Cao Đài Tự Điển - Vần TH
ID019673 - dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần TH 🖶 Print this dictionary
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • THA

    THA

    1. THA: 他 Khác, người khác, cái khác.

    Thí dụ: Tha hóa, Tha hương, Tha lực.

    2. THA: (nôm) Thả ra, không bắt tội.

    Thí dụ: Tha quả vong căn, Tha tiền khiên.

  • Tha hóa

    Tha hóa

    他化

    A: To become depraved.

    P: Devenir dépravé.

    Tha: Khác, người khác, cái khác. Hoá: biến thành.

    Tha hóa là biến đổi khác với bản chất tốt đẹp thuở trước, biến đổi từ người tốt trở thành kẻ xấu.

  • Tha hương lữ thứ

    Tha hương lữ thứ

    他鄉旅次

    A: The foreign country.

    P: Le pays étranger.

    Tha: Khác, người khác, cái khác. Hương: quê hương, quê nhà. Lữ: đi xa nhà. Thứ: nhà trọ, chỗ trọ.

    Tha hương là quê hương khác, không phải quê hương của mình. Lữ thứ là quán trọ của những người đi xa nhà.

    Tha hương lữ thứ là chỉ những người sống xa quê hương, không người thân thích, ở tạm trong các quán trọ bên đường.

  • Tha lực

    Tha lực

    他力

    A: The strenght of another.

    P: La force de l"autrui.

    Tha: Khác, người khác, cái khác. Lực: sức.

    Tha lực là sức mạnh của người khác.

    Sức mạnh của chính mình là Tự lực.

    Cầu nguyện là cầu xin tha lực của các Đấng thiêng liêng hộ trì trên bước đường tu hành.

    Pháp môn niệm Lục tự Di-Đà của Tịnh Độ Tông Phật giáo rất chú trọng Tha lực, gồm có sức mạnh của lời nguyện của Đức Phật A-Di-Đà, nguyện tiếp dẫn những chúng sanh nào thường xuyên niệm danh hiệu của Ngài, niệm đến chỗ nhứt tâm không loạn, thì khi lâm chung sẽ được sức mạnh của lời nguyện đó tiếp dẫn về cõi Cực Lạc Thế giới, nơi mà Đức Phật A-Di-Đà đang giáo hóa. Ngoài ra còn có Tha lực hộ trì của Đức Phật Thích Ca, vì Phật đã giảng Kinh A-Di-Đà và đề xướng phép tu niệm Phật nầy, đồng thời cũng có sức mạnh hộ trì của các Đức Phật khác trong mười phương.

  • Tha phương

    Tha phương

    他方

    A: The foreign region.

    P: La région étrangère.

    Tha: Khác, người khác, cái khác. Phương: địa phương.

    Tha phương là địa phương khác, cách xa quê hương mình.

    Tha phương cầu thực: đi kiếm ăn ở phương khác.

    Hành đạo tha phương: đi làm đạo ở một địa phương khác, không phải nơi quê hương của mình.

    Bát Ðạo Nghị Ðịnh: Chánh Thái Phối Sư đặng quyền cầu xin Chức sắc hành đạo tha phương, song tại nơi người điều độ,...

  • Tha quả vong căn

    Tha quả vong căn

    Tha: (nôm) Thả ra, không bắt tội. Quả: kết quả, cái kết quả xấu do cái nhân xấu gây ra từ kiếp trước. Vong: quên. Căn: gốc rễ.

    Căn quả: tội lỗi trong kiếp trước là gốc rễ của những quả báo xấu xảy ra trong kiếp hiện tại như tật bịnh, tai ương.

    Tha quả vong căn là tha thứ và quên đi cái căn quả xấu nơi kiếp sống trước.

    Kinh cầu Tổ Phụ đã qui liễu: Cõi Diêm cung tha quả vong căn.

  • Tha tiền khiên trước

    Tha tiền khiên trước

    A: To pardon the anterior sins.

    P: Pardonner les péchés antérieurs.

    Tha: (nôm) Thả ra, không bắt tội. Tiền: trước. Khiên: tội lỗi.

    Tiền khiên là tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống trước.

    Tha tiền khiên trước là tha thứ những tội lỗi đã gây ra trong kiếp trước. Nếu được tha thứ thì kiếp sống nầy khỏi phải chịu những quả báo xấu.

    Tha tiền khiên trước đồng nghĩa: Tha quả vong căn.

    Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu: Ơn Tạo Hóa tha tiền khiên trước.

  • THÁC

    THÁC

    1. THÁC: 託 Gởi, nhờ, giả làm, mượn cớ.

    Thí dụ: Thác bệnh, Thác cô ký mệnh.

    2. THÁC: 托 Lấy tay nâng vật.

    Thí dụ: Thác địa.

    3. THÁC: (nôm) Chết.

    Thí dụ: Thác oan, Thác sanh.

  • Thác bệnh

    Thác bệnh

    託病

    A: To pretext the illness.

    P: Prétexter la maladie.

    Thác: Gởi, nhờ, giả làm, mượn cớ. Bệnh: đau ốm.

    Thác bịnh là mượn cớ có bịnh để từ chối.

  • Thác cô ký mệnh

    Thác cô ký mệnh

    託孤寄命

    Thác: Gởi, nhờ, giả làm, mượn cớ. Cô: con mồ côi. Ký: gởi. Mệnh: mạng lịnh.

    Thác cô ký mệnh là gởi lại đứa con mồ côi và trao cho mạng lịnh.

    Ý nói: Lời của người cha sắp chết gởi gấm đứa con côi lại cho người tin cậy và trao cho những yêu cầu quan trọng.

  • Thác địa

    Thác địa

    托地

    A: To raise the earth.

    P: Soulever la terre.

    Thác: Lấy tay nâng vật. Địa: đất.

    Thác địa là nâng đỡ giềng đất.

    Kinh Phật Giáo: Hóa kiếm thành xích nhi tam phân thác địa.

  • Thác oan

    Thác oan

    A: To die injustly.

    P: Mourir injustement.

    Thác: (nôm) Chết. Oan: không đúng.

    Thác oan là chết không đúng số, chưa tới số chết mà bị chết. Thường thì sự thác oan là do tai nạn, chết thình lình.

  • Thác sanh - Thác thai

    Thác sanh - Thác thai

    託生 - 託胎

    A: To reincarnate.

    P: Réincarner.

    Thác: Gởi, nhờ, giả làm, mượn cớ. Sanh: sanh ra. Thai: cái thai trong bụng mẹ.

    Thác sanh, đồng nghĩa Thác thai, là gởi vào bào thai trong bụng mẹ để được sanh ra làm người nơi cõi trần.

    Thác sanh hay Thác thai là nói về một chơn hồn đi đầu thai làm người nơi cõi trần.

  • THẠCH

    THẠCH

    THẠCH: 石 Đá, bền vững như đá.

    Thí dụ: Thạch động, Thạch giao.

  • Thạch động

    Thạch động

    石洞

    A: Stone cavern.

    P: La caverne.

    Thạch: Đá, bền vững như đá. Động: hang.

    Thạch động là hang đá.

  • Thạch giao

    Thạch giao

    石交

    A: The stable freindship.

    P: L"amitié stable.

    Thạch: Đá, bền vững như đá. Giao: làm bạn với nhau.

    Thạch giao là tình bạn vững bền như đá.

  • Thạch Sùng - Vương Khải

    Thạch Sùng - Vương Khải

    石崇 - 王凱

    Thạch Sùng, người ở Thanh Châu đời Tây Tấn, tên chữ là Quí Luân, hiệu là Tề Nô, thuở nhỏ có tư chất thông minh, nhiều mưu trí. Thân phụ là Thạch Bào, lúc gần chết, chia gia tài cho các con thì Thạch Sùng được phần ít nhất. Bà vợ thấy vậy hỏi chồng: - Tại sao không chia đều cho các con?

    Thạch Bào đáp:

    - Tuy bây giờ chia cho nó ít, nhưng ngày sau nó sẽ giàu hơn mấy đứa kia gấp bội.

    Thạch Sùng lớn lên, được bổ làm quan Tu Vũ Lệnh, rồi sau đổi ra làm Thái Thú Dương Thành. Nhân vì có công đánh nước Ngô nên được vua phong làm An Dương Hầu.

    Vua Tấn Vũ Đế thấy Thạch Sùng có tài, cho làm Thứ Sử Kinh Châu. Lúc ở Kinh Châu, Thạch Sùng tư thông với lũ cường đạo, cướp của những người đi buôn, nên chẳng bao lâu, Thạch Sùng trở nên đại phú. Về sau, Thạch Sùng được thăng Thái Bộc và Vệ Úy.

    Thạch Sùng cất một biệt thự rất tráng lệ ở Lũng Kim Cốc, thường hội họp bạn bè ở đây để ăn nhậu chơi bời.

    Càng ngày Thạch Sùng càng giàu có, xây cất lầu các nguy nga, giăng toàn gấm vóc, đồ trân quí nhiều không kể hết, tài sản to lớn, thiên hạ vô song.

    Thời bấy giờ có quan Hậu Tướng Quân là Vương Khải, em của Hoàng Hậu, nhà cũng rất giàu, xa xỉ vào bậc nhất.

    Một hôm, Vương Khải và Thạch Sùng cạnh tranh nhau về sự giàu có. Vương Khải nói:

    - Tôi lấy đường làm tro.

    Thạch Sùng lại nói:

    - Tôi lấy nến làm củi.

    Vua nghe vậy liền phán:

    - Lời nói không lấy gì làm bằng, muốn biết ai hơn kém thì phải lấy những thứ quí nhứt đem ra, hễ ai nhiều thì được.

    Vương Khải bèn lấy trướng lụa đem ra trải đường được 40 dặm. Thạch Sùng cũng đem trướng lụa ra trải, dài được 50 dặm. Thế là Thạch Sùng thắng Vương Khải một keo.

    Vương Khải lại dùng phấn đá đỏ quét vôi nhà. Thạch Sùng lại dùng hồ tiêu.

    Các quan trong triều thấy Thạch Sùng đều hơn nên rất khen ngợi. Vua thấy Vương Khải kém thế nên tặng cho Vương Khải một cây san hô cao hai thước. Vương Khải liền đem cây san hô ra thi. Thạch Sùng liền lấy cây Ngọc Như Ý đập cây san hô ấy vỡ tan. Vương Khải cả giận nói:

    - Túc hạ không có của quí như thế mà đem thi, nên mới đập cây san hô của tôi, vậy phải tính sao mới được?

    Thạch Sùng vội đáp:

    - Xin Ngài đừng vội giận, tôi xin đền cây khác lớn hơn.

    Nói rồi xin trở về nhà đem đến bốn cây san hô đều cao bốn thước, sáng rực, lấy một cây đền cho Vương Khải.

    Các bạn hai bên đều xin hòa, ai trở về nhà nấy.

    Vua Tấn Vũ Đế chết, Thái tử lên nối ngôi, tức là Tấn Huệ Đế. Vua nhu nhược nên quyền hành về tay Thân Vương. Sau Giả Hậu mưu giết Thái Hậu và các Thân Vương mà tranh quyền, thành ra một cuộc nội loạn.

    Có một Thân Vương là Triệu Vương Tư Mã Luân, lừa đem quân vào cung, bắt vua Huệ Đế phải bỏ Giả Hậu, rồi bắt Giả Hậu giết đi, bình được mối loạn Giả Hậu, nắm giữ binh quyền. Tư Mã Luân làm Tướng Quốc, tin dùng một đưa gia thần là Tôn Tú.

    Tôn Tú nghe nói Thạch Sùng có nàng ái cơ tên là Lục Châu, nhan sắc xinh đẹp lạ thường, lại thêm cầm kỳ thi họa đều giỏi, múa hát rất hay, vẫn được Thạch Sùng yêu mến, để ở riêng trên lầu Kim Cốc. Tôn Tú lập tức sai sứ đến bắt.

    Khi sứ đến, Thạch Sùng ra tiếp. Sứ nói:

    - Tôi được lệnh đến đây bắt nàng Lục Châu. Xin Ngài đưa Lục Châu ra đây tôi rước về dâng cho Tướng Quốc.

    Thạch Sùng đáp:

    - Không được, Lục Châu là ái cơ của ta, dẫu thế nào cũng không cho bắt được.

    - Quân hầu am hiểu sự đời, sao không nhận rõ thời thế hiện nay, nếu cưỡng lại ắt có vạ to. Quân hầu nên nghĩ lại.

    Thạch Sùng nhứt định không nghe. Sứ phải trở về báo lại với Tôn Tú. Tôn Tú cả giận, vào bẩm với Tư Mã Luân:

    - Thạch Sùng có ý phản, ỷ thế giàu có âm mưu làm loạn, nếu bây giờ không trừ, sau hối không kịp.

    Tướng Quốc Tư Mã Luân nói:

    - Nếu thế thì cứ bắt nó giết đi.

    Tôn Tú được lịnh, đem 200 quân đến vây nhà Thạch Sùng. Thạch Sùng đang ở trên lầu với nàng Lục Châu, thấy quân kéo kến đồng hô lên rằng:

    - Có lịnh bắt Thạch Đại nhân, xin Ngài xuống lầu ngay.

    Thạch Sùng cả sợ nói:

    - Tôi vì nàng mà bị tội, không rõ họ bắt tôi đem đi đâu?

    Lục Châu khóc thưa rằng:

    - Quân hầu đã vì thiếp mà phải tội thì thiếp cũng vì Quân hầu mà chết. Thiếp xin chết trước chớ mặt nào lại vào cửa khác để nhục đến Quân hầu.

    Nói rồi nàng nhảy từ lầu cao xuống đất tự tử.

    Bọn lính vào bắt Thạch Sùng đưa ra pháp trường.

    Biết mình phải chết, Thạch Sùng khóc mà than rằng:

    - Không biết gia tài của tôi sẽ vào tay ai?

    Quan Giám sát nói:

    - Đã biết tiền của và gái đẹp hay làm họa cho người, sao không tính đi từ trước?

    Thạch Sùng bị chém chết, gia sản bị tịch thu.

    Tương truyền, Thạch Sùng chết uất ức, khí uất không tan hóa thành con thằn lằn, cứ tắc lưỡi như tiếc của hoài. Vì vậy con thằn lằn được gọi là con Thạch sùng.

    Cũng có sách khác chép rằng:

    Vương Khải và Thạch Sùng tổ chức đấu phú với nhau trước mặt vua và bá quan, giao kết nếu ai thua thì phải giao gia sản cho người thắng cuộc. Hai người cùng đem của quí ra, nhưng đều bằng nhau. Cuối cùng Vương Khải đem ra cái nồi đất. Thạch Sùng tìm mãi trong kho không có món nầy nên phải chịu thua cuộc. Thạch Sùng bị mất hết của cải, nên rất tức tối, buồn rấu sanh bịnh mà chết. Hồn uất ức không tan, hóa thành con thằn lằn tắc lưỡi tiếc của.

    Thơ của Đức Lý Thái bạch:

    Vương Khải đồn rân nghe nghĩ thiệt,
    Thạch Sùng tiếng dậy tưởng thêm càng.

    Trong bài phú Giác Mê Khải Ngộ, Đức Lý viết:

    Kìa Bá Di Thúc Tề mượn cảnh không, mà dứt rồi mối tệ,
    Nọ Thạch Sùng Vương Khải cũng danh tiếng, ai có kể ra gì.
    Khách lánh trần sẵn đuốc Tạo Hóa kíp lần đi,
    Đường chánh đạo hiệu vô vi cứu khổ.
  • Thạch thất - Thạch xá

    Thạch thất - Thạch xá

    石室 - 石舍

    A: The stone house.

    P: La maison en pierre.

    Thạch: Đá, bền vững như đá. Thất: nhà. Xá: cái nhà nhỏ.

    Thạch thất, đồng nghĩa thạch xá, là ngôi nhà bằng đá.

    Kinh Ðệ Thất cửu
    Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo Hóa,
    Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi.
  • Thạch tượng

    Thạch tượng

    石像

    A: The stone statue.

    P: La statue en pierre.

    Thạch: Đá, bền vững như đá. Tượng: hình tượng của người hay vật.

    Thạch tượng là tượng bằng đá.

    Thí dụ như: Tượng Phật làm bằng đá, Tượng sư tử đá.

  • Thài - Bài thài

    Thài - Bài thài

    A: To declaim slowly.

    P: Déclamer lentement.

    Thài: ngâm từng chữ của bài kinh với giọng ngân kéo dài theo điệu nhạc Đảo Ngũ Cung.

    Bài thài: bài kinh để đồng nhi thài.

    Khi cúng Đức Chí Tôn, hay Đức Phật Mẫu, đại đàn hay tiểu đàn, đồng nhi thài ba bài Dâng Tam bửu: bài Dâng hoa, bài Dâng rượu và bài Dâng trà. Trong lúc đồng nhi thài thì Lễ sĩ đi điện lễ, dâng phẩm vật cúng từ ngoại nghi vào nội nghi với cách đi đặc biệt, chân bước theo hình chữ Tâm, nhún theo điệu nhạc Đảo Ngũ Cung.

    Trong Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Báo Ân Từ hằng năm, các Giáo nhi đứng hầu hai bên bàn lễ, thài các bài hiến lễ Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương và thài ba bài hiến lễ Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh, tổng cộng 13 bài thài, thài ba hiệp: hiệp đầu là Dâng hoa, hiệp kế là Dâng rượu và hiệp chót là Dâng trà. Trong Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, không có Lễ sĩ dâng phẩm vật. Hoa thì được đặt sẵn trên bàn lễ, khi dâng rượu thì Chức sắc Hiệp Thiên Đài lên rót rượu, khi dâng trà thì Chức sắc Hiệp Thiên Đài lên rót trà.

    Trong Tang lễ, dâng hương, dâng hoa, rượu và trà, các Lễ sĩ đi điện dâng lên, trong lúc đồng nhi thài các bài thài tương ứng, giọng thài chậm, kéo dài nghe rất bi ai.

  • THÁI

    THÁI

    1. THÁI: 太 Lớn, rất, cả, tuyệt cao.

    Thí dụ: Thái Âm, Thái cổ, Thái thậm.

    2. THÁI: 態 Hình trạng, dáng điệu.

    Thí dụ: Thái độ.

    3. THÁI: 泰 còn đọc THỚI: thạnh, an vui.

    Thí dụ: Thái lai, Thái tây.

  • Thái Âm - Thái Dương

    Thái Âm - Thái Dương

    太陰 - 太陽

    A: The moon - The sun.

    P: La lune - Le soleil.

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Âm: khí Âm. Dương: khí Dương.

    Khi Thái Cực phân ra Lưỡng Nghi, rồi Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng thì Tứ Tượng gồm: Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm và Thiếu Âm.

    Thông thường, Thái Âm là chỉ Mặt trăng; Thái Dương là chỉ mặt trời.

    Thái Âm Tinh Quân là vị Tiên cai quản mặt trăng.

    Khai Kinh: Ánh Thái dương giọi trước phương đông.

  • Thái Ất Thiên Tôn

    Thái Ất Thiên Tôn

    太乙天尊

    Thái Ất Thiên Tôn là một vị Đại Tiên, học trò của Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn vào thời Phong Thần Trung hoa.

    Theo truyện Phong Thần, Thái Ất Thiên Tôn cho Linh Châu Tử đầu thai xuống trần làm con của Lý Tịnh, đặt tên là Na Tra, để lớn lên ra giúp Khương Thượng Tử Nha phò nhà Châu, diệt nhà Trụ, lập Bảng Phong Thần.

    Kinh Cầu Siêu:
    Cứu khổ nàn Thái Ất Thiên Tôn,
    Miền Âm cảnh ngục môn khai giải.
  • Thái Bạch Kim Tinh - Thái Bạch Trường Canh

    Thái Bạch Kim Tinh - Thái Bạch Trường Canh

    太白金星 - 太白長庚

    Sao Thái Bạch được gọi là Sao Kim hay Kim Tinh, cũng được gọi là Sao Trường Canh.

    Thái Bạch Kim Tinh hay Thái Bạch Trường Canh đều đồng nghĩa, nói tắt là Thái Bạch, đó là một vị Tinh Quân cai quản ngôi sao Thái Bạch. Vị Tinh Quân nầy giáng trần vào thời nhà Đường bên Tàu. Bà mẹ có thai nằm mộng thấy sao Thái Bạch rơi vào lòng bà, sau đó bà sanh ra đứa con trai, đặt tên là Lý Thái Bạch. (Xem tiểu sử nơi chữ: Lý Thái Bạch, vần L)

    Nơi cõi thiêng liêng hiện nay, Đức Lý Thái Bạch là một vị Đại Tiên Trưởng, cầm quyền Nhứt Trấn Oai Nghiêm điều khiển Tiên giáo thời Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Ngài còn được Đức Chí Tôn giao phó nhiệm vụ Giáo Tông Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    Đức Lý Thái Bạch giáng cơ cho biết quyền hành của Ngài mà Đức Chí Tôn giao phó trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ qua bài thơ:

    Ánh Thái Cực biến sanh Thái Bạch,
    Hiện Kim Tinh trọng trách Linh Tiêu.
    Quyền năng vưng thuở Thiên triều,
    Càn Khôn thế giới dắt dìu Tinh quân.
    ***
    Tinh quân thọ sắc thuở Phong Thần,
    Cho đến Đường triều mới biến thân.
    Thái Bạch Kim Tinh đang trị thế,
    Trường Canh trích tử đến thăm trần.
    Động Đình thi rượu đong muôn đấu,
    Bồng Đảo câu Tiên nắm một cần.
    Vâng lịnh Ngọc Hư nay xuống thế,
    Tam Kỳ độ rỗi các nguyên nhân.

    Đức Lý Thái Bạch thường giáng cơ dạy Đạo, phong thưởng Chức sắc và điều hành nền Đạo. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có rất nhiều bài Thánh Ngôn của Ngài.

  • Thái cổ

    Thái cổ

    太古

    A: The extreme antiquity.

    P: L"extrême antiquité.

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Cổ: xưa.

    Thái cổ là rất xưa. Đời Thái cổ có trước đời Thượng cổ.

  • Thái Công Tướng Phụ Quảng Pháp Thiên Tôn

    Thái Công Tướng Phụ Quảng Pháp Thiên Tôn

    太公將父廣法天尊

    Đây là phẩm tước của Đức Khương Thượng Tử Nha do Đức Chí Tôn phong tặng. (Xem tiểu sử nơi chữ: Khương Thượng)

    Khương Thượng Tử Nha được vua Châu Võ Vương phong chức Thái Công, và được tôn là Thượng Phụ (Phụ là cha). Tử Nha đảm nhận chức Đại Nguyên Soái Chinh Đông, thống lãnh đại binh, chinh phạt nhà Trụ, nên gọi Ngài là Tướng Phụ (Tướng là vị Đại Nguyên Soái, Phụ là cha).

    Ngài được Đức Nguơn Thỉ Chưởng giáo ban cho nhiều pháp thuật huyền diệu, nhứt là hai món bửu bối: Hạnh Huỳnh kỳ và Đả Thần tiên (cây roi đánh Thần), nên gọi là Quảng Pháp (Quảng là rộng, Pháp là phép thuật). Ngài là một vị Thiên Tôn.

    Đức Nguơn Thỉ lại giao cho Ngài cầm Bảng Phong Thần, nên Ngài cầm quyền Thần đạo.

  • Thái Cực

    Thái Cực

    太極

    A: The Universal Monad.

    P: La Monade Universelle.

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Cực: đầu cùng.

    Thái Cực là lớn nhứt đến cùng tột.

    Theo Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài, Thái Cực là nguyên lý cùng tột của vũ trụ. Đó là chơn lý tuyệt đối, tối thượng, bất biến, hằng hữu, sản xuất ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Nói về độ lớn thì không có gì lớn hơn bao trùm bên ngoài Thái Cực, còn nói về độ nhỏ thì không có gì nhỏ hơn để lồng vào trong Thái Cực. (Chí đại vô ngoại, chí tiểu vô nội).

    Thái Cực là khối Đại Linh Quang, là Đại Hồn của Thượng Đế, nên cũng được gọi là ngôi của Thượng Đế.

    Cái gì sanh ra Thái Cực? Đó là Hư Vô chi Khí.

    Hư Vô chi Khí (Khí Hư Vô) là khối chất Khí có năng lượng vô tận vô biên, tự nhiên mà có, tức là không có nguồn gốc, nên gọi là vô thủy. (Xem Vũ trụ quan, Vần V).

  • Thái Cực đăng

    Thái Cực đăng

    太極燈

    A: The Monad lamp.

    P: La lampe de Monade.

    Thái Cực: (đã giải bên trên). Đăng: đèn.

    Thái Cực đăng là cây đèn Thái Cực, tức là cây đèn mà điểm sáng của nó tượng trưng ngôi Thái Cực.

    Trên Thiên bàn thờ tại tư gia, dưới Thánh tượng Thiên Nhãn, ngay chính giữa, đặt một cây đèn luôn luôn cháy sáng gọi là đèn Thái Cực, để tượng trưng ngôi Thái Cực của Đức Chí Tôn.

    Ngọn đèn ấy cũng giả mượn làm Tâm đăng, tức là mỗi người chúng ta dùng cái tâm của mình như một ngọn đèn để soi sáng trí não, khiến cho các hành động, cử chỉ không trái với Thiên lý, hợp đạo đức.

  • Thái Cực Thánh Hoàng

    Thái Cực Thánh Hoàng

    太極聖皇

    A: The Emperor of Monad.

    P: L"Empéreur de Monade.

    Thái Cực: (đã giải bên trên). Thánh Hoàng: vua Thánh, vị vua thiêng liêng huyền diệu.

    Thái Cực Thánh Hoàng là vị vua Thánh ngự ở ngôi Thái Cực, đó là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Đại La Thiên Đế, Thái Cực Thánh Hoàng.

  • Thái độ

    Thái độ

    態度

    A: The attitude.

    P: L"attitude.

    Thái: Hình trạng, dáng điệu. Độ: mức độ.

    Thái độ là vẻ mặt cử chỉ, cách cư xử của một người, biểu thị tình cảm và tư tưởng của người ấy. Thí dụ: Thái độ ôn hòa.

  • Thái hòa

    Thái hòa

    太和

    A: The great peace.

    P: La grande paix.

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Hòa: êm thuận, hoà bình.

    Thái hòa là rất hòa bình êm tịnh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thái hòa Dương thạnh Đạo nam khai.

  • Thái hư - Thái không

    Thái hư - Thái không

    太虛 - 太空

    A: The Nothing.

    P: Le Néant.

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Hư: trống không. Không: không có gì cả.

    Thái hư, đồng nghĩa Thái không, là chỗ không không trên thượng từng không khí, nơi đó thấy trống không nhưng rất huyền diệu, vì tất cả các pháp đều sanh ra từ chỗ Hư không nầy.

  • Thái lai (Thới lai)

    Thái lai (Thới lai)

    泰來

    A: The prosperity comes.

    P: La prospérité vient.

    Thái: còn đọc THỚI: thạnh, an vui. Lai: tới, đến.

    Thái lai hay Thới lai là thời kỳ thạnh vượng đến.

    Thường nói: Hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai.

  • Thái liêm giả tất thái tham

    Thái liêm giả tất thái tham

    太廉者必太貪

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Liêm: thanh liêm. Giả: ấy là. Tất: ắt hẳn. Tham: ham muốn. Thái tham: lòng ham muốn cực lớn.

    Thái liêm giả tất thái tham: người quá thanh liêm ắt có cái ham muốn cực lớn.

  • Thái miếu

    Thái miếu

    太廟

    A: Royal temple.

    P: Temple royal.

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Miếu: nhà thờ.

    Thái miếu là nhà thờ tổ tiên của vua, cũng được gọi là Miếu đường, cất trong hoàng thành.

  • Thái quá - Bất cập

    Thái quá - Bất cập

    太過 - 不及

    A: Excess - Insufficiency.

    P: Excès - Insuffisance.

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Quá: vượt qua. Bất: không. Cập: kịp.

    Thái quá là quá mức qui định.
    Bất cập là không kịp, không đúng mức qui định.

    Đây là hai trạng thái làm việc đối chọi nhau: một là làm việc quá mức, hai là làm việc không đúng mức. Cả hai lối đều có hại, vì không giữ mức trung dung, khó đạt được thành công như mong muốn.

    Phải giữ lấy con đường trung đạo, tức trung dung, làm việc điều hòa, vừa phải nhưng siêng năng và chuyên cần, thì kết quả thành công chắc chắn.

    Kinh Sám Hối:
    Chớ thái quá, đừng lòng bất cập,
    Phép tu hành luyện tập hằng ngày.
  • Thái sơn hồng mao

    Thái sơn hồng mao

    泰山鴻毛

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Sơn: núi. Hồng: chim hồng. Mao: lông.

    Thái sơn hồng mao là núi Thái sơn và lông chim hồng.

    Núi Thái sơn tượng trưng sức nặng (nặng như Thái sơn), hồng mao tượng trưng cái nhẹ (nhẹ như lông hồng).

    Hán thư: "Nhân cố hữu nhứt tử, tử hữu trọng ư Thái sơn, hoặc khinh ư hồng mao." nghĩa là: Người ta ai cũng có một lần chết, có cái chết nặng như Thái sơn, có cái chết nhẹ như lông chim hồng. Ý nói: Có cái chết vì đại nghĩa thì cái chết ấy xem nặng như núi Thái sơn; có cái chết không ra gì, không đáng để chết thì cái chết ấy xem nhẹ như lông chim hồng.

  • Thái tây

    Thái tây

    泰西

    A: The prosperous countries of occident: Europe.

    P: Les pays prospères de l"occident: Europe.

    Thái: còn đọc THỚI: thạnh, an vui. Tây: hướng tây.

    Thái tây là các nước cường thịnh ở phương tây, tức là chỉ các nước ở Âu Châu như: Anh, Pháp, Đức, Ý,....

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đêm nay, 24 Décembre, phải vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy đạo bên Thái tây (Europe).

  • Thái thậm

    Thái thậm

    太甚

    A: Excessive.

    P: Excessif.

    Thái: Lớn, rất, cả, tuyệt cao. Thậm: quá mức.

    Thái thậm là rất quá mức, rất quá đáng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Kiêu hãnh thái thậm, vào muốn có người trình, ra muốn có người cúi,....

  • Thái Thượng Đạo Tổ - Thái Thượng Lão Quân

    Thái Thượng Đạo Tổ - Thái Thượng Lão Quân

    太上道祖 - 太上老君

    Thái Thượng Đạo Tổ hay Thái Thượng Đạo Quân là ông Thủy Tổ của Đạo Tiên. Ngài do khí Tiên Thiên hóa sanh, nên pháp lực của Ngài vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện xuống cõi trần để giáo hóa người có duyên phần, khi trở về cõi Thượng Thiên.

    Ngài có một kiếp giáng sanh xuống cõi trần là Đức Lão Tử, vào thời nhà Thương bên Tàu, nên còn gọi Ngài là Thái Thượng Lão Quân. (Xem chi tiết nơi chữ: Lão Tử, vần L)

  • Thải hồi

    Thải hồi

    汰回

    A: To send back.

    P: Renvoyer.

    Thải: loại bỏ ra không dùng nữa. Hồi: trở về.

    Thải hồi là loại bỏ ra, không dùng nữa, cho trở về nhà.

  • THAM

    THAM

    1. THAM: 貪 Ham muốn không chánh đáng.

    Thí dụ: Tham danh, Tham dục, Tham ô.

    2. THAM: 參 Dự vào, xen vào.

    Thí dụ: Tham chiếu, Tham khảo.

  • Tham chiếu

    Tham chiếu

    參照

    A: To compare.

    P: Comparer.

    Tham: Dự vào, xen vào. Chiếu: đưa ra mà xét, đối chiếu.

    Tham chiếu là đưa vào để đối chiếu.

  • Tham danh trục lợi

    Tham danh trục lợi

    貪名逐利

    A: To covet the fame and gain.

    P: Rechercher avidement la gloire et gain.

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Danh: tiếng tăm. Trục: đuổi theo, tranh giành. Lợi: lợi lộc.

    Tham danh trục lợi là ham muốn và tranh giành danh lợi.

    Thành ngữ nầy đồng nghĩa: Tham danh chác lợi.

    (Chác là chuốc lấy, mang vào mình).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đã vì chúng sanh mà lập Đạo, nhưng kẻ phàm tục còn ám muội, tham danh chác lợi, lấn tước cầu quyền.

  • Tham dục

    Tham dục

    貪欲

    A: The ambition.

    P: L"ambition.

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Dục: muốn.

    Tham dục là lòng tham lam và nhiều ham muốn.

  • Tham dự

    Tham dự

    參預

    A: To participate in.

    P: Participer à.

    Tham: Dự vào, xen vào. Dự: xen vào, gia nhập vào.

    Tham dự là góp mặt vào và nhận một phần công việc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nơi đàn nào mà khác hơn Thánh giáo và bày biện nhiều trái cách thì Đạo hữu không phép tham dự.

  • Tham đó bỏ đăng

    Tham đó bỏ đăng

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Đó và Đăng: dụng cụ dùng để bắt cá dưới nước. Đăng là tấm làm bằng nan tre dài, chận dưới nước không cho cá lội qua. Đó cũng làm bằng nan tre kết lại thành hình ống, có làm hom để cá chui vào mà không ra được.

    Tham đó bỏ đăng, ý nói ham muốn kẻ nầy, ruồng bỏ kẻ kia, tức là ham muốn người con gái khác, ruồng bỏ vợ nhà.

    Thành ngữ: Tham đó bỏ đăng là chỉ sự không chung thủy trong tình vợ chồng.

    Xin đừng tham đó bỏ đăng,
    Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.
    (Lục Vân Tiên)
  • Tham khảo

    Tham khảo

    參考

    A: To consult.

    P: Consulter.

    Tham: Dự vào, xen vào. Khảo: tra xét.

    Tham khảo là tra xét nhiều tài liệu để so sánh và tìm hiểu đầy đủ các khía cạnh của một vấn đề.

  • Tham ô

    Tham ô

    貪汙

    A: The crapulous covetousness.

    P: La cupidité crapuleuse.

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Ô: dơ bẩn, bẩn thỉu.

    Tham ô là tham lam bẩn thỉu, tìm cách ăn cắp của công một cách đê tiện.

    Tham quan ô lại: Quan thì tham nhũng, viên chức thì bẩn thỉu, chỉ chung bọn quan lại ăn hối lộ, đục khoét của công.

  • Tham phu tuẫn tài

    Tham phu tuẫn tài

    貪夫殉財

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Phu: người đàn ông. Tuẫn: liều chết vì một việc gì. Tài: tiền bạc của cải.

    Tham phu tuẫn tài là người tham chết vì tiền.

  • Tham quan

    Tham quan

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Tham quan

    貪官

    A: Corrupt mandarin.

    P: Mandarin concussionnaire.

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Quan: ông quan.

    Tham quan là ông quan tham nhũng.

    Thường nói: Tham quan ô lại: (Xem chữ: Tham ô).

    * Trường hợp 2: Tham quan

    參觀

    A: To see the sights.

    P: Excursionner.

    Tham: Dự vào, xen vào. Quan: xem xét, quan sát.

    Tham quan là đi quan sát cảnh vật ở một nơi nào.

  • Tham quyền cố vị

    Tham quyền cố vị

    貪權固位

    A: To hold a power and to hang on to one"s position.

    P: Rechercher l"autorité et se cramponner à sa place.

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Quyền: quyền hành. Cố: giữ chặt lấy. Vị: địa vị, chỗ ngồi có chức quyền.

    Tham quyền cố vị là ham muốn quyền hành, giữ chặt lấy địa vị có được, không muốn buông ra.

  • Tham sanh úy tử

    Tham sanh úy tử

    貪生畏死

    A: To cling to life and to fear death.

    P: Se cramponner à la vie et redouter la mort.

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Sanh: sống. Úy: sợ. Tử: chết.

    Tham sanh úy tử là tham sống sợ chết.

  • Tham Sân Si

    Tham Sân Si

    貪嗔痴

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Sân: giận. Si: mê muội.

    Tham Sân Si là ba mối độc hại, gây ra nhiều điều phiền não và đốt cháy hết công đức của người tu, nên gọi chúng là Tam độc, tức là ba thứ độc hại.

    Ba thứ ấy làm dơ dáy thân tâm, nên cũng gọi chúng là Tam cấu. Ba thứ ấy cũng ngăn trở thiện tâm nên cũng gọi chúng là Tam chướng. Ba thứ ấy trói buộc con người vào biển khổ trầm luân, nên cũng gọi chúng là Tam phược.

    Người tu cần phải dùng cái trí sáng suốt để dứt bỏ ba mối độc hại trên thì mới mong đắc đạo.

  • Tham tài hiếu sắc

    Tham tài hiếu sắc

    貪財好色

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Tài: tiền bạc của cải. Hiếu: ưa thích. Sắc: sắc đẹp của phụ nữ.

    Tham tài hiếu sắc là tham lam tiền bạc và ưa thích sắc đẹp của phụ nữ (sắc dục).

  • Tham thì thâm

    Tham thì thâm

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Thâm: lạm vào một khoản tiền khác.

    Tham thì thâm là tham cái lợi nhỏ nên bị mất cái lợi lớn mà không hay.

    Kinh Sám Hối:
    Làm người phải khá xét suy,
    Của rơi chớ lượm, tham thì phải thâm.
  • Tham thiền nhập định

    Tham thiền nhập định

    參禪入定

    A: The meditation and contemplation.

    P: La méditation et contemplation.

    Tham: Dự vào, xen vào; cũng có nghĩa là: suy xét, quan sát. Thiền: yên lặng để chiêm nghiệm đạo lý. Nhập: vào. Định: giữ cái tâm cho yên tịnh, không vọng động, để suy nghĩ về đạo lý.

    Tham thiền, đồng nghĩa Nhập định, ghép chung lại để nhấn mạnh ý nghĩa, thường được nói tắt là Thiền Định.

    Hai chữ: Thiền và Định, trong nhiều trường hợp, được dùng như đồng nghĩa với nhau, nhưng thật ra ý nghĩa của chúng có phần khác nhau đôi chút: Định là một trạng thái tâm lý chứng ngộ được bằng phép Tu Thiền. Thiền là một diễn trình, còn Định là cứu cánh.

    Tham thiền nhập định là phép tu ngồi kiết già, yên lặng nhằm lắng đọng tất cả vọng tưởng tán loạn, tập trung tư tưởng để suy nghĩ tìm tòi cho ra lẽ một vấn đề đạo lý, để cho chơn tâm bừng sáng, trí huệ hoát khai, hiểu rõ đạo lý, ngộ nhập chơn lý, tức là đắc đạo.

    THI:
    Tham thiền tầm lý huệ tâm khai,
    Luyện đạo vận hành tạo Thánh thai.
    Nhập định gom thần minh trực giác,
    Thông công Thiên Địa phục Như Lai.

    Người tu hành cần nhứt là phép Tham thiền đặng tầm cái lý đạo cao siêu của Tạo công đặt bày trên mấy cõi hư linh, ngõ hầu thấu triệt đến cả cội nguồn nguyên thỉ.

    Không Tham thiền định trí thì làm sao đoạt nổi Thiên cơ, hiểu điều mắc mỏ cho được. Thế nên người tu hay người không tu mà muốn hoát thông sự vật, tham cứu uyên nguyên thì làm sao cũng phải Tham thiền.

    Vả lại, đã sanh ra đứng làm người mà nếu không hiểu biết cội nguồn nhơn loại thì sao phải là người thượng trí?

    Ví như loài người bắt đầu bởi đâu mà có? Có làm chi? Sao lại sanh rồi tử? Tử rồi sanh? mà cứ mãi mãi hoài hoài vương vấn với bánh xe luân hồi của Tạo hóa?

    Vào chi chỗ trần ai cay nghiệt, biển khổ sông mê, để chịu mang lấy kiếp nặng nề mà luống khổ tâm lao lực, sớm thảm chiều phiền, rày than mai khóc?

    Nếu tự hỏi mình bao nhiêu vấn đề ấy mà chẳng gia công nghiên cứu, tham khảo sưu tầm cho tận cùng đáo để thì làm sao trực giác được cái nguyên lý của Đạo?

    Muốn đạt đến chỗ đó, há còn phương pháp nào khác hơn Tham thiền nữa đâu.

    Vậy phương pháp ấy chính gọi là THAM THIỀN đó.

    Không Tham thiền thì làm sao mở mang trí hóa để đạt cho thấu cái lẽ hư vô huyền diệu.

    Nhưng phương pháp Tham thiền rất là khó lắm. Trước hết cần phải chủ cái tâm vào một tư tưởng nào cho cao thượng, rồi mới lấy cái tư tưởng thanh quang ấy mà nghĩ ngợi cho cùng, xét suy cho tột thì huệ tâm tự phát, trực giác tự khai, chừng ấy chơn lý mới hiện bày ra một cách rõ ràng minh bạch.

    Con người đã sẵn có cái Thiên tánh đặc biệt của Trời ban phú cho từ lúc mới đi đầu thai. Khi xuống ở thế gian nầy lại cần phải mượn lấy xác phàm mà kinh nghiệm mọi lẽ của cõi trần để lần lần trở nên uyên bác hầu tấn hóa mãi trên con đường đạo đức vậy.

    Vẫn biết thế gian là bể khổ sông mê, nhưng chính thế gian lại là một chốn học đường của muôn loài vạn vật. Nhờ học đường ấy mà muôn loài vạn vật mới mở mang trí hóa, sáng suốt tinh thần để tấn bộ trên nấc thang cao thượng.

    Làm người cần phải học hỏi, có học hỏi mới thông đạt minh mẫn, mới tường đường quấy sự phải, mà tránh cho khỏi tội tình. Chớ nếu không học hỏi thì điểm linh quang phải trở nên mê muội mà người cam dốt nát hư hèn.

    Bao nhiêu những món bày trò nơi trước mắt là bao nhiêu những bài học hay ho hữu ích cho người, bất luận tốt hay xấu, bất cứ dữ hay lành, chi chi cũng có thể làm bài học được.

    Sự nào tốt đẹp cao siêu thuần khiết thì nên lấy đó mà làm mẫu mực để luyện trau rèn đúc tinh thần.

    Việc nào xấu xa hèn mạt bạo tàn thì nên xem đó như tấm gương soi để sửa đổi canh cải đức tánh.

    Cái bước đường lầm lạc đã trải ngày nay tức là cái bài học phòng ngừa khỏi vấp ngày mai.

    Trên đời nào có cái chi là vô ích bao giờ. Ích hay vô ích là chỉ tại nơi mình biết dùng hay không biết dùng đó mà thôi!

    Người tu hành tuy chẳng tầm chương trích cú, tuy không nấu sử xôi kinh mà cũng có thể thông suốt cả cái lý của đời rất nên đúng đắn. Rõ thông như thế là nhờ Nhập định Tham thiền, rồi được trực giác nơi tâm thì tất nhiên trí huệ quang minh phát triển mà giúp cho thần hồn lẹ thấy mau nghe, nên không học mà tự nhiên cũng biết.

    Không học mà biết là do cái lương tri lương năng nó phát lộ được trong tâm thần, làm cho cơ đạt thức phải khai minh sáng suốt.

    Vậy nên người tu cần nhứt là phải Tham thiền.

    Có Tham thiền mới nghĩ ngợi được đến lý thiên nhiên của cơ Tạo hóa, mà thấu triệt cái bổn thể Hư vô, rồi mới thấy rõ cuộc đời ấy chỉ là trường mộng ảo.

    Các vật đã la liệt khắp bày trên mặt địa cầu nầy, chẳng bao lâu nó thảy phải rã rời, dời đổi chẳng khác nào như mù tan như sương rã, như khói tỏa như mây bay, nên cuộc đời nào có bền vững chi đâu, chỉ là một giấc huỳnh lương, một cơn hồ điệp. Bởi vậy nên mới có câu: Thế sự vạn ban đô thị giả.

    Biết vậy rồi, tự nhiên con người mới gắng chí lập tâm, quyết phế bỏ cuộc giả hư mà mong kiếm tầm nơi chơn thật, hầu có thoát thân ra khỏi chốn mê đồ trần khổ.

    Nhưng hễ muốn Tham thiền cho có kết quả thì phải lo Nhập định cho hẳn hòi.

    Nhập định là cốt để cho tâm thần an ổn, nghĩ ngợi hầu có sửa mình mà trừ khử các bịnh do trong cốt tủy và diệt xong cả mấy mối loạn của thất tình, lục dục khiến xui khuấy rối đêm ngày. Rồi gom các tư tưởng vào nơi khối óc, đừng cho nó tưởng nhớ bá vơ những điều không tốt, lại ráng gắng công tập luyện nó sao cho lần lần trở nên thuần túy tinh anh. Mà phải nuôi cái tư tưởng ấy cho cao thượng, trọn lành mãi mãi, đừng để ngoại vật lẫn vào báo hại tâm hồn xao động. Được vậy rồi mới hồi quang phản chiếu nơi tâm, thấy cũng như không thấy, nghe cũng thể không nghe, biết cũng dường không biết, vạn sự thế gian đều không lưu ý vào chi hết ráo.

    Hễ Nhập định đặng như vậy thì Tham thiền mới thấy kết quả tốt đẹp phi thường, vì mỗi khi Tham thiền, mà trầm tư mặc tưởng vào một vấn đề gì thì các bộ phận máy móc trong châu thân nó lần lần ngưng nghỉ bớt mà để cho chơn thần xuất ra khỏi xác, theo lằn tư tưởng lóng nghe cái lý thiên nhiên.

    Cũng có kẻ Tham thiền mà bị điên cuồng ngây ngẩn, ấy cũng tại Tham thiền mà không Nhập định cho an thần, rồi tưởng xét quá làm cho xao động tâm linh, nên ra đến thế.

    Nếu rủi bị vậy thì chỉ cần tịnh an cho đúng là tất sẽ huờn phục lại ngay." (Đại Thừa Chơn Giáo)

  • Tham tiểu thất đại

    Tham tiểu thất đại

    貪小失大

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Tiểu: cái nhỏ. Thất: mất. Đại: lớn.

    Tham tiểu thất đại là tham lợi nhỏ, mất lợi to.

  • Tham ván bán thuyền

    Tham ván bán thuyền

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Ván: tấm ván bằng gỗ. Bán: đổi một vật lấy tiền. Bán thuyền: bán chiếc thuyền.

    Thành ngữ nầy liên hệ thành ngữ: Ván đã đóng thuyền: ý nói người con gái đã có chồng rồi, không thể thay đổi số phận được nữa. Ván là tượng trưng người con gái chưa chồng, ván đã đóng thuyền tượng trưng người con gái đã có chồng rồi, tức là chỉ người vợ ở nhà.

    Tham ván: ý nói ham mê một người con gái chưa chồng.

    Bán thuyền: ý nói bỏ bê người vợ ở nhà.

    Tham ván bán thuyền là chỉ người chồng không chung thủy, ham mê một người con gái khác, bỏ bê người vợ ở nhà.

    Suy rộng ra, thành ngữ trên có ý nói: Tham mối tình mới, bỏ mối tình cũ, Có mới nới cũ, Tham lê bỏ lựu,....

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Còn theo tham ván bán thuyền,
    Trông chi giữ mảnh hương nguyền cùng nhau.

    Ghi chú: Thành ngữ tương tự: Thăm ván bán thuyền.

    Thăm ván: đi hỏi thăm ván nơi tiệm bán gỗ để mua đóng thuyền. Bán thuyền: bán thuyền cũ để đóng thuyền mới.

    Thăm ván bán thuyền: mới đi hỏi thăm mua ván đóng thuyền mà đã lo bán thuyền cũ. Ý nói: chưa có cái mới mà đã coi rẻ cái cũ.

    Suy rộng ý nghĩa: Ván là chỉ người con gái chưa chồng, thuyền hay ván đã đóng thuyền là chỉ người con gái đã có chồng tức là người vợ ở nhà. Thăm ván bán thuyền là theo đuổi người con gái mới, bỏ bê vợ ở nhà, tình vợ chồng không chung thủy.

    Hai thành ngữ: Tham ván bán thuyền Thăm ván bán thuyền, suy cho cùng thì ý nghĩa không khác nhau bao nhiêu, chỉ người chồng không chung thủy trong tình yêu vợ chồng.

  • Tham vọng

    Tham vọng

    貪望

    A: The ambition.

    P: L" ambition.

    Tham: Ham muốn không chánh đáng. Vọng: mong ước.

    Tham vọng là tham lam nhiều ước muốn, lòng tham lam không bờ bến.

  • THẢM

    THẢM

    THẢM: 慘 Đau đớn xót xa, độc ác.

    Thí dụ: Thảm bại, Thảm kinh, Thảm sát.

  • Thảm bại

    Thảm bại

    慘敗

    A: The lamentable defeat.

    P: La défaite lamentable.

    Thảm: Đau đớn xót xa, độc ác. Bại: thua thiệt, thất bại.

    Thảm bại là thất bại một cách đau đớn.

  • Thảm đạm

    Thảm đạm

    慘淡

    A: Desolate.

    P: Desolé.

    Thảm: Đau đớn xót xa, độc ác. Đạm: nhạt nhẽo.

    Thảm đạm là buồn rầu khô héo.

  • Thảm kinh

    Thảm kinh

    慘驚

    A: Lamentable and fearful.

    P: Lamentable et terrible.

    Thảm: Đau đớn xót xa, độc ác. Kinh: sợ hãi.

    Thảm kinh là đau đớn và kinh khủng.

    Kinh Sám Hối:
    Kìa những gái lẫy lừng hạnh xấu,
    Bỏ vạc đồng đốt nấu thảm kinh.
  • Thảm sát

    Thảm sát

    慘殺

    A: To massacre terribly.

    P: Massacrer terribllement.

    Thảm: Đau đớn xót xa, độc ác. Sát: giết chết.

    Thảm sát là tàn sát một cách thảm khốc.

  • THÁN

    THÁN

    THÁN: 慘 - Than thở. - Khen ngợi.

    Thí dụ: Thán oán, Thán phục.

  • Thán oán

    Thán oán

    歎怨

    A: To complain.

    P: Se plaindre.

    Thán: - Than thở. - Khen ngợi. Oán: giận ghét.

    Thán oán là than thở và oán ghét.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhưng cũng có nhiều đứa dụng tà tâm mà làm cho có sự thán oán trong nền Đạo của Thầy.

  • Thán phục

    Thán phục

    慘伏

    A: To admire.

    P: Admirer.

    Thán: - Than thở. - Khen ngợi. Phục: nằm sát xuống đất.

    Thán phục là khen ngợi và cảm phục.

  • Thản nhiên

    Thản nhiên

    坦然

    A: Indifferent.

    P: Indifférent.

    Thản: bằng phẳng. Nhiên: như thế.

    Thản nhiên là bình thản tự nhiên như không có gì xảy ra.

  • THANG

    THANG

    THAng: Cái thang có nấc để trèo lên cao.

    Thí dụ: Thang mây, Thang vô ngằn.

  • Thang mây

    Thang mây

    A: The ladder to go up to clouds.

    P: L" échelle s"élevant jusqu"aux nuages.

    Thang: Cái thang có nấc để trèo lên cao. Mây: đám mây trên bầu trời.

    Thang mây là cái thang bắc lên cao tận mây để có thể trèo lên trời.

    Đó là nói ví dụ về việc tu hành, giống như là bắc cái thang lên tận mây xanh để khi đắc đạo thì đi lên tới trời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ấy là muốn dìu bước đường đạo đức, bắc thang mây để độ dẫn các con trở về ngôi cũ.

  • Thang vô ngằn

    Thang vô ngằn

    A: The ladder with innumerable step.

    P: L"échelle à innombrable marche.

    Thang: Cái thang có nấc để trèo lên cao. Vô: không, ý nói vô số, tức là một số thật nhiều không thể đếm hết được. Ngằn: cái nấc thang.

    Thang vô ngằn là cái thang có vô số nấc, bắc lên tận trời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đã nói, đạo đức cũng như cái thang vô ngằn bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao tối trọng.

  • THẢNG

    THẢNG

    A: If.

    P: Si.

    Thảng: nếu, ví như.

    Thảng như: 倘如 ví như.

    Thảng hoặc: 倘或 nếu mà, giả như là.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Thảng có một người trong ba mà tuân mạng lịnh đặng thì cũng chưa quyết đoán rằng luật lệ ấy đã nghịch hẳn với nhơn sanh.

  • THANH

    THANH

    1. THANH: 青 Màu xanh.

    Thí dụ: Thanh cân, Thanh my.

    2. THANH: 清 Trong sạch, rõ, sạch sẽ.

    Thí dụ: Thanh bạch, Thanh tịnh.

    3. THANH: 聲 còn đọc Thinh: tiếng, âm thanh.

    Thí dụ: Thanh danh, Thanh la.

  • Thanh bạch

    Thanh bạch

    清白

    A: Pure, clean.

    P: Pur, propre.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Bạch: trắng.

    Thanh bạch là trong trắng.

    Kinh Tắm Thánh: Xin gìn giữ Thánh hình thanh bạch.

  • Thanh bai

    Thanh bai

    A: Pure and distinguished.

    P: Pur et distingué.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Bai: (nôm) lịch sự, không thô.

    Thanh bai là trong sạch và lịch sự.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cuộc đời thêm rạng vẻ thanh bai.

  • Thanh bần

    Thanh bần

    清貧

    A: Poor but clean.

    P: Pauvre mais propre.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Bần: nghèo.

    Thanh bần là nghèo mà trong sạch.

    Châu Lễ viết: Thanh bần thường lạc, trọc phú đa ưu.

    Nghĩa là: Nghèo mà trong sạch thì vui vẻ luôn luôn, giàu mà nhơ bợn thì nhiều nỗi lo âu sầu muộn.

  • Thanh bường (Thanh bình)

    Thanh bường (Thanh bình)

    清平

    A: Pacific.

    P: Pacifique.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Bường: Bình: bằng, êm lặng.

    Thanh bình, nói trại ra là Thanh bường, là trong sạch bình yên, dân chúng sống an lành hạnh phúc.

    Bài Dâng Trà: Khai minh Đại Đạo hộ thanh bường.

  • Thanh cao

    Thanh cao

    清高

    A: Pure and noble.

    P: Pur et noble.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Cao: cao thượng.

    Thanh cao là trong sạch và cao thượng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Giồi trí thanh cao giữ tánh thần.

  • Thanh cân

    Thanh cân

    青巾

    A: The blue head-dress.

    P: La coiffure bleue.

    Thanh: Màu xanh. Cân: cái khăn bịt trên đầu.

    Thanh cân là cái khăn xanh bịt trên đầu, gọi là cái Bao đảnh xanh, trong bộ đại phục của Đức Thượng Sanh.

  • Thanh chước chi nghi

    Thanh chước chi nghi

    清酌之儀

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ; chỉ rượu tinh khiết. Chước: rót rượu. Nghi: hình thức tốt đẹp để tỏ cái lễ. Thanh chước: rót rượu mời uống.

    Thanh chước chi nghi là rót rượu làm nghi thức tế lễ.

    SỚ VĂN: Chư Thiên phong nghiêm thiết đàn tràng, hương, đăng, hoa, trà, quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ. (Các Chức sắc Thiên phong nghiêm trang thiết lập đàn tràng, nhang, đèn, bông, trà, trái cây, rót rượu, làm nên nghi thức, thành tâm làm lễ dâng lên).

  • Thanh danh

    Thanh danh

    聲名

    A: The reputation.

    P: La réputation.

    Thanh: còn đọc Thinh: tiếng, âm thanh. Danh: tiếng tăm.

    Thanh danh là tiếng tăm tốt.

    Thanh danh quán thế: Tiếng tăm tốt đứng trên cả một đời. (Quán thế là đứng đầu trên cả một đời).

  • Thanh đạm

    Thanh đạm

    清淡

    A: Sober.

    P: Sobre (repas)

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Đạm: nhạt.

    Thanh đạm, nói về thức ăn, là trong sạch lạt lẽo.

    Bữa cơm thanh đạm là bữa cơm chay, gồm các thức ăn là rau cải đơn giản và trong sạch.

  • Thanh đạo

    Thanh đạo

    清道

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Đạo: tôn giáo, đạo đức.

    Thanh đạo là nền đạo trong sạch, đó là Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn.

    ■ Thanh Đạo còn là hai chữ đầu của một bài thi bốn câu do Đức Chí Tôn ban cho để làm Tịch đạo Chức sắc nam phái Cửu Trùng Đài.

    · Đời Giáo Tông thứ nhứt, Thánh danh của Chức sắc Cửu Trùng Đài nam phái lấy chữ THANH.

    · Đời Giáo Tông thứ nhì, Thánh danh của Chức sắc lấy chữ ĐẠO.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Tịch Đạo, vần T)

  • Thanh la

    Thanh la

    聲鑼

    A: The cymbal.

    P: La cymbale.

    Thanh: còn đọc Thinh: tiếng, âm thanh. La: cái phèng la.

    Thanh la là loại nhạc khí cổ, bằng thau, hình tròn dẹp, ở giữa lồi lên để gõ vào đó cho phát ra tiếng phèng phèng, nên cũng gọi là phèng la.

  • Thanh lặng

    Thanh lặng

    A: Pure and calm.

    P: Pur et calme.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Lặng: yên lặng.

    Thanh lặng là trong sạch và yên lặng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con nên biết, cứ ai lo phần nấy, đừng lỗi phận sự, thì được thanh lặng yên vui.

  • Thanh loan

    Thanh loan

    青鸞

    A: The blue female phoenix.

    P: Le phénix femelle bleu.

    Thanh: Màu xanh. Loan: con chim loan. Con chim trống thì gọi là Phụng, con chim mái thì gọi là Loan.

    Thanh loan là con chim loan màu xanh, đây là con chim lịnh của Đức Phật Mẫu.

    Khi Đức Phật Mẫu du hành thì Đức Phật Mẫu cỡi lên lưng chim thanh loan. Do đó, trên nóc các Điện Thờ Phật Mẫu đều có đắp hình Thanh loan.

  • Thanh my

    Thanh my

    青眉

    A: The blue eyebrows.

    P: Les sourcils bleus.

    Thanh: Màu xanh. My: lông mày.

    Thanh my là mày xanh, chỉ các thanh niên nam nữ.

  • Thanh minh

    Thanh minh

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Thanh minh

    聲明

    A: To rectify, to clear oneself.

    P: Rectifier, s"expliquer.

    Thanh: còn đọc Thinh: tiếng, âm thanh. Minh: rõ ràng.

    Thanh minh là trình bày chứng cớ rõ ràng để đính chánh một việc hiểu lầm tai hại cho mình.

    * Trường hợp 2: Thanh minh

    清明

    A: Festival of tomb cleaning.

    P: La fête de nettoyage des tombes.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Minh: sáng

    Thanh minh là trong sáng, chỉ một tiết khí hậu trong 24 tiết của một năm, vào đầu tháng 3 âm lịch, tiết trời mát mẻ, trong trẻo, sáng sủa.

    Theo phong tục của người Tàu, truyền qua Việt Nam, trong tiết Thanh minh, người ta đi tảo mộ, làm mộ, hay cải táng.

  • Thanh nhãn nan phùng

    Thanh nhãn nan phùng

    青眼難逢

    Thanh: Màu xanh. Nhãn: mắt. Nan: khó. Phùng: gặp.

    Thanh nhãn: mắt xanh, ý nói gặp người đáng quí, theo điển tích: Nguyễn Tịch đời Tấn, vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt xanh, không vừa lòng thì nhìn với đôi mắt trắng.

    Thanh nhãn nan phùng: Mắt xanh khó gặp. Ý nói: rất khó gặp bạn tri âm tri kỷ.

  • Thanh quang

    Thanh quang

    青光

    A: The blue light.

    P: La lumière bleue.

    Thanh: Màu xanh. Quang: ánh sáng.

    Thanh quang là ánh sáng màu xanh nơi từng trời Thanh Thiên, từng Trời thứ ba trong Cửu Trùng Thiên.

    Kinh Ðệ Tam cửu: Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn.

  • Thanh Sơn Đạo Sĩ

    Thanh Sơn Đạo Sĩ

    青山道士

    Thanh Sơn Đạo Sĩ là Thánh hiệu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện nay, Ngài là Sư Phó chưởng quản Bạch Vân Động nơi cõi thiêng liêng.

    Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ cùng với hai vị Thánh của Bạch Vân Động là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo) và Tôn Trung Sơn (Tôn Văn) được lịnh Đức Chí Tôn chép Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước lên tấm bảng đá để công bố cho toàn cả nhơn loại rõ, nếu ai thực thi được bốn chữ Bác Ái - Công Bình thì được Đức Chí Tôn rước lên cõi Thiêng liêng Hằng sống.

    Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ theo lịnh của Ngọc Hư Cung, cho các vị Thánh trong Bạch Vân Động giáng trần để Đức Chí Tôn lập thành Hội Thánh buổi đầu mà khai Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    Các vị Thánh nơi Bạch Vân Động còn có nhiệm vụ hộ giá Đức Phật Mẫu mỗi khi Đức Phật Mẫu du hành xuống cõi trần, nên khi cúng Đức Phật Mẫu, chúng ta đều có niệm câu chót là: "Nam Mô Bạch Vân Động chư Thánh."

    Ba vị Tiên Nương Diêu Trì Cung có ba bài thi khen Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ:

    Hay Thanh Sơn! Giỏi Thanh Sơn!
    Trung nghĩa về Tiên cũng ngậm hờn.
    Cẩm tú thêu oan thành khí giới,
    Văn chương khảo tội hóa công quờn.
    Rung chuông tỉnh thế ba kỳ thức,
    Hồi trống truy hồn bá tánh khôn.
    Trị loạn sấn tay nâng vạc ngã,
    Anh linh muôn kiếp nước Nam đồn.
    Lục Nương Diêu Trì Cung
    ***
    Tài Thanh Sơn! Trí Thanh Sơn!
    Câu văn tuyệt bút vẽ nên hờn.
    Giục lòng chí sĩ chưa vừa sức,
    Múa viết Thần Tiên đủ chấp quờn.
    Dệt thảm lê dân Trời cám cảnh,
    Khêu sầu xã tắc Đất kinh hồn.
    Nắn nhồi trí huệ thành binh khí,
    Rèn chất anh thư đắp lũy đồn.
    Thất Nương Diêu Trì Cung
    ***
    Trung Thanh Sơn! Nghĩa Thanh Sơn!
    Bởi tại đâu ăn oán nuốt hờn?
    Nát mật khó xem nhà vắng chủ,
    Bầm gan há chịu nước không quờn.
    Câu văn ái chủng gần dân khí,
    Tiếng sấm ưu hương định quốc hồn.
    Lập chí ôn nhu là đắp lũy,
    Nung lòng đạo đức ấy xây đồn.
    Bát Nương Diêu Trì Cung

    Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ thường giáng cơ dạy Đạo nơi Hội Thánh Ngoại Giáo tại Kim Biên (Nam Vang).

    Sau đây xin chép ra hai bài giáng cơ tượng trưng:

    Phò loan: Giám Đạo Lợi, Hữu Phan Quân Thoại.
    Báo Ân Đường Kim Biên, đêm 3-3-B.Thân
    (dl 13-4-1956) Hợi thời (22 giờ).

    THANH SƠN ĐẠO SĨ

    Bần đạo xin chào Hộ Pháp, Bảo Đạo, và chư Hiền nam nữ.

    Thắm thoát nền Đại Đạo khai nơi Tần quốc đã 30 năm.

    Ngày ấy chính Chí Tôn sai Hộ Pháp đến để gieo hột Thánh cốc. Từ ấy đến nay thì các tay chấp chánh Đạo quyền nơi nầy không tô bồi thêm, trái lại làm cho phân chia tâm lý. Cớ ấy là chỗ ham quyền trọng vị. Các Chức sắc Thiên phong lãnh Thiên mạng nơi mình không làm xong phận, ngôi thì ham, quyền thì muốn, mà hành động cho xứng lại không. Thử hỏi họ vưng Thiên mạng đến để làm gì kia chớ?

    Họ phải cho xứng phận là anh, thầy, để gần gũi nhơn sanh, chia việc đau, an ủi điều khổ.

    Hôm nay Hộ Pháp đã đến thì cả Chức sắc Thiên phong phải ráng thực thi quyền của mình, hư thì bỏ, nên thì để, rửa ráy Thánh thể Đức Chí Tôn cho nên hình. Vậy khá liệu lấy.

    Có Quyền Giáo Tông đến. THĂNG.

    TÁI CẦU:

    Phò loan: Hộ Pháp - Bảo Đạo.

    THƯỢNG TRUNG NHỰT

    Qua chào mấy em.

    Khi nãy, Đức Thanh Sơn có ý khuyên mấy em gắng công hành đạo. Chính Qua cũng nhìn nhận mấy em thiếu kém công nghiệp cùng Đạo. Mấy em nam nữ đã thấy rõ vì thế nào mà Chưởng Đạo Nguyệt Tâm đã từ bỏ chức vụ mà mấy em từ thử hay chăng?

    Mấy em nhớ lại coi, từ khi Phong Chí (Giáo Sư Thượng Bảy Thanh) nắm quyền đến nay, sự nghiệp Đạo đã hư hoại thế nào? Thì cũng do nơi bội phản Hộ Pháp và anh em giành quyền mà sanh ra rối loạn.

    Qua nói thiệt cùng mấy em rằng, vì hổ thẹn ấy mà Chưởng Đạo từ chức và hủy bỏ Hội Thánh Ngoại Giáo.

    Các em đã hiểu rõ điều ấy. Qua chỉ thương Thanh Sơn mang tiếng phụ phàng, lỗi tình cùng Hộ Pháp.

    Qua đã nhiều phen cầu xin Nguyệt Tâm Chơn Nhơn tha thứ, nhưng Ngài quyết hẳn, vì cớ là chúng đã mạo danh Bạch Vân Động đặng chia phe phân phái lập quyền đời của họ.

    Các em có biết chăng, Đấng đã mang trọn ân của Hộ Pháp là Bạch Vân Hòa Thượng, tức là Đức Thanh Sơn, vì khi lãnh lịnh Ngọc Hư thì người đã hứa rằng: Hộ Pháp trọn quyền sử dụng các chơn linh Bạch Vân Động. Hôm nay lời hứa ấy đã thất. Qua nhường cơ lại cho Đức Thanh Sơn Chơn Nhơn.

    Mấy em sẽ hưởng đặng một điều quí báu. THĂNG.

    TÁI CẦU:

    THANH SƠN CHƠN NHƠN

    Bần đạo trở lại là vì lời kêu nài của Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.

    Chư Thiên phong đủ hiểu rõ rằng: Mạng số Việt Nam nó liên quan mật thiết cùng kiếp sanh của Bần đạo là thế nào, và vì lẽ gì mà Bần đạo phải giao trọn quyền điều khiển Bạch Vân Động cho Hộ Pháp.

    Bảo Đạo! Thì Bần đạo cũng đồng tâm bịnh với Hiền Hữu. Cười.... Bảo Đạo nghe:

    THI:
    Hoành sơn phân nước trót đôi lần,
    Khí số bấy chừ dứt Nguyễn quân.
    Lời sấm đoán văn khi thật quả,
    Tiên tri toán số gẫm không lầm.
    An dân buồn thiếu trang hiền sĩ,
    Bảo quốc vui nhờ đức Thánh nhân.
    Suy thạnh nước nhà do trị loạn,
    Cũng như Đông mãn tới hồi Xuân.
    Đọc lại rồi kiếm nghĩa đặng hiểu.

    Bần đạo sẽ tái giáng đặng hiệp ý cùng nhau. THĂNG.

    Ghi chú về: BẠCH VÂN ĐỘNG.

    Đức Phạm Hộ Pháp giải thích về Bạch Vân Động:

    "Xưa nay người ta vẫn coi Nguyệt cầu (Mặt Trăng) là nơi dừng chân của những vị Thánh, Thần, trước khi xuống trần giới (Địa cầu) đầu thai. Các vị đó phải ở lại Nguyệt cầu ít lâu để liên lạc với Địa cầu, để quen lần với đời sống ở thế gian nầy.

    Từ cổ, Thần thoại đã mệnh danh Nguyệt cầu là Bạch Vân Động (Quảng Hàn Cung). Cơ giáng ở Âu Châu, mệnh danh là LOGE BLANCHE (Bạch Động).

    Giáo chủ của Bạch Vân Động là Bạch Vân Hòa Thượng, miêu duệ của Từ Hàng Đạo Nhơn, dòng dõi Đức Phật Quan Âm.

    Bạch Vân Hòa Thượng đã hai lần giáng trần ở Pháp: một lần là Hồng Y Giáo Chủ Richelieu, một lần là Quận Công La Roche Foucault.

    Ở Việt Nam, Ngài giáng trần là Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức gọi Trạng Trình."

    Theo như lời dạy của Đức Phạm Hộ Pháp, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có tiền kiếp là Bạch Vân Hòa Thượng bên Tàu, mà chơn linh của Bạch Vân Hòa Thượng là một chiết linh của Đức Từ Hàng Bồ Tát.

    Sau đây là Tiểu sử của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trích trong quyển sách Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề, dịch giả Tô Nam Nguyễn Đình Diệm.

    TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491-1585)

    Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đạo hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ, người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại. Tiên tổ ngày xưa tu nhân tích đức đã nhiều (nay không thể khảo cứu được), chỉ biết từ đời cụ Tổ được tập phong Thiếu Bảo Tư Quận Công, mỹ tự là Văn Tĩnh, cụ Bà được phong Chính Phu Nhân Phạm thị Trinh Huệ, nguyên trước các cụ lập gia cư ở nơi có núi sông bao bọc, hợp với kiểu đất Cao Biền.

    Phụ thân được tặng phong Thái Bảo Nghiêm Quận Công, mỹ tự là Văn Định, Đạo hiệu là Cù Xuyên Tiên Sinh, nguyên người học rộng tài cao, lại có đức tốt, được sung chức Thái Học Sinh.

    Thân mẫu họ Nhữ, được phong Từ Thục Phu Nhân, nguyên người ở Ân Tử Hạ, thuộc huyện Tiên Minh, là con gái quan Hộ Bộ Thượng Thư Nhữ Văn Lan.

    Bà vốn là người thông minh, học rộng văn hay, lại tinh thông cả môn tướng số, ngay thời Hồng Đức mà bà đã tính được rằng: Vận mệnh nhà Lê chỉ sau 40 năm nữa thì sẽ suy đồi. Vì có một chí hướng phò vua giúp nước của bậc trượng phu, muốn chọn một người vừa ý mới chịu kết duyên, nên đã chờ ngót 20 năm trời, khi gặp Ông Văn Định có tướng sinh được quí tử nên bà mới lấy.

    Nhưng lại gặp một trang thiếu niên trong lúc sang bến đò Hàn thuộc con sông Tuyết giang, thì Bà ngạc nhiên than rằng: Lúc trẻ chẳng gặp, ngày nay tới đây làm gì!

    Những người theo hầu không hiểu ra sao, cầm roi đánh đuổi thiếu niên ấy đi, rồi sau Bà hỏi lại tánh danh, mới biết người ấy là Mạc Đăng Dung, khiến Bà phải sanh lòng hối hận đến mấy năm trời.

    Tiên sinh sanh vào năm Hồng Đức thứ 21 (tức năm Tân Hợi 1491), lúc sơ sanh, vóc người có vẻ hùng vĩ, khi chưa đầy năm đã biết nói. Một hôm, vào buổi sáng sớm, Văn Định đang bế cậu ở trên tay, bỗng thấy cậu nói ngay lên rằng: "Mặt Trời mọc ở phương Đông." Ông lấy làm lạ! Rồi năm lên 4 tuổi, phu nhân dạy cậu học kinh truyện, hễ dạy đến đâu là cậu thuộc lòng đến đó, và thơ quốc âm cậu đã nhớ được mấy chục bài.

    Lại một hôm bà đi vắng, ông ở nhà bày trò kéo dây đùa với lũ trẻ, nhân đọc bỡn một câu rằng: "Nguyệt treo cung, Nguyệt treo cung," rồi ông muốn đọc tiếp câu nữa nhưng chưa nghĩ kịp thì cậu đứng bên đọc ngay rằng: "Vén tay Tiên, nhẫn nhẫn rung."

    Ông thấy cậu mẫn tiệp như vậy thì có ý mừng thầm, đợi khi bà về thuật lại cho nghe. Bà lấy làm bất mãn nói rằng: Nguyệt là tượng bề tôi, cớ sao ông lại dạy con mình như thế?

    Ông cả thẹn xin lỗi, nhưng bà vẫn không nguôi giận, bỏ về ở bên cha mẹ đẻ, cách ít lâu thì mất.

    Lại có truyền ngôn rằng: Lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm còn để chỏm, cùng với lũ trẻ ra tắm ở bến đò Hàn, khi ấy có chú thuyền buôn người Tàu nhìn thấy tướng mạo của cậu, chú bảo với mọi người rằng, cậu bé nầy có tướng rất quí, chỉ hiềm một nỗi là da hơi thô, về sau chỉ làm đến Trạng nguyên Tể Tướng mà thôi. Vì thế nên ai cũng đoán chắc rằng, cậu sẽ là bậc tể phụ của quốc gia sau nầy.

    Như ông lúc còn niên thiếu, học vấn sở đắc ngay tự gia đình, đến khi lớn tuổi, nghe nói có quan Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng, nổi tiếng văn chương quán thế, ông bèn tìm đến để xin nhập học.

    Lương Công là người làng Hội Trào, thuộc huyện Hoằng Hóa, lúc Ngài phụng mệnh sang sứ nhà Minh, có học được phép Thái Ất Thần Kinh của người cùng họ, tức là dòng dõi của Lương Nhữ Hốt (ông Hốt trước hàng nhà Minh, được phong tước là Lãng Lăng Vương). Lương Công rất tinh thông về lẽ huyền vi, đem truyền lại cho ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, đến khi Ngài bị ốm nặng, lại đem con là Lương Hữu Khánh ký thác với ông, ông săn sóc dạy dỗ chẳng khác con mình, sau nầy Lương Hữu Khánh cũng được thành đạt.

    Những năm Quang Thiệu (1516-1526), gặp lúc loạn lạc, ông về ẩn cư để dạy học trò, lấy Đạo làm vui, chẳng cầu danh tiếng, nhưng sang đến thời đầu niên hiệu Thống Nguyên (tức Lê Hoàng Đệ Thung) thì Trịnh Tuy và Mạc Đăng Dung cũng đều có ý hiếp chế Thiên tử để sai khiến chư hầu, hai bên gây cuộc nội chiến, khiến trong nước chịu cảnh lầm than, lúc ấy ông có cảm hứng một bài thơ rằng:

    Thái hòa vũ trụ bất Ngu Chu,
    Hỗ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù.
    Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu,
    Uyên ngư tùng trước vị thùy khu.
    Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã,
    Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu.
    Thế sự đáo đầu hưu thuyết trước,
    Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.

    DỊCH:

    Thái hòa chẳng thấy cảnh Ngu Chu,
    Hai phái thù hằn chém giết nhau.
    Nhuộm máu phơi xương đà khắp chốn,
    Xua chà đuổi sẻ vị ai đâu?
    Trùng hưng duỗi ngựa qua sông trước,
    Hậu hoạn phòng beo tiến cửa sau.
    Ngán nỗi việc đời thôi phó mặc,
    Say rồi dạo suối hát vài câu.

    Sở dĩ có bài thơ trên vì ông biết rõ nhà Lê sẽ được trung hưng, dẫu rằng ngày nay tạm phải tìm kế an thân, nhưng rồi sau đây tất nhiên sẽ lại khôi phục được nước, mà câu: Beo tiến cửa sau, chỉ là nói kín đó thôi.

    Quả nhiên về sau, nhà Lê trung hưng, bốn phương trở lại yên tịnh, bấy giờ bạn hữu đều khuyên ông ra làm quan, đến năm 44 tuổi ông mới chịu ra ứng thí, khoa thi hương ấy, ông được đỗ đầu, rồi năm sau, tức là năm thứ 6 đời nhà Mạc (1535), lại ra tỉnh thi đỗ thứ nhứt, khi vào đình đối, lại đỗ Tiến Sĩ đệ nhứt danh, được bổ chức Đông Các Hiệu Thư, trong thời Thái Tông nhà Mạc, ông có làm hai bài thơ "Xuân thiên ngự tửu", đều được hạng ưu, rồi thăng chức Hữu Thị Lang Hình Bộ, sau thời gian ngắn lại thăng chức Tả Thị Lang, kiêm chức Đông Các Đại Học Sĩ.

    Trong 8 năm ở triều, ông có dâng sớ hạch tội 18 kẻ nịnh thần, xin đem chém để làm gương, bởi vì bổn tâm của ông chỉ muốn làm trăm họ đều được an vui, những người tàn tật mù lòa cũng cho họ được có nghề ca hát bói toán, nhưng rồi gặp phải con rể tên là Phạm Dao ỷ thế lộng hành, vì sợ liên lụy đến mình nên ông cáo quan xin về trí sĩ.

    Thế là giữa năm Quảng Hòa thứ 2 (1542), ông mới 52 tuổi đã xin trí sĩ, treo mão về làng, dựng Am Bạch Vân ở phía tả chỗ làng ông ở và vẫn lấy hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ. Khi ấy ông có bắc hai chiếc cầu Nghinh Phong và Tràng Xuân để khi hóng mát, dựng một ngôi quán gọi là Trung Tân ở bến Tuyết giang, có bia để ghi sự thực.

    Ngoài ra, ông còn tu bổ chùa chiền, có lúc cùng các lão tăng đàm luận, có khi thả một con thuyền dạo chơi Kim Hải, Úc Hải để xem đánh cá. Còn chỗ danh sơn thắng cảnh, như núi An Tử, Ngọa Vân, Kính Chủ, Đồ Sơn, nơi nào ông cũng chống gậy trèo lên, thừa hứng ngâm vịnh, quên cả sớm chiều; mỗi khi thấy chỗ rừng cây chim đổi giọng ca thì ông hớn hở tự đắc, quả là một vị Lục địa Thần Tiên.

    Nhưng trong thời gian dưỡng lão ở chốn gia hương, tuy rằng không dự quốc chính, thế mà họ Mạc vẫn phải kính trọng như một ông thầy, những việc trọng đại thường sai sứ giả về hỏi, có khi lại đón lên kinh thành để hỏi, ông đều ung dung chỉ dẫn, nhờ đó bổ ích rất nhiều. Xong rồi ông lại trở về am cũ, họ Mạc ân cần giữ lại cũng chẳng được, về sau phải liệt vào hạng đệ nhứt công thần, phong tước là Trình Tuyền Hầu, dần dần thăng đến Lại Bộ Thượng Thư Thái Phó Trình Quốc Công. Ông Bà nhị đại cũng được phong ấm, 3 người thê thiếp với 7 người con cũng theo thứ tự phong hàm.

    Thế rồi đến năm Cảnh Lịch thứ 3 thời nhà Mạc (tức Mạc Phúc Nguyên 1550), Thư Quốc Công, người xã Khoa Hoạch huyện Thanh Oai tên là Nguyễn Thiến, có con là Quyện và Mỗi về hàng quốc triều (nhà Lê), ông có làm một bài thơ gởi cho Thiến có những câu rằng:

    Cố ngã tồn cô duy nghĩa tại,
    Tri quân xử biến khởi tâm cam.
    DỊCH:
    Ta giúp mồ côi vì trọng nghĩa,
    Ông khi xử biến há cam lòng.

    Lại có câu rằng:

    Khí vận nhất chu ly phục hợp,
    Trường giang khởi hữu hạn đông nam.
    DỊCH:
    Vận chuyển một vòng tan lại hợp,
    Trường giang đâu có hạn đông nam.

    Thiến xem thơ, trong lòng cảm thấy bứt rứt, còn Quyện cũng là tướng tài, luôn luôn lập được chiến công. Mạc Phúc Nguyên lấy làm lo ngại, hỏi kế nơi ông thì ông thưa rằng: Cha Quyện với thần là chỗ bạn thân từ trước, và đã ở trong nhà thần, hiện nay được ra trấn thủ Thiên Trường, ở vào tình thế bán tín bán nghi, nay muốn dùng kế bắt lại, thực chẳng khác chi thò tay vào túi để lấy một vật gì mà thôi.

    Rồi ông xin với Mạc Phúc Nguyên trao cho 100 tráng sĩ, sai đi phục sẵn ở bên bắc ngạn. ông gởi thơ cho Quyện, hẹn sang bên thuyền nâng chén rượu nhạt kể lại tình xưa, rồi nhân lúc đã quá say, phục binh nổi dậy bắt cóc đem về nam ngạn, ông mới đem ân nghĩa quốc gia để khuyên nhủ. Quyện cảm động khóc nức nở, ông bèn dẫn về qui thuận họ Mạc, rồi sau trở thành một viên danh tướng, nhờ đó nhà Mạc duy trì thêm được mấy chục năm nữa.

    Trong thời gian ấy, Thế Tổ (Trịnh Kiểm) đã dấy nghĩa binh, thanh thế vang khắp xa gần, đánh nhau mấy trận ở cửa Thần Phù. Khiêm Vương Mạc Kính Điển đại bại, Thế Tổ Trịnh Kiểm thừa cơ tiến binh theo đường Tây Sơn ra đánh Kinh Bắc, khiến cho trong ngoài nơm nớp lo sợ, ông hiến kế sách hư hư thực thực, họ Mạc theo đó thi hành, bấy giờ trong cõi mới tạm ổn định.

    Thời Mạc Mậu Hợp, năm Diên Thành thứ 8 (1585), tức năm Ất Dậu tháng 11 thì ông lâm bệnh. Mậu Hợp sai sứ đến vấn an và hỏi về quốc sự. Ông chỉ trả lời rằng: "Tha nhựt quốc hữu sự cố, Cao Bằng tuy tiểu khả duyên sổ thế." Nghĩa là: Sau nầy quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ cũng giữ thêm được mấy đời.

    Quả nhiên, cách 7 năm sau thì họ Mạc mất, rồi các Chúa nhà Mạc như Càn Thống, Long Thái, Thuận Đức, Vĩnh Xương, rút lui lên giữ Cao Bằng được 70 năm, nghĩa là sau ba, bốn đời thì mới hoàn toàn bị diệt, coi đó thì lời nói của ông dự đoán chẳng sai chút nào.

    Nhưng rồi trong tháng ấy, giữa ngày 28 thì Ông tạ thế, hưởng thọ 95 tuổi, học trò suy tôn hiệu là "Tuyết Giang Đại Phu", phần mộ ở trên một cái gò đất trong làng ..........

    Nhắc lại thuở trước, năm Thuận Bình thứ 8 (1556), Lê Trung Tông mất, không có hoàng nam nối ngôi. Thế Tổ Trịnh Kiểm do dự không biết lập ai, hỏi Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, cũng không quyết định nổi, nên mới phải sai gia nhân ngầm đem lễ vật về tận Hải Dương để hỏi, ông không trả lời mà chỉ quay lại bảo các gia nhân rằng: "Vụ nầy lúa không được mấy, chỉ tại thóc giống không tốt, vậy các ngươi phải đi tìm giống cũ để mà gieo mạ." Nói xong, ông lên xe ra chùa, sai các chú tiểu quét dọn đốt hương, ngoài ra không hề đá động gì đến chuyện khác, bởi vì ông đã tỏ cho biết cái thâm ý là: Cứ việc thờ Phật thì được ăn oản.

    Rồi Trạng Phùng thấy thế vội vàng về báo, Thế Tổ Trịnh Kiểm hiểu ngay, bèn đón Anh Tông (Lê Duy Bang) về lập, tình thế trong nước mới được ổn định.

    Trong thời gian ấy, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng là con Chiêu Huân Tĩnh Vương Nguyễn Kim, đương lúc ở trong tình thế nguy ngập vì sợ không thoát khỏi tay Trịnh Kiểm, thân mẫu của người vốn dòng họ Phạm đã được tôn là Thánh mẫu, nguyên quán ở làng Phạm Xá thuộc huyện Tứ Kỳ, với ông là chỗ đồng hương, nên thường bí mật sai người về làng nhờ ông chỉ giúp cho con trai bà một đường sống. Sứ giả đặt gói bạc nén ở trước mặt ông, rồi bái lạy lia lịa.

    Ông thấy sứ giả năn nỉ mãi, nhưng vẫn không nói gì, rồi đứng phắt lên, tay cầm chiếc gậy, thủng thỉnh ra lối vườn sau, là nơi có hơn 10 tảng đá xanh xếp thành một dãy núi giả (non bộ) quanh co, trước núi lúc ấy có những đàn kiến men theo tảng đá leo lên, ông ngắm nghía chúng một lát rồi mỉm cười đọc một câu: "Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân", nghĩa là: một dãy Hoành sơn có thể dung thân được.

    Sứ giả hiểu ý trở về thuật lại với Nguyễn Hoàng. Hoàng bèn xin vào trấn thủ Quảng Nam, đến nay hùng cứ cả vùng đó.

    Nói về môn sinh của ông, thực sự không biết bao nhiêu mà kể, nhưng nói riêng về những người có tiếng tăm lừng lẫy thì có: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, và Trương Thì Cử, đều đã nhờ ơn truyền thụ lý học từng đi đến chỗ uyên thâm, và sau đều là các bậc danh thần trong thời Trung hưng.

    Nhắc lại khi Phùng Khắc Khoan còn theo học Bạch Vân Tiên sinh, lúc thành tài rồi, bỗng có một đêm Tiên sinh đến chỗ nhà trọ của Khoan, Tiên sinh gõ cửa bảo rằng: Gà gáy rồi đấy, sao anh chưa dậy nấu ăn mà còn nằm ỳ ở đó.

    Khắc Khoan hiểu rõ ý thầy nên vội thu xếp lẻn vào vùng Thanh Hóa, nhưng lại ẩn cư với Nguyễn Dữ, chớ chưa chịu ra làm quan. Trong thời gian nhàn rỗi ấy, Nguyễn Dữ có soạn ra bộ Truyền Kỳ Mạn Lục, được Khắc Khoan phủ chính rất nhiều, nên mới thành ra một cuốn thiên cổ kỳ bút. Coi đó, ta thấy việc đào tạo nhân tài để giúp cho bổn triều lúc ấy, phần lớn là nhờ ở Tiên sinh vậy.

    Còn nói về cá nhân của Tiên sinh, ta thấy Tiên sinh là người có lòng khoáng đạt, tư chất cao siêu, xử sự hồn nhiên, không hề có chút cạnh góc, ai hỏi thì nói, không hỏi thì thôi, mà đã nói ra câu gì, thực là bất di bất dịch, dẫu rằng ở nơi thôn dã vui cảnh cúc tùng, hơn 40 năm mà lòng vẫn không quên nước, tấc dạ ưu thời mẫn thế thường thấy chan chứa trong các vần thơ, văn chương viết rất tự nhiên, không cần điêu luyện, giản dị mà rất lưu loát, thanh đạm mà nhiều ý vị, câu nào cũng có quan hệ đến sự dạy đời.

    Riêng về thơ phú quốc ngữ, Tiên sinh soạn cũng rất nhiều, trước đã xếp thành một tập gọi tên là Bạch Vân Thi Tập, tất cả đến hơn ngàn bài, ngày nay sót lại độ hơn một trăm, và một thiên Trung Tân Quán Phú, còn thi thì thất lạc hết cả, nhưng xem đại lược cũng toàn những thể gió mát trăng thanh, dẫu ngàn năm sau vẫn còn có thể tưởng tượng thấy vậy.

    Thử coi những câu:

    Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ?
    An nhàn ngã thị Địa trung Tiên.

    Nghĩa là:

    Cao sạch ai làm thiên hạ sĩ?
    Thanh nhàn ta cũng Địa trung Tiên.

    Đó là mấy câu Tiên sinh tự thuật chí hướng của mình thì đủ rõ.

    Nói về gia đình Tiên sinh có 3 thê thiếp. Bà Chánh thất họ Dương hiệu Từ Ý, quê ở Hải Dương, cũng thuộc bổn huyện, nguyên là ái nữ của quan Hình Bộ Tả Thị Lang Dương Đắc Nhan. Thứ Phu nhân họ Nguyễn, hiệu là Nhu Tĩnh. Á Phu nhân họ Nguyễn hiệu Vi Tĩnh. Con cái cộng 12 người, 7 trai 5 gái. Con trưởng hiệu là Hàn Giang Cư Sĩ, được tập ấm hàm Trung Trinh Đại Phu, rồi sau làm đến Phó Hiến. Con thứ 2 hiệu là Túy Am Tiên Sinh, phong hàm Triều Liệt Đại Phu, tước Quảng Nghĩa Hầu. Con thứ 3 phong hàm Hiển Cung Đại Phu, tước Xuyên Nghĩa Bá, con thứ 4 là Thuần Phu, phong hàm Hoằng Nghị Đại Phu, tước Quảng Đô Hầu, con thứ 5 là Thuần Đức, tước Bá Thứ Hầu, con thứ 6 là Thuần Chính tước Thắng Nghĩa Hầu. Tất cả mấy người con đều có lập được quân công.

    Rồi sau Hàn Giang sinh Thiết Đức, Thiết Đức sinh Đạo Tấn, Đạo Tấn sinh Đạo Thông, Đạo Thông sinh Đăng Doanh, Đăng Doanh sinh Thì Đương. Lúc ấy Thì Đương đã 65 tuổi, sinh được 3 người con trai, đều là cháu 8 đời của Tiên sinh vậy.

    Năm Vĩnh Hựu nguyên niên (tức là năm Ất Mão 1735), người trong làng nhớ tới thịnh đức của Tiên sinh, có dựng hai tòa miếu ngay ở nền nhà của Tiên sinh ngày trước, rồi người hàng Tổng vì nhớ ơn đức cũng đến Xuân Thu hằng năm tế tự Tiên sinh; còn người trong họ là các ông Nguyễn Hữu Lý, vì sợ sau nầy gia phả sẽ bị thất lạc, nên có nhờ ta soạn một bài tựa.

    Ta đây sinh sản ở đất Hồng Châu, đối với Tiên sinh ngày trước, dẫu là đồng hương, nhưng nay cách đã 190 năm rồi thì còn biết đâu mà nói....

    Nhưng ta nhận thấy Kỳ Lân, Phượng Hoàng đâu phải là vật thường thấy ở trong vũ trụ, tất nhiên nó phải ra chơi ở vườn nhà Đường và núi nhà Chu thì nó mới là điềm tốt.

    Còn như Tiên sinh, sẵn có tư chất thông tuệ, thêm vào Đạo học Thánh Hiền, ví thử đắc thời để mà thi thố sở học, chắc sẽ tạo ra cảnh trị bình, thay đổi phong tục phù bạc thành ra lễ nghĩa văn minh. Thế mà trái lại, một người có đủ tài đức phò tá quân vương, lại sinh ra giữa thời bá giả, thành ra sở học trở nên vô dụng, thực đáng tiếc thay!

    Tuy nhiên, đời dùng thì làm, đời bỏ thì ẩn. Đối với Tiên sinh, dù chẳng đắc dụng cũng có hề chi.

    Ta rất hâm mộ Tiên sinh về chỗ đó. Thử coi sinh trưởng trên đất nhà Mạc, khi thử ra làm quan để hành sở học, thì cũng muốn bắt chước Đức Khổng Phu Tử vào yết kiến Công Sơn Phất Nhiễu, rồi khi biết rằng không thể giúp được thì vội bỏ đi, lại muốn theo trí sáng của Trương Lương để hỏi thăm Xích Tùng Tử.

    Nay đọc những văn chương còn lại, khác chi nghe thấy những tiếng ném ngọc gieo vàng, rực rỡ như mây năm sắc, sáng sủa như vừng thái dương, mà cái phong vị tắm sông Nghi, hóng mát cầu Vũ Vu của ông Tăng Điểm ngày trước, và cái phong thú yêu sen, hái lan của tiên nho ngày xưa, hình như ta được nhìn thấy ở Tiên sinh và ta được bái kiến ở trong Giáng Trướng.

    Bởi vì Tiên sinh chẳng những chỉ tinh thâm một môn Lý học, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai, mà sự thực thì trăm đời sau cũng chưa thấy có ai hơn được vậy.

    Ôi! Ở trong thiên hạ, các bậc quân vương, các vị hiền giả, hỏi có thiếu chi, nhưng chỉ có lúc sống thì được phú quí vinh hoa, còn sau khi mất thì những cái đó lại cũng mai một đi với thời gian, hỏi còn ai nhắc nữa?

    Còn như Tiên sinh, nói về thế hệ đã truyền đến 7, 8 đời, gần thì sĩ phu dân thứ ngưỡng vọng như bóng sao Đẩu trên trời, dẫu cách ngàn năm cũng còn tưởng tượng như một buổi sớm, xa thì sứ giả Thanh triều tên Chu Xán, nói đến nhân vật Lĩnh Nam cũng đã có câu: "An Nam Lý học hữu Trình Tuyền" tức là công nhận môn Lý học của nước An Nam chỉ có Trình Tuyền là người số một, rồi chép vào sách truyền lại bên Tàu.

    Như thế, đủ thấy Tiên sinh quả là một người rất mực của nước ta về thời trước vậy.

    Hậu học Ôn Đình Hầu Võ Khâm Lâm cẩn thuật.

    GHI THÊM CHO RÕ:

    Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước được phong là Đông Các Đại Học Sĩ, sau được phong tước là: Trình Tuyền Hầu, rồi dần dần thăng lên Lại Bộ Thượng Thư Thái Phó Trình Quốc Công.

    Cụ mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585), thọ 95 tuổi.

    Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngoài việc dùng thi ca ngâm vịnh làm thú tiêu khiển, Cụ còn muốn dùng văn chương để giáo hóa người đời, truyền bá những tư tưởng đạo đức, giác ngộ dân chúng, vì trước mắt Cụ, hoàn cảnh đất nước thật điêu tàn, chiến tranh nồi da xáo thịt, chém giết nhau vì quyền lợi riêng tư, không còn biết đạo đức nhơn nghĩa. Cụ đã thực hành chủ trương "Văn dĩ tải Đạo" của Thánh Hiền.

    Cụ có viết một tập thơ chữ Hán gọi là "BẠCH VÂN AM THI TẬP". Tập thơ nầy gồm hằng ngàn bài thơ vịnh cảnh, tả tình, hiện đã bị thất lạc gần hết.

    Vê thơ Nôm, Cụ viết tập "BẠCH VÂN QUỐC NGỮ THI TẬP" gồm nhiều bài thi Đường luật và Cổ phong, với chủ đề như sau:

    · Thú ẩn cư, an nhàn tự tại,
    · Than trách đời nhân tình thế thái,
    · Khuyên răn người đời.

    Ngoài ra, Cụ Trạng Trình còn lưu truyền lại cho con cháu một quyển SẤM KÝ trường thiên, mà con cháu Cụ sau nầy chép vào cuốn Bạch Vân Gia Phả Bí Truyền Tập, gọi là SẤM TRẠNG TRÌNH.

    * Sau đây xin chép lại vài bài thi tiêu biểu trong cuốn Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập:

    THÚ THÔN CƯ
    Một mai một cuốc một cần câu,
    Thơ thẩn mặc ai vui thú nào.
    Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
    Người khôn người đến chốn lao xao.
    Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá,
    Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao.
    Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp,
    Nhìn xem phú quí tợ chiêm bao.

    THẾ GIAN BIẾN ĐỔI
    Thế gian biến đổi vũng nên đồi,
    Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi.
    Còn tiền còn bạc còn đệ tử,
    Hết cơm hết gạo hết ông tôi.
    Xưa nay vẫn trọng người chân thực,
    Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
    Ở thế mới hay người thế bạc,
    Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.

    CỦA NẶNG HƠN NGƯỜI
    Đời nầy nhân nghĩa tợ vàng mười,
    Có của thì hơn hết mọi lời.
    Trước đến tay không nào thiết hỏi,
    Sau vào gánh nặng lại vui cười.
    Anh anh chú chú mừng hơ hải,
    Rượu rượu chè chè thết tả tơi.
    Người, của, lấy cân ta sẽ nhấc,
    Mới hay rằng của nặng hơn người.

    * Sau đây xin trích vài đoạn trong SẤM TRẠNG TRÌNH:

    CẢM ĐỀ
    Thanh nhàn vô sự là Tiên,
    Năm hồ phong nguyệt nổi thuyền buông chơi.
    Cơ Tạo Hóa, phép đổi dời,
    Đầu non mây khói tỏa,
    Mặt nước cánh buồm trôi.
    Hươu Tần mặc kệ ai xua đuổi,
    Lầu Hán trăng lên ngẫm mệnh Trời.
    Tuổi già thua kém bạn,
    Văn chương gởi lại đời.
    Dở hay nên tự lòng người cả,
    Nghiên bút soi hoa chép mấy lời.
    Bí truyền cho con cháu,
    Dành hậu thế xem chơi.

    SẤM KÝ
    Nước Nam từ họ Hồng Bàng,
    Biển dâu cuộc thế, giang san đổi dời.
    Từ Đinh Lê Lý Trần thuở trước,
    Đã bao đời ngôi nước đổi thay.
    Núi sông Thiên định đặt bày,
    Đồ thơ mấy quyển, xem nay mới rành.
    .......................
    Kìa kìa gió thổi lá rung cây,
    Rung Bắc rung Nam, Đông tới Tây.
    Tan tác kiến kiều an đất nước,
    Xác xơ cổ thụ sạch am mây.
    Lâm giang nổi sóng mù thao cát,
    Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy.
    Một ngựa một yên ai sùng bái,
    Nhắn con nhà Vĩnh Bảo cho hay.
    Tiền ma bạc quỉ trao tay,
    Đồ Môn Nghệ Thái dẫy đầy can qua.
    Giữa năm hai bảy mười ba,
    Lửa đâu mà đốt Tám Gà trên mây.
    .......................
    Cửu cửu Càn Khôn dĩ định,
    Thanh minh thời tiết hoa tàn.
    Trực đáo dương đầu mã vĩ,
    Hồ binh bát vạn nhập Tràng an.
    Nực cười những kẻ bàng quan,
    Cờ tan lại muốn toan đường đá xe.
    .......................
    Long vĩ xà đầu khởi chiến chinh,
    Can qua xứ xứ khởi đao binh.
    Mã đề dương cước anh hùng tận,
    Thân Dậu niên lai kiến thái bình.
    ........................
    Thần Kinh Thái Ất suy ra,
    Để dành con cháu đem ra nghiệm bàn.
    Ngày thường xem thấy quyển vàng,
    Của riêng bảo ngọc để tàng xem chơi.
    Bởi Thái Ất thấy lạ đời,
    Ấy thuở Sấm Trời vô giá thập phân.
    Phú quí hồng trần mộng,
    Bần cùng bạch phát sinh.
    Hoa thôn đa khuyển phệ,
    Mục giả dục nhơn canh.
    Bắc hữu Kim Thành tráng,
    Nam hữu Ngọc Bích Thành.
    Phân phân tùng bách khởi,
    Nhiễu nhiễu xuất đông chinh.
    Bảo giang Thiên Tử xuất,
    Bất chiến tự nhiên thành.
    .........................
    Cơ Tạo Hoá phép mầu khôn tỏ,
    Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao.
    Thấy Sấm từ đây chép vào,
    Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa.

    NHỮNG GIAI THOẠI VỀ TÀI LÝ SỐ của TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

    1. Chuyện sắt ngắn gỗ dài:

    Tối 30 Tết, Cụ Trạng Trình đang ngồi luận lý số cùng một học trò ở xa đến thăm và biếu cụ lễ vật. Bỗng ở ngoài cổng có tiếng người gọi mở cửa. Cụ sai gia nhân ra bảo hãy chờ cụ một chút. Rồi Cụ bảo học trò bấm quẻ đoán xem người kêu cổng ấy gọi mở cửa để làm gì.

    Cả hai thầy trò đều bấm ra quẻ "Thiết đoản mộc trường" dịch ra là: Sắt ngắn gỗ dài. Cụ hỏi học trò:

    - Vậy anh đoán nó vào đây có việc gì?

    Anh học trò đáp:

    - Thưa Cụ, theo ý con thì sắt ngắn gỗ dài, ắt hẳn người ấy vào đây mượn cái xuổng hay cái cuốc.

    Cụ cười đáp:

    - Khác với anh, tôi đoán nó vào đây mượn cái búa.

    Nói xong, Cụ cho gia nhân ra mở cửa và mời người gọi cửa vào, thì đó là người láng giềng đi vào yêu cầu cho mượn cái búa, đúng như lời Cụ đoán.

    Cụ giải thích cho anh học trò:

    - Anh bấm quẻ giỏi, nhưng đoán còn thấp. Ngày 30 Tết thì ai đi mượn cái xuổng hay cái cuốc làm gì, cho nên tôi đoán nó mượn cái búa để chẻ củi nấu bánh cúng Tết mà thôi.

    Bấm quẻ trúng nhưng khi đoán phải có ý thức cơ biến mới tránh khỏi sai lầm.

    2. Số phận chiếc quạt giấy và cái gối.

    Cụ Trạng Trình muốn thử xem lý số mà cụ học được có hiệu nghiệm không. Cụ làm hai thí nghiệm sau đây:

    * Cụ làm một chiếc quạt giấy. Làm xong, Cụ bói số mệnh của cây quạt giấy nầy thì được quẻ: "Nữ nhân phá hủy".

    Cụ viết 4 chữ nầy lên quạt và treo quạt ở đầu giường.

    Đến gần tới ngày giờ quẻ ứng, Cụ ngồi trên giường luôn luôn để mắt theo dõi quẻ ứng hiện như thế nào?

    Chợt bên hàng xóm có người đến mời Cụ qua dự đám giỗ, nhưng Cụ bận theo dõi chiếc quạt nên chưa thể qua ngay được. Người hàng xóm đến mời nữa, và nói với Cụ Bà giục Cụ đi qua để trễ tiệc. Cụ Bà vào phòng hối Cụ đi mấy lần, nhưng Cụ vẫn lo theo dõi cái quạt nên chưa thể đi được. Cụ Bà bực tức thấy ông ngồi không mà chưa chịu đi, mắt lại nhìn cái quạt không rời. Cụ Bà liền giựt phăng cái quạt, xé đi rồi nói:

    - Quí báu gì cái quạt giấy nầy mà ông cứ nhìn nó hoài như mất thần, để người ta qua đây ba bốn phen mời mọc.

    Cụ cười xòa vui vẻ và liền đi ngay qua đám giỗ.

    Cụ nhận thấy lẽ nhiệm mầu trong khoa lý số đã thể hiện rất chính xác. Nhưng Cụ vẫn còn chút hồ nghi sự việc xảy ra có phải do ngẫu nhiên chăng?

    Do đó, Cụ làm thêm thí nghiệm thứ nhì:

    * Cụ làm một chiếc gối bằng gỗ để ở đầu giường. Cụ bói số mệnh chiếc gối thì được quẻ: "Thử đầu nhi phá".

    Cụ rất ngạc nhiên vì gối kê ở đầu giường luôn luôn thì làm sao chuột phá hỏng được. Cụ ghi lên gối 4 chữ ấy rồi chờ thời gian xem kết quả.

    Tới ngày tháng đúng như trong quẻ đã định, có một ông bạn thân đến thăm Cụ và ngồi nói chuyện với Cụ trong phòng.

    Chợt có một con chuột thập thò ở gầm ghế, ông bạn quơ tay xua đuổi, con chuột không chạy đi, mà cứ ở đó nhìn ông lau láu như có ý chọc tức. Ông bạn nổi giận, thuận tay lấy ngay cái gối gỗ ném vào con chuột. Con chuột lanh chân chạy thoát, còn chiếc gối gỗ thì va vào gạch gãy ra làm nhiều mảnh.

    3. Thánh nhân mắt mù:

    Khi sắp mất, Cụ Trạng Trình có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng; "Bình sanh ta có một tấm bia đá để sẵn và đã sơn kia. Khi ta nhắm mắt rồi, các con phải nhớ, hễ hạ quan tài xuống, phải để tấm bia ấy lên nắp rồi mới lấp đất lại. Sau 50 năm, hễ khi nào có một người lạ đến viếng mộ ta mà nói rằng: Thánh nhân mắt mù, thì phải lập tức mời người ấy về nhà, yêu cầu họ đặt hướng lại ngôi mộ cho ta. Chúng bây phải nhớ kỹ và canh chừng, chớ không được cải cát. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồi lụn bại."

    Con cháu nghe lời và làm y theo lời Cụ dặn.

    Đúng 50 năm sau, một hôm có một người Tàu đến viếng mộ, nhìn ngôi mộ của cụ một lúc thì cất tiếng than rằng:

    - Cái huyệt ở đàng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế nầy? Vậy là Thánh nhân cái gì đâu? hay là Thánh nhân mắt mù đó!

    Người nhà nghe câu Thánh nhân mắt mù, liền chạy về báo cho Tộc trưởng hay, ông nầy vội vàng ra rước người Tàu đó vào nhà, thết đãi tử tế, rồi nhờ đặt giùm ngôi mộ lại.

    Khi nói chuyện mới hay người Tàu đó là một nhà địa lý nổi tiếng ở bên Tàu mới sang nước ta. Ông ta đến đây là để xem di tích của Cụ Trạng thế nào mà tiếng đồn qua tới bên Tàu rằng: An Nam lý học hữu Trình Tuyền.

    Khi nghe ông Trưởng tộc yêu cầu đặt hướng lại cho ngôi mộ thì người Tàu tỏ ý sẵn sàng giúp, để chứng tỏ Trạng Trình còn thua ông ta một bực. Do đó ông ta cảm thấy rất thích chí, hiu hiu tự đắc và thầm nghĩ rằng: Với Cụ Trạng, thực ra chỉ nghe đồn chớ thực mục sở thị thì có gì giỏi đâu?

    Ông ta bảo:

    - Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào lên rồi táng lại tại chỗ, nhích ra sau một chút và quay đầu lại là được.

    Ông Trưởng tộc cả mừng, vội tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý người Tàu ra mộ rồi đào lên.

    Khi đào xuống sắp tới quan tài thì gặp một tấm bia đá, ông thầy Tàu lấy làm lạ, sẵn tính hiếu kỳ, ông bảo đem rửa sạch bia đá, để xem trên đó khắc chữ gì, thì thấy trên bia ấy có khắc bài thi:

    Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu,
    Ngũ thập niên hậu mạch tại túc.
    Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri,
    Hà vị Thánh nhân vô nhĩ mục?

    Nghĩa là:

    Năm chục năm trước mạch tại đầu,
    Năm chục năm sau mạch tại chân.
    Biết gì những kẻ sanh sau,
    Thánh nhân có mắt mù đâu bao giờ?

    Khi xem xong bài thơ trên, ông thầy Tàu mới bật ngửa ra, phục Cụ Trạng Trình sát đất. Cụ tiên tri tài thiệt, sao Cụ lại biết trước những lời của mình sẽ nói? Quả thật, mình chỉ đáng là học trò của Cụ thôi.

    4. Thằng Khả làm ngã bia tao:

    Trước ngày Cụ Trạng qui Tiên, Cụ tạc một bia đá và dặn chôn ở rìa mộ của Cụ, trên đó có ba câu:

    "Cha con thằng Khả,
    đánh ngã bia tao,
    làng biết được bắt thường tam quán."

    Lúc đó người coi bia chẳng hiểu ra sao, cứ làm đúng lời Cụ dặn. Cho tới một thời gian rất lâu về sau, đến một hôm có hai cha con người đó tên là Khả, đi đào chuột. Khi hai cha con đến gần nơi mộ của Cụ Trạng thì thấy có hang chuột, liền đào xuống để bắt chuột. Hang chuột chạy lòn xuống đáy bia đá, chỉ lo đào hang mà quên để ý đến tấm bia đá, đào một hồi thì tấm bia đá mất chưn đứng, ngã kềnh ra mà chưa bắt được con chuột nào. Bọn trẻ mục đồng thấy bia ngã, chúng tri hô lên, rồi làng biết, kêu cha con ông Khả lên làng, bắt nộp tiền phạt và phải dựng bia lại như cũ.

    Cha con anh Khả đành chịu nộp phạt, nhưng nhà nghèo, trong nhà chỉ có một quan tiền tám, nên xin làng cho nộp phạt bao nhiêu đó mà thôi. Làng cũng đành chịu.

    Thế mới biết Cụ Trạng Trình rất tài giỏi về khoa lý số, biết được tên người làm ngã bia của Cụ, và lại biết số tiền nộp phạt là tam quán, nói lái là quan tám.

    5. Ông Nguyễn Công Trứ phá Đền:

    Năm Minh Mạng thứ 14, vua Minh Mạng bắt khai con sông Hải Dương. Lúc ấy, ông Nguyễn Công Trứ đang làm Tri Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, lãnh chiếu chỉ của vua thi hành việc khai con sông đó, địa chính theo lịnh của vua phải cắm cho thẳng, nhưng khổ thay lại trúng thẳng vào Đền thờ của Cụ Trạng Trình, mà ngôi Đền nầy nổi tiếng linh thiêng.

    Ông Trứ truyền lịnh cho dân phải phá Đền khai sông. Dân chúng không ai dám phá, Ông Trứ cũng phân vân, vì trên là lịnh của vua, dưới là ý của dân, nếu không tuân lịnh vua thì sợ vua bắt tội, mà tuân lịnh vua thì trái lòng dân.

    Ông Trứ sắm nhang đèn vào Đền vái Cụ Trạng Trình xin Cụ cho phép phá Đền, vì lịnh vua, ông phải thi hành, xin Cụ hiểu lòng của ông.

    Rồi ông Trứ xin chịu hết trách nhiệm cho công việc phá Đền, lúc đó dân quân mới dám phá.

    Khi đào phá tới cái bệ thờ, thấy hiện ra một tấm bia đá chôn dưới bệ, có chạm khắc bốn câu sau đây:

    "Minh Mạng thập tứ,
    Thằng Trứ phá Đền.
    Phá Đền thì phải làm đền,
    Nào ai lấn đất tranh quyền của ai."

    Ông Nguyễn Công Trứ thấy Cụ Trạng Trình nói đúng tên của mình thì sợ quá, truyền cho dân chúng ngưng việc phá Đền, và lo việc cất Đền trở lại như trước.

    Khi đó, lại tìm thấy trên đầu cột cái có đề 4 hàng chữ:

    "Hỏng Đền thì lại làm đền,
    Rồi sau tìm thấy bạc tiền của ta.
    Của ông, ông để còn xa,
    Ai mà tìm được ắt là thưởng công."

    Ông Tri Huyện Nguyễn Công Trứ đọc 4 câu thơ nầy xong thì suy nghĩ mãi, chợt nẩy ra ý nói lái: CÒN XA nói lái lại là XÀ CON. Ông Trứ liền quan sát các cây xà con đã tháo xuống, thấy có một cây khá nặng, nặng hơn các cây khác. Ông Trứ mừng rỡ, cho bửa cây nầy ra thì có bạc nén văng ra.

    Ông Trứ liền dùng số bạc nầy đi mua các thứ vật liệu, cất Đền trở lại cho Cụ Trạng, với tấm lòng vô cùng kính phục Cụ Trạng.

    Số bạc còn dư, ông Trứ giao cho dân làng Vĩnh Lại để dành tu bổ các đền chùa đình miểu trong làng.

    6. Cây xà nhà đổ:

    Khi Cụ Trạng Trình sắp mất, Cụ kêu con cháu lại giao cho một cái ống tre sơn son thếp vàng, gắn bít hai đầu lại và dặn đúng ngày giờ ấy, tháng ấy, năm ấy, phải để cái ống lên kiệu, rước lên dinh quan Tổng Đốc Hải Dương, thì sẽ cứu được tình thế quá nghèo khổ của gia đình, nhưng tuyệt đối không được mở ra xem, chỉ có quan Tổng Đốc được mở mà thôi.

    Cái ống tre ấy truyền đến cháu 7 đời của Cụ Trạng thì mới đúng ngày giờ đã định. Người cháu ấy mới đưa lên quan Tổng Đốc Hải Dương đúng theo lời Tổ tiên đã dặn ghi trong gia phả.

  • Thanh Sơn Đạo Sĩ

    Quan Tổng Đốc cầm cái ống, mở ra xem, thấy có hai câu thơ như vầy:

    Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách,
    Nhĩ cứu ngã thất đại chi bần.

    Nghĩa là:

    Ta cứu mầy khỏi cây xà nhà đổ,
    Mầy cứu ta cháu bảy đời nghèo.

    Quan Tổng Đốc đang lúc làm việc quan, thấy hai câu thơ nói xấc xược, gọi quan là MẦY thì cả giận, sẵn cầm cây quạt, ông bước tới đánh người vừa dâng cái ống tre có hai câu thơ ấy. Khi vừa bước ra khỏi chỗ ngồi thì bỗng nhiên cây xà nhà to lớn trên nóc nhà đổ xuống ngay cái ghế mà quan vừa ngồi, đánh rầm một cái, làm cho cái ghế gãy nát.

    Quan Tổng Đốc hốt hoảng, kêu la inh ỏi, giựt mình ngó lại, nếu còn ngồi tại cái ghế đó, cây xà nhà đập xuống ắt phải chết nát xương.

    Khi quan bình tĩnh suy nghĩ trở lại hai câu thơ vừa rồi thì mới biết người viết hai câu thơ đó đã cứu quan thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo hy hữu đó. Quan hỏi đến người dâng cái ống tre, mới rõ đó là cháu 7 đời của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, và hai câu thơ trên là Cụ Trạng Trình viết ra để cứu ông thoát nạn.

    Quan Tổng Đốc cho dọn dẹp, rồi mời người cháu 7 đời của Cụ Trạng vào nhà trong, thết đãi cơm rượu, và giúp cho một món tiền lớn.

  • Thanh sử

    Thanh sử

    青史

    A: The history book.

    P: Le livre de l"histoire.

    Thanh: Màu xanh. Sử: lịch sử.

    Thanh sử, dịch là Sử xanh, là quyển sách lịch sử.

    Thời xưa chưa làm được giấy để in ấn, nên phải dùng mũi nhọn khắc chữ vào các miếng tre xanh để ghi lại các sự kiện lịch sử, nên gọi sách lịch sử ấy là Sử xanh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thanh sử từng nêu gương nữ kiệt.

  • Thanh tâm quả dục

    Thanh tâm quả dục

    清心寡慾

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Tâm: lòng dạ. Quả: ít. Dục: ham muốn.

    Thanh tâm quả dục là cái tâm trong sạch và ít ham muốn.

    Người tu cần phải giữ cái tâm cho trong sạch, tức là giữ cho tư tưởng trong sạch, và kềm giữ dục vọng, không cho ham muốn điều nầy điều kia.

  • Thanh Thiên

    Thanh Thiên

    青天

    Thanh: Màu xanh. Thiên: từng Trời.

    Thanh Thiên là từng trời thứ ba trong Cửu Trùng Thiên. Từng Trời nầy có ánh sáng màu xanh nên gọi là Thanh Thiên.

    Kinh Ðệ Tam cửu: Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng đảo.

  • Thanh thiên bạch nhựt

    Thanh thiên bạch nhựt

    青天白日

    A: In the broad daylight.

    P: En plein jour.

    Thanh: Màu xanh. Thiên: trời. Bạch: trắng. Nhựt: ngày.

    Thanh thiên bạch nhựt là giữa ban ngày, dưới trời xanh.

    Ý nói: rất rõ ràng, không giấu giếm ai hết.

  • Thanh tịnh

    Thanh tịnh

    清淨

    A: Pure and clean.

    P: Pur et propre.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Tịnh: trong sạch.

    Thanh tịnh là rất trong sạch.

    Đó là nghĩa đen. Nghĩa trong tôn giáo, Thanh tịnh là lìa khỏi các hành động gian ác, xa lìa mọi phiền não và mê muội.

    Tâm thanh tịnh là tâm trong sạch, không nhuốm phiền não, lòng tin không nghi ngờ.

    Thanh tịnh cũng được nói tắt là Tịnh, đồng nghĩa với: An lạc, Thanh khiết, thành tựu viên mãn; trái nghĩa với: ô trược, uế trược, cấu ác.

    Tân Luật: Tịnh thất là nhà thanh tịnh để cho các tín đồ vào mà tu luyện.

  • Thanh tịnh Đại hải chúng

    Thanh tịnh Đại hải chúng

    清淨大海眾

    Thanh tịnh: (đã giải ở trên). Đại: lớn. Hải: biển. Chúng: nhiều người. Hải chúng: rất nhiều người, nhìn thấy như một biển người.

    Thanh tịnh Đại hải chúng là một cõi thiêng liêng mà người nơi đó rất đông đảo, nhìn vào thấy một biển người mênh mông như đại hải, dành cho những chơn hồn có tội (ít hoặc nhiều) tạm ở đó chờ Toà Tam Giáo Ngọc Hư Cung xem xét cân phân tội phước của mỗi chơn hồn để định phận.

    Trong khi chờ đợi như thế, các chơn hồn có thể tu luyện thêm, và có Thất Nương Diêu Trì Cung đến đây độ rỗi.

    Như vậy, Thanh tịnh Đại hải chúng là một khu vực phụ thuộc của cõi Âm Quang, dưới quyền độ rỗi và giáo hóa của Đức Địa Tang Vương Bồ Tát và Thất Nương Diêu Trì Cung.

    Sau đây là lời phê của Đức Phạm Hộ Pháp, liên hệ đến Thanh tịnh Đại hải chúng, về việc ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi từ chức Giáo Thiện để vô núi Linh Sơn (núi Bà Đen) tu luyện, do Tờ đề ngày 3-11-Canh Dần (dl 11-12-1950) của ông Nguyễn Văn Thế và 16 vị thệ hữu đồng đứng xin dâng công quả của mấy vị đó lên để chuộc tội cho ông Võ Văn Đợi là Sư huynh của họ trong nhóm Đạo núi:

    Lời phê của Đức Hộ Pháp:

    "Đợi bị phế vị là vì nó từ chối Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, ngày nay theo Thiên điều thì nó phải tái kiếp mà hành đạo lại, nếu nó đặng ở Thanh tịnh Đại hải mà tu hành nơi cõi Hư linh cũng là may phước cho nó, còn quyền thiêng liêng thưởng phạt là do quyền Ngọc Hư Cung, có phải của Bần đạo đâu mà xin Bần đạo.

    Còn dâng công quả cho Đợi, chỉ có vợ con của Đợi mới đặng. Còn mấy em, ai thèm đâu mà dâng."

    HỘ PHÁP (ấn ký)

    (Trích trong quyển Lời Phê của Đức Hộ Pháp, trang 60)

    Sau đây là chuyện ông Thần Ninh Bình là ông HAI CHIẾM ở Phạm Môn:

    Ông Hai Chiếm, quê ở Bến Lức, Tân An, làm công quả tại Nhà Sở Giang Tân của Phạm Môn. Làm công quả không được bao lâu thì ông Hai Chiếm lên cơn bịnh ngặt và chết. Anh em thệ hữu trong Sở Giang Tân lo đám tang cho ông đầy đủ.

    Ít lâu sau, trong một đàn cơ, Phối Thánh Phạm Văn Màng giáng cơ báo cáo với Đức Hộ Pháp:

    - Bạch Sư phụ, anh Chiếm được vào phẩm Địa Thần, được Đức Quyền Giáo Tông làm chứng.

    Sau đó, trong một đàn cơ tại Hộ Pháp Đường, ngày 4-5-Bính Tý (dl 22-6-1936), Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng giáng cơ bạch với Đức Hộ Pháp:

    - Thưa Sư phụ, anh Chiếm có về còn đứng ở ngoài cửa vì chưa có lịnh của Sư phụ nên không dám vào.

    Đức Hộ Pháp cho gọi thì liền đó cơ viết:

    - Dạ, con là Chiếm đây nè!

    - Sao em không dám vô?

    - Vì con sợ Sư phụ quá! Con viết không được, nhờ Anh Ba (Phối Thánh Màng) viết giùm.

    Hôm con mới chết, ôi thôi nó khổ biết chừng nào!

    Một nỗi là "mẹ thằng Đường" (vợ của ông Hai Chiếm) nó kêu tới kêu lui chịu đà không nổi! Mới vừa hết đau thì có lệnh Ngọc Hư Cung sai Như Ý Lão Quân bắt con đem qua Thanh tịnh Đại hải chúng.

    Thưa Sư phụ! Ở đó khó ở quá, bị bọn quỉ lồi, cô hồn gì đâu đủ thứ, nó mắng nhiếc tối ngày, nhứt là nó chửi con là đồ làm biếng, tu gì! Tu cái gì! Cái đám thầy chùa mê hoặc! Hại nỗi bị mấy tay phản đạo cũng có trong đám đó, đứng cầm đầu xúi giục bọn kia chửi mắng. Con chịu như vậy hoài, muốn chết đi cho khỏi, ngặt mà chết không đặng. Nó hành con quá chừng!

    Đương cơn thảm khổ, con lại may gặp một Bà thật tử tế, nghe nói Bà là Thất Nương Diêu Trì Cung đến thăm, rồi Bà ấy biểu con theo Bà, con mừng quá, đi theo liền. Vì thấy Bà đó oai quyền lớn lắm, nơi Thanh tịnh Đại hải chúng ai cũng đều kiêng Bà.

    Bà dẫn con đến nhà Đức Quyền Giáo Tông ở. Ở đó đâu đặng ít ngày thì Đức Q. Giáo Tông nói với con rằng: Ngọc Hư Cung cho con đi phó lỵ tỉnh Ninh Bình, làm ông Thần tại đó.

    Con mới ở đâu đặng năm bảy tháng rồi, may quá! Cũng còn gần, nên con chạy đi chạy về thăm đặng.

  • Thanh trừng

    Thanh trừng

    清懲

    A: To purge.

    P: Épurer.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Trừng: trừng phạt.

    Thanh trừng là trừng phạt những phần tử xấu để giữ cho một tập thể được trong sạch tốt đẹp.

  • Thanh trược

    Thanh trược

    清濁

    A: Pure and impure.

    P: Pur et impur.

    Thanh: Trong sạch, rõ, sạch sẽ. Trược: Trọc: dơ bẩn.

    Thanh trược là hai trạng thái trái ngược nhau: trong sạch và dơ bẩn. Trong sạch thì nhẹ nhàng, ô trược thì nặng nề.

    - Nếu người nào ăn chay trường nhiều năm, làm việc từ thiện, có đời sống đạo đức, thì chơn thần trong sạch, nhẹ nhàng, hào quang trong sáng.

    - Nếu người nào ăn mặn, giết hại thú vật, tâm tánh không lương thiện thì chơn thần ô trược, nặng nề, hào quang có màu tím đục.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy theo chơn thần thanh trược.

  • Thanh vương - Hồng vương - Bạch vương

    Thanh vương - Hồng vương - Bạch vương

    青王 - 紅王 - 白王

    Thanh: Màu xanh. Hồng: màu đỏ. Bạch: trắng. Vương: vua.

    Thanh vương, Hồng vương, Bạch vương là ba thời kỳ khai Hội Long Hoa ứng với ba thời kỳ Phổ Độ nhơn sanh.

    Do đó, bài kệ U Minh Chung có ba câu kệ cuối là:

    · Nam mô Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương Đại Hội Nhiên Đăng Cổ Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn.

    · Nam mô Nhị Hội Long Hoa Hồng Vương Đại Hội Di-Đà Cổ Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn.

    · Nam mô Tam Hội Long Hoa Bạch Vương Đại Hội Di-Lạc Cổ Phật Chưởng giáo Thiên Tôn.

    Ba câu trên có nghĩa là:

    · Cầu nguyện với Đức Nhiên Đăng Cổ Phật Chưởng Giáo Hội Long Hoa kỳ I gọi là Thanh Vương Đại Hội.

    · Cầu nguyện với Đức A-Di-Đà Cổ Phật Chưởng Giáo Hội Long Hoa kỳ II gọi là Hồng Vương Đại Hội.

    · Cầu nguyện với Đức Di-Lạc Cổ Phật Chưởng Giáo Hội Long Hoa kỳ III gọi là Bạch Vương Đại Hội.

    Dùng 3 chữ: Thanh, Hồng, Bạch để chỉ thứ tự 3 kỳ Long Hoa Đại Hội có ý nghĩa căn cứ trên sự sinh trưởng của vạn vật trong 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông xoay vần trong một năm, tương ứng với các màu trong Ngũ Hành.

    1. Kỳ Khai Đạo Phổ Độ lần thứ nhứt ví như cây cỏ đang mọc vào mùa Xuân, ứng vào thời kỳ vua Phục Hy bên Tàu.

    Xuân chủ về Mộc, sắc của Mộc trong Ngũ Hành là màu Xanh, nên thời kỳ nầy gọi là Thanh Vương Đại Hội. Đức Phật ứng vận làm Chánh chủ khảo trong thời kỳ nầy là Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.

    2. Kỳ Khai Đạo Phổ Độ lần thứ nhì ví như cây cỏ đang vào mùa Hạ, đang trổ bông đặng bắt đầu kết trái, ứng vào thời kỳ Đông Châu Liệt Quốc bên Tàu.

    Hạ chủ về Hỏa, sắc của Hỏa trong Ngũ Hành là màu đỏ (Hồng), nên thời kỳ nầy gọi là Hồng Vương Đại Hội. Đức Phật ứng vận làm Chánh chủ khảo là Đức A-Di-Đà Phật.

    3. Kỳ Khai Đạo Phổ Độ lần thứ ba ví như cây cỏ đang kết trái ở mùa Thu, ứng vào năm Bính Dần (dương lịch 1926).

    Thu chủ về Kim, sắc của Kim trong Ngũ Hành là màu trắng (Bạch), nên thời kỳ nầy gọi là Bạch Vương Đại Hội. Đức Phật ứng vận làm Chánh chủ khảo là Đức Di-Lạc Vương Phật.

    Vạn vật chỉ có sanh khí vào ba mùa: Xuân, Hạ, Thu. Đến mùa Thu thì gặt hái, cho nên qua mùa Đông thì điêu tàn vì không có sanh khí, để rồi qua hết mùa Đông, bắt đầu mùa Xuân thì vạn vật sanh trưởng.

    Sách Nho xưa có câu: "Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàn." Cho nên chỉ có 3 thời kỳ: Thanh vương, Hồng vương, Bạch vương, mà không có Hắc vương, vì Hắc vương là tử kỳ (thời kỳ chết: điêu tàn). (Theo Ngũ Hành, mùa Đông chủ về Thủy, sắc của Thủy là màu đen: Hắc).

    Trong hai thời kỳ: Thanh vương và Hồng vương, người cầu đạo phải xuất gia tu hành khổ hạnh.

    Đến thời kỳ Bạch vương, Đức Chí Tôn Thượng Đế mở đạo phổ truyền tâm pháp tu hành, dầu tại gia hay xuất gia đều tu được cả, và người tu có thể đắc đạo tùy theo công đức làm được nhiều ít của mình.

    Chẳng những thế, những vị tu hành trong hai kỳ trước mà chưa đắc quả, kể cả người trong quỉ vị, nếu kỳ nầy lập được nhiều công đức thì đều được đắc đạo thoát khỏi luân hồi, vì Đức Chí Tôn đại khai ân xá.

  • THÀNH

    THÀNH

    1. THÀNH: 成 Nên việc, kết quả, trở nên.

    Thí dụ: Thành danh, Thành đạo.

    2. THÀNH: 誠 Thành thật, chơn thật.

    Thí dụ: Thành khẩn, Thành tín.

    3. THÀNH: 城 Bức tường bao quanh, thành thị.

    Thí dụ: Thành Hoàng Thần.

  • Thành chung

    Thành chung

    成終

    A: Diploma of primary superior studies.

    P: Diplôme d"études primaires supérieures.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Chung: xong, hết.

    Thành chung là tên của một bằng cấp ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc, gọi là Văn bằng Cao Đẳng Tiểu Học, tức là sau khi học hết bậc Tiểu Học, thi đậu Văn bằng Tiểu Học, thì lên học bậc Trung Học Đệ nhứt cấp, khi xưa gọi là bậc Cao Đẳng Tiểu Học, sau 4 năm thì thi lấy Văn bằng Cao Đẳng Tiểu Học, gọi tắt là Bằng Thành Chung.

    Thời Pháp thuộc, người Việt Nam thi đậu bằng Thành Chung là nói thông thạo tiếng Pháp, được nhà nước Pháp tuyển dụng vào làm công chức cho Pháp.

  • Thành dạ

    Thành dạ

    A: Sincere.

    P: Sincère.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Dạ: lòng dạ, chữ Hán gọi là Tâm.

    Thành dạ là lòng thành thật (Thành tâm).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thành dạ thì toan đến cảnh Tiên.

  • Thành danh

    Thành danh

    成名

    A: To become famous.

    P: Devenir célèbre.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Danh: tiếng tăm.

    Thành danh là nói người học hành đỗ đạt, có tiếng tăm.

  • Thành đạo

    Thành đạo

    成道

    A: The achievement of the foundation of a religion.

    P: L"achèvement de la fondation d"une religion.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Đạo: tôn giáo.

    Thành đạo là một nền tôn giáo được xây dựng hoàn thành về hình thức cũng như về nội dung.

    - Về hình thức: Xây dựng xong hệ thống các nhà thờ từ trung ương đến địa phương để tập trung tín ngưỡng của các tín đồ, xây dựng xong các nghi thức cúng tế và thờ phượng, tổ chức xong hệ thống Giáo Hội, Hội Thánh, gồm các Chức sắc từ trung ương đến địa phương.

    - Về Nội dung: Hoàn thành hệ thống Giáo lý của nền Đạo, gồm đầy đủ Thể pháp công truyền và Bí pháp tâm truyền.

    Hoàn thành hệ thống Triết lý và một nền luân lý thích ứng. Hoàn thành hệ thống luật pháp của Đạo để hướng dẫn các tín đồ tu hành mau tiến hóa tâm linh.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Các con phải đồng tâm hiệp lực nhau, bỏ hết các điều tệ theo thường tình, thì mới dễ thành đạo. Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt sè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm linh quang của Thầy ban cho các con lắm."

    Đức Chí Tôn cũng có tiên tri rằng:

    "Chi chi qua năm Quí Dậu cũng phải cho thành đạo, mà trước khi đạo thành thì Tam thập lục động Quỉ về phá Tòa Thánh dữ dội lắm mà trừ an nội loạn rồi mới thành Thiên cơ,"

  • Thành độc sớ văn

    Thành độc sớ văn

    誠讀疏文

    Thành: Thành thật, chơn thật. Độc: đọc, nhìn mặt chữ mà đọc thành tiếng. Sớ văn: bài văn viết để tâu lên Đức Chí Tôn.

    Thành độc sớ văn là thành kính đọc bài sớ văn tâu lên Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, và các Đấng thiêng liêng.

    Trong nghi tiết cúng Tiểu đàn hay Đại đàn, khi Lễ sĩ xướng "Thành độc sớ văn" thì người có nhiệm vụ đọc sớ đi lên quì bên cạnh và phía dưới vị Chức sắc chứng đàn dâng sớ. Vị Chức sắc đưa sớ văn lên trán cầu nguyện xong, lấy lá sớ trao cho người đọc.

    Người đọc sớ phải là người giữ trường chay, có giọng đọc tốt và lớn. Khi đọc danh hiệu của các Đấng thiêng liêng thì phải cúi đầu kỉnh lễ. Đọc xong thì trao lá sớ lại cho vị Chức sắc chứng đàn, đặt lá sớ vào bao, rồi Lễ sĩ xướng "Cung phần sớ văn" thì vị chứng đàn đưa sớ lên hai ngọn đèn sáp, đốt cháy được phân nửa lá sớ thì bỏ vào thố, đem đặt lên Thiên bàn.

  • Thành hoàng Thần

    Thành hoàng Thần

    城隍神

    A: The tutelary spirit of a city.

    P: Le génie tutélaire d"un cité.

    Thành: Bức tường bao quanh, thành thị. Hoàng: ao cạn trong thành. Thần: vị Thần.

    Thành hoàng đồng nghĩa Thành hào, là cái thành có mươn đào chung quanh.

    Thành hoàng Thần là vị Thần có trách nhiệm ủng hộ (về phương diện thiêng liêng) dân chúng sống trong một cái thành, trong một thị trấn, hay trong một vùng dân cư.

    Thành hoàng Thần được nói tắt là Thành hoàng. Nếu Thành hoàng ủng hộ dân chúng trong một làng, một xã thì gọi là Thần hoàng bổn cảnh. (Xem thêm: Thần hoàng bổn cảnh).

  • Thành khẩn

    Thành khẩn

    誠懇

    A: To pray respectfully.

    P: Prier respectueusement.

    Thành: Thành thật, chơn thật. Khẩn: cầu khẩn.

    Thành khẩn là cầu khẩn một cách thành kính.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Dặn các Thánh Thất, các Đạo hữu phải để lòng thành khẩn, hiệp sức với Lão mà nài xin Thánh luật.

  • Thành kiến

    Thành kiến

    成見

    A: Preconceived idea.

    P: L" idée préconçue.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Kiến: ý kiến.

    Thành kiến là ý kiến cố chấp, không thay đổi được, thường là những ý kiến thiên lệch.

  • Thành kỉnh tụng Phật giáo tâm kinh

    Thành kỉnh tụng Phật giáo tâm kinh

    誠敬誦佛敎心經

    Thành: Thành thật, chơn thật. Kỉnh: Kính: tôn kính. Tụng: đọc kinh. Tâm kinh: bài kinh dạy về tâm, nên phải dùng tâm mà lãnh hội. Phật giáo tâm kinh: bài kinh Phật dạy về tâm.

    Thành kỉnh tụng Phật giáo tâm kinh: Thành kính tụng bài Phật giáo tâm kinh, là bài kinh Phật dạy về tâm.

    Đây là một câu xướng của Lễ sĩ trong nghi tiết cúng Đại đàn hay Tiểu đàn, để đồng nhi bắt đầu tụng bài kinh Phật giáo: "Hỗn Độn Tôn Sư,....."

  • Thành nhân chi mỹ

    Thành nhân chi mỹ

    成人之美

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Nhân: người. Chi: tiếng đệm. Mỹ: đẹp.

    Thành nhân chi mỹ là nên người lớn khôn tốt đẹp.

  • Thành niên

    Thành niên

    成年

    A: The full age.

    P: L"âge de majorité.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Niên: năm, tuổi.

    Thành niên là tuổi trưởng thành, tuổi mà pháp luật công nhận có đủ năng lực về tinh thần và thể chất để chịu trách nhiệm về các hoạt động trước pháp luật.

    Vị thành niên: chưa tới tuổi trưởng thành. (Vị là chưa)

  • Thành phục

    Thành phục

    成服

    A: The mourning-donning ceremony.

    P: La cérémonie pour prendre le deuil.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Phục: quần áo, ở đây ý nói quần áo tang.

    Thành phục là lễ chịu tang để thân nhân người chết mặc quần áo tang.

    Sau khi cúng Đức Chí Tôn, thượng sớ Tân cố, rồi liệm thi hài người chết vào quan tài, thì tới Lễ Thành phục. Y phục để tang giữ theo Nho giáo.

    Nghi tiết Lễ Thành phục có nhạc lễ diễn ra như sau:

    1. Chủ nhơn tựu vị (người chủ đến đứng tại vị trí hành lễ). Nhạc xây tá đờn bài Hạ.

    2. Giai quì (tất cả đều quì xuống). Nhạc đổ trống, tất cả quì, dứt đờn.

    3. Phần hương (đốt nhang). Nhạc đánh thét, con cháu đốt hương.

    4. Nguyện hương (cầm hương đưa lên trán cầu nguyện). Nhạc đánh thét, con cháu nguyện hương.

    5. Thượng hương (dâng hương lên). Nhạc đánh thét, con cháu dâng hương cắm vào lư hương.

    6. Cúc cung bái (cúi mình lạy xuống). Nhạc đánh trống lớp tư, con cháu lạy 3 lạy.

    7. Ngũ phục chi nhơn các phục kỳ phục (5 thứ quần áo tang, áo của người nào thì lấy mặc vào). Nhạc xây tá đờn bài Hạ.

    8. Hưng bình thân (đứng dậy). Nhạc tiếp tục đờn bài Hạ.

    9. Quán y phục (đội khăn tang và mặc quần áo tang). Nhạc đờn bài Hạ, mở theo trống qua Xuân nữ.

    10. Giai quì (tất cả đều quì xuống). Nhạc đổ trống quì, dứt đờn.

    11. Cúc cung bái (cúi mình lạy xuống). Nhạc đánh trống lớp tư, con cháu lạy 3 lạy.

    12. Hưng bình thân (đứng dậy). Nhạc đánh thét, tất cả con cháu đều đứng dậy.

    13. Tang chủ dĩ hạ giai xuất (tang chủ và con cháu xá rồi đi ra). Nhạc trổi thét.

    14. Lễ thành (xong lễ). Nhạc đổ một hồi ngắn rồi thét, mãn lễ.

  • Thành song

    Thành song

    成雙

    A: To marry.

    P: Se marrier.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Song: đôi.

    Thành song là thành một đôi vợ chồng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Tác hiệp sẵn nhờ xây bĩ thới,
    Thành song trước định gặp thư hùng.
  • Thành tắc vi vương, bại tắc vi khấu

    Thành tắc vi vương, bại tắc vi khấu

    成則為王, 敗則為寇

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Tắc: thì (lời nói giúp câu). Vi: làm, là. Vương: vua. Khấu: giặc cướp. Bại: thua.

    Thành tắc vi vương, bại tắc vi khấu: người thắng thì làm vua, kẻ bại thì là giặc. (Thắng là vua, thua là giặc).

  • Thành tích bất hảo

    Thành tích bất hảo

    成績不好

    A: To have the shady past.

    P: Avoir un passé ombreux.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Tích: công hiệu. Bất hảo: không tốt. Thành tích là hiệu quả làm nên.

    Thành tích bất hảo là người có những hành động trong thời gian qua được đánh giá là không tốt, đáng chê trách.

  • Thành thục

    Thành thục

    成熟

    A: Experienced.

    P: Expérimenté.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Thục: thông thuộc, có kinh nghiệm.

    Thành thục là thông thuộc và có nhiều kinh nghiệm.

  • Thành tín

    Thành tín

    誠信

    A: The sincerity and faith.

    P: La sincérité et la foi.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Tín: tin tưởng, đức tin.

    Thành tín là lòng thành thật và sự tin tưởng (đức tin).

    Niệm Hương: Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp.

    (Người theo đạo cốt là ở tấm lòng thành thật và đức tin, hai thứ đó hợp lại).

    - Lòng thành thật là nguồn gốc của các tánh tốt.

    Người không có lòng thành thì mất nhân cách vì mình đã tự dối mình, dối lương tâm mình, thì giá trị của mình còn thấp hơn là những người bị mình lừa dối.

    Muốn thành thật với người thì trước hết phải thành thật với chính mình. Thành thật với chính mình là lấy công tâm mà xét đoán mình: từng lời nói, từng cử chỉ, ý tưởng, phải xem xét gắt gao kỹ lưỡng để nhận biết chỗ hay chỗ dở. Phải đủ can đảm nhận lỗi mình, và phải biết sữa chữa cho trở nên tốt đẹp.

    Thành thật với người là tránh xa vọng ngữ, xảo trá.

    Hoàn toàn thành thật với mình, hoàn toàn thành thật với người, đó là Chí thành, cái đức tốt trên tất cả các đức tánh tốt, mà mọi người, dù đời hay đạo phải trau giồi un đúc đặng bước lần đến chỗ Chí thiện.

    Khi tụng niệm kinh kệ, nếu không có lòng Chí thành thì tụng luống công vô ích. Phải có thành mới có cảm, có cảm mới có ứng, có ứng mới có linh nghiệm. Tụng niệm mà không có lòng thành, dù bày biện đủ thứ cho long trọng, cũng không có Đấng thiêng liêng nào đến chứng giám. Chứng là chứng cái lòng thành của mình chớ không phải do lễ vật cúng hiến.

    - Đức tin là nguồn gốc của người tu.

    Chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối Đức Chí Tôn, những lời dạy bảo của Đức Chí Tôn và thực hành theo đó. Đức tin mà vững chắc thì không còn sợ một điều gì đe dọa mình, kể cả việc đe đọa đến sanh mạng mình. Phương ngôn Tây phương: Đức tin có thể dời được núi non.

    Các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật thường dùng huyền diệu làm ấn chứng cho người để củng cố Đức tin cho người hầu dễ bề độ rỗi. Tùy theo trình độ về tâm lý, về kiến thức của mỗi người, các Đấng thiêng liêng bày ra cho mỗi người một cách thích hợp để tạo Đức tin và dẫn dắt vào đường đạo đức.

  • Thành tựu

    Thành tựu

    成就

    A: Achievement.

    P: L" achèvement.

    Thành: Nên việc, kết quả, trở nên. Tựu: tới, đến.

    Thành tựu là đạt đến thành công, hoàn thành tốt đẹp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đợi đến ngày thành tựu, các con mới thấy rõ Thiên cơ thì chừng ấy các con muốn lập công bằng buổi nầy sao đặng.

  • THÁNH

    THÁNH

    THÁNH: 聖 có nhiều nghĩa, phân ra sau đây:

    1. THÁNH: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua.

    Thí dụ: Thánh đạo, Thánh tử đạo, Thánh hiền.

    2. THÁNH: Thiêng liêng, mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn.

    Thí dụ: Thánh chất, Thánh bất khả tri.

    3. THÁNH: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng.

    Thí dụ: Thánh giáo, Thánh ngôn, Thánh ý.

  • Thánh ân

    Thánh ân

    聖恩

    A: Favour of God.

    P: La faveur de Dieu.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Ân: ơn huệ.

    Thánh ân là ơn huệ của Đức Chí Tôn ban cho.

    Kinh Nhập Hội: Mượn Thánh ân xây đổi cơ đời.

  • Thánh bất khả tri

    Thánh bất khả tri

    聖不可知

    Thánh: Thiêng liêng, mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn. Bất khả: không thể. Tri: biết.

    Đây là một câu trong bài Kinh Tiên giáo, tán tụng công đức của Đức Thái Thượng Đạo Quân:

    Thánh bất khả tri là không thể biết rõ hết sự thiêng liêng mầu nhiệm của Đức Thái Thượng Đạo Quân.

    Đức Thái Thượng Đạo Quân do khí Tiên Thiên hóa sanh, là Tổ Sư và cũng là Giáo chủ Đạo Tiên, nên quyền pháp của Ngài vô cùng mầu nhiệm, không một ai có thể biết rõ.

    Kinh Tiên Giáo: Thánh bất khả tri, công bất khả nghị.

  • Thánh chất

    Thánh chất

    聖質

    A: The sacred quality.

    P: La qualité sacrée.

    Thánh: Thiêng liêng, mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn. Chất: phẩm chất.

    Thánh chất là phẩm chất tốt đẹp hoàn toàn.

    Trái với Thánh chất là Phàm chất.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hòn ngọc khó đem trau Thánh chất.

  • Thánh cốc

    Thánh cốc

    聖穀

    A: The sacred cereal.

    P: La céréale sacrée.

    Thánh: Thiêng liêng, mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn. Cốc: hột lúa.

    Thánh cốc là hột lúa Thánh, ý nói hạt giống đạo đức.

    Sự truyền bá giáo lý của một nền tôn giáo ví như đem hột giống đạo đức gieo vào mảnh tâm điền của mỗi nhơn sanh để cho nó sinh sôi nẩy nở thêm nhiều ra.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lão đến gieo hột Thánh cốc nơi lòng kẻ tà tâm, mong đơm bông kết quả đặng liệu thế hồi tâm.

  • Thánh danh

    Thánh danh

    聖名

    A: Sainted name.

    P: Saint nom.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Danh: tên.

    Thánh danh là tên Thánh.

    Khi một tín đồ đắc phong vào hàng Chức sắc Cửu Trùng Đài thì được ban cho một Thánh danh.

    ■ Thánh danh của Chức sắc Cửu Trùng Đài nam phái có 3 chữ: - chữ đầu chỉ phái (Thái, Thượng, Ngọc), - chữ giữa là tên trong khai sanh, - chữ chót là Tịch đạo, trong đời đệ nhứt Giáo Tông Đức Lý Thái Bạch thì dùng chữ Thanh.

    Thí dụ: Ông Nguyễn Văn Chánh, đắc phong Lễ Sanh phái Thượng, nên Thánh danh là: Thượng Chánh Thanh.

    ■ Thánh danh của Chức sắc nữ phái Cửu Trùng Đài có hai chữ: - chữ đầu là Tịch đạo, trong đời đệ nhứt Giáo Tông Đức Lý Thái Bạch thì dùng chữ Hương, - chữ thứ nhì là tên trong khai sanh.

    Thí dụ: Bà Nguyễn thị Kim Dung đắc phong Lễ Sanh nữ phái, nên Thánh danh là Hương Dung.

    Tịch đạo nam phái là Thanh, tịch đạo nữ phái là Hương ứng với đời đệ nhứt Giáo Tông, qua đời đệ nhị Giáo Tông thì Tịch đạo là Đạo Tâm, theo hai bài thi Tịch đạo nam nữ mà Đức Chí Tôn đã ban cho. (Xem chi tiết nơi chữ: Tịch đạo)

    Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cơ Quan Phước Thiện không có Thánh danh theo Tịch đạo.

  • Thánh đản (Thánh đán)

    Thánh đản (Thánh đán)

    聖誕

    A: The nativity.

    P: La nativité.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Đản: Đán: ngày sanh (đản nhựt).

    Thánh đản hay Thánh đán là ngày sanh của một vị Thánh hay một vị Tiên.

    Đối với một vị Phật thì gọi là Phật đản.

    Lễ Phật đản là ngày lễ kỷ niệm sinh nhựt của Đức Phật. (L"anniversaire de la naissance du Bouddha).

    Noel là ngày Lễ Thánh đản hay Lễ Giáng sinh của Đức Chúa Jésus Christ. (La nativité du fondateur Jésus Christ).

  • Thánh đạo

    Thánh đạo

    聖道

    A: The doctrine of Saint.

    P: La doctrine du Saint.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Đạo: tôn giáo.

    Thánh đạo là tôn giáo dạy cho các tín đồ tu hành đắc đạo thành bực Thánh.

    Nho giáo và Thiên Chúa giáo đều là Thánh đạo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thánh đạo của Chúa Cứu thế, vì sự hiểu lầm, làm tăng gia dục vọng của kẻ mạnh đối người yếu.

  • Thánh địa

    Thánh địa

    聖地

    A: Holy land.

    P: Terre Sainte.

    Thánh: Thiêng liêng, mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn. Địa: đất, vùng đất.

    Thánh địa là vùng đất Thánh, là thủ phủ của một nền tôn giáo, nơi đó có đền thờ trung ương gọi là Tòa Thánh, có đặt các cơ quan trung ương của Hội Thánh để điều hành nền Đạo.

    · Thiên Chúa giáo có Thánh địa là La Mã (Roma).

    · Phật giáo Tây Tạng có Thánh địa là Lhassa.

    · Đạo Cao Đài có Thánh địa là Tây Ninh.

    Đức Chí Tôn có dạy rằng:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Nơi nào Thầy ngự thì nơi đó là Thánh địa.....

    Còn Tòa Thánh thì Thầy muốn cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, ấy là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước..... Các con chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi."

    Vậy, Thánh ý của Đức Chí Tôn đặt Tây Ninh là Thánh địa. Đức Lý Giáo Tông xin chọn nơi khác mà Đức Chí Tôn không chịu. Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.

    Đức Lý Giáo Tông giải thích vì sao cuộc đất ấy gọi là Thánh địa: "Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh địa: Sâu hơn 300 thước, như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn nước làm như 6 con rồng đoanh nhau, nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi, gọi là Lục Long Phò Ấn, ngay miếng đất có đặng 3 đầu: một đầu ra giếng mạch Ao hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia.

    Còn xin khai khẩn thêm mấy miếng rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh Thánh địa ngày sau hóa vàng. Chư hiền hữu biết lo lập, ngày sau rất quí báu." (ĐS. II.225)

    ÐS. II. 225: Ðạo Sử quyển II trang 225 của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.

  • Thánh điện

    Thánh điện

    聖殿

    A: The sanctuary.

    P: Le sanctuaire.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Điện: tòa nhà lớn.

    Thánh điện là tòa nhà lớn thờ Đức Chí Tôn và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:Thánh điện mà hơi tà còn phưởng phất.

  • Thánh đức

    Thánh đức

    聖德

    A: The virtue of Saint.

    P: La vertu de Saint.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Đức: đức hạnh, đạo đức.

    Thánh đức là đức hạnh của bậc Thánh.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hễ vào đặng Thánh vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đọa trần đi nữa cũng giữ vẹn Thánh đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành.

  • Thánh giáo

    Thánh giáo

    聖敎

    Chữ Thánh giáo có nhiều nghĩa tùy trường hợp:

    1. Thánh giáo là nền đạo của Đức Chí Tôn:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vì vậy mà Thầy muốn cho mỗi đứa đều để lòng lo liệu mà chấn hưng nền Thánh giáo.

    2. Thánh giáo là lời dạy bảo của Đức Chí Tôn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con được phép cho mấy anh con coi Thánh giáo của Thầy.

    3. Thánh giáo là lời dạy bảo của các Đấng thiêng liêng.

    Thí dụ: Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông.

    Nghĩa thường dùng: Thánh giáo là các bài văn giáng cơ dạy đạo của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng.

    Trường hợp nầy, Thánh giáo đồng nghĩa Thánh Ngôn.

  • Thánh hiền

    Thánh hiền

    聖賢

    A: Saint and Sage.

    P: Saint et Sage.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Hiền: người có đức hạnh và tài năng hơn người.

    Thánh hiền là bực Thánh và bực hiền, tức là chỉ chung bực thông minh tài giỏi xuất chúng và có đạo đức hơn người.

    Đó là những vị hướng đạo nhơn sanh và làm lợi ích cho nhơn sanh.

    Đức Khổng Tử khi xưa, dạy học nơi Hạnh đàn, có tất cả Tam thiên đồ đệ (3000 học trò), lựa ra được Thất thập nhị Hiền (72 ông Hiền). Trong Thất thập nhị Hiền lựa ra được Thập Triết (10 vị Hiền Triết). Ngoài ra còn có 2 vị đạt đến bực Thánh là: Nhan Hồi và Tăng Sâm. Qua hai đời sau thì có thêm 2 vị Thánh xuất hiện nữa là: Tử Tư và Mạnh Tử, tính tổng cộng có 4 vị Thánh, gọi chung là Tứ Phối.

    * Trong Đạo Cao Đài ngày nay, Đức Chí Tôn chọn:

    Nhứt Phật,
    Tam Tiên,
    Tam thập lục Thánh,
    Thất thập nhị Hiền,
    Tam thiên đồ đệ.

    · Nhứt Phật là 1 vị Giáo Tông,

    · Tam Tiên là 3 vị Đầu Sư,

    · Tam thập lục Thánh là 36 vị Phối Sư,

    · Thất thập nhị Hiền là 72 vị Giáo Sư,

    · Tam thiên đồ đệ là 3000 vị Giáo Hữu.

    Các số lượng kể trên do Đức Chí Tôn qui định nên thành Thiên điều, không thể thay đổi được.

  • Thánh kinh

    Thánh kinh

    聖經

    A: The Sainted prayers.

    P: Les Saintes prières.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Kinh: bài văn có vần điều để tụng.

    Thánh kinh là các bài kinh do các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật giáng cơ ban cho dùng để tụng khi cúng tế.

    Thánh kinh của Đạo Cao Đài thường được gọi là Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Đây là kinh của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ nên còn được gọi là Tân Kinh. (Thánh kinh của Thiên Chúa giáo và đạo Tin Lành là quyển Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước).

    Khai Kinh: Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh kinh.

  • Thánh lịnh - Thánh huấn - Huấn lịnh - Đạo lịnh

    Thánh lịnh - Thánh huấn - Huấn lịnh - Đạo lịnh

    聖令 - 聖訓 - 訓令 - 道令

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Lịnh: mệnh lệnh. Huấn: dạy dỗ.

    Thánh Lịnh là lịnh của Hội Thánh, do vị Chức sắc cao cấp đứng đầu cầm quyền Hội Thánh ký tên ra lịnh cho toàn cả Chức sắc, Chức việc,Đạo hữu nam nữ trong đạo tuân hành.

    Thí dụ: Thánh lịnh số 36/ĐS-Tân Luật ngày 26-4-Quí Sửu (dl 28-5-1973) công nhận 59 vị Giáo Hữu lên Giáo Sư.

    Thánh Huấn là lời dạy của Hội Thánh cho các cấp Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu nam nữ, có tánh cách hướng dẫn thi hành chu toàn các công việc đạo, do cấp lãnh đạo Chánh Phối Sư trở lên ký tên.

    Huấn Lịnh là lịnh dạy cho các Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu nam nữ phải thi hành công việc đạo, có tánh cách bắt buộc, do cấp Thượng Thống Cửu Viện ký tên.

    Thí dụ: Huấn Lịnh số 21/CV-HL ngày 15-7-Nhâm Thìn (dl 3-9-1952) dạy toàn thể Chức sắc nam nữ cách xưng hô danh từ.

    Đạo Lịnh là lịnh của Hội Thánh dạy thực thi một thể thức một cách rộng rãi.

    Thí dụ: Đạo Lịnh số 26/ĐL ngày 13-2-Kỷ Hợi (dl 21-3-1959) qui định Thể thức Cầu phong Cầu thăng cho Chức sắc và Chức việc.

  • Thánh luật

    Thánh luật

    聖律

    A: Sainted laws.

    P: Saintes lois.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Luật: luật pháp.

    Thánh luật là luật pháp của nền Đại đạo của Đức Chí Tôn, đó là luật pháp của Đạo Cao Đài.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Dặn các Thánh Thất, các Đạo hữu phải để lòng thành khẩn, hiệp sức làm một với Lão mà nài xin Thánh luật.

  • Thánh miếu

    Thánh miếu

    聖廟

    A: The temple of Confucius.

    P: Le temple de Confucius.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Miếu: đền thờ.

    Thánh miếu là đền thờ Đức Thánh Khổng Tử và các vị Thánh hiền của Nho giáo.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Cửa Thánh miếu hỡi còn thiếu gái,
    Chốn quyền môn nữ lại vẫn không.
  • Thánh Ngôn - Thánh ngôn Hiệp tuyển

    Thánh Ngôn - Thánh ngôn Hiệp tuyển

    聖言 - 聖言合選

    A: The Sainted Speeches. - The collection of the selected spiritistic messages.

    P: Les Saintes Paroles. - Le recueil des messages spirites choisies.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Ngôn: lời nói. Hiệp: hợp lại. Tuyển: lựa.

    Thánh ngôn là lời dạy bảo của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng.

    Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng dùng huyền diệu cơ bút viết ra những bài văn hay bài thi để dạy đạo đức cho nhơn sanh. Những bài văn thi ấy được gọi là Thánh ngôn.

    Các bài Thánh ngôn nầy được Hội Thánh sưu tập, chọn lọc và cho in thành sách phổ biến cho nhơn sanh, gọi là Thánh ngôn Hiệp tuyển.

    Thánh ngôn Hiệp tuyển là quyển sách căn bản của Đạo Cao Đài, vì từ Thánh ngôn nầy, Hội Thánh soạn ra Tân Luật và Pháp Chánh Truyền Chú Giải.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thầy nói một lần từ đây nhớ lấy, dầu cho sắt đá, cỏ cây nghe đến Thánh ngôn nơi Thầy mà các con nói ra cũng hoan nghinh, huống lựa là người, con nhớ và an lòng."

    "Nếu kẻ nào biết hiểu Thánh ngôn của Thầy nơi miệng các con mà tỉnh ngộ thì số hằng sống của nó vốn còn, còn chẳng thì thôi, để chúng nó theo tà quái."

  • Thánh nho

    Thánh nho

    聖儒

    A: The Saints of Confucianism.

    P: Les Saints de Confucianisme.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Nho: đạo Nho, Nho giáo.

    Thánh nho là các vị Thánh của Nho giáo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bởi vậy, chư Hiền, chư Thánh nho nói rằng: khi nhơn tức khi tâm.

  • Thánh nhơn

    Thánh nhơn

    聖人

    A: The Saint.

    P: Le Saint.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Nhơn: người. Có 3 trường hợp sau đây:

    1. Theo Lão giáo: Thánh nhơn là người lý tưởng đạt đến trình độ huyền đồng với Tạo Hóa, hiệp cùng Đạo.

    Hạng Thánh nhơn làm theo đạo Vô vi: Vô vi nhi vô bất vi, nghĩa là: không làm gì cả nhưng chẳng có việc gì mà không làm được. Như Trời có làm gì đâu mà sanh hóa vạn vật.

    Vậy, theo Lão giáo thì Thánh nhơn là các vị Tiên.

    2. Theo Nho giáo: Thánh nhơn là người lý tưởng, đạt đến chỗ tận thiện tận mỹ trong đạo làm người, nhưng hạng người nầy luôn luôn hoạt động, giúp người giúp đời, sửa sang mọi việc cho trở nên tốt đẹp.

    Vậy theo Nho giáo, Thánh nhơn là vị Thánh đúng nghĩa.

    3. Đối với Đạo Cao Đài: Thánh nhơn là một phẩm Chức sắc cao cấp trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của Cơ Quan Phước Thiện, đứng dưới phẩm Tiên Tử, nhưng trên phẩm Hiền Nhơn.

    Phẩm Thánh Nhơn đối phẩm Phối Sư Cửu Trùng Đài, tức là đối phẩm Thiên Thánh của Bát Quái Đài.

    Ông Phạm Văn Màng, cai sở Phạm Môn, khi qui liễu, được Đức Phạm Hộ Pháp truy thăng phẩm Thánh Nhơn của Cơ Quan Phước Thiện, và Ông được Ngọc Hư Cung nhìn nhận công quả, nên đắc quả Phối Thánh nơi cõi thiêng liêng.

  • Thánh tâm

    Thánh tâm

    聖心

    A: The sacred heart.

    P: Le coeur sacré.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Tâm: lòng dạ, cái tâm của con người.

    Thánh tâm là cái tâm thiện lương chơn chánh của bực Thánh. Trái với Thánh tâm là Phàm tâm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lợt điểm Thánh tâm trần tục khảo.

    Điểm Thánh tâm mà phai lợt thì Phàm tâm chen vào, xúi giục con người làm điều sai trái cho thỏa mãn lục dục thất tình. Con người lúc đó bị khảo đảo nặng nề, chừng nào làm chủ được cái tâm, loại bỏ Phàm tâm thì tự nhiên Thánh tâm tỏ rạng.

  • Thánh thai

    Thánh thai

    聖胎

    A: The spiritual foetus.

    P: Le foetus spirituel.

    Thánh: Thiêng liêng, mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn. Thai: đứa bé hình thành trong bụng mẹ.

    Trong phép luyện đạo, luyện cho Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì tạo được chơn thần huyền diệu, đắc đạo tại thế. Cái chơn thần huyền diệu nầy được các nhà luyện đạo gọi bằng nhiều danh từ khác nhau như: Thánh thai, Anh nhi, Kim đơn, Xá lợi Tử, Bổn lai diện mục,....

    Vậy Thánh thai là chỉ cái chơn thần huyền diệu của người đắc đạo.

    Khi luyện đạo như vậy là luyện cho Tinh hóa Khí, tức là nghịch chuyển, mới tạo thành Thánh thai. Người không luyện đạo thì tự nhiên Khí hóa thành Tinh, tức là thuận chuyển, mà thuận chuyển thì Tinh đi xuống, lọt ra ngoài theo đường sinh dục, kết hợp với noãn châu của người nữ, tạo thành Phàm thai.

  • Thánh thân

    Thánh thân

    聖身

    A: Sainted body.

    P: Le Saint corps.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Thân: thân thể.

    Thánh thân là Thánh thể, tức là hình thể của Đức Chí Tôn tại thế. Đó là Hội Thánh Cửu Trùng Đài. (Xem chữ: Thánh thể)

    Trái với Thánh thân là Phàm thể, chỉ về nhơn sanh.

    Kinh Xuất Hội: Vẹn toàn phàm thể Thánh thân,

  • Thánh Thất

    Thánh Thất

    聖室

    A: The oratory, the Holy House.

    P: L"oratoire, la Sainte Maison.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Thất: cái nhà.

    Thánh Thất là nhà thờ Đức Chí Tôn và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Tại mỗi Tộc đạo (Họ đạo) đều phải xây dựng một Thánh Thất để làm đền thờ Đức Chí Tôn, và làm nơi tín ngưỡng cho bổn đạo địa phương. Phía sau Thánh Thất là nhà Hậu điện, có lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ chung, và làm văn phòng cho Đầu Tộc đạo nam nữ, và Chức việc Bàn Trị Sự. Hai bên Hậu điện là Đông lang và Tây lang dùng làm nơi sinh hoạt cho các ban bộ.

    Thánh Thất được xây cất theo kiểu vở của Tòa Thánh Tây Ninh, nhưng nhỏ hơn và đơn giản hơn.

    Ban Kiến Trúc tại Tòa Thánh có lập sẵn các họa đồ xây cất Thánh Thất theo ba cở: cở số 2 (lớn nhứt), cở số 3 (trung bình) và cở số 4 (nhỏ nhứt).

    Địa phương nào muốn xây dựng Thánh Thất thì trước hết phải xin phép Chánh quyền địa phương. Sau đó lên Tòa Thánh, đến Ban Kiến Trúc lựa chọn cở họa đồ nào thích hợp với miếng đất của địa phương, đồng thời xin Hội Thánh cho công thợ chuyên môn xuống địa phương xây dựng, và trang trí cho đúng theo qui cách thống nhứt mà Hội Thánh qui định.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con.

    BẢNG QUI ĐỊNH KIẾN TẠO THÁNH THẤT ĐỊA PHƯƠng:

    CỬU TRÙNG ĐÀI ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    Văn Phòng (Tứ thập ngũ niên)
    Thượng Chánh PS TÒA THÁNH TÂY NINH
    Số: 5/TgCPS/Bát Quái Đài

    BẢNG QUI ĐỊNH TRANG TRÍ NỘI NGOẠI DUNG THÁNH THẤT TÂN TẠO ĐỊA PHƯƠNG

    Do Hội Thánh Hiệp Thiên và Cửu Trùng Đài ấn định theo Vi Bằng số 5/VB ngày 3 và 8-3-Canh Tuất (1970) của Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Vi Bằng số 12/VB ngày 7-4-Canh Tuất (1970) của Hội Thánh Lưỡng Đài duợt xét do Đức Thượng Sanh chủ tọa đồng chấp thuận 14 khoảng được kiến tạo và không được kiến tạo như dưới đây:

    1. Thánh Thất địa phương cất theo kiểu duy nhứt về hình thức bên ngoài bản đồ số 3 của Hội Thánh Lưỡng Đài đã chấp thuận trong Vi Bằng số 9 ngày 4-3-Canh Tuất (dl 9-4-1970) nhưng lớn nhỏ tùy theo châu vi phần đất. Còn việc trang trí nội dung, toàn Hội đề nghị những chi tiết ghi chú nối tiếp sau đây:

    2. Chấp thuận cho đắp hình Đức Di-Lạc trên nóc Hiệp Thiên Đài.

    3. Chấp thuận cho đắp hình Ông Thiện và Ông Ác như ở Đền Thánh.

    4. Không chấp thuận đắp hình Đức Quyền Giáo Tông và Bà Nữ Đầu Sư ở các Thánh Thất.

    5. Không chấp thuận đắp hình: Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục trên bao lơn đài, chỉ được vẽ bông y trong họa đồ.

    6. Chấp thuận có hình Tam Thánh cũng như ở Đền Thánh, nhưng phải vẽ cho giống.

    7. Nơi ngai Hộ Pháp, chỉ thờ chữ Khí, không được đắp Thất đầu xà và hình tượng Đức Hộ Pháp và Cao Thượng Phẩm như ở Đền Thánh.

    8. Không chấp thuận đắp cột rồng và làm 9 nấc Cửu Trùng Đài như ở Đền Thánh, chỉ được làm plafond dù không có hình lục long.

    9. Hai bên hông Cửu Trùng Đài đắp hình chữ THỌ, không được đắp hình Thiên nhãn và bông sen như ở Đền Thánh.

    10. Trên diềm Bát Quái Đài đắp bông dây, không được đắp hình Tam giáo, Tam trấn, Bát Tiên và Thất Thánh.

    11. Chấp thuận cho đắp cột rồng ở Bát Quái Đài mà thôi.

    12. Không chấp thuận hai bên hông đắp hình Kim Mao Hẩu như ở Đền Thánh.

    13. Trên nóc Thánh Thất làm y trong họa đồ, không có hình Long mã và ba vị Cổ Phật.

    14. Không chấp thuận mái hiên chung quanh Thánh Thất đắp dây nho, chỉ làm y theo họa đồ.

    Nếu nơi nào bất tùng luật lịnh nầy, Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh không nhìn nhận Thánh Thất đó và rút giấy phép không cho làm Lễ Khánh thành.

    Tòa Thánh, ngày 12 tháng 10 Canh Tuất.
    (dl 10-11-1970)
    Q. THƯỢNG CHÁNH PHỐI SƯ
    Thượng Tửng Thanh (ấn ký)
  • Thánh thể

    Thánh thể

    聖體

    A: The spiritual body of God.

    P: Le corps spirituel de Dieu.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Thể: hình thể.

    Chữ Thánh thể có hai nghĩa trong hai trường hợp:

    1. Thánh thể là hình thể của Đức Chí Tôn tại thể.

    Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài với hình thể gồm 3 Đài:

    · Bát Quái Đài là linh hồn của Đạo.
    · Hiệp Thiên Đài là chơn thần của Đạo.
    · Cửu Trùng Đài là thể xác của Đạo.

    Những Chức sắc Cửu Trùng Đài vào hàng Thánh mới được gọi là Thánh thể của Đức Chí Tôn. Như vậy, những Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu đổ lên (Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh) thì mới đứng vào Thánh thể của Đức Chí Tôn; còn từ phẩm Lễ Sanh (đối phẩm Địa Thần) sắp xuống thì chưa đứng vào Thánh thể.

    Kinh Nhập Hội: Các con vốn trong vòng Thánh thể.

    2. Thánh thể là hình thể thiêng liêng tốt đẹp của Đức Chí Tôn. Đức Chí Tôn tạo ra loài người lấy theo hình ảnh thiêng liêng tốt đẹp của Đức Chí Tôn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy cho các con đến thế giới nầy với một Thánh thể thiêng liêng y như hình ảnh của Thầy.

  • Thánh Tông đồ

    Thánh Tông đồ

    聖宗徒

    A: Apostles.

    P: Apôtres.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Tông: Tôn: tôn giáo. Đồ: học trò.

    Đức Chúa Jésus, Giáo chủ đạo Thiên Chúa có 12 môn đồ, gọi là 12 Thánh Tông đồ. Đó là 12 vị Thánh đầu tiên của Thiên Chúa giáo.

    Sau đây là đoạn Thánh Kinh trích trong Kinh Thánh Tân Ước nói về 12 Thánh Tông đồ nầy:

    MƯỜI HAI SỨ ĐỒ CHỊU CHỨC ĐI GIẢNG ĐẠO

    "Đức Chúa Jésus gọi 12 môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma và chữa các thứ tật bịnh.

    Tên 12 sứ đồ như sau nầy:

    Sứ đồ thứ nhứt là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ,Anh-rê là em người, Gia-cơ con của Xe-bê-đê, và Giăng là em Gia-cơ, Phi-líp cùng Ba-thê-lê-my, Thô-ma, Ma-thi-ơ là người thâu thuế, Gia-cơ con của A-phê, cùng Tha-đê, Si-môn là người Ca-na-an, cùng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là kẻ phản Đức Chúa Jésus.

    Ấy đó là 12 sứ đồ Đức Chúa Jésus sai đi và có truyền rằng: Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả, song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên.

    Khi đi đàng, hãy rao giảng lên rằng: nước Thiên đàng gần rồi. Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không. Đừng đem vàng hoặc bạc hoặc tiền trong lưng các ngươi, cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy, vì người làm việc đáng được đồ ăn.

    Các ngươi vào thành nào hay là làng nào, hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình, rồi ở nhà họ cho đến lúc đi.

    Và khi vào nhà nào, hãy cầu bình an cho nhà ấy, nếu nhà đó xứng đáng thì sự bình an các ngươi xuống cho, bằng không thì sự bình an các ngươi trở về các ngươi.

    Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, thì khi ra khỏi nhà đó hay thành đó, hãy phủi bụi đã dính chơn các ngươi. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến ngày phán xét, thì xứ Sô-đôm và Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy."........

    "Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ. Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ thì đủ rồi.

    Nếu người ta gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà! Vậy các ngươi đừng sợ, vì chẳng có việc giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết. Cho nên, lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà.

    Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn, nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.

    Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đến hết rồi. Vậy đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ. Bởi đó, ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ thì Ta sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời, còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ở trên trời."............

    "Ai gìn giữ sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được. Ai rước các ngươi tức là rước Ta, ai rước Ta tức là rước Đấng đã sai Ta. Ai rước một Đấng Tiên tri vì là Tiên tri thì sẽ lãnh phần thưởng của Đấng Tiên tri, ai rước một người công chính vì là công chính thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính.

    Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ của Ta, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu.".....

    "Những lời ấy xong rồi thì phán cùng môn đồ rằng: Các ngươi biết rằng còn hai ngày nữa thì đến lễ Vượt Qua, và Con Người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự."

    ĐỨA PHẢN CHÚA

    Bấy giờ có một người trong mười hai sứ đồ tên là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đến tìm các thầy tế lễ cả mà nói rằng:

    - Các thầy bằng lòng trả cho tôi bao nhiêu đặng tôi sẽ nộp Người cho? Họ bèn trả cho nó ba chục bạc.

    Từ lúc đó, nó tìm tìm dịp tiện để nộp Đức Chúa Jésus.

    SỰ LẬP LỄ TIỆC THÁNH

    Trong ngày thứ nhứt ăn bánh không men, môn đồ đến gần Đức Chúa Jésus thưa rằng: - Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu? Ngài đáp rằng: - Hãy vào thành, đến nhà một người kia mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến, ta và môn đồ sẽ giữ lễ Vượt Qua trong nhà ngươi. Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jésus đã dạy mà dọn lễ Vượt Qua.

    Đến tối, Ngài ngồi ăn với 12 môn đồ. Khi đương ăn, Ngài phán rằng: - Quả thật ta nói cùng các ngươi rằng, có một người trong các ngươi sẽ phản ta.

    Các môn đồ lấy làm buồn bực lắm, và lần lượt hỏi Ngài rằng: - Lạy Chúa, có phải tôi không?

    Ngài đáp rằng: - Kẻ nào để tay vào mâm với ta, ấy là kẻ sẽ phản ta. Con Người đi y theo lời đã chép về Ngài, song khốn nạn thay cho kẻ phản Con Người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn! Giu-đa là kẻ phản Ngài cất tiếng hỏi rằng: - Thưa thầy, có phải tôi chăng?

    Ngài phán rằng: - Thật như ngươi đã nói.

    Đương khi ăn, Đức Chúa Jésus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: - Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta.

    Ngài lại lấy chén đựng rượu nho, tạ ơn rồi, đưa cho các môn đồ mà rằng: - Hết thảy hãy uống đi, vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội. Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta.

    LỜI BÁO TRƯỚC CHO PHI-E-RƠ

    Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Jésus và môn đồ đi ra lên núi Ô-li-ve. Ngài bèn phán rằng: - Đêm nay các ngươi sẽ đều vấp phạm vì cớ ta, như có chép rằng: Ta sẽ đánh kẻ chăn chiên, thì chiên trong bầy sẽ bị tan lạc. Song sau khi ta sống lại rồi, ta sẽ đi đến xứ Ga-li-lê trước các ngươi.

    Phi-e-rơ cất tiếng thưa rằng: - Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy.

    Đức Chúa Jésus phán rằng: - Quả thật, ta nói cùng ngươi, chính đêm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta 3 lần.

    Phi-e-rơ thưa rằng: - Dầu tôi phải chết với thầy đi nữa, tôi chẳng chối thầy đâu.

    Hết thảy môn đồ đều nói y như vậy.

    VƯỜN GHẾT-MA-NÊ, ĐỨC CHÚA JÉSUS BỊ BẮT

    Rồi Đức Chúa Jésus cùng môn đồ đi đến một chỗ kêu là Ghết-sê-ma-nê. Ngài phán rằng: - Hãy ngồi đây, đợi ta đi cầu nguyện đằng kia. Đoạn Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. Ngài bèn phán: - Linh hồn ta buồn bực đến chết, các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta. Rồi Ngài bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: "Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con. Song không theo ý muốn của con mà theo ý muốn của Cha."

    Kế đó, Ngài trở lại với môn đồ, thấy đang ngủ, thì Ngài phán cùng Phi-e-rơ rằng: - Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được! Hãy thức canh và cầu nguyện kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ, tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối. Ngài lại đi lần thứ hai mà cầu nguyện rằng: "Cha ơi! Nếu chén nầy không thể lìa khỏi con được mà con phải uống thì xin ý Cha được nên."

    Ngài trở lại lần nữa thì thấy môn đồ còn ngủ vì mắt họ đã đừ quá rồi. Đoạn Ngài bỏ đi mà lại đi cầu nguyện lần thứ ba và lặp xin như lời trước.

    Rồi Ngài đi đến với môn đồ mà phán rằng: - Bây giờ các ngươi ngủ và nghỉ ngơi ư? Nầy, giờ đã gần tới, Con Người sẽ bị nộp trong tay kẻ có tội. Hãy trở dậy, đi hè, kia kẻ phản ta đến kia.

    Khi Ngài còn đương phán, xảy thấy Giu-đa là một người trong 12 sứ đồ đến với một bọn đông người cầm gươm và gậy, mà các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân đã sai đến.

    Đứa phản Ngài đã trao cho bọn đó dấu nầy: người nào mà tôi sẽ hôn, ấy là người đó, hãy bắt lấy. Tức thì Giu-đa đến gần Đức Chúa Jésus mà rằng: - Chào thầy! rồi hôn Ngài.

    Nhưng Đức Chúa Jésus phán cùng nó rằng: - Bạn ơi! vậy thì vì việc nầy mà ngươi đến đây sao?

    Rồi chúng nó đến gần, tra tay bắt Đức Chúa Jésus.....

    Khi ấy, hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi......

    GIU-ĐA CHẾT

    Khi ấy, Giu-đa là kẻ đã phản Ngài, thấy Ngài bị án, thì ăn năn, bèn đem 30 miếng bạc trả cho các thầy tế lễ và các trưởng lão mà nói rằng: - Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội.

    Song họ đáp rằng: - Sự đó can gì đến chúng ta? Mặc kệ ngươi.

    Giu-đa ném bạc vào đền thờ, liền trở ra, đi thắt cổ.(1)

    Nhưng các thầy tế lễ cả lượm bạc và nói rằng: - Không có phép để bạc nầy trong kho thánh vì là giá của huyết.

    Rồi họ bàn với nhau dùng bạc đó mua ruộng của kẻ làm đồ gốm để chôn những khách lạ. Nhơn đó, ruộng ấy đến nay còn gọi là "Ruộng huyết." (Trích Tân Ước, Tin lành theo Ma-thi-ơ)

    CÁC MÔN ĐỒ TẠI PHÒNG CAO

    "Bấy giờ, các người đó từ núi gọi là Ô-li-ve trở về thành Giê-ru-sa-lem, núi ấy cách thành Giê-ru-sa-lem một quãng đường ước đi một ngày Sa-bát (ước chừng một ki-lô-mét). Khi về đến bèn lên một cái phòng cao kia, là nơi Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ, Anh-rê, Phi-líp, Thô-ma, Ba-thê-lê-my, Ma-thi-ơ, Gia-cơ con của A-phê, Si-môn Xê-lốt và Giu-đê con của Gia-cơ thường ở. Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đờn bà và Ma-ri là mẹ Đức Chúa Jésus cùng anh em Ngài.

    MA-THIA ĐƯỢC CỬ LÀM SỨ ĐỒ THẾ GIU-ĐA

    Trong những ngày đó, Phi-e-rơ đứng dậy giữa các anh em, số người nhóm lại ước được 120 người mà nói rằng: Hỡi anh em ta, lời Đức Thánh Linh đã nhờ miệng vua Đa-vít mà nói tiên tri trong Kinh Thánh về tên Giu-đa, là đứa đã dẫn đường cho chúng bắt Đức Chúa Jésus thì phải được ứng nghiệm. Vì nó vốn thuộc về bọn ta và đã nhận phần trong chức vụ nầy. Tên đó lấy tiền thưởng của tội ác mình mà mua một đám ruộng rồi thì nhào xuống, nứt bụng và ruột đổ ra hết.. Sự đó cả dân thành Giê-ru-sa-lem đều biết chán, đến nỗi chúng gọi ruộng đó theo thổ âm mình là Hác-en-đa-ma, nghĩa là "Ruộng huyết"..............

    Vậy, nội những kẻ đã theo cùng chúng ta trọn lúc Đức Chúa Jésus đi lại giữa chúng ta, từ khi Giăng làm phép báp-têm cho đến ngày Ngài được cất lên khỏi giữa chúng ta, phải có một người làm chứng cùng chúng ta về sự Ngài sống lại.

    Môn đồ cử ra 2 người: Giô-sép tức là Ba-sa-la, cũng gọi là Giúc-tu và Ma-thia, rồi cầu nguyện rằng:

    "Lạy Chúa, Ngài biết lòng mọi người, xin tỏ ra cho chúng tôi nội hai người nầy, ai là người Chúa chọn, đặng dự vào chức vụ sứ đồ thay Giu-đa vì đã bỏ đặng đi nơi của nó."

    Đoạn bắt thăm trúng nhằm Ma-thia, người bèn được bổ vào mười một sứ đồ. (Trích trong Tân Ước, Công vụ các Sứ đồ)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhân loại phải chịu đau khổ vì sự biến thể của các Thánh tông đồ.

    (1) và (2) nói về cái chết của Giu-đa không khớp nhau.

  • Thánh truyền

    Thánh truyền

    聖傳

    A: The Sainted doctrine.

    P: La Sainte doctrine.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Truyền: trao lại.

    Thánh truyền là Thánh giáo chơn truyền, tức là những lời dạy bảo của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng truyền lại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thế thì sau nầy có ngày phải khuất hết dấu Thánh truyền.

  • Thánh tử đạo

    Thánh tử đạo

    聖死道

    A: The Saint- martyrs, the sanctified martyrs.

    P: Les Saints martyrs, les martyrs sanctifiés.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Tử: chết. Đạo: tôn giáo.

    Thánh tử đạo là những vị tín đồ bị giết chết vì bảo vệ Đạo pháp hay vì trung thành với Đạo, nên được đắc phong vào hàng Thánh, được biên tên họ đem vào thờ nơi Bát Quái Đài.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Ngày nay, cửa Đạo được mở rộng đây cũng nhờ các Thánh tử đạo.

    Trong quyển Lời Phê của Đức Phạm Hộ Pháp, trang 13:

    "Truy phong Thánh tử đạo thờ nơi Bát Quái Đài: Chức sắc bị bắt và bị kết án vì lẽ Đạo, gọi là báo thù phần tử Hội Thánh và bị kẻ nghịch đạo tàn sát, các quân sĩ vì ngọn cờ Bảo sanh Nhơn nghĩa Đại đồng của Hội Thánh ban cho đặng cứu quốc mà bị sát hại hay là tử trận.

    Cả thảy đều đặng làm lễ truy điệu, rồi đọc Thánh lịnh trước linh vị. Các Thánh tử đạo thì thờ nơi Bát Quái Đài, công nghiệp đặc biệt cho Đạo khi minh tra đủ lẽ thì thờ nơi Báo Ân Từ, mai hậu thì do nơi Quyền Vạn Linh công nhận và ân tứ mới được đem vào đó mà thờ.

    Báo Ân Từ là Panthéon của Đạo, Đức Chí Tôn gọi nó là Vân đài. Cả mọi sự quyết định đều xong và đều chấp thuận."

  • Thánh tượng Thiên nhãn

    Thánh tượng Thiên nhãn

    聖像天眼

    A: The Holy image of the Divine Eye.

    P: La Sainte image de l"Oeil Divin.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Tượng: bức vẽ hình ảnh tượng trưng. Thiên: Trời. Nhãn: mắt.

    Thánh tượng Thiên nhãn là bức vẽ hình ảnh con mắt tượng trưng Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Thờ Thánh tượng Thiên Nhãn là thờ Trời, tức là thờ Đức Chí Tôn Thượng Đế. (Xem chi tiết nơi chữ: Thiên bàn)

  • Thánh vệ

    Thánh vệ

    聖衛

    A: The guard of Saints.

    P: La garde des Saints.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Vệ: bảo vệ.

    Thánh vệ là bảo vệ các vị Thánh, tức là bảo vệ các Chức sắc của Hội Thánh.

    Cơ Thánh vệ là cơ quan do Hội Thánh lập ra để bảo vệ các Chức sắc của Hội Thánh. (Xem chi thiết: Bảo thể, vần B)

  • Thánh vị

    Thánh vị

    聖位

    A: The rank of Saint.

    P: Le rang de Saint.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Vị: vị trí, phẩm vị.

    Thánh vị là phẩm vị vào hàng Thánh.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Trong Bát Quái Đài, kể từ Tiên vị đổ lên cho tới Thầy thì đã vào địa vị của các Đấng Trọn lành, từ Thánh vị trở xuống Nhơn vị thì vào hàng Thánh, từ Thú cầm xuống vật chất thì hàng phàm tục.

  • Thánh vức

    Thánh vức

    聖域

    A: Holyland.

    P: Terre Sainte.

    Thánh: Bực Thánh, bực tài trí phi thường, tiếng tôn xưng vua. Vức: Vực: vùng đất, cõi.

    Thánh vức hay Thánh vực là đất Thánh, cõi Thánh.

    Trong nhiều trường hợp, Thánh vức đồng Thánh địa.

    Kinh Ðệ Ngũ cửu: Cả miền Thánh vức nhộn nhàng tiếp nghinh.

  • Thánh ý

    Thánh ý

    聖意

    A: The will of God.

    P: La volonté de Dieu.

    Thánh: chỉ những gì thuộc Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. Ý: ý kiến, ý muốn.

    Thánh ý là ý kiến của Đức Chí Tôn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy biểu xuống đây đặng có việc cần, mà các con trì huỡn thì không biết có phải nghịch Thánh ý Thầy không há?

  • THẠNH

    THẠNH

    THẠNiệm Hương: 盛 còn đọc THỊNiệm Hương: phát đạt, dồi dào, hưng vượng, nhiều, lớn.

    Thí dụ: Thạnh đức, Thạnh nộ, Thạnh soạn.

  • Thạnh đức

    Thạnh đức

    盛德

    A: The great virtue.

    P: La grande vertu.

    Thạnh: còn đọc THỊNiệm Hương: phát đạt, dồi dào, hưng vượng, nhiều, lớn. Đức: đạo đức.

    Thạnh đức hay Thịnh đức là đạo đức lớn, đạo đức cao.

  • Thạnh nộ

    Thạnh nộ

    盛怒

    A: Great anger.

    P: Grande colère.

    Thạnh: còn đọc THỊNiệm Hương: phát đạt, dồi dào, hưng vượng, nhiều, lớn. Nộ: giận.

    Thạnh nộ hay Thịnh nộ là nổi giận nhiều lắm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đã lập Đạo nơi cõi Nam nầy là cốt để ban thưởng một nước từ thử đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy.

    (Khi đọc câu Thánh ngôn nầy, nhiều người ngoại đạo cho rằng Đấng Thượng Đế còn có sự giận hờn, tức nhiên còn có Thất tình, nên không bằng Phật, còn thua Phật vì Phật đã diệt hết lục dục thất tình. Để giải đáp vấn đề nầy một cách rõ ràng, xin độc giả xem chữ: Ngọc Hoàng Thượng Đế, vần Ng.)

  • Thạnh soạn

    Thạnh soạn

    盛饌

    A: The good cheer.

    P: La bonne chère.

    Thạnh: còn đọc THỊNiệm Hương: phát đạt, dồi dào, hưng vượng, nhiều, lớn. Soạn: thức ăn, đồ ăn, bàn tiệc.

    Thạnh soạn là đồ ăn ngon (cao lương mỹ vị) hay là một bữa tiệc lớn có nhiều món ăn ngon.

  • Thạnh thế

    Thạnh thế

    盛世

    A: The epoch of prosperity.

    P: L"époque de prospérité.

    Thạnh: còn đọc THỊNiệm Hương: phát đạt, dồi dào, hưng vượng, nhiều, lớn. Thế: đời.

    Thạnh thế là đời hưng thạnh.

    ng: Nam mô Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.

  • Thạnh tình

    Thạnh tình

    盛情

    A: The profound sentiments.

    P: Les sentiments profonds

    Thạnh: còn đọc THỊNiệm Hương: phát đạt, dồi dào, hưng vượng, nhiều, lớn. Tình: tình cảm.

    Thạnh tình là có nhiều tình cảm thân thiết tốt đẹp.

  • Thạnh trị

    Thạnh trị

    盛治

    A: The flourishing reign.

    P: Le règne florissant.

    Thạnh: còn đọc THỊNiệm Hương: phát đạt, dồi dào, hưng vượng, nhiều, lớn. Trị: sửa sang việc nước cho an ổn.

    Thịnh trị là dân chúng thịnh vượng và bình an.

  • Thao lược

    Thao lược

    韜掠

    A: Strategy.

    P: Stratégie.

    Thao: mưu kế dùng binh. Lược: phương pháp.

    Thao lược là mưu kế và phương pháp dùng binh.

    Lục thao Tam lược: đây là hai quyển sách dạy về Sáu chiến thuật và Ba phương pháp dùng binh của người xưa.

  • Thao thao bất tuyệt

    Thao thao bất tuyệt

    滔滔不絕

    A: To speak in an endlessly voluble manner.

    P: Parler avec la grande volubilité.

    Thao: nước chảy đầy dẫy. Thao thao: nước chảy cuồn cuộn không dứt. Bất: không. Tuyệt: dứt.

    Thao thao bất tuyệt là chỉ người diễn thuyết, nói năng thật trôi chảy, hết chuyện nầy tới chuyện khác, không dứt.

  • Thao túng

    Thao túng

    操縱

    A: To work at pleasure.

    P: Manoeuvrer à volonté.

    Thao: diễn tập, cầm nắm. Túng: buông thả.

    Thao túng là nắm lấy hết rồi buông thả tùy ý.

    Ý nói: Nắm lấy hết quyền hành và bắt mọi người phải làm theo ý mình.

  • THẢO

    THẢO

    1. THẢO: 草 Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra.

    Thí dụ: Thảo am, Thảo hài, Thảo xá.

    2. THẢO: 討 Tìm xét.

    Thí dụ: Thảo luận.

    3. THẢO: (nôm) Có lòng tốt, hay làm ơn, hiếu thảo.

    Thí dụ: Thảo ngay, Thảo thuận.

  • Thảo am

    Thảo am

    草庵

    A: The thatched cottage.

    P: La chaumière, cellule en paille.

    Thảo: Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra. Am: cái nhà nhỏ dùng làm nơi tu hành.

    Thảo am là cái am lợp tranh hay lá dùng làm nơi tu hành.

  • Thảo điền

    Thảo điền

    草田

    A: The waste field.

    P: La rizière en friche.

    Thảo: Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra. Điền: ruộng.

    Thảo điền là ruộng hoang, chưa khai khẩn.

  • Thảo đường

    Thảo đường

    草堂

    A: The thatched house.

    P: La maison en paille.

    Thảo: Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra. ĐƯỜNG: nhà.

    Thảo đường là ngôi nhà làm bằng cỏ tranh.

    Năm 1928, Đức Phật Mẫu giáng cơ dạy khẩn một lô đất hoang chừng 60 mẫu tại làng Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho để khai một con kinh và lập Đền Thờ Phật Mẫu. Trong phần đất nầy, Đức Phật Mẫu dạy lập một ngôi Thảo Đường, và Đức Phật Mẫu cho bài thi sau đây:

    Thảo đường phước địa ngộ tùng hoa,
    Lục ức dư niên vũ trụ hòa.
    Cộng hưởng phàm gian an lạc nghiệp,
    Thế đăng Bồng đảo định âu ca.

    Giải nghĩa:

    Câu 1:

    Thảo đường phước địa ngộ tùng hoa.

    Thảo đường: ngôi nhà tranh. Phước địa: đất phước. Ngộ: gặp. Tùng: cây tùng, tượng trưng người quân tử. Hoa: bông. Tùng hoa: cây tùng trổ hoa, ý nói người quân tử gặp thời, được trọng dụng, lập đời đạo đức.

    Ngôi nhà tranh nơi đất phước, người quân tử được trọng dụng, lập đời đạo đức.

    Câu 2:

    Lục ức dư niên vũ trụ hòa:

    Lục ức dư niên: sáu trăm ngàn năm có dư. Ức là một trăm ngàn. Vũ trụ: Càn Khôn Vũ Trụ. Hòa: hòa bình.

    Càn Khôn Vũ Trụ được hòa bình trong hơn sáu trăm ngàn năm.

    Câu 3:

    Cộng hưởng phàm gian an lạc nghiệp.

    Cộng: cùng nhau. Hưởng: thọ hưởng.

    Phàm gian: cõi trần. An lạc nghiệp: an cư lạc nghiệp.

    Nhơn loại nơi cõi trần cùng hưởng sự an cư lạc nghiệp.

    Câu 4:

    Thế đăng Bồng đảo định âu ca:

    Thế: cõi đời. Đăng: lên. Bồng đảo: đảo Bồng lai, chỉ cảnh Tiên. Định: sắp đặt. Âu ca: ca hát vui vẻ, chỉ đời thài bình thịnh vượng.

    Cõi đời tiến lên thành cõi Tiên, dân chúng được thái bình thịnh vượng.

    Trong lô đất 60 mẫu nầy có long mạch trổ lên, người Tàu đem Long Tuyền kiếm qua ếm long mạch, để khi vùng đất linh sản xuất nhân tài thì sẽ bị Long Tuyền kiếm giết chết lúc còn trẻ tuổi. Bát Nương mách cho Đức Phạm Hộ Pháp biết và Đức Hộ Pháp đã đi lấy phép ếm nầy, rồi cho đào một con kinh băng qua long mạch, để nước trong long mạch chảy ra, lưu thông khắp sông ngòi trong miền nam nước Việt, để dân chúng đều được hưởng nhờ. (Xem chữ: Long Tuyền Kiếm, vần L)

    Nơi Thảo Đường có đôi liễn do Đức Lý Giáo Tông giáng cơ ban cho:

    草上霜飛便是天波之勝景
    堂前月照甚光地泰是登仙
    Thảo thượng sương phi tiện thị Thiên ba chi thắng cảnh,
    Đường tiền nguyệt chiếu thậm quang Địa thới thị đăng Tiên.

    Nghĩa là:

    Trên cỏ sương bay ấy là sóng trời, cảnh rất đẹp.
    Trước nhà trăng soi rất sáng đất thạnh, ấy lên cõi Tiên.
  • Thảo hài

    Thảo hài

    草鞋

    A: The straw shoes.

    P: Les souliers en paille.

    Thảo: Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra. Hài: giày hay dép để mang vào chân.

    Thảo hài là giày cỏ hay dép cỏ, tức là đôi dép làm bằng cỏ kết lại.

    Thảo hài không đẹp, mang không êm chân, nhưng không tốn tiền mua, thích hợp với người tu hành. Do đó, thảo hài chỉ người tu hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Muốn đi cho tận trường sanh địa,
    Phải đổi giày sen lấy thảo hài.
  • Thảo hích man thư

    Thảo hích man thư

    草檄蠻書

    Thảo: Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra. Hích: Hịch: bài văn để lên án hay để kêu gọi. Man: người Tàu gọi các nước chung quanh kém văn minh hơn Tàu là Man: mọi rợ. Ở đây, Man là chỉ nước Phiên, ở phía Bắc nước Tàu. Thư: văn thư. Man thư: thơ của vua Phiên.

    Thảo hích man thư là viết bài văn hồi đáp vua Phiên, vừa lên án, vừa hiểu dụ, để vua Phiên trở lại tùng phục nước Tàu.

    Đây là nói về Đức Lý Thái Bạch giúp triều đình nhà Đường đọc thơ của Phiên quốc, rồi phúc đáp theo văn tự nước Phiên khiến vua Phiên khâm phục, chẳng dám động binh, trở lại tùng phục nước Tàu. (Xem chi tiết: Lý Thái Bạch, vần L)

  • Thảo luận

    Thảo luận

    討論

    A: To discuss.

    P: Discuter.

    Thảo: Tìm xét. Luận: bàn luận.

    Thảo luận là bàn luận xem xét để tìm biết cho rõ ràng.

  • Thảo lư

    Thảo lư

    草廬

    A: Thatched cottage.

    P: La chaumière.

    Thảo: Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra. Lư: nhà tranh ở ngoài đồng.

    Thảo lư là ngôi nhà tranh ở ngoài đồng, ý nói ngôi nhà tranh của người ẩn sĩ.

    Trong truyện Tam Quốc, lúc Khổng Minh còn là ẩn sĩ, ở nơi Thảo lư đất Nam dương. Từ Thứ giới thiệu cho Lưu Bị biết, Lưu Bị ba lần đến thảo lư để cầu Khổng Minh ra giúp, nên có câu: Tam cố thảo lư: ba lần đến ngôi nhà cỏ.

  • Thảo ngay

    Thảo ngay

    A: Pious and straight.

    P: Pieux et droit.

    Thảo: (nôm) Có lòng tốt, hay làm ơn, hiếu thảo. Ngay: ngay thẳng.

    Thảo ngay là hiếu thảo và ngay thẳng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thảo ngay con vẹn giữ cho bền.

  • Thảo thuận

    Thảo thuận

    A: Good and favourable.

    P: Bon et favorable.

    Thảo: (nôm) Có lòng tốt, hay làm ơn, hiếu thảo. Thuận: hòa thuận với nhau.

    Thảo thuận là tốt đẹp và hòa thuận với nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thế thì hiệp vầy chung lo, thảo thuận cùng nhau, còn chi hơn nữa đặng.

  • Thảo ước

    Thảo ước

    草約

    A: The project of an agreement.

    P: Le projet d"un traité.

    Thảo: Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra. Ước: ước hẹn, hiệp ước.

    Thảo ước là bản dự thảo một hiệp ước.

  • Thảo xá hiền cung

    Thảo xá hiền cung

    草舍賢宮

    Thảo: Cỏ, chỉ chung các thứ cỏ, viết ra. Xá: nhà. Hiền: có đức hạnh và tài năng hơn người. Cung: tòa nhà lớn. Thảo xá: ngôi nhà tranh. Hiền cung: chỗ ở của người hiền.

    Thảo xá hiền cung là ngôi nhà tranh do Đức Cao Thượng phẩm cất trên phần đất tư của Ngài ở trong Thị xã Tây Ninh để làm nơi an dưỡng.

    Nhắc lại, năm 1928 (Mậu Thìn), trong lúc Đức Cao Thượng phẩm cùng các công quả đang ra sức khai hoang để cất Tòa Thánh tạm, Hậu điện, Đông lang, Tây lang, Trù phòng, Trường học và đào giếng thì ông Tư Mắt cùng một số đông bộ hạ từ Sài Gòn kéo lên Tòa Thánh Tây Ninh làm áp lực đánh đổ Đức Cao Thượng phẩm, Đức Phạm Hộ Pháp, đòi dẹp Hiệp Thiên Đài, với lý do là: tủ hành hương nơi Tòa Thánh bị phá đáy, nên họ qui kết rằng Đức Cao Thượng phẩm và Đức Phạm Hộ Pháp thâm lạm tiền bạc của bổn đạo cúng hiến, nên không còn xứng đáng là Chức sắc của Đạo nữa.

    (Ông Tư Mắt, một tay võ giỏi, đứng đầu đám anh chị ở Chợ Lớn. Ông thấy được huyền diệu của Đức Chí Tôn qua cơ bút nên xin nhập môn cầu đạo, tự giác bỏ nghề dao búa, ông hiến căn nhà của ông ở Phú Thọ để làm Thánh Thất, nên bổn đạo thời đó gọi Thánh Thất ấy là chùa Tư Mắt. Sau ông được Đức Chí Tôn phong là Chưởng Nghiêm Pháp Quân ngày 26-10-Bính Dần. Ông Tư Mắt là người của ông Đốc Phủ Nguyễn Ngọc Tương).

    Nhóm của ông Tư Mắt vận động Chức sắc và tín đồ, cho là giờ đây Cửu Trùng Đài có đủ Cửu Viện rồi, còn Hiệp Thiên Đài có công cầu cơ buổi đầu, giờ đây hết nhiệm vụ, nên cần nghỉ ngơi. Vì cớ có cuộc họp bàn cãi và quyết định bỏ thăm để định cho Chức sắc Hiệp Thiên Đài có còn làm việc nữa không.

    Kết quả cuộc bỏ thăm nầy là:

    · 15 phiếu CÒN

    · 27 phiếu THÔI

    · 3 phiếu trắng.

    Đức Phạm Hộ Pháp nói với Đức Cao Thượng phẩm: số 15 là con số của Hiệp Thiên Đài vì Hiệp Thiên Đài có 15 người. Số 27 là con số của Cửu Trùng Đài vì 3 lần 9 là 27. Còn 3 phiếu trắng thì đắp vào bên nào cũng vậy thôi.

    Thế là cuộc bỏ phiếu do nhóm của Tư Mắt tổ chức quyết định thì Hiệp Thiên Đài phải nghỉ, nên họ buộc các Chức sắc Hiệp Thiên Đài phải rời khỏi Tòa Thánh.

    - Đức Phạm Hộ Pháp đi xuống Thủ Đức lánh nạn, ở tạm tại Thánh Thất Thủ Đức do Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh lập ra. Cùng đi với Đức Hộ Pháp có hai ông: Inh và Chia.

    Đức Hộ Pháp cảm tác bài thi:

    Thấy khổ người tu vẫn để lòng,
    Ta thua, Thủ Đức phải đành dông.
    Buồn chưa giỏi đứng trên đầu rắn,
    Vui đã phân minh chí khí rồng.
    Chẳng kể vịt gà chê tiếng phụng,
    Chỉ phiền hồng hộc ghét đuôi công.
    Mở kho nuôi đói, đây trề miệng,
    Ta quảy hồng ân rải giáp vòng.

    - Đức Cao Thượng phẩm lui về đất nhà, gần chợ Tây Ninh, cất lên một ngôi nhà tranh làm nơi an dưỡng. Ngài quá đau khổ, cảm tác bài thi:

    TỰ THÁN
    Công trình gầy dựng Thất Tây Ninh,
    Bằng địa sóng xao khiến rập rình.
    Tà mị phàm rung rinh chất Thánh,
    Mùa màng sâu phá hoại hồn kinh.
    Xưa Tòa Thánh dập dìu lai vãng,
    Nay Bửu Đình hiu quạnh lụy nhìn.
    Thương Đạo mến Thầy xin sớm liệu,
    Cộng tâm chung trí chớ làm thinh.

    Thất Nương giáng cơ an ủi Đức Cao Thượng phẩm và cho bài thi:

    Nghĩ giận mà ra bắt nực cười,
    Nhờ ai an vị lại an nơi.
    Trăm năm chưa giữ bền thân sống,
    Một kiếp đã gây lắm tội đời.
    Phẩm trật, ngôi Tiên, ai dẫn nẻo?
    Ngai Thần, vị Thánh, kẻ toan dời.
    Nhắn lời nói với phường đen bạc,
    Đến cửa thiêng liêng ngó mặt Trời.

    Thất Nương ban cho ngôi nhà tranh của Đức Cao Thượng phẩm 4 chữ Thảo xá Hiền cung, và cho đôi liễn vào ngày 12-6-Mậu Thìn (dl 28-7-1928):

    草舍隨人愚昧貧窮迎入室
    賢宮擇客聰明富貴禁來門
    Thảo xá tùy nhơn, ngu muội bần cùng nghinh nhập thất,
    Hiền cung trạch khách, thông minh phú quí cấm lai môn.

    Nghĩa là:

    Thảo xá, tùy theo người, người ngu muội và nghèo khổ thì đón tiếp vào nhà,
    Hiền cung, lựa khách, người thông minh và giàu sang thì cấm đến cửa.

    (Nói thêm về ông Tư Mắt: Một thời gian sau, ông Tư Mắt bị chết cháy thảm thiết. Nguyên là ông Tư Mắt lâm bịnh, nằm tại nhà, chẳng may trên gác cây, mèo chạy làm thùng dầu hôi ngã, dầu hôi theo kẻ ván chảy xuống chỗ ông đang nằm, có ngọn đèn chong để kế bên giường, hơi dầu hôi bắt lửa phựt cháy to, khiến ông bị chết cháy)

  • Tháp kỷ niệm

    Tháp kỷ niệm

    塔紀念

    A: The commemorative tower.

    P: Le tour de commémoration.

    Tháp: cái tháp xây cao nhiều từng, hình 8 cạnh, nóc nhọn, dùng để đặt liên đài của Chức sắc Đại Thiên Phong hàng Tiên vị đổ lên. Kỷ niệm: ghi nhớ không quên.

    Tháp kỷ niệm là cái tháp cao dựng lên để đặt liên đài của một Chức sắc Đại Thiên phong hàng Tiên vị đổ lên, để ghi nhớ công đức của vị Chức sắc ấy đối với Đạo.

    Ngay phía sau Tòa Thánh là Tháp kỷ niệm của Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.

    Phía trước Tòa Thánh, gần cửa Chánh môn, có xây 3 ngôi tháp lớn để kỷ niệm công đức của 3 vị: Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Cao Thượng Sanh.

    Về phía Đông lang của Tòa Thánh có xây 3 ngôi tháp cho 3 vị Đầu Sư ba phái (Thái, Thượng, Ngọc) và trong tương lai sẽ xây 3 tháp cho 3 vị Chưởng Pháp ba phái.

    Về phía Tây lang của Tòa Thánh có xây tháp kỷ niệm các vị Nữ Đầu Sư. Trước năm 1975, nơi đây có xây 2 cái tháp: - cái tháp lớn và cao là của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, - cái tháp nhỏ và thấp là tháp của Nữ Đầu Sư Hàm phong Hương Lự.

    Hội Thánh dành phần đất 6 mẫu tại Ngã Tư Ao Hồ để xây 12 cái tháp kỷ niệm của Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài.

  • Tháp tùng

    Tháp tùng

    A: To follow.

    P: Suivre.

    Tháp: (nôm) nối theo. Tùng: theo.

    Tháp tùng là nối bước theo sau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Nay con chưa đủ thông đường đạo,
    Cứ ngóng theo chân Lão tháp tùng.
  • THĂNG

    THĂNG

    THĂNG: 升 Bay lên trời, tiến lên cao.

    Thí dụ: Thăng cấp, Thăng hà, Thăng hoa.

  • Thăng

    Thăng

    A: The ascension.

    P: L" ascension.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. Một Đấng thiêng liêng giáng cơ, khi viết xong một bài văn dạy đạo thì đề chữ THĂNG và xuất cơ, ngọc cơ đứng yên. Đấng thiêng liêng ấy đã trở về cõi thiêng liêng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thất lễ là đại tội trước mắt các Đấng chơn linh ấy, Thầy phải thăng cho các con khỏi bị hành phạt.

  • Thăng cấp

    Thăng cấp

    升級

    A: To advance in rank.

    P: Avancer en grade.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. Cấp: cấp bậc Chức sắc.

    Thăng cấp là cho lên một bậc Chức sắc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bằng chẳng vậy thì Lão nhứt định không cho ai thăng cấp một người.

  • Thăng chức

    Thăng chức

    升職

    A: To be promoted.

    P: Monter en dignité.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. Chức: chức tước.

    Thăng chức là cho lên chức tước cao hơn.

    Thăng chức đồng nghĩa Thăng cấp.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Chức sắc Thiên phong nam nữ toàn đạo phải chịu dưới quyền công nhận của Vạn linh mới được thăng chức hay là Vạn linh buộc tội mà bị sa thải.

  • Thăng hà

    Thăng hà

    升遐

    A: To die.

    P: Mourir.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. Hà: xa xôi, lâu dài.

    Thăng hà là nói vua của một nước lớn chết.

    · Vua một nước lớn chết gọi là: Thăng hà hay Băng hà.

    · Vua một nước chư hầu chết gọi là: Hoăng.

    Trong Kinh Thế Đạo có bài kinh: Kinh tụng khi vua thăng hà. Bài kinh nầy dùng để tụng lên khi tế lễ một vị vua mới vừa chết.

  • Thăng hoa

    Thăng hoa

    升華 (昇華)

    A: To sublimate.

    P: Sublimer.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. Hoa: đẹp.

    Nghĩa theo khoa học: Thăng hoa là bốc hơi trực tiếp từ thể rắn thành thể hơi.

    Thí dụ: Long não, biến đổi trực tiếp từ thể rắn sang thể hơi.

    Nghĩa thường dùng: Thăng hoa là sự biến đổi trực tiếp, có tính cách vượt bực, từ chỗ thấp kém lên chỗ sao siêu.

    Thí dụ: Tình yêu gia đình, yêu cha mẹ anh em, tình yêu nầy còn có tính ích kỷ, cần phải được thăng hoa lên thành tình thương yêu nhơn loại, thương yêu tất cả mọi người không phân biệt màu da sắc tóc, đó là tình thương yêu của Bồ Tát, của Phật, của Thượng Đế.

  • Thăng quan tiến chức

    Thăng quan tiến chức

    升官進職

    A: To advance in grade.

    P: Avancer en grade.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. Quan: chức quan. Tiến: đi lên. Chức: chức tước. Thăng tiến: bước lên bực cao hơn.

    Thăng quan tiến chức là được thăng tiến chức quan to hơn, quyền hành nhiều hơn, bổng lộc lớn hơn.

    Đây là câu cầu chúc trong dịp Tết đối với những vị quan viên của nhà nước, chúc họ trong năm mới được thăng quan tiến chức.

  • Thăng Thiên

    Thăng Thiên

    升天

    A: To ascend to Heaven.

    P: Monter au Ciel.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. Thiên: trời.

    Thăng Thiên là đi lên trời, bay lên trời.

    Kinh Ðệ Thất cửu: Hào quang chiếu diệu lên đàng thăng Thiên.

  • Thăng thưởng

    Thăng thưởng

    升賞

    A: Promotion.

    P: Promotion.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. THưởng: ban khen và thưởng công.

    Thăng thưởng là khen ngợi và ban thưởng cho lên chức.

    Điều luật về Thăng thưởng Chức sắc hữu công như sau:

    Về việc ban thưởng Chức sắc, không phải có đủ 5 năm thâm niên sắp lên là đủ điều kiện cầu thăng và được thăng, mà cần phải có những điều kiện cần yếu khác nữa là:

    · Thứ nhứt: Phương diện hạnh đức.

    · Thứ nhì: Trình độ học thức.

    · Thứ ba: Tinh thần phục vụ.

    · Thứ tư: Khả năng giáo hóa nhơn sanh.

    Là vì, hễ đến bậc Giáo Hữu là thay mặt cho Chí Tôn phổ thông chơn đạo, thành thử chẳng phải người thường tình đặng, mà phải đáng mặt phi thường mới xứng.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Thăng thưởng về công nghiệp phi thường thì duy có Quyền Chí Tôn mới ban cho đặng mà thôi.

  • Thăng trầm bĩ thới

    Thăng trầm bĩ thới

    升沉否泰

    A: The ups and downs, misfortune and fortune: The vicissitudes of life.

    P: Le haut et bas, l"infortune et fortune: Les vicissitudes de la vie.

    THĂNG: Bay lên trời, tiến lên cao. Trầm: chìm xuống. Bĩ: xấu. Thới: tốt.

    Thăng trầm bĩ thới là: khi lên khi xuống, khi xấu khi tốt. Việc đời cứ biến đổi luân chuyển tuần hoàn như thế: hết vinh tới nhục, hết sướng tới khổ, hết suy tới thạnh.

    Đó là vô thường, người trí thức phải biết rõ như thế, để khi hưng thạnh thì phải phòng ngừa lúc suy vi, khi cùng khổ thì phải giữ vững tinh thần để chờ lúc hanh thông.

    Không bao giờ thạnh hoài, mà cũng không bao giờ suy hoài. Như vậy thì chúng ta phải tự hỏi: Việc đời vô thường như thế thì có cái chi vĩnh cửu hay không?

    Muốn trả lời được câu hỏi nầy, chúng ta phải đi vào con đường đạo, giáo lý của đạo sẽ cho chúng ta biết rõ.

  • Thằng phược

    Thằng phược

    繩縛

    A: To tie up, to bind up.

    P: Lier, attacher.

    Thằng: sợi dây. Phược: trói buộc.

    Thằng phược là trói buộc bằng sợi dây.

    Thê thằng tử phược: vợ buộc con trói, chỉ sự ràng buộc với gia đình cùng vợ và con bằng tình thương yêu, làm cho người đàn ông khó bứt rời ra được để lo việc tu hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ai còn mang đeo thằng phược vào mình mà để cho loạn tâm mệt trí về nơi đó, chẳng uổng kiếp sanh lắm ru?

  • THẮNG

    THẮNG

    Thắng: 勝 Được phần hơn, cao trổi, thâm diệu khác hẳn thế tục, thâu phục kẻ khác.

    Thí dụ: Thắng địa, Thắng hội.

  • Thắng cảnh

    Thắng cảnh

    勝境

    A: The beautiful landscape.

    P: Le site célèbre.

    Thắng: Được phần hơn, cao trổi, thâm diệu khác hẳn thế tục, thâu phục kẻ khác. Cảnh: phong cảnh.

    Thắng cảnh là cảnh đẹp danh tiếng.

  • Thắng công đức

    Thắng công đức

    勝功德

    A: The excellent merits.

    P: Les mérites excellents.

    Thắng: Được phần hơn, cao trổi, thâm diệu khác hẳn thế tục, thâu phục kẻ khác. Công đức: việc phước thiện đem lại kết quả tốt cho người và cho mình.

    Thắng công đức là công đức lớn, vượt trội.

  • Thắng địa

    Thắng địa

    勝地

    A: The remarkable land.

    P: La terre remarquable.

    Thắng: Được phần hơn, cao trổi, thâm diệu khác hẳn thế tục, thâu phục kẻ khác. Địa: đất.

    Thắng địa là chỗ đất có phong cảnh đẹp tốt.

    Thắng địa là chỗ đất có hình thế tốt đẹp, có nhiều vượng khí hay linh khí.

  • Thắng hội

    Thắng hội

    勝會

    A: The great festival.

    P: La grande fête.

    Thắng: Được phần hơn, cao trổi, thâm diệu khác hẳn thế tục, thâu phục kẻ khác. Hội: cuộc lễ có nhiều người.

    Thắng hội là lễ hội lớn, cuộc hội hè tưng bừng.

  • Thắng nghĩa

    Thắng nghĩa

    勝義

    A: The profound meaning.

    P: Le sens profond.

    Thắng: Được phần hơn, cao trổi, thâm diệu khác hẳn thế tục, thâu phục kẻ khác. Nghĩa: ý nghĩa.

    Thắng nghĩa là nghĩa lý cao viễn, sâu xa, thâm diệu.

  • Thắng phụ

    Thắng phụ

    勝負

    A: The victory or defeat.

    P: La victoire et défaite.

    Thắng: Được phần hơn, cao trổi, thâm diệu khác hẳn thế tục, thâu phục kẻ khác. Phụ: thua, bại.

    Thắng phụ là được thua, đồng nghĩa: Thắng bại.

    Bất phân thắng phụ: không định được hơn thua, hai bên đồng tài đồng sức.

  • THẲNG

    THẲNG

    Thẳng: Không cong, không dùn, luôn một mạch.

    Thí dụ: Thẳng dùn, Thẳng rẳng.

  • Thẳng dùn

    Thẳng dùn

    A: Tight and slack.

    P: Tendu et détendu.

    Thẳng: Không cong, không dùn, luôn một mạch. Dùn: không căng thẳng.

    Thẳng dùn là hai trạng thái của một sợi dây: lúc căng thẳng, lúc không căng thẳng. Ý nói: trạng thái phân vân, ngần ngại, không dứt khoát.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mắt nhắm đường xa, khách thẳng dùn.

  • Thẳng mực tàu đau lòng gỗ

    Thẳng mực tàu đau lòng gỗ

    Thẳng: Không cong, không dùn, luôn một mạch. Mực tàu: mực viết chữ tàu, màu đen tuyền.

    Thẳng mực tàu: chỉ người thợ mộc dùng sợi dây nhỏ thấm ướt mực tàu, căng thẳng trên mặt miếng gỗ, rồi búng nhẹ cho sợi dây chạm vào gỗ, làm mực tàu dính vào gỗ thành một đường thẳng. Người thợ cứ theo mực đó mà cưa, hay đẽo gọt.

    Đau lòng gỗ: miếng gỗ thường cong, nếu lấy thẳng thì không được bao nhiêu gỗ, những miếng gỗ cong thì bị vứt ra không xài, nên làm cho gỗ đau lòng.

    Thẳng mực tàu đau lòng gỗ là ý nói: nếu sử sự một cách quá thẳng thắn thì gây đụng chạm, mích lòng nhiều người.

  • Thẳng rẳng

    Thẳng rẳng (Thẳng rẵng)

    A: Perfectely straight.

    P: Parfaitement droit.

    Thẳng: Không cong, không dùn, luôn một mạch. Rẳng (Rẵng): tiếng để nhấn mạnh.

    Thẳng rẳng (hay viết Thẳng rẵng) là thẳng băng một đường, đồng nghĩa: Thẳng thắn, Thẳng thừng, Thẳng thét.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nước có trị loạn, đời có hưng vong, thì Đạo tất phải có dùn thẳng quanh co, rồi mới đến thẳng rẳng đường ngay mà lập nên thể thống.

  • THÂM

    THÂM

    THÂM: 深 Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá.

    Thí dụ: Thâm diệu, Thâm trầm.

  • Thâm ảo

    Thâm ảo

    深奧

    A: Mysterious.

    P: Mystérieux.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Ảo: Áo: sâu xa khó hiểu.

    Thâm ảo hay Thâm áo là sâu xa huyền diệu.

  • Thâm bất khả trắc

    Thâm bất khả trắc

    深不可測

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Bất khả: không thể. Trắc: đo.

    Thâm bất khả trắc là sâu đến mức không thể đo được.

    Ý nói: Lòng người sâu hiểm không thể đo lường được.

    Ca dao:
    Sông sâu còn có thể dò,
    Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
  • Thâm căn cố đế

    Thâm căn cố đế

    深根固蒂

    A: The profound roots and the solide peduncles.

    P: Les racines profondes et les pédoncules solides.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Căn: rễ. Cố: bền. Đế: cuống hoa.

    Thâm căn cố đế là rễ sâu cuống bền.

    Ý nói: Thế lực chắc chắn, không thể lay chuyển được.

  • Thâm diệu

    Thâm diệu

    深妙

    A: Marvelous.

    P: Merveilleux.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Diệu: khéo léo, huyền diệu.

    Thâm diệu là huyền diệu vô cùng.

  • Thâm giao

    Thâm giao

    深交

    A: The intimate relationship.

    P: La relation intime.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Giao: bạn bè qua lại với nhau.

    Thâm giao là bạn bè thân thiết lâu năm.

    Trái với Thâm giao là Sơ giao: bạn bè mới quen biết.

  • Thâm hiểm

    Thâm hiểm

    深險

    A: Very wicked.

    P: Très cruel.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Hiểm: tánh tình hung ác.

    Thâm hiểm là rất hung ác.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cần phải có một nghị lực vô biên, một tâm trung quảng đại, thì mới khỏi bực tức với những trò đã vì mạng lịnh thiêng liêng phô diễn nơi thâm hiểm nặng nề nầy.

  • Thâm nhập

    Thâm nhập

    深入

    A: To penetrate into.

    P: Pénétrer.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Nhập: vào.

    Thâm nhập là đi sâu vào, thấm sâu vào.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Gian tham đã thâm nhập vào lòng thì lòng hết đạo đức.

  • Thâm nhiễm

    Thâm nhiễm

    深染

    A: To penetrate deeply.

    P: Imprégner profondément.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Nhiễm: nhuốm vào.

    Thâm nhiễm là thấm sâu vào.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhơn loại đã thâm nhiễm vào tình luyến ái tà mị trên mười ngàn năm.

  • Thâm sơn cùng cốc

    Thâm sơn cùng cốc

    深山窮谷

    A: The inaccessible mountains and closed valleys.

    P: Les montagnes impénétrables et les vallées sans issue.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Sơn: núi. Cùng: cuối, hết. Cốc: thung lũng.

    Thâm sơn cùng cốc là núi sâu, cuối thung lũng, chỉ chỗ xa xôi hoang vắng, không người lui tới.

  • Thâm tàng nhược hư

    Thâm tàng nhược hư

    深藏若虛

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Tàng: giấu kín. Nhược: ví như. Hư: trống không. Thâm Tàng: giấu cho thật kín.

    Thâm tàng nhược hư là giấu cho thật kín để nhìn vào như không có gì cả.

    Trong Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử có viết: "Lương cổ thâm tàng nhược hư." Nghĩa là: Người buôn bán giỏi, giấu kín (hàng hóa) như không có gì.

  • Thâm tâm

    Thâm tâm

    深心

    A: The bottom of heart.

    P: Le fond du coeur.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Tâm: lòng dạ.

    Thâm tâm là chỗ sâu kín trong lòng, đáy lòng.

  • Thâm thúy

    Thâm thúy

    深邃

    A: Profound.

    P: Profond.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Thúy: sâu xa.

    Thâm thúy là sâu sắc và tinh vi, có học vấn tinh thâm.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Chữ viết cong queo mà nghĩa lý thâm thúy.

  • Thâm trầm

    Thâm trầm

    深沈

    A: Profound.

    P: Profond.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Trầm: chìm.

    Thâm trầm là sâu xa kín đáo.

  • Thâm viễn

    Thâm viễn

    深遠

    A: Profound.

    P: Profond.

    Thâm: Sâu, kín đáo, sâu sắc, rất, quá. Viễn: xa.

    Thâm viễn là sâu xa.

  • THẨM

    THẨM

    THẨM: 審 Tìm hiểu, biết rõ, xét đoán, xử kiện.

    Thí dụ: Thẩm án, Thẩm mỹ, Thẩm tra.

  • Thẩm án

    Thẩm án

    審案

    A: To judge a case.

    P: Juger un procès.

    Thẩm: Tìm hiểu, biết rõ, xét đoán, xử kiện. Án: vụ án, một vụ kiện tụng.

    Thẩm án là xem xét và phân xử một vụ án.

  • Thẩm định

    Thẩm định

    審定

    A: To judge.

    P: Juger.

    Thẩm: Tìm hiểu, biết rõ, xét đoán, xử kiện. Định: quyết định.

    Thẩm định là xem xét và quyết định.

  • Thẩm mỹ

    Thẩm mỹ

    審美

    A: The aesthetics.

    P: L"esthétique.

    Thẩm: Tìm hiểu, biết rõ, xét đoán, xử kiện. Mỹ: đẹp.

    Thẩm mỹ là xét biết cái đẹp và thưởng thức cái đẹp.

  • Thẩm quyền

    Thẩm quyền

    審權

    A: The juridiction.

    P: La juridiction.

    Thẩm: Tìm hiểu, biết rõ, xét đoán, xử kiện. Quyền: quyền hành.

    Thẩm quyền là quyền hành xét xử, định đoạt.

  • Thẩm tra

    Thẩm tra

    審查

    A: To examine.

    P: Examiner.

    Thẩm: Tìm hiểu, biết rõ, xét đoán, xử kiện. Tra: khảo xét, kiểm điểm.

    Thẩm tra là xem xét coi có thích đáng không.

  • THẬM

    THẬM

    THẬM: 甚 Rất, lắm, quá chừng.

    Thí dụ: Thậm chí, Thậm thâm.

  • Thậm chí

    Thậm chí

    甚至

    A: Even.

    P: à tel point que.

    Thậm: Rất, lắm, quá chừng. Chí: đến.

    Thậm chí là quá lắm đến nỗi....

  • Thậm tệ

    Thậm tệ

    甚弊

    A: Very bad.

    P: Très mauvais.

    Thậm: Rất, lắm, quá chừng. Tệ: hư, xấu.

    Thậm tệ là quá hư hỏng, quá xấu xa.

  • Thậm thâm

    Thậm thâm

    甚深

    A: Very profound.

    P: Très profond.

    Thậm: Rất, lắm, quá chừng. Thâm: sâu.

    Thậm thâm là rất sâu xa.

    Di Lạc Chơn Kinh: Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.

  • Thậm trọng

    Thậm trọng

    甚重

    A: Very important.

    P: Très important.

    Thậm: Rất, lắm, quá chừng. Trọng: nặng, quan trọng.

    Thậm trọng là rất quan trọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cơ Trời mầu nhiệm đối với Đời, mà máy Thiên cơ đối với Đạo lại càng huyền vi thậm trọng hơn nữa.

  • THÂN

    THÂN

    1. THÂN: 身 Thân mình, thân thể, sự nghiệp.

    Thí dụ: Thân danh, Thân phận,Thân thế.

    2. THÂN: 親 - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình.

    Thí dụ: Thân ái, Thân bằng, Thân nghinh.

  • Thân ái

    Thân ái

    親愛

    A: Affectionate.

    P: Affectueux.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Ái: thương yêu.

    Thân ái là gần gũi thương yêu.

    Kinh Tẩn Liệm: Đừng vì thân ái nghĩa nhân.

  • Thân bại danh liệt

    Thân bại danh liệt

    身敗名裂

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Bại: thất bại. Danh: tiếng tăm. Liệt: rách, hư.

    Thân bại danh liệt là gặp sự thất bại ghê gớm làm cho tấm thân bại hoại, danh tiếng rách nát.

  • Thân bằng

    Thân bằng

    親朋

    A: The parents and friends.

    P: Les parents et amis.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Bằng: bạn, bè bạn.

    Thân bằng là bà con họ hàng và bè bạn.

  • Thân bằng cố hữu

    Thân bằng cố hữu

    親朋故友

    A: Intimate friends and old friends.

    P: Amis intimes et vieux amis.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Bằng: bạn. Cố: xưa. Hữu: bạn.

    Thân bằng là bạn thân. Cố hữu là bạn cũ.

    Thân bằng cố hữu là bạn thân và bạn cũ.

    Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu: là bài kinh cầu nguyện cho linh hồn của người bà con, hoặc bạn thân, hoặc bạn cũ, đã chết.

  • Thân cận

    Thân cận

    親近

    A: Near and intimate.

    P: Proche et intime.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Cận: gần.

    Thân cận là gần gũi thân mật.

    Pháp Chánh Truyền: Chúng nó phải thân cận với mỗi môn đệ như anh em một nhà, cần lo giúp đỡ, nghe à!

  • Thân côi

    Thân côi

    A: Orphan.

    P: Orphelin.

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Côi: mồ côi, mất cha hay mất cả cha mẹ.

    Thân côi là tấm thân mồ côi.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu: Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa.

  • Thân danh

    Thân danh

    身名

    A: The work and reputation.

    P: L"oeuvre et réputation.

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Danh: tiếng tăm.

    Thân danh là sự nghiệp và tiếng tăm của một người.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thân danh bể khổ mặc buông trôi.

  • Thân hành

    Thân hành

    親行

    A: To make in person.

    P: Faire en personne.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Hành: làm.

    Thân hành là chính mình làm.

  • Thân hào nhân sĩ

    Thân hào nhân sĩ

    紳豪人士

    A: The notables et personalities.

    P: Les notables et personnalités.

    Thân: cái dải mũ của quan văn, chỉ người học thức. Hào: người tài giỏi. Nhân: người. Sĩ: người trí thức. Thân hào là người có học thức tài giỏi. Nhân sĩ là người trí thức có tiếng tăm.

    Thân hào nhân sĩ là chỉ những người trí thức tài giỏi có tiếng tăm và có uy tín trong một vùng.

    Thân sĩ: nói tắt thành ngữ: Thân hào Nhân sĩ.

  • Thân hình hồn phách

    Thân hình hồn phách

    身形魂魄

    A: The material body, the perisprit and the soul.

    P: Le corps matériel, le périsprit, et l"âme.

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Hình: hình thể. Hồn: linh hồn. Phách: chơn thần. Thân hình: hình hài thân thể, chỉ thể xác.

    Thân hình hồn phách là thể xác, chơn thần và linh hồn, tức là trọn cả một con người nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tánh kiêu căng tự đại là hang thẳm chôn lấp trọn thân hình hồn phách đó, nên ghi nhớ mà lập tâm sửa mình.

  • Thân hữu

    Thân hữu

    親友

    A: Intimate friend.

    P: Ami intime.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Hữu: bạn.

    Thân hữu là bạn thân.

  • Thân mẫu - Thân phụ - Thân sinh

    Thân mẫu - Thân phụ - Thân sinh

    親母 - 親父 - 親生

    A: My mother - My father - My parents.

    P: Ma mère - Mon père - Mes parents.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Mẫu: mẹ. Phụ: cha. Sinh: sanh ra.

    Thân mẫu là mẹ ruột của mình. Thân phụ là cha ruột. Thân sinh là cha mẹ ruột sanh ra mình.

  • Thân nghinh

    Thân nghinh

    親迎

    A: The reception of the bride.

    P: La réception de la mariée.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Nghinh: đón rước.

    Thân nghinh, nghĩa đen là chính mình đi rước, nghĩa thường dùng là chàng rể đi rước cô dâu.

    Lễ thân nghinh là lễ rước dâu.

  • Thân phận

    Thân phận

    身分

    A: The condition.

    P: La condition.

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Phận: số phận.

    Thân phận là số phận của bản thân mình.

  • Thân sơ

    Thân sơ

    親疏

    A: Near and distant.

    P: Proche et loin

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Sơ: xa, không gần.

    Thân sơ là gần và xa, thân thiết hay không thân thiết.

    Kẻ thân người sơ: người thân và người không thân.

  • Thân tâm thường an lạc

    Thân tâm thường an lạc

    身心常安樂

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Tâm: cái tâm của con người. Thường: luôn luôn. An lạc: yên ổn và vui vẻ.

    Thân tâm thường an lạc là thân thể và tâm trí luôn luôn được an ổn và vui vẻ.

  • Thân thế

    Thân thế

    身世

    A: The life and work.

    P: La vie et l"oeuvre.

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Thế: đời, cuộc đời.

    Thân thế là cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật, tức là nói về tiểu sử của người ấy.

  • Thân thể phát phu

    Thân thể phát phu

    身體髮膚

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Thể: hình thể. Phát: tóc. Phu: da.

    Thân thể phát phu là thân thể, tóc và da của con người.

    Mạnh Tử viết: "Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã." Nghĩa là: Thân thể tóc da thọ lãnh nơi cha mẹ, chẳng dám hủy hoại, là hiếu trước tiên đó vậy.

  • Thân thích

    Thân thích

    親戚

    A: The relations on the father"s side and mother"s side.

    P: Les parents paternels et maternels.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, bà con bên nội. Thích: bà con bên ngoại.

    Thân thích là chỉ chung bà con bên nội và bên ngoại.

  • Thân tiên độ

    Thân tiên độ

    身先度

    A: To save oneself at first.

    P: Se sauver premièrement.

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Tiên: trước. Độ: cứu giúp.

    Thân tiên độ là cứu độ lấy mình trước hết, ấy là Tự độ.

    Thường nói: Tự độ độ tha: độ mình trước rồi mới độ người khác.

  • Thân tử danh bất tử

    Thân tử danh bất tử

    身死名不死

    Thân: Thân mình, thân thể, sự nghiệp. Tử: chết. Danh: tiếng tăm. Bất: không.

    Thân tử danh bất tử: thân thể chết chớ tiếng tăm không chết.

    Cho nên có câu: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.

    Hay câu: Thiên niên mai cốt bất mai tu: ngàn năm chôn xương chớ không chôn được tiếng tăm xấu.

  • Thân vương

    Thân vương

    親王

    A: The prince of blood royal.

    P: Le prince du sang.

    Thân: - Gần gũi thân yêu, - bà con họ hàng, - chính mình. Vương: vua.

    Thân vương là người bà con bên nội của vua được vua phong cho tước Vương, đồng nghĩa: Hoàng thân.

  • THẦN

    THẦN

    1. THẦN: 神 - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường.

    Thí dụ: Thần chú, Thần đạo, Thần linh.

    2. THẦN: 臣 Bề tôi của vua.

    Thí dụ: Thần dân, Thần phục.

    3. THẦN: 晨 Buổi sáng sớm.

    Thí dụ: Thần hôn, Thần tỉnh.

  • Thần biến

    Thần biến

    神變

    A: To transform mysteriously.

    P: Transformer mystérieusement.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Biến: thay đổi, biến hóa.

    Thần biến là biến hóa rất mầu nhiệm.

    Kinh Tiên Giáo: Nhứt thân ức vạn, diệu huyền thần biến.

  • Thần chú

    Thần chú

    神咒

    A: Incantation, magic words.

    P: Incantation, formules magiques.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Chú: câu niệm bí mật có tác dụng mầu nhiệm.

    Thần chú là câu niệm rất mầu nhiệm, mà khi niệm lên có sức tác dụng đến thế giới vô hình theo ý chí của người niệm, hay tạo được sức hộ trì của các Đấng thiêng liêng.

    Thần chú còn được gọi là: Chơn ngôn, tiếng Phạn: Dhârani phiên âm là Đà-la-ni.

    Ai niệm Thần chú của Đấng nào thì được Đấng ấy gia hộ cho được thành tựu dễ dàng trong mọi hành vi.

    Câu Chú của Thầy: là Câu Thần chú của Đức Chí Tôn: "Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát." Khi niệm câu nầy thì được Đức Chí Tôn hộ trì trên bước đường tu hành.

    Vãng sanh Thần chú: Câu chú bằng tiếng Phạn, niệm lên trước thi thể người chết để cầu nguyện Đức Phật A-Di-Đà cứu độ linh hồn người chết được sanh về cõi Cực Lạc Thế giới.

    Câu Thần chú quan trọng và phổ biến của Phật giáo Tây Tạng là: "Úm Ma Ni Bát Rị Hồng". Câu Thần chú nầy có oai lực rất lớn, khi niệm lên thì được chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ trì.

    Trong bài Kinh Cứu Khổ, phần cuối là Thần chú: Chơn ngôn viết: Kim Ba Kim Ba Đế... Ta Bà Ha, là câu Thần chú của Đức Quan Âm Bồ Tát, khi niệm câu Thần chú nầy thì sẽ được Đức Quan Âm Bồ Tát cứu khổ hộ trì.

  • Thần chủ

    Thần chủ

    神主

    A: The tablet of the dead.

    P: La tablette du mort.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Chủ: bài vị của người chết.

    Thần chủ là tấm thẻ nhỏ trên đó có biên tên họ người chết, ngày sanh ngày tử, chức tước, được đem đặt lên bàn thờ.

    Thần chủ thường được gọi là: Linh vị.

  • Thần cư tại nhãn

    Thần cư tại nhãn

    神居在眼

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Cư: ở. Tại: nơi. Nhãn: con mắt.

    Thần cư tại nhãn là cái Thần của con người ở tại con mắt.

    Cái Thần ở đây là cái chơn thần của con người, nó được biểu hiện ra ngoài ở nơi cặp mắt. Cho nên khi nhìn vào đôi mắt của một người nào, chúng ta có thể biết được cái Thần của người đó mạnh hay yếu, tinh anh hay kém sút.

    Như vậy, cái chơn thần của con người được biểu hiện nơi cặp mắt, nhưng cửa xuất nhập của nó đối với thể xác là ở Nê hoàn cung nơi đỉnh đầu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy đến đặng huờn nguyên chơn thần cho các con đắc đạo. Con hiểu "Thần cư tại nhãn". Bố trí cho chư Đạo hữu con hiểu rõ.

  • Thần chung thinh

    Thần chung thinh

    神鐘聲

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Chung: cái chuông. Thinh: Thanh: tiếng.

    Thần chung thinh là tiếng chuông thiêng liêng huyền diệu.

    Kệ chuông Đại đàn và Tiểu đàn: "Thần chung thinh hướng phóng Phong đô." Nghĩa là: Tiếng chuông thiêng liêng huyền diệu phát ra hướng đến cõi Phong đô.

  • Thần chung mộ cổ

    Thần chung mộ cổ

    晨鐘暮鼓

    Thần: Buổi sáng sớm. Chung: chuông, tiếng chuông. Mộ: buổi chiều tối. Cổ: cái trống, tiếng trống.

    Thần chung mộ cổ là tiếng chuông lúc sáng sớm và tiếng trống lúc chiều tối.

    Đó là tiếng chuông chùa và tiếng trống chùa trong các thời công phu buổi sáng sớm và buổi chiều tối của chư tăng ni trong chùa, cũng là tiếng chuông và tiếng trống giác mê, làm thức tỉnh người đời đang say sưa trong giấc mộng trần.

  • Thần dân

    Thần dân

    臣民

    A: The people.

    P: Le peuple.

    Thần: Bề tôi của vua. Dân: người dân.

    Thần dân là bề tôi và dân, chỉ chung dân chúng trong một nước quân chủ có vua cai trị.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thần dân phận sự phải lo xong.

  • Thần dược - Thần y

    Thần dược - Thần y

    神藥 - 神醫

    A: Miraculous remedy - Miraculous physician.

    P: Remède miraculeux - Médecin miraculeux.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Dược: thuốc. Y: trị bịnh.

    Thần dược là thuốc rất hay, uống vào là hết bịnh liền.

    Thần y là thầy thuốc trị bịnh rất giỏi, chữa lành những bịnh hiểm nghèo.

  • Thần đạo

    Thần đạo

    神道

    A: The doctrine of Genius.

    P: La doctrine de Génie.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Đạo: tôn giáo.

    Thần đạo là tôn giáo dạy người tu đạt đến phẩm Thần.

    Thần đạo là một nấc thang trong 5 nấc thang tiến hóa của Ngũ Chi Đại Đạo. Có đạt được Thần vị rồi mới có thể tu lên Thánh đạo đạt Thánh vị.

    Bên Á Đông có Thần đạo Trung hoa và Nhựt bổn.

    Thần đạo Trung hoa mở ra vào thời Phong Thần, với Đức Khương Thượng Tử Nha cầm đầu. Ngài thay mặt Đức Nguơn Thỉ Chưởng Giáo cầm Bảng Phong Thần và đọc sắc phong Thần. Do đó, Đạo Cao Đài thờ Đức Khương Thượng Tử Nha để tượng trưng Thần đạo trong Ngũ Chi Đại Đạo.

    Bên Âu Châu có Hy Lạp Phong Thần.

    Bên Ai Cập có Ai Cập Phong Thần.

  • Thần đồng

    Thần đồng

    神童

    A: The prodigious child.

    P: L"enfant prodigue.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Đồng: đứa bé.

    Thần đồng là đứa bé thông minh đặc biệt lạ thường.

    Thần đồng vấn Khổng Tử: Thần đồng Hạng Thác hỏi Đức Khổng Tử về lý. Đức Khổng Tử đành chịu, trả lời không được. Nhờ đó, Đức Khổng Tử giác ngộ và lo tu phần Thiên đạo, thành bực Chí Thánh.

  • Thần giao cách cảm

    Thần giao cách cảm

    神交隔感

    A: The spiritual relation, the telepathy.

    P: La relation spirituelle, la télépathie.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Giao: qua lại với nhau. Cách: cách xa. Cảm: cảm ứng với nhau.

    Thần giao cách cảm là sự giao tiếp với nhau bằng tinh thần giữa hai người (hay nhiều người) ở cách nhau rất xa.

    Nhiều vị Lạt Ma của Phật giáo Tây Tạng rất sở trường về khoa nầy. Thông thường phải có một người phát ra tư tưởng và những người khác thâu nhận tư tưởng nầy và viết ra. Trường hợp nầy giống như hai cái máy vô tuyến điện liên lạc nhau, nói qua nói lại.

  • Thần hao trí mệt

    Thần hao trí mệt

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Hao: hao mòn. Trí: trí não. Mệt: mỏi mệt.

    Thần hao trí mệt là nói về người làm việc và lo lắng quá sức, làm cho tinh thần bị hao tổn, trí não mệt mỏi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phương chi ràng buộc hình hài, thần hao trí mệt cả ngày, rốt lại còn chi tráng kiện mà xa lo rộng nghĩ.

  • Thần hoàng bổn cảnh

    Thần hoàng bổn cảnh

    神隍本境

    A: The tutelary Genius of a village.

    P: Le Génie tutélaire d"un village.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Hoàng: hào lũy. Bổn: thuộc về mình. Cảnh: cõi, địa phương. Bổn cảnh: địa phương của mình.

    Thần hoàng bổn cảnh là vị Thần cai quản về phần thiêng liêng ngôi làng của mình đang ở.

    Thuở xưa, những vị quan có công lớn đối với nước hay đối với dân chúng ở một địa phương nào, khi chết được triều đình xem xét, ban sắc chỉ cho làm Thần hoàng bổn cảnh ở một làng trong địa phương đó, để phù hộ dân chúng trong làng ấy và hưởng được cúng tế của dân làng.

    Việc phong Thần nầy phù hợp lòng dân, vừa thúc đẩy nhân tài ra giúp nước, lập công với triều đình.

    Vua của một nước đứng vào hàng Thánh nên có quyền phong Thần cho các bề tôi có công lớn với dân với nước.

    Ngoài ra, những vị Thần trấn nhậm ở các địa phương lớn, như một tỉnh chẳng hạn thì do Ngọc Hư Cung phong thưởng những người tu hành có công đức để hộ trì dân chúng trong địa phương ấy về mặt vô hình. (Độc giả xem chữ: Thanh tịnh Đại hải chúng: ông Hai Chiếm, công quả Phạm Môn, được Ngọc Hư Cung phong làm ông Thần ở tỉnh Ninh Bình)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy từ bi thâu toàn chư chúng sanh đặng Thầy cho phép Thần hoàng Bổn cảnh giáng cơ mà dạy dân trong phần trách nhiệm của nó.

    (Sau đây là bài giáng cơ của Thần hoàng Bổn cảnh làng Mỹ Lộc quận Cần Giuộc).

    THẦN HOÀNG BỔN CẢNH

    Chào chư Thiên phong,

    Chào cả thảy các Đạo hữu và các đẳng chúng nam nữ trong thôn lân.
    Thần ân tứ hải thủ châu danh,
    Hoàng hữu ấn phong tải độ thành.
    Mỹ thới dân khương bình thái trị,
    Lộc cao hà nễ thọ thời sanh........

    Từ thuờ ta vâng chiếu chỉ đến trấn nhậm nơi đây, ta một tấm lòng lo cho lê thứ đặng an cư lạc nghiệp, thạnh vượng mùa màng, mỗi mỗi đều hằng lo lắng cho chúng sanh nơi phần trách nhiệm.

    Nay có lịnh Ngọc Hoàng Thượng Đế chiếu chỉ cho phép ta giáng cơ mầu nhiệm mà tỏ nền Đạo là quí trọng cho lê thứ hiểu. Lê thứ đâu rõ thấu việc Trời đã định hơn mấy chục ngàn năm nay.

    Lê thứ nghe: Kỳ Hạ nguơn hầu mãn, nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, mười phần còn lại có một mà thôi. Than ôi! Buồn thôi! Nghĩ vì Thiên cơ đã định vậy thế nào mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện ăn năn sám hối lo việc tu hành, đồng với nhau cả quốc dân mà quì lụy khẩn cầu coi Trời đoái tưởng đến chăng?

    Bởi thế nên Ngọc Đế và chư Phật, chư Tiên, chư Thánh mới lập hội Tam Kỳ Phổ Độ đặng có cứu vớt chúng sanh đương linh đinh nơi biển khổ. Nếu gặp thuyền Bát Nhã mà không xuống không theo thì chắc thế nào cũng chơi vơi mé biển......

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Con nghe: Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh địa. Thầy đã ban sắc cho Thần hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh, dạy dỗ dân về Đạo. Thầy ban trọn quyền thưởng phạt đặng răn làng ấy cho đến ngày biết ăn năn cải quá...."

  • Thần học

    Thần học

    神學

    A: The theology.

    P: La théologie.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Học: môn học, học thuyết.

    Thần học là môn học nghiên cứu về Thượng Đế và những mối tương quan giữa Thượng Đế và những tạo vật của Ngài, dựa trên khả năng nhận thức tự nhiên của con người và cũng dựa vào những mặc khải của Thượng Đế.

    Thần học (Théologie) khác với Thần luận (Déisme), vì Thần luận nghiên cứu về Thượng Đế nhưng không dựa vào mặc khải mà chỉ dựa vào nhận thức tự nhiên của con người.

    Thần học cũng khác với Thần linh học (Spiritisme) vì Thần linh học nghiên cứu sự thông công giữa con người với các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật trong cõi giới vô hình.

    Thần học lập thành một hệ thống quan điểm và lý luận nhằm chứng minh sự tồn tại và sự hiện hữu của Thượng Đế, tánh cách chân lý của các Tín điều, nghiên cứu về đạo đức tôn giáo, những qui tắc làm chuẩn mực trong đời sống tu hành của các tín đồ.

  • Thần hôn định tỉnh

    Thần hôn định tỉnh

    晨昏定省

    A: To attend one"s parents at morning and evening.

    P: Soigner ses parents au matin et au soir.

    Thần: Buổi sáng sớm. Hôn: buổi tối. Định: an ổn. Tỉnh: hỏi thăm về sức khỏe.

    Thần hôn định tỉnh là nói về bổn phận của người con hiếu thảo đối với cha mẹ là: buổi sáng sớm vào hỏi thăm cha mẹ xem có ngủ được yên giấc không, và buổi tối cũng vào hỏi thăm cha mẹ có khỏe không?

    Thần hôn định tỉnh được nói tắt là: Thần hôn, Thần tỉnh,.... Ý nói: bổn phận làm con phải chăm sóc sức khỏe của cha mẹ lúc tuổi già.

    Kiều:
    Rừng thu từng biếc xen hồng,
    Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.
    Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần:
    Viếng thăm hôm sớm song thân,
    Trọn câu thần tỉnh ân cần cung Tiên.
  • Thần linh

    Thần linh

    神靈

    A: The spirits.

    P: Les esprits.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Linh: thiêng liêng mầu nhiệm.

    Thần linh là chỉ chung các Đấng thiêng liêng trong thế giới vô hình, tức là các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

  • Thần linh học

    Thần linh học

     

    神靈學

    A: The spiritism.

    P: Le spiritisme.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Linh: thiêng liêng mầu nhiệm. Học: môn học, học thuyết.

    Thần linh học là một ngành học nghiên cứu về thuật thông công giữa người sống nơi cõi trần với các Đấng Thần linh tức là giữa con người nơi cõi trần với các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật trong cõi vô hình.

    I. Thần Linh Học là một nền đạo

    Thần Linh Học (Spiritisme), còn được gọi là Thông Linh Thuyết, Thông Thần Học, Chiêu Hồn Thuật, Giáng Thần Thuật, là một khoa học nghiên cứu về cách thông công giữa con người đang sống nơi thế giới hữu hình với các Đấng Thần Thánh Tiên Phật ở trong thế giới vô hình, để chứng minh rằng: Có sự hiện hữu của thế giới vô hình, có sự hiện hữu của Đấng Thượng Đế và các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, và có sự hiện hữu Linh hồn của con người.

    Con người khi thể xác chết đi, không phải là mất hết, mà còn có Linh hồn tồn tại. Linh hồn xuất ra khỏi xác để chuyển qua sống trong thế giới vô hình.

    Chính thế giới vô hình nầy điều khiển thế giới hữu hình.

    Hiện tượng Xây bàn của Đạo Cao Đài phát xuất từ những kết quả nghiên cứu của khoa Thần Linh Học từ bên nước Mỹ và nước Pháp truyền qua Việt Nam.

    Trong sách Thánh Ngôn Hiệp Tuyển của Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế có giáng cơ nói rằng:

    "Thầy há chẳng có lời tiên tri rằng Thần Linh Học là một nền đạo tương lai sao?" (N"ai-JE pas prédit que le Spiritisme est une religion d"avenir?) [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển]

    "Đạo Cao Đài căn cứ ở Thần Linh Học, mà Thần Linh Học là một khoa học và một triết lý.

    Năm 1950, trong một buổi họp của Hội Nghị HAYWARDS HEATH, tôi đã có dịp định nghĩa rõ ràng thế nào là Thần Linh Học, một khoa học, không nên lầm với mê tín quàng xiên. Tôi đã có dịp nhắc lại một nguyên tắc căn bản dùng để xét định những việc Thần linh, dù tự nhiên xảy ra hay là thí nghiệm.

    Nguyên tắc ấy là:

    Phải giải thích rõ ràng một hiện tượng Thần Linh Học mà xưa nay thường bị nhiều kẻ chỉ trích (hoặc mê sảng, hoặc bịa đặt), nếu một lẽ chỉ trích ấy mà đúng, dầu ở cách xa, thì hiện tượng ấy đáng hủy bỏ. Trừ ra khi nào một Vong linh đến giải thích một hiện tượng mà trước đây không ai hiểu đặng, đó mới thật là một kỳ diệu của khoa Thần Linh Học.

    Về mặt khoa học và triết lý, Thần Linh Học rất có ích cho các tôn giáo vì nó làm cho con người không có đức tin hay không nhìn nhận sự huyền bí, hay chỉ nhận những sự vật mà giác quan của họ biết được, phải nhận rằng: Con người có một Linh hồn.

    Thần Linh Học làm cho ta thấy một cách chắc chắn rằng Linh hồn có thật, thể xác tuy chết mà Linh hồn vẫn còn, và giữa những người sống và những người chết vẫn còn giao cảm với nhau được.

    Năm rồi, ở Hội nghị Bruxelles, tôi đã tuyên bố những ý kiến tương tự như thế nầy, và nhận thấy rằng, trong những lúc đàm luận riêng, nhiều Hội viên đã hiểu biết ý tôi."

    (Trích bài của Ông Henry Regnault, Hội viên Thần Linh Học ở Paris, Đại diện Đạo Cao Đài tại Pháp, Bán Nguyệt san Thông Tin dịch, số 116 Xuân Giáp Dần 1974, trang 18)

    II. Thần Linh Học xuất hiện ở Mỹ

    Phong trào Thần Linh Học thế giới khởi đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ vào năm 1847, tiểu bang New York, nơi nhà của ông Veckman trong một nông trại tại Hydesville. Hằng đêm, ông Veckman nghe có tiếng đập cửa hay tiếng gõ vào vách, nhưng khi mở cửa ra xem thì không thấy ai cả, làm cho gia đình ông hoảng sợ, cho là có hồn ma phá khuấy, nên không dám ở đó nữa, phải trả nhà dọn đi nơi khác ở.

    Sau đó có gia đình ông thợ may nghèo tên là John Fox đến mướn ở. Mấy tháng đầu, ông Fox chẳng thấy chi lạ cả, nhưng thời gian sau đó thì hiện tượng gõ cửa hay đập vách lại xảy ra, và đặc biệt ban đêm, đồ đạc trong nhà tự nhiên xê dịch từ chỗ nầy qua chỗ khác.

    Ban đầu, ông bà Fox cũng hoảng sợ, nhưng thấy các hiện tượng lạ nầy không có phương hại chi đến gia đình nên ông bà bỏ qua không để ý đến nữa, dần dần rồi cũng quen với các hiện tượng kỳ bí đó.

    Ông bà Fox có hai đứa con gái, đứa lớn tên Margaret 15 tuổi và đứa nhỏ tên Kate 12 tuổi.

    Một hôm, ông bà Fox định đi ngủ sớm vì ban ngày may vá mỏi mệt quá, và không để ý đến tiếng đập vách. Khi vào phòng ngủ thì thấy Kate còn thức và vỗ tay chơi. Liền sau đó, bà Fox nghe có tiếng gõ vách đáp lại. Cô bé vỗ tay 3 tiếng thì có 3 tiếng gõ vách đáp lại.

    Bà Fox nói thử: Hãy gõ 10 tiếng coi.

    Liền đó có 10 tiếng gõ vách đáp lại.

    Bà Fox kinh ngạc nói tiếp: Nếu linh hiển, hãy gõ đúng số tuổi của Kate.

    Liền đó tiếng gõ đáp lại đếm đúng 12 tiếng.

    Bà Fox lại nói: Nếu là người thật thì gõ 1 tiếng trả lời.

    Hoàn toàn yên lặng.

    Chờ một chút, Bà Fox nói tiếp: Nếu là hồn linh thì gõ 2 tiếng trả lời.

    Tức thì có 2 tiếng gõ đáp lại.

    Hiện tượng lạ lùng nầy ngày hôm sau được lan truyền ra khắp nơi rất nhanh, khiến nhiều người hiếu kỳ tấp nập đến xem. Giới tu sĩ, giới khoa học, đều có tìm đến tận nơi để quan sát, thử nghiệm, nghiên cứu. Kết quả họ rất ngạc nhiên lẫn kinh sợ, xác nhận hiện tượng kỳ bí có xảy ra thực, nhưng không cách nào giải thích được sự kỳ bí nầy.

    Sau đó có một nhà nghiên cứu tên là Issas Post đến xem, nảy ra sáng kiến là bảo hồn linh gõ theo thứ tự các mẫu tự A, B, C,... Gõ 1 tiếng là chữ A, gõ 2 tiếng là chữ B, gõ 3 tiếng là chữ C, v.v... để sau đó ráp lại thành câu văn mà nói chuyện với nhau.

    Vong linh liền gõ 2 tiếng để tỏ sự đồng ý.

    Thế là nhờ phương cách nầy, tuy mất nhiều thời giờ, nhưng ông Issas Post có thể nói chuyện được với hồn linh. Ông được hồn linh trả lời nhiều điều mà trước đây không ai có thể biết được về thế giới vô hình.

    Nhờ phương pháp nầy, ông Fox nói chuyện được với hồn linh. Hồn linh cho biết, khi còn sống tên là Charles Haynes, góa vợ, có 5 con, làm phu khuân vác, đã bị chủ nhà trước giết chết, xác được chôn trong hầm của nông trại. Hồn linh cũng cho biết tên của người giết chết ông ta, là người đã ở kế căn nhà nầy 2 năm về trước.

    Ông Fox đào thử trong hầm của nông trại thì tìm thấy được: một mớ vôi, một mớ than, nhiều mảnh chén bể, một nắm tóc, vài khúc xương, một miếng giống như óc.

    Ông Fox rất ngạc nhiên và hoảng sợ.

    Lối xóm đồn ầm lên là gia đình ông Fox nói chuyện được với hồn ma.

    Báo chí hay tin, liền cử người đến quan sát, rồi đăng tin lên báo, khắp nước Mỹ đều hay biết. Giới tu sĩ và giới trí thức rất chú ý hiện tượng bí ẩn nầy.

    Hậu quả của việc thông linh nầy là gia đình ông Fox không làm ăn gì được cả, nên phải dọn nhà đi nơi khác ở. Giáo hội Méthodiste (Église Méthodiste) thuộc đạo Tin Lành trục xuất ông bà Fox ra khỏi Giáo hội. Ông Fox đưa gia đình đến ở Rochester, là nơi đông đúc dân cư, tránh khỏi khu vực đó, nhưng hồn ma Charles Haynes cũng theo gia đình ông Fox đến Rochester.

    Hai chị em Margaret và Kate phải làm trung gian để những người sống muốn nói chuyện với linh hồn ông Haynes.

    Rất nhiều người trước đây không biết gì về hồn ma và cũng không tin có ma, nay chứng nghiệm được hiện tượng hiển nhiên như vậy thì họ rất tin tưởng và cũng trở thành Đồng tử giống như hai cô gái Margaret và Kate.

    Nhiều cuộc trình diễn được tổ chức trước công chúng, kết quả rất tốt đẹp, khiến nhiều người phải xác nhận có linh hồn, người chết thì thể xác tiêu tan, nhưng linh hồn vẫn tồn tại nơi thế giới vô hình.

    Tiếng tăm của gia đình ông Fox nổi bật giữa quần chúng nước Mỹ. Báo chí Mỹ không ngớt tường thuật tỉ mỉ các buổi thông linh nầy.

    Hội Đồng Thành phố Rochester thành lập Ban điều tra đặc biệt về hiện tượng thông linh nầy. Sau mấy năm nghiên cứu, ba lần họp, có đến hằng trăm diễn giả thuyết trình, tranh luận sôi nổi, nhưng chưa đạt được một kết luận dứt khoát nào.

    Kinh sợ trước những hiện tượng kỳ bí mà họ chứng kiến, một số người hồ đồ xấu miệng đồn lên rằng, gia đình ông Fox là phù thủy, là hiện thân của ma quỉ, họ sách động đám đông đập chết toàn cả gia đình ông Fox gồm bốn người, một cách hết sức oan uổng.

    Sau khi gia đình ông Fox bị thảm sát, hiện tượng thông linh "gõ cửa hay gõ vách" vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước Mỹ.

    Luật Sư J. Edmonds, Giáo Sư E. Mapes thuộc Hàn Lâm Viện Hoa Kỳ, Giáo Sư Robert Hare tại Đại Học đường Pensylvania, sau nhiều năm nghiên cứu, thông công được với nhiều người trong thế giới vô hình, đã có những kết luận rất xác đáng, nên tổ chức các buổi thuyết trình, viết ra nhiều sách để phổ biến, xác nhận sự hiện hữu của linh hồn và của thế giới vô hình.

    Năm 1852, một Hội Nghị Thần Linh Học (Congrès Spirite) đầu tiên được tổ chức tại Cleveland nước Mỹ.

    Năm 1854, số người theo Thần Linh Học ở Hoa Kỳ lên đến con số 3 triệu người, trong đó có hơn 10 ngàn Đồng tử.

    III. Thần Linh Học ở Âu Châu

    Từ năm 1852, một Phái đoàn Thần Linh Học từ Mỹ qua nước Anh, và đã gây được một phong trào Thần Linh Học mạnh mẽ ở nước Anh.

    Năm 1853, một nhóm Thần Linh Học khác lại đi từ Mỹ qua nước Pháp và Đức, cũng gây được những phong trào Thần Linh Học đáng kể ở hai nước nầy.

    Năm 1854, ông Chevreul thuộc Hàn Lâm Viện Khoa học Pháp và ông Faraday ở nước Anh, đả phá kịch liệt Thần Linh Học, nhưng không kết quả.

    Bà Giradin, một Đồng tử Thần Linh Học ở nước Pháp đã giúp cho Văn hào Victor Hugo thông công được với linh hồn người chết lúc Victor Hugo đang tị nạn, sống lưu vong ở đảo Jersey của nước Anh.

    Đêm 11-9-1853, tại đảo Jersey, bà Giradin tổ chức xây bàn, có mặt quí ông: Victor Hugo với 2 cậu con trai là Charles Hugo, Francois Hugo và cô con gái là Madelène Hugo, ngoài ra còn có Đại Tá Le Flot, ông De Tréveneuse, ông Auguste Vacquerie. Đêm ấy, vong linh Charles Vacquerie (tức là con gái của Victor Hugo, nhũ danh là Léopoldine Hugo, cùng với chồng đi tắm biển và cả hai vợ chồng đều bị chết đuối), giáng bàn nói chuyện với Victor Hugo, hỏi thăm cha mẹ, và có tiết lộ nhiều điều huyền bí nơi cõi vô hình. Nhờ vậy, Victor Hugo bắt đầu tin tưởng Thần Linh Học.

    Đêm 13-9-1853, Victor Hugo tiếp tục tổ chức xây bàn để thông công với cõi vô hình, có một vong linh xưng là Bóng Hư Linh giáng bàn bảo ông Victor Hugo hãy đặt trọn đức tin vào Thượng Đế.

    Tiếp tục xây bàn, nhóm Victor Hugo thông công được với các Đấng, kể ra dưới đây:

    Các Đấng Giáo chủ: Socrate, Mọse, Jésus, Mahomet, Luther.

    Các Danh nhân: André Chénier, Shakespeare, Molière, Dante, Racine, Lion d"Androclès,...

    Các vong linh ẩn danh: Bóng Hư Linh, Bóng dưới mồ, Sứ giả Thượng giới, Người trong mộng,...

    Đêm 11-10-1853, nhận thấy những điều tiết lộ, những điều khuyên bảo, những giáo lý, triết lý, nhận được từ các Đấng Thiêng liêng nơi cõi vô hình qua hiện tượng thông linh xây bàn, rất hữu ích cho nhơn loại, nên văn hào Victor Hugo hỏi vong linh đang giáng bàn:

    - Những lời vàng tiếng ngọc mà chúng tôi hân hạnh đón nhận từ cõi Hư Linh bấy lâu nay, thật đáng xem là những Chơn truyền quí báo hiếm có, chúng tôi có nên in thành sách xuất bản để phổ biến cho mọi người cùng học được hay không, xin cho biết?

    Vong linh ấy đáp:

    - Không! Vì chưa đến ngày giờ.

    Victor Hugo hỏi tiếp:

    - Đến bao giờ? Chúng tôi còn sống đến ngày đó không?

    Vong linh đáp:

    - Nếu không thấy nơi nầy thì sẽ gặp ở nơi khác. Chừng đến ngày giờ sẽ có lịnh. Hiện tại, có thể phổ biến hạn chế cho những người đã có đức tin.

    Những Thánh giáo nhận được từ những cuộc xây bàn của Victor Hugo ở đảo Jersey, sau nầy được ông Gustave Simon in thành sách với nhan đề là "Les Tables tournantes de Jersey chez Victor Hugo".

    Sách nầy được tái bản nhiều lần, làm chấn động dư luận nước Pháp và thế giới.

    Giáo Sư Charles Richets tại Đại Học đường Sorbonne Paris, sau nhiều năm nghiên cứu Thần Linh Học, đã cho xuất bản quyển sách tựa đề là Traité de Métaphysique (Khái luận về Huyền bí học).

    Trong lúc đó, ở nước Anh, nhà bác học William Crookes, trước đây không tin Thần Linh, nhưng sau gần 20 năm nghiên cứu và chứng nghiệm việc thông công với thế giới vô hình, đã viết một cuốn sách dầy trình bày các kết quả nghiên cứu của ông.

    Trong một bài thuyết trình tại Đại Hội Thần Linh Học Thế giới họp tại Luân Đôn, ông kết luận một câu khẳng định: "Tôi không nói là những điều tôi đã nghe, những việc tôi đã thấy, có lẽ có được, mà tôi dám nói chắc chắn rằng có hiển nhiên như vậy."

    Chính lời nói xác định mạnh mẽ nầy của một nhà bác học nước Anh làm cho nhiều người giựt mình thức tỉnh.

    Ở nước Pháp, nhà Thần Linh Học Léon Rivail tức là Allan Kardec, nhờ được học hỏi nhiều nơi các Đấng vô hình, nên đã hệ thống hóa được lý thuyết về Thần Linh Học, để môn Thần Linh Học trở thành một ngành khoa học.

    Năm 1853, ông Allan Kardec lập thành Học thuyết Thần Linh Học với hai tác phẩm căn bản là: Le livre des Esprits và Le livre des Médiums, với những bằng chứng thực nghiệm về tâm linh.

    Nhờ đó, Thần Linh Học được truyền bá rộng rãi khắp thế giới.

    Nhiều cuộc Hội nghị Quốc tế về Thần Linh Học đã được mở ra, gây một phong trào Thần Linh Học sâu rộng.

    Sau Allan Kardec thì có Camille Flammaron (1842-1925) tiếp nối, nhưng phong trào Thần Linh Học không được rầm rộ như trước.

    Tóm lại, Thần Linh Học phát khởi từ nước Mỹ vào năm 1847, sau đó truyền qua Âu Châu, nhứt là ở hai nước Anh và Pháp, tạo thành một phong trào Thần Linh Học mạnh mẽ và sâu rộng, ảnh hưởng lên toàn thế giới.

    Với phong trào Thần Linh Học, Thượng Đế muốn nhắn nhủ với nhơn loại là con người không phải chết là hết, mà mỗi người đều có một linh hồn và linh hồn nầy là chủ nhơn của thể xác. Khi thể xác chết đi, linh hồn xuất ra khỏi thể xác, chuyển qua cõi vô hình và có một đời sống trong thế giới vô hình.

    IV. Thần Linh Học với Đạo Cao Đài

    Trong lúc Phong trào Thần Linh Học khởi lên rầm rộ và sôi nổi ở khắp các nước Âu Mỹ thì nước Việt Nam đang chịu sự xâm chiếm của đế quốc Pháp, và cuối cùng biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp.

    Báo chí và sách vở của Pháp được đưa sang Việt Nam, nhờ đó, phong trào Thần Linh Học (Thần Linh Học) truyền đến Việt Nam.

    Đầu thế kỷ 20, trong dân chúng nổi lên các nhóm Xây bàn nói chuyện với các vong linh hay Cầu Cơ thỉnh Tiên xin thuốc chữa bịnh nan y. Nhóm Xây bàn ở Sài Gòn của quí ông: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, được Đấng Thượng Đế và các vị Tiên, Phật giáng dạy thường xuyên, dần dần hình thành một Phong trào Thần Linh Học Việt Nam, gọi là Đạo Cao Đài.

    Đạo Cao Đài phát triển rất mạnh và thu hút rất nhiều tín đồ, làm cho nhà cầm quyền Pháp lo ngại ảnh hưởng xấu nền an ninh của thuộc địa Pháp, nên họ ra lịnh đàn áp.

    Hai vị Đại diện Đạo Cao Đài tại Paris nước Pháp là: Gabriel Gobron và sau đó là Henry Regnault, vận động các giới tại Pháp binh vực Đạo Cao Đài, nhất là trong các Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế, ông Gabriel Gobron luôn luôn yêu cầu Hội Nghị ủng hộ Đạo Cao Đài và can thiệp với Chánh phủ Pháp cho Đạo Cao Đài được tự do tín ngưỡng và thờ cúng.

    Sau đây là vài kết quả thâu được trong các Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế:

    1) Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế Barcelone (1934):

    Tạp chí Thần Linh Học tháng 10-1934, trang 505 có đăng các nguyện vọng được toàn Hội Nghị chấp thuận:

    Phong trào Thần Linh Học thứ 8 là Đạo Cao Đài: Do đề nghị của ông Gabriel Gobron, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn tại Pháp của Đạo Cao Đài (hay Thần Linh Học Việt Nam), Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế lần thứ 5 họp tại Barcelone (Tây Ban Nha) từ ngày 1 đến 10-9-1934, yêu cầu Chánh phủ Pháp đặt ra cho tín đồ Cao Đài một qui chế rộng rãi như qui chế áp dụng cho các tín đồ Thiên Chúa giáo hay Phật giáo Việt Nam trong các nước Đông Dương, thể theo lời hứa long trọng của ông Tổng Trưởng Sarraut của Bộ Thuộc địa, vào tháng 3 năm 1933 tại Quốc Hội Pháp.

    2)..............

    3) Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế Glasgow (1937):

    Tờ báo Việt Nam Mới ngày 14-11-1937 đăng tin:

    Do đề nghị của ông Gabriel Gobron, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn tại Pháp của Đạo Cao Đài hay Thần Linh Học Việt Nam, Hội Nghị Thần Linh Học Quốc tế lần thứ 6 họp tại Glasgow (Anh quốc) từ ngày 3 đến 10-9-1937, đưa ra nguyện vọng: Thần Linh Học Việt Nam trong ba nước Đông Dương nên được hưởng sự tự do tín ngưỡng và thờ cúng như các tín đồ Công giáo và Tin Lành, dầu họ là dân thuộc địa, dân bảo hộ, hay ngoại quốc.

    Nguyện vọng đưa ra trong Hội Nghị Thần Linh Học ở Barcelone mở màn cho một thời kỳ rộng rãi hơn đối với các tín đồ của Đạo Cao Đài hay Thần Linh Học Việt Nam.

  • Thần minh chánh trực

    Thần minh chánh trực

    神明正直

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Minh: sáng, sáng suốt. Chánh: chơn chánh. Trực: ngay thẳng.

    Thần minh chánh trực là các vị Thần sáng suốt chơn chánh.

    Kinh Sám Hối: Thần minh chánh trực có đâu tư vì.

  • Thần Nông

    Thần Nông

    神農

    Thần Nông là vị vua vào thời thượng cổ nước Tàu, hiệu là Viêm Đế. Ngài có công tìm ra các giống ngũ cốc rồi dạy dân chúng cày cấy gieo trồng để dùng làm lương thực.

    Ngài còn tìm ra các thứ cây thuốc để trị bịnh cho dân.

    Do dó, Ngài là vị Tổ của nghề làm ruộng và nghề chế tạo thuốc Đông y. (Xem chi tiết: Tam Hoàng - Ngũ Đế, vần T)

    Kinh Vào Ăn Cơm:
    Công Thần Nông hóa dân buổi trước,
    Dạy khôn ngoan học chước canh điền.
    Kinh Sám Hối:
    Nhờ Viêm Đế đức cao ân nặng,
    Tìm lúa khoai người đặng no lòng.
  • Thần phẩm

    Thần phẩm

    神品

    A: The rank of Genius.

    P: Le rang de Génie.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Phẩm: ngôi thứ, phẩm vị.

    Thần phẩm là phẩm vị Thần.

    Phẩm vị Thần được chia làm ba bực: Địa Thần, Nhơn Thần và Thiên Thần. Đối phẩm với Chức sắc Cửu Trùng Đài:

    · Đạo hữu giữ tròn luật đạo đối phẩm với Địa Thần.

    · Chức việc Bàn Trị Sự đối phẩm với Nhơn Thần.

    · Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần.

    Kinh Ðệ Nhứt cửu: Thoát ba Thần phẩm đứng đầu Tam Thiên.

  • Thần phục

    Thần phục

    臣服

    A: To submit as a subject.

    P: Se soumettre comme sujet.

    Thần: Bề tôi của vua. Phục: chịu theo.

    Thần phục là chịu theo làm bề tôi.

  • Thần phương

    Thần phương

    神方

    A: The miraculous remedy.

    P: Le remède miraculeux.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Phương: liều thuốc trị bịnh.

    Thần phương là thuốc trị bịnh rất hay, rất hiệu nghiệm.

  • Thần quyền

    Thần quyền

    神權

    A: The divine right.

    P: Le droit divin.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Quyền: quyền hành.

    Thần quyền là quyền hành của chư Thần Thánh hay nói chung là quyền hành của các Đấng thiêng liêng do Thượng Đế ban cho, không ai được quyền xâm phạm.

    Thuở xưa, các dân tộc đều tôn trọng Thần quyền, và cho rằng vua là người do Trời sai xuống để cai trị muôn dân, nên gọi vua là Thiên tử: Con Trời.

  • Thần tài

    Thần tài

    神財

    A: The Genius of fortune.

    P: Le Génie de fortune.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Tài: tiền bạc, của cải.

    Thần tài là vị Thần cai quản về tiền bạc và của cải.

    Theo tín ngưỡng dân gian, Thần tài mang lại tiền bạc hay của cải cho mỗi gia đình, nên mỗi gia đình, nhứt là gia đình mua bán hay kinh doanh đều có bàn thờ Thần tài, đốt nhang nghi ngút để cầu xin Thần tài cho mua may bán đắt, trúng mối lời nhiều, đem lại nhiều tiền bạc sung túc.

    Người đời rất quí trọng tiền bạc nên rất quí trọng Thần tài. Những nhà kinh doanh đều có lập bàn thờ Thần tài rất long trọng, đặc biệt bàn thờ Thần tài không được đặt trên cao mà phải đặt ngay trên mặt gạch nền nhà.

    Tục thờ Thần tài được người Tàu truyền cho dân ta. Người Tàu sang nước Việt Nam làm nghề buôn bán trở nên giàu có, mỗi nhà người Hoa đều có thờ Thần tài nên người Việt thấy vậy bắt chuớc theo. Nhiều nhà không có thờ phượng Trời Phật chi hết mà lại thờ Thần tài.

    Sự tích của Thần tài: có nhiều sự tích nhưng dân gian thường nhắc hai sự tích sau đây:

    1. Thần tài là một cô gái tên là: Như Nguyện.

    Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà. Sự buôn bán từ ngày đó trở đi càng ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà Âu Minh trở thành một nhà giàu có lớn.

    Một hôm, vào Tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm nó sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất.

    Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp, trở nên nghèo khổ.

    Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần tài. Lúc Âu Minh nuôi Như Nguyện trong nhà thì Thần tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như Nguyện bị đánh rồi bỏ đi thì Thần tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên làm ăn sa sút, thất bại.

    Do sự tích nầy, người ta có tục kiêng cử quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo thất bại.

    Cũng do sự tích nầy mà người ta lập bàn thờ Thần tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác, và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên.

    Nhưng trong thực tế, người ta thường gọi là Ông Thần tài chớ không ai gọi là Bà Thần tài, nên sự tích Thần tài là cô gái Như Nguyện chưa hẳn là chính xác.

    2. Thần tài là ông Triệu Công Minh:

    Ông Triệu Công Minh ở đây không phải là Triệu Công Minh trong truyện Phong Thần hay trong truyện Bắc Du Chơn Võ, mà là một người dân ở núi Võ Đang bên Tàu.

    Truyện dân gian Trung quốc kể rằng: ở vùng núi Võ Đang có một ông già tên là Triệu Công Minh nhà rất nghèo. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm cặn canh thừa để ăn. Nghèo đến thế nhưng ông lão có nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng. Gần đấy có một ông phú hộ, gọi là Tiền Viên Ngoại, tánh rất xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Ông lão nghèo họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, hốt các canh thừa cơm cặn ấy về nuôi chó và vịt.

    Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thoi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho lão Triệu. Lão Triệu trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo vì tánh xa xỉ. Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên cảm thấy rất xấu hổ. Họ Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền khá khá đủ làm vốn liếng làm ăn, nhưng Lão Viên quen tánh tiêu xài xa xỉ nên dần dần hết vốn, trở nên nghèo khổ. Lão Viên lại sanh ác tâm, thấy họ Triệu giàu lớn như vầy bèn tính giết Triệu Công Minh để chiếm đoạt tài sản. Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu cháy ra tro, nhưng họ Triệu không chết, con vịt biến thành chim Phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành Thần Tài. Dân chúng lập miểu thờ Triệu Công Minh gọi là Thần tài miếu.

    Chúng ta không thể xác định được người Việt Nam thờ Thần tài vào lúc nào, bởi vì như trên đã nói, việc thờ Thần tài là do người Việt Nam bắt chước các Hoa kiều, như thế những người Việt Nam thờ Thần tài chắc chắn là những người thường làm ăn buôn bán với các Hoa kiều.

    Việc thờ Thần tài trong mỗi gia đình khiến cho người ta sáp nhập Thần tài vào các Thần bản gia như: Thổ địa, Ông Địa, Ông Táo.

    Do đó, người Tàu làm ra một tấm bài vị gộp chung các danh hiệu của các vị Thần bản gia để thờ, mà người ta thường gọi là "bài vị Thần tài", và chúng ta thấy bài vị nầy được thờ ở hầu hết trong các tiệm quán, nhà buôn, ở các văn phòng công ty và xí nghiệp.

    Bài vị Thần tài được vẽ trên một tấm kiếng, nền sơn đỏ, tất cả đều là chữ Hán màu nhũ vàng, vẽ một cái cổng mà hai trụ có rồng quấn, trên cổng có tấm bảng đề "TỤ BẢO ĐƯỜNG" nghĩa là ngôi nhà có tụ lại những thứ quí báu, phía dưới có vẽ một cái TỤ BẢO BỒN là cái chậu huyền diệu chứa của báu.

    Sau đây là một kiểu bài vị Thần tài và các Thần bản gia: disOneRight cdtd-BaiViThanTai.jpg Bài Vị Thần Tài

    CHÚ THÍCH: (chữ Hán trên bài vị đọc từ phải qua trái và từ trên xuống dưới)

    聚寶堂 : TỤ BẢO ĐƯỜNG: nhà chứa của quí báu.

    招財 : Chiêu tài: mời gọi tiền của.

    進寶 : Tiến bảo: dâng hiến bảo vật.

    金枝初潑葉 : Kim chi sơ phát diệp: Cành vàng bắt đầu trổ lá.

    銀樹正開花 : Ngân thụ chánh khai hoa: Cây bạc chánh thức nở hoa.

    Hai câu trên là đôi liễn đặt hai bên bài vị, như để chúc tụng. Trong một kiểu bài vị khác, đôi liễn trên được viết là:

    Thổ năng sanh bạch ngọc (Đất thường sanh ngọc trắng)

    Địa khả xuất hoàng kim (Đất khá xuất vàng ròng).

    如意吉祥 : Như ý cát tường: tốt lành như ý muốn.

    一帆風順 : Nhứt phàm phong thuận: thuận buồm xuôi gió.

    四季平安 : Tứ quí bình an: bốn mùa bình an.

    Hai câu chữ lớn ở chính giữa là danh hiệu của các Thần bản gia để thờ phượng:

    五方五土龍神 : NGŨ PHƯƠNG NGŨ THỔ LONG THẦN

    前後地主財神 : TIỀN HẬU ĐỊA CHỦ TÀI THẦN

    Ngũ phương Ngũ thổ Long Thần: năm vị Thần trấn năm hướng và năm vị Thần đất đai long mạch sắp đặt theo Ngũ Hành gồm: bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, và Trung ương.

    Năm vị Thần Ngũ phương là: Hoàng đế (Trung ương), Bạch đế (hướng Tây), Hắc đế (hướng Bắc), Thanh đế (hướng Đông), Xích đế (hướng Nam).

    Năm vị Ngũ Thổ Long Thần là năm vị Thần long mạch coi về đất đai, bảo hộ cư dân làm ăn sinh sống, gồm:

    · Thổ Công, làm chủ nền nhà.

    · Thổ Thần, làm chủ khu đất.

    · Thổ Địa, cũng gọi là Môn Khấu Thổ Địa Tiếp Dẫn Tài Thần: Thần Thổ Địa trực ở cổng để tiếp dẫn Thần Tài vào nhà.

    · Thổ Phủ, bảo hộ các kho hàng.

    · Thổ Kỳ, cai quản mặt đất nói chung.

    Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần: gồm hai vị: Tiền Địa Chủ Tài Thần và Hậu Địa Chủ Tài Thần.

    Tiền Địa Chủ Tài Thần là Thần Tài của chủ đất trước. Thờ vị Thần nầy là có ý báo bổn tư nguyên, tức là báo đáp cái gốc, nhớ đến cái nguồn.

    Hậu Địa Chủ Tài Thần là Thần Tài của chủ đất sau, tức là thờ vị Thần Tài của chủ đất hiện nay. (Theo Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc: Thần Tài - Tín ngưỡng và Tranh tượng)

    Những cơ sở kinh doanh các ngành nghề đều có thờ Thần Tài. Họ lập bàn thờ Thần tài lớn và trang nghiêm rực rỡ, chưng cúng bông và trái cây thường xuyên, cúng nước mỗi sáng mỗi chiều đều đốt nhang khấn vái để Thần Tài luôn luôn phù hộ cho họ làm ăn phát tài. Trên bàn thờ, ngoài bài vị Thần Tài còn có đặt phía ngoài hai tượng: tượng Ông Địa và tượng Ông Thần Tài.

    Đạo Cao Đài không có chủ trương cấm đoán các hình thức tín ngưỡng dân gian như việc thờ cúng Thần Tài, Ông Địa, Ông Táo, Ông Độ Mạng, Bà Mẹ Sanh,... nhưng cũng không khuyến khích các việc ấy, vì các sự thờ cúng trên đều có tánh cách mê tín, vị kỷ, cầu lợi lộc, tiền bạc cá nhân, đi sâu vào sự ràng buộc con người vào vòng vật chất, khó thoát khỏi luân hồi, trái với lẽ đạo là tu để cầu giải thoát, chớ không phải tu để cầu hưởng sự giàu sang danh vọng.

    Giáo lý của Đạo Cao Đài cho thấy rõ rằng, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều là những bậc sáng suốt, công bình, vô tư, không biết ăn hối lộ của vật chất thế gian do người trần dâng cúng. Ai làm lành thì được thưởng, ai làm ác thì bị đọa, theo đúng Luật Nhân Quả là luật công bình thiêng liêng của Trời Đất. Sự giàu có không phải do van xin Thần Thánh, mà là do phước đức của mình tạo ra từ kiếp trước.

    Một người nghèo khổ là do kiếp trước gây nhiều việc ác, tạo nhiều nghiệp xấu nặng nề, thì dầu trong kiếp nầy có lạy cầu Thần Thánh đến dập trán chảy máu đầu cũng không thể khá hơn được.

    Thuở xưa, Đức Khổng Tử có dạy rằng:

    Vi thiện giả, Thiên báo chi dĩ phúc,
    Vi bất thiện giả, Thiên báo chi dĩ họa.

    Nghĩa là:

    Làm điều lành thì Trời báo đáp cho điều phước,
    Làm điều chẳng lành thì Trời báo đáp điều tai họa.

    ● Đông Nhạc Đế Quân cũng có nói rằng:

    Thiên Địa vô tư, Thần minh thời sát,
    Bất vị tế hưởng nhi giáng phúc,
    Bất vị thất lễ nhi giáng họa.

    Nghĩa là:

    Trời Đất không tư vị, các Thần sáng suốt thường soi xét,
    Không phải vì hưởng cúng tế mà xuống cho điều phước,
    Không phải vì thất lễ mà xuống cho điều tai họa.

    ● Kinh Sám Hối cũng có câu:

    Thần minh chánh trực có đâu tư vì.
  • Thần táng khí hư

    Thần táng khí hư

    神喪氣虛

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Táng: mất. Khí: chí khí. Hư: hư hỏng.

    Thần táng khí hư là tinh thần mất, chí khí hư hỏng, tức là mất hết tinh thần và chí khí.

  • Thần thoại

    Thần thoại

    神話

    A: Mythology.

    P: Mythologie.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Thoại: nói chuyện.

    Thần thoại là các câu chuyện Thần Tiên theo đời xưa truyền lại, mà các vị Thần Tiên là những nhơn vật chánh, có nội dung xây dựng con người trở nên tốt đẹp.

    Thời tiền sử, người ta dùng truyện Thần thoại để giải thích các hiện tượng tự nhiên và trong đời sống xã hội.

    Thần thoại Việt Nam nói về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là con Rồng cháu Tiên, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, Truyện Phù Đổng Thiên Vương, v.v...

    Thần thoại Trung hoa như truyện ông Bàn Cổ tạo ra vũ trụ, con người và vạn vật, truyện bà Nữ Oa đội đá vá trời, truyện Hậu Nghệ và Hằng Nga, v.v...

    Thần thoại biểu thị những ước muốn của con người trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực mạnh mẽ của thiên nhiên. Thần thoại biểu hiện tri thức chưa phát triển của con người và sự lệ thuộc con người và thiên nhiên. Khi trí thức và tư duy phát triển, thì truyện Thần thoại nhường chỗ cho khoa học và triết học.

    Những truyện truyền khẩu trong dân gian là một kho tàng quí giá về truyện Thần thoại của một dân tộc.

  • Thần thông

    Thần thông

    神通

    A: The supernatural powers.

    P: Les pouvoirs surnaturels.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Thông: thông suốt, không chi ngăn nổi.

    Thần thông là cái tánh sáng suốt thông đạt khắp cả, biến hóa không lường. Phép Thần thông là những pháp thuật mầu nhiệm do các Đấng Thánh, Tiên, Phật luyện được.

    Theo Phật giáo, những vị tu đắc quả Thánh A-La-Hán thì có được sáu phép Thần thông, gọi là Lục thông:

    · Thiên nhãn thông: con mắt thấy khắp thế giới.

    · Thiên nhĩ thông: lỗ tai nghe được tiếng nói của khắp chúng sanh.

    · Tha tâm thông: biết rõ lòng dạ của người khác.

    · Túc mạng thông: trí sáng suốt nhớ được các kiếp trước.

    · Thần túc thông: chân đi mau lẹ khắp mọi nơi.

    · Lậu tận thông: dứt hết phiền não và các sai sót.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thần thông trói chặt Ma Vương quái.

  • Thần thông nhơn

    Thần thông nhơn

    神通人

    A: The lucid race.

    P: La race lucide.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Thông: thông suốt. Nhơn: người.

    Thần thông nhơn là lớp người có phép Thần thông, biến hóa rất huyền diệu như các bậc Thần Tiên.

    Thần thông nhơn là sắc dân tương lai của nhơn loại, là sắc dân nối tiếp các sắc dân hiện nay, sau khi nhơn loại trên địa cầu nầy trải qua một cuộc Tận Thế, số người chết là 90% nhơn loại, chỉ còn 10% nhơn loại sống sót là những người hiền lương đạo đức, gọi là Thần thông nhơn để lập đời Thượng nguơn Thánh đức của Đệ tứ Chuyển.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về sắc dân Thần thông nhơn, chép ra sau đây:

    "Rồi đến thế nầy biến cải sắc da đen lên xám, lên xanh, lên đỏ, lên vàng, cuối cùng là da trắng. Đương nhiên là mãn Hạ nguơn Tam chuyển lên Thượng nguơn Tứ chuyển (Premier Cycle du Quatrième Manvantara) vì chuyển tiến nên loài người phải chịu khảo đảo đặng vào trường thi hầu thoát khỏi mặt địa cầu nầy để đến thế giới cao trọng hơn, còn rủi rớt thì ở lại địa cầu nầy mà làm Thần thông nhơn (Race lucide) do hai sắc da vàng và trắng hiệp lại xuất hiện." (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.I.51)

    "Kiếp số của địa cầu nầy còn vĩnh cửu, chỉ thay đổi hình thể vạn loại mà thôi, nó vẫn còn tăng tiến mãi. Chúng ta đã ngó thấy qua chừng 100 năm trước, văn minh con người không đạt mức hiện tượng như bây giờ. Cơ tấn bộ tinh thần vật chất dữ dội nhứt là trong vòng 50 năm sau. Theo đó mà tính toán coi trong 500 năm nữa, nhơn loại sẽ ra sao?

    Phật giáo nói: Qua sắc dân da trắng, tinh thần vi chủ tới sắc dân Thần thông nhơn, qua khỏi Thần thông nhơn thì có sắc dân Chí linh, lúc đó, người là Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế.

    Như vậy còn hai sắc dân nữa cho 500 năm sau.

    Mỗi sắc dân vi chủ một nguơn niên, kể hai sắc dân nữa chưa xuất hiện, ta cũng kể là 30 000 năm nữa, đời sẽ thay đổi khác hơn. Nhơn vật và địa cầu cứ tăng tiến mãi trên con đường tận thiện tận mỹ, vật xinh người đẹp, vật ngu đến khôn, người khôn đến Chí linh, đến ngày cùng chót là Thần, Thánh, Tiên, Phật xuống ở cõi trần nầy.

    Lời của Đức Chí Tôn tiên tri và quyết định hẳn hòi:

    Chừng nào đất dậy trời thay xác,
    Chư Phật Thánh Tiên xuống ở trần."

    (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.I.132)

    "Bần đạo quả quyết rằng, sẽ còn đại động dữ dội một phen nữa nơi mặt địa cầu nầy. Đặng chi? Đặng giống dân da trắng giao quyền cho giống dân mới là Thần thông nhơn làm chủ, cầm giềng mối toàn mặt địa cầu nầy". (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.I.80)

  • Thần thức

    Thần thức

    神識

    A: The perisprit and soul.

    P: Le périsprit et l"âme.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Thức: nhận biết, sự hiểu biết của trí não.

    Thần thức là danh từ đặc biệt của Phật giáo, chỉ cái phần vô hình của con người, nó rất linh hoạt, mầu nhiệm, không thể luận bàn cho cùng được.

    Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì:

    "Thần thức: phần hồn. Con người đại để có hai phần: phần xác và phần hồn. Bởi phần hồn linh hoạt mầu nhiệm không thế bàn luận xét nét cho cùng nên kêu là Thần thức.

    Qui Nguyên Trực Chỉ: Tới chừng Đức Di-Lạc giáng sanh và thành Phật, người ta sống đời tám muôn tuổi (80 000). Mỗi người khi thấy mình sắp thác, bèn đi đến nơi mồ mả mà bỏ thân xác tại đó. Thần thức liền sanh lên cõi Trời, chẳng đọa lạc chốn ác. (Thần thức sanh Thiên, bất đọa ác thú).

    Những nhà luyện đạo Duy Thức (Du-già) có thể nhập thiền định mà đưa Thần thức mình đến các cảnh giới. Thần thức cũng kêu là: Thức, tâm thức, hồn, thần hồn."

    Trong quyển sách "Đức Phật và Phật pháp" của Narada thuộc Giáo hội Phật giáo Tiểu Thừa Tích Lan thì ông Narada phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Thượng Đế và phủ nhận một linh hồn trường cửu của con người, nhưng nhìn nhận con người có một Thần thức, và chính cái Thần thức nầy luân chuyển trong vòng luân hồi, chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác. Xin trích ra sau đây ba đoạn thuộc ba trang 368, 387 và 422:

    "Trong toàn bộ Tam Tạng Kinh, tuyệt đối không có đoạn nào đề cập đến sự hiện hữu của một Tạo hóa. Nhiều lần Đức Phật phủ nhận một linh hồn trường cửu (Atta). Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận có một Đấng Tạo hóa bất luận dưới hình thức một năng lực hay một chúng sanh.

    Mặc dầu Đức Phật không hề đặt một Thần linh siêu nhơn nào lên trên con người, có vài học giả cũng quả quyết rằng Ngài đặc biệt không đề cập đến vấn đề tranh luận quan trọng ấy."

    "Ngoài Danh và Sắc, Tâm và vật chất, là hai thành phần cấu tạo chúng sanh, Phật giáo không nhận có một linh hồn vĩnh cửu hay một bản ngã trường tồn mà con người đã thọ lãnh một cách bí ẩn từ một nguồn gốc cũng bí ẩn không kém."

    "Tùy thuộc nơi Hành, tức là hành động thiện và bất thiện trong kiếp vừa qua, Thức tái sanh hay Tâm nối liền phát sanh trong kiếp kế. Gọi là Thức tái sanh hay Tâm nối liền vì Thức ấy nối liền kiếp quá khứ với kiếp hiện tại. Chính là Thức đầu tiên trong một kiếp của chúng sanh, trong trường hợp người đó là Thức đầu tiên khi được thọ thai.

    Hiểu chính xác, Thức trong Thập nhị Nhơn Duyên là 19 loại Tâm hay Thức tái sanh, được trình bày rõ ràng trong Vi Diệu Pháp. Tất cả 32 tâm quả thọ hưởng trong đời sống vừa qua cũng nằm trong danh từ ấy.

    Bào thai trong bụng mẹ được cấu tạo do sự phối hợp của Thức tái sanh với tinh trùngminh châu của cha mẹ. Trong cái Thức ấy có ngủ ngầm tất cả những cảm giác đã thọ, những đặc tánh và những khuynh hướng riêng biệt trong dòng đời đã qua của một cá nhơn.

    Thức tái sanh được coi là tinh khiết vì không bắt nguồn từ tham sân si, cũng không phát xuất từ không tham, không sân, không si."

    Tóm lại, nếu chúng ta không cố chấp trên từ ngữ, chúng ta đều thấy rằng: mỗi một người nơi cõi trần đều có hai phần:

    · Phần hữu hình là phần hình hài thể xác bằng vật chất, thấy được rõ ràng.

    · Phần vô hình là phần tinh thần điều khiển thể xác. Nhờ phần vô hình mà con người được khôn ngoan sáng suốt hiểu biết.

    Cái phần vô hình nầy được các tôn giáo gọi bằng nhiều từ ngữ khác nhau, nhưng chung qui chỉ là một mà thôi: Phật giáo gọi là Thần thức, đạo Bà La Môn gọi là Atma, Thiên Chúa giáo gọi là Âme, Nho giáo gọi là Tâm, là Thần minh.....

    Thật ra thì sự hiểu biết của các Đấng Giáo chủ thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, tuy rất rộng lớn nhưng vẫn chưa phải là tuyệt đối, tức là vẫn còn giới hạn, nên các Ngài chỉ giải thích các hiện tượng hữu hình và vô hình theo sự thấy biết giới hạn của các Ngài. Tại sao? bởi vì chúng ta đã biết: Người thì không thể biết việc của Thần, Thần không thể biết việc của Thánh, Thánh không thể biết việc của Tiên, Tiên không thể biết việc của Phật, và Phật không thể biết việc của Thượng Đế.

    Phật chưa phải là Thượng Đế nên sự hiểu biết của Phật không thể bằng Thượng Đế. Phật chỉ mới là bậc chánh giác chớ chưa phải là toàn giác. Chỉ có Đấng Thượng Đế mới toàn năng, toàn tri, toàn giác.

    Ngày nay, thời Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, Đấng Thượng Đế giáng trần mở đạo cứu vớt nhơn sanh, Thượng Đế dạy cho chúng ta biết rõ phần vô hình của con người ấy là gì, để tín đồ của các tôn giáo đừng cố chấp trong cái hiểu biết phiến diện mà sanh ra chia rẽ.

    Cái phần vô hình mà chúng ta gọi đó có hai yếu tố:

    · Chơn linh là một điểm Linh quang do Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài ban cho mỗi người để làm linh hồn tạo ra sự sống và gìn giữ sự sống ấy.

    · Chơn thần là xác thân thiêng liêng do Đức Phật Mẫu tạo ra, ôm trọn điểm Linh quang để thành một người nơi cõi thiêng liêng vô hình.

    Do đó, một người nơi cõi thiêng liêng có hai phần: Chơn linh và Chơn thần. Khi người ấy đầu kiếp xuống cõi trần thì Chơn linh và Chơn thần nhập vào xác thân của hài nhi khi vừa lọt ra khỏi lòng mẹ, và trở thành một người nơi cõi trần.

    Do đó, một con người nơi cõi trần có ba phần: Chơn linh, Chơn thần, và thể xác phàm. Khi con người phàm chết tức là thể xác phàm chết thì Chơn linh và Chơn thần xuất ra khỏi xác phàm, bay trở về cõi thiêng liêng.

    Phần vô hình mà Phật giáo gọi là THẦN THỨC đó chính là chơn linh và chơn thần: THẦN là chơn linh, còn THỨC là chơn thần vì sự hiểu biết của con người là của Chơn thần.

    Cái gì đi đầu thai? Thần Thức đi đầu thai, tức là Chơn linh và Chơn thần đi đầu thai. Không thể tách rời Thần và Thức, cũng như không thể tách rời Chơn linh và Chơn thần. (Xem chi tiết nơi các chữ: Chơn linh, Chơn thần, Nhân sinh quan).

  • Thần trí

    Thần trí

    神智

    A: The mind.

    P: L"esprit.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Trí: sự hiểu biết của trí não.

    Thần trí là tinh thần và trí não.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Bần đạo dùng phép hồi quang phản chiếu đem thần trí ra ngoài thể xác đặng quan sát lại mình....

  • Thần tượng

    Thần tượng

    神像

    A: The idol.

    P: L"idole.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Tượng: pho tượng.

    Thần tượng là pho tượng Thần.

    Thần tượng là chỉ một nhân vật tiếng tăm có đầy đủ phẩm chất cao quí, được nhiều người tôn sùng và yêu mến.

  • Thần văn Thánh võ

    Thần văn Thánh võ

    神文聖武

    A: The Literary Genius and Military Saint.

    P: Le Génie littéraire et Le Saint militaire.

    Thần: - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. Văn: văn chương. Thánh: bực Thánh. Võ: võ nghệ, binh pháp. Thần văn là văn chương tài giỏi như Thần. Thánh võ là võ nghệ binh pháp tài giỏi như Thánh.

    Thần văn Thánh võ là văn võ song toàn, tài giỏi như Thần Thánh.

  • Thần vong xỉ hàn

    Thần vong xỉ hàn

    脣亡齒寒

    A: When the lips are gone, the teeth are cold.

    P: Si les lèvres manquaient, les dents auraient froid.

    Thần: cái môi. Vong: mất. Xỉ: răng. Hàn: lạnh.

    Thần vong xỉ hàn là môi mất thì răng lạnh, thường nói: môi hở răng lạnh, ý nói: phải nhờ cậy lẫn nhau, vì môi mất thì răng lạnh, răng mất thì môi móm vào.

    Thần xỉ tương ỷ: môi và răng nương dựa vào nhau, tức là phải cùng nương dựa vào nhau mà tồn tại. ( là dựa, cậy nhờ)

  • THẬN

    THẬN

    THẬN: 慎 Cẩn thận, gìn giữ không sơ sót.

    Thí dụ: Thận ngôn, Thận trọng.

  • Thận ngôn

    Thận ngôn

    慎言

    A: To wath one"s speech.

    P: Surveiller sa parole.

    Thận: Cẩn thận, gìn giữ không sơ sót. Ngôn: lời nói.

    Thận ngôn là gìn giữ cẩn thận lời nói (Cẩn ngôn).

  • Thận tắc bất bại

    Thận tắc bất bại

    慎則不敗

    Thận: Cẩn thận, gìn giữ không sơ sót. Tắc: thì. Bất: không. Bại: thất bại.

    Thận tắc bất bại là cẩn thận thì không thất bại.

  • Thận trọng

    Thận trọng

    慎重

    A: Prudent.

    P: Prudent.

    Thận: Cẩn thận, gìn giữ không sơ sót. Trọng: nặng.

    Thận trọng là cẩn thận vì quan trọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con ví biết Đạo là quí thì phải ân cần thận trọng.

  • THẬP

    THẬP

    1. THẬP: 十 Mười, hoàn toàn.

    Thí dụ: Thập ác, Thập điện, Thập toàn.

    2. THẬP: 什 Nhiều thứ lộn xộn.

    Thí dụ: Thập cẩm, Thập vật.

    3. THẬP: 拾 Lượm lặt.

    Thí dụ: Thập di, Thập kim.

  • Thập ác - Lục hình

    Thập ác - Lục hình

    十惡 - 六形

    A: The ten culpable acts - The six senses.

    P: Les actes coupables - Les six sens.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Ác: tội ác. Lục: sáu. Hình: hình thức.

    Thập ác là mười tội ác do con người gây ra, tức là do Thân, Khẩu, Ý của con người gây ra.

    Lục hình là sáu hình thức: bên ngoài gọi là Lục trần, bên trong gọi là Lục căn.

    I. Thập ác: do Thân, Khẩu, Ý gây ra.

    · Thân (thân thể) gây ra 3 tội ác:

    1. Sát sanh: giết hại sanh vật.

    2. Du đạo: trộm cướp.

    3. Tà dâm: lấy vợ hay chồng người.

    · Khẩu (miệng) gây ra 4 tội ác:

    4. Vọng ngữ: nói láo.

    5. Ỷ ngữ: nói nhơ nhớp, tục tĩu.

    6. Lưỡng thiệt: hai lưỡi, nói đâm thọc.

    7. Ác khẩu: nói điều ác độc.

    · Ý (tư tưởng) gây ra 3 tội ác:

    8. Tham: tham lam.

    9. Sân: giận hờn.

    10. Si: mê muội, tà kiến

    Tổng cộng, Thân Khẩu Ý gây ra 10 tội ác, gọi là Thập ác. Nếu phạm vào 10 tội ác nầy thì gọi là Hành thập ác. Còn nếu tránh được 10 điều ác trên thì gọi là Hành thập thiện, nghĩa là làm 10 điều lành.

    Đó là giải thích Thập ác theo Phật giáo.

    Đối với luật pháp của Triều đình thời xưa, cũng có qui định Thập ác, kể ra như sau đây:

    1. Mưu phản.
    2. Mưu loạn.
    3. Mưu đại nghịch: mưu giết vua.
    4. Ác nghịch: giết cha mẹ.
    5. Bất đạo: không đạo đức.
    6. Đại bất đạo.
    7. Bất hiếu.
    8. Đại bất hiếu.
    9. Bất mục.
    10. Bất nghĩa.

    Khi con người còn sống thì còn Thân Khẩu Ý mới có thể gây ra Thập ác. Khi con người chết thì Thân Khẩu Ý tiêu tan theo thể xác, đâu còn gì để gây ra Thập ác được nữa.

    II. Lục hình: sáu hình thức.

    Sáu hình thức bên ngoài là của cõi trần nên gọi là Lục trần, sáu hình thức bên trong là của con người nên gọi Lục căn.

    Lục trần là: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

    Lục căn là: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý.

    Khi con người còn sống thì còn Lục căn; Lục căn bị Lục trần cám dỗ mới sanh ra Lục dục; Lục dục xui khiến con người làm nhiều điều quấy quá. Khi con người chết rồi, Lục căn tiêu mất theo thể xác, Lục trần hết đối tượng để cám dỗ, thì đâu còn gì để gây ra tội lỗi nơi cõi trần nầy.

    Kinh Ðệ Nhứt cửu:
    Quản bao thập ác lục hình,
    Giải thi thoát khổ diệt hình đoạt căn.
  • Thập cẩm

    Thập cẩm

    什錦

    A: Miscellaneous.

    P: Mélangé.

    Thập: Nhiều thứ lộn xộn. Cẩm: gấm.

    Thập cẩm là nhiều thứ lộn xộn pha trộn vào nhau.

  • Thập di bổ khuyết

    Thập di bổ khuyết

    拾遺補缺

    Thập: Lượm lặt. Di: bỏ sót. Bổ: thêm vào. Khuyết: thiếu. Thập di: Lượm lặt những cái bỏ sót.

    Lộ bất thập di: ngoài đường không lượm của rơi.

    Bổ di: bù vào chỗ bỏ sót.

    Bổ khuyết: thêm vào chổ thiếu cho đầy đủ.

    Thập di bổ khuyết là lượm lặt những cái bỏ sót để thêm vào những chỗ thiếu cho được đầy đủ hơn.

    Đây là nói về công việc của người làm sách khảo cứu.

  • Thập Điện Diêm Vương - Thập điện Từ Vương

    Thập Điện Diêm Vương - Thập điện Từ Vương

    十殿簷王 - 十殿慈王

    A: The ten Kings of Hell.

    P: Les dix rois de l"Enfer.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Điện: cung điện, đền vua. Diêm Vương: vị vua cai quản một cửa Địa ngục. Từ Vương: vị vua nhơn từ, có lòng thương xót chúng sanh.

    Thập Điện Diêm Vương, cũng được gọi là Thập Điện Từ Vương, là 10 vị vua cai quản 10 cửa Địa ngục, dưới quyền của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.

    Mười vị vua ấy có nhiệm vụ và quyền hành riêng biệt, được nói rõ trong Từ Ân Ngọc Lịch Minh Kinh, gọi vắn tắt là Kinh Ngọc Lịch, in kèm trong cuốn Hồi Dương Nhơn Quả.

    Trong quyển Kinh Sám Hối của Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu) có vẽ hình Thập Điện căn cứ theo Kinh Sám Hối của các Đấng ban cho.

    Thập Điện Diêm Vương hay Thập Điện Từ Vương gồm 10 vị vua có phận sự kể ra sau đây: (Viết tắt: ĐN: Địa Ngục)

    1. Nhứt Điện: Tần Quảng Vương cầm sổ sống chết.

    2. Nhị Điện: Sở Giang Vương coi Đẳng Hoạt Địa Ngục.

    3. Tam Điện: Tống Đế Vương coi Hắc Thằng Đại Địa Ngục.

    4. Tứ Điện: Ngũ Quan Vương coi Chúng Hiệp Đại Địa Ngục.

    5. Ngũ Điện: Diêm La Vương coi Khiếu Hoán Địa Ngục.

    6. Lục Điện: Biện Thành Vương coi Đại Khiếu Hoán Địa Ngục.

    7. Thất Điện: Thái Sơn Vương coi Nhiệt Não Địa Ngục.

    8. Bát Điện: Bình Đẳng Vương coi Đại Nhiệt Não Địa Ngục.

    9. Cửu Điện: Đô Thị Vương coi A-Tỳ Địa Ngục.

    10. Thập Điện: Chuyển Luân Vương cho đi đầu thai.

    (Xem thêm chi tiết nơi chữ: Địa Ngục, vần Đ)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế giới, Lục thập bát Địa cầu, Thập Điện Diêm cung, mà cầu siêu cho cả nhơn loại."

    Kinh Cầu Siêu:
    Chốn Dạ đài Thập Điện Từ Vương,
    Thấy hình khổ lòng thương thảm thiết.

    Tóm lại, Thập Điện Diêm Vương và 10 cõi Địa Ngục như vừa trình bày trên là theo Kinh Ngọc Lịch từ thời nhà Thanh bên Tàu truyền lại và Kinh Sám Hối của Minh Lý Đạo do các Đấng thiêng liêng giáng cơ ban cho vào năm 1925. Các kinh nầy đều có mục đích khuyến thiện, khuyên con người ráng lo làm lành, tránh làm điều hung dữ, làm lành thì được ban thưởng, làm dữ thì bị trừng phạt.

    Nhưng các kinh nầy đều cho trước năm Bính Dần (1926), tức là còn thuộc thời Nhị Kỳ Phổ Độ.

    Đến năm Bính Dần, Đức Chí Tôn khai Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, thì năm Bính Dần là kỷ nguyên của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Như vậy từ năm Bính Dần (1926) trở về sau thì thuộc Tam Kỳ Phổ Độ.

    Khi Đức Chí Tôn mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thì Đức Chí Tôn cũng Đại khai Ân xá cho toàn cả vạn linh và chúng sanh, dầu nguyên nhân, hóa nhân hay quỉ nhân, nếu biết lập công quả dày dạn trong một kiếp tu thì đủ thành đạo. Đức Chí Tôn lại còn cho đóng cửa Địa ngục, rộng mở cửa Trời:

    · Đóng Địa ngục để ân xá tất cả các hồn tội lỗi khỏi bị hành hình, cho đi đầu thai trả quả và lo tu hành.

    · Mở rộng cửa Trời để đón rước những người có đầy đủ công đức trở về được Đức Chí Tôn ban thưởng các ngôi vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Phật Mẫu Chơn Kinh:
    Vô Địa ngục, vô quỉ quan,
    Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên.

    Kinh Giải Oan:
    Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,
    Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương.

    Do đó, trong thời Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, không còn có Địa ngục nữa.

    Tuy hưởng được nhiều hồng ân của Đức Chí Tôn như thế, nhưng các chơn hồn vẫn tiếp tục sa đọa hằng hà, tội tình chồng chất, nên Đức Chí Tôn phải lập ra một cõi đặc biệt gọi là cõi Âm Quang, để đưa các chơn hồn tội lỗi đến đó học đạo cho biết thiện ác nhân quả, để thức tỉnh mà lo tu hành.

    Nơi cõi Âm Quang có Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các nam tội hồn và Thất Nương Diêu Trì Cung giáo hóa các nữ tội hồn. Các chơn hồn thức tỉnh sau khi được giáo hóa, biết ăn năn chừa lỗi, thì được đưa đi đầu kiếp để trả cho xong Nhơn quả và lo tu hành, cho kịp kỳ Hội Long Hoa sắp tới.

  • Thập hình của Đức Lý Giáo Tông

    Thập hình của Đức Lý Giáo Tông

    十刑

    A: The ten punishments of the Spitual Pope.

    P: Les dix punitions du Pape Spirituel.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Hình: hình phạt.

    Thập hình của Đức Lý Giáo Tông là 10 hình phạt do Đức Lý Giáo Tông đặt ra để định án răn phạt các Chức sắc và tín đồ của Đạo Cao Đài khi vi phạm luật pháp của Đạo.

    Theo Đạo Luật năm Mậu Dần (1938), chương thứ tư về Tòa Đạo qui định:

    LUẬT: Những vị nào phạm luật pháp thì chiếu theo Thập hình của Đức Lý Giáo Tông mà định tội.

    Kẻ phạm phải chịu dưới hai quyền luật:

    1. Luật: là Tân Luật và Luật Hội Thánh.

    2. Pháp: là Pháp Chánh Truyền và Đạo Nghị Định.

    Thập hình của Đức Lý Giáo Tông được Hội Thánh ban hành ngay sau khi Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp ký và ban hành 6 Đạo Nghị Định đầu tiên vào ngày 15-10-Canh Ngọ (dl 4-12-1930).

    Trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, tội nặng nhứt thì bị trục xuất ra khỏi đạo, còn tội nhẹ nhứt thì theo hầu người đức hạnh của Hội Thánh định đặng cầu học đạo.

    Thập hình của Đức Lý Giáo Tông phân làm hai phần: - Phần phạm pháp gồm 5 hình và - Phần phạm luật gồm 10 hình.

    Sau đây, xin chép lại Thập Hình của Đức Lý Giáo Tông:

    PHẠM PHÁP

    Đệ nhứt hình:

    1. Không tuân Pháp Chánh Truyền và Đạo Nghị Định.

    2. Phản loạn chơn truyền.

    3. Chia phe phân phái và lập Tả đạo Bàng môn.

    Những vị nào phạm các điều trên đây thì khép vào tội thứ nhứt trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Trục xuất.

    Đệ nhị hình:

    Chư Chức sắc Thiên phong không tùng mạng lịnh của Hội Thánh:

    1. Thuyên bổ không đi.

    2. Không trọn phế đời hành đạo.

    3. Bỏ bê phận sự.

    Những vị nào phạm các điều trên đây thì bị khép vào tội thứ hai trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Giáng cấp tới tín đồ hay là buộc hành đạo ngoại quốc, trừ ra các xứ lân bang Nam quốc như Ai Lao, Tần quốc.

    Đệ tam hình:

    1. Làm nhơ danh Đạo.

    2. Mượn danh Đạo tạo danh Đời.

    3. Lợi dụng danh Đạo làm điều bất chánh.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ ba trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Giáng cấp từ đương quyền xuống tới 2 hay là 1 cấp.

    Đệ tứ hình:

    1. Lấn quyền, giành quyền.

    2. Phạm thượng.

    3. Tự chuyên sửa cải chơn truyền.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ tư trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Ngưng quyền từ 3 năm tới 5 năm.

    Đệ ngũ hình:

    1. Mê hoặc chúng sanh.

    2. Cám dỗ.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ năm trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Ngưng quyền từ 1 tới 3 năm và phạt vào Tịnh Thất.

    PHẠM LUẬT

    Đệ nhứt hình:

    1. Không tuân Tân Luật và các luật lệ Hội Thánh.

    2. Công kích Hội Thánh.

    3. Nghịch mạng.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ nhứt trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Trục xuất.

    Đệ nhị hình:

    1. Tư thông.

    2. Dấy loạn chúng sanh.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ nhì trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Giáng cấp tới tín đồ hay là buộc hành đạo ngoại quốc, trừ ra các xứ lân bang Nam quốc như Ai Lao, Tần quốc.

    Đệ tam hình:

    1. Tham lạm tài chánh.

    3. Giả mạo văn từ.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ ba trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Giáng cấp từ phẩm đương quyền xuống tới 2 hay là 1 cấp.

    Đệ tứ hình:

    1. Khi lịnh Hội Thánh.

    2. Lập quyền riêng.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ tư trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Ngưng quyền từ 3 năm đến 5 năm.

    Đệ ngũ hình:

    Phạm Ngũ giới cấm.

    Những vị nào phạm vào luật nầy thì bị khép vào tội thứ năm trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Ngưng quyền từ 1 năm tới 5 năm.

    Đệ lục hình:

    Cường ngạnh.

    Những vị nào phạm vào luật nầy thì bị khép vào tội thứ sáu trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Phạt vào Tịnh Thất từ 1 tháng tới 1 năm, mà còn hành chánh như thường.

    Đệ thất hình:

    Phạm Tứ đại điều qui.

    Những vị nào phạm vào luật nầy thì bị khép vào tội thứ bảy trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Thuyên bổ đi nơi khác chỗ của mình đương hành đạo.

    Đệ bát hình:

    1. Bê trễ phận sự.

    2. Biếng nhác.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ tám trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Phải về Tòa Thánh đặng gần Giáo Tông và Hộ Pháp cầu học Đạo.

    Đệ cửu hình:

    1. Ganh ghét.

    2. Hung bạo.

    3. Đố kỵ.

    4. Xu phụ.

    Những vị nào phạm các khoản trên đây thì bị khép vào tội thứ chín trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Phải ăn năn sám hối, thọ tội cùng chúng sanh.

    Đệ thập hình:

    Phạm Thế luật.

    1. Những vị nào phạm vào luật nầy thì bị khép vào tội thứ mười trong Thập hình của Đức Lý Giáo Tông, nghĩa là: Hầu kẻ đức hạnh của Hội Thánh định đặng cầu học Đạo.

    2. Những vị nào đã bị luật ngoài đời trừng trị, tùy theo tội hình nặng nhẹ, Tòa Đạo sẽ chiếu theo Thập hình mà trừng trị thêm nữa.

    3. Những vị đã phạm tội mất phẩm vị Thiêng phong của mình, phải có luật ân xá của Quyền Vạn Linh và Quyền Chí Tôn mới đặng, nhưng bốn cơ quan toàn thể Chánh trị đạo còn phương tế độ là minh tra công nghiệp, khi những vị ấy đã biết ăn năn, lập nên công nghiệp phi thường, toàn công chúng hoan nghinh và Tòa Đạo minh tra đủ lẽ, thì đặng phép phục sự với một Chức sắc Thiên phong nào của kẻ phạm lựa chọn, hầu phục quyền đoái công chuộc tội thì mới đặng cầu xin phục chức.

  • Thập kim bất muội

    Thập kim bất muội

    拾金不昧

    Thập: Lượm lặt. Kim: vàng. Bất: không. Muội: che giấu.

    Thập kim bất muội là lượm được vàng mà không che giấu, vì không có lòng tham, muốn cho người mất vàng biết mà đến nhận trở lại.

  • Thập loại chúng sanh

    Thập loại chúng sanh

    十類眾生

    A: Ten kinds of abandoned souls.

    P: Dix sortes des âmes abandonnés.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Loại: loài. Chúng sanh: ở đây ý nói những hạng người chết mà linh hồn không nơi nượng tựa, không được cúng tế. Những linh hồn của các hạng người chết nầy thường được gọi là: Cô hồn.

    Thập loại chúng sanh là chỉ chung các hạng người chết mà linh hồn không được siêu thăng, không được thân nhân cúng tế, trở thành những cô hồn, không nơi nương tựa, vất vưởng theo gió mây hay theo rừng núi sông hồ.

    Văn hào Nguyễn Du có viết một bài gọi là: Văn Tế Thập loại chúng sanh, để cầu cúng các cô hồn trong dịp rằm tháng 7 âm lịch hằng năm.

    Bài Văn tế nầy gồm 184 câu thơ song thất lục bát, xin chép ra sau đây đọan đầu:

    Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
    Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
    Não người thay buổi chiều thu,
    Hoa lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng.
    Đường vạch dương bóng chiều man mác,
    Dặm đường lê lác đác sương sa.
    Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
    Cõi dương còn thế, nữa là cõi Âm.
    Trong trường dạ tối tăm Trời Đất,
    Cô hồn thường phảng phất U Minh.
    Thương thay thập loại chúng sinh,
    Hồn đơn phách chiết linh đinh quê người.
    Hương lửa đã không nơi nương tựa,
    Hồn mồ côi lần lữa bấy niên.
    Còn chi ai khá ai hèn,
    Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu.
    Tiết đầu Thu lập đàn giải thoát,
    Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi.
    Muôn nhờ Đức Phật từ bi,
    Giải oan cứu khổ độ về Tây phương.
    ....................

    Thật ra, không phải chỉ có 10 loại cô hồn, mà có rất nhiều loại tùy theo cách chết, nhưng đại khái có thể kể ra:

    · Chết vì trận bại thương vong.

    · Chết vì tai nạn xe cộ giữa đường.

    · Chết trong lúc đi buôn bán phương xa.

    · Chết do tự tử: thắt cổ, nhảy xuống sông....

    · Chết do bị chìm tàu, chìm đò.

    · Chết cháy.

    · Chết do bị rắn cắn hay bị cọp vồ.

    · Chết trong tù.

    · Ăn mày chết dọc đường.

    · Đãng tử hay kỹ nữ chết phương xa. v.v....

    Kệ U Minh Chung:
    Cửu U thập loại chi trung tất ly khổ hải.
    (Mười loại cô hồn trong cõi Âm phủ ắt hẳn được lìa xa biển khổ)

    Tấm Phan (Phướn) trong Lễ Tế Điện và Cầu Siêu Hội tại Khách đình nhân dịp ba Rằm lớn: Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn hằng năm đều có thỉnh Thập loại Cô hồn đến đàn nội hưởng lễ cúng tế và cầu siêu. Trên tấm Phan viết:

    "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
    Thất thập.... niên
    Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt.
    Thiên vận... niên,... ngoạt, thập lục nhựt, ngọ thời,
    Thiên ân xá tội, Hội Thánh thiết Lễ Tế Điện và Cầu Siêu Hội.
    Cẩn thỉnh:
    Đẳng đẳng chư vong linh nam nữ quá vãng sanh bất phùng thời,
    Chư chiến sĩ trận vong, hoặc
    Sĩ, Nông, Công, Thương vô can tử nạn, cập
    Thập loại Cô hồn yểu tử,
    Cấp cấp đáo lai Khách Đình đàn nội,
    Thọ hưởng hồng ân, đồng đăng bỉ ngạn."

  • Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ

    Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ

    十目所視,十手所指

    Thập: Mười, hoàn toàn. Mục: mắt. Sở: cái ấy. Thị: thấy, nhìn. Thủ: tay. Chỉ: ngón tay, chỉ điểm.

    Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ là: mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào. Ý nói: việc rất rõ ràng, mọi người đều thấy và biết, không thể chối cải được.

  • Thập nghĩa

    Thập nghĩa

    十義

    A: Ten duties.

    P: Dix devoirs.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Nghĩa: cư xử theo lẽ phải, hợp đạo lý.

    Thập nghĩa là mười cách cư xử theo lẽ phải hợp đạo lý.

    Theo sách Lễ Ký của Nho giáo, Thập nghĩa gồm:

    1. Phụ từ: cha hiền hết lòng thương yêu con.

    2. Tử hiếu: con hiếu thảo với cha mẹ.

    3. Huynh lương: người anh tốt lành.

    4. Đệ đễ: người em thuận hòa.

    5. Phu nghĩa: chồng có nghĩa.

    6. Phụ thính: vợ nghe lời chồng.

    7. Trưởng huệ: anh cả ra ơn.

    8. Ấu thuận: em nhỏ thuận thảo.

    9. Quân nhân: vua nhân từ.

    10. Thần trung: bề tôi trung thành.

  • Thập nhị Bảo Quân

    Thập nhị Bảo Quân

    十二保君

    A: The twelve Technical Academicians, twelve Protectors.

    P: Les douze Académiciens techniques, douze Protecteurs.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Thập nhị: 12. Bảo: gìn giữ. Quân: người.

    Thập nhị Bảo Quân là 12 vị Bảo Quân do Đức Chí Tôn lập nên tạo thành Hàn Lâm Viện của Đạo Cao Đài.

    Khi thỉnh giáo về Thập nhị Bảo Quân, Đức Phạm Hộ Pháp có lời phê giảng giải như sau:

    Toàn thể Bảo Quân là Hàn Lâm Viện. Mỗi vị có sở thức sở năng, ấy là điều khác nhau đặc biệt, tỷ như Bảo Huyền Linh Quân, nghĩa là Thần linh hồn, khác với Bảo Học Quân thuộc về khoa học hay là thực tế học.

    1. Bảo Huyền Linh Quân.
    2. Bảo Thiên Văn Quân.
    3. Bảo Địa Lý Quân.
    4. Bảo Học Quân.
    5. Bảo Cô Quân.
    6. Bảo Sanh Quân.
    7. Bảo Phong Hóa Quân
    8. Bảo Văn Pháp Quân.
    9. Bảo Y Quân.
    10. Bảo Nông Quân.
    11. Bảo Công Quân.
    12. Bảo Thương Quân.

    Thập nhị Bảo Quân dưới quyền chỉ huy của Giáo Tông và Hộ Pháp.

    Ghi chú: (1) Trong quyển Chánh trị đạo của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, khi kể về Chức sắc Hàn Lâm Viện Thập nhị Bảo Quân, chỗ "Bảo Phong Hóa Quân" thì thay vào đó là "Bảo Sĩ Quân". Như thế là đủ 4 vị Bảo Quân: Sĩ, Nông, Công, Thương.

    Phẩm vị Thập nhị Bảo Quân do Đức Chí Tôn hay Quyền thiêng liêng giáng cơ phong thưởng, giống y như Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, chớ không do cầu phong cầu thăng hay công cử như bên Chức sắc Cửu Trùng Đài và Cơ Quan Phước Thiện.

    Thập nhị Bảo Quân đối phẩm với Phối Sư Cửu Trùng Đài.

    Khi chầu lễ Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh, chư vị Bảo Quân đứng tại chỗ Hiệp Thiên Đài, dưới các bực của chư vị Thời Quân, và đứng sắp hàng phân ra hai bên tả hữu của chư vị Thời Quân. Nếu chỉ có 1 vị Bảo Quân chầu lễ thì vị ấy đứng phía bên Chi Thế, tức là bên phía Đức Thượng Sanh.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: "Ngoại Pháp Chánh Truyền, dưới quyền Hộ Pháp thì còn Bảo Văn Pháp Quân (Arts et Belles Lettres), trước phong đỡ làm Tiếp Lễ Nhạc Quân, nay đã vào chánh vị đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc lại cho hoàn toàn cho tới ngày thành Đạo.

    Bảo Sanh Quân (Assistance Publique), Thầy phong đỡ làm Tiếp Y Quân, đặng đợi ngày thành Đạo.

    Bảo Học Quân (Enseignement) và nhiều Chức sắc khác nữa Thầy chưa lập. Các vị ấy Hộ Pháp đang chờ đến."

    ĐẠO PHỤC của BẢO VĂN PHÁP QUÂN

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Bộ Đại phục của Văn Pháp toàn bằng hàng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo như các Chức sắc nơi Hiệp Thiên Đài, song hai bên ngay chính giữa có kết một bông sen 5 cánh, trên mỗi bông sen thì thêu Thiên nhãn Thầy, ngay đường giữa trước mão cũng kết một bông sen nhưng khỏi thêu Thiên nhãn. Cả thảy 3 bông sen trên mão.

    Lưng đai Bạch Tuyết Thần Quang bằng hàng trắng, bề dài 3 thước 3 tấc 3 phân, bề ngang 3 tấc 3 phân 3 ly, buộc mối chừa ra trước thế nào đủ thắt một bông sen 5 cánh.

    Chơn đi giày Vô ưu cũng bằng hàng trắng, trước mũi mỗi chiếc cũng có một bông sen nhỏ hơn một thí.

    ĐẠO PHỤC của BẢO SANH QUÂN

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Bộ Đại phục của Bảo Sanh Quân toàn bằng hàng trắng. Đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo giống như các Chức sắc Hiệp Thiên Đài, ngay giữa mão, từ bìa lên 4 phân thêu một Thiên nhãn, hai bên mão thêu hai Thiên nhãn nữa, cả thảy là ba.Vòng theo vành mão cột một sợi dây Tiên thằng (bề ngang 8 phân, bề dài 2 thước) buộc thế nào chừa Thiên nhãn ngay giữa mão ra, cho hai mối thòng xuống hai bên vai.

    Lưng đai Song Quang Thần Thông, nghĩa là một đường lụa trắng, kết hai bên hai vòng Vô vi.

    Chơn đi giày Vô ưu cũng bằng hàng trắng. Một số vị Bảo Quân đã được Đức Chí Tôn ân phong:

    * Bảo Văn Pháp Quân: Ông Cao Quỳnh Diêu, đắc phong 1930
    * Bảo Sanh Quân: Bác sĩ Lê Văn Hoạch, đắc phong 1930
    * Bảo Cô Quân: Luật sư Dương Văn Giáo.
    * Bảo Học Quân: Luật sư Nguyễn Văn Lộc, đắc phong 1972
    * Bảo Y Quân: Bác sĩ Trương Kế An,
    (bút hiệu Tuyết Văn Mặc Khách)
    đắc phong 1972
    * Bảo Nông Quân: Ông Đặng Văn Dắn, đắc phong 1972

    Sau đây xin trích Thánh giáo trong Đàn cơ Phong Thánh tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 15-11-Tân Hợi (dl 1-1-1972) hồi 20 giờ.

    Phò loan: Ngài Hiến Pháp và Khai Đạo.
    Hầu đàn: Ngài Bảo Đạo, Hiến Đạo,
    Đầu Sư,
    chư Chức sắc Hiệp Thiên Đài,
    Cửu Trùng Đài,
    Phước Thiện
    và chư Chức việc cùng tín đồ nam nữ.

    Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ:

    ......................

    Ngài Hiến Đạo bạch: Cầu xin Đức Ngài phong vị chánh thức cho 3 vị Bảo Quân.

    Đọc danh sách:

    * Trương Kế An: đắc phong Bảo Y Quân.

    * Nguyễn Văn Lộc: đắc phong Bảo Học Quân.

    * Đặng Văn Dắn: đắc phong Bảo Nông Quân.

    Ngài Hiến Đạo bạch: Cầu xin Đức Ngài chỉ giáo về sự đối phẩm và Tiểu phục của chư vị Bảo Quân.

    - Đối phẩm Phối Sư. Tiểu phục cũng sửa lại còn một Thiên nhãn như Hộ Đàn.

    Ngài Hiến Đạo bạch: Xin Đức Ngài chỉ định chư vị Bảo Quân đứng cúng thế nào?

    - Bảo Quân đứng hai bên tả hữu dưới cẩm bực của Hiệp Thiên, như có một thì đứng bên Chi Thế."........

    Trích Thánh giáo Đàn cơ tại Giáo Tông Đường đêm 11-Giêng-Nhâm Tý (dl 23-2-1972) hồi 20 giờ 35 phút.

    Phò loan: Ngài Hiến Pháp và Khai Đạo.
    Hầu đàn: Bảo Đạo, Hiến Đạo.

    Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ:

    .......................

    Ngài Bảo Đạo bạch: Xin Đức Ngài chỉ dạy về phẩm Hiền Nhơn và nhiệm vụ của chư vị Bảo Quân?

    - Bần đạo hứa sẽ định sau thì phải chờ một thời gian nữa sẽ giải thích trước mặt các Chức sắc tân thăng và có cả mấy vị Bảo Quân, vì vấn đề nầy liên quan mật thiết với nhiệm vụ của Hiền Nhơn.

    Bảo Sanh Quân cũng có công việc từ thiện Phạm Môn.

    Bảo Y Quân cũng có nhiệm vụ từ thiện.

    Bảo Học Quân thì trùm hết.

    Bảo Nông Quân thì vai chánh về lương điền, công nghệ và luôn Công, Thương, nên mới có sự liên hệ với nhau.

    Cửu Trùng Đài cũng vậy, vì bên ấy cũng có Học, Y, Nông, v.v...

    Tất cả đều là công việc chung của Đạo. Chư Chức sắc cứ tùy nhiệm vụ mà thi hành đúng theo tôn chỉ thì sẽ thành công." THĂNG.

    Trong một Đàn cơ khác, Đức Cao Thượng Phẩm giáng, ngày 22-12-Kỷ Sửu (dl 8-2-1950), nói chuyện với Ngài Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch, về nhiệm vụ của Bảo Sanh Quân trong Hàn Lâm Viện, trích ra sau đây:

    "Bảo Sanh Quân là một phần trọng yếu với danh từ của Đức Chí Tôn đặt để.

    Vậy Hiền hữu khá trọn tâm làm thế nào cho được sự hạnh phúc cho dân, thì các Đấng sẽ sẵn sàng ám trợ mỗi việc đều thành công.

    Vai tuồng của Hiền hữu còn dài, nhơn sanh còn đương mong mỏi thì phải để một chí hướng cao siêu, tầm phương hay làm cho đời thoát khổ và bảo tồn sự sống của nhơn loại.

    Ấy là sở định trách nhiệm của Hiền hữu đó.

    Một điều cần lưu ý là lấy đạo đức thắng hung bạo, dùng nghĩa nhân qui phục lòng dân, ấy là phương lập quốc trường cửu đó."

  • Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng

    Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng

    A: The twelve class of spiritual dignities.

    P: Les douze classes des dignités spirituelles.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Thập nhị: 12. Đẳng cấp: thứ bậc.

    Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng là 12 phẩm bậc Chức sắc của Cơ Quan Phước Thiện do Đức Phạm Hộ Pháp và Đức Lý Giáo Tông lập nên bởi Đạo Nghị Định số 48/ĐNĐ lập tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 19-10-Mậu Dần (dl 10-12-1938).

    Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng gồm:

    1. Minh Đức.
    2. Tân Dân.
    3. Thính Thiện.
    4. Hành Thiện.
    5. Giáo Thiện.
    6. Chí Thiện.
    7. Đạo Nhơn.
    8. Chơn Nhơn.
    9. Hiền Nhơn.
    10. Thánh Nhơn.
    11. Tiên Tử.
    12. Phật Tử.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Phước Thiện, vần P)

    Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng để cho nhơn sanh lập vị nơi Cơ Quan Phước Thiện. Nếu ai chê bỏ thì bị Thiên điều hành phạt. Như trường hợp ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi. (Xem chữ: Thanh tịnh đại hải chúng, có lời phê của Đức Hộ Pháp về ông Đợi).

  • Thập nhị Khai Thiên

    Thập nhị Khai Thiên

    十二開天

    Thập: Mười, hoàn toàn. Thập nhị: 12. Khai: mở. Thiên: Trời.

    Thập nhị Khai Thiên là các Đấng mở ra 12 từng Trời.

    12 từng Trời nầy gọi là: Thập nhị Thiên.

    Thập nhị Thiên bao gồm cả Cửu Trùng Thiên.

    Theo Di-Lạc Chơn Kinh, bên trên Cửu Trùng Thiên có:

    · Từng Trời thứ 10 là: Hư Vô Thiên.

    · Từng Trời thứ 11 là: Hội Nguơn Thiên.

    · Từng Trời thứ 12 là: Hỗn Nguơn Thiên.

    Ba từng Trời nầy hiệp với Cửu Trùng Thiên gọi là Thập nhị Thiên, tức là 12 từng Trời.

    Các Đấng khai mở Thập nhị Thiên được gọi là Thập nhị Khai Thiên. Còn các Đấng khai mở Cửu Trùng Thiên thì được gọi là Cửu Thiên Khai Hóa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thập nhị Khai Thiên là Thầy, Chúa cả Càn Khôn Thế giới, nắm trọn Thập nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy."

    Đức Phạm Hộ Pháp có giải thích trong bài Diễn văn ngày 14-2-Mậu Thìn 1928, trích ra như sau:

    "Hội Thánh hiệp nhau lập Tân Luật, cũng như cả Thập nhị Khai Thiên lập Luật.

    Thập nhị Khai Thiên lập Luật giao lại cho Thầy; còn Hội Thánh lập Luật cũng giao lại cho Thầy.

    Vậy thì Tân Luật với Thiên Điều cũng đồng giá trị."

    "Luật Đạo thành ra Thiên Điều thì Hội Thánh là Ngọc Hư Cung tại thế. Hội Thánh hiệp nhau lập Luật Đạo thì cũng như chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lập Thiên Điều.

    Vậy thì Hội Thánh và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đồng một thể."

  • Thập nhị Thời Quân - Thập nhị Thời Thần

    Thập nhị Thời Quân - Thập nhị Thời Thần

    十二時君 - 十二時神

    Thập: Mười, hoàn toàn. Thập nhị: 12. Thời: thời gian. Quân: người, tiếng tôn xưng người có phẩm vị cao trọng. Thần: Đấng thiêng liêng

    Thập nhị Thời Quân là 12 Chức sắc Đại Thiên phong cao cấp của Hiệp Thiên Đài, dưới quyền của Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh.

    Thập nhị Thời Thần là 12 Đấng thiêng liêng cai quản về thời gian, mỗi vị cai quản một khoảng thời gian trong quá trình tạo hóa Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật của Đấng Thượng Đế.

    Theo vũ trụ quan của Đạo Cao Đài, trong thời kỳ Tiên Thiên chưa có Trời Đất thì chưa có thời gian, mà chỉ có khoảng không gian bao la vô tận chứa chất khí Hồng mông hỗn độn gọi là Hư Vô chi khí.

    Sau một tiếng nổ rất lớn, Hư Vô chi Khí sanh ra Thái Cực, ngôi của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Khi Thái Cực phân ra Lưỡng Nghi Âm Dương thì tạo thành Trời Đất, lúc bấy giờ mới bắt đầu có thời gian, và khởi điểm của thời gian là lúc Thái Cực phân ra Lưỡng Nghi, và bắt đầu từ đó về sau gọi là thời Hữu Thỉ, tức là có nguồn gốc.

    Đức Thượng Đế chia khoảng thời gian tạo hóa ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật làm 12 giai đoạn, được đặt tên theo Thập nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão,......, gọi khoảng thời gian đầu là Tý, tiếp theo là Sửu, tiếp theo là Dần, v.v....

    Đức Thượng Đế hóa sanh ra 12 Đấng để cai quản 12 giai đoạn nói trên, để giúp Thượng Đế hoàn thành công việc tạo hóa trong mỗi giai đoạn. 12 Đấng thiêng liêng ấy được gọi là Thập nhị Thời Thần.

    - Giai đoạn đầu tiên là Tý: Đức Thượng Đế tạo ra các từng trời, nên sách Nho gọi là: Thiên khai ư Tý.

    - Giai đoạn thứ nhì là Sửu: Đức Thượng Đế tạo hóa ra các quả địa cầu, nên sách Nho gọi là: Địa tịch ư Sửu.

    - Giai đoạn thứ ba là Dần: Đức Thượng Đế tạo hóa ra các loài sanh vật và loài người, nên sách Nho gọi là: Nhơn sanh ư Dần.

    - Giai đoạn thứ tư và các giai đoạn tiếp theo là để hoàn chỉnh các công trình tạo hóa của Thượng Đế cho đầy đủ theo nhu cầu tiến hóa của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Cho nên, Thập nhị Thời Thần chỉ là những hóa thân của Đức Thượng Đế, nên cũng chính là Thượng Đế.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thập nhị Khai Thiên là Thầy, Chúa cả Càn Khôn Thế Giới, nắm trọn Thập nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy."

    "Thập nhị Thời Quân là ai?

    Thập nhị Thời Quân đối với Thập nhị Thời Thần.

    Các chơn linh dầu đến bực nào cũng phải tại nơi ấy mà xuất hiện, như Thầy nắm trọn Thập nhị Thời Thần vào tay rồi mới khai Thiên lập Địa.

    Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần.

    Các chơn linh, dầu nguyên nhân hay hóa nhân, hễ chịu hữu sanh thì đều nơi tay Thập nhị Thời Quân mà siêu đọa; cũng như Thần, Thánh, Tiên, Phật nhờ Thập nhị Thời Thần mà thăng giáng.

    Thập nhị Thời Quân tức là Thập nhị Thời Thần tại thế đó vậy." (Diễn văn của Đức Phạm Hộ Pháp ngày 14-2-Mậu Thìn 1928)

    Vì Thập nhị Thời Quân là Thập nhị Thời Thần tại thế, nên Đức Chí Tôn chọn 12 vị Thời Quân có tuổi đúng theo 12 con giáp của Thập nhị Địa Chi. Đây là điều hết sức đặc biệt mà chúng ta nên lưu ý trong sự tổ chức huyền diệu nền Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn.

    Điều nầy được Đức Phạm Hộ Pháp nhiều lần thuyết đạo xác nhận, xin trích ra sau đây:

    ■ Trong dịp lễ Khánh Thành Văn Phòng Hiệp Thiên Đài ngày mùng 8-12-Đinh Hợi (dl 18-1-1948), Đức Hộ Pháp có nói:

    "Nhứt là Ngự Mã Quân của Đức Chí Tôn biết trước hơn ai hết, bởi vì Ngài (Đức Chí Tôn) có dạy, trước hết là Ngài bỏ Huỳnh Kim Khuyết, bỏ Thiên cung, đòi xuống trần dạy con cái của Ngài lập phương giải khổ.

    Nếu tôi không lầm, cơ bút đã cho tôi biết các bạn Hiệp Thiên do nơi đâu sản xuất? Do để giữ quyền thiêng liêng nên mới có 12 vị Thời Quân, Thập nhị Địa Chi, tức là cảnh thiêng liêng vô hình của chúng ta.

    Tôi tưởng tấn tuồng tôi đã làm trọn và làm nơi cõi vô hình. Ngày kia về thiêng liêng, các bạn sẽ thấy hình tối đại tối thiểu. Phận sự tôi đối với các bạn có thâm tình vô hạn, vì đồng tâm đồng chí, một mực đề xướng, cả thảy đều nghe chịu một hoàn cảnh. Bần đạo làm không hết, số là tại Bần đạo và các bạn Hiệp Thiên Đài đã hứa với Chí Tôn." (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp. I. 119)

    ■ Ngày 28-Giêng-Giáp Ngọ (dl 2-3-1954), trong buổi lễ di Liên đài của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa nhập bửu tháp, Đức Phạm Hộ Pháp có phát biểu để tưởng niệm và tuyên dương công nghiệp của Ngài Khai Pháp, xin trích ra một đoạn sau đây:

    "Đức Khai Pháp Chơn Quân, cả toàn Thánh thể và con cái Đức Chí Tôn đều hiểu là ai? Trong 12 vị Chơn Quân của 12 con giáp, là cơ huyền vi tạo Càn Khôn Vũ Trụ thế nào, có lẽ cả tinh thần của toàn thể con cái Đức Chí Tôn hiểu thấu..."

    Sau đây xin nêu ra tuổi của Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài:

    Khai Pháp Trần Duy Nghĩa sanh năm Mậu 1888
    Khai Đạo Phạm Tấn Đãi sanh năm Tân Sửu 1901
    Hiến Pháp Trương Hữu Đức sanh năm Canh Dần 1890
    Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh sanh năm Quí Mão 1903
    Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu sanh năm Nhâm Thìn 1892
    Tiếp Pháp Trương Văn Tràng sanh năm Quí Tỵ 1893
    Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh sanh năm Giáp Ngọ 1894
    Bảo Thế Lê Thiện Phước sanh năm Ất Mùi 1895
    Hiến Đạo Phạm Văn Tươi sanh năm Bính Thân 1897
    Tiếp Đạo Cao Đức Trọng sanh năm Đinh Dậu 1897
    Bảo Đạo Ca Minh Chương sanh năm Canh Tuất 1850
    Khai Thế Thái Văn Thâu sanh năm Kỷ Hợi 1899

    Trong số 12 vị Thời Quân nầy, người được Đức Chí Tôn chọn đầu tiên là Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, và người được chọn sau cùng là Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng.

  • Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân

    Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân

    十年樹木,百年樹人

    Thập: Mười, hoàn toàn. Niên: năm. Thụ: trồng cây. Nhân: người.

    Thập niên thụ mộc: mười năm trồng cây.

    Bách niên thụ nhân: trăm năm trồng người.

    Nói toàn cả câu là:

    Thập niên chi kế, mạc nhược thụ mộc.
    Bách niên chi kế, mạc nhược thụ nhân.

    Nghĩa là:

    Cái kế 10 năm, không gì bằng trồng cây.
    Cái kế 100 năm, không gì bằng trồng người.
    Trồng một cái cây thì ích lợi cho mình 10 năm.
    Đào tạo nhân tài thí ích lợi cho dân cho nước 100 năm.

    Cho nên:

    - Vì sự nghiệp mười năm thì trồng cây;
    - Vì sự nghiệp trăm năm thì trồng người.
  • Thập phương chư Phật

    Thập phương chư Phật

    十方諸佛

    Thập: Mười, hoàn toàn. Phương: hướng, vùng. Chư Phật: các vị Phật.

    Thập phương chư Phật được giải thích theo 2 cách:
    là các vị Phật ở 10 phương.
    là các vị Phật ở từng trời thứ 10, gọi là cõi Cực Lạc Thế giới.

    1. Chư Phật ở 10 phương:

    Thập phương là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam, phương trên, phương dưới.

    Thập phương chư Phật là tất cả các vị Phật ở khắp mọi nơi trong Càn Khôn Vũ Trụ.

    2. Chư Phật ở từng trời thứ 10: Cực Lạc Thế giới (Cực Lạc Niết Bàn).

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nhắc lại lời dạy của Đức Chí Tôn nơi đàn ở Cần Thơ, trong đó Đức Chí Tôn giải thích về Thập phương chư Phật như sau:

    "Dưới 36 từng trời còn có một từng nữa là Nhứt mạch đẳng tinh vi gọi là Cảnh Niết Bàn.

    Chín từng nữa gọi là Cửu Thiên Khai Hóa, tức là 9 phương trời, cộng với Niết Bàn là 10, gọi là Thập phương chư Phật. Gọi 9 phương trời 10 phương Phật là do đó.

    Cõi Niết Bàn là chỗ Phật ngự: Phật Tổ ngự nơi hướng Tây, Quan Âm ngự nơi hướng Nam. Mỗi từng đều có sơn xuyên hà hải, tứ phương bát hướng, liên đài hằng hà sa số Phật."

    Như vậy, Cảnh Niết Bàn là ở từng trời thứ 10, bên trên Cửu Trùng Thiên, do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chưởng quản.

    Nơi từng trời thứ 10 nầy có: Ngọc Hư Cung ở tại trung tâm và Cực Lạc Thế giới ở hướng Tây nên cũng gọi là Tây phương Cực Lạc. Tại kinh đô của Cực Lạc Thế giới có Lôi Âm Tự.

    SỚ VĂN: Thập phương chư Phật, vạn chưởng chư Tiên, liên đài chi hạ.

  • Thập Thiên Can - Thập nhị Địa Chi

    Thập Thiên Can - Thập nhị Địa Chi

    十天干 - 十二地支

    A: Ten Heavenly Stems - Twelve Earthly Branches.

    P: Dix Troncs Célestes - Douze Branches Terrestres.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Thập nhị: 12. Thiên can: Can của Trời. Địa Chi: Chi của Đất.

    Thập Thiên Can là 10 Can Trời, gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.

    Thập nhị Địa Chi là 12 Chi Đất, gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

    Thập Thiên Can và Thập nhị Địa Chi được đặt ra là để tính thời gian và để làm lịch.

    Thời gian thì có: Hội, Chuyển, Nguơn, Kỷ, Năm, tháng, ngày, giờ. Làm lịch thì người xưa căn cứ chu kỳ quay của Mặt trăng, nên gọi là Âm lịch, xác định các mùa và tiết trong năm.

    Thập Thiên Can và Thập nhị Địa Chi được đặt ra vào thời vua Hiên Viên Huỳnh Đế. Vua Huỳnh Đế sai ông Đại Nhiễu chế ra Thập Thiên Can và Thập nhị Địa Chi để tính thời gian mà làm lịch cho dân dùng.

    ■ Tại sao dùng con số 10 để chế ra Thập Thiên Can?

    Bởi vì trước thời vua Huỳnh Đế là vua Phục Hy tìm ra được Hà đồ, do quan sát các chấm đen trắng trên lưng con Long Mã xuất hiện ở sông Hoàng Hà mà lập thành. Nhờ đó, vua Phục Hy chế ra Tiên Thiên Bát Quái.

    Trên Hà đồ có tất cả 10 con số chia ra đứng theo Ngũ Hành. Do đó, người xưa dùng con số 10 để chế ra Thập Thiên Can.

    ■ Tại sao dùng con số 12 để chế ra Thập nhị Địa Chi?

    Bởi vì khoa Thiên văn thời xưa nhận thấy Mặt trời quay xung quanh Trái đất giáp một chu kỳ gọi là 1 năm, Mặt trăng quay chung quanh Trái đất giáp một chu kỳ là một tháng. Một năm có 12 tháng, tức là một năm có 12 chu kỳ quay của Mặt trăng. Do đó, người xưa dùng số 12 chế ra Thập nhị Địa Chi để gọi tên của 12 tháng.

    Khi đã có Thập Thiên Can và Thập nhị Địa Chi rồi thì người xưa cho phối hợp lại để tính năm, tháng, ngày, giờ.

    Sự phối hợp khởi đầu là: GIÁP TÝ, tức là lấy 2 chữ đầu của Can và Chi ghép lại.

    Ghép tiếp theo là: Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão,..........

    Ghép như thế thì sau 60 lần sẽ trở lại chữ: GIÁP TÝ.

    Vậy chu kỳ phối hợp Thập Thiên Can và Thập nhị Địa Chi là 60.

    Theo lịch của nhà Hạ (vua Hạ Võ) qui định đặt tên cho tháng Giêng là tháng Dần, gọi là Kiến Dần, bởi vì làm lịch là để cho dân dùng biết mùa màng thời tiết gieo trồng, mà Nhơn sanh ư Dần nên lấy chữ Dần làm tháng giêng đầu năm.

    Kế tiếp, tháng 2 là tháng Mão, tháng ba là Thìn,......, tháng 11 là Tý, tháng 12 là Sửu. Tháng giêng năm sau là Dần.

    Mỗi một Địa Chi được tượng trưng bằng một con vật rất gần gũi với con người, kể ra:

    Tháng giêng gọi là tháng Dần, tượng trưng: con Cọp.
    Tháng hai gọi là tháng Trâu, tượng trưng: con Mèo.
    Tháng ba gọi là tháng Thìn, tượng trưng: con Rồng.
    Tháng tư gọi là tháng Tỵ, tượng trưng: con Rắn.
    Tháng năm gọi là tháng Ngọ, tượng trưng: con Ngựa.
    Tháng sáu gọi là tháng Mùi, tượng trưng: con .
    Tháng bảy gọi là tháng Thân, tượng trưng: con Khỉ.
    Tháng tám gọi là tháng Dậu, tượng trưng: con .
    Tháng chín gọi là tháng Tuất, tượng trưng: con Chó.
    Tháng mười gọi là tháng Hợi, tượng trưng: con Heo.
    Tháng 11 gọi là tháng , tượng trưng: con Chuột.
    Tháng 12 gọi là tháng Sửu, tượng trưng: con Trâu.
  • Thập toàn

    Thập toàn

    十全

    A: Perfect.

    P: Parfait.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Toàn: hoàn toàn.

    Thập toàn là hoàn toàn đầy đủ tất cả.

    Nhơn vô thập toàn: làm người không thế nào toàn vẹn được tất cả, thế nào cũng có khuyết điểm.

  • Thập trai

    Thập trai

    十齋

    A: The ten days of fast, the vegetarian diet of ten days.

    P: Les dix jours de jeuâne, le régime végétarien de dix jours.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Trai: ăn chay, ăn rau dưa.

    Thập trai là ăn chay 10 ngày trong một tháng âm lịch.

    Đó là cách ăn chay theo giáo lý của Đức Chuẩn Đề Bồ Tát, nên gọi là Chuẩn Đề Thập trai.

    Thập trai được qui định theo ngày âm lịch, gồm các ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30.

    Nếu gặp tháng thiếu thì ăn chay ngày 27 thế ngày 30.

    Theo Phật giáo, những ngày ăn chay nầy được gọi là Duyên nhựt, là ngày có một Đức Phật tình nguyện kết duyên với chúng sanh ở cõi trần. Nếu một người ăn chay vào ngày nào, biết lễ bái và cầu nguyện với Đức Phật kết duyên ngày đó thì sẽ nhận được sức hộ trì của vị Phật ấy trên đường tu tiến tâm linh. Ngoài ra, trong những ngày chay ấy, chư Phật xem xét tội phước của chúng sanh, định phần nặng nhẹ.

    Nếu ăn chay vào các ngày ấy thì được Phật ban ơn lành, tránh được bệnh tật và có đời sống an lạc.

    Sau đây là 10 vị Phật tình nguyện kết duyên lành với nhơn sanh vào 10 ngày chay trong một tháng âm lịch:

    Mùng 1 :   Nhiên Đăng Cổ Phật.
    Mùng 8 :   Dược Sư Lưu Ly Quang Phật.
    Mùng 14:   Phổ Hiền Bồ Tát.
    Mùng 15:   A-Di-Đà Phật.
    Mùng 18:   Quan Thế Âm Bồ Tát.
    Mùng 23:   Đại Thế Chí Bồ Tát.
    Mùng 24:   Địa Tạng Vương Bồ Tát.
    Mùng 28:   Đại Nhựt Phật.
    Mùng 29:   Dược Vương Bồ Tát.
    Mùng 30:   Thích Ca Mâu Ni Phật.

    Đối với Đạo Cao Đài, Tân Luật buộc tín đồ phải ăn chay. Điều ràng buộc nầy có tính nghiêm khắc, vì có những lợi ích về phương diện hữu hình cũng như vô vi.

    Khi mới nhập môn vào Đạo Cao Đài thì tín đồ tập ăn chay mỗi tháng 6 ngày. Sau thời gian 6 tháng thì đã quen với việc ăn chay rồi, người tín đồ cần phải ăn chay cho đủ 10 ngày trong một tháng.

    Người tín đồ bực Hạ thừa mà ăn chay đủ 10 ngày mỗi tháng, giữ tròn luật đạo qui định trong Tân Luật thì người tín đồ ấy mới được đối phẩm Địa Thần trong Cửu phẩm Thần Tiên nơi cõi thiêng liêng, và khi chết mới được hưởng kinh kệ đầy đủ, hưởng các phép bí tích mầu nhiệm của Đạo để linh hồn được nhẹ nhàng siêu thăng.

    Người ăn chay không đủ 10 ngày trong một tháng thì không được hưởng những điều vừa kể.

    Số ngày ăn chay trong một tháng được Hội Thánh dùng làm thước đo mức độ đạo đức của mỗi tín đồ. Điều nầy không đúng tuyệt đối, nhưng cũng đúng một cách tương đối.

    Vả lại nếu không dùng số ngày ăn chay làm thước đo đạo đức thì căn cứ trên tiêu chuẩn cụ thể nào?

    Ngoài ra, chúng ta cũng nhận thấy rằng: 10 ngày chay trong tháng, khởi đầu thì thưa ra, càng về sau càng nhặt dần, đến cuối tháng thì dồn ăn chay liên tiếp 4 ngày, chịu không muốn nổi. Sao các Đấng không phân ra một cách đều hòa: ăn chay 1 ngày rồi ăn mặn 2 ngày, và cứ thế tiếp tục, thì một tháng cũng đủ 10 ngày chay mà lại dễ ăn hơn?

    Tu là sửa, là rèn luyện ý chí cho mạnh mẽ để quyết thắng lòng vật dục. Cách ăn chay như các Đấng đã định là cách để chúng ta luyện tập ý chí của mình cho mạnh mẽ, đủ sức chiến thắng sự thèm muốn ăn mặn ngon lành của thể xác. Lúc đầu chúng ta có thể bại trận đó, nhưng rồi dần dần, với quyết tâm phấn đấu thì nhứt định sẽ chiến thắng được dục vọng về sự ăn mặn mà thôi.

    Các Đấng thiêng liêng chưa muốn cho chúng ta dừng lại ở mức độ 10 ngày chay, mà muốn chúng ta thừa thắng tiến lên ăn chay trường. Đó chính là chỗ mà chúng ta cần phải đạt đến trên bước đường tu hành, để chúng ta đạt đến những kết quả tâm linh cần thiết, và mục đích cuối cùng là giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. (Xem chi tiết nơi chữ: Ăn chay, vần Ă)

  • Thập triết

    Thập triết

    十哲

    A: The ten philosophers of Confucianism.

    P: Les dix philosophes de Confucianisme.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Triết: sáng suốt, biết được cái lẽ tận cùng của sự vật. Triết gia là nhà triết học.

    Thập triết là 10 vị hiền triết của Nho giáo, đó là 10 học trò tài giỏi của Đức Khổng Tử, đứng trên Thất thập nhị Hiền, nhưng dưới Tứ Phối (4 vị Thánh).

    Thập triết được thờ phụng chung với Đức Khổng Tử ở Văn Miếu. Thập triết gồm:

    ● Mẫn Tử Khiên.
    ● Trọng Cung.
    ● Tử Cống.
    ● Tử Lộ.
    ● Tử Hạ.
    ● Bá Ngưu.
    ● Tử Ngã.
    ● Tử Hữu.
    ● Tử Du.
    ● Tử Trương.

    Sau đây là tiểu sử sơ lược của Thập triết.

    1. Mẫn Tổn: Mẫn Tử Khiên.

    Mẫn Tổn, tự là Tử Khiên, người nước Lỗ, kém hơn Đức Khổng Tử 50 tuổi, tánh rất liêm khiết và hiếu thảo. Ông nổi danh về hiếu hạnh nên được dự vào khoa Đức Hạnh trong cửa Khổng. Mẫn Tử Khiên được liệt vào trong Nhị thập tứ Hiếu.

    Khi còn nhỏ, ông bị bà mẹ ghẻ ngược đãi, cho con đẻ mặc áo bông vải vào mùa Đông, cho ông mặc áo bông lau không đủ ấm. Trời quá lạnh, tay run không đẩy xe cho cha đi được. Người cha ngẫm nghĩ mới biết rõ tình trạng, toan đuổi dì ghẻ đi. Tử Khiên liền thưa với cha: - Nếu cha để dì ghẻ ở lại thì chỉ có một mình con chịu rét, còn nếu cha đuổi dì ghẻ đi thì chẳng những con mà cả hai em con cũng sẽ chịu rét nữa.

    Người cha suy nghĩ lại, đúng như lời Tử Khiên nói, nên không đuổi dì ghẻ đi, mà thuật lại lời nói của Tử Khiên cho dì ghẻ nghe. Bà cảm động, hồi tâm, thương mến trở lại Tử Khiên, đối xử như con ruột của mình.

    Họ Quí làm quan Đại Phu chấp chánh nước Lỗ, nghe Tử Khiên là người hiền, nên mời Tử Khiên ra làm quan Tể ở ấp Phí, là ấp ăn lộc của họ Quí. Nhưng họ Quí làm quan lấn quyền vua, nên Tử Khiên từ chối và bảo sứ giả của họ Quí đến mời là: Xin sứ giả khéo léo thay tôi từ chối việc nầy, nếu đến mời tôi lần nữa thì tôi sẽ trốn lên ở trên sông Vân.

    Sông Vân là con sông phân ranh giữa nước Lỗ và nước Tề. Ý Tử Khiên muốn nói là nếu ép ông quá thì ông sẽ trốn qua nước Tề.

    Mẫn Tử Khiên được đời sau phong là Lang Gia Công.

    2. Bá Ngưu: Nhiễm Canh.

    Bá Ngưu, họ Nhiễm tên Canh, người nước Lỗ, được dự khoa Đức Hạnh trong cửa Khổng.

    Khi Đức Khổng Tử làm quan Tư Khấu nước Lỗ, Đức Khổng Tử cử ông làm quan Tể ở Trung Đô. Sau nầy ông có theo Đức Khổng Tử lúc bị tai nạn ở nước Trần và nước Thái.

    Khi ông đau sắp chết, Đức Khổng Tử có đến nhà thăm, cầm tay mà than rằng: Ngươi như thế mà mắc phải bệnh nặng nầy ư? Bá Ngưu chết, Đức Khổng Tử tỏ lòng thương tiếc lắm.

    Bá Ngưu được đời sau phong là Đông Bình Công.

    3. Trọng Cung: Nhiễm Ung.

    Trọng Cung họ Nhiễm tên Ung, đồng tông với Bá Ngưu, người nước Lỗ, tên tự là Trọng Cung, cũng được dự vào Khoa Đức Hạnh trong cửa Khổng.

    Ông là người hiền, lời nói thì giản trọng, độ lượng thì khoan hồng, có đức độ của một vị nhân quân. Đức Khổng Tử đã nói rằng ông có thể ngồi quay mặt về hướng Nam được. Ý của Khổng Tử muốn nói rằng ông có thể làm vua một nước.

    Trọng Cung được đời sau phong là Bất Kỳ Công.

    4. Tể Dư: Tử Ngã.

    Tể Dư tự là Tử Ngã, người nước Lỗ, được liệt vào khoa Ngôn Ngữ trong cửa Khổng. Tể Dư làm quan ở nước Tề.

    Ông được đời sau phong là Lâm Truy Công.

    5. Đoan Mộc Tứ: Tử Cống.

    Ông họ Đoan Mộc, tên Tứ, tự là Tử Cống, người nước Vệ, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 31 tuổi, được liệt vào khoa Ngôn Ngữ trong cửa Khổng

    Đoan Mộc Tứ có tài về buôn bán, nhà giàu có.

    Ông từng làm quan ở nước Lỗ, nước Vệ, nhưng sau lại mất ở nước Tề.

    Đời sau phong ông là Lê Dương Hầu.

    6. Nhiễm Cầu: Tử Hữu.

    Ông họ Nhiễm tên Cầu, người nước Lỗ, đồng tông với Trọng Cung, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 29 tuổi.

    Ông có tánh khiêm tốn, có tài nghệ, được liệt vào khoa Chính Sự trong cửa Khổng. Ông làm quan Tể cho quan Đại Phu họ Quí nước Lỗ. Khi tiến lên làm quan thì bàn bạc về quan chức, khi lui về nhà thì thụ giáo với Đức Khổng Tử.

    Nhiễm Cầu có lần làm tướng cho Khang Tử, đem quân đi đánh quân Tề, được thành công.

    Nhiễm Cầu được đời sau phong là Bành Thành Công.

    7. Trọng Do: Tử Lộ.

    Ông họ Trọng tên Do, tự là Tử Lộ, người ở đất Biện nước Lỗ, kém hơn Đức Khổng Tử 9 tuổi, có sức khỏe và tài nghệ, được liệt vào khoa Chính Sự trong cửa Khổng.

    Tử Lộ là người rất có hiếu với cha mẹ, thường vì cha mẹ mà đi đội gạo ở ngoài trăm dặm. Do đó, ông được liệt vào trong Nhị thập tứ Hiếu.

    Tánh của ông quả quyết và cương trực, cho nên Đức Khổng Tử khen rằng: Việc kiện mới nói được một nửa mà đã xử đoán được minh bạch, khiến những người đương sự phải khâm phục, chỉ có anh Do mà thôi.

    Ông thường để chí về Đạo, không để ý đến sự ăn mặc. Đức Khổng Tử khen rằng: Mặc áo vải cũ, cùng đứng với người mặc áo da hồ lạc mà không thấy xấu hổ, chỉ có anh Do mà thôi.

    Lời nói của Trọng Do rất tin thực, cho nên người đời nói rằng: Không tin lời thề, mà tin lời nói nói của Tử Lộ.

    Tử Lộ làm quan ở nước Vệ, bị chết về nạn Khổng Khôi. Đức Khổng Tử thương tiếc lắm nói: Từ khi ta có anh Do làm học trò, những lời nói ác không vào tới tai ta.

    Tử Lộ được đời sau phong là Hà Nội Công.

    8. Ngôn Yển: Tử Du.

    Ông họ Ngôn tên Yển, tự là Tử Du, người nước Lỗ, kém hơn Đức Khổng Tử 35 tuổi (có sách nói ông là người nước Ngô, kém hơn Đức Khổng Tử 45 tuổi), giảng tập về Lễ được liệt vào khoa Văn học trong cửa Khổng.

    Tử Du làm quan Tể ở ấp Vũ Thành nước Lỗ, đem Lễ Nhạc dạy dân, người trong ấp ấy học tập về huyền ca cho đến mãi bây giờ.

    Tử Du được đời sau phong là Sơn Dương Công.

    9. Bốc Thương: Tử Hạ.

    Ông có họ là Bốc tên là Thương, tự là Tử Hạ, người nước Vệ, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 44 tuổi, học tập về Kinh Thi thông hiểu được nghĩa lý, nên được liệt vào khoa Văn học trong cửa Khổng.

    Sau khi Đức Khổng Tử mất, Tử Hạ trở về nước Vệ. Ông thấy có người đọc sách Sử Chí rằng: "Tấn sư phạt Tần, tam thỉ độ hà." Nghĩa là: quân nước Tấn đánh nước Tần, ba con heo bơi qua sông. Tử Hạ nghe xong, nói với người đọc sách ấy là: Không phải Tam thỉ mà là Kỷ Hợi.

    Người đọc sách Sử Chí hỏi lại các người làm sử nước Tấn thì đều nói rằng: Kỷ Hợi là đúng.

    Từ đó, người nước Vệ cho Tử Hạ là bậc Thánh nhân.

    Tử Hạ dạy học ở Tây Hà. Vua nước Ngụy là Ngụy Văn Hầu (423-387 tr Tân Luật) tôn ông làm thầy và thường đến hỏi ý kiến về Chính sự trong nước, đặt quan bác sĩ để học các Kinh. Nho giáo thành ra quốc giáo khởi đầu từ đó.

    Tử Hạ chú trọng về văn chương và lễ nghi, lại có vua bảo hộ, có quan bác sĩ coi giữ các Kinh, cho nên về sau càng ngày càng phát đạt lên.

    Tử Hạ được đời sau phong là Hà Nội Công (?).

    10. Chuyên Tôn Sư: Tử Trương.

    Ông có họ là Chuyên Tôn, tên là Sư, tự là Tử Trương, người nước Trần, nhỏ hơn Đức Khổng Tử 48 tuổi, người có dung mạo đẹp đẽ, tư cách hòa nhã, lúc nào cũng có vẻ trang nghiêm, ở ngôi sang không mừng, không khinh người hèn, không ngại người khổ, không câu nệ, nên không tương đắc với các đồng môn.

    Hai ông Tăng Tử và Tử Du chê Tử Trương chưa thật là bậc nhân, vì cái học của Tử Trương có phần phóng khoáng thái quá, nhưng hai ông thì lại tỉ mỉ và câu nệ tiểu tiết.

    Tử Trương được đời sau phong là Uyển Khâu Hầu.

    Các môn đệ tài giỏi của Đức Khổng Tử, không có người nào hiểu hết cái Đạo rất cao viễn và quảng đại của Đức Khổng Tử, chỉ lãnh hội được một phần mà thôi. Do đó, sau khi Đức Khổng Tử mất, các môn đệ chia ra làm nhiều phái, mỗi phái có một chủ trương riêng. Có hai phái lớn hơn cả là:

    · Phái Tử Trương, Tử Hạ chuyên về đường Văn học.

    · Phái Tăng Tử (Tông Thánh Tăng Tử) chuyên về đường đạo đức.

    Tử Tư là học trò của Tăng Tử, làm sách Trung Dung.

    Mạnh Tử là học trò của Tử Tư, làm sách Mạnh Tử.

    Trong sách Khổng Tử Gia Ngữ có chép:

    Một hôm, Tử Hạ hỏi Đức Khổng Tử:

    - Nhan Hồi là người thế nào?

    Đức Khổng Tử đáp: - Cái tin của Hồi hơn ta.

    Tử Cống là người thế nào?

    - Cái nhanh của Tứ hơn ta.

    - Tử Lộ là người thế nào?

    - Cái dũng của Do hơn ta.

    - Tử Trương là người thế nào?

    - Cái nét trang nghiêm của Sư hơn ta.

    Tử Hạ bèn đứng dậy mà hỏi rằng:

    - Thế thì tại sao 4 người ấy lại phải đến học với thầy?

    Đức Khổng Tử đáp:

    - Ở đây ta bảo: Hồi biết tin mà không biết nghĩ lại, Tứ biết nhanh mà không biết có lúc đáng chậm, Do có dũng mà không biết có lúc nên nhát, Sư có nét trang nghiêm mà không biết ung dung để hòa đồng với mọi người. Gồm hết những nét hay của 4 người ấy mà đổi lấy cái của ta không bằng 4 người ấy thì ta không thuận. Vì thế 4 người ấy phải thờ ta làm thầy mà không có hai lòng vậy.

  • Thập tử nhứt sanh

    Thập tử nhứt sanh

    十死一生

    A: One chance of life on ten chances of death.

    P: Une chance de vie sur dix chances de mort.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Tử: chết. Nhứt: một. Sanh: sống.

    Thập tử nhứt sanh là mười phần chết, chỉ có một phần sống. Ý nói: nguy hiểm vô cùng.

  • Thập tự giá

    Thập tự giá

    十字架

    A: The cross.

    P: La croix.

    Thập: Mười, hoàn toàn. Tự: chữ. Giá: đồ dùng để treo cái gì lên. Thập tự: hình chữ Thập.

    Thập tự giá là cái giá hình chữ Thập, trên đó có hình Đức Chúa Jésus bị đóng đinh chết, đổ máu ra để chuộc tội cho loài người.

    Thập tự giá là biểu hiệu đặc biệt của Thiên Chúa giáo và đạo Tin Lành, dùng để thờ kính nơi Nhà thờ, Nhà giảng.

    Người ta cũng làm hình Thập tự giá nhỏ để các tín đồ đeo nơi ngực, để người tín đồ luôn luôn tưởng nghĩ đến Chúa và được Chúa hộ trì, cũng giống như bên Phật giáo, các Phật tử đeo tượng Phật nhỏ trước ngực.

  • THẤT

    THẤT

    1. THẤT: 七 Bảy, thứ bảy.

    Thí dụ: Thất Hiền, - Nương.

    2. THẤT: 失 Mất, thua, sai lầm.

    Thí dụ: Thất bại, Thất chơn truyền.

    3. THẤT: 匹 Đứa, đơn lẽ.

    Thí dụ: Thất phu.

  • Thất bại

    Thất bại

    失敗

    A: To be defeated.

    P: Subir une défaite.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Bại: thua.

    Thất bại là hỏng việc, thua trận, không thành công.

    Thất bại vi thành công chi mẫu: Sự thất bại là mẹ của sự thành công (Thất bại là mẹ thành công).

  • Thất bát

    Thất bát

    A: To lose the harvest.

    P: Perdre la récolte.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Bát: tám.

    Thất bát là nói tắt của thành ngữ: Thất linh bát lạc: 七零八落 Linh là héo rụng, Lạc là rơi rụng.

    Thất linh bát lạc, nói tắt Thất bát, là bảy héo tám rụng, ý nói thua mất, không toàn vẹn, thường nói về mùa màng có số thu hoạch rất kém sút vì bị thiên tai hay bị sâu rầy phá hại.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Thảng như rủi năm nào thất bát, dân đói khó thì lập tức mở kho ấy phát cho dân, gọi là chẩn bần.

  • Thất bửu (Thất bảo)

    Thất bửu (Thất bảo)

    七寶

    A: The seven precious things.

    P: Les sept objets précieux.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Bửu: Bảo: quí báu.

    Thất bửu hay Thất bảo là bảy thứ quí báu, kể ra:

    1. Kim (vàng).
    2. Ngân (bạc).
    3. Lưu ly.
    4. Pha lê.
    5. Xa cừ.
    6. Trân châu.
    7. Mã não.

    Ao Thất bửu: Cái ao nơi cõi Cực Lạc Thế giới được làm bằng bảy thứ quí báu, và trong ao có chứa một thứ nước rất quí gọi là Bát công đức thủy. (Xem chi tiết: Ao Thất bửu, vần A)

    Kinh Tiểu tường: Ao thất bửu gội mình sạch tục.

  • Thất chí

    Thất chí

    失志

    A: Discouraged.

    P: Découragé.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Chí: ý chí.

    Thất chí là mất hết ý chí, chán nãn hết muốn làm việc.

  • Thất chơn truyền

    Thất chơn truyền

    失眞傳

    A: To lose the true doctrine.

    P: Perdre la vraie doctrine.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Chơn truyền: giáo lý chơn thật được truyền lại.

    Thất chơn truyền là mất chơn truyền, tức là làm cho cái chơn truyền sai lạc đi, không giống như thuở ban đầu.

    Chơn truyền là giáo lý chơn thật do các Đấng Giáo chủ truyền lại. Đó là Chánh pháp, nếu tu theo đúng chánh pháp thì nhứt định đắc đạo. Nhưng cái chơn truyền (Chánh pháp) nầy lần lần bị người đời sửa cải làm cho sai lạc đi, và đến một lúc nào đó thì chơn truyền bị sai lạc hẳn, gọi là Thất chơn truyền, đó là thời kỳ Mạt pháp, người tu bị lầm lạc, tu không đắc đạo.

    TỨ GIÁO THẤT CHƠN TRUYỀN

    Tứ giáo là bốn tôn giáo lớn trên thế giới là: Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo.

    Tứ giáo thất Chơn truyền là bốn giáo lý chơn thật của bốn Đấng Giáo chủ truyền lại bị sửa cải lần lần cho sai lạc đi, khiến người tu lầm lạc, tu không đắc quả.

    Bất cứ tôn giáo nào, sau một thời gian dài truyền bá, thì dần dần bị thất Chơn truyền, và thời kỳ thất Chơn truyền được gọi là thời Mạt Pháp.

    Trong Tứ giáo thất Chơn truyền, chúng ta xem trước hết về Tam giáo: Phật giáo (Thích giáo), Lão giáo (Đạo giáo) và Nho giáo (Khổng giáo).

    I. Tam giáo thất Chơn truyền:

    "Tam giáo trước là: Nho, Thích, Đạo, vì hoằng khai cũng đã lâu đời nên bị biến cải mà thành thử phải thất Chơn truyền, làm cho sai lạc mất hết cả Thiên cơ mầu nhiệm, bởi đó mà nhơn sanh tuy tu nhiều mà thành thì chẳng có.

    Lại cũng bị thất Chơn truyền mà Tam giáo lần lần phải chịu lu lờ mờ mịt. Nẻo chơn không ai đến, đường chánh chẳng người đi, nên cỏ mọc bìm leo, gai rào cây lấp. Vì lẽ đó, nhơn loại phải chịu mãi trong vòng Luân hồi Tứ khổ, đày đọa mãi ở chốn trần ai.

    Nhơn sanh cũng vì vậy mà lần lần tiêu đạo đức, phế tinh thần, mới chuộng sự hữu hình, nên bày những âm thinh sắc tướng, không ai còn để chí lưu tâm đến chỗ thâm huyền cao viễn, chỉ ưa sự dễ dàng, tạng thấy tạng nghe, rồi cứ dẫy lòng nhơn dục tham mê, mới gây tội ác nặng nề, phải mang lấy sừng lông, mà bị thối hóa lại súc sanh và luân hồi lục đạo." (Trích trong Đại Thừa Chơn Giáo, trang 101)

    Tam giáo thất Chơn truyền tại đâu?

    Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy rằng:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Lại nữa, trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh giáo, mà làm ra phàm giáo.

    Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót 10 ngàn năm, nhơn loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ.

    Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa."

    Theo lời dạy trên của Đức Chí Tôn thì Tam giáo thất Chơn truyền là vì nền Chánh giáo do các vị Giáo chủ mang xác phàm lập ra. Các Giáo chủ nầy vâng lịnh Đức Chí Tôn, đầu kiếp xuống trần, tu luyện, được Đức Chí Tôn bố hóa cho thấy rõ Chánh pháp, rồi đem Chánh pháp nầy lập thành nền Chánh giáo mà truyền bá để cứu độ nhơn sanh.

    Sau thời gian mở đạo và hoằng hóa, vị Giáo chủ phải rời bỏ xác phàm, trở về cõi thiêng liêng, Chánh giáo được giao lại cho đệ tử nối tiếp làm Tổ Sư truyền bá mối đạo.

    Các vị Tổ Sư, dù đã đắc đạo, nhưng vẫn còn mang xác phàm, nên cũng còn chút ít phàm tánh, lần lần sửa cải Chơn truyền, mỗi lần sửa một chút ít theo ý riêng, rồi qua nhiều đời Tổ Sư như thế, Chơn truyền mỗi đời sai lạc thêm một chút ít, sau cùng thì sai lạc hẳn, gọi là thất Chơn truyền.

    Ba nhà Tôn giáo đã thất Chơn truyền cách nào?

    1. Phật giáo (Thích giáo):

    Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Phật Thích Ca giáng cơ dạy sau đây:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Chư sơn nghe dạy: Vốn từ Lục Tổ thì Phật giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh pháp đã bị nơi Thần Tú làm cho ra mất Chánh giáo, lập riêng pháp luật, buộc mối đạo Thiền.....

    Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo... Ôi! Thương thay! Công có công mà thưởng chưa hề có thưởng, vì vậy mà Ta rất đau lòng. Ta đến chẳng phải cứu một mình chư tăng mà thôi, vì trong thế, hiếm bậc Thần Thánh Tiên Phật phải đọa trần, Ta đương lo cứu vớt. Chư tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp, đặng gặp kỳ Phổ Độ nầy là lần chót, phải ráng sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trông giả luật. Chư sơn đắc đạo cùng chăng là do nơi mình hành đạo.

    Phép hành đạo Phật giáo dường như ra sái hết, tương tự như Tả đạo Bàng môn. Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào, cứ ôm theo luật Thần Tú, thì đương mong mỏi về Tây phương, mà cửa Tây phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành Chánh quả do nơi đâu mà biết chắc vậy?

    Ta đã đến với huyền diệu nầy, thì từ đây Ta cũng cho chư tăng dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau, đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền.

    Chư tăng từ đây chẳng đặng nói Phật giả vô ngôn nữa."

    "Đạo Thích bày dị đoan từ đời Thần Tú, làm mê hoặc chúng sanh. Vậy cũng phổ độ, cũng giựt giành, mà chỉ đem con người vào đường u ám lạc lầm. Kinh sám truyền lại mà không khảo cứu kiếm tầm cho ra Chơn lý, chẳng định trí tham thiền, không gom Thần mà nhập định". (Đại Thừa Chơn Giáo. 101)

    2. Đạo giáo ( Lão giáo):

    "Còn Đạo giáo là huyền bí, thậm chí ư huyền bí, nên người bực thượng trí mới thấu đáo chỗ căn nguyên; còn thường nhơn trí hạ là rất khó thông cơ mầu nhiệm vô cùng, bởi vậy mới hiểu lầm tưởng sai, mà bày ra phép tắc, phù chú làm cho mê hoặc thói đời, thêm hủ phong tục, khiến người nhiễm lấy dị đoan, nào là hô phong hoán võ, tróc quỉ trừ ma, bày binh bố trận, mới biến ra Tả đạo Bàng môn, thiệt là rất hại." (Đại Thừa Chơn Giáo)

    3. Nho giáo (Khổng giáo):

    "Nho giáo, sau đời Mạnh Tử, càng ngày càng lạc lầm, đường Thiên lý chẳng cầu, chỗ thâm diệu không rõ, chỉ học đặng khoe tài hay giỏi, dục lợi cầu danh, tổn nhơn ích kỷ, chớ không chịu học để sửa mình, tầm hiểu cho tột cùng cái lý cao siêu huyền bí, cái cơ nguồn cội của muôn loài.

    Học là để mở mang tinh thần, trí hóa, đặng trau giồi cho tận thiện tận mỹ cái cơ hữu hình, chớ học mà để cầu vinh hay là mong mỏi đến quyền cao chức cả, ấy là người tiểu nhân hạ trí, không biết cầu lấy cái cao siêu quí trọng nhứt là Thiên chức mà Trời đã nấy trao.

    Con người có hai phận sự: Thứ nhứt là Thiên chức, thứ nhì là Nhơn tước.

    Thiên chức là cái chức vụ thiên nhiên của Trời phú cho người; còn Nhơn tước là cái tước phẩm phàm trần của người phong cho người.

    Người quân tử bao giờ cũng trau giồi tánh cách cho hoàn toàn, đào luyện tinh thần cho thuần khiết, để lo cho tròn cái Thiên chức ấy. Vả con người, hễ Thiên chức đã hoàn toàn thì Nhơn tước nào lại khó chi. Nhưng người đời lại hay có tánh ham ngọn mà bỏ gốc, nên hằng đem hết Thần hồn mà đắm say về Nhơn tước, chớ không cần nhớ đến cái Thiên chức chút nào.

    Ấy thiệt là đám hủ nho vậy." (Đại Thừa Chơn Giáo. 101)

    Đức Khổng Tử giáng cơ than rằng:

    Than vì người cả tánh tham,
    Ưa bề giả tướng, mến ham tục đời.
    Làm cho Nho giáo rã rời,
    Tiếc chưng nền cũ tơi bời đổ xiêu!
    Về phần thực tế thì nhiều,
    Tam cang thường Ngũ làm điều luật chung.
    Luận qua Đại Đạo Trung dung,
    Chưa ai nghe thấu chỗ cùng đạo Nho.
    Rừng Nhu biển Thánh không dò,
    Tam Tông đạo ấy một lò sanh ra.
    Càng ngày chí thiện càng xa,
    Nhơn tình đạm bạc, lòng tà dấy lan.
    Đời rày hung bạo ngỗ ngang,
    Lòng càng bất chánh, dạ càng bất nhơn.
    (Đại Thừa Chơn Giáo)

    II. Thánh giáo Gia-tô thất Chơn truyền:

    Sau đây trích Thánh Ngôn bằng Pháp văn của Đức Chí Tôn, Hội Thánh dịch ra Việt văn:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Chúa Cứu Thế đã đến với các con. Người đã phải chịu đổ máu Thánh để chuộc tội cho loài người. Trong 2000 năm vắng mặt Người, các con đã làm gì hữu ích? Các con truyền bá đạo Người, nhưng chính các con cũng không hiểu chi cả. Các con lại làm sai lạc bản chất, tôn chỉ của nền Thánh giáo. Nhân loại phải chịu đau khổ vì sự biến thể của các Thánh Tông đồ....

    Giáo lý ấy, đáng lẽ phải đem lại hòa bình và tương ái cho loài người, nhưng trái lại, nó gây chia rẽ và chiến tranh."

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thánh đạo của Chúa Cứu Thế (vì sự hiểu lầm) làm tăng gia dục vọng của kẻ mạnh đối với người yếu và giúp giáo cho bọn trên hiếp dưới."

    Hội Thánh La Mã chỉ lo củng cố vương quyền, các hàng giáo phẩm lãnh đạo không thực thi đúng điều Chúa dạy và không hướng dẫn giáo dân đi theo đường lối Chúa muốn, đến nỗi trước nguy cơ chết chóc của con người bởi thảm họa chiến tranh, Đức Mẹ phải hiện ra tại Fatima vào thế chiến thứ nhứt (1914-1918) để ban ra những thông điệp quan trọng và khẩn cấp, nhằm thức tỉnh Hội Thánh La Mã và kêu gọi những tín đồ Thiên Chúa giáo phải thực thi đúng lời Chúa dạy.

    Đức Mẹ phán rằng: "Nếu loài người muốn chấm dứt chiến tranh thì phải ăn chay, hãm mình và lần chuỗi Mân côi."

    "Muốn cho được thấy Thiên đàng, thì phải trường chay, tuyệt dục và bố thí."

    "Tất cả ai cầm quyền Giáo hội nên trường chay, vì đó là cứu cánh cho nhơn loại, như ngọn đuốc soi đường cho tín đồ. Bởi chưa thực hiện được trường chay, do đó mà nhơn sanh còn khổ, dù có kêu gọi cách nào đi nữa, nhưng thâm tâm họ chưa trong sạch thì ý tưởng đẹp cũng hóa ra dơ bẩn."

    "Nếu Đức Giáo Hoàng đương kim là Phaolô IV chỉ thị và chính Ngài ăn chay trường thì thế giới đương nhiên hòa bình. Bởi tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ nghe theo Ngài mà trường chay tất cả thì tình thương sẽ lan tràn cả thế giới."

    Đó là hồng ân của Thiên Chúa ban rải để cứu rỗi loài người qua phép lạ Fatima.

    Nhưng từ đó đến nay, Giáo hội La Mã chẳng sửa sai một điều gì đáng kể. Nếu tình trạng nầy cứ tiếp tục như vậy, rồi đây Giáo hội La Mã sẽ hoàn toàn sụp đổ trong cuối thế kỷ nầy, thể hiện đúng lời tiên tri của Đức Mẹ Fatima. (Theo nội dung của Bức thơ Fatima).

    Tóm lại, các nền tôn giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ gồm Tam giáo ở Á Đông và Thiên Chúa giáo ở Âu Châu đều bị thất Chơn truyền sau mấy ngàn năm truyền đạo, và hoàn toàn suy bại trong thời kỳ Mạt pháp nầy.

    Do đó, Đức Chí Tôn Thượng Đế mới mở ra Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài) để chấn hưng đạo đức và thực hiện cơ qui nguyên phục nhứt Tam giáo và Ngũ Chi Đại Đạo.

    Đạo Cao Đài sau nầy có thất chơn truyền không?

    Chúng ta đều biết rằng mọi vật trong Càn Khôn Vũ Trụ nầy đều có tánh cách vô thường, hễ có sanh ắt có tử, hễ có khai ắt có lúc bế, có hưng thịnh ắt có suy vong.

    Đạo Cao Đài cũng không thể ra ngoài qui luật: Thành, Trụ, Hoại, Không, do đó, nhứt định sau một thời gian nào đó thì Đạo Cao Đài cũng phải thất chơn truyền và bị bế lại như các tôn giáo khác.

    Bất cứ một nền tôn giáo nào cũng phải trải qua ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.

    Như Phật giáo, thời kỳ Chánh pháp là 500 năm sau khi Đức Phật tịch diệt, thời kỳ Tượng pháp tiếp theo kéo dài 1000 năm, và sau đó là thời kỳ Mạt pháp.

    Thời kỳ Chánh pháp kéo dài được lâu hay mau tùy theo cách tổ chức nền đạo của Đấng Giáo chủ.

    Theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn:

    "Thanh đạo tam khai thất ức niên,
    Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên."

    Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập ra kéo dài được Thất ức niên (700 000 năm) thì mới thất chơn truyền.

    Nhiều người ngạc nhiên cho rằng con số 700 000 năm lớn quá, e không đúng hay quá đáng chăng?

    Những người có đức tin vững chắc và có nghiên cứu kỹ Giáo lý của Đạo Cao Đài thì khác hẳn, tin rằng lời nói của Đức Chí Tôn là chơn thật vì 4 lý do kể ra sau đây:

    1. Đây là mối đạo Trời (Thiên đạo) do Ông Trời lập ra thì đương nhiên phải khác hơn các nền tôn giáo trước đây do các Đấng Phật, Tiên, Thánh, giáng phàm lập ra.

    2. Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài bằng huyền diệu cơ bút, chớ không đầu thai xuống cõi trần như các vị Giáo chủ khác, điều đó có nghĩa là Đức Chí Tôn không giao Chánh giáo cho tay phàm để càng ngày càng xa Thánh giáo mà biến ra Phàm giáo. Chính mình Đức Chí Tôn đến kỳ nầy làm vị Giáo chủ thiêng liêng để độ rỗi con cái của Ngài là nhơn loại trong buổi đời Hạ Nguơn Mạt kiếp.

    3. Đức Chí Tôn lập Đạo bắt đầu từ chỗ Hữu Hình sắc tướng mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ Hữu Hình mà đi đến chỗ Vô Vi, là cơ siêu phàm nhập Thánh. Thế là Đạo của Đức Chí Tôn không hư hoại đặng, mà không hư hoại là nhờ từ chỗ Hữu Hình đi riết lên đến tận Vô Vi.

    4. Tại sao Tam giáo bị xiêu đổ? Là tại cái nền tảng không vững chắc. Còn nay, Đức Chí Tôn đến biểu làm cái nền móng cho vững vàng rồi mới xây Tòa nhà Đại Đạo, lại xây thành đắp lũy chung quanh, thì Tòa nhà ấy phải đặng vững vàng đặng thất ức niên dư, rồi Tòa Nhà Đại Đạo ấy mới bị xiêu đổ, và bị thất Chơn truyền như các tôn giáo khác.

    Đoạn kết:

    Nho Thích Đạo Tam tông chưởng đạo,
    Đoạt Thiên cơ lấy giáo trần ai.
    Dùng phương cơ nhiệm hoằng khai,
    Lâu năm tâm pháp đổi thay thất truyền.
    Pháp Như Lai cửa Thiền chế cải,
    Dùng hữu hình cho sái Phật tông,
    Thinh âm sắc tướng tràn đồng,
    Làm cho xa mất chữ KHÔNG đâu rồi!
    Đạo Tiên giáo phục hồi tánh mạng,
    Chế Ngũ Hành tỏ rạng Tam Nguơn.
    Tâm thanh tịnh, luyện linh đơn,
    Lưu hành Thiên lý, phục huờn nhơn tâm.
    Đạo thâm viễn người tầm chẳng thấu,
    Nên càng ngày ẩn giấu nơi trong.
    Về sau hậu học bất thông,
    Đem ra họa vẽ cua còng lôi thôi!
    Nền Khổng giáo buông trôi ngàn dặm,
    Chúng hậu nho chác lắm điều hư.
    Ôm gìn Hạ học khư khư,
    Chuộng phần thi cử, lợi tư cho mình.
    ***
    Nên Tam giáo phát minh một lúc,
    Truyền tinh thần un đúc quốc dân.
    Đời sau ưa thích chuyện gần,
    Lưu thông sắp xuống lần lần thất danh.
    ***
    Nay Chí Tôn lập thành Đại Đạo,
    Hiệu CAO ĐÀI phục đáo linh căn.
    Trời hôm nhờ ngọn huệ đăng,
    Dắt dìu sanh chúng tầm phăng mối giềng.
    (Đại Thừa Chơn Giáo. 98)
  • Thất công

    Thất công

    失功

    A: Lost labour.

    P: Peine perdue.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Công: công sức.

    Thất công là mất công sức mà không được việc gì.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy cho phép chẳng vụ tất đến, vì đã thất công mà chẳng bổ ích chi.

  • Thất cơ

    Thất cơ

    失機

    A: To lose the occasion.

    P: Perdre l"occasion.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Cơ: dịp, cơ hội.

    Thất cơ là bỏ mất dịp tốt.

    Thất cơ lỡ vận: mất hết cơ hội, lỡ bước nửa chừng.

  • Thất đạo

    Thất đạo

    失道

    A: To lose the morality.

    P: Perdre la moralité.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Đạo: đạo đức, tôn giáo.

    Thất đạo là mất đạo đức, tức là đàn áp và tiêu diệt tôn giáo làm cho trong nước dân chúng mất hết đạo đức.

    Từ xưa đến nay, bất cứ triều đại nào, nếu không sùng kính tôn giáo, không lấy đạo đức làm mực thước dạy dỗ và kềm chế tâm lý của quốc dân, thì triều đại đó nhứt định sẽ sụp đổ một cách mau chóng, hoặc sẽ bị Trời phạt bằng những Thiên tai địa ách nặng nề.

    Vua Tần Thủy Hoàng thất đạo, đốt sách chôn học trò, hỏi vậy nhà Tần kéo dài được bao lâu?

    Thuở xưa, khi Đức Khổng Tử đến nước vua Phò Dư truyền đạo Nho thì bị vua bắt giam 2 năm. Khi thả ra, vua Phò Dư cấm Đức Khổng Tử không được đến nước của ông ta nữa.

    Sự thất đạo của vua Phò Dư làm chư Thần Thánh bất mãn, khiến cho nước của vua Phò Dư bị Thiên tai hạn hán 3 năm, còn nhà vua và quần thần bị bịnh chướng khổ sở.

    Lúc ấy dân chúng trong nước vô cùng khốn khổ, đói rách tả tơi, bệnh hoạn dẫy đầy. Vua Phò Dư biết là Trời phạt nên ra lịnh cho thần dân ăn chay nằm đất, lập bàn hương án cầu Trời khẩn Phật cho cả nước được tai qua nạn khỏi.

    Thiên đình thấy thế mới cho Đức Văn Xương Đế Quân hiện xuống độ vua Phò Dư. Đức Văn Xương bảo:

    - Bệ hạ không cần phải ăn chay nằm đất mà khẩn cầu chi hết, Bệ hạ chỉ cần đi rước Đức Khổng Tử về nước mở Đạo và dạy dân ăn ở cho có đạo đức thì sẽ được tai qua nạn khỏi. Chư Thần Thánh đã phạt nhà vua vì tội thất đạo đó.

    Nói xong, Đức Văn Xương gọi rồng đáp xuống rồi cỡi rồng bay lên trời mất dạng.

    Bấy giờ vua Phò Dư mới biết sự lầm lỗi của mình, ăn năn hối ngộ, rồi cho người đi dò tin tức xem Đức Khổng Tử hiện đang ở đâu, rồi sắm lễ vật và xa giá đi rước Ngài, lập bàn hương án xin thọ giáo, và khuyên dân chúng hết lòng vâng lời Đức Thánh dạy. Nhờ vậy trong nước hết hạn hán và hết bịnh tật tai ương, cảnh thanh bình an vui trở lại.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nạn loạn lạc hoàn cầu, Bần đạo thuyết hôm qua chỉ rõ nguyên do là nhơn loại thất đạo mà nảy sanh.

  • Thất đạo tâm

    Thất đạo tâm

    失道心

    A: To lose the moral conscience.

    P: Perdre la conscience morale.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Đạo tâm: cái tâm đạo đức.

    Thất đạo tâm là mất cái tâm đạo đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Còn mấy đứa chưa đặng phong thưởng cũng không nên vội buồn mà thất đạo tâm.

  • Thất đầu xà

    Thất đầu xà

    七頭蛇

    A: The cobra with seven heads.

    P: Le cobra à sept têtes.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Đầu: cái đầu. Xà: con rắn.

    Thất đầu xà là con rắn thần có 7 cái đầu.

    Trong các chùa Phật giáo ở Cao Miên, thường có đắp hình một con rắn lớn có 7 cái đầu cất lên. Bảy cái đầu ấy tượng trưng Thất tình của con người: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục.

    Thất tình được ví như 7 cái đầu rắn độc, nó làm hại thể xác và tinh thần của con người, đưa con người sa vào những thói thấp hèn tội lỗi.

    Người tu cần phải lập chí cao thượng, chế ngự cho được Thất tình, cương quyết làm chủ chúng nó, đừng yếu hèn để nó sai khiến, giữ cho tâm thanh tịnh thì mới mong giải được khổ đau, đến bờ an lạc.

    Trong Tòa Thánh Tây Ninh, dưới ba cái ngai của Đức Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, có đắp hình Thất đầu xà, mình rắn rất dài quấn cả ba ngai, đuôi rắn quấn ngôi Thượng Sanh, mình rắn quấn ngôi Thượng Phẩm, phần đầu quấn ngôi Hộ Pháp, còn 7 đầu rắn chia ra: 3 đầu Hỷ, Ái, Lạc, cất lên ở phía sau ngai Hộ Pháp, 2 đầu AiNộ gục xuống thấp nhất để 2 chân của Đức Hộ Pháp đặt lên chế ngự nó, 2 đầu Dục gục xuống vừa thấp để 2 tay của Đức Hộ Pháp đặt lên như đè nén nó xuống.

    Khi Đức Phạm Hộ Pháp trấn thần Thất đầu xà, Đức Ngài giảng giải như sau:

    "Rắn Thần 7 đầu tượng trưng con người có Thất tình.

    Ba đầu rắn ngó lên sau lưng Hộ Pháp là: Hỷ, Lạc, Ái.

    Người tu nên luyện tập nâng đỡ 3 tình: mừng, vui, thương. Còn 4 tình: Ai, Nộ, Ố, Dục thì đè nén xuống, đừng cho ngóc đầu lên.

    Khi Đức Hộ Pháp trấn pháp, hành Bí pháp cùng Thể pháp trong các đàn Vía, Sóc, Vọng, khi Ngài đứng là Chuyển pháp, Ngài ngồi là Trụ pháp. Nên khi ngồi, hai chân đạp lên 2 đầu Ai (tả), Nộ (hữu), hai tay đè Ố (hữu), Dục (tả).

    Đức Ngài nói: Khi Hộ Pháp trấn trên Thất đầu xà là đè nén các vật dục ở thế nầy gom lại để khỏi cấu xé nhau, để mừng, vui, thương, cho mọi người chung hưởng, để gìn giữ đạo đức tu hành dễ dàng, nước nhà thạnh trị.

    E sau nầy Hộ Pháp xuất ngoại, Thượng Sanh về ngự nơi đuôi, thì tự do Thất tình lôi cuốn, cấu xé lẫn nhau, không phương kềm chế, ấy là cơ thử thách nội và ngoại.....

    Ngày nào Hộ Pháp trấn lại trên ngai thì mới có thể dễ dàng mọi việc Đạo và Đời.

    Quyền thiêng liêng phải vậy, đặng vay trả cho sạch oan khiên, mới đem thuần phong mỹ tục, vãn hồi hòa bình trật tự, tháng Thuấn ngày Nghiêu, trở nên thượng cổ."

    Đức Phạm Hộ Pháp có một bài thuyết đạo giải nghĩa Thất đầu xà, 7 nọc độc của rắn, xin chép ra sau đây:

    "Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục ở trong châu thân con người. Phàm con người ở thế, từ ngôi thiên tử cho đến hàng thứ dân, ai cũng có đủ 7 cái Tình ấy tất cả, nhưng do người biết độ lượng cho vừa theo bực trung thì mới khỏi hại đến châu thân và sự nghiệp.

    1. Chữ Hỷ là Mừng: Con người khi gặp việc đáng vui mừng thì cũng phải trầm tĩnh như thường, chẳng nên mừng thái quá mà biến thành sự hại.

    Ví như ông Trình Giảo Kim, nghe tin dòng họ Tiết, Tiết Giao, Tiết Quỳ, phò Lý Đáng, đem binh về phục nghiệp Đường trào, trừ Võ Hậu, thì ông ta mừng quá độ, phát thinh đại tiếu, cười ngất cho đến tắt hơi. Ấy là mừng quá mà chết. Đời nay có kẻ trúng số độc đắc mà chết.

    2. Chữ Nộ là Giận: Con người vì giận quá mà sanh hại đến gia đình, hoặc bị tù tội là khác. Nên có câu: "Nhứt Nộ sầu tâm khởi, bát vạn chướng môn khai." Nghĩa là: Một phen giận nổi lên thì trăm ngàn nghiệt chướng sanh ra, có thể làm tiêu nhà hại mạng, đến khi biết sự chẳng lành, tỉnh lại ăn năn thì đã muộn, nghĩ thôi đáng tiếc!

    Ví như ông Châu Công Cẩn (Chu Du), lầm mưu Khổng Minh Gia Cát Lượng, mà nộ khí xung thiên, đến đỗi thổ huyết lâm lụy mà chết. Ấy là một gương nêu cho đời lưu ý, còn nhiều sự giận mà chiụ khổ hình.

    3. Chữ Ai là Buồn: Ấy cũng là một điều hư hại đến thân thể và trí não tinh thần. Có nhiều người gặp việc sanh ly tử biệt, hay là đấu lực tranh tài mà chẳng may thất bại, thì cũng buồn thảm đến lụy thân.

    Ví như Thạch Sùng đấu của nhà giàu, mà thiếu mẻ kho, phải chịu mất hết gia tài, rồi ông buồn rầu mà thất chí đến lụy thân. Ấy là sự buồn rầu đến hại lớn, đáng làm gương cho người sau. Nếu khi gặp cảnh chẳng may, phải có năng lực đạo đức tinh thần mạnh mẽ mà làm kế bảo tồn tức là phương an ủi tâm hồn mát mẻ.

    4. Chữ Lạc là Vui: Sự vui vẻ hân hoan khoái chí, sự vui vẻ phải có chừng mực, thì mới tránh khỏi các điều tai hại biến sanh. Có câu: "Cực lạc sanh bi." Hễ sự vui thích đến quá mức thì trở nên buồn thảm, điều ấy vẫn hiển nhiên.

    Ví như Trụ Vương Ân Thọ, đắm mê nàng Đắc Kỷ, vui say tửu sắc, đến nỗi mất nước, tiêu nhà hại mạng. Sự vui chơi của ông có lắm điều tàn ác, nào là chế bào lạc hại quan trung thần, nào là lập sái bồn, tửu trì, nhục lâm, sát hại cung nga thể nữ, vui cho đến mất cả sự nghiệp Thành Thang, làm cho bá tánh điêu tàn, sanh linh đồ thán. Ấy là sự vui chơi mà mắc tội với Thiên đình.

    5. Chữ Ái là Thương yêu: Có câu: "Ái nhơn như ái kỷ", nghĩa là: Thương hết mọi người như thương mình vậy, mới gọi là Bác ái. Bác ái là rộng thương, mà thương vì công bình chánh trực, nhơn nghĩa đạo đức tinh thần, thương nước thương dân, chớ chẳng phải thương riêng vì cá nhân vật chất, hay vì bợ đỡ nịnh hót mà thương, hoặc thương vì ái tình tài sắc. Trong sự thương giới hạn phân minh mới tránh khỏi điều tai hại.

    Có tích xưa đời Tam Quốc, có Đổng Trác và Lữ Phụng Tiên (Lữ Bố), đã kết nghĩa minh linh dưỡng tử, mà vì ái tình với một gái Điêu Thuyền, đến đỗi cha con giết hại lẫn nhau. Ấy là do nơi dây ái tình mà điêu tàn chết thảm. Còn nhiều người tài hay, phá núi lấp sông, văn chương trí tuệ, mà chẳng vì đạo đức, mảng sa mê sắc dục mà phải hư hại thân thể.

    6. Chữ Ố là Ghét: Người tu hành không nên chất chứa sự ghét trong tâm, vì sự ghét giận mà sanh ra thù nghịch lẫn nhau cho đến tàn hại nhau, mà gây thành oan trái, trả vay đời đời kiếp kiếp.

    Nên Đức Chí Tôn có dạy rằng: Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Tam thập lục Thiên, đặng vào nơi Bạch Ngọc Kinh, còn sự ghét là phương tà mị, nó làm cho lòng người chia rẽ, mất tình đoàn thể, cốt nhục phân ly cũng do sự ghét.

    Vấn đề chữ Ố, nó làm cho lòng người nhiều điều tai hại, nói không cùng.

    Tóm lại, chỉ nhớ một câu của Thầy dạy ta: "Từ đây các con chẳng đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau." Sau lại có câu phương ngôn của Thầy rằng: "Thương người khác thể thương thân, Ghét người khác thể vun phân cho người."

    7. Chữ Dục là Tham muốn: Người có 100 muốn, 1000 muốn, muốn hoài không đủ, nào là muốn nhà cao lầu rộng, áo đẹp vợ xinh, đồ ăn mỹ vị, muốn thế nào cho được giàu sang trên thiên hạ. Các điều muốn ấy là về sự ích kỷ. Nếu được tấm lòng tham muốn về đạo đức nhơn nghĩa, ích nước lợi dân, ấy là sự muốn trở nên cao thượng.

    Tóm tắt lại, sự dục vọng của con người rất bao la quảng đại, đến khi còn một hơi thở cuối cùng mà mọi điều ham muốn cũng chưa đầy đủ, nên có câu: "Nhơn tâm bất túc xà thôn tượng, Thế sự đáo đầu đường bộ thiền." nghĩa là: Lòng người chẳng đủ như rắn nuốt voi, Việc đời đến lúc cùng tận chẳng khác châu chấu bắt ve.

    Cũng vì lòng tham muốn mà rốt cuộc mạnh yếu sang hèn tương tàn tương sát."

  • Thất điên bát đảo

    Thất điên bát đảo

    七顚八倒

    A: To be upset several times.

    P: Être bouleversé plusieurs fois.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Điên: nghiêng ngã. Bát: tám. Đảo: lộn ngược.

    Điên đảo hay Đảo điên là lộn lên nhào xuống.

    Thất điên bát đảo là bảy tám lần đảo điên, ý nói: nhiều lần đổi thay tan nát.

  • Thất đức

    Thất đức

    失德

    A: Immoral.

    P: Immoral.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Đức: đạo đức.

    Thất đức là mất đức, tức là trái với đạo đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Một câu thất đức thiên niên đọa.

  • Thất Hiền

    Thất Hiền

    七賢

    A: Seven Sages.

    P: Sept Sages.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Hiền: người có đạo đức và tài giỏi hơn người.

    Thất Hiền là bảy ông Hiền.

    Bảy ông Hiền nầy thường tụ họp nhau trong rừng trúc để đàm luận đạo lý, nên được gọi là: Trúc Lâm Thất Hiền. (Xem tiểu sử của Thất Hiền nơi chữ: Trúc Lâm Thất Hiền, vần Tr)

  • Thất hiếu

    Thất hiếu

    失孝

    A: Ungrateful to one"s parents.

    P: Ingrat envers ses parents.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Hiếu: phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ.

    Thất hiếu là mất sự hiếu thảo với cha mẹ.

    Thất hiếu đồng nghĩa: Bất hiếu.

    Tân Luật: Thế luật: Trừ ra có ngoại tình hay là thất hiếu với công cô, vợ chồng người đạo không được để bỏ nhau.

  • Thất hồn lạc phách

    Thất hồn lạc phách

    失魂落魄

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Hồn: linh hồn. Lạc: rơi rụng. Phách: chơn thần. Thất hồn là mất hồn. Lạc phách là rơi mất chơn thần.

    Thất hồn lạc phách là chỉ sự sợ hãi dữ dội làm cho hồn phách bay mất hết.

  • Thất khiêm cung

    Thất khiêm cung

    失謙恭

    A: To lose the modesty and respect.

    P: Perdre la modestie et le respect.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Khiêm: nhún nhường. Cung: cung kính.

    Thất khiêm cung là mất sự khiêm nhường và cung kính.

    Tứ đại điều qui: Dưới gián trên đừng thất khiêm cung.

  • Thất khiếu

    Thất khiếu

    七竅

    A: Seven holes of the face.

    P: Sept trous de la face.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Khiếu: cái lỗ, hang.

    Thất khiếu là bảy cái lỗ trên mặt gồm: hai mắt, hai tai, hai mũi, một miệng.

    Phần dưới của thân còn có 2 khiếu nữa là: lỗ tiểu và lỗ tiện, nhập với 7 khiếu trên mặt, tất cả là 9 khiếu: Cửu khiếu.

  • Thất kỳ truyền

    Thất kỳ truyền

    失其傳

    A: To lose that true doctrine.

    P: Perdre cette vraie doctrine.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Kỳ: cái ấy. Truyền: chơn truyền.

    Thất kỳ truyền là mất cái chơn truyền ấy.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ta đến với huyền diệu nầy thì từ đây Ta cũng cho chư tăng dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền.

  • Thất lễ

    Thất lễ

    失禮

    A: Impoliteness.

    P: Impolitesse.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Lễ: bày tỏ lòng kính trọng.

    Thất lễ mất sự lễ phép, đồng nghĩa: Vô lễ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thất lễ là đại tội trước mắt các Đấng chơn linh ấy.

  • Thất lộc

    Thất lộc

    失祿

    A: To lose the favour of God: to die.

    P: Perdre la faveur de Dieu: Mourir.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Lộc: phước lộc.

    Thất lộc là mất cái lộc Trời cho. Ý nói: chết.

  • Thất lợi

    Thất lợi

    失利

    A: Disadvantage.

    P: Le désavantage.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Lợi: lợi lộc.

    Thất lợi là mất đi nguồn lợi.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hễ đói thì mình chung nuôi, bị thất lợi thì mình phải giữ, hễ nhục thì mình chung chịu,...

  • Thất mùa

    Thất mùa

    A: To lose the harvest.

    P: Perdre la récolte.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Mùa: vụ trồng lúa hằng năm.

    Thất mùa là mất mùa lúa, do hạn hán, lũ lụt gây ra hay do sâu rầy phá hoại.

    Kinh Sám Hối:
    Nhơn thất mùa bế vựa gắt gao.
    Chờ khi lúa phát giá cao.
    Khai ra bán mắc, Trời nào dung cho.
  • Thất ngôi diệt vị

    Thất ngôi diệt vị

    A: To lose one"s throne.

    P: Perdre son trône.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Ngôi: chỗ ngồi của người có chức tước lớn. Diệt: mất, tiêu diệt. Vị: địa vị, phẩm vị.

    Thất ngôi diệt vị là mất hết ngôi vị.

    Nguyên nhơn là người có ngôi vị nơi cõi thiêng liêng. Khi nguyên nhơn đầu kiếp xuống trần thì ngôi vị để trống. Nguyên nhơn ở cõi trần nhiễm trược trần, gây ra nhiều tội lỗi, nghiệp quả nặng nề khiến phải chìm đắm trong bể khổ luân hồi, không thể trở về cõi thiêng liêng, nên bị thất ngôi diệt vị.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Người đời chẳng khác con buôn buổi chợ, cả sức lực trí não tinh thần đều bị tiêu tán nơi ấy, vì vậy mới hoại chơn linh, thất ngôi diệt vị.

  • Thất nhơn tâm

    Thất nhơn tâm

    失人心

    A: To be unpopular.

    P: Être impopulaire.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Nhơn tâm: lòng người.

    Thất nhơn tâm là làm mất lòng người, tức là làm cho mọi người chán ghét không ủng hộ nữa.

    Trái với Thất nhơn tâm là Đắc nhơn tâm: được lòng người, được mọi người thương mến ủng hộ.

  • Thất niêm luật

    Thất niêm luật

    失黏律

    A: The deficiency in prosody.

    P: Le manque de la prosodie.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Niêm: nghĩa đen là dính như keo. Niêm luật là phép xử dụng bằng trắc và vần trong một bài thơ.

    Thất niêm luật là nói về một bài thơ làm không đúng luật bằng trắc và cách gieo vần. (Xem chi tiết nơi chữ: Thơ đường luật)

  • Thất Nương

    Thất Nương

    七娘

    A: Seventh Muse.

    P: Septième Muse.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Nương: người phụ nữ đáng kính.

    Thất Nương là Đấng Nữ Tiên đứng hàng thứ bảy trong Cửu vị Tiên Nương Diêu Trì Cung.

    Trong lịch sử cơ bút của Đạo Cao Đài, Thất Nương là vị Nữ Tiên đến với nhóm Xây bàn đầu tiên hơn hết, để dùng thi văn tuyệt bút dẫn dắt quí Ngài Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư và Cao Hoài Sang vào đường đạo đức, với tên tạm mượn là Đoàn Ngọc Quế. (Xem chữ: Xây bàn, vần X)

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu:
    Thất Nương khêu đuốc đạo đầu,
    Nhờ người gợi ánh nhiệm mầu huyền vi.

    Thất Nương có nhiều kiếp giáng trần, nhưng hiện nay chỉ biết được 2 kiếp của Thất Nương: Một kiếp ở Trung Hoa và một kiếp ở Việt Nam.

    I. KIẾP SANH Ở TRUNG HOA.

    Thất Nương đầu kiếp trong một gia đình quan Đại Thần đương triều. Cô lớn lên trong sự giàu sang quyền quí, nhưng không giống như các tiểu thư đài các khác, Cô rất hiền hòa độ lượng. Tiếng tốt đồn vang, khiến cho một chàng thư sinh đem lòng ngưỡng mộ thầm yêu.

    Chàng thư sinh không dám thố lộ cùng ai, vì chàng thuộc gia đình dân giả, còn nàng là tiểu thư khuê các, con quan Đại Thần. Chàng chỉ biết im lặng ôm mối tình si tuyệt vọng.

    Cô chẳng hề hay biết, vẫn ngây thơ sống trong nhung lụa. Nhưng chẳng may Cô vắn số, mới vừa ở tuổi cập kê là bị bạo bịnh qua đời, dầu gia đình có rước lương y đến nhưng cứu Cô không kịp.

    Chàng thư sinh hay tin, như sét đánh ngang tai, ôm chặt mối tình tuyệt vọng, ngơ ngẩn như kẻ mất hồn, dần dần thân hình tiều tụy và cũng qua đời.

    Hồn chàng thư sinh phưởng phất bay về cõi thiêng liêng. Theo luật Thiên điều, dù vô tình hay cố ý, Cô cũng có quan hệ với oan hồn của chàng thư sinh, nên Cô phải tái kiếp một lần nữa để trả cái món nợ oan tình đơn phương đó.

    II. KIẾP SANH Ở VIỆT NAM.

    Hồn chàng thư sinh ấy đầu thai xuống trước, tại Chợ Lớn, trong một gia đình khá giả. Khi lớn lên, chàng được cha mẹ cho ăn học đầy đủ. Chàng rất chuyên cần học tập, nên học rất giỏi. Sau khi thi đậu xong bằng Tú Tài, cha mẹ cho chàng qua Pháp học Đại học Y khoa để sau nầy trở thành một Bác sĩ.

    Phần Cô Thất Nương, sau đó cũng tái kiếp xuống trần, đầu thai vào gia đình họ Vương ở Chợ Lớn. Cô sanh ngày 8-1-Canh Tý (1900) có tên là Vương Thị Lễ. Thân phụ của Cô là ông Vương Quan Trân làm Đốc Phủ, thân mẫu là bà Đỗ Thị Sang, con gái của quan Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương.

    Ông Vương Quan Trân là anh ruột của ông Vương Quan Kỳ. Ông Kỳ, sau nầy, được ông Phủ Ngô Văn Chiêu độ, nhập môn vào Đạo Cao Đài, được Đức Chí Tôn phong phẩm Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh. Hai ông Trân và Kỳ là con của ông Vương Quan Để và bà Huỳnh Thị Bảy. Bà Huỳnh Thị Bảy là con gái của ông Huỳnh Mẫn Đạt, còn ông Vương Quan Để là con của quan Thống Chế Vương Quan Hạc.

    Trước kia, ông bà Vương Quan Trân sanh con rất khó nuôi, nên phải ra tận kinh thành Huế, thỉnh lư hương cầu tự nơi Miếu Bà Cửu Thiên Huyền Nữ về thờ, mới có thai sanh ra Cô Vương Thị Lễ.

    Lớn lên, Cô Lễ theo học tại trường Trung Tiểu học Pháp Sainte Enfance tới bậc Trung học. Cô Lễ rất được cha mẹ thương yêu chiều chuộng, lại rất hiền hòa hiếu thảo, càng lớn càng đẹp. Đến tuổi cập kê, có nhiều gia đình danh giá đến dạm hỏi, nhưng Cô nhứt định chưa muốn có chồng. Cha mẹ Cô cũng chiều ý con, không hề ép uổng.

    Bỗng một hôm, Cô lâm bịnh bất ngờ. Người nhà vội rước lương y điều trị, nhưng bịnh tình không thuyên giảm.

    Hễ cha mẹ Cô nghe nơi nào có thầy hay thuốc giỏi thì liền tìm tới rước về để trị bịnh cho Cô, không kể tốn hao. Nhưng bịnh của Cô cũng không hết. Kịp hay tin có một bác sĩ học rất giỏi từ bên Pháp mới trở về Việt Nam, ông bà Vương Quan Trân tìm biết đó là con trai của một người quen cũ không thân lắm, nhưng thỉnh thoảng cũng có tới lui. Ông Bà đích thân đến chào người quen cũ ấy và hỏi thăm về cậu Bác sĩ, yêu cầu cậu Bác sĩ vui lòng đến xem mạch và trị bịnh cho con gái mình.

    Nhận thấy cậu Bác sĩ cũng có dáng khôi ngô, ông bà Vương Quan Trân mới nói rằng: Khi Bác sĩ trị bịnh cho con gái tôi hết bịnh rồi thì chúng tôi sẽ gả con gái cho Bác sĩ.

    Cậu Bác sĩ nghe vậy thì hơi đỏ mặt, vui vẻ nói:

    - Cháu xin cố gắng hết sức, còn việc kia, thì ba má cháu sẽ bàn tính với hai bác, nếu hai bác thương tình.

    Nói xong, cậu Bác sĩ xin phép cho người nhà hướng dẫn vào thăm bịnh nhân, nhưng liền đó, người giúp việc hớt hãi chạy ra báo cáo: Bà ơi! Cô làm sao lạ lắm, nghe Cô ực lên một tiếng rồi nằm im luôn, hai mắt nhắm nghiền.

    Mọi người chạy nhanh đến phòng của Cô. Vị Bác sĩ lật đật xem mạch, thấy mạch còn rất yếu, trong giây phút thì tắt hẳn. Vị Bác sĩ đứng yên lặng ngắm nhìn khuôn mặt xinh đẹp của Cô lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng, để nghe tim mình rung động bàng hoàng, giữa tiếng khóc thảm thiết của Bà Vương Quan Trân và những người thân yêu.

    Mối oan tình giờ đây đã giải xong, chỉ một lời nói thôi cũng đủ. Ngày Cô mất là ngày 25-10-Mậu Ngọ (dl 28-11-1918) hưởng dương được 19 tuổi.

    Mộ của Cô Vương Thị Lễ ở trong khuôn viên đất của gia đình Tổng Đốc Phương, thường gọi là Vườn Bà Lớn, ở gần Ngã Bảy Sài Gòn. Năm Mậu Thân 1968, mộ được lấy cốt và thiêu, lấy tro cất vào hủ để thờ. Đất ấy được trưng dụng để xây cất Chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở Quận 3 ngày nay.

    Năm Ất Sửu (1925), thời kỳ mới khởi sự Xây bàn để thông công với cõi vô hình, 4 Ngài: Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang, xây bàn đêm mùng 10-6-Ất Sửu (dl 30-7-1925) tại nhà Ngài Cao Hoài Sang gần Chợ Thái Bình Sài Gòn, Cô Vương Thị Lễ giáng bàn, mượn danh Đoàn Ngọc Quế, cho bài thi tự thuật như sau:

    THI:
    Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
    Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
    Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
    Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
    Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
    Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
    Dồn dập tương tư oằn một gánh,
    Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?

    Cũng trong năm Ất Sửu (1925), trong một đàn cơ khác, có mặt ông Vương Quan Trân, Cô Vương Thị Lễ giáng bàn, viết một bài thi cho ông Vương Quan Trân là thân sinh của Cô:

    THI:
    Cúi lạy thân sinh thứ lỗi con,
    Âm Dương tuy cách, hiếu tâm còn.
    Hồn quê níu nắm tình non nuớc,
    Phách quế náo nương dạ sắt son.
    Ác lặng hiên đoài già nhắc nhỏm,
    Nguyệt trầm non Thái trẻ thon von.
    Thấy nhau thêm tủi đường ly biệt,
    Đá nát xương tan nghĩa vẫn còn.

    Ngày 22-11-Đinh Hợi (1947), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa thuyết đạo tại Đền Thánh về Luật Công Bình Thiêng liêng, nói Ngọc Hư Cung có cho biết rằng:

    "Vào năm 1929, Cô Thất Nương (Vương Thị Lễ) hay tin thân phụ là Vương Quan Trân qui liễu, bị tội đọa nơi Diêm Cung. Cô Thất Nương lén bỏ Diêu Trì Cung đặng đi xuống Diêm Cung để thức tỉnh cha của Cô.

    Vì phế phận, nên Ngọc Hư Cung bắt tội Thất Nương, làm cho Diêu Trì Cung náo nhiệt, nhứt là Bát Nương, sợ cho Thất Nương bị tội ấy mà thất vị. Bát Nương mới giáng cơ báo tin cho Đức Phạm Hộ Pháp hay và yêu cầu Đức Hộ Pháp xin với Ngọc Hư Cung ân xá cho Thất Nương.

    Đức Hộ Pháp liền lập đàn cơ, Thất Nương giáng tỏ bày nỗi niềm hiếu đạo:

    THI:
    Hỏi ai có biết hiếu ra sao?
    Chín chữ cù lao giá thế nào?
    Hình vóc cảnh Tiên còn dính máu,
    Chơn thần nước Phật giữ thai bào.
    Nỗi riêng chưa vẹn thân từ phụ,
    Nghĩa nặng đeo đai phận má đào.
    Thà xuống Âm Cung chia khổ tội,
    Cha vầy, ai nỡ ngự đài cao!

    Đức Hộ Pháp đọc bài thi rồi thì xúc động từ tâm, nghĩ vì luật pháp quá nghiêm khắc, e rằng nơi mặt thế nầy không ai tránh khỏi tội. Cô Thất Nương vì chữ hiếu mà phải bị phạt, thế thì Luật Công Bình có lẽ còn có chỗ khuyết điểm chăng?

    Đức Hộ Pháp quyết định dâng sớ lên Đức Chí Tôn xin tội cho Thất Nương.

    Đức Chí Tôn nhận được tờ sớ, liền giao cho Đức Lý Thái Bạch và nói rằng: "Con coi, Tắc nó trách Thầy, ắt nó chưa hiểu rõ Luật Công Bình Thiên Điều thế nào, con cũng nên đến giải cho nó đặng hiểu."

    Vâng lịnh Đức Chí Tôn, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ nói cho Đức Hộ Pháp hiểu rõ và cho bài thi về Luật Công Bình Thiêng liêng:

    THI:
    Phải giữ chơn linh đặng trọn lành,
    Ngọc Hư toàn ngự Đấng tinh anh.
    Luật điều Cổ Phật không chừa tội,
    Hình phạt Chí Tôn chẳng vị tình.
    Chánh trực kinh oai loài giả dối,
    Công bình vừa sức kẻ chơn thành.
    Mũi kim chẳng lọt xưa nay hẳn,
    Biết sợ xin khuyên cẩn thận mình.
    LÝ GIÁO TÔNG "

    Trong bài Thuyết đạo của Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng tại Đền Thánh vào thời Tý ngày 15-12-Đinh Hợi (1947), có một đoạn Ngài Cao Tiếp Đạo nói về cái khổ của Thất Nương vì chữ Hiếu, trích ra như sau:

    "Cái khổ đó chưa ai tránh được, dầu cho bực Thần Thánh có thân hình cũng phải vào cảnh khổ đó. Chính Thất Nương cũng vì khổ đó, cho nên mới có để lời than, sau khi đã lãnh lịnh xuống cõi Âm quang độ con cái của Chí Tôn đang bị giam hãm nơi đó, lựa chỗ cho đầu thai. Thật là một ân huệ vô cùng vô tận của Đức Chí Tôn để độ tận con cái của Người vậy.

    Thất Nương vì hiếu, khi hay tin cha mẹ mắc tội nơi Phong Đô, liền bỏ Cung Diêu Trì, xuống đó độ rỗi nên bị Thiên đình bắt tội.

    Đã hai kiếp sanh khổ vì tình vì hiếu, nên sau khi Thất Nương được đặc ân của Ngọc Hư Cung xá tội, liền tình nguyện đến cõi Âm Quang độ rỗi các chơn hồn thất thệ, đặng trả nghĩa cho Thầy.

    Trước khi đi, trong một kỳ đàn, Thất Nương có đến từ giã và để lời than với Đức Hộ Pháp và một vài Chức sắc Hiệp Thiên Đài.

    Bài thơ ấy, tôi xin nhắc lại:

    THI:
    Hai kiếp đeo đai lắm nợ trần,
    Cái thân vì khổ bận cho thân.
    Niềm duyên đổ ngọc lan phòng nguyệt,
    Nỗi hiếu rơi châu tưới mộ phần.
    Giữ Đạo mong chờ ngày độc tịch,
    Bán mình quyết cứu độ song thân.
    Nước non càng ngắm càng thêm chạnh,
    Chạnh thảm khi mang mảnh xác trần.
    Thất Nương

    Bần tăng tả cảnh khổ trên đây để các bạn nhập tâm ghi nhớ.

    Thất Nương là một vị Nữ Phật thứ 7 trong hàng Cửu vị Nữ Phật mà còn không tránh khỏi khổ. Đó là bài học của tâm hồn trí não, nếu tránh được khổ thì trên con đường lập vị, chúng ta rất may duyên sẽ gặp đặng Đức Chí Tôn mà hằng ngày Người hằng trông ngóng."

    Trong số Cửu vị Tiên Nương Diêu Trì Cung (hay Cửu vị Nữ Phật), chỉ có Bát Nương và Thất Nương là thường giáng cơ dạy Đạo và cho thi văn nhiều nhất, kế đó là Lục Nương. Còn các vị Nữ Tiên khác thì ít khi giáng cơ.

  • Thất phách

    Thất phách

    七魄

    A: The seven enveloppes of the divine body.

    P: Les sept enveloppes du corps divin.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Phách: cái thể của chơn thần, giống như những lớp áo của chơn thần (Xác thân thiêng liêng).

    Thất phách là bảy cái thể của chơn thần. (Xem: Tam hồn)

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Các bạn có biết Phật Mẫu là ai chăng? Ngài dùng bảy nguơn khí tạo chơn thần ta, tức nhiên tạo Phách ta.

    Nhà Phật gọi là Thất phách, kỳ thật khí phách ấy làm chơn thần ta, tức là Nhị xác thân chúng ta. Khi chúng ta bỏ xác trần, xác thân thiêng liêng ấy vẫn tồn tại.

    Thất phách còn chỉ 7 cái luân xa của cơ thể con người.

    Đức Cao Thượng Phẩm nói: "Chơn khí tiết ra bởi 7 oan nghiệt mà người ta gọi là Thất phách. Phách cực âm là nơi xương cụt, Phách cực dương là nơi nê hoàn cung, còn Phách trung ương là thận.".......... "Phải biết rằng nếu để cho 1 trong 7 phách bị kích động, thì Hỏa Tam muội sẽ đốt cháy nơi đó, tức nhiên có điều nguy hiểm ngay, có khi hại đến tánh mạng nữa."

  • Thất pháp

    Thất pháp

    失法

    A: To lose the divine efficacity.

    P: Perdre l"efficacité divine.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Pháp: phép bí tích.

    Thất pháp là thực hành phép bí tích không đúng cách nên mất hiệu quả mầu nhiệm thiêng liêng.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Bắt ba ấn phải trụ thần, làm sao cho ấn ấy đừng thất pháp.

  • Thất phu chi dũng

    Thất phu chi dũng

    匹夫之勇

    A: The strenght of vulgar person.

    P: La force d"un homme vulgaire.

    Thất: Đứa, đơn lẽ. Phu: người đàn ông. Dũng: có sức mạnh. Thất phu là người đàn ông tầm thường.

    Thất phu chi dũng là cái sức mạnh của kẻ tầm thường, đó chỉ là sức mạnh của bắp thịt chớ không có mưu trí.

  • Thất sách

    Thất sách

    失策

    A: Impolitic.

    P: Impolitique.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Sách: kế hoạch.

    Thất sách là kế hoạch sai lầm làm hư việc.

  • Thất Thánh

    Thất Thánh

    七聖

    A: Seven Saints.

    P: Sept Saints.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Thánh: vị Thánh.

    Thất Thánh là bảy vị Thánh vào thời Phong Thần ở nước Trung hoa.

    Theo Truyện Phong Thần, 7 vị Thánh nầy vâng lịnh thầy xuống núi giúp Khương Thượng phò nhà Châu, đánh dẹp các Tiên Triệt giáo đang giúp vua Trụ, để diệt Trụ hưng Châu.

    Bảy vị nầy có đủ công đức vượt Bảng Phong Thần, vào trường Phong Thánh. Thất Thánh gồm:

    1. Lôi Chấn Tử.
    2. Lý Tịnh.
    3. Kim Tra.
    4. Mộc Tra.
    5. Na Tra.
    6. Dương Tiễn.
    7. Vi Hộ.

    Trên tấm diềm ở Bát Quái Đài phía Nam phái, có đắp tượng Thất Thánh trên những cụm mây lành năm sắc.

    Sau đây là sự tích của Thất Thánh viết theo Truyện Phong Thần.

    I. Lôi Chấn Tử:

    Tây Bá Hầu (sau là vua Châu Văn Vương) được lịnh của vua Trụ gọi về triều. Trên đường đến triều ca, khi qua núi Yên sơn thì gặp Trời đổ mưa tầm tã, lại nổ ra một tiếng sấm thật lớn dường như lở non rún đất, ai nấy đều thất kinh. Khi hết mưa, Tây Bá Hầu nói với các tướng hầu cận rằng:

    - Sấm lớn quá, chắc có tướng tinh ra đời. Các ngươi hãy đi tìm kiếm quanh đây xem sao.

    Các tướng không dám cãi, cứ đi quanh quẩn mà tìm. Xảy nghe tiếng con nít khóc, quân lính tìm tới thấy một đứa bé mới sanh, chắc đây là tướng tinh, nên bồng đứa bé đem trình Tây Bá.

    Tây Bá mừng rỡ, hỏi kỹ trước au, thấy thằng nhỏ mặt như nhụy đào, mắt như sao nháy, thì mừng lắm, nói:

    - Số ta có một trăm đứa con, mà đã sanh được 99 đứa rồi. Nay nuôi thêm thằng nhỏ nầy nữa thì đủ số 100. Tướng mạng của thằng nhỏ nầy ngày sau quí lắm, bây hãy bồng nó đi vô xóm đặng mướn vú nuôi dưỡng, đợi 7 năm nữa ta về ngang đây, ta sẽ rước nó.

    Tây Bá Hầu chưa đi tới xóm, thình lình gặp một Đạo sĩ đến bái Tây Bá Hầu nói rằng:

    - Chào Chúa Công.

    Tây Bá lật đật xuống ngựa đáp lễ, rồi hỏi:

    - Thầy ở động nào, núi nào, đến đây có việc chi?

    Đạo sĩ đáp:

    - Tôi ở động Ngọc Trụ, núi Chung Nam, hiệu là Vân Trung Tử, bởi nghe sấm nổ lớn, biết có vị tướng ra đời, nên đến đây tìm kiếm.

    Tây Bá truyền đem đứa bé lại cho Đạo sĩ xem. Vân Trung Tử bồng nó rồi nói rằng:

    - Tướng tinh đợi chừng nầy mới ra đời! Để cho tôi đem về núi nuôi dưỡng, chừng Chúa Công trở về, tôi sẽ trả lại cho.

    - Tôi cám ơn thầy, song lâu mới gặp, nên phải đặt tên cho nó để nhớ mà nhìn.

    - Trong sấm sanh ra, thì cứ theo đó mà đặt tên là Lôi Chấn Tử.

    Tây Bá khen phải, rồi để cho Vân Trung Tử bồng Lôi Chấn Tử đem về động.

    Bảy năm sau, Vân Trung Tử biết Tây Bá Hầu đã mãn hạn ngồi tù ở Dũ Lý, nhưng còn bị tai ương một chút, nay đã đúng kỳ giao ước, nên phải cho Lôi Chấn Tử xuống núi cứu cha, liền sai Kim Hà Đồng Tử gọi Lôi Chấn Tử vào và bảo:

    - Nay cha ngươi đương mắc nạn, phải đi cứu cho mau.

    Lôi Chấn Tử hỏi:

    - Thưa thầy, chẳng hay cha của con là ai?

    Vân Trung Tử thuật hết các việc đã xảy ra và nói:

    - Cha nuôi của ngươi là Tây Bá Hầu đang mắc nạn ở ải Lâm Đồng. Ngươi đi ra núi Hổ Nhi kiếm đồ binh khí đặng thầy dạy võ nghệ cho mà xuống núi cứu cha.

    Lôi Chấn Tử vâng lời thầy, đi đến núi Hổ Nhi tìm binh khí, chẳng thấy chi hết, mà lại thấy một cây hạnh có hai trái chín đỏ rất ngon, liền leo lên hái, ăn thử một trái cảm thấy rất ngon, liền ăn hết hai trái.

    Ăn vừa xong thì hai bên sườn bắt ngứa ngáy, thấy mọc ra hai cánh lớn như cánh chim đại bàng. Lôi Chấn Tử thấy vậy rụng rời, ngã lăn bất tỉnh. Một hồi, tỉnh dậy, rờ sóng mũi quá cao, nanh ló ra khỏi môi, mắt lồi khỏi khóe, mặt xanh tóc đỏ, mình cao 2 trượng, lưng lớn 10 vừng. Lôi Chấn Tử không biết vì sao mà mình lại biến hình quái lạ như vậy.

    Vân Trung Tử xem thấy, vỗ tay cười lớn, chỉ Lôi Chấn Tử rồi ngâm bài thi:

    Ăn hai hạnh đỏ sanh đôi cánh,
    Cầm một gậy vàng giúp đế vương.
    Bay khắp đất trời làm sấm gió,
    Biết bao phép tắc định Âm Dương.
    Mắt lồi sáng giới đôi tròng bạc,
    Tóc dửng phất phơ một sắc hường.
    Tướng tợ Lôi Công, oai tợ sét,
    Phò cha dựng nước, dẹp nhà Thương.

    Vân Trung Tử dắt Lôi Chấn Tử vào vườn đào, ban cho một cây gậy vàng, dạy cho võ nghệ tinh thông, phép tắc mầu nhiệm, rồi lấy son viết chữ PHONG bên cánh trái, và chữ LÔI bên cánh phải. Vân Trung Tử bảo:

    - Ngươi mau qua ải Lâm Đồng cứu cha là Tây Bá Hầu, song chẳng đặng giết tướng của nhà Trụ, cũng không đặng phép theo cha, phải trở lại núi Chung Nam đặng học thêm cho xong phép tắc.

    Lôi Chấn Tử tạ ơn thầy, đi ra khỏi động, vỗ hai cánh PHONG LÔI, tức thì bay tới ải Lâm Đồng trong giây lát, thấy một người cỡi ngựa chạy trốn, nghĩ chắc là cha mình đang mắc nạn, nên gọi lớn: "Ông có phải là Tây Bá Hầu đó chăng?"

    Tây Bá nghe tiếng, ngó lên núi, thấy một người như quỉ sứ, thì quá sợ hãi, nghĩ sao người nầy lại biết mình là Tây Bá, lại nghĩ mình đang lúc cùng đường thì còn sợ gì nữa, liền cho ngựa chạy lên núi, đến chỗ Lôi Chấn Tử đứng, hỏi:

    - Tướng quân là ai mà lại biết tôi là Tây Bá Hầu?

    Lôi Chấn Tử nghe rõ liền quì xuống lạy vua cha và thuật rõ mọi việc. Tây Bá Hầu mới biết đó là Lôi Chấn Tử biến thân, bây giờ là học trò Tiên, thì rất vui mừng.

    Liền đó, Lôi Chấn Tử bảo cha leo lên lưng mình, nhắm mắt lại, để Lôi Chấn Tử bay đưa cha qua khỏi năm ải, trở về Tây Kỳ, rồi từ biệt cha mà trở về núi Chung Nam theo đúng lời Thầy đã dặn.

    Thời gian sau, một hôm, Vân Trung Tử đang ngồi trên giường Bích Vân trong động Ngọc Trụ núi Chung Nam, bỗng nhớ đến việc Thái Sư Văn Trọng đem binh đánh Tây Kỳ, nên gọi Lôi Chấn Tử đến bảo:

    - Ngươi hãy xuống Tây Kỳ, ra mắt Võ Vương, và Sư thúc Tử Nha, đặng phò Châu đánh Trụ mà lập công danh.

    Lôi Chấn Tử lạy thầy rồi bay xuống Tây Kỳ, xảy thấy binh Trụ đang thua chạy, liền bay xuống đánh tiếp, bị tướng Trụ là Tần Huờn, cũng có đôi cánh biết bay, nên bay lên nghinh chiến.

    Tần Huờn đánh không lại nên phải bay đi trốn.

    Lôi Chấn Tử trở qua dinh Châu, ra mắt Võ Vương Cơ Phát và Sư thúc Tử Nha.

    Trước khi khởi sự đánh vào năm ải chinh phạt vua Trụ, Lôi Chấn Tử hỏi thầy về việc chinh chiến sắp tới thế nào, Vân Trung Tử ngâm rằng:

    Rõ ràng trái hạnh sanh đôi cánh,
    Bảo hộ nhà Châu đặng tám trăm.

    II. Lý Tịnh, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra:

    1. Giới thiệu tổng quát:

    Lý Tịnh vốn là học trò của Độ Ách Thiên Tôn, ở núi Côn Lôn. Khi còn nhỏ, Lý Tịnh đi tu, sau bị đuổi về, ra phò vua Trụ, làm chức Tổng Binh, trấn ải Trần Đường. Vợ Lý Tịnh là Ân Phu nhân, sanh đặng hai trai vạm vỡ là Kim Tra và Mộc Ta. Nay có nghén lần thứ ba, lạ lắm, ba năm rưỡi mà chưa khai hoa. Đêm kia nhằm giờ Tý, Ân Phu nhân chiêm bao, thấy một Đạo sĩ râu dài đi thẳng vào phòng, cầm một trái châu sáng, liệng vào bụng bà và nói: Phu nhân mau lãnh con báu.

    Phu nhân giựt mình thức dậy, thì chuyển bụng, sanh ra một cái bọc điều lớn lắm. Lý Tịnh cả kinh, dùng gươm rạch bọc ra, liền có một đứa bé trong bọc nhảy ra, mình chiếu hào quang, mặt như giồi phấn, tay cầm Càn Khôn quyện, lưng buộc dây Hỗn Thiên lăng. Ấy là Linh Châu Tử đầu thai xuống đó.

    Hôm sau, Thái Ất Thiên Tôn là vị Tiên ở động Kim Quang, núi Càn Nguơn, đến nói với Lý Tịnh:

    - Nghe tướng quân mới sanh con quí, tôi đến mừng, xin cho tôi xem thử.

    Lý Tịnh truyền thể nữ ẵm công tử ra ngoài. Thái Ất bồng thằng bé và hỏi Lý Tịnh:

    - Sanh vào giờ nào vậy?

    - Vào giờ Sửu.

    - Không tốt, vì sanh vào giờ ấy thì phạm sát giới 1700 mạng. Tướng quân có đặt tên cho nó chưa?

    - Chưa.

    - Để tôi đặt tên cho nó, sau nó sẽ là đệ tử của tôi. Tướng quân có đặng mấy công tử?

    - Tôi có ba trai: thằng lớn tên là Kim Tra, theo học với Văn Thù ở núi Ngũ Long động Vân Tiêu; thằng thứ nhì tên là Mộc Tra, theo học với Phổ Hiền ở núi Cửu Cung động Bạch Hạc; còn thằng thứ ba là nó đó. Thầy muốn thâu nhận nó làm đệ tử thì thầy tự ý đặt tên.

    - Tôi đặt tên cho nó là Na Tra.

    Sau đó, Thái Ất kiếu ra về.

    2. Na Tra giết Lý Lương, Ngao Bính, Thể Vân.

    Một hôm, Na Tra ra bờ sông tắm chơi, ngồi trên bực thạch, giặt dây lụa đỏ (Hỗn Thiên lăng) làm nước hóa màu hồng, cả sông nổi sóng, làm lâu đài của Long Vương rung rinh. Long Vương Ngao Quảng sai tướng Dạ Xoa Lý Lương lên mé sông xem có việc chi.

    Lý Lương vâng lịnh đi lên, thấy Na Tra đang giặt dây lụa đỏ, hào quang sáng ngời, hỏi:

    - Thằng nhỏ kia, mày giặt thứ gì mà làm cho nước sông đỏ tươi, lâu đài rung chuyển?

    Na Tra thấy dưới nước trồi lên một tướng mặt xanh tóc đỏ, nanh bạc mắt vàng, tay xách búa đồng, tướng như quỉ sứ, ăn nói lỗ mãng thì đáp rằng:

    - Mầy là thằng nào? Lâu đài của bây như đồ thợ mã, mà nói với ai?

    Lý Lương tức giận, nhảy đến chém Na Tra.

    Na Tra lấy Càn Khôn quyện liệng đùa, đánh bể đầu Lý Lương chết tốt. Na Tra nói:

    - Báo hại dơ Càn Khôn quyện của ta.

    Nói rồi lấy Càn Khôn quyện chao qua chao lại trong nước để rửa cho sạch, hào quang của nó làm cho lâu đài của Long Vương đổ sập nghiêng ngửa. Ngao Quảng thất kinh, xảy có quân vào báo:

    - Lý Lương bị một thằng nhỏ đánh bể đầu chết rồi.

    Thái Tử Ngao Bính vội bước ra xin đi lên bắt thằng nhỏ đó đem về Long Cung trị tội. Ngao Bính nai nịt, cầm khí giới nhảy vọt khỏi mặt nước, thấy Na Tra đang ngồi đó thì nạt lớn:

    - Ai đánh chết tướng Dạ Xoa của ta?

    - Tao đây chớ ai. Tao là Na Tra, con của Tổng Binh Lý Tịnh. Tao đang tắm chơi, can cớ chi thằng chết đó, nó tưởng tao là củi nên vác búa lại bửa. Tao đánh chết nó đáng đời.

    Ngao Bính tức quá, tiến tới lấy kích đâm liền.

    Na Tra đỡ vẹt kích ra rồi nói rằng:

    - Mầy là ai? Xưng tên họ ra cho tao biết.

    - Tao là Thái Tử Ngao Bính, con của Đông Hải Long Vương Ngao Quảng đây.

    - Hèn chi mà mầy làm phách. Tao nói thiệt, nếu chọc tao, thì tao lột da đến cha mầy nữa.

    Ngao Bính quá tức giận, cầm kích đâm tới. Na Tra lẹ tay ném Hỗn Thiên lăng trói Ngao Bính lại, rồi đưa Càn Khôn quyện đập một cái, Ngao Bính chết liền, hiện nguyên hình là một con rồng nhỏ. Na Tra nói:

    - Để tao rút gân mầy đem về cha tao buộc giáp chơi.

    Nói rồi làm liền, xong mặc lại quần áo quay trở về ải. Gia đinh thấy các việc vừa qua, vô cùng hoảng sợ, bò lết theo sau Na Tra, cùng nhau về ải.

    Một ngày khác, Na Tra ra hoa viên chơi, thấy một cái lầu tại ải rất cao, bèn leo lên đó chơi và hóng mát, thấy trên đó có đặt một cây cung lớn với 3 mũi tên. Na Tra nghĩ bụng, thầy mình bảo sau nầy mình làm chức Tiên Phuông, phò nhà Châu diệt Trụ, nay thử tập bắn cung tên. Nói rồi liền lắp tên vào, giương cung bắn ra một mũi tên về phía Tây Nam. Ngờ đâu, nó là một cây cung Thần của vua Huỳnh Đế thuở xưa đánh Xi Vưu, còn dư 3 mũi tên Thần, gọi là Chấn Thiên Tiễn, khi bắn, phát ra tiếng sấm vang Trời, lâu nay không ai giương cung nầy nổi, nên để tại lầu cao làm báu vật trấn ải.

    Na Tra bắn xong, nghe sấm nổ thì hoảng kinh, buông cung ra, không dám bắn tiếp, và lật đật leo xuống lầu.

    Ngờ đâu, mũi tên bay tới núi Khô Lâu, động Bạch Cốt, giết chết Thể Vân đồng tử, học trò của Bà Thạch Cơ, một vị Tiên Triệt giáo.

    Thạch Cơ ra xem, thấy đề là Chấn Thiên Tiễn, là biết của Lý Tịnh ở ải Trần Đường, liền cỡi chim loan xanh xuống ải bắt Lý Tịnh về động tra xét. Lý Tịnh xem thấy Chấn Thiên Tiễn bắn chết Thể Vân thì thất kinh, van nài Thạch Cơ:

    - Cung Càn Khôn và Chấn Thiên Tiễn là vật linh, lâu nay không ai bắn nổi, chẳng qua tôi mắc vận suy, tai rơi họa gởi, xin cho tôi về ải tra xét ai bắn thì chịu chết cũng cam lòng.

    Thạch Cơ nói:

    - Cho ngươi trở về tra xét, kẻo kêu nài oan ức. Nếu truy xét không ra đứa bắn thì ta kiện đến thầy ngươi.

    Lý Tịnh từ tạ, độn thổ trở về ải, điều tra biết rõ Na Tra có bắn, kinh hãi vô cùng, đòi Na Tra ra nói:

    - Mầy đã lấy cung Càn Khôn bắn chết Thể Vân là học trò của Bà Thạch Cơ, Bà bắt tội tao, mầy phải đến Thạch Cơ mà chịu tội.

    - Lý Tịnh dẫn Na Tra lên cung Bạch Cốt, gặp Thạch Cơ. Thạch Cơ tha cho Lý Tịnh trở về ải, còn Bà bắt Na Tra, nhưng Na Tra đâu dễ cho bắt, lấy Càn Khôn quyện và Hỗn Thiên lăng đánh với Thạch Cơ, bị Thạch Cơ thâu hết phép báu. Na Tra liền bỏ chạy về động Kim Quang cầu thầy cứu viện.

    Thái Ất ra gặp Thạch Cơ, bảo rằng:

    - Nếu Bà muốn bắt Na Tra thì hãy lên Cung Ngọc Hư yết kiến Giáo Chủ Nguơn Thỉ là thầy ta, nếu thầy ta dạy ta phải giao nó cho Bà thì ta mới dám giao, vì Na Tra vâng lịnh Ngọc Hư ra đời phò chúa Thánh.

    Thạch Cơ thấy không xong, liền ra tay đánh Thái Ất, bị Thái Ất dùng Cửu Long Thần Trảo đốt chết, hiện nguyên hình là một cục đá xanh.

    3. Na Tra nhờ thầy cứu, nhập xác bông sen.

    Na Tra độn thổ về ải Trần Đường, thấy cha và mẹ đang bị Long Vương bốn biển: Ngao Quảng, Ngao Khâm, Ngao Thuận, Ngao Nhuận, bắt trói làm tội. Na Tra hét lớn:

    - Ta đã đánh chết Lý Lương và Ngao Bính, thì một mình ta thế mạng mà thôi, sao lại bắt cha mẹ ta?

    Nói xong, Na Tra liền ngó ngay Ngao Quảng nói tiếp:

    - Mạng ta đây chẳng nhỏ, ta vốn là Linh Châu Tử vâng lịnh Ngọc Hư đầu thai xuống thế để giúp Thánh Quân. Nay ta mổ bụng, lóc thịt, chặt xương mà trả cho song thân ta, để khỏi di lụy đến cha mẹ ta, ngươi có bằng lòng không? Nếu không chịu thì đồng lên Thiên Cung mà cáo với Ngọc Hoàng xem ai phải ai quấy cho biết.

    Ngao Quảng nghe ra liền nói:

    - Đạo làm con như vậy thiệt là có hiếu.

    Nói rồi liền mở trói cho Lý Tịnh và Ân Phu nhân.

    Na Tra lấy gươm ra, tay mặt chặt cánh tay trái, mổ bụng lôi ruột ra, lóc thịt, máu ra lai láng, chết liền.

    Bốn vị Long Vương thấy Na Tra làm y theo lời, chịu chết nên lui hết. Ân Phu nhân khóc lóc, rồi liệm xác Na Tra.

    Hồn Na Tra đêm ấy về báo mộng cho mẹ, yêu cầu mẹ lập cho một cái miểu ở núi Túy Bình, cách ải Trần Đường 40 dặm, để nhờ hương khói cho linh hồn mau cứng cát.

    Được như vậy nửa năm, một hôm Lý Tịnh dẫn quân đi qua núi ấy, thấy thiên hạ đến dâng hương ở một cái miểu rất đông, tiếng đồn nơi miểu có ông Thần linh hiển lắm, ai cầu gì được nấy. Lý Tịnh vào xem thấy đó là miếu thờ Na Tra, có hình cốt y như người thật. Lý Tịnh nổi giận nói: Khi sống báo hại cha mẹ đủ thứ, khi chết lại báo hại dân chúng nữa.

    Nói rồi, Lý Tịnh đập phá cốt tượng, sai lính đốt miếu, lửa cháy tiêu tan.

    Hồn Na Tra không nơi nương tựa, bay về động Kim Quang báo cáo tất cả các việc với thầy.

    Thái Ất toán biết Khương Thượng sắp sửa ra mặt giúp nhà Châu, mà Na Tra chưa hiện hình đặng thì làm sao nên việc. Nghĩ rồi, bèn sai Kim Hà đồng tử đi hái 2 cái bông sen lớn và 3 lá sen còn nguyên cọng.

    Thái Ất liền bẻ các cọng sen thành 360 khúc để làm xương, lấy các cánh sen đắp lên làm thịt, đắp phủ bên ngoài 3 lá sen làm da, để một hột linh đơn vào giữa, rồi họa phù niệm chú, bắt vía thâu hồn Na Tra xô nhập vào hình sen, hét lớn: "Na Tra chưa sống lại còn đợi chừng nào?"

    Xảy nghe một tiếng ư, có một người từ hình sen trổi dậy, mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son, con mắt có ngời, bề cao 16 thước. Ấy là Na Tra nhập xác bông sen đó.

    Na Tra liền lạy thầy tạ ơn tái tạo.

    Sau đó, Thái Ất dạy thêm cho Na Tra các môn võ nghệ, phép tắc, rồi truyền cho Na Tra hai bánh xe Phong Hỏa, đặng thế cho ngựa đỡ chơn, và các phép báu là: Càn Khôn quyện, Hỗn Thiên lăng, và một cục Kim Chuyên.

    4. Na Tra xuống núi giúp Tử Nha:

    Lúc ấy, tướng của vua Trụ là Trương Quế Phương đem binh chinh phạt Tây Kỳ, đánh thắng liên tiếp mấy trận, vì Quế Phương có tà thuật.

    Thái Ất đang ngồi trên giường Bích Du, động lòng chẳng an, bèn đánh tay biết rõ, liền gọi Na Tra tới bảo:

    - Nay ngươi phải xuống Tây Kỳ mà giúp Sư thúc của ngươi là Tử Nha đặng lập công danh. Nay lần lượt có 36 đạo binh đến đánh phá Tây Kỳ không hở, ngươi hãy rán hết lòng giúp Sư thúc và phò tá Minh Quân.

    Na Tra vui mừng khoái chí vì được đi đánh giặc, vội lạy thầy, rồi nổi xe Phong Hỏa đi xuống Tây Kỳ nhanh như chớp, vào Tướng phủ ra mắt Khương Thượng Tử Nha. Tử Nha rất mừng vì có tướng tài đến giúp, liền ra binh đánh lui được Trương Quế Phương.

    5. Kim Tra xuống núi:

    Vương Ma và Dương Sum là hai Tiên Triệt giáo đến giúp vua Trụ đánh Tử Nha. Vương Ma rượt Tử Nha và liệng Tử Nha một trái Khai Thiên Châu nhằm lưng mà thác. Con Tứ Bất Tướng cũng sa xuống đứng cạnh xác của Tử Nha để giữ thây. Vương Ma giục thú bay đến định cắt lấy thủ cấp của Tử Nha, xảy thấy có Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn ở động Vân Tiêu dẫn theo Kim Tra chờ sẵn ở đó. Văn Thù nói:

    - Vương Đạo hữu không nên giết Tử Nha. Bần đạo vâng lịnh Ngọc Hư Cung đợi ở đây lâu lắm, bởi có 5 việc như vầy:

    · Một là khí số Thành Thang đã hết.

    · Hai là Chơn Chúa Tây Kỳ đã ra đời.

    · Ba là đạo Xiển giáo của ta phải phạm sát giới.

    · Bốn là Tử Nha đặng hưởng phước giàu sang dưới thế.

    · Năm là Tử Nha thế Ngọc Hư Cung mà Phong Thần.

    Đạo hữu lâu năm tu theo Triệt giáo, há không nhớ đôi liễn trên Cung Bích Du của Thông Thiên Giáo Chủ hay sao?

    Đóng cửa tụng Huỳnh Đình, thiệt có số thành ngôi Chánh quả,

    Tách mình qua Tây thổ, là có tên đứng Bảng Phong Thần.

    Tuy Đạo hữu đánh chết Tử Nha, nhưng còn có thể cứu sống được. Nếu Đạo hữu nghe lời ta khuyên mà trở về Cửu Long Đảo thì rất tốt, bằng cãi lời ta, sau chớ ăn năn.

    Vương Ma nổi giận hét lớn:

    - Văn Thù chớ có khoe tài. Ngươi với ta cùng đồng một thể. Ngươi có Giáo chủ, ta không có Giáo chủ sao?

    Dứt lời, Vương Ma liền chém tới. Kim Tra đứng sau lướt lên đỡ vẹt đường kiếm của Vương Ma, đồng thời Văn Thù dùng Độn Long Thung, vật báu của Phật, kêu là Thất bảo Kim liên, bắt lấy Vương Ma. Kim Tra chém Vương Ma một nhát, hồn Vương Ma bay lên đài Phong Thần, có Bá Dám cầm phướn Bá Linh ra rước vào.

    Văn Thù thâu Độn Long Thung, lạy về núi Côn Lôn mà vái rằng: Đệ tử phạm sát sanh, xin cam thọ tội.

    Lạy rồi truyền Kim Tra cõng Tử Nha lên núi đặng đổ thuốc kim đơn cứu sống. Tử Nha tỉnh dậy, cảm tạ Văn Thù.

    Khi ấy Văn Thù trao Độn Long Thung cho Kim Tra và dặn rằng: "Ngươi hãy theo sư thúc Tử Nha mà xuống Tây Kỳ hết lòng trợ chiến."

    Kim Tra từ tạ thầy rồi đỡ Tử Nha lên lưng Tứ Bất Tướng, đồng trở lại Tây Kỳ.

    6. Mộc Tra xuống núi:

    Lý Hưng Bá là Tiên Triệt giáo ở Cửu Long Đảo, đến trợ giúp Trương Quế Phương đánh Tử Nha, bị thất trận, chạy đi báo với Thái Sư Văn Trọng. Giữa đường, Lý Hưng Bá gặp một Đạo đồng đón lại nói rằng:

    - Ta là Mộc Tra, học trò của Phổ Hiền Chơn Nhơn ở núi Cửu Cung, động Bạch Hạc. Nay ta vâng lịnh thầy ta đón bắt Lý Hưng Bá nạp cho Tử Nha lãnh thưởng.

    Lý Hưng Bá cười rằng:

    - Con nít khi ta tới nước!

    Nói rồi lấy giản đánh liền. Mộc Tra lấy cặp gươm Ngô Câu, một cây trống, một cây mái, đón đánh, giết được Lý Hưng Bá, chặt đầu rồi đem chôn xác, xong độn thổ qua Tây Kỳ, vào ra mắt Tử Nha, thuật rõ các việc.

    Tử Nha vui mừng, kêu ba anh em: Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra đến khen rằng:

    - Ba anh em học trò Tiên tài giỏi phi thường, đồng phò Chúa Thánh, nêu danh bốn biển, để tiếng muôn đời.

    7. Lý Tịnh xuống Tây Kỳ phò Châu:

    Công Chúa Long Kiết giúp Tử Nha thâu hết các phép của La Tuyên và đánh La Tuyên chạy dài. La Tuyên chạy đến một ngọn núi kia thì nghe một người ca rằng:

    Lánh chốn hồng trần khỏi thị phi,
    Xưa từng áo mão ở thành trì.
    Kích dài trượng tám, người kiêng sức,
    Tháp nặng ngàn hai, cọp khiếp uy.
    Ẩn mặt trước còn nương thạch động,
    Trổ tài nay mới xuống Tây Kỳ.
    Biết thời Trụ mạt, Châu đương phát,
    Cái mạng La Tuyên cũng hiểm nguy.

    La Tuyên nghe ca, ngó lại thấy một người đội mão kim khôi, mặc đạo phục, tay cầm kích dài, liền hỏi rằng:

    - Ngươi là ai mà dám nói phách như vậy?

    Người ấy đáp:

    - Ta là Lý Tịnh, nay xuống Tây Kỳ giúp Tử Nha lấy 5 ải. Ta không có lễ chi ra mắt, nên mượn cái đầu của ngươi. La Tuyên nổi giận, cầm gươm chém liền. Lý Tịnh quăng Huỳnh Kim Bửu Tháp lên kêu lớn.

    - Bớ La Tuyên, ngày nay ngươi khó trốn.

    La Tuyên đỡ không kịp, bị tháp sa xuống bể đầu.

    Lý Tịnh giết La Tuyên xong, liền độn thổ đi qua Tây Kỳ ra mắt Tử Nha. Bốn cha con đồng phò Châu diệt Trụ.

    8. Khởi đánh năm ải:

    Trong Lễ đăng đàn bái tướng, Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn an ủi Tử Nha, các vị Đại Tiên rót rượu tiễn hành, còn các học trò hỏi thầy mình tiến trình chinh chiến lành dữ thế nào?

    - Kim Tra lạy Văn Thù hỏi. Văn Thù ngâm rằng:

    Đã sẵn có công về tám cõi,
    Lo chi không kế đánh năm thành.

    - Na Tra cũng lạy Thái Ất cầu hỏi. Thái Ất ngâm rằng:

    Khi vào Tỵ Thủy càng thêm phép,
    Mới biết liên hoa lại hóa hình.

    - Mộc Tra lạy Phổ Hiền cầu hỏi. Phổ Hiền ngâm:

    Gươm báu Ngô Câu là phép mạnh,
    Đường trường quan ải dễ ai ngăn.

    - Lý Tịnh lạy Đức Nhiên Đăng cầu hỏi. Nhiên Đăng nói: Ngươi lại khác hơn người ta nữa, rồi ngâm:

    Thành luôn vừa xác về Tiên cảnh,
    Chẳng những phần hồn đến Ngọc Kinh.

    III. Dương Tiễn:

    Lúc nầy Tử Nha và Võ Vương còn đang bị Ma Gia Tứ Tướng vây khổn nơi Tây Kỳ gần giáp một năm, chưa phân thắng bại. Xảy thấy quân vào báo với Tử Nha:

    - Có một ông Đạo đến xin vào ra mắt.

    Tử Nha liền cho mời vào, thì thấy một Đạo sĩ đội mão Phiến Vân, mặc áo Bát Quái, đi giày cỏ, buộc giải tơ, đến làm lễ ra mắt Tử Nha và thưa rằng:

    - Đệ tử họ Dương tên Tiễn, học trò của Ngọc Đảnh Chơn Nhơn, vâng lịnh thầy xuống núi đến hầu Sư thúc.

    Tử Nha vui mừng không xiết, vì biết Dương Tiễn rất tài giỏi, có nhiều mưu lạ, và có nhiều phép biến hóa không lường, kêu các tướng đến giới thiệu cho biết mặt, rồi dẫn Dương Tiễn đến ra mắt Võ Vương.

    Trước khi khởi sự Chinh Đông, đánh Ngũ quan, diệt vua Trụ, Dương Tiễn lạy thầy là Ngọc Đảnh Chơn Nhơn, hỏi việc chinh chiến sắp tới thế nào. Ngọc Đảnh Chơn Nhơn đáp:

    - Ngươi khác với người ta xa lắm.

    Nói rồi ngâm rằng:

    Tập luyện huyền công, ai sánh kịp,
    Tung hoành thế giới, bực nào hơn.

    Dương Tiễn nhờ có Thất thập nhị Huyền công (72 phép biến hóa), nên đã giúp Tử Nha rất đắc lực, tạo nhiều kỳ công.

    IV. Vi Hộ:

    Lữ Nhạc là Tiên Triệt giáo, bị Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Dương Tiễn, đánh cho bại tẩu, cùng với học trò là Dương Văn Huy chạy đến một ngọn núi, định ngồi xuống nghỉ mệt, thì gặp một người nửa Tiên nửa tục, mình mặc áo Đạo, đầu đội Kim khôi, tay cầm Giáng Ma Xử, vừa đi vừa ca.

    Lữ Nhạc đón lại hỏi:

    - Đạo sĩ là ai, đi đâu đó?

    Người ấy đáp rằng:

    - Ta họ Vi tên Hộ, học trò của Đạo Hạnh Thiên Tôn ở núi Kim Đỉnh, tại động Ngọc Ốc, vâng lịnh thầy ta xuống Tây Kỳ giúp Sư thúc Tử Nha đánh Ngũ quan phạt Trụ, nay thuận đường qua đây đặng bắt thầy trò Lữ Nhạc mà lập công.

    Dương Văn Huy nghe nói thì nổi giận thét:

    - Khen mi cả gan dám lớn lối.

    Thét vừa dứt thì rút kiếm chém. Vi Hộ cười rằng:

    - Nói vậy thì may lắm, không dè lại gặp thầy trò Lữ Nhạc tại đây, thật tiện cho ta, khỏi mất công tìm kiếm.

    Đánh nhau được năm hiệp, Vi Hộ quăng Giáng Ma Xử lên để đánh Dương Văn Huy. Có bài thơ khen Vi Hộ:

    Trong lò Bát Quái luyện hèn lâu,
    Chày Giáng Ma nầy rất nhiệm mầu.
    Vi Hộ ngày sau thành Hộ Pháp,
    Văn Huy nay gặp nát tan đầu.

    Cây Giáng Ma Xử như cái chày nện vải mà luyện pháp rất hay, cầm trên tay thì nhẹ như bông, đánh nhằm người thì nặng như núi. Giáng Ma Xử của Vi Hộ đánh Dương Văn Huy bể đầu chết liền, linh hồn bay lên Đài Phong Thần.

    Lữ Nhạc thấy học trò đã chết, nổi giận hét lớn:

    - Ngươi dám khi ta.

    Nói rồi liền đưa gươm chém Vi Hộ. Đánh đặng 7 hiệp, Vi Hộ cũng quăng Giáng Ma Xử lên cao, Lữ Nhạc biết nguy, độn thổ trốn mất.

    Vi Hộ thâu Giáng Ma Xử, đi qua Tây Kỳ vào ra mắt Tử Nha, thuật lại các việc. Tử Nha rất mừng vì có thêm tướng tài giúp sức đánh Ngũ quan.

    Trước khi khởi hành đi đánh Ngũ quan, Vi Hộ lạy thầy là Đạo Hạnh Thiên Tôn hỏi về bước đường chinh chiến sắp tới, Đạo Hạnh Thiên Tôn đáp:

    -Ngươi phò Sư thúc Tử Nha đi đánh Mạnh Tân không can chi mà ngại.

    Nói rồi ngâm rằng:

    Dẫu bao nhiêu bạn tu hành kỹ,
    Có một mình ngươi quả vị cao.

    Quả thật về sau, Vi Hộ đắc quả Phật Hộ Pháp, gọi là Vi Hộ Pháp, hộ giá Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Vi Hộ Pháp đầu kiếp xuống trần vào nhà họ Phạm, tên là Phạm Công Tắc, để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo. (Xem bài Thánh giáo ở phía sau của Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tiết lộ cho biết điều đó.)

    V. Thất Thánh trở về núi tu luyện:

    Bảy vị Thánh, sau khi giúp Tử Nha thành công, phò Võ Vương, diệt vua Trụ, bình định thiên hạ, và Tử Nha vâng sắc chỉ của Đức Chưởng giáo Nguơn Thủy phong Thần các tướng tử trận xong, Thất Thánh đồng vào tâu với Võ Vương:

    - Chúng tôi là người ở núi non, vâng lịnh thầy xuống giúp Bệ hạ. Nay nước nhà được thái bình, chúng tôi xin trở về núi tu hành, còn việc phú quí, chúng tôi không muốn.

    Võ Vương phán rằng:

    - Trẫm nhờ các khanh tài cao phép lạ, công khó trí dày, mới cứu được nước được dân. Nay thái bình, các khanh không chịu hưởng giàu sang, Trẫm nỡ nào để các khanh về núi.

    Bảy người đồng tâu:

    - Chúng tôi đội ơn Bệ hạ, nhưng không dám cãi lời thầy, vả lại lòng tu còn nặng, không có ý hưởng tước quyền, xin Bệ hạ cho chúng tôi toại nguyện.

    Võ Vương biết không thể nào lưu Thất Thánh lại được, nên buồn bã nói:

    - Trước khi khởi binh, những trung thần nghĩa sĩ như mây rợp đất, thế mà sau cuộc chiến chinh, nửa đường bỏ mạng rất nhiều, Trẫm lấy làm thảm thiết. Nay các khanh đòi rời Trẫm, Trẫm không thể ngăn được, vậy xin đợi Trẫm tổ chức một tiệc tiễn hành, các khanh lợi dụng lúc Trẫm thật say mà ra đi để Trẫm bớt đau lòng.

    Hôm sau, tiệc dọn tại Trường đình, bảy người đều đủ mặt. Võ Vương cùng các quan ra đón. Bảy người tiếp giá. Võ Vương nắm tay từng người, nói rằng:

    - Các vị nay về núi, tức là bực Thần Tiên, không còn ràng buộc đạo vua tôi nữa. Vậy chớ nên khiêm nhường, hãy cùng Trẫm đồng bàn uống thật say một bữa.

    Bảy người tạ ơn, đồng ngồi dự tiệc. Thiên hạ nghe đồn Thiên tử đưa Thần Tiên về núi, nên kéo đến xem rất đông.

    Mãn tiệc, bảy người từ giã. Võ Vương rưng rưng nước mắt. Tử Nha theo đưa một đỗi nữa rồi mới chia tay. Bảy vị sau này đều tu thành Chánh quả. Có bài thơ rằng:

    Từ giã về non lánh tục trần,
    Thanh nhàn cảnh tịnh rất an thân.
    Quyết thành Chánh quả nên Tiên Phật,
    Khỏi đọa luân hồi trả oán ân.
    Hai chữ thị phi đà chẳng bợn,
    Một câu vinh nhục cũng không cần.
    Vui chơi nào biết mùi dương thế,
    Dâu bể màng chi đổi mấy lần.

    Sau đây là bài giáng cơ của Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tức là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói về Thất Thánh và Vi Hộ:

    Phò loan: Hộ Pháp – Bảo Đạo.
    Báo Ân Đường Kim Biên, ngày 15-8- Bính Thân
    (dl 19-9-1956).

    THANH SƠN ĐẠO SĨ

    Bần tăng xin chào Thiên Tôn, Chơn Quân, Hiền đệ.

    Thưa Thiên Tôn, có Nguyệt Tâm Chơn Nhơn đến, nhưng nhường cơ cho Bần tăng trước. Cười....

    Nhiều điều Thiên Tôn hỏi, Bần tăng khó trả lời đặng. Duy Nguyệt Tâm đảm đương Thiên vụ, người hiểu biết rõ hơn Bần tăng. Vậy Thiên Tôn nên vấn nơi người.

    Chỉ có bài thi của Bần tăng có hơi huyền bí tiên tri, nên Bần tăng có thể giải đáp.

    Thiên Tôn nhớ lại, khi lập thành Phong Thần bảng, những người đứng vào hàng Thất Thánh là ai?

    Hộ Pháp bạch: Lý Thiên Vương, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử.

    - Phải! Thì trước đầu kiếp vào nhà họ VI, còn nay vào nhà họ PHẠM. Điều đó có chi khó hiểu mà phỏng đoán. Tiên tri của Bần tăng đã nhiều và chỉ rõ Việt Nam xuất Thánh thì đã hẳn rồi, còn chi không rõ rệt. Hơn nữa lại còn một điều trọng hệ hơn là Di-Lạc giáng linh, thì Thiên Tôn đã thấy rằng, tiên tri vốn không sai sót.

    Còn lời thứ hai, Thiên Tôn hỏi Bần tăng, thì xin Ngài vấn đáp với Nguyệt Tâm, vì chính mình người đã truyền tin ấy. Vui mừng hơn nữa là từ đây thiên hạ sẽ hiểu rõ Thánh chất của Thiên Tôn và ngọn cờ cứu khổ sẽ cứu quốc cho giống nòi Việt Nam, rồi loan ra cho toàn thế giới chung hưởng.

    Bảo Đạo! Có phải ta tri âm với nhau về điều ấy chăng?

    THĂNG.

  • Thất thân - Thất tiết

    Thất thân - Thất tiết

    失申 - 失節

    A: To be unfaithful to one"s husband.

    P: Être infidèle à son mari.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Thân: thân mình. Tiết: sự chung thủy với chồng.

    Thất thân là người đàn bà lỡ thân mình với người đàn ông khác không phải chồng mình.

    Thất tiết là người đàn bà không giữ được tấm thân chung thủy đối với chồng.

    Thất thân đồng nghĩa Thất tiết.

  • Thất thập cổ lai hy

    Thất thập cổ lai hy

    七十古來稀

    Thất: Bảy, thứ bảy. Thất thập: 70. Cổ: xưa. Lai: tới. Hy: ít có.

    Thất thập cổ lai hy là 70 tuổi xưa nay ít có.

    Nhân sinh thất thập cổ lai hy: người sống đến 70 tuổi xưa nay ít có.

    Thời xưa, nền y học chưa được phát triển, thuốc trị bịnh ở nước nầy không được đem qua bán ở nước khác, nên khi con người bị bịnh thì thiếu thuốc điều trị, dễ đưa đến tử vong. Trung bình tuổi thọ của người xưa là 55 đến 60 tuổi. Khi người xưa sống được 61 tuổi thì mừng lắm, nên tổ chức ăn mừng lễ Đáo tuế, tức là Hạ thọ. Do đó, người xưa sống được 70 tuổi là ít có.

  • Thất thập nhị Địa

    Thất thập nhị Địa

    七十二地

    A: The seventy two Earths.

    P: Soixante-douze Terres.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Thất thập nhị: 72. Địa: địa cầu.

    Thất thập nhị Địa là 72 Địa cầu.

    72 Địa cầu nầy được đánh số để gọi tên từ 1 đến 72, và quả Địa cầu của nhơn loại chúng ta đang ở là Địa cầu 68.

    Như vậy, phía trên Địa cầu của chúng ta có 67 Địa cầu, và phía dưới chúng ta có 4 Địa cầu.

    Càng lên cao, các Địa cầu càng trong sạch nhẹ nhàng, người trên đó càng tiến hóa và càng tốt đẹp.

    Càng đi xuống, các Địa cầu càng ô trược nặng nề, người nơi đó càng xấu xa u tối, kém tiến hóa. Bốn Địa cầu bên dưới Địa cầu 68 của chúng ta mang bốn số: 69, 70, 71, 72, được gọi là U Minh Địa, bởi vì nơi đây rất tối tăm ô trược.

    Do đó, nhơn loại ở trên các Địa cầu cao hơn thì có trình độ tiến hóa cao hơn chúng ta rất nhiều về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Đức Chí Tôn có nói:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Đứng bực Đế vương nơi trái Địa cầu nầy (Địa cầu 68) chưa đặng vào bực chót của Địa cầu 67. Trong Địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi Địa cầu càng tăng thêm hoài cho tới Đệ nhứt cầu (Địa cầu số 1), Tam thiên thế giới."......

    Như vậy, sự tiến hóa của nhơn loại sẽ đi từ Địa cầu thấp lên cao. Kém tiến hóa nhứt là Địa cầu 72. Nhơn loại dần dần luân hồi chuyển kiếp tiến hóa lên các Địa cầu cao hơn, và cuối cùng sẽ tiến hóa lên tới Đệ nhứt cầu. Sự tiến hóa tới đây là đã đi hết dãy Thất thập nhị Địa.

    Con người sẽ tiếp tục tiến hóa đi lên Tứ Đại Bộ Châu (Hạ) rồi lên Tam thiên thế giới (3000 thế giới), qua hết Tam thiên thế giới thì vào Tứ Đại Bộ Châu (Thượng), sau đó mới vào đặng Tam thập lục Thiên, đi hết Tam thập lục Thiên thì đến Bạch Ngọc Kinh, hiệp nhứt với Thượng Đế.

    Thế là chơn linh ấy đã đi giáp một chu kỳ tiến hóa trong Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn. (Xem: Nhơn sanh quan, vần Nh)

  • Thất thập nhị Hiền

    Thất thập nhị Hiền

    七十二賢

    A: The seventy two Sages.

    P: Soixante-douze Sages.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Thất thập nhị: 72. Hiền: người có đạo đức và tài năng vượt trội.

    Đối với Đạo Cao Đài, Thất thập nhị Hiền là 72 vị Giáo Sư nam phái Cửu Trùng Đài, chia ra 3 phái Thái Thượng Ngọc, mỗi phái 24 vị.

    Đối với Nho giáo, Thất thập nhị Hiền là 72 ông Hiền.

    Trong số 3000 môn đệ của Đức Khổng Tử, có 72 vị tài giỏi vượt trội gọi là Thất thập nhị Hiền. Trong số 72 ông Hiền có 10 người cao trổi gọi là Thập Triết.

    Vậy Thất thập nhị Hiền của Nho giáo gồm: Thập Triết đứng bên trên và 62 ông Hiền đứng kế dưới.

    Theo tài liệu chép trong sách Khổng Tử Gia Ngữ, Thất thập nhị Hiền của Nho giáo có tên sau đây:

    1. Mẫn Tổn tự là Tử Khiên.
    2. Nhiễm Canh tự là Bá Ngưu.
    3. Nhiễm Ung tự là Trọng Cung.
    4. Tể Dư tự là Tử Ngã.
    5. Đoan Mộc Tứ tự là Tử Cống.
    6. Nhiễm Cầu tự là Tử Hữu.
    7. Trọng Do tự là Tử Lộ.
    8. Ngôn Yển tự là Tử Du.
    9. Bốc Thương tự là Tử Hạ.
    10. Chuyên Tôn Sư tự là Tử Trương.
    11. Đạm Đài Diệt Minh tự là Tử Vũ
    12. Cao Sài tự là Tử Cao
    13. Bật Bất Tề tự là Tử Tiện
    14. Phàn Tu tự là Tử Trì
    15. Hữu Nhược tự là Tử Hữu
    16. Công Tây Xích tự là Tử Hoa
    17. Nguyên Hiến tự là Tử Tư
    18. Công Dã Tràng tự là Tử Tràng
    19. Công Tích Ai tự là Quí Trầm
    20. Tăng Điểm tự là Tử Tích
    21. Nhan Do tự là Quý Lộ
    22. Thương Cù tự là Tử Mộc
    23. Tất Điêu Khai tự là Tử Nhược
    24. Công Lương Nhu tự là Tử Chính
    25. Tần Thương tự là Bất Từ
    26. Nhan Khắc tự là Tử Kiêu
    27. Tư Mã Canh tự là Tử Ngưu
    28. Vu Mã Thi tự là Tử Kỳ
    29. Lương Chiên tự là Thúc Ngư
    30. Cầm Lao tự là Tử Khai
    31. Nhiễm Nhu tự là Tử Ngư
    32. Nhan Hạnh tự là Tử Liễu
    33. Bá Kiền tự là Khải
    34. Công Tôn Long tự là Tử Thạch
    35. Trần Cang tự là Tử Nguyên
    36. Thúc Trọng Hội tự là Tử Kỳ
    37. Tần Tổ tự là Tử Nam
    38. Liêm Khiết tự là Tử Tào
    39. Công Tây Giảm tự là Tử Thượng
    40. Tiết Bang tự là Tử Tòng
    41. Tả Dĩnh tự là Tử Hành
    42. Nhiệm Bất Tề tự là Tử Tuyển
    43. Nguyên Kháng tự là Tử Tịch
    44. Tất Điêu Tòng tự là Tử Văn
    45. Khuê Tốn tự là Tử Liễm
    46. Nhạc Khái tự là Tử Thanh
    47. Tất Điêu Sĩ tự là Tử Liêm
    48. Hề Châm tự là Tử Khải
    49. Công Tây Dư tự là Tử Thượng
    50. Nhương Tứ Xích tự là Tử Tòng
    51. Thạch Sử tự là Tử Lý
    52. Địch Hắc tự là Triết Chi
    53. Vinh Kỳ tự là Tử Kỳ
    54. Công Tân tự là Tử Trọng
    55. Yên Cấp tự là Tử Tư
    56. Bộ Thúc Thặng tự là Tử Xa
    57. Thi Chi Thường tự là Tử Hằng
    58. Nhan Chi Bộc tự là Tử Thúc
    59. Huyền Thành tự là Tử Hoành
    60. Công Tổ Tư tự là Tử Chi
    61. Tể Phủ Hắc tự là Tử Sách
    62. Nhiễm Quý tự là Tử Sản
    63. Huyền Đản tự là Tử Tượng
    64. Thương Trạch tự là Tử Tú
    65. Nhan Khoái tự là Tử Thanh
    66. Tần Phi tự là Tử Chi
    67. Công Hạ Thủ tự là Tử Thặng
    68. Hữu Tác Thục tự là Tử Minh
    69. Thân Hội tự là Tử Chu
    70. Khổng Trung tự là Tử Miệt
    71. Nhan Tướng tự là Tử Tương
    72. Nam Cung Thao tự là Tử Dung
  • Thất thể đạo

    Thất thể đạo

    失體道

    A: To lose the face of the religion.

    P: Perdre la face de la religion.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Thể: thể diện. Đạo: tôn giáo.

    Thất thể đạo là mất thể diện của Đạo, tức là người tín đồ hay Chức sắc của đạo làm nhiều việc bê bối khiến người ta khinh rẻ tôn giáo của mình.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Song chẳng đặng làm thất thể đạo, nghĩa là mỗi điều sửa cải phải do nơi Hội Thánh phê chuẩn.

  • Thất thệ

    Thất thệ

    失誓

    A: To break one"s oath.

    P: Violer son serment.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Thệ: lời thề, lời Minh Thệ khi nhập môn.

    Thất thệ là mất lời thề, tức là lỗi thệ, không giữ đúng lời Minh Thệ khi nhập môn cầu Đạo.

    Các tín đồ Đạo Cao Đài, khi nhập môn cầu Đạo đều phải lập Minh Thệ và phải giữ lời Minh Thệ trong suốt cuộc đời mình. Lời Minh Thệ do Đức Chí Tôn đặt ra gồm 36 chữ:

    Tên gì?...... Họ gì?...... "Thề rằng: từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục."

    Nếu người tín đồ Cao Đài không thực thi đúng lời Minh Thệ (gọi là Thất thệ), thì phải mang tội. Còn như thực thi đúng lời Minh Thệ thì được Đức Chí Tôn độ rỗi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy, đó là mấy Đạo hữu tín đồ thất thệ.

    Sau đây là kết quả việc Thất thệ của một tín đồ, tại Hương đạo Bá Hữu, Phận đạo đệ nhứt, có Phúc Trình dâng lên Hội Thánh. Nội dung Phúc Trình, xin chép ra sau đây:

    Chúng tôi là Bàn Trị Sự đương quyền Hành Chánh Hương đạo Bá Hữu thuộc Đệ I Phận đạo, đồng kính phúc trình một việc như sau:

    Kính bạch Hội Thánh,

    Nguyên trong Hương đạo chúng tôi có vị Đạo hữu Lê Văn Lòng 60 tuổi, qui vị ngày 17-giêng-Đinh Mùi, nhưng vị nầy trước kia còn sống thì có tánh hiền lương chơn thật, biết lập bồi đức cùng Đạo, nhưng ông còn thiếu sự chay lạt và cúng kiếng cũng như vái lạy. Ông không biết nên ngày qui vị của ông, Bàn Trị Sự chúng tôi hành lễ theo Châu Tri số 61 của Hội Thánh, thì có người con trai lớn của ông là Lê Văn Sen 29 tuổi, thợ hồ, yêu cầu Bàn Trị Sự chúng tôi hành lễ đủ cho thân phụ người rồi thì sẽ ăn chay trong 81 ngày và tụng kinh trong Tuần Cửu, nhưng nói mà thông qua chớ không ăn chay, nên 10 giờ đêm ngày 17-3-Đinh Mùi, ông Lê Văn Lòng về nhập xác cho con về việc nói trên và cung khai các việc như sau:

    Do sự chứng kiến của Liên gia trưởng và nhiều người lân cận nói lại, ông về mách bảo vợ con biết là ông thất thệ, hồi còn sống không ăn chay, nên bị tội ở Khách Đình của Hội Thánh, để chờ ngày thưởng phạt của các Đấng.

    Ông nói với vợ con rằng: Yêu cầu Bàn Trị Sự tụng kinh cho ông 3 đêm Sám Hối xin tội giùm ông, ông mới đặng siêu thăng, và nói rằng ông đính chánh ông có hai tên: Nguyễn Văn Lòng tự là Lê Văn Bộ, mới đúng trong Bộ thiêng liêng và dâng sớ cầu nguyện cũng viết y như vậy.

    Ông còn nói: Linh hồn ông hiện giờ còn ở lưng chừng, muốn đi đâu phải xin phép mới có người hướng dẫn, và muốn vô nhà nào cũng không được vì nơi gia đình tư nhân có thờ Chí Tôn thì không dám vô vì ở đó có Thần Thánh, mà ông là người có tội, vì ông không giữ đúng lời Minh Thệ khi nhập môn cầu đạo.

    Ông Trưởng liên gia hỏi thêm ông: Hiện giờ ở Khách Đình có một mình ông hay có ai nữa không?

    Ông trả lời: Trùng trùng điệp điệp, những người thất thệ lưng chừng như ông còn ở đó mấy chục năm nay.

    Ông nói đến đây rồi khóc òa lên và nói cho vợ con tin làm bằng chứng là cái mả của ông, mưa lỡ một phía bên trái, gần đầu.

    Việc nầy cũng đúng sự thật.

    Đến đây ông xuất đi luôn.

    Bá Hữu, ngày 18 tháng 3 năm Đinh Mùi (1967).
    (Bàn Trị Sự ký tên)
    (Tài liệu của Giáo Thiện Phạm Văn Phải)
  • Thất thường

    Thất thường

    失常

    A: Irregular.

    P: Irrégulier.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Thường: lệ thường, bình thường.

    Thất thường là mất sự đều hòa, lúc thế nầy lúc thế nọ.

  • Thất tịch

    Thất tịch

    七夕

    A: The night of the seventh day of the seventh lunar month.

    P: La nuit du septième jour du septième mois lunaire.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Tịch: đêm.

    Thất tịch là đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch.

  • Thất tín

    Thất tín

    失信

    A: To fail in one"s promise.

    P: Manquer à sa paroles.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Tín: tin.

    Thất tín là làm mất lòng tin của người khác đối với mình.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Không giờ phút nào Chí Tôn nói gì, hứa gì với con cái của Ngài mà Ngài thất tín, thất hứa.

  • Thất tinh

    Thất tinh

    七星

    A: The group of seven stars.

    P: Le groupe de sept étoiles.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Tinh: ngôi sao.

    Thất tinh là chòm sao có 7 ngôi sao, thường là chỉ chòm sao Bắc đẩu. Chòm sao nầy gọi là Tiểu Hùng Tinh có 7 ngôi sao sắp theo hình cái bánh lái, và tại đuôi bánh lái là sao Bắc đẩu.

    Đèn thất tinh là cái đèn có 7 ngọn, đốt lên thấy như 7 ngôi sao. Đèn thất tinh dùng để rọi sáng chơn thần.

  • Thất tình - Lục dục

    Thất tình - Lục dục

    七情 - 六欲

    A: The seven human feelings - The six human passions.

    P: Les sept sentiments humains - Les six passions humaines.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Tình: tình cảm của con người. Lục: sáu. Dục: muốn, ham muốn.

    Lục dục là sáu điều ham muốn của con người. (Xem chi tiết nơi chữ: Lục căn - Lục dục, vần L)

    Tình là sự rung động của cái Tâm khi cảm được sự biến đổi của sự vật diễn ra bên ngoài, nên gọi là Tình cảm. Con người có 7 thứ tình cảm phát lộ ra ngoài, nên gọi là Thất tình.

    Nhiều sách kể ra 7 thứ tình cảm ấy của con người không giống nhau. Xin nêu ra sau đây:

    1. Phật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn: Thất tình gồm:

    Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục.
    (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn)

    2. Kinh Lễ của Nho giáo: Thất tình gồm:

    Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục.
    (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn)

    3. Đại Thừa Chơn Giáo: Thất tình gồm:

    Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ.
    (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ)

    4. Dưỡng Chơn Tập: Thất tình gồm:

    Hỷ, Nộ, Ai, Lạc, Ưu, Khủng, Kinh.
    (mừng, giận, buồn, vui, lo, sợ, hoảng sợ)

    5. Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp: Thất tình gồm:

    Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục.
    (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn)

    Tại Tòa Thánh Tây Ninh, nơi 3 tòa sen làm 3 ngôi cho Đức Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh có bông hình con rắn thần 7 đầu, gọi là Thất đầu xà, mình rất dài quấn 3 ngôi: cái đuôi rắn quấn ngôi của Đức Thượng Sanh, mình giữa quấn ngôi Đức Thượng Phẩm, phần đầu quấn ngôi của Đức Hộ Pháp, và đặc biệt 7 cái đầu rắn (tượng trưng Thất tình): 3 đầu Hỷ, Ái, Lạc cất cao lên phía sau lưng Đức Hộ Pháp; 2 đầu Ai, Nộ gục xuống thấp nhứt để hai chơn Đức Hộ Pháp đạp lên; 2 đầu Ố, Dục gục xuống vừa chừng để Đức Hộ Pháp gác hai tay lên.

    Bố trí 7 đầu rắn để tượng trưng Thất tình như thế có ý nghĩa đối với người tu như sau:

    · Thất tình ví như 7 cái đầu rắn độc, nếu không kềm chế được Thất tình thì Thất tình như nọc độc của 7 đầu rắn có thể giết chết con người một cách lẹ làng.

    · Ba đầu cất lên cao tượng trưng Hỷ, Ái, Lạc là 3 tình cảm tốt, nên nâng đỡ cho 3 tình nầy phát triển lên cao (nhưng phải có chừng mực, không nên thái quá).

    · Hai đầu gục xuống thấp nhứt tượng trưng Nộ (giận), Ai (buồn) để Đức Hộ Pháp đạp chân lên, đó là 2 tình cảm cần phải chế ngự mạnh mẽ, bởi vì nếu nó nổi lên thì rất nguy hiểm: cái nư giận sẽ làm cho ta mất hết công đức, cái buồn rầu sẽ làm cho ta mất hết ý chí.

    · Hai đầu gục xuống trung bình tượng trưng Ố (ghét), Dục (muốn) để Đức Hộ Pháp gác tay đè lên. Hai tình nầy cũng cần phải chế ngự vì nó sanh ra tánh ích kỷ lợi mình hại người và tánh tham lam, muốn hoài không biết đủ.

    Người tu không bao giờ tiêu diệt được Thất tình, dù tu thành Phật thì Phật cũng không thể tiêu diệt được Thất tình, mà chỉ là sự chuyển hóa Thất tình thành những tình cảm cao thượng để giúp chúng sanh tiến hóa.

    Thí dụ như: Giận mình không làm được nhiều điều thiện, giận mình không siêng năng công phu tinh tấn, Ghét mình không giữ được tư tưởng trong sạch, Buồn bực vì mình bị bịnh hoạn nên bê trễ việc công quả, mong muốn được khỏe mạnh để phụng sự chúng sanh.

    Đó là những tình cảm Nộ, Ố, Ai, Dục mà chúng ta đã chuyển hóa thành những tình cảm cao thượng, để giúp cho chúng ta tiến hóa.

    Đối với Đức Phật, Thất tình đã chuyển hóa thành những tình cảm rất cao thượng. Tình thương đã chuyển thành tình bác ái, thương khắp chúng sanh. Phật rất vui khi thấy chúng sanh hồi đầu hướng thiện, qui y tam bảo; Phật cũng rất mừng khi có một chúng sanh tu hành tinh tấn, đắc thành Phật đạo. Phật cũng cảm thấy giận ghét những chúng sanh nào mang danh tăng ni làm điều sái quấy, hoen ố cửa chùa, và sự giận ghét nầy biến thành lòng thương hại để Phật ban bố cho các kẻ ấy chút ân điển cho nó sớm giác ngộ. Phật muốn cứu vớt toàn cả chúng sanh, nhưng Phật rất buồn vì thấy nghiệp chướng của chúng sanh quá nặng nề khiến cho chúng sanh phải trải qua một đại kiếp nạn Tận Thế sắp tới.

    Sau đây, xin trích một đoạn Thánh giáo dạy về Thất tình Lục dục đối với người tu:

    "Con người vì bị Thất tình Lục dục mà hao tổn tinh thần, tiêu mòn khí phách. Nó luống đẩy xô nhơn loại vào ao lửa núi gươm, hang sâu vực thẳm.

    Hỷ, Nộ, Ái, Ố toàn là sự thường tình hèn thấp của con người: lúc mừng khi giận, cơn ghét hồi thương, khgâ chừng mực.

    Hỷ là mừng, Nộ là giận. Hễ gặp sự vui thích thỏa vừa lòng dục thì mến mà mừng. Còn gặp điều nghịch ý, bất mãn tâm tà, lại thảm lại sầu mà giận. Bị vậy, Ngũ khí Tam huê mới mau hao kém.

    Ái là yêu, Ố là ghét. Hễ thuận tình tríu mến, khoái sự ái ân thì mê thì thích mà yêu, còn nghịch chỗ mong ham, trái lòng thèm muốn, lại gây gổ ganh ghét. Bởi vậy tinh huyết thần lực mới chóng giảm suy.

    Còn những Ai, Lạc, Cụ là buồn, vui, sợ thì cũng là những món rất hại trong đám Thất tình.....

    Làm người phải lập chí cao thượng, đừng để Thất tình cám dỗ, Lục dục khiến sai. Mình phải mạnh bạo cương quyết làm chủ nó, chớ đừng yếu ớt lôi thôi để nó làm chủ mình, rồi muốn chi cứ phải vừa theo nó mãi hay sao?" (Đại Thừa Chơn Giáo)

    Cái tình của con người dễ phát mà lại khó chế, tiêu biểu nhứt là Nộ: nóng giận.

    Khi phát giận, hãy chế ngự nó bằng cách quên sự giận đi, xem xét coi sự lý phải quấy, điều gì xui khiến.

    Thánh nhơn nói rằng: "Vong nộ tắc công, quán lý tắc thuận." Nghĩa là: quên giận mới công bình, xét lý thì thỏa thuận. Hai điều nầy là phương để xét mình, kềm chế lấy mình mà lần lần dứt sự vô minh.

    Như vậy, cao hơn hết là quên Tình, mà thực ra chẳng phải quên Tình, ấy là dẫn Tình đem về với Tánh vậy.

    Người dẫn được Tình đem về với Tánh thì Nho giáo gọi là Thâu phóng tâm, Đạo giáo gọi là Luyện huờn đan, lâu ngày công phu già dặn, tự nhiên đặng như như bất động,đắc đạo vậy.

    Theo lời dạy của Đức Cao Thượng Phẩm trong Luật Tam Thể, Thất tình Lục dục là của chơn thần. Thể xác lôi cuốn Thất tình Lục dục vào đường vật chất, còn linh hồn thì hướng dẫn Thất tình Lục dục vào đường cao thượng.

    CHƠN THẦN
    Nguyên lai bổn chất vốn trung bình,
    Lục dục Thất tình vẫn vẹn thinh.
    Phật Mẫu ban cho nên đức tính,
    Chí Tôn trau sửa được thành hình.
    Ruộng cày sáu mẫu lo vun quén,
    Nhà ở bảy căn gắng vẹn gìn.
    Trở lại ngôi xưa nhờ khéo dưỡng,
    Yêu thương Phật Mẫu tạo nên hình.
    Cao Thượng Phẩm
  • Thất ức niên

    Thất ức niên

    七億年

    A: The seven hundred thousand years.

    P: Sept cent mille années.

    Thất: Bảy, thứ bảy. Ức: mười vạn, mười muôn, một trăm ngàn. Niên: năm. Thất ức là bảy chục vạn = 700 000.

    Thất ức niên là bảy trăm ngàn năm (700 000 năm).

    Thất ức niên còn được gọi là: Thất bá thiên niên (thất là bảy, bá là trăm, thiên là ngàn) tức là bảy trăm ngàn năm.

    Trong ngày Lễ Khai Đạo Cao Đài 15-10-Bính Dần (1926), tại chùa Gò Kén có trưng bày đôi liễn:

    彌勒七百千年廣開大道
    釋迦二十五世終立禪門
    Di Lạc thất bá thiên niên quảng khai Đại Đạo,
    Thích Ca nhị thập ngũ thế chung lập Thiền môn.

    Nghĩa là:

    Đức Phật Di-Lạc rộng mở nền Đại Đạo trong bảy trăm ngàn năm,
    Đức Phật Thích Ca lập Phật giáo trong hai mươi lăm thế kỷ thì chấm dứt. (25 thế kỷ = 2500 năm).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Thanh đạo tam khai thất ức niên,
    Thọ như địa quyển, thạnh hòa Thiên.

    Nghĩa là:

    Nền đạo trong sạch của Đức Chí Tôn mở lần thứ ba được 700 000 năm,
    Lâu dài như trái đất, thạnh vượng cùng Trời.
  • Thất vị

    Thất vị

    失位

    A: To lose one"s throne.

    P: Perdre son thrône.

    Thất: Mất, thua, sai lầm. Vị: ngôi vị.

    Thất vị là mất ngôi vị.

  • THÂU

    THÂU

    1. THÂU: THU: 收 lấy vào, tom góp, bắt lấy.

    Thí dụ: Thâu nhập, Thâu thập.

    2. THÂU: (nôm) Suốt.

    Thí dụ: Thâu niên.

  • Thâu hoạch (Thu hoạch)

    Thâu hoạch (Thu hoạch)

    收穫

    A: To obtain.

    P: Obtenir.

    Thâu: lấy vào, tom góp, bắt lấy. Hoạch: gặt hái.

    Thâu hoạch là nhà nông gặt hái mùa màng.

    Thâu hoạch là nhận lấy kết quả.

  • Thâu hồi (Thu hồi)

    Thâu hồi (Thu hồi)

    收回

    A: To get back.

    P: Retirer.

    Thâu:Thu: lấy vào, tom góp, bắt lấy. Hồi: trở về.

    Thâu hồi hay Thu hồi là lấy trở lại cái đã phát ra.

  • Thu không (Thâu không)

    Thu không (Thâu không)

    收空

    Thu: Thâu: lấy vào, tom góp, bắt lấy. Không: không có gì.

    Thuở xưa, ở kinh thành hay các tỉnh thành, đến lúc gần tối, có quân lính hộ thành đi suốt khắp trong thành, hễ chắc không có gian tế lộn vào trong thành thì ra hiệu để đóng cửa thành, gọi là Thu không, tức là trong thành không có gian tế.

    Tiếng trống thu không: tiếng trống vào lúc gần tối.

  • Thâu nhập

    Thâu nhập

    收入

    A: To receive.

    P: Recevoir.

    Thâu: lấy vào, tom góp, bắt lấy. Nhập: vào.

    Thâu nhập hay Thu nhập là nhận vào.

    Thâu nhập là số tiền hay số sản phẩm nhận được do sức lao động của mình làm ra trong một tháng hay một năm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy vì thương nhơn loại, muốn cứu hết, nên thường thâu nhập nhiều đứa vô tâm,...

  • Thâu niên

    Thâu niên

    A: Throughout the year.

    P: Durant toute année.

    Thâu: (nôm) Suốt. Niên: năm.

    Thâu niên là suốt năm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thâu niên chẳng đoái chút tinh thần.

  • Thâu phục

    Thâu phục

    收服

    A: To conquer.

    P: Conquérir.

    Thâu: lấy vào, tom góp, bắt lấy. Phục: chịu theo người có tài đức hơn mình.

    Thâu phục hay Thu phục là làm cho người ta kính phục mà theo về mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nay Thầy phải tự tìm lấy một phương pháp huyền diệu hơn để thâu phục các con.

  • Thâu thập

    Thâu thập

    收拾

    A: To gather.

    P: Ramasser.

    Thâu: lấy vào, tom góp, bắt lấy. Thập: gom nhặt.

    Thâu thập là lượm lặt góp lại và gom vào một chỗ.

  • Thâu xuất - Thâu chi

    Thâu xuất - Thâu chi

    收出 - 收支

    A: Receipts and expenses.

    P: Recettes et dépenses.

    Thâu: lấy vào, tom góp, bắt lấy. Xuất: phát ra. Chi: xài ra.

    Thâu xuất, đồng nghĩa Thâu chi (Thu chi), là số tiền thâu vào và xuất ra.

    Sổ thâu xuất là cuốn sổ ghi các số tiền thâu vào và các số tiền xuất ra hằng ngày để kiểm soát việc thâu xuất tiền bạc.

  • THẤU

    THẤU

    THẤU: 透 Suốt qua, thông suốt.

    Thí dụ: Thấu đáo, Thấu triệt.

  • Thấu đáo

    Thấu đáo

    透到

    A: To know thoroughly.

    P: Comprendre à fond.

    Thấu: Suốt qua, thông suốt. Đáo: tới nơi.

    Thấu đáo là biết rất rõ, biết tới nơi tới chốn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mầu nhiệm dễ chi tìm thấu đáo.

  • Thấu tình đạt lý

    Thấu tình đạt lý

    透情達理

    Thấu: Suốt qua, thông suốt. Tình: tình cảnh. Đạt: đến. Lý: lý lẽ.

    Thấu tình là hiểu rõ tình cảnh.

    Đạt lý là đến được cái lý lẽ của nó.

    Thấu tình đạt lý là nói về cách đối xử rất khéo léo, hợp tình hợp lý, khiến ai cũng hài lòng.

  • Thấu triệt

    Thấu triệt

    透徹

    A: To penetrate.

    P: Pénétrer.

    Thấu: Suốt qua, thông suốt. Triệt: suốt cả.

    Thấu triệt là biết rõ ràng, thông suốt vấn đề.

  • Thây phàm

    Thây phàm

    A: The material body.

    P: Le corps matériel.

    Thây: thể xác. Phàm: cõi trần.

    Thây phàm là thể xác của con người nơi cõi trần.

    Kinh Vào Ăn Cơm: Phải uống ăn nuôi sống thây phàm.

  • Thèm lạt

    Thèm lạt

    A: To covet.

    P: Convoiter.

    Thèm lạt là thèm khát, thèm thuồng, ước muốn.

    Đây là từ ngữ xưa, ngày nay không dùng.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Năm 35 tuổi, Bần đạo thấy sao mà phải khao khát thèm lạt, tại làm sao Chí Tôn biết thiếu thốn nơi tinh thần điều ấy mà cho Bần đạo. Bần đạo ban sơ nghi hoặc, có lẽ một Đấng có quyền năng thiêng liêng biết tâm lý đang nồng nàn ao ước, đương thèm lạt khao khát, đương tiềm tàng mà đem ra cám dỗ....

  • THÊ

    THÊ

    1. THÊ: 妻 Vợ.

    Thí dụ: Thê nhi, Thê tróc tử phọc.

    2. THÊ: 悽 Buồn, bi thương.

    Thí dụ: Thê lương.

  • Thê lương thảm đạm

    Thê lương thảm đạm

    悽涼慘淡

    Thê: Buồn, bi thương. lương: lạnh. Thảm: đau đớn. Đạm: nhạt.

    Thê lương là buồn thảm lạnh lẽo.

    Thảm đạm là buồn rầu khổ sở.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nên ngày nay đã gây ra biết bao tấn tuồng thê lương thảm đạm.

  • Thê nhi - Thê tử

    Thê nhi - Thê tử

    妻兒 - 妻子

    A: Wife and children.

    P: Femme et enfants.

    Thê: Vợ. Nhi: con trẻ. Tử: con.

    Thê nhi, đồng nghĩa Thê tử, là vợ con.

    Kinh Sám Hối: Của thập phương châu cấp thê nhi.

  • Thê tróc tử phọc

    Thê tróc tử phọc

    妻捉子縛

    Thê: Vợ. Tróc: bắt lấy. Tử: con. Phọc: Phược: trói.

    Thê tróc tử phọc là vợ bắt con trói, ý nói người đàn ông bị ràng buộc với gia đình, khó xuất gia để tu hành.

  • Thề nguyền

    Thề nguyền

    A: To swear.

    P: Jurer.

    Thề: cam đoan làm trọn việc gì bằng lời lẽ nghiêm chỉnh. Nguyền: ước muốn.

    Thề nguyền, chữ hán là Thệ nguyện, là thề làm được như ước muốn.

  • THẾ

    THẾ

    1. THẾ: 世 Đời, cuộc đời, cõi trần.

    Thí dụ: Thế đạo, Thế sự, Thế Tôn.

    2. THẾ: 勢 Cách cuộc bày ra, thế lực, quyền lực.

    Thí dụ: Thế gia, Thế thời.

    3. THẾ: 剃 Hớt tóc, cắt tóc.

    Thí dụ: Thế phát qui y.

  • Thế cuộc

    Thế cuộc

    世局

    A: The situation of world.

    P: La situation du monde.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Cuộc: Cục: tình hình.

    Thế cuộc hay Thế cục là cuộc đời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sanh đứng vào vòng thế cuộc, chưa biết mình đã lãnh một vai tuồng, đặng chờ lúc kết quả qui Thiên ngoại,...

  • Thế đạo

    Thế đạo

    世道

    A: Moral laws.

    P: Lois morales.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Đạo: đường lối phép tắc phải theo.

    Thế đạo là đạo xử thế, đạo ở đời, tức là đường lối phép tắc dạy làm một người ở đời thế nào cho hợp lẽ phải và đạo lý.

    Như vậy, Thế đạo chính là Nhơn đạo.

    Kinh Thế đạo: những bài kinh dạy đạo làm người ở đời.

    Trong quyển Kinh Thiên đạo và Thế đạo của Đạo Cao Đài, phần Thế đạo gồm 19 bài kinh:

    · 10 bài kinh đầu do Đức Phạm Hộ Pháp đặt ra, có cầu Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn chỉnh văn lại.

    · Bài kinh Hôn Phối do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho.

    · 8 bài kinh dùng trong Tang lễ do Bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ ban cho.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Thượng Sanh làm chủ của Thế đạo, nắm luật Thế nơi tay mà dìu dắt cả chúng sanh vào cửa Đạo.

  • Thế độ

    Thế độ

    世度

    A: The salvation of the world.

    P: La salvation du monde.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Độ: cứu giúp.

    Thế độ là độ đời, tức là cứu giúp chúng sanh.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Còn Thượng Sanh về Thế độ, đem các chơn hồn vào cửa Đạo.

  • Thế gia vọng tộc

    Thế gia vọng tộc

    勢家望族

    A: The powerful and honourable family.

    P: La famille puissante et honorable.

    Thế: Cách cuộc bày ra, thế lực, quyền lực. Gia: nhà. Vọng: được ngưỡng mộ. Tộc: họ. Thế gia là nhà có quyền thế, có người đang làm quan. Vọng tộc là dòng họ có người tài giỏi được nhiều người ngưỡng mộ.

    Thế gia vọng tộc là chỉ những nhà có tiếng tăm quyền thế, được nhiều người kính trọng.

  • Thế giới địa hoàn

    Thế giới địa hoàn

    世界地寰

    A: The terrestrial world.

    P: Le monde terrestre.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Giới: bờ cõi. Địa: đất. Hoàn: vùng đất lớn.

    Thế giới, khi xưa thường đọc là Thế giái, là chỉ chung các nước trên địa cầu.

    Thế giới địa hoàn là chỉ toàn thể trái đất, trên đó có loài người và các sanh vật đang sống.

    Kinh Ðệ Nhị cửu:
    Xa chừng thế giới địa hoàn,
    Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng.
  • Thế giới quan

    Thế giới quan

    世界觀

    A: The conception of the world.

    P: La conception du monde.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Giới: bờ cõi. Quan: quan niệm, sự nhận thức.

    Thế giới quan là một hệ thống những quan niệm về thế giới, tức là đề cập đến các vấn đề của thế giới như: nguồn gốc, tính chất, cấu tạo, và sự phát triển.

    Thế giới quan chính là Vũ trụ quan. Ngày nay người ta thường dùng từ ngữ Vũ trụ quan hơn. (Xem: Vũ trụ quan, vần V)

  • Thế lộ

    Thế lộ

    世路

    A: The way of life.

    P: Le chemin de la vie.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Lộ: con đường.

    Thế lộ là con đường đời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thế lộ bước đã mòn mà giấc mộng trần chưa thức tỉnh.

  • Thế lớn lực to

    Thế lớn lực to

    A: Great influence.

    P: Grande influence.

    Thế: Cách cuộc bày ra, thế lực, quyền lực. Lực: sức. Thế lực là uy quyền và sức mạnh.

    Thế lớn lực to là uy quyền và sức mạnh to lớn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lấy thế lớn lực to mà ép đè hạnh nhiều đứa.

  • Thế luật

    Thế luật

    世律

    A: The secular rules.

    P: Les lois séculières.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Luật: luật pháp.

    Thế luật là Luật đời, tức là luật pháp qui định về phần nhơn đạo của người tín đồ.

    Người tín đồ có hai bổn phận:

    · Bổn phận đối với Đạo được qui định trong Đạo luật.

    · Bổn phận đối với Đời được qui định trong Thế luật.

    Thế luật đặt ra để người tín đồ vừa giữ tròn luật Đạo, vừa thi hành các bổn phận đối với gia đình gồm cha mẹ, anh em, vợ con, đối với bạn bè, đối với bạn đạo, đối với việc làm ăn sinh sống.

    Thế luật là một phần quan trọng trong Tân Luật của Đạo Cao Đài, gồm tất cả 24 điều luật, có mục đích giúp người tín đồ lo tròn Nhơn đạo, vì đó là phần căn bản để tiến lên tu Thiên đạo, cầu sự giải thoát cho linh hồn.

  • Thế lực phàm phu

    Thế lực phàm phu

    勢力凡夫

    A: The material power.

    P: La puissance matérielle.

    Thế: Cách cuộc bày ra, thế lực, quyền lực. Lực: sức. Phàm phu: người tầm thường, không có tài đức chi đáng kể.

    Thế lực phàm phu là uy quyền và sức mạnh của kẻ phàm tục.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thế thì kẻ hung bạo luống mượn thế lực phàm phu để khuấy rối.

  • Thế ngoại đào nguyên

    Thế ngoại đào nguyên

    世外桃源

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Ngoại: ngoài. Đào nguyên: suối hoa đào, chỉ cõi Tiên hay cảnh Tiên.

    Thế ngoại đào nguyên là cõi đào nguyên ở ngoài cõi trần.

  • Thế phát qui y

    Thế phát qui y

    剃髮歸依

    A: To shave one"s head for the following of Buddhism.

    P: Couper tous les cheveux pour entrer en Bouddhisme.

    Thế: Hớt tóc, cắt tóc. Phát: tóc. Qui: trở về. Y: nương theo. Thế phát: cạo tóc. Qui y: đem mình trở về nương theo.

    Thế phát qui y là cạo tóc, đem mình vào chùa, nương theo Phật đạo lo việc tu hành.

    Cũng nói: Thế trừ tu phát: Cạo bỏ râu tóc. (Tu là râu)

    Theo qui định của nhà Phật, đệ tử thọ giới xuất gia thì phải cạo bỏ râu tóc và đắp y màu vàng, tỏ ý rằng bỏ hết các địa vị và tiện nghi sanh sống của mình ở cõi đời, để chuyên tâm lo việc tu hành.

  • Thế Sở chế bạo Tần

    Thế Sở chế bạo Tần

    勢楚制暴秦

    Thế: Cách cuộc bày ra, thế lực, quyền lực. Sở: Sở Bá Vương Hạng Võ. Chế: kềm chế. Bạo Tần: vua Tần hung bạo: Tần Thủy Hoàng và con là Tần Nhị Thế.

    Thế Sở chế bạo Tần là thế lực mạnh mẽ của Sở Bá Vương Hạng Võ chế phục được vua Tần hung bạo. Ý nói: lấy bạo trừ bạo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con dòm nền Đạo bề ngoài coi diềm dà sung túc mà chẳng thấy rõ cái mạch bịnh trong tâm, chẳng khác chi thế Sở chế bạo Tần, ham cái mạnh bề ngoài, biết cái sợ nơi mặt, chớ chẳng rõ lòng người ra sao....

  • Thế sự

    Thế sự

    世事

    A: The affairs of life.

    P: Les affaires de la vie.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Sự: việc.

    Thế sự là việc đời, chuyện đời.

    Kinh Ði Ra Ðường: Thân vận động trong trường thế sự.

    - Thế sự như kỳ: việc đời như một cuộc cờ, thắng bại không định trước được. (Kỳ: cờ tướng, đánh cờ)

    - Thế sự thăng trầm: việc đời chìm nổi, lúc lên lúc xuống, vô thường.

  • Thế thái nhơn tình

    Thế thái nhơn tình

    世態人情

    A: The manners of the time.

    P: Les moeurs du temps.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Thái: trạng thái. Nhơn tình: tình cảm của con người. Thế thái: thói đời.

    Thế thái nhơn tình là tình cảm của con người đổi thay theo thói đời.

    Thế thái viêm lương: Thói đời ấm lạnh. Ý nói: Thói đời thay đổi luôn luôn, nay ấm mai lạnh, nay nồng mai nhạt. (Viêm là nóng, lương là lạnh)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:thế thái nhơn tình biết bao thay đổi.

  • Thế thời

    Thế thời

    勢時

    A: Circumstances.

    P: Les circonstances.

    Thế: Cách cuộc bày ra, thế lực, quyền lực. Thời: thời kỳ.

    Thế thời hay Thời thế là tình hình trong một thời kỳ, tức là tình hình của xã hội trong một giai đoạn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu chẳng biết thế thời, giọt nước nhành dương hết chờ khi rưới khổ đặng.

  • Thế tình

    Thế tình

    世情

    A: Manners of time.

    P: Moeurs du temps.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Tình: tình cảm.

    Thế tình là tình đời, tức là tình cảm của con người trong đời sống luôn luôn thay đổi. Đó là: Thế thái nhơn tình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bến khổ bầu Tiên rưới thế tình.

  • Thế Tôn

    Thế Tôn

    世尊

    A: One honoured by the world.

    P: L"un honoré par le monde.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Tôn: tôn kính.

    Thế Tôn là Đấng được cõi đời tôn kính nhứt.

    Thế Tôn là từ ngữ để tôn xưng Đức Phật Thích Ca, vì Ngài có đủ các đức tánh để người đời khâm phục, kính ngưỡng.

    Đức Thế Tôn là Đức Phật Thích Ca. (Xem: Thích Ca)

  • Thế trần

    Thế trần

    世塵

    A: The world.

    P: Le monde.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Trần: cõi trần.

    Thế trần là cõi đời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thế trần mộng mị có ra chi.

  • Thế trọng

    Thế trọng

    勢重

    A: The great influence.

    P: La grande influence.

    Thế: Cách cuộc bày ra, thế lực, quyền lực. Trọng: nặng.

    Thế trọng là thế lực mạnh mẽ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con một nhà, đãi đồng một bực, đứa thua sút yếu thế lại đỡ nâng dìu dắt nhiều hơn đứa thế trọng sức nhiều.

  • Thế tục

    Thế tục

    世俗

    A: The world.

    P: Le monde.

    Thế: Đời, cuộc đời, cõi trần. Tục: tầm thường, chỉ cõi trần.

    Thế tục là cõi của người đời, cõi thế gian.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ra vòng thế tục ít người toan.

  • THỂ

    THỂ

    1. THỂ: 體 - Thân thể, hình thể. - Cách thức.

    Thí dụ: Thể cách, Thể phách.

    2. THỂ: 替 thường đọc là Thế: thay thế.

    Thí dụ: Thể Thiên hành hóa.

  • Thể cách

    Thể cách

    體格

    A: The manner.

    P: La manière.

    Thể: - Thân thể, hình thể. - Cách thức. Cách: cách thức.

    Thể cách là cách thức làm ra.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhạc còn chưa đủ thể cách, đờn để rước chư Tiên Thánh không phải vậy là đủ, người nhạc công phải ăn mặc tinh khiết.

  • Thể chất

    Thể chất

    體質

    A: The nature of the substance.

    P: La nature de la substance.

    Thể: - Thân thể, hình thể. - Cách thức. Chất: tánh chất vốn có của sự vật.

    Thể chất là bản chất của vật thể.

  • Thể diện

    Thể diện

    體面

    A: The face.

    P: La face.

    Thể: - Thân thể, hình thể. - Cách thức. Diện: cái mặt.

    Thể diện là cái danh dự làm người khác phải nể nang.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu Thầy giúp tức hại thể diện các con, chớ không giờ phút nào Thầy xa các con.

  • Thể lệ

    Thể lệ

    體例

    A: The rules.

    P: Les règlements.

    Thể: - Thân thể, hình thể. - Cách thức. Lệ: lề lối qui định.

    Thể lệ là cách thức và lề lối qui định để mọi người tuân theo.

    Tân Luật: Về Giáo huấn, điều 21: Cách dạy và các việc sắp đặt trong trường sẽ có lập thể lệ riêng.

  • Thể phách

    Thể phách

    體魄

    A: The body and spirit.

    P: Le corps et l"esprit.

    Thể: - Thân thể, hình thể. - Cách thức. Phách: phần vô hình của con người, chỉ tinh thần.

    Thể phách là thể xác và tinh thần.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Trời Đất có Âm Dương, vạn vật có thể phách, nhơn loại có xác hồn.

  • Thể Thiên hành hóa

    Thể Thiên hành hóa

    替天行化

    A: To replace God for the teaching of the adepts.

    P: Remplacer Dieu pour enseigner les adeptes.

    Thể: thường đọc là Thế: thay thế. Thiên: Trời. Hành: làm. Hóa: giáo hóa cho thay đổi từ xấu ra tốt. Thể Thiên: thay Trời. Hành hóa: làm công việc giáo hóa các tín đồ, nói chung là giáo hóa nhơn sanh bỏ dữ theo lành, nhập môn tùng Đạo.

    Thể Thiên hành hóa là thay Trời để dạy dỗ nhơn sanh quày đầu hướng thiện, thuận tùng Thiên lý.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Người nắm trọn quyền thể Thiên hành hóa, ấy là phận sự tối cao tối trọng của Đức Giáo Tông đó.

    · Thể Thiên hành chánh: 替天行正

    Thể Thiên hành chánh là thay Trời để thi hành Chánh đạo, tức là thay thế Đức Chí Tôn truyền bá nền đạo chơn chánh, cứu độ nhơn sanh.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Những bực tu hành mà tưởng lầm phải tùng Cựu luật hay là Cổ pháp thì trái hẳn với Thiên điều của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thể Thiên hành chánh.

    · Thể Thiên hành đạo: 替天行道

    Thể Thiên hành đạo là thay Trời mà thi hành nền Chánh đạo của Đức Chí Tôn để cứu độ nhơn sanh.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Trước khi lãnh trách nhiệm, buộc Chánh Trị Sự phải đến Thánh Thất sở tại mà lập Minh Thệ, phải thề rằng "Giữ dạ vô tư mà hành đạo, dầu cha mẹ, anh em, vợ con, cũng chẳng đặng phép tư vị, gìn dạ chơn thành, thể Thiên hành đạo."

    Chúng ta đều biết, Cửu Trùng Đài là thể xác của Đạo. Tức nhiên Hội Thánh Cửu Trùng Đài là Thánh Thể của Đức Chí Tôn tại thế, có phận sự thay thế Đức Chí Tôn về phần xác, lo mở mang mối Đạo, độ rỗi nhơn sanh.

    Do đó, những Chức sắc được mạng lịnh của Hội Thánh bổ đi hành đạo nơi các địa phương là thay mặt Hội Thánh, tức là thay thế Đức Chí Tôn phổ độ và giáo hóa nhơn sanh trong địa phương đó. Phận sự Chức sắc ấy rất cao trọng, nhưng cũng rất khó khăn. Nếu làm nên thì công quả rất lớn, mà nếu làm hư hỏng thì tội cũng không nhỏ, vì hễ trọng quyền thì trọng phạt.

    "Tại sao Hội Thánh lại dám mạo hiểm xưng mình là Thánh thể của Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ là Thầy của chúng ta? Thì Chí Tôn đã nói: Người đến qui lương sanh đặng Người có quyền năng hữu hình mà giáo hóa và cứu vớt quần sanh.

    Ấy vậy, Hội Thánh đã đặng mạng lịnh thiêng liêng của Người mà làm Cha, làm Thầy cả con cái của Người. Cái quyền hành ấy cao trọng biết chừng nào! Chúng ta không cần để luận. Muốn nắm quyền hành ấy nơi tay tức phải tỏ ra mình là phẩm giá lương sanh mới đặng. Dầu toàn Hội Thánh hay là một phần tử của Hội Thánh, tức là một vị Chức sắc Thiên phong nào cũng vậy, phải đáng mặt lương sanh đặng vào Thánh thể của Người chẳng phải là dễ.

    Vì vậy mà Chí Tôn phải đem lương sanh ấy vào bậc Thiên phong cho đồng thể cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mới đáng làm hình thể của Người. Nếu để phàm phong thì quả nhiên nhơn loại đã lăng mạ danh thể của Người. Ấy là tội Thiên điều chẳng hề dung thứ. Mà Thiên phong chánh vị còn giữ phàm tánh thì lại lăng mạ danh thể của Người hơn thập bội.

    Nơi cửa Đạo, Thiên phong bỏ phế qui củ, tập tánh ra phàm, dầu nam nữ đều biến thiên đức hạnh.

    Muốn sửa đương tức phải trừ tệ đổi hay, mà trừ tệ đặng phải dùng oai Thiên mạng. Vì cớ Bần đạo phải buộc ôm đau thảm nơi lòng mà ra Huấn lịnh nầy." (Trích trong Huấn Lịnh của Đức Phạm Hộ Pháp số 638 ngày 4-6-Đinh Hợi, dl 21-7-1947)

  • Thể thống

    Thể thống

    體統

    A: The form and system.

    P: La forme et le système.

    Thể: - Thân thể, hình thể. - Cách thức. Thống: nối tiếp nhau, hệ thống.

    Thể thống là thể thức và thống hệ, tức là những việc gì có trật tự nhứt định và có quan hệ liên lạc với nhau.

    Trong một vài trường hợp, Thể thống là Thể diện.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Cái thể thống của Đạo Thầy gọi là chơn thật thì phải hành đạo thế nào cho ra chơn thật y như Thầy sở định.

  • THỆ

    THỆ

    THỆ: 誓 Thề, lời thề.

    Thí dụ: Thệ hữu, Thệ nguyện.

  • Thệ hữu

    Thệ hữu

    誓友

    A: The sworn comrade.

    P: Le camarade assermenté.

    Thệ: Thề, lời thề. Hữu: bạn.

    Thệ hữu là những người bạn trong một tổ chức có thề nguyền với nhau.

    Những tín đồ tu chơn trong Phạm Môn có lập hồng thệ trước sự chứng kiến của Đức Phạm Hộ Pháp thì gọi nhau là Thệ hữu. (Xem chữ: Phạm Môn, vần P)

  • Thệ nguyện - Thệ ước

    Thệ nguyện - Thệ ước

    誓願 - 誓約

    A: To swear, to take an oath.

    P: Jurer, faire serment.

    Thệ: Thề, lời thề. Nguyện: nguyền, mong ước.

    Thệ nguyện, đồng nghĩa Thệ ước, là thề nguyền, là phát ra lời thề để quyết tâm thực hiện điều mong ước của mình.

    Muốn mau tinh tấn trên đường tu hành, cần phải lập Thệ nguyện để quyết tâm quyết chí theo đuổi mục đích mà mình đặt ra.

    Đức Phật A-Di-Đà có phát ra 48 điều thệ nguyện.

    Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có 12 điều thệ nguyện.

    Khi người ỡ cõi thế gian nầy lập lời thệ nguyện thì chư Thần Thánh chứng minh và ghi vào Bộ Thệ nơi cõi thiêng liêng, để khi làm đúng lời thề thì được phần thưởng xứng đáng, còn nếu thất thệ thì phải bị trừng phạt y như đã thề. Cho nên, trước khi lập thệ, phải suy nghĩ cẩn thận, nếu chưa đủ sức làm đúng lời thề thì nên hoãn lại.

    Lời thề rất quan trọng, người không tin tưởng thì khinh thường, thề dối trá cho người ta tin đặng thực hiện ý đồ lừa gạt. Người thề thốt giả dối nhứt định phải bị trừng phạt nặng nề.

  • Thệ tử bất nhị

    Thệ tử bất nhị

    誓死不二

    Thệ: Thề, lời thề. Tử: chết. Bất: không. Nhị: hai.

    Thệ tử bất nhị là thề dầu chết cũng không ăn ở hai lòng.

    Thệ tử bất nhận: Thề dầu có chết cũng không nhận.

  • THI

    THI

    1. THI: 施 Làm, bày đặt ra, thi hành.

    Thí dụ: Thi ân, Thi lễ, Thi thố.

    2. THI: 詩 Thơ văn, kinh Thi.

    Thí dụ: Thi thơ.

    3. THI: 尸 Thây người chết, thể xác.

    Thí dụ: Thi hài, Thi phàm.

  • Thi ân

    Thi ân

    施恩

    A: To grant a favour.

    P: Accorder une faveur.

    Thi: Làm, bày đặt ra, thi hành. Ân: ơn.

    Thi ân là làm ơn.

    Sách Tố thư chép rằng: "Thi ân bất cầu báo, dữ nhân vật bất truy hối, thốn tâm bất muội, vạn pháp giai minh."

    Nghĩa là: Làm ơn không cần báo, cho người cái gì chớ theo hối tiếc, tấc lòng không ám muội, muôn việc đều sáng tỏ.

    Kinh Ðưa Linh Cửu: Nam mô Địa Tạng thi ân.

    Thi ân hậu: Làm ơn dày dặn cho người. (Hậu: dày dặn)

    Kinh Sám Hối: Thi ân hậu bạc ngàn khó sánh.

  • Thi hài

    Thi hài

    尸骸

    A: Physical body.

    P: Le corps physique.

    Thi: Thây người chết, thể xác. Hài: xương.

    Thi hài là thể xác và xương.

    Kinh Sám Hối:
    Thi hài như gỗ biết gì,
    Linh hồn là chủ thông tri việc đời.
  • Thi hào

    Thi hào

    詩豪

    A: Great poet.

    P: Le grand poète.

    Thi: Thơ văn, kinh Thi. Hào: người tài trí vượt trội.

    Thi hào là nhà thơ lớn, bậc cự phách trong làng thơ.

    Thí dụ: Thi hào Nguyễn Du, Thi hào Victor Hugo.

  • Thi hình

    Thi hình

    施型

    A: To apply the laws.

    P: Appliquer les lois.

    Thi: Làm, bày đặt ra, thi hành. Hình: cái khuôn bằng đất để đúc đồ vật, chỉ cái khuôn phép phải theo.

    Thi hình là làm đúng theo khuôn phép, người tu thì làm đúng theo giới luật tu hành.

    Di Lạc Chơn Kinh: Huờn hư thi hình đắc A Nậu Đa La Tam....

  • Thi lễ

    Thi lễ

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Thi lễ

    施禮

    A: To greet formally.

    P: Saluer cérémonieusement.

    Thi: Làm, bày đặt ra, thi hành. Lễ: cách bày tỏ lòng kính trọng.

    Thi lễ là làm lễ chào một cách trang trọng.

    * Trường hợp 2: Thi lễ

    詩禮

    A: The good family.

    P: La famille distinguée.

    Thi: Thơ văn, kinh Thi. Lễ: kinh Lễ.

    Thi lễ là kinh Thi và kinh Lễ của Nho giáo, chỉ nhà có học thức và khuôn phép.

  • Thi nhân mặc khách

    Thi nhân mặc khách

    詩人墨客

    A: The poet and writer.

    P: Le poète et l"écrivain.

    Thi: Thơ văn, kinh Thi. Nhân: người. Mặc: mực. Khách: người.

    Thi nhân là người có tài làm thơ, nhà thơ.

    Mặc khách là người có tài viết văn, nhà văn.

  • Thi phàm

    Thi phàm

    尸凡

    A: Physical body.

    P: Le corps physique.

    Thi: Thây người chết, thể xác. Phàm: chỉ cõi trần.

    Thi phàm là thể xác của con người nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chỉ sợ giùm cho chư hiền hữu, chư hiền muội, mang nặng thi phàm mà chịu cường quyền đè nén.

  • Thi pháp

    Thi pháp

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Thi pháp

    施法

    A: To administer the occultism.

    P: Administrer de l"occultisme.

    Thi: Làm, bày đặt ra, thi hành. Pháp: phép thuật huyền diệu.

    Thi pháp là làm các phép thuật huyền diệu.

    Di Lạc Chơn Kinh: Thi pháp hộ trì vạn linh sanh chúng. Nghĩa là: làm các phép thuật để hộ trì vạn linh và chúng sanh.

    * Trường hợp 2: Thi pháp

    詩法

    A: Versification.

    P: La versification.

    Thi: Thơ văn, kinh Thi. Pháp: phép tắc, phương pháp.

    Thi pháp là phép làm thơ, phép làm một bài thơ cho đúng niêm luật và đúng theo nội dung qui định.

  • Thi thố

    Thi thố

    施措

    A: To execute.

    P: Exécuter.

    Thi: Làm, bày đặt ra, thi hành. Thố: sắp đặt đâu ra đấy.

    Thi thố là đem tài sức ra làm cho người ta thấy khả năng tài giỏi của mình.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố.

  • Thi thơ chi phố

    Thi thơ chi phố

    詩書之圃

    Thi: Thơ văn, kinh Thi. Thơ: Thư: sách. Chi: hư tự. Phố: vườn trồng cây hoa kiểng.

    Thi thơ chi phố là cái vườn văn chương thơ phú.

    ng: Chưởng thiện quả ư, thi thơ chi phố.

  • Thi xã - Thi đàn

    Thi xã - Thi đàn

    詩社 - 詩壇

    A: The poetry club.

    P: Le cénacle des poètes.

    Thi: Thơ văn, kinh Thi. Xã: đoàn thể nhiều người hợp thành. Đàn: chỗ để hội họp nhiều người.

    Thi xã là đoàn thể do nhiều thi nhân hợp lại lập ra để ngâm vịnh và xướng họa với nhau.

    Thi đàn là nơi các thi nhân hội họp để làm thơ.

    Thi đàn cũng là một mục mở ra trên một tờ báo để đăng các bài thơ của các thi nhân gởi đến.

  • THÍ

    THÍ

    1. THÍ: 施 Cho làm phước, bố thí.

    Thí dụ: Thí chẩn, Thí thân, Thí thực.

    2. THÍ: 試 Đi thi, làm thử.

    Thí dụ: Thí điểm.

  • Thí chẩn

    Thí chẩn

    施賑

    A: To give alms.

    P: Faire l"aumône.

    Thí: Cho làm phước, bố thí. Chẩn: đem tiền bạc phát cho người nghèo.

    Thí chẩn là đem tiền bạc và các nhu yếu phẩm đến phát cho những người nghèo khổ.

  • Thí chủ

    Thí chủ

    施主

    A: Donator.

    P: Le donateur.

    Thí: Cho làm phước, bố thí. Chủ: người chủ.

    Thí chủ là người đem tiền bạc ra bố thí.

  • Thí điểm

    Thí điểm

    試點

    A: Experimental place.

    P: Le lieu de l"expérimentation.

    Thí: Đi thi, làm thử. Điểm: một nơi.

    Thí điểm là nơi làm thử để xem xét kết quả.

    Khi làm thử tại thí điểm thành công rồi thì mới đem áp dụng rộng rãi ra các nơi khác.

  • Thí thân - Thí mạng

    Thí thân - Thí mạng

    施身 - 施命

    A: To sacrifice oneself.

    P: Se sacrifier.

    Thí: Cho làm phước, bố thí. Thân: thân mình. Mạng: mạng sống.

    Thí thân là đem thân mình hiến cho kẻ khác.

    Thí mạng là liều mạng, liều chết để làm được một việc gì có ích lợi lớn.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Như thảo mộc phải thí thân đặng nuôi dưỡng các loài vật mà thôi.

  • Thí thực cô hồn

    Thí thực cô hồn

    施食孤魂

    Thí: Cho làm phước, bố thí. Thực: ăn, thức ăn. Cô hồn: những linh hồn lẻ loi không được thân nhân thờ cúng.

    Thí thực cô hồn là bố thí thức ăn cho các cô hồn, tức là dọn thức ăn ra bàn, đốt nhang vái thỉnh các cô hồn vào ăn.

  • Thí tiền thí bạc

    Thí tiền thí bạc

    A: To give the money.

    P: Donner de monaie.

    Thí: Cho làm phước, bố thí.

    Thí tiền thí bạc là đem tiền bạc đến cho để giúp đỡ người nghèo khổ.

    Kinh Sám Hối:
    Thí tiền thí bạc chẩn bần,
    Người đau thí thuốc, Thánh Thần phước ban.
  • THỈ

    THỈ

    THỈ: 始 Khởi đầu, thường đọc là THỦY.

    ( Xem: Thủy )

  • THỊ

    THỊ

    1. THỊ: 是 Ấy là, phải.

    Thí dụ: Thị chi, Thị phi.

    2. THỊ: 視 Thấy.

    Thí dụ: Thị chứng, Thị thực.

    3. THỊ: 示 Bảo cho biết, bày ra xem.

    Thí dụ: Thị uy.

    4. THỊ: 嗜 Ham muốn.

    Thí dụ: Thị dục, Thị hiếu.

    5. THỊ: 侍 Trực, hầu.

    Thí dụ: Thị giả, Thị lập.

  • Thị chi bất kiến

    Thị chi bất kiến

    視之不見

    Thị: Thấy. Chi: hư tự. Bất: không. Kiến: thấy.

    Thị chi bất kiến là nhìn mà chẳng thấy.

    Trong sách Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử có viết:

    Thị chi bất kiến, danh viết Di,
    Thính chi bất văn, danh viết Hi,
    Bác chi bất đắc, danh viết Vi.

    Nghĩa là:

    Nhìn mà không thấy, tên gọi là Di,
    Lắng mà không nghe, tên gọi là Hi,
    Bắt mà không được, tên gọi là Vi.

    Đây là Đức Lão Tử nói về cái bản thể của Đạo: - không có sắc nên nhìn không thấy, - không có thanh nên lắng không nghe, - không có hình nên bắt không được.

  • Thị chi chứng quả

    Thị chi chứng quả

    是之證果

    Thi: Ấy là, phải. Chi: hư tự. Chứng: nhận thực có bằng cớ. Quả: cái kết quả đạt được của sự tu hành.

    Thị chi chứng quả: ấy là chứng được cái quả vị của sự tu hành (đắc đạo đạt được ngôi vị).

    Di Lạc Chơn Kinh: Thị chi chứng quả Cực Lạc Niết Bàn.

  • Thị chứng

    Thị chứng

    視證

    A: To testify.

    P: Témoigner.

    Thị: Thấy. Chứng: nhận thực có bằng cớ.

    Thị chứng là nhìn thấy và chứng nhận là sự thực.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Chí Tôn đã định khai đạo đặng thị chứng cho các tôn giáo biết nhìn nhau trong đường hành thiện.

  • Thị dục

    Thị dục

    嗜欲

    A: Covetousness.

    P: La convoitise.

    Thị: Ham muốn. Dục: muốn.

    Thị dục là lòng ham muốn.

  • Thị giả

    Thị giả

    侍者

    A: Assistant of Buddha.

    P: Assistant de Bouddha.

    Thị: Trực, hầu. Giả: người.

    Thị giả là người theo hầu và giúp việc cho Đức Phật.

    Thị giả của Đức Phật Thích Ca là ông A Nan.

    Ông A Nan luôn luôn theo hầu Đức Phật mỗi khi Đức Phật đi đến chỗ nầy chỗ kia hóa độ nhơn sanh. Nhờ làm Thị giả nên ông A Nan nghe được Đức Phật giảng kinh nhiều hơn các đệ tử khác. Nhờ vậy, sau khi Phật tịch diệt, lúc kết tập kinh điển lần đầu tiên, ông A Nan đứng ra đọc lại trọn Tạng Kinh.

  • Thị hiện

    Thị hiện

    示現

    A: To appear.

    P: Apparaître.

    Thị: Bảo cho biết, bày ra xem. Hiện: hiện hình ra trước mắt.

    Thị hiện là hiện ra cho người ta thấy rõ ràng.

    Chư Phật, chư Tiên, chư Bồ Tát, vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh, đã thị hiện ra đủ hạng người, bày ra đủ cách tu hành, để thúc giục nhơn sanh quày đầu hướng thiện.

  • Thị hiếu

    Thị hiếu

    嗜好

    A: The taste.

    P: Le goût.

    Thị: Ham muốn. Hiếu: ưa thích.

    Thị hiếu là xu hướng ham thích một điều gì.

  • Thị không thị sắc

    Thị không thị sắc

    是空是色

    A: Having at a time the invisible and visible.

    P: Étant à la fois l"invisible et visible.

    Thị: Ấy là, phải. Không: trống không, không thấy gì cả. Sắc: có hình tướng thấy được.

    Thị không thị sắc: ấy là không, ấy là sắc.

    Do câu: Sắc tức thị không, không tức thị sắc.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Sắc tức thị không, vần S)

  • Thị lập

    Thị lập

    侍立

    A: To stand on an attendance.

    P: Se tenir debout à la cérémonie.

    Thị: Trực, hầu. Lập: đứng.

    Thị lập là đứng hầu.

    Tịnh túc thị lập: đều đứng ngang nhau hầu lễ.

    Khi Lễ sĩ xướng: "Tịnh túc thị lập" thì mọi người đi vào đứng hầu nghiêm chỉnh, nam đứng bên nam, nữ đứng bên nữ, để khởi sự hành lễ.

  • Thị nhận - Thị thực

    Thị nhận - Thị thực

    視認 - 視實

    A: To certify the truth.

    P: Certifier exact.

    Thị: Thấy. Nhận: biết rõ. Thực: sự thật.

    Thị nhận là thấy và biết rõ là không có gì sai trái.

    Thị thực là thấy rõ đây là sự thật.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Luật lệ nào không có ba ấn Chưởng Pháp thị nhận và Hiệp Thiên Đài phê chuẩn thì cả chư tín đồ của Thầy không tuân mạng.

  • Thị nhục

    Thị nhục

    示辱

    A: To insult.

    P: Insulter.

    Thị: Bảo cho biết, bày ra xem. Nhục: nhơ nhuốc xấu hổ.

    Thị nhục là làm cho người ta bị ô nhục.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Hớn Lưu Khoan trách dân bồ tiên thị nhục.

    Nghĩa là: đời Hán, ông Lưu Khoan làm quan, hễ dân có tội thì đánh bằng roi lát cho biết nhục vậy thôi.

  • Thị phi

    Thị phi

    是非

    A: Right or wrong.

    P: Raison ou tort.

    Thị: Ấy là, phải. Phi: trái.

    Thị phi là phải trái, đúng sai, chỉ dư luận của người đời, người nói vầy người nói khác.

    Ông Châu Tử nói: "Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành. Thị phi chỉ vị đa khai khẩu, phiền não giai nhân cưỡng xuất đầu."

    Nghĩa là: Giữ miệng như bình, đề phòng cái ý của mình như phòng thủ thành trì. Phải trái chỉ vì do cái miệng nói nhiều, phiền não đều do gắng gượng ra đầu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Dời đổi thói đời lắm thị phi.

  • Thị phú khinh bần

    Thị phú khinh bần

    嗜富輕貧

    Thị: Ham muốn. Phú: giàu. Khinh: coi rẻ. Bần: nghèo.

    Thị phú khinh bần: ham giàu, coi rẻ người nghèo.

    Đó là thói đời, dua nịnh kẻ giàu, khinh rẻ người nghèo.

  • Thị tài ngạo vật

    Thị tài ngạo vật

    恃才傲物

    Thị: cậy, ỷ lại. Tài: tài năng. Thị tài: cậy tài, ỷ tài. Ngạo: kiêu ngạo. Vật: ý nói: tất cả người và vật.

    Thị tài ngạo vật là cậy mình có tài mà kiêu ngạo với mọi người.

  • Thị tử như qui

    Thị tử như qui

    視死如歸

    Thị: Thấy. Tử: chết. Như: giống như. Qui: trở về.

    Thị tử như qui là xem cái chết như là sự trở về.

    Ý nói: không sợ cái chết, vì quan niệm "Sanh ký tử qui" (sống gởi thác về), xem cõi trần nầy là tạm bợ, cõi thật sự hằng sống của con người là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, nên chết là chết cái thể xác nơi cõi trần, còn linh hồn thì bay trở về cõi thiêng liêng hưởng được mọi điều tốt đẹp.

  • Thị uy (Thị oai)

    Thị uy (Thị oai)

    示威

    A: To manifest one"s force.

    P: Manifester sa force.

    Thị: Bảo cho biết, bày ra xem. Uy: Oai: oai quyền.

    Thị uy hay Thị oai là phô trương cái oai quyền của mình cho người ta khiếp sợ.

    Thị uy phóng pháo: Bắn súng thị oai.

  • Thích Ca Mâu Ni Văn Phật

    Thích Ca Mâu Ni Văn Phật

     

    I. Sự tích Đức Phật Thích Ca

    釋迦牟尼文佛

    A: Sakyamuni Buddha.

    P: Çakyamouni Bouddha.

    Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, gọi tắt là Đức Phật Thích Ca, thế danh Sĩ-Đạt-Ta (Siddattha) có nghĩa là người được toại nguyện, họ Cồ-Đàm (Gotama), sau đổi họ lại là Thích Ca (Sakya).

    Ngài được sanh ra vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, năm 623 trước Chúa Giáng sinh, tại vườn Lâm-Tỳ-Ni (Lumbini), ở thủ đô Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu) của một nước nhỏ ở miền Bắc Ấn Độ, gần biên giới nước Népal ngày nay.

    (Về sau nầy, Đại Hội Phật giáo Thế giới đổi ngày giáng sanh của Đức Phật là ngày trăng tròn 15-4-âm lịch, và bên Phật giáo làm Đại lễ Phật đản vào ngày 15-4-âl nầy.)

    Ngài là Hoàng tử con của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma-Da (Maha Maya).

    Sau khi hạ sanh Hoàng tử được 7 ngày, Hoàng Hậu Ma-Da từ trần, trở về Cung Tiên. Em Bà là Maha Pajapati cũng kết duyên với vua Tịnh Phạn, thay thế người chị ruột, nuôi dưỡng Hoàng tử Sĩ-Đạt-Ta khôn lớn.

    Hoàng tử Sĩ-Đạt-Ta lớn lên, hưởng được sự giáo dục hoàn hảo của bực vua chúa, để sau nầy lên nối ngôi vua cha trị vì đất nước. Hoàng tử lại là người thông minh xuất chúng, nên Ngài trở thành một người văn võ toàn tài.

    Khi lên 16 tuổi, theo phong tục thời bấy giờ, Thái tử kết duyên cùng Công chúa Da-Du-Đà-La (Yasodhara), một người em cô cậu cùng tuổi với Ngài.

    Trong suốt 13 năm chung sống sau hôn lễ, Thái tử hoàn toàn sống cuộc đời vương giả, không hay biết chi các nỗi thống khổ của dân chúng ở bên ngoài cung điện.

    Một ngày đẹp Trời, Thái tử cùng quan hầu cận đi du ngoạn bên ngoài Hoàng cung để ngắm xem cảnh vật bên ngoài và có thể tiếp xúc với dân chúng.

    - Ngài chứng kiến được những nỗi vất vả khổ cực của kiếp sống con người phải lo làm lụng tìm phương sanh sống. Chúng sanh cũng vì sự sống mà tranh giành giết hại lẫn nhau.

    - Một ngày khác, Thái tử còn chứng kiến được các cảnh khổ như: già yếu, ốm đau, chết chóc biệt ly.

    Vậy thì đời sống của con người có chi là sung sướng?

    Ngài nghĩ rằng chỉ riêng phần Ngài là một Thái tử, sắp sửa lên ngôi vua trị vì thiên hạ, thì nghèo đói, Ngài không cần lo, nhưng còn già yếu, ốm đau, rồi chết thì không ai tránh khỏi được. Ngài âm thầm lập chí tìm phương giải khổ cho nhơn sanh.

    Tình cờ, Ngài gặp được một tu sĩ ngoài cửa Hoàng thành, với dáng điệu rất ung dung, mặt mày thơ thới vô tư. Ngài đến gần vị tu sĩ ấy để hỏi chuyện, được biết vị tu sĩ ấy xuất gia đi tu học đạo, quyết trừ hết ác căn, lấy lòng từ bi kềm chế dục vọng, hộ niệm cho chúng sanh không nhiễm theo thế tục, để trước là giải thoát cho chính mình, sau là giải thoát cho chúng sanh.

    Nghe vậy, Thái tử Sĩ-Đạt-Ta rất hoan hỷ và nhứt quyết sẽ làm như vị tu sĩ ấy.

    Vua Tịnh Phạn thấy Thái tử có ý muốn đi tu thì nhà vua không bằng lòng, tìm đủ mọi cách để ngăn cản Thái tử.

    Giữa lúc ấy Công chúa Gia-Du-Đà-La, vợ của Thái tử sanh được một hoàng nam. Thái tử không cảm thấy vui mừng, mà lại than rằng: "Lại thêm một sợi dây trói buộc."

    Do đó, vua Tịnh Phạn đặt tên cho cháu nội là: Ra-Hầu-La (Rahula, tiếng Phạn có nghĩa là trở ngại).

    Ngày mùng 7 tháng 2, năm Thái tử được 29 tuổi, trong lúc vợ con và quan binh trong Hoàng thành ngủ mê sau một bữa tiệc lớn ca xướng tưng bừng, Thái tử gọi quan hầu cận Xa-Nặc (Chana) thắng ngựa Kiền trắc (Kanthaka) để Thái tử trốn khỏi Hoàng cung, đi vào rừng núi thanh vắng, tìm thầy học đạo tu hành.

    Nhờ ngựa Kiền trắc chạy rất mau, nên đêm đó, nó đưa Thái tử vượt Hoàng cung, đến một nơi cách kinh đô rất xa. Thái tử tự mình cắt tóc, gỡ gươm trao cho Xa-Nặc, bảo đem về trình với phụ vương, rồi đưa ngựa Kiền trắc cho Xa-Nặc cỡi trở về triều. Thái tử cổi áo Thái tử đổi lấy áo thâm của một người thợ săn, rồi đi vào núi tu hành.

    Vua Tịnh Phạn sai các quan Đại Thần đi tìm Thái tử, khuyên nhủ Thái tử trở về triều, nhưng không thể lay chuyển được ý chí kiên quyết của Thái tử.

    Thái tử tìm đến một Đạo sĩ lỗi lạc, tên là Alarama Kalama để xin thọ giáo. Ngài học hết giáo pháp của Alarama, nhưng cảm thấy chưa toại nguyện. Ngài xin từ giã và tìm đến một Đạo sĩ trứ danh khác là Uddaka Ramaputta để xin học Đạo. Ngài cũng học hết giáo pháp của Uddaka, nhưng vẫn chưa thấy được mục tiêu cứu cánh.

    Ngài nhận thấy rằng không ai có thể dẫn dắt Ngài đến thành tựu vì những vị mà Ngài đã học vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thoát khỏi vô minh.

    Từ đó Thái tử không tìm thầy học đạo nữa, mà tự mình đến chỗ thanh vắng để tự suy nghĩ tìm tòi chơn lý.

    Ngài gặp được nhóm 5 tu sĩ mà ông Kiều Trần Như đứng đầu theo ủng hộ Ngài để Ngài thực hành lối tu khổ hạnh. Sau 6 năm tu khổ hạnh như thế, thân mình của Ngài chỉ còn da bọc xương, hơi thở yếu ớt, gần như cái chết sắp đến mà Ngài vẫn chưa đạt được cứu cánh.

    Bỗng nhiên có một ông tiều đến gần chỗ Ngài đang thiền định, mang theo một cây đàn, lên dây đàn, đàn một khúc rất hay, đến lúc hay nhất thì dây đàn bỗng đứt, tiếng đàn im bặt. Ông tiều nối lại dây đàn, lên dây cho đúng, rồi lại đàn, đàn đến khúc hay nhất thì dây đàn lại đứt. Đứt rồi lại nối, nối rồi lên dây trở lại và đàn. Làm ba hiệp như vậy.

    Thái tử đang trì định phải bực bội tỉnh hồn than rằng:

    - Ông đàn thì hay mà lên dây chi cho cao quá, đến khúc hay thì dây đứt, cái hay ấy phải hết mùi, rất đáng tiếc!

    Ông tiều liền đáp rằng:

    - Cái đàn của tôi cũng như cái tu của Ngài. Dây đàn tôi lên cao quá, nên đến chỗ hay thì đứt thì cái hay của tiếng đàn chẳng hữu ích chút nào; còn cái tu của Ngài, nếu cái cao siêu huyền bí đạt được cơ bất diệt đi nữa thì nó cũng phải chết theo Ngài, còn chi hữu ích cho đời. Tôi cũng lấy làm tiếc vậy!

    Lão tiều nói xong, liền xách đàn đi mất. (Trong Kinh cho rằng ông tiều ấy là một vị Phật hóa thân đến cảnh tỉnh Thái tử).

    Thái tử suy nghĩ mãi lời nói của ông tiều, liền tỉnh giác, biết mình lầm theo lối tu khổ hạnh, làm suy giảm trí thức và mệt mỏi tinh thần.

    Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu khổ hạnh, cũng như 6 năm trước đây, Ngài đã dứt khoát từ bỏ đời sống lợi dưỡng.

    Ngài lại nhớ đến ngày lễ Hạ điền của vua cha trước kia, trong lúc mọi người đang lo làm lễ thì Ngài đến dưới bóng mát của cây trâm, ngồi thiền định và đắc được Sơ Thiền. Ngài nhớ lại và thấy rõ rằng, đó chính mới là con đường dẫn đến giác ngộ. Đó là con đường tu, không sống theo lợi dưỡng, mà cũng không quá khắc khổ, gọi là Trung đạo.

    Ngài nhứt định từ bỏ lối tu khổ hạnh. Ngài mệt nhọc lần bước đến bờ sông Ni-Liên-Thiền, xuống tắm rửa sạch sẽ, rồi đi lên, và kiệt sức ngã vào một cội cây bất tỉnh.

    May mắn lúc đó có một thiện nữ bưng một bát sữa bột tìm đến cúng dường, thấy một ông đạo đang nằm thoi thóp tại gốc cây, nàng liền đỡ dậy, rồi dâng bát sữa. Thái tử thọ lãnh, uống hết, rồi Ngài định tỉnh trở lại, thấy sức khỏe dần dần được phục hồi, tinh thần bắt đầu sảng khoái.

    Ngài cảm ơn nàng thiện nữ (nàng tên là Suyata), rồi Ngài tìm đến một gốc cây Bồ đề to lớn, cành lá sum suê, trải cỏ làm nệm, ngồi tham thiền, phát đại thệ rằng: "Nếu không thành đạo thì nhứt định không rời khỏi chỗ ngồi nầy."

    Trải qua 49 ngày đêm thiền định, Ngài liền ngộ đạo, biết được nguyên nhân sanh tử của con người, tìm được con đường giải thoát chúng sanh thoát vòng luân hổi khổ não. Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc đó, Thái tử được 35 tuổi, lấy hiệu là: Thích Ca Mâu Ni.

    Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa quyết định truyền bá giáo pháp của Ngài, vì Ngài nghĩ rằng: Như Lai đã khó khăn lắm mới chứng ngộ được giáo pháp ấy. Người đời còn mang nặng tham ái sân hận, không thể hiểu được, vì giáo pháp ấy đi ngược dòng tham ái, giáo pháp rất thâm diệu, khó mà nhận thức được.

    Đấng Thượng Đế lo ngại Đức Phật Thích Ca không chịu đem giáo pháp của Ngài truyền dạy cho nhơn sanh, nên ra lịnh cho vị Phạm Thiên Vương đến yêu cầu Phật truyền bá giáo pháp ấy để cứu độ chúng sanh.

    Đức Phật Thích Ca nhận lời và tuyên bố: "Cửa vô sanh bất diệt đã mở cho chúng sanh. Hãy để ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng."

    Trong lúc đó thì nhóm ông Kiều Trần Như 5 người thấy Thái tử bỏ lối tu khổ hạnh, ăn uống trở lại, cho là Thái tử qui phàm trở về lối sống lợi dưỡng, thì 5 vị ấy thất vọng, từ bỏ Thái tử, không ủng hộ Ngài nữa, và họ đi đến ở vườn Lộc giả.

    Đức Phật Thích Ca thầm nghĩ, cũng tội nghiệp cho 5 ông nầy, vì đã theo ủng hộ Phật trong một thời gian dài, gần 6 năm. Nay Ngài đã đắc đạo Vô thượng Bồ đề, Ngài cũng nên đến độ 5 ông nầy trước tiên.

    Đức Phật vận thần thông để tìm xem nhóm 5 ông nầy đang ở đâu, thì biết 5 ông đang ở vườn Lộc giả xứ Bénarès.

    Đức Phật liền đi đến đó. Nhóm 5 ông định không đảnh lễ Ngài vì cho rằng Ngài đã qui phàm, nhưng khi Đức Phật đến gần, với vẻ oai nghi đầy từ bi, khiến 5 Đạo sĩ đổi thái độ, ra đảnh lễ Đức Phật.

    Đức Phật Thích Ca thuyết cho 5 ông nghe giáo pháp Tứ Diệu Đế. Đây là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết cho 5 vị được nghe, cả 5 vị liền giác ngộ, đắc quả A-La-Hán, trở thành 5 đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Nhóm 5 vị nầy có tên lần lượt là: Kiều Trần Như, A-Xá-Bà-Thệ, Ma-Ha-Bạt-Đề, Ma-Ha-Câu-Lợi, Thập-Lực-Ca-Diếp.

    Đây là lần đầu tiên, Đức Phật chuyển diệu pháp luân, nói pháp Tứ Diệu Đế, giáo pháp căn bản của Phật giáo.

    Bắt đầu từ đây có đủ Tam Bảo Phật giáo: Đức Phật Thích Ca là Phật Bảo, giáo pháp Tứ diệu Đế là Pháp Bảo, 5 vị Tỳ Kheo đệ tử đầu tiên của Phật là Tăng Bảo. Ấy là ngôi Tam Bảo đầu tiên của thế gian.

    Đức Phật Thích Ca cùng 5 vị Tỳ Kheo đi khắp nơi thuyết pháp, độ được hằng vạn đệ tử xuất gia, đủ các hạng người trong tất cả giai cấp ở Ấn Độ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quan dân, hay vua chúa.

    Những sự kiện quan trọng trong công cuộc hoằng hóa của Đức Phật là:

    - Độ được ba anh em Ca-Diếp-Ba đang tu theo đạo thờ Thần lửa. Ba ông nầy có 1000 đệ tử, cùng qui y theo Phật.

    - Độ được hai ông Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiều-Liên, nguyên là hai học giả của phái Lục sư ngoại đạo.

    - Độ được Quốc vương Tần-Bà-Sa-La của nước Ma-Kiệt-Đà. Quốc vương đã kính tin Phật pháp, lại khuyến khích dân chúng qui y Phật pháp. Nhà vua cho xây dựng Tịnh Xá rộng rãi trong nội thành để thỉnh Phật và chư tăng đến thuyết pháp thường xuyên.

    - Độ được vị Phú Trưởng giả Cấp-Cô-Độc. Ông nầy kiến lập một tòa Tịnh Xá cao rộng tôn nghiêm, gọi là Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc Viên, để Đức Phật và chư Tăng giảng đạo.

    - Độ được Phụ vương của Phật là vua Tịnh Phạn và quyến thuộc của Đức Phật.

    Đức Phật Thích Ca chọn ra được 10 vị đại đệ tử xuất sắc nhất của Phật giáo, kể tên ra sau đây:

    1. Xá Lợi Phất
    2. Mục Kiều Liên
    3. Đại Ca Diếp
    4. A Nan
    5. A Na Luật
    6. Phú Lâu Na
    7. Tu Bồ Đề
    8. Ưu Ba Ly
    9. Ca Chiên Chiên
    10. La Hầu La.

    II. Đức Phật lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni

    Sau khi vua Tịnh Phạn qua đời, Hoàng Hậu Maha Pajapati (là mẹ nuôi, mà cũng là dì ruột của Đức Phật) cầu xin Đức Phật cho hàng phụ nữ được xuất gia tu hành.

    Đức Phật liền từ chối ngay mà không cho biết lý do.

    Bà Maha Pajapati đã ba lần khẩn cầu như thế, nhưng Đức Phật đều từ chối.

    Ông Ananda, cũng ba lần dùng hết cách để cầu xin Đức Phật cho phụ nữ xuất gia, nhứt là đối với Bà mẹ nuôi của Đức Phật, nhưng Đức Phật vẫn cương quyết từ chối. Đến lần thứ 4, Đức Phật mới chấp thuận.

    Lý do từ chối của Đức Phật là:

    "Trong Luật Tạng có ghi mấy lời của Đức Phật như vầy: Nền Chánh pháp của Ta, đáng lẽ trụ thế 1000 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng trót vì Ta đã cho hàng phụ nữ xuất gia, nên nền Chánh pháp bị giảm bớt, chỉ trụ thế 500 năm mà thôi." (Trích trong Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, trang 376)

    Theo đó thì chúng ta thấy rằng, nếu chấp thuận cho hàng phụ nữ xuất gia học Phật tu hành, lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni thì Chánh pháp của Phật sớm bị sửa cải, chỉ kéo dài được 500 năm mà thôi, thay vì được 1000 năm nếu không thâu nhận phụ nữ xuất gia.

    Nhưng trước sự quyết tâm chân thành của Bà mẹ nuôi, với lòng từ bi bác ái của Phật, Đức Phật không nỡ bỏ Nữ phái mà không lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, mặc dầu biết rằng việc nầy làm cho thời kỳ Chánh pháp của Phật giảm đi một nửa, chỉ kéo dài 500 năm.

    "Khi Đức Phật cho thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, Ngài đã tiên đoán những hậu quả và lưu ý:

    Nầy Ananda, nếu Nữ giới không được chấp thuận thoát ly thế tục để khép mình vào nếp sống không nhà cửa trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Như Lai đã công bố thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu sẽ tồn tại lâu dài. Nhưng Nữ giới đã được phép sống đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu chỉ tồn tại phân nửa thời gian." (Trích Đức Phật và Phật Pháp, của Đại Đức Narada, trang 152).

    Sau khi Đức Phật lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, Bà Maha Pajapati tu đắc quả A-La-Hán, được liệt vào hàng cao cấp có nhiều kinh nghiệm nhứt, không thua bên Nam phái.

    Công Chúa Da-Du-Đà-La (vợ của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta) cũng xuất gia tu hành, đắc quả A-La-Hán. Trong hàng Tỳ Kheo, Bà Da-Du-Đà-La đứng đầu những vị đắc Đại Thần Thông, và Bà nhập diệt lúc 78 tuổi.

    Đức Phật đi khắp nơi trong miền Bắc Ấn Độ thuyết pháp được 45 năm mới nhập Niết Bàn, hưởng thọ 80 tuổi.

    Trong Hội Linh Sơn trước đây, Đức Phật chọn Ma-Ha Ca-Diếp tức là Đại Ca-Diếp làm người kế vị cho Ngài điều khiển Giáo Hội. Hôm đó, Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên cao và im lặng. Cả hội chúng đều ngơ ngác không hiểu, chỉ có Ma-Ha Ca-Diếp đắc ý mĩm cười (gọi là Đức Phật niêm hoa, Ca-Diếp vi tiếu).

    Đức Phật bảo Ma-Ha Ca-Diếp:

    - Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo lý, nay Ta giao phó cho ngươi. Ngươi khéo gìn giữ Chánh pháp nầy, truyền mãi đừng cho dứt, đến sau truyền lại cho A-Nan.

    Rồi Đức Phật nói kệ:

    Pháp bổn pháp vô pháp,
    Pháp vô pháp diệc pháp,
    Kim phó vô pháp thời,
    Pháp pháp hà tằng pháp.

    Nghĩa là:

    Pháp gốc pháp không pháp,
    Pháp không pháp cũng pháp,
    Nay khi trao không pháp,
    Mỗi pháp đâu từng pháp.

    Khi nghe tin Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài Ma-Ha Ca-Diếp từ núi Kỳ-Xà-Quật liền đến thành Câu-Thi-Na làm lễ hỏa táng thi hài Đức Phật, lấy Xá lợi của Phật chia làm 8 phần phân phát cho 8 nơi, kiến tạo đài tháp phụng thờ:

    1. Câu-Thi-Na
    2. Pa-Bà
    3. Giá-La
    4. La-Ma-Già
    5. Ca-Tỳ-La-Vệ
    6. Tỳ-Lưu-Đề
    7. Tỳ-Xá-Ly
    8. Ma-Kiệt-Đà.

    III. Đức Phật Thích Ca trong Đạo Cao Đài

    Đức Phật Thích Ca là Giáo chủ Phật giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Đạo Phật từ đó truyền đến nay được hơn 2500 năm.

    Ngày nay là thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mở Đạo Cao Đài. Lúc ban sơ, Đức Phật Thích Ca có giáng cơ dạy đạo như sau:

    Ngày 8 tháng 4 năm Bính Dần (1926).

    THÍCH CA MÂU NI PHẬT

    Chuyển Phật Đạo,
    Chuyển Phật Pháp,
    Chuyển Phật Tăng,
    Qui nguyên Đại Đạo.
    Tri hồ chư chúng sanh?

    Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ: Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, đại hỷ phát đại tiếu!

    Ngã vô lự Tam đồ chi khổ. Khả tùng giáo Ngọc Đế viết Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. I. 14)

    Bài giáng cơ bằng chữ Nho của Đức Phật Thích Ca, diễn Nôm ra sau đây:

    Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển Phật đạo, chuyển Phật pháp, chuyển Phật tăng, qui nguyên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Chư chúng sanh có biết chăng?

    Vui mừng! Vui mừng! Hội được vào Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: Chư Thần Thánh Tiên Phật quá mừng nên phát ra tiếng cười lớn.

    Ta không còn lo lắng về ba đường luân hồi khổ sở. Khá tùng theo lời dạy bảo của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, gọi là Đấng Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

    Đức Phật Thích Ca có giáng cơ ban cho hai bài kinh rất quan trọng là: Kinh Đại Tường và Di-Lạc Chơn Kinh.

    Hai bài kinh nầy cho chúng ta biết, Đức Phật Thích Ca đã giao quyền giáo hóa lại cho Đức Phật Di-Lạc trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, nên Đức Phật Thích Ca vào ngự nơi Kim Sa Đại điện trong Lôi Âm Tự, và Đức Phật Di-Lạc ngự tại Kim Tự Tháp ở kinh đô Cực Lạc Thế Giới nơi cõi thiêng liêng.

    Còn Đức Phật A-Di-Đà, trước đây là Giáo chủ Cực Lạc Thế giới, nay cũng giao quyền lại cho Đức Phật Di-Lạc, và Ngài cũng vào ngự nơi Lôi Âm Tự. (Vào Lôi Âm kiến A-Di).

    Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, tại Tòa Thánh Tây Ninh cũng như tại các Thánh Thất địa phương, đều có thiết Đại Lễ cúng Vía Đức Phật Thích Ca, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại tiểu sử và công đức của Ngài. (Trong lúc đó thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm Đại lễ Phật đản vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, theo quyết định của Hội Phật giáo thế giới).

  • Thích Già

    Thích Già

    釋迦

    Chữ Hán 迦 đọc được hai âm: Ca và Già.

    Do đó: Thích Già cũng là Thích Ca.

    Thích Già là Đức Phật Thích Ca.

    Kinh Giải Oan:
    Liên đài may nở thêm hoa,
    Lão Đam cũng biết, Thích Già cũng quen.
  • Thích giáo

    Thích giáo

    釋敎

    A: Buddhism.

    P: Le Bouddhisme.

    Thích: chỉ Đức Phật Thích Ca. Giáo: tôn giáo.

    Thích giáo là tôn giáo của Đức Phật Thích Ca mở ra, thường được gọi là: Phật giáo.

  • Thích nghĩa

    Thích nghĩa

    釋義

    A: To explain.

    P: Expliquer.

    Thích: giải thích. Nghĩa: ý nghĩa.

    Thích nghĩa là giải nghĩa ra cho rõ ràng dễ hiểu.

  • Thích tử

    Thích tử

    釋子

    A: Adept of Sakya Buddha, Buddhist.

    P: L"adepte de Çakya Bouddha, Bouddhiste.

    Thích: chỉ Đức Phật Thích Ca. Tử: đệ tử.

    Thích tử, đồng nghĩa Phật tử, là đệ tử của Đức Phật Thích Ca, tức là những tín đồ của Phật giáo.

  • Thích ứng

    Thích ứng

    適應

    A: To appropriate.

    P: Approprier.

    Thích: hợp với. Ứng: đáp lại.

    Thích ứng là đáp lại đúng yêu cầu, ứng phó thích hợp.

  • THIỀM

    THIỀM

    THIỀM: 蟾 Con cóc, chỉ mặt trăng.

    Thí dụ: Thiềm cung, Thiềm quế.

  • Thiềm cung

    Thiềm cung

    蟾宮

    A: The palace of the moon.

    P: Le palais de la lune.

    Thiềm: Con cóc, chỉ mặt trăng. Cung: cung điện.

    Thiềm cung là cung điện trên mặt trăng.

    Chữ Thiềm là con cóc, gọi đủ là Thiềm thừ.

    Theo sách Hậu Hán Thư, Hậu Nghệ xin được thuốc trường sanh của Tây Vương mẫu, thuốc nầy uống vào thì nhẹ mình, bay lên trời thành Tiên. Vợ Hậu Nghệ là Hằng Nga lén ăn cắp được thuốc đó, uống vào thành Tiên, bay lên trốn trên mặt trăng. Tương truyền, Hằng Nga biến thành con thiềm thừ, tức là con cóc. Do đó, trong văn chương dùng chữ Thiềm để chỉ mặt trăng.

    Có nhiều sách chép khác hơn, Hằng Nga không biến thành con cóc, mà con cóc đã có sẵn ở trên mặt trăng, dưới họng có chữ son, sống cả ngàn năm, còn Hằng Nga là vị Tiên cai quản mặt trăng, ngụ tại Quảng Hàn Cung.

  • Thiềm quang

    Thiềm quang

    蟾光

    A: The light of the moon.

    P: La lumière de la lune.

    Thiềm: Con cóc, chỉ mặt trăng. Quang: ánh sáng.

    Thiềm quang là ánh sáng của mặt trăng.

  • Thiềm quế

    Thiềm quế

    蟾桂

    A: The moon.

    P: La lune.

    Thiềm: Con cóc, chỉ mặt trăng. Quế: cây quế.

    Tương truyền trên mặt trăng có con thiềm thừ và một cây quế lớn. Do đó, Thiềm quế là chỉ mặt trăng.

  • THIÊN

    THIÊN

    1. THIÊN: 天 Ông Trời, từng Trời, cõi Trời.

    Thí dụ: Thiên ân, Thiên phong.

    2. THIÊN: 千 Một ngàn.

    Thí dụ: Thiên cổ, Thiên thu.

    3. THIÊN: 偏 Lệch nghiêng.

    Thí dụ: Thiên kiến, Thiên vị.

    4. THIÊN: 遷 Dời đổi, thay đổi.

    Thí dụ: Thiên di.

  • Thiên ân

    Thiên ân

    天恩

    A: Favour of God.

    P: Faveur de Dieu.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Ân: ơn.

    Thiên ân là ơn của Trời ban cho.

    Bài Dâng Rượu: Thiên ân huệ chiếu giáng thiền minh.

  • Thiên bàn

    Thiên bàn

    A: The God "s altar.

    P: L"autel de Dieu.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Bàn: cái bàn thờ.

    Thiên bàn là cái bàn thờ để thờ Trời, tức là thờ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Người tín đồ Cao Đài, khi đã nhập môn cầu đạo rồi thì phải chọn một nơi cao ráo tinh khiết nhứt trong nhà của mình để lập Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn.

    Đức Chí Tôn thì vô hình vô ảnh, chỉ lấy con mắt làm biểu tượng, gọi là Thiên nhãn, nên thờ Thiên nhãn là thờ Đức Chí Tôn. (Ý nghĩa của Thiên nhãn, xem chữ: Thiên nhãn)

    Hình Thiên nhãn và hình các Đấng Giáo chủ Tam giáo, Ngũ chi và Tam Trấn được Hội Thánh in hình màu trên giấy khổ lớn, có trấn thần, gọi là Thánh tượng Thiên nhãn, để phát cho bổn đạo, lập Thiên bàn tại tư gia thờ Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng. (Xem hình nơi trang kế bên)

    Trên Thánh tượng Thiên Nhãn có vẽ hình Thiên nhãn và hình các Đấng, kể ra như sau: disImgRight cdtd-thanthtuongnguchi.jpg Thánh tượng Thiên Nhãn cdtd-thanthtuongnguchi-b1.jpg|cdtd-thanthtuongnguchi-b2.jpg Thánh tượng Thiên Nhãn|Thánh tượng Thiên Nhãn

    ■ Bên trên khung bao là hàng chư Nho "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" đọc từ phải qua trái, có đóng dấu của Hội Thánh.

    ■ Kế đó là hình Thiên nhãn, vẽ con mắt trái, phía trái thuộc Dương. Chung quanh Thiên nhãn là các tia hào quang và mây. Ngay dưới Thiên nhãn là ngôi sao Bắc đẩu, có các chùm sao đại hùng tinh và tiểu hùng tinh vẽ kế bên. Đức Chí Tôn ngự tại ngôi sao Bắc đẩu, nơi đó là trung tâm của Càn Khôn Vũ Trụ. Các ngôi sao khác đều quay quanh sao Bắc đẩu.

    Phía bên mặt của sao Bắc đẩu là mặt trời, phía bên trái là mặt trăng. Bắc đẩu, mặt trăng, mặt trời, hợp lại gọi là: Nhựt, Nguyệt, Tinh, đó là Tam bửu của trời.

    ■ Hình các Đấng hàng chính giữa từ trên xuống dưới:

    · Đức Phật Thích Ca mặc áo vàng, ngự trên tòa sen, tượng trưng Phật đạo.

    · Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch mặc áo xanh, đội mão cánh chuồng, tượng trưng Tiên đạo.

    · Đức Chúa Jésus, mặc áo đỏ, tay mặt chỉ quả tim, tượng trưng Thánh đạo.

    · Đức Khương Thượng Tử Nha, mặc áo vàng thêu bát quái, tay mặt cầm Đả Thần tiên, tay trái cầm Hạnh huỳnh kỳ, tượng trưng Thần đạo.

    · Phần dưới cùng là 7 cái ngai: 1 ngai Giáo Tông, 3 ngai Chưởng Pháp, 3 ngai Đầu Sư, tượng trưng Nhơn đạo.

    Như vậy, từ trên xuống dưới tượng trưng Ngũ Chi Đại Đạo: Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, Nhơn đạo.

    ■ Hình theo hàng ngang phía trên:

    · Bên phía mặt Đức Phật Thích Ca là Đức Thái Thượng Đạo Tổ, mặc áo xanh, tay cầm Phất chủ.

    · Bên phía trái Đức Phật Thích Ca là Đức Khổng Tử, mặc áo đỏ, đội mão.

    Đây là Ba Đấng Giáo chủ Tam giáo: Giáo chủ Phật giáo, Giáo chủ Tiên giáo, Giáo chủ Nho giáo.

    ■ Hình theo hàng ngang phía dưới disImgRight cdtd-ThienBan00.jpg Thiên bàn cdtd-ThienBan02.jpg|cdtd-ThienBan03.jpg|cdtd-ThienBan04.jpg Thiên bàn|Thiên bàn|Thiên bàn

    · Bên phía mặt của Đức Lý Thái Bạch là Đức Quan Âm Bồ Tát, mặc áo vàng, tay cầm tịnh bình với nhành dương liễu.

    · Bên phía trái của Đức Lý Thái Bạch là Đức Quan Thánh Đế Quân, mặc áo đỏ, cầm quyển Kinh Xuân Thu mở ra.

    Đây là Ba Đấng gọi là Tam Trấn Oai Nghiêm, thay mặt ba Đấng Giáo chủ, cầm quyền Tam giáo trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ:

    · Đức Quan Âm Bồ Tát cầm quyền Phật giáo,

    · Đức Lý Thái Bạch cầm quyền Tiên giáo.

    · Đức Quan Thánh cầm quyền Nho giáo.

    Cách bài trí trên Thiên bàn thờ tại tư gia:

    1. Thánh tượng Thiên nhãn.
    3. Dĩa trái cây. 2. Đèn Thái Cực. 4. Bình bông.
    5. Tách nước trà. 7. 8. 9. ba ly rượu. 6. Tách nước trắng.
    10.Đèn Lưỡng Nghi 11.: Đèn Lưỡng Nghi.
    12. Lư hương.

    Đó là 12 món bắt buộc phải sắp đủ trên Thiên bàn.

    Phía dưới Thiên bàn đặt: 1 cái mõ và 1 cái chuông.

    Cúng Đức Chí Tôn vào 4 thời: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu.

    Thời Tý (12 giờ khuya) và Thời Ngọ (12 giờ trưa) thì cúng rượu. Rót rượu vào 3 ly rượu nhỏ đặt trên Thiên bàn.

    Thời Mẹo (6 giờ sáng) và Thời Dậu (6 giờ tối) thì cúng nước trắng và nước trà. Tách nước trắng tượng trưng Dương, tách nước trà tượng trưng Âm, hai tách nước trắng và trà gọi chung là nước Âm Dương.

    Cần phải cúng Đức Chí Tôn vào đúng 4 thời điểm nầy, vì nơi Tòa Thánh Tây Ninh, cũng như toàn cả các Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu trong toàn nước Việt Nam, các Chức sắc và tín đồ, mọi người cùng một lúc cúng và dâng lời cầu nguyện lên Đức Chí Tôn thì lời cầu nguyện ấy có sức rung động mãnh liệt làm Đức Chí Tôn và các Đấng cảm ứng. Điều quan trọng hơn nữa là giờ chầu lễ Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh Tây Ninh cũng là giờ chầu lễ Đức Chí Tôn của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi Thiên đình. Do đó, chúng ta cần phải cúng Đức Chí Tôn trong tứ thời kể trên, đừng nên sớm quá hay trễ quá.

    Phải giữ cho cây đèn Thái Cực cháy sáng luôn luôn, vì nó tượng trưng khối Đại linh quang của Đức Chí Tôn, mà mỗi chúng ta là một điểm Tiểu linh quang.

    Khi cúng Đức Chí Tôn, phải đốt đủ 5 cây nhang, cắm hàng trong 3 cây gọi là Án Tam Tài, cắm hàng ngoài 2 cây nữa, nhập chung là 5 cây, tượng trưng Ngũ Khí. Khi cắm nhang, cắm thế nào để khi ta đứng ngay trước Thiên bàn nhìn vào thấy đủ 5 cây nhang, không có cây nào che khuất cây nào.

    Khi lập Thiên bàn, người tín đồ phải mời vị Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo và Bàn Trị Sự của Hương Đạo đến làm Lễ Thượng Tượng khai đàn.

    Sau đó, gia đình người tín đồ phải thay phiên cúng kiếng, giữ Thiên bàn sạch sẽ, hoa và trái cây thay cho tươi tốt.

  • Thiên bất dung gian

    Thiên bất dung gian

    天不容奸

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Bất: không. Dung: tha thứ. Gian: kẻ gian ác.

    Thiên bất dung gian là Trời không tha thứ kẻ gian ác.

    Sách Minh Tâm Bửu Giám có chép rằng:

    Càn Khôn hoằng đại, nhựt nguyệt chiếu giám phân minh,
    Vũ trụ khoan hồng, Thiên Địa bất dung gian đảng.

    Nghĩa là:

    Trời Đất rộng lớn, mặt trời mặt trăng soi xét rõ ràng,
    Vũ trụ mênh mông, Trời Đất không tha lũ gian ác.
  • Thiên biến vạn hóa

    Thiên biến vạn hóa

    千變萬化

    Thiên: Một ngàn. Vạn: muôn. Biến hóa: thay đổi.

    Thiên biến vạn hóa là ngàn muôn các biến hóa. Ý nói: thay đổi luôn luôn, huyền diệu vô cùng.

    Vương Thông nói: "Thiên biến vạn hóa, ngô trường thủ trung yên." (Ngàn biến muôn hóa, ta vẫn giữ hoài đạo trung vậy).

  • Thiên các

    Thiên các

    天閤

    A: Celestial palace.

    P: Palais céleste.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Các: cái nhà lầu.

    Thiên các là cái nhà lầu nơi cõi trời.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Một tòa Thiên các ngọc làu làu.
    (Câu nầy trong bài: Tân tả Bạch Ngọc Kinh).
  • Thiên cảnh

    Thiên cảnh

    天境

    A: The paradise.

    P: Le paradis.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Cảnh: cõi.

    Thiên cảnh là cõi Trời, tức là Thiên đường, cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

    Kinh Tẩn Liệm: Hồn Trời hóa trở về Thiên cảnh.

  • Thiên cao địa hậu

    Thiên cao địa hậu

    天高地厚

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Cao: cao. Địa: đất. Hậu: dày.

    Thiên cao địa hậu là trời cao đất dày.

  • Thiên cầu

    Thiên cầu

    天球

    A: The celestial sphere.

    P: La sphère céleste.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Cầu: hình cầu tròn như trái banh.

    Thiên cầu là một hình cầu tưởng tượng trên đó có các ngôi sao, mặt trời, mặt trăng, Bắc đẩu, Nam tào,... để tiện việc lường tính. Nếu chế thành một cái mô hình Thiên cầu thì gọi là Thiên cầu nghi.

    Quả Càn Khôn nơi Bát Quái Đài Tòa Thánh Tây Ninh là một Thiên Cầu nghi, nhưng trên đó có vẽ Thiên nhãn để thờ.

  • Thiên Chúa giáo (Công giáo)

    Thiên Chúa giáo (Công giáo)

    天主敎 (公敎)

    A: The Christianism (Catholicism).

    P: Le Christianisme (Catholicisme).

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Chúa: vua. Giáo: tôn giáo.

    Thiên Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng làm vua cõi trời, Đấng đã tạo dựng ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật, mà người đời gọi Ngài là Ông Trời, là Thượng Đế, Đạo Cao Đài gọi Ngài là Ngọc Hoàng Thượng Đế, nay tá danh là Cao Đài.

    Thiên Chúa giáo là tôn giáo thờ Đức Chúa Trời.

    Thiên Chúa giáo do Đức Chúa Jésus Christ mở ra tại nước Do Thái (Israsel) cách nay khoảng 2000 năm, còn được gọi là đạo Gia-Tô (hay Da-Tô) hay đạo Ky-Tô, do chữ CHRIST phiên âm ra là Gia-Tô hay Ky-Tô, nay thường gọi là Thiên Chúa giáo, và Đức Chúa Jésus là Gia-Tô Giáo Chủ.

    Từ ngữ Công giáo: "Công giáo là dịch nghĩa một từ gốc Hy Lạp: Katholicos, Catholique, có nghĩa là phổ quát (universel) để chỉ rằng Giáo hội Ky-Tô là một tôn giáo phổ quát cho tất cả mọi người, mọi dân tộc.

    Lúc đầu, Công giáo là một tính từ để chỉ một đức tính của Ky-Tô giáo là đạo phổ quát.

    Trong Kinh Tin Kính được soạn thảo ở Cộng đồng Nicéa I (năm 351) mà ngày nay Giáo hội Chính Thống cũng như Giáo hội Công giáo đều tuyên xưng: "Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền."

    Nhưng cho tới nay, từ Công giáo (Catholique) được dùng để phân biệt Giáo hội Rôma với các Giáo hội khác.

    Công giáo được truyền sang Việt Nam đầu thế kỷ 17. Các vua quan nhà Lê gọi Công giáo là Hoa Lang đạo (tức là đạo của người Bồ Đào Nha, đạo của người Âu Châu), dưới thời nhà Nguyễn, Công giáo được gọi là đạo Da-Tô (phiên âm Hán Việt từ Giê-su), có khi cũng gọi là đạo Cơ Đốc (phiên âm Hán Việt từ Ky-Tô).

    Trong Hòa Ước ký kết giữa Pháp và triều đình vua Tự Đức ngày 15-3-1874, lần đầu tiên cụm từ Thiên Chúa giáo được sử dụng.

    Thiên Chúa giáo là tôn giáo thờ Chúa Trời, tức là Đấng Tạo dựng, Đấng Tối cao. Người Do Thái cũng thờ Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng, người Hồi giáo cũng thờ Đấng Allah là Đấng Tối cao.

    Vậy nếu gọi một thành phần của đạo Ky-Tô là Công giáo (Giáo hội Công giáo) và người Công giáo thì cũng chỉ để nói rằng Công giáo là đạo của mọi người, cho mọi dân tộc, chứ không riêng gì cho một chủng tộc hay một quốc gia nào, như Thần đạo là đạo của người Nhựt, chứ Công giáo không hề có nghĩa là đạo Công như trường Công hoặc là đạo được chánh thức nhìn nhận như một Quốc đạo." (Trích trong quyển Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm 1945-1995).

  • Thiên chức

    Thiên chức

    天職

    A: The Heaven entrusted mission.

    P: La mission que l"on tient du Ciel.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Chức: chức vụ.

    Thiên chức là chức vụ do Trời phú cho.

  • Thiên cổ

    Thiên cổ

    千古

    A: Eternal.

    P: Éternel.

    Thiên: Một ngàn. Cổ: xưa.

    Thiên cổ là ngàn xưa, lâu đời.

    Người thiên cổ: người đã chết.

  • Thiên cơ

    Thiên cơ

    天機

    A: The celestial mysteries, The mechanism of universe.

    P: Les mystères célestes, Le mécanisme de l"univers.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Cơ: máy.

    Thiên cơ là máy trời, tức là sự vận chuyển của Trời Đất điều hòa như một bộ máy, chỉ cái lẽ mầu nhiệm của trời mà con người không thể hiểu thấu.

    Tất cả những phần tử trong Càn Khôn Vũ Trụ đều vận chuyển, không vật nào đứng yên, vì đứng yên là chết, và vận chuyển một cách điều hòa trật tự, không bao giờ ngừng nghỉ, giống như một bộ máy, nên gọi là Thiên cơ.

    Cái nguyên nhân nào thúc đẩy sự vận chuyển ấy và kềm giữ nó luôn luôn được điều hòa mãi mãi như thế? Đó là cái năng lực huyền diệu của Đấng Thượng Đế mà với trí não phàm phu của con người không thể nào biết rõ được.

    Chỉ có những bậc đạo đức uyên thâm, có huệ tâm huệ trí huệ nhãn thì mới có thể thấy biết một phần nào, nhưng lại không dám tiết lộ vì: Thiên cơ bất khả lậu, nghĩa là: máy Trời không thể lộ ra được. Do đó, trong Đạo Đức Kinh có viết rằng: Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri, nghĩa là: Người biết thì không nói, người nói thì không biết. Người biết Thiên cơ không bao giờ dám nói lộ ra, còn người không biết gì thì cứ nói bô bô.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thiên cơ đã lộ lúc khai Trời.

  • Thiên cung

    Thiên cung

    天宮

    A: Celestial palace.

    P: Le palais céleste

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Cung: cung điện.

    Thiên cung là cung điện nơi cõi Trời, chỉ cõi Trời.

    Kinh Giải Oan: Thiên cung lỡ lối chơi vơi cõi trần.

  • Thiên di

    Thiên di

    遷移

    A: To displace.

    P: Déplacer.

    Thiên: Dời đổi, thay đổi. Di: dời đổi.

    Thiên di là dời chỗ đi nơi khác.

  • Thiên diễn

    Thiên diễn

    天演

    A: The evolution of the nature.

    P: L"évolution de la nature.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Diễn: bày ra, diễn tiến.

    Thiên diễn là sự tiến hóa tự nhiên của vạn vật.

  • Thiên đạo

    Thiên đạo

    天道

    A: The doctrine of God.

    P: La doctrine de Dieu.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Đạo: con đường, tôn giáo.

    Thiên đạo là đạo Trời.

    Chữ Thiên đạo, tùy theo trường hợp mà chúng ta hiểu nghĩa. Chúng ta có thể gặp 3 trường hợp sau đây:

    1. Thiên đạo là đạo do ông Trời (Thượng Đế, Đức Chí Tôn) lập ra và Đấng Thượng Đế làm Giáo chủ.

    Đạo Cao Đài là Thiên đạo vì do Đức Chí Tôn dùng cơ bút lập ra và Đức Chí Tôn làm Giáo chủ.

    Cũng như Thích giáo, là đạo do Đức Phật Thích Ca lập ra và làm Giáo chủ.

    2. Thiên đạo là nói bao gồm các đạo giải thoát linh hồn con người khỏi luân hồi, đưa đến cảnh Cực Lạc Niết Bàn.

    Như vậy, Thiên đạo là Tiên đạo và Phật đạo. Muốn đạt đến Tiên đạo và Phật đạo thì phải trải qua: Nhơn đạo, Thần đạo và Thánh đạo. Nhưng Nhơn đạo là căn bản, bởi vì làm tròn được Nhơn đạo thì mới đạt được Thần vị hay Thánh vị tùy theo mức độ cao thấp.

    Cho nên có câu:

    "Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo, Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ."
    Nghĩa là:
    Muốn tu đạo Tiên, trước tu đạo Người, đạo Người không tu, đạo Tiên xa vời lắm vậy.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Rằng ở đời thì Nhơn đạo trọn,
    Trọn rồi, Thiên đạo mới hoàn toàn.

    3. Thiên đạo là đạo Trời, đứng trên Phật đạo. Đó là nấc thang tiến hóa cuối cùng để chư Phật tiến hóa lên thành Thượng Đế và nhập vào khối Đại linh quang của Thượng Đế.

    Ngũ Chi Đại Đạo lập thành 5 nấc thang tiến hóa cho nhơn hồn: cấp thấp nhứt là Nhơn đạo, và cấp cao nhứt là Phật đạo, sau đó Phật đạo còn phải tiến hóa lên Thiên đạo thì mới giáp một chu kỳ tiến hóa của chơn linh. Kể từ thấp lên cao là:

    · Nhơn đạo (Tùng khổ).
    · Thần đạo (Thắng khổ).
    · Thánh đạo (Thọ khổ).
    · Tiên đạo (Thoát khổ).
    · Phật đạo (Giải khổ).
    · Thiên đạo (Tuyệt khổ).

    Trong mỗi nấc thang đều có Thể pháp và Bí pháp, như Nhơn đạo thì có Thể pháp và Bí pháp của Nhơn đạo, Thiên đạo cũng thế, có Thể pháp và Bí pháp của Thiên đạo.

    Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy về Thể pháp và Bí pháp của Thiên đạo, chép ra sau đây:

    "Đêm nay, Bần đạo giải về Thiên đạo.

    Trong Thiên đạo cũng có Thể pháp và Bí pháp của Thiên đạo.

    Về Thể pháp của Thiên đạo, tức nhiên là những nơi để học hỏi, để un đúc tinh thần trong khuôn viên Chánh pháp.

    Trong Thể pháp của Thiên đạo có ba thời kỳ:

    · Thứ nhứt là thời kỳ khai thác

    · Thứ nhì là thời kỳ luyện tập

    · Thứ ba là thời kỳ thi hành.

    Trong thời kỳ sau nầy mới thường gặp những cơ khảo đảo đặng thử thách tinh thần.

    Về thời kỳ thứ nhứt, là những tạo tác, nơi qui hợp đức tin cho con cái Chí Tôn, tức là các Đền thờ đó vậy. Khi một môn đệ đã nhập môn tùng giáo thì phải do nơi các Đền thờ đặng tụ hiệp đức tin. Đó là bước đầu tiên của Thể pháp Thiên đạo. Do đó, sự cúng kiếng niệm kinh là điều trọng yếu vậy.

    Qua thời kỳ thứ nhì, là đem đức tin đã trụ được đặng tập luyện tâm tánh và khởi lập công trừ quả, đặng tự giải khổ cho mình và giúp phương cứu khổ cho toàn nhơn loại. Ấy là phương tập luyện tánh thành tâm niệm đó vậy.

    Qua thời kỳ thứ ba, là thi thố những đức tin hầu lấy phương giải khổ mà đem gieo truyền hột giống thương yêu. Ấy là phương cứu khổ đó vậy.

    Trong lúc nầy, tinh thần hay gặp những chướng ngại, hoặc làm cho nao núng tan rã đức tin, hoặc theo đường quỉ mị, chia phe phân phái mà nên Tả đạo Bàng môn, như đã xảy ra đó.

    Trong ba thời kỳ: thứ nhứt là Lập Ngôn, thứ nhì là Lập Công, thứ ba là Lập Đức. Đó là Thể pháp của Thiên đạo.

    Khi đã trọn phần Thể pháp rồi, liền bước qua mặt Bí pháp, là phương tu tâm sửa tánh, hầu lập thành chơn khí thanh khiết mà hiệp với chơn thần, đặng tiếp chơn linh, để giải phương cứu khổ thêm bề siêu lý diệu chơn.

    Ấy là phương tầm hiểu chơn truyền chánh pháp đó vậy.

    Khi đã vẹn sạch Tinh, Khí, Thần thì là đắc Pháp đó vậy.

    Mấy em đã học về khoa Bí pháp khẩu tụng, vậy khá để tâm học hỏi cho được tâm truyền thì công phu của mấy em đã được phần thưởng vô giá đó.

    Nói về Thiên đạo tức là luận về vũ trụ triết lý, tức là nói về Không gian.

    Còn Thế đạo là luận về nhơn sanh triết lý, tức là nói về thời gian đó.

    Mấy em khá hiểu cho lắm mới được. Phải để tâm suy nghiệm đó nghe!" (Trích trong Luật Tam Thể)

  • Thiên địa bất nhân

    Thiên địa bất nhân

    天地不仁

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Địa: đất. Bất: không. Nhân: lòng thương người mến vật.

    Bất nhân: không có lòng thương xót, lạnh lùng trước mọi vật và mọi hiện tượng, đúng thời thì dùng, hết thời thì bỏ, không thương xót, không tư vị, cứ một đường tiến tới.

    Trong sách Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử viết:

    Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật như sô cẩu;
    Thánh nhơn bất nhân, dĩ bách tính như sô cẩu.

    Nghĩa là:

    Trời Đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm;
    Thánh nhơn bất nhân, coi trăm họ như chó rơm.

    Sô cẩu: dịch là chó rơm, lấy rơm kết thành hình con chó, dùng trong các buổi lễ. Khi dùng xong thì đốt bỏ.

    Trời Đất công bình, nguyên tánh thản nhiên lạnh lùng, không vì có kẻ chết rét bởi cái lạnh của mùa Đông mà dẹp bỏ mùa Đông, nên nói là "bất nhân".

    Thánh nhơn công bình, không tư vị ai, không biết ăn hối lộ của ai, nên cũng nói là "bất nhân".

    Đức Lão Tử cho rằng, "bất nhân" như đã giải trên, là qui luật của Trời Đất và các bậc đạt đạo (Thánh nhơn), khi tu đạt đến bực hiểu rõ qui luật của Càn Khôn vạn vật thì các bậc ấy thản nhiên trước các đổi thay của Trời Đất, của vạn vật.

  • Thiên địa hữu Âm Dương

    Thiên địa hữu Âm Dương

    天地有陰陽

    A: The universe possess two elements: Yin and Yang.

    P: L"univers possède deux éléments: Yin et Yang.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Địa: đất. Hữu: có. Âm Dương: hai chất khí Âm quang và Dương quang, do Thái Cực biến hóa sanh ra, gọi là Lưỡng nghi.

    Thiên địa hữu Âm Dương là Trời Đất có hai khí: khí Âm và khí Dương.

    Hai chất khí Âm Dương nầy có tính chất trái ngược nhau nhưng không tiêu diệt nhau mà lại bổ sung cho nhau, tạo thành năng lực thúc đẩy các hoạt động của Càn Khôn Vũ Trụ và của vạn vật.

    Hai chất khí nầy cũng không đứng độc lập riêng biệt xa rời nhau, mà lại chung đụng nhau, nên nói:

    · Trung Âm hữu chơn Dương: Trong khí Âm có một điểm khí Dương.

    · Trung Dương hữu chơn Âm: Trong khí Dương có một điểm khí Âm.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Thầy dạy: Thiên Địa hữu Âm Dương, Dương thạnh tắc sanh, Âm thạnh tắc tử.

    Dương thạnh tắc sanh: khí Dương thạnh thì sống, nên người sống thì cơ thể ấm áp.

    Âm thạnh tắc tử: khí Âm thạnh thì chết, nên người chết thì cơ thể lạnh lẽo.

  • Thiên địa tuần hoàn

    Thiên địa tuần hoàn

    天地循環

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Địa: đất. Thiên địa: Càn Khôn Vũ Trụ. Tuần hoàn: xoay vần có trật tự thứ lớp

    Thiên địa tuần hoàn là Trời Đất xoay vần.

    Ý nói: mọi vật, mọi hiện tượng trong Càn Khôn Vũ Trụ đều xoay vần, có tính cách tuần hoàn, xoay giáp một vòng rồi trở lại. Cho nên, thạnh rồi tới suy, suy rồi tới thạnh, giàu rồi nghèo, nghèo rồi giàu, không bao giờ thạnh mãi hay suy mãi.

    Thường nói: "Thiên địa tuần hoàn, chu nhi phục thủy" nghĩa là: Trời Đất xoay vần, đi giáp vòng thì trở lại chỗ khởi đầu.

  • Thiên địa vô tư

    Thiên địa vô tư

    天地無私

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thiên địa: Trời Đất. Vô: không. Tư: riêng.

    Thiên địa vô tư là Trời Đất không riêng, tức là Trời Đất công bình, không tư vị ai hết.

    Đông Nhạc Thánh Đế dạy rằng:

    Thiên địa vô tư, thần minh thời sát,
    Bất vị tế hưởng nhi giáng phúc,
    Bất vị thất lễ nhi giáng họa.

    Nghĩa là:

    Trời Đất công bình, các vị Thần minh thường soi xét,
    Không vì hưởng cúng tế mà ban phước,
    Không vì mất lễ mà giáng cho tai họa.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Phải hiểu rõ rằng Thiên địa vô tư, đừng ỷ có Đại Từ Phụ mà lờn oai, nghe các con!

  • Thiên điều

    Thiên điều

    天條

    A: The divine laws.

    P: Les lois divines.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Điều: điều khoản của luật pháp.

    Thiên điều là Luật Trời.

    Thiên điều do các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật họp đại hội tại Ngọc Hư Cung lập ra để cai trị Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Trong bài diễn văn của Đức Phạm Hộ Pháp đọc tại Tòa Thánh ngày 14-2-Mậu Thìn (1928), phần nói về việc Lập luật, xin trích ra sau đây:

    "Hễ Thiên luật thì phải vô tư, tỉ như Thiên điều, dầu cho chính nình Thầy là Chí Tôn cũng chẳng vị tình....

    Hội Thánh hiệp nhau lập Tân Luật cũng như Thập nhị Khai Thiên lập luật. Thập nhị Khai Thiên lập luật giao lại cho Thầy, còn Hội Thánh lập luật cũng giao lại cho Thầy. Vậy thì Tân Luật với Thiên điều cũng đồng giá trị....

    Hội Thánh hiệp nhau lập Luật đạo thì cũng như chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lập Thiên điều. Vậy thì Hội Thánh và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đồng một thể."

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hễ tùng Cựu luật tức phải tùng Thiên điều, mà hễ tùng Thiên điều thì khó mà lập vị cho mình đặng.

  • Thiên đình - Thiên triều

    Thiên đình - Thiên triều

    天廷 - 天朝

    A: The celestial Court.

    P: La Cour céleste.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Đình: cái sân chầu vua. Triều: chầu vua.

    Thiên đình, đồng nghĩa Thiên triều, là triều đình của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Triều đình là nơi vua và các quan nhóm họp để bàn luận và quyết định các việc trong nước.

    Triều đình của Đức Chí Tôn nhóm họp tại Ngọc Hư Cung để Đức Chí Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật họp bàn các việc quản trị Càn Khôn Vũ Trụ.

    Kinh Ðệ Nhị cửu: Đã thấy đủ Thiên đình huyền pháp.

  • Thiên định

    Thiên định

    天定

    A: Determined by God.

    P: Déterminé par Dieu.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Định: sắp đặt.

    Thiên định là Trời sắp đặt như thế, không thay đổi được.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nền Đạo chinh nghiêng, ấy cũng nơi Thiên định.

  • Thiên đường (Thiên đàng)

    Thiên đường (Thiên đàng)

    天堂

    A: The Paradise.

    P: Le Paradis.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. ĐƯỜNG: Đàng: cái nhà, cõi.

    Thiên đường hay Thiên đàng là cõi Trời, tức là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, cõi Cực Lạc Thế giới, hoàn toàn an vui hạnh phúc.

    Thiên Chúa giáo thường dùng từ ngữ Thiên đường.

    Thiên đường và Địa ngục là hai cõi hoàn toàn trái ngược nhau, một để thăng thưởng, một để đọa đày. Người làm lành thì khi chết, linh hồn được đưa lên Thiên đường an hưởng, còn người làm dữ thì bị đọa vào Địa ngục để hành tội. Đó là luật công bình của Trời Đất.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Quyết chí Thiên đường men bước tới.

  • Thiên hạ

    Thiên hạ

    天下

    A: The under-heaven: Mankind.

    P: Le sous-ciel: Humanité.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Hạ: dưới.

    Thiên hạ là dưới trời, chỉ nhơn loại.

    Đối với Thiên hạ là Thiên thượng: trên trời.

    Thiên thượng là chỉ Đức Chí Tôn Thượng Đế.

    Con người là một trong Tam Tài: Thiên, Địa, Nhơn. Con người đứng giữa Trời Đất: đầu đội Trời, chơn đạp Đất. Trời là Thiên thượng, người là Thiên hạ.

    Kinh Thuyết Pháp:
    Muốn cho Thiên hạ đại đồng,
    Lấy câu cứu khổ dụ lòng thương sanh.
  • Thiên Hậu

    Thiên Hậu

    天后

    A: Buddha-Mother.

    P: Bouddha-Mère.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Hậu: vua, vợ vua.

    Chữ Hậu, thời xưa dùng có nghĩa là ông vua, về sau dùng để chỉ vợ chánh thức của vua, gọi là Hoàng Hậu.

    Theo tín ngưỡng dân gian của người Tàu thuở xưa, hễ có Ông Trời thì phải có Bà Trời, gọi Ông Trời là Thiên Đế thì gọi Bà Trời là Thiên Hậu. Bởi người xưa còn mộc mạc chất phác, hơn nữa sự hiểu biết của họ rất đơn giản và nông cạn.

    Ngày nay, chúng ta được Đấng Thượng Đế trực tiếp giáng cơ dạy dỗ nên chúng ta hiểu được chút ít về Thượng Đế, và nhứt là có Đấng Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ, nên chúng ta cũng hiểu được phần nào về Đức Phật Mẫu, do đó chúng ta biết rằng: Hư Vô chi Khí sanh ra có một Đấng và chúng ta gọi Đấng ấy là Ngọc Hoàng Thượng Đế, ngôi của Ngài là Thái Cực. Thượng Đế phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi: Âm quang và Dương quang. Thượng Đế chưởng quản Dương quang, còn Âm quang chưa có ai chưởng quản, vì lúc đó, chỉ có một mình Ngài mà thôi. Ngài hóa thân ra Đức Phật Mẫu để chưởng quản Âm quang, và Ngài giao cho Phật Mẫu phận sự Tạo hóa ra vạn vật.

    Như vậy, chúng ta hiểu rằng: Đức Phật Mẫu là một hóa thân của Đấng Thượng Đế, và xuất hiện ngay sau Đấng Thượng Đế để làm chủ phần khí Âm quang của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Do đó, chúng ta hiểu chữ Thiên Hậu theo tín ngưỡng dân gian là chỉ Đức Phật Mẫu, gọi đầy đủ là Diêu Trì Kim Mẫu, ngự tại Cung Diêu Trì, nên bài Phật Mẫu Chơn Kinh có câu đầu tiên:

    Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu,
    Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.

    Nghĩa là: Từng Trời Tạo Hóa Thiên có Đức Phật Mẫu huyền vi mầu nhiệm, chưởng quản Kim Bàn, gọi là Đức Phật Mẫu ở Cung Diêu Trì.

    Người ta cũng gọi Đức Phật Mẫu là: Mẫu Hậu.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Lịnh Mẫu Hậu khai tông định đạo.

    Nghĩa là: Đức Phật Mẫu ra lịnh mở ra một nền tôn giáo và sắp đặt các việc trong nền tôn giáo ấy.

  • Thiên hình vạn trạng

    Thiên hình vạn trạng

    千形萬狀

    Thiên: Một ngàn. Hình: hình thể, vẻ ngoài. Vạn: muôn. Trạng: trạng thái, hình dạng.

    Thiên hình vạn trạng là ngàn hình muôn vẻ, chỉ vạn vật có hình thể và màu sắc nhiều vô số kể.

  • Thiên hồn

    Thiên hồn

    天魂

    A: The great soul of God.

    P: La grande âme de Dieu.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Hồn: linh hồn, chơn linh.

    Thiên hồn là linh hồn của Ông Trời, tức là chơn linh của Đấng Thượng Đế.

    Chơn linh ấy là Thái Cực, là khối Đại Linh Quang, là Đại hồn của vũ trụ. Từ khối Đại Linh Quang nầy, Thượng Đế chiết ra một điểm tiểu linh quang để ban cho mỗi người làm linh hồn, để tạo nên sự sống và gìn giữ sự sống ấy.

    Thiên hồn là đỉnh cao nhứt trong sự tiến hóa của Bát hồn. Khi chơn linh tiến hóa lên tới Phật hồn rồi, thì còn phải tiếp tục tiến hóa lên Thiên hồn. Tới đây mới đi giáp một chu kỳ tiến hóa của chơn linh, bởi vì chơn linh khởi sự đi từ Thiên hồn mà ra, xuống cõi trần để học hỏi và tiến hóa, trước hết làm kim thạch hồn, rồi tiến hóa lên thảo mộc hồn,... v.v... rồi đến một nấc rất cao là Phật hồn.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Cả vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn, Thiên hồn, đều khác đẳng cấp nhau nên hình thể biến sanh ra khác. Vật chất không giống thảo mộc, thảo mộc không giống thú cầm, thú cầm không giống Người, Người không giống Thần, Thần không giống Thánh, Thánh không giống Tiên, Tiên không giống Phật, Phật không giống Trời. Nói tóm lại, hình thể và tâm thần đều khác hẳn.

  • Thiên khai huỳnh đạo

    Thiên khai huỳnh đạo

    天開黃道

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Khai: mở. Huỳnh: vàng. Đạo: tôn giáo.

    Thiên khai huỳnh đạo là Trời mở Đạo Vàng.

    Huỳnh đạo là chỉ Đạo Cao Đài vì hai lý do sau đây:

    1. Từ xưa đã có câu sấm tiên tri:

    "Mạt hậu Tam kỳ Thiên khai Huỳnh đạo."

    Nghĩa là: vào thời Mạt kiếp sau nầy, thời kỳ thứ ba, Trời khai Huỳnh đạo.

    Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ hay Đạo Cao Đài ứng vào câu sấm tiên tri nầy, nên Huỳnh đạo là Đạo Cao Đài.

    2. Đôi liễn Hiệp Thiên đặt trên lầu Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh:

    Hiệp nhập Cao Đài, bá tánh thập phương qui chánh quả,
    Thiên khai Huỳnh đạo, ngũ chi Tam giáo hội Long hoa.

    Nghĩa là:

    Hiệp vào Đạo Cao Đài, nhơn sanh khắp nơi trở về ngôi chánh quả,
    Trời khai Huỳnh đạo, các Đấng trong Ngũ Chi Đại Đạo và Tam giáo tham dự Hội Long Hoa.

    Chữ Huỳnh đạo còn được dịch ra là Phái Vàng, do đó trong bài kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu, có câu:

    Phái Vàng MẸ lãnh dắt dìu trẻ thơ.

    Phái Vàng là Huỳnh đạo, là Đạo Cao Đài.

  • Thiên khải

    Thiên khải

    天啟

    A: The divine revelation.

    P: La révélation divine.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Khải: mở ra, tỏ bày.

    Thiên khải là mặc khải của Thượng Đế.

    (Mặc khải là mở ra cho biết một điều mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được).

    Trong một lúc yên lặng nào đó, đối với những vị có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn, thình lình như có một tiếng nói bí mật từ không gian truyền đến mách bảo cho biết một điều mầu nhiệm của Thiên cơ, hay một điều mật nhiệm trong việc tu hành. Đó là mặc khải của Thượng Đế ban cho vị ấy.

    Không phải ai cũng được Thượng Đế mặc khải, mà chỉ có các Đấng Giáo chủ, hoặc những vị có trách nhiệm lớn trong công cuộc chuyển thế mới được Thiên khải mà thôi.

  • Thiên kiến

    Thiên kiến

    偏見

    A: Partial opinion.

    P: Opinion partiale.

    Thiên: Lệch nghiêng. Kiến: ý kiến.

    Thiên kiến là ý kiến lệnh lạc, không chính xác.

  • Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên

    Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên

    千經萬典,孝義為先

    Thiên: Một ngàn. Kinh: kinh sách. Vạn: muôn. Điển: sách của người xưa lưu lại. Hiếu: hết lòng lo cho cha mẹ. Nghĩa: cách đối xử đúng theo đạo lý. Vi: làm. Tiên: trước.

    Câu trên có nghĩa là: Ngàn kinh muôn sách, hiếu nghĩa làm trước. Trong ngàn cuốn kinh, trong muôn cuốn sách đều dạy phải lấy điều hiếu và điều nghĩa làm trước tiên hơn hết.

    Do đó, hiếu và nghĩa là hai hạnh tốt đứng đầu trăm hạnh tốt của con người. Người nào không hiếu nghĩa thì không thể là người lương thiện được.

  • Thiên la địa võng

    Thiên la địa võng

    天羅地網

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. La: lưới. Địa: đất. Võng: tấm lưới.

    Thiên la địa võng là trên trời hay dưới đất đều có giăng lưới khắp cả, không thể trốn thoát được.

  • Thiên lôi

    Thiên lôi

    天雷

    A: Genius of thunder.

    P: Genie de tonnerre.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Lôi: sấm sét.

    Thiên lôi là Thần sấm sét.

    Thiên lôi còn được gọi là Lôi công. (Xem: Lôi công)

  • Thiên lự tất hữu nhứt đắc

    Thiên lự tất hữu nhứt đắc

    千慮必有一得

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Lự: suy nghĩ. Thiên lự: một ngàn điều suy nghĩ. Tất: ắt hẳn. Nhứt: một. Đắc: được. Nhứt đắc: được một.

    Thiên lự tất hữu nhứt đắc: một ngàn điều suy nghĩ ắt hẳn có được một điều.

    Câu nói của Lý Tả Xa với Hàn Tín:

    Trí giả thiên lự tất hữu nhứt thất,
    Ngu giả thiên lự tất hữu nhứt đắc.
    Cuồng phi chi ngôn, Thánh nhân trạch yên.

    Nghĩa là:

    Người khôn suy nghĩ một ngàn điều ắt có một điều sai,
    Người ngu suy nghĩ một ngàn điều ắt có một điều đúng.
    Lời nói của kẻ ngông cuồng cũng có lời mà Thánh nhân chọn được vậy.
  • Thiên lương

    Thiên lương

    天良

    A: The innate conscience.

    P: La conscience innée.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. lương: tốt, lành.

    Thiên lương là cái phần tốt đẹp và lành mà Trời ban cho con người, để hướng dẫn con người hành động hợp Thiên lý.

    Thiên lương chính là Lương tâm, mà Lương tâm chỉ là sự thể hiện của chơn linh (linh hồn), hay nó cũng là chơn linh.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Lương tâm là Thiên lương của Trời đã nảy tánh, cái khôn ngoan đặc sắc của loài người đối cùng vạn vật của cơ tấn hóa. Nhờ khôn ngoan ấy mới có tư tưởng biến sanh hầu thay thế cho Trời, tô điểm vẽ vời cho đời đặng thêm tốt đẹp. Thiên lương ấy mới thiệt là ta. Nó đã do nơi khối Chí linh của Trời mà sản xuất, thì nó là con của Trời, tức nhiên nó là Trời. Nếu do nó mà tín ngưỡng thì là mình do Trời mà tín ngưỡng. Mình thờ nó tức thờ Trời. Ngoài nó ra, chẳng ai biết Trời; ngoài Trời ra, không ai biết nó.

    Cái sự thông công của Thiên lương và Chí Tôn là phép mầu đạt đạo.

    Vì cớ cho nên, Đạo Cao Đài thờ Thiên nhãn, nghĩa là thờ cái khối Thiên lương của toàn vạn loại.

    Ấy vậy, Thiên lương mới thiệt là chủ của sự tín ngưỡng.

  • Thiên lý

    Thiên lý

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Thiên lý

    天理

    A: The natural reason.

    P: La raison naturelle.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Lý: lẽ.

    Thiên lý là lẽ Trời, tức là luật Trời.

    Thiên lý dĩ nhiên: Lẽ Trời như vậy.

    Giới Tâm Kinh: Lẽ Trời hằng quả báo chẳng sai.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nếu kém lực thì con người ấy duy có sanh hoạt trong vòng vật dục, chớ chẳng hề biết Thiên lý là gì!

    * Trường hợp 2: Thiên lý

    千里

    A: Thousand miles.

    P: Mille lieues.

    Thiên: Một ngàn. Lý: dặm đường.

    Thiên lý là ngàn dặm.

    Thiên lý mã: con ngựa chạy được ngàn dặm mỗi ngày.

  • Thiên ma bách chiết

    Thiên ma bách chiết

    千磨百折

    Thiên: Một ngàn. Ma: gây trở ngại, làm khổ. Bách: trăm. Chiết: bẻ gãy, khốn khổ. Ma chiết là nhiều khốn khổ.

    Thiên ma bách chiết là nhiều khó khăn trở ngại khốn khổ.

  • Thiên mạng (Thiên mệnh)

    Thiên mạng (Thiên mệnh)

    天命

    A: The order of God.

    P: L"ordre de Dieu.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Mạng: Mệnh: mệnh lệnh.

    Thiên mạng hay Thiên mệnh là mạng lịnh của Trời.

    Thiên mạng là một phần rất quan trọng trong triết lý của Nho giáo. Đạo Nho quan niệm rằng, tất cả sự biến chuyển trong Trời Đất, từ cái nhỏ nhặt đến cái to lớn, đều tùng theo một mệnh lệnh duy nhứt, đó là mệnh Trời, tức Thiên mệnh.

    Thuyết Thiên mệnh đưa đến thuyết Định mệnh: Số phận của mỗi người hay mỗi vật đều được định đoạt từ trước bởi Thượng Đế, đến cái ăn cái uống cũng do tiền định (Nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định).

    Thật ra thuyết Định mệnh chỉ là cái mặt ngoài của Luật Nhân Quả, bởi vì trong Luật Nhân Quả, Trời không sắp đặt số phận cho ai hết, mà chính con người tự sắp đặt lấy cuộc đời của mình, tự sắp xếp số phận mình. Trời chỉ cầm cây cân Công bình thiêng liêng để kềm giữ Luật Nhân Quả thể hiện đúng và đủ một cách chính xác.

    Thuyết Thiên mệnh của Nho giáo gồm 4 điểm sau đây:

    - Tri mệnh.
    - Phối mệnh.
    - Sĩ mệnh.
    - Úy mệnh.

    1. Tri mệnh: Biết mệnh Trời mà tuân theo.

    Tri mệnh rất khó. Muốn biết được mệnh Trời thì phải chế ngự tư dục, không để cho tư dục làm mờ ám lương tâm, để cái bổn tánh thiện được tỏ rạng, để cái lương tri lương năng hoàn toàn sáng suốt mà suy tính, rồi mới đem hết năng lực ra mà làm thì lúc đó sẽ biết được mệnh Trời, nên có câu: Tận nhơn lực, tri Thiên mạng.

    Đức Khổng Tử là bực đại trí mà còn nói rằng: Ngũ thập nhi tri Thiên mệnh. (50 tuổi Ngài mới biết mệnh Trời).

    2. Phối mệnh: Kết hợp với mệnh Trời.

    Phải luôn luôn trau giồi đức hạnh để luôn luôn xứng đáng là một con người với danh nghĩa là một Tiểu Thượng Đế.

    3. Sĩ mệnh: Đợi mệnh Trời.

    Không nên có thái độ nóng vội hay chán nãn, than van, mà cứ giữ tâm tánh luôn luôn được an nhiên mà chờ đợi mệnh Trời. Sách Trung Dung có câu: Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị sĩ mệnh. Nghĩa là: Trên không oán Trời, dưới không trách người, cứ ở bình dị mà đợi mệnh Trời.

    4. Úy mệnh: Sợ mệnh Trời.

    Sợ mạng Trời để kính trọng và sửa mình, chớ không phải sợ để xa lánh, bởi vì dù có xa lánh cũng không khỏi được.

    Sách Luận Ngữ có câu: người quân tử có 3 điều sợ:

    · Sợ mệnh Trời,
    · Sợ người tài đức,
    · Sợ lời Thánh nhân.

    Tóm lại, về Thiên mệnh, Thánh nhân có câu: Vui theo đạo Trời, biết mệnh Trời, cho nên không lo, tùy chỗ mà ở yên và đôn đốc làm điều nhân, cho nên có lòng nhân ái.

  • Thiên mạng chi vị tánh, Suất tánh chi vị đạo, Tu đạo chi vị giáo

    Thiên mạng chi vị tánh, Suất tánh chi vị đạo, Tu đạo chi vị giáo

    天命之謂性, 率性之謂道, 修道之謂敎

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thiên mạng: (đã giải ở trên) Chi: hư tự. Vị: gọi rằng, bảo rằng. Tánh: cái thể hiện ra bên ngoài của Tâm, bên trong là Tâm, bên ngoài là Tánh (Tánh tự Tâm sanh). Cái Tâm do Trời phú cho con người thì cái Tánh cũng vậy. Suất: Noi theo. Đạo: cái nguyên lý của Trời Đất. Tu: sửa. Tu thân: sửa mình. Tu đạo: sửa mình theo đạo. Giáo: dạy.

    · Thiên mạng chi vị tánh: cái Trời ban cho gọi là Tánh,

    · Suất tánh chi vị đạo: noi theo Tánh gọi là Đạo,

    · Tu đạo chi vị giáo: sửa cho hợp với Đạo gọi là Giáo.

    Đây là một câu nơi chương I khởi đầu trong sách Trung Dung của Nho giáo:

    "Thiên mệnh chi vị tánh, suất tánh chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Đạo dã giả, bất khả tu du lị dã, khả lị phi đạo dã."

    Nghĩa là: Cái Trời phú cho gọi là Tánh, noi theo Tánh là Đạo, sửa cho hợp đạo gọi là Giáo. Đạo là cái chẳng nên rời xa giây phút nào, hễ rời ra được thì chẳng phải là Đạo nữa vậy.

    "Trung Dung là học thuyết để cải thiện nhân tánh, nên trước hết nêu lên ba đại cương làm chủ cho toàn sách:

    1. Tánh.
    2. Đạo.
    3. Giáo.

    Tánh là phần Thiên lý Trời phú cho con người (chữ Tánh trong Nho giáo không phải chỉ tất cả nết tốt nết xấu của con người như ta thường hiểu).

    Đạo là noi theo Tánh mà khải phát ra.

    Giáo là chỉ công phu giáo dục, bồi dưỡng....

    Bậc Thánh hiền chỉ noi theo Tánh tức là Thiên lý của Trời phú cho mà khải phát ra để cư xử với đời thì không bao giờ không hợp với TRUNG, ấy là Đạo vậy.

    Nhưng người thường thì hay bị vật dục làm mờ ám, nên ăn ở không hợp Đạo, khi thì thái quá, khi bất cập, nên cần phải nhờ công phu giáo dục, bồi dưỡng để sửa mình cho hợp với lẽ đương hành, ấy là Giáo.

    Đạo là cái lý đương hành hằng ngày của các sự vật, là cái đức của Tánh, nó có sẵn trong lòng, gắn liền mọi vật, không lìa khỏi giây phút nào, vì nếu lìa nó ra thì sao gọi là noi theo Tánh được?" (Trung Dung dịch giải của Phan Khoang).

    Trong bài Diễn văn của Đức Phạm Hộ Pháp đọc tại Tòa Thánh ngày 15-7-Nhâm Thân (1932) có giải câu trên của sách Trung Dung, xin trích ra sau đây:

    "Trung Dung nói: Thiên mạng chi vị Tánh, suất Tánh chi vị Đạo, tu Đạo chi vị Giáo.

    Thiên mạng chi vị Tánh, nghĩa là: Mạng Trời ấy là Tánh.

    Cái Tánh linh của ta do nơi Đấng Chí Linh cho ta, lại do đấy mà tạo mạng sanh của ta, vận thời kiếp số của mỗi người đều tùy điểm linh quang lớn nhỏ, nghĩa là tùy theo mạng của mỗi người.

    Cả nhơn loại và vật loại đều thọ nơi Đấng Chí Linh một điểm linh quang, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc lớn hoặc nhỏ, đặng định hàng phẩm đẳng cấp của chúng sanh, vì vậy cho nên cả cơ tạo hóa hữu hình đều chung gọi là vạn linh sanh chúng.

    Người cũng là một vật trong vạn vật, nghĩa là nhứt linh trong vạn linh, nhưng mà tánh linh hơn vạn vật. Biết đặng cái linh tánh ấy là mạng Trời nên đặt tên là Thiên mạng.

    Suất Tánh chi vị Đạo, nghĩa là rèn đúc trau giồi cái Tánh, ấy là Đạo.

    Người cũng là một vật thì tự nhiên phải triêm nhiễm vật tánh nơi mình, buộc hễ đói phải kiếm ăn, vì có ăn mới có sống, buộc hễ trần lỗ phải kiếm mặc, vì có mặc mới ấm thân.

    Nặng mang cái mảnh hình hài, gọi rằng mạng sống, luật Thiên nhiên bảo tồn (La loi de conservation) định vậy, phận thiêng liêng giúp thế nơi mình, nên cũng phải chung lộn với thế tình ăn ăn mặc mặc. Nào là vinh thân, nào là phì gia, tuồng đời nêu trước mắt, như lượn sóng ba đào, xao xuyến giữa dòng thế sự. Nào là yếu thua mạnh thắng, nào là ngu thiệt trí hơn, nhập vào trí não như gươm giáo đua tranh giữa trận lợi danh hoàn vũ. Vì vậy mà đòi phen phải vùi lấp tánh linh, xu về hình thể.

    Tuy vân, thế tình vẫn vậy, mà cũng còn có lắm Đấng cao minh, chơn thần đắc kiếp, thường xem vạn vật mà suy đoán phận mình, nên đặng ám hiểu rằng, cái linh tâm con người vẫn vô hạn giới.

    Ấy vậy, cái kho vô tận của Chí Linh cũng có phương đoạt đặng. Dò đon từ bực trí lự của mỗi loài, thì thấy cả vạn linh đều phân biệt đẳng cấp, dầu cho cả cá nhơn đối với trọn loài người cũng thế, rồi tìm cách thế mà luyện tập lấy mình, gọi là TU, làm cho linh tánh khỏi bị thi hài ràng buộc thì tự nhiên thấy nó đặng tăng tiến lên cao, cơ bí mật huyền vi của Chí Tôn hiểu thấu.

    Câu: Suất Tánh chi vị Đạo, nghĩa là đem Tánh linh ra khỏi vòng nhục thể (gọi là thoát xác) thì có thể hiệp Tánh với Chí Linh, nên cho là Đạo.

    Tu Đạo chi vị Giáo, nghĩa là trau theo Đạo gọi là Giáo.

    Đào luyện cái Tánh linh cho sáng suốt thêm hoài gọi là Tu, song cách thế mình tu vẫn nhiều phương pháp, lập cho nên phương pháp đặng tự giáo lấy mình, hay là cầu giáo với kẻ cao minh, giúp giùm phương pháp.

    Tự giáo nghĩa là mình đủ trí lự đặng đặt ra phương pháp mà tu luyện lấy mình, cầu giáo là cầu kẻ cao minh dạy giùm phương pháp.

    Tiếc thay! Bậc cầu giáo vốn nhiều người, còn bậc tự giáo xem ra phần ít. Bởi cớ ấy mà làm cho mặt địa cầu nầy có nhiều tôn giáo.

    Bần đạo xin chư Đạo hữu thầm nghĩ coi sau nầy: Chữ Tôn giáo và chữ Đạo tự nhiên đặc biệt.

    Bậc tự giáo vẫn ít cũng chẳng có chi rằng lạ.

    Ông Thiệu Khương Tiết nói rằng:

    Thượng phẩm chi nhơn bất giáo nhi thiện,
    Trung phẩm chi nhơn giáo nhi hậu thiện,
    Hạ phẩm chi nhơn giáo diệc bất thiện.

    Lại thêm như vầy:

    Bất giáo nhi thiện, phi Thánh nhi hà?
    Giáo nhi hậu thiện, phi hiền nhi hà?
    Giáo diệc bất thiện, phi ngu nhi hà?

    Chiếu theo mấy câu nầy thì thấy bậc Thánh đức hoàn toàn mới có thể lập phương tự giáo. Chúng ta lại còn hiểu rằng, ông Thiệu Khương Tiết lấy thiện giáo làm đạo bổn thì là phép lập giáo hay biết bao nhiêu!

    Ai dám gọi rằng cổ nhơn không viễn kiến?"

  • Thiên môn

    Thiên môn

    天門

    A: The celestial door.

    P: La porte céleste.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Môn: cửa.

    Thiên môn là cửa trời, cái cửa bước vào cõi trời.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Khép cửa Thiên môn, cấm đường không cho các chơn linh thối bước.

  • Thiên ngoại

    Thiên ngoại

    天外

    A: The other Heavens.

    P: Les autres Cieux.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Ngoại: ngoài.

    Thiên ngoại là bên ngoài bầu trời nầy, tức là đến các bầu trời khác. Chúng ta đang ở địa cầu 68 thì Thiên ngoại là các địa cầu khác bên ngoài địa cầu 68 của chúng ta.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: (Chơn thần) như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại.

  • Thiên nguơn mạo bát quái

    Thiên nguơn mạo bát quái

    天元帽八卦

    A: The rounded headress octagonal in shape.

    P: La coiffure arrondie de forme octogonale.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Mạo: cái mão. Bát quái: tám quẻ.

    Thiên nguơn mạo bát quái là cái mão của quí vị Giáo Sư nam phái Cửu Trùng Đài, phần trên giống hình trái bí đỏ, có tám múi đều nhau, trên mỗi múi có thêu một chữ của Bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, trên chót mão có một hột minh châu lý.

    Thượng Giáo Sư đội mão màu xanh, Ngọc Giáo Sư đội mão màu đỏ. Đặc biệt Thái Giáo Sư không đội Thiên nguơn mạo bát quái, mà đội mão Hiệp Chưởng của nhà Thiền (giống mão của Hòa Thượng), hai bên có thêu Thiên nhãn.

  • Thiên nhãn

    Thiên nhãn

     

    天眼

    A: The divine Eye.

    P: L"Oeil divin.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Nhãn: con mắt.

    Thiên nhãn là con mắt tượng trưng Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Thờ Thiên nhãn là thờ Trời.

    Trên Quả Càn Khôn, Đức Chí Tôn bảo vẽ Thiên Nhãn ngay phía trên ngôi sao Bắc Đẩu, tức nhiên Đức Chí Tôn ngự tại ngôi Bắc Đẩu.

    Biểu tượng Thiên Nhãn của Đạo Cao Đài, tức Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, có một ý nghĩa vô cùng cao cả và đặc sắc, mà bất cứ một nền tôn giáo nào trên thế giới hiện nay đều không có được.

    I. Nguồn gốc Thiên Nhãn

    Người môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn là Ngài Đốc Phủ Ngô Văn Chiêu, trong lúc Ngài đang làm Quận Trưởng quận Phú Quốc tỉnh Hà Tiên, vào khoảng đầu năm 1921, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài phải tìm một dấu hiệu chi riêng biệt để thờ kỉnh. Ngài Ngô Văn Chiêu bạch với Đức Chí Tôn chọn dấu hiệu chữ Thập ( + ).

    Đức Chí Tôn giáng cơ đáp: Chọn chữ Thập cũng được, song đó là dấu hiệu của một nền tôn giáo đã có rồi (Thiên Chúa giáo), phải suy nghĩ để tìm ra một dấu hiệu mới khác, sẽ có Đức Chí Tôn giúp sức.

    Ngài Ngô Văn Chiêu xin hoãn lại một tuần lễ để suy nghĩ tìm tòi. Mãn tuần lễ rồi mà Ngài vẫn chưa tìm ra.

    Thế rồi một hôm, vào ngày 13-3-Tân Dậu (dl 20-4-1921), lúc 8 giờ sáng, Ngài đang ngồi trên chiếc võng ở mái hiên sau dinh quận, suy nghĩ vẩn vơ, bỗng Ngài thấy xuất hiện một CON MẮT thật lớn, hào quang chiếu diệu, cách chỗ Ngài ngồi chừng vài ba thước. Con Mắt ấy đầy đủ thần quang nhìn thẳng vào mặt Ngài, làm Ngài sợ hãi, lấy hai bàn tay che mặt lại không dám nhìn, chừng được nửa phút, Ngài mở mắt ra nhìn thử thì lại thấy CON MẮT ấy rực rỡ hào quang hơn nữa. Ngài bèn chấp tay, vái rằng: "Bạch Tiên Ông! Đệ tử biết rõ huyền diệu của Tiên Ông, xin Tiên Ông đừng làm vậy sợ lắm! Nếu Tiên Ông bảo thờ như vậy thì xin cho biến mất tức thì."

    Ngài khấn xong thì Con Mắt từ từ lu dần rồi biến mất.

    Tuy vậy, Ngài Ngô Văn Chiêu vẫn chưa thiệt tin, nên chưa vẽ Con Mắt để thờ.

    Cách vài ngày sau, Ngài lại thấy Thiên Nhãn xuất hiện y như lần trước. Ngài lại vái cùng Tiên Ông xin vẽ Thiên Nhãn để thờ thì Thiên Nhãn cũng lu dần rồi biến mất. (Ngài Ngô Văn Chiêu lúc đó gọi Đức Chí Tôn là Tiên Ông).

    Ngài Ngô Văn Chiêu, căn cứ vào hai lần chứng nghiệm đó, hoàn toàn tin tưởng nơi Đức Chí Tôn, nên Ngài vẽ Thiên Nhãn như đã thấy để thờ Đức Chí Tôn.

    Vào tháng Giêng năm Giáp Tý (1924), khi Ngài Ngô Văn Chiêu đứng tại Dinh Cậu Phú Quốc nhìn ra biển khơi vào lúc Mặt Trời sắp lặn, Ngài bỗng thấy Thiên Nhãn hiện ra rực rỡ hào quang trên một ngôi sao, kế dưới là Mặt Trăng lưỡi liềm, và trên mặt biển là Mặt Trời, sắp theo một sổ dọc thẳng đứng, và mặt biển là một đường nằm ngang.

    Hình ảnh rực rỡ và đẹp đẽ nầy, Ngài Ngô Văn Chiêu ghi nhớ và Ngài họa hình giống y như vậy để thờ: Bên dưới là mặt biển nằm ngang, bên trên là Nhựt, Nguyệt, Tinh và Thiên Nhãn, tạo thành một sổ thẳng đứng.

    Đến ngày 29-6-Giáp Tý (dl 30-7-1924), Ngài Đốc Phủ Ngô Văn Chiêu được chánh quyền Pháp đổi về làm việc ở Sài Gòn, Ngài cũng đem Thiên Nhãn về Sài Gòn để thờ nơi nhà Ngài cư ngụ.

    Mặt khác, vào giữa năm 1925, Đức Chí Tôn độ được nhóm công chức Xây bàn ở Sài Gòn gồm quí ông: Cao Quỳnh Diêu, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, và kế đó độ thêm Ngài Lê Văn Trung; Đức Chí Tôn bảo quí vị nầy hãy vẽ hình Thiên Nhãn để thờ Đức Chí Tôn. Lúc đó là đầu năm 1926.

    Quí ông rất phân vân, không biết vẽ thế nào, vì biểu tượng Thiên Nhãn thật vô cùng mới lạ. Từ trước tới giờ, người Việt Nam chỉ biết thờ tượng Phật, tượng Thánh, tượng Thần, chớ chưa hề biết thờ Thiên Nhãn.

    Đức Chí Tôn biết các ông đang phân vân, nên giáng cơ dạy quí ông đến nhà của ông Đốc phủ Ngô Văn Chiêu để ông Chiêu chỉ cho cách thờ, và dặn mang Đại Ngọc Cơ theo để Chí Tôn giáng cơ dạy việc.

    Thế là do lịnh dạy của Đức Chí Tôn, quí ông tìm đến nhà Ngài Ngô Văn Chiêu, được Ngài Chiêu hướng dẫn cách thờ phượng Đức Chí Tôn bằng biểu tượng Thiên Nhãn với đầy đủ chi tiết, và sau đó quí ông phò loan cầu Chí Tôn. Đức Chí Tôn giáng dạy quí ông hợp tác với Ngài Ngô Văn Chiêu để chuẩn bị Khai Đạo, và nhận Ngài Chiêu làm Anh Cả.

    Nguồn gốc thờ Thiên Nhãn của Đạo Cao Đài phát tích từ đó.

    Thật ra, biểu tượng Thiên Nhãn tượng trưng Đấng Thượng Đế, không phải hoàn toàn mới lạ đối với nhơn loại, vì từ thời thượng cổ, dân Ai Cập, dân Do Thái ở Phi Châu, dân Pérou ở nam Mỹ Châu, đã biết vẽ hình Thiên Nhãn ngự trên Kim Tự Tháp để thờ Đấng Thượng Đế.

    II. Ý nghĩa thờ Thiên Nhãn

    Đức Chí Tôn dạy rằng:

    "Tại sao Thầy lại biểu các con tạo hình Thiên Nhãn mà thờ, không dạy thờ hình tượng như các tôn giáo khác?

    Thầy vốn là Hư Vô chi Khí, không giống cái chi hết. Các con chớ tạo hình Thầy mà thờ.

    Trời là Lý, thì Lý ấy rất thông linh bao quát Càn khôn Thế giới. Thầy đâu phải có xác phàm như các con mà tạo hình thể như các con. Nên chi, thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy."

    Thờ Thiên Nhãn bao gồm nhiều ý nghĩa siêu việt, xin nêu ra sau đây:

    a. Ý nghĩa về hình thể

    1. Tiên Nho thường nói: Hoàng Thiên hữu Nhãn, hay trong dân gian cũng thường nói: Trời cao có mắt, để chỉ rằng Ông Trời, tức là Đấng Thượng Đế, nhìn thấy rõ tất cả những hành vi thiện ác của khắp chúng sanh, dầu bộc lộ ra ngoài hay giấu giếm kín đáo bên trong, Mắt Trời đều thấy rõ hết thảy, để khen thưởng hay xử phạt một cách công bình.

    Do đó, trong Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế có câu:

    Càn kiện cao minh,
    Vạn loại thiện ác tất kiến.

    Nghĩa là:

    Càn là Trời, ngôi Càn mạnh mẽ, cao tột, sáng tỏ,
    Ắt hẳn thấy rõ điều thiện và ác của muôn loài vật.

    Thờ Thiên Nhãn với con mắt mở, để chúng ta luôn luôn nhớ rằng, bất cứ ta làm việc gì, Trời đều thấy rõ, không thể giấu giếm, cũng không thể sau nầy chối cãi được.

    2. Vẽ MỘT con Mắt để thờ, mà không vẽ 2 con Mắt (một cặp) là bởi vì 1 là số khởi thủy của Càn khôn Vũ trụ và vạn vật (theo Dịch học): 1 sanh 2, 2 sanh 3, 3 sanh vạn vật.

    Tức là Nhứt bổn tán Vạn thù, Vạn thù qui Nhứt bổn.

    Cho nên, số 1 là gốc, lại là số Dương, mà Đức Chí Tôn làm Chủ Dương quang, thì rất hợp lẽ. Số 1 cũng chỉ ngôi Thái Cực, là ngôi độc nhứt trong Càn Khôn Vũ trụ.

    3. Vẽ Con Mắt bên TRÁI để thờ, chớ không phải vẽ Con Mắt bên Mặt, bởi vì bên Trái thuộc về Dương, bên Mặt thuộc về Âm, nên khi vào Thánh Thất quì cúng Đức Chí Tôn, phái Nam quì bên Trái của Đức Chí Tôn; phái Nữ quì bên Mặt của Đức Chí Tôn (Nam tả Nữ hữu).

    Do đó, Con Mắt Trái tượng trưng Đức Chí Tôn và Đức Chí Tôn chưởng quản Khí Dương quang.

    4. Thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa Đại đồng. Bất cứ sắc dân nào, dân tộc nào cũng biết vẽ Con Mắt để thờ, và vẽ hình Con Mắt không có tánh cách phân biệt chủng tộc, nên có tính chất chung hết, tức là Đại đồng.

    Như chúng ta thấy, Phật giáo vẽ hình Đức Phật Thích Ca với hình dáng là người Ấn Độ; Thiên Chúa giáo vẽ hình Đức Chúa Jésus với hình dáng là một người Do Thái; do đó có tánh cách phân biệt về dân tộc, về quốc gia, là thờ người ngoại quốc,....Vẽ hình Con Mắt mà thờ thì tránh được các sự phân biệt vừa nêu trên.

    Vả lại, Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ của toàn nhơn loại, chớ đâu phải của riêng một sắc dân nào. Khi thờ Con Mắt là Đức Chí Tôn muốn cho nhơn loại không còn phân biệt nhau về quốc gia hay dân tộc, nhìn nhau đều là anh em một nhà, con chung của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

    Dân tộc Việt Nam là một dân tộc lãnh sứ mạng của Thượng Đế để thực hiện sự Đại đồng trên toàn thế giới.

    b. Ý nghĩa theo Thiên Chúa Giáo

    Thiên Chúa giáo có một quyển sách tựa là:

    "Catéchisme Album" (Giáo lý Cương yếu) do nhà xuất bản Saint Joseph ở Paris phát hành, nơi trang đầu tiên có in hình Thiên Nhãn (L"Oeil de Dieu) và chú thích như vầy:

    "Dieu est esprit, il ne peut être vu de nos yeux, ni, par conséquent, représenté sur une image.

    C"est OEIL, vous rappelle que Dieu est la souveraine intelligence, qu"il sait tout et voit tout.

    On l"encadre le Soleil, car Dieu est le Vrai Soleil qui éclaire et réchauffe tout et porte la vie partout. Dieu est la Lumière Éternelle."

    Tạm dịch: Thượng Đế là Đấng thiêng liêng, đôi mắt trần của chúng ta không thể thấy được Ngài, vì thế, không thể mô tả Ngài bằng một hình ảnh.

    Thiên Nhãn nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Thượng Đế là Đấng Toàn Tri, Ngài biết tất cả và thấy tất cả.

    Người ta vẽ chung quanh Thiên Nhãn những tia sáng của Mặt Trời, bởi vì Thượng Đế là ngôi Dương chơn thật, soi sáng và sưởi ấm vạn vật và mang đến sự sống khắp nơi. Thượng Đế là Ánh sáng vĩnh cửu.

    c. Ý nghĩa thiêng liêng

    Về ý nghĩa thiêng liêng của Thiên Nhãn, Đức Chí Tôn có dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển như sau:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. I. 12: "Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng CON MẮT mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:

    Nhãn thị chủ tâm,
    Lưỡng quang chủ tể,
    Quang thị Thần,
    Thần thị Thiên,
    Thiên giả Ngã giã.

    Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, duy Thầy cho THẦN hiệp TINH KHÍ đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh. Các con nhớ nói vì cớ nào thờ CON MẮT Thầy cho chư Đạo hữu nghe....

    Phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật từ ngày Đạo bị bế, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên đình mỗi phen đánh tản THẦN, không cho hiệp cùng TINH, KHÍ. Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo.

    Con hiểu "Thần cư tại nhãn". Bố trí cho chư Đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên, Phật do yếu nhiệm là tại đó."

    III. Giải thích 5 câu chữ Nho về Thiên Nhãn

    Xin chép lại 5 câu chữ Nho giải thích Thiên Nhãn:

    Nhãn thị chủ tâm, 眼是主心
    Lưỡng quang chủ tể, 兩光主宰
    Quang thị Thần, 光是神
    Thần thị Thiên, 神是天
    Thiên giả Ngã giã. 天者我也

    Câu 1: Nhãn thị chủ tâm.

    Nhãn: con mắt. Thị: ấy là. Chủ: làm chủ. Tâm: cái Tâm. - Cái Tâm của con người là Linh hồn, cũng gọi là Tiểu hồn, Tiểu Linh quang, và con người là Tiểu Thiên Địa hay Tiểu Thượng Đế. - Cái Tâm của Trời là Đại hồn, là Đại Linh quang, và Trời là Đại Thiên Địa, thường gọi là Thượng Đế.

    Nhãn thị chủ Tâm: Thiên Nhãn là chủ của Thiên Tâm, tức là Thượng Đế làm chủ Đại hồn, Đại Linh quang.

    Câu 2: Lưỡng quang chủ tể.

    Lưỡng: hai. Quang: ánh sáng. Đối với Trời, Lưỡng quang là Lưỡng nghi: Âm quang và Dương quang. Tể: đứng đầu. Chủ tể, cũng đọc là Chúa tể, là đứng đầu cai trị tất cả.

    Lưỡng quang chủ tể: Lưỡng nghi là Chúa tể, cai trị tất cả. Bởi vì Dương quang và Âm quang ấy do Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu, chưởng quản, phối hợp để tạo thành Càn khôn Vũ trụ và hóa sanh vạn vật.

    Câu 3: Quang thị Thần.

    Quang: ánh sáng. Thị: ấy là. Thần trong trường hợp nầy là chơn linh. Đối với Thượng Đế, Thần là Đại hồn, Đại Linh quang, cũng còn gọi là Thái Cực.

    Quang thị Thần: Đại Linh quang ấy là Đại hồn của Thượng Đế.

    Câu 4: Thần thị Thiên:

    Đại hồn ấy là Trời, tức là Thượng Đế.

    Câu 5: Thiên giả Ngã giã (dã).

    Giả: ấy là. Ngã: Ta. Giã hay Dã: vậy.

    Thiên giả Ngã dã: Trời ấy là Ta vậy, (Ngã là Ta: tiếng tự xưng của Đức Chí Tôn), Trời là Đức Chí Tôn vậy.

    Câu "Thiên giả Ngã dã" giống như câu "Nhân giả Nhơn dã" (仁者人也): Lòng Nhân ấy là đạo làm Người vậy.

    Tóm tắt:

    Nhãn thị chủ tâm, Thượng Đế là chủ của Đại hồn.
    Lưỡng quang chủ tể, Dương quang và Âm quang là chúa tể.
    Quang thị Thần, Đại linh quang là Đại hồn.
    Thần thị Thiên, Đại hồn ấy là Thượng Đế.
    Thiên giả Ngã giã. Thượng Đế ấy là Ta vậy.

    Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, tiếp theo năm câu nho văn dạy về THIÊN NHÃN, Đức Chí Tôn dạy tiếp về THẦN: Thần cư tại nhãn:

    Thần là một bửu trong Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) của phép Luyện đạo: luyện cho Tinh Khí Thần hiệp nhứt, tam huê tụ đảnh, tạo được chơn thần huyền diệu, đắc đạo tại thế.

    Từ ngày Đạo bị bế, Ngọc Hư Cung thường ngăn cản không cho Thần hiệp với Tinh và Khí, do đó người luyện đạo không thể luyện Tinh Khí Thần hiệp nhứt được, nên người tu thì nhiều mà không có người đắc đạo.

    Từ khi mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thì thời kỳ bế Đạo chấm dứt, Đức Chí Tôn đến huờn nguyên chơn thần cho người tu đắc đạo, tức là cho phép Tinh Khí Thần hiệp nhứt, tạo được chơn thần huyền diệu để cho người tu đắc đạo tại thế.

    Thần cư tại nhãn là cái chơn thần ấy ở tại con mắt.

    Cho nên thờ Thiên Nhãn là để chỉ cái yếu nhiệm của sự đắc đạo là Thần phải hiệp nhứt cùng Tinh Khí mới tạo được chơn thần huyền diệu, mà cái chơn thần đó lại thể hiện ra ở tại con mắt. Như vậy, thờ biểu tượng Thiên Nhãn có hai ý nghĩa:

    · Một là thờ Trời,
    · Hai là thờ cái yếu nhiệm là chơn thần để cho người tu luyện Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) hiệp nhứt, đắc đạo tại thế.

    IV. Nghĩa của chữ THẦN trong Tinh Khí Thần

    Chúng ta có hai trường hợp:

    * Khi hiến lễ dâng Tam Bửu lên Đức Chí Tôn: Tam Bửu là: Bông, Rượu, Trà, tượng trưng Tinh, Khí, Thần.

    · Tinh là Thể xác,
    · Khí là Chơn thần,
    · Thần là Chơn linh, Linh hồn.

    * Trong phép Luyện đạo, luyện cho Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt: Trong trường hợp nầy thì:

    · TINH là chất tinh túy của thể xác tạo ra để lưu truyền nòi giống. Phải Luyện Tinh hóa Khí.

    · KHÍ là chất bổ dưỡng do chất Tinh biến thành để nhờ máu luân chuyển đem đi nuôi các tế bào của cơ thể cho tươi nhuận, nhứt là nuôi các tế bào não cho thông minh sáng suốt, có đầy đủ sự tốt đẹp. Đó là Luyện Khí hiệp Thần.

    · THẦN là Chơn thần của con người.

    Khi trí não đầy đủ sự thông minh sáng suốt thì phát huệ, tạo được Chơn thần nhẹ nhàng tinh tấn. Nhưng phải Luyện Thần huờn Hư, nghĩa là luyện cho Chơn thần được huyền diệu, có thể xuất nhập thể xác tùy ý muốn, để có thể vân du lên các cõi Trời, tiếp xúc với các Đấng thiêng liêng. Luyện được như vậy, gọi là Luyện Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt, đắc đạo tại thế.

    Tóm lại, chữ THẦN có hai nghĩa: Linh hồn hay Chơn thần tùy theo trường hợp.

    Cho nên, thờ Thiên Nhãn cũng là thờ Chơn thần: "Thần cư tại Nhãn". Nên Đức Chí Tôn dạy rằng: "Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, duy Thầy cho THẦN hiệp cùng TINH, KHÍ, đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ siêu phàm nhập Thánh. Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo."

  • Thiên nhiên - Lý Thiên nhiên

    Thiên nhiên - Lý Thiên nhiên

    理天然

    Lý Thiên nhiên: La nature naturante.

    Lý Tự nhiên: La nature naturée.

    Nhiên: như thế.

    Thiên nhiên là Trời làm ra như thế.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Làm cho sự lao động quá chừng đỗi thiên nhiên đã định.

    "Thể người cũng đồng như Tiên Phật, mà chẳng đặng cửu viễn trường sanh, thảng mảng tuổi lối tám mươi, chín chục thì bóng đã xế tà, rồi một kiếp người vô dụng, chẳng biết lấy lương tri lương năng mà phán đoán xét suy, tầm chơn lý thực hành, lại để cho mờ ám tối tăm rồi sa đọa. Ấy là vì theo cái Lẽ Tự nhiên của người mà bỏ Lý Thiên nhiên của Trời đó.

    Lý Thiên nhiên là về tinh thần nên chỉ chuộng phần linh hồn cao siêu mà chẳng coi cái xác thịt trược nhơ nầy là ra chi hết, bởi vì mỗi con, Thầy đã ban cho một cái linh tánh giáng trần, mượn xác thân đặng dùng Nguơn Tinh mà bảo tồn Nguơn Khí hiệp với Nguơn Thần, tức là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, đặng thành Tiên tác Phật mà phản bổn hoàn nguyên, hầu có thọ hưởng sự thanh nhàn nơi cõi Niết Bàn là chốn thế giới thiêng liêng bất tiêu bất diệt...

    Ở cõi trần, hễ sanh ra rồi thì cứ theo lẽ thuận hành Âm Dương giao phối hậu thiên mới sanh ra ân ái mà luống chịu buộc mình vào Tứ khổ, Tứ tường bao quanh vây chặt.... Hễ có ân ái thì phải sanh sản ra con cháu, cho rằng đặng vậy là hạnh phúc để nối hậu theo cái thường tình Nhơn đạo, chớ nào ngờ ấy là vướng ngay vào mặt lưới trần mà khổ lụy với thê thằng tử phược buộc ràng. Đã vậy, nếu có khuyến tu lại còn hẹn mai hẹn mốt. Thời gian đã qua rồi thì lưng đã mỏi, gối đã dùn, Tam bửu mòn hao, ngũ tạng suy yếu!

    Ô hô! Tam thốn khí tại thiên ban dụng, nhứt đán vô thường vạn sự hưu! Rồi là một kiếp luân hồi vậy, vì con người đã quá trầm luân thống khổ, nên nay chính mình Thầy là Ngọc Hoàng Thượng Đế động mối từ tâm, cũng vì tánh đức háo sanh mà chẳng nỡ để cho con người tiêu diệt, nên mới rọi lằn điển quang giáng xuống cõi trần cốt lập Tiên Thiên Đại Đạo, qui nguyên Tam giáo và dùng Tâm pháp truyền chơn mà độ rỗi các con. Người theo Lý Thiên nhiên, biết công phu nghịch chuyển Tinh Khí, giao cảm Nguơn Thần cho thành Tiên Phật, thì người ấy là bực Nguyên nhân. Còn người theo Lẽ Tự nhiên sanh ra ở cõi trần chịu những điều bắt buộc theo việc trần cấu, sanh sản về Hậu Thiên cơ ngẫu thì chịu trong luật quả báo luân hồi." (Đại Thừa Chơn Giáo)

  • Thiên nhiên đào thải

    Thiên nhiên đào thải

    天然淘汰

    A: The natural selection.

    P: La sélection naturelle.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thiên nhiên: (đã giải ở trên). Đào thải: đãi gạn những cái vô dụng bỏ ra.

    Thiên nhiên đào thải là một trong những nguyên tắc của sự tiến hóa. Phàm sinh vật trong vũ trụ cạnh tranh với nhau, thứ nào thích ứng với hoàn cảnh thì sống còn, thứ nào không thích ứng thì bị tiêu diệt, kết quả chỉ có những thứ ưu tú mới sinh tồn, tựa như tự nhiên sàng lọc lấy những thứ tốt.

  • Thiên nhơn hòa ước

    Thiên nhơn hòa ước

    天人和約

    A: The Alliance between God and Mankind.

    P: L"Alliance entre Dieu et Humanité.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Nhơn: người, nhơn loại. Hòa: thỏa thuận êm thấm với nhau. Ươc: giao ước.

    Hòa ước là bản ký kết mà hai bên thỏa thuận giao ước với nhau để thực hiện những điều đã ký kết.

    Thiên Nhơn Hòa Ước là bản Hòa ước giữa Trời và Người, tức là giữa Thượng Đế và Nhơn loại.

    Như vậy, trong bản Hòa ước nầy, một bên là Trời, tức là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, và một bên là Nhơn loại, hai bên thỏa thuận ký kết với nhau.

    * Nhưng Đức Chí Tôn ở cõi Thiêng liêng vô hình, làm sao ký kết Hòa ước với Nhơn loại nơi cõi hữu hình?

    Thật ra, Đức Chí Tôn ký Thiên Nhơn Hòa ước với Vạn linh nơi cõi thiêng liêng. Vạn linh nầy đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Trong chúng sanh, Nhơn loại ở phẩm cao hơn hết, xứng đáng đại diện chúng sanh. Cho nên, Đức Chí Tôn ký Hòa ước với Vạn linh, tức là ký Hòa ước với Nhơn loại vậy.

    * Bản Thiên Nhơn Hòa ước nầy được ký vào năm nào?

    Đức Chí Tôn ký bản Thiên Nhơn Hòa ước nầy khi Đức Chí Tôn mở lòng Đại từ Đại bi Đại khai Ân Xá mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1926) cứu vớt nhơn sanh trong thời kỳ cuối Hạ nguơn Tam Chuyển, trước khi mở Đại Hội Long Hoa.

    * Kể từ khi có Nhơn loại đến nay, có bao nhiêu lần Đức Chí Tôn ký Hòa ước với Nhơn loại?

    Kể từ khi có nhơn loại trên quả Địa cầu đến nay, giữa Trời và Người, đã có 3 lần ký Thiên Nhơn Hòa ước, tương ứng với 3 thời kỳ Phổ độ:

    · Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa ước được ký kết lúc mở Nhứt Kỳ Phổ Độ.

    · Đệ nhị Thiên Nhơn Hòa ước được ký kết lúc mở Nhị Kỳ Phổ Độ.

    · Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước được ký kết lúc mở Tam Kỳ Phổ Độ.

    1. Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa ước:

    Khi loài người mới xuất hiện trên quả Địa cầu nầy, thì đó là các Hóa nhân, do loài cầm thú cao cấp tiến hóa lên, nên còn mang ít nhiều thú tánh, nhưng bản chất sống rất hồn nhiên. Đức Chí Tôn Thượng Đế liền cho 100 ức Nguyên nhân giáng trần để khai hóa đám Hóa nhân ấy, cho có đời sống văn minh, có đạo đức và luân lý. (1 ức là 1 trăm ngàn, 100 ức là 10 triệu)

    Nhưng loài người càng tiến bộ về đường vật chất thì càng xa dần đạo đức, các Nguyên nhân lại nhiễm trược trần, nên không thể trở về cõi Thiêng liêng. Đức Chí Tôn thương xót, muốn cứu vớt đám Nguyên nhân nầy, nên mở ra Nhứt Kỳ Phổ Độ, khai Đạo Thánh tại nước Do Thái với ông Môi-se làm Thiên sứ, công bố Đệ Nhứt Thiên Nhơn Hòa ước.

    Bản Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa ước chính là 10 Điều Răn mà Đức Chúa Trời (Thượng Đế) viết trên tấm bảng đá ban cho ông Môi-se trên đỉnh núi Si-nai nước Do Thái. Thánh Môi-se công bố bản Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa ước nầy cho dân chúng biết, nếu ai giữ đúng 10 Điều Răn thì sẽ được Đức Chúa Trời ban cho phẩm tước xứng đáng và rước về Thiên đường sống đời đời hạnh phúc.

    Nếu người nào không tu, chẳng giữ được 10 Điều Răn, lại phỉ báng tôn giáo, thì phải bị đọa vào Địa ngục, hoặc bị luân hồi trở lại cõi trần mà đền bồi tội lỗi.

    Bản Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa ước được gọi là CỰU ƯỚC, có chép trong Thánh Kinh của Đạo Do Thái, mà về sau, Thiên Chúa giáo và Đạo Tin Lành đều nhìn nhận.

    Những tôn giáo mở ra trong thời Nhứt Kỳ Phổ Độ với Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa ước độ được một số nhơn loại đắc đạo và 6 ức Nguyên nhân trở về cựu vị nơi cõi Thiêng liêng, còn lại 94 ức Nguyên nhân chìm đắm trong cõi trần.

    2. Đệ nhị Thiên Nhơn Hòa ước:

    Phần lớn nhơn loại vẫn say đắm mùi trần, không lưu tâm đến linh hồn, không kể chi đến việc tu hành. Các mối đạo mà Đấng Thượng Đế đã cho mở ra vào thời Nhứt Kỳ Phổ Độ đã bị nhơn loại sửa cải làm sai lạc chơn truyền, khiến nhiều người tu lầm lạc.

    Đức Thượng Đế với lòng Đại từ Đại bi mở ra Nhị Kỳ Phổ Độ, cho các Đấng Tiên Phật giáng trần, lập ra nhiều mối đạo trên khắp hoàn cầu, với Đệ Nhị Thiên Nhơn Hòa ước, mà Đức Chúa Jésus lãnh nhiệm vụ công bố cho nhơn loại rõ. Bản Đệ nhị Thiên Nhơn Hòa ước lúc đó được gọi là TÂN ƯỚC (để đối lại với Cựu Ước thời ông Môi-se).

    Các mối đạo được mở ra trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ là:

    · Đạo Thiên Chúa ở Trung Đông và Âu Châu.

    · Phật giáo ở nước Ấn Độ.

    · Lão giáo và Khổng giáo ở nước Trung Hoa.

    · Thần giáo ở Trung Hoa, Ai Cập, Hy Lạp, Nhựt Bổn.

    · Hồi giáo ở các nước Á Rập Trung Đông.

    Trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ, nhơn loại càng bị thâm nhiễm trược trần hơn Nhứt Kỳ Phổ Độ, số người quay về đường đạo đức vẫn còn quá ít so với số nhơn loại. Nhị Kỳ Phổ Độ cứu độ được một số nhơn loại đắc đạo và 2 ức Nguyên nhân. Như vậy, vẫn còn 92 ức Nguyên nhân đang trầm luân nơi cõi trần.

    3. Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước:

    Các nền tôn giáo mở ra thời Nhị Kỳ Phổ Độ, sau mấy ngàn năm truyền bá cứu độ nhơn sanh, lần lần bị người đời sửa cải làm sai lạc chơn truyền, nên tất cả các tôn giáo ấy đều bị Ngọc Hư Cung bế lại, người tu thì nhiều mà vì lầm lạc nên đắc quả rất ít.

    Nhơn loại đồng lòng kêu nài lên Thượng Đế: "Các nền tôn giáo thuở trước đã bị Ngọc Hư Cung, chiếu theo Thiên điều, bế lại hết, mà Phật giáo vô ngôn. Đức Chí Tôn lại không cho khai đạo mới thì nhơn sanh biết đường đâu mà tu hành, biết đường nào lành mà đi theo, biết đường nào dữ mà tránh."

    Bởi đó, Đức Chí Tôn mở lòng đại từ đại bi lần thứ ba, khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ký với nhơn loại một tờ Hòa ước thứ ba, gọi là Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước, giao cho ba vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động nơi cõi Thiêng liêng, viết ra trên tấm bảng đá, công bố cho toàn nhơn loại rõ, đồng thời Đức Chí Tôn ra lịnh cho Tam Thánh làm Thiên sứ hướng dẫn nhơn loại khắp hoàn cầu đi vào con đường Đại Đạo.

    Tại sao Đức Chí Tôn không chọn ai khác để công bố Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước, mà lại chọn Tam Thánh Bạch Vân Động? (Xem phần trước chữ: Tam Thánh ký Hòa Ước, vần T)

    Bởi vì chư Thánh có nhiệm vụ Thể Thiên Hành Hóa, điều hành tất cả các hoạt động của Càn khôn Vũ trụ. Cho nên Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói rằng: "Bần đạo nói, họ đương nói chuyện mà trên đầu họ muôn ánh hào quang xẹt tứ tung ở không trung, họ đương nói chuyện ở đây mà họ đương điều hành tới các địa giới khác, cả Càn Khôn Vũ Trụ." (Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống)

    Mặt khác, bực Thánh đứng trung gian giữa Trời và Người trong nấc thang tiến hóa của Vạn linh, nên Tam Thánh Bạch Vân Động đại diện chư Thánh, được Đức Chí Tôn chọn để công bố Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước là một điều hợp lý.

    Chọn ba vị Thánh của ba nước có ân oán với nhau: một là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người Việt Nam; hai là Victor Hugo, người Pháp; ba là Tôn Dật Tiên, người Trung Hoa; để có ý chỉ rằng, Đức Chí Tôn muốn nhơn loại xóa bỏ hết các ân oán dân tộc, nhìn nhau là anh em một nhà, đồng là con cái của Đức Chí Tôn để tiến tới một xã hội đại đồng trong tình thương yêu huynh đệ và sự công bằng, tạo lập thời kỳ Thượng nguơn Thánh đức. (Nói rằng ba nước nầy có ân oán với nhau là bởi vì theo dòng lịch sử, Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ 1000 năm và bị nước Pháp đô hộ 80 năm).

    Nội dung của bản Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước được Tam Thánh Bạch Vân Động công bố bằng hai thứ ngôn ngữ quan trọng nhứt là:

    Chữ Trung Hoa, cũng là chữ Nho của Việt Nam, là chữ viết quan trọng phổ biến của giống dân da vàng.

    Chữ Pháp, là chữ viết quan trọng của giống dân da trắng ở Châu Âu và Bắc Mỹ Châu. disImgRight cdtd-ThienNhonHoaUoc.jpg Thiên Nhơn Hòa Uớc cdtd-ThienNhanHoaUoc-b.jpg Thiên Nhơn Hòa Uớc

    ■ Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết chữ Nho, phiên âm ra tiếng Việt là:

    "THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ BÁC ÁI CÔNG BÌNH"

    ■ Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (V.Hugo), viết chữ Pháp:

    DIEU et HUMANITÉ AMOUR et JUSTICE

    Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước rất đơn giản, chỉ có 4 chữ:

    BÁC ÁI - CÔNG BÌNH hay AMOUR et JUSTICE.

    Giải Thích:

    Thiên thượng: trên Trời, tức là Thượng Đế (Dieu).

    Thiên hạ: dưới Trời, tức là Nhơn loại (Humanité).

    Bác ái: (Amour) "Bác ái là hay thương xót sanh linh hơn thân mình. Cho nên, kẻ có lòng Bác ái coi mình nhẹ hơn mảy lông mà coi Thiên hạ trọng bằng Trời Đất." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

    Công bình: (Justice) không nghiêng về bên nào, không có ý riêng tư, theo đúng Đạo lý.

    Theo bản Hòa ước nầy, Đức Chí Tôn cam kết với Nhơn loại, nếu người nào thực thi được 4 chữ Bác ái - Công bình, thì Đức Chí Tôn rước về cõi Thiêng liêng Hằng sống, được ban thưởng các ngôi vị Thần Thánh Tiên Phật, thoát khỏi luân hồi; còn nếu không thực hiện được 4 chữ nầy thì phải bị đọa luân hồi, không được đổ thừa hay khiếu nại vào đâu được nữa.

    Đức Chí Tôn lại ban cho một ơn huệ đặc biệt là Đại Ân Xá: "Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

    Nhơn loại muốn thực hiện được bản Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước nói trên thì phải nhập môn vào Đạo Cao Đài, tùng giáo Đức Chí Tôn, lo việc tu hành. Do đó, Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tức là Đạo Cao Đài, lấy 4 chữ: Bác ái - Công bình làm tiêu chuẩn cho Luật và Quyền trong việc phổ độ nhơn sanh:

    Luật là Bác ái (Thương yêu)
    Quyền là Công chánh (Công bình)

    "Các liệt cường ký với nhau khoản nầy khoản nọ, khoản kia đủ thứ, ký không biết bao nhiêu khoản; với Đức Chí Tôn chỉ có hai khoản thôi:

    1. LUẬT: Thương yêu. Ngài định luật cho chúng ta là thương yêu. Không phải thương yêu nhơn loại mà thôi, mà phải thương yêu toàn cả Vạn linh nữa.

    2. QUYỀN: Ngài chỉ định là Quyền Công chánh.

    Từ thử, ta chưa thấy Hòa ước nào đơn sơ như thế."

    (Trích trong thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, Quyển 2 trang 168)

    "Đức Chí Tôn Ngài đến, do tay Ngài ký một Hòa ước với một sắc dân nô lệ, sắc dân hèn mọn, đặng Ngài nài nỉ xin cho đặng hai điều trọng yếu làm cho nhơn loại sống tồn tại là: Luật Thương yêu và Quyền Công chánh.

    Ngài đã ký, Ngài đã hứa với Thánh thể của Ngài, tức nhiên là cả quốc dân nầy đặng tạo ra hình ảnh Luật Thương yêu. Nếu toàn cả quốc dân Việt Nam lấy Quyền Công chánh làm thành tướng ra, rồi Ngài sẽ lấy tướng diện của nó Ngài làm môn thuốc cứu sanh mạng của nhơn loại đó vậy."

    "Ngài đã ký kết với nhơn loại bản Hòa ước thứ ba.

    Hai Hòa ước kỳ trước, nhơn loại đã phản bội, không giữ sở tín của mình, vì cớ cho nên phải thất Đạo, nhơn loại đi trong con đường diệt vong, tương tranh tương sát nhau.

    Vì lòng bác ái từ bi, Đức Chí Tôn đến ký Hòa ước thứ ba nữa để trong Luật điều. Chúng ta thấy các Đấng Thiêng liêng chỉ tấm tượng Tam Thánh biểu nhơn loại tín ngưỡng: Thiên thượng Thiên hạ, về Luật có Bác ái, Pháp có Công bình, ngoài ra dầu luật pháp muôn ngàn hình tướng, Hội Thánh Đạo Cao Đài dìu dẫn tâm lý nhơn sanh, chỉ dẫn họ vô mặt luật tối cao là Luật Bác ái và vô một nền Chơn pháp tối trọng là Pháp Công bình.

    Luật pháp của Đạo Cao Đài, ngoài Luật Bác ái và Pháp Công bình, tất cả luật điều khác đều là phương pháp lấy giả tạo chơn mà thôi." (Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp)

    Nội dung của Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước gồm 4 chữ rất đơn sơ, nhưng muốn thực hiện trọn vẹn 4 chữ đó không phải là điều dễ dàng, mà cũng không phải quá khó khăn để không thể thực hiện được.

    Có lòng Bác ái mới rõ lẽ Công bình. Muốn có lòng Bác ái, phải có lòng nhân, phải biết bố thí. Sự bố thí làm cho ta có sự cảm xúc tinh thần trước những nỗi đau khổ của nhơn sanh. Từ đó, chúng ta mới thể hiện được tình thương yêu trên muôn loài vạn vật, tức là Bác ái vậy, và nhờ đó, chúng ta mới biết rõ được lẽ Công bình của Tạo Hóa.

    Trong phần thực thi sự Công bình, chúng ta thiếu nợ ai thì phải lo trả cho dứt nợ, bởi vì nếu chưa trả dứt nợ thì các chủ nợ đâu có cho ta được trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Nhưng có những món nợ từ nhiều kiếp trước mà ta đâu có biết ai là chủ nợ để trả? Muốn trả những món nợ nầy, Đức Phạm Hộ Pháp khuyên chúng ta phụng sự nhơn sanh. Trong số nhơn sanh mà ta phụng sự, ắt có những chủ nợ của ta từ nhiều kiếp trước, và dần dần việc phụng sự nầy giúp chúng ta trả hết các món nợ tiền kiếp.

    Còn các món nợ mà ta đã cho vay từ nhiều kiếp trước thì sao? Luật Công bình buộc các con nợ phải trả cho ta đầy đủ, nhưng bây giờ ta là kẻ tu hành rồi, chúng ta cầu nguyện với Đức Chí Tôn xin hủy bỏ hết các món nợ nầy để giúp các con nợ bớt được nghiệp chướng mà lo tu hành, sớm trở về với Đức Chí Tôn. Đây cũng là một hình thức bố thí thể hiện lòng Bác ái của ta, và việc bố thí cũng là để phụng sự nhơn sanh mà thôi.

    Như vậy, muốn thực hiện Bác ái và Công bình thì chúng ta phải làm Công quả phụng sự nhơn sanh. Nói như thế tức là việc làm Công quả phụng sự nhơn sanh là hình thức tốt nhất để thực thi Bác ái và Công bình, tức là thực thi Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước vậy. Mà thực thi được Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước là đắc đạo và được Đức Chí Tôn rước về Bạch Ngọc Kinh.

    Bởi lẽ đó mà Đức Chí Tôn nhiều lần dạy bảo và khuyên nhủ nhơn sanh phải lo làm Công quả.

    "Thầy đến độ rỗi các con là lập thành một Trường Công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến Trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

    "Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: Một Trường thi Công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

    Vinh hoa phẩm cũ ngôi xưa đó,
    Khổ cực các con chớ bỏ Trường.
    Muôn đức ngàn lành không sót một,
    Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần.
    (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
  • Thiên niên

    Thiên niên

    千年

    A: Thousand years.

    P: Mille ans.

    Thiên: Một ngàn. Niên: năm.

    Thiên niên là ngàn năm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thiên niên còn mặc đứng gầy Trời.

  • Thiên phẩm

    Thiên phẩm

    天品

    A: The divine dignity.

    P: La dignité divine.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Phẩm: phẩm tước, ngôi thứ quan lại.

    Thiên phẩm là phẩm tước của Trời ban cho.

    Trái với Thiên phẩm là Nhơn phẩm hay Phàm phẩm, là phẩm tước do người phàm ban cho, mà hễ cái gì của người thì đều là phàm, không bền vững, vì nó sẽ mất theo người ban phẩm tước. Chỉ có Thiên phẩm mới bền vững vĩnh viễn.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hễ bước vào cửa Đạo thì là có Thiên phẩm, mà hễ có Thiên phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng phẩm mới trọn câu phổ độ.

  • Thiên phong - Đại Thiên phong

    Thiên phong - Đại Thiên phong

    天封

    A: The dignitary confered by God - The great dignitary.

    P: Le dignitaire conféré par Dieu - Le grand dignitaire.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Phong: vua ban phẩm tước cho bề tôi.

    Thiên phong là Trời ban phẩm tước cho.

    Chức sắc Thiên phong là những Chức sắc được Đức Chí Tôn hay Đức Lý Giáo Tông thay mặt Đức Chí Tôn ban cho phẩm tước trong cửa Đạo để nương theo phẩm vị ấy là lập công bồi đức, phổ độ nhơn sanh, cho có trật tự và kết quả tốt đẹp.

    Chức sắc Đại Thiên phong là những Chức sắc Thiên phong cao cấp trong Đạo, đứng hàng Tiên vị đổ lên, tức là từ phẩm Đầu Sư hay tương đương trở lên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy vì thương căn quả của các con mà lấy đức từ bi đặng Thiên phong cho các con, là cố ý để cho các con hành đạo cho hoàn toàn, dễ bề tương công chiết tội tiền khiên.

  • Thiên phong dĩ hạ các tư kỳ vị

    Thiên phong dĩ hạ các tư kỳ vị

    天封以下各司其位

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thiên phong: Chức sắc Thiên phong. Dĩ: lấy. Hạ: dưới. Các: những, mỗi một. Tư: coi giữ. Kỳ: cái ấy. Vị: chỗ đứng. Dĩ hạ: lấy xuống dưới.

    Thiên phong dĩ hạ: các Chức sắc Thiên phong trở xuống, tức là các Chức sắc Thiên phong, Chức việc và Đạo hữu.

    Các tư kỳ vị: người nào thì giữ chỗ đứng của người ấy.

    Đây là câu xướng của Lễ sĩ, để tất cả Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu vào đứng tại vị trí của mình trong đàn cúng tế để khởi sự hành lễ.

  • Thiên phong đường

    Thiên phong đường

    天封堂

    Thiên phong: Chức sắc Thiên phong. ĐƯỜNG: cái nhà.

    Thiên phong đường là cái nhà dùng làm văn phòng làm việc cho các Chức sắc Thiên phong.

    Phía sau Thánh Thất có cất một cái nhà ngang nối liền Đông lang và Tây lang, dùng làm văn phòng cho các Chức sắc Thiên phong nam nữ trấn nhậm nơi địa phương, cái nhà đó gọi là Thiên phong đường.

  • Thiên phú địa tái

    Thiên phú địa tái

    天覆地載

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Phú: Phúc: che trùm. Tái: Tải: chở.

    Thiên phú hay Thiên phúc là trời che. Địa tái hay Địa tải là đất chở.

    Thiên phú địa tái là trời che đất chở.

    Thường nói: Trời không che riêng ai, đất không chở riêng ai.

  • Thiên phục

    Thiên phục

    天服

    A: The dress of dignitary in the religious ceremony.

    P: La tenue du dignitaire dans la cérémonie religieuse.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Phục: quần áo.

    Thiên phục là phẩm phục của Chức sắc Thiên phong khi chầu lễ Đức Chí Tôn, tức là áo, mão, giày với những kiểu cách và màu sắc khác nhau tùy theo phẩm tước để Chức sắc mặc vào chầu lễ Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh hay Thánh Thất.

    Thiên phục đồng nghĩa: Đạo phục.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con đem Thiên phục Giáo Tông mà để nơi ghế ở trên. Còn bộ Thượng Thanh thì để giữa,....

  • Thiên phương bách kế

    Thiên phương bách kế

    千方百計

    Thiên: Một ngàn. Phương: phương pháp. Bách: trăm. Kế: mưu.

    Thiên phương bách kế là ngàn phương cách trăm mưu kế để đối phó. Ý nói: Xoay sở đủ cách để đối phó tình thế.

  • Thiên quan tứ phước

    Thiên quan tứ phước

    天官賜福

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Quan: ông quan. Tứ: ban cho.

    Thiên quan tứ phước là vị quan của Thiên đình ban phước cho dân. (Xem chi tiết nơi chữ: Rằm Thượng nguơn, vần R)

  • Thiên Quân

    Thiên Quân

    天軍

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Quân: vị tướng quân.

    Thiên Quân là tướng trời, vị tướng quân nơi cõi trời.

    Kinh Ðệ Ngũ cửu: Thiên Quân diêu động linh phan.

  • Thiên sai

    Thiên sai

    天差

    A: The order of God.

    P: L"ordre de Dieu.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Sai: sai khiến.

    Thiên sai là Trời sai khiến, tức là mệnh lệnh của Đức Chí Tôn sai khiến làm việc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đường Thị đã thọ mạng Thiên sai, cứ giữ địa vị mình.

  • Thiên sầu địa thảm

    Thiên sầu địa thảm

    天愁地慘

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Sầu: buồn rầu. Địa: đất. Thảm: đau xót.

    Thiên sầu địa thảm là Trời Đất buồn rầu đau xót.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mà hễ đau lòng Đức Đại Từ Bi thì Thiên sầu địa thảm.

  • Thiên số

    Thiên số

    天數

    A: The fate.

    P: Le sort.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Số: số mạng, số phận.

    Thiên số là cái số mạng của mỗi người do Trời định đoạt.

    Thiên số nan đào: số trời đã định, khó trốn thoát được.

    Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần: Rủi Thiên số Nam tào đã định.

  • Thiên sứ

    Thiên sứ

    天使

    A: The envoy of God.

    P: L"envoyé de Dieu.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Sứ: sứ giả, người vâng mạng vua đi làm một công việc gì.

    Thiên sứ là sứ Trời, sứ giả của Trời.

    Tam Thánh Bạch Vân Động là ba vị Thiên sứ, lãnh lịnh Đức Chí Tôn công bố bản Thiên Nhơn Hòa Ước cho toàn nhơn loại rõ và hướng dẫn nhơn loại thi hành.

  • Thiên tai

    Thiên tai

    天災

    A: Calamities.

    P: Les calamités.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tai: tai họa, tai nạn.

    Thiên tai là tai nạn do thiên nhiên gây ra như: núi lửa, động đất, hạn hán, bão lụt, bão tuyết, sóng thần, v.v....

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Cũng nơi thiên tai ách nước, nhưng rất đau lòng, dòm thấy muôn ngàn nhơn loại lặn hụp chới với nơi....

  • Thiên tài

    Thiên tài

    天才

    A: The genius.

    P: Le génie.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tài: tài năng.

    Thiên tài là tài năng đặc biệt do Trời phú cho, chớ không phải do học trong sách vở.

  • Thiên tải nhứt thời

    Thiên tải nhứt thời

    千載一時

    A: Once in a thousand years.

    P: Une fois dans mille ans.

    Thiên: Một ngàn. Tải: năm. Nhứt: một. Thời: lúc.

    Thiên tải nhứt thời là ngàn năm một thuở.

    Thiên tải nan phùng: Ngàn năm khó gặp.

  • Thiên tánh

    Thiên tánh

    天性

    A: The innate character.

    P: Le caractère inné.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tánh: cái tánh của mỗi người.

    Thiên tánh là cái tánh do Trời phú cho mỗi người, vốn có sẵn khi mới sanh ra, nên gọi là bổn tánh.

    Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện: người mới sanh ra, tánh vốn lành.

  • Thiên tào

    Thiên tào

    天曹

    A: Celestial Court.

    P: La Cour céleste.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tào: cơ quan chuyên trách của triều đình.

    Thiên tào là cơ quan chuyên trách của Thiên triều, chỉ triều đình của Đức Chí Tôn. Mỗi Thiên tào là một từng trời.

    36 cõi Thiên tào là 36 từng trời, tức Tam thập lục Thiên.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu:
    E ra tử biệt Thiên tào định phân.

    Kinh Khi Ðã Chết Rồi:
    Ba mươi sáu cõi Thiên tào.
  • Thiên tân vạn khổ

    Thiên tân vạn khổ

    千辛萬苦

    Thiên: Một ngàn. Tân: cay. Vạn: muôn. Khổ: đắng.

    Thiên tân vạn khổ là ngàn cay muôn đắng, chỉ muôn ngàn nỗi vất vả khổ cực.

  • Thiên Thai

    Thiên Thai

    天台

    A: The fairyland.

    P: Le pays des fées.

    Thiên Thai là tên của một hòn núi rất cao ở phía bắc huyện Thiên Thai tỉnh Triết Giang bên Tàu.

    Tương truyền, trên núi Thiên Thai có Tiên ở. Do đó, Thiên Thai là chỉ cảnh Tiên hay cõi Tiên.

    Điển tích: Thuở xưa có hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu, người ở huyện Diệm, vào cuối đời nhà Hán, cùng đi vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc đường về, kẹt ở trong núi 30 ngày. Hai chàng vừa đói vừa khát, bỗng gặp được một cây đào mọc trên núi có trái sai oằn nhánh, hai người mừng rỡ liền hái ăn, không bao lâu thì phục hồi sức khỏe.

    Lúc đó hai chàng nhắm hướng đi xuống núi, gặp một cái khe suối, liền xuống múc nước uống, bỗng thấy một cái ly trôi trên mặt nước, trong ly còn có cơm gạo Hồ. Hai người rất mừng, nghĩ rằng gần đây chắc có người ở, nên hai chàng cặp theo dòng suối đi ngược trở lên, đi một đỗi thì gặp hai nàng con gái rất đẹp, thấy họ đang cầm một cái ly.

    Hai người con gái ấy nói:

    - Mời Lưu và Nguyễn Tiên sinh cầm cái ly đó lại đây.

    Lưu Thần và Nguyễn Triệu rất kinh ngạc, sao hai cô nầy lại biết mình, hai chàng ngớ ngẩn nhìn nhau, không nói được. Còn hai cô gái thì cứ vui vẻ tự nhiên, dường như là hai người là bạn thân của Lưu Nguyễn. Một cô nói:

    - Sao hai vị lại đến muộn thế?

    - Rồi hai cô mời Lưu Thần và Nguyễn Triệu lên nhà.

    Nhà của hai thiếu nữ rất đẹp và sang trọng, bốn bức tường đều treo trướng lưới, góc trước buộc linh vàng, trân châu, bảo ngọc để cho cái trướng không phất lên. Họ còn có nhiều tỳ nữ. Mỗi người làm món ăn khác nhau, bên trong đầy thứ cơm gạo Hồ, thịt sơn dương khô, thịt nai,.... mùi vị rất ngon.

    Hai nàng mời hai chàng ăn uống vui vẻ, ăn xong thì tỳ nữ bưng đào lại. Các tỳ nữ hướng vào chúc mừng hai nàng có được hai chàng lang quân trẻ đẹp. Sau đó thì tiếp uống rượu, vui vầy đến khuya.

    Các tỳ nữ đưa hai chàng mỗi người vào một phòng và hai nàng cũng e thẹn bước vào phòng. Thế là đêm đó, họ trở nên vợ chồng, vui vầy cá nước.

    Lưu Thần và Nguyễn Triệu ở với vợ đẹp được hơn mười mấy ngày thì nhớ nhà, muốn trở về thăm quê nhà, nhưng bị hai nàng cầm lại hoài, lần lựa được nửa năm, nhưng lòng quê mãi thôi thúc, hai chàng nhứt định xin trở về thăm quê nhà ít hôm rồi sẽ trở lại với hai nàng. Hai nàng cầm họ ở lại không được nữa, phải tiễn hai chàng lên đường, nói rằng:

    - Hai chàng lòng trần chưa dứt ắt sau nầy phải hối tiếc.

    Nói rồi trao cho hai chàng một bức thơ, dặn khi nào về tới quê nhà hãy mở ra xem, rồi hai nàng chỉ đường cho hai chàng đi xuống ra khỏi núi.

    Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi lần về chốn quê nhà, thấy nhà cửa, người vật, đều thay đổi hết, thân bằng quyến thuộc không còn người nào, hỏi ra mới biết trong thời gian hai chàng ở trong núi Thiên Thai, nhân gian đã trải qua 7 đời.

    Lưu Nguyễn vừa cảm khái vừa kinh ngạc, nhớ lại bức thơ của hai nàng, liền lấy mở ra xem, trong đó có hai câu:

    Tầm hạc tích ư vân trung, tiết nghĩa tình duyên dĩ đoạn,
    Phúng Tiên ông ư hải thượng, cang thường hậu hội vô do.

    Nghĩa là:

    Tìm dấu hạc trên mây, tiết nghĩa tình duyên đã dứt,
    Hỏi Tiên ông trên biển, cang thường cơ hội sau không còn.

    Lưu Thần và Nguyễn Triệu vô cùng thất vọng và hối tiếc, vì thân nhân bây giờ không còn ai, hai người vợ thì coi như đã chấm dứt duyên nợ.

    Hai người thơ thẩn đi trở lại núi Thiên Thai, lòng đầy sầu thảm, không tìm được đường lên núi, đành chịu chết tại chân núi.

    Do điển tích nầy, trong văn chương dùng chữ Thiên Thai để chỉ cõi Tiên hay cảnh Tiên. Điển tích Lưu Thần Nguyễn Triệu giống như điển tích Từ Thức của Việt Nam.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Dò đon cho rõ nẻo Thiên Thai.

  • Thiên Thai kiến diện

    Thiên Thai kiến diện

    天台見面

    Thiên Thai: chỉ cõi Tiên (đã giải ở trên). Kiến: thấy. Diện: mặt. Kiến diện: thấy tận mặt.

    Thiên Thai Kiến Diện là một tác phẩm thi văn của Đức Phạm Hộ Pháp, viết vào năm Đinh Mão (1927), tại Hộ Pháp Đường, gồm 77 bài thi đường luật thất ngôn bát cú, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe khi Đức Ngài xuất chơn thần lên ngắm cảnh Thiên Thai nơi cõi thiêng liêng.

    Sau đây xin chép lại 4 bài thơ tượng trưng:

    THIÊN THAI KIẾN DIỆN
    1.
    Ngoài áng Đào nguyên sấn bước vào,
    Thiên Thai Tiên cảnh trước cao cao.
    Mây lành phủ động làm khuôn cửa,
    Tòng rậm bao cung giống mặt rào.
    Hạc Đạo đón đưa bay xạo xự,
    Nai tăng tiếp rước chạy lao xao.
    Từng trời lửng đửng ngàn muôn kẻ,
    Cười nói mừng vui đến miệng chào.

    2.
    Miệng chào lại nhủ mặc Tiên y,
    Mời đến rừng tre hội cuộc kỳ.
    Bảy Lão nhắc tình già dẹo cẳng,
    Ba Bà hỏi việc mụ ham thi.
    Đài trăng chị Nguyệt đem cho ngọc,
    Cửa gió chàng Liêm dạy khải tỳ.
    Cúc, trước, mai, lan hầu thiết đãi,
    Tiêu thiều nhạc trổi khách nâng ly.

    50.
    Trên khơi nghe tiếng khóc pha cười,
    Có kẻ dị hình, kẻ tốt tươi.
    Quỉ dắt Âm ty thì rống khóc,
    Thần dìu Tiên cảnh lại reo cười.
    Bọn dân Địa phủ người đen nám,
    Tớp khách Thiên môn xác trắng ngời.
    Chồng thấy vợ thành, chồng chắc lưỡi,
    Vợ xem chồng hiển, vợ kêu trời.

    77.
    Chùm sao khi tỏ lại khi mờ,
    Thấy ngọn cờ hồng gió phất phơ.
    Cõi ngoại reo vang quân dị quốc,
    Trong thành ong óng tiếng con thơ.
    Ruộng dâu giáo đóng dầy như giạu,
    Bể hoạn nước sâu dẫy quá bờ.
    Chộn rộn khó phân người với quỉ,
    Đền vàng người ngựa bóng u ơ.
  • Thiên Thần

    Thiên Thần

    天神

    A: The Heavenly Genius, the principality.

    P: Le Génie du Ciel, la principauté.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thần: phẩm Thần, vị Thần.

    Đạo Cao Đài chia phẩm Thần làm 3 bực theo Tam Tài:

    Thiên Thần: như các vị Thiên Lội, Thiên tướng.

    Nhơn Thần: các vị có công lớn với dân với nước, khi chết được vua phong làm Thần Hoàng.

    Địa Thần: như các Thần núi, Thần sông, Thần đất.

    · Địa Thần được thăng phẩm lên Nhơn Thần.

    · Nhơn Thần được thăng phẩm Thiên Thần.

    · Thiên Thần được thăng phẩm lên Địa Thánh....

    Đối phẩm với Chức sắc Cửu Trùng Đài:

    Đạo hữu đối phẩm Địa Thần. Muốn được đối phẩm như vậy thì người Đạo hữu phải: giữ đúng lời Minh Thệ và Tân Luật, ăn chay mỗi tháng 10 ngày sắp lên, vẹn phận tín đồ đối với Hội Thánh. Nhiều vị công quả trong Phạm Môn khi chết, đắc vị Địa Thần, có giáng cơ báo cáo cho Đức Phạm Hộ Pháp biết.

    Chức việc Bàn Trị Sự đối phẩm Nhơn Thần: Chức việc Bàn Trị Sự gồm: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự. Muốn được đối phẩm như vậy thì Chức việc phải làm tròn chức trách của mình trong Hương đạo mà Hội Thánh giao phó, tức là giữ đúng theo Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Đạo Nghị Định, Đạo Luật Mậu Dần và các luật lịnh của Hội Thánh.

    Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần: phẩm vị Lễ Sanh được qui định rất rõ trong Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Đạo Nghị Định. Đây là phẩm Chức sắc chuẩn bị bước lên hàng Thánh, nên phải là hạng thượng thừa, ly gia cắt ái, hành đạo tha phương, hiến thân trọn đời cho Đạo.

  • Thiên thơ (Thiên thư, Thiên thi)

    Thiên thơ (Thiên thư, Thiên thi)

    天書

    A: The celestial book: The divine laws.

    P: Le livre céleste: Les lois divines.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thơ: Thư: Thi: quyển sách.

    Thiên thơ, đồng nghĩa Thiên thư, Thiên thi, là quyển sách của Trời ghi chép Thiên điều, tức là ghi chép các điều luật của Trời, qui định sự vận chuyển của các quả tinh cầu và sự tiến hóa của vạn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ký thành một cuốn gọi Thiên thơ.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Tam Kỳ khai hiệp Thiên thi.

    Di Lạc Chơn Kinh: Hiệp chúng đẳng chư Phật tạo định Thiên thi, tận độ chúng sanh đắc qui Phật vị.

  • Thiên thiều

    Thiên thiều

    天韶

    A: The celestial music.

    P: La musique céleste.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thiều: khúc nhạc cổ của vua Thuấn. Tương truyền vua Thuấn học được khúc nhạc nầy của Bà Nữ Oa.

    Thiên thiều là khúc nhạc của cõi Trời, tiếng nhạc réo rắt thanh tao khiến tâm hồn người nghe trở nên cao thượng.

    Kinh Ðệ Lục cửu: Thiên thiều trổi tiếng nhặt khoan.

  • Thiên thời - Địa lợi - Nhơn hòa

    Thiên thời - Địa lợi - Nhơn hòa

    天時 - 地利 - 人和

    A: Fortune - Favourable terrain - People"s unity.

    P: La fortune - Terrain favorable - La concorde nationale.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thiên thời: thời vận của Trời. Địa lợi: đất đai tốt đẹp, thế đất thuận lợi. Nhơn hòa: lòng dân êm thuận.

    Thiên thời, Địa lợi, Nhơn hòa là ba yếu tố căn bản quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại cho một việc lớn.

    Đối với một công trình lớn lao nào, nếu ba yếu tố nầy đều thuận lợi hết thì chắc chắn thành công tốt đẹp.

    Nếu chỉ thuận lợi được hai yếu tố, yếu tố thứ ba không thuận lợi thì không chắc thành công, tỉ lệ thành công lối 50%.

    Sự quan trọng tương đối giữa ba yếu tố nầy, Mạnh Tử nói: "Thiên thời bất như Địa lợi, Địa lợi bất như Nhơn hòa."

    Nghĩa là: Cái thời Trời tốt cũng chẳng bằng cái địa thế vững chắc, cái địa thế vửng chắc cũng không bằng cái lòng hòa hợp của dân chúng cùng nhau.

    Cho nên cái Nhơn hòa là quan trọng hơn hết.

  • Thiên thu

    Thiên thu

    千秋

    A: Thousand years.

    P: Mille ans.

    Thiên: Một ngàn. Thu: mùa thu, chỉ một năm.

    Thiên thu là một ngàn mùa thu, tức là một ngàn năm.

  • Thiên thủ thiên nhãn

    Thiên thủ thiên nhãn

    千手千眼

    Thiên: Một ngàn. Thủ: tay. Nhãn: mắt.

    Thiên thủ thiên nhãn là một ngàn cánh tay và một ngàn con mắt.

    Một ngàn cánh tay để làm được mọi việc. Một ngàn con mắt để nhìn thấy tất cả.

    Để biểu thị pháp lực vô biên của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, người ta tượng hình Bồ Tát có thiên thủ thiên nhãn.

    Ở Việt Nam, chùa Bút Tháp ở tỉnh Hà Bắc có làm tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ với thiên thủ thiên nhãn rất đẹp.

  • Thiên thượng Thiên hạ duy ngã độc tôn

    Thiên thượng Thiên hạ duy ngã độc tôn

    天上天下惟我獨尊

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thiên thượng: trên trời, tức cõi trời. Thiên hạ: dưới trời tức chỉ nhơn loại. Duy: chỉ có. Ngã: Ta. Độc: một mình. Tôn: kính. Duy Ngã độc tôn: chỉ có cái Ta là được tôn trọng nhứt.

    Tương truyền câu nói trên là của Đức Phật Thích Ca khi Ngài giáng sanh nơi nước Ấn Độ.

    Nhiều người hiểu câu nầy theo nghĩa thông thường là: Trên Trời, dưới Trời, chỉ có một mình Ta là tôn kính nhứt.

    Vì hiểu như thế nên nhiều người cho rằng Đức Phật quá tự cao tự đại, xem Trời Đất không có ai bằng. Đó là một cái hiểu hết sức sai lầm, hết sức mê muội, bởi vì Ngài là Phật rồi thì Ngài là bực Đại giác, hiểu rõ mọi lẽ cao siêu huyền bí trong khắp Trời Đất, thì Ngài biết rõ, còn có rất nhiều Đấng cao minh hơn Ngài, đứng trên Phật vị của Ngài, như Đức A-Di-Đà Phật, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, v.v... thì Ngài không thể thốt lên câu nói tự tôn tự đại như thế, không xứng đáng với ngôi vị Phật của Ngài.

    Như vậy, chúng ta phải hiểu câu nói đó có một ý nghĩa khác hẳn, bởi vì Phật nói về Tâm pháp, ý nghĩa rất cao siêu, do nghĩa của chữ: NGÃ. NGÃ là gì?

    Ở đây, Ngã không phải là cái Ta tầm thường thấp kém, mà là cái BẢN NGÃ của mỗi người, là sự CHẤP NGÃ (cố chấp cái Bản Ngã). Cái Bản Ngã ấy, sự Chấp Ngã ấy nó to lớn lắm, vĩ đại lắm, cho nên hễ có ai khác đụng chạm đến cái Bản Ngã nầy thì nó vùng lên phản ứng quyết liệt, cho rằng chỉ có nó là quan trọng nhứt, đáng tôn kính nhứt.

    Con người vì Chấp Ngã nên coi thường mọi người mọi vật, coi thường cả Trời Phật, nên si mê ám muội, không học hỏi được điều gì nên không tiến hóa được bước nào, lại gây ra nhiều ác nghiệt tội tình, nên cứ lẩn quẩn trong vòng lục đạo.

    Cho nên, Đức Phật Thích Ca nói ra câu ấy là để Phá Chấp, Phá Mê, thố lộ Tâm pháp Thượng thừa.

    Người nơi thế gian thường chấp cái Ta Phàm ngã, vì dục vọng trần gian, vì tất cả những cái hư giả phù phiếm, vì lục dục thất tình đeo mang trong xác trần ô trược, nên phải chìm đắm trong biển khổ muôn đời.

    Vì chấp cái Ta Phàm ngã hữu hình nên không thấy được cái Ta Chơn ngã vô hình. Chính cái Chơn ngã nầy mới thật là Ta, vĩnh viễn là Ta, chớ cái Phàm ngã chỉ là cái Ta giả tạm, vì nó là hữu hình nên hữu hoại, nhiều lắm là trăm năm cũng phải tan rã (gọi là chết). Cái Ta Chơn ngã ấy là gì? Đó là linh hồn, chơn linh, là Atma, là thần thức, v.v... tùy theo tên gọi của mỗi tôn giáo và mỗi dân tộc.

    Khi biết được cái Chơn Ngã báu trọng ấy thì ta mới lo trau giồi cho nó tinh anh, đặng thấy rõ đạo pháp cao siêu mầu nhiệm, để trở về với chơn lý thâm uyên huyền diệu. Ta sẽ tìm được ta trong cái bổn lai diện mục của ta, trong ánh sáng nhiệm mầu của chơn lý hằng hữu bất biến. Đương nhiên cái ngôi vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng là kết quả.

  • Thiên Tiên

    Thiên Tiên

    天仙

    A: The Immortal of Heaven: The Seraph.

    P: L"Immortel du Ciel: Le Séraphin.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tiên: bực Tiên.

    Theo Pháp Chánh Truyền, phẩm Tiên chia làm ba bực theo Tam Tài: Địa Tiên, Nhơn Tiên, Thiên Tiên.

    Đối phẩm với Chức sắc Cửu Trùng Đài:

    · Giáo Tông đối phẩm Thiên Tiên.
    · Chưởng Pháp đối phẩm Nhơn Tiên.
    · Đầu Sư đối phẩm Địa Tiên.

    Bực Thiên Tiên cũng phân nhiều cấp như: Đại Tiên, Tiên Trưởng, Đại Tiên Trưởng, đối phẩm ngang hàng với Phật.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhiều bậc Thiên Tiên còn đọa.

  • Thiên Tôn

    Thiên Tôn

    天尊

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tôn: kính trọng.

    Thiên Tôn, nghĩa đen là được kính trọng nơi cõi trời.

    Thiên Tôn là phẩm tước do Đức Chí Tôn phong thưởng cho các Đấng thiêng liêng có nhiệm vụ cầm quyền hành chánh trong Càn Khôn Vũ Trụ.

    Thí dụ:

    Di Lạc Thiên Tôn,
    Gia Tô Giáo Chủ Thiên Tôn,
    Hộ Pháp Thiên Tôn, v.v....

    Đại Thiên Tôn: từ ngữ đặc biệt dành riêng Đức Chí Tôn.

  • Thiên trị

    Thiên trị

    天治

    A: To be punished by the Heaven.

    P: Être puni par le Ciel.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Trị: trừng trị, trừng phạt.

    Thiên trị là bị trừng phạt bởi Luật Trời.

    Đối với Thiên trị là Phàm trị. Phàm trị là bị trừng trị bởi luật thế gian. Với một tội lỗi, nếu bị Phàm trị thì khỏi bị Thiên trị. Còn nếu Phàm không trị thì Thiên sẽ trị. Bao giờ Phàm trị cũng nhẹ hơn Thiên trị.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Hễ có Phàm trị mới khỏi Thiên trị, phải chiếu luật đạo cho toàn cả tín đồ khỏi bị Thiên điều.

  • Thiên tru Địa lục

    Thiên tru Địa lục

    天誅地戮

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tru: giết. Địa: đất. Lục: giết chết. Thiên Địa: Trời Đất. Tru lục: giết chết kẻ có tội.

    Thiên tru Địa lục là Trời giết Đất giết, tức là Trời Đất giết chết vì phạm tội rất nặng, không thể tha thứ được.

    Lời Minh Thệ nhập môn cầu Đạo: ... như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục.

  • Thiên trước (Thiên trúc)

    Thiên trước (Thiên trúc)

    天竺

    A: Ancient name of India.

    P: Ancien nom de l"Inde.

    Thiên trước là tên mà Phật giáo Trung hoa gọi nước Ấn Độ thời xưa, là nơi mà Đức Phật Thích Ca giáng sanh.

    Ngoài từ ngữ Thiên trước, người Tàu còn gọi nước Ấn Độ là: Tây Thiên, Tây thổ, Tây trước, Tây vực.

  • Thiên tư

    Thiên tư

    天資

    A: The innate gift.

    P: Le don inné.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tư: tính chất riêng biệt của mỗi người.

    Thiên tư là cái tánh thông minh sáng suốt về một phương diện nào đó do Trời ban cho từ lúc mới sanh ra.

    Thí dụ: Thiên tư về âm nhạc, về mỹ thuật, v.v....

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Như trò nào có Thiên tư về khoa ấy (Lễ Nhạc) muốn thi lấy cấp bằng thì phải làm Tờ Hiến thân trọn vẹn gởi về Hội Thánh xin dự thi.

  • Thiên tứ vạn chung

    Thiên tứ vạn chung

    千駟萬鐘

    Thiên: Một ngàn. Tứ: cỗ xe bốn ngựa kéo. Vạn: muôn. Chung: đồ dùng để đong lúa, giống như cái giạ.

    Thiên tứ vạn chung là ngàn cỗ xe và muôn chung lúa. Ý nói nhà rất giàu, nhiều của cải.

  • Thiên tước

    Thiên tước

    天爵

    A: Celestial dignity.

    P: La dignité céleste.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tước: phẩm tước, chức tước.

    Thiên tước là chức tước do Trời phong thưởng, tức là các phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi cõi thiêng liêng.

    Đối với Thiên tước là Nhơn tước.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bị hàng phẩm Nhơn tước phải phù hợp với hàng phẩm Thiên tước.

  • Thiên tượng

    Thiên tượng

    天象

    A: The celestial aspects.

    P: Les aspects célestes.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Tượng: hình tượng.

    Thiên tượng là những hình tượng xảy ra thấy được trên bầu trời mà khoa chiêm tinh căn cứ vào đó đoán việc cát hung sắp xảy đến cho thế gian.

    Thí dụ: Hiện tượng sao chổi, hiện tượng một ngôi sao lặn mất và một ngôi sao khác hiện ra, v.v....

  • Thiên văn học

    Thiên văn học

    天文學

    A: Astronomy.

    P: Astronomie.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Văn: vẻ đẹp. Học: môn học.

    Thiên văn học là môn học nghiên cứu về các vận động của các thiên thể, các mặt trời, các ngôi sao, các hành tinh,....

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con giở sách Thiên văn Tây ra coi mà bắt chước.

  • Thiên vận

    Thiên vận

    天運

    A: By this time.

    P: Par ce temps.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Vận: chuyển vận, xây vần.

    Thiên vận là vận Trời, cái số về sự vận chuyển tuần hoàn của Trời Đất, tức là chỉ về một thời điểm của thời gian.

    Từ ngữ "Thiên vận" được dùng trong Sớ văn, đặt trước một nhóm từ ngữ nói về thời điểm lúc hành lễ.

    Sớ văn: Thời duy, Thiên vận Bính Dần niên, tứ ngoạt, sơ bát nhựt, ngọ thời, v.v....

  • Thiên vị

    Thiên vị

    Có hai trường hợp:

    * Trường hợp 1: Thiên vị

    天位

    A: The celestial dignity.

    P: La dignité céleste.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Vị: ngôi vị, địa vị.

    Thiên vị là phẩm vị nơi cõi Trời do Đức Chí Tôn ban cho.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khá coi Thiên vị mình là trọng vì là của quí báu vô giá.

    * Trường hợp 2: Thiên vị

    偏為

    A: Partial to.

    P: Partial à.

    Thiên: Lệch nghiêng. Vị: vì.

    Thiên vị là đối xử lệch về một bên, không công bằng.

    Thiên vị đồng nghĩa: Tư vị.

  • Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu

    Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu

    天網恢恢, 疏而不漏

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Võng: lưới. Khôi khôi: rộng lớn. Sơ: thưa. Nhi: mà. Bất: không. Lậu: lọt ra ngoài. Thiên võng khôi khôi: lưới Trời lồng lộng. Sơ nhi bất lậu: thưa mà không lọt qua được.

    Sách Minh Tâm Bửu Giám có chép rằng:

    Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu,
    Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu.
    Thâm canh thiền chủng, thượng hữu thiên tai,
    Lợi kỷ tổn nhơn, khởi vô quả báo?

    Nghĩa là:

    Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu,
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt,
    Cày sâu trồng cạn, còn gặp thiên tai,
    Lợi mình hại người, há không quả báo?

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các em có lẽ hiểu câu: Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu.

    Giới Tâm Kinh:
    Lồng lộng lưới trời tuy sếu sáo,
    Thưa mà chẳng lọt mảy lông mày.
  • Thiên võng nan đào

    Thiên võng nan đào

    天網難逃

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Võng: lưới. Nan: khó. Đào: trốn chạy.

    Thiên võng nan đào là lưới trời khó trốn thoát.

    Đạo Trời chi phối vạn vật như cái lưới vĩ đại bao trùm lên khắp cả, không gì thoát khỏi định luật của Tạo hóa.

    Kẻ làm ác, dù trốn chạy ở góc bể chơn trời hay hang sâu rừng thẳm cũng không thể thoát khỏi lưới trời trừng phạt.

  • Thiên vô tư phú, Địa vô tư tái

    Thiên vô tư phú, Địa vô tư tái

    天無私覆,地無私載

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Vô: không. Tư: riêng. Phú: Phúc: che trùm. Địa: đất. Tái: Tải: chở.

    Thiên vô tư phú: Trời không che riêng ai.

    Địa vô tư tái: Đất không chở riêng ai.

    Ý nói: Trời Đất chí công vô tư, công bình tuyệt đối.

  • Thiên ý

    Thiên ý

    天意

    A: Divine intention.

    P: Intention divine.

    Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Ý: ý kiến.

    Thiên ý là ý Trời, ý kiến của Đức Chí Tôn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Con sẽ trọng đại và đủ quyền năng do Thiên ý.

  • THIỀN

    THIỀN

    THIỀN: 禪 Yên lặng nghĩ ngợi để tìm lẽ đạo.

    Thí dụ: Thiền định, Thiền môn.

  • Thiền định

    Thiền định

    禪定

    A: The contemplation.

    P: La contemplation.

    Thiền: Yên lặng nghĩ ngợi để tìm lẽ đạo. Từ ngữ THIỀN có nguyên gốc từ tiếng Phạn: DHYANA, hán văn phiên âm là THIỀN-NA hay nói vắn tắt là THIỀN, còn người Nhựt thì gọi là ZEN.

    Dhyana có nghĩa là tĩnh lự, trầm tư chuyên chú vào một chơn lý đến chỗ triệt ngộ.

    Thiền phô diễn một giáo lý được coi là tuyệt đỉnh của tất cả tư tưởng Phật giáo, một giáo lý trực chỉ, sâu xa mà thực tiễn, đưa đến sự giải thoát rốt ráo và giác ngộ viên mãn.

    Thiền, theo một thành ngữ của Trung hoa diễn tả, là một cái gì tròn và lăn, trơn và trượt, một cái gì không nắm vững được, không mô tả được, một cái gì bất khả tư nghị.

    Ngôn ngữ Thiền rất bí ẩn, với những thái độ rất kỳ quặc của các Thiền sư, và những phương pháp lạ lùng mà Thiền sư áp dụng trong giáo lý và phương pháp tu của họ.

    Thí dụ: Một vị tăng hỏi Thiền sư:

    - Thế nào là ý của Tổ Sư Đạt Ma khi từ Thiên trúc đi qua Trung hoa? (Ý muốn hỏi chơn lý Thiền là gì?)

    Vị Thiền sư đáp: - Cây trắc bá ngoài sân.

    Cũng cùng câu hỏi nầy, đem hỏi một Thiền sư khác thì được trả lời là: - Cái khứa của tấm ván mọc lông.

    Những câu trả lời đó, nghe qua rất lạc đề đến độ kỳ quặc, không thể hiểu nổi.

    Người ta lý giải những câu trả lời ấy có hàm ý về biến tại tính của thực tại, vì chơn lý nhập vào tất cả mọi vật ở mọi nơi: Cây trắc bá hay ngọn gió thổi, hay cái tấm ván mọc lông, đều là những thực tại sống động trong cái "bây giờ và ở đây" để nói lên cái ý của Tổ Sư Đạt Ma qua đây là để giải minh cái chơn lý đại đồng.

    Trong ngôn ngữ của Phật giáo thường nói hai tiếng ghép là THIỀN ĐỊNH. Định là một trong phép tu Tam học: Giới, Định, Huệ, rất đặc thù của Phật giáo. Định là một trạng thái tâm lý chứng được bằng phép tu Thiền. Thiền là một diễn trình và Định là cứu cánh.

    Nhà tu hành lúc mới ngồi trầm tư mặc tưởng thì ở cảnh Thiền, tới chừng tâm trí tập trung lại nơi một cảnh cao viễn thì vào cảnh Định. Như vậy, Thiền Định là hai giai đoạn tu tập liên tiếp nhau. Đắc được phép tu Thiền Định là đạt được trình độ tâm linh rất cao.

    "Hành giả khi ngồi kiết già, đắc được phép Thiền thì tinh thần vượt khỏi cõi Dục giái (cõi còn ưa muốn), bèn lên một từng trong bốn từng trời Sắc giái: 1. Sơ Thiền. 2. Nhị Thiền. 3. Tam Thiền. 4. Tứ Thiền.

    Nếu hành giả đắc luôn phép Định, tinh thần bèn vượt cõi Sắc giái mà lên đến một từng trong bốn từng trời Vô sắc giái:

    1. Không vô biên xứ.
    2. Thức vô biên xứ.
    3. Vô sở hữu xứ.
    4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

    Hành giả đắc 4 phép Thiền và 4 phép Định ấy nhưng chưa ra khỏi thì kêu là Thiền Định Hữu lậu, được Ngũ Thông (5 phép thần thông) là cùng. Nếu ra khỏi tức là đạt tới phép Diệt tận định thì được giải thoát hoàn toàn, kêu là Thiền Định Vô lậu, bèn đắc Lục Thông thành bực La Hán hoặc Phật.

    Cách nhập Thiền Định và cách xuất Thiền Định của bực La Hán, bực Phật, đại để như vầy: Các Ngài dùng tinh thần mà lần lượt trải qua 4 cảnh Thiền, 4 cảnh Định và cảnh Diệt tận định, rồi các Ngài từ cảnh Diệt tận định mà lần lần trở xuống 4 cảnh Định và 4 cảnh Thiền, chừng xuống tới cảnh Sơ Thiền, các Ngài mới ra khỏi cảnh ấy mà mở mắt và đứng dậy khỏi bồ đoàn." (Trích trong Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn).

  • Thiền lâm

    Thiền lâm

    禪林

    A: Pagoda.

    P: La pagode.

    Thiền: Yên lặng nghĩ ngợi để tìm lẽ đạo. Lâm: rừng.

    Thiền lâm, dịch là rừng Thiền, là chỗ cây cối rậm rạp mát mẻ thích hợp cho các nhà sư Phật giáo đến lập chùa làm nơi tu Thiền. Do đó, Thiền lâm hay rừng Thiền là chỉ cảnh chùa.

    Thiền lâm đồng nghĩa: Tùng lâm, Thiền môn.

  • Thiền môn

    Thiền môn

    禪門

    A: Pagoda.

    P: La pagode.

    Thiền: Yên lặng nghĩ ngợi để tìm lẽ đạo. Môn: cửa.

    Thiền môn là cửa Thiền, chỉ cảnh chùa, nơi tu hành.

  • Thiền quán

    Thiền quán

    禪觀

    Thiền: Yên lặng nghĩ ngợi để tìm lẽ đạo. Quán: ngẫm nghĩ cẩn thận về một vấn đề gì. Nếu ngẫm nghĩ sơ qua thì gọi là Giác.

    Thiền quán là ngồi thiền và quán tưởng, tức là ngồi Thiền để quan sát chơn lý, quán tưởng thấy Phật.

  • Thiền sư

    Thiền sư

    禪師

    A: The bonze.

    P: Le bonze.

    Thiền: Yên lặng nghĩ ngợi để tìm lẽ đạo. Sư: thầy chùa.

    Thiền sư là tu sĩ Phật giáo tu phép Thiền định, cũng chỉ chung các ông thầy tu theo đạo Phật.

  • Thiền tông

    Thiền tông

     

    禪宗

    A: The contemplative mysticism: The sect Zen.

    P: Le mysticisme contemplatif: La secre Zen.

    Thiền: Yên lặng nghĩ ngợi để tìm lẽ đạo. Tông: phái tu.

    Thiền tông là phái tu Thiền của Phật giáo.

    Đây là một pháp tu rốt ráo của Phật giáo Đại thừa, lập thành một tông phái lớn ở Trung hoa, do Tổ Sư đời thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma đem từ Ấn Độ truyền sang Trung hoa, và đến đời Lục Tổ Huệ Năng thì phát triển rực rỡ đến mức độ Thiền tông trở thành Phật giáo Trung hoa, truyền bá mạnh mẽ qua các nước Việt Nam, Nhựt Bổn.

    I. Nguồn gốc của Thiền Tông

    Khởi nguyên của Thiền tông là lúc Đức Phật Thích Ca (còn sanh tiền) truyền tâm pháp cho cao đồ Ma Ha Ca Diếp, sự việc diễn ra như sau:

    "Trong một hội thuyết pháp tại chùa Linh Sơn, núi Linh Thứu, tục gọi là núi Kên Kên, Đức Phật Thích Ca lên tòa thuyết pháp, nhưng lần nầy Ngài không luận giải, mà cầm một cành hoa do một tu sĩ dâng cúng đưa lên trước pháp hội, rồi Phật đứng nghiêm trang im lặng không nói một lời nào.

    Không ai hiểu ý Phật ra sao, chỉ trừ ông Ma Ha Ca Diếp lặng lẽ nhìn Đức Phật mỉm cười, như ngầm hiểu ý nghĩa về sự im lặng của Phật.

    Đức Phật Thích Ca bảo Ma Ha Ca Diếp:

    - Ngã hữu Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, vi diệu pháp môn, thực tướng vô tướng, kim phó chúc Ma Ha Ca Diếp. (Ta có kho tàng con mắt của Chánh pháp, tâm huyền diệu của Niết Bàn, cửa pháp vi diệu, thực tướng vô tướng, nay đem trao lại cho Ma Ha Ca Diếp).

    Truyền thuyết nầy được gọi là "Niêm hoa vi tiếu" nghĩa là Phật đưa lên cành hoa, Ca Diếp mỉm cười.

    Tâm ấn Thiền trực tiếp tâm truyền tâm, từ tâm thầy thẳng qua tâm trò, phát sanh từ đó.

    Nhưng dòng Thiền không phát triển được ở nước Ấn Độ, phải đợi đến đời Tổ Sư thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma, Ngài đem tâm ấn Thiền ấy sang gieo vào đất Trung hoa thì cây Thiền mới bắt đầu đơm bông trổ trái và trở nên rực rỡ sáng chói.

    II. Các Tổ Sư Thiền tông

    Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma đến đất Trung hoa, trao cho dân tộc Trung hoa một thông điệp Thiền nổi tiếng là:

    Bất lập văn tự, Chẳng lập văn tự
    Giáo ngoại biệt truyền, Truyền riêng dạy ngoài kinh điển
    Trực chỉ nhơn tâm, Chỉ thẳng vào Tâm
    Kiến tánh thành Phật. Thấy Tánh thành Phật

    Mới đầu, những vị sư của Phật giáo Trung hoa chưa hiểu được Thông điệp Thiền của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, nên Ngài phải chờ đợi, ngồi thiền định quay mặt vào vách đá trong 9 năm tại núi Tung Sơn chùa Thiếu Lâm (Cửu niên diện bích) mới có người hiểu được Thiền đến với Ngài. Đó là Huệ Khả.

    Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma truyền tâm ấn cho Huệ Khả với đầy đủ Y Bát của Phật truyền lại, nối tiếp ngôi Tổ Sư.

    Nếu kể về Phật giáo Thiền tông Trung hoa thì Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma là Nhứt Tổ hay Sơ Tổ, và Ngài Huệ Khả là Nhị Tổ.

    Nhị Tổ truyền tâm ấn xuống cho Tam Tổ Tăng Xán.

    Tam Tổ truyền xuống cho Tứ Tổ Đạo Tín.

    Ngoài Tứ Tổ Đạo Tín ra, Tam Tổ Tăng Xán còn truyền tâm ấn cho một pháp sư người Ấn Độ qua Trung hoa học đạo, tên là VINITARUCI, phiên âm là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, hay nói vắn tắt là Lưu Chi, và bảo Lưu Chi đừng ở nước Tàu, mà phải qua nước Việt Nam độ nhơn sanh nơi đó vì cái duyên của Ngài Lưu Chi ở nơi nước đó. Do đó, Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Việt Nam, mở ra Thiền tông Việt Nam và làm Tổ Sư Thiền tông Việt Nam. Ngài tịch vào năm 594 đời Hậu Lý Nam Đế.

    Tứ Tổ Đạo Tín truyền xuống cho Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.

    Ngoài ra Tứ Tổ Đạo Tín cũng có truyền tâm ấn cho Pháp Dung, mở ra một nhánh Thiền tại núi Ngưu Đầu.

    Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền tâm ấn cho Huệ Năng làm Lục Tổ, trong lúc Huệ Năng chỉ là một công quả dốt nát giã gạo trong chùa và đặc biệt là chưa thế phát qui y. Điều nầy khiến tăng chúng nghi ngờ, vì hiện trong chùa có sư Thần Tú làu thông Phật pháp, đang làm Giáo Thọ dạy đạo cho chư tăng, và chư tăng nghĩ rằng sư Thần Tú ắt sẽ được kế vị ngôi Tổ Sư.

    Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết tăng chúng đều nghĩ như vậy, vì tăng chúng chưa có huệ nhãn, nên xem Huệ Năng rất tầm thường, nào ngờ Huệ Năng đã thấy được tự Tánh và đắc pháp. Ngũ Tổ sợ nguy hiểm cho Huệ Năng nên ngay đêm truyền pháp, Ngài đưa Huệ Năng đi về phương Nam và dặn sau nầy nên hoằng pháp ở vùng ấy.

    Bốn năm sau, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tịch. Đại Sư Thần Tú lãnh đạo tăng chúng hướng phổ độ về phương Bắc, chủ trương phép Tiệm Ngộ, chú trọng nhiều về hình thức lễ nghi, kinh kệ, thinh âm sắc tướng.

    Ở phương Nam, Huệ Năng sau thời gian qui ẩn, đến thời kỳ hoằng pháp, mở ra pháp môn Đốn Ngộ, bỏ hết hình thức bên ngoài, trực chỉ nội tâm, hoát nhiên đại ngộ, đắc đạo tại thế.

    Nhờ Lục Tổ Huệ Năng mà pháp môn Thiền được phát triển rực rỡ nơi nước Trung hoa, đạt được đỉnh cao nhứt của Phật giáo Đại thừa, được truyền bá mạnh mẽ sang các nước lân bang với Tàu như Việt Nam, Nhưt Bổn, Triều Tiên.

    Sau Lục Tổ Huệ Năng thì ngôi vị Tổ Sư Phật giáo và Y Bát không truyền nữa, đúng theo bài kệ của Đạt Ma Tổ Sư:

    Ngô bổn lai tư độ, Ta vốn qua đất nầy
    Truyền pháp cứu mê tình, Truyền pháp cứu người mê
    Nhứt hoa khai ngũ diệp, Một hoa trổ năm cánh
    Kết quả tự nhiên thành. Kết quả tự nhiên thành.

    Câu kệ thứ ba: Nhứt hoa là Đạt Ma Tổ Sư, ngũ diệp là năm vị Tổ Sư nối theo. Câu kệ thứ tư: Cho biết thời kỳ cực thịnh của Thiền tông Trung hoa. (Xem chi tiết nơi chữ: Nhứt Tổ chí Lục Tổ, vần Nh)

    Ngoài quyển Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông còn có hai bộ kinh căn bản là: Thiền Tông Ngữ Lục và Thiền Tông Trứ Thuật.

    - Thiền Tông Ngữ Lục: Trong quyển nầy có chép mấy trăm tư tưởng và những lời truyền khẩu do chư vị Đại sư đắc đạo trong Thiền tông thố lộ ra qua nhiều thời kỳ, từ đời nhà Tống (960-1279) qua đời nhà Nguyên, nhà Minh cho đến đời nhà Thanh (1644-1912).

    - Thiền Tông Trứ Thuật: Quyển nầy chỉ dẫn nhiều về đạo lý mật ẩn rất cao siêu huyền diệu.

    III. Các Chi phái của Thiền tông

    Sau đời Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông phân hóa thành nhiều chi phái, trong đó có hai nhánh lớn còn tồn tại ở Trung Hoa, Việt Nam và Nhựt Bổn. Hai nhánh lớn đó là:

    1. Thanh Nguyên: do Đại Sư Hành Tư (tịch năm 740) ở Thanh Nguyên truyền xuống cho Thạch Đầu, truyền dần xuống nữa cho Đơn Hà, Dược Sơn, v.v.... để hình thành Tào Động Tông, Pháp Nhãn Tông, Vân Môn Tông.

    Tào Động Tông truyền qua Việt Nam do Thiền sư Nhứt Cú, và Vân Môn Tông truyền qua Việt Nam do Thiền sư Thảo Đường.

    2. Nam Nhạc: do Đại Sư Hoài Nhượng (677-744) ở Nam Nhạc truyền xuống cho Mã Tổ, Bách Trượng, Nam Tuyền, rồi lần lần truyền xuống Qui Sơn, Lâm Tế, Vô Ngôn Thông, v.v.... để về sau hình thành Qui Ngưỡng Tông và Lâm Tế Tông. Còn Đại Sư Vô Ngôn Thông (826) thì qua Việt Nam và phát huy Thiền tông Việt Nam.

    IV. Thiền tông Việt Nam

    - Khởi đầu là Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, gọi tắt là Lưu Chi, được Tam Tổ Tăng Xán truyền tâm ấn, vâng lịnh thầy qua Việt Nam năm 580, khai mở Thiền tông Việt Nam, trụ trì tại chùa Pháp Vân ở Bắc Ninh, hoằng pháp trong 14 năm và mất năm 594.

    Phái Thiền Lưu Chi truyền được 19 đời, đến đời chót là Thiền sư Y Sơn, mất năm 1213.

    - Thiền sư Vô Ngôn Thông, học trò của Bách Trượng Thiền Sư (724-814) phái Nam Nhạc, từ Trung hoa sang Việt Nam vào năm 820, trụ trì tại chùa Kiến Sơ ở Bắc Ninh, mất năm 826, truyền được 17 đời. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) là môn đệ của phái Thiền nầy, đời thứ tám.

    - Thiền sư Thảo Đường, học trò của Thiền sư Vân Môn phái Vân Môn Tông, là hệ phái của Thanh Nguyên từ Trung quốc qua Chiêm Thành khai mở Thiền tông nơi nước ấy. Vua Lý Thánh Tông đánh thắng Chiêm Thành năm 1069, đưa Thiền sư Thảo Đường về Thăng Long, phong làm Quốc Sư.

    Thiền sư Thảo Đường trụ trì tại chùa Khai Quốc, độ được nhà vua và các quan trong triều theo Thiền tông.

    Phái Thảo Đường truyền được 6 đời.

    - Phái Thiền Trúc Lâm: Đầu thế kỷ 13, ba phái Thiền: Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường dần dần sáp nhập lại, đưa tới sự lớn mạnh của phái Thiền Yên Tử tại núi Yên Tử, với Thiền sư Hiện Quang làm đầu (cũng gọi là Tổ sư). Thiền sư Hiện Quang mất năm 1220, Tổ thứ hai nối tiếp là Trúc Lâm Quốc Sư, thầy của vua Trần Nhân Tôn, pháp hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà. Do đó phái Thiền Yên Tử thường được gọi là phái Trúc Lâm, hay Trúc Lâm Yên Tử, truyền được 23 đời.

    * Một vài dòng Thiền khác cũng được truyền từ Trung hoa sang Việt Nam, nhưng không ảnh hưởng lớn, như phái Tào Động với Nhứt Cú Thiền sư; phái Lâm Tế với Chuyết Công Nguyên Thiều, v.v....

    V. Sơ đồ pháp hệ Thiền Tông Trung Hoa

    Nhứt Tổ
    Bồ Đề Đạt Ma
    (528)
    Nhị Tổ
    HUỆ KHẢ
    (486-593)
    Tam Tổ
    TĂNG XÁN
    (606)
    Tứ Tổ
    ĐẠO TÍN
    (580-651)
    LƯU CHI
    (594) Việt Nam
    Ngũ Tổ
    HOẰNG NHẪN
    (601-674)
    PHÁP DUNG
    (593-657)
    Ngưu Đầu Thiền
    Lục Tổ
    HUỆ NĂNG
    (638-713)
    THẦN TÚ
    (606-706)
    Phổ Tịch
    NAM NHẠC
    - Qui Ngưỡng Tông
    - Lâm Tế Tông
    - Vô Ngôn Thông (Việt Nam)
    THANH NGUYÊN
    - Tào Động Tông
    - Pháp Nhãn Tông
    - Vân Môn Tông

  • Thiền viện

    Thiền viện

    禪院

    A: Monastery of Contemplation.

    P: Le monastère de Contemplation.

    Thiền: Yên lặng nghĩ ngợi để tìm lẽ đạo. Viện: cơ sở lớn.

    Thiền viện là cơ sở lớn của Thiền tông, trong đó dạy các tu sĩ tu và thực hành Thiền định.

  • THIỂN

    THIỂN

    THIỂN: 淺 Cạn, nông, hẹp, thưa, ít, kém.

    Thí dụ: Thiển cận, Thiển kiến.

  • Thiển cận

    Thiển cận

    淺近

    A: Superficial.

    P: Superficiel.

    Thiển: Cạn, nông, hẹp, thưa, ít, kém. Cận: gần.

    Thiển cận là nông cạn.

  • Thiển kiến - Thiển văn

    Thiển kiến - Thiển văn

    淺見 - 淺聞

    A: The superficial knowledge.

    P: La connaissance superficielle.

    Thiển: Cạn, nông, hẹp, thưa, ít, kém. Kiến: thấy, kiến thức. Văn: nghe.

    Thiển kiến, đồng nghĩa Thiển văn, là sự nghe thấy hẹp hòi, tức là kiến thức nông cạn.

    Thiển kiến cũng là lời nói khiêm nhượng khi nêu ra một ý kiến của mình.

  • Thiển nghĩ

    Thiển nghĩ

    淺擬

    A: In my humble opinion.

    P: À mon humble avis.

    Thiển: Cạn, nông, hẹp, thưa, ít, kém. Nghĩ: nghĩ nghị, suy nghĩ.

    Thiển nghĩ là theo sự suy nghĩ nông cạn của mình.

    Đây cũng là lời nói khiêm nhượng khi phát biểu ý kiến của mình.

  • Thiển nhân nan dữ mưu đại sự

    Thiển nhân nan dữ mưu đại sự

    淺人難與謀大事

    Thiển: Cạn, nông, hẹp, thưa, ít, kém. Nhân: người. Nan: khó. Dữ: cùng với. Mưu: tìm cách, bàn tính. Đại sự: việc lớn lao. Thiển nhân: người nông nổi, không nghĩ sâu.

    Câu trên có nghĩa là: Không thể cùng người nông nổi mưu tính việc lớn.

  • THIỆN

    THIỆN

    THIỆN: 善 Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo.

    Thí dụ: Thiện ác đáo đầu, Thiện nghệ.

  • Thiện ác

    Thiện ác

    善惡

    A: Good and bad.

    P: Bon et mauvais.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Ác: trái với thiện, tức là Bất thiện. Nếu Thiện là tốt thì Ác là xấu, nếu Thiện là lành thì Ác là hung dữ.

    Từ xưa tới nay, các nhà tôn giáo thường định nghĩa Thiện và Ác như sau:

    - Thiện là thuận ích, hao tổn là Ác.

    - Thiện là thuận lý, trái lý là Ác.

    - Thiện là khi có sức chiêu cảm cái quả báo vui sướng, trừ tuyệt những mối đau khổ và phiền não. Điều trái lại là Ác.

    - Thiện thì vô tội, Ác là có tội.

    - Thi hành đúng theo Ngũ Giới Cấm thì có được Ngũ Thiện. Làm trái với Ngũ Giới Cấm thì được Ngũ Ác.

    Cho nên Ngũ Thiện là: Bất sát sanh, Bất du đạo, Bất tà dâm, Bất tửu nhục, Bất vọng ngữ. Ngũ Ác là: Sát sanh, Du đạo, Tà dâm, Tửu nhục, Vọng ngữ.

    - Nói thêm chi tiết thì con người chúng ta có Thập ThiệnThập Ác, do thân, Khẩu, Ý tạo ra. Thân tạo ra 3, Khẩu tạo ra 4, Ý tạo ra 3, kể ra:

    Thập Ác:

    - Sát sanh
    - Du đạo
    - Tà dâm
    - Vọng ngữ
    - Lưỡng thiệt
    - Ác khẩu
    - Ỷ ngữ
    - Tham
    - Sân
    - Si.

    Trái với Thập Ác là Thập Thiện.

    Tôn chỉ của các tôn giáo chơn chánh nói chung là:

    Chư ác mạc tác,
    Chúng thiện phụng hành.

    Nghĩa là:

    - Các điều ác không làm,
    - Các điều thiện vâng làm.

    - Đạo Cao Đài định nghĩa Thiện và Ác căn cứ vào định luật tiến hóa của Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

    Định luật tiến hóa chi phối toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật: mỗi địa cầu, mỗi tinh cầu, mỗi vật, dù vô hình hay hữu hình đều tiến hóa, và tiến hóa mãi mãi trên con đường vô tận, để càng lúc càng hoàn hảo tốt đẹp, càng lúc càng văn minh.

    Như vậy, gọi Thiện là tất cả những gì giúp cho sự tiến hóa của chúng sanh, tức là làm cho con người hạnh phúc, vui mừng; làm cho loài vật phát triển tốt đẹp.

    Gọi Ác là tất cả những gì trái lại, tức là làm trở ngại sự tiến hóa của chúng sanh, làm cho chúng sanh không tiến hóa hay thoái hóa.

  • Thiện ác đáo đầu chung hữu báo

    Thiện ác đáo đầu chung hữu báo

    善惡到頭終有報

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Đáo: tới, đến. Đầu: chỗ đầu cuối. Chung: lúc sau rốt. Hữu: có. Báo: đáp lại.

    Thiện ác đáo đầu chung hữu báo: điều lành điều dữ đến lúc cuối cùng sau rốt thì có quả báo.

    Trong sách Minh Tâm Bửu Giám có 3 bài thi về Thiện Ác quả báo có ý nghĩa rất hay, xin chép ra sau đây:

    Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác,
    Tử tế tư lường thiên địa bất thác.
    Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo,
    Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo.

    Nghĩa là:

    Chứa lành gặp lành, chứa ác gặp ác,
    Kỹ càng nghĩ lường, Trời Đất chẳng lầm.
    Lành có lành trả, dữ có dữ trả,
    Nếu về chẳng trả, ngày giờ chưa đến.

    Bình sanh hành thiện, Thiên gia phước,
    Nhược thị ngu ngoan thụ họa ương.
    Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
    Cao phi viễn tẩu dã nan tàng.

    Nghĩa là:

    Bình sanh làm lành, Trời thêm phước,
    Nếu ngu ngang ngạnh, chịu tai ương.
    Lành dữ lúc cùng có quả báo,
    Cao bay xa chạy, vậy khó trốn.

    Hành tàng hư thực tự gia tri,
    Họa phúc nhân do cánh vấn thùy?
    Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
    Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.

    Nghĩa là:

    Hở kín hư thật tự nhà mình biết,
    Họa phước có nguyên do, còn hỏi ai?
    Lành dữ lúc cùng có quả báo,
    Chỉ tranh giành tới sớm hay tới muộn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:

    Thiện ác đáo đầu đã thấy chưa?
    Hiểu rồi cái ác cũng nên chừa.
    Theo làm âm chất may bồi đắp,
    Thì sẽ trở về chỗ vị xưa.
  • Thiện bất cầu danh

    Thiện bất cầu danh

    善不求名

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Bất: không. Cầu danh: mong có tiếng tăm.

    Thiện bất cầu danh là làm việc thiện không mong có được danh vọng với đời.

    Làm thiện không cầu danh thì mới có công đức.

    Còn làm thiện mà cầu danh hay cầu báo thì không có công đức, vì mình đã hưởng cái kết quả hành thiện ấy rồi.

  • Thiện bổn - Thiện căn

    Thiện bổn - Thiện căn

    善本 - 善根

    A: The good root.

    P: La bonne racine.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Bổn: gốc cội. Căn: gốc rễ.

    Thiện bổn, đồng nghĩa Thiện căn, là cội lành, gốc lành.

    Cái Thiện bổn hay cái Thiện căn có được là do nhiều kiếp trước của người đó ăn ở rất hiền lành, làm nhiều việc từ thiện, tạo được nghiệp lành.

    Người có thiện bổn, thiện căn bao giờ tâm trí cũng được sáng suốt, không thác loạn, lời nói ôn hòa, cử chỉ hiền hậu, dễ bước vào đường tu, và có thể đắc đạo trong một kiếp tu.

  • Thiện duyên

    Thiện duyên

    善緣

    A: The good destiny.

    P: La bonne destinée.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Duyên: mối dây ràng buộc được định sẵn từ trước.

    Thiện duyên là duyên lành, tức là có mối dây ràng buộc với việc lành, ý nói có duyên với việc tu hành.

    Kinh Nhập Hội: Câu kinh Vô Tự độ người thiện duyên.

  • Thiện đức - Thiện công - Thiện ngôn

    Thiện đức - Thiện công - Thiện ngôn

    善德 - 善功 - 善言

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Đức: ở đây chỉ cái đức tánh của mỗi người. Công: nỗi vất vả làm việc. Ngôn: lời nói.

    Thiện đức là tánh đức lành, muốn giúp người hoạn nạn.

    Thiện công là công việc lành, đó là công quả.

    Thiện ngôn là lời nói lành, giúp người an vui.

    Đức Phạm Hộ Pháp giải thích về: Thiện đức, Thiện công, Thiện ngôn, cho các thợ hồ công quả xây cất Tòa Thánh ngày 26-10-Bính Tý, dl 37-11-1936), xin trích ra sau đây:

    "Đức Hộ Pháp nói: - Bần đạo hỏi mấy em về đây làm công quả tự mình đi hay là có ai biểu?

    Mấy vị công thợ trả lời: - Mấy con là người hiến thân Phước Thiện thì trọn quyền Hội Thánh sai khiến. Khi nghe Châu Tri mộ công quả, mấy con mới vâng lịnh ông Đầu Họ biểu về đây.

    Đức Ngài nói: - Điều đó tạo công lập vị hay chuộc quả, đứng vào hàng "giáo nhi hậu thiện", là nghe lịnh làm theo.

    Nếu có em nào tâm đức minh mẫn, được "bất giáo nhi thiện" là thiện công thiện ngôn đó vậy. Hạng nầy gọi là phi thường, khỏi vào nhà Tịnh họ cũng đoạt pháp được, là vì họ sẵn là nguyên nhân, do hiểu biết mà làm, họ tự tạo âm chất, thật hành điều nghĩa, điều thiện, là Thể pháp, tức nhiên có thể đoạt Bí pháp, có điều thiếu một việc, muốn đắc pháp phải có chơn sư khai khiếu mới trọn vẹn được, đó mới gọi là "thượng phẩm chi nhơn".

    Còn mấy em đây là "trung phẩm chi nhơn giáo nhi hậu thiện", mấy em tạo thiện đức được là biết nghe lời Hội Thánh.

    Người ta có tài thì làm việc hay, còn mình dở thì làm việc thường. Bần đạo tỉ dụ một việc thường để mấy em dễ hiểu: Phận mình dốt thì làm theo dốt. Muốn tạo Thiện đức, Thiện công, Thiện ngôn là như vầy: Mình nghe đâu bị tai nạn khốn khổ thì trong đêm ấy nằm tính và thương xót, nghe chỗ đó bị tai nạn, mình định sáng ngày rủ anh em hay tự mình đi, dầu sáng ngày tằm sắp chín hoặc có mối lợi gì đó cũng bỏ, đi đến trợ giúp việc tai nạn đó, là Thiện đức, nghĩa là khi mình tính.

    Khi đến nói như vầy: Thưa anh, tôi nghe anh bị tai nạn, tôi đến để xin phép giúp anh một ngày, hoặc là vác một cái cây, hoặc là giúp một đồng bạc, vậy xin anh vui lòng cho tôi giúp với một nghĩa mọn.

    Khi mình nói là Thiện ngôn, khi mình làm là Thiện công. Chớ không phải ỷ có của rồi nói sỗ sàng: Đây tôi cho anh một đồng bạc mua gạo ăn đỡ đói. Như vậy là chưa thiện ngôn.

    Mấy em đừng có phân bì việc lập công với Đạo, bực Chức sắc mà không làm được còn mình là tín đồ làm gì!

    Mấy em phải hiểu rằng, cái tâm đức từ thiện ở cửa Đạo không phân biệt lớn hay nhỏ, dầu nhỏ lớn đều làm được. Hễ ai có nguyên căn thì làm được."

  • Thiện nam tín nữ

    Thiện nam tín nữ

    善男信女

    A: The believers.

    P: Les croyants.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Nam: đàn ông con trai. Tín: tin, đức tin. Nữ: đàn bà con gái. Thiện nam là người nam lành. Tín nữ là người nữ có tín ngưỡng.

    Thiện nam tín nữ là các tín đồ nam nữ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Dầu cho trẻ con trong bụng cũng phải độ, sao các con lại đuổi thiện nam tín nữ?

  • Thiện nam tử, thiện nữ nhân

    Thiện nam tử, thiện nữ nhân

    善男子, 善女人

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Nam: đàn ông con trai. Tử: người. Nữ: đàn bà con gái. Nhân: người.

    Thiện nam tử: những người nam lành.

    Thiện nữ nhân: những người nữ lành.

    Di Lạc Chơn Kinh: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, tín ngã ưng đương phát nguyên....

  • Thiện nghệ

    Thiện nghệ

    善藝

    A: Professional.

    P: Professionnel.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Nghệ: nghề nghiệp.

    Thiện nghệ là lành nghề, chuyên nghiệp nhà nghề, tức là nghề nghiệp rất giỏi.

  • Thiện nghiệp - Ác nghiệp

    Thiện nghiệp - Ác nghiệp

    善業 - 惡業

    A: The good retribution - The bad retribution.

    P: La bonne rétribution - La mauvaise rétribution.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Nghiệp: con đường đi từ cái nhân ở kiếp trước đến cái quả ở kiếp sau. (Xem chữ: Nghiệp, vần Ng)

    Thiện nghiệp là nghiệp lành, do việc làm lành tạo ra.

    Ác nghiệp hay Bất thiện nghiệp là nghiệp dữ, do việc làm ác tạo ra.

    ■ Nếu kiếp trước mình làm nhiều việc lành, thì nó tạo cho mình Thiện nghiệp hay Phước nghiệp. Cái Thiện nghiệp nầy nó sẽ theo ủng hộ mình trong suốt kiếp sống hiện tại, nó nâng đỡ che chở mình, khiến cho mình gặp nhiều may mắn.

    ■ Nếu kiếp trước mình làm nhiều việc gian ác, thiếu đạo đức, thì nó tạo ra cho mình Bất thiện nghiệp hay Ác nghiệp. Chính cái Ác nghiệp nầy nó theo báo đáp trong suốt cuộc sống hiện tại của mình, khiến mình gặp nhiều rủi ro hoặc tai họa.

  • Thiện nguyện

    Thiện nguyện

    善願

    A: The good vows.

    P: Les bons voeux.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Nguyện: mong ước.

    Thiện nguyện là mong ước điều lành.

    Hội Thiện nguyện: Một tổ chức từ thiện gồm những người mong ước làm lành, để giúp người giúp đời.

  • Thiện niệm

    Thiện niệm

    善念

    A: The good thoughts.

    P: Les bonnes pensées.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Niệm: tưởng nghĩ.

    Thiện niệm là tưởng nghĩ điều lành, tức là tư tưởng luôn luôn nghĩ tới điều lành.

    Kinh Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu: Môn sanh thiện niệm hằng ngày.

  • Thiện pháp

    Thiện pháp

    善法

    1. Thiện: hay giỏi. Pháp: phương pháp.

    Thiện pháp là phương pháp hay, biện pháp tốt.

    2. Thiện: lành. Pháp: giáo lý.

    Thiện pháp là giáo lý dạy làm lành.

    Ngũ thiện và Thập thiện là Thiện pháp của thế gian.

    Ngũ ác và Thập ác là Bất Thiện pháp của thế gian.

  • Thiện tai

    Thiện tai

    善哉

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Tai: vậy thay!

    Thiện tai!: Lành vậy thay!

    Đây là lời khen ngợi của Phật khi có một vị nào nêu lên một ý kiến lành, làm lợi ích cho chúng sanh.

  • Thiện tài

    Thiện tài

    善才

    A: Talented.

    P: Talentueux.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Tài: tài năng.

    Thiện tài là tài giỏi.

  • Thiện tín

    Thiện tín

    善信

    A: The believers.

    P: Les croyants.

    Thiện: Lành, tốt, trái với ác; giỏi khéo. Tín: tin, tín ngưỡng.

    Thiện tín là nói tắt của thành ngữ: Thiện nam tín nữ, là các tín đồ nam nữ của đạo.

  • Thiêng liêng

    Thiêng liêng

    A: Divine, spiritual.

    P: Divin, spirituel.

    Thiêng: linh ứng, linh hiển. Liêng: tiếng đệm.

    Thiêng liêng là không hình ảnh nhưng rất mầu nhiệm.

    Đấng thiêng liêng: các Đấng vô hình ở cõi Trời mà mắt phàm không thể thấy được. Đó là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Cõi thiêng liêng: cõi vô hình của các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

  • Thiêng liêng chi vị

    Thiêng liêng chi vị

    A: The divine position.

    P: La position divine.

    Thiêng liêng: (đã giải ở trên). Chi: hư tự. Vị: ngôi vị.

    Thiêng liêng chi vị là ngôi vị nơi cõi thiêng liêng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đạo vốn vô vi, nếu Thượng Phẩm không trở lại thiêng liêng chi vị thì ai đem các chơn hồn vào cửa Thiên giùm cho các con.

  • Thiêng liêng Hằng sống

    Thiêng liêng Hằng sống

    A: The eternal kingdom.

    P: Le royaume éternel.

    Thiêng liêng: (đã giải ở trên). Hằng: thường có, luôn luôn. Hằng sống: sống hoài, không có sự chết.

    Con đường Thiêng liêng Hằng sống:

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo định nghĩa như sau:

    - Nếu hiểu theo chơn pháp của Đức Chí Tôn thì Con đường Thiêng liêng Hằng sống là con đường dành cho các chơn hồn, khi thoát xác rồi, quay về với Đức Chí Tôn để được định vị, thăng hay đọa.

    - Con đường mà chơn thần xuất ra rồi về với Đức Chí Tôn là con đường Thiêng liêng Hằng sống đó vậy.

    - Con đường về với Đức Chí Tôn không phải dễ, mà cũng không phải về là tới liền. Muốn về với Đức Chí Tôn, ta phải qua nhiều cung nhiều điện, mỗi cung chúng ta gặp một sự lạ, mỗi điện chúng ta gặp một huyền vi khác nhau, phải đi từ cung nầy tới điện nọ, nên gọi là dục tấn trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống.

    Cõi Thiêng liêng Hằng sống: chỉ chung các cõi vô hình của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Cõi Niết Bàn hay cõi Cực lạc Thế giới là một trong các cõi Thiêng liêng Hằng sống.

    Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối: Rắp nhập cảnh Thiêng liêng Hằng sống.

  • THIẾT

    THIẾT

    1. THIẾT: 設 Sắp bày ra, tổ chức.

    Thí dụ: Thiết đàn, Thiết kế, Thiết lễ.

    2. THIẾT: 切 Thân mật gắn bó, cần kíp, cắt ra.

    Thí dụ: Thiết thực, Thiết yếu.

    3. THIẾT: 鐵 Sắt, chắc bền như sắt.

    Thí dụ: Thiết giáp, Thiết thạch.

    4. THIẾT: 竊 Trộm nghĩ, riêng.

    Thí dụ: Thiết tưởng.

  • Thiết đàn

    Thiết đàn

    設壇

    A: To establish a spiritual message.

    P: Établir un message spirituel.

    Thiết: Sắp bày ra, tổ chức. Đàn: nơi cao ráo sạch sẽ để cúng Đức Chí Tôn và cầu cơ.

    Thiết đàn là tổ chức một đàn cúng Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng để cầu cơ tiếp nhận Thánh giáo.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vậy nội ngày mai, con phải lên thiết đàn tại Chợ Lớn.

  • Thiết giáp

    Thiết giáp

    鐵甲

    A: The cuirass.

    P: La cuirasse.

    Thiết: Sắt, chắc bền như sắt. Giáp: áo mặc ra trận.

    Thiết giáp là cái áo bằng sắt mỏng của các chiến sĩ ra mặt trận để bảo vệ thân thể khi chiếu đấu với quân địch.

    Đức Chí Tôn thường ví cái đạo đức của mỗi tín đồ như là một bộ thiết giáp để che chở chống lại sự cám dỗ của tà mị yêu quái.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình, chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con. Ấy vậy, ráng gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy.

  • Thiết kế

    Thiết kế

    設計

    A: To establish a plan.

    P: Établir un plan.

    Thiết: Sắp bày ra, tổ chức. Kế: kế hoạch, chương trình.

    Thiết kế là tạo lập kế hoạch hay lập bản vẽ đồ án một công trình để chuẩn bị thực hiện.

  • Thiết lập

    Thiết lập

    設立

    A: To establish.

    P: Établir.

    Thiết: Sắp bày ra, tổ chức. Lập: dựng nên.

    Thiết lập là dựng nên, tạo ra.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Một đàn cơ riêng biệt ít khi được thiết lập cho ai.

  • Thiết lễ

    Thiết lễ

    設禮

    A: To establish a cult.

    P: Établir un culte.

    Thiết: Sắp bày ra, tổ chức. Lễ: lễ cúng tế.

    Thiết lễ là tổ chức một lễ cúng tế và cầu nguyện.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Đầu Tỉnh, Đầu Họ và Đầu Quận Đạo phải thiết lễ và dựng mộ bia cho long trọng.

  • Thiết thạch tâm trường

    Thiết thạch tâm trường

    鐵石心腸

    Thiết: Sắt, chắc bền như sắt. Thạch: đá. Tâm: tim. Trường: ruột. Thiết thạch là sắt đá, chỉ sự cứng cỏi bền chắc. Tâm trường là tim ruột, chỉ lòng dạ hay ý chí con người.

    Thiết thạch tâm trường là tim ruột sắt đá, ý nói: lòng dạ cứng cỏi bền bỉ, ý chí vững chắc.

  • Thiết thực

    Thiết thực

    切實

    A: Positive.

    P: Positif.

    Thiết: Thân mật gắn bó, cần kíp, cắt ra. Thực: thật, sự thật.

    Thiết thực là gắn bó với sự thật, sát với thực tế.

  • Thiết tưởng - Thiết nghĩ

    Thiết tưởng - Thiết nghĩ

    竊想 - 竊擬

    A: To my mind.

    P: À mon avis.

    Thiết: Trộm nghĩ, riêng. Tưởng: nhớ nghĩ tới. Nghĩ: nhớ tới.

    Thiết tưởng, đồng nghĩa Thiết nghĩ, là trộm nghĩ rằng, theo sự suy nghĩ riêng của tôi.

  • Thiết yếu

    Thiết yếu

    切要

    A: Necessary.

    P: Nécessaire.

    Thiết: Thân mật gắn bó, cần kíp, cắt ra. Yếu: quan trọng.

    Thiết yếu là quan trọng và cần thiết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy hằng dùng tâm chí của các con mà bố trí mọi điều thiết yếu trong việc đạo đức.

  • Thiệt chiến

    Thiệt chiến

    舌戰

    A: The verbal discussion.

    P: La discussion verbale.

    Thiệt: cái lưỡi. Chiến: đánh nhau.

    Thiệt chiến, nghĩa đen là đánh nhau bằng lưỡi, ý nói: cuộc tranh luận bằng miệng lưỡi rất sôi nổi.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Hôm nay Bần đạo giảng tiếp cuộc thiệt chiến giữa cung Hiệp Thiên Hành Hóa về đức tin.

  • Thiệt tướng

    Thiệt tướng

    A: The real aspect.

    P: L"aspect réel.

    Thiệt: thật, thực. Tướng: hình dạng bề ngoài.

    Thiệt tướng là hình dạng chơn thật của nó.

    Thiệt tướng, hán văn gọi là: Thực tướng, Chơn tướng.

  • Thiêu tàn

    Thiêu tàn

    燒殘

    A: Consumed by the fire.

    P: Consumé par le feu.

    Thiêu: đốt cháy. Tàn: làm tổn hại.

    Thiêu tàn là đốt cháy tiêu hết những cái gây tổn hại.

    Kinh Ðệ Tứ cửu: Hỏa tinh tam muội thiêu tàn oan gia.

  • THIỀU

    THIỀU

    THIỀU: 韶 Đẹp, tốt.

    Thí dụ: Thiều hoa, Thiều quang.

  • Thiều hoa

    Thiều hoa

    韶華

    A: The youth.

    P: La jeunesse.

    Thiều: Đẹp, tốt. Hoa: Huê: đẹp.

    Thiều hoa là cảnh xinh đẹp mùa Xuân, chỉ thời thanh niên.

  • Thiều quang

    Thiều quang

    韶光

    A: Spring light.

    P: La lumière du Printemps.

    Thiều: Đẹp, tốt. Quang: ánh sáng.

    Thiều quang là ánh sáng đẹp, chỉ ánh sáng mùa Xuân.

    Nghĩa bóng: Thiều quang là một ngày.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thiều quang nhặt thúc khuất màu Xuân.

    Thiều quang nhặt thúc: một ngày thúc đẩy qua mau.

  • Thiều quang nhị bá

    Thiều quang nhị bá

    韶光二百

    A: Two hundred days.

    P: Deux cent jours.

    Thiều: Đẹp, tốt. Thiều quang: (đã giải ở trên). Nhị bá: 200.

    Thiều quang nhị bá là hai trăm ngày.

    Hai trăm ngày nầy là khoảng thời gian từ lúc làm tuần Chung cửu cho đến lúc làm Tiểu tường.

    Kinh Tiểu tường: Thiều quang nhị bá Thiên kiều để chơn.

  • Thiếu niên lão thành

    Thiếu niên lão thành

    少年老成

    A: An experienced young man.

    P: Un jeune homme expérimenté.

    Thiếu: nhỏ, trẻ. Niên: tuổi. Lão: già. Thành: nên. Thiếu niên là người trẻ tuổi. Lão thành là người già nhiều hiểu biết và kinh nghiệm.

    Thiếu niên lão thành là người trẻ tuổi mà có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm như bậc lão thành. Được như thế là nhờ chăm lo học tập nơi các bực thầy.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Thầy lao lực tùy vừa trí trẻ,
    Dạy cho thông mọi lẽ gần xa.
    Tuổi xanh con được trí già,
    Còn thơ con học hóa ra lão thành.
  • THIỂU

    THIỂU

    THIỂU: 少 Ít, trái với Đa là nhiều.

    Thí dụ: Thiểu dục, Thiểu đức, Thiểu vị.

  • Thiểu dục tri túc

    Thiểu dục tri túc

    少欲知足

    Thiểu: Ít, trái với Đa là nhiều. Dục: lòng ham muốn. Tri: biết. Túc: đủ.

    Thiểu dục là ít ham muốn, trái với Đa dục.

    Tri túc là biết đủ, biết mình có được bao nhiêu đó là đủ rồi, không ham muốn có thêm.

    Thiểu dục tri túc là ít ham muốn thì biết đủ.

    Kẻ đa dục (tham lam) thì không bao giờ biết đủ, vì đối với họ, có bao nhiêu cũng không đủ, lòng tham không đáy, luôn luôn mong cầu thêm mãi, nên luôn luôn phiền não.

    Chỉ có người ít ham muốn và an phận mới biết đủ và cảm thấy vui sướng trong cái đủ của mình.

    Sự thiểu dục lại nảy sanh ra các công đức khác như: không bợ đỡ điều tà vạy, không bị Lục căn lôi kéo.

    Ai thực hành được sự thiểu dục tri túc thì lòng dạ được khoan khoái, không lo âu điều gì hết, không cảm thấy mình túng thiếu. Nhưng đó là về mặt vật chất. Còn về mặt đạo đức tu hành thì sao?

    Có người cho rằng, nếu vẫn an phận thiểu dục tri túc thì vẫn ở bực Hạ thừa, còn bực Thượng thừa thì chẳng thiểu dục, chẳng tri túc, phải ham muốn đặng quyết lập công thêm hoài, càng nhiều càng tốt, để mau đắc thành phẩm vị cao siêu!

  • Thiểu đức

    Thiểu đức

    少德

    A: The thin virtue.

    P: La vertu mince.

    Thiểu: Ít, trái với Đa là nhiều. Đức: đạo đức.

    Thiểu đức là thiếu đạo đức, kém về mặt đạo đức.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tả ban thiểu đức, hữu ban mang.

  • Thiểu phẩm - Thiểu vị

    Thiểu phẩm - Thiểu vị

    少品 - 少位

    Thiểu: Ít, trái với Đa là nhiều. Phẩm: bực cao thấp. Vị: địa vị.

    Thiểu phẩm là phẩm vị nhỏ. Thiểu vị là địa vị kém.

    Đức Hộ Pháp khuyên chư Chức sắc khi thuyết đạo không nên xưng mình là Bổn chức vì thiếu sự khiêm nhường.

    Lễ Sanh nên khiêm xưng là: Thiểu phẩm.

    Giáo Hữu nên khiêm xưng là: Thiểu vị hay Tiện đệ.

    (Xem Huấn Lịnh của Hội Thánh nơi chữ: Xưng hô, vần X)

  • Thìn dạ - Thìn lòng

    Thìn dạ - Thìn lòng

    A: To contain oneself one"s heart.

    P: Se retenir son coeur.

    Thìn: sửa sang, răn, gìn giữ, giữ bền. Dạ: lòng dạ.

    Thìn dạ, đồng nghĩa Thìn lòng, là giữ gìn lòng dạ cho bền chặt, không thay đổi, dù gặp nghịch cảnh hay thử thách.

    (Chữ Thìn là từ ngữ xưa, ngày nay không dùng theo nghĩa nầy)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Thìn dạ bước dìu sanh chúng độ.

    Công quả thìn lòng sau hưởng phước.

    Tua thìn: phải gìn giữ.

    Khăng thìn: nắm giữ, bền lòng.

  • Thinh thinh

    Thinh thinh

    A: Vast.

    P: Vaste.

    Thinh thinh là rộng rãi thênh thang, mênh mông.

    Kinh Ðưa Linh Cửu:
    Cửa Cực Lạc thinh thinh rộng mở.
    Rước vong hồn lui trở ngôi xưa.
  • THÍNH

    THÍNH

    THÍNH: 聽 Nghe, nghe theo.

    Thí dụ: Thính giả, Thính thiện.

  • Thính đắc ngã ngôn

    Thính đắc ngã ngôn

    聽得我言

    Thính: Nghe, nghe theo. Đắc: được. Ngã: ta. Ngôn: lời nói.

    Thính đắc ngã ngôn là nghe được lời nói của ta.

    Di Lạc Chơn Kinh: Thính đắc ngã ngôn phát tâm thiện niệm...

  • Thính giả

    Thính giả

    聽者

    A: The auditor.

    P: L"auditeur.

    Thính: Nghe, nghe theo. Giả: người.

    Thính giả là người nghe trong một buổi thuyết đạo.

    Khán thính giả: người thấy và nghe.

    Kinh Thuyết Pháp: Nguyện xin thính giả hiểu đàng chơn tu.

  • Thính ngã dục đắc chơn truyền

    Thính ngã dục đắc chơn truyền

    聽我欲得眞傳

    Thính: Nghe, nghe theo. Ngã: ta. Dục: muốn. Đắc: được. Chơn truyền: giáo lý chơn thật được truyền lại.

    Thính ngã dục đắc chơn truyền: nghe theo ta muốn được chơn truyền, tức là muốn có được cái chơn truyền để tu hành thì nên nghe theo lời ta.

    Di Lạc Chơn Kinh: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu trì thính ngã dục đắc chơn truyền niệm thử Nhiên Đăng Cổ Phật...

  • Thính Thiện

    Thính Thiện

    聽善

    Thính: Nghe, nghe theo. Thiện: lành.

    Thính thiện là nghe điều lành để học làm lành.

    Thính Thiện là một phẩm vị trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của Cơ Quan Phước Thiện, do Đức Phạm Hộ Pháp và Đức Lý Giáo Tông lập ra.

    Thính Thiện đứng trên phẩm Tân Dân, nhưng dưới phẩm Hành Thiện, đối phẩm với Phó Trị Sự và Thông Sự của Bàn Trị Sự Hương đạo.

    Khi chầu lễ Đức Chí Tôn, Thính Thiện mặc Đạo phục là áo tràng trắng, mang dây Sắc lịnh đỏ, đeo khuê bài có đề chữ Thính Thiện, đầu đội khăn đóng đen thường có 7 lớp chữ nhơn.

  • THỈNH

    THỈNH

    THỈNiệm Hương: 請 Mời, cầu, xin người trên, rước.

    Thí dụ: Thỉnh giáo, Thỉnh nguyện.

  • Thỉnh an

    Thỉnh an

    請安

    A: To inquire about someone"s health.

    P: S"enquérir de la santé d"un supérieur.

    Thỉnh: Mời, cầu, xin người trên, rước. An: an ổn.

    Thỉnh an là hỏi thăm sức khỏe của người bề trên.

  • Thỉnh chung

    Thỉnh chung

    請鐘

    A: To ring the bell.

    P: Sonner la cloche.

    Thỉnh: Mời, cầu, xin người trên, rước. Chung: cái chuông.

    Thỉnh chung là đánh chuông.

  • Thỉnh giáo

    Thỉnh giáo

    請敎

    A: To ask for teaching.

    P: Demander à être enseigné.

    Thỉnh: Mời, cầu, xin người trên, rước. Giáo: dạy.

    Thỉnh giáo là cầu xin bề trên dạy bảo điều mà cấp dưới chưa hiểu rõ.

  • Thỉnh nguyện

    Thỉnh nguyện

    請願

    A: To postulate.

    P: Postuler.

    Thỉnh: Mời, cầu, xin người trên, rước. Nguyện: mong ước.

    Thỉnh nguyện là dâng nguyện vọng lên cấp trên để xin cấp trên chấp thuận.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Măc dầu lời thỉnh nguyện có quan hệ cách mấy đi nữa cũng không đặng.

  • Thỉnh thị

    Thỉnh thị

    請示

    A: To request an instruction from.

    P: Demander une instruction de.

    Thỉnh: Mời, cầu, xin người trên, rước. Thị: chỉ bảo cho.

    Thỉnh thị là xin cấp trên chỉ bảo cho biết cách giải quyết một vấn đề mà cấp dưới chưa biết giải quyết cách nào cho đúng.

  • THỎ

    THỎ

    THỎ: Con thỏ, chỉ mặt trăng.

    Thí dụ: Thỏ lặn ác tà, Thỏ ngọc.

  • Thỏ lặn ác tà

    Thỏ lặn ác tà

    A: The setting moon and declining sun.

    P: La lune couchante et le soleil en déclin.

    Thỏ: Con thỏ, chỉ mặt trăng. Thỏ lặn: mặt trăng lặn.

    Tương truyền, trên mặt trăng có con thỏ trắng như ngọc (Ngọc thố) cầm chày giã thuốc cho Hằng Nga.

    Trong kinh Phật có kể lại, một con thỏ trắng có lòng nhơn từ, thấy đồng loại bị đói, nó nhảy vào đống lửa để tự hy sinh làm món ăn cho các con thỏ kia. Khi các con thỏ kia ăn thịt (?) của thỏ trắng xong rồi, Đức Phật thấy vậy động lòng thương xót, bèn lượm các xương thỏ còn lại rồi làm phép cho thỏ sống lại và Đức Phật đem nó lên ở trên cung trăng.

    Do đó, dùng chữ thỏ là để chỉ mặt trăng.

    Ác: con quạ, do chữ Kim ô là con quạ vàng, chỉ mặt trời. Tà: nghiêng lệch. Ác tà: mặt trời lúc xế chiều.

    Thỏ lặn ác tà: mặt trăng đã lặn, mặt trời chiều. Ý nói: ngày tháng trôi qua mau chóng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lần qua thỏ lặn ác tà, bóng thiều quang nhặt thúc, con đường hy vọng chẳng biết đâu là tột cùng, mà bước đời xem đà mòn mỏi.

  • Thỏ ngọc

    Thỏ ngọc

    A: The moon.

    P: La lune.

    Thỏ: Con thỏ, chỉ mặt trăng. Ngọc: ý nói trắng như ngọc.

    Thỏ ngọc, chữ Hán là Ngọc thố, là con thỏ trắng như ngọc, chỉ mặt trăng, theo các điển tích đã nói ở trên.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thỏ ngọc trau gương đậm vẻ làu.

  • THỌ

    THỌ

    1. THỌ: 壽 Sống lâu, lâu dài.

    Thí dụ: Thọ chung.

    2. THỌ: THỤ: 受 nhận lãnh, vâng chịu.

    Thí dụ: Thọ ân, Thọ giáo.

    3. THỌ: THỤ: 樹 cây cối, gieo trồng.

    Thí dụ: Thọ đức, Thọ nhân.

  • Thọ ân (Thụ ân)

    Thọ ân (Thụ ân)

    受恩

    A: To receive a faveur.

    P: Recevoir un bienfait.

    Thọ: Thụ: nhận lãnh, vâng chịu. Ân: ơn.

    Thọ ân (Thụ ân) là nhận lãnh ơn huệ.

  • Thọ chung

    Thọ chung

    壽終

    A: To die.

    P: Mourir.

    Thọ: Sống lâu, lâu dài. Chung: hết.

    Thọ chung là tuổi thọ đã hết, ý nói: chết.

  • Thọ dục tĩnh nhi phong bất tức

    Thọ dục tĩnh nhi phong bất tức

    樹欲靜而風不息

    Thọ: Thụ: cây cối, gieo trồng. Dục: muốn. Tĩnh: yên lặng, không động. Nhi: mà. Phong: gió. Bất: không. Tức: ngừng nghỉ.

    Thọ (Thụ) dục tĩnh nhi phong bất tức: Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.

  • Thọ đắc kỳ truyền

    Thọ đắc kỳ truyền

    受得其傳

    Thọ: Thụ: nhận lãnh, vâng chịu. Đắc: được. Kỳ: cái ấy. Truyền: ý nói chơn truyền, tức là giáo lý chơn thật truyền lại.

    Thọ đắc kỳ truyền là nhận lãnh được cái chơn truyền ấy.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nguyên từ buổi bế đạo, tuy chánh pháp ra cũ mặc dầu chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền.

    Kỳ trung thọ đắc kỳ truyền: Trong ấy nhận lãnh được cái chơn truyền ấy.

  • Thọ đức (Thụ đức)

    Thọ đức (Thụ đức)

    樹德

    A: To cultivate the virtue.

    P: Cultiver la vertu.

    Thọ: Thụ: cây cối, gieo trồng. Đức: đạo đức.

    Thọ đức hay Thụ đức là gieo trồng phước đức.

  • Thọ đường

    Thọ đường

    壽堂

    A: The coffin.

    P: Le cerceuil.

    Thọ: Sống lâu, lâu dài. ĐƯỜNG: cái nhà.

    Thọ đường, nghĩa đen là cái nhà dành cho người già, nghĩa bóng là cái áo quan mua sẵn dành cho người già lúc chết.

    Thọ đường còn gọi là Dưỡng thọ, hay vắn tắt là cái Thọ.

  • Thọ giáo (Thụ giáo)

    Thọ giáo (Thụ giáo)

    受敎

    A: To receive an instruction.

    P: Recevoir l"instruction.

    Thọ: Thụ: nhận lãnh, vâng chịu. Giáo: dạy.

    Thọ giáo hay Thụ giáo là vâng chịu sự dạy dỗ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhiều đứa đi truyền Đạo mà trong lòng kính sợ kẻ thọ giáo. Thầy hỏi: Phải nghịch chơn lý chăng?

  • Thọ giới (Thụ giới)

    Thọ giới (Thụ giới)

    受戒

    A: To receive the laws of prohibition.

    P: Recevoir les lois de prohibition.

    Thọ: Thụ: nhận lãnh, vâng chịu. Giới: giới luật tu hành.

    Thọ giới là nhận lãnh giới luật tu hành.

    Thọ giới xuất gia: rời bỏ gia đình, vào chùa làm lễ qui y, làm tăng hay ni, thọ lãnh giới luật tu hành.

  • Thọ khảo vĩnh trường

    Thọ khảo vĩnh trường

    壽考永長

    Thọ: Sống lâu, lâu dài. Khảo: già cả. Vĩnh: lâu dài. Trường: dài. Thọ khảo là già cả sống lâu.

    Thọ khảo vĩnh trường là già cả sống rất lâu dài.

    Kinh Tắm Thánh: Trăm năm thọ khảo vĩnh trường.

  • Thọ khổ - Thắng khổ

    Thọ khổ - Thắng khổ

    受苦 - 勝苦

    A: To suffer the misfortune - To win the misfortune.

    P: Subir des malheurs - Gagner des malheurs.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Khổ: khổ sở. Thắng: được phần hơn.

    Thọ khổ là nhận chịu sự đau khổ.

    Thắng khổ là khắc phục cái khổ để vượt qua cái khổ.

    Đức Hộ Pháp thuyết đạo về Thọ khổ và Thắng khổ:

    "Các đẳng chơn hồn tái kiếp đang chơi vơi trong Tứ khổ. Muốn thoát khổ, họ phải thọ khổ, có thọ khổ mới thắng khổ.

    Người đi trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng là dạy người ta thọ khổ để thắng khổ. Muốn dạy người ta thọ khổ thì trước hết mình phải thọ khổ đã. Muốn thọ khổ thì không gì hay bằng dùng đức thương yêu. Có thương yêu mới thọ khổ được. Ta thương cha mẹ ta, ta mới chịu khổ mà bảo dưỡng cha mẹ lúc tuổi già; ta thương con ta, ta mới lo tảo lo tần nuôi nó khôn lớn; ta thương những người cô thế tật nguyền, ta mới tầm phương giúp đỡ họ, mà tầm phương giúp họ là thọ khổ đó vậy.

    Thọ khổ rồi mới thắng khổ. Thọ khổ không phải một ngày một bữa, mà phải thọ khổ đến nơi đến chốn, nghĩa là nuôi cha mẹ cho đến tuổi già, lo cho con từ khi còn bé cho đến lúc nó tự lo cho nó được. Hai điều đó còn dễ, đến lo cho thiên hạ hết khổ mới khó, vì khi lo cho người nầy, hết người nầy đến người khác, và cứ như vậy đến trọn kiếp sanh mới gọi là thắng khổ. Có thắng khổ mới về được với Đức Chí Tôn bằng con đường Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng."

  • Thọ lịnh - Thọ mạng

    Thọ lịnh - Thọ mạng

    受令 - 受命

    A: To receive an order.

    P: Recevoir un ordre.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Lịnh: mệnh lệnh. Mạng: mệnh lệnh.

    Thọ lịnh, đồng nghĩa Thọ mạng, là nhận lãnh mệnh lệnh của cấp trên để thi hành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Phận sự con rất lớn, tại Ngọc đàn, con sẽ thọ lịnh.

    Đã thọ mạng nơi Thầy, con đi đâu, Thầy theo đó.
  • Thọ nhân

    Thọ nhân

    樹人

    Thọ: Thụ: cây cối, gieo trồng. Nhân: người.

    Thọ nhân (Thụ nhân) là trồng người, tức là đào tạo nhân tài.

    Thập niên chi kế mạc nhược thụ mộc, bách niên chi kế mạc nhược thụ nhân: Cái kế mười năm, không gì bằng trồng cây; cái kế trăm năm, không gì bằng trồng người.

  • Thọ phong (Thụ phong)

    Thọ phong (Thụ phong)

    受封

    A: To receive the investiture.

    P: Recevoir l"investiture.

    Thọ: Thụ: nhận lãnh, vâng chịu. Phong: vua ban phẩm tước cho bề tôi.

    Thọ phong hay Thụ phong là nhận lãnh chức tước do Đức Chí Tôn ban cho.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Cả Chức sắc Cửu Trùng Đài nam nữ đều phải thọ phong nơi Hiệp Thiên Đài....

  • Thọ quốc mạch

    Thọ quốc mạch

    壽國脈

    Thọ: Sống lâu, lâu dài. Quốc: nước. Mạch: ống dẫn máu đem dưỡng khí và chất bổ nuôi dưỡng cơ thể.

    Quốc mạch là chỉ chung các sinh hoạt của tất cả ngành nghề trong nước đem lại cho dân chúng một đời sống vật chất tiện nghi và sung túc.

    Thọ quốc mạch là lâu dài các sinh hoạt của dân chúng trong nước. Ý nói: sự trường tồn của quốc gia.

    Nho Giáo: Thọ quốc mạch tất tiên ư trí chúa chi trung.

  • Thọ sanh

    Thọ sanh

    受生

    A: To incarnate oneself.

    P: S"incarner.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Sanh: sống, mạng sống.

    Thọ sanh là nhận lãnh cái sanh mạng làm người nơi cõi trần nầy. Ýù nói: đầu thai xuống cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Vậy sự yếu trọng của con người là nạn cơm áo; nắm chặt quyền phân phát cơm áo thì chưa ai đã chịu thọ sanh nơi thế gian nầy lành khỏi.

  • Thọ sơn phước hải

    Thọ sơn phước hải

    壽山福海

    Thọ: Sống lâu, lâu dài. Sơn: núi. Phước: phước đức. Hải: biển.

    Thọ sơn phước hải: sống lâu như núi, phước nhiều như biển. Đây là câu cầu chúc người già.

  • Thọ sắc

    Thọ sắc

    受敕

    A: To receive an order of God.

    P: Recevoir un ordre de Dieu.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Sắc: sắc lịnh của Đức Chí Tôn.

    Thọ sắc là nhận lãnh sắc lịnh của Đức Chí Tôn.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Trung, Lịch, đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta. (Sắc mạng đồng nghĩa Sắc lịnh).

  • Thọ tang

    Thọ tang

    受喪

    A: To be in mourning.

    P: Porter le deuil.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Tang: làm lễ cho người chết.

    Thọ tang là để tang người thân đã chết.

  • Thọ tội

    Thọ tội

    受罪

    A: To confess sin.

    P: Avouer sa faute.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Tội: tội lỗi.

    Thọ tội là nhận tội, chịu tội.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Phải ăn năn sám hối, thọ tội cùng chúng sanh.

  • Thọ trai

    Thọ trai

    受齋

    A: To eat vegetarian dishes.

    P: Prendre le repas végétarien.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Trai: ăn chay.

    Thọ trai là dùng cơm chay.

  • Thọ trì

    Thọ trì

    受持

    A: To receive and conserve.

    P: Recevoir et conserver.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Trì: gìn giữ.

    Thọ trì là nhận lãnh và gìn giữ.

    Nhờ có đức tin nên thọ lãnh lời Phật dạy, nhờ có trí nhớ nên mới gìn giữ được lời Phật dạy. Như nghe Phật thuyết pháp, liền đem lòng tin mà nhận lấy, rồi niệm nhớ chẳng quên, cứ theo đó mà tu hành, nên gọi là thọ trì.

    Di Lạc Chơn Kinh: Nhược hữu nhơn thọ trì, khủng kinh ma chướng, nhứt tâm thiện niệm: Nam mô Di-Lạc Vương Bồ Tát....

  • Thọ truyền bửu pháp

    Thọ truyền bửu pháp

    受傳寶法

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Truyền: trao lại. Bửu: quí báu. Pháp: tâm pháp bí truyền để luyện đạo.

    Thọ truyền bửu pháp là được truyền dạy tâm pháp quí báu để luyện đạo trong Tịnh Thất.

    Tân Luật: Điều 13: Trong hàng Hạ thừa, ai giữ được trai kỳ từ 10 ngày sắp lên, được thọ truyền bửu pháp vào Tịnh Thất có người chỉ luyện đạo.

  • Thọ tước

    Thọ tước

    受爵

    A: To receive the investiture.

    P: Recevoir l"investiture.

    Thọ: nhận lãnh, vâng chịu. Tước: phẩm tước, chức tước.

    Thọ tước là nhận lãnh chức tước do Đức Chí Tôn phong.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Xem lại trong hàng môn đệ đã thọ tước, cũng chưa đặng thấy mấy đứa cho xứng đáng.

  • Thọ tỷ Nam san

    Thọ tỷ Nam san

    壽比南山

    Thọ: Sống lâu, lâu dài. Tỷ: ngang nhau. Nam san: núi phương Nam.

    Thọ tỷ Nam san là sống lâu như núi phương Nam.

    Đây là câu cầu chúc các cụ già sống lâu trăm tuổi.

  • Thoa phi tuế nguyệt

    Thoa phi tuế nguyệt

    梭飛歲月

    Thoa: cái thoi dệt vải. Phi: bay. Tuế: năm. Nguyệt: tháng. Tuế nguyệt: năm tháng, chỉ thời gian. Thoa phi: cái thoi dệt vải đưa qua đưa lại nhanh như bay.

    Thoa phi tuế nguyệt là năm tháng qua mau như thoi đưa.

    Nhựt nguyệt như thoa: ngày tháng như thoi đưa.

  • THÓA

    THÓA

    THÓA: 唾 Nhổ, nước miếng.

    Thí dụ: Thóa mạ.

  • Thóa diện tự can

    Thóa diện tự can

    唾面自乾

    Thóa: Nhổ, nước miếng. Diện: mặt. Tự: tự nó. Can: khô.

    Thóa diện tự can: bị nhổ nước miếng vào mặt, cứ để nó tự khô. Ý nói: sự nhẫn nhục đạt đến mức cao siêu.

  • Thóa mạ

    Thóa mạ

    唾罵

    A: To insult.

    P: Insulter.

    Thóa: Nhổ, nước miếng. Mạ: mắng.

    Thóa mạ là nhổ vào mặt và mắng chửi.

  • THỎA

    THỎA

    THỎA: 妥 Yên ổn, được như ý muốn.

    Thí dụ: Thỏa chí, Thỏa nguyện.

  • Thỏa chí bình sanh

    Thỏa chí bình sanh

    妥志平生

    Thỏa: Yên ổn, được như ý muốn. Chí: ý muốn. Bình: thường. Sanh: sống. Thỏa chí: thỏa mãn ý muốn. Bình sanh: cuộc sống thường ngày.

    Thỏa chí bình sanh là làm được việc gì xứng đáng thỏa mãn ý muốn thường ngày của mình trong cuộc sống.

  • Thỏa nguyện

    Thỏa nguyện

    妥願

    A: To satisfy one"s vows.

    P: Satisfaire ses voeux.

    Thỏa: Yên ổn, được như ý muốn. Nguyện: mong ước.

    Thỏa nguyện là hoàn toàn đáp ứng lời mong ước cầu xin.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nên Thầy cho con được thỏa nguyện.

  • Thỏa ước Bính Thân

    Thỏa ước Bính Thân

    妥約丙申

    A: The Concordat of Bính Thân.

    P: Le Concordat de Bính Thân.

    Thỏa: Yên ổn, được như ý muốn. Ước: hẹn với nhau phải tuân giữ những điều đã thỏa thuận giữa hai bên. Bính Thân: năm Bính Thân tương ứng với năm Tây lịch 1956.

    Thỏa ước Bính Thân là văn bản mà Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh ký kết với Chánh phủ đương thời vào năm Bính Thân (1956) qui định các điều khoản về hoạt động của Đạo Cao Đài.

    Sau khi Ngô Đình Diệm lên nắm Chánh quyền với chức vụ Tổng Thống tại miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm cử đặc sứ Nguyễn Ngọc Thơ lên Tòa Thánh Tây Ninh bàn bạc với đại diện của Hội Thánh là Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, để dàn xếp những mối bất hòa giữa Đạo và Đời, ký kết Thỏa ước Bính Thân (1956) để làm căn bản cho các hoạt động của Đạo Cao Đài phù hợp với chủ trương đường lối của chánh phủ.

    Nguyên văn bản Thỏa ước Bính Thân: (Xem nơi tiểu sử của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, vần B: Bảo Thế).

  • THOÁI

    THOÁI

    THOÁI: 退 Lùi lại, từ khước.

    Thí dụ: Thoái hóa.

  • Thoái hóa

    Thoái hóa

    退化

    A: To degenerate.

    P: Dégénérer.

    Thoái: Lùi lại, từ khước. Hóa: thay đổi.

    Thoái hóa là biến đổi trở nên kém cỏi hơn trước.

  • Thoái thác

    Thoái thác

    退託

    A: To find a pretext for refusing.

    P: Prétexter un refus.

    Thoái: Lùi lại, từ khước. Thác: mượn cớ.

    Thoái thác là mượn cớ để rút lui hay từ chối.

  • Thoại đầu

    Thoại đầu

    話頭

    Thoại: nói chuyện, câu chuyện. Đầu: cái đầu mối.

    Thoại đầu là cái mối đầu của một câu chuyện.

    Thoại đầu công án: mối đầu câu chuyện do các Thiền sư nói ra để làm chìa khóa mở thông một công án Thiền, vì công án thiền mà hành giả đang tham cứu rất rộng, nên vừa tham cứu vừa giữ vững cái mối đầu thì mới mau đạt lý.

    Các Thiền sư có lệ ra thoại đầu cho các đệ tử tham xét.

    Như hồi đời nhà Tống, Thiền sư Đại Huệ ra thoại đầu: "Cẩu tử Phật tánh" (con chó con là Phật tánh) cho Hối Am chiêm nghiệm. Hối Am xét rất lâu mà chưa ra lẽ, tới chừng gặp Thiền sư Khai Thiện Khiêm giúp cho ý kiến, Hối Am mới suy xét thêm và tỏ ngộ. (Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn)

  • Thoại khí

    Thoại khí

    瑞氣

    A: The fluid of vitality.

    P: La fluide de vitalité.

    Thoại: còn đọc Thụy: điềm tốt, tốt lành. Khí: chất khí.

    Thoại khí là chất khí tốt lành. Đó là Hỗn nguơn khí, là khí Sanh quang để nuôi sống vạn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ.

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo về con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, có đoạn mô tả Bạch Ngọc Kinh trong vùng Thoại khí, như sau:

    "Thoạt tiên, chúng ta ngó thấy phía xa xăm có ánh sáng chói lọi, cũng như mặt trời mọc buổi sáng, đàng xa xăm ngó thấy một ánh sáng chiếu diệu cũng như một vừng thoại khí. Khi pháp xa của Bần đạo đến thấy hào quang chiếu diệu chói vào pháp xa sáng rỡ, dường thể ánh sáng đèn pha ở thế gian nầy vậy... Lại gần tới, còn thấy một vật khác thường quái lạ, nhưng nó là một tòa Thiên các đẹp đẽ lắm, màu sắc thay đổi sáng rỡ, mà cả thoại khí bao quanh, làm như thể vận chuyển hình trạng của nó vậy.

    Nhà cửa ở thế gian nầy là con vật chết, Bạch Ngọc Kinh là con vật sống, biến hóa thay đổi như thể vận hành, xung quanh thoại khí bao trùm, từ Nam chí Bắc, từ Đông qua Tây, khối ánh sáng ấy chúng ta thấy như mặt trời vậy, mà ánh sáng mặt trời thì nóng nực bực bội, còn ánh sáng nơi Bạch Ngọc Kinh lại dịu dàng và huyền bí lắm, sung sướng khoái lạc lắm!

    Tại sao đài các nó là con tử vật mà nó sống? Sống là do nơi đâu? Nếu biết được thì không lạ gì.

    Bạch Ngọc Kinh, nó là Hỗn nguơn khí biến hình nó ra. Hỗn nguơn khí là khí Sanh quang của chúng ta đã thở, đã hô hấp, khí để nuôi cả sanh vật sống, ta cũng do nơi nó mà xuất hiện, mà biểu làm sao không sống...."

    Kinh Ðệ Cửu cửu:
    Vùng thoại khí bát hồn vận chuyển,
    Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng.
  • Thoàn mây

    Thoàn mây

    A: The boat of cloud.

    P: La barque de nuage.

    Thoàn: do chữ Thuyền nói trại ra: chiếc thuyền. Mây: đám mây trên bầu trời.

    Thoàn mây là Thuyền mây, tức là đám mây hiện ra trên bầu trời làm như một chiếc thuyền để chở chơn hồn về cõi thiêng liêng.

    Bài Thài hiến lễ hàng Thiên Thần và hàng Thánh: Thoàn mây thuận gió cánh buồm trương.

  • Thoán từ - Thoán truyện

    Thoán từ - Thoán truyện

    彖詞-彖傳

    Thoán: lời bàn luận tóm tắt. Từ: lời văn. Truyện: bài giải thích kinh văn.

    Thoán từ là lời bàn tóm tắt những quẻ của Kinh Dịch do vua Văn Vương viết ra.

    Thoán truyện là bài giải thích Thoán từ cho được rõ ràng do Đức Khổng Tử viết ra.

  • Thoán vị (Soán vị)

    Thoán vị (Soán vị)

    篡位

    A: To usurp the throne.

    P: Usurper le trône.

    Thoán: Soán: cướp lấy. Vị: ngôi vị.

    Thoán vị hay Soán vị là cuớp đoạt ngôi vua.

  • THOÁT

    THOÁT

    THOÁT: 脫 Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra.

    Thí dụ: Thoát đọa, Thoát trần.

  • Thoát đọa luân hồi

    Thoát đọa luân hồi

    脫墮輪迴

    A: To escape from the metempsychosis.

    P: Échapper de la métempsychose.

    Thoát: Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra. Đọa: đưa xuống chỗ thấp kém khổ sở. Luân hồi: sự chuyển kiếp trong vòng sanh tử nơi cõi trần như một bánh xe quay tròn.

    Thoát đọa luân hồi là ra khỏi sự đày đọa vào vòng luân hồi nơi cõi trần, tức là đắc đạo thành Thiên, Phật.

    Di Lạc Chơn Kinh: Phổ tế chúng sanh, giải thoát lục dục thất tình, thoát đoạ luân hồi, tất đắc giải thoát.

  • Thoát hóa

    Thoát hóa

    脫化

    A: To go out and change.

    P: Sortir et changer.

    Thoát: Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra. Hóa: thay đổi, biến hóa.

    Thoát hóa là thoát ra khỏi vật thể cũ và biến thành vật thể mới.

  • Thoát sinh

    Thoát sinh

    脫生

    A: Reincarnation.

    P: Réincarnation.

    Thoát: Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra. Sinh: sanh ra.

    Thoát sinh là linh hồn người chết thoát ra khỏi cõi trần rồi trở lại đầu thai lần nữa.

  • Thoát tai

    Thoát tai

    脫災

    A: To escape from danger.

    P: Échapper au danger.

    Thoát: Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra. Tai: tai nạn nguy hiểm.

    Thoát tai là thoát khỏi tai nạn nguy hiểm.

    Bài Dâng Rượu: Thoát tai bá tánh ngưỡng ân sinh.

  • Thoát thai

    Thoát thai

    脫胎

    A: To draw from one"s origin of.

    P: Tirer son origine de.

    Thoát: Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra. Thai: cái bào thai trong bụng mẹ.

    Thoát thai, nghĩa đen là thoát ra từ cái bào thai trong bụng mẹ thành một đứa con, nghĩa bóng là: Lấy cái nội dung mà người ta đã làm, đổi lại hình thức, làm thành của mình.

    Thí dụ: Truyện nầy thoát thai từ một chuyện kể dân gian.

  • Thoát trần đăng Tiên

    Thoát trần đăng Tiên

    脫塵登仙

    A: To detach from the world and ascend to the fairyland.

    P: Détacher du monde et monter au séjour des immortels.

    Thoát: Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra. Trần: cõi trần. Đăng: lên. Tiên: cõi Tiên.

    Thoát trần đăng Tiên là linh hồn thoát ra khỏi cõi trần, đi lên cõi Tiên, tức là đắc đạo thành Tiên.

    Kinh Ðệ Cửu cửu: Huờn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên.

  • Thoát tục

    Thoát tục

    脫俗

    A: To go out the mediocrities of the world.

    P: Sortir des médiocretés du monde.

    Thoát: Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra. Tục: tầm thường thấp kém.

    Thoát tục là thoát ra khỏi những cái tầm thường thấp kém của con người nơi cõi trần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục.

  • Thoát xác

    Thoát xác

    脫殼

    A: To take off the material body.

    P: Sortir du corps matériel.

    Thoát: Ra khỏi, bỏ ra, cởi ra. Xác: thể xác.

    Thoát xác là đi ra khỏi thể xác, tức là khi thể xác chết, linh hồn thoát ra khỏi thể xác để trở về cõi thiêng liêng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khi các con thoát xác thì nó đến tại Nghiệt Cảnh Đài mà kiện các con, các con chẳng hề chối tội đặng.

  • Thon von

    Thon von

    A: Faded and solitary.

    P: Fané et solitaire.

    Thon von là có vẻ héo hắt hiu quạnh.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu: Thon von phận bạc không vừa hiếu thân.

  • Thỏn mỏn

    Thỏn mỏn

    A: To exhaust oneself.

    P: S"épuiser.

    Thỏn mỏn là mòn mỏi dần theo thời gian với ý hối tiếc.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Một ngày thỏn mỏn một ngày qua.

  • Thong dong

    Thong dong

    A: Free, easy.

    P: Libre, être à l"aise.

    Thong dong là ung dung nhàn hạ, thơ thới tâm hồn.

    Thong dong đồng nghĩa Thung dung.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Rồi các con sẽ thong dong mà treo gương cho kẻ khác.

  • THÔ

    THÔ

    THÔ: 粗 Vụng về, cục mịch, không trau chuốt.

    Thí dụ: Thô thiển, Thô tục.

  • Thô bỉ

    Thô bỉ

    粗鄙

    A: Coarse.

    P: Grossier.

    Thô: Vụng về, cục mịch, không trau chuốt. Bỉ: đáng khinh.

    Thô bỉ là vụng về đáng khinh.

  • Thô lậu

    Thô lậu

    粗陋

    A: Coarse.

    P: Grossier.

    Thô: Vụng về, cục mịch, không trau chuốt. Lậu: xấu, hẹp hòi, quê mùa.

    Thô lậu là sơ sài và quê mùa.

  • Thô thiển

    Thô thiển

    粗淺

    A: Rude and superficial.

    P: Rude et superficiel.

    Thô: Vụng về, cục mịch, không trau chuốt. Thiển: nông cạn.

    Thô thiển là vụng về và nông cạn.

    Lời nói thô thiển là lời nói vụng về, ý nghĩa nông cạn.

    Đây là lời nói tự khiêm về ý kiến của mình.

  • Thô tục

    Thô tục

    粗俗

    A: Coarse.

    P: Grossier.

    Thô: Vụng về, cục mịch, không trau chuốt. Tục: không nhã nhặn.

    Thô tục là vụng về và không nhã nhặn.

  • THỐ

    THỐ

    THỐ: 兔 Thỏ, con thỏ.

    Thí dụ: Thố tử hồ bi.

  • Thố tử cẩu phanh

    Thố tử cẩu phanh

    兔死狗烹

    Thố: Thỏ, con thỏ. Tử: chết. Cẩu: chó. Phanh: nấu.

    Thố tử cẩu phanh: con thỏ chết rồi thì con chó bị nấu.

    Nuôi chó săn cốt để bắt thỏ rừng. Nay thỏ đã chết hết rồi thì con chó săn không được dùng vào việc gì nữa, nuôi chi cho tốn kém, nên bị bắt làm thịt.

    Thuở xưa, thời Đông Châu Liệt Quốc, Phạm Lãi và Văn Chủng phò Việt Vương Câu Tiễn khôi phục được giang san nước Việt, giết Ngô Phù Sai, trả thù cái nhục mất nước, phá nát Cô Tô Thành, chiếm đoạt nước Ngô, và Việt Vương trở thành một bá chủ ở phương Nam nước Tàu.

    Liền sau khi thành công, Phạm Lãi bí mật rút lui (công thành thân thoái), đi chu du Ngũ Hồ, ẩn tích luôn, không màng ở lại với Việt Vương đặng hưởng công danh phú quí, đồng thời viết một bức mật thơ cho bạn thân Văn Chủng, khuyên bạn nên từ bỏ chức tước thì mới bảo vệ được mạng sống sau nầy, nếu bạn không nghe, ắt có ngày sẽ bị Việt Vương giết chết.

    Trong lá thơ của Phạm Lãi có những câu bất hủ:

    "Giảo thỏ tử, tẩu cẩu phanh,
    Cao điểu tận, lương cung tàng,
    Địch quốc phá, mưu thần vong."

    Nghĩa là:

    Thỏ khôn chết, chó săn bị nấu,
    Chim ở trên cao mất hết, cung tốt được cất vào kho.
    Nước địch bị phá rồi, mưu thần chết.

    Do đó có thành ngữ: Thố tử cẩu phanh, để chỉ thói đời đen bạc, lấy oán trả ân, các vị vua hung bạo bất nhân, khi đã lập quốc thành công rồi thì trở lại giết hại các công thần.

  • Thố tử hồ bi

    Thố tử hồ bi

    兔死狐悲

    Thố: Thỏ, con thỏ. Tử: chết. Hồ: con chồn. Bi: thương xót.

    Thố tử hồ bi là con thỏ chết thì con chồn thương xót.

    Ý nói: đồng loại thì thương xót nhau.

    Một thành ngữ tương tự: "Hồ tử thố khấp" nghĩa là con chồn chết, con thỏ khóc.

    Khi tín đồ đi đám tang, Hội Thánh có dặn rằng: "Phần khách cũng phải giữ lễ, mình đương ở trong nhà người có tang, nhớ đến câu: "Thố tử hồ bi", tỏ lòng đau xót cho nhau."

  • THỔ

    THỔ

    1. THỔ: 土 Đất.

    Thí dụ: Thổ công, Thổ thần, Thổ võ.

    2. THỔ: 吐 Ói ra, nhả ra, tiết lộ, bày tỏ.

    Thí dụ: Thổ khí thành hồng, Thổ lộ.

  • Thổ công - Thổ địa - Thổ kỳ

    Thổ công - Thổ địa - Thổ kỳ

    土公 - 土地 - 土祇

    A: The Genii of the home.

    P: Les Génies de la maison.

    Thổ: Đất.

    Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ là ba vị Thần coi việc nhà cửa trong mỗi gia đình, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, hay nói nôm na là Ba vị Táo.

    Phận sự của Ba vị Táo như sau:

    · Thổ công: vị Thần trông coi việc bếp.
    · Thổ địa: vị Thần trông coi việc nhà cửa.
    · Thổ kỳ: vị Thần trông coi việc chợ búa.

    (Xem sự tích nơi chữ: Táo Quân, vần T).

  • Thổ khí thành hồng

    Thổ khí thành hồng

    吐氣成虹

    Thổ: Ói ra, nhả ra, tiết lộ, bày tỏ. Khí: chất khí. Thành: nên. Hồng: cái móng trời, cái cầu vồng nhiều màu trên bầu trời.

    Thổ khí thành hồng là nhả ra một chất khí biến thành cái móng trời.

    Kinh Phật Giáo: Thổ khí thành hồng nhi nhứt trụ xang Thiên.

  • Thổ lộ (Thố lộ)

    Thổ lộ (Thố lộ)

    吐露

    A: To pour out.

    P: S"épancher.

    Thổ: Ói ra, nhả ra, tiết lộ, bày tỏ. Lộ: đem chuyện kín nói ra.

    Thổ lộ hay Thố lộ là tiết lộ điều sâu kín.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chí Tôn sở cậy Bần đạo thố lộ chút ít điều mật yếu, để dìu bước chư Đạo hữu trong buổi loạn lạc trong nền đạo buổi nầy.

  • Thổ ngọc phún châu

    Thổ ngọc phún châu

    吐玉噴珠

    Thổ: Ói ra, nhả ra, tiết lộ, bày tỏ. Ngọc: đá quí. Phún: phun. Châu: ngọc trai.

    Thổ ngọc phún châu là nhả ngọc phun châu.

    Ý nói: Lời nói quí báu đẹp đẽ như châu ngọc, văn chương ngôn luận rất hay.

  • Thổ Thần

    Thổ Thần

    土神

    A: The Genius of soil.

    P: Le Génie du sol.

    Thổ: Đất. Thần: vị Thần.

    Thổ Thần là vị Thần cai quản một vùng đất đai.

  • Thổ võ

    Thổ võ

    土宇

    A: The territory of a kingdom.

    P: Le territoire d"un royaume.

    Thổ: Đất. Võ: Vũ: đất đai, tòa nhà.

    1. Thổ là đất. là đất đai.

    Thổ võ là đất đai của một nước, của một vương quốc.

    Câu vái: Nhờ thần linh thổ võ: nghĩa là Nhờ thần linh trong đất nước.

    2. Thổ là đất. là tòa nhà (miếu võ).

    Thổ võ là tòa nhà thờ Thần đất. Suy rộng ra, Trời cha Đất mẹ, nên Thổ võ là tòa nhà thờ Đức Mẹ thiêng liêng, tức là thờ Đức Phật Mẫu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Phòng tía cất thành hình thổ võ,
    Cung loan lập giống dạng Cao Đài.
  • Thôi thúc

    Thôi thúc

    A: To press.

    P: Presser.

    Thôi: thúc giục. Thúc: kích thích tiến tới.

    Thôi thúc là thúc giục ráo riết.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Ngày giờ thôi thúc mà các con còn dụ dự nửa chừng.

  • THỐI

    THỐI

    THỐI: 退 Lui, lùi lại.

    Thí dụ: Thối bước, Thối chí.

  • Thối bước lui chơn

    Thối bước lui chơn

    A: To draw back.

    P: Reculer.

    Thối: Lui, lùi lại. Thối bước: bước lui lại.

    Thối bước lui chơn là rút lui.

    Bát Ðạo Nghị Ðịnh: Thà Lão thối bước lui chơn hơn thấy Thánh thể của Người phải ra ô trược.

  • Thối chuyển

    Thối chuyển

    退轉

    A: To come back.

    P: Revenir en arrière.

    Thối: Lui, lùi lại. Chuyển: đổi hướng khác khi hành động.

    Thối chuyển là lui lại và chuyển sang hướng khác.

    Đang tinh tấn tu hành theo chánh đạo, bỗng vì một duyên xấu nào đó, làm cho ngã lòng, thối lui, chuyển sang đường khác, tạo nghiệp ác, gọi là thối chuyển.

    Bất thối chuyển: Nhứt định không thối lui, dù gặp khó khăn trở ngại.

  • Thối chức

    Thối chức

    退職

    A: To resign a function.

    P: Résigner une fonction.

    Thối: Lui, lùi lại. Chức: Chức tước, chức vụ.

    Thối chức là rút lui khỏi chức vụ, từ chức.

  • Thối tâm

    Thối tâm

    退心

    A: To be discouraged.

    P: Être discouragé.

    Thối: Lui, lùi lại. Tâm: lòng dạ.

    Thối tâm là lòng dạ thụt lùi, chán nãn ngã lòng.

    Lạc bước thối tâm là lầm đường lạc lối nên chán nãn ngã lòng.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Phổ Tế là cơ quan để cứu vớt hoặc độ rỗi những người lạc bước thối tâm,....

  • Thối trầm

    Thối trầm

    退沈

    A: To go back and sink.

    P: Reculer et sombrer.

    Thối: Lui, lùi lại. Trầm: chìm.

    Thối trầm là lui lại và chìm xuống.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khi Chí Tôn đem dương quang ấm áp mà làm cho hóa sanh thì cái khoảnh âm quang phải thối trầm làm tinh đẩu là cơ quan sanh hóa vạn linh.

  • THỐN

    THỐN

    THỐN: 寸 Một tấc.

    Thí dụ: Thốn tâm, Thốn ty.

  • Thốn tâm

    Thốn tâm

    寸心

    A: My heart.

    P: Mon coeur.

    Thốn: Một tấc. Tâm: lòng dạ.

    Thốn tâm là tấc lòng.

    Dùng chữ Thốn (tấc) để tỏ ý khiêm nhượng.

  • Thốn ty bất quải

    Thốn ty bất quải

    寸絲不掛

    Thốn: Một tấc. Ty: sợi tơ. Bất: không. Quải: đeo bên mình.

    Thốn ty bất quải là một tấc tơ cũng không đeo.

    Ý nói: người rất trong sạch cao khiết.

  • THÔNG

    THÔNG

    1. THÔNG: 通 Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại.

    Thí dụ: Thông công, Thông điệp.

    2. THÔNG: 聰 Nghe rõ, sáng tai, thông minh.

    Thí dụ: Thông mẫn, Thông tuệ.

  • Thông công

    Thông công

    通公

    A: To communicate spiritually.

    P: Communiquer spirituellement.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Công: chung.

    1. Thông công là liên lạc với các Đấng thiêng liêng qua cơ bút của Hiệp Thiên Đài để nhận Thánh giáo.

    Pháp Chánh Truyền: Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tham thiên thế giới, Lục thập thất địa cầu, Thập Điện Diêm cung mà cầu siêu cho cả nhơn loại.

    2. Thông công là quan hệ thông đồng với nhau để làm việc.

    Bát Ðạo Nghị Ðịnh: Chánh Phối Sư đặng trọn quyền thông công cùng Chánh phủ và nhơn sanh, nhưng buộc phải có Hội viên nhơn sanh và Hội Thánh chăm nom cơ hành động.

  • Thông điệp

    Thông điệp

    通牒

    A: The message.

    P: Le message.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Điệp: công văn.

    Thông điệp là văn thư quan trọng của Đức Giáo Tông hay của Hội Thánh gởi đến Chánh phủ các nước.

    Đối với đời, Thông điệp là công văn của chánh phủ nước nầy gởi cho chánh phủ nước kia.

    Thí dụ: Thông điệp ngày 15-1-1975 của Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức, Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài thay mặt Hội Thánh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ gởi cho Liện Hiệp Quốc và các quốc gia trong Liên Hiệp Quốc nói về hoà bình tại Việt Nam.

  • Thông đồng

    Thông đồng

    通同

    A: To be in collusion.

    P: Être en collusion avec.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Đồng: cùng nhau.

    Thông đồng là hợp tác với nhau cùng làm chung một việc.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Cấm không cho Hiến Đạo thông đồng cùng Hiến Pháp và Hiến Thế.

  • Thông gia

    Thông gia

    通家

    A: The related families.

    P: Les familles alliées.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Gia: nhà.

    Thông gia là hai nhà làm sui với nhau, tức là có con trai và con gái gả cưới cho nhau.

  • Thông gian - Thông dâm

    Thông gian - Thông dâm

    通奸 - 通淫

    A: To fornicate, Adulterous.

    P: Forniquer, Adultère.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Gian: dối trá, dâm loạn. Dâm: ham mê thú vui xác thịt nam nữ.

    Thông gian, đồng nghĩa Thông dâm, là hai người nam nữ không phải là vợ chồng mà ăn nằm với nhau không chánh đáng.

    Thông gian và Thông dâm là Tà dâm, tội thứ ba trong Ngũ Giới cấm: Tam bất Tà dâm.

  • Thông huyền

    Thông huyền

    通玄

    A: To penetrate the mysteries.

    P: Pénétrer les mystères.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Huyền: sâu kín, huyền diệu.

    Thông huyền là hiểu biết thông suốt các lẽ huyền diệu của Trời Đất.

  • Thông kim bác cổ

    Thông kim bác cổ

    通今博古

    A: To know the present and to penetrate the past.

    P: Connaître le present et posséder le passé.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Kim: ngày nay. Cổ: ngày xưa. Bác: rộng, nghe biết nhiều.

    Thông kim bác cổ là thông suốt việc đời nay, hiểu biết nhiều việc đời xưa.

  • Thông lệ

    Thông lệ

    通例

    A: Current rule.

    P: La règle courante.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Lệ: phép tắc qui định từ trước.

    Thông lệ là thể lệ thông dụng từ trước đến nay.

  • Thông linh học

    Thông linh học

    通靈學

    A: The spiritualism.

    P: Le spiritualisme.

    Thông linh học thường được gọi là Thần linh học.

    (Xem chi tiết nơi chữ: Thần linh học).

  • Thông lý đạo

    Thông lý đạo

    通理道

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Lý: lẽ, luật pháp. Đạo: tôn giáo.

    Thông lý đạo là hiểu rõ luật pháp của Đạo.

    Bài học Hạnh ĐƯỜNG: "Thông Sự là người thay mặt cho Chánh Trị Sự trong một ấp, gọi là Thông lý đạo để lo phần luật lệ. Thông Sự có quyền răn dạy người phạm luật pháp của Đạo bằng cách giải thích, khuyên lơn, nếu đôi ba lần mà người phạm lỗi không biết ăn năn chừa cải thì Thông Sự chạy tờ cho Chánh Trị Sự khuyên giải, hoặc định hình phạt Sám Hối."

  • Thông mẫn

    Thông mẫn

    聰敏

    A: Intelligent and expeditious.

    P: Intelligent et expéditif.

    Thông: Nghe rõ, sáng tai, thông minh. Mẫn: sáng suốt, nhanh lẹ.

    Thông mẫn là thông minh và mẫn tiệp.

  • Thông qui

    Thông qui

    通歸

    A: The list of names.

    P: La liste nominative.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Qui: tóm về một chỗ.

    Thông qui là danh sách nhiều người cùng chung một công việc.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Những thông qui cầu phong phải gởi về Hội Thánh trước ngày 30 tháng 8 là ngày khóa sổ.

  • Thông quyền đạt biến

    Thông quyền đạt biến

    通權達變

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Đạt: đến, thông suốt. Quyền biến: hành động khéo léo khi gặp biến. Thường nói: Ngộ biến tùng quyền: khi gặp biến thì phải tùy trường hợp mà đối phó.

    Thông quyền đạt biến là hiểu thấu lẽ quyền biến trong đời.

  • Thông Sự

    Thông Sự

    通事

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Sự: việc.

    Thông Sự là một phẩm Chức việc Bàn Trị Sự của một Hương đạo, phụ trách về luật pháp.

    Mỗi ấp đạo có một vị Thông Sự. Một Hương đạo có nhiều ấp đạo nên có nhiều vị Thông Sự.

    Phẩm Thông Sự được Đức Hộ Pháp lập ra theo đề nghị của Đức Lý Giáo Tông, để có người trông nom về luật pháp trong Hương đạo. Do đó, Thông Sự được gọi là Hộ Pháp Em.

    Thông Sự cũng được gọi là Thông lý đạo, vì phải hiểu rõ luật pháp của Đạo.

    Đạo phục của Thông Sự: (Xem: Chánh Trị Sự, vần Ch).

  • Thông tấn

    Thông tấn

    通訊

    A: Information.

    P: Information.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Tấn: tin tức.

    Thông tấn là thông tin, thông báo tin tức.

    Thông tấn xã: cơ quan thông tin.

    Thông tấn viên: cũng gọi là Thông tín viên, Cộng tác viên: người thông báo tin tức.

  • Thông thái

    Thông thái

    通太

    A: The savant.

    P: Le savant.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Thái: rất, lắm.

    Thông thái là bác học, hiểu biết rộng và sâu.

    Nhà thông thái là nhà bác học.

  • Thông Thiên định Địa

    Thông Thiên định Địa

    通天定地

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Thiên: trời. Định: liệu tính. Địa: đất.

    Thông Thiên định Địa là thông suốt các việc ở cõi trời, liệu tính được các việc ở mặt đất.

    Kinh Ðệ Ngũ cửu: Đắc văn sách thông Thiên định Địa.

  • Thông Thiên học

    Thông Thiên học

    通天學

    A: The Theosophy.

    P: La Théosophie.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Thiên: trời. Học: nghiên cứu.

    Thông Thiên học là ngành nghiên cứu những luật bí ẩn của Trời Đất, của Thiên đình, và những quyền năng bí ẩn của con người.

    Chữ THEOSOPHY là từ ghép, gồm 2 phần:

    - THEO: là Thượng Đế. - SOPHY: là Minh triết.

    Vậy, Thông Thiên học là minh triết thiêng liêng, là chơn lý hay là sự xác thực tuyệt đối và đại đồng, bao gồm: dĩ vãng, hiện tại và tương lai.

    Hội Thông Thiên học là một tổ chức thế giới được thành lập với 3 mục đích sau đây:

    · Tìm học những luật bí ẩn của vũ trụ và những quyền năng ẩn vi trong con người.

    · Nghiên cứu và học hỏi giáo lý của các tôn giáo bằng sự so sánh với Triết học và khoa học.

    · Gây tạo giữa nhơn loại một khối tình huynh đệ đại đồng, không phân biệt màu da sắc tóc, giai cấp, tôn giáo.

    "Đây là Hội Thông Thiên học (Société Théosophique) để truyền bá chơn lý, tức là tinh hoa các đạo, và câu châm ngôn của nó là: Không Đạo nào qua Chơn lý (Il n"y a pas de Religion supérieure à la Vérité).

    Người Thông Thiên học kính trọng tất cả các tôn giáo và cũng kính trọng tất cả các Đức Giáo chủ, thờ phượng tất cả các Đấng Trọn lành (Trời, Phật, Tiên, Thánh) vì biết rằng các tôn giáo đều do một gốc, một luật mà ra.

    Dưới trần thế sở dĩ có nhiều đạo là vì có nhiều nước, nhiều giống dân, nhiều màu da, nhiều trình độ tiến hóa khác nhau. Người Âu châu phần lớn giữ đạo Gia Tô, gọi Đức Jésus là Chúa Cứu Thế; người Á châu theo Phật giáo, gọi Đức Phật Thích Ca là Giáo chủ.

    Hai tôn giáo đó có số tín đồ nhiều nhứt trên hoàn cầu nầy. Nhưng ít ai biết rằng hai Đấng Giáo chủ ấy và luôn cả các Đấng Giáo chủ của các đạo khác đều do một gốc mà ra. Tuân lịnh Đức Ngọc Đế trên Thiên đình, các Đấng Giáo chủ mỗi Ngài xuống thế một nơi để dạy Đạo.

    Đức Chúa Jésus xuống thế dạy đạo cho nhơn loại trong thời buổi ấy để nhơn loại tiến hóa theo cơ Trời. Ngài xuống gần bên châu Âu, nên người Âu châu gần gũi Ngài và theo đạo của Ngài nhiều hơn.

    Còn Đức Phật Thích Ca xuống bên Á châu, lấy thể xác là người Ấn Độ, tên là Çakyamouni, tức là Thích Ca Mâu Ni mà dạy đạo. Đức Thích Ca lâm phàm tại Ấn Độ nên người Á Châu được gần Ngài và theo đạo của Ngài nhiều hơn.

    Khi hai vị Giáo chủ làm xong phận sự rồi thì hai Ngài đều bỏ xác phàm mà trở lại ngôi thứ cũ ở Thiên đình và cũng vẫn luôn luôn không ngừng lo sự tiến hóa cho nhơn loại.

    Đạo người Đạo ta là do người phàm tục kiêu hãnh tranh hơn tranh kém với nhau, chớ Thiên đình và chơn lý chỉ có một mà thôi.

    Hai Đức Giáo chủ thường gặp nhau ở trên Thiên đình và chắc không khi nào hai Ngài nói: Đạo người Đạo ta bao giờ.

    Vậy, ai là người tầm chơn lý, nên mở trí cho thật sâu rộng để thấu rõ nguồn gốc, hầu tránh sự hiểu lầm và xô xát nhau vì tôn giáo khác nhau vậy." (Trích trong quyển: Con đường đi đến Chơn Tiên của ông Nguyễn Văn Lượng, Tổng Thơ Ký Hội Thông Thiên học Việt Nam)

    Hội Thông Thiên học thế giới được chánh thức thành lập vào ngày 17-11-1875 tại New York với hai vị sáng lập là Bà H.P. Blavatsky (1831- 1891) và Ông Olcott (1832-1907). Đầu tiên, Hội đặt trụ sở tại New York, sau dời về thành phố Madras bên bờ biển Đông của nước Ấn Độ.

  • Thông tín

    Thông tín

    通信

    A: To inform, the correspondent.

    P: Informer, le correspondant.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Tín: tin tức.

    Thông tín là thông báo tin tức.

    Bàn Trị Sự ở Hương đạo có cử một Đạo hữu làm Thông Tín, có phận sự liên lạc và thông báo tín tức về tình hình đạo sự trong Hương đạo cho Bàn Tri Sự hay để sớm giải quyết.

  • Thông tri

    Thông tri

    通知

    A: To penetrate.

    P: Pénétrer.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Tri: biết.

    Thông tri là biết thông suốt, biết rõ vấn đề.

    Kinh Sám Hối:
    Thi hài như gỗ biết gì,
    Linh hồn là chủ thông tri việc đời.

    Thông Tri của Hội Thánh: Văn bản của Hội Thánh ban hành xuống các Châu Tộc địa phương để giải thích cho hiểu rõ một vấn đề đạo sự. (Xem: Châu tri, vần Ch)

  • Thông truyền

    Thông truyền

    通傳

    A: To propagate.

    P: Propager.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Truyền: trao lại, đưa đi.

    Thông truyền là truyền đi khắp các nơi.

    Niệm Hương: Chín từng Trời Đất thông truyền chứng tri.

  • Thông tuệ

    Thông tuệ

    聰慧

    A: Sagacious.

    P: Sagace.

    Thông: Nghe rõ, sáng tai, thông minh. Tuệ: trí não sáng suốt hiểu biết.

    Thông tuệ là thông minh và sáng suốt.

    Trong tôn giáo thường đọc là: Thông huệ: chỉ các phép Thần thông có được do tu đắc đạo đạt được trí huệ.

  • Thông tư

    Thông tư

    通咨

    A: The circular.

    P: La circulaire.

    Thông: Thông suốt, hiểu thấu, suốt, chung, khắp các nơi, không bị trở ngại. Tư: văn thư gởi đi.

    Thông tư là văn thư của cơ quan trung ương gởi xuống cho các cấp dưới thi hành đúng theo chủ trương và đường lối của trung ương đã định.

    Trong Đạo Cao Đài, Hội Thánh ít dùng chữ Thông tư, thường dùng chữ: Thông tri.

  • THỐNG

    THỐNG

    1. THỐNG: 統 Tóm lại một mối, quản lý tất cả.

    Thí dụ: Thống ngự, Thống quản.

    2. THỐNG: 痛 Đau đớn.

    Thí dụ: Thống khổ, Thống thiết.

  • Thống khổ

    Thống khổ

    痛苦

    A: Painful.

    P: Douloureux.

    Thống: Đau đớn. Khổ: khổ sở.

    Thống khổ là đau đớn khổ sở.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Dầu cho luật lệ đời mà làm cho thống khổ nhơn sanh thì Chưởng Pháp cũng liệu phương nài xin chế giảm.

  • Thống ngự vạn vật

    Thống ngự vạn vật

    統御萬物

    A: To govern all beings.

    P: Gouverner les êtres.

    Thống: Tóm lại một mối, quản lý tất cả. Ngự: trị yên. Vạn vật: tất cả các vật trong Càn Khôn Vũ Trụ.

    Thống ngự vạn vật là thống lãnh và trị yên vạn vật trong toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ.

    Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế: Hoá dục quần sanh, Thống ngự vạn vật.

  • Thống nhứt

    Thống nhứt

    統一

    A: To unify.

    P: Unifier.

    Thống: Tóm lại một mối, quản lý tất cả. Nhứt: một.

    Thống nhứt là hợp tất cả lại thành một mối duy nhứt, có cùng chung một cơ cấu tổ chức và một lãnh đạo duy nhứt.

    Thí dụ: Sự thống nhứt các Chi phái của Đạo Cao Đài là mối quan tâm hàng đầu của người tín đồ Cao Đài.

  • Thống quản

    Thống quản

    統管

    A: The General Intendant.

    P: L"Intendant Général.

    Thống: Tóm lại một mối, quản lý tất cả. Quản: coi sóc công việc.

    Thống quản là chưởng quản toàn thể.

    Thống quản Phước Thiện là một vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài, thuộc Chi Đạo, chưởng quản toàn thể Cơ Quan Phước Thiện nam và nữ phái.

    Dưới quyền của vị Thống quản Phước Thiện là hai vị:

    · Chưởng quản Phước Thiện nam phái.

    · Chưởng quản Phước Thiện nữ phái.

  • Thống suất

    Thống suất

    統率

    A: Commander-in-chief.

    P: Commandement général.

    Thống: Tóm lại một mối, quản lý tất cả. Suất: Soái: quản lãnh, chỉ huy quân đội.

    Thống suất là chỉ huy tất cả quân đội, đó là vị Thống soái hay Tổng Tư Lệnh của quân đội.

  • Thống Tam tài

    Thống Tam tài

    統三才

    Thống: Tóm lại một mối, quản lý tất cả. Tam tài: ba tài là: Thiên, Địa, Nhơn.

    Thống Tam tài là chưởng quản Tam tài.

    Ý nói: chưởng quản toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.

  • Thống thiết

    Thống thiết

    痛切

    A: Very painful.

    P: Très douloureux.

    Thống: Đau đớn. Thiết: cắt.

    Thống thiết là đau như cắt thịt. Ý nói: đau đớn lắm.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Tóm lại là lập phương bảo toàn sanh chúng khỏi điều thống thiết đau khổ với nét oai nghiêm của Chức sắc đương quyền hành chánh.

  • THƠ

    THƠ

    1. THƠ: THƯ: 書 sách, thơ từ, viết.

    Thí dụ: Thơ hương, Thơ tín, Thơ viện.

    2. THƠ: THI: 詩 Thi văn, văn có vần điệu.

    Thí dụ: Thơ đường luật.

    3. THƠ: THƯ: 舒 Huỡn, ung dung.

    Thí dụ: Thơ thới.

  • Thơ bất tận ngôn

    Thơ bất tận ngôn

    書不盡言

    Thơ: Thư: sách, thơ từ, viết. Bất: không. Tận: hết. Ngôn: lời nói.

    Thơ bất tận ngôn là thơ chẳng nói hết lời.

    Câu nầy thường được đặt ở cuối một bức thơ.

  • Thơ đường luật (Đường thi)

    Thơ đường luật (Đường thi)

    唐詩

    A: The Tang poetry.

    P: La poésie de T"ang.

    Thơ: Thi: Thi văn, văn có vần điệu. ĐƯỜNG: nhà Đường. Luật: phép tắc.

    Thơ đường luật là thể thơ đặt ra vào thời nhà Đường (618-907) bên Tàu, theo một luật lệ nhứt định.

    Thơ Đường luật chia làm 2 lối:

    · Tứ tuyệt: nghĩa là mỗi bài thơ có 4 câu.

    · Bát cú: nghĩa là mỗi bài thơ có 8 câu.

    Trong hai lối ấy, lối Bát cú là chánh.

    Trong lối Bát cú phân ra hai loại:

    · loại mỗi câu 5 chữ, gọi là Ngũ ngôn bát cú.

    · loại mỗi câu 7 chữ, gọi là Thất ngôn bát cú.

    Trong Thi văn Dạy đạo, chúng ta thấy các Đấng thường dùng loại thơ Thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu) và Thất ngôn tứ tuyệt (7 chữ 4 câu), nhưng loại Thất ngôn bát cú là chánh.

    Sau đây, chúng ta khảo sát về thơ Đường luật: THẤT NGÔN BÁT CÚ.  

    I. Cách gieo vần

    Thơ đường luật thường dùng vần Bằng, ít khi dùng vần Trắc. Suốt bài thơ có 5 vần, gieo ở cuối câu đầu và cuối 4 câu chẵn, tức là cuối các câu: 1, 2, 4, 6, 8.

    Nếu gieo vần không hiệp với nhau thì gọi là: Lạc vận.

    Nếu gieo vần một cách gượng ép thì gọi là: Cưỡng vận.

    II. Những câu thơ đối nhau

    Bốn câu thơ giữa bài phải đối với nhau từng cặp một:

    · Cặp trạng: hai câu 3 và 4 phải đối nhau.

    · Cặp luận: hai câu 5 và 6 phải đối nhau.

    III. Luật thơ

    Luật thơ là cách sắp đặt các tiếng Bằng và tiếng Trắc trong bài thơ. Luật ấy được đặt ra nhứt định, các người làm thơ phải tuân theo luật ấy mà đặt thì bài thơ đọc mới nghe hay.

    Luật thơ có 2 cách:

    1. Luật Bằng: luật thơ mà chữ thứ nhì câu 1 là Bằng.

    2. Luật Trắc: luật thơ mà chữ thứ nhì câu 1 là Trắc.

    Tiếng Trắc: là những âm khi phát ra hoặc từ thấp lên cao, hoặc từ cao xuống thấp. Đó là những chữ có dấu: - sắc, - hỏi, - ngã, - nặng.

    Tiếng Bằng (chữ hán là Bình): là những âm phát ra bằng phẳng đều đều. Tiếng Bằng là những chữ: - không dấu, - dấu huyền, - dấu ă, â, ê, ô, ơ. ư. Thí dụ: Lam, Làm, Lâm, Lăm.

    Bằng có 2 thanh:

    · Bình hạ (trầm bình): các chữ có dấu huyền. Thí dụ: Làm.

    · Bình thượng (phù bình): các chữ không có dấu huyền.

    [Viết tắt: Bằng: B, Trắc: T, Vần: v, bất luận: o ]

    Muốn dễ nhớ luật Bằng Trắc, chúng ta học thuộc hai bài thơ trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển sau đây:

    1. Bài thơ Luật Trắc: Dạy Nam phái của Thanh Sơn Đ.Sĩ.

    1 2 3 4 5 6 7
    C.1 Biến chuyển trời Nam cuộc đảo huyền,
    o T o B o T B(v)
    C.2 Trả vay cho sạch vết oan khiên.
    o B o T o B B(v)
    C.3 Trường đời đem thử gan anh tuấn,
    o B o T o B T
    C.4 Cửa Đạo mới ra mặt Thánh hiền.
    o T o B o T B (v)
    C.5 Đau khổ ráng gìn nhân nghĩa vẹn,
    o T o B o T T
    C.6 Tang thương chờ hưởng huệ ân riêng.
    o B o T o B B (v)
    C.7 Non sông Việt chủng ngày êm lặng,
    o B o T o B T
    C.8 Chung sức cùng nhau đức lập quyền.
    o T o B o T B (v)

    2. Bài thơ Luật Bằng: Dạy Nữ phái của Bát Nương.

    1 2 3 4 5 6 7
    C.1 Trau giồi giữ xứng phận nga mi,
    o B o T o B B(v)
    C.2 Tấn thối riêng lo kịp thế thì.
    o T o B o T B(v)
    C.3 Thanh sử từng nêu gương nữ kiệt,
    o T o B o T T
    C.4 Hồng ân chi kém bạn nam nhi.
    o B o T o B B(v)
    C.5 Lọc lừa chớ để đen pha trắng,
    o B o T o B T
    C.6 Lui tới đừng cho bạc lộn chì.
    o T o B o T B(v)
    C.7 Hạnh đức điểm non nước Việt,
    o T o B o T T
    C.8 Muôn năm bia tạc tiếng còn ghi.
    o B o T o B B (v)

    Luật: Nhứt tam ngũ bất luận, Nhì tứ lục phân minh.

    - Bất luận là không bàn tới. Nhứt tam ngũ bất luận: chữ thứ 1, 3, 5 trong mỗi câu không kể luật B, T, làm dấu (o), nghĩa là dùng B hay T đều được, miễn là đọc lên nghe êm tai thì thôi.

    - Phân minh là phân biệt rõ ràng. Nhì tứ lục phân minh: chữ thứ 2, 4, 6 thì phải theo luật B, T rõ ràng. Nếu đặt không đúng luật B, T thì gọi là Thất luật (sai luật).

    Gieo vần: Chữ cuối của 5 câu: 1,2,4,6,8 là vần Bằng.

    Đặc biệt hai câu 1 và 2: chữ cuối đều vần Bằng nhưng phải là: một chữ Bình thượng và một chữ Bình hạ.

    Như bài thơ 1: huyền (B hạ) và khiên (B thượng).

    Bài thơ 2: mi (B thượng) và thì (B hạ).

    Còn những vần Bằng ở cuối các câu khác thì Bình thượng hay Bình hạ đều được.

    - Có một số bài thơ mà câu đầu khác vần với các câu dưới thì gọi là "Cô nhạn nhập quần" (con nhạn lẻ nhập bầy).

    - Nếu câu chót có vần Bằng khác vần với các câu phía trên thì gọi là "Cô nhạn xuất quần" (con nhạn lẻ thoát bầy).

    Tóm tắt:

    a. Luật Trắc b. Luật Bằng
    1 2 3 4 5 6 7 1 2 3 4 5 6 7
    1. o T o B o T Bv o B o T o B Bv
    2. o B o T o B Bv o T o B o T Bv
    3. o B o T o B T o T o B o T T
    4. o T o B o T Bv o B o T o B Bv
    5. o T o B o T T o B o T o B T
    6. o B o T o B Bv o T o B o T Bv
    7. o B o T o B T o T o B o T T
    8. o T o B o T Bv o B o T o B Bv

    IV. Niêm

    Niêm nghĩa là sự liên lạc về âm luật của 2 câu thơ trong bài thơ Đường luật.

    Hai câu thơ niêm với nhau là khi các chữ B và T trong "nhì tứ lục phân minh" giống nhau:

    · Câu 1 niêm với câu 8.
    · Câu 2 niêm với câu 3.
    · Câu 4 niêm với câu 5.
    · Câu 6 niêm với câu 7.

    Nếu hai câu thơ phải niêm với nhau mà sai luật B và T thì gọi là Thất niêm (mất sự liền lạc với nhau).

    V. Bố cục

    Cách bố cục bài thơ Thất ngôn bát cú giống như một bức tranh. Trong khuôn khổ nhứt định với 8 câu 56 chữ, làm sao ta vẽ thành một bức tranh hoàn toàn, hình dung được ngoại cảnh thiên nhiên, hay nội cảnh của tâm tình. Như vậy, bố cục của bài thơ phải có đủ 3 phần: - Nhập đề. - Thân đề có Tả đề và Luận đề. - Kết thúc.

    Vậy, bố cục bài thơ đường luật phân chia ra như sau:

    · Câu 1: gọi là Phá (đề)
    · Câu 2: gọi là Thừa (đề)
    · Câu 3 và 4: gọi là cặp Trạng (Thực)
    · Câu 5 và 6: gọi là cặp Luận
    · Câu 7: gọi làThúc (Chuyển)
    · Câu 8: gọi là Kết.

    1. Phá và Thừa: Phá là mở đầu, Thừa là câu vào đề.

    - Phá ám Thừa minh: câu phá nói bao la chưa được rõ ràng, câu thừa mới nói đến đề bài.

    Thí dụ:
    Bài thơ dạy Nam phái của Thanh Sơn Đạo Sĩ:
    Biến chuyển trời Nam cuộc đảo huyền, (phá ám)
    Trả vay cho sạch vết oan khiên. (thừa minh)

    Bài thơ của Nhàn Âm Đạo Trưởng trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Màn trời đã vẹt ngút mây trương, (phá ám)
    Bước tới Đài hoa thấy tỏ tường. (thừa minh)

    - Phá minh Thừa ám: câu phá nói rõ đề và câu thừa thì nói bao la tổng quát.

    Thí dụ:
    Bài thơ dạy Nữ phái của Bát Nương:
    Trau giồi giữ xứng phận nga mi, (phá minh)
    Tấn thối riêng lo kịp thế thì. (thừa ám)

    Bài thơ "Chữ Tâm" của Đức Phật Mẫu:
    Gắng sức trau giồi một chữ Tâm, (phá minh)
    Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm. (thừa ám)

    - Phá và Thừa hợp lại mới vào được đề:

    Thí dụ:
    Bài thơ của Đức Chí Tôn trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Huỳnh lương một giấc cuộc đời in,
    Có trí có mưu phải xét mình.

    Bài thơ của Quí Cao trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Tu như cỏ úa gặp mù sương,
    Đạo vốn cây che mát mẻ đường.

    2. Cặp trạng: để tả thực cảnh người hay vật đã nêu trên đầu bài, tức là giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thì chọn các cảnh sắc xinh đẹp điển hình mà tả ra, nếu là thơ tả tình thì đem tình cảm giải bày ra, nếu là thơ vịnh nhân vật thì lấy công trạng và đức hạnh của người ấy mà kể ra.

    Cặp trạng phải là hai câu đối với nhau.

    Thí dụ:
    Cặp trạng bài thơ của Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ:
    Trường đời đem thử gan anh tuấn,
    Cửa đạo mới ra mặt Thánh hiền.

    Trường đời đối với Cửa đạo; gan đối với mặt; anh tuấn đối với Thánh hiền. Thật tuyệt!

    Cặp trạng bài thơ của Bát Nương:
    Thanh sử từng nêu gương nữ kiệt,
    Hồng ân chi kém bạn nam nhi.

    Thanh đối với Hồng; nêu gương đối với kém bạn; nữ kiệt đối với nam nhi. Ở đây có xảo đối, thật tuyệt!

    3. Cặp luận: dùng để bàn luận về đề tài trên. Nếu tả cảnh thì nói cảnh ấy xinh đẹp như thế nào, nếu tả tình thì nói ra cái cảm xúc của mình, nếu tả người thì nói lên ý kiến của mình khen hay chê, hoặc so sánh người ấy việc ấy với người khác việc khác.

    Cặp luận cũng phải là hai câu đối với nhau.

    Thí dụ:
    Cặp luận trong bài thơ của Bát Nương:
    Lọc lừa chớ để đen pha trắng,
    Lui tới đừng cho bạc lộn chì.

    Lọc lừa đối với Lui tới, chớ để đối với đừng cho, đen đối với bạc, pha trắng đối với lộn chì. Thật tuyệt!

    Cặp luận trong bài thơ của Đức Lý Giáo Tông:
    Chánh trực kinh oai loài giả dối,
    Công bình vừa sức kẻ chơn thành.

    Chánh trực đối với Công bình, loài giả dối đối với kẻ chơn thành. Thật mạnh mẽ, tuyệt diệu!

    4. Thúc và Kết: Câu Thúc hay câu chuyển là gói ghém đại ý nói trên cặp trạng và cặp luận. Câu Kết để tóm ý toàn bài. Hai câu Thúc và Kết phải liên lạc ý nhau, không được rời rạc mất hay.

    Như hai câu Thúc và Kết của hai bài thi mẫu nêu trên của Thanh Sơn Đạo Sĩ và Bát Nương rất đúng cách, rất hay!

    VI. Phép đối trong cặp Trạng và cặp Luận

    Trong cặp Trạng hay cặp Luận, chữ ở câu dưới phải đối với chữ ở cùng vị trí của câu trên. Nếu không đối là hư bài thơ.

    Phép đối có nhiều cách: đối chữ, đối ý, đối vế, xảo đối.

    Đối chữ:

    Danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tỉnh từ đối với tỉnh từ, trạng từ đối với trạng từ.

    Thí dụ:
    Ở nhà mượn đám mây xanh kịt,
    Đỡ gót nhờ con hạc trắng ngần.

    (động từ) đối với Đỡ (động từ), nhà (danh từ) đối với gót (danh từ), xanh kịt (tỉnh từ) đối với trắng ngần (tỉnh từ),.....

    Tên người phải đối với tên người, tên xứ phải đối với tên xứ, phương hướng phải đối với phương hướng.

    Thí dụ:
    Gương đạo noi theo đời Thuấn Đế,
    Đế dân vẹn giữ lối Văn Vương.

    Thuấn đế (vua Thuấn) đối với Văn Vương (vua Văn).

    Ngọc sáng non Côn đà gặp nẻo,
    Lối mòn động Bích chớ lầm đường.

    Non Côn là núi Côn, cũng có ý nói là núi Côn Luân, đối với động Bích là Bích Du Cung của Thông Thiên Giáo chủ.

    Vạn trượng then gài ngăn Bắc đẩu,
    Muôn trùng nhiếp khảm hiệp Nam tào.

    Bắc đẩu đối với Nam tào, rất chỉnh.

    Chữ Hán phải đối với chữ Hán, tiếng đôi phải đối với tiếng đôi.

    Thí dụ:
    Xuân Thu định vững ngôi lương tể,
    Phất Chủ quét tan lũ nịnh thần.

    Xuân Thu đối với Phất Chủ, lương tể đối với nịnh thần.

    Bể khổ mênh mang lo giải khổ,
    Nền công nghiêng ngửa gắng nên công.

    Chữ đôi mênh mang đối với chữ đôi nghiêng ngửa

    Màu sắc đối với màu sắc, số lượng đối với số lượng.

    Thí dụ:
    Bước thế chịu đày khơi bạch phát,
    Nguồn Tiên gắng lướt rạng thanh mi.

    Bạch phát là tóc bạc đối với thanh mi là mày xanh.

    Một kiếp muối dưa muôn kiếp hưởng,
    Đôi năm mệt nhọc vạn năm bường.

    Một kiếp đối với Đôi năm, muôn kiếp đối với vạn năm.

    Đối vế, một vế câu trên đối với một vế câu dưới.

    Thí dụ:
    Bầu linh gậy sắt, ông an thế,
    Chày giáng xử ma, tớ giúp đời.

    Đối ý, ý của câu trên đối với ý câu dưới, không cần phải đối chữ:

    Thí dụ:
    Cửu Trùng không kế an thiên hạ,
    Phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.

    Xảo đối là đối khéo léo, đối rất tài tình.

    Thí dụ:
    Thanh sử từng nêu gương nữ kiệt,
    Hồng ân chi kém bạn nam nhi.

    Thanh sử là sử xanh, Hồng ân là ơn lớn của Đức Chí Tôn, nhưng chữ Hồng gợi cho ta ý tưởng màu đỏ. Thanh đối với Hồng là xảo đối, rất tài tình.

    Lọc lừa chớ để đen pha trắng,
    Lui tới đừng cho bạc lộn chì.

    Đen và trắng chỉ màu sắc, bạc và chì là hai thứ kim loại, nhưng cũng gợi cho ta màu bạc và màu chì (môi chì).

    Bài thi của Bát Nương có hai chỗ xảo đối, thật là tuyệt diệu! Cặp trạng và cặp luận đều có xảo đối.

    VII. Thơ Tứ Tuyệt

    Tuyệt là dứt, ngắt. Tứ Tuyệt là ngắt lấy 4 câu trong một bài thơ đường luật thất ngôn bát cú.

    Có nhiều cách ngắt lấy 4 câu của một bài thơ thất ngôn bát cú, nên có nhiều cách làm thơ Tứ tuyệt:

    1. Ngắt lấy 4 câu đầu gồm: phá thừa và cặp trạng.
    2. Ngắt lấy 4 câu cuối: cặp luận và thúc kết.
    3. Ngắt lấy 4 câu giữa: cặp trạng và cặp luận.
    4. Ngắt lấy 2 câu đầu và cặp luận: phá thừa, cặp luận.
    5. Ngắt lấy 2 câu đầu và 2 câu cuối: phá thừa, thúc kết.

    Bài thơ Tứ tuyệt theo lối nầy (phá thừa, thúc kết) có 3 vần và không có đối nhau, nên dễ làm, và chúng ta thường thấy thơ Tứ tuyệt phần lớn thuộc loại nầy.

    Thí dụ:
    Tiền trình Thầy dạy các con tường,
    Đợi hạ sang năm mới tuyển lương.
    Năm bảy năm sau nên nghiệp lớn,
    Đến chừng ấy khá Đạo lo lường.

    VIII. Bịnh thơ

    Làm một bài thơ đường luật mà trong đó có những chữ dùng thiếu nghệ thuật, người ta gọi là bịnh thơ, và đó là những điều nên tránh, để bài thơ đạt được nghệ thuật cao.

    Có nhiều trường hợp bịnh thơ sau đây, cần nên tránh:

    1. Lạc vận: trong 5 vần mà có một vần khác xen vào.

    Thí dụ:
    Mừng gót phồn hoa sạch bụi trần,
    Thay đời nay dụng phép hư không.

    Hai chữ: trầnkhông không ăn vận nhau (lạc vận). Nếu sửa chữ trần thành chữ hồng thì mới ăn vận.

    2. Lạc đề: Nếu trong bài thơ mà cặp Trạng và cặp Luận không diễn đúng đề bài thì gọi là lạc đề.

    3. Thất niêm, thất luật: có một vài chữ trong bài thơ không đúng luật Bằng Trắc.

    Thí dụ:
    Mừng gót phồn hoa sạch hồng trần.

    Chữ hồng là tiếng Bằng, sai niêm luật, chỗ đó phải đặt tiếng Trắc, như chữ bụi thì mới đúng niêm luật thơ:

    Mừng gót phồn hoa sạch bụi trần.

    4. Điệp tự: Trong bài thơ đường luật 8 câu 56 chữ mà nếu có những chữ trùng nhau thì gọi là điệp tự. Nếu hai vần giống nhau thì gọi là điệp vận. Thường thì nên tránh điệp tự, trừ ra các trường hợp đặc biệt sau đây:

    ● Hai chữ điệp tự mà ý nghĩa khác nhau.

    Thí dụ:
    Non Bồngbế bồng,
    Tiên ThiênTiên Phật.

    ● Nhiều chữ điệp tự trong một câu để nhấn mạnh ý nghĩa, láy đi láy lại rất hay:

    Thí dụ:
    Trau tài trau phận tua trau đức,
    Biết thế biết nhân mới biết mình.

    ● Nhiều chữ điệp vận để nhấn mạnh ý nghĩa thật là độc đáo, như bài thi chữ KHÔNG của Đức Quan Âm Bồ Tát:

    Bài thi chữ KHÔNG
    Khán đắc phù sanh nhứt thế KHÔNG,
    Điền viên sản nghiệp diệc giai KHÔNG.
    Thê nhi, phụ tử chung ly biệt,
    Phú quí, công danh tổng thị KHÔNG.
    Cổ ngữ: Vạn ban đô thị giả,
    Kim ngôn: Bá kế nhứt tràng KHÔNG.
    Tiền tài thu thập đa tân khổ,
    Lộ thượng huỳnh tuyền lưỡng thủ KHÔNG.
    Quan Âm Bồ Tát (1950)

    5. Điệp tứ: Trong 8 câu thơ mà có 2 câu có tổ hợp chữ có ý tứ giống nhau. (Xem mục: Bình thơ).

    6. Hiệp cHưởng: Trong cặp Trạng hay cặp Luận, hai câu có cùng một ý hay một nghĩa dầu các chữ có khác nhau, giống như hai bàn tay chấp lại. (Xem mục: Bình thơ).

    7. Khổ độc: Bài thơ đường luật đặt đúng niêm luật, nhưng khi đọc lên nghe trắc trở không êm tai thì cũng chưa đạt nghệ thuật làm thơ. Cần phải đổi những chữ khổ độc trong số "nhứt tam ngũ bất luận" để khi đọc lên thơ có âm điệu.

    (Theo tài liệu: Phép Làm Thơ của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu)

    Trường hợp đặc biệt:

    Đối với những bực thi bá, thi Tiên, thi Thánh, nhứt là đối với Đức Chí Tôn thì câu thơ chỉ cốt đạt được ý tứ cao siêu mà không quá câu nệ về niêm luật thơ.

    Thí dụ: Bài thơ của Đức Chí Tôn:

    Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
    Cùng nhau một Đạo tức một Cha.
    Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
    Dạy lẫn nhau cho đặng chữ hòa.

    Trong câu 2, dùng chữ một Cha, chữ một đó thất niêm, vì nó là tiếng Trắc, nếu sửa lại là tiếng Bằng thì mới đúng niêm luật. Có đề nghị sửa chữ một đó thành chữ cùng:

    Cùng nhau một Đạo tức cùng Cha.

    Nếu sửa như thế thì mất hết ý nghĩa cao siêu về triết lý của chữ một, vì một đó là con số khởi đầu của các số, là số khởi thủy của Càn Khôn, một là Thái Cực, là duy nhứt. Cho nên một Cha có ý nghĩa là: chỉ có một Đại Từ Phụ, chỉ có một Thượng Đế.

    Thất niêm để mà đạt được ý nghĩa cao siêu và nhấn mạnh phần triết lý thì cái thất niêm ấy đáng bái phục vậy.

    IX. Những lối thơ đường luật đặc biệt

    1. Khoán thủ: Khoán là giao ước, thủ là đầu. Khoán thủ là bài thơ với giao ước là lấy chữ đầu mỗi câu làm ý chánh.

    Thí dụ: Bài thơ khoán thủ: "Ngọc Hoàng giáng thế giáo đạo nam phương" trong Thi Văn dạy Đạo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

    Sau đây là bài thơ khoán thủ: "Hộ Pháp chưởng quản nhị hữu hình đài" của Đức Lý Giáo Tông tặng Đức Hộ Pháp:

    Hộ giá Chí Tôn trước đến giờ,
    Pháp luân thường chuyển máy Thiên thơ.
    Chưởng quyền Cực Lạc phân ngôi vị,
    Quản suất Càn Khôn định cõi bờ.
    Nhị kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
    Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ.
    Hình hài Thánh thể chừ nên tướng,
    Đài trọng hồng ân gắng cậy nhờ.

    2. Bài thơ có 8 chữ đầu câu giống nhau.

    - Lục Nương giáng cơ cho bài thi chữ Vui:

    Vui nhơn vui Đạo lại vui thiền,
    Vui một bước đường một bước yên.
    Vui bóng Cao Đài che khắp chốn,
    Vui gương Ngọc Đế thấy như nhiên.
    Vui ngàn thế tải ngăn nhơn sự,
    Vui một màu Thiên đóng Cửu tuyền.
    Vui vớt sanh linh nơi bể khổ,
    Vui Trời rưới khắp đủ ân Thiên.
    LỤC NƯƠNG Noel 1925.

    Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Bát Nương giáng cơ cho bài thơ chữ: Mầng (Mừng) ngày 12-2-1934 (âl 29-12-Quí Dậu).

    3. Bài thi mà câu đầu chỉ có 6 chữ, hay đoạn giữa mỗi câu chỉ có 6 chữ:

    Thí dụ 1: Bài thơ "Hảo Nam Bang" của Đức Chí Tôn:

    Hảo Nam bang! Hảo Nam bang!
    Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn.
    Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
    Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.
    ... v.v......................

    Thí dụ 2: Bài thơ "Thế sự" của Trạng Trình Ng.B. Khiêm

    Chưa dễ ai là Phật Thích Ca,
    Mọi niềm nhân ngã nhẫn thì qua,
    Lòng vô sự, trăng in nước,
    Của thảng lai, gió thổi hoa.
    Kìa khách xuân xanh khi trẻ,
    Mấy người đầu bạc tuổi già.
    Thanh nhàn ấy ắt là Tiên khách,
    Được thú ta, đã có thú ta.

    4. Liên hoàn trong một bài thơ:

    Chữ cuối của câu trên làm chữ đầu cho câu dưới.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Đời hiếp lẫn nhau nỡ chẳng thương,
    Thương đời nên mới đến đem đường,
    Đường dài vó ngựa tua bền sức,
    Sức yếu lòng người khéo để gương.
    Gương đạo noi theo đời Thuấn Đế,
    Đế dân vẹn giữ lối Văn Vương.
    Vương hầu lê thứ, ai là chí,
    Chí quyết làm cho thế khác thường.

    5. Liên hoàn nhiều bài thơ:

    Đề thơ có nhiều bài liên tiếp, lấy câu cuối của bài thơ trên làm câu đầu của bài thơ dưới, hoặc lấy vài chữ cuối của bài thơ trên làm mấy chữ đầu của bài thơ dưới.

    Thí dụ 1: Bài thơ "Bể thảm" của Đoàn Như Khuê:

    Bể thảm mênh mông sóng lụt trời,
    Khách trần chèo một lá thuyền chơi.
    Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,
    Coi lại cùng trong bể thảm thôi.

    Coi lại cùng trong bể thảm thôi,
    Nổi chìm chìm nổi biết bao người.
    Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá,
    Quá cánh bèo trên mặt nước trôi.

    Quá cánh bèo trên mặt nước trôi,
    Nước trôi bèo nổi ngán cho đời.
    Cuộc đời đổi đổi thay thay mãi,
    Trải mấy lần dâu hóa bể khơi.

    Trải mấy lần dâu hóa bể khơi,
    ....... ....... ......

    (Xem tiếp bài thơ nầy nơi chữ: Biển khổ, vần B)

    Thí dụ 2: Thập thủ liên hoàn của Nhàn Âm Đạo Trưởng.

    Thi họa vừa khi bước hứng nhàn,
    Vòng trần luân chuyển luống lo toan.
    Cày mây cuốc nguyệt chờ Thang Võ,
    Hằng biết cho dân chịu buộc ràng.
    1.
    Buộc ràng túng thiếu cõi Nam châu,
    Trị loạn vần xây cuộc bể dâu.
    Phép nước đòi cơn mây gió thảm,
    Nghiệp nhà lắm lúc nước non sầu.
    Thương đời để dấu noi đường trước,
    Hiệp chủng làm gương dắt lũ sau.
    Cá chậu chim lồng chi dễ chịu,
    Rừng xưa bến cũ thảnh thơi đâu?
    2.
    Thảnh thơi đâu buổi nước non nhà,
    ... v.v.......

    6. Thuận nghịch đọc: Bài thơ đọc xuôi đúng luật và có đầy đủ ý nghĩa, mà nếu đọc ngược trở lại từ chữ cuối tới chữ đầu thì cũng được một bài thơ đúng luật đủ ý nghĩa.

    Thí dụ: Bài CẢM PHI LONG CÔNG CHÚA của Huệ Giác.

    (Thuận nghịch đọc)
    Đọc thuận:
    Giềng mối giữ an phận liễu bồ,
    Dặm ngàn xa phải chịu thân cô.
    Phiền gan ngẩn chạnh tình chăn gối,
    Ứa lệ buồn trông bước Hớn Hồ.
    Duyên nợ vẹn đền toan dạ gắng,
    Hận thù chung trả trọn lòng thờ.
    Phiên thành tạc để danh trung hiếu,
    Điên đảo khiến rời rã tóc tơ.

    Đọc nghịch:
    Tơ tóc rã rời khiến đảo điên,
    Hiếu trung danh để tạc thành Phiên.
    Thờ lòng trọn trả chung thù hận,
    Gắng dạ toan đền vẹn nợ duyên.
    Hồ Hớn bước trông buồn lệ ứa,
    Gối chăn tình chạnh ngẩn gan phiền.
    Cô thân chịu phải xa ngàn dặm,
    Bồ liễu phận an giữ mối giềng.
    HUỆ GIÁC

    7. Song điệp: Lối thơ mà trong mỗi câu, hoặc ở đầu hoặc ở giữa có đặt hai cặp điệp tự (chữ lặp lại).

    Thí dụ:
    Vất vất vơ vơ cũng nực cười,
    Căm căm cúi cúi có hơn người.
    Nay còn chị chị anh anh đó,
    Mai đã ông ông mụ mụ rồi.
    Có có không không lo hết kiếp,
    Khôn khôn dại dại chết xong đời.
    Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,
    Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi.
    (Vô danh)

    Ngủ ngủ là điệp tự, ăn ăn là điệp tự. Ngũ ngủ ăn ăn là song điệp.

    8. Họa vận: Hòa đúng theo 5 vận của bài thơ xướng, để đáp lại ý nghĩa của bài thơ xướng, hoặc đồng tình, hoặc phản đối, hoặc giải đáp. Thí dụ:

    * Bài xướng của Bát Nương hỏi Đức Phạm Hộ Pháp:

    Dám hỏi đại huynh rõ máy Trời,
    Chừng nào ba lửa cháy ba nơi.
    Năm sông đua chảy bao sông cạn,
    Bảy núi nổ tan mấy núi dời.
    Tận thế Long Hoa sao chẳng thấy,
    Cơ Trời ngạt khí có hay thôi.
    Rồng bay ngựa chạy cho ai cỡi,
    Đất dậy chừ bao đổi xác Trời.

    * Đức Phạm Hộ Pháp họa lại, trả lời Bát Nương:

    Hành tàng hư thực tại Cha Trời,
    Đông mậu năm hồ hỏa khắp nơi.
    Châu ngũ khí hòa tan ác nghiệt,
    Thất sơn dấy động Thất sơn dời.
    Thế tiêu xuân kỷ Long Hoa trổ,
    Thưởng phạt cuối cùng Thánh đức thôi.
    Long mã ban vương tiêu trận kỵ,
    Cù phi hải sụp lý thay Trời.

    9. Điệu phú đắc: Trong thơ Thất ngôn bát cú, khó làm nhứt là Điệu phú đắc, nghĩa là: đầu đề bài thơ được ra bằng một câu ca dao, mà trong cặp trạng và cặp luận, phải tránh dùng những chữ trong câu ca dao ấy, còn phá thừa và thúc kết thì không cần tránh.

    Thí dụ: Đầu đề là:

    Mẹ già ở túp lều tranh,
    Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

    Đáp đề:

    Khó nghèo còn mẹ ở lều tranh,
    Trưa sớm thăm lom dạ mới đành.
    Tựa cửa chòi gai ngày lụm cụm,
    Tha mồi chim quạ bữa đinh ninh.
    Buồng the ấm lạnh thương thân lão,
    Chiều sáng rau dưa có mặt mình.
    Nuôi đặng bữa nào mừng bữa nấy,
    Dám đâu lê hoắc đổi công khanh.

    10. - Thủ vĩ ngâm: là bài thơ có câu đầu và câu cuối giống nhau. (Xem chữ: Thủ vĩ ngâm, vần Th).

    - Vận Từ Thứ: là bài thơ có 5 vần được qui định trước là: voi, còi, mòi, roi, thoi. (Xem chữ: Từ Thứ, vần T).

    - Vĩ tam thanh: là bài thơ mà mỗi câu có 3 chữ cuối cùng là 3 tiếng tượng thanh. (Xem chữ: Vĩ tam thanh, vần V).

    X. Bình thơ

    Việc phê bình một bài thơ thì phải cứ theo lệ công mà nói, để vạch rõ chỗ nào hay, chỗ nào dở, nhứt là chỗ thiếu sót cho thấy để sửa chữa thì mới tiến bộ.

    Thí dụ: Phê bình bài thơ sau đây:

    AN BẦN LẠC ĐẠO
    Vui say mùi đạo chán tuồng đời,
    Đạm bạc tương dưa chí thảnh thơi.
    Bầu nước đai cơm nằm chiếu đất,
    Co tay làm gối đắp màn trời.
    Tháng ngày kinh kệ lòng không đổi,
    Khuya sớm mỏ chuông dạ chẳng dời.
    Vui đạo quên nghèo, quân tử chí,
    Mặc dầu biển cả nước đầy vơi.

    Bình thơ:

    1. Câu phá và câu thừa đúng nghệ thuật làm thơ.

    2. Cặp trạng lấy tích ông Nhan Hồi, một đai cơm một bầu nước mà vẫn vui với Đạo. Cặp trạng nầy tỏ rõ đề tài mà không có chữ nào phạm đề. (Đề bài là AN BẦN LẠC ĐẠO thì trong cặp trạng và cặp luận không được dùng các chữ nơi đề bài, nếu có dùng thì gọi là Phạm đề). Cặp trạng có câu trên nói về Lạc Đạo và câu dưới là An Bần, rất đúng đề tài.

    Hai vế: "Bầu nước đai cơm","Co tay làm gối" không đối chữ mà đối ý.

    3. Cặp luận: hai câu của cặp luận gần như có một ý (Hiệp chưởng), và chỉ nói về Lạc Đạo, còn thiếu An Bần.

    Có thể sửa cặp luận như vầy:

    Tháng ngày kinh kệ lòng không mỏi,
    Mặn lạt tương dưa dạ chẳng dời.

    Như vậy, câu đầu luận về Lạc Đạo, câu sau luận về An Bần, thì cặp luận mới đủ ý nghĩa. Lòng không mỏi không điệp ý với dạ chẳng dời.

    Nếu sửa như vậy thì chữ "Mặn lạt tương dưa" lại điệp tự với câu thừa ở trên, nên câu thừa có thể sửa lại là:

    Áo bả hài gai chí thảnh thơi.

    4. Câu Chuyển (thúc) điệp ý với câu Phá (Điệp tứ): Vui say mùi Đạo, Vui Đạo. Vậy nên viết cách khác để tránh lập lại hai chữ mùi Đạo mà vẫn gói ghém được ý của đề bài:

    An phận cần tu cam khổ hạnh.

    5. Câu Kết thì đúng luật làm thơ, khỏi bình.

    Sau khi bình và sửa chữa, bài thơ viết lại như sau:

    AN BẦN LẠC ĐẠO
    Vui say mùi Đạo, chán tuồng đời,
    Áo bã hài gai, chí thảnh thơi.
    Bầu nước đai cơm nằm chiếu đất,
    Co tay làm gối đắp màn trời.
    Tháng ngày kinh kệ lòng không mỏi,
    Mặn lạt tương dưa dạ chẳng dời.
    An phận cần tu cam khổ hạnh,
    Mặc dầu biển cả nước đầy vơi.

    (Theo tài liệu: PHÉP LÀM THƠ của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, có đối chiếu và điều chỉnh vài chữ theo bài thi số 133 của Giáo Sư Thái Đến Thanh trong Văn Thi Hiệp Tuyển, quyển I, trang 54).

  • Thơ hương (Thư hương)

    Thơ hương (Thư hương)

    書香

    A: The perfume of books: The family of scholars.

    P: Le parfum des livres: La famille des lettrés.

    Thơ: Thư: sách, thơ từ, viết. Hương: mùi thơm.

    Thơ hương hay Thư hương là mùi thơm của sách.

    Ý nói: nền nếp nhà nho, con nhà giáo dục.

  • Thơ thới (Thư thái)

    Thơ thới (Thư thái)

    舒泰

    A: Leisurely.

    P: À loisir.

    Thơ: Thư: Huỡn, ung dung. Thới hay Thái: bình yên.

    Thơ thới hay Thư thái là thong thả an vui.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tiết nồng thơ thới hạ khoe sen.

  • Thơ tín vãng lai

    Thơ tín vãng lai

    書信往來

    A: The correspondance.

    P: La correspondance.

    Thơ: Thư: sách, thơ từ, viết. Tín: tin tức. Vãng: đi qua. Lai: tới.

    Thơ tín hay Thư tín là thông báo tin tức bằng thơ từ.

    Thơ tín vãng lai là thơ từ qua lại báo tin cho nhau.

    Tân Luật: Tịnh Thất: Điều 3: Cấm không đặng thơ tín vãng lai với người ngoài, trừ ra thân nhân, song phải có người Tịnh chủ xem trước.

  • Thơ trung hữu ngọc

    Thơ trung hữu ngọc

    書中有玉

    Thơ: Thư: sách, thơ từ, viết. Trung: trong. Hữu: có. Ngọc: đá quí, cũng chỉ người con gái đẹp.

    Thơ trung hữu ngọc: trong sách có ngọc quí. Ý nói:

    ■ Trong sách có ghi lại lời hay ý đẹp và đạo đức quí báu của các bậc Thánh hiền.

    ■ Trong sách có người con gái đẹp, tức là học theo sách cho giỏi, thi đậu ra làm quan, ắt có người kêu gả con gái đẹp.

    Sách Nho có câu:

    Thú thê mạc hận vô lương môi,
    Thư trung hữu nữ nhan như ngọc.

    Nghĩa là:

    Cưới vợ đừng sợ không có mai dong tốt,
    Trong sách có người con gái mặt như ngọc.
  • Thơ viện (Thư viện)

    Thơ viện (Thư viện)

    書院

    A: The library.

    P: La bibliothèque.

    Thơ: Thư: sách, thơ từ, viết. Viện: toà nhà.

    Thơ viện hay Thư viện là tòa nhà lưu trữ các thứ sách, người ta có thể vào đó mượn sách để đọc, nghiên cứu, học hỏi.

  • THỜI

    THỜI

    THỜI: 時 Thời gian, lúc, đương thời, thường.

    Thí dụ: Thời cơ, Thời cuộc, Thời thế.

  • Thời bất ngã đãi

    Thời bất ngã đãi

    時不我待

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Bất: không. Ngã: ta. Đãi: chờ đợi.

    Thời bất ngã đãi: thời gian không chờ đợi ta.

    Thời bất khả thất: Thời cơ không để mất, phải chớp ngay lấy cơ hội.

    Thời bất khả thất cũng có nghĩa là thời gian không nên để cho nó trôi mất, ý nói không bỏ phí thời gian.

    Thời bất tái lai: thời gian qua rồi không trở lại nữa.

  • Thời chỉ thời hành

    Thời chỉ thời hành

    時止時行

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Chỉ: dừng lại. Hành: đi, làm. Thời chỉ: lúc dừng lại, ý nói lúc nên dừng thì dừng. Thời hành: lúc nên đi thì đi, lúc nên làm thì làm.

    Thời chỉ thời hành là lúc nên dừng thì dừng, lúc nên đi thì đi, đó là cách hành xử của người quân tử.

  • Thời cơ

    Thời cơ

    時機

    A: Occasion.

    P: L"occasion.

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Cơ: dịp, cơ hội.

    Thời cơ là cơ hội đúng lúc, rất thuận tiện cho việc làm.

  • Thời cuộc tuần hoàn

    Thời cuộc tuần hoàn

    時局循環

    A: The periodic situation of time.

    P: La situation périodique du temps.

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Cuộc: cái hình thể bày ra. Tuần hoàn: xoay vần lập đi lập lại mãi. Thời cuộc: cuộc diện đương thời, tức là tình hình xảy ra trong lúc nầy.

    Thời cuộc tuần hoàn là cuộc diện đương thời xảy ra có tính cách tuần hoàn, trở đi trở lại.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thời cuộc tuần hoàn tai ách khởi.

  • Thời di tục dị

    Thời di tục dị

    時移俗易

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Di: biến đổi. Tục: phong tục. Dị: thay đổi.

    Thời di tục dị là thời gian biến đổi thì phong tục cũng thay đổi theo.

  • Thời duy Thiên vận

    Thời duy Thiên vận

    時惟天運

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Duy: tiếng dùng để mở đầu một bài văn sớ. Thiên vận: vận trời, vận số của trời.

    Mở đầu bài Sớ Văn: Thời duy Thiên vận Nhâm Tý niên.....: Đương thời là vận trời vào năm Nhâm Tý.....

  • Thời đại

    Thời đại

    時代

    A: The period.

    P: La période.

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Đại: đời.

    Thời đại là một khoảng thời gian dài có xảy ra những sự kiện lịch sử quan trọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Các con ở nhằm thời đại nầy đặng lắm cuộc tân toan.

  • Thời lai

    Thời lai

    時來

    A: The chance is arrived.

    P: La chance est arrivée.

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Lai: tới, đến.

    Thời lai là thời vận (tốt) tới.

    Cổ thi:
    Thời lai phong tống Đằng Vương các,
    Vận khứ lôi oanh Tiến phước bi.

    Nghĩa là:

    Thời vận tới thì gió đưa đến gác Đằng Vương,
    Thời vận đi thì sấm đánh nát bia Tiến phước.

    Câu 1: Nói về việc Vương Bột tới lúc thời vận hanh thông thì có Thần nhân giúp cho một cơn gió là đưa thuyền đến gác Đằng Vương để trổ tài văn chương, nổi tiếng với đời.

    Câu 2: Khi thời vận tốt đi qua rồi thì vận xấu đến, dầu có làm cái bia Tiến phước (dâng phước) thì trời cũng sanh ra sấm đánh tan nát cái bia.

  • Thời mạng bất tề

    Thời mạng bất tề

    時命不齊

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Mạng: vận mạng, số mạng. Tề: bằng nhau.

    Thời mạng bất tề: thời vận và cái mạng số không đi đôi với nhau, tức là khi gặp thời vận tốt thì số mạng lại xấu; lúc số mạng tốt thì lại gặp thời vận xấu.

  • Thời thế tạo anh hùng

    Thời thế tạo anh hùng

    時勢造英雄

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Thế: tình trạng thế lực. Tạo: làm ra. Anh hùng: người có tài đức lập được sự nghiệp vĩ đại.

    Thời thế là có thời vận và thế lực.

    Thời thế tạo anh hùng là nhờ thời vận và thế lực mà xuất hiện người tài giỏi làm nên sự nghiệp lớn, trở thành người anh hùng.

    Cũng có câu: Anh hùng tạo thời thế: nghĩa là người ấy vốn là anh hùng nhưng chưa trổ mặt được, người ấy cần phải tạo ra thời và thế để thành người anh hùng.

  • Thời thừa lục long

    Thời thừa lục long

    時乘六龍

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Thừa: cỡi. Lục long: sáu con rồng.

    Câu kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế:

    Thời thừa lục long,
    Du hành bất tức.

    - Thời thừa lục long: thường cỡi trên sáu rồng.

    - Du hành bất tức: đi khắp nơi không ngừng nghỉ.

    Lục long là sáu rồng, tượng trưng quẻ CÀN trong Kinh Dịch. Trong kinh Dịch, vạch liền là hào dương, vạch đứt là hào âm. Quẻ CÀN, quẻ đầu tiên trong 64 quẻ của Kinh Dịch, có 6 vạch liền tức là 6 hào dương, nên được tượng trưng bằng 6 con rồng, vì rồng có tính dương.

    Tượng của quẻ Càn được Vương Bật thuộc phái huyền học thời Nam Bắc Triều chú giải như sau:

    Thời thừa lục long dĩ ngự Thiên,
    Càn đạo biến hóa các chánh tánh mạng.

    Nghĩa là:

    Luôn luôn cỡi sáu rồng để ngự trị Trời,
    Đạo Càn biến hóa, mỗi vật giữ tánh mạng chơn chánh.

    Dùng chữ Lục long là để chỉ cái sức mạnh của Thượng Đế. Không ai mạnh bằng Trời, Trời ngự trị toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ.

    Đạo Trời luôn luôn biến hóa, vạn vật cũng luôn luôn biến hóa, nhưng vẫn giữ được cái tánh mạng chơn chánh.

    Nơi nóc plafond dù của Tòa Thánh Tây Ninh, ở 9 cấp Cửu Trùng Đài, có tạo hình 6 con rồng đoanh nhau với ba màu đạo: 2 rồng màu vàng, 2 rồng màu xanh và 2 rồng màu đỏ, để tượng trưng hai câu kinh nói trên.

  • Thời thượng

    Thời thượng

    時尚

    A: To be in vogue.

    P: Le goût actuel.

    Thời: Thời gian, lúc, đương thời, thường. Thượng: ưa chuộng.

    Thời thượng là những cái mà người đời đương ưa chuộng.

  • THU

    THU

    1. THU: 秋 Mùa Thu.

    Thí dụ: Thu cúc, Thu phân.

    2. THU: 收 Lấy vào, nhận vào. Xem: Thâu.

  • Thu cúc

    Thu cúc

    秋菊

    A: The chrysanthemum of Autunm.

    P: Le chrysnthème de l"Automne.

    Thu: Mùa Thu. Cúc: bông cúc.

    Thu cúc là bông cúc nở vào mùa Thu.

    Trong mùa Thu, các cây hoa khác đều tiêu sơ, chỉ có cây bông cúc là trổ hoa tươi đẹp, cho nên người ta dùng bông cúc làm đặc trưng cho mùa Thu, và liệt bông cúc vào hàng Tứ quí: Mai, Lan, Cúc, Trúc.

    Hoa cúc được ví với người cao sĩ có tiết tháo.

    Hoa cúc nở rộ vào Trung Thu, do đó tháng tám âm lịch được gọi là Cúc nguyệt hay Cúc ngoạt.

  • Thu phân

    Thu phân

    秋分

    A: The Autumnal equinox.

    P: L"équinoxe d"Automne.

    Thu: Mùa Thu. Phân: chia ra.

    Thu phân là một tiết khí hậu của mùa Thu, có ngày và đêm dài bằng nhau.

    Ngày Thu phân, bên âm lịch thay đổi hằng năm, nhưng bên dương lịch thì gần như không đổi, nhằm ngày 23 hoặc 24 tháng 9 dương lịch.

    Trong một năm có hai tiết đặc biệt: Xuân phân và Thu phân, có ngày và đêm dài bằng nhau.

    Xuân phân nhằm ngày 21 hoặc 22 tháng 3 dương lịch.

    Tiên tri của Đức Lý: Khải ca định phận tại Thu phân.

  • THÙ

    THÙ

    1. THÙ: 殊 Khác, đặc biệt, rất lắm.

    Thí dụ: Thù đồ.

    2. THÙ: 讎 Thù oán, thù địch.

    Thí dụ: Thù hận.

    3. THÙ: 酬 Rót rượu mời, báo đền.

    Thí dụ: Thù tạc.

  • Thù đồ

    Thù đồ

    殊途

    A: The different ways.

    P: Les voies différentes.

    Thù: Khác, đặc biệt, rất lắm. Đồ: đường đi.

    Thù đồ là những con đường đi khác nhau.

    Thường nói: Đồng qui nhi thù đồ, nghĩa là: cùng về một chỗ mà nhiều đường khác nhau. Ý nói: mục đích cuối cùng thì giống nhau, nhưng có nhiều phương tiện khác nhau để đạt đến mục đích ấy.

    Các tôn giáo đều có mục đích giống nhau là đưa con người đến chỗ tận thiện tận mỹ, nhưng mỗi vị Giáo chủ lập ra mỗi giáo lý khác nhau, vì trình độ nhơn sanh không đồng đều nhau. Những cuộc chiến tranh tôn giáo là điều hết sức phi lý, do phàm nhân sắp đặt.

  • Thù hận

    Thù hận

    讎恨

    A: The hate.

    P: La haine.

    Thù: Thù oán, thù địch. Hận: oán giận.

    Thù hận là oán giận sâu sắc, phải trả thù mới hả dạ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tinh thần đạo đức đã tiêu mất, sự thù hận tràn ngập hoàn cầu.

  • Thù lao

    Thù lao

    酬勞

    A: To reward.

    P: Récompenser.

    Thù: Rót rượu mời, báo đền. Lao: công lao.

    Thù lao là đền đáp công lao khó nhọc. Tiền thù lao là tiền mà người chủ trả công cho những người giúp việc.

  • Thù năng

    Thù năng

    殊能

    A: The extraordinary capacity.

    P: La capacité extraordinaire.

    Thù: Khác, đặc biệt, rất lắm. Năng: khả năng, tài năng.

    Thù năng là tài năng đặc biệt khác thường.

  • Thù tạc

    Thù tạc

    酬酢

    A: To exchange toasts.

    P: Échanger des toasts.

    Thù: Rót rượu mời, báo đền, chủ rót rượu mời khách. Tạc: khách rót rượu mời lại chủ.

    Thù tạc là chủ và khách mời nhau uống rượu thân mật.

    Ý nói: sự giao tiếp trong xã hội phải có qua có lại mới công bằng và tốt đẹp lâu dài.

    Tân Luật: Thế Luật: Điều 5: Đối với hàng Đạo hữu, phải nuôi nấng cái tình thù tạc với nhau cho khắng khít cái dây liên lạc.

  • Thù thắng

    Thù thắng

    殊勝

    A: Over-eminent.

    P: Sur-éminent.

    Thù: Khác, đặc biệt, rất lắm. Thắng: hơn, được.

    Thù thắng là hơn hết, ưu việt đặc biệt.

    Sự chi siêu tuyệt mà trên đời ít có, gọi là Thù thắng.

    Thù thắng hạnh: Hạnh tu chẳng ai bằng.

    Thù thắng trí: Trí huệ sáng suốt cao tuyệt.

  • THÚ

    THÚ

    1. THÚ: 首 Chịu nhận tội.

    Thí dụ: Thú tội.

    2. THÚ: 獸 Động vật chạy trên mặt đất.

    Thí dụ: Thú cầm, Thú tánh.

    3. THÚ: 趣 Ý vị, hứng thú.

    Thí dụ: Thú vị.

  • Thú cầm

    Thú cầm

    獸禽

    A: The beats and birds.

    P: Les bêtes et volatiles.

    Thú: Động vật chạy trên mặt đất. Cầm: loài chim.

    Thú cầm hay Cầm thú là loài thú vật trên mặt đất và loài chim có cánh. Thú cầm là chỉ chung các loài động vật.

    Thú cầm hồn: hồn của loài động vật. Thú cầm có được 2 phần hồn: sanh hồn và giác hồn. Khi thú cầm tiến hóa lên phẩm nhơn loại thì nó có thêm một phần hồn nữa, gọi chung là Tam hồn: sanh hồn, giác hồn và linh hồn.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Từ thú cầm xuống vật chất thì hàng phàm tục (classe des impurs).

  • Thú tánh

    Thú tánh

    獸性

    A: Animality, bestiality.

    P: Animalité, bestialité.

    Thú: Động vật chạy trên mặt đất. Tánh: tánh chất.

    Thú tánh là tánh chất như loài thú vật.

    Thú tánh cũng có nghĩa là tánh chất hung bạo và ham muốn khoái lạc xác thịt như thú vật.

  • Thú tội

    Thú tội

    首罪

    A: To confess sin.

    P: Avouer sa faute.

    Thú: Chịu nhận tội. Tội: tội lỗi.

    Thú tội là thú nhận hết các tội lỗi đã gây ra.

    Thú nhận: nhìn nhận các việc đã làm.

  • Thú vị

    Thú vị

    趣味

    A: Interesting.

    P: Intéressant.

    Thú: Ý vị, hứng thú. Vị: ý vị.

    Thú vị là ý vị hứng thú.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Mình biết phận mình an thú vị.

  • THỦ

    THỦ

    1. THỦ: 首 Cái đầu, đứng đầu.

    Thí dụ: Thủ khoa.

    2. THỦ: 守 Gìn giữ.

    Thí dụ: Thủ bổn, Thủ phận.

    3. THỦ: 手 Tay, cầm bằng tay.

    Thí dụ: Thủ cơ, Thủ túc.

    4. THỦ: 取 Nhận lấy, chọn, dùng.

    Thí dụ: Thủ tiêu.

  • Thủ bộ

    Thủ bộ

    守簿

    A: To guard the registers.

    P: Garder les registres.

    Thủ: Gìn giữ. Bộ: sổ sách.

    Thủ bộ là gìn giữ sổ sách.

    Thủ bộ đời của Đạo: gìn giữ các sổ sách về phần Thế đạo của các tín đồ như: Bộ Sanh, Bộ Tử, Bộ Hôn phối...

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Bộ Sanh, Bộ Tử, Bộ Hôn phối, Sổ Nhập môn, hay là Trục xuất của cả tín đồ đều về phần Giáo Sư nắm giữ. Giáo Sư là người thủ bộ đời của Đạo, quyền hành đã nhứt định, chẳng Chức sắc nào đoạt đặng.

  • Thủ bổn

    Thủ bổn

    守本

    A: The cashier.

    P: Le caissier.

    Thủ: Gìn giữ. Bổn: Bản: tiền vốn.

    Thủ bổn là người có phận sự giữ tiền của một cơ quan trong Đạo. Các cơ quan đời gọi Thủ bổn là: Thủ quỹ.

    Bàn Cai Quản nhà sở Phước Thiện Chánh tại mỗi Tộc Đạo có một vị Thủ bổn, theo Đạo luật năm Mậu Dần, vị Thủ bổn ấy có phận sự như sau:

    1. Thủ bổn lãnh phần việc bút toán và biên bản sổ thâu xuất cho Bàn Cai Quản xem xét trong mỗi kỳ nhóm lệ.

    Thủ bổn chịu trách cứ về số tiền mình giữ và không đặng phép xuất chi phí nào mà không có Chủ trưởng hay là Phó Chủ trưởng thế quyền chứng kiến.

    2. Thủ bổn gìn giữ:

    · Sổ thâu xuất (thâu xuất phải biên hằng ngày và cộng chung mỗi tháng).

    · Một cuốn sổ ghi công quả.

    · Một cuốn sổ biên tài sản.

    · Một cuốn sổ cấp tế những người cô quả, bịnh hoạn, đói khổ, già cả, tật nguyền, góa bụa và quan hôn tang tế.

    3. Lúc nào Bàn Cai Quản muốn xem xét thì Thủ bổn phải bày các sổ sách. Bất hạn lúc nào, Chủ trưởng cũng có quyền xem xét sổ sách và tiền bạc.

    4. Mỗi kỳ nhóm thường lệ, Thủ bổn phải lược thuật sự quản suất tài chánh cho rõ ràng.

  • Thủ bút - Thủ mặc

    Thủ bút - Thủ mặc

    手筆 - 手墨

    A: Autograph.

    P: L"Autographe.

    Thủ: Tay, cầm bằng tay. Bút: viết. Mặc: mực, nét chữ.

    Thủ bút là chữ viết do chính tay mình viết ra.

    Thủ mặc là nét chữ do chính tay mình viết ra.

  • Thủ cơ

    Thủ cơ

    手機

    A: To lift lightly the billed basket.

    P: Soulever légèrement la corbeille à bec.

    Thủ: Tay, cầm bằng tay. Cơ: cái máy. Ở đây có nghĩa là cây Ngọc cơ để cầu các Đấng thiêng liêng.

    Thủ cơ là hai tay nâng Ngọc cơ để các Đấng thiêng liêng giáng điển vào làm cơ chuyển động viết ra chữ, tạo thành một bài Thánh giáo. (Xem chi tiết: Cơ bút, vần C)

  • Thủ cựu

    Thủ cựu

    守舊

    A: Conservative.

    P: Conservateur.

    Thủ: Gìn giữ. Cựu: cũ, xưa.

    Thủ cựu là khư khư giữ lấy cái cũ, không chịu theo mới.

    Trái với Thủ cựu là Duy tân.

  • Thủ giải trường tồn

    Thủ giải trường tồn

    守解長存

    Thủ: Gìn giữ. Giải: cái treo lên để làm phần thưởng. Trường tồn: tồn tại lâu dài, tức là hằng sống.

    Phật Mẫu Chơn Kinh: Chưởng đào tiên thủ giải trường tồn.

    Nghĩa là: Đức Phật Mẫu chưởng quản vườn đào tiên, gìn giữ để làm phần thưởng hằng sống cho những chơn hồn có đầy đủ công đức trở về cõi thiêng liêng đến bái kiến Đức Phật Mẫu. Chơn hồn nào được ăn quả đào tiên thì được trường tồn.

  • Thủ khẩu như bình

    Thủ khẩu như bình

    守口如瓶

    A: To be silent.

    P: Se taire.

    Thủ: Gìn giữ. Khẩu: miệng. Như: giống như. Bình: cái lọ.

    Thủ khẩu như bình là giữ cái miệng mình giống như cái miệng bình. Ý nói: giữ im lặng (vì cái miệng bình không biết nói).

    Ông Châu Tử nói rằng:

    Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành,
    Thị phi chỉ vị đa khai khẩu,
    Phiền não giai nhơn cưỡng xuất đầu.

    Nghĩa là:

    Giữ miệng như miệng bình, ngừa ý như giữ thành.
    Chuyện thị phi chỉ vì mở miệng nói nhiều,
    Phiền não đều do sự gắng gượng mà ra trước hết.

    Ý nói: Cần phải gìn giữ lời nói, không nên phát ngôn bừa bãi, nói ra câu nào thì phải suy nghĩ cẩn thận, cần thì nói, không cần thì đừng nói, bởi vì việc thị phi đều do lời nói gây ra.

    Cho nên cổ nhân nói: Đa ngôn đa quá: nói nhiều thì lỗi nhiều. Nên cẩn thận lời nói và nên nói ít.

  • Thủ khoa

    Thủ khoa

    首科

    A: First laureate.

    P: Premier lauréat.

    Thủ: Cái đầu, đứng đầu. Khoa: khoa thi, kỳ thi.

    Thủ khoa là người thi đậu đứng đầu trong một kỳ thi.

  • Thủ lễ

    Thủ lễ

    守禮

    A: To observe etiquette.

    P: Observer la politesse.

    Thủ: Gìn giữ. Lễ: lễ phép.

    Thủ lễ là gìn giữ sự lễ phép đối với bực bề trên để tỏ lòng kính trọng.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khi cầu các Đấng phải ráng thủ lễ.

  • Thủ phạm

    Thủ phạm

    首犯

    A: The principal culprit.

    P: Le principal coupable.

    Thủ: Cái đầu, đứng đầu. Phạm: phạm pháp, có tội.

    Thủ phạm là kẻ tội phạm chánh trong một vụ phạm pháp.

  • Thủ phận

    Thủ phận

    守分

    A: To be content with one"s lot.

    P: Se contenter de son sort.

    Thủ: Gìn giữ. Phận: số phận.

    Thủ phận là giữ phận mình, bằng lòng với số phận hiện tại của mình, không vọng cầu điều gì khác.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Bởi vậy cho nên nhiều bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật cam lòng thủ phận, chẳng dám vọng cầu....

  • Thủ tiết

    Thủ tiết

    守節

    A: To keep one"s chastity.

    P: Garder sa chasteté.

    Thủ: Gìn giữ. Tiết: lòng dạ cứng cỏi không chịu khuất.

    Thủ tiết là gìn giữ khí tiết.

    Đối với người đàn bà góa mà vẫn ở vậy nuôi con, không lấy chồng khác thì gọi là Tiết phụ.

  • Thủ tiêu

    Thủ tiêu

    取消

    A: To abolish.

    P: Abolir.

    Thủ: Nhận lấy, chọn, dùng. Tiêu: mất.

    Thủ tiêu là hủy bỏ, làm mất hiệu lực không còn giá trị.

  • Thủ trường bổ đoản

    Thủ trường bổ đoản

    取長補短

    Thủ: Nhận lấy, chọn, dùng. Trường: dài, sở trường. Bổ: bù vào. Đoản: ngắn, sở đoản.

    Thủ trường bổ đoản là lấy cái dài bổ sung cho cái ngắn, lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu, lấy cái sở trường của người nầy bổ sung cho cái sở đoản của người khác.

  • Thủ túc

    Thủ túc

    手足

    A: Hands and feet.

    P: Mains et pieds.

    Thủ: Tay, cầm bằng tay. Túc: chơn.

    Thủ túc là tay và chơn.

    ■ Thủ túc là chỉ anh em ruột với nhau, vì có câu: Huynh đệ như thủ túc: anh em như thể tay chơn.

    ■ Thủ túc là tay chơn của mình, ý nói những người vây cánh trung thành với mình.

    Ông Trang Tử có nói rằng:

    Huynh đệ như thủ túc, phu phụ như y phục.
    Y phục phá thời cánh đắc tân,
    Thủ túc đoạn thời nan tái tục.

    Nghĩa là:

    Anh em như tay chơn, vợ chồng như quần áo.
    Quần áo rách thì lại may mới được,
    Tay chân lìa thì không nối lại được.

    Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần: Niềm thủ túc đã đành vĩnh biệt.

  • Thủ từ - Thủ tự

    Thủ từ - Thủ tự

    守祠 - 守寺

    A: The temple guardian - The pagoda guardian.

    P: Le gardien de temple - Le gardien de pagode.

    Thủ: Gìn giữ. Từ: cái đền thờ. Tự: cái chùa.

    Thủ từ là người gìn giữ và lo việc hương khói trong một đền thờ, thường gọi là ông từ.

    Thủ tự là người gìn giữ và lo việc hương khói trong chùa.

  • Thủ vĩ ngâm

    Thủ vĩ ngâm

    首尾吟

    Thủ: Cái đầu, đứng đầu. Vĩ: đuôi. Ngâm: ngâm thơ.

    Thủ vĩ ngâm là một lối thơ đường luật thất ngôn bát cú mà câu đầu và câu cuối giống nhau.

    Thí dụ: Các bài thơ xướng họa sau đây của Thất Nương và Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh, lúc khởi đầu xây bàn thỉnh Tiên.

    Bài thơ xướng của Thất Nương tá danh Đoàn Ngọc Quế:

    THÁC VÌ TÌNH
    Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai,
    Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
    Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
    Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
    Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
    Tơ tóc thôi rồi nghĩa trước mai.
    Dồn dập tương tư oằn một gánh,
    Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai.
    HỌA VẬN
    Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai,
    Trời xanh vội lấp nữ anh tài.
    Tình thâm một gánh còn dương thế,
    Oan nặng ngàn thu xuống dạ đài.
    Để thảm xuân đường như ác xế,
    Gieo thương lữ khách ngóng tin mai.
    Hềm gì chưa rõ đầu đuôi thế,
    Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai.
    Phạm Công Tắc
    ***
    Rằng liễu khóc oanh có mấy ai,
    Mộ người quốc sắc, đấng thiên tài.
    Nhìn văn độ phẩm hàng khuê các,
    Xót bạn tri âm cõi dạ đài.
    Ngàn dặm hoa trôi sầu cụm trước,
    Một mồ cỏ loáng ủ nhành mai.
    Cửu tuyền hồn Quế xin linh chứng,
    Rằng liễu khóc oanh có mấy ai.
    Cao Quỳnh Cư
    ***
    Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai,
    Nông nổi nghĩ thôi tiếc bấy tài.
    Ngọc thốt dám bì trang tuấn kiệt,
    Vàng rơi nghiêng chạnh khách Chương đài.
    Những ngờ duyên thắm trao phòng bích,
    Hay nỗi xương tàn xủ giậu mai.
    Một dải đồng tâm bao thuở nối,
    Nửa chừng xuân gãy tủi thâm ai.
    Cao Hoài Sang.
  • Thủ xướng

    Thủ xướng

    首唱

    A: The promoter.

    P: Le promoteur.

    Thủ: Cái đầu, đứng đầu. Xướng: khởi ra trước hết.

    Thủ xướng là người đề xướng ra trước hết.

  • THUẦN

    THUẦN

    THUẦN: 純 Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp.

    Thí dụ: Thuần hậu, Thuần phong.

  • Thuần hậu

    Thuần hậu

    純厚

    A: Simple and kind.

    P: Simple et doux.

    Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Hậu: dày dặn.

    Thuần hậu là thành thật và hiền lành.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nơi xứ nầy dân tình thuần hậu và ôn hòa.

  • Thuần khiết

    Thuần khiết

    純潔

    A: Perfectly pure.

    P: Parfaitement pur.

    Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Khiết: trong sạch.

    Thuần khiết là hoàn toàn trong sạch.

  • Thuần lương

    Thuần lương

    純良

    A: Good and honest.

    P: Bon et honnête.

    Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. lương: tốt.

    Thuần lương là thành thật và có lòng tốt.

  • Thuần lý

    Thuần lý

    純理

    A: Pure reason.

    P: Raison pure.

    Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Lý: lý lẽ.

    Thuần lý là chỉ chuyên về mặt lý lẽ do trí não nhận biết, chớ không căn cứ vào thực tế kinh nghiệm.

  • Thuần phong mỹ tục

    Thuần phong mỹ tục

    純風美俗

    A: The simple and good manners.

    P: Les moeurs bonnes et simples.

    Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Phong: lề thói. Mỹ: đẹp. Tục: thói quen. Thuần mỹ là thành thật và tốt đẹp.

    Thuần phong mỹ tục là phong tục tốt đẹp và lành mạnh.

  • Thuần tâm mỹ tánh

    Thuần tâm mỹ tánh

    純心美性

    Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Tâm: lòng dạ. Tánh: tánh nết.

    Thuần tâm mỹ tánh là lòng dạ chơn thật và tánh nết tốt đẹp.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Rèn trau cho thuần tâm mỹ tánh rồi mới lần đến bề ngoài.

  • Thuần thành

    Thuần thành

    純誠

    A: Sincere.

    P: Sincère.

    Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Thành: thành thật.

    Thuần thành là hoàn toàn chơn thật, không pha chút xảo trá nào.

  • Thuần túy

    Thuần túy

    純粹

    A: Pure.

    P: Pur.

    Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Túy: chỉ có một chất.

    Thuần túy là hoàn toàn tinh ròng một thứ.

    Thuần túy tu hành: chỉ biết lo việc tu hành mà thôi, hoàn toàn không biết việc gì khác.

  • Thuấn Đế

    Thuấn Đế

    蒂帝

    Thuấn Đế là vua Thuấn, một vị vua nhân đức thời thượng cổ nước Tàu. (Xem chi tiết: Nghiêu-Thuấn, vần Ng)

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Gương đạo noi theo đời Thuấn Đế.

  • THUẬN

    THUẬN

    THUẬN: 順 Vui lòng theo, không trái ngược.

    Thí dụ: Thuận căn thuận mạng, Thuận thủy.

  • Thuận căn thuận mạng

    Thuận căn thuận mạng

    順根順命

    Thuận: Vui lòng theo, không trái ngược. Căn: gốc rễ. Mạng: mạng sống của mình.

    Cái Căn của con người là ở nơi kiếp trước, nếu kiếp trước làm điều lương thiện thì có căn lành (Thiện căn), mà căn lành thì tạo nghiệp lành, và chính cái nghiệp nầy tạo ra cái số phận của mình trong kiếp sống hiện tại. Mỗi người hiện diện nơi cõi trần nầy là do còn nghiệp, nếu dứt nghiệp thì trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Còn cái mạng sống của con người là do chơn linh tạo ra, mà chơn linh là điểm linh quang của Đức Chí Tôn ban cho.

    Thuận căn là thuận theo cái số phận của mình, tức là thuận theo cái nghiệp của mình, để lo trả cho dứt nghiệp.

    Thuận mạng là thuận theo cái mạng sống của mình, tức là thuận theo chơn linh, mà thuận chơn linh là hợp Thiên lý.

    Kinh Tắm Thánh: Thuận căn thuận mạng đôi đường cao thăng.

  • Thuận nhơn tâm

    Thuận nhơn tâm

    順人心

    A: To be in accordance with the human hearts.

    P: Être d"accord avec les coeurs humains.

    Thuận: Vui lòng theo, không trái ngược. Nhơn tâm: lòng người.

    Thuận nhơn tâm là thuận theo lòng người.

    Kinh Nhập Hội:
    Thuận nhơn tâm ắt thuận Trời,
    Câu kinh Vô Tự độ người thiện duyên.
  • Thuận Thiên giả tồn

    Thuận Thiên giả tồn

    順天者存

    Thuận: Vui lòng theo, không trái ngược. Thiên: Trời. Giả: ấy là. Tồn: còn.

    Thuận Thiên giả tồn: thuận theo Trời thì tồn tại.

    Mạnh Tử nói: Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong. Nghĩa là: Thuận theo Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất.

  • Thuận thủy hành châu

    Thuận thủy hành châu

    順水行舟

    Thuận: Vui lòng theo, không trái ngược. Thủy: nước. Hành: đi. Châu: Chu: thuyền.

    Thuận thủy hành châu là tùy theo dòng nước mà đi thuyền.

    Ý nói: việc làm như chiếc thuyền, hoàn cảnh giống như dòng nước. Việc làm phải thuận theo hoàn cảnh thì mới dễ thành công.

  • Thuật nhi bất tác

    Thuật nhi bất tác

    述而不作

    Thuật: chép lại hay kể lại theo chuyện cũ. Nhi: mà. Bất: không. Tác: sáng tác, làm ra cái mới.

    Thuật nhi bất tác là theo chuyện cũ mà chép lại, chớ không sáng tác ra điều gì mới.

    Đức Khổng Tử, sau khi từ nước Vệ trở về nước Lỗ, thì không cầu việc ra hành chánh để thực hiện cái đạo của Ngài, mà Ngài chủ trương ở nhà dạy học và san định kinh sách của đời trước truyền lại cho rõ ràng và chính xác.

    Chủ ý của Ngài muốn phát huy cái Đạo của Thánh hiền đời trướcvà đem cái Đạo ấy ra dạy cho người, chớ Ngài không có ý tạo ra một mối Đạo mới, tức là Ngài chỉ muốn phục hưng Đạo Nho đời trước để làm cho đời được đạo đức thuần lương.

    Cho nên khi san định kinh sách, Đức Khổng Tử nói rằng: "Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ, thiết tỉ ư ngã Lão Bành." Nghĩa là: Thuật lại cái cái Đạo của Thánh hiền mà tự mình không tạo tác ra cái gì mới, tin mà thích cái Đạo thời xưa, ta trộm ví như ông Lão Bành. (Luận Ngữ: Thuật nhi, VII)

    Lão Bành là quan đại phu giỏi đời nhà Thương, hay thuật lại những việc đời xưa mà không làm ra điều gì mới lạ.

    Cái Đạo của Thánh hiền đời xưa ghi chép đầy đủ trong các sách: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Đức Khổng Tử nghiên cứu các sách ấy, xếp đặt lại cho có thứ tự rõ ràng, giải thích những chỗ khó hiểu, phát minh ra cái ý nghĩa sâu xa mà Thánh nhân muốn đặt vào trong đó.

    Đức Khổng Tử đã phục hưng Nho giáo, lập thành một hệ thống giáo lý chặt chẽ, một triết lý cao siêu, đưa Nho giáo lên đứng ngang hàng với Lão giáo và Phật giáo.

  • THÚC

    THÚC

    THÚC: 束 Bó, bó buộc.

    Thí dụ: Thúc phược, Thúc thủ.

  • Thúc bách

    Thúc bách

    A: To press.

    P: Presser.

    Thúc: (nôm) thúc giục cho mau. Bách (nho): bắt ép, cần kíp.

    Thúc bách là thúc giục bức bách, thúc giục ráo riết.

  • Thúc phược

    Thúc phược

    束縛

    A: To attach.

    P: Attacher.

    Thúc: Bó, bó buộc. Phược: Phọc: trói bằng dây.

    Thúc phược hay Thúc phọc là trói buộc, bó buộc.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Chúng ta chịu trong vòng thúc phược của Tứ khổ.

  • Thúc thủ

    Thúc thủ

    束手

    A: To tie one"s hands.

    P: Se croiser ses bras.

    Thúc: Bó, bó buộc. Thủ: tay.

    Thúc thủ là bó tay, không cách gì xoay sở được nữa.

  • Thục mạng - Thục tội

    Thục mạng - Thục tội

    贖命 - 贖罪

    A: To redeem one"s life - To redeem one"s sin.

    P: Racheter sa vie - Racheter son péché.

    Thục: chuộc (tội), chuộc (vật gì đã cầm thế). Mạng: mạng sống. Tội: tội lỗi.

    Thục mạng là chuộc mạng, đem tiền chuộc mạng sống để khỏi bị giết chết. Thục mạng còn có nghĩa là liều mạng, không kể gì đến mạng sống.

    Thục tội là chuộc tội, lấy công chuộc tội.

  • Thục nữ

    Thục nữ

    淑女

    A: The virtuous young girl.

    P: La jeune fille vertueuse.

    Thục: hiền lành, có đức tốt. Nữ: con gái.

    Thục nữ là con gái hiền lành và có đức tốt.

    Trong Kinh Thi có bài thơ:

    Quan quan thư cưu, Tại hà nhi châu,
    Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cừu.

    Nghĩa là:

    Chim thư cưu kêu quan quan, Tại nơi bãi sông,
    Người con gái nết na yểu điệu, Đẹp đôi cùng quân tử.
  • Thung đường - Thung huyên

    Thung đường - Thung huyên

    椿堂 - 椿萱

    A: Father - The parents.

    P: Père - Les parents.

    Thung: cây thung, đúng ra phải đọc là Xuân: cây xuân, nhưng thường đọc lầm là Thung nên quen. Cây Thung hay cây Xuân là loại cây to sống lâu năm, nên được ví với người cha vì con cái muốn cho cha sống lâu. ĐƯỜNG: cái nhà. Huyên là cỏ huyên, chỉ người mẹ. (Xem: Huyên đường)

    Thung đường là nhà thung, chỉ người cha.

    Huyên đường là nhà huyên, chỉ người mẹ.

    Thung huyên là chỉ cha mẹ.

  • Thùy từ mẫn khổ

    Thùy từ mẫn khổ

    垂慈憫苦

    Thùy: ở trên cúi xuống, người trên đối với người dưới. Từ: lòng thương yêu của người trên đối với kẻ dưới. Mẫn: thương xót. Khổ: đau khổ.

    Thùy từ mẫn khổ là rủ lòng nhơn từ thương người khổ nạn.

    ng: Ứng mộng bảo sanh, thùy từ mẫn khổ.

  • THỦY

    THỦY

    1. THỦY: 水 Nước.

    Thí dụ: Thủy ách, Thủy triều.

    2. THỦY: THỈ: 始 trước hết, bắt đầu.

    Thí dụ: Thủy tổ.

  • Thủy ách - Thủy tai

    Thủy ách - Thủy tai

    水厄 - 水災

    A: The calamities of water.

    P: Les calamités de l"eau.

    Thủy: Nước. Ách: tai nạn. Tai: tai nạn, tai họa.

    Thủy ách, đồng nghĩa Thủy tai, là chỉ chung tai nạn do nước gây ra, như: chết đuối, chìm tàu, lụt lội, sóng thần,....

    Thủy tai là một trong Tam tai: Thủy tai, Hỏa tai, Phong tai.

    Thông thường, Thủy ách là nói về chết đuối, Thủy tai là nói về nước lụt.

  • Thủy chung như nhứt

    Thủy chung như nhứt

    始終如一

    Thủy: trước hết, bắt đầu. Chung: hết, sau cùng. Như nhứt: như một. Thủy chung: trước và sau, đầu và cuối.

    Thủy chung như nhứt là trước sau như một, không bao giờ thay đổi lòng dạ.

  • Thủy khả dĩ tải châu, thủy khả dĩ phúc châu

    Thủy khả dĩ tải châu, thủy khả dĩ phúc châu

    水可以載舟,水可以覆舟

    Thủy: Nước. Khả dĩ: có thể. Châu: Chu: thuyền, ghe. Phúc: Phú: lật lại, nghiêng đổ. Tải: chở.

    Thủy khả dĩ tải châu: nước có thể chở thuyền.

    Thủy khả dĩ phúc châu: nước có thể làm thuyền lật úp.

  • Thủy mặc

    Thủy mặc

    水墨

    A: Chinese ink drawing.

    P: Dessin à l"encre de Chine.

    Thủy: Nước. Mặc: mực đen, mực tàu.

    Thủy mặc là mực tàu hòa với nước.

    Tranh thủy mặc là những bức tranh vẽ bằng mực tàu.

  • Thủy thổ

    Thủy thổ

    水土

    A: Local climate.

    P: Le climat.

    Thủy: Nước. Thổ: đất.

    Thủy thổ là khí hậu, phong thổ ở một nơi.

  • Thủy tổ (Thỉ tổ)

    Thủy tổ (Thỉ tổ)

    始祖

    A: The first ancestor.

    P: Le premier ancêtre.

    Thủy: Thỉ: trước hết, bắt đầu. Tổ: ông tổ, người đầu tiên.

    Thủy tổ là ông tổ đầu tiên.

  • Thủy triều

    Thủy triều

    水朝

    A: The tide.

    P: La marée.

    Thủy: Nước. Triều: nước sông, nước biển khi lớn khi ròng.

    Thủy triều là hiện tượng mực nước biển hay mực nước sông khi dâng lên hay khi rút xuống mỗi ngày đêm hai lần.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Công chỉ dẫn của Thầy phải lửng đửng theo giọt thủy triều.

  • Thụy hiệu

    Thụy hiệu

    謚號

    A: The posthumous title.

    P: Le titre posthume.

    Thụy: tên mà người đời sau đặt cho người chết căn cứ vào đức hạnh và hành vi của người đó lúc còn sống. Hiệu: tên đặt ra để gọi.

    Thụy hiệu là tên hiệu mà người đời sau đặt cho một người đã chết, căn cứ vào tánh đức và những việc làm của người đó lúc còn sống.

    Thí dụ: Thụy hiệu của Đức Khổng Tử là: Khổng Thánh Tiên Sư.

  • Thụy vũ (Thoại võ)

    Thụy vũ (Thoại võ)

    瑞雨

    A: The opportune rain.

    P: La pluie opportune.

    Thụy: Thoại: điềm lành, tốt. Vũ: Võ: mưa.

    Thụy vũ là mưa lành, đám mưa đúng lúc phải thời.

  • Thuyên bổ - Thuyên chuyển

    Thuyên bổ - Thuyên chuyển

    銓補 - 銓轉

    A: To nominate - To exchange.

    P: Nommer - Échanger.

    Thuyên: lựa chọn người để bổ đi làm việc. Bổ: dùng người để sung vào một chức vụ. Chuyển: dời đi.

    Thuyên bổ là lựa chọn Chức sắc để bổ đi hành đạo ở các địa phương.

    Thuyên chuyển là đổi Chức sắc từ một nhiệm sở nầy đến một nhiệm sở khác.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Giáo Hữu đặng quyền dâng sớ cho bề trên xin chế giảm luật lệ; biết đâu ngày kia, các vị ấy còn phải thuyên bổ đi phổ thông chơn đạo Thầy trong một nước hay một dân tộc.

  • Thuyên giảm

    Thuyên giảm

    痊減

    A: The illness has abated.

    P: La maladie est en rémission.

    Thuyên: giảm bịnh.

    Thuyên giảm là bịnh đã bớt đi.

  • THUYỀN

    THUYỀN

    1. THUYỀN: 船 Chỉ chung các loại thuyền, tàu, ghe đi lại trên biển hay trên sông.

    Thí dụ: Thuyền sen, Thuyền thơ, Thuyền từ.

    2. THUYỀN: THIỀN: 嬋 dáng xinh đẹp.

    Thí dụ: Thuyền quyên.

  • Thuyền Bát Nhã

    Thuyền Bát Nhã

     

    船若般

    A: The boat of sageness (of salvation), Dragon-boat of Caodaism.

    P: La barque de sagesse (de salvation), La barque en forme d"un dragon du Caodaïsme.

    Thuyền: Chỉ chung các loại thuyền, tàu, ghe đi lại trên biển hay trên sông. Bát Nhã: do phiên âm từ tiếng Phạn: Prajnâ, dịch ra hán văn là Trí huệ, nghĩa là sự hiểu biết rốt ráo, thông suốt tất cả từ cõi người đến cõi trời. Từ ngữ Trí huệ chưa đạt hết ý nghĩa của chữ Prajnâ (Bát Nhã), nên các nhà tôn giáo vẫn thường dùng danh từ Bát Nhã hơn là Trí huệ.

    Bát Nhã là trí huệ bực nhứt, thoát ra và vượt lên khỏi Tham, Sân, Si, dứt các mê lầm, tự mình thông đạt, tự mình hiểu biết hết các lẽ. Đạt được Trí huệ Bát Nhã là đắc đạo.

    Thuyền Bát Nhã là chiếc thuyền Trí huệ do pháp nhiệm của Phật tạo nên để rước các chơn hồn đắc đạo lên cõi Cực Lạc Thế giới.

    Thuyền Bát Nhã là từ ngữ để nói ví dụ so sánh. Con người sống trong cõi trần đầy ô trược nên bị tấm màn vô minh che lấp, để cho lục dục thất tình cám dỗ khiến sai. Chừng nào phá bỏ được tấm màn vô minh ấy thì vượt lên khỏi sự cám dỗ của lục dục thất tình, trở lại làm chủ chúng nó,lúc đó con người hết vô minh, tức nhiên đạt được Trí huệ, và cái Trí huệ ấy ví như chiếc Thuyền Bát Nhã, đưa con người đến cõi Cực Lạc Niết Bàn, đắc đạo thành Tiên Phật.

    Trong thời Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, Thuyền Bát Nhã do Đức Phật Di-Lạc làm chủ thuyền, rước các chơn hồn có đầy đủ công đức, vượt qua bể khổ, thoát khỏi luân hồi, đến cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống mà Phật gọi là Cực Lạc Niết Bàn, Tiên gọi là Bồng Lai Tiên cảnh mà an hưởng những điều cực lạc.

    Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, có 4 câu thơ tả Thuyền Bát nhã:

    Khuôn thuyền Bát nhã chẳng hề chìm,
    Nổi quá như bông, nặng quá kim.
    Có đạo trong muôn ngồi cũng đủ,
    Không duyên một đứa cũng là chìm.

    Theo thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp, trên sông Ngân Hà, một nhánh của biển khổ nơi cõi thiêng liêng, Đức Quan Âm Bồ Tát vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương Phật, chèo chiếc Thuyền Bát Nhã qua lại để độ sanh, rước những người đầy đủ phước đức đi qua biển khổ, đến cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

    Theo bài thài hiến lễ Tam Nương trong Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, Tam Nương cũng có nhiệm vụ chèo chiếc Thuyền Bát Nhã rước người phước đức vượt qua biển khổ:

    Biển mê lắt lẻo con thuyền,
    Chở che khách tục, cửu tuyền ngăn sông.

    Trong truyện Tây Du Ký, khi thầy trò Tam Tạng đến bến Lăng Vân, không thể đi lên cầu để qua bờ bên kia được. Đang lúc bối rối thì có vị Phật là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn chèo chiếc thuyền không đáy tới rước. Tam Tạng thấy thuyền không đáy nên không dám bước xuống, Tề Thiên Đại Thánh bỗng xô Tam Tạng một cái, Tam Tạng ngã xuống nước, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đỡ Tam Tạng lên thuyền, và chèo thuyền qua sông, khi đến giữa sông thì gặp một xác người đang trôi xuống, xem kỹ thì đó chính là xác phàm của Tam Tạng. Tiếp Dẫn Đạo Nhơn chúc mừng Tam Tạng, đã bỏ xác trần, đắc thành Phật vị.

    Thuyền qua đến bờ bên kia, Tam Tạng nhẹ nhàng bước lên bờ cùng với ba đồ đệ. Khi quay nhìn lại, thấy con thuyền và vị Phật ấy đều biến mất. Thế mới gọi là pháp trí huệ quảng đại đưa thầy trò lên bờ Cực Lạc.

    Con thuyền không đáy ấy chính là chiếc Thuyền Bát Nhã mà người chèo thuyền là Phật Tiếp Dẫn Đạo Nhơn:

    Cho nên trong bài Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối có câu:

    Tây phương Tiếp Dẫn Đạo nhơn,
    Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

    Đức Chí Tôn có lời khuyên những vị đắc đạo rồi, nên nhìn lại cõi trần mà thương xót nhơn sanh đang trầm luân trong bể khổ mà mở lòng cứu giúp:

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
    Bát Nhã xin con trở mái chèo,
    Thìn lòng thương lấy chúng sanh eo.
    Trăm năm chưa hẳn nên hiền đức,
    Tấn nẻo chông gai khá lựa dèo.

    I. Bí pháp và Thể pháp của thuyền Bát Nhã

    Bí pháp: Thuyền Bát Nhã là chiếc thuyền rồng qua lại trên biển khổ nơi cõi thiêng liêng để rước những chơn hồn có đầy đủ phước đức, từ bờ bên nây của biển khổ (thử ngạn) là bờ luân hồi, sang qua bờ bên kia (bỉ ngạn) là bờ đắc đạo giải thoát, để đi vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Đây là chiếc thuyền để cứu độ các chơn linh trong thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn.

    Thể pháp: Thuyền Bát Nhã được đóng bằng gỗ, có hình dáng là một con rồng vàng, nơi chính giữa của mình rồng cất lên một cái nhà vàng để đặt quan tài người chết, chở vào nghĩa địa chôn cất.

    Vì có Thể pháp và Bí pháp huyền diệu như thế nên không thể gọi Thuyền Bát Nhã là chiếc "xe tang" được.

    Nơi Châu Đạo Sađec, Thuyền Bát Nhã là chiếc thuyền rồng, đậu tại bến sông Sađec, ngay trước Thánh Thất, trên thuyền có gắn máy tàu để chạy trên các sông rạch, phục vụ việc chở quan tài người chết đưa đi chôn cất. Khi Thuyền Bát Nhã chạy trên sông, chúng ta thấy một hình ảnh rất đẹp, rất linh động, giống như thuyền của các vua chúa thời xưa.

    Nơi Châu Đạo Sài Gòn, Thuyền Bát Nhã được đóng trên một sườn xe hơi 4 bánh, có động cơ chạy được trên đường như các loại xe vận tải khác. Thuyền rồng mà chạy ngờ ngờ trên đường nhựa khiến nhiều người lấy làm lạ, nhưng đây chỉ là Thể pháp tượng trưng mà thôi.

    Nơi vùng Thánh địa Tòa Thánh Tây Ninh, Thuyền Bát Nhã được đóng trên một cái khung 2 bánh, giống như cái rờ mọt của xe hơi, hai bên hông thuyền có gắn hai sợi dây thừng to và dài để cho các Đạo tỳ kéo thuyền đi chậm chạp trên đường phố, đầu rồng và đuôi rồng lắc lư theo nhịp đi, nên từ xa nhìn vào thấy khung cảnh ấy rất ngoạn mục và huyền bí.

    Năm Ất Hợi (1935), tức là sau 10 năm Khai Đạo, Đức Chí Tôn mới ban cho Kinh Tận Độ vong linh.

    "Chúng ta thầm xét thì đủ hiểu rằng: đã trải qua mười năm, Chí Tôn mới mở cơ Tận độ. Cơ Tận độ nhơn sanh duy kể từ ngày ban Tân Kinh nầy mà thôi." (Lời Tựa quyển Tân Kinh)

    Sau khi Đức Chí Tôn ban cho Kinh Tận độ xong thì Đức Phạm Hộ Pháp ra lịnh cho Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa làm lễ khai Thuyền Bát Nhã tại Khách Đình Tòa Thánh Tây Ninh, tức là khai pháp Thuyền Bát Nhã (Bí pháp và Thể pháp) tùng theo Cơ Tận độ của Đức Chí Tôn.

    Trong buổi lễ nầy, Ngài Khai Pháp nói về sự tích của Thuyền Bát Nhã và giải thích về Chèo Thuyền, xin chép nguyên văn ra sau đây:

    Lời giải thích về Chèo Thuyền Bát Nhã của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, chưởng quản Cơ Quan Phước Thiện, tại Khách Đình, ngày 13-10-Ất Hợi (dl 8-11-1935).

    Kính Đức Hộ Pháp,
    Kính Hội Thánh Cửu Trùng Đài,
    Các Ban: Bộ Nhạc và Tổng Trạo, mấy em nam nữ.

    Hôm nay là ngày 13 tháng 10 Ất Hợi, nhằm lễ kỷ niệm Khai Đạo hằng năm, lại nữa là ngày khai Thuyền Bát Nhã tại Khách Đình.

    Bần tăng vâng lịnh Đức Hộ Pháp dẫn giải cho nhơn viên hiện có trách nhiệm trọng yếu trong Bát Nhã thuyền được rõ: Lấy theo Thể pháp, các em đây là nhơn viên của Đức Phật Di-Lạc tượng trưng thể pháp nơi mặt thế nầy, nương lấy khuôn Thuyền Bát Nhã trong thời kỳ hạ nguơn hầu mãn khởi đầu thượng nguơn Tứ Chuyển.

    Về hữu vi, tượng trưng đưa xác người vào nơi cực lạc giới, gọi là kiếp thoát trần; mặt khác về nhiệm mầu vô vi là Cơ Tận độ cứu rỗi cửu nhị ức nguyên nhân qui hồi cựu vị, cùng các chơn hồn tiền vãng hậu vãng và các chơn hồn vật loại đạt đến phẩm nhơn khi thoát xác được siêu thăng Thượng giới.

    Tưởng lại phần đông trong thiên hạ đã có xem qua cốt chuyện Tây Du, Đường Tam Tạng thỉnh kinh đông độ, bốn thầy trò cùng đi gần tới Tây phương, dựa mé sông giang hà để bước lên chiếc Nại Hà kiều rất lắt lẻo khó đi, các trò đều có phép hóa thân nên qua được, riêng thầy Tam Tạng không biết làm sao qua.

    Đương lúc quanh quẩn tấn thối lưỡng nan, bỗng nhiên thấy có một người chèo thuyền rồng đến vừa thấy rõ, lạ một điều là thuyền không đáy mà nổi phao trên mặt nước. Thầy Tam Tạng lấy làm lạ và ái ngại không hiểu mình bước xuống thuyền có được không.

    Bao lần dụ dự không quyết định được, đến rốt cuộc thầy Tam Tạng buộc lòng để chân xuống thuyền. Vì còn mang xác thân phàm tục nên lúc ban sơ phải chịu nhiều khó khăn chênh nghiêng mất thăng bằng. Tuy vậy, thỉnh thoảng sự bình tỉnh vững vàng trở lại như bao người bên cạnh, thầy Tam Tạng trực nhìn xuống dòng sông nước chảy thấy một xác người chết trôi qua bèn than rằng: Nơi đây gần đến nước Phật, sao còn có người chết trôi như thế!

    Tôn Ngộ Không liền đáp rằng: Ấy là cái xác của thầy đó vậy. Bởi dày công tu luyện, đến ngày công viên quả mãn, nên cổi xác trần thoát kiếp, vì ở trần thế mang xác phàm hữu hình hữu hoại và nhờ đó mà phân biệt phàm Thánh trong khi mình đã đắc đạo.

    Thuyền rồng không đáy kia, Phật giáo gọi là Thuyền Bát Nhã và người chèo Phật danh gọi là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.

    Thuyền Bát Nhã có là do một bèn sen (một cánh bông sen) của Đức Phật Tổ nơi Cực Lạc Thế giới, Đức Phật dùng tinh hoa của Tam muội hỏa mà biến thành, ấy là bí pháp của nhà Phật.

    Hai chữ Bát Nhã, Phật tông nguyên lý trong kinh gọi là Trí huệ, để mở mang sự sáng suốt cho các bậc chơn tu, cũng ám chỉ là Thuyền Từ đưa người thoát tục.

    Trải qua bao kỷ nguyên, người tu đắc đạo cũng nương lấy Bát Nhã thuyền do nhiệm mầu thiêng liêng mà về nước Phật hay đến cõi Hư Vô tịch diệt.

    Thuở Hỗn Độn, khi Trời Đất phân ngôi thứ rồi mà chưa có loài người, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Minh Sư gọi là Lão Mẫu, vâng lịnh Đức Thượng Đế nhóm ngự triều Đại hội nơi Kim Bồn, phòng định 100 ức nguyên nhân xuống trần, dùng Ngọc Lộ Kim Bàn trụ các nguyên nhân cho xuống thế lập đời.

    Trước khi ấy, Lão Mẫu tức là Diêu Trì Kim Mẫu, kêu toàn cả linh căn chơn tánh dự Hội Yến Bàn Đào, ban cho mỗi vị một cái túi gọi là Vạn Bửu Nang, trong đó có 8 món báu là: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, và căn dặn khi xuống trần thế, rủi mất một món là về cùng MẸ không đặng.

    Lão Mẫu dùng Bát Nhã thuyền chở toàn linh căn và 8 món báu ấy đưa xuống lập đời. Có bài kệ rằng:

    Linh căn ngày đó xuống trần ai,
    Cái cái vui mừng nhập mẫu thai.
    Vì mất Bửu nang mê nghiệp hải,
    Làm sao tỉnh đặng trở hồi lai.

    Bên kia có Đại Tiên hiệu là Cù Tán Đởm hay là Kim Quang Sứ, thấy Phật Mẫu cho chơn linh xuống trần thì ông cũng xuống trần có dẫn theo 5 chơn linh quỉ vị biến thành:

    1. Kim là tiền bạc.
    2. Mộc là sắc đẹp.
    3. Thủy là rượu ngọt.
    4. Hỏa là nóng giận.
    5. Thổ là nha phiến.

    Mỗi chơn linh quỉ vị đều biến ra 5 mùi vị khác nhau cho các nguyên căn say mê mà quên cả các Bửu nang.

    Con người lớn lên thấy tiền thì ham, thấy sắc lịch thì mê, thấy rượu ngọt thì ưa, mà nó giục cho con người nóng giận và say mê nha phiến, chước quỉ mưu tà, hằng xúi giục bày ra muôn ngàn sự khoái lạc nơi trần khổ chẳng xiết, nên chất linh căn vì lưu luyến hồng trần,vui say mùi vị thế gian mà quên nguồn cội.

    Bởi thế cho nên Thánh nhân ra đời lập Tam giáo đạo cũng qui tụ căn bản trong 8 món báu để tỉnh giác.

    · Phật giáo dạy phải chọn Tam qui Ngũ giới.
    · Tiên giáo dạy phải vẹn Tam nguơn Ngũ hành.
    · Thánh giáo dạy phải gìn Tam cang Ngũ thường.

    Để thức tỉnh các linh căn nhớ nguồn cội 8 món báu ấy mà về, ai được may duyên sớm ngộ đạo, mới lên Bát Nhã thuyền mà trở về cựu vị, đúng như bài thi của Đức Chí Tôn đã dạy rằng:

    Khuôn thuyền Bát nhã chẳng hề chìm,
    Nổi quá như bông, nặng quá kim.
    Có đạo trong muôn ngồi cũng đủ,
    Không duyên một đứa cũng là chìm.

    * Thời kỳ Thánh đức:

    Sơ khai Long Hoa Đại Hội, Đức Di Lạc, kiếp Tiên vị mệnh danh là Hoàng Cực Chủ Nhân, lãnh lịnh Lão Mẫu tức là Diêu Trì Kim Mẫu hay là Thiên Hậu buổi nọ, Ngài làm chủ Thuyền Bát Nhã chở các nguyên nhân xuống thế, lần đầu 24 chuyến thuyền, hai lần sau mỗi lần 6 chuyến, đúng như quyển kinh thứ nhứt và thứ nhì Ngọc Lộ Kim Bàn.

    Nguơn Thánh đức gọi là: Nhứt Kỳ Phổ Độ:

    1. Giáo chủ đạo Phật: Nhiên Đăng Cổ Phật.
    2. Giáo chủ đạo Tiên: Thái Thượng Đạo Quân.
    3. Giáo chủ Đạo Thánh: Văn Tuyên Đế Quân.

    Các vị Giáo chủ đã sáng khai nền đạo, lập thành qui điều, luật pháp, an ninh trật tự cho nhơn loại tiến bước trên đường tu tỉnh. Đức Chí Tôn Ngài mới dạy: Khai Long Hoa Đại Hội Nhứt Kỳ nên có câu: Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương Đại Hội Nhiên Đăng Cổ Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn. Đức Nhiên Đăng làm chủ hội, điểm đạo chỉ có 6 ức nguyên nhân đắc đạo.

    * Nhị Kỳ Phổ Độ:

    Thời kỳ văn minh tiến hóa từ ấy mới nổi danh trong Tam giáo:

    1. Phật thì có Đức Thích Ca làm Giáo chủ.
    2. Tiên thì có Đức Lão Tử làm Giáo chủ.
    3. Thánh thì có Đức Khổng Tử làm Giáo chủ.

    Sau 551 năm, Ngài cho Đức Chúa Jésus Christ giáng sanh, cũng thời Nhị Kỳ.

    Sau khi thành lập luật pháp qui điều, Ngài mới khai Long Hoa Nhị Kỳ Phổ Độ, có câu: Nhị Hội Long Hoa Hồng Vương Đại Hội Di-Đà Cổ Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn.

    Đức Di-Đà làm chủ hội, điểm đạo được 2 ức nguyên nhân đoạt pháp, phần nhiều là môn đồ của Lão Tử đắc đạo, còn 92 ức nguyên nhân luống chịu đọa trần.

    * Tam Kỳ Phổ Độ:

    Đến thời kỳ Hạ nguơn mạt kiếp, tức là thời kỳ qui cổ, chính mình Đức Chí Tôn giáng trần, dùng huyền diệu cơ bút, để Tam Trấn Oai Nghiêm thay cho Tam giáo lập Đạo vô vi, không hình thể như trước, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    1. Đức Phật Quan Âm chưởng quản về Phật giáo.
    2. Đức Lý Thái Bạch Tiên Trưởng chưởng quản Tiên giáo.
    3. Đức Quan Thánh Đế Quân chưởng quản Thánh giáo, gọi là Nho Tông Chuyển Thế.

    Nhơn thời Hạ nguơn nầy, do cơ bút mà biết được nguyên nhân đắc đạo trong hai kỳ trước. Những nguyên nhân đắc đạo đến tình nguyện nơi Ngọc Hư Cung giáng trần, chịu mạng lịnh nơi Đức Di-Lạc Vương Phật, lo cứu rỗi 92 ức nguyên nhân còn say đắm nơi trần.

    Bây giờ nhắc lại Thể pháp cuộc Chèo Thuyền Bát Nhã, phận sự của nhân viên trong thuyền có:

    · Tổng Lái
    · Tổng Mũi
    · Tổng Thương
    · Tổng Khậu và
    · 12 Bá Trạo.

    - Tổng Lái: là chơn linh Hắc Sát Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Hộ Pháp.

    Tổng Lái tượng trưng Bát Quái Đài.

    - Tổng Thương: là chơn linh Huỳnh Long Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Thượng Sanh.

    Tổng Thương tượng trưng cho Cửu Trùng Đài.

    - Tổng Mũi: là chơn linh của Bạch Hổ Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Thượng Phẩm.

    Tổng Mũi tượng trưng cho Hiệp Thiên Đài.

    - Tổng Khậu: tượng trưng nhơn sanh, tức là chơn hồn của chúng ta, thấy tánh tình của Tổng Khậu vô chừng, vui buồn chẳng định, vả chăng trong thời biến chuyển loạn lạc, phải chịu dưới phép sai khiến của lục dục thất tình, vì danh lợi tự đem mình đến chỗ trụy lạc, vì vật chất xa hoa quyến rũ.

    - Mười hai Bá Trạo: Con số 12 là bí pháp, số riêng của Đức Chí Tôn. Ngài nắm Thập nhị Khai Thiên nơi tay, tức là Thập nhị Thời Thần nơi Bạch Ngọc Kinh. Còn Thể pháp là Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài mà chúng ta đã biết trong cửa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Vậy 12 Bá Trạo tượng trưng Thập nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, mà biến tướng Càn Khôn thế giới, làm cho rộng lớn thêm lên vũ trụ bao la.

    Những vị vừa kể trên, vừa chèo vừa hát rập ràng, theo chơn truyền của đạo là Thể pháp.Thể pháp có hành thì Bí pháp mới tựu. Ấy là "dĩ huyễn độ chơn".

    Thể pháp và Bí pháp lúc nào cũng phải đi đôi, cũng như người có xác và hồn phải tương liên, bằng chẳng vậy, có xác không hồn là điên, có hồn không xác là vị đó vậy.

    Đức Chí Tôn là chúa tể Càn Khôn Vũ Trụ, hoá sanh vạn vật, cầm quyền thiêng liêng cũng như hữu hình, với lòng Đại từ đại bi, chẳng nỡ ngồi nhìn con cái của Ngài phải chịu trầm luân khổ hải, nên Ngài dùng Bí pháp định cho Tam vị Thần xuống thế tượng trưng Thể pháp là: Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương, lái vững khuôn thuyền Bát Nhã để độ dẫn các chơn linh nguyên nhân, hóa nhân, quỉ nhân, và các chơn hồn tức là trong chúng sanh, dầu xiêu lạc nơi nào cũng tìm rước về hội ngộ cùng Thầy.

    Trong thời kỳ Hạ nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, là Đại Ân Xá Kỳ Ba, chính mình Đức Chí Tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút mở Đạo Cao Đài tại nước Việt Nam, qui Tam giáo hiệp Ngũ chi, tạo đời Thánh đức, dụng Nho Tông Chuyển Thế với chủ nghĩa tận độ chúng sanh trên quả Địa cầu 68 nầy qui hồi cựu vị, chẳng phân biệt giống nòi hay chủng tộc.

    KẾT LUẬN:

    Trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, dùng Thuyền Bát Nhã với Bí pháp huyền vi mầu nhiệm thiêng liêng, vì Đức Di-Lạc Vương Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn, Đức Ngài làm chủ Thuyền Bát Nhã, rước các bậc nguyên nhân từ Thất thập nhị Địa trở về.

    Đức Phật ngự trên thuyền, kêu gọi toàn linh căn chơn tánh của cửu nhị ức nguyên nhân hãy mau tỉnh ngộ về cửa nầy, nương nơi Thuyền Bát Nhã trở về Lôi Âm Tự và Bạch Ngọc Kinh mà hội ngộ cùng Thầy.

    Còn về Thể pháp, Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu, thọ mạng cùng Đức Chí Tôn tạo Thuyền Bát Nhã nơi mặt thế nầy là tượng trưng Thể pháp, độ dẫn Bát hồn: từ Vật chất hồn, Thảo mọâc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn, do Kim Bàn Phật Mẫu vận chuyển hóa ra Bát đẳng cấp chơn hồn, đúng như Kinh Phật Mẫu dạy:

    Trung khổ hải độ thuyền Bát Nhã,
    Phước từ bi giải quả trừ căn.
    Huờn hồn chuyển đọa vi thăng,
    Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn chưởng Âm.

    Theo nghĩa bốn câu kinh trên là:

    Thuyền Bát Nhã tượng trưng nơi mặt thế nầy để rước xác tục đưa qua khỏi bến sông mê bể khổ trần ai, huờn hồn phục sanh, siêu thăng nơi miền Thánh đức.

    Tòa Thánh, ngày 13 tháng 10 năm Ất Hợi.
    (dl 8-11-1935)
    KHAI PHÁP Trần Duy Nghĩa.

    II. Các đôi liễn trên Thuyền Bát Nhã

    - Đôi liễn nơi mặt trước mui Thuyền Bát Nhã:

    萬事曰無肉體土生還在土
    千年自有靈魂天賜返回天
    Vạn sự viết vô, nhục thể thổ sanh huờn tại thổ,
    Thiên niên tự hữu, linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.

    Nghĩa là:

    Muôn sự đều không, xác thịt do Đất tạo ra thì huờn lại Đất,
    Ngàn năm tự có, linh hồn do Trời ban cho thì trở về Trời.

    - Đôi liễn nơi mặt sau mui Thuyền Bát Nhã:

    有體生而從四苦
    無形死者過三途
    Hữu thể sanh nhi tùng Tứ khổ,
    Vô hình tử giả quá Tam đồ.

    Nghĩa là:

    Có thân thể, sống thì phải tùng theo Tứ khổ,
    Chết thì không còn hình thể, linh hồn qua khỏi ba đường đày đọa.

  • Thuyền quyên

    Thuyền quyên

    嬋娟

    A: A fair lady.

    P: Une belle fille.

    Thuyền: dáng xinh đẹp. Quyên: tươi đẹp.

    Thuyền quyên là người con gái dịu dàng xinh đẹp.

    Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị: Thiệt thòi cam phận thuyền quyên.

  • Thuyền sen

    Thuyền sen

    A: The boat of a lotus petal.

    P: La barque en un pétale de lotus.

    Thuyền: Chỉ chung các loại thuyền, tàu, ghe đi lại trên biển hay trên sông. Sen: bông sen.

    Thuyền sen là chiếc thuyền do Đức Phật lấy một cánh bông sen nơi cõi Cực Lạc Thế Giới rồi dùng pháp nhiệm biến thành một chiếc thuyền, để chở 100 ức nguyên đi đầu kiếp xuống trần, và sau đó để chở các chơn linh đầy đủ phước đức trở về cõi thiêng liêng. Thuyền sen chính là Thuyền Bát Nhã. (Xem: Thuyền Bát Nhã).

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Đưa chiếc thuyền sen dựa đảnh Thần.

  • Thuyền thơ

    Thuyền thơ

    船書

    A: The boat of a excellent scholar.

    P: La barque d"un lettré excellent.

    Thuyền: Chỉ chung các loại thuyền, tàu, ghe đi lại trên biển hay trên sông. Thơ: Thư: sách, kinh sách.

    Thuyền thơ, nghĩa đen là chiếc thuyền chở kinh sách, nghĩa bóng là chiếc thuyền chở người văn chương tài giỏi, làu thông kinh sách.

    Kinh Vào Học: Thuyền thơ ngọn gió Các Đằng xuôi đưa.

    (Điển tích: Các Đằng, Vương Bột, xem chữ: Các Đằng)

  • Thuyền tình

    Thuyền tình

    船情

    1. Trường hợp thứ nhứt:

    · A: The boat of the universal love.

    · P: La barque de l"amour universel.

    Thuyền: Chỉ chung các loại thuyền, tàu, ghe đi lại trên biển hay trên sông. Tình: tình thương yêu, tình bác ái, từ bi.

    Thuyền tình là chiếc thuyền bác ái, thuyền từ bi, để cứu vớt chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ.

    Do đó, trong trường hợp nầy, thuyền tình đồng nghĩa: thuyền Bát Nhã, thuyền sen, thuyền từ.

    Nữ Trung Tùng Phận:
    Tâm ẩn ái giúp Chí Linh,
    Biển mê chèo chiếc thuyền tình độ nhân.

    2. Trường hợp thứ nhì:

    · A: The boat of passion in the sea of love.

    · P: La barque de passion dans la mer de l"amour.

    Thuyền: Chỉ chung các loại thuyền, tàu, ghe đi lại trên biển hay trên sông. Tình: tình yêu giữa đôi nam nữ.

    Trong văn chương, thuyền tình có ý nghĩa là chiếc thuyền chở tình yêu nam nữ, do câu cổ thi:

    Nhứt phiến tình chu phương đáo ngạn,
    Bình trầm hoa chiết dĩ đa thời.

    Nghĩa là:

    Một chiếc thuyền tình vừa đến bờ,
    Bình chìm hoa gãy bao giờ từ lâu.

    Truyện Kiều:
    Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
    Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.

    Lục Vân Tiên:
    Lênh đênh một chiếc thuyền tình,
    Mười hai bến nước biết mình về đâu?
  • Thuyền từ

    Thuyền từ

    船慈

    A: The boat of mercy.

    P: La barque de la miséricorde.

    Thuyền: Chỉ chung các loại thuyền, tàu, ghe đi lại trên biển hay trên sông. Từ: từ bi, lòng thương yêu của Phật đối với chúng sanh.

    Thuyền từ, cũng gọi là Từ hàng, dịch ra là Bè từ, là chiếc thuyền từ bi của Phật, để chở người phước đức vượt qua sông mê biển khổ đến bờ giác ngộ.

    Thuyền từ chính là chiếc thuyền Bát Nhã.

    Người ta ví Đạo như chiếc thuyền từ để cứu vớt chúng sanh đưa qua biển khổ.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thuyền từ sông lệ buồm trương cánh.

  • THUYẾT

    THUYẾT

    THUYẾT: 說 Dùng lời nói giảng giải cho rõ ràng dễ hiểu.

    Thí dụ: Thuyết đạo, Thuyết pháp.

  • Thuyết đạo

    Thuyết đạo

    說道

    A: To preach.

    P: Prêcher.

    Thuyết: Dùng lời nói giảng giải cho rõ ràng dễ hiểu. Đạo: đạo lý, giáo lý của Đạo.

    Thuyết đạo là giảng giải giáo lý của Đạo.

    Đức Phạm Hộ Pháp đã thuyết đạo trong suốt hai mươi mấy năm, tất cả các đề tài về giáo lý của Đạo Cao Đài, được Ban Tốc Ký lúc bấy giờ ghi chép, dâng Hội Thánh in thành sách, tựa đề là: "Lời Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp"

    Đây là bộ sách rất quí báu cho những người muốn sưu tầm và học hỏi Giáo lý của nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn.

    Đạo Luật Mậu Dần qui định, Chức sắc hành đạo địa phương, mỗi kỳ sóc vọng, bổn đạo qui tụ đến Thánh Thất làm lễ rất đông thì Chức sắc phải thuyết đạo cho bổn đạo biết rõ nguồn gốc, nghi lễ thờ phượng và giáo lý của Đại Đạo.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Mỗi kỳ sóc vọng tại Thánh Thất hoặc các đàn lệ khác, vị Chức sắc đương quyền phải thuyết đạo hoặc đọc Châu tri, Bố cáo, hay là dẫn giải những điều khuyết điểm, cùng là khuyến khích và nhắc nhở chư Đạo hữu trong đường đạo đức.

  • Thuyết giáo

    Thuyết giáo

    說敎

    A: To sermonize.

    P: Sermonter.

    Thuyết: Dùng lời nói giảng giải cho rõ ràng dễ hiểu. Giáo: giáo lý của tôn giáo.

    Thuyết giáo là thuyết giảng giáo lý của tôn giáo cho mọi người hiểu biết.

    Thuyết giáo đồng nghĩa: Thuyết đạo, Thuyết pháp.

    Kinh Nhập Hội: Cậy phương thuyết giáo vẽ thành kinh chơn.

  • Thuyết minh

    Thuyết minh

    說明

    A: To expose clearly.

    P: Exposer clairement.

    Thuyết: Dùng lời nói giảng giải cho rõ ràng dễ hiểu. Minh: sáng tỏ.

    Thuyết minh là dùng lời nói giảng giải cho rõ ràng minh bạch để mọi người đều hiểu rõ.

    Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp: Nhưng trong thời gian ngắn ngủi không thế gì thuyết minh nhiều vấn đề trọng yếu.

  • Thuyết pháp

    Thuyết pháp

    說法

    A: To preach.

    P: Prêcher.

    Thuyết: Dùng lời nói giảng giải cho rõ ràng dễ hiểu. Pháp: giáo lý của một nền tôn giáo.

    Thuyết pháp là thuyết giảng giáo lý của một tôn giáo.

    Thuyết pháp đồng nghĩa: Thuyết đạo, Thuyết giáo.

    Phật giáo thường dùng chữ Thuyết pháp, Đạo Cao Đài thì thường dùng chữ Thuyết đạo.

    Kinh Thuyết pháp là bài kinh do Đức Phạm Hộ Pháp viết ra, để đồng nhi và vị Chức sắc thuyết pháp tụng lên trước khi bắt đầu thuyết pháp để cầu nguyện cho buổi thuyết pháp được thành công tốt đẹp.

    Kinh Thuyết Pháp: Mượn quyền thuyết pháp đặng làm cơ quan.

  • Thuyết phục

    Thuyết phục

    說服

    A: To convince.

    P: Convaincre.

    Thuyết: Dùng lời nói giảng giải cho rõ ràng dễ hiểu. Phục: chịu theo.

    Thuyết phục là nói cho người ta tin và nghe theo mình.

  • Thuyết trình

    Thuyết trình

    說呈

    A: To report.

    P: Rapporter.

    Thuyết: Dùng lời nói giảng giải cho rõ ràng dễ hiểu. Trình: bày tỏ.

    Thuyết trình là dùng lời nói trình bày một vấn đề trước một số đông người.

  • Thư hùng kiếm

    Thư hùng kiếm

    雌雄劍

    A: A pair of swords: female and male.

    P: Une paire d"épées: femelle et mâle.

    Thư: con mái. Hùng: con trống. Kiếm: cây gươm.

    Thư hùng kiếm là một cặp gươm trống mái, hay một cặp gươm Âm Dương, gồm một cây âm và một cây dương.

    Nếu dùng riêng rẽ từng cây gươm nầy thì tác dụng của nó cũng bình thường như các cây gươm khác, nhưng nếu dùng một lượt đủ một cặp gươm thư hùng thì uy lực của nó rất lớn, vì trong đó có đủ Âm Dương, cương nhu.

    Về phương diện Bí pháp, Thư hùng kiếm là gươm thần huệ, nghiêm trị xảo trá, trừ tà diệt mị, bảo thủ chơn truyền.

    Đức Thượng Sanh, khi mặc đại phục chầu lễ Đức Chí Tôn, có giắt nơi lưng Thư hùng kiếm, tượng trưng cho nhiệm vụ trị thế và chuyển thế.

    Cổ pháp Thượng Sanh gồm: Thư hùng kiếm và Phất chủ.

  • Thứ dân

    Thứ dân

    庶民

    A: The people.

    P: Le peuple.

    Thứ: đông, nhiều. Dân: người dân.

    Thứ dân là nhiều người dân, tức là dân chúng.

  • Thứ nam - Thứ nữ

    Thứ nam - Thứ nữ

    次男 - 次女

    A: Younger son - Younger daughter.

    P: Le fils cadet - La fille cadette.

    Thứ: bậc dưới. Nam: con trai. Nữ: con gái.

    Thứ nam là con trai thứ, sanh sau con cả.

    Thứ nữ là con gái thứ, sanh sau con cả.

    Con cả là con đầu lòng, nếu là trai thì gọi là Trưởng nam; nếu là gái thì gọi là Trưởng nữ.

    Con út là con sanh ra sau chót, nếu là trai thì gọi là Quí nam, nếu là gái thì gọi là Quí nữ. (Quí là út).

    Những đứa con trong khoảng giữa con cả và con út thì gọi là Thứ nam hay Thứ nữ.

  • Thứ tội

    Thứ tội

    恕罪

    A: To pardon.

    P: Pardonner.

    Thứ: tha thứ, bỏ qua cho. Tội: tội lỗi.

    Thứ tội là tha thứ tội lỗi, tha lỗi.

  • THỬ

    THỬ

    1. THỬ: 此 Ấy, cái ấy, cái nầy, như thế, trái với Bỉ.

    Thí dụ: Thử kinh, Thử ngạn.

    2. THỬ: (nôm) Dùng cách mà nghiệm xem có đúng không, có chịu nổi không?

    Thí dụ: Thử thách, Thử thất.

  • Thử kinh Đại Thánh

    Thử kinh Đại Thánh

    此經大聖

    Thử: Ấy, cái ấy, cái nầy, như thế, trái với Bỉ. Kinh: bài kinh để tụng. Đại Thánh: bực Thánh lớn. Thử kinh: bài kinh nầy.

    Thử kinh Đại Thánh là bài kinh nầy của vị Đại Thánh.

    Kinh Cứu Khổ: Phật cáo A-Nan ngôn thử kinh Đại Thánh năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai bá nạn khổ.

  • Thử ngạn - Bỉ ngạn

    Thử ngạn - Bỉ ngạn

    此岸-彼岸

    A: This border - That other border.

    P: Ce bord - L"autre bord.

    Thử: Ấy, cái ấy, cái nầy, như thế, trái với Bỉ. Ngạn: bờ sông hay bờ biển. Bỉ: bên kia.

    Thử ngạn là bờ bên nầy của biển khổ, là bờ sanh tử luân hồi. Người đứng nơi bờ bên nầy thì còn chịu trong vòng sanh tử luân hồi nơi cõi trần.

    Bỉ ngạn là bờ bên kia của biển khổ, là bờ giải thoát, dành cho những người đắc đạo. Người đứng nơi bờ bên kia thì thoát khỏi luân hồi, đi vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, nên bờ bên kia còn được gọi là: Giác ngạn, Đạo ngạn.

    Đạo mở ra để nhơn sanh nương theo đó mà tu hành, lập công bồi đức, đắc đạo thoát khỏi luân hồi, nên Đạo được ví như chiếc thuyền Bát Nhã trên biển khổ, đưa người phước đức từ thử ngạn sang bỉ ngạn, đi vào cõi Cực Lạc Niết Bàn.

  • Thử thách

    Thử thách

    A: To essay, to try.

    P: Essayer, éprouver.

    Thử: (nôm) Dùng cách mà nghiệm xem có đúng không, có chịu nổi không? Thách: ra điều kiện để xem ai làm được.

    Thử thách là tạo ra một hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhiều cám dỗ để xem xét khả năng giải quyết và tinh thần đạo đức có vượt qua nổi không.

    Bát Ðạo Nghị Ðịnh: Ngày nay, Lão định trừ diệt quỉ quyền, không cho rối loạn nền Đạo mà thử thách Thiên phong nữa.

  • Thử thất

    Thử thất

    A: To try.

    P: Éprouver.

    Thử: (nôm) Dùng cách mà nghiệm xem có đúng không, có chịu nổi không? Thất: mất.

    Thử thất là bày ra cuộc thử thách khó khăn để xem ai còn ai mất, ai đậu ai rớt, trong công cuộc phân lọc tà chánh, Thánh phàm.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy thấy các con bị phép thử thất Ba Trấn lập thành thì đã hiểu nhiều đứa bị hành. Thầy ngậm đau nuốt thảm ngồi nhìn. Thầy chẳng để thử thất, Ba Trấn trách Thầy vì yêu mến quá lẽ mà làm mất hết công bình, nhứt là Lý Thái Bạch kêu nài hơn hết. Dầu Quan Âm và Quan Thánh xin cũng chẳng đặng.

    Nhứt là buổi thử thất ấy lại nhằm ngày khai Thánh Thất, thì các con đủ hiểu là hại dường nào, song phải dằn lòng chịu vậy. Các con ngã thì tại nơi Thầy. Nếu Thầy biết các con nhẹ tính thì thế nào cũng chẳng chịu.

  • THỪA

    THỪA

    1. THỪA: 乘 Ngồi xe, ngồi thuyền, cỡi, bực tu, toán nhân, nhân dịp, thừa lúc.

    Thí dụ: Thừa hạc, Thừa long, Thừa hứng, Thừa trừ.

    2. THỪA: 承 Vâng theo, chịu, gánh vác, tiếp tục.

    Thí dụ: Thừa hành, Thừa kế, Thừa lịnh, Thừa quyền.

    3. THỪA: 丞 Giúp đỡ.

    Thí dụ: Thừa tướng.

    4. THỪA: (nôm) Dư, còn lại.

    Thí dụ: Thừa thãi.

  • Thừa (Thặng)

    Thừa (Thặng)

    A: Yana, the vehicle.

    P: Yana, le véhicule.

    Thừa, cũng đọc là Thặng, nghĩa là cỗ xe.

    Đức Phật ví giáo pháp của Ngài như một cỗ xe, chở được người tu đến chỗ an lạc, Niết bàn.

    Giáo pháp của Phật được chia làm hai Thừa:

    Tiểu Thừa (Hinayana, Petit véhicule) là cổ xe nhỏ, chở được một người. Ai tu theo giáo pháp nầy thì đắc đạo đến phẩm A-La-Hán (Thánh vị).

    Đại Thừa (Mahayana, Grand véhicule) là cổ xe lớn, chở được nhiều người. Ai tu theo giáo pháp Đại thừa thì độ được mình và độ được nhiều người, đắc đạo thành bực Bồ Tát hay bực Phật.

    Ngoài ra, giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa còn có:

    Trung Thừa là cổ xe vừa vừa, cũng gọi là Duyên Giác Thừa, đắc đạo thành bậc Duyên Giác, tức là Bích Chi Phật.

    Ba Thừa (Đại, Tiểu, Trung) gọi chung là Tam Thừa.

  • Thừa hạc - Thừa long

    Thừa hạc - Thừa long

    乘鶴 - 乘龍

    A: To ride the crane - To ride the dragon.

    P: Monter à la grue - Monter au dragon.

    Thừa: Ngồi xe, ngồi thuyền, cỡi, bực tu, toán nhân, nhân dịp, thừa lúc. Hạc: chim hạc. Long: con rồng.

    Thừa hạc là cỡi lên con chim hạc.

    Thừa long là cỡi lên con rồng.

    Đây là nói các vị Thần Tiên thường cỡi hạc hay cỡi rồng du hành các nơi.

    Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần: Thần Thánh Tiên thừa hạc cỡi rồng.

    Kinh cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu: Cõi Đào nguyên cỡi hạc thừa long.

  • Thừa hành - Thừa lịnh

    Thừa hành - Thừa lịnh

    承行 - 承令

    A: To execute (the executor) - To obey an order.

    P: Exécuter (l"exécuteur) - Obéir à un ordre.

    Thừa: Vâng theo, chịu, gánh vác, tiếp tục. Hành: làm. Lịnh: mệnh lệnh của cấp trên.

    Thừa hành, đồng nghĩa Thừa lịnh, là vâng lịnh cấp trên mà làm.

  • Thừa hứng nhi lai

    Thừa hứng nhi lai

    乘興而來

    Thừa: Ngồi xe, ngồi thuyền, cỡi, bực tu, toán nhân, nhân dịp, thừa lúc. Hứng: hứng thú. Nhi: mà. Lai: tới.

    Thừa hứng nhi lai: nhân dịp hứng thú mà tới.

  • Thừa hưởng - Thừa kế

    Thừa hưởng - Thừa kế

    承享 - 承繼

    A: To enjoy of - To succeed to.

    P: Jouir de - Succéder.

    Thừa: Vâng theo, chịu, gánh vác, tiếp tục. Hưởng: hưởng thụ, được dùng. Kế: nối theo.

    Thừa hưởng là được hưởng cái mà người trước để lại.

    Thí dụ: Thừa hưởng đức tánh tốt đẹp của cha mẹ.

    Thừa kế là nối tiếp sự nghiệp của người trước.

  • Thừa phong phá lãng

    Thừa phong phá lãng

    乘風破浪

    Thừa: Ngồi xe, ngồi thuyền, cỡi, bực tu, toán nhân, nhân dịp, thừa lúc. Phong: gió. Phá: phá bỏ. Lãng: sóng nước.

    Thừa phong phá lãng là cỡi gió phá sóng.

    Ý nói: có ý chí và khí phách lớn lao.

  • Thừa quyền

    Thừa quyền

    承權

    A: To assume the power of.

    P: Assumer le pouvoir de.

    Thừa: Vâng theo, chịu, gánh vác, tiếp tục. Quyền: quyền hành.

    Thừa quyền là gánh vác quyền hành.

    Bảo Thế thừa quyền Thượng Sanh: Ngài Bảo Thế gánh vác quyền hành của Đức Thượng Sanh, tức là thay quyền Đức Thượng Sanh.

  • Thừa sai

    Thừa sai

    承差

    A: The messenger.

    P: Le messager.

    Thừa: Vâng theo, chịu, gánh vác, tiếp tục. Sai: sai khiến.

    Thừa sai là vâng làm việc do người trên sai khiến.

    Thừa sai là người được Giáo hội (Công giáo ở La Mã) sai phái đi giao thiệp với các Giáo hội khác.

    Do đó, Thừa Sai là vị Chức sắc thuộc hàng giáo phẩm cao cấp được Giáo hội Công giáo trung ương ở La Mã cử làm Đại diện cho Giáo hội đi giải quyết các vấn đề quan trọng đối với các Giáo hội khác.

  • Thừa sử

    Thừa sử

    承使

    A: Commissary of justice.

    P: Commissaire de justice.

    Thừa: Vâng theo, chịu, gánh vác, tiếp tục. Sử: sai khiến. (không có nghĩa là Lịch sử).

    Thừa sử, nghĩa đen là vâng lệnh trên sai khiến mà làm.

    Thừa sử đồng nghĩa với Thừa sai.

    Thừa Sử là một phẩm Chức sắc Hiệp Thiên Đài, dưới phẩm Giám Đạo, trên phẩm Truyền Trạng, đối phẩm Giáo Hữu Cửu Trùng Đài.

    Nhiệm vụ, quyền hành, thăng thưởng và Đạo phục của Thừa Sử được qui định trong Hiến pháp Chức sắc Hiệp Thiên Đài. (Xem chữ: Hiệp Thiên Đài, phần Hiến pháp).

  • Thừa thãi

    Thừa thãi

    A: Superabundant.

    P: Surabondant.

    Thừa: (nôm) Dư, còn lại. Thãi: tiếng đệm.

    Thừa thãi là có quá nhiều so với yêu cầu cần dùng.

  • Thừa thượng khải hạ

    Thừa thượng khải hạ

    承上啟下

    Thừa: Vâng theo, chịu, gánh vác, tiếp tục. Thượng: trên, người trên.

    Khải: mở đường, dẫn dắt. Hạ: dưới, người dưới.

    Thừa thượng khải hạ là kế thừa người trên, dìu dẫn kẻ dưới.

    Thừa tiền khải hạ: kế thừa người trước, làm gương kẻ sau.

  • Thừa trừ

    Thừa trừ

    乘除

    A: Compensation.

    P: Compensation.

    Thừa: Ngồi xe, ngồi thuyền, cỡi, bực tu, toán nhân, nhân dịp, thừa lúc. Trừ: bớt ra.

    Thừa trừ là thêm và bớt, ý nói san sẻ cho đều.

    Luật thừa trừ: Đạo trời và việc người, luôn luôn có sự hơn về phía nầy và kém về phía kia, không bao giờ hoàn toàn tốt mọi phương diện, cũng không bao giờ hoàn toàn xấu mọi phương diện. Hễ ưu thế mặt nầy thì yếu kém mặt kia.

    Chỉ có Đấng Thượng Đế mới đứng ngoài luật thừa trừ, vì chỉ có Ngài là toàn tri, toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ.

  • Thừa tự

    Thừa tự

    承嗣

    A: To inherit.

    P: Héritier.

    Thừa: Vâng theo, chịu, gánh vác, tiếp tục. Tự: con cháu nối dõi cha ông.

    Thừa tự là nối tiếp sự nghiệp của cha ông và nối tiếp sự thờ cúng tổ tiên.

  • THỬA

    THỬA

    A: So, thus.

    P: Ainsi, comme.

    Thửa, dịch nghĩa chữ Kỳ:là tiếng trợ từ để chỉ cái gì thuộc về ai, hay là để thay vì việc người hay vật nói ở trên.

    Đây là từ ngữ xưa, ngày nay không dùng.

    An thửa phận: bằng lòng về số phận của mình.

    Biết thửa lòng: biết được lòng dạ của người nào.

    Thửa công đức ấy ai bằng: Câu nầy trong Truyện Kiều, nói về công đức của Thúy Kiều: Công đức của Thúy Kiều như thế ấy có ai bằng?

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Sanh đứng nên người, chen vai vào vòng thế cuộc, có khác chi kẻ bị đày vào biển khổ, để làm xong phận sự, đặng chuộc thửa tội tiền khiên (cái tội tiền khiên của kẻ bị đày).

    Thửa còn có nghĩa là: đặt làm.

    Thí dụ: Thửa bộ bàn ghế: đặt tiền cọc cho người ta làm một bộ bàn ghế.

  • THỨC

    THỨC

    1. THỨC: 識 Hiểu biết, nhận biết do trí não.

    Thí dụ: Thức giả, Thức thời.

    2. THỨC: 式 Cách thức, đường lối.

    Thí dụ: Thức lệ.

  • Thức giả

    Thức giả

    識者

    A: Intellectual.

    P: L"intellectuel.

    Thức: Hiểu biết, nhận biết do trí não. Giả: người.

    Thức giả là người hiểu biết.

  • Thức lệ

    Thức lệ

    式例

    A: Regulation.

    P: Règlement.

    Thức: Cách thức, đường lối. Lệ: lề lối đã có sẵn.

    Thức lệ là cách thức và lề lối đã có sẵn từ trước.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Nếu không chế giảm cho phù hạp thức lệ, lễ nghi của sắc dân ấy thì khó mà độ rỗi cho đặng.

  • Thức đồ lão mã

    Thức đồ lão mã

    識途老馬

    Thức: Hiểu biết, nhận biết do trí não. Đồ: con đường. Lão mã: con ngựa già.

    Thức đồ lão mã là ngựa già rành đường.

    Ý nói: người già thì có nhiều kinh nghiệm.

  • Thức thần - Nguơn thần

    Thức thần - Nguơn thần

    識神 - 元神

    A: The perisprit - The soul.

    P: Le périsprit - L"âme.

    Thức: Hiểu biết, nhận biết do trí não. Nguơn: Nguyên: khởi đầu, cái gốc. Thần: chỉ phần vô hình của con người.

    Thức thần là phần vô hình hiểu biết của con người, có được do trí não. Thức thần chính là chơn thần. (Lưu ý: Thức thần không phải là Thần thức trong giáo lý Phật giáo. Xem: Thần thức).

    Nguơn thần, tức là Nguyên thần, là phần vô hình có nguồn gốc là Thượng Đế. Nguơn thần chính là linh hồn hay chơn linh, là điểm linh quang do Thượng Đế ban cho mỗi người.

    "Ấy là kiếp con người không có Nguơn thần chấp chánh, để Thức thần đương quyền, thì dầu có sống, sống một cách vất vơ như bù nhìn trơ trơ để gió lay người đẩy.

    Vậy, con người cần phải phân biệt cái nào là Nguơn thần, cái nào là Thức thần, sự nào chơn, điều nào giả. Có khi Thức thần tính làm chuyện quấy quá tội tình, vô đạo đức, mà trong đó lại có Nguơn thần không chịu cho làm những chuyện quấy quá đó.

    Nguơn thần muốn làm điều ích lợi chung, còn Thức thần thì toan bề ích kỷ. Sự nào không cắn rứt lương tâm là của Nguơn thần muốn vậy; còn sự nào nhức nhối lương tâm là của Thức thần ham muốn khiến sai.

    Trong tâm con người có Nguơn thần và Thức thần, khi thì muốn động tác, lúc lại chịu vô vi. Ấy là hai điều khá chọn lựa. Phải biết Nhơn tâm và Đạo tâm khác xa." (Đại Thừa Chơn Giáo)

    Tóm lại, Thức thần là chơn thần, có khuynh hướng đi theo sự lôi cuốn của thể xác vào đường vật dục. Nguơn thần hay Nguyên thần là chơn linh, có bổn tánh thiện lương, có khuynh hướng vào đường chơn lý. Nguơn thần làm chủ con người thì mọi việc đều nên, Thức thần làm chủ thì mọi việc đều hư, phải bị sa đọa vào vòng luân hồi để trả quả.

  • Thức tỉnh

    Thức tỉnh

    識醒

    A: To awake.

    P: Réveiller.

    Thức: Hiểu biết, nhận biết do trí não. Tỉnh: không mê.

    Thức tỉnh là tỉnh ra mà biết rõ, không còn mê muội.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nhắn nhủ phồn hoa mau thức tỉnh.

  • THỰC

    THỰC

    1. THỰC: 實 Thật, không giả, đúng sự thật.

    Thí dụ: Thực chất, Thực thể, Thực tướng.

    2. THỰC: 食 Ăn.

    Thí dụ: Thực ngôn.

  • Thực chất

    Thực chất

    實質

    A: The essence.

    P: L"essence.

    Thực: Thật, không giả, đúng sự thật. Chất: cái cốt yếu của sự vật.

    Thực chất là cái cốt yếu căn bản có thực của sự vật.

  • Thực ngôn

    Thực ngôn

    食言

    A: To break one"s word.

    P: Avaler sa parole.

    Thực: Ăn. Ngôn: lời nói.

    Thực ngôn là nuốt lời, ý nói: thất tín, không giữ lời hứa.

  • Thực thể

    Thực thể

    實體

    A: The substance.

    P: La substance.

    Thực: Thật, không giả, đúng sự thật. Thể: hình thể, bản thể.

    Thực thể là những hình thể vật chất có thực mà chúng ta nhận biết được chung quanh ta.

    Thực thể là cái tánh chất hay cái tác dụng của sự vật bất biến, mà nếu không có cái tánh chất đó hay tác dụng đó thì sự vật ấy không thành hình.

    Một thực thể bất biến như vậy đối lập hẳn với quan niệm duy vật biện chứng.

  • Thực tiễn

    Thực tiễn

    實踐

    A: Pratical.

    P: Pratique.

    Thực: Thật, không giả, đúng sự thật. Tiễn: đạp chân lên.

    Thực tiễn, nghĩa đen là đạp chân lên sự thật, ý nói: thực hành, đem ra thực hiện trước mắt.

    Thực tiễn triết học là ngành Triết học khảo sát những điều: thiện ác, đẹp xấu, theo lối thực tiễn, không lý thuyết suông.

  • Thực tướng

    Thực tướng

    實相

    A: The true aspect.

    P: Le vrai aspect.

    Thực: Thật, không giả, đúng sự thật. Tướng: hình dạng.

    Thực tướng là hình dạng thật sự của nó.

    Thực tướng đồng nghĩa Chơn tướng.

  • THƯƠNG

    THƯƠNG

    1. THƯƠNG: 傷 Đau đớn xót xa, tổn hại.

    Thí dụ: Thương hại, Thương vong.

    2. THƯƠNG: 商 Buôn bán, bàn tính.

    Td Thương mãi, Thương thuyết.

    3. THƯƠNG: 倉 Màu xanh.

    Thí dụ: Thương hải.

  • Thương chánh

    Thương chánh

    商政

    A: Customs servive.

    P: La douane.

    Thương: Buôn bán, bàn tính. Chánh: Chính: việc nhà nước.

    Thương chánh là cơ quan lập ra để đánh thuế hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu.

    Khi xưa gọi là Thương chánh, ngày nay gọi là Quan thuế.

  • Thương cung chi điểu

    Thương cung chi điểu

    傷弓之鳥

    Thương: Đau đớn xót xa, tổn hại. Cung: cây cung. Điểu: con chim.

    Thương cung chi điểu là con chim bị cây cung bắn cho bị thương.

    Sách Nho: "Thương cung chi điểu, kiến khúc mộc nhi cao phi." Nghĩa là: Con chim bị cung bắn cho bị thương, thấy cây cong thì bay lên cao. Ý nói: Con chim đã một lần bị cung bắn thì khi thấy cành cây cong, nó tưởng là cây cung nên sợ hãi, vội bay lên cao.

    Người đã vấp phải một lần thất bại, về sau khi thấy việc tương tợ thì lòng lo sợ.

  • Thương giả đa trá

    Thương giả đa trá

    商者多詐

    Thương: Buôn bán, bàn tính. Giả: người. Đa: nhiều. Trá: gian trá.

    Thương giả đa trá là người buôn bán thì hay gian xảo.

  • Thương hải biến vi tang điền

    Thương hải biến vi tang điền

    倉海變為桑田

    Thương: Màu xanh. Hải: biển. Biến: biến đổi. Vi: là, làm. Tang: dâu. Điền: ruộng. Tang điền: ruộng dâu.

    Thương hải biến vi tang điền là biển xanh biến làm ruộng dâu. Ý nói: việc đời luôn luôn thay đổi.

    (Xem điển tích nơi chữ: Biển dâu, vần B)

  • Thương hại

    Thương hại

    傷害

    A: To have pity.

    P: Avoir pitié.

    Thương: Đau đớn xót xa, tổn hại. Hại: hao tổn.

    Thương hại là đau xót vì những tổn hại, tức là thương xót người bị hao tổn thiệt thòi.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Lại có lắm kẻ đáng thương hại, tự phụ cho rằng họ hiểu thấu cả lẽ mầu nhiệm của Đấng Tạo hóa.

  • Thương mãi

    Thương mãi

    商買

    A: The commerce.

    P: Le commerce.

    Thương: Buôn bán, bàn tính. Bán hàng gọi là thương, mua hàng là mãi.

    Thương mãi là việc buôn bán hàng hóa và vật dụng.

    Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938): Mỗi quận đạo nào có lập cơ sở lương điền, công nghệ, thương mãi thuộc về Phước Thiện thì cả Chủ sở nơi ấy và Chức việc Bàn Cai Quản hiệp nhau công cử Nghị viên.

  • Thương nghị

    Thương nghị

    商議

    A: To confer.

    P: Conférer.

    Thương: Buôn bán, bàn tính. Nghị: đưa ra lý lẽ để bàn cãi.

    Thương nghị là cùng nhau bàn tính để sắp đặt đưa ra một giải pháp tốt nhứt thỏa mãn các yêu cầu.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Thầy có hội chư Tiên Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt quốc.

  • Thương phong bại tục

    Thương phong bại tục

    傷風敗俗

    A: To injure the manners.

    P: Blesser les moeurs.

    Thương: Đau đớn xót xa, tổn hại. Bại: hư hỏng. Phong tục: thói quen lâu đời đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người làm theo.

    Thương phong bại tục là làm cho hư hại phong tục.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Chẳng phải nói các kinh điển của người trong Đạo làm ra mà thôi, dầu cho người ngoại giáo làm ra đi nữa, nếu có thương phong bại tục thì buộc Hội Thánh phải vùa giúp Chưởng Pháp mà lo trừ diệt cho đặng.

  • Thương sanh

    Thương sanh

    倉生

    A: The people.

    P: Le peuple.

    Thương: Màu xanh. Sanh: sống.

    Thương sanh là dân chúng.

    Kinh Cầu Siêu: Hộ thương sanh u hiển khương ninh.

  • Thương tâm

    Thương tâm

    傷心

    A: Afflicted.

    P: Affligé.

    Thương: Đau đớn xót xa, tổn hại. Tâm: lòng dạ.

    Thương tâm là đau xót trong lòng.

    Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu: Mối thương tâm chưa ngớt đeo sầu.

  • Thương vong

    Thương vong

    傷亡

    A: To die from the wounds.

    P: Mourir par les blessures.

    Thương: Đau đớn xót xa, tổn hại. Vong: mất, chết.

    Thương vong là chết vì bị thương tích.

    Kệ U Minh Chung: Trận bại thương vong cụ sanh tịnh độ.

  • Thương yêu

    Thương yêu

    A: The love.

    P: L"amour.

    Thương yêu, Phật gọi là Từ bi, Tiên gọi là Bác ái, Thánh gọi là Nhân ái, là thương người thương vật, thương khắp chúng sanh và muốn giúp chúng sanh thoát khổ.

    Thương yêu là một trong hai điều của bản Đệ tam Thiên Nhơn Hòa Ước: "Bác ái - Công bằng", cho nên Đức Chí Tôn luôn luôn dạy và nhắc nhở là nhơn loại phải thương yêu nhau.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: "Thầy thường nói với các con rằng: Các con là cơ thể của sự thương yêu, mà các con không còn hiểu sự thương yêu là gì? bởi nơi nào đó?.... Sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn Khôn Thế giới. Có thương yêu nhơn loại mới hòa bình, Càn Khôn mới an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch nhau, mới giữ bền cơ sanh hóa."

    "Vậy, Thầy cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe à!"

    "Thầy chỉ một lòng mơ ước cho các con biết thương yêu nhau trong Thánh đức của Thầy."

    "Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam thập lục Thiên, Cực Lạc Thế giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi.

    Có câu nầy nữa: Mọi sự khó khăn Thầy gánh vác, chỉ cậy các con thương yêu gắng công độ rỗi."

  • THƯỜNG

    THƯỜNG

    1. THƯỜNG: 常 Luôn luôn, không đổi, bình thường.

    Thí dụ: Thường du, Thường lệ, Thường tình.

    2. THƯỜNG: 嘗 Nếm, uống.

    Thí dụ: Thường tân.

  • Thường du

    Thường du

    常遊

    A: To travel frequently.

    P: Voyager frequemment.

    Thường: Luôn luôn, không đổi, bình thường. Du: du hành, đi xa, đi đó đi đây.

    Thường du là luôn luôn đi đó đi đây.

    Di Lạc Chơn Kinh: Thường du Ta bà thế giới giáo hóa chơn truyền

  • Thường kỳ

    Thường kỳ

    常期

    A: The ordinary session.

    P: La session ordinaire.

    Thường: Luôn luôn, không đổi, bình thường. Kỳ: thời hạn.

    Thường kỳ là sau một thời hạn không thay đổi thì lại bắt đầu như trước.

  • Thường lệ

    Thường lệ

    常例

    A: Ordinary rule.

    P: Règle ordinaire.

    Thường: Luôn luôn, không đổi, bình thường. Lệ: lề lối qui định từ trước.

    Thường lệ là lệ thường, tức là lề lối qui định từ trước vẫn giữ nguyên không thay đổi.

  • Thường niên

    Thường niên

    常年

    A: Annual.

    P: Annuel.

    Thường: Luôn luôn, không đổi, bình thường. Niên: năm.

    Thường niên là hằng năm đều như thế.

    Đại hội thường niên là Đại hội hằng năm, năm nào cũng họp Đại hội như thế.

  • Thường phục

    Thường phục

    常服

    A: The every-day clothes.

    P: La tenue ordinaire.

    Thường: Luôn luôn, không đổi, bình thường. Phục: quần áo.

    Thường phục là quần áo mặc thường ngày, không phải là Đạo phục hay lễ phục.

  • Thường tân nhự khổ

    Thường tân nhự khổ

    嘗辛茹苦

    Thường: Nếm, uống. Tân: cay. Nhự: Như: ăn. Khổ: đắng.

    Thường tân nhự khổ là ăn đắng nuốt cay.

    Ý nói: Chịu nhiều đau đớn khổ sở.

  • Thường thủy tư nguyên

    Thường thủy tư nguyên

    嘗水思源

    Thường: Nếm, uống. Thủy: nước. Tư: nhớ. Nguyên: nguồn.

    Thường thủy tư nguyên là uống nước nhớ nguồn, đồng nghĩa với thành ngữ: Ẩm thủy tư nguyên.

    Ý nói: Đừng quên nguồn gốc, nhớ đến công lao của tổ tiên.

  • Thường tình

    Thường tình

    常情

    A: The common feeling.

    P: Le sentiment commun.

    Thường: Luôn luôn, không đổi, bình thường. Tình: tình cảm.

    Thường tình là tình cảm thông thường mà ai cũng có.

    Nhi nữ thường tình: tình cảm thường thấy nơi người phụ nữ.

  • Thường trụ

    Thường trụ

    常住

    A: To reside permanently.

    P: Résider en permanence.

    Thường: Luôn luôn, không đổi, bình thường. Trụ: Trú: ở.

    Thường trụ là hằng ở, thường còn, lúc nào cũng hiện hữu như vậy, không biến đổi, không gián đoạn.

    Thường trụ là tiếng được dùng để xưng chung Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và xưng riêng Đức Phật.

  • THƯỞNG

    THƯỞNG

    THưởng: 賞 Khen ngợi cho lên chức, hoặc cho quà tặng, thưởng thức.

    Thí dụ: Thưởng phong, Thưởng ngoạn.

  • Thưởng bất khí cừu

    Thưởng bất khí cừu

    賞不棄仇

    Thưởng: Khen ngợi cho lên chức, hoặc cho quà tặng, thưởng thức. Bất: không. Khí: quên, bỏ. Cừu: kẻ thù.

    Thưởng bất khí cừu: khen thưởng không bỏ kẻ thù.

    Ý nói: Dầu kẻ thù của mình mà có công vẫn phải khen thưởng đúng mức.

  • Thưởng bất tiếm, hình bất lạm

    Thưởng bất tiếm, hình bất lạm

    賞不僭, 刑不濫

    Thưởng: Khen ngợi cho lên chức, hoặc cho quà tặng, thưởng thức. Bất: không. Tiếm: lấn chiếm. Hình: hình phạt. Lạm: làm quá phép.

    Thưởng bất tiếm: khen thưởng đúng mức qui định.

    Hình bất lạm: hình phạt không quá phép.

    Ý nói: Thưởng đúng, phạt đúng, rất công minh.

  • Thưởng cập khô hài

    Thưởng cập khô hài

    賞及枯骸

    Thưởng: Khen ngợi cho lên chức, hoặc cho quà tặng, thưởng thức. Cập: kịp, cùng. Khô hài: xương khô.

    Thưởng cập khô hài: khen thưởng cả những bộ xương khô. Ý nói: Người chết lâu rồi vẫn phải khen thưởng, tức là truy phong những người đã hy sinh vì chánh nghĩa.

  • Thưởng ngoạn

    Thưởng ngoạn

    賞玩

    A: To enjoy.

    P: Contempler.

    Thưởng: Khen ngợi cho lên chức, hoặc cho quà tặng, thưởng thức. Ngoạn: ngắm xem.

    Thưởng ngoạn là ngắm xem vẻ đẹp của thiên nhiên và cảm thấy thích thú.

  • Thưởng phong

    Thưởng phong

    賞封

    A: To reward and confer a dignity.

    P: Récompenser et conférer une dignité.

    Thưởng: Khen ngợi cho lên chức, hoặc cho quà tặng, thưởng thức. Phong: vua ban phẩm tước cho bề tôi.

    Thưởng phong hay Phong thưởng là khen ngợi và ban phẩm tước cho người có công.

    Kinh Ðệ Cửu cửu:
    Ngọc Hư Cung sắc lịnh kêu,
    Thưởng phong trừng trị phân điều đọa thăng.
  • Thưởng thiện phạt ác

    Thưởng thiện phạt ác

    賞善罰惡

    A: To reward the good and to punish the bad.

    P: Recompenser le bien et punir le mal.

    Thưởng: Khen ngợi cho lên chức, hoặc cho quà tặng, thưởng thức. Thiện: lành, tốt. Phạt: trừng trị. Ác: xấu.

    Thưởng thiện phạt ác là khen thưởng người làm điều lành và trừng trị người làm điều hung ác.

  • THƯỢNG

    THƯỢNG

    1. THƯỢNG: 上 Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa.

    Thí dụ: Thượng giới, Thượng cổ.

    2. THƯỢNG: 尚 Ưa chuộng, đứng đầu, còn, mong.

    Thí dụ: Thượng đức, Thượng võ.

  • Thượng bất chánh, hạ tác loạn

    Thượng bất chánh, hạ tác loạn

    上不正, 下作亂

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Bất: không. Chánh: ngay thẳng. Hạ: dưới. Tác: làm. Loạn: rối loạn.

    Thượng bất chánh: người ở cấp trên không ngay thẳng.

    Hạ tác loạn: người ở cấp dưới làm rối loạn.

    Cấp lãnh đạo mà không chơn chánh thì cấp thừa hành bên dưới không phục, tất nhiên sẽ làm nhiều việc sai trái.

  • Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân

    Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân

    上不怨天, 下不尤人

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Bất: không. Oán: giận. Thiên: Trời. Hạ: dưới. Vưu: trách. Nhân: người.

    Thượng bất oán Thiên: trên không oán Trời.

    Hạ bất vưu nhân: dưới không trách người.

    Trong sách Trung Dung nói về người quân tử, viết rằng: "Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân, cố quân tử cư dị sĩ mệnh." Nghĩa là: Trên không oán Trời, dưới không trách người, nên người quân tử cứ ở bình dị mà đợi mệnh Trời.

  • Thượng căn - Trung căn - Hạ căn

    Thượng căn - Trung căn - Hạ căn

    上根 - 中根 - 下根

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Căn: gốc rễ. Trung: giữa. Hạ: dưới, thấp.

    Căn chỉ giác quan của con người. Con người có Lục căn: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý. Nhờ có Lục căn mà có được Lục thức, sáu sự hiểu biết: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức,.... Lục thức bị Lục trần khêu gợi nên sanh ra Lục dục: Nhãn dục, Nhĩ dục, Tỹ dục, Thiệt dục, v.v....

    Thượng căn: căn trên, tức là giác quan ở bực trên nên mau hiểu biết, dễ tiếp thu Đạo lý, không chướng ngại.

    Trung căn: căn trí bực trung bình, tức là giác quan thuộc loại trung bình, nên chậm hiểu biết Đạo lý, nhưng nếu được dạy dỗ và rèn luyện thì cũng tiếp thu được Đạo lý.

    Hạ căn: căn trí bực thấp, trí não mờ tối, khó tiếp thu Đạo lý, dù có được dạy dỗ thì cũng không tiếp thu Đạo lý được bao nhiêu.

    Đó là 3 hạng người của nhơn loại được chia ra tùy theo trình độ căn trí cao thấp.

  • Thượng cầm hạ thú

    Thượng cầm hạ thú

    上禽下獸

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Cầm: loài chim. Hạ: dưới. Thú: thú vật.

    Thượng cầm hạ thú: bên trên là loài chim, bên dưới là loài thú vật.

    Kinh Sám Hối:
    Thượng cầm hạ thú lao xao,
    Côn trùng, thảo mộc, loài nào chẳng linh.
  • Thượng chưởng Tam thập lục Thiên

    Thượng chưởng Tam thập lục Thiên

    上掌三十六天

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. CHưởng: nắm giữ, cai quản. Tam thập lục Thiên: 36 từng Trời.

    Đây là một câu kinh trong bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế, có nghĩa là:

    Ở phần trên của vũ trụ, Đức Chí Tôn chưởng quản 36 từng Trời.

  • Thượng cổ - Trung cổ - Cận cổ

    Thượng cổ - Trung cổ - Cận cổ

    上古 - 中古 - 近古

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Cổ: xưa. Trung: giữa. Cận: gần.

    ■ Thượng cổ là thời đại rất xưa.

    · Ở Việt Nam, thời Thượng cổ kể từ họ Hồng Bàng đến hết Bắc thuộc lần thứ nhứt (năm 39) (trước đời Trưng Vương).

    · Ở Trung hoa, thời Thượng cổ kể từ đời vua Phục Hy (-2852) đến cuối thời Đông Châu Liệt Quốc (-220).

    · Ở Âu Châu, thời Thượng cổ kể từ vua Minos của Hy Lạp (-2800) cho đến khi vua César bị giết chết năm -44.

    Trước thời Thượng cổ thì gọi là Thái cổ thời đại.

    Sự phân chia lịch sử thành 3 thời kỳ: Thượng cổ, Trung cổ, Cận cổ, tùy theo điều kiện lịch sử của mỗi nước mỗi vùng, nên không thống nhứt nhau, và chỉ có tính cách tương đối.

    ■ Trung cổ thời đại là thời kỳ nối tiếp theo thời Thượng cổ cho đến thế kỷ thứ 10 hoặc thế kỷ 15 tùy trường hợp.

    · Ở Việt Nam, Trung cổ thời đại kể từ thời Trung Vương (40-43) cho đến thời Thập nhị Sứ quân (945-967).

    · Ở nước Trung Hoa, Trung cổ thời đại kể từ thời nhà Tần (-221) cho đến hết thời nhà Đường (906).

    · Ở Âu Châu, Trung cổ thời đại kể từ khi Đức Chúa Jésus giáng sanh cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lại thành Constantinople (1453).

    ■ Cận cổ thời đại là thời kỳ nối tiếp thời Trung cổ cho đến Cận kim thời đại.

    · Ở Việt Nam, Cận cổ thời đại kể từ cuối thời Thập nhị Sứ Quân khởi đầu nhà Tiền Lê cho đến đầu nhà Mạc (1527).

    · Ở Trung hoa, Cận cổ thời đại kể từ đời Ngũ Đại (907) cho đến cuối thời nhà Minh (1660).

    · Ở Âu Châu, Cận cổ thời đại kể từ năm 1453 khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lại thành Constantinople đến Cách Mạng Pháp thành công năm 1789.

    Sau thời Cận cổ thì đến thời Cận Kim.

    · Ở Trung hoa từ đời nhà Thanh đến ngày nay.

    · Ở Việt Nam từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đến ngày nay.

    · Ở Âu Châu, từ Cách Mạng Pháp thành công cho đến ngày nay.

  • Thượng đẳng

    Thượng đẳng

    上等

    A: The superior rank.

    P: Le rang supérieur.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Đẳng: thứ bậc.

    Thượng đẳng là bực trên.

    Thượng đẳng chúng sanh: là bực trên hết của chúng sanh, đó là nhơn loại.

  • Thượng đức - Thượng lực - Thượng mưu

    Thượng đức - Thượng lực - Thượng mưu

    尚德 - 尚力 - 尚謀

    A: To esteem the virtue - To esteem the force - To esteem the ruse.

    P: Estimer la vertu - Estimer la force - Estimer la ruse.

    Thượng: Ưa chuộng, đứng đầu, còn, mong. Đức: đạo đức. Lực: sức mạnh. Mưu: mưu kế

    Thượng đức là ưa chuộng đạo đức. Đó là thời thượng nguơn Thánh đức, cũng là nguơn vô tội.

    Thượng lực là ưa chuộng sức mạnh, cho sức mạnh là trên hết. Đó là thời trung nguơn, là nguơn tranh đấu, nên họ thích dùng sức mạnh võ lực để giải quyết các tranh chấp, quyết định sự thắng bại, nên đó cũng là nguơn tự diệt.

    Thượng mưu là ưa chuông mưu kế, dùng trí khôn ngoan tạo ra các mưu kế để chiến thắng. Đó là thời hạ nguơn tái tạo và qui cổ.

  • Thượng giới

    Thượng giới

    上界

    A: The superior world.

    P: Le monde supérieur.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Giới: cõi.

    Thượng giới là cõi trên.

    Đối với Càn Khôn Vũ Trụ, người xưa chia ra một cách tổng quát làm ba cõi lớn:

    · Hạ giới: cõi thấp nhứt, là cõi trần, cõi của nhơn loại.

    · Trung giới: cõi giữa, thuộc bực Thần và bực Thánh.

    · Thượng giới: cõi trên hết, thuộc bực Tiên và Phật.

  • Thượng hạ khắc nhau

    Thượng hạ khắc nhau

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Hạ: dưới. Khắc nhau: trái nghịch nhau.

    Thượng hạ khắc nhau là cấp trên và cấp dưới có ý kiến trái nghịch nhau, không hòa hợp nhau, khiến cho việc làm không thống nhứt, như trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Nếu không có Chưởng Pháp đứng trung gian thế quyền Hiệp Thiên Đài nơi Cửu Trùng Đài mà điều độ cho êm đềm hòa nhã thì nền đạo phải chinh nghiêng sanh ra rối loạn, thượng hạ khắc nhau, phải mất trật tự mà gây nên đảng phái.

  • Thượng hòa hạ mục

    Thượng hòa hạ mục

    上和下睦

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Hòa: êm thuận. Mục: hòa thuận.

    Thượng hòa hạ mục là trên và dưới hòa thuận với nhau.

  • Thượng Hoàng

    Thượng Hoàng

    上皇

    A: The deceased king.

    P: Le roi décédé.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Hoàng: vua.

    Thượng hoàng là vị vua đã chết.

    Thượng hoàng còn có nghĩa là cha của ông vua, cũng gọi là Thái Thượng hoàng.

    Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà:
    Thượng hoàng sánh đức Chí công.
    Mặc phò lê thứ khỏi vòng lao lung.
  • Thượng Hội

    Thượng Hội

    上會

    A: The Superior Council.

    P: Le Conseil Supérieur.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Hội: nhóm họp nhiều người.

    Thượng Hội là hội cao hơn hết trong ba Hội Lập Quyền Vạn linh.

    Ba Hội Lập Quyền Vạn linh là: - dưới hết là Hội Nhơn Sanh, - kế trên là Hội Thánh, - và trên hết là Thượng Hội.

    Do đó, Thượng Hội gồm các Chức sắc Đại Thiên phong cao cấp nhứt của Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.

    I. Tổ chức và thành phần của Thượng Hội:

    Thành phần của Thượng Hội gồm 11 vị, kể ra sau đây:

    1) Nghị Trưởng: Đức Giáo Tông.
    2) Phó Nghị Trưởng: Đức Hộ Pháp.
    3) Các Nghị viên:
        - Thượng Phẩm.
        - Thượng Sanh.
        - 3 vị Chưởng Pháp.
        - 3 vị Đầu Sư nam.
        - 1 vị Nữ Đầu Sư.
    4) Từ hàn: 1 Chức sắc Cửu Trùng Đài phẩm Phối Sư hoặc Giáo Sư.

    Phận sự của Từ hàn:

    · Từ hàn không quyền bàn cãi và bỏ thăm trong Thượng Hội vì Từ hàn không phải là Nghị viên của Thượng Hội.

    · Từ hàn được quyền dự thính trong Thượng Hội để lập Vi bằng hội nhóm, ghi chép các lời bàn cãi của chư Nghị viên, viết thư mời họp theo lịnh của Nghị Trưởng, tùng lịnh Nghị Trưởng lập chương trình Thượng Hội.

    · Từ hàn gìn giữ sổ sách và giấy tờ của Thượng Hội.

    · Nhiệm kỳ của Từ hàn là 4 năm và có thể được tái cử nếu đủ đạo đức và siêng năng làm tròn trách nhiệm.

    II. Ngày giờ và nơi họp của Thượng Hội:

    · Mỗi năm, sau ngày lễ Noel thì Thượng Hội nhóm lệ thường niên trong hạn kỳ 15 ngày.

    · Ngoài phiên nhóm lệ nầy, Thượng Hội còn nhóm 3 tháng 1 lần.

    · Khi có việc khẩn cấp, Đức Giáo Tông Nghị Trưởng gởi tờ mời họp bất thường.

    · Thượng Hội nhóm phiên thường lệ hằng năm nơi giữa Đền Thờ Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh Tây Ninh.

    Các phiên họp khác thì nhóm tại Giáo Tông Đường.

    III. Khai Hội và Bãi Hội:

    Trong buổi lễ Khai mạc Thượng Hội, 3 vị Chánh Phối Sư nam phái đến rước Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp; còn Nữ Chánh Phối Sư thì đến rước Nữ Đầu Sư.

    Tất cả Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài nam nữ đều mặc Thiên phục hiện diện tại Tòa Thánh chờ hầu rước.

    Khi Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp đến Tòa Thánh thì Lễ viện cho lịnh đánh 6 hồi trống và 6 hồi chuông. Dứt hồi trống và chuông thì chư Nghị viên Thượng Hội vào đại điện bái lễ Đức Chí Tôn. Nhạc trổi bản Nhạc Tấu Quân Thiên. Dứt nhạc thì cả thảy an vị và khai hội.

    Ba vị Chánh Phối Sư nam và vị Nữ Chánh Phối Sư xuất ngoại chờ lịnh. Tất cả các Chức sắc khác vào Thiên phong đường chờ khi bãi hội đặng ra hầu lễ.

    Thượng Hội nhóm trong Đền Thờ, trên điện đốt đủ hương đăng. Sáu vị Lễ Sanh nam thuộc 3 phái đứng hầu nơi Bát Quái Đài, 2 vị Nữ Lễ Sanh hầu bên Hữu ban, 2 vị Lễ Sanh phái Ngọc hầu bên Tả ban, mỗi giờ phải thay đổi.

    Lễ Bãi Hội, chư vị Nghị viên ra về, Lễ Viện cũng cho đánh 6 hồi trống và chuông, các vị Chánh Phối Sư và Nữ Chánh Phối Sư đưa chư vị Đại Thiên phong trở về tư dinh giống như lúc rước.

    Trật tự: Một vị Giáo Sư phái Ngọc mặc Thiên phục mang dây Sắc lịnh của Hiệp Thiên Đài, cai quản Cơ Bảo Thể gìn giữ trật tự bên ngoài. Khi Thượng Hội bế mạc thì phải đem dây Sắc lịnh trả về Hiệp Thiên Đài.

    Khi Thượng Hội nhóm tại Giáo Tông Đường, các nghi lễ trên được bãi bỏ. Vị Giáo Sư cai quản Cơ Bảo Thể được mặc y phục thường, chỉ huy Bảo Thể gìn giữ trật tự nơi Giáo Tông Đường.

    IV. Phận sự của Thượng Hội:

    Thượng Hội xem xét và phê chuẩn các điều sau đây:

    1. Các điều của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh bàn luận về việc Đạo.

    2. Các điều ước nguyện của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh. Những điều nào của Hội Nhơn Sanh bị Hội Thánh đánh đổ, hoặc những điều nào của Hội Thánh mà bị Hội Nhơn Sanh đánh đổ, đều không được phép dâng lên Thượng Hội, trừ ra khi nào có đơn của Nghị Trưởng hay Phó Nghị Trưởng kêu nài.

    3. Thượng Hội bàn luận và định đoạt các việc cần gấp hoặc yếu trọng phải ban hành trong Đạo.

    Trước khi nhóm Thượng Hội:

    Chư vị Đầu Sư nam phái và Nữ phái cầm quyền cai trị về phần Đạo và phần Đời của con cái Đức Chí Tôn, phải lập tờ phúc về những điều bàn tính của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh đệ lên Giáo Tông xem xét rồi đưa ra Thượng Hội thảo luận. Tờ phúc phải nạp 15 ngày trước bữa khai Thượng Hội.

    Cả giấy tờ đem ra Thượng Hội phải có đủ cả Nghị viên xem xét trước 7 ngày.

    V. Cách bàn cãi và biểu quyết:

    Trong mỗi việc đem ra bàn luận, mỗi Hội viên được xin nói 3 lần, mỗi lần 5 phút hay là 1 lần 15 phút đồng hồ.

    Khi đã bàn cãi xong, Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp có ý kiến chi thì mới bày tỏ sau rốt, rồi Nghị Trưởng định cho bỏ thăm, vẫn lấy đa số thăm làm qui tắc. Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp không bỏ thăm, chỉ có 9 Nghị viên bỏ thăm. Điều nào có được 5 thăm thuận thì đạt được quá bán.

    Quyền của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại là Quyền Chí Tôn tại thế, cho nên hai vị Đại Thiên Phong nầy không có bỏ thăm, bởi vì Quyền Chí Tôn là tuyệt đối, không bàn cãi.

    - Nếu cả ba Hội (Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội) phản khắc nhau thì thì Quyền của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại chỉ định thế nào thì cả toàn đạo phải tuân theo thế ấy.

    - Thảng như Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau, thì cả thảy ý kiến chánh trị và nguyện ước của chúng sanh đều hủy bỏ. Chừng ấy, Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội phải nhóm lại để thảo luận lần thứ hai nữa.

    Trước giờ bế mạc Thượng Hội 15 phút, Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp cùng vào đại điện mật nghị, rồi trở ra cho Thượng Hội rõ biết quyết định chung của mình. (Theo tài liệu trong quyển Chánh Trị Đạo của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa) (Xem thêm: Quyền Vạn Linh, vần Q)

  • Thượng huyền

    Thượng huyền

    上弦

    A: The first quarter of the moon.

    P: Le premier quartier de la lune.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Huyền: dây cung. Mặt trăng mới hiện ra nửa hình tròn, giống như cái lưỡi liềm hay một cánh cung.

    Thượng huyền là mặt trăng vào đêm mùng 8 hoặc mùng 9 âm lịch hiện ra trên bầu trời có hình như cái cung, thường gọi là trăng lưỡi liềm.

  • Thượng hương

    Thượng hương

    上香

    A: To offer up the incenses.

    P: Offrir des encens.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Hương: cây nhang đốt cháy tỏa mùi thơm.

    Thượng hương là dâng hương, cầm hương cầu nguyện rồi đem lên cắm vào lư hương đặt trên bàn thờ.

  • Thượng hưởng

    Thượng hưởng

    尚享

    A: Please enjoy the offerings.

    P: Veuillez jouir des offrandes.

    Thượng: Ưa chuộng, đứng đầu, còn, mong. Hưởng: nhận dùng.

    Thượng hưởng là mong về hưởng lễ.

    Hai chữ "Thượng hưởng" thường đặt cuối một bài ai điếu hay một bài văn tế để cầu nguyện linh hồn người chết về chứng lễ và hưởng những phẩm vật cúng tế.

  • Thượng khách

    Thượng khách

    上客

    A: The distinguished guest.

    P: Hôte de marque.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Khách: người khách.

    Thượng khách là khách quí.

  • Thượng khẩn

    Thượng khẩn

    上緊

    A: Very urgent.

    P: Très urgent.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Khẩn: cần gấp.

    Thượng khẩn là rất gấp.

    Từ ngữ nầy thường được đóng trên bì thơ mang các công văn để phân loại công văn: công văn thường, công văn khẩn, công văn thượng khẩn.

  • Thượng lộ bình an

    Thượng lộ bình an

    上路平安

    A: Good journey.

    P: Bon voyage.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Lộ: đường đi. Bình an: yên ổn.

    Thượng lộ bình an là lên đường được bình yên.

    Đây là câu cầu chúc lúc tiễn một người lên đường đi xa.

  • Thượng lưu

    Thượng lưu

    上流

    A: Upstream; the upper classe of society.

    P: En amont; l"élite de la société.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Lưu: nước chảy, phân biệt từng phẩm loại.

    Thượng lưu có hai nghĩa:

    Thượng lưu là vùng đất gần nơi phát nguyên của một dòng sông. Dưới vùng thượng lưu là vùng trung lưu, dưới vùng trung lưu là hạ lưu, nơi dòng sông chảy ra biển.

    Thượng lưu là hạng người ưu tú trong xã hội.

    Dưới thượng lưu là từng lớp trung lưu, dưới trung lưu là từng lớp hạ lưu, là hạng người thấp kém nhứt.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Tố bần hàn tùy mình mà hành đạo thì công quả ấy trổi hơn hạng thượng lưu đó các con.

  • Thượng nguơn

    Thượng nguơn

    上元

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Nguơn: một khoảng thời gian.

    Một Chuyển có 3 nguơn: Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn.

    Hiện nay, địa cầu 68 của nhơn loại chúng ta đang ở vào cuối Hạ nguơn của Chuyển thứ ba (Hạ nguơn Tam Chuyển), sắp qua Thượng nguơn của Chuyển thứ tư (Thượng nguơn Tứ Chuyển).

    Một năm cũng chia làm 3 nguơn.

    . Rằm thượng nguơn là ngày 15 tháng giêng âm lịch.
    · Rằm trung nguơn là ngày 15 tháng 7 âm lịch.
    · Rằm hạ nguơn là ngày 15 tháng 10 âm lịch.

    (Xem chữ Rằm, vần R)

  • Thượng nhân

    Thượng nhân

    上人

    A: Overman.

    P: Le surhomme.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Nhân: người.

    Thượng nhân là người cao siêu, tài giỏi phi thường, đứng vào bực Thánh.

  • Thượng phẩm chi nhơn

    Thượng phẩm chi nhơn

    上品之人

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Phẩm: thứ bực cao thấp. Nhơn: người.

    Thượng phẩm chi nhơn: người ở bực trên, phi thường.
    Trung phẩm chi nhơn: người ở bực trung bình.
    Hạ phẩm chi nhơn: người ở bực dưới.

    Ông Khương Thiệu Tiết có nói rằng:

    Thượng phẩm chi nhơn, bất giáo nhi thiện,
    Trung phẩm chi nhơn, giáo nhi hậu thiện,
    Hạ phẩm chi nhơn, giáo diệc bất thiện.
    Bất giáo nhi thiện, phi Thánh nhi hà?
    Giáo nhi hậu thiện, phi hiền nhi hà?
    Giáo diệc bất thiện, phi ngu nhi hà?

    Nghĩa là:

    Người bực trên, không dạy mà thiện,
    Người bực giữa, dạy rồi mới thiện,
    Người bực dưới, dạy mà cũng không thiện.
    Không dạy mà thiện, chẳng phải là Thánh sao?
    Dạy rồi mới thiện, chẳng phải là Hiền sao?
    Dạy cũng không thiện, chẳng phải là ngu sao?
  • Thượng Phẩm

    Thượng Phẩm

    上品

    Thượng Phẩm là phẩm vị Chức sắc cao cấp của Hiệp Thiên Đài, đứng trên Thập nhị Thời Quân, chưởng quản Chi Đạo, làm việc dưới quyền của Đức Hộ Pháp.

    Theo Pháp Chánh Truyền, nhiệm vụ, quyền hành và đạo phục của Thượng Phẩm, như sau:

    "Thượng Phẩm là ai?

    Thượng Phẩm là người thay mặt cho Hộ Pháp, phải tùng lịnh Hộ Pháp mà hành chánh. Hể bước chơn vào cửa Đạo thì phải có Thiên phẩm, mà hễ có Thiên phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng Phẩm mới trọn nghĩa câu Phổ Độ.

    Các chơn linh, dầu nguyên nhân hay là hóa nhân, đều nhờ Thượng Phẩm gìn giữ binh vực cho ngồi đặng an ổn địa vị mình, giúp đỡ cho đức hạnh trổi thêm cao cho khỏi phạm luật lệ, xem sóc ngôi thứ chẳng cho giành giựt lẫn nhau, ắt giữ cho Cửu Trùng Đài đặng hòa nhã yêm điềm, khép cửa Thiên môn, cấm đường không cho các chơn linh thối bước (Hay!). Phẩm trật nhờ người mà đặng thăng lên hay là bị người mà phải hạ.

    Người nắm luật đạo nơi tay mà binh vực cả chư Chức sắc Thiên phong và các tín đồ, chẳng cho ai phạm luật, vùa lo cho người đạo hạnh lên cho tột phẩm vị của mình.

    Thượng Phẩm là chủ phòng cãi luật, làm trạng sư của tín đồ.

    Pháp Chánh Truyền: Thượng Phẩm thì quyền về phần Đạo, dưới quyền có: Tiếp Đạo, Khai Đạo, Hiến Đạo, Bảo Đạo, lo về phần Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư môn đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.

    Pháp Chánh Truyền Chú Giải: Các Tịnh Thất đều về quyền của Thượng Phẩm cai quản. Cả tín đồ thì về phần người binh vực, chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng. Các Chức sắc trấn nhậm mấy Thánh Thất phải do nơi quyền người thuyên bổ, liệu lượng tài sức mỗi người mà chỉ định phận sự (công bình vậy).

    Thượng Phẩm là cây cờ của Đạo. Hễ Đạo nơi nào thì Thượng Phẩm nơi ấy.

    Thượng Phẩm đối quyền Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Đài.

    Hiệp Thiên Đài là luật lệ, mà Thượng Phẩm lại là chánh trị, ấy vậy, Thượng Phẩm là người của Cửu Trùng Đài nơi Hiệp Thiên Đài.

    Đạo phục của Thượng Phẩm:

    Pháp Chánh Truyền Chú Giải: Đạo phục của Thượng Phẩm có hai bộ: một bộ đại phục và một bộ tiểu phục.

    - Bộ đại phục thì toàn bằng hàng trắng, ngoài mặc áo lá màu xanh có viền chỉ kim tuyến bạc. Đầu để trần, chơn đi giày Vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ "Đạo". Lưng buộc dây Lịnh sắc y như của Hộ Pháp, song mối phải thả ngay bên hữu. Tay hữu cầm Long Tu Phiến (nghĩa là cây quạt kết đủ 36 lông cò trắng), trên đầu quạt ngay giữa có Phất Chủ (thể quạt đưa các chơn hồn vào Tam thập lục Thiên, nghĩa là vào Thiên vị), tay tả nắm Xâu chuỗi Từ bi (thể dâng Đạo vào cho Hộ Pháp).

    - Bộ tiểu phục cũng bằng hàng trắng, lưng cột dây Lịnh sắc y như đại phục, đầu đội Hỗn Nguơn Mạo màu trắng y như của Hộ Pháp, ngay giữa trán có Long Tu Phiến, ngay trên hình Long Tu Phiến có chữ Đạo. Khi đến Tòa Tam giáo thì mặc bộ Tiểu phục, còn đại phục thì chỉ dùng khi đến ngự trên ngai."

  • Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (1888-1929)

    Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (1888-1929)

     

    Tiểu sử

    Ngài Cao Quỳnh Cư, hiệu là Bội Ngọc, sanh năm Mậu Tý (1888) tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, tỉnh Tây Ninh.

    Thân phụ của Ngài là ông Cao Quỳnh Tuân, làm Cai Tổng Hàm Ninh Thượng. Ông Cao Quỳnh Tuân mất lúc Ngài Cao Quỳnh Cư được 10 tuổi. Đức Chí Tôn cho biết, ông Cao Quỳnh Tuân là Xuất Bộ Tinh Quân ở Thượng giới giáng trần.

    Thân mẫu của Ngài Cư là Bà Trần Thị Huệ (đắc phong Nữ Giáo Sư ngày 14-Giêng-Đinh Mão, dl 15-2-1927, do Đức Chí Tôn ân phong trong kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ I).

    Bào huynh của Ngài Cư là ông Cao Quỳnh Diêu (ông Diêu thứ ba, ông Cư thứ tư trong gia đình). Ông Cao Quỳnh Diêu về sau đắc phong Tiếp Lễ Nhạc Quân năm 1927, và Bảo Văn Pháp Quân năm 1929. (Xem Tiểu sử của ông Cao Quỳnh Diêu nơi chữ: Bảo Văn Pháp Quân, vần B).

    Năm 1907, Ngài Cao Quỳnh Cư lập gia đình với Cô Nguyễn Thị Hiếu ở Sài Gòn (sau đắc phong Nữ Giáo Sư trong kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ I, và sau cùng đắc phong Nữ Đầu Sư năm 1968). (Xem Tiểu sử Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, nơi chữ: Nữ Đầu Sư, vần N)

    Người con trai duy nhứt của Ngài Cư và Bà Hiếu là Cao Quỳnh An, đi du học bên Pháp và mất ở bên đó.

    Năm 1915, Ngài Cao Quỳnh Cư làm Thơ ký tại Sở Hỏa Xa Sài Gòn, sau được lên ngạch Còm-mi, ngụ tại nhà số 134 đường Bourdais, nay là đường Calmette Quận I Sài Gòn.

    I. Thời kỳ Xây Bàn

    Vào hạ tuần tháng 7 năm 1925, nhằm tối Thứ sáu ngày 24-7-1925 (âl 4-6-Ất Sửu), quí ông Cao Quỳnh Diêu, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, cùng một vài người nữa trong gia đình, tổ chức xây bàn theo cách thức của Thần Linh Học Tây phương, tại nhà ông Sang, ở dãy phố hàng dừa, bây giờ là đường Cống Quỳnh, gần Chợ Thái Bình, Sài Gòn. Buổi xây bàn đầu tiên không đạt kết quả.

    Đêm sau, quí ông hẹn nhau, xây bàn thử lại lần nữa. Quí ông đốt nhang khấn vái, rồi ngồi quanh một cái bàn tròn một trụ ba chưn, đặt nơi hàng ba trước nhà, hai bàn tay của mỗi người đều úp lên mặt bàn, ngồi lẳng lặng định thần một lát thì cái bàn dao động, chưn bàn nhịp nhẹ xuống nền gạch phát ra tiếng. Các ông biết là có vong linh nhập bàn.

    Để có thể nói chuyện với vong linh, ông Cư lên tiếng:

    - Xin khoan đi, để cho tôi nói ít lời. Bây giờ chưa có cách chi để hiểu nhau, duy có gõ 2 tiếng là ừ, chịu, có, phải; còn gõ 1 tiếng là không, chẳng phải.

    Vong linh liền làm chưn bàn nhịp xuống gạch 2 tiếng, tỏ ý chịu. Đoạn ông Cư nói tiếp:

    - Ta hiểu theo đây thì có thể nói chuyện được với nhau tiện hơn. Nếu tôi hỏi chi, vong linh muốn trả lời, cứ theo thứ tự vần quốc ngữ mà gõ, mỗi chữ mỗi gõ, đến chữ nào dùng thì ngưng lại, nghĩa là lấy chữ chót, rồi bắt đầu trở lại mà gõ chữ khác, xong rồi sẽ ráp lại mà đọc, giống như đánh giây thép vậy. Vong linh liền gõ 2 tiếng: Ừ, chịu.

    Qui ước với nhau xong rồi, ông Cư liền đọc theo vần quốc ngữ: a ă â b c d đ e ê g h i k l, tới chữ L thì bàn dứt gõ, nghĩa là lấy chữ L.

    Ông Cư bắt đầu đọc vần trở lại: a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p q r s t u ư, tới chữ Ư thì bàn dứt gõ, nghĩa là lấy chư Ư. Cứ thế tiếp tục, cuối cùng ông Cư ráp lại được 3 chữ: LƯỢNG CAO QUỲNH.

    Ai nấy đều rất vui mừng vì thấy có kết quả.

    Ông Cư hỏi:

    - Như phải là Cao Quỳnh Lượng thì chắc biết tên những người ngồi đây. Vậy cứ gõ tên từng người xem có trúng không.

    Ông Cư bắt đầu đọc: a ă â b c d đ e ê g h i k l..... và bàn tiếp tục gõ. Lần nầy thì việc làm có vẻ như quen dần, việc ráp chữ có phần nhanh hơn. Khi ráp xong các chữ thì đúng là tên của những người đang ngồi xây bàn. Cả thảy đều vui mừng cười rộ lên, còn cái bàn thì dỡ hỏng lên một chưn lắc qua lắc lại, dường như cũng vui cười theo vậy.

    Khi đó ông Cao Quỳnh Diêu biết chắc là Cao Quỳnh Lượng, con trai của ông đã chết cách đây mấy năm, nên lên tiếng hỏi rằng:

    - Con có hầu Ông Nội không?

    Bàn gõ trả lời: - Có.

    - Mời Ông Nội đến đây tiện không?

    Bàn gõ trả lời: - Đặng.

    Sau đó thì cái bàn dỡ lên rồi để xuống luôn, không còn dao động như trước nữa. Quí ông biết là vong linh đã xuất ra, nên buông tay ra nghỉ xả hơi.

    Trước một việc lạ lùng và linh hiển như thế, quí ông bàn tán dữ lắm mà chưa ra lẽ. Kế thấy nghỉ được nửa giờ rồi, quí ông trở lại ngồi xây bàn như lúc nảy.

    Tịnh thần một lát thì bàn dao động, bắt đầu gõ. Ông Cư ráp lại thì được chữ: CAO QUỲNH TUÂN. Đó là thân sinh của hai ông: Diêu và Cư. Ông Cư nói:

    - Vì buổi Thầy quá vãng, anh em con vẫn còn nhỏ dại, cho đến nỗi anh cả con đã trọng mà còn không nhớ đặng hình ảnh của Thầy, huống chi là con còn nhỏ quá, duy buổi lớn khôn nghe người truyền ngôn lại cái hạnh đức của Thầy mà thôi.

    Nếu có thể tiện, xin Thầy dùng dịp nầy cho anh em con một bài thi tự thuật hầu để roi truyền ngày sau cho con cháu thờ làm kỷ niệm.

    Vong linh ông Cao Quỳnh Tuân liền gõ bàn, cho bài thi:

    Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
    Mi mới vừa lên ước đặng mười.
    Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,
    Tình thương câu dặn gắng tâm đời.
    Bên màn đòi lúc trêu hồn phách,
    Cõi thọ nhiều phen được thảnh thơi.
    Xét nỗi vợ hiền còn lụm cụm,
    Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.

    Thầy xin kiếu.

    Khi bàn gõ xong chữ "kiếu" thì bàn dỡ lên rồi để xuống nhẹ hều, không còn dao động nữa. Vong linh đã xuất.

    Đó là buổi xây bàn có kết quả đầu tiên. (Viết theo Đại Đạo Truy Nguyên của Huệ Chương).

    Qua buổi xây bàn có kết quả lần đầu tiên, các ông suy nghĩ nhiều lắm, nhưng chưa giải đáp được, chỉ biết chắc chắn rằng có sự hiện hữu của các vong linh nơi cõi vô hình.

    Cả ngày hôm sau là Chúa nhựt, nghỉ làm ở Sở, các ông vẫn bàn tán mãi, đến khi mệt nằm ngủ vùi. Lật bật đến gần tối, quí ông lo tắm rửa và cơm nước, xong cùng tựu lại nhà ông Cao Hoài Sang để tiếp tục xây bàn nữa.

    Đêm nay, quí ông sửa soạn trang nghiêm hơn đêm qua nhiều lắm. Đến 9 giờ tối, quí ông đem bàn ra, đốt nhang khấn vái. Xong rồi thì vào ngồi quanh chiếc bàn.

    Ngồi tịnh thần một lát thì bàn dao động nhẹ nhàng, khoan thai, gõ bàn xưng danh là Đoàn Ngọc Quế, con gái, rồi Cô cho một bài thi Tự Thuật: (Xem thêm chữ: Xây bàn, vần X)

    THÁC VÌ TÌNH
    Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai,
    Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
    Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
    Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
    Dưỡng sanh cam lỗi tình sông núi,
    Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
    Dồn dập tương tư oằn một gánh,
    Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai.
    ĐOÀN NGỌC QUẾ

    Bài thi nầy rất hay, làm cho quí ông thích thú, mỗi người làm thi họa lại, khiến cho quí ông mê mẩn việc xây bàn. Ban ngày thì đi làm, mong cho tới tối đặng họp nhau lại xây bàn. Sau đó, có ông thân sinh của ông Cao Hoài Sang về nhập bàn, rồi có ông Ách Đồng về. (ông Ách Đồng là anh ruột của Ngài Phạm Công Tắc).

    Vào tối thứ bảy ngày 8-8-1925 (âl 19-6-Ất Sửu), ba ông Cư, Tắc, Sang hiệp nhau xây bàn, ông Diêu bận việc nên vắng mặt. Cô Đoàn Ngọc Quế giáng bàn, nói chuyện một hồi, rồi ba ông xin kết nghĩa anh em với Cô.

    Cô bằng lòng, gọi:

    · Ông Cao Quỳnh Cư là Trưởng Ca (Anh cả),

    · Ông Phạm Công Tắc là Nhị Ca (Anh hai),

    · Ông Cao Hoài Sang là Tam Ca (Anh ba),

    · Phần Cô là Tứ Muội (Em gái thứ tư).

    Rồi Cô chỉ rõ mồ mả của Cô ở trong nghĩa trang Bà Lớn tại Ngã Bảy (Bà Lớn là Bà Tổng Đốc Phương, là Bà Ngoại của Cô).

    Cô tên thật là Vương Thị Lễ, còn tên Đoàn Ngọc Quế là tá danh, là con gái của ông Đốc phủ Vương Quan Trân, Cô kêu ông Vương Quan Kỳ bằng Chú ruột. Cô là Nữ Tiên Thất Nương ở Cung Diêu Trì. Cô có nhiệm vụ dùng văn chương thi phú dẫn dắt quí ông vào đường đạo đức. "Chiêu tập hồn thi bước Đạo dìu."

    Quí ông mê say việc xây bàn để tìm hiểu về thế giới vô hình. Đêm nào cũng thức xây bàn đến khuya, sáng lại đi làm việc ở Sở cho đến chiều mà không cảm thấy mệt mỏi.

    Rất nhiều Đấng Vô hình giáng bàn cho thi, để lần lần dẫn dắt quí ông vào đường Đạo.

    Ngoài Cô Vương Thị Lễ (Thất Nương), còn có: Cô Hớn Liên Bạch (Bát Nương), Cô Lục Nương, Thi sĩ Huỳnh Thiên Kiều hiệu là Quí Cao, Đức Nhàn Âm Đạo Trưởng, Đức Thanh Sơn Đạo sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt, v.v....

    Quí ông xây bàn lúc nầy phân làm hai nhóm nhỏ: ông Diêu và ông Sang xây bàn mỗi đêm tại nhà ông Sang ở phố hàng dừa; ông Cư và ông Tắc thì xây bàn tại nhà ông Cư ở đường Bourdais.

    II. Đấng AĂÂ

    Đấng A ĂÂ đến với nhóm Xây Bàn lần đầu tiên vào hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925). Ba ông: Cư, Tắc, Sang, thỉnh bàn ra tính xây bàn cầu Cô Đoàn Ngọc Quế về làm thi. Ba ông vừa đặt tay lên bàn thì có một Đấng giáng bàn, cho bài thi:

    Ớt cay, cay ớt, gẫm mà cay,
    Muối mặn ba năm muối mặn dai.
    Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
    Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.

    Ông Cư thấy bài thi có ý rất lạ, liền hỏi tên họ là gì, thì vị giáng bàn xưng là AĂÂ. Ông Cư hỏi Ông AĂÂ bao nhiêu tuổi? Ông AĂÂ gõ bàn trả lời đếm hoài tới mấy trăm cái mà bàn vẫn tiếp tục gõ. Ông Cư nói chắc là Ông AĂÂ nầy lớn tuổi lắm và không dám hỏi nữa.

    Kể từ buổi đó, Đấng AĂÂ thường nhập bàn giảng dạy cho ba ông biết nhiều điều rất thâm thúy. Những điều gì quá khó khăn mà không ai giải thích nổi thì ba ông cầu Ông AĂÂ về thì Ông AĂÂ giáng bàn giải thích rất rõ ràng, khiến mọi người đều kính phục.

    Một hôm, Ông AĂÂ giáng bàn, Ngài nói rằng:

    "Nếu muốn cho Bần đạo đến thường thì ba vị nạp mấy lời yêu cầu sau đây của Bần đạo:

    · Một là đừng kiếm biết Bần đạo là ai.

    · Hai là đừng hỏi đến quốc sự.

    · Ba là đừng hỏi việc Thiên cơ."

    Cả ba ông: Cư, Tắc, Sang đều ưng thuận. Kể từ đó, ba ông thường cầu Đấng AĂÂ về để học hỏi về thi văn.

    Mấy hôm sau, Đấng AĂÂ giáng bàn nói với ba ông:

    "Nếu muốn cho Ta tận tâm truyền dạy Đạo lý thì hết thảy phải kỉnh Ta làm Thầy, cho tiện bề đối đãi."

    Ba ông mừng lắm, liền vâng chịu, và bắt đầu thọ giáo học Đạo cùng Đấng AĂÂ.

    Và kể từ đây, Đấng AĂÂ giáng bàn, xưng mình là Thầy và gọi ba ông là môn đệ.

    III. Thời kỳ phò Ngọc cơ: - Hội Yến Diêu Trì Cung. - Vọng Thiên cầu Đạo

    Đến thượng tuần tháng 8 âm lịch, ba ông Cư, Tắc, Sang, được Thất Nương tiết lộ cho biết chút ít về Diêu Trì Cung nơi cõi Thiêng liêng: Trên hết có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, dưới có Cửu vị Tiên Nương mà Cô đứng hàng thứ 7 gọi là Thất Nương, Hớn Liên Bạch đứng hàng thứ 8 gọi là Bát Nương,...

    Ba ông xin Cô cho biết cách cầu Đức Cửu Thiên Nương Nương. Thất Nương bảo ba ông phải trai giới 3 ngày và tìm cho đặng Ngọc cơ thì cầu Lịnh Bà mới được.

    Quí ông không hiểu Ngọc cơ là gì. Cô mới mô tả Ngọc cơ, giải rõ căn cội buổi xưa lấy hình dạng của sao Bắc Đẩu mà tạo thành, lại dạy cách phò cơ. Thất Nương cũng dặn mỗi người phải làm sẵn một bài thi đón mừng Nương Nương, dự bị sẵn đó. Cô cũng chỉ dẫn cách sắp đặt bàn ghế, giữ trang nghiêm tinh khiết để cầu Cửu Thiên Nương Nương giáng phàm mới đặng.

    Ba ông không biết tìm mượn Ngọc cơ ở đâu. Như có linh tính xúi giục, ông Cư qua nhà người bạn láng giềng là ông Phán Tý chơi và luôn tiện hỏi thăm thì ông Tý liền cho biết, ông có một cây Ngọc cơ, và đang cho ông Âu Kích ở Chùa Minh Lý mượn, ông hứa đi lấy về cho ông Cư mượn.

    Ba ông rất mừng rỡ vì đã có được Ngọc cơ rồi, bây giờ lo ăn chay 3 ngày đặng cầu Nương Nương.

    Đêm đó, Đấng AĂÂ giáng bàn, bảo ba ông nhơn dịp nầy, làm một cái tiệc chay để đãi Cửu Thiên Nương và Cửu Vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung.

    Đêm 14 tháng 8 âm lịch, tất cả đều đủ mặt tại nhà của ông Cư, số 134 đường Bourdais, Sài Gòn.

    Ông Cư đặt một bàn dài ở giữa nhà, trải náp đẹp, có rải bông lá, chung quanh đặt 10 cái ghế, cái ghế ở đầu bàn phía trong thì lớn nhất, dành cho Cửu Thiên Nương Nương, còn 9 cái ghế kia nhỏ hơn dành cho 9 vị Tiên Cô. Trên bàn, trước mỗi cái ghế, đặt 1 cái ly, 1 tách trà, 1 cái chén với muỗng đũa, làm như là đãi tiệc người hữu hình vậy. Còn giữa bàn dài thì chưng trái cây và bông hoa tươi tốt, trông vào rất lịch sự.

    Ông Cư dặn người nhà là ông không tiếp khách tối nay, và từ chập tối đã đốt trầm xông hương nơi bàn tiệc.

    Đến giờ Tý, ba ông mặc quần áo chỉnh tề, đốt nhang đèn lên, đồng quì lạy khấn vái. Xong đem Ngọc cơ ra cầu.

    Thật quả có Lịnh Cửu Thiên Nương Nương đến giáng cơ, và Cửu vị Tiên Nương cũng giáng cơ đầy đủ chào mừng ba ông. Thất Nương kêu ba ông đờn và ngâm bài thi của mình đặng hiến lễ Nương Nương. Nương Nương và Chín Cô đồng an vị mà nghe.

    Chừng nhập tiệc, Thất Nương mời ba ông ngồi vào bàn cho vui. Ba ông sợ thất lễ không dám ngồi, nhưng Thất Nương ép buộc, khó chối từ, nên mới đặt thêm 3 cái ghế ở phía sau, ba ông xá rồi ngồi xuống. Bà Hiếu (hiền nội của ông Cư), rót rượu (rượu Champagne) lần lượt vào 10 cái ly, và gắp đồ ăn chay đặt vào chén cho mỗi vị, tựa như đãi người sống vậy. Sau cùng thì rót nước trà vào 10 cái tách trên bàn.

    Nửa giờ sau, chừng như mãn tiệc, hai ông Cư và Tắc phò Ngọc cơ tái cầu. Lịnh Nương Nương và Chín Cô để lời cảm tạ và hứa đã: "Từ đây có Ngọc cơ rồi thì tiện cho Diêu Trì Cung đến dạy việc."

    Kế đó, mỗi Đấng viết cho 4 câu thi, Đức Cửu Thiên Nương Nương (Đức Phật Mẫu) cho trước, rồi lần lượt Nhứt Nương, Nhị Nương, v.v..., cuối cùng là Cửu Nương. Các bài thi nầy, về sau được dùng làm Bài Thài hiến lễ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương trong Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Báo Ân Từ vào ngày Rằm Trung Thu hằng năm.

    Đầu tháng 9 năm Ất Sửu (1925), Đấng AĂÂ giáng cơ nói với ba ông Cư, Tắc, Sang như sau (để thử lòng ba ông):

    "Tôi nói lộ Thiên cơ nên bị Ngọc Hư Cung bắt tội, xin tam vị Đạo hữu cầu Ngọc Hư tha tội tôi, nếu không thì tôi sẽ bị phạt."

    Ba ông rất lo lắng, liền lập bàn hương án cầu Diêu Trì Cung vào ngày 3-9-Ất Sửu (dl 20-10-1925), ông Cư có đặt một bài thi để đọc trước hương án cầu xin Cửu Thiên Nương Nương tha tội cho Ông AĂÂ:

    Vái van xin quí Cửu Thiên Nương,
    Tâu với Ngọc Hư tỏ ngọn nguồn.
    Vì nghĩa Ă A mang trọng tội,
    Nghĩ tình đồng đạo để tình thương.

    Đó là Đấng AĂÂ thử xem ba ông có thương AĂÂ thiệt tình không, để dự bị việc Vọng Thiên Cầu Đạo.

    Ngày 27-10-Ất Sửu (dl 12-12-1925), Đức Cửu Thiên Nương Nương giáng cơ dạy rằng: "Ngày mùng 1 nầy, tam vị Đạo hữu Vọng Thiên Cầu Đạo." (Ngày mùng 1 nầy là ngày mùng 1-11-Ất Sửu, dl 16-12-1925).

    Đức Bà Cửu Thiên viết xong lịnh đó thì thăng ngay.

    Ba ông Cư, Tắc, Sang không biết Vọng Thiên Cầu Đạo là làm sao, chờ đợi đêm sau, cầu hỏi Thất Nương. Thất Nương đáp: - Không phải phận sự của Em, xin hỏi Ông AĂÂ.

    Tối hôm sau nữa, có các Đấng khác giáng, ba ông cũng đem việc Vọng Thiên Cầu Đạo ra hỏi, các Đấng ấy cũng đáp y như Thất Nương.

    Tối 30-10-Ất Sửu, ba ông cầu Đấng AĂÂ thì Ngài giáng cơ dạy rằng:

    "Ngày mùng 1 tháng 11 âm lịch nầy, tam vị phải Vọng Thiên Cầu Đạo, tắm gội cho tinh khiết, ra quì giữa Trời, mỗi vị cầm 9 cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế, ban ơn đủ phước lành cho ba tôi cải tà qui chánh."

    Ba ông không hiểu Cao Đài Thượng Đế là ai, nhưng lịnh trên đã dạy thì cứ thi hành. Thế là đêm mùng 1-11-Ất Mão (dl 16-12-1925), ba ông lập bàn hương án ở ngoài sân trước nhà ông Cư, ba người mặc áo dài khăn đóng nghiêm trang, quì chung quanh bàn, cầm 9 cây nhang cầu nguyện y như lịnh dạy, đến khi gần tàn hết 9 cây nhang mới thôi.

    Xong rồi, ba ông đem Ngọc cơ ra cầu. Đấng Cao Đài Thượng Đế giáng cho bài thi chữ Nho rất khó hiểu.

    Khi Đấng Cao Đài Thượng Đế thăng rồi, ba ông liền cầu Đấng AĂÂ giải nghĩa dùm.

    Đấng AĂÂ giáng, giải nghĩa xong rồi thì cho bài thi:

    Cứ níu theo phan Đức Thượng Hoàng,
    Tự nhiên tu tánh đặng bình an.
    Nguyệt hoa căn tội tua xa lánh,
    Vịn lấy nhành dương hưởng đạo nhàn.

    Mãi đến đêm Noel (24-12-1925), Thất Nương giáng cơ truyền phải chỉnh đàn cho nghiêm hầu tiếp giá.

    Nghe vậy, ba ông Cư, Tắc, Sang, nửa mừng nửa sợ, lật đật sắm đủ hương đăng hoa trà tửu quả, chỉnh đàn thật nghiêm tịnh, (tại nhà của ông Cư) đốt nhang khấn vái, rồi hai ông Cư, Tắc ngồi phò Ngọc cơ.

    Đấng giáng cơ viết như vầy:

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
    viết CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG.

    Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
    Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
    Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
    Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

    Đêm nay, 24 Décembre, phải vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng mà đặng thấy chư đệ tử kính mến Ta như vậy.

    Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.

    Đấng Thượng Đế còn phán rằng:

    Bấy lâu Thầy vẫn tá danh A Ă Â là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy mà Khai Đạo.

    Các con có thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa?

    Các con nên bắt chước Thầy trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức."

    (Trích trong Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài Nguyễn Bảo Pháp)

    Ngày 31-12-1925(âl 16-11-Ất Sửu), Đấng AĂÂ giáng:

    A Ă Â,

    Ba con thương Thầy lắm há?

    Con có thấy đặng sự hạ mình của A Ă Â thế nào chưa?

    Con có thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa?

    Người quyền thế lớn nhứt như vậy có thể hạ mình bằng A Ă Â chăng?

    A Ă Â là Thầy.

    Thầy đến con thế ấy, con thương Thầy không?"

    IV. Thọ phong Thượng Phẩm

    Đầu năm 1926, ngày 2-1-1926 (âl 18-11-Ất Sửu), Đức Chí Tôn Thượng Đế bắt đầu dạy Đạo cho ba ông.

    Ngày 27-1-1926 (âl 14-12-Ất Sửu), khai đàn tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, Đức Chí Tôn giáng cho thi:

    Đã để vào tòa một sắc hoa,
    Từ đây đàn nội tỷ như nhà.
    Trung thành một dạ thờ Cao Sắc,
    Sống có Ta, thác cũng có Ta.
    ***
    Đài sen vui nhánh trổ thêm hoa,
    Một Đạo như con ở một nhà.
    Hiếu nghĩa tương lai sau tựu hội,
    Chủ trung Từ Phụ vốn là Ta.

    Đêm 30 tháng Chạp năm Ất Sửu (dl 12-2-1926), Đức Chí Tôn giáng tại nhà ông Cư:

    "Sắp út thương hơn cũng thế thường,
    Cái yêu cái dạy mới là thương.
    Thương không nghiêm trị là thương dối,
    Dối dạ vì chưng yếu dạ thương.

    Cư, Tắc, Sang! Trong năm mới nầy, Thầy trông mong ba con thấu rõ đạo đức hơn nữa, gắng chí nghe!"

    Ngày 14/15-3-Bính Dần (dl 25/26-4-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Cao Quỳnh Cư là Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ.

    Ngày 18-5-Bính Dần (dl 27-6-1926), Đức Chí Tôn dạy cách tổ chức Lễ cúng Đại Đàn, xếp đặt vị trí đứng cho ba Ngài: Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang. Tuy Đức Chí Tôn không nói phong chức, nhưng với việc sắp đặt ba vị trí nầy, Đức Chí Tôn đã phong ba ông vào ba chức vụ: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh của Hiệp Thiên Đài.

    Nhưng theo bài Bia kỷ niệm Đức Cao sĩ Thượng Phẩm của Hội Thánh, thì ngày 15-10-Bính Dần, Đức Chí Tôn chánh thức phong Ngài Cao Quỳnh Cư chức Thượng Phẩm Hiệp Thiên Đài.

    Ấy là ngày mà ba vị: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, mặc đại phục đứng chầu lễ Đức Chí Tôn lần đầu tiên tại Thánh Thất Từ Lâm Tự, khởi đầu thành lập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    V. Mua đất cất Tòa Thánh

    Sau ngày Đại Lễ Khai Đạo tổ chức tại chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén Tây Ninh, chủ chùa là Hòa Thượng Như Nhãn đòi chùa lại, Hội Thánh buộc phải trả chùa và dời đi nơi khác.

    Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy Hội Thánh đi mua đất ở làng Long Thành (Tây Ninh) để cất Tòa Thánh, không mua đất ở vùng khác được vì Thánh ý của Đức Chí Tôn là: Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.

    Trong khi Hội Thánh đi tìm đất, Đức Cao Thượng Phẩm thấy một miếng đất rừng đề tên chủ nhân là Cao Văn Điện, ông nầy là bạn của Ngài, nên Ngài tìm đến ông Điện nhờ chỉ dẫn để mua miếng đất rừng của ông Aspar người Pháp, làm Kiểm Lâm, ở kế bên miếng đất của ông Điện, đúng theo ý Đức Lý Giáo Tông hướng dẫn, dùng làm Thánh địa, cất Tòa Thánh và các cơ quan Trung ương của Đạo, tạo thành khu Nội Ô ngày nay.

    Trong công cuộc phá rừng khai hoang để cất Tòa Thánh tạm và các cơ quan, Đức Cao Thượng Phẩm là người đứng đầu công trong Hội Thánh.

    Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu thuật lại giai đoạn nầy trong quyển Đạo Sử I của Bà, chép ra như sau:

    "Khi phá đám rừng nầy thì đàn Thổ (người Cao Miên từ Soài Riêng xuống làm công quả) xuống cả ngàn người để phá rừng, làm cho ông Chánh Tham Biện người Pháp (Tỉnh trưởng Tây Ninh thời ấy) nghi ngờ, mời Đức Cao Thượng Phẩm ra Tòa Bố. Ông hỏi Đức Cao Thượng Phẩm làm cái gì mà đông đảo như vậy?

    Đức Cao Thượng Phẩm trả lời: - Tôi mua miếng đất đó đặng trồng cao su.

    Ông Tham Biện hỏi: - Trồng mấy mẫu?

    Đức Cao Thượng Phẩm trả lời: - Tôi trồng hết sở đất của tôi mua, phá tới đâu tôi trồng tới đó.

    Nên ngày nay, trong Nội Ô có cây cao su là do nơi đó.

    Khổ tâm hơn hết là Đức Cao Thượng Phẩm bị người Pháp cật vấn đủ điều, cho đến nỗi tới giờ cúng cũng không vô Chánh điện được, buộc phải rào song ly lại.

    Trong Chánh điện chỉ có một mình ông Lễ Sanh Thượng Xường Thanh cúng mà thôi, còn ở ngoài thì vài ba ông thợ mộc quì trên dăm bào lạy vô Bửu điện, vì lúc nầy, Chánh phủ Pháp nghi ngờ bắt Đạo và bó buộc không cho tụ họp đông đảo, như vậy mà ông Tham Biện người Pháp còn mời Đức Thượng Phẩm ra Toà Bố ngày một.

    Giai đoạn di cốt Phật Tổ: (từ Chùa Gò Kén về Tòa Thánh)

    Cốt Phật Tổ nặng quá, bởi con ngựa Kiền Trắc của Đức Phật Tổ cỡi lớn và dài, nên Đức Cao Thượng Phẩm phải kết hai cái xe bò lại để thỉnh cốt Phật lên.

    Trong lúc sửa soạn thỉnh cốt Phật thì ông Chánh Tham Biện người Pháp cho một toán lính mặc đồ thâm, núp dưới đường mương ngoài lộ, chong súng lên đặng bắn Đức Cao Thượng Phẩm, tới chừng thấy rõ là thỉnh cốt Phật, mới rút lui. Hội Thánh từ từ di cốt Phật về đất mới mua.

    Đức Cao Thượng Phẩm đứng trên xe bò vịn cốt Phật Tổ, thấy nghiêng bên nào thì hô lên để sửa lại cho ngay, đi từ 6 giờ chiều tới 2 giờ khuya mới đến Thánh địa (ngay cửa Hòa Viện, tức là cửa số 1 bây giờ).

    Trước cửa Hòa Viện có cây vên vên, đến đây di cốt Phật Tổ vào không được vì bị một cái đường mương lớn quá. Đức Cao Thượng Phẩm phải lập kế, kiếm ván đặng lót cho xe vô mới được. Khi xe qua đường mương rồi thì tạm để cốt Phật nơi đây, vì Đức Cao Thượng Phẩm mệt đuối, nhào xuống đống lá khô trong rừng nằm nghỉ, tất cả Chức sắc cũng nằm xuống đó nghỉ theo.

    Xin nhắc lại, khi mua đất nầy thì chưa tạo được cái nhà nào hết, chỉ có cái nhà bò của ông Aspar bán đất để lại (dãy nhà chỗ Chợ Từ Bi, gần nhà Đức Quyền Giáo Tông bây giờ), nhờ đó mà tạm dùng nhà bò nầy để làm Trù phòng cho công quả ăn phá rừng. Nên khi Đức Cao Thượng Phẩm thỉnh cốt Phật về tới đây mệt lả thì Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu đã chuẩn bị nấu cháo sẵn rồi, Nữ phái khiêng cháo và nước qua cụm rừng để ăn cho đỡ dạ.

    Nền Phật Tổ đã được Đức Cao Thượng Phẩm an vị giữa hai cụm rừng, gần cây Ba nhánh.

    Lúc bấy giờ, Đạo phải trải qua nhiều lối chông gai, nhiều đường khổ hạnh, nhưng người chủ trương việc Đạo, nhứt là ông Cao Quỳnh Cư đem hết dạ nhiệt thành, hết bầu tâm huyết mà sắp đặt trật tự bên trong và chống trả với phản động lực bên ngoài (thời Pháp thuộc).

    Đức Cao Thượng Phẩm vâng lịnh Đức Chí Tôn phá rừng xong, xây cất Tòa Thánh tạm, Hậu Điện, Đông Lang, Tây Lang, Trường học, Trù phòng, đều bằng tranh và đào giếng (mà hiện giờ còn di tích là mấy cái giếng gần Tòa Nội Chánh đó)."

    VI. Thảo Xá Hiền Cung

    "Thảm thay! Trời đương thanh, biển đương lặng, gió đương êm, bỗng đâu đất bằng sóng dậy, nước lã khuấy nên hồ, đem đến gieo ác cảm cho Đức Cao Thượng Phẩm làm cho Đức Ngài phải về Thảo Xá Hiền Cung.

    Đức Ngài quá buồn, vì khi vâng lịnh Đức Chí Tôn về Tây Ninh mở Đạo, Ngài phải bỏ sở làm, chưa hưu trí, con còn đang du học tại Paris.

    Nhớ lại lúc bỏ sở làm thì anh em bạn nói rằng: "Thầy Tư! Sao thầy quá tin dị đoan, con còn đang học bên Pháp mà thầy đi như vậy thì việc học của con phải dở dang sao?"

    Nhưng Ngài nhứt quyết nghe lời Đức Chí Tôn dạy mà thôi, nên Ngài thu xếp gia đình, bỏ sở làm, về Tây Ninh lo Đạo, chịu biết bao cảnh gian nguy, vì chỗ nầy khi xưa, đầy những bụi cây thú dữ, phải ăn vạc nằm sương, mới tạo thành Tòa Thánh tạm và xây cất đủ mọi nơi thành khoảnh, thì lại bị thiên hạ đuổi đi."

    "Tạo đâu đó xong xuôi, rồi Đức Cao Thượng Phẩm bị một trận khảo đảo khá dữ dội là: Có một nhóm người thiếu thương yêu (nhóm ông Tư Mắt) gieo ác cảm, hội nhau dưới Thủ Đức, nước lã khuấy nên hồ, họ đồng lòng về Tòa Thánh đuổi Đức Cao Thượng Phẩm, kỳ 24 giờ phải ra khỏi Tòa Thánh, nếu không thì bắt cột trong rừng bắn.

    Làm Đạo lúc phôi thai, rất khổ sở trăm bề, có kẻ nghịch rình mò, âm mưu với nhau hợp lại, xúi giục gây rối làm loạn. Họ đồng lòng với nhau đuổi hai vợ chồng thầy Tư (tức Cư và Hiếu) ra khỏi Tòa Thánh.

    Buồn cười.... Tuồng đời lạnh nhạt. Thôi! Họ dữ quá!

    Chúng tôi về Thảo Xá Hiền Cung, là nơi căn cội mà Chí Tôn dạy cất trước, nên Thảo Xá Hiền Cung là gốc." (ĐS. I. 125)

    "Ngài về Thảo Xá, vì buồn rầu, vì xấu hổ với anh em bạn, mặt mũi nào trở về sở làm được nữa, thế nên Ngài thất chí, ước nguyện của Ngài không thành.

    Vì khi ra đi, Ngài quyết chí đem thân nầy làm con tế vật cho Đức Chí Tôn sai khiến, nhưng cơ đời rất nên cay nghiệt, xảy đến nhiều nỗi tang thương cho gia đình Ngài.

    Ngài quá đau khổ, có làm bài thi Tự Thán như vầy:

    THI:
    Công trình gầy dựng Thất Tây Ninh,
    Bằng địa sóng xao khiến rập rình.
    Tà mị phàm rung rinh chất Thánh,
    Mùa màng sâu phá hoại hồn kinh.
    Xưa Tòa Thánh dập dìu lai vãng,
    Nay Bửu đình hiu quạnh lụy nhìn.
    Thương Đạo mến Thầy xin sớm liệu,
    Cộng tâm chung trí chớ làm thinh.

    Thất Nương Diêu Trì Cung giáng cơ an ủi Đức Cao Thượng Phẩm và cho bài thi dưới đây:

    THI:
    Nghĩ giận mà ra bắt nực cười,
    Nhờ ai an vị lại an nơi.
    Trăm năm chưa giữ bền thân sống,
    Một kiếp đã gây lắm tội đời.
    Phẩm Phật ngôi Tiên ai dẫn nẻo?
    Ngai Thần vị Thánh kẻ toan dời.
    Nhắn lời nói với phường đen bạc,
    Đến cửa thiêng liêng ngó mặt Trời!

    Thất Nương giáng cơ ban cho đôi liễn Thảo Xá Hiền Cung ngày 12-6-Mậu Thìn (dl 28-7-1928): (Xem chi tiết nơi chữ: Thảo Xá Hiền Cung)

    . Thảo Xá tùy nhơn, ngu muội bần cùng nghinh nhập thất,
    . Hiền Cung trạch khách thông minh phú quí cấm lai môn.

    VII. Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên

    VII. Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên:

    Đức Cao Thượng Phẩm, từ ngày về Thảo Xá Hiền Cung thì lâm bệnh nặng, thân thể hao mòn, sắc diện âu sầu buồn bã. Ngài bị tâm bịnh vì thất chí, lương y khó phương điều trị cho lành mạnh.

    Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh cất Tịnh Thất trong Nội Ô để rước Đức Cao Thượng Phẩm nhập tịnh.

    "Ngày 15-10-Mậu Thìn (1928), 7 giờ sáng, một đoàn xe hơi Chức sắc Đại Thiên phong Hiệp Thiên, Cửu Trùng, đến Thảo Xá Hiền Cung rước Đức Cao Thượng Phẩm, thì Ngài vui lòng lên xe về Tòa Thánh, nhập Tịnh Thất. Hội Thánh có chọn Chức sắc phụng sự mọi việc thường thức cho Ngài. Đức Cao Thượng Phẩm nhập Tịnh Thất một thời gian, bịnh tình cũng chưa thuyên giảm, hằng ngày kém ăn mất ngủ, thân thể xem gầy còm.

    Ngày 26-12-Mậu Thìn (1928) (gần Tết), Ngài tỏ với người bạn thân là Bà Giáo Sư Hương Hiếu, lo sắp đặt 6 giờ chiều trở về Thảo Xá. Ngài không cho Chức sắc hay trước.

    6 giờ chiều, Giáo Hữu Thượng Trí Thanh kêu một cỗ xe ngựa, lót nệm để Ngài nằm, đi theo hộ vệ chỉ có người bạn thân của Ngài và Giáo Hữu Trí, đưa Ngài về Thảo Xá.

    7 giờ rưỡi tới nơi, đỡ vào phòng nghỉ ngơi, xem được khỏe như lúc lên xe. Từ đây ở yên nơi Thảo Xá." (ĐS. I. 65)

    Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên

    "Ngày 1-3-Kỷ Tỵ (dl 10-4-1929), 11 giờ trưa, Đức Cao Thượng Phẩm cho mời Đức Phạm Hộ Pháp cùng ông Bảo Văn Pháp Quân, Bà Giáo Sư Hương Hiếu, Giáo Hữu Thượng Trí Thanh, Giáo Hữu Thượng Kỳ Thanh, Lễ Sanh Thượng Nguơn Thanh.

    Đức Cao Thượng Phẩm nhìn Đức Phạm Hộ Pháp trối rằng: "Nay Qua về chầu Đức Chí Tôn, Em ở lại hiệp với Chức sắc chung lo nền Đạo của Thầy cho được vẹn toàn mọi sự. Anh dầu có nhắm mắt thì sự mất cũng như còn."

    Nói rồi tuôn hai hàng nước mắt. Kế day qua nói với người bạn thân của Ngài, căn dặn để trọn tâm lo tròn phận sự.

    Nói dứt lời thì Ngài xuất linh hồn êm ái, gương mặt cũng như người đương ngủ. Có một điều phi thường là lời trối Ngài nói có hàng có chấm, cũng như lúc mạnh khỏe. Cả Chức sắc có mặt đều cảm động ngậm ngùi thương tiếc.

    Khi Ngài dứt hơi thì đỡ ngồi dậy, thúc xác ngồi kiết tường, trước mặt lập bàn hương án có chưng hoa quả trà rượu.

    Đức Phạm Hộ Pháp ra kiểu cho thợ mộc đóng liên đài hình bát quái.

    Thời Tý, 12 giờ đại liệm, rồi thành phục tế lễ theo nghi tiết. Hội Thánh thông tri cho toàn đạo các tỉnh đều hay, đặng hành lễ cầu nguyện cho Đức Cao Thượng Phẩm được tiêu diêu nơi miền Tiên cảnh.

    Quàn tại Thảo Xà Hiền Cung 3 ngày, Chức sắc và Đạo hữu Nam Nữ điếu tế rất đông.

    Chức sắc Hiệp Thiên Đài cầu cơ bút, Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ tỏ vẻ vui mừng được về bái mạng Đức Chí Tôn cùng Đức Phật Mẫu nơi Bạch Ngọc Kinh và Diêu Trì Cung. Hai Đấng đều ban ân công nghiệp buổi Khai Đạo làm tròn sứ mạng.

    Ngài cho tiếp một bài thi tứ tuyệt:

    CAO thanh miệng thế mặc chê khen,
    THƯỢNG trí màng chi tiếng thấp hèn.
    PHẨM cũ ngôi xưa dầu rõ giá,
    Từ bi tập tánh được thường quen.

    Ngài tỏ vẻ vui mừng nay đã thoát khỏi biển trần về cảnh Thiêng liêng Hằng sống." (ĐS. I. 67)

    "Sau đây, Đức Cao Thượng Phẩm có giáng cơ cho hai bài thi khi di liên đài ra Bửu tháp:

    Xủ áo trần hoàn đã rảnh tay,
    Thung dung nhờ núp bóng Cao Đài.
    Rừng tòng nhựt rọi khi mờ tỏ,
    Xóm lạc trăng lồng lúc tỉnh say.
    Phi thị mặc đời nơi quán tục,
    An nhàn rảnh dạ khách Thiên Thai.
    Ngậm cười nêu quạt chờ sanh chúng,
    Biển khổ ngày qua đếm một ngày.
    ***
    Ngảnh lại mà đau cảnh đoạn tràng,
    Cõi Thiên mừng đặng dứt dây oan.
    Nợ trần đã phủi, lòng son sắt,
    Ngôi vị nay vinh, nghĩa đá vàng.
    Cổi tấm chơn thành lòa nhựt nguyệt,
    Phơi gan chí sĩ nhuộm giang san.
    Bốn mươi hai tuổi sanh chưa phỉ,
    Để mắt xanh coi nước khải hoàn.

    Bài thi (Ngảnh lại mà đau.......) được dùng làm Bài Thài hiến lễ Đức Cao Thượng Phẩm.

    Ngày 7-3-Kỷ Tỵ (dl 16-4-1929), giờ Tý tại Tòa Thánh Tây Ninh, tức là sau khi Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên 6 ngày, Đức Chí Tôn giáng cơ như sau:

    "Thầy đã nói rõ rằng: Thượng Phẩm phải về Thầy trước các con, nhưng mà hại thay! Vì biếng nhác, các con không đọc Thánh ngôn của Thầy mà kiếm hiểu.

    Tắc! Con có nhớ Thầy nói với các con rằng: Đạo vốn vô vi, nếu Thượng Phẩm không trở lại Thiêng liêng chi vị, thì ai đem các chơn hồn các con vào cửa Thiên giùm đó con, lại nữa các con vốn là kẻ dẫn đường cho cả chúng sanh, thay mặt Thầy nơi thế nầy về phần Đời, còn phần Đạo cũng có đôi đứa con mới đặng cho. Cười...

    Con đừng phiền hà trách mấy anh con, nhứt là đừng nói rằng: Chúng nó giết Thượng Phẩm nghe, vì Thiên cơ đã định, các con có biết chi mà hờn trách lẫn nhau.

    Thơ! Con phải xây cái Tháp của Thượng Phẩm phía trước cây Ba nhánh, phải day mặt về Đông, giống như ngó vào Điện mà hầu Thầy vậy, song 3 từng phải lợp ngói như nóc chùa của Đường nhơn vậy nghe!

    Đừng làm cái Tháp như của Bảo Đạo, vì hai đứa phẩm vị khác nhau, chung quanh bát quái, phải làm như hình có cột, tại chính giữa Tháp phải có lỗ cho Nhựt quang giọi vào tới liên đài." (ĐS. I. 76)

    Theo lời Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm là chơn linh của Hớn Chung Ly giáng trần. Hớn Chung Ly tức là Chung Ly Quyền thời nhà Hớn (Hán) bên Tàu, là một vị Đại Tiên trong Bát Tiên, đứng dưới Lý Thiết Quả, lãnh lịnh Đức Chí Tôn giáng trần làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo, có phận sự xây dựng nền Đạo lúc sơ khai.

    Vua Hớn Võ Đế bên Tàu cũng do chơn linh Đại Tiên Hớn Chung Ly đầu kiếp, cho nên Hớn Võ Đế và Đức Cao Thượng Phẩm, chỉ là hai kiếp giáng trần của Đại Tiên Hớn Chung Ly.

    Do đó, nơi Báo Ân Từ, khi Đức Phạm Hộ Pháp tạc tượng Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương giáng trần chứng lễ Khánh thọ của Hớn Võ Đế, thay vì tạc tượng Hớn Võ Đế thì Đức Ngài cho tạc tượng Đức Cao Thượng Phẩm thay vào.

    Đức Cao Thượng Phẩm hợp với Đức Phạm Hộ Pháp thành cặp Phò loan Phong Thánh để lập Hội Thánh, và lập Pháp Chánh Truyền làm Hiến Pháp của Đạo.

    Đức Cao Thượng Phẩm rất thường giáng cơ góp ý kiến với Đức Phạm Hộ Pháp để điều hành nền Đạo.

    Ngoài ra, Đức Cao Thượng Phẩm cũng thường giáng cơ dạy Đạo, Ngài cùng với Bát Nương giáng cơ dạy về Luật Tam Thể, tạo thành một tập sách quí báu cho người tín đồ cần học Đạo.

  • Thượng Sanh

    Thượng Sanh

    上生

    Thượng Sanh là thượng đẳng chúng sanh, là bực cao hơn hết trong chúng sanh.

    Thượng Sanh là phẩm vị Chức sắc cao cấp của Hiệp Thiên Đài, đứng trên Thập nhị Thời Quân, chưởng quản Chi Thế, làm việc dưới quyền của Đức Hộ Pháp.

    Theo Pháp Chánh Truyền, nhiệm vụ, quyền hành và đạo phục của Thượng Sanh, như sau:

    "Thượng Sanh là ai?

    Vật chất hữu sanh, thảo mộc hữu sanh, cầm thú hữu sanh, nhơn loại hữu sanh, tức là chúng sanh. Trong chúng sanh có nguyên sanh, hóa sanh và quỉ sanh.

    Tỷ như nguyên nhân là khi Khai Thiên rồi thì đã có chơn linh ấy, còn hóa nhân là chơn linh vật loại đoạt đến phẩm vị nhơn loại, còn quỉ nhân là hai chơn linh kia xu hướng ác hành mà bị đọa đày vào quỉ vị.

    Trong các kiếp hữu sanh, duy có phẩm người là cao hơn hết, nên gọi là Thượng Sanh. Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Thầy đem các chơn linh dầu nguyên sanh, quỉ sanh hay hóa sanh lên phẩm vị nhơn loại mới trọn câu Phổ Độ.

    Chơn linh các nguyên nhân bị đọa trần, quỉ nhân chuộc tội hay là hóa nhân thăng cấp đều nhờ Thượng Sanh độ rỗi (ấy là Thế độ), nên Thượng Sanh làm chủ của Thế Đạo, nắm luật nơi tay mà dìu dắt cả chúng sanh vào cửa Đạo.

    Ai làm cho ngăn cản bước đường tu của thế gian thì Thượng Sanh đặng quyền kiện cùng Tòa Thánh, chư Chức sắc phạm luật làm cho chúng sanh phải xa lánh Đạo thì người có quyền xin trị tội tức thì.

    Thượng Sanh làm chủ phòng Cáo luật.

    Pháp Chánh Truyền: Thượng Sanh thì lo về phần Đời.

    CG: Mỗi sự chi thuộc về Đời thì về quyền của Thượng Sanh. Dưới quyền của Thượng Sanh có 4 vị Thời Quân là: Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế, Bảo Thế.

    Thượng Sanh là cây cờ của Thế, tức là Đời, ấy vậy Đời nơi nào thì Thượng Sanh nơi đó, người có quyền xem xét kẻ hành đạo coi Thánh đức có đắc nhơn tâm cùng chăng, nhược bằng kẻ ấy thể Đạo không đủ tư cách thì người có quyền dâng sớ cầu xin thuyên bổ.

    Thượng Sanh đối quyền Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Đài.

    Hiệp Thiên Đài là luật lệ, mà Thượng Sanh lại là chánh trị, ấy vậy, Thượng Sanh là người của Cửu Trùng Đài nơi Hiệp Thiên Đài.

    Thượng Sanh và tứ vị Thời Quân chi Thế cũng phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

    Đạo phục của Thượng Sanh:

    CG: Đạo phục của Thượng Sanh có hai bộ: một bộ đại phục và một bộ tiểu phục.

    - Bộ đại phục cũng y như của Thượng Phẩm, đầu bịt Thanh Cân, nghĩa là một bao đảnh xanh, lưng mang dây Thần thông, nghĩa là một đường lụa đỏ và nịt dây Lịnh sắc y như của Hộ Pháp và Thượng Phẩm, song mối phải thả ngay về bên tả. Nơi lưng giắt Thư Hùng Kiếm (thể tạo Thế và chuyển Thế), tay hữu cầm Phất Chủ (thể đưa Thế vào cho Hộ Pháp), tay tả nắm Xâu chuỗi Từ bi (thể dâng Đạo cho nhơn sanh), chơn đi giày Vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ "Thế".

    - Bộ tiểu phục cũng y như của Thượng Phẩm, song ngay trước mão, chính giữa có thêu Thư Hùng Kiếm và Phất Chủ, ngay trên hình Thư Hùng Kiếm và Phất Chủ có chữ Thế, lưng cột dây Lịnh sắc như đại phục.

    Khi đến Tòa Tam giáo thì phải mặc bộ tiểu phục, còn đại phục thì chỉ khi đến ngự trên ngai mình."

  • Thượng Sanh Cao Hoài Sang (1901-1971)

    Thượng Sanh Cao Hoài Sang (1901-1971)

    Ngài Cao Hoài Sang sanh ngày 29-7-Tân Sửu (dl 11-9-1901) tại làng Thái Bình tỉnh Tây Ninh.

    Thân phụ là ông Cao Hoài Ân (trong quyển Đại Đạo Truy Nguyên của Huệ Chương chép là: Cao Hoằng Ân), thuở sanh tiền làm việc tại Tòa Án, là vị Thẩm Phán Việt Nam đầu tiên. Chức sắc tiền bối cho biết, ông Cao Hoài Ân là chơn linh của Xuyên Quan Tư Bộ ở Thiên đình giáng trần.

    Thân mẫu là Bà Hồ Thị Lự (đắc phong Nữ Giáo Sư tại Kim Biên năm 1927, thăng Phối Sư năm 1935, thăng Nữ Đầu Sư ngày 9-12-1968).

    Ông Bà Cụ Cao Hoài Ân có tất cả 3 người con:

    · Con thứ hai là Ngài Cao Đức Trọng, Thiên phong Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài.

    · Con thứ ba là Cô Cao Thị Cường, Thiên phong Nữ Giáo Sư Cửu Trùng Đài.

    · Con thứ tư là Ngài Cao Hoài Sang, Thiên phong Thượng Sanh Hiệp Thiên Đài.

    Năm 1925, thời kỳ còn xây bàn, ông Cao Hoài Ân có lần nhập bàn cho thi. Chỗ nầy, ông Huệ Chương thuật lại trong quyển Đại Đạo Truy Nguyên, trang 13 như sau:

    "Hằng đêm hằng có chư vị đến, mấy ổng thử cũng hết sách, mà cũng nhờ vậy mới phục đặng lòng của mỗi người. Như có một buổi, anh Cao Hoài Sang buồn, đề một bài thi Tự Thuật, có ý than thân trách phận, sao lăn lóc với tình đời, tuy tuổi chưa bao nhiêu mà đã mòn mỏi. Ảnh đem ra nhà cho ông thân tôi coi (ông thân của Huệ Chương là Ngài Cao Quỳnh Diêu), và cũng muốn để cho mấy ổng họa lại chơi cho vui. Nói chuyện với nhau rồi lẩn quẩn cũng cầu chư vị nữa.

    Vào ngồi (xây bàn) trong 5 phút đồng hồ, thì có ông thân của ảnh là Bác Cao Hoằng Ân giáng đến.

    Thuở Bác còn sanh tiền, Bác làm việc Tòa Án, lại cũng có đổi đi vùng miệt Tây Ninh, Bạc Liêu và nhiều chỗ khác nữa, rốt sau về Sài Gòn, rồi mới quá vãng, tôi tưởng nhiều người biết Bác lắm.

    Khi ấy, chú tư tôi (Cao Quỳnh Cư) thưa với Bác rằng:

    - Sẵn dịp Anh về đây, nhằm lúc Sang làm một bài thi Tự Thán, cậy mấy anh em tôi họa, vậy Anh họa chơi luôn thể.

    Ông thân tôi lại nói:

    - Anh cứ việc đề thi, dạy nó thế nào thì Anh định lấy, nhưng theo vận Từ Thứ mà lâu nay làng thi chịu phục là: voi, mòi, còi, roi, thoi, mà làm.

    Dứt lời, Bác Cao Hoằng Ân tiếp liền, chẳng đợi phút nào cả, bài thi như vầy:

    Thuyền khơi gió ngược khá nương voi,
    Vận thới hầu nên đã thấy mòi.
    Vườn cúc hôm nay muôn cụm nở,
    Rừng tòng buổi trước một cây còi.
    Hồng nương dặm gió chi sờn cánh,
    Ngựa ruổi đường hòe há nhọc roi.
    Nín nẩm chờ qua cơn bĩ cực,
    Thìn lòng chúng có lượng đôi thoi."

    Ngài Cao Hoài Sang, thuở nhỏ học trường Sư Phạm, thi đậu bằng Thành Chung, rồi ra làm việc ở Sở Thương Chánh Sài Gòn, lần lần được thăng lên ngạch Tham Tá.

    Ngài lập gia đình với Bà Võ Thị Giáo, sanh đặng 9 người con, gồm 5 trai và 4 gái.

    Việc xây bàn thử nghiệm tiếp xúc với các vong linh, lần đầu tiên thực hiện tại nhà Ngài Cao Hoài Sang, ở phố hàng dừa gần chợ Thái Bình, Sài Gòn. Đó là đêm Thứ sáu, ngày 4-6-Ất Sửu (dl 24-7-1925), với bốn ông: Cao Quỳnh Diêu, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang. Buổi xây bàn đầu tiên nầy không có kết quả.

    Đêm Thứ bảy hôm sau, quí ông cũng tụ họp nhau tại nhà Ngài Cao Hoài Sang để thử xây bàn lần nữa, và lần nầy thì thành công, tiếp xúc được vong linh Cao Quỳnh Lượng (con trai của Ngài Cao Quỳnh Diêu) đã chết cách đó mấy năm, và sau đó được tiếp xúc với vong linh Ngài Cao Quỳnh Tuân, thân phụ của hai ông Diêu và Cư.

    (Trong công cuộc Xây bàn nầy, ông Cư đóng vai chủ động. Tiếp theo là thời kỳ phò Ngọc cơ tại nhà ông Cư, với Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung cũng tại nhà ông Cư, rồi Vọng Thiên Cầu Đạo, cũng tại nhà ông Cư ở số 134 đường Bourdais Sài Gòn, ông Cư đều chủ động và tổ chức tại nhà của ông, cho nên các việc xảy ra trong giai đoạn nầy, xin độc giả xem: I, II, III, trong Tiểu sử của Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, sẽ hiễu rõ các việc của bốn ông: Cư, Tắc, Sang và Diêu.)

    Ngày 15-10-Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Cao Hoài Sang chức Thượng Sanh, chưởng quản Chi Thế Hiệp Thiên Đài

    Sau ngày khai đạo tại chùa Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh, Đức Cao Thượng Sanh trở về Sài Gòn, chỉ lên xuống Tây Ninh để cùng với Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm lo việc đạo, chớ Ngài chưa hoàn toàn phế đời hành đạo như Đức Cao Thượng Phẩm.

    "Mãi đến năm 1956 (Bính Thân), Đức Phạm Hộ Pháp bị một nhóm phản đồ về Tòa Thánh phản loạn, Đức Phạm Hộ Pháp phải ra đi Campuchia.

    Đức Phạm Hộ Pháp vắng mặt, không người lèo lái con thuyền đạo, nên Hội Thánh yêu cầu Đức Cao Thượng Sanh về Tòa Thánh cầm giềng mối đạo, do Vi Bằng ngày 10-3-Đinh Dậu (dl 9-4-1957).

    Ngài triệu tập phiên họp Hội Thánh Hiệp Thiên Đài ở Sài Gòn, tại nhà ông Hiến Thế, có ông Bảo Sanh Quân tham dự, vào ngày 15-4-Đinh Dậu (dl 14-5-1957), Ngài và chư vị Thời Quân đồng quyết định về Tòa Thánh cầm giềng mối đạo.

    Khi ấy, Ngô Đình Diệm nhã ý muốn cho một phái đoàn đưa Đức Ngài về Tòa Thánh, nhưng Đức Ngài từ khước. Hội Thánh định rước Đức Ngài bằng một nghi lễ vô cùng long trọng, nhưng Đức Ngài cũng từ khước luôn.

    Kể từ đây, Đức Ngài phế đời hành đạo.

    Từ ngày về Tòa Thánh làm đạo tính đến ngày qui Thiên là 14 năm thiếu 20 ngày.

    Con thuyền Đạo đương hồi sóng gió của bạo quyền, nhơn tâm xao động, Đức Ngài là người trầm tĩnh, liêm khiết. Nhờ đức tánh trầm tĩnh tùy thời của Ngài trấn an được nhơn tâm và uyển chuyển tùy cơ bảo thủ nghiệp đạo, mỗi mỗi đều cân nhắc lợi hại, nên hư. Với sức thanh liêm đã tiềm ẩn trong con người phi thường ấy, đã làm cho danh đạo khỏi hoen ố, mà trái lại còn được đời kính nể là khác.

    Thời kỳ Đức Ngài cầm quyền đã kiến thiết Nhà Hội Thánh Ngoại Giáo, tức là Nhà Hội Vạn Linh bây giờ, làm vòng rào và các cửa Nội Ô, xây dựng được Văn phòng Cơ quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý, Văn phòng Ban Thế Đạo, Bắc Tông Đạo, Đường Nhơn, Tần Nhơn, Đầu Sư Đường, Văn phòng Ban Chấp Hành Đại Đạo Thanh Niên Hội Trung Ương, Học đường Bộ Nhạc, xây cửa Chánh Môn, cùng mở Đại Lộ Chánh Môn; ngoài ra Đức Ngài còn đôn đốc kiến thiết dãy lầu Đạo Đức Học đường, Trường Lê Văn Trung, và hiện đang xúc tiến việc xây cất Đại Học Đường của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Lại nữa, Đức Ngài là một Nhạc Sư vào hàng Hậu Tổ, nên Đức Ngài quyết tâm chấn chỉnh Bộ Nhạc theo Thánh ý của Đức Chí Tôn và lời ủy thác của Đức Phạm Hộ Pháp. Huấn luyện các Nhạc sĩ nơi Cơ quan Phát Thanh về cổ nhạc để bảo tồn quốc hồn quốc túy, viết bài Giáo lý, sáng tác văn nghệ khuyến tu, chấn chỉnh văn đàn thi thơ."

    "Tuổi già sức yếu, việc đạo lại quá đa đoan, nên Đức Ngài khởi chứng mất ngủ, lần sang bịnh thận tiểu máu, rồi biến đến bịnh áp huyết cao, nhưng nhờ sức chạy chữa tận tình, nên Đức Ngài dần dần bình phục.

    Ngày 21-3-Tân Hợi (dl 16-4-1971), trước khi về Sài Gòn dưỡng bịnh, Đức Ngài đi thăm các vị yếu nhân trong đạo lần cuối cùng.

    Đức Ngài nói với Ngài Khai Đạo: "Anh không đi Pháp là Thiên ý, để Anh ở nhà lo công việc cho tôi."

    (Trích trong bài Lược sử Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, đăng trong báo Thông Tin số 29 trang 7,8,9,10)

    Đức Thượng Sanh ngọa bịnh và đăng Tiên tại tư gia, số nhà 36/24 đường Cô Giang, Sài Gòn, lúc 17 giờ ngày 26-3-Tân Hợi (dl 21-4-1971), hưởng thọ 71 tuổi.

    Hiền nội của Đức Thượng Sanh cho biết như sau:

    "Buổi trưa ngày 26-3-Tân Hợi, Bà cho Đức Thượng Sanh dùng nửa chén cháo. Đức Ngài bảo rằng mệt, cần nằm nghỉ. Đức Ngài mới lên lầu, kéo ghế bố xếp nằm nghỉ mệt. Bà vẫn thường ở sát bên cạnh để săn sóc Đức Ngài. Khi thấy Đức Ngài nằm nghỉ, không có gì đáng ngại, Bà liền xuống lầu có chút việc, và khi trở lên thì đã thấy Đức Ngài tịch. Bà cho biết, Đức Ngài tịch lúc 17 giờ ngày 26-3 Tân Hợi. Không có lời Di ngôn."

    Thánh hài của Đức Ngài được Truyền Trạng Lê Quang Tấn và trưởng nam của Đức Ngài là Cao Hoài Hà chở bằng xe du lịch từ Sài Gòn về Giáo Tông Đường vào lúc 19 giờ 40 phút, và liền theo đó, tin Đức Ngài đăng Tiên được truyền ra một cách nhanh chóng.

    Đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh hồi 20 giờ 20 phút đêm 27-3-Tân Hợi (dl 22-4-1971), Phò loan: Hiến Pháp - Khai Đạo, Hầu đàn: quí vị Thời Quân, quí vị Đầu Sư nam nữ, Chức sắc Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Phước Thiện.

    Đức Cao Thượng Sanh giáng cơ, và bài giáng cơ của Ngài chép ra sau đây:

    THƯỢNG SANH

    Chào mừng chư Chức sắc Thiên phong, chư Đạo hữu Nam Nữ.

    Bần đạo lấy làm vui sướng được thoát nơi trần lụy. Cái kiếp phù sanh của con người chỉ có giải thoát được là quí hơn hết.

    Hôm nay, Bần đạo đến để thỏa mãn sự yêu cầu của quí vị. Bần đạo không có điều gì hay hơn là bài thi đã cho lúc Bần đạo tái thủ phận sự, nhưng xin sửa lại hai câu đầu như vầy:

    Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền,
    Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.

    Kỳ dư đều để y như cũ.

    Bần đạo còn rất nhiều Đạo sự không tiện ở lâu. Xin kiếu.

    THĂNG"

    Bài Thài:
    Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền,
    Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.
    Độ đời quyết lánh vòng danh lợi,
    Trau chí tìm noi bậc Thánh Hiền.
    Từ ái làm nền an thổ võ,
    Đức ân dụng phép tạo nhơn duyên.
    Những mong huệ trạch trên nhuần gội,
    Sứ mạng làm xong giữ trọn nguyền.

    Ông Cao Hoài Hà là con trưởng nam của Đức Thượng Sanh, có nhắc lại lời dạy của Đức Thượng Sanh khi còn tại tiền, và xem đây là lời Di ngôn của Đức Ngài:

    "Đạo cũng đã trưởng thành, có Pháp Chánh Truyền, Giáo pháp, Đạo luật. Hãy sống trong sạch để làm gương cho mọi người. Hãy tùng lịnh Hội Thánh. Sống Đạo và sống trong sạch mới không phụ thuộc vào ai. Hãy thương yêu nhau, đừng vì lẽ gì mà chia rẽ, hiềm ghét. Rồi đây, Đức Chí Tôn sẽ qui các Chi phái về một gốc."

    Thuở trước, Đức Phạm Hộ Pháp cho biết nguơn linh của Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang là Đại Tiên Lữ Đồng Tân, một trong Bát Tiên, giáng trần cùng Đức Cao Thượng Phẩm, hiệp với Đức Phạm Hộ Pháp để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo.

    Sau đây là Bản Tuyên Dương công nghiệp hành đạo của Đức Cao Thượng Sanh:

    BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP
    ĐỨC THƯỢNG SANH CHƯỞNG QUẢN
    HỘI THÁNH Hiệp Thiên Đài

    do Ngài Hiến Pháp đọc tại Đền Thánh ngày 4-4-Tân Hợi.

    Kính thưa Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,

    Kính chư Chức sắc, Chức việc và toàn đạo nam nữ.

    Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, Chưởng quản Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Tòa Thánh Tây Ninh, đã qui Thiên hồi 17 giờ ngày 26-3-Tân Hợi (dl 21-4-1971) hưởng thọ 71 tuổi.

    Tin buồn nầy làm chấn động cả các giới trong toàn quốc nói chung và toàn Đạo Cao Đài nói riêng.

    Thánh thể của Ngài đang quàn tại Tòa Thánh Tây Ninh, chờ đến ngày mùng 6-4-Tân Hợi, nhằm 30-4-1971 sẽ cung nghinh liên đài kỵ Long mã di chuyển theo lộ trình trong châu vi Tòa Thánh, và sau khi đại diện các Hội Thánh đọc ai điếu xong, lễ cung nghinh liên đài nhập bửu tháp sẽ cử hành y theo chương trình của Hội Thánh đã lập, mà toàn đạo đều hiểu biết.

    Nhơn cuộc lễ nầy, tôi xin tuyên dương công nghiệp của Đức Ngài về cả hai phương diện Đạo lẫn Đời.

    Về mặt Đời:

    Ông Cao Hoài Sang (tên họ của Đức Ngài) sanh ngày 11-9-1901 (Tân Sửu) tại Thái Bình (Tây Ninh), con của ông Cao Hoài Ân, giúp việc Tòa Án, và Bà Hồ Thị Lự. Khi trưởng thành và thi đậu bằng Thành Chung trường Trung học Chasseloup Laubat, ông vào giúp việc Sở Thương Chánh Sài Gòn cho đến khi gặp Đạo.

    Nói đến ông, ai ai trong giới công chức và đồng bào tại thủ đô đều hiểu rõ thanh danh của ông là một công chức đúng mực thanh liêm.

    Là một chí sĩ thương dân yêu nước, ông thường giao du cùng các bạn đồng chí khác như hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc, chẳng hạn. Cả ba ông lại là nhạc sĩ lừng danh trong giới âm nhạc tại thủ đô Sài Gòn. Hai ông Cư và Sang được coi là bậc thầy trong giới nầy, sau khi ông Cư đăng Tiên rồi, thì ông Sang được coi như Hậu Tổ. Ban Âm nhạc của Đạo Cao Đài đã nhờ Ngài chấn chỉnh rành mạch thêm, nhứt là trong điệu cổ nhạc, vì Đức Ngài là nhà điêu luyện rành nghề. Mất Đức Ngài, giới âm nhạc trong toàn quốc nói chung và trong Đạo Cao Đài nói riêng, đã mất một nhạc sư cự phách, đáng tiếc thay!

    Về mặt Đạo:

    Đến năm Ất Sửu (1925) là lúc phong trào xây bàn hay "Sai ma" cũng vậy, đang thạnh hành tại thủ đô Sài Gòn, ông hiệp cùng hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc, mỗi đêm đến chơi tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, tức Cao Thượng Phẩm, để thỏa mãn tánh háo kỳ của mình bằng cách xây bàn để tiếp xúc với những người khuất mặt ở thế giới bên kia (hồn linh).

    Một hôm nọ, vào lúc tháng 7 năm 1925, ông Cao Quỳnh Cư đến nhà ông Cao Hoài Sang chơi, lại gặp ông Phạm Công Tắc cũng ở gần nhà ông Sang, ba ông hiệp nhau xây bàn chơi.

    Bất ngờ cuộc chơi nầy hướng dẫn ba ông đến chỗ lập được kỳ công trong việc khai sáng Đạo Trời, tức là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà chúng ta đang sùng bái đây.

    Đêm 24 tháng Chạp 1925, nhơn dịp lễ Giáng Sinh, tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, có mặt cả ba ông dự, Đức Chí Tôn giáng với danh hiệu AĂÂ cho một bài thi như vầy:

    Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
    Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
    Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
    Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

    Đức Chí Tôn dạy thêm:

    "Đêm nay phải vui mừng vì chính ngày nầy, Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây (Europe). Ta rất vui lòng mà thấy đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa."

    Sau đó ít lâu, Đức Chí Tôn cho bài thi sau nầy, lấy tên những người có mặt tại đàn cơ, trong đó có tên ông Sang (tức Đức Thượng Sanh):

    CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
    BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
    HẬU ĐỨC TẮC CƯ Thiên Địa cảnh,
    Huờn minh mân đáo thủ đài danh.

    12 chữ lớn trong 3 câu trên là tên của 12 môn đệ đầu tiên của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Sở dĩ phải xen đoạn Đạo sử nầy vào cuộc đời của Đức Thượng Sanh là vì ông còn đang giúp việc trong công sở nhà nước Pháp, mà ông vẫn nghe theo tiếng gọi thiêng liêng, cứ mỗi đêm hiệp cùng các bạn đạo đi chấp cơ truyền bá đạo Trời ở khắp nơi, mặc dù nhà cầm quyền Pháp rất để ý đến Đạo Cao Đài lúc sơ khởi.

    Chúng ta nên nhớ rằng, Đức Thượng Sanh là một tay chấp cơ truyền đạo, cũng như Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm, luôn cả ba ông đồng tâm hiệp lực nhau để phổ độ chúng sanh trong toàn quốc.

    Trong Tờ Khai Đạo cùng chánh quyền Pháp năm 1926, Đức Ngài cũng ký tên với 28 người khác để thay mặt cho 247 người Đạo hữu có tên trong tịch đạo, do ông Cựu Thượng Nghị viên Lê Văn Trung đứng đầu Tờ Khai Đạo, ông nầy sau đắc phong Quyền Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ông nầy cũng do Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Cao Thượng Sanh dẫn độ.

    Nhờ sự hướng đạo đắc lực của ông Thượng Nghị viên với sự cộng tác của ba vị kể trên mà cơ phổ độ phát triển mau lẹ, kỳ công nầy, một phần lớn nhờ Đức Thượng Sanh hy sinh đời công chức mình để đi phổ độ các nơi trong toàn quốc.

    Cơ phổ độ Lục Tỉnh phân ra như sau:

    1). Ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc, phò loan phổ độ các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá.

    2). Ông Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức, phò loan phổ độ các tỉnh Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.

    3). Ông Cao Quỳnh Diêu và Cao Hoài Sang, phò loan phổ độ các tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Định, Biên Hoà, Bà Rịa, Sađéc.

    Ngoài công việc phò loan phổ độ các tỉnh kể trên, Đức Thượng Sanh còn tùy lúc rảnh ban đêm lên Gò Kén, chùa Từ Lâm, để hiệp cùng Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm để chấp cơ phổ độ, và đồng thời chung lo Đại lễ Khai Đạo tại Thánh Thất Từ Lâm Tự, sau nầy được dời về làng Long Thành, tức Tòa Thánh hiện giờ.

    Ngày 15-10-Bính Dần, ông Cao Hoài Sang đắc phong Thượng Sanh một lượt với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.

    Đêm 14 rạng 15 tháng 3 Bính Dần (1926), sau khi lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, Đức Chí Tôn giáng dạy như vầy:

    "Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền thiêng liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn."

    "Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra Phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa."

    "Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi Giáo Tông thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế giới, Lục thập thất Địa cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả nhơn loại.

    Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.

    Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm. Thầy lại chọn Thập nhị Thời Quân, chia ra làm ba: Phần của Hộ Pháp chưởng quản là Chi Pháp: lo bảo vệ Luật Đời và Luật Đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết.

    Thượng Phẩm thì quyền về phần Đạo: lo về phần Đạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư môn đệ Thầy, bên vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.

    Thượng Sanh thì chưởng quản Chi Thế, lo về phần Đời.

    Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo.

    Thầy cho các con biết trước rằng, hễ trọng quyền thì ắt trọng phạt."

    Từ đây, về mặt hữu hình, ba vị Chưởng quản tối cao của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài không còn nữa, sau khi Đức Thượng Sanh qui Thiên, và Đạo Cao Đài mất thêm một bực vĩ nhân nữa.

    Từ khi trở về tái thủ phận sự nơi Tòa Thánh, Đức Thượng Sanh tìm đủ mọi phương pháp để đem lại sự điều hòa trong cửa Đạo cho toàn Đạo được hưởng thái bình hạnh phúc.

    Những tưởng Đức Ngài đến với sứ mạng thiêng liêng để hoàn thành cơ nghiệp Đạo, thì chắc là Đức Ngài phải được sống lâu với bổn đạo để bảo tồn nghiệp đạo đến cùng.

    Nào ngờ đâu! Ta muốn vậy mà Trời chưa cho vậy.

    Than Ôi! Thiên số nan đào! Tuy sự mất còn là định mệnh, nhưng đối với kiếp sanh của con người sao khỏi đau lòng lúc tử biệt sanh ly.

    Kính thưa quí vị,

    Chúng ta đã từng khóc nhiều cho số kiếp ngắn ngủi của nhiều bậc tiền bối chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cứ khóc đi cho đến cạn khô giọt lệ, rồi cũng phải nghĩ lại Đạo nghiệp nước nhà mà tự trấn tỉnh lấy tâm hồn, để tìm phương bảo tồn đại nghiệp Đạo và tiếp tục sứ mạng thiêng liêng của chúng ta, vì sứ mạng ấy, dầu lớn dầu nhỏ, dầu quan trọng hay không, cũng là sứ mạng do Đức Chí Tôn cùng các Đấng thiêng liêng giao phó chúng ta, phải tùy khả năng mình mà làm cho hoàn thành.

    Đã đành rằng chúng ta phải thương tiếc một Đấng lãnh đạo anh minh như Đức Thượng Sanh, nhưng thương tiếc bao nhiêu thì phải noi gương Đức Ngài bấy nhiêu để gặt hái một phần công quả nào hữu ích cho Đạo, và cho chúng sanh nhờ.

    Đó là đền đáp công ơn của bậc tiền bối chúng ta đã dày công xây dựng, lưu lại một sự nghiệp vĩ đại cho chúng ta thừa hưởng, chớ không lẽ ngồi khóc hoài để nhìn sự sụp đổ trước mặt chúng ta sao?

    Vậy chúng ta hãy đứng lên và đồng tâm hiệp lực tiếp tục xây đắp nền Đạo cao thêm mãi để khỏi phụ ơn của tiền nhân chúng ta.

    Trước khi dứt lời, tôi xin thành tâm cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho toàn thể quí vị và quí quyến. Tôi xin nghiêng mình trước liên đài của Đức Thượng Sanh và thành tâm cầu nguyện cho anh linh của Đức Ngài được cao thăng, sau nữa chơn thành phân ưu cùng tang quyến. Nay kính,

    Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài.

    Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, ngoài thiên tài về âm nhạc cổ truyền, Ngài còn là một nhà thơ lỗi lạc với bút hiệu Thanh Thủy lúc đầu, sau lấy thêm bút hiệu là Huệ Giác.

    Theo lời Ngài Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch, bút hiệu Thanh Thủy do hai câu đối của Đức Thái Thượng ban cho: (?)

    . THANH bạch vẹn lòng vì Trời mở Đạo vững phong cương,
    . Chánh trực gìn tâm cải thế dìu nhân lòa bích THỦY.

    Mừng nay Thanh Thủy giải dây oan,
    Đường Đạo từ đây bước vững vàng.
    Tình ái nhành dương đem rưới tắt,
    Nắm tay dìu lại cõi Tiên bang.
    BÁT NƯƠNG

    Thi văn của Đức Thượng Sanh sáng tác rất nhiều, nếu thu thập đầy đủ có cả mấy trăm bài. Sau đây, xin chép một vài bài thi tiêu biểu:

    TỨC SỰ
    Lui tới kinh thành lối ngựa xe,
    Đỉnh chung xạo xự ngán như chè.
    Giọng kình tỉnh thế lay hồn bướm,
    Tiếng quốc gào hôm động giấc hòe.
    Chẳng thích buộc ràng nơi gác tía,
    Chỉn ham thong thả chốn rừng tre.
    Chí mong lánh khỏi vòng nhân sự,
    Muôn dặm đường Tiên chấp cánh sè.

    KHUYẾN TU
    Trước làm Tiên Phật phải làm người,
    Muốn đặng làm người chẳng phải chơi.
    Bác ái ví chưa tròn bước đạo,
    Từ bi đâu vẹn chí thương đời.
    Mùi trần dầu thoát bao vòng lụy,
    Bể khổ còn qua mấy dặm khơi.
    Trau rạng lòng son sanh chúng độ,
    Thênh thang nương bóng ngọn đèn Trời.
    HUỆ GIÁC

    TỰ THUẬT
    Tuồng đời nhàm trải vẻ đai cân,
    Tòng bá chọn nơi Đạo gội nhuần.
    Hẩm hút muối dưa an phận khó,
    Thung dung ngày tháng đắp nền nhân.
    Nương thuyền độ khách qua bờ giác,
    Luyện tánh tầm chơn dứt mộng trần.
    Gắng khổ quyết tâm lo giải khổ,
    May duyên kịp buổi hưởng hồng ân.
    Cao Thượng Sanh 1958 (HUỆ GIÁC)
  • Thượng sĩ - Trung sĩ - Hạ sĩ

    Thượng sĩ - Trung sĩ - Hạ sĩ

    上士 - 中士 - 下士

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Sĩ: người trí thức. Trung: giữa. Hạ: thấp.

    Thượng sĩ là người trí thức ở bực cao.

    Trung sĩ là người trí thức bực trung.

    Hạ sĩ là người có trí thức bậc thấp.

    Đức Lão Tử có nói trong Đạo Đức Kinh:

    Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi.
    Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn nhược vong.
    Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi,
    Bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo.

    Nghĩa là:

    Thượng sĩ nghe Đạo thì chuyên cần thực hành.
    Trung sĩ nghe Đạo thì lúc nhớ lúc quên.
    Hạ sĩ văn Đạo thì cất tiếng cười lớn,
    Không cười lớn chưa đủ gọi là Đạo.

    Tại sao? Kẻ Hạ sĩ, trí thức kém cỏi, không biết lẽ cao siêu của Đạo nên không tin, hay cho đó là huyễn hoặc, nên cất tiếng cười lớn, có ý chê bai. Kẻ Hạ sĩ mà không cười lớn thì còn gì là cái Đạo uyên áo nữa?

  • Thượng sớ

    Thượng sớ

    上疏

    A: To offer the petition.

    P: Offrir le placet.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Sớ: bài văn viết dâng lên Đức Chí Tôn.

    Thượng sớ là dâng sớ lên Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu để trình tấu hay để cầu xin.

    Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Khi lập xong rồi thì thượng sớ qua TKPĐ.

  • Thượng tấn

    Thượng tấn

    上進

    A: To ascend.

    P: Faire l"ascension.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Tấn: Tiến: đi tới.

    Thượng tấn hay Thượng tiến là đi lên cao.

    Kinh Tiểu tường: Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn.

  • Thượng tấu

    Thượng tấu

    上奏

    A: To report to God.

    P: Rapporter au Dieu.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Tấu: tâu lên Đức Chí Tôn.

    Thượng tấu là tâu lên Đức Chí Tôn hay Đức Phật Mẫu.

    Sớ Văn: Chư đệ tử đồng thành tâm khấu bái cẩn sớ thượng tấu, dĩ văn. (Cẩn sớ thượng tấu, dĩ văn: kính cẩn dâng sớ tâu lên Đức Chí Tôn, kính trình).

  • Thượng Thiên

    Thượng Thiên

    上天

    A: To ascend to the Heaven.

    P: Monter au Ciel.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Thiên: trời.

    Thượng Thiên là đi lên trời.

    Kinh Ðệ Thất cửu:
    Im lìm kìa cõi Niết Bàn,
    Lôi Âm trống thúc lên đàng thượng Thiên.
  • Thượng Tiên hoa - Thượng Tiên tửu

    Thượng Tiên hoa - Thượng Tiên tửu

    上仙花 - 上仙酒

    A: To offer the precious flowers - To offer the precious wine.

    P: Offrir de fleurs précieuses - Offrir de vin précieux.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Tiên hoa: hoa của Tiên, ý nói hoa quí. Tiên tửu: rượu Tiên, ý nói rượu quí.

    Thượng Tiên hoa: đem hoa quí lên đặt trên bàn thờ.

    Thượng Tiên tửu: đem rượu quí lên đặt trên bàn thờ.

    Thượng Tiên trà: đem trà quí lên đặt trên bàn thờ.

    (Xem chữ: Nghi tiết Đại đàn và Tiểu đàn, vần Ng)

  • Thượng tọa

    Thượng tọa

    上座

    A: The superior monk.

    P: Le bonze supérieur.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Tọa: chỗ ngồi.

    Thượng tọa có nghĩa đen là chỗ ngồi trên.

    Thượng tọa không phải là một phẩm tước như: Hòa Thượng, mà là từ ngữ tôn xưng để gọi những vị sư tu hành lâu năm, thọ giới luật lâu năm, có nhiều công đức và lớn tuổi.

    Thông thường, những vị được gọi là Thượng tọa thì cao hơn bực Đại đức, nhưng thấp hơn bực Hòa Thượng.

    Sự phân chia phẩm bực tu hành bên Phật giáo thường căn cứ theo số lần Nhập Hạ học đạo. Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt thì:

    · Từ 0 Hạ đến 9 Hạ thì gọi là Hạ tọa.

    · Từ 10 Hạ đến 19 Hạ thì gọi là Trung tọa.

    · Từ 20 Hạ đến 49 Hạ thì gọi là Thượng tọa.

    · Từ 50 Hạ trở lên thì gọi Trưỡng Lão Kỳ Cựu.

  • Thượng trí - Hạ ngu

    Thượng trí - Hạ ngu

    上智 - 下愚

    A: The sage - The ignorant.

    P: Le sage - L"ignorant.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Trí: sáng suốt hiểu biết. Hạ: thấp. Ngu: đầu óc đần độn tối tăm.

    Thượng trí là bực trên có trí tuệ sáng suốt hiểu biết.

    Hạ ngu là bực thấp có trí não ngu muội, đần độn.

    Nhơn loại được phân ra làm 3 hạng người tùy theo trình độ hiểu biết cao thấp của trí não: trên hết là bực Thượng trí, dưới thấp là bực Hạ ngu, ở giữa là bực Trung nhơn là nhóm người đông đảo bình thường.

    Sự phân chia ấy nói là theo sự hiểu biết của trí não, nhưng đối với tôn giáo thì phân biệt do cái Thiên tánh bị bức màn vô minh che phủ nhiều hay ít.

    1. Thượng trí: là hàng Thánh triết, là những người còn giữ được tâm hồn thiên nhiên, chí thiện chí mỹ của Trời phú cho, nên có lòng trắc ẩn dồi dào, khỏi học mà cách xử thế cũng không sai lẽ đạo. Bực nầy vẹt được tấm màn vô minh nên Thiên tánh tỏ rạng, rất sáng suốt.

    2. Trung nhơn: là hạng trung bình, Thiên tánh có lu lờ vì bị vô minh che lấp phần nào, nhưng nếu được giáo hóa thì cũng mau hiểu biết và thức tỉnh, lần lần cũng vẹt được màn vô minh, trở nên tỏ rạng.

    3. Hạ ngu: hạng nầy thì Thiên tánh đã quá lu lờ, bị vô minh gần như che lấp hết. Tuy nhiên nếu cố gắng lấy đạo đức huấn luyện dày công thì cũng từ từ mở mang tâm trí, lần lần tiến lên hạng Trung nhơn.

    Ba hạng người trên chỉ khác nhau ở chỗ cốt yếu là vẹt được bức màn vô minh che lấp Thiên tánh nhiều hay ít mà thôi. (Đối với Phật giáo thì Thiên tánh được gọi là Phật tánh).

  • Thượng trình

    Thượng trình

    上程

    A: To take the road.

    P: Se mettre en route.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Trình: đường đi.

    Thượng trình là lên đường.

    Thượng trình đồng nghĩa: Thượng lộ, Đăng trình.

    Kinh Tẩn Liệm: Càn Khôn bước Thánh thượng trình.

  • Thượng Trung Nhựt

    Thượng Trung Nhựt

    上忠日

    Thượng Trung Nhựt là Thánh danh của Ngài Lê Văn Trung khi Ngài được Đức Chí Tôn ân phong làm Đầu Sư phái Thượng của Cửu Trùng Đài vào năm Bính Dần (1926).

    Đến năm 1930, Đức Lý Giáo Tông thăng cho Ngài Lê Văn Trung lên làm Quyền Giáo Tông tại thế, để thay mặt Đức Lý Giáo Tông điều hành nền Đạo về mặt hữu hình. Do đó, toàn đạo gọi Ngài là: Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung. (Xem tiểu sử của Ngài nơi chữ: Quyền Giáo Tông, vần Q)

  • Thượng tuần

    Thượng tuần

    上旬

    A: The first decade of the lunar month.

    P: La première décade du mois lunaire.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Tuần: khoảng thời gian 10 ngày trong một tháng âm lịch. Bên dương lịch thì một Tuần có 7 ngày (Tuần lễ).

    Như vậy, một tháng âm lịch được chia làm 3 tuần:

    · Thượng tuần là 10 ngày đầu: từ mùng 1 đến mùng 10.

    · Trung tuần là 10 ngày kế: từ ngày 11 đến ngày 20.

    · Hạ tuần là 10 ngày sau rốt: từ ngày 21 đến ngày 30.

    Nếu tháng thiếu thì Hạ tuần có 9 ngày từ 21 đến 29.

  • Thượng tượng

    Thượng tượng

    上像

    A: To etablish the Divine Altar.

    P: Établir l"Autel Divin.

    Thượng: Trên, bực trên, dâng lên, quí, xưa. Tượng: bức vẽ. Gọi đầy đủ là: Thánh tượng Thiên Nhãn, là bức vẽ hình Thiên Nhãn để thờ.

    Thượng tượng là đặt Thánh tượng Thiên Nhãn lên bàn thờ để thờ cúng Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng.

    Lễ Thượng tượng là lễ thiết lập Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn tại tư gia của mỗi tín đồ.

    Người Đạo hữu mới nhập môn vào Đạo Cao Đài, đến Thánh Thất sở tại xin thỉnh một tấm Thánh tượng Thiên Nhãn về tư gia lập tran thờ hay bàn thờ và tổ chức lễ Thượng tượng.

    Trong lễ Thượng tượng nầy, vị Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo và Bàn Trị Sư Hương đạo của người Đạo hữu đến làm lễ. Vị Lễ Sanh đứng chủ lễ khai đàn, dạy sắp đặt việc thờ phượng, cúng kiếng Đức Chí Tôn đúng theo nghi lễ do Hội Thánh qui định, việc tụng kinh, cầu nguyện, v.v.... để người Đạo hữu noi theo hành lễ hằng ngày cho đúng cách, khỏi điều thất lễ.

    Trong lễ Thượng tượng khai đàn nầy có dâng sớ cầu nguyện cho gia đình vị Đạo hữu chủ nhà.

    Sau đây xin chép ra lòng Sớ Thượng tượng (cũ):

    "Kim vì kiết nhựt lương thần, thành lập Thiên bàn, thượng Thiên Nhãn Thánh tượng, trấn an gia đình...... (tên họ vị Đạo hữu chủ nhà)...... tự do tín ngưỡng.

    Chư Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu nam nữ nghiêm thiết đàn tràng, hương đăng hoa trà quả thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ.

    Ngưỡng vọng Vô Trung Từ Phụ phát hạ hồng ân, quảng thi đại đức, bố hóa chư đệ tử trí não quang minh, tinh thần mẫn huệ, thừa hành mạng lịnh, tế độ nhơn sanh, định tâm giác ngộ, hòa ái tương thân, đại đồng huynh đệ, phục hồi thượng cổ Thánh đức thuần lương, cộng hưởng thanh bình, an ninh hạnh phước.

    Chư đệ tử đồng thành tâm khấu bái cẩn sớ thượng tấu Dĩ văn." Đệ tử:.............

    Chú Giải Pháp Chánh Truyền: Lễ Sanh phải đi thăm viếng nhà các Đạo hữu, thượng tượng khai đàn, dạy cho biết lễ nghi cúng tế Thầy, thay cho Giáo Hữu.

  • Thượng võ

    Thượng võ

    尚武

    A: The martial spirit.

    P: L"esprit martial.

    Thượng: Ưa chuộng, đứng đầu, còn, mong. Võ: Vũ: võ nghệ.

    Thượng võ là yêu chuộng võ nghệ.

    Tinh thần thượng võ là ý chí yêu chuộng võ nghệ, khí phách anh hùng, nghĩa hiệp.

  • Thứu sơn

    Thứu sơn

    鷲山

    A: The mount of the vultures.

    P: Le mont des vautours.

    Thứu: con chim ó, diều hâu, kên kên. Sơn: núi.

    Thứu sơn là cái núi có hình giống như con ó ở gần thành Vương Xá, miền bắc nước Ấn Độ.

    Tiếng Phạn gọi núi nầy là: Grudhakuta, phiên âm là Kỳ-xà-quật, Phật giáo thường gọi là: Linh Thứu sơn, Linh sơn, Thứu Đầu sơn, Thứu lĩnh.

    Thêm nữa, cánh rừng phía Nam thành Vương Xá có nhiều người chết, lũ chim ó thường đến đó ăn thịt, rồi bay về đậu nơi núi Kỳ Xà Quật, nên người đương thời gọi núi nầy là Thứu Đầu sơn.

    Núi nầy rất cao và to, có nhiều rừng và suối đẹp, là nơi ở của Thánh nhân.

    Lúc Đức Phật Thích Ca còn sanh tiền, Đức Phật thường đến ở núi nầy để thuyết pháp độ chúng sanh.