Cao Đài Tự Điển - Vần TR
ID020616 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần TR 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • TRA

    TRA

    TRA: 查 Xét hỏi, tìm biết rõ.

    Thí dụ: Tra cứu, Tra vấn.

  • Tra cứu

    Tra cứu

    查究

    A: To search through.

    P: Faire des recherches.

    Tra: Xét hỏi, tìm biết rõ. Cứu: nghiên cứu, xét hỏi.

    Tra cứu là tra xét nghiên cứu để biết thật rõ.

  • Tra vấn

    Tra vấn

    查問

    A: To interrogate.

    P: Interroger.

    Tra: Xét hỏi, tìm biết rõ. Vấn: hỏi.

    Tra vấn là xét hỏi để tìm biết cho cặn kẽ.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hiến Pháp khi tiếp đặng luật lệ đơn trạng thì phải mở đường tra vấn cho minh lẽ nên hư....

  • Trà dư tửu hậu

    Trà dư tửu hậu

    茶餘酒後

    A: After the tea and wine.

    P: À la fin du thé et de l"alcool.

    Trà: nước trà. Dư: thong thả. Tửu: rượu. Hậu: sau.

    Trà dư tửu hậu là nhàn rỗi ngồi uống trà sau tiệc rượu.

    Ý nói: Nhàn rỗi ngồi nói chuyện phiếm với nhau.

  • TRÁ

    TRÁ

    TRÁ: 詐 Dối gạt, giả dối.

    Thí dụ: Trá bệnh, Trá hình.

  • Trá bệnh - Trá cuồng

    Trá bệnh - Trá cuồng

    詐病 - 詐狂

    A: To feign illness - To feign madness.

    P: Simuler une maladie - Simuler un fou.

    Trá: Dối gạt, giả dối. Bệnh: ốm đau. Cuồng: điên khùng.

    Trá bệnh là giả bịnh, giả vờ đau ốm.

    Trá cuồng là giả điên, giả vờ điên khùng.

  • Trá hình

    Trá hình

    詐形

    A: To disguise oneself.

    P: Se travestir.

    Trá: Dối gạt, giả dối. Hình: hình dáng bề ngoài.

    Trá hình là giả dạng, giả mang hình thức khác để che giấu.

  • Trả quả

    Trả quả

    A: To pay back a debt of the anterior life.

    P: Payer une dette de la vie antérieure.

    Trả: đền đáp cái mà mình đã vay mượn trước đây. Quả: cái kết quả của cái nhân đã gây ra từ lúc trước.

    Trả quả là cam nhận chịu cái kết quả đau khổ mất mát để đền trả cái nhân xấu mà mình đã gây ra lúc trước hay trong kiếp trước.

    Sự trả quả nầy nằm trong Luật Nhân quả, là Luật Công bình thiêng liêng, gieo nhân nào thì gặt quả nấy.

    Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy về Trả quả như sau:

    LÝ GIÁO TÔNG

    Trái oan chưa dứt thuở nào thôi,
    Muốn đặng phi thăng, ráng trả rồi.
    Cượng lý tu hành cho thoát tục,
    Tiền vay nợ hỏi, sổ ai bôi?

    Đây Lão nhắc về lời của Đức Chí Tôn dạy về cách Trả quả như vầy:

    "Các con ôi! Phải ráng vui lòng mà chịu điều cực khổ. Hễ Thầy thương các con chừng nào thì hành hạ các con chừng nấy. Bởi vậy khi các con hiến thân hành đạo với Thầy, đã lịnh cho Thần Thánh bắt các con trả quả cho đủ kiếp đặng trừ cho kịp kỳ nầy. Bởi các con phải chịu luật luân hồi, vì cớ mà phải chịu điều khổ sở như vậy, các con chớ than phiền, chính theo lời thề của các con thì Thầy hành các con cho đúng lẽ, vậy mới xứng đáng là môn đệ của Thầy. Có nhiều đứa vì không rõ luật Thiên điều, cứ than van mãi."

    Vậy, chư hiền hữu hiền muội nghe Ơn Trên dạy đành rành, nợ thì phải trả, chớ không chạy đâu được. Dầu cho một vị Đại La mà phạm luật Thiên điều thì cũng phải tái kiếp mà đền bù cuộc trả vay.

    * Thế nào gọi là Trả quả?

    - Là nhận chịu cái nợ tiền khiên đã kết nạp nhiều kiếp, chí quyết trả cho xong mà không vay thêm nữa.

    * Có hai cách Trả quả:

    - Một là quả báo về tinh thần, ở phạm vi tư tưởng, buồn bã, âu sầu.
    - Hai là quả báo về xác thịt: tật bịnh, đói rét, khốn nàn.

    * Quả lại chia ra ba ảnh hưởng:

    - Một là quả báo các nhân do mình tạo ra.
    - Hai là quả báo của chủng tộc do nòi giống tạo ra.
    - Ba là quả báo do quần chúng của mỗi người trong xã hội gây ra.

    Vậy muốn dứt các dĩ vãng là kết quả của hiện tại âu sầu thống khổ thì phải lấy cái hiện tại mà tạo cái tương lai cho được rực rỡ vẻ vang, rồi lấy cái tương lai đó mà tạo một cơ sở vững vàng muôn kiếp, tức là đi tới chỗ trường sanh bất tử đó vậy. THĂNG.

  • Trả vay

    Trả vay

    A: To pay and to borrow.

    P: Payer et emprunter.

    Trả: trả nợ. Vay: vay nợ. Vay là nhân, trả là quả.

    Trả vay là trả nợ cũ xong rồi lại vay nợ mới, hết trả tới vay, hết vay tới trả, nên cứ lẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi nơi cõi trần.

    Trả vay là trả cho dứt những món nợ cũ mà mình đã vay, và nhứt định không vay nợ mới. Được như vậy thì hết nợ, thoát khỏi luân hồi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trả vay cho sạch vết oan khiên.

  • Trác táng

    Trác táng

    斲喪

    A: To become debauched.

    P: S"adonner à la débauche.

    Trác: đốn ngã. Táng: mất hết.

    Trác táng là ham mê sắc dục và chơi bời quá đáng.

  • Trác tuyệt

    Trác tuyệt

    卓絕

    A: Eminent.

    P: Éminent.

    Trác: cao xa. Tuyệt: tột đỉnh.

    Trác tuyệt là vượt lên khỏi mức bình thường, tức là phi thường, siêu việt, đồng nghĩa: Trác việt.

  • TRÁCH

    TRÁCH

    TRÁCH: 責 - Quở, bắt lỗi, - phần việc của mình.

    Thí dụ: Trách cứ, Trách nhậm, Trách thiện.

  • Trách cứ

    Trách cứ

    責據

    A: To render responsible.

    P: Rendre responsable.

    Trách: Quở, bắt lỗi. Cứ: dựa vào.

    Trách cứ là nhắm vào một người nào mà bắt lỗi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật còn phàn nàn trách cứ Thầy thay!

  • Trách nhậm (Trách nhiệm)

    Trách nhậm (Trách nhiệm)

    責任

    A: The responsibility.

    P: La responsabilité.

    Trách: phần việc của mình. Nhậm: Nhiệm: gánh vác.

    Trách nhậm hay Trách nhiệm là phần việc được giao cho nhận lãnh gánh vác.

    Tinh thần trách nhiệm: ý thức về nhiệm vụ của mình, phải cố gắng hoàn thành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy sẽ giao trách nhậm trọng hệ cho con truyền đạo ở Trung Kỳ.

  • Trách phạt

    Trách phạt

    責罰

    A: To reprimand and punish.

    P: Réprimander et punir.

    Trách: Quở, bắt lỗi. Phạt: bị phạt vì phạm lỗi.

    Trách phạt là bắt lỗi và trừng phạt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đã chẳng trách phạt Kim Quang Sứ, lẽ nào lại trách phạt các con.

  • Trách phận

    Trách phận

    責分

    A: The responsibility and duty.

    P: La responsabilité et le devoir.

    Trách: phần việc của mình. Phận: bổn phận.

    Trách phận là trách nhiệm và bổn phận.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hễ trách phận đàn anh, tuy nhiên lấy oai quyền khuyến nhủ trừng trị lấy em mặc dầu chớ cũng nên hiểu tâm mỗi đứa.

  • Trách thiện

    Trách thiện

    責善

    A: To criticize in a constructive way.

    P: Faire des critiques constructives.

    Trách: Quở, bắt lỗi. Thiện: lành, tốt.

    Trách thiện là bắt lỗi với ý tốt, với ý xây dựng.

    Mạnh Tử có nói rằng:

    Cổ giả dịch tử nhi giáo chi,
    Phụ tử chi gian bất trách thiện,
    Trách thiện tắc ly, ly tắc bất tường, mạc đại yên.

    Nghĩa là:

    Người xưa đổi con mà dạy đó,
    Trong tình cha con không lẽ không trách thiện,
    Trách thiện thì xa lìa nhau,
    Xa lìa nhau là sự không lành, không gì lớn hơn vậy.

    Cha dạy con làm điều phải, nó không làm thì quở trách (trách thiện), mà vì thương con nên răn dạy không được thẳng tay, do đó, người xưa hay đổi con cho nhau mà dạy dỗ.

  • Trách vụ

    Trách vụ

    責務

    A: The charge.

    P: La charge.

    Trách: phần việc của mình. Vụ: công việc.

    Trách vụ là trách nhiệm và công việc.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Con người không làm thì không có nên hư, còn lãnh trách vụ thì có nên hư, đặng thất.

  • TRẠCH

    TRẠCH

    TRẠCH: 擇 Chọn lựa.

    Thí dụ: Trạch cử, Trạch lân.

  • Trạch cử

    Trạch cử

    擇舉

    A: To elect.

    P: Électionner.

    Trạch: Chọn lựa. Cử: đưa lên.

    Trạch cử là chọn người cử lên, đồng nghĩa: Bầu cử.

  • Trạch lân

    Trạch lân

    擇鄰

    A: To choose one"s neighbours.

    P: Choisir ses voisins.

    Trạch: Chọn lựa. Lân: láng giềng.

    Trạch lân là chọn láng giềng tốt mà ở.

    Mạnh mẫu trạch lân: Bà mẹ của Mạnh Tử chọn láng giềng. Bà phải dời nhà đi ba lần mới gặp được láng giềng tốt mà ở để cho con bắt chước.

    Trạch hữu nhi giao, trạch lân nhi xử: Chọn bạn mà giao thiệp, chọn hàng xóm mà ở.

  • Trạch mộc nhi thê

    Trạch mộc nhi thê

    擇木而棲

    Trạch: Chọn lựa. Mộc: cây. Nhi: mà. Thê: đậu, đáp xuống.

    Trạch mộc nhi thê là chọn cây mà đậu, ý nói lựa chọn nơi tốt đẹp và vừa ý mà gởi thân.

    Lương điểu trạch mộc nhi thê,
    Trung thần cầu quân nhi sự.

    Nghĩa là:

    Con chim khôn chọn cây mà đậu,
    Bề tôi trung tìm chúa mà thờ.
  • TRAI

    TRAI

    TRAI: 齋 Ăn chay.

    Thí dụ: Trai đường, Trai phạn.

  • Trai đường

    Trai đường

    齋堂

    A: The vegetarian refectory.

    P: Le réfectoire végétarien.

    Trai: Ăn chay. Đường: cái nhà.

    Trai đường là nhà ăn chay tập thể.

    Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, Hội Thánh có cất hai dãy nhà lớn dùng làm Trai đường, để cho các Chức sắc, các nhơn viên công quả, khi mãn giờ làm việc Đạo thì tụ họp lại đây để ăn cơm chay.

    Khách thập phương về dự lễ nơi Tòa Thánh cũng được mời xuống Trai đường dùng cơm chay.

  • Trai giới

    Trai giới

    齋戒

    A: The observance of vegetarian diet.

    P: L"observance du régime végétarien.

    Trai: Ăn chay. Giới: răn cấm.

    Trai giới là giới luật về ăn chay.

    Trong Trai giới có: trai kỳ và trường trai. Trai kỳ là ăn chay có kỳ hạn, mỗi tháng ăn 6 ngày chay hoặc 10 ngày chay. Trường trai là ăn chay trường, tức là ngày nào cũng ăn chay.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Kẻ nào trai giới đặng 10 ngày đổ lên, thọ bửu pháp đặng. Chư môn đệ phải trai giới. Vì tại sao?

    Chẳng phải Thầy buộc theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quí báu, không giữ chẳng hề thành Tiên, Phật đặng.

  • Trai kỳ

    Trai kỳ

    齋期

    A: The days of abstinence in a lunar month.

    P: Les jours de l"abstinence dans un mois lunaire.

    Trai: Ăn chay. Kỳ: thời hạn.

    Trai kỳ là ăn chay có thời hạn, hoặc 6 ngày hoặc 10 ngày trong một tháng âm lịch.

    Ăn chay mỗi tháng 6 ngày thì gọi là: Lục trai.

    Ăn chay mỗi tháng 10 ngày thì gọi là Thập trai.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Ăn chay, vần Ă)

  • Trai phạn

    Trai phạn

    齋飯

    A: The vegetarian meal.

    P: Le repas végétarien.

    Trai: Ăn chay. Phạn: cơm.

    Trai phạn là cơm chay.

    Bài thài từng phạn trong Lễ Chúc thọ:

    Trai phạn xin dâng thọ phước lành: Xin dâng lên bữa cơm chay, hưởng được phước lành.

  • Trai tâm

    Trai tâm

    齋心

    A: To purify one"s heart.

    P: Purifier son coeur.

    Trai: Ăn chay. Tâm: lòng dạ, cái tâm của con người.

    Trai tâm là giữ lòng trong sạch, tức là giữ cho tư tưởng, trong sạch, tự nhiên, không vọng động, không nghĩ bậy.

    Việc trai tâm rất quan trọng, quan trọng như là việc ăn chay, bởi vì ăn chay là để cho thể xác và chơn thần trong sạch, trai tâm là để cho tư tưởng trong sạch.

    Nếu ăn chay mà lòng không chay thì chưa đạt hết cứu cánh của việc ăn chay.

  • TRÁI

    TRÁI

    TRÁI: 債 Món nợ.

    Thí dụ: Trái căn, Trái chủ.

  • Trái Càn Khôn

    Trái Càn Khôn

    A: Globe of universe.

    P: Le globe de l"univers.

    Trái: (nôm) có hình tròn giống như trái cây. Càn Khôn: Trời Đất, Càn khôn Vũ trụ.

    Trái Càn Khôn là Quả Càn Khôn. (Xem: Quả Càn Khôn)

  • Trái căn

    Trái căn

    債根

    A: The debt of the anterior life.

    P: La dette de la vie antérieure.

    Trái: Món nợ. Căn: gốc rễ.

    Trái căn là những món nợ có gốc rễ từ kiếp trước.

    Thí dụ như kiếp trước, mình vay nợ mà làm ăn thua lỗ, giựt tiền không trả, thì món nợ ấy truyền lại trong kiếp nầy, gọi là Trái căn.

    Trong kiếp nầy, nhứt định mình phải đền trả món nợ đó, không thể trốn chạy đâu cho khỏi, theo luật công bình thiêng liêng, nhưng trả dưới hình thức nào là do Luật Nhân Quả qui định mà mình không thể biết được.

    Kinh Giải Oan: Oan oan nghiệt nghiệt dập dồn trái căn.

  • Trái chủ - Trái hộ

    Trái chủ - Trái hộ

    債主 - 債戶

    A: Creditor - Debtor.

    P: Créancier - Débiteur.

    Trái: Món nợ. Chủ: người chủ. Hộ: nhà, người.

    Trái chủ là người chủ nợ, người cho vay.

    Trái hộ là người thiếu nợ, con nợ, người vay tiền.

    Kinh Giải Oan: Khối trái chủ nhẫng lo vay trả.

  • Trái oan

    Trái oan

    債冤

    A: The debt of hate.

    P: La dette de haine.

    Trái: Món nợ. Oan: thù giận.

    Trái oan là món nợ thù giận, tức là món nợ oan nghiệt.

    Mình gây ra điều oan ức cho người, khiến người ta thù giận mình, tức là mình đã thiếu người ta một món nợ oan nghiệt. Theo luật Nhân quả, mình phải trả món nợ oan nghiệt nầy trong kiếp nầy hoặc trong kiếp sau.

    Kinh Giải Oan: Giải trái oan sạch tội tiền khiên.

  • Trái quyền - Trái vụ

    Trái quyền - Trái vụ

    債權 - 債務

    A: Creditor "s right (claim) - Obligation.

    P: Droit de créancier - Obligation.

    Trái: Món nợ. Quyền: quyền hành. Vụ: việc.

    Trái quyền là quyền đòi nợ, quyền của chủ nợ buộc con nợ phải trả tiền cho mình. Trái quyền nhân là Trái chủ.

    Trái vụ là nghĩa vụ của con nợ phải trả tiền cho chủ nợ. Trái vụ nhân hay Trái vụ giả là người mắc nợ, tức là Trái hộ.

  • Trái tai gai mắt

    Trái tai gai mắt

    A: Grating to the ears and shocking to the eyes.

    P: Blesser les oreilles et offusquer la vue.

    Trái: (nôm) ngược lại. Trái tai: gây cảm giác rất khó chịu cho người nghe. Gai mắt: làm cho khó chịu con mắt như có cái gai trong mắt.

    Trái tai gai mắt là chỉ những lời nói hay việc làm trái với lẽ thường, khiến người nghe và người thấy rất khó chịu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con nghe rõ, thường ngày các con trông thấy những điều trái tay gai mắt, các con có biết vì sao chăng? Tại vô đạo.

  • TRẢM

    TRẢM

    TRẢM: 斬 Chém, chặt, dứt tuyệt, áo tang xổ lai.

    Thí dụ: Trảm thảo, Trảm thôi.

  • Trảm đinh tiệt thiết

    Trảm đinh tiệt thiết

    斬釘截鐵

    Trảm: Chém, chặt, dứt tuyệt, áo tang xổ lai. Đinh: cây đinh. Tiệt: cắt đứt. Thiết: sắt.

    Trảm đinh tiệt thiết: Chém đinh chặt sắt, ý nói: lời nói quả quyết, đanh thép, chắc như đinh đóng cột.

  • Trảm thảo trừ căn

    Trảm thảo trừ căn

    斬草除根

    Trảm: Chém, chặt, dứt tuyệt, áo tang xổ lai. Thảo: cỏ. Trừ: làm tiêu mất. Căn: gốc rễ.

    Trảm thảo trừ căn: chặt cỏ thì trừ hết gốc rễ.

  • Trảm thôi

    Trảm thôi

    斬衰

    Trảm: Chém, chặt, dứt tuyệt, áo tang xổ lai. Thôi: cái áo tang.

    Trảm thôi là áo tang may bằng vải gai sống, không lên lai, tức là xổ gấu (đường rìa dưới để nguyên, đường rọc cắt lợp xợp). Trảm thôi dành cho con trai mặc để tang cha chết.

    Áo may bằng vải gai nhỏ có gấu, gọi là Tư thôi hay Ti thôi, Tề thôi. (tề là bằng, lai dưới may bằng). Tư thôi dành cho con mặc để tang mẹ chết.

  • Trạm tịch chơn đạo

    Trạm tịch chơn đạo

    湛寂眞道

    Trạm: dày dặn, sâu, trong trẻo. Tịch: yên lặng. Chơn: thật. Đạo: tôn giáo.

    Trạm tịch là sâu dày và im lặng, trong trẻo và yên lặng.

    Trạm tịch chơn đạo là nền Đạo chơn thật, trong sạch, sâu dày, lặng lẽ.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Trạm tịch chơn đạo, khôi mịch tôn nghiêm.

  • Tran thờ

    Tran thờ

    A: The little suspendu altar.

    P: Le petit autel suspendu.

    Tran: cái kệ. Thờ: thờ phượng.

    Tran thờ là cái kệ đặt ở giữa nhà để làm bàn thờ.

    Tiểu dẫn cách thờ phượng và cúng kiếng: "Lập vị Thượng Đế thì phải lựa nơi nào cho tinh khiết, tốt hơn hết là giữa nhà, lập tran thờ cho cao và treo màn cho khuất chỗ thờ phượng."

  • TRANG

    TRANG

    1. TRANG: 粧 Tô điểm cho thêm vẻ đẹp.

    Thí dụ: Trang đài, Trang hoàng.

    2. TRANG: 裝 Sửa soạn, trau giồi, giả làm,quần áo.

    Thí dụ: Trang lung tác á.

    3. TRANG: 莊 Trang trọng, trang trại, cửa hàng.

    Thí dụ: Trang nghiêm.

  • Trang đài

    Trang đài

    粧台

    A: The boudoir.

    P: Le boudoir.

    Trang: Tô điểm cho thêm vẻ đẹp. Đài: cái bàn, cái đài gương.

    Trang đài là cái bàn để phụ nữ trang điểm, chỉ phòng ở của phụ nữ, thường gọi là khuê phòng.

  • Trang hoàng

    Trang hoàng

    粧煌

    A: To decorate.

    P: Décorer.

    Trang: Tô điểm cho thêm vẻ đẹp. Hoàng: sáng rõ.

    Trang hoàng là tô điểm thêm cho đẹp sáng.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Bắt đầu từ năm Mậu Dần, các văn phòng Đầu Tỉnh, Đầu Họ, Đầu Quận đạo phải có một vị Đầu phòng chỉnh đốn lại cho trang hoàng hơn nữa.

  • Trang lung trang á

    Trang lung trang á

    裝聾裝啞

    Trang: Sửa soạn, trau giồi, giả làm,quần áo. Lung: điếc. Á: câm.

    Trang lung trang á là giả điếc giả câm, không nghe không nói gì được, tức là làm ngơ.

  • Trang nghiêm

    Trang nghiêm

    莊嚴

    A: Serious.

    P: Sérieux.

    Trang: Trang trọng, trang trại, cửa hàng. Nghiêm: oai nghi đáng nể sợ.

    Trang nghiêm là trang trọng và nghiêm nghị.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy sai Bần đạo đến sắp đặt trang nghiêm trong Thánh Thất.

  • Trang Tử (369-286 tr. Tân Luật)

    Trang Tử (369-286 tr. Tân Luật)

    莊子

    Trang: họ Trang. Tử: thầy.

    Trang Tử là một nhà triết học nổi tiếng của Trung hoa, vào thời Chiến quốc, theo phái của Đức Lão Tử.

    Sau đây là tiểu sử của Trang Tử:

    Trang Tử, họ Trang, tên Chu hay Châu, hiệu là Tất Viên, người ở Ấp Mông, nước Lương (có sách chép là nước Tống), sanh nhằm cuối đời nhà Châu, làm một chức quan nhỏ nơi thành Tất Viên, nên người ta thường gọi ông là Tất Viên Lại, nhưng sau đó ông từ quan và lo học đạo.

    Trang Tử là học trò xuất sắc của Đức Lão Tử, là một nhà đạo học lớn đứng sau Lão Tử. Trang Tử đã làm sáng danh giáo thuyết của Đạo gia, nên khi nói đến đạo Tiên thì người ta nói là Lão Trang (Lão Tử và Trang Tử).

    Sách Kim Cổ Kỳ Quan của Bảo Ung chép rằng:

    "Trang sinh thường ngủ ngày, mơ thấy hóa thành bướm, bay nhởn nhơ trong vườn cây hoa thơm cỏ lạ, trong lòng rất vui thích. Khi tỉnh dậy, vẫn còn cảm thấy ở vai như có hai cánh chuyển động, lấy làm lạ. Về sau cứ lâu lâu lại nằm mơ như thế.

    Một hôm, Trang sinh đang ngồi trong phòng học nghe Đức Lão Tử giảng kinh Dịch, khi Đức Lão Tử giảng xong thì Trang sinh đem giấc mơ ra hỏi thầy. Lão Tử là vị Đại Thánh nhân, biết được lai lịch tiền kiếp, mới chỉ rõ túc thế căn do cho Trang sinh biết.

    Trang sinh vốn là một con bướm trắng trong khi Hỗn Độn mới phân Trời Đất. Trời sinh nước, nước sinh cây, cây tươi hoa thạnh, con bướm trắng hút tinh chất của trăm hoa, đạt được tư chất của trăng sao, trở thành trường sanh bất tử, cánh lớn như bánh xe, sau bay đi chơi ở Diêu Trì, hút trộm nhị hoa Bàn Đào, bị con chim loan xanh giữ vườn Đào Tiên của Tây Vương Mẫu mổ chết. Hồn bướm thác sinh xuống trần làm Trang Châu.

    Vì Trang sinh có căn khí khác phàm, đạo tâm kiên cố, thờ Lão Tử làm thầy, học theo đạo thanh tịnh vô vi, nay được Đức Lão Tử chỉ cho rõ căn cội, như mộng mới tỉnh, tự thấy hai nách sinh gió, mường tượng như bươm buớm vỗ cánh bay, nên coi sự còn mất, vinh nhục ở đời như nước chảy mây bay, không quan tâm đến nữa.

    Lão Tử biết Trang sinh đã giác ngộ nên đem bí quyết của cuốn Đạo Đức Kinh năm ngàn lời truyền cho Trang sinh.

    Trang sinh chuyên cần tụng tập tu luyện, bèn được phép phân thân ẩn hình, xuất thần biến hóa. Từ đó, Trang sinh từ giã Đức Lão Tử, phế bỏ việc đời, chu du hành đạo.

    Tuy Trang sinh theo giáo lý thanh tịnh vô vi, nhưng không dứt bỏ bề nhơn đạo, nên liên tục ba lần lấy vợ:

    - Vợ thứ nhứt bị bịnh chết yểu.
    - Vợ thứ nhì phạm tội bị đuổi đi.
    - Hiện nay Trang sinh đang ở với người vợ thứ ba, họ Điền, là con gái của Điền Tề Hầu.

    Nguyên Trang sinh sang chơi nước Tề, vua Tề rất trọng nhơn phẩm của Trang sinh nên gả con gái cho. Cô họ Điền nầy so với hai người vợ trước thì có nhan sắc hơn hẳn, nước da trắng như tuyết, dáng người tha thướt, phong cách như Tiên nữ. Trang sinh không phải là người háo sắc nhưng vợ chồng rất tương kính như cá gặp nước vậy.".......

    Từ ngày biết đạo, Trang Tử thích sống cuộc đời ẩn sĩ thanh bạch, không chịu giam mình lòn cúi trong chốn quan trường, nhưng tài năng và đức hạnh của Trang Tử khiến cho các vua chư Hầu đem lòng ngưỡng mộ, muốn mời ông ra làm quan cho nước mình, nhưng Trang Tử đều cương quyết từ chối.

    Chẳng hạn như việc Huệ Tử đang làm Tướng Quốc nước Lương, sợ Trang Tử ra tranh ngôi Tướng Quốc, nên sai kẻ thủ hạ đi lùng xét, làm khó dễ Trang Tử trong ba ngày đêm.

    Trang Tử bảo Huệ Tử:

    - Phương nam có con chim tên là Uyên sồ, ông có biết không? Nó từ biển nam bay qua biển bắc, không gặp hột luyện thì không ăn, không gặp nước suối ngọt thì không uống. Có con chim cú đang rỉa xác chuột chù, thấy nó bay ngang, ngửng lên nhìn nó rồi kêu to lên để dọa nó đừng đáp xuống. Nay ông vì ngôi Tướng Quốc mà dọa tôi chăng?

    Sở Uy Vương rất ái mộ Trang Tử, muốn mời Trang Tử ra làm quan, nhưng Trang Tử nhứt quyết chối từ. Sách chép:

    Trang Tử đang câu trên sông Bộc, Sở Uy Vương sai hai quan Đại phu đem lễ vật đến mời ông ra làm quan.

    "Trang Tử đang cầm cần câu không nhúc nhích, cũng không thèm nhìn lại, nói:

    - Tôi nghe vua Sở có con Thần qui 3000 năm đã chết. Vua Sở rất quí nó và cất trên miếu đường. Con qui ấy chịu chết để lưu lại cái xương cho người ta quí trọng, hay lại chịu thà sống mà kéo lê cái đuôi trong bùn?

    Hai vị Đại phu đáp: - Thà sống mà kéo lê cái đuôi trong bùn.

    Trang Tử nói: - Thôi, hai ông về đi, ta đây cũng chịu kéo lê cái đuôi của mình trong bùn.

    Để khỏi phiền hà vì các sứ giả của các vua chư Hầu sai đến, Trang Tử phải đưa vợ đi đến chân núi Nam Hoa thuộc xứ Tào Châu nước Tống, sống ẩn dật nơi đó.

    Chính tại nơi đây, Trang Tử đem hết tinh hoa của Đạo giáo học được với Đức Lão Tử, viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa Kinh, nhưng người đời sau thường gọi là sách Trang Tử.

    Tư tưởng của ông rất lãng mạn, thâm thúy đến kỳ dị, đặc biệt nhứt là giọng phúng thích của ông không chừa một hạng người nào trong xã hội, từ vua quan tới hạng ham giàu mà ông gọi là bọn vô sỉ, cả tới hạng người theo Khổng theo Mặc, ông cũng đả kích. Ông không màng thế tục, không ham sống, không sợ chết, sống tự nhiên, coi cuộc đời như giấc mộng lớn, chết là tỉnh mộng.

    Văn luận thuyết của ông vô cùng độc đáo, cuồn cuộn như sông lớn, không dùng phép lý luận để thuyết phục như Mạnh Tử, Mặc Tử, mà chỉ dùng những ý tưởng lạ lùng, những tỉ dụ không ai ngờ để làm cho người nghe phải ngạc nhiên tán thưởng, hoặc xấu hổ mà không có ý cãi lại được.

    Văn của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sau: Các thi nhân đời Lục Triều như: Kê Khang, Nguyễn Tịch (trong Trúc Lâm Thất Hiền), Đào Uyên Minh,... ngay cả Lý Bạch đời Đường, Tô Đông Pha đời Tống, đều nhờ bộ sách Nam Hoa Kinh mà có được thêm nhiều sở đắc.

    Trang Tử chủ trương sống hạnh phúc theo tự nhiên như sau:

    - Mọi vật đều khác nhau về bản tính và khả năng tự nhiên, tuy nhiên điều giống nhau chung là mỗi vật đều được hạnh phúc ngang nhau khi khả năng được sử dụng trọn vẹn và tự do. Vậy, hạnh phúc xây dựng trên sự sử dụng một cách trọn vẹn và tự do những khả năng tự nhiên của ta là một hạnh phúc hữu hạn, tương đối và có thể đạt tới được.

    - Người không hiểu biết thì buồn rầu nhưng khi đã hiểu biết thì không cảm thấy buồn rầu nữa. Người ta có thể dùng lý trí để chế ngự tình cảm. Nhờ hiểu biết bản chất của sự vật mà Thánh nhân không cảm thấy buồn khổ vì những thay đổi ở đời.

    Vì vậy, Thánh nhân không phụ thuộc ngoại vật và do đó, hạnh phúc không bị hạn chế bởi ngoại vật. Ta có thể bảo rằng, Thánh nhân đã đạt được hạnh phúc tuyệt đối.

    - Thánh nhân có thể cai trị thiên hạ, nhưng chánh trị của Thánh nhân là để yên thiên hạ, và để cho mỗi người sử dụng một cách trọn vẹn và tự do những khả năng tự nhiên của họ.

    Đạo là vô danh, do đó Thánh nhân cũng vô danh vì đã hợp nhứt với Đạo.

    "Sự tích truyền lại về đời sống của Trang Tử rất mơ hồ, không có chi để tin được là đích xác. Tuy nhiên, đứng về phương diện học thuật, nó vẫn có cái giá trị đặc biệt của nó.

    Trang Tử thường giao du thân mật với Huệ Thi, người nước Tống, và cùng biện luận với nhau luôn. Trong sách Trang Tử có rất nhiều sự tích về sự tranh luận của hai ông.

    Trang Tử cùng Huệ Thi đứng chơi trên cầu sông Hào.

    Trang Tử nói: - Đàn cá xanh bơi lội thung dung,cá vui đó.

    Huệ Thi nói: - Ông không phải là cá, sao biết cá vui?

    Trang Tử nói: - Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết?

    Huệ Thi nói: - Tôi không phải là ông nên không biết ông, còn ông không phải là cá nên ông cũng hẳn không biết cái vui của cá.

    Trang Tử: - Xin xét lại câu hỏi đầu. Ông hỏi tôi làm sao biết cá vui. Đã biết là tôi biết, ông nói: làm sao mà biết? Thì đây, làm như vầy: Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết đó." (Thu Thủy).

    Gia đình của ông Trang Tử thế nào, sử không thấy nói, chỉ biết ông có vợ và vợ ông chết.

    Trong thiên Chí Lạc có câu chuyện nầy:

    "Vợ Trang Tử chết, Huệ Thi đến điếu, thấy Trang Tử ngồi duỗi xoác hai chân vừa gõ bồn vừa ca. Huệ Tử hỏi:

    - Cùng người ở tới già, có con lớn mà người chết lại không khóc, cũng đã là quá lắm rồi! Lại còn vỗ bồn mà ca, không thái quá sao?

    Trang Tử đáp:

    - Không! Lúc nàng mới chết, tôi sao chẳng động lòng, nhưng nghĩ lại, hồi trước nàng vốn không sanh, chẳng những là không sanh mà đó vốn không hình. Chẳng những không hình mà đó vốn là không khí. Đó chẳng qua là tạp chất ở trong hư không biến ra mà có khí, khí biến ra mà có hình, hình biến ra mà có sanh, rồi lại biến ra nữa mà có tử. Khí, hình, sanh, tử, có khác nào Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa hành vận. Vả lại, người ta đã nghỉ yên nơi cự thất (nhà lớn) mà tôi còn cứ than khóc, chẳng là tự tôi không thông Mạng, nên tôi không khóc." (Chí Lạc)

    Đời sống của Trang Tử rất nghèo, gần như cơ hàn. Trang Tử sang nhà Giám Hà Hầu vay lúa. Giám Hà Hầu nói:

    - Tôi có cái ấp sắp nộp tiền lúa, tôi sẽ giúp ông trăm lượng, có được không?

    Trang Tử nói:

    - Hôm qua, khi Châu nầy đến đây, giữa đường nghe có tiếng kêu, ngảnh lại trông thấy một con cá đang vùng vẫy trong cái vết bánh xe. Châu tôi hỏi: - Cá ở đây làm gì? Cá nói: - Tôi là Thủy Thần ở biển Đông, ông có thể giúp tôi một tô nước để cứu tôi không? Châu tôi nói: - Để tôi qua chơi bên phía Nam nước Việt, rồi khi về, tôi sẽ lấy nước sông Tây Giang mà đón ngươi, có được không? Cá giận nói: - Tôi đang cần nước, ông chỉ cho tôi một ít là đủ sống. Nay nói như ông, đợi đến lúc ông về thì đến hàng cá khô thấy tôi nơi đấy." (Ngoại vật)

    Ở thiên Sơn Mộc, có viết:

    "Trang Tử mặc áo vải vá, giày cột bằng dây gai, gặp Ngụy Vương. Ngụy Vương nói:

    - Tiên sinh khổ não đến thế ư?

    Trang Tử đáp:

    - Nghèo chớ không khổ não. Kẻ sĩ có đạo đức không bao giờ khổ não. Áo rách giày hư là nghèo, chẳng phải khổ. Đó chẳng qua là không gặp thời mà thôi. Phàm khi con khỉ nhảy nhót đặng thong thả là nhờ gặp được rừng cây to nhánh dài, trơn tru dai dẻo. Dầu cho bực thiện xạ như Phùng Mông cũng không sao hạ nó được. Nếu nó rủi gặp cây khô gai góc thì sự hoạt động của nó ắt khó khăn chậm chạp. Cũng thời một con thú, cũng xương ấy gân ấy mà sự cử động khó dễ khác nhau. Hoàn cảnh không thuận làm cho nó không tự do dùng hết sở năng của nó. Nay sanh không nhằm thời, trên thì hôn ám, dưới thì loạn tặc, lại muốn sung sướng có đặng chăng?"

    Khi Trang Tử gần chết, đệ tử muốn hậu táng. Ông nói:

    - Ta có Trời Đất làm quan quách, nhựt nguyệt làm ngọc bích, tinh tú làm ngọc châu, vạn vật làm lễ tống. Đám táng của ta như vậy không đủ sao mà còn thêm chi vô nữa?

    Đệ tử nói: - Chúng con sợ diều quạ ăn xác thầy.

    Trang Tử nói: - Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây mà cho đó, sao lại thiên lệch thế! (Liệt Ngự Khấu)" (Trích trong quyển: Trang Tử Tinh Hoa của Nguyễn Duy Cần)

    Trong sách Kim Cổ Kỳ Quan có một câu chuyện rất nổi tiếng của Trang Tử là chuyện: Trang Tử gõ bồn, xin lược thuật ra sau đây:

    Một hôm, Trang sinh đi chơi núi, thấy dưới núi có mồ mả ngổn ngang, bèn than rằng:

    Già trẻ không phân biệt,
    Hiền ngu một lối về!

    Người về trong mả, trong mả há có thể trở lại làm người?

    Than thở một hồi rồi đi tiếp, bỗng gặp một ngôi mả mới, nấm đất chưa khô, có một thiếu phụ, mình mặc đồ tang, ngồi bên mả, tay vung vẩy chiếc quạt, quạt lia lịa vào mả.

    Trang sinh lấy làm lạ, dừng lại hỏi:

    - Nầy Cô, chẳng hay người chôn trong mồ là ai? Tại sao cô lại quạt mồ? Chắc có nguyên do gì chớ?

    Thiếu phụ vẫn không đứng lên, vẫn quạt mồ liên tiếp như cũ, cất tiếng oanh thỏ thẻ nói:

    - Người trong mồ là chồng xấu số của thiếp, chẳng may qua đời, chôn cất tại đây. Lúc còn sống, vợ chồng rất yêu nhau, chết cũng không nỡ rời nhau. Chồng thiếp có dặn: Nếu muốn cải giá, hãy chờ việc chôn cất xong xuôi, đất nấm mộ khô đã, rồi mới đi lấy người khác. Thiếp nghĩ, đất mới đắp, làm sao khô được, nên phải ra sức quạt cho mau khô.

    Trang sinh rất buồn cười, nghĩ bụng: Chị đàn bà nầy sao vội vã quá như vậy, thế mà dám nói lúc chồng còn sống, vợ chồng rất yêu nhau. Nếu không yêu nhau thì chẳng biết còn ra thế nào nữa! Trang sinh bèn nói:

    - Nếu muốn cho nấm mồ nầy mau khô thì cũng dễ thôi, chẳng qua vì tay cô yếu, nên quạt không mạnh. Kẻ bất tài nầy xin quạt giúp cô một tay.

    Thiếu phụ lúc ấy mới ngưng quạt, đứng lên, nói lời cảm tạ, rồi hai tay đưa chiếc quạt bằng lụa trắng cho Trang sinh. Trang sinh ngầm làm phép, rồi nhắm vào nấm mộ quạt liên tiếp mấy cái, hơi nước bốc lên, chẳng mấy chốc đất trở nên khô ráo. Thiếu phụ tươi cười nói:

    - Cảm tạ quan nhân vất vả.

    Nói rồi, dùng ngón tay thon gỡ ra từ mái tóc một chiếc thoa bạc cùng với chiếc quạt đưa tặng Trang sinh, gọi là để cảm tạ công lao. Trang sinh từ chối không nhận chiếc thoa, chỉ nhận cây quạt. Thiếu phụ hớn hở ra về.

    Trang sinh cũng trở về nhà, trong lòng buồn bã bực bội, nhìn chiếc quạt, than thở đọc thành bốn câu thơ:

    Chẳng nợ nần nhau chẳng sánh đôi,
    Nợ nần dan díu biết bao thôi.
    Ví hay mình thác, người đen bạc,
    Lúc sống tơ duyên đã đứt rồi.

    Điền Thị (vợ của Trang sinh) đang ở nhà sau, nghe Trang sinh ngâm thơ ta thán, bước lên hỏi:

    - Tiên sinh có điều gì mà thở than như vậy?

    Trang sinh bèn thuật lại cho vợ nghe câu chuyện vừa qua của người góa phụ quạt mồ. Điền Thị giận mà nói rằng:

    - Không ngờ ở đời lại có kẻ bất nghĩa như thế!

    Trang sinh nghĩ ngợi, rồi đọc thêm bốn câu thơ nữa:

    Khi còn những kể niềm yêu dấu,
    Lúc thác thường chăm việc quạt mồ.
    Vẽ hổ vẽ da, xương khó vẽ,
    Biết người biết mặt, chẳng biết lòng.

    Nguyên tác Hán văn:

    Sinh tiền cá cá thuyết ân ái,
    Tử hậu nhân nhân dục phiến trần.
    Họa hổ họa bì nan họa cốt,
    Tri nhơn tri diện bất tri tâm.

    Điền Thị nghe mấy câu thơ đó thì cả giận, nói rằng: - Vậy là chàng cho đàn bà ai cũng như thế cả sao?

    Trang sinh nói: - Nàng đừng vội giận, lòng người ai mà chả thế! Phỏng không may tôi có chết đi thì nàng với nhan sắc như thế, chắc đâu đã ở vậy được ba năm?

    Điền Thị nổi giận giựt chiếc quạt xé nát nói rằng: - Gái trinh chẳng lấy hai chồng. Nếu thiếp gặp cảnh ấy thì chỉ có một chết chớ không chịu nhục.

    Sau đó, khoảng mấy ngày, Trang sinh bỗng ngã bịnh nặng, thuốc thang không khỏi, bèn nói với vợ rằng:

    - Xem bịnh tình, tôi biết không sao sống được. Tiếc thay cái quạt hôm nọ, đến lúc nầy nàng cần dùng đến thì đã bị xé mất rồi!

    Điền Thị khóc lóc nói rằng:

    - Chàng đừng nghĩ thế, thiếp là người biết trọng lễ nghĩa, lẽ nào làm thế! Ví bằng chàng chẳng qua khỏi thì thiếp nguyện ở vậy suốt đời.

    Trang sinh nghe vợ nói như vậy thì rất khen ngợi rồi tắt thở. Điền Thị than khóc suốt ngày đêm, không ăn uống gì cả, mặc đồ đại tang, khâm kiệm cho chồng rất tử tế, rồi đem quan tài tạm quàn vào nhà trong.

    Được 7 ngày, có một thiếu niên hình dung tuấn tú, ăn mặc lịch sự, có một đày tớ theo hầu, tìm đến nhà Trang Tử, tự xưng là cháu của vua nước Sở, nghe tiếng Trang Tử là bực đại hiền, nên đến xin cầu học. Khi biết Trang Tử vừa tạ thế thì rất bùi ngùi thương tiếc, bèn chuẩn bị lễ phúng viếng, lạy trước linh sàng mà khấn rằng:

    - Kính viếng linh hồn Trang Tiên sinh. Kẻ đệ tử nầy nghe Tiên sinh là người học rộng, tài cao, nên chẳng ngại đường xa, đến xin thọ nghiệp. Nào ngờ Tiên sinh đã cỡi hạc xa bay, đệ tử vô cùng thương xót. Vậy xin cho đệ tử lại ở đây chịu tang 100 ngày cho trọn nghĩa thầy trò.

    Lạy xong, thiếu niên mời Điền Thị ra xin thưa chuyện. Điền Thị từ chối không ra, thiếu niên nói với người nhà rằng:

    - Khi bạn bè của Trang Tiên sinh đến viếng, Sư mẫu còn phải ra tiếp, phương chi tôi là kẻ môn sinh thì hà tất phải lánh mặt. Vả lại, tôi còn xin Sư mẫu lục soạn những sách vở của Tiên sinh đã viết ra để lại cho đời, có được bao nhiêu quyển. Vậy xin Sư mẫu cho phép tôi được hầu chuyện.

    Điền Thị bèn ra tiếp, trông thấy thiếu niên vừa trẻ vừa đẹp thì có cảm tình, đến khi trò chuyện, lời ăn tiếng nói rất lễ phép dịu dàng, khôn khéo, nên thêm quyến luyến, nên nhận lời cho thiếu niên tạm trú theo yêu cầu.

    Cạnh bàn thờ đặt giữa nhà, nàng cho kê một cái giường ở gian bên cho khách nghỉ. Nàng lấy sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử và Đạo Đức Kinh của Lão Tử đưa cho khách xem.

    Điền Thị ở nhà trong, mỗi ngày hai lần ra cúng cơm chồng, nên có dịp gặp chàng thư sinh trò chuyện, sanh ra cảm mến, càng ngày càng say mê.

    Một hôm, Điền Thị gọi đày tớ của thư sinh vào nhà trong hỏi chuyện, rằng:

    - Chủ của anh năm nay bao nhiêu tuổi, đã có vợ chưa?

    Đày tớ đáp: - Cậu tôi năm nay 22 tuổi, chưa có vợ, vẻ người tuấn tú tài học khác thường, mà lại dòng dõi cành vàng lá ngọc, thì cũng dễ tìm nơi phú quí, nhưng xem ra, cậu tôi chỉ kén người tài sắc tuyệt vời, chẳng kể sang hèn, nghèo giàu, ít tuổi hay đứng tuổi, còn tân hay góa, thế mà đến nay vẫn chưa kén được.

    Điền Thị nói: - Tôi là người trong họ của vua nước Tề, nhan sắc chẳng kém người, mà đàn hát thêu thùa cũng không kém bạn, thực là vô duyên không được một người vừa đôi lứa như cậu của anh.

    Người đày tớ lại nói: - Tôi nhận thấy cậu tôi có nhiều cảm tình với cô lắm, nếu không phải chỗ sư đệ thì chẳng khó gì việc kết tóc xe tơ.

    Điền Thị vui mừng nói: - Việc của cậu anh theo học với thầy Trang Tử là việc mới định mà chưa thành, sao gọi là sư đệ được. Anh nên thưa rõ với cậu anh như thế, ý cậu anh thế nào, anh cho tôi biết.

    Người đày tớ vâng dạ rồi lui ra. Điền Thị chờ mấy hôm không thấy trả lời, bèn gọi người đày tớ vào hỏi. Đày tớ đáp:

    - Về đạo thầy trò thì cậu tôi đã nghe ra, nhưng cậu tôi còn nhận thấy có 3 điều bất tiện: Một là bàn thờ vong đặt nơi giữa nhà mà làm lễ kết hôn thì coi không được, hai là cậu tôi kém Tiên sinh về tài đức thì cái tình của cô chắc cũng kém nồng nàn, ba là ở nhà cậu tôi ra đi không mang theo nhiều tiền thì lấy chi sắm sửa.

    Điền Thị nói: - Những điều vừa nói cũng dễ xử cả. Hiện nhà sau có phòng bỏ không, đem dọn bàn thờ vong ra đấy là được. Vả thầy Trang có tài đức, nhưng người thì xấu dạng và già hơn tôi rất nhiều, nên có khi xung đột với tôi về tư tưởng, cho nên ân ái cũng chẳng nồng nàn. Cậu anh là chỗ môn đăng hộ đối lớn, tài sắc gồm hai, thì chắc là duyên vầy cá nước. Còn như sính lễ thì tôi có sẵn rồi.

    Điền Thị lấy 20 lạng bạc trao cho đày tớ đem về cho chủ. Chàng thư sinh nhận được bạc, mới định ngày hôn lễ. Điền Thị cả mừng, cho dọn bàn thờ ra sau.

    Đêm hôm lễ thành hôn, Điền Thị và chàng thư sinh đều mặc quần áo mới rất đẹp, rất vui vẻ, cùng nhau trò chuyện.

    Bỗng chàng thư sinh lăn ra kêu đau bụng, rồi mê man bất tỉnh. Điền thị ân cần săn sóc. Người đày tớ nói:

    - Cậu tôi vốn có bịnh đau bụng từ lâu, mỗi khi lên cơn rất nguy hiểm, chỉ có một vị thuốc chữa khỏi được thôi, nhưng rất khó tìm kiếm. Đó là óc người sống hòa với rượu, uống vào thì khỏi ngay. Cho nên, mỗi lần cậu tôi đau bụng thì vua Sở phải bắt một người tội nhân giết chết để lấy óc hòa với rượu cho cậu tôi uống thì tánh mạng cậu tôi mới được bảo toàn.

    Điền Thị nói: - Thế óc của người chết có được không?

    Đày tớ đáp: - Nếu óc của người chết chưa quá 30 ngày thì được.

    Điền Thị nói: - Thầy Trang mới chết được 20 ngày, hiện quan tài còn quàn ở nhà sau. Để tôi mở nắp áo quan ra, bửa lấy óc cho cậu anh uống.

    Tức thì Điền Thị, tay xách đèn, tay cầm búa đi ra nhà sau. Vừa cạy nắp quan tài thì thấy nắp bật lên, thấy Trang sinh nằm trong quan tài thở dài một tiếng rồi ngồi dậy. Điền Thị tuy bạo gan, nhưng vẫn là đàn bà, nên quá sợ hãi, người mềm nhũn, cái búa rơi xuống đất không hay. Trang sinh gọi:

    - Nàng ơi! mau đỡ ta dậy.

    Điền Thị tỉnh hồn, vội đứng lên đỡ Trang sinh bước ra khỏi quan tài. Trang sinh cầm đèn, Điền thị theo sau, đi lên nhà trên. Điền Thị biết là chàng thư sinh đang ở trên đó, lòng lo sợ toát mồ hôi, run rẩy đi theo. Nhưng khi lên đến nơi, vào phòng thấy giường nệm đẹp đẽ thơm tho mà không thấy hai thầy trò thư sinh. Điền Thị làm tỉnh nói với Trang sinh:

    - Sau khi chàng nhắm mắt, thiếp thương xót vô cùng. Vừa rồi, bỗng nghe trong quan tài có tiếng động, chắc là chàng hồi sinh, nên thiếp lấy búa cạy nắp quan tài xem thử.

    Trang sinh nói: - Nàng có lòng như thế, tôi rất cảm tạ, nhưng đương khi tang tóc, sao nàng mặc quần áo lộng lẫy như một cô dâu thế?

    - Chàng sống lại là điều rất vui mừng, cớ sao không cho thiếp mặc quần áo đẹp đẽ.

    - Thế còn bàn thờ sao lại dọn vào nhà trong và trang hoàng nhà ngoài đẹp đẽ để làm gì? Lại còn có cỗ bàn linh đình như thế kia nữa là sao?

    Điền Thị trả lời không được. Trang sinh cũng không hỏi nữa, sai dọn rượu ra uống, uống cho tới khi say, mới cầm bút viết mấy câu thơ:

    Giũ sạch từ đây duyên với nợ,
    Yêu ta, ta cũng không yêu nữa.
    Ví cùng xum họp lại như xưa,
    E nỗi đập xăng, lòng tráo trở.

    Điền Thị xem thơ xong thì rất xấu hổ, chẳng dám nói gì.

    Trang Tử lại viết thêm mấy câu nữa:

    Ái ân thôi cũng chuyện trăm ngày,
    Có mới vội vàng nới cũ ngay.
    Vừa đậy quan tài, vừa bổ nắp,
    Bên mồ lọ phải quạt luôn tay!

    Trang Tử bỗng nhìn ra bên ngoài, hỏi Điền Thị rằng: - Kìa, hai người nào thế kia?

    Điền Thị nhìn ra thấy người thiếu niên thư sinh và tên đày tớ cùng đi vào. Nàng cả sợ thì Trang Tử đã biến mất, mà nhìn ra thì cũng chẳng thấy hai người kia nữa. Điền Thị mới biết Trang Tử có phép biến hóa, giả chết rồi biến ra chàng thư sinh để thử lòng nàng. Nàng hối hận vô cùng, xấu hổ không xiết, bèn vào nhà trong thắt cổ chết.

    Trang Tử gỡ xác nàng xuống, đặt vào trong cái xăng cũ của mình, rồi đem chôn cất chu đáo.

    Xong đâu đó, Trang Tử ngồi gõ bồn mà hát:

    Nên than ôi! Thế sự!
    Đường hoa đơm lại rã,
    Vợ chết ắt ta chôn,
    Ta chết vợ cải giá.
    Ví bằng ta chết trước,
    Một cuộc cười ha hả!
    Ruộng mình người khác cày,
    Ngựa mình người khác cỡi.
    Vợ để lại người xài,
    Con bị người rủa sả.
    Nghĩ lại chạnh tấm lòng,
    Nhìn nhau không lã chã.
    Đời cười ta chẳng bi thương,
    Ta cũng cười đời luống đoạn trường,
    Cuộc đời khóc mà vãn hồi được,
    Ta cũng ngàn thu khóc muôn hàng!

    Trang Tử hát xong, đập nát tan cái bồn, đốt hết nhà cửa, rồi bỏ đi biệt tích....

    * Học thuyết của Trang Tử:

    Học thuyết của Trang Tử được trình bày trong sách Nam Hoa Kinh, tức sách Trang Tử.

    Nam Hoa Kinh ngày nay còn được 33 thiên, phân làm 3 phần: Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên. Nội thiên gồm 7 thiên, Ngoại thiên gồm 15 thiên, Tạp thiên gồm 11 thiên.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Nam Hoa Kinh, vần N)

    Căn cứ vào văn mạch thì chỉ có Nội thiên là biểu thị được chỗ trọng yếu của học thuyết Trang Tử, còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì rất rời rạc, chỉ bàn lại những tư tưởng đã phô diễn ở Nội thiên mà thôi.

    Trong Nội thiên chỉ có: Tiêu Dao Du (bàn về tự do tuyệt đối) và Tề Vật Luận (bàn về bình đẳng tuyệt đối) là hai thiên quan trọng nhứt, làm nền tảng cho học thuyết Trang Tử.

    Học thuyết của Trang Tử tóm tắt gồm mấy yếu điểm kể ra sau đây:

    1. Đạo là một cái Toàn thể Nhứt nguyên. Cái lớn lao bao nhiêu cũng ở trong Đạo, mà nhỏ bao nhiêu cũng chứa đủ cái Đạo bên trong.

    2. Đừng xem thường cái thế giới hữu hình, vì vật chất và tinh thần tựu trung là một. Hễ chưa đạt đến cái trung tâm điểm của mọi sự mọi vật, tức là chỗ hoàn trung của mọi lẽ mâu thuẫn, của mọi chân lý tương quan vụn vặt, thì cái Đạo nơi ta chưa thể thực hiện được. Mỗi vật đều có cái giá trị riêng của nó, không có gì cao trọng hơn cái gì, nghĩa là giá trị của mọi vật đều bằng nhau. Lòng tham dục đèo bòng theo ngoại vật, nhân đó sẽ tiêu tan tất cả.

    3. Rồi mở rộng tâm hồn bao trùm vũ trụ, nhìn vạn vật bằng cặp mắt tổng quan, thấy sự chằng chịt dính líu của mọi cặp mâu thuẫn trong đời, nghĩa là thấy được sự không thể chia lìa của những gì mà người đời không thể nào hòa hợp đặng.

    Mọi sự tranh chấp nơi lòng sẽ tiêu tan, mọi sự tranh chấp nơi ngoài cũng sẽ hết làm cho lòng mình thắc mắc nữa.

    Mình cảm thấy mình là người có thể có ích cho đời, nhưng không phải là người nhu thiết cho đời.

    Muốn đạt đến chơn lý tuyệt đối tức là Đạo, thì phải lo cởi bỏ cái học Nhị nguyên và trục vật. Càng bớt náo động chừng nào thì càng lại được thành công chừng nấy. Chơn lý nầy mà được thành thực nhìn nhận và đem ra thực hành dễ khiến cho lòng được thư thái nhẹ nhàng, tự do giải thoát.

    * Trang Tử và Lão Tử:

    Sử gia đầu tiên của Trung hoa là Tư Mã Thiên bàn về cái học của Trang Tử có viết:

    "Triết lý của Trang Tử khác với Lão Tử, lại muốn siêu thoát khỏi vấn đề nhân gian thế sự. Khi ông nói đến các vị vua đầu tiên của nhà Hán, cho rằng các bậc ấy lấy Vô vi mà trị nước là có ý muốn nói rằng các bậc trị nước ấy đã áp dụng triết lý chánh trị của Lão Tử. Chỉ đến cuối đời nhà Hán (-220) thì người ta mới bắt đầu để ý đến Huyền học, bấy giờ sách của Lão Tử mới được người ta dùng cái học của Trang Tử mà giải thích. Như vậy, ta thấy rằng, tuy khởi thủy hầu như lập trường triết lý của hai nhà đứng riêng nhau, nhưng vẫn có sự liên hệ với nhau luôn."

    Trong thời kỳ Tiền Hán (-206), tư tưởng của Lão Tử được truyền bá, còn tư tưởng của Trang Tử thì mãi đến thời Hậu Hán (từ 25 đến 220) mới được phổ biến.

    Bởi vậy, buổi đầu nhà Hán, danh từ Hoàng-Lão (Hoàng Đế và Lão Tử) được xưng tụng và phổ thông, chỉ đến cuối đời nhà Hán mới đổi ra thành Lão-Trang (Lão Tử và Trang Tử).

    Nếu ta so sánh sách của Lão Tử với sách của Trang Tử, ta sẽ thấy khác nhau rất xa mà từ trước đến giờ chưa ai nêu rõ lên. Lão Tử thì tham gia vào phong trào chung của người đồng thời (như Khổng Tử, Mặc Tử) với mục đích là cứu dân. Trong khi đó, Trang Tử chỉ quan tâm đến vấn đề cứu chữa lấy mình làm gốc. Dường như Lão Tử viết Đạo Đức Kinh là để cho các vị vua chúa và các nhà làm chánh trị chớ không phải viết cho các đệ tử của ông. Đọc quyển Đạo Đức Kinh, ta thấy rõ ông thường nhấn mạnh về việc trị nước, luôn luôn chống đối chánh sách hữu vi, thường hay can thiệp vào việc của dân chúng.

    Như vậy, ta thường thấy, cái học của Trang Tử là để cho tất cả mọi người trong xã hội, bất cứ là người dân hay quan; còn cái học của Lão Tử là dành riêng cho những ai có sứ mạng dìu dắt dân chúng hay trị vì thiên hạ.

    Trang Tử với thuyết Tiêu Dao của ông, lại còn đi xa hơn nữa ở chỗ không mấy thiết tha đến việc cứu rỗi thiên hạ, là vì ông không tin nơi sự cứu đời, bởi một lẽ rất giản dị là không ai giải thoát được mình cả ngoài mình, và nếu mỗi người đều biết lo cho mình được "vô kỷ, vô công, vô danh" thì đâu cần ai lo cải tạo ai, và việc đời sẽ tự nhiên không còn rắc rối nữa.

    Vấn đề xã hội vì vậy đối với ông thật ra chỉ là vấn đề cá nhân.

    Chân vịt ngắn, cố mà kéo ra cho dài ắt nó đau đớn khổ sở; chân hạc thì dài mà cố làm cho nó ngắn thì nó đau. Cho nên Tánh mà dài thì không phải là cái nên chặt bớt; Tánh mà ngắn thì không phải là cái nên kéo cho dài. Như vậy thì đâu còn chỗ nào phải đau khổ nữa.

    Cái mà thiên hạ thường gọi là thương người và giúp đời, phải chăng tựu trung đều có cái ý đem tất cả người đời đều cùng theo về một quan niệm tư tưởng hay tình cảm như ta, và phải chăng trong thâm tâm ai ai cũng tin rằng: đời đục cả, một mình ta trong; đời say cả, một mình ta tỉnh.

    Ở trong thiên Thiên Địa nói rõ điều đó: Ôi, hạng thật mê, suốt đời không tỉnh; hạng thật ngu, suốt đời không khôn. Ba người cùng đi mà có một người mê thì chỗ mình định nói đến còn có thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê ít mà người tỉnh nhiều. Nếu ba người cùng đi mà có hai người mê thì chỗ mình định nói đến không thể mong đạt tới được, vì người mê nhiều mà người tỉnh ít.

    Nay cả thiên hạ đều mê, ta dù có muốn chỉ đường cũng không thể được, chẳng cũng xót xa lắm sao!

    Tiếng hát hay không sao lọt được vào tai bọn dân quê, hát líu lo bậy bạ vậy mà chúng náo nức vui mừng. Thế nên lời nói cao không thể lọt vào lòng thế nhơn. Lời hay không thể nói ra được là vì lời thô rất nhiều, đầy lấp cả thiên hạ, được thế lực bè đảng ủng hộ. Biết là sự chẳng thể được mà gượng làm, đó lại còn mê hơn thiên hạ nữa. Cho nên, thà bỏ đi, mà chẳng suy cầu để làm gì còn hơn.

    Hễ đồng thì ứng, không đồng thì không ứng, mà hễ đồng với ta thì ta cho là phải, còn không đồng với ta thì ta cho là quấy! Con người ta đều thích người đồng với mình, mà ghét người không đồng với mình.

    Lão Tử thì chủ trương: cứng rắn thì dễ bị nát, nhọn bén thì dễ bị mòn lụt, đầy thì dễ đổ, v.v... cho nên Lão Tử chỉ cho con người con đường để tránh khỏi sự đổ nát, mòn gãy,.... Trái lại, Trang Tử thì chủ trương sự: ngoại tử sinh, vô chung thủy. Cho nên, chỗ mà Lão Tử chăm chú thì Trang Tử lại nhìn với cặp mắt thản nhiên như không đáng kể.

    Tóm lại, theo Sử gia Tư Mã Thiên, cái học của Trang Tử không đâu là không bàn đến, nhưng gốc ở những lời dạy của Lão Tử. Chỗ tương đồng của Trang và Lão là cả hai đều cùng một quan niệm về Đạo và Đức, và cả hai đều chống đối tư tưởng truyền thống đương thời, và vì thế mà Tư Mã Thiên đặt cho học phái nầy là Đạo Đức Gia, vì quan niệm Đạo và Đức là nền tảng chung cho cái học của Lão và Trang.

    Như thế, tuy là tự độ, nhưng cũng là độ tha một cách tiêu cực. (Trích trong Trang Tử Tinh Hoa, của Nguyễn Duy Cần)

  • Tràng - Phan - Bảo cái

    Tràng - Phan - Bảo cái

    幢 - 幡 - 寶蓋

    A: Standard - Oriflamme - Parasol.

    P: Étendard - Oriflamme - Parasol.

    Tràng: cờ. Phan: phướn. Bảo cái: lọng quí.

    Trong mỗi cuộc lễ đưa rước hồi Đức Phật Thích Ca còn sanh tiền đều có: cờ, phướn và lọng quí che cho Phật.

  • TRÁNG

    TRÁNG

    TRÁNG: 壯 To lớn, khỏe mạnh.

    Thí dụ: Tráng kiện, Tráng lệ.

  • Tráng kiện

    Tráng kiện

    壯健

    A: Vigorous.

    P: Vigoureux.

    Tráng: To lớn, khỏe mạnh. Kiện: mạnh mẽ.

    Tráng kiện là khỏe mạnh, sức khỏe tốt.

    Kinh khi ăn cơm rồi: Con cầu xin mảnh hình tráng kiện.

  • Tráng lệ

    Tráng lệ

    壯麗

    A: Grandiose and magnificient.

    P: Grandiose et magnifique.

    Tráng: To lớn, khỏe mạnh. Lệ: đẹp đẽ.

    Tráng lệ là to lớn và đẹp đẽ, thường nói về một công trình kiến trúc.

  • TRẠNG

    TRẠNG

    TRẠNG: 狀 - Hình dáng, - Giấy tờ trình lên quan, - Người thi đậu thứ nhứt kỳ thi Đình.

    Thí dụ: Trạng huống, Trạng cáo, Trạng Trình.

  • Trạng cáo

    Trạng cáo

    狀告

    A: The act of accusation.

    P: L"acte d"accusation.

    Trạng: (1). Cáo: kiện, buộc tội.

    Trạng cáo hay Cáo trạng là tờ buộc tội.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Tiếp Thế, khi đặng Thế luật hay trạng cáo chi của người ngoại đạo cùng là tín đồ, mà kiện thưa trách cứ Chức sắc Thiên phong, bất câu phẩm vị nào, phải dâng lên cho Khai Thế.

  • Trạng huống

    Trạng huống

    狀況

    A: Situation.

    P: La situation.

    Trạng: (1). Huống: tình thế.

    Trạng huống là cái tình cảnh đang xảy ra trước mắt.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Cái trạng huống đời bao giờ cũng vậy.

  • Trạng sư

    Trạng sư

    狀師

    A: The advocate.

    P: L"avocat.

    Trạng: (1). Sư: thầy.

    Trạng sư là người học luật thông thạo, chuyên thay mặt cho các thân chủ để binh vực quyền lợi của thân chủ trong một vụ kiện trước tòa án.

    Trạng sư, trước kia được gọi là: thầy cãi, thầy kiện, hiện nay thường được gọi là Luật sư. Muốn làm Luật sư thì phải có bằng cấp Cử Nhân Luật, hay cao hơn, và phải tập sự trong nhiều năm.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Thượng Phẩm là chủ phòng cãi luật, làm Trạng sư của tín đồ.

  • Trạng Trình

    Trạng Trình

    狀程

    Trạng: (1). Trạng nguyên. Trình: Trình Quốc Công, một tước rất cao trong triều đình, do vua nhà Mạc phong thưởng cho ông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    Trạng Trình là nói tắt: Trạng nguyên Trình Quốc Công, tước vị của Ngài Nguyễn Bỉnh Khiên thời nhà Mạc.

    Nơi cõi thiêng liêng, Trạng Trình là một vị Thánh, đạo hiệu Thanh Sơn Đạo Sĩ, đứng đầu Bạch Vân Động chư Thánh. (Xem tiểu sử của Ngài nơi chữ: Thanh Sơn Đạo Sĩ, vần Th)

  • TRANH

    TRANH

    TRANH: 爭 Giành nhau, giựt lấy về phần mình.

    Thí dụ: Tranh danh, Tranh luận, Tranh tụng.

  • Tranh bá đồ vương

    Tranh bá đồ vương

    爭伯圖王

    Tranh: Giành nhau, giựt lấy về phần mình. Bá: chức Bá chủ, đứng đầu một nhóm chư Hầu. Đồ: mưu tính. Vương: vua.

    Tranh bá đồ vương là tranh giành với nhau để làm bá chủ, mưu tính việc làm vua.

    Ý nói: mưu đồ chánh trị lớn lao, tranh đoạt thiên hạ.

  • Tranh danh đoạt lợi

    Tranh danh đoạt lợi

    爭名奪利

    Tranh: Giành nhau, giựt lấy về phần mình. Danh: tiếng tăm. Đoạt: chiếm về mình. Lợi: lợi lộc.

    Danh và lợi là hai thứ mà người đời rất ham thích, càng có nhiều càng tốt.

    Tranh danh đoạt lợi là tranh đấu giành giựt với nhau về danh và lợi.

  • Tranh luận

    Tranh luận

    爭論

    A: To discuss.

    P: Discuter.

    Tranh: Giành nhau, giựt lấy về phần mình. Luận: bàn cãi.

    Tranh luận là bàn cãi với nhau để giành lấy phần đúng về mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nơi Thiên thơ đã có dấu ràng ràng, các con có đi tranh luận cũng nhọc công vô ích.

  • Tranh thủ

    Tranh thủ

    爭取

    A: To dispute.

    P: Disputer.

    Tranh: Giành nhau, giựt lấy về phần mình. Thủ: lấy, đạt được.

    Tranh thủ là giành lấy.

    Tranh thủ nhơn tâm: giành lấy lòng người ủng hộ.
    Tranh thủ còn có nghĩa là tận dụng thời gian để hoàn thành một công việc.

  • Tranh tụng

    Tranh tụng

    爭訟

    A: To institute proceeding.

    P: Intenter un procès.

    Tranh: Giành nhau, giựt lấy về phần mình. Tụng: kiện thưa.

    Tranh tụng là thưa kiện để giành lấy phần phải về mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Những sự tranh tụng là những nét phàm tâm.

  • Trào lưu

    Trào lưu

    潮流

    A: The current.

    P: Le courant.

    Trào: Triều: nước sông hay nước biển khi lên khi xuống. Lưu: dòng nước chảy.

    Trào lưu hay Triều lưu là nước thủy triều, khi dâng lên khi hạ xuống.

    Trào lưu là xu hướng đang được nhiều người hưởng ứng về phương diện văn hóa hay tư tưởng.

  • Trào phúng

    Trào phúng

    嘲諷

    A: Satirical.

    P: Satirique.

    Trào: giễu cợt. Phúng: nói bóng gió.

    Trào phúng là nói mỉa mai chế giễu một cách bóng bẩy.

  • TRẠO

    TRẠO

    TRẠO: 棹 Chèo thuyền, mái chèo.

    Thí dụ: Trạo châu, Trạo tam thốn thiệt.

  • Trạo châu

    Trạo châu

    棹舟

    A: To row.

    P: Ramer.

    Trạo: Chèo thuyền, mái chèo. Châu: Chu: chiếc thuyền, chiếc ghe.

    Trạo châu là chèo thuyền.

  • Trạo tam thốn thiệt

    Trạo tam thốn thiệt

    棹三寸舌

    Trạo: Chèo thuyền, mái chèo. Tam: ba. Thốn: tấc. Thiệt: lưỡi.

    Trạo tam thốn thiệt là chèo ba tấc lưỡi, ý nói: cố gắng dùng lời nói để thuyết phục lòng người.

  • Tráp Tam bửu

    Tráp Tam bửu

    A: The casket of three precious objects.

    P: La cassette de trois objets précieux.

    Tráp: cái hộp có ngăn và nắp đậy.

    Tam bửu: ba món quí báu: bông, rượu, trà, tượng trưng Tinh, Khí, Thần của con người, để dâng lên cúng Đức Chí Tôn hoặc Đức Phật Mẫu hay các Đấng thiêng liêng.

    Tráp Tam bửu, còn được gọi là Tam bửu ngọc hàm: 三寶玉函, (ngọc là quí, hàm là cái tráp) là một cái hộp hình khối chữ nhựt, bề cao độ 4 tấc, bề dài độ 6 tấc, bề dầy độ 2 tấc, làm bằng loại gỗ quí, sơn màu đỏ, mặt trước có chạm vẽ hình lưỡng long triều nhựt (hay lưỡng long tranh châu) có gắn một sợi dây dài để vị Chức sắc choàng qua cổ, đeo tráp tam bửu trước bụng. Phía trong Tráp Tam bửu cũng sơn màu đỏ, lót dưới một tấm nhung đỏ, trong đó có đựng: 1 bình hoa năm sắc và 1 dĩa trái cây, 1 chung rượu và 1 nhạo rượu, 1 tách trà và 1 bình trà.

    Nơi Tòa Thánh, mỗi khi cúng Đại đàn, vị Chức sắc phái Ngọc, phẩm Giáo Sư mang Tráp Tam bửu từ lầu Hiệp Thiên Đài đi xuống đến Ngoại nghi.

  • TRAU

    TRAU

    TRAU: (nôm) Sửa chữa, giồi mài cho tốt đẹp.

    Thí dụ: Trau tâm, Trau thân.

  • Trau tâm trau đức

    Trau tâm trau đức

    Trau: (nôm) Sửa chữa, giồi mài cho tốt đẹp. Tâm: lòng dạ. Đức: đức hạnh.

    Trau tâm là sửa lòng cho tốt đẹp.

    Trau đức là trau giồi đức hạnh cho tốt đẹp hơn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Xử thế phải cho vẹn thế tình,
    Trau tâm trau đức sạch chơn linh.
  • Trau thân

    Trau thân

    A: To correct oneself.

    P: Se corriger.

    Trau: (nôm) Sửa chữa, giồi mài cho tốt đẹp. Thân: thân mình.

    Trau thân là sửa mình, chữ hán là: Tu thân.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thánh tâm mấy kẻ vẹn trau thân.

  • Trắc ẩn

    Trắc ẩn

    惻隱

    A: To have pity for.

    P: S"apitoyer.

    Trắc: thương xót. Ẩn: giấu kín.

    Trắc ẩn là thương xót trong lòng.

    Vô trắc ẩn chi tâm phi nhân dã: không có lòng trắc ẩn không phải là người vậy.

  • Trắc dĩ - Trắc hỗ

    Trắc dĩ - Trắc hỗ

    陟屺 - 陟岵

    Trắc: lên cao, trèo lên. Dĩ: núi Dĩ. Hỗ: Hộ: núi Hỗ.

    Trắc dĩ là trèo lên núi Dĩ, ý nói: tỏ lòng thương nhớ mẹ đã mất rồi.

    Do câu trong Kinh Thi: Trắc bỉ Dĩ hề, chiêm vọng mẫu hề: trèo lên núi Dĩ kia mà trông ngóng mẹ.

    Trắc hỗ là trèo lên núi Hỗ, ý nói: tỏ lòng thương nhớ cha đã mất rồi.

    Do câu trong Kinh Thi: Trắc bỉ hỗ hề, chiêm vọng phụ hề: trèo lên núi Hỗ kia mà trông ngóng cha.

  • Trắc nết

    Trắc nết

    A: Bad conduct.

    P: Mauvaise conduite.

    Trắc: nghiêng một bên. Nết: tánh nết.

    Trắc nết là tánh nết không chính đính, tánh nết hư xấu.

  • Trắc trở

    Trắc trở

    側阻

    A: The obstacle.

    P: L"obstacle.

    Trắc: nghiêng một bên. Trở: trở ngại.

    Trắc trở là gặp khó khăn trở ngại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chuyện Thánh Thất xảy ra, ấy cũng một bước trắc trở trong đường Đạo của Thầy.

  • Trăm đắng ngàn cay

    Trăm đắng ngàn cay

    Đắng cay hay cay đắng là chỉ sự đau khổ vất vả.
    Thành ngữ chữ Hán tương ứng là: Thiên tân vạn khổ (ngàn cay muôn đắng), chỉ những nỗi đau khổ vất vả trong đời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trăm đắng ngàn cay đành một kiếp,
    Công hầu vương bá dám đâu hơn.
  • Trăm họ

    Trăm họ

    A: The people.

    P: Le peuple.

    Trăm họ, chữ Hán là Bá tánh, chỉ dân chúng.

    Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối: Cầu xin trăm họ bình an.

  • Trăm năm

    Trăm năm

    A: The life.

    P: La vie.

    Trăm năm, chữ Hán là Bách niên hay Bá niên, chỉ một đời người, bởi vì đời người nơi cõi trần nầy nhiều lắm là một trăm năm (tương đối).

    Sách Lễ Ký viết: Nhân sinh dĩ bách niên viết kỳ. Nghĩa là: người sống lấy trăm năm làm kỳ hạn.

  • Trăng cùm xiềng gông

    Trăng cùm xiềng gông

    Trăng: dụng cụ để giam chân tội nhân vào một chỗ nhứt định, gồm hai miếng gỗ mà khi khép và khóa lại thì chừa ra một lỗ vừa bằng cái cổ chân, để tra chân tội nhân vào đó, không rút ra được. Cùm: đồng nghĩa với Trăng, để giam chân tội nhân. Xiềng: sợi dây xích sắt để khóa tay và chân tội nhân. Gông: một loại cùm để khóa vào cổ của tội nhân.

    Trăng cùm xiềng gông là chỉ những dụng cụ để giam giữ và hành hình người có tội.

    Kinh Sám Hối:
    Hành rồi giam lại Âm cung,
    Ngày đêm đánh khảo, trăng cùm xiềng gông.
  • Trăng hoa

    Trăng hoa

    A: The love affair.

    P: L"amourette.

    Trăng hoa: chữ Hán là Nguyệt hoa, do thành ngữ: Nguyệt hạ hoa tiền, dưới trăng trước hoa, chỉ cảnh đẹp nên thơ, trai gái hò hẹn đi ngắm trăng xem hoa để tình tự với nhau.

    Trăng hoa là chỉ tình yêu nam nữ lãng mạng, ngoài vòng lễ giáo, mà luân lý đời xưa ngăn cấm.

    Giới Tâm Kinh: Phường trăng hoa, hát bội khá từ.

  • Trắng án

    Trắng án

    A: Acquitted.

    P: Acquitté.

    Trắng án là được tòa án xử vô tội.

    Bát Đạo Nghị Định: ĐNĐ 7: Những người đã có công nhưng đắc tội cùng Hội Thánh thì phải giao nạp cho Hiệp Thiên Đài, chừng nào Tòa Tam giáo Hiệp Thiên Đài cho trắng án thì đặng thăng cấp.....

  • Trắng răng

    Trắng răng

    A: The youth.

    P: La jeunesse.

    Trắng răng là chỉ thuở còn niên thiếu.

    Ngày xưa, ở nước ta có tục nhuộm răng ăn trầu (miền Bắc) để giữ cho hàm răng được bền chắc, không bị sâu ăn răng. Con nít còn răng sữa nên chưa được nhuộm răng, chờ khi mọc răng thiệt rồi thì mới nhuộm răng. Cho nên, răng trắng là lúc còn răng sữa, tức là lúc còn con nít.

    Thường nói: Trắng răng đến thuở bạc đầu: từ lúc còn ấu thơ cho đến lúc tuổi già đầu bạc.

  • Trắng trợn

    Trắng trợn

    A: Impudent.

    P: Cru.

    Trắng trợn là ngang ngược đến mức bất chấp công lý và lẽ phải.

  • Trâm anh

    Trâm anh

    簪纓

    A: The noble family.

    P: La famille noble.

    Trâm: cái trâm cài tóc của phụ nữ. Anh: cái dải mũ.

    Trâm anh là chỉ nhà quyền quí sang trọng.

  • TRẦM

    TRẦM

    TRẦM: 沉 - Chìm xuống, sâu kín, - gỗ trầm.

    Thí dụ: Trầm đoàn, Trầm luân.

  • Trầm đoàn

    Trầm đoàn

    沉團

    A: The perfume-burner.

    P: Le brûle-parfum.

    Trầm: gỗ trầm. Đoàn: vật hình tròn.

    Trầm đoàn là cái lư trầm bằng thau, hình tròn, dùng để đốt gỗ trầm trong đó, tỏa mùi thơm ra chung quanh, khử hết các mùi ô trược hôi hám.

    Bài Thài hiến lễ: Tuần hương:
    Trầm đoàn khói tỏa năm mây,
    Mùi hương phưởng phất thơm bay ngút trời.
  • Trầm luân khổ hải

    Trầm luân khổ hải

    沉淪苦海

    A: To be plunged into the painful sea.

    P: Être plongé dans la mer douloureuse.

    Trầm: Chìm xuống, sâu kín. Luân: chìm đắm. Khổ hải: biển khổ. Đức Phật nhận thấy những nỗi đau khổ của con người nơi cõi trần nhiều như nước bốn biển, nên ví cõi trần là biển khổ

    Trầm luân khổ hải là chìm đắm trong biển khổ.

    Ý nói: con người mãi mãi chịu đau khổ trong vòng luân hồi nơi cõi trần.

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu:
    Từ con cách MẸ phương trời,
    Trầm luân khổ hải chơi vơi sóng trần.
  • Trầm tĩnh

    Trầm tĩnh

    沉靜

    A: To plunge into the calm; peaceful.

    P: Plonger dans le calme; paisible.

    Trầm: Chìm xuống, sâu kín. Tĩnh: yên lặng.

    Trầm tĩnh là yên lặng kín đáo.

    Trầm tĩnh là bình tĩnh, luôn luôn tự chủ, không bối rối hay vội vàng trước những biến đổi đột ngột đưa đến.

  • Trầm tư mặc tưởng

    Trầm tư mặc tưởng

    沉思默想

    A: The profound meditation.

    P: La méditation profonde.

    Trầm: Chìm xuống, sâu kín. Tư: suy nghĩ. Mặc: yên lặng. Tưởng: nghĩ. Trầm tư là chìm đắm vào sự suy tư. Mặc tưởng là yên lặng suy tưởng.

    Trầm tư mặc tưởng là trạng thái tập trung tư tưởng, đắm mình vào sự suy nghĩ một vấn đề đạo lý.

  • TRÂN

    TRÂN

    TRÂN: 珍 Quí, ngon.

    Thí dụ: Trân cam, Trân trọng.

  • Trân cam

    Trân cam

    珍甘

    A: The precious and agreeable dishes reserved for parents.

    P: Les mets précieux et agréables réservés à ses parents.

    Trân: Quí, ngon. Cam: ngọt.

    Trân cam là đồ ăn quí và ngon dành cho cha mẹ.

    Ý nói: bổn phận làm con phải lo phụng dưỡng cha mẹ.

  • Trân trọng

    Trân trọng

    珍重

    A: Respectful.

    P: Respectueux.

    Trân: Quí, ngon. Trọng: kính trọng.

    Trân trọng là quí báu và kính trọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng.

  • TRẦN

    TRẦN

    TRẦN: 塵 Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại.

    Thí dụ: Trần ai, Trần cấu, Trần tình.

  • Trần ai

    Trần ai

    塵埃

    A: The world, the misfortunes of world.

    P: Le monde, les malheurs du monde.

    Trần: Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại. Ai: bụi.

    Trần ai là chỉ cõi trần, hay những nỗi vất vả nơi cõi trần.

    Kinh Khai Cửu Ðại Tường Tiểu Tường: Quên trần ai, mong mỏi động đào.

  • Trần cấu

    Trần cấu

    塵垢

    A: The dust and stains.

    P: La poussière et les souillures.

    Trần: Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại. Cấu: cáu bẩn.

    Trần cấu là những thứ dơ bẩn nơi cõi trần.

    Bài Ngụ Đời của Đức Lý: Đem thân trần cấu gieo miền trầm luân.

  • Trần duyên

    Trần duyên

    塵緣

    A: The fastening to the world.

    P: Les attaches au monde.

    Trần: Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại. Duyên: mối dây ràng buộc.

    Trần duyên là những mối dây ràng buộc con người vào cõi trần.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Diệt tục kiếp trần duyên oan trái.

  • Trần hoàn

    Trần hoàn

    塵寰

    A: The world.

    P: Le monde.

    Trần: Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại. Hoàn: bờ cõi rộng lớn.

    Trần hoàn là cõi trần.

  • Trần khổ

    Trần khổ

    塵苦

    A: Misfortunes of world.

    P: Les malheurs du monde.

    Trần: Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại. Khổ: vất vả khổ cực.

    Trần khổ là những nỗi vất vả nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trần khổ dầu ai chơn muốn lánh.

  • Trần lổ

    Trần lổ

    A: Completely bare.

    P: Complètement nu.

    Trần: (nôm) không mặc áo. Lổ: trần truồng.

    Trần lổ là trần truồng, không có quần áo mặc che thân.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ấy vậy, Đạo là vật rất hữu ích như giáp hữu ích cho thân các con, nếu các con bỏ giáp thì thân các con ra trần lổ, còn bỏ Đạo thì các con ở dưới phép tà thần.

  • Trần thế

    Trần thế

    塵世

    A: The world.

    P: Le monde.

    Trần: Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại. Thế: đời, cõi đời.

    Trần thế là cõi trần, tức là cõi đời, cõi thế gian.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế.

  • Trần tình

    Trần tình

    塵情

    A: The feelings of man in the world.

    P: Les sentiments de l"homme dans le monde.

    Trần: Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại. Tình: tình cảm.

    Trần tình là những tình cảm của con người nơi cõi trần.

    Con người có Thất tình: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục.

    Trong Thất tình, có 3 tình tốt là: Hỷ, Ái, Lạc; và 4 tình xấu là: Nộ, Ai, Ố, Dục. (Xem: Thất đầu xà, vần Th)

    Kinh Khi Ðã Chết Rồi: Diệt trần tình vui hưởng tiêu diêu.

  • Trần tục

    Trần tục

    塵俗

    A: Vulgar world.

    P: Monde vulgaire.

    Trần: Bụi đất, chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại. Tục: thấp kém.

    Trần tục là cõi trần thấp kém.

    Người trần tục là con người thấp kém nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Sao ra Tiên Phật, người trần tục,
    Trần tục muốn thành phải đến Ta.
  • TRẤN

    TRẤN

    TRẤN: 鎮 - Đè nén, giữ cho yên. - Khu vực hành chánh.

    Thí dụ: Trấn an, Trấn đạo, Trấn thần.

  • Trấn an

    Trấn an

    鎮安

    A: To calm down.

    P: Calmer.

    Trấn: Đè nén, giữ cho yên. An: yên ổn.

    Trấn an là giữ gìn cho yên ổn.

    Trấn an nhơn tâm: gìn giữ cho an lòng dân chúng, không để cho dân chúng hoang mang lo sợ.

  • Trấn Đạo

    Trấn Đạo

    鎮道

    A: Religious region.

    P: Région religieuse.

    Trấn: Khu vực hành chánh. Đạo: tôn giáo.

    Trấn Đạo là một khu vực đạo rộng lớn có từ 3 đến 5 Châu Đạo. Châu Đạo là một Tỉnh Đạo.

    Đứng đầu Trấn Đạo là một Chức sắc phẩm Giáo Sư, với chức vụ Khâm Trấn Đạo, do Hội Thánh bổ nhiệm, để trông coi đạo sự trong một Trấn Đạo. Dưới quyền Khâm Trấn Đạo là các vị Khâm Châu Đạo.

    Khâm Trấn Đạo nam chỉ trông coi đạo sự bên nam phái; còn Nữ Khâm Trấn Đạo thì trông coi đạo sự bên nữ phái.

  • Trấn nhậm

    Trấn nhậm

    鎮任

    A: To govern.

    P: Gouverner.

    Trấn: - Đè nén, giữ cho yên. - Khu vực hành chánh. Nhậm: Nhiệm: gánh vác.

    Trấn nhậm là đảm nhận chức vụ gìn giữ yên ổn ở một địa phương.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đã ban sắc cho Thần hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương, vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh.

  • Trấn tâm chi bửu

    Trấn tâm chi bửu

    鎮心之寶

    Trấn: Đè nén, giữ cho yên. Tâm: lòng. Chi: hư tự. Bửu: Bảo: quí báu.

    Trấn tâm chi bửu là vật quí báu dùng để giữ cái tâm cho yên ổn, không bị vọng động làm điều sái quấy.

  • Trấn Thần

    Trấn Thần

    鎮神

    A: The sanctification.

    P: La sanctification.

    Trấn: Đè nén, giữ cho yên. Thần: vị Thần, Thần linh.

    1. Trường hợp Trấn Thần một vật:

    Trấn Thần một vật là dùng phép huyền diệu của Đức Chí Tôn ban cho để ban rải thanh điển vào một vật, khử trừ các trược điển và đưa một vị Thần đến trấn giữ, không cho tà quái xâm nhập khuấy phá.

    Hành pháp Trấn Thần do một vị Thời Quân hay một Chức sắc cao cấp Hiệp Thiên Đài thực hiện. Vị nầy cầm một bó nhang 9 cây đang cháy, vẽ bùa Trấn Thần vào vật ấy.

    Trấn Thần Thánh Tượng Thiên Nhãn: Các bức Thánh Tượng Thiên Nhãn sau khi in xong, phải được trấn Thần rồi mới phát cho bổn đạo đem về tư gia thượng lên bàn thờ. Nếu Thánh Tượng không được trấn Thần thì nó chỉ là một tấm giấy có in hình màu mà thôi, không có linh nghiệm chi hết, nhưng khi đã được trấn Thần thì nó trở nên linh hiển vì nó có chứa thanh điển nên thông đồng được với thanh điển của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng, và có một vị Thần trấn giữ, không cho tà quái xâm nhập làm ô trược. Cho nên, khi chúng ta cúng Đức Chí Tôn trước Thiên bàn, chúng ta cầu nguyện điều gì thì luồng tư tưởng của chúng ta nương theo thanh điển ấy mà đến được Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng.

    Trấn Thần áo mão Chức sắc: Việc trấn Thần áo mão của Chức sắc có tác dụng đưa thanh điển vào trong áo mão của Chức sắc, đẩy lui các trược điển, và có một vị Thần đến trấn giữ, giúp cho Chức sắc khi mặc áo mão hành đạo có thêm thanh điển được sáng suốt mà làm phận sự, cũng như ngăn cản không cho tà quái xâm nhập vào vị Chức sắc mà khuấy phá, dối gạt nhơn sanh, làm mất đức tin của bổn đạo.

    Nếu bản thân vị Chức sắc có nhiều thanh điển (do đạo tâm kiên cố, tu hành chơn chánh và trường chay) thì thanh điển nầy liên kết với thanh điển trấn Thần, tạo thành một khối thanh điển mạnh mẽ, giúp cho lời nói và hành động của Chức sắc rất sáng suốt, việc làm có kết quả bất ngờ, tà ma phải kính sợ và vâng phục, che chở Chức sắc vượt qua các tai nạn trong khi hành đạo. Lại nữa, khi Chức sắc lãnh Thánh lịnh của Hội Thánh đi hành đạo địa phương thì vị Chức sắc ấy là Đại diện của Hội Thánh, nên được chư Thần Thánh hộ trì suốt trong bước đường thi hành nhiệm vụ. Tất cả những điều đó, giúp cho vị Chức sắc hành đạo kết quả, đem nhiều lợi ích cho nhơn sanh.

    Ngược lại, nếu bản thân vị Chức sắc chưa đủ giác ngộ, tu hành chưa chơn chánh, phạm giới, thì những thứ nầy tạo ra trược điển, hóa giải hết các thanh điển trấn Thần, làm cho hành động của vị Chức sắc nầy cũng bình thường như bao người bình thường khác.

    Trấn Thần Tam bửu (Hoa, Rượu, Trà) trước khi dâng cúng Đức Chí Tôn:

    Trong các lễ cúng Đại đàn tại Tòa Thánh, Bông Rượu Trà được đựng trong Tráp Tam bửu, một Chức sắc Hiệp Thiên Đài hành pháp trấn Thần để ban rải thanh điển vào Tam bửu, hoá giải hết các trược điển làm cho Bông Rượu Trà hoàn toàn được trong sạch, trước khi giao cho các Lễ sĩ điện dâng vào Bát Quái Đài cúng Đức Chí Tôn.

    Trấn Thần là một Bí pháp đặc biệt của Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn ban cho sử dụng trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, khi mà tà ma quỉ quái của khối trược quá lộng hành, làm cho khí trược bừng lên bao phủ khắp địa cầu. Trấn Thần là để đem thanh điển đẩy lui trược điển, khiến cho tà ma không thể nhập vào mà khuấy phá, đồng thời hộ trợ thanh điển cho người tu để giúp người tu bớt khỗ não và mau tiến hóa.

    2. Trường hợp Trấn Thần các pho tượng:

    Trấn Thần các pho tượng là ban rải thanh điển vào các pho tượng để đẩy lùi các trược điển, và kêu gọi chơn linh của vị ấy nhập vào pho tượng.

    Pho tượng không trấn Thần chỉ là một khối xi măng, sắt và cát; nhưng khi được trấn Thần rồi thì pho tượng trở nên linh hiển, vì có thanh khí bao trùm, có một vị Thần gìn giữ, và có chơn linh của vị ấy nhập vào pho tượng để thi hành phận sự về phương diện vô hình và chứng nhận các lời cầu nguyện.

    Khi Đức Phạm Hộ Pháp trấn Thần bức họa Tam Thánh ký Hòa ước đặt tại Tịnh Tâm Điện Tòa Thánh, Đức Hộ Pháp cầm 9 cây nhang đang cháy hành pháp trấn Thần Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ trước, Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn kế đó, và Đức Tôn Trung Sơn sau cùng. Đức Hộ Pháp nói:

    "Trấn Thần ba vị Thánh rất khó, vì phải kêu chơn linh của họ đến nhập vào tượng ảnh, mà muốn cho họ đến, phải thấu đáo cả căn kiếp của họ mới đặng. Còn 9 cây nhang dùng để trấn Thần là 9 cây nhang bắc lên Cửu Trùng Thiên cho các chơn linh nương theo đó. Chẳng biết họ ở từng trời thứ mấy, mình cứ đưa lên đủ, họ gặp họ tới ngay, quan hệ là trước khi trấn Thần, phải xem lại coi có tắt cây nhang nào không. Thảng như họ ở từng trời thứ 7 mà cây nhang thứ 6 rủi tắt đi, thành ra bị cách khoảng, họ không thể tới được.

    Bây giờ chúng ta chỉ thông công với các Đấng trong Cửu Thiên Khai Hóa, rồi đây cũng có ngày Bần đạo kêu lên Đức Di-Lạc ở từng trời thứ 11 chưa biết chừng, khi ấy sẽ phải dùng đến 11 cây nhang chớ không phải 9 cây nữa.....

    Trước tượng ảnh không có bàn thờ chi hết, vì chơn linh đã nhập vào đó như người sống vậy."

    Đức Phạm Hộ Pháp trấn Thần Tòa Thánh ngày mùng 6-giêng-Đinh Hợi (dl 27-01-1947), khi trấn Thần tượng Đức Phật Di-Lạc, tượng Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung và tượng Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh, Đức Hộ Pháp nói:

    "Đức Phật Di-Lạc đã ngự vào tượng, ngồi thị chứng cho nhơn loại thập phương thế giới day hướng về Đền Thánh mà cầu nguyện Ngài ban ân huệ cho toàn sanh chúng.

    Tượng Đức Quyền Giáo Tông và Bà Nữ Đầu Sư có ý nghĩa là: Nhị vị ngự thường xuyên trước Đền Thánh để tiếp rước nhơn sanh tiến bước vào đường Chánh giáo, năng lo dìu dắt con cái Chí Tôn mỗi khi vào cầu nguyện và chiêm bái Đức Chí Tôn."

    Khi Đức Phạm Hộ Pháp trấn Thần hai pho tượng: Ông Thiện và Ông Ác, Ngài nói:

    "Đời thường lầm lạc, làm điều ác cho là thiện và thường lấy điều lành cho là ác. Nên từ đây, năng lực của Thiện Thần sẽ phô bày ra mặt đời, thế nào là chánh, việc nào là thiện, làm thế nào là phước, cho thiên hạ rõ.

    Còn Ác Thần thì phô bày ra mặt đời, thế nào là tà, việc nào là ác, sao gọi là tội, cho nhơn loại rõ.

    Hai Ông Thần nầy rất linh hiển, dùng quyền năng thiêng liêng đưa ra thiệt tướng trong hai con đường: phước và tội, siêu và đọa, sanh và tử, để cho con cái Đức Chí Tôn khỏi lầm lạc, hầu tránh khỏi con đường tự diệt. Đi vào con đường sanh thì nhơn loại mới mong hoà bình được."

  • Trấn Thần linh

    Trấn Thần linh

    鎮神靈

    Trấn: - Đè nén, giữ cho yên. - Khu vực hành chánh. Thần: vị Thần. Linh: thiêng liêng, linh hiển. Thần linh: vị Thần thiêng liêng mầu nhiệm.

    Trấn Thần linh là các vị Thần thiêng liêng mầu nhiệm trấn nhậm ở các địa phương, như: Thần hoàng, Văn Xương, Thổ Thần, Hậu Thổ, v.v....

    Kinh Ðưa Linh Cửu:
    Cầu các Trấn Thần linh trợ lịnh,
    Giữ chơn hồn xa lánh xác trần.
  • Trấn thủ

    Trấn thủ

    鎮守

    A: To guard.

    P: Garder.

    Trấn: - Đè nén, giữ cho yên. - Khu vực hành chánh. Thủ: gìn giữ.

    Trấn thủ là gìn giữ, bảo vệ nơi quan yếu, chống lại sự xâm nhập của kẻ phá hoại.

    Bát Đạo Nghị Định: Quan Thánh Đế Quân, chào chư vị Thiên phong Hiệp Thiên Đài và Hương Lự Hiền muội, chư vị cứ thiết đàn, có ta trấn thủ.

  • Trấn tĩnh

    Trấn tĩnh

    鎮靜

    A: To calm oneself.

    P: Se calmer.

    Trấn: Đè nén, giữ cho yên. Tĩnh: yên lặng.

    Trấn tĩnh là giữ thái độ yên lặng để cho tinh thần được an ổn trước những biến cố bất ngờ.

  • Trận bại thương vong

    Trận bại thương vong

    陣敗傷亡

    Trận: mặt trận hai bên đánh nhau. Bại: thua, thất bại. Thương: bị thương tích. Vong: mất, chết.

    Trận bại thương vong là chết vì đánh thua và bị thương tích nơi mặt trận.

    Trận vong: chết nơi mặt trận.

    Chiến sĩ trận vong: binh sĩ đánh giặc chết nơi mặt trận.

  • Trêu cay ngậm đắng

    Trêu cay ngậm đắng

    Trêu: tức là Trươu: ngậm trong miệng. Cay đắng: chữ Hán là Tân khổ, chỉ những nỗi xót xa đau khổ.

    Trêu cay ngậm đắng là phải chịu đựng nhiều nỗi xót xa đau khổ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con đã để dạ ưu tư về mối đạo, đã lắm lần trêu cay ngậm đắng mà nhuộm nét nâu sồng.

  • TRI

    TRI

    TRI: 知 Biết, hiểu biết, quen biết.

    Thí dụ: Tri âm, Tri hành, Tri túc.

  • Tri âm

    Tri âm

    知音

    A: The intimate friend.

    P: L"ami intime.

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Âm: tiếng đàn.

    Tri âm, nghĩa đen là nghe tiếng đàn biết được ý nghĩ của người đàn, nghĩa bóng là bạn bè thân thiết hiểu biết lòng dạ nhau. (Xem điển tích: Bá Nha - Tử Kỳ, vần B)

  • Tri ân

    Tri ân

    知恩

    A: To be grateful.

    P: Être reconnaissant.

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Ân: ơn.

    Tri ân là biết ơn.

    Thành kính tri ân: Thành thật, kính trọng và biết ơn.

  • Tri cơ

    Tri cơ

    知機

    A: The sageness.

    P: La sagesse.

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Cơ: máy, ở đây ý nói Thiên cơ: máy Trời.

    Tri cơ là biết được máy Trời, tức là biết được những lẽ bí mật mầu nhiệm của Trời Đất.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tìm vào nẻo Đạo mới tri cơ.

  • Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri

    Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri

    知者不言,言者不知

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Giả: ấy là. Ngôn: lời nói. Bất: không.
    Câu trên trích trong Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử:

    Tri giả bất ngôn: biết ấy là không nói.

    Ngôn giả bất tri: nói ấy là không biết.

    Đây là nói về việc Thiên cơ: máy Trời. Người mà biết được Thiên cơ thì không bao giờ dám nói ra, sợ mang tội. Còn người nói ra việc Thiên cơ thì chắc chắn người đó không biết.

  • Tri giác

    Tri giác

    知覺

    A: The perception.

    P: La perception.

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Giác: sự cảm biết do giác quan của con người.

    Tri giác là sự hiểu biết các vật bên ngoài do sự cảm nhận của giác quan con người.

    Do đó, Tri giác bao gồm: Thị giác, Thính giác, Xúc giác, Vị giác, v.v....

    Tri giác nảy sanh trên cơ sở của cảm giác, nhưng nó khác với cảm giác ở chỗ tri giác không phản ánh từng tánh cách riêng của sự vật mà là phản ánh tập hợp cùng một lúc các tánh cách của sự vật.

  • Tri hành hợp nhứt

    Tri hành hợp nhứt

    知行合一

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Hành: Làm. Hợp nhứt: hợp lại làm một.

    Tri hành hợp nhứt là sự Tri và sự Hành hợp lại làm một, chớ không phải phân ra làm hai việc.

    Đây là một học thuyết của nho gia Vương Dương Minh (1472-1528) đời nhà Minh bên Tàu.

    Ông Vương Dương Minh cho rằng Tri với Hành là một. Ông theo cái tôn chỉ Duy tâm nhứt trí mà lập ra thuyết nầy để đem học giả vào con đường thực tiễn của đạo đức.

    Ông nói rằng: "Muốn hiểu cái thuyết Tri Hành hợp nhứt, trước hết phải biết cái tôn chỉ sự lập ngôn của ta. Người đời nay học vấn, nhân vì đã phân Tri Hành ra làm hai việc, cho nên khi có một cái niệm phát động, tuy là bất thiện, nhưng bởi chưa thi hành thì không tìm cách ngăn cấm. Ta nói cái thuyết Tri Hành hợp nhứt chính là để người ta hiểu được chỗ nhất niệm phát động, tức là Hành rồi. Hễ chỗ phát động có điều bất thiện thì đem điều bất thiện ấy trừ bỏ ngay đi, cốt bỏ đến chỗ căn để khiến cho cái niệm bất thiện không tiềm phục ở trong bụng. Ấy đó là tôn chỉ sự lập ngôn của ta."

    Ta nên biết rằng hai chữ Tri và Hành của Dương Minh nói ở đây có cái nghĩa khác với cái nghĩa thường dùng. Tri là chuyên nói cái minh giác của Tâm, Hành là nói sự phát động của Tâm, nhưng trong sách Đại học gọi là Ý vậy. Tri là bản thể của Tâm, Ý là sự phát động của Tâm. Tâm với Ý là một thì Tri với Hành cũng là một. (Theo Nho giáo của Trần Trọng Kim)

    Bài của Ngài Hiến Đạo Hiệp Thiên Đài nói về thuyết Tri Hành hợp nhứt, trích trong quyển Tiếng Gọi, chép ra sau đây:

    "Thuyết Tri Hành hợp nhứt do nhà học giả trứ danh Vương Dương Minh đề xướng. Trước khi bàn về thuyết nầy, nên nói qua sơ lược tiểu sử của tác giả.

    Ông là Vương Thủ Nhân, tự là Bá An, dòng dõi nho học có tiếng đời nhà Minh, ở đất Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang. Vì ông làm nhà ở Dương Minh động, cách thành Hàng Châu 20 dặm cho nên các học giả gọi ông là Dương Minh tiên sanh.

    Ông chẳng những học vấn đã tinh mà võ công cũng rỡ, kể về học thuyết thì Tri Hành nhứt trí, kể về sự nghiệp thì văn võ kiêm toàn.

    Lúc trẻ tuổi hay trầm tư mặc tưởng. Năm 17 tuổi, đương đi chơi xa, cha gọi về cưới vợ. Trên đường về gặp một đạo sĩ đương ngồi bên đường, Nhân hỏi đạo dưỡng sinh, ông nghe qua lấy làm đắc ý, ngồi nghe hoài không chán, quên phức đêm ấy là đêm cưới vợ.

    Ông có bộ óc tư tưởng cải cách, thoát ly cái lối học hủ lậu của các nhà nho thuở ấy. Học thuyết của ông về phần tinh túy là thuyết "Tri Hành hợp nhứt".

    Xưa nay các nhà học giả đều chia phần TRI và phần HÀNH làm hai việc. Đến đời ông Dương Minh mới xướng lên cái thuyết Tri Hành hợp nhứt.

    Ông nói: Hễ tri lúc nào là Hành lúc ấy. Có Hành mới chứng nghiệm được Tri. Nếu không Tri lấy gì mà Hành? Không Hành lấy gì gọi rằng Tri? Tri Hành không thể chia làm hai việc được, nên ông chủ trương Tri Hành hợp làm một.

    Tỷ như thấy sắc đẹp, biết nó là sắc đẹp, đó là Tri; nhưng ở trong lúc thấy sắc đẹp tức khắc đã ham liền, đó là Hành; như nghe mùi hôi, biết là hôi, đó là Tri, nhưng trong lúc nghe mùi hôi, tức khắc đã ghét liền, đó là Hành.

    Giả như thấy sắc đẹp mà không ham, nghe mùi hôi mà không ghét, là vì không biết đẹp, không biết hôi, đủ chứng được không tri, thời không hành. Chớ như biết đẹp thì thích ngay, nghe hôi thì ghét ngay, chẳng phải Tri với Hành đi cặp với nhau hay sao?

    Còn như Tri Hành chia làm hai việc, há có lẽ mắt thấy đẹp, mũi nghe hôi, rồi ham đẹp, ghét hôi lại ra một lúc khác hay sao? Đều là không thể có được.

    Lại như nói người kia biết hiếu, người kia biết đễ, tất là người ấy đã làm việc hiếu việc đễ rồi, thì mới bảo là biết hiếu biết đễ. Cũng như biết đau tất là mình đã thấy đau rồi mới biết đau; biết đói tất là mình đã thấy đói rồi mới biết đói. Như vậy thì Tri với Hành phân ra làm hai thế nào được?

    Hoặc là tâm mình khởi một niệm thiện, liền khi đó ý thiện phát sanh; hoặc là tâm mình khởi một niệm ác, liền khi đó ý ác phát sanh. Tâm khởi niệm, ý phát sanh đồng trong một lúc, đủ chỉ rõ Tri Hành hợp làm một.

    Nếu đem Tri Hành phân ra hai việc thì khi có một niệm phát động, tuy là bất thiện nhưng bởi chưa thi hành, thì không tìm cách ngăn cản, cái niệm ấy có thể sanh mộng nẩy chồi càng ngày càng lớn, sau khó diệt trừ. Như vậy là nguy thay!

    Vương Dương Minh phát huy cái thuyết "Tri Hành hợp nhứt" chính là để người hiểu được nhứt niệm phát động, tức là hành rồi. Hễ chỗ phát động có điều bất thiện thì đem điều bất thiện ấy trừ ngay đi, cốt bỏ đến chỗ căn để khiến cái niệm bất thiện không tiềm phục ở trong lòng được nữa.

    Ấy tôn chỉ "Tri Hành hợp nhứt" là thế.

    Vương Dương Minh muốn đem học giả vào con đường thực tiễn đạo đức. Tự mình muốn gột rửa cái gì còn dơ bẩn thì phải dụng công ở sự "Tỉnh sát khắc trị".(1)

    Cái công phu "Tỉnh sát khắc trị" không phải một ngày một bữa mà nên, phải liên tục, không lúc nào rỗi, bất kỳ giờ phút nào, ở chỗ nào, hoặc đi đứng nằm ngồi, chớ chẳng phải theo thế tình là tham thiền mới được. Người có chí dốc lòng tự sửa mình, sau mới nên người có tinh thần mạnh mẽ, có đức tính trong sạch, có tư cách hơn người.

    Về phần thực tế trong xã hội, ta thường thấy, trường kỹ thuật, trường huấn nghệ, học viên vừa học vừa làm, phần lý thuyết và thực hành đi cặp với nhau. Khi thành nghề, cái học đã hay, cái nghề lại giỏi. Các trường Trung học, các Viện Đại học, nơi nào cũng có đặt phòng Thí nghiệm, mở lớp thực tập, cũng không ngoài cái thuyết Tri Hành hợp nhứt.

    Để kết luận, Tri là cái khởi đầu của Hành, Hành là cái thành tựu của Tri. Tri đến nơi đến chốn thì Hành viên mãn chu toàn.

    Septembre 1972
    HIẾN ĐẠO Phạm Văn Tươi

    (1) Tỉnh sát khắc trị: 省察克治 Tự kiểm điểm hành vi tư tưởng của mình, xem xét kỹ lưỡng, để khắc phục sửa trị.

  • Tri khổ nghiệp chướng

    Tri khổ nghiệp chướng

    知苦業障

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Khổ: vất vả khổ cực. Chướng: ngăn trở.

    Nghiệp chướng: sự ngăn trở của nghiệp. Những tội lỗi đã gây ra trong kiếp trước, tạo thành nghiệp xấu, gây ra sự ngăn trở trong kiếp nầy, khiến phải chịu hoạn nạn tai ương.

    Tri khổ nghiệp chướng là biết được những vất vả khổ cực là do sự ngăn trở của nghiệp xấu của mình.

    Di Lạc Chơn Kinh: Tri khổ nghiệp chướng, luân chuyển hóa sanh, năng du Ta bà thế giới,....

  • Tri kiến

    Tri kiến

    知見

    A: To see and know.

    P: Voir et savoir.

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Kiến: thấy.

    Tri kiến là thấy và biết.
    Cái thấy và cái biết của mỗi người có khác nhau, tùy theo căn tánh của mỗi người cao hay thấp.

  • Tri kỷ

    Tri kỷ

    知己

    A: Intimate friend.

    P: Ami intime.

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Kỷ: mình.

    Tri kỷ là người bạn biết được mình, biết được chí hướng và lòng dạ của mình.

  • Tri kỷ tri bỉ

    Tri kỷ tri bỉ

    知己知彼

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Kỷ: mình. Bỉ: người kia, phía bên kia.

    Tri kỷ tri bỉ là biết mình biết người.

    Biết người là biết rõ thực lực của người, những mặt ưu khuyết của người. Biết mình là biết rõ thực lực của ta, những điều sở trường và sở đoản của ta, để so sánh với người.

    Sách binh pháp của Tôn Võ Tử có viết rằng:

    Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi,
    Bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhứt thắng nhứt phụ,
    Bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất bại.

    Nghĩa là:

    Biết mình biết người, trăm trận đánh không thua,
    Không biết người mà biết mình, một thắng một thua,
    Không biết người không biết mình,mỗi lần đánh ắt thua.
  • Tri lý đạo

    Tri lý đạo

    知理道

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Lý: lý lẽ. Đạo: tôn giáo. Lý đạo: giáo lý của một tôn giáo.

    Tri lý đạo là người hiểu biết được giáo lý của đạo.

    "Phó Trị Sự là người thay mặt Chánh Trị Sự trong một Ấp đạo, gọi là Tri lý đạo, để lo về phần hành chánh đạo, tức là về mặt xã hội, giúp đỡ bổn đạo trong xóm ấp được tương thân tương trợ, gặp người hoạn nạn thì Phó Trị Sự phải sốt sắng kêu gọi bổn đạo chung tâm giúp đỡ người. Phó Trị Sự có quyền giáo hóa chớ không có quyền sửa trị," (Trích trong Bài học Hạnh đường, khóa Lễ Sanh)

  • Tri nan hành dị

    Tri nan hành dị

    知難行易

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Nan: khó. Hành: làm. Dị: dễ.

    Tri nan hành dị là biết khó làm dễ.

    Biết cho tận tường, biết đến nơi đến chốn là điều rất khó, nhưng đã biết rõ rồi mà đem ra thi hành thì rất dễ.

    Đây là học thuyết của Tôn Dật Tiên (Tôn Văn) chủ trương, để đối kháng lại thuyết xưa: Tri dị hành nan (biết dễ làm khó).

  • Tri ngộ

    Tri ngộ

    知遇

    A: Friend at first encounter.

    P: Ami dès la première rencontre.

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Ngộ: gặp.

    Tri ngộ là chỉ người bạn mới quen biết và giúp đỡ nhau.

    Ơn tri ngộ: cái ơn do mới quen biết và giúp đỡ nhau.

  • Tri nhơn thiện nhiệm

    Tri nhơn thiện nhiệm

    知人善任

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Nhơn: Nhân: người. Thiện: giỏi. Nhiệm: trách nhiệm.

    Tri nhân thiện nhiệm là biết người giỏi thì giao cho trách nhiệm xứng đáng.

    Đây là câu khen bậc lãnh đạo sáng suốt biết dùng người, biết được tài đức của từng người để giao nhiệm vụ thích hợp thì công việc mới thành công tốt đẹp.

  • Tri nhơn tri diện bất tri tâm

    Tri nhơn tri diện bất tri tâm

    知人知面不知心

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Nhơn: Nhân: người. Diện: mặt. Tâm: lòng dạ.

    Đây là câu nói nổi tiếng của Trang Tử:

    Họa hổ họa bì nan họa cốt,
    Tri nhơn tri diện bất tri tâm.

    Nghĩa là:

    Vẽ cọp vẽ da, khó vẽ xương,
    Biết người biết mặt, không biết lòng.

    Lòng người sâu kín, khó lường, miệng thì nói điều nhân nghĩa đạo đức, nhưng lòng dạ giả dối, nào ai biết được?

  • Tri Thiên mạng

    Tri Thiên mạng

    知天命

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Thiên: Trời. Thiên mạng: mệnh Trời.

    Tri Thiên mạng là biết được mệnh Trời.

    Thiên mạng là một quan niệm rất quan trọng trong triết lý của Nho giáo. Có câu: Tận nhơn lực, tri Thiên mạng. Nghĩa là: có làm hết sức mình thì mới biết được mệnh Trời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con khá giữ mực thẳng mà đi cho cùng bước Đạo. Ấy là tri Thiên mạng đó.

    Đức Khổng Tử có thuật lại cho biết, Ngài tới 50 tuổi mới biết được mệnh Trời:

    "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri Thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ."

    Nghĩa là:

    Ta 15 tuổi đã để cái chí vào sự học, 30 tuổi thì lập được chí không thay đổi, 40 tuổi thì hết nghi hoặc, 50 tuổi thì biết được mệnh Trời, 60 tuổi thì tai nghe đã thuận theo đạo Trời, 70 tuổi thì tùy lòng muốn mà không ra ngoài phép tắc (tức là nhập diệu và hòa điệu vào đạo lý Thiên Địa Nhơn vậy).

    Từ câu nói nầy của Đức Khổng Tử, người ta rút ra được hai thành ngữ chỉ về tuổi tác:

    Bất hoặc: không nghi hoặc, chỉ tuổi 40.

    Tri Thiên mệnh: biết mệnh Trời, chỉ tuổi 50.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Thôi gần hết kiếp còn gì!
    Co tay đếm tuổi quá kỳ tri Thiên.
  • Tri túc

    Tri túc

    知足

    A: To know to be satisfied.

    P: Savoir se contenter.

    Tri: Biết, hiểu biết, quen biết. Túc: đủ.

    Tri túc là biết đủ, biết mình có được như thế là đủ rồi, không muốn đòi hỏi thêm.

    Người tri túc là người biết an phận nên được hạnh phúc.

    Người không tri túc thì luôn luôn chạy theo dục vọng, tìm đủ cách để làm thỏa mãn dục vọng, mà dục vọng thì không bờ bến, nên người không tri túc thì cảm thấy lúc nào mình cũng thiếu thốn, nên luôn luôn lo âu phiền não.
    Dầu giàu sang bốn biển như Vương Khải, Thạch Sùng, hay như các vua chúa thời xưa, mà không tri túc thì vẫn cho rằng có được bao nhiêu đó chưa đủ, cần phải tìm cách chiếm đoạt thêm, đến mãn đời vẫn lo âu sầu khổ và thường phải chết trong việc làm tôi tớ cho các dục vọng của mình.

    Còn như Sào Phủ và Hứa Do, nhà không lành, quần áo không đủ hai bộ, sống thanh bần nơi sằn dã mà tri túc thì thảnh thơi vui thú, an nhàn tự tại.

    Sự tri túc là biết ngăn chận lòng tham lam không đáy của con người, để con người tìm thấy được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống.

    Trong sách Minh Tâm Bửu Giám, phần an phận, sách Cảnh Hành lục viết rằng:

    Tri túc thường lạc, đa tham tất ưu,
    Tri túc giả, bần tiện diệc lạc,
    Bất tri túc giả, phú quí diệc ưu.
    Tri túc thường túc, chung thân bất nhục,
    Tri chỉ thường chỉ, chung thân bất sỉ.
    Tỉ thượng bất túc, tỉ hạ hữu dư,
    Nhược thử hướng hạ, tâm vô hữu bất túc giả.

    Nghĩa là:

    Biết đủ thường vui, tham nhiều tất lo âu,
    Người biết đủ, nghèo hèn cũng vui,
    Người không biết đủ, giàu sang cũng lo âu.
    Biết đủ thì thường đủ hoài, cả đời không nhục,
    Biết dừng lại thường dừng lại, cả đời không thẹn.
    Sánh với trên thấy không đủ, sánh với dưới thấy có dư,
    Ví bằng nhìn xuống như thế, lòng chẳng có lấy làm không đủ.

    Trong sách Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử có viết rằng:
    Danh dữ thân thục thân?
    Thân dữ hóa thục đa?
    Đắc dữ vong thục bệnh?
    Thị cố, thậm ái tất thậm phí,
    Đa tàng tất hậu vong.
    Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi,
    Khả dĩ trường cửu.

    Nghĩa là:

    Tên tuổi và thân sống, cái nào quí?
    Thân sống và của cải, cái nào cần?
    Được và mất, cái nào hơn?
    Cho nên, yêu lắm thì hao tổn nhiều,
    Cất chứa nhiều thì mất nhiều.
    Biết đủ không nhục, biết dừng không nguy,
    Có thể lâu dài.

    Họa mạc đại ư bất tri túc,
    Cữu mạc đại ư dục đắc.
    Cố tri túc chi túc,
    Thường túc hỹ.

    Nghĩa là:

    Tai họa, không cái nào lớn bằng không biết đủ,
    Lỗi lầm, không cái nào lớn bằng lòng muốn được.
    Cho nên, biết đủ thì đủ,
    Luôn luôn đủ vậy.

    “Tri túc tức là Tự tri mãn túc, tự biết mình có đầy đủ, không mong cầu thái quá.

    Thiểu dục, Tri túc là hai đức tánh mật thiết với nhau. Thiểu dục: ít ham muốn; Tri túc: có bao nhiêu cũng coi là đủ, dẫu được ít lòng cũng chẳng hối hận.

    Niết Bàn Kinh: Tri túc là tự biết hạnh đức mình, sở đắc của mình. Trái với Bất Tri túc là chẳng biết liệu lượng sức mình. Người Tri túc chẳng dám nhận những sự khen tặng, cúng dường, cung kính thái quá của người đời, một niềm phụng sự nết tri túc của mình. Kẻ Bất Tri túc, hạnh tu thì ít mà ngỡ rằng mình có phước đức lớn, đạo quả cao, muốn cho người đời tôn trọng mình. Bực Tỳ kheo bất tri túc như vậy phạm tội nặng là tội ba-la-di (tội nặng nghiêm trọng trong giới luật).

    Phật giáo Di kinh: Nếu muốn thoát khỏi mọi sự khổ não nên quán tưởng lẽ Tri túc. Cái phép Tri túc là thấy mình giàu có, vui vẻ, an ổn. Người Tri túc dầu nằm trên đất cũng vẫn an vui. Kẻ Bất Tri túc dầu ở cảnh Thiên đường cũng chẳng vừa ý. Kẻ Bất Tri túc tuy giàu mà nghèo; người Tri túc tuy nghèo mà giàu. Kẻ Bất Tri túc thường bị năm mối tham dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc lôi kéo. Người Tri túc trông thấy mà thương xót giùm.” (Trích trong Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn)

  • TRÌ

    TRÌ

    1. TRÌ: 持 Cầm giữ, nắm lấy, kềm chế, giúp đỡ.

    Thí dụ: Trì chí, Trì trai, Trì niệm.

    2. TRÌ: 池 Cái ao.

    Thí dụ: Trì ngư lung điểu.

    3. TRÌ: 遲 Chậm chạp.

    Thí dụ: Trì hoãn, Trì trệ.

  • Trì chí

    Trì chí

    持志

    A: Patient.

    P: Patient.

    Trì: Cầm giữ, nắm lấy, kềm chế, giúp đỡ. Chí: ý chí.

    Trì chí là giữ vững ý chí, giữ cho ý chí không đổi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Gắng công trì chí, liệu chừng với nhau mà vẹt cho sạch mấy lối chông gai.

  • Trì giới

    Trì giới

    持戒

    A: To observe the prohibitions.

    P: Observer les prohibitions.

    Trì: Cầm giữ, nắm lấy, kềm chế, giúp đỡ. Giới: điều răn cấm, giới luật tu hành.

    Trì giới là gìn giữ giới luật tu hành.

    Trái với Trì giới là Phá giới, Phạm giới.

    Người tu mà không trì giới thì không thể đạt được cứu cánh. Đạo Cao Đài có hai giới luật quan trọng hàng đầu cần phải gìn giữ: Ngũ giới cấm và Giới luật ăn chay. Đức Chí Tôn thường nói rằng: "Chẳng phải Thầy còn buộc các con theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quí báu, không giữ chẳng hề thành Tiện, Phật đặng."

  • Trì hoãn (Trì huỡn)

    Trì hoãn (Trì huỡn)

    遲緩

    A: To adjourn.

    P: Ajourner.

    Trì: Chậm chạp. Hoãn: thong thả, không gấp.

    Trì hoãn hay Trì huỡn là để chậm lại, kéo dài thời gian.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Còn hai cha con phải lập Minh Thệ cho kịp, chớ để trì huỡn không đặng.

  • Trì ngư lung điểu

    Trì ngư lung điểu

    池魚籠鳥

    A: The fish in a pond and the bird in a cage.

    P: La poisson d"étang et l"oiseau en case.

    Trì: Cái ao. Ngư: con cá. Lung: cái lồng. Điểu: con chim.

    Trì ngư lung điểu là cá trong ao, chim trong lồng.

    Thường nói: Cá chậu chim lồng, để chỉ cảnh sống tuy sung sướng nhưng mất tự do.

  • Trì niệm

    Trì niệm

    持念

    Trì: Cầm giữ, nắm lấy, kềm chế, giúp đỡ. Niệm: nhớ nghĩ.

    Trì niệm là giữ lòng thiện niệm, nghĩ nhớ chẳng quên.

    Trì niệm danh hiệu Đức Chí Tôn là gìn giữ hoài sự niệm danh hiệu Đức Chí Tôn, không lúc nào quên.

  • Trì trai thủ giới

    Trì trai thủ giới

    持齋守戒

    Trì: Cầm giữ, nắm lấy, kềm chế, giúp đỡ. Trai: việc ăn chay. Thủ: gìn giữ. Giới: điều răn cấm, giới luật tu hành.

    Trì trai là gìn giữ việc ăn chay, tức là ăn chay trường.

    Thủ giới, đồng nghĩa Trì giới, là gìn giữ giới luật tu hành, không cho vi phạm.

  • Trì trệ

    Trì trệ

    遲滯

    A: Slow.

    P: Lent.

    Trì: Chậm chạp. Trệ: ứ đọng.

    Trì trệ là công việc chậm chạp và ứ động.

  • TRÍ

    TRÍ

    1. TRÍ: 智 Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt.

    Thí dụ: Trí huệ.

    2. TRÍ: 置 Đặt để, dựng, bố trí.

    Thí dụ: Trí binh.

    3. TRÍ: 致 Làm cho đến nỗi, hết, vời tới, đường lối, nghỉ.

    Thí dụ: Trí nhàn, Trí sĩ, Trí lực.

  • Trí binh

    Trí binh

    置兵

    A: To arrange the army in battle.

    P: Arranger l"armée en bataille.

    Trí: Đặt để, dựng, bố trí. Binh: binh lính, quân đội.

    Trí binh là bố trí quân đội để chuẩn bị đánh giặc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hiền hữu biết rằng, trong trận trí binh nầy, nếu không đủ tài tình oai dõng thì chẳng hề thắng đặng.

  • Trí chi tử địa

    Trí chi tử địa

    致之死地

    Trí: Làm cho đến nỗi, hết, vời tới, đường lối, nghỉ. Chi: tư tự. Tử: chết. Địa: đất.

    Trí chi tử địa là đưa vào đất chết.

  • Trí dõng (Trí dũng)

    Trí dõng (Trí dũng)

    智勇

    A: Intelligence and courage.

    P: Intelligence et courage.

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Dõng: Dũng: gan dạ và mạnh mẽ.

    Trí dõng hay Trí dũng là khôn ngoan và dũng cảm.

  • Trí dục - Đức dục

    Trí dục - Đức dục

    智育 - 德育

    A: The intellectual education - Moral education.

    P: Éducation intellectuelle - Éducation morale.

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Dục: nuôi dạy, giáo dục. Đức: đạo đức.

    Trí dục là sự giáo dục về trí thức, nhằm mở mang trí thức và phát triển tư tưởng của con người.

    Đức dục là sự giáo dục về đạo đức và luân lý, đối với bản thân, gia đình và xã hội.

    Hai sự giáo dục nầy phải đặt nặng song song nhau thì mới đào tạo được một con người tốt đẹp và hữu ích cho xã hội.

  • Trí đặc tài

    Trí đặc tài

    智特才

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Đặc: đặc biệt. Tài: tài năng.

    Trí đặc tài là có trí thức khôn ngoan và tài năng đặc biệt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Trường Tiên mở rộng chơn du khách,
    Nẻo hoạn buông khơi trí đặc tài.
  • Trí độ phi phàm

    Trí độ phi phàm

    智度非凡

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Độ: trình độ. Phi: chẳng, không. Phàm: tầm thường. Phi phàm: chẳng phải tầm thường.

    Trí độ phi phàm là trình độ khôn ngoan hiểu biết chẳng phải tầm thường.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Song các con nên biết xét mình là đứng vào địa vị tối cao hơn muôn loại, nên các con phải có trí độ phi phàm thì mới đủ tư cách làm người.

  • Trí đức kiêm toàn

    Trí đức kiêm toàn

    智德兼全

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Đức: đạo đức, đức hạnh. Kiêm: một lúc gồm cả hai việc. Toàn: hoàn toàn, trọn vẹn.

    Trí đức kiêm toàn là tài trí và đức hạnh đều được trọn vẹn cả.

  • Trí giả

    Trí giả

    智者

    A: An intellectual.

    P: Un intellectuel.

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Giả: người.

    Trí giả là người trí thức, người hiểu biết.

    Trí giả đồng nghĩa: Trí nhơn, Thiện tri thức; trái nghĩa: Ngu giả, Ngu nhơn. Trí giả cũng là tiếng tôn xưng bực có trí huệ, nhà đạo đức chơn chánh thanh tịnh có thiện căn.

  • Trí giác

    Trí giác

    智覺

    A: The sageness.

    P: La sagesse.

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Giác: hiểu biết, biết rõ ràng không lầm lạc. Thường nói: Giác ngộ: biết rõ và gặp được chơn lý. Phật là bực Đại giác hay Chánh giác.

    Trí giác là bực sáng suốt hiểu biết rõ, không còn lầm lạc, ngộ được chơn lý.

  • Trí huệ - Trí thức

    Trí huệ - Trí thức

    智慧 - 智識

    A: Sageness - Knowledge.

    P: Sagesse - Connaissance.

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Huệ: sự sáng suốt hiểu biết rốt ráo.

    Trí huệ là sự hiểu biết sáng suốt rốt ráo của trí não nhờ được khai sáng một cách đặc biệt bởi sự tu tập thiền định nên thông suốt được các lẽ huyền vi của Trời Đất mà trí não bình thường không thể biết được.

    Người thường thì có Trí thức; bực đắc đạo thì có Trí huệ.

    Cho nên, trí huệ là sự hiểu biết thông suốt của bực đắc đạo, tức là của ba bực: Thánh, Tiên, Phật.

    Trí huệ đối nghịch với phiền não. Trí huệ sánh như bóng đèn, phiền não ví như bóng tối. Hễ có ánh đèn thì chỗ tối tăm biến mất, và chỗ nào tối tăm là vì không có ánh đèn.

    Cho nên, hễ có phiền não thì không có Trí huệ, mà khi đã có Trí huệ thì không có phiền não. Người tu đạt được Trí huệ thì dứt hết phiền não.

    Còn Trí thức, thức là nhận biết, Trí thức là sự thông minh hiểu biết. Người trí thức là người học rộng biết nhiều, thông thuộc kinh sách, có tài văn chương, luận đàm hoạt bát.

    Cái trí thức có được là do học tập, nghiên cứu kinh sách, nên nó khác với Trí huệ.

    Đại Sư Thần Tú là một nhà trí thức, lảu thông kinh sách Tam giáo, còn Huệ Năng dốt nát, không biết chữ, nhưng lại là người Trí huệ. Do đó, Y Bát của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền cho Huệ Năng chớ không truyền cho Thần Tú, đủ thấy Trí huệ cao hơn Trí thức rất nhiều.

    Sau đây xin chép lại bài giảng về Trí huệ và Trí thức của Ngài Hiến Đạo Hiệp Thiên Đài Phạm Văn Tươi, trích trong tập Tiếng Gọi, trang 83:

    Thế nào là Trí thức?

    Do sự học hỏi và sự kinh nghiệm mà hiểu biết, thuộc về trí thức. Như thế, ta xem sử học biết nước ta có bốn ngàn năm văn hiến, đời Hồng Bàng khai quốc, vua Hùng Vương là thủy tổ của nước Việt Nam; xem báo chí ta biết nước Trung quốc có 800 triệu dân; khoa học dạy ta biết điện tử năng, nguyên tử năng, công dụng quang tuyến X, sự lợi ích về vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình. Đó là hiểu biết về học thức.

    Nhờ kinh nghiệm, ta xem mây có thể tiên đoán trời mưa, trời nắng; nghe gió biết gió thổi thuận chiều hay nghịch chiều tùy theo thời tiết; nước nấu đến mức nào sôi, nước đá đến mức nào tan rã; món ăn thức uống, món nào nên dùng hạp cơ thể, món nào dùng có hại. Đây là hiểu biết về kinh nghiệm.

    Kẻ học rộng biết nhiều hiểu nhiều, thông thuộc kinh điển, có tài hùng biện, hoạt bát trong sự luận đàm, lịch duyệt về khoa ngôn ngữ, chỉ là người học hay, học giỏi, là người trí thức đó thôi, không phải là người trí huệ.

    Người trí huệ là người thế nào?

    Đây, người trí huệ là người thế nầy:

    Một hôm, Đức Khổng Tử gọi riêng thầy Tăng Tử tên Sâm, là một trong những cao đệ của Đức Thánh, mà nói rằng:

    - Ngươi Sâm ơi! Đạo ta trước sau chỉ lấy một lẽ mà suốt cả mọi việc trong thiên hạ. (Ngô đạo nhứt dĩ quán chi).

    Thầy Tăng Tử không ngần ngại, ứng khẩu ngay đáp một tiếng: - Dạ.

    Thầy Tăng Tử theo Đức Khổng Tử học đạo, học trò đã thấm nhuần giáo lý của thầy, đã lãnh hội ý của thầy, nên vừa nghe thầy nói thì hiểu liền.

    Cách lập giáo của Đức Khổng Tử căn cứ vào một lẽ là Thiên lý mà thôi. Từ Hình nhi hạ học bàn về nhơn sanh nhật dụng, nào là phẩm cách con người, tổ chức gia đình, xã hội, quốc gia, nào là việc nhân nghĩa, việc lễ trí, tới Hình nhi thượng học là phần triết lý bàn về Thiên đạo, Nhân đạo, nhứt nhứt đều không ra ngoài Thiên lý. Sự giảng dạy có mạch lạc, có hệ thống, môn nhơn nào sáng suốt biết mối thì tìm hiểu dễ dàng, nên nói lấy một lẽ mà suốt cả mọi việc trong thiên hạ là vậy. Sở đắc của thầy Tăng Tử là chỗ đó. Cũng vì vậy mà người ta nói: học một biết mười.

    Ông Galilée, người nước Ý, nhà toán học và thiên văn học thế kỷ 17 thường hay ngẫm nghĩ một phương tiện nào để đo thời gian, tìm mãi ngày nầy qua ngày nọ mà chưa tìm ra, không có một ánh sáng nào, một tia hy vọng nào làm cho ông mở lối. Ông vẫn chú trọng vào việc tìm kiếm không ngừng.

    Một hôm ông đi lễ Nhà thờ về, tình cờ thấy một cái lồng đèn treo lắc qua lắc lại một cách đều đều. Bỗng dưng tâm ông bật sáng tỏ, ông phát minh ra được cách đo ngày giờ. Rồi từ tỏ ngộ nầy đến tỏ ngộ khác, ông Galilée phát minh ra nào là hàn thử biểu, nào là cân để đo khí, đo nước và định các trọng lượng riêng của mọi vật.

    Nhờ trí huệ mở rộng, ông Galilée mới phát minh các thứ cân đo trên đây.

    Thời xưa, Ngài Huệ Năng còn là người bán củi, lòng mộ đạo, quyết chí tu hành để cầu làm Phật. Một hôm, khi đi bán củi về, gặp một người khách tụng kinh, qua đến câu Không nên trụ vào đâu mà sanh tâm của mình. (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm), bỗng nhiên tâm Ngài liền khai ngộ.

    Ngài hỏi khách tụng kinh gì?

    Khách đáp: - Kinh Kim Cang.

    Lại hỏi khách thọ trì kinh điển nầy từ nơi đâu?

    Khách bèn chỉ ở đất Kỳ Châu, huyện Hoàng Mai, có một ngôi chùa mà Ngũ Tổ đương trụ trì giáo hóa.

    Ngài về thu xếp việc nhà, tìm qua đất Kỳ Châu, đến huyện Hoàng Mai, lễ bái Ngũ Tổ xin thọ giáo. Qua những lời vấn đáp, Ngũ Tổ biết Ngài không phải như người tầm thường mà là người có căn trí rộng lớn, sáng suốt, hiểu biết nhậm lẹ.

    Ở chùa hơn tám tháng trường làm công quả, đeo đá đạp chày giã gạo ở nhà sau, không một ai để ý đến, chỉ có Ngũ Tổ thường theo dõi, biết Ngài đã thuần thục, thấm nhuần đạo pháp. Một hôm, Tổ giảng Kinh Kim Cang cho nghe, Ngài liền đại ngộ, Tổ bèn truyền pháp và trao Y Bát cho Ngài.

    Đạo Phật gốc ở Ấ Độ, truyền sang nước Trung quốc kể từ Nhứt Tổ Đạt Ma đến Ngài Huệ Năng là vị Tổ thứ sáu. Ngài Huệ Năng vốn là người không học nên không biết chữ, chỉ nghe Tổ giảng kinh, nhờ trí huệ mà đắc pháp.

    Thầy Nhan Hồi nghèo đáo để, ở ngõ hẻm, ăn thì một giỏ cơm, uống thì một bầu nước, ai dầu gặp cảnh ngộ ấy cũng lấy làm lo, thế mà thầy thản nhiên thư thái, không đổi cái vui. Đức Khổng Tử khen là người hiền. Thầy Nhan nghèo mà không lo không sợ, lại vui, vui về chỗ nào? - Vui về chỗ sở đắc của thầy, thầy đã tỏ ngộ được đạo lý Thánh hiền.

    Bậc Thánh nhơn như Đức Khổng Tử đến 50 tuổi tri Thiên mạng. Tri Thiên mạng là rõ thông chơn lý, là cái lý sanh Trời Đất và sanh muôn vật. Trời Đất còn là nhờ cái lý ấy, vạn vật sống là nhờ cái lý ấy. Cái lý ấy là nguồn gốc và là giềng mối của Trời Đất, của muôn vật.

    Đến 60 tuổi thì nhĩ thuận. Đối với sự lý nhơn vật trong thiên hạ, hễ điều gì lọt vào tai thì tức khắc phán đoán được ngay, không nghĩ ngợi mà hợp đạo.

    Đến 70 tuổi thì tùng tâm sở dục bất du củ, toan nói điều gì, làm điều gì, tùy theo lòng muốn sao thời vậy, không bao giờ vượt ngoài khuôn khổ đạo lý, thung dung mà trúng tiết.

    Nghĩa chữ Trí huệ mường tượng nghĩa chữ Trực giác, không cần lý trí, không cần kinh nghiệm mà hiểu biết, hiểu biết một cách chính chắn và mau lẹ. Khi mình nghe, chạm phải một lời gì, hoặc chợt thấy một vật gì, bỗng dưng tâm mình bựt sáng tỏ ra, bất thình lình mình hiểu biết. Sự hiểu biết bất ngờ đó là Trí huệ.

    Septembre 1972.
    HIẾN ĐẠO
  • Trí Huệ Cung - Trí Giác Cung - Vạn Pháp Cung

    Trí Huệ Cung - Trí Giác Cung - Vạn Pháp Cung

    智慧宮 - 智覺宮 - 萬法宮

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Trí huệ - Trí giác: (đã giải ở trên Trí huệ Trí giác). Vạn pháp: muôn pháp. Pháp là giáo lý của một nền tôn giáo. Vạn pháp là tất cả giáo lý của tất cả tôn giáo trên thế giới, tức là của Ngũ Chi Đại Đạo. Vạn pháp qui tông, tức là Ngũ Chi phục nhứt, là thời kỳ Đức Chí Tôn qui tụ tất cả mối đạo, thống hiệp làm một tạo thành một nền Đại Đạo, gồm 5 bực tiến hóa của chơn linh: Nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Cung: tòa nhà lớn.

    Trong Đạo Cao Đài, Đức Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn lập ra ba cung dùng làm cơ sở cho Tịnh Thất để dạy Bí pháp Luyện đạo. Ba cung đó là:

    - Trí Huệ Cung, trong Thiên Hỷ Động, lập tại ấp Trường Xuân, xã Trường Hòa, Châu Thành Thánh Địa Tây Ninh, cách Tòa Thánh Tây Ninh khoảng 7 cây số về hướng Đông Nam.

    - Trí Giác Cung, trong Địa Linh Động, lập tại ấp Trường Thiện, xã Trường Hòa, Châu Thành Thánh Địa Tây Ninh, cách Tòa Thánh Tây Ninh khoảng 3 cây số về hướng Đông Nam.

    - Vạn Pháp Cung, trong Nhơn Hòa Động, lập tại chơn núi ở phía nam núi Bà Đen, nhưng vì chiến tranh xảy ra trước đây nên phải dời cơ sở về tạm đặt tại xã Ninh Thạnh, hướng Bắc Tòa Thánh Tây Ninh.

    Vạn Pháp Cung dùng làm Tịnh Thất riêng cho nam phái.
    Trí Huệ Cung dùng làm Tịnh Thất riêng cho nữ phái.
    Trí Giác Cung dùng làm Tịnh Thất cho cả nam và nữ.
     

    I. TRÍ HUỆ CUNG (Thiên Hỷ Động)

    Đức Phạm Hộ Pháp khởi tạo Trí Huệ Cung và khai mở vùng phụ cận vào cuối năm Đinh Hợi (1947) và ngày hoàn thành là ngày Đức Phạm Hộ Pháp trấn pháp Trí Huệ Cung, 15-12-Canh Dần (dl 22-1-1951).

    Đức Phạm Hộ Pháp có đọc một bài diễn văn tại Trí Huệ Cung ngày 17-8-Tân Mão (dl 17-9-1951), có sự hiện diện của ông Tỉnh Trưởng tỉnh Tây Ninh, để giới thiệu với ông Tỉnh Trưởng và chánh quyền đời, vùng đất nơi Trí Huệ Cung do Đạo Cao Đài khai mở, nay giao lại cho chánh quyền đời để tiếp tục mở mang rộng lớn thêm.

    Sau đây xin trích một đoạn trong bài Diễn văn nầy:

    “Từ ngày Đức Chí Tôn giáng cơ mở đạo đến nay, phần đông con cái của Người đến nương sống nơi đây, mới đủ sức lực mở mang điền địa.

    Bần đạo thấy đặng sự thật là: Ta có đủ điền địa phì nhiêu mà nuôi dân phu phỉ, nhưng phú hữu của nó chưa quá khác, vì ai cũng biết lâm sản của nó mà không nỡ phá hại đặng mở mang điền địa. Cả lợi tức trong một hạn lệ từ năm mở tới 10 năm sau đặng thâu một mối lợi tân khai tân khẩn, vẫn bao giờ cũng làm cho chánh phủ cầm quyền buổi nọ e dè, không nhứt quyết. Bần đạo vì phải tầm phương sanh sống cho Đạo nên đã mạo hiểm từ trên 20 năm, thắng nỗi khó khăn trở lực, ngày nay điền địa bổn xứ ta khai mở quá nhiều rồi, tưởng khi trong năm mười năm nữa đây, dân bổn tỉnh khỏi phải mua gạo lúa miền Trung và Hậu giang, mà sống vì nguồn lợi sẽ phu phỉ. disOneRight cdtd-TriHueCung.jpg Trí Huệ Cung

    Khoảng đất ngày nay đặng tên Thiên Hỷ Động nầy, trước 20 năm, đây là rừng rậm, nên đã xin khai khẩn, song họ chỉ ăn cây và củi của nó, chớ không đủ sức mở mang cho nổi.

    Bần đạo thấy địa thế của nó rất nên tốt đẹp và đất địa của nó là thứ phì nhiêu, nên nay khai mở cho thành khoảnh, cái đẹp của nó, hôm nay ta vui thấy đây đã đáng giá, trót cả 10 năm nhọc nhằn.

    Bần đạo đã cỡi ngựa ruồng khắp vùng nầy. Được hiểu rằng đất nầy sẽ trở nên quí báu cho dân bổn xứ, xóm Trường Hòa, Ngài (Đức Hộ Pháp gọi ông Tỉnh Trưởng Tây Ninh) đã thấy rõ là một làng rừng, chớ không phải mảy may là thành thị, mà hôm nay đã trở nên một đô thị tối tân và đẹp đẽ, chẳng phải đẹp mà thôi, mà nó sẽ trở nên giàu có nữa mà chớ.

    Bởi thế cho nên, Bần đạo mở con đường An Nhàn Lộ và bắc cây cầu Đoạn Trần Kiều, đặng làm cho ngọn suối không còn là chướng ngại vật nữa, mà là con kinh thiên nhiên giúp cho sự mở mang vườn ruộng.

    Con đường nầy liên hiệp với con đường sẽ mở từ Trường Hòa vô vùng Thiên Hỷ Động mà Bần đạo đặt tên là Trường Xuân Lộ, rồi lại hiệp luôn với con đường ra Cẩm Giang mà Bần đạo lại đặt tên là Thiên Thọ Lộ.

    Các cơ thể của Bần đạo đã gầy nên là quyền xã hội, tức là quyền của chánh phủ và của dân, nên nay Bần đạo phải làm lễ mở các tân lộ ấy và giao nó lại cho Ngài sử dụng.

    Cử chỉ ấy chẳng qua là Bần đạo thi hành y theo chơn pháp Cao Đài giáo, khi đời chịu thống khổ thì Đạo phải giúp đời. Phận sự của Bần đạo đã xong, bây giờ là phận sự của quan lớn.

    Dân đã cho Bần đạo hiểu rằng, con đường mới nầy nó sẽ cho khách du hành đặng 4000 thước tây gần hơn chúng ta sẽ đi trên hai con đường lộ ấy đặng về Châu Thành, coi có quả vậy chăng?"

    Thiên Hỷ Động có vòng rào vuông vức rộng lớn bốn bên, mỗi bên có xây một cổng lớn ra vào, trên cổng có tấm bảng đề chữ THIÊN HỶ ĐỘNG, hai cột cổng có cẩn đôi liễn TRÍ HUỆ:

    智定天良歸一本
    慧通道法度群生
    Trí định thiên lương qui nhứt bổn,
    Huệ thông đạo pháp độ quần sanh.

    Nghĩa là:

    Sự khôn ngoan hiểu biết của con người sắp đặt đem cái Thiên lương trở về hiệp vào một gốc, (gốc đó là Thượng Đế),
    Cái trí huệ thông hiểu đạo pháp để cứu độ nhơn sanh.

    Nơi khu trung tâm là một tòa nhà hình khối lập phương, gọi là Trí Huệ Cung.

    "Trí Huệ Cung đã thành lập nên hình tướng nhiệm mầu, bề cao 12 thước, chia làm 3 từng, mỗi từng 4 thước y nhau, bốn bên, mỗi mặt là 12 thước, vuông vức như cái hộp, ở giữa trung tâm có một cây cột đội luôn 3 từng đến nóc, gọi là Nhứt trụ xang Thiên, là nhiệm mầu."

    Khi chúng ta đứng trước Trí Huệ Cung nhìn vào, thấy Trí Huệ Cung chỉ có hai từng, đó là hai từng trên vì từng trệt được Đức Hộ Pháp xây dưới mặt đất.

    1· Trí Huệ Cung là cửa vào con đường Thiêng Liêng Hằng Sống

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp ngày 16-12-Canh Dần và ngày 26-12-Canh Dần (dl 2-2-1951), xin trích ra sau đây:

    "Ngày nay, Đức Chí Tôn đã mở cho chúng ta một con đường Thiêng Liêng Hằng Sống và Bần đạo đã vâng mạng lịnh Đức Ngài tạo dựng một bến giải thoát cho toàn thể nhơn loại trên mặt địa cầu nầy. Bần đạo nói: Từ đây, kể từ ngày nay, cửa thiêng liêng của Đạo đã mở rộng. Bần đạo kêu toàn thể con cái Đức Chí Tôn, ai hiểu biết mình đứng trong hàng phẩm Cửu nhị ức nguyên nhân (92 ức nguyên nhân) hãy tỉnh mộng lại đặng về cùng Đức Chí Tôn.

    Cửa nầy là cửa của các người đến đoạt pháp, đặng giải thoát lấy mình, đến trong lòng Đức Chí Tôn, vì Đức Chí Tôn đã đưa tay ra nâng đỡ mà chúng ta không đến, không tưởng nghĩ đến thì sau nầy ắt sẽ bị đọa lạc nơi cõi Phong đô. Giờ phút ấy không còn trách Đức Chí Tôn rằng: không thương yêu con cái của Người, không đem cơ quan Tận độ chúng sanh để nơi mặt địa cầu nầy cứu vớt nữa."

    "Trí Huệ Cung là một cơ quan tận độ chúng sanh đã xuất hiện nơi cửa Đạo Cao Đài nầy. Bần đạo nói rằng: nó không phải của ta, của đặc biệt của chúng ta, mà nó là của toàn thể nhơn loại nơi mặt địa cầu nầy, bởi vì nó tượng trưng hình ảnh Chí Linh của Đức Chí Tôn nơi thế nầy, mà hễ tượng trưng hình ảnh Chí Linh tức nhiên không có quyền nào nắm nó được, vì nó là của đặc biệt của toàn thể nhơn loại, tức nhiên toàn thể con cái Đức Chí Tôn. Nó không có phép phân biệt đảng phái, tôn giáo, hay nòi giống nơi mặt địa cầu nầy.

    Cửa Thiên Hỷ Động là cửa Thiêng Liêng Hằng Sống của toàn thể các đẳng chơn linh, nên nó không chịu thúc phược hay là nô lệ cho một tư tưởng nào, hơn là tượng trưng cái quyền vô tận vô đối của Đấng Chí Linh, hằng tạo dựng đại nghiệp cho con cái của Ngài nơi mặt địa cầu nầy, tức nhiên toàn thể nhơn loại đó vậy."

    "Bần đạo cả tiếng kêu con cái Đức Chí Tôn, nhứt là Cửu nhị ức nguyên nhân, tỉnh mộng lại, ngó nơi Trí Huệ Cung, phải vào cửa ấy mới đoạt đặng mà thôi, đoạt cơ giải thoát đặng, mới nhập vào cửa Thiêng Liêng Hằng Sống mà Đức Chí Tôn đã tạo dựng riêng biệt dành để cho mọi người."

    2· Đức Phạm Hộ Pháp trấn pháp nơi Trí Huệ Cung

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp tại Đền Thánh đêm 14-12-Canh Dần (dl 21-1-1951):

    "Ngày mai nầy trấn pháp Thiên Hỷ Động Trí Huệ Cung, Bần đạo lấy làm mừng đã làm tròn phân sự đặc biệt của Bần đạo. Từ thử đến giờ, Bần đạo đã nhiều phen giảng giải về hình thể Đức Chí Tôn.

    Bần đạo đã gánh vác về thể pháp Cửu Trùng Đài, tạo nghiệp cho Đạo là làm giùm cho thiên hạ, chớ không phải phân sự của Bần đạo. Ngày nay là ngày vui mừng của Bần đạo hơn hết là Bần đạo còn sức khỏe đầy đủ cầm Bí pháp của Đức Chí Tôn đã giao phó. Ấy là phân sự đặc biệt của Bần đạo đó vậy.

    Hộ Pháp đến kỳ Long Hoa nầy cốt để rước Cửu nhị ức nguyên nhân là bạn chí thân của người đã bị đọa lạc nơi hồng trần không phương giải thoát, muốn rước các bạn chí thân của Bần đạo, Đức Chí Tôn buộc phải lấy pháp giới tận độ chúng sanh.

    Hôm nay là ngày mở cửa thiêng liêng và đưa nơi tay các Đấng nguyên nhân ấy một quyền năng đặng tự giải thoát lấy mình hai món Bí pháp ấy là:

    - Long Tu Phiến của Đức Cao Thượng Phẩm để lại.
    - Kim Tiên của Bần đạo.

    - hiệp với Ba vòng Vô vi, tức nhiên là Diệu Quang Tam Giáo, hay là hình trạng Càn Khôn Vũ Trụ, mà đó cũng là tượng ảnh Huệ Quang khiếu của chúng ta đó vậy.

    Kim Tiên là gì? là tượng hình ảnh điển lực điều khiển Càn Khôn Vũ Trụ mà chính nơi đó là điển lực tức nhiên là sanh lực đó vậy. Với nó, mới có thể mở Đệ bát khiếu, trong thân thể con người có Thất khiếu và còn có một khiếu vô hình là Huệ Quang khiếu, vì nó là điển lực nên nó mở khiếu ấy mới được.

    Nói rõ, con người có Ngũ quan hữu tướng và Lục quan vô hình, mà phải nhờ cây Kim Tiên ấy mới có đủ quyền năng mở Lục quan của mình đặng. (Lục quan là đệ lục giác quan, tức là giác quan thứ sáu).

    Long Tu Phiến có thể vận chuyển Càn Khôn Vũ Trụ do nguơn khí đào độn sanh ra đó vậy. Nó có quyền đào độn nguơn khí, thâu hoạch nguơn khí để trong sanh lực.

    Con người nắm được điều ấy là kẻ đắc pháp, nhờ nó mới có thể luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hóa Thần được.

    Ấy là Bí pháp trấn tại Thiên Hỷ Động Trí Huệ Cung. Toàn thể ngó thấy không có gì hết, mà trong đó quyền pháp vô biên vô giới. Giải thoát đặng cùng chăng là do bao nhiêu đó."

    Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ tại Trí Huệ Cung đêm 25-12-Canh Dần (dl 1-2-1951) mừng Đức Phạm Hộ Pháp đã hoàn thành Trí Huệ Cung. Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Đạo. Hầu bút: Thừa Sử Lợi.

    CAO THƯỢNG PHẨM

    Chào Hộ Pháp, Tiếp Đạo và Thừa Sử.

    Cười... Hộ Pháp, nếu bạn trông thấy cái vui mừng vô biên nơi Diêu Trì Cung và Ngọc Hư Cung từ ngày trấn bửu pháp đến nay, thì sự khổ nhọc của bạn cũng nên cho là đáng giá.

    Đức Chí Tôn vui mừng hơn hết, còn các bạn nữ của mình thì chỉ có thấy một điều, nhứt là Bát Nương: "Bạn không cho ai vui với Bạn hết."....

    Cười... Bát Nương gởi nhắn một bài thi, Bần đạo chỉ làm lon-ton đưa lại:

    THI:
    Mở rộng đường mây rước khách trần,
    Bao nhiêu tình gởi nhắn nguyên nhân.
    Biển mê cầu Ngọc liên phàm tục,
    Cõi thọ sông Ngân tiếp đảnh Thần.
    Chuyển nổi Càn Khôn xây võ trụ,
    Nhẹ nâng nhựt nguyệt chiếu đài vân.
    Cầm gươm huệ chặt tiêu oan trái,
    Điều độ quần sanh diệt quả nhân........

    3· Bí pháp và Thể pháp của Trí Huệ Cung

    - Bí pháp: Trí Huệ Cung Thiên Hỷ Động là cửa Thiêng Liêng Hằng Sống. Muốn đắc đạo để đi vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.

    "Bần đạo cả tiếng kêu con cái Đức Chí Tôn, nhứt là cửu nhị ức nguyên nhân, tỉnh mộng lại, ngó nơi Trí Huệ Cung, phải vào cửa ấy mới đọat đặng mà thôi, đoạt cơ giải thoát đặng, mới nhập vào cửa Thiêng Liêng Hằng Sống mà Đức Chí Tôn đã tạo dựng riêng biệt dành để cho mọi người." (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp)

    - Thể pháp: "Trí Huệ Cung, bên Phạm Môn tạo tác đây là nhà tu của nữ phái. Giờ phút nầy Bần đạo mới nói thiệt, tại sao làm nhà tu cho nữ phái trước? Đáng lẽ Bần đạo phải làm cho phái nam trước trên Sơn Đình mới phải chớ, như nếu Bần đạo làm cho phái nam trước, rồi họ sẽ bỏ phái nữ không làm. Bần đạo làm cho phái nữ trước, đặng họ phân bì. Dầu Bần đạo có qui thì họ cũng cố tâm làm cho nên việc." (Trích Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp tại Cửu Viện Phước Thiện ngày 30-8-Tân Mão 1951)

    "Ấy vậy, khi muốn bước vô Trí Huệ Cung phải có đủ Tam lập. Nhưng làm sao biết họ đã đủ việc lập Công lập Đức lập Ngôn, dầu giao Bộ Pháp Chánh cũng chưa chắc điều tra được, bởi nó thuộc về nửa Bí pháp nửa Thể pháp.

    Bây giờ Bần đạo có một điều: những người nào xin đến Trí Huệ Cung, Bần đạo coi màng màng được thì Bần đạo trục Thần của họ, cho hội diện cùng quyền năng thiêng liêng, nếu có đủ Tam lập thì vô, không đủ thì ra." (Trích Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp tại Đền Thánh ngày 19-4-Tân Mão 1951).

    4· Cúng Tứ thời tại Trí Huệ Cung và vùng phụ cận

    "Lập cơ hữu hình mà thuộc Vô vi chi pháp, không sắc tướng, trông không mà chứa đựng nhiệm mầu, bửu pháp vô biên vô giới, nên thờ CHA vô hình, MẸ thiêng liêng.

    Nơi Trí Huệ Cung, đúng giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, có lịnh đổ chuông 3 hồi, mỗi hồi 2 hiệp (Âm Dương), mỗi hiệp giựt đủ 36 tiếng, 2 hiệp chung lại 72 tiếng âm thanh cho nhơn sanh tỉnh ngộ, đứng dậy thành tâm tưởng niệm. Việc giựt chuông nầy thực hiện nơi cổng Đông Nam của Thiên Hỷ Động, nơi đó có làm cái giá cao, treo một cái chuông, khi đến giờ cúng thì giựt cái chuông nầy cho phát ra tiếng.

    Cúng đủ Tứ thời, được phép tụng niệm các bài kinh:

    · Niệm Hương.
    · Khai Kinh.
    · Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế.
    · Phật Mẫu Chơn Kinh.
    · Dâng Tam bửu.
    · Ngũ Nguyện.

    Cúng Tứ thời không đèn nhang chi hết.

    Đạo là Vô vi, cúng cũng Vô vi, là Chánh pháp.

    Bất luận đứng ngồi nơi đâu, khi nghe lịnh đổ kiểng (giựt chuông) liền đứng dậy, tay bắt Ấn Tý, day mặt hướng về Trí Huệ Cung tưởng niệm, duy chỉ có vùng Thiên Hỷ Động hoặc mấy hương đạo kế cận mới được phép cúng đủ Âm Dương một lượt, nghĩa là thờ CHA kỉnh MẸ, hữu hạp thuộc về Đạo.

    Cầu nguyện vô vi do nơi Tâm, hoặc đi đường, đi ngang qua Trí Huệ Cung, cũng phải dừng lại khi nghe kiểng đổ."

    5· Thi sĩ Huệ Phong tả cảnh Trí Huệ Cung

    Sau đây là bài thi của Thi sĩ Huệ Phong tả cảnh Trí Huệ Cung, rất đầy đủ:

    VÃNG CẢNH TRÍ HUỆ CUNG
    Hứng cảnh phong quang khởi sắc,
    Ngát trời cảnh vật đưa hương.
    Kìa sau lưng dãy phố chợ Thiên Vương,
    Nọ trước mắt tòa lầu Cung Trí Huệ.
    Nhìn Đoạn Trần Kiều, dòng suối uốn mình bao thế hệ,
    Trông An Nhàn Lộ, vườn cây lả ngọn mấy tinh sương.
    Gió nhẹ lâng chào đón khách thập phương,
    Nắng chói rỡ khơi tràn Ao Thất Bửu.
    Động Thiên Hỷ, một vùng thế gian danh hy hữu,
    Lộ Pháp Luân bốn mặt đạo pháp lý siêu nhiên.
    Kỳ hoa nở bốn cửa đượm màu thiền,
    Dị thảo diềm dà ngàn trùng chen cội đức.
    Vào kỉnh lễ, trước một ghế chạm nổi hình sen Tây vức,
    Ngửa thành tâm, bên mấy nghi thờ roi dấu Phật Nam bang.
    Nhớ Tôn sư từ ngày sống lại cõi Niết Bàn,
    Giúp đệ tử vững chí chung xây nền Đại Đạo.
    Cơ nghiệp đó chính tay người đào tạo,
    Hạnh phúc nầy đỡ bước kẻ tu hành.
    Tầng địa lầu dưới đã thấy đành rành,
    Tiếng thần hạc ngoài như nghe văng vẳng.
    Dạo gót hiên lan ngời sương tay vẩy thẳng,
    Lóng chuông cửa Tịnh, hồn bướm giấc mơ nhanh,
    Nhác trông ra quang cảnh đạo yên lành,
    Hồi tưởng lại sơ đồ thầy vững chắc.
    Ngang dọc hình phi trường chừng tái thiết khách trông vui tầm mắt,
    Trước sau chòm cổ thụ vẻ tiêu dao, chim hót đẹp nguồn thơ.
    Viện Bảo Cô kế đó mới khai cơ,
    Ban Kỳ Lão bên nầy chưa thượng bảng.
    Đẹp đẽ trời trưa vui cảnh rạng,
    Êm đềm gió mát tận lầu cao.
    Vòng Vô Vi treo trước cửa ba cái vẫn ba màu,
    Vật kỷ niệm để phía sau hai xe cùng hai loại.
    Dãy nhà khách kế rào lầu rộng rãi,
    Ấp Trường Xuân đưa mắt cảnh khang trang.
    Cửa hậu Trí Huệ Cung ngay phắt Lộ Thiên Can,
    Mặt tiền Ban Kỳ Lão đẹp thay đường Thanh Tịnh.
    Giải Oan Kiều nằm mút đường nầy, suối gợi khách trì trai thiền định,
    Văn Hiến Lộ mở mang rẫy đó, người vui câu kích nhưỡng nhi ca.
    Kìa ấp Cây Chò, Ngũ Luân Lộ xuyên qua,
    Nọ cửa trường học Tam Cang chạy xuống.
    Sở Cao su mắt nhìn có luống,
    Nhà phái nữ ngói lợp xây tường.
    Lộ Cổ Phong sổ thẳng đến phi trường,
    Cầu Giải Tục nối liền về Trí Giác.
    Ngắm cảnh đề thơ duyên bát ngát,
    Cho cành đọng ngọc sắc long lanh.

    THI:
    Vùng Thiên Hỷ Động đẹp như tranh,
    Quang cảnh nơi đây đượm sắc lành.
    Bên Đoạn Trần Kiều Ao Thất Bửu,
    Trước Cung Trí Huệ bóng Tam Thanh.
    Vườn hoa Nhân Ái thêm nhàn nhã,
    Cánh cửa từ bi mãi vận hành.
    Trải mấy tang thương còn vững đó,
    Làm cơ hoằng pháp độ nhơn sanh.
    Ngày 4-7-Nhâm Tý (1972).
    HUỆ PHONG
    (Trích trong Bán Nguyệt San Thông Tin số 59)

    II. TRÍ GIÁC CUNG (Địa Linh Động)

    Trước khi lập Trí Giác Cung (Địa Linh Động) thì nơi đây là cơ sở của Trường Qui Thiện, do ông Lễ Sanh Giáo Thiện Đinh Công Trứ qui tụ các bạn đạo Minh Thiện Đàn ở Phú Mỹ (Mỹ Tho) về Tòa Thánh lập nên, ngày khởi lập là 26-9-Quí Mùi (dl 24-10-1943). (Xem chi tiết chữ: Qui Thiện, vần Q)

    - Đêm 25 rạng 26-5-Kỷ Sửu (dl 21/22-6-1949), ông Đinh Công Trứ bị tử nạn. Đức Phạm Hộ Pháp liền bổ nhiệm ông Chí Thiện Lê Văn Trung đến cai quản Trường Qui Thiện để trấn định nơi đây.

    - Ngày 12-6-Tân Mão (dl 15-7-1951), Hội Thánh Phước Thiện rút ông Chí Thiện Lê Văn Trung về văn phòng Hội Thánh Phước Thiện.

    - Ngày 14-10-Tân Mão (dl 12-11-1951), Hội Thánh Phước Thiện bổ ba vị Giáo Thiện lãnh cai quản Trường Qui Thiện gồm:

    · Giáo Thiện Trần Văn Ninh, coi Lễ Vụ,

    · Giáo Thiện Trần Văn Liễu, coi Công Vụ,

    · Giáo Thiện Lại Văn Phu, coi Hộ Vụ.

    - Ngày 3-9-Giáp Ngọ (dl 29-9-1954), do theo lịnh của Đức Hộ Pháp, Hội Thánh Phước Thiện bổ ông Đạo Nhơn Dương Văn Khuê xuống trấn nhậm Trường Qui Thiện.

    - Ngày 22-10-Giáp Ngọ (dl 17-11-1954), do Tờ Thỉnh giáo của ông Đạo Nhơn Khuê về ba việc nơi Địa Linh Động: - Ban Trị Sự có bao nhiêu người? - Danh hiệu và phẩm tước chi? - Trách vụ của mỗi người hành sự? Đức Hộ Pháp dạy ông Khuê triệu tập Đại hội toàn thể tín đồ Trường Qui Thiện tại Hậu Điện Báo Ân Đường ngày 11-11-Giáp Ngọ (dl 5-12-1954) để bầu cử Ban Trị Sự.

    Bảng Phúc trình và Vi Bằng hội nhóm được dâng lên Đức Hộ Pháp. Đức Ngài điều chỉnh danh từ và thành phần Ban Trị Sự và các cơ sở (có bút tích sửa chữa).

    Ông Tổng Quản và Ban Trị Sự Địa Linh Động vâng lịnh thực hành kể từ ngày 5-12-Giáp Ngọ (dl 29-12-1954) do Huấn Lịnh số 285/VP-HP (Trích trong Tài liệu để Tu học của Trường Qui Thiện, in năm Quí Sửu 1973, trang 15)

    Như vậy, chúng ta thấy rằng, Đức Hộ Pháp đã chánh thức chuyển đổi Trường Qui Thiện thành một cơ sở Tịnh Thất gọi là "Địa Linh Động - Trí Giác Cung" vào ngày 5-12-Giáp Ngọ (dl 29-12-1954) do Huấn Lịnh số 285/VP-HP.

    Vị Tổng Quản đầu tiên của Địa Linh Động - Trí Giác Cung là Đạo Nhơn Dương Văn Khuê.

    THÀNH PHẦN BAN TRỊ SỰ ĐỊA LINH ĐỘNG

    1. Tổng Quản (do Hội Thánh Phước Thiện chọn bổ Chức sắc vào hàng Đạo Nhơn).
    2. Đầu Phòng Văn
    3. Quản Khố (Thủ bổn)
    4. Cai Quản Giáo Huấn
    5. Cai Quản Canh Nông
    6. Cai Quản Công Nghệ
    7. Cai Quản Thương Mãi
    8. Quản Y (Kiểm Soát Viên: 2 vị)
    9. Nhiều vị Trưởng Ban và Chủ Sở dưới quyền quí vị Cai Quản.

    Thành lập và thật hành kể từ ngày 5-12-Giáp Ngọ (dl 29-12-1954).

    Kể từ lúc thành lập Địa Linh Động - Trí Giác Cung ngày 5-12-Giáp Ngọ (1954) đến năm Bính Thìn (1976), có tất cả 12 vị Tổng Quản được bổ nhiệm đến Địa Linh Động, kể ra:

    1. Đạo Nhơn Dương Văn Khuê:
    · từ ngày 3-9-Giáp Ngọ (dl 29-9-1954)
    · đến ngày 29-6-Đinh Dậu (dl 26-7-1957)
    · thời gian: 2 năm 9 tháng 26 ngày.
    · Thánh Lịnh bổ ngày 3-10-Giáp Ngọ (1954).
    2. Chí Thiện Lê Văn Chưởng:
    · từ ngày 29-6-Đinh Dậu (dl 26-7-1957)
    · đến ngày 27-12-Đinh Dậu (dl 15-2-1958)
    · thời gian: 5 tháng 28 ngày.
    3. Đạo Nhơn Nguyễn Văn Nhiêu:
    · từ ngày 27-12-Đinh Dậu (dl 15-2-1958)
    · đến ngày 12-4-Mậu Tuất (dl 30-5-1958)
    · thời gian: 3 tháng 15 ngày.
    4. Đạo Nhơn Trần Văn Lợi:
    · từ ngày 12-4-Mậu Tuất (dl 30-5-1958)
    · đến ngày 10-5-Kỷ Hợi (dl 15-6-1959)
    · thời gian: 1 năm 28 ngày.
    5. Đạo Nhơn Phạm Duy Hoai:
    · từ ngày 10-5-Kỷ Hợi (dl 15-6-1959)
    · đến ngày 29-6-Kỷ Hợi (dl 3-8-1959)
    · thời gian: 1 tháng 19 ngày.
    6. Chí Thiện Bùi Văn Trăm:
    · từ ngày 29-6-Kỷ Hợi (dl 3-8-1959)
    · đến ngày 6-9-Canh Tý (dl 25-10-1960)
    · thời gian: 1 năm 2 tháng 7 ngày.
    7. Chơn Nhơn Văn Tấn Bảo:
    · từ ngày 6-9-Canh Tý (dl 25-10-1960)
    · đến ngày 9-2-Giáp Thìn (dl 22-3-1964)
    · thời gian: 3 năm 5 tháng 3 ngày.
    8. Chí Thiện Lê Văn Chưởng: (lần thứ nhì)
    · từ ngày 9-2-Giáp Thìn (dl 22-3-1964)
    · đến ngày 14-8-Nhâm Tý (dl 21-9-1972)
    · thời gian: 8 năm 6 tháng 15 ngày.

    Trong thời gian nầy, ông Chí Thiện Lê Văn Chưởng hợp với các tín đồ nơi đây, xây dựng lại Đền Thờ Phật Mẫu bằng vật liệu nặng, rước các Chức sắc của Hội Thánh lưỡng đài và Đức Thượng Sanh đến chủ tọa lễ an vị và trấn thần.

    Đến ngày 14-8-Nhâm Tý, Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa (Thống quản Tam Cung) và Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức (Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài) ra lịnh không cho tổ chức Hội Yến Diêu Trì Cung nơi Đền Thờ Phật Mẫu tại Địa Linh Động.

    Ban Trị Sự Địa Linh Động mà đứng đầu là Tổng Quản Lê Văn Chưởng chống lại lịnh trên, nên ông Tổng Quản Lê Văn Chưởng bị giải nhiệm và Ban Trị Sự bị giải tán luôn.

    9. Hội Thánh Phước Thiện bổ ông Đặng Văn Chưởng đang làm Quản Châu Thành Thánh Địa Phước Thiện kiêm nhiệm Tổng Quản Địa Linh Động, nhưng ông Chưởng lại nhờ ông Phó Quản Châu Thành Phước Thiện là Chí Thiện Nguyễn Kế Cận tạm thay ông điều hành Đ.L. Động. Thời gian chỉ có 13 ngày thì Hội Thánh Phước Thiện chánh thức bổ Đạo Nhơn Nguyễn Thành Lạc làm Tổng Quản.

    10. Đạo Nhơn Nguyễn Thành Lạc:
    · từ ngày 11-9-Nhâm Tý (dl 17-10-1972)
    · đến ngày 6-11-Giáp Dần (dl 18-12-1974)
    · thời gian: 2 năm 1 tháng 25 ngày.
    11. Chơn Nhơn Nguyễn Văn Tấn:
    · từ ngày 6-11-Giáp Dần (dl 18-12-1974)
    · đến ngày: 1-6-Bính Thìn (dl 27-6-1976)
    · thời gian: 1 năm 6 tháng 25 ngày.
    12. Chí Thiện Lê Văn Chấp:
    · từ ngày 1-6-Bính Thìn (dl 27-6-1976)
    · đến ngày 2-3-Đinh Tỵ (dl 19-4-1977)
    · thời gian: 9 tháng 2 ngày.

    (Tài liệu của ông Lê Minh Dương, cựu quản gia ĐLĐ - TGC)

    "Có một điều huyền vi bí pháp mà chúng ta chưa đạt được, chúng tôi tưởng cũng nên trình ra đây cho toàn thể quí đồng đạo rõ: Trí Giác Cung đã được lịnh dạy của Đức Hộ Pháp tạo trước, Trí Huệ Cung tạo sau, mà làm Lễ Khánh Thành Trí Huệ Cung trước và trấn pháp xong, có lịnh Đức Hộ Pháp dạy phải treo ba vòng Vô vi Tam Thanh nơi trước Trí Huệ Cung thường xuyên thay vì treo Đạo kỳ.

    Còn nơi Trí Giác Cung (Địa Linh Động) thì ba vòng Vô vi Tam Thanh ấy cũng đã được lịnh cùng làm sẵn một lượt (hai món cùng do một vị tín đồ thợ mộc làm ra và sơn màu: vàng, xanh, đỏ) song mãi cho đến ngày nay vẫn còn tạm giữ một nơi đó, chớ chưa được lịnh treo lên. Một điều bí mật mà ngày tương lai chúng ta sẽ được rõ." (Trích tập tài liệu của Trường QT)

    Đôi liễn Trí Giác cẩn nơi hai trụ cổng của Địa Linh Động - Trí Giác Cung:

    智靈貫世天機達
    覺慧超凡道法通
    Trí linh quán thế Thiên cơ đạt,
    Giác huệ siêu phàm Đạo pháp thông.

    Nghĩa là:

    Cái trí hiểu biết thiêng liêng thông suốt việc đời, đạt thấu máy Trời,
    Cái trí huệ giác ngộ siêu phàm rõ thông đạo pháp.

    III. VẠN PHÁP CUNG (Nhơn Hòa Động)

    Ngày 12-6-Mậu Dần (dl 9-7-1938), Đức Phạm Hộ Pháp cùng vài vị môn đệ trong Phạm Môn đi vào chơn núi Điện Bà để tìm mua hay khẩn đất tạo dựng Sở Sơn Đình, làm ruộng và lập vườn đem huê lợi về cho Đạo.

    Ngày 28-10-Giáp Ngọ (dl 23-11-1954), Đức Hộ Pháp đi vào Sở Sơn Đình để định chỗ xây dựng một cơ sở Tịnh Thất lấy tên là Vạn Pháp Cung - Linh Sơn Động.

    "Đồ án xây dựng Vạn Pháp Cung, Tịnh Thất nam phái đã được Đức Hộ Pháp phê chuẩn và dạy rằng: Bần đạo lập Trí Huệ Cung trước cho nữ phái, sau nam phái phân bì mà lo cất Vạn Pháp Cung trên núi. (Bản đồ Đức Hộ Pháp phê chuẩn giao cho ông "Kiệu" giữ, hiện nay bị thất lạc sau khi ông chết).

    Còn sơ đồ do phòng họa đồ (Lễ Sanh Ngọc Ba Thanh) vẽ theo sự phỏng định của Công Viện Phước Thiện (Đạo Nhơn Phạm Văn Út) không có sự phê chuẩn của Đức Hộ Pháp, coi như hình thức, vì Tịnh Thất phải được cất theo họa đồ đặc biệt phê duyệt (bản vẽ ngày 18-8-Ất Mùi 1955 Đức Hộ Pháp còn ở Tòa Thánh).

    1· Phương hướng tạo tác

    Vâng lịnh Đức Hộ Pháp, Hội Thánh Phước Thiện ra thông tri tuyển mộ công quả tình nguyện tạo tác Vạn Pháp Cung theo số định ba ngàn... rồi vâng thỉnh giáo được Đức Thầy phê dạy: "Trừ ra số mấy đứa đạo núi, còn lại bao nhiêu là số tuyển mộ, phải lựa cho kỹ người đủ khỏe mạnh đặng tạo tác Tịnh Thất. Sau sẽ còn 1000 nữa sẽ tới các vị lão thành."

    Ngày 16-2-Ất Mùi (dl 9-3-1955).

    2· Phần điều hành

    Sắp khởi công xây dựng trong tháng 2 năm Ất Mùi, Hội Thánh giao cho Thượng Thống Công Viện Phước Thiện Đạo Nhơn Phạm Văn Út, đương quyền Trưởng Tộc Phạm Môn công cử Ban chưởng quản Vạn Pháp Cung, ông Đạo Nhơn Nguyễn Văn Gia đảm nhiệm Chưởng quản ban tạo tác.

    Về nhân số và công thợ đã tuyển mộ xong, sắp khởi công động thổ, kế gặp ngày Đạo hận 20-8-Ất Mùi (1955), Đức Hộ Pháp xuất ngoại sang Tần quốc thuộc Kim Biên Tông Đạo vào đêm 4 rạng 5-giêng-Bính Thân (1956) làm cho mọi việc đạo bị gián đoạn, từ đó công cuộc tạo dựng Vạn Pháp Cung phải đình hoãn lại mãi cho đến ngày nay.

    3· Cực Lạc Thế Giới trên núi Bà

    Muốn biết Cực Lạc Thế Giới ở đâu, đất liền hay trên núi Bà, nên đọc bài tường thuật chuyến đi núi Bà của Đức Hộ Pháp lần thứ nhứt ngày 12-6-Mậu Dần (dl 9-7-1938) như sau:

    Đêm 12-6-Mậu Dần, Đức Hộ Pháp thức dậy sớm khoảng 4 giờ sáng, mặc đồ bà ba trắng, dẫn xe đạp ra cổng Hộ Pháp Đường mà Bảo Thể giữ cổng không hay biết. Đức Thầy lên xe đạp chạy ra cửa Hòa Viện, dẫn xe qua cổng, bên ngoài có quí ông: Nguyễn Văn Gia, Nguyễn Văn Lư và Võ Văn Đợi (Đại) đứng chờ sẵn, ông Võ Văn Đợi ở họ đạo Mỹ Tho về Tòa Thánh thăm Đức Thầy, nghe Đức Thầy định đi núi nên ông xin theo hầu Thầy.

    Lúc lên đường, trời sắp sáng. Thầy trò cỡi xe đạp đi ra mé Tây Ninh, rồi tẽ qua ngã Năm Dồ, đi thẳng lên núi. Đến sáng ra, trong Tòa Thánh mới phát giác không biết Đức Thầy đi đâu....

    Khi Thầy trò đến chân núi, tới láng rừng có đóng bảng cấm, Đức Thầy bảo đem xe đạp bỏ trong đó, rồi Đức Thầy dẫn anh em băng qua vườn chuối, đến chân núi, Đức Thầy leo theo triền núi, anh em cũng đi theo. Khi lên được một đỗi, gặp một tảng đá lớn, dưới tảng đá có một cái hang kêu là hang Gạo.

    Đức Thầy chun qua hang đá, rồi leo lên một tảng đá khác, nơi đây mát mẻ, Đức Thầy ngồi nghỉ mát. Lúc đó, ông Võ Văn Đợi (đạo hiệu Linh Đoán) đem võng ra giăng cho Đức Thầy nằm nghỉ, rồi ông chạy xuống cầu đá, chỗ bến xe gần Chùa Trung mua nước dừa đem lên cho Đức Thầy uống.

    Đức Thầy nói: Nơi đây sau nầy anh em bây về ở trên ba ngàn người, mà cũng có thể hơn nữa, và chỉ xuống mé dưới chân núi: nơi đây chắc có mạch nước, đâu mấy em xuống coi thử, thì anh em leo xuống dưới, vạch cát lên quả nhiên có mạch nước (mạch nước đó hiện giờ là Sở số 1). Lúc đó Đức Thầy kể chuyện, ông Đầu Sư Thái Thơ Thanh tạo Cực Lạc ở dưới đó là sái Thiên thơ, cho nên ảnh làm không thành, mà Cực Lạc Cảnh ở trên núi nầy.

    Cực Lạc Thế Giới có Lôi Âm Tự là nơi tu hành của các bậc chơn tu, là con đường giải thoát. Giữa đỉnh cất Kim Tự Tháp tượng trưng cho Lôi Âm Tự tại thế, còn dưới chân núi là dinh thự Vạn Pháp Cung.

    Sau nầy mấy em có xin việc gì thì cầu nguyện Đức Diệu Võ Tiên Ông, Ngài đắc lịnh trấn nhậm núi nầy, cai quản các vị Sơn Thần, thay cho Bà Lê Sơn Thánh Mẫu đến trấn nhậm vùng thổ địa.

    Đến 16 giờ, Đức Thầy ra lịnh trở về Tòa Thánh. Thật là dịp may hay có định duyên hạnh ngộ đối với ông Võ Linh Đoán, trước kia được nghe Đức Thầy nói: "Không biết có đứa Phạm Môn quèn nào lên núi lập cho Bần đạo một vườn nho."

    Khi nghe câu nói nầy trong dịp lễ khánh thành Nhà Bảo Cô, ông đảm nhận Đầu Họ Đạo từ Rạch Giá về Tòa Thánh tham dự. Nay lại được nghe nói: Cực Lạc Thế Giới ở trên núi, có đủ Am Vân, Tịnh Cốc, tất cả những điều đó được khắc sâu vào tâm não và chính đó là điểm hành trình lên núi sau nầy của ông.

    4· Tìm hiểu Ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi

    Sau ba năm đi Đầu Họ Đạo rồi làm gì?

    Trong số 72 môn đệ Phạm Môn được thọ giáo với ân sư Hộ Pháp, có ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi đáng quan tâm, lưu ý về gương đạo hạnh của ông.

    Sau ba năm hành đạo theo lịnh Đức Tôn sư, lo tạo cơ sở, lương thực nuôi công quả làm Đền Thánh, ông liền từ chức về cửa Tu Chơn. Song sự từ chức nầy chưa được thượng quyền chấp thuận, bởi vì từ bỏ chức tước phẩm vị Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng là từ bỏ Thiên vị mình, thay vì đi về với Cửu Thiên Khai Hóa, lại phải an trú nơi Thanh Tịnh Đại Hải Chúng.

    Để bảo tồn ý định của mình, ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi tự treo ấn từ quan Đạo, lên núi, tự lập cơ sở tu hành riêng, không còn tùng Hội Thánh Phước Thiện nữa, thay áo trắng ra đồ nâu!

    Mặc dù có hành động mở đường khác, song ông Võ Văn Đợi vẫn giữ nghĩa thầy trò, luôn trung thành tôn kính Đức Hộ Pháp. Điều nầy đáng phục ông biết giữ 36 chữ lời minh thệ, nhứt là tình nghĩa thầy trò nơi cửa Phạm.

    Hành động nầy ông căn cứ vào đâu?

    Theo sự hiểu biết từng cá nhân, hoặc đúng hoặc sai, có lẽ do văn thơ ngày 22-1-Kỹ Mão (dl 12-3-1939) của Ngài Khai Pháp Chưởng quản Cơ Quan Phước Thiện như vầy:

    "Kính cùng ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi,

    Tiếp thơ hồi âm của Hiền hữu theo thơ số 219 của Bần tăng đề ngày 17-11-Mậu Dần. Bần tăng đắc lịnh của Đức Hộ Pháp để trả lời cho Hiền hữu rõ về lẽ thăng phẩm Chí Thiện cho Hiền hữu và giải rành rẽ vì cớ nào mà người chưa muốn để cho Hiền hữu thọ lãnh tân phẩm Chí Thiện?

    Vốn Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng là chơn tướng bí truyền của Đạo, mỗi bậc thăng là một cơ quan giải khổ về phần hữu vi hình thể của chúng sanh. Kể từ bậc Giáo Thiện đổ xuống, trách nhiệm đã nặng oằn khó khăn dường nào, thử nghĩ từ bậc Thính Thiện mà lần leo đến Giáo Thiện thì ôi thôi! thật là tân khổ trăm bề.

    Hiện thời chúng sanh còn khổ thì lẽ cố nhiên, Hiền hữu phải còn chịu nhọc nhằn, mà cái khổ ấy, chúng ta đã thấy trước mắt dẫy đầy không còn ai chối cãi đặng.

    Hiền hữu chẳng lẽ ngơ tai nhắm mắt mà đi ngang qua cái khổ cảnh của chúng sanh cho đặng. Huống chi bậc phẩm Chí Thiện lại còn khó khăn phận sự hơn bội phần. Đức Hộ Pháp vì lòng yêu đương Hiền hữu, không nỡ để chồng chất sự khó khăn thêm cho nặng oằn hai vai Hiền hữu, sợ nỗi nặng gánh đổ nhiều, nên mới duy trì, không cho thăng vị Chí Thiện là vậy đó."

    KHAI PHÁP

    Qua Thánh ý nầy, hiểu được rằng: Đức Hộ Pháp đã tiên liệu về sứ mạng đi đến con đường Tu Chơn của ông Đợi, nên cố ý duy trì không thăng phẩm Chí Thiện là do đó.

    Như thế, ông là người đầu tiên được Đức Hộ Pháp tuyển chọn đưa vào con đường Tu Chơn, hầu dìu dắt các bạn đồng môn để trả nghĩa thầy.

    Nhưng tiếc thay! ông đi trúng đường mà lại làm sai Thánh ý là lập luật riêng, thay vì tùng theo kỷ luật Phạm Môn đã có ân sư giáo huấn.

    Do đó, ông bị Thánh lịnh số 25/Phước Thiện ngày 26-2-Kỷ Mão (dl 15-4-1939) đương thời gọi là Đạo Nghị Định khép về tội bất tuân luật pháp đạo, hiệp nhau làm nghịch mạng bề trên, tự chuyên phế bỏ phận sự hành đạo, nên cho xuất ngoại Phước Thiện kể từ ngày ký tên Thánh lịnh nầy.

    Mặc dù phải thi hành theo luật pháp đạo, nhưng tình nghĩa thầy trò đối với tôn sư, ông vẫn giữ.

    Đến năm Đinh Hợi (1947), ông thọ bịnh nặng trên chơn núi. Đức Hộ Pháp hay tin liền ra lịnh đem ông Võ Văn Đợi về Nội Ô Tòa Thánh để trị bịnh. Đức Thầy giao cho Chức sắc Phước Thiện chăm sóc thuốc thang, vì họ là thệ hữu Phạm Môn trước đây. Đức Thầy thường đến thăm và chọn thầy thuốc điều trị cho môn đệ đến ngày ông qui liễu.

    Trước ba ngày cổi xác trần, ông tự biết mình có tội với thầy, với bạn, nên dạy đàn em viết tờ xin tội cho ông ký tên dâng lên Đức Thầy, nguyên văn như sau:

    Chùa Cao Đài, ngày 22 tháng 4 năm Đinh Hợi.

    TỜ XIN TỘI

    Cúi bạch Sư Phụ,

    Con là Võ Văn Đợi, 50 tuổi, cúi đầu trăm lạy Sư Phụ xá tội giùm con. Kể từ ngày con hiến thân làm đạo đến nay tính 17 năm có lẻ. Đến nay con đau nặng, không thể mạnh được, mà lại gần rốt kiếp sống rồi. Nên nay con cúi đầu trăm lạy Sư Phụ xá tội cãi thầy, cãi bạn của con.

    Xin Sư Phụ xá tội cho con.
    Cúi bạch.
    Võ Văn Đợi
    (ký tên)

    Lời Phê của Đức Hộ Pháp:

    "Làm thầy như ai thì khác, còn Qua đây vẫn khác.

    Với Qua, thầy chỉ biết thương trò, tha thứ là phận thầy. Em chẳng vì đời mà phạm, nếu có phạm là vì Đạo, mà chẳng hiểu rõ mầu nhiệm của thầy.

    Em về trước rồi mấy Qua lục thục cũng về sau. Chúng ta sẽ hội hiệp vĩnh viễn nơi cõi Hư linh, là quê hương thiệt. Thầy trò sẽ thiệt, bạn hữu sẽ thiệt, cảnh nầy chẳng phải của chúng ta vì nó là cảnh dành để cho kiếp trái oan khiên.

    Em an lòng, thầy chỉ thầm khen em chớ chưa biết em đã có tội gì hết.

    Ngày 22 tháng 4 năm Đinh Hợi.
    HỘ PHÁP (ấn ký)

    Quí hóa thay lòng từ bi của Đức Thầy đã không trách phạt mà lại còn thầm khen và xác nhận không có tội gì hết.

    Nhờ lượng khoan hồng của Đức Phật mà ông được an trú nơi Thanh Tịnh Đại Hải Chúng thay vì phải đầu kiếp tu hành lại.

    Ngoài ân huệ khoan dung, Đức Thầy còn cho phục chức Giáo Thiện do Thánh lịnh số 58/Thánh Lịnh đề ngày 23-4-Đinh Hợi (dl 11-5-1947): "Cho phục phẩm Giáo Thiện (Phước Thiện) kể từ ngày 22-4-Đinh Hợi, vị Đạo hữu Võ Văn Đợi 50 tuổi, khi còn tại thế ở làng Gia Lộc (Tây Ninh). Lễ cất táng người được dùng theo hàng Giáo Thiện và linh vị được đem vào Báo Ân Từ."

    Phẩm Giáo Thiện được hành lễ tang tại Báo Ân Từ lần đầu tiên là Giáo Thiện Võ Văn Đợi vậy.

    Làm sao biết ông VÕ VĂN ĐỢI ở Thanh Tịnh Đại Hải Chúng?

    Căn cứ vào Lời Phê sau đây của Đức Hộ Pháp, do Tờ đề ngày 3-11-Canh Dần (1950) của ông Nguyễn Văn Thế và 16 vị nữa đồng đứng dâng cả công quả của mấy vị ấy để chuộc tội cho ông Võ Văn Đợi là sư huynh của họ ở Đạo núi.

    "ĐỢI bị phế vị là nó dám từ chối Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, ngày nay theo Thiên điều thì nó phải tái kiếp mà hành đạo lại, nếu nó đặng ở Thanh Tịnh Đại Hải mà tu hành nơi cõi Hư linh cũng là may phước cho nó, còn Quyền thiêng liêng thưởng phạt là do quyền Ngọc Hư Cung, có phải của Bần đạo đâu mà xin Bần đạo.

    Còn dâng công quả cho ĐỢI chỉ có vợ con của ĐỢI mới đặng. Còn mấy em, ai thèm đâu mà dâng."

    HỘ PHÁP (ấn ký)

    Ý nghĩa nầy liên hệ với Lời Phê ngày 8-9-Kỷ Sửu cho ông Trần Văn Mến ở Châu Đốc xin từ chức Giáo Thiện.

    Lời Phê của Đức Hộ Pháp:

    "Phước Thiện cũng có phẩm tước là Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, nếu chê bỏ không kể đến phần hồn thì thay vì đi về với Cửu Thiên Khai Hóa, lại an trú nơi Đại Hải Chúng."

    Sưu khảo tài liệu nầy để chiêm nghiệm về ý nghĩa 3000 công quả như thế nào?

    Nguyên nhân là Hội Thánh Phước Thiện có dâng Tờ lên Đức Hộ Pháp là thầy của Phạm Môn Phước Thiện, cầu xin ân xá, phục chức Giáo Thiện cho ông Võ Văn Đợi.

  • Trí Huệ Cung - Trí Giác Cung - Vạn Pháp Cung

    Trước khi ban hành pháp lịnh quyền Chí Tôn hiệp nhứt (Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng) đặc xá phục chức Giáo Thiện cho ông Võ Văn Đợi, Đức Hộ Pháp kêu ông Chí Thiện Phạm Văn Út đến hỏi rằng: - Đợi nó đủ 3000 công quả chưa?

    Gặp câu hỏi hóc búa nầy thuộc về mặt pháp giới, ông Chí Thiện Út bạch thầy: - Điều đó con làm sao biết được!

    Đức Hộ Pháp phán: - Nếu vậy, căn cứ vào Tờ xin tội của Hội Thánh Phước Thiện mà phục phẩm Giáo Thiện lại cho Võ Văn Đợi.

    Ý nghĩa gì? không rõ ông Phạm Văn Út có thỉnh giáo rõ việc nầy không?

    Kết luận: Nhờ ân sư tha thứ là phận thầy, nên đệ tử khỏi đầu kiếp mang xác phàm, mà được lưu trú nơi Đại Hải Chúng ở cõi Hư linh.

    ■ Đạo núi là tên do Đức Hộ Pháp đặt cho số Đạo ở tu trên núi Bà. (mặc quần áo màu dà, đầu cạo trọc).

    Sau khi ông Võ Văn Đợi qui liễu, khu núi Bà mất an ninh, số Đạo núi không còn được ở trên núi nữa, phải về Tòa Thánh xin làm công quả, bị Hội Thánh Phước Thiện chiếu y luật, buộc phải để tóc, nhuộm đồ dà lại màu thâm, mới cho làm công quả với Đạo.

    Do vậy, ông Nguyễn Văn Thế, đại diện số Đạo núi dâng tờ lên xin Đức Sư Phụ cầu xin được giữ thiền cách, ngày 17-5-Đinh Hợi.

    Đức Sư Phụ phê:

    "Tư cho Hội Thánh Phước Thiện. Cứ để tự do cho mấy đứa nhỏ giữ nguyên thiền cách, cho làm công quả tạm đây, chờ ngày Bần đạo giao việc làm riêng cho chúng nó."

    (Trích trong quyển Tìm hiểu Châu Thành Thánh Địa, của Thanh Minh)

    ______________________________________

    Ông VÕ VĂN ĐỢI, tự là Đại, quê quán làng Gia Lộc, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nhập vào Phạm Môn, lập hồng thệ kỳ I tại Sở Trường Hoà ngày 3-giêng-Nhâm Thân (dl 7-2-1932), được Đức Hộ Pháp ban cho Đạo hiệu: Linh Đoán, đắc phong Lễ Sanh Giáo Thiện (phái Thượng), bắt thăm đi làm Đầu Họ Đạo Rạch Giá để khai mở Nhà sở Phước Thiện và các cơ sở lương điền công nghệ thương mãi để thu huê lợi về xây cất Tòa Thánh, ngày khởi đi làm Đầu Họ là ngày 12-9-Ất Hợi (dl 9-10-1935). (Xem chi tiết nơi chữ: Phạm Môn, vần P)

    Khi ông Đợi từ chức Giáo Thiện để lập thành cơ sở Tu chơn tại Vạn Pháp Cung, nhóm của ông được Đức Hộ Pháp gọi là Nhóm Đạo Núi. Ông Đợi mất ngày 22-4- Đinh Hợi (1947), hưởng 50 tuổi.

    Ông Võ Văn Đợi có người con trai tên là Võ Văn Kỵ. Sau khi ông Đợi qui liễu thì ông Kỵ được tín nhiệm làm Chủ sở nơi Vạn Pháp Cung, đứng đầu Nhóm Đạo Núi. Ông Kỵ mất năm Tân Tỵ (2001).

    Đức Phạm Hộ Pháp đi quan sát nhiều lần cảnh vật nơi chơn núi Điện Bà, nhận thấy chỉ có một chỗ là chơn núi Ông Văn có cảnh vật rất tốt, nhiều thanh khí, triền núi tạo thành ba bực Tam cấp, nên Đức Ngài quyết định lập Vạn Pháp Cung - Linh Sơn Động tại nơi đây. Phía dưới chỗ nầy có một nổng cát trơ trọi, Đức Ngài bảo: Vẹt nổng cát nầy thì có mạch nước rất tốt đủ dùng cho nhiều người. Mấy em phải làm đơn xin khai khẩn hoặc mua mấy thửa ruộng chung quanh đây thì ngày sau rất nên hữu dụng cho Đạo.

    Việc chuẩn bị xây cất Vạn Pháp Cung được Hội Thánh Phước Thiện tiến hành theo lịnh của Đức Hộ Pháp, từ ngày 16-2-Ất Mùi (dl 9-3-1955), nhưng thời thế chuyển biến nhiều khó khăn, nội bộ của Đạo bị chia rẽ trầm trọng, chiến tranh lan tràn lên vùng Tây Ninh, Đức Hộ Pháp phải đi lưu vong sang Cao Miên, còn nơi Vạn Pháp Cung, các cơ sở của nhóm Đạo Núi bị mấy lần bom đạn, hư sập, nhóm Đạo Núi phải tản cư về xóm lò than ở xã Ninh Thạnh, lập cơ sở tạm cho tới ngày nay.

    Từ ngữ Linh Sơn Động, được đổi lại là: Nhơn Hòa Động, đặng hiệp với Thiên Hỷ Động và Địa Linh Động cho Tam Động đủ Tam Tài: Thiên, Địa, Nhơn.

    Đôi liễn nơi Vạn Pháp Cung và Linh Sơn Động:

    萬理和心同一脈
    法高平智會三宗
    Vạn lý hòa tâm đồng nhứt mạch,
    Pháp cao bình trí hội Tam tông.

    Nghĩa là:

    Muôn lý hòa hợp với Tâm, cùng một nguồn gốc,
    Đạo pháp cao siêu, định yên trí não, hội cùng Tam giáo.

    靈妙機天濟眾傳眞和大道
    山長光殿普人法理合三期
    Linh diệu cơ Thiên tế chúng truyền chơn hòa Đại Đạo,
    Sơn trường quang điện phổ nhơn pháp lý hiệp Tam Kỳ.

    Nghĩa là:

    Máy Trời thiêng liêng huyền diệu, cứu giúp chúng sanh, chơn truyền hợp vào Đại Đạo,
    Núi dài, cung điện rực rỡ, phổ độ nhơn sanh, pháp lý hợp vào Đạo Cao Đài.

    5· Cách tổ chức của nhóm Đạo Núi nơi Vạn Pháp Cung

    Cách tổ chức của nhóm Đạo Núi nơi Vạn Pháp Cung, nhứt là về sắc phục (áo màu nâu, a cạo trọc) mà chúng ta thấy hiện nay là chiếu theo sự tổ chức của ông Giáo Thiện Võ Linh Đoán, chớ không phải là do lịnh của Đức Phạm Hộ Pháp, hay của Hội Thánh, nên Đức Hộ Pháp để riêng nhóm nầy ra và gọi là nhóm Đạo Núi.

    Xem Bản Nội Qui Tu Chơn Vạn Pháp Cung (Vạn Pháp Cung) của quí vị Đạo Núi nầy, chúng ta sẽ thấy nhiều điều khác hẳn Luật Tịnh Thất trong Tân Luật, với những chức danh khác biệt.

    Xin trích ra sau đây vài phần trong Bản Nội Qui nầy để chứng minh cho độc giả thấy rõ.

    "Ngày 6-8-Tân Dậu (dl 3-9-1981), Ban Cai Quản Vạn Pháp Cung ra lịnh cho vị Bảo Luật Tiếp Pháp, quyền Bảo Luật Tiếp Văn, soạn thảo Nội Qui và lập thành Luật Pháp Tu Chơn nơi Vạn Pháp Cung.

    Bản Nội Qui nầy gồm 12 chương, 68 điều, do: Bảo Luật Tiếp Pháp, quyền Bảo Luật Tiếp Văn THÍNH TÂM soạn thảo, xong ngày 4-8-Tân Dậu, được Ban Cai Quản Vạn Pháp Cung duyệt xong ngày 17-10-Tân Dậu ( dl 13-11-1981), đồng ký tên:

    Chưởng Quyền Khiêm Luật Cố Vấn Chưởng Luật
    (ký tên) (ký tên) (ký tên)
    MINH CHƠN NGUYỄN VĂN TẤN TỰ ĐỨC

    Theo Bản Nội Qui nầy, Ban Cai Quản gồm có 5 vị:

    1. Cai Quản là CHƯỞNG QUYỀN KHIÊM LUẬT (giáo huấn thương yêu)
    2. Đệ I Phó Cai Quản là CHƯỞNG LUẬT (nắm luật pháp điều hành).
    3. Đệ II Phó Cai Quản là HỘ CƠ CHƯỞNG HUYỀN LINH PHÁP.
    4. Đệ III Phó Cai Quản là BẢO LUẬT TIẾP VĂN.
    5. Đệ IV Phó Cai Quản là BẢO LUẬT TIẾP PHÁP.

    Ban Công Đồng: gồm 10 vị:

    1. Bảo Công.
    2. Phó Bảo Công.
    3. Bảo Nông
    4. Phó Bảo Nông
    5. Bảo Lương
    6. Phó Bảo Lương
    7. Bảo Dưỡng
    8. Phó Bảo Dưỡng
    9. Bảo Sản
    10. Phó Bảo Sản.

    * Niêm Luật cho Đạo hữu xin vào cửa Tu Chơn Vạn Pháp Cung:

    Nơi Vạn Pháp Cung là cửa tu chơn giải thoát, chớ chẳng phải chỗ làm công quả hay là những người vì hoàn cảnh khó mà đến nương tựa. Muốn vào cửa tu chơn phải có Sớ Cầu Đạo, Tờ Hiến thân, trường trai, giữ giới. Khi đủ 3 năm 6 tháng thì phải làm Tờ Phát Nguyện và lập thệ Đào Viên Kết Nghĩa.

    * Niêm Luật cho Chức sắc muốn vào cửa Tu Chơn Vạn Pháp Cung:

    Chức sắc hay Chức việc của Hội Thánh muốn vào cơ quan Tu Chơn, phải làm Tờ Cam kết và đến ở trong thời gian 6 tháng để trong cơ quan thấy rõ hạnh kiểm, nếu được thì làm Tờ từ chức và Tình nguyện trạng 4 bản dâng lên Hiệp Thiên Đài chấp thuận và ra Thánh lịnh thâu hồi chức tước và phê kiến chứng Tình nguyện trạng đem về 3 bản giao cơ quan định liệu.

    Y phục của Tu sĩ Tu Chơn Vạn Pháp Cung là: đồ bô vải màu nâu, không được tự chuyên dùng hàng lụa màu sắc se sua, may theo xưa, không đặng may theo kiểu tân thời mà mất vẻ người tu."

  • Trí huệ kiếm

    Trí huệ kiếm

    智慧劍

    A: The sword of sageness.

    P: L"épée de sagesse.

    Trí huệ: (đã giải ở trước). Kiếm: cây gươm.

    Trí huệ kiếm là cây gươm trí huệ, ý nói: sử dụng cái trí huệ đạt được như là một cây gươm để diệt trừ các mối phiền não do những tên địch nguy hiểm là Lục tặc và Tam độc gây ra.

    Lục tặc là Lục dục và Tam độc là: Tham, Sân, Si.

    Kinh Duy Ma Cật có câu: Dĩ Trí huệ kiếm phá phiền não tặc. Nghĩa là: lấy gươm trí huệ phá tan đám giặc phiền não.

    Trí huệ kiếm đồng nghĩa: Gươm huệ, Huệ kiếm gươm thần, Gươm thần huệ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Cầm gươm huệ chặt tiêu oan trái.

    Kinh Xuất Hội:
    Gươm huệ đưa trị xảo trừ tà.

    Kinh Vào Học:
    Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn.

    Kinh Khai Cửu Ðại Tường Tiểu Tường:
    Nắm cây huệ kiếm gươm thần,
    Dứt tan sự thế nợ trần từ đây.
  • Trí lự

    Trí lự

    智慮

    A: The thought.

    P: La pensée.

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Lự: lo lắng.

    Trí lự là sự hiểu biết suy tính, những điều nghĩ ngợi trong trí.

  • Trí lực

    Trí lực

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1 Trí lực:

    智力

    A: The force of mind.

    P: La force d"esprit.

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Lực: sức.

    Trí lực là năng lực của trí tuệ, tức là cái sức hiểu biết, trình độ hiểu biết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt sè theo thói nữ nhi...

    * Trường hợp 2 Trí lực:

    致力

    A: With all one"s strength.

    P: De toutes ses forces.

    Trí: Làm cho đến nỗi, hết, vời tới, đường lối, nghỉ. Lực: sức.

    Trí lực là hết sức mình.

  • Trí nhàn - Trí sĩ

    Trí nhàn - Trí sĩ

    致閑 - 致仕

    A: To retire from office.

    P: Être en retraite.

    Trí: Làm cho đến nỗi, hết, vời tới, đường lối, nghỉ. Nhàn: rảnh rang thong thả. Sĩ: làm quan.

    Trí nhàn, đồng nghĩa Trí sĩ, là thôi làm quan, nghỉ việc đời, lui về sống an nhàn nơi thôn quê vắng vẻ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khách trí nhàn đời ấy là buổi chung qui của bậc chí Thánh vậy.

  • Trí trá - Trí xảo

    Trí trá - Trí xảo

    智詐 - 智巧

    A: Astude - Clever.

    P: Astucieux - Habile.

    Trí: Khôn ngoan hiểu biết, sáng suốt. Trá: gian dối. Xảo: khéo léo.

    Trí trá là khôn ngoan và dối trá.

    Trí xảo là khôn ngoan và khéo léo.

  • Trí tri

    Trí tri

    致知

    A: To know to the bottom.

    P: Savoir jusqu"au fond.

    Trí: Làm cho đến nỗi, hết, vời tới, đường lối, nghỉ. Tri: biết.

    Trí tri là biết đến tận cùng cái biết.

    Cách vật trí tri: suy xét cho thấu suốt về sự vật để hiểu biết đến tận cùng cái lý của nó.

  • TRỊ

    TRỊ

    TRỊ: 治 - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt.

    Thí dụ: Trị bình, Trị gia, Trị loạn, Trị sự.

  • Trị bình

    Trị bình

    治平

    A: To govern in peace.

    P: Gouverner en paix.

    Trị: - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt. Bình: bình an, yên ổn.

    Trị bình là sửa sang việc nước đem lại sự an ổn cho dân chúng. Thường nói: Trị quốc bình thiên hạ.

  • Trị gia bất nghiêm

    Trị gia bất nghiêm

    治家不嚴

    Trị: - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt. Gia: nhà. Bất: không. Nghiêm: chặt chẽ.

    Trị gia bất nghiêm là nói về người cha trong gia đình sửa trị con cái không chặt chẽ mực thước, để cho con cái làm nhiều điều sái quấy.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Các vị vua trị gia bất nghiêm, biết không bại hoại sao được....

  • Trị loạn

    Trị loạn

    治亂

    A: Peaceful and agitated.

    P: Pacifique et troublé.

    Trị: - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt. Loạn: loạn lạc, giặc giã rối ren.

    Trị loạn là hai trạng thái: yên ổn và loạn lạc.
    Đây là hai thời kỳ tiếp nối nhau và xoay vần đối với một nước: hết trị thì tới loạn, hết loạn thì tới trị.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nước có trị loạn, đời có hưng vong, thì Đạo tất phải có dùn thẳng quanh co rồi mới đặng thẳng rẳng đường ngay....

  • Trị loạn phò nguy

    Trị loạn phò nguy

    治亂扶危

    Trị: - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt. Loạn: giặc giã rối ren. Phò: giúp đỡ. Nguy: nguy hiểm. Phò nguy: giúp đỡ người nguy khốn.

    Trị loan phò nguy là dẹp yên giặc giã và giúp đỡ người nguy khốn.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Nghĩ vì Tòa Đạo là một cơ quan bảo thủ chơn truyền y theo khuôn viên luật pháp, bảo đảm sanh chúng, trị loạn phò nguy, gìn cân công lý cho toàn cả chúng sanh....

  • Trị sự

    Trị sự

    治事

    A: To administer.

    P: Administrer.

    Trị: - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt. Sự: việc.

    Trị sự là coi sóc công việc.

    Ban Trị Sự: cũng gọi là Bàn Trị Sự, là một ban gồm nhiều người coi sóc công việc đạo trong một Hương đạo.

  • Trị thế thái bình

    Trị thế thái bình

    治世太平
    A: To govern in peace.
    P: Gouverner en paix.

    Trị: - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt. Thế: đời. Thái bình: rất yên ổn.

    Trị thế thái bình là sắp đặt các công việc cho đời được hoàn toàn yên ổn.

    Kinh Nhập Hội: Ba lo trị thế thái bình.

  • Trị vì

    Trị vì

    A: To reign.

    P: Régner.

    Trị: - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt. Vì: do chữ Vị nói trại ra. Vị là ngôi vị.

    Trị vì là ở trên ngôi mà cai trị dân chúng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Cửu Trùng không kế an thiên hạ,
    Phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.
  • Trị xảo trừ tà

    Trị xảo trừ tà

    治巧除邪

    Trị: - Coi sóc, cai quản, yên ổn. - Sửa trị, trừng phạt. Xảo: xảo trá, gian dối. Trừ tà: tiêu diệt kẻ tà.

    Trị xảo trừ tà: trừng phạt kẻ xảo trá và trừ diệt kẻ tà gian.

    Kinh Xuất Hội: Gươm huệ đưa trị xảo trừ tà.

  • TRÍCH

    TRÍCH

    1. TRÍCH: 摘 Rút ra, chọn lấy.

    Thí dụ: Trích dẫn.

    2. TRÍCH: 謫 Trách điều lỗi, phạt đày đi xa.

    Thí dụ: Trích điểm, Trích Tiên.

  • Trích dẫn

    Trích dẫn

    摘引

    A: To extract.

    P: Extraire.

    Trích: Rút ra, chọn lấy. Dẫn: đưa ra để làm bằng chứng.

    Trích dẫn là rút ra một câu hay một đoạn văn trong một tác phẩm để làm sáng tỏ lý luận của mình.

  • Trích điểm

    Trích điểm

    謫點

    A: To criticize.

    P: Critiquer.

    Trích: Trách điều lỗi, phạt đày đi xa. Điểm: kiểm điểm, xem xét.

    Trích điểm là vạch cái sai của người khác ra để chê trách.

  • Trích lục

    Trích lục

    摘錄

    A: To extract.

    P: Extraire.

    Trích: Rút ra, chọn lấy. Lục: sao chép.

    Trích lục là lựa chọn lấy ra rồi sao chép lại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Được, nhưng Thánh ngôn và văn thi đều phải trích lục cho kỹ càng, phải có Hội Thánh phê nhận, rồi sẽ in....

  • Trích Tiên

    Trích Tiên

    謫仙

    A: The fallen Angel.

    P: L"Ange déchu.

    Trích: Trách điều lỗi, phạt đày đi xa. Tiên: vị Tiên.

    Trích Tiên là vị Tiên bị đày xuống cõi trần.
    Lý Bạch đời nhà Đường bên Tàu là một vị Trích Tiên.

  • TRIÊM

    TRIÊM

    TRIÊM: 沾 Thấm vào.

    Thí dụ: Triêm ân, Triêm nhiễm.

  • Triêm ân mộc đức

    Triêm ân mộc đức

    沾恩沐德

    A: To impregnate the benefits.

    P: Imprégner de bienfaits.

    Triêm: Thấm vào. Ân: ơn. Mộc: gội. Đức: phước đức.

    Triêm ân mộc đức: thấm ơn gội đức, thấm nhuần ơn đức.

  • Triêm nhiễm

    Triêm nhiễm

    沾染

    A: To be impregnated.

    P: Être imprégné.

    Triêm: Thấm vào. Nhiễm: nhuốm vào.

    Triêm nhiễm, đồng nghĩa Tiêm nhiễm, là thấm dần vào.

    Ở gần người hiền thì mình cũng dần dần hiền theo.

    Ở gần người hư đốn thì dần dần mình cũng hư đốn theo.

    Tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

  • TRIỀN

    TRIỀN

    1. TRIỀN: 旋 Còn đọc Toàn: về, xoay lại.

    Thí dụ: Triền càn chuyển khôn.

    2. TRIỀN: 纏 Quấn xung quanh.

    Thí dụ: Triền phược.

  • Triền càn chuyển khôn

    Triền càn chuyển khôn

    旋乾轉坤

    Triền: Còn đọc Toàn: về, xoay lại. Càn: trời. Chuyển: dời đổi. Khôn: đất.

    Triền càn chuyển khôn: xoay được trời, chuyển được đất.

    Ý nói: Người anh hùng tạo được thời thế, xoay chuyển cả giang san.

  • Triền miên

    Triền miên

    纏綿

    A: To be entangled.

    P: Être embarrassé.

    Triền: Quấn xung quanh. Miên: sợi tơ, sợi bông.

    Triền miên là quấn quít chặt chẽ, không gỡ ra được.

  • Triền phược

    Triền phược

    纏縛

    A: To tie up.

    P: Attacher.

    Triền: Quấn xung quanh. Phược: Phọc: trói buộc.

    Triền phược là trói buộc không gỡ ra được.

  • TRIỂN

    TRIỂN

    TRIỂN: 展 Mở ra, kéo dài thêm.

    Thí dụ: Triển hạn, Triển lãm.

  • Triển hạn - Triển kỳ

    Triển hạn - Triển kỳ

    展限 - 展期

    A: To prolong a delay.

    P: Prolonger un délai.

    Triển: Mở ra, kéo dài thêm. Hạn: thời hạn. Kỳ: kỳ hạn.

    Triển hạn, đồng nghĩa Triển kỳ, là kéo dài thêm kỳ hạn.

  • Triển khai

    Triển khai

    展開

    A: To develop.

    P: Développer.

    Triển: Mở ra, kéo dài thêm. Khai: mở ra.

    Triển khai là mở rộng ra trên một phạm vi lớn.

  • Triển lãm

    Triển lãm

    展覽

    A: To expose.

    P: Exposer.

    Triển: Mở ra, kéo dài thêm. Lãm: xem.

    Triển lãm là mở ra một cuộc trưng bày sản phẩm để người ta đến xem.

  • Triển vọng

    Triển vọng

    展望

    A: The perspective.

    P: La perspective.

    Triển: Mở ra, kéo dài thêm. Vọng: trông mong.

    Triển vọng là có khả năng phát triển tốt trong tương lai.

  • Triết học - Triết lý học

    Triết học - Triết lý học

    哲理學

    A: The philosophy.

    P: La philosophie.

    Triết: sự sáng suốt hiểu biết đến cái lẽ tận cùng. Lý: cái lẽ của sự vật. Học: môn học.

    Triết học hay Triết lý học là môn học về Triết lý.

    Triết lý là nghiên cứu để hiểu biết cái lẽ sâu xa tận cùng của một sự vật, hay của một hiện tượng.

    Người ta cũng định nghĩa Triết học là môn học nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh.

    Triết gia hay Triết học gia: nhà nghiên cứu về Triết học và có đưa ra học thuyết về Triết lý.

    Triết nhân: người hiền triết.  

    I. Nguồn gốc của chữ TRIẾT

    - Chiết tự theo chữ Nho: Chữ Triết 哲 gồm bộ Thủ 扌 hợp với chữ Cân 斤 và bên dưới có chữ Khẩu 口.

    Thủ là nắm giữ, Cân là cân đo xem xét, Khẩu là cái miệng để nói. Hội ý 3 phần lại thì chữ Triết có ý nói về sự xem xét phân tích để tìm hiểu, tức là cách vật trí tri, nghĩa là phân tích sự vật để tìm hiểu đến cái lẽ tận cùng của nó.

    Kinh Thư có viết: Tri chi viết minh Triết, nghĩa là: biết đây là minh Triết.

    Sách Hồng Phạm có viết: Minh tác Triết, nghĩa là: sáng suốt làm ra Triết. Tri nhân tác Triết, nghĩa là: biết người thì làm ra Triết.

    - Chiết tự theo tiếng Hy Lạp: Triết học, tiếng Hy Lạp là: PHILOSOPHIA, gồm: PHILO là ái, SOPHIA là tri thức, đạo lý. Philosophia là ái tri.

    Các Triết gia Tây phương định nghĩa Triết học như sau:

    Theo Aristote: Triết học là môn học nghiên cứu các hữu thể bằng sự tìm hiểu các nguyên nhân: chất thể, mô thể, thành phần và mục đích.

    Theo Descartes và Kant: Triết học là môn học nghiên cứu về nhận thức của con người và về các giá trị của nó.

    Theo Russel: ông đưa ra định nghĩa phổ thông hơn: Triết học, kể từ lúc khởi thủy, đã gồm hai mục tiêu khác nhau nhưng mật thiết quan hệ nhau: một đàng nhằm mục đích giải thích sự cấu tạo của thế giới; một đàng cố khám phá và giáo hóa đường lối sinh hoạt hoàn toàn hơn cho nhơn loại.

    Kể từ Héraclite cho tới Hégel và cả Karl Marx, không bao giờ Triết học lãng quên hai mục tiêu ấy, không bao giờ nó hoàn toàn chỉ là lý thuyết suông, hay hoàn toàn là thực hành, mà luôn luôn nó tìm lý thuyết, tìm một quan niệm có hệ thống về vũ trụ để ứng dụng làm cơ sở cho một nền luânlý thực hành.

    Bên Đông phương: các nhà hiền triết Đông phương định nghĩa Triết học là môn học nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh.

    Như thế, theo các định nghĩa Triết học của các nhà Hiền triết Đông Tây nêu trên thì Triết học phải dựa vào thái độ của một dân tộc hay của nhơn loại đối với vũ trụ và nhân sinh, để tổ chức hệ thống hoá thành một quan niệm về vũ trụ và nhân sinh mỗi ngày một thêm hoàn thiện hoàn mỹ.

    TÓM LẠI:

    Triết học hay Triết lý học là một bộ môn khoa học nghiên cứu về nguyên lý của vạn vật trong vũ trụ, tìm hiểu sự vật tới cái lẽ tận cùng sâu xa của nó, bao gồm hai yếu tố:

    - Yếu tố nhận thức: Những tri thức về vũ trụ và con người, giải thích hiện tượng bằng một hệ thống tư duy rành mạch.

    - Yếu tố nhận định: Đánh giá về mặt đạo lý để có một thái độ hành động hợp lý.

    II. Hai trường phái Triết học

    Vấn đề cơ bản của Triết học là vấn đề quan hệ giữa tư duy con người đối với những tồn tại của thế giới tự nhiên và xã hội, tức là vấn đề giữa vật chất và ý thức, giữa vật chất và tinh thần, hay là vấn đề giữa thể xác và linh hồn, cái nào là chánh, cái nào là phụ thuộc.

    Ngay từ thời xa xưa, các Triết gia đã chia ra thành hai trường phái đối lập nhau rõ rệt về vấn đề nầy:

    - Trường phái Duy Tâm: chủ trương tinh thần có trước và quyết định vật chất.

    - Trường phái Duy vật: chủ trương ngược lại, vật chất có trước và quyết định tinh thần.

    Cuộc đấu tranh của hai phái Triết học trên đã trở thành qui luật phát triển của tri thức Triết học.

    Trên dòng lịch sử phát triển Triết học, nảy sanh nhiều nhóm nhiều phái, nhưng tựu trung đều không vượt qua ngoài hai trường phái lớn đối lập nêu trên: Duy Tâm và Duy Vật.

    "Sự đấu tranh giữa chủ nghĩa Duy Tâm và Duy Vật xuyên qua toàn bộ lịch sử Triết học làm thành một trong những động lực chánh thúc đẩy sự phát triển Triết học.

    Cuộc đấu tranh nầy gắn chặt sự phát triển của xã hội với các quyền lợi kinh tế, chánh trị, tư tưởng của các từng lớp xã hội. Việc giải thích rõ thêm các vấn đề riêng biệt của khoa Triết học đã dẫn đến tiến trình phát triển của Triết học, sự tách ra trong bản thân nó những mặt khác nhau với tính cách những bộ phận tương đối độc lập và đôi khi rất khác biệt.

    Các bộ phận đó là: Bản Thể luận, Nhận Thức luận, Đạo Đức học, Tâm Lý học, Mỹ học, Xã Hội học, Lịch sử Triết học, v.v...

    Đồng thời, do còn thiếu những tri thức cụ thể, nên Triết học tìm cách thay thế các mối liên hệ và các qui luật còn chưa biết của thế giới bằng những điều tưởng tượng, do đó nó biến thành một khoa học đặc biệt, đứng trên tất cả các khoa học khác, trở thành một "Khoa học của các khoa học".

    Đối với thế giới tự nhiên, Triết học nầy đóng vai Triết học tự nhiên, đối với lịch sử, nó đóng vai Triết học lịch sử."

    III. Hai mục tiêu của Triết học

    Theo như định nghĩa Triết học của triết gia Russel (Bertrand Russel), Triết học luôn luôn bao gồm hai mục tiêu khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau.

    Hai mục tiêu đó là:

    1. Một là nhằm giải thích nguồn gốc và sự cấu tạo của vũ trụ: Đó là Vũ Trụ quan.

    2. Hai là nhằm khám phá và giáo hóa đường lối sinh hoạt của nhơn loại cho hoàn toàn hơn: Đó là Nhân sinh quan.

    Không bao giờ Triết học lãng quên hai mục tiêu nầy, hay cho rằng hai mục tiêu nầy không quan trọng, hay mục tiêu nầy quan trọng hơn mục tiêu kia. Bởi vì lý thuyết phải đi đôi với thực hành thì lý thuyết kia mới có giá trị.

    Cho nên, quan niệm về vũ trụ phải được ứng dụng làm cơ sở cho quan niệm nhân sinh.

  • Triết lý của Đạo Cao Đài

    Triết lý của Đạo Cao Đài

    A: Philosophy of Caodaism.

    P: La philosophie du Caodaïsme.

    Triết lý: (đã định nghĩa ở trên).

    Đấng Giáo chủ của Đạo Cao Đài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, là nguyên căn của tất cả các vị Giáo chủ khác đã có từ trước tới nay. Cho nên, Giáo lý của Đạo Cao Đài dung hợp được tất cả giáo lý của các tôn giáo khác, tạo thành một giáo lý hoàn hảo nhứt từ trước đến nay.
    Do đó, Triết lý của Đạo Cao Đài cũng dung hợp được tất cả Triết lý của các môn phái Triết học khác nhau và đối nghịch nhau trước đây, tạo thành một nền Triết học chơn thực toàn vẹn mà Triết lý Duy Tâm và Triết lý Duy Vật chỉ là hai mặt thể hiện trong hai giai đoạn của nó mà thôi.

    Thượng Đế là chơn lý tuyệt đối, hằng hữu, bất biến, là khối Thái Cực, trong đó bao gồm đủ cả Âm Dương, thanh trược, Tiên Phật, Quỉ ma. Âm Dương do đâu mà ra, do Thái Cực phân ra; Thanh trược do đâu mà ra, cũng do Thái Cực phân ra; Tiên Phật hay Quỉ ma do đâu mà ra, cũng do Thái Cực mà ra. Vậy thì, một Âm hay một Dương không thể là Thái Cực, mà cả Âm và Dương hợp lại mới là Thái Cực.

    Do đó, nếu nhìn chơn lý nầy qua lăng kính Duy Tâm mà khai triển ra thì ta có Triết lý Duy Tâm; nếu nhìn chơn lý nầy qua lăng kính Duy Vật thì ta có Triết lý Duy Vật.

    Chúng ta nhớ trong Kinh Phật có câu chuyện các anh mù rờ voi: anh mù rờ cái tai thì cho con voi giống cây quạt, anh mù rờ cái đuôi thì cho con voi giống cây chổi, anh mù rờ cái chân thì cho con voi giống cây cột, v.v... và mỗi anh mù đều nhứt định cho cái nhận biết của mình là đúng, những anh khác thì sai,.... Chúng ta đều biết rõ rằng: Con voi gồm tất cả những thứ đó.

    Như vậy, Thượng Đế mà đại diện là con người (Tiểu Thượng Đế) bao gồm cả Triết lý Duy Tâm và Duy Vật: Triết lý Duy Vật ở bực thấp tương ứng với thời kỳ phát triển của thể xác nên lấy vật chất làm quan trọng và Triết lý Duy Tâm ở bực cao hơn tương ứng với thời kỳ phát triển của tinh thần nên lấy tinh thần làm quan trọng, nhưng cả hai Triết lý ấy hợp lại mới trọn vẹn, mới thể hiện được đầy đủ chơn lý hằng hữu bất biến.

    (Xin xem chi tiết về Triết lý của Đạo Cao Đài nơi hai mục: Vũ Trụ quan (vần V) và Nhơn sanh quan (vần Nh))

  • Triệt để

    Triệt để

    徹底

    A: thouroughly.

    P: à fond.

    Triệt: thông suốt. Để: cái đáy.

    Triệt để là suốt đến đáy, ý nói: đến nơi đến chốn.

    Triệt để trừng thanh: Gạn lọc cho đến tận đáy, ý nói: gạn bỏ một cách kỹ càng từ trên xuống dưới.

  • Triệt thoái

    Triệt thoái

    撤退

    A: To recall.

    P: Rappeler.

    Triệt: rút lui. Thoái: lui lại.

    Triệt thoái là rút về, rút lui trở về.

  • TRIÊU

    TRIÊU

    TRIÊU: 朝 Sáng sớm, buổi sáng.

    Thí dụ: Triêu mộ, Triêu tịch.

  • Triêu tam mộ tứ

    Triêu tam mộ tứ

    朝三暮四

    Triêu: Sáng sớm, buổi sáng. Mộ: buổi chiều.

    Triêu mộ là sáng và chiều.

    Triêu tam mộ tứ: sáng ba chiều bốn, ý nói: - sáng thế nầy, chiều thế khác; - dùng mẹo để lừa gạt người.

    Theo tích cổ, có người nuôi con thư, buổi sáng cho nó ăn 3 quả, chiều cho ăn 4 quả thì con thư giận. Hôm sau, người nuôi cho thư ăn buổi sáng 4 quả, buổi chiều cho ăn 3 quả, thì thư mừng. Tổng số vẫn là 7 quả mỗi ngày chớ không hơn.

  • Triêu tịch

    Triêu tịch

    朝夕

    A: Morning and evening.

    P: Le matin et soir

    Triêu: Sáng sớm, buổi sáng. Tịch: buổi chiều tối.

    Triêu tịch là buổi sáng và buổi chiều tối.

    Hành lễ triêu tịch: làm lễ dâng cơm vào buổi sáng và buổi chiều trong tang lễ.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang.

  • TRIỀU

    TRIỀU

    TRIỀU: 朝 Triều đình, chầu lạy vua, một đời vua.

    Thí dụ: Triều đại, Triều nghi, Triều Thiên.

  • Triều đại

    Triều đại

    朝代

    A: The dynasty.

    P: La dynastie.

    Triều: Triều đình, chầu lạy vua, một đời vua. Đại: đời, thời đại.

    Triều đại là thời trị vì của một ông vua hay một dòng vua.

    Thí dụ: Triều đại Quang Trung là thời đại của vua Quang Trung Nguyễn Huệ; Triều đại nhà Nguyễn là thời đại của các vị vua nhà Nguyễn: khởi đầu là vua Gia Long, sau chót là vua Bảo Đại.

  • Triều nghi

    Triều nghi

    朝儀

    A: The Court rites.

    P: Les rites de la Cour.

    Triều: Triều đình, chầu lạy vua, một đời vua. Nghi: nghi lễ, phép tắc.

    Triều nghi là phép tắc về nghi lễ nơi triều đình.

    Kinh Ðệ Cửu cửu: Học triều nghi vào ở Linh Tiêu.

  • Triều phục

    Triều phục

    朝服

    A: The court dress.

    P: Le costume de la Cour.

    Triều: Triều đình, chầu lạy vua, một đời vua. Phục: quần áo.

    Triều phục là quần áo của các quan mặc khi chầu vua.

  • Triều Thiên

    Triều Thiên

    朝天

    A: To attend to the audience of God.

    P: Aller à l"audiennce de Dieu.

    Triều: Triều đình, chầu lạy vua, một đời vua. Thiên: Trời, Thượng Đế.

    Triều Thiên là chầu Thượng Đế, tức chầu Đức Chí Tôn.

    Lễ Đưa chư Thánh triều Thiên: giờ Tý ngày 24 tháng chạp hằng năm, tại Tòa Thánh và các Thánh Thất đều thiết lễ Tiểu đàn, cúng đưa chư Thánh về chầu Đức Chí Tôn nơi Ngọc Hư Cung.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: "Luôn dịp Bần đạo giải nghĩa tại sao phong tục nhà Nam, gọi theo đạo giáo là đưa Ông Táo về Trời, chớ thật sự là đưa chư Thần, Thánh, Tiên, Phật về triều Thiên, tinh thần từ trước vẫn vậy.

    Chơn truyền buổi trước, Đức Chí Tôn tạo Càn Khôn Thế Giới, Ngài nắm Thập Thiên can, Thập nhị Địa chi trong tay, để định pháp chánh Càn Khôn Vũ Trụ. Trong thời buổi định pháp chánh, ấn định vào khoảng từ ngày 23 đến ngày 30, sáng mùng 1 họp tại Ngọc Hư Cung đặng định luật giới hạn vi diệu cho trái địa cầu chạy theo khuôn khổ hữu định trong năm cho chí tân niên là 12 giờ đêm 30 khởi điểm ngày mùng 1 tháng giêng năm sau."

  • TRIỆU

    TRIỆU

    TRIỆU: 召 Gọi lại, vời đến.

    Thí dụ: Triệu hồi, Triệu tập.

  • Triệu hồi

    Triệu hồi

    召回

    A: To recall.

    P: Rappeler.

    Triệu: Gọi lại, vời đến. Hồi: trở về.

    Triệu hồi là đòi một viên chức đang làm việc ở xa trở về trung ương.

  • Triệu tập

    Triệu tập

    召集

    A: To convoke.

    P: Convoquer.

    Triệu: Gọi lại, vời đến. Tập: họp lại.

    Triệu tập là ra lệnh cho những người có phận sự nhóm họp lại để bàn những vấn đề quan trọng.

    Thí dụ: Hội Thánh triệu tập Hội nhơn sanh.

  • TRINH

    TRINH

    TRINiệm Hương: 貞 Chính đính, không tà vạy, không thất tiết.

    Thí dụ: Trinh liệt, Trinh nhân, Trịnh thục.

  • Trinh bạch

    Trinh bạch

    貞白

    A: Chaste, pure.

    P: Chaste, pur.

    Trinh: Chính đính, không tà vạy, không thất tiết. Bạch: trắng, không nhơ bợn.

    Trinh bạch là trong sạch, không chút nhơ bợn.

  • Trinh liệt

    Trinh liệt

    貞烈

    A: Firm, faithful.

    P: Ferme, fidèle.

    Trinh: Chính đính, không tà vạy, không thất tiết. Liệt: cứng cỏi, không chịu khuất.

    Trinh liệt là giữ lòng trong sạch, không chịu khuất.

    Kinh Sám Hối: Giữ cho tròn trinh liệt mới mầu.

  • Trinh nhân

    Trinh nhân

    貞人

    A: Right man.

    P: Homme droit.

    Trinh: Chính đính, không tà vạy, không thất tiết. Nhân: người.

    Trinh nhân là người giữ vững được đạo chánh.

  • Trinh thục

    Trinh thục

    貞淑

    A: Chaste and sweet.

    P: Chaste et douce.

    Trinh: Chính đính, không tà vạy, không thất tiết. Thục: hiền lành, có đức tốt.

    Trinh thục là người con gái trinh tiết và hiền lành.

  • TRÌNH

    TRÌNH

    1. TRÌNH: 呈 Bày tỏ, phô bày, nói với cấp trên.

    Thí dụ: Trình duyệt, Trình tấu.

    2. TRÌNH: 程 Cách thức, qui tắc, đường đi.

    Thí dụ: Trình độ, Trình tự.

  • Trình duyệt

    Trình duyệt

    呈閱

    A: To present for examination.

    P: Présenter pour examen.

    Trình: Bày tỏ, phô bày, nói với cấp trên. Duyệt: xem.

    Trình duyệt là đưa công văn, giấy tờ lên cấp trên xem xét và quyết định.

    Trình ký: Đưa công văn, giấy tờ lên cấp trên ký tên.

  • Trình độ

    Trình độ

    程度

    A: Degree, level.

    P: Degré, niveau.

    Trình: Cách thức, qui tắc, đường đi. Độ: cái mức đạt tới.

    Trình độ là cái mức đi được trên con đường. Ý nói: cái mức đạt được cao hay thấp của trí thức, năng lực, sự vật,....

    Trình độ tiến hóa: mức tiến hóa cao hay thấp.

  • Trình tấu

    Trình tấu

    呈奏

    A: To expose respectfully.

    P: Exposer respectueusement.

    Trình: Bày tỏ, phô bày, nói với cấp trên. Tấu: tâu lên Đức Chí Tôn.

    Trình tấu là tâu lên Đức Chí Tôn các sự việc xảy ra.

    Sớ Văn: Quì tại điện tiền thành tâm trình tấu.

  • Trình tự

    Trình tự

    程序

    A: The order.

    P: L"ordre.

    Trình: Cách thức, qui tắc, đường đi. Tự: thứ tự.

    Trình tự là theo thứ tự diễn ra từ đầu đến cuối.

  • TRỌN

    TRỌN

    TRỌN: (nôm) Hoàn toàn.

    Thí dụ: Trọn đạo, Trọn lành.

  • Trọn đạo

    Trọn đạo

    A: To fulfil one"s duty.

    P: Accomplir son devoir.

    Trọn: (nôm) Hoàn toàn. Đạo: nguyên tắc đúng đắn phải gìn giữ và tuân theo. Trọn đạo là gìn giữ trọn vẹn bổn phận của mình.

    Kinh Vào Học: Nguyện Tam cang gìn tâm trọn đạo.

  • Trọn lành

    Trọn lành

    A: Perfectly pure.

    P: Parfaitement pur.

    Trọn: (nôm) Hoàn toàn. Lành: thiện, tốt, trong sạch.

    Trọn lành là hoàn toàn tốt lành, hoàn toàn trong sạch.

    Đấng trọn lành: các Đấng thiêng liêng vào hàng Tiên, Phật và Bồ Tát.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Trong Bát Quái Đài, kể từ Tiên vị đổ lên cho tới Thầy thì đã vào địa vị các Đấng trọn lành (Classe des Parfaits ou des Purs), từ Thánh vị trở xuống nhơn vị thì vào hàng Thánh (Classe des Épures), từ thú cầm xuống vật chất thì hàng phàm tục (Classe des Impures).

    Ấy vậy, trong Bát Quái Đài từ bực Thánh hồn thì còn phận sự điều đình Càn Khôn Thế Giới, giao thiệp cùng các chơn hồn, còn ở trong vòng vật chất, nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hóa lên cho tới Thánh vị. Hễ vào Thánh vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đọa trần đi nữa cũng còn giữ vẹn Thánh đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành, lên địa vị trọn lành rồi thì mới đồng quyền cùng Tạo hóa, từ bi, tự tại, bất tiêu bất diệt.

  • Trọn nghì

    Trọn nghì

    A: Entirely loyal.

    P: Entièrement fidèle.

    Trọn: (nôm) Hoàn toàn. Nghì: Nghĩa: cách cư xử đúng theo đạo lý.

    Trọn nghì: Trọn nghĩa: hoàn toàn vì nghĩa.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu: Con gìn câu chết sống trọn nghì.

  • Trọn trinh

    Trọn trinh

    A: Entirely chaste.

    P: Entièrement chaste.

    Trọn: (nôm) Hoàn toàn. Trinh: lòng trong sạch ngay thẳng của phụ nữ.

    Trọn trinh là người phụ nữ giữ được trọn vẹn trinh tiết.

    Kinh Hôn Phối: Chồng hay trọn nghĩa, vợ hiền trọn trinh.

  • TRỌNG

    TRỌNG

    1. TRỌNG: 重 Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng.

    Thí dụ: Trọng bệnh, Trọng hình.

    2. TRỌNG: 仲 Giữa, thứ nhì.

    Thí dụ: Trọng tài, Trọng thu.

  • Trọng bệnh

    Trọng bệnh

    重病

    A: The grave illness.

    P: La maladie grave.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Bệnh: Bịnh: đau ốm.

    Trọng bệnh là bịnh nặng.

    Di Lạc Chơn Kinh: Năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh,....

  • Trọng dụng

    Trọng dụng

    重用

    A: To give an important charge.

    P: Confier à qqn des charges importantes.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Dụng: dùng.

    Trọng dụng là dùng vào việc quan trọng, tức là giao cho nhiệm vụ quan trọng xứng đáng với tài năng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phải ăn năn sám hối, sau Ta sẽ trọng dụng độ rỗi nhơn sanh, lấy công chuộc tội.

  • Trọng đại

    Trọng đại

    重大

    A: Great and important.

    P: Grand et important.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Đại: lớn.

    Trọng đại là lớn lao và quan trọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con sẽ trọng đại và đủ quyền năng do Thiên ý.

  • Trọng hậu

    Trọng hậu

    重厚

    A: Generous.

    P: Généreux.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Hậu: dày dặn.

    Trọng hậu là quan trọng và dày dặn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ấy là các con hiến cho Thầy một sự thành kính trọng hậu đó.

  • Trọng hệ

    Trọng hệ

    重繫

    A: Important.

    P: Important.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Hệ: dính dấp, liên hệ.

    Trọng hệ là liên hệ quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy sẽ giao trách nhậm trọng hệ cho con truyền Đạo ở Trung Kỳ.

  • Trọng hình

    Trọng hình

    重刑

    A: The severe punishment.

    P: La peine sévère.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Hình: hình phạt.

    Trọng hình là hình phạt nặng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thà các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể.

  • Trọng nam khinh nữ

    Trọng nam khinh nữ

    重男輕女

    A: To respect men and despise women.

    P: Respecter les hommes et mépriser les femmes.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Khinh: xem nhẹ, coi thường. Nữ: phụ nữ.

    Trọng nam khinh nữ là quí trọng đàn ông con trai, khinh rẻ đàn bà con gái.

    Chế độ quân chủ thời xưa thì trọng nam khinh nữ, nên đưa đến chế độ đa thê, nhưng ngày nay với thể chế tự do dân chủ thì nam nữ bình quyền, việc đa thê được bãi bỏ.

    Ở các nước Tây phương, nữ lại được tôn trọng hơn nam; trái lại, trong các nước Hồi giáo thì nam được tôn trọng mà nữ bị khinh rẻ.

  • Trọng nghĩa khinh tài

    Trọng nghĩa khinh tài

    重義輕財

    A: To honour duty and despise riches.

    P: Honorer le devoir et mépriser la richesse.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Nghĩa: việc phải. Tài: tiền bạc.

    Trọng nghĩa khinh tài là xem nặng việc nghĩa, coi thường tiền bạc.

  • Trọng quyền trọng phạt

    Trọng quyền trọng phạt

    重權重罰

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Quyền: quyền hành. Phạt: trừng phạt.

    Trọng quyền: quyền hành lớn. Trọng phạt: bị phạt nặng.

    Người có quyền hành lớn, nếu lợi dụng quyền hành ấy để làm những việc trái đạo đức thì bị phạt nặng hơn người không có chức có quyền.

    Do đó, trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn dạy rằng: "Thầy lấy từ bi phong tịch, nhưng các Chức sắc nếu vì áo mão hơn đạo đức thì tội chất bằng hai."

    Pháp Chánh Truyền: Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt.

  • Trọng tài

    Trọng tài

    仲裁

    A: Arbitration.

    P: L"arbitrage.

    Trọng: Giữa, thứ nhì. Tài: quyết đoán, phân xử.

    Trọng tài là đứng giữa phân xử khi hai bên tranh chấp không chịu nhượng bộ nhau.

  • Trọng thể

    Trọng thể

    重體

    A: Solemn.

    P: Solennel.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Thể: cách thức bày ra.

    Trọng thể là cách thức bày ra long trọng.

  • Trọng tội

    Trọng tội

    重罪

    A: Crime.

    P: Le crime.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Tội: tội lỗi.

    Trọng tội là tội nặng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ấy vậy, gian tham là trọng tội.

  • Trọng trược

    Trọng trược

    重濁

    A: Very dirty.

    P: Très sale.

    Trọng: Nặng, rất, lớn, chuộng, kính trọng. Trược: Trọc: dơ đục, dơ bẩn.

    Trọng trược là rất dơ bẩn.

  • Trọng Tương Vấn Hớn

    Trọng Tương Vấn Hớn

    仲襄問漢

    Trọng Tương: Họ Trọng tên Tương. Vấn: hỏi. Hớn: Hán: đời nhà Hán.

    Trọng Tương Vấn Hớn là tên của một quyển sách nói về Tiền căn báo hậu kiếp hay Luân Hồi Quả Báo kể từ thời Hán Sở Tranh Hùng cho đến cuối đời nhà Hán, nước Tàu phân thành Tam quốc.

    Tác giả "Trọng Tương Vấn Hớn" là ai, không thấy sách nào nói đến, nhưng tác giả có một trí tưởng tượng rất phong phú, lại khéo tài liên kết, xếp đặt từ lúc Hớn Lưu Bang dựng ra nhà Hớn (Tây Hớn) cho đến Tam quốc tranh hùng, thành một câu chuyện luân hồi quả báo, có nhiều tình tiết hữu lý, rất hạp với tín ngưỡng dân gian là thưởng thiện phạt ác, làm người đọc say mê thích thú, tưởng đây là câu chuyện huyền bí có thật.

    Truyện "Trọng Tương Vấn Hớn" nguyên tác ở bên Tàu, có dịch ra Việt ngữ theo thể thơ lục bát, do 3 ông: Võ Tế Mỹ, Đặng Ngọc Có, Nguyễn Quới Mai dịch và giữ bản quyền, xuất bản lần thứ nhứt tại Sài Gòn, năm 1906.

    Nội dung Trọng Tương Vấn Hớn tóm tắt sau đây:

    Đời vua Hớn Linh Đế, tại quận Ích Châu, có ông Trọng Tương, họ Tư Mã, rất thông minh tài giỏi, 8 tuổi đã nổi tiếng thần đồng, nhà nghèo nhưng lại rất hiếu thảo với cha mẹ, có đi lên kinh đô dự khoa thi nhưng bị đánh rớt, khi trở lại quê nhà thì chẳng may cha mẹ đã mất. Trọng Tương lấy làm thương xót lắm, mới cất một cái lều ở kế bên mộ phần của cha mẹ, đặng ở cư tang thủ hiếu cho đặng 6 năm. Lòng buồn nhớ thương cha mẹ, lại ưu uất vì nỗi học tài thi mạng, nên thường than thân trách phận. Trọng Tương thấy phần nhiều trong triều đình là nịnh thần, toan mưu hại kẻ trung lương, khiến dân chịu nhiều oan ức. Trọng Tương lấy làm cảm động, nên làm ra một bài thơ để giải buồn, có ý trách Trời Đất không công bình.

    Không ngờ những lời than trách ấy có Du Thần nghe được, báo cáo lên Thượng Thiên. Ngọc Hoàng Thượng Đế hạ sắc chỉ cho Diêm Vương. Diêm Vương lãnh lịnh, sai quỉ sứ bắt hồn Trọng Tương xuống Âm Phủ, phán rằng:

    Như nhà ngươi thông minh biết sự công đoán thì phải xuống Diêm La mà phân xử những án, nội trong 6 giờ cho xong thì Ngọc Hoàng mới xá tội cho ngươi.

    Khi đó, ông Trọng Tương ngồi làm chánh tòa thay thế Diêm Vương phân xử các án, trong 6 giờ thì xong hết.

    Thượng Đế phán rằng: - Trọng Tương là người thông minh hơn hết, nên sau cho đầu thai vào nhà họ Tư Mã, đặt tên là Tư Mã Ý, hiệu là Trọng Đạt, để ngày sau con cháu của nhà Tư Mã qui nhứt thống nước Tàu, mở ra nhà Tây Tấn.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo có nhắc tới truyện Trọng Tương Vấn Hớn (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp, quyển 2 trang 100), như sau:

    "Nếu ta quan sát trong Trọng Tương Vấn Hớn thì rõ tiền căn Hạng Võ, hậu kiếp Quan Công. Bởi Hớn Bái Công khi lập quốc rồi, nghe lời Lữ Hậu, diệt công thần, giết Hàn Tín. Án ấy nằm dưới Phong Đô mấy đời mà không ai xử đặng.

    Buổi ấy có thầy Trọng Tương là học trò khó, nhà nghèo, nhưng rất hiếu hạnh. Cha chết, Trọng Tương cất nhà mồ thờ cha mà ở, thường hay buồn than thân trách phận, biết mình hữu tài vô mạng, nên viết một bài thi có ý than rằng: Thiên Địa hữu tư, thần minh bất công, dụng ý trích điểm cái án nhà Hớn mà dưới Phong Đô xử chưa nổi. Vì vậy mắc tội phạm thượng, bị bắt hồn dẫn xuống Phong Đô, cho Thập Điện Diêm Vương vấn tội.

    Trọng Tương bình tĩnh trả lời rằng: Nếu cho tôi ngồi làm Thập Điện, tôi sẽ xử án ấy cho mà coi.

    Thập Điện Diêm Vương bằng lòng.

    Ngài xử: Tiền căn báo hậu kiếp, như Bành Việt cho đầu kiếp làm Lưu Bị, Anh Bố làm Ngô Tôn Quyền, Hàn Tín làm Tào Tháo, Hạng Sư làm Nhan Lương, Hạng Bá làm Văn Xủ, Hạng Võ làm Quan Công.

    Ta thấy hồi 6 tướng của Hạng Võ đem lòng phản bội, đầu nhà Hớn, rượt Hạng Võ đến bến Ô Giang, Hạng Võ phải cắt đầu trao cho Đình trưởng, chú là Hạng Bá trở lại phản cháu, đầu lụy Hớn Bái Công, còn trở lại phạt Sở.

    Tiền căn hậu kiếp vay trả quả báo y nhiên."

    Tác phẩm "Trọng Tương Vấn Hớn" gồm 920 câu thơ lục bát, xin trích ra sau đây vài đoạn tượng trưng:

    TRỌNG TƯƠNG VẤN HỚN
    Trải xem sử cũ Hớn trào,
    Cao Hoàng noi dấu Đường Nghiêu dựng nền.
    Sáu trăm muôn lửa dõi truyền,
    Thánh Thần ngự trị vững bền kim âu.
    Đến tuần Linh Đế nối sau,
    Quang Hòa tự thuở năm đầu nguyên niên.
    Thấy trong nước có sanh hiền,
    Họ nhà Tư Mã ở miền Ích Châu.
    Trâm anh thói có phong lưu,
    Đời đời truyền dõi nghiệp nhu học hành.
    Bẩm sanh một gã tinh anh,
    Mẹ cha mới đặt tên là Trọng Tương.
    Thông minh đi đứng khác thường,
    Sớm khuya đèn sách văn chương học hành.
    Trót thông mã sử lục kinh,
    Mới nên tám tuổi nổi danh thần đồng.
    Xa gần thôn ấp ngợi khen,
    Biểu dưng trong quận có trang kỳ tài.
    Chiếu ra ứng thí chương đài,
    Chức quan dưới chẳng biết tài cao xa.
    Từ ngày trở lại quê nhà,
    Ở nơi biển liễu tường hoa ngày chầy.
    Máy linh chẳng khác vần xây,
    Song thân một phút cỡi mây tách ngàn.
    Trọng Tương nước mắt đượm chan,
    Than rằng Tạo Hóa khép oan lòng người.....
    HÀN TÍN TRẠNG CÁO rằng:
    Bây giờ mới hỏi Hớn Vương,
    Vua sao nỡ phụ chẳng thương nhơn thần?
    Phò Lưu, diệt Hạng, bặt Tần,
    Gẫm xem Tín đã nhiều lần công lao.
    Chẳng hay can cớ làm sao?
    Cho nên giết Tín lẽ nào nói ngay.....
    Rằng ngươi là tướng có danh,
    Cớ chi Lữ Hậu tư tình giết ngươi?
    BÀNH VIỆT TRẠNG CÁO rằng:
    Việt liền rón rén thưa lời,
    Rằng vua điền điệp đi chơi lâu về.
    Lữ Hậu tánh vốn dâm mê,
    Nào còn đoái đến thửa bề nhơn luân.
    Hỏi trong văn võ quần thần,
    Rằng ai dung mạo hơn phần sắc thinh?
    Thái giám rằng ngươi Trần Bình,
    Song còn phụ giá thánh minh ngoài trào.
    Lại hỏi ai khá thứ sau,
    Bày vào nội yến y trào trung trương.
    Thưa rằng: Bành Việt Lương vương,
    Xem dường dung mạo có phương hơn người.
    Bèn sai chiếu chỉ đi mời,
    Tôi bèn vưng mạng đến nơi điện ngoài.
    Thấy quan Thái giám truyền lời,
    Rằng vưng sắc chỉ dạy người vào trong.
    Tôi vưng thẳng đến đền rồng,
    Thấy bà Lữ Hậu đứng cùng bệ giai.
    Sẵn sàng tiệc ngọc an bài,
    Tay bà Lữ Hậu khuyên mời quỳnh tương.
    Vậy bèn lửa dục nhiều đường,
    Tôi nghĩ là sự phi thường chẳng không.
    Đạo làm thần tử chi trung,
    Thảo ngay chẳng giữ, hổ cùng cao xanh.
    Lữ Hậu giận chẳng thuận tình,
    Giết người cắt lưỡi hành hình chỉnh ghê.
    Ra lòng độc dữ nhiều bề,
    Chẳng cho mai táng, phân thi tan tành.
    Ngỡ trông ơn đức cao minh,
    Xét soi lòng kẻ trung thần làm tôi.....
    ANH BỐ TRẠNG CÁO rằng:
    Thưa rằng tôi cũng người ngay,
    Vốn cùng Hàn Tín nhiều ngày công linh.
    Những ngờ hưởng phước thái bình,
    Ơn vua tước trọng đãi mình ấm phong.
    Khăng khăng giữ một chữ trung,
    Cớ chi đến nỗi mắc vòng thân lao.
    Vả đà bạn cũ cùng nhau,
    Đều đi viếng kiểng tới đầu biên giang.
    Phút liền thấy sứ tái truyền,
    Của vua cầm thực ngự tiền ban cho.
    Chúa tôi tình thiệt nào lo,
    Tiệc bày ăn uống say no dật dờ.
    Tánh linh dạ động bấy giờ,
    Hỏi rằng vật lạ ai đưa đến chầu?
    Sứ rằng song chẳng biết đâu,
    Tôi bèn khiến đến đuôi đầu hỏi tra.
    Bây giờ nó mới nói ra,
    Thịt ngươi Bành Việt, vua đà mổ phanh.
    Tôi nghe hình thậm hãi kinh,
    Tủi thầm thương nghĩa ngươi Bành hữu công.
    Có chi oan thác khi không,
    Ngùi ngùi cảm động, trong lòng xót xa.
    Công phò nghiệp cả Hớn gia,
    Chẳng làm phản nghịch, nào ra dâm hình?....
    HẠNG VƯƠNG TRẠNG CÁO rằng:
    Trọng Tương xem án mới tường,
    Hỏi rằng: Hàn Tín vốn đường tôi ngươi.
    Ra lòng quyết chí về Tây,
    Phò Lưu diệt Hạng, chẳng hay lẽ nào?
    Hạng Vương thưa hết thấp cao,
    Xưa nhơn vật gặp hỗn hào chiến tranh.
    Liều mình hết sức bình sanh,
    Dựng thành nghiệp Sở xưng danh trùng trùng.
    Tánh ngu chẳng biết anh hùng,
    Cho nên Tín chẳng ở cùng, trách ai?
    Đến khi thua trận đất Cai,
    Đụt xông mới khỏi ra ngoài Tề vây.
    Lạc đường chẳng biết nẻo đi,
    Phúc liền xảy gặp đá kề bên sông.
    Hỏi rằng nào nẻo được thông,
    Điền phu nó chỉ về Đông thẳng đường.
    Chẳng ngờ phải chước Hớn vương,
    Sai người cày đó giả chàng điền phu.
    Trước sau chẳng thấu căn do,
    Vậy nên sa xuống hạ ngu khốn mình.
    Bốn bề toàn những Hớn binh,
    Tình cờ xảy gặp bạn lành Mã Thông.
    Những ngờ nghĩa cũ phục dung,
    Ai ngờ nó lại trở lòng chẳng hay.
    Giục đem sáu tướng lại vây,
    Phải liều tự vận khỏi tay loài phàm.
    Há rằng phụ nó cho cam,
    Quân thần nghĩa nặng nỡ làm thù sâu.
    Giải niềm oan khuất bấy lâu,
    Ngỡ trông rõ được mối sầu bấy thu.
    (Trọng Tương ngồi thế Diêm Vương xử án:)
    Trọng Tương nghe biết căn do,
    Sửa sang kẻo kẻ hạ ngu ức lòng.
    Gẫm xem sáu tướng kích công,
    Tham giàu quên nghĩa là lòng bất nhơn.
    Tội ngươi không xiết kể chi,
    Phải làm răn kẻ mãn khi sanh hiền.
    Luận cho Hạng Võ sanh lên,
    Khiến người cải tộc đặt tên kẻo trùng.
    Bắt đày sáu tướng kích công,
    Một tay Hạng Võ đều thì giết tươi.
    Răn loài phản nghịch một đời,
    Hổ mình cho biết đạo trời chẳng dung.
    Hỏi nào các tướng tứ tung,
    Đem ra hội nghị luận công trọng tiền.
    Đầu nguyên xuất thế tùy duyên,
    Phán rằng chủ định họ tên các nhà.
    Đoạn thôi, đòi Hàn Tín ra,
    Vì ngươi hết sức Hớn gia được tuyền.
    Cho ngươi quá bán sơn xuyên,
    Trước đà hưởng phước sau đền trả oan.
    Thác sanh hậu duệ nhà quan,
    Lại về dòng tộc được huờn thửa công.
    Sanh làm con gã Tào Tung,
    Tên là Tào Tháo gian hùng có danh.
    Vả hay quen việc dụng binh,
    Được làm Hớn tướng tung hoành Hứa Xương.
    Tước phong danh hiệu Ngụy Vương,
    Bỏ công lành trước nắng sương dãi dầu.
    Toàn gia đều hưởng sang giàu,
    Oai ra một phút đâu đâu phục tùng.
    Sau về địa hạ sắc phong,
    Cho làm Võ Đế thỏa lòng cần lao.
    Đoạn thôi mới dạy Hớn Cao,
    Thác sanh rồi lại lộn vào Hớn gia.
    Để cho Hàn Tín tự chuyên,
    Đêm ngày kinh khủng chẳng an tòa ngồi.
    Bởi chưng bạc hại công người,
    Oan ức những kẻ tôi ngươi khốc tình.
    Cho ngươi lại được huờn sinh,
    Đạo Trời nhẫng thấy đành rành chẳng tư.
    Truyền đem Lữ Hậu lại đây,
    Cừu lòng ở dữ tánh mầy gian ngoan.
    Đầu thai cho lại dương gian,
    Vào nhà họ Phục lại huờn giáng sanh.
    Ngồi cùng Hiến Đế cung đình,
    Để cho Hàn Tín gia hình trả oan.
    Vì mầy tham độc thiên ban,
    Giết cùng đền số họ Hàn mới tha.
    Tín thưa: Còn sự Tiêu Hà?
    Hiến người lại giáo, trở ra hại người.
    Trọng Tương thấy Tín thưa lời,
    Bây giờ mới dạy chuyện ngươi Tiêu Hà.
    Đầu thai về họ Dương gia,
    Mai sau thác xuống tên là Dương Tu.
    Nguyên xưa Hớn đến Tân đô,
    Chẳng tham tiền bạc, thâu cho bản đồ.
    Dốc lòng chí khí trượng phu,
    Lập cho nghiệp cả để phò minh quân.
    Chẳng ngờ Hớn Tổ thiểu ân,
    Cho nên phải lụy chung thân nào toàn.
    Tiến hiền rồi lại hại hiền,
    Về sau cho phải lại đền bổn thân.
    Ba lần ngồi tính Hớn quân,
    Làm cho sanh bạc trả ơn hội nầy. v.v....
    (Trọng Tương xử án xong, bước xuống:)
    Trọng Tương bước xuống ngai vàng,
    Đều huờn áo mão, trả quyền Diêm Vương.
    Lại đặt lẽ ấy cho thường,
    Lời ra xem thấy có phương nhiệm mầu.
    Tài nầy chẳng phải tài ngu,
    Kiện nầy có đến sáu giờ liền xong.
    Ta rày vốn lấy lẽ công,
    Bảo thôi tâu đến cất dùng trạc liên.
    Ngọc Hoàng xem thấy phán truyền:
    "Người nầy đoán kiện đã nên anh hùng.
    Ba trăm án kiện đều bày,
    Sáu giờ tra án đạo Trời chẳng sai.
    Phép làm tôi quá thưởng công,
    Chức cao lộc trọng phỉ lòng tôi ngươi.
    Rày đà khỏi uất ức người,
    Đầu thai cho nó vào nơi công hầu.
    Đức nhà Tư Mã đã lâu,
    Rày cho nó lại nối sau chuyên quyền.
    Đặt Tư Mã Ý là danh,
    Chữ là Trọng Đạt, khôn hiền thông minh.
    Xưa là chủ bạc đến sanh,
    Cháu con Tào Tháo mặc mình sửa sang.
    Tính vừa ba nước hiệp vương,
    Thâu về một mối chiếm đương tay chàng."
    Phán thôi sắc xuống công đàng,
    Diêm Vương mở đọc phân minh lịnh truyền.
    Thôi bèn thỉnh Trọng Tương liền,
    Khuyên mời tiếp đãi ngự tiền để trên.
    (HẾT)

    TIỀN CĂN BÁO HẬU KIẾP CHI TÍCH:
    Tiền căn: Hàn Tín ─> Hậu kiếp: Tào Tháo.
    Tiền căn: Tiêu Hà ─> Hậu kiếp: Dương Tu.
    Tiền căn: Hớn Cao Tổ ─> Hậu kiếp: Hớn Đế.
    Tiền căn: Anh Bố ─> Hậu kiếp: Tôn Quyền.
    Tiền căn: Lữ Hậu ─> Hậu kiếp: Phục Hậu.
    Tiền căn: Bành Việt ─> Hậu kiếp: Lưu Bị.
    Tiền căn: Bàng Thông ─> Hậu kiếp: Khổng Minh.
    Tiền căn: Hứa Phụ ─> Hậu kiếp: Phụng Sồ.
    Tiền căn: Phàn Khoái ─> Hậu kiếp: Trương Phi
    Tiền căn: Hạng Võ ─> Hậu kiếp: Quan Võ.
    Tiền căn: Kỷ Tín ─> Hậu kiếp: Triệu Vân.
    Tiền căn: Thích Thị ─> Hậu kiếp: Cam Thị.
    Tiền căn: Lưu Ẩn ─> Hậu kiếp: Lưu Thiện.
    Tiền căn: Đinh Công ─> Hậu kiếp: Châu Du.
    Tiền căn: Hạng Bá ─> Hậu kiếp: Văn Xủ.
    Tiền căn: Ung Xỉ ─> Hậu kiếp: Nhan Lương.
    Tiền căn: Dương Quán ─> Hậu kiếp: Biện Quán.
    Tiền căn: Vương Ế ─> Hậu kiếp: Vương Trấn.
    Tiền căn: Hạ Quản ─> Hậu kiếp: Khổng Tú.
    Tiền căn: Lữ Đằng ─> Hậu kiếp: Hàn Hộ.
    Tiền căn: Dương Tu ─> Hậu kiếp: Tần Kỳ.
    Tiền căn: Mã Thông ─> Hậu kiếp: Tần Dương.
    Tiền căn: Trọng Tương ─> Hậu kiếp: Tư Mã Ý.

    "Phải nhìn nhận rằng, tác giả truyện "Trọng Tương Vấn Hớn" khéo tài liên kết, xếp đặt di chuyển từ Tây Hớn qua Tam Quốc thành một đại cuộc luân hồi quả báo, tuy nghiệm ra có vẻ hoang đường, nhưng phần lớn lại rất hạp với óc tín ngưỡng dân gian, nhứt là khéo xếp câu chuyện có đầu đuôi, nghe qua rất hợp lý. Như Tào Tháo, nguyên kiếp trước là Hàn Tín, có công lớn gồm thâu nước Sở đem về cho Hán Cao Tổ, thế mà không hưởng được lợi lộc gì, lại bị tru di tam tộc, nên qua đời Tam Quốc, tác giả cho Tào Tháo soán ngôi nhà Hớn, làm vua một thuở để trả thù: xưa Hớn Cao Tổ hiếp bức thế nào thì giờ đây Tào Tháo hiếp bức thế ấy, và trước Lữ Hậu giết Hàn Tín, nay Tào Tháo bắt Phục Hậu thắt cổ mà trừ.

    Những người thế yếu không trả thù đặng, nghe thuật lại chuyện nầy cũng hả dạ đôi phần. nhưng dễ cười nhứt là anh thầy bói Hứa Phụ, có đoán cho Hàn Tín sống thọ 74 tuổi, không dè thọ đâu không thấy, chỉ thấy yểu số, chết năm 34 tuổi vì lòng sâu độc của Lữ Hậu. Qua đời Tam Quốc, Hứa Phụ đầu kiếp làm Bàng Thống, đệ nhị quân sư của Lưu Bị, cũng 34 tuổi chết tức tối tại Lạc Phụng Ba, đồng một tuổi với Hàn Tín. Lúc Trọng Tương xử án, Hứa Phụ có kêu oan rằng: số của Hàn Tín thọ 74 tuổi, nhưng vì Hàn Tín làm 4 việc thất đức nên Trời giảm tuổi thọ 4 kỷ (40 tuổi):

    1. Khi từ Sở vào Hớn Trung, Tín nhờ tiều phu chỉ đường, không ơn mà chớ, lại để giữ kín công việc Hàn Tín đành giết anh tiều phu, nên giảm một kỷ.

    2. Hàn Tín làm Lịch Sanh bị nấu chết oan, vì tham công hại bạn, nên giảm đi một kỷ.

    3. Hàn Tín lập trận Cửu Lý San, tuy có công diệt được Hạng Võ nhưng làm chết bọn lính tráng quá nhiều, nên giảm thêm một kỷ nữa.

    4. Lúc ban sơ, Hàn Tín bỏ trốn khỏi Sở, qua cửa ải, Chung Ly Muội giả vờ không hay để Hàn Tín trốn thoát, ấy là ơn lớn. Đến khi Muội thất thế, chạy đến nương náu với Hàn Tín thì Tín đành phụ nghĩa, Muội phải tự sát, Tín cắt đầu đem dâng cho Hớn Cao Tổ, nên mất thêm một kỷ nữa.

    Tổng cộng, 4 việc thất đức làm Hàn Tín giảm 4 kỷ tuổi, nên Hàn Tín chỉ sống đến 34 tuổi phải chết.

    Còn như Bàng Thông (Khoái Thông), mưu sĩ của Hàn Tín, biết Hớn Lưu Bang là người ăn ở không có hậu, nên bày kế cho Hàn Tín giữ vững nước Tề, tách khỏi Lưu Bang, hòa với Hạng Võ, giữ thế chia ba thiên hạ. Hàn Tín không nghe vì không nỡ phản bội Lưu Bang. Sau, Bàng Thông (Khoái Thông) tái kiếp làm Khổng Minh, cầm binh đánh cho Tào Tháo chạy dài cho biết tài biết trí của Quân sư.

    Còn Tiêu Hà là kẻ hèn nhát, không dám can gián Lữ Hậu lại tòng mưu giết Hàn Tín, nên qua đời Tam Quốc, Tiêu Hà đầu kiếp làm Dương Tu, bị một tô canh gà làm lanh nói toạc, bị Tào Tháo bắt tội tiết lộ cơ mưu, sai chém đầu răn loài lẻo mép, mà cũng là người bạn xấu hèn nhát của kiếp trước.

    Bành Việt và Anh Bố là hai tướng tài có công lớn mà chết oan nên cho đầu thai trở lại: Bành Việt làm Lưu Bị, Anh Bố là Ngô Tôn Quyền, để sau nầy cùng với Tào Tháo chia ba thiên hạ, hưởng lộc cả quyền cao.

    Đinh Công là tướng nước Sở, vẫn có tiền ân với Lưu Bang, sau bị Lưu Bang giết, cho đầu thai làm Châu Du để phò Tôn Quyền, bị Khổng Minh chọc tức, ói máu chết lúc 30 tuổi.

    Hạng Võ, tánh tình cương trực, khí tiết anh hùng, lòng không tà vạy, nên cho đầu thai làm Quan Võ, trấn nhậm Kinh Châu, khi chết hưởng được hương khói ngàn thu.

    Sáu tướng của Hạng Võ, phản lại Hạng Võ theo Lưu Bang, cho đầu kiếp làm sáu tướng trấn giữ năm cửa ải của Tào Tháo, bị Quan Võ phò nhị tẩu vượt Ngũ quan, trảm lục tướng, để răn loài phản chúa.

    Phàn Khoái trung hậu, võ dõng, ăn thịt tươi uống rượu nguyên bồ, cho đầu thai làm Trương Phi, cũng rượu, cũng mạnh mẽ, cũng nóng tánh như lửa không thua gì kiếp trước.

    Thích Thị và con trai là Lưu Ẩn, trước bị Lữ Hậu ghen giết chết, nay đầu thai làm Cam Phu nhân và thái tử A Đẩu, hưởng nghiệp Hớn lúc cuối cùng.

    Kỷ Tín có công thế mạng Lưu Bang, trung nghĩa hơn người, cho đầu thai làm Triệu Vân, một tướng kỳ tài, phò Lưu Bị.

    Hạng Bá là chú của Hạng Võ, nỡ phụ cháu mà theo Lưu Bang, và Ung Xỉ là tôi của Hạng Võ mà phản Hạng theo Lưu, nên đầu thai: Hạng Bá làm Văn Xủ, Ung Xỉ làm Nhan Lương, bị thanh long đao của Quan Võ giết chết.

    Còn những nhơn vật quan trọng khác mà không thấy Trọng Tương xử án như: Đổng Trác, Lữu Bố, Vương Tư Đồ, Điêu Thuyền, vv...."

    (Theo Vương Hồng Sển trong quyển: Thú Xem Truyện Tàu).

    Truyện Trọng Tương Vấn Hớn, tuy do trí tưởng tượng đặt ra nhưng có phần giống như thật, với mục đích chỉ rõ sự luân hồi quả báo từ kiếp nầy sang kiếp khác, có tính cách khuyến thiện phạt ác, không ai tránh khỏi luật Nhân Quả là luật công bình thiêng liêng của Trời Đất, rất hạp với tín ngưỡng của dân gian nên truyện nầy rất được truyền tụng.

  • Trọng xuân - Trọng đông

    Trọng xuân - Trọng đông

    仲春 - 仲冬

    A: The second month of Spring.

    P: Le deuxième mois du Printemps.

    Trọng: Giữa, thứ nhì. Xuân: mùa xuân. Đông: mùa đông.

    Trọng xuân là tháng giữa mùa xuân, tức là tháng thứ nhì của mùa xuân. Đó là tháng 2 âm lịch, vì mùa Xuân có 3 tháng: tháng giêng, tháng hai và tháng ba.

    Trọng Thu là tháng giữa mùa Thu, đó là tháng 8 âm lịch.

    Trọng Đông là tháng giữa mùa Đông: tháng 11 âm lịch.

    Khi nói về các tháng trong một mùa, người ta thường dùng các từ ngữ: Mạnh, Trọng, Quí. Mạnh là tháng đầu, Trọng là tháng giữa và Quí là tháng chót.

    Thí dụ:
    Mạnh Thu là tháng 7 âl đầu mùa Thu.
    Quí Thu là tháng 9 âl cuối mùa Thu.
  • Trổ mòi

    Trổ mòi

    A: To show the sign.

    P: Montrer l" indice.

    Trổ: mọc ra. Mòi: cái dấu hiệu báo trước.

    Trổ mòi là nẩy ra cái dấu hiệu báo cho biết trước.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Phụng gáy non nam Đạo trổ mòi,

    Trổ mòi nhơn vật bốn phương trời.
  • Trối kệ

    Trối kệ

    A: Let alone.

    P: Tant pis.

    Trối kệ: mặc kệ nó, tức là để cho nó tự ý muốn làm gì thì làm, không cần biết tới nữa.

    Trối kệ đồng nghĩa: Trối thây, Mặc xác.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chúng nó tưởng rằng kiếp người là kiếp sống chỉ có giây giờ rồi tiêu mất, nên tìm chước sâu kế độc cho đặng của nhiều, no lòng sướng dạ, trối kệ luân hồi.

  • Trổi bánh

    Trổi bánh

    A: To start on a journey.

    P: Se mettre en route.

    Trổi: khởi lên. Bánh: cái bánh xe.

    Trổi bánh là bánh xe khởi lăn để chạy tới.

    Kinh Khi Về: Dẩy xe trâu Côn Lôn trổi bánh.

  • Trơ mắt

    Trơ mắt

    A: To resign oneself to look.

    P: Se résigner à regarder.

    Trơ mắt là đứng ngẩn người ra, lấy mắt nhìn mà không có phản ứng gì cả.

    Giới Tâm Kinh: Hoạnh tài, trơ mắt khỏi tai ương.

  • TRỞ

    TRỞ

    1. TRỞ: 阻 Ngăn cản, hiểm trở.

    Thí dụ: Trở lực.

    2. TRỞ: (nôm) Thay đổi, đổi hướng, lật ngược.

    Thí dụ: Trở pháp, Trở tâm.

  • Trở gay khó nhọc

    Trở gay khó nhọc

    A: The difficult obstacles.

    P: Les obstacles difficiles.

    Trở: Ngăn cản, hiểm trở. Gay: khó khăn, rắc rối.

    Trở gay khó nhọc là công việc gặp khó khăn trở ngại, phải khó khăn vất vả mới đối phó được.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đạo một ngày một nên, bước đường của các con một ngày một thêm trở gay khó nhọc, nhưng nếu các co....

  • Trở lực

    Trở lực

    阻力

    A: Obstacle.

    P: L"obstacle.

    Trở: Ngăn cản, hiểm trở. Lực: sức.

    Trở lực là các lực ngăn cản công việc.

  • Trở pháp

    Trở pháp

    A: To change method.

    P: Changer méthode.

    Trở: Thay đổi, đổi hướng, lật ngược. Pháp: phương pháp làm việc.

    Trở pháp là thay đổi phương pháp làm việc khác hẳn lúc trước.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Em nhớ lại, khi Ngọc Hư Cung định cho Hiệp Thiên Đài cầm số mạng nhơn sanh lập thành chánh giáo thì Đại Từ Phụ lại trở pháp, giao quyền ấy cho Cửu Trùng Đài. (Em: Bát Nương)

  • Trở tâm

    Trở tâm

    A: To change feelings.

    P: Changer de sentiments.

    Trở: Thay đổi, đổi hướng, lật ngược. Tâm: lòng dạ.

    Trở tâm là thay lòng đổi dạ.

    Kinh Ði Ra Ðường:
    Dòm thấy cuộc kinh dinh dưới mắt,
    E trở tâm tánh bắt đổi thay.
  • Trở tráo

    Trở tráo

    A: To betray.

    P: Trahir.

    Trở: Thay đổi, đổi hướng, lật ngược. Tráo: đổi vật nọ thay vật kia để lừa gạt.

    Trở tráo hay Tráo trở là đổi trắng thay đen một cách dễ dàng, làm trái những điều đã cam kết.

    Kinh Sám Hối:
    Chớ oán chạ tham lam ngược ngạo,
    Bội nghĩa ân, trở tráo trước sau.
  • TRỢ

    TRỢ

    TRỢ: 助 Giúp cho, giúp đỡ.

    Thí dụ: Trợ lịnh, Trợ lực.

  • Trợ duyên

    Trợ duyên

    助緣

    A: To assist.

    P: Assister.

    Trợ: Giúp cho, giúp đỡ. Duyên: cái sức bổ trợ cho cái Nhân thành Quả.

    Trợ duyên là giúp đỡ cái duyên, để làm cho cái Nhân mau chóng đắc thành cái Quả.

    Làm công quả là cái Nhân chánh, ăn chay trường và cúng kiếng hằng bữa là cái trợ duyên, để mau chóng đắc Quả, đạt được ngôi vị thiêng liêng.

  • Trợ lịnh

    Trợ lịnh

    助令

    A: To aid the execution of an order.

    P: Aider à l"exécution d"un ordre.

    Trợ: Giúp cho, giúp đỡ. Lịnh: mệnh lệnh của cấp trên.

    Trợ lịnh là giúp đỡ để thi hành lịnh của cấp trên.

    Kinh Ðưa Linh Cửu: Cầu các Trấn Thần linh trợ lịnh.

  • Trợ lực

    Trợ lực

    助力

    A: To aid.

    P: Aider.

    Trợ: Giúp cho, giúp đỡ. Lực: sức.

    Trợ lực là giúp sức.

    Bát Đạo Nghị Định: Cao Tiếp Đạo, em ráng nâng loan, có Qua trợ lực. (Đức Cao Thượng Phẩm nói với Ngài Cao Tiếp Đạo).

  • Trợ lý

    Trợ lý

    助理

    A: To assist.

    P: Assister.

    Trợ: Giúp cho, giúp đỡ. Lý: sắp đặt công việc cho trật tự.

    Trợ lý là giúp đỡ người có chức vụ quan trọng trong công việc chuyên môn.

    Trợ lý Giám đốc: người giúp đỡ vị Giám đốc trong những phần hành chuyên môn.

  • TRU

    TRU

    TRU: 誅 Giết chết.

    Thí dụ: Tru di, Tru diệt.

  • Tru di tam tộc

    Tru di tam tộc

    誅夷三族

    A: To kill three families.

    P: Tuer les trois familles.

    Tru: Giết chết. Di: giết chết. Tam tộc: ba họ gồm: họ cha, họ mẹ, họ vợ.

    Tru di tam tộc là một hình phạt thảm khốc thời xưa đối với những người phản loạn triều đình, giết chết cả ba họ của người ấy.

  • Tru diệt

    Tru diệt

    誅滅

    A: To exterminate.

    P: Exterminer.

    Tru: Giết chết. Diệt: làm cho tiêu mất.

    Tru diệt là giết cho tiêu mất.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Như ngày sau hữu tội thì thề có Ngũ Lôi tru diệt.

  • Tru lục

    Tru lục

    誅戮

    A: To kill.

    P: Tuer.

    Tru: Giết chết. Lục: giết chết.

    Tru lục là giết chết.

    Minh Thệ: ... như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

    Thiên tru Địa lục: Trời giết Đất giết, không thể chạy trốn đâu cho khỏi bị giết chết.

  • Trù ếm

    Trù ếm

    A: To execrate.

    P: Maudire.

    Trù: nguyền rủa. Ếm: dùng bùa phép mà hại người.

    Trù ếm là nguyền rủa và dùng bùa ngải hại người, làm cho người ta ốm đau hay làm ăn lụn bại.

    Kinh Sám Hối: Trù ếm người, chửi rủa tổ tông.

  • Trù nghĩ

    Trù nghĩ

    籌擬

    A: To think out.

    P: Réfléchir.

    Trù: lo liệu trước. Nghĩ: suy nghĩ tính toán.

    Trù nghĩ là suy nghĩ, tính toán lo liệu trước tất cả để công việc tiến hành không gặp điều trở ngại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hiệp với Hội Thánh mà trù nghĩ suy tính cách thức hành động về bước đường của chư Thiên phong.....

  • Trù phòng

    Trù phòng

    廚房

    A: The kitchen.

    P: La cuisine.

    Trù: nhà bếp. Phòng: cái phòng.

    Trù phòng hay Phòng trù là nhà bếp dùng để nấu ăn cho một cơ quan gồm nhiều người.

  • Trù phú

    Trù phú

    稠富

    A: Populous and prosperous.

    P: Peuplé et prospère.

    Trù: đông đúc, nhiều. Phú: giàu.

    Trù phú là đông đúc và giàu có.

    Trù mật: đông đảo dày đặc.

  • Trú ngụ - Trú quán

    Trú ngụ - Trú quán

    住寓 - 住館

    A: To live in - Domicile.

    P: Demeurer - Domicile.

    Trú: ở, chỗ ở. Ngụ: ở đậu, ở nhờ. Quán: quán trọ.

    Trú ngụ là ở tạm một nơi không phải quê hương của mình.

    Trú quán là nơi thường ở.

  • TRỤ

    TRỤ

    1. TRỤ: 住 Ở, ngừng, giữ yên, nương dựa.

    Thí dụ: Trụ nghĩa, Trụ tâm, Trụ trì.

    2. TRỤ: 柱 Cột trụ.

    Thí dụ: Trụ thạch.

  • Trụ căn quỉ khí cửu tuyền

    Trụ căn quỉ khí cửu tuyền

    住根鬼氣九泉

    Trụ: Ở, ngừng, giữ yên, nương dựa. Căn: gốc rễ. Quỉ khí: các quỉ hồn. Cửu tuyền: 9 suối, chỉ cõi Âm phủ.

    Đây là một câu kinh trong Phật Mẫu Chơn Kinh, nghĩa là: Đức Phật Mẫu giữ yên các quỉ hồn nơi cõi Âm phủ.

  • Trụ nghĩa

    Trụ nghĩa

    住義

    A: To conserve one"s duty.

    P: Conserver son devoir.

    Trụ: Ở, ngừng, giữ yên, nương dựa. Nghĩa: điều nghĩa.

    Trụ nghĩa là giữ vững điều nghĩa.

    Kinh Ðệ Ngũ cửu: Phép huyền công trụ nghĩa hóa thân.

  • Trụ sở

    Trụ sở

    住所

    A: The seat.

    P: Le local.

    Trụ: Ở, ngừng, giữ yên, nương dựa. Sở: nơi làm việc.

    Trụ sở là nơi làm việc hằng ngày của một cơ quan.

  • Trụ tâm

    Trụ tâm

    住心

    A: To hold fast the heart.

    P: Conserver son coeur.

    Trụ: Ở, ngừng, giữ yên, nương dựa. Tâm: lòng dạ, cái tâm của mỗi người.

    Trụ tâm là giữ vững cái tâm, không cho thay đổi.

    Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà: Trụ tâm nâng đỡ quốc hồn.

  • Trụ thạch

    Trụ thạch

    柱石

    A: Stone pillar.

    P: Le socle en pierre.

    Trụ: Cột trụ. Thạch: đá.

    Trụ thạch là cây cột đá. Ý nói: người gánh vác chức vụ quan trọng chống vững quốc gia.

  • Trụ thần

    Trụ thần

    住神

    A: To conserve one"s mind.

    P: Conserver son esprit.

    Trụ: Ở, ngừng, giữ yên, nương dựa. Thần: tinh thần.

    Trụ thần là giữ vững tinh thần, không để cho tinh thần phân tán lo ra.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Bắt ba ấn phải trụ thần, làm sao cho ấn ấy đừng thất pháp.

  • Trụ trì

    Trụ trì

    住持

    A: The headmonk of a pagoda.

    P: Le bonze chef d"une pagode.

    Trụ: Ở, ngừng, giữ yên, nương dựa. Trì: gìn giữ.

    Trụ trì là ở và gìn giữ.

    Sư trụ trì là vị sư làm chủ chùa, ở tại chùa, điều khiển các công việc trong chùa.

    Sư trụ trì cũng được gọi là: Chủ tăng, Thủ tọa.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nhứt là Thiền môn, mỗi khi làm chay, cầu siêu hay tuần tự chi, đều rước một vị Hòa Thượng trụ trì đến.

  • Truân chuyên

    Truân chuyên

    屯邅

    A: Laborious.

    P: Pénible.

    Truân: khó khăn vất vả. Chuyên: Chiên: khó đi.

    Truân chuyên hay Truân chiên là gian nan vất vả.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chư Hiền hữu, chư Hiền muội xem trong năm khai Đạo, biết bao khổ não truân chuyên.

  • TRUẤT

    TRUẤT

    TRUẤT: 黜 Tước bỏ, không cho hưởng.

    Thí dụ: Truất bỏ, Truất quyền.

  • Truất bỏ

    Truất bỏ

    A: To suppress.

    P: Supprimer.

    Truất: Tước bỏ, không cho hưởng.

    Truất bỏ là tước bỏ, không cho hưởng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lẽ nào truất bỏ phần của các con.

  • Truất quyền

    Truất quyền

    黜權

    A: To dispossess a right.

    P: Déposséder d"un droit.

    Truất: Tước bỏ, không cho hưởng. Quyền: quyền hành.

    Truất quyền là tước bỏ quyền hành, không cho nắm giữ quyền hành nữa.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Xem rõ lại thì Pháp Chánh Truyền truất quyền nữ phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông.

  • TRỤC

    TRỤC

    TRỤC: 逐 Đuổi theo, đuổi đi.

    Thí dụ: Trục lợi, Trục xuất.

  • Trục lợi

    Trục lợi

    逐利

    A: To seek profit.

    P: Poursuivre le gain.

    Trục: Đuổi theo, đuổi đi. Lợi: lợi lộc.

    Trục lợi là theo đuổi điều lợi để đem mối lợi về mình một cách không chánh đáng.

  • Trục ngoại

    Trục ngoại

    逐外

    A: To expel.

    P: Expulser.

    Trục: Đuổi theo, đuổi đi. Ngoại: ngoài.

    Trục ngoại là đuổi ra ngoài, không cho ở trong Đạo nữa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Còn kẻ nghịch cùng Đạo pháp thì tội trục ngoại Thánh thể Đức Chí Tôn.

  • Trục tinh

    Trục tinh

    逐精

    A: To expel the evil spirits.

    P: Expulser les mauvais esprits.

    Trục: Đuổi theo, đuổi đi. Tinh: quỉ ma yêu quái.

    Trục tinh là xua đuổi loài yêu quái không cho khuấy phá.

    Kinh Ðại Tường: Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.

  • Trục xuất

    Trục xuất

    逐出

    A: To expel.

    P: Expulser.

    Trục: Đuổi theo, đuổi đi. Xuất: ra ngoài.

    Trục xuất là đuổi ra khỏi cửa Đạo.

    Trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, hình phạt nặng nhứt là: Trục xuất, tức là đuổi ra khỏi Đạo, không nhìn nhận là tín đồ của Đạo Cao Đài nữa.

    Khi một tín đồ Cao Đài, dù là Chức sắc hay Đạo hữu, phạm trọng tội, bị Tòa Tam Giáo định án trục xuất thì Hội Thánh không nhìn nhận vị ấy là tín đồ Cao Đài nữa, và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi cõi thiêng liêng cũng không nhìn nhận vị ấy, nên khi vị ấy qui liễu, linh hồn trở về cõi thiêng liêng không được nhập vào tông đường của Đại Đạo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhược kẻ nào phạm tội thì Thầy trục xuất ra ngoài cho khỏi điều rối loạn.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Một hình phạt đương nhiên nơi cửa Đạo nầy, chúng ta sợ hơn hết là hình phạt "Trục xuất".

    Trục xuất là gì? là đuổi ra khỏi cái đại gia đình, đại tông đường của Đức Chí Tôn đến đào tạo cho chúng ta, một hình luật tại mặt thế nầy đặng chúng ta không ra khỏi các tông đường ấy, cốt yếu là vậy, sợ hay chăng là cái đó. Án Trục xuất là vậy đó. Cái quyền của Hội Thánh trục xuất chẳng khác nào bị đuổi ra khỏi đại tông đường của Đức Chí Tôn đến tạo dựng, bị đuổi ở dưới nầy thì ở trên kia cũng vậy, đuổi phần xác thì phần hồn cũng bị đuổi vậy.

    Ngày mình không còn ở trong tông đường của Đức Chí Tôn là ngày mình bị nhục, tưởng sống mà thân mình trả đặng nợ hay chưa cũng không đáng sợ, trong tông đường của mình bị nhục mới đáng sợ." (Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, trang 104)

    "Tội có quá nặng đi nữa, dầu Pháp Chánh Hiệp Thiên Đài có trục xuất đi nữa, cũng không hại gì. Nếu mình biết ăn năn tự hối, tự tu thân, tự giác tánh thêm nữa đặng đền tội, mình tu một mình, dầu Hội Thánh không biết tới, mình cũng vẫn tin rằng có Đức Chí Tôn chứng lòng trọn hiếu với Đức Chí Tôn, ngày kia về cửa thiêng liêng, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đẹp dạ hả lòng tiếp rước trọng thể hơn nhiều người trọn gìn đạo đức vì phẩm trật đã cao siêu từ trước giáng sanh lập vị, danh vị lập được của kẻ bình thường đâu bằng của kẻ biết ăn năn sám hối.

    Thảng như bị trục xuất mà tự mình biết lập vị mình, thế gian không hiểu thì còn có Đức Chí Tôn hiểu, lập tâm mà tu thì cửa Hư linh kia cũng không đóng được." (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp, Q 2, tr 107)

  • TRUNG

    TRUNG

    1. TRUNG: 中 Giữa, ở giữa, ở trong.

    Thí dụ: Trung đạo, Trung dung.

    2. TRUNG: 忠 Lòng thành thật ngay thẳng, hết lòng.

    Thí dụ: Trung can, Trung nghĩa.

  • Trung can nghĩa khí

    Trung can nghĩa khí

    忠肝義氣

    Trung: Lòng thành thật ngay thẳng, hết lòng. Can: can đảm. Nghĩa: cư xử theo lẽ phải, hợp đạo lý. Khí: chỉ cái tinh thần của con người.

    Trung can: lòng trung thành và can đảm.

    Nghĩa khí: tinh thần ưa việc nghĩa, ghét điều tà vạy.

    Trung can nghĩa khí là đức tánh của Đức Quan Thánh.

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần:
    Hớn trào Quan Thánh bia danh,
    Trung can nghĩa khí, háo sanh giúp đời.
  • Trung diệp

    Trung diệp

    中葉

    A: The middle of a period.

    P: Le milieu d"une période.

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Diệp: đời.

    Trung diệp là khoảng giữa của một đời.

    Thí dụ: Nhà Đường (618-907) được 290 năm chia 3 thời kỳ:

    · Sơ diệp: thời kỳ đầu (618 - 713), được 96 năm.

    · Trung diệp: thời kỳ giữa (714 - 823), được 110 năm.

    · Mạt diệp: thời kỳ sau chót (824 - 907), được 84 năm.

  • Trung dung

    Trung dung

    中庸

    A: The middle-of-road, the mean-in-action.

    P: Le juste milieu, le milieu constant.

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Dung: bình thường, luôn luôn, cần dùng.

    Trình Di, tức là Trình Y Xuyên, viết rằng:

    Trung là không lệch, Dung là không thay đổi; Trung là đường chánh trong thiên hạ, Dung là nhứt định trong thiên hạ.

    Mọi việc ở đời đều có cái mức quân bình thích đáng. Chưa đến cái mức ấy thì việc làm chưa đạt, quá cái mức ấy thì việc cũng không đúng. Mức ấy gọi là TRUNG.

    Đạo Trời chủ về Âm Dương, nếu Dương thạnh thì nóng, Âm thạnh thì lạnh, Âm Dương không đều hòa thì không thể sinh dưỡng vạn vật. Còn đạo người thì chủ ở Nhân và Nghĩa. Quá Nhân thì yếu, quá Nghĩa thì khắc, không đủ Nhân thì ác, không đủ Nghĩa thì bạc. Như thế là thiên lệch, vì hoặc thái quá, hoặc bất cập, chưa hợp với mức TRUNG.

    DUNG là bình thường. Ở đời, từ việc nhỏ như ăn uống hằng ngày, việc lớn như kinh luân thiên hạ, ở trong đó đều có cái lý bình thường chi phối cả. Lý ấy thiết thực, không quái lạ, mà cũng không thay đổi được.

    Vậy Trung Dung là không thiên lệch về một bên nào, luôn luôn giữ ở mức quân bình, không thái quá mà cũng không bất cập, thích đáng trong tất cả quan hệ đối với người hay xử lý các việc.

    Nguyên lý Trung Dung chi phối đời sống cá nhân bằng sự điều hòa các tình cảm, hành vi, chi phối đời sống xã hội bằng sự điều hòa những liên lạc giữa người với người, sao cho giữ được thế quân bình thích đáng cần thiết cho sự sinh tồn và tiến hóa. Vì sao cần có sự điều hòa ấy?

    Vạn vật biến chuyển không ngừng, khi sự biến chuyển đến một giai đoạn nào đó thì những yếu tố có tính cách đối lập mà người ta thường biểu thị bằng hai danh từ: Âm Dương tạo thành sự vật ấy, bày ra một tình trạng tương khắc, tức có sự mâu thuẫn, nên cần phải tiêu trừ ngay để tránh sự lệch lạc, có tác động rối loạn, làm mất thế quân bình, làm tổn hại đến sự sinh tồn của các vật khác. Mâu thuẫn ấy được tiêu trừ là tạo được một thế quân bình mới, thuận tiện cho công cuộc tiến hóa.

    Để tiêu trừ những mâu thuẫn ấy, học thuyết Duy Vật chủ trương tranh đấu; học thuyết Duy Tâm của Đức Khổng Tử chủ trương điều hòa hai yếu tố cực đoan bằng lẽ Trung Dung.

    Ở thế quân bình mới tạo nầy, mọi vật sinh sôi nẩy nở điều hòa và tác động của chúng không hại lẫn nhau. Nhưng thế quân bình ấy cũng chỉ là tạm thời, vì vạn vật luôn luôn biến hóa, chẳng bao lâu sau lại tạo ra những mâu thuẫn mới nữa, rồi cần phải điều hòa trở lại để tiến hóa,... và cứ tiếp tục xoay chuyển như vậy trên con đường tiến hóa vô tận của vạn vật.

    Vậy, Trung Dung là một thái độ không có vị trí nhứt định, nó phải thay đổi luôn luôn theo đà tiến hóa của vạn vật. Cho nên, đối với một việc, hôm nay, trong hoàn cảnh nầy, ta phải đối xử thế nầy mới đúng, nhưng hôm khác và trong trường hợp khác, cũng việc ấy nhưng cách đối xử phải khác thì mới thích đáng.

    Nguồn gốc của Đạo Trung Dung:

    Khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Nghiêu dặn rằng: "Doãn chấp quyết trung".

    Khi vua Thuấn truyền ngôi cho vua Võ thì vua Thuấn dặn rằng: "Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhứt, doãn chấp quyết trung".

    Từ đó, đời nầy qua đời khác, chủ nghĩa CHẤP TRUNG ấy được dùng làm chuẩn mực cho mọi hoạt động.

    Sau đến đời Đức Khổng Tử, Ngài mới luận giải cho rõ thêm và nối thêm chữ DUNG vào thành ra: TRUNG DUNG. (Xem chi tiết nơi chữ: Chấp trung quán nhứt, vần Ch)

    Sau khi Đức Khổng Tử mất, các môn đệ của Ngài tản ra, đem cái Đạo của Ngài truyền bá cho đời và mở ra nhiều học phái. Ông Tăng Sâm nối Ngài, mở trường dạy học tại nước Lỗ, giữ đúng những điều truyền dạy của Đức Khổng Tử, nên đời sau cho phái Tăng Tử là Chánh truyền.

    Chính Tăng Tử và học trò chép ra sách Luận Ngữ và làm ra sách Đại Học.

    Tăng Tử mất, cái học ấy được truyền cho Khổng Cấp, hiệu là Tử Tư, cháu nội của Đức Khổng Tử. Tử Tư đem cái học tinh vi ấy làm thành sách TRUNG DUNG để truyền lại cho học trò là Mạnh Tử.

    Thời trước, sách Đại Học và Trung Dung chỉ là hai thiên ghép chung trong sách Lễ Ký. Đến đời nhà Tống, các nho gia mới tách riêng ra, tạo thành hai sách là: Đại Học và Trung Dung, hợp với Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bốn cuốn sách quan trọng, gọi là Tứ Thư.

    Ông Chu Hy tức là Chu Hối Am (1130-1200) nghiên cứu sách Trung Dung, phân ra làm 33 chương:

    Chương đầu (chương 1): Đạo Trung Dung căn bản ở Trời mà vẫn có sẵn trong người, nên dầu khi chỉ một mình mình đối với mình cũng cần phải gìn giữ.

    Những chương giữa của sách giảng giải ra cho vỡ lẽ, có thể chia làm ba phần như sau:

    • Từ chương 2 đến 11: Dẫn lời Đức Khổng Tử nói về Đạo Trung Dung và nói về ba đức lớn: Nhân, Trí, Dũng, phương pháp vào Đạo.

    • Từ chương 12 đến 20: Lời của Tử Tư dẫn lời Đức Khổng nói cái Dụng rộng rãi và cái Thể mầu nhiệm của Đạo.

    • Từ chương 21 đến 32: Lời của Tử Tư nói về đức Thành và cái linh diệu của nó.

    Chương cuối (chương 33): Kết luận rằng, cái đức của người quân tử chủ ở chính mình trước tiên, nghĩa là phải "thân độc" để luyện cho cái tinh thần được vô thinh vô xú mạnh mẽ như Trời. Đó là cái công hiệu lớn nhứt của Đạo Trung Dung.

    Trong phần Tử Tư dẫn giải những lời của Đức Khổng Tử về đạo Trung Dung, ông nói: "Trung hòa là cái tính tự nhiên của Trời Đất, mà Trung dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không thiên lệch bên nào, dung là thường, nghĩa là dùng đạo Trung làm đạo thường.

    Đạo Trung Dung thì ai cũng có thể theo được, thế mà không có mấy người chịu theo, khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn mà biết rõ mùi vị vậy. Chỉ có Thánh nhân mới theo được mà thôi, vì theo Đạo ấy cốt phải có ba cái đạt đức: Nhân, Trí, Dũng. Trí là để biết rõ các sự lý, Nhân là để hiểu điều lành mà làm, Dũng là để có cái chí khí cường kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng.

    Ba cái đạt đức ấy là ba cái cửa vào Đạo.

    Cho nên nói rằng: "Hiếu học cận hồ Trí, lực hành cận hồ Nhân, tri sỉ cận hồ Dũng." Nghĩa là: Thích học là đã gần có Trí, cố sức mà làm là gần có Nhân, biết thẹn là đã gần có Dũng.

    Có ba điều ấy mới sửa được mình, trị được người và trị được thiên hạ và quốc gia."

    "Trung Dung gồm hết cái uyên áo của triết lý Nho giáo, là sách phát dương cái đạo lý biến hóa của vũ trụ và nhân sinh một cách có hệ thống của triết học Trung quốc.

    Nhưng, như ông Trình Di nói ở đầu sách, thiên nầy là phương pháp tâm đắc của thầy trò cửa Khổng truyền thụ cho nhau, nghĩa là truyền thụ bằng cách khiến lấy Tâm mà lãnh hội, chớ không phải lấy lời nói mà giảng giải cho vỡ lẽ. Vì vậy, ý tứ siêu việt, nghĩa lý u ẩn, các chương cú mới xem qua như rời rạc nên người mới học khó mà hiểu hết được.....

    Đối với một học thuyết Tâm truyền của Thánh hiền thời cổ, ngày nay dùng ngôn ngữ, văn tự để mong diễn đạt hết cái uyên áo thì điều ấy tất nhiên không thể được, chỉ có một việc là dựa theo những ý kiến của các học giả tiền bối để trình bày và giải thích thêm cho dễ hiểu mà thôi.

    Trung Dung là một học thuyết dạy người ta trong mọi động tác phải giữ lấy thái độ ngay chánh, không thiên lệch, và cái mức thích đáng theo lẽ phải, cốt thực hiện cho được cái thế bình hành giữa các tình cảm trong con người, và giữa sự vật và con người.

    Đức Khổng Tử quan sát những bí áo của Trời Đất, thấy rõ các lẽ vận hành biến hóa tự nhiên của vũ trụ, tức là hiểu rõ Thiên đạo, rồi dựa theo chơn lý ấy mà phát minh những phép tắc cho người và cho xã hội.

    Trong Thiên đạo, TRUNG là yếu điểm, vì sự vận hành của vũ trụ bao giờ cũng điều hòa, bình hành thì Trời Đất mới định vị, vạn vật sanh sanh hóa hóa vô cùng.

    Nhân đạo cũng phải theo cái Trung thì hành động mới trúng tiết, hợp với lẽ phải đương nhiên. Vậy Trung Dung là đạo lý làm người, là chơn lý của nhân sinh.

    Nhưng theo được đạo Trung Dung rất khó, phải giữ cái Tâm cho công chánh, cố gắng bỏ hết tư tâm, khắc phục tư dục, sung khoáng cái thiên lý bản nhiên của Trời phú cho, tìm Đạo ở trong Tâm mình mà tự hiểu lấy, rồi tin mà theo, thì tư tưởng, hành vi mới thuần nhiên như Thiên lý.

    Ấy là Thành (thành thật). Vậy, Trung và Thành là hai then chốt của sách Trung Dung, nên trong đó, tiếp theo TRUNG là THÀNH, cũng được giảng giải tường tận như thế.

    Xem sự đinh ninh gắn bó của thầy Tử Tư, chúng ta thấy rằng sách Trung Dung nhằm mục đích cải thiện tánh người, chú trọng ở công phu tu dưỡng, giáo hóa, để khiến người thấy rõ Thiên lý, hành động hợp với Thiên đạo, hầu trở nên "Chí Thành" thì việc làm có thể lấy đó làm khuôn phép cho thiên hạ, lời nói có thể làm mực thước cho thiên hạ mà giúp một phần vào sự hóa dục của Trời Đất.

    Cái đức ấy có thế lực mạnh mẽ lớn lao như thế, nhưng nó là hoàn toàn tinh thần, vô thanh vô sắc, nghĩa là không cần hình thức, hành động mà thâu được công hiệu, chẳng khác nào cái đức của Trời: "Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sanh nở. Trời có nói gì đâu!" Đó là cái công hiệu cùng tột của Nhân đạo, bắt chước Thiên đạo vậy.

    Vì dựa trên sự biến hóa của vũ trụ, để phát minh phép tắc cho nhân sinh, nghĩa là vừa bàn về Thiên đạo, vừa bàn về Nhân đạo, nên qua các chương của sách, người ta được thấy nhận thức và quan niệm của Nho giáo về vũ trụ, về sự biến hóa của vạn vật, về lẽ "Thiên Địa vạn vật nhứt thể", "Thiên Nhân tương dữ", về sự tương quan giữa Tâm và Vật, Tinh thần và Vật chất, giữa Tri và Hành, nó là những vấn đề quan trọng của triết học từ xưa đến nay." (Theo Phan Khoang: Trung Dung Dịch giải)

  • Trung đạo

    Trung đạo

    中道

    A: The middle way.

    P: La voie moyenne.

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Đạo: con đường.

    Trung đạo là con đường tu ở giữa, tránh cả hai cực đoan: một bên là đắm say thú vui thể xác (lợi dưỡng) và một bên là ép xác khổ hạnh.

    Cả hai cực đoan nầy đều sai lầm, cần phải tránh, nếu thực tâm muốn cầu đạo giải thoát.

    Con đường Trung đạo do Đức Phật Thích Ca tìm ra.

    "Sau 6 năm tự bản thân kinh nghiệm, đạo sĩ Sĩ Đạt Ta đã nhận thức chắc chắn rằng lối tu khổ hạnh không thể đem lại lợi ích, mặc dầu các triết gia và các tu sĩ thời bấy giờ quả quyết rằng đó là nếp sống tối cần thiết để đạt tới cứu cánh.

    Thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia, Ngài đã từ bỏ lối sống lợi dưỡng, chỉ làm chậm trễ tiến bộ đạo đức. Ngài chọn con đường độc lập, một phương tiện vàng son mà về sau sẽ trở thành một trong những đặc điểm của giáo lý của Ngài.

    Ngài nhớ lại buổi lễ Hạ điền kia, khi còn thơ ấu, trong lúc vua cha và mọi người chăm chú cử hành các cuộc vui, Ngài đã ngồi dưới bóng mát của một cây trâm, tham thiền nhập định và đắc Sơ Thiền. Ngài sực nhớ lại rằng đó mới thật là con đường dẫn đến Giác ngộ.

    Ngài nhận định rằng, với tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn sáng suốt, một sức khỏe thích nghi rất cần thiết để đạt tiến bộ tinh thần, nên nhứt định không nhịn đói nữa, mà dùng những vật thực thô sơ.

    Năm vị tu sĩ thân tín (nhóm Kiều Trần Như) bấy lâu nay theo hầu cận Ngài, với bao nhiêu hy vọng, nay thấy Ngài đột ngột thay đổi phương pháp tu tập như vậy thì lấy làm thối chí, bỏ đi đến Vườn Lộc Giả và nói rằng: Đạo sĩ Sĩ Đạt Ta đã trở lại ưa thích xa hoa, đã ngừng cố gắng và đã quay về đời sống lợi dưỡng.

    Trong lúc quyết định quan trọng như vậy, sự trợ giúp bên ngoài thật vô cùng khẩn thiết. Chính lúc ấy những người bạn đồng tu với Ngài lại bỏ ra đi, nhưng Ngài không ngã lòng. Một mình trong cảnh cô đơn, giữa chốn rừng sâu, các bực vĩ nhân thường chứng ngộ những chơn lý cao siêu thâm diệu và giải quyết được những vấn đề phức tạp khó khăn.

    Sau khi độ thực, đạo sĩ Sĩ Đạt Ta phục hồi sức khỏe. Ngài dễ dàng nhập Sơ Thiền, từng Thiền mà Ngài đã thành đạt trong buổi thiếu thời. Rồi từ đó, dần dần Ngài nhập Nhị Thiền, rồi Tam Thiền và Tứ Thiền.

    Khi nhập Thiền, tâm Ngài an trụ vào một điểm, lắng dịu trong sáng như mặt gương bóng láng mà mọi vật đều có thể phản chiếu một cách vô cùng trung thực.

    Rồi tư tưởng trở nên lắng dịu, tinh khiết, không còn tham ái và ô nhiễm, dễ uốn nắn, sẵn sàng hay biết, vững chắc không thể lay chuyển, Ngài hướng tâm về Huệ Giác có liên quan đến sự nhớ lại những kiếp quá khứ: Túc Mạng Minh. Ngài nhớ lại nhiều kiếp quá khứ như thế nầy: đầu tiên một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, rồi bốn, năm, mười, hai mươi, năm mươi rồi đến một trăm, một ngàn, một trăm ngàn kiếp, rồi sự phân tán của nhiều châu kỷ thế gian, rồi sự phát triển của nhiều châu kỷ thế gian, rồi cả hai sự phân tán và sự phát triển của nhiều châu kỷ thế gian. Ở đây Ngài tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, vui thích và đau khổ thế nào, và chết cách nào. Từ cảnh ấy ra đi, Ngài tái sanh vào cảnh nào...... Như thế, Ngài hồi nhớ cách thức tái sanh và nhiều chi tiết về những kiếp sống quá khứ.

    Đây hẳn vậy, là Huệ Giác đầu tiên mà Ngài chứng ngộ lúc canh một đêm thành đạo.

    Đã phá tan lớp màn vô minh có liên quan đến quá khứ, Ngài hướng tâm thanh tịnh về sự Tri Giác hiện tượng Diệt và Sanh của chúng sanh. Với huệ nhãn tinh khiết và siêu phàm, Ngài nhận thấy chúng sanh chết từ kiếp nầy, tái sanh vào một kiếp sống khác. Ngài chứng kiến cảnh tượng kẻ sang người hèn, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khốn khổ, tất cả đều trải qua Diệt và Sanh, tùy hành vi tạo tác của mỗi người.

    Ngài biết rằng những người nầy, do hành động, lời nói và tư tưởng xấu xa, nguyền rủa bực thiện trí cao thượng, tin tưởng không chơn chánh và có nếp sống của người tà kiến, sau khi thể xác chết và phân tán, đã tái sanh vào những trạng thái khổ não.

    Ngài biết rằng những người kia, do hành động, lời nói và tư tưởng tốt đẹp, không nguyền rủa bậc thiện trí cao thượng, tin tưởng chơn chánh và có nếp sống của người chánh kiến, sau khi thể xác chết và phân tán, đã tái sanh vào những cảnh trời an vui hạnh phúc.

    Như vậy, với Thiên nhãn minh, Ngài mục kích sự phân tán và sự cấu hợp trở lại của chúng sanh.

    Đây hẳn là Huệ Giác thứ nhì mà Ngài chứng ngộ trong canh hai đêm thành đạo.

    Đã phá tan lớp vô minh có liên quan đến tương lai, Ngài hướng tâm thanh tịnh về Huệ Giác chấm dứt các pháp trầm luân.

    Tùy trường hợp, Ngài nhận thức: đây là phiền não, đây là sự chấm dứt phiền não, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt phiền não. Cùng một thế ấy, Ngài nhận định: đây là ô nhiễm, đây là sự chấm dứt ô nhiễm, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt ô nhiễm.

    Nhận thức như thế, tâm Ngài giải thoát ra khỏi dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), hữu lậu (ô nhiễm của sự luyến ái đời sống) và vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh).

    Được giải thoát, Ngài biết rằng: Ta đã được giải thoát và Ngài nhận thức: Tái sanh đã chấm dứt, đời sống Phạm hạnh đã được viên mãn, đã làm xong những việc phải làm, không còn trở lại trạng thái nầy nữa.

    Đây là Huệ Giác thứ ba mà Ngài đã chứng ngộ trong canh ba đêm thành đạo. Màn vô minh đã được giải tỏa và Trí Huệ phát sanh, đêm tối đã tan và ánh sáng đến." (Theo Đức Phật và Phật pháp của Narada)

    Đức Phật Thích Ca thành đạo rồi thì Ngài nghĩ rằng nên tìm đến nhóm Kiều Trần Như gồm 5 ông để thuyết bài pháp đầu tiên để cho 5 ông giác ngộ.

    Trong bài pháp đầu tiên cực kỳ quan trọng nầy, Đức Phật đưa ra con đường Trung đạo mà Ngài đã khám phá ra, đưa đến kết quả cụ thể là Ngài nhờ tu theo Trung đạo mà đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Mở đầu bài pháp, Đức Phật khuyên năm ông nên xa lánh hai lối tu cực đoan: lợi dưỡng và khổ hạnh, bởi vì cả hai lối tu đều không thể dẫn đến trạng thái tịch tịnh và chánh giác.

    · Lợi dưỡng thì làm chậm trễ tiến bộ tinh thần.
    · Khổ hạnh thì làm trí thức giảm suy.

    Đức Phật chỉ trích cả hai lối tu, vì chính bản thân Ngài đã tích cực sống qua hai lối tu cực đoan ấy, kinh nghiệm được rằng cả hai đều không dẫn đến mục tiêu cứu cánh.

    Rồi Ngài vạch ra con đường Trung đạo, là con đường vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích, là con đường duy nhứt dẫn đến sự trong sạch hoàn toàn và giải thoát hoàn toàn.

    Cực đoan lợi dưỡng là luyến ái nhục dục, ngũ trần. Cực đoan nầy thấp hèn thô bỉ, phàm tục, không xứng với phẩm hạnh của bực Thánh nhân.

    Không nên hiểu lầm rằng, Đức Phật mong muốn các tín đồ từ bỏ mọi thú vui vật chất, rút vào rừng sâu mà không thọ hưởng đời sống. Dầu ai đắm say nhục dục và có ảo giác thế nào nhưng đối với người điềm đạm suy nghĩ thì thấy rõ khoái lạc vật chất thật ngắn ngủi, không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn, và chỉ đưa đến hậu quả chán chường. Bực xuất gia chơn chánh không khi nào muốn tìm thích thú trong việc chạy theo những khoái lạc tạm bợ nầy.

    Trái với cực đoan lợi dưỡng là cực đoan khổ hạnh.

    Cực đoan khổ hạnh là một nổ lực kiên trì trong lối tu khổ hạnh. Đó là phương pháp đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bực Thánh nhân.

    Không giống với hai cực đoan trên, con đường Trung đạo đem lại sự giác ngộ tinh thần và trí tuệ minh mẫn, thấy được thực tướng của sự vật. Khi tinh thần lắng dịu được sáng tỏ thì trí tuệ được khai thông, mọi vật đều hiện ra trong cảnh thực sự của nó.

    Hơn nữa, không giống với hai cực đoan trên chỉ khích động dục vọng, con đường Trung đạo nầy chế ngự mọi thèm khát vật chất và do đó dẫn đến sự thấu triệt Tứ Diệu Đế và sau cùng là chứng ngộ được mục tiêu tối hậu: Niết Bàn.

  • Trung gian

    Trung gian

    中間

    A: Intermediary.

    P: Intermédiaire.

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Gian: khoảng rộng.

    Trung gian là khoảng giữa, tức là đứng giữa làm môi giới cho sự quan hệ giữa hai bên.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hiệp Thiên Đài là trung gian để liên hiệp Giáo Tông cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

  • Trung giới (Trung giái)

    Trung giới (Trung giái)

    中界

    A: The world in the middle of the superior world and under world.

    P: Le monde entre le monde supérieur et le bas monde.

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Giới: Giái: cõi.

    Trung giới hay Trung giái là cõi ở giữa, tức là cõi ở giữa Thượng giới và Hạ giới.

    ■ Cổ nhân chia Càn Khôn Vũ Trụ làm 3 cõi:

    · Cõi Hạ giới: cõi phàm trần của nhơn loại.

    · Cõi Trung giới: cõi của chư Thần chư Thánh.

    · Cõi Thượng giới là cõi của chư Tiên, Phật.

    ■ Theo Hội Thông Thiên Học thì chia Càn Khôn Vũ Trụ làm 4 cõi:

    · Hạ giới: cõi của nhơn loại đang sống.

    · Trung giới: cõi của chư Thần và Thánh.

    · Thượng giới: cõi của chư Tiên.

    · Niết Bàn: cõi của chư Phật và Thượng Đế.

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần:
    Cõi trần, trung giái thinh thinh,
    Phàm gian lao khổ, đao binh tai nàn.
  • Trung khổ hải độ thuyền Bát Nhã

    Trung khổ hải độ thuyền Bát Nhã

    中苦海度船般若

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Khổ hải: biển khổ. Độ: cứu giúp.

    Thuyền Bát Nhã: chiếc thuyền trí huệ do Đức Phật Di- Lạc làm chủ, rước những người phước đức vượt qua biển khổ.
    Đây là một câu kinh trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh, có nghĩa là: Trong biển khổ, có chiếc thuyền Bát Nhã cứu giúp người đưa qua biển khổ.

  • Trung Kỳ

    Trung Kỳ

    中圻

    A: Ancient name of the central part of Việt-Nam.

    P: Ancien nom de la partie centrale du Việt-Nam.

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Kỳ: cõi, phần đất.

    Trung Kỳ là phần đất ở khoảng giữa của nước Việt Nam.

    Vào thời Pháp thuộc, người Pháp chia nước Việt Nam làm ba Kỳ để cai trị:

    · Bắc Kỳ là phần đất phía Bắc, từ tỉnh Thanh Hóa trở ra.

    · Nam Kỳ là phần đất từ tỉnh Nha Trang trở xuống.

    · Trung Kỳ là phần ở giữa còn lại.

    Nam Kỳ và Bắc Kỳ là thuộc địa của Pháp, do người Pháp cai trị. Trung Kỳ do vua Việt Nam (nhà Nguyễn) và các quan Việt Nam cai trị nhưng dưới sự bảo hộ của nhà cầm quyền Pháp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy giao trách nhiệm trọng hệ cho con truyền Đạo ở Trung Kỳ. (Đây là lời Đức Chí Tôn giáng cơ năm 1926, lúc đó nước Việt Nam còn trong vòng đô hộ của Pháp).

  • Trung lập

    Trung lập

    中立

    A: Neutral.

    P: Neutre.

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Lập: đứng.

    Trung lập là đứng giữa hai phe đối nghịch nhau mà không ngã về một bên nào.

    Trung lập quốc: nước trung lập, tức là khi hai phe đang đánh nhau, thì nước trung lập không theo phe nào hết, không giúp mà cũng không làm hại phe nào hết.

    Trung lập hóa: làm cho hóa thành trung lập, không giúp phe nào, cũng không làm hại phe nào.

  • Trung liệt từ

    Trung liệt từ

    忠烈祠

    A: Temple of the dead heroes.

    P: Temple des héros mort pour la patrie.

    Trung: Lòng thành thật ngay thẳng, hết lòng. Liệt: cứng cỏi ngay thẳng. Từ: nhà thờ. Liệt sĩ: người anh hùng chết vì chánh nghĩa.

    Trung liệt từ là nhà thờ những vị trung thần liệt sĩ, đã bỏ mình vì tổ quốc.

  • Trung lương

    Trung lương

    忠良

    A: Faithful and honest.

    P: Fidèle et honnête.

    Trung: Lòng thành thật ngay thẳng, hết lòng. Lương: hiền lành.

    Trung lương là trung thành và lương thiện.

  • Trung ngôn nghịch nhĩ

    Trung ngôn nghịch nhĩ

    忠言逆耳

    A: The sincere words shock the ears.

    P: Les paroles franches choquent les oreilles.

    Trung: Lòng thành thật ngay thẳng, hết lòng. Ngôn: lời nói. Nghịch: trái. Nhĩ: lỗ tai.

    Trung ngôn là lời nói ngay thật, thẳng thắn.

    Trung ngôn nghịch nhĩ là lời nói ngay thật thì trái lỗ tai, tức là khó nghe vì đụng chạm tới lòng gian tà.

    Trong sách Gia Ngữ, Đức Khổng Tử có nói rằng:

    Lương dược khổ khẩu, lợi ư bệnh;
    Trung ngôn nghịch nhĩ, lợi ư hành.

    Nghĩa là:

    Thuốc hay thì đắng miệng mà lợi cho bịnh;
    Lời nói ngay thật thì khó nghe mà lợi cho việc làm.

    Tục ngữ Việt Nam có câu tương tự: Thuốc đắng đả tật, lời thật mích lòng.

  • Trung thu

    Trung thu

    中秋

    A: Mid-Autumn.

    P: Mi-Automne.

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Thu: mùa Thu.

    Trung Thu là giữa mùa Thu, tức là tháng 8 âm lịch.

    Rằm Trung Thu là ngày 15 tháng 8 âm lịch.

    Rằm Trung Thu là ngày Vía Đức Phật Mẫu, có thiết đại lễ cúng Đức Phật Mẫu và tổ chức đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Báo Ân Từ Tòa Thánh Tây Ninh.

    Đây là ngày đại lễ quan trọng đứng hàng thứ nhì của Đạo Cao Đài, sau đại lễ Vía Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch.

    Theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, Rằm Trung Thu cũng là ngày Tết Nhi đồng.

  • Trung thứ

    Trung thứ

    忠恕

    Trung: Lòng thành thật ngay thẳng, hết lòng mình. Thứ: suy lòng mình ra lòng người, tức là có lòng vị tha.

    Trung thứ chính là cái đạo Nhân Nghĩa của Nho giáo.

    ■ Đức Khổng Tử muốn truyền Tâm pháp đạo Nho cho môn đệ đắc ý nhứt của Ngài là Nhan Hồi, nhưng chẳng may Nhan Hồi mất sớm, sau đó, Đức Khổng Tử chọn Tăng Sâm.

    Đức Khổng Tử gọi Tăng Sâm vào thư phòng nói:

    - Sâm hồ! Ngô đạo nhứt dĩ quán chi.

    Tăng Sâm tức Tăng Tử đã thọ lãnh Tâm pháp đắc ý, nên "Dạ" một tiếng rồi lui ra ngoài.

    Các đệ tử khác thấy Tăng Tử đắc ý liền xúm lại hỏi.

    Tăng Tử nghĩ thầm rằng: Lý đạo Nhứt dĩ quán chi cao xa quá, nếu nói thật cho các bạn đồng môn nghe, sợ họ không hiểu nổi mà sanh ra hoang mang không tốt, nên Tăng Tử nảy ra ý hay, nói trớ đi rằng:

    - Phu tử chi đạo "Trung thứ" nhi dĩ hỹ. (Cái đạo của Đức Phu tử chỉ là Trung thứ mà thôi).

    ■ Trong sách Luận Ngữ cũng có đoạn chép rằng:

    Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử có câu gì làm phương châm thực hành suốt đời không? Đức Khổng Tử đáp:

    - Kỳ Thứ hồ, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.

    Nghĩa là: Ấy là cầu Thứ chăng, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người.

    ■ Sách Đại Học cũng có viết rằng:

    Sở ố ư thượng, vô dĩ sử hạ; Sở ố ư hạ, vô dĩ sự thượng.
    Sở ố ư tiền, vô dĩ tiên hậu; Sở ố ư hậu, vô dĩ tùng tiền.
    Sở ố ư hữu, vô dĩ giao ư tả; Sở ố ư tả, vô dĩ giao ư hữu.
    Thử chi vị hiệt củ chi đạo.

    Nghĩa là:

    Cái gì mình ghét ở người trên thì đừng lấy để khiến kẻ dưới.
    Cái gì mình ghét ở kẻ dưới thì đừng lấy để phụng sự người trên.
    Cái gì mình ghét ở đàng trước thì đừng đem ra cho đàng sau,
    Cái gì mình ghét ở đàng sau thì đừng đem ra cho đàng trước.
    Cái gì ghét ở bên trái thì không lấy giao cho bên phải,
    Cái gì ghét ở bên phải thì không lấy giao cho bên trái.
    Đó mới gọi là phép thước tấc.

    Như vậy, chữ Thứ của Nho giáo có nghĩa là: Suy cái nọ ra cái kia, suy từ mình ra tới người. Do đó, Thứ là Nhân vậy.

    Trong sách Trung Dung, có viết rằng:

    "Trung Thứ vi đạo bất viễn, thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân." Nghĩa là: Trung và Thứ cách Đạo không xa, hễ cái gì làm cho mình mà mình không muốn thì đừng làm cho người.

    Cho nên, người Trung Thứ là người lấy lòng mình đo lòng người, không khi nào thấy không giống. Vậy thì biết Đạo không xa người.

    Điều mình không muốn thì không đem làm cho người, ấy cũng là không làm cho Đạo xa người. Hết lòng mình mà suy ra lòng người, như thế cũng là gần với Đạo rồi vậy.

    Vậy, Trung Thứ là Nhân, thi hành cái đạo Trung Thứ là thi hành cái đạo Nhân vậy. Và sự thi hành ấy khiến ta phải nhận lấy trách nhiệm và bổn phận đối với xã hội, tức là Nghĩa.

    Cho nên, Trung Thứ trở thành là chỗ bắt đầu và cũng là chỗ dừng lại trong đời sống đạo đức của con người.

    Tóm tắt, đạo Trung Thứ là đạo Nhân Nghĩa.

  • Trung Tông đạo

    Trung Tông đạo

    中宗道

    Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Trung: ở đây chỉ Trung Kỳ. Tông đạo: một khu vực đạo rộng lớn gồm nhiều Trấn đạo.

    Dưới thời Pháp thuộc, chánh quyền Pháp chia nước Việt Nam làm 3 Kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Hội Thánh lập ở mỗi Kỳ một Tông đạo gọi là:

    · Bắc Tông đạo là khu vực đạo Bắc Kỳ, tức Bắc phần Việt Nam.

    · Trung Tông đạo là khu vực đạo Trung Kỳ, Trung phần Việt Nam.

    · Nam Tông đạo là khu vực đạo Nam Kỳ, Nam phần Việt Nam.

    Trung Tông đạo có lập một văn phòng thường trực tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, gọi là Văn phòng Trung Tông đạo, ở đường Oai Linh Tiên, gần cửa số 4 Nội Ô.

    Nơi cổng của Văn phòng Trung Tông đạo có đôi liễn:

    忠義道開越裳和南北
    宗仁德化鴻貉合西東
    TRUNG nghĩa đạo khai Việt Thường hòa Nam Bắc,
    TÔNG nhơn đức hóa Hồng Lạc hiệp Tây Đông.

    Nghĩa là:

    Đạo mở ra tại nước Việt Nam, dùng trung và nghĩa để hòa hiệp hai miền Nam Bắc,
    Tôn giáo dùng lòng nhơn từ đạo đức cảm hóa dân tộc Việt Nam hòa hiệp Đông phương và Tây phương.
  • TRÙNG

    TRÙNG

    TRÙNG: 重 Lập lại, nhiều lần.

    Thí dụ: Trùng điệp, Trùng huờn.

  • Trùng điệp

    Trùng điệp

    重疊

    A: To extend endlessly.

    P: Qui se succèdent sans fin.

    Trùng: Lập lại, nhiều lần. Điệp: chồng chất lên nhau.

    Trùng điệp là lớp lớp chồng chất lên nhau.

    Trùng trùng điệp điệp: hết lớp nầy đến lớp khác chồng chất lên nhau không dứt.

  • Trùng huờn (Trùng hoàn)

    Trùng huờn (Trùng hoàn)

    重還

    A: To return several times.

    P: Retourner plusieurs fois.

    Trùng: Lập lại, nhiều lần. Huờn: Hoàn: trở lại.

    Trùng huờn, tức là Trùng hoàn, là nhiều lần trở lại.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Trùng huờn phục vị Thiên môn.

  • Trùng ngọ - Trùng ngũ

    Trùng ngọ - Trùng ngũ

    重午 - 重五

    A: The fifth day of the fifth lunar month.

    P: P: Le cinquième jour du cinquième mois lunaire.

    Trùng: Lập lại, nhiều lần. Ngọ: ý nói tiết Đoan ngọ. Ngũ: 5.

    Trùng ngọ là tiết đoan ngọ hay đoan dương, tức là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch.

    Trùng ngũ là hai số 5, tức là mùng 5 tháng 5.

    Trùng ngọ và Trùng ngũ đồng nghĩa, chỉ ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, gọi là tiết Đoan ngọ hay Đoan dương.

    Đây cũng là ngày kỷ niệm sanh nhựt của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

  • Trùng phùng

    Trùng phùng

    重逢

    A: To meet again.

    P: Se revoir.

    Trùng: Lập lại, nhiều lần. Phùng: gặp gỡ.

    Trùng phùng là gặp lại nhau lần nữa.

  • Trùng tu

    Trùng tu

    重修

    A: To restore.

    P: Restaurer.

    Trùng: Lập lại, nhiều lần. Tu: sửa cho đẹp tốt.

    Trùng tu là sửa chữa một công trình kiến trúc.

    Lưu ý: Sùng tu: sửa chữa Thánh Thất, chùa, miểu hay tượng thờ với lòng tôn kính.

  • TRÚNG

    TRÚNG

    TRÚNG: 中 Đúng với, hợp với.

    Thí dụ: Trúng cách, Trúng tuyển.

  • Trúng cách

    Trúng cách

    中格

    A: To conform to regulation.

    P: Conformer au modèle.

    Trúng: Đúng với, hợp với. Cách: cách thức.

    Trúng cách là đúng cách thưc.

  • Trúng phong

    Trúng phong

    中風

    A: To catch cold.

    P: Prendre froid.

    Trúng: Đúng với, hợp với. Phong: gió.

    Trúng phong là mắc bệnh trúng gió.

  • Trúng tuyển

    Trúng tuyển

    中選

    A: To be elected.

    P: Être élu.

    Trúng: Đúng với, hợp với. Tuyển: lựa chọn qua một kỳ thi.

    Trúng tuyển là thi đậu.

  • TRUY

    TRUY

    TRUY: 追 - Đuổi theo. - Xét lại việc đã qua.

    Thí dụ: Truy điệu, Truy hồn, Truy phong.

  • Truy điệu

    Truy điệu

    追悼

    A: The commemoration of the dead.

    P: La commémoration des morts.

    Truy: - Đuổi theo. - Xét lại việc đã qua. Điệu: viếng người chết để tỏ lòng thương tiếc.

    Truy điệu là làm lễ tưởng nhớ những người đã chết.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Để làm lễ truy điệu các vong linh chiến sĩ anh dũng hôm nay.

  • Truy hồn

    Truy hồn

    追魂

    A: To recall the souls.

    P: Rappeler les âmes.

    Truy: - Đuổi theo. - Xét lại việc đã qua. Hồn: linh hồn, chơn hồn.

    Truy hồn là gọi các linh hồn đi theo.

    Phướn Truy hồn: cây phướn dẫn đường kêu gọi các linh hồn đi theo. Cây Phướn Truy hồn còn được gọi là Phướn Tiêu Diêu, là cây Phướn của Lục Nương Diêu Trì Cung, dùng để dẫn dắt các chơn hồn đi lên chín từng Trời.

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu: Lục Nương phất phướn Truy hồn.

  • Truy nguyên

    Truy nguyên

    追源

    A: To search to the origin.

    P: Remonter à la source.

    Truy: - Đuổi theo. - Xét lại việc đã qua. Nguyên: nguồn gốc.

    Truy nguyên là tìm ngược trở lại đến tận nguồn gốc.

  • Truy phong

    Truy phong

    追封

    A: To confer honours of a posthumous title.

    P: Décerner des honneurs à titre posthume.

    Truy: - Đuổi theo. - Xét lại việc đã qua. Phong: phong thưởng.

    Truy phong, đồng nghĩa Truy thưởng, là ban tặng phẩm tước cho người đã chết để tưởng thưởng công trạng của người ấy lúc còn sống.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Truy phong:

    1. Những vị nào đầy đủ công nghiệp mà qui vị trước ngày cầu phong thì đặng Hội Thánh đem vào Sổ Truy phong, đưa ra Quyền Vạn Linh công nhận, nhưng cũng phải có công chúng hoan nghinh và Tòa Đạo minh tra đủ cớ mới đặng.

    2. Những vị Hàm phong mà còn lập nên công nghiệp vĩ đại nhưng liễu đạo trước ngày cầu thăng thưởng cũng đặng Hội Thánh xét công nghiệp cầu Truy phong thăng thưởng.

    3. Khi đặng truy phong rồi, con cháu hoặc anh em phải đem long vị về Tòa Thánh với một vài vị Chức sắc sở tại đưa lên. Khi về đến Tòa Thánh, có Đức Hộ Pháp ban quyền và làm lễ long trọng.

    Sau khi hành lễ, đưa long vị trở về địa phương, Hội Thánh đưa ra đến cửa ngõ Tòa Thánh, rồi phái vài vị Chức sắc đưa đi, tùy theo phẩm tước, đến tận nơi Thánh Thất sở tại. Đầu Tỉnh, Đầu Họ và Đầu Quận Đạo phải thiết lễ và dựng mộ bia cho long trọng.

  • Trụy lạc

    Trụy lạc

    墜落

    A: To fall down.

    P: Tomber en décadence.

    Trụy: sa xuống, rớt xuống. Lạc: rơi rụng.

    Trụy lạc là sa xuống chỗ thấp kém, tức là sa ngã vào lối sống xấu xa thấp hèn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhơn sanh chưa dễ thoát được cảnh trụy lạc ở nơi cõi trần mê muội nầy.

  • TRUYỀN

    TRUYỀN

    TRUYỀN: 傳 Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa.

    Thí dụ: Truyền bá, Truyền đạo.

  • Truyền bá

    Truyền bá

    傳播

    A: To propagate.

    P: Propager.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Bá: tung ra, gieo hạt.

    Truyền bá là truyền ra rộng rãi cho nhiều người biết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vậy chư nhu phải truyền bá ra,....

  • Truyền đạo - Truyền giáo

    Truyền đạo - Truyền giáo

    傳道 - 傳敎

    A: To preach religion.

    P: Prêcher une religion.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Đạo: tôn giáo. Giáo: dạy, tôn giáo.

    Truyền đạo, đồng nghĩa Truyền giáo, là truyền bá giáo lý của một nền tôn giáo cho nhiều người biết và tin theo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhiều đứa đi truyền đạo mà trong lòng kính sợ kẻ thọ giáo. Thầy hỏi: phải nghịch chơn lý chăng?

    Lời Tựa Pháp Chánh Truyền: Muốn lập một nền Đạo lớn như ĐĐTKPĐ có khả năng truyền giáo đến thất ức niên mà không lập pháp thì làm sao điều độ được một số giáo đồ quá đông gồm gần toàn thể nhơn loại.

  • Truyền hiền - Truyền tử

    Truyền hiền - Truyền tử

    傳賢 - 傳子

    A: To transmit the throne to a sage. - To transmit the throne to one"s son.

    P: Transmettre le trône à un sage. - Transmettre le trône à son fils.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Hiền: người hiền, người có tài và có đức hơn người. Tử: con.

    Truyền hiền là vua đem ngôi truyền lại cho người hiền tài trong nước, để tiếp tục cai trị dân.

    Truyền tử là vua đem ngôi truyền lại cho con trai.

    Thời thượng cổ của nước Tàu, ngôi vua được truyền hiền: Vua Nghiêu khi trở về già, biết ông Thuấn là người hiền nên vua Nghiêu truyền ngôi lại cho ông Thuấn.

    Khi vua Thuấn trở về già, thấy ông Hạ Võ là người hiền nên truyền ngôi lại cho ông Hạ Võ, lập ra nhà Hạ.

    Kể từ vua Hạ Võ trở về sau, ngôi vua không còn được truyền hiền nữa. Vua Hạ Võ truyền ngôi lại cho con là Khải. Đế Khải mất, truyền ngôi lại cho con là Thái Khương, v.v....

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nếu ngôi vua truyền hiền thì chẳng nói làm chi, từ khi các đế vương truyền tử đến giờ, gia đình vẫn....

    Khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Nghiêu căn dặn vua Thuấn một lời bất hủ: 允執厥中 Doãn chấp quyết trung, nghĩa là: Hãy tin giữ lấy đạo Trung.

    Ông Thuấn ghi nhớ bốn chữ nầy và xem nó là Tâm pháp để trị quốc an dân.

    Đến khi vua Thuấn truyền ngôi lại cho vua Hạ Võ, vua Thuấn cũng căn dặn vua Hạ Võ:

    人心惟危,道心惟微,
    Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi,
    惟精惟一,允執厥中.
    Duy tinh duy nhứt, Doãn chấp quyết trung.

    Nghĩa là:

    Cái tâm của con người thường thay đổi nên hiểm nghèo, cái Đạo tâm thì rất nhỏ bé, phải giữ cái tâm cho tinh thuần chuyên nhứt, hãy tin giữ lấy đạo Trung.

    Vua Thuấn lấy lời của vua Nghiêu, thêm vào ba lời nữa cho thêm rõ nghĩa mà dặn lại vua Hạ Võ.

    Bốn câu nầy được các vị minh quân đời sau dùng làm Tâm pháp cho việc trị nước an dân. (Xem: Chấp trung quán nhứt)

  • Truyền kế lửa hương

    Truyền kế lửa hương

    傳繼

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Kế: tiếp nối. Lửa hương: nhang đèn, chỉ sự thờ cúng tổ tiên.

    Truyền kế lửa hương là trao lại để nối tiếp thờ cúng tổ tiên.

    Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu: Con nhẫng mong truyền kế lửa hương.

  • Truyền kiếp

    Truyền kiếp

    傳劫

    A: To transmit from the anterior life.

    P: Transmettre à partir de la vie antérieure.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Kiếp: một kiếp sống, một đời sống.

    Truyền kiếp là từ kiếp trước truyền lại.

  • Truyền kỳ

    Truyền kỳ

    傳奇

    A: To transmit the wonderful stories.

    P: Transmettre les contes merveilles.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Kỳ: kỳ lạ, lạ lùng.

    Truyền kỳ là truyền lại những chuyện kỳ lạ.

    Truyền kỳ mạn lục: 傳奇漫錄 là sách chép lại những chuyện truyền kỳ mà không câu thúc. Đây là tên của một quyển sách của ông Nguyễn Dữ, danh sĩ thời Hậu Lê chép những sự tích lạ lùng được truyền lại.

    Truyền kỳ tân phả: 傳奇新譜 là sách mới ghi lại có thứ tự các chuyện truyền kỳ. Sách nầy của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, viết nối theo "Truyền Kỳ Mạn Lục" của Nguyễn Dữ.

  • Truyền ngôn - Truyền khẩu

    Truyền ngôn - Truyền khẩu

    A: The oral tradition.

    P: La tradition orale.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Ngôn: lời nói. Khẩu: miệng, chỉ lời nói.

    Truyền ngôn, đồng nghĩa Truyền khẩu, là truyền lại cho nhau bằng lời nói.

  • Truyền pháp

    Truyền pháp

    傳法

    A: To transmit the esotherism to a disciple.

    P: Transmettre l"ésotérisme à un disciple.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Pháp: bí pháp tu luyện để đắc đạo.

    Truyền pháp là truyền cho đệ tử bí pháp tu luyện.

    Thường thì sự truyền pháp nầy rất bí mật, chỉ có thầy và trò biết được mà thôi.

  • Truyền tâm

    Truyền tâm

    傳心

    A: To transmit from heart to heart.

    P: Transmettre de coeur à coeur.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Tâm: cái tâm của mỗi người.

    Truyền tâm là đem bí pháp truyền trực tiếp từ tâm thầy qua tâm của trò, không dùng ngôn ngữ hay văn tự.

    Do đó, bí pháp ấy được gọi là Bí pháp tâm truyền.

    Sự truyền bí pháp như vậy rất bí mật, chỉ có thầy và trò biết, mà không có một người thứ ba nào biết được.

    "Hễ bí pháp thì khẩu thọ tương truyền, tâm tâm tương thọ, không thấu lậu ra cho ai biết đặng, hoặc tả vẽ phân giải trên giấy mực hay là dùng cơ bút mà truyền bí pháp đặng.

    Phần tâm pháp bí truyền dạy cách tu tánh luyện mạng mà phản bổn huờn nguyên, siêu phàm nhập Thánh.

    Pháp linh có dễ gì đâu,
    Phật Tiên chọn lựa mà trao người hiền.
    Thuộc về khẩu thọ tâm truyền,
    Biết rồi thì cứ chỉ truyền cho nhau."
    (Đại Thừa Chơn Giáo)

    Bí pháp tâm truyền chỉ được trao lại cho những tín đồ bực thượng thừa, đã có đủ Tam Lập, để vào Tịnh Thất tu luyện, đắc đạo tại thế.

  • Truyền thống

    Truyền thống

    傳統

    A: Tradition.

    P: Tradition.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Thống: nối tiếp không dứt.

    Truyền thống là thói quen lâu đời được truyền từ thế hệ trước qua thế hệ sau, cứ nối tiếp mãi mãi như thế.

  • Truyền thụ

    Truyền thụ

    傳授

    A: To teach.

    P: Enseigner.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Thụ: dạy cho.

    Truyền thụ là trao lại tri thức và kinh nghiêm cho người sau.

  • Truyền thuyết

    Truyền thuyết

    傳說

    A: Oral tradition.

    P: Tradition orale.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Thuyết: nói rõ ra.

    Truyền thuyết là những câu chuyện truyền khẩu lưu truyền trong dân gian, thường có màu sắc thần thoại.

  • Truyền Trạng

    Truyền Trạng

    傳狀

    A: The clerk of court.

    P: Le greffier.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Trạng: tờ bày tỏ ý kiến hay kêu xin việc gì dâng lên cấp trên cứu xét.

    Truyền Trạng là một phẩm Chức sắc Hiệp Thiên Đài, đứng trên phẩm Sĩ Tải, dưới phẩm Thừa Sử.

    Hai phẩm: Truyền Trạng và Thừa Sử được đối phẩm với Giáo Hữu của Cửu Trùng Đài.

    Nhiệm vụ, quyền hành, thăng thưởng và Đạo phục của Truyền Trạng được qui định trong Hiến pháp Chức sắc Hiệp Thiên Đài. (Xem chữ: Hiệp Thiên Đài, phần Hiến Pháp).

  • Truyền tụng

    Truyền tụng

    傳頌

    A: To transmit by eulogy.

    P: Transmettre par éloges.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Tụng: khen ngợi.

    Truyền tụng là truyền lại với sự khen tặng từ đời nầy qua đời sau.

  • Truyền tử lưu tôn

    Truyền tử lưu tôn

    傳子留孫

    A: To bequeath to one"s children and grand children.

    P: Léguer à ses enfants et à ses petits enfants.

    Truyền: Chuyển đi, trao lại, đưa đi xa. Tử: con. Lưu: để lại. Tôn: cháu.

    Truyền tử lưu tôn là trao lại cho con, để lại cho cháu.

  • TRỪ

    TRỪ

    TRỪ: 除 Bỏ đi, bớt ra, cuối năm.

    Thí dụ: Trừ căn, Trừ phục, Trừ tịch.

  • Trừ căn

    Trừ căn

    除根

    A: To uproot.

    P: Déraciner.

    Trừ: Bỏ đi, bớt ra, cuối năm. Căn: gốc rễ.

    Trừ căn là làm cho mất đi cái gốc rễ.

    Trảm thảo trừ căn: chặt cỏ thì phải chặt cho mất gốc.

    Đối với tôn giáo, chữ Căn là chỉ những việc làm thiếu đạo đức trong kiếp trước, vì nó là gốc rễ của những hoạn nạn tai ương trong kiếp hiện tại. Trừ căn là tiêu diệt cái căn xưa không lành, bằng những việc làm từ thiện trong kiếp hiện tại.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Phước từ bi giải quả trừ căn.

  • Trừ diệt tà gian

    Trừ diệt tà gian

    除滅邪奸

    Trừ: Bỏ đi, bớt ra, cuối năm. Diệt: làm tiêu mất. Tà: cong vạy. Gian: dối.

    Trừ diệt tà gian là làm cho tiêu mất đám tà mị gian ác.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Chuyển luân thế sự đưa kinh Thánh,
    Trừ diệt tà gian múa bút Thần.
  • Trừ khử

    Trừ khử

    除去

    A: To suppress.

    P: Supprimer.

    Trừ: Bỏ đi, bớt ra, cuối năm. Khử: loại bỏ.

    Trừ khử là loại bỏ hẳn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nên ra tay giục loạn đặng phân rõ chánh tà, hầu giúp phương cho Hội Thánh trừ khử.

  • Trừ phục

    Trừ phục

    除服

    A: To eliminate the mourning clothes.

    P: Éliminer les vêtements de deuil.

    Trừ: Bỏ đi, bớt ra, cuối năm. Phục: quần áo tang và khăn tang.

    Trừ phục là hủy bỏ khăn tang và quần áo tang vì đã hết thời kỳ để tang (mãn tang).

    Trong Đạo Cao Đài, sau ngày chết 581 ngày thì làm lễ Đại Tường và mãn tang. Trong lễ mãn tang có lễ Trừ phục. Sau khi cúng xong, tất cả khăn tang và quần áo tang được cổi ra, gom lại và đem đốt cho cháy tiêu hết.

  • Trừ tịch - Giao thừa

    Trừ tịch - Giao thừa

    除夕 - 交承

    A: The last night of year - The transition hour.

    P: La dernière nuit de l"année - L"heure de transition.

    Trừ: Bỏ đi, bớt ra, cuối năm. Tịch: đêm. Giao: giao tiếp. Thừa: tiếp tục.

    Trừ tịch là đêm cuối năm.

    Trừ nhựt là ngày cuối năm.

    Giao thừa là thời điểm chấm dứt năm cũ, bắt đầu qua năm mới. Đó là lúc 24 giờ ngày 30 tháng chạp âm lịch của năm cũ, bắt qua 0 giờ ngày mùng 1 tháng giêng năm mới.

  • TRỨ

    TRỨ

    TRỨ: TRƯỚC: 著 rõ ràng, nổi, biên soạn sách.

    Thí dụ: Trứ danh, Trứ tác, Trứ thuật.

  • Trứ danh

    Trứ danh

    著名

    A: Celebrated.

    P: Célèbre.

    Trứ: rõ ràng, nổi, biên soạn sách. Danh: tiếng tăm.

    Trứ danh là nổi tiếng, lừng danh.

  • Trứ tác (Trước tác)

    Trứ tác (Trước tác)

    著作

    A: To write a book.

    P: Composer un ouvrage.

    Trứ: rõ ràng, nổi, biên soạn sách. Tác: làm ra.

    Trứ tác hay Trước tác là viết ra một quyển sách.

    Trứ tác giả (Tác giả): người viết ra một quyển sách.

    Trứ tác quyền: cái quyền của tác giả được hưởng những lợi ích do tác phẩm đem lại, cấm nhặt kẻ khác xâm phạm đến.

    Trứ tác phẩm hay nói tắt là Tác phẩm, là quyển sách làm ra, cũng gọi là: Trứ tác vật.

  • Trứ thuật (Trước thuật)

    Trứ thuật (Trước thuật)

    著述

    A: To compose a work.

    P: Composer un ouvrage.

    Trứ: rõ ràng, nổi, biên soạn sách. Thuật: thuật lại.

    Trứ thuật hay Trước thuật là chỉ công việc của người viết sách: biên soạn và thuật lại.

    Trước thuật đồng nghĩa: Trước tác.

  • Trữ đức

    Trữ đức

    貯德

    A: To store up the virtues.

    P: Entasser des vertus.

    Trữ: chứa, tích trữ. Đức: phước đức.

    Trữ đức là chứa đức, tức là làm nhiều việc phước đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trữ đức còn hơn muốn trữ vàng.

  • TRỰC

    TRỰC

    TRỰC: 直 Ngay thẳng, thẳng tới, đợi.

    Thí dụ: Trực giác, Trực ngôn, Trực tánh.

  • Trực giác

    Trực giác

    直覺

    A: The intuition.

    P: L"intuition.

    Trực: Ngay thẳng, thẳng tới, đợi. Giác: biết. Trực giác là biết ngay, biết liền.

    Trực giác là loại nhận thức đặc biệt do Thiên phú, khiến người ta khi nhìn thấy sự vật hay khi nghe nói thì hiểu ngay lập tức mà không cần phải suy nghĩ hay phân tách bằng lý trí.

    Trực giác là cảm nhận hiểu biết tức thì một sự vật, đối lập với Suy tư là đi từ ý nầy sang ý khác, từ phân tích đến tổng hợp. Một bên chụp lấy ngay, một bên đi từng bước. Trong Trực giác, sự cảm nhận rõ nét mang tính đích thực hiển nhiên, không có nghi vấn, không có mơ hồ.

    Trong việc nhận thức sự vật, bao giờ cũng bắt đầu với một trực giác toàn bộ (Perception globale), sau đó mới phân tích ra từng bộ phận chi tiết rồi tổng hợp lại. Trẻ em và những người đa cảm thì nặng về trực giác.

    Trực giác là cái trông thấy mà biết, không phải chỉ biết sơ lược và nông nổi ở bề ngoài, nhưng là cái trông thấy mà biết rõ ngay khi đối diện, mà biết một cách viên mãn, tựa như con mắt nhìn thoáng qua liền biết. Như thế, Trực giác chính là cái Lương tri của mỗi người.

    Khi tiếp xúc với nhơn vật, người ta nhờ cái lương tri mà biết ngay một cách mau lẹ, đúng đắn, chớ không cần đến sự suy xét và kinh nghiệm. Tỷ như đến gần người ác, tự nhiên ta thấy nặng nề khó chịu; gần người lành thì tự nhiên có cảm giác thoải mái nhẹ nhàng.

    Trực giác cũng là sự hiểu biết một việc sắp xảy đến. Trong trường hợp nầy, Trực giác được gọi là linh tánh.

    Có nhiều quan niệm về trực giác:

    1. Phái Triết học Duy lý cho rằng: Trực giác không đối lập với Tư duy, mà Trực giác chỉ là Tư duy cao cấp.

    2. Phái Triết học Duy tâm cho rằng: Trực giác là một năng khiếu thiêng liêng có thể nhận thức sự vật một cách phi lý tính, không thông qua tư duy và kinh nghiệm.

    3. Phái Triết học Duy Vật thì cho rằng: Trực giác là một nhận thức đặc biệt dựa trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người, những kinh nghiệm và trí thức lý thuyết tích lũy lâu đời khiến người ta đột nhiên hiểu biết rõ vấn đề.

  • Trực ngôn

    Trực ngôn

    直言

    A: The sincere word.

    P: La parole sincère.

    Trực: Ngay thẳng, thẳng tới, đợi. Ngôn: lời nói.

    Trực ngôn là lời nói thẳng thắn, cứ theo sự thật mà trình bày, không sợ mích lòng.

  • Trực tánh

    Trực tánh

    直性

    A: The upright character.

    P: Le caractère franc.

    Trực: Ngay thẳng, thẳng tới, đợi. Tánh: tánh nết.

    Trực tánh là tánh ngay thẳng.

  • Trực tâm

    Trực tâm

    直心

    A: Sincerity.

    P: La sincérité.

    Trực: Ngay thẳng, thẳng tới, đợi. Tâm: lòng.

    Trực tâm là lòng ngay thẳng.

    Nhờ trực tâm mà phát ra lời nói hay việc làm ngay thẳng.

  • TRỪNG

    TRỪNG

    1. TRỪNG: 懲 Răn, trừng phạt.

    Thí dụ: Trừng trị.

    2. TRỪNG: 澄 Nước lắng trong.

    Thí dụ: Trừng thanh.

  • Trừng chơn chánh quang

    Trừng chơn chánh quang

    澄眞正光

    Trừng: Nước lắng trong. Chơn: thật. Chánh: ngay thẳng. Quang: sáng.

    Trừng chơn chánh quang: trong sạch, chơn thật, ngay thẳng, sáng tỏ.

  • Trừng nhứt cảnh bách

    Trừng nhứt cảnh bách

    懲一警百

    Trừng: Răn, trừng phạt. Nhứt: một. Cảnh: răn bảo. Bách: trăm.

    Trừng nhứt cảnh bách là trừng phạt một người để răn đe trăm người.

  • Trừng thanh

    Trừng thanh

    澄清

    A: To purify.

    P: Purifier.

    Trừng: Nước lắng trong. Thanh: trong sạch.

    Trừng thanh hay Thanh trừng, nghĩa đen là để nước lắng xuống, gạn bỏ phần cặn, lấy được nước trong; nghĩa thường dùng là: gạn bỏ những phần tử xấu để nội bộ được trong sạch.

  • Trừng trị

    Trừng trị

    懲治

    A: To punish.

    P: Punir.

    Trừng: Răn, trừng phạt. Trị: phạt kẻ có tội.

    Trừng trị là phạt kẻ có tội để không dám phạm tội nữa.

  • TRƯỚC

    TRƯỚC

    1. TRƯỚC: 竹 còn đọc TRÚC, cây trúc hay cây tre.

    Thí dụ: Trước lâm, Trước mai, Trước tử.

    2. TRƯỚC: 著 còn đọc là TRỨ: làm ra, biên soạn

    Xem Trứ.

  • Trước lâm Thất Hiền

    Trước lâm Thất Hiền

    竹林七賢

    A: Seven Sages in the forest of bamboos.

    P: Sept Sages dans la forêt de bambous.

    Trước: còn đọc Trúc, cây trúc hay cây tre. Lâm: rừng. Trúc lâm là rừng trúc. Thất Hiền: bảy ông Hiền.

    Trúc lâm Thất Hiền là bảy ông Hiền ở rừng trúc.

    Bảy ông Hiền nầy có cùng một chí hướng, tu theo đạo Tiên, thường tụ nhau nơi rừng trúc đàm đạo quanh một cái bàn, vào thời nhà Tấn bên Tàu, tức là vào thời Tư Mã Chiêu, con của Tư Mã Ý, trong truyện Tam Quốc.

    Trúc lâm Thất Hiền có tên kể ra sau đây:  

    Đây là nhóm Thanh đàm của Đạo gia, bàn về những vấn đề thanh cao, những tư tưởng siêu việt.

    Đây cũng là nhóm đại diện cho phong trào sống nghệ thuật phong lưu theo tự nhiên, để cho tình cảm lãng mạn nẩy nở tự do, không chịu gò ép trong lễ nghi hay giới luật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Trước lâm chứa đặng bảy ông Hiền,
    Vì bỏ tục trần mến cảnh Tiên.
    Hồng cấu đã chui thân phải vấy,
    Hơn thua cười kẻ biết nơi tiền.

    Sau đây là tiểu sử sơ lược của mỗi ông Hiền trong Trúc lâm Thất Hiền:

    1. Nguyễn Tịch (210-263)

    Nguyễn Tịch, tên chữ là Tự Tông, người đất Trấn Lưu, con của Nguyễn Vũ, một trong Kiến An Thất tử.

    Nguyễn Tịch có dung mạo khác thường, chí khí mở rộng, tự nhiên, một mình độc lập, phóng túng tự do, mà mừng giận không hiện ra nét mặt, thường đóng cửa ở trong nhà đọc sách, có khi hàng tháng không bước chân ra ngoài, có khi trèo lên núi ngao du sơn thủy hàng mấy ngày quên trở về.

    Nguyễn Tịch đọc rất nhiều sách mà thích nhứt là sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử.

    Ông thích uống rượu, biết thổi sáo, giỏi đàn cầm, đương khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần nhập hóa. Người đời cho ông có si tính hay máu điên.

    Vì có cái cuồng danh đó mà Tư Mã Chiêu (con của Tư Mã Ý) đem lòng ngưỡng mộ, muốn kết thân với Nguyễn Tịch, nhưng ông không chịu nên cố ý say sưa luôn 60 ngày đêm để khỏi gặp Tư Mã Chiêu.

    Bề ngoài của Nguyễn Tịch trông rất phóng đãng, nhưng bên trong rất thuần chính. Hành động phóng đãng là giả vờ để tránh tai họa, bảo trọng lấy thân mà thôi.

    Ông nhìn thấy triều đình càng lúc càng suy yếu, quan lại chuyên quyền, dua nịnh, ông rất đau lòng, nên đã kết tinh vào tác phẩm "Vịnh Hoài" của ông, một tập thơ bất hủ gồm 82 bài thi, một kiệt tác của thời bấy giờ. Tấm lòng của ông bao la, tầm mắt rộng lớn mà không gặp được người đồng khí tương cầu nên đã phát tiết bi thương trong thơ văn đến độ mãnh liệt.

    Nguyễn Tịch có viết sách "Đạt Trang Luận", trong đó, ông xác định Triết lý tự nhiên, luôn luôn ý thức cái lý đồng nhứt trong sai thù.

    Nguyễn Tịch có cặp mắt rất đặc biệt, khi vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt xanh, còn không vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt trắng. Khi mẹ Nguyễn Tịch mất, ông Kê Hỷ mang đồ lễ đến viếng, Nguyễn Tịch tiếp nhìn với đôi mắt trắng dã. Hỷ ra về mà bụng không bằng lòng. Em của Kê Hỷ là Kê Khang nghe biết chuyện đó, mới mang rượu và cắp đàn đến, thì Tịch rất vui, vừa ý lắm, tiếp Kê Khang với đôi mắt xanh.

    Năm thứ tư đời Cảnh nguyên, tức là năm 263, Nguyễn Tịch mất, hưởng được 54 tuổi.

    Kê Khang thường ca tụng Nguyễn Tịch rằng: Nguyễn Tự Tông, miệng không bàn lỗi của người. Ta mỗi khi bắt chước điều ấy mà không kịp được, cùng cực bẩm tính hơn người, với sự vật không thương tổn, chỉ có cái uống rượu quá mức thôi.

    2. Kê Khang (223-263)

    Kê Khang, tự là Thúc Dạ, ở Tiêu Quận, sớm mồ côi, có kỳ tài, thân hình cao lớn, có phong nghi, thiên chất tự nhiên, tánh tình điềm đạm, ít ham muốn, khoan dung giản dị.

    Ông tự học mà giỏi, sở trường về cái học Lão Trang.

    Ông trước tác được hai bộ sách: Thích Tứ LuậnThanh Vô Ai Lạc Luận. Trong hai cuốn sách nầy, ông lấy chủ nghĩa tự nhiên để bài bác học thuyết của Nho gia.

    Ông quan niệm nhân cách của người quân tử có được không phải lấy lễ giáo bên ngoài mà uốn nắn con người, đẽo gọt thiên nhiên. Ông cũng chống lại tất cả các suy luận trí thức về phải trái, đúng sai. Ông chỉ cốt làm sao cho được Tâm hư để noi theo Tánh mà sống, vì tự nhiên chính là đạo lý.

    Sách Thế Thuyết có kể chuyện rằng: "Chung Hội (225-264) làm quan, làm tướng, có viết sách, lấy làm tiếc vì chưa có dịp gặp Kê Khang, cho nên ngày kia, Chung Hội cùng với vài người thân tín đến viếng Kê Khang.

    Sở thích của Kê Khang là rèn đồ kim khí. Chung Hội đến thì thấy Kê Khang đang rèn sắt dưới gốc cây lớn. Hướng Tú thì giúp Kê Khang thổi ống bể, còn Kê Khang thì vẫn tiếp tục đập sắt như không có khách đến. Chung Hội bị bẽ mặt, đứng nhìn một lát rồi bỏ đi.

    Kê Khang hỏi: - Đã nghe gì mà tới? Đã thấy gì mà đi?

    Chung Hội đáp: - Tới vì nghe cái đã nghe, đi vì thấy cái đã thấy."

    Người đời Tấn rất thích cái vẻ đẹp thể chất và tinh thần của Kê Khang. Người ta sánh ông với núi ngọc hoặc cây tùng.

    Có lẽ vì vậy mà Chung Hội mới nói đã nghe và đã thấy.

    Trước kia, có một hôm, Kê Khang đi chơi ở đất Lạc Tây, trọ ở Hoa Dương Đình, đêm ngồi khảy đàn, chợt có một người khách đến tự xưng mình là người thời cổ, rồi cùng Kê Khang bàn luận âm luật, lời lẽ rành rọt thấu đáo lắm. Nhân đó, ông khách truyền cho Kê Khang khúc nhạc Quảng lăng tán, dặn Kê Khang không truyền cho ai khác.

    Về sau, khi Kê Khang bị Tư Mã Chiêu đem ra hành hình ở phía chợ đông, Kê Khang quay nhìn bóng mặt trời rồi cầm đàn gảy nói rằng:

    - Trước kia khúc Quảng lăng tán nầy có người tên Viên Hiếu Nê thường theo ta để học nhưng ta không truyền được, nay khúc Quảng lăng tán nầy từ nay mất đi.

    Kê Khang bị Tư Mã Chiêu ra lịnh giết chết năm ông được 40 tuổi.

    Các nhà phê bình đều cho rằng: thơ của Nguyễn Tịch và của Kê Khang ý tứ rất khác nhau. Thơ của Nguyễn Tịch thì ý chỉ thâm thúy, của Kê Khang thì khí vận tuấn thanh. Tài hoa của Nguyễn Tịch thì như mùa Xuân thơm ngát, còn tâm tình của Kê Khang như mùa Thu trong trẻo. Nhưng có điều, là Nguyễn Tịch dùng cái cuồng để làm kế bảo toàn tấm thân, còn Kê Khang lại bị cái cuồng mà phải sát thân.

    3. Lưu Linh (220-300)

    Lưu Linh, tự là Bá Luân, người đất Bái, thân hình xấu xí, phóng tình tứ chí, thường lấy sự coi nhỏ vũ trụ xem bằng muôn vật làm tâm, lạnh nhạt ít lời, không quen giao du, cùng với Nguyễn Tịch và Kê Khang tương ngộ, tinh thần hớn hở, dắt tay vào rừng. Lúc đầu không chút ý kiến gì về tài sản có không nói: "Ta chết chôn cho ta." Đấy khinh bỏ thân thể đến thế.

    Lưu Linh hay uống rượu, nổi tiếng về rượu hơn hết trong Trước lâm Thất Hiền, uống rượu bao nhiêu cũng không say.

    Một hôm, ông bảo vợ đi lấy rượu. Vợ ông đổ rượu đi và đập bể vò rượu, khóc mà can rằng:" Ông uống rượu nhiều quá, không phải là cái đạo nhiếp sinh, ông phải bỏ bớt rượu đi." (Nhiếp sinh là thu nhiếp tinh thần để nuôi sức khỏe).

    Lưu Linh nói: "Phải, ta không thể tự cấm được, phải cầu quỉ thần lên để thệ nguyện mới được. Vậy phải đủ rượu thịt làm lễ chứ!"

    Vợ liền nghe lời, lo sắm sửa đủ các thứ.

    Xong, Lưu Linh bèn quì mà khấn rằng:

    "Thiên sanh Lưu Linh, Trời sanh Lưu Linh,
    Dĩ tửu vi danh, Lấy rượu làm danh,
    Nhất ẩm nhất hộc, Mới uống một vò,
    Ngũ đẩu giải tỉnh, Năm đấu giải tỉnh,
    Phụ nhân chi ngôn, Lời nói đàn bà,
    Thận bất khả thính." Cẩn thận đừng nghe.)

    Khấn xong thì đem rượu thịt ra, ăn uống li bì, say say tỉnh tỉnh.

    Tuy Lưu Linh mê man phóng túng, nhưng khi gặp việc thì ứng biến chẳng sai, ít khi thác ý vào văn thơ, duy có làm bài phú "Tửu đức tụng" nổi tiếng, ca tụng người uống rượu.

    Bài phú Tửu đức tụng, diễn nôm ra sau đây:

    1.
    Chàng là một người đầy cao quí,
    Đối với chàng, Trời Đất chỉ là một buổi sáng,
    Và vĩnh hằng chỉ là một thoáng chốc.
    Mặt trăng và mặt trời chỉ là những cánh cửa sổ,
    Tám sa mạc là sân nhà chàng.
    Chàng đi không để lại dấu vết,
    Không ở tại một ngôi nhà nào.
    Lấy trời làm nhà, lấy đất làm chiếu,
    Chàng theo đuổi sự phóng túng của mình.
    Khi dừng lại chỉ là để nâng lên chén rượu hay ôm bầu rượu,
    Khi đi chỉ là để mang theo một bình rượu hay lấy đi chai rượu.
    Rượu là công việc duy nhứt của chàng,
    Chàng chẳng biết gì hơn nữa.
    2.
    Một ông chúa trẻ thuộc nhà cao quí, và một quan về hưu,
    Nghe nói đến những thói quen của ta,
    Đã bài bác cách sống của ta.
    Họ vung tay áo, nắm tay lại,
    Mắt dữ dằn đảo qua đảo lại và răng thì nghiến chặt lại,
    Họ dạy ta những phép tắc xã giao,
    Phải thế nầy và không được thế kia, nghe như tiếng bầy ong,
    Nhưng vào lúc đó, ông thầy kia,
    Nắm lấy một cái vò, cầm lên một cái chén,
    Đưa chén lên miệng nốc hết rượu, rồi vuốt râu nằm thẳng cẳng,
    Lấy men làm gối, lấy cặn rượu làm gối dài.
    3.
    Chẳng suy nghĩ gì, chẳng lo âu gì,
    Hạnh phúc của chàng thật là toàn vẹn!
    Thoắt thấy chàng say mèm, thoắt thấy chàng tỉnh rượu.
    Lắng tai nghe, chàng không nghe thấy sấm rền,
    Chú mắt nhìn, chàng chẳng thấy hình núi Thái sơn,
    Không thấy lạnh giá và nóng bức cắn xé da thịt mình,
    Cũng không thấy thành công và ham muốn gây những đam mê.
    Chàng cúi nhìn đám người đông như kiến cỏ,
    Họ giống như bèo tấm trôi trên sông Giang sông Hàn,
    Hai vị cao sang kia đứng cạnh,
    Với chàng, chỉ giống con ong hay con sâu.
    (Lê Diên dịch)

    Đây là những tư tưởng tự nhiên rút ra ở hệ thống xuất thế của Lão Trang, đem vào đời sống nghệ thuật đến mức cực đoan. Lưu Linh mượn rượu để quên đời, quên cả hình hài để sống với một tâm trạng siêu thần nhập hóa giả tạo. Phải chăng hoàn cảnh lịch sử xã hội thời đó đã gây ra không khí quá bi quan như thế?

    Lưu Linh thường hay quá chén, phóng túng, cởi bỏ quần áo, trần truồng trong nhà. Người đời thấy vậy thì chê cười.

    Lưu Linh nói: "Ta lấy Trời Đất làm nóc nhà, buồng nhà làm quần áo, các ông sao lại chui vào quần áo của ta?"

    Lưu Linh dẫu sống phóng túng, buông thả, nhưng vẫn ý thức cái gì là của Trời Đất, cái gì là của thiên hạ.

    4. Sơn Đào (205-283)

    Sơn Đào, tự là Cự Nguyên, người ở huyện Hoài, đất Hà Nội, đời nhà Tấn (nay thuộc tỉnh Hồ Nam). Từ nhỏ, tánh tình ông rất chất phác, nhưng học thức hơn người, được nhiều học giả danh vọng trong vùng kính trọng, thế mà đến 40 tuổi, Sơn Đào vẫn là một viên quan nhỏ giữ chức Chủ Bạ trong quận.

    Sơn Đào chơi thân với Nguyễn Tịch và Kê Khang.

    Vợ Sơn Đào là Hàn Thị thấy ba người chơi thân với nhau thì hỏi dò chồng.

    Sơn Đào đáp: - Đó là hai người riêng ta có thể chơi thân.

    Hàn Thị muốn biết rõ hai người bạn đặc biệt nầy của chồng, nên sửa soạn một tiệc rượu để chồng đãi đằng hai bạn, còn Hàn Thị thì núp trong màn nhìn ra quan sát, buổi tiệc kéo dài suốt đêm, Hàn Thị cũng thức suốt đêm để theo dõi.

    Sáng hôm sau, Sơn Đào vào phòng hỏi vợ: - Nàng nghĩ sao về hai người bạn đó?

    Hàn Thị đáp: - Về tài hoa thì chàng không bằng họ, nhưng về trí thức thì chàng đáng là bạn của họ.

    Sơn Đào nói: - Chính họ cũng cho cái biết của ta là cao hơn.

    Về sau, Sơn Đào cũng được điều về kinh đô, giữ chức: Thượng Thư Lại Bộ Lang. Lúc ấy Ngụy đế là Tào Phương vừa nhỏ tuổi vừa bất tài, triều chính lọt vào tay Thái Úy Tư Mã Ý và Đại tướng Tào Sảng. Hai người nầy kết bè kết đảng định tiêu diệt phía đối phương mà độc chiếm quyền hành.

    Sơn Đào nhìn thế cuộc biết chắc thế nào Tào Sảng cũng phải thua Tư Mã Ý, vì Tào Sảng lỗ mảng ngang ngược, kém mưu trí hơn Tư Mã Ý nhiều.

    Sơn Đào không muốn dính vào vòng đấu tranh của hai người ấy, nên thường ẩn cư, ít giao thiệp với các triều thần.

    Mỗi khi cao hứng, Sơn Đào thường mời các danh sĩ như: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Hướng Tú, Vương Nhung vào trong rừng trúc rong chơi, uống rượu và bàn lẽ huyền vi của Trời Đất, gác ngoài tai mọi việc ở đời.

    Trong Trúc lâm Thất Hiền thì Kê Khang là người có tiếng tăm và tài hoa cao nhứt, dám khinh miệt cả bọn quyền quí, làm Sơn Đào rất bội phục.

    Sau nầy, khi Sơn Đào làm ở Bộ Lại, có dâng thơ tiến cử Kê Khang. Kê Khang chán ghét bọn quan lại tham ô nên không hề có ý muốn ra làm quan, nay biết được Sơn Đào dâng thơ tiến cử mình, Kê Khang nổi giận liền viết một bức thơ "Tuyệt giao Sơn Đào", mỉa mai Sơn Đào còn ham danh lợi và tuyên bố tuyệt giao với Sơn Đào. Sơn Đào rất hiểu rõ tánh ý của Kê Khang nên không hề hờn giận.

    Sau nầy, Kê Khang bị Chung Hội và Lữ Tấn vu oan, Tư Mã Chiêu tin Chung Hội nên giết chết Kê Khang. Con của Kê Khang là Kê Thiệu bơ vơ không nơi nương tựa, được Sơn Đào lo lắng chăm sóc.

    Năm 265, con của Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm chiếm lấy chánh quyền, phế bỏ triều Ngụy của họ Tào, lên làm vua, lập ra nhà Tấn, Sơn Đào lại dâng thư tiến cử Kê Thiệu: "Cha có tội không liên quan gì đến con, Kê Thiệu gồm đủ đức tài, xứng đáng được trọng dụng." Tư Mã Viêm chấp nhận, phong Kê Thiệu chức Bí Thư Thừa.

    Sơn Đào giỏi nhận xét nhân tài, trong hơn 20 năm ông làm việc ở Bộ Lại, ông tiến cử lên triều đình nhiều hiền tài. Trong triều có quyền thần Giả Sung, thường kéo bè kết đảng để củng cố thế lực, khen ngợi tên tâm phúc Lục Lượng trước mặt Tư Mã Viêm, rằng Lục Lượng có tánh tình trung hậu, chí công vô tư, nên xin cho Lục Lượng được cùng với Sơn Đào làm chức Tuyển Quan. Tư Mã Viêm đồng ý.

    Sơn Đào thì phản đối việc nầy, vì biết Lục Lượng chỉ là tên có tài nịnh hót chớ không có thực tài, không xứng đáng với chức Tuyển Quan. Ít lâu sau, quả nhiên tên Lục Lượng nhận hối lộ, bị phát hiện nên bị cách chức. Do đó, Tư Mã Viêm càng trọng tư cách của Sơn Đào.

    5. Hướng Tú (221-300)

    Hướng Tú, tự là Tử Kỳ, người ở đất Hoài, nay là Hồ Nam, thuở nhỏ đã quen biết Sơn Đào. Hướng Tú rất thông tuệ, hiểu biết rất sâu xa, theo cái học của Lão Trang. Ông cùng với Quách Tượng đã chú giải sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử, vì lâu nay trải quan nhiều thế hệ của Đạo gia, nhưng chưa có ai luận bàn về tôn chỉ và hệ thống hóa sách ấy cả.

    Hướng Tú bàn và giải thích thêm những ý nghĩa sâu kín, phát minh thêm ý lạ, làm nổi dậy phong trào Huyền học.

    Người đương thời đọc sách ấy thì siêu nhiên tâm ngộ, chẳng ai không mãn nguyện.

    6. Vương Nhung (234-305).

    Vương Nhung có một đứa con vừa mới chết, bạn của Vương Nhung là Sơn Giản đến viếng. Vương Nhung không cầm được nước mắt. Sơn Giản nói:

    - Chỉ là đứa bé con, cớ sao lại khóc?

    - Thánh nhân thì quên tình, thứ dân thì không biết tới, chỉ như bọn ta mới có nhiều tình.

    Sơn Giản tán đồng, rồi cũng khóc theo.

    Lời nói của Vương Nhung cắt nghĩa rất rõ tại sao nhiều Huyền học gia lại rất lưu tâm đến thuyết Chủ tình.

    Trong nhiều trường hợp, không phải vì sự được mất của bản thân mà họ tỏ ra vui buồn, mà chính trong cái cảnh tượng chung của cuộc sống hay của Trời Đất.

    7. Nguyễn Hàm

    Nguyễn Hàm là cháu của Nguyễn Tịch, gọi Nguyễn Tịch bằng chú. Hai người họ Nguyễn nầy đều thích uống rượu. Mỗi khi gặp nhau, họ không cần lấy chén mà uống, chỉ ngồi quanh vò rượu mà uống trong vò. Có khi mấy con heo khát nước chạy đến, thì họ cho heo cùng uống với họ.

    Đấy là tình cảm cốt yếu của hạng người phong lưu, muốn sống với tinh thần nghệ sĩ, với ý thức bình đẳng, không phân biệt giữa họ và vật trong Trời Đất.

    Tóm lại, Trúc lâm Thất Hiền là bảy ông Hiền nơi rừng trúc. Họ là những nhà văn nhà thơ, vừa đi dạo, vừa bàn luận trong một khu rừng trúc nhỏ, dừng lại để uống rượu, rồi lại đi dạo tiếp tục, rồi lại bàn luận, làm thơ, cho đến lúc say mèm.

    Họ bàn luận chỉ trích Khổng giáo, đề cao Lão Trang, mỗi người có một cách, làm dẫy lên một trào lưu tư tưởng lãng mạn gọi là Phong lưu, ngụ ý sống tự do theo tự nhiên, mà tư tưởng triết học thì chủ ở Lão Trang. Sống Phong lưu là sống hòa nhịp với cảm xúc bồng bột hồn nhiên, không chờ trí thức kịp xen vào. Cảm xúc ấy là của một tánh tình đã cảm thông với tạo vật thiên nhiên chớ không phải cái tánh tình nhỏ hẹp hữu hạn tầm thường.

  • Trước mai (Trúc mai)

    Trước mai (Trúc mai)

    竹梅

    A: Bamboo and plum-tree: Symbol of friendship or of conjugal union.

    P: Bambou et prunier: L"image de l"amitié ou de l"union conjugale.

    Trước: còn đọc Trúc, cây trúc hay cây tre. Mai: cây mai. Đây không phải là cây mai mà người ta trồng cho trổ hoa vàng trong dịp Tết, mà là loại cây cùng loại với cây táo, có hoa màu trắng hoặc hồng, kết trái có vị chua, trái chín thì màu vàng, dùng để làm xí muội hoặc ô mai. Loại cây mai nầy rất giỏi chịu lạnh, trong tuyết giá mà nó vẫn xanh tươi và trổ hoa, nên được xếp vào "Tuế hàn Tam hữu" (Tùng, Trúc, Mai). Do đó:
    Trúc mai là để chỉ tình bạn cao khiết.

    Nhưng từ ngữ Trúc mai còn dùng để chỉ tình yêu thắm thiết của đôi thanh niên nam nữ do thành ngữ: Thanh mai trúc mã (mai xanh ngựa trúc) rút ra từ bài thơ của Lý Bạch là bài Trường Can Hành. Bài thơ nầy, Lý Bạch tả mối tình thơ ngây của chàng và nàng, cùng ngụ trong xóm Trường Can, thuở nhỏ luôn luôn nô đùa quấn quít cùng nhau, bằng hai câu thơ:

    Lang ky trúc mã lai,
    Nhiễu sàng lộng thanh mai.
    (Chàng cỡi ngựa trúc chạy đến,
    Chạy vòng quanh giường đùa với mai xanh).

    Tóm lại, từ ngữ Trước mai hay Trúc mai có hai nghĩa tùy theo trường hợp:

    . Trúc mai là tình bạn cao khiết.
    . Trúc mai là tình yêu thắm thiết của một đôi nam nữ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Dưỡng sanh cam lỗi tình sông núi,
    Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
  • Trước tử (Trúc tử)

    Trước tử (Trúc tử)

    竹紫

    A: The violet bamboo.

    P: Le bambou violet.

    Trước: còn đọc Trúc, cây trúc hay cây tre. Tử: màu tím đỏ, màu tía.

    Trước tử hay Tử trước là cây trúc màu tía.

    Vườn trước tử: vườn trúc màu tía của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở núi Phổ Đà biển Nam Hải, là nơi mà công chúa Diệu Thiện tu thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm.

  • TRƯỢC

    TRƯỢC

    TRƯỢC: TRỌC: 濁 đục, dơ bẩn, không thanh cao.

  • Trược chất (Trọc chất)

    Trược chất (Trọc chất)

    濁質

    A: The dirty matter.

    P: La matière sale.

    Trược: đục, dơ bẩn, không thanh cao. Chất: bản thể của vật.

    Trược chất là chất dơ bẩn.

    Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Ðã Qui Liễu: Lánh xa trược chất bụi hồng.

  • Trược khí (Trọc khí)

    Trược khí (Trọc khí)

    濁氣

    A: The impure gas.

    P: Le gaz impur.

    Trược: đục, dơ bẩn, không thanh cao. Khí: chất khí.

    Trược khí là chất khí dơ bẩn, khó chịu, nặng nề.

    Trái với Trược khí là Thanh khí: khí trong sạch.

    Các Đấng thiêng liêng cho biết cõi trần có nhiều trược khí nên làm cho con người mờ tối lương tri, thúc đẩy dục vọng, lôi cuốn con người vào vòng ô trược.

    Do đó, trược khí là chỉ cõi trần.

    Kinh Tẩn Liệm: Lánh nơi trược khí, hưởng mùi siêu thăng.

  • Trọc phú thanh bần

    Trọc phú thanh bần

    濁富清貧

    Trọc: Trược: đục, dơ bẩn, không thanh cao. Phú: giàu. Thanh: trong sạch. Bần: nghèo. Thanh bần: nghèo mà trong sạch. Trọc phú là giàu mà dơ bẩn, tức là giàu mà đê hèn.

    Trọc phú thanh bần là giàu mà đê hèn, nghèo mà thanh cao.

  • Trược quang

    Trược quang

    濁光

    A: The cloudy aureola.

    P: L"auréole trouble.

    Trược: đục, dơ bẩn, không thanh cao. Quang: ánh sáng, chỉ cái hào quang.

    Trược quang là ánh hào quang vẩn đục.

    Người đạo đức, trường chay, thì chơn thần có hào quang trong sáng. Người gian tà, rượu thịt thì chơn thần có hào quang tím đục, mờ tối.

    Kinh Ðệ Tứ cửu: Bộ Lôi Công giải tán trược quang.

  • Trương Lương

    Trương Lương

    張良

    Trương Lương, họ Trương tên Lương, tự là Tử Phòng, người nước Hàn. Tổ tiên 5 đời của Trương Lương đều làm quan Tướng Quốc nước Hàn. Cha tên là Bình, làm Tướng Quốc cho vua Hàn là Ly Vương và Điệu Huệ Vương. Khi cha chết, Trương Lương còn ít tuổi nên chưa được tập ấm làm quan.

    Khi nước Hàn bị Tần Thủy Hoàng đánh tan, sáp nhập vào nước Tần, lúc đó Trương Lương có 300 tôi tớ trong nhà.

    Em của Lương chết, Lương không lo chôn cất, mà lo bán tất cả gia tài, giải tán các tôi tớ, dùng tiền đi tìm một người làm thích khách để giết vua Tần, báo thù cho nước Hàn.

    Trương Lương thường học lễ ở Hoài Dương, đi về đông yết kiến một vị ẩn sĩ tên là Thương Hải Quân, tìm được một dũng sĩ họ Lê, thường gọi là Trưng Hải Công, xử dụng một đôi chùy nặng 120 cân.

    Khi hay tin Tần Thủy Hoàng đi chơi qua miền đông, Trương Lương cùng với dũng sĩ rình núp ở bãi cát Bác Lãng, chờ khi xe của Tần Thủy Hoàng đi qua thì xông ra đánh, nhưng lại đánh nhầm xe của bọn tùy tùng. Tần Thủy Hoàng nổi giận, giết chết dũng sĩ họ Lê, rồi cho lịnh truy lùng bắt cho kỳ được Trương Lương.

    Lương phải đổi tên họ, cải dạng, trốn tránh ở Hạ Bì.

    Trương Lương dâng dép 3 lần:

    Một hôm, Trương Lương ra cầu Hạ Bì ngồi chơi, gặp một cụ già mặc áo cộc, cốt cách phương phi, đi ngang qua cầu, bỗng làm rớt chiếc dép xuống cầu. Cụ quay lại thấy Lương ngồi đó thì bảo rằng: - Thằng bé, xuống cầu lượm dép giùm ta.

    Lương ngạc nhiên muốn cự lại, nhưng thấy cụ già cả nên cố nhịn, lội xuống dạ cầu lượm chiếc dép đem lên cho cụ.

    Ông cụ lại bảo: - Xỏ vào chân ta.

    Lương đã trót lấy dép lên nên luôn tiện ngồi xuống xỏ dép vào chân của cụ. Cụ già mang dép xong, cười rồi bỏ đi.

    Lát sau cụ quay lại cầu, loay quay thế nào lại rớt dép lần nữa. Rồi Cụ cũng biểu Lương lội xuống lượm dép cho Cụ và xỏ vào chân Cụ. Lương thấy việc nầy có vẻ lạ, nên cũng vâng lời, làm vừa lòng cụ già lần nữa.

    Cụ già lại dở chưn dở tay thế nào lại làm rớt dép lần thứ ba. Lần nầy Cụ cũng biểu Lương xuống nhặt dép cho Cụ như hai lần trước. Trương Lương đã trót hai lần giúp Cụ già nên lần nầy cũng ráng giúp cụ cho trót. Cụ già mang dép vào chân xong, cười rồi bỏ đi.

    Một lát Cụ quay trở lại, nói với Trương Lương rằng:

    - Thằng bé nầy dạy được! Năm ngày sau, sáng tinh mơ, mày đến gặp ta tại đây.

    Trương Lương lấy làm lạ, nhưng cũng đáp: - Vâng.

    Đúng 5 ngày sau, sáng tinh mơ, Trương ra cầu thì đã thấy Cụ già đã ở đó từ trước. Cụ có ý giận, nói:

    - Đã hẹn với người già cả, lại đến sau, là cớ gì?

    Cụ bỏ đi, rồi quay lại nói: - Năm ngày nữa ra gặp ta ở đây cho sớm.

    Năm ngày sau, Trương Lương ra cầu thật sớm, vào lúc gà gáy, nhưng lại thấy Cụ già đã đến trước rồi. Cụ giận, nói:

    - Năm ngày sau, hãy ra đây cho sớm.

    Đúng năm ngày sau nữa, chưa đến nửa đêm thì Trương Lương ra cầu, một lát sau thì thấy Cụ già đi tới. Cụ vui vẻ nói:

    - Thế mới phải chứ!

    Rồi Cụ trao cho Lương một quyển sách, Cụ nói:

    - Học trong quyển sách nầy thì làm thầy của bực đế vương. Mười năm sau sẽ ứng nghiệm. Mười ba năm sau con sẽ đến gặp ta, hòn đá màu vàng dưới chơn núi Cốc Thành ở phía Bắc sông Tế là ta đó.

    Cụ già nói xong thì đi mất.

    Sáng hôm sau, Trương Lương mở sách ra xem thì đó là quyển "THÁI CÔNG BINH PHÁP". Trương Lương vô cùng mừng rỡ, ngày đêm chuyên cần nghiên cứu học tập.

    Cụ già tặng sách cho Trương Lương là Ông Tiên Huỳnh Thạch Công. (Huỳnh Thạch là cục đá màu vàng).

    Nhờ công dâng dép 3 lần cho Tiên Ông nên được Tiên Ông tặng cho sách quí, học trong đó mới trở nên tài giỏi, làm thầy cho bực đế vương (tức là làm Quân Sư), bày mưu tính kế, đánh đông dẹp bắc, bình trị thiên hạ.
    Do đó, Tiên Nương Đoàn Thị Điểm viết trong Nữ Trung Tùng Phận bốn câu thơ nhắc lại sự tích nầy:

    Lựa những mặt tài tình thọ giáo,
    Học cho thông mối đạo quân thần.
    Trương Lương dâng dép ba lần,
    Chút công ấy định Hớn Tần nên hư.

    Trương Lương ở Hạ Bì làm người nghĩa hiệp, Hạng Bá giết người bị tội, đến đây trốn lánh, được Lương che chở và giúp đỡ, tạo một cái nhân tốt về sau.

    Mười năm sau (năm 209 tr.Tân Luật), Trần Thiệp khởi nghĩa chống lại nhà Tần, Trương Lương cũng tập hợp được hơn 200 trai tráng. Cảnh Câu ở đất Lưu tự lập làm Giả Vương nước Sở. Lương muốn theo phò, giữa đường Lương gặp Bái Công Lưu Bang. Bái Công có mấy ngàn quân đánh chiếm được đất ở phía Tây Hạ Bì. Lương bèn theo phò Bái Công.

    Lương đem binh pháp của Thái Công ra trình bày với Bái Công, được Bái Công khen hay và dùng theo sách lược đó. Có lần Lương nói binh pháp cho người khác nghe thì họ tỏ ra không hiểu. Lương tự nhủ: Bái Công là người Trời chăng?

    Vì vậy, Lương nhứt định theo Bái Công, không định theo Cảnh Câu nữa.

    Bái Công đến đất Tiết, yết kiến Hạng Lương. Hạng Lương lập Sở Hoài Vương lên làm vua nước Sở. Trương Lương nói với Hạng Lương:

    - Ngài đã lập cháu của vua Sở lên làm Sở Hoài Vương thì cũng nên lập công tử nước Hàn là Hành Dương Quân, tên là Thành, là người hiền lên làm vua nước Hàn để tăng thêm vây cánh.

    Hạng Lương bằng lòng, lập Hành Dương Quân lên làm Hàn Vương.

    Nhờ mưu kế của Trương Lương, Bái Công thắng quân Tần nhiều trận lớn, đến được kinh đô Hàm Dương trước Hạng Võ, vua Tần lúc bấy giờ là Tử Anh, cháu nội của Tần Thủy Hoàng, đem ấn tín ra hàng Bái Công.

    Bái Công vào kinh đô nhà Tần, thấy cung điện rất xa hoa lộng lẫy, cung phi mỹ nữ hàng ngàn, vật quí nhiều vô kể, nên có ý muốn ở lại đây. Phàn Khoái can gián hết lời nhưng Bái Công không nghe. Trương Lương nói:

    - Nhà Tần làm điều vô đạo nên Chúa công mới đến được đây. Đã cốt vì thiên hạ mà giết bọn giặc tàn ác thì ta nên ở theo lối mộc mạc để tỏ cái đạo đức của mình. Nay Chúa công mới vào cung điện nhà Tần, liền ham thích cái vui đó thì có khác chi người ta nói "nối giáo cho giặc". Vả chăng lời nói thẳng nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm, thuốc đắng uống khó chịu nhưng chữa được bệnh. Xin Chúa công nên nghe theo lời của Phàn Khoái.

    Bấy giờ Bái Công mới nghe theo, niêm phong kho tàng của nhà Tần, rồi kéo quân ra đóng ở Bái Thượng.

    HạngVõ kéo quân đến Hàm Dương sau Bái Công, cho quân vào đốt phá cung điện của nhà Tần, giết chết Tử Anh, tịch thâu của cải, rồi tự xưng là Sở Bá Vương, phong cho Bái Công Lưu Bang là Hán Vương cai trị đất Ba Thục. Năm ấy là năm 206 trước Tây lịch, được kể là năm thứ nhứt của nhà Hán.

    Hán Vương vì yếu thế hơn Hạng Võ nên phải tuân lịnh của Hạng Võ, kéo binh vào đất Ba Thục, rồi theo mưu kế của Trương Lương, Bái Công cho đốt con đường sạn đạo (con đường độc nhất đi vào Ba Thục) để cho Sở Bá Vương tin rằng Hán Vương an phận nơi đất Thục, không muốn tranh đoạt thiên hạ với Sở Bá Vương.

    Khi đốt xong sạn đạo, Trương Lương từ giã Hán Vương Lưu Bang để lo việc nước Hàn và tìm người giúp Hán Vương đánh Hạng Võ, thâu phục thiên hạ.

    Khi đến huyện Bửu Kê thì gặp được người nhà của Hạng Bá, cho biết Hạng Võ đã giết chết Hàn Vương của nước Hàn vì giận Trương Lương theo Lưu Bang bày kế đánh Hạng Võ. Trương Lương thất kinh, liền cải trang y phục, lo việc tống táng Hàn Vương, rồi giả làm đạo sĩ, đến kinh đô Hàm Dương, là nơi Hạng Võ đóng đại binh. Trương Lương dạy con nít ở đây hát bài đồng dao nói là Thần nhân dạy hát, để Hạng Võ nghe được thì bỏ Hàm Dương, về đóng đô ở Bành Thành, là nơi cố quán của Hạng Võ.

    Trương Lương biết Hàn Tín là người có kỳ tài nhưng chưa gặp thời, nên tìm đến gặp Hàn Tín, tặng Hàn Tín cây Nguyên Nhung kiếm, viết thơ tiến cử Hàn Tín cho Hán Vương dùng làm Phá Sở Đại Nguyên Soái, rồi trao cho Hàn Tín bản đồ vẽ con đường tắt Trần Thương đi vào Ba Thục.

    Khi Hán Vương phong Hàn Tín làm Phá Sở Đại Nguyên Soái, kéo binh đánh lấy Tam Tần, thì Trương Lương dự bị xong các việc, nên trở lại làm Quân Sư cho Hán Vương.

    Bên ngoài cầm quân thì có Hàn Tín, còn mưu kế bên trong thì có Trương Lương, nên quân của Hán Vương đại thắng, dồn Sở Bá Vương chạy về thành Cai Hạ, nhưng binh sĩ của Hạng Võ cũng còn khá đông, lực lượng còn khá mạnh.

    Trương Lương dụng mưu, lên ngọn Kê Minh sơn, vào lúc đêm khuya thanh vắng, thổi lên khúc tiêu sầu ai oán, khiến cho 8 ngàn đệ tử của Hạng Võ mất hết tinh thần chiến đấu, bỏ trốn về quê. Thanh thế của Hạng Võ trở nên rất yếu. Sau cùng Hạng Võ bị thất thủ thành Cai Hạ, chạy ra bến sông Ô Giang, tự cắt đầu tự tử.

    Diệt Hạng Võ xong, Hán Vương Lưu Bang thâu phục thiên hạ, lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Hán Cao Tổ, mở ra nhà Hán. Hán Cao Tổ nói:

    - Bàn mưu kế ở trong màn trướng, quyết định việc thắng bại ở ngoài ngàn dặm, đó là công của Tử Phòng. Nay phong Tử Phong ba vạn hộ ở đất Tề, cho Tử Phòng tự chọn lấy.

    Trương Lương nói:

    - Xưa kia, thần khởi nghĩa ở Hạ Bì, tới đất Lưu thì gặp Bệ hạ, đó là Trời đem thần giao cho Bệ hạ. Nay thần xin được phong ở đất Lưu là đủ rồi, không dám nhận ba vạn hộ ở Tề.

    Hán Cao Tổ bèn phong Trương Lương làm Lưu Hầu ở đất Lưu.

    Trương Lương thường hay cáo bịnh để khỏi tham dự vào việc triều chánh. Trương Lương thường nói: Gia đình tôi năm đời làm Tướng Quốc nước Hàn. Khi nước Hàn mất, tôi chẳng tiếc số tiền vạn lạng để tìm cách giết Tần Thủy Hoàng báo thù cho nước Hàn, nhưng không thành công. Nay tôi dùng ba tấc lưỡi làm thầy bậc Đế Vương, được phong vạn hộ, ở ngôi chư Hầu. Kẻ sĩ được như thế là tột bực, đối với Lương thế là đủ lắm rồi. Vậy xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn đi ngao du theo Huỳnh Thạch Công và Xích Tùng Tử mà thôi.

    Thế rồi Trương Lương theo Đạo Tiên, học lối đạo dẫn (nhịn ăn cơm lần lần cho nhẹ mình), tồn tâm dưỡng tánh, không thiết tha đến công danh phú quí nữa.

    Đúng như lời Cụ già đã nói với Trương Lương ở cầu Hạ Bì 10 năm về trước, Trương Lương tìm thấy cục đá màu vàng ở chân núi Cốc Thành, cung kính đem cục đá ấy về thờ.

    Tám năm sau ngày Trương Lương được phong Hầu, Trương Lương mất, được đặt tên thụy là Văn Thành Hầu. Con của Trương Lương là Trương Bất Nghi đem táng Trương Lương cùng với viên đá vàng.

    Cuộc đời của Trương Lương có 3 việc đáng ca tụng:

    1. Cắp chùy Bác Lãng:

    Trương Lương tìm được dũng sĩ họ Lê, sử dụng cặp chùy nặng 120 cân, núp ở bãi cát Bác Lãng, chờ Tần Thủy Hoàng đi qua, xông ra hành thích Thủy Hoàng. Việc thất bại, dũng sĩ họ Lê bị giết chết tại chỗ, Trương Lương trốn thoát, đến ẩn náo tại Hạ Bì.

    2. Trương Lương dâng dép 3 lần:

    Trương Lương nhờ nhẫn nại dâng dép 3 lần cho Ông Tiên Huỳnh Thạch Công mà được trao sách quí. Nhờ học sách nầy mà Trương Lương làm Quân Sư cho Hán Lưu Bang.

    3. Công thành thân thối:

    Khi công danh thành đạt vinh hiển rồi thì rút lui, bảo toàn tấm thân, tìm đạo tu hành, lưu danh thiên cổ.

    Trong lịch sử Trung Hoa, chỉ có hai vị làm được việc công thành thân thối nầy là: Phạm Lãi thời Đông Châu Liệt Quốc và Trương Lương thời nhà Hán.

    Sau đây là bài thi của Đức Nhàn Âm Đạo Trưởng:

    Ác xế nâng cao bóng hải đường,
    Xa tên nhờ bởi nặng cung trương.
    Lòn trôn Hàn Tín nên cơ nghiệp,
    Dâng dép Trương Lương dựng miếu đường.
    Khương Thượng đi câu ra trí chúa,
    Văn Vương ngồi ngục mới đồ vương.
    Trượng phu phải mặt không nao chí,
    Xung đột quyết hơn chốn chiến trường.
  • Trương vi rồng

    Trương vi rồng

    Trương: giương cao ra cho mọi người thấy. Vi rồng: cái vây hay cái kỳ của con rồng.
    Trương vi rồng là nói về con cá chép đã nhảy vượt Võ môn rồi thì hóa thành rồng, nó bèn giương cái vây ra cho mọi người thấy để tỏ ý tự đắc là mình tài giỏi.

    Trương vi rồng là chỉ thái độ dương dương tự đắc tự mãn.

    Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị:
    Khoa Võ môn dầu nhào qua kỏi,
    Trương vi rồng, học hỏi nơi ai.
  • TRƯỜNG

    TRƯỜNG

    1. TRƯỜNG: 場 Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người.

    Thí dụ: Trường công đức, Trường đổ bác.

    2. TRƯỜNG: 長 Dài, lâu dài, xa, hay giỏi.

    Thí dụ: Trường cửu, Trường đình.

  • Trường Canh

    Trường Canh

    長庚

    Trường Canh là tên gọi vì sao Thái Bạch, cũng gọi đó là Sao Kim hay Kim Tinh.

    Vì sao Thái Bạch đầu kiếp xuống trần vào nhà họ Lý, thời nhà Đường bên Tàu, bà mẹ chiêm bao thấy sao Thái Bạch rơi vào bụng bà, sau sanh ra đứa con trai, bà đặt tên là Lý Thái Bạch. Lý Thái Bạch lớn lên trở nên tài giỏi phi thường, là nhà đại thi hào thời nhà Đường.

    Hiện nay, Ngài là vị Đại Tiên Trưởng, chức vụ Nhứt Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Thái Thượng Đạo Tổ, cầm quyền Tiên giáo thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần:
    Linh Tiêu Thái Bạch Trường Canh,
    Truyền tâu Đế Khuyết dữ lành nhơn gian.
  • Trường công danh

    Trường công danh

    場功名

    A: The field of honours.

    P: Le champ des honneurs.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Công danh: có tiếng tăm và có địa vị trong xã hội, tức là chỉ việc ra làm quan.

    Trường công danh là nơi náo nhiệt đua chen quan quyền nên cũng là nơi đua chen danh lợi.

    Trường công danh đồng nghĩa: Trường quan lại, chốn quan trường.

    Kinh Vào Học: Nguyện thương lê thứ trong trường công danh.

  • Trường công đức - Trường công quả

    Trường công đức - Trường công quả

    場功德 - 場功果

    A: The examination place of the merits and virtue.

    P: Le lieu d"examen de mérites et de vertu.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Công đức: đồng nghĩa Công quả: là tất cả những việc làm giúp người giúp đời, phụng sự nhơn sanh, phụng sự đạo pháp, tạo ra phước đức để hưởng kết quả tốt đẹp nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

    Trường công đức, đồng nghĩa Trường công quả, cũng gọi là Trường thi công quả. (Xem chi tiết: Trường thi công quả)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn."

    "Thầy lập Đại Đạo kỳ nầy là lập một cái trường công quả, nếu các con đi ngoài trường công quả ấy thì không trông mong gì về cùng Thầy đặng."

  • Trường cửu

    Trường cửu

    長久

    A: Durable.

    P: Durable.

    Trường: Dài, lâu dài, xa, hay giỏi. Cửu: thời giờ đã lâu.

    Trường cửu là lâu dài.

  • Trường đình - Đoản đình

    Trường đình - Đoản đình

    長亭 - 短亭

    Trường: Dài, lâu dài, xa, hay giỏi. Đoản: ngắn. Đình: cái nhà trạm nghỉ chân.

    Ở nước Tàu thời xưa, những con đường từ thành thị đi ra các nơi khác, người ta thường trồng các hàng cây dương liễu ở hai bên đường, rồi cách khoảng chừng 5 dặm đường, người ta dựng lên một cái nhà trạm nhỏ, gọi là Đoản đình, để khách bộ hành tạm dừng chân nghỉ ngơi chốc lát rồi lại tiếp tục đi nữa, rồi cách 10 dặm đường lại dựng một nhà trạm lớn hơn gọi là Trường đình.

    Những người đi xa và những người đưa tiễn thường vào các Đoản đình hay Trường đình để nâng ly rượu uống từ biệt nhau, rồi bẻ cành cây dương liễu tặng nhau làm roi ngựa.

    Do đó, Đoản đình hay Trường đình là chỉ nơi tạm dừng chân để từ biệt nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Chia gương căn dặn buổi trường đình.

    ● Âm Quang là nơi Thần Linh Học gọi là Trường đình của chư hồn giải thể hay nhập thể, Đại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là Tịnh Tâm Xá,....

  • Trường đồ tri mã lực

    Trường đồ tri mã lực

    長途知馬力

    Trường: Dài, lâu dài, xa, hay giỏi. Đồ: con đường đi. Tri: biết. Mã lực: sức ngựa.

    Trường đồ tri mã lực là đường dài mới biết sức ngựa.

  • Trường đổ bác

    Trường đổ bác

    場賭博

    A: The gambling house.

    P: La maison de jeux.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Đổ bác: cờ bạc ăn tiền.

    Trường đổ bác là nơi chứa cờ bạc, nhà chứa cờ bạc.

    Giới Tâm Kinh: Trường đổ bác cũng đừng léo tới.

  • Trường giang đại hải

    Trường giang đại hải

    長江大海

    A: The long river and large sea.

    P: Le long fleuve et la mer large.

    Trường: Dài, lâu dài, xa, hay giỏi. Giang: sông. Đại hải: biển lớn.

    Trường giang đại hải là biển rộng sông dài, ý nói cái gì dài lắm và lớn lắm.

  • Trường khảo

    Trường khảo

    場考

    A: The examination place.

    P: Le lieu d"examen.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Khảo: khảo thí, xem xét cho biết hơn kém.

    Trường khảo tức là Trường khảo thí, là trường thi, là nơi diễn ra cuộc thi cử để chấm thi đậu hay rớt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đức Chí Tôn có dạy rằng: "Cuộc đời khó khăn tỷ như bài thi. Nếu dễ thì ai thi cũng đậu, cuộc thi có ý vị gì đâu! Hễ bài càng khó thì đậu càng cao, đậu cao mới ra có giá. Thầy tưởng nơi thế gian nầy có đứa con nào Thầy cưng trọng hơn hết thì là các con, nhưng mà chẳng lẽ Thầy làm giám khảo, lại cấp nấp bài thi lén đưa cho mỗi đứa, thì cái đậu của các con có ra chi!"

  • Trường lưu

    Trường lưu

    長流

    A: To flow eternally.

    P: Couler éternellement.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Lưu: dòng nước chảy.

    Trường lưu là dòng nước chảy hoài không dứt.

    Kinh Phật Giáo: Đạo pháp trường lưu, khai cửu thập nhị tào....

  • Trường náo nhiệt

    Trường náo nhiệt

    場鬧熱

    A: The field of action.

    P: Le champ de l"action.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Náo nhiệt: ồn ào sôi nổi hoạt động.

    Trường náo nhiệt là trường đời, là nơi có đông người hoạt động để tranh đấu giành giựt nhau về danh và lợi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Rốt cuộc lại thì một trường náo nhiệt làm cho tánh mạng của chúng nó vì đó mà phải bỏ liều.

  • Trường sanh bất tử

    Trường sanh bất tử

    長生不死

    A: The immortality.

    P: L"immortalité.

    Trường: Dài, lâu dài, xa, hay giỏi. Sanh: sống. Bất tử: không chết.

    Trường sanh bất tử là sống hoài không chết.

    Thuốc Trường sanh: theo truyện Thần Tiên, đây là loại thuốc uống vào thì sống mãi không già, không chết.

    Con người nhận thấy khi chết thì rất đau khổ và mất tất cả, nên rất sợ chết, muốn sống hoài đặng hưởng thụ ngôi cao lộc cả, nhưng lịch sử cho thấy có ai làm được việc ấy.

    Vua Tần Thủy Hoàng nổi tiếng là người muốn trường sanh, dùng uy quyền của một bạo chúa bắt buộc các Đạo sĩ phải đi tìm cho được thuốc trường sanh đem về, nhưng vô ích thôi, vì trên cõi trần gian nầy, không bao giờ có thuốc trường sanh. Hễ có sanh ắt phải có tử, đó là qui luật của Trời Đất, là chơn lý tiến hóa của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Mọi vật trong Càn Khôn Vũ Trụ phải chịu qui luật: Thành, Trụ, Hoại, Không. Có sanh ra ắt phải có tử, tử rồi để được sanh ra trong một kiếp sống mới tiến hóa hơn, tốt đẹp hơn, nếu như trong kiếp sanh làm được nhiều việc lương thiện tốt đẹp.

    Dù có sống lâu như ông Bành Tổ, nhưng ông được 800 tuổi thì cũng phải chết, để cho thân xác già nua bịnh tật nầy trả về cho cát bụi, linh hồn tiến hóa sẽ được nhập vào một xác thân mới tốt đẹp hơn.

    Đừng bao giờ mơ mộng hảo huyền rằng, có thứ thuốc trường sanh, uống vào thì thân thể bằng xương bằng thịt nầy sẽ được trường sanh bất tử.

    Chỉ có đời sống của con người nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống mới được trường sanh bất tử, vì nơi đó, con người không có xác thân vật chất phàm trần, mà có xác thân thiêng liêng gọi là chơn thần, được Đức Phật Mẫu tạo nên bởi các nguyên chất của Kim Bàn.

    Cho nên, muốn được trường sanh bất tử, con người phải tu hành để thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử nơi cõi trần, linh hồn được lên sống nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

  • Trường sanh địa

    Trường sanh địa

    場生地

    A: The country of immortals.

    P: Le pays des immortels.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Sanh: sống. Địa: đất, cõi.

    Trường sanh địa là cõi mà con người sống nơi đó được trường sanh bất tử. Đó là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, mà Thánh giáo gọi là Thiên đường, Tiên giáo gọi là cõi Bồng Lai, Phật giáo gọi là cõi Niết Bàn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Muốn đi cho tận trường sanh địa,
    Phải đổi giày sen lấy thảo hài.
  • Trường thế sự

    Trường thế sự

    場世事

    A: The field of action of the life.

    P: Le champ d"action de la vie.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Thế: đời. Thế sự: việc đời.

    Trường thế sự là trường đời, nơi diễn ra các hoạt động sôi nổi của con người trong xã hội.

    Kinh Ði Ra Ðường:
    Thân vận động trong trường thế sự,
    Đạo nhơn luân cư xử cùng đời.
  • Trường thi công quả

    Trường thi công quả

    場試功果

    A: The examination place of the merits.

    P: Le lieu de l"examen des mérites.

    Trường: Cái sân, khoảng đất rộng dùng làm nơi tụ họp đông người. Thi: thi cử, tuyển chọn bằng một kỳ thi.

    Công quả là tất cả những việc làm thí công, giúp người giúp đời, phụng sự đạo pháp, trong phạm vi nhỏ hay phạm vi lớn, tạo ra những kết quả tốt đẹp nơi cõi thiêng liêng.

    Trường thi công quả là một cái trường mở ra các kỳ thi tuyển mà môn thi là công quả. Nếu thí sinh nào đậu thì đắc đạo, tức là được ban cho các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, tùy theo điểm đậu cao hay thấp.

    Chúng ta lưu ý rằng, cái trường thi nầy chỉ mở ra thi môn công quả, chớ không thi môn nào khác. Cho nên muốn đậu nơi trường nầy thì phải lo học môn công quả.

    Sở dĩ trường nầy chỉ thi có một môn công quả, bởi vì đây là thời kỳ sau rốt, Đức Chí Tôn đại khai ân xá cho các đẳng nhơn sanh, chỉ lo làm công quả là đắc đạo, khỏi phải lo học các môn thi khác.

    Đức Chí Tôn đã nhiều lần dạy dỗ nhơn sanh, nhắc đi nhắc lại chỉ có môn thi là công quả, kỳ nầy đắc đạo cùng chăng là do công quả, chớ không phải do luyện đạo trong nhà tịnh.

    Sau đây, xin trích ra những đoạn trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển mà Đức Chí Tôn dạy: một Trường thi Công quả:

    1. Người dưới thế nầy, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc đạo, phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ. (Bài 17)

    2. Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi. (Bài 24)

    3. Ấy vậy, Đại Đạo Tam Kỳ chẳng khác chi một trường thi công quả. Nếu biết ăn năn trở bước lại con đường sáng sủa, giồi tâm trau đức, đặng đến hội diện cùng Thầy thì mới đạt đặng địa vị thanh cao trong buổi chung qui đó. (Bài 48)

    4. Trong các con, có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong, thì không thế nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao. (Bài 108)

    5. Đạo Trời soi gương rạng, khá biết tỉnh mộng hồn, kiếp sanh chẳng bao lâu, đừng đợi đến ngày cùng tận. Nơi trường thi công quả, nên cân lấy phước phần, chẳng sớm trau thân, rừng chiều ác xế. (Bài 110)

    6. Những Đạo hữu nào không vì hạnh đức mà chung hiệp nhau lo hành chánh giáo thì đã có Thần, Thánh lãnh lịnh biên ghi vào Sổ công quả, đợi ngày chung qui đặng đem vào cân Thiên điều mà phán đoán. (Bài 120)

    Vinh hoa phẩm cũ ngôi xưa đó,
    Khổ cực các con chớ bỏ trường.

    Chúng ta đã thấy, qua Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài là lập một trường thi công quả cho nhơn sanh đắc đạo.

    Vậy muốn đắc đạo thì nhơn sanh phải có công quả.

    Đồng thời, Đức Chí Tôn rầy người lo luyện đạo là tu sái đường, bởi vì đắc đạo kỳ nầy là do công quả chớ không phải do luyện đạo.

    Chúng ta là những môn đệ của Đức Chí Tôn, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào những lời dạy bảo của Đức Chí Tôn là hoàn toàn đúng đắn và chơn thật.

    Những bậc đạo tâm trí thức cần phải suy nghĩ thật kỹ trên bước đường tu hành, đừng vì cái hư danh có được nơi trường đời mà nuôi lòng hám vọng trong cửa Đạo, muốn vượt nhanh, qua mặt các bực tiền bối đạo cao đức trọng mà đi vào con đường luyện đạo, tham thiền nhập định, luyện Tinh Khí Thần hiệp nhứt, trong vài ba năm thì đạt được trí huệ, đắc đạo tại thế thành bực Thánh Tiên, để đứng ra lãnh đạo và hướng đạo nhơn sanh.

    Chắc chắn quí vị không thể đạt được mục tiêu nầy, bởi vì cái hám vọng lớn lao của quí vị làm hại quí vị, quí vị thiếu công quả, tu sai đường, luyện thi lạc nẻo. Muốn tiến mau để đạt địa vị cao thượng, mà rốt cuộc lại là đi sái đường, uổng một kiếp sanh và phải bắt đầu trở lại.

    Người có kiến thức cao chừng nào thì thường khó đạt được trí huệ vì thường hay cố chấp cái kiến thức của mình, khó vượt khỏi văn tự. Như Đại Sư Thần Tú là người làu thông kinh sách Tam giáo, thế mà không đạt được trí huệ. Muốn đạt được trí huệ thì phải biết quên hết các kiến thức chữ nghĩa ấy đi.

    Trong lúc đó, Huệ Năng là một tiều phu, dốt không biết chữ, lại lo làm công quả giã gạo nơi nhà bếp, mà lại đạt được trí huệ. Cho nên, cái trí huệ không phải do học cao có nhiều bằng cấp hay có chức vụ lớn ở ngoài đời mới đạt được, mà kẻ dốt nát thì không đạt được. Cái quan niệm sai lầm nầy là một chướng ngại lớn lao làm cho người tu không tiến hóa được.

  • Trường tồn

    Trường tồn

    長存

    A: To perpetuate.

    P: Perpétuer.

    Trường: Dài, lâu dài, xa, hay giỏi. Tồn: còn.

    Trường tồn là giữ được lâu dài.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Chưởng đào Tiên thủ giải trường tồn.

  • Trường trai

    Trường trai

    長齋

    A: The long fast.

    P: Le long jeûne.

    Trường: Dài, lâu dài, xa, hay giỏi. Trai: ăn chay.

    Trường trai là ăn chay trường, tức là ăn chay hoài suốt tháng suốt năm. (Xem chi tiết nơi chữ: Ăn chay, vần Ă)

    Có câu: Nhứt tử trì trai, thiên Phật hỷ. Nghĩa là: một người giữ được sự ăn chay thì ngàn vị Phật vui mừng.

  • Trường Xuân

    Trường Xuân

    長春

    A: The Eternal Spring.

    P: Le Printemps Éternel.

    Trường: Dài, lâu dài, xa, hay giỏi. Xuân: mùa Xuân.

    Trường xuân là mùa xuân lâu dài, ý nói: trẻ mãi không già, trường xuân bất lão.

    Trường Xuân có một nghĩa đặc biệt là chỉ Đức Chí Tôn.

    Trong dân chúng, khi chúc thọ nhau thì chúc: Bách tuế, sống lâu trăm tuổi. Đối với hàng quan lại thì chúc là Thiên tuế (ngàn tuổi).

    Đối với ông vua thì các quan chúc vua Vạn tuế (muôn tuổi).

    Cho nên, đối với Trời là Đấng Thượng Đế, thì dùng từ ngữ: Trường Xuân. Trường Xuân thì không có giới hạn như Vạn tuế, vì Đấng ấy vô thủy vô chung.

    Bài Dâng Rượu: Thành kỉnh Trường Xuân chước tửu quỳnh.

  • TRƯỞNG

    TRƯỞNG

    TRƯỞNG: 長 Lớn, cả, đứng đầu, lớn lên.

    Thí dụ: Trưởng huynh, Trưởng tử.

  • Trưởng huynh

    Trưởng huynh

    長兄

    A: The elder brother.

    P: Le frère aîné.

    Trưởng: Lớn, cả, đứng đầu, lớn lên. Huynh: anh.

    Trưởng huynh là anh cả.

    Thông thường, Trưởng huynh đồng nghĩa: Đại huynh, Đại ca, nghĩa là Anh cả.

  • Trưởng lão

    Trưởng lão

    長老

    A: Patriarch.

    P: Le patriarche.

    Trưởng: Lớn, cả, đứng đầu, lớn lên. Lão: già cả.

    Trưởng lão là người già cả có uy tín trong làng.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Bàn Trị Sự, nên chọn cử hạng người có tài đức, bất luận là hạng thanh niên hay là bậc trưởng lão, miễn vị ấy đặng phần đông tín nhiệm là đủ.

  • Trưởng nam - Trưởng nữ - Trưởng tử

    Trưởng nam - Trưởng nữ - Trưởng tử

    長男 - 長女 - 長子

    A: Eldest son - Eldest daughter.

    P: Fils aîné - Fille aînée.

    Trưởng: Lớn, cả, đứng đầu, lớn lên. Nam: con trai. Nữ: con gái. Tử: con, ý nói con trai.

    Trưởng nam, đồng nghĩa Trưởng tử: con trai cả.

    Trưởng nữ: con gái cả, con gái đầu lòng.

    Trưởng tử kế thừa: con trai cả mới được kế thừa tài sản của cha mẹ để lại. Đây là quan niệm của thời xưa, không còn thích hợp với ngày nay.

  • Trưởng thành

    Trưởng thành

    長成

    A: Adult.

    P: Adulte.

    Trưởng: Lớn, cả, đứng đầu, lớn lên. Thành: nên.

    Trưởng thành là lớn lên thành người lớn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy lấy đức háo sanh mà dìu dắt các con, chẳng khác nào như kẻ làm cha nưng niu dạy dỗ một trẻ bé, trông cho nó mau trưởng thành, hầu lưu danh truyền nghiệp....

  • Trưởng thượng

    Trưởng thượng

    長上

    A: The superiors.

    P: Les supérieurs.

    Trưởng: Lớn, cả, đứng đầu, lớn lên. Thượng: trên.

    Trưởng thượng là những vị thuộc bực bề trên.

  • TRƯỢNG

    TRƯỢNG

    1. TRƯỢNG: 丈 - Tiếng tôn xưng người lớn tuổi: Cụ, - chỉ người chồng.

    Thí dụ: Trượng nhân, Trượng phu.

    2. TRƯỢNG: 仗 Dựa vào, nhờ vào, làm, coi trọng.

    Thí dụ: Trượng nghĩa, Trượng tiết.

  • Trượng khinh

    Trượng khinh

    仗輕

    A: Heavy and slight.

    P: Lourd et léger.

    Trượng: Dựa vào, nhờ vào, làm, coi trọng. Khinh: xem nhẹ, coi rẻ.

    Trượng khinh là coi trọng và xem thường.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khá phân biệt trượng khinh mà gìn giữ kẻo bị tà tâm rối loạn.

  • Trượng nghĩa khinh tài

    Trượng nghĩa khinh tài

    仗義輕財

    Trượng: Dựa vào, nhờ vào, làm, coi trọng. Nghĩa: điều phải. Khinh: coi rẻ. Tài: tiền.

    Trượng nghĩa khinh tài: làm điều nghĩa, coi rẻ tiền bạc.

    Trượng nghĩa đồng nghĩa: Trọng nghĩa, vì coi trọng điều nghĩa mới lo làm điều nghĩa.

  • Trượng nhân

    Trượng nhân

    丈人

    A: Father in law.

    P: Beau père.

    Trượng: - Tiếng tôn xưng người lớn tuổi: Cụ, - chỉ người chồng. Nhân: người.

    . Trượng nhân là cụ già, cũng gọi là Lão trượng.

    . Trượng nhân là chỉ cha vợ (Nhạc phụ).

    . Mẹ vợ thì gọi là Trượng mẫu (Nhạc mẫu).

  • Trượng nhân lý nghĩa

    Trượng nhân lý nghĩa

    仗仁履義

    Trượng: Dựa vào, nhờ vào, làm, coi trọng. Nhân: lòng nhân từ. Lý: thực hiện.

    Trượng nhân lý nghĩa là làm điều nhân, thực hiện điều nghĩa. Ý nói người có lòng nhơn đức và nghĩa hiệp.

  • Trượng phu

    Trượng phu

    丈夫

    A: Virtuous man.

    P: L"homme vertueux.

    Trượng: - Tiếng tôn xưng người lớn tuổi: Cụ, - chỉ người chồng. Phu: đàn ông, chồng.

    Chữ Trượng phu có các nghĩa sau đây:

    .Trượng phu là chỉ chung đàn ông con trai.

    .Trượng phu là người đàn ông tài giỏi, có chí khí.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Năng mến đạo mầu chí trượng phu.

    .Trượng phu là tiếng vợ gọi chồng.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Trượng phu hà hải đã đành,
    Nỡ nào để thiếp một mình tương tư.

    Đại Trượng phu: Mạnh Tử gọi người Quân tử là Đại Trượng phu hay Đại nhân.

    Sách Mạnh Tử có viết rằng:

    Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo.
    Đắc chí dữ dân do chi, bất đắc chí độc hành kỳ đạo,
    Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di,
    Uy vũ bất năng khuất, thử chi vị Đại Trượng phu.

    Nghĩa là:

    Ở cái chỗ rộng trong thiên hạ, đứng giữa cái ngôi chính trong thiên hạ, đi con đường lớn trong thiên hạ.
    Lúc đắc chí thì cùng với dân mà theo đạo, không đắc chí thì một mình mình theo đạo,
    Giàu sang không làm cho phóng túng xa xỉ, nghèo hèn không làm cho thay đổi cái chí của mình,
    Uy quyền và võ lực không thể làm cho mình khuất phục, ấy thế mới gọi là Đại Trượng phu.
  • Trượng thế khi nhân

    Trượng thế khi nhân

    仗勢欺人

    Trượng: Dựa vào, nhờ vào, làm, coi trọng. Thế: thế lực. Khi: lừa dối, ức hiếp.

    Trượng thế khi nhân là cậy thế hiếp người.

  • Trượng tiết

    Trượng tiết

    仗節

    A: To depend upon the firmness.

    P: Compter sur la fermeté.

    Trượng: Dựa vào, nhờ vào, làm, coi trọng. Tiết: lòng cứng cỏi không chịu khuất.

    Trượng tiết là coi trọng tiết hạnh của mình.

    Kinh Sám Hối: Gái trong sạch, nữ nhi trượng tiết.

  • Trừu tượng

    Trừu tượng

    抽象

    A: Abstraction, abstract.

    P: L"abstraction, abstrait.

    Trừu: rút ra. Tượng: có hình dạng cụ thể.

    Trừu tượng là không có hình tượng, vô hình.

    Trừu tượng là rút ra từ cái hình tượng cụ thể, mà tạo thành cái tượng ở trong ý thức. Do đó, trừu tượng là chỉ cái gì không có hình thể, tách ra khỏi sự vật cụ thể.

    Danh từ trừu tượng: những tiếng chỉ về phẩm chất, tính cách của sự vật, tình cảm, những cái có thể tưởng tượng ra chớ không thể sờ mó được, như: lành, dữ, tốt, xấu, thương, yêu, giận, ghét, nhân, nghĩa....