Cao Đài Tự Điển - Vần M
ID016997 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần M 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • MA

    MA

    MA: 魔 Những linh hồn và chơn thần người chết chưa siêu thăng hay chưa định phận, còn ở lại cõi trần, thường quanh quẩn bên cạnh người sống hay ở bãi tha ma để phá khuấy người sống.

    Thí dụ: Ma chướng quỉ tai, Ma hồn quỉ xác.

  • Ma chướng quỉ tai

    Ma chướng quỉ tai

    魔障鬼災

    Ma: Những linh hồn và chơn thần người chết chưa siêu thăng hay chưa định phận, còn ở lại cõi trần, thường quanh quẩn bên cạnh người sống hay ở bãi tha ma để phá khuấy người sống. Chướng: ngăn trở. Quỉ: ma. Tai: tai nạn.

    Ma chướng quỉ tai là những sự ngăn trở và những tai nạn do đám quỉ ma gây ra để phá hại người tu.

    Người tu thường bị bọn quỉ ma tìm cách ngăn trở bước đường tu hành, bằng cách dụ dỗ người tu vào đường tà vạy với những miếng mồi hấp dẫn như: tửu, sắc, tài, khí, hay danh, lợi, quyền, v.v... hoặc bằng cách gây ra những tai nạn như: bịnh hoạn ốm đau, bị chửi bới, bị oan ức,...

    Nếu người tu thắng nổi những cám dỗ đó, vượt qua được những khó khăn đó, thì trình độ đạo đức mới tăng tiến, mới có thể siêu phàm nhập Thánh, còn không qua nổi thì phàm vẫn huờn phàm.

    Di Lạc Chơn Kinh: Nam mô Chuẩn Đề Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, năng trừ ma chướng quỉ tai, năng cứu khổ ách,...

  • Ma chử thành châm

    Ma chử thành châm

    磨杵成針

    Ma: mài, mài cho mòn bớt. Chử: còn đọc là Xử: cái chày. Thành: nên. Châm: cây kim.

    Ma chử thành châm là mài cái chày thành cây kim, ý nói: có chí thì nên.

  • Ma Ha Tát

    Ma Ha Tát

    摩訶薩

    Do phiên âm từ tiếng Phạn: Mahasattva. Phiên âm đầy đủ là: Ma Ha Tát Đóa. Ma Ha: lớn, đại. Tát Đóa: chúng sanh.

    Ma Ha Tát, nói tắt của Ma Ha Tát Đóa, là bực chúng sanh lớn, có lòng quảng đại cứu độ chúng sanh.

    Bồ Tát Ma Ha Tát là bực Đại Bồ Tát, ngang hàng với Phật, nhưng còn mang danh Bồ Tát để cứu độ chúng sanh. Như Đức Quan Thế Âm là Bồ Tát Ma Ha Tát, nên chúng ta niệm là: "Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát."

  • Ma Ha thủy

    Ma Ha thủy

    摩訶水

    A: The Holy water.

    P: L"Eau bénite.

    Ma Ha: do tiếng Phạn phiên âm: lớn, đại. Thủy: nước.

    Ma Ha thủy, nghĩa đen là nước của con sông lớn linh thiêng ở Ấn Độ, đó là sông Gange, tức là Hằng hà. Đây là con sông mà Đức Phật Thích Ca xuống tắm, tẩy trần và đạt đạo.

    Trong Đạo Cao Đài, Ma Ha thủy là nước đã được làm phép, dùng trong hai bí tích: Tắm Thánh và Giải Oan.

    Trong quyển sách Bí Truyền Chơn Pháp của Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, Ngài dẫn giải về Ma Ha thủy và cách luyện Ma Ha thủy để dùng trong Phép Tắm Thánh và Giải Oan, xin chép nguyên văn ra sau đây:

    "Khi Đức Phật Tổ từ ngôi tầm đạo thì người gặp phải manh sư truyền giáo, cố lấy phương ép xác đặng đạt huyền diệu thiêng liêng. Người tập tuyệt thực, ngồi tại hòn núi chịu khổ hạnh 6 năm, thân hình yếu ớt, sức lực hao mòn, đến đỗi ngày cùng tận của Ngài duy có ăn một hạt cơm mà thôi (theo lời kinh nói). Buổi ấy cái thảm tượng sắp chết của Ngài hầu đến, thoạt nhiên có một người tiều phu đến nơi núi của người đang trì định, lần đến bên người, ôm đờn đờn một điệu rất nên hòa nhã thâm thúy không cùng, nhưng có một điều là lên dây đờn quá thẳng, làm cho đến khúc hay thì đứt dây loan. Đứt rồi cột, cột rồi lên thẳng, lên thẳng rồi đờn, đờn rồi đứt, chẳng biết mấy lần, làm cho Phật đang nhập thiền trì định phải bực tức tỉnh hồn, day qua mà than với ông ấy rằng: Ông đờn thì hay mà lên dây chi cho cao quá, mỗi lần hay phải đứt dây, thì cái hay ấy phải hết mùi, tôi rất nên thương tiếc.

    Ông tiều ấy liền trả lời rằng: Đờn của tôi cũng giống như cái tu của Phật. Dây đờn của tôi lên cao quá nó phải đứt thì cái hay của nó chẳng hữu ích chút nào, còn cái tu của Phật, nếu cái cao siêu huyền bí của nó mà đạt cơ bất diệt, cái cao của nó cũng phải chết theo Phật, còn chi cứu thế độ đời.

    Thốt như thế rồi liền đứng dậy xách đờn mà đi (kinh cho ông ấy là Bồ Tát đến kiến tánh cho Phật).

    Mấy lời ấy làm cho Phật tỉnh giác, biết mình lầm theo Tà pháp Bàng môn, liền đứng dậy, vội vàng xuống núi, làm cho bốn vị đệ tử ở hầu hạ bên người, mong cho thấy người đạt pháp, khi thấy Phật xuống núi mong phàm thì ngã lòng thối chí, bỏ Phật không làm môn đệ nữa.

    Trước khi Phật xuống núi, nơi xứ của Phật tu có một vị thiện nữ giàu có sang trọng, nuôi thú vật rất nhiều. Ban đêm nằm mộng thấy một vị Bồ Tát dặn rằng: Ngày ấy, giờ ấy, sẽ có Phật tại rừng bồ đề, nàng phải bắt 72 con bò cho ăn bông mai mà thôi, nặn sữa 72 con bò ấy, cho 12 con uống, rồi nặn sữa 12 con cho một con uống, lấy sữa của con ấy đựng vào bình bát vàng đem dâng cho Phật.

    Khi Phật bộ hành đến rừng bồ đề vừa chí thì mệt mỏi quá chừng, thân hình rủ riệt, thần kinh lờ mờ, sa vào một cội bồ đề mà chết giấc, nhờ chết giấc ấy mới xuất thần đặng hội diện cùng chư Phật, thấy rõ trước mắt Địa ngục, Niết Bàn. Ấy là giờ của người đạt pháp, duy lạ một điều cả cảnh tượng ấy mịt mịt mờ mờ, người không gần đặng.

    Thoạt thấy một vị Bồ Tát dặn ra: Thây phàm xác tục của người và chơn thần của người đã chịu nhiều quả kiếp cho nên ô trược nhớp nhơ, khi tái nhập thế trần, phải đến sông Ma Ha tẩy trược. Trong cơn ấy, người đàn bà bưng bình bát sữa vừa đến rừng bồ đề, tìm chẳng thấy ai khác hơn là một thầy tu nằm dựa gốc cây mà chết, chỉ rờ nơi ngực còn nghe hơi ấm của trái tim, vội vàng biểu tỳ nhi và mình ra tay hô hấp.

    Phật vừa tỉnh dậy thì nàng dâng bình bát sữa cho người. Phật uống đặng bình bát sữa ấy rồi trụ Thần, định Khí, mạnh lại như xưa.

    Ấy là cơ hiệp Tam bửu: Tinh Khí Thần hiệp nhứt. Tinh là hình hài, Khí là chơn thần, Thần là chơn linh. Nhờ Tam bửu phối tế, người định giác lần lần, thấy đặng cõi hư linh và cảnh phàm trần xa nhau không đầy một sợi tóc.

    Thăng thì đến cõi hư linh, đọa thì sa vào phàm tục.

    Khi đã định tâm đạt pháp rồi, Phật liền nhớ lời Bồ Tát dặn, nên lần hồi tới bãi sông Gange, nhưng có một điều lạ là chơn thần và xác thịt của Ngài chưa trọn tương liên hòa hiệp, nên người mờ hồ chưa biết chắc mình đã quả nhiên đạt pháp.

    Xuống tắm sông Gange rồi lên khỏi bờ, cầm bình bát vu nơi tay mà vái rằng: Nếu quả nhiên tôi đã đặng đạt pháp, xin chư Phật cho cái bình bát vu nầy trôi ngược dòng nước.

    Nói rồi, người liệng bình bát vu giữa dòng thì bình bát vu từ từ trôi ngược dòng nước.

    Phật mừng quá, ngoắt nó vô bờ, cầm bình bát vu mà nói rằng: Nước sông Gange sẽ rửa sạch oan nghiệt tội tình của kiếp sống (Ma Ha thủy năng hủy oan nghiệt tội chướng chi đọa).

    Kể từ ngày tắm nơi sông Gange rồi thì mỗi phen trì định xuất thần, Phật mới đến đặng gần chư Phật, nhập vào đặng Tây Phương Cực Lạc. Ấy là nhờ Phép Giải Oan mà đạt vị."

    Cách luyện Ma Ha thủy dùng trong Phép Giải Oan và Tắm Thánh:

    "Múc một tô nước lạnh để tại Thiên bàn. Người hành pháp làm như cách hành pháp thường, nghĩa là đến trước Thiên bàn xông hương tay và mặt. Đứng ngay trước Thiên bàn, định thần vẽ bằng con mắt chữ (.) trong con ngươi Thiên nhãn, chơn trái vẽ dưới đất chữ (.), hai chơn đứng trên chữ (.) ấy, ký chữ (.) gọi là đạp Đinh Giáp.

    Tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp để trên tô nước, niệm danh hiệu Hộ Pháp, buông ấn ra, con ngón tay giữa vẽ bùa (.) trên tô nước, xòe tay ra úp trên mặt tô, nhắm con mắt truyền thần xuống nước, và niệm câu chú: Ma Ha thủy năng hủy oan nghiệt tội chướng chi đọa.

    Định thần, khi thấy Thiên nhãn giáng trên mặt nước thì rút tay ra liền. Ma Ha thủy đã luyện thành."

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hứng giọt Ma Ha lau tục lụy.

    Kinh Giải Oan: Gội mê đồ, tắm nước Ma Ha.

  • Ma hồn quỉ xác

    Ma hồn quỉ xác

    魔魂鬼殼

    Ma: Những linh hồn và chơn thần người chết chưa siêu thăng hay chưa định phận, còn ở lại cõi trần, thường quanh quẩn bên cạnh người sống hay ở bãi tha ma để phá khuấy người sống. Hồn: linh hồn. Quỉ: ma quỉ. Xác: thể xác.

    Ma hồn quỉ xác là chỉ những người sống mà linh hồn là của ma, thể xác là của quỉ, chuyên đi phá hại người tu, gây hiềm khích chia rẽ trong cửa Đạo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:ma hồn quỉ xác nó cứ theo phá khuấy các con là nó muốn phá Đạo đó.

  • Ma khảo

    Ma khảo

    魔考

    A: The trial of the demons.

    P: L"épreuve des démons.

    Ma: Những linh hồn và chơn thần người chết chưa siêu thăng hay chưa định phận, còn ở lại cõi trần, thường quanh quẩn bên cạnh người sống hay ở bãi tha ma để phá khuấy người sống. Khảo: thử thách khả năng để xem đậu rớt.

    Ma khảo là ma quỉ thử thách phẩm hạnh của người tu để xem có xứng đáng đắc đạo cùng chăng.

    Sau đây xin chép lại bài Giáo Lý Huấn Luyện Giáo Hữu nói về sự Ma khảo:

    "Có trường thi công quả tất có cơ khảo thí theo phép công bình Thiên đạo. Phàm muốn đoạt thủ địa vị nơi trường thi ấy, người hành đạo phải có công lao xứng đáng và phẩm hạnh hoàn toàn. Chịu thử thách mà không sa ngã mới đáng đăng tên vào Tiên tịch.

    Vì lẽ công bình, Đức Chí Tôn phải để cho Ma vương cám dỗ. Kẻ nào kém đạo hạnh phải sa vào cạm bẫy.

    Thường thường Chánh Tà tương khắc. Hễ Đạo khai thì Tà khởi. Đạo không ma khảo, Đạo khó thành; ma không Đạo khai, ma không được dịp mở cơ thạnh vượng.

    Ma khảo có nhiều cách, đại khái như:

    1. Mạo danh Tiên, Phật, dối ban huyền diệu cốt mê hoặc người phải xa chánh giáo.

    2. Giục người thấy sắc đẹp mê sa, thấy tài vật ham muốn.

    3. Hóa việc lạ lùng quái gở cho người sợ bỏ dở công phu.

    4. Chiếu theo sở dục của con người mà cám dỗ, tức là đánh ngay chỗ yếu của người.

    5. Bày bố những khó khăn gay cấn cho người thối chí ngã lòng.

    Đức Chí Tôn đã báo cho biết trước:

    Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp mà chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con. Ấy vậy, ráng gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho đến ngày các con hội hiệp cùng Thầy. Nghe và ráng tuân theo.

    Đường đã trải qua, chúng ta thấy rõ tu hành gặp không biết bao nhiêu trở lực. Nào là người hữu ý hay vô tình kích bác, cho đến bà con cật ruột cùng bạn thân yêu buổi trước mà nay thấy chúng ta tu hành, họ cũng đem lòng nhạo báng. Nào là kẻ gây điều khó dễ mong phá hoại việc tu.

    Trong khi lập công bồi đức, chúng ta lại gặp nhiều nghịch cảnh: tiền tài thiếu thốn, tật bịnh triền miên, hoặc những nỗi bất bình, những điều thống khổ, để khiến chúng ta ngã lòng thối bước, nếu không nhẫn nại và vững đức tin.

    Những chướng ngại trên là sự trạng của cơ Nghịch khảo.

    Lại cũng có khi chúng ta sa ngã vì sắc đẹp, vì danh vọng, và lợi quyền, là những cạm bẫy để quyến rũ con người vào đường tội lỗi mà thất đạo. Đó là cơ Thuận khảo.

    Tóm lại, cơ Đạo có Nghịch khảo và Thuận khảo, là hai phương pháp trui rèn lòng người tu hành cho ra cao thượng. Vàng không trui lửa, ai biết vàng cao; ngọc chẳng giồi mài, ai hay ngọc quí.

    Chúng ta tin chắc rằng, mỗi lần bị khảo mà không ngã là mỗi lần chúng ta được lên một nấc thang tấn hóa đó.

    Vậy người tu hành phải chịu luật khảo thí và phải kiên tâm trì chí lướt qua mọi thử thách. Tự tín và bền chí là bí quyết thành công."

    "Đạo với Ma là hai con đường đi đôi với nhau. Có Đạo thì phải có Ma. Từ cổ chí kim, chư Phật, Tiên, Thánh đều phải trải qua con đường Ma khảo mới chứng được Đạo. Người tu mà không biết Ma khảo thì chưa phải là người tu hành.

    Ma khảo có những tác dụng sau đây:

    • Phân chân ngụy.
    • Tiêu oan khiên.
    • Hóa bẩm tính.
    • Định quả vị.

    1. Phân chân ngụy:

    Thời Tam Kỳ Phổ Độ, cửa Đạo mở rộng, nhưng chân giả khó phân. Có người chơn tu, có người mượn danh Đạo tạo danh đời, làm cho những người chơn tu bị mắc oan. Cho nên các Đấng thiêng liêng mới cho Ma khảo để lựa chọn người chơn tu, loại ra những kẻ giả tu. Kẻ giả tu, sau cơn thử thách thì họ đều hiện rõ cái hình giả tạo của họ. Đức Chí Tôn cũng đã có nói trước rằng: "Thầy làm ra mặt các con coi." Cho nên, nếu không có Ma khảo thì làm sao phân biệt được chơn giả?

    2. Tiêu oan khiên:

    Người tu hành ít nhiều đều có mang theo oan nghiệt của các kiếp trước. Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đại khai ân xá, nên đem Nhân Quả của các kiếp trước dồn vào kiếp nầy để người tu trả dứt các món nợ oan nghiệt mà trởvề cùng Chí Tôn.

    3. Hóa bẩm tính:

    Con người nơi cõi trần tiêm nhiễm vật chất qua nhiều kiếp, nên lục dục thất tình luôn luôn dấy động. Nhờ có Ma khảo mà biết được chỗ yếu kém của mình để cố gắng sửa đổi, dần dần bản tánh hóa thuần mà hợp với Thiên tánh. Mỗi khi bị khảo, không nên sanh lòng oán hận, mà phải thuận tùng tiếp nhận, nhẫn nại vượt qua, vì mỗi lần khảo là mỗi lần bớt được một số nợ của kiếp trước. Một khi đã vượt qua một cơn khảo đảo thì đường Đạo dễ đi hơn.

    4. Định quả vị:

    Các Đấng Tiên, Phật đều nói trước rằng:

    "Vô ma khảo bất thành Đại Đạo, Đạo bất khảo bất thành Phật."

    Xưa, Đức Chúa Jésus, Đức Phật Thích Ca, trước khi thành đạo, phải chịu cho Satan, Quỉ vương khảo đảo đủ cách, khi không lay chuyển được thì Quỉ vương mới chịu phục và mới thành đạo. Đức Khổng Tử cũng bị khảo đảo 7 ngày nơi biên giới nước Trần và nước Thái, Đường Tam Tạng và ba đồ đệ cũng bị 81 tai nạn khảo đảo mới được thành Phật.

    Vượt qua được một lần khảo đảo là trình độ tâm linh tiến hóa lên một bực. Cho nên, nhờ Ma khảo mà các Đấng định phẩm vị cho người tu hành.

    Về MA KHẢO, có 8 cách khảo:

    - Nội khảo,
    - Ngoại khảo,
    - Khí khảo,
    - Kỳ khảo,
    - Thuận khảo,
    - Nghịch khảo,
    - Điên đảo khảo,
    - Đạo khảo.

    1. Nội khảo: Khi cầu đạo rồi thì thường hay bị tai nạn, hay bịnh hoạn,... Do đó, nhiều người rất sợ, không muốn vào Đạo và lại còn biếm nhẻ rằng, người tu hành đạo đức mà sao bị tai nạn liền liền. Đức Chí Tôn cũng có dạy trước rằng:

    Ức lòng dễ tỏ đặng cùng ai,
    Hiền đức mà sao chịu khổ hoài.
    Lão nói tỏ tường cho đó hiểu,
    Cũng là vay trả luật xưa nay.
    (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

    Chúng ta tự hỏi tại sao có chuyện kỳ như vậy? Bởi vì các chủ nợ oan nghiệt thấy vị nầy tu rồi, e sau nầy rất khó đòi nợ, nên xúm nhau đến đòi nợ liền liền.

    Người tu cần phải lập chí nhẫn nại, cam lòng chịu đựng, trụ vững đức tin nơi Đức Chí Tôn, ráng lo lập đức lập công để tiêu trừ bớt oan khiên nghiệp chướng, vượt qua các cơn khảo đảo. Dần dần, các oan nghiệt sẽ bớt đi, và con đường đạo sẽ được êm chơn tiến bước.

    2. Ngoại khảo: Thân nhân phản đối, bạn bè hủy báng, hàng xóm chê cười, quan binh bắt bớ,... đều thuộc ngoại khảo. Người tu phải ráng giữ vững đức tin, ôn hòa và tận tụy giúp đỡ mọi người, nhứt là những người chỉ trích mình, cầu xin Ơn Trên hộ trì giúp sức cho sớm vượt qua cơn Ngoại khảo.

    3. Khí khảo: Khí là giận. Bị người lấy oán báo ơn, bị xuyên tạc, bị hàm oan, bị vu khống,.... khiến người tu không nhịn được, nổi giận chống đối quyết liệt. Như thế là người tu bị Khí khảo mà không hay. Khi gặp Khí khảo, phải lấy lòng khoan dung đại lượng để ứng phó.

    Như Đức Chúa đã nói: Kẻ nào đánh vào má bên trái của ta, ta đưa má bên phải cho nó đánh chung một lượt.

    Đức Phật Di-Lạc cũng có nói: Có người chửi vào Lão chuyết, Lão chuyết cười hì hì; nếu nhổ nước miếng vào mặt ta, cứ để vậy cho nó khô, khỏi cần phí công lau chùi, làm cho kẻ nhổ cũng được vui.

    4. Kỳ khảo: Sau khi cầu đạo rồi thì làm ăn thất bại, vợ chồng gây gổ, con cái chia lìa,.... đều thuộc về Kỳ khảo. Ứng phó với Kỳ khảo, người tu phải hiểu thấu suốt lý nhơn quả. Vợ chồng hay con cái đều là duyên nợ, duyên tốt hay xấu, dài hay ngắn, đều là nhân đã kết tập từ kiếp trước. Tiền tài, nhà cửa, ruộng đất, chỉ là thân ngoại vật, sinh ra không mang đến, chết rồi cũng không mang theo được. Hiểu rõ như thế, thì sự vinh hoa, đắc thất như một giấc chiêm bao. Trong lòng cứ thản nhiên như đám mây bay trên trời, hay như dòng nước chảy.

    5. Thuận khảo: Có hai mặt: Thánh và phàm.

    - Mặt Thánh: Được bậc bề trên khen thưởng, được kẻ hậu học ủng hộ, dần dần trở nên đắc ý hợm mình, rơi vào con đường Danh của đạo mà trở thành ngạo mạn, bỏ quên phần đạo tâm ở sau ót. Khi được bậc trên thương yêu, hậu học xem trọng, thì càng phải tự cảnh tỉnh lấy mình. Tài bao nhiêu, đức bao nhiêu mà được ân sủng như vậy? Trong lòng phải luôn luôn cảm tạ ơn đề bạt của các bậc huynh tỷ bề trên, thương yêu đoái hoài đến đàn hậu học, khiêm tốn nhúng nhường, làm gương mẫu cho đàn em noi bước. Đó là cách biến Thuận khảo thành bậc thang tiến hóa của tâm hồn.

    - Mặt phàm: Buôn bán phát đạt, thăng quan tiến chức, thành công mọi mặt, vợ chồng nặng tình ân ái khó lìa. Trong hoàn cảnh hân hoan đắc ý như thế, người tu dần dần trọng phàm khinh Thánh, biến tu đạo thành tu đời, mà quên đi lời Minh thệ lúc ban đầu.

    Muốn thoát vòng tục lụy nầy, người tu phải biết rằng, những cái thành công đắc ý đó là do cái nhân tốt mà mình đã gây ra trong kiếp trước. Nếu không lo vun trồng cái nhân tốt ấy, thì chỉ hưởng một thời gian rồi hết. Cho nên càng đắc thế càng giàu sang thì càng phải lo lập công đức, tôn kỉnh Thần Thánh, giúp đỡ mọi người về vật chất hay về tinh thần trong một tình thương yêu chơn thật.

    6. Nghịch khảo: có hai mặt: Thánh và phàm.

    - Mặt Thánh: Người tu gặp các bậc bề trên vô tình, có công không được thưởng, vô cớ bị chỉ trích, đối với cấp dưới thì không được hậu học kính trọng. Bao lâu khổ công hy sinh lo cho Đạo nghiệp, nay bị nghịch cảnh khảo duợt, làm người tu nãn lòng thối chí. Khi gặp Nghịch khảo như thế, chớ nên sanh lòng căm hờn, mà nên luôn luôn xét lấy mình, vì Đạo thuộc vô vi, tấm lòng son sắt có Trời cao soi xét, việc khen thưởng hay chê bai nơi cõi trần nầy là không đáng kể. Luôn luôn giữ lòng son sắt, càng bị hàm oan, càng chịu đựng trong quyết tâm tu hành thì càng được cao thăng phẩm vị nơi cõi thiêng liêng.

    Gương xưa như nàng Thị Kính, rồi Sãi Kỉnh Tâm, chịu hàm oan khổ nhục biết bao nhiêu mà kể, nhưng vẫn quyết lòng tu niệm, mới đắc thành Phật vị.

    - Mặt phàm: Khi phát tâm hành đạo, cha mẹ không thích, vợ con ngăn cản,..., việc làm không thuận, cấp trên khinh khi, cấp dưới lờn mặt, đó là Nghịch khảo. Gặp cảnh nầy, ta phải an phận, lấy đức cảm hóa mọi người, rồi dần dần hoàn cảnh cũng thay đổi, trở nên thuận bề vui vẻ.

    7. Điên đảo khảo: Căn cơ duyên phận, căn quả tiền khiên của mỗi người đều không giống nhau, cho nên có người gặp Thuận khảo trước rồi Nghịch khảo sau, hay gặp ngược lại, hay có người bị Nội, Ngoại, Khí, Kỳ, khảo luân phiên liên tiếp, làm người tu thất điên bát đảo đến sờn lòng thối chí.

    Dù trong hoàn cảnh nào, người tu cần phải giữ vững đức tin, mặc cho mưa gió tơi bời, nhưng rồi đến một lúc nào đó thì cũng gió lặng sóng êm, đường Đạo bớt chông gai, người tu lo tiến bước.

    8. Đạo khảo: Có hai loại: Nội và Ngoại.

    - Nội khảo: Nội Đạo khảo phát xuất từ trong nội bộ nền Đạo, nhỏ thì tranh chấp về quan niệm tu hành, nghiêm trọng thì tách ra lập chi phái mà lìa gốc Đạo, làm cho các tín đồ không biết phải trái mà theo.

    Khi gặp phải Nội Đạo khảo nầy, người tu cần phải thận trọng, đem hết lương năng lương tri của mình ra phán xét, ai là người tôn sư mà không trọng Đạo, ai là người trọng Đạo mà không tôn sư?

    Nếu chỉ biết tôn sư, tức là chỉ biết đi theo người thầy lãnh đạo mình mà không trọng Đạo thì đó là tu nhơn tình, không hợp lòng Trời. Nếu chỉ biết trọng Đạo mà không tôn sư, tức là chỉ biết lấy Đạo làm trọng nhưng không nghe lời thầy thì dễ trở nên khi sư mà có thể biệt lập thành chi phái.

    - Ngoại khảo: Ngoại Đạo khảo là do Bàng môn Tả đạo đến khảo. Phật độ người có duyên phần, Ma tìm người hám vọng và thích thấy sự huyền diệu. Quỉ Vương mượn danh Tiên Phật, dùng Thần thông biến hóa mà mê hoặc lòng người, nó biết rõ người ham thứ gì thì nó cho thứ đó, khảo thứ đó, để dẫn vào con đường tà, xa rời chánh đạo.

    Đạo khảo phần trí của người tu hành nên gọi là Trí tuệ khảo, khảo sự phán xét chánh tà, khảo lòng trung, hiếu, tiết, nghĩa, tức là khảo phần đức hạnh. Đối với người tu chưa được khai huệ thì nên giữ lòng không tham không vọng là cách tốt nhứt để đối phó với phần Đạo khảo.

    Phần trên vừa trình bày chi tiết tất cả hình thức Ma khảo người tu, nhưng không phải người tu nào cũng bị khảo qua các trường hợp trên, Ma chỉ khảo chỗ nào yếu kém mà thôi.

    Trong các đề tài: Danh, lợi, quyền, nộ, ố, ai, dục, tửu, sắc, tài, khí, người tu yếu về chữ nào thì nó biết nó khảo ngay thứ đó. Người tu nào còn ham tiền thì nó dùng tiền vàng để thử, người tu nào còn ham sắc thì nó dùng sắc đẹp để thử, người tu nào còn háo danh thì nó dùng chức nầy tước nọ để thử, vv . . .

    Ma không hình tướng, tùy theo lòng ham muốn của người mà nó hiện ra, nếu thấy sắc dậy lòng tà thì bị con ma sắc thừa cơ làm hại. Nếu chưa làm chủ được tánh nộ thì mỗi khi phát nộ, nghiến răng trợn mắt, đỏ mặt tía tai, nói năng bẩu lẩu,... thì đó là hiện thân của con ma nộ vậy.

    Do đó, người tu cần phải giữ hai điều cốt yếu sau đây:

    - Giữ vững đức tin, tin tưởng mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, là hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng.

    - Giữ chặt cái tâm, không cho vọng động, giữ cho an nhiên thanh tịnh, không ham không muốn, không gì hết ráo, thì mọi sự thử thách của quỉ ma chỉ như luồng gió thoảng.

    Mỗi lần bị Ma khảo, mỗi lần vượt qua là mỗi lần đạo tâm tiến lên một bực cao hơn, và lần lần tiến hóa lên những bực cao dần, cuối cùng thì được trở về ngôi vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống."

  • Ma kheo

    Ma kheo

    摩丘

    A: Superior monk.

    P: Le moine supérieur.

    Ma kheo là từ ngữ nói tắt của: Ma Ha Tỳ Kheo.

    Ma Ha là lớn, đại. Tỳ Kheo là tiếng phiên âm chữ Phạn: BHIKSU. Chữ nầy còn được phiên âm là: Bật Sô, Tỳ Khưu, nghĩa là người xuất gia qui y theo Phật giáo, thọ giới cụ túc.

    Tỳ Kheo còn được gọi là Khất Sĩ, trên thì Khất pháp (xin cái pháp) của Phật Như Lai để luyện thân, dưới thì khất thực (xin cái ăn) nơi các nhà thế tục để nuôi cái thân.

    Còn người hành khất (ăn xin, ăn mày) bình thường thì họ chỉ xin cơm áo mà sống chớ không xin pháp, nên không thể gọi họ là Tỳ Kheo được.

    Do đó, từ ngữ Tỳ Kheo gồm 4 nghĩa: - Tịnh khất thực. - Phá phiền não. - Tịnh trì giới. - Năng bố ma (có sức làm cho quỉ ma sợ sệt).

    Ma Kheo là Ma Ha Tỳ Kheo, là Đại Tỳ Kheo, bực Tỳ Kheo lớn, tu hành nhiều năm, đức cao, đáng kính.

    Kinh Cứu Khổ: Ma Kheo Ma Kheo, Thanh tịnh Tỳ Kheo.

  • Ma vương quái

    Ma vương quái

    魔王怪

    A: Prince of demons.

    P: Prince des démons.

    Ma: Những linh hồn và chơn thần người chết chưa siêu thăng hay chưa định phận, còn ở lại cõi trần, thường quanh quẩn bên cạnh người sống hay ở bãi tha ma để phá khuấy người sống. Vương: vua. Quái: quái gở, kỳ quái.

    Ma vương quái là vua loài ma quái gở.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thần thông trói chặt Ma vương quái.

  • Ma xử

    Ma xử

    魔杵

    Ma: Những linh hồn và chơn thần người chết chưa siêu thăng hay chưa định phận, còn ở lại cõi trần, thường quanh quẩn bên cạnh người sống hay ở bãi tha ma để phá khuấy người sống. Xử: còn đọc là Chử: cái chày.

    Ma xử là nói tắt của: Giáng Ma xử, nghĩa là cái chày để hàng phục quỉ ma. Đây là bửu pháp đặc biệt của Đức Hộ Pháp.

    (Xem: Giáng ma xử, vần G)

    Kinh Ðại Tường: Chuyển cây Ma xử đuổi tà trục tinh.

  • Mạc trắc

    Mạc trắc

    莫測

    A: Immeasurable.

    P: Immesurable.

    Mạc: chẳng, không, đừng. Trắc: đo lường.

    Mạc trắc là không đo lường để biết được.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Linh oai mạc trắc.

  • Mạc thiên tịch địa

    Mạc thiên tịch địa

    幕天席地

    Mạc: cái màn che, cái mùng. Thiên: trời. Tịch: chiếc chiếu. Địa: đất.

    Mạc thiên tịch địa là màn trời chiếu đất.

    Nghĩa theo Hán văn là: cao rộng mênh mông.

    Nghĩa theo tiếng việt, màn trời chiếu đất là chỉ cảnh sống ở ngoài trời, không nhà cửa, dãi dầu sương nắng.

  • MAI

    MAI

    1. MAI: 埋 Chôn xuống đất, giấu kín.

    Thí dụ: Mai danh, Mai một, Mai táng.

    2. MAI: 梅 Cây mai, hoa mai.

    Thí dụ: Mai gầy, Mai tàn, Mai xuân.

  • Mai cốt bất mai tu

    Mai cốt bất mai tu

    埋骨不埋羞

    Mai: Chôn xuống đất, giấu kín. Cốt: xương. Bất: không. Tu: việc xấu hổ.

    Mai cốt bất mai tu là chôn xương chớ không chôn được tiếng xấu. Ý nói: người chết rồi, thể xác chôn xuống đất nhưng tiếng xấu vẫn còn hoài.

  • Mai danh ẩn tích

    Mai danh ẩn tích

    埋名隱跡

    A: To conceal one"s name and to keep out of sight.

    P: Se cacher son nom et se dissimuler.

    Mai: Chôn xuống đất, giấu kín. Danh: tên. Ẩn: che giấu. Tích: dấu vết.

    Mai danh ẩn tích là chôn giấu tên tuổi, che giấu vết tích, chỉ người lánh đời, không muốn cho ai biết đến mình.

    Đó là ẩn sĩ lánh đời.

  • Mai gầy sen nở

    Mai gầy sen nở

    Mai: Cây mai, hoa mai. Gầy: tàn, héo úa. Sen nở: sen nở hoa.

    Hoa mai nở vào mùa Xuân, mà hoa mai tàn là ý nói mùa Xuân đã đi qua. Hoa sen nở vào mùa Hạ, nên sen nở là chỉ đang lúc mùa Hạ.

    Mai gầy sen nở là ý nói: mùa Xuân đã qua, mùa Hạ lại tới. Thời gian thấm thoát trôi qua.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lần lượt cúc xủ sương tan, mai gầy sen nở, ngày tháng qua chẳng là bao,....

  • Mai một

    Mai một

    埋沒

    A: To disappear.

    P: Faire disparaiâtre.

    Mai: Chôn xuống đất, giấu kín. Một: mất hẳn, không có.

    Mai một là chôn vùi mất hẳn.

  • Mai tàn tuyết xủ

    Mai tàn tuyết xủ

    Mai: Cây mai, hoa mai. Tàn: héo úa. Tuyết xủ: tuyết lạnh rơi xuống.

    Mai tàn tuyết xủ là hoa mai đã héo tàn, tuyết lạnh rơi xuống. Ý nói: Cảnh vật tàn tạ, lạnh lẽo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mai tàn tuyết xủ đời thay đổi.

  • Mai táng

    Mai táng

    埋葬

    A: To bury.

    P: Enterrer.

    Mai: Chôn xuống đất, giấu kín. Táng: chôn xác người chết.

    Mai táng là chôn xác người chết xuống đất.

  • Mai thê hạc tử

    Mai thê hạc tử

    梅妻鶴子

    Mai: Cây mai, hoa mai. Thê: vợ. Hạc: chim hạc. Tử: con.

    Mai thê hạc tử nghĩa đen là lấy cây mai làm vợ, lấy chim hạc làm con. Ý nói: Người ở ẩn, cao khiết thoát tục.

    Điển tích: Lâm Bô, người đời Tống, tự Quân Phục, mồ côi từ nhỏ, rất chăm học, tánh không thích danh lợi, ở ẩn trong núi Cô Sơn vùng Tây Hồ, 20 năm không bước chân ra thị thành. Ông làm thơ rất hay, có tài vẽ đẹp, nhưng làm thơ xong hay vẽ xong thì bỏ đi, không muốn truyền lại. Ông không lấy vợ, sống một mình, trồng mai và nuôi hạc làm bạn.

  • Mai xuân nguyệt cúc vị trà hương

    Mai xuân nguyệt cúc vị trà hương

    梅春月菊味茶香

    Mai: Cây mai, hoa mai. Xuân: mùa Xuân. Nguyệt: tháng. Cúc: hoa cúc. Vị: mùi vị. Trà hương: mùi thơm của trà. Mai Xuân: hoa mai vào mùa Xuân. Nguyệt cúc: Hoa cúc vào mùa Thu. Do chữ: Cúc nguyệt là tháng có hoa cúc nở, mà hoa cúc nở rộ vào tháng tám trung Thu, nên người ta dùng hoa cúc tượng trưng mùa Thu.

    Đây là câu đầu trong bài thài Dâng Trà, có nghĩa là: Mùi vị của trà thơm như hoa mai mùa Xuân, hoa cúc mùa Thu.

    Mỗi mùa trong năm có một thứ hoa đặc trưng: mùa Xuân có hoa mai, mùa Hạ có hoa sen, mùa Thu có hoa cúc, mùa Đông có hoa đào.

  • Mại quốc cầu vinh

    Mại quốc cầu vinh

    賣國求榮

    A: To sell one"s country and to pursue honours.

    P: Vendre sa patrie et chercher des honneurs.

    Mại: bán. Quốc: nước. Cầu vinh: mong mỏi vinh hiển. Mại quốc là bán nước. (thường đọc sai là Mãi quốc).

    Mại quốc cầu vinh là bán nước để cầu mong vinh hiển.

    Chỉ kẻ phản quốc, theo giặc, đem nước nhà bán cho giặc để mong giặc ban cho phẩm tước lớn và trở nên giàu có.

  • Man trá

    Man trá

    瞞詐

    A: Dishonest.

    P: Malhonnête.

    Man: lừa dối. Trá: dối gạt.

    Man trá là dối trá, lừa dối.

  • MÃN

    MÃN

    MÃN: 滿 Đầy đủ, đầy tràn, xong, hết.

    Thí dụ: Mãn kiếp, Mãn lễ, Mãn tang.

  • Mãn đường cát khánh

    Mãn đường cát khánh

    滿堂吉慶

    Mãn: Đầy đủ, đầy tràn, xong, hết. Đường: nhà. Cát: tốt. Khánh: chúc mừng.

    Mãn đường cát khánh là chức mừng phước tốt đầy nhà.

    Đây là câu cầu chúc.

  • Mãn kiếp

    Mãn kiếp

    滿劫

    A: To die.

    P: Mourir

    Mãn: Đầy đủ, đầy tràn, xong, hết. Kiếp: một kiếp sống.

    Mãn kiếp là hết một kiếp sống nơi cõi trần, ý nói: chết.

    Giới Tâm Kinh: Mãn kiếp lại còn bị xẻ thây.

  • Mãn kỳ

    Mãn kỳ

    滿期

    A: Expiry.

    P: Délai expiré.

    Mãn: Đầy đủ, đầy tràn, xong, hết. Kỳ: thời hạn.

    Mãn kỳ là hết hạn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đã mãn kỳ, phải giao quyền lại cho Tòa Tam giáo.

  • Mãn phần

    Mãn phần

    滿分

    A: To die.

    P: Mourir.

    Mãn: Đầy đủ, đầy tràn, xong, hết. Phần: vận mạng mà Trời dành cho mỗi người.

    Mãn phần là vận mạng đã hết, tức là chết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tương mãn phần cũng nơi số mạng tiền định.

    (Tương: Nguyễn Văn Tương, thế danh của Ngài Thượng Chưởng Pháp đầu tiên của Đạo Cao Đài.)

  • Mãn phục - Mãn tang

    Mãn phục - Mãn tang

    滿服 - 滿喪

    A: The end of mourning.

    P: La fin de deuil.

    Mãn: Đầy đủ, đầy tràn, xong, hết. Phục: quần áo tang. Tang: để tang tỏ lòng thương nhớ người chết.

    Mãn phục, đồng nghĩa Mãn tang, là hết thời kỳ để tang.

    Đạo Cao Đài qui định ngày làm Lễ Đại tường là mãn tang, nên sau khi làm Đại tường xong thì làm Lễ Trừ phục, tức là đốt hết quần áo tang, và khăn tang.

  • Mang sao đội nguyệt

    Mang sao đội nguyệt

    Mang: đeo vào mình. Sao: tinh tú. Đội: đặt trên đầu. Nguyệt: mặt trăng.

    Mang sao đội nguyệt là nói cảnh sống vất vả, dãi gió dầm mưa, không nhà cửa, đồng nghĩa: Màn trời chiếu đất.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bần đạo hỏi bốn Hiền hữu: Có ai đã mang sao đội nguyệt, ăn mật nằm gai, chịu muôn sự khổ hạnh cõi đời để tạo hạnh phúc cho nhơn sanh chưa?

  • Mãng bào

    Mãng bào

    蟒袍

    A: Cloak adorned with dragon.

    P: Manteau orné de dragon.

    Mãng: loại rắn lớn giống hình con rồng. Bào: áo dài.

    Mãng bào là áo bào có thêu hình con mãng.

    Trong triều đình, Mãng bào là áo bào của vua; Mãng y là áo lễ của các quan có thêu hình con mãng.

    Bộ Đại phục của Đức Hộ Pháp, bên trong mặc giáp, ngoài giáp thì choàng mãng bào màu vàng, thế nào bên tả thì giáp, bên hữu thì mãng.

  • MẠNG

    MẠNG

    MẠNG: 命 còn đọc là MỆNH.

    1. MẠNG: cái mạng sống, cái vận mạng mà Trời định cho mỗi người theo cái nghiệp.

    Thí dụ: Mạng căn, Mạng chung.

    2. MẠNG: mệnh lệnh của cấp trên.

    Thí dụ: Mạng pháp, Mạng Trời

    3. MẠNG: đặt tên, gọi tên.

    Thí dụ: Mạng danh.

  • Mạng căn

    Mạng căn

    命根

    Mạng: cái mạng sống, cái vận mạng mà Trời định cho mỗi người theo cái nghiệp. Căn: gốc rễ.

    Mạng căn là cái mạng sống của con người có gốc rễ từ kiếp trước.

    Những việc làm thiện ác của kiếp trước tạo thành cái Nghiệp, quyết định cái mạng sống cho kiếp hiện tại.

    Vì mạng căn của mỗi người khác nhau, nên địa vị, hoàn cảnh và trình độ của mỗi người cũng khác nhau.

    Kinh Tắm Thánh: Trăm năm là tuổi đủ đầy mạng căn.

  • Mạng chung

    Mạng chung

    命終

    A: To die.

    P: Mourir.

    Mạng: cái mạng sống, cái vận mạng mà Trời định cho mỗi người theo cái nghiệp. Chung: hết, cuối.

    Mạng chung là cái mạng sống đã hết: chết.

    Kinh Sám Hối: Lúc chung mạng dứt hơi hồn xuất.

  • Mạng danh (Mệnh danh)

    Mạng danh (Mệnh danh)

    命名

    A: To name.

    P: Nommer.

    Mạng: đặt tên, gọi tên. Danh: tên.

    Mạng danh (Mệnh danh) là gọi tên, đặt tên.

    Thầy giáo dạy học được mệnh danh là Kỹ sư tâm hồn.

  • Mạng pháp

    Mạng pháp

    命法

    A: The order and law.

    P: L"ordre et la loi.

    Mạng: mệnh lệnh của cấp trên. Pháp: pháp luật.

    Mạng pháp là mệnh lệnh và pháp luật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu mình trọn tin mạng pháp thì các Đấng cũng ghi công cho.

  • Mạng Trời

    Mạng Trời

    A: The order of God.

    P: L"ordre de Dieu.

    Mạng: mệnh lệnh của cấp trên. Trời: Ông Trời, Đức Chí Tôn Thượng Đế.

    Mạng Trời là mệnh lệnh của Trời ban ra, hán văn gọi là Thiên mệnh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mạng Trời đã định, nhưng có sức của các con mới đặng kết quả hoàn toàn.

  • Manh sư

    Manh sư

    肓師

    A: Blind master.

    P: Maiâtre aveugle.

    Manh: mù, tối tăm. Sư: thầy dạy học.

    Manh sư là từ ngữ dùng để đối lại với Minh sư.

    Minh sư là là người tu đã đắc đạo, đạt được trí huệ, trở lại dạy cho học trò đắc đạo như mình.

    Manh sư là người tu chưa đắc đạo, trí não còn mờ tối mê lầm, mà lại làm bộ tài giỏi, thâu nhận đệ tử và dẫn dắt đệ tử vào đường lầm lạc như mình, chẳng khác chi người đui dẫn đám mù. (Quần manh dẫn quần manh).

  • MẠNH

    MẠNH

    MẠNH: 孟 Lớn, bắt đầu, họ Mạnh.

    Thí dụ: Mạnh nguyệt, Mạnh Tử.

  • Mạnh nguyệt

    Mạnh nguyệt

    孟月

    A: The first month of every season.

    P: Le premier mois de chaque saison.

    Mạnh: Lớn, bắt đầu, họ Mạnh. Nguyệt: tháng âm lịch.

    Mạnh nguyệt là tháng đầu của mỗi mùa.

    Đó là những tháng âm lịch: tháng Giêng đầu mùa Xuân, tháng tư đầu mùa Hạ, tháng bảy đầu mùa Thu và tháng mười đầu mùa Đông.

  • Mạnh Thường Quân

    Mạnh Thường Quân

    孟常君

    Mạnh Thường Quân là một vị Tướng Quốc của nước Tề thời Xuân Thu bên Tàu.

    Ông là một nhà giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, luôn luôn chiêu mộ các anh tài khắp nơi, miễn có tài thì được trọng đãi để theo giúp mình trong công việc an bang tế thế. Tiếng tốt đồn vang khắp các nước chư Hầu thời bấy giờ.

    Hiện nay, trong ngôn ngữ Việt Nam, danh từ Mạnh Thường Quân dùng để chỉ những vị giàu có, đầy lòng nghĩa hiệp, ủng hộ tài chánh tích cực đối với các hoạt động xã hội, từ thiện hay các phong trào thanh niên, thể dục thể thao.

    Điển tích: Mạnh Thường Quân, người nước Tề, tên thật là Điền Văn, con của quan Tướng Quốc Điền Anh.

    Dưới thời vua Tề Mân Vương, quan Tướng Quốc Điền Anh có hơn 40 người con trai, mà Điền Văn là con của một người tiện thiếp, lại sanh nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, nên khi mới sanh, Điền Anh bảo người thiếp bỏ đi đừng nuôi. Nhưng người tiện thiếp thương con nên không nỡ bỏ, lén giấu nuôi riêng một chỗ kín. Khi Điền Văn được 5 tuổi, thì người thiếp dắt đến ra mắt Điền Anh, Điền Anh nổi giận vì người thiếp trái mệnh. Điền Văn liền dập đầu thưa rằng:

    - Vì cớ nào mà cha nỡ bỏ con?

    Điền Anh đáp: - Người đời thường nói ngày mùng 5 tháng 5 là ngày hung, sanh con nhằm ngày ấy lớn lên nó cao bằng cái cổng, sẽ bất lợi cho cha mẹ.

    Điền Văn thưa rằng: - Người ta sanh ra thọ mệnh ở Trời, lẽ nào thọ mệnh ở cái cổng. Nếu quả thọ mệnh ở cái cổng thì sao cha không xây cái cổng cho cao lên.

    Điền Anh nghe con trẻ nói thế thì không biết trả lời ra sao, nhưng nghĩ rằng đứa bé nầy rất khác thường, nên bắt đầu để ý chăm nom dạy dỗ nó.

    Đến khi Điền Văn được 10 tuổi thì đã biết tiếp ứng tân khách. Tân khách rất thích chơi với Văn vì cậu bé rất thông minh và có nhiều tư tưởng lạ. Sứ giả các nước đến Tề đều yêu cầu tiếp xúc Điền Văn. Điền Anh cho Điền Văn là người hiền, nên rất thương yêu, lập làm đích tử, nối dòng Tiết Công, gọi là Mạnh Thường Quân.

    Mạnh Thường Quân nối ngôi cha, xây nhà quán xá lớn thêm để chứa những kẻ sĩ trong thiên hạ. Tất cả kẻ sĩ đến đều được thu dụng, không phân biệt sang hèn, giỏi dở.

    Mạnh Thường Quân dẫu làm quan lớn hiển hách nhưng vẫn ăn uống giống như tân khách. Có một hôm đãi khách ăn đêm, đèn soi không rõ, có một khách ngờ rằng cơm có hai hạng bèn ném đũa xin đi. Điền Văn tự đứng dậy, đến nơi rọi đèn vào cơm để so sánh, quả nhiên cơm đều như nhau. Vị tân khách ấy than rằng:

    - Mạnh Thường Quân đều đãi khách đồng một bực mà ta đem lòng ngờ vực, thật là tiểu nhân, còn mặt mũi nào nhìn ông ấy nữa.

    Nói xong thì lấy dao tự đâm cổ chết, không ai ngăn kịp. Mạnh Thường Quân thương khóc thảm thiết. Các tân khách đều cảm động, theo về càng lúc càng đông.

    Các nước chư Hầu nghe tiếng Mạnh Thường Quân là người hiền, có nhiều tân khách tài giỏi, nên đều tôn trọng nước Tề, không dám xâm phạm bờ cõi nước Tề.

    Bấy giờ, vua nước Tần là Tần Chiêu Vương nghe tiếng Mạnh Thường Quân là người hiền, muốn triệu họ Mạnh sang Tần nhưng biết họ Mạnh đang làm Tướng Quốc nước Tề thì làm sao cầu được. Một vị cận thần tâu:

    - Bệ hạ nên đem con em thân tín sang Tề làm con tin rồi dùng lễ vật mời Mạnh Thường Quân. Vua Tề tin Tần, ắt phải cho Mạnh Thường Quân đi. Bệ hạ được Mạnh rồi thì liền phong chức Tướng Quốc, hai nước Tần và Tề giao hảo, rồi cùng bàn mưu thôn tính chư Hầu, chẳng còn khó chi nữa.

    Vua Tần nghe theo, cử Kinh Dương Quân qua Tề làm con tin, đổi Mạnh Thường Quân sang Tần. Các tân khách đều khuyên Mạnh Thường Quân không nên đi vì Tần là nước hổ lang trí trá, qua Tần rồi ắt Tần không cho về.

    Khuông Chương bèn tâu với Tề Mân Vương:

    - Nước Tần đưa con tin sang mà cầu được tiếp kiến Mạnh Thường Quân là ý muốn thân thiện với Tề. Nếu Mạnh Thường Quân không đi thì mất lòng Tần, mà nếu giữ con tin của Tần thì tất không tin Tần. Chi bằng cứ lấy lễ đãi Kinh Dương Quân rồi cho trở về Tần, sau đó sai Mạnh Thường Quân đi sứ sang Tần đáp lễ. Như vậy tất vua Tần tin nghe Mạnh Thường Quân mà hậu với Tề.

    Tề Mân Vương cho là phải, làm y theo kế hoạch.

    Mạnh Thường Quân vâng mệnh đi sứ, đem theo hơn ngàn tân khách sang Tần. Khi đến Hàm Dương, vào yết kiến vua Tần. Vua Tần xuống tận thềm để đón Mạnh Thường Quân và kể cái lòng yêu mến bấy lâu.

    Mạnh Thường Quân có cái áo hồ cừu rất quí, dùng làm lễ vật dâng lên vua Tần. Vua giao áo cho quan giữ kho cất.

    Vua Tần định phong Mạnh Thường Quân làm Tể Tướng. Vu Lý Tật sợ vua dùng họ Mạnh thì mình mất quyền, bèn cùng Công Tôn Thích tâu với vua Tần:

    - Mạnh Thường Quân là người nước Tề, nay làm tướng nước Tần tất hắn phải lo cho Tề trước rồi sau mới lo cho Tần. Mạnh Thường Quân là người hiền tài, chung quanh lại có nhiều bộ hạ tài giỏi, như vậy thì nguy cho Tần lắm.

    Vua Tần hỏi: - Nếu vậy thì cho Mạnh Thường Quân trở về nước Tề hay sao?

    Vu Lý Tật tâu: - Mạnh Thường Quân đã ở nước Tần hơn một tháng, khách theo hơn ngàn người, nên đã biết tất cả việc nhỏ việc lớn của nước Tần, nếu nay cho họ về thì ắt hại cho Tần, chi bằng nên giết đi.

    Vua Tần còn đang lưỡng lự, bèn tạm cho Mạnh Thường Quân ra ở quán xá chờ đợi. Kinh Dương Quân cảm mến Mạnh Thường Quân nên lén cho hay mưu kế của Vu Lý Tật. Mạnh Thường Quân lo sợ, hỏi Kinh Dương Quân có kế chi giúp mình không. Kinh Dương Quân nói:

    - Vua Tần chưa quyết định. Trong cung có nàng Yên Cơ được vua Tần rất yêu, nói gì vua cũng nghe, nếu Ngài có vật chi quí báu, tôi sẽ vì Ngài đem dâng cho Yên Cơ để cầu nàng nói giúp một lời, tất Ngài có thể thoát họa mà trở về Tề.

    Mạnh Thường đem dâng đôi bạch bích. Yên Cơ nói:

    - Thiếp rất thích thứ áo hồ cừu trắng của Tề, nếu cho thiếp một cái thiếp sẽ nói giúp cho, chớ cái thứ ngọc bích nầy thiếp không thích.

    Mạnh Thường Quân thở dài, không biết tính sao, vì chỉ có một cái áo hồ cừu mà đã đem dâng cho vua Tần rồi. Họ Mạnh bèn hỏi ý kiến của các tân khách. Một vị nói:

    - Để tôi vào cung vua, giả làm chó đến kho trộm áo hồ cừu đó đem về.

    Mạnh Thường Quân túng thế cũng phải cười rồi cho đi. Vị tân khách ấy giả làm chó rất giống, đang đêm chui qua cống nhỏ, lẻn vào trong kho, rình lúc người giữ kho ngủ say, lấy chìa khóa mở cửa kho, lấy áo hồ cừu, khóa cửa lại như cũ, rồi đem áo hồ cừu trở về mà không ai hay biết.

    Mạnh Thường Quân mừng rỡ, đem áo giao cho Kinh Dương Quân, dâng cho nàng Yên Cơ. Yên Cơ thỏ thẻ nói với vua Tần cho Mạnh Thường Quân trở về Tề để giữ tình giao hiếu với Tề, được vua Tần bằng lòng và cấp giấy qua các ải cho phái đoàn của Mạnh Thường Quân trở về nước Tề.

    Mạnh Thường Quân nói với đám tân khách của mình:

    - Ta may nhờ một lời nói của Yên Cơ mà thoát được miệng hùm, nhưng vạn nhất nửa chừng vua Tần đổi ý, có Vu Lý Tật tâu vào thì mạng bọn ta còn gì?

    Trong đám tân khách có người giỏi làm giấy giả, bèn theo giấy vua Tần cấp cho Mạnh Thường Quân, làm giả một tờ giấy khác, đổi tên họ khác, rồi ngay đêm đó, cấp tốc lên đường trở về, đến ải Hàm Cốc vào lúc nửa đêm. Cửa ải đóng chặt, nếu đợi đến sáng thì e không kịp. Một tân khách giả tiếng gà gáy giống y như thật, bao nhiêu con gà khác trong ải đều gáy theo, quan giữ ải tưởng Trời gần sáng, thức dậy cho lịnh mở cửa ải, khám xét giấy tờ qua trạm rồi cho phái đoàn của Mạnh Thường Quân đi qua.

    Vu Lý Tật hay tin vua Tần cho Mạnh Thường Quân trở về Tề thì lật đật vào triều tâu với vua Tần:

    - Nếu Bệ hạ tha không giết họ Mạnh thì cũng giữ lại làm tin, chớ sao lại thả cho về Tề?

    Vua Tần hối quá, sai quan quân đuổi gấp theo, đến Hàm Cốc quan đòi xem sổ tên các người qua lại thì không có ai tên là Điền Văn. Viên quan tự hỏi: Hay là họ Mạnh đi ngả khác?

    Đợi đến nửa ngày không có tin tức gì thêm, mới hỏi quan giữ ải, rồi mô tả hình dáng của Mạnh Thường Quân và số tân khách đi theo, cùng là xe ngựa, thì quan giữ ải nói:

    - Như vậy bọn ấy đã qua ải từ sáng hôm kia rồi, chúng đi nhanh lắm, có lẽ đã đi trăm dặm rồi, đuổi theo không kịp nữa.

    Toán quan quân trở về tâu lại vua Tần mọi việc.

    Vua Tần than rằng: - Mạnh Thường Quân có cái cơ mưu quỉ thần bất trắc, thật là một bậc hiền sĩ hiếm có trên đời.

    Nói về Mạnh Thường Quân trở về Tề được bình yên, tiếng tăm lừng lẫy, tân khách đến càng đông. Số hoa lợi nơi Ấp Tiết không đủ chi dùng nuôi tân khách. Mạnh Thường Quân cho dân Ấp Tiết vay tiền để có thêm lợi tức, đến kỳ hạn thì cho người đến thâu tiền lãi. Có một tân khách tên Phùng Hoan xin đi thu các số tiền nầy. Họ Mạnh xét thấy người nầy chơn thực nên bằng lòng cho đi.

    Dân Ấp Tiết nghe Mạnh Thường Quân sai Phùng Hoan đến thu nợ thì đem nộp trả khá nhiều. Phùng Hoan liền dùng số tiền nầy mua rượu thịt rồi yết thị dân chúng: Phàm nhà nào có vay tiền của Mạnh Thường Quân, trả được hay không trả được, đều phải đem giấy nợ đến xem xét, đồng thời được chiêu đãi rượu thịt vui vẻ. Trăm họ nghe cho ăn uống và không làm khó dễ người thiếu nợ nên tựu đến đầy đủ. Phùng Hoan nhơn đó dò xét, người giàu thì trả nợ không nói chi, còn người khá mà nhất thời không tiền trả được thì bắt làm tờ hẹn trả, còn người nghèo quá không thể trả nợ được thì Phùng Hoan thu hết giấy nợ đốt bỏ, xóa nợ luôn, rồi phủ dụ:

    - Mạnh Thường Quân sở dĩ cho các ngươi vay tiền là sợ các ngươi không có vốn làm ăn, chớ không phải vì lợi. Nhưng Mạnh có mấy ngàn tân khách, bổng lộc không đủ chi dùng nên phải đòi số lãi để phụ vào. Nay người khá có thể trả thì có giấy hẹn trả, người quá nghèo không thể trả thì giấy nợ đã đốt rồi. Mạnh Thường làm ơn cho dân Ấp Tiết như vậy là hậu lắm.

    Trăm họ đều tạ ơn và hoan hô Mạnh Thường Quân.

    Phùng Hoan trở về báo cáo với Mạnh Thường Quân:

    - Tôi đi chuyến nầy, không những vì Ngài thu nợ mà còn vì Ngài thu đức nữa.

    Mạnh Thường Quân trách rằng:

    - Tôi vì khách những 3000 người, bổng lộc không đủ chi dùng nên phải cho dân Ấp Tiết vay tiền lấy lãi phụ vào, tôi nghe ông đem hết tiền lãi mua rượu thịt đãi họ ăn uống và còn đem đốt bỏ một số giấy nợ nói là thu đức là nghĩa làm sao?

    Phùng Hoan thưa rằng:

    - Người mắc nợ nhiều, nếu không bày ra ăn uống thì chúng nó không đến đủ mặt, không thể dò xét được ai cùng khổ. Kẻ có khả năng trả nợ thì bắt họ làm giấy khất nợ, còn kẻ cùng khổ thì dầu có đánh chúng cũng không có tiền để trả. Ấp Tiết là Ấp thế phong của Ngài, dân ở đấy là những người cùng chung với Ngài lúc yên nguy, nay đốt giấy nợ kia là tỏ cái đức yêu dân của Ngài, vì thế mà tôi nói thu đức cho Ngài là vậy.

    Mạnh Thường Quân nghe nói vậy thì đành bỏ qua.

    Lại nói Tần Chiêu Vương, sau khi để Mạnh Thường Quân trở về nước Tề thì hối hận, sợ họ Mạnh làm Tề thịnh lên, bèn dùng tiền bạc sai người qua Tề làm kế ly gián giữa vua và tôi. Tề Mân Vương lầm kế, nghi ngờ Mạnh Thường Quân, nên thâu tướng ấn và đuổi họ Mạnh về Ấp Tiết. Các tân khách cũng lần lượt bỏ đi, chỉ có Phùng Hoan là theo bên cạnh.

    Khi Mạnh Thường Quân trở về Ấp Tiết, Phùng Hoan cầm cương xe, dân Ấp Tiết hay tin kéo ra đón rất đông, tranh nhau dâng cơm rượu và hỏi thăm Mạnh Thường Quân. Lúc đó, Mạnh nói với Phùng Hoan:

    - Thế nầy tôi mới biết Tiên sinh vì tôi mà thu đức vậy.

    Phùng Hoan nói:

    - Nay tôi có thể giúp Ngài trở lại làm Tướng Quốc nước Tề, vua Tề càng trọng Ngài hơn, và sẽ cấp đất phong nhiều hơn. Xin Ngài cho tôi một cỗ xe và ít lộ phí để tôi sang Tần.

    Mạnh Thường Quân bằng lòng và Phùng Hoan qua Tần.

    Phùng Hoan xin vào yết kiến vua Tần, nói rằng:

    - Kẻ sĩ đến ở Tần thì muốn cho Tần mạnh và làm sao cho Tề yếu đi. Nước nào mạnh thì được thiên hạ .

    Vua Tần hỏi:

    - Tiên sinh có kế gì làm cho Tần hùng mạnh không?

    - Nước Tề lâu nay được trọng là vì có Mạnh Thường Quân là người hiền. Nay vua Tề nghe lời gièm, thu lại tướng ấn, đuổi Mạnh Thường Quân về Ấp Tiết. Nay nhân lúc Mạnh đang oán Tề, Tần bí mật rước Mạnh về Tần thì Tần trở nên mạnh mà Tề thì yếu đi. Đại vương gấp sai sứ sang Tề, ngầm đem lễ vật đến đón Mạnh Thường Quân đang ở Ấp Tiết. Cơ hội nầy chớ nên bỏ lỡ, vạn nhất vua Tề biết hối, dùng trở lại Mạnh Thường Quân thì Mạnh Thường Quân cũng đã có cái tình cảm tốt đối với Tần rồi.

    Bấy giờ nước Tần, tướng Vu Lý Tật mới chết, vua Tần đang thiếu một hiền tướng, nên khi nghe Phùng Hoan nói thế thì vua Tần cả mừng, bèn sai lấy 10 cỗ xe tốt, trăm dật hoàng kim, sai sứ giả đem nghi trượng Thừa Tướng đến Ấp Tiết đón Mạnh Thường Quân về Tần.

    Phùng Hoan nói: - Xin Bệ hạ cho tôi về trước báo tin, bảo Mạnh Thường Quân chuẩn bị đi ngay theo sứ.

    Phùng Hoan đi luôn một mạch trở về nước Tề, vào yết kiến vua Tề là Tề Mân Vương, tâu rằng:

    - Hai nước Tần và Tề mạnh yếu thế nào, Bệ hạ đã biết, được người hiền thì mạnh, mất người hiền thì yếu. Nay tôi nghe vua Tần may gặp lúc Mạnh Thường bị đuổi, liền sai sứ sang đón Mạnh về Tần làm Thừa Tướng. Nếu Mạnh Thường Quân làm tướng cho Tần thì Tần sẽ rất mạnh mà Tề thì rất yếu.

    Vua Tề giựt mình, hỏi rằng: - Như vậy thì biết làm sao?

    Phùng Hoan đáp: - Nhân lúc sứ Tần chưa đến kịp, xin Đại vương mau triệu Mạnh Thường Quân về triều, giao lại cho tướng ấn, gia tăng bổng lộc, thì chắc Mạnh Thường Quân vui lòng nhận, chừng đó dầu sứ Tần có đến thì cũng không làm được việc gì.

    Phùng Hoan tâu xong liền trở về Ấp Tiết, tỏ bày hết các việc cho Mạnh Thường Quân rõ.

    Mạnh Thường Quân hoan hỷ nói:

    - Văn nầy đối với tân khách không dám có điều gì thất lễ, tự nhiên bị bãi chức, tân khách đều bỏ đi, nay nhờ Tiên sinh mà được phục chức, tưởng các tân khách không còn mặt mũi nào trở lại trông thấy Văn nầy nữa.

    Phùng Hoan đáp:

    - Vinh nhục, thịnh suy là lẽ thường ở đời. Nếu giàu sang thì lắm kẻ cầu thân, mà nghèo hèn thì chẳng ai nhìn tới. Ấy là thói đời, Ngài không nên phiền muộn điều đó.

    Mạnh Thường Quân nghe lời Phùng Hoan, nên khi trở lại làm Tướng Quốc nước Tề thì qui tụ tân khách trở lại, đối đãi như xưa.

    Sau đó khá lâu, Mạnh Thường Quân can gián Tề Mân Vương không nên đem quân đánh nhà Châu mà mất lòng các chư Hầu, Tề Mân Vương không nghe, thu lại tướng ấn của Mạnh Thường. Họ Mạnh sợ bị vua Tề giết, liền chạy sang Đại Lương, nhờ Công tử Vô Kỵ, tức Tín Lăng Quân, giúp đỡ.

    Về sau nữa, Mạnh Thường Quân trở về Ấp Tiết, vẫn cùng Tính Lăng Quân và Bình Nguyên Quân đi lại rất thân.

    Tề Mân Vương mất, Tề Tuyên Vương lên nối ngôi, sai sứ đến đón Mạnh Thường Quân về triều làm Tướng Quốc, nhưng Mạnh Thường Quân xin cáo lão, ở Ấp Tiết dưỡng già và mất tại đó.

  • Mạnh - Trọng - Quí

    Mạnh - Trọng - Quí

    孟 - 仲 - 季

    A: First, Second, Third of a group of three.

    P: Premier, Second, Troisième du groupe de trois.

    Mạnh: Lớn, bắt đầu, họ Mạnh. Thứ nhứt, khởi đầu.

    Trọng: Thứ nhì, ở giữa.

    Quí: Thứ ba, ở cuối, út chót.

    ■ Chỉ về thứ tự 3 tháng trong một mùa, thì: Mạnh là tháng đầu, Trọng là tháng giữa, Quí là tháng cuối.

    Thí dụ: Mùa Xuân:

    · Tháng đầu mùa Xuân: Mạnh Xuân,tức là tháng giêng.

    · Tháng giữa mùa Xuân: Trọng Xuân, tức là tháng hai.

    · Tháng cuối mùa Xuân: Quí Xuân, tức là tháng ba.

    Tương tự, mùa Hạ, Thu hay Đông cũng gọi y như thế.

    ■ Chỉ về con cái trong gia đình thì dùng:

    · Quí nam là con trai út.

    · Quí nữ là con gái út.

  • Mạnh Tử (372-289 trước Tân Luật)

    Mạnh Tử (372-289 trước Tân Luật)

    孟子

    A: Mencius.

    P: Mencius.

    Mạnh: họ Mạnh. Tử: thầy. Mạnh Tử là thầy Mạnh.

    Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, là dòng dõi họ Công Tộc Mạnh Tôn ở nước Lỗ.

    Mạnh Tử người gốc ở đất Trâu đời Xuân Thu, thuộc nước Lỗ, nay là huyện Trâu tỉnh Sơn Đông, Trung quốc.

    Theo sách Mạnh Tử phả, Mạnh Tử sanh ngày mùng 2 tháng 4 năm thứ 4 đời vua Chu Liệt Vương (372 trước Tân Luật) và mất vào ngày 15 tháng 11 năm thứ 26 đời vua Chu Noãn Vương (289 trước Tân Luật), thọ 83 tuổi.  

    Thời ấu trĩ (Mạnh mẫu trạch lân).

    Theo Liệt Nữ Truyện, năm Mạnh Kha lên 3 tuổi, đã mồ côi cha, nhà nghèo, ở gần nghĩa địa tại chân núi, thấy người ta đào chôn xác chết, lăn khóc, về nhà cậu bé Mạnh Kha cũng bắt chước đào chôn, lăn khóc.

    Bà mẹ của Mạnh Kha là Chương thị (về sau gọi là Mạnh mẫu) thấy thế thì nói:

    - Chỗ nầy không phải là chỗ cho con ta ở được.

    Nói rồi, Bà dọn nhà ra ở gần chợ. Mạnh Kha thấy người ta buôn bán đảo điên, thêm bớt tiền nong, thì cậu bé Mạnh Kha về nhà cũng bắt chước nô nghịch một cách đảo điên như người ở chợ. Mạnh mẫu thấy thế lại nói:

    - Chỗ nầy cũng không phải là chỗ cho con ta ở được.

    Bà liền dọn nhà đến ở cạnh một trường học. Cậu bé Kha thấy trẻ nhỏ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, tập đọc tập viết. Về nhà cậu bé Kha cũng bắt chước tập lễ phép và cắp sách vở. Bấy giờ Mạnh mẫu mới vui lòng nói:

    - Chỗ nầy con ta ở được.

    Một hôm, cậu Kha thấy nhà hàng xóm giết heo làm thịt, về hỏi mẹ: - Người ta giết heo làm gì thế?

    Mạnh mẫu nói đùa: - Để cho con ăn thịt đấy.

    Nói xong Bà lại hối rằng: Ta nói lỡ lời rồi. Con ta còn thơ ấu, trí thức mới mở mang, mà ta nói dối với nó thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối hay sao? Rồi Mạnh mẫu ra chợ mua thịt heo đem về làm cho con ăn thật.

    Lại một hôm, Mạnh Kha đi học, bỗng bỏ về nhà chơi. Mạnh mẫu đang ngồi dệt vải trông thấy bèn đứng dậy, kêu con lại rồi cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng:

    - Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải nầy mà cắt đứt bỏ đi.

    Từ hôm đó, cậu bé Mạnh Kha không dám bỏ học, lại học tập rất chuyên cần, học mỗi ngày một tiến, lại hay tập việc tế lễ.

    2. Thời kỳ niên thiếu

    Khi lớn lên, Mạnh Tử theo học với thầy Tử Tư, tức là Khổng Cấp, cháu nội của Đức Khổng Tử.

    Mạnh Tử học với Tử Tư hiểu được cái đạo của Đức Khổng Tử, lại có tài hùng biện và sở trường về khoa nói thí dụ. Lời nói của ông chắc chắn và mạnh mẽ, có sức thuyết phục. Mạnh Tử làm điều gì cũng lấy Đức Khổng Tử làm tiêu chuẩn.

    Mạnh Tử nói Đức Khổng Tử là bậc Thánh về thời, nghĩa là Đức Khổng Tử có gồm hết các đức tốt của các bậc Thánh khác và ở vào thời nào cũng đều ứng dụng được cả.

    Mạnh Tử ở vào thời Chiến Quốc, loạn lạc khắp nơi. Mạnh Tử cũng muốn đem tài học ra cứu đời. Ông muốn bắt chước Đức Khổng Tử định đi chu du các nước chư Hầu để đem cái đạo của Thánh nhân ra ứng dụng.

    3. Thời kỳ đi chu du các nước chư Hầu

    Thời Chiến Quốc, thiên tử nhà Chu quá nhu nhược, không thể điều khiển được các vua chư Hầu. Mạnh Tử đành phải giúp vua chư Hầu, những nước nhỏ bé quá thì không thể làm gì được, nên Ông lưu ý đến hai nước lớn là Tề và Lương.

    Những nước lớn nầy lại không chịu theo Vương đạo, mà chỉ muốn theo Bá đạo đặng làm Bá chủ thôn tính các nước khác, nên họ cho lời nói của Mạnh Tử là viễn vông, không thiết thực. Cho nên, khi Mạnh Tử đến nước Lương, vua Lương Huệ Vương hỏi Mạnh Tử:

    - Ông có thuật gì làm lợi cho nước tôi không?

    Mạnh Tử đáp:

    - Nhà vua hà tất nói đến lợi, chỉ nên nói Nhân Nghĩa mà thôi. Nếu vua xướng lên nói rằng làm thế nào lợi cho nước ta, thì quan Đại phu cũng bắt chước nói rằng làm thế nào lợi cho nhà ta, kẻ sĩ và thứ dân cũng nói rằng làm thế nào lợi cho thân ta, kẻ trên người dưới tranh nhau điều lợi thì nước nguy mất.

    Còn lấy Nhân Nghĩa mà nói, thì người bề tôi đem lòng nhân nghĩa thờ vua, người làm con đem lòng nhân nghĩa thờ cha, người làm em đem lòng nhân nghĩa mà thờ anh. Vua tôi, cha con, anh em, đều bỏ lợi, chỉ đem lòng nhân nghĩa mà tiếp đãi nhau, như thế mà không trị được thiên hạ là chưa có vậy. Vậy hà tất phải nói lợi.

    Ý của Mạnh Tử là nếu người ta ai cũng nghĩ đến điều lợi mà quên nhân nghĩa, thành ra người ở đời cứ say đắm vào chỗ lợi lộc riêng thì sẽ tìm cách phá hại lẫn nhau, bởi đó sanh ra biến loạn và chiến tranh. Rốt lại, lợi ấy chính là điều hại.

    Còn nói Nhân Nghĩa, tuy không nói đến lợi, nhưng kỳ thực là cái lợi rất lớn, vì mọi người ở với nhau trong xã hội, ai cũng đem lòng lo lợi chung trước mà lợi riêng sau thì trên dưới hòa thuận, thiên hạ hưởng phước thái bình.

    Mạnh Tử đem thuyết Nhân chính nói với Huệ Vương:

    - Bắt dân làm việc công, đừng bắt vào mùa cấy gặt thì dân trong nước dư lúa ăn. Khuyên dân không được đánh cá ở đầm, ao sâu bằng lưới dầy thì trong nước sẽ thừa tôm cá. Chặt cây trong rừng phải có mùa thì củi gỗ dùng không hết, khiến cho dân trong nước nuôi người sống, táng người chết, không phải phàn nàn thiếu thốn, là bắt dân làm Vương đạo đó. Rồi cấp ruộng đất cho dân, bắt họ chăm cày bừa, làm cỏ, trồng dâu nuôi tằm, khuyên họ nuôi các loài gia súc, lập nhà học ở làng, ở quận, để dạy dân biết hiếu đễ, trung tín, hình phạt thì giảm bớt, thuế má thu nhẹ. Dân đã ấm no lại biết lễ nghĩa thì chỉ cầm gậy mà có thể đánh bại được đạo binh hùng mạnh với giáp dầy giáo nhọn của hai nước Tần và Sở.

    Đó là Nhân chính rất hay, nhưng tiếc rằng Lương Huệ Vương không chịu theo.

    Mạnh Tử bỏ nước Lương đi qua nước Tề, được vua Tề đãi vào bực khách khanh.

    Vua Tề cũng muốn mở mang đất đai, bắt nước Tần và nước Sở phải chầu phục, ngự trị cả Trung nguyên.

    Mạnh Tử bảo vua không làm Nhân chính mà lại muốn được như thế kia, chẳng khác gì leo cây mà tìm cá.

    Mạnh Tử ở vào thời quân chủ nhưng lại có một quan niệm rất mới, cho rằng thiên hạ là của chung, ông vua không có quyền lấy thiên hạ làm của riêng. Cái quyền cai trị dân là do Trời trao cho, tức là do lòng dân ưng thuận cho ai thì người ấy được. Cho nên Mạnh Tử nói:

    - Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Nghĩa là có dân mới có nước, có nước mới có vua. Cái chức vụ của người làm vua là phải bảo dân nghĩa là phải gìn giữ cái hạnh phúc của dân. Làm vua mà không hiểu rõ cái nghĩa vụ ấy là trái lòng dân, tức là trái mệnh Trời.

    Vua phải quí trọng kẻ có đức, tôn trọng người có học thức, kẻ hiền ở ngôi, kẻ giỏi ở chức, nước nhà nhàn hạ.

    Bởi cái tư tưởng ấy nên trong cái triết lý về chánh trị của Mạnh Tử có tinh thần Duy dân và Bảo dân.

    Mạnh Tử là học trò của Khổng Cấp (Tử Tư) nên lấy đạo Trung Dung của Đức Khổng Tử làm căn bản. Lúc bấy giờ có nhiều học thuyết của nhiều nhà xung đột nhau kịch liệt lắm.

    - Học thuyết của Dương Chu lấy Vị Ngã làm chủ nghĩa, nhổ một sợi lông của mình mà lợi cho cả thiên hạ thì cũng không làm.

    - Học thuyết của Mặc Địch lấy Kiêm Ái làm chủ nghĩa, dẫu nhẵn trán mòn gót mà làm lợi cho thiên hạ thì cũng làm.

    Mạnh Tử cực lực bài xích các học thuyết cực đoan nầy để làm sáng tỏ Đạo của Khổng Tử. Mạnh Tử học rộng, lý luận rất chặt chẽ, muốn đem cái sở đắc ra hành đạo nhưng không gặp thời. Ông có công rất lớn trong việc làm sáng tỏ Đạo Nho.

    4. Thời kỳ tuổi già: Dạy học và làm sách Mạnh Tử

    Mạnh Tử đi chu du qua nhiều nước chư Hầu, muốn giúp vua chư Hầu thi hành Đạo của Thánh nhân, nhưng không vua nào chịu theo. Đến khi tuổi già, sức đã mỏi, ông xin từ chức quan khanh ở nước Tề trở về quê nhà dạy học trò, và cùng với các môn đệ như: Nhạc Chính Khắc, Vạn Chương, Công Tôn Sửu, sáng lập ra Thuyết Tánh Thiện, đồng thời ghi chép lại những điều mà Mạnh Tử đối đáp với các vua chư Hầu hoặc với bọn môn đệ, cùng những lời Mạnh Tử phê bình các chênh lệch của các học thuyết khác mà làm thành sách, đặt tên là sách Mạnh Tử, gồm 7 thiên, được liệt vào Tứ Thư của Nho giáo. (Tứ Thư gồm: Đại học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử).

    Đây là chỗ rất giống nhau giữa cuộc đời của Khổng Tử và Mạnh Tử. Đức Khổng Tử cũng ôm tài học bình sanh, đi chu du các nước chư Hầu, thuyết phục các vua chư Hầu chịu áp dụng cái đạo của Ngài để giúp dân giúp nước. Ngài chủ trương Vương đạo mà các vua chư Hầu lại muốn Bá đạo, Ngài thất bại và trở về nhà lo dạy học và làm sách lúc tuổi già. Cuộc đời của Mạnh Tử thì cũng rập khuôn y như vậy. Nhưng nhờ làm sách, dạy học trò, xiển dương cái đạo của Thánh hiền mà đạo Thánh được trường tồn mãi đến ngày nay.

    Cái học của Mạnh Tử là chân truyền của cửa Khổng.

    Mạnh Tử lãnh hội lời của Đức Khổng Tử nói trong sách Luận Ngữ: Tánh Trời phú cho người ta, ai cũng thiện cả, vì tập nhiễm nên mới có khác nhau. Nếu có thành ra bất thiện là vì người ta không biết giữ cái bổn tâm, chứ cái nguồn gốc của tánh là không thể không thiện được.

    Mạnh Tử theo ý ấy mà lập nên thuyết Tánh Thiện, sở dĩ nói cái Tánh Thiện là vì tin có cái Thiên lý chí thiện, mà tánh người là một phần của Thiên lý ấy, tất phải thiện. Sự giáo dục phải lấy cái thiện căn ấy làm căn bản, rồi giữ cho nó không mờ tối và trau giồi phát triển lên để thành người lành người tốt.

    Nếu nói rằng người có tánh ác, hay không thiện không ác thì không hợp với cái Thiên lý chí thiện.

    Tánh là bổn nguyên của Trời phú cho con người. Tánh bổn thiện thì Tâm cũng bổn thiện. Tâm với Tánh có cùng một gốc, hễ hiểu rõ cái Tâm thì biết rõ cái Tánh, mà khi đã biết rõ cái Tánh thì biết rõ Trời Đất và vạn vật.

    Tâm là cái thần minh chủ tể có đủ mọi lý để ứng với vạn sự, Tánh là cái lý hoàn toàn của Tâm, và Trời là nguồn gốc của cái lý ấy. Biết rõ Tánh là biết Nhân và Lễ của cái đức Nguyên và đức Hanh của Trời, Nghĩa và Trí là cái đức Lợi và đức Trinh của Trời. Biết rõ bốn đức Nguyên Hanh Lợi Trinh ấy là đạt được cái diệu dụng của Trời.

    Trời cho ta cái Tâm ấy để làm chủ con người của ta, thì Tâm ấy với Trời cùng một thể. Đó chính là cái đạo nhất quán của Đức Khổng Tử.

    Mạnh Tử đại biểu cho khuynh hướng lý tưởng của Nho giáo, chủ trương Duy Tâm, nên đã đạt được cái Tâm học cao thâm huyền diệu của Nho giáo, trở thành một vị thầy đứng sau Khổng Tử. Do đó, người ta tôn Mạnh Tử là bực Á Thánh, tức là bực Thánh đứng hàng thứ nhì dưới Khổng Tử, và được truy phong là Trâu Quốc Công (Trâu là đất Trâu, sanh quán của Mạnh Tử) , được phối hưởng nơi miếu thờ Đức Khổng Tử.

  • Mão - Các loại mão

    Mão - Các loại mão

    A: The head-dress - The kinds of head-dress.

    P: La coiffure - Les sortes de coiffures.

    Mão: chữ Hán là Mạo 帽 là cái mão dùng để đội lên đầu trong bộ Đạo phục của Chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.

    Có rất nhiều loại mão tùy theo phẩm tước Chức sắc.  

    I. Các loại Mão của Chức sắc Cửu Trùng Đài
    1. Mão của Đức Giáo Tông
    2. Mão của Thái Chưởng Pháp
    3. Mão của Thượng Chưởng Pháp
    4. Mão của Ngọc Chưởng Pháp
    5. Mão của Đầu Sư, Chánh Phối Sư,
    - Phối Sư ba phái
    6. Mão của Giáo Sư phái Thái
    7. Mão của Giáo Sư phái Thượng và Ngọc
    8. Mão của Giáo Hữu ba phái
    9. Mão của Lễ Sanh ba phái
    II. Mão của Chức sắc nữ phái Cửu Trùng Đài
    1. Mão của Nữ Đầu Sư
    2. Nữ Chánh Phối Sư, Nữ Phối Sư, Nữ Giáo Sư
    3. Nữ Giáo Hữu
    4. Nữ Lễ Sanh
    III. Mão của Chức sắc Hiệp Thiên Đài
    1. Mão của Đức Hộ Pháp
    2. Mão của Thượng Phẩm
    3. Mão của Thượng Sanh
    4. Mão của Thập nhị Thời Quân
    5. Mão của Chức sắc Hiệp Thiên Đài dưới Thời Quân
    IV. Mão của Thập nhị Bảo Quân
    V. Mão của Chức sắc Bộ Nhạc
    VI. Chức sắc Cơ Quan Phước Thiện
    VII. Mão của các Chức sắc khác
    1. Hộ Đàn Pháp Quân và Tả, Hữu Phan Quân
    2. Mão của Lễ Sĩ và Giáo Nhi
    3. Mão của Đầu Phòng Văn và Bảo Thể
    4. Chức sắc Ban Thế Đạo.

    I. Các loại Mão của Chức sắc Cửu Trùng Đài

    1. Mão của Đức Giáo Tông:

    - Mão Đại phục: là mão Bát quái 5 từng (thể cho Ngũ Chi Đại Đạo), toàn màu vàng, ráp tròn lại, bít chính giữa, trên chót mão có để chữ Vạn, giữa chữ Vạn có Thiên nhãn Thầy bao quanh một vòng minh khí. Nơi ngạch mão phải chạm 3 cổ pháp (Long Tu phiến, Phất chủ, Thư Hùng kiếm) cho rõ ràng y như hai bên cổ áo.

    - Mão Tiểu phục: là Hiệp Chưởng mạo, làm toàn bằng hàng trắng, bề cao 3 tấc 3 phân 3 ly (0,333 mét), may giáp mối lại cho có trước một ngạnh, sau một ngạnh, hiệp lại có một đường xếp (ấy là Âm Dương tương hiệp), cột dây xếp hai lại. Nơi bên tay trái có để hai dải thòng xuống, một mí dài, một mí vắn (mí dài bề ngang 3 phân, dài 3 tấc). Trên mão, ngay trước trán có thêu 3 vạch liền song song là cung Càn.

    2. Mão của Thái Chưởng Pháp:

    - Đại phục thì đội mão Hiệp Chưởng của Hòa Thượng.

    - Tiểu phục, không đội mão mà bịt khăn đóng vàng 9 lớp chữ Nhứt.

    3. Mão của Thượng Chưởng Pháp:

    - Đại phục thì đội mão Hiệp Chưởng trắng, y như mão Hiệp Chưởng của Đức Giáo Tông.

    - Tiểu phục, không đội mão mà bịt khăn đóng trắng 9 lớp chữ Nhứt.

    4. Mão của Ngọc Chưởng Pháp:

    - Đại phục thì đội mão Văn Đằng màu hồng, trên mão ngay trán có thêu Thiên nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh khí và trên có sao Bắc Đẩu Tinh Quân.

    - Tiểu phục, không đội mão mà bịt khăn đóng hồng 9 lớp chữ Nhứt.

    5. Mão của Đầu Sư, Chánh Phối Sư, Phối Sư ba phái:

    Mão Đại phục là Bát Quái mạo, có thêu 8 cung Bát quái xung quanh bằng hán tự: 乾坎艮震巽離坤兌

    Mão có màu vàng, xanh hay đỏ tùy theo sắc phái: Thái, Thượng hay Ngọc. Phái Thái thì áo mão đều màu vàng, phái Thượng thì áo mão đều màu xanh da trời, và phái Ngọc áo mão đều màu đỏ hồng.

    - Tiểu phục, không đội mão, mà bịt khăn đóng 9 lớp chữ nhứt, có màu tùy theo sắc phái.

    6. Mão của Giáo Sư phái Thái:

    - Đại phục thì đội mão Hiệp Chưởng nhà thiền, hai bên có thêu Thiên nhãn Thầy và8 cung Bát quái bằng hán tự.

    - Tiểu phục, không đội mão mà bịt khăn đóng màu vàng 7 lớp chữ Nhơn.

    7. Mão của Giáo Sư phái Thượng và Ngọc:

    - Đại phục đội Thiên Nguơn Mạo Bát quái, chung quanh có thêu đủ 8 cung Bát quái, trên chót mão có một hột Minh Châu Lý, màu của mão tùy theo phái Thượng hay Ngọc.

    - Tiểu phục, không đội mão mà bịt khăn đóng 7 lớp chữ Nhơn có màu theo sắc phái.

    8. Mão của Giáo Hữu ba phái:

    Giáo Hữu chỉ có một bộ Đạo phục, đều đội Ngưỡng Thiên Mạo, có màu: vàng, xanh hay đỏ tùy theo sắc phái. Mão ấy có bề cao 15 phân, ngay trước trán có thêu Thiên nhãn Thầy bao quanh ba vòng vô vi.

    9. Mão của Lễ Sanh ba phái:

    Lễ Sanh chỉ có một bộ Đạo phục, đều đội Khôi Khoa Mạo màu trắng, phái nào cũng vậy, trên mão giữa trán có thêu Thiên nhãn Thầy bao quanh một vòng minh khí.

    II. Mão của Chức sắc nữ phái Cửu Trùng Đài

    Chức sắc nữ phái Cửu Trùng Đài không phân chia ra Thái Thượng Ngọc, và chỉ có một bộ Đạo phục, nên Đạo phục và mão của nữ phái đều toàn màu trắng.

    1. Mão của Nữ Đầu Sư:

    Đầu đội Ni Kim Cô bằng hàng trắng, y như các vãi chùa, có thêu bông sen, bao quanh đầu một cái Kim Cô bằng vàng, trên Ni Kim Cô ấy phải choàng một cái mão Phương Thiên, nghĩa là cái choàng bằng hàng cho thiệt mỏng, trên chót thêm một cái mũ bằng vàng chụp trọn đầu tóc, chính giữa ngay trước mặt có chạm Thiên nhãn Thầy, bao quanh một vòng minh khí. Cái choàng của mão PhươngThiên phải cho thiệt dài, 3 thước 3 tấc 3 phân, vì mỗi khi lên ngự trên ngai phải có hai vị Lễ Sanh nữ phái theo sau, nâng đỡ chẳng cho phết dưới đất.

    2. Nữ Chánh Phối Sư, Nữ Phối Sư, Nữ Giáo Sư:

    Ba phẩm nầy đều đội Ni Kim Cô bằng hàng trắng, phải cho dài từ đầu cho tới gót.

    3. Nữ Giáo Hữu:

    Đầu để trần, trên đầu tóc có giắt một cái bông sen trắng, giữa bông sen có thêu Thiên nhãn Thầy.

    4. Nữ Lễ Sanh:

    Trên đầu thì choàng ngang một đoạn vải mỏng cột ra sau ót, thả một mí dài và một mí vắn, xuống cho khỏi trôn, ngay đầu tóc có giắt một cái bông sen trắng trơn chớ không có thêu Thiên nhãn như của Nữ Giáo Hữu.

    III. Mão của Chức sắc Hiệp Thiên Đài

    1. Mão của Đức Hộ Pháp:

    - Mão Đại phục gọi là mão Kim Khôi, làm bằng vàng, trên Kim Khôi có thể Tam sơn tượng trưng Chưởng quản Tam Thiên bên Tây Phương Cực Lạc.

    - Mão Tiểu phục gọi là Hỗn Nguơn Mạo màu vàng, bề cao một tấc, ngay trước trán chính giữa có thêu Cổ pháp Hộ pháp: gồm 3 cổ pháp của Tam Giáo là: Bát vu, Phất chủ, Xuân thu, ngay trên ba cổ pháp có đề chữ Pháp 法 (chi Pháp).

    2. Mão của Thượng Phẩm:

    - Khi Đức Thượng Phẩm mặc Đại phục thì không đội mão, đầu để trần.

    - Mão Tiểu phục là Hỗn Nguơn Mạo màu trắng, ngay giữa trán có thêu Cổ pháp Thượng Phẩm: gồm Long Tu phiến và Phất chủ, nhưng Phất chủ nằm trên đầu và ngay giữa Long Tu phiến, trên Cổ pháp có đề chữ Đạo 道 (chi Đạo).

    3. Mão của Thượng Sanh:

    - Khi Đức Thượng Sanh mặc Đại phục, đầu không đội mão mà bịt một Thanh Cân, tức là một bao đảnh màu xanh.

    - Mão Tiểu phục là Hỗn Nguơn Mạo màu trắng, y như mão Tiểu phục của Thượng Phẩm, nhưng ngay trước trán có thêu Cổ pháp Thượng Sanh: gồm Thư Hùng kiếm và Phất chủ, ngay trên Cổ pháp để chữ Thế 世 (chi Thế).

    4. Mão của Thập nhị Thời Quân:

    - Mão Đại phục là Nhựt Nguyệt Mạo, thường gọi là Mão Quạ, làm bằng hàng trắng. Cái vòng tròn úp lên đầu là thể Nhựt hình, hình bán nguyệt bên trên là thể Nguyệt tượng.

    - Mão Tiểu phục là Hỗn Nguơn Mạo màu trắng, y như Hỗn Nguơn Mạo của Thượng Phẩm và Thượng Sanh, tùy theo chi của mình mà để Cổ pháp.

    Về sau, Đức Phạm Hộ Pháp có cho thêm một kiểu mão Tiểu phục nữa gọi là Tam Quang Mạo (Tam quang là Nhựt, Nguyệt, Tinh). Mão Tam Quang là kiểu mão của Đức Khổng Tử trị thế ngày xưa, màu trắng, có thêu chỉ kim tuyến vàng, trước mão thêu Nhựt ở giữa, Nguyệt bên hữu, Tinh bên tả, trong vòng minh khí, mặt Nhựt có cổ pháp của mỗi chi, mỗi bên hông mão có thêu 6 đường linh khí và 6 ngôi sao tám góc.

    5. Mão của Chức sắc Hiệp Thiên Đài dưới Thời Quân:

    Các phẩm: Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, Chưởng Ấn, Cải Trạng, Giám Đạo, Thừa Sử, Truyền Trạng, Sĩ Tải, Luật Sự:

    - Mão Đại phục là Nhựt Nguyệt Mạo màu trắng, hai bên mão có dấu hiệu Tam giáo (tức là Tam sắc đạo: vàng xanh đỏ) và Cổ pháp Hộ Pháp (tức là Cổ pháp Tam giáo), trên Cổ pháp có Cân công bình. Riêng phẩm Luật Sự thì gắn dấu hiệu Tam giáo và Cổ pháp ở hai bên vai áo.

    - Mão Tiểu phục là Khôi Nguyên Mạo, trước mão có thêu Thiên nhãn, dấu hiệu Cổ pháp Hộ Pháp, trên Cổ pháp có Cân Công bình, và hai chữ Phẩm cấp của mình bằng quốc tự.

    Riêng hai phẩm Chưởng Ấn và Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, thì không đội Khôi Nguyên Mạo, mà đội Hỗn Nguơn Mạo màu trắng, trước mão có thêu Cổ Pháp Hộ Pháp và chữ chỉ phẩm cấp của mình bằng quốc tự.

    IV. Mão của Thập nhị Bảo Quân

    Thập nhị Bảo Quân đều đội Nhựt Nguyệt Mạo màu trắng, giống như mão của Thập nhị Thời Quân, nhưng các chi tiết có phần khác hơn tùy theo chức vụ:

    - Nhựt Nguyệt Mạo của Bảo Văn Pháp Quân có kết mỗi bên hông mão một bông sen năm cánh ở chính giữa, trên bông sen có thêu Thiên nhãn. Ngay đường giữa mão cũng có kết một bông sen nhưng không thêu Thiên nhãn, cả thảy là 3 bông sen trên mão.

    - Nhựt Nguyệt Mạo của Bảo Sanh Quân, ngay giữa mão, từ bìa lên 4 phân thêu một Thiên nhãn, hai bên mão thêu hai Thiên nhãn nữa, cả thảy là ba. Vòng theo vành mão cột một sợi dây Tiên thằng (bề ngang 8 phân, bề dài 2 thước) buộc thế nào chừa Thiên nhãn ngay giữa mão ra, cho hai mối thòng xuống hai bên vai.

    - Đạo phục của những vị Bảo Quân khác, các Đấng sẽ giáng cơ chỉ dạy sau.

    V. Mão của Chức sắc Bộ Nhạc

    - Mão Đại phục: giống như Ngưỡng Thiên Mạo của Giáo Hữu, nhưng thấp hơn, cao chừng 12 phân, toàn màu đỏ, ngay trước trán có Tam sắc đạo (vàng xanh đỏ), ngay trên Tam sắc đạo thêu hình một cây đàn Tỳ bà gác xéo.

    - Mão Tiểu phục: gọi là Bán Nguyệt Mạo, giống như cái calot, màu trắng, ngay giữa trán có Tam sắc đạo (vàng xanh đỏ), ngay trên Tam sắc đạo thêu hình cây đàn Tỳ bà gác xéo.

    VI. Chức sắc Cơ Quan Phước Thiện

    Chức sắc Cơ Quan Phước Thiện chỉ có một bộ Đạo phục, đầu không đội mão, chỉ đội khăn đóng có số lớp và màu tùy theo phẩm cấp:

    - Hiền Nhơn đội khăn đóng vàng, 9 lớp chữ Nhứt.

    - Chơn Nhơn và Đạo Nhơn đội khăn đóng màu trắng 7 lớp chữ Nhơn.

    - Chí Thiện, Giáo Thiện sắp xuống, đội khăn đóng đen 7 lớp chữ Nhơn.

    Chức sắc nữ phái Phước Thiện khi mặc Đạo phục thì đầu để trần.

    VII. Mão của các Chức sắc khác

    1. Hộ Đàn Pháp Quân và Tả, Hữu Phan Quân.

    - Mão Đại phục: là Nhựt Nguyệt Mạo, giống như các Chức sắc Hiệp Thiên Đài.

    - Mão Tiểu phục: giống như Hỗn Nguơn Mạo của Tiếp Dẫn Đạo Nhơn và Chưởng Ấn, nhưng trước mão có thêu Thiên nhãn trong vòng minh khí.

    2. Mão của Lễ Sĩ và Giáo Nhi:

    - Mão của Lễ Sĩ giống như Khôi Khoa Mạo màu trắng của Lễ Sanh, nhưng không có Thiên nhãn ngay trán, mà chỗ đó gắn một bông mai năm cánh.

    - Giáo Nhi, trên đầu choàng ngang một đoạn vải mỏng màu trắng cột ra sau ót, giống hệt như Nữ Lễ Sanh, nhưng không có giắt bông sen.

    3. Mão của Đầu Phòng Văn và Bảo Thể:

    - Mão của Bảo Thể là cái calot màu trắng.

    - Mão của Đầu Phòng Văn giống cái calot trắng của Bảo Thể, nhưng trước mão có huy hiệu tròn, nền xanh, trên có 2 cây bút bó lại, một cây chỉ lên, một cây chỉ xuống.

    4. Chức sắc Ban Thế Đạo:

    - Hiền tài, Quốc Sĩ: đội khăn đóng đen 7 lớp chữ Nhơn.

    - Đại Phu, Phu Tử: đội khăn đóng đen 9 lớp chữ Nhứt.

    Chức sắc nữ phái của Ban Thế Đạo đều để đầu trần.

  • MẠO

    MẠO

    1. MẠO: 貌 Dáng mặt, ngoài mặt.

    Thí dụ: Mạo hợp tâm ly.

    2. MẠO: 冒 Làm giả, giả mạo.

    Thí dụ: Mạo nhận.

  • Mạo hợp tâm ly

    Mạo hợp tâm ly

    貌合心離

    Mạo: Dáng mặt, ngoài mặt. Hợp: hòa hợp nhau. Tâm: lòng. Ly: xa cách.

    Mạo hợp tâm ly là ngoài mặt thì hòa hợp nhau, còn trong lòng thì xa cách nhau.

  • Mạo muội

    Mạo muội

    冒昧

    A: Rash.

    P: Téméraire.

    Mạo: Làm giả, giả mạo. Muội: tối tăm, không hiểu việc.

    Mạo muội là không hiểu việc mà làm càn, nên sơ suất và lầm lẫn. Mạo muội cũng có nghĩa là liều lĩnh mà làm.

  • Mạo nhận

    Mạo nhận

    冒認

    A: To assume falsely.

    P: Reconnaiâtre faussement.

    Mạo: Làm giả, giả mạo. Nhận: lãnh, chịu.

    Mạo nhận là nhận càn là người khác để đánh lừa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các tên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật bị mạo nhận mà lập nên Tả đạo.

  • Mạo vi cung kính

    Mạo vi cung kính

    貌為恭敬

    Mạo: Dáng mặt, ngoài mặt. Vi: làm. Cung kính: kính trọng.

    Mạo vi cung kính là ngoài mặt làm ra vẻ cung kính.

  • Mạo xưng

    Mạo xưng

    冒稱

    A: False declaration.

    P: Fausse déclaration.

    Mạo: Làm giả, giả mạo. Xưng: xưng hô.

    Mạo xưng là giả mạo danh hiệu của người khác mà xưng hô.

  • MẠT

    MẠT

    MẠT: 末 Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn.

    Thí dụ: Mạt kiếp, Mạt pháp.

  • Mạt diệp

    Mạt diệp

    末葉

    A: The last period.

    P: La dernière période.

    Mạt: Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn. Diệp: đời, thời kỳ.

    Mạt diệp là thời kỳ cuối cùng.

  • Mạt hậu Thiên khai Huỳnh đạo

    Mạt hậu Thiên khai Huỳnh đạo

    末後天開黃道

    Mạt: Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn. Hậu: sau. Thiên: Trời, Đấng Thượng Đế. Khai: mở. Huỳnh đạo: đạo vàng, chỉ Đạo Cao Đài.

    Mạt hậu Thiên khai Huỳnh đạo là sau nầy, vào thời kỳ cuối cùng, Thượng Đế mở Đạo Cao Đài.

    Đây là câu sấm tiên tri rất lâu đời, từ bên Tàu truyền qua Việt Nam, tiên đoán sự khai mở Đạo Cao Đài vào thời Mạt hậu.

  • Mạt học

    Mạt học

    末學

    Mạt: Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn. Học: học thức.

    Mạt học là người học thức kém cỏi. (Lời nói tự khiêm).

  • Mạt kiếp

    Mạt kiếp

    末劫

    A: The last existence.

    P: La dernière existence.

    Mạt: Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn. Kiếp: một đời từ lúc sinh ra đến lúc tiêu diệt.

    Mạt kiếp là thời kỳ cuối cùng của một kiếp.

    Kiếp ở đây là cái kiếp của quả địa cầu 68, hay cái kiếp chung của nhơn loại trên quả địa cầu nầy, tức là kể từ lúc nhơn loại được sanh ra cho đến lúc nhơn loại bị tiêu diệt.

    Như vậy, Mạt kiếp là thời kỳ cuối cùng của nhơn loại, trước khi nhơn loại bị tiêu diệt, tức Tận Thế.

    Trong thời Mạt kiếp, trước khi Tận Thế có Đại Hội Long Hoa, tuyển phong những người có trình độ đạo đức cao để lập đời Thượng Nguơn Thánh đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Dương thạnh thì hay đời mạt kiếp.

  • Mạt lộ

    Mạt lộ

    末路

    A: To be on one"s last legs.

    P: Être aux abois.

    Mạt: Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn. Lộ: đường.

    Mạt lộ là cùng đường, hết lối thoát, không còn cách nào để tiến lên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thiên cơ mạt lộ chờ đôi lúc.

  • Mạt pháp

    Mạt pháp

    末法

    A: The last age of Buddhism.

    P: Le dernier âge du Bouddhisme.

    Mạt: Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn. Pháp: giáo lý của một nền tôn giáo.

    Mạt pháp là thời kỳ cuối cùng của một nền tôn giáo mà lúc đó, giáo lý bị sửa cải sai lạc, thất chơn truyền, làm cho người tu lầm lạc và không thể đắc đạo.

    Theo Phật giáo, Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca sẽ trải qua ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.

    1. Thời kỳ Chánh pháp: kể từ lúc Đức Phật nhập diệt cho đến 500 năm sau. Giáo pháp của Phật được các đệ tử giữ gìn nguyên vẹn, nên số người tu đắc đạo rất nhiều.

    Trong Luật Tạng có ghi mấy lời của Đức Phật Thích Ca như vầy: Nền Chánh pháp của ta đáng lẽ trụ thế 1000 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng trót vì ta đã cho hàng phụ nữ xuất gia, nên nền Chánh pháp bị giảm bớt, chỉ trụ thế 500 năm mà thôi. (Trích Phật Học Từ Điển I của Đoàn Trung Còn, trang 375)

    2. Thời kỳ Tượng pháp: (Tượng là giống)

    Trong khoảng 1000 năm tiếp theo sau thời kỳ Chánh pháp là thời kỳ Tượng pháp, giáo lý của Phật có bị sửa đổi nhưng vẫn còn giống với giáo pháp ban đầu, nên số người tu đắc đạo khá nhiều, nhưng ít hơn thời kỳ Chánh pháp.

    3. Thời kỳ Mạt pháp:

    Trong khoảng 1000 năm tiếp theo sau thời kỳ Tượng pháp là thời kỳ Mạt pháp, giáo lý của Phật lần lần bị sửa cải nên sai lạc gần hết, không còn giống với Chánh pháp ban đầu. Người tu không biết sai lạc chỗ nào, cứ theo đó mà tu nên đi vào chỗ lầm lạc, tu nhiều mà đắc đạo rất ít.

    "Trong Kinh Luật có ghi ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp, và Mạt pháp, đặng cho biết rằng:

    - Trong thời kỳ Chánh pháp, dễ tu chứng và rất nhiều người tu chứng vì Chánh pháp đương thạnh hành.

    - Trong thời kỳ Tượng pháp, hơi khó tu chứng và số người tu chứng ít hơn vì đạopháp mường tượng với Chánh pháp.

    - Đến thời Mạt pháp, rất khó tu chứng và rất ít người tu chứng, vì là lúc cuối cùng của nền Đạo."

    Sau thời kỳ Mạt pháp là thời kỳ diệt vong.

    Hiện nay đang là thời kỳ Mạt pháp của Tam giáo: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

    Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong thời kỳ Mạt pháp của Tam giáo là để chấn hưng Tam giáo trở lại cho hoàn toàn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thời kỳ Mạt pháp nầy, khiến mới có Tam Kỳ Phổ Độ, các sự hữu hình phải hủy phá tiêu diệt.

  • Mạt thế

    Mạt thế

    末世

    A: The last time.

    P: Le dernier temps.

    Mạt: Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn. Thế: đời, thời đại.

    Mạt thế là thời đại cuối cùng, đời cuối.

  • Mạt vận

    Mạt vận

    末運

    A: Misfortune.

    P: Adversité.

    Mạt: Cái ngọn, cuối, hết, hèn mọn. Vận: số mạng.

    Mạt vận là lúc xui xẻo, khốn đốn.

  • Màu thiền

    Màu thiền

    A: The colour of Buddhism.

    P: La couleur de Bouddhisme.

    Màu: màu sắc. Thiền: chỉ Phật giáo. (Xem chữ: Thiền)

    Màu thiền là màu áo của các tăng ni Phật giáo. Nhuộm màu thiền là ý nói qui y vào cửa Phật để lo tu hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Màu thiền ấy buổi nhuộm cân đai.

  • MÁY

    MÁY

    MÁY: Chữ Hán là Cơ: bộ máy, chỉ tất cả hoạt động nào có tính cách tuần hòan và liên tục.

    Thí dụ: Máy Càn khôn, Máy hành tàng.

  • Máy Càn khôn - Máy huyền vi

    Máy Càn khôn - Máy huyền vi

    A: The mysterious mechanism of the nature.

    P: Le mécanisme mystérieux de la nature.

    Máy: Chữ Hán là Cơ: bộ máy, chỉ tất cả hoạt động nào có tính cách tuần hòan và liên tục. Càn khôn: Trời Đất, Âm Dương. Huyền vi: mầu nhiệm.

    Máy Càn khôn là máy Âm Dương, bộ máy của Trời Đất, chỉ toàn thể bầu vũ trụ, trong đó các quả tinh cầu và địa cầu luôn luôn chuyển động quay tròn điều hòa liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ.

    Máy huyền vi là bộ máy mầu nhiệm của Thượng Đế.

    Máy Càn khôn hay Máy huyền vi là chỉ Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy nắm máy huyền vi, hằng lấy cân thiêng liêng mà day trở máy Càn khôn.

  • Máy hành tàng

    Máy hành tàng

    Máy: Chữ Hán là Cơ: bộ máy, chỉ tất cả hoạt động nào có tính cách tuần hòan và liên tục. Hành: làm, hiện rõ ra thấy được. Tàng: việc làm ẩn kín, không thấy được.

    Máy hành tàng là máy Trời, bởi vì trong bộ máy nầy, có những cái mắt phàm thấy được và có những cái mắt phàm không thấy được.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hư thiệt, thiệt hư, đâu qua máy hành tàng của Tạo hóa.

  • Máy linh cơ tạo

    Máy linh cơ tạo

    A: The divine mechanism of God.

    P: Le mécanisme divin de Dieu.

    Máy: Chữ Hán là Cơ: bộ máy, chỉ tất cả hoạt động nào có tính cách tuần hòan và liên tục. Linh: thiêng liêng, huyền diệu. Cơ tạo: bộ máy của Tạo hóa.

    Máy linh cơ tạo là bộ máy thiêng liêng của Đấng Tạo hóa, tức là của Đấng Thượng Đế.

    Kinh Xuất Hội: Cứ nương dưới máy linh cơ tạo.

  • Máy sâu họa kín

    Máy sâu họa kín

    Máy: Chữ Hán là Cơ: bộ máy, chỉ tất cả hoạt động nào có tính cách tuần hòan và liên tục. Sâu: sâu xa huyền diệu. Họa: tai họa. Kín: không để lộ ra cho người thấy được.

    Máy sâu là bộ máy huyền diệu của Trời.

    Họa kín là cái tai họa không để lộ ra cho thấy, tới chừng tai họa đến thì mới thấy, mới biết.

    Ý nói máy Trời huyền diệu, con người không thể thấy biết hết được.

    Kinh Sám Hối:
    Phải hiểu biết máy sâu họa kín,
    Thánh Thần đâu tư lịnh bỏ qua.
  • Mảy hào

    Mảy hào

    A: A tiny bit.

    P: Un tantinet.

    Mảy: một chút xíu, một phần rất nhỏ. Hào: sợi lông nhỏ.

    Mảy hào là một phần nhỏ xíu.

    Kinh Sám Hối: Xét xem công quả chẳng ly mảy hào.

  • Mảy mún

    Mảy mún

    A: A very small quantity.

    P: Un petit peu.

    Mảy: một chút xíu. Mún: vụn nhỏ.

    Mảy mún là một phần vụn vặt rất nhỏ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con đặng hạnh phúc ấy là do học đặng mảy mún nơi Thầy.

  • Mắc mỏ

    Mắc mỏ

    A: Complicated.

    P: Compliqué.

    Mắc mỏ là rất phức tạp, rất hiểm hóc, không thể phân giải hay hiểu biết mau chóng được.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão đã lắm phen thấy điều khó khăn mắc mỏ của phần ấy,...

  • MẶC

    MẶC

    1. MẶC: 默 Lặng lẽ, nín lặng, không nói.

    Thí dụ: Mặc khải, Mặc niệm.

    2. MẶC: 墨 Mực, màu đen, họ.

    Thí dụ: Mặc khách.

  • Mặc khách

    Mặc khách

    墨客

    A: Literary man.

    P: Homme de lettres.

    Mặc: Mực, màu đen, họ. Khách: người.

    Mặc khách là người thường sử dụng bút mực, chỉ khách văn chương, nhà văn.

    Thường nói: Tao nhân mặc khách, chỉ những người có tài về văn chương.

  • Mặc khải - Mạc khải

    Mặc khải - Mạc khải

    默啟 - 漠啟

    A: The revelation.

    P: La révélation.

    Mặc: Lặng lẽ, nín lặng, không nói. nín lặng, không nói. Khải: mở ra. Mạc: yên lặng, thanh tịnh.

    Mặc khải là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được. Thí dụ: Sự mặc khải của Thượng Đế.

    Mạc khải là sự tác động trong yên lặng của Thượng Đế bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người.

    Hai từ ngữ: Mặc khải và Mạc khải đồng nghĩa, nhưng Thiên Chúa Giáo chỉ sử dụng từ ngữ "Mạc khải".

    "Vì sao phải Mạc khải? Chính vì Thiên Chúa trổi vượt vô cùng trên tư tưởng và ngôn ngữ loài người. Ngài là Thiên Chúa giấu ẩn, không thể nào đến gần được, huống chi một khi tội lỗi đã làm con người không còn thân mật với Ngài nữa. Ý định của Ngài là một mầu nhiệm. Ngài hướng dẫn bước đi của con người mà chính họ lại không hiểu đường lối. Trong cuộc sống, con người gặp phải những bí nhiệm về cuộc đời không thể tự tìm thấy ánh sáng cần thiết. Con người phải quay về với Đấng làm chủ các điều bí ẩn, để Ngài tỏ bày những bí mật không thể hiểu thấu, để Ngài cho thấy vinh quang Ngài.

    Nhưng trước khi con người quay về với Ngài, Thiên Chúa đã khởi xướng mà nói với họ rồi." (Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh)

    Chỉ có những Đấng Giáo Chủ hay những Nguyên căn lớn có nhiệm vụ cứu đời mới có thể nhận được những Mặc khải của Thượng Đế.

  • Mặc niệm

    Mặc niệm

    默念

    A: The silent meditation.

    P: La méditation silencieuse.

    Mặc: Lặng lẽ, nín lặng, không nói. nín lặng, không nói. Niệm: tưởng nghĩ tới.

    Mặc niệm là lời cầu nguyện bằng tư tưởng trong im lặng.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Khi Bần đạo thấy nín hết, buổi đó, đem hết tinh thần trụ lại, dâng lời mặc niệm ấy vào Bát Quái Đài.

  • Mặc phò lê thứ

    Mặc phò lê thứ

    默扶黎庶

    Mặc: Lặng lẽ, nín lặng, không nói. nín lặng, không nói. Phò: Phù: giúp đỡ. Lê thứ: dân chúng.

    Mặc phò lê thứ là giúp đỡ dân chúng trong im lặng.

    Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà: Mặc phò lê thứ khỏi vòng lao lung.

  • Mặc tuyên đại hóa

    Mặc tuyên đại hóa

    默宣大化

    Mặc: Lặng lẽ, nín lặng, không nói. nín lặng, không nói. Tuyên: bày tỏ. Đại: lớn. Hóa: biến đổi.

    Mặc tuyên đại hóa là yên lặng tỏ bày cuộc biến đổi rộng lớn.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa.

  • Mặt thành càn khôn

    Mặt thành càn khôn

    Mặt thành: trên mặt của bức tường thành. Càn khôn là Trời Đất, là Âm Dương, chỉ Đạo. Nhứt Âm nhứt Dương chi vị Đạo, nghĩa là một Âm một Dương gọi là Đạo.

    Mặt thành càn khôn là ý nói nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn, tức là nền Đạo Cao Đài.

    Kinh Khi Thức Dậy: Nắm tâm đắp vững mặt thành càn khôn.

  • Mẫn huệ

    Mẫn huệ

    敏慧

    A: Intelligent and diligent.

    P: Intelligent et diligent.

    Mẫn: lanh lợi, thông minh sáng suốt. Huệ: trí não phát sáng rõ thông đạo lý.

    Mẫn huệ là sáng suốt và thông hiểu sự lý.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ.

  • Mẫn khổ

    Mẫn khổ

    憫苦

    A: To pity the unhappy men.

    P: Avoir pitié des malheureux.

    Mẫn: thương xót. Khổ: khổ sở vì nghèo hay gặp nạn.

    Mẫn khổ là thương xót người khốn khổ.

    Kinh Nho Giáo: Thùy từ mẫn khổ.

    (Rủ lòng nhơn từ, thương người khổ nạn).

  • MẬT

    MẬT

    MẬT: 密 Giữ kín, bí mật.

    Thí dụ: Mật chỉ, Mật yếu.

  • Mật chỉ

    Mật chỉ

    密旨

    A: The secret order of God.

    P: L"ordre secret de Dieu.

    Mật: Giữ kín, bí mật. Chỉ: lịnh của vua.

    Mật chỉ là mệnh lệnh bí mật của Đức Chí Tôn.

    Bát Ðạo Nghị Ðịnh: Chiếu y mật chỉ của Đức Chí Tôn.

  • Mật chiếu

    Mật chiếu

    密詔

    A: A secret decree.

    P: Le décret secret.

    Mật: Giữ kín, bí mật. Chiếu: tờ giấy viết lịnh của vua ban ra.

    Mật chiếu là tờ giấy viết lịnh bí mật của Đức Chí Tôn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nơi Tây Phương Cực Lạc và Ngọc Hư Cung mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh.

  • Mật chú - Mật ngữ

    Mật chú - Mật ngữ

    密咒 - 密語

    A: Incantation - Mystical speeches.

    P: Incantation - Paroles mystiques.

    Mật: Giữ kín, bí mật. Chú: chúc nguyện, thần chú. Ngữ: câu nói.

    Mật chú là câu chúc nguyện huyền bí, có nghĩa bí mật, do chư Phật truyền lại. Khi niệm câu mật chú nầy thì được chư Phật hộ trì, thoát khỏi sự khảo đảo hay tai nạn.

    Mật chú, tiếng Phạn là: Dhârani, phiên âm: Đà-la-ni.

    Mật ngữ là câu nói huyền bí, có nghĩa bí mật.

    Mật ngữ đồng nghĩa: Mật chú, Thần chú, Chơn ngôn.

  • Mật nghĩa

    Mật nghĩa

    密義

    A: Hidden sense.

    P: Sens caché.

    Mật: Giữ kín, bí mật. Nghĩa: ý nghĩa.

    Mật nghĩa là ý nghĩa kín đáo chứa đựng bên trong lời nói hay câu văn. Phải suy nghĩ tìm tòi mới thấu đáo được.

    Những bài thuyết pháp của Tiên, Phật thường thì có hai nghĩa: Hiển nghĩa và Mật nghĩa.

    Hiển nghĩa là ý nghĩa theo văn từ, căn cứ trên chữ nghĩa.

    Mật nghĩa là ý nghĩa vượt trên văn tự dành cho bực tu thượng thừa, trình độ tâm linh cao.

  • Mật niệm

    Mật niệm

    密念

    A: Secret petition.

    P: Pétition secrète.

    Mật: Giữ kín, bí mật. Niệm: tưởng nghĩ tới.

    Mật niệm là cầu nguyện bí mật trong lòng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khi Đức Chí Tôn giáng, chẳng nên mật niệm điều chi và chẳng nên chạy qua chạy lại.

  • Mật yếu

    Mật yếu

    密要

    A: Secret and important affair.

    P: Affaire secrète et importante.

    Mật: Giữ kín, bí mật. Yếu: quan trọng, cốt yếu.

    Mật yếu là điều bí mật quan trọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chí Tôn đã sở cậy Bần đạo thố lộ chút ít điều mật yếu để dìu bước chư Đạo hữu trong buổi loạn lạc....

  • Mâu thuẫn

    Mâu thuẫn

    矛盾

    A: Contradiction.

    P: Contradiction.

    Mâu: cây giáo, khí giới có cán dài, mũi nhọn, để đâm. Thuẫn: cái khiên, cái mộc để che đỡ.

    Mâu thuẫn là hai thứ khí giới của người lính đời xưa.

    Sách Hàn Phi Tử viết: Nước Sở có người đem ra chợ bán hai thứ: mâu và thuẫn. Anh ta đưa cái mâu ra và khoe rằng: Cái mâu của tôi làm rất nhọn, nó có thể đâm thủng bất cứ vật gì. Rồi anh ta đưa ra cái thuẫn và quảng cáo rằng: Còn đây là cái thuẫn do tôi làm rất chắc chắn, có thể ngăn cản mọi thứ khí giới đâm vào.

    Có người đứng nghe anh ta nói vậy thì hỏi: Nay nếu dùng cái mâu của anh mà đâm cái thuẫn của anh thì thế nào?

    Người bán mâu và thuẫn không đáp lại được, bèn bỏ đi.

    Do đó, mâu thuẫn là chỉ những điều trái ngược nhau.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Phương pháp giáo hóa nhơn sanh nơi mặt địa cầu nầy còn có nhiều điều mâu thuẫn.

  • Mầu nhiệm

    Mầu nhiệm

    A: Mysterious, Miraculous.

    P: Mystérieux, Miraculeux.

    Mầu: cao siêu, ngoài sự hiểu biết của con người. Nhiệm: sâu, kín.

    Mầu nhiệm là huyền diệu, ngoài sự hiểu biết của con người, không thể dùng lý trí để giải lý được.

    Kinh Ðệ Cửu cửu: Huờn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên.

  • Mẫu Hậu

    Mẫu Hậu

    母后

    A: Buddha-Mother.

    P: Bouddha-Mère.

    Mẫu: Mẹ. Hậu: vua.

    Nơi cõi thiêng liêng, các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật gọi Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Mẫu Hậu hay Thiên Hậu.

    Mẫu Hậu là Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Phật Mẫu, Đại Từ Mẫu, bà Mẹ thiêngliêng của toàn cả Vạn linh và chúng sanh.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Lịnh Mẫu Hậu khai tông định đạo.

  • Mẫu Nghi

    Mẫu Nghi

    母儀

    Mẫu: Mẹ. Nghi: khuôn mẫu, hình thức tốt đẹp.

    Mẫu Nghi là Đức Phật Mẫu.

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu: Mẫu Nghi hằng giữ lòng đơn.

  • Mẫu tử tình thâm

    Mẫu tử tình thâm

    母子情深

    Mẫu: Mẹ. Tử: con. Tình: tình thương yêu. Thâm: sâu.

    Mẫu tử tình thâm là tình thương yêu giữa mẹ và con thật là sâu đậm.

  • Mèo mả gà đồng

    Mèo mả gà đồng

    Mèo mả là con mèo ở ngoài mả, loại mèo hoang sống nơi mồ mả ở nghĩa địa. Gà đồng là con gà ở ngoài đồng, tức là loại gà rừng, sống trong đồng nội.

    Mèo mả gà đồng là chỉ hạng người vô lại, đi hoang, du thủ du thực, không có giá trị chi hết.

    Đương nhiên hạng người vô lại ấy bị đặt ra ngoài luân lý đạo đức, tình ái của họ lăng nhăng bậy bạ, là một tấm gương xấu để cho các bậc cha mẹ dạy con phải tránh xa.

    Kinh Sám Hối:
    Gái tiết hạnh giữ tròn danh giá,
    Đừng học đòi mèo mả gà đồng.
  • MÊ:

    - Lầm lạc.

    - Mơ hồ, lờ mờ.

    - Tâm say mê về một sự gì.

    - Mê trái với Ngộ.

    Thí dụ: Mê đồ, Mê tân, Mê tín.

  • Mê đồ

    Mê đồ

    迷途

    A: The way of error.

    P: La voie de l"erreur.

    Mê: Lầm lạc. Đồ: con đường.

    Mê đồ là con đường lầm lạc.

    Kinh Giải Oan: Gội mê đồ, tắm nước Ma Ha.

  • Mê hoặc

    Mê hoặc

    迷惑

    A: To fascinate.

    P: Fasciner.

    Mê: Mơ hồ, lờ mờ. Hoặc: mờ hồ, không rõ sự lý.

    Mê hoặc là làm cho mù quáng, mất sáng suốt mà nghe theo lời dỗ dành của nó.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:mê hoặc các con.

  • Mê luyến hồng trần

    Mê luyến hồng trần

    迷戀紅塵

    A: To be passionnately found of the world.

    P: Être passionné pour le monde.

    Mê: Tâm say mê về một sự gì. Luyến: yêu mến quấn quít không rời. Hồng trần: bụi đỏ, chỉ cõi trần.

    Mê luyến hồng trần là ham thích cõi trần, say đắm cõi trần, ý nói còn mê say những thú vui vật chất nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Mê luyến hồng trần mang ách khổ,
    Cơn vui qua khỏi, lệ sầu tuôn.
  • Mê muội

    Mê muội

    迷昧

    A: Obscure.

    P: Obscur.

    Mê: Mơ hồ, lờ mờ. Lầm lạc. Muội: tối tăm.

    Mê muội, đồng nghĩa Mê ám, là trí não tăm tối, mất sáng suốt, lầm lạc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trời cao minh soi xét mà người vẫn mê muội ám mờ, đem mảnh trí cỏn con kia chống kình với khuôn linh Tạo hóa.

  • Mê ngộ

    Mê ngộ

    迷悟

    A: Blindness - Knowledge.

    P: Aveuglement - Connaissance.

    Mê: Lầm lạc. Ngộ: giác ngộ, hiểu biết rõ.

    Mê và Ngộ là hai trạng thái đối ngược nhau: Mê là tối tăm, lầm lạc; Ngộ là sáng suốt, hiểu biết rõ.

    Do đó, trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng có nói: "Cái Phật tánh của người ngu hay kẻ trí đều như nhau, chỉ khác nhau là người mê, kẻ ngộ, bởi vậy nên mới có người ngu, kẻ trí."

    Kẻ mê thì đồ theo văn tự mà cầu lý, người ngộ thì do theo tâm mà biết ra. Kẻ mê thì tu tập nhơnduyên mà chờ phước quả, người ngộ thì thấy rõ tâm không tướng. Kẻ mê thì chấp sự vật, giữ lấy cái bổn ngã; người ngộ thì có đủ trí huệ ứng dụng, thấy ra từ trước. Kẻ ngu chấp không chấp có mà sanh ra bất thông; người trí thấy tánh, hiểu tướng mà linh thông.

    Bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng:

    "Mê, Phật là chúng sanh; Ngộ, chúng sanh là Phật.

    Ngu, Phật là chúng sanh; Trí, chúng sanh là Phật.

    Tâm lệch, Phật chúng sanh; Bình đẳng, chúng sanh Phật.

    Một đời tâm mà lệch, Phật lấp trong chúng sanh.

    Một niệm ngộ bình đẳng thì chúng sanh là Phật.

    Tâm mình tự có Phật, Tự Phật là Chơn Phật.

    Nếu mình không Phật tâm, biết cầu Phật ở đâu?"

  • Mê tân

    Mê tân

    迷津

    A: The port of blindness.

    P: Le port de l"aveuglement.

    Mê: Mê trái với Ngộ. Tân: cái bến sông.

    Mê tân là bến mê, nơi chúng sanh còn mê muội.

    Trái với Mê tân là Giác ngạn (bờ giác).

    Ở bến mê thì còn bị luân hồi, qua bờ giác thì được giải thoát. Người phước đức khi tới bến mê thì được thuyền Bát Nhã đưa qua bờ giác.

    Thể xác con người do vật chất tạo thành, lại được cấu thành do cái lòng dục của nam nữ, do đó con người lớn lên rất ham thích vật chất. Sự vô minh và dục vọng khiến con người lầm lạc, gây ra nhiều phiền não khổ đau.

    Do đó, Đức Phật ví cõi trần là sông mê bể khổ. Sông mê thì có bến mê. Nếu con người biết giác ngộ, lo tu hành, tự giác giác tha, phụng sự chúng sanh, thì khi thoát xác, linh hồn và chơn thần được chiếc thuyền Bát Nhã đưa từ bến mê rước sang bờ giác, nơi đây hoàn toàn an vui hạnh phúc, không còn phiền não, thoát khỏi luân hồi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thuyền kề gió lướt thoát mê tân.

  • Mê tín - Chánh tín

    Mê tín - Chánh tín

    迷信 - 正信

    A: The superstition - The true belief.

    P: La superstition - La vraie croyance.

    Mê: Lầm lạc. Tín: tin, tin tưởng, đức tin. Chánh: đúng đắn.

    Mê tín là tin tưởng một cách mù quáng, sai lầm.

    Trái với Mê tín là Chánh tín.

    Chánh tín là sự tin tưởng đúng đắn, chơn chánh.

    Do đó, người có Chánh tín thì giữ đức tin được bền vững, còn người mê tín thì dễ mất đức tin.

    Làm thế nào biết được đâu là chánh tín, đâu là mê tín?

    Chánh tín là tin tưởng mạnh mẽ vào những giáo huấn của Đức Chí Tôn và các Đấng Tiên Phật trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Pháp Chánh Truyền, các Đạo Nghị Định, tin tưởng Tân Luật là Thiên điều tại thế, người tín đồ cứ do theo đó mà tu hành, nhứt định sẽ đạt được cứu cánh mong muốn.

    Những điều giáo huấn và luật pháp ấy đều chơn thật và đúng đắn, mà chúng ta với trí não còn vô minh, chưa thể nhận biết rõ ràng, nên cần phải có lòng tin tưởng mạnh mẽ để noi theo và thực hành. Đó là Chánh tín.

    Chánh niệm thuộc Chánh tín, vọng niệm thuộc Mê tín.

    Những sự mê tín thường có tính cách vụ lợi cho cá nhân mình hay cho người đưa ra điều đó.

    Thí dụ như việc cầu nguyện: "Cầu nguyện với Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, và các Đấng thiêng liêng ban cho mình phước lành để mình thoát khỏi tai nạn hay để làm ăn phát đạt, mau thăng quan tiến chức." Cầu nguyện như vậy là vọng niệm, là mê tín, bởi vì Đức Chí Tôn hay các Đấng đều phải giữ luật Công bình thiêng liêng, để cho luật Nhơn Quả tự nó thể hiện, chớ không thể tự ý muốn ban phước hay gieo họa ngoài luật Nhơn Quả được. Mọi việc đều gắn liền với luật Nhơn Quả, không bao giờ sai chạy.

    Muốn là Chánh niệm hay Chánh tín thì chúng ta cầu nguyện: "Cầu nguyện Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban ơn lành cho nhơn sanh sớm giác ngộ tu hành."

    Về việc cúng tế Thần linh, chúng ta nhớ câu trong sách Nho: "Thiên địa vô tư, Thần minh ám sát, bất vị tế hưởng nhi giáng phúc, bất vị thất lễ nhi giáng họa." Nghĩa là: Trời Đất không tư vị riêng ai, Thần linh sáng suốt ngấm ngầm xem xét, không vì hưởng sự cúng tế mà giáng ban cho phước lộc, không vì sự không cúng tế mà gieo cho tai họa.

    Sự may rủi, tốt xấu, họa phước, đến với mỗi người đều là do luật Nhơn Quả thị hiện, tức là có nguyên do rõ rệt là những việc làm đạo đức hay hung ác của mình trước đây hay trong kiếp trước, nay nó báo đáp lại và thể hiện ra.
    Luật Nhơn Quả không sai một mảy,
    Gieo giống nào, giống ấy nẩy lên.
    Trồng dưa thì hái dưa liền,
    Tạo điều thất đức báo đền họa tai.

    Trong dân chúng, thường thấy các việc mê tín như: Đồng bóng, xin xăm bói quẻ, vay tiền Thần Thánh để mua bán, đốt giấy tiền vàng bạc, bùa phép cầu duyên, cầu tài, v.v...

    Sự mê tín có muôn ngàn hình thức, biến hóa tùy theo thị hiếu của dân chúng. Trong mỗi người chúng ta hình như đều có sẵn một chút mê tín, vì mỗi người đều có dục vọng và lòng tham lam ích kỷ.

    Muốn dẹp bỏ sự mê tín, chúng ta cần phải học đạo để rõ thông đạo lý, đem cái sáng suốt của lương tri lương năng ra phán đoán, phân biệt Chánh tín và Mê tín, trừ bỏ mê tín, nuôi dưỡng và phát huy chánh tín.

    Các tín đồ theo Đạo phần lớn đều do Mê tín. Do đó, một khi quyền lợi bị sứt mẻ, hay tự ái bị va chạm thì liền bỏ Đạo.

    Theo Đạo do mê tín, bao gồm nhiều nguyên do:

    · Theo Đạo để được giúp đỡ về tài vật, ổn định đời sống.

    · Theo Đạo để dựa thế lực làm ăn mua bán.

    · Theo Đạo để có hậu thuẫn tôn giáo, mưu đồ làm chánh trị tạo địa vị ngoài đời.

    · Theo Đạo vì thấy Đạo có nghi thức tổ chức Tang lễ rất long trọng, người chết được tế lễ, tụng kinh, đi thuyền rồng, có người đạo công quả phục vụ, không tốn tiền như ngoài đời.

    · Theo Đạo để được cưới vợ hay được lấy chồng.

    · Theo Đạo vì thấy Chức sắc của Đạo hành pháp giải bịnh rất linh hiển, làm cho tà ma sợ hãi không dám khuấy phá.

    · v.v . . . . . . .

    Theo Đạo như thế là mê tín, kết luận như thế có phần khắt khe nhưng đúng nghĩa, bởi vì họ theo Đạo mà không hiểu hay chưa hiểu được giáo lý của Đạo, mục đích của Đạo là gì.

    Nhưng chúng ta nên nghĩ rằng, đó là bước đầu, là cái cơ duyên rất cần thiết để họ đến với Đạo, kết duyên lành với Đạo. Họ chưa có thời giờ hay chưa đủ bình tâm để xem xét suy nghĩ việc họ theo Đạo như thế là mê tín hay chánh tín.

    Các vị Chức sắc là những người hướng đạo, đã được giác ngộ, cần phải có đường hướng giáo hóa tín đồ một cách thiết thực sau khi tín đồ nhập môn cầu Đạo, để người tín đồ hiểu Đạo, chuyển dần từ mê tín sang chánh tín, thì như vậy mới trọn câu phổ độ. Đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chức sắc. Bởi vì nếu không chuyển được tín đồ từ mê tín sang chánh tín, thì khi có một sự việc nào đó làm sụp đổ sự mê tín của họ thì họ sẽ bỏ Đạo. Thí dụ như trường hợp một người theo Đạo vì quá tôn sùng một vị Chức sắc vì vị Chức sắc nầy đã giải bịnh cứu được người thân của họ một cách rất huyền diệu, mà các thầy thuốc Đông y và Tây y đều chịu thua. Giả thiết sau nầy khi thấy vị Chức sắc ấy phạm vào trọng tội ghi trong Ngũ Giới Cấm thì Thần tượng của họ sụp đổ, họ bị mất đức tin, và họ có thể bỏ Đạo. Nếu họ hiểu Đạo và có chánh tín thì họ sẽ cho rằng: Nhơn hư chớ Đạo bất hư, theo Đạo là tin tưởng vào hai Đấng Chí Tôn và Phật Mẫu, là để tu hành, trước là tự giác, sau là giác tha, cầu mong sự giải thoát khỏi luân hồi, thì họ không bao giờ bỏ Đạo.

    Bao nhiêu năm qua rồi, trước mắt chúng ta, sờ sờ ra đó, bao nhiều người đã bỏ Đạo, và bao nhiều người mới nhập môn cầu Đạo, phần lớn đều vì mê tín cả.

    Chuyển sự mê tín thành chánh tín cho người tín đồ là một việc rất khó khăn, đòi hỏi Chức sắc là người hướng đạo của nhơn sanh phải có đủ đức, đủ tài, đủ bền chí và quyết tâm.

    Với đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, chúng ta nghĩ rằng tuy việc làm rất khó khăn, nhưng không phải không làm được. Có khó khăn thì sự thành công mới vẻ vang và công quả mới vượt trội.

  • Mi thanh mục tú

    Mi thanh mục tú

    眉清目秀

    Mi: lông mày, chân mày. Thanh: sáng sủa. Mục: con mắt. Tú: đẹp tốt.

    Mi thanh mục tú là mày thanh mắt đẹp, ý nói: Mặt mày đẹp đẽ, sáng sủa, thông minh.

  • Mị dân

    Mị dân

    媚民

    A: Demagogic.

    P: Démagogie.

    Mị: nịnh hót. Dân: dân chúng.

    Mị dân là nịnh hót dân chúng để đạt được mục đích về chánh trị của mình (thường dùng với nghĩa xấu).

  • Miên miên thái bình

    Miên miên thái bình

    綿綿太平

    Miên: lâu dài, kéo dài. Miên miên: mãi mãi không dứt. Thái bình: rất bình an.

    Miên miên thái bình là mãi mãi được thái bình an lạc.

    Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối: Trong nhà già trẻ miên miên thái bình.

  • Miễn lễ

    Miễn lễ

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Miễn lễ

    免禮

    A: To dispense with formality.

    P: Dispenser d"une formalité.

    Miễn: khỏi, tha cho khỏi. Lễ: lễ nghi.

    Miễn lễ là cho phép khỏi phải giữ lễ nghi phép tắc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão đến tư đường của Hộ Pháp, nên cho miễn lễ, đứng hết.

    * Trường hợp 2: Miễn lễ

    勉禮

    A: To exert oneself to bown down.

    P: S"efforcer de se prosterner.

    Miễn: gắng sức. Lễ: làm lễ.

    Miễn lễ là gắng sức làm lễ.

    Bài Dâng Rượu: Lạc hứng khấu cung giai miễn lễ.

  • Miếu đường

    Miếu đường

    廟堂

    Miếu: nơi thờ cúng tổ tiên của vua. Đường: nhà.

    Miếu đường là nhà thờ cúng tổ tiên của vua.

    Có hai trường hợp sau đây:

    1. Miếu đường là triều đình của vua.

    Miếu đường được xây dựng trong Hoàng Thành, bên cạnh triều đình, nên Miếu đường chỉ triều đình của vua, đó là cơ quan tối cao lãnh đạo quốc gia.

    Giới Tâm Kinh:
    Mày râu đứng giữa cõi trần gian,
    Gắng sức chống cho vững miếu đàng.

    2. Miếu đường là hồn nước, tinh thần của một dân tộc.

    Miếu đường là nơi ngự của linh hồn các vị vua quá vãng, mà vua thì tượng trưng cho nước, cho dân tộc. Do đó, miếu đường tượng trưng hồn nước, cái tinh thần của một dân tộc.

    Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà: Qui Thiên dựng lại miếu đường thuở xưa.

  • MINH

    MINH

    1. MINH: 明 Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày.

    Thí dụ: Minh cảnh, Minh đức. Minh lý.

    2. MINH: 冥 Tối, tối tăm, ban đêm.

    Thí dụ: Minh minh như dạ hành.

    3. MINH: 盟 Thề, thề ước.

    Thí dụ: Minh thệ.

    4. MINH: 銘 Ghi khắc, ghi tạc.

    Thí dụ: Minh tâm khắc cốt.

    5. MINH: 鳴 Tiếng chim hót, kêu.

    Thí dụ: Minh oan.

  • Minh cảnh đài

    Minh cảnh đài

    明鏡臺

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Cảnh: còn đọc là Kính: cái gương soi. Đài: cái đài cất cao lên.

    Minh Cảnh Đài tức là Minh Kính Đài là đài gương sáng nơi cõi thiêng liêng, nơi đó có đặt một tấm kiếng huyền diệu, mỗi chơn hồn khi đến đứng trước tấm kiếng nầy thì sẽ thấy hiện ra trong tấm kiếng tất cả hành vi và lời nói của chơn hồn trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, để cây cân Công bình thiêng liêng định phân tội phước, thăng hay đọa.

    KĐ5C:
    Đài Chiếu Giám Cảnh Minh nhẹ bước,
    Xem rõ ràng tội phước căn sinh.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, có nói về Minh Cảnh Đài như sau:

    "Đài ấy là Tòa Tam Giáo, chúng ta không thấy cái trạng thái hình thể nó ra sao. Khi chúng ta đến, hào quang chiếu diệu xông lên làm như ngọn lửa vậy.

    Lửa ấy chẳng phải lửa thật, nó là hào quang, cho ta thấy trước rồi nó biến mất đi, kế thấy một cây cân Công bình hiện ra trước mắt chúng ta rồi cũng từ từ biến mất.

    Chúng ta thấy mình chẳng khác nào như khán giả đứng trước đài kia coi lại cả kiếp sanh của chúng ta, từ trước nó sẽ có trước mắt chúng ta, không điều gì sót, phải chăng nơi ấy kinh Phật nói là Minh Cảnh Đài?

    Trước mặt chúng ta, chúng ta thấy khi trước chúng ta làm những việc gì, nay nó sẽ chiếu lại cho xem chẳng khác gì mình xem tuồng hát bóng vậy. Mỗi khi mình hành động gì trong kiếp sanh khi xưa, hôm nay đều ngó thấy trước mặt, và cây cân Công bình ấy tùy theo nên hư, tội phước mà hiện tượng ra hết thảy, quyết đoán một cách công bình, không sai chút nào hết. Phải chăng đó là huyền bí của Tòa thiêng liêng ấy.

    Vậy, hành tàng đã có trước mắt, luật Tam Giáo chẳng hề sai chạy. Kiếp sanh đã làm gì, đời hay đạo, mặt luật thiêng liêng không sót một điều."

  • Minh chánh

    Minh chánh

    明正

    A: Clear and straight.

    P: Clair et droit.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Chánh: ngay thẳng.

    Minh chánh là sáng tỏ và ngay thẳng.

    Kinh Sám Hối:
    Gìn lòng ngay thẳng thật thà,
    Nói năng minh chánh, lời ra phải nhìn.
  • Minh định

    Minh định

    明定

    A: To decide clearly.

    P: Décider clairement.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Định: xác định, sắp đặt.

    Minh định là xác định rõ ràng.

    Minh định lập trường tôn giáo là thuần túy tu hành, không tham gia hay hoạt động chánh trị.

  • Minh đoán

    Minh đoán

    明斷

    A: To judge clearly.

    P: Juger clairement.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Đoán: phán đoán.

    Minh đoán là phán đoán một cách sáng suốt rõ ràng.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nếu chúng ta không có đởm tâm liệu mình tự xử thì có mong chi minh đoán cùng ai.

  • Minh đức - Tân dân - Chí Thiện

    Minh đức - Tân dân - Chí Thiện

    明德 - 新民 - 至善

    Mở đầu sách Đại Học của Nho giáo là câu: Đại Học chi Đạo, tại minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện.

    CHÚ THÍCH:

    Đạo: con đường, đường lối, chủ nghĩa, học thuyết.

    Đại Học: học những điều lớn, hơn hẳn cái bình thường, ảnh hưởng đến đời sống của nhơn sanh.

    Đại Học chi đạo: là con đường học tập của những người đã trưởng thành, muốn trở nên bực thượng lưu trí thức có đạo đức hơn người. Theo Triết học thì đạo đại học là cái học khôn ngoan, học làm người xứng đáng, tránh điều đau khổ, xây dựng hạnh phúc cho mình và cho người.

    Trong Nho giáo, theo Trình Tử, Đại Học là sách nhập môn đạo đức, nên cần phải học trước, sau đó mới học sách Mạnh Tử và Luận Ngữ.

    Sách Đại Học là sách dạy về nguyên tắc của đạo đại học, thuộc về Hình nhi thượng học. Đạo của Khổng Mạnh là đạo đại học.

    Tại minh Minh Đức: Tại là ở tại, yếu tại. Minh là sáng. Đức có nghĩa thông dụng là việc thiện, nghĩa rộng là một năng lực thiên nhiên có khả năng tác động, một đức tánh chớ không phải đức hạnh.

    Minh Đức là cái đức sáng, nhờ cái đức sáng nầy mà người ta có thể nhận thấy rõ ràng những vấn đề mù tối, nhưng không phải bằng lý luận mà bằng trực giác. Do đó, Minh Đức có nghĩa tương tự như lương tri lương năng, tức là năng lực tri thức trực giác để phán đoán nhận định những lý lẽ của sự vật.

    Minh Đức của con người có thể bị lu lờ vì tiêm nhiễm thói đời vật chất, do lục dục thất tình dấy lên xúi giục. Do đó, Minh Đức cũng có nghĩa là Lương tâm.

    Minh Minh Đức là làm cho sáng cái đức sáng, tức là phải trau giồi cái Minh Đức cho được sáng tỏ luôn, để nhận định và hành động đúng theo Thiên lý.

    Muốn minh cái Minh Đức thì cần phải chuyên cần tập luyện tư duy, phán đoán thế nào cho hợp với chân lý đạo đức, phải xa lánh và trừ diệt những thứ làm cho trí phán đoán tê liệt hay méo mó. Như vậy thì phải: Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân.

    Tân Dân: là người dân mới, nghĩa là phải làm cho con người mỗi ngày một trở nên mới thì mới theo kịp đà tiến hóa của vạn vật, vì vạn vật không bao giờ ngưng lại một chỗ, mà luôn luôn tiến hóa.

    Sách Đại Học cũng có ghi một câu nói của vua Thang về Tân Dân: "Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân." Nghĩa là: Nếu mỗi ngày một nên mới thì ngày ngày phải nên mới, lại càng ngày càng mới. (Cẩu: nếu).

    Đổi mới là điều rất cần thiết, vì vạn vật trong mình và ngoài mình, theo dòng thời gian, không còn như cũ nữa. Nếu mình không đổi mới thì không thể thích ứng và theo kịp hoàn cảnh cùng trào lưu chung quanh. Chậm đổi mới là bị thiệt hại và cuối cùng sẽ bị đào thải. Đó là qui luật Tiến hóa tất nhiên.

    Chỉ ư Chí Thiện: chữ Chỉ có 2 nghĩa: dừng lại, đi cho đến. Hai nghĩa nầy dường như có vẻ mâu thuẫn, nhưng kỳ thực lại đồng hợp với nhau, bao hàm lấy nhau, vì có đi đến nơi mới dừng lại; mà dừng lại là vì đã đi đến nơi. Một bên tĩnh, một bên động, nhưng cả hai đều lấy mục đích làm trọng.

    Yếu tố thứ ba của đạo Đại Học là: Chỉ ư Chí Thiện, nghĩa là dừng lại nơi Chí Thiện hay là cho đến nơi Chí Thiện mới thôi.

    Chí Thiện là rất lành, hoàn toàn tốt đẹp. Chỉ có Đấng Chí Tôn Thượng Đế mới đúng nghĩa Chí Thiện. Nhưng ở đây, ta hiểu Chí Thiện là mục đích, là lý tưởng để chúng ta tiến tới.

    Vậy, Chỉ ư Chí Thiện là phải lo làm sao để trở nên người Chí Thiện mới thôi.

    Tóm lại, câu đầu tiên trong sách Đại Học có nghĩa là:

    Đường lối Đại Học ở chỗ làm cho sáng tỏ cái đức sáng, ở chỗ làm cho con người đổi mới luôn luôn, ở chỗ lo cho đến chỗ hoàn toàn tốt lành mới thôi.

    Câu đầu tiên nầy trong sách Đại Học chia cho con người làm hai phần việc, kể ra:

    · Minh Minh Đức là phần tri thức, hay TRI.

    · Tân Dân, chỉ ư Chí Thiện là phần hoạt động: HÀNH.

    Minh Đức là điều kiện trước tiên và rất quan hệ vì đó là Tri. Không có Tri đúng thì không thể Hành đúng, vì nếu Minh Đức bị mờ ám, thì Tân Dân và chỉ ư Chí Thiện là cần nhưng không thể thực hiện được hay là thực hiện sai lầm, tai hại.

    Vậy, Tri và Hành phải đi đôi và hợp nhứt mới được.

    Đạo Cao Đài Đức Chí Tôn chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, nên lấy câu đầu tiên của sách Đại Học Nho giáo làm tôn chỉ cho Cơ Quan Phước Thiện.

    Đây là Cơ quan mở ra để Lập Đức, đoạt thủ địa vị mình trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng. Muốn Lập Đức thì phải đi từ Minh Đức, Tân Dân, Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, Chí Thiện, v.v....

    Phẩm đầu tiên trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng là: Minh Đức. Người tín đồ Cao Đài, khi nhập qua Cơ Quan Phước Thiện thì bắt đầu phẩm: Minh Đức, làm công quả tập rèn cho cái đức được sáng. Sau thời gian 3 năm hoàn thành bổn phận và trách nhiệm, thì được lên phẩm Tân Dân, để tiếp tục lập công quả và rèn luyện cho mỗi ngày một thêm tốt đẹp.

    Sau đó, tín đồ làm công quả lập Đức từ từ lên 3 phẩm nữa là: Thính Thiện (nghe lành), Hành Thiện (làm lành), Giáo Thiện (dạy người ta làm lành), xong rồi sẽ lên phẩm Chí Thiện, là nhập vào hàng Thánh Thể của Đức Chí Tôn.

  • Minh Đường

    Minh Đường

    明堂

    Minh: nhà Minh bên Tàu. Đường: nhà.

    Minh Đường là một Chi trong Ngũ Chi Minh Đạo.

    Ngũ Chi Minh Đạo gồm: Minh Đường, Minh Sư, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân. (Xem: Ngũ Chi Minh Đạo, vần Ng)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trung, con phải cậy hai vị lão thành Minh Đường hầu trong đặng tiếp lễ Thượng đàn,....

  • Minh huệ

    Minh huệ

    明慧

    A: Brillant.

    P: Brillant.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Huệ: sáng suốt, thông hiểu sự lý.

    Minh huệ là sáng suốt và thông hiểu sự lý.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khá biết thời thế, lần vào nương dựa bóng thái dương, để bước vào con đường minh huệ,....

  • Minh khí

    Minh khí

    明氣

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Khí: chất khí.

    Minh khí là chất khí sáng, chất khí phát ra ánh sáng.

    Vòng minh khí là một vòng tròn bằng chất khí sáng, tượng trưng Khí Sanh quang.

    Thường khi vẽ Thiên nhãn thì vẽ một vòng (hay 3 vòng) minh khí bao tròn quanh Thiên nhãn, để chỉ rằng Đức Chí Tôn tạo ra Khí Sanh quang, và làm chủ Khí Sanh quang ấy để nuôi dưỡng sự sống trong toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ.

    Càn Khôn Vũ Trụ: Càn Khôn Vũ Trụ.

  • Minh Lý Đạo

    Minh Lý Đạo

    明理道

    Minh Lý Đạo hay Đạo Minh Lý, nói tắt là Minh Lý, là một Chi trong Ngũ Chi Minh Đạo.

    Ngũ Chi Minh Đạo gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bên Minh Lý đây là Séminaire, là chỗ các thầy tu, ngày sau độ về phần hồn đó con. (Séminaire: chủng viện)

    Thuở mới khai Đạo Cao Đài, các Đấng chưa ban cho Tân Kinh, Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh đến Minh Lý Đạo để thỉnh các bài kinh sau đây về làm Kinh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:

    · Niệm Hương.

    · Khai Kinh.

    · Kinh Sám Hối (Kinh Nhơn Quả).

    · Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối.

    · Kinh Cầu Siêu.

    · Bài Xưng Tụng Công Đức Phật, Tiên, Thánh, Thần.

    Ngài Nguyễn Minh Thiện, Chủ trưởng Minh Lý, viết bài giới thiệu Minh Lý Đạo, đăng trong Nguyệt San Cao Đài Giáo Lý số 85, 86, 87 của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, xin chép sau đây:

    I. Ngày chánh thức Khai Đạo:

    Đạo Minh Lý khai ngày 27-11-Giáp Tý, nhằm ngày 23-12-1924. Theo âm lịch, Đạo Minh Lý khai, chẳng những trùng vào năm Tý, mà tháng, ngày, giờ cũng đều thuộc Tý cả.

    1. Năm Giáp Tý (1924).

    2. Tháng Bính Tý là tháng 11.

    3. Ngày Bính Tý là ngày tiết Đông chí.

    4. Giờ Mậu Tý là 11 giờ khuya, đầu ngày Bính Tý.

    Trụ sở của Đạo Minh Lý đặt tại chùa Tam Tông Miếu, số 82 đường Cao Thắng, Sài Gòn.

    II. Mục đích và Tôn chỉ:

    Đây là đôi liễn để trước mặt tiền chùa Tam Tông Miếu nêu lên tôn chỉ của Đạo Minh Lý:

    Thống Tam giáo dĩ tôn sùng, tân tự trúc thành hưng Chánh pháp,
    Hiệp vạn nhơn nhi giảng luận, cựu kinh đàm bãi dục linh căn.

    Nghĩa là:

    Gồm ba giáo để kỉnh thờ, chùa mới cất xong, toan chấn hưng chánh pháp (nhãn tàng),
    Hiệp muôn người cùng giảng luận, kinh xưa giảng dứt, dốc hàm dưỡng linh căn (huyền quan).

    Lại có bài thơ nêu mục đích của Đạo Minh Lý như sau:

    Đạo là căn bổn khá tầm mò,
    Minh mẫn lương tâm cần xét dò.
    LÝ ấy tánh chơn vô nhi thị,
    Giải phân họa phước chẳng so đo.

    Bốn chữ đầu câu là: Đạo Minh Lý giải.

    Đạo Minh Lý thờ Thượng Đế và Tam Giáo Đạo Chủ, tức là: Tây Phương Phật Tổ hay Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Tuyên Khổng Thánh hay Đức Khổng Phu Tử, Thái Thượng Lão Quân hay Đức Lão Tử; và nghiên cứu cả ba giáo lý xưa của Thích, Đạo, Nho, để làm nền tảng cho Đạo Minh Lý.

    Tại Tam Tông Miếu Sài Gòn, cách thờ phượng hết sức trang nghiêm, chỉ thờ bài vị viết chữ Nho, chớ không thờ hình và tượng chi hết.

    III. Phương pháp dùng Khai Đạo:

    Đạo Minh Lý khai vào thời Pháp thuộc nên không có nói cách khai đạo bằng Huyền cơ, e có nhiều người tụ tập, làm náo động tới chánh phủ, phải mất sự thanh tịnh cần yếu. Kỳ thiệt, Minh Lý Đạo khai đều dùng cả hai phương pháp: Huyền cơ và Thần cơ.

    Trước khi bề trên ban hiệu Đạo Minh Lý, nghĩa là khai đạo thật sự, thì trong năm 1922 và 1923, đã có một số ít người mến đạo, nhờ sự un đúc của Thần Tiên bằng cách Huyền cơ.

    Từ xưa, trong nước ta cũng có nhiều đàn Thần Tiên mà sự tín ngưỡng của thiên hạ hỡi còn mơ màng. Họ chỉ đến hầu đàn cầu thuốc, hay cầu hỏi việc tương lai mà thôi, chớ ít ai để tâm về mặt đạo đức. Nhờ có Huyền cơ mà số người nói trên mới bắt đầu tin chắc trong cõi thế giới vô hình, quả thật có Trời, Phật, Tiên, Thánh, không còn ngờ vực gì nữa.

    Huyền cơ là gì? Huyền cơ khác với Thần cơ ra sao?

    Tuy cũng là Thần Tiên giáng dạy mà phương pháp dùng chỉ truyền có khác.

    Theo Thần cơ (Psychographie), Thần Tiên mượn tay của đồng tử người phàm, dùng điển lực mà viết ra. Có khi dùng cơ, có khi chấp bút. Đó là việc các Đạo hữu ở đây đều biết, nên khỏi phải nói thêm nữa cho dong dài.

    Còn theo Huyền cơ (Pneumatographie), Thần Tiên tự viết ra, không cần có tay người đồng tử xen vào, cũng không có cái cơ hay là cây bút chì làm món khí cụ để viết theo cách nói trên của Thần cơ. Không biết các vị thiêng liêng viết cách nào mà tự nhiên trên giấy trắng xếp lại, ta thấy có chữ hiện ra rõ ràng đủ ý nghĩa.

    Tôi có thể nói: Đây là một sự huyền diệu phi thường, chúng tôi đặng trực tiếp với Thần linh bằng văn tự.

    IV. Giải nghĩa hiệu ĐẠO MINH LÝ và hiệu chùa TAM TÔNG MIẾU:

    1. Nghĩa chữ Minh Lý Đạo:

    a) Nghĩa phổ thông:

    Chữ MINH (động từ) nghĩa là làm sáng tỏ. Mà làm sáng tỏ cái chi? Là chữ LÝ nói sau đây ở trong mình người cho mỗi ngày mỗi sáng. Làm sáng tỏ cho mình được rồi, lại giúp cho mọi người, cho tất cả thiên hạ làm sáng tỏ như mình thì cũng gọi là Minh. Thế là chữ Minh có nghĩa phân biệt lành dữ, phải trái, để bỏ dữ theo lành, bỏ trái theo phải.

    Chữ LÝ nghĩa là lẽ phải, tức là hai chữ Minh Đức (danh từ kép) là đức sáng suốt theo sách Đại Học, cũng gọi là Lý tánh, lương tâm, lương tri lương năng, theo các sách khác của Nho giáo.

    Đó là đạo lý mà mọi người phải noi theo, mọi người phải giữ gìn và cố gắng thực hiện đạo lý đó cho được rực rỡ trong lòng mình và hiển lộ ra bên ngoài bằng hành vi để làm khuôn thước cho đời sống của mình và làm của chung cho tất cả quốc gia xã hội. Đó là một chơn lý bất biến, không thể nào làm người mà không có được.

    Cho nên, ai cũng phải làm sáng tỏ cái Lý đó, khêu ngọn đèn thiêng liêng ấy cho tới mức thiệt sáng. Nhưng Lý nầy còn ở trong vật chất, là Lý tương đối, tuy thuộc Tiên Thiên mà còn mắc kẹt trong Hậu Thiên, nên khó đặng toàn hảo.

    Chữ ĐẠO là đường lộ, con đường phải mà ai cũng nên đi trên đó. Nếu ai đi trên con đường rộng lớn của thiên hạ thì bình yên. Bằng trái lại, bỏ con đường ấy thì sa lạc vào hố sâu vực thẳm mà đắm mình nơi nguy hiểm khổ đau. Đã sa lạc vào rừng sâu thì quanh quẩn không lối về, mà còn khủng khiếp giữa đám rắn độc, cọp dữ, e chẳng toàn thân.

    Đạo đây còn có nghĩa là dùng giác quan mà phân biệt, nhưng giác quan chỉ thấy bề ngoài mà thôi.

    Đại ý phổ thông là như vậy.

    Đây ta còn mổ xẻ thêm ra từ chi tiết để tìm lý do kết cấu cái danh từ trừu tượng đó. Nói về cơ thể, phương pháp khoa học gọi là giải phẩu, nói theo văn chương thì gọi là chiết tự.

    b) Nghĩa chiết tự:

    - Giải chữ MINH: 明 Minh là sáng, tại sao nó sáng?

    Chiết tự: Chữ Minh gồm có chữ Nhựt 日 và chữ Nguyệt 月 nghĩa là một bên chữ Nhựt, một bên chữ Nguyệt hiệp lại mà thành sự sáng.

    Dịch Hệ Từ Hạ truyện, chương 5 tiết 2 nói: Nhựt vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhựt lai. Nhựt nguyệt thôi nhi minh sanh diên. Nghĩa là: Mặt nhựt qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt nhựt lại. Mặt nhựt mặt nguyệt xô đẩy nhau mà sanh ra ánh sáng. Ý nói: Nhựt là mặt trời chủ về ban ngày, là khí Dương. Nguyệt là mặt trăng chủ về ban đêm, là khí Âm. Âm Dương giao hoán cùng nhau mà phát lên một sức sáng điều hòa. Tỉ như hai luồng điện gặp nhau, ở giữa có một dây tơ, làm cho sức nóng của dương hòa với sức lạnh của Âm mà nảy ra ánh sáng trên đường dây tơ vậy.

    - Giải chữ LÝ: 理 Chữ Lý gồm có nhiều phần:

    Phần thứ nhứt, bên tả có chữ Vương 王. Vương là chủ là quản trị, mà cũng có một cách đọc khác là Vượng. Vượng là thịnh đạt khắp nơi. Chữ Vương viết ba ngang một sổ. Ba ngang tượng trưng Tam tài. Tam tài là: Trời, Đất, Người, hay là Tinh thần, Sinh lực và Vật chất. Một vật, bất cứ là vật nào, cũng phải có ba phần đó. Nhưng mỗi vật tiến hóa lên đến con người thì ba phần đó đặng hoàn toàn hơn nên gọi người là "tối linh ư vạn vật".

    Xưa nay người ta thường nói: Duy Tâm, Duy Vật, mà ít nói về Duy Sinh (sinh khí), nên Tâm Vật hai đường đối nhau vì thiếu phần trung gian để dung hòa.

    Vậy bổn phận làm người phải học Đạo để đi đúng đạo lý, là một tinh thần vừa đúng với Trời, với Đất, với nhơn quần xã hội, gọi là Tam tài hợp nhất, tức là chữ Vương nói trên vậy.

    Phần thứ nhì, bên hữu là chữ Lý 里. Chữ Lý nầy ở trên hết ta viết chữ Điền 田, Điền là ruộng nước, kế viết chữ Thổ 土 là đất, nằm trên khô mà thành chữ Lý. Lý là làng nước, là chỗ ở. Trong đó có chữ Điền là ruộng phước để cho người gieo (canh chưởng phước điền), có chữ Thổ là đất để người ta ở (an thổ đôn nhân) hầu tương lai gặt lấy hồng phước thế gian hay là hưởng thanh phước Niết Bàn.

    Ý nói: Chữ Lý gồm cả Nhơn đạo và Thiên đạo, là chấp Thiên đạo mà hành Nhơn đạo, chớ không phải chỉ lo một mặt mà thôi.... ... ...

    - Giải chữ Đạo: Chữ Đạo trước đây giải là con đường lộ, đến đây nó nhảy lên một từng cao hơn, có nghĩa là phương pháp. Như chữ Đạo trong sách Đại Học: Sanh tài hữu Đại Đạo, nghĩa là: làm ra tiền của có một phương pháp lớn.

    Phương pháp đó là phương pháp nào? Là làm có tiền nhiều mà xài ra thì ít, lâu ngày tụ thiểu thành đa, tự mình trở nên giàu có.

    Về phương pháp của Đạo cũng thế. Phải tự mình biết tụ tinh thần, qui hiệp Âm Dương, đừng để nó rời rã lãng phí.

    Vậy tôi xin chiết tự chữ ĐẠO 道 mà giải sau đây:

    Khi viết chữ Đạo, trước chấm bên trái gọi là nhứt Dương, rồi phết một phết bên phải gọi là nhứt Âm. Châu Dịch nói: Nhứt Âm nhứt Dương chi vị Đạo, nghĩa là một Âm một Dương gọi đó là Đạo. Kế đó liền viết chữ Nhứt. Chữ Nhứt nầy có nghĩa là hiệp nhứt, hiệp chung lại làm một, đừng cho nó rời rã. Nếu Âm Dương rời rã thì không sao sanh hóa được. Âm Dương là cơ động tịnh, để phản về chơn tánh, chế luyện Kim đơn, là phương tu tánh mạng, để qui nhứt làm một cùng Trời. Nên chữ Nhứt đây là chủ tể của cơ vận hóa, làm then chốt cho cơ động tịnh của Âm Dương. Đó là sự mầu nhiệm khó nói ra.

    Kế đó, viết chữ Tự 自. Tự nghĩa là tự nhiên mà có tánh độc lập, tự hữu nhi hằng hữu, không thể đổi thay thêm bớt, mãi mãi còn hoài. Chữ Tự là tự mình đó. Lấy nghĩa nói như trên chớ không phải chữ Tự theo nghĩa ý thức hay là bản ngã, chỉ có tánh chia rẽ ích kỷ.

    Ráp lại cả trên và dưới thành chữ Thủ 首. Thủ là đầu tiên, nghĩa như chữ Nguyên trong Kinh Châu Dịch, tức là cái phát sanh ra trước hết. Ta phải nương theo đó để trở về với chơn lý duy nhứt là Trời.

    Kế viết chữ Sước 辶 thường gọi là Quai sước. Sước nghĩa là cơ lưu hành vận chuyển, châu tuần trong Càn khôn thế giới mà hóa dục, dịch sử quần linh. Đó là máy tuần hoàn trong thân thể mà cũng là cơ điều dương dưỡng khí, làm máy châu thiên huờn đơn.

    Theo nghĩa chiết tự, ráp lại hết các thành phần thì thành hình chữ Đạo. Chữ Đạo nầy là cơ tự động đầu tiên, là phương pháp phải tu mới mong đắc thành quả vị Phật.

    c) Nghĩa huyền bí:

    Trên đó là chiết tự, để cho mỗi người có thể lấy lý trí, lấy ý thức mà tìm hiểu, vì lý trí, ý thức chỉ có tài phân tích và hiệp ráp mà thôi, chớ không thể xét biết được đến cái Thiên lý hồn nhiên, hoàn toàn có một, bao la muôn vật, trải khắp mười phương mà đây tôi muốn đem ra bày giải làm nghĩa thứ ba của chữ Minh Lý.

    Chữ Minh đây không phải Minh động từ là làm cho sáng tỏ như nói trên, nó cũng chẳng phải là ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt nhựt nguyệt, mà là thứ ánh sáng siêu nhiên hơn bá bội vạn bội. Nhưng vì thế gian không có tiếng nào tả đúng nên bất đắc dĩ phải mượn chữ Nhựt và chữ Nguyệt mà bày giải đó thôi. Chữ Minh đây là chữ Minh Diệu hay Diệu Minh của nhà Phật.

    Chữ Lý đây là chơn lý, là bản nguyên sơ thỉ của Càn Khôn Thế Giới, không có hình tướng, màu sắc nên không thể nói vuông hay tròn, đen hay trắng, v.v.... mà nó không có đức tánh nên không thể nói lành dữ, tốt xấu. Đó là Lý tuyệt đối. Cái Lý nầy, Đạo giáo gọi là Đạo, Phật giáo gọi là Pháp, Nho giáo gọi là Thiên. Đến khi nó vào trong Khí thể mới có đức tánh, vì Khí mới có dài có vuông, có thanh có trược, có nặng có nhẹ, mới có tánh phân biệt khác nhau.

    Như Phật giáo có Lục Tức, nghĩa là 6 chữ Tức, là 6 lớp công phu như sau:

    tức Phật,  
    Danh tự tức Phật,  
    Quán hạnh tức Phật,  
    Tương tợ tức Phật,  
    Phân chứng tức Phật,  
    Cứu cánh tức Phật.  

    Bước đầu là Lý tức Phật, là Lý tại triền chưa giải thoát khỏi Khí thể. Đến phần sau rốt là Cứu cánh tức Phật mới thật là Lý hoàn toàn giải thoát, là Lý cực kỳ sáng suốt, không phải mắt phàm mà thấy được, nên gọi là MINH LÝ.

    Chữ ĐẠO ở đây, Đức Lão Tử không biết nó tên gì nên Ngài cưỡng đặt là Đạo. Tuy vậy, Ngài cũng giải nghĩa cho biết: Khi Đạo vô danh thì Đạo là Thiên Địa chi thỉ, khi Đạo hữu danh thì Đạo là vạn vật chi mẫu. Nghĩa là: Ngài chỉ biết: Đạo sanh ra Trời Đất vạn vật mà thôi, ta hãy tìm mà hiểu lấy.

    2. Nghĩa của chữ Tam Tông Miếu 三宗廟

    Chữ Tam nghĩa là ba, chữ Tông nghĩa là Tông Tổ, là gốc chánh. Miếu là đền thờ. Chỗ hiệp ba tông đem về một mối gọi là qui nguyên. Nguyên là bổn thể có một mà hiện tượng là trạng thái phát sanh ra ngoài, tỉ như một gốc cây có nhiều chi nhiều nhánh, mà chi nhánh đó không thể rời khỏi gốc rễ của nó mà tự sống riêng biệt được.

    Vậy Tam Tông là cái tên tổng quát gồm nhiều ý nghĩa, kể ra sau nầy:

    · Tam giáo đồng nguyên.

    · Tam tài nhứt thể.

    · Tam Ngũ hiệp nhứt hay Tam gia tương kiến.

    Bây giờ tôi xin giải sơ mỗi ý nghĩa đó.

    a) Tam giáo đồng nguyên:

    Tam giáo là ba tôn giáo lớn ở Đông Nam Á, tức là: Đạo Phật, Đạo Tiên, Đạo Thánh.

    Đạo Phật cũng gọi là Thích giáo, Đạo Tiên cũng gọi là Lão giáo, Đạo Thánh cũng gọi là Khổng giáo.

    Tại Trung Hoa cũng như ở Việt Nam ta, ba giáo nầy vì gần gũi nhau, chung đụng nhau lâu ngày, nên hiện nay, về mặt giáo lý, có phần của giáo nầy xen lẫn giáo kia, phần của giáo kia ảnh hưởng đến giáo nọ, khó mà phân biệt mỗi giáo cho rẽ ròi. Cho nên có người nói: Tam giáo đồng nguyên, như nước ba sông lớn đổ về biển cả, không thể biết nước nào thuộc sông nào.

    Tuy mỗi giáo luận điệu có khác nhau mà ngoài danh từ ra, nếu chỉ xét về mặt nguyên lý thì Tam giáo đồng một căn bổn duy nhứt và phổ biến. Thích giáo gọi ngôi duy nhứt là Pháp hay Phật, Lão giáo gọi là Đạo hay Đức, Nho giáo gọi là Thiên hay Thượng Đế....

    b) Tam Tài nhứt thể:

    Phía trước có giải chữ Minh Lý Đạo theo cách chiết tự, bên tả là chữ Vương ba ngang một sổ, đó là tượng trưng Tam Tài nhứt thể. Đây xin giải rộng một chút nữa.

    Hào thượng ..... 6
    5 Thiên ......... Thiên
    4 .........
    3 Nhơn ........ Nhơn
    2 Địa ........ Địa
    Hào sơ .... 1

    Theo Châu Dịch, mỗi quẻ đôi có 6 hào, tượng trưng:

    ■ Vì hào thượng và hào sơ không thái quá thì bất cập, nên chẳng dùng, mà chỉ dùng có bốn hào giữa: 2, 3, 4, 5.

    ■ Tính theo hộ quái, quẻ dưới gồm ba hào: 2, 3, 4 thì hào 2 thuộc Địa, hào 3, 4 thuộc Nhơn. Còn quẻ trên gồm ba hào: 3, 4, 5 thì hào 3, 4 thuộc Nhơn, hào 5 thuộc Thiên.

    Gồm cả hai hộ quái thì có bốn hào: một hào Địa, hai hào Nhơn, một hào Thiên.

    Đó là tượng hình con người, trên đội Trời, dưới đạp đất mà biến thái ra thành chữ Nhân 仁, tự dạng tuy có khác, mà nó vẫn giữ bốn nét như trước.

    Đức Khổng Tử nói: Nhân giả nhân dã 仁者人也

    Nghĩa là: đức Nhân là tánh hoàn toàn của con người là nhân bản vậy. Cho nên đạo Nho lấy Nhân làm trụ cốt, làm mục đích chánh thuộc về Tiên Thiên bao gồm cả Tam Tài. Xin chớ lầm tưởng theo nghĩa thông thường là nhân từ, thương xót mà thôi.

    Hoặc cũng có thể cấu kết bốn nét thành chữ Vương 王 trên Trời dưới đất, ở giữa có chữ thập 十 là Thập tự nhai, tức là con người lý tưởng, vì trong hình chữ nầy, con người vừa có nét dọc làm nội thánh, vừa có nét ngang làm ngoại vương, đề cao giá trị con người lên ngang hàng với Trời Đất, nên cả ba đồng đẳng với nhau.

    Theo Nho giáo, sách Lễ Ký cũng có nói: Nhơn giả kỳ Thiên Địa chi đức, Âm Dương chi giao, quỉ thần chi hội, Ngũ hành chi tú khí. Nghĩa là: Con người có cái đức của Trời Đất, chỗ giao điểm của Âm Dương, nơi tụ hội của Quỉ Thần, cái tinh túy của Ngũ hành.

    Cho nên, đức tánh cao siêu của con người mà đặng thành tựu là nhờ ở chữ Đức, chữ Giao, chữ Hội, chữ Tú Khí nói trên. Thử hỏi, bỏ mấy chữ đó ra, con người có thể nào nhập Thánh siêu phàm, thành quả vị Tiên Phật đặng?....

    c) Tam ngũ hiệp nhứt hay Tam gia tương kiến:

    Cuốn Ngộ Chơn Thiên của Đạo giáo giải thuyết nầy trong một bài thi bát cú sau đây: (xin lược bớt bài thi Hán văn .....)

    Tam ngũ nhứt luôn ba chữ nầy,
    Xưa nay hiểu được ít người thay!
    Đông tam, Nam nhị, hiệp thành ngũ,
    Bắc nhứt, Tây tư cộng cũng vây.
    Mồ Kỷ một ngôi sanh số ngũ,
    Ba nhà gặp gỡ kết Tiên thai.
    Tiên thai là một gồm chơn khí,
    Mười tháng thai thành ngự Thánh đài.

    Đây là lấy số trong Hà Đồ mà luận. Vì Kim năng sanh Thủy, hai hành nầy đồng chung một cung, cho nên 4 và 1 hiệp lại thành số ngũ. Đây là nói Tình thuộc Kim, Tinh thuộc Thủy, hiệp lại thành một số ngũ, tức là Tu thân hay là Luyện Tinh.

    Vì Mộc năng sanh Hỏa, hai hành nầy đồng một cung, nên 3 và 2 hiệp lại sanh số ngũ, tức là Tu tâm hay Luyện Khí.

    Còn Mồ Kỷ ở trung ương, riêng một mình cũng đủ một số ngũ nữa. Đây là nói về chơn ý, cũng gọi là Luyện Thần.

    Cho nên Tánh Mạng khuê chỉ có câu:
    Thân, Tâm, Ý, thị thùy phân tác Tam gia.
    Tinh, Khí, Thần, do ngã hiệp thành nhứt cá.

    Ba con số ngũ nói trên hiệp lại một, nên gọi là Tam ngũ hiệp nhứt, tức là Tam gia tương kiến. Nếu ba nhà gặp nhau hiệp thành Thái Cực thì sẽ siêu phàm mà vào ngay cõi Thánh.

    Tóm lại, Tam ngũ hiệp nhứt là phép trở về với Đạo, từ số 5 là ngũ hành trở lại số 3 là Tam gia, từ số 3 trở lại số 1 là Thái Cực. Phép nầy gọi là Phản bổn huờn nguyên.

    V. Kết luận:

    Về Thế Đạo, Minh Lý lấy con người làm đích chánh. Người là đại diện của Trời Đất, giữ mối tương quan, làm cho sáng tỏ và rộng bày Đại Đạo.

    Nếu Trời Đất có mà không có con người thì Trời Đất cũng không cần có để làm gì.

    Con người có tài thành Thiên Địa chi Đạo, phụ tướng Thiên đạo cho nghi. Nhưng tại sao chúng ta gặp hôm nay một hoàn cảnh rất đen tối, thù ghét nhau, giết lẫn nhau. Tại sao?

    Đó là con người bị ám ảnh bởi lòng tham dục mà say đắm với hoàn cảnh, nên gây ra biết bao sự đổ nát hư hại, làm cho đất bằng sóng dậy chẳng vừa. Nên đặt trúng vấn đề là một việc, còn việc quan trọng hơn là phải có con người lành mạnh tượng trưng, đủ trí tuệ, đủ từ tâm, mới có thể đặt tay vào đời mà không làm cho đời hư hại.

    Muốn có con người ấy, không phải học giỏi tài cao mà ra gánh đời độ chúng được. Muốn đòi hỏi cho đời đặng trở nên thanh bình thánh đức, phải có con người chơn tu, chứng đạo, nội thánh ngoại vương, tự giải thoát được thân, để giải phóng loài người ra ngoài đau khổ.

    Về Thiên đạo, Minh Lý nhìn nhận mỗi người đều có tánh Minh Lý tối thiêng liêng, bất sanh bất diệt, ngang cùng Trời Đất, hoặc gọi là Minh Đức, Minh tánh, Minh giác, v.v... làm căn bản cho sự tu thân. Cho nên bề trên có dạy:
    Minh Lý tánh, minh tâm kiến tánh,
    Đạo Tam Tông, thọ lãnh hóa hoằng.

    Nhưng khó ở chỗ nhìn rõ cái tánh Minh Lý. Chết tại đó mà sống cũng tại đó, nên gọi chỗ đó là Sanh Tử quan đầu.

    Thỉnh chư quí vị để ý, không nên minh bằng lý trí, nếu công phu sai một ly là cách xa ngàn dặm.

    Hôm nay, Tệ tăng bày giải ít điều về sở kiến của Đạo Minh Lý, ước mong chư Đạo hữu bổ cứu thêm cho để trợ giúp bề trên hoằng hóa mối đạo Trời đương buổi Hạ Nguơn nầy, hầu đem lại phước lành cho đồng bào ta, cho cả thế giới nhơn loại.

    (NGUYỄN MINH THIỆN)

    Để hiểu thêm về Minh Lý Đạo, xin trích ra sau đây trong bài: Lược thuật về việc tiếp kinh của ông Âu Minh Chánh:

    Tôi trước vẫn mộ xem kinh sách dạy việc tu hành, có thấy nhiều cuốn Thần Tiên giáng cơ đặt ra, sau lại thấy trong sách Pháp văn có nhiều vị cao kiến giải rành phép chấp bút thì lòng tôi càng thêm tin chắc. Tôi cũng nhờ dự đặng nhiều đàn thỉnh Tiên, thấy lắm điều hiển hích, nên mới hội anh em năm ba người mà tập phò cơ chấp bút. Tôi gắng chí tập gần trót năm mới là thành tựu. Từ đây mới có Thần Tiên giáng dạy, nào là cho thi tuyệt cú, nào là bài trường thiên, rất có khí tượng, rất có nghĩa lý sâu xa, song vì Thần Tiên thường dùng chữ Nho, người ít học khó hiểu cho thấu đáo.

    Bởi vậy nên anh em chúng tôi thường than rằng: Nghĩa lý chữ Nho rất cao sâu, nên lời Thần Tiên để lại trong kinh sách bấy lâu nay, người đời ít ai thông hiểu những lời mầu nhiệm. Chơ chi Ngài cho kinh bằng chữ quốc âm, dầu bực nào cũng dễ hiểu mà thi hành được.

    Thiệt là: Nhơn hữu thiện nguyện, Thiên tất tùng chi. Trước hết, Đức Thái Thượng Lão Quân giáng xuống cho một bài Tặng Thiên Đế và có dạy rằng: Chư nhu tụng kinh chữ Nho không thông nghĩa lý, nên Ta cho kinh nôm. Kinh nầy vắn tắt, cũng tiện cho chư nhu tụng đọc.... ... ...

    Sau Đức Thái Thượng Lão Quân dạy phải lập một cảnh chùa, và có cho hai đôi liễn sau đây:

    1. MINH chánh giáo, Đạo truyền thiện hạnh,
       LÝ trực đàm, đức hóa cường ngôn.

    2. MINH khai tường Đại Đạo
       LÝ hiểu đạt thâm uyên.

    và dạy rằng:

    Nhứt niệm tu hành vạn sự khinh,
    Tâm chuyên từ thiện chí năng MINH.
    Thành tư tôn giáo cầu chơn LÝ,
    Kỉnh tụng thường xuyên luyện tánh tình.

    Ngài có dạy lấy hai chữ MINH LÝ mà làm đạo hiệu, nên từ đó về sau, cứ gọi là MINH LÝ ĐẠO.

    Chúng tôi cũng lấy bốn chữ: "Nhứt Tâm Thành Kỉnh" mà làm Sắc lịnh, nên Ngài có cho thêm 2 câu liễn để hai bên:

    KỈNH GIÁO NĂNG TU ĐỨC
    THÀNH TÂM ĐẠO KHẢ HÀNH

    Chúng tôi cúng Sám Hối tại Linh Sơn Tự hơn 18 tháng, bước qua đầu năm Đinh Mão (dl 2-2-1927) mới về chùa mới.

    Bởi chùa chúng tôi thờ Tam Giáo Đạo Chủ, nên Đức Diêu Trì Kim Mẫu mới ban cho ba chữ hiệu chùa là: TAM TÔNG MIẾU.

    Đức Chiến Đấu Thắng Phật cũng có cho một đôi liễn chùa như sau đây:

    Tam giáo hiển linh ân quang phổ chiếu thông tứ hải,
    Phiến tâm thanh tịnh Nho Thích Đạo tông vốn đồng nguyên.

    Người mộ đạo càng ngày càng đông, nên chúng tôi có xin phép chánh phủ lập ra một cái Hội gọi là Hội Tam Tông Miếu, đặng tiện bề tụ tập mà cúng kiếng và giúp đỡ nhau để lo tu hành.... ... ...

    Kinh là vật quí trọng, xin chớ khá dể duôi để nơi uế trược, và chỉ nên đọc cho nghe, hoặc là cho mượn coi, chớ khá trao luôn cho người không ham mộ, rồi bỏ rơi rớt mà mang tội với Thần Tiên.

    Kinh Thần sách Thánh giải phân minh,
    Có chí kỉnh thành đọc mới linh.
    Chọn được người lành trao phép báu,
    Uổng truyền kẻ vạy, chẳng lòng gìn.

    Năm Đinh Mão, tháng 6 ngày 10 (dl 8-7-1927).

    ÂU MINH CHÁNH đốn thủ.

    (Xin xem tiếp: Ngũ Chi Minh Đạo, vần Ng)

  • Minh minh như dạ hành

    Minh minh như dạ hành

    冥冥如夜行

    Minh: Tối, tối tăm, ban đêm. Minh minh: mờ tối. Dạ: đêm. Hành: đi.

    Minh minh như dạ hành là mờ tối như đi đêm.

    Thái Công viết: Nhân sinh bất học, minh minh như dạ hành. Nghĩa là: Người sống không học, mờ tối như đi đêm.

  • Minh oan

    Minh oan

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Minh oan

    鳴冤

    A: To exclain against an injustice.

    P: Crier à l"injustice.

    Minh: Tiếng chim hót, kêu. Oan: oan ức, không làm mà chịu.

    Minh oan là kêu oan, khiếu nại lên cấp trên sự oan ức của mình.

    * Trường hợp 2: Minh oan

    明冤

    A: To prove clearly one"s innocence.

    P: Démontrer clairement son innocence.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Oan: oan ức, không làm mà chịu.

    Minh oan là bày tỏ một cách xác đáng sự oan ức của mình.

  • Minh quang

    Minh quang

    明光

    A: Brillant.

    P: Brillant.

    ]Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Quang: sáng.

    Minh quang là sáng sủa rõ ràng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chí ư đem họa cỏn con biến đổi trong gia đình mà so sánh trành tròn với đức háo sanh của Tạo Hóa, thì đường đạo đức minh quang thế nào trông chờ bước tới nữa.

  • Minh quân

    Minh quân

    明君

    A: A clear-sighted king.

    P: Le roi clairvoyant.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Quân: vua.

    Minh quân là ông vua sáng suốt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Xưa Hớn Bái Công chưa phải là chánh đáng một vị minh quân,....

  • Minh sát (Minh xét)

    Minh sát (Minh xét)

    明察

    A: To examine clearly.

    P: Examiner clairement.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Sát: xem xét.

    Minh sát tức là Minh xét, xem xét rõ ràng.

    Minh sát đồng nghĩa: Minh tra.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Sau khi thông qui cầu phong đã thành lập mà trong hàng Chức việc xét mình đủ công nghiệp, nhưng bị im ẩn hay là vì một duyên cớ nào khác mà bị lọt sổ thì đặng quyền kêu nài đến Tòa Đạo minh xét cho.

  • Minh sơn thệ hải

    Minh sơn thệ hải

    盟山誓海

    A: To swear on the mount et take an oath on ocean.

    P: Jurer sur le mont et prêter serment sur l"océan.

    Minh: Thề, thề ước. Sơn: núi. Thệ: thề. Hải: biển.

    Minh sơn thệ hải là thề non hẹn biển, tức là chỉ núi mà thề, chỉ biển mà thốt, tình yêu thương không bao giờ thay đổi.

    Đây là sự thề nguyền của đôi trai gái thương yêu nhau.

  • Minh sư

    Minh sư

    明師

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Sư: thầy. Chữ Minh Sư có hai nghĩa:

    1. Minh sư là ông thầy sáng suốt, dạy học trò rất tốt.

    Đối lại là Manh sư: ông thầy mù quáng.

    Minh sư là ông thầy đã tu luyện đắc đạo rồi, bây giờ trở lại hướng dẫn đệ tử tu luyện đắc đạo như mình.

    2. Minh Sư là một Chi trong Ngũ Chi Minh Đạo, có nguồn gốc từ thời nhà Minh bên Tàu, truyền qua Việt Nam.

    Ngũ Chi Minh Đạo gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện và Minh Tân. (Xem chi tiết: Ngũ Chi Minh đạo)

  • Minh tâm khắc cốt

    Minh tâm khắc cốt

    銘心刻骨

    A: To engrave in the heart and on the bone.

    P: Graver dans le coeur et sur les os.

    Minh: Ghi khắc, ghi tạc. Tâm: tim. Khắc: ghi vào. Cốt: xương.

    Minh tâm khắc cốt là ghi vào tim, khắc vào xương.

    Ý nói: Ghi nhớ mãi việc ấy, không bao giờ quên.

  • Minh tâm kiến tánh

    Minh tâm kiến tánh

    明心見性

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Tâm: cái tâm của con người. Kiến: thấy. Tánh: cái bổn tánh của con người. (Xem thêm: Tâm Tánh)

    Minh tâm kiến tánh là tu hành thế nào cho sáng cái tâm thì sẽ thấy được cái Tánh. Như vậy là đắc đạo thành Phật.

    Thành ngữ nầy rất thường dùng trong Thiền học (Phật giáo Thiền Tông), bởi vì Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma mang Thiền học từ Ấn Độ đến Trung Hoa với thông điệp Thiền trong bốn câu nổi tiếng sau đây làm căn bản cho cách lập giáo của Ngài:

    Hán văn: Nghĩa:
    Bất lập văn tự, Không lập văn tự,
    Giáo ngoại biệt truyền, Dạy ngoài truyền riêng,
    Trực chỉ nhơn tâm, Chỉ thẳng tâm người,
    Kiến tánh thành Phật. Thấy tánh thành Phật.

    (Xem phần diễn giải chi tiết nơi chữ: Nhứt Tổ chí Lục Tổ, vần Nh)

    (Xem chữ: Tâm - Tánh, vần T)

  • Minh thệ - Lập Minh thệ

    Minh thệ - Lập Minh thệ

    盟誓 - 立盟誓

    A: To take one"s oath of faithfulness.

    P: Faire un serment de fidélité.

    Minh: Thề, thề ước. Thệ: thề, thề nguyền.

    Minh thệ là thề giữ lòng trung thành, không thay đổi.

    Lập Minh thệ là lập lời thề trong một nghi thức trang nghiêm long trọng đặc biệt của Đạo Cao Đài.

    Một người muốn nhập môn vào Đạo Cao Đài, phải lập Minh thệ trước Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Việc Lập Minh thệ nầy có ích lợi hai phương diện:

    - Phương diện phàm trần: có Chức sắc nơi Tộc Đạo và Bàn Trị Sự Hương Đạo sở tại chứng minh lời thề của mình, quyết tâm giác ngộ, theo Đạo tu hành.

    - Phương diện thiêng liêng: Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mới nhìn nhận người nầy kể từ đây là môn đệ của Đức Chí Tôn, là tín đồ của Đạo Cao Đài, để các Đấng ấy sẽ hộ trì trên đường tu tiến.

    Do đó, việc Lập Minh thệ rất quan trọng, bởi vì khi đã được Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật nhìn nhận là môn đệ của Đức Chí Tôn thì mới hưởng được những đặc ân trong kỳ Đại Ân Xá nầy. (Xin xem chữ: Đại Ân Xá, vần Đ).

    Lập Minh thệ là cách để tỏ bày lòng chơn thành giác ngộ, mong muốn tu hành của mình. Có quyết tâm thì mới có thể làm tròn lời thệ nguyện và như thế mới đạt được phẩm vị.

    Không phải chỉ có Đạo Cao Đài mới buộc tín đồ minh thệ, mà các tôn giáo khác cũng buộc y như vậy, duy có điều là câu minh thệ có nội dung khác đi mà thôi.

    Ở đây, có một điều rất quí báu là Lời Minh thệ do Đức Chí Tôn đặt ra, chớ không phải do Hội Thánh hay một Đấng nào khác đặt ra, cho nên Lời Minh thệ nầy có hiệu quả thiêng liêng rất quan trọng.

    Đức Chí Tôn đặt ra Lời Minh Thệ cho các tín đồ gồm 36 chữ, in rõ trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, xin chép ra sau đây:

    Tên gì? . . . . . . . . . Họ gì? . . . . . . . .

    "Thề rằng: Từ đây biết một Ðạo Cao Ðài Ngọc Ðế, chẳng
    1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
    đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ
    13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24
    Cao Ðài, như sau lòng hai thì Thiên tru Ðịa lục .
    25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Quỉ Vương đến trước Bạch Ngọc Kinh xin hành xác và thử thách các con. Thầy chẳng chịu cho hành xác, chúng nó hiệp Tam thập lục Động toan hại các con, nên Thầy sai Quan Thánh và Quan Âm đến gìn giữ các con, nhưng phần đông chưa lập Minh thệ nên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật không muốn nhìn nhận.

    Hội Thánh có ban hành một văn bản chánh thức dẫn giải Lời Minh thệ cho toàn bổn đạo được rõ.

    Xin chép nguyên văn ra sau đây:

    Văn Phòng ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    THƯỢNG CHÁNH PS. (Nhị thập lục niên)
    ----- TÒA THÁNH TÂY NINH
    104/CTĐ

    DẪN GIẢI LỜI MINH THỆ NHẬP MÔN CẦU ĐẠO

    ________________

    Tôi tên: . . . . . . . . . tuổi: . . . . .

    Thề rằng: từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

    Ý nghĩa Lời Minh thệ trên là: Lời tuân hứa nhứt quyết cùng Đấng Thượng Đế, để trọn tâm thi hành Thiên đạo và cam kết làm tròn phận sự y theo Lời Minh thệ.

    Điều thứ nhứt: Biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế.

    Là trọn nhìn một Đạo Cao Đài của Chí Tôn, ngoài ra không đặng xu hướng theo ngoại giáo, tà quyền, lập nên phe đảng, chia rẽ tâm lý , gây nên sự rắc rối chia ly làm mất đức tin trong cửa Đạo.

    Điều thứ nhì: Hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài.

    Tín đồ nhập môn rồi phải tuân hành luật pháp chơn truyền của Đại Đạo là: Tân Luật, Đạo Luật, Pháp Chánh Truyền, v.v...và thi hành các qui điều giáo huấn của Hội Thánh để làm tròn phận sự mình. Ấy là phương hiệp đồng nhứt trí của toàn đạo, tín đồ, Chức việc, Chức sắc Hội Thánh để nhặt gìn Luật lệ Cao Đài của Đấng Chí Tôn.

    Điều thứ ba: Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

    Ăn ở hai lòng, bất trung bất chánh, dối Thầy phản bạn, và làm những việc trái với luật lệ của Đại Đạo cùng hành động vô nhân vô nghĩa, mất sự thương yêu, mất điều tín nhiệm, gieo rắc những điều ngờ vực, hiềm khích giữa tình đồng đạo và manh tâm bội nghịch cùng Hội Thánh, sẽ chịu luật công bình của Trời Đất tru diệt (giết phạt).

    Minh thệ đối với luật vô vi tức là Thiên điều của Chí Tôn và các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần cầm quyền trị thế, là một ân huệ được chọn làm môn đệ của Đấng Chí Tôn.

    Khi giữ tròn lời Minh thệ sẽ được các Đấng hộ trì ban ân lành, đạo tâm sáng suốt, trọn vẹn đức tin, đến ngày thành công đắc đạo, được ghi tên vào Tiên tịch (Bộ Tiên).

    Minh thệ đối với luật hữu hình Hội Thánh là một giá trị uy tín đối với Đạo và Hội Thánh. Khi giữ trọn lời Minh thệ sẽ được tín nhiệm kính nể, bảo trợ hưởng mọi đặc ân với luật công bình của Hội Thánh.

    Lời Minh thệ nhập môn cầu Đạo là một điều rất quan hệ của người giữ Đạo và là một lời hứa trọn vẹn tín thành với Hội Thánh cùng các Đấng thiêng liêng. Một kiếp sanh ở hiện tại và tương lai phước hay tội cũng do nơi lời Minh thệ nầy.

    Vậy, toàn đạo nam nữ nên trân trọng gìn theo lời Minh thệ.

    Chức sắc hữu quyền các cơ quan, chư vị Khâm Châu, Đầu Tộc Đạo nam nữ phải thông truyền lời dẫn giải Minh thệ nầy cho toàn đạo tuân hành.

    Tòa Thánh, ngày 27 tháng Giêng Tân Mão

    (Le 4 Mars 1951).

    Q.THÁI CPS Q.THƯỢNG CPS Q.NGỌC CPS Nữ CPS
    THÁI TU THANH THƯỢNG SÁNG THANH NGỌC NON THANH HƯƠNG HIẾU
    (ký tên
    đóng dấu)
    (ký tên
    đóng dấu)
    (ký tên
    đóng dấu)
    (ký tên
    đóng dấu)
     
    HỘ PHÁP
    Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài
    Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
    T.M. Đức Hộ Pháp
    BẢO THẾ
    Lê Thiện Phước
    (ký tên đóng dấu)

    Số: 456/ ĐS

    Kính gởi Hiền hữu Ngọc Chánh Phối Sư,

    Ra lịnh cho Quyền Thượng Thống Lại Viện cho sao y nguyên văn bổn chánh tờ số: 104/Cửu Trùng Đài ngày 27-1-Tân Mão (dl 4-3-1951) Dẫn Giải Lời Minh Thệ nhập môn cầu Đạo, tái bản truyền cho toàn đạo tuân hành. Hồ sơ nội vụ giao hoàn.

    Tòa Thánh, ngày 30 tháng 4 Canh Tuất (dl 3-6-1970)
    ĐẦU SƯ
    Thượng Sáng Thanh
    (ấn ký)


    Văn Phòng
    NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ

    Tư LẠI VIỆN,

    Thi hành theo lời phê số 456/ĐS của Ngài Đầu Sư dạy sao lục tờ Dẫn Giải Lời Minh thệ nhập môn để ban hành cho toàn đạo hiểu biết.

    Khi ban hành nên gởi phần cho Ngài Tổng Thanh Tra Đặc Nhiệm Chánh Trị Đạo kiêm Thống quản Cơ Thánh Vệ và Bảo Thể để phát cho nhân viên Thánh Vệ, BảoThể do sự nhu cầu. (Đính hậu hồ sơ 4 tờ).

    Tòa Thánh ngày 2 tháng 5 Canh Tuất (dl 5-6-1970)
    NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ
    (ký tên đóng dấu)

    Số: 171/ SL

    SAO LỤC Y NGUYÊN VĂN

    Kính gởi quí Hiền huynh Khâm Thành, Khâm Trấn, Khâm Châu, Đầu Phận, Đầu Tộc Nam và Trung Tông Đạo ban hành lời Dẫn Giải của Hội Thánh về câu Minh thệ khi mới nhập môn cầu đạo, để cho chư tín hữu ý thức lời hứa của mình với Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ. Nội Chánh, ngày 6-5-Canh Tuất (dl 9-6-1970).

    Q. Thượng Thống Lại Viện
    Giáo Sư Ngọc Tịnh Thanh (ấn ký)

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo về việc lập Minh thệ của tín đồ như sau:

    "Bần đạo nói thật, buổi Đức Chí Tôn đến tạo Quốc Đạo cho nòi giống Rồng Tiên nầy, chính Ngài cầm cơ đi đến các tỉnh kêu từ nhà, gọi từ đứa con, cho không biết bao nhiêu bài khuyến dạy, tạo thành một nền tôn giáo Cao Đài là Quốc Đạo. Bần đạo tưởng chưa có người nào đem cả tinh thần tâm đức mà thi ân cho dường ấy, Đức Chí Tôn đến độ rỗi, lập giáo, rồi lại bắt Minh thệ.

    Hỏi tại sao Ngài lại bắt Minh thệ? Là buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau. Mỗi người có một chút đức tin. Thầy bảo qui đức tin ấy lại, phải có tâm đức tin tưởng, yêu ái lẫn nhau, phải nhìn nhận có Thầy, có đức tin nơi Thầy. Hại thay! Có nhiều đứa con của Ngài cũng nghe, cũng tìm Đạo, cũng thọ giáo, cũng Minh thệ đủ phép tắc, biết bao nhiêu khi mới đến cùng Thầy, quì dưới chơn Thầy, mà hễ ra khỏi chơn Ngài rồi thì lại phản phúc Ngài và con cái của Ngài."

    Tại sao vào Đạo phải Minh thệ?

    Về phần người: Minh thệ cốt để người tín đồ dứt khoát tư tưởng mà thủ tín với lời thề, hông dám làm điều gì trái với lời thề tức là trái với luật đạo, để hết lòng lo lập công bồi đức, trau tâm luyện tánh mà đạt đến phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

    Về phần thiêng liêng: Người có lập Minh thệ thì các Đấng thiêng liêng mới nhìn nhận là môn đệ của Đức Chí Tôn, tức là tín đồ của Đại Đạo.

    Khi được làm môn đệ của Đức Chí Tôn thì mới hưởng được hồng ân của Đức Chí Tôn ban cho:

    • Thứ nhứt, môn đệ giữ tròn luật đạo và ăn chay được 10 ngày trong một tháng thì vào hàng Đạo hữu, đối phẩm Địa Thần trong Cửu phẩm Thần Tiên.

    • Thứ nhì, môn đệ giữ tròn luật đạo và ăn chay 10 ngày mỗi tháng thì khi qui liễu mới được làm Phép Xác, Phép Đoạn Căn, làm Tuần Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường, để đưa chơn hồn đi lên qua 12 từng Trời, bái kiến các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, bái kiến Đức Phật Mẫu và Đức Chí Tôn, sau đó mới được Tòa Tam Giáo Ngọc Hư Cung định phận.

    Ngoài ra, từ xưa tới nay, muốn đạt những thành công vĩ đại thì bổn thân người đó phải có chí khí kiên cường bất khuất vượt qua các trở ngại lâm nguy; còn muốn đạt đến phẩm vị Tiên, Phật thì phải có lời Đại Nguyện, giống y lời Minh thệ:

    · Trước khi thành Phật A-Di-Đà, Ngài có 49 điều Đại Nguyện.

    · Thái Tử Sĩ Đạt Ta lúc mới xuất gia, có phát ra 4 điều Đại Nguyện, kể ra như sau:

    1. Nguyện tế độ chúng sanh khốn ách: Nguyện cứu chúng sanh thoát khỏi khốn ách.

    2. Nguyện trừ chúng sanh hoặc chướng: Nguyện trừ những lầm lạc che bít chúng sanh.

    3. Nguyện đoạn chúng sanh tà kiến: Nguyện dứt bỏ những ý kiến tà quái của chúng sanh.

    4. Nguyện độ chúng sanh khổ luân: Nguyện cứu chúng sanh thoát vòng luân hồi khổ não.

    Vậy: Việc Minh thệ là một việc làm rất có ích và rất có ý nghĩa đối với mỗi tín đồ Cao Đài, về phương diện phàm trần cũng như về phương diện thiêng liêng.

    Lập Minh thệ có trái với tự do tín ngưỡng không?

    Từ ngày lập đạo, Đức Chí Tôn chưa hề bắt buộc người nào theo Đạo cả. Đức Chí Tôn chỉ vạch ra cho nhơn sanh thấy con đường nào chánh, con đường nào tà, con đường nào chơn thật đưa đến giải thoát khỏi luân hồi, con đường nào quanh co đưa đến tội tình sa đọa. Nhơn sanh hiểu biết rõ như thế để giác ngộ, rồi đi con đường nào hay không đi là tùy ý nhơn sanh lựa chọn và định đoạt, Đức Chí Tôn chưa bao giờ bắt ép một ai cả.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu kẻ nào biết hiểu Thánh Ngôn của Thầy nơi miệng các con mà tỉnh ngộ thì số hằng sống của nó vốn còn, còn chẳng thì thôi, để chúng nó theo Tà quái.

    Rõ ràng Đức Chí Tôn để cho nhơn sanh tự định đoạt cuộc đời mình, Chí Tôn chỉ đem lòng thương yêu hướng dẫn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đạo là quí, của quí chẳng bán nài, các con đừng thối chí.

    Như vậy nhơn sanh tự do chọn lựa tín ngưỡng của mình, hoặc không tín ngưỡng tùy ý, không bắt ép hay nài nỉ ai cả.

    Nhưng Lập Minh thệ là sự biểu lộ quyết tâm theo Đạo đến trọn đời. Đừng bao giờ nghĩ rằng, theo Đạo Cao Đài để thử nghiệm hay có mục đích vụ lợi, mượn danh Đạo tạo danh đời.

    Theo Đạo là một đại sự trong cuộc đời mình, nhập môn cầu Đạo và Lập Minh thệ là một khúc quanh vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mình, nên cần phải cân nhắc cẩn thận, tìm hiểu cho kỹ lưỡng, xét nét thật nghiêm chỉnh các mặt.

    Đạo Cao Đài không bắt buộc ai theo Đạo, nhưng khi đã theo Đạo thì buộc phải theo trọn đời bằng việc lập Minh thệ, không cho người tín đồ Cao Đài thối lui trở lại đường đời, mà phải tiến mãi trên con đường Đạo, để được trúng tuyển vào Đại Hội Long Hoa trước khi xảy ra cuộc Tận Thế thay đổi cuộc diện nơi Địa cầu 68 nầy.

    Tại sao khi ở ngoài vòng thì không buộc, mà khi đã vào cửa Đạo rồi thì lại buộc? Bởi vì thời kỳ nầy là mạt kiếp của Hạ Nguơn Tam Chuyển, bước qua Thượng Nguơn Tứ Chuyển lập đời Thánh đức, nhơn loại phải trải qua một cuộc Đại Phán Xét cuối cùng, để chấm dứt một chu kỳ tiến hóa cũ, bắt đầu một chu trình tiến hóa mới.

    Do đó, Đức Chí Tôn đại khai ân xá cho các đẳng chơn hồn, nếu ngộ kiếp một đời tu đủ trở về ngôi vị cũ. Cho nên thời nầy cần phải tu gấp, tu rút, không còn thời giờ để chần chờ nữa. Bởi vậy Đức Chí Tôn buộc Minh thệ là thể lòng thương yêu vô lượng của Đấng Cha Lành, buộc con cái phải gấp rút tu hành để kịp trở về cùng Ngài.

    Địa cầu nầy phải chịu một lần đổi thay nữa, nhơn loại bị nạn chết chóc đủ cách sầu thảm, 10 phần chỉ còn sống có 1 phần mà thôi. Số nhơn loại sống sót là những người đủ trình độ đạo đức, đủ bác ái công bình, để các Đấng lập đời Thánh đức, tạo lập một xã hội Đại đồng.

    Cho nên việc Lập Minh thệ là một quyền lợi tất yếu của người tín đồ Đạo Cao Đài.

    Đương nhiên luật công bình thiêng liêng mở ra có thưởng ắt có phạt. Nếu thực thi đúng theo lời Minh thệ thì chắc chắn sẽ được thiêng liêng ân thưởng như đã trình bày bên trên, còn nếu không giữ đúng lời Minh thệ hay làm ngược lại lời Minh thệ thì ắt bị phạt.

    Cho nên, theo Đạo là để chí cốt tu hành, còn nếu cảm thấy không thể giữ được lời Minh thệ thì chưa nên theo Đạo.

    Có một số ít người theo Đạo một thời gian, rồi vì mất quyền lợi mà bỏ Đạo, hoặc vì một thế lực mạnh mẽ nào khác đe đọa hay quyến rủ thì liền bỏ Đạo. Đó là hạng người theo Đạo để cầu danh cầu lợi chớ không phải do sự giác ngộ của tâm linh, hay không phải vì lý tưởng giải thoát khỏi các phiền não của cõi trần. Hạng người nầy không đáng được cứu vớt.

    Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối:
    Ăn năn sám hối tội tình,
    Xét câu Minh Thệ gởi mình cõi thăng.

    Người tín đồ thất thệ thì sao?

    Thất thệ là mất lời thề, tức là không giữ được lời thề, không thực thi đúng lời thề, vi phạm lời thề.

    Thất Nương Diêu Trì Cung giảng giải về cõi Âm Quang cho biết như sau:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tránh khỏi Âm Quang. Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi thì cũng tránh xa cõi Âm Quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.

    Ôi ! Tuy vân, hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng tin cậy nơi Thầy. Đó là mấy Đạo hữu, Tín đồ bị thất thệ. (Xem thêm: Thất thệ, vần Th)

    Em trông thấy bắt đau lòng, Nữ phái lại phần đông hơn hết." (Em: Thất Nương xưng Em khi nói với Đức Phạm Hộ Pháp)

  • Minh Thiện Đàn

    Minh Thiện Đàn

    明善壇

    Minh Thiện Đàn là một tổ chức tu chơn, do Đức Lý Giáo Tông lập ra tại làng Phú Mỹ, quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho, phò loan là hai ông: Đinh Công Trứ và Lê Văn Trung. Ông Trứ được Đức Lý chỉ định làm Chủ trưởng Minh Thiện Đàn.

    Sau đó, Đức Lý Giáo Tông giao Minh Thiện Đàn cho Đức Hộ Pháp chưởng quản, nhập vào cửa tu chơn Phạm Môn.

    Sau đây là:

    LƯỢC SỬ THÀNH LẬP MINH THIỆN ĐÀN

    ■ Năm 1927 (Đinh Mão), Đức Phạm Hộ Pháp và Ngài Bảo Văn Pháp Quân vâng lịnh Đức Phật Mẫu đi xuống làng Phú Mỹ, quạân Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, tìm đất lập một Thánh Thất gọi là Thánh Thất Khổ Hiền Trang. Thánh Thất nầy được giao cho ông Giáo Hữu Thượng Minh Thanh làm chủ.

    Đức Lý Giáo Tông giáng cơ cho bài thi khoán thủ ba chữ Khổ Hiền Trang để làm kỷ niệm:

    KHỔ thà cam chịu chớ đừng than,
    HIỀN hảo cùng nhau mới vẹn toàn.
    TRANG điểm ngọc lành cho đáng giá,
    Dồi mài chí thiện Thượng Minh Thanh.

    ■ Ngày 14-10-Đinh Mão (dl 8-11-1927), ông Đinh Công Trứ, nhà tại làng Phú Mỹ, chấp cơ được Đức Lý Giáo Tông giáng dạy lập Minh Thiện Đàn tại nhà của ông.

    ■ Ngày 15-7-Mậu Thìn (dl 29-8-1928), ông Lê Văn Trung, nhà cũng ở tại làng Phú Mỹ, gần nhà ông Đinh Công Trứ, gia nhập Minh Thiện Đàn.

    Hai ông Đinh Công Trứ và Lê Văn Trung được Đức Lý Giáo Tông dùng làm cặp Phò loan chánh thức của Minh Thiện Đàn, và Đức Lý Giáo Tông chỉ định ông Đinh Công Trứ làm Chủ trưởng Minh Thiện Đàn.

    ■ Ngày 3-Giêng-Kỷ Tỵ (dl 12-2-1929), Đức Quan Thánh Đế Quân giáng cơ lập Đồng Nghĩa Đường tại nhà ông Lê Văn Trung, cho nhơn sanh gia nhập vào Minh Thiện Đàn.

    Đức Lý Giáo Tông dạy: Minh Thiện Đàn tức là Qui Thiện, mà Qui Thiện là Phạm Môn, nên phải hiệp với Đức Phạm Hộ Pháp.

    ■ Ngày 25-2- Kỷ Tỵ (dl 4-4-1929), ông Lê Văn Trung nghe tin Đức Phạm Hộ Pháp đang ở Thủ Đức, nên ông liền đi Thủ Đức đặng rước Đức Phạm Hộ Pháp xuống Phú Mỹ, vì Đức Ngài đang lánh nạn tại đây.

    Đức Lý Giáo Tông giáng cơ giao Minh Thiện Đàn cho Đức Phạm Hộ Pháp chưởng quản.

    Đức Phạm Hộ Pháp cho mời tất cả những người đã gia nhập Minh Thiện Đàn đến Thánh Thất Khổ Hiền Trang để Đức Ngài hành pháp cân thần. Có tất cả 93 vị công quả trong Minh Thiện Đàn, Đức Phạm Hộ Pháp cân thần lựa được 24 vị.

    ■ Đêm 28 rạng 29-2-Kỷ Tỵ (dl 7 rạng 8-4-1929), Đức Phạm Hộ Pháp cho gom gia đình của tất cả 24 vị mới vừa được chọn nói trên, đến Thánh Thất Khổ Hiền Trang để lập Hồng thệ thọ Đào Viên Pháp.

    Sáng hôm sau, Đức Phạm Hộ Pháp đặng điện tín báo tin Đức Cao Thượng Phẩm ở Thảo Xá Hiền Cung Tây Ninh bịnh rất nặng. Đức Ngài vội trở về Tòa Thánh.

    Theo tài liệu Phạm Môn Sử Lược Hồi Ký của ông Đạo Nhơn Nguyễn Đức Hòa thì danh sách lập Hồng thệ Đào Viên Pháp của Minh Thiện Đàn kỳ nhứt chỉ có 23 vị, thiếu 1 vị, kể tên ra sau đây:

    1. Phan Văn Minh, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho.
    2. Lê Văn Trung, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    3. Huỳnh Văn Phuông, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    4. Đinh Công Trứ, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    5. Trần Văn Đăng, Long Hòa, Mỹ Tho.
    6. Trần Văn Lợi, Lương Hòa Lạc, Mỹ Tho.
    7. Nguyễn Văn Tấn, Lương Hòa Lạc, Mỹ Tho.
    8. Lê Văn An, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    9. Trần Thạnh Mậu, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    10. Nguyễn Văn Tươi, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    11. Lê Cảnh Phước, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    12. Hồ Văn Huyện, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    13. Lê Văn Ninh, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    14. Nguyễn Văn Soi, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    15. Dương Văn Hiệp, Hưng Thạnh Mỹ, Mỹ Tho.
    16. Nguyễn Văn Hậu, Lương Hòa, Mỹ Tho.
    17. Nguyễn Văn Vàng, Đạo Ngạn, Mỹ Tho.
    18. Phan Văn Huỡn, An Hữu, Mỹ Tho.
    19. Hồ Văn Cửu, Tân Hòa Thành, Mỹ Tho.
    20. Đỗ Văn Phò, Tân Hòa Thành, Mỹ Tho.
    21. Ung Văn Lưng, Tân Hòa Thành, Mỹ Tho.
    22. Nguyễn Văn Sủng, Phú Mỹ, Mỹ Tho.
    23. Lê Văn Dương, Tân Hòa Thành, Mỹ Tho.
    24. . . . . . . . . . ?

    ■ Ngày 10-6-Kỷ Tỵ (dl 16-7-1929), Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Quyền Giáo Tông, Giáo Sư Latapie đến Thánh Thất Khổ Hiền Trang, Phú Mỹ lần thứ nhì. Đức Phạm Hộ Pháp hành pháp liên tiếp ba đêm, cân thần cho 674 vị Minh Thiện Đàn, chọn được 48 vị, còn lại bao nhiêu, Đức Ngài dạy lo làm âm chất thêm thì mới đủ điểm cân thần.

    Tổng cộng hai lần cân thần các vị Đạo hữu Minh Thiện Đàn tại Thánh Thất Khổ Hiền Trang, Đức Ngài lựa được 72 vị.

    Sau ngày 15-7-Kỷ Tỵ, Đức Quyền Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp chứng giấy Thông hành cho 72 vị Đạo hữu Minh Thiện Đàn nầy đi hành thiện, làm chức tín đồ, đi xem công quả hành đạo ở các tỉnh: Mỹ Tho, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng,.... Tờ nầy số 12 để ngày 15-11-Tân Mùi (dl 23-12-1931).

    Ông Đinh Công Trứ và ông Lê Văn Trung phải đi lưu hành, 70 vị còn lại thì chỉ thi hành phận sự ở địa phương mình.

    Nhờ kỳ đi hành thiện nầy, số Đạo hữu ký tên theo về Tòa Thánh Tây Ninh (không theo Chi phái) rất đông, được 17.400 vị ở các tỉnh Miền Tây.

    ■ Ngày 15-Giêng-Canh Ngọ (dl 13-2-1930), Đức Quyền Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp ban Huấn Lịnh cho Minh Thiện Đàn 4 chữ: TRUNG - NGHĨA - TRÍ - DÕNG, và dạy 72 vị đã được chọn trong hai kỳ cân thần hãy về Tòa Thánh hiệp cùng các vị trong Phạm Môn để tạo lập cơ sở, những vị còn lại thì được khuyến khích tiếp tục ở lại địa phương mình mà lập công quả thêm.

    ■ Ngày 29-2-Canh Ngọ (dl 28-3-1930), Đức Phạm Hộ Pháp đến Phú Mỹ với hai vị Nữ phái và 4 vị Nam phái: Ông Tri, Chiêu, Lư và Lễ Sanh Thái Chia Thanh, để hiệp cùng quí vị trong Minh Thiện Đàn đi lấy phép ếm Long Tuyền Kiếm của người Tàu, ếm gần Sở Thảo Đường, do Bát Nương Diêu Trì Cung mách bảo, và Lỗ Ban Sư chỉ dẫn.

    ■ Ngày 30-6-Tân Mùi (dl 13-8-1931), Đức Lý Giáo Tông giáng cơ lập 12 đệ tử trong Minh Thiện Đàn có phận sự Kiểm duyệt Thánh giáo, gồm các ông:

    1. Lê Cảnh Phước. 7. Trang Văn Giao.
    2. Lê Văn Tiết. 8. Trần Thạnh Mậu.
    3. Triệu Văn Kỳ. 9. Đỗ Văn Phò.
    4. Phan Văn Duơn. 10. Nguyễn Văn Chánh.
    5. Lê Văn An. 11. Cao Văn Phú.
    6. Huỳnh Văn Phuông. 12. (chưa)
    (Đức Lý chỉ lựa được 11 vị, còn thiếu 1 vị sẽ lựa sau).

    ■ Ngày 23-4-Nhâm Thân (dl 28-5-1932), Đức Lý Giáo Tông giáng dạy lập Luật Điều Chánh Pháp cho Minh Thiện Đàn. Đức Lý còn dạy lập 36 Ty, mỗi Ty có 12 Sở Lương điền Công nghệ trong các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Mỹ Tho, Tân An,.... (Xem Bản Luật Điều Chánh Pháp phía sau)

    ■ Ngày 24-10-Nhâm Thân (dl 21-11-1932), Đức Lý Giáo Tông giáng cơ tuyển chọn 12 vị Đạo hữu Minh Thiện Đàn lập thành Ban Kiểm Duợt với trách nhiệm như sau:

    * PHƯỚC, PHÒ, PHÚ, MẬU: cai quản phần thuyết Thánh giáo và các việc văn phòng.

    * KỲ, CHƯƠNG, NINH, CHÁNiệm Hương: cai quản Lương viện và Hộ viện.

    * AN, PHUÔNG, GIAO, DUƠN: cai quản phần Công, Thương, Nông, Nghệ.

    Trong số 12 vị trên, có 10 vị ở trong danh sách 12 người Kiểm duyệt Thánh giáo ở phần trên, còn 2 vị mới là: CHƯƠNG và NINiệm Hương: Phan Văn Chương và Lê Văn Ninh.

    Trong thời gian nầy, tại Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Phạm Hộ Pháp khởi lập Phạm Môn vào năm Canh Ngọ (1930) mà cơ sở Phạm Môn đầu tiên là Phạm Nghiệp.

    ■ Ngày 3-Giêng-Nhâm Thân (dl 8-2-1932), Đức Phạm Hộ Pháp làm lễ Hồng thệ chấm thọ Đào Viên Pháp tại cơ sở Phạm Môn Trường Hòa, Đức Ngài cân thần lựa được 67 vị, ông Lê Văn Tri xin thêm 5 vị nữa cho đủ số 72 vị Phạm Môn kỳ đầu, được Đức Ngài chấp thuận.

    Năm Quí Dậu (1933), nhà cầm quyền Pháp ra lịnh đóng cửa tất cả các cơ sở của Phạm Môn.

    Năm Ất Hợi (1935), Đức Phạm Hộ Pháp biến tướng Phạm Môn thành trăm ngàn cơ sở Phước Thiện, đi khai mở cùng khắp trong các tỉnh miền Nam Việt Nam, hình thành bước đầu Cơ Quan Phước Thiện.

    ■ Ngày 15-10-Ất Hợi (dl 10-11-1935), ông Lê Văn Trung đắc phong Lễ Sanh Giáo Thiện và năm Đinh Sửu (1037), ông được Đức Phạm Hộ Pháp bổ đi làm Đầu Họ Phước Thiện ở tỉnh Gia Định.

    ■ Năm Bính Tý (1936), ông Đinh Công Trứ đắc phong Lễ Sanh Giáo Thiện, được Đức Phạm Hộ Pháp bổ đi làm Đầu Họ Phước Thiện ở Long Xuyên.

    ■ Năm Mậu Dần (1938), Cơ Quan Phước Thiện do Đức Phạm Hộ Pháp lập ra được Quyền Vạn Linh công nhận với Đạo Luật năm Mậu Dần có giá trị thi hành kể từ ngày 15-Giêng-Mậu Dần (dl 16-2-1938) và Đạo Nghị Định số 48/Phước Thiện của Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên thành lập Cơ Quan Phước Thiện với Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng.

    Do đó, kể từ đầu năm Mậu Dần (1938), Minh Thiện Đàn ở Phú Mỹ và Phạm Môn ở Tây Ninh coi như bị giải thể để Đức Phạm Hộ Pháp dùng làm cơ sở lập Cơ Quan Phước Thiện.

    Sau khi Đức Phạm Hộ Pháp bị nhà cầm quyền Pháp bắt đồ lưu hải ngoại, làng Phú Mỹ lại bị chiến tranh tàn phá, dân chúng phải tản cư, ông Đinh Công Trứ qui tụ các Đạo hữu trong Minh Thiện Đàn lên vùng Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh để lập Trường Qui Thiện vào năm 1943 làm cơ sở tiếp tục tu hành.

    (Yêu cầu xem tiếp: Qui Thiện, Phạm Môn)

    Sau đây xin chép LUẬT ĐIỀU CHÁNH PHÁP của Minh Thiện Đàn hay Trường Minh Thiện.

    ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    (Đệ thất niên)

    LUẬT ĐIỀU CHÁNH PHÁP
    TRƯỜNG MINH THIỆN

    Vâng lịnh Đức Lý Giáo Tông
    dạy ngày 23-4-Nhâm Thân.

    Vậy cả trong Trường và các Ty Kiểm đạo phải tuân y theo trách nhiệm mà hành đạo của mỗi người.

    Điều thứ nhứt: Trong 12 vị Kiểm duợt đặng xem xét các sách vở nào chẳng trọng vị đạo đức, làm rối luân thường, phá hư phong hóa, thì phải cấm trong đàn chẳng đặng coi đến. Trong 12 vị Kiểm duợt nầy có phận sự khác nhau:

    - Khoản thứ nhứt: 4 vị về phần trích lục Thánh giáo cho có trật tự phân minh.

    - Khoản thứ nhì: 4 vị về phần thuyết đạo cho 36 Ty nghe và đạo lưỡng phái nghe.

    - Khoản thứ ba: 4 vị lo về phần tiếp những giấy tờ của Chủ khảo Chánh Ty hay là các nơi gởi đến, thì phải điều đình, bằng không đặng thì phải hiệp nhau cho đủ mặt 12 vị mà nhóm nơi Đồng Nghĩa Đường đặng công nghị, như chẳng khứng nghe, phải đem cả thảy tờ giấy đến nơi Trường Minh Thiện mà giao cho kẻ phò loan thẩm xét, hoặc xin giảm luật, như 12 vị Kiểm duợt chẳng chịu thì mới cầu Đức Giáo Tông phán đoán.

    Vậy trong 12 vị Kiểm duợt, phận sự khác nhau, mà kỳ trung như một, có việc chi thì cùng chăm nom mà hành chánh, chớ chẳng đặng bỏ qua.

    Điều thứ nhì: Có một vị Chủ khảo Chánh Ty coi trong 36 Ty thì phải chăm nom săn sóc các môn đệ của Chí Tôn và có quyền dạy dỗ cùng phán đoán những kẻ tội tình. Như kẻ nào chẳng vâng theo thì phải lập tờ công đoán mà giao trong Trường. Vậy phận sự của Chủ khảo Chánh Ty phải tuân theo Luật Điều, giữ trọn phần trách nhiệm, vậy chớ nên thiếu phận.

    Điều thứ ba: Trong 36 Ty, mỗi Ty 27 vị Đạo hữu, đồng công cử cho nhau mà lập một vị Chủ Ty cùng 2 vị Kiểm đạo, nhưng Chủ Ty phải tùng quyền Chủ khảo Chánh Ty mà hành đạo đặng sửa đương giúp đỡ, dìu dắt Đạo hữu trong phần địa phận mình, hoặc có điều chi làm hại cho phương diện của Đạo thì phải cần kíp cho 2 vị Kiểm đạo hay đặng chung lo điều đình cho an ổn, mỗi tháng phải tiếp Thánh giáo nơi 12 người Kiểm duợt đặng dạy dỗ 24 vị Đạo hữu và săn sóc cho tấn hóa, như kẻ nào không vâng luật lệ Hội Thánh cùng Luật Điều Chánh Pháp thì phải lấy lời đạo đức mà giảng dứt kẻ ấy trở nên người lương thiện, như đã nhiều lần mà kẻ ấy chẳng tuân thì phải giao lại cho 2 vị Kiểm đạo phân xử, cùng các việc kiện thưa cũng về phần Kiểm đạo. Như Kiểm đạo tư vị, phân xử chẳng công bình thì Chủ Ty phải tư tờ cho trong Trường hay, còn như im ẩn phải chịu lấy tội tình.

    Điều thứ tư: Trong 72 vị Kiểm đạo, chia ra mỗi Ty 2 vị, giúp việc cho Chủ Ty. Vậy mỗi vị coi 12 vị Đạo hữu, phải cần dạy dỗ những điều đạo đức và xem xét, như kẻ nào giả đạo nương đàn thì lập tờ kiết chứng phân minh để ra khỏi Trường, cùng mỗi tháng phải đến Chủ Ty mình mà nghe lời Thánh giáo và xem xét cử chỉ của Chủ Ty hành đạo, như chẳng có lịnh Hội Thánh dạy, cùng trong Trường chẳng có lời dạy của Chủ khảo Chánh Ty mà thi hành, hay có mà làm quá quyền nên mất lẽ công bình thì can gián, như không đặng thì tư tờ cho Chủ khảo Chánh Ty hay, song Chủ khảo Chánh Ty im ẩn thì phải tư tờ cho trong Trường hay, như tư vị thì tội về phần Kiểm đạo.

    Điều thứ năm: Trong 12 vị Đạo hữu nầy, buộc mỗi tháng phải đến nhà Kiểm đạo mà nghe lời Thánh giáo cùng vâng lời dạy dỗ của người về phần đạo đức, còn như Kiểm đạo có làm điều chi trái đạo cùng tư quyền thì 12 vị Đạo hữu nầy phải can gián sửa lỗi cho người. Như không đặng cũng có phép lập tờ kiết chứng dâng đến trong Trường hay, nhưng phải đủ 12 người ký tên, chớ không đặng thế. Còn những người nào muốn vào đàn thì phải có Chủ Ty và Kiểm đạo tiến dẫn mới đặng.

    Điều thứ sáu: Về phần phò loan, phải để tâm cho đại tịnh, cùng giữ dạ vô tư, nắm Thiên điều mà bảo tồn nền Minh Thiện, trọn vâng Thiên mạng cùng lịnh Giáo Tông mà hành chánh, chẳng đặng vị nể thường tình mà tư thân tư kỷ, làm chẳng trọn phận sự, hay là lấy tứ riêng mà lập thành Tả đạo thì phải mắc tội với Ngọc Hư, còn như dưới thì có 12 vị Kiểm duợt phải do nơi kẻ phò loan mà hành sự theo bổn phận.(Luật Điều Chánh Pháp nầy có dâng lên Đức Lý Giáo Tông, và được chấp thuận)

  • Minh tra

    Minh tra

    明查

    A: To examine clearly.

    P: Examiner clairement.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Tra: xem xét kỹ lưỡng để có nhận định đúng.

    Minh tra là xem xét sự việc cho minh bạch, có chứng cớ rõ ràng, để có kết luận đánh giá chính xác.

    Trong Hành Chánh Đạo thường có các cuộc minh tra công nghiệp của Chức sắc để xét việc thăng thưởng. Do đó, việc minh tra cần phải vô tư, công bình.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Nếu những vị nào dưới năm năm công nghiệp mà có lập đặng đại công, toàn công chúng đều hoan nghinh và Tòa Đạo minh tra đủ lẽ thì sẽ đặng đệ lên Quyền Chí Tôn cầu xin thăng thưởng.

  • Minh triết

    Minh triết

    明哲

    A: Sagacity.

    P: Sagacité.

    Minh: Sáng, rõ ràng, sáng suốt, ban ngày. Triết: sáng suốt hiểu biết đến cái lẽ tận cùng của sự vật.

    Minh triết là luận giải một cách thấu suốt những lý lẽ tận cùng liên quan đến sự vật hay con người.

    Người minh triết là người thông suốt lý đạo và thời thế, lại biết dụng trí dụng tâm mà phân biệt điều phải điều quấy, luôn luôn giúp đời tiến hóa theo đạo lý tự nhiên.

    Người minh triết dùng lý trí để suy nghĩ hiểu biết nhưng khi phán đoán thì dùng cái chơn tâm, vì cái chơn tâm luôn luôn thuận tùng Thiên lý. Do đó, người minh triết không bao giờ dang xa nẻo đạo.

  • Mỏn lòng

    Mỏn lòng

    A: Discouraged.

    P: Découragé.

    Mỏn: mòn mỏi, hao mòn dần theo thời gian.

    Mỏn lòng là tấm lòng mòn mỏi, chán nãn, không còn hăng hái nữa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Công đã nhiều, mà bước tới nữa dường như ngán bước, gặp sự gay go đã mỏn lòng.

  • MỘ

    MỘ

    1. MỘ: 慕 Mến chuộng, ưa chuộng.

    Thí dụ: Mộ đạo.

    2. MỘ: 暮 Buổi chiều tối, cuối.

    Thí dụ: Mộ khang.

    3. MỘ: 墓 Cái mả.

    Thí dụ: Mộ bi, Mộ chí.

  • Mộ bi (mộ bia)

    Mộ bi (mộ bia)

    墓碑

    A: The tombstone.

    P: La pierre tumulaire.

    Mộ: Cái mả. Bi: Bia: tấm bằng đá dựng trước mộ để ghi tên tuổi và chức phận của người chết.

    Mộ bi hay Mộ bia là tấm đá đặt trước mộ, trên đó có ghi tên tuổi, chức phận của người chết để lưu truyền cho con cháu.

  • Mộ chí

    Mộ chí

    墓誌

    A: Epitaph.

    P: Épitaphe.

    Mộ: Cái mả. Chí: bài văn ký sự.

    Mộ chí là bài văn ký sự ghi trên bia đặt nơi mộ, nói về quê quán, phẩm tước và công nghiệp của người chết.

  • Mộ cổ thần chung

    Mộ cổ thần chung

    暮鼓晨鍾

    A: The drum of evening and the bell of morning.

    P: Le tambour du soir et la cloche du matin.

    Mộ: Buổi chiều tối, cuối. Cổ: tiếng trống. Thần: buổi sáng sớm. Chung: tiếng chuông.

    Mộ cổ thần chung là tiếng trống vào buổi chiều tối và tiếng chuông vào lúc sáng sớm.

    Đây là tiếng trống và tiếng chuông chùa báo hiệu giờ công phu của chư tăng, khiến cho khách trần ai nghe được thức tỉnh giấc huỳnh lương mà tìm về nẻo Đạo.

  • Mộ đạo

    Mộ đạo

    慕道

    A: To love a religion.

    P: Aimer une religion.

    Mộ: Mến chuộng, ưa chuộng. Đạo: tôn giáo.

    Mộ Đạo là mến chuộng đạo đức, ưa thích cảnh tu hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vậy chư nhu phải truyền bá ra, như người nào mộ Đạo thì phải cầu Đạo sớm đi.

  • Mộ khang

    Mộ khang

    暮康

    A: To ask the health of parents at evening.

    P: Demander la santé des parents au soir.

    Mộ: Buổi chiều tối, cuối. Khang: an ổn vui vẻ.

    Mộ khang là viếng thăm cha mẹ vào buổi tối có được an ổn vui vẻ không.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang.

  • Mộ phần

    Mộ phần

    墓墳

    A: The tomb

    P: Le tombeau.

    Mộ: Cái mả. Phần: cái gò mả.

    Mộ phần là cái mả đắp cao lên.

    Tân Luật: Thế Luật: Điều 15: Người làm đầu trong Họ, khi tang chủ mời, phải đến hiệp với chư tín đồ trong Họ làm lễ Cầu siêu cho vong linh theo Tân Luật và đưa xác đến mộ phần.

  • Mộ xuân

    Mộ xuân

    暮春

    A: The end of the spring.

    P: La fin du printemps.

    Mộ: Buổi chiều tối, cuối. Xuân: mùa Xuân.

    Mộ Xuân là cuối mùa Xuân.

  • MỘC

    MỘC

    1. MỘC: 木 Cây, gỗ, thảo mộc.

    Thí dụ: Mộc bổn.

    2. MỘC: 沐 Gội đầu.

    Thí dụ: Mộc ân, Mộc dục.

  • Mộc ân

    Mộc ân

    沐恩

    A: Loaded with favours.

    P: Comblé de faveurs.

    Mộc: Gội đầu. Ân: ơn huệ.

    Mộc ân là gội ơn, nhận được ơn huệ của bề trên.

    Kệ Chung bãi đàn: Đàn tràng viên mãn Chức sắc qui nguyên, vĩnh mộc từ ân, phong điều võ thuận.

  • Mộc bổn thủy nguyên

    Mộc bổn thủy nguyên

    木本水源

    Mộc: Cây, gỗ, thảo mộc. Bổn: gốc, cội. Thủy: nước. Nguyên: nguồn.

    Mộc bổn thủy nguyên là cây có cội, nước có nguồn.

    Ý nói: Con người ai cũng phải có nguồn gốc, tức là có Tổ Tiên Ông Bà.

  • Mộc dĩ thành chu

    Mộc dĩ thành chu

    木已成舟

    Mộc: Cây, gỗ, thảo mộc. Dĩ: đã qua, xong rồi. Chu: chiếc thuyền.

    Mộc dĩ thành chu là ván đã đóng thuyền.

    Ý nói: Người con gái đã lấy chồng rồi, không thể thay đổi số phận được nữa.

  • Mộc dục

    Mộc dục

    沐浴

    A: To wash.

    P: Se baigner.

    Mộc: Gội đầu. Dục: Tắm rửa.

    Mộc dục là tắm gội.

  • Môi giới

    Môi giới

    媒介

    A: Intermediary.

    P: Intermédiaire.

    Môi: làm mối. Giới: giới thiệu.

    Môi giới là người đứng giữa giới thiệu và điều đình công việc cho đôi bên.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Lòng mộ Đạo của Tổ Phụ ta trước kia lấy lương thiện làm căn bản, lấy nhơn nghĩa làm môi giới,....

  • MÔN

    MÔN

    MÔN: 門 Cửa, cái nhà, tông phái.

    Thí dụ: Môn đồ, Môn ngoại, Môn thiền.

  • Môn đệ - Môn đồ

    Môn đệ - Môn đồ

    門弟 - 門徒

    A: Disciple.

    P: Disciple.

    Môn: Cửa, cái nhà, tông phái. Đệ: học trò. Đồ: học trò.

    Môn đệ, đồng nghĩa Môn đồ, là học trò cùng học một thầy về chữ nghĩa hay học về đạo đức tu hành.

    Khi một người lập Minh thệ nhập môn vào Đạo Cao Đài, thì người đó trở thành môn đệ của Đức Chí Tôn.

    Đức Chí Tôn giáng cơ xưng mình là Thầy và gọi các tín đồ là môn đệ.

  • Môn đương hộ đối

    Môn đương hộ đối

    門當戶對

    A: The two families of the same rank of society.

    P: Les deux familles de même rang social.

    Môn: Cửa, cái nhà, tông phái. Đương: Đang: tương đương, bằng nhau. Hộ: nhà. Đối: đối xứng với nhau.

    Môn đương hộ đối là nhà cửa hai bên sui gia tương xứng với nhau.

  • Môn ngoại

    Môn ngoại

    門外

    A: In exterior.

    P: Au dehors.

    Môn: Cửa, cái nhà, tông phái. Ngoại: ngoài.

    Môn ngoại là ở ngoài cửa, ở bên ngoài cái cửa.

    Cực Lạc môn ngoại là ở bên ngoài cửa của cõi Cực Lạc Thế Giới.

  • Môn phái

    Môn phái

    門派

    A: School, Sect.

    P: L"école, Secte.

    Môn: Cửa, cái nhà, tông phái. Phái: ngành.

    Môn phái là một học phái do một thầy truyền xuống, nên có cùng chung một tư tưởng hay một đường lối triết học.

  • Môn sinh (Môn sanh)

    Môn sinh (Môn sanh)

    門生

    A: Disciple.

    P: Disciple.

    Môn: Cửa, cái nhà, tông phái. Sinh: Sanh: học trò.

    Môn sinh là học trò, đồng nghĩa: môn đồ, môn đệ.

    Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị: Xin châu toàn đường hạnh môn sinh.

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu: Môn sanh thiện niệm hằng ngày.

  • Môn thiền

    Môn thiền

    門禪

    A: The pagoda.

    P: La pagode.

    Môn: Cửa, cái nhà, tông phái. Thiền: Thiền tông, chỉ Đạo Phật.

    Môn thiền tức là Thiền môn, là cửa Phật, cửa chùa.

    Trong Đạo Cao Đài, Môn thiền là chỉ Thánh Thất, nơi thờ Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Bài Dâng Hoa: Từ Bi giá ngự rạng môn thiền.

  • Mông trần

    Mông trần

    蒙塵

    A: Covered with dust.

    P: Couvert de poussière.

    Mông: bị che lấp. Trần: bụi bặm.

    Mông trần, nghĩa đen là bị bụi bặm che lấp, ý nói: chịu nhiều nỗi vất vả và ô trược nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão mang nặng tình nghĩa cùng một bạn thiêng liêng vì đời lãnh mạng, tạo Đạo đặng cứu chúng sanh mà phải chịu mông trần vào cảnh đọa.

  • MỘNG

    MỘNG

    MỘNG: 夢 Chiêm bao.

    Thí dụ: Mộng ảo, Mộng điệp.

  • Mộng ảo bào ảnh

    Mộng ảo bào ảnh

    夢幻泡影

    Mộng: Chiêm bao. Ảo: không thật. Bào: bọt nước. Ảnh: bóng.

    Mộng ảo bào ảnh là cảnh trong mộng không thật,như cái bọt nước mới có đã tan, như bóng theo hình, có mà không thật.

    Mộng ảo bào ảnh là chỉ những cái giả, không thật, chỉ thoáng qua thôi. Đó là cuộc đời, là các pháp thế gian mà người tu không nên trìu mến.

    Kinh Kim Cang: Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng ảo bào ảnh. Nghĩa là: Tất cả các pháp hữu hình đều là: mộng, ảo, bào, ảnh, tức là không thật.

  • Mộng điệp

    Mộng điệp

    夢蝶

    A: Nice dream.

    P: Beau rêve.

    Mộng: Chiêm bao. Điệp: con bươm bướm.

    Mộng điệp là giấc chiêm bao thấy mình hóa bướm.

    Đó là giấc mộng của ông Trang Tử. (Xem: Trang Tử)

    Trong văn chương, mộng điệp chỉ giấc mộng đẹp, giấc ngủ say. Trong tôn giáo, mộng điệp cũng là mộng trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mở mắt tỉnh lần cơn mộng điệp.

  • Mộng hồn

    Mộng hồn

    夢魂

    A: Imagination.

    P: Imagination.

    Mộng: Chiêm bao. Hồn: chỉ cái tinh thần của con người.

    Mộng hồn là trong lòng có điều nghĩ ngợi vẩn vơ nên tinh thần như lạc vào trong cảnh mộng.

  • Mộng huyễn

    Mộng huyễn

    夢幻

    A: Illusion.

    P: Illusion.

    Mộng: Chiêm bao. Huyễn: giả, không thật.

    Mộng huyễn, tức là Mộng ảo, là cảnh mộng không thật.

  • Mộng mị

    Mộng mị

    夢寐

    A: The dream.

    P: Le rêve.

    Mộng: Chiêm bao. Mị: ngủ say.

    Mộng mị là chiêm bao trong giấc ngủ say.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thế trần mộng mị có ra chi.

  • Mộng trần

    Mộng trần

    夢塵

    A: The life in the world is like a dream.

    P: La vie dans le monde est comme un rêve.

    Mộng: Chiêm bao. Trần: cõi trần.

    Mộng trần là đời sống của con người nơi cõi trần giống như là một giấc mộng. (Xem: Giấc mộng trần, vần Gi)

  • Mộng triệu

    Mộng triệu

    夢兆

    A: Presage given by dream.

    P: Présage vu en rêve.

    Mộng: Chiêm bao. Triệu: cái điềm báo trước.

    Mộng triệu là nằm chiêm bao thấy một cái điềm báo trước cho biết việc sắp xảy ra.

  • MỤC

    MỤC

    1. MỤC: 目 Mắt, thấy, điều mục.

    Thí dụ: Mục hạ vô nhân, Mục kiến.

    2. MỤC: 牧 Chăn nuôi, nuôi dưỡng.

    Thí dụ: Mục dân.

  • Mục bất quan phi lễ chi sắc

    Mục bất quan phi lễ chi sắc

    目不觀非禮之色

    Mục: Mắt, thấy, điều mục. Bất: không. Quan: xem. Phi lễ: không lễ. Chi: tiếng hư tự. Sắc: vật có hình thể, sắc đẹp.

    Mục bất quan phi lễ chi sắc là mắt không nhìn cái sắc mà chẳng phải lễ.

    Ông Khang Thiệu Tiết có nói rằng:

    Cát dã giả:
    Mục bất quan phi lễ chi sắc,
    Nhĩ bất thính phi lễ chi thanh,
    Khẩu bất đạo phi lễ chi ngôn,
    Túc bất tiễn phi lễ chi địa.

    Nghĩa là:

    Tốt ấy vậy:
    Mắt không xem cái sắc phi lễ,
    Tai không nghe tiếng phi lễ,
    Khẩu không nói lời phi lễ,
    Chân không đạp lên đất phi lễ.
  • Mục dân

    Mục dân

    牧民

    A: To conduct the people.

    P: Conduire le peuple.

    Mục: Chăn nuôi, nuôi dưỡng. Dân: dân chúng.

    Mục dân là chăn dân, tức là cai trị dân chúng.

    Thời xưa, các quan cai trị dân gọi là Mục dân, ví dân như đàn gia súc, ví quan là người chăn.

  • Mục hạ vô nhân - Mục trung vô nhân

    Mục hạ vô nhân - Mục trung vô nhân

    目下無人 - 目中無人

    Mục: Mắt, thấy, điều mục. Hạ: dưới. Vô nhân: không người. Trung: trong.

    Mục hạ vô nhân là dưới mắt không có người.

    Mục trung vô nhân là trong mắt không có người.

    Hai thành ngữ nầy đồng nghĩa, chỉ người có tánh tự cao tự đại quá trớn, khinh khi tất cả mọi người, không coi ai ra gì cả.

  • Mục kiến

    Mục kiến

    目見

    A: To see.

    P: Voir.

    Mục: Mắt, thấy, điều mục. Kiến: thấy.

    Mục kiến là chính mắt trông thấy.

  • Mục Sư

    Mục Sư

    牧師

    A: The pastor.

    P: Le pasteur.

    Mục: Chăn nuôi, nuôi dưỡng. Sư: thầy.

    Mục sư là người giảng đạo Tin Lành, đi truyền bá đạo Tin Lành. Mục sư được cai quản một Nhà Giảng Tin Lành.

  • Mục vịnh tiều ca

    Mục vịnh tiều ca

    牧詠樵歌

    Mục: Chăn nuôi, nuôi dưỡng. Vịnh: ngâm thơ. Tiều: kiếm củi. Ca: hát.

    Mục vịnh tiều ca là trẻ mục đồng ngâm thơ, chú tiều ca hát, chỉ cảnh thanh bình, vui tươi, hạnh phúc.

  • Muội tâm

    Muội tâm

    昧心

    A: Dark conscience.

    P: Conscience obscure.

    Muội: tối tăm, mờ ám. Tâm: lòng dạ.

    Muội tâm là lòng dạ đen tối.

    Ý nói: Người độc ác, không có lương tâm.

  • Mưa móc

    Mưa móc

    A: Rain and dew: The royal favour.

    P: Pluie et rosée: La faveur royale.

    Mưa móc là mưa và sương rơi xuống . Ý nói: ơn huệ của vua ban xuống cho dân chúng nhiều như mưa và móc.

    Thơ của Cao Thích: Thánh đại tức kim đa vũ lộ. Nghĩa là: đời vua Thánh cho đến nay, nhiều mưa móc ban xuống.

    Trong Thánh Ngôn, mưa móc là ơn huệ của Đức Chí Tôn ban xuống cho nhơn sanh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mưa móc dân sanh gắng gội nhuần.

  • MỰA

    MỰA

    A: No, don"t

    P: Non, ne . . . pas.

    Mựa: chớ, không, chẳng.

    Đây là từ ngữ xưa, nay ít dùng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chư Đạo hữu mựa chớ luận bàn, để phải quấy Lão cũng ra tay sửa trị được vậy.

  • MƯU

    MƯU

    MƯU: 謀 Tính toán sắp đặt, kế hoạch, mưu kế.

    Thí dụ: Mưu đồ, Mưu sự, Mưu thâm.

  • Mưu chước

    Mưu chước

    A: The ruse.

    P: La ruse.

    Mưu: Tính toán sắp đặt, kế hoạch, mưu kế. Chước: cách thức khôn khéo.

    Mưu chước là mưu kế khôn khéo để đạt được ý muốn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Còn ngoại trừ sự chi nghịch với chơn đạo thì là mưu chước Tà quái.

  • Mưu đồ

    Mưu đồ

    謀圖

    A: To plan.

    P: Projeter.

    Mưu: Tính toán sắp đặt, kế hoạch, mưu kế. Đồ: toan tính.

    Mưu đồ là toan tính mưu kế nhằm thực hiện điều mong muốn cho được kết quả.

  • Mưu phản

    Mưu phản

    謀反

    A: To plot a rebellion.

    P: Ourdir une rebellion.

    Mưu: Tính toán sắp đặt, kế hoạch, mưu kế. Phản: chống lại, làm trái lại.

    Mưu phản là sắp đặt mưu kế để làm phản.

  • Mưu sinh

    Mưu sinh

    謀生

    A: To search for one"s living.

    P: Chercher à gagner sa vie.

    Mưu: Tính toán sắp đặt, kế hoạch, mưu kế. Sinh: sống.

    Mưu sinh là tìm cách làm ăn để sinh sống.

  • Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên

    Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên

    謀事在人,成事在天

    A: Man proposes but God disposes.

    P: Homme propose mais Dieu dispose.

    Mưu: Tính toán sắp đặt, kế hoạch, mưu kế. Sự: việc. Tại: ở. Nhân: người. Thiên: Trời.

    Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên là mưu tính sắp đặt công việc là ở nơi người, thành công hay không là ở nơi Trời.

    Gia Cát Lượng đời Tam Quốc viết:

    Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
    Nhân nguyện như thử như thử ....
    Thiên lý vị nhiên vị nhiên ....

    Nghĩa là:

    Mưu việc ở người, nên việc ở Trời.
    Ý người như thế như thế ....
    Lẽ Trời chưa vậy chưa vậy ....

    Mọi việc đều có sự sắp đặt của Trời, mình cứ lo toan làm hết sức mình, còn việc thành công hay thất bại là do nơi số mạng Trời định. Nếu thành công thì chớ nên khoe khoang tài giỏi rồi tự kiêu ngã mạn; còn nếu thất bại thì cũng không nên quá tuyệt vọng, buồn rầu thất chí.

  • Mưu thâm họa diệc thâm

    Mưu thâm họa diệc thâm

    謀深禍亦深

    Mưu: Tính toán sắp đặt, kế hoạch, mưu kế. Thâm: sâu. Họa: tai họa. Diệc: cũng.

    Mưu thâm họa diệc thâm là mưu kế sâu độc thì tai họa cũng sâu độc.

    Ý nói: Mình lập kế sâu độc để hại người thì sau nầy mình bị hại trở lại cũng sâu độc không kém. Đó là luật Nhân quả, gieo gió thì gặt bão.

  • Mưu trí

    Mưu trí

    謀智

    A: Sagacity.

    P: Sagacité.

    Mưu: Tính toán sắp đặt, kế hoạch, mưu kế. Trí: sự khôn ngoan hiểu biết.

    Mưu trí là người làm việc có kế hoạch và có sự khôn ngoan hiểu biết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Ám muội thì nhiều, mưu trí ít,
    Đường Tiên chẳng bước, đọa thì đành.
  • MỸ

    MỸ

    MỸ: 美 Đẹp, tốt, khen ngợi.

    Thí dụ: Mỹ miều, Mỹ tục, Mỹ vị.

  • Mỹ miều

    Mỹ miều

    A: Good looking.

    P: Beau, joli.

    Mỹ: Đẹp, tốt, khen ngợi. Miều: cái dáng mềm mại.

    Mỹ miều là xinh đẹp.

    Kinh Khi Ðã Chết Rồi: Nguyên căn đẹp vẻ mỹ miều cao thăng.

  • Mỹ cảnh lương thần

    Mỹ cảnh lương thần

    美景良辰

    Mỹ: Đẹp, tốt, khen ngợi. Cảnh: phong cảnh, cảnh vật. Lương: tốt.

    Thần: ngày. Mỹ cảnh: cảnh đẹp. Lương thần: ngày tốt.

    Mỹ cảnh lương thần là cảnh đẹp ngày tốt, ý nói: Phong cảnh và thời tiết đều đẹp, tốt.

  • Mỹ tục

    Mỹ tục

    美俗

    A: Good customs.

    P: Bonnes moeurs.

    Mỹ: Đẹp, tốt, khen ngợi. Tục: Phong tục.

    Mỹ tục là phong tục tốt đẹp.

    Thuần phong mỹ tục: Phong tục thuần hậu tốt đẹp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Phật pháp khuyến nhơn qui mỹ tục.
    Nho tông phục thế hưởng thuần phong.
  • Mỹ vị

    Mỹ vị

    美味

    A: Well-flavoured.

    P: Succulent.

    Mỹ: Đẹp, tốt, khen ngợi. Vị: cảm giác nếm bằng lưỡi.

    Mỹ vị là đồ ăn ngon và bổ.

    Cao lương mỹ vị: gạo thơm thịt béo, đồ ăn rất ngon.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cao lương mỹ vị hại thân phàm.