Cao Đài Tự Điển - Vần U
ID021002 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần U 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • U

    U

    U: 幽 Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín.

    Thí dụ: U ám, U đồ, U hiển, U minh.

  • U ám

    U ám

    幽暗

    A: Obscure, dark.

    P: Obscur, sombre.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Ám: tối tăm.

    U ám là tối tăm, chỉ cõi Âm phủ.

    Kệ chuông: Nhứt vi u ám tất giai văn.

  • U đồ

    U đồ

    幽途

    A: The obscure way.

    P: Le chemin obscur.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Đồ: con đường.

    U đồ là con đường tối tăm, ý nói con đường đi vào hay đi ra khỏi cõi Âm phủ.

    Kệ chuông: Sám hối âm hồn xuất u đồ.

  • U hiểm

    U hiểm

    幽險

    A: Obscure and dangerous.

    P: Obscur et dangereux.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Hiểm: nguy hiểm.

    U hiểm là tối tăm và nguy hiểm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy cũng lắm nỗi thương đau mà nắm cân công bình ngó xem một phần trong các con sa nơi u hiểm.

  • U hiển

    U hiển

    幽顯

    A: Darkness and light.

    P: L"obscurité et lumière.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Hiển: hiện ra rõ ràng.

    U hiển là tối tăm và hiện ra rõ ràng, ý nói: cõi Âm phủ tối tăm và cõi dương gian hiện ra rõ ràng, tức là cõi của người chết và cõi của người sống.

    Kinh Cầu Siêu: Hộ thương sanh u hiển khương ninh.

  • U hồn

    U hồn

    幽魂

    A: The soul of dead person.

    P: L"âme du mort.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Hồn: linh hồn.

    U hồn là linh hồn người chết nơi cõi Âm phủ.

  • U huyền

    U huyền

    幽玄

    A: Hidden and dark.

    P: Caché et sombre.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Huyền: sâu kín.

    U huyền là vắng vẻ và sâu kín.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hay tìm nơi u huyền mà nghĩ nghị trong trí khôn.

  • U khổ cùng sầu

    U khổ cùng sầu

    幽苦窮愁

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Khổ: khổ sở. Cùng: cuối hết. Sầu: buồn rầu.

    U khổ cùng sầu là nơi tối tăm, khổ sở, sầu thảm vô cùng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bước luân hồi sẽ dẫn vào nơi u khổ cùng sầu mà đọa đày đời đời kiếp kiếp.

  • U Lệ

    U Lệ

    幽戾

    U: U Vương, vị vua thứ 12 của nhà Châu, lên ngôi năm 781 trước Tân Luật. Lệ: Lệ Vương, vị vua thứ 10 của nhà Châu, năm 878 trước Tân Luật. Đây là hai vị vua tối tăm, độc ác, bạo ngược của nhà Châu, giống như vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương.

    Theo sử ký Trung quốc, vào thời thượng cổ nước Tàu, vua Di Vương nhà Châu truyền ngôi lại cho Lệ Vương. Lệ Vương hôn ám, bạo ngược, dùng kẻ tiểu nhân làm cận thần, hễ ai làm không vừa lòng thì bắt giết ngay. Dân chúng oán giận, nổi lên đánh đuổi, Lệ Vương chạy trốn vào đất Phệ huyện Hoắc tỉnh Sơn Đông và chết ở nơi đó.

    Con của Lệ Vương là thái tử Tỉnh được lên nối ngôi, ấy là vua Tuyên Vương. Vua Tuyên Vương tu sửa đức hạnh, chỉnh đốn việc chánh trị, nên nước nhà trung hưng, dân chúng trở lại cảnh thái bình. Tuyên Vương ở ngôi được 46 năm, truyền ngôi lại cho con là Cung Niết, ấy là U Vương.

    U Vương say mê tửu sắc, bỏ việc triều chánh, truất phế Hoàng Hậu họ Khương, đưa nàng Bao Tự lên làm Chánh cung, bị Thân hầu (vua nước Thân) là cha của Khương Hoàng Hậu, mượn quân Khuyển Nhung đánh giết được U Vương......

    Trong thời cai trị của hai vua vô đạo: Lệ Vương và U Vương, dân chúng vô cùng nghèo khổ, lầm than, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Đó là hai vua xấu xa tội lỗi nhứt của nhà Châu.

    Cho nên, khi nói hôn quân vô đạo thì lấy hai vua U Vương và Lệ Vương làm điển hình; còn khi nói vua anh minh, dân chúng thái bình thạnh trị thì nói vua Nghiêu và vua Thuấn.

    Đạo phục hưng là vì lòng bác ái từ bi của Đức Chí Tôn, thấy cuộc tuần hoàn hầu mãn, cơ dĩ định cận kề, không lẽ để đám con thảy phải chung chịu trong cuộc tang điền thương hải, mà bị chôn lấp cả xác hồn, nên mới giáng thế phục hưng chơn truyền, để chỉnh đốn đời U Lệ trở lại đời Nghiêu Thuấn, cho người rõ đạo đức tu hành, hầu thuận theo Thiên lý mà bỏ dữ làm lành, kềm nhơn dục để xa đường tội lỗi.

  • U mê

    U mê

    幽迷

    A: Blinded.

    P: Aveuglé.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Mê: mờ ám trí khôn.

    U mê là mê muội.

  • U minh

    U minh

    幽冥

    A: The world of darkness.

    P: Le monde des ténèbres.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Minh: mờ mịt.

    U Minh là tối tăm mờ mịt, chỉ cõi của người chết, cõi Âm phủ, hay cõi để giam hãm những linh hồn tội lỗi mà thường gọi là cõi Địa ngục.

    U minh chung: (Chung là cái chuông). U minh chung là cái chuông mà khi đánh lên, tiếng chuông vang dội truyền đến cõi U minh, để thức tỉnh các linh hồn tội lỗi nơi đó.

    Khi dộng U minh chung thì ngâm bài kệ gọi là: Kệ U minh chung, ngâm xong một câu thì dôïng một tiếng chuông lớn. Bài kệ nầy có mục đích cầu nguyện các linh hồn ỡ cõi U minh hưởng được điều tốt đẹp. (Xem: Kệ U minh chung, vần K)

    Vào ba tháng của ba nguơn trong một năm là: tháng giêng (thượng nguơn), tháng 7 (trung nguơn) và tháng 10 (hạ nguơn), tại Tòa Thánh và các Thánh Thất cũng như Điện Thờ Phật Mẫu, đều phải tổ chức dộng chuông U minh suốt trong tháng đó, phải cử nhân viên công quả trực dộng chuông U minh suốt ngày đêm, liên tục trong một tháng.

    U minh địa: (Địa là các địa cầu). U minh địa là các quả địa cầu trong cõi U minh.

    Trong Thất thập nhị địa (72 địa cầu), địa cầu của nhơn loại chúng ta là địa cầu 68. Bên trên quả địa cầu của chúng ta có 67 địa cầu tiến hóa rất cao, nên trong sáng và nhẹ nhàng, trái lại phía dưới địa cầu 68 của chúng ta là 4 quả địa cầu kém tiến hóa, nên tối tăm ô trược, gọi là U minh địa, gồm 4 địa cầu số: 69, 70, 71 và 72.

    Bốn địa cầu của U minh địa, tối tăm lạnh lẽo, ô trược, dùng để đọa các linh hồn tội lỗi.

    U minh địa dưới quyền chưởng quản và giáo hoá của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, gọi là U Minh Giáo Chủ hay U Minh Đại Đế, Phong Đô Đại Đế.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ai chẳng vẹn trách nhậm nhơn sanh phải bị đọa vào nơi U minh địa.

  • U nhàn

    U nhàn

    幽閒

    A: Solitary.

    P: Solitaire.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Nhàn: rảnh rang thong thả.

    U nhàn là nơi vắng vẻ dành cho người ẩn cư sống thanh nhàn mà tu dưỡng tánh tình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trông vào cảnh thiên nhiên, biết rõ cơ mầu nhiệm mà làm khách u nhàn thanh nhã, núi thẳm rừng xanh.

  • U tịch

    U tịch

    幽僻

    A: Isolated.

    P: Isolé.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Tịch: yên lặng.

    U tịch là vắng vẻ, yên lặng, ít người lui tới.

  • U uất

    U uất

    幽鬱

    A: The unspeakable grief.

    P: Le chagrin inexprimable.

    U: Tối tăm, vắng vẻ, yên lặng, ẩn kín. Uất: kết tụ mà không tan ra được.

    U uất là nỗi đau xót dồn chứa trong lòng không tỏ ra được.

  • Ủ: Vẻ buồn rầu héo hắt.

    Thí dụ: Ủ dột, Ủ ê, Ủ rũ.

  • Ủ dột

    Ủ dột

    A: Melancholy.

    P: Mélancolique.

    Ủ dột là vẻ buồn chán, ảm đạm.

    Nữ Trung Tùng Phận: Sầu đã cháy mặt hoa ủ dột.

  • Ủ ê

    Ủ ê

    A: Sad.

    P: Triste.

    Ủ ê là buồn rầu âm thầm và kéo dài.

    Bài thài hiến lễ vong thường: Ủ ê cảnh cũ vẩn vơ tình.

  • Ủ rũ

    Ủ rũ

    A: Sad and withered.

    P: Triste et flétri.

    Ủ rũ là buồn rầu héo úa như không còn sức sống.

  • Úa xào

    Úa xào

    A: Faded.

    P: Fané.

    Úa: héo, mất tươi. Xào: mất màu vì héo.

    Úa xào là tình trạng cây bị héo, lá cây chuyển dần sang màu vàng nhạt và khô, rũ xuống sắp chết.

    Nữ Trung Tùng Phận: Chừ sao bỏ cảnh úa xào.

  • Uẩn khúc

    Uẩn khúc

    蘊曲

    A: Hidden.

    P: Caché.

    Uẩn: chất chứa, sâu kín. Khúc: cong gãy.

    Uẩn khúc là điều sâu kín ngoắt ngoéo còn ẩn khuất, chưa phơi bày ra được.

  • Uất ức

    Uất ức

    鬱抑

    A: To be indignant at something.

    P: Contenir son indignation.

    Uất: bị bí, không thông. Ức: bực tức.

    Uất ức là nỗi bực tức chất chứa trong lòng.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Gần chúng sanh thì mới biết đặng sự hạnh phúc cùng là sự uất ức của chúng sanh.

  • UẾ

    UẾ

    UẾ: 穢 Dơ dáy, hôi hám, bẩn thỉu.

    Thí dụ: Uế khí, Uế trược, Uế vật.

  • Uế độ - Tịnh độ

    Uế độ - Tịnh độ

    穢土 - 淨土

    A: Impure earth - Pure earth.

    P: Terre impure - Terre pure.

    Uế: Dơ dáy, hôi hám, bẩn thỉu. Độ: Thổ: đất, cõi. Tịnh: trong sạch.

    Uế độ là cõi dơ bẩn, ô uế. Đó là cõi trần của nhơn loại vì cõi nầy có nhiều trược khí. Trái với Uế độ là Tịnh độ.

    Tịnh độ là cõi trong sạch. Đây là cõi Cực Lạc Thế Giới của Đức Phật A-Di-Đà.

  • Uế khí

    Uế khí

    穢氣

    A: Fetid emanations.

    P: Émanations infectes.

    Uế: Dơ dáy, hôi hám, bẩn thỉu. Khí: chất hơi, chất khí.

    Uế khí là chất khí dơ bẩn có mùi hôi hám khó chịu, bốc ra từ những vật dơ dáy hôi thối.

  • Uế mãn sơn hà

    Uế mãn sơn hà

    穢滿山河

    Uế: Dơ dáy, hôi hám, bẩn thỉu. Mãn: đầy. Sơn: núi. Hà: sông. Sơn hà hay San hà: núi sông, đất nước.

    Uế mãn sơn hà là núi sông đầy ô trược. Ý nói: đời loạn lạc, giặc cướp nổi lên khắp nơi trong nước.

  • Uế trược (Uế trọc)

    Uế trược (Uế trọc)

    穢濁

    A: Dirty.

    P: Sale.

    Uế: Dơ dáy, hôi hám, bẩn thỉu. Trược: đục bẩn.

    Uế trược là dơ bẩn hôi hám.

    Kinh Sám Hối: Đương khi uế trược thẳng xông chỗ thờ.

  • Uế vật

    Uế vật

    穢物

    A: The ordure, dirty thing.

    P: L"ordure, l"objet sale.

    Uế: Dơ dáy, hôi hám, bẩn thỉu. Vật: đồ vật.

    Uế vật là vật dơ bẩn.

    Người ta cho rằng tiền bạc là uế vật, vì nó làm cho con người trở nên dơ bẩn, hèn hạ.

  • Úm ma ni bát rị hồng

    Úm ma ni bát rị hồng

    Đây là câu Thần chú của Phật giáo Tây Tạng, bằng tiếng Phạn, viết ra là: "OM MAMI PADME HUM"

    Phật giáo gọi câu Thần chú nầy là: Lục tự đại minh chơn ngôn, phiên âm ra tiếng Việt bằng nhiều câu sau đây:

    · Án ma ni bát di hồng.
    · Ốm ma ni bát mê hồng.
    · Úm ma ni bát rị hồng.

    Câu Thần chú trên được dịch ra tiếng Anh là: "Hail to the jewel in the lotus".

    Giải nghĩa:

    Om: Tiếng khởi đầu của mỗi câu Thần chú, chỉ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, gồm toàn cả vũ trụ. Mani: viên ngọc quí. Padme: hoa sen. Hum: ở trong.

    Toàn câu Thần chú có nghĩa là: Viên ngọc quí nằm trong hoa sen, cầu chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ trợ.

    Hoa sen tượng trưng lòng từ bi, viên ngọc tượng trưng trí huệ. Chỉ khi nào lòng từ bi phát triển đến mức cao độ, giống như cái hoa sen vươn cao khỏi vũng bùn vô minh thì ánh sáng trí huệ mới tỏa ra rực rỡ.

    Đó là ý nghĩa thông thường của câu Thần chú trên. Ngoài ra, còn nhiều ý nghĩa cao siêu hơn nữa, mà chỉ khi nào bước chân vào đường đạo, được huệ tâm huệ trí thì mới có thể hiểu hết trọn vẹn ý nghĩa của câu Thần chú nầy.

    Tương truyền, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ban câu Thần chú nầy cho dân Tây Tạng. Do đó, người Tây Tạng rất tôn sùng và tin tưởng câu Thần chú, thường khắc lên các tảng đá để cầu nguyện. Một hòn đá, khi đã được khắc câu Thần chú nầy lên thì nó được quí trọng như một viên ngọc. Tùy theo định lực và tâm nguyện của người khắc Thần chú mà viên đá sẽ thâu hút những năng lực thiên nhiên, tạo ra những rung động thần bí, ảnh hưởng đến hoàn cảnh chung quanh.

    Thí dụ như có người phát nguyện, hòn đá mà họ khắc Thần chú sẽ mang lại điều lành cho những người xung quanh.

    Oai lực của Thần chú rất lớn. Kinh điển của Phật giáo nói rằng, ngay các vị Phật cũng còn phải trì tụng Thần chú nầy.

    Ở những nơi cầu nguyện bên Tây Tạng, mỗi người đến đó tìm một hòn đá vừa ý để khắc câu Thần chú nầy lên và cầu nguyện, xong họ đặt những hòn đá chồng lên nhau tạo thành một bức tường dài và cao, gọi là bức tường ngọc (Mani wall).

    Úm ma ni bát mê hồng có nghĩa là cầu được lên tòa sen ngọc báu, là lời Thần chú mà tín đồ Lạt Ma giáo (Phật giáo Tây Tạng) thường tụng niệm ở miệng. Đó là đề mục 6 chữ mà Đức Liên Hoa Thủ Bồ Tát tụng đọc khi cầu được vãng sanh sang cõi vị lai Cực Lạc. Giáo đồ Lạt Ma tin tưởng Đức Bồ Tát nầy như Đức A-Di-Đà Như Lai ngồi ở tòa sen Cực Lạc, cứu vớt người cầu xin được thoát khỏi vòng sinh tử nhân quả vô cùng.

    Do vậy, chẳng kể tăng hay tục đều tụng câu nầy nơi miệng, tôn kính rất mực, hệt như người nước ta tín ngưỡng 6 chữ Nam mô A-Di-Đà Phật vậy.

    Người Tây Tạng phần nhiều viết 6 chữ nầy vào một tấm vải dài rồi cất vào trong ống đựng kinh và gọi đó là pháp luân. Mọi người lấy tay lăn đi, hoặc mượn sức xe gió, xe nước khiến nó quay vòng tròn, và gọi đó là pháp luân chuyển động. Đó là người Tây Tạng tin rằng có công đức làm cho pháp luân chuyển động như vậy thì sẽ được thoát khỏi nỗi khổ sinh tử luân hồi. Pháp luân lớn nhất viết đến 10 vạn câu như vậy. Những lá cờ phất phới trước cửa những ngôi nhà trong xứ Tây Tạng có ghi 6 chữ nầy. Những tấm bia dựng ở ven đường cũng vậy, cho thấy họ rất tín ngưỡng 6 chữ nầy. (Trích trong: Từ Điển Phật Học Hán Việt, của GHPGViệt Nam)

    Trong truyện Tây Du Ký, Phật Tổ bắt Tề Thiên Đại Thánh đè xuống bên dưới Ngũ Hành Sơn, Tề Thiên vùng vẫy làm 5 hòn núi rung chuyển, e có lúc sụp đổ. Phật tổ liền cho dán lên đỉnh Ngũ Hành Sơn lá bùa có 6 chữ Thần chú nầy thì mặc sức cho Tề Thiên vùng vẫy, 5 hòn núi vẫn đứng yên như có mọc rễ xuống đất. Đến khi thầy Tam Tạng đến đó, leo lên Ngũ Hành Sơn cầu nguyện xin gỡ lá bùa thì Đức Phật Tổ cho một vị Thần đến thâu hồi lá bùa. Lúc đó, Tề Thiên mới có thể vùng dậy thoát ra được, để theo làm đồ đệ thầy Tam Tạng, phò thầy đi thỉnh kinh ở Tây phương.

    Trong Đạo Cao Đài, hai phép bí tích: Giải Oan và Tắm Thánh, khi vị Chức sắc hành pháp chụp 5 ngón tay lên mỏ ác của người được giải oan hay tắm thánh, gọi là ấn Ngũ Hành Sơn, thì niệm câu Thần chú: "Úm ma ni bát rị hồng"....

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo có giải thích câu Thần chú nầy như sau:

    Thuở chưa có Càn Khôn Vũ Trụ, đạo giáo có dạy: Hai lằn nguơn khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái cực. Chủ ngôi Thái cực là Đức Chí Tôn. Khi nào trời sét nổ, chúng ta nghe sao? Việt Nam mình kêu là "ẦM", còn theo đạo pháp kêu là "ÙM", vì cớ phép Phật sửa lại là "ÚM": Úm ma ni bát rị hồng. Câu ấy có nghĩa là: Nắm cả quyền năng vũ trụ quản suất trong tay.

    Tiếng nổ ta nghe nó ra sao? Khi nổ rồi, còn nghe tiếng bay xa, nguyên căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn giọng ngân là tiếng chuông. Ấy vậy, nguyên căn của đạo giáo bên Á Đông nầy có tiếng trống, ngân bay qua Âu châu nên các đạo giáo Âu châu đều là hưởng ứng theo Phật giáo, mà Phật giáo xuất hiện nơi Á Đông, vì vậy mà các tôn giáo phụ thuộc đều không đúng theo nguyên tắc căn bản.

  • Un đúc (Hun đúc)

    Un đúc (Hun đúc)

    A: To forge.

    P: Forger.

    Un đúc, nay nói là Hun đúc là đào tạo qua một quá trình rèn luyện lý thuyết và thực hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đã un đúc mà dìu dắt lại sanh linh.

  • Ung dung

    Ung dung

    雍容

    A: Deliberate.

    P: Délibéré.

    Ung: êm ả, hòa hảo. Dung: dáng điệu.

    Ung dung là ôn hoà thong thả, khoan thai.

  • Ung độc

    Ung độc

    癰毒

    A: Ulcer.

    P: Ulcère.

    Ung: mụt nhọt. Độc: làm hại được người.

    Ung độc là mụt nhọt độc, gây đau đớn khổ sở.

  • Ủng hộ

    Ủng hộ

    擁護

    A: To support.

    P: Supporter.

    Ủng: ôm giữ, giúp đỡ. Hộ: che chở giúp đỡ.

    Ủng hộ là xúm nhau giúp đỡ và bảo vệ.

  • Uốn nắn

    Uốn nắn

    A: To model.

    P: Modeler.

    Uốn: cây cong sửa lại cho ngay thẳng. Nắn: dùng tay sửa lại cho đúng theo yêu cầu.

    Uốn nắn là hướng dẫn sửa chữa lại cho tốt đẹp.

  • UỔNG

    UỔNG

    UỔNG: 枉 Mất công vô ích.

    Thí dụ: Uổng phí, Uổng tử thành.

  • Uổng phí tâm cơ

    Uổng phí tâm cơ

    枉費心機

    Uổng: Mất công vô ích. Phí: hao tổn. Tâm: lòng. Cơ: máy. Uổng phí: hao tổn vô ích.

    Uổng phí tâm cơ là dùng hết sức hết lòng vào công việc mà chẳng thu đoạt được điều gì ích lợi.

  • Uổng tử thành

    Uổng tử thành

    枉死城

    A: The injust dead city.

    P: La cité des morts injustes.

    Uổng: Mất công vô ích. Tử: chết. Thành: nơi dân cư đông đúc có tường rào bao quanh. Uổng tử là chết oan, chết chưa tới số.

    Uổng tử thành là một cái thành nơi cõi Âm phủ để giam giữ những linh hồn của những người chết oan.

    Những người tự tử chết oan thì linh hồn bị tội nặng hơn hết, bị giam vào Uổng tử thành nơi Âm phủ, chờ tới khi đúng số rồi mới cứu xét công và tội để cho luân hồi trả quả.

    Kinh Sám Hối: Thành uổng tử cheo leo gớm ghiếc,
    Cầm hồn oan rên siết khóc than.
    Dương gian ngỗ nghịch lăng loàn,
    Liều mình tự vận, không màng thảo ngay.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về những thanh niên nam nữ tự vận chết vì tình duyên trắc trở, như sau:

    "Hỏi vậy bên nầy làm gì dòm bên kia lại khóc? Bên kia dòm lại bên nầy đau khổ?

    Đó là luật thiên nhiên vẫn có một, vì luật thương yêu mà những người đứng bờ sông bên kia dòm qua, bên nầy dòm lại, là những người trước kia đã có tình thương yêu với nhau, mà những khi có sự trắc trở nhơn tình, nên họ bị quả kiếp mà họ phải tự sát lấy họ.

    Người đàn bà nào tự vận, hay người đàn ông nào tự sát rồi, người nào có lòng thương yêu chơn thật ấy, trước đã xuống Uổng tử thành để đầu kiếp mà trở lại căn quả vì chết không trọn căn số của mình, còn niên kỷ cũng phải trở lại đầu kiếp: vừa đến tuổi cặp kê, nam nữ đôi bên vừa có tình dục đã phát động ra thì chết, làm cho chết, dầu hai đàng đứng trước mặt nhau cũng không khi nào làm vợ chồng với nhau đặng.

    Chừng ấy, người trọn lòng thương yêu chơn thật thì Đức Phật Mẫu siêu độ, cầu rỗi với Đức Chí Tôn đem vào cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống, còn người nào không biết tình thương, thương bằng tình giả dối xảo trá, phải đầu kiếp trở lại từ người.

  • Úp mở

    Úp mở

    A: Ambiguous.

    P: Louche.

    Úp: đậy lại cho kín. Mở: giở ra cho thấy rõ.

    Úp mở là nửa kín nửa hở, ý nói: mập mờ, không rõ ràng.

    Nói úp mở là nói nửa kín nửa hở, không rõ ràng, khiến người nghe phân vân suy nghĩ, không biết lẽ nào, còn người nói thì dễ dàng né tránh. Trái với nói úp mở là nói toạc ra.

  • UY

    UY

    UY: OAI: 威 vẻ tôn nghiêm khiến người ta kính sợ, sợ hãi. (Xem thêm: Oai, vần O)

    Thí dụ: Uy hiếp, Uy linh, Uy nghi.

  • Uy hiếp

    Uy hiếp

    威脅

    A: To oppress.

    P: Opprimer.

    Uy: vẻ tôn nghiêm khiến người ta kính sợ, sợ hãi. Hiếp: bắt ép người ta.

    Uy hiếp là dùng oai quyền bắt buộc người ta làm theo ý mình.

  • Uy linh (Oai linh)

    Uy linh (Oai linh)

    威靈

    A: Majestic and sacred.

    P: Majestueux et sacré.

    Uy: vẻ tôn nghiêm khiến người ta kính sợ, sợ hãi. Linh: thiêng liêng.

    Uy linh hay Oai linh là vẻ tôn ngiêm có tánh cách thiêng liêng khiến người ta đem lòng kính sợ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Uy linh Trời giữ tạc đài liên.

  • Uy nghi (Oai nghi)

    Uy nghi (Oai nghi)

    威儀

    A: Majestic and imposing.

    P: Majestueux et imposant.

    Uy: vẻ tôn nghiêm khiến người ta kính sợ, sợ hãi. Nghi: hình thức bề ngoài.

    Uy nghi hay Oai nghi là dáng vẻ tôn nghiêm đáng nể sợ.

  • Uy nhi bất mãnh

    Uy nhi bất mãnh

    威而不猛

    Uy: vẻ tôn nghiêm khiến người ta kính sợ, sợ hãi. Nhi: mà. Bất: không. Mãnh: dữ tợn.

    Uy nhi bất mãnh là oai vệ mà không dữ tợn.

    Sách Luận Ngữ nói về Đức Khổng Tử: Tử ôn nhi lệ, uy nhi bất mãnh, cung nhi an. Nghĩa là: Đức Khổng Tử ôn hòa mà nghiêm nghị, oai vệ mà không dữ tợn, kính cẩn mà an vui.

  • Uy thế

    Uy thế

    威勢

    A: The power.

    P: La puissance.

    Uy: vẻ tôn nghiêm khiến người ta kính sợ, sợ hãi. Thế: thế lực.

    Uy thế là oai quyền và thế lực.

  • Uy vũ bất khuất

    Uy vũ bất khuất

    威武不屈

    Uy: vẻ tôn nghiêm khiến người ta kính sợ, sợ hãi. Vũ: Võ, sức mạnh bằng võ lực. Bất: không. Khuất: chịu nhục, chịu khuất phục.

    Uy vũ bất khuất là không chịu khuất phục trước oai quyền và sức mạnh võ lực.

  • ÚY

    ÚY

    ÚY: 畏 Sợ, kính phục.

    Thí dụ: Úy kỵ, Úy tử.

  • Úy kỵ

    Úy kỵ

    畏忌

    A: To fear.

    P: Craindre.

    Úy: Sợ, kính phục. Kỵ: kiêng, tránh không phạm đến.

    Úy kỵ là kiêng sợ.

  • Úy Thiên mệnh

    Úy Thiên mệnh

    畏天命

    Úy: Sợ, kính phục. Thiên mệnh: mạng Trời, mạng lịnh của Trời.

    Úy Thiên mệnh là sợ mạng Trời.

    Đức Khổng Tử có nói rằng:

    Quân tử hữu tam úy: Úy Thiên mệnh, Úy đại nhơn, úy Thánh nhơn chi ngôn. Tiểu nhơn bất tri Thiên mệnh nhi bất úy dã, áp Đại nhơn, vũ Thánh nhơn chi ngôn.

    Nghĩa là: Người quân tử có ba điều sợ: Sợ mạng Trời, Sợ bực đại nhơn, Sợ lời Thánh nhơn. Kẻ tiểu nhơn không biết mạng Trời nên không sợ vậy, lờn dể bực đại nhơn, khinh dể lời của Thánh nhơn.

  • Úy tử tham sanh

    Úy tử tham sanh

    畏死貪生

    A: To fear the death and to hold on the life.

    P: Craindre la mort et désirer la vie.

    Úy: Sợ, kính phục. Tử: chết. Tham: ham muốn. Sanh: sống.

    Úy tử tham sanh là sợ chết ham sống.

    Câu nầy có ý chê kẻ tiểu nhơn, không có chí khí lớn.

  • ỦY

    ỦY

    1. ỦY: ÚY: 慰 an ủi.

    Thí dụ: Ủy dụ, Ủy lạo.

    2. ỦY: 委 Giao việc cho làm.

    Thí dụ: Ủy nhiệm, Ủy thác.

  • Ủy dụ (Úy dụ)

    Ủy dụ (Úy dụ)

    慰諭

    A: To exhort.

    P: Exhorter.

    Ủy: an ủi. Dụ: người trên bảo người dưới.

    Ủy dụ hay Úy dụ là vỗ về bằng lời nói ngọt ngào.

  • Ủy lạo (Úy lạo)

    Ủy lạo (Úy lạo)

    慰勞

    A: To encourage.

    P: Encourager.

    Ủy: an ủi. Lạo: dùng lời nói để an ủi.

    Ủy lạo hay Úy lạo là thăm hỏi để an ủi người hoạn nạn.

  • Ủy mị

    Ủy mị

    委靡

    A: Weak.

    P: Faible.

    Ủy: cong. Mị: Mĩ: Mi: giạt xuống.

    Ủy mị là mềm yếu, hèn yếu.

  • Ủy nhiệm

    Ủy nhiệm

    委任

    A: To give in charge.

    P: Confier une charge.

    Ủy: Giao việc cho làm. Nhiệm: gánh vác, trách nhiệm.

    Ủy nhiệm là giao phó một trách nhiệm để thi hành.

  • Ủy quyền

    Ủy quyền

    委權

    A: To delegate authority.

    P: Déléguer un pouvoir.

    Ủy: Giao việc cho làm. Quyền: quyền hành.

    Ủy quyền là giao quyền hành của mình cho một người khác sử dụng để làm một công việc thay cho mình.

  • Ủy thác

    Ủy thác

    委託

    A: To entrust to.

    P: Confier.

    Ủy: Giao việc cho làm. Thác: giao phó.

    Ủy thác là giao phó công việc cho người tin cậy làm thay cho mình.

  • Ủy viên

    Ủy viên

    委員

    A: Commissioner.

    P: Commissionnaire.

    Ủy: Giao việc cho làm. Viên: người.

    Ủy viên là người được ủy nhiệm làm một công việc gì.

  • UYÊN

    UYÊN

    1. UYÊN: 淵 Vực sâu, sâu xa, thâm thúy.

    Thí dụ: Uyên áo, Uyên bác, Uyên thâm.

    2. UYÊN: 鴛 Chim uyên.

    Thí dụ: Uyên ương.

  • Uyên áo

    Uyên áo

    淵奧

    A: Mysterious.

    P: Mystérieux.

    Uyên: Vực sâu, sâu xa, thâm thúy. Áo: sâu xa khó hiểu.

    Uyên áo là sâu xa thâm thúy, rất huyền diệu.

  • Uyên bác

    Uyên bác

    淵博

    A: Profound and vast.

    P: Profond et vaste.

    Uyên: Vực sâu, sâu xa, thâm thúy. Bác: rộng.

    Uyên bác là sâu rộng.

  • Uyên nguyên

    Uyên nguyên

    淵源

    A: The profound source.

    P: La source profonde.

    Uyên: Vực sâu, sâu xa, thâm thúy. Nguyên: nguồn gốc.

    Uyên nguyên là cái nguồn gốc sâu xa của sự việc.

  • Uyên thâm

    Uyên thâm

    淵深

    A: Profound.

    P: Profond.

    Uyên: Vực sâu, sâu xa, thâm thúy. Thâm: sâu.

    Uyên thâm là học thức sâu xa.

    Uyên nho: nhà nho có học thức uyên thâm.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Đòi phen chúng ta không hiểu cho uyên thâm khi dâng lễ cho Đức Chí Tôn lúc Nhạc tấu Quân Thiên.

  • Uyên ương

    Uyên ương

    鴛鴦

    A: A beautiful couple.

    P: Un joli couple.

    Uyên: Chim uyên. Uyên ương là loại chim giống như loài thiên nga (ngỗng trời), sống từng cặp với nhau, con trống gọi là Uyên, con mái gọi là Ương.

    Đôi Uyên ương sống không rời nhau và rất chung thủy với nhau. Tương truyền nếu một trong hai con chết thì con còn lại cũng nhịn đói chết theo.

  • Ư

    Ư

    Ư: 於 Ở, tại, chỗ ấy, và, với, đối với, vậy thì.

  • Ư ngã như phù vân

    Ư ngã như phù vân

    於我如浮雲

    Ư: Ở, tại, chỗ ấy, và, với, đối với, vậy thì. Ngã: ta. Như: giống như. Phù: nổi. Vân: mây.

    Ư ngã như phù vân: đối với ta nó như đám mây nổi.

  • Ư ngã ác giả, ngã diệc thiện chi

    Ư ngã ác giả, ngã diệc thiện chi

    於我惡者,我亦善之

    Ư: Ở, tại, chỗ ấy, và, với, đối với, vậy thì. Ngã: ta. Ác: dữ. Giả: trợ từ. Diệc: cũng.

    Ư ngã ác giả: làm dữ với ta đó.

    Ngã diệc thiện chi: ta cũng làm lành lại.

  • Ư thị

    Ư thị

    於是

    A: At this.

    P: En ceci.

    Ư: Ở, tại, chỗ ấy, và, với, đối với, vậy thì. Thị: như thế, ấy là.

    Ư thị là ở chỗ ấy.

  • Ức

    Ức

    1. ỨC: 抑 Đè nén, áp bức, tức giận vì bị đè ép.

    Thí dụ: Ức chế, Ức lòng.

    2. ỨC: Phỏng chừng, số đếm 10 vạn = 1 ức.

    Thí dụ: Ức đoán, Ức vạn.

  • Ức chế

    Ức chế

    抑制

    A: To oppress.

    P: Opprimer.

    Ức: Đè nén, áp bức, tức giận vì bị đè ép. Chế: bó buộc.

    Ức chế là kềm hãm sự hoạt động.

  • Ức đoán

    Ức đoán

    億斷

    A: To conjecture.

    P: Conjecturer.

    Ức: Phỏng chừng. Đoán: quyết định.

    Ức đoán là ước định phỏng chừng.

  • Ức lòng

    Ức lòng

    A: To be discontented.

    P: Être indigné.

    Ức: Đè nén, áp bức, tức giận vì bị đè ép.

    Ức lòng là lòng tức giận vì bị đè nén.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Ức lòng dễ tỏ đặng cùng ai,
    Hiền đức mà sao chịu khổ hoài.
  • Ức vạn

    Ức vạn

    億萬

    A: Numberless.

    P: Innombrable.

    Ức: Phỏng chừng, số đếm 10 vạn = 1 ức. Vạn: 10 ngàn.

    Ức vạn là chỉ một số nhiều lắm, không đếm hết được.

    Kinh Tiên Giáo: Nhứt thân ức vạn, diệu huyền thần biến,....

  • ƯNG

    ƯNG

    ƯNG: 應 Thuận, bằng lòng, nên.

    Thí dụ: Ưng chuẩn, Ưng đương.

  • Ưng chuẩn

    Ưng chuẩn

    應準

    A: To approve.

    P: Approuver.

    Ưng: Thuận, bằng lòng, nên. Chuẩn: cho phép.

    Ưng chuẩn là chấp thuận cho phép.

  • Ưng đương

    Ưng đương

    應當

    A: To consent to accept.

    P: Consentir à accepter.

    Ưng: Thuận, bằng lòng, nên. Đương: nhận lãnh, gánh vác.

    Ưng đương là bằng lòng nhận lãnh.

    Di Lạc Chơn Kinh: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, tín ngã ưng đương phát nguyện: Nam mô....

  • Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm

    Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm

    應無所住而生其心

    Ưng: Thuận, bằng lòng, nên. Vô: không. Sở: nơi chốn. Trụ: ở. Nhi: mà, Kỳ: cái ấy. Tâm: cái tâm của con người.

    Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm: nên không trụ vào chỗ nào mà sanh ra tâm ấy. Ý nói: để cái tâm trống không, đừng trụ vào đâu cả thì sanh ra tâm thanh tịnh.

    Câu kinh nầy ở trong phẩm Trang Nghiêm Tịnh Độ trong Kinh Kim Cang.

    Phật hỏi Tu Bồ Đề: - Theo ý ngươi hiểu sao? Bồ Tát có trang nghiêm Tịnh độ (trau sửa cái tâm) chăng?

    - Bạch Thế Tôn, không, bởi cớ sao? Trang nghiêm Tịnh độ tức chẳng phải trang nghiêm, ấy là trang nghiêm.

    Phật nói: - Tu Bồ Đề, bởi vậy các vị Đại Bồ Tát phải hiểu như thế mà sanh cái tâm thanh tịnh, chẳng nên trụ nơi sắc (sắc màu) mà sanh tâm, chẳng nên trụ nơi thinh (tiếng), hương (hơi thơm), vị (mùi ngon), xúc (thân cảm xúc vật dục), pháp (ý vọng tưởng danh lợi) mà sanh tâm. Phải trụ vào cảnh Hư vô (trống không) mà sanh tâm thanh tịnh.

    Phép Trang nghiêm Tịnh độ, Đạo giáo gọi là Huờn Hư, Phản bổn hoàn nguyên, nghĩa là đem cái tâm trở lại cảnh ban sơ tức là cảnh tịch diệt hư vô; Nho giáo gọi là Chấp Trung, Trung là thể tánh hư không khi lục dục thất tình chưa phát. Chấp Trung nghĩa là tồn cái tánh Trung Dung, không chinh không lệch, không lìa Thiên lý (s"unifier avec la Nature Divine ou le Soi Supérieur); tức là qui về cảnh Chí thiện hay Niết Bàn đó vậy.

    Hai chữ Hư Vô, theo Đạo có nghĩa rất thâm diệu, nhiệm mầu. Hư Vô là cảnh Vô Cực. Phật gọi là Vô Thỉ, Cực Lạc Niết Bàn, là lúc chưa có khí hỗn độn, chưa có Trời Đất, núi sông, cũng không có nhơn ngã cùng côn trùng thảo mộc, hoàn toàn trống không, chẳng có thời gian không gian, không có một dấu vết gì cả. Cái tánh bổn lai của con người cũng giống như thế.

    Trụ vào Hư Vô nghĩa là đối với cảnh vô tâm, xem Trời Đất mà không thấy tướng Trời Đất, xem núi sông mà không thấy tướng núi sông, xem người ta mà không thấy tướng người ta, xem côn trùng thảo mộc mà không thấy tướng côn trùng thảo mộc. Muôn hình ngàn tượng đều xem như không không, một trần chẳng nhiễm, một vọng niệm chẳng sanh, lục căn đại định, tam tâm diệt trừ, chứng ngay bực tối thượng nhứt thừa, tức là đạt cái tánh thể bổn lai toàn hiện, Phật gọi là vô tướng quang trung thường tự tại. (Trích trong Pháp Bảo Đàn Kinh do Hòa Thượng Minh Trực dịch và chú giải, trang 36 - 37)

  • ỨNG

    ỨNG

    ỨNG: 應 Đáp lại, đối lại.

    Thí dụ: Ứng biến, Ứng vận.

  • Ứng biến

    Ứng biến

    應變

    A: To adapt oneself to circumstances.

    P: Se conformer aux changements.

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Biến: thay đổi.

    Ứng biến là đối phó thích hợp những biến đổi bất ngờ.

  • Ứng đáp như lưu

    Ứng đáp như lưu

    應答如流

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Đáp: trả lời. Như: giống như. Lưu: nước chảy.

    Ứng đáp như lưu: ai hỏi điều gì thì trả lời ngay, nói lưu loát như dòng nước chảy. Ý nói: Người có miệng lưỡi lanh lẹ, có tài làm thuyết khách.

  • Ứng hiệp

    Ứng hiệp

    應合

    A: To respond in compliance with.

    P: Répondre conformément avec.

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Hiệp: Hợp: hòa hợp.

    Ứng hiệp là đáp lại một cách hòa hợp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cái tình cảm hóa của con người là tình thường ứng hiệp Trời Đất,....

  • Ứng hóa

    Ứng hóa

    應化

    A: To change for response.

    P: Changer pour répondre.

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Hoá: thay đổi.

    Ứng hóa là biến đổi để đáp lại.

    Kinh Tiên Giáo: Nam mô Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.

  • Ứng khẩu

    Ứng khẩu

    應口

    A: To improvise.

    P: Improviser.

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Khẩu: miệng.

    Ứng khẩu là nói ngay thành một bài văn hay bài thơ mà không chuẩn bị trước.

  • Ứng mệnh

    Ứng mệnh

    應命

    A: To obey an order.

    P: Obéir à un ordre.

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Mệnh: mạng lịnh của cấp trên.

    Ứng mệnh là đáp ứng mệnh lệnh của cấp trên.

  • Ứng mộng bảo sanh

    Ứng mộng bảo sanh

    應夢保生

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Mộng: chiêm bao. Bảo: gìn giữ. Sanh: sống. Ứng mộng: hiện ra một điềm chiêm bao để đáp lại lời cầu nguyện. Bảo sanh: gìn giữ sự sống cho nhơn sanh.

    Ứng mộng bảo sanh là đáp lại lời cầu nguyện bằng cách cho thấy một điềm chiêm bao để chỉ cách thức bảo vệ sự sống cho nhơn sanh.

  • Ứng trực

    Ứng trực

    應 值

    A: To be on duty.

    P: Être en permanence.

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Trực: Trị: sử dụng.

    Ứng trực là thường trực một bên để người trên sai bảo.

  • Ứng vận

    Ứng vận

    應運

    A: To appear at the opportune time.

    P: Apparaître au temps opportun.

    Ứng: Đáp lại, đối lại. Vận: thời vận.

    Ứng vận là hiện ra để đáp ứng đúng thời vận.

  • Ước vọng

    Ước vọng

    約望

    A: To wish.

    P: Espérer.

    Ước: mong cầu. Vọng: trông mong.

    Ước vọng là mong muốn thiết tha.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Cái khổ của đời, mình ước vọng,
    Cái chê của chúng, lại nài cầu.
  • ƯỚM

    ƯỚM

    ƯỚM: Sắp sửa, có dấu hiệu sắp xảy ra.

    Thí dụ: Ướm chín, Ướm trở đông.

  • Ướm chín

    Ướm chín

    A: On the point of ripeness.

    P: Sur le point de maturité.

    Ướm: Sắp sửa, có dấu hiệu sắp xảy ra. Chín: nói về trái cây đã già, ửng lên màu vàng hay hồng và tỏa mùi thơm.

    Ướm chín là trái cây sắp chín.

    Kinh Ðệ Nhị cửu: Tây Vương Mẫu vườn đào ướm chín.

  • Ướm trở đông

    Ướm trở đông

    A: On the point of winter.

    P: Sur le point de l"hiver.

    Ướm: Sắp sửa, có dấu hiệu sắp xảy ra. Trở: biến đổi. Đông: mùa đông.

    Ướm trở đông là sắp bước qua mùa đông.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tà nguyệt vườn thu ướm trở đông.

  • ƯU

    ƯU

    1. ƯU: 憂 Lo lắng, buồn rầu, ốm đau.

    Thí dụ: Ưu lự, Ưu tâm, Ưu tư.

    2. ƯU: 優 Trội hơn, tốt đẹp hơn.

    Thí dụ: Ưu liệt, Ưu việt.

  • Ưu ái

    Ưu ái

    憂愛

    A: The affectionate solicitude.

    P: La sollicitude affectueuse.

    Ưu: Lo lắng, buồn rầu, ốm đau. Ái: thương yêu.

    Ưu ái là chăm sóc với lòng thương yêu.

    Ưu quân ái quốc: Lo lắng cho vua và thương nước.

  • Ưu đạo bất ưu bần

    Ưu đạo bất ưu bần

    憂道不憂貧

    Ưu: Lo lắng, buồn rầu, ốm đau. Đạo: đạo đức. Bần: nghèo.

    Ưu đạo bất ưu bần: lo cho đạo mà không lo nghèo.

  • Ưu liệt

    Ưu liệt

    優劣

    A: Excellent and bad.

    P: Excellent et mauvais.

    Ưu: Trội hơn, tốt đẹp hơn. Liệt: kém, xấu.

    Ưu liệt là tốt xấu, giỏi dở, hơn kém.

    Ưu thắng liệt bại: Giỏi thì thắng, dở thì thua; mạnh thì thắng, yếu thì thua.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Biết thế biết thời, biết dinh hư, biết tồn vong ưu liệt, mà mới có biết hổ mặt thẹn lòng.

  • Ưu lự

    Ưu lự

    憂慮

    A: Anxious.

    P: Soucieux.

    Ưu: Lo lắng, buồn rầu, ốm đau. Lự: nghĩ ngợi, suy tính.

    Ưu lự là lo nghĩ, lo lắng suy nghĩ.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Dầu kẻ nào tội tình, ưu lự thế mấy mà bước vô Đền Thánh rồi cũng phải tập tánh cho thanh khiết,...

  • Ưu sầu

    Ưu sầu

    憂愁

    A: Sad.

    P: Triste.

    Ưu: Lo lắng, buồn rầu, ốm đau. Sầu: buồn rầu.

    Ưu sầu là lo buồn.

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu:
    Đòi phen Mẹ luống ưu sầu,
    Cũng vì tà mị dẫn đường con thương.
  • Ưu tâm

    Ưu tâm

    憂心

    A: Anxiety.

    P: L"anxiété.

    Ưu: Lo lắng, buồn rầu, ốm đau. Tâm: lòng dạ.

    Ưu tâm là lòng dạ lo lắng.

    Ưu tâm như phần: lòng lo âu như lửa đốt. (Phần: lửa cháy, đốt cháy).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tâm ưu Bàng Cử trắng đầu non.

  • Ưu thời mẫn thế

    Ưu thời mẫn thế

    憂時憫世

    Ưu: Lo lắng, buồn rầu, ốm đau. Mẫn: thương xót. Thời thế: việc đời xảy ra trong một thời kỳ.

    Ưu thời mẫn thế là lo lắng những việc xảy ra trong thời buổi của cuộc đời và thương xót cho đời.

    Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ người sáng suốt, thấu rõ việc đời, biết đường tiến thủ thích hợp.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Khiến cho giọt lụy thương tâm của khách ưu thời mẫn thế không thể nào ngưng được.

  • Ưu tú

    Ưu tú

    優秀

    A: Excellent.

    P: Excellent.

    Ưu: Trội hơn, tốt đẹp hơn. Tú: tốt đẹp.

    Ưu tú là tốt đẹp và tài giỏi hơn người.

  • Ưu tư

    Ưu tư

    憂思

    A: Anxious.

    P: Anxieux.

    Ưu: Lo lắng, buồn rầu, ốm đau. Tư: suy nghĩ.

    Ưu tư là lo lắng suy nghĩ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tâm chí các con lay động ưu tư.

  • Ưu việt

    Ưu việt

    優越

    A: Transcendent.

    P: Transcendant.

    Ưu: Trội hơn, tốt đẹp hơn. Việt: vượt qua, vượt lên trên.

    Ưu việt là trội hơn hết, tài giỏi hơn mọi người.