàn Đàm đến trách là đã đem loại nhạc bất chánh cho vua nghe. Sau đó, Tống Hoằng vào yết kiến vua, tâu rằng:

    - Bản ý của thần khi tiến cử Hoàn Đàm là để đem tài năng và lòng trung chánh ra giúp triều đình, nhưng nay thì các quan trong triều thích nghe âm nhạc của nước Trịnh, đó là tội của thần.

    Vua Quang Vũ giựt mình tỉnh ngộ, cho lệnh cách chức Hoàn Đàm, lại tự nhận đó là lỗi của mình. Từ đó, nhà vua lại càng kính nể Tống Hoằng.

    Vua Quang Vũ có người chị là Hồ Dương Công chúa, sớm góa chồng. Công chúa rất ái mộ Tống Hoằng và thường nói rằng: Nếu ai được như Tống Hoằng thì Công chúa mới chịu ưng làm chồng. Vua Quang Vũ biết thế nên cho gọi riêng Tống Hoằng để thử ướm lời, hỏi rằng:

    - Ngạn vân: Quí dịch giao, phú dịch thê, hữu chư? (Ngạn ngữ nói rằng: Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có chăng?)

    Tống Hoằng liền tâu rằng:

    Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường. (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau).

    Hán Quang Vũ và Công chúa Hồ Dương nghe Tống Hoằng nói như vậy thì biết Tống Hoằng là người trung nghĩa và rất chung thủy, nên rất kính phục và bỏ ý định riêng của mình.

    Tống Hoằng có người vợ ở nhà bị bệnh phải chịu mù lòa. Hằng ngày, ngoài giờ làm việc quan, Tống Hoằng săn sóc vợ và tới bữa cơm thì tự tay đút cơm cho vợ ăn. Dù vợ bị mù lòa nhưng Tống Hoằng một lòng thương yêu chung thủy, không vì thế mà muốn cưới vợ khác. Thật trên đời ít có người như thế, nên để gương tốt ngàn đời về sau.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Tống Hoằng chí trượng phu không đổi,
    Giữ nhơn luân, sợ lỗi đạo hằng.
    Từ duyên công chúa giao thân,
    Đút cơm vợ quáng ân cần dưỡng nuôi.
    Kinh Hôn Phối:
    Đã cùng gánh chung tình hòa ái,
    Tua đút cơm sửa dải làm duyên.

    Chữ "đút cơm" là lấy trong điển tích Tống Hoằng đút cơm cho vợ ăn vì vợ bị mù lòa, chỉ lòng chung thủy của chồng đối với vợ. Còn chữ "sửa dải" lấy theo điển tích Vợ của Châu Công Đán, ý nói: người vợ chăm nom săn sóc cho chồng từ những việc nhỏ nhặt.

    Người ta cũng thường nhắc đến Tống Hoằng qua câu chuyện đối đáp với vua Hán Quang Vũ sau đây:

    Vua hỏi:

    - Chừng nào thiên hạ thái bình?

    Tống Hoằng suy nhĩ rồi đáp:

    - Chừng nào quan văn không tham tiền, quan võ không sợ chết thì chừng đó thiên hạ thái bình.

  • Tống khứ tha phương

    Tống khứ tha phương

    送去他方

    Tống: Đưa, tiễn, vận chuyển, tặng, biếu. Khứ: đi. Tha phương: địa phương khác. Tống khứ là đuổi đi.

    Tống khứ tha phương là đuổi đi nơi khác.

  • Tống táng

    Tống táng

    送葬

    A: The burial.

    P: L" enterrement.

    Tống: Đưa, tiễn, vận chuyển, tặng, biếu. Táng: chôn xác người chết.

    Tống táng là đưa xác người chết đi chôn.

  • TỔNG

    TỔNG

    TỔNG: 總 Tập họp, bao gồm, đứng đầu chỉ huy.

    Thí dụ: Tổng Giám, Tổng trạo.

  • Tổng Giám - Phó Tổng Giám

    Tổng Giám - Phó Tổng Giám

    總監 - 副總監

    Tổng: Tập họp, bao gồm, đứng đầu chỉ huy. Giám: coi sóc.

    Tổng Giám là chức vụ đứng đầu chỉ huy Cơ quan Công thợ của Hội Thánh.

    Cơ quan Công thợ của Hội Thánh có tổ chức nhiều Sở chuyên môn, thí dụ như Sở Mộc, Sở Hồ, Sở Đắp vẽ, v.v.... Cơ quan Công thợ lớn nhứt của Hội Thánh là Ban Kiến Trúc, có một vị Tổng Giám đứng đầu, dưới quyền có nhiều vị Phó Tổng Giám và Tá Lý.

    Phó Tổng Giám là người làm đầu một Sở hay nhiều Sở cùng một ngành chuyên môn, dưới quyền của Tổng Giám.

    Tá Lý là người đứng đầu một Sở, chịu dưới quyền của Phó Tổng Giám và Tổng Giám.

    Cơ quan Công thợ được thành lập theo Thánh Lịnh số 231 của Đức PhạmHộ Pháp ngày 9-7-Canh Dần (dl 22-8-1950). (Xem Thánh Lịnh nơi chữ: Kiến Trúc, vần K)

    Tổng Giám đối phẩm Giáo Hữu, Phó Tổng Giám đối phẩm Lễ Sanh và Tá Lý đối phẩm Chánh Trị Sự, nhưng Đức Hộ Pháp không ban cho đạo phục Chức sắc để chầu lễ Đức Chí Tôn nơi Tòa Thánh hay Thánh Thất, vì công quả nầy thuộc vô vi, chỉ khi nào qui vị, những người trong Cơ quan Công thợ mới được hành lễ theo hàng Chức sắc đối phẩm.

    Thí dụ như Tổng Giám qui vị thì được hành lễ tang theo hàng phẩm Giáo Hữu, Phó Tổng Giám qui vị thì hành lễ tang theo hàng Lễ Sanh, và Tá Lý theo hàng Chánh Trị Sự.

    Mỗi bậc phẩm phải có đủ 5 năm công nghiệp mới được xét cho thăng phẩm. Tổng Giám được thăng lên phẩm Giáo Sư.

  • Tổng lái, Tổng mũi, Tổng thương, Tổng khậu

    Tổng lái, Tổng mũi, Tổng thương, Tổng khậu

    Đây là các chức vụ trong Ban Thuyền Bát Nhã.

    Thuyền Bát Nhã gồm các nhân viên: Tổng lái, Tổng mũi, Tổng thương, Tổng Khậu, và 12 bá trạo.

    · Tổng lái cai quản toàn nhơn viên Thuyền Bát Nhã.
    · Tổng mũi cai quản mũi thuyền và điều khiển 12 bá trạo chèo thuyền đi tới.
    · Tổng thương cai quản phần giữa và canh giữ thuyền.
    · Tổng khậu lo việc bếp núc.
    · 12 bá trạo lo việc chèo thuyền.

    Theo bài Giải thích về Thuyền Bát Nhã của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa thì:

    ■ Tổng lái là chơn linh của Hắc Sát Tinh ở thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Hộ Pháp. Tổng lái tượng trưng cho Bát Quái Đài.

    ■ Tổng mũi là chơn linh của Bạch Hổ Tinh ở thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Thượng Phẩm. Tổng mũi tượng trưng cho Hiệp Thiên Đài.

    ■ Tổng thương là chơn linh của Huỳnh Long Tinh ở thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Thượng Sanh. Tổng thương tượng trưng Cửu Trùng Đài.

    ■ Tổng khậu tượng trưng cho nhơn sanh, tức là chơn hồn của chúng ta. (Xem chi tiết: Thuyền Bát Nhã, vần Th)

  • Tổng luận

    Tổng luận

    總論

    A: The general discussion.

    P: La discussion générale.

    Tổng: Tập họp, bao gồm, đứng đầu chỉ huy. Luận: bàn luận.

    Tổng luận là phần bàn luận và nhận xét toàn bộ các vấn đề đã nêu ra từng phần ở các đoạn trước.

  • Tổng pháp tông

    Tổng pháp tông

    總法宗

    Tổng: Tập họp, bao gồm, đứng đầu chỉ huy. Pháp: giáo lý. Tông: Tôn: tôn giáo.

    Tổng pháp tông là tập hợp tất cả giáo lý của các tôn giáo vào một mối do Đức Chí Tôn Thượng Đế chưởng quản, gọi là thời kỳ vạn thù qui nhứt bổn, để tránh tình trạng phân chia tâm lý và ganh ghét giữa đạo nầy đạo khác, tiến tới một tín ngưỡng duy nhứt, một đức tin duy nhứt của một nền tôn giáo đại đồng.

    Đó là cơ qui nhứt của Đức Chí Tôn, là tôn chỉ của Đạo Cao Đài: Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Kim ngưỡng cổ ngưỡng, Phổ tế tổng pháp tông.

  • Tổng quản

    Tổng quản

    總管

    A: General intendant.

    P: Intendent général.

    Tổng: Tập họp, bao gồm, đứng đầu chỉ huy. Quản: coi sóc, cai quản.

    Tổng quản là người quản lý toàn thể.

    Tổng Quản Văn phòng là người quản lý tất cả công việc của một văn phòng. Dưới quyền của Tổng Quản Văn phòng là các Đầu phòng văn khoa mục và các thơ ký.

  • Tổng trạo

    Tổng trạo

    總棹

    A: The chief of the oarsmen.

    P: Le chef des rameurs.

    Tổng: Tập họp, bao gồm, đứng đầu chỉ huy. Trạo: cái chèo, người chèo thuyền.

    Tổng trạo là người cai quản và huấn luyện các bá trạo của Thuyền Bát Nhã.

    Bá trạo là người chèo thuyền. Bá là cây bá, tức là cây bách, cùng loại với cây trắc. Khi xưa người ta dùng cây bá để làm thuyền nên gọi là bá chu hay bách châu, dịch ra là: thuyền bá. Do đó, chữ bá được dùng để chỉ chiếc thuyền.

    Nơi văn phòng của Ban Tổng trạo Trung ương ở Tòa Thánh có đôi liễn mà hai chữ khởi đầu là: Tổng Trạo.

    總登覺岸泊龍船揮槳執柁超苦海
    棹送元人回舊位當風勃浪向天堂
    Tổng đăng giác ngạn bạc long thoàn huy tưởng chấp đà siêu khổ hải,
    Trạo tống nguyên nhơn hồi cựu vị đương phong bột lãng hướng thiên đường.

    Nghĩa là:

    Tổng đi lên bờ giác, cặp thuyền rồng, huy động mái chèo, giữ vững lái thuyền, vượt qua biển khổ,
    Trạo đưa nguyên nhơn qui hồi cựu vị, đương lúc gió, thình lình sóng nổi, hướng đến thiên đường.
  • Tốt nghiệp

    Tốt nghiệp

    卒業

    A: The finish of one"s studies.

    P: La fin de ses études.

    Tốt: hoàn tất, trọn. Nghiệp: công việc làm.

    Tốt nghiệp là học xong một bậc học và thi đậu ra trường.

    Tốt nghiệp Cao Đẳng Hạnh Đường là đã học xong các khóa học huấn luyện Chức sắc nơi Cao Đẳng Hạnh Đường và thi đậu kỳ thi mãn khóa.

  • Tột phẩm

    Tột phẩm

    A: The highest grade.

    P: Le plus haut grade.

    Tột: cao hơn hết. Phẩm: phẩm vị, phẩm tước.

    Tột phẩm là phẩm vị cao hơn hết, đến cùng tột rồi, không còn phẩm vị nào cao hơn nữa.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Còn cũng có nhiều Đấng thiêng liêng thấp mà lại nhờ một phen đắc đạo lập vị cao trọng tột phẩm.

  • Tơ duyên

    Tơ duyên

    A: The marriage bond.

    P: Le lien de mariage.

    Tơ: sợi dây bằng tơ. Duyên: mối dây ràng buộc đưa đến việc kết thành vợ chồng.

    Tơ duyên là sợi dây tơ ràng buộc đôi nam nữ kết thành vợ chồng.

    ĐIỂN TÍCH: Có 2 điển tích:

    1. Tơ hồng: Nguyên ngày xưa, ông Trương Gia Trinh có 5 người con gái, ông muốn gả một đứa cho Đặng Nguyên Chấn nhưng không biết chọn đứa nào. Ông bảo 5 đứa con gái ngồi sau tấm màn, mỗi đứa cầm một sợi tơ, 5 sợi tơ có 5 màu khác nhau. Đặng Nguyên Chấn đứng bên ngoài, chọn lựa rút sợi tơ nào thì cưới người con gái ấy. Chấn chọn sợi tơ màu hồng, nhằm đứa con gái thứ ba, đẹp nhất trong đám và cưới người ấy. Nhờ sợi tơ màu hồng mà hai người thành vợ chồng.

    2. Nguyệt Lão: Theo sách Tục U Quái Lục, Vi Cố là người ở Đỗ Lăng, đời Đường. Nhân đi qua chơi Tống thành, Vi Cố gặp một ông Lão ngồi dưới ánh trăng, gọi là Nguyệt hạ Lão nhân, nói tắt là Nguyệt Lão, có cái túi đựng chỉ đỏ để bên cạnh. Vi Cố tò mò đến đứng bên cạnh, thấy Nguyệt Lão đang tra sổ sách thì hỏi rằng:

    - Lão Tiên sinh đang xem sách gì vậy?

    Ông Lão đáp: - Đây là cuốn sổ hôn nhân của người hạ giới, cặp vợ chồng nào gặp nhau, trong sách nầy chép sẵn.

    Vi Cố lại hỏi cái túi đựng chỉ đỏ để làm gì?

    - Đây là túi đựng dây tơ hồng (xích thằng) để buộc chân đôi nam nữ thành vợ chồng với nhau, dù cho hai bên có thù hằn nhau hay ở cách xa nhau mà dây đã buộc rồi thì phải thành vợ chồng.

    Vi Cố liền hỏi người vợ tương lai của chàng là ai, thì ông Lão cũng vui lòng cho biết:

    - Vợ của anh hiện nay là một đứa con gái mới lên 3 tuổi, nhưng đến năm nó 17 tuổi thì anh mới lấy nó được.

    - Thưa Lão, hiện nay đứa con gái ấy ở đâu và làm gì?

    - Nó là con gái của Trần thị, bán rau ở phía bắc chợ kia.

    - Liệu tôi có thể xem mặt được không?

    - Được lắm chớ! Khi đi bán rau ở chợ, mẹ thường bế con theo. Anh cứ theo Lão, Lão sẽ chỉ cho.

    Trời vừa sáng, Vi Cố theo ông Lão ra chợ, ông Lão chỉ vào một đứa bé gái bẩn thỉu và nói:

    - Đấy, vợ tương lai của anh đó.

    Vi Cố thấy thế thì giận lắm, nói: - Người gì mà hèn hạ quá! Tôi muốn giết nó được không?

    - Không được đâu, con bé ấy tốt số lắm, sau sẽ được phong tước.

    Nói xong, ông Lão biến mất. Vi Cố đi về nhà, ngẫm nghĩ tức mình, quyết giết đứa bé gái ấy để khỏi lấy nó làm vợ, liền sai đầy tớ giấu dao nhọn trong mình, thừa cơ đâm chết đứa bé gái ấy thì chàng thưởng cho một vạn đồng. Người đầy tớ bằng lòng, dắt dao ra chợ, thừa lúc chộn rộn, lấy dao đâm vào ngực đứa bé, nhưng mũi dao lại trúng sóng mũi. Người ta la lên, tên đầy tớ mau chân trốn thoát.

    Mười bốn năm sau, Vi Cố tìm các mối mang để lấy vợ nhưng chẳng lấy được ai. Sau chàng được tập ấm, làm việc dưới quyền của quan Thứ Sử Tương Châu là Vương Thái, chàng được quan Thứ Sử thương tình và đem con gái gả cho.

    Vương tiểu thơ khi ấy được 17 tuổi, mặt hoa da phấn xinh đẹp, nhưng lúc nào cũng đính một cái hoa vàng nhỏ trên sóng mũi. Lấy nhau được một thời gian, Vi Cố hỏi vợ về cái hoa vàng đính trên sóng mũi, thì vợ đáp rằng:

    - Thiếp vốn là cháu của quan Thứ Sử, là con của quan Huyện Tống Thành. Cha của thiếp mất lúc đang tại chức khi thiếp đang còn ẵm ngửa. Chẳng bao lâu, mẹ và anh của thiếp cũng chết luôn, để thiếp mồ côi. Vú của thiếp là Trần thị đem thiếp về nuôi trong một cái trại ở phía nam Tống thành, làm nghề bán rau sanh sống qua ngày. Năm thiếp lên 3 tuổi, Vú bế thiếp ra chợ bán rau, gặp một kẻ côn đồ đâm thiếp một dao vào sóng mũi, làm thành cái sẹo. Cái hoa vàng thiếp đeo là để che cái sẹo ấy. Tám năm sau, chú của thiếp được bổ làm quan ở Lư Long, thiếp mới được gặp, thiếp về ở với chú, được chú xem là con, sau mới gả thiếp cho chàng.

    Vi Cố hốt hoảng hỏi:

    - Có phải Trần thị là bà già chột mắt không?

    - Phải, nhưng sao chàng biết?

    Vi Cố bèn thuật lại từ đầu đến cuối câu chuyện gặp Nguyệt Lão, được Nguyệt Lão chỉ cho biết người vợ tương lai của mình, Vi Cố không bằng lòng, mướn đầy tớ đâm chết.. v.v... rồi kết luận: Thật không thể nào cải được số Trời đã định.

    Từ đây, vợ chồng ăn ở với nhau rất hạnh phúc. Sau vợ Vi Cố sanh được con trai, lớn lên được bổ làm quan Thái Thú. Vi Cố lúc đó đã chết, vợ Vi Cố được phong là Phu nhân.

    Do hai điển tích trên, trong văn chương, người ta thường dùng các từ ngữ: Tơ hồng, xích thằng, chỉ hồng, tơ duyên, xe tơ, để chỉ việc kết duyên thành vợ chồng.

    Nguyệt Lão, Trăng già, ông tơ, để chỉ người kết buộc mối hôn nhân. Tục lệ thời xưa, khi cưới vợ thì có lễ tế tơ hồng, tức là lễ tế Nguyệt Lão.

    Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu: Vui chi còn man mác tơ duyên.

  • Tơ tóc

    Tơ tóc

    A: The conjugal love.

    P: L" amour conjugal.

    Tơ: sợi dây tơ. Tóc: sợi tóc.

    Tơ tóc là nó tắt thành ngữ: Xe tơ kết tóc.

    ■ Xe tơ là xoắn hai sợi tơ kết chặt vào nhau, chỉ việc kết hợp đôi nam nữ thành vợ chồng.

    ■ Kết tóc là kết các sợi tóc dính chặt vào nhau. Theo tục lệ xưa bên Tàu, hôm đôi vợ chồng mới cưới vào phòng, kẻ hầu hạ vào phòng kết tóc của hai người cho dính lại nhau. (Thuở xưa con trai và con gái đều để tóc dài). Cho nên từ ngữ Kết tóc là chỉ việc kết thành vợ chồng.

    Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu: Tưởng tơ tóc cùng nhau trọn đạo.

  • Tởi làm chùa

    Tởi làm chùa

    A: To subscribe money for the contruction of pagoda.

    P: Souscrire de l"argent pour construire la pagode.

    Tởi: đi khuyên người ta đóng góp tiền bạc hay vật liệu để cất chùa, đúc tượng hay ấn tống kinh sách.

    Tởi làm chùa là đi quyên góp tiền bạc để xây cất chùa.

    Kinh Sám Hối:
    Lại có kẻ miệng ngay lòng vạy,
    Tởi làm chùa, dối cậy in kinh.
    Ăn gian xới bớt cho mình,
    Dầu qua dương pháp, luật hình Diêm vương.
  • TU

    TU

    1. TU: 修 Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo.

    Thí dụ: Tu bổ, Tu hành, Tu tâm.

    2. TU: 鬚 Râu.

    Thí dụ: Tu mi.

    3. TU: 羞 Xấu hổ.

    Thí dụ: Tu ố, Tu sỉ.

  • Tu là chi?

    Tu là chi?

    1. Nghĩa đen: Tu là sửa, sửa cái xấu trở nên tốt, sửa cái sai trở thành đúng, sửa cái hư trở nên tốt đẹp. Thí dụ như:

    · Tu bổ là sửa sang cho tốt đẹp và thêm vào cho đầy đủ.

    · Tu nghiệp là sửa sang và học hỏi nghề nghiệp của mình cho được giỏi hơn.

    · Tu tánh là sửa chữa tánh nết của mình cho tốt đẹp hơn.

    2. Nghĩa theo tôn giáo: Đức Phạm Hộ Pháp giảng giải chữ TU như sau:

    "TU là làm cho mình đặng tận thiện tận mỹ.

    Luật thiên nhiên của Tạo hóa buộc các đẳng linh hồn, dầu vật loại cũng phải trau mình (TU) đặng đoạt đến nhơn phẩm. Khi được địa vị làm người, còn phải tự giồi trau để từ từ đi đến cảnh siêu thoát (Phật vị).

    Sanh ra làm người, bất luận là giai cấp nào, chịu nhiều thử thách rồi chết, rồi tái sanh, v.v.... Cứ xây vần mãi như thế.

    Thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn nầy, hoặc hiểu được ý nhị của nó để tiến hóa thêm phần nào thì không ngoài chữ TU.

    TU là gìn nhân phẩm, hạn chế dục vọng, thực hành theo lý tưởng bác ái để bước lên thiêng liêng vị, trái lại là mua chác đau phiền, chặn đường tiến hóa về mọi hình thức và vô tình đi đến cảnh suy vong.

    Thế gian loài người đều có TU cả, song có phần tử bất hảo vô tình không thừa nhận.

    TU có nhiều thể thức khác nhau, tùy theo giai cấp và sự tiến hóa của mỗi cá nhân mau hay chậm.

    Đứa trẻ sơ sinh không biết nói, chưa có trí khôn, lúc khát sữa nó khóc là tìm phương cho mẹ nó hiểu, gọi là TU; vừa lớn biết thương cha mến mẹ, khi có em biết thương em gọi là TU; lớn hơn lên, đến trường, khi nó chăm chú học và ráng được giỏi hơn bạn nó, gọi là TU; khi vừa biết khôn ngoan, nó hiểu rằng, phải học cho hay hơn thiên hạ và còn tìm phương kế đấu tranh sống cùng xã hội, gọi là TU; đến khi thành nhân, nó biết lựa chọn người bạn trăm năm đặng lập gia đình, gọi là TU; nó còn tầm sự hay thêm mãi để có một địa vị trong xã hội, gọi là TU; khi có địa vị rồi, nó muốn lập công nghiệp vĩ đại hơn và làm cách nào cho nhơn loại được hạnh phúc, gọi là TU.

    Tóm lại, nó vận dụng sự hiểu biết, và tùy mỗi giai đoạn tự nhiên trong phạm vi nhơn đạo đặng làm theo, là nó TU THÂN vậy.

    Về phương TU, trong chơn truyền của Đức Chí Tôn, thờ phượng và dâng Tam bửu, mỗi ngày chúng ta cầu nguyện Đức Chí Tôn đặng dâng ba của báu ấy là Tinh, Khí, Thần.

    TU về Tinh, Khí, Thần:

    Con người sanh ra nơi đây, Đức Chí Tôn ban cho cái ân đặc biệt là khi đầu sanh, tinh thần tự nhiên đã có quyền năng muốn đoạt cho được mọi sự hiểu biết của nhơn loại.

    TINH là báu đầu tiên của mình, là thân thể mình (ám chỉ xác thân).

    KHÍ là trí não khôn ngoan hiển hích của mình.

    THẦN là lương năng "Tri" hay hồn, liên quan với xác thân.

    Đành rằng, Tinh và Thần phản đối nhau, song lắm khi trí lay động quá, thường biến sanh ra sự khủng hoảng về tinh thần, cũng như một kẻ kia tự biết là ngu là khùng, khi ta điểm mặt nó, nói nó khùng thì nó tỏ ý giận dữ và tức tối lắm. Sự giận dữ ấy, trong tinh thần của nó có khuôn luật thiên nhiên, bảo nó phải TU, đừng để nó ngu; mà ai nói nó ngu, tức nhiên làm cho nó phạm luật thiên nhiên nên nó không chịu và tức giận.

    Từ khi loài người có nơi mặt thế nầy, đều muốn thoát ly thú tánh, đặng họ sẽ định tâm sáng suốt thành một vị Thánh ở thế gian, chúng ta đã biết có biết bao vị Thánh sống xuất hiện trong loài người mà huyền bí vô biên của Tạo công vẫn là đó cả. Ấy vậy, khuôn luật thiên nhiên buộc ta phải TU TRÍ. Nếu trí ngu xuẩn mê muội thì phải chịu lệ thuộc cho kiếp sống thừa. Chúng ta vẫn thấy một đứa trẻ còn kiếm phương để hiểu những điều hiểu biết của thiên hạ. Nó không biết, nó hỏi và vấn nạn để hiểu. Ấy là phương Tu Trí, được khôn ngoan là nhờ Tu Trí, tu hạnh đức hay hạnh kiểm rồi mới tu ngôn ngữ. Tu Trí đặng lập ngôn, tức nhiên là TU KHÍ.

    Khi ta được đủ trí và thức thời, Tâm ta trở nên sáng suốt, biết kiếp sống là mộng ảo, thì cái thiệt của xác thân khác nào như con vật. Như thế, ta phải làm gì, nếu không tìm cái chi vững chắc hơn? Người ta không quên tìm cái thiên lương, cái linh hồn, cái chơn linh bất di bất dịch, sống mãi mãi nơi cõi hằng sống. Biết được sống ấy là hằng sống thì còn đợi gì mà không tô điểm và giữ nó được trường tồn đẹp đẽ.

    Trước, các tôn giáo lấy chữ TÂM mà tượng trưng cho linh hồn. Đề cập đến cái Tâm là bất quá nói cái Trí do tinh thần làm căn bản, nên lấy chữ Tâm thay thế cho tinh thần, chớ chưa thật tướng của tinh thần.

    Qua giai đoạn TU TRÍ đến TU TÂM. Tâm buộc ta quan sát cả hành tàng kiếp sống của các bậc Thánh Hiền Tiên Phật đã lưu lại trên mặt thế, ta nương lấy nó (Tâm) làm căn bản, để kiếm một phương pháp thích dụng, đặt mình vào làm phương tu cho mình.

    TU TÂM chẳng những gieo mối tình cảm cùng vạn vật, nhơn loại, mà còn đưa ta đi mãi trên con đường vô tận vô biên.

    Ái tuất thương sanh là Tu Tâm, Thánh thể của Chí Tôn phụng sự vạn linh là Tu Tâm.

    Cái Tâm khó tả cho đầy đủ mà kiếp sanh của chúng ta ít có năng lực để tạo ra nó.

    Đức Chí Tôn đã nói: Biết phụng sự vạn linh, các con mới bước vào con đường Tu Tâm của các con. Còn chưa Tu Tâm, các con vẫn có từ bi bác ái và công chánh thế nào cũng chưa đủ gì! Có Tu Tâm mới có phương thế lập đức.

    Đức Chí Tôn đã dạy chúng ta phụng sự vạn linh là cốt yếu, bảo chúng ta phải Tu Tâm mới đổi lại cái quyền năng tinh thần của tâm lý đặng lập đức và Tam lập vậy, vì nó có sự liên hệ với nhau."

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "TU là chi? TU là trau giồi đức tánh cho nên hiền, thuận theo ý Trời đã định trước."

    "Thầy nói cho các con biết: Dầu một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm mà không TU, cũng khó trở lại địa vị đặng."

    Tóm lại, Tu là sửa đổi con người mình, từ hình thức đến nội dung, cho mỗi ngày một thêm tốt đẹp, thiện lương, chơn chánh, sửa đổi mãi như thế từ kiếp nầy đến kiếp khác cho đến khi đạt đến chỗ tận thiện tận mỹ mới hoàn toàn.

    Nói như thế, TU là làm tất cả những việc gì thuận tùng Thiên lý, thuận theo dòng tiến hóa của vạn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ, tức là làm cho chơn linh của mình mỗi ngày một tiến hóa, tiến hóa mãi trên con đường cao thượng, đạt lần lượt các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, rồi còn phải tiếp tục tu hành tiến hóa thêm nữa để đạt được phẩm vị Thượng Đế và hiệp nhập vào Thượng Đế. Đến chỗ đó, ta mới có thể nói rằng đã đạt được hết chữ TU.

    Tại Minh Thiện Đàn ở Phú Mỹ (Mỹ Tho), Đức Phật Mẫu giáng cơ ngày 15-5-Tân Mùi (dl 30-6-1931) cho thi bài dạy về chữ TU, chép ra sau đây:

    "Con ôi! Biển khổ khuyên vời,
    Mau về cảnh tịnh là nơi quê mình.
    Chớ mê thế sự phù sanh,
    Đem thân vùi lấp linh đinh cõi trần.
    Có thân ôi khổ cho thân,
    Tu sao cho đoạt nguơn thần mới an.
    Tầm lên cho đến Niết Bàn,
    Hiệp cùng Tiên Phật, hiệp đàng MẸ con.
    Đôi lời khuyên tạc lòng son,
    Đạo tâm khá giữ cho tròn mới nên.
    Lần theo đạo chánh cho bền,
    Vui câu bác ái làm nền Phật Tiên.
    Dầu cho chẳng đặng cũng hiền,
    Nầy lời của MẸ chép biên để lòng.
    TU sao cho gặp Long Hoa,
    TU sao cho đặng hiệp CHA mới là.
    TU thì việc thế bỏ qua,
    TU thì mựa chớ lân la kẻ tà.
    TU sao vững đạt hoàng gia,
    TU sao cho đặng nhà nhà hòa vui.
    TU là phải biết nếm mùi,
    TU mà chẳng biết như đui khác nào.
    Tu thì phải biết làm sao?
    Tu thì biết đó là trau gương lành.
    TU thì chẳng mến lợi danh,
    TU sao cho đặng hiện thành Kim Tiên.
    TU thì phải biết từ hiền,
    TU thì vẹn giữ năm giềng chớ xao.
    Tu thì nhơn đạo gìn trau,
    TU cho trọn đạo Thiên tào đặng lên.
    TU tâm khuyên trẻ cho bền,
    Tu cho trọn mấy lời khuyên MẸ hiền.
    TU sao cho vẹn đôi bên,
    TU thì nam nữ cũng lên Tòa vàng."

    Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn giảng giải và luận về chữ TU, chép ra như sau đây:

    "Chữ TU là gì?

    Tu là bồi bổ Tinh Khí Thần cho đầy đủ, đức tánh cho hoàn toàn, bỏ nhơn dục, tầm đường Thiên lý, thuận mạng, giữ thanh tịnh ôn hòa, chỗ nào sứt mẻ hư hao thì tô bồi cho đầy đủ.

    Chữ LUYỆN là gì? Luyện là trau giồi cho sáng suốt hoàn toàn, giũa mài rèn đúc cho trơn tru khéo léo.

    TU mà không LUYỆN thì chẳng khác chi một cục sắt không rèn làm sao thành một món khí giới? Luyện là rèn, thì chẳng khác nào một cục sắt đó còn đương vô dụng, luyện nó thì phải nướng cho nó cháy đỏ, rồi đập giũa, cạo gọt, rèn đúc mới thành món khí giới.

    Người tu cũng thế, muốn cho huệ mạng tròn đầy sáng suốt thì cần phải phanh luyện, mài giũa ngày đêm cho thành Kim thân Phật tử. Ấy là phương pháp Tu Luyện."

    Thầy lược luận chữ TU:

    THI BÀI:
    Trong pháp đạo TU TÂM đệ nhứt,
    Tu Tâm là đứng bực Thiên Tiên.
    Tu thì mới đoạt căn nguyên,
    Tu trao tánh mạng diệu huyền phát sanh.
    Phật Tiên nhờ Tu hành mà đắc,
    Phép Tu là đường tắt nẻo ngay.
    Tu sao đoạt bảng Thiên đài,
    Tu cho siêu thoát trần ai bể sầu.
    Thầy Chúa tể pháp mầu hoằng hóa,
    Độ chỉ truyền tất cả linh căn.
    Luyện Tu thoát tục lẽ hằng,
    Tu cho cửu khiếu dường trăng đêm rằm.
    Tu thì phải tồn tâm dưỡng tánh,
    Tu trau tria đức hạnh ôn lương.
    Tu phân Địa ngục Thiên đường,
    Thân Tu thân đắc, thân tường Đạo Cao.
    Xưa Tam giáo dạy trau tâm chí,
    Nay tương truyền huyền bí đạo Tiên.
    Tu hành học tánh nhẫn kiên,
    Sớm trưa dồi luyện tịnh thiền dưỡng an.
    Mặc kẻ thế bua quan cầu lợi,
    Giữ phận mình nhân ngỡi vẹn toàn.
    Tu theo chơn pháp Thầy ban,
    Tu trong Tam Ngũ cơ quan máy Trời.
    Điều quí nhứt trong đời Tu luyện,
    Ai hữu căn giục khiến vào Tu.
    Tu đặng vẹt phá mây mù,
    Đắc Tiên nên Phật thiên thu an nhàn.
    Tu mới đoạt ngai vàng phẩm báu,
    Chữ Tu là gốc đạo Tiên Thiên.
    Phế đời xa lánh lợi quyền,
    Học đòi tánh Phật ý Tiên kia là.
    Tu thân đắc mới ra độ thế,
    Tu sửa đời u trệ Hạ nguơn.
    Tam Kỳ Đạo chuyển tuần huờn,
    Châu nhi phục thỉ kết đơn trung điền.
    Tu chẳng luận sơn xuyên, am cốc,
    Tu cũng đừng tịch cốc hành thân.
    Tu là tụ Khí Tinh Thần,
    Tu cho tráng kiện mười phần nhàn thanh.
    Tu thiềng thị Tu thành mới đúng,
    Tu tại gia chẳng dụng của ai.
    Chữ Tu nó chẳng ở ngoài,
    Tu trong tâm tánh giồi mài điểm linh.
    Tu vẹn vẻ xử mình cho đúng,
    Chớ đừng tu ngoài bụng ngoài da.
    Khăn nu, áo trắng nhuộm dà,
    Rốt cuộc cũng quỉ cũng ma luân hồi.
    Tu nguơn thần lên ngôi cai trị,
    Dẹp trừ yên sáu quỉ bảy yêu.
    Tu bồi cơ sở Thuấn Nghiêu,
    Gia môn bế chặt ngựa chiều nhốt trong.
    Tu lập đức bồi công độ chúng,
    Tu khuyên đừng lạm dụng Phật tông.
    Khỉ thì bỏ đậy trong lồng,
    Cột xiềng cho chặt kẻo tông ra ngoài.
    Tu thì tu mắt, tai, mũi, miệng,
    Mối dục tâm sai khiến diệt trừ.
    Mới mong lập đảnh an lư,
    Long thăng hổ giáng huệ từ chiếu soi.
    Tâm thanh tịnh ra mòi thấy rõ,
    Tu tam huê đặng có huờn đơn.
    Luyện thành chánh giác chơn nhơn,
    Minh châu đáy nước xanh dờn sáng soi.
    Thọ pháp đạo phải noi phanh luyện,
    Tứ thời tu vận chuyển tâm điền.
    Pháp luân xây mãi liền liền,
    Làm cho hống đặng giao diên mới mầu.
    Tu lớp lang đuôi đầu sau trước,
    Hữu căn duyên thì được ngộ truyền.
    Phép Tu tạo Phật tác Tiên,
    Thiên cơ ứng hóa diệu huyền phát sanh.
    Bổn phận tu phải đành khờ dại,
    Ngữ ngôn gìn lẽ phải điều hơn.
    Tu rồi đừng giận chớ hờn,
    Để tâm thanh tịnh, linh đơn kết thành.
    Tu gạn đục lưu thanh tinh khiết,
    Thượng phù Thiên, trược miệt Địa ngưng.
    Nước hồ phải quậy tưng bừng,
    Tịnh êm lóng lại cặn ngưng thanh phù.
    Lẽ thanh trược nhờ tu phân biệt,
    Bực Thánh phàm tu biết đòi nơi.
    Nhờ tu mà đoạt máy Trời,
    Tu nhờ cố sức chiều mơi năng bồi.
    Nếm mùi đạo ôi thôi ngon ngọt,
    Mát mẻ lòng, vui trót đêm ngày.
    Đạo mầu càng nhiễm càng say,
    Càng cao phẩm vị càng hay nhiệm mầu.
    Thầy triết luận đôi câu Tu Luyện,
    Người biết tu tăng tiến cao siêu.
    Tu sao khỏi phạm Thiên điều,
    Tu thành Tiên Phật dắt dìu chúng dân."
  • Tu chơn

    Tu chơn

    修眞

    A: To cultivate oneself with one"s true heart.

    P: Se perfectionner avec son vrai coeur.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Chơn: thật.

    Tu chơn là tu một cách hoàn toàn chơn thật, từ lời nói đến tư tưởng, từ cử chỉ đến việc làm, ngoại dung và nội dung đều hoàn toàn chơn thật, tu không sợ khổ, không sợ người ta chê cười khinh thị, cũng không cầu tiếng khen hay trọng vọng.

    Người tu không không ăn của bố thí hay cúng dường của nhơn sanh để khỏi mắc nợ nhơn sanh, tự mình làm ra lương thực để dùng, rồi cố sức làm công quả, phụng sự chúng sanh, quên mình, chỉ lo cho người, không cần phẩm tước hay áo mão Chức sắc, không cần ở chỗ tiện nghi hay ăn ngon mặc đẹp.

    Người tu chơn, mặt khác, còn phải lo trau giồi tâm tánh hằng bữa để mỗi ngày một sáng suốt, rồi tìm tòi học hỏi đạo lý, khám phá lẽ nhiệm mầu của Tạo hóa, giúp cho linh hồn và chơn thần mỗi ngày một tiến hóa, với mục đích duy nhứt là giải thoát khỏi kiếp luân hồi, được trở về trong vòng tay thương yêu của Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu.

    Đức Phạm Hộ Pháp lúc sanh tiền đã lập Phạm Môn là cửa tu chơn của Đại Đạo. Người nào muốn vào cửa tu chơn thì phải tự hỏi mình xem con người của mình có thiệt chơn chưa? Nếu còn dính một chút danh quyền nào, dù là danh quyền nơi cửa Đạo cũng chưa được gọi là chơn.

    Ngoài ra Đức Hộ Pháp còn phải cân thần để xem vị đó có đủ Tam lập chưa, nếu đủ thì mới được vào tu chơn, còn chưa đủ thì phải trở lại trường phổ độ để lập công đức thêm.

  • Tu chơn dưỡng tánh

    Tu chơn dưỡng tánh

    修眞養性

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Chơn: thật. Dưỡng: nuôi. Tánh: cái bổn tánh thiện lương của con người đã có từ lúc mới được sanh ra.

    Tu chơn: (đã giải ở trên).

    Dưỡng tánh là nuôi dưỡng cái tánh của mình cho thiện lương như thuở mới được sanh ra, rồi rèn luyện nó cho được linh thiêng sáng suốt thì tự nhiên có được linh tánh, giao tiếp được với Trời, tức nhiên Nhơn tánh hiệp cùng Thiên tánh.

    Khai Kinh: Phép Tiên đạo tu chơn dưỡng tánh.

  • Tu đức

    Tu đức

    修德

    A: To cultivate the virtue.

    P: Perfectionner la vertu.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Đức: đức hạnh, công đức.

    Tu đức là lo sửa chữa trau giồi đức hạnh của mình cho được vẹn toàn, đồng thời lo bồi bổ phần công đức của mình.

    Do đó, việc Tu đức gồm 2 phần: bên trong thì lo trau giồi đức hạnh, bên ngoài thì lo lập công đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con đặng thong dong rổi rảnh, chẳng lo tu đức mà sửa mình, lại còn cả gan trước mặt Thần, Thánh, Tiên, Phật gây thêm tội lỗi nữa, thiệt là đáng giận.

  • Tu hành

    Tu hành

    修行

    A: To lead a religious life.

    P: Mener une vie religieuse.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Hành: làm, việc làm, cử chỉ hành động.

    Tu hành là sửa mình, sửa từ tâm tánh đến cử chỉ hành động cho đúng theo khuôn viên luật pháp của tôn giáo qui định.

    Tu hành cũng có nghĩa là tu thân và hành đạo, tức là vừa lo tu thân, vừa lo hành đạo phụng sự nhơn sanh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Hay cho kẻ sĩ biết tu hành,
    Hành ấy thì thân chẳng mến danh.
    Danh vốn là bùa mê muội thế,
    Thế không đạo đức, thế không thành.

    Sau đây là Thánh giáo luận về hai chữ TU HÀNH một cách rộng rãi khoáng đạt:

    "Ngày xưa cho tới ngày nay, trong xã hội loài người, nhứt là xã hội Việt Nam, người ta thường dùng hai tiếng TU HÀNH để làm kim chỉ nam cho cuộc sống, dù là cuộc sống của bực ly gia cắt ái, dù là cuộc sống của kẻ ra cúi vào lòn, dù là cuộc sống của kẻ mua gánh bán bưng, và hơn nữa, ở cửa Thiền, mỗi khi đối diện với kẻ trần tục, họ thường bảo: "Tôi là kẻ tu hành", rồi họ định nghĩa luôn rằng: Tu là ăn chay, niệm Phật, không sát sanh, không uống rượu, v.v... không và không.

    Đối với quan lại sĩ phu, mỗi khi muốn lấy lòng dân, muốn chiếm hữu một hữu thể vật chất nào, họ cũng tỏ rằng mình là những bậc trị dân có đức độ, biết tu hành, ban bố ân sủng cho dân chúng đặng nhờ.

    Và đến những tay bán buôn tráo đấu, nhiều mưu chước lường gạt tha nhân để cầu lấy cái lợi vật chất về mình, mỗi khi gặp việc cần để thu hút nhân tâm, họ cũng chẳng ngại đem hai tiếng Tu hành để che đậy thói hư tật xấu của mình.

    Nói quanh nói quẩn cũng hai tiếng "TU HÀNH".

    Nó đã trở thành một từ ngữ phổ thông trong các giới, giới nào cũng xài được, thì tự nó không còn ý nghĩa đích thực của nó nữa, tức là nó đã biến thiên, nó được định nghĩa đủ thứ, cho đến cả những thành phần băng hoại nhân phẩm, đổ vỡ giá trị con người, họ cũng nhờ nó mà chở che.

    Song, dù thế nào chăng nữa, là người tu chánh đạo, cũng nên đem nó trở lại ý nghĩa căn bản thực sự của nó, hầu dùng nó cho đúng chỗ.

    Tu là sửa, ấy chỉ là phần tiêu cực, mà còn phải bồi bổ mới là phần tích cực, nghĩa là sửa đổi những điểm xấu xa tội lỗi để không còn một bợn nhơ, một mặc cảm nào về tội lỗi và còn phải bồi bổ nó thêm về những hành động hiền lành, làm phước đức, đúng lời Phật dạy: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành."

    Phần Tu là bồi bổ, chỉ cho người một cái hướng đi, nhưng chưa biết phải làm gì và đi tới đâu, tức là phải nhờ vào sở học. Nhưng sở học gì đây? Trong khi mình là một người tu, một người phế đời hành đạo, một người hướng thiện.

    Học Đạo, nếu chỉ một tiếng thôi, cũng chưa đủ. Nó còn phải hiểu thêm nhiều nữa, vì lâu nay chỗ nào cũng có người học Đạo. Bao giờ cũng có người học Đạo, nhưng thế giới vẫn chưa được ổn định, con người vẫn chưa nắm vững được giềng mối của Đạo là thế nào nên mới chịu những chia ly về chữ Đạo, làm phân hóa nhơn loại ra từng mảnh. Bởi lời nói ra là tương đối, nên phải bị chi phối đủ mọi mặt, không trách sao con người phải sa vào tình trạng hỗn loạn như ngày nay.

    Bần tăng muốn chỉ cho chư Đạo hữu một lối học Đạo, không phải là thứ Đạo ngoài cái Đạo. Nói như vậy, chẳng phải chư Đạo hữu xưa nay đã lầm lẫn về môn học Đạo đâu!

    Chư Đạo hữu đã gặp minh sư. Hiện minh sư là Đức Cha Trời Thượng Đế, bạn hữu là những người đồng hành trên đường Đại Đạo. Trên Đại Đạo ấy, chư Đạo hữu đã và đang học những gì, và cái học đó để giúp yếu tố cho sự tu đức, tự bồi bổ vậy. Sự bồi bổ về Đạo nầy cũng gọi là Hành mà từ ngữ TU HÀNH được gói ghém trong đó.

    Thường thường phần đông những nhà tu hành theo Đại Đạo hiểu chữ Tu hành được chia hai giai đoạn, cũng không phải giai đoạn nữa, được chia làm hai phần đúng hơn: một phần tu đức, tu thân, sửa chữa thân mình cho đẹp, cho thiện mỹ, cho trong sáng, khỏi những vô minh, hằng đem năng lực và sự hiểu biết về lẽ tu lẽ đạo để làm nên cho người khác, làm cho người khác được an vui cũng như mình, để đồng nhau dẫn dắt về nơi tuyệt đỉnh của sự tu, là sự đắc đạo.

    Nói một cách khác, là tự độ và độ tha đó. Cũng như Đức Phật đã dạy: Tự giác, Giác tha, để rồi Giác tha viên mãn.

    Quan trọng hơn hết là trong thời kỳ Hạ nguơn nầy, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chủ trương không chỉ lo tu thân độc thiện mà còn phải song hành lo độ tha nữa. Điều đó, chư Đạo hữu tất hiểu rõ lắm rồi.

    Như vậy, không có lý do nào để khước từ nhiệm vụ hành đạo hữu vi, để trở về chốn thâm sơn cùng cốc mà an dưỡng thân trần, sớm tối tụng kinh niệm kệ mà ngắm nhìn thế sự dẫy đầy những đau khổ, hoạn nạn, nghèo đói, dốt nát, những vô minh, những đủ thứ của kiếp con người xa đạo, xa nguyên bổn của con người.

    Đức Phật ngày xưa cũng thế, dù nhìn đời bằng đôi mắt xót thương, vì đời là biển khổ, nhưng không vì biển khổ mà con người giác ngộ lại hóa ra ích kỷ, lẫn tránh nhiệm vụ để giải thoát một mình, còn bao nhiêu nhân sanh thì phó mặc cho sóng trần trôi giạt nhận chìm, không buồn biết đến.

    So sánh như trên để nhận thấy rằng TU HÀNH, tự độ độ tha, không phải là hai giai đoạn cách biệt, mà nó phải song hành với nhau.

    THI:
    Lao khổ tu đi một kiếp nầy,
    Tu là sửa đổi dở ra hay.
    Tu là bồi bổ nền âm chất,
    Tu rạng thanh danh mối đạo Thầy.
    ***
    Mấy lời đạo lý hôm nay,
    Mong chư Đạo hữu đem tài chiếu tri.
    Dù cho gặp buổi loạn ly,
    Mỗi người mỗi ngả cứ y tu hành.
    Chẳng tu xa lánh nhơn sanh,
    Chẳng tu độc thiện để hành độc thân.
    Vi nhân cùng với chúng nhân,
    Xử sao cho vẹn mỗi phần mà thôi."
    (Trích trong Thánh giáo Sưu tập)
  • Tu học

    Tu học

    修學

    A: To cultivate oneself and to study.

    P: Se perfectionner et étudier.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Học: học tập.

    Tu học là vừa lo tu hành vừa lo học tập kinh sách.

    Nhờ tu hành mà trí não được sáng suốt; nhờ học tập mà trí não được mở mang, sự hiểu biết càng thêm sâu rộng.

    Nhờ tu học, chơn linh và chơn thần mới tiến hóa nhanh trên đường đạo.

  • Tu luyện

    Tu luyện

    修練

    A: To exercise oneself.

    P: S"exercer.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Luyện: rèn luyện.

    Tu luyện là tu hành và luyện đạo. Tu hành là sửa đổi cử chỉ hành động và tâm tánh cho được tốt đẹp. Luyện đạo là luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, đắc đạo tại thế.

    "Chữ TU là gì? Tu là bồi bổ Tinh Khí Thần cho đầy đủ, đức tánh cho hoàn toàn, bỏ nhơn dục, tầm đường Thiên lý, thuận mạng, giữ thanh tịnh ôn hòa, chỗ nào sứt mẻ hư hao thì tô bồi cho đầy đủ.

    Chữ LUYỆN là gì? Luyện là trau giồi cho sáng suốt hoàn toàn, giũa mài rèn đúc cho trơn tru khéo léo.

    TU mà không LUYỆN thì chẳng khác chi một cục sắt không rèn làm sao thành một món khí giới? Luyện là rèn, thì chẳng khác nào một cục sắt đó còn đương vô dụng, luyện nó thì phải nướng cho nó cháy đỏ, rồi đập giũa, cạo gọt, rèn đúc mới thành món khí giới.

    Người tu cũng thế, muốn cho huệ mạng tròn đầy sáng suốt thì cần phải phanh luyện, mài giũa ngày đêm cho thành Kim thân Phật tử. Ấy là phương pháp Tu Luyện.

    Các con khá biết rằng, Thầy hằng nói: "Thầy là các con, các con tức là Thầy. Có Thầy mới có các con, mà có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật." thì người là Tiểu Thiên Địa. Điểm linh quang nào muốn tạo Phật tác Tiên cũng phải đầu thai vào thế giới hữu hình vật chất. Dầu một vị Đại La Thiên Đế giáng trần mà không tu luyện cũng khó mong trở lại....

    Nhờ có xác phàm nầy mới thành đạo mà tạo Phật tác Tiên, tiêu diêu cảnh lạc. Tại sao vậy? Tuy có nguơn Thần mà không có nguơn Tinh, nguơn Khí thì làm sao tạo thành Nhị xác thân? Nguơn Thần là dương, nguơn Khí là âm. Đạo phải có âm dương mới sản xuất anh nhi, tạo thành xá lợi.

    Mượn cái xác phàm nầy mà lấy nguơn Tinh (khí huyết), rồi luyện nguơn Tinh cho thành nguơn Khí thì tính Hậu Thiên trở lại tính Tiên Thiên.

    Luyện nguơn Khí là nuôi lấy nguơn Thần cho sáng suốt.

    Dầu cho một vị Phật Tiên nào cũng vậy, phải chịu đầu thai vào thế giới vật chất, luyện cho đắc thành Thánh thai, Phật tử, mới về ở thế giới hư linh; chớ đừng nói trong hàng Phật Tiên đắc đạo mà không tu luyện theo pháp nầy thì sao thành chánh quả. Pháp luyện đơn chẳng có chi lạ, hễ muốn tạo thành Thánh thai, phải dụng công phu nghịch pháp luân thì thành Thánh, còn thuận hành nhơn dục thì vi phàm." (Đại Thừa Chơn Giáo)

  • Tu mi

    Tu mi

    鬚眉

    A: The beard and eyebrows: The man.

    P: Barbe et sourcils: L"homme.

    Tu: Râu. Mi: lông mày.

    Tu mi là râu mày, hay mày râu, chỉ giới đàn ông.

    Kinh Sám Hối: Nước nguồn cây cội mới là tu mi.

  • Tu nghiệp

    Tu nghiệp

    修業

    A: To perfect oneself in a profession.

    P: Se perfectionner dans une profession.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Nghiệp: nghề nghiệp.

    Tu nghiệp là học tập thêm để cho nghề nghiệp của mình được tinh thông.

  • Tu nhơn tích đức

    Tu nhơn tích đức

    修仁積德

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Nhơn: Nhân: lòng thương người mến vật, thương khắp chúng sanh. Tích: chứa. Đức: phước đức.

    Tu nhơn là sửa đổi lòng mình để có lòng nhơn từ, thương yêu và giúp đỡ chúng sanh.

    Tích đức là chứa đức, tức là làm điều nhân nghĩa để tạo phước đức, tích chứa để làm nấc thang tiến hóa cho linh hồn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Độ chúng tu nhơn chí nả nông.

  • Tu niệm

    Tu niệm

    修念

    A: To lead a religious life.

    P: Mener une vie religieuse.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Niệm: tụng kinh niệm Phật.

    Tu niệm là tu hành và tụng kinh niệm Phật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.

  • Tu ố

    Tu ố

    羞惡

    A: To shame.

    P: Avoir honte.

    Tu: xấu hổ. Ố: ghét.

    Tu ố là biết hổ thẹn và ghét điều xấu.

    Lòng tu ố là lòng biết thẹn điều xấu và ghét điều ác.

  • Tu sĩ

    Tu sĩ

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Tu sĩ

    羞恥

    A: The shame.

    P: La honte.

    Tu: xấu hổ. Sỉ: xấu hổ.

    Tu sỉ là nhục nhã, xấu hổ, thẹn mặt.

    * Trường hợp 2: Tu sĩ

    修士

    A: The monk.

    P: Le moine, religieux.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Sĩ: người có học.

    Tu sĩ là người tu hành, tín đồ của một tôn giáo.

    Thông thường, Tu sĩ là người đàn ông đi tu; phụ nữ đi tu gọi là nữ tu sĩ, gọi tắt là Nữ tu (A: The nun. P: La moine).

  • Tu tánh luyện mạng

    Tu tánh luyện mạng

    修性練命

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Tánh: biểu thị của Tâm. Tâm bên trong biểu thị ra ngoài là Tánh. Luyện: rèn luyện. Mạng: mạng sống.

    Tu tánh luyện mạng là trường hợp Tánh mạng song tu. (Xem chi tiết: Tánh mạng song tu).

  • Tu tạo

    Tu tạo

    修造

    A: To repair and built.

    P: Réparer et construire.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Tạo: làm ra, dựng nên.

    Tu tạo là sửa chữa những chỗ hư hỏng và xây dựng những công trình mới.

    Thí dụ như sửa chữa các dinh thự lâu ngày có chỗ hư hỏng, xây dựng các dinh thự mới hay các Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu nơi các địa phương.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Toàn đạo nam nữ mỗi năm phải giúp cho Hội Thánh 5 ngày công quả đặng tu tạo Tòa Thánh và các dinh thự nơi Thánh địa cho đến ngày nào hoàn tất.

  • Tu Tề Trị Bình

    Tu Tề Trị Bình

    修齊治平

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Tề: sắp đặt. Trị: sửa sang và gìn giữ cho ổn định. Bình: làm cho yên.

    Tu Tề Trị Bình là nói tắt của: Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Đây là 4 điều mục trong 8 điều mục của Nho giáo.

    Bát điều mục của Nho giáo được thuyết giảng trong sách Đại Học, gồm: - Cách vật, - Trí tri, - Thành ý, - Chánh tâm, - Tu thân, - Tề gia, - Trị quốc, - Bình thiên hạ.

    1. Cách vật và Trí tri: Biết được thông suốt vấn đề là do ở hiểu lẽ sự vật (Trí tri tại cách vật), nghĩa là muốn cho thông suốt một sự vật gì thì trước hết phải xét cho đến kỳ cùng nguyên lý của sự vật ấy.

    Cái tâm linh của con người không có gì mà không biết, mà các sự vật trong Trời Đất không có gì là không có lý, duy chỉ chưa xét đến tận cùng cái lý, nên chưa biết hết được là vậy.

    Vì thế, sách Đại Học, trước hết dạy con người biết rõ cái lý của sự vật, rồi theo đó mà suy rộng thêm ra cho đến chỗ cùng cực. Phải dụng công phu lâu bền, rồi một ngày kia mới hiểu thấu được. Khi đã được vậy rồi, thì đối với mọi vật, không có gì mà lòng ta không biết rõ những hay dở trong ngoài. Đó mới là hiểu thông suốt cái lẽ của sự vật.

    2. Thành ý: Ý phải thành thật.

    Kẻ tiểu nhân khi rảnh thì làm việc không tốt (nhàn cư vi bất thiện). Khi nó gặp người quân tử thì nó khép nép để giấu những cái xấu mà phô bày cái tốt ra, nhưng người ta đã biết nó tận gan phổi, bởi vì trong tâm thế nào thì hiện ra nơi vẻ mặt và ánh mắt như thế ấy.

    Cho nên, người quân tử phải cẩn thận trong khi chỉ có một mình. Người giàu sửa nhà, người đức sửa mình. Lòng rộng rãi, thân thể thư thả ung dung. Cho nên, người quân tử cần phải thành thật ý chí của mình.

    3. Chánh tâm và Tu thân: Tâm ngay thẳng và sửa mình.

    Muốn sửa mình thì cái tâm phải ngay thẳng. Nếu lòng mình giận dữ thì tâm không ngay thẳng, nếu lòng mình sợ sệt thì tâm không ngay thẳng, ham vui thì tâm không ngay thẳng, lo lắng thì tâm cũng không được ngay thẳng.

    Lòng không để tới thì trông mà không thấy, nghe mà không rõ, ăn mà không biết mùi vị.

    Cho nên, muốn sửa mình (Tu thân) thì tâm phải ngay chánh trước đã (Chánh tâm).

    4. Tu thân và Tề gia: Sửa mình và yên nhà.

    Muốn Tề gia thì trước hết phải Tu thân. Con người ta ở đời thường hay bị tình cảm chi phối, làm sai lạc ý chí, như mình thích ai thì cho người ấy tốt, mình ghét ai thì cho người ấy xấu.

    Cho nên muốn yên nhà thì trước hết phải sửa mình, mà sửa mình thì làm sao cho lý trí đừng bị mê mờ bởi tình cảm. Phải có một nhận xét đúng đắn khách quan cái hay cái dở của mỗi người thì mới yên nhà được, tức là giữ cho gia đình được yên ổn, trên thuận dưới hòa.

    Người quân tử luôn luôn xét mình trước, xét người sau, cũng như phải trách mình trước rồi mới trách người sau. Từ xưa tới nay, chưa có ai không đàng hoàng mà nói được cho người ta nghe bao giờ.

    5. Trị quốc và Bình thiên hạ: Trị nước rồi mới làm cho dân chúng thái bình.

    Trong việc trị nước trị dân, người cầm quyền phải gương mẫu đạo đức, phải có những chủ trương thích hợp lòng dân, nếu trái lại thì sẽ bị dân nổi lên đánh đổ.

    Có đạo đức mới thu phục được lòng người, được lòng người rồi mới có đất đai, có đất đai rồi mới có của cải, có của cải rồi mới dùng được vào công cuộc đem lại lợi ích cho dân. Thế là làm cho dân sung túc, tức là bình được thiên hạ vậy.

    Tóm lại, Bát điều mục của Nho giáo, khởi đầu là Cách vật, Trí tri, tức là phải tìm hiểu cho đến cách được vật thì đương nhiên được Trí tri. Muốn Cách vật Trí tri thì phải dụng nhiều công phu học tập và kinh nghiệm.

    Trong việc Tu thân, trước hết phải Thành ý và Chánh tâm. Có Tu thân thì mới làm gương được cho gia đình, dạy bảo người trong nhà mới nghe theo, tức là Tề gia. Gia đình là đơn vị nhỏ mà tề được thì mới mong trị được nước. Trị được nước với chánh sách đạo đức nhơn nghĩa thì mới làm cho dân chúng được thái bình.

    Bát điều mục nầy được giảng giải kỹ trong sách Đại Học, nhưng 8 điều mục ấy lại qui nạp vào trong Tam Cương lãnh ở đầu sách Đại Học là: minh Minh đức, Tân dân, chỉ ư Chí thiện.

  • Tu thân

    Tu thân

    修身

    A: To improve oneself.

    P: Se perfectionner.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Thân: thân mình.

    Tu thân là sửa chữa bản thân mình cho được hoàn toàn theo đạo đức.

    Trong Bát điều mục của Nho giáo thì Tu thân là trung tâm điểm, nên quan trọng hơn tất cả.

    Muốn Tu thân, trước hết phải: Cách vật, Trí tri, Thành ý và Chánh tâm. Tu thân được rồi thì mới có thể: Tề gia, Trị quốc và Bình thiên hạ. Bốn điều mục trước là điều kiện để Tu thân, và ba điều mục sau là hệ quả của việc Tu thân.

    "Người quân tử cần phải có học, mà sự học của mọi người là cốt ở sự sửa mình (Tu thân), cho nên sách Đại Học nói rằng: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ Tu thân vi bổn." Nghĩa là: Từ vua cho đến dân, ai cũng phải lấy sự Tu thân làm gốc.

    Muốn sửa mình cho thành người có đức hạnh hoàn toàn thì trước hết phải giữ cái tâm của mình cho chánh (Chánh tâm), cái ý của mình cho thành (Thành ý), rồi mới Cách vật Trí tri được, nghĩa là hiểu rõ các sự vật và biết đến cùng cực cái biết.

    Giữ cái tâm của mình cho chánh, là đừng để cho sự tức giận, sợ hãi, sự vui say, ưu hoạn, làm cho cái tâm của mình chếch lệch, mà làm cho mình không hiểu rõ cái nghĩa lý ngay thẳng. Khi đã bị những sự ấy làm loạn cái tâm của mình thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết mùi, bởi thế cho nên bao giờ ta cũng phải giữ cái tâm cho chánh.

    Giữ cái ý của mình cho thành tức là mình không dối mình, đối với việc gì cũng cứ thành thật, như ghét mùi thối, yêu sắc đẹp, nghĩa là ý mình thế nào thì cứ thực bày tỏ ra như thế, chớ không dối trá chút nào. Được như thế mới là khoái túc.

    Bởi thế cho nên người quân tử phải giữ cẩn thận cái tư tưởng của mình trong khi ngồi một mình đối với mình.

    Tâm đã chánh, ý đã thành thì tự nhiên cái lương tri lương năng của mình tức là cái Minh đức của mình trở nên mẫn huệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ chỗ sâu xa, mà làm điều gì hay là đối phó với cảnh huống nào cũng đắc kỳ trung, cũng có điều hòa, có bình hành, rất hợp đạo lý.

    Trong việc Tu thân, Khổng giáo lấy sự Thành ý làm trọng yếu hơn cả.Vậy nên Tăng Tử nói: "Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn, cố quân tử tất thành kỳ ý." Nghĩa là: Giàu thì hiển hiện ra ở nhà, có đức tốt thì hiển hiện ra ở người, trong bụng rộng rãi thì thân thể có vẻ ung dung thơ thới. Bởi thế người quân tử phải giữ cái ý của mình cho thành thật (Đại Học). Cái ý ở trong mà thành thật thì cái đức hiển hiện ra ngoài thân thể.

    Việc Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ đều bởi đó mà ra cả." (Theo sách Nho giáo của Trần Trọng Kim)

    "Vào đạo Tu thân, trước hết là xem kinh đọc sách đạo, học tập Thánh ngôn Thánh giáo để thanh lọc tư tưởng, gội rửa tánh xấu, hầu xa lần những ngôn ngữ tổn đức thất nhơn tâm, tránh không làm những điều tội lỗi, tập làm những điều nhân việc thiện, ban đầu hơi ngỡ ngàng đối với người đã quen tánh cũ, nhưng phải cố gắng bền chí thanh lọc ngày ngày tháng tháng trong câu: Nhựt tụ nguyệt tăng, hay Nhựt nhu ngoạt nhiễm.

    Dòng nước sông múc vào trong chậu, để yên sẽ được lóng trong phần trên, thải hồi phần căn cáu. Người tu hành siêng năng bền chí thanh lọc trau sửa bổn tâm bổn tánh, lần hồi sẽ trở nên thuần lương thánh thiện.

    Phật Tiên Thần Thánh ngày nay, ngày xưa được trọn lành trọn tốt đều phải trải qua những giai đoạn thanh lọc ấy. Có nhiều bậc Phật Tiên Thần Thánh trước kia cũng mang thể xác làm người, cũng lâm vấp những thói hư tật xấu như ai, nhưng nhờ biết khiêm tốn học hỏi, biết phục thiện để chừa lỗi, chấp nhận lời lành, ý hay, lẽ tốt để trau sửa bổn tâm, ràn luyện bổn tánh, mới có thể tiến hóa lần lần từ kiếp người đến hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Đức tánh khiêm tốn, tinh thần phục thiện là món bửu bối quí giá để giúp người tu thân hành đạo có được những cử chỉ khả ái, tác phong dễ thương, tư cách đức độ, việc làm nhân từ khả dĩ gây được bầu không khí hiền hòa với những người đối diện. Đó là TU vậy.

    Tu là sửa đổi từ dữ ra hiền, từ hư được nên, sửa đổi từ xấu thành tốt, từ phàm nhân ra Thánh nhân.

    Tu cũng là tu bổ những chỗ hư hỏng thiếu sót để được hoàn mỹ chí thiện chí nhân vậy.

    Nếu không sửa đổi cải thiện, nếu không khiêm tốn học hỏi điều lành, nếu không phục thiện để nhận chỗ sai hầu chừa cải thì dầu tu trọn đời mãn kiếp, phàm nhân vẫn là phàm nhân, luân hồi chuyển kiếp vẫn trong vòng chuyển kiếp luân hồi."

    Đức Chí Tôn giáng cơ dạy về Tu thân, phải thực hành hằng ngày hằng bữa và liên tục.

    "Phải thường hỏi lấy mình, khi đem mình vào lạy Thầy buổi tối, coi phận sự ngày ấy đã xong chưa và lương tâm có điều chi cắn rứt chăng. Nếu phận sự còn nét chưa rồi, lương tâm chưa được yên tịnh thì phải biết cải hóa, ráng sức chuộc lấy lỗi lầm đã làm thì các con có lo chi chẳng bì bực Chí Thánh. Thầy mong mỗi đứa đều lưu ý đến sự sửa mình (Tu thân) thì lấy làm may mắn cho nền Đạo, rồi các con sẽ được thong dong treo gương cho kẻ khác." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

  • Tu thiền

    Tu thiền

    修禪

    A: The meditation.

    P: La méditation.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Thiền: giữ mình thanh tịnh để suy xét lẽ Đạo.

    Tu thiền hay nói đầy đủ là Tu thiền định là pháp môn tu luyện: Giới, Định, Huệ của Phật giáo Thiền tông ở Trung hoa truyền sang Việt Nam.

    Người đưa pháp môn nầy lên đỉnh cao, chói sáng rực rỡ là Lục Tổ Huệ Năng của Phật giáo Trung hoa.

  • Tu thư

    Tu thư

    修書

    A: To prepare the textbooks.

    P: Rédiger des manuels scolaires.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Thư: sách.

    Tu thư là biên soạn sách giáo khoa.

    Ban Tu thư là một ban gồm nhiều thầy cô giáo có nhiều kiến thức và kinh nghiệm dạy học, họp nhau để biên soạn các loại sách giáo khoa để dạy học sinh.

  • Tu trì

    Tu trì

    修持

    A: To lead a religious life.

    P: Mener une vie religieuse.

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Trì: gìn giữ.

    Tu trì là gìn giữ sự tu hành.

    Di Lạc Chơn Kinh: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, tu trì thính Ngã dục đắc chơn truyền, niệm thử Nhiên Đăng Cổ Phật

  • Tu vi

    Tu vi

    修微

    Tu: Sửa cho hay cho tốt, rèn luyện, hiến thân vào tôn giáo. Vi: rất nhỏ, nhỏ nhặt.

    Tu vi là sửa đổi những cái nhỏ nhặt mà người ta thường xem nó không đáng kể.

    Phép Tu vi là phương pháp tu hành chú trọng việc sửa đổi những lỗi nhỏ nhặt trước, rồi dần dần sẽ không phạm vào những lỗi lầm lớn.

    Sách Minh Tâm Bửu Giám có chép rằng:

    Hán Chiêu Liệt sắc Hậu Chủ viết:

    Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi, vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi."

    Nghĩa là:

    Vua Chiêu Liệt nhà Hán dặn Hậu Chủ rằng: Chớ lấy ác nhỏ mà làm đó, chớ lấy lành nhỏ mà chẳng làm.

    Hán Chiêu Liệt là vương hiệu của Lưu Bị thời Tam Quốc. Hậu Chủ là Thái tử Lưu Thiện, thường gọi là A Đẩu, con của Lưu Bị.

    Lưu Bị dặn dò dạy bảo Lưu Thiện rằng: Chớ thấy điều ác nhỏ cho là không quan trọng mà làm, thí dụ như: Đập chết một con bướm, bắn chết một con chim sẻ. Đây là những điều ác nhỏ, cho nó không quan trọng, nên làm để vui chơi. Cần phải tránh những điều ác nhỏ nhặt nầy, bởi vì, từ cái ác nhỏ, tánh mình quen dần với việc ác nhỏ thì chẳng bao lâu sau mình sẽ phạm vào những việc ác lớn.

    Chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm vì cho điều thiện nhỏ không quan trọng, đem lại công đức không đáng kể nên không thèm làm. Thí dụ như: Dắt một người mù qua đường, nhường ghế cho một cụ già, lượm một cây đinh nhọn ở giữa đường đi, v.v.... Chúng ta cần phải tập làm những việc lành nhỏ để tâm tánh của ta quen dần với việc lành thì sau đó ta mới làm được việc lành lớn.

    Cho nên trong bài Kinh Nhập Hội, Đức Phạm Hộ Pháp viết: "Phép tu vi là kế tu hành." Nghĩa là: Phương pháp sửa đổi và làm những việc nhỏ là kế hoạch tốt của sự tu hành.

    Kinh Sám Hối:
    "Việc lành chẳng khá bỏ qua,
    Tuy là nhỏ nhít cũng là công phu."

    "Thấy lỗi mọn chớ nghi chẳng hại,
    Thường dạn làm, tội lại hằng hà.
    Vì chưng tụ thiểu thành đa,
    Họa tai báo ứng, chẳng qua mảy hào."
  • Tụ thiểu thành đa

    Tụ thiểu thành đa

    聚少成多

    Tụ: nhóm họp lại. Thiểu: ít. Thành: nên. Đa: nhiều.

    Tụ thiểu thành đa là nhóm nhiều cái ít thì thành nhiều.

  • Tua - Tua thìn

    Tua - Tua thìn

    Tua: phải (tiếng buộc), từ ngữ xưa, nay không dùng.

    Tua gìn: phải gìn giữ.

    Tua biết phận: phải hiểu biết bổn phận của mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Biết số biết căn tua biết phận.

    Thìn: sửa sang, răn, giữ, từ ngữ xưa, nay không dùng.

    Thìn lòng: giữ lòng.

    Khăng thìn: bền lòng.

    Tua thìn là phải gìn giữ.

    Bền dạ tua thìn: phải giữ lòng bền chặt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Bền dạ tua thìn trau đạo Thánh,
    Ra công khá gắng đắp nền nhân.
  • TUÂN

    TUÂN

    TUÂN: 遵 Theo, vâng theo.

    Thí dụ: Tuân hành, Tuân mạng.

  • Tuân đạo nhi hành

    Tuân đạo nhi hành

    遵道而行

    Tuân: Theo, vâng theo. Đạo: tôn giáo. Nhi: mà. Hành: làm.

    Tuân đạo nhi hành là vâng theo đạo lý mà làm.

  • Tuân mạng

    Tuân mạng

    遵命

    A: To obey an order.

    P: Obéir à un ordre.

    Tuân: Theo, vâng theo. Mạng: Mệnh: mạng lịnh của cấp trên.

    Tuân mạng là vâng theo mệnh lệnh của cấp trên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chư môn đệ tuân mạng!

  • Tuân y

    Tuân y

    遵依

    A: To comply.

    P: Se conformer à.

    Tuân: Theo, vâng theo. Y: nghe theo, y theo.

    Tuân y là vâng theo đúng y như thế.

    Bát Đạo Nghị Định: Cả Chức sắc Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải tuân y Pháp Chánh Truyền và Tân Luật mà hành đạo....

  • TUẦN

    TUẦN

    1. TUẦN: 旬 - Khoảng thời gian 7 ngày, 9 ngày hay 10 ngày, và cứ lập lại nhiều lần. - Một lần, một lượt.

    Thí dụ: Tuần cửu, Tuần thất, Tuần sơ.

    2. TUẦN: 循 Theo thứ tự, noi theo.

    Thí dụ: Tuần hoàn.

  • Tuần cửu

    Tuần cửu

    旬九

    A: The neuvaine.

    P: La neuvaine.

    Tuần: - Khoảng thời gian 7 ngày, 9 ngày hay 10 ngày, và cứ lập lại nhiều lần. - Một lần, một lượt. Cửu: 9.

    Tuần cửu là khoảng thời gian 9 ngày và cứ lập đi lập lại 9 lần như thế. Cũng như Tuần thất là tuần 7 ngày và lập lại 7 lần như thế.

    Đối với người tín đồ mới chết, Đạo Cao Đài làm Tuần cửu, còn bên Phật giáo thì làm Tuần thất.

    Một tín đồ Cao Đài, sau khi chết, được làm Tuần cửu tại Thánh Thất sở tại với nghi thức đặc biệt qui định trong Nghi lễ của Đạo Cao Đài.

    Cứ sau khi chết được 9 ngày, thân nhân người chết đem linh vị đến Thánh Thất sở tại để tụng kinh đưa vong linh người chết lần lượt lên 9 từng trời của Cửu Trùng Thiên. Như vậy phải làm Tuần cửu 9 lần mới chấm dứt, cộng là 81 ngày. Sau đó mới làm Tiểu Tường và Đại Tường.

    1. Tuần Nhứt cửu: Bắt đầu đếm, ngày chết là 1, đếm tới ngày thứ 9, đem linh vị người chết đến Thánh Thất sở tại vào cúng thời Ngọ (12 giờ trưa), rồi làm Tuần Nhứt cửu, tụng Kinh Khai Cửu Tiểu Tường và Đại Tường, kế đó là tụng Kinh Đệ Nhứt Cửu. Chơn hồn người chết được Nhứt Nương Diêu Trì Cung hướng dẫn đi lên Vườn Ngạn Uyển ở từng trời thứ 1 của Cửu Trùng Thiên. Nhứt Nương giúp cho chơn hồn thức tỉnh và định tỉnh, biết mình đã thoát xác và rời bỏ cõi trần.

    2. Tuần Nhị cửu: Tiếp tục đếm tới ngày 18 sau ngày chết thì làm Tuần Nhị cửu. Cách làm cũng y như Tuần Nhứt cửu, nhưng tụng bài Kinh Đệ Nhị Cửu. Chơn hồn người chết được Nhị Nương Diêu Trì Cung rước lên Vườn Đào Tiên của Đức Phật Mẫu ở từng trời thứ 2 của Cửu Trùng Thiên. Chơn hồn được dự tiệc và uống rượu Tiên.

    3. Tuần Tam cửu: Tiếp tục đếm tới ngày 27, tức là sau ngày chết 27 ngày, thì làm Tuần Tam cửu. Cách làm y như Tuần Nhứt cửu, nhưng tụng bài Kinh Đệ Tam Cửu. Chơn hồn được Tam Nương Diêu Trì Cung hướng dẫn lên từng trời Thanh Thiên, là từng trời thứ 3 của Cửu Trùng Thiên. Chơn hồn được đưa đến đảo Bồng Lai, có Bảy vị Tiên ở động Thiên Thai đón tiếp, sau đó được vào bái kiến Đức Thái Thượng Lão Quân ở Cung Như Ý, và được giao cho quyển sách Trường Xuân để học tập.

    4. Tuần Tứ cửu: v.v.......................

    Cứ mỗi tuần 9 ngày, chơn hồn được đưa lên một từng trời. Nơi mỗi từng trời, chơn hồn được một vị Nữ Tiên trong Cửu vị Tiên Nương Diêu Trì Cung đón tiếp và hướng dẫn đến bái kiến các Đấng thiêng liêng nơi từng trời đó, quan sát các cảnh vật và các cung điện thiêng liêng tuyệt đẹp.

    Mỗi Tuần cửu đều tụng mở đầu là bài "Kinh Khai Cửu, Tiểu Tường và Đại Tường", kế đó mới đọc bài Kinh Đệ... Cửu tương ứng với kỳ làm Tuần cửu.

    Làm Tuần Tứ cửu xong thì lần lượt làm Tuần Ngũ cửu, Lục cửu, Thất cửu, rồi Bát Cửu.

    5. Tuần Cửu cửu: Tới ngày thứ 81 sau khi chết thì làm Tuần Cửu cửu, đây là Tuần cửu chót nên cũng được gọi là: Chung cửu. Cách làm y như ở Tuần Nhứt cửu, nhưng tụng bài Kinh Đệ Cửu Cửu. Chơn hồn được Cửu Nương Diêu Trì Cung hướng dẫn lên từng trời thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên là từng trời Tạo Hóa Thiên, đến bái kiến Đức Phật Mẫu, bà MẸ thiêng liêng của mình để hưởng được tình thương yêu không bờ bến của MẸ.

    Đức Phật Mẫu ban cho Hội yến Bàn đào, và chơn hồn được học nghi lễ Thiên triều để lên bái kiến Đức Chí Tôn nơi Ngọc Hư Cung khi tới kỳ làm Tiểu Tường.

    Làm Tuần Cửu cửu rồi là dứt Tuần cửu. Từ đây đếm tới 200 ngày sau thì làm Tiểu Tường. Từ Tiểu Tường đếm đến 300 ngày sau nữa thì làm Đại Tường và Mãn tang. Chấm dứt.

  • Tuần hoàn

    Tuần hoàn

    循環

    A: To circulate.

    P: Circuler.

    Tuần: Theo thứ tự, noi theo. Hoàn: Huờn: vòng quanh.

    Tuần hoàn và xoay vần theo vòng tròn không bao giờ nghỉ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vì vậy mà thế cuộc phải tuần huờn, bầu nhơn sự phải luân chuyển vần xây phiêu linh cho đến buổi nhơn loại được vẹn toàn.

  • Tuần hương - Tuần sơ - Tuần trung - Tuần chung

    Tuần hương - Tuần sơ - Tuần trung - Tuần chung

    循香 - 循初 - 循中 - 循終

    Tuần: Theo thứ tự, noi theo. Hương: cây nhang đốt cháy tỏa mùi thơm. Sơ: bắt đầu. Trung: giữa. Chung: cuối, hết.

    Tuần hương là lần dâng hương.

    Tuần tửu là lần dâng rượu.

    Tuần tửu phân ra 3 tiết: Tuần sơ, Tuần trung, Tuần chung.

    Tuần sơ: dâng rượu lần đầu.

    Tuần trung: dâng rượu lần giữa.

    Tuần chung: dâng rượu lần chót.

    Trong Tang lễ, nghi lễ cúng tế hàng vong thường, các bài thài trong Tuần hương, Tuần tửu, Tuần trà chép ra như sau:

    I. TUẦN HƯƠNG:

    Nghệ hương hiến, nghệ hương tiền,
    Trầm đoàn khói tỏa năm mây,
    Mùi hương phưởng phất thơm bay ngút trời.

    II. TUẦN TỬU: phân ra 3 tiết:

    1. Tuần sơ:

    Hiến tuần sơ, hề hiến tuần sơ,
    Vân ám đảnh hồ, long khứ viễn,
    Nguyệt minh huê biểu, hạc qui trì.
    Cồn dâu hóa bể, bể hóa cồn dâu,
    Cơ tạo biến dời, người vật đổi,
    Sanh ly tử biệt, mạng nơi Trời.

    2. Tuần trung:

    Hiến tuần trung, hề hiến tuần trung,
    .... (1)........ nghĩa mặn nồng.
    Ân thâm càng nhớ lụy khôn ngừng.
    Nhựt nguyệt đôi vừng soi nhắc bóng,
    Hỡi ôi! chiếu thấu thảm nơi lòng.
    GHI CHÚ: (1):
    - Con tế cha mẹ: Cắn muối trêu cơm
    - Vợ tế chồng hoặc chồng tế vợ: Tình ái cùng nhau
    - Em tế anh chị ruột: Huyết mạch đồng môn
    - Anh em kết nghĩa: Huynh đệ cùng nhau

    3. Tuần chung:
    Hiến tuần chung, hề hiến tuần chung,
    Dặm cũ khách đà xa khổ não.
    Nay.. (2).. hiu quạnh chốn trần gian.
    Tiếng dế reo đêm sầu thắt dạ,
    Nguồn sông lệ chảy ruột trăm chiều.
    Oanh khóc năm canh chiu chít bạn,
    Ủ ê cảnh cũ vẩn vơ tình.
    GHI CHÚ: (2):
    - Con tế cha mẹ: con
    - Vợ tế chồng hoặc chồng tế vợ: em (anh)
    - Em tế anh chị: em

    III. TUẦN TRÀ:

    Đơn tiện xin dâng một tấc thành,
    Cõi Thiên khẩn vái có anh linh.
    Mảnh lòng tha thiết ai ôi thấu,
    Ngó liễu trông mây để tượng hình.
  • Tuần lễ

    Tuần lễ

    旬禮

    A: The week.

    P: La semaine.

    Tuần: - Khoảng thời gian 7 ngày, 9 ngày hay 10 ngày, và cứ lập lại nhiều lần. - Một lần, một lượt. Lễ: ngày lễ.

    Tuần lễ là khoảng thời gian 7 ngày, đến ngày cuối là ngày lễ Chúa, gọi là Chúa nhựt.

    Tuần lễ có nguồn gốc từ Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa sáng tạo ra Trời Đất và vạn vật.

    Ngày thứ 1 của Tuần lễ được người Việt Nam gọi là ngày Thứ Hai, (người Tàu gọi là ngày 1), rồi đến Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chúa nhựt là hết một Tuần lễ.

    Sáng Chúa nhựt, tín đồ đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, đến Nhà Thờ hay Nhà Giảng để làm lễ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jésus.

    Sau đây xin chép lại nguyên văn phần Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh Cựu Ước, đây là phần rất quan trọng trong Vũ Trụ Quan của Thiên Chúa giáo.

    TẠO THÀNH TRỜI ĐẤT:

    Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên Trời Đất.

    Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực, Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.

    * Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày, sự tối là đêm. Vậy có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ nhứt.

    Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước. Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không, thì có như vậy. Đức Chúa Trời đặt tên khoảng không là trời. Ấy là ngày thứ nhì.

    * Đức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi và phải có chỗ cạn bày ra thì có như vậy. Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.

    Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ, cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất thì có như vậy. Đất sanh cây cỏ, cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ ba.

    * Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời đặng phân ra ngày với đêm và dùng làm dấu để định thời tiết, ngày và năm, lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất thì có như vậy. Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn: vì lớn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm. Ngài cũng làm ra các ngôi sao. Đức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời đặng soi sáng đất, đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với sự tối. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Vậy có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ tư.

    * Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nước phải sanh ra các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời. Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra tùy theo loại, và các loài chim bay, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển, còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều. Vậy có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ năm.

    * Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh các vật sống tùy theo loại tức súc vật, côn trùng và thú rừng, đều tùy theo loại, thì có như vậy. Đức Chúa Trời làm nên các loài thú rừng tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, và các côn trùng trên đất tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.

    DỰNG NÊN LOÀI NGƯỜI

    Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình Ngài, Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời, Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất, hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.

    Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất và các loài cây sanh quả có hột giống, ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.

    Còn các loài thú ngoài đồng, các loài chim trên trời, và các động vật khác trên mặt đất, phàm giống nào có sự sống thì ta ban cho mọi thứ cỏ xanh đặng dùng làm đồ ăn thì có như vậy. Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ sáu.

    THIẾT LẬP NGÀY THỨ BẢY NÊN NGÀY THÁNH

    Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm, rồi Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày Thánh, vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên vì đã làm xong rồi.

    Ấy là gốc tích trời và đất khi đã dựng nên trong lúc Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.

    Vả lúc đó chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất đai nữa. Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh..........

    Tóm lại: (Viết tắt: ĐCT là Đức Chúa Trời)

    · Ngày thứ 1: ĐCT tạo ra sự sáng sự tối, ngày đêm.

    · Ngày thứ 2: ĐCT tạo ra bầu trời.

    · Ngày thứ 3: ĐCT tạo ra đất, nước, biển, cây cỏ.

    · Ngày thứ 4: ĐCT tạo ra Nhựt, Nguyệt, Tinh.

    · Ngày thứ 5: ĐCT tạo ra loài cá, loài chim, thú rừng, côn trùng.

    · Ngày thứ 6: ĐCT tạo ra loài người theo hình ảnh tốt đẹp của Ngài, ban cho loài người thức ăn là ngũ cốc và hoa quả, đồng thời cũng ban thức ăn cho các loài vật khác.

    · Ngày thứ 7: ĐCT nghỉ vì đã làm xong các công việc, Ngài ban phước cho ngày nầy và đặt tên là ngày Thánh.

    Đó là diễn tiến các công việc của ĐCT tạo thành trời đất, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, các loài sinh vật và loài người, trong vòng 6 ngày, và ngày thứ 7 để nghỉ ngơi và chúc lành.

    Do đó, đạo Thiên Chúa chia năm tháng ra tuần lễ, mỗi tuần lễ có 7 ngày: làm việc 6 ngày và nghỉ ngơi 1 ngày. Ngày nghỉ đó gọi là Chúa nhựt, các tín đồ Thiên Chúa và Tin Lành đi lễ ở nhà thờ.

    Sự phân chia nầy phù hợp với sự làm việc và nghỉ ngơi của sức khỏe con người, nên được các nước Âu Châu áp dụng, rồi truyền bá ra khắp hoàn cầu, để ngày nay trở thành một thông lệ quốc tế.

  • Tuần nhựt

    Tuần nhựt

    旬日

    A: The decade.

    P: La décade.

    Tuần: - Khoảng thời gian 7 ngày, 9 ngày hay 10 ngày, và cứ lập lại nhiều lần. - Một lần, một lượt. Nhựt: ngày.

    Tuần nhựt là một tuần 10 ngày.

  • Tuần thất

    Tuần thất

    旬七

    A: The period of seven days.

    P: La période de sept jours.

    Tuần: - Khoảng thời gian 7 ngày, 9 ngày hay 10 ngày, và cứ lập lại nhiều lần. - Một lần, một lượt. Thất: 7.

    Tuần thất là một tuần 7 ngày.

    Trong Tang lễ bên Phật giáo, sau khi chết được 7 ngày thì làm Tuần thất thứ nhứt. Không nên làm Tuần thất ở nhà, mà nên đem linh vị của người chết lên chùa để làm Tuần thất ở chùa, vì nơi chùa thì thanh tịnh hơn ở nhà và có nhiều chư tăng và Phật tử đồng hộ niệm cho vong linh thì nguyện lực mạnh hơn, kết quả hơn.

    Sở dĩ phải làm Tuần thất là vì người ta tin rằng người chết, sau 7 ngày thì tan một cái vía, mà con người có Bảy Vía nên phải làm tuần 7 lần để cho 7 cái vía lần lượt tan hết thì mới siêu thăng được.

    Nhưng có nhiều người chế giảm, không làm Tuần thất từ thứ 1 đến thứ 6, chỉ làm Tuần thất thứ 7 gọi là Chung thất.

    Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt, nói về Tuần thất:

    "Cứ cách 7 ngày lại làm lễ tụng kinh cúng vong một lần thì gọi là Trai thất.

    Thời gian 49 ngày sau khi mất gọi là Trung Ấm, cúng tới ngày 49 là ngày mãn Trung Ấm thì thôi.

    Thế tục cho rằng 49 ngày đó là thời kỳ vong linh còn mờ mịt, nổi chìm chưa định, nên phải cúng vong để giúp được chuyển sinh vào chỗ thiện."

  • Tuần trăng

    Tuần trăng

    A: The period of the moon.

    P: La période de la lune.

    Tuần: - Khoảng thời gian 7 ngày, 9 ngày hay 10 ngày, và cứ lập lại nhiều lần. - Một lần, một lượt. Trăng: mặt trăng.

    Nhìn từ Trái đất, chúng ta chỉ thấy phần Mặt trăng được mặt trời chiếu sáng. Vì vậy, trong một chu kỳ mặt trăng quay quanh Trái đất, chúng ta thấy hình như hình dạng của Mặt trăng thay đổi: lúc là trăng lưỡi liềm, lúc trăng thượng huyền, lúc trăng tròn, và lúc không thấy trăng.

    Từ đêm không trăng lần nầy đến đêm không trăng lần sau được gọi là một Tuần trăng. Một Tuần trăng có 29,5 ngày mà ta gọi là Tháng âm lịch. Vì Tuần trăng là một con số lẽ, nên người ta đặt ra, tháng âm lịch thiếu có 29 ngày và tháng âm lịch đủ có 30 ngày. Các tháng âm lịch thiếu và đủ xen kẻ nhau.

    Một tháng âm lịch được chia làm 3 tuần:

    · Thượng tuần: từ ngày mùng 1 đến mùng 10.
    · Trung tuần: từ ngày 11 đến ngày 20.
    · Hạ tuần: từ ngày 21 đến ngày 29 hoặc 30.
  • Tuần tự nhi tiến

    Tuần tự nhi tiến

    循序而進

    Tuần: Theo thứ tự, noi theo. Tự: thứ tự. Nhi: mà. Tiến: đi tới.

    Tuần tự nhi tiến là theo thứ tự mà tiến tới.

  • TUẤT

    TUẤT

    TUẤT: 恤 Cứu giúp người nghèo, xót thương.

    Thí dụ: Tuất dưỡng, Tuất lão.

  • Tuất dưỡng

    Tuất dưỡng

    恤養

    A: To nourish the poors.

    P: Nourrir les indigents.

    Tuất: Cứu giúp người nghèo, xót thương. Dưỡng: nuôi nấng.

    Tuất dưỡng là cứu giúp và nuôi nấng người nghèo khổ.

  • Tuất lão

    Tuất lão

    恤老

    A: To help the oldmen.

    P: Secourir les vieillards.

    Tuất: Cứu giúp người nghèo, xót thương. Lão: già cả.

    Tuất lão là cứu giúp những người già cả.

  • TÚC

    TÚC

    1. TÚC: 夙 Sớm, xưa, cũ, có sẵn, vốn có.

    Thí dụ: Túc duyên, Túc đế, Túc trái.

    2. TÚC: 足 Chân, bước, đủ.

    Thí dụ: Túc thực.

    3. TÚC: 宿 Nghỉ đêm, cũ, lâu, lão luyện.

    Thí dụ: Túc nho, Túc thế, Túc trực.

  • Túc duyên - Túc đế

    Túc duyên - Túc đế

    夙緣 - 夙締

    Túc: Sớm, xưa, cũ, có sẵn, vốn có. Duyên: mối dây ràng buộc có từ kiếp trước. Đế: ràng buộc.

    Túc duyên là có mối dây ràng buộc từ kiếp trước.

    Túc đế là sự ràng buộc từ kiếp trước.

    Hai từ ngữ trên thường được dùng nói về sự ràng buộc giữa đôi nam nữ để thành vợ chồng đã có từ kiếp trước, ý nói nhân duyên tiền định.

    Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự Thiên thành: Duyên lành do sự ràng buộc từ kiếp trước, đẹp đôi do Trời làm nên.

  • Túc chướng

    Túc chướng

    夙障

    Túc: Sớm, xưa, cũ, có sẵn, vốn có. Chướng: trở ngại, nghiệp chướng.

    Túc chướng là nghiệp chướng của kiếp trước.

  • Túc nho

    Túc nho

    宿儒

    A: The trained scholar.

    P: Le lettré exercé.

    Túc: Nghỉ đêm, cũ, lâu, lão luyện. Nho: người trí thức thời xưa.

    Túc nho là nhà nho học lão luyện uyên bác.

  • Túc thế

    Túc thế

    宿世

    A: Previous life.

    P: La vie antérieure.

    Túc: Nghỉ đêm, cũ, lâu, lão luyện. Thế: đời.

    Túc thế là đời trước.

    Túc thế oan gia: kẻ thù đời trước, kẻ thù tiền kiếp.

  • Túc thực túc y

    Túc thực túc y

    足食足衣

    Túc: Chân, bước, đủ. Thực: ăn, lương thực. Y: áo, quần áo, mặc.

    Túc thực túc y là đủ ăn đủ mặc, chỉ mức sống trung bình, không giàu mà cũng không nghèo, đủ cơm ăn áo mặc.

    Kinh Sám Hối: Phước ấm no túc thực túc y.

  • Túc trái nhơn duyên

    Túc trái nhơn duyên

    夙債姻緣

    Túc: Sớm, xưa, cũ, có sẵn, vốn có. Trái: món nợ. Nhơn duyên: mối dây ràng buộc thành vợ chồng. Túc trái là món nợ trong kiếp trước.

    Túc trái nhơn duyên là cái duyên vợ chồng do mắc nợ nhau từ kiếp trước.

  • Túc trí đa mưu

    Túc trí đa mưu

    足智多謀

    A: Rich in expedient.

    P: Riche en expédient.

    Túc: Chân, bước, đủ. Trí: sự khôn ngoan hiểu biết. Mưu: mưu kế.

    Túc trí đa mưu là đủ khôn ngoan, nhiều mưu kế.

    Ý nói người có nhiều khôn ngoan hiểu biết, nhiều mưu lược, luôn luôn quyền biến giải quyết công việc một cách thỏa đáng, kết quả tốt đẹp.

  • Túc trực

    Túc trực

    宿直

    A: To be permanently.

    P: Être en permanence.

    Túc: Nghỉ đêm, cũ, lâu, lão luyện. Trực: đợi.

    Túc trực là chầu chực cả đêm.

    Nghĩa thường dùng: Túc trục là luôn luôn chầu chực bên cạnh để chăm sóc người bịnh, hay để chờ sai khiến.

  • TỤC

    TỤC

    1. TỤC: 俗 - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần.

    Thí dụ: Tục lệ, Tục kiếp, Tục lụy.

    2. TỤC: 續 Nối lại, tiếp nối, tiếp tục.

    Thí dụ: Tục bản, Tục huyền.

  • Tục bản

    Tục bản

    續本

    A: Reprinting.

    P: Réédition.

    Tục: Nối lại, tiếp nối, tiếp tục. Bản: Bổn: sách in.

    Tục bản là sách in nối tiếp các kỳ in trước.

    Lời Tựa Pháp Chánh Truyền: Bởi thế nên quyển Pháp Chánh Truyền nầy cần được tục bản mãi mãi, kỳ nầy hết tới kỳ khác.

  • Tục bệnh bất khả y

    Tục bệnh bất khả y

    俗病不可醫

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Bệnh: ốm đau. Bất khả: không thể. Y: chữa bịnh.

    Tục bệnh là cái bịnh ham mê trần tục, cái bịnh ham mê vật chất, ham mê danh lợi quyền.

    Tục bệnh bất khả y là cái bịnh ham mê vật chất nơi cõi trần không thể chữa trị được.

    Người xưa có câu danh ngôn: "Phàm bệnh giai khả y, duy tục bệnh bất khả y." Nghĩa là: Bịnh thường thì đều có thể chữa lành được, duy có bịnh ham mê trần tục là không thể chữa trị được.

    Bịnh nầy, may ra có liều thuốc giác ngộ của tôn giáo thì mới có thể chữa lành được.

  • Tục danh

    Tục danh

    俗名

    A: Nickname, worldly name.

    P: Petit nom, nom mondain.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Danh: tên.

    Tục danh là tên thường gọi, khác với tên khai sanh.

    Tục danh là tên ở ngoài đời, lúc chưa đi tu. Khi đi tu thì có Thánh danh hay Pháp danh. Tục danh đồng nghĩa Thế danh.

  • Tục hôn - Tục huyền

    Tục hôn - Tục huyền

    續婚 - 續絃

    A: To remarry.

    P: Se remarier.

    Tục: Nối lại, tiếp nối, tiếp tục. Hôn: việc cưới vợ gả chồng. Huyền: dây đàn.

    Tục hôn là cưới vợ lần nữa, hay lấy chồng lần nữa.

    Tục huyền là nối lại dây đàn đã đứt, ý nói cưới vợ khác khi người vợ trước đã chết.

  • Tục kiếp

    Tục kiếp

    俗劫

    A: The worldly life.

    P: La vie mondaine.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Kiếp: một đời sống từ lúc sanh ra đến lúc chết.

    Tục kiếp là một kiếp sống nơi cõi trần.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Diệt tục kiếp trần duyên oan trái.

  • Tục lệ cổ truyền

    Tục lệ cổ truyền

    俗例古傳

    A: The traditional custom.

    P: La coutume traditionnelle.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Lệ: lề thói đã có từ trước. Cổ: xưa.

    Tục lệ cổ truyền là lề thói đã quen từ xưa truyền lại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ theo tục lệ cổ truyền.

  • Tục lụy

    Tục lụy

    俗累

    A: Sorrows of world.

    P: Peines du monde.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Lụy: phiền não.

    Tục lụy là những nỗi phiền não nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hứng giọt Ma Ha lau tục lụy.

  • Tục lự

    Tục lự

    俗慮

    A: Cares of world.

    P: Les soucis du monde.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Lự: lo nghĩ.

    Tục lự là những lo âu nghĩ ngợi trong cuộc sống nơi cõi trần.

  • Tục ngữ

    Tục ngữ

    俗語

    A: Proverb.

    P: Le proverbe.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Ngữ: lời nói.

    Tục ngữ là câu thường nói trong dân gian có từ lâu đời, nêu lên những kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống.

    Thí dụ:
    - Không thầy đố mầy làm nên.
    - Đa kim ngân phá luật lệ.
  • Tục sự

    Tục sự

    俗事

    A: The worldly affairs.

    P: Les affaires du monde.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Sự: việc.

    Tục sự là việc đời, việc của cõi trần.

  • Tục trần

    Tục trần

    俗塵

    A: The world.

    P: Le monde.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Trần: bụi, cõi trần.

    Tục trần hay Trần tục là cõi trần, cõi có nhiều bụi bặm ô trược, cõi của nhơn loại đang sống.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Trước Lâm chứa đặng Bảy ông Hiền,
    Vì bỏ tục trần mến cảnh Tiên.
  • Tục truyền

    Tục truyền

    俗傳

    A: The common tradition.

    P: La tradition commune.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Truyền: trao lại, truyền lại.

    Tục truyền là những điều mà dân gian từ xưa truyền lại.

  • Tục tử

    Tục tử

    俗子

    A: The rustic.

    P: Le rustre.

    Tục: - Lề thói có từ lâu đời, - Thô tục, - Thấp kém, cõi trần. Tử: người.

    Tục tử là kẻ tầm thường thấp kém, kẻ phàm tục.

  • TUẾ

    TUẾ

    TUẾ: 歲 Năm, tuổi.

    Thí dụ: Tuế hàn tam hữu, Tuế nguyệt.

  • Tuế hàn tam hữu

    Tuế hàn tam hữu

    歲寒三友

    Tuế: Năm, tuổi. Hàn: lạnh. Tam hữu: ba người bạn.

    Tuế hàn là cái lạnh của năm, ý nói mùa đông.

    Tuế hàn tam hữu là ba người bạn chịu lạnh của mùa đông: đó là ba cây: tùng, trúc, mai.

    Trong mùa đông, ba loại cây trên vẫn xanh tốt, còn các loại cây khác thì bị rụng lá, cành trơ trọi.

  • Tuế nguyệt như thoa

    Tuế nguyệt như thoa

    歲月如梭

    Tuế: Năm, tuổi. Nguyệt: tháng. Như: giống như. Thoa: cái thoi dệt vải, phóng qua phóng lại rất nhanh.

    Tuế nguyệt như thoa là năm tháng như thoi đưa, ý nói thời gian qua mau.

  • TUỆ

    TUỆ

    Tuệ: 慧 còn đọc là Huệ.

    Chữ Hán 慧, người miền Bắc thường đọc là TUỆ, nhưng người miền Nam thì đọc là HUỆ.

    Ở đây, chúng ta có sự phân biệt về ý nghĩa của hai chữ: TUỆ và HUỆ.

    1. Trong văn chương và triết học, chữ nầy đọc là TUỆ, có nghĩa là: thông minh sáng suốt. Thí dụ: Trí tuệ, Thông tuệ.

    2. Trong Đạo học, nhứt là trong Thiền học, chữ nầy đọc là HUỆ, có nghĩa là: Sự bừng sáng của trí não nhận biết được chơn tướng, bộ mặt thật của sự vật.

    Đặc điểm của Trí huệ là nhận thức các pháp đúng như chúng tồn tại. Trí huệ có chức năng xóa bỏ mọi bóng tối vô minh. Đạt được Trí huệ là hết vô minh, tức nhiên hết mê lầm, hết phiền não, đắc đạo vậy.

    Muốn có được Trí huệ thì phải công phu thiền định, tu Giới, Định, Huệ, theo pháp môn của Phật giáo Thiền tông. Như vậy, Trí huệ có được không phải do đọc sách hay phân tích lý lẽ, mà có được là do Tu. Còn Trí tuệ chỉ là các kiến thức thâu thập được của trí não, do học tập hay nghiên cứu đọc sách mà có.

    Nhận thức như vậy thì chúng ta mới phân biệt được: Trí tuệ và Trí huệ. (Xem chữ: Huệ, vần H).

  • Tuệ căn

    Tuệ căn

    慧根

    Tuệ: (1) thông minh sáng suốt. Căn: gốc rễ.

    Tuệ căn là cái gốc rễ của sự thông minh hiểu biết.

    Một đứa trẻ có tuệ căn, tức là có sự thông minh hiểu biết đặc biệt, không phải tự nhiên nó được như thế, mà do gốc rễ từ kiếp trước. Kiếp trước nó là một người học rộng, biết nhiều, sự hiểu biết ấy nhập vào chơn thần và được chuyển qua kiếp sau. Cho nên trong kiếp sau, nó không học mà biết (là vì đã học từ kiếp trước).

  • Tuệ tinh

    Tuệ tinh

    彗星

    A: The comet.

    P: La comète.

    Tuệ: sao chổi. Tinh: ngôi sao.

    Tuệ tinh là sao chổi.

  • Tung hoành

    Tung hoành

    縱橫

    A: To act freely.

    P: Agir librement.

    Tung: đường dọc. Hoành: đường ngang.

    Tung hoành là đường dọc và đường ngang, ý nói ngang dọc, chỉ người có chí khí lớn, vùng vẫy ngang tàng.

  • Tung tích

    Tung tích

    蹤跡

    A: Traces.

    P: Les traces.

    Tung: dấu chân. Tích: dấu vết.

    Tung tích là dấu vết để lại của bước chân đi.

  • TÙNG

    TÙNG

    1. TÙNG: 從 Theo, nghe theo.

    Thí dụ: Tùng khổ, Tùng lịnh, Tùng phục.

    2. TÙNG: 松 Cây thông, cây tùng, cây tòng.

    Thí dụ: Tùng bá, Tùng lâm.

    3. TÙNG: 叢 Tụ họp, rậm rạp.

    Thí dụ: Tùng lâm.

  • Tùng bá (Tòng bá)

    Tùng bá (Tòng bá)

    松柏

    A: The pine and cypress.

    P: Le pin et cyprès.

    Tùng: Cây thông, cây tùng, cây tòng. Bá: cây bá, cây trắc.

    Tùng bá là cây tùng và cây trắc, hai loại cây quí, sống rất lâu năm, chịu được sương tuyết mà vẫn xanh tươi, không rụng lá, đứng sững giữa trời, nên được ví với người quân tử.

    Giới Tâm Kinh:
    Hoa tươi tòng bá khác nhau xa,
    Tòng bá xơ rơ kém sắc hoa.
    Gặp tiết đông thiên sương tuyết bủa,
    Chỉ còn tòng bá, chẳng còn hoa.
  • Tùng lâm (Tòng lâm)

    Tùng lâm (Tòng lâm)

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Tùng lâm (Tòng lâm)

    松林

    A: The forest of pines.

    P: La forêt de pins.

    Tùng: Cây thông, cây tùng, cây tòng. Lâm: rừng.

    Tùng lâm là rừng thông.

    * Trường hợp 2: Tùng lâm (Tòng lâm)

    叢林

    A: The tufty forest: Pagoda.

    P: La forêt touffue: Pagode.

    Tùng: Tụ họp, rậm rạp. Lâm: rừng.

    Tùng lâm hay Tòng lâm là rừng cây rậm rạp, chỉ chùa chiền, nơi tăng chúng tụ cư học đạo tu hành.

    Khi xưa, ở Ấn Độ, người ta thường chọn các rừng cây rậm rạp mát mẻ bên ngoài thành thị để lập các ngôi chùa cho các tăng ni đến ở tu học. Do đó, Tùng lâm là chỉ các ngôi chùa.

    Trong Kinh điển, từ ngữ Tùng lâm còn được giải thích bằng nhiều cách khác nữa:

    Theo Kinh Đại trí độ luận thì: Tăng chúng hòa hợp cư trú ở một nơi, như rừng cây mọc, nên ví tăng chúng là Tùng lâm (rừng cây rậm rạp).

    Theo sách Thiền lâm bảo huấn âm nghĩa thì: lấy ý thảo mộc sinh trưởng không lung tung mà có qui củ pháp độ.

    Ngoài ra Tổ đồng sự uyển lại cho Tùng lâm là dựa theo nghĩa tiếng Phạn: Bần-bà-na.

    Thông thường, Tùng lâm chỉ tự viện của Thiền tông, còn gọi là Thiền lâm (rừng Thiền), lại còn lấy rừng cây chiên đàn thơm ngát để ứng với Tùng lâm thanh tịnh, nên gọi là Chiên đàn lâm. (Theo Phât học Từ điển Hán Việt)

    Đọc theo âm Hán Việt, chữ 從 có thể đọc là TÙNG, TÒNG, THUNG; cho nên tương tự theo đó, chữ Tùng lâm 叢林 có thể dịch ra chữ nôm là: Rừng tùng, Rừng tòng, Rừng thung đều đồng một nghĩa với: Rừng Thiền, chỉ các ngôi chùa Phật, nơi tu hành, hoặc chỉ sự tu hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Khổ hạnh dầu ai thìn một kiếp.
    Rừng tòng thoát tục sớm đưa chân.
  • Tùng khổ - Thắng khổ - Thọ khổ -

    Thoát khổ - Giải khổ - Tuyệt khổ

    Tùng khổ - Thắng khổ - Thọ khổ -

    Thoát khổ - Giải khổ - Tuyệt khổ

    從苦 - 勝苦 - 受苦 -

    脫苦 - 解苦 - 絕苦

    A: To follow the suffering

    - To triumph over the suffering
    - To endure the suffering
    - To escape from the suffering
    - To deliver the suffering
    - To annihilate.

    P: Suivre la souffrance

    - Triompher de la souffrance
    - Endurer la souffrance
    - Échapper à la souffrance
    - Délivrer de la souffrance
    - Anéantir la souffrance.

    Tùng: Theo, nghe theo. Khổ: nỗi vất vả đau đớn khổ sở. Thắng: được hơn. Thọ: Thụ: nhận lãnh. Thoát: ra khỏi. Giải: cởi bỏ. Tuyệt: dứt.

    · Tùng khổ là tùng theo các cảnh khổ não của nhơn sanh để an ủi và giúp đỡ nhơn sanh.
    · Thắng khổ là khắc phục những hoàn cảnh khó khăn để giúp nhơn sanh vượt qua những cơn đau khổ.
    · Thọ khổ là nhận lãnh mọi sự đau khổ để cầu cho nhơn sanh hết khổ.
    · Thoát khổ là tìm phương pháp để thoát khỏi sự đau khổ rồi dẫn dắt nhơn sanh thoát khổ như mình.
    · Giải khổ là giúp nhơn sanh phương pháp cởi bỏ hết các mối đau khổ.
    · Tuyệt khổ là dứt khổ, ở trạng thái không không như như.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói rằng:

    "Phật vì thương đời mà tìm cơ Giải khổ.
    Tiên vì thương đời mà bày cơ Thoát khổ.
    Thánh vì thương đời mà dạy cơ Thọ khổ.
    Thần vì thương đời mà lập cơ Thắng khổ.
    Hiền vì thương đời mà đạt cơ Tùng khổ.

    Chữ KHỔ là đề mục của khoa học trường đời. Phẩm vị: Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật là ngôi vị của trang đắc cử."

    1. Đường lối Giải khổ của Phật là Tứ Diệu Đế, tức là bốn chơn lý cao thượng, kể ra:

    · Khổ đế: Nhận thức bốn cái khổ căn bản của con người là: sanh, lão, bệnh, tử.

    · Tập đế: Nhận thức về nguồn gốc gây ra đau khổ.

    · Diệt đế: Chân lý về sự chấm dứt mọi hình thức khổ.

    · Đạo đế: Con đường giải khổ, chứng nhập Niết bàn.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Tứ Diệu Đế).

    2. Đường lối Thoát khổ của Tiên là Vô vi, Vô dục, Vô tranh.

    · Vô vi là không làm, không hành động theo ngoại giới mà chỉ hồi hướng về nội giới tâm linh của mình. Đạo thường vô vi nhi vô bất vi: Đạo thường là không làm mà không có việc gì là không làm được.

    · Vô dục là không ham muốn vật chất, vì càng ham muốn vật chất thì càng đau khổ. Họa mạc đại ư bất tri túc, cửu mạc đại ư dục đắc: Nói về tai họa thì không có tai họa nào lớn bằng không biết đủ, nói về lỗi lầm thì không có lỗi lầm nào lớn hơn muốn được.

    · Vô tranh là không tranh giành của cải vật chất.

    3. Đường lối Thọ khổ của Thánh là Bác ái.

    · Vì có lòng bác ái mà Đức Chúa Jésus thọ lãnh cái chết trên cây Thánh giá để xin chuộc tội cho loài người.

    4. Đường lối Thắng khổ của Thần là vượt qua khó khăn để thực hành Nhơn đạo.

    5. Đường lối Tùng khổ của Hiền là nương theo các cảnh khổ não của nhơn sanh, đồng cam cộng khổ với nhơn sanh để dìu dắt nhơn sanh vào đường đạo đức.

  • Tùng lịnh

    Tùng lịnh

    從令

    A: To obey an order.

    P: Obéir à un ordre.

    Tùng: Theo, nghe theo. Lịnh: mệnh lệnh của cấp trên.

    Tùng lịnh là vâng theo mệnh lệnh của cấp trên.

    Bát Đạo Nghị Định: Cả Chức sắc phải tùng lịnh Hội Thánh, chẳng đặng tự chuyên mà cải sửa chơn truyền của Đạo.

  • Tùng minh khử ám

    Tùng minh khử ám

    從明去暗

    Tùng: Theo, nghe theo. Minh: sáng. Khử: trừ bỏ. Ám: tối tăm.

    Tùng minh khử ám là theo sáng bỏ tối, tức là theo con đường đạo đức chơn chánh, từ bỏ con đường tà mị đen tối.

  • Tùng nhứt nhi chung

    Tùng nhứt nhi chung

    從一而終

    A: To follow only a husband.

    P: Suivre seulement un mari.

    Tùng: Theo, nghe theo. Nhứt: một. Nhi: mà, như. Chung: hết, chết.

    Tùng nhứt nhi chung là chỉ theo một cho đến chết.

    Đây là nói về người phụ nữ có chồng, theo luân lý Nho giáo thời xưa, người đàn bà chỉ có một chồng và chỉ biết có một chồng cho đến chết.

  • Tùng phục

    Tùng phục

    從服

    A: To submit.

    P: Se soumettre.

    Tùng: Theo, nghe theo. Phục: thuận theo.

    Tùng phục hay Phục tùng là chịu nghe theo và tuân theo.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Vì Thầy đã biết trước rằng Lễ Sanh phải chịu tùng phục dưới quyền người sai khiến.

  • Tùng quyền

    Tùng quyền

    從權

    A: To follow the power of.

    P: Suivre le pouvoir de.

    Tùng: Theo, nghe theo. Quyền: quyền hành.

    Tùng quyền là tùy thuộc vào quyền hành của một Chức sắc bề trên mà làm việc.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Vậy thì Lễ Sanh là người thay mặt cho Giáo Hữu khi Giáo Hữu vắng mặt mà hành lễ cúng tế Thầy, song phải tùng quyền Giáo Hữu mà hành sự.

    ■ Tùng quyền còn có nghĩa trong thành ngữ: Ngộ biến tùng quyền. Tùng quyền là tùy theo hoàn cảnh lúc nguy biến mà ứng phó cho kịp thời, không nên giữ khư khư theo một lối nhứt định. Thường nói: Chấp kinh cũng phải có khi tùng quyền.

  • Tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ

    Tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ

    從是法條

    Tùng: Theo, nghe theo. Thị: phải (Phi là trái). Pháp điều: những điều khoản trong luật pháp. Tam Kỳ Phổ Độ: ý nói Đạo Cao Đài.

    Tùng thị là tùng theo vì tin rằng điều đó đúng và phải.

    Tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ là tùng theo các điều khoản luật pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vì tin rằng luật pháp ấy đúng và phải.

  • Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng

    Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng

    從善如登,從惡如崩

    Tùng: Theo, nghe theo. Thiện: điều lành. Ác: điều dữ. Đăng: lên. Băng: lở xuống.

    Câu hán văn trên có nghĩa là: Theo điều lành thì như đi lên (càng lúc càng cao), theo điều dữ thì như lở xuống (càng lúc càng thấp).

  • Tùng thư

    Tùng thư

    叢書

    A: The collection of books.

    P: La collection des livres.

    Tùng: Tụ họp, rậm rạp. Thư: sách.

    Tùng thư là bộ sách, tủ sách.

    Bách Khoa tùng thư: bộ sách Bách Khoa.

  • Túng cùng

    Túng cùng

    A: Very poor.

    P: Très pauvre.

    Túng: thiếu thốn tiền bạc. Cùng: nghèo khổ.

    Túng cùng là thiếu thốn nghèo khổ.

    Kinh Sám Hối:
    Túng cùng vay mượn của người,
    Vui lòng tính trả vốn lời cho kham.
  • Túng tíu

    Túng tíu

    A: Cooped up.

    P: Gêné.

    Túng tíu là bó buộc trong chỗ chật hẹp, mất thong thả.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Bụng trống thảnh thơi con hạc nội,
    Lúa đầy túng tíu phận gà lồng.

    (Lưu ý: Túng tíu, không phải Túng thiếu. Túng thiếu là nghèo khổ thiếu thốn tiền bạc).

  • TỤNG

    TỤNG

    1. TỤNG: 誦 Đọc ra thành tiếng.

    Thí dụ: Tụng niệm.

    2. TỤNG: 訟 Thưa kiện.

    Thí dụ: Tụng đình, Tụng sự.

    3. TỤNG: 頌 Khen ngợi.

    Thí dụ: Tụng từ.

  • Tụng đình

    Tụng đình

    訟庭

    A: The tribunal.

    P: Le tribunal.

    Tụng: Thưa kiện. Đình: cái viện.

    Tụng đình là cái viện phân xử các vụ thưa kiện, nên Tụng đình là tòa án, pháp đình.

  • Tụng niệm

    Tụng niệm

    誦念

    A: To pray.

    P: Prier.

    Tụng: Đọc ra thành tiếng. Niệm: tưởng nghĩ tới.

    Tụng niệm là tụng kinh và niệm Phật.

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần:
    Lòng sở vọng lâm dâm tụng niệm,
    Xin giải nàn Nam Thiệm Bộ Châu.
  • Tụng sự đắc hưu

    Tụng sự đắc hưu

    訟事得休

    Tụng: Thưa kiện. Sự: việc. Đắc: được. Hưu: nghỉ, thôi.

    Tụng sự đắc hưu là việc thưa kiện được ngưng nghỉ.

    Kinh Cứu Khổ: Quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu.

  • Tụng từ

    Tụng từ

    頌詞

    A: The félicitation.

    P: La félicitation.

    Tụng: Khen ngợi. Từ: lời nói.

    Tụng từ là lời ca tụng, khen ngợi.

  • Tuổi hạc

    Tuổi hạc

    A: The age of crane.

    P: L"âge de la grue.

    Hạc: loại chim sống rất thọ, có con sống cả ngàn năm.

    Tuổi hạc tuổi thọ như chim hạc, ý nói sống lâu như hạc.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu: Xem thân tuổi hạc càng cao.

  • Tuôn dầm lệ sa

    Tuôn dầm lệ sa

    A: To shed abundant tears.

    P: Verser d"abondantes larmes.

    Tuôn: chảy ra thành dòng, vun vải ra. Dầm: ướt khắp cả. Lệ: nước mắt. Sa: rơi xuống.

    Tuôn dầm lệ sa: nước mắt chảy thành dòng ướt khắp cả.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu: Động lòng thương nhớ tuôn dầm lệ sa.

  • Tuông bờ lướt bụi

    Tuông bờ lướt bụi

    A: To pass through the bushes.

    P: Traverser les buissons.

    Tuông: vượt qua, xông tới trước bất chấp trở ngại. Bờ: bờ đất. Lướt: vượt nhanh tới. Bụi: bụi cây.

    Tuông bờ lướt bụi là vượt qua các bờ đất, xông lướt qua các bụi cây. Ý nói: xông pha tiến tới vượt qua các trở ngại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy khuyên các con theo sau Thầy mà đến phẩm vị mình thì hay hơn tuông bờ lướt bụi, đi quanh kiếm quất, nghe à!

  • Tuồng đời ấm lạnh

    Tuồng đời ấm lạnh

    A: The habits of the times.

    P: Les moeurs du temps.

    Tuồng: vở hát trên sân khấu. Tuồng đời: trò đời, cuộc đời ví như một tuồng hát. Ấm lạnh: hai mặt đối nghịch nhau như: nóng với lạnh, thương với ghét, vui với buồn,....

    Tuồng đời ấm lạnh là các việc xảy ra trong cõi trần giống như một vở hát, hết vui tới buồn, hết yêu tới ghét,....

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Có khổ tâm mới rõ tuồng đời ấm lạnh.

  • Tuồng thế

    Tuồng thế

    A: The drama of life.

    P: Le drame de la vie.

    Tuồng: vở hát trên sân khấu. Thế: đời, cõi đời.

    Tuồng thế là tuồng đời. (Xem: Tuồng đời ấm lạnh).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hay chi tuồng thế bước đua tranh.

  • Tuy vân

    Tuy vân

    雖云

    A: Although.

    P: Bien que.

    Tuy: dù cho, dẫu. Vân: rằng.

    Tuy vân là tuy rằng, dù rằng, tuy vậy.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ôi! Tuy vân, hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà.

  • TÙY

    TÙY

    TÙY: 隨 Theo, thuận theo, tùy theo.

    Thí dụ: Tùy duyên, Tùy hỷ, Tùy ý.

  • Tùy cơ ứng biến

    Tùy cơ ứng biến

    隨機應變

    A: To adapt to circumstances.

    P: Agir selon les circonstances.

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Cơ: cơ hội. Ứng: đáp lại. Biến: thay đổi. Tùy cơ: tùy theo cơ hội, tùy theo trường hợp. Ứng biến: đáp lại những thay đổi của tình hình.

    Tùy cơ ứng biến là tùy theo trường hợp mà đối phó những biến đổi của tình thế.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tòa Thánh là gốc cội của Đạo, nếu muốn lập công nơi đó, vì Thầy đã dạy, thì nên làm đi, cách xây đổi phương lược tùy cơ ứng biến, ấy là cơ nghiệp riêng của mỗi...

  • Tùy duyên bất biến

    Tùy duyên bất biến

    隨緣不變

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Duyên: nhân duyên, cơ duyên. Bất: không. Biến: thay đổi.

    Sự vật biến đổi ở bên ngoài làm cho mình cảm xúc, ấy là duyên. Mình nương theo cái duyên ấy mà tu hành thì gọi là Tùy duyên. Bất biến: không thay đổi.

    Tùy duyên bất biến là nói về sự tu hành, cái hình thức có thể thay đổi tùy theo cái duyên bên ngoài đưa tới, nhưng bản chất bên trong thì phải giữ cho bất biến.

    Thí dụ như nước và sóng. Làn sóng trên mặt nước luôn luôn thay đổi theo chiều gió và sức mạnh của gió (Tùy duyên), nhưng nước vẫn là nước, bản chất của nó vẫn không thay đổi.

    Giáo lý của một nền tôn giáo cũng vậy, đối với người có căn trí thấp thì giáo lý phải được trình bày thấp xuống cho họ dễ hiểu thì mới có thể dẫn dắt và giáo hóa họ lần lần, còn đối với người có trình độ cao thì nên đi ngay vào trọng tâm. Tuy hình thức có thay đổi cao hay thấp cho phù hơp với căn trí, nhưng nội dung giáo lý vẫn giữ nguyên.

  • Tùy hỷ

    Tùy hỷ

    隨喜

    A: According to the good will.

    P: Suivant la bonne volonté.

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Hỷ: vui mừng.

    Tùy hỷ là tùy theo lòng vui thích mà làm, không bắt buộc.

    Trong việc bố thí, tùy theo túi tiền của mình và cũng tùy theo lòng vui vẻ mà bố thí nhiều hay ít.

    Tân Luật: Thế luật, điều 19: Một người trong Đạo gặp tai nạn thình lình thì bổn đạo trong Họ hãy tùy hỷ chung nhau tư trợ cho qua lúc ngặt nghèo.

  • Tùy nghi châm chước

    Tùy nghi châm chước

    隨宜斟酌

    A: To act in accordance with conventions.

    P: Agir suivant les convenances.

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Nghi: thích đáng. Châm: rót rượu mời khách. Chước: rót rượu khách mời trở lại.

    Tùy nghi là tùy theo sự thích đáng mà làm.

    Châm chước là thương lượng tính toán cho vừa, cũng có nghĩa là giảm nhẹ bớt yêu cầu vì chiếu cố hoàn cảnh cụ thể.

    Tùy nghi châm chước là tùy theo sự thích đáng mà giảm bớt cho gọn nhẹ, đỡ mất nhiều thời gian.

  • Tùy ngộ nhi an

    Tùy ngộ nhi an

    隨遇而安

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Ngộ: gặp. Nhi: mà. An: yên ổn.

    Tùy ngộ nhi an: tùy theo hoàn cảnh gặp phải mà an vui.

    Lạc tri Thiên mạng, tùy cảm nhi ứng, tùy ngộ nhi an: Vui biết mệnh Trời, tùy theo cái tình cảm của mình mà ứng theo, tùy theo cảnh ngộ gặp phải mà an vui.

  • Tùy phận tùy duơn

    Tùy phận tùy duơn

    隨分隨緣

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Phận: số phận. Duơn: do chữ Duyên nói trại ra. Duyên là nhân duyên, cơ duyên.

    Tùy phận tùy duyên là tùy theo cái số phận của mình và tùy theo cái cơ duyên của mình.

    Tân Luật: Thế luật, điều 21: Người bổn đạo ăn mặc phải cần kiệm, tùy phận tùy duơn, cũng nên dùng đồ vải bô và giảm bớt hàng lụa.

  • Tùy phong chuyển phàm

    Tùy phong chuyển phàm

    隨風轉帆

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Phong: gió. Tùy phong: tùy theo chiều gió. Chuyển: xoay chuyển. Phàm: buồm.

    Tùy phong chuyển phàm là tùy theo chiều gió mà xoay buồm. Ý nói: Tùy theo cơ hội mà xử sự cho thích đáng.

  • Tùy tài tùy lực

    Tùy tài tùy lực

    隨才隨力

    A: According to the talent and force.

    P: Suivant le talent et la force.

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Tài: tài năng. Lực: sức mạnh.

    Tùy tài tùy lực là tùy theo tài năng và sức lực của mình mà lãnh phần công việc thích hợp với mình.

  • Tùy thân

    Tùy thân

    隨身

    A: To carry on one"s person.

    P: Porter sur soi.

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Thân: thân mình.

    Tùy thân là những vật thường đem theo mình để tùy thời mà dùng.

  • Tùy tiện

    Tùy tiện

    隨便

    A: According to the convenience.

    P: Suivant la convenance.

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Tiện: thuận tiện.

    Tùy tiện là tùy theo sự thuận tiện mà làm.

    Tân Luật: Ăn mặc thường, phải dùng toàn đồ vải trắng hoặc màu theo phái mình, song phải tùy tiện, chẳng nên xa xí.

  • Tùy tục

    Tùy tục

    隨俗

    A: According to custom.

    P: Selon la coutume.

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Tục: thói quen, phong tục, tục lệ.

    Tùy tục là tùy theo phong tục.

    Nhập gia tùy tục: Vào nhà ai thì phải tùy theo tục lệ của nhà ấy.

  • Tùy tùng

    Tùy tùng

    隨從

    A: The retinue.

    P: La suite.

    Tùy: Theo, thuận theo, tùy theo. Tùng: theo.

    Tùy tùng là đi theo.

    Đoàn tùy tùng: phái đoàn đi theo một nhân vật cao cấp.

  • Túy sơn Vân mộng

    Túy sơn Vân mộng

    醉山雲夢

    Túy: say. Sơn: núi. Vân: mây. Mộng: chiêm bao.

    Túy sơn Vân mộng là nhan đề của một bài phú do một Đấng giáng cơ viết ra nhưng Đấng ấy lại giấu tên, sau nầy chúng tôi tìm tòi biết được: Đấng ấy là Thi hào Nguyễn Du.

    Nội dung của bài phú nầy nói về một vị quan nhân tài tử, có vợ mà vợ đã chết được 5 năm, cùng với đứa tiểu đồng đi ngao du sơn thủy cho vơi bớt nỗi buồn cô quạnh, đến viếng một cảnh chùa, cùng với mấy vị sư vui say chén tạc chén thù, rồi nằm ngủ quên nơi mái hiên chùa, đến canh ba, hồn lâng lâng gặp người vợ đi đến hỏi han và kể lễ nỗi niềm.

    Trong bài Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu có hai câu:

    Âm Dương đôi nẻo chia phân,
    Túy sơn Vân mộng mới gần đặng nhau.

    "Túy sơn Vân mộng" là lấy ý nghĩa theo bài phú nói trên, để chỉ nỗi nhớ thương của người chồng đối với người vợ đã chết, nên người chồng nằm chiêm bao gặp vợ.

    Sau đây xin chép lại bài phú nói trên:

    TÚY SƠN VÂN MỘNG
    Năm Long Đức thứ tư,
    Tiết Trung Thu tháng tám,
    Quế tử hương đưa muôn dặm,
    Hòe huê sắc trổ đòi ngàn.
    Trăng trăng bạc, gió gió vàng, lẻo lẻo một bầu bạch bích.
    Trời trời xanh, nước nước biếc, làu làu một khóm pha ly.
    Tám cảnh vầy mở bức bình phong,
    Bốn cõi khắp xây nền vân thủy.
    Ta khi ấy:
    Thôi chầu Thiên sứ,
    Rảnh việc công sai.
    Thinh thinh một chiếc thuyền lan, noi dòng Xích bích,
    Nhẹ nhẹ đôi con chèo quế, dực bến Thương Lang.
    Trải hang Nghê qua cửa Thần Phù,
    Dựa bãi Hạc tới chùa Non Nước.
    Nọ non Tiên, nầy cảnh Phật, những ngỡ tòa tinh đẩu đưa về.
    Kìa quán gió, ấy cầu mây, chẳng khác chốn Bồng Lai đưa lại.
    Phới phở lòng son dễ hứng,
    Bâng khuâng dạ ngọc khôn cầm.
    Ta bấy chừ:
    Ghé bến liễu đậu thuyền,
    Dõi gành hoa chơi bộ.
    Vén xiêm nghê, cài mão én, xênh xang một quạt một con đồng,
    Nâng bóng ác, vận chăn lừa, lẻo đẻo đôi hầu đôi đứa trẻ.
    Dìu dắt qua cầu Cửu Cấp,
    Lần hồi tới cửa Tam quan.
    Ngoài vách thưa, đọc đọc ngâm ngâm,
    Trong am tự, trai trai giới giới.
    Quến rủ đôi ba thầy tụng, rập rềnh tiếng quyển rập tiếng tiêu,
    Trù trì năm bảy ông sư, thù tạc chén thung đưa chén cúc.
    Dan díu tiệc hầu mãn một,
    Lần lừa canh đã sang ba.
    Mảng vui say khách thảy về nhà,
    Riêng lặng lẽ mình ta ngồi đấy.
    Những mảng quến trăng làm bạn, xa trông năm thức tầng vân,
    Thày lay mượn gió đưa duyên, xảy thấy một trang yểu điệu.
    Rỡ rỡ sen đưa gót ngọc,
    Dịu dàng tay hé rèm châu.
    Tóc làu làu mây Sở mấy từng,
    Quần dợn dợn sóng tương đôi lớp.
    Mặt hoa ái ngại dường Hớn Tiên Nương tách dặm xuống lầu tây,
    Mày liễu ủ ê tợ Đường Minh Phi đeo sầu ải Bắc.
    Sau lưng dõi đôi hầu thiếu nữ,
    Trước mặt bưng một hộp kỳ nam.
    Khoan khoan noi thềm quế bước vào, thưa rằng thiếp đến chầu quân tử
    Rón rén dựa lan can ngồi xuống, hỏi sao chàng nỡ phụ cố nhơn.
    Ta khi ấy:
    Ngập ngừng như tỉnh như say,
    Ngơ ngẩn nửa mừng nửa sợ.
    Lã chã giọt châu sa trước mặt, nào ngờ bình thủy duyên xưa,
    Nhặt khoan tiếng ngọc thoảng bên tai,mới biết tào khang nghĩa cũ.
    Mặt nhìn mặt trăm chiều, sầu tuôn lã chã,
    Tay cầm tay mấy nỗi, thảm lụy ngập ngừng.
    Chừ lâu ta mới hỏi chừng,
    Sau trước nàng bèn bày tỏ.
    Nàng mới thưa rằng:
    Thiếp hổ thân bồ liễu,
    Ngày dựa cửa trâm anh.
    Vâng ngọc âm từ chốn Thiên đình,
    Xuống hạ giới làm con Tướng quốc.
    Tơ đỏ nhờ tay Nguyệt Lão,
    Cửa vàng trộm sánh lang quân.
    Nghĩa keo sơn thoạt bén thoạt ưa,
    Duyên kim cải càng quen càng thắm.
    Tiếng cầm xen tiếng sắt, phao tuông đêm hạ giấc hòa phong,
    Mùi xạ bén mùi hương, đầm ấm ngày xuân hơi thoại võ.
    Đã trót vàng trao ngọc gởi,
    Lại dầm biển ái nguồn ân.
    Kề hàng trước, dựa hàng mai, những ước trăm năm thêm có lẻ,
    Gối cội đào, chen cội quế, để thề chín nguyện vẹn và mười.
    Trước là sửa trấp đẹp duyên chàng,
    Sau nữa nâng khăn an phận thiếp.
    Những tưởng gió cu còn đợi,
    Nào hay máy tạo khôn ngừa.
    Duyên mới vừa thỏ bạc ngang thềm,
    Kể đã đặng năm năm ân ái.
    Điềm phúc ứng dê xanh qua cửa,
    Bỗng rẽ phân hai ngả Sâm Thương.
    Hạc về huê biểu tủi ngùi ngùi,
    Nhạn lại hoành dương trông thẳm thẳm.
    Thiếp từ khi ấy:
    Về cung Nữ Tú,
    Phụng sự Thiên Tào.
    Sớm trông mây tối trông mưa, phưởng phất non Vu hồn Thần nữ,
    Xuống khe rồng lên đảnh hạc,mơ màng cung nguyệt bóng Hằng Nga.
    Thân tuy đà về chốn Tiên đài,
    Lòng chưa ắt khuây nơi trần thế.
    Ngảnh lại Tử Liêm nền đất cũ, sao dời vật đổi, tưởng cù lao khôn xiết nỗi thở than,
    Trông về Thanh Hóa chốn quê chàng, biển rộng non cao, nghĩ ân ái lại càng thêm thảm thiết.
    Khoăn khoái năm canh quyên nhớ cõi,
    Bơ vơ ngàn dặm cú trông chừng.
    Mong tầm Tiên học phép huờn hồn, song sợ học phép mầu, Tiên chẳng bảo,
    Muốn bạch Phật hỏi phương hiện thế, lại e phương cấm, Phật không truyền.
    Cậy gió, hềm dì gió đảo điên,
    Mượn trăng, e ả trăng xao lãng.
    Tin đồng sợ thầy đồng tráo chác,
    Nhắm cốt e mụ cốt mơ màng.
    Bởi rứa nên:
    Hai chữ tương tư giữ dạ kính ghi dòng nước bích,
    Một thiên trường hận rèn lòng thề tạc đảnh non xanh.
    Thương thay:
    Hạnh uyển hoa tàn,
    Diêu Trì tuyết tán.
    Mã trục Tây Hồ hà nhựt phản?
    Kình dư Đông Hải kỷ thời lai?
    Nay gặp chàng thoạt đến chốn nầy,
    Đặng cho thiếp thở than duyên cũ.
    Thôi thôi:
    Xin nhớ mấy lời tâm sự,
    Kính đưa hai chữ bình yên.
    Ngậm ngùi tả bức huê tiên, bốn lạy giã từ trần thế,
    Lã chã đôi hàng lụy ngọc, chín trùng trở lại Tiên đô.
    Ta khi ấy:
    Chùa mây dùn thẳng,
    Quán cát ngẩn ngơ.
    Mở cửa toan ngồi đợi,
    Ra sân lại đứng chờ.
    Mái nọ non xanh, trăng bạc gác đầu hiên vặc vặc,
    Bên kia cửa lục, chuông vàng soi mặt nước chinh chinh.
    Mới biết là:
    Động phủ hội tam sinh,
    Huỳnh lương thành nhứt mộng.
    Máy Trời Đất không không có có,
    Đạo vợ chồng ái ái ân ân.
    Than ôi!
    Mộng huyển bào ảnh đồ vi thị xuân,
    Không sắc sắc không hà tu thậm giả.
    Tuy là rẽ âm dương đôi ngả,
    Cũng chẳng qua thành kỉnh một lòng.
    Tử như sanh, vong như tồn, lòng kỉnh thành hữu cảm tắc thông,
    Sanh như ký, tử như qui, tâm ngưỡng vọng hữu cầu tắc ứng.
    Bèn đem rượu cúc rót ba tầng,
    Rấp mượn bút huê đề nhứt luật./.
    Nguyễn Du giáng cơ đề bút.
  • TUYÊN

    TUYÊN

    TUYÊN: 宣 Nói rõ ra, đọc lớn lên.

    Thí dụ: Tuyên cáo, Tuyên ngôn, Tuyên thệ.

  • Tuyên cáo

    Tuyên cáo

    宣告

    A: Declaration.

    P: Déclaration.

    Tuyên: Nói rõ ra, đọc lớn lên. Cáo: báo cáo cho biết.

    Tuyên cáo là bản văn chính thức báo cho mọi người đều biết về một sự kiện quan trọng.

    TỜ KHAI ĐẠO đề ngày 7-10-1926 là một bản Tuyên Cáo Khai Đạo chánh thức của của các tín đồ Đạo Cao Đài mà Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung đích thâm đem đến gởi cho Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol, và được ông Le Fol vui vẻ tiếp nhận. (Xem thêm: Khai Đạo, vần Kh)

  • Tuyên dương công nghiệp

    Tuyên dương công nghiệp

    宣揚功業

    A: The proclamation of merits.

    P: La proclamation des mérites.

    Tuyên: Nói rõ ra, đọc lớn lên. Dương: nêu lên, đưa lên. Công nghiệp là công lao và sự nghiệp đối với Đạo.

    Tuyên dương công nghiệp là một bản văn đọc lên cho mọi người biết để khen ngợi công lao và sự nghiệp của người chết đối với Đạo và đối với nhơn sanh.

    Khi một Chức sắc qui vị, trước khi đưa quan tài lên thuyền Bát Nhã đem đi an táng, Hội Thánh cử ra một vị thay mặt đọc bản Tuyên dương công nghiệp để khen ngợi và làm rạng rỡ gia tộc của vị Chức sắc ấy.

  • Tuyên ngôn

    Tuyên ngôn

    宣言

    A: Declaration.

    P: Déclaration.

    Tuyên: Nói rõ ra, đọc lớn lên. Ngôn: lời nói.

    Tuyên ngôn là một bản văn quan trọng nói rõ cho mọi người biết quan điểm và lập trường của một đoàn thể đối với hiện tình của xã hội hay quốc gia.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ấy là lời tuyên ngôn của Lão đã hứa quyết.

  • Tuyên thệ

    Tuyên thệ

    宣誓

    A: To take an oath.

    P: Prêter serment.

    Tuyên: Nói rõ ra, đọc lớn lên. Thệ: thề.

    Tuyên thệ là long trọng nói lên lời thề hứa chắc làm tròn nhiệm vụ theo luật pháp qui định.

    Trước khi đảm nhận một chức vụ quan trọng thì phải thiết lập một lễ tuyên thệ gọi là Lễ Tuyên Thệ nhậm chức.

    Đối với Đạo Cao Đài thì thường dùng chữ Minh Thệ thay vì Tuyên Thệ. Chức sắc ở các cấp, trước khi đảm nhận một chức vụ thì phải lập Minh Thệ.

    Đơn vị Hành Chánh Đạo thấp nhất là Hương Đạo mà vị Chánh Trị Sự làm Đầu Hương Đạo, trước khi nhậm chức, Pháp Chánh Truyền buộc phải lập Minh Thệ.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Trước khi lãnh trách nhậm, buộc Chánh Trị Sự phải đến Thánh Thất sở tại mà lập Minh Thệ, phải thề rằng: Giữ dạ vô tư mà hành đạo, dầu cha mẹ, anh em, vợ con cũng chẳng đặng phép tư vị, gìn dạ chơn thành thể Thiên hành Đạo.

  • Tuyên úy

    Tuyên úy

    宣慰

    A: The chaplain.

    P: L"aumônier.

    Tuyên: Nói rõ ra, đọc lớn lên. Úy: cũng đọc là Ủy: an ủi, vỗ về.

    Tuyên úy là một giáo sĩ của tôn giáo theo một đoàn quân để an ủi và vỗ về binh sĩ.

  • TUYỀN

    TUYỀN

    TUYỀN: 泉 Suối, mạch nước.

    Thí dụ: Tuyền đài.

  • Tuyền đài

    Tuyền đài

    泉臺

    A: The hell.

    P: L"enfer.

    Tuyền: Suối, mạch nước. Đài: lầu đài.

    Tuyền đài là suối và lầu đài, chỉ cõi Âm phủ, vì nơi đây có 9 dòng suối gọi là Cửu tuyền và 10 lầu đài gọi là Thập điện.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.

  • Tuyền lâm

    Tuyền lâm

    泉林

    A: Spring and forest.

    P: Source et forêt.

    Tuyền: Suối, mạch nước. Lâm: rừng.

    Tuyền lâm là suối và rừng, chỉ nơi vắng vẻ thanh tịnh, thích hợp với người ẩn thân tu hành.

  • TUYỂN

    TUYỂN

    TUYỂN: 選 Lựa chọn.

    Thí dụ: Tuyển cử.

  • Tuyển cử

    Tuyển cử

    選舉

    A: To elect.

    P: Élire.

    Tuyển: Lựa chọn. Cử: cất lên.

    Tuyển cử là lựa chọn người tài đức để bầu lên làm đại biểu cho mình.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Cứ 500 Đạo hữu trường trai đặng quyền tuyển cử lên một phái viên thay mặt. (dự Hội Nhơn Sanh)

  • Tuyển đức lọc tài

    Tuyển đức lọc tài

    A: To select a man of virtue and talent.

    P: Choisir un homme de vertu et talent.

    Tuyển: Lựa chọn. Đức: đạo đức. Lọc: chọn lọc. Tài: tài năng.

    Tuyển đức lọc tài là lựa chọn người có đạo đức và tài năng.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Hầu tìm phương tuyển đức lọc tài cho nên người ra cầm giềng mối Đạo.

  • Tuyển hiền

    Tuyển hiền

    選賢

    Tuyển: Lựa chọn. Hiền: người hiền, tức là người có đạo đức và tài năng.

    Tuyển hiền là tuyển chọn người hiền tài ra giúp dân giúp nước. Tuyển hiền đồng nghĩa: Tuyển đức lọc tài.

  • Tuyển phong Phật vị

    Tuyển phong Phật vị

    選封佛位

    Tuyển: Lựa chọn. Phong: ban cho phẩm tước. Phật vị: phẩm vị Phật.

    Tuyển phong Phật vị là Đức Di-Lạc Vương Phật, Giáo chủ Hội Long Hoa, lựa chọn người có đủ công đức tu hành để ban cho phẩm vị Phật.

    Kinh Ðại Tường: Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị.

  • TUYỆT

    TUYỆT

    TUYỆT: 絕 - Cắt đứt, mất hẳn. - Rất hay, tột đỉnh, hơn hết.

    Thí dụ: Tuyệt bút, Tuyệt cốc.

  • Tuyệt bút

    Tuyệt bút

    絕筆

    A: The literary masterpiece.

    P: Le chef d"oeuvre littéraire.

    Tuyệt: Rất hay, tột đỉnh, hơn hết. Bút: viết, cây viết.

    Tuyệt bút là bài văn rất hay làm người đọc thích thú.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Ngày Chí Tôn tình cờ đến, vì ham thi văn nên ban sơ Diêu Trì Cung đến dụ bằng thi văn tuyệt bút, làm cho mê mẩn tinh thần.

  • Tuyệt cốc

    Tuyệt cốc

    絕穀

    Tuyệt: Cắt đứt, mất hẳn. Cốc: chỉ chung các thứ lúa nếp dùng làm lương thực. (Xem chữ: Tịch cốc).

  • Tuyệt đại đa số

    Tuyệt đại đa số

    絕大多數

    A: The absolute majority.

    P: La majorité absolue.

    Tuyệt: Rất hay, tột đỉnh, hơn hết. Đại: lớn. Đa số: số nhiều.

    Tuyệt đại là lớn hơn hết.

    Tuyệt đại đa số là đa số lớn nhứt, tức là đạt được đa số lớn hơn phân nửa tổng số cử tri, cũng gọi là Đa số tuyệt đối.

  • Tuyệt đối

    Tuyệt đối

    絕對

    A: Absolutely.

    P: Absolument.

    Tuyệt: Rất hay, tột đỉnh, hơn hết. Đối: so sánh nhau.

    Trái với Tuyệt đối là Tương đối.

    Tuyệt đối là hơn hẳn khi so sánh nhau trong bầu cử.

    Thí dụ: Đa số tuyệt đối.

    Tuyệt đối là không có gì có thể so sánh với nó được.

    Thí dụ: Công bình tuyệt đối là sự công bình hoàn toàn, không còn có một điểm nhỏ chênh lệch nào. Đó là sự công bình thiêng liêng. Sự công bình nơi cõi trần chỉ là sự công bình tương đối.

  • Tuyệt giống dứt nòi

    Tuyệt giống dứt nòi

    A: To extinguish a race.

    P: Éteindre une race.

    Tuyệt: Cắt đứt, mất hẳn. Giống nòi: dòng giống sanh sản ra nối tiếp mãi. Dứt: làm cho mất đi.

    Tuyệt giống dứt nòi là làm cho nòi giống đó tiêu mất hẳn.

    Kinh Sám Hối: Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nòi.

  • Tuyệt học

    Tuyệt học

    絕學

    A: The extinct science.

    P: La science éteinte.

    Tuyệt: Cắt đứt, mất hẳn. Học: học thuật.

    Tuyệt học là cái học thuật đã dứt, không còn lưu truyền nữa vì không có người thừa kế.

  • Tuyệt luân

    Tuyệt luân

    絕輪

    A: To break off the metempsychosis

    P: Rompre la métempsycose.

    Tuyệt: Cắt đứt, mất hẳn. Luân: luân hồi.

    Tuyệt luân là dứt luân hồi, không còn đầu kiếp trở lại cõi thế gian nữa, tức là đắc đạo thành Tiên, Phật.

    Kinh Khi Ðã Chết Rồi: Đoạt cơ thoát tục bấy chừ tuyệt luân.

  • Tuyệt mạng

    Tuyệt mạng

    絕命

    A: To die.

    P: Mourir.

    Tuyệt: Cắt đứt, mất hẳn. Mạng: cái mạng sống của con người.

    Tuyệt mạng là mạng sống chấm dứt, tức là chết.

    Bức thơ tuyệt mạng: bức thơ viết trước khi chết, có mục đích bày tỏ nguyên do cái chết và những điều mong muốn sau khi chết.

  • Tuyệt sinh

    Tuyệt sinh

    絕生

    Tuyệt: Cắt đứt, mất hẳn. Sinh: sanh ra.

    Tuyệt sinh là dứt sự sanh ra nơi cõi trần, tức là dứt đường sanh tử luân hồi, đắc đạo thành Tiên Phật.

    Tuyệt sinh đồng nghĩa Tuyệt luân.

    Kinh Xuất Hội: Reo chuông thoát tục, phất cờ tuyệt sinh.

  • Tuyệt thực

    Tuyệt thực

    絕食

    A: To go on a hunger stricke.

    P: Faire la grève de la faim.

    Tuyệt: Cắt đứt, mất hẳn. Thực: ăn.

    Tuyệt thực là nhịn ăn để phản đối hay đòi hỏi một điều gì, buộc cơ quan thẩm quyền phải giải quyết.

  • Tuyệt tự

    Tuyệt tự

    絕嗣

    A: Heirless.

    P: Sans héritier.

    Tuyệt: Cắt đứt, mất hẳn. Tự: nối dõi, nối tiếp.

    Tuyệt tự là không có con trai nối dõi tông đường, tiếp nối sự thờ cúng tổ tiên.

  • · TƯ: 思 Suy nghĩ, nhớ tưởng.

    Thí dụ: Tư duy, Tư lự.

    · TƯ: 私 Riêng tư, riêng mà có ý gian.

    Thí dụ: Tư dục, Tư mật, Tư thông.

    · TƯ: 資 Tiền của, cung cấp, tánh tự nhiên.

    Thí dụ: Tư bổn, Tư cấp, Tư chất.

    · TƯ: 司 Trông coi, quản lý.

    Thí dụ: Tư pháp, Tư lộc.

    · TƯ: 咨 Gởi công văn từ cơ quan nầy đến cơ quan khác, mưu bàn công việc.

    Thí dụ: Tư tờ, Tư truyền, Tư vấn.

  • Tư bề

    Tư bề

    A: Four sides.

    P: Quatre côtés.

    Tư: (nôm) bốn. Bề: phía, bên.

    Tư bề là bốn bên, bốn phía.

    Kinh Sám Hối: Giáo gươm bén nhọn tư bề.

  • Tư bổn

    Tư bổn

    資本

    A: The capital.

    P: Le capital.

    Tư: Tiền của, cung cấp, tánh tự nhiên. Bổn: Bản: vốn, gốc.

    Tư bổn là số tiền làm gốc để chi phí các công việc xây dựng nền Đạo thuở ban đầu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con phải lập cho thành một nền tư bổn chung lo cùng môn đệ Thầy, hằng ngày hằng góp nhóp....

  • Tư cách

    Tư cách

    資格

    A: The personality.

    P: La personnalité.

    Tư: Tiền của, cung cấp, tánh tự nhiên. Cách: cách thức.

    Tư cách là cách cư xử biểu hiện tài năng và phẩm chất của một người. Tư cách còn có nghĩa là danh nghĩa của một người trong xã hội.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nên các con phải có trí độ phi phàm mới có đủ tư cách làm người.

  • Tư cấp

    Tư cấp

    資給

    A: To help with money.

    P: Allouer.

    Tư: Tiền của, cung cấp, tánh tự nhiên. Cấp: đem cho.

    Tư cấp là giúp đỡ bằng tiền bạc cho người nghèo khổ.

  • Tư chất

    Tư chất

    資質

    A: The natural quality.

    P: La qualité naturelle.

    Tư: Tiền của, cung cấp, tánh tự nhiên. Chất: tánh chất.

    Tư chất là tánh chất có sẵn do Trời ban cho như thế.

  • Tư dục

    Tư dục

    私慾

    A: The personal desires.

    P: Les désirs personnels.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Dục: lòng ham muốn.

    Tư dục là lòng ham muốn riêng của mỗi người.

  • Tư duy

    Tư duy

    思惟

    A: To think, to reflect.

    P: Penser, réfléchir.

    Tư: Suy nghĩ, nhớ tưởng. Duy: tưởng nghĩ.

    Tư duy là suy nghĩ, phân tích, tổng hợp, phán đoán.

    Đối với một vấn đề khó khăn, tư duy là định tâm trọn vẹn vào đó để suy nghĩ, xét đoán cho thấu lý.

    Khi nghe giảng một bài giáo lý, một bài kinh, chúng ta chú tâm suy xét nghĩa lý của nó, xét tới xét lui nhiều lần để phát hiện ra những nghĩa lý cao siêu ẩn khuất bên trong.

    Tư duy cũng có chánh có tà, chánh thì gọi là Chánh tư duy. Chánh tư duy là suy nghĩ theo chánh đạo, hợp Thiên lý, đưa con người đến chơn lý.

  • Tư đường

    Tư đường

    私堂

    A: The private house.

    P: La maison privée.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Đường: nhà.

    Tư đường là nhà dành riêng cho Chức sắc cao cấp lãnh đạo làm việc. Thí dụ: Giáo Tông Đường, Hộ Pháp Đường.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão đến tư đường của Hộ Pháp, nên cho miễn lễ, đứng hết.

  • Tư lịnh

    Tư lịnh

    私令

    A: To make with one"s personal idea.

    P: Faire avec son idée personnelle.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Lịnh: mệnh lệnh của cấp trên.

    Tư lịnh là lén lút ra lịnh riêng theo ý mình để mưu cầu việc bất chánh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhiều kẻ lại tư lịnh, muốn mở riêng đường khác đặng dìu nhơn sanh vào lối quanh co.

  • Tư lộc

    Tư lộc

    司祿

    Tư: Trông coi, quản lý. Lộc: phước lộc.

    Tư lộc là trông coi việc ban phước lộc cho thế gian.

    Kinh Nho Giáo: Nho tông khai hóa, Văn Tuyên tư lộc.

  • Tư lợi

    Tư lợi

    私利

    A: Private interest.

    P: L"intérêt privé.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Lợi: lợi ích.

    Tư lợi là lợi ích riêng của mỗi người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhơn cách.

  • Tư lự

    Tư lự

    思慮

    A: Worried.

    P: Soucieux.

    Tư: Suy nghĩ, nhớ tưởng. Lự: lo lắng.

    Tư lự là suy nghĩ lo lắng.

  • Tư mật

    Tư mật

    私密

    A: The secret petition.

    P: La pétition secrète.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Mật: bí mật.

    Tư mật là cầu nguyện việc riêng một cách bí mật.

    Bát Đạo Nghị Định: Xin chỉnh đàn cho nghiêm tịnh đặng tiếp rước Lý Giáo Tông. Bần đạo khuyên cả Hội Thánh đừng ai tư mật mà làm cho Người phát nộ thì rất rủi cho Hội Thánh lắm nghe!

  • Tư nghị

    Tư nghị

    思議

    A: To reflect and discuss.

    P: Réfléchir et discuter.

    Tư: Suy nghĩ, nhớ tưởng. Nghị: bàn luận.

    Tư nghị là suy nghĩ và bàn luận.

    Bất khả tư nghị: không thể suy nghĩ và luận bàn được.

  • Tư pháp

    Tư pháp

    司法

    A: The justice.

    P: La justice.

    Tư: Trông coi, quản lý. Pháp: luật pháp.

    Tư pháp là cơ quan quản lý pháp luật, xét xử các tội phạm theo đúng pháp luật. Các tòa án thuộc cơ quan Tư pháp.

    "Quyền Tư pháp của Đời là để bảo vệ pháp luật, có nhiệm vụ giải thích tùy trường hợp thực tế để cho mọi người biết tôn trọng các luật pháp ấy, nghĩa là giải quyết các vụ tranh tụng quyền lợi giữa nhân dân (dân sự) và trừng trị những tội xâm phạm pháp luật (hình sự).

    Về mặt Đạo, quyền Tư pháp do Hiệp Thiên Đài đảm nhiệm, có phận sự bảo thủ chơn truyền của Đức Chí Tôn, gìn giữ các cơ quan Chánh Trị Đạo đi trong khuôn viên Đạo pháp.

    Ba Chi (Pháp, Đạo, Thế) đều có phận sự về Tư pháp, song phân ra sau đây:

    · Chi Pháp: phận sự định án.
    · Chi Đạo: phận sự cãi án.
    · Chi Thế: phận sự buộc tội."

    (Trích trong quyển Chánh Trị Đạo của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa)

  • Tư phương

    Tư phương

    私方

    A: The private locality.

    P: La localité privée.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Phương: địa phương, vùng đất.

    Tư phương là vùng đất riêng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vì khi trước, Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.

  • Tư thông

    Tư thông

    私通

    A: To connive, to fornicate.

    P: Conniver, forniquer.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Thông: qua lại với nhau.

    Tư thông là lén lút đi lại riêng với nhau để cùng làm một việc xấu, như tư thông với phe nghịch để âm mưu phá Đạo.

    Tư thông là tội thứ nhì trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông. Chức sắc phạm vào tội nầy bị giáng cấp xuống hàng tín đồ.

    Tư thông còn có nghĩa là đàn ông và đàn bà đi lại lén lút với nhau, trường hợp nầy còn gọi là Thông dâm.

  • Tư tình tư nghĩa

    Tư tình tư nghĩa

    私情私義

    A: The private attachements.

    P: Les attachements privés.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Tình: tình cảm. Nghĩa: cách đối xử.

    Tư tình tư nghĩa là có tình cảm riêng, có cách đối xử riêng không chánh đáng, mất lẽ công bình, thường có ẩn theo sau điều lợi riêng (tư lợi).

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Thảng như Chức sắc nào vì tư tình tư nghĩa đem một người không xứng đáng thì vị Chức sắc ấy phải chịu một hình phạt của Hội Thánh định tội.

  • Tư tờ - Tư về

    Tư tờ - Tư về

    A: To send a report.

    P: Envoyer un rapport.

    Tư: Gởi công văn từ cơ quan nầy đến cơ quan khác, mưu bàn công việc. Tờ: giấy tờ như văn thư, báo cáo, phúc trình.

    Tư tờ là gởi giấy tờ đi.

    Tư về là gởi giấy tờ đến một cơ quan nào.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Tờ nầy phải làm hai bổn, một bổn tư về Hiệp Thiên Đài và một bổn về Cửu Trùng Đài.

    Như có điều chi sái luật Đạo mà Chánh Trị Sự đã nhiều phen tư tờ cho Cửu Trùng Đài, song Cửu Trùng Đài im ẩn thì Chánh Trị Sự đặng phép tư tờ thẳng lên Hiệp Thiên Đài kêu nài định đoạt.

  • Tư trào

    Tư trào

    思潮

    A: The current of thought.

    P: Le courant de pensée.

    Tư: Suy nghĩ, nhớ tưởng. Trào: Triều: nước thủy triều lên xuống.

    Tư trào là trào lưu tư tưởng, tức là hình thái ý thức của các môn như triết học, nghệ thuật, đạo đức lưu động phát triển trong một thời kỳ.

    Thí dụ: Tư trào Thông Linh học trên thế giới.

  • Tư trợ

    Tư trợ

    資助

    A: To help with money.

    P: Aider financièrement.

    Tư: Tiền của, cung cấp, tánh tự nhiên. Trợ: giúp đỡ.

    Tư trợ là đem tiền bạc đến giúp đỡ người nghèo, đồng nghĩa với Tư cấp.

    Tân Luật: Thế luật, điều 19: Một người trong Đạo gặp tai nạn thình lình thì bổn đạo trong Họ hãy tùy hỷ chung nhau tư trợ cho qua lúc ngặt nghèo.

  • Tư truyền

    Tư truyền

    咨傳

    A: To transmit an order.

    P: Transmettre un ordre.

    Tư: Gởi công văn từ cơ quan nầy đến cơ quan khác, mưu bàn công việc. Truyền: chuyển đi.

    Tư truyền là gởi giấy tờ truyền lịnh cho các nơi thi hành.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Những chi sái luật Đạo, chẳng y theo lịnh Hội Thánh tư truyền, hoặc sửa cải Tân Luật, hoặc cải lịnh....

  • Tư vấn

    Tư vấn

    咨問

    A: The consultation.

    P: La consultation.

    Tư: Gởi công văn từ cơ quan nầy đến cơ quan khác, mưu bàn công việc. Vấn: hỏi.

    Tư vấn là để hỏi ý kiến, tức là nêu ra những ý kiến với sự phân tách tỉ mỉ rõ ràng về các vấn đề quan trọng mà cấp trên cần hỏi trước khi quyết định. Tư vấn đồng nghĩa: Cố vấn.

  • Tư vị

    Tư vị

    私為

    A: Partial.

    P: Partial.

    Tư: Riêng tư, riêng mà có ý gian. Vị: vì.

    Tư vị là vì tình riêng, không công bằng.

    Trái với Tư vị là Vô tư vô vị.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mấy con biết luật hình thế gian còn chưa tư vị thay, huống là Thiên điều thì tránh sao cho lọt.

  • Tư vô tà

    Tư vô tà

    思無邪

    Tư: Suy nghĩ, nhớ tưởng. Vô: không. Tà: sai trái, trái với Chánh.

    Tư vô tà là suy nghĩ không bậy bạ, không nghĩ bậy.

    Đức Khổng Tử nói: "Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: tư vô tà." Nghĩa là: 300 bài trong Kinh Thi, một lời mà nói trùm cả là: không nghĩ bậy.

  • TỪ

    TỪ

    1. TỪ: 慈 - Thương yêu kẻ dưới, - chỉ người mẹ.

    Thí dụ: Từ bi, Từ huệ, Từ huyên.

    2. TỪ: 辭 - Lời văn, lời nói, - Từ chối, từ giã.

    Thí dụ: Từ chương, Từ điển, Từ chức.

    3. TỪ: 詞 - Lời, tiếng, bài từ.

    Thí dụ: Từ điển, Từ nguyên.

    4. TỪ: 祠 Miếu thờ, nhà thờ họ.

    Thí dụ: Từ đường.

    5. TỪ: 瓷 Đồ sành sứ.

    Thí dụ: Từ khí.

  • Từ ân

    Từ ân

    慈恩

    A: The grace.

    P: La grâce.

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Ân: ơn

    Từ ân là ơn huệ của bề trên ban xuống cho kẻ dưới vì lòng thương yêu.

    Kinh Tiên Giáo: Đại thiên thế giới, dương tụng từ ân,...

  • Từ bi

    Từ bi

    慈悲

    A: Mercy.

    P: Miséricorde.

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Bi: thương xót.

    Từ bi là lòng thương yêu bao la, thương khắp chúng sanh và muốn cho chúng sanh thoát khổ.

    Từ bi là hạnh của Phật, nên Đức Từ bi là Đức Phật.

    Đấng Đại Từ Bi là Đức Chí Tôn.

    Khai Kinh: Từ bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn.

    Từ, Bi, Hỷ, Xả: 4 đức tánh nầy gọi là Tứ Vô lượng tâm. (Xem: Tứ Vô lượng tâm)

  • Từ biệt

    Từ biệt

    辭別

    A: To bid adieu.

    P: Dire adieu.

    Từ: Từ chối, từ giã. Biệt: xa nhau.

    Từ biệt là chia tay để đi xa.

  • Từ chức

    Từ chức

    辭職

    A: To resign.

    P: Démissionner.

    Từ: Từ chối, từ giã. Chức: chức vụ.

    Từ chức là xin thôi giữ chức vụ.

  • Từ chương

    Từ chương

    辭章

    A: The literature.

    P: La littérature.

    Từ: Lời văn, lời nói. Chương: văn chương.

    Từ chương là văn chương đẹp như thơ, phú, nhưng không ích lợi thiết thực cho đời sống.

  • Từ cổ chí kim

    Từ cổ chí kim

    A: From the past to the present.

    P: Depuis l"antiquité jusqu"à nos jours.

    Từ: (nôm) bắt đầu từ chỗ nầy đến chỗ khác, chữ Hán là Tự 自. Cổ: xưa. Chí: tới. Kim: nay.

    Từ cổ chí kim, Hán văn là: Tự cổ chí kim: từ xưa tới nay.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Cơ Đạo từ cổ chí kim vẫn vậy.

  • Từ điển - Tự điển

    Từ điển - Tự điển

    詞(辭)典 - 字典

    A: The dictionary.

    P: Le dictionnaire.

    Từ: Lời văn, lời nói, hoặc Lời, tiếng, bài từ. Tự: chữ. Điển: phép tắc, kinh sách.

    Chữ Từ điển, Hán văn có 2 cách viết: 詞典 hay 辭典 Hai cách viết nầy đều đồng nghĩa.

    · Từ điển là bộ sách để tra nghĩa của từng nhóm chữ.

    · Tự điển là bộ sách để tra nghĩa của từng chữ một.

    Từ điển bao gồm việc giải nghĩa các thành ngữ, điển tích và các từ ghép. Việc giải nghĩa nầy phải đi từ việc giải nghĩa từng chữ một, rồi sau đó mới giải nghĩa cả thành ngữ. Cho nên: Từ điển cũng là Tự điển.

    CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN là một bộ Từ điển đặc biệt giải thích các từ ngữ về Giáo lý và Triết lý của Đạo Cao Đài, ngoài ra cũng bao gồm việc giải nghĩa các từ ngữ hay điển tích thường dùng trong các kinh sách của Đạo Cao Đài.

  • Từ đường

    Từ đường

    祠堂

    A: The ancestral temple.

    P: Le temple des ancêtres.

    Từ: Miếu thờ, nhà thờ họ. Đường: cái nhà.

    Từ đường là nhà thờ tổ tiên của một dòng họ.

  • Từ hàn

    Từ hàn

    詞翰

    A: The secretary.

    P: Le secretaire.

    Từ: Lời, tiếng, bài từ. Hàn: cây bút (thời xưa làm bằng lông chim).

    Từ hàn là người lập văn thư, sổ sách và gìn giữ các giấy tờ trong một cơ quan của Đạo.

    Trong Đạo gọi là Từ hàn; ngoài đời, trong các cơ quan nhà nước thì gọi là Thơ ký văn phòng.

    Tùy theo tổ chức của mỗi cơ quan trong Đạo, vị Từ hàn còn được gọi là: Đầu Phòng văn, Quản Văn phòng. Tại Văn phòng Khâm Châu Đạo hay Văn phòng Đầu Tộc Đạo, vị quản lý văn phòng được gọi là Đầu Phòng văn. Trong Ban Cai Quản Nhà Sở Phước Thiện Chánh tại mỗi Tộc Đạo thì gọi là Từ hàn.

    Theo Đạo Luật năm Mậu Dần (1938), Từ hàn trong Ban Cai quản Nhà Sở Phước Thiện Chánh có phận sự:

    · Từ hàn lãnh phần lập Vi Bằng trong mỗi kỳ hội nhóm.

    · Từ hàn giữ một cuốn sổ biên tên họ những Đạo hữu hiến thân trọn đời vào Sở Phước Thiện, có đủ ngày tháng hiến thân và những điều cần yếu thuộc về gia tộc của Đạo hữu ấy.

    · Từ hàn giữ một cuốn sổ biên nhận các thơ tín tiếp đặng, một cuốn sổ biên nhận các thơ tín gởi đi, một cuốn sổ biên tên Chức việc trong Ban Cai Quản và tên các Đạo hữu có công tạo lập cơ sở Phước Thiện.

  • Từ Hàng Bồ Tát

    Từ Hàng Bồ Tát

    慈航菩薩

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Hàng: chiếc thuyền. Bồ Tát: phẩm vị dưới Phật trên bực Thánh A-La-Hán.

    Từ hàng: thuyền từ, bè từ. Tôn giáo được ví như chiếc thuyền từ bi, cứu vớt người đưa qua biển khổ.

    Từ Hàng Bồ Tát là vị Phật cao siêu, nhưng còn phận sự cứu độ chúng sanh nên còn mang danh Bồ Tát.

    Đức Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản từng Trời Phi Tưởng Thiên, là từng Trời thứ 8 trong Cửu Trùng Thiên.

    Trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Từ Hàng Bồ Tát chiết chơn linh giáng sanh ở nước Cao Ly là Bà Mãng Thị Kính (họ Mãng), rồi sau đó giáng sanh ở nước Ấn Độ là Công chúa Diệu Thiện. Cả hai vị nữ phái nầy đều tu hành đắc đạo, hiệu là Quan Thế Âm Bồ Tát.

    Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Từ Hàng Bồ Tát cũng chiết chơn linh giáng trần để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo. Đó là hai vị:

    · Đầu Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ) và
    · Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài Trương Hữu Đức.
  • Từ hòa

    Từ hòa

    慈和

    A: Charity and concord.

    P: La charité et concorde.

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Hòa: êm thuận với nhau.

    Từ hòa là nhơn từ và hòa hợp.

    Kinh Sám Hối: Ráng tập thành sửa tánh từ hòa.

  • Từ huệ

    Từ huệ

    慈惠

    A: The charity.

    P: La charité.

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Huệ: lòng nhân ái.

    Từ huệ là lòng từ bi và nhân ái.

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần: Chí từ huệ giúp an lê thứ.

  • Từ huyên

    Từ huyên

    慈萱

    A: The virtuous mother.

    P: La mère vertueuse.

    Từ: - Thương yêu kẻ dưới, - chỉ người mẹ. Huyên: cỏ huyên, chỉ người mẹ.

    Từ huyên là mẹ hiền, bà mẹ hết lòng thương yêu con cái.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc.

    Trong câu kinh nầy, Từ Huyên là chỉ Đức Phật Mẫu, người mẹ hiền thiêng liêng của toàn cả chúng sanh.

  • Từ khí

    Từ khí

    瓷器

    A: The porcelain and pottery.

    P: La porcelaine et poterie.

    Từ: Đồ sành sứ. Khí: đồ dùng.

    Từ khí là những đồ dùng bằng sành hay bằng sứ.

    Mỗi Thánh Thất hay Điện Thờ Phật Mẫu đều có lập một cuốn sổ gọi là Bộ Từ khí, để ghi chép tất cả các loại chén, dĩa, ly, tách, v.v.... và những thứ đồ dùng khác của Đạo như: bàn, ghế, tủ, v.v.... để gìn giữ và kiểm tra, tránh sự mất mát tài sản của Đạo.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Mỗi Thánh Thất phải lập một cuốn Bộ Từ khí, biên các vật dụng của Đạo.

  • Từ Lâm Tự (Chùa Gò Kén)

    Từ Lâm Tự (Chùa Gò Kén)

    慈林寺

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Lâm: rừng. Tự: chùa.

    Từ lâm là rừng từ, ý nói lòng từ bi của Phật rộng lớn và nhiều như cây trong rừng.

    Từ Lâm Tự là tên của một ngôi chùa cất trên một cái gò đất lớn, có mọc nhiều cây kén, một loại dây leo, lá xanh đậm, trái chín đỏ, tròn như hột mít, nên cái gò đất đó được gọi là Gò Kén, và ngôi chùa cất trên đó được dân chúng quanh vùng gọi là Chùa Gò Kén.

    Nguyên, Hòa Thượng Như Nhãn (1864-1939) lúc đang trụ trì tại Chùa Giác Hải (nên cũng được gọi là Hòa Thượng Giác Hải) ở gần Rạch Ông Buông, Phú Lâm, Chợ Lớn, có quyên tiền trong bổn đạo, mua một khu đất rộng 4 mẫu tại Gò Kén, trên quốc lộ Sài Gòn - Tây Ninh, cách tỉnh lỵ Tây Ninh khoảng 5 cây số, dự định xây một cảnh chùa rộng rãi để làm nơi học tập cho chư tăng.

    Đất mua xong và khởi công xây chùa Từ Lâm vào năm 1925, phần đất phía sau chùa dùng làm nghĩa địa. Đến giữa năm 1926 thì chùa xây dựng xong phần chánh điện, nhưng chưa sơn phết, chưa dọn dẹp chung quanh.

    Hoà Thượng Như Nhãn có hai vị môn đồ giàu có là Ông Huyện Nguyễn Ngọc Thơ và Bà Nghiệp chủ Lâm Thị Thanh, thường giúp Hòa Thượng nhiều tiền bạc trong công cuộc mua đất và xây dựng chùa mới. Lúc đó, Ông Thơ và Bà Thanh đã được Đức Chí Tôn độ theo Đạo Cao Đài. Ông Thơ và Bà Thanh cầu xin Đức Chí Tôn độ luôn thầy mình là Hòa Thượng Như Nhãn. Đức Chí Tôn giáng cơ tại chùa Giác Hải, độ được Hòa Thượng Như Nhãn theo Đạo Cao Đài và phong Ngài là: Chưởng Pháp phái Thái vào ngày 5-9-1926.

    Đức Chí Tôn dạy làm Đại Lễ Khai Đạo, nhưng chưa có địa điểm tổ chức, Ông Bà Thơ gợi ý với Hòa Thượng Như Nhãn mượn Từ Lâm Tự ở Gò Kén. Hòa Thượng Như Nhãn bằng lòng và hiến Từ Lâm Tự cho Đạo Cao Đài làm Thánh Thất để tổ chức Đại Lễ Khai Đạo.

    Lúc đó, chùa mới vừa xây dựng xong phần chánh điện, chưa sơn phết, vật liệu và cây cối còn ngổn ngang, Ông Bà Thơ phải xuất tiền ra mướn người phát quang các lùm bụi chung quanh, đào giếng nước, xây khu nhà phụ phía sau để làm Văn phòng, làm trù phòng, làm chỗ nghỉ ngơi tạm cho Chức sắc, đặc biệt là đổ đất làm con đường dài khoảng 200 thước từ quốc lộ vào chùa cho rộng rãi để xe cộ có thể chạy thẳng vào sân chùa, đồng thời cho sơn phết, trang trí, trồng hoa kiểng, v.v.... Ngoài ra, Ơn Trên còn dạy đắp tượng Thái Tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa Kiền trắc và ông Xa Nặc đặt trước sân chùa, diễn lại sự tích Thái Tử Sĩ Đạt Ta vượt hoàng thành đi tầm Đạo.

    Phần nội điện, Đức Chí Tôn dạy Giáo Hữu Thượng Kiệt Thanh (Nguyễn Văn Kiệt) làm 7 cái Ngai, dạy Giáo Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính) làm Quả Càn Khôn, rồi dạy cách sắp đặt các tượng và sự thờ phượng, Đức Lý Thái Bạch dạy vẽ bùa chữ Khí đặt sau bàn Hộ Pháp. Các chi tiết dù nhỏ cũng được Đức Chí Tôn lưu ý chỉ dạy tỉ mỉ.

    Đại Lễ Khai Đạo dự kiến tổ chức trong 3 ngày: 14, 15, và 16 tháng 10 âm lịch năm Bính Dần 1926, nhưng vì dân chúng mộ đạo tham dự quá đông đảo, nên Lễ Khai Đạo kéo dài đến 3 tháng, số người nhập môn có đến hằng vạn người. Trong lịch sử, chưa từng có tôn giáo nào làm được như thế.

    Đức Chí Tôn giao cho Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt dùng bùa ếm Ngũ phương, không cho Quỉ Vương đột nhập vào đàn khuấy phá. Ngài Lịch ếm thế nào để sót một phương, khiến đêm đầu tiên (14-10-Bính Dằn), Đức Chí Tôn giáng quở trách đàn lập không nghiêm rồi Đức Chí Tôn thăng liền.

    Thừa dịp nầy, Quỉ Vương theo phương ếm sót nhập vào đàn, một con quỉ nhập vào cô Vương Thanh Chi (con của ông Vương Quan Kỳ) xưng là Lê Sơn Thánh Mẫu, một con quỉ khác nhập vào ông Lê Thế Vĩnh xưng là Tề Thiên Đại Thánh, hai người nói năng lăng nhăng rồi nắm tay nhảy múa, lộng hành.

    Bổn đạo chứng kiến rất đông. Xong cuộc, người nói vầy người bàn khác, báo chí ở Sài Gòn đăng tin, gây ra một trường tranh luận chánh tà náo nhiệt.

    Hòa Thượng Như Nhãn và số Phật tử mới nhập môn vào Đạo Cao Đài bị mất đức tin, họ xúi Hòa Thượng Như Nhãn thôi Đạo Cao Đài và đòi chùa Từ Lâm lại, không hiến cho Đạo Cao Đài nữa.

    Hòa Thượng Như Nhãn nghe theo, đòi chùa lại và kỳ hạn trong 3 tháng, Đạo Cao Đài phải trả chùa và dọn đi nơi khác.

    Thế là Hòa Thượng Như Nhãn và nhóm Phật tử của ông đã làm một việc đại tội đối với Đức Chí Tôn, làm cho phái Thái mất đức, khiến nên sau nầy khó mong đoạt vị đặng.

    Đức Lý Giáo Tông giáng cơ quyết định trả chùa lại cho Hòa Thượng Như Nhãn, dạy Hội Thánh đi mua 100 mẫu đất rừng ở làng Long Thành, nơi đó có Lục Long Phò Ấn, lập thành Thánh Địa, xây cất Tòa Thánh.

    Ngày 13-2-Đinh Mão (dl 16-3-1927), Hội Thánh khởi thỉnh cốt tượng Thái Tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa Kiền trắc và ông Sa Nặc từ chùa Gò Kén về nơi đất mới mua, đồng thời chở hết đồ đạc thờ phượng nơi chùa Gò Kén về Tòa Thánh tạm mới cất, trả chùa Từ Lâm lại cho Hòa Thượng Như Nhãn.

    Có lẽ sau khi lấy lại chùa, Hòa Thượng Như Nhãn đổi tên chùa là Thiền Lâm Tự. Từ đó đến nay, Thiền Lâm Tự trở nên xơ xác tiêu điều, ít người lui tới.

    Trước chùa hiện nay có 3 cái tháp lớn nằm hàng ngang:

    · Tháp giữa là của Hòa Thượng Như Nhãn (1864-1939), pháp danh Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường.

    · Tháp bên trái chùa là của Hòa Thượng Minh Đạt, thầy của Như Nhãn, pháp danh Thích Trí Lượng.

    · Tháp bên phải chùa là tháp của Hòa Thượng Hồng Tằng, học trò của Như Nhãn.

  • Từ lịnh

    Từ lịnh

    慈令

    A: The order of mother.

    P: L"ordre de mère.

    Từ: chỉ người mẹ. Lịnh: mệnh lệnh.

    Từ lịnh là mệnh lệnh của mẹ dạy.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Nghe từ lịnh, cúi vâng từ mạng,
    Nhọc lòng chi nào dám dỉ hơi.
  • Từ mẫu

    Từ mẫu

    慈母

    A: The virtuous mother.

    P: La mère vertueuse.

    Từ: - Thương yêu kẻ dưới, - chỉ người mẹ. Mẫu: mẹ.

    Từ mẫu là mẹ hiền, hết lòng thương yêu và lo lắng cho con cái. Từ mẫu đồng nghĩa Từ huyên.

    Đại Từ Mẫu là Đức Phật Mẫu, bà mẹ chung thiêng liêng của toàn cả nhơn loại.

    Trong thi văn, Đại Từ Mẫu được nói tắt là Từ Mẫu.

  • Từ nguyên

    Từ nguyên

    詞源

    A: Etymology.

    P: Étymologie.

    Từ: Lời, tiếng, bài từ. Nguyên: nguồn gốc.

    Từ nguyên là nguồn gốc của một chữ.

    Việc giải nghĩa một từ ngữ đôi khi phải xét đến nguồn gốc của chữ ấy thì mới thấu rõ được.

  • Từ nhượng

    Từ nhượng

    辭讓

    A: To refuse and make concessions.

    P: Refuser et faire des concessions.

    Từ: - Lời văn, lời nói, - Từ chối, từ giã. Nhượng: nhường nhịn.

    Từ nhượng là từ chối và nhường nhịn.

  • Từ phụ

    Từ phụ

    慈父

    A: Good father.

    P: Tendre père.

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Phụ: cha.

    Từ phụ là cha hiền.

    Đại Từ Phụ là Đấng Cha lành thiêng liêng của toàn cả nhơn loại. Đó là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Trong thi văn, Đại Từ Phụ được nói tắt là Từ Phụ.

    Kinh khi đi ngủ: Ơn Trên Từ Phụ cho chừa tội khiên.

  • Từ tâm

    Từ tâm

    慈心

    A: The goodness.

    P: La bonté.

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Tâm: lòng dạ.

    Từ tâm là lòng thương yêu chúng sanh và muốn giúp chúng sanh thoát khổ.

    Kinh Xuất Hội: Gìn từ tâm khuyến nhủ tăng đồ.

  • Từ thiện

    Từ thiện

    慈善

    A: The beneficence.

    P: La bénéfaisance.

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Thiện: lành.

    Từ thiện là có lòng lành thương người, muốn giúp đỡ người cho qua những lúc khó khăn hoạn nạn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy được hiểu lòng nhân đức, tánh từ thiện của con.

  • Từ Thứ - Vận Từ Thứ

    Từ Thứ - Vận Từ Thứ

    Từ Thứ là họ tên của một nhân vật đời Tam quốc bên Tàu, làm Quân sư cho Lưu Bị trước khi Lưu Bị gặp Khổng Minh. Từ Thứ bị mắc kế của Trình Dục, đành vì chữ hiếu trở về đầu Tào Tháo, rồi giới thiệu Khổng Minh với Lưu Bị.

    Vận: vần thơ. - Vận Từ Thứ là 5 vần thơ: voi, mòi, còi, roi, thoi, của bài thơ đường luật nhan đề Từ Thứ qui Tào.

    Bài thơ Từ Thứ qui Tào nầy do Tôn Thọ Tường đặt ra và được Phan Văn Trị họa lại. (Xem phần sau)

    I. Tiểu sử của Từ Thứ:

    Từ Thứ, tự là Nguyên Trực, quê ở Dĩnh Châu, thuở nhỏ thích nghề cung kiếm, lớn lên ẩn tích lo học hành và trở nên rất tài giỏi, lấy tên giả là Đan Phúc, ra làm Quân sư cho Lưu Bị, lúc Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã. Đan Phúc bày kế cho Lưu Bị đánh tan đạo quân của Tào Nhơn ở Phàn Thành.

    Tào Tháo lo sợ, cho điều tra lý lịch của Đan Phúc, Trình Dục liền thưa rằng:

    - Đan Phúc, tên thật là Từ Thứ, tự Nguyên Trực, tài học rất giỏi, mồ côi cha từ nhỏ, thờ mẹ chí hiếu. Nay mẹ hắn đang ở đây, sống với em của Từ Thứ là Từ Khang, nhưng vừa rồi, Từ Khang chết, bỏ lại bà lão một mình, không ai nuôi dưỡng. Vậy Thừa Tướng nên mời bà lão ấy đến hiểu dụ, rồi bảo viết thư gọi Từ Thứ về Hứa Đô, thế nào Từ Thứ cũng phải nghe theo.

    Tào Tháo mừng rỡ làm y theo kế của Trình Dục.

    Tào Tháo nói với Từ mẫu, mẹ của Từ Thứ:

    - Tôi nghe lệng lang Từ Nguyên Trực, một bậc kỳ tài trong thiên hạ, đang giúp cho tên nghịch thần Lưu Bị ở Tân Dã phản lại triều đình. Tôi muốn bà lão viết thơ gọi Nguyên Trực về đây để cùng nhau phò vua giúp nước. Tôi sẽ tâu với Thiên Tử phong chức cho Nguyên Trực.

    Từ mẫu đáp:

    - Từ lâu, ta đã nghe Lưu Bị là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu của vua Hiến Cảnh Hoàng Đế, nhún mình trọng kẻ sĩ, cung kính đãi người hiền, nổi tiếng nhơn đức. Con ta theo giúp Lưu Bị là thờ đúng chúa rồi. Còn như ông, tuy là tôi nhà Hán chớ kỳ thật là thằng giặc của nhà Hán, nay ông muốn bắt con ta bỏ sáng tìm tối hay sao?

    Nói rồi, Từ mẫu chụp bình mực liệng Tào Tháo.

    Tào Tháo giận dữ, sai quân lôi bà lão đem chém. Trình Dục vội can rằng:

    - Bà lão xúc phạm Thừa Tướng là bà lão có ý muốn chết đó. Nếu Thừa Tướng giết bà lão thì Thừa Tướng mang tiếng bất nghĩa, còn bà lão lại được tiếng tiết liệt. Bà lão bị giết rồi thì Từ Thứ càng thù hận Thừa Tướng, càng nổ lực giúp Lưu Bị. Chi bằng cứ để bà lão sống ở đây, Từ Thứ thân ở một nơi, bụng ở một nẻo, có giúp Lưu Bị cũng không dám hết lòng. Vả tôi có một kế đánh lừa để gạt Từ Thứ về đây.

    Tào Tháo nghe có lý, bỏ ý giết Từ mẫu, sai dọn một ngôi nhà khang trang và cho người ở nuôi dưỡng săn sóc Từ mẫu. Trình Dục tới lui thăm viếng, thường đem quà tới biếu. Mỗi lần như vậy thì Từ mẫu viết thiệp cảm ơn. Nhờ vậy, Trình Dục học được nét chữ của Từ mẫu, rồi Trình Dục nháy theo nét bút của Từ mẫu, viết một bức thư giả là của Từ mẫu, gọi Từ Thứ trở về, sai người đem qua Tân Dã trao cho Từ Thứ.

    Từ Thứ mở thư ra xem, thấy rõ là nét chữ của mẹ mình. Bức thơ đại khái như sau:

    "Em con là Từ Khang đã mất. Mẹ nhìn trước trông sau, không còn ai thân thích, bơ vơ một mình một bóng. Đang khi sầu thảm, lại bị Tào Thừa Tướng lừa đến Hứa Xương, bắt tội con phản triều đình, đem mẹ giam vào ngục. May nhờ có Trình Dục sớm tối chăm sóc mới được an thân. Nay chỉ có cách là con về hàng thì mẹ mới khỏi chết. Con hãy nghĩ đến ơn dưỡng dục, bắt được thư nầy, phải về ngay để trọn niềm hiếu đạo, rồi mẹ con ta sẽ lui về thôn dã, sống với ruộng vườn cho yên thân. Hiện giờ, tánh mạng của mẹ như chỉ mành treo chuông, rất nóng lòng mong con về cứu mẹ."

    Từ Thứ đọc xong thư, hai hàng nước mắt tuôn sa nhớ mẹ, quyết đi tìm Lưu Bị kể hết sự tình và xin Lưu Bị cho quay trở về Tào để lo cho mẹ già, và cam kết với Lưu Bị rằng:

    - Tôi, tài hèn trí mọn, được Lưu Sứ Quân trọng dụng, không ngờ giữa đường chia cách vì nạn mẹ già. Nay tôi về Tào, dù Tào Tháo có bức bách đến đâu, tôi quyết trọn đời không giúp một kế. Nay tôi nhớ lại, tại vùng nầy, cách thành Tương Dương chừng 20 dặm, có một ẩn sĩ họ Gia Cát, tên Lượng, tự là Khổng Minh, người ấy tài giỏi hơn tôi gấp bội, Sứ Quân nên đến cầu người ấy thì lo gì việc lớn không thành.

    Từ Thứ gạt nước mắt từ giã Lưu Bị, giục ngựa ra đi.

    Từ Thứ trở về thăm mẹ, gặp mẹ thì sụp lạy dưới thềm.

    Từ mẫu trông thấy mặt con thì giật mình kinh hãi nói:

    - Sao con lại về đây?

    Từ Thứ thưa rằng:

    - Con đang ở Tân Dã giúp Lưu Huyền Đức, vì được thư mẹ gọi nên vội trở về đây.

    Từ mẫu nổi giận mắng rằng:

    - Mày đi phiêu lưu giang hồ từ nhỏ đến lớn, ta tưởng mày học hành khá để lập công nghiệp, ngờ đâu mày lại ngu dốt hơn trước, mày học sách phải biết trung hiếu không thể vẹn toàn cả hai bề. Mày không biết Tào Tháo là thằng giặc khi quân sao? Lưu Huyền Đức nổi tiếng nhân nghĩa, lại là dòng dõi nhà Hán, mày thờ Huyền Đức là gặp chơn chúa, cớ sao lại tin vào một tờ giấy giả mạo, không chịu suy xét kỹ càng, bỏ chỗ sáng về chỗ tối, làm điếm nhục tổ tông. Mày thật là một đứa ngu phu, ta không còn mặt mũi nào trông thấy mày nữa.

    Từ Thứ cúi rạp đầu xuống đất, không dám ngẩng mặt nhìn mẹ. Bà lão đứng dậy đi vào trong. Qua một lúc lâu, Từ Thứ vẫn còn quì đó như pho tượng, bỗng phía sau có người la:

    - Lão phu nhân đã treo cổ tự tử ở xà nhà.

    - Từ Thứ thất kinh, hơ hãi chạy vào cứu mẹ, gỡ dây đem xuống nhưng Từ mẫu đã chết rồi.

    Từ Thứ tưởng đâu bỏ nghĩa để đặng hiếu, nào ngờ hiếu cũng mất. Từ Thứ trở thành người thất chí, lỡ một kiếp sanh.

    Tại Tòa Thánh Tây Ninh, Từ Thứ giáng cơ ngày 5-12-1933 (âl 18-10-Quí Dậu), xưng là Huyền Hạo Chơn Quân, xin chép ra sau đây:

    Từ Thứ HUYỀN HẠO CHƠN QUÂN

    Chào chư vị Đại Thiên phong,

    Bần tăng rất cảm tình trọng tiếp. Cười....

    Hay dở đời thường rằng do tài mạng. Bần tăng thấy rõ trước sau cũng thế, ấy sự tự nhiên thế đạo hành tàng. Bần tăng nhớ đến cảnh tình lúc hạ sanh, gặp đời Tam quốc, cả tài tình, cả trí thức, cả quảng kiến, cả đa văn, đáng lẽ Bần tăng đủ phương tế thế, chẳng phải không hiểu mà quên câu trung hiếu không đồng, những cuộc trở cách oan gia, vì một cơn báo bổ sanh thành, chôn lấp tấm hùng anh tạo thế.

    Bần tăng thử hỏi: đã hơn mười kiếp tái sanh, đoạt đến phẩm Chơn Quân, mà dở ấy ngày nay còn để thẹn, cũng chẳng vì Hớn mà phụ Tào, song tại thất thời không trở vận.

    Thưa Hộ Pháp! Cả Hội Thánh Đại Đạo của Chí Tôn ngày nay cũng vậy. Bần tăng tưởng gương trước để gián sau. Thảng như đạo nhân biết đặng toàn nhơn sanh là trọng mà khinh thế cuộc vô thường, nói cho cùng, dầu phải phủi sạch đạo Nhơn luân, nạp thân vào cửa Thánh cũng đành, có đâu bước lùi bước sụt, lở dở Đạo Đời thì có mong chi xây thế cuộc. Cười....

    Chỉnh e ngày kia, họ sẽ lưu hận y như Bần tăng mà chớ!

    Nếu Ngài để hết dạ thương, cầm ngọn đuốc thiêng liêng dìu dẫn thì xin quyết định buộc TÙNG ĐẠO PHẾ ĐỜI, thì Ngài tạo Thiên đường cho họ đó, xin nghe thi:

    Căn quả nhơn luân trả khó cùng,
    Đừng vì hiếu nghĩa phế tâm trung.
    Ven mây đã thấy đường ngân hải,
    Dựa truyện chớ quen núp bóng mùng.
    Ngựa tứ rảnh chơn chơi cảnh trí,
    Hạc đồng khỏe cánh hứng thanh phong.
    Trường công quả ấy không thường gặp,
    Cửa võ thiêng liêng gắng vẫy vùng.

    Cười.... Xin Hộ Pháp và Tiếp Thế truyền lời ước vọng của Bần tăng đây cho toàn Chức sắc Thiên phong Hội Thánh thì có lẽ bổ ích tâm tình đôi chút. Đa tạ! Đa tạ! THĂNG.

    Bài Thánh giáo trên đây được Hội Thánh ban hành vào ngày mùng 6-11-Ất Hợi (dl 1-12-1935) do ba vị Chánh Phối Sư ký tên là: Thái Tu Thanh, Thượng Thành Thanh, Ngọc Trọng Thanh. (Trích Nguyệt San Thông Tin số 37 trang 15)

    II. Tôn Thọ Tường với bài thi: TỪ THỨ QUI TÀO.

    Tôn Thọ Tường (1825-1877), quê ở Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Ông bất mãn triều đình Huế không biết dùng tài của ông, nên sau đó ông theo Pháp, được chánh quyền Pháp bổ làm Tri Phủ Tân Bình.

    Giới sĩ phu yêu nước thời ấy mà đứng đầu là ông Phan Văn Trị, lấy làm tức giận, mạt sát Tôn Thọ Tường.

    Tôn Thọ Tường muốn dùng thơ văn để bày tỏ lập trường, đồng thời bào chữa hành động theo Pháp của mình nên viết ra nhiều bài thi, mà bài thi nổi tiếng hơn hết nhan đề: Từ Thứ qui Tào. Bài thi nầy có 5 vận đặc biệt: voi, mòi, còi, roi, thoi, tạo thành vận thơ đặc trưng trong thơ Đường luật, gọi là vận thơ Từ Thứ.

    TỪ THỨ QUI TÀO
    Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi,
    Muối xát lòng ai nấy mặn mòi.
    Ở Hán còn nhiều rường cột cả,
    Về Tào chi sá một cây còi.
    Mảng nghe tin mẹ không nâng chén,
    Chạnh tưởng ơn vua biếng dở roi.
    Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy,
    Thân nầy xin gác ngoại vòng thoi.
    Tôn Thọ Tường

    Giới sĩ phu yêu nước thời bấy giờ mà Phan Văn Trị được xem là đại diện, đâu chịu thua kém, họa vận lại các bài thi biện giải của Tôn Thọ Tường với giọng thi chua chát, khinh miệt Tôn Thọ Tường là kẻ phản bội giống nòi.

    Sự xướng họa của đôi bên tạo thành một cuộc bút chiến rất lý thú, để lại nhiều bài thơ rất có giá trị văn chương.

    Sau đây là bài thơ họa của Phan Văn Trị:

    VỊNH HÁT BỘI
    Đứa mắc ghẻ ruồi, đứa lát voi,
    Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi.
    Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc,
    Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.
    Trên trính có nhà còn lợp lọng,
    Dưới chân không ngựa lại dơ roi.
    Hèn chi chúng nói bội là bạc,
    Bôi mặt đánh nhau, cú lại thoi.
    Phan Văn Trị

    Trong quyển Đại Đạo Truy Nguyên của Huệ Chương, ông có thuật lại buổi còn xây bàn thỉnh Tiên, ông Cao Hoằng Ân là thân sinh của Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, giáng bàn, Ngài Cao Quỳnh Diêu yêu cầu chơn linh Cao Hoằng Ân làm cho một bài thi theo vận Từ Thứ.

    Chơn linh ông Cao Hoằng Ân liền gõ bàn cho bài thi:

    Thuyền khơi gió ngược khá nương voi,
    Vận thới hầu nên đã thấy mòi.
    Vườn cúc hôm nay muôn cụm rỡ,
    Rừng tòng buổi trước một cây còi.
    Hồng nương dặm gió chi sờn cánh,
    Ngựa ruổi đường hòe há nhọc roi.
    Nín nẩm chờ qua cơn bĩ cực,
    Thìn lòng chứng có lượng đôi thoi.
    Cao Hoằng Ân

    Sau đây xin chép lại 4 bài thi vận Từ Thứ của Đức Lý Giáo Tông họa vận 4 bài thi của ông Lê Cảnh Phước tại Minh Thiện Đàn Phú Mỹ (Mỹ Tho):

    Trối thây những chuyện kẻ rờ voi,
    Đạo mở kỳ ba rất phải mòi.
    Tỉnh thế rền nghe chuông với trống,
    Giác mê vội giục mõ cùng còi.
    Thuyền hay độ chúng không cần lái,
    Ngựa ký chở người chẳng động roi.
    Khuyên hết người hiền cùng gió ngựa,
    Chớ mê của tục tiếc vàng thoi.
    (12-1-1931)
    Ngàn vàng khó sánh với ngà voi,
    Của báu chưng coi rất mặn mòi.
    Đạo trọng dìu người qua quán tục,
    Đức linh dắt kẻ khỏi rừng còi.
    Nương cơ tạo thế coi tình thế,
    Tiên Thánh truyền roi Hậu Thánh roi.
    Đố thử trần ai, ai có biết?
    Cũng như của báu quá vàng thoi.
    HỰU THI:
    Vàng thoi khó kiếm kẻ cày voi,
    Đặng đó cơ linh mới rõ mòi.
    Đò đến bến trần ngừa đợi khách,
    Độ qua biển khổ ráng nghe còi.
    Ngọc Hư trống đánh nghe như sấm,
    Bắc Khuyết chớp giăng thấy thể roi.
    Tỉnh thế hỡi ai người tỉnh thế,
    Đạo mầu đoạt đặng bỏ vàng thoi.
    (16-1-1931)
    Lăng xăng sĩ tượng phải nào voi,
    Cờ tướng vui chơi phải nhắm mòi.
    Hai mắt ngó chừng quân giặc trống,
    Một tay quyền lịnh chẳng dùng còi.
    Huyền cơ xây trở xe không bánh,
    Diệu lý bóng người ngựa chẳng roi.
    Thắng nước hai bên đều đối trí,
    Không bằng nhàn lạc quí vàng thoi.
    (4-2-1931)
  • Từ vân pháp vũ

    Từ vân pháp vũ

    慈雲法雨

    Từ: Thương yêu kẻ dưới. Vân: mây. Pháp: pháp của Phật. Vũ: mưa.

    Từ vân pháp vũ là mây từ mưa pháp, tức là lòng tư bi của Phật như đám mây che chở chúng sanh, pháp bảo của Phật như đám mưa làm cho chúng sanh được tươi nhuận, giúp cho hột giống Phật tánh của chúng sanh nẩy nở.

  • Từ vinh

    Từ vinh

    辭榮

    A: To refuse the honour.

    P: Refuser l"honneur.

    Từ: Từ chối, từ giã. Vinh: vẻ vang, vinh hiển.

    Từ vinh là từ chối sự vẻ vang vinh hiển, tức là không nhận phẩm tước do vua ban tặng, mà muốn ẩn thân tu hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Lộc Hớn từ vinh Trương học chước,
    Cầm đường tiếng hạc phủi muôn chung.
  • TỨ

    TỨ

    1. TỨ: 四 Bốn, thứ tư.

    Thí dụ: Tứ ân, Tứ Nương.

    2. TỨ: 駟 Xe có 4 ngựa kéo.

    Thí dụ: Tứ mã.

    3. TỨ: 賜 Người trên ban ơn cho kẻ dưới.

    Thí dụ: Tứ phước, Tứ tước.

    4. TỨ: 恣 Buông thả, phóng túng.

    Thí dụ: Tứ tung.

  • Tứ ân

    Tứ ân

    四恩

    A: The four favours.

    P: Les quatre faveurs.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Ân: ơn.

    Tứ ân là bốn cái ơn.

    Mỗi người được sanh ra nơi cõi trần phải chịu Tứ ân.

    I. ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO:

    Tứ ân cũng gọi là Tứ trọng ân: - Ơn cha mẹ, - Ơn chúng sanh, - Ơn vua trong nước, - Ơn Tam bảo.

    "Người tu Phật lúc nào cũng phải lo đền đáp bốn ân ấy bằng sự cung kính, cúng dường và phụng sự.

    1. Ơn cha mẹ: Cha mẹ sanh đẻ nuôi nấng ta rất cực nhọc cho đến lớn và cho ta học hành rất phí tổn. Vậy ta phải báo đáp bằng sự cung kính, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, khi cha mẹ mất thì phải thờ cúng và cầu cho cha mẹ mau giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

    2. Ơn chúng sanh: Ta thọ ơn của chúng sanh rất rộng, như nhờ nông phu mà ta có lúa gạo dùng, nhờ thợ dệt mà ta có vải mặc, vv... cho đến thú vật như trâu bò để cày ruộng và kéo xe, chó để giữ nhà, v.v... Vậy ta phải báo đáp bằng sự siêng năng làm việc và học đạo, cầu cho chúng sanh đều được giải thoát.

    3. Ơn Quốc vương: Nhờ vua (hoặc người lãnh đạo quốc gia) cùng quan chức cai trị, lo sắp đặt các việc trong và ngoài nước mà chúng ta được an cư lạc nghiệp. Vậy ta phải báo đáp bằng cách làm dân lương thiện và lo tu hành mà độ vua chúa và các quan chức.

    4. Ơn Tam bảo: Nhờ Phật mở đạo mà ta rõ thấu Kinh Luật Luận và dễ bề tu học. Nhờ Pháp của Phật mà ta tiện tu học về ba mối: Giới, Định, Huệ đặng mau chứng ngộ. Nhờ Tăng truyền đạo, soi sáng đạo lý của Phật mà ta cảm mến đạo lý. Vậy ta phải báo đáp bằng sự cung kính, cúng dường và tu học cho mau đắc quả.

    Tứ ân có giải rộng ra trong phẩm Báo Ân Kinh Đại Thừa Bổn Sinh Tâm Địa Quán." (Theo Phật Học Từ Điển của ĐTC)

    Theo Kinh Thích Thị Yếu Lãm, một vị sư có Tứ ân là: - Ơn cha mẹ, - Ơn quốc vương, - Ơn sư trưởng, - Ơn thí chủ.

    II. ĐỐI VỚI ĐẠO CAO ĐÀI:

    Giáo lý của Đạo Cao Đài dạy cho biết rằng, mỗi người có Tam thể xác thân:

    · Xác thân phàm: thân thể do cha mẹ phàm sanh ra.
    · Xác thân thiêng liêng: còn gọi là chơn thần do Đức Phật Mẫu tạo ra, nên gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu.
    · Linh hồn: là điểm linh quang do Đức Chí Tôn ban cho nên gọi Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ.

    Do đó, Tứ ân đối với người tín đồ Đạo Cao Đài là:

    1. Ơn cha mẹ xác thịt, tức là ơn cha mẹ phàm trần.
    2. Ơn cha mẹ thiêng liêng tức là ơn của Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu, đã ban cho ta linh hồn và chơn thần.
    3. Ơn thầy dạy dỗ nên người.
    4. Ơn quốc gia xã hội.

    1. Ơn cha mẹ phàm trần: Cha mẹ sanh ra đứa con, nuôi dưỡng cho khôn lớn, dạy bảo điều hay lẽ thiệt, ơn ấy to lớn vô cùng nên được sánh với sông núi: Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Làm con khi lớn lên phải lo tròn chữ hiếu, đền đáp công ơn của cha mẹ.

    2. Ơn hai Đấng cha mẹ thiêng liêng: Đức Chí Tôn ban cho ta một điểm linh quang để làm linh hồn. Đức Phật Mẫu thâu điểm linh quang ấy, rồi dùng nguyên khí nơi Kim Bàn Diêu Trì Cung tạo ra một chơn thần để làm xác thân thiêng liêng. Như vậy, Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu đã tạo ra một con người nơi cõi thiêng liêng, có đủ linh hồn và chơn thần. Khi con người ấy đầu thai xuống cõi trần thì có thêm xác thân phàm trần.

    Do đó, chúng ta phải tôn kính và hiếu hạnh với hai Đấng Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu, rồi phải ráng lo lập công bồi đức, tu hành cho mau tiến hóa, hầu sớm trở về cùng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    3. Ơn thầy dạy dỗ nên người: Trong Nữ Trung Tùng Phận, Bà Đoàn Thị Điểm dạy về công ơn của thầy dạy học như sau:

    Công dạy dỗ muôn ngàn khó nhọc,
    Ơn của thầy con học nên người.
    Tài hay tom góp một đời,
    Cho con chẳng kể vốn lời hơn thua.
    Thầy lao lực tùy vừa trí trẻ,
    Dạy cho thông mọi lẽ gần xa.
    Tuổi xanh con đặng trí già,
    Còn thơ con học hóa ra lão thành.
    Con nhờ thầy công danh mới toại,
    Như nhờ cha mới giỏi hình dung.
    Hai ơn ấy gẫm so đồng,
    Nghĩa kia như hiếu, mặn nồng cả hai.
    Tôn kỉnh thầy cũng bì cha trẻ,
    Mới đắc truyền mọi lẽ cao sâu.
    Học hay kế nhiệm mưu mầu,
    Học nên tài đặng giải sầu quốc gia.

    Để báo đáp ơn thầy, không gì bằng là lo nâng đỡ đám đàn em và đoàn hậu tấn, mở đường và giúp đỡ chúng nó tiến thân đem tài ba ra giúp dân giúp nước, đồng thời truyền lại cho chúng nó những kinh nghiệm quí báu mà mình đã đạt được.

    4. Ơn quốc gia xã hội: Nhờ tổ chức quốc gia, gìn giữ độc lập nước nhà, dân chúng mới được an cư lạc nghiệp. Mỗi người dân phải có bổn phận báo đáp ơn quốc gia, tham gia vào các công cuộc gìn giữ an ninh và bảo vệ tổ quốc.

    Xã hội đã cung cấp cho ta đầy đủ những nhu cầu vật chất và tinh thần cho đời sống. Muốn đền đáp ơn nầy, chúng ta phải tham gia vào các công việc sản xuất, tạo ra của cải vật chất hay tinh thần giúp cho xã hội được phong phú và tiến hóa, tránh cảnh ăn bám làm nặng thêm gánh nặng cho xã hội.

  • Tứ bảo văn phòng

    Tứ bảo văn phòng

    四寶文房

    A: Four precious articles of the office.

    P: Quatre objets précieux du bureau.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Bảo: quí. Văn phòng: phòng làm việc giấy tờ.

    Tứ bảo văn phòng là bốn món quí báu trong văn phòng thuở xưa, đó là: giấy, bút, mực và nghiên mực.

  • Tứ bất tử

    Tứ bất tử

    四不死

    A: The four immortals.

    P: Les quatre immortels.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Bất: không. Tử: chết.

    Tứ bất tử là bốn bậc không bao giờ chết. Đó là: Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Tứ bất tử cũng là bốn bực người mà tiếng tăm tốt vẫn lưu truyền mãi mãi trong cõi nhân gian từ đời nầy qua đời khác.

    Đó là:

    - Người có đạo đức lớn.
    - Người có sự nghiệp vĩ đại.
    - Người có văn chương truyền tụng.
    - Người có công lớn với nhơn loại.
  • Tứ cố vô thân

    Tứ cố vô thân

    四顧無親

    A: Alone, solitary.

    P: Seul, solitaire.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Cố: quay lại nhìn. Vô: không. Thân: người thân.

    Tứ cố vô thân là nhìn lại bốn bên không thấy ai là người thân thích. Ý nói: người sống lẻ loi, cô độc.

  • Tứ dân - Tứ thú

    Tứ dân - Tứ thú

    四民 - 四趣

    A: The four social classes - The four conditions.

    P: Les quatre classes de la société - Les quatre conditions.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Dân: người dân. Thú: cách làm ăn.

    Tứ dân là bốn hạng người dân trong xã hội:

    · Sĩ: người trí thức.
    · Nông: người làm ruộng làm vườn.
    · Công: người làm công nghệ, sản xuất đồ dùng.
    · Thương: người làm nghề buôn bán.

    Tứ thú là bốn cách làm ăn: Ngư, Tiều, Canh, Mục.

    · Ngư: nghề bắt cá.
    · Tiều: nghề đốn củi trên rừng.
    · Canh: nghề cày ruộng.
    · Mục: nghề chăn nuôi.

    GHI CHÚ: Chữ thú 趣 có hai nghĩa:

    · Nghĩa ở trên là cách làm ăn, nên Tứ thú là bốn cách làm ăn sinh sống: Ngư, Tiều, Canh, Mục.

    · Còn một nghĩa nữa, Thú là thú vị. Tứ thú là bốn thú chơi tao nhã của người nghệ sĩ: Cầm, Kỳ, Thi, Họa (khảy đàn, đánh cờ, làm thơ, vẽ tranh).

  • Tứ Diệu Đế

    Tứ Diệu Đế

    四妙諦

    A: The four excellent truths.

    P: Les quatre vérités excellentes.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Diệu: huyền diệu. Đế: chơn lý.

    Tứ Diệu Đế, cũng gọi là Tứ Thánh Đế, hay vắn tắt là Tứ Đế, là bốn chơn lý mầu nhiệm để giải thoát con người khỏi vòng luân hồi nơi cõi trần.

    Tứ Diệu Đế gồm:

    · Khổ đế (La douleur).
    · Tập đế (L"origine de douleur).
    · Diệt đế (La destrucion de la douleur).
    · Đạo đế (La voie conduisant à la suppression des douleurs).

    Tứ Diệu Đế nầy do Đức Phật Thích Ca giác ngộ tìm ra, mà từ trước tới nay chưa có ai phát hiện.

    Sau khi Đức Phật Thích Ca chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đi tìm nhóm Kiều Trần Như gồm 5 ông để độ trước tiên. Năm ông nghe Phật thuyết Tứ Diệu Đế xong thì năm ông liền giác ngộ, xin qui y theo Phật và trở thành năm vị sa môn đầu tiên của Đức Phật Thích Ca.

    Kể từ lúc đó, mới có Tam Bảo Phật giáo: Đức Phật Thích Ca là Phật Bảo, Tứ Diệu Đế là Pháp Bảo, năm vị sa môn đầu tiên là Tăng Bảo.

    (Nhóm Kiều Trần Như gồm 5 ông, tên là: - Kondanna tức là Kiều Trần Như, - Bhaddiya, - Vappa, - Mahanama, - Assaji. Kiều Trần Như là vị trẻ tuổi nhứt trong 8 vị Bà la môn mà trước kia vua Tịnh Phạn thỉnh đến dự lễ quán đính của Thái tử Sĩ Đạt Ta. Bốn người kia là con của 4 vị trong 7 vị Bà la môn lớn tuổi kia. Tất cả 5 anh em trong nhóm Kiều Trần Như đều vào rừng tu học. Khi hay tin Thái tử Sĩ Đạt Ta rời bỏ cung điện đi tu, 5 ông liền tìm theo Thái tử để giúp đỡ Ngài. Nhưng khi Thái tử tìm ra con đường trung đạo thì Thái tử chấm dứt lối tu khổ khắc ép xác, bắt đầu độ thực dưỡng sinh để tu thiền định, 5 anh em ông Kiều Trần Như lấy làm thất vọng, cho rằng Thái tử qui phàm, nên bỏ đi không phục vụ Thái tử nữa. Sau đó, Thái tử tu thiền định, chứng đắc Phật vị, Thái tử nhớ nghĩa cũ, liền đi tìm độ 5 anh em ông Kiều Trần Như trước tiên. Cả 5 ông đều đắc quả A-La-Hán, đứng đầu Giáo hội Tăng già).

    I. KHỔ ĐẾ:

    Khổ là đau khổ và phiền não bởi hoạn lụy vô thường.

    Thân có Tứ khổ là: sanh, lão, bệnh, tử.

    Tâm có ba loại khổ là: tham, sân, si.

    Hậu thế Tam khổ là: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

    Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mà mình không ưa là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không đặng là khổ.

    Tóm lại, chính cái thân vật chất nầy là khổ.

    Con người trước tiên phải nhận chân một cách sâu xa về các cái khổ ấy thì mới có thể tìm ra cái nguyên do sanh ra khổ và nhờ đó mới tìm ra được phương pháp diệt khổ.

    II. TẬP ĐẾ:

    Tập có nghĩa là chiêu tụ. Xét thấy hết thảy phiền não đến thời vị lai, tạo thành thực năng chiêu tập khổ quả trong Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới) nên gọi là Tập Đế.

    Tập đế là chơn lý về sự kết tập gây ra cái khổ, tức là chơn lý nói về nguyên nhân gây ra cái khổ.

    Do đâu mà con người chịu khổ?

    Cái khổ mà con người đang gánh chịu không phải là sự ngẫu nhiên, cũng không phải là một hình phạt của một Đấng thần linh nào, mà nó phải có nguyên nhân chính xác của nó.

    Có rất nhiều nguyên nhân nhưng không ngoài hai nguyên nhân chánh sau đây:

    1. Hoặc: là si mê, vì vô minh mới si mê, vì si mê nên để cho dục vọng lôi cuốn, lục dục thất tình dấy lên. Mọi xấu xa tội lỗi nẩy mầm từ đó. Kinh Lăng Nghiêm: "Tất cả chúng sanh vì vô minh che mất chơn tánh, bị dục vọng sai khiến, tạo thành muôn ngàn nghiệp ái, vì đó mà phải trôi nổi trong biển khổ trầm luân."

    2. Nghiệp: là nguyên nhân của các sự khổ trong kiếp nầy. Nghiệp là kết tập những việc làm lành hay dữ trong kiếp trước, nó không mất đi theo sự tan rã của thể xác mà kết hợp lại thành một sức gọi là nghiệp lực để xô đẩy con người vào một kiếp sống tương lai huy hoàng hay đen tối.

    Bởi vậy, nguồn gốc của sự đau khổ hôm nay là hậu quả của sự kết tập nhiều đời nhiều kiếp đã trải qua mà con người đã gieo trồng. Chính mình tạo khổ cho mình chớ không phải ai khác hoặc Trời Phật tạo ra cho mình.
    Đã mang lấy nghiệp vào thân,
    Thì đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.

    Những việc làm của ta trong kiếp sống hiện tại sẽ là cái nghiệp cho kiếp sống tương lai. Con người cứ mãi chìm đắm trong vòng nghiệp chướng: gây ra rồi trả, trả cái cũ rồi lại gây ra cái mới, cứ mãi luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi, trầm luân trong biển khổ.

    Tóm lại, nguyên nhân gây ra cái khổ là: si mê, vô minh, ái dục, nghiệp lực.

    III. DIỆT ĐẾ:

    Diệt là tiêu diệt cái khổ. Diệt đế là chơn lý về cách diệt trừ cái khổ. Con người đã nhận thức cái khổ, tìm biết được nguyên nhân gây ra cái khổ, tức là đã giác ngộ thì tất nhiên sẽ tìm ra phương pháp diệt khổ. Nói một cách đơn giản, muốn diệt khổ, ta hãy diệt hết các nguyên nhân gây ra cái khổ.

    Mỗi con người chúng ta đều có hai phần: Phật tánh và thú tánh. Cái dục vọng thấp hèn xấu xa là do thú tánh xúi giục. Khó mà tiêu diệt được nó, cần phải hướng dẫn nó, đồng thời phát huy Phật tánh và dùng Phật tánh hướng dẫn dục vọng vào đường cao thượng. Cần phải học tập kinh điển thường xuyên để tư tưởng được luyện tập tốt lành.

    Còn nghiệp lực xấu từ nhiều đời trước, chúng ta cũng không thể diệt bỏ trong một lúc được, nhưng có thể hóa giải bớt đi dần dần bằng việc làm từ thiện, giúp người giúp đời, phụng sự chúng sanh một cách tích cực và hết lòng trong kiếp sống hiện tại. Khi gặp hoạn nạn khổ đau, ta phải can đảm chịu đựng, không than van trách móc bất kỳ ai, vì ta nhận chân rằng cái khổ nầy là sự báo đáp của những việc làm không tốt của ta trong các kiếp sống trước.

    Giác ngộ được như vậy tức là chúng ta bước vào con đường tu hành, Đức Phật sẽ chỉ cho ta con đường đưa đến sự giải thoát khỏi những khổ đau của kiếp sống nơi cõi trần.

    IV. ĐẠO ĐẾ:

    Đạo là con đường. Đạo đế là con đường mà Đức Phật vạch ra cho chúng sanh diệt khổ. Đức Phật vạch ra nhiều con đường, tức là tạo ra nhiều pháp môn để tùy theo căn cơ trình độ tiến hóa của chúng sanh mà thực hành cho vừa sức, nhưng chung qui đều nằm trong hai pháp môn chánh yếu là: Tam Học và Bát Chánh Đạo.

    1. Tam Học: là ba điều học: Giới, Định, Huệ.

    · Giới: Răn cấm để ngăn ngừa sự phát triển các dục vọng thấp hèn, dìu dẫn Thân, Khẩu, Ý vào cảnh tịnh.

    · Định: Giữ cho tâm được thanh tịnh, không vọng động, tập trung tư tưởng vào đạo lý giải thoát.

    · Huệ: Trí não trở nên sáng suốt, rõ thấu được mọi lẽ huyền vi, dứt hết phiền não.

    2. Bát Chánh Đạo: là 8 con đường chơn chánh.

    · Chánh kiến: thấy biết một cách chơn chánh.

    · Chánh tư duy: suy nghĩ tưởng nhớ điều chơn chánh.

    · Chánh ngữ: lời nói chơn chánh, không sai chơn lý.

    · Chánh nghiệp: làm việc chơn chánh, không vi phạm giới luật tu hành.

    · Chánh mạng: sống ngay thẳng, thanh bạch,tri túc.

    · Chánh tinh tấn: cố gắng tu học, tập luyện cho tiến bộ trên đường đạo đức.

    · Chánh niệm: tư tưởng chú ý vào đạo đức chơn chánh, đi đến nhứt tâm nhứt niệm.

    · Chánh định: định cái tâm của mình vào đạo lý chơn chánh, tức là thiền định, giữ cái tâm cho thanh tịnh, đến chỗ không không.

    Những nhận xét:

    "Nền tảng của giáo lý Phật giáo là Tứ Diệu Đế có thể kiểm nhận bằng kinh nghiệm.

    Tứ Diệu Đế dính liền với con người. Bốn chơn lý ấy do chính Đức Phật khám phá và Ngài đã tìm ra một mình, không nhờ ai. Chính câu Phật ngôn là: Bốn chơn lý nầy chưa từng được nghe. Đã là chơn lý thì không biến đổi với thời gian.

    - Khổ đế: chơn lý đầu tiên, đề cập đến những thành phần cấu tạo cái được gọi là TA và những giai đoạn trong đời sống. Các thành phần nầy cần phải được phân tách và quan sát tỉ mỉ, để được tự hiểu biết mình một cách chơn chánh.

    - Thấu triệt hợp lý Khổ đế đưa đến sự tận diệt nguyên nhân của khổ, ấy là đế thứ nhì: Tập đế. Đế nầy đề cập đến thái độ tâm lý của một người thông thường đối với ngoại cảnh.

    Chơn lý thứ nhì (Tập đế) có liên quan đến một năng lực hùng hậu, luôn luôn ngủ ngầm bên trong mỗi người. Năng lực tinh thần hùng hậu ấy là Ái Dục, là nguyên nhân của tất cả những điều bất hạnh trong đời sống. Tập đế đề cập một cách gián tiếp đến những kiếp sống quá khứ, hiện tại và tương lai (nghiệp). Như vậy, sự hiện hữu của một chuỗi dài những kiếp hiện sinh đã được Đức Phật biện minh.

    Do đó, lý nghiệp báo, một hệ luận của thuyết tái sinh (luân hồi) cùng một lúc cũng được đề cập bao hàm.

    - Đế thứ ba: Diệt đế thuần túy là sự tự giác, là một pháp phải được thấu triệt bằng nhãn quan tinh thần. Chơn lý nầy phải được chứng ngộ bằng sự thoát ly hoàn toàn. Đây không phải là trường hợp từ khước những vật bên ngoài mà là sự dứt bỏ mọi luyến ái ở bên trong đối với thế giới bên ngoài.

    Với sự tận diệt trọn vẹn mọi luyến ái, Diệt đế được thành tựu. Phải ghi nhận rằng, nếu chỉ tận diệt năng lực tinh thần ấy thì không đủ để chứng ngộ Niết Bàn.

    Niết Bàn không phải được tạo nên mà phải đạt đến. Niết Bàn có thể thành đạt từ trong kiếp sống hiện tại nầy. Như vậy, có thể hiểu rằng, mặc dầu tái sanh là pháp chánh yếu trong Phật giáo, mục tiêu cứu cánh của Phật giáo là chấm dứt tái sanh, không tùy thuộc ở tương lai vì có thể thành tựu trong kiếp sống hiện tiền.

    Đế thứ ba phải được thành tựu bằng cách trau giồi và phát triển đế thứ tư (Đạo đế).

    - Để tận diệt năng lực hùng mạnh (Ái Dục) cần phải vận dụng và phát triển 8 yếu tố công hiệu (Bát Chánh đạo). Tất cả 8 yếu tố ấy đều thuộc về tinh thần.

    Tám năng lực tinh thần hùng mạnh và thiện phải được gom lại để đánh đổ một năng lực bất thiện, dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta. Tuyệt đối tinh khiết, hoàn toàn thoát ra khỏi mọi tiến trình sanh tử triền miên, một cái tâm không còn vướng chút ô nhiễm, là những phước lành đi kèm theo cuộc chiến thắng vĩ đại nầy." (Trích quyển: Đức Phật và Phật pháp của Narada Thera)

    Tóm lại, Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế là bốn chơn lý mầu nhiệm làm giáo pháp căn bản của Phật giáo, được Đức Phật Thích Ca thuyết giảng đầu tiên trong 45 năm hoằng pháp của Ngài. Bốn chơn lý nầy mở đường cho nhơn sanh bước vào Thánh vị mà phẩm vị Thánh cao nhất là A-La-Hán. Có đắc phẩm vị A-La-Hán thì mới mong mỏi tu hành tiến hóa lên hàng Bồ Tát và Phật Như Lai.

  • Tứ Đại Bộ Châu

    Tứ Đại Bộ Châu

    四大部洲

    A: The four great ethereal continents.

    P: Les quatre grands continents éthérés.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Đại: lớn. Bộ Châu: vùng đất lớn có người ở mà bốn bên đều là biển.

    Tứ Đại Bộ Châu là bốn bộ châu lớn nơi cõi thiêng liêng.

    Chúng ta đọc hai đoạn Thánh ngôn của Đức Chí Tôn và hai câu Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế sau đây để chúng ta nhận xét về Tứ Đại Bộ Châu:

    * Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thầy kể Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới thì đều là tinh tú. Tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao."

    "Đứng bực đế vương nơi trái Địa cầu nầy chưa đặng vào bực chót của Địa cầu 67. Trong Địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ nhứt cầu, Tam thiên thế giới, qua khỏi Tam thiên thế giới thì mới đến Tứ Đại Bộ Châu, qua Tứ Đại Bộ Châu mới vào đặng Tam thập lục Thiên, vào Tam thập lục Thiên rồi phải chuyển kiếp tu hành nữa mới đặng lên đến Bạch Ngọc Kinh."

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: (Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế)

    "- Thượng chưởng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế giới.
    - Hạ ốc Thất thập nhị Địa, Tứ Đại Bộ Châu."

    Như thế:

    ■ Theo hai đoạn Thánh Ngôn nêu trên thì có một Tứ Đại Bộ Châu ở thật cao, nằm dưới Tam thập lục Thiên, nhưng trên Tam thiên thế giới.

    ■ Theo hai câu Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế thì có một Tứ Đại Bộ Châu nữa ở bên dưới, nằm kế Thất thập nhị Địa.

    Do đó, Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn có hai phần:

    ■ Phần trên là: Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu và Tam thiên Thế giới.

    ■ Phần dưới là: Thất thập nhị Địa và Tứ Đại Bộ Châu.

    "Tam thiên thế giới ở từng trên bao phủ mà Thất thập nhị Địa ví như bàn cờ ở dưới. Tam thiên thế giới là ngôi vị, còn Thất thập nhị Địa là trường thi công quả." (Đức Cao Thượng Phẩm)

    Vậy, chúng ta có thể phân ra rằng:

    ● Tam thiên thế giới ở bên trên có Tứ Đại Bộ Châu, tạm gọi là Tứ Đại Bộ Châu Thượng, để điều hành Tam thiên thế giới.

    ● Thất thập nhị Địa ở bên dưới có Tứ Đại Bộ Châu, tạm gọi là Tứ Đại Bộ Châu Hạ, để điều hành Thất thập nhị Địa.

    I. Tứ Đại Bộ Châu Hạ:

    Tứ Đại Bộ Châu Hạ có nhiệm vụ cai quản Thất thập nhị Địa, chia Thất thập nhị Địa làm 4 khu vực theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc. Tứ Đại Bộ Châu Hạ gồm:

    • Đông Thắng Thần Châu
    • Tây Ngưu Hóa Châu
    • Nam Thiệm Bộ Châu
    • Bắc Câu Lư Châu

    Thất thập nhị Địa (72 Địa cầu) đều có chúng sanh ở, được phân ra theo 4 hướng của Tứ Đại Bộ Châu Hạ, mà Địa cầu số 68 của nhơn loại chúng ta thuộc về Nam Thiệm Bộ Châu. Cho nên, bài kinh Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần có câu:

    Lòng sở vọng lâm dâm tụng niệm,
    Xin giải nàn Nam Thiệm Bộ Châu.

    Theo giáo lý của Phật giáo, cõi thế phân ra làm Tứ Đại Bộ Châu, cũng viết là Tứ Châu (4 Châu), ở theo 4 hướng chung quanh núi Tu Di, gồm:

    - Đông Thắng Thần Châu: ở phía Đông núi Tu Di, gọi là Thần Châu là vì dân chúng ở đây là bực Thần, sống đến 600 tuổi. Châu nầy cũng được gọi là Đông Thắng Thân Châu, vì người ở châu nầy có Thắng thân, tức là có thân hình tốt đẹp hơn hẳn người ở các châu khác.

    -Tây Ngưu Hóa Châu: ở phía Tây núi Tu Di, gọi là Ngưu Hóa là vì ở châu nầy, người ta nuôi bò rất nhiều nên dùng bò thế cho tiền bạc để làm đơn vị đổi chác hàng hóa. Người nơi châu nầy sống đến 500 tuổi.

    - Nam Thiệm Bộ Châu: ở phía Nam núi Tu Di, gọi là Thiệm Bộ là vì ở trung tâm của châu nầy có cây Thiệm Bộ, cũng gọi là cây Diêm Phù mọc rất nhiều, nên châu nầy cũng được gọi là Nam Diêm Phù Đề (Đề là Châu).

    - Bắc Câu Lư Châu: ở phía Bắc núi Tu Di. Châu nầy được gọi bằng nhiều tên khác nữa là: Bắc Cu Lư Châu, Bắc Câu La Châu, Bắc Cồ Lư Châu. Người ở châu nầy bình đẳng an vui, sống lâu đến 1000 tuổi.

    Trong truyện Tây Du Ký, Tề Thiên Đại Thánh ở Đông Thắng Thần Châu.

    Về tánh chất của người trong Tứ Đại Bộ Châu, Đức Phật Thích Ca có nói rằng:

    "Ta xem trong Tứ Đại Bộ Châu, chúng sanh thiện ác có khác nhau:

    - Người ở Đông Thắng Thần Châu tôn Trời kỉnh Đất, tâm khí thanh sảng.

    - Người ở Bắc Câu Lư Châu có tánh thích sát sanh, ăn nói hồ đồ, tình sơ tánh vụng, chẳng được việc gì.

    - Người ở Tây Ngưu Hóa Châu thì không tham không giết, dưỡng khí nuôi thần, tuy chưa được vào bậc thượng nhân, nhưng mọi người đều hưởng thọ.

    - Người ở Nam Thiệm Bộ Châu thì tham dâm, hay giết hay tranh, chính là nơi đánh nhau cãi cọ, ác độc thị phi. Nay Ta có ba Tạng Chân Kinh có thể khuyên họ làm việc thiện."

    Theo giáo lý của Đạo Cao Đài, Tứ Đại Bộ Châu được Đức Phạm Hộ Pháp giải thích như sau:

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: "Chúng ta biết, pháp thuộc về hình thể của vạn linh, vì cớ cho nên đạo giáo minh tả rõ rệt: Tam Châu Bát Bộ thuộc về quyền của Hộ Pháp (Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn).

    Tam Châu là: - Đông Thắng Thần Châu, - Tây Ngưu Hóa Châu, - Nam Thiệm Bộ Châu, đều thuộc về quyền hạn của Hộ Pháp; còn Bắc Cu Lư Châu để cho các phẩm chơn hồn quỉ vị định phận tại nơi đó, định nơi cư trú tại đó. Nó có một quyền năng vô định chẳng cần chỉ giáo, để đặc biệt một Châu cho quỉ vị ăn năn tu học đặng đoạt vị; ba Bộ Châu kia thuộc quyền Hộ Pháp giáo hóa, duy có Bắc Châu Ngài không thường ngó tới lắm, để cho nó tự do làm gì thì làm, khôn nhờ dại chịu."

    Tóm lại, Tứ Đại Bộ Châu Hạ ở cõi thiêng liêng, bên trên Thất thập nhị Địa, là cơ quan điều hành 72 quả Địa cầu. Thất thập nhị Địa chia ra ở trong Tứ Đại Bộ Châu Hạ, và Địa cầu 68 của nhơn loại thuộc về Nam Thiệm Bộ Châu.

    Ba Châu: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu và Nam Thiệm Bộ Châu thuộc quyền giáo hóa của Đức Hộ Pháp; còn Bắc Câu Lư Châu dành cho quỉ vị ở.

    II. Tứ Đại Bộ Châu Thượng:

    Theo hai đoạn Thánh Ngôn trích dẫn bên trên, Tứ Đại Bộ Châu Thượng nằm bên trên Tam thiên thế giới (3000 thế giới) nhưng dưới Tam thập lục Thiên (36 từng trời).

    Chúng ta đọc tiếp đoạn Thánh Ngôn sau đây của Đức Chí Tôn nói về Ngài Chưởng Pháp Thượng Tương Thanh (Nguyễn Văn Tương), giáng cơ ngày 7-11-Bính Dần (dl Thứ bảy 11-12-1926), có đăng trong Đạo Sử II trang 86 của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu

    "Trung, Lịch! Hai con phải dụng đại lễ mà an táng Tương nghe! Thầy ngặt một lẽ chẳng thế nào đem Tương vào Tam thập lục Thiên, phải để nó đợi nơi Đông Đại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát đạt."

    Theo đoạn Thánh Ngôn nầy, chúng ta suy ra được rằng: Tứ Đại Bộ Châu Thượng gồm 4 Châu được gọi tên là:

    · Đông Đại Bộ Châu
    · Tây Đại Bộ Châu
    · Nam Đại Bộ Châu
    · Bắc Đại Bộ Châu.

    Tứ Đại Bộ Châu Thượng và Hạ đều thuộc về thiêng liêng vô hình, còn Tam thiên thế giới và Thất thập nhị Địa đều là tinh tú, thuộc về hữu hình, nên Đức Chí Tôn mới bảo tượng trưng bằng 3072 ngôi sao trên quả Càn Khôn.

    Tóm tắt về Tứ Đại Bộ Châu:

    Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn phân ra làm hai phần: trên và dưới.

    · Trên thì có Bạch Ngọc Kinh, Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu Thượng và Tam thiên thế giới.

    · Dưới thì có Tứ Đại Bộ Châu Hạ và Thất thập nhị Địa.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Vũ Trụ Quan, vần V)

    BẠCH NGỌC KINH
    Tứ Đại Bộ Châu Thượng gồm:
        . Đông Đại Bộ Châu
        . Nam Đại Bộ Châu
        . Tây Đại Bộ Châu
        . Bắc Đại Bộ Châu.
    Tam thập lục Thiên
    (36 từng trời)

    Tứ Đại Bộ Châu Thượng

    Tam thiên thế giới
    (3000 thế giới)

    Tứ Đại Bộ Châu Hạ gồm:
        . Đông Thắng Thần Châu
        . Nam Thiệm Bộ Châu
        . Tây Ngưu Hóa Châu
        . Bắc Câu Lư Châu.
    Tứ Đại Bộ Châu Hạ

    Thất thập nhị Địa (72 Địa cầu)
  • Tứ Đại Điều Qui

    Tứ Đại Điều Qui

    四大條規

    A: The four great commandments.

    P: Les quatre grands règlements.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Đại: lớn. Điều: khoản. Qui: phép tắc.

    Tứ Đại Điều Qui là bốn phép tắc lớn phải theo.

    Tân Luật của Đạo Cao Đài, chương 5, điều thứ 22, về Tứ Đại Điều Qui, chép ra như sau:

    Buộc phải trau giồi đức hạnh, giữ theo Tứ Đại Điều Qui là:

    1.
    Phải tuân lời dạy của bề trên,
    Chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ.
    Lấy lễ hòa người.
    Lỡ làm lỗi phải ăn năn chịu thiệt.
    2.
    Chớ khoe tài, đừng cao ngạo,
    Quên mình mà làm nên cho người.
    Giúp người nên đạo. Đừng nhớ cừu riêng.
    Chớ che lấp người hiền.
    3.
    Bạc tiền xuất nhập phân minh,
    Đừng mượn vay không trả.
    Đối với trên, dưới đừng lờn dể,
    Trên dạy dưới lấy lễ,
    Dưới gián trên đừng thất khiêm cung.
    4.
    Trước mặt sau lưng cũng đồng một bực,
    Đừng kỉnh trước rồi khi sau.
    Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi xem không để lời hòa giải.
    Đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng mà bỏ việc chung.
    Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên dể dưới.
    Đừng cậy quyền mà yểm tài người.

    Diễn Tứ Đại Điều Qui bằng thi văn:

    1.
    Phải tuân lời dạy của bề trên,
    Chẳng hổ chịu nghe bực thấp hèn.
    Lấy lễ hòa người trong đối xử,
    Lỡ lầm sám hối thiệt nên khen.
    2.
    Cũng đừng cao ngạo, chớ khoe tài,
    Vong kỷ giúp người đáng quí thay.
    Đừng nhớ cừu riêng, lo giúp đạo,
    Chớ nên che lấp bậc hiền tài.
    3.
    Bạc tiền xuất nhập phải phân minh,
    Đừng mượn vay không trả, tội tình.
    Trên dạy dưới ôn hòa lấy lễ,
    Dưới gián trên kính cẩn khiêm mình.
    4.
    Sau lưng trước mặt cũng đồng nhau,
    Kính trọng thật tâm chớ giả màu.
    Đừng thấy đồng môn tranh chấp cãi,
    Chớ ngồi yên, chẳng giải khuyên vào.
    Đừng vụ riêng mà bỏ việc chung,
    Chấp hành pháp luật phải y tuân.
    Chẳng nên tư ý mà sai lẽ,
    Đừng cậy quyền mình yểm trí nhân.
  • Tứ đại giả hiệp

    Tứ đại giả hiệp

    四大假合

    Tứ: Bốn, thứ tư. Đại: lớn. Giả: không thật, tạm thời. Hiệp: hợp.

    Tứ đại giả hiệp là bốn chất lớn trong Càn Khôn Vũ Trụ tạm hợp lại mà tạo thành con người và vạn vật.

    Bốn chất lớn (Tứ đại) ấy là:

    · Đất (Địa),
    · Nước (Thủy),
    · Gió (Phong),
    · Lửa (Hỏa).

    Thuở xưa, một triết gia Hy Lạp đưa ra thuyết Tứ đại nguyên tố luận, chủ trương rằng: Vũ trụ do bốn thứ nguyên tố lớn tạo thành. Bốn nguyên tố lớn đó là: đất, nước, gió, lửa.

    Từ thuyết nầy, người ta cho rằng, thân thể của con người cũng do bốn nguyên tố ấy cấu thành, nên gọi là Tứ đại giả hiệp. Giả hiệp là tạm hợp lại trong một thời gian khi xác thân còn sự sống. Khi xác thân chết, da thịt thúi rã, bốn nguyên tố đó lại tách ra và trở về cùng vũ trụ.

    Tứ đại giả hiệp tạo thành xác thân là:

    · Xương, thịt, răng, gân và các chất cứng khác thuộc Đất.
    · Huyết dịch và các chất lỏng khác thuộc về Nước.
    · Thân nhiệt của cơ thể thuộc về Lửa vì tính của nó ấm.
    · Các chất khí trong thân thể thuộc Gió, vì tánh nó động.

    Khi xác thân của con người chết, Tứ đại không còn tạm hiệp nữa, mà bắt đầu tan rã. Tan rã xong rồi thì sẽ tạm hiệp để tạo thành vật thể khác. Tứ đại cứ tạm hiệp rồi tan rã, rồi tạm hiệp, rồi tan rã, cứ như thế, thoạt thấy có, thoạt thấy không, rõ ràng là giả tướng.

    Nhờ hiểu rõ bốn chất tạm hiệp mà người tu giác ngộ, dứt mê, không còn chấp cái xác thân tứ đại giả hiệp nữa.

  • Tứ đổ tường

    Tứ đổ tường

    四堵牆

    A: The four social evils.

    P: Les quatre mauvais sociaux.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Đổ: vách. Tường: bức tường xây bằng gạch.

    Tứ đổ tường là bốn vách tường bao kín, không có lối thoát ra ngoài.

    Nói như thế là để so sánh bốn bức tường kín mít ấy với bốn điều tệ hại: Tửu, Sắc, Tài, Khí, mà hễ con người đam mê dấn thân vào đó thì như là vào một cái rương không lối thoát, chịu chết trong đó luôn, hư hỏng cả cuộc đời, uổng phí một kiếp sanh.

    Vậy, Tứ đổ tường là: Tửu, Sắc, Tài, Khí.

    Để giải thích rõ ràng về Tứ đổ tường, chúng ta phân ra làm hai trường hợp: - Đối với người đời, - Đối với người đạo.

    I. Đối với người đời: Tửu, Sắc, Tài, Khí là:

    1. Tửu: rượu. Say mê rượu thịt, nhậu nhẹt say sưa, cuồng tâm loạn trí, trí não hư hỏng, tinh thần suy nhược, hết biết phải trái, hư thân mất nết, không còn phẩm chất con người. Cho nên người xưa mới nói: Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm (rượu nhập tâm như cọp vào rừng), hay Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị (rượu nhập tâm như chó điên ngồi tại chợ).

    2. Sắc: sắc đẹp của phụ nữ. Ham mê thú vui xác thịt nam nữ, chơi bời hư hỏng, phạm tội Tà dâm, tinh mất khí hư, thần hồn mê muội, bỏ bê gia đình. Cho nên người xưa có câu: Sắc bất ba đào dị nịch nhân: Sắc đẹp phụ nữ không có sóng mà dễ nhận chìm người.

    3. Tài: cờ bạc. Ham mê cờ bạc, tham lam lợi lộc, làm quấy liều mạng, bán đồ bán đạc để có tiền nhập sòng, tan nhà nát cửa. Cho nên người xưa nói: Cờ bạc là bác thằng bần.

    4. Khí: hút thuốc phiện, hít chích các chất ma túy, nghiện ngập, thân thể bịnh hoạn, mất hết nhơn phẩm, trộm cắp hay cướp giựt để có tiền mua thuốc, hút hít cho thỏa cơn ghiền.

    Sách Minh Tâm Bửu Giám có bài thi về Tứ đổ tường:

    Tửu sắc khí tài, tứ đổ tường,
    Đa thiểu hiền ngu tại nội sương.
    Nhược hữu thế nhân khiêu đắc xuất,
    Tiện thị Thần Tiên bất tử phương.

    Nghĩa là:

    Tửu sắc khí tài, tứ đổ tường,
    Ít nhiều ngu trí ở trong rương.
    Nếu như người thế tung ra khỏi,
    Ấy cũng Thần Tiên bởi diệu phương.

    II. Đối với người đạo: Tửu, Sắc, Tài, Khí là:

    Ba thứ: Tửu, Sắc, Tài trong trường hợp nầy thì giống Tửu, Sắc, Tài đối với người đời. Chỉ có chữ Khí là khác hẳn.

    Khí: ở đây không được giải nghĩa là thuốc phiện hay ma túy, mà Khí là khí nộ: sự giận dữ. Hơi giận lừng lên làm cho tâm trí mờ ám, gây điều sái quấy, bất kể pháp luật hay đạo lý luân thường, đốt cháy kim đơn, tiêu mất công đức.

    "Còn bốn vách của đời là: Tửu, Sắc, Tài, Khí, mà người tu nếu hễ mang vào thì thôi, có mong chi siêu rỗi nữa.

    Sắc: hễ gần rồi thì thần hồn mê muội.
    Tài: hễ máng đến thì tâm chí lo ra.
    Tửu: hễ mê say thì kim đơn hư hỏng.
    Khí: hễ vướng vào thì xá lợi tiêu tan.

    Mà cái độc nhứt là cái Giận (Khí), vì các con dầu công phu đến mấy chục năm, song các con nếu để cho lửa giận một phen bừng cháy thì cũng đủ thiêu đốt kim đơn phải rã tan ra nước hết trơn." (Đại Thừa Chơn Giáo)

    Vấn đề: Tại sao trong Tân Luật của Đạo Cao Đài không đặt ra điều luật nào để răn cấm Tứ đổ tường?

    Bởi vì Tứ đổ tường nằm trong Ngũ Giới Cấm. Nếu giữ đúng được Ngũ Giới Cấm thì tránh khỏi Tứ đổ tường.

    Ngũ Giới Cấm là 5 điều răn cấm rất quan trọng trong luật tu hành, nếu không giữ được Ngũ Giới Cấm thì không thể gọi là người tu hành được.

    · Tửu: nằm trong Tứ Bất tửu nhục.
    · Sắc: nằm trong Tam Bất tà dâm.
    · Tài: nằm trong Nhì Bất du đạo.
    · Khí: nằm trong Ngũ Bất vọng ngữ.

    Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, trong quyển Châu Thân Giải, có một bài thơ trường thiên Giác mê khuyên lánh xa Tứ đổ tường, xin chép ra sau đây:

    KHUYÊN LÁNH XA TỬU SẮC TÀI KHÍ
    Kể từ thuở mở mang Trời Đất,
    Nguồn nhơn sanh tánh chất thật thà.
    Vì chưng trần tục đắm sa,
    Một ngày một nhiễm một xa cội nguồn.
    Người thì mảng pha tuông biển sắc,
    Kẻ tìm nơi đổ bác chen vào.
    Đã ham rừng thịt rượu ao,
    Lại quen tánh khí bào hao lẫy lừng.
    Thế mà phải tinh thần suy kém,
    Uổng ngôi xưa một điểm linh quang.
    Ăn năn ví chẳng sớm toan,
    Mối dây oan nghiệt buộc ràng bên chân.
    1. TỬU:
    Rượu là giống trăm phần ác độc,
    Làm cho người hình vóc héo don.
    Kể ra hại chất bằng non,
    Đốt tiêu phế phủ, xoi mòn tâm can.
    Khi quá chén tào khang chẳng kể,
    Lúc nở say nào nể xóm giềng.
    Mẹ cha thảm, vợ con phiền,
    Nhuốc nhơ danh giá, đảo điên đạo nhà.
    Ví biết trọng tề gia chi bửu,
    Đừng lân la quán rượu lầu cao.
    Vui mê bầu ngọc chén đào,
    Đã suy khí lực lại hao tinh thần.
    2. SẮC:
    Chừa mấy chốn lầu Tần quán Sở,
    Thói trăng huê dầu lỡ đắm sa.
    Ăn năn sớm tháo chân ra,
    Khỏi vòng lục dục mới là người khôn.
    Cơn sóng sắc dập dồn biển ái,
    Mảnh hồng nhan là cái gươm đao.
    Xưa nay mấy mặt anh hào,
    Giang san sự nghiệp chôn vào tình si.
    Trai xấu tiếng cũng vì sắc hại,
    Gái mất trinh cũng tại gian dâm.
    Đảo điên đức bốn thường năm,
    Phong thương tục bại, tội dâm muôn đời.
    3. TÀI:
    Trường đổ bác là nơi gieo nạn,
    Hại nhiều tay bại sản khuynh gia.
    Chung sòng nào kể trẻ già,
    Xô bồ quí tiện cũng là đồng vai.
    Khi vận đỏ hiếm tay niềm nở,
    Thói a dua tiếng bợ lời tưng.
    Rủi thua vương lấy nợ nần,
    Người xa dèm siểm, kẻ gần khinh khi.
    Cơn túng ngặt kể chi tội phước,
    Lòng rấp ranh tìm chước gian tham.
    Việc chi hễ lợi thì làm,
    Thân danh là trọng cũng cam chôn vùi.
    4. KHÍ:
    Biết nhẫn nhịn tính xuôi muôn sự,
    Mặc tình ai làm dữ nấy lo.
    Lửa lòng nóng quá lửa lò,
    Biết khôn dằn xuống khỏi lo tụng đình.
    Giận một lúc mà sinh hại cả,
    Dầu ăn năn cũng đã muộn rồi.
    Chi bằng giả điếc làm đui,
    Thị phi ừ hử cho xuôi mọi bề.
    Nôm na một bổn Giác Mê.
    Bảo Pháp NGUYỄN TRUNG HẬU
  • Tứ đức

    Tứ đức

    四德

    A: The four virtues of woman.

    P: Les quatre vertus de la femme.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Đức: đức tánh.

    Tứ đức là bốn đức tánh của người phụ nữ.

    Tứ đức gồm: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

    Người phụ nữ, dù ở thời nay hay thời xưa, dù ở chế độ quân chủ hay dân chủ, đều có Tứ đức vì Tứ đức nâng cao phẩm chất và giá trị của người phụ nữ. Cái giá trị ấy có được không do sắc đẹp, giàu sang, hay tài nghề giỏi, vì đó là giá trị về mặt đạo đức tinh thần.

    Công: là chăm làm việc nhà, thêu may, nấu nướng các món ăn, sắp đặt nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái.

    Dung: là chăm sóc vẻ mặt cho tươi tắn dễ thương, tướng đi dịu dàng, cử chỉ từ tốn đoan trang, thân thể sạch sẽ, quần áo tươm tất gọn gàng.

    Ngôn: là lời nói thành thật, ngay thẳng, dịu ngọt, gây được tình cảm tốt đẹp trong mọi người, tránh lời thị phi, đâm thọc, mách lẽo, lợi mình hại người.

    Hạnh: là tánh nết hiền lành, hòa nhã, khiêm cung, kính trên nhường dưới, khoan dung, độ lượng.

    Sách Ích Trí dạy về Phụ đức (đức hạnh của đàn bà con gái), viết rằng:

    "Người phụ nữ có bốn đức đáng khen: một là Hạnh, hai là Dung, ba là Ngôn, bốn là Công.

    Hạnh, bất tất phải tài trí thông minh; Dung bất tất phải đẹp đẽ; Ngôn bất tất phải miệng lưỡi lanh lẹ; Công bất tất phải khéo léo hơn người.

    Trinh, thục, liêm, tiết, giữ phận chỉnh tề, đi đứng đoan trang, động tĩnh đàng hoàng, ấy là Phụ Hạnh vậy.

    Rửa ráy sạch sẽ, áo quần tinh khiết, tắm gội kịp lúc, ấy là Phụ Dung vậy.

    Lựa lời mà nói, chẳng nói lời quấy, đúng lúc mới nói khiến người nghe không chán, ấy là Phụ Ngôn vậy.

    Siêng năng may vá, chớ thích trà thơm rượu ngọt, biết nhịn miệng đãi khách, ấy là Phụ Công vậy.

    Ấy là bốn đức lớn của người phụ nữ, nương theo đó mà làm, ấy là tiết hạnh của đàn bà vậy."

    Trong tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận, Bà Đoàn Thị Điểm nói về Tứ Đức như sau:

    1. CÔNG:
    Gặp cơn rảnh nhà lan vắng khách,
    Công chỉ kim đèn sách học hay.
    Trăm nghề dù chẳng đủ tài,
    Dệt văn Tô Huệ gỡ đày chinh phu.
    2. DUNG:
    Phàm phận gái đứng hàng khuê các,
    Phải trau tria tướng hạc hình mai.
    Chín tầng cửa đóng then gài,
    Ra ngoài nghiêm nghị, trong bày đoan trang.
    3. NGÔN:
    Đối với khách đồng bàn đồng tuổi,
    Nhớ cho hay lời nói giọng cười.
    Ngôn từ ngọt dịu thanh tươi,
    Tiếng tiêu khải phụng phục người mới ngoan.
    4. HẠNH:
    Sửa từ nết ngày thâu tập tánh,
    Trăm hạnh hay bởi tránh điều thô.
    Xấu xa rách rưới lõa lồ,
    Đoan nghiêm tánh đức cũng cho gái lành.
  • Tứ hải giai huynh đệ

    Tứ hải giai huynh đệ

    四海皆兄弟

    A: All the men in the four seas are brothers.

    P: Les hommes entre les quatre mers sont tous frères.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Hải: biển. Giai: đều. Huynh đệ: anh em.

    Tứ hải là bốn biển. Người xưa cho rằng, bốn mặt chung quanh đất liền đều là biển cả, nên dùng chữ Tứ hải là để chỉ toàn cả thế giới.

    Tứ hải giai huynh đệ là toàn cả thế giới đều là anh em.

    Câu nói nầy nêu lên ý tưởng đại đồng, cho rằng toàn cả nhơn loại trên thế giới đều là anh em một nhà, tuy màu da sắc tóc khác nhau, nhưng đều cùng chung một dòng máu đỏ.

    Sách Luận Ngữ: "Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ, tứ hải chi nội giai huynh đệ." Nghĩa là: người quân tử kính mà không để mất, đối xử với người thì khiêm cung mà có lễ phép, trong bốn biển đều là anh em với nhau.

    Theo giáo lý của Đạo Cao Đài, toàn cả nhơn loại đều là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu. Nếu nhơn loại biết nhìn nhận Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng thì nhơn loại phải coi nhau như anh em ruột, phải thương yêu và giúp đỡ nhau.

  • Tứ hải vi gia

    Tứ hải vi gia

    四海為家

    Tứ: Bốn, thứ tư. Hải: biển. Vi: là. Gia: nhà.

    Tứ hải vi gia nghĩa là: bốn biển là nhà, ý nói: người có đời sống phiêu lưu, lang bạt giang hồ, đâu cũng là nhà, không ở một nơi cố định.

  • Tứ hỷ

    Tứ hỷ

    四喜

    A: Four joyfulness.

    P: Quatre joies.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Hỷ: mừng.

    Tứ hỷ là bốn điều vui mừng.

    Tứ hỷ còn được gọi là Tứ khoái: bốn điều vui sướng.

    Sách Phong Tục Biên có chép bài thi Tứ Hỷ sau đây:

    Cửu hạn phùng cam võ,
    久旱逢甘雨
    Tha hương ngộ cố tri,
    他鄉遇故知
    Động phòng hoa chúc dạ,
    洞房花燭夜
    Kim bảng quải danh thì.
    金榜掛名時

    Nghĩa là:

    Hạn lâu gặp mưa ngọt,
    Quê người gặp bạn cũ,
    Đêm đuốc hoa động phòng,
    Treo bảng vàng có đề tên.
  • Tứ khổ

    Tứ khổ

    四苦

    A: The four sufferings.

    P: Les quatre souffrances.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Khổ: đau khổ, khổ não.

    Tứ khổ là bốn cảnh khổ não mà con người nơi cõi trần phải gánh chịu, không ai tránh khỏi. Đó là: sanh, lão, bệnh, tử.

    1. Sanh khổ: những cái khổ lúc sanh ra và trong cuộc sống nơi cõi trần.

    Người mẹ từ khi mang thai cho đến khi sanh ra đứa con, chịu biết bao đau đớn khổ sở, vất vả mệt nhọc. Rồi cha mẹ phải lo tần tảo nuôi con cho lớn lên, lo ăn lo mặc, lo cho học hành vui chơi, lo cho lúc ốm đau, v.v... biết bao điều khổ nhọc.

    Đứa bé lớn lên thành nhơn chi mỹ rồi, nó phải tự lo làm việc kiếm sống, tranh đấu cùng đời cho cái ăn cái mặc, cho các tiện nghi của cuộc sống, ngoài ra còn phải chịu những nỗi đau khổ khác như: Cầu không được thì khổ, sống xa cách người thân thì khổ, oán thù ghen ghét là khổ, v.v... biết bao thứ đau khổ xảy đến do sự chung đụng trong cuộc sống.

    Thử làm tổng kết cái đau khổ phiền não và cái hạnh phúc trong cuộc sống, mỗi thứ được mấy phần, cái khổ nhiều hay cái sướng nhiều? Chưa có ai thấy cái hạnh phúc nhiều hơn.

    Do đó, Đức Phật mới nói rằng: Sanh là khổ, cõi trần là biển khổ, mà con người đang chìm đắm trong biển khổ ấy.

    2. Bệnh khổ: những cái đau khổ do bịnh tật gây ra.

    Tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo, dù khôn hay dại, dù địa vị cao hay thấp, không ai tránh khỏi bịnh tật và bị khổ sở vì bịnh tật. Khi chúng ta có dịp vào bệnh viện thăm người thân đang đau bịnh nằm điều trị trong đó, chúng ta đi rảo qua một vòng mới thấy hết các nỗi đau khổ vì bịnh tật mà con người phải oằn oại đau đớn gánh chịu.

    Người bịnh đã khổ, mà thân nhân nuôi bịnh cũng phải chịu khổ theo. Ôi! cái đau khổ nầy quá rõ rệt trước mắt.

    3. Lão khổ: những cái khổ do sự già cả gây ra.

    Tuổi đời càng cao, sức khỏe càng yếu, mắt mờ tai lảng, chân run gối mỏi, răng long tóc bạc, trí nhớ suy kém, sanh tật khó khăn, v.v... Biết bao cái khổ mà người già phải chịu trong cuộc sống thừa, tạo ra gánh nặng cho con cháu và cho xã hội.

    4. Tử khổ: những cái khổ của sự chết.

    Tất cả mọi người, dù già hay trẻ, đều sợ chết, cả đến loài vật cũng sợ chết. Sợ chết tức là muốn sống và muốn được sống mãi, bởi vì người đời đều cho rằng, chết là mất tất cả, mất tất cả tiền bạc của cải, chức tước, tiện nghi sung sướng và mất tất cả người thân yêu. Trước khi chết, cơ thể oằn oại đau đớn, tinh thần hoảng hốt, khổ não vô cùng.

    Đức Phật Thích Ca lúc còn là Thái tử Sĩ Đạt Ta, thường đi ra bốn cửa hoàng thành để du ngoạn, thấy dân chúng chịu nhiều nỗi đau khổ, nhưng tựu chung thì có 4 cái khổ căn bản không thể tránh được, gọi là Tứ khổ: sanh, lão, bệnh, tử.

    Ngài trầm ngâm suy nghĩ và lập tâm quyết tìm phương pháp để giải khổ cho chúng sanh.

    Ngài cảm thấy cảnh sống sung sướng vui vẻ của Ngài trong hoàng cung không giúp cho Ngài tìm ra phương giải khổ, cho nên Ngài cùng với quan hầu cận thân tín là Xa Nặc, đêm khuya cỡi ngựa vượt hòang thành, vào tận nơi rừng sâu xa vắng, trong cảnh tịch mịch, trầm tư để tìm phương giải khổ.

    Sau 6 năm tu hành, Ngài đại ngộ, tìm ra được con đường giải khổ, đưa chúng sanh vào cảnh an lạc. Đó là giáo lý căn bản của Phật giáo do Ngài mở ra để cứu độ chúng sanh thoát khỏi biển khổ trần ai.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo, trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống nói về biển khổ và Tứ khổ của con người:

    "Chúng ta dòm thấy phía dưới Bát Quái Đài là đại hải mênh mông, nước cuồn cuộn xanh như biếc, sóng dợn ba đào, mỗi làn sóng hiện lên chữ KHỔ, chúng ta chia ra đi trên ấy, thấy dợn hào quang nổi lên dữ lắm, hiện ra mấy chữ nữa: SANH, LÃO, BỆNH, TỬ, làn sóng dợn lên rồi hạ xuống, mỗi làn đều có chữ KHỔ. Chúng ta thấy đau khổ trong buổi sanh, thấy làn sóng rồi chúng ta thấy khổ dữ lắm, mỗi làn sóng đều thấy khổ. Thử nghĩ, khổ hải như thế nào thì chúng sanh cũng như thế ấy."

    Kinh Cứu Khổ là bài kinh cầu nguyện Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh nơi cõi trần, cả người sống lẫn người chết, nhứt là cầu cho người bịnh mau hết bịnh rất hiệu quả.

  • Tứ linh

    Tứ linh

    四靈

    A: The four mysterious animals.

    P: Les quatre animaux mystérieux.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Linh: thiêng liêng.

    Tứ linh là 4 con vật thiêng liêng: Long, Lân, Qui, Phụng.

    1. Long: Rồng. Đây là con vật thần thoại, truyền thuyết, chớ khoa học ngày nay chưa chứng minh được rồng là con vật có thật như các con vật khác: con Qui và chim Phụng. (Xem thêm chữ Rồng, vần R)

    2. Lân: Con thú có hình giống như con hươu mà lớn hơn, mình có vảy, đuôi giống như đuôi trâu, chân giống chân ngựa, đầu có một sừng, không ăn sinh vật, tánh rất hiền lành, nên được gọi là nhân thú (con thú có lòng nhân). Lân là con thú cái, còn con đực thì gọi là Kỳ, nên gọi chung là Kỳ Lân.

    3. Qui: Con vật cùng loại với rùa, chuyên ăn rau cỏ, nhiều khi không ăn, chỉ hớp sương mà sống. Qui sống rất lâu năm, nếu Qui sống được 5000 năm thì gọi là Thần Qui, nếu Qui sống được 10 000 năm thì gọi là Linh Qui.

    Tương truyền, rừng nào có Thần Qui ở thì rừng ấy không có cây độc hại, không có thú dữ như hùm, bao, rắn rít.

    4. Phụng: Con chim phụng hay phượng. Sách Khổng truyện nói: Con chim trống gọi là Phụng, con chim mái gọi là Hoàng, nên nói "Phụng Hoàng vu phi" nghĩa là: chim Phụng và chim Hoàng bay với nhau, để chỉ đôi vợ chồng hoà hợp. Nhưng cũng có sách nói là: Phụng là con chim trống, Loan là con chim mái, nên nói "Loan Phụng hoà minh" nghĩa là: chim Loan và chim Phụng hòa nhau tiếng hót, để chỉ đôi vợ chồng hòa hợp. Loài chim nầy có bộ lông ngũ sắc rất đẹp, thường đậu trên cây ngô đồng, nhìn các loài chim khác bay lượn bên dưới.

    Bốn loài: Long, Lân, Qui, Phụng đều có tánh linh, mỗi khi xuất hiện ở đâu là đem lại điềm lành nơi đó, báo hiệu có Thánh nhân ra đời, lập đời thái bình thịnh vượng.

    ■ Theo Sử Ký nước ta, Lý Công Uẩn lên ngôi vua xưng là Lý Thái Tổ, thấy đất Hoa Lư chật hẹp không tiện lập kinh đô, nên muốn đóng đô ở La Thành. Khi nhà vua đến La Thành xem xét, Lý Thái Tổ thấy một con rồng vàng xuất hiện từ đất bay thẳng lên trời. Nhà vua biết đây là điềm lành nên chọn La Thành làm kinh đô, đổi tên lại là Thăng Long (rồng bay lên). Nhà Lý truyền được 9 đời vua, kéo dài được 215 năm.

    ● Ở nước Tàu thời thượng cổ, vua Huỳnh Đế và hoàng hậu được ông Tiên Quảng Thành Tử truyền cho phép tu luyện. Khi hai vị đắc đạo, có Huỳnh Long (rồng vàng) bay xuống rước. Vua và hoàng hậu cỡi lên mình rồng bay lên trời.

    ● Thời Xuân Thu, Tiêu Sử cưới công chúa Lộng Ngọc, con gái út của Tần Mục Công, cả hai tu hành thành Tiên. Tiêu Sử cỡi rồng, Lộng Ngọc cõi chim phụng, cùng bay lên trời.

    ■ Trước khi bà Nhan Thị sanh ra Đức Khổng Tử, tương truyền bà nằm mộng thấy một con kỳ lân đến trước mặt bà, nhả ra một tờ ngọc xích, có đề chữ: "Thủy tinh chi tử, kế suy Châu vi Tố vương". nghĩa là: Con của Thủy tinh, nối nhà Châu suy mà làm vua không ngôi.

    Năm Đức Khổng Tử 71 tuổi, người nước Lỗ đi săn, bắt được một con kỳ lân què nơi chân trái, Đức Khổng Tử đến xem, Ngài biết rằng Ngài sắp trở về cõi thiêng liêng. Ngài thu xếp công việc, hai năm sau Ngài mất, thọ 73 tuổi.

    ■ Theo Sử Ký nước ta, Thần Kim Qui xuất hiện tặng cho An Dương Vương một cái móng rùa để làm chiếc nỏ thần. Lúc nào có quân giặc kéo đến phá thành thì lấy chiếc nỏ thần nầy ra, chỉ cần bắn một phát là quân giặc chết vô số, phải chịu thảm bại rút lui.

    Thần Kim Qui cũng ban cho vua phép trừ yêu quái để xây thành Cổ Loa, giữ yên bờ cõi.

    ● Bình Định Vương Lê Lợi, khi mới khởi nghĩa chống quân nhà Thanh để giành độc lập cho nước ta, được Thần Qui dâng cho một thanh kiếm báu, nhờ đó mới đánh đuổi được quân nhà Minh, lên ngôi vua xưng là Lê Thái Tổ, lập nên sự nghiệp nhà Lê. Về sau, nhà vua ra chơi nơi hồ thì Thần Qui hiện ra, vua rút kiếm định chém. Thừa cơ, Thần Qui hả miệng cắn chặt lưỡi kiếm lặn mất. Cái hồ đó được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm, là cái hồ mà vua trả kiếm lại cho Thần Qui.

    ● Vua Hạ Võ ở bên Tàu, khi trị thủy ở sông Lạc, gặp được một con Linh Qui rất lớn, trên lưng nó có những dấu chấm đen trắng, sắp đặt theo vị trí đặc biệt. Vua Hạ Võ ghi nhớ, vẽ lại các dấu chấm ấy tạo thành một bức đồ gọi là Lạc thư hay Qui thư. Nhờ Lạc thư, vua Hạ Võ chế ra Hồng phạm Cửu trù, dẫn đến việc lập ra Ngũ Hành.

    ■ Trong Sử Truyện xưa truyền lại cho thấy, khi đời sắp thái bình thạnh trị có Thánh nhân xuất hiện thì chim Phụng bay ra hót vang và nhảy múa. Như đời vua Huỳnh Đế, vua Nghiêu, vua Thuấn, đều thấy có chép về chim Phụng Hoàng.

    ● Phụng gáy Kỳ sơn, báo hiệu có Thánh vương là Văn vương và Võ vương ra đời, tiêu diệt Trụ vương hung bạo, lập nên nhà Châu, thái bình thạnh trị.

    Trong các đền, chùa, miếu, ở phương Đông, nhứt là Trung Hoa và Việt Nam, các đồ vật thường được trang trí và chạm hình Tứ Linh.

    Trong Đạo Cao Đài, nơi Tòa Thánh hay Thánh Thất, nơi Báo Ân Từ hay các Điện Thờ Phật Mẫu, sự trang trí bằng Tứ Linh là quan trọng nhất.

    Nhìn vào cửa chánh của Tòa Thánh, chúng ta thấy ngay hai cây cột quấn rồng đỏ (Xích long), bước vào Cửu Trùng Đài thấy hai hàng cột quấn rồng xanh (Thanh long), vào Bát Quái Đài thấy 8 cây cột quấn rồng vàng (Huỳnh long) và 8 con rồng trắng (Bạch long) nằm trên mặt Bát quái. Tại đỉnh của các plafond dù có hình 6 con rồng màu vàng xanh đỏ đoanh nhau. Đặc biệt 7 cái ngai thờ nơi chánh điện Cửu Trùng Đài đều chạm đủ hình Tứ Linh nơi lưng dựa, còn nơi đặt hai tay hai bên thì: - Ngai Giáo Tông chạm hai con rồng, - Ngai Chưởng Pháp chạm hai con phụng, - Ngai Đầu Sư chạm hình hai con lân. Như thế, Tứ Linh được sắp đặt theo thứ tự cao thấp là: rồng, phụng, lân, qui.

    Nơi Báo Ân Từ, các tấm diềm đều bông hình Tứ Linh với năm sắc mây lành, các khuôn bông nơi plafond cũng trang trí hình Tứ linh, chỗ chánh điện, hình Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương ngự trên lưng chim Thanh loan. Trên nóc Báo Ân Từ có bông hình một con chim Thanh loan rất lớn, đó là con chim lịnh của Đức Phật Mẫu.

    Ngoài ra, trong các kỳ Đại lễ, Hội Thánh tổ chức múa Tứ Linh: múa rồng, múa ngọc kỳ lân, múa phụng và múa qui, đặc biệt có múa Long Mã, điệu múa rất đặc sắc tượng trưng một nét độc đáo trong nền văn hóa của Đạo Cao Đài. (Long mã cũng là một loài thú linh theo truyền thuyết, có đầu rồng mình ngựa nhưng có vảy rồng, xuất hiện vào thời vua Phục Hy bên Tàu. Trên nóc Nghinh Phong Đài có bông hình một con Long mã rất lớn, trên lưng có mang Bát quái và bửu kiếm. Xem chữ: Long mã).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhứt là cái ngai của Giáo Tông, phải làm cho kỹ lưỡng, chạm trổ Tứ Linh, nhưng chỗ hai tay dựa, phải chạm hai con rồng, còn của Chưởng Pháp chạm hai con phụng, và của Đầu Sư chạm hai con lân.

  • Tứ mã nan truy

    Tứ mã nan truy

    駟馬難追

    A: The four-horse carriage does not catch.

    P: La voiture à quatre chevaux ne peut pas attrapper.

    Tứ: Xe có 4 ngựa kéo. Mã: con ngựa. Tứ mã: xe bốn ngựa kéo. Nan: khó. Truy: đuổi theo.

    Tứ mã nan truy là xe bốn ngựa khó đuổi theo cho kịp.

    Đức Lão Tử có nói rằng:

    "Nhơn chi hữu tín, như xa hữu luân;
    Quân tử nhứt ngôn, khoái mã nhứt tiên;
    Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy."

    Nghĩa là:

    Người có chữ tín, như xe có bánh;
    Người quân tử ra một lời, ngựa hay chạm một roi;
    Một lời đã nói ra, xe bốn ngựa khó đuổi theo kịp.

    Ý nói: Cần phải giữ chữ tín, một lời nói ra như đinh đóng cột, phải giữ lời nói ấy mãi, không được thay đổi. Cho nên người quân tử cần phải cẩn thận ngôn ngữ.

  • Tứ nan

    Tứ nan

    四難

    A: The four difficulties.

    P: Les quatre difficultés.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Nan: khó, điều khó.

    Tứ nan là bốn điều khó được.

    Nhơn sinh hữu Tứ nan: con người sống nơi cõi trần có bốn điều khó gặp. Đó là:

    · Nhơn thân nan đắc.
    · Tam Kỳ nan ngộ.
    · Chơn đạo nan phùng.
    · Minh sư nan ngộ.

    1. Nhơn thân nan đắc: thân người khó được.

    Trong chúng sanh, từ loài kim thạch cho đến thảo mộc, thú cầm thì nhơn loại đứng bực cao nhứt nên gọi con người là loài thượng đẳng chúng sanh. Con người lại thọ lãnh Đấng Thượng Đế một điểm linh quang nên linh hơn vạn vật, và nhờ đó có thể tu hành thành Tiên Phật đặng. Cho nên trong kiếp làm người, dầu nam hay nữ, dù đẹp hay xấu, dù quan hay dân, dù trí hay ngu, thì đều cao quí hơn vạn vật.

    Do đó, trong Giới Tâm Kinh có câu:

    Dễ gì lộn kiếp đặng làm người,
    May đặng làm người chớ dể duôi.

    2. Tam Kỳ nan ngộ: khó gặp đặng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    - Thời thái cổ, nhơn loại còn ăn lông ở lỗ, trí thức khờ ngây chưa được khai mở, chỉ biết hành động theo bản năng tự nhiên, nên người với Đạo hợp nhất. Khi con người chết, linh hồn tự nhiên được trở về với Đạo.

    - Thời thượng cổ, kể kừ vua Phục Hy, trí thức con người tiệm khai, lòng người biến đổi dần dần, biết vị kỷ hại người, nên gây ra nghiệp chướng, làm cho bổn tánh mê muội, lần lần xa Đạo. Khi chết, linh hồn không thể trở về với Đạo, mà phải chuyển kiếp luân hồi. Thượng Đế từ bi, bắt đầu mở Đạo giáo hóa. Đó là thời Nhứt Kỳ Phổ Độ. Thời nầy, Đạo giáng nơi các vị quân vương, chỉ có bậc vua chúa mới có thể đắc đạo, để thay mặt Thượng Đế dạy dỗ nhơn sanh. Như các vị vua: Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế, Nghiêu, Thuấn đều là vua có Đạo, gọi là Hữu Đạo Minh quân.

    - Thời kỳ tiếp theo là Nhị Kỳ Phổ Độ, các Đấng Giáo chủ, ở nước Tàu là Lão Tử, Khổng Tử, ở nước Ấn Độ là Đức Phật Thích Ca, ở nước Do Thái là Đức Chúa Jésus, mở Đạo khắp nơi, giáo hóa dân chúng. Người tu đắc đạo rất nhiều. Nhưng sau thời kỳ Đạo thạnh hành, chánh pháp mở rộng, thì bắt đầu thất chơn truyền, một thời gian sau thì Ngọc Hư Cung bế lại, người tu rất khó thành chánh quả.

    - Đấng Thượng Đế mở lòng đại từ đại bi, khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là thời kỳ phổ độ chót, đặc biệt Đức Thượng Đế đại khai ân xá, ban ơn cho toàn cả chúng sanh, nếu biết tu hành, lập công bồi đức trong một kiếp thì được đắc đạo, dầu cho đó là Nguyên nhân, Hóa nhân, hay Quỉ nhân, nam hay nữ.

    Trong thời đại ân xá nầy, mọi người đều được cầu đạo, không cần phải tìm chốn thâm sơn cùng cốc mà ẩn thân khổ công luyện đạo, người tu chỉ cần lo lập công quả phổ độ nhơn sanh và lo tu thân để đạt được 4 chữ: Bác ái và Công bình thì nhứt định được Đức Chí Tôn rước về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, tức là đắc đạo.

    Ai được sanh vào thời kỳ khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy, hưởng được đại ân xá của Đức Chí Tôn, là một duyên may ngàn năm một thuở, nếu không lo tu hành thì thật là uổng cho kiếp sanh vậy. Nếu sanh vào thời kỳ khác, dù có khổ công tu luyện cũng khó thành chánh quả. Cho nên mới nói rằng: Tam Kỳ nan ngộ.

    3. Chơn đạo nan phùng: khó gặp mối Đạo chơn thật.

    Trong thời mạt kiếp, Đạo khai thì Tà khởi, tam thập lục động của Quỉ vương đều ứng lên, giả làm Tam thập lục Thiên, danh hiệu của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều bị Quỉ vương mạo nhận, để lập ra nhiều thứ Tả đạo Bàng môn, dối gạt nhơn sanh, khiến nhơn sanh lầm lạc mà vào làm tay sai cho chúng nó. Mắt phàm khó phân biệt chơn giả, chánh tà. Nếu nói về pháp thuật huyền diệu thì Tà phái cũng không kém Chánh phái, lại thường hiển lộ thần thông chiều theo nhơn dục, khiến người đời bị mê hoặc lầm theo chúng nó.

    Do đó, người tu phải hết sức thận trọng, phải dụng cái tâm chơn chánh, kềm giữ lục dục thất tình, xem xét phân biệt chơn giả, để khỏi lầm mưu của Tà quái, tìm gặp nền Chơn đạo của Đấng Thượng Đế mở ra, tu hành mới mong đắc quả.

    4. Minh sư nan ngộ: khó gặp được vị thầy sáng suốt.

    Thời xưa, Phật giáo Thiền tông nói rằng: Tâm tức Phật, Phật tức Tâm, nhưng cái Tâm ở đâu? Vì Tâm vô hình, nên nếu không có minh sư chỉ dẫn thì dầu đọc hết ngàn kinh muôn sách cũng không thể tìm ra được.

    Thái tử Sĩ Đạt Ta từng học qua 7 vị thầy, nhưng vẫn không đạt cứu cánh, sau Thái tử được Đức Nhiên Đăng Cổ Phật đến thức tỉnh, Thái tử mới từ bỏ lối tu ép xác, chuyển qua đường trung đạo, tu thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

    Ngài Huệ Khả, tầm sư học đạo nhiều nơi, cuối cùng gặp được Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma. Huệ Khả chịu khổ hạnh đứng trong tuyết hằng đêm để chờ Tổ Sư chỉ cho biết cái Tâm ở đâu. Ngài Huệ Khả phải chặt một cánh tay để tỏ pháp khí nhứt tâm cầu đạo, Tổ Sư mới chấp nhận, thâu làm môn đệ, và sau đó truyền y bát cho Ngài Huệ Khả làm Nhị Tổ Phật giáo Trung hoa.

    Thành thử người xưa, khi xuất gia đi tu, chí mong gặp được minh sư mà thọ giáo. Nếu lạc lầm, vào gặp manh sư thì uổng một kiếp sanh, mê muội càng thêm mê muội. Minh sư là người thọ mạnh lịnh của Thượng Đế giáng sanh truyền đạo cứu đời. Nếu không phải kiếp trước có tu, tạo được duyên lành và tổ tiên có đức thì kiếp nầy khó gặp đặng minh sư.

  • Tứ ngã phiền não

    Tứ ngã phiền não

    四我煩惱

    Tứ: Bốn, thứ tư. Ngã: ta. Phiền não: buồn bực, đau khổ.

    Ba mối chánh gây ra phiền não là: tham, sân, si.

    Tứ ngã phiền não là bốn cái Ta làm cho Ta luôn luôn phiền não. Đó là: Ngã si, Ngã chấp, Ngã mạn, Ngã ái.

    Ngã si: tức là vô minh. Ta si mê nên không sáng suốt, hành động sai lầm làm ta phiền não.

    Ngã chấp: tức là Ngã kiến, cố chấp cái thấy cái biết của ta cho là đúng nên gây ra điều sai trái, làm ta phiền não.

    Ngã mạn: tức là ta kiêu căng ngạo mạn, chỉ biết có mình mà không biết có người, nên không thấy được khuyết điểm của mình, khiến cho việc làm thất bại, sanh ra phiền não.

    Ngã ái: tức là Ngã tham. Ta ích kỷ tham lam, muốn thâu đoạt cho mình càng nhiều càng tốt, khiến cho không bao giờ thỏa mãn được, nên luôn luôn phiền não.

  • Tứ nương

    Tứ nương

    四娘

    A: Fourth Muse.

    P: Quatrième Muse.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Nương: người phụ nữ quí phái đáng kính.

    Tứ Nương là vị Nữ Tiên đứng hàng thứ tư trong Cửu vị Tiên Nương Diêu Trì Cung, hầu cận Đức Phật Mẫu.

    Tại Báo Ân Từ, nơi tượng thờ Đức Phật Mẫu, Tứ Nương mặc áo xanh, tay cầm Kim bảng, ngồi bên tay mặt Đức Phật Mẫu. Tứ Nương ít khi giáng cơ dạy đạo. Trong một kiếp giáng trần ở Việt Nam, Tứ Nương có tên là Gấm, nên bài thài hiến lễ Tứ Nương trong Lễ HYDiêu Trì Cung có chữ khởi đầu là GẤM:

    GẤM lót ngõ chưa vừa gót ngọc,
    Vàng treo nhà, ít học không ưa.
    Đợi trông nho sĩ tài vừa,
    Đằng giao khởi phụng, chẳng ngừa Tiên thi.

    (Xem: Cửu vị Tiên Nương, vần C)

  • Tứ phối

    Tứ phối

    四配

    A: The four Saints of Confucianism.

    P: Les quatre Saints du Confucianisme.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Phối: so sánh ngang bằng, đem người khác mà cúng phụ với người vẫn được thờ thì gọi là phối hưởng.

    Tứ phối là bốn vị Thánh được thờ chung với Đức Khổng Tử và được phối hưởng với Đức Khổng Tử mỗi khi có cúng tế.

    Tứ phối gồm:

    1. Nhan Hồi (Nhan Tử), học trò của Đức Khổng Tử.

    2. Tăng Sâm (Tăng Tử), học trò của Đức Khổng Tử.

    3. Khổng Cấp (Tử Tư), học trò của Tăng Sâm và là cháu nội của Đức Khổng Tử.

    4. Mạnh Kha (Mạnh Tử), học trò của Tử Tư.

    1. Nhan Hồi: Phục Thánh Nhan Tử.

    Nhan Hồi, tự là Tử Uyên, nên cũng gọi Ngài là Nhan Uyên, hay Nhan Tử, là học trò giỏi nhứt của Đức Khổng Tử. (Xem tiểu sử nơi chữ: Nhan Hồi, vần Nh)

    2. Tăng Sâm: Tông Thánh Tăng Tử.

    Ngài họ Tăng tên Sâm, con của ông Tăng Điểm, người ở phía nam Vũ Thành nước Lỗ, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 46 tuổi. Hai cha con Tăng Điểm và Tăng Sâm cùng học với Đức Khổng Tử. Tánh Tăng Sâm rất hiếu thuận, vì thế Đức Khổng Tử cảm động, làm ra sách Hiếu Kinh.

    Tăng Tử rất nghèo, tự cày bừa làm ruộng sinh sống, có hôm thiếu gạo ăn, nhưng Ngài không lo buồn, vẫn cất tiếng hát sang sảng như tiếng chuông khánh.

    Vua nước Lỗ nghe tiếng Tăng Sâm là người hiền, cấp ấp ăn lộc, nhưng Ngài không nhận.

    Vua nước Tề đem lễ vật tới mời Ngài làm quan Khanh, Ngài không chịu đi, nói rằng: Cha mẹ mình đã già rồi, nếu ăn lộc của người ta tất phải lo việc cho người ta, mà không nỡ xa cha mẹ để đi làm việc cho người.

    Bà mẹ ghẻ đối xử với Ngài không có ân tình gì cả, nhưng Ngài vẫn cung dưỡng không hề trễ nải.

    Một hôm, vợ của Ngài nấu canh cho mẹ ghẻ ăn, rau không chín, Ngài liền bỏ vợ. Có người bảo, cái lỗi ấy không phải là một trong bảy lỗi đáng bị bỏ, nhưng Ngài đáp: "Nấu canh rau là việc nhỏ, tôi bảo phải nấu cho chín, thế mà không nghe lời, huống chi là việc lớn ư!" Ngài nhứt định bỏ vợ, và suốt đời không lấy vợ nữa.

    Ngài thường nói rằng: mỗi ngày ta xét thân ta ba việc: - Nhận làm thay người ta việc gì, ta có thực tâm làm không? - Cùng với bè bạn giao ước điều gì, ta có thất tín không? - Thầy dạy ta những gì, ta có nghiên cứu học tập không?

    Ngài lại còn nói: Việc tang cha mẹ mà làm cẩn thận, cha mẹ tuy mất đã lâu, vẫn thờ cúng mãi, tỏ ra không bao giờ quên. Người ở địa vị trên mà làm được như thế thì người dưới đều cảm hóa, đạo đức phong tục của nhơn loại đều đôn hậu cả.

    Đức Khổng Tử thường bảo Ngài là người đần độn, thế mà trong cửa Khổng có nhiều người thông minh tài giỏi, không ai thọ truyền được đạo của Đức Khổng Tử, chỉ có một mình Ngài hiểu được cái Đạo Nhứt quán, vì cái học của Ngài rất thành thực và đốc kính.

    Khi đau nặng, quan đại phu nước Lỗ là Mạnh Kính Tử đến thăm, Ngài bảo rằng:

    Người quân tử trọng đạo lý có ba điều: "- Khi đi dứng ngồi phải theo lễ tiết thì mới khỏi thô bỉ, phóng tứ. - Sắc mặt phải nghiêm trang theo lễ thì gần được và tin thực. - Lời nói phải theo lễ thì mới khỏi bỉ tục và trái lẽ."

    Ngài Tăng Sâm có làm ra sách Tăng Tử gồm 18 thiên và sách Đại Học gồm 10 thiên.

    Đời sau tôn Tăng Tử là Tông Thánh, phong tước vị là Thành Quốc Công, được thờ chung và phối hưởng với Đức Khổng Tử. Tăng Tử cũng được đời sau tôn làm gương hiếu thảo thứ 3 trong Nhị thập tứ Hiếu.

    Trong sách Luận Ngữ có chép một đoạn về Tăng Tử:

    "Đức Khổng Tử nói với Tăng Tử:

    - Sâm hồ! Ngô đạo Nhứt dĩ quán chi.

    (Nầy trò Sâm, đạo của ta là Nhứt dĩ quán chi, tức là chỉ gốc ở một lý mà thông suốt cả muôn việc.)

    Tăng Tử đáp: Dụy. (Vâng)

    Tử xuất, môn nhân vấn viết: Hà vị dã?

    (Khổng Tử đi khỏi, các bạn học hỏi: Như thế là thế nào? }

    Tăng Tử viết: Phu Tử chi đạo Trung Thứ nhi dĩ hỹ.

    (Tăng Tử nói: Đạo của Phu Tử chỉ có Trung Thứ mà thôi).

    Tất cả các học trò của Đức Khổng Tử, chỉ duy có Tăng Sâm và Tử Cống (Tử Lộ) là được nghe lời nói "Nhứt dĩ quán chi" của Đức Khổng Tử.

    Nhưng đạo lý Nhứt quán cao siêu quá, nếu nói thật cho các bạn đồng môn nghe, sợ họ không lãnh hội được thì sanh ra hoang mang không tốt, cho nên Tăng Tử nảy ra ý hay mới nói trớ rằng: Đạo của Phu Tử chỉ là Trung Thứ mà thôi.

    3. Khổng Cấp: Thuật Thánh Tử Tư.

    Đức Khổng Tử có người con tên là Khổng Lý, tự là Bá Ngư, Khổng Lý có con tên là Khổng Cấp, tự là Tử Tư. Như vậy, Tử Tư gọi Đức Khổng Tử là ông nội.

    Tử Tư học với Tăng Tử, được Tăng Tử truyền cho tâm pháp của Khổng gia.

    Tử Tư noi theo công nghiệp của Đức Thánh Tổ, làm ra sách Trung Dung, và dạy học trò có đến vài trăm người.

    Vua Mục Công nước Lỗ biết Tử Tư là người hiền, tôn lễ rất hậu.

    Một thời gian sau, Tử Tư ra làm quan ở nước Vệ, có quân của nước Tề kéo đến đánh phá.

    Có người nói: Giặc đã đến, sao ông không đi lánh nạn.

    Tử Tư đáp: Nếu ta bỏ đi thì vua cùng ai giữ nước?

    Đó là Tử Tư giữ được tấm lòng của bậc quân tử, không lo đến sự lợi hại, mà chỉ cốt làm điều phải mà thôi.

    Tử Tư mất thọ 62 tuổi. Đời sau phong Ngài là Châu Nguyên Hầu và tôn Ngài là Thuật Thánh, được thờ chung và phối hưởng với Đức Khổng Tử.

    4. Mạnh Kha: Á Thánh Mạnh Tử.

    (Xem tiểu sử chi tiết nơi chữ: Mạnh Tử, vần M)

  • Tứ quí

    Tứ quí

    四季

    A: Four seasons.

    P: Quatre saisons.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Quí: mùa, 3 tháng là một Quí.

    Tứ quí là 4 mùa trong một năm: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhựt nguyệt âm dương tứ quí hòa.

  • Tứ sanh

    Tứ sanh

    四生

    A: The four states of birth.

    P: Les quatre états de naissance.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Sanh: sanh ra.

    Tứ sanh là bốn cách sanh ra.

    Các loài động vật được chia thành 4 nhóm theo cách thức sanh ra: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh.

    1. Thai sanh: sanh ra bằng bào thai.

    Thí dụ: Loài người, heo, chó, mèo, trâu bò, v.v...

    2. Noãn sanh: sanh ra bằng trứng, trứng nở ra con.

    Thí dụ: Các loài chim, gà vịt, rùa, cá, v.v...

    3. Thấp sanh: sanh ra do chỗ ẩm thấp.

    Thí dụ: Trùng, dế, v.v...

    4. Hoá sanh: do sự biến hóa sanh ra.

    Thí dụ: Ruồi, muỗi, bướm, ếch nhái, v.v...

  • Tứ tán

    Tứ tán

    四散

    A: To disperse.

    P: Disperser.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Tán: tan ra, tản ra.

    Tứ tán là tản ra khắp bốn phía.

  • Tứ táng

    Tứ táng

    四喪

    A: The four manners of treatment with the dead body.

    P: Les quatre manières de traiter un cadavre.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Táng: chôn xác người chết.

    Tứ táng là bốn cách chôn xác người chết, tức là bốn cách đối xử với một xác người chết.

    Tùy theo phong tục tạp quán, điều kiện sinh sống và đất đai của một dân tộc, người ta chế ra bốn cách chôn xác người chết:

    1. Thổ táng: chôn xác người chết xuống đất.

    Tục lệ nầy thường thấy ở Việt Nam, Trung Hoa và các nước Âu Mỹ.

    2. Hỏa táng: chôn xác chết vào trong lửa.

    Xác người chết được đem thiêu cho cháy thành tro, người ta thu lấy tro và các mảnh xương bỏ vào hủ nhỏ đặt lên bàn thờ. Tục lệ nầy thường thấy ở Ấn Độ và ở những nước có đông đảo tín đồ Phật giáo, vì Phật giáo chủ trương thiêu xác.

    3. Thủy táng: chôn xác chết trong nước biển.

    Người ta đem xác người chết bỏ giữa biển khơi, để cho các loài cá ăn thịt, nên cũng gọi cách nầy là Ngư táng: chôn vào bụng cá. Tục lệ nầy thường thấy ở những bộ lạc sống trên các hòn đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương.

    4. Điểu táng: chôn xác chết vào bụng chim.

    Xác người chết được chặt thành nhiều mảnh nhỏ, đem đặt trên đỉnh núi để các loài chim như: kên kên, quạ,... ăn thịt.

    Tục lệ nầy ở xứ Tây Tạng, vì xứ nầy đất đai toàn là núi đá, lại bị tuyết phủ quanh năm nên ít có cây cối để làm củi đốt.

    Ngoài ra, một số bộ lạc ở Phi Châu có tục lệ là đem xác người chết bỏ vào rừng sâu để cho các loài thú dữ đến ăn thịt.

  • Tứ thời

    Tứ thời

    四時

    A: Four times.

    P: Quatre temps.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Thời: thời điểm.

    Tứ thời là bốn thời điểm đặc biệt trong một ngày đêm, mà hai khí Âm Dương biến đổi: khởi sanh hay giao hòa nhau.

    Tứ thời gồm: thời Tý, thời Mẹo, thời Ngọ, thời Dậu.

    · Thời Tý: lúc 0 giờ tức là 12 giờ khuya. Lúc đó khí Âm cực thịnh, khí Dương khởi sanh.

    · Thời Mẹo: lúc 6 giờ sáng. Lúc đó hai khí Âm Dương giao hòa nhau vì có cường độ bằng nhau.

    · Thời Ngọ: lúc 12 giờ trưa. Lúc đó khí Dương cực thịnh, khí Âm khởi sanh.

    · Thời Dậu: lúc 6 giờ chiều tức là 18 giờ. Lúc đó hai khí Âm Dương giao hòa nhau vì có cường độ bằng nhau.

    (Xem đồ thị biểu diễn nơi chữ: Âm cực Dương hồi, vần Â)

    Đạo Cao Đài qui định vào Tứ thời, tất cả tín đồ phải cúng Đức Chí Tôn tại Thánh Thất hay tại Thiên bàn ở tư gia.

    Kinh cúng Tứ thời là những bài kinh để tụng khi cúng Đức Chí Tôn vào Tứ thời kể trên. Kinh cúng Tứ thời gồm 8 bài kinh, kể ra sau đây:

    1. Niệm hương.
    2. Khai Kinh.
    3. Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
    4. Kinh Phật giáo.
    5. Kinh Tiên giáo.
    6. Kinh Nho giáo.
    7. Bài Dâng Rượu (hay Trà).
    8. Ngũ Nguyện.

    · Vào thời Tý và Ngọ thì dâng rượu, đọc bài Dâng Rượu.

    · Vào thời Mẹo và Dậu thì dâng trà, đọc bài Dâng Trà.

  • Tứ thời Bát tiết

    Tứ thời Bát tiết

    四時八節

    Tứ: Bốn, thứ tư. Thời: trong trường hợp nầy Thời là mùa. Tiết: một đặc trưng về khí hậu.

    Tứ thời là bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

    Bát tiết là tám tiết khí hậu đặc biệt trong một năm: Xuân phân, Thu phân, Hạ chí, Đông chí, Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông.

  • Tứ thư

    Tứ thư

    四書

    A: The four classical books.

    P: Les quatre livres classiques.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Thư: sách.

    Tứ thư là bốn quyển sách quan trọng của Nho giáo, gồm: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử.

    Bốn bộ sách nầy được các môn đệ của Khổng môn biên soạn sau khi Đức Khổng Tử mất.

    Thường nói: Tứ thư và Ngũ kinh.

    Ngũ kinh là năm quyển kinh quan trọng của Nho giáo: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.

    Tứ thư và Ngũ kinh hợp lại là 9 bộ sách cốt yếu của Nho giáo, giống như Tam Tạng Kinh của Phật giáo. Các sách nầy vừa là kinh điển của Nho giáo, vừa là những tác phẩm văn chương tối cổ của Trung hoa.

    Sự học của Nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu, nhưng có thể nói một cách vắn tắt là cái học chú trọng ở luân thường đạo lý, sự học chủ trương biến hóa tùy thời, vụ sự thực tế nên không bàn đến những cái viễn vông ngoài sự sinh hoạt của con người nơi trần thế.

    Muốn biết những điều dạy về sự học ấy ra sao, chúng ta phải xem bộ Tứ thư, mà các môn đồ cửa Khổng đã để hết tâm trí vào đó.

    I. Đại Học:

    Sách Đại Học dùng để dạy cho học sinh từ 15 tuổi trở lên, khi bước vào bậc đại học, dạy cho biết cách ở đời để lớn lên ra gánh vác việc nước.

    Theo các Nho gia, sách Đại Học do Tăng Tử làm ra để diễn giải các lời nói của Đức Khổng Tử. Nội dung gồm 2 phần:

    1. Phần đầu có một thiên gọi là Kinh, chép lại các lời nói của Đức Khổng Tử.

    2. Phần sau là lời giảng giải của Tăng Tử, gọi là Truyện, gồm 9 thiên.

    Mục đích và tôn chỉ của sách nầy là nói về cái đạo của người quân tử, trước hết là phải sửa cái đức của mình cho sáng tỏ để mọi người noi theo, làm sao cho đến chỗ chí thiện. Muốn được vậy, phải sử dụng Bát điều mục: cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

    Cái gốc của đạo người quân tử là sự Tu thân. Cho nên trong sách Đại Học có câu: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bổn." Nghĩa là: từ vua cho đến thường dân, ai ai cũng đều lấy sự sửa mình làm gốc.

    II. Trung Dung:

    Sách Trung Dung do ông Tử Tư làm ra. Tử Tư là học trò của Tăng Sâm và là cháu nội của Đức Khổng Tử, thọ được cái học tâm truyền của Tăng Tử.

    Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Đức Khổng Tử nói về đạo Trung Dung, tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá không bất cập, và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng thành Thánh nhân.

    Sách Trung Dung chia làm hai phần:

    1. Phần 1: từ chương 1 đến chương 20, là phần chánh, gồm những lời của Đức Khổng Tử dạy các học trò về đạo lý Trung Dung, phải làm sao cho tâm được: tồn, dưỡng, tĩnh, sát; mức ở được gồm đủ: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cho hòa với muôn vật, hợp với lòng Trời để thành người tài giỏi.

    2. Phần 2: từ chương 21 đến chương 33, là phần phụ, gồm những ý kiến của Tử Tư giảng giải thêm cho rõ ràng ý nghĩa và giá trị của hai chữ Trung Dung.

    Cả hai quyển sách Đại Học và Trung Dung trên đây, nguyên khi trước là những thiên trong Kinh Lễ Ký, sau các Nho gia đời Tống tách riêng ra làm hai quyển để hợp với sách Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bộ Tứ thư. (Xem thêm chữ Trung Dung)

    III. Luận Ngữ:

    Luận Ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Đức Khổng Tử và những lời nói của người đương thời.

    Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên, và các thiên không có liện hệ với nhau.

    Đọc sách nầy, người ta hiểu được phẩm cách và tánh tình của Đức Khổng Tử, nhất là về giáo dục, Ngài tỏ ra là người thấu hiểu tâm lý của từng học trò, khéo đem lời giảng dạy thích hợp với từng trình độ, từng hoàn cảnh của mỗi người. Như có khi cùng một câu hỏi mà Ngài trả lời cho mỗi người một cách.

    Trình Y Xuyên, một nhà Nho đời Tống nói: "Có người đọc xong Luận Ngữ mà không thấy gì cả, có người đọc xong lại thấy thích thú một vài câu, có người đọc xong thì rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà không hay biết."

    Bởi vậy, khi đọc Luận Ngữ, phải đọc chậm rãi, suy nghĩ tường tận, càng suy nghĩ càng phát hiện được nhiều điều hay.

    Trình Y Xuyên lại nói:

    "Ai đọc xong Luận Ngữ mà vẫn còn những tánh nết như trước khi chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ vậy."

    Tóm tắt, sách Luận Ngữ dạy cho biết cái đạo của người quân tử một cách thực tiễn, mô tả tánh tình đức độ của Đức Khổng Tử để làm mẫu mực cho người đời sau noi theo.

    IV. Mạnh Tử:

    Sách Mạnh Tử là bộ sách làm ra bởi Mạnh Tử và các môn đệ của Ngài như: Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương, ghi chép lại những điều đối đáp của Mạnh Tử với các vua chư hầu, giữa Mạnh Tử và các môn đệ, cùng với những lời phê bình của Mạnh Tử về các học thuyết khác như: học thuyết của Mặc Địch, Dương Chu.

    Sách Mạnh Tử gồm 7 thiên, chia làm 2 phần: phần Tâm học và phần Chánh trị học.

    1. Tâm học: Mạnh Tử cho rằng mỗi người đều có Tánh thiện do Trời phú cho. Sự giáo dục phải lấy Tánh thiện đó làm căn bản, giữ cho nó không mờ tối, trau giồi nó cho phát triển để thành người lương thiện.

    Tâm là cái thần minh của Trời ban cho người. Như vậy, tâm của ta với tâm của Trời đều cùng một thể.

    Học là để giữ cái Tâm, nuôi cái Tánh, biết rõ lẽ Trời mà theo chánh mệnh.

    Nhân và nghĩa vốn có sẵn trong lương tâm của người. Chỉ vì ta đắm đuối vào vòng vật dục nên lương tâm bị mờ tối, thành ra bỏ mất nhân nghĩa.

    Mạnh Tử đề cập đến khí Hạo nhiên, cho rằng nó là cái tinh thần của người đã hợp nhứt với Trời.

    Phần Tâm học của Mạnh Tử rất sâu xa, khiến học giả dù ở địa vị hay cảnh ngộ nào cũng giữ được phẩm giá tôn quí.

    2. Chánh trị học: Mạnh Tử chủ trương: Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Đây là một tư tưởng rất mới và rất táo bạo trong thời quân chủ chuyên chế đang thạnh hành.

    Mạnh Tử nhìn nhận chế độ quân chủ, nhưng ông vua không được quyền lấy dân chúng làm của riêng mình. Phải duy dân và vì dân. Muốn vậy, phải có luật pháp công bằng, dầu vua hay quan cũng không được vượt ra ngoài pháp luật đó.

    Người trị dân trị nước phải chăm lo việc dân việc nước, làm cho đời sống của dân được sung túc, rồi phải lo giáo dục dân để hiểu rõ luật pháp mà tuân theo, lấy nhân nghĩa làm căn bản để thi hành.

    Chủ trương về chánh trị của Mạnh Tử thật vô cùng mới mẻ và táo bạo, nhưng rất hợp lý, làm cho những người chủ trương quân chủ thời đó không thể nào bắt bẻ được. Phải chăng đây là lý thuyết khởi đầu để hình thành chế độ quân chủ lập hiến sau nầy.

    Tóm lại, bộ sách Mạnh Tử rất có giá trị. Phần Tâm học trong sách nầy là đỉnh cao nhứt trong học thuyết Nho giáo.

    Nho gia Trần Y Xuyên đời Tống nói: "Kẻ đi học nên lấy hai quyển sách: Luận Ngữ và Mạnh Tử làm cốt. Đã học được hai bộ sách nầy rồi thì không cần học Ngũ Kinh cũng rõ thông được cái đạo của Thánh hiền."

    Tổng kết:

    Bộ sách Tứ Thư của Nho giáo ra đời cách nay hơn hai ngàn năm, đã trải qua bao lần sóng gió theo những giai đoạn thăng trầm của lịch sử Trung hoa. Lần thì bị bạo chúa Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, lần thì bị tiêu tan trong các cuộc nội chiến triền miên của Trung quốc. Do đó, không thể tránh được nạn tam sao thất bổn. Đến đời nhà Tống, bộ sách nầy mới được các danh Nho tu chỉnh.

    Trước nhứt là hai anh em họ Trình: Trình Hạo (1032-1085) và Trình Di (1033-1107) hiệu là Y Xuyên, hai anh em nghiên cứu, soạn tập và chú giải Tứ Thư và Ngũ Kinh. Sau đó lại có ông Chu Hy (1130-1200) hiệu là Hối Am, bổ cứu và sắp đặt thành chương cú cho có thứ tự phân minh.

    Ngày nay, có những bản sách Tứ Thư và Ngũ Kinh là do công lao của hai anh em Trình Hạo - Trình Di, và của Chu Hy thời nhà Tống.

  • Tứ tung

    Tứ tung

    恣縱

    A: In desorder.

    P: En désordre.

    Tứ: Buông thả, phóng túng. Tung: Túng: buông thả.

    Tứ tung hay Tứ túng là bừa bãi không có trật tự chi cả.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Cả đạo nhơn luân điên đảo, bảo sao không trộm cướp loạn lạc, giặc giã tứ tung cho được.

  • Tứ tuyệt

    Tứ tuyệt

    四絕

    Tứ: Bốn, thứ tư. Tuyệt: dứt hẳn.

    Tứ tuyệt là bốn cái dứt hẳn của Đức Khổng Tử.

    Tứ tuyệt gồm: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã. Nghĩa là: không theo ý riêng mình, không quyết lấy cho mình, không cố chấp, không vì mình.

  • Tứ tước

    Tứ tước

    賜爵

    A: To bestow a dignity.

    P: Accorder une dignité.

    Tứ: Người trên ban ơn cho kẻ dưới. Tước: phẩm tước.

    Tứ tước là vua ban phẩm tước cho bề tôi.

  • Tứ vị Thời quân

    Tứ vị Thời quân

    四位時君

    A: Four zodiacal dignitaries.

    P: Quatre dignitaires zodiacaux.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Vị: người. Thời quân: Chức sắc cao cấp hàng Tiên vị của Hiệp Thiên Đài, đối phẩm Đầu Sư Cửu Trùng Đài.

    Hiệp Thiên Đài có tất cả 12 vị Thời quân, gọi là Thập nhị Thời quân, phân làm 3 Chi: Pháp, Đạo, Thế. Mỗi Chi có 4 vị Thời quân gọi là Tứ vị Thời quân.

    Tứ vị Thời quân của Chi Pháp là: Tiếp Pháp, Khai Pháp, Hiến Pháp và Bảo Pháp.

    Tứ vị Thời quân của Chi Đạo là: Tiếp Đạo, Khai Đạo, Hiến Đạo và Bảo Đạo.

    Tứ vị Thời Quân của Chi Thế là: Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế và Bảo Thế.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Thượng Phẩm và Tứ vị Thời quân của Chi Đạo phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

  • Tứ vô lượng tâm

    Tứ vô lượng tâm

    四無量心

    A: The four immense hearts.

    P: Les quatre coeurs immenses.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Vô lượng: không đo lường được.

    Tứ vô lượng tâm là bốn cái tâm rộng lớn không thể đo lường được.

    ■ Theo Nho giáo, Tứ vô lượng tâm là: Hảo tâm, Hiếu tâm, Thiện tâm, Đạo tâm. Do đó, sách Nho có câu:

    · Hoàng Thiên bất phụ Hảo tâm nhơn,

    · Hoàng Thiên bất phụ Hiếu tâm nhơn,

    · Hoàng Thiên bất phụ Thiện tâm nhơn,

    · Hoàng Thiên bất phụ Đạo tâm nhơn.

    ■ Theo Phật giáo, Tứ vô lượng tâm là: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

    Tứ vô lượng tâm nầy rộng lớn bao la, không bờ bến, không ranh giới, bao trùm lên tất cả chúng sanh, không loại trừ một chúng sanh nhỏ bé nào.

    I. Tâm TỪ:

    Tâm từ là lòng thành thật ước mong tất cả chúng sanh đều sống an vui và hạnh phúc.

    Tâm Từ phải rải khắp cho chúng sanh, bao trùm lên vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của người mẹ hiền đối với con cái, săn sóc bảo vệ con, dầu nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng. Lòng thương của bà mẹ đối với đứa con còn có phần ích kỷ, nhưng Tâm Từ thì phải vượt lên trên lòng ích kỷ, chan hòa đều đủ cho mọi loài chúng sanh.

    Tâm Từ không phải là tình đồng chí hay tình đồng chủng, không phải là tình đồng hương, cũng không phải là tình đồng đạo, bởi vì các thứ tình cảm đó còn có giới hạn, mà hễ bị giới hạn thì chưa phải là Tâm Từ.

    Tâm Từ vượt hẳn lên khỏi các tình cảm có giới hạn đó, vì hoạt động của Tâm Từ là không bờ bến, không có bất cứ một sự kỳ thị nào. Nhờ Tâm Từ, ta xem tất cả chúng sanh đều là bạn hữu, khắp nơi trên thế gian đều là quê hương của mình.

    Chỉ có Thượng Đế, Đức Phật mới có được Tâm Từ vô lượng vô biên như thế.

    Đối nghịch với Tâm Từ là lòng sân hận, ác cảm, oán thù. Tâm Từ và lòng sân hận không bao giờ phát sanh cùng một lúc. Chỉ có Tâm Từ mới có thể dập tắt được lòng sân hận.

    Tình thương yêu thường có tính ích kỷ, hẹp hòi, còn Tâm Từ thì rộng rãi bao la, luôn luôn cố gắng tạo sự an lành cho chúng sanh, không phân biệt giai cấp, người hay vật.

    Người có Tâm Từ thì tự đồng hóa mình với chúng sanh, tự mình chan hòa trong toàn thể, thấy vạn vật với mình là một, Tâm không còn vị kỷ, vượt lên mọi hình thức chia rẽ riêng tư, giúp đỡ mọi chúng sanh cùng đi với mình trên con đường tiến hóa đến hạnh phúc an lạc.

    II. Tâm BI:

    Bi là động lực làm cho Tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, là cái để xoa dịu sự đau khổ của người. Đặc tánh của Tâm Bi là ý muốn giúp người thoát khỏi các cảnh khổ não. Chính do Tâm Bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phụng sự. Người có Tâm Bi không sống một mình, mà sống cho kẻ khác, luôn luôn tìm cơ hội để giúp người, giúp đời, và không bao giờ có ý mong được báo đáp đền ơn.

    Việc bố thí là một thể hiện quan trọng của Tâm Bi và phải bố thí đủ ba cách: - Tài thí, - Vô Úy thí, - Pháp thí.

    Tâm Bi vô lượng vô biên, bao trùm lên mọi chúng sanh đau khổ về thể xác cũng như về tinh thần.

    III. Tâm HỶ:

    Đức tánh cao thượng thứ ba của Tứ Vô lượng Tâm là Hỷ. Hỷ là vui mừng, nhưng không phải là sự vui mừng riêng với một người nào mà là sự vui mừng trước hạnh phúc của chúng sanh. Lòng ganh tỵ ganh ghét là đối thủ số một của Tâm Hỷ. Đối với những người thân yêu thì Tâm Hỷ thể hiện rất dễ dàng, nhưng đối với người thù nghịch thì khó mà bộc lộ ra được, đó là thói thường của phàm tánh, chúng ta cần phải cố gắng và can đảm vượt qua.

    Tâm Hỷ là đức tánh thành thật chung vui chung mừng và ngợi khen. Tâm Hỷ bao trùm lên toàn cả chúng sanh hữu phước, hoàn toàn loại trừ sự bất mãn hay ganh ghét trước thành công của kẻ khác.

    Nếu so sánh với Tâm Từ và Tâm Bi thì Tâm Hỷ khó thực hiện hơn, bởi vì nó đòi hỏi một ý chí mạnh mẽ, một quyết tâm lớn hết sức cố gắng vượt qua lòng ích kỷ và ganh tỵ của mình. Có được như vậy, mới có thể cùng vui với cái vui của mọi người một cách thành thật, không chút gượng gạo.

    Tâm Hỷ là hậu quả tất nhiên của Tâm Từ và Tâm Bi, bởi vì người không có Tâm Từ Bi thì nhứt định không thể nào có sự vui mừng cao thượng được.

    IV. Tâm XẢ:

    Xả là đức tánh thứ tư trong Tứ vô lương tâm, khó thực hiện nhứt, mà cũng rất cần thiết trong bốn đức tánh cao thượng.

    Xả là buông bỏ tất cả, không giữ lại trong Tâm điều gì hết. Mục đích của xả là giữ cho Tâm được không không như như. Thế thường, khi thành công hay được ca tụng thì ta vui cười hớn hở; còn khi thất bại, bị chê bai thì ta buồn rầu bực tức. Thật hành Tâm Xả là buông bỏ hết tất cả những sự vui hay buồn đó. Được thua, thành bại, khen chê, đều không làm cho Tâm Xả xao động.

    Tâm Xả thì lúc nào cũng bình tịnh như nhiên, không buồn, không giận, không vui. Phật ví Tâm Xả như mặt đất. Người ta có thể vứt bỏ lên mặt đất các thứ đồ vật: sạch, dơ, xấu, tốt, nặng, nhẹ, v.v.... nhưng mặt đất vẫn trơ trơ, thản nhiên như không có sự gì cả.

    Tâm Xả cũng được ví như tấm gương bóng láng, mà mọi vật, mọi hiện tượng, mọi tình cảm, như những thứ ánh sáng rọi vào gương, gương phản chiếu đi hết, không giữ lại một thứ ánh sáng nào cả.

    Đối thủ của Tâm Xả là sự mê chấp, bởi vì mê chấp là phiền não, là bất tịnh.

    Người có Tâm Xả không cảm thấy thích thú trong vui sướng, cũng không bực tức trong phiền não.

    Thản nhiên, an tịnh là đặc tính của Tâm Xả.

    Tóm lại, Từ Bi Hỷ Xả là bốn đức tánh cao thượng của người tu cần phải đạt đến.

    Tâm Từ thì bao trùm lên tất cả chúng sanh dầu an vui hay đau khổ; Tâm Bi thì đối với những chúng sanh đau khổ; Tâm Hỷ thì đối với những chúng sanh hạnh phúc; và Tâm Xả bao trùm lên tất cả việc tốt xấu, việc vui buồn, mừng giận.

    Tứ vô lương tâm giúp cho con người trở nên chí thiện, có được một lối sống của bực Thánh nhân.

    Tứ vô lượng tâm có khả năng biến đổi con người tầm thường thành bực cao siêu, biến phàm ra Thánh.

    Nếu mỗi người cố gắng thực hành Tứ vô lượng tâm, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc,... thì quả địa cầu nầy thành một Thiên đàng, trong đó, tất cả chúng sanh đều được sống an vui hạnh phúc trong tình huynh đệ đại đồng.

  • Tứ vụ

    Tứ vụ

    四務

    A: The four affairs.

    P: Les quatre affaires.

    Tứ: Bốn, thứ tư. Vụ: việc.

    Tứ vụ là bốn công việc chuyên môn nơi Thánh Thất.

    Tứ vụ gồm: Hộ vụ, Lương vụ, Công vụ, Lễ vụ.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Ban Tứ vụ, vần B)

  • TỬ

    TỬ

    1. TỬ: 子 Con.

    Thí dụ: Tử ấm thê phong, Tử tôn.

    2. TỬ: 死 Chết.

    Thí dụ: Tử biệt, Tử thần, Tử tiết.

    3. TỬ: 紫 Màu tím đỏ.

    Thí dụ: Tử khí đông lai.

  • Tử ấm thê phong

    Tử ấm thê phong

    子廕妻封

    Tử: Con. Ấm: con trai được nối quyền tước của cha. Thê: vợ. Phong: vua ban cho phẩm tước.

    Tử ấm thê phong là con trai được nối quan chức của cha, và vợ được vua phong tước, vì người chồng có công lớn đối với triều đình.

  • Tử biệt sanh ly

    Tử biệt sanh ly

    死別生離

    A: Separation by death and separation in life.

    P: Séparation par la mort et séparation de son vivant.

    (Xem: Sanh ly tử biệt, vần S)

  • Tử khí

    Tử khí

    死氣

    A: Atmosphere of death.

    P: Atmosphère de mort.

    Tử: Chết. Khí: chất khí.

    Tử khí là khí chất lạnh lẽo và ô trược do xác chết tiết ra.

  • Tử khí đông lai

    Tử khí đông lai

    紫氣東來

    A: The purple gas coming from the east.

    P: Le gaz violet venant de l"orient.

    Tử: Màu tím đỏ. Khí: chất khí. Đông: hướng đông. Lai: tới.

    Tử khí là chất khí màu tím đỏ hiện lên bầu trời như một đám mây màu tím. Đông lai: từ phương đông bay tới.

    Tử khí đông lai là vầng khí mây màu tím đỏ từ hướng đông bay đến.

    Đây là điềm lành, có Thánh nhân từ hướng đông đi đến.

    Kinh Tiên Giáo: Tử khí đông lai, quảng truyền Đạo Đức.

  • Tử nạn

    Tử nạn

    死難

    A: To die from an accident.

    P: Mourir à la suite d"un accident.

    Tử: Chết. Nạn: tai nạn.

    Tử nạn là chết vì tai nạn. Thí dụ như: tai nạn xe cộ, chìm tàu, rớt máy bay, bảo lụt, v.v....

  • Tử sanh hữu mệnh

    Tử sanh hữu mệnh

    死生有命

    Tử: Chết. Sanh: sống. Hữu: có. Mệnh: số mạng.

    Tử sanh hữu mệnh là sự sống sự chết đều có số mạng cả.

    Đây là nói theo thuyết Thiên mệnh, tất cả đều do Trời định. Câu nói nổi tiếng của thuyết thiên mệnh là: "Nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định." Nghĩa là: một cái uống, một cái ăn đều được định sẵn từ trước.

    Tử Hạ viết: Tử sanh hữu mệnh, phú quí tại Thiên. Nghĩa là: sống chết đều có số mạng, giàu sang tại nơi Trời.

  • Tử thần

    Tử thần

    死神

    A: The Death.

    P: La Mort.

    Tử: Chết. Thần: vị Thần.

    Tử thần là Thần chết, vị Thần đến bắt linh hồn người chết dẫn đi.

  • Tử thư

    Tử thư

    死書

    Tử: Chết. Thư: sách.

    Tử thư là sách nói về cái chết.

    Tử thư nói về khi chết, linh hồn của người chết xuất ra thế nào, đi đến đâu, làm gì, gặp những gì, chừng nào đi đầu thai? Có Tử thư của Ai Cập, có Tử thư của Tây Tạng.

  • Tử tiết

    Tử tiết

    死節

    A: To be victim of one"s duty.

    P: Être victime de son devoir.

    Tử: Chết. Tiết: khí tiết, lòng cứng cỏi không chịu khuất.

    Tử tiết là chết vì tiết nghĩa, tức là chết để giữ tròn khí tiết, không chịu để người khác làm ô nhục danh tiết.

  • Tử tôn

    Tử tôn

    子孫

    A: The posterity.

    P: La postérité.

    Tử: Con. Tôn: cháu.

    Tử tôn là con cháu.

    Thái Công viết: Nhơn giai ái châu ngọc, Ngã ái tử tôn hiền. Nghĩa là: Thái Công nói rằng: người ta yêu ngọc ngà châu báu, Ta thì yêu con cháu hiền đức tài năng.

  • Tử vong

    Tử vong

    死亡

    A: To die.

    P: Mourir.

    Tử: Chết. Vong: mất.

    Tử vong là chết mất.

    Đức Khổng Tử nói rằng: Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã. Nghĩa là: Thờ phụng lúc chết như thờ phụng lúc sống, thờ phụng khi mất như thờ phụng khi còn, mới là chí hiếu vậy. (Sự là thờ phụng, phục vụ)

  • TỰ

    TỰ

    1. TỰ: 自 - Mình, chính mình. - Từ đó, kể từ.

    Thí dụ: Tự ái, Tự cải, Tự cổ dĩ lai.

    2. TỰ: 字 Chữ viết.

    Thí dụ: Tự lôi trữ bính.

    3. TỰ: 敘 Bày tỏ, thuật lại.

    Thí dụ: Tự sự.

    4. TỰ: 緒 Cái đầu mối.

    Thí dụ: Tự luận.

  • Tự ái

    Tự ái

    自愛

    A: Self-love.

    P: Amour propre.

    Tự: Mình, chính mình. Ái: yêu, thương.

    Tự ái là tự yêu mình, tự xem mình là trọng.

    Người có lòng tự ái là người mà khi nghe ai chê mình hay chỉ trích mình thì tỏ ra tức giận và phản ứng mạnh mẽ.

  • Tự ải

    Tự ải

    自縊

    A: To hang oneself.

    P: Se pendre.

    Tự: Mình, chính mình. Ải: thắt cổ chết.

    Tự ải là tự mình thắt cổ chết.

  • Tự biến tự liệu

    Tự biến tự liệu

    自變自料

    Tự: Mình, chính mình. Biến: thay đổi. Liệu: tính toán sắp đặt.

    Tự biến tự liệu là tự mình thay đổi phương cách cho thích hợp và tự mình sắp đặt công việc sao cho đạt kết quả tốt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chư hiền hữu đã đặng phép tự biến tự liệu mà hành đạo.

  • Tự cải

    Tự cải

    自改

    A: To correct oneself.

    P: Se corriger.

    Tự: Mình, chính mình. Cải: sửa đổi.

    Tự cải là tự sửa đổi những lầm lỗi của mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mấy kẻ xét mình tâm tự cải.

  • Tự cao tự đại

    Tự cao tự đại

    自高自大

    A: To be vainglorious.

    P: Être orgueilleux.

    Tự: Mình, chính mình. Cao: ở trên cao. Đại: lớn.

    Tự cao là tự cho mình là cao hơn kẻ khác.

    Tự đại là tự cho mình là lớn và quan trọng hơn kẻ khác.

    Những người tự cao tự đại thường là những người thiếu đức kém tài, kiến thức hẹp hòi. (Xem thêm: Khiêm nhượng)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Kẻ tự cao muốn chiếm vị cầu danh.

  • Tự chế

    Tự chế

    自制

    A: To abstain from.

    P: S"abstenir.

    Tự: Mình, chính mình. Chế: ngăn giữ.

    Tự chế là tự kềm chế lấy mình.

  • Tự chủ

    Tự chủ

    自主

    A: To self-control.

    P: Se maỵtriser.

    Tự: Mình, chính mình. Chủ: làm chủ.

    Tự chủ là tự mình làm chủ lấy mình, không để cho người khác hay việc khác chi phối mình.

    Kinh Giải Oan: Cũng quyền tự chủ dắt dìu thiên lương.

  • Tự chuyên

    Tự chuyên

    自專

    A: To act on one"s own will.

    P: Agir de son propre gré.

    Tự: Mình, chính mình. Chuyên: giữ riêng lấy cho mình.

    Tự chuyên là tự mình làm theo ý mình, không tùng phục cấp trên.

    Bát Đạo Nghị Định: Cả Chức sắc phải tùng lịnh Hội Thánh, chẳng đặng tự chuyên mà cải sửa chơn truyền của Đạo.

  • Tự chứng

    Tự chứng

    自證

    A: To verify oneself.

    P: Vérifier soi-même.

    Tự: Mình, chính mình. Chứng: chứng nghiệm, biết rõ với bằng chứng.

    Tự chứng là tự mình chứng nghiệm, biết rõ cái kết quả tu hành của mình với những bằng cớ mà mình cảm nhận được.

    Người tu hành, tự mình phải chứng ngộ chơn lý, không ai có thể chứng ngộ giùm mình, bởi vì mình không thể hết khát nước khi người khác uống nước giùm mình.

  • Tự cổ dĩ lai

    Tự cổ dĩ lai

    自古以來

    A: From the past to present.

    P: Depuis l"antiquité jusqu"à nos jours.

    Tự: Từ đó, kể từ. Cổ: xưa. Dĩ: lấy, dùng. Lai: tới.

    Tự cổ dĩ lai là từ xưa lấy tới, tức là từ xưa đến nay.

    Đồng nghĩa: Tự cổ chí kim.

  • Tự diệt

    Tự diệt

    自滅

    A: To destroy oneself.

    P: Détruire soi-même.

    Tự: Mình, chính mình. Diệt: làm mất đi, tiêu diệt.

    Tự diệt là tự mình tiêu diệt mình.

    Cơ tự diệt là cơ quan tự nó tiêu diệt nó, chớ không phải do một thế lực bên ngoài tiêu diệt nó.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hễ nhơn loại đã mất đức tin về đạo đức thì cơ tự diệt vốn còn.

  • Tự đắc

    Tự đắc

    自得

    A: Presumptious.

    P: Présomptueux.

    Tự: Mình, chính mình. Đắc: được.

    Tự đắc là tỏ ra thích thú về sự thành công của mình, tự cho mình là giỏi là hay, nên có vẻ kênh kiệu.

  • Tự độ - Độ tha

    Tự độ - Độ tha

    自度 - 度他

    A: To save oneself - To save the others.

    P: Sauver soi-même - Sauver les autres.

    Tự: Mình, chính mình. Độ: cứu giúp. Tha: người khác.

    Tự độ là tự mình cứu lấy mình, tức là tự mình lo tu hành, lập công bồi đức để tự giải thoát lấy mình khỏi luân hồi.

    Độ tha là cứu giúp người khác.

    Tự độ độ tha là mình tự cứu mình được rồi thì dùng cái kinh nghiệm ấy để cứu giúp người khác, để cho họ tự giải thoát được giống như mình.

  • Tự giác nhi giác tha

    Tự giác nhi giác tha

    自覺而覺他

    A: To be self-conscious, then to awake the others.

    P: Être conscient de soi-même, puis réveiller les autres.

    Tự: Mình, chính mình. Giác: tỉnh ra mà biết rõ, trái với Mê. Nhi: mà, tiếng dùng để chuyển ý. Tha: người khác.

    Tự giác là tự mình thấy rõ những điều lầm lạc của mình, cố gắng sửa đổi để lần lần con người mình được tốt đẹp hơn.

    Tự giác nhi giác tha là tự mình giác ngộ lấy mình rồi mới giúp người khác giác ngộ như mình.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Các chơn hồn đi theo phẩm trật Cửu Thiên Khai Hóa còn phải tự tín, rồi tha tín, tức là tự giác nhi giác tha đó vậy.

  • Tự hối

    Tự hối

    自悔

    A: To repent oneself.

    P: Se repentir.

    Tự: Mình, chính mình. Hối: ăn năn chừa lỗi, hối hận.

    Tự hối là tự mình ăn năn chừa lỗi của mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mà chúng nó không biết tự hối thì làm sao mong rỗi đặng.

  • Tự khiêm

    Tự khiêm

    自謙

    A: To humiliate oneself.

    P: S" humilier.

    Tự: Mình, chính mình. Khiêm: nhún nhường.

    Tự khiêm là tự nhún mình.

    Trong giao tiếp, mình phải dùng tiếng nào để xưng mình cho khiêm nhượng thì mới đắc nhơn tâm, nhứt là trong cửa Đạo, tiếng tự khiêm lại còn quan trọng hơn nữa. (Xem: Khiêm xưng)

  • Tự kỷ ám thị

    Tự kỷ ám thị

    自己暗示

    A: Auto-suggestion.

    P: Auto-suggestion.

    Tự: Mình, chính mình. Kỷ: bản thân mình. Ám: ngầm. Thị: bảo cho biết.

    Tự kỷ là tự nơi mình.

    Ám thị là bảo cho biết một cách ngấm ngầm.

    Tự kỷ ám thị là tự mình ngấm ngầm bảo cho mình biết chớ không phải người khác nói cho mình biết.

    Trong quyển Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu viết về trường hợp một đồng tử chấp cơ bị tự kỷ ám thị như sau:

    "Ví dụ, đồng tử có một dục vọng gì, dục vọng ấy chưa thỏa mãn thì nó vẫn còn nuôi nấng trong chơn thần, nó tượng nên hình như cái thai trong thai bào, càng lâu càng lớn, đợi đến ngày tháng (đến khi có dịp) là sanh ra. Đến khi đồng tử chấp cơ, dẫu rằng lúc ấy ráng giữ đại tịnh, không sanh vọng niệm mới, nhưng cái vọng niệm cũ kia đã tượng nên hình, bấy giờ nó có dịp sanh ra.

    Ở trường hợp nầy, đồng tử bị tư tưởng riêng của mình ám thị, nên gọi là Tự kỷ ám thị.

    Duy có đồng tử đạo hạnh thanh cao, trì trai thủ giới, hoặc đồng tử tiền định, mới thông công được với các Đấng Thượng đẳng thiêng liêng thì cơ bút mới huyền diệu. Tuy nhiên cũng không khỏi tự kỷ ám thị, chẳng nhiều thì ít."

  • Tự lôi trữ bính

    Tự lôi trữ bính

    字雷貯炳

    Tự: Chữ viết. Lôi: tiếng sấm. Trữ: cất chứa. Bính: ngọn lửa.

    Tự lôi trữ bính: chữ viết, sấm nổ, cất chứa, ngọn lửa, nghĩa là khi chữ viết được chế thành thì trời sanh sấm nổ, văn tự như có chứa ngọn lửa để soi sáng kiến thức của người xưa, ghi chép những lời giáo huấn của Thánh hiền.

    Sử Ký Trung hoa chép rằng: Ông Thương Hiệt đời vua Hiên Viên Huỳnh Đế, trên xem hình sao, dưới dựa theo hình thể sự vật mà chế ra chữ viết (chữ Nho) gọi là văn tự tượng hình. Khi văn tự được chế thành thì trời sanh mưa to, sấm chớp nổ vang, người người kinh sợ.

    Kinh Nho Giáo: Tự lôi trữ bính, linh ư phụng lãnh.

  • Tự lợi lợi tha

    Tự lợi lợi tha

    自利利他

    A: To profit oneself and to profit another.

    P: Profiter à soi-même et profiter à l"autrui.

    Tự: Mình, chính mình. Lợi: lợi ích. Tha: người khác.

    Tự lợi lợi tha là tự mình làm lợi ích cho mình đồng thời làm lợi ích cho người khác.

    Sở hành của người tu là phải: Tự lợi lợi tha, nghĩa là trước là cầu lấy sự giải thoát cho mình, sau là giáo hóa chúng sanh, làm lợi ích cho chúng sanh để chúng sanh được giải thoát giống như mình.

    Nếu tu theo bực Tiểu thừa thì chỉ cầu giải thoát bản thân mình, đó là tự lợi. Nếu tu theo bực Đại thừa thì phải song hành: Tự lợi lợi tha, vừa lợi cho mình vừa lợi cho chúng sanh.

  • Tự luận

    Tự luận

    緒論

    A: Preface.

    P: Préface.

    Tự: Cái đầu mối. Luận: bàn luận.

    Tự luận là Lời tựa, tức là bài văn đặt ở đầu quyển sách, bàn luận khái quát về nội dung của quyển sách.

  • Tự lực cánh sinh

    Tự lực cánh sinh

    自力更生

    Tự: Mình, chính mình. Lực: sức. Cánh: lại lần nữa. Sinh: sống.

    Tự lực: tự mình ra sức làm việc. Cánh sinh: sống trở lại.

    Tự lực cánh sinh là tự mình ra sức làm việc để mưu cuộc sống cho mình, không nhờ vả hay ỷ lại vào người khác.

    Tự lực tự cường: tự mình ra sức làm việc để mình được hùng mạnh.

  • Tự minh

    Tự minh

    自明

    A: To improve oneself.

    P: Se perfectionner.

    Tự: Mình, chính mình. Minh: sáng.

    Tự minh là tự mình rèn luyện để cho mình được sáng suốt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chớ nên xao tâm động trí thì não cân tự minh, mới có thể ngăn cản tà mị đột nhập vào mà khuấy rối.

  • Tự nhiên

    Tự nhiên

    自然

    A: The nature.

    P: La nature.

    Tự: Mình, chính mình. Nhiên: như thế.

    Tự nhiên là tự nó như thế, không phải do sức người làm ra.

    Kinh Cứu Khổ: Cần độc thiên vạn biến, tai nạn tự nhiên đắc giải thoát.

    Tự nhiên pháp: Tất cả hiện tượng trong Càn Khôn Vũ Trụ như: mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, hành tinh, vệ tinh,...., gió mưa, bão lụt, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, đều là các pháp của tự nhiên. Chữ Pháp ở đây hiểu theo nghĩa tổng quát.

  • Tự sự

    Tự sự

    敘事

    A: To narrate.

    P: Narrer.

    Tự: Bày tỏ, thuật lại. Sự: việc.

    Tự sự là kể lại đầu đuôi các việc.

  • Tự tác tự thọ

    Tự tác tự thọ

    自作自受

    A: To support the consequences of one"s act.

    P: Supporter les conséquences de son acte.

    Tự: Mình, chính mình. Tác: làm ra. Thọ: Thụ: nhận lãnh.

    Tự tác tự thọ là mình làm mình chịu, tức là tự mình làm ra việc gì thì tự mình nhận lấy hậu quả của nó.

  • Tự tại - Tự toại

    Tự tại - Tự toại

    自在 - 自遂

    A: Leisurely - Satisfied.

    P: À loisir - Satisfait.

    Tự: Mình, chính mình. Tại: ở tại. Toại: thỏa lòng.

    Tự tại là tùy ý mình muốn ăn ở làm sao cũng được, hoàn toàn tự do sắp đặt, không ai ngăn cản. Đó là về phần vật chất; còn về mặt tinh thần thì Tự tại là làm chủ được thân tâm, không bị ngoại cảnh chi phối. Như thế:

    Tự tại là trạng thái ung dung thơ thới, hoàn toàn thoải mái, không chi ràng buộc hay phiền não.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mong trau rạng mảnh gương để soi chung bước đàng sau mà lần đến cảnh tự tại thung dung, tránh....

    Tự toại là tự mình cảm thấy thỏa thích vui vẻ.

    Kinh Hạ Huyệt: Lôi Âm tự toại, Bồng Dinh hưởng nhàn.

  • Tự tánh

    Tự tánh

    自性

    A: The nature.

    P: La nature.

    Tự: Mình, chính mình. Tánh: cái tánh của con người.

    Tự tánh là cái bổn tánh vốn có của mình.

    Tự tánh của con người do Trời ban cho nên nó vốn lành, và sáng suốt, nên còn được gọi là: Chơn tánh, Phật tánh.

    Giác ngộ là trở về cái tự tánh của mình.

  • Tự tận

    Tự tận

    自盡

    A: To kill oneself.

    P: Se tuer.

    Tự: Mình, chính mình. Tận: dứt, hết.

    Tự tận là tự giết chết mình, đồng nghĩa: tự tử.

  • Tự thanh cao

    Tự thanh cao

    自清高

    A: To distinguish oneself.

    P: Se distinguer.

    Tự: Mình, chính mình. Thanh: trong sạch. Cao: cao thượng.

    Tự thanh cao là tự mình làm cho mình được trong sạch và cao thượng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đạo nên đời rạng, giũ áo phồn hoa, nương bóng khổ trăm năm mãn cuộc, tự thanh cao, nếm mùi tự toại,....

  • Tự thắng giả cường

    Tự thắng giả cường

    自勝者強

    Tự: Mình, chính mình. Thắng: được phần hơn. Giả: ấy là. Cường: mạnh.

    Tự thắng giả cường là thắng được chính mình mới là thật mạnh.

    Chiến thắng các dục vọng của bản thân mình, cái đó khó hơn nhiều so với việc chiến thắng kẻ địch ngoài mặt trận. Cho nên mới có câu nói là: "Không có chiến thắng nào vẻ vang bằng tự thắng mình."

    Đạo Đức Kinh có viết rằng:

    Tri nhơn giả trí, tự tri giả minh,
    Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường.

    Nghĩa là:

    Biết người là trí, tự biết mình là sáng suốt.
    Thắng người là có sức, thắng mình mới mạnh.
  • Tự thị

    Tự thị

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Tự thị

    自是

    A: To give oneself reason.

    P: Se donner raison.

    Tự: Mình, chính mình. Thị: phải.

    Tự thị là tự cho mình là phải.

    * Trường hợp 2: Tự thị

    自恃

    A: To be self-confident.

    P: Se confier en soi.

    Tự: Mình, chính mình. Thị: cậy nhờ.

    Tự thị là cậy vào tài sức của mình.

  • Tự thiêu

    Tự thiêu

    自燒

    A: To burn oneself.

    P: Se brûler.

    Tự: Mình, chính mình. Thiêu: đốt cháy.

    Tự thiêu là tự đốt cháy mình cho chết một cách dũng cảm để phản kháng quyết liệt sự đàn áp bất công.

    Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối quyết liệt việc đàn áp Phật giáo của chánh phủ Ngô Đình Diệm.

  • Tự thú

    Tự thú

    自首

    A: To denounce oneself.

    P: Se dénoncer.

    Tự: Mình, chính mình. Thú: nhận tội.

    Tự thú là tự mình ra thú tội, tức là người đã phạm tội nhưng chưa bị phát giác, tự đem mình ra cơ quan pháp luật để khai tội của mình và chịu tội.

  • Tự thử qui căn

    Tự thử qui căn

    自此歸根

    Tự: Từ đó, kể từ. Thử: ấy, cái ấy. Qui: trở về. Căn: gốc rễ.

    Tự thử: từ lúc ấy, từ lúc đó. Qui căn: trở về gốc.

    Tự thử qui căn là trở về nguồn gốc của nó kể từ lúc đó.

    Kinh Tẩn Liệm:
    Khối vật chất vô hồn viết tử,
    Đất biến hình tự thử qui căn.
  • Tự tín - Tha tín - Thiên tín

    Tự tín - Tha tín - Thiên tín

    自信 - 他信 - 天信

    A: Self-confidence - Confidence in another - Confidence in God.

    P: Confiance en soi - Confiance en autrui - Confiance en Dieu.

    Tự: Mình, chính mình. Tín: tin tưởng. Tha: kẻ khác. Thiên: Trời.

    Tự tín là tin tưởng nơi mình, tin tưởng nơi sức lực và tài năng của mình.

    Tha tín là tin tưởng nơi người khác.

    Thiên tín là tin tưởng nơi Trời.

    Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp tại Báo Ân Từ đêm 10-11-Bính Tuất (dl 3-12-1946):

    "Đức Tin chia ra làm 3 phương diện: Tự tín, Tha tín Thiên tín.

    1. Tự tín: Tự tín là gì? là mình tin nơi sở sanh của mình có thể bảo đảm được mạng sanh của mình.

    Con người từ buổi ấu thơ đã biết ăn, biết nói, thì biết thương cha mẹ anh em, đến lúc trưởng thành, cha mẹ dạy bảo công ăn việc làm, cho đến sự ở đời, giao thiệp cùng xã hội nhơn quần, việc nào lợi, điều nào hại, cha mẹ đã chỉ vẽ phân minh, cũng như có một quyển sách lập thành để làm căn bản. Ngoài ra, hằng ngày ta đã nghe và thấy các tấn tuồng của đời diễn ra từ lớp, hay dở, tốt xấu, lành dữ, hư nên, ta mới lấy đó mà kinh nghiệm kỹ càng, rồi mới lọc lược cái hay cái khéo trong đó, mới lập lại làm một với quyển sách của cha mẹ dạy ta từ thử, rồi ta mới đem lên trên linh đài, ta sẽ do theo đó mà làm mực thước cho sự hành vi của ta và ta đủ đức tin nơi đó là cơ bảo tồn lấy thân ta, ấy gọi là Tự tín.

    2. Tha tín: Còn Tha tín là gì? là ta biết quang tiền dụ hậu, ta tin nơi ông thầy dạy ta học các bài vở để lập thân cho nên người cao quí; lại có nhiều người trong xã hội, chẳng phải họ cố ý dạy ta học, nhưng cái sở hành của họ, mọi điều phải trái, lành dữ, tội phước, thì nó thường hiện ra trước mặt ta, đó là những bài học nên chú ý, rồi ta mới gồm tất cả mọi sự hành vi của người đời, ta sẽ lập một quyển sách thứ nhì nữa, ta mới cân phân, lừa lọc, tuyển chọn điều hay lẽ phải, ta đem để lên linh đài (tức là khối óc của ta) đặng làm phương pháp bảo vệ trường tồn tánh mạng của ta, ấy là Tha tín.

    3. Thiên tín: Tự tín và Tha tín chưa đủ hoàn toàn, phải có Thiên tín là trọn đức tin nơi Chí Tôn có đủ quyền năng bảo hộ sanh mạng của ta và toàn thể chúng sanh nơi mặt thế.

    Nếu để trọn đức tin nơi Chí Tôn và tuân theo bài học của Đức Chí Tôn dạy từ bi bác ái, nhơn nghĩa thuận hòa và tất cả đem vào hai quyển sách nói trên, hiệp thành một khối đức tin đặc sắc, ta mới dựng lên để tên Cao Đài, rồi ta do đó mà thi hành cho chu đáo, ấy là cơ bảo tồn trường cửu của ta và của tất cả nhơn loại.

    Nếu có cái Tự tín và Tha tín, là cái năng lực hữu hình mà không có Thiên tín là huyền pháp vô vi thì cái năng lực ấy nó sẽ cuốn trôi theo cơ tự diệt.

    Vì vậy, ta phải có đủ đức tin nơi Đức Chí Tôn, phải trọng mạng sống của con người, bởi Đức Chí Tôn hóa sanh ra một người là một vật báu của Ngài.

    Nếu ai tàn sát cho tiêu loài vật báu ấy thì phạm Thiên điều, tức là đại tội.

    Ngày nay, toàn thể nhơn loại trên thế giới nầy mà có đủ đức tin nơi Đức Chí Tôn và thật hành y theo chủ nghĩa Từ bi, Bác ái, Nhơn nghĩa, cho được hoàn toàn thì mới mong chung hưởng đời thái bình hạnh phúc, ấy là gầy lại đời Minh đức, Tân dân, tái lập Tân thế giới."

  • Tự tỉnh

    Tự tỉnh

    自省

    A: To examine oneself.

    P: S"examiner.

    Tự: Mình, chính mình. Tỉnh: coi xét, xét mình.

    Tự tỉnh là tự xét mình, tức là tự mình xem xét tư tưởng và hành vi của mình, cái nào đúng thì phát huy, cái nào sai thì sửa đổi.

    Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối: Đêm đêm tự tỉnh tu hành ăn năn.

  • Tự tôn tự đại

    Tự tôn tự đại

    自尊自大

    A: To be proud.

    P: S"énorgueillir.

    Tự: Mình, chính mình. Tôn: kính trọng, nâng lên. Đại: lớn.

    Tự tôn là tự nâng mình lên, tự cho mình là cao quí.

    Trái với Tự tôn là Tự ty.

    Tự tôn tự đại là tự cho mình là lớn, là cao quí, không ai bằng, nên tỏ ra kiêu căng và khinh người.

  • Tự tứ

    Tự tứ

    自恣

    Tự: Mình, chính mình. Tứ: tự ý muốn làm gì thì làm.

    Tự tứ là tùy ý. Đây là từ ngữ thường dùng bên Phật giáo.

    "Nghi thức vào ngày cuối cùng của thời kỳ an cư kết hạ, theo luật cũ là ngày 16 tháng 7, theo luật mới là ngày 15 tháng 8, lấy ngày mọi người tự nêu ra các tội lỗi mà mình mắc phải trước các tỳ kheo và tự sám hối, nên gọi là Tự tứ.

    Còn gọi là Tùy ý là vì tùy theo ý của người khác mà nêu ra các lỗi mình phạm phải."

    Việc Tự tứ có mục đích bảo tồn giới luật của Phật đã ban ra, do đó cũng gọi là ngày Hoan Hỷ, vì ngày đó, chư Phật thập phương đều hoan hỷ, có cuộc tự tứ sám hối, có cuộc cúng dường cho chư tăng, chư Phật do chư thiện tín dâng hiến để cầu phước cho ông bà cha mẹ quá vãng.

  • Tự ty mặc cảm

    Tự ty mặc cảm

    自卑默感

    A: Inferiority complex.

    P: Le complexe d"infériorité.

    Tự: Mình, chính mình. Ty: thấp, hèn. Mặc cảm: suy nghĩ thầm lặng có tánh cách riêng biệt.

    Tự ty là tự cho mình thấp kém hơn người.

    Tự ty mặc cảm là tự suy nghĩ thầm lặng cho rằng mình yếu kém thua sút người.

  • Tự vận

    Tự vận

    自刎

    A: To kill oneself.

    P: Se tuer.

    Tự: Mình, chính mình. Vận: Vẫn: lấy dao đâm cổ chết.

    Tự vận hay Tự vẫn là tự mình đâm cổ mình chết.

    Nghĩa thường dùng: Tự vận là tự tử.

    Kinh Sám Hối: Liều mình tự vận không màng thảo ngay.

  • TỨC

    TỨC

    TỨC: 即 - Liền ngay. - Tức là, như nhau.

    Thí dụ: Tức cấp, Tức thị, Tức tâm tức Phật.

  • Tức cấp

    Tức cấp

    即急

    A: Immediately.

    P: Immédiatement.

    Tức: - Liền ngay. - Tức là, như nhau. Cấp: gấp, cần kíp.

    Tức cấp là liền khi đó, gấp rút, cần kíp.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Nhứt là sự chi làm hại cho phương diện Đạo phải tức cấp cho Thông Sự hay đặng điều đình thế nào cho an ổn.

  • Tức cảnh sanh tình

    Tức cảnh sanh tình

    即景生情

    Tức: - Liền ngay. - Tức là, như nhau. Cảnh: phong cảnh. Sanh: sanh ra. Tình: tình cảm, cảm xúc.

    Tức cảnh là cảnh vật thấy ngay trước mắt.

    Tức cảnh sanh tình là nhìn thấy cảnh đẹp trước mắt sanh mối cảm xúc trong lòng, nẩy ra ý thơ, làm thành bài thơ.

  • Tức nước vỡ bờ

    Tức nước vỡ bờ

    Tức: (nôm) bế lại, áp bức. Vỡ: bể ra. Bờ: bờ đất đắp cao để giữ nước lại.

    Tức nước vỡ bờ là nước bị bế lại, không lối thoát, đến một lúc nào đó, nó sẽ làm bờ đất bể ra để chảy tuôn ra ngoài.

    Thành ngữ nầy có ý nói: Bức bách người ta quá mức, không còn chịu nổi nữa thì người ta sẽ vùng lên, chống cự lại.

  • Tức tâm tức Phật

    Tức tâm tức Phật

    即心即佛

    Tức: - Liền ngay. - Tức là, như nhau. Tâm: cái tâm của con người. Phật: Đức Phật.

    Tức tâm tức Phật là: Tâm mình là Phật, mà Phật cũng là tâm mình. Phật và tâm chẳng phải là hai thứ khác nhau.

    Tức tâm tức Phật còn được nói là: Phật tức tâm, tâm tức Phật; Tức tâm thị Phật, Tức tâm thành Phật.

    Khi Tâm đã diệt hết phiền não, hết vọng động, trở nên thanh tịnh, thì Tâm ấy chính là Phật rồi, không phải tìm Phật ở đâu xa.

    "Chư Phật và tất cả chúng sanh chỉ là một Tâm, không có pháp nào khác. Tâm nầy từ vô thủy tới nay không từng sanh, không từng diệt, không xanh không vàng, không hình tướng, không thuộc có không, không mới không cũ, không dài không ngắn, không ti không nhỏ, siêu việt tất cả hạn lượng danh ngôn, tung tích đối đãi, đương thể tức là nó. Giống như Hư không, không có biên giới, không thể đo lường.

    Chỉ một Tâm nầy là Phật, phải hiểu thẳng cái Tâm nầy vốn là Phật. Không một phép nào khác có thể được, không một nết nào khác có thể tu.

    Đây mới là Vô thượng đạo, mới thực là Phật.

    Tức Tâm là Phật, Vô Tâm là Đạo.

    Còn nói: Tổ Sư từ phương Tây tới đây chỉ truyền Tâm Phật, chỉ thẳng vào Tâm của các ông vốn là Phật. Nếu thấy ngay được ý nầy thì lập tức siêu việt tất cả chư vị của Tam thừa." (Trích trong Truyền Tâm Pháp)

    Phật giáo gọi cái đó là Tâm, các tôn giáo khác thì gọi cái đó là Linh hồn. Người chấp thì nói: chỉ có Tâm chớ không có Linh hồn, hoặc chỉ có Linh hồn chớ không có Tâm.

    Ngày nay trong Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dạy cho chúng ta biết: cái đó là phần vô hình của con người, gồm có hai thể: Chơn thần và Linh hồn.

    Chơn thần là xác thân thiêng liêng của Linh hồn, còn Linh hồn là điểm linh quang của Đấng Thượng Đế chiết ra từ khối Đại linh quang của Ngài để ban cho mỗi người. Linh hồn điều khiển chơn thần, chơn thần điều khiển thể xác vật chất.

    Linh hồn là điểm linh quang của Thượng Đế nên nó có cùng bản chất với Thượng Đế, nó chính là một Tiểu Thượng Đế. Phật giáo nói Tâm tức Phật là vậy.

  • Tức thị

    Tức thị

    即是

    A: That is to say.

    P: C"est à dire.

    Tức: - Liền ngay. - Tức là, như nhau. Thị: là, ấy là.

    Tức thị: tức là, chính là.

    Sắc tức thị Không: Sắc tức là Không.

    Không tức thị Sắc: Không tức là Sắc.

  • Tức thuyết

    Tức thuyết

    即說

    Tức: - Liền ngay. - Tức là, như nhau. Thuyết: nói rõ ra.

    Tức thuyết là liền nói rõ ra.

    Kinh Cứu Khổ: Tín thọ phụng hành, tức thuyết Chơn ngôn viết:

  • Tước đoạt

    Tước đoạt

    削奪

    A: To dispossess.

    P: Dépossesser.

    Tước: lột bỏ, cướp bóc. Đoạt: chiếm lấy.

    Tước đoạt là lột bỏ và chiếm lấy.

    Tước đoạt quyền hành: lột bỏ và chiếm lấy quyền hành.

  • Tước vị

    Tước vị

    爵位

    A: Dignity and rank.

    P: Dignité et rang.

    Tước: chức tước. Vị: địa vị.

    Tước vị là chức tước và địa vị.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trung, Lịch đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta.

  • TƯƠNG

    TƯƠNG

    1. TƯƠNG: 相 Cùng nhau, đối lẫn nhau.

    Thí dụ: Tương đắc, Tương thân.

    2. TƯƠNG: 將 Sắp, hầu, sẽ, đem, lấy.

    Thí dụ: Tương lai, Tương công.

  • Tương công chiết tội

    Tương công chiết tội

    將功折罪

    Tương: Sắp, hầu, sẽ, đem, lấy. Công: công đức. Chiết: giảm bớt, trừ bớt.

    Tương công chiết tội là lấy công trừ tội, lấy công đức trừ bớt tội tình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ai giữ trọn bực phẩm thì đặng Tòa Nghiệt Cảnh tương công chiết tội, để vào địa vị cao hơn chốn địa cầu 68 nầy.

  • Tương đắc

    Tương đắc

    相得

    A: To be in agreement.

    P: S"entendre.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Đắc: được.

    Tương đắc là hòa hợp với nhau.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời...

  • Tương đối

    Tương đối

    相對

    A: Relative.

    P: Relatif.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Đối: đối với.

    Tương đối là có quan hệ với nhau.

    Tương đối là không hoàn toàn, còn bị hạn chế.

    Thí dụ: Công việc truyền giáo nơi nước Lào vào năm 1927 chỉ đạt được một kết quả tương đối mà thôi.

    Chủ nghĩa Tương đối: gồm nhiều quan điểm khác nhau, nhưng thống nhứt nhau ở nguyên lý chung, là tất cả tri thức của con người đều là tương đối, chúng chỉ có giá trị trên một lập trường nào đó.

    Thuyết Tương đối: do nhà bác học Einstein (1879-1955) lập ra vào năm 1905: Thuyết Tương đối hẹp, và năm 1916: Thuyết Tương đối rộng.

    Thuyết Tương đối của Einstein lật đổ quan niệm cho thời gian, không gian và vận động chất lượng là tuyệt đối.

    Thuyết Tương đối đưa đến hậu quả là phải vứt bỏ một số khai niệm đã được chấp nhận lúc trước:

    · Khí êthe không có nữa. Khí êthe là một chất rất tế nhị hầu như không có trọng lượng, được ức đoán để giải thích sự truyền đi của ánh sáng và điện tử.

    · Thời gian và không gian không thể xác định một cách tuyệt đối được.

    · Tất cả các hiện tượng đều liên hệ nhau.

  • Tương hiệp

    Tương hiệp

    相合

    A: Compatible.

    P: Compatible.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Hiệp: Hợp: hòa hợp.

    Tương hiệp là hòa hợp với nhau.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Sự sống của vạn loại trong Càn Khôn Thế Giới chỉ nhờ có vật chất và tinh thần tương hiệp mới thành.

  • Tương hội

    Tương hội

    相會

    A: To gather together.

    P: Se réunir.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Hội: tụ họp.

    Tương hội là tụ họp lại với nhau.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Thảng các tôn giáo ấy, Chí Tôn đem dung hòa đặng họ tương hội mà họ không nghe thì ta mới làm sao?

  • Tương kế tựu kế

    Tương kế tựu kế

    將計就計

    A: To use the enemy "s strategy to fight the enemy.

    P: Profiter de la ruse employée par les adversaires.

    Tương: Sắp, hầu, sẽ, đem, lấy. Kế: mưu kế. Tựu: nên việc.

    Tương kế tựu kế là lấy cái mưu kế của đối phương để sắp đặt ra cái mưu kế của mình mà đánh thắng đối phương.

  • Tương lai

    Tương lai

    將來

    A: The future.

    P: L" avenir.

    Tương: Sắp, hầu, sẽ, đem, lấy. Lai: tới, đến.

    Tương lai là sẽ tới, sắp tới, tức là thời gian sắp tới.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy há chẳng có lời tiên tri rằng Thần Linh Học là một nền đạo tương lai sao?

  • Tương phân

    Tương phân

    相分

    A: To separate.

    P: Séparer.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Phân: chia ra.

    Tương phân là chia rẽ nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lại có dạ ghét lẫn tương phân.

  • Tương phùng

    Tương phùng

    相逢

    A: To meet each other.

    P: Se rencontrer.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Phùng: gặp.

    Tương phùng, đồng nghĩa Tương ngộ, nghĩa là gặp nhau.

    Câu đối:
    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
    Vô duyên đối diện bất tương phùng.

    Nghĩa là:

    Có duyên thì ngàn dặm có thể gặp nhau,
    Không duyên thì đối mặt cũng không gặp nhau.
  • Tương sanh tương khắc

    Tương sanh tương khắc

    相生相剋

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Sanh: sanh ra. Khắc: chế phục.

    Tương sanh tương khắc là nói về Ngũ Hành, các Hành có tính tương sanh và tương khắc với nhau.

    Tương sanh (Hành nầy sanh ra Hành kia): Kim sanh Thủy, Thủy sanh Mộc, Mộc sanh Hỏa, Hỏa sanh Thổ, Thổ sanh Kim.

    Tương khắc (Hành nầy chế phục Hành kia): Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim. (Xem: Ngũ Hành, vần H)

  • Tương tàn tương sát

    Tương tàn tương sát

    相殘相殺

    A: To kill each other.

    P: S" entretuer.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Tàn: làm hại. Sát: giết chết.

    Tương tàn tương sát là giết hại lẫn nhau.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nhơn loại tương tàn tương sát với nhau vì họ bội tín, biết thù hận nhau hơn là thống hiệp thương yêu.

  • Tương tế

    Tương tế

    相濟

    A: The mutuality.

    P: La mutualité.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Tế: giúp đỡ.

    Tương tế là giúp đỡ lẫn nhau.

    Hội Tương tế là một hội gồm nhiều hội viên, có nhiệm vụ giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi một hội viên gặp nạn.

  • Tương thân tương ái

    Tương thân tương ái

    相親相愛

    A: The mutual affection.

    P: L" affection mutuelle.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Thân: gần gũi thân yêu. Ái: thương yêu.

    Tương thân tương ái là gần gũi thương yêu nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy mầng các con đã chịu lao tâm tiêu tứ mà vun đắp nền Đạo, làm cho mối tương thân tương ái càng khắng khít vững bền.

  • Tương truyền

    Tương truyền

    相傳

    A: To transmit by oral tradition.

    P: Transmettre par tradition.

    Tương: Cùng nhau, đối lẫn nhau. Truyền: chuyển đi.

    Tương truyền là lời nói được truyền miệng trong dân gian từ đời nầy qua đời khác.

  • TƯỜNG

    TƯỜNG

    1. TƯỜNG: 詳 Rõ ràng.

    Thí dụ: Tường tận, Tường trình.

    2. TƯỜNG: 祥 Lành, tốt lành.

    Thí dụ: Tường quang, - vân.

  • Tường quang

    Tường quang

    祥光

    A: The lucky light.

    P: La lumière faste.

    Tường: Lành, tốt lành. Quang: ánh sáng.

    Tường quang là ánh sáng lành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tường quang nhứt khí chiếu minh đông.

  • Tường tận

    Tường tận

    詳盡

    A: Thoroughly.

    P: Profondément.

    Tường: Rõ ràng. Tận: hết, hoàn toàn.

    Tường tận là hoàn toàn rõ ràng, rõ đến từng chi tiết.

  • Tường thụy

    Tường thụy

    祥瑞

    A: The good omen.

    P: Le bon présage.

    Tường: Lành, tốt lành. Thụy: điềm tốt.

    Tường thụy là điềm tốt lành.

  • Tường trình

    Tường trình

    詳呈

    A: To expound clearly.

    P: Exposer clairement.

    Tường: Rõ ràng. Trình: tỏ bày cho người trên biết.

    Tường trình là báo cáo rõ ràng từng chi tiết cho cấp trên.

  • Tường vân

    Tường vân

    祥雲

    A: The cloud of good omen.

    P: Le nuage du bon présage.

    Tường: Lành, tốt lành. Vân: mây.

    Tường vân là mây lành.

    Ngũ sắc tường vân: năm sắc mây lành.

  • TƯỚNG

    TƯỚNG

    1. TƯỚNG: 相 Hình dáng bề ngoài.

    Thí dụ: Tướng diện.

    2. TƯỚNG: 將 Chức quan võ.

    Thí dụ: Tướng sĩ, Tướng soái.

  • Tướng diện

    Tướng diện

    相面

    A: The physiognomy.

    P: La physionomie.

    Tướng: Hình dáng bề ngoài. Diện: mặt, vẻ mặt.

    Tướng diện là hình dáng và vẻ mặt.

  • Tướng sĩ

    Tướng sĩ

    將士

    A: The officers and soldiers.

    P: Les officiers et soldats.

    Tướng: Chức quan võ. Sĩ: binh lính.

    Tướng sĩ là các tướng tá và binh sĩ, chỉ chung quân đội.

  • Tướng soái

    Tướng soái

    將帥

    A: The general of army.

    P: Le général de l"armée.

    Tướng: Chức quan võ. Soái: Súy: vị tướng cầm quân đi đánh giặc.

    Tướng soái là chỉ chung các vị tướng chỉ huy quân đội.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Kẻ phò cơ chấp bút cũng như tướng soái của Thầy để truyền Đạo cho thiên hạ.

    Thánh giáo tại Minh Thiện Đàn (Phú Mỹ) ngày 24-10-Nhâm Thân (dl 21-11-1932), Đức Lý Giáo Tông dạy về: Kẻ phò loan là tướng soái của Đức Chí Tôn:

    "Nghe Lão phân cho cạn, phần tướng soái có đủ 8 đức, tức là: hạnh, đức, trí, lực, oai, nghiêm, minh, chánh, mới là đủ phận. Như tướng soái mà không oai lịnh thì ba quân không phục, tất nhiên loạn hàng thất thứ, còn hiệu lịnh chẳng nghiêm thì ba quân sợ giặc mà không kiêng tướng soái, thì trăm trận trăm thua.

    Vậy nay chư nhu nhìn rằng, quân hữu tướng, long hữu vân, thì Lão phải phân phần trách nhậm chớ."...

  • Tướng tự tâm sanh

    Tướng tự tâm sanh

    相自心生

    Tướng: Hình dáng bề ngoài. Tự: từ đó. Tâm: cái tâm. Sanh: sanh ra.

    Tướng tự tâm sanh là cái hình dáng của con người có vẻ lành hay dữ là do cái tâm sanh ra.

    Người chơn chánh thì tướng hảo quang minh. Người hung dữ thì tướng mạo kịch cợm. Người gian ác thì tướng mạo bất chánh. Do đó, có thể nhìn tướng mạo mà đoán lòng người.

    Sách Minh Tâm Bửu Giám có chép rằng:

    Cổ nhân hình tợ thú, tâm hữu đại Thánh đức.
    Kim nhân biểu tự nhân, thú tâm an khả trắc.
    Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh,
    Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt.

    Nghĩa là:

    Người xưa hình giống thú, lòng có đức đại thánh.
    Người nay bề ngoài giống người, lòng thú sao khá lường.
    Có tâm không tướng, tướng từ tâm sanh ra.
    Có tướng không tâm, tướng theo tâm mà mất đi.
  • TƯỞNG

    TƯỞNG

    1. TƯỞNG: 想 Nhớ nghĩ.

    Thí dụ: Tưởng niệm.

    2. TƯỞNG: 獎 Khen thưởng.

    Thí dụ: Tưởng lệ.

  • Tưởng lệ

    Tưởng lệ

    獎勵

    A: To encourage.

    P: Encourager.

    Tưởng: Khen thưởng. Lệ: gắng sức.

    Tưởng lệ là khen ngợi và khuyến khích.

  • Tưởng lục

    Tưởng lục

    獎錄

    A: Certificate of felicitation.

    P: Certificat de félicitation.

    Tưởng: Khen thưởng. Lục: ghi vào sổ.

    Tưởng lục là giấy khen, bằng ban khen.

  • Tưởng niệm

    Tưởng niệm

    想念

    A: To think.

    P: Penser.

    Tưởng: Nhớ nghĩ. Niệm: nhớ tới.

    Tưởng niệm là nhớ nghĩ tới người đã chết với lòng tôn kính và biết ơn.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Hôm nay là ngày kỷ niệm của Đức Quyền Giáo Tông, toàn thể anh em chúng ta nên để tâm tưởng niệm một người anh cả lớn nhứt, vĩ đại nhứt của chúng ta.

  • Tưởng tín

    Tưởng tín

    想信

    A: To believe.

    P: Croire.

    Tưởng: Nhớ nghĩ. Tín: tin.

    Tưởng tín là tin tưởng, tưởng nghĩ tới và tin là thật.

    Kinh Tiểu Tường: Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín.

  • Tượng mắng (Tượng mảng)

    Tượng mắng (Tượng mảng)

    Tượng: vì, bởi vì. (từ ngữ xưa, nay không dùng)

    Mắng hay Mảng: nghe. (từ ngữ xưa, nay không dùng)

    [Thí dụ: Mắng tin là nghe tin. Mắng tiếng là nghe tiếng].

    Chữ Hán Cái văn: 蓋聞 Cái là bởi vì, Văn là nghe.

    Cái văn là bởi vì nghe rằng, vì nghe nói rằng. Người xưa dịch Cái văn là Tượng mắng hay Tượng mảng.

    Mở đầu bài BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO là:

    "Cái văn, nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân."

    Nghĩa là: Vì nghe rằng, việc nhân nghĩa cốt ở an dân.

  • TỬU

    TỬU

    TỬU: 酒 Rượu.

    Thí dụ: Tửu nhục, Tửu quỳnh.

  • Tửu nang phạn đại

    Tửu nang phạn đại

    酒囊飯袋

    Tửu: Rượu. Nang: cái túi. Phạn: cơm. Đại: cái đãy.

    Tửu nang phạn đại là túi rượu đãy cơm, ý nói người vô dụng, đồng nghĩa thành ngữ: Giá áo túi cơm.

  • Tửu nhập ngôn xuất

    Tửu nhập ngôn xuất

    酒入言出

    A: Drinking causes loquaciousness.

    P: Quand l"alcool entre, les paroles sortent.

    Tửu: Rượu. Nhập: đi vào. Ngôn: lời nói. Xuất: đi ra.

    Tửu nhập ngôn xuất: rượu vào lời ra.

    Ý nói: người uống rượu nhiều thì say sưa, không kềm giữ được lý trí, nói ra nhiều chuyện lung tung không vào đâu cả, làm mất phẩm chất của con người.

  • Tửu nhập tâm di

    Tửu nhập tâm di

    酒入心移

    A: When the wine is in, wit is out.

    P: Quand l"alcool entre, l"esprit sort.

    Tửu: Rượu. Nhập: đi vào. Tâm: cái tâm. Di: dời đổi.

    Tửu nhập tâm di là uống rượu vào thì cái tâm dời đổi.

    Thuở mới khai đạo, ông Lê Châu Trì thường hay uống rượu, nên khi vào hầu đàn, ông thường hôi mùi rượu làm cho không khí của đàn cơ bị ô uế. Đức Lý Thái Bạch cấm rượu, nên buộc ông Lê Châu Trì phải bỏ rượu, và phải lập thệ để quyết tâm chừa bỏ. Đức Lý dạy ông Lê Châu Trì như sau:

    Trì! nghe dạy. Sơn! phải lấy một ly rượu nhỏ, một ly rượu lớn, rót ly nhỏ vào ly lớn, đem lại đây....

    Đưa cho nó cầm, đội ngay trán thề rằng:

    "Tôi tên là Lê Châu Trì thề uống Tiên tửu một phen với Lý Đại Tiên, từ đây không uống nữa, như ngày sau phạm giới, Ngũ Lôi đả tử."

    Như Quỉ giục thì hiền hữu niệm câu nầy: "Tửu nhập tâm di, hại tổn bình sanh chi đức, tánh thiên đạo diệt, dục tranh thế sự chi oan." Giải nghĩa: Rượu vào lòng đổi, hại hao đức bình sanh, tánh dời đạo hủy, muốn tranh oan nghiệt thế tình.

    Trì! nhớ nghe! Đợi hầu Thầy. (ĐS.II. 134)

  • Tửu nhục

    Tửu nhục

    酒肉

    A: The wine and meat.

    P: L"alcool et la viande.

    Tửu: Rượu. Nhục: thịt.

    Tửu nhục là rượu thịt, tức là uống rượu ăn thịt.

    Đây là điều răn cấm thứ tư trong Ngũ Giới Cấm: Tứ bất tửu nhục: Cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị.

    Tửu nhục bằng hữu: bạn bè rượu thịt. Ý nói: còn rượu thịt thì còn bạn bè, hết rượu thịt thì hết bạn bè, không có tình nghĩa chi hết.

  • Tửu quỳnh

    Tửu quỳnh

    酒瓊

    A: The excellent liquor.

    P: La liqueur excellente.

    Tửu: Rượu. Quỳnh: ngọc quỳnh, loại ngọc quí màu đỏ.

    Thuở xưa, các vua chúa hay các nhà đại phú lấy ngọc quỳnh cho thợ đẽo gọt làm thành chung uống rượu, vì chất ngọc quỳnh có đặc tính làm tăng thêm mùi vị thơm ngon của rượu.

    Tửu quỳnh là rượu đựng trong cái chung bằng ngọc quỳnh, ý nói: rượu ngon, rượu quí.

    Bài Dâng Rượu: Thành kính Trường Xuân chước tửu quỳnh.

  • Tửu sắc

    Tửu sắc

    酒色

    A: The alcohol and luxury.

    P: L"alcool et luxure.

    Tửu: Rượu. Sắc: vẻ đẹp của phụ nữ.

    Tửu sắc là rượu và gái đẹp, ý nói việc rượu chè trai gái.

    Tửu sắc tài khí: gọi chung là Tứ đổ tường. (Xem chi tiết nơi chữ: Tứ đổ tường).

  • TỰU

    TỰU

    TỰU: 就 Tới, gánh vác.

    Thí dụ: Tựu chức, Tựu vị.

  • Tựu chức

    Tựu chức

    就職

    A: To take up one"s duty.

    P: Entrer en fonction.

    Tựu: Tới, gánh vác. Chức: chức vụ, chức tước.

    Tựu chức là tới nhậm chức, tới đó để gánh vác chức vụ.

  • Tựu hội

    Tựu hội

    就會

    A: To go to a reunion.

    P: Aller à une réunion.

    Tựu: Tới, gánh vác. Hội: tụ họp, hội nghị.

    Tựu hội là đến một chỗ để hội họp với nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hiếu nghĩa tương lai sau tựu hội.

  • Tựu trung

    Tựu trung

    就中

    A: In which.

    P: Dans lequel.

    Tựu: Tới, gánh vác. Trung: ở trong.

    Tựu trung là đến ở trong đó, trong đó.

    Thí dụ: Tựu trung có gì ám muội đấy.

  • Tựu vị

    Tựu vị

    就位

    A: To come to one"s place.

    P: Venir à sa place.

    Tựu: Tới, gánh vác. Vị: chỗ đứng.

    Tựu vị là tới chỗ đứng.

    Thí dụ: Khi Lễ sĩ xướng: Tế chủ tựu vị, thì người chủ tế đến đứng tại chỗ đứng của mình để khởi sự hành lễ.

  • Ty hào

    Ty hào

    絲毫

    A: A very small part.

    P: Une partie très petite.

    Ty: sợi tơ, vật rất nhỏ. Hào: nhỏ lắm.

    Ty hào là một phần rất nhỏ.

  • Tỳ bà

    Tỳ bà

    琵琶

    A: A kind of guitar.

    P: Une sorte de guitare.

    Tỳ bà là một loại đàn xưa, xuất xứ từ bên Tàu, đàn có 4 dây, mặt phẳng, thùng bầu, cổ dài.

    Trong các ban cổ nhạc đều có đàn tỳ bà.

  • Tỳ kheo

    Tỳ kheo

    毘丘

    A: The monk.

    P: Le moine.

    Tỳ kheo, còn được gọi là: Tỳ khâu, Tỳ khưu, Tỳ khiêu,

    tiếng Phạn là: Bhiksu, được phiên âm là: Bật sô, Bức sô, nghĩa là Khất sĩ.

    Người xuất gia theo đạo Phật, thọ giới Cụ túc, nam thì gọi là Tỳ kheo, nữ thì gọi là Tỳ kheo ni.

    Tỳ kheo, nghĩa là Khất sĩ, trên thì khất pháp (xin pháp) từ Đức Phật để luyện thân, dưới thì tới chỗ người thế tục để khất thực (xin ăn) để nuôi thân. Người hành khất ở thế gian chỉ xin cơm áo chớ chẳng xin pháp, nên chẳng gọi là Tỳ kheo.

    Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, tăng ni Phật giáo đều sống bằng khất thực hằng ngày.

    Chế độ Khất sĩ hiện nay được duy trì ở các nước Phật giáo Nam Tông như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Miên, Việt Nam,... Mục đích của việc khất thực là tạo ra mối liên hệ thân thiết giữa tăng sĩ và dân chúng, tạo cơ hội cho tăng sĩ hướng dẫn dân chúng về mặt đạo đức và tâm linh, còn dân chúng thì có cơ hội cúng dường tăng sĩ, tạo được phước đức cho bản thân mình, hay kết duyên lành với việc tu hành.

    "Y theo pháp, Tỳ kheo phải bỏ nhà cửa gia sản, đi du hóa trong nhơn gian, xin ăn nuôi thân, tùy nơi mà giáo hóa, độ kẻ có duyên phúc và độ người chưa tin, phải tin việc Phật Thánh và nhân quả. Đó là xin ăn để nuôi thân xác và luôn dịp độ người. Còn xin pháp để nuôi huệ mạng, nghĩa là cầu xin pháp Phật, nối liền cái trí huệ công đức thành tựu của Phật với tâm mình. Ấy là độ mình. Đủ hai điều kiện ấy gọi là Tỳ kheo.

    Tỳ kheo phải trên 20 tuổi, trước phải làm Sa di. Hồi còn làm Sa di thì giữ Thập giới với oai nghi Sa di. Chừng thọ chức Tỳ kheo thì phải giữ đủ 250 giới.

    Nhưng muốn làm Tỳ kheo phải có đủ những điều kiện nầy: Chẳng tật bịnh như: cùi, ung thư, ghẻ độc, suyển, điên. Phải là người thiệt, chớ chẳng phải yêu ma, thần, quỉ, hóa ra người. Phải có đủ tướng nam nhơn. Phải là người vô sự, không mắc nợ, không đương làm quan làm tướng, phải có cha mẹ thuận cho xuất gia, phải có bát và áo cà sa. Lại chẳng phải giả danh tu, chẳng còn theo ngoại đạo, chẳng có phạm những tội sát hại cha mẹ, La Hán, Phật, chẳng phạm dâm với Tỳ kheo ni.

    Làm Tỳ kheo có thể trụ trì một ngôi chùa, làm chức Thủ tọa. Mỗi năm nên đi dự Trường hương (Nhập hạ), làm một vị trong Ban Thất Chứng (7 vị chứng) để truyền giới cho mấy vị Tỳ kheo mới.

    Dự được 5 kỳ Trường hương thì được lên chức Giáo Thọ (thầy dạy đạo), kế Kiết Ma hay Yết Ma (thầy dạy Luật).

    Dự được 10 kỳ Trường hương sắp lên thì đến khai Trường Kỳ, được lên chức Hòa Thượng."

    "Trong Duy Ma Kinh có chú giải: Tỳ kheo là tiếng thiên trước, gồm đủ bốn nghĩa: 1. Tịnh khất thực. 2. Phá phiền não. 3. Tịnh trì giới. 4. Năng bố ma (có sức làm tà ma sợ sệt)."

    (Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn)

    Kinh Cứu Khổ: Ma kheo Ma kheo, Thanh Tịnh Tỳ kheo, quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu, chư Đại Bồ Tát,....

  • Tỳ vị

    Tỳ vị

    脾胃

    A: Spleen and stomach.

    P: Rate et estomac.

    Tỳ: lá lách. Vị: bao tử, dạ dày.

    Tỳ vị là lá lách và bao tử.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Như uống rượu vào tỳ vị, nó chạy vào ngũ tạng lục phủ đủ hết,...

  • Tỷ muội

    Tỷ muội

    姊妹

    A: Elder sister and younger sister.

    P: Soeur aỵnée et soeur cadette.

    Tỷ: chị. Muội: em gái.

    Tỷ muội là chị và em gái.

    Huynh đệ là anh và em trai. Huynh tỷ là anh và chị.

    Huynh tỷ đệ muội là: anh, chị, em trai và em gái.

  • TỴ

    TỴ

    1. TỴ: 避 Tránh đi chỗ khác.

    Thí dụ: Tỵ nạn, Tỵ trần.

    2. TỴ: 鼻 Còn đọc là Tỹ: cái mũi, bắt đầu.

    Thí dụ: Tỵ thức (Tỹ thức), Tỵ Tổ (Tỹ Tổ)

  • Tỵ hiềm

    Tỵ hiềm

    避嫌

    A: To avoid suspicions.

    P: Éviter les soupçons.

    Tỵ: Tránh đi chỗ khác. Hiềm: nghi ngờ.

    Tỵ hiềm là tránh sự nghi ngờ, tránh những việc có thể sanh ra mối nghi ngờ.

  • Tỵ nạn

    Tỵ nạn

    避難

    A: To flee from the danger, to be a refugee.

    P: Fuir les dangers, se refugier.

    Tỵ: Tránh đi chỗ khác. Nạn: tai nạn do chiến tranh.

    Tỵ nạn là lánh nạn, đi tránh khỏi vùng nguy hiểm.

    Trại tỵ nạn là nơi tạm dựng lên để cho những người tỵ nạn đến ở tạm một thời gian, chờ khi nào bình yên thì đưa người tỵ nạn trở về nguyên quán.

  • Tỵ thế - Tỵ trần

    Tỵ thế - Tỵ trần

    避世 - 避塵

    A: To escape the world.

    P: Fuir le monde.

    Tỵ: Tránh đi chỗ khác. Thế: cõi đời. Trần: cõi trần.

    Tỵ thế, đồng nghĩa Tỵ trần, là lánh đời, tức là đi ở ẩn.

  • Tỵ thức (Tỹ thức)

    Tỵ thức (Tỹ thức)

    鼻識

    A: The knowledge of nose.

    P: La connaissance du nez.

    Tỵ: Tỹ: cái mũi, bắt đầu. Thức: nhận biết.

    Tỹ thức là sự nhận biết các mùi (thơm, hôi) của cái mũi.

    Phật giáo gọi cái mũi là Tỹ căn, nhờ Tỹ căn mới có Tỹ thức, nhờ Tỹ thức mới có Hương dục. (Xem: Lục dục)

  • Tỵ Tổ (Tỹ Tổ)

    Tỵ Tổ (Tỹ Tổ)

    鼻祖

    A: The earliest ancestor.

    P: Le premier ancêtre.

    Tỵ: Tỹ: cái mũi, bắt đầu. Tổ: ông tổ, người sanh ra một dòng họ.

    Tỹ Tổ là ông thủy tổ của nhơn loại, tức là ông tổ đầu tiên của nhơn loại.

    Ở bên Tàu, theo giáo lý của đạo Tiên tức Lão giáo, thủy tổ của nhơn loại là ông Bàn Cổ.

    Bên Tây phương, theo giáo lý của đạo Do Thái, Thiên Chúa giáo và Tin Lành, thủy tổ của nhơn loại là ông Adam và bà Êva.

    Kinh Tiên Giáo: Đạo pháp bao la, Cửu Hoàng Tỹ Tổ.