Cao Đài Tự Điển - Vần N
ID017178 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần N 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • Nả nong

    Nả nong

    A: To get impatient.

    P: S"impatienter.

    Nả nong hay Nong nả là nôn nóng trong lòng muốn làm ngay công việc cho sớm có kết quả.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    - Độ chúng tu nhơn chí nả nong.
    - Mấy ai nong nả tìm đến cảnh thiêng liêng mà nhiều kẻ lại tìm vào vực thẳm.
  • Nãi

    Nãi

    A: Then, however.

    P: Alors, cependant.

    Nãi: Tiếng dùng để chuyển ý , có nghĩa là: bèn, rồi thì.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Nãi Nhựt, Nguyệt, Tinh, Thần chi quân.

  • Nại hà

    Nại hà

    奈何

    A: How? What is to be done?

    P: Comment? Que faire?

    Nại: Làm sao? Thế nào? Hà: tiếng dùng để hỏi.

    Nại hà?: Làm sao? Làm thế nào?

    Nại hà kiều: Cầu Nại hà, là cây cầu bắc ngang sông lớn mà người đi đến đó không biết cách nào để đi qua cầu cho khỏi té xuống sông, nên hỏi nhau: Nại hà? Làm sao?

    Tương truyền, nơi cõi Âm phủ có một cây cầu rất mỏng manh, bắc ngang một con sông lớn, ván lót gập ghình, trơn trợt, rất khó lên cầu để đi qua sông. Hơn nữa, dưới cầu là sông lớn có đủ các thứ rắn độc, cua kình hung dữ, đợi người nào lọt xuống thì chúng xúm lại xé thây ăn thịt.

    Các chơn hồn nơi Âm phủ, khi đến cầu nầy, muốn lên cầu qua sông, nhìn thấy cảnh tượng như thế thì nãn lòng thối bước, không biết làm thế nào để đi qua cầu cho được an toàn. Nhiều người cố đi qua, nhưng đến giữa cầu thì bị té xuống sông, rắn rít cua kình giành nhau phanh thây ăn thịt, thật là ghê gớm.

    Kinh Sám Hối:
    Cầu Nại hà bắc giăng sông lớn,
    Tội nhơn qua óc rởn dùn mình.
    Hụt chơn, ván lại gập ghình,
    Nhào đầu xuống đó, cua kình rỉa thây.
    Nhiều thứ rắn mặt mày dữ tợn,
    Ngóng cổ trông mắt trợn dòm người.
    Gắp thây nuốt sống ăn tươi,
    Vì bày thưa kiện, móc bươi xúi lời.
  • NAM

    NAM

    1. NAM: 南 Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Thí dụ: Nam ai, Nam bang, Nam giao.

    2. NAM: 男 Đàn ông con trai, trái với Nữ. Thí dụ: Nam nhi, Nam nữ bất thân.

  • Nam ai - Nam xuân

    Nam ai - Nam xuân

    南哀 - 南春

    A: Melancholic (gay) piece of ancient music.

    P: Un air mélancolique (gai) de musique ancien.

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Ai: Buồn. Xuân: mùa Xuân, vui tươi.

    Cổ nhạc Việt Nam có ba bài Nam: Nam Ai, Nam Xuân và Đảo Ngũ Cung. Gọi là ba bài Nam là vì khi nhạc sĩ đờn ba bài nầy thì day mặt về hướng Nam.

    Nam Ai thì nhạc đờn theo nhịp chậm, giọng buồn thảm bi ai. Nam Xuân thì nhạc đờn theo nhịp nhanh hơn, giọng điệu vui tươi, mát mẻ. (Xem chi tiết nơi chữ: Cổ nhạc, vần C)

  • Nam bang

    Nam bang

    南邦

    A: Viêtnam.

    P: Viêtnam.

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Bang: nước, quốc gia.

    Nam bang là nước Nam, tức là nước Việt Nam.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Hảo Nam bang! Hảo Nam bang!
    Tiểu quốc tảo khai Hội Niết Bàn.
  • Nam Bình Phật Tổ (Nam Bình Vương Phật)

    Nam Bình Phật Tổ (Nam Bình Vương Phật)

    南屏佛祖(南屏王佛)

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Bình: che chở, ngăn che (bình phong). Phật Tổ: vị Phật lớn. Vương Phật: vị Phật làm vua.

    Nam Bình Phật Tổ là vị Phật lớn che chở nước Việt Nam.

    Nam Bình Vương Phật là vị Phật vua che chở nước Việt Nam.

    Nơi Điện Thờ Phật Mẫu ở Trí Giác Cung, Địa Linh Động (khi xưa là Trường Qui Thiện), có thờ bức họa Nam Bình Phật Tổ, đặt tại vị trí ngó ngay vào bửu điện thờ Đức Phật Mẫu.

    Đây là nơi duy nhứt thờ Nam Bình Phật Tổ. Báo Ân Từ, cũng như các Điện Thờ Phật Mẫu khác đều không có thờ Nam Bình Phật Tổ. disOneRight cdtd-NamBinhPhatTo.jpg Nam Bình Vương Phật

    Nhìn bức họa Nam Bình Phật Tổ trên bàn thờ, chúng ta thấy Ngài mặc áo tràng, tay rộng, màu nâu lợt pha vàng, tay mặt cầm quạt, chân mang thảo hài, có dáng dấp như một ông Tiên; Ngài lại cầm bình bát nơi tay trái, và có vành tai dài thòng xuống như tai Phật; Ngài có râu lún phún trên miệng và càm, lại đội mão giống như mão của ông quan nơi triều đình.

    Do đó, chúng ta thấy nơi Ngài như có sự phối hợp của Tam giáo: Nho giáo, Tiên giáo và Phật giáo.

    Phía trên bức họa là 4 chữ Nho lớn: 南屏佛祖 (Nam Bình Phật Tổ) viết theo hàng ngang. Bên cạnh đứng của bức họa có hai hàng chữ Nho thẳng đứng, chép ra như sau:

    有濟於人有濟於物誰謂其顛
    錯有我佛佛其有靈馨香拜乞
    Hữu tế ư nhơn, hữu tế ư vật, thùy vị kỳ điên,
    Thác hữu ngã Phật, Phật kỳ hữu linh, hinh hương bái khất.

    Giải nghĩa:

    Hữu tế ư nhơn: có cứu giúp người.

    Hữu tế ư vật: có cứu giúp vật.

    Thùy: ai. Vị: Bảo rằng. Kỳ: hư tự. Điên: khùng.

    Thác hữu ngã Phật: lầm có ta là Phật. Thác: lầm.

    Phật kỳ hữu linh: Phật ấy có linh thiêng. Hinh: mùi thơm bay xa. Hương: cây nhang. Bái: lạy. Khất: xin.

    Hai câu chữ Nho trên không phải là hai câu liễn đối, nên trong bức họa viết hai hàng không bằng nhau, hàng ngoài có 16 chữ và hàng trong có 8 chữ, nghĩa là:

    Có cứu giúp người, có cứu giúp vật, ai bảo ấy điên?
    Lầm có ta là Phật, Phật ấy có linh, đốt nhang thơm vái lạy cầu xin.

    Nguồn gốc bức họa Nam Bình Phật Tổ:

    Chúng tôi có hỏi một vài vị lão thành của Trường Qui Thiện về nguồn gốc bức họa Nam Bình Phật Tổ thì quí vị ấy đều trả lời rằng: "Trong chuyến Đức Phạm Hộ Pháp Á du, sang Đài Loan, rồi qua Nhựt Bổn để rước xác tro của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để về nước, có người Tàu ở Đài Loan đem tặng Đức Phạm Hộ Pháp bức họa Nam Bình Phật Tổ nầy."

    Chúng tôi liền kiểm tra lại bằng cách đọc trở lại rất kỹ tập "Nhựt Ký Á Du" do ông Sĩ Tải Bùi Quang Cao ghi lại, chúng tôi không thấy có chỗ nào nói về vụ người Đài Loan tặng bức họa Nam Bình Phật Tổ cho Đức Phạm Hộ Pháp. Rất may lúc đó, ông Bùi Quang Cao (bây giờ là Giám Đạo Cao) còn sống khỏe mạnh, nên chúng tôi trực tiếp đến hỏi ông Cao.

    Trong chuyến Á du nầy, Đức Phạm Hộ Pháp đem ông Cao theo làm thơ ký, kiêm nhân viên nhiếp ảnh và quay phim, cho nên tất cả việc xảy ra, ông Cao đều hay biết để ghi nhựt ký. Ông Sĩ Tải Bùi Quang Cao xác nhận một cách quả quyết với chúng tôi hai ba lần rằng, nhứt định không có người Tàu nào đem tặng cho Đức Phạm Hộ Pháp bức họa Nam Bình Phật Tổ, bởi vì đây là sự kiện lớn tốt đẹp, đâu cần phải giấu giếm.

    Mặt khác, chúng tôi lại dò hỏi về vấn đề thời gian: Đức Phạm Hộ Pháp trao cho Trường Qui Thiện bức họa Nam Bình Phật Tổ vào ngày tháng năm nào?

    Chúng tôi được cho biết chắc chắn là Đức Phạm Hộ Pháp đem giao bức họa Nam Bình Phật Tổ cho Ban Giám Đốc Trường Qui Thiện vào năm Canh Dần (1950), không nhớ rõ ngày nào nhưng trước ngày làm Lễ Sinh Nhựt mừng Lục tuần Đức Phạm Hộ Pháp (ngày mùng 5 tháng 5 năm Canh Dần) và Đức Ngài dạy đặt tại vị trí như chúng ta thấy hiện nay.

    So sánh về thời gian, chúng ta thấy, bức họa nầy đã có từ năm 1950, mà Đức Phạm Hộ Pháp Á du khởi hành vào ngày 1-8-Giáp Ngọ (dl 28-8-1954) và trở về ngày 16-9-Giáp Ngọ.

    Kết luận: Bức họa Nam Bình Phật Tổ có trước ngày Đức Phạm Hộ Pháp đi Đài Loan tới hơn 4 năm.

    Chúng tôi may mắn gặp ông Lãnh Nhạc Huỳnh Minh Mẫn, ông thuật lại cho chúng tôi nghe, vào khoảng năm 1950, Đức Phạm Hộ Pháp sai ông đi Sài Gòn, đến nhà Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng để lấy bức họa Nam Bình Phật Tổ đem về Tòa Thánh cho Đức Ngài. Khi đến nơi, gặp Ngài Tiếp Pháp, trình bày công việc, thì Ngài Tiếp Pháp mở tủ lấy ra hai bức họa, cuốn tròn lại, gói thật kỹ, giao cho ông đem về Đức Phạm Hộ Pháp. Sau đó, Đức Ngài đem xuống giao cho Trường Qui Thiện một tấm để thờ nơi Đền Thờ Đức Phật Mẫu, còn một tấm thì giao cho Đầu phòng Trần Thái Lang thờ nơi Hộ Pháp Tịnh Đường ở Địa Linh Động.

    Ngoài ra, ông Lãnh Nhạc Huỳnh Minh Mẫn còn cho chúng tôi biết, ông Nhạc Sư Lê Ngọc Hội có làm tờ giải thích về Đức Nam Bình Phật Tổ, và bảo chúng tôi đi sưu tầm tờ giải thích nầy để biết rõ thêm.

    Nhờ sự tiết lộ của ông Lãnh Nhạc Mẫn, chúng tôi liền tìm đến nhà người con trai của Ngài Tiếp Pháp là ông Trương Minh Tánh ở Sài Gòn, chúng tôi được ông Tánh cho biết, Ngài Tiếp Pháp cũng có một bức họa Nam Bình Phật Tổ, lộng kiếng treo nơi phòng khách, nhưng màu áo tràng là màu xanh chớ không phải màu nâu vàng lợt, thời gian quá lâu nên bức họa nầy bị mối ăn hư hết, rất uổng, và ông Tánh cũng cho biết, bức họa nầy hình như do ông Lỗ Bá Hiền đem lại tặng Ngài Tiếp Pháp.

    Sau đó, chúng tôi lại đi sưu tầm bài giải thích của ông Nhạc Sư Lê Ngọc Hội về Nam Bình Phật Tổ, may mắn được Nhạc sĩ Lê Minh Dương, tín đồ Trường Qui Thiện, lấy ra cho mượn xem. Bài của Nhạc Sư Hội đề tựa là: "CẢM TƯỞNG vì sao có tiểu tượng của Nam Bình Phật Tổ thờ ở Đền Thờ Phật Mẫu, cũng như có mặt Ngài ở Trí Giác Cung."

    Cuối bài, đề ngày là: "Tòa Thánh Tây Ninh, lập ngày 15-4-Quí Sửu (d 17-5-1973), Nhạc Sư Lê Ngọc Hội, Chưởng quản Bộ Nhạc Trung Ương, bút hiệu Tiêu Tràng."

    Nội dung, Nhạc Sư Hội viết: Nam Bình Phật Tổ chính là Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma của Phật giáo, vị Tổ Sư đời thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ, đem y bát sang Trung hoa để mở mang Phật giáo ở Trung hoa vào thời vua Lương Võ Đế.

    Chúng tôi nhận thấy lời giải thích nầy của Nhạc Sư Hội không phù hạp với lời giải thích của Đức Phạm Hộ Pháp, nên không chép vào đây cho thêm dong dài. (Muốn biết tiểu sử của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, xin quí vị xem chữ: Nhứt Tổ, vần Nh).

    Ý nghĩa sự thờ Nam Bình Phật Tổ (Nam Bình Vương Phật): (do Đức Phạm Hộ Pháp giải thích)

    * Vào năm Nhâm Thìn (1952), anh em thợ hồ khi xây dựng Báo Ân Từ, có bạch hỏi Đức Hộ Pháp về việc thờ Đức Nam Bình Phật Tổ.

    Đức Hộ Pháp dạy như sau: - Khuôn bao hình chữ nhựt ở tấm vách ngoài ngó vào Điện Thờ Phật Mẫu, để trống, sau nầy sẽ đắp hình Nam Bình Vương Phật, cũng như Đền Thánh có hình Hộ Pháp ngự trên ngai trông vào Bát Quái Đài đó vậy.

    Anh em thợ hồ bạch: - Xin Thầy cho biết hình Nam Bình Phật Tổ thế nào để sau nầy mấy con đắp.

    Đức Hộ Pháp nói: - Chừng nào có Điện Thờ Phật Mẫu (ĐTPM) thì Thầy sẽ cho biết, không có gì lạ. Đền Thánh là Bạch Ngọc Kinh tại thế có hình Hộ Pháp mặc Thiên phục khôi giáp, thì nơi ĐTPM, lẽ dĩ nhiên hình của Ngài không mặc Thiên phục, chỉ mặc áo cà sa nhà Phật mà thôi. Nơi Trí Giác Cung, Thầy có dạy thờ Nam Bình Vương Phật trong ĐTPM rồi.

    * Đàn cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh đêm 26-6-Nhâm Tý (dl 4-8-1972) lúc 20 giờ 15, Phò loan: Hiến Pháp - Khai Đạo.

    Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ.

    Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa bạch hỏi Đức Hộ Pháp: "Nơi Báo Ân Từ Tòa Thánh thờ Phật Mẫu, phía ngoài đối diện với bửu điện thì không có tượng chi hết, chỉ ở Địa Linh Động có tượng thờ vị Nam Bình Phật Tổ. Xin Đức Ngài chỉ giáo."

    Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ đáp: "Nên đặt vào một nghi tiết riêng biệt, vì Đấng ấy có công mở Đạo tại Việt Nam."

    Ngài Bảo Đạo bạch hỏi tiếp: "Nơi các Điện Thờ Phật Mẫu sau nầy cũng phải thờ hay không?"

    Đức Phạm Hộ Pháp đáp: "Dùng riêng một chỗ cho Người mà thôi."

    Qua lời giải thích của Đức Phạm Hộ Pháp: một là với anh em thợ hồ vào năm 1952 lúc Đức Ngài còn sinh tiền, hai là với Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa vào năm 1972 khi Đức Ngài đã qui Thiên giáng cơ giải đáp, chúng ta thấy có hai điểm quan trọng để thờ Nam Bình Phật Tổ:

    1. Nơi Tòa Thánh thờ Đức Chí Tôn, có Hộ Pháp mặc Thiên phục với khôi giáp (vì đây triều nghi của Đức Chí Tôn) đứng ở Hiệp Thiên Đài nhìn thẳng vào Bát Quái Đài, thì nơi Điện Thờ Phật Mẫu (ĐTPM) cũng tương tự như vậy, cũng phải có tượng Nam Bình Vương Phật, nhưng không được mặc khôi giáp, chỉ mặc áo cà sa (vì Đức Phật Mẫu không có triều nghi, chỉ có tình Mẹ con), đứng đối diện với bửu điện thờ Phật Mẫu.

    2. Thờ Nam Bình Phật Tổ vì Đấng ấy có công mở Đạo tại nước Việt Nam.

    Đức Hộ Pháp không nói đích danh Nam Bình Vương Phật là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, nhưng tất cả chúng ta đều hiểu Nam Bình Vương Phật chính là Đức Phạm Hộ Pháp.

  • Nam châu

    Nam châu

    南州

    A: Viêtnam.

    P: Viêtnam.

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Châu: Giao châu.

    Thời Hùng Vương, nước ta có tên là Văn Lang.

    Thời An Dương Vương, nước ta có tên là Âu Lạc.

    Thời Triệu Đà sửa tên nước là Nam Việt.

    Khi nhà Hán đô hộ nước ta thì đặt tên là Giao Chỉ Bộ.

    Thái Thú Sĩ Nhiếp xin sửa tên lại là Giao Châu.

    Nhà Đường đô hộ nước ta đặt tên là An Nam Đô Hộ Phủ.

    Khi Đinh Tiên Hoàng dựng nền độc lập thì đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt.

    Đến đời nhà Lý thì sửa tên nước ta là Đại Việt, nhưng người Tàu vẫn gọi nước ta là An Nam, gọi vua nước ta là An Nam Quốc Vương hay Nam Bình Vương.

    Đến đời nhà Nguyễn, vua Gia Long lên ngôi năm 1802 mới đặt tên nước là Việt Nam, và tên nầy được dùng mãi đến ngày nay.

    Một điều khá lý thú là ngay từ thời nhà Mạc (1527-1592), trước khi vua Gia Long lên ngôi khoảng 250 năm, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ghi ngay nơi trang mở đầu thi tập: Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ, câu đầu tiên là: "Việt Nam khởi tổ xây nền", như vậy là mặc nhiên Trạng Trình đã tiên đoán sau nầy nước ta có tên là Việt Nam.

    Do đó, từ ngữ Nam Châu là chỉ nước Việt Nam.

    Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà: Cõi Nam Châu bồi đắp giang sơn.

  • Nam đại bất hôn

    Nam đại bất hôn

    男大不婚

    Nam: Đàn ông con trai, trái với Nữ. Đại: lớn. Bất: không. Hôn: cưới vợ.

    Nam đại bất hôn là con trai lớn không cưới vợ,

    Trong sách Minh Tâm Bửu Giám, ông Hồ An Định nói:

    Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương,
    Nữ đại bất giá như tư diêm phạm thủ.

    Nghĩa là:

    Trai lớn không cưới vợ như ngựa kém không cương.
    Gái lớn không chồng như con tư diêm bị rờ lên đầu.

    (Con tư diêm có đặc tính là ai vỗ đầu nó thì nó chịu theo ngay).

  • Nam giản - Đông sàng

    Nam giản - Đông sàng

    南澗 - 東床

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Giản: suối. Đông: hướng Đông. Sàng: giường.

    Nam giản là khe suối phía Nam, chỉ người con dâu hiền thảo và đảm đang, nên thường nói là: Dâu Nam giản.

    Đông sàng là giường phía Đông, chỉ người rể quí, nên thường nói: rể Đông sàng.

    Điển tích:

    1. Dâu Nam giản: Bài thơ Thái Tần trong Kinh Thi khen ngợi người vợ đảm đang việc nội trợ, khi cúng bái tổ tiên, đi hái các thứ rau mọc chỗ nước trong để làm đồ ăn dâng cúng.

    Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân,
    Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hàng lạo.

    Nghĩa là:

    Đi hái rau tần, ở bờ khe phía Nam.
    Đi hái rau tảo, bên lạch nước kia.

    Theo phong tục người Tàu thì họ thường dùng rau tảo và rau tần để làm giỗ cúng Tổ Tiên.

    Tách riêng hai chữ Nam giản để chỉ người vợ đảm đang, hiếu thảo, biết lo lắng công việc gia đình.

    2. Rể Đông sàng: Đời nhà Tấn bên Tàu, có quan Thái Úy tên là Khước Giám, muốn chọn một người rể xứng đáng cho con gái của mình, nên cho người nhà đến trường học của ông Vương Đạo, để xem trong đám học trò của ông Vương Đạo có người nào xứng đáng không?

    Sau đó, người nhà trở về báo cáo với Thái Úy rằng:

    - Học sinh giỏi thì đông, người nào nghe đến việc Thái Úy kén rể thì đều sửa soạn quần áo tươm tất, ganh đua nhau ra dáng nề nếp, chỉ có một chàng học trò không để ý đến việc đó, phanh áo nằm tréo chân nơi giường phía Đông.

    Thái Úy Khước Giám bảo:

    - Trò đó mới đáng là rể của ta.

    Tên chàng học trò đó là Vương Hy Chi, học rất giỏi, có tài viết chữ đẹp, sau làm quan đến chức Hữu Quân.

    Do điển tích nầy, người ta dùng từ ngữ Đông sàng để chỉ chàng rể xứng đáng, tài giỏi.

  • Nam giao

    Nam giao

    南郊

    A: Heaven worshipping ceremony.

    P: Cérémonie de sacrifice au Ciel.

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Giao: lễ tế Trời tổ chức ở phía Nam kinh thành vào ngày đông chí, gọi là Tế Giao.

    Khi vua Gia Long nhà Nguyễn thống nhứt đất nước, lập kinh đô ở Huế, nhà vua cho đắp ở phía Nam kinh thành, thuộc làng Dương Xuân, một nền đất cao và rộng để làm đàn tế Trời gọi là đàn Nam giao. Đàn nầy có 3 phần là Thượng, Trung, Hạ.

    Cứ 3 năm một lần, vào ngày đông chí, 20 hoặc 21 tháng 12 dương lịch, vua cùng triều thần đến đàn Nam giáo thiết lễ tế Trời. Lễ vật gồm: trâu tơ mới mọc sừng, dê, heo, xôi, rượu, hoa quả. Hiện nay, di tích đàn Nam giao vẫn còn ở cố đô Huế.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Muốn cứu vãn tình thế, tiên nho buộc cả nhà vua và triều chánh, dĩ chí toàn dân, phải ăn chay, nguyện tế, gọi là Lễ Nam giao.

  • Nam hoa

    Nam hoa

    南花

    A: The Viêtnamese girls.

    P: Les filles Viêtnamiennes.

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Hoa: bông hoa, chỉ người con gái.

    Nam hoa là gái nước Nam, phụ nữ Việt Nam.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Làu soi gương hạnh rạng Nam hoa.

  • Nam Hoa Kinh

    Nam Hoa Kinh

    南華經

    Nam Hoa: tên một hòn núi ở Tào Châu thuộc nước Tống thời xưa bên Tàu. Kinh: sách do bậc Thánh nhân viết ra để dạy về Đạo lý.

    Khi Trang Tử đến ở ẩn nơi chân núi Nam Hoa, ông đem hết tinh hoa của Đạo giáo học được nơi Đức Lão Tử, viết thành bộ sách lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa Kinh, đời sau người ta gọi là sách Trang Tử.

    Văn chương trong Nam Hoa Kinh rất có tiết tấu, nhiều câu dùng phép biền ngẫu, lời văn luôn luôn bóng bẩy, trôi chảy, ảnh hưởng rất lớn đến các đời sau: các thi nhân đời Lục Triều như Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào,... và ngay cả đời Đường như Lý Thái Bạch, đời Tống như Tô Đông Pha đều nhờ bộ kinh nầy mà có thêm nhiều sở đắc.

    Nam Hoa Kinh (sách Trang Tử) ngày nay còn được 33 thiên, kể ra như sau đây:

    NỘI THIÊN: gồm 7 thiên có tựa đề là: Tiêu dao du, Tề vật luận, Dưỡng sanh chủ, Nhơn gian thế, Đức sung phù, Đại tôn sư, Ứng đề vương.

    NGOẠI THIÊN: gồm 15 thiên có tựa đề là: Biền mẫu, Mã đề, Khư kịp, Tại hựu, Thiên địa, Thiên đạo, Thiên vận, Khắc ý, Thiện tánh, Thu thủy, Chí lạc, Đạt sanh, Sơn mộc, Điền tử phương, Tư bắc du.

    TẠP THIÊN: gồm 11 thiên: Cang tang sở, Từ vô quỉ, Tắc dương, Ngoại vật, Ngụ ngôn, Nhược vương, Đạo Chích, Thuyết kiếm, Ngư phủ, Liệt ngự khấu, Thiên hạ.

    Có 5 nhà làm sách chú thích Nam Hoa Kinh, nhưng số thiên của mỗi nhà chú thích lại khác nhau, kể ra:

    1. Bản chú thích của Tư Mã Bưu, 21 quyển, 52 thiên: Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 28 và Tạp thiên có 14, Giải thuyết có 3 thiên. Bản chú nầy hiện nay đã thấtlạc, chưa tìm ra.

    2. Bản chú của Mạnh Thị, 18 quyển 52 thiên. Bản nầy cũng bị thất lạc.

    3. Bản chú của Thôi Soạn, 10 quyển 27 thiên gồm: Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 20. Quyển sách nầy cũng đã mất.

    4. Bản chú của Hướng Tú, 20 quyển 26 thiên, không có Tạp thiên. Bản nầy cũng đã mất.

    5. Bản chú của Quách Tượng, 33 quyển 33 thiên. Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 15, Tạp thiên có 11. Bản nầy hiện còn nhưng sửa lại còn 10 quyển.

    Về sau có ông Tiêu Hoằng làm ra pho sách Trang Tử Dực, gom góp các lời chú giải của những người trước, từ Quách Tượng trở đi, có lối 22 người. Có thể nói đây là một pho Tạp chú rộng rãi và đầy đủ, rồi phần sau lại có phụ thêm phần Trang Tử Khuyết Ngộ, gom góp những chỗ sai biệt từ cuốn

    Nam Hoa Kinh Giải của Lục Cảnh Nguơn đời Tống đến các tài liệu trong Sử Ký, sách Trang Tử Luận của Nguyễn Tịch, Vương An Thạch, sách Trang Tử Từ Đường Ký của Tô Đông Pha, . . . Tóm lại, hầu hết các sách của các học giả nghiên cứu về Trang Tử, ông đều có đọc và trích lục đầy đủ.

    Căn cứ vào văn mạch của Trang Tử, chỉ có phần Nội thiên là biểu thị được cái chỗ trọng yếu của học thuyết Trang Tử, còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì rất rời rạc, chỉ bàn đi bàn lại những tư tưởng đã phô diễn trong Nội thiên mà thôi.

    Trang Tử được xem là ông tổ của phái Văn học u mặc trào lộng của nước Tàu từ xưa đến nay. Cho nên văn của ông toàn dùng lối nghịch thuyết, tức là lối nói nghịch để bổ túc những chân lý phiến diện của người đời. Bởi vậy, văn chương trong Nam Hoa Kinh rất ngang dọc, phóng túng, khi nói xuôi, khi nói ngược, nói Đông để đả kích phía Tây, nói phải để tỏ thêm cái quấy, nói quấy để bổ túc cho cái phải.

    Đọc Nam Hoa Kinh, ta nghe toàn là một giọng cười.... cái cười vang siêu thoát của bậc Thánh nhân.

    "Tư tưởng của Trang Tử thật sâu xa bao quát vô cùng. Các học giả chú giải hay nghiên cứu Trang Tử, sở dĩ có nhiều chỗ không đồng nhau là vì cái học của Trang Tử không thuộc về địa phận của lý trí, mà thuộc về khu vực Tâm linh trực giác.

    Trước hết ta phải xem nó như một Tâm học (Huyền học) hơn là một Triết học suông của lý trí, nghĩa là chẳng phải chỉ học nó như ta nghiên cứu học hỏi các học thuyết khác bằng trí, mà phải dùng đến Tâm để ngộ nó, nghĩa là "sống với nó." Nếu không sống với nó thì học nó chẳng qua là một cuộc mua vui cho trí não nhất thời, không bổ ích gì cho đời sống tinh thần, mà ta không làm sao hiểu nó cho thấu đáo được nữa.

    Tôi đã hết sức muốn gìn giữ địa vị khách quan, nhưng đối với một học thuyết nhất nguyên thì bảo bỏ phần chủ quan

    cũng khó mà thấy đặng chỗ thâm sâu của lẽ Đạo nhiệm mầu: Ta không thể tách mình ra khỏi sự vật mà hiểu theo quan niệm nhị nguyên cho đặng.

    Tôi đã nói: nó là Tâm học, cho nên chẳng những dùng trí mà phải dùng cả Tâm để đi ngay vào nó, đồng hòa với nó, hiểu nó và sống với nó. Chẳng phải kẻ đứng trên dòng sông mà xem nước chảy, mà là kẻ nhảy xuống dòng nước, bơi lội trong đó, để thí nghiệm cái chảy của nó." (Trích trong Trang Tử Tinh Hoa của Nguyễn Duy Cần).

  • Nam Kha - Mộng Nam Kha

    Nam Kha - Mộng Nam Kha

    南柯 - 夢南柯

    A: The dream of Nam Kha.

    P: Le rêve de Nam Kha.

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Kha: cành cây. Mộng: giấc chiêm bao.

    Nam Kha là cành cây phía Nam. Mộng Nam Kha là giấc mộng khi nằm ngủ say dưới cành cây phía Nam.

    Điển tích: Theo Dị Văn Lục, Thuần Vu Phần đời Đường, ở đất Quảng Lăng, nhà có cây hòe to, sống lâu năm, cành lá sum suê rậm rạp. Nhân khi vui sinh nhựt của mình, Thuần Vu Phần uống rượu say, nằm ngủ quên dưới cây hòe, mộng thấy mình bay lên không trung, vào một nơi có đề bảng: Đại Hòe An Quốc, được quốc vương nước ấy thương, gả công chúa cho, rồi được bổ đến làm Thái Thú đất Nam Kha, công danh thật hiển hách. Sau, Thuần Vu Phần cầm quân đánh giặc, chẳng may bị thua. Còn công chúa ở nhà bị đau bịnh chết. Vua nước Đại Hòe An nghi ngờ, rồi cách chức đuổi đi. Thuần Vu Phần buồn chán và uất ức, liền giựt mình thức dậy, thấy mình đang nằm dưới cội cây hòe, nơi cành cây phía Nam, nhìn lên thấy một con kiến chúa đang nằm trong một tổ kiến lớn.

    Thuần Vu Phần nằm suy nghĩ về giấc mộng vừa qua của mình, chợt tỉnh ngộ, hiểu rằng nước Đại Hòa An là cây hòe lớn, cành cây phía Nam là đất Nam Kha, vua nước Đại Hòe An là con kiến chúa, dân chúng là toàn ổ kiến.

    Thuần Vu Phần cảm câu chuyện trong mộng, tỉnh ngộ biết cảnh đời là ngắn ngủi, không định liệu được việc gì cả, bèn dốc lòng tìm đạo tu hành.

    Trong văn chương thường dùng điển tích nầy với các từ ngữ: Giấc Nam Kha, giấc hòe, để chỉ cuộc đời là phù du mộng ảo; công danh phú quí như giấc chiêm bao.

    Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Ðã Qui Liễu: Định tâm thần giải mộng Nam Kha.

  • Nam mô

    Nam mô

    南無

    A: Veneration to.

    P: Vénération à.

    Nam mô: là chữ phiên âm từ tiếng Phạn: Namah, người Tàu phiên âm là Nam vô, người Việt phiên âm là Nam mô, dịch nghĩa ra là: qui mệnh, kỉnh lễ, cứu ngã, độ ngã.

    Nam mô là câu nói của chúng sanh khi hướng về Phật, qui y tín thuận, quyết chí vâng theo lời Phật dạy, xin gởi trọn đời mình cho Phật.

    Ý nghĩa chơn thật của từ ngữ Nam mô là như thế, nhưng thông thường người ta dùng tiếng Nam mô làm chữ khởi đầu cho câu cầu nguyện. Thí dụ: Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng....

    Trước khi đảnh lễ Đức Chí Tôn, người tín đồ Cao Đài phải lấy dấu Phật, Pháp, Tăng và niệm: Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng.

    1. Nam mô Phật: là nguyện noi theo đại đức đại từ đại bi, chí thiện chí mỹ của Đức Chí Tôn, Đấng toàn năng toàn tri, ân đức háo sanh vô biên vô lượng.

    2. Nam mô Pháp: là nguyện noi theo các pháp vô vi huyền diệu của Đức Chí Tôn, tôn kính và tuân theo các lời vàng ngọc của Đức Chí Tôn truyền dạy để tu tâm sửa tánh cho trở nên thiện lương chơn chánh, lập công bồi đức giải quả tiền khiên, thoát đọa luân hồi để sớm trở về cùng Đức Chí Tôn.

    3. Nam mô Tăng: là nguyện thương yêu toàn cả chúng sanh, nguyện thân cận với những vị đạo cao đức trọng để học hỏi Đạo lý và tiến hóa tâm linh.

  • Nam ngoại Nữ nội

    Nam ngoại Nữ nội

    男外女內

    Nam: Đàn ông con trai, trái với Nữ. Ngoại: ngoài. Nữ: đàn bà. Nội: trong.

    Nam ngoại nữ nội là đàn ông thì lo việc bên ngoài gia đình, đàn bà thì lo việc bên trong gia đình.

    Đó là sự phân công phân nhiệm một cách tổng quát trong gia đình theo truyền thống của dân tộc ta.

  • Nam nhi

    Nam nhi

    男兒

    A: Men.

    P: Hommes.

    Nam: Đàn ông con trai, trái với Nữ. Nhi: con trẻ, người trẻ tuổi.

    Nam nhi là chỉ chung đàn ông con trai.

    Nam nhi chi khí: Khí phách của kẻ làm trai, tức là cái sức hiên ngang cứng cỏi của kẻ làm trai.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Thanh sử từng nêu gương nữ kiệt,
    Hồng ân chi kém bạn nam nhi.
  • Nam nữ thọ thọ bất thân

    Nam nữ thọ thọ bất thân

    男女授受不親

    Nam: Đàn ông con trai, trái với Nữ. Nữ: đàn bà con gái. Thọ thọ: trao cho và nhận lấy. Chữ THỌ 授 trước là trao cho; chữ THỌ 受 sau là nhận lấy. Bất thân: không gần gũi, không thân cận.

    Nam nữ thọ thọ bất thân nghĩa là: con trai và con gái đưa và nhận vật gì, không được lấy tay mà trao cho nhau một cách thân cận, phải phân biệt để tránh sự khêu gợi dục vọng dâm tà. (bàn tay con trai và con gái không được đụng chạm nhau)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nam nữ bất thân, Nam ở Đông hiên, nữ ở Tây hiên.

  • Nam phong thử nhựt biến nhơn phong

    Nam phong thử nhựt biến nhơn phong

    南風此日變人風

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Phong: phong hoá. Thử: ấy, cái ấy. Nhựt: ngày. Biến: biến hoá tạo ra. Nhơn: người, nhơn loại. Nam phong: phong hóa của người Việt Nam. Nhơn phong: phong hóa của nhơn loại.

    Nam phong thử nhựt biến nhơn phong: nền phong hóa của người Việt Nam ngày ấy biến thành nền phong hóa của nhơn loại.

    Câu thi vừa giải nghĩa trên nằm trong bài thi của Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho để ông Lê Văn Hoạch trao cho vua Bảo Đại. Xin chép bài Thánh Ngôn nầy ra sau đây:

    Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Đạo.

    BÁO ÂN TỪ, đêm 11 rạng 12 tháng 12 Đ. Hợi.
    (dl đêm 21 rạng 22-1-1948), 1 giờ tới 1 giờ rưởi.

    THẦY

    Các con, từ ngày nay là ngày Thầy đắc vọng cho toàn cả nòi giống các con.

    VĨNH và HỌACH phải hiệp cùng VĨNH THỤY mà làm cho tròn Thánh ý Thầy đã định nghe. TẮC, con biểu TÀI viết Nho văn bài thi nầy cho HOẠCH đưa tận tay VĨNH THỤY.

    THI:
    Thượng hạ nhị Thiên xử địa hoàn,
    Việt Nam nhứt quốc nhứt giang san.
    Hoàng đồ toàn bảo Thiên thi định,
    Đảnh tộ trường lưu tổ nghiệp tồn.
    Quốc Đạo kim triêu thành Đại Đạo,
    Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.
    An dân liệt Thánh tùng Nghiêu Thuấn,
    Văn hóa tương lai lập Đại Đồng.

    Thầy lại còn muốn cho hai con HOẠCH và VĨNH hiệp cùng VĨNH THỤY hội thuyết tại Vịnh Hạ Long, nghe à.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    Ghi chú:

    VĨNH: Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh.

    HOẠCH: Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch, Thủ Tướng.

    VĨNH THỤY: tên của vua Bảo Đại: Nguyễn Vĩnh Thụy.

    TẮC: Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    TÀI: Nguyễn Bửu Tài phái Tiên Thiên, qui hiệp Tòa Thánh Tây Ninh, được Đức Lý Giáo Tông phong chức Phối Sư phái Thượng.

    Trong bài thi có chữ: Đảnh tộ.

    Đảnh: Đỉnh: cái vạc, to lớn, đang lúc. Tộ: vận nước nối đời thịnh vượng. Đảnh tộ là vận nước đang lúc thịnh vượng.

  • Nam phụ lão ấu

    Nam phụ lão ấu

    男婦老幼

    A: Men, women, old men and children.

    P: Hommes, femmes, vieillards et enfants.

    Nam: Đàn ông con trai, trái với Nữ. Phụ: đàn bà. Lão: người già. Ấu: trẻ nhỏ.

    Nam phụ lão ấu là đàn ông, đàn bà, người già và con nít, ý nói tất cả mọi người già trẻ trong địa phương.

  • Nam quốc sơn hà

    Nam quốc sơn hà

    南國山河

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Quốc: nước. Sơn: núi. Hà: sông.

    Nam quốc sơn hà là non sông nước Việt Nam.

    Ông Lý Thường Kiệt đời nhà Lý kéo quân Nam sang đánh Quảng Đông của Tàu, có làm bài thi tứ tuyệt bằng Hán văn để khích lệ tinh thần tướng sĩ, chép ra như sau:

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,
    Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

    Viết ra Hán văn:

    南國山河南帝居
    截然定分在天書
    如何逆虜來侵犯
    汝等行看守敗虛

    Dịch nghĩa:

    Non sông nước Nam vua Nam ở,
    Rõ ràng định phận tại Thiên thơ.
    Tại sao quân giặc kéo đến xâm phạm?
    Bọn bây rồi coi nhận lấy thất bại tan tành.
  • Nam tả - Nữ hữu

    Nam tả - Nữ hữu

    男左 - 女右

    A: Man on the left - Woman on the right.

    P: Homme à gauche - Femme à droite.

    Nam: Đàn ông con trai, trái với Nữ. Tả: bên tay trái. Hữu: bên tay mặt.

    Nam tả là đàn ông (phái Nam) ở phía tay trái.

    Nữ hữu là đàn bà (phái Nữ) ở phía tay mặt.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: "Tòa Thánh day mặt về hướng Tây tức là chánh cung Đoài, ấy là Cung Đạo, còn bên tay trái Thầy là cung Càn, bên tay mặt Thầy là cung Khôn. Đáng lẽ Thầy phải để 7 cái ngai của phái Nam bên tay trái Thầy tức bên cung Càn mới phải, song chúng nó vì thể Nhơn Đạo cho đủ Ngũ Chi, cho nên Thầy buộc phải để vào Cung Đạo là cung Đoài cho đủ số.

    Ấy vậy, cái ngai của Đầu Sư Nữ phái phải để bên cung Khôn tức là bên tay mặt Thầy."

    Như vậy, chúng ta thấy: bên tay trái của Đức Chí Tôn dành cho Nam phái (Nam tả) vì bên tả thuộc cung Càn theo Bát Quái Đồ Cao Đài, và bên tay mặt của Đức Chí Tôn dành cho Nữ phái (Nữ hữu) vì bên hữu thuộc cung Khôn theo Bát Quái Đồ Cao Đài. (Xem: Bát Quái, vần B)

  • Nam Tào - Bắc Đẩu

    Nam Tào - Bắc Đẩu

    南曹 - 北斗

    1. Nam Tào và Bắc Đẩu là hai vì sao ở trên trục Nam Bắc của Địa cầu. Khi Địa cầu chuyển động tự quay và quay chung quanh Mặt Trời, hai vì sao nầy vẫn luôn luôn ở trên trục Nam Bắc của Địa cầu.

    - Đặc biệt sao Bắc đẩu là một Định tinh, ở tại trung tâm của Càn Khôn Vũ Trụ, nên tất cả các chùm sao khác đều quay quanh sao Bắc Đẩu. (Xem chữ: Bắc Đẩu)

    - Sao Nam Tào không phải là một Định tinh, nhưng có chuyển động thế nào để luôn luôn nằm trên hướng Nam của trục Địa cầu. Cho nên các nhà hàng hải dùng sao Nam Tào để định hướng Nam của Địa cầu.

    Muốn tìm sao Nam Tào, trước hết phải tìm chòm sao Chữ Thập (La Croix du Sud) gồm bốn ngôi sao khá sáng luôn luôn hiện rõ ở lưng chừng bầu Trời phía Nam. Từ sao Chữ Thập nầy, kéo một đường thẳng tưởng tượng theo nét sổ dài xuống chân trời thì gặp một ngôi sao hơi lu nằm gần sát chơn trời. Đó là sao Nam Tào, nên cũng gọi là sao Nam Cực.

    2. Nam Tào Bắc Đẩu là hai vị Tiên coi Bộ Sanh và Bộ Tử của nhơn loại nơi cõi trần.

    · Nam Tào (Nam Cực) Tiên Ông coi Bộ Sanh.

    · Bắc Đẩu Tiên Ông coi Bộ Tử.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu,
    Muôn trùng nhíp khảm hiệp Nam Tào.

    Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần:
    Rủi Thiên số Nam Tào đã định,
    Giải căn sinh xa lánh trần ai.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống:

    "Nếu khi về được rồi, thân nhân của chúng ta dắt chúng ta đến một cung có một quyển sách Thiên Thơ (Vô Tự Kinh) để trước mặt ta, dở ra xem thấy tên mình và kiếp sanh của mình đã làm gì, thì trong quyển Thiên Thơ ấy nó hiện tượng ra hết, chúng ta tự xử chúng ta, mình làm tòa để xử mình, hoặc mình phải đầu kiếp hay là đoạt đến địa vị nào, mình đứng đến mức nào thì cũng do mình định đoạt lấy.

    Vị Chưởng quản nơi cung ấy theo tiếng phàm của chúng ta đặt tên là Nam Tào Bắc Đẩu."

    Sau đây, xin chép sự tích của hai Ông Tiên: Nam Tào và Bắc Đẩu định số kiếp sanh tử của mỗi người nơi cõi trần:

    Ông Quản Lộ, tự là Công Minh, vốn người ở đất Bình Nguyên đời Tam Quốc, diện mạo xấu xí, thích uống rượu. Từ bé, Quản Lôï thích xem Thiên văn, thường đêm nằm xem trăng sao, thao thức không chợp mắt, cha mẹ ngăn cấm không được.

    Vừa lớn lên, Quản Lộ làu thông Kinh Dịch, hiểu được ý nghĩa uyên thâm, biết đoán chiều gió, tinh thông khoa lý số, và giỏi cả việc xem tướng.

    Một hôm, Quản Lộ ra cánh đồng dạo chơi, thấy một gã thanh niên đang cày ruộng. Quản Lộ dừng lại bên lề đường, ngắm anh thợ cày một lúc, đoạn gọi lại hỏi:

    - Nầy anh kia, dám hỏi quí danh và niên kỷ bao nhiêu?

    - Tôi họ Triệu, tên Nhan, 19 tuổi. Còn tiên sinh là ai?

    - Ta là Quản Lộ. Ta thấy trên quầng mắt của anh có tử khí, chỉ 3 ngày nữa là anh phải chết. Tiếc thay gương mặt đẹp thế kia mà sống không thọ.

    Triệu Nhan nghe Quản Lộ nói thế thì lo sợ, về nhà ngay báo cho cha biết. Người cha lập tức đi tìm Quản Lộ, rồi phủ phục xuống đất kêu khóc:

    - Xin tiên sinh rủ lòng thương cứu mạng con tôi.

    Quản Lộ đáp: - Đó là số Trời, cầu đảo sao được.

    Ông lão vẫn năn nỉ van lơn:

    - Già nầy chỉ có một đứa con trai là Triệu Nhan, xin tiên sinh rủ lòng thương mà cứu cho.

    Nói xong cả hai cha con đều sụp lạy Quản Lộ.

    Quản Lộ thấy hai cha con thảm thiết quá, không nỡ bỏ, đành mách bảo:

    - Anh hãy về nhà tìm một vò rượu thật tinh khiết và thật ngon, với một ít món nhắm ngon, không được dùng thịt, ngày mai đem vào núi Nam Sơn, tìm gốc cây cổ thụ, sẽ thấy trên phiến đá có hai ông già đang ngồi đánh cờ.

    · Một ông mặc áo trắng, ngồi quay mặt hướng Nam, dung mạo nghiêm khắc.

    · Một ông mặc áo hồng, ngồi quay mặt hướng Bắc, dung mạo hiền hòa.

    Bấy giờ, thừa lúc hai vị cao hứng mãi mê đánh cờ, anh cứ bày rượu và món nhắm ra mâm dâng lên. Đợi cho hai ông lão ăn uống và đánh cờ xong thì anh lạy khóc mà van xin tuổi thọ, như thế may ra anh được hai vị sửa đổi tuổi thọ cho anh. Nhớ kỹ một điều là đừng nói ta xúi anh làm việc nầy nhé.

    Cha của Triệu Nhan mời Quản Lộ về nhà để thết đãi và chờ xem kết quả.

    Hôm sau, Triệu Nhan làm y như lời Quản Lộ dặn, đem rượu ngon, nem nướng, ly chén lên núi Nam Sơn, đi chừng năm dặm thì đến cây đại thọ, gặp hai ông Tiên đang ngồi đánh cờ trên phiến đá. Triệu Nhan đội mâm rượu sẻ sẻ đến gần, hai ông chăm chú đánh cờ. Triệu Nhan quì dâng mâm lên, đặt trên bàn thạch. Hai ông mãi mê đánh cờ, cao hứng, bất giác đưa tay cầm chén rượu nâng lên uống cạn, rồi vừa ăn uống vừa đánh cờ một cách hứng thú ngon lành.

    Đợi hai ông đánh xong ván cờ, Triệu Nhan sụp lạy khóc òa lên, cầu xin hai Tiên Ông cho thêm tuổi thọ. Hai ông lão giựt mình nhìn lại thấy Triệu Nhan như thế, đoạn ông áo đỏ bảo ông áo trắng:

    - Đây chắc là gã Quản Lộ xúi nó đến đây, nhưng hai ta đã dùng của nó thì cũng nên giúp nó.

    Ông áo trắng liền rút cuốn Bộ Tử trong mình ra, tìm một lúc rồi bảo Triệu Nhan:

    - Năm nay nhà ngươi 19 tuổi, đáng lý phải chết, giờ đây ta thêm cho một chữ cửu lên trên hai chữ thập cửu thì ngươi sẽ sống tới cửu thập cửu tức là 99 tuổi. Nhưng ngươi về nhà nói với gã Quản Lộ rằng: Từ nay phải chừa đi, chớ tiết lộ Thiên cơ nữa. Nếu không thì Trời sẽ khiển phạt nghe chưa?

    Ông áo hồng cũng rút cuốn Bộ Sanh trong mình ra, rồi cũng tìm chỗ tên Triệu Nhan thêm vào một nét bút.

    Một cơn gió thơm ngào ngạt thổi qua, hai Ông Tiên biến thành hai con hạc trắng bay lên mất hút.

    Triệu Nhan mừng rỡ lạy tạ, rồi thu xếp ly chén trở về nhà. Khi gặp lại Quản Lộ và cha, Triệu Nhan thuật lại hết các việc, không quên thuật lại lời nhắn nhủ của hai ông Tiên cho Quản Lộ rõ. Triệu Nhan lại hỏi Quản Lộ hai ông Tiên ấy là ai?

    Quản Lộ đáp:

    - Ông Tiên áo hồng chính là ngôi Nam Đẩu, gọi là Nam Tào; còn ông Tiên áo trắng chính là ngôi Bắc Đẩu.

    Triệu Nhan lại hỏi:

    - Tôi nghe nói Bắc Đẩu có 7 vị, sao chỉ thấy có 1 ông?

    Quản Lộ giải thích:

    - Phân ra thì thành 7, kết hợp lại thì thành 1.

    • Bắc Đẩu cầm Bộ Tử.

    • Nam Tào cầm Bộ Sanh.

    Nay đã sửa tuổi thọ của anh rồi thì anh còn lo chi nữa.

    Từ đó, Quản Lộ lo sợ tội tiết lộ Thiên cơ nên không dám khinh suất nói hở việc huyền bí cho ai biết nữa.

  • Nam thanh nữ tú

    Nam thanh nữ tú

    男清女秀

    A: Good looking boy and pretty girl.

    P: Beau jeune homme et charmante jeune fille.

    Nam: Đàn ông con trai, trái với Nữ. Thanh: trong sạch. Nữ: con gái. Tú: đẹp.

    Nam thanh nữ tú là trai xinh gái đẹp.

  • Nam Thiệm Bộ Châu

    Nam Thiệm Bộ Châu

    南贍部洲

    Nam: Phương Nam, nước Việt Nam, người Việt Nam. Thiệm Bộ: tên một giống cây. Châu: vùng đất lớn mà chung quanh là biển.

    Theo Phật giáo, Nam Thiệm Bộ Châu là vùng đất lớn ở về phía Nam núi Tu Di, mà trên Châu nầy có mọc rất nhiều cây Thiệm bộ. Nam Thiệm Bộ Châu là châu của chúng ta đang ở, cũng có nghĩa là cõi Ấn Độ.

    Theo Vũ Trụ quan của Đạo Cao Đài, Nam Thiệm Bộ Châu là tên của một Châu trong Tứ Đại Bộ Châu nơi cõi thiêng liêng, mà Thất thập nhị Địa (72 Địa cầu) nằm trong Tứ Đại Bộ Châu nầy. Địa cầu 68 của nhơn loại chúng ta nằm trong Nam Thiệm Bộ Châu. (Xem chi tiết nơi chữ: Tứ Đại Bộ Châu, vần T)

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần: Xin giải nàn Nam Thiệm Bộ Châu.

  • Nam trung

    Nam trung

    男中

    A: In the men.

    P: Dans les hommes.

    Nam: Đàn ông con trai, trái với Nữ. Trung: ở giữa, ở trong.

    Nam trung là trong giới đàn ông, tức là người đàn ông trong giới đàn ông.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Gương soi hậu thế vẹn nam trung.

  • Nan đào

    Nan đào

    難逃

    A: Difficult to escape.

    P: Difficile à s"enfuir.

    Nan: Khó. Đào: trốn, chạy trốn.

    Nan đào là khó mà trốn thoát.

    Kiếp số nan đào: không thể chạy trốn khỏi số mệnh.

  • Nan huynh nan đệ

    Nan huynh nan đệ

    難兄難弟

    Nan: Khó. Huynh: anh. Đệ: em.

    Nan huynh nan đệ là anh khó làm anh, em khó làm em.

    Ý nói: Anh giỏi thì em khó xứng làm em, em giỏi thì anh khó xứng làm anh. Cả hai anh em đều tài giỏi.

    Đời nhà Hán, hai anh em Nguyên Phương và Qúi Phương đều rất tài giỏi nên nói: "Nguyên Phương nan vi huynh, Quí Phương nan vi đệ."

  • Nan phân

    Nan phân

    難分

    A: Difficult to distinguish.

    P: Difficile à distinguer.

    Nan: Khó. Phân: chia tách riêng ra.

    Nan phân là khó phân biệt cái nào ra cái nào, vì chúng lẫn lộn vào nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chánh Tà, Tà Chánh nan phân.

  • Nan trung chi nan

    Nan trung chi nan

    難中之難

    A: A difficulty in several difficulties.

    P: Une difficulté dans plusieurs difficultés.

    Nan: Khó. Trung: ở trong. Chi: hư tự.

    Nan trung chi nan là cái khó ở trong cái khó, ý nói: việc rất khó khăn, khó khăn dồn dập.

  • Nan y

    Nan y

    難醫

    A: Incurable.

    P: Incurable.

    Nan: Khó. Y: trị bịnh, chữa bịnh.

    Nan y là bịnh khó trị, chứng bịnh rất khó chữa cho lành.

  • Náo động nhơn tâm

    Náo động nhơn tâm

    鬧動人心

    Náo: ồn áo. Động: làm cho rung động, lo lắng. Nhơn tâm: lòng người, lòng dạ của dân chúng.

    Náo động nhơn tâm là làm cho lòng dạ dân chúng lo lắng không yên.

  • Não cân

    Não cân

    腦筋

    A: Cerebral muscles.

    P: Muscles cérébraux.

    Não: Óc, não bộ. Cân: gân.

    Não cân là hệ thần kinh của con người, là trung tâm của sự hiểu biết và cảm giác.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chớ nên xao động tâm trí, ngơ ngẩn theo thường tình thì não cân được tự minh.

  • Não loạn

    Não loạn

    惱亂

    A: Sorrow and troubled.

    P: Triste et troublé.

    Não: phiền muộn. Loạn: bối rối.

    Não loạn là phiền muộn và bối rối, chẳng được an lạc.

  • Năm cây hương

    Năm cây hương

    A: Five sticks of incense.

    P: Cinq baguettes d"encens.

    Hương: cây nhang đốt cháy tỏa mùi thơm.

    Khi chưa đốt gọi là Nhang, khi đốt lên thì gọi là Hương.

    Phần Tiểu Dẫn: Cách thờ phượng và cúng kiếng, nơi phần đầu của Quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Hội Thánh viết như sau: "Khi cúng Thầy, phải đốt cho đủ năm cây hương, cắm hàng trong ba cây gọi là Án Tam Tài, thêm hàng ngoài hai cây nữa gọi là Tượng Ngũ Khí."

    THIÊN NHÃN
    2 1 3
    4 5

    Thứ tự cắm 5 cây hương:

    Thứ tự cắm 5 cây hương nầy giống như khi chúng ta lấy dấu: Nam mô Phật, Pháp, Tăng. (Xem hình vẽ)

    Án Tam Tài: Án là cầm giữ, đứng hàng ngang. Tam Tài là: Thiên, Địa, Nhơn. Án Tam Tài là ba ngôi Thiên Địa Nhơn đứng hàng ngang.

    Tượng Ngũ Khí: tượng trưng 5 chất Khí, tức là 5 cái năng lực khởi đầu của vũ trụ. Ngũ Khí là chất khí nên không hình ảnh, thuộc thời Tiên Thiên, nhưng khi ngưng kết lại thì có hình ảnh, thuộc thời Hậu Thiên, tạo thành Ngũ Hành: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giải thích như sau:

    "Nói về 5 cây nhang, từ thử Bần đạo để cho các Nho gia tự do giảng giải sao thì giảng, còn Bần đạo hiểu rõ là Ngũ Khí.

    Chí Tôn dùng Ngũ Khí biến thành Ngũ Hành, vận chuyển Càn khôn thế giới, tức là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi chất đều có mỗi sắc, mỗi sắc đều có mỗi Khí. Mùi vị và sanh quang của nó, chúng ta không thể hưởng được, nghe được.

    Nên chi, khi làm lễ đốt đủ Năm cây hương là đúng theo phép tín ngưỡng, là qui pháp lại, mọi vật trong Ngũ Khí dâng lễ cho Đức Chí Tôn, chỉ có Người vui hưởng qui pháp ấy mà thôi. Cắt nghĩa rõ rệt ra là Ngũ Khí đó vậy. Đúng hơn nữa là trong Bát hồn vận chuyển được phải nhờ đến Ngũ Khí, cùng một ý nghĩa với: Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn."

    Vậy Năm cây hương nầy là lễ hiến Ngũ Khí dâng lên Đức Chí Tôn.

    Năm cây hương nầy, chữ Hán gọi là: Ngũ hương hay Ngũ phần hương. Do đó, một số vị giải thích ý nghĩa Năm cây hương theo y như Phật giáo. Điều nầy không phù hợp với lời giải thích của Đức Phạm Hộ Pháp, tức là không đúng theo giáo lý của Đạo Cao Đài.

    Hơn nữa, Ngũ hương bên Phật giáo là 5 thứ hơi thơm, chớ không phải là 5 cây nhang đốt lên cắm vào lư hương khi làm lễ. Chúng ta sẽ thấy sau đây:

    Theo Phật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, trang 397 cuốn II, giải thích Ngũ hương, chép ra:

    "Ngũ hương là năm thứ hương, năm thứ hơi thơm.

    Trong khi dâng các thứ hương như: trầm hương, quế hương, chiên đàn hương, v.v... cúng Phật, người ta cũng thành tâm mà dâng luôn năm thứ hương nơi mình:

    1. Giái hương (Encens de la bonne conduite)

    2. Định hương (Encens de la méditation)

    3. Huệ hương (Encens de la sagesse)

    4. Giải thoát hương (Encens de la délivrance)

    5. Giải thoát tri kiến hương (Encens de la vue parfaite).

    Giái hương: Hơi thơm của người có giái hạnh.

    Người ấy lòng không chê bai kẻ khác, không hung dữ, không ganh hiền ghét ngõ, không tham không giận, không ép người và không gạt người.

    Định hương: Hơi thơm của người tu thiền.

    Người ấy giữ tâm tự nhiên, không phiền lụy vì sự thiện ác ở đời, không vui không giận, không sợ không mừng, tức là tâm chẳng loạn động.

    Huệ hương: Hơi thơm của người đắc trí huệ.

    Người ấy tâm được giải thoát, không chạy rượt theo danh lợi, không bị danh lợi ràng buộc mà sa vào thất tình. Nhờ vậy, tâm được sáng suốt, phân biệt được việc thiện, ác.

    Giải thoát hương: Hơi thơm của người được giải thoát.

    Người ấy giữ cho tâm ý đừng có dính vào các sự ác trược, không theo bọn sư tà thuật phù chú, hùng cường mà làm việc thiện, dẫu có bị hại cũng không nao.

    Giải thoát tri kiến hương: Hơi thơm của người tự biết mình được giải thoát.

    Người ấy được tâm tự tại, biết mình được giải thoát, thấy cái bổn tánh Như Lai của mình.

    Ngũ hương ấy cũng kêu là Ngũ phần pháp thân hương, năm sự thơm lành hiệp lại làm cái Pháp thân. Năm thứ hương ấy quí hơn tất cả các thứ hương bằng vật chất mà mình cúng dường lên Phật.

    Ngũ hương lại là 5 thứ hương dùng để cúng Phật hoặc để làm thơm đồ vật:

    1. Đàn hương.
    2. Trầm hương.
    3. Đinh hương.
    4. Uất kim hương.
    5. Long não hương.
  • Năm châu

    Năm châu

    A: Five continents.

    P: Cinq continents.

    Năm châu (Hán văn: Ngũ châu) là năm vùng đất lớn trên địa cầu. Năm châu gồm: Á châu, Âu châu, Mỹ châu, Phi châu, và Úc châu.

    Năm châu là chỉ toàn cả thế giới, toàn cả nhơn loại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Độ hồn nay gội khắp năm châu.

  • Năm hằng

    Năm hằng

    A: Five cardinal virtues.

    P: Cinq vertus cardinales.

    Năm hằng, chữ Hán là Ngũ thường, là năm đức tánh thường có của con người.

    Năm hằng gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Tam cang - Ngũ thường, vần T)

    Kinh Sám Hối: Ba giềng nắm chặt, năm hằng chớ lơi.

    (Ba giềng - Năm hằng: dịch chữ Tam cang - Ngũ thường)

  • Năm sắc hoa tươi

    Năm sắc hoa tươi

    A: The five fresh-coloured flowers.

    P: Les fleurs fraiâches de cinq couleurs.

    Năm sắc hoa tươi là năm thứ hoa có năm màu tươi tốt dùng để dâng cúng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    Hoa tượng trưng xác thân của chúng ta. Năm sắc hoa tươi ấy để tượng trưng Ngũ tạng hay là Ngũ quan của cơ thể chúng ta, mà Ngũ tạng hay Ngũ quan tương ứng với Ngũ Hành (Kim, Thuỷ, Mộc Hỏa, Thổ), tức là tương ứng với năm màu khác nhau, kể ra:

    NGŨ TẠNG: NGŨ QUAN: NGŨ HÀNH:
    Tâm (tim) Lưỡi Hỏa (đỏ)
    Can (gan) Mắt Mộc (xanh)
    Tỳ (lá lách) Miệng Thổ (vàng)
    Phế (phổi) Mũi Kim (trắng)
    Thận (thận) Tai Thủy (đen)

    Như thế, khi dâng năm sắc hoa tươi lên cúng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, nên chọn năm màu hoa tương ứng với Ngũ hành. Các hoa màu trắng, vàng, đỏ, xanh thì dễ có; riêng hoa màu đen không có thì thay bằng hoa màu đỏ sậm hay tím sậm.

    Bài Dâng Hoa: Năm sắc hoa tươi xin kỉnh lễ.

  • Nắm tâm

    Nắm tâm

    A: To keep the heart.

    P: Conserver le coeur.

    Nắm: Giữ chặt trong bàn tay. Tâm: lòng dạ, cái tâm.

    Nắm tâm là giữ chặt cái tâm cho yên tĩnh, trong sạch, không cho vọng động ham muốn.

    Kinh Khi Thức Dậy: Nắm tâm đắp vững mặt thành Càn khôn.

  • Nắm tâm hương

    Nắm tâm hương

    A: A handful of perfumes of sincerity.

    P: Une poigné de parfums de sincérité.

    Nắm: một bó nhỏ vừa cầm trong bàn tay. Tâm: lòng dạ. Hương: cây nhang đốt cháy tỏa mùi thơm.

    Tâm hương là dùng tấm lòng thành làm nén hương dâng lên cầu nguyện.

    Nắm tâm hương là lấy tấm lòng chơn thành làm bó hương dâng lên cầu nguyện.

    Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu:
    Nhớ nỗi hiếu khó ngăn nét thảm,
    Tưởng nguồn ân đốt nắm tâm hương.
  • Nạp bất phu xuất

    Nạp bất phu xuất

    納不敷出

    Nạp: nộp vào, thâu vào. Bất: không. Phu: đủ. Xuất: chi ra.

    Nạp bất phu xuất là số thâu vào không đủ cho số xuất ra.

  • NĂNG

    NĂNG

    NĂNG: 能 Khả năng, sức làm được việc, tài giỏi. Thí dụ: Năng cứu, Năng thuyết.

  • Năng cứu

    Năng cứu

    能救

    A: To have ability to save.

    P: Être possible de sauver.

    Năng: Khả năng, sức làm được việc, tài giỏi. Cứu: giúp cho thoát nạn.

    Năng cứu là có khả năng cứu thoát.

    Di Lạc Chơn Kinh: Năng cứu tật bịnh, năng cứu tam tai,....

  • Năng du ta bà thế giới

    Năng du ta bà thế giới

    能遊娑婆世界

    Năng: Khả năng, sức làm được việc, tài giỏi. Du: đi xa. Ta bà thế giới: các cõi trần.

    Năng du ta bà thế giới là có khả năng đi đến các cõi trần có chúng sanh sinh sống.

    Di Lạc Chơn Kinh: Năng du ta bà thế giới độ tận vạn linh đắc qui Phật vị.

  • Năng giả đa lao

    Năng giả đa lao

    能者多勞

    Năng: Khả năng, sức làm được việc, tài giỏi. Giả: hư tự. Đa: nhiều. Lao: mệt.

    Năng giả đa lao là tài giỏi thì mệt nhiều.

    Người tài giỏi thì có nhiều việc để làm nên càng thêm mệt nhọc.

  • Năng lai năng khứ khinh khinh

    Năng lai năng khứ khinh khinh

    能來能去輕輕

    Năng: Khả năng, sức làm được việc, tài giỏi. Lai: tới. Khứ: đi. Khinh khinh: nhẹ nhàng.

    Năng lai năng khứ khinh khinh: (chơn thần) có khả năng đến, có khả năng đi một cách nhẹ nhàng.

  • Năng mách bảo

    Năng mách bảo

    A: To advise frequently.

    P: Adviser fréquemment.

    Năng: (tiếng nôm) thường thường. Mách: báo cho biết. Bảo: nói cho biết điều hay lẽ phải.

    Năng mách bảo là thường hay báo cho biết và dạy bảo.

    Kinh khi đi ngủ: Đấng thiêng liêng năng mách bảo giùm.

  • Năng thuyết bất năng hành

    Năng thuyết bất năng hành

    能說不能行

    A: Good words and no deeds.

    P: Bien dire mais non bien faire.

    Năng: Khả năng, sức làm được việc, tài giỏi. Thuyết: nói lý lẽ nhằm làm cho người ta nghe theo. Bất năng: không khả năng. Hành: làm.

    Năng thuyết bất năng hành là có khả năng nói mà không có khả năng làm, nói được mà không làm được, ý nói: người không thực tế, chỉ lý thuyết suông.

  • Nâu sồng

    Nâu sồng

    A: Dark brown colour.

    P: Couleur brune sombre.

    Nâu: màu nâu. Sồng: màu dà, màu nâu tối.

    Nâu sồng là màu nâu và màu dà. Hai màu nầy tối, không đẹp, được Phật giáo chọn để nhuộm quần áo cho các tăng ni mặc thường ngày, để tỏ ý không khoe đẹp, tiết kiệm, thể hiện hạnh tốt của người tu hành phế đời hành đạo.

    Nâu sồng là chỉ người tu hành, hay việc tu hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhuộm áo nâu sồng về Cực Lạc.

  • Nẻo

    Nẻo

    NẺO: (nôm) Lối đi, con đường đi. Thí dụ: Nẻo hạnh, Nẻo hoạn, Nẻo phiền.

  • Nẻo hạnh

    Nẻo hạnh

    A: The path of plum-trees; the path of virtue.

    P: Le chemin des pruniers; le chemin de vertu.

    Nẻo: Lối đi, con đường đi. Hạnh: cây hạnh, hay là đức hạnh.

    Nẻo hạnh là con đường đi có trồng những cây hạnh ở hai bên đường, ý nói con đường đi đến trường học, bởi vì khi xưa, nơi Đức Khổng Tử dạy học có trồng rất nhiều cây hạnh, nên gọi nơi đó là Hạnh đàn 杏壇.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Nẻo hạnh làu soi gương nguyệt thắm,
    Sân ngô rạng vẻ cảnh thu đưa.

    Nẻo hạnh là con đường hạnh đức, tức là con đường trau giồi đức hạnh, con đường tu.

  • Nẻo hoạn

    Nẻo hoạn

    A: Path of mandarin.

    P: Chemin de mandarin.

    Nẻo: Lối đi, con đường đi. Hoạn: làm quan.

    Nẻo hoạn là dịch chữ: Hoạn lộ: con đường làm quan.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nẻo hoạn buông khơi trí đặc tài.

  • Nẻo phiền

    Nẻo phiền

    A: Path of sadness.

    P: Chemin de tristesse.

    Nẻo: Lối đi, con đường đi. Phiền: buồn rầu lo lắng.

    Nẻo phiền là con đường phiền não, đó là con đường đời tranh danh đoạt lợi, giựt giành quyền tước.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Dẫn khách phồn hoa lánh nẻo phiền.

  • Nê hoàn cung

    Nê hoàn cung

    泥環宮

    A: The sternum.

    P: Le sternum.

    Nê: bùn, vật gì giống như bùn. Hoàn: vòng tròn. Cung: một bộ phận.

    Nê hoàn cung là cái mỏ ác ở đỉnh đầu.

    Khi đứa bé mới sanh ra, xương mỏ ác chưa mọc đầy đủ nên nhìn thấy chỗ đó hơi lõm vào, có dạng hình tròn, mềm mềm, nhấp nhô theo nhịp tim, đó là Nê hoàn cung.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng giải về Nê hoàn cung như sau:

    "Cái ấy định mạng sanh của con người, nó là trung tâm điểm của cả cơ thể, khôn ngoan hiển hách của kiếp sống con người, mà nó ở ngay Nê hoàn cung, tức nhiên nó ở ngay mỏ ác, cho nên con nít, đầu nó mới sơ sanh đã mềm, lớn lên mới cứng. Tại sao mềm?

    Tại ở trong khiếu ấy có ba hột tối tiểu, nó tế nhuyễn đến nỗi con mắt chúng ta không thấy được, nhưng dùng kiếng hiển vi mới trông thấy nó rõ ràng được. Ba hột ấy không phải là vật chất mà cũng không phải là khí chất. Ba hột tế nhuyễn như thể hột mè, nhỏ vậy thôi, xoay chuyển bên mặt qua bên trái, một hột dương, hai hột âm, nó xoay chuyển cả với nhau mới sanh ra điển lực, mà điển lực ấy, ngay chỗ đó là cái linh hồn của chúng ta tương liên với chơn thần, nó tương liên với xác thịt ta, nó là cái khiếu khôn ngoan của con người. Do tại chỗ khiếu ấy, chơn linh của chúng ta điều khiển cả hình xác.

    Trí khôn ngoan ấy nó phải đi một chiều và nó đi có mực thước, có độ lượng, hễ nó ngừng lại thì cái trí phải mờ ám (đương chạy mà vụt ngừng, kẻ đó có cái trí mờ ám, khôngsáng suốt, không thông minh), mà nó vận hành nhiều chừng nào, cái trí hoạt bát của con người nhiều chừng ấy, mà hễ nó đi quá độ lượng thì con người trở nên điên khùng ngây dại.

    Ấy vậy, cái kẻ tài nhân khôn ngoan đáo để đó, nó gần cái mức khùng, điên dại, đi quá độ lượng tức nhiên nó phải điên phải ngây. Chúng ta trước ngó thấy cái tình trạng các bậc học nhiều, chúng ta nghe trước ông cha chúng ta thường nói: các nhà đa văn quảng kiến hay khùng (xưa kêu là điên chữ), tình trạng nó như vậy.

    Đức Chí Tôn mở khiếu cho chúng ta, mở khiếu đặng định chuẩn thằng, đừng quá cái mức vận hành của nó.

    Đạo pháp của Đức Lão Tử biểu chúng ta phải tịnh đặng nhập vào cái cảnh bất nhập, tức nhiên là hư vô, cốt yếu cho ba hột ấy chạy cho có mực thước, nó chạy dịu dàng, đừng cho loạn, đừng cho quá sức của nó. Loạn tức nhiên điên, phải để cho ba hột chạy vừa chừng, đặng cho cái chơn linh của chúng ta có phương thế điều khiển cả hình xác chúng ta trong mực thước khuôn khổ luật định của nó, không quá sức."

    Khiếu Huyền Quan của con người cũng ở tại Nê hoàn cung. Nó là một khiếu quan trọng nhứt nên gọi là Tổ khiếu của các khiếu.

    Trong phép Luyện đạo, Nê hoàn cung còn được gọi là Thiên môn, Côn Lôn đảnh, và cũng gọi nó là Cao Đài (Đầu thượng viết Cao Đài), vì nơi đó, chơn linh điều khiển chơn thần của con người.

    Trong quyển Dưỡng Chơn Tập của ông Nguyễn Minh Thiện, trang 40 nói về Thân, chỉ rõ vị trí của Nê hoàn cung, xin chép ra sau đây để có thêm tài liệu nghiên cứu:

    "Trong thân con người ở phía trước có ba cung là: Nê hoàn cung, Giáng cung và Huỳnh Đình cung, là chỗ Thần, Khí đình trú.

    Nê hoàn cung cũng gọi là Thượng đơn điền, ở trong chính giữa cái đầu, phía trước là mi gian, phía sau là ải Ngọc Chẩm, phía hữu và phía tả là hai lỗ tai. Chớ lầm tưởng là huyệt Bá hội ở trên đỉnh đầu.

    Dưới cái tâm huyết có một khiếu gọi là Giáng cung, là chỗ rồng cọp giao hội.

    Từ Giáng cung xuống ngay 3 tấc 6 phân, gọi là Thổ phủ, là Huỳnh Đình, ấy là Trung đơn điền."

  • Nệ cổ

    Nệ cổ

    泥古

    A: To be infatuated with old ideas.

    P: Être entiché des idées surannées.

    Nệ: câu nệ, cố chấp. Cổ: xưa.

    Nệ cổ là cố chấp theo xưa, tức là không chịu cải biến theo mới cho hợp thời.

  • Ni Kim Cô

    Ni Kim Cô

    尼金箍

    A: The hood of female bonze.

    P: Le capuchon de bonzesse.

    Ni: người phụ nữ xuất gia đi tu. Kim: vàng. Cô: cái vành, cái đai.

    Kim Cô là một cái vành tròn bằng vàng.

    Đạo phục của Nữ Đầu Sư có đội một cái Ni Kim Cô bằng hàng trắng, y như các vãi chùa, có thêu bông sen, bao quanh đầu một cái Kim Cô bằng vàng, trên Ni Kim Cô ấy phải choàng một cái mão Phương Thiên, nghĩa là một cái choàng bằng hàng cho thiệt mỏng, trên chót thêm một cái mũ bằng vàng chụp trọn đầu tóc, chính giữa, ngay trước mặt có chạm Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng minh khí. Cái choàng của mão Phương Thiên phải cho thiệt dài, 3 thước 3 tấc 3 phân, vì mỗi phen lên ngự trên ngai thì phải có hai vị Lễ Sanh nữ phái theo sau, nâng đỡ chẳng cho phết dưới đất.

    Nữ Chánh Phối Sư, Nữ Phối Sư, Nữ Giáo Sư đều đội Ni Kim Cô bằng hàng trắng, phải cho dài từ đầu tới gót.

    Ni cô: 尼姑 người phụ nữ xuất gia tu theo Phật giáo.

    Ni sư: 尼師 là Ni cô tu lâu năm, có trình độ cao, làm thầy các Ni cô khác trong chùa.

  • NIÊM

    NIÊM

    1. NIÊM: 拈 Cầm đưa lên. Thí dụ: Niêm hoa vi tiếu.

    2. NIÊM: 黏 Dán cho dính vào. Thí dụ: Niêm yết.

  • Niêm hoa vi tiếu

    Niêm hoa vi tiếu

    拈花微笑

    Niêm: Cầm đưa lên. Hoa: cái bông. Vi: nhỏ. Tiếu: cười. Niêm hoa: cầm cái hoa đưa lên. Vi tiếu: cười mỉm.

    Niêm hoa vi tiếu: nói đầy đủ là: "Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu." Nghĩa là: Đức Phật Thích Ca cầm cái hoa đưa lên, ông Ma Ha Ca Diếp mỉm cười.

    Đây là một câu chuyện rất quan trọng của Phật giáo, được xem là đầu mối của Phật giáo Thiền Tông.

    1. Theo sách Liên Đăng Hội Yếu, Thích Ca Mâu Ni Phật chương:

    "Trong cuộc hội ở núi Linh Sơn, Đức Thế Tôn giơ cành hoa ra hiệu cho đại chúng. Mọi người đều im lặng không hiểu ý gì, chỉ có một mình ông Ma Ha Ca Diếp rạng rỡ mỉm cười. Đức Thế Tôn nói:

    - Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thực tướng Vô tướng, Vi diệu Pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trao phó cho Ma Ha Ca Diếp.

    Xưa nay Thiền Tông đều coi câu nói ấy của Đức Thế Tôn là quan trọng nhứt của Tông môn. Tông nầy lấy Tâm truyền Tâm làm chỗ dựa để khai ngộ."

    Nhưng việc nầy chép ở kinh nào? do ai truyền thuật? Các Kinh Luận đã thu vào trong Đại Tạng đều không thấy ghi chép việc nầy. Các bậc Tông sư đời nhà Tùy, Đường, cũng không có nói đến.

    Đến đời Tống, Vương An Thạch mới nói tới việc nầy.

    2. Theo sách Tông môn Tạp lục:

    "Vương An Thạch, tức Vương Kinh Công, hỏi Tuệ Tuyền Thiền sư:

    - Thiền Tông nói Đức Phật Thích Ca giơ cành hoa lên là có xuất xứ ở kinh điển nào?

    Tuệ Tuyền đáp:

    - Tạng Kinh cũng không thấy chép việc nầy.

    Vương An Thạch nói:

    - Tôi vào trong Hàn Uyển, ngẫu nhiên thấy có bộ Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh, gồm 3 quyển, nhân đó mà đọc, thấy sách ghi chép rất tường tận việc Phạm Vương đến núi Linh Sơn, dâng Phật một cành hoa Ba-la vàng, rồi xả thân làm sàng tọa, thỉnh Phật vì chúng sanh thuyết pháp.

    Đức Thế Tôn đăng tọa, giơ cành hoa lên cho đại chúng xem. Nhân thiên trăm vạn không ai hiểu ý gì, chỉ có một vị đầu đà nước da vàng ánh rạng rỡ mỉm cười. Đức Thế Tôn bèn nói:

    - Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu tâm, Thực tướng Vô tướng, trao lại cho Ma Ha Ca Diếp.

    Kinh nầy nói nhiều đến việc các đế vương tôn sùng thỉnh vấn Phật, cho nên giữ làm Bí Tàng, người thế tục không được biết đến." (Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt)

    Ý NGHĨA:

    Ca Diếp thấy Phật đưa cái bông lên mà không nói, Ca Diếp cũng không nói, nhưng nét mặt hớn hở mỉm cười, là ông đã rõ thấu Chánh pháp của Phật, nó ẩn tàng sâu kín vi diệu bên trong, tuy có tướng mà không có tướng. Cái bông là biểu hiệu của Tâm, sự im lặng là biểu hiệu của Pháp. Tâm với Pháp tuy có mà không, tuy không mà có.

    Ca Diếp đã biết đem Nhãn với Tâm phối hiệp mà tương ứng nhau. Thần quang từ Mắt phát dụng, mà Thần quang chính là Linh quang của Tự Tánh, nó vốn ở nơi bổn Tâm. Đem Thần quang phối hiệp với bổn Tâm thì Tâm được quang minh tự tại. Còn nếu đem Thần quang vọng ra ngoài, nhiễm lấy trần cảnh thì Tâm bị vọng động hôn mê. Ca Diếp đã dùng Mắt xem Tâm, thâu Thần nơi con Mắt, khiến nó trở về Tâm khiếu, gọi là phép Hồi Quang Phản Chiếu, hay là Phản Bổn Hoàn Nguyên. Ấy là bí quyết về Tâm không, vô chấp vậy.

    Phật đưa cái bông lên là ý Ngài đưa cái Tâm duy nhứt lên cho tăng chúng thấy. Thế mà tăng chúng chỉ thấy bông chớ không thấy Tâm. Chỉ có Ca Diếp là thấy được Tâm, quán triệt được chỗ vi diệu của Chánh pháp của Phật, không bị cái tướng của cái bông che mắt, nên mới đạt được Tâm ấn bí truyền của Phật. Vì vậy mà Đức Phật Thích Ca mới giao ngôi Nhứt Tổ Phật giáo cho Ma Ha Ca Diếp.

    Câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu nầy được xem là hột giống Thiền mà Đức Phật Thích Ca đã gieo vào Phật giáo lúc Phật còn sanh tiền.

    Nhưng hột giống ấy không nẩy nở được ở đất nước Ấn Độ, phải chờ đợi đến đời Tổ Sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma, Ngài mới đem hột giống Thiền ấy gieo vào đất Trung Hoa thì nó mới nẩy nở và phát triển rực rỡ vào thời Lục Tổ Huệ Năng, và được truyền lại cho đến ngày nay.

  • Niêm luật

    Niêm luật

    黏律

    A: Prosodical rule.

    P: Règle de la prosodie.

    Niêm: Dán cho dính vào. Luật: phép tắc.

    Niêm luật là phép dính nhau, tức là luật về âm thanh (bằng trắc) trong một bài Thơ Đường và luật gieo vần. (Xem chi tiết nơi chữ: Thơ Đường luật, vần Th).

  • Niêm yết

    Niêm yết

    黏揭

    A: To affix.

    P: Afficher.

    Niêm: Dán cho dính vào. Yết: bày tỏ ra, bảo cho biết.

    Niêm yết là dán giấy lên để thông báo cho mọi người.

  • NIỆM

    NIỆM

    NIỆM: 念 Tưởng nghĩ tới, tư tưởng, đọc lên. Thí dụ: Niệm hương chú, Niệm kinh.

  • Niệm hương chú

    Niệm hương chú

    念香咒

    A: The rite of the offering of incenses.

    P: Le rite de l"offre des encens.

    Niệm: Tưởng nghĩ tới, tư tưởng, đọc lên. Hương: cây nhang đốt cháy tỏa mùi thơm. Chú: bài cầu nguyện.

    Niệm hương chú là bài kinh đọc lên khi đốt nhang dâng lên Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng để cầu nguyện.

    Niệm hương chú cũng được gọi là Phần hương chú, là bài chú đốt nhang.

    Câu xướng của Lễ sĩ: "Thành kỉnh tụng Niệm hương chú", nghĩa là: Thành kính tụng bài kinh Niệm hương.

  • Niệm niệm bất vong

    Niệm niệm bất vong

    念念不忘

    Niệm: Tưởng nghĩ tới, tư tưởng, đọc lên. Bất: không. Vong: quên.

    Niệm niệm bất vong là nhớ tưởng không quên.

  • Niệm Phật

    Niệm Phật

    念佛

    A: To invoke the Buddha.

    P: Invoquer le Bouddha.

    Niệm: Tưởng nghĩ tới, tư tưởng, đọc lên. Phật: Đức Phật.

    Niệm Phật là đọc danh hiệu của Đức Phật, và tưởng nghĩ tới công đức, lòng từ bi của Đức Phật.

  • NIÊN

    NIÊN

    NIÊN: 年 Năm, tuổi. Thí dụ: Niên đại, Niên giám.

  • Niên cao đức thiệu

    Niên cao đức thiệu

    年高德卲

    Niên: Năm, tuổi. Cao: lớn. Đức: đạo đức. Thiệu: cao.

    Niên cao đức thiệu là tuổi lớn, đạo đức cao.

    Đôi liễn Hội Thánh Hàm Phong:

    聖會年高顧問九重心不倦
    銜封德卲執中一貫位何憂
    Thánh Hội niên cao cố vấn Cửu Trùng tâm bất quyện,
    Hàm Phong đức thiệu chấp trung quán nhứt vị hà ưu.

    Nghĩa là:

    Nhiều Chức sắc lão thành của Hội Thánh Hàm Phong làm cố vấn cho Cửu Trùng Đài, lòng không mỏi,
    Những Chức sắc Hàm phong đức cao, giữ đúng theo đạo của Đức Khổng Tử, lo gì không đạt ngôi vị.
  • Niên đại

    Niên đại

    年代

    A: Year and generation.

    P: Année et génération.

    Niên: Năm, tuổi. Đại: đời, thời đại.

    Niên đại là thời đại và năm ghi lại những sự việc quan trọng trong lịch sử.

  • Niên giám

    Niên giám

    年鑑

    A: Annuary, Year book.

    P: Annuaire, Annales.

    Niên: Năm, tuổi. Giám: chép các việc trước để làm gương soi.

    Niên giám là sách ghi chép các việc quan trọng xảy ra trong một năm theo thứ tự ngày tháng để tiện việc tra xét về sau.

  • Niên quang tự tiễn

    Niên quang tự tiễn

    年光似箭

    Niên: Năm, tuổi. Quang: sáng, hết. Tự: giống như. Tiễn: cái tên để bắn.

    Niên quang tự tiễn là năm hết như tên bắn, ý nói thời gian qua mau như tên bắn.

  • Niết Bàn

    Niết Bàn

    涅槃

    A: Nirvana.

    P: Nirvana.

    Niết Bàn: do phiên âm từ tiếng Phạn: Nirvana, hay tiếng Pali: Nibbàna. Theo nghĩa tiếng Phạn: Niết (Nir) là ra khỏi, Bàn (vana) là rừng. Niết Bàn là ra khỏi rừng mê tối, rừng phiền não, rừng sanh tử luân hồi.

    Niết Bàn là cảnh giới hoàn toàn sáng suốt, thanh tịnh, tốt đẹp, là cảnh giới cuối cùng mà người tu hành theo Phật giáo mong muốn đạt được.

    Niết Bàn được dịch ra Hán văn là:

    · Diệt: dứt nhơn quả sanh tử, dứt nghiệp luân hồi.

    · Diệt độ: dứt nhơn quả sanh tử, qua khỏi dòng nước mạnh.

    · Tịch diệt: trống không lặng lẽ, dứt nhơn quả sanh tử.

    · Bất sanh: chẳng còn sanh ra nơi cõi trần.

    · An lạc: an ổn khoái lạc, hết khổ.

    · Giải thoát: lìa khỏi các phiền não.

    Đối với Phật giáo Nam Tông, nhập Niết Bàn là được vào nơi nghỉ ngơi trọn vẹn, dứt hết tất cả thể chất và tinh thần.

    Đối với Phật giáo Bắc Tông, nhập Niết Bàn là vào cõi cao rốt, sau khi linh hồn đã qua khỏi các cuộc từng trải và tiến bộ.

    Hồi Đức Phật Thích Ca thành đạo và giáo độ chư đệ tử, pháp môn của Ngài chia ra làm hai thời kỳ: thời kỳ đầu về Tiểu thừa, thời kỳ sau là Đại thừa.

    Trong thời kỳ Tiểu thừa, Ngài khuyên các đệ tử diệt phần phiền não để đắc quả La Hán, đắc Niết Bàn tại thế (Hữu Dư Niết Bàn) và đến chừng tịch thì nhập hẳn vào Niết Bàn trọn vẹn (Vô Dư Niết Bàn).

    Đến thời kỳ Đại thừa, Đức Phật dạy rằng, thành La Hán và nhập Niết Bàn tạm mà thôi, phải lo đắc Đại Niết Bàn, tức là Niết Bàn của Phật Thế Tôn, Phật Như Lai.

    La Hán, tuy đã đắc đạo và nhập Niết Bàn, vào nơi an nghỉ, nhưng là cảnh yên nghỉ tạm thời, rồi đây các vị La Hán ấy còn phải tu học nữa đặng về sau thành Phật Thế Tôn.

    Đức Phật nói tóm tắt cảnh trí của bực đắc Niết Bàn của Phật Thế Tôn như sau đây: Cái tâm giác ngộ, trong sạch hoàn toàn, nhà đạo thành Phật đến Niết Bàn. Người lướt tới cảnh tuyệt cao, cũng như kẻ lên tới đỉnh núi tuyết, ở trên còn mênh mông một bầu trời xanh mà thôi. Thần Tiên quả vị thấp hơn, ước được như người. (Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn T. Còn)

    Đối với Phật giáo, cõi Niết Bàn có nhiều từng lớp như: Hữu Dư Niết Bàn, Vô Dư Niết Bàn, Đại Bát Niết Bàn.

    Trong Đạo Cao Đài, từ ngữ Niết Bàn dùng để chỉ cõi của chư Phật. Cực Lạc Thế Giới là cõi của chư Phật nên được gọi là Niết Bàn, nơi đó có Niết Bàn Cảnh.

  • NINH

    NINH

    NINH: 寧 Thà là, cam đành. Thí dụ: Ninh nhân phụ ngã, Ninh thọ tử.

  • Ninh nhân phụ ngã, vô ngã phụ nhân

    Ninh nhân phụ ngã, vô ngã phụ nhân

    寧人負我,無我負人

    Ninh: Thà là, cam đành. Nhân: người. Phụ: phụ phàng, phản bội. Ngã: ta. Vô: không, đừng.

    Ninh nhân phụ ngã: thà là để người phụ mình.

    Vô ngã phụ nhân: chớ ta đừng phụ người.

  • Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục

    Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục

    寧受死,不寧受辱

    Ninh: Thà là, cam đành. Thọ: chịu, nhận lấy. Tử: chết. Nhục: ô nhục.

    Ninh thọ tử: thà chịu chết.

    Bất ninh thọ nhục: không đành chịu nhục.

  • Ninh vi kê khẩu, vật vi ngưu hậu

    Ninh vi kê khẩu, vật vi ngưu hậu

    寧為雞口,勿為牛後

    Ninh: Thà là, cam đành. Vi: làm. Kê: con gà. Khẩu: miệng. Vật: chớ. Ngưu: con trâu. Hậu: sau. Ngưu hậu: đuôi trâu.

    Ninh vi kê khẩu: thà làm miệng con gà.

    Vật vi ngưu hậu: chớ làm đuôi trâu.

    Tô Tần Liệt truyện viết: Thà làm đầu gà chớ không làm đuôi trâu. Nay phía Tây gần với nước Tần mà phải thờ Tần thì có khác gì làm đuôi trâu!

    Đời sau dùng câu nói nầy làm thành ngữ để nói lên cái ý muốn độc lập tự chủ: Thà làm vua một nước nhỏ còn hơn làm quan đại thần của một nước lớn.

  • Nịnh thần

    Nịnh thần

    佞臣

    A: Flattering courtier.

    P: Courtisan flatteur.

    Nịnh: nịnh hót làm người trên vui lòng. Thần: bề tôi.

    Nịnh thần là kẻ bề tôi gian nịnh, nên nịnh thần cũng là gian thần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phất chủ quét tan lũ nịnh thần.

  • Nói hành

    Nói hành

    A: To speak ill of.

    P: Médire.

    Nói hành là dùng lời nói làm cho người nghe phải đau khổ tinh thần.

    Nói hành cũng là một hình thức Vọng ngữ.

    Tân Luật: Ngũ bất vọng ngữ: là cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, nói hành kẻ khác,....

  • Nói tội

    Nói tội

    A: Venomous tongue.

    P: Mauvaise langue.

    Nói tội là nói ra lời nói tội lỗi.

    Đó là lời nói ác độc, có ý đe dọa, làm người nghe lo sợ, tuy chỉ nói chớ không làm nhưng phải bị khẩu nghiệp nặng nề.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể.

  • Non bồng nước nhược

    Non bồng nước nhược

    A: The fairy land.

    P: Le pays des immortels.

    Non bồng: dịch chữ Bồng sơn, là núi Bồng Lai nơi cõi thiêng liêng. Bồng sơn ở trên một hòn đảo gọi là đảo Bồng Lai. Tương truyền, Bát Tiên ở trong 8 động trên núi Bồng Lai.

    Nước nhược: dịch chữ Nhược thủy là nước yếu. Nước nầy không đỡ nổi một hạt cải, nghĩa là bỏ hạt cải trên nhược thủy thì hạt cải chìm xuống. Tương truyền, chung quanh đảo Bồng Lai là biển nhược thủy.

    Non Bồng nước nhược là chỉ cõi Tiên, cảnh Tiên.

  • Non Côn

    Non Côn

    Non Côn là núi Côn lôn. Theo truyện Phong Thần, Đức Lão Tử và Đức Nguơn Thủy Giáo chủ Xiển giáo ở núi Côn Lôn, còn Thông Thiên Giáo chủ Triệt giáo ở Động Bích Du.

    Do đó, núi Côn lôn là chỉ Xiển giáo, tức Chánh đạo; động Bích Du chỉ Triệt giáo, tức Tà đạo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Ngọc sáng non Côn đà gặp nẻo,
    Lối mòn động Bích chớ lầm đường.
  • Non Kỳ reo tiếng phụng

    Non Kỳ reo tiếng phụng

    Non Kỳ: núi Kỳ sơn thuộc đất Tây Kỳ thời Phong Thần nước Tàu. Phụng: con chim phụng, một loài trong Tứ Linh.

    Non Kỳ reo tiếng phụng là phụng gáy Kỳ sơn, là điềm lành báo cho biết có Chúa Thánh ra đời tại đất Tây Kỳ, mở ra một thời thanh bình và thạnh vượng cho dân chúng.

    Điển tích: Vào thời vua Trụ, tại đất Tây Kỳ, khi vua Châu Văn Vương ra đời thì có chim phụng đến đậu trên núi Kỳ sơn gáy reo lên. Mọi người cho đó là điềm lành, báo cho biết, vua Văn Vương là chúa Thánh. Quả thật, Văn Vương là vị minh quân, trọng hiền đãi sĩ, thương dân như con đẻ, rước Khương Thượng đang câu cá ở Bàn Khê về triều, phong làm Thừa Tướng, lấy đức cai trị muôn dân.

    Thành ngữ: Non Kỳ reo tiếng phụng, Phụng gáy Kỳ sơn, chỉ điềm lành, có Thánh nhân ra đời, lập đời thanh bình thạnh trị.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Kìa lóng non Kỳ reo tiếng phụng,
    Nầy xem nước Lỗ biến hình Lân.
  • Non thẳm

    Non thẳm

    A: Distant mountain.

    P: Montagne lointaine.

    Non: núi. Thẳm: xa lắm, xa mút tầm mắt.

    Non thẳm là núi ở chỗ xa xôi hoang vắng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sanh nhằm đời có một Đạo chánh chẳng phải dễ, mà bước lên con đường chông gai, lần vào non thẳm kiếm ngọc lại càng khó.

  • Non Thần

    Non Thần

    A: Mountain of immortals.

    P: Montagne des immortels.

    Non: núi. Thần: ý nói các vị Thần Tiên.

    Non Thần là núi có các vị Thần Tiên ở, chỉ cảnh Tiên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Non Thần vẹt ngút tới tìm phương.

  • Non xế nhành thung

    Non xế nhành thung

    A: At the old age.

    P: À la vieillesse.

    Non xế: cảnh núi về chiều, ánh sáng đã xế qua đầu. Nhành thung: cành cây thông.

    Non xế nhành thung là cảnh núi về chiều, mặt trời đã xế bóng đến cành cây thông, ý nói lúc tuổi già.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Non xế nhành thung oanh nhặt thúc,
    Rừng tà đảnh hạc khách trông mong.
  • Nộ khí xung Thiên

    Nộ khí xung Thiên

    怒氣衝天

    A: The towering rage.

    P: La colère s"élève jusqu"au ciel.

    Nộ: giận. Khí: hơi. Xung: xông lên. Thiên: Trời.

    Nộ khí xung Thiên là khí giận xông lên tới Trời, ý nói: sự tức giận dữ dội lắm.

  • NỘI

    NỘI

    NỘI: 內 Trong, bên trong, trái với Ngoại. Thí dụ: Nội khảo, Nội luật, Nội nghi.

  • Nội bất xuất - Ngoại bất nhập

    Nội bất xuất - Ngoại bất nhập

    內不出 - 外不入

    Nội: Trong, bên trong, trái với Ngoại. Bất: không. Xuất: đi ra. Ngoại: bên ngoài. Nhập: đi vô. Bất nhập: không đi vào.

    Nội bất xuất: Cấm người ở trong đi ra ngoài.

    Ngoại bất nhập: Cấm người ở ngoài đi vào trong.

  • Nội dung - Ngoại dung

    Nội dung - Ngoại dung

    內容 - 外容

    A: Content - External aspect.

    P: Contenu - Aspect extérieur.

    Nội: Trong, bên trong, trái với Ngoại. Ngoại: ngoài. Dung: sức chứa, hình dáng.

    - Nội dung là những điều chứa đựng bên trong.

    - Ngoại dung là hình thức phô diễn bên ngoài.

    Đối với một nên tôn giáo:

    - Nội dung là những điều chứa đựng bên trong của tôn giáo, gọi là Nội giáo vô vi, như Bí pháp Tâm truyền.

    - Ngoại dung là những hình thức bên ngoài của tôn giáo, gọi là Ngoại giáo công truyền, như: Nghi lễ, Kinh kệ, Giáo lý.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Mỗi phái là một vị, mà ba đạo vẫn khác nhau, nội dung, ngoại dung đều khác hẳn, luật lệ vốn không đồng, chỉ nhờ Tân Luật làm cơ qui nhứt.

  • Nội giáo vô vi - Ngoại giáo công truyền

    Nội giáo vô vi - Ngoại giáo công truyền

    內敎無為 - 外敎公傳

    A: The Esoterism - The Exoterism.

    P: L" Esotérisme - L" Exotérisme.

    Nội: Trong, bên trong, trái với Ngoại. Giáo: dạy. Vô vi: thuộc về vô hình.

    Ngoại: ngoài. Công: chung. Công truyền: truyền bá rộng rãi cho người đời.

    Bất cứ một nền tôn giáo nào cũng đều phải có hai phần:

    · Phần Bí pháp, còn gọi là Nội giáo Vô vi.

    · Phần Thể pháp, còn gọi là Ngoại giáo Công truyền.

    1. Nội giáo Vô vi: là dạy ở bên trong những Tâm pháp bí truyền để luyện đạo. Phần nầy được thực hiện trong Tịnh Thất. Phần Nội giáo vô vi thuộc trách nhiệm của Hiệp Thiên Đài, mà người nắm Bí pháp của Đạo là Đức Hộ Pháp.

    Nội giáo vô vi là phần Thiên đạo, dành cho bực tu thượng thừa cầu giải thoát, sau khi đã hoàn thành phần Nhơn đạo. Người thọ Tâm pháp bí truyền luyện đạo phải ở trong Tịnh Thất, dưới quyền của một Tịnh chủ, và không được truyền pháp cho một người nào khác nếu không có phép của Tịnh chủ.

    Nhờ Nội giáo vô vi, Tâm pháp bí truyền, người tu có thể luyện được Kim đơn, đắc thành Tiên, Phật tại thế.

    2. Ngoại giáo Công truyền: là dạy rộng rãi cho nhơn sanh bên ngoài về đạo đức, độ người bước chân vào Đạo tu hành, để các tín đồ nương theo đó mà tu thân và lập công quả. Đó là Thể pháp nên cần có âm thanh sắc tướng, áo mão cân đai, phô diễn ra ngoài, giục lòng sanh chúng, ưa thích tu hành, dẫn dắt vào đường đạo đức, tu phần Nhơn đạo, chuẩn bị bước đường Thiên đạo sau nầy.

    Như vậy, Ngoại giáo Công truyền là phần phổ độ chúng sanh, thuộc về trách nhiệm của Cửu Trùng Đài và Cơ Quan Phước Thiện.

    Ngoại giáo công truyền như là cái cửa, phải đi vào cái cửa nầy rồi thì mới gặp được Nội giáo Vô vi, Tâm pháp bí truyền mà luyện đạo, thành Tiên tác Phật tại thế.

    "Cao Đài Đại Đạo thuộc về phần Tiên Thiên Vô vi tức là Nội giáo vô vi, Tâm pháp bí truyền, chỉ cách tu tánh luyện mạng mà phản bổn hoàn nguyên, siêu phàm nhập Thánh. Cao Đài Đại Đạo chỉ rõ chơn lý căn cơ của Trời Đất để chọn lựa riêng (phần ít) những người có tánh cách nguyên nhân chán đời tầm đạo, gác vòng danh lợi, phế dẹp tình đời, không lưu luyến hồng trần, cầu bất sanh bất tử. Đó là khoa Nội giáo tâm truyền khẩu thọ, luyện đạo tu đơn.

    Còn Cao Đài Tôn giáo tức là Ngoại giáo công truyền, để phổ thông đạo đức, độ người mới bước đầu tiên vào tầm chơn lý, nên chi còn dùng hình thức bề ngoài mà giục lòng sanh chúng, có áo rộng mão cao, tước phẩm Chức sắc Thiên phong làm cho vẻ vang trật tự. Thầy hay vừa lòng chúng sanh, muốn món chi Thầy cho món nấy: đứa thì ham ăn ngọt, đứa lại thích món chua. Nào ngọt nào chua, cay chát, con nào dùng món nào Thầy cũng sắm sẵn cho các con món ấy.

    Đạo là vô vi vô hình, còn tôn giáo là cái cửa. Mỗi người muốn thành Phật Tiên, phải chun qua cái cửa ấy rồi vô trong mới tới Đạo.

    Nhưng Thầy thấy phần nhiều các con lấy làm ngạc nhiên về lẽ đó. Sao lại chia nhiều phái nhiều chi, chỗ lại thích vô vi, nơi thì dùng hình thức? Đó là cái cơ tấn hóa của nhơn sanh. Thầy để chọn Thánh phân phàm, lọc lừa sàng sảy, nhưng cũng tại lòng dục vọng của các con ham món nầy, muốn vật kia, ưa pháp lạ, mới chia ra Tịnh Thất, Tịnh đường, chi nầy phái nọ, thấp cao tranh biện.

    Sự ấy là giả, bào ảnh bề ngoài, mà dầu cho thật đi nữa, các con luyện thành bửu pháp thì các con cũng không thể làm cho các con thoát khỏi luân hồi. Muốn luyện thành pháp nhiệm thần thông, trước hết phải tu thân, chánh tâm cho chí thiện chí mỹ, mà hễ luyện đặng chí thiện thì mới đoạt chí linh.

    Đạo Thầy là vô vi, không huyền diệu thần thông chi cả, cốt dạy người nên đạo đức hoàn toàn, thành Phật, Tiên, chớ không truyền bửu pháp như bên Tả đạo. Hễ thấy môn đệ, bất cứ ai cũng ban, chớ không lựa chọn người hạnh đức, hiền lương. Trao như vậy có phải là phá đời hại chúng không?" (Đại Thừa Chơn Giáo)

  • Nội khảo - Ngoại khảo

    Nội khảo - Ngoại khảo

    內考 - 外考

    Nội: Trong, bên trong, trái với Ngoại. Ngoại: ngoài. Khảo: khảo đảo, thử thách để biệt phân phàm Thánh.

    - Nội khảo là người trong nhà khảo đảo với nhau, hay người cùng một đạo khảo nhau.

    - Ngoại khảo là người bên ngoài khảo đảo người bên trong, hay người ngoài đời khảo đảo người trong đạo.

    Sự khảo đảo nầy là cần thiết để xác định trình độ đạo đức của người tu. Hễ vượt qua được một lần khảo thì trình độ đạo đức tiến cao một bực. (Xem chi tiết nơi chữ: Ma khảo, vần M)

  • Nội luật

    Nội luật

    內律

    A: Interior rules.

    P: Règlements intérieurs.

    Nội: Trong, bên trong, trái với Ngoại. Luật: luật lệ, phép tắc.

    Nội luật là các phép tắc đặt ra cho một cơ quan mà mọi người trong cơ quan phải tuân theo để công việc của cơ quan tiến triển trật tự và tốt đẹp.

    Luật lệ trong một cơ quan lớn thì được gọi là Nội Luật, còn trong cơ quan nhỏ thì gọi là Nội Qui. Thí dụ như: Nội Luật của Ban Thế Đạo, Nội Qui của Đạo Đức Học Đường.

    Nội Luật của một cơ quan ấn định các chức vụ trong cơ quan, nhiệm vụ, quyền hạn, nhiệm kỳ của mỗi chức vụ, cách tổ chức, việc khen thưởng và trừng phạt.

  • Nội nghi Ngoại nghi tựu vị

    Nội nghi Ngoại nghi tựu vị

    內儀外儀就位

    Nội: Trong, bên trong, trái với Ngoại. Nghi: cái bàn dùng làm nghi thức tế lễ. Ngoại: ngoài. Tựu: tới, đến. Vị: vị trí, chỗ đứng. Tựu vị: đến đứng tại vị trí của mình.

    Nội nghi: cái bàn đặt bên trong, làm nơi thờ phượng Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng.

    Ngoại nghi: cái bàn hương án đặt bên ngoài, nhưng vẫn ở trong phần chánh điện, dùng làm mức cho Lễ sĩ điện lễ, dâng cúng phẩm từ Ngoại nghi vào Nội nghi.

    Khi Lễ xướng: "Nội nghi Ngoại nghi tựu vị" thì các Chức sắc có phận sự quì nơi Nội nghi và quì nơi Ngoại nghi đến đứng tại vị trí của mình.

  • Nội Ô - Ngoại Ô

    Nội Ô - Ngoại Ô

    內塢 - 外塢

    A: Urbain areas - Outskirts.

    P: Zône urbaine - Zône suburbaine.

    Nội: Trong, bên trong, trái với Ngoại. Ngoại: ngoài. Ô: cũng đọc là Ổ: cái dinh có xây tường thành bao quanh.

    Nội Ô là khu vực trong thành, nên còn gọi là Nội thành.

    Ngoại Ô là khu vực ngoài thành, nên gọi là Ngoại thành.

    Nội Ô Tòa Thánh là phần đất rộng 96 mẫu, tọa lạc tại làng Long Thành, cách Thị xã Tây Ninh chừng 5 km, nơi đó có cất Tòa Thánh và các cơ quan trung ương của Đạo Cao Đài.

    Chung quanh Nội Ô Tòa Thánh có xây tường rào bao quanh chắc chắn, có 12 cửa ra vào, cất theo kiểu cửa Tam quan, bên trên có mái cong cổ kính. Các cửa được đánh số từ 1 đến 12 để gọi tên. Trong số 12 cửa nầy, có một cửa lớn nhứt, theo hướng Tây trước Tòa Thánh, gọi là Chánh Môn, và cửa nầy cũng là nơi khởi đầu của Đại lộ Chánh Môn.

    Trong Nội Ô, có những con đường thẳng tắp, rộng rãi, theo hướng Nam Bắc và Đông Tây, ngang dọc như bàn cờ. Tên của các con đường nầy là Thánh danh của các Chức sắc tiền bối có đại công với Đạo. Trong Nội Ô có hai Đền thờ lớn: một là Tòa Thánh để thờ Đức Chí Tôn, hai là Báo Ân Từ để thờ Đức Phật Mẫu. Ngoài ra Hội Thánh còn xây dựng rất nhiều dinh thự để làm các cơ quan trung ương điều hành nền Đạo.

    Phần Ngoại Ô của Tòa Thánh là Châu Thành Thánh Địa do các tín đồ khai khẩn và cư ngụ. (Xem chi tiết phần nầy nơi chữ: Châu Thành Thánh Địa, vần Ch)

  • Nội ưu ngoại hoạn

    Nội ưu ngoại hoạn

    內憂外患

    Nội: Trong, bên trong, trái với Ngoại. Ưu: lo lắng. Ngoại: ngoài. Hoạn: lo buồn.

    Nội ưu ngoại hoạn là trong thì lo lắng ngoài thì buồn rầu.

  • Nông trang

    Nông trang

    A: To urge.

    P: Presser.

    Nông trang (tiếng nôm) là nôn nóng thúc giục làm việc cho mau kết quả.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Quí anh quí chị coi bộ ráng nông trang hành đạo.

  • Nông viện

    Nông viện

    農院

    A: Institute of Agriculture.

    P: Institut d"Agriculture.

    Nông: việc làm ruộng làm rẫy. Viện: tòa sở lớn.

    Nông viện là một trong Cửu Viện Cửu Trùng Đài, có nhiệm vụ tổ chức, đôn đốc việc trồng tỉa các loại cây lương thực để sản xuất lúa gạo, ngũ cốc, nuôi Chức sắc và các nhân viên công quả hành đạo.

    Đứng đầu Nông Viện là một Chức sắc phẩm Phối Sư, có các vị Phụ Thống, Quản Văn phòng và Thơ ký giúp việc.

    Nông Viện thuộc hệ thống trực tiếp của Thượng Chánh Phối Sư.

  • NỮ

    NỮ

    NỮ: 女 Phụ nữ, đàn bà, con gái. Thí dụ: Nữ công, Nữ đức, Nữ trung.

  • Nữ công - Nữ đức

    Nữ công - Nữ đức

    女工 - 女德

    A: Feminine works - Feminine virtues.

    P: Travaux féminins - Vertus de femme.

    Nữ: Phụ nữ, đàn bà, con gái. Công: công việc. Đức: phẩm chất tốt đẹp.

    Nữ công là các công việc dành riêng cho phụ nữ trong gia đình như: may vá, thêu thùa, bếp núc, bánh trái.

    Nữ đức là những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.

    Nữ đức gồm có 4 đức, gọi là Tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. (Xem chi thiết nơi chữ: Tam Tùng - Tứ đức, vần T)

  • Nữ Đầu Sư

    Nữ Đầu Sư

    女頭師

    A: Lady Cardinal.

    P: La Cardinale.

    Nữ Đầu Sư là phẩm vị cao nhất của Chức sắc nữ phái Cửu Trùng Đài. Phẩm Nữ Đầu Sư chỉ có một vị.

    Không như bên Cửu Trùng Đài nam phái, phẩm Nữ Đầu Sư chỉ có một vị, còn bên nam phái, Đầu Sư có 3 vị phân ra theo Tam Thanh: Thái Đầu Sư, Thượng Đầu Sư và Ngọc Đầu Sư.

    Quyền hành, nhiệm vụ, Đạo phục của Nữ Đầu Sư được qui định rõ trong Pháp Chánh Truyền Chú giải.

    Từ ngày Khai Đạo 15-10-Bính Dần (1926) đến nay, Nữ phái Cửu Trùng Đài có 3 vị Nữ Đầu Sư:  

    Nữ Đầu Sư Hương Thanh (1874-1937):

    Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh, thế danh là Lâm Ngọc Thanh, sanh năm Giáp Tuất (1874) tại làng Trung Tín, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thân mẫu là bà Trần Thị Sanh.

    Bà Lâm Ngọc Thanh là vợ của ông Huyện Huỳnh Ngọc Xây, nên bà thường được người ta gọi là bà Huyện Xây, là một nghiệp chủ rất giàu có tại Vũng Liêm. Ông và bà có một người con gái tên là Huỳnh Thị Hồ.

    Sau nầy ông Huyện Xây chết, bà gá nghĩa với ông Huyện Hàm Nguyễn Ngọc Thơ, một nghiệp chủ ở Tân Định Sài Gòn. Hai ông bà đều hâm mộ Phật giáo, nên qui y theo Phật giáo, thọ giáo với Hòa Thượng Như Nhãn, trụ trì Chùa Giác Hải ở Phú Lâm, Chợ Lớn.

    Bà Lâm Ngọc Thanh rất sùng kính Đức Phật Thích Ca, nên kế bên biệt thự của bà ở Vũng Liêm có lập một ngôi chùa Phật để gia đình bà cùng với dân chúng xung quanh có nơi chiêm bái.

    Bà Lâm Ngọc Thanh được Đức Chí Tôn độ, nhập môn vào Đạo Cao Đài ngày mùng 6-6-Bính Dần (dl 16-7-1926).

    Bà hiến dâng một phần sản nghiệp vĩ đại của bà để giúp Đạo trong buổi sơ khai có phương tiện hoằng hóa mối Đạo Trời. Bà biến ngôi chùa do bà xây dựng ở bên cạnh nhà thành một Thánh Thất, thờ Đức Chí Tôn, để những người trong vùng đến đó nhập môn cầu Đạo. Ai thiếu kinh để tụng niệm thì bà in kinh phát cho, ai thiếu Đạo phục thì bà giúp đỡ may sắm.

    Với tình thầy trò giữa Hòa Thượng Như Nhãn và ông bà Nguyễn Ngọc Thơ, Hòa Thượng Như Nhãn bằng lòng hiến ngôi chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén Tây Ninh cho Đạo Cao Đài dùng làm Thánh Thất tạm, tổ chức Lễ Khai Đạo, vả lại khi cất ngôi chùa nầy, ông bà Thơ đã đóng góp một số tiền lớn.

    Trong những ngày Đại Lễ Khai Đạo tại Thánh Thất tạm Từ Lâm Tự, ngày 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926), bà Lâm Ngọc Thanh thọ Thiên Ân Nữ Giáo Sư, Thánh danh là Hương Thanh. (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. II. 13)

    Từ ấy, bà lo phổ độ nhơn sanh khắp các tỉnh, khi khai đàn, lúc thượng tượng, giảng đạo, đọc Thánh ngôn cho nhơn sanh thấu hiểu Đức Chí Tôn giáng trần lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là để chấn hưng Phật giáo lại cho hoàn toàn, qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi.

    Trong kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ I ngày 14-1-Đinh Mão (dl 15-2-1927), Đức Chí Tôn thăng bà lên phẩm Nữ Phối Sư, cầm đầu Nữ phái, và phong người con gái của bà, Cô Huỳnh Thị Hồ, vào phẩm Nữ Giáo Sư, Thánh danh Hương Hồ.

    Nhờ có phương tiện xe hơi nhà của bà giúp cho Đạo nên việc đi lại phổ độ nhơn sanh của quí Chức sắc lúc bấy giờ được mau lẹ dễ dàng.

    Khai Đạo tại chùa GòKén được 3 tháng thì HòaThượng Như Nhãn đổi ý, đòi chùa Từ Lâm Tự lại, không hiến cho Đạo Cao Đài nữa, bắt buộc Hội Thánh phải dời đi nơi khác hành đạo. Hội Thánh họp lại, lo đi tìm mua đất đặng cất Tòa Thánh.

    Theo sự hướng dẫn của Đức Đại Tiên Lý Thái Bạch, Hội Thánh hỏi mua được một miếng đất của ông Kiểm Lâm người Pháp, tại làng Long Thành tỉnh Tây Ninh. Ông Thái Thơ Thanh và bà Lâm Hương Thanh cho Hội Thánh mượn số tiền 25.000 đồng để mua đất và khai phá rừng, cất Tòa Thánh tạm bằng cây ván, để dời cơ sở từ chùa Từ Lâm về đất mới.

    Bà Hương Thanh lãnh lịnh của Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, lo giao thiệp với Chánh quyền Pháp, xin mở cửa những Thánh Thất nào bị chánh quyền áp chế đóng cửa trước đây. Bà làm đơn cam kết Đạo Cao Đài là Phật giáo chấn hưng, thuần túy tu hành, không làm điều gì sai luật của chánh phủ.

    Bà Hương Thanh và Ngài Thái Thơ Thanh xuất tiền riêng ra mua thêm một miếng đất rừng nữa, từ ngã ba Ao Hồ vào giáp với miếng đất đã mua cất Tòa Thánh, để tạo cảnh Cực Lạc Thế giới, gọi là Cực Lạc Cảnh. (Xem lại Tiểu sử của Ngài Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh, nơi chữ Đầu Sư, vần Đ).

    Ngày mùng 9-3-Kỷ Tỵ (dl 16-4-1929), bà Hương Thanh được thăng Nữ Chánh Phối Sư, chưởng quản các tín đồ Nữ phái.

    Năm 1933, Tòa Thánh tạm cất bằng cây ván hư nát nhiều, Hội Thánh bàn tính việc xây cất Tòa Thánh bằng xi măng cốt sắt cho chắc chắn vĩnh viễn, theo họa đồ của Đức lý Giáo Tông chỉ vẽ, tổn phí giai đoạn đầu ước tính 20.000 đồng, mà Đạo lúc ấy còn nghèo, số tín đồ còn ít, nên không đủ tiền mua vật liệu. Ngài Thái Thơ Thanh và bà giúp Hội Thánh một số tiền lớn để khởi công đào móng xây dựng.

    Lúc ấy, nơi Tòa Thánh, các Chức sắc cao cấp trong Hội Thánh bị nội khảo, rồi ngoại khảo, nên việc xây cất Tòa Thánh phải đình trệ hoài, sự tiến triển chẳng có gì đáng kể.

    Đến năm 1936, cơn khảo đảo đã lắng yên, Đức Phạm Hộ Pháp cầm quyền Hội Thánh, quyết tâm tiến hành xây dựng Tòa Thánh, bởi vì Tòa Thánh là thể diện của Đạo, nhưng lúc đó, nơi tủ của Hộ Viện cất tiền quỹ của Hội Thánh chỉ có vỏn vẹn một đồng rưỡi.

    Đức Phạm Hộ Pháp liền đi Vũng Liêm gặp bà Hương Thanh để thương lượng và sắp đặt. Bà chỉ cho Đức Hộ Pháp thấy lúa của bà trong kho còn đầy ắp, chưa bán được vì kinh tế khủng hoảng, giá lúa quá thấp, chỉ 2 cắc 1 giạ, nên Bà không có sẵn tiền mặt. Bà vào tủ sắt lấy ra một cái hộp lớn đựng đầy vàng, hột xoàn, cẩm thạch, trao cho Đức Phạm Hộ Pháp. Bà bảo Đức Ngài đem lên Sài Gòn cầm thế nơi nhà băng thì đặng lối 100.000 đồng bạc Đông Dương, để lo xây cất Tòa Thánh.

    Đức Phạm Hộ Pháp suy nghĩ, mượn thì dễ, mà làm sao Hội Thánh sau nầy có đủ tiền chuộc lại số vàng và hột xoàn nầy để trả lại cho bà, nên Đức Hộ Pháp không dám lấy. Bà mới nói với Đức Hộ Pháp trong tình thân mật như Chị với Em:

    - Chị tin Em, Em cứ khởi công làm, làm thì được, từ cái không mà sẽ có tất cả.

    Năm Đinh Sửu (1937), Đức Phạm Hộ Pháp cùng Hội Thánh đi Nam Vang lo Đạo sự nơi đó, giao cho bà ở nhà lo ngoại giao với nhà cầm quyền Pháp ở những nơi nào Đạo bị làm khó dễ. Bà đi hầu Tòa, rồi trở về, kế đó lâm bịnh.

    Bà qui vị vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Đinh Sửu (dl 17-5-1937) đúng vào ngày Lễ Thánh đản của Đức Phật Thích Ca, tại quê nhà ở Vũng Liêm, hưởng thọ 64 tuổi.

    Đức Hộ Pháp lúc đó đang hành đạo ở Nam Vang, được tin điện, cấp tốc trở về để cùng Hội Thánh lo tang lễ cho bà.

    Một điều huyền diệu là khi bà Hương Thanh còn sống thì bà lo đi ngoại giao với chánh quyền Pháp về việc Đạo, rồi khi thoát xác đăng Tiên, bà cũng lo y như vậy. Số là Đạo xin phép khai đàn, nhà cầm quyền Pháp lúc đầu thì cho, sau lại cấm. Hội Thánh chưa biết tính sao thì bà liền giáng cơ nói: Để bà lo việc đó cho và yêu cầu Hội Thánh cử người đến xin, kỳ sau thì được dễ dàng. Quả đúng y như vậy.

    Sau khi bà qui vị được 17 ngày, đến ngày 25-4-Đinh Sửu (dl 3-6-1937), bà được Đức Chí Tôn ân tứ lên phẩm Nữ Đầu Sư, vì bà là người có đại công với Đạo trong buổi sơ khai và là chị cả của Nữ phái, dìu dẫn đàn em Nữ phái.

    Về sau, Hội Thánh đem hài cốt của bà ở Vũng Liêm về Tòa Thánh, đặt vào Bửu tháp Nữ Đầu Sư, xây ở phía Tây Lang Tòa Thánh, và tượng của bà được tạc ở mặt tiền Tòa Thánh, phía bên Nữ phái, trên Lôi Âm Cổ Đài, để nhơn sanh chiêm ngưỡng một bậc Chức sắc đại công của Đạo.

    Năm 1955, nhơn dịp Đại Lễ Khánh Thành Tòa Thánh, Báo Ân Từ và các dinh thự trong Nội Ô, Đức Phạm Hộ Pháp có thiết lễ thiêu hài cốt của 4 Chức sắc Đại Thiên phong là: Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, Nữ Đầu Sư Hương Thanh và Ngài Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang), lấy phần tro phía trên để thờ nơi hầm Bát Quái Đài, còn phần tro từ thân trở xuống thì đem rải xuống sông Cảm Giang, ấy là Thánh giang của Đạo Cao Đài.

    Bài Thài để tế điện Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh:

    Đầy giỏ Hoa Lam chất ái tình,
    Y theo mặt luật của khuôn linh.
    Thử căn linh thể nơi phàm tục,
    Mới hưởng hồng ân chốn ngọc đình.
    Nam Hải là bờ ao Thất Bửu,
    Tây Ninh nền tổ quán Tam Thanh.
    Thuyền từ trở lái lìa sông lệ,
    Nhớ bạn chơn mây gởi tấc thành.

    Tại Đền Thánh, đêm mùng 7 rạng mùng 8 tháng 4 năm Kỷ Sửu (dl 5-5-1949), là ngày Vía Đại Đàn cúng Đức Phật Thích Ca, và cũng là ngày Lễ Kỷ niệm Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh đăng Tiên, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về nguyên căn của Bà, xin trích ra sau đây:

    "Đêm nay là Vía Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni mà cũng là ngày vía Chị Cả của chúng ta là Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh.

    Chẳng biết ngẫu nhiên hay là tiền định mà Bà Nữ Đầu Sư qui liễu nhằm ngày Vía Đức Phật Thích Ca.

    Theo Bần đạo hiểu biết, tưởng những người ái mộ Đạo Phật nồng nàn hơn hết, chúng ta có thể nói rằng: Bà Nữ Đầu Sư cũng là người đứng đầu sổ của thiên hạ vậy.

    Trước ngày Đức Chí Tôn mở Đạo, Bà Nữ Đầu Sư duy có biết Đạo Phật mà thôi, chính miệng Bà thuật lại với Bần đạo như vậy. Từ bé, Bà chỉ để tâm hâm mộ Đạo Phật. Đức Chí Tôn đứng vào Phật vị, nên Bà thương lắm, thương một cách nồng nàn. Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài, tức nhiên là Đức Chí Tôn mở Phật giáo Chấn hưng đó vậy.

    Ngày nay là Lễ của Đức Phật Thích Ca và của Chị Cả chúng ta, chúng ta nên để tâm cầu nguyện Chơn linh của Ngài và của Bà, tức nhiên Long Nữ, cả thảy chúng ta đều biết cái bí mật ấy.

    Bà Nữ Đầu Sư, Chơn linh là Long Nữ. Long Nữ là ai? Thật ra, là người hầu của Đức Quan Âm Bồ Tát đó vậy.

    Bần đạo hiểu về cái thuyết bí mật của Đức Quan Âm Bồ Tát, đã lãnh trách nhiệm trọng yếu, vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương Phật, chưởng quản điều khiển Bát Nhã Thuyền.

    Vì cớ cho nên Đức Quan Âm Bồ Tát không thể giáng trần được, chính mình Long Nữ là người hầu của Đức Quan Âm tình nguyện giáng trần đặng hiệp với các Chơn linh khác, các Cung các Điện và Hộ Pháp, đặng mở nền Chánh giáo của Đức Chí Tôn, hầu tạo cơ giải thoát, tận độ vạn linh."

    Sau đây, xin chép lại một bài giáng cơ của Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh tại Hộ Pháp Đường, đêm 1-1-1946, phò loan: Khai Đạo và Sĩ Tải Lợi.

    Chào Trí Thanh, cùng mấy em.

    LÂM tuyền đã ẩn mấy thu sang,
    HƯƠNG đượm nhuần trăng đã lố màn.
    THANH thủy châu về huờn kiếm báu,
    Đề danh đến buổi đất nhà an.

    Khai Đạo bạch: . . . . . . . . . .

    - Đây hết buổi phong ba đến hồi an tịnh. Vậy mà không sao. Mình muốn yên, trước phải loạn, sau mới yên. Muốn nước đang đục lóng trong thì phải quậy cho dữ mới lóng bùn đươc.

    Đạo có khảo mới cao. Chức sắc bị khảo mà chịu nổi mới có giá trị. Học trò chịu khảo thí mới lãnh cấp bằng. Nếu từ chối thì rớt. Thế thường học nhiều đậu ít.

    Còn nơi đây là Trường Công quả, vậy vị nào muốn xứng đáng môn đệ của Đức Chí Tôn thì chẳng bao giờ ngần ngại các việc công quả, cho chung Thánh Thể Đức Chí Tôn, cũng do nơi mấy em đào tạo về mặt ngoại giao.

    Vậy có câu:

    Ái nhơn, nhơn hành ái chi,
    Bất ái nhơn, nhơn hành bất ái chi.
    Kỉnh nhơn, nhơn hành kỉnh chi,
    Bất kỉnh nhơn, nhơn hành bất kỉnh chi.

    Có cảm mới có ứng. Nên hiểu lọc lừa, đi cho khéo, đồ cho trúng thời đắc chí sở nguyện.

    Tâm vững, cầm lèo lái chạy qua bỉ ngạn. Tuy sóng to gió lớn, lượn sóng xuôi sẽ chạy, miễn rằng ngó phía trước thuyền, tránh cho lẹ những đồ vật ngăn cản.

    Sĩ Tải Lợi bạch: . . . . . . . . . . . . .

    - Sợ không quen sóng gió, buồn mửa. Nếu có mửa thì uống nước chanh . Mình ăn phủ bì chúng nó mà.

    - Em Thái Khý Thanh, nhờ mới để bộ râu nên vuốt râu thả mồi câu chúng nó. Nó mảng nghĩ nhìn bộ râu, quên cả sự nghiệp, đành chịu phọt phe.

    Ước mong sao mấy vị trong đám cầm cờ chỉ nẻo Cửu Trùng đồng phun râu, chúng nó mới kinh hãi. Qua mừng và khen tặng Chú Khách nầy làm gương cho kẻ Việt.

    Nam Hải Prasey ấy vẫn gần,
    Hai đàng buổi trước lại đồng thân.
    Nhớ nhau khuyên nhủ đôi lời tặng,
    Cùng bạn khi xưa lúc ở trần.
    THĂNG.


    Phò loan:
    Thừa Sử Kiết - Truyền Trạng Trấn.
    Đàn cơ đêm 25-7-Kỷ Sửu (dl 19-8-1949) lúc 9 giờ tối.

    NỮ ĐẦU SƯ LÂM HƯƠNG THANH

    Chào chư Chức sắc Hiệp Thiên và Cửu Trùng Đài, cùng các em nữ phái.

    Tệ Tỷ để lời cám ơn toàn thể nam nữ chu đáo lo cho cuộc lễ hôm nay. Em Hương Hiếu và Lự, hai Em nói lại cùng tất cả Đạo hữu nữ phái, chị cảm tình. Cười ....

    Cũng nhơn dịp nầy mà chị gặp cháu, trong một thời gian ly loạn vừa qua, Tệ Tỷ xin lỗi cho Tệ Tỷ nói chuyện cùng đoàn em nữ phái.

    Hương Hiếu và Lự, hai Em là chị lớn nơi đây, chị nhắn đôi lời để khuyến khích đoàn em kẻo chúng quá côi quạnh tội nghiệp lắm.

    Chị nhận thấy tinh thần họ đâu quá bạc nhược, vì bằng cớ hiển nhiên không ai có thể chối cãi được, duy còn thói tục quá mê tín ấy chẳng qua là do nguồn cội của sự đa cảm đa lo mà ra, nếu có phương thế un đúc sự khôn ngoan và học thức thì sẽ đặng hữu dụng sau nầy.

    Vậy hai Em cố tìm phương giải rối chỗ khuyết điểm và liệu thế gây tình thiện cảm với nhau, mới có thể dung hòa làm một món binh khí quan hệ cho tương lai.

    Thời thế Đạo dạy họ nên giữ lấy nghiệp mà họ đã có sẵn là sự thương yêu vô tận của Chí Tôn đã gieo trong cửa Đạo, phải nhớ luôn luôn rằng tấm gương trong sạch là nguồn rửa bợn tục trần, đừng quá ngu muội mà phải bị đọa đày, khó đoạt phẩm vị thiêng liêng, mà cũng do nơi đó họ tự đem mình vào muôn sầu ngàn thảm cho kiếp má đào.

    Em nên nhớ, phụ nữ thế giới họ đã tiến theo thời cuộc mà không chuẩn thằng nên ra rẻ rúng. Trong cửa Đạo, càng tiến triển theo thời đại thì họ lại càng ngoan đạo nhiều chừng nấy.

    Ấy vậy, nơi đây là lò un đúc đoàn phụ nữ tương lai của xã hội đạo đức thì Em cố chịu nhọc nhằn gần gũi đoàn em mà giáo dạy thêm.

    SUZANNE cháu, Bà hết sức hộ mạng mẹ con của cháu, nhưng quả kiếp vay trả nợ đời kế cảnh sang hèn vinh nhục, dầu bực nào cũng chẳng ai tránh khỏi. Cháu chớ tủi làm gì, cứ ngó theo nơi mọi điểm bước tiền trình, mẹ cháu dầu ở xa xuôi nhưng vẫn được vẹn phận yên thân, có ngày hội ngộ, không sao mà lo nghĩ. Cháu dầu phiêu lưu nơi tha phương mà tinh thần vẫn hoài cố quốc thì có ngày cháu được toại nguyện, miễn cháu cố giữ nghiệp Bà đã lập ra đó.

    Một bước phiêu lưu vạn bước khôn,
    Ngoan vì đạo đức phước lai tồn.
    Tại đây sản xuất nguồn chơn giáo,
    Dạy cháu nên trau nghiệp tổ tông.

    Hương Hiếu, Em đừng phiền muộn cho phận cô quạnh nữa nghe. Chi chi cũng có chị bảo hộ cho.

    Tệ Tỷ xin kiếu. Thăng.

    Nữ Đầu Sư Hương Hiếu (1886-1971):

    BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP
    của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu

    Đăng Tiên ngày 11 tháng 5 nhuần năm Tân Hợi (dl 3-7-1971), do Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài đọc tại Đền Thánh vào lúc 9 giờ 26 phút ngày 14-5 nhuần-Tân Hợi.

    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

    Kính thưa Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,

    Kính thưa chư Chức sắc, Chức việc và toàn đạo Nam Nữ,

    Kính thưa quí vị,

    Đức Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu đã qui Thiên ngày 11 tháng 5 nhuần năm Tân Hợi (dl 3-7-1971) hồi 14 giờ tại Nữ Đầu Sư Đường, Tòa Thánh Tây Ninh, hưởng thọ 85 tuổi, sau một thời gian trị bịnh tại bệnh viện Đồn Đất (Grall) Sài Gòn.

    Trước khi tuyên dương công nghiệp của Đức Bà, tôi xin trân trọng lược thuật Tiểu sử của Đức Bà như sau:

    Bà Nguyễn Hương Hiếu sinh năm Đinh Hợi (1886) tại đường Paulbert, Đa Kao Sài Gòn, con của Cụ Nguyễn Văn Niệm và Cụ Bà Trần Thị Huệ (đều chết).

    Khi mới sanh, Bà Nội muốn tỏ dấu một nhà đạo đức nên thể theo tên của cha là Niệm, đặt tên là Nguyễn Thị Hương. Còn Bà Ngoại lại đặt tên là Hiếu. Muốn vừa lòng cả Nội Ngoại đôi bên, nên khi ở bên Nội thì gọi tên Hương, khi về bên Ngoại thì gọi tên là Hiếu.

    Thân sinh quê quán tại Cần Thơ, thân mẫu ở miền Gia Định.

    Khi bà vừa lên 7 tuổi, được thân mẫu cho vào học trường Bà Phước (Nhà Trắng) Sài Gòn. Đến năm 17 tuổi, thân mẫu cho bà học Nữ Công, đến năm 21 tuổi thì Bà sánh duyên cùng ông Cao Quỳnh Cư ở làng Hiệp Ninh (Tây Ninh), năm 23 tuổi, bà hạ sanh được một trai, đặt tên là Cao Quỳnh An.

    Phần đạo:

    Đến năm Bà 38 tuổi, gặp thời kỳ Đức Chí Tôn đến khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Một sự ngẫu nhiên của cơ huyền bí mà trước kia ba ông: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, có tánh cách xây bàn cầu vong để làm thi tiêu khiển, chẳng ngờ Đức Chí Tôn giáng khai cơ mở Đạo tại tư gia của bà trước tiên, ở đường Bourdais nhà số 134 Sài Gòn (hiện giờ là đường Calmette).

    Năm 1925, mới khai đạo chưa có Thánh Thất, nên các Đấng dạy tạm dùng nhà bà để thờ Đức Chí Tôn và Phật Mẫu đặng có nơi cầu cơ dạy đạo và dìu dắt nhơn sanh trong buổi đầu là năm 1925; đến năm 1926 mới mở đạo lần tới Tân Kim, Tân Định, Lộc Giang, Thủ Đức, trong buổi chưa có ngọccơ, còn xây bàn, các Đấng giáng dạy đạo cho Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh thì bàn gõ từ chữ. Đức Thượng Phẩm đọc chữ nào, Bà biên chữ nấy, rồi mới ghép lại cho thành văn.

    Vì thế mà lúc còn xây bàn, các Đấng giáng cho một bài thi bát cú hay tứ tuyệt hoặc dạy một việc gì, khi chép xong rồi mới ghép lại một bài thật lâu lắm, mà mỗi đêm mỗi cầu. Buổi ấy, bà làm biên tập viên (Thơ ký) cho các Đấng, chép thi văn dạy đạo rất cao kỳ mầu nhiệm, ban đêm làm Thơ ký chép Thánh giáo, ban ngày lo nấu ăn tiếp đãi khách thượng, trung, hạ lưu xa gần đến nhập môn.

    Trong 2 năm 1925, 1926, chưa có người để chép Thánh giáo, nên bà được vừa làm Thơ ký cho các Đấng, vừa đón tiếp nhơn sanh, từ tháng 6 năm Ất Sửu (1925) đến năm Bính Dần (1926).

    Hồi chưa có Tòa Thánh, còn trong buổi phôi thai, mỗi khi khai đàn thượng tượng (thờ Thầy) đều có bà theo chép Thánh giáo đem về cho Đức Thượng Phẩm. Nên có Thánh giáo Thầy kêu: "Hiếu, viết rõ con." Buổi ấy, bà quên gia đình và sản nghiệp, chỉ vui say theo đường đạo, do các Đấng thường giáng dạy.

    Đến tháng 3 năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn giáng cơ dạy bà may Thiên phục cho ông Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, kế tiếp may Thiên phục cho Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Hiệp Thiên Đài từ Thập nhị Thời Quân, Cửu Trùng Đài từ phẩm Lễ Sanh trở lên. Bà nhớ lời Đức Chí Tôn dạy: "Hiếu! con lo may Thiên phục cho mấy anh con cho kịp ngày Đại Hội, là ngày Khai Đạo tại Chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự) vào ngày 14 tháng 10 năm Bính Dần." (dl 18-11-1926).

    Do đàn cơ ngày 24 tháng 10 năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn giáng dạy bà Hiếu phải dọn đồ về Tây Ninh để chung lo việc đạo cùng Cư, Tắc. Phải chịu khổ cực cùng Thầy, vì việc đạo là trọng. Từ ấy, bà nghe theo Thánh giáo về hành đạo tại Tây Ninh.

    Ngày khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nhằm ngày 14 tháng 10 năm Bính Dần tại Chùa Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh. Cả thảy Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng đều về Chùa Gò Kén, bà đồng đi một lượt để làm công quả, ban ngày lo tiếp đãi Chức sắc, bổn đạo và quan khách ngoài đời, vì lúc sơ khai, không có công quả hiến thân, nên bà lo đi chợ nấu nướng đãi ăn, 5 giờ chiều là lo viết sớ cho Nữ phái nhập môn, dạy 5 câu nguyện cho thuộc, đến giờ Tý tiến dẫn nhập môn vào hầu Đức Lý Giáo Tông. Vì buổi khai đạo chưa có Đồng nhi, bà phải làm đồng nhi đọc kinh cúng Tứ thời, và đọc kinh mỗi khi cầu cơ, suốt 3 tháng, mỗi đêm đều như vậy. Bà còn may Thiên phục cho Chức sắc, Chức việc tại Chùa Gò Kén.

    Qua ngày 14 tháng Giêng Đinh Mão (dl 15-2-1927), bà thọ phong Giáo Sư Nữ phái do đàn cơ Phong Thánh kỳ I.

    Đến ngày 20 tháng 2 năm Đinh Mão (dl 23-3-1927), Hội Thánh trả Chùa Gò Kén lại cho ông Hòa Thượng Giác Hải, thỉnh cốt Đức Phật Thích Ca về đất mới mua là nơi Tòa Thánh ngày nay. (Buối ấy gọi là Chùa mới).

    Chỗ nầy, trước kia là một khu rừng rậm, chưa có nhà ai cho lắm, chỉ là nơi rừng thiêng nước độc. Khi dọn về đất mới, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm và công quả phá rừng không có nhà ở, nên tạm dùng cái nhà bò ở để nấu ăn cho công quả phá rừng mỗi ngày, cho đến ngày cất Tòa Thánh tạm xong, mới có Chức sắc tựu về đông đảo, tiếp cất Hậu Điện, Đông Lang, Tây Lang, Trù phòng, v.v.... Bà chỉ dẫn cho Trù phòng lo đi chợ mua nấu cho công quả ăn.

    Năm Mậu Thìn (1928), tạo tác vừa xong, bỗng đâu bão tố bất ngờ, Đức Cao Thượng Phẩm bị bạc đãi xô đuổi, bà liền trở về Thảo Xá Hiền Cung. Trò đời gẫm lại buồn cười, nhưng xét lại, xưa nay bực Chí Thánh cũng không thoát khỏi tuồng đời khinh bạc.

    Đầu năm Kỷ Tỵ (1929), Đức Cao Thượng Phẩm qui Thiên vào lúc 10 giờ ban mai ngày mùng 1 tháng 3 năm Kỷ Tỵ (1929), bà lo tuần tự cho Đức Cao Thượng Phẩm xong xuôi rồi, bà trở lại Tòa Thánh tiếp tục làm công quả nữa.

    Năm Canh Ngũ (1930), Bà vâng lịnh Đức Lý Giáo Tông bắt thăm đi hành đạo giữa Bửu điện, bà bắt trúng thăm đi hành đạo tỉnh SaĐéc, sau được lịnh Hội Thánh cho kiêm luôn tỉnh Thủ Dầu Một. Hành đạo hai tỉnh được 3 năm (từ năm 1930 đến năm 1933), qua năm 1934 dạy Giáo Nhi một năm.

    Năm Ất Hợi (1935), bà được thăng phẩm Phối Sư, hành đạo tại Tòa Thánh chung với Chức sắc Nữ phái, vừa tiếp tân, vừa dạy may Thiên phục cho Chức sắc Nam Nữ tại Sở may Linh Đức đến năm 1941, nền Đạo chinh nghiêng, bị nhà cầm quyền Pháp bắt Chức sắc Đại Thiên Phong đày ra hải ngoại. Tòa Thánh và các Thánh Thất bị đóng cửa. Chức sắc phần nhiều tản lạc, bà trở về Thảo Xá Hiền Cung.

    Năm 1942, xuống Sài gòn hiệp tác Hãng Tàu để chung lo với anh em Chức sắc Nam Nữ về mặt đạo.

    Năm 1946, nền Đạo phục hưng, Chức sắc nam và nữ tựu về Tòa Thánh. Hội Thánh phân cắt Cửu Viện nam nữ. Bà vâng Sắc Huấn số 30/SH ngày 21-9-Bính Tuất (1946) lãnh chưởng quản ba Viện: Hòa, Lại, Lễ nữ phái (còn ở phẩm Phối Sư) cho đến ngày 16-11-Canh Dần (dl 22-12-1950).

    Đến năm Mậu Thân (1968), Thánh Lịnh số 01/Thánh Lịnh ngày 24-10-Mậu Thân (dl 13-12-1968) thăng phẩm Đầu Sư Chánh vị, Bà cầm quyền chưởng quản Cửu Trùng Đài nữ phái cho đến ngày nay.

    Kính thưa quí vị,

    Trên đây là phần Tiểu sử của Đức Bà Hương Hiếu.

    Về phần biểu dương công nghiệp của Đức Bà, tôi trích lục sau đây Huấn từ của Đức Thượng Sanh đọc tại Đền Thánh ngày 18 tháng 11 Mậu Thân (1968), nhơn cuộc Lễ Tấn Phong Đức Bà lên phẩm Nữ Đầu Sư chánh vị. Thiết nghĩ bài nầy đầy đủ công nghiệp của Đức Bà, tôi có viết thêm cũng bằng thừa.

    Kính thưa Hội Thánh Lưỡng Đài Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Hội Thánh Phước Thiện.

    "Kính thưa chư Chức sắc Lưỡng phái,

    Hôm nay là ngày Lễ Tấn Phong Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu, thọ Thiên ân Đầu Sư Chánh vị Nữ phái do Thánh giáo của Đức Lý Nhứt Trấn Oai Nghiêm tại Cung Đạo đêm 20 tháng 10 Mậu Thân (dl 9-12-1968).

    Lễ lập thệ đã cử hành xong. Từ đây Chức sắc Nữ phái Cửu Trùng Đài đã có vị Đầu Sư cầm quyền điều khiển dìu dắt trên đường Thánh đức để trau giồi đạo hạnh, lập chí vị tha cho xứng đáng là bậc Nữ Thánh nhơn trong cửa Đại Đạo.

    Đức Lý Đại Tiên ban ân huệ cho bà Nguyễn Hương Hiếu, thật là một sự thăng thưởng công minh và một khích lệ lớn lao cho toàn thể Nữ phái.

    Trên đường lập vị, bà Nguyễn Hương Hiếu là Chức sắc Nữ phái duy nhất đã đạt tới phẩm vị tối cao với một công nghiệp có thể nói là phi thường và một tinh thần phục vụ đáng kính phục. Bà là một tín đồ Cao Đài trước khi Đạo Cao Đài chính thức ra đời, một Nữ Chức sắc đầu tiên đã có mặt trong đêm ba ông: Cư, Tắc, Sang, họp nhau chơi xây bàn và tiếp xúc được với các chơn linh cõi vô hình, tức là đêm 7 tháng 6 năm Ất Sửu (dl 27-7-1925).

    Từ đó về sau, đêm nào bà cũng tiếp tay với ba vị kể trên để chép thi văn hoặc những câu đàm thoại của các chơn linh. Đến sau có các Đấng Thiêng liêng giáng cơ thì bà lãnh phận sự Thơ ký chép Thánh ngôn và tiếp đãi quí khách trong hàng trí thức tới lui ngày càng nhiều để tìm đạo hoặc chứng kiến sự mầu nhiệm của cơ bút.

    Mỗi đêm bà phải thức đặng hầu bút trong đàn cơ, xong rồi thì lo lắng bữa ăn giải lao cho ba vị chủ nhân và quí khách là những bạn thân đến hầu đàn, không quản cực nhọc, không chút than phiền. Nhờ sự giúp sức về tinh thần của bà mà cuộc chơi xây bàn của ba ông: Cư, Tắc, Sang, đã đưa tới giai đoạn sáng lập nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hiện tại trong nước Việt Nam.

    Đức Thượng Phẩm nhờ có người bạn đường đồng tâm nhứt trí như bà mới phấn khởi bỏ cả công danh sự nghiệp lo lập công tạo thành nền tảng của Đạo lúc ban sơ.

    Sau ngày Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt gởi Tờ Khai Đạo cho quan Thống Đốc Nam Kỳ, số người nhập môn ngày càng thêm đông, công việc của bà càng thêm nặng nhọc. Mỗi đêm bà phải ra công dạy mấy chục đồng nhi đọc kinh cho đúng theo nhịp và vâng theo lịnh của Đức Chí Tôn, bà lãnh may Thiên phục cho tất cả Chức sắc Hiệp Thiên và Cửu Trùng cho kịp ngày Khai Đạo tại Chùa Gò Kén.

    May Thiên phục cho Chức sắc do theo Thánh giáo chỉ dạy, chẳng phải là một việc dễ dàng mà ai cũng làm được, nhứt là lúc ban sơ không có một kiểu mẫu nào sẵn, nhưng nhờ bà có khiếu thông minh, nhờ tài Nữ công tinh xảo nên áo mão của phẩm vị nào bà cũng trù nghĩ may đúng theo Thánh ý của Đức Chí Tôn.

    Kế đó, vâng theo Thánh giáo đêm 24 tháng 9 Bính Dần (1926), bà phế đời cùng Đức Cao Thượng Phẩm về Chùa Từ Lâm Gò Kén, nhằm ngày rằm tháng 10 Bính Dần, là ngày thiết Lễ Khai Đạo và ở luôn nơi đó cho tới hơn 3 tháng sau, bà cùng Đức Thượng Phẩm lo dời Thánh Thất về đất mới làng Long Thành, Tây Ninh.

    Bà góp sức chịu cực khổ lo việc trù phòng nuôi công quả, tổng số hơn 300 người, do Đức Thượng Phẩm điều khiển công cuộc phá rừng và lập Thánh Thất tạm nơi vùng đất mới, tức là vùng Nội Ô Thánh địa hiện tại.

    Đầu tiên, bà Nguyễn Hương Hiếu thọ phong chức Giáo Sư tại Từ Lâm Tự Gò Kén, ngày 14-Giêng-Đinh Mão (dl 15-2-1927). Đó là đàn cơ thứ nhứt phong thưởng Nữ phái.

    Qua năm Ất Hợi (1935), bà được thăng phẩm Phối Sư, và đến ngày 16-11-Canh Dần (1950), bà được thăng phẩm Chánh Phối Sư, chưởng quản Lại Viện, Lễ Viện và Hòa Viện Nữ phái.

    Bà hành quyền Chánh Phối Sư trong 18 năm, cho tới ngày 20-10-Mậu Thân (dl 9-12-1968), Đức Lý Nhứt Trấn Oai Nghiêm ban ân huệ cho bà lên Nữ Đầu Sư chánh vị.

    Một đời tận tụy vì đạo, vì chúng sanh, hơn 43 năm công nghiệp chịu bao nhiêu gian lao khổ hạnh, chết về mặt đời, sống về mặt đạo, trải qua nhiều cơn thử thách cay nghiệt, bà phải nát gan bấn ruột, trong lúc người bạn đường đã qui vị, đứa con trai độc nhất lại từ trần bên Pháp quốc, kế ít lâu Cụ thân mẫu của bà lại từ giã cõi đời.

    Bà chỉ còn một mảnh thân bơ vơ cô độc trong tình cảnh não nùng bi đát, để rồi khi nắng sớm mưa chiều, lúc canh tàn đêm lụn, bà không thể ngăn được giọt thảm đầm đìa để khóc chồng, khóc con, và khóc mẹ.

    Đường tử biệt đã làm cho tan nát cảnh gia đình, tất cả hy vọng đều đổ vỡ thì người trong cuộc còn biết trông cậy vào đâu để sống còn trong những chuỗi ngày sầu thảm.

    Nhưng may thay, nhờ bà đã thâm nhiễm mùi Đạo, tự biết muôn sự ở đời đều là giả cuộc, kiếp phù sinh như cảnh hoa sớm nở tối tàn, nhứt là nhớ lời khuyên nhủ của các vị Tiên Nữ Diêu Trì Cung, nên bà tự an ủi lấp thảm vùi sầu, khuây khỏa với tiếng kệ kinh, lấy chữ vị tha làm mục đích, tận tâm phục vụ, dắt dìu Nữ phái, quyết lòng hiến cả tâm hồn lẫn xác thân cho nền Đại Đạo.

    Vì vậy, sự ban thưởng phẩm vị Nữ Đầu Sư cho bà Nguyễn Hương Hiếu thật là đúng chỗ và xứng đáng.

    Kính thưa Hiền Tỷ Đầu Sư,

    Hiền Tỷ đã đạt đến cấp bậc tối cao của Nữ phái Cửu Trùng Đài, đó là một vinh hạnh siêu nhiên mà không có một vinh hạnh nào ở cõi trần nầy sánh bằng. Hiền Tỷ có quyền hưởng thụ và Hiền Tỷ nên vui mừng vì sự ban thưởng cho Hiền Tỷ là một ân huệ thiêng liêng để đền đáp lại 43 năm công nghiệp và một tấm lòng son sắt vì Đạo, thủy chung như nhứt.

    Giờ đây đến lúc thi hành sứ mạng. Hễ phẩm vị càng cao thì trách nhiệm càng nặng, phận sự càng khó khăn.

    Nếu không lấy Đạo làm trọng, lấy đức làm căn bản, lấy lẽ công làm chuẩn thằng, lấy cương trực làm đường lối, thì không thể thực hành đúng đắn phận sự.

    Phải sợ Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu hơn sợ mích lòng người thì mới hẳn là vô tư, còn vị nể cá nhân hơn tôn trọng Luật Đạo thì chẳng phải là tư cách của người cầm quyền. Vì cán cân công bình một khi đã chênh lệch thì đạo đức không còn tồn tại mà việc làm chỉ là tác động quá tầm thường của kẻ phàm tục.

    Hiền Tỷ đã có nhiều kinh nghiệm trong trách vụ điều khiển Nữ phái, tôi tin chắc là Hiền Tỷ có đủ sáng suốt nhận định để nâng cao đời sống tinh thần của Nữ phái và giúp nên cho Đạo trong sứ mạng cao trọng mà Đức Lý Đại Tiên đã giao cho Hiền Tỷ."

    (Tới chỗ nầy là dứt phần trích trong Bài Huấn Từ của Đức Thượng Sanh, tuyên dương công nghiệp Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu, trong buổi lễ Tấn Phong Nữ Đầu Sư tại Tòa Thánh.)

    Kính thưa Quí vị,

    Trước khi dứt lời, tôi xin thành tâm cầu nguyện Ơn Trên Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu cùng các Đấng Thiêng liêng ban phước lành cho toàn thể Hội Thánh, Chức sắc, Chức việc và toàn đạo Nam Nữ, và xin chơn thành phân ưu cùng tang quyến.

    Sau nữa, xin quí vị đồng cùng tôi dành đôi phút để tưởng niệm công đức của Đức Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.

    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

    HIẾN PHÁP, Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài

    Bài Thài hiến lễ Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu:

    Tu hành gắng chí lập dày công,
    Đến buổi chung qui hưởng phước hồng.
    Cửa Đạo gay go trường khổ hạnh,
    Đường Tiên nhàn rỗi bước thong dong.
    Lợi danh ví muốn cho đầy đủ,
    Tội lỗi càng thêm nỗi chất chồng.
    Cuộc thế chẳng qua trò mộng ảo,
    Ngày về nhắm mắt nắm tay không.

    Bài thi nầy, Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu viết ra lúc còn mạnh khỏe và đang ở phẩm Nữ Chánh Phối Sư, có đăng trong Quyển Đạo Sử I của bà. Khi bà đăng Tiên, Hội Thánh lấy bài thi nầy làm bài Thài hiến lễ.

    Đối với nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu là vị Đệ nhị Nữ Đầu Sư, sau Đệ nhứt Nữ Đầu Sư là Bà Hương Thanh, nhưng thực tế, thì Bà Hương Hiếu là vị Nữ Đầu Sư đầu tiên ngự nơi Nữ Đầu Sư Đường, trực tiếp chưởng quản Hội Thánh Nữ phái Cửu Trùng Đài, bởi vì Bà Hương Thanh khi qui vị vẫn còn ở phẩm Nữ Chánh Phối Sư, sau đó mới được truy thăng lên phẩm Nữ Đầu Sư.

    Vì vậy hình ảnh của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu đã in sâu vào tâm khảm của nhiều thế hệ Chức sắc nữ phái Cửu Trùng Đài.

    Bà là nữ môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn, là Thơ ký duy nhất của Đức Chí Tôn và các Đấng trong thời gian ban sơ nền đạo, từng theo quí Ngài: Đức Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, chép Thánh ngôn Thánh giáo.

    Bà và Đức Cao Thượng Phẩm là hai người đầu tiên vâng lịnh Đức Chí Tôn phế đời hành đạo.

    Cuộc đời của bà, Tiểu sử của bà gắn liền với 46 năm Lịch sử của Đạo Cao Đài kể từ năm 1925 đến năm1971, tức là kể từ lúc nền Đạo còn tiềm ẩn, đến lúc sơ khai, rồi phát triển, rồi bị chinh nghiêng do những khủng bố của bạo quyền, đến lúc phát đạt vinh quang.

    Bà là một nữ môn đệ được Đức Chí Tôn yêu ái nhứt. Bà có ghi lại những lời của Đức Chí Tôn ban cho bà như sau:

    "Ở nhà Đức Cao Thượng Phẩm mỗi ngày đêm Đức Chí Tôn giáng dạy Đạo. Lúc nọ, Thầy sai ba ông đi trọn một tuần lễ, để tôi ở nhà, nhớ Thầy, buồn quá! Tôi cúng thời chiều, ngước lên Thiên Bàn khóc mà nói rằng: Con biết Thầy có ngự nơi Thiên bàn, nhưng Thầy vắng một tuần rồi, con không thấy lời Thầy dạy, con nhớ quá!

    Chiều Chúa nhựt, ba ông về, tôi liền thắp đèn nhang cầu Thầy.

    Thầy giáng nói với tôi như vầy:

    Hiếu muốn cầu Thầy hơn ai hết.
    Trước vốn yêu,
    Nay cũng yêu,
    Con gái út,
    Có bao nhiêu,
    Khuyên con lòng vậy mãi,
    Cái mến con thương Thầy đều.

    Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu có biên soạn 2 bộ sách: Nữ Trung Bá Hạnh và Đạo Sử.

    - NỮ TRUNG BÁ HẠNH: cũng giống như sách Nữ Trung Tùng Phận của Bà Đoàn Thị Điểm, dùng để giáo dục Nữ phái, nhưng Bà viết theo thể văn xuôi, dẫn giải và rập khuôn theo Nho giáo, nên có nhiều điểm còn khó khăn, cầu kỳ và quá bó buộc đối với phụ nữ thời Tam Kỳ Phổ Độ.

    - ĐẠO SỬ: gồm hai quyển I và II:

    · Quyển I nói về thời kỳ Xây Bàn năm Ất Sửu 1925.

    · Quyển II nói về giai đoạn lịch sử từ 1926 đến 1929.

    Hai quyển Đạo Sử nầy rất quí báu, và rất được người sau tin cậy, vì nó rất chơn thật, ghi lại rất chính xác ngày tháng năm của các sự kiện quan trọng xảy ra buổi đầu tiên, khởi sự Đức Chí Tôn xây dựng nền Đại Đạo.

    Nữ Đầu Sư Hàm phong Hương Lự (1878-1972):

    BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP

    Của Bà Nữ Đầu Sư Hàm phong Hồ Hương Lự, đăng Tiên ngày 22-11-Nhâm Tý (dl 27-12-1972) tại Nữ Đầu Sư Đường, Tòa Thánh Tây Ninh.

    Ngài Hiến Pháp, Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài đọc Bản Tuyên Dương Công Nghiệp nầy trước Liên đài đặt tại Đền Thánh, vào lúc 9 giờ 17 phút ngày 24-11-Nhâm Tý (dl 29-12-1972).

    Kính thưa Hội Thánh,

    Kính chư Chức sắc Thiên phong, Chức việc và toàn đạo Nam Nữ,

    Kính chư quí Quan Khách,

    Nhân danh Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài và Thống Quản Nữ phái Cửu Trùng Đài, tôi xin long trọng tuyên dương công trạng của Đức Bà Nữ Đầu Sư Hồ Hương Lự vừa qui Thiên vào ngày 22 tháng 11 Nhâm Tý, hưởng thọ 95 tuổi.

    Về phần Đời:

    Bà Hồ Hương Lự, tức Hồ Thị Lự, sanh ngày 26-6-Mậu Dần (1878) tại Ích Thạnh, tổng Long Vĩnh Hạ (Gia Định), chồng là ông Cao Hoằng Ân, Thẩm Phán đầu tiên tại Việt Nam.

    Về phần Đạo:

    Đắc phong phẩm Giáo Sư tại Kim Biên ngày rằm tháng 8 năm Đinh Mão (dl 10-9-1927).

    Rằm tháng 10 năm Ất Hợi (dl 10-11-1935), bà được thăng phẩm Phối Sư.

    Công nghiệp:

    Năm Kỷ Tỵ (1929), bà về Tòa Thánh giúp việc nơi Lương Viện.

    Qua năm Canh Ngọ (1930), làm Quản lý Sở may và làm công quả nơi Nhà Khách.

    Năm Nhâm Thân (1932), lãnh Quản lý Lương Viện, Trù phòng và thay mặt bà Nữ Chánh Phối Sư tại Tòa Thánh. Sau đó bắt thăm đi hành đạo, làm Đầu Họ Đạo Long Xuyên.

    Sau lại không người thế nơi Phòng Trù, nên Đức Quyền Giáo Tông cho phép ông Giáo Sư Thượng Sáng Thanh kiêm luôn Nữ phái.

    Qua năm Bính Tý (1936), vì bịnh nên phải nghỉ một thời gian, khi bình phục sức khỏe, bà về giúp việc tại Nhà may Linh Đức.

    Sau ngày Đức Phạm Hộ Pháp cùng nhiều Chức sắc phái Nam vắng mặt, bà vẫn ở tại Tòa Thánh để chung lo Đạo với Hội Thánh.

    Trong lúc người Pháp chiếm Tòa Thánh, Nhà may Linh Đức phải dọn về nhà bà Giáo Sư Hương Nhiều. Sau người Pháp lấy Linh Đức làm trường học thì nhà may phải dọn về tiệm Minh Đức một thời gian rồi giải tán.

    Trong lúc Đạo chinh nghiêng, chư Chức sắc cao cấp Nam phái không còn ai ở nơi đây, chỉ còn mấy vị Lễ Sanh nam nữ chung lo giúp sức với bà. Nhà cầm quyền Pháp lại chở hết tài sản của Đạo, chỉ còn lại chút ít đồ của Hội Thánh mà thôi.

    Cuối năm Canh Thìn (1940), bà phải về nhà dưỡng bịnh vì kém sức khỏe, mãi đến tháng 4 năm Ất Dậu (1945), bà mới trở lại Tòa Thánh tiếp tục việc Đạo.

    (Nhớ lại khi xưa:)

    Lúc lưu lại Sài Gòn, bà ở tại nhà ái nữ của bà là cô Cao Thị Cường và con trai là Cao Hoài Sang (tức Đức Cao Thượng Sanh Hiệp Thiên Đài).

    Năm Bính Dần (1926), bà lên Kim Biên trú ngụ tại nhà Trưởng nam của bà là Cao Đức Trọng (tức là Thời Quân Cao Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài). Sau đó, Đức Phạm Hộ Pháp lên mở đạo tại Kim Biên, độ bà vào Đạo.

    Năm Ất Mão (1927), bà trở về Sài Gòn.

    Bà có 3 người con: 2 Nam và 1 Nữ, đều tu theo Đạo Cao Đài. Con trưởng nam là Thời Quân Tiếp Đạo Cao Đức Trọng, thứ nữ là Giáo Sư Cao Hương Cường, còn quí tử là Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang.

    Cả nhà bà đều nêu gương đạo hạnh làm vinh hiển tổ tông. Cái gương cang trực của bà cũng hiếm có. Bà dám đương đầu với bất cứ ai có manh tâm phản và chống đối Đạo, chẳng hạn như vị Cựu Thủ Tướng Nguyễn Phan Long, có lần lên Tòa Thánh, mặc âu phục vào tọa vị trên ngai tại Cung Đạo. Bà dõng dạc đứng ra phản đối và bắt buộc ông Long bằng lẽ đạo, phải rời khỏi chỗ tôn thờ.

    Về việc đạo, bà thường dùng lời ngay lẽ phải đối với tất cả mọi người. Phần đông trong Đạo đều mến phục cái tánh cang trực của bà. Tánh cang trực ấy, bà áp dụng để xây dựng, chớ không hề xúc phạm ai. Ấy là sự cẩn ngôn cẩn hạnh đó vậy.

    Rất tiếc thay! Bà mất đi là Đạo mất một bậc lão thành đáng thương kính. Từ đây, bà vắng bóng, bổn đạo không còn được nghe lời cang trực đanh thép của một lão mẫu nữa.

    Kính thưa Hội Thánh và chư quí vị,

    Nỗi thương tiếc không bút mực nào tả xiết!

    Vậy trước khi dứt lời, tôi thành tâm cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho hương hồn Đức Bà Nữ Đầu Sư Hồ Hương Lự sớm tiêu diêu nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống, và xin chân thành phân ưu cùng tang quyến.

    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

    Hiến Pháp, Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.

    Bà Nữ Đầu Sư Hàm Phong Hương Lự được đắc phong Nữ Đầu Sư Hàm Phong cùng một lượt với Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, do đàn cơ tại Cung Đạo ngày 20-10-Mậu Thân (dl 9-12-1968), Đức Lý Nhứt Trấn Oai Nghiêm giáng cơ phong thưởng.

    Sau đây là trích Bài Ai Điếu của Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, Chưởng quản Cửu Trùng Đài Nam phái, đọc trước Liên đài của Cố Nữ Đầu Sư H.P. Huơng Lự tại Bửu tháp lúc 10 giờ 30 ngày 26-11-Nhâm Tý.

    "Hỡi ôi! Non Tiên ngút tỏa, biển Thánh mưa tuôn,

    Cõi trần sớm hiệp rồi tan,

    Kiếp sanh nào khác lá vàng ngày thu.

    Đạo Trời vạch áng mây mù,

    Vun bồi Tiên vị, công phu rạng ngời.

    Hồng quần tích đức chiều mơi,

    Nêu gương liệt nữ Việt Thường soi chung.

    Tuy Nữ giới, chí Nam nhi khó sánh,

    Dù sức hèn, trí quân tử không đương.

    Đức chánh chơn, thuật xử thế thuần lương,

    Hạnh liêm khiết, ôn hòa đều khắc kỷ.

    Trong cửa Đạo, dưới trên đồng kính nể,

    Mặc sang hèn, yêu ái cả quần sanh.

    Nề nếp Nho phong lễ giáo chặt gìn,

    Khuôn viên Đại Đạo, Chơn truyền vẹn giữ.

    Hằng ta-bà hóa độ nhơn sanh,

    Đem Chánh giáo phổ truyền khắp chốn.

  • Nữ Đầu Sư

    Ôn lại quãng đời hành đạo từ năm Ất Sửu (1925) đến năm Mậu Thân (1968), đắc vị Nữ Đầu Sư Hàm Phong tới giờ, 47 năm trường, trải qua biết bao phen cơ Đạo thăng trầm, cố Hiền Tỷ vẫn một lòng son sắt, trung liệt với Đạo Trời, chẳng quản gian lao, không sờn cay đắng, biết bao khổ hạnh truân chuyên, không bút mực nào tả xiết, nhưng giữ vững đức tin chung lo nghiệp đạo đến ngày thoát xác, thật đáng bậc tiền bối khả kính vậy.

    Từ đây Tiên tục đôi đường, Âm Dương cách trở,

    Não nùng thay! Toàn đạo thở than,

    Thống thiết bấy, tín đồ tang chế.

    Chín mươi lăm tuổi, công viên quả mãn,

    Bốn mươi bảy năm, cửa đạo vuông tròn.

    Niêm phong Thánh thể, an ngự Liên đài,

    Kỵ Long Mã đưa đường về Cực Lạc.

    Trên Tiên giới, Hiền Tỷ vui vầy trăng gió,

    Dạo khắp cùng cung điện cảnh tiêu dao.

    Nguyện linh hồn an bước Tiên du,

    Chầu Đế Khuyết nghìn thu toại hưởng.

    Hỡi ôi! Thương thay! Tiếc thay!

    Hiển linh xin chứng.

    Sau đây là Trích đoạn bài Điếu văn của Hội Thánh Phước Thiện đọc tại Bửu tháp Bà Nữ Đầu Sư Hàm Phong Hương Lự, ngày 26-11-Nhâm Tý (dl 31-12-1972).

    "Trước khi chưa có Đạo Cao Đài, Đức Bà tùng Đạo Minh Sư. Nhờ có căn nguyên, Đức Bà tìm thấy trong kinh điển có để lời tiên tri về sau sẽ có một mối Đạo xuất thế:
    CAO như Bắc Khuyết nhơn chiêm ngưỡng,
    ĐÀI tại Nam phương Đạo thống truyền.

    Nên khi Đức Chí Tôn đến khai nền Đại Đạo, Đức Bà liền nhập môn tùng giáo, không chút ngờ vực, dâng hiến cả mảnh thân cho Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu, để làm con tế vật phụng sự cho Đạo pháp và nhơn sanh.

    Tuy phận liễu bồ nhược chất, nhưng tài đức và đạo hạnh của Đức Bà khó ai sánh kịp.

    Lúc còn ở ngoài thế, song thân định bề gia thất, nhưng chẳng may, nửa chừng xuân gãy gánh cang thường, Đức Bà vẹn giữ mối đạo nhơn luân, thủ tiết thờ chồng nuôi con, khổ nỗi vừa quán xuyến gia đình, vừa dưỡng nuôi dạy dỗ đàn con thơ nên người nên đạo, âu đó cũng là một cơ thử thách để cho Đức Bà rạng danh một người hiền phụ và hiền mẫu nơi cõi Á Đông nầy.

    Nhờ công ơn của Đức Bà vì nhơn sanh, tạo dựng cho nền Đại Đạo, hai tay rường cột để nâng gánh Đạo Trời, là Cố Cao Tiếp Đạo và Đức Cao Thượng Sanh. Nếu Đức Bà không phải là bậc Thiên tài thì cũng chưa hẳn đủ trí mưu mà thi thố cho đặng.

    Lần dở trang sử cũ Trung Hoa, chúng ta thấy đời ca tụng bà Mạnh Mẫu là mẹ của thầy Mạnh Tử, khéo nuôi con và khéo dạy con nên bậc Chí Thánh.

    Lấy công tâm để luận, đối với bà Mạnh Mẫu, thì Đức Bà Nữ Đầu Sư đây không thua kém, mà lại có phần hơn. Cũng đồng phương pháp giáo hóa, nhưng Đức Bà đã khéo gầy tạo cho con trở nên Chí Tiên và Chí Phật để phụng sự cho Đạo lẫn Đời. Còn riêng phần Đức Bà đối với Thiên triều của Đức Chí Tôn, trên đường tu học, bà cũng đạt đến tột phẩm triều nghi của nữ giới, đâu kém thua gì bực tu mi nam tử.

    Hân hạnh thay cho dân tộc Việt Nam! Hữu phước thay cho nòi giống Việt Thường! Đã có bậc anh thư làm rạng vẻ con Lạc cháu Hồng, không thẹn tuổi tên cùng quốc tế.

    Một điều đặc biệt chúng ta đáng lưu ý, từ ngày xả thân hành đạo, Đức Bà được Đức Chí Tôn trọng dụng để bảo thủ Chơn truyền, điểm tô nghiệp Đạo. Biết bao lần thuyền Đạo gặp cơn giông tố bão bùng, bên ngoài cường quyền đàn áp, bên trong nội bộ khảo đảo đủ điều, mỗi phen biến cố, Đức Bà đóng vai trò giúp một cánh tay đắc lực cho Đức Hộ Pháp khử tà diệt mỵ, bảo thủ Chơn truyền.

    Ngoài sứ mạng kể trên, còn một điều quan trọng mà ai là tín đồ Đạo Cao Đài cũng phải cúi đầu sùng kính ân nghĩa của Đức Bà. Để chứng minh, chúng tôi xin trích ra một đoạn văn thuyết đạo, chính Đức Phạm Hộ Pháp mô tả.

    Đức Ngài nói: "Bần đạo nhớ khi lên mở Đạo tại Kim Biên năm 1927 đặng truyền giáo. Đức Chí Tôn cho vị Phối Sư Hương Lự của chúng ta được thông công cùng Ngài, nhờ nghe nhờ thấy đặng truyền pháp cho Bần đạo."

    Quả thế, không ai dám phủ nhận chính nền Đạo Cao Đài ngày nay có đủ Chơn truyền Bí pháp siêu độ chúng sanh, phần lớn là nhờ công ơn của Đức Bà, mà nhơn loại được hưởng diễm phúc hồng ân của Đức Chí Tôn ban bố.

    "Khi nọ, Đức Chí Tôn biểu Bần đạo lại kệ bàn viết có sắp một dãy nhựt trình đặng rút ra hai tờ, Ngài lại dạy Chị chúng ta là bà Phối Sư Bảy (Hương Lự) đứng bắt ấn, kế Bần đạo trải hai tờ nhựt trình sau lưng mà Bà Chị vẫn không hay biết. Tới lúc bắt ấn rồi, Bần đạo thưa: Đã trải rồi. Tức thì Bà Chị nhảy ngược lại, đạp trên hai tờ nhựt trình. Bần đạo không hiểu nghĩa gì. Đức Chí Tôn biểu coi hai chơn có đạp cái gì. Bần đạo coi chơn trước giở lên là hình Tưởng Giới Thạch, đạp ngay trên đầu; còn chơn sau, Bần đạo biểu giở nhón lên, coi thấy hình Roosevelt, Tổng Thống của nước Mỹ, đạp ngay lên ngực và miệng. Đức Chí Tôn nói với Bần đạo rằng: Một ngày kia, Trung hoa sẽ thờ phụng Đạo đáo để, còn nước Mỹ sẽ lãnh trách nhiệm đi truyền giáo toàn cầu." (Trích thuyết đạo của Đức Hộ Pháp)

    Bà Nữ Đầu Sư Hàm Phong Hương Lự đăng Tiên vào lúc 1 giờ 40 phút rạng sáng ngày 22-11-Nhâm Tý (dl 27-12-1972).

    Vào lúc 20 giờ 35 đêm 22-11-Nhâm Tý, Hội Thánh thiết một đàn cơ tại Giáo Tông Đường, được Bát Nương Diêu Trì Cung giáng cơ cho bài Thài để đồng nhi tế điện Nữ Đầu Sư Hương Lự.

    Đàn cơ tại Giáo Tông Đường, đêm 22-11-Nhâm Tý (dl 27-12-1972) lúc 20 giờ 35 phút. Phò loan: Chưởng Ấn Nguyễn Văn Hợi và Cải Trạng Nguyễn Văn Kiết. Hầu đàn: Thời Quân Bảo Đạo, chư Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện.

    BÁT NƯƠNG

    Em chào Hiền huynh Bảo Đạo, chư Chức sắc nam nữ Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài, cùng các em nam nữ.

    Nơi Diêu Trì Cung rộn rịp đón Hương Lự Nương Nương.

    Em được lịnh đến đây, có sự thông cảm của Đức Quyền Giáo Tông để trao 4 câu thài hầu Lễ Viện hành lễ cho Nữ Đầu Sư Hương Lự:

    HƯƠNG thơm ngào ngạt Đạo kỳ ba,
    LỰ tỉnh hồng quần Thánh đức ca.
    NƯƠNG bóng từ bi dìu chủng tộc,
    NƯƠNG cơ thoát tục thức con nhà.

    Cười . . . Hiền huynh Bảo Đạo nhắn lời, Em kính thăm Đại huynh Hiến Pháp.

    Xin kiếu, đợi kỳ sau sẽ đàm đạo nhiều hơn. Thăng.

    "Chúng tôi hầu chuyện cùng bà Quyền Nữ Chánh Phối Sư Hương Tiếu, được bà kể cho nghe về tánh đức cương nghị và nhất là lòng thương đàn em, không phân giai cấp quí tiện.

    Bà nói: Trong một đêm khuya thanh vắng, Đức Bà chạnh lòng nhớ đến quí tử là Cố Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, bâng khuâng lo cho đại nghiệp Đạo, Đức Bà tâm sự: Chồng chết, con (là Thượng Sanh) vừa mới 9 tuổi, rán nuôi con cho ăn học thành thân, thi đậu, đi làm việc, cũng như Cao Tiếp Đạo, nay bỏ tôi, nó qui hồi Thiên cảnh hết rồi. Còn đứa con gái là Ba Cường, nay đau mai mạnh. Chớ chi Đức Chí Tôn đem tôi về thế cho Thượng Sanh ở lại lo cho nhơn sanh, tôi già rồi, có sống cũng không ích chi cho Đạo." (Trích báo Thông Tin số 68).

  • Nữ Đầu Sư Đường

    Nữ Đầu Sư Đường

    女頭師堂

    A: Lady Cardinal Office.

    P: Office de la Cardinale.

    Đường: tòa nhà.

    Nữ Đầu Sư Đường là toà nhà dùng làm văn phòng làm việc của vị Nữ Đầu Sư, Chưởng quản nữ phái Cửu Trùng Đài.

    Văn phòng của Nữ Chánh Phối Sư và của Cửu Viện nữ phái cũng đặt tại nơi đây.

    Do đó, Nữ Đầu Sư Đường là cơ quan trung ương của nữ phái Cửu Trùng Đài, điều hành toàn bộ hoạt động đạo sự của các Chức sắc, Chức việc và tín đồ nữ phái của Cửu Trùng Đài.

    Nữ Đầu Sư Đường được xây dựng và khánh thành vào ngày 15-8-Tân Mão (1951). Trong buổi Lễ Khánh Thành, có rước Linh vị của bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh để thờ trên lầu.

    Trong buổi lễ nầy, Đức Phạm Hộ Pháp có nói:

    "Cả thảy Hội Thánh tưởng lại coi, tạo dựng một dinh thự Nữ Đầu Sư Đường như vậy, chỉ có 250.000 đồng (hai trăm năm chục ngàn đồng). Có tay thợ nào làm được không?

    Bần đạo dám chắc không dám, bởi vì giọt mồ hôi nước mắt của sắp nhỏ (công thợ xây cất công quả) nó đổ vô trong nầy bằng ba lần như vậy. Đó chỉ là nhờ thiên hạ cho mớ vật liệu hoà với giọt mồ hôi đám sắp nhỏ mà nên hình tượng đó vậy.

    Các em thảy để ý coi Ông Già đó (Đức Chí Tôn) Ổng không chịu thiếu nợ ai hết, công nghiệp của mấy em, Ổng trả nơi thế nầy không đặng thì về cửa Thiêng liêng Hằng sống, Ổng cũng trả cho được Ổng mới nghe. Các em đã ngó thấy những đưa con hiếu hạnh của Ổng giờ phút nầy nó biết định phận của nó thế nào đối với Thánh Thể.

    Mấy đứa trong Quân đội bây giờ là ai? Là đám công thợ buổi trước tạo dựng nghiệp Đạo, rồi nó còn hy sinh xương máu bảo vệ đại nghiệp cho con cái của Ngài nữa, đương đầu với những trở lực oai quyền, hiện giờ nó nuôi lại em nó, chia từ miếng cơm manh áo cho mặc.

    Cả đại nghiệp nầy nhờ đám con chí hiếu của Ngài tạo dựng nên, chớ Bần đạo không làm gì được hết, chỉ có lo đốc thúc vô cho chúng nó làm, chớ thân nầy ôm viên gạch cũng không nổi.

    Bần đạo chỉ mong có một điều là toàn thể con cái của Ngài, nam nữ, mỗi ngày đều tưởng tượng đến công khó nhọc của anh em nó, khó nhọc của đồng bào toàn thể nước nhà nòi giống đã tạo dựng nên nghiệp ấy, lấy cả sự nghiệp nầy làm môi giới, giữ đạo đức làm bùa hằng tâm, thương yêu với nhau, giữ nghĩa với nhau cho đến 700 ngàn năm sau, theo lời của Đức Chí Tôn đã định, dầu Bần đạo còn ở đây hay về cõi Hư Linh an lạc đi nữa cũng nhớ đến đại nghiệp con cái của Ngài, và Bần đạo dám đại ngôn với Ngài rằng: Con cái của Ngài giữ tâm chí hiếu với Ngài và với Phật Mẫu cũng vậy."

  • Nữ kiệt

    Nữ kiệt

    女傑

    A: Heroine.

    P: Héroine.

    Nữ: Phụ nữ, đàn bà, con gái. Kiệt: tài giỏi hơn người.

    Nữ kiệt là người phụ nữ tài giỏi hơn người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thanh sử từng nêu gương nữ kiệt.

  • Nữ nhi

    Nữ nhi

    女兒

    A: Woman and young girl.

    P: Femme et jeune fille.

    Nữ: Phụ nữ, đàn bà, con gái. Nhi: con trẻ, người trẻ tuổi.

    Nữ nhi là chỉ chung đàn bà và con gái.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chớ đừng sụt sè theo lối nữ nhi,....

  • Nữ Oa

    Nữ Oa

    女媧

    Nữ Oa là một vị Thần Nữ rất linh hiển, có công đội đá vá Trời. Tương truyền, bà là em gái của vua Phục Hy.

    Theo truyện Thần thoại Trung hoa, thuở xưa có thần Cộng Công làm phản, bị thần Chúc Dung đánh bại, thần Cộng Công đụng đầu vào vách núi Bất Chu ở hướng Tây. Núi Bất Chu vốn là một trong những cây trụ chống Trời, cây trụ Bất Chu ấy bị Thần Công Công húc làm gãy. Thế là một nửa bầu Trời phía Tây bị nghiêng sụp, có nhiều lỗ thủng, gây ra lắm tai họa cho trần gian. Thần Nữ Oa lo tu bổ lại, bà chọn đá ngũ sắc bỏ vào nồi, dùng lửa đốt nóng tạo thành một thứ keo đặc biệt. Bà đem thứ keo ấy dán, vá lại những lỗ thủng trên bầu Trời. Để chống vững bầu Trời, bà chọn một con rùa lớn, chặt lấy 4 chân rồi làm phép biến thành 4 cây trụ chống đỡ bầu Trời.

    Cuối cùng tai họa lớn của loài người được qua khỏi, đó đều nhờ công lao của Bà Nữ Oa. Dân chúng tôn sùng bà Nữ Oa nên đều lập đền thờ ở khắp nơi. Vào ngày rằm mỗi tháng, bà Nữ Oa thường lên Cung Hỏa Vân để chầu ba vị Thánh Vương thời thượng cổ là: Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế.

    Bà Nữ Oa có cây Phướn Chiếu Yêu để triệu tập các yêu quái đến cho bà sai khiến. Phướn Chiếu Yêu đặt trong Bầu Vàng. Khi có lịnh của bà thì trong Bầu Vàng bay ra một đạo hào quang trắng như dải lụa, dài hơn 5 trượng, biến thành cây Phướn ngũ sắc tỏa hào quang khắp vùng. Các con yêu khi thấy cây Phướn nầy thì phải đến hầu cho bà Nữ Oa dạy việc.

    Bà Nữ Oa có chế ra một loại nhạc khí gọi là Sinh hoàng, thường gọi là ống sinh để thổi, phát ra tiếng nhạc réo rắt vui tai giống như tiếng phụng hót. Loại nhạc khí nầy làm bằng 13 ống trúc ghép lại giống như hình đuôi chim phụng.

  • Nữ Phật - Nữ Tiên

    Nữ Phật - Nữ Tiên

    女佛 - 女仙

    Nữ: Phụ nữ, đàn bà, con gái. Phật: Đức Phật. Tiên: bực Tiên.

    - Nữ Phật là người phụ nữ tu đắc đạo thành Phật.

    - Nữ Tiên là người phụ nữ tu đắc đạo thành Tiên.

    Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, còn được gọi là Phật Bà Quan Âm, Quan Âm Nữ Phật, là do hai sự tích:

    · Quan Âm Thị Kính.

    · Quan Âm Diệu Thiện.

    Đó là vị Nữ Phật rất được người Á Đông sùng kính, mà trong Đạo Cao Đài, Bà là Nhị Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Phật giáo. (Xem sự tích nơi chữ: Quan Thế Âm Bồ Tát, vần Q)

    Trong Bát Tiên ở núi Bồng Lai nơi cõi thiêng liêng, có Hà Tiên Cô là một vị Nữ Tiên, nhờ tu hành mà đắc Tiên vị.

    Trong Đạo Cao Đài, Cửu vị Tiên Nương hầu cận Đức Phật Mẫu, được thăng lên hàng Phật vị, gọi là Cửu vị Nữ Phật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trên Bạch Ngọc Kinh có đủ nam nữ, các con chớ lầm tưởng và phân biệt. Có các Đấng Nữ Tiên, Nữ Phật còn lớn quyền thế hơn nam nhiều.

  • Nữ tu

    Nữ tu

    女修

    A: A nun.

    P: La religieuse.

    Nữ: Phụ nữ, đàn bà, con gái. Tu: theo đạo để tu hành.

    Nữ tu hay Nữ tu sĩ là người phụ nữ nhập vào một tôn giáo để lo việc tu hành.

    Từ ngữ Nữ tu thường được dùng bên Thiên Chúa giáo, Nữ tu ở trong các Nữ Tu Viện. Bên Phật giáo gọi là Ni Cô, Cô Vãi, tu trong các Ni Tự (chùa Ni Cô), có một Ni Sư điều khiển.

  • Nữ trung Nghiêu Thuấn

    Nữ trung Nghiêu Thuấn

    女中堯舜

    Nữ: Phụ nữ, đàn bà, con gái. Trung: ở trong. Nghiêu Thuấn: hai ông vua nổi tiếng là hiền minh Thánh đức vào thời thượng cổ nước Tàu.

    Nữ trung là người đàn bà trong giới phụ nữ.

    Nữ trung Nghiêu Thuấn là người đàn bà có tài đức sánh như vua Nghiêu vua Thuấn.

    Sách Ấu Học Quỳnh Lâm có viết:

    Hiền Hậu xưng Nữ trung Nghiêu Thuấn,
    Liệt nữ xưng Nữ trung Trượng phu.

    Nghĩa là:

    Vợ vua mà hiền đức là Nghiêu Thuấn trong hàng phụ nữ,
    Gái trinh liệt là Trượng phu trong hàng phụ nữ.

    Bộ Tống Thư chép:

    Vua Triết Tông nhà Tống lên ngôi lúc 10 tuổi. Bà Cao Thái Hậu buông rèm nghe việc chánh, tuyệt không ơn riêng, bãi bỏ Tân pháp, trọng dụng ông Tư Mã Quang, giáng chức và khiển trách ông Lữ Huệ Khanh. Trong thiên hạ khen bà là "Nữ trung Nghiêu Thuấn."

  • Nữ Trung Tùng Phận

    Nữ Trung Tùng Phận

    女中從分

    Nữ: Phụ nữ, đàn bà, con gái. Trung: ở trong. Tùng: theo. Phận: bổn phận.

    Nữ trung là ở trong giới phụ nữ. Nữ Trung Tùng Phận có nghĩa là những bổn phận mà người phụ nữ phải tùng theo.

    Nữ Trung Tùng Phận là tên của một tác phẩm thi văn của Đạo Cao Đài do bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ đề bút.  

    1. Giới thiệu tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận

    Nữ Trung Tùng Phận là một tác phẩm độc nhứt vô nhị trong kho tàng văn chương Việt Nam, vì nó không do một con người bằng xương bằng thịt nơi cõi phàm trần sáng tác, mà do một Đấng Nữ Tiên nơi Thượng giới dùng huyền diệu Tiên gia trong Đạo Cao Đài giáng cơ viết ra. Đấng Nữ Tiên đó là Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mà chơn linh là một Nữ Tiên nơi Diêu Trì Cung.

    Đây là một tác phẩm giáo dục, dạy Nữ phái về Nhơn đạo và Thiên đạo. Nhơn đạo gồm Tứ Đức và Tam Tùng, khi Nhơn đạo xong thì người phụ nữ cần tiến lên tu Thiên đạo, cầu sự giải thoát khỏi luân hồi.

    Trong thời Hạ nguơn Mạt kiếp, khoa học tiến bộ vượt bực, làm cho nền văn minh vật chất lấn át cả tinh thần, đưa nhơn loại xu hướng vào đường vật dục hơn là đạo đức tinh thần, làm cho nền tảng đạo lý suy đồi, luân thường điên đảo.

    May mắn cho nhơn loại, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần mở Đạo Cao Đài để cứu vớt nhơn sanh, lập nên năm nấc thang tiến hóa cho nhơn loại, mà khởi đầu là Nhơn đạo, tiến lên kế trên là Thần đạo, rồi Thánh đạo, Tiên đạo và nấc thang thứ năm là Phật đạo.

    Trong phần Nhơn đạo, Đức Chí Tôn chủ trương "Nho Tông Chuyển Thế", nghĩa là lấy tinh hoa của giáo lý Nho giáo làm căn bản để giáo hóa nhơn sanh, chỉnh đốn kỷ cương xã hội, khiến cho đời dần dần trở nên thuần lương đạo đức, đưa xã hội loài người tiến đến hòa bình Đại đồng Huynh đệ.

    Trong chiều hướng đó, nhiều Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, giáng cơ giảng dạy về Nhơn đạo, trong đó có Tiên Nương Đoàn Thị Điểm giáng cơ viết nên tác phẩm NỮ TRUNG TÙNG PHẬN có mục đích giáo hóa Nữ phái, lấy Nhơn đạo làm nền tảng.

    Người phụ nữ cần phải trau giồi Tứ Đức, thực hành Tam Tùng, giúp chồng làm nên sự nghiệp, dạy dỗ con cái thành nhơn chi mỹ, hữu ích cho xã hội. Khi đã xong phần Nhơn đạo thì nương theo bóng Đức Chí Tôn tìm lên những nấc thang tiến hóa cao hơn là Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo, mà vượt qua bể khổ, thoát đọa luân hồi.

    NỮ TRUNG TÙNG PHẬN là một áng văn chương tuyệt tác siêu phàm, được Đoàn Tiên Nương giáng cơ viết ra gồm 1401 câu thơ song thất lục bát, cùng một thể thơ với tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, đó là một lối thơ Việt Nam rất sở trường của Bà.

    Tiên Nương Đoàn Thị Điểm viết NỮ TRUNG TÙNG PHẬN với tất cả kinh nghiệm sống của Bà trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần: Làm con trong gia đình phụng dưỡng cha mẹ già, làm em giúp đỡ lo lắng cho anh chị và các cháu, rồi làm vợ, làm mẹ (mẹ nuôi), cộng với sự thông huệ của một bậc Thiên Tiên nơi cõi thiêng liêng, nên tác phẩm NỮ TRUNG TÙNG PHẬN xuất sắc hơn nhiều so với Chinh Phụ Ngâm về phương diện nhẹ nhàng thanh thoát, đầy lòng bác ái vị tha.

    Bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ viết NỮ TRUNG TÙNG PHẬN, khởi đầu vào đêm 26-2-Quí Dậu (dl 21-3-1933) tại Giáo Tông Đường Tòa Thánh Tây Ninh, sau đó Bà yêu cầu hai vị Phò loan là Đức Phạm Hộ Pháp và Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh tiếp tục phò loan mỗi đêm để Bà viết cho xong tác phẩm.

    Xin chép ra sau đây bài giáng cơ đầu tiên:

    Giáo Tông Đường, đêm 26-2-Quí Dậu (dl 21-3-1933)
    Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Thế
    Hầu đàn: Đức Q. Giáo Tông, Giáo Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Hữu Thượng Trí Thanh.
    Hầu bút: Sĩ Tải Võ thành Quốc.

    ĐOÀN THỊ ĐIỂM
    Tiền trào Nữ sĩ

    Đức Quyền Giáo Tông hỏi: - Có phải Bà viết ra quyển Chinh Phụ Ngâm chăng?

    - Phải. Tùng Thất Nương.

    Đức Quyền Giáo Tông hỏi tiếp: - Sao trong quyển Quốc Văn Trích Diễn ghi Bà họ Nguyễn?

    - Chánh tông Đoàn, cải tông Nguyễn.

    Đức Quyền Giáo Tông nói: - Anh em tôi rất mừng Bà và sẵn đây xin Bà cho thi đặng dạy Nữ phái.

    - Xin nghe:

    NỮ TRUNG TÙNG PHẬN
    Dụng văn hóa trau tria nữ phách,
    Lấy kinh luân thúc thách quần hồng.
    Gươm thư giúp sức gươm hùng,
    Điểm tô nghiệp cả con Rồng cháu Tiên.
    Bởi rẻ rúng thuyền quyên thiếu học,
    Dầu chí thân tơ tóc cũng khi.
    Tinh thần cao thấp nhờ thi,
    Dục tài nữ sĩ sánh bì cùng nam.
    Chinh phụ trước treo nên giá quí,
    Áng văn làm nhuệ khí cầu vinh.
    Thêm duyên chước quí giao tình,
    Mỹ ngôn nương ý gia đình an vui.
    Nấu kinh sử ra mùi son phấn,
    Cầm bút nghiên đặng thắm má đào.
    Quần xoa đỡ ngọn binh đao,
    Xây hình thục nữ giặm màu nước non.

    Xin phò loan kỳ sau tiếp, THĂNG.

    Qua nhiều lần phò loan cho Bà viết tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận, khi thì phò loan ở Giáo Tông Đường, khi thì ở Hộ Pháp Đường, Bà viết được khoảng 1000 câu thơ thì cơ không viết được nữa.

    Đức Hộ Pháp biết rằng Bà đã viết xong phần Đời (Thế), bắt đầu viết sang phần Đạo, cần phải có một vị Thời Quân chi Đạo phò loan thì Bà mới viết tiếp được.

    Do đó, Đức Hộ Pháp hỏi Bà để đánh điện tín qua Nam Vang gọi Ngài Cao Tiếp Đạo về Tòa Thánh phò loan cho Bà viết tiếp, thì Bà trả lời là khỏi, ngày mai Tiếp Đạo sẽ về tới Tòa Thánh.

    Quả thật, chiều hôm sau, Ngài Cao Tiếp Đạo về tới Tòa Thánh và ngay tối hôm đó, Ngài Tiếp Đạo phò loan với Đức Hộ Pháp, Bà viết tiếp Nữ Trung Tùng Phận cho đến hết, gồm tất cả 1401 câu thơ, hoàn thành tác phẩm vô cùng giá trị nầy.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo ngày 26-10-Tân Mão (dl 24-11-1951) có nói về Bà Đoàn Thị Điểm như sau:

    "Khi Bà Đoàn Thị Điểm qui vị, bị ngồi nơi Thanh Tịnh Đại Hải Chúng, nhờ Cô Thất Nương xuống độ Bà về Lôi Âm Tự, rồi nhờ Bà viết ra một cuốn Nữ Trung Tùng Phận, Bà mới siêu thoát được."

    Như vậy, dù nguyên căn là một Nữ Tiên nơi Diêu Trì Cung, Bà Đoàn Thị Điểm vì thiếu công quả cứu độ chúng sanh, nên khi qui liễu, Bà không được trở về ngôi vị cũ nơi cõi thiêng liêng.

    Bà phải chờ đợi 178 năm sau, đến khi Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1926), mở ra thời kỳ Đại Ân Xá, rồi Bà phải chờ đợi thêm 7 năm nữa, tức đến năm 1933, Bà mới có dịp lập công quả bằng cách giáng cơ viết ra tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận để giáo hóa và cứu độ các tín đồ Nữ phái, nhờ đó, Bà mới được trở về ngôi vị cũ là một Nữ Tiên nơi Diêu Trì Cung. (Xem tiểu sử Bà Đoàn nơi chữ: Đoàn Thị Điểm, vần Đ).

    Trong tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận, Bà Đoàn Thị Điểm xác nhận trong kiếp sanh của Bà, đã viết tác phẩm Chinh Phụ Ngâm qua 4 câu thơ trong phần mở đầu từ câu 9 đến 12:

    9. Chinh phụ trước treo nên giá quí,
    10. Áng văn làm nhuệ khí cầu vinh.
    11. Thêm duyên chước quí giao tình,
    12. Mỹ ngôn nương ý gia đình an vui.

    Chúng ta còn nhận thấy rằng, trong Nữ Trung Tùng Phận có một vài câu thơ với những từ ngữ có ý nghĩa rất giống với các câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm:

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Câu 224: Phụ thân thế phận cho chàng dạy khuyên.
    Câu 228: Thế chàng thiếp lãnh vai người hiếu nam.

    Chinh Phụ Ngâm:
    Câu 159: Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam.
    Câu 160: Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.

    Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm chỉ có 412 câu thơ song thất lục bát, so với Nữ Trung Tùng Phận 1401 câu thơ, cũng bằng thể thơ song thất lục bát, thì Nữ Trung Tùng Phận vĩ đại hơn nhiều.

    2. Mục đích Giáo dục của Nữ Trung Tùng Phận

    Nội dung của tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận là lời tự thuật của một phụ nữ có sắc đẹp, có tài năng và đức hạnh, kể từ lúc tuổi thanh xuân, rồi có chồng theo về nhà chồng, phục vụ cho chồng và gia đình nhà chồng, sanh con đẻ cái, nuôi dạy con cho khôn lớn, đến lúc tuổi già răng long đầu bạc, qui y lo việc tu hành và thoát xác về Tiên.

    165. Cầm bút ngọc đề thi tự thuật,
    166. Một kiếp sanh của bậc văn tài.
    167. Nêu gương tuyết giá hậu lai,
    168. Gỡ trong muôn một những bài sanh ly.

    Tiên Nương Đoàn Thị Điểm mượn lời tự thuật nầy để giáo dục Nữ phái lúc tuổi trẻ phải lo cho tròn Nhơn đạo, giữ vững Tứ Đức, Tam Tùng, giúp chồng và gia đình nhà chồng, nuôi dạy con cái lớn khôn nên người.

    Đến lúc trung niên thì xong phần Nhơn đạo, người phụ nữ cần tiến lên tu phần Thiên đạo thì mới mong giải thoát khỏi kiếp luân hồi. (Thiên đạo là đạo tu giải thoát để lên cõi Trời, đó là Tiên đạo và Phật đạo).

    Tác phẩm nầy được Bà giáng cơ bắt đầu viết vào ngày 26-2-Quí Dậu (1933), nên nội dung tác phẩm cũng căn cứ vào hiện tình xã hội của nước Việt Nam ta thời đó. Đó là thời mà Nam Kỳ (miền Nam Việt Nam) là thuộc địa của nước Pháp, Trung Kỳ thì vẫn do vua quan nhà Nguyễn cai trị, nhưng đặt dưới sự bảo hộ của Pháp, xã hội vẫn còn phong kiến như thuở Bà Đoàn Thị Điểm sanh tiền, Nữ chưa được bình quyền cùng Nam.

    Mở đầu tác phẩm, Tiên Nương Đoàn Thị Điểm thúc giục Nữ phái phải lo học tập văn hóa trong lúc tuổi còn niên thiếu, vì Bà cho rằng phụ nữ chưa được bình quyền cùng nam là vì dốt nát, nên bị khinh rẻ.

    1. Dụng văn hóa trau tria nữ phách,
    2. Lấy kinh luân thúc thách quần hồng.
    .... . . .
    13. Nấu kinh sử ra mùi son phấn,
    14. Cầm bút nghiên đặng thắm má đào.

    Tiên Nương còn thúc đẩy Nữ phái học cả võ nghệ nữa để giúp Nam phái bảo vệ non sông tổ quốc:

    3. Gươm thư giúp sức gươm hùng,
    4. Điểm tô nghiệp cả con Rồng cháu Tiên.
    .. .... .. .
    15. Quần xoa đỡ ngọn binh đao,
    16. Xây hình thục nữ giặm màu nước non.

    Người phụ nữ thời đó vẫn còn bị phái nam khinh rẻ vì dốt nát thiếu học, nên hoàn toàn lệ thuộc vào người chồng:

    5. Bởi rẻ rúng thuyền quyên thiếu học,
    6. Dầu chí thân tơ tóc cũng khi.
    .. .... .. .
    19. Vật chơi ở chốn khuê phòng,
    20. Đã cam phận vợ để chồng cầm duyên.

    Nếu thời niên thiếu không lo học tập thì đến tuổi trưởng thành, có chồng con rồi thì đâu còn thì giờ và tâm trí thảnh thơi để học tập.

    33. Mảng lo lắng chữ nhàn nào rõ,
    34. Huống để công đến ngõ Khổng Trình.
    35. Rừng Nho biển Thánh thinh thinh,
    36. Nữ lưu nào thấu muôn nghìn thi thơ.

    Trong gia đình, người mẹ gần gũi thân cận với con nhiều hơn cha, nên việc giáo dục của mẹ đối với con lúc con còn thơ bé rất là quan trọng. Trong phần tiếp theo là lời Mẹ dạy con trai và con gái.

    * MẸ DẠY CON TRAI: (từ câu 357 đến 592: 236 câu)

    Dạy con trai phải lo thờ cúng Tổ tông:

    357. Định hương hỏa hằng bày quí tế,
    358. Lập pháp gia tự kế phụng thờ.
    359. Con chàng thiếp trả khi thơ,
    360. Dòng chàng thiếp dạy phụng thờ tổ tông.

    Lựa chọn nghề nghiệp cho con học tập để lớn lên có nghề nghiệp thích hợp bảo đảm cuộc sống gia đình:

    361. Lựa cho học các công các nghệ,
    362. Tính cho hay mọi vẻ văn tài.
    363. Sĩ, Nông, Công, Cổ sanh nhai,
    364. Ngư, Tiều, Canh, Mục làm bài bảo thân.

    Dạy con đạo Nhơn luân, gồm Ngũ luân: Cách cư xử đối với quốc gia, đối với cha mẹ, đối với vợ, đối với anh em và đối với bạn bè.

    Đối với quốc gia dân tộc, phải có lòng yêu nước và lòng trung thành (TRUNG):

    381. Nếu đề đặng tinh trung hai chữ,
    382. Vạch lưng con viết thử để dành.
    383. Rủi cơn loạn quốc khuynh thành,
    384. Tấm gan liệt sĩ cũng đành độ dân.
    .. .... .. .
    397. Nào quốc thể người khi kẻ thị,
    398. Nào dân đen phép quỉ hớp hồn.
    399. Nấu sôi cái máu anh phong,
    400. An bang tế thế một lòng lo âu.

    Dạy con phải có hiếu với cha mẹ (HIẾU):

    485. Con ví biết trọng nghì phụ tử,
    486. Hiển tông môn khá giữ nơi lòng.
    487. Đừng làm nhục tổ hổ tông,
    488. Lập thân trả hiếu nối dòng truyền hương.

    Dạy con phải biết tôn kính thầy (KÍNH):

    449. Tôn kỉnh thầy cũng bì cha trẻ,
    450. Mới đắc truyền mọi lẽ cao sâu.
    451. Học hay kế nhiệm mưu mầu,
    452. Học nên tài đặng giải sầu quốc gia.
    .. .... .. .
    473. Con nhờ thầy công danh mới toại,
    474. Như nhờ cha mới giỏi hình dung.
    475. Hai ơn ấy gẫm so đồng,
    476. Nghĩa kia như hiếu, mặn nồng cả hai.

    Dạy con phải thương yêu dạy dỗ em út trong nhà:

    493. Còn em út trong nhà thơ bé,
    494. Trai dạy khuyên, gái để khép khuôn.
    495. Con đừng quen tánh luông tuồng,
    496. Các em hư nết gieo buồn song thân.

    Dạy con phải biết chọn bạn mà chơi:

    501. Ngoài gia tộc nước non vầy bạn,
    502. Lựa tài danh giao cạn tâm tình.
    503. Đời như trận giặc đua tranh,
    504. Dầu tài một ngựa một mình khó nên.
    .. .... .. .
    517. Trong võ trụ hiệp hào là mạnh,
    518. Phận đồ thơ phải gánh non sông.
    519. Anh em bạn tác vầy đông,
    520. Xô thành cũng ngã, lấp sông cũng bằng.

    Dạy con trai khi lớn lên có vợ thì phải biết thương yêu giúp đỡ vợ nhà, ăn ở cho có tình nghĩa thủy chung:

    525. Tình phu phụ biết bao nghĩa trọng,
    526. Đạo nhơn luân gầy sống của đời.
    527. Dầu cho non nước đổi dời,
    528. Còn niềm chồng vợ, còn người còn ta.
    529. Bạn trăm tuổi thân hòa làm một,
    530. Dầu sang hèn xấu tốt cũng duyên.
    531. Cùng nhau giữ vẹn hương nguyền,
    532. Cái duyên kinh bố là duyên Châu Trần.

    Dạy con phải lo xây dựng nền văn hóa cho dân tộc mình và phát triển nền kinh tế cho văn minh tiến bộ:

    393. Giang sơn bốn nghìn năm tổ nghiệp,
    394. Văn hóa so cũng kịp tha bang.
    395. Xa thơ nay gãy giữa đàng,
    396. Con tua giữ dạ cứu nàn giúp nguy.
    .. .... .. .
    461. Học cho thấu máy linh cơ tạo,
    462. Học cho toàn trí xảo văn minh.
    463. Thâu tài hay nhập nước mình,
    464. Làm cho dân hưởng thái bình giàu sang.

    Dạy con trai không đam mê sắc dục, ăn chơi trác táng:

    581. Có chi trọng đàn ong xóm bướm,
    582. Nơi phồn ba đậm nhuộm màu gian.
    583. Đừng quen kết lũ vầy đoàn,
    584. Cửa thanh lâu những nhộn nhàng gió trăng.

    * MẸ DẠY CON GÁI: (từ câu 593 đến 712: 120 câu).

    Con gái phải lo trau giồi Tứ Đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh, và giữ lấy Tam Tùng: Tùng phụ, Tùng phu, Tùng tử.

    Mẹ dạy con gái về DUNG:

    621. Phàm phận gái đứng hàng khuê các,
    622. Phải trau tria tướng hạc hình mai.
    623. Chín tầng cửa đóng then gài,
    624.Ra ngoài nghiêm nghị, trong bày đoan trang.

    Mẹ dạy con gái về NGÔN:

    625. Đối với khách đồng bàn đồng tuổi,
    626. Nhớ cho hay lời nói giọng cười.
    627. Ngôn từ ngọt dịu thanh tươi,
    628. Tiếng tiêu khải phụng, phục người mới ngoan.

    Mẹ dạy con gái về CÔNG:

    629. Gặp cơn rảnh nhà lan vắng khách,
    630. Công chỉ kim, đèn sách học hay.
    631. Trăm nghề dầu chẳng đủ tài,
    632. Dệt văn Tô Huệ gỡ đày chinh phu.

    Dạy con gái về HẠNH:

    633. Sửa từ nết ngày thâu tập tánh,
    634. Trăm hạnh hay bởi tránh điều thô.
    635. Xấu xa rách rưới lõa lồ,
    636. Đoan nghiêm tánh đức cũng cho gái lành.

    Dạy con gái lúc chưa chồng thì ở nhà phải tùng Cha (TÙNG PHỤ) và phải hiếu thảo với cha mẹ:

    637. Còn đương thuở tuổi xanh thơ bé,
    638. Ráng theo cha học lễ học văn.
    639. Phép xưa tùng phụ đã rằng,
    640. Dựa thân cội tử đợi hàng trượng phu.
    641. Thánh xưa dạy từ câu nói hiếu,
    642. Đạo thờ thân chầm khíu nên kinh.
    643. Tích xưa nhắc đến Đề Oanh,
    644. Thương cha nên phải bán mình kêu oan.

    Dạy con gái phải lựa chọn tấm chồng cho xứng đáng với tài sắc của mình:

    653. Đợi nơi cửa khách tìm thức ngọc,
    654. Đừng đổ đường rời bốc đóa hoa.
    655. Trông người so sánh với ta,
    656. Lường tài cân sắc hiệp hòa mới nên.

    Dạy con gái khi có chồng thì phải tùng chồng (TÙNG PHU) và giữ lòng chung thủy với chồng:

    673. Đến lúc đã chung phòng hòa hiệp,
    674. Phải tùng phu là phép xưa nay.
    675. Mạnh Quang tích trước ghi tài,
    676. Tề mi vẹn đạo chẳng nài khổ thân.
    .. .. ...... .... ... .
    701. Hễ thất nghĩa rẻ khinh kim cải,
    702. Khó tưới hoa trở lại thanh tươi.
    703. Hư nên cũng có một đời,
    704. Hay chi thay đổi nhành mai sái mùa.

    Hai đoạn: Mẹ dạy con trai và Mẹ dạy con gái rất quan trọng, tính theo số câu thì chiếm ¼ tác phẩm.

    Người Mẹ cần lợi dụng sự thương yêu gần gũi các con để nhỏ to dạy dỗ và khuyên nhủ con. Bởi vì nuôi một đứa con thì dễ, chớ việc dạy một đứa con nên người đạo đức hữu ích cho nhơn quần xã hội là một việc muôn vàn khó khăn, đòi hỏi người cha, nhất là người mẹ phải tế nhị, sâu sắc và nhẫn nại.

    Người phụ nữ, nếu gặp phải số phận bạc bẽo, gãy gánh giữa đường thì điều cao quí nhất vẫn là giữ lòng chung thủy với chồng, ở vậy nuôi con và dạy dỗ con, hy sinh bản thân mình để tạo sự nghiệp cho con, hơn là tái giá, bước thêm bước nữa (TÙNG TỬ):

    777. Thôi đành gởi tâm hồn gió tuyết,
    778. Theo nương con cho hết Tam Tùng.
    779. Hoặc là tròn nghĩa thủy chung,
    780. Hoặc là chia dạ não nùng với con.

    Khi con đã khôn lớn nên người, người phụ nữ cần nên hướng về đường đạo đức tu hành:

    969. Tiếng U Minh tía lia gợi thảm,
    970. Giọng kình khua cửa Phạm dập dồn.
    971. Câu kinh tiếng kệ gọi hồn,
    972. Kêu thương khách tục, giải lòng người nhân.
    .. .. ...... .... ... .
    997. Rón rén trước Phật ngồi cúi gật,
    998. Mấy lạy trình mấy nấc tương tư.
    999. Mảnh tâm xin gởi bấy chừ,
    1000. Nương theo thuyền huệ vào bờ Tương giang.

    Nhìn lại cuộc đời đã qua, thấy rõ như là một giấc mộng, có chồng có con, mưu cầu danh lợi chỉ là chuốc thảm đeo sầu.

    1109. Ngắm thế cuộc chẳng bằng một giấc,
    1110. Kiếp phù sinh đặng thất là bao.
    1111. Nhẫng là đeo thảm chác sầu,
    1112. Tóc xanh cho tới bạc đầu cũng in.

    Người phụ nữ lúc bấy giờ nên xuất gia tu hành, tầm đường Thiên đạo thì mới mong giải khổ và thoát khổ.

    1153. Thay đạo phục bước xăng lánh thế,
    1154. Mơi thì kinh, tối kệ giải lòng.
    1155. Từ bi hứng giọt nhành dương,
    1156. Lau thanh trái chủ, lấp đường nghiệt căn.
    .. .. ...... .... ... .
    1233. Vẹn Nhơn đạo đi lần nẻo chánh,
    1234. Đến vô ưu đặng lánh nhơn luân.
    1235. Thuyền con mệch mệch như rừng,
    1236. Đon đường Thánh đức hỏi chừng Như Lai.

    Tu thì nên luyện đạo và sẽ được đắc đạo tại thế:

    1249. Bế ngũ quan, không kiêng tục tánh,
    1250. Diệt lục trần xa lánh phàm tâm.
    1251. Mệnh Thiên giữ vững tay cầm,
    1252. Đoạt phương tự diệt, giải phần hữu sinh.
    .. .. ...... .... ... .
    1257. Ngũ khí thanh diệt trừ quả kiếp,
    1258. Linh quang đầy đặng tiếp hồng ân.
    1259. Xác tại thế đã nên Thần,
    1260. Ba mươi sáu cõi đặng gần linh Thiên.

    Ráng cầm viết ghi lại những kinh nghiệm sống của đời mình để lưu lại khuyên dạy Nữ phái:

    1381. Gắng cầm viết nín hơi sống rốt,
    1382. Đề năm vần khắc cốt nữ lưu.
    1383. Dứt tình ái, giải sầu ưu,
    1384. Hễ thương thì cũng lo mưu giữ mình.

    Nhiệm vụ đã xong, linh hồn thoát xác về Tiên, hưởng hồng ân của Đức Chí Tôn:

    1397. Buông ngọn viết vào làn mây trắng,
    1398. Hễ có thương nhớ dạng là hơn.
    1399. Cảnh Thiên gởi tấc hương hồn,
    1400. Đề câu tiết nghĩa vĩnh tồn hậu lai.
    1401. Đời đời danh chói CAO ĐÀI.

    Tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận của Tiên Nương Đoàn Thị Điểm giáng cơ viết ra vào năm 1933, lúc đất nước Việt Nam ta còn phong kiến và Pháp thuộc, nên thích hợp với hoàn cảnh xã hội thời đó, nhưng so với hoàn cảnh của người phụ nữ thời nay có nhiều đổi mới thì tác phẩm có một vài chi tiết không còn thích hợp nữa.

    Tuy nhiên, đứng trên bình diện tổng quát, đặt nặng phần nội dung căn bản mà xem nhẹ chi tiết, thì tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận nầy rất có giá trị về hai phương diện: Văn chương và Giáo dục.

    - Lời thơ bóng bẩy, đầy âm điệu, ý tứ thanh cao, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam.

    - Nội dung giáo dục chủ yếu dành cho Nữ phái, nhưng không phải không có dạy Nam phái, góp phần củng cố nền tảng đạo đức gia đình, đúng theo chủ trương Nho tông Chuyển thế của Đạo Cao Đài, để từ đó xây dựng nền phong hóa Việt Nam càng lúc càng tốt đẹp, làm gương mẫu cho toàn nhơn loại, đúng theo Thánh ngôn của Đức Chí Tôn:

    "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong."

  • Nước Âm Dương

    Nước Âm Dương

    A: The Holy water.

    P: L"Eau bénite.

    Nước Âm Dương, chữ Hán gọi là Âm Dương thủy, là nước trộn chung của hai chung nước: nước trà và nước trắng, cúng trên Thiên Bàn.

    Chung nước trà đặt phía dĩa trái cây, tượng trưng Âm.

    Chung nước trắng đặt phía bình bông, tượng trưng Dương

    Đặt hai chung nước sát vào nhau, rồi nghiêng hai chung nước cho hai mặt nước hai bên tiếp giáp nhau, gọi là Âm Dương ký tế, rồi cùng đổ xuống một ly nước khác, cho hai thứ nước trà và trắng hoà vào nhau, gọi là nước Âm Dương.

    Nếu có một Chức sắc hành pháp, luyện nước Âm Dương nầy thì nó trở thành một thứ nước Thánh có tính cách huyền diệu, gọi là nước Cam Lồ hay Cam Lồ thủy, dùng trong Phép xác hay cho bệnh nhân uống để trị bịnh. (Xem: Cam Lồ thủy).

  • Nước dời cạn bực

    Nước dời cạn bực

    A: The ebb-tide.

    P: La marée descendante.

    Nước dời cạn bực là nước thủy triều xuống thấp, làm cạn lòng sông, thuyền bị mắc cạn không đi được.

    Ý nói: tình trạng trễ đò vì đò phải rời bến trước khi nước ròng sát xuống, hay tình trạng phải chờ đò, đến khi nước thủy triều lên thì đò mới đi được.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu chẳng sớm xét mình, để buổi ác xế trăng tà, nước dời cạn bực, thuyền Bát Nhã đã lướt qua, nhành dương liễu hết rơi giọt từ bi thì ăn năn rất muộn.

  • Nước nhành dương - Nước dương

    Nước nhành dương - Nước dương

    A: The Holy water.

    P: L"Eau bénite.

    Nước nhành dương hay nói tắt là nước dương, là thứ nước rải ra từ cành cây dương liễu. Đó là nước Cam Lồ.

    Trong Phép xác, vị Chức sắc hành pháp luyện Cam Lồ thủy xong, thì dùng cành dương liễu, nhúng vào nước Cam lồ, rải xung quanh quan tài, để làm phép tẩy rửa chơn thần người chết cho được trong sạch.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    • Lấy nước nhành dương tưới lửa phiền.

    Nước dương tưới sạch trần ai cũ.
  • Nước Lỗ biến hình lân

    Nước Lỗ biến hình lân

    Nước Lỗ: một nước nhỏ vào thời Xuân Thu bên Tàu, nay là tỉnh Sơn Đông. Lân: con lân, hay gọi chung là Kỳ lân, một con vật trong Tứ Linh. Tương truyền, khi Kỳ lân xuất hiện là báo cho biết có Thánh nhân ra đời cứu nhân độ thế.

    Nước Lỗ biến hình lân là ý nói nơi nước Lỗ có Kỳ lân xuất hiện, báo hiệu cho biết có bực Thánh nhân là Đức Khổng Tử ra đời, làm hưng thịnh đạo đức để cứu dân độ thế.

    (Xem điển tích nơi chữ: Khổng Tử, vần Kh)

  • Nước nguồn cây cội

    Nước nguồn cây cội

    Nước nguồn cây cội là dịch nghĩa thành ngữ chữ Hán: Mộc bổn thủy nguyên: Cây có cội, nước có nguồn.

    Ý nói: Làm người phải biết nhớ tưởng đến nguồn gốc của mình, tức là nhớ đến cha mẹ và Ông Bà Tổ Tiên.

    Kinh Sám Hối:
    Lòng thành thương tưởng ông bà,
    Nước nguồn cây cội mới là tu mi.
  • Nước Phật (Phật quốc)

    Nước Phật (Phật quốc)

    佛國

    A: The kingdom of Buddha.

    P: Le royaume de Bouddha.

    Nước Phật, chữ Hán là Phật quốc, chỉ cõi của chư Phật. Đó là cõi Cực Lạc Thế Giới và cõi Niết Bàn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nước Phật sửa an cảnh Niết Bàn.

    Nước Phật còn có nghĩa là cõi mà một vị Phật có trách nhiệm hóa độ chúng sanh trong cõi đó.

    Thí dụ: Nước Thiên Trước là Phật quốc của Đức Phật Thích Ca, vì Đức Phật Thích Ca giáng sanh nơi đó, và có trách nhiệm hóa độ chúng sanh trong nước đó.

    Cực Lạc Thế Giới là Phật quốc của Đức Phật A-Di-Đà.

  • Nương Nương

    Nương Nương

    娘娘

    Nương Nương là tiếng để gọi người phụ nữ tôn quí.

    Nơi cõi trần, người ta gọi bà Hoàng Hậu của một nước là Nương Nương.

    Nơi cõi thiêng liêng, các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật gọi Đức Phật Mẫu là Nương Nương.

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu: Đê đầu khấu bái Nương Nương.